Sống vươn lên

Hôm nay sẽ nói chuyện về đề tài “Sống Vươn Lên”, bây giờ mình không thể sống chìm lịm trong bùn lầy của thế gian này, mà phải sống vươn lên. Nhưng sống vươn lên như thế nào ? Trước tiên phải xét xem tại sao chúng ta có mặt ở thế gian này? Có ai bỗng dưng mà có đây không? Nếu bỗng dưng thì mình mới có mặt lần đầu ở đây sao? Nhưng điều đó thì không đúng với lẽ thật Phật đã dạy: “Chúng sanh luân hồi trong lục đạo như bánh xe quay”. Do vậy nên không biết đâu là chỗ bắt đầu, mà chỉ nói là từ vô thủy kiếp tới bây giờ thôi. Chữ “luân” là bánh xe, chữ “hồi” là quay, tức là bánh xe quay nên không có chỗ nào là chỗ bắt đầu, không thể tìm ra chỗ bắt đầu. Như vậy, không phải là mình mới có mặt lần đầu ở đây, mà là đã trải qua bất khả tư nghì lần. Có bài kinh ở tại Tinh xá Trúc Lâm thành Vương Xá, Phật gọi ba mươi vị Tỳ-kheo ở xứ Pava và bảo rằng:

- Vô thủy là luân hồi này. Này các Tỳ-kheo! Khởi điểm không thể nêu rõ. Đối với chúng sanh luân chuyển luân hồi, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, các ngươi nghĩ thế nào? Này các Tỳ-kheo! Cái nào là nhiều hơn dòng máu tuôn chảy do bị thương tích khi các ngươi luân chuyển luân hồi trong thời gian dài này, hay là nước trong bốn biển lớn?

Đây Đức Phật nói rằng: “Sự vô thủy luân hồi này không có khởi điểm để nêu rõ”, tức không có chỗ bắt đầu để mình nêu, mình tính được. “Đối với chúng sanh luân hồi trong này đây, bị vô minh che đậy, tham ái trói buộc, những lúc bị thương tích, máu chảy ra, thì cái đó nhiều hay là nước bốn biển nhiều?”, tức là trong dòng luân hồi này, máu mình đã đổ ra nhiều hay là nước bốn biển nhiều? Các thầy Tỳ-kheo mới bạch:

- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn! Dòng máu tuôn chảy do bị thương tích khi chúng con luân chuyển trong thời gian dài này, không phải là nước trong bốn biển lớn.

Các Tỳ-kheo nói rằng dòng máu tuôn chảy do bị thương tích trong khi mình luân hồi là nhiều hơn nước trong bốn biển. Như vậy thì sự luân hồi của mình không biết đã bao nhiêu lần. Phật bảo:

- Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, ngươi đã hiểu pháp ta dạy như vậy.

Phật khen các vị đã hiểu được pháp Phật dạy. Tức là chúng sanh luân chuyển trong vòng luân hồi từ vô thủy tới bây giờ, không biết chỗ nào là chỗ khởi đầu, những lúc bị thương tích máu chảy ra thì còn nhiều hơn nước bốn biển nữa! Như vậy mới biết rằng mình có mặt trong đây là đã bao nhiêu lần, đây mới nói máu chảy thôi, rồi còn nước mắt rơi nữa, nghĩa là sự luân hồi rất là dài! Biết đâu, nơi quý vị ngồi đây là nơi mình đã từng bỏ thân mạng mà trong một hình thức khác. Có lần Phật dạy: “Bất cứ ở chỗ nào trên thế gian này, lấy cây cắm xuống thì cũng là chỗ ta bỏ thân mạng”. Bất cứ chỗ nào mình lấy cây cắm xuống, thì cũng đều là chỗ Ngài bỏ thân mạng hết! Như vậy, ngồi đây tức là mình cũng đã bỏ thân mạng ở đây một lần rồi. Cho thấy vòng luân hồi này quá nhiều không có điểm có thể kể. Nhưng do cái gì dẫn mình đi trong đây? Đó là do nghiệp chứ không gì khác. Nghiệp tức là những hành động, tạo tác của mình ở nơi thân, nơi miệng, nơi ý kết thành những hạt giống lành hay dữ dẫn mình đi trong sáu đường hoặc lên hoặc xuống. Tạo tác lành thì kết thành hạt giống lành, tạo tác dữ thì kết thành hạt giống dữ dẫn mình đi, lành thì đi lên, dữ thì đi xuống. Như vậy, xét kỹ ra thì sống ở trong đây, không có ai được tự do. Vào trong đây tức đều bị nghiệp dẫn hết.

Phật từng dạy: “Tất cả chúng sanh đều được sanh ra bởi nghiệp. Nghiệp là của mình, phải thọ quả của nghiệp. Nghiệp là tạo tác, là chủ thể muôn loài. Nghiệp là dòng giống, tông chủng. Nghiệp tìm đến nhau, dẫn dắt nhau đi”. Sở dĩ mình sanh ra đây thuộc dòng giống, họ này, họ kia, họ sang, họ hèn là cũng do nghiệp. Nghiệp tốt thì đi vào dòng giống sang, nghiệp xấu thì vào dòng giống thấp hèn, nghèo khổ. “Nghiệp tìm đến nhau, dẫn dắt nhau đi đều do nghiệp”, tức không được tự do gì hết. Sanh ở đây, sống ở đây khổ vui đều theo nghiệp cho nên có khi muốn sống mà sống không được, có lúc muốn chết mà chết cũng không xong! Muốn giải thoát thì cũng giải thoát không được. Quý vị tu có ai không muốn giải thoát không? Xuất gia cầu giải thoát, nhưng giải thoát không được đó là vì có nghiệp, nghiệp làm chủ. Thí dụ như người ghiền rượu, ghiền thuốc, ghiền tức là thành nghiệp rồi, mà muốn bỏ thì không phải dễ? Thấy rượu, thấy thuốc thì nó cũng kéo đi, không có tự do. Kiểm lại ở trong đây, ai cũng đều có nghiệp hết. Nhưng nghiệp từ đâu? Thì cũng từ tâm mà có thôi, chính tâm là chủ tạo nghiệp, rời ngoài tâm thì tìm nghiệp cũng không có. Do vậy, trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động với tâm ô nhiễm, thì sự khổ sẽ theo nghiệp đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”.

Nghĩa là trong các pháp thì tâm dẫn đầu, làm chủ, tạo tác, cho nên mình nói năng, hoặc hành động với tâm ô nhiễm (tức cái nhân) thì quả khổ sẽ theo nghiệp mà kéo đến như bánh xe lăn theo chân con thú.

“Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng, hoặc hành động với tâm thanh tịnh, thì sự vui vẻ sẽ theo nghiệp kéo đến, như bóng theo hình”.

Tức là hoặc khổ, hoặc vui cũng đều do tâm dẫn đầu, tâm chủ động cho mọi hành vi tạo tác thiện ác của mình, tạo thành nghiệp tốt xấu, và đưa đến quả khổ vui. Thí dụ như ăn trộm, bỗng dưng mà quý vị đi ăn trộm được không? Phải có tâm khởi muốn lấy món đồ đó. Hoặc là quý vị đến ngồi đây thì cũng có tâm đi học pháp dẫn quý vị từ nhà đến đây, chứ nếu không có tâm đi học pháp thì nó dẫn quý vị đi chỗ khác rồi, ngày lễ vui đi chơi. Cho nên, tâm chủ động đưa đến quả thiên đường hay địa ngục. Nói cho xa nhưng gốc từ tâm thôi. Có câu chuyện thiền Nhật Bản, một hiệp sĩ đến hỏi thiền sư Bạch Ẩn:

- Thật có thiên đường và địa ngục hay không?

Ngài Bạch Ẩn không trả lời ngay mà hỏi lại:

- Anh là ai vậy?

Vị đó đáp:

- Tôi là một hiệp sĩ.

Ngài Bạch Ẩn bảo:

- Anh mà là hiệp sĩ cái gì! Mặt anh trông giống tên ăn mày không khác!

Một hiệp sĩ mà bị nói như vậy, lòng tự ái liền dâng lên, anh đỏ mặt, tay để vào chuôi kiếm. Nếu người khác thấy vậy thì cũng hơi run, Ngài Bạch Ẩn nói thêm câu nữa:

- Anh mà cũng có kiếm à, kiếm của anh mà làm gì được, chắc nó cũng không có buồn mà cắt đầu tôi đâu.

Lúc đó, anh chịu hết nổi, rút phăng cây kiếm ra! Ngay đó, Ngài Bạch Ẩn liền cười bảo:

- Đó! Cửa địa ngục đang mở ra với anh đó!

Vừa nghe nói tới đó, anh tỉnh ngộ liền, bèn cho kiếm vào vỏ và cúi đầu tạ lỗi. Ngay đó, Ngài Bạch Ẩn bảo:

- Và đây cửa thiên đường đã mở ra với anh.

Người ta cứ nghĩ rằng thiên đường là ở trên trời, địa ngục là ở dưới đất, mà không ngờ nó chính ở ngay nơi mình. Chính khi rút kiếm ra tính giết người, thì lúc đó tâm đưa mình đi địa ngục, có tâm đó thì mới có địa ngục. Khi tỉnh ngộ biết là quấy, thì nó chuyển trở lại, đó là đưa mình lên thiên đường. Cho nên, chính tâm gây nhân, tạo tác ra thiên đường, ra địa ngục. Nghĩa là tâm địa ngục thì đưa mình đến địa ngục, tâm thiên đường thì đưa mình đến thiên đường, khỏi phải tìm ở đâu xa., Trong lời giải Thi Tụng 10 Bức Tranh Chăn Trâu, có một đoạn Thiền sư Quảng Trí nói rất: “Trước mắt một niệm hiện tướng sân, chính là hình ảnh con rắn dữ. Còn trước mắt một niệm hiện tướng tham, thì đó là giống nòi ngạ quỷ”. Ngay một niệm mà khởi tham thì đó là tướng ngạ quỷ, là chỗ đưa tới ngạ quỷ, chứ khỏi cần tìm ngạ quỷ ở đâu, rắn độc cũng vậy, là ngay niệm sân đó. Kiểm như vậy thì mình mới thấy chỗ tu của mình, chính tâm là cái nhân tạo thành nghiệp rắn độc, tạo giống nòi ngạ quỷ. Nắm vững cái gốc này, hiểu rõ thì không có lầm đường tu của mình, là biết ngừa cái nhân mà tránh cái quả. Tức là sợ quả khổ thì phải tránh ngay tâm đó, không để tâm đó khởi lên. Cũng vậy, muốn đừng vào loài ngạ quỷ thì phải tránh tâm ngạ quỷ trước. Bài kinh Ngũ Khổ Chương Cú, Đức Phật dạy:

“Mạnh hơn tất cả không gì qua tâm, tâm là oan gia thường dối gạt người”.

Tâm dối gạt mình rất nhiều! Thí dụ như nó muốn đi chơi, mà sợ đi chơi bị quở thì sao? Thì nó gạt: “Thôi bữa nay đi chợ mua đồ”, nhưng sự thật là nó muốn đi chơi nên nó gạt đủ thứ. Do vậy, tâm là oan gia thường dối gạt người.

“Tâm chọn lấy địa ngục, tâm chọn lấy ngạ quỷ, tâm chọn lấy súc sanh, tâm chọn lấy trời, người. Làm ra hình mạo cũng do tâm. Hàng phục được tâm là đạo, sức ấy tối đa. Ta cùng tâm tranh đấu trải qua vô số kiếp, đến nay mới thành Phật, đi một mình trong ba cõi đều do tâm cả”.

Nghĩa là tâm chọn lấy địa ngục, chọn lấy thiên đường, chọn lấy trời, người, cho nên làm ra hình mạo gì cũng đều do tâm. Do vậy, Ngài nói trải qua vô số kiếp đến nay thành Phật thì cũng đều do tranh đấu với tâm. “Tâm một mình đi trong ba cõi”, tạo thành tất cả nghiệp để đi trong ba cõi thì cũng chỉ một mình tâm thôi. Tu hành cũng là tranh đấu để thắng được tâm. Cho nên nói đi trong ba cõi thế này, thế kia nhưng tóm tắt lại thì cũng chỉ một tâm, một mình nó đi trong ba cõi, chứ không gì khác. Có ai tách rời tâm mà đi trong ba cõi không? Nếu tách rời thì lấy gì đi? Tóm lại, chỉ một tâm đi trong ba cõi, vậy mà đa số người ít ai để ý đến. Hiểu được rồi thì mới thấy đường đi của mình, cho nên mình phải có con đường sống vươn lên, rõ tâm mà tiến. Đã rõ được tâm là chủ tạo nghiệp, là then chốt khổ vui trong cuộc đời, vậy thì phải nắm được then chốt đó mà sống vươn lên. Bởi vì nó tạo nghiệp được thì cũng dừng được, ngoài nó thì không thể tìm cái gì ở đâu khác được. Cho nên, sáng được tâm, rõ được tâm là con đường vươn lên, khỏi cần chạy tìm cái gì khác ở bên ngoài. Bồ-tát Đề-bà là vị Tổ thiền tông của Ấn Độ, có lần Ngài cùng với số chúng rất đông, cả vạn người đi đến miếu thờ tượng trời Đại Tự Tại, miếu này rất linh thiêng. Khi Ngài dẫn số chúng đông đến đó, bỗng nhiên tượng trời Đại Tự Tại trợn mắt lên như nổi giận, Ngài Đề-bà bèn nói:

- Thần thì phải xứng là thần, chứ sao lại nhỏ nhen như vậy! Chính đáng là phải dùng oai linh để cảm hóa cho người, dùng trí đức để dạy dỗ như Phật, chứ sao lại mượn vàng làm thân, pha lê làm mắt để mê hoặc đời. Đó chẳng phải là chỗ người trông mong.

Sau đó, Ngài bắc thang dựa vào tượng, leo lên đục con ngươi trong mắt tượng ra. Những người xung quanh thấy vậy thì sinh nghi ngờ nói rằng:

- Trời Đại Tự Tại mà lại bị chú Bà-la-môn nhỏ bắt nạt như vậy sao?

Ngài Đề-bà đáp:

- Thần minh cao xa nên lấy điềm gần để thử tôi, tôi được tâm của Ngài nên mới dám làm như vậy.

Tức là Ngài hiểu được tâm của thần nên mới dám làm như vậy. Nói xong, Ngài bày đồ ra cúng dường. Đêm đó, trời Đại Tự Tại giáng xuống, thọ nhận đồ cúng đó rồi nói:

- Ông được tâm của tôi, còn người thì được hình của tôi. Ông đem tâm mà cúng, còn người thì đem vật mà dâng (tức ông cúng cúng bằng tâm, còn mọi người cúng bằng vật). Người biết kính ta là ông, còn người sợ mà vu oan cho ta là mọi người (người tuy sợ mà là vu oan cho thần). Ông tuy cúng rất tốt đẹp, nhưng còn thiếu cái tôi cần.

Ngài Đề-bà liền hỏi:

- Thần cần vật gì?

Trời Đại Tự Tại nói:

- Tôi thiếu con mắt trái, ông có thể cho ta được chăng?

Ngài Đề-bà nghe nói thì cười, ngay đó móc mắt đưa. Tức là Ngài dám làm dám chịu, chứ không phải nói suông như mình. Nhưng hễ vừa móc con mắt này thì con mắt khác sanh ra, móc từ sáng tới chiều cả vạn con mắt! Thấy vậy, thần mới khen:

- Lành thay! Thật là bố thí cao thượng nhất! Vậy ông muốn cầu cái gì?

Ngài Đề-bà đáp:

- Tôi đã sáng được tâm, nên không cần nhờ bên ngoài.

Gặp mình thì ngay đó xin cho tôi cái này, cho tôi cái kia v.v… xin đủ thứ! Còn ở đây, Ngài Đề-bà Ngài nói rõ: “Tôi đã sáng được tâm, nên không cần nhờ bên ngoài”. Đó gọi là tin tâm, sáng được tâm mình. Tin được tâm mình là sức sống vươn lên, là có lòng tự tin, là sức mạnh để chuyển hóa cuộc đời. Trong nhà thiền dạy người phải minh tâm, tức sáng được tâm, nhưng thường thì ít người để ý. Tâm mình mà không minh, lại lo đi minh cái gì? Minh người này, minh người khác, minh người kia, còn tâm mình không minh, vậy có phải là người trí của thế gian không? Cho nên, Phật dạy chúng sanh si mê là ở chỗ đó, đúng ra tâm mình là gốc, thì phải sáng, phải minh được tâm mình, rồi mới ra được bên ngoài. Còn bây giờ thì minh bên ngoài trước, mà tâm mình lại không minh, lại tối, đó là đi ngược. Hiểu được chỗ này là một lẽ thật, một sức mạnh để chuyển hóa, vươn lên trong cuộc sống. Có câu chuyện về thiền sư Tư Nghiệp, trước khi ngộ đạo Ngài là người mổ thịt lợn. Một hôm, đang mổ con lợn thì hoát nhiên Ngài sáng tâm, ngộ được đạo nên Ngài bèn làm bài kệ:

Tạc nhật Dạ-xoa tâm,

Kim triêu Bồ-tát diện.

Bồ-tát cập Dạ-xoa,

Bất cách nhất điều tuyến.

Dịch:

Hôm qua tâm Dạ-xoa,

Sáng nay mặt Bồ-tát.

Bồ-tát với Dạ-xoa,

Chẳng cách một đường tơ.

Tức mới hôm qua tâm Dạ-xoa, hôm qua là mổ lợn nhưng hôm nay mặt Bồ-tát, sáng được tâm, ngộ được lý rồi. Cho nên, Bồ-tát với Dạ-xoa không cách xa nhau một đường tơ. Mới đó là tâm Dạ-xoa, nhưng ngộ trở lại là chuyển hóa vươn lên nên là mặt Bồ-tát. Bồ-tát với Dạ-xoa chỉ là tướng giả bên ngoài thôi, không cố định, cũng không cách xa nhau gì. Chỉ ngay một tâm này thôi, tâm ác thì hóa Dạ-xoa, còn tâm từ bi sáng suốt chuyển lại thì tâm Bồ-tát, Bồ-tát hay Dạ-xoa cũng ngay nơi tâm thôi. Như vậy đâu phải mặc cảm làm Dạ-xoa mãi, hoặc làm ác quỷ là ác quỷ mãi! Nghĩa là không cố định là Dạ-xoa, hoặc cố định là Bồ-tát. Bồ-tát cũng do chuyển từ chúng sanh mà lên, đâu phải cố định sẵn là Bồ-tát. Nếu Bồ-tát cố định là Bồ-tát thì mình cũng không tu gì được, mình đâu thể làm Bồ-tát được. Cho nên, Bồ-tát không cố định là Bồ-tát, Dạ-xoa không cố định là Dạ-xoa, cho đến tội lỗi cũng không cố định luôn, mà cũng có thể chuyển, cũng có thể tu được. Có câu chuyện bà Liên Hoa Sắc đi tu: một hôm Tôn giả Mục-kiền-liên trên đường đi khất thực trở về, ngang qua một khu vườn thì chợt gặp một người phụ nữ trung niên nhưng rất xinh đẹp, dùng những lời ngọt ngào mời chuyện Ngài. Vì có thần thông nên Ngài biết đây là một cô gái điếm định mê hoặc mình, và Tôn giả còn thấu suốt được những uẩn khúc trong tâm người phụ nữ này. Ngài Mục-kiền-liên bình tĩnh không động trước thanh sắc của cô và bảo một cách uy nghiêm:

- Thật là đáng thương cho cô! Người cô hình dáng thật là đẹp, mỹ miều, lại thêm trang sức lộng lẫy nữa. Nhìn bên ngoài thì người ta tưởng chừng ít ai hơn được cô, nhưng bên trong cô thì đang chứa đầy một đám ô uế, ngày đêm tiết rỉ không ngừng. Thân thể và tâm hồn của cô hiện tại, cực kỳ là bất tịnh, nhơ nhớp. Cô đang vẫy vùng ở trong bùn nhơ như con voi già bị sa lầy, hễ càng vùng vẫy chừng nào càng lún sâu thêm chừng đó.

Ngài nói trúng bệnh của cô! Người phụ nữ nghe qua thì kinh hãi rơi lệ và thưa:

- Thưa Tôn giả! Ngài đã biết rõ tâm tôi, thì tôi cũng biết là không thể qua mắt được Ngài. Tôi sớm nghe danh Ngài là vị đệ tử thần thông đệ nhất của Phật, tôi không tin rằng thần thông có thể vượt qua được sắc đẹp, và tôi biết tôi là một kẻ tội lỗi. Tôi cũng tưởng đến việc hướng thiện, nhưng mà quá sức tuyệt vọng, tôi nghĩ tôi là một kẻ không thể cứu vớt, với một quá khứ thật là ghê rợn, mai sau này chắc chắn là sẽ chịu quả báo đáng sợ.

Tôn giả Mục-kiền-liên bèn an ủi:

- Cô không nên tự làm khổ mình, cũng đừng quá thất vọng. Tội nghiệp dù nặng đến đâu, một phen sám hối thì đều có thể cứu vãng. Cũng như y phục dơ, thì cũng có thể giặt giũ, thân thể ô uế thì có thể dùng nước để tẩy trừ. Còn tâm không thanh tịnh, thì có thể dùng Phật pháp để rửa sạch. Trăm dòng sông nhơ nhớp, một phen chảy vào biển cả thì nước biển lớn thảy đều làm sạch nước của trăm sông. Lời dạy của Đức Thế Tôn ta đây đủ sức làm thanh tịnh lòng người ô uế, có thể cho sám hối những tội nghiệp quá khứ.

Đây Ngài an ủi tuy tội lỗi nặng như vậy nhưng vẫn còn có thể sám hối để cứu vớt được thanh tịnh trở lại, chứ không phải hết hy vọng. Cô bèn thưa:

- Nhưng tội lỗi quá khứ của tôi quá khủng khiếp, nếu nói ra e Tôn giả phải bỏ chạy vì khiếp hãi.

Thấy như vậy, Ngài bảo:

- Cô cứ nói.

Đây Ngài để cho cô tuôn ra cho nhẹ nhõm nỗi lòng lâu nay chứa trong đó ... Cô kể lại:

- Tôi tên Liên Hoa Sắc, là con gái của một trưởng giả ở thành Đức-xoa-thi-la. Khi tôi lên 16 tuổi, cha mẹ lập thành gia thất cho tôi. Nhưng không lâu thì cha tôi qua đời, bà mẹ góa bụa của tôi bèn tư thông với chồng tôi. Khi biết được việc này, tôi rất đau lòng không nói ra được. Lúc ấy, tôi đã sanh một đứa con gái, tôi bèn bỏ luôn đứa con gái đó lại cho chồng, rồi bỏ nhà ra đi. Sau đó, tôi tái giá với người chồng khác, anh này là một thương gia. Nhân một lần đi buôn xa từ nơi thành Đức-xoa-thi-la trở về, anh lại lén mua một nàng thiếp và giấu ở nhà riêng. Sau đó thì tôi biết được, tôi mới nổi máu ghen lên, quyết tìm nó để xử một trận. Nhưng than ôi! Khi gặp mặt thì tôi liền té xỉu ngay tại chỗ, bởi nó không phải ai khác mà chính là con gái người chồng trước của tôi.

Nói tới đó thì bà khóc nghẹn không ra tiếng. Tôn giả Mục-kiền-liên mới an ủi:

- Cô không nên thương tâm quá. Người biết rõ quá khứ, vị lai thì xem đó chỉ là một sự luân hồi nhân quả thôi. Đời người là một bể tội lỗi chứ không gì khác. Sau đó thì thế nào? Cô hãy kể tiếp.

Cô nói:

- Làm sao tôi có thể nhẫn nhục được đối với nỗi khổ đau như vậy. Ban đầu thì mẹ đoạt chồng của mình, bây giờ đứa con lại chung chồng với mình nữa, thử hỏi làm sao tôi còn có thể sống nổi? Nên tôi mới bỏ nhà ra đi, tôi chán ghét cả thế gian, hận đời nên tôi mang thân là một kẻ mua vui cho thiên hạ. Tôi muốn đùa cợt với thế nhân, dùng những tiếng cười, tiếng hát mà nhận chìm thế gian. Đối với tôi, đời sống đâu còn nghĩa lý gì nữa, chỉ còn một việc là tiền bạc thôi, người ta có thể mua tiếng cười của tôi có khi đến hàng ngàn lượng vàng. Đem số tiền đó, tôi vung xài cho sướng tay thoải mái, khiến cho người người phải thần phục tôi, nhưng cũng là tan sự sản. Tội lỗi của tôi là như vậy, Tôn giả đã biết tại sao tôi đến đây khiêu khích Ngài. May mà Tôn giả có đại thần lực, bây giờ tôi không biết là phải sám hối như thế nào?

Cô bày tỏ hết lòng mình, Tôn giả Mục-kiền-liên nghe qua thì biết bà đau khổ tận cùng. Tuy giọng nói và luận điệu bề ngoài của bà có vẻ khinh bạc như vậy nhưng thiện tâm bên trong vẫn chưa khô cạn, còn muốn sám hối. Do vậy, Tôn giả đem giáo lý duyên sanh của Đức Phật giảng giải cho cô nghe, và dùng nhiều phương tiện khéo léo để an ủi. Cuối cùng, cô tỉnh ngộ, đi theo Tôn giả về gặp Phật và được Phật độ cho. Sau này, cô tu chứng A-la-hán, là vị thần thông số một bên Ni. Cho thấy rằng, bà Liên Hoa Sắc, vừa nghiệp nặng vừa tội lỗi như vậy, nhưng thiện tâm, tánh giác vẫn không mất, biết sám hối thì cũng chuyển tâm trở lại, cũng chứng được A-la-hán. Như vậy, đâu phải là chôn vùi mãi mãi, cho nên tội lỗi cũng không cố định, mình biết thì cũng chuyển hóa. Do vậy, trong nhà Phật mới có cứu khổ, mới có giáo hóa, chứ nếu phạm tội mà cho nhận chìm luôn, hết phương cứu thì làm sao giáo hóa để chuyển đổi? Kiểm xem, một người nghiệp nặng như vậy, tưởng chừng như cuộc đời vùi lấp trong bùn lầy tội lỗi, không thể ngóc đầu lên nỗi, nhưng gặp duyên thì cũng tỉnh ngộ, chuyển hóa vươn lên thành Thánh quả. Quý vị thấy mình có ai nghiệp nặng như vậy không, tội lỗi nặng như vậy không? Vậy thì ai cũng đều có cơ hội để vươn lên hết, mà lại không chịu vươn lên là sao? Cho nên, đây là một sức mạnh, là đem lại niềm tự tin cho chúng sanh, là một lối thoát. Không ai có thể mặc cảm tội lỗi rồi chịu mãi trong đó, mà đều có lối, có cơ hội để tiến lên hết. Nhận rõ trở lại, soi sáng lại, thấy rõ cái gốc nơi tâm mình làm chủ thì nó chuyển, mà tâm chuyển thì tội lỗi cũng chuyển theo. Một ông Bà-la-môn khi mất con bò, chạy đi tìm thì gặp Đức Phật, ông bèn hỏi:

- Này ông Cù-đàm! Ông cho hỏi thăm là ông có thấy con bò của tôi chạy ngang qua đây không?

Đức Phật trả lời:

- Này ông Bà-la-môn! Ông đi tìm một vật thật không đáng tìm, đúng ra ông nên đi tìm chính ông mới là phải.

Đức Phật nhân đó mà đánh thức lại ông. Nghe vậy, ông ngạc nhiên hỏi:

- Ông nói cái gì lạ vậy, tôi không hiểu.

Lâu nay ông chưa từng nghe lời đó. Đức Phật bảo:

- Ông nên đi tìm chính ông. Khi tìm được ông thì nó sẽ đem lại hạnh phúc và sự an vui cho ông. Chúng sanh hằng tìm kiếm những điều đem lại sự khổ não, mà không nhớ đến sự tìm chính mình. Mà hạnh phúc ở đời ta, cần tìm nó ở trong cõi lòng ta.

“Hạnh phúc ở đời ta, cần tìm nó ở trong cõi lòng ta”, chứ đừng có tìm bên ngoài. Mà bây giờ, đa số người thì tìm hạnh phúc bên ngoài vì vậy nên không có hạnh phúc chân thật. Thí dụ như vợ chồng cưới nhau về, mới đó thì thấy hạnh phúc, nhưng ít bữa thì sao? Tâm thương nhau không thật, vài bữa tâm chuyển thì mất hạnh phúc. Tức là phải từ nơi tâm thật sự thương yêu nhau thì mới có hạnh phúc lâu dài, còn cứ ở bên ngoài thì khi tâm thay đổi liền mất hạnh phúc ngay.

Nghe như vậy, ông Bà-la-môn liền tỉnh ngộ, ông thấy rõ rằng xưa nay ông chỉ đi tìm những cái bên ngoài nên đau khổ mãi. Nếu không gặp được Đức Phật thì chắc ông còn chạy tìm những cái giả, vẫn còn luân hồi đau khổ mãi mãi. Kiểm lại chúng ta ngày nay, mình cũng giống như vậy, cứ lo đi tìm hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc ở đâu đâu! Cho nên, được rồi mất, hễ được một chút thì mất, vuột khỏi tầm tay của mình, rồi than thở, có khi khóc lóc, có khi thất chí nữa nên quên mất niềm tin nơi chính mình. Ở đây, Phật dạy để mình nắm được cái gốc này, ứng dụng mà sống vươn lên, có niềm tự tin nơi mình. Ai ai cũng đều có niềm tin để mình tiến lên, nhưng mình không chịu tìm lại thì đó là lỗi lầm nơi mình. Như vậy, quay trở về để sống với tự tâm của chính mình, mở ra ánh sáng này thì đó là sức mạnh để mình vươn lên. Quý vị kiểm lại xem, có ai không làm được việc này? Mỗi người đều có nghiệp, tức đều có tạo nghiệp. Mà có tạo nghiệp tức là có tâm, do tâm mới tạo nghiệp. Mà có tâm tức là có thể giác, có thể tỉnh để chuyển hóa nó. Mê thì cũng tâm mình mê, bây giờ tỉnh thì cũng tâm mình tỉnh. Như vậy, đã là tâm thì ở nơi mình, ai lại không làm được chuyện đó? Bởi vậy, ai cũng đều có cơ hội, cũng có thể làm được, có thể vươn lên mà lại không làm, lại bỏ qua thì đó là điều thật đáng tiếc, còn đáng trách nữa. Một điểm nữa là mình được duyên lành gặp được Phật pháp, đó là con đường sáng sủa chỉ rõ lối đi cho mình. Thấy được, nắm vững được mà không chịu đi nữa thì không biết nói sao?

Tóm lại, thế gian này là một giấc mộng dài thôi chứ không gì khác. Chúng ta đều là những người nằm mộng, mà nằm mộng quá lâu rồi chứ không phải là mới, bây giờ còn chưa chịu dậy nữa hay sao?

Trong đó, mình nằm đủ thứ mộng, không thiếu thứ mộng gì! Vậy mà gặp được Phật pháp để đánh thức mà không nắm lấy để tỉnh lại, thì thật không biết sẽ ra sao?

Có câu chuyện, một vị vương tử miền Bắc Ấn Độ, rất thông minh, mới 9 tuổi Ngài thường đặt ra những câu hỏi làm cho người lớn cũng phải đau đầu. Vua với bà hoàng hậu là người mộ đạo nên thường thỉnh những vị sư vào cung thuyết pháp. Hôm đó, một vị A-la-hán được thỉnh vào cung để thuyết pháp. Vị vương tử nghe giọng nói của vị A-la-hán này thì cảm mến, như có túc duyên thầy trò với nhau từ đời trước, nên muốn đi theo Ngài. Do vậy, vị này xin phép vua cha với hoàng hậu được thờ vị A-la-hán này là thầy và theo tu học. Vì là người mộ đạo nên cuối cùng vua với bà hoàng hậu đồng ý. Vị vương tử được nhận làm tăng, được khoác y vàng. Sau một khoảng thời gian theo thầy, vị này đi du hành sang một nước láng giềng gần bên. Sáng hôm nọ, vị sư trẻ này đi một mình khất thực, nhưng vì lạ xứ nên ông lạc vào hoàng cung và gặp mấy cung nữ mời cúng dường. Vị sư trẻ này nhận và nhân đó giảng giải vài câu Phật pháp đáp lại cho các cung nữ. Khi các cô đang ngồi nghe nói pháp thì lính hầu thông báo cho vua. Ông này nghe thì tức giận, ngấm ngầm ra xem. Khi đi ra, ông thấy nhóm cung nữ đang quây quanh vị sư trẻ mà nghe thuyết pháp. Quá tức giận, ông ra mặt bảo:

- Tu sĩ mà quây quần với nhóm đàn bà con gái là hư hỏng rồi, cho nó 20 hèo may ra nó tỉnh ngộ!

Lệnh vừa ban ra liền được thi hành ngay, vị sư trẻ bị lôi ra đánh. Vị này vốn là con vua, chứ đâu phải tầm thường mà bây giờ bị đánh máu me đau đớn! Rất tức giận, vị sư trẻ nghĩ: “Bây giờ, mình phải trở về nước để lên ngôi, sau đó đem quân qua đây san bằng thành bình địa cho hả giận”. Do vậy, vị sư này về bạch với thầy:

- Con xin trả lại y vàng, thôi tu để về trả hận này.

Vị thầy hết lời khuyên bảo nhưng cũng không được. Vị sư trẻ một mực nói:

- Con đã quyết định rồi, không thể thay đổi được, phải trả y lại thôi. Con phải về để trả cái hận này, cho đám này biết thân.

Cuối cùng, ông thầy bảo:

- Thôi thì bây giờ trời tối rồi, con nghỉ qua đêm, sáng mai đi cũng không muộn.

Vị sư trẻ đồng ý. Đêm đó, vị này mới vừa chợp mắt, vị A-la-hán dùng năng lực trí tuệ chuyển cho ông sư trẻ một giấc mơ để cảnh tỉnh. Trong mộng, vị sư trẻ thấy mình trở về nước, phụ vương mất nên mình được tôn lên ngôi vua. Được hả lòng, ông vua trẻ bèn tập trung quân đội rầm rộ kéo qua xứ này để san bằng. Nhưng kết quả thì bị thua, ông vua trẻ bị bắt, sau đó thì bị dẫn ra pháp trường để xử chém. Trên đường dẫn ra xử chém, đám đông reo hò vang trời. Giây phút sắp bị chém, ông bỗng thấy hình ảnh của vị thầy mình hiền từ hiện ra trước mặt. Ông liền gọi kêu cứu:

- Bạch thầy, xin thầy tha tội cho con! Giờ thầy hãy cứu con!

Ngay lúc vừa kêu, ông bỗng giật mình tỉnh dậy thì thấy thầy đang ngồi bên cạnh mình. Vị A-la-hán hiền từ an ủi bảo:

- Con đừng có sợ bất cứ mọi hình ảnh gì xuất hiện trong đời, tất cả chỉ là một giấc mơ, còn con thì vẫn còn nguyên vẹn cả.

Ngay đó, vị này tỉnh ngộ, bỏ ý niệm trở về, và tiếp tục tu cho đến lúc chứng A-la-hán. Đây là một trong 16 vị A-la-hán phát nguyện ở lại trong cõi Ta-bà này để hóa độ chúng sanh. Vị thầy này rất khéo léo, cho giấc mộng đó để đến lúc cuối cùng rồi thì Ngài mới cảnh tỉnh: “Con đừng có sợ bất cứ mọi hình ảnh gì xuất hiện trong đời, tất cả chỉ là một giấc mơ, còn con thì vẫn còn nguyên vẹn cả”û. Giấc mộng mà, buồn vui, hay yêu ghét v.v… gì đó cũng là giấc mộng, lên xe xuống ngựa cũng là mộng thôi. Nhưng chính mình thì vẫn còn nguyên vẹn cả, chứ không mất mát gì hết! Nghe tới đây, quý vị có tỉnh chút nào chưa? Nhớ rằng cả thế gian này, bao nhiêu sự buồn vui, giận ghét, tạo tác hơn thua, hận người này ghét người kia, hoặc có khi được vinh quang, có khi bị tủi nhục gì v.v… tất cả đều là giấc mộng chứ không gì khác. Cho đến trong dòng luân hồi này, có khi mình gây đủ những nghiệp địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v… lên xuống trong sáu đường mà nước mắt, hay máu chảy còn nhiều hơn biển cả nhưng chung quy trở lại, thì cũng là giấc mộng dài. Điểm quan trọng là ngay đây mình tỉnh mộng, để nhận ra mình vẫn còn “nguyên vẹn như thuở ban đầu”, đó là một lẽ thật. Do vậy, khi Lục Tổ Huệ Năng đại ngộ, Ngài la lên mấy câu:

Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh!

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ!

Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt!

Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!

Tức khi ngộ rồi thì Ngài rõ ràng tự tánh từ xưa tới nay vốn là thanh tịnh, tức nguyên vẹn từ thuở ban đầu. Đó là một sức mạnh để vươn lên, chứ không phải là cứ chìm mãi ở trong đây. Kết lại bằng câu chuyện này, để cho quý vị nghiệm kỹ, thức tỉnh mà có một sức sống vươn lên vững vàng. Có vị cư sĩ đến hỏi thiền sư Bàn Khuê:

- Con nghe nói rằng: “Những ý tưởng ngu si biến người ta thành súc sinh, đi từ bóng tối vào bóng tối, không thể thành Phật”. Tuy nhiên, khi một con thú không ý thức điều đó là đáng tiếc, thì nó sẽ không nhận ra mình đang khổ, vậy phải chăng nó cũng hoàn toàn thỏa mãn?

Tức là con thú đâu biết được điều đó là đáng tiếc, nó mang hình con thú, không nhận ra mình đau khổ, vậy thì nó đâu có khổ. Mình thì mình thấy nó khổ, nhưng nó được vui thì sao? Ngài Bàn Khuê đáp lại:

- Không đáng buồn sao, khi người ta chuyển tâm Phật và thân Phật mà mọi người vốn có thành ra nỗi khổ của một chúng sanh địa ngục, mà lại còn không nhận ra điều ấy là bi đát như thế nào? Ví dụ, bạn đuổi đánh một con chó vì hôm qua nó đã ăn trộm gà. Nhưng nó không nhận thức được điều ấy, khi bị đánh đập nó cứ kêu lên tru tréo. Vì không hiểu luật nhân quả cho nên phải tiếp tục đau khổ bất hạnh. Nhưng con người thì do trí tuệ bẩm sinh, khi được gặp minh sư họ có thể dễ dàng giác ngộ, thì thật là một điều kỳ diệu khi có cơ may được sinh làm thân người, vì với thân ấy bạn có thể dễ dàng thành Phật. Đấy là một vấn đề lớn ở ngay trước mắt bạn, đừng phí thời giờ!

Quý vị thấy, Ngài nói rất tha thiết, mình đừng lý luận như vậy: Con vật ở trong khổ mà không biết gì, như vậy thì đâu có khổ! Nhưng thật sự là khổ hay không? Si mê không biết gì hết, ở trong đó tưởng là vui, khi bị đánh đập thì cứ kêu tru tréo, cũng giống như người đời khi không hiểu đạo. Ban đầu thì cứ tưởng đâu là hạnh phúc, là vui, nhưng khi gặp những cảnh khổ thì kêu trời trách đất: ‘Tại sao mà tôi khổ như vậy! Trời sao không cứu tôi?” hoặc là: “Ông trời bất công! Tại sao không đem khổ tới cho người kia, mà cứ đem tới cho tôi hoài?!”. Đó là không nhận rõ được do nhân mình đã tạo.

Ngài nói, nhưng con người thì được ưu điểm là có trí thức, có trí tuệ nên khi gặp được những bậc thầy khơi dậy thì mình dễ dàng giác ngộ, chứ đừng so sánh với con vật như vậy để chìm sâu trong vô minh, tội lỗi đau khổ. Ngài nhắc: “Thật là một điều kỳ diệu khi có cơ may được sinh làm thân người, vì với thân ấy bạn có thể dễ dàng thành Phật. Đấy là một vấn đề lớn ở ngay trước mắt bạn, đừng phí thời giờ”. Tức là mình được sanh làm người, được có trí tuệ, có tri thức để nhận hiểu được những vấn đề như vậy thì đó là một vinh dự lớn, phải nắm lấy cơ hội đó để vươn lên, chớ để thời giờ trôi qua vô ích. Ai cũng đều có điều kỳ diệu này hết nên mới được ngồi ở đây. Như vậy, tại sao mình bỏ phí thời giờ để qua suông mà không khai thác? Đó là điều rất đáng tiếc! Cho nên, mình phải ý thức điều đó mà trân trọng, và nắm lấy cơ hội để tiến lên.

Mong rằng tất cả mỗi người đều sống vươn lên. Đó là điều hạnh phúc, đó là điều vi diệu không thể nói hết.

(Thượng tọa Thích Thông Phương giảng)

Bài viết khác