Làm mới cảm xúc

Đức Phật nói bản chất khổ đau lệ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc, dù cảm xúc hạnh phúc của các giác quan. Dĩ nhiên, khi mới nghe qua điều này, chúng ta khó có thể chấp nhận được. Thỉnh thoảng chúng ta nên làm mới lại cảm xúc, cũng giống như chúng ta format ổ cứng của máy vi tính vậy. Sử dụng khoảng thời gian vài năm, các phần mềm của máy xuất hiện quá nhiều rác và lỗi, chúng ta nên format để đưa chương trình khác vào.

Khi bộ nhớ của chúng ta được dọn sạch, có thể nói lúc này chúng được mới hoàn toàn, thì mình có quyền chọn lựa sự kiện để nhớ. Ở đời, chúng ta khó có thể tránh khỏi sự buồn vui, bực dọc, những nỗi khổ niềm đau mà người khác mang lại cho mình bằng cách vô tình hay cố ý. Chúng ta cần phải làm mới cảm xúc khổ đau bằng cách nạp vào chúng những dữ liệu tích cực để có giá trị cho việc sử dụng, mang lại an vui và hạnh phúc cho con người. Làm mới đời sống bằng cách format cảm xúc là nghệ thuật hay, có khả năng giúp cho con người được chuyển hoá.

Chúng ta hãy mạnh dạn buông bỏ những cảm xúc không cần thiết, mặc dù biết cảm xúc khổ vui nằm ở bản chất của cảm thọ. Cảm thọ thuộc về tâm, nhưng tâm thì luôn vận hành trôi chảy chứ không cố định. Do đó, mọi cảm xúc thuộc về văn hoá, phong tục tập quán, từ cách thức giao tế sinh hoạt v.v... Chúng ta đã cấy vào bộ não thì giờ đây có thể nhổ lên được. Cần phải hiểu rõ đâu là hiện tượng và đâu là bản chất của cảm xúc. Hiểu được hiện tượng và bản chất cảm xúc, chúng ta mới có cách loại bỏ những cảm xúc tiêu cực. Nuông chiều cảm xúc quá mức sẽ tạo sự yếu đuối. Lòng sân hận cao thì có thể dẫn đến những phản ứng đối lập. Cả hai tình huống này đều không phải giải pháp khôn ngoan.

Đức Phật dạy, chúng ta phải nhận diện chủ nhân của hành động ném đá, phải tường tận nguyên nhân mang lại khổ đau cho mình. Khi xác định rõ ràng, không nên thắc mắc lý do tại sao người kia đã làm chuyện đó với mình, người đó cố tình hại mình như thế này thế nọ. Lúc ấy, chỉ cần quan sát dòng cảm xúc, để thấy rõ rằng đó là dòng cảm xúc của tham, sân, si nên người khôn ngoan phải tháo gỡ nó ra. Muốn tháo gỡ, đức Phật dạy, chúng ta phải nhận diện cảm xúc, biết cảm xúc đó đang diễn ra ở mức độ nào, nhiều hay ít, lạnh hay nóng v.v... Được như vậy chúng ta mới có khả năng vượt thoát khỏi nó. Khi nhận diện được rồi, chúng ta phải phóng thích nó với giải pháp an toàn chứ đừng tạt đổ một cách vô tội vạ vào người khác. Chúng ta không thể “Giận cá chém thớt”, vì làm như thế sẽ biến người thân trở thành nạn nhân của cách ứng xử thiếu khôn ngoan. Hành động không cẩn trọng có thể làm cho bế tắc càng trở nên bế tắc thêm. Sự gia tăng của bế tắc là nguồn gốc mang lại nỗi khổ niềm đau ở mỗi người, mỗi gia đình và có thể tác hại đến xã hội.

Khi nhận diện được bản chất của cảm xúc, nỗi khổ niềm đau không phải là bản chất của cuộc sống mà chỉ là hiện tượng, xuất hiện trong tình huống con người thiếu sự kiểm soát tâm. Khổ đau là hiện tượng và biểu hiện của cảm xúc, chứ không phải bản thân hay bản chất của cảm xúc. Nguồn gốc của khổ đau, theo đức Phật dạy, bắt nguồn từ ba tâm lý âm tính rất nguy hiểm, đó là tham, sân, si.

Tham ở đây có thể là khuynh hướng của sự hưởng thụ tính dục, cái làm cho con người trở nên tham lam, bỏn xẻn, keo kiệt, chai sạn, băng giá trước những nhu cầu cần thiết của người khác.

Sân bắt nguồn từ lòng tham không được thỏa mãn, được biểu đạt thông qua cử chỉ lời nói không tốt đẹp với người khác, hoặc nó tồn tại dưới dạng thức hiềm hận, mặc cảm, khó chịu, bất cần.

Si, được nhen nhúm từ lòng tham và sân, thể hiện dưới dạng tiềm thức, làm cho mình phải lao theo những quán tính của thói quen, cái mà lẽ ra mình không nên vướng vào.

Mỗi người cần nhận thức sáng suốt về bản chất của tam độc để chuyển hoá chúng. Không nên quá đặt nặng vào vấn đề tha lực và thần linh, mà chỉ đặt nặng vào sự tu tập của bản thân, vào những gì đức Phật đã dạy trong kinh. Làm được vậy, con người hướng thượng, tích cực và lạc quan. Nhờ đó, chúng ta có thể sống một cách rất an vui, thư thả, thảnh thơi, vững chãi trong đời.

Thích Nhật Từ

Bài viết khác