Quan điểm của tâm lý học về nỗi đau mất người thân
Mối quan hệ tình cảm giữa những người thân với nhau là mối quan hệ vô cùng thiêng liêng, cao quý và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân. Chính vì thế mỗi khi bị mất đi người thân yêu, ai cũng đau buồn, thương tiếc. Càng gắn bó, gần gũi và thân thiết thì nỗi đau buồn càng nhiều, càng kéo dài và sức tác động càng mạnh đến tâm sinh lý. Tất cả mọi người trong cuộc đời đều phải nếm trải nỗi đau thương này. Vì cuộc sống vô thường, hễ có hội tụ thì sẽ có ly tan, có sinh thì sẽ có diệt, đấy là quy luật của vũ trụ, không thể nào tránh né được.
Các nhà tâm lý học quan niệm rằng, nỗi đau mất người thân là một sự phản ứng tình cảm khi có người thân qua đời. Và nỗi đau này được biểu hiện trên cả phương diện tinh thần lẫn thể xác.
Nhà tâm lý học Elizabeth Kubler-Ross phân biệt năm giai đoạn khác nhau trong quá trình chấp nhận sự qua đời của người thân, gồm:
- Bị sốc và từ chối sự thật: giai đoạn này là giai đoạn khởi đầu sau khi nhận được tin về sự qua đời của người thân. Họ có thể nói rằng: "Đây chắc hẳn có sự nhầm lẫn", "Điều ấy không thể xảy ra", hoặc là các cách nghĩ tương tự về sự không tin tưởng vào thông tin ấy. Trong giai đoạn này, người bị mất người thân thường có cảm giác bị chết lặng hoặc bị rùng mình ớn lạnh.
- Thương thuyết: giai đoạn này là giai đoạn người bị mất người thân cố gắng cầu nguyện thánh thần hoặc năng lực siêu nhiên để thay đổi hiện thực bị mất người thân của họ và hứa là sẽ làm các việc lành, quan tâm đến người thân nhiều hơn hoặc hiến cúng phẩm vật nếu thánh thần cứu cho người thân của họ sống trở lại.
- Tức giận: ở đây, sự tức giận có thể nhắm đến cơ sở y tế, cũng có thể nhắm đến các thành viên trong gia đình, đến thánh thần, hoặc thậm chí tức giận ngay cả với người đã qua đời.
- Suy sụp: trong giai đoạn này, toàn thân của người bị mất người thân có thể cảm thấy rã rời, không thiết ăn uống, ngủ nghỉ, hoặc không nói chuyện bình thường với mọi người. Họ có thể vừa than khóc vừa có những triệu chứng suy nhược cơ thể như đau đầu, buồn nôn, rùng mình hoặc run sợ.
- Chấp nhận sự thực: đây là giai đoạn người bị mất người thân chấp nhận sự thực và bắt đầu chuẩn bị cho những sự việc tiếp theo. Trong giai đoạn này, năng lực đã hồi phục trở lại và người bị mất người thân có thể giao tiếp với người khác, tham gia vào các hoạt động và lập kế hoạch cho tương lai.
Tuy nhiên, không có một kiểu mẫu chung cho nỗi đau mất người thân, nỗi đau này có khả năng biến đổi khá cao. Người ta trải qua những giai đoạn mà Kubler-Ross đã chỉ ra với mức độ riêng của họ, tùy thuộc vào tính quan trọng của sự mất mát mà họ phải đối diện, tùy thuộc vào số lượng những nỗi đau mất người thân trước đó, sự kiên cường của cá nhân, sự hỗ trợ của mọi người xung quanh. Nỗi đau mất người thân không phải là một quá trình diễn tiến theo chiều dọc, mà là sự chuyển đổi lui tới giữa những giai đoạn trên, cho đến khi họ chấp nhận sự thực qua đời của người thân.
Thông thường, nỗi đau mất người thân hay gây ra những triệu chứng tâm lý như: buồn, giận, mặc cảm tội lỗi, lo âu, cô đơn, bị sốc, sống cô lập, tránh nhắc đến người đã khuất. Về mặt sinh lý thì cảm thấy khó thở, tức ngực, rối loạn giấc ngủ, không còn cảm giác muốn ăn, thiếu sức sống, các cơ không cử động nổi, mệt mỏi,…
Nỗi đau mất người thân là phản ứng bình thường của con người khi những người thân yêu của mình qua đời. Đấy chính là sự biểu hiện của tình người, của đạo đức làm người, của mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau trong các mối quan hệ xã hội, nhất là những mối quan hệ gần gũi, thân thiết và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của cá nhân. Thường thì mọi người đều tự mình vượt qua được giai đoạn khó khăn, đau thương, buồn khổ khi người thân qua đời, không cần đến các liệu pháp tâm lý, sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý hoặc các nhà hoạt động xã hội. Nỗi đau buồn này kéo dài khoảng vài tuần hoặc vài tháng, sau đó cuộc sống của họ được bình thường trở lại. Chỉ có một số trường hợp khác thường, nỗi đau mất người thân kéo dài từ năm này qua năm khác, bị rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần hoặc bị trầm cảm nghiêm trọng. Đối với những trường hợp này, để giúp họ vượt qua nỗi đau mất người thân, trở lại cuộc sống bình thường thì cần phải có sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, các nhà hoạt động xã hội hoặc những vị tu sĩ, những người lãnh đạo tinh thần.
Sự hỗ trợ của Phật giáo đối với thân quyến của người đã khuất
Phật giáo là một tôn giáo rất gần gũi với đời sống con người, có thể liên hệ với tất cả các hoạt động sống, các giai đoạn, bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của những tín đồ. Nếu biết áp dụng giáo lý và những nghi thức của Phật giáo vào cuộc sống thì sẽ gặt hái được nhiều điều lợi ích cho bản thân và cả những người xung quanh. Chính vì Phật giáo gần gũi với cuộc sống như vậy, cho nên Phật giáo góp phần không nhỏ trong việc xoa dịu nỗi đau mất người thân, giúp cho thân quyến của người đã khuất thể hiện tình cảm của bản thân đối với người đã khuất một cách đúng đắn, hợp tình hợp lý, cả người đã khuất lẫn người còn sống đều được lợi ích.
Trước hết, giáo lý đạo Phật giúp điều chỉnh nhận thức của mọi người. Nhận thức đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống tình cảm, và chi phối đến hành vi, thái độ sống của con người. Theo nhân sinh quan của đạo Phật thì tất cả mọi sự vật hiện tượng hiện hữu trên cuộc đời này đều vận hành theo quy luật vô thường của vũ trụ. Mọi thứ đều vận hành theo chu kỳ thành-trụ-hoại-không (hay sinh-trụ-dị-diệt), mạng sống của con người cũng không ngoại lệ. Do vậy, chết là lẽ tất nhiên của kiếp người, chỉ có điều là chết sớm hay muộn và chết như thế nào mà thôi. Dẫu biết rằng sự qua đời của những người thân yêu là một nỗi đau khó lòng chịu đựng, nhưng đấy là một định luật của tự nhiên, diễn ra đối với tất cả mọi người chứ không riêng gì bản thân mình. Ngày xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, khi Ngài đang ở tịnh xá Kỳ Hoàn, có bà Kisa-Gotami bị mất đứa con một yêu quý của mình. Bà chưa bao giờ thấy cái chết nên khi người ta mang thi thể đứa bé đi thiêu, bà không cho, tưởng là nó còn sống. Bà bế thây chết chạy từ nhà này tới nhà khác để xin thuốc cứu con. Có người hiểu, chỉ cho bà đến gặp Phật. Phật bảo bà đi tìm một nắm hạt cải trắng của nhà nào từ trước đến giờ chưa có ai chết đem về cho Ngài, Ngài sẽ cứu cho. Vâng theo lời Phật, bà đi khắp từ sáng đến chiều, hỏi nhà nào cũng có người thân đã chết. Cuối cùng mệt mỏi, bà chợt hiểu ra, người chết quá nhiều so với người trong làng, không riêng con bà, không phải một mình bà chịu sự vô thường đó. Nhờ vậy mà bà cảm thấy lòng vơi bớt đau thương và chấp nhận sự thật rằng, con mình đã qua đời.
Như vậy ban đầu bà Kisa nghĩ rằng sự vô thường chỉ đến với mình, riêng một mình bà phải chịu, và đó cũng là việc bà không bao giờ nghĩ tới, nhưng nó đã đến quá bất ngờ. Phật khéo léo giúp cho bà thức tỉnh, thấy rõ những người chung quanh cũng từng chịu chung cái khổ đó, đâu phải chỉ riêng bà, khiến cho bà tỉnh ngộ.
Bởi mọi người cứ tưởng rằng cuộc đời luôn luôn êm ả, là mùa xuân, là nắng ấm, là bài thơ..., còn tai nạn bất trắc không can hệ gì đến mình, rồi đến lúc bất ngờ gặp phải, tưởng chừng như không bao giờ có, nên tinh thần bị suy sụp nặng. Đó là do người ta sống với nhiều ảo tưởng, khi sự thực phũ phàng ập đến thì khó lòng nhẫn chịu được.
Không riêng gì bà Kisa, bất cứ ai hiểu được định luật vô thường của cuộc sống, luôn quán sát sự vận hành của nó trong cuộc đời và vận dụng nó vào trong đời sống của mình thì đều có thể đủ tỉnh thức, đủ mạnh mẽ để đối diện với sự thực về cái chết của người thân yêu, và thậm chí khi chính bản thân họ phải đối diện với lưỡi hái của thần chết, họ cũng không quá nao núng, hoảng hốt. Bởi lẽ khi ý thức rõ về định luật vô thường, thường xuyên quán tưởng đến định luật vô thường (vô thường quán) thì người ta biết trân trọng giờ phút hiện tại hơn, biết sống một cách trọn vẹn hơn, những gì cần làm họ đều làm xong trong ngày nay chứ không hẹn đến ngày mai, vì họ không biết chắc ngày mai mình sẽ ra sao, liệu có còn sống trên đời này nữa hay không.
Cùng với giáo lý vô thường, sự hiểu biết về giáo lý nhân quả, nghiệp báo cũng góp phần không nhỏ trong việc điều chỉnh thái độ, hành vi, cách biểu hiện tình cảm của thân nhân người đã khuất, giúp họ biết cách biểu hiện tình cảm, hành vi một cách tích cực và phù hợp. Có nhiều người đau thương quá đỗi vì người thân của họ ra đi đột ngột, ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, khi sự nghiệp đang trong giai đoạn khởi sắc, hoặc chết trong một tình cảnh quá bi đát, thê thảm. Họ không cam lòng, không thể nào chấp nhận một sự thật phũ phàng như thế, do đó họ phải sống trong tâm trạng đau thương, buồn khổ dài ngày, có khi đến cả vài tháng, vài năm. Họ cần hiểu được rằng, mọi sự diễn tiến trong cuộc sống của con người đều có sự tham gia của luật nhân quả, nghiệp báo. Theo luật nhân quả và nghiệp báo, đã gieo nhân thì phải lãnh quả, nghiệp do mình đã tạo thì chính mình phải chịu sự tác động, ảnh hưởng của nghiệp nhân ấy chứ không ai khác. Không ai có quyền thưởng phạt, định đoạt sinh mạng của con người cả, và cũng không phải những diễn tiến trong cuộc đời chỉ đơn thuần là sự ngẫu nhiên, một sự ngẫu nhiên vô lý, xui xẻo. Người thân của mình bị chết một cách không bình thường, âu cũng là do duyên nghiệp mà chính họ đã tạo ra trong quá khứ và cả hiện tại, đấy là hậu quả của những nghiệp nhân bất thiện của họ. Để giúp đỡ, bày tỏ tình cảm thương yêu, quý mến đối với họ thì mình nên làm các việc phước thiện để hồi hướng công đức cho họ, với hy vọng chuyển bớt phần nào nghiệp nhân bất thiện mà họ đã gieo trồng. Nếu chỉ biết trầm mình trong nỗi đau thương, buồn khổ và than khóc thì chẳng những không ích lợi gì cho họ, mà chính mình cũng bị họa lây, bị suy nhược cơ thể, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến những sinh hoạt của cuộc sống. Một khi người ta đã ý thức rõ về điều này rồi thì sẽ hạn chế bớt những hành vi, thái độ bất thường, giảm bớt tâm trạng bi thương thái quá, và đôi khi có những chuyển hướng tích cực trong chính đời sống cá nhân, biết thương yêu, quan tâm và chia sẻ với mọi người hơn, biết sống tốt hơn.
Đấy là những đóng góp của giáo lý đạo Phật trên phương diện nhận thức, tình cảm. Những nghi thức, lễ nghi của Phật giáo trong quá trình tổ chức tang lễ cũng góp phần không nhỏ cho việc xoa dịu nỗi đau thương của tang gia, hiếu quyến, định hướng hành vi, thái độ và tình cảm cho họ, giúp cho cả người đã mất lẫn người còn sống đều được lợi ích.
Trước hết là nghi thức hộ niệm lúc lâm chung. Giờ phút lâm chung, cận tử nghiệp của người sắp chết là vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định đến sự tái sinh của họ. Ý thức rõ tầm quan trọng của giờ phút này nên chư Phật, chư Tổ đã chế ra nghi thức hộ niệm lúc lâm chung. Về phần nghi thức, tùy theo truyền thống, pháp môn tu học của người lâm chung hoặc của ban hộ niệm mà nghi thức hộ niệm có sự khác nhau. Chẳng hạn, với người tu thiền thì khi hộ niệm, người ta thường nói lên những lời pháp ngữ, để khai thị, định hướng tâm thức cho người hấp hối, giúp họ an định tâm thần, dứt bỏ mọi ràng buộc của thế gian mà ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản; đối người những người tu theo pháp môn Tịnh độ, khi hộ niệm, người ta thường trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà nhằm nhắc nhở người hấp hối hướng tâm về Ngài, phát nguyện sanh về cảnh giới Tây phương Cực lạc…
Dù theo truyền thống hay pháp môn nào đi nữa, thì mục đích của hộ niệm đều giống nhau, đều giúp an định tâm thần cho người hấp hối và trợ lực cho họ, để họ được thác sinh về cảnh giới an vui, hạnh phúc. Đấy là lợi ích đối với người hấp hối. Nghi thức hộ niệm còn có những lợi ích thiết thực đối với thân quyến của người sắp lâm chung. Khi phải đối diện với sự qua đời của người thân, thường thì gia quyến rất bất an và đau buồn. Được bạn bè, người thân và những người đến hộ niệm, giúp đỡ là một niềm an ủi lớn lao đối với họ. Nếu gia đình có truyền thống theo đạo Phật, lại được chư Tăng Ni đến hộ niệm thì đây quả thật là một niềm an ủi lớn đối với gia quyến. Chư Tăng Ni, với uy đức và đạo hạnh của mình, làm cho sức gia trì, hộ niệm càng thêm mạnh mẽ, có sự tác động rất lớn đến người sắp lâm chung cũng như đối với gia quyến. Bên cạnh đó, những nghi thức tang lễ, cầu nguyện do chư Tăng Ni cử hành, vừa góp phần trợ duyên cho người quá cố được thác sinh về cảnh giới an lành, vừa góp phần an ủi, xoa dịu nỗi đau thương, mất mát lớn lao của gia quyến. Những lời chỉ dẫn, những pháp thoại ngắn của chư Tăng Ni đối với thân bằng quyến thuộc của người quá cố trong những ngày diễn ra tang lễ có công năng chuyển hóa rất nhiều, những lời dạy ấy có thể chuyển đổi rất nhiều trong nếp nghĩ, nếp sống của gia quyến.
Thực tế cho thấy, có không ít gia đình có truyền thống đạo Phật, nhưng trước giờ chưa thiết tha lắm với nếp sống tâm linh, ít thân cận với chùa, với chư Tăng Ni, nhưng kể từ khi mất người thân, tổ chức tang lễ cho người thân theo nghi thức Phật giáo, gặp được thầy hiền bạn tốt, họ trở nên thiết tha hơn với nếp sống tâm linh, thường xuyên đi chùa, tham gia các khóa tu học, năng nổ và nhiệt tình trong các hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội, sống hòa thuận và đối xử thân thiện với mọi người hơn. Nhờ đó, họ trở thành những con người hoàn toàn mới, tốt hơn so với trước đó rất nhiều. Sự thay đổi diễn ra nhanh chóng và nhiều đến độ mọi người xung quanh cảm thấy ngạc nhiên và cảm kích bất tận. Có được sự thay đổi này là do họ hiểu hơn về giáo lý của đạo Phật, họ cảm nhận sâu sắc những lời dạy chí tình chí lý và thiết thực của Đức Phật, trong đó còn có một phần là do họ thật sự rất thương yêu người thân đã quá cố, muốn tu tập, làm các việc phước thiện để hồi hướng cho người thân của mình. Đây là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, cả kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích.
Không dừng lại ở đó, thực tập chánh niệm cũng giúp ích không nhỏ trong việc chuẩn bị tâm lý để đối diện với nỗi đau mất người thân và vượt qua nỗi đau này. Chánh niệm là một pháp tu quan trọng của Phật giáo. Chánh niệm giúp cho hành giả tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, dù thăng hay trầm, dù hạnh phúc hay đau khổ. Nhờ có chánh niệm mà hành giả nhận thức vấn đề một cách khách quan, đúng đắn, phù hợp và sớm tìm ra được giải pháp tốt để giải quyết vấn đề. Thực tập chánh niệm sẽ tạo cho hành giả sức định tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Trong trường hợp đối diện với sự qua đời của người thân, người có thực tập chánh niệm sẽ không quá ngỡ ngàng, không quá bị sốc, vì họ thấu hiểu lẽ vô thường của cuộc sống, do vậy, thay vì chỉ biết than khóc, suy sụp tinh thần, họ sẽ tìm cách trợ duyên cho người thân đã quá cố để người ấy được thoát khỏi những cảnh khổ đau.
Với những giáo pháp từ bi và trí tuệ mà Đức Phật đã dạy, người tu tập theo đạo Phật một cách đúng đắn sẽ có được rất nhiều lợi ích thiết thực ngay trong cuộc sống hiện tại, và cả trong tương lai, không chỉ làm lợi cho mình mà cho cả người thân của mình, cho cả những người xung quanh.
Quảng Trí