Con đường mở rộng

Con đường mở rộng

Mục lục

Lời giới thiệu

Tôi thường học hỏi được rất nhiều từ những học trò của tôi. Với tôi, học trò cũng là thầy. Sư cô Chân Không là một trong những người ưu tú nhất trong số những học trò như vậy. Để tôi kể cho quí vị nghe một trong những bài học quan trọng mà tôi đã học được từ sư cô. Đó là vào năm 1966. Cuộc chiến tại Việt Nam đang càng ngày càng khốc liệt. Tôi mải miết nghĩ cách để vận động nhiều vị tôn đức trong Giáo Hội chịu cùng đứng ra kêu gọi chấm dứt chiến tranh, và nhiều khi không thể nuốt trôi miếng cơm nào mỗi khi nghe tin một trận chiến khốc liệt vừa xảy ra. Bữa đó, tại chùa Pháp Vân ở Phú Thọ Hòa, sư cô Chân Không, đang chuẩn bị một dĩa rau thơm cho món phở, sư cô quay qua hỏi tôi: “Bạch Thầy, Thầy có thể cho con biết những loại rau thơm này ở miền Bắc gọi là gì không?” Nhìn sư cô đang cẩn trọng đặt những nhánh rau vào chiếc dĩa lớn với tất cả sự chú tâm, tôi bỗng bừng tỉnh. Sư cô có khả năng duy trì sự chú tâm vào những cọng rau thơm. Và tôi nhận ra rằng tôi cũng nên học để tâm tới những nhánh rau, chứ không phải chỉ nghĩ về chiến tranh mà thôi. Thầy trò chúng tôi trao đổi với nhau mười phút về những loại rau thơm ở miền Nam, Trung và Bắc. Tâm trí tôi thoát khỏi những suy nghĩ về cuộc chiến trong khoảng thời gian đó đủ giúp tôi lấy lại được sự cân bằng mà tôi đang rất cần. Năm 1968, khi sống ở miền Nam nước Pháp, tôi đã phát hiện ra những loại rau thơm của vùng Provence với tất cả sự chú tâm và thích thú.

Nhiều năm sau, một người bạn Hoa Kỳ hỏi tôi: “Thưa Thầy, Thầy trồng rau xà lách làm gì cho mất thời gian. Thầy dành thời gian đó để làm thơ có hơn không? Ai mà không trồng được rau xà lách, nhưng ít ai có thể sáng tác những bài thơ sâu sắc như thơ của Thầy.” Tôi mỉm cười đáp: “Bạn ơi, nếu tôi không trồng những cây xà lách thật chánh niệm như vậy thì tôi không làm ra những bài thơ như vậy được.” Tôi đã không tiết lộ rằng câu trả lời của tôi có xuất xứ từ bài học với sư cô Chân Không mười hai năm trước. Cho đến hôm nay, tôi vẫn tiếp tục học từ sư cô. Một vị thầy luôn nên có khả năng làm học trò và một đệ tử cũng luôn phải cùng lúc làm thầy. Nhớ được điều này, cả thầy và trò sẽ cùng lợi lạc.

Điều khiến tôi khâm phục nhất ở sư cô là khả năng sống an lạc và hạnh phúc. Niềm tin vững chắc của sư cô đối với giáo pháp ngày càng được củng cố khi sự tu tập không ngừng mang lại cho sư cô hoa trái của chuyển hóa, chữa trị và niềm vui. Sự vững chãi, an lạc và hạnh phúc của sư cô là nguồn động viên nhiệm màu cho rất nhiều các bạn ở Làng Mai cũng như trong đại gia đình tăng thân. Nguồn vui của sư cô là làm việc giúp người và giúp chuyển hóa xã hội. Nằm sâu bên trong những công tác của sư cô là một tình thương lớn và sự quan tâm sâu sắc. Chân Không cũng có nghĩa là tình thương đích thực. Câu chuyện cuộc đời sư cô vượt xa những gì ngôn từ có thể diễn tả, đó là cả một bài Pháp sống.

Thật tiếc là cuốn sách này còn quá ngắn, không chuyển tải hết sự sâu sắc và sống động những gì sư cô đã đi qua. Sư cô còn rất nhiều chuyệnđể kể cho chúng ta, có thể dài gấp 10 lần cuốn sách này. Nhưng sư cô là một nhà hoạt động xã hội hơn là một nhà văn, và hiện tại chúng ta phải bằng lòng với tác phẩm này thôi. Nếu có cơ hội tiếp xúc với sư cô, quí vị đừng quên xin sư cô chia sẻ cho nghe những kinh nghiệm của sư cô. Quí vị sẽ học hỏi được rất nhiều. Sư cô đích thực là một vị bồ tát.

Thích Nhất Hạnh Làng Mai, Pháp Quốc - Tháng 5, 1993

Chương 1: Gốc rễ

Phước đức, hạt giống thương yêu

Tôi sinh vào năm Cọp, 1938, tại xã An Hội tỉnh Bến Tre, người con áp út trong gia đình, bảy gái, hai trai. Gia đình bên nội tôi, di cư vào Nam từ xứ Quảng (Quảng Nam hay Quảng Ngãi chi đó), đã tám đời làm nghề nông ở làng An Định, huyện Mỏ Cày. Ruộng đồng trên châu thổ sông Cửu Long rất màu mỡ, cây trái nào trồng ở đây cũng trĩu nặng quả thật to mà không cần phân bón. Vừa rời phà Rạch Miễu, bước chân lên bờ là bạn sẽ thấy xanh mướt những dừa là dừa, những cây chuối, bụi chuối, và những vườn chuối nhiều như rừng. Cây chuối, cây dừa nào cũng mập, bụ bẫm, chứ không khẳng khiu như các thân chuối ở đèo chuối Tây Nguyên. Thôn làng nam Việt Nam thời xưa được chăm sóc bởi Ban Hội Tề gồm mười hai vị, ông nội tôi được bầu làm thủ bổn Ban Hội Tề suốt cả đời ông, vì ở xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre ông nổi tiếng là rạch ròi về tiền bạc, liêm khiết và đức hạnh. Mỗi khi có lụt lội hay hạn hán Nội tôi thường yêu cầu Ban Hội Tề cho xuất quỹ làng nộp thuế đinh cho nhà nước thay cho những người dân nghèo không đủ ăn và không đủ tiền nộp thuế.

Riêng phần Nội tôi, khi có thiên tai thì đã không lấy thóc của người tá điền mướn đất làm thuê của mình, mà còn chia cho họ thêm lúa gạo của nhà khi nhà họ đói, số gạo mà chính Nội tôi và các bác tôi trồng, cấy và gặt, cũng còn là gạo thừa của các năm trước. Nội tôi thường nói với các bác, với ba tôi và với chúng tôi rằng: “Nội không nhiều ruộng vườn và tiền bạc như những nhà giàu ở An Định Mỏ Cày, Bến Tre, nhưng Nội để dành cho các con và các cháu của Nội nhiều phước đức. Các con cháu ráng mà sống cho có phước đức như Nội, ăn nhiều đời cũng không hết, ráng sống xứng đáng như Nội đối với gia đình đã đành và nhất là đối với đồng bào và đất nước mình”. Có thể vì thế mà con cháu của Nội hưởng nhiều phước đức của người. Đứa nào cũng có rất nhiều duyên may.

Gia đình bên ngoại tôi có một siêu thị lớn ở thị xã Bến Tre. Nghe má tôi nói rằng ông ngoại nhờ trí nhớ tài tình - Ngoại thuộc lòng cả cuốn tự điển Pháp Việt thời đó - nên tự biên thư sang Pháp đặt và nhập cảng những mặt hàng của Âu Châu như xoa (soie) Pháp, giày Bata, nón Tây và nhiều loại hàng hóa như một siêu thị của Pháp, nhờ thế gia đình cũng khá giả. Bà ngoại tôi chết sớm khi má tôi mới bảy tuổi và má tôi có người chị thứ sáu đảm đang, đứng ra lo chăm sóc siêu thị và dạy dỗ cậu Bảy tôi, má tôi và dì Chín. Mùa đông nào ông ngoại tôi cũng dạy các dì tôi đi mua chiếu để phát cho những người không nhà, nằm co ro ngủ trong các chợ trời hay các vỉa hè. Cậu tôi cũng đem tặng quà cho tù nhân hai lần mỗi năm.

Ba tôi

Ba tôi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định về ngành vẽ truyền thần – trên tường nhà chúng tôi có hình ông bà nội, ông bà ngoại thật to 1mx1,50m do ba tôi vẽ thật sống động, như là người thật vậy. Vì nghề hội họa không đủ nuôi chín đứa con nên ba tôi chuyển sang ngành vẽ nhà cửa, vẽ công sở, đường sá, trường học cho Sở Công Chánh. Mỗi khi vẽ xong một trường học cho xã nào đó, ba tôi biết tính toán giúp luôn cho chương trình. Ví dụ như muốn hoàn thành xây một trường học thì công trình cần bao nhiêu bao xi măng, bao nhiêu thước cát, thước sạn, bao nhiêu kí sắt và bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu miếng ngói. Ông kỹ sư Trưởng Ty Công Chánh, người Pháp, rất phục ba tôi vì ông thấy xây cất xong, công trình chỉ dư nửa bao xi măng và vài viên gạch bể mà thôi. Ông kỹ sư tự thú là không tính được như vậy nên rất quý mến ba tôi. Nhiều người giàu có trong tỉnh nghe tài ba tôi nên hay nhờ ba tôi vẽ giúp ngôi nhà tương lai của họ, tính toán vật liệu xây cất giúp... (thời đó ở quê tôi chưa có ông kiến trúc sư nào hết). Vẽ nhà, xây cất, làm ngoài giờ làm việc nên ba tôi cũng có dư chút tiền. Dư đồng nào ba tôi hay mua ruộng và giao cho mươi người tá điền chăm lo.

Mỗi năm họ đem tới cho ba tôi tiền bán lúa phần mướn đất của ba. Khi nào lụt lội hay hạn hán, ba cho miễn luôn việc trả lúa, nhưng khi được mùa ba tôi luôn khuyên họ nên để dành tiền, đưa cho ba tôi giữ và khi trả đủ tiền mua đất, ba làm giấy sang tên để họ được làm chủ đất của mình. Hơn mười hai người tá điền nhờ sự giúp đỡ của ba tôi mà trở thành chủ đất. Họ thương ba tôi còn hơn người thân của họ, vì thế khi Việt Minh đảo chánh Nhật và Pháp, bần cố nông lên nắm chính quyền, Việt Minh đã bắt tất cả những người làm việc trong chánh quyền thuộc địa trong đó có ba tôi. Nhưng chỉ vài tuần sau là ba tôi được trả tự do với một số ít người, số còn lại gần một trăm người bị thủ tiêu nơi nào mà gia đình cũng không tìm được tung tích. Ba tôi hay căn dặn: “Đi chợ trời, nếu các con thấy những người đứng bán vài bó bông súng, rau dừa, rau muống… giữa trời, cả buổi sáng để kiếm vài đồng nuôi gia đình, các con không được quyền trả giá nghe chưa? Vài đồng đối với họ là lớn lắm, đủ mua thêm gạo nuôi con họ.” Và tôi đã đem trái tim thương người nông dân của ba đi về tương lai. Tôi đang sống điều ước mơ của Nội: ráng sống xứng đáng với đồng bào và đất nước.

Má tôi

Má tôi cũng làm ra nhiều tiền nhờ nghề dạy nữ công gia chánh cho con gái nhà nề nếp. Họ tới nhà chúng tôi ở vài ngày hay vài tuần học thêu thùa, cắt may hay nấu những món khéo léo trước khi đi lấy chồng. Tiền công dạy học, má tôi mua cho mỗi con một ít nữ trang (một loại quỹ tiết kiệm) và giúp cho những người hàng xóm nghèo gầy vốn làm ăn sinh sống. Giúp một gia đình nghèo này mở quán cơm sáng cho dân lao động, giúp một chị chồng chết một ít tiền làm vốn đi bán chè xôi… Nếu làm ra tiền họ sẽ trả lại cho má tôi, nếu vì lý do nào thua lỗ thì má tôi cho luôn, không đòi nợ họ. Và họ đều trở thành con cháu trong nhà, xem má tôi là bà ngoại bà nội của họ.

Ba má tôi giống như hai cây sồi to lớn che chở không biết bao nhiêu sinh vật quay về nương tựa. Trong đại gia đình ở xã An Định, chỉ có ba tôi là người duy nhất có nhà ở thành phố Bến Tre. Toàn tỉnh này thời đó, chỉ ở thị xã Bến Tre mới có trường tiểu học. Nhỏ nhất là lớp Năm vỡ lòng rồi đến lớp Năm biết chữ, lớp Tư, lớp Ba. Sau năm lớp Ba sẽ được thi bằng Sơ Học Certificat d’Etudes Elémentaires. Xong mới lên lớp Nhì Một (Cours Moyen Premiere Année) và lớp Nhì Hai (Cours Moyen deuxième année) rồi lớp Nhất. Cuối năm lớp Nhất sẽ được thi bằng cấp cao nhất tỉnh Bến Tre là Certificat d’Etudes Primaires. Mỗi khi tới mùa thi Certificat d’Etudes Primaires là thành phố Bến Tre bỗng vui nhộn vì rất đông học trò từ các huyện về thi Tốt Nghiệp Tiểu Học: học sinh từ Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri và Tân Thuận... đều về trường tỉnh mới được thi. Thi đậu xong mà muốn học lên Trung Học phải đi Mỹ Tho (Tiền Giang bây giờ) để dự cuộc thi tuyển, không phải người có tiền muốn đi học trung học là được.

Mỗi năm Collège de Mỹ Tho chỉ chọn hai trăm học trò cho cả ba tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho và Trà Vinh. Dân Bến Tre thường nổi tiếng chiếm sáu bảy vị trí đầu tiên vào Collège de Mỹ Tho. Các nhà khá giả hơn mới cho con lên Sài Gòn thi tuyển vào Collège Petrus Ký (cho nam học sinh) hay Gia Long (cho nữ học sinh). Học trường tiểu học cho tới lớp nhất là cao nhất, vì thế nên các con của bác Hai, bác Ba, bác Tư, bác Sáu, bác Chín và cô Út đều sang nhà của ba má tôi mà ở, ăn cơm và đi học tiểu học. Khi tôi 5 tuổi thì ba má tôi nuôi đến 22 “người con” vốn là các con của bác Hai, bác Ba, bác Tư, bác Sáu, bác Chín, cô Nhứt và có khi cả các con nhà chú nhà bác anh em họ của ba tôi nữa. Hai mươi hai miệng ăn toàn là con các chú cô của tôi nhưng nhà lại có thêm một cô bé lớn hơn tôi hai tuổi, chị Bê từ Huế vào. Dì Sáu tôi có chồng người Huế, dượng tôi là ông hoàng Ưng Lê thuộc phủ An Hiệp. Mỗi khi ngoài ấy có thiên tai, dì hay nhờ má tôi nuôi giúp vài trẻ nhỏ cha mẹ nghèo nuôi không nổi sau những trận lụt lội lớn và đói kém. Ba má tôi nuôi các cháu, cho ăn học và tới 18 tuổi thì cho phép các vị đó được trở về quê làm việc nuôi gia đình.

Khi tôi ba tuổi thì nhà đã có chị Bê, chị mới năm tuổi, được dì tôi gửi từ Huế vào. Má tôi cũng hứa khi được 18 tuổi sẽ cho chị về lại nuôi gia đình chị. Nuôi hai mươi hai miệng ăn không phải là chuyện dễ. Tới giờ ăn, đứa trẻ nào cũng ưa dành phần mình miếng thịt nướng hay phiến cá to và không bao giờ hài lòng với phần được chia. Vì thế chị Hai (cả) tôi phải chọn 22 miếng thịt hay 22 phiến cá, để thành vòng trên một chiếc mâm to, trước mỗi phần là một vài hạt cơm làm dấu. Chị đậy các phần lại bằng chiếc mâm thứ hai hay chiếc lồng bàn. Chị xoay mâm một vòng và dừng lại, các trẻ xúm nhau bốc một phần. Đôi khi miếng cơm làm dấu bên ngoài khá to mà miếng cá bên trong nhỏ xíu! Nhưng mà mình đã lỡ bắt thì phải chịu thôi.

Thanh quản của má

Má tôi hay làm thơ và ưa hát nên mấy anh chị em chúng tôi đều hát được. Sau này hai người con của má hay ca hát cho mọi người nghe là anh Sáu tôi và tôi, mặc dù chị Năm, chị Bảy và em Mười tôi cũng hát rất hay. Ngày xưa anh Năm yêu chị Năm cũng vì anh đàn guitare và chị Năm hát, anh Bảy yêu chị Bảy vì cũng đệm đàn và cùng nhau hát. Anh Bảy cũng rất nghệ sĩ, đàn và hát hay lắm, mà vì chiến tranh nên phải vào trường Võ Bị Đà Lạt và sau này chết ở chiến trường. Em Mười tôi cũng hát rất hay trong Ðoàn Sinh Viên Phật Tử và tôi nhớ nhiều cháu con của chị Ba tôi như Gaby, Danielle, con chị Bảy tôi là Thúy đều có giọng hát rất hay. Di thể ưa hát của má đã truyền đến anh Sáu tôi, biến thành những thanh quản kỳ diệu. Ca sĩ Cao Thái là anh thứ sáu của tôi đã làm bao nhiêu khán giả từ Âu sang Á say mê. Tôi thì không cho chuyện ca hát là quan trọng mặc dù miệng tôi lúc nào cũng ưa hát. Tôi ham làm một trăm việc khác, cũng từ những di thể từ bi của ba má và nội ngoại nên không bao giờ đi hát chuyên nghiệp như anh Sáu Cao Thái của tôi. Không ngờ trong mấy mươi năm gần đây, tôi theo Thầy đi dạy thiền quán, khi dạy về Niệm thân trong thân, tôi hướng dẫn thiền sinh nằm buông thư để phục hồi sự an bình và tôi khe khẽ hát. Tôi phổ nhạc những bài thơ của thầy Nhất Hạnh như bài Những Viên Ngọc Quý, Đây Là Tịnh Độ, Con Cá Dung Thông...

Tôi dựa theo các bản dân ca như Lý Con Sáo rồi tự sáng tác thêm lời thành Lý Ngồi Thiền, Cơn Giận Thành Hồ Sen để giúp người tu học. Các bài dân ca như Lý Giang Nam, Lý Đan Đệm đều được tôi viết lời mới và tự hát giúp thiên hạ nằm buông thư... Bài dân ca Qua Cầu Gió Bay được anh Chân Sinh đổi thành lời tu học cũng được tôi sử dụng để dạy cho thiền sinh Việt Nam, ai cũng thích... Une chanson Douce của Henri Salvador, nhạc Lullaby của Schwartz tặng con của Mozart, tôi đặt lời Pháp, Anh và Việt... Hàng ngàn thiền sinh Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hòa Lan và Việt Nam bỗng yêu thích giọng hát nhẹ nhàng của tôi vô cùng. Không định làm ca sĩ mà có thể đĩa hát của tôi được phổ biến hàng chục ngàn bản rồi, hơn đĩa của Ca Sĩ Cao Thái nhiều lắm. Tôi hay nói thầm: Má ơi, má có biết là những thanh quản của má lên đường đi rất xa không? Có những thanh thiếu niên Hòa Lan, Pháp, Hoa Kỳ và Đức, được mẹ đưa tới chào tôi: Vì sư cô đã ru cháu ngủ bốn năm nay rồi..! hay ba năm nay rồi..! Trước đó cháu bị chứng bệnh trầm cảm nặng, sư cô đã cứu cháu!

Nhiều người Đức, Hòa Lan, Hoa Kỳ cứ tới khóa tu của Sư Ông thì đi tìm tôi để cám ơn: Nhờ sự hướng dẫn Thiền Buông Thư của sư cô mà tôi hết bệnh mất ngủ. Mới hôm tháng 9 năm 2007, có ba vị nữ Phật tử Việt Nam đến Tu Viện Lộc Uyển xin chụp một tấm hình với sư cô Chân Không, vì “nhờ nghe bài Con Cá Dung Thông sư cô hát mà chúng con ăn chay trường luôn!” Tôi về Việt Nam 2005, ghé qua miền Bắc mấy ngày, có chia sẻ thiền buông thư. Không ngờ hai năm sau trở về tôi bỗng “nổi tiếng” không chờ đợi. Hôm Trai Đàn Chẩn Tế ở Chùa Non, mỗi lần tôi đi qua đám đông (ở các chùa khác như Đình Quán hay Bồ Đề cũng vậy) thì có tiếng xì xào: Sư Cô Chân Không đấy con, ra chào sư cô đi và sau đó vị đó nói Mẹ con ngủ được nhờ sư cô dạy”, hay là “Cháu nó cứ đòi đi gặp sư cô thôi vì nó yêu tiếng hát sư cô rồi, cháu nghe đĩa của sư cô hoài!”, hay “Ô kìa, sư cô Chân Không mẹ ơi, ra xin chụp một tấm ảnh với sư cô đi mẹ. Thì ra họ đã chuyền nhau băng CD tôi dạy Thiền Buông Thư! Hàng chục nghìn băng đĩa ấy đã từ Mỹ sang Âu Châu, Á Châu, Úc Châu... và tới tận những hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam. Thanh quản của má tôi đã đưa hai mẹ con tôi đi thật xa trong sự nghiệp giúp người buông xả, hướng về đường thánh thiện. Con cám ơn má. Cám ơn thanh quản của bà ngoại và má...

Má ơi, con muốn đi học

Có thể tôi có được cái di thể trí nhớ dai của ông ngoại nên năm mới lên ba, tôi đã thuộc lòng hết các bài tập đọc trong ba cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà các anh chị ruột và anh chị họ đi học về hay đọc to lên. Tôi chưa biết dù là một chữ a, b, c nào hết nhưng phải mở đúng trang đó tôi mới chịu đọc bài đó. Mỗi khi khách đến chơi, người lớn trong nhà hay “khoe”: Cháu mới ba tuổi mà đã biết đọc rồi. Mời cô dạy cháu đọc bài nào đi. Người khách mở trang nào tôi cũng nhận ra hình vẽ đó là của bài văn đó nên đọc vanh vách trọn bài khiến khách rất “nể”. Tôi cũng rất ưa đi học. Mới ba tuổi rưỡi vừa tập nói thì tôi đòi đi học: “Má ơi, con dài bằng cái gối dài này rồi, sao con chưa được đi học?”

Một bữa khác lượm được cái chổi lông gà để quét giường, (trong Nam gọi giường ngủ bằng gỗ là bộ ván hay bộ ngựa gồm ba hay bốn tấm gỗ to dài và dẹp. Gỗ bào rất láng, màu mun đen, kê trên hai “chân ngựa” dài ở hai đầu miếng gỗ. Có lẽ vì thế mà gọi là bộ ván vì gồm bốn tấm ván lớn, hay bộ ngựa vì kê trên hai đòn dài gọi là chân ngựa) tôi đứng so mình với cây chổi lông gà rồi phàn nàn là: “Con cao bằng cây chổi lông gà rồi mà chưa được đi học!” Trường tiểu học thời đó chỉ nhận trẻ em từ sáu tuổi. Từ khi tôi ba tuổi rưỡi đến bốn tuổi, người lớn trong nhà tôi cứ nghe tôi lải nhải đòi đi học và vì thấy tôi cũng thuộc hết cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư nên phải tìm những cô giáo mở lớp dạy học riêng tại nhà để gửi tôi đến “trường”. Lớp cô Hai Tài ở Phú Khương, cách nhà cả hơn một cây số. Thế là chị Bê được công tác vừa đi học, vừa đưa tôi tới lớp, hai chị em đi bộ. Lớp học đông và vui lắm, tôi hạnh phúc lắm. Nhưng nhìn qua nhìn lại, tôi tự thấy mình bé quá, không giống các anh chị học trò lớn ôm cặp to, áo quần lem luốc mực, trông thật “oai” như học trò thứ thiệt! Tôi cũng cẩn thận cắp sách đến trường mỗi ngày, cũng ôm bình mực tím có sợi giây đen tòng teng trên ngón tay mà chẳng ai thấy cả! Hôm ấy tôi “làm gan” cố ý tự đổ nhiều giọt mực trên áo, vài vết mực trên quần cho... giống học trò lớn! Tôi cũng biết trước là về nhà sẽ bị chị Hai khẻ tay nhưng không sao.

Chị Hai tôi như một bà mẹ nhỏ, chị chăm sóc tắm rửa cắt móng tay móng chân cho chúng tôi vì mẹ tôi có đông con quá mà còn dạy nữ công cho các thiếu nữ đến học nên ít giờ chăm sóc cho con. Chiều nào chị cũng tắm và bắt chúng tôi mang guốc cho sạch sẽ, nhưng tôi thì rất thoải mái khi đi chân không! Vì thế mà chiều nào cũng bị khẻ chân. Có lẽ tôi là người “ăn đòn” của chị Hai nhiều nhất vì áo quần thốc thếch. Em Mười, em út của tôi thật xinh, da mịn mềm, có nhiều áo lụa hoa đủ màu, lúc nào cũng sạch sẽ. Riêng tôi thì ngay cả sợi dây lưng quần cũng rơi đâu mất hoài nên tôi chỉ vận quần trái ổi cho mau! Ai cũng gọi em Mười là “cưng”, tôi cũng gọi em là cưng và cũng ưa hôn vào gò má mịn và thơm của em. Em ưa chơi búp bê, còn tôi thì không cần các thứ ấy. Lúc tản cư ở nhờ nhà cô dượng Hai trong vườn dừa và chuối, tôi lượm các trái dừa con, chơi cũng đủ vui.

Niềm vui bé nhỏ

Sau hơn một năm di tản về quê nội, gia đình tôi về lại nhà ở Bến Tre, tôi có niềm vui chọn một góc vườn nhỏ để gieo hạt các loại hoa trồng vào dịp Tết như bông vạn thọ, bông nở ngày, bông mồng gà, bông cúc và bông móng tay... Mỗi ngày tôi tưới nước và quán sát từng thời điểm các hạt vạn thọ nứtmầm, hạt cho hai lá con, rồi ba lá rồi bốn lá... Đây rồi, hôm nay là mồng bảy tháng Chạp, những cây vạn thọ con của tôi đã cao lên mười hai phân, rồi ba mươi phân. Lá xanh bụ bẫm... Tới 23 Tết, các nụ hoa to và xanh rờn hôm tuần trước nay đã ửng vàng, hứa hẹn sẽ cho những đóa vạn thọ vàng óng ả, sẽ nở đúng ngày 28, 29 hay 30 tháng Chạp. Có thể đem bán ra chợ hay trưng bày trên các bàn thờ. Đó, “công trình” đầu tiên của cô bé 7 tuổi ưa lêu lổng, không ưa làm thiếu nữ thùy mị. Hoa nở ngày, hoa mồng gà của tôi cũng làm đẹp vườn nhà. Nhưng ít ai để ý. Đó là niềm vui thầm lặng của tôi.

Mới 4 tuổi đã được đi học, nên khi vào tiểu học, lúc nào tôi cũng đứng đầu lớp và cũng làm bài giúp cho các bạn cùng lớp và... sẵn sàng nhận quà của họ: có khi là trái ổi, có khi là chuối nướng... Bây giờ đi tu, nhìn sâu, tôi thấy giống như đó cũng là một loại... “tham nhũng”!

Tập khí láu ăn, ở dơ và coi thường bề ngoài

Em Mười vì là “cưng” nên có quà người này người kia cho. Tôi thuyết phục suốt buổi, em Mười mới cho tôi cắn chút xíu chiếc bánh của Mười. Vì thế nên khi có bánh, tôi nhớ lại những lúc phải năn nỉ cô bé suốt thời gian năm bảy phút - thật dài! - chờ rất lâu (nhưng “quên” giây phút được Mười, cuối cùng thì cũng chia một miếng bánh nhỏ cho tôi) nên tôi không cho em ăn bánh của tôi mà còn kể tội... lia lịa và cuối cùng cũng không cho em miếng nào! Láu ăn, ở dơ, coi thường bề ngoài là tập khí có từ khi ấu thơ và… mãi đến bây giờ. Tu chánh niệm, tập nhìn sâu và quán sát từng tập khí, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận diện được tánh láu ăn biểu hiện vi tế qua những cái sáng mắt khất thực ngay món tàu hũ chiên ưng ý (chắc sợ người khác thỉnh trước mình!).

Ba mẹ tôi nuôi chín đứa con và cưu mang nhiều cháu quá nên không thể cho mỗi đứa nhiều hơn một xu làm quà sáng (khoảng năm 1943). Một xu thì chỉ mua được một củ khoai lang, khoai từ hoặc khoai môn thôi. Tôi nhìn các bạn đi học, được năm xu ăn bánh mì cặp xíu mại hay ăn tô hủ tiếu, tô bún bì mà tủi thân. Tôi phát nguyện là ngày sau lớn lên, làm việc có tiền, sẽ ăn bánh mì xíu mại và bún bì, hủ tiếu, sáng, trưa và chiều mỗi ngày, không thèm ăn cơm! Mỗi bữa đến trường, khi đến giờ ra chơi, thấy các bạn ăn bún bì, gỏi cuốn, bì cuốn... tôi cũng thèm có món gì mặn mà hơn là củ khoai lang nên nhất định gói theo thức ăn mặn vào lớp để ăn vào giờ đó. Mỗi khi nhà có ăn trứng luộc xắm nước mắm chấm bầu luộc, tôi chỉ ăn bầu chấm nước mắm và gói kỹ cái trứng luộc với chút muối tiêu, để dành đem vào trường học mà ăn vào giờ ra chơi. Tới giờ ra chơi, tôi đập chiếc trứng đã luộc, bóc vỏ trứng ra, tách từng lớp mỏng lòng trắng trứng, chấm vào muối tiêu và thưởng thức vị đậm đà của lòng trắng trứng với muối tiêu! Ôi là thiên đường! Sau năm bảy lớp lòng trắng trứng mỏng, người thưởng thức đã đi vào đến “mặt trời hồng ửng chín”, tức là lòng đỏ trứng - ôi, là ngon! Tôi tách từng phiến lòng đỏ trứng và bỏ vào miệng để cho nó tan vào lưỡi, ngon vô cùng. Sau này sang Tây Phương, tôi thấy các cháu Tây Phương không trân quý trứng, cứ tìm thịt cá mà ăn.

Tôi đã dạy các cháu cách ăn trứng có ý thức, nếm chầm chậm, từng lớp rồi từng lớp trứng. Các bạn tôi gọi đùa: Này các con, hôm nay chúng ta sẽ ăn trứng theo lối cô Phượng dạy nhé! Đó chỉ là một cách ăn chánh niệm. Nhưng từ năm 2006 khi đọc những báo cáo của Liên Hiệp Quốc về những hóa chất bốc lên từ phân thú vật của những nông trại chăn nuôi khổng lồ để làm ra thịt, sữa bò và trứng gà nuôi kỹ nghệ nên Thầy dạy các đệ tử của Thầy ở các trung tâm vốn không ăn thịt cá xưa nay, giờ cũng ngưng uống sữa bò và ăn yaourt sữa bò (thay vào là sữa và yaourt đậu nành rất ngon mà thanh), ngưng luôn ăn cheese (fromage) và trứng mà ai cũng khoẻ.

Tết của tuổi thơ

Dù đang chiến tranh, Tết của tuổi thơ tôi cũng có những ngày thật ngọt ngào. Tôi nhớ lắm những Tết ở quê nội. Sáng sớm tinh sương ngày mồng Một, các cô bé chú bé chúng tôi chạy ra sân, dùng chiếc gáo dừa nhỏ múc nước trong bể xi măng, súc miệng và cười ríu rít. Đất quê thơm lừng mùi rơm rạ. Vườn mai đã nở rộ ngoài sân, vàng rực. Bà nội cười hả hê vì hai tuần trước Nội đã cẩn thận trảy hết lá để hôm nay, mồng một Tết, mai nở kịp ngày. Chúng tôi chải răng cho nhanh để rồi còn vào mặc áo dài mới mà đi lạy và mừng tuổi ông nội bà nội trước nhất, rồi đến phần mừng tuổi các bác các cô, rồi mới mừng tuổi ba và má. Sáng sớm ông bà nội đã ngồi uống trà bên nhau. Ông mang một xâu tiền đồng, để khi con cháu đảnh lễ lạy mừng tuổi thì ông sẽ cho.

Chúng tôi chờ hai bác Hai tới. Bác Hai lên đèn trên bàn thờ Cố, chân đèn, lư hương bằng đồng sáng chói. Mấy tuần trước cả nhà đã nấu một nồi me và khế để chùi tất cả các lư hương, các chân đèn bằng đồng của năm chiếc bàn thờ trong phòng khách cho sáng choang. Chân đèn nào cũng có một chiếc đèn sáp đỏ to, tròn, cao, bóng láng, tuyệt sạch có ba chữ Phước, Lộc, Thọ. Bàn thờ nào cũng có cặp dưa hấu tròn có dán hai miếng chả đỏ có chữ Phước và Đức. Trên mỗi bàn thờ đều có chưng một cành mai sáng rực và một đĩa trái cây có đủ xoài, cam, quýt, vải, đu đủ.... Lên đèn, thắp nhang, khấn vái và lạy ông bà cố xong, hai bác Hai quay sang đảnh lễ nội. Bác Hai khóc vì thấy nội đã già, sợ không sống lâu với con cháu, nhưng khóc còn vì vui thấy hai nội còn được ăn Tết năm nay.

Kế đến hai bác Ba, bác Tư gái, hai bác Sáu, cô Bảy, hai bác Chín và ba má tôi (ba tôi là chú Mười con trai út của nội), cô Nhất là con gái út và tất cả các anh chị con các bác đều thay phiên đến mừng tuổi nội, rồi mới đến chúng tôi, đứa nào cũng rất hạnh phúc được nội cho một đồng xu sáng loáng. Bác Hai, rồi bác Ba lại ngồi lên bộ ngựa giữa nhà để chờ con cháu đến đảnh lễ và mừng tuổi. Người lớn thường cho người nhỏ tiền, còn người nhỏ thì chỉ cho người nhỏ hơn mình. Tôi là con áp út của người con trai út của nội tôi, nên túi của tôi, tha hồ mà đầy ắp tiền lì xì của ông bà cô bác ba má anh chị... Tôi chỉ phải ngồi lên cho em Mười mừng tuổi và lì xì cho em tôi một ít tiền của tôi thôi. Tiếng nô đùa ngoài sân của mấy người anh chị họ cùng tuổi như tôi khiến chúng tôi vui nức lòng, họ reo hò giữa những tiếng pháo lách tách... đùng, kéo chúng tôi chạy nhanh ra cổng. Vườn mai nhà nội rực sáng một rừng hoa. Và những giàn trầu màu xanh ửng vàng óng ả, những giàn trầu nhà nội, ôi quê hương tuổi nhỏ của tôi! Bây giờ, nhìn sâu tôi mới hiểu vì sao trong thời gian chiến tranh, lúc ấy tôi đã lớn, đã đi dạy học rồi mà mỗi lần đi cứu trợ hay đi đến đâu, khi nào mà nhìn thấy một vườn trầu là trái tim tôi mềm ra, thổn thức và cảm động.

Tới năm 12 tuổi tôi mới được thức khuya theo người lớn, ngồi canh nồi luộc bánh tét, bánh chưng thức đến 12 giờ khuya để chờ bánh chín và nghe người lớn kể chuyện Ma Vương và Bụt trong ngày Tết và để nghe tiếng gọi của đầu năm. Đó là tiếng gà gáy lúc mới rạng mồng một Tết hay tiếng chó sủa, tiếng nói cười... Mỗi âm thanh nghe trước nhất trong ngày đầu năm đều có ý nghĩa riêng của nó. Ví dụ người xông đất năm đầu tôi được thức khuya là chú tư Hiển. Thế là hiển vinh thế nào cũng đến với đại gia đình. Hôm qua là ngày 30 Tết, bữa cơm cúng ông bà ngày 30 Tết năm nào cũng thật thịnh soạn có dưa giá, dưa hành ăn với thịt heo kho với trứng, có nồi cá lóc kho, có canh khổ qua dồn chả, có dưa cải, dưa kiệu, dưa chua, có bánh tét, dưa món, xôi gấc, thịt luộc, chả tôm, có mắm thái, gỏi đu đủ rau thơm, dưa hấu... Tối lại còn đón ông Táo từ Trời về lại nữa, chúng tôi được ăn chè bông cau có nước dừa rất ngon của chị Nhứt con bác Hai. Còn hôm đưa ông Táo ngày 23 tháng Chạp thì ăn chè trôi nước của bác Chín gái. Về đây ăn Tết, người lớn ưa các món kể trên nhưng tôi chỉ “mê” món cơm cháy nhà nội. Khi con cháu về đông bác Sáu nấu cơm bằng chảo thật to. Xúc cơm ra còn miếng cơm cháy thật lớn, cơm cháy dòn to nguyên một lòng chảo 60 phân đường kính vừa mỏng vừa dòn.

Chị Ba Đổng chế vào dầu hành và rắc chút muối, chút đường, bẻ cho mỗi đứa một miếng, ăn vừa dòn vừa thơm! Mấy ngày trước Tết về quê nội chúng tôi có không biết bao nhiêu là cơ hội để quán sát. Gạo mới ngâm một đêm, đổ lên cối đá xay cho nhuyễn để làm bột bánh ít. Nếp mới, thơm, ngâm cả đêm, đậu xanh thơm mềm, hành phi dầu nêm muối tiêu bột nêm để làm nhân bánh tét, bánh chưng. Lá chuối xanh tươi mới chọn ngoài vườn, đem vào lau sạch để gói bánh chưng, bánh tét, bánh ít. Bánh nào cũng sẽ có một lớp diệp lục tố màu xanh phơn phớt trên nếp hay bột nếp mới.

Nhưng quê nội bị dội bom, nhà bác Chín, bác Tư, bác Sáu tức là nhà của nội và nhà bác Hai cũng đều cháy tiêu tan. Các chú bác bà con đều di cư ra tỉnh thành và tìm cách sinh sống ở phố chợ. Thiên đường tuổi thơ đã mất khi nhà nội bị dội bom. Đám tang bà nội linh đình bao nhiêu (vì lúc đó chưa có chiến tranh) thì khi ông nội mất, đám tang của ông tiêu điều bấy nhiêu. Khi ấy chúng tôi đang ở tỉnh lỵ Bến Tre không về An Định làm đám tang cho nội được vì chiến tranh đang hồi kịch liệt. Các bác Hai, Ba, Sáu và Chín lúc đó còn sống tại An Định cũng lo chu đáo cho ông nội tôi. Ba tôi rất đau buồn về điều ấy.

Chương 2: Hạt giống nhìn sâu

Con gái không được học cao, và người lớn được quyền đánh người nhỏ!

Chị Bê tuy lớn hơn tôi hai tuổi nhưng học yếu hơn bé Chín (là tôi) nhiều, bé Chín phải dạy kèm lại chị. Đến năm 18 tuổi chị Bê và anh Nhã, anh chàng hàng xóm nhà tôi yêu nhau và ba má tôi đã làm lễ vu quy cho chị, tặng chị nữ trang làm của hồi môn như là lo cho con gái của mình. Lên trung học, tôi may mắn được nhận vào trường Marie Curie và rời thành phố Bến Tre hiền lành lên Sài Gòn ở nhà người chị ruột là chị Ba. Noi gương ba mẹ, chị Ba và anh Ba đã cho tôi nương náu tại nhà anh chị để đi học mà ba má không phải trả đồng nào. Tôi may mắn được học lên trung học trong khi chị Cả là chị Hai của tôi - đảm đang và gương mẫu nhất trong gia đình, vốn là học sinh xuất sắc nhất lớp mà không được tiếp tục học lên trung học, tiếp tục con đường học vấn. Gia đình tôi và cả xã hội hồi đó bị ảnh hưởng Khổng giáo rất nặng. Hai điều mà Khổng giáo cho là “tiêu chuẩn mẫu mực” thì tôi đều không phục và bất tuân.

Tiêu chuẩn thứ nhất là: Phụ nữ phải tòng chồng, không cần học hành chữ nghĩa chi cho nhiều. Phụ nữ đi học vô ích. Đi học là để có nghề nuôi thân và nuôi con, phụ nữ chỉ học công dung ngôn hạnh thôi, tất cả việc còn lại thì để chồng lo và nuôi! Vì thế ba má tôi tính toán kỹ, với số lương của ba, chắc là chỉ đủ tiền cho hai người con trai đi học lên cao là anh Tư và anh Sáu thôi. Bảy người con gái chỉ nên học để biết viết, biết đọc, và làm toán, biết tính sổ sách cho gia đình, xong Certificat d’Etudes Primaires là đủ. Vì thế học xong tiểu học, tuy là chị Hai tôi đứng đầu lớp, ba má vẫn giữ chị ở nhà. Chị đã khóc rất nhiều nhưng cũng phải ở nhà thôi. Tiêu chuẩn Khổng giáo thứ hai là: Thượng áp hạ. Người sinh ra trước khôn ngoan hơn, người nhỏ phải tuân theo, không có quyền cãi lại. Tôi không tin đều đó là đúng. Bởi vì rõ ràng, chị Tám tôi, hơn tôi ba tuổi thật đấy, nhưng đâu có giỏi gì hơn tôi, có khi còn làm sai lầm lớn, bị má và chị Hai phạt nữa. Thế mà mỗi lần có sự bất đồng ý kiến giữa chị và tôi, chị đều nói: Em im miệng, thượng áp hạ, em phải nghe lời chị, không nghe chị đánh. Tôi nói: Chị nói sai, em mới đúng, em không im. Chị bảo: Em phải làm theo, hoặc là em im cái miệng của em lại, không nghe chị sẽ đánh. Tôi nói: Em đúng, em không làm theo chị, em không im. Thế là chị Tám tát vào mặt tôi một cái đau điếng, tôi không đánh lại nhưng tôi nói: Ỷ lớn ăn hiếp người nhỏ, em không phục, em không làm theo, em không im. Thế là chị tát vào mặt tôi thêm lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, lần thứ năm.

Tuy tôi không đánh lại nhưng lần nào tôi cũng nói: Không phục, không sợ, không im. Chị cứ đánh túi bụi, tôi không đánh trả, nhưng cứ nói một cách hùng tráng: Em không phục, không sợ, không im. Cho tới khi bị đánh đau quá, tôi chịu hết nổi, bỏ chạy vừa la lớn: Em không phục, không sợ, không im! Câu chuyện đến tai má và chị Hai. Ai cũng theo đúng tiêu chuẩn Thượng Áp Hạ nên tôi vẫn thua, nhưng trong lòng tôi không phục cái khuôn thước nào đó mà cả nhà tuân theo như khuôn vàng thước ngọc. Và tôi vẫn tin là mình có cái thấy sâu sắc, mình đi đúng đường. Rất nhiều lần tôi bị đánh như thế bởi vài người lớn khác, tuy không cãi lại nhưng tôi vẫn tin là mình đúng. Hai mươi năm sau, cả nhà mới biết là tôi đi đúng đường. Và cả đại gia đình đều thừa hưởng cái sâu sắc bao dung đẹp đẽ của con đường tôi đi. Chắc chắn là trước khi biểu hiện trong bụng má, tôi đã mang theo tàng thức của ông bà nhiều kiếp trước, có những tính khí khác tám người con khác của ba má. Chắc chắn là tôi nhận được rất nhiều hạt giống cách mạng và hạt giống tu học.

Nhìn sâu và tại sao?

Các chị khác như chị Ba, chị Năm, chị Bảy, chị Tám cũng không được ba má cho học lên trung học nhưng bù lại thì ba tôi cho các chị đi Sài Gòn, theo một trường tư nhân, học nói tiếng Pháp - chỉ sáu tháng thôi. Riêng tôi, được trường Marie Curie chấp nhận sau khi xem học bạ tốt bên trường Tiểu Học Bến Tre. Ở Trung Học Marie Curie, tôi đã luôn luôn là một trong năm người đứng đầu lớp. Mỗi tháng bà hiệu trưởng người Pháp mặc áo costume-tailleur thật sang trọng, đi giày cao gót cộp cộp thật oai vệ, theo sau là ông giám học và một vài phụ tá đem “tableau d’honneur” màu đỏ chói đến gọi tên năm học trò học giỏi nhất lớp lên nhận. Không tháng nào là tôi không có tableau d’honneur. Trường này không phải đóng tiền học như các trường tư thục khác và chỉ gồm những người con nhà giàu. Tôi cũng không có tiền túi ăn quà nhiều như các cô gái sang trọng kia, và đã đứng nhìn các cô gái nhà giàu ăn kem Eskimo - kem sữa trắng bọc một lớp sô cô la mỏng và dòn - 5 đồng một cây - xem họ như thuộc thế giới khác. Mỗi sáng tôi chỉ xin 2 đồng mua bánh mì cặp chả mà ăn. Mì nước, phở, hủ tiếu hay kem Eskimo giá đến 5 đồng mới có ăn. Tôi không muốn xài tiền của ba tôi nhiều hơn số tiền ăn sáng tối thiểu của một học trò nhà nghèo (như là mỗi sáng một củ khoai lang ngày xưa). Xa nhà, có dịp tiếp xúc nhiều và đủ tuổi để quán chiếu, nhìn sâu hơn, tôi đã bắt đầu manh nha trong tâm nhiều tư tưởng “cách mạng” từ lúc mười hai mười ba tuổi ấy. Vì tôi ở xa mà học giỏi nên ba tôi dặn chị Ba giữ một số tiền để tùy tôi sử dụng khi cần. Ba tôi tin tôi đủ tinh thần trách nhiệm sẽ không phí phạm, có thể sử dụng đúng mức những số tiền cần xài cho việc đi học trung học của tôi. Và tôi đã xứng đáng với niềm tin ấy, không bao giờ lấy tiền đó ăn sáng, mua bì bún hay hủ tiếu ăn như ngày xưa tôi đã từng ước mơ! Những giấc mơ ăn ngon đó tôi muốn cống hiến cho các em bé nhà nghèo, chưa bao giờ được ăn nguyên một đĩa mì, một tô hủ tiếu ngon, ở các hiệu ăn nổi tiếng mà các em chạy quanh tìm cách xin đánh giày để có tiền đem về cho mẹ.

Ba tôi thường đi Sài Gòn do sở Công Chánh đặc cử để mua xi măng, gạch ngói cho các công trình xây cất của sở cho tỉnh nhà. Mỗi lần từ Bến Tre lên Sài Gòn như thế, ba tôi hay ở lại đêm, sáng hôm sau mới về lại Bến Tre, tối đến ba tôi rủ cả nhà đi chơi. Những tối như thế ba tôi hay mời cả nhà đi ăn nhà hàng, ăn mì xào dòn hay xào mềm, mì nước, hoành thánh ở đường Nguyễn Tri Phương hay hủ tiếu Nam Vang ở Chợ Cũ... Có khi thì cả nhà kéo nhau đi ăn chả giò ở đường Chaigneau, ăn phở chín ở đường Turcq, phở tái ở số 79 đường Võ Tánh, khi thì ăn cơm gà luộc ở chợ An Đông... Sau đó ghé vào chơi ở Đại Thế Giới, có ngồi loại xe điện để trẻ con ngồi lái, chạy đụng nhau cho vui... Đi một vài lần cho ba vui nhưng tôi không cảm thấy thoải mái trong không khí ăn chơi đó. Trong cái đầu nhỏ bé của tôi, tôi thấy có cái gì bất công trong cách sống của mọi người. Tôi không muốn bị cuốn vào guồng máy đó. Những câu hỏi như: Tại sao tôi lại được đi học, có cơm ăn, có tiền xài trong khi nhiều em bé còn nhỏ đã bị đánh đập, bắt đi làm thuê, bán báo, đánh giày, ở đợ và không được đến trường? Có khi thiếu ăn quá, đói, các em phải ăn cắp, bị bắt và đi tù. Tại sao? Tại sao?

Kèm trẻ để có tiền tự túc

Tôi bắt đầu im lặng từ chối theo ba và các anh chị lớn đi ăn tiệm mỗi tối khi ba lên Sài Gòn, tôi viện cớ bận làm bài thi v.v.., nhưng thật ra tôi đã làm xong bài từ buổi trưa. Buổi chiều tôi tìm cách xin đi kèm trẻ về toán và văn để có thêm tiền túi. Tiền làm ra tôi mời các cháu đánh giày vào tiệm, đãi chúng ăn thỏa thích, một tô mì nước, một đĩa mì xào dòn có tôm, mực, thịt bò v.v... và dĩ nhiên, tôi cũng ngồi thưởng thức chung với các em các đĩa mì ước mơ bằng tiền tôi làm ra, bằng lao tác kèm trẻ. Mỗi em được đãi hai món mà em thích. Một hôm tôi có ý định đi thăm nhà các em, tôi hỏi: tại sao em không được đi học? - Tại mẹ em nghèo không đủ nuôi thân làm sao nuôi em và các em em. Ba em đâu? - Ba bỏ mẹ rồi v.v... Tại sao tôi thương được mấy bé này mà ba nó bỏ nó? Cái đầu của tôi có nhiều câu hỏi không được giải đáp. Tôi vẫn đi học - điểm khá cao - vẫn đi kèm trẻ để có tiền cho các em đánh giày đi ăn tiệm mà chưa tìm ra được giải pháp.

Những áng mây màu

Tôi đã đến tuổi mộng mơ. Mỗi lần nghỉ hè về quê, nhân dịp anh Bảy hay anh Năm đàn cho hai chị hát, có anh Phú ở gần nhà anh Năm, cũng hay đến nhà chơi. Có khi anh Phú rủ cả nhóm trẻ đạp xe đạp đi cùng khắp các vùng quê quanh thị xã. Tôi rất ưa những cuộc du ngoạn bằng xe đạp ấy. Anh Phú rất yêu tiếng hát của tôi vì anh đàn Mandoline thật tuyệt. Đợi khi không có ai đứng gần anh nói khẽ vào tai tôi: Tiếng Phượng hát mỏng như tơ, rung nhè nhẹ... thật dịu dàng, anh muốn được nghe Phượng hát suốt đời... Mỗi khi nhà có dịp họp mặt người trẻ thì lúc nào anh Phú cũng nhìn tôi tha thiết năn nỉ tôi hát. Một hôm anh viết thư cho tôi, xin tôi cho phép được thương tôi như người bạn đời, và muốn xin cha mẹ anh đi tới xin làm đám hỏi thôi, rồi khi nào tôi lớn hơn và học xong mới làm đám cưới. Trời! 16 tuổi mà đeo nhẫn hỏi... Sao lạ vậy? Tôi làm như chẳng nhận được thư và luống cuống tìm cách tránh mặt anh ấy luôn.

Trong nhóm bạn trẻ đến chơi nhà tôi vào mùa hè có Tuấn con bác sĩ Mãnh ở Bến Tre cũng thương tôi. Tuấn tuyên bố khiến nhiều bạn trẻ trong tỉnh đều biết là Tuấn thương tôi. Ngày nào chàng cũng tìm cách tới nhà, nói chuyện tầm phào và rủ tôi hát vì Tuấn đàn guitare espagnole hay lắm, nhưng tôi thì chỉ thích đạp xe đi chơi, nên Tuấn cũng phải đạp xe đi theo thôi. Tuấn, Phú, anh Rép, anh Nhứt, anh Nhì, chị Tám, em Mười và tôi… có khi đạp xe đạp đi vào một chùa quê xa tận Cầu Gò Đàn, có khi đi về phía bắc Hàm Luông về tận Mỏ Cày vào mỗi dịp hè, khi tôi về Bến Tre chơi hai tháng. Lên lại Sài Gòn, nhiều lần Tuấn tìm cách đến thăm tôi ở Sài Gòn nhưng tôi xin lỗi vì quá bận học và không tiếp. Sơn - Hoàng Xuân Sơn - em nuôi chị Tám, bạn anh Rép cũng hay tới chơi ở Sài Gòn. Sơn có viết nhiều bài thơ tặng tôi. Nhưng khi bước chân lên Sài Gòn, thì giờ của tôi là để học, để xứng đáng lòng tin cậy của ba má. Ham học và có nhiều ưu tư khác trong cuộc đời nên tôi tránh Sơn mãi, làm như chưa bao giờ nhận được bức thư nào của Sơn cả.

Hay tin quê nội đã bị bom đạn hoang tàn tôi thương nhớ và tập tành viết văn tiếng Việt, lúc này tôi học Marie Curie, nói tiếng Pháp cả ngày, nên thèm viết tiếng Việt. Mỗi tuần tôi viết một bức thư cho Hồ Hải Trân là để có dịp tả cảnh quê An Định của nội tôi cho các bạn người miền Bắc mới di cư vào Nam nghe. Hồ Hải Trân nhỏ hơn tôi hai tuổi, em họ của Yên và Thoại là bạn cùng lớp ở Marie Curie và xin làm em nuôi của tôi. Trân thương tôi như chị ruột. Hai chị em trao đổi thư từ bằng cách viết văn tả cảnh thật mượt mà đồng quê miền Nam và miền Bắc - tôi rất tiếc đánh mất những mẩu văn tả cảnh quê này, hình như hay lắm. Lúc này tôi bị ảnh hưởng văn của nhà văn Lưu Thị Hạnh, đọc bài văn mà nghe như có âm nhạc. Sau này khi liên lạc để giúp văn nghệ sĩ miền Bắc tôi mới biết Lưu Thị Hạnh là Hồ Dzếnh, nhà thơ làm những bài thơ lãng mạn như Chiều và những bài đượm tình quê hương như Người Con Gái Việt Nam, mặc dù ông là người Minh Hương - lai Trung Hoa. Tôi tả cho Hồ Hải Trân nghe cảnh sông nước An Định, nhánh bần gie trên sông, đom đóm đậu chớp chớp thâu đêm, tả những vườn dừa xanh um, những ruộng lúa vàng ươm, mặt trời lặn trên cánh đồng thơm mùi lúa chín.

Còn Trân thì tả cho tôi nghe con sông Thương nước chảy đôi dòng, sông Tô Lịch, sông Hồng. Mùa Hè có khi Trân về Bến Tre thăm tôi và ở chơi cuối tuần với một người bạn cùng tuổi tên Bùi Ngọc Đường, tôi cũng xem Đường như em. Không ngờ Đường làm ba chục trang thơ tặng tôi, vừa vẽ vừa viết và hay ôm đàn hát cho tôi bản nhạc: Em đến thăm anh một chiều mưa. Tôi vô tình chẳng để ý. Một hôm Yến, Thoại, Yên và Dung ở Marie Curie, cười phá lên khi đọc 30 trang thơ mà Bùi Ngọc Đường tặng tôi vì trong đó nói rõ Đường đã tương tư Như Kiều. Khi đọc 30 trang thơ đó, tôi tưởng cậu ta cũng “viết tiểu thuyết” theo lối hai chị em tôi và Trân viết cho nhau, tả Như Kiều ngọt ngào ngây thơ ra sao. Đầu trang lưu bút thì Đường chỉ biên: Bùi N. Đường thân tặng người chị thân thương NKCNP. Tôi bỏ vào một xó vì quả thực là không có thì giờ để mà đọc. Năm đó tôi thi Tú Tài và vì sắp rời trung học Marie Curie nên tôi trao tập Lưu Bút cho các bạn cùng trường viết lưu niệm. Vì thế nên các bạn mới khám phá ra điều ấy. Thoại cười lớn: NKCNP là Như Kiều Cao Ngọc Phượng! “Toi”(bồ) ngu quá! Tôi đem ra phàn nàn với Trân, em Hồ Hải Trân và tôi giận Đường quá, nghỉ chơi với Đường luôn.

Dì Sáu tôi đã ly dị với dượng tôi vì ông hoàng Ưng Lê có nhiều vợ lẽ, nhiều cô hầu quá. Dì dọn nhà về ở Nha Trang, nhưng mỗi khi vào Sài Gòn thì hay đi thăm chị chồng, bà công chúa Công Nữ Dung Thơ. Bà có ba người con trai, người nào cũng thích mấy chị em chúng tôi. Anh Tùng rất yêu chị Tám, nhưng chị Tám đã chọn anh Ngôn rồi và ba má chúng tôi đều thương quý anh Ngôn nên anh Tùng không cưới được chị Tám. Anh buồn lắm nhưng tôi không muốn giúp anh vì tôi cũng không thích anh Tùng; nghe nói anh thường đi tiệc tùng khiêu vũ luôn. Em trai anh Tùng là Khá. Khá rất hiền, rất tốt, rất hiếu đễ với mẹ. Trong khi các anh khác đi khiêu vũ hết party này đến party kia thì anh Khá sau khi đi học về, chỉ ở nhà với mẹ.

Từ khi quen tôi Khá ưa đem sách tới nhà tôi để tặng, hoặc cho tôi mượn sách hay. Khá không tỏ tình yêu tôi bằng lời mà chỉ bằng ánh mắt và cử chỉ. Ví dụ như biết tôi siêng học, Khá đã mua cho tôi tất cả những sách giải toán, lý và hóa và mỗi chiều thứ năm hay đến tận trường đón tôi cùng về nhà, rồi vào nhà của cậu tôi (tôi được cậu Bảy cưu mang cho ở miễn phí từ năm sắp thi Brevet d’Etudes du Second Cycle) để cùng làm bài giải toán. Khá ngồi cả buổi chiều giải chung những bài lý rồi hóa. Nếu làm không ra thì đem bài giải của sách ra mà xem. Chuyện học hành thì Khá đã ủng hộ tôi hết lòng. Khá còn đòi đi học Dược - dùm tôi - vì ba tôi rất mong có một người con làm dược sĩ mà tôi thì không thích học Dược chút nào. Nhưng Khá rất lơ là những ưu tư của tôi về những bất công xã hội, những câu hỏi đã xoay nhiều đêm nhiều ngày trong cái đầu bé nhỏ khá cứng của tôi. Tại sao? Tại sao mình được sinh ra như vầy, người kiabị sinh ra như kia v.v.. Mỗi chiều thứ năm, Khá đón tôi đi học về, có khi Khá rủ tôi đạp xe xa hơn, vòng quanh những con đường im mát, dưới những hàng me xanh sau trận mưa hè. Có khi Khá mời tôi ghé ăn một đĩa bánh nậm và bánh bột lọc ở một tiệm “các món ăn Huế’’ ở Tân Định. Sau đó mới đưa tôi về nhà, vào nhà làm toán chung, giải năm ba bài toán hay lý hay hóa rồi về. Chiều thứ bảy tôi lên xe lửa về Bến Tre thăm gia đình, Khá đưa tôi ra tận bến xe lửa để về quê.

Tuần thứ hai đưa tôi ra ga, anh chàng theo lên tàu hỏa luôn và đưa tôi về tận Mỹ Tho, đưa qua phà Rạch Miễu rồi mới trở về lại Sài Gòn. Chẳng bao giờ chúng tôi nói yêu nhau, nhưng cả hai nhà đều biết. Tình yêu rất trong sáng và lễ độ trong sự quý mến nhau. Thỉnh thoảng, sau khi đi thăm các trẻ em đường phố nghèo gần nhà Khá, tôi có ghé lại nhà Khá thăm mẹ của Khá - gọi theo chị Công Tôn Nữ Diệu Minh là chị con dì Sáu của tôi - xin uống miếng nước và… thăm Khá. Bà cụ mẹ chàng rất thương và nhất định bắt tôi ăn trưa với bà và Khá. Lần đầu tiên tôi quán sát các thức ăn truyền thống theo lối Huế. Món nào cũng có chút xíu thôi, rất khéo. Một mâm cơm có hai mẹ con mà đến sáu món: một đĩa rau thơm và ớt xanh, một đĩa tôm tươi kho rim mặn, măng xào thịt bò, một đĩa su xào, một đĩa gỏi xúc bánh tráng nướng và một tô canh cải nấu gừng... Đĩa tô nào cũng nhỏ xíu, mới gắp một đũa (theo lối Nam) là đã hết!

Khi học triết học với giáo sư triết, Madame Simon, bà cứ giảng sự tiến hóa của tư tưởng triết học Tây phương và cuối cùng chấm dứt bằng tư tưởng của Karl Max là hay nhất. Trong cái đầu nhỏ bé của tôi, tôi nghĩ: Chắc là thuyết Marxisme mới giải quyết được những cái thấy bất công mà tôi chưa nghĩ ra được lời giải. Tôi đem hỏi Khá nghĩ sao? Khá không tha thiết, không màng gì đến những ưu tư bất công xã hội của tôi. Sau này khi học Phật tôi mới biếtThương mà không Hiểu thì tình thương sẽ không bền. Khá yêu tôi nhưng suốt thời gian yêu chỉ chiều chuộng mà không thật sự hiểu tôi. Tình yêu đó không được nuôi dưỡng bằng lý tưởng thì cây tình yêu trước sau gì cũng sẽ chết. Vì lẽ đó mà cuối cùng thì chúng tôi cũng phải chia tay thôi. May mắn là chưa đi tới hôn nhân nên chưa phải làm khổ đến họ hàng và con cái. Tôi quán chiếu thấy rằng, Khá có đẹp trai thật, khá hiếu đễ và đang học dược để làm vui lòng ba tôi thật, mẹ Khá và cả gia đình cũng thương quý tôi thật, Khá chiều chuộng tôi hầu hết những gì vật chất mà tôi thích, nhưng Khá không ngó ngàng gì đến niềm thao thức của tôi thì tình yêu sẽ chết dần thôi. Sau này học Phật tôi được Bụt nhắc quán chiếu để thấy mọi sự mọi vật đều vô thường, đều đổi thay từng phút từng giây, thì tình yêu cũng vô thường cũng đổi thay. Nhưng có những cặp vợ chồng mà tình yêu họ đổi thay nhưng càng ngày càng sâu thêm, bền thêm, quý mến thêm. Nếu tình yêu không lớn thêm thì tình sẽ dừng lại rồi sẽ chết.

Gặp Thầy, gặp Bụt, tìm ra con đường

Năm đó tôi vừa đậu xong Tú Tài 2, tốt nghiệp Trung Học Marie Curie và chuẩn bị vào Đại Học. Vừa về tới Bến Tre, tôi hết sức ngượng khi nghe ba má báo tin đã đặt một con heo quay để đãi xóm giềng về cô Tú đầu tiên của gia đình họ Cao! Hôm đậu bằng Brevet Ba đã mua nguyên một con heo con quay rồi! Ba nói: Chuyến này con về Bến Tre, ba muốn con đi quy y với thầy Huyền Vi. Thầy giỏi lắm, không phải như mấy ông “thầy cúng” dưới quê mình đâu con. Hai thầy - thầy Huyền Vi và thầy gì đó, ba quên tên, tốt nghiệp Phật Học Đường Ấn Quang, giỏi vô cùng. Nhà mình đạo Phật mà không biết gì về Phật hết. Hồi này tôi chưa biết giáo lý của Phật nên chưa biết là ba tôi làm ngược lời Phật dạy: giết nguyên một con heo chỉ vì con gái mình đậu Tú Tài! Thời nay, người trẻ đậu tú tài rất đông, có gì lạ đâu, nhưng hồi thời của tôi thì trong tỉnh chỉ có mình tôi là con gái mà đậu tú tài! Nhà có xe hơi để đón tôi mỗi tuần từ phà Rạch Miễu về nhà nhưng ba tôi rất thích đi xe đạp, đạp đi đâu ba tôi cũng khoe: Con gái thứ chín của tôi mới đậu tú tài hai, sắp lên Đại Học! Ba nói với bác Đốc Trinh, bác sĩ Trần Quế Tử, cụ giáo Mạnh, cụ giáo Tròn, thầy giáo Dân, cô giáo Điềm, cô Lan... mời anh hay mời cô đến nhà chúng tôi mừng cho cháu! Tôi mắc cỡ chạy trốn mất ngày các cô bác tới ăn tiệc.

Tối nay cơm nước xong, mà cũng là ngày thứ bảy, có hai vị sư từ Phật Học Đường Ấn Quang về giảng đạo, ba muốn cả nhà cùng đi nghe. Ba má nói: “Thầy Huyền Vi là đệ nhứt giảng sư miền Nam đó con. Thầy chỉ mới nói vài câu là thiên hạ cười rộ, thích thầy lắm!” Tôi đến nghe và thấy thầy giảng cũng được được, hơn các ông thầy cúng ngày xưa nhiều. Cuối buổi giảng ba đem tôi lên giới thiệu con gái đỗ tú tài của ba với thầy! Tôi đặt vài câu hỏi về những ưu tư của tôi về bất công xã hội. Thầy Huyền Vi trả lời suông qua những điều Bụt dạy nhưng không làm tôi hài lòng, tôi hỏi tiếp những câu khác, thầy nói: Thầy bận, con đi vào hỏi ông thầy kia. Xem cách thầy chỉ “ông thầy kia” thì có vẻ như ông kia là “thị giả” của thầy để trả lời cho bọn con nít như tôi. “Ông kia” là thầy Thanh Từ, khoảng ba mươi lăm tuổi, dáng điệu khiêm cung, hiền lành, có vẻ “đàn em” của thầy Huyền Vi. Nhưng những câu hỏi hóc búa của tôi, thầy đều trả lời sâu sắc khiến tôi rất thán phục. Trời ơi, đạo Phật hay như vậy mà mình ngu quá, tưởng chỉ có Max, Hegel, Nietzche mới hay. Cái lạ là thầy Thanh Từ không hề biết triết học Tây Phương nhưng sự lão thông của thầy về Phật học đủ đánh ngã hết những triết thuyết Tây Phương.

Tôi bỗng thương Phật vô vàn. Tội nghiệp đức bổn sư Phật Thích Ca! Ngài bị các ông thầy cúng, chẳng biết gì giáo lý của Ngài, làm đại diện, cúng kiếng kiếm ăn, sống trên những đám ma chay... vợ con luộm thuộm chẳng diễn tả được gì phẩm hạnh của Ngài. Tôi phát bồ đề tâm từ hôm đó và muốn sống đẹp như Ngài dạy. Tôi muốn thọ năm giới với thầy Thanh Từ thôi - không chịu thọ với ai hết! Thầy cười từ bi nói: Con thọ giới với Phật chứ đâu phải với thầy. Nhưng con ráng học thêm giáo lý rồi hãy thọ năm giới. Hai thầy chỉ ở Bến Tre một tuần rồi đi giảng nơi khác. Tôi say mê suốt tuần cứ chạy theo thầy để hỏi đạo. Từ chuyện có Thượng Đế, có tạo hóa hay không. Chúa có tạo ra heo bò gà vịt cho mình ăn không? Tại sao người này ăn hiền ở lành mà vẫn bị chuyện rủi ro, người kia dữ dằn mà vẫn phây phây giàu có. Thầy giảng lão thông lý nhân quả, luân hồi nghiệp báo khiến tôi mê say. Về tới Sài Gòn tôi kéo Khá đi nghe thầy giảng, Khá thoái thác bảo bận.

Tôi ghi tên vào Đại Học Khoa Học, lớp Sciences Physiques, Chimiques et Naturelles (viết tắt SPCN) và đồng thời ghi luôn lớp MPC (Mathematiques, Physique et Chimie). Học MPC cứ làm toán, cứ cân tạ, thử sức vận tốc những lực centrifuge, centripede Physique và học Chimie thì cứ thí nghiệm những hóa chất..., tôi học cũng được nhưng không thích thú gì mấy. Đi bên Khoa Học Thiên Nhiên, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những núi đá, biết tuổi đá mấy trăm triệu năm thuộc Ere primaire, secondaire hay tertiaire rất là thích thú. Tôi được lội xuống biển xem san hô to như những lâu đài đủ màu sắc, tôi được vào rừng khám phá từng bụi cỏ từng lá cây, tiến trình của các sinh vật... thật mầu nhiệm. Cùng lúc ấy tôi cũng say mê đi tìm hiểu đạo Phật. Thầy Thanh Từ bận dạy ở Phật Học Đường

Lưỡng Xuyên Trà Vinh, xa quá tôi không đi được nhưng thầy Huyền Vi ở chùa Ấn Quang tại Sài Gòn. Tuy không thỏa đáng khi nghe thầy Huyền Vi và nhiều thầy khác giảng nhưng tôi vẫn không bỏ sót một buổi giảng nào của quý thầy tại chùa Ấn Quang mỗi tuần ít nhất là ba ngày: Thứ tư nghe thượng tọa Thiện Hoa giảng Đại Thừa Khởi Tín Luận, thứ sáu nghe thầy Huyền Vi giảng Phật pháp căn bản, vào Dược Sư nghe ké với Ni viện bài giảng của thượng tọa Từ Thông kinh Pháp Hoa. Thầy Từ Thông giảng tới đâu hay phác họa, vẽ hình trên bảng rất đẹp, đó là tiểu xảo, cũng vui vui. Chỉ có thầy Thiền Định và thầy Hộ Giác... là giảng yếu nhất, đã không sâu mà hai thầy dùng danh từ hơi... đời nên tôi không ưa đi nghe, nghe thầy Hộ Giác một lần ở chùa Kỳ Viên, thầy Thiền Định ba lần ở Chùa Ấn Quang nhưng sau tôi không đi nữa. “Ngã mạn ngầm” là điểm dở nhất của tôi. Sau một năm tính sổ tu học, tôi quyết định chỉ quy y với thầy Thanh Từ thôi, không quy y ai hết! Nhưng khổ nỗi, khi truyền giới thì luôn có ba thầy: thầy Huyền Vi, Thanh Từ và Thiện Tín.

Thầy Thiện Tín là thầy trú trì chùa Phật Quang ở Bến Tre quê tôi, thầy Thiện Tín đã mời hai vị đại giảng sư Huyền Vi và Thanh Từ về giảng. Thầy Thiện Tín hiền từ và khiêm cung nên tôi cũng rất trân quý hạnh của thầy. Trước khi quy y, tôi cứ hỏi Thầy Thanh Từ Diệu Không là sao? Sau này thầy tiết lộ là thầy định cho tôi tên Diệu Vân vì thầy thấy tôi ưa lo cho trẻ em nhà nghèo như đám mây lành che chở cho tụi nhỏ nhưng vì thầy biết tôi ưa tên Diệu Không nên cho luôn tên đó. Trong phái quy y Năm Giới của tôi có tên ba thầy Huyền Vi, Thanh Từ và Thiện Tín. Tôi có duyên may được đọc quyển Ánh Đạo Vàng, đời của Phật Thích Ca do anh Võ Đình Cường viết nên càng yêu quý Phật vô cùng. Những năm ở Đại Học là những năm tôi mê đạo Phật một cách cuồng tín! Ai nói đụng tới Phật là tôi ăn ngủ không yên, đem những thắc mắc đó đi hỏi từng thầy. Cuối cùng thì chỉ có mình thầy Thanh Từ là giải đáp thỏa đáng nhất những thắc mắc của tôi, mà thầy lại rất từ bi, không ăn thua đủ với mọi người như tôi. Cứ có giờ rảnh rang mà ngồi nói chuyện chân lý với các bạn Công giáo là tôi cãi say sưa với các anh chị bạn đó và... lúc nào thì tôi cũng thắng.

Các bạn Công giáo ở Việt Nam thời này cũng rất là kiêu ngạo. Họ nói đạo Chúa là đạo văn minh vì chính người Tây Phương văn minh mà cũng là đạo của họ. Nhưng mỗi lần bị tôi bắt bí thì họ nói: C’est le mystère de Dieu! (Đó là bí mật của Thượng Đế). Như là khi tôi hỏi: Nếu Chúa là Tạo Hóa, là Tình Yêu sao Chúa tạo ra những cơn bão tố, lụt lội, sóng thần, giết chết hàng chục ngàn người bên Bangladesh, Chúa tạo bệnh dịch hạch cho con người chết như rơm rạ bên Phi Châu, và toàn là những người nghèo khổ, v.v… Các bạn Công giáo nói đó là Chúa muốn thử, tôi không đồng ý cách giải thích đó. Sao Chúa không thử cái ông nhà giàu kia phây phây làm ác lại cứ thử những người lương thiện? Các bạn Công giáo đã kiêu ngạo khinh khi đạo Phật thì tôi cũng đã kiêu ngạo và khó chịu vô cùng với các bạn Công giáo. Chắc là điều này không phải là điều Phật và Chúa dạy cho chúng tôi. Chúng tôi (những người Phật tử lý thuyết và những người Thiên Chúa Giáo kiêu ngạo) mới theo đạo ngoài da!

Tu phước và tu huệ

Tôi đã hỏi thầy Thanh Từ rằng vì sao đạo Chúa là thiểu số mà họ có viện nuôi trẻ mồ côi còn đạo Phật thì không làm gì giúp người nghèo hết. Thầy Thanh Từ nói: Đạo Phật giúp người thêm từ bi và nếu mình có cháu mồ côi cha mẹ thì mình nuôi chứ không bỏ vào viện mồ côi. Tôi rất thích lối giải thích này nhưng vẫn thấy người Phật tử không xứng đáng lắm với kỳ vọng của đức Thích Ca. Tôi phát nguyện sẽ làm việc hết lòng giúp người nghèo khổ để xứng đáng với kỳ vọng của đức Từ Phụ. Tôi bắt đầu phát tâm xuất gia tu học để dành hết thì giờ sống theo lời Phật dạy. Chiều thứ năm đi chơi với Khá cũng vui, nhưng đi tu thì sướng hơn nhiều. Suốt ngày tôi chỉ làm việc Phật thôi! Tôi thuật hết cho thầy Thanh Từ nghe hoài vọng của tôi nghĩa là tôi muốn xuất gia tu học và chỉ để thì giờ lo cho người khổ như việc tôi đang làm ở các xóm nghèo thôi. Tôi trình để thầy rõ là ngay hồi chưa biết Phật mà tôi đã đem các cháu đánh giày, móc túi… đến trường bằng cách đi xin bạn bè, cô bác quen thân mỗi ngày dành cho tôi một nắm gạo, cuối tháng tôi đi thâu gạo và đem cho mỗi cháu 15 ký như là học bổng để ba mẹ cháu cho cháu đến trường. Tôi cũng đã đi lo làm giấy khai sinh cho các cháu thì trường mới nhận cháu vào lớp… Thầy cười thương hại nói: Con làm việc phước thiện nhiều quá. Đó là tu phước. Người theo Phật phải phát tâm tu huệ mới được.

Tu phước thì thế nào sau này cũng được tái sanh vào gia đình giàu có nhưng không giác ngộ thành Phật được. Phật là đấng tối cao duy nhất, Ngài đã nói: Ta là Phật đã thành và mọi người là Phật sẽ thành! Con phải theo gót Ngài để tu thành Phật. Thành Phật rồi con muốn độ bao nhiêu con mồ côi, giúp bao nhiêu trẻ nghèo đều được hết. Tôi đồng ý 100% và quyết chí chuẩn bị xuất gia để ráng tu thành Phật sau khi thi xong cử nhân! Tôi bắt đầu tới thăm các Ni viện vùng Sài Gòn Chợ Lớn. Ni sư Vĩnh Bửu là người Bến Tre thân cận với gia đình tôi nhiều. Ni sư cũng rất thương tôi nên mới khen tôi và nói: Con ráng tu cho giỏi thế nào kiếp sau cũng sẽ thành nam nhi. Thân phụ nữ nặng nề lắm con ơi. Đàn ông họ đâu có kinh nguyệt như mình, và cứ ráng tu đi, mươi mười lăm kiếp sau thế nào cũng thành Phật! Tôi hết sức ngạc nhiên. Tại sao phải thành nam nhi? Kinh nguyệt là tại vì mình là người nữ chuẩn bị làm mẹ mỗi tháng, không chịu làm mẹ thì thải chất dư đó ra thành kinh nguyệt, không chịu sinh đẻ thì đi tu làm mẹ tinh thần của các cháu cực khổ của các xóm nghèo, thân phụ nữ rất đẹp, có gì mà nặng nề, mà khổ đau? Tôi phải “méc” thầy Thanh Từ mới được, giải thích điệu này thì làm sao lý luận lại với các bạn Thiên Chúa giáo hay các bạn vô thần của tôi đây?

Khi tôi đem việc ni sư dạy, và hỏi thầy Thanh Từ nghĩ sao thì thầy chỉ cười hiền: “Bên các ni viện các sư cô nghiệp nặng lắm con à. Thầy cứ đến giải quyết hoài.” Cái đầu khá cứng của tôi không hài lòng với cách giải thích này nhưng vị thầy quý kính nhất của tôi đã nói như vậy thì tôi còn biết chia sẻ với ai? Nhìn sâu, tôi không hề thấy có nhu yếu kiếp sau thành con trai. Đối với tôi, con trai có nhiều người còn yếu đuối hơn tôi là con gái mà tính khí khá cang cường. Tôi tự kết luận, con trai hay con gái gì cũng như nhau. Tùy di thể của ông bà tổ tiên và tùy môi trường lớn lên mà mình như thế này hay như thế khác. Hai người anh hùng đầu tiên của Việt Nam đánh đuổi quân đô hộ Tàu là hai Bà Trưng, rồi cô thiếu nữ nhà họ Triệu đứng lên tập họp binh sĩ đi đánh giặc Tàu, đâu phải đàn ông ít nghiệp mới làm được việc, mới mau thành Phật hơn phụ nữ? Nếu nói tôi đi cứu giúp các em nghèo đói sống trên vỉa hè là để kiếp sau sẽ thành con gái nhà giàu thì tôi lại bực hơn nữa.

Tôi muốn thưa với thầy: Con giúp chúng nó vì chúng nó cần con. Thế thôi! Con không cần làm công chúa hay con nhà giàu gì hết. Tôi cũng muốn thưa với ni sư Vĩnh Bửu là con muốn đi tu và có nhiều khả năng như Phật để cứu người được nhiều hơn, nhưng con không cần làm con trai để hết nghiệp phụ nữ. Nhưng... tôi đã giữ năm giới rồi, đã là Diệu Không rồi… đâu có ăn nói ngang tàng với thầy bổn sư và ni sư lớn như vậy được? Tôi tự nhủ: Chắc mình phải lập một ni viện để chính mình tu thôi, sẽ rủ em Mười nè và vài bạn khác đi tu chơi. Lập một cư xá nuôi nữ sinh nhà ở xa đến ở trọ và mình sẽ cảm hóa các em bằng sự tu hành của mìnhmà thôi. Rồi thế nào cũng có các em đi theo mình xuất gia tu học. Tôi sẽ có nhiều chương trình rất hay cho các em nghèo đói. Ni sư Tịnh Nguyện, người Miền Bắc di cư vào Nam là người có chí khí lớn. Ni sư cất chùa xong làm thêm một số phòng để dành cho các thiếu nữ xa nhà có chỗ trọ. Nghe tôi đã xong cử nhân và đang làm giảng nghiệm viên tại Đại Học Khoa Học nên ni sư có ý nhờ tôi tới chơi với các em nữ sinh viên vì bên Thiên chúa giáo có cư xá Thanh Quan đã thu hút các em và đã kéo khá nhiều các em con nhà đạo Phật vào đạo Chúa rồi. Tôi có đến giúp đỡ ni sư và chơi với các em, nhưng chưa được mấy tháng làm việc với ni sư thì một hôm ni sư đi Huế về và khóc nghẹn ngào thuật chuyện tám em Gia Đình Phật Tử bị xe tăng chính quyền Ngô Đình Diệm cán nát đầu tại Đài Phát Thanh Huế hôm Phật Đản…

Chương 3: Con trai hay con gái đều đẹp ra

Xóm Mả Lạng sau rạp hát Quốc Thanh

Từ khi thấy con đường lý tưởng, tôi đã là người con gái hạnh phúc nhất đời. Tôi có nhiều sáng kiến đi vào những khu nghèo cực nhất của Sài Gòn: Xóm Mả Lạng - nghĩa địa cũ của Pháp - sau rạp hát Quốc Thanh, xóm Bàn Cờ, xóm Cầu Bông… Tôi rủ hết các bạn gái, bạn trai quen tôi đi xin mỗi nhà một nắm gạo trước khi họ nấu cơm ăn và mỗi hai tuần chúng tôi đi từng gia đình thu số gạo đã hứa, và chủ nhật họp nhau ở Chùa Xá Lợi rồi chia nhau đi chăm sóc trẻ con nhà nghèo từng xóm. Chúng tôi đổ hàng chục bao gạo nhỏ góp nhặt suốt hai tuần ra rồi chia đều cho hơn ba mươi phần như là học bổng cho hơn ba mươi trẻ em đường phố. Tôi dạy các bạn tôi nên ăn mặc nghèo nghèo khi đi vào các xóm để người ta không tính chuyện bóc lột mình. Phải hành xử như tôi khi bước vào xóm Mả Lạng lần đầu tiên. Lần đầu tiên tôi được biết xóm này là nhờ bắt được một chú bé sắp móc túi tôi, tôi nắm chặt tay em và thay vì đưa em cho Cảnh Sát tôi dịu dàng hỏi: “Sao em làm như vậy? Em có thể bị ở tù, bị đòn đau lắm và ghê lắm, em biết không?” Em nói nếu không đem tiền về em còn bị đòn nhiều hơn, và em bảo em ở trong xóm này đây. Hôm đó ba em không có nhà.

Ngày hôm sau, tôi mặc áo xấu hơn, khóa xe gắn máy để ngoài cổng và đi vào như một cô học sinh nghèo. Tôi vờ hỏi có ai biết nhà chú Tư Rô đạp xích lô ở đâu không? Tôi nói chú Tư Rô là chú của tôi, chú tôi nói là có nhà ở đây! Thế rồi tôi ngồi sà xuống trên ngôi mộ bằng phẳng 1,5mét x 2mét, trên đầu là một tấm bạt rách tươm. Một thiếu phụ khoảng ba mươi hai tuổi mà cô nói đã có hai con rồi, đang ngủ trưa, ngồi dậy tiếp tôi. Tôi hỏi thăm về ba các cháu thì cô nói ba nó bỏ tôi rồi. Tôi hỏi chị làm nghề gì nuôi thân thì chị nói “mượn hàng xóm để mua cơm ăn nhưng nợ này lãi rất cao, tôi hy vọng hôm nào ông ấy về thấy vợ con như thế thì cho tiền để tôi trả lại người ta! Tôi đề nghị chị đi bán bánh cuốn thì tôi sẽ tìm cách mượn vốn dùm chị. Tôi hỏi hai đứa nhỏ đâu thì chị nói thằng lớn đi bán báo và đánh giày, chị phải giữ con nên không đi làm được. Cháu nhỏ mới 3 tuổi. Thật ra chị đang ngủ trưa, đứa nhỏ đã bò xuống đất, đó là một con đường nhầy nhụa dơ không thể tưởng. Tất cả xóm này gồm hơn một trăm cái mả nằm san sát nhau, chia cách bởi một số đường đất nhầy nhụa nhớp nhúa, đầy rong rêu xanh. Để không bị nhớp chân, người ta thảy trên những đường nhỏ độ 80 cm bề ngang đó một vỏ xe hơi cũ, vài cục gạch chồng lên nhau để thiên hạ có thể bước lên trên đó mà đi. Vậy mà đứa bé vẫn chơi được với nước bùn nhớp nhúa ấy, chị vẫn tỉnh bơ và ôm đầu nói chị bị nhức đầu hoài không đi làm gì được, chị cũng than đau bụng. Tôi đề nghị chở chị đi bác sĩ ở bệnh viện Bình Dân sẽ không tốn tiền.

Được biết hai ba người thiếu phụ ở gần đó cũng có con còn nhỏ không đi làm việc được, tôi đề nghị một bà giữ bốn đứa nhỏ, để ba bà kia đi làm việc và cứ thay phiên nhau mà giữ con và đi làm. Tôi nói: “Chị nào không vốn em đi mượn giúp, nhưng nếu chị không trả là chết em, chắc họ sẽ “cạo” đầu em đó chị”. Thế là sáng sớm tôi đưa chị Ngọ đi bệnh viện Bình Dân, tìm bác sĩ trị bệnh và tìm thuốc cho chị ấy luôn. Chiều lại, tôi đi xe thổ mộ đưa hai chị đi chợ Cầu Ông Lãnh để sắm sửa gióng gánh, nồi nấu bún măng, chị kia thì mua sắm các thứ để bán bánh cuốn chả lụa. Chị thứ ba đã có sẵn nghề bán bánh cam. Sáng hôm sau tôi tới thật sớm để đưa chị Ngọ đi đếm bánh cuốn và lấy chả lụa do chính tay tôi bỏ tiền ra. Tôi không dám giao tiền cho chị, sợ chị ấy đánh bài hay xài mất. Chị Sang cũng thế, tôi đem chị đi chợ mua các thứ chị cần cho nồi măng vịt nấu gừng, xong tôi lại chở chị đi tận nơi lấy bún tươi. Khi hai chị lên đường bán bánh cuốn và bún măng thì tôi mới đi vào Đại Học.

Trong số hơn một ngàn sinh viên năm dự bị Cử Nhân SPCN cuối năm ấy, không hiểu sao mà tôi lại đậu được hạng nhì trong số chỉ có năm người thi đậu của SPCN năm đó, bởi vì mỗi ngày của tôi là của bé Sĩ, bé Tài… Tôi phải đi nộp đơn lo làm thế vì khai sinh cho các bé. Thì giờ của tôi là cho chị Ngọ, chị Sang, anh Tuất… trong xóm Mả sau rạp Quốc Thanh. Tôi còn nhớ nét mặt anh Tuất rất “anh chị” trong xóm này. Khi tôi vào thăm thì anh đang đánh bài với mấy người nữa, tôi nghe nói anh là ba của bé Tài, chú bé móc túi mà bị tôi chụp kịp tay khi mới thò tay vào giỏ xách của tôi. Tới nhà bé Tài, sau khi thuật mọi sự, tôi đề nghị anh Tuất nên đi bán cà rem để nuôi các cháu nhỏ, còn thằng Tài cho nó đi học thì tôi sẽ gắng xin 15 ký gạo hằng tháng cho nó. Anh nói không có tiền mua thùng cách nhiệt để giữ kem cho mát thì làm sao mà đi bán được. Tôi cũng biết nếu tôi đưa tiền thì anh sẽ đánh bạc tiếp thôi ! Tôi mời anh cùng đi xe thổ mộ vào tận Chợ Lớn mua được một cái thùng vuông to, đựng cả ba chục cây cà rem. Ngày hôm sau, tôi trở lại đưa anh đi đếm cà rem cây ở hãng kem Ngọc Lan và tự tay đặt tiền cọc cho anh. Nếu ngày đó bán hơn ba chục cây thì anh có thể trở lại trả tiền bớt và đếm thêm. Chiều cùng ngày tôi ghé lại chờ lấy bớt tiền lời bán bánh cuốn của chị Ngọ, bán bún măng của chị Sang và bán cà rem của anh Tuất - tôi nói là để trả nợ cho người cho mình mượn vốn mà không lấy lời. Tôi chỉ lấy 2 đồng trong số 37 đồng hay 41 đồng tiền lời của họ chiều hôm đó. Tôi cho mỗi người một cái ống con heo (piggy bank) nhỏ để bỏ một đồng vào ống tiết kiệm. 24 đồng để làm vốn ngày hôm sau đi đếm bánh cuốn và mua chả lụa, hay đếm cà rem, v.v… 10 đồng để mua thức ăn cho cả nhà.

Gieo hạt giống từ bi trong tàng thức những người chưa hề biết cách chia sẻ cho người thiếu

Sở dĩ tôi có tiền xài thoải mái trong việc cho mượn vốn này là vì mấy tháng nay tôi mới có sáng kiến, ngoài chuyện gõ cửa những nhà quen, xin mỗi ngày hai nắm gạo trước khi họ nấu cơm, xem tôi như chim chóc vét những hạt cơm sót trong nồi của họ. Sáng kiến mới là đề nghị các bác cho tôi thêm một đồng một tháng cho người nghèo. (Một đồng là ít lắm, chỉ đủ mua một khúc bánh mì không có gì bên trong). Bác Năm tôi chẳng khi nào cho ai một xu. Bác nổi tiếng xài tiền kỹ! Tôi quyết chí gieo hạt giống từ bi nơi bác nên bắt đầu bằng cách xin một nắm gạo mỗi bữa bác nấu cơm. Bác cho ngay. Bác là người chịu khó nắm từng nắm gạo trước khi nấu, không như chị Ba On rất rộng rãi và bận rộn. Chẳng khi nào chị nhớ nắm gạo, nhưng khi thấy tôi tới nhà thì chị đi ngay vào xúc luôn ba bốn lít gạo, đổ vô bịch đem cho tôi. Tôi xin bác Năm một đồng mỗi tháng, bác chê ít, định cho tôi tới 3 đồng! Tôi không chịu, tôi chỉ lấy một đồng thôi vì tôi muốn xin anh Ba, anh Năm, chị Sáu và anh Bảy con của bác, mỗi người làm phước cho người nghèo bằng cách cho tôi mỗi người, mỗi tháng một đồng thôi. Chị nấu ăn nghe thế cũng cho tôi một đồng, anh Ba, anh Năm, chị Sáu, anh Bảy đều hoan hỷ, cả các bà hàng xóm của Bác Năm nữa. Thế là rời nhà bác Năm tôi có 9 đồng nhưng là tiền của chín tấm lòng từ bi đang tập nghĩ đến những người thiếu thốn.

Cứ thế mà tôi xin, tất cả thành viên của mỗi gia đình đều cho tôi một đồng mỗi tháng, và khi tôi tới mỗi nhà thì tôi kể đủ thứ chuyện vui. Chuyện tôi tóm tay thằng bé Tài móc túi ra sao, bắt nó đưa tôi về ngôi nhà trên Mả Lạng sau rạp hát Quốc Thanh ra sao, rồi tôi rủ ba nó đi mua thùng bán cà rem ra sao. Cái cách tôi làm quen chị Ngọ, chị Sang, đề nghị họ giữ con dùm cho nhau, tôi giúp vốn và đưa họ đi chợ Cầu Muối mua thúng, nồi, thau rửa chén cho gánh bánh cuốn, gánh bún măng gừng ra sao. Ai cũng nghe say sưa và thích thú. Anh Năm Phó nói em Chín độ rày đẹp ra, dễ thương quá. Ai cũng khen tôi đẹp ra! Và có anh đại úy hải quân Thanh, bạn anh Năm hay tới nhà tôi ở, tặng tôi hải sản mỗi khi đi biển về… và một chậu hoa. Anh ấy ngồi hoài ở phòng khách nhà cậu Bảy, chẳng chịu về mà cũng không nói gì hết. Cậu Bảy thấy ông đại úy mặc quân phục đẹp quá đành phải ra tiếp khách hộ tôi vì tôi trốn trong bếp. Cuối cùng tôi phải lấy cớ đi đâu có việc anh ấy mới chịu về. Trung úy hải quân Phụng, bạn chị Diệu Minh và đại úy hải quân Thanh cứ tặng tôi hoa và hải sản như yến khô, yến sào đã vào lọ...

Tôi xin các anh đừng tặng quà nữa mà cho tôi xin mỗi tháng một đồng. Và tôi lại say sưa kể chuyện ngày Phật Đản tôi rủ các bạn sinh viên cùng trường đưa các em bé các xóm nghèo của chúng tôi đi Sở Thú (Zoo) thăm thú vật và mỗi em sẽ có một người chị, người anh dễ thương sẽ đưa em đi ăn cơm tiệm ra sao. Trung úy hải quân Võ Thành Công là người con trai rất thán phục lý tưởng đạo Bụt của tôi. Anh là trung úy hải quân, nhưng khi đơn vị anh đóng ở Nha Trang thì ngày giờ rảnh anh đã (theo gương tôi - anh nói vậy) đến chùa dạy học cho các chú tiểu ở Phật Học Viện Nha Trang và làm tất cả những công tác nào Chùa nhờ và anh đã “hồi hướng công đức cho tôi” nghĩa là anh ấy nói với quý thầy rằng, anh làm vì đã thương quý một cô Phật tử rất khiêm cung và sùng kính đức Thế Tôn - cô CNP. Các chú điệu ở Chùa Hải Đức đã báo cáo với tôi rằng trung úy nói nếu làm được gì cho đạo Phật và để cho tôi vui thì anh cũng sẽ làm hết. Anh tuyên bố với Phúc, cháu rể tôi và với rất nhiều người rằng… tôi là người đẹp lý tưởng nhất đời anh, và anh lạy Phật cho một ngày nào đó... anh được cái diễm phúc cưới tôi. Tôi đã cười buồn và tự nhủ rằng: Sẽ không bao giờ tôi còn can đảm nghĩ đến chuyện bó mình vào một gia đình bé nhỏ nữa. Tôi đã lặng lẽ chia tay với Khá rồi, với người con trai hiền lành, hiếu đễ, đã hiểu tôi khá nhiều về việc học hành, về việc tôi có hiếu với ba tôi, muốn thay tôi đi học Dược cho ba tôi vui… thì làm sao tôi có thể yêu ai được nữa? Một buổi chiều thứ năm trời đẹp,

Khá và tôi đã hẹn nhau từ tuần trước rằng Khá sẽ đưa tôi đi ăn một món Huế thật đặc biệt: Món dấm nuốc. Khá đợi tôi cả buổi chiều ở nhà cậu Bảy (nhà cậu ruột đã cho tôi ở nhờ) để cùng đi. Nhưng ngày hôm đó gặp chuyện quá cấp bách - tôi phải đi tìm nhà cho một cô bé lỡ có thai không dám về nhà sợ ô danh cha mẹ, cô này sắp tự tử thì có người báo tin và nhờ tôi giúp đỡ - tôi khuyên chị ráng chịu khó nuôi đứa bé sáu tháng nữa, tôi sẽ đem gạo tiền cho chị, rồi tôi sẽ tìm người nhận bé làm con nuôi khi chị sinh bé ra. Lo xong cho chị Tuyết, về tới nhà cậu, tôi mới nhớ ra là mình đã quên mất cái hẹn đi ăn dấm nuốc với Khá rồi! Mợ tôi nói Khá chờ tôi đến gần tối mới về. Tôi chỉ hối hận đã bắt Khá chờ mà không kịp báo tin sẽ vắng mặt - hồi đó nhà tư nhân chưa có điện thoại - nhưng tôi không hối hận mất buổi thưởng thức dấm nuốc, đặc sản Huế. Tuần sau, lại một chuyện cấp bách khác, tôi lại quên đến chỗ hẹn với Khá. Tuần sau nữa tôi đã ở nhà chờ Khá, nhưng chàng không còn tới thăm nữa. Hai đứa là bạn học, cùng giải chung những bài toán lý hóa, thương nhau hồi nào không hay, bốn năm, rồi chia tay lặng lẽ không một lời giã từ.

Tôi không tìm cách liên lạc lại hay xin lỗi Khá vì lỡ hẹn. Tôi đã trót dấn thân với lý tưởng từ bi rồi. Có mấy lần tôi trách Khá không chia sẻ những ưu tư của tôi về bất công xã hội, về tư tưởng cách mạng thâm sâu của Phật Thích Ca, không đi chùa học đạo với tôi. Khá cười buồn: “Anh tưởng là anh đã chiều Phượng nhiều lắm rồi chứ, ngày xưa mỗi lần gặp nhau, em đâu có bắt anh nghe những thứ đó!” Khá ơi, tình yêu như một cái cây, cây tình yêu mình tăng trưởng hay héo mòn là do thức ăn có đúng phân, đúng nước, đúng chất khoáng hay không. Cây sợ nắng mà mình để phơi ngoài nắng chói chang quá cây cũng chết. Cây ưa nắng mà mình cứ giữ mãi trong nhà thì cây cũng chết thôi. Tôi thương con đường của đức Thế Tôn đã làm đẹp cuộc đời cho bao nhiêu là thế hệ. Chàng không có hứng thú gì khi nghe những gíáo lý thâm diệu đó. Tôi làm sao chôn mình trở lại trong tình yêu nhỏ hẹp kia, chỉ đưa nhau đi dưới những hàng me xanh mát, ngồi nhìn nhau và chia nhau ăn chiếc bánh nậm, bánh bột lọc, để bên ngoài ai sống chết mặc ai?

Những áng mây màu trong đời tôi ơi, những người bạn hải quân thân mến, tôi đã giã từ cuộc sống lứa đôi nhỏ hẹp từ lâu rồi. Các bạn đến để làm chi cho buồn lòng nhau!

Chương 4: Khoa học và lý tưởng phụng sự người khổ

Như đã nói trên, không hiểu sao mà mùa hè năm 1959, trong số hơn 1.000 thí sinh SPCN mà chỉ có năm người thi đậu và tôi đứng hạng thứ hai.

Tôi may mắn có được di thể nhớ dai của ông ngoại nên chừng non hai tháng trước khi thi, tôi bắt đầu nghĩ là nếu mà tôi thi rớt chắc là ba tôi sẽ buồn lắm! Nhớ gương mặt hớn hở của ba tôi đi báo tin từ làng trên đến xóm dưới mỗi khi tôi giựt được một mảnh bằng, nên tôi phải lên kế hoạch gấp để học bài thi. Tuần thứ nhất tôi dò khoảng 1.000 trang những bài Sinh Động Vật Học, tuần thứ hai dò cũng từng ấy trang các bài Sinh Thực Vật Học, tuần thứ ba tôi lại vùi đầu trong một ngàn trang về Địa Chất Học và tuần thứ tư về lý và hóa học. Hai môn này thường có ít bài học nhưng phải làm nhiều lý giải. Tôi đâu có giờ ngồi làm lý giải và cũng không có Khá ngồi làm bài với tôi. Tuần thứ năm tôi ôn lại vừa Sinh Thực Vật vừa Sinh Động Vật lần thứ hai, tuần thứ sáu vừa Địa Chất vừa Hóa lần thứ hai, tuần thứ bảy tôi ôn lại tất cả các môn lần thứ ba và tuần thứ tám tất cả các môn lần thứ tư. Tôi say mê thiên nhiên nhất là những tuổi đá của địa chất, cách cấu trúc của từng loại đá nên nghe nói bài của tôi về địa chất trong kỳ thi đó được 19 trên 20 điểm. Nhờ thế tôi được là người cao điểm thứ hai. Cũng nhờ thế tôi được tuyển ngay vào làm trong phòng thí nghiệm Sinh Thực Vật sau mùa hè năm đó.

Khoa học thiên nhiên và đạo Phật

Song song với hạnh phúc sống trọn trong các xóm nghèo, tôi cũng hạnh phúc khi có dịp đi nghe thuyết pháp hay được nghe giảng Phật pháp nơi này nơi kia. Được làm phụ tá phòng thí nghiệm (chế nghiệm viên) Sinh Thực Vật, tôi được theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ đi cùng với sinh viên toàn ban Sinh Vật Học đi du khảo cây cỏ vùng Suối Lồ Ô, cây cỏ vùng đèo Chuối, Bảo Lộc, Di Linh, đèo Prenn, cả vùng Đà Lạt, đèo Ngoạn Mục, Phan Rang Phan Rí, Nha Trang, Đại Lãnh, Rừng Lá, Vũng Tàu... Đi nơi nào cũng là niềm vui lớn được nhìn sâu vào cây cỏ, sự tương tức, tồn vong, sinh thái của từng vùng. Giáo sư Hộ thích đưa tôi đi theo vì nhờ có trí nhớ tốt, tôi thuộc ngay các tên La Tinh, thuộc từng gia đình thực vật cây cỏ nào mà giáo sư đọc lên phân tách. Tôi cho vào “đĩa cứng” trong đầu tôi rồi sau đó tôi giải thích lại rành rọt cho các sinh viên, rất đỡ việc cho thầy Hộ. Nhưng song song với việc được đi học về cỏ cây hoa lá tôi còn có dịp đi thăm các chùa mỗi nơi tôi đến. Tại Đà Lạt tôi được gặp vị trú trì ngôi chùa Linh Sơn trên đỉnh đồi thành phố: thầy Mãn Giác. Khi thầy Mãn Giác mà cười trông thật vui mắt, vì toàn người thầy đều cười theo! Tôi đến để hỏi đạo nhưng thầy thì rất lười trả lời theo lối thầy Thanh Từ. Tôi hỏi về tự biến cộng biến. Thầy không trả lời mà đi vào mở tủ sách đem tặng cho tôi một bài báo của thầy Nhất Hạnh viết trong nguyệt san Liên Hoa xuất bản tại Đà Lạt và bảo: “Đọc xong, con sẽ có đủ câu trả lời hết trong ấy trong đó dĩ nhiên là có bài Tự Biến Cộng Biến”. Tôi lại hỏi về những từ ngữ khác của đạo Phật mà khi đọc sách Phật pháp tôi không hiểu. Ví dụ như chánh kiến khác với chánh tư duy ra sao? Thầy Mãn Giác lại cũng không trả lời mà đi vào lấy cho tôi thêm quyển Để Hiểu Đạo Phật của Phương Bối (sau này tôi mới biết cũng là của thầy Nhất Hạnh). Tôi chia sẻ những ưu tư của tôi về Thiên chúa, Cộng sản, Phật giáo... thầy lại đi tìm cho tôi quyển sách thứ ba: Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới của Thạc Đức (sau này tôi mới biết, lại cũng là thầy Nhất Hạnh). Tôi hơi chán cái ông thầy không trả lời cho mình mà chỉ tặng sách của người khác! Thầy hỏi và được biết tôi từ Bến Tre, thầy bèn cho tôi địa chỉ chị Thu Hà cũng là người Bến Tre và học kỹ sư ở Trường Nông Lâm Bảo Lộc.

Khi chào thầy ra về, tôi thấy vui vui vì sắp được làm quen với một người bạn đạo. Chị Thu Hà vốn là bạn học cùng lớp với chị Bảy tôi, hơn tôi đến sáu tuổi. Mấy chị của tôi có khi nào thích cái chuyện đi chùa tìm hiểu đạo của tôi đâu. Về Sài Gòn tôi liên lạc ngay với chị Hà và được chị báo tin là sắp có một lớp học giáo lý 10 tuần liên tiếp do thầy Nhất Hạnh dạy tại chùa Xá Lợi, dành riêng cho sinh viên các phân khoa. Chùa Xá Lợi rất gần nhà cậu Bảy của tôi mà tôi được cưu mang từ ba năm nay, vì lúc đó chị Ba của tôi giận anh Ba và đưa các cháu về Bến Tre nên tôi không thể ở một mình với anh Ba. Tượng Phật chùa Xá Lợi - hồi đó - là tượng Phật mà tôi thích nhất trong đời. Tượng đức Bổn Sư ngồi thật yên, chiếm hết cả bức tường trên chánh điện, bằng thạch cao màu da người. Không phải là những tượng Phật mặt sơn trắng, môi sơn son đỏ, áo sơn màu vàng ròng, ngồi trên hoa sen cũng bằng vàng màu mè quá sặc sỡ, không tỏa rạng sự bình an. Tới chùa Xá Lợi, tôi chỉ không thích các sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử tại đây, rất ồn ào, thổi tu huýt hoét hoét như cảnh sát la các bà bán hàng rong, nhiều người tuổi đã lớn mà nắm tay chạy quanh, quây một vòng, nhảy mà chơi. Nhưng chúng tôi cũng nhờ chùa này mà họp bạn bảo trợ các xóm nghèo, đổ gạo xin được từng bao nhỏ ra, đong lại thành bao 15 ký để phân phát học bổng cho các em đường phố có dịp cắp sách đến trường.

Bài thuyết pháp rúng động tâm can

Sáng chủ nhật ngày 15 tháng 11 năm 1959, tôi đến chùa Xá Lợi dự lớp học đầu tiên với thầy Nhất Hạnh trong giảng đường nhỏ bên hông phải giảng đường lớn chùa này. Nghe chị Thu Hà nói thầy này giỏi lắm, rất nhiều sinh viên thích đi học với thầy nên tôi rủ được hai người sinh viên bạn là Đái Thị Minh và Võ thị Cưu cùng đến nghe thầy giảng. Cưu là bạn hàng xóm cùng tỉnh Bến Tre với tôi, từ khi Cưu lên Sài Gòn học Đại Học Văn Khoa, Cưu không còn dùng tên Võ thị Cưu nữa mà lấy tên lại là Võ Thư Cưu trích từ một bài thơ cổ: Quan quan thư cưu, tại hà chi chu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu... Thầy này sẽ giảng hay hay không, đối với tôi không quan trọng, vì tôi đã có thầy hay là thầy Thanh Từ rồi. Nhưng thầy tôi ở tận Trà Vinh. Tôi muốn cho các cô bạn vô thần của tôi là Minh và Cưu có dịp yêu đạo Phật.

Suốt trọn buổi giảng của thầy Nhất Hạnh, tôi cứ bồi hồi cảm động, chưa bao giờ tôi nghe một giảng sư Phật học nào mà nói về Phật pháp một cách thâm sâu như vậy, như đi vào tận chiều sâu nhất của tâm. Tôi nghe mà rúng động cả tâm can. Trời ơi, sao Phật có thể hay như thế, những điều Phật dạy đi vào thực tế gần gũi thế sao? Vậy mà lâu nay tôi chỉ nghe giảng được một loại đạo Phật quá lý thuyết. Tôi liếc nhìn Cưu và Minh. Hai cô cũng gục gật đầu thích thú. Nhưng hình như họ không có tàng thức tu học như của tôi nên tuy gật đầu thích thú, tuần sau Minh và Cưu bận học nên chẳng bao giờ trở lại học với thầy nữa. Còn thầy giảng sư thì cứ tưởng tôi tên là Võ Thư Cưu vì sau buổi giảng thầy có dạy mỗi người sinh viên ghi tên họ và vài hàng về phân khoa mình đang theo học và trao hết để thầy biết về người đến học khóa này. Tôi quá cảm động về bài giảng của thầy, nên về nhà có ngồi viết lại từ những ghi chú của mình, thành một bài Phật pháp hẳn hoi.

Tôi vẫn làm như thế mỗi khi nghe một bài giảng quá hay của thầy Thanh Từ và có khi thầy sử dụng bài tôi viết để đăng báo Từ Quang, xem như của thầy viết. Chủ nhật tuần sau, tôi đến sớm, trước giờ giảng, tôi có lên thưa với thầy Nhất Hạnh là bài thầy giảng tuần qua quá hay, con có viết lại, thành một bài giảng và nếu thầy thích con xin trình để thầy chữa lại và sử dụng tùy nghi. Thầy nhìn tôi gật đầu, và quay sang nói chuyện với anh Võ Đình Cường. Suốt buổi giảng và sau buổi giảng, không nghe thầy nói gì về bài tôi viết nên tôi nghĩ rằng thầy chẳng cần, nên bỏ qua. Sau này tôi mới biết thầy đã là nhà văn viết bao nhiêu cuốn sách rồi, quả thực là tôi như người “điếc không sợ súng”. Ba tuần sau, một hôm trong phòng giảng nhỏ bên hông giảng đường to chùa Xá Lợi, tôi đang ngồi dò bài Sinh Thực Vật trong khi chờ đến giờ thầy giảng, thầy đã đến gần tôi và nhỏ nhẹ hỏi: Bài con viết và hứa đưa cho thầy đâu? Tôi giật mình cười tươi: A, dạ thưa... để con đem trình thầy tuần sau, con tưởng thầy không thích. Sau giờ giảng thầy bảo chị Thu Hà đưa các bạn tới giới thiệu thầy. Chị Hà giới thiệu: Dạ đây là Phượng, thầy hơi ngạc nhiên, sau này thầy có nói là trong lòng thầy cứ đinh ninh tôi là Võ Thư Cưu. Tôi có một lời cầu xin: Bạch thầy, bạn con tại đại học Khoa Học, toàn là người vô thần hay đạo Thiên Chúa. Họ nhìn đạo Phật rất cạn, con mong thầy cho chúng con được gặp sau mùa thi, vì mùa này chúng con phải học thi. Con xin gặp thầy vào thứ bảy cuối tháng ba, khi chúng con đã thi xong rồi mà chưa đi nghỉ hè, tại chùa này, được không bạch thầy? Thầy gật đầu. Tôi không bỏ sót một buổi giảng nào của thầy nhưng giảng xong là tôi chạy nhanh về để học thi, để lo việc của xóm nghèo của tôi. Tôi phải thi đậu để ba tôi vui lòng và tôi phải theo dõi sự làm ăn lương thiện của các bạn có khuynh hướng cờ bạc nhậu nhẹt ở xóm nghèo Quốc Thanh, vì thế ngày nào tôi cũng ghé qua xóm, hỏi thăm các bạn buôn bán ra sao và đi thu tiền “nợ” một hay hai đồng mỗi ngày để các bà con không ỷ lại. Tiền này, tôi đã dùng cho người khác làm vốn buôn bán hàng rong nho nhỏ, hay trả lại cho họ khi họ thua lỗ. Bây giờ khi nghĩ lại tôi cũng vui, đúng là tôi đã tiếp nối sự nghiệp giúp đất cho những người tá điền của ba tôi. Tôi đã phụng sự đồng bào như nội tôi căn dặn.

Gặp vị thầy mong đợi

Cuối tháng ba 1960, thi đậu xong chứng chỉ Sinh Thực Vật, tôi đưa các bạn Duy, Tân Anh, Minh, Georgette, Đào… tới gặp thầy Nhất Hạnh ở Xá Lợi (Tôi nghĩ đơn giản, thầy thì phải ở chùa này vì mình học thầy ở đây, mới chấm dứt khóa học mười buổi chủ nhật vào đầu tháng hai dương lịch thì nay là cuối tháng ba thầy ở đây chứ đâu nữa?) Tôi tới trước hỏi thăm thì thiên hạ ở chùa cho biết thầy Nhất Hạnh đâu có ở đây. Hiện tại chỉ có thầy Thiện Châu cũng là giảng sư nổi tiếng miền Trung đang ở chùa Xá Lợi lúc này. Tôi đành lấy hẹn để đưa các bạn vào hỏi đạo. Thầy Thiện Châu giảng cũng hấp dẫn như thầy Huyền Vi, nhưng không sâu như thầy Nhất Hạnh. Thầy Thiện Châu trả lời cho các bạn của tôi cũng tàm tạm. Thôi kệ, có còn hơn không. Tháng Bảy tôi được tin thầy Thanh Từ sắp lên Sài Gòn khám bệnh, tôi vào thăm thầy ở chùa Ấn Quang. Đi ngang phòng tổ, tôi gặp được thầy Nhất Hạnh, tôi đến xá thầy và cũng để trách thầy đã không giữ lời hứa sẽ gặp tôi và các bạn tại Chùa Xá Lợi sau khi chúng tôi thi xong. Thầy giương mắt ngạc nhiên vì quên hẳn. Rồi thầy bảo tôi ghi địa chỉ thường trú của thầy là Phương Bối Am ở Bảo Lộc. Am ở trong rừng, thư không đưa tới nên phải gửi qua thầy Thanh Tuệ ở trường Bồ Đề Bảo Lộc. Thầy cũng bảo tôi cho thầy địa chỉ. Tôi giữ địa chỉ của thầy nhưng chẳng có bao nhiêu giờ để viết cho thầy. Sau khi tôi thi đậu Chứng Chỉ Sinh Thực Vật Học, giáo sư Phạm Hoàng Hộ khuyến khích tôi nên nghiên cứu ngay một công trình khảo cứu về rong nước ngọt. Trường đại học cho tôi số tiền hằng tháng, không phải để làm nhân viên sáng đi tối về mà để cho tiện việc tôi khảo cứu về khoa học. Giáo sư Hộ chuyên môn về rong biển và Việt Nam hiện nay đang thiếu chuyên môn về rong nước ngọt. Giáo sư sẵn sàng làm thầy bảo trợ và hướng dẫn cho tôi về công trình khảo cứu này. Tôi dạ dạ cho giáo sư Hộ vui nhưng tâm tôi đang ở xóm Mả Lạng Quốc Thanh và tôi cũng đang dành dụm tiền để lập một ni viện riêng cho chính mình sau khi thi xong cử nhân (cho ba tôi vui lòng). Xong cử nhân là tôi sẽ cạo đầu làm sư cô và giúp người đói khổ! Quê ơi là quê, tôi dốt nát về lễ nghi đạo Phật nên nghĩ thật đơn giản là muốn làm ni cô thì cứ tự cạo đầu là được!

Phước và Huệ hai sự thực tập cần thiết trên đường tu

Bỗng một hôm vào khoảng tháng Mười có một bức thư gửi cho tôi, nét chữ thật đặc biệt, tôi chưa từng thấy ai có nét chữ thanh tú và lạ lẫm rất đặc biệt như thế. Người gửi: Thầy, Phương Bối Am, Bảo Lộc. Tôi mở ra, trong thư chỉ có vài dòng ngắn ngủi: “Con, trời Phương Bối Am trên núi này đã trở lạnh, thầy đang bửa ci để nấu nước và nấu ăn. Đốt củi ướt có khá nhiều khói, nhưng rất dễ chịu khi bên trong am, lửa nổ lách tách và bên ngoài gió hú từng hồi.” Tôi cảm động và hối hận... Thầy đã dạy viết thư cho thầy mà tôi đã không viết gì hết, lại để cho thầy phải tự viết cho mình! Tôi bèn biên một thư thật dài trút hết ruột gan mà tôi “ấm ức” bấy lâu nay. Tôi thuật những chuyện tôi làm cho trẻ em đường phố, tôi tìm công ăn việc làm cho cô bác ở xóm Mả Lạng Quốc Thanh, tôi viết: Con thấy có cái gì bất công trong việc con có cơm ăn áo mặc, mà các đứa trẻ vô tội kia lại bị cái nghiệp quả gì mà khổ sở như kia. Giải thích về nghiệp báo cũng là một cách giải thích thôi, nhưng con phải làm ngay một việc gì cho các em đỡ khổ thì trái tim con mới bình an được. Nhiều thầy nhiều ni sư nói nếu con đi làm việc cứu kẻ sa cơ hoạn nạn là chỉ tu phước thôi. Không tu huệ, không thành Phật được. Con thì cảm thấy ngược lại, những điều kia, càng làm chuyện hữu ích nào cho ai thì con thấy mình gần Phật hơn và có bình an hơn. Con không cần tu phước tu huệ gì hết. Sự khổ đau vật chất và tinh thần của đồng bào con ở xóm lao động kia là có thật, con chỉ muốn chia sớt gánh nặng cho họ. Con không cần kiếp sau được sinh ra làm con gái nhà giàu, không cần làm công chúa giàu sang kiếp sau... Con không có thì giờ viết cho thầy chỉ để thăm hỏi. Con rất cần gặp thầy để hỏi vì sao Phật thì giỏi như vậy mà con Phật chẳng làm gì hết ?

Thầy đã trả lời thật dễ thương cho tôi, nói rằng: “Cái nhìn mà chia ra tu phước khác với tu huệ là còn nhị nguyên. Con cứ làm việc mà con ưu tư thao thức nhất. Con làm việc với tất cả tâm con trong chánh niệm, con sẽ luyện được định tâm trong từng hành động, có niệm có định rồi thì cái thấy sâu sắc sẽ xuất hiện, đó là bước đầu của tuệ giác, của giác ngộ. Ngày xưa có một vị tu sĩ chỉ phát nguyện vá lại hết những áo cũ của các bạn tu, nhưng thầy vừa vá áo vừa định tâm trong khi vá áo, không để tâm suy nghĩ thất tán trong khi vá cho tới một ngày, khi tâm định của thầy thật lớn thì thầy đã ngộ ra những công án sâu sắc mà thầy dày công tìm kiếm mà chưa tìm ra khi ngồi thiền. Và cứ thế thầy đạt được đến đại ngộ khi vá liên tiếp sáu mũi kim.’’

Ðược thầy soi sáng như thế tôi quá hạnh phúc, đây đúng là công án để tôi tu tập suy gẫm và hành trì suốt đời. Tôi suy gẫm thêm: Phước và huệ không thể tách rời, khi ta làm việc gì rất đẹp rất lành, sẽ có nhiều năng lượng lành bao trùm lấy người hành giả đó. Ta tạm gọi là làm phước, là có phước. Cái năng lượng đó tuy mắt không thấy nhưng đó là một loại năng lượng vô hình có thể che chở cho người đó trong những khi nguy biến. Nhưng nếu làm việc đó mà rất định tâm khi làm, nhờ định tâm nên nhìn sâu thấy kỹ, thật ý tứ, thấy thật rốt ráo từng hành động, làm như mình là tay mặt cần phải đến với người kia là tay trái để kéo tay trái ra khỏi tình huống khó khăn mà không cần tay trái phải cám ơn tay mặt! Vì có người khổ và mình đang ở trong thế giúp được thì cứ làm, không vì lợi, vì danh, không vì sẽ được phước báo chi hết, làm việc với tình thương, làm thật rốt ráo như làm cho chính mình, như tay mặt lo cho tay trái. Khi hành động, nhờ có định tâm nên thấy rất rõ nguyên nhân và hậu quả của hành động này, nên không để cho ai lợi dụng. Hành động có tình thương, có từ, có bi, có hỷ và có xả thì người hành giả cũng đang trau dồi huệ. Chúng ta chỉ cần làm những việc gì ta ưa thích nhất, ta có thể dần dần đi đến giác ngộ trên con đường hành động đó nếu ta luôn luôn nuôi dưỡng định trong từng hành động. Khi làm việc đó mình nên nhìn sâu để tự hỏi “hành động này có đủ từ bi không? có đủ hỷ và xả không? Hành động vì việc làm đó và vì lý tưởng làm lợi lạc cho người khác đó hay vì danh và vì lợi cho chính mình? Quán chiếu như vậy suốt ngày trong mọi công tác, mọi lời nói và mọi tư duy thì chúng ta vừa tu phước mà cũng vừa tu huệ.

Sau này tôi khám phá ra trong chúng tu học mà tôi được gần gũi, có người dù đã cạo đầu làm người xuất gia nhưng cách làm việc không có niệm và có định thì đó cũng chỉ là tu phước thôi, cũng nấu được mấy món chay đãi ba bốn trăm người đến tu học nhưng vừa nấu mà vừa trách người này làm không hay, bực người kia xắt miếng cà rốt quá dày… Tuy có thức ăn cho người ta thì chắc chắn là có phước nhưng vừa nấu vừa trách người này chê người kia thì không có tuệ. Nhưng nếu vừa nấu mà vừa chú tâm khi xắt gọt, quyết tâm đem tài khéo léo của mình học được mà làm cho món ăn ngon; vừa hạnh phúc vì được có thì giờ nấu cúng dường đại chúng, suốt buổi nấu ăn giữ tâm định trong từng hành động thì công phu của định càng lớn và cô ấy vừa tu phước mà cũng tu huệ. Vì làm xong ba nồi thức ăn to đãi khách (phước) mà cũng nuôi dưỡng được ba bốn giờ trong định tâm.

Trong nhiều tu viện Phật Giáo và ngay cả trong tu viện Làng Mai cũng có người chỉ tu phước và cũng có người vừa tu phước vừa tu huệ. Ví dụ một sư cô hay một sư chú chỉ mong làm sao cho được nhiều việc nhất cho chúng, nào nấu ăn, quét nhà, làm vườn, rửa dọn, làm thật nhanh cho mau, cho được việc nhưng khi làm không có niệm (tâm KHÔNG an trú trong phút giây làm việc ấy vì mong làm cho mau để làm tiếp việc khác...) Như thế thì dù đang ở chùa, sư cô hay sư chú ấy cũng chỉ tu phước thôi. Còn một sư chú hay một sư cô khác thì làm việc nào cũng an trú thảnh thơi định tâm trong phút giây hiện tại, tập luyện định tâm suốt ngày thì dù chỉ quét và lau nhà, lau cầu vệ sinh thì sư chú ấy, sư cô ấy cũng tu huệ.

Nhờ sự dạy dỗ của thầy ngay từ lúc mới được gặp thầy nên tôi hạnh phúc quá! Thế thì ngày nào khi đi xe máy vào xóm nghèo mà trong khi ngồi trên xe, tâm tôi định trong phút giây hiện tại, nhìn trước nhìn sau để không đụng ai, lái cho đẹp cho đúng luật, không tính toán trước. Tới xóm nghèo nếu tình trạng không như ý, nếu mọi việc trở nên khó khăn, tôi sẽ tập định tâm, nhìn sâu hơn công việc ấy, khi bực mình sắp trách móc thì tôi sẽ tập dừng lại, cho thêm vào vài giọt nước từ bi thanh lương cho lòng tôi mát lại và nhờ thế cách nói năng hành xử của tôi cũng nhẹ nhàng hơn. Có khi cần nghiêm nghị để các bạn nghèo không lợi dụng, không lờn thì tôi cũng phải làm nghiêm nhưng không làm thương tổn người ta. Làm mặt nghiêm mà trong tâm thì thương, không giận hờn, và nếu cần làm mạnh như trừng phạt thì cũng làm trong tinh thần để giúp họ gắng sửa đổi chứ không phải để trừng phạt cho họ khổ cho hả dạ mình. Tôi tập trình bày sao để cho người lầm lỡ hối hận thật tình và cố gắng sửa đổi vì thương tôi, sợ tôi buồn mà họ sửa tánh chứ không phải vì sợ tôi trừng phạt. Như vậy thì làm việc ở Xóm Nghèo, tôi vừa tu phước mà đương nhiên cũng là tu huệ.

Thầy có dạy là nhóm Phật tử lo cho các bạn nghèo của tôi không phải là nhóm Phật tử duy nhất làm chuyện này đâu. Có rất nhiều tấm lòng thương Phật, thương người khổ như chúng tôi đang âm thầm làm rải rác nơi này nơi kia. Thầy đang có một số dự án cần thực hiện nên thầy chưa giúp chúng tôi được lúc này, nhưng năm tới, khi làm xong chương trình khảo cứu tôn giáo tỷ giáo ở đại học Princeton về, thầy sẽ giúp chúng tôi làm một cuộc cách mạng xã hội theo tinh thần và những nguyên tắc Bụt dạy. Thầy sẽ đem các nhóm lại với nhau.

Tự tìm lấy câu trả lời bằng sự quán chiếu

Còn một việc mà cách thầy Nhất Hạnh dạy rất khác thầy Thanh Từ là mỗi khi tôi hỏi thầy Thanh Từ câu gì thì thầy đều trả lời thông suốt và thỏa đáng. Nhưng thầy Nhất Hạnh thì không. Thầy không bao giờ trả lời những câu hỏi của tôi cả. Thầy dạy tôi nhìn sâu hơn và quán chiếu kỹ hơn. Nếu là câu trả lời do chính tôi khám phá ra thì nó có thực chất hơn, và tôi sẽ tu tập cái khám phá đó kỹ hơn và thuyết phục được người nghe bằng cách hành xử của tôi hơn. Ví dụ thay vì nói: Phật dạy ai cũng có Phật tánh, cũng thành Phật được dù con người hay thú vật. Vì thế ta không ăn thịt thú vật vì con thú đó cũng khổ đau sợ bị giết như mình. Thì thầy Nhất Hạnh dạy tôi tự quán chiếu và nhìn sâu hơn để tự khám phá lấy xem con vật có phải do tạo hóa sinh ra cho mình ăn thịt không. Nhìn vào miếng thịt gà vừa luộc với lá chanh, thơm ngon... tôi tập nhìn sâu hơn để nhớ rõ chị người làm phải dùng chân của chị, đạp hai cẳng con gà lại, cầm cái đầu nó kéo ra, và tay kia thì cầm con dao thật bén kéo cổ con gà ra để khứa cổ nó. Nó giãy giụa thật tội nghiệp và lăn ra chết. Thương ơi là thương. Nhìn sâu và thấy được từng ấy khổ đau của con gà thì làm sao ta có can đảm ăn thịt con gà. Tôi chỉ cần mời các bạn Công giáo nhìn kỹ như tôi và phát lòng thương thì chị em đâu có cần cãi cọ chi. Chúa là tình yêu, Chúa là ánh sáng, chắc Chúa không muốn mình trói gô bốn chân con heo và cầm con dao nhọn thật dài thọc vào yết hầu con heo để máu nó phun vọt ra nhiều đến phải đem nguyên một cái thau to mà hứng, nó nằm chết chèo queo. Xác to gần bằng xác người, thấy thương đứt ruột, rồi mình xẻ thịt nó mà ăn. Ăn làm sao nổi, những bạn con của Chúa Tình Yêu ơi. Tôi chỉ cần chia sẻ như thế thì các bạn Công Giáo kia sẽ thương liền và không cãi cọ nữa.

Bánh chưng gửi từ Phương Bối Am vào dịp Tết

Mồng ba Tết năm 1961, có một sư chú độ 17 tuổi đem đến tận nhà trọ của tôi một chiếc bánh chưng, gói vuông vắn thật đẹp, sư chú Thanh Hiện. Sư chú tả cho tôi nghe Tết ở Phương Bối Am vui như thế nào, chỉ có những sư chú thân thương với thầy, thầy trò gói bánh chưng ban ngày và cùng đốt lửa giữa rừng để nấu bánh chưng và nói chuyện thi văn đêm giao thừa. Sư chú quá thương thầy nên kể đủ thứ chuyện về thầy cho tôi nghe, rằng thầy rất tài ba (thầy đậu thủ khoa tất cả những chứng chỉ ở Ðại Học Văn Khoa), thầy có tâm làm mới đạo Bụt nhưng rất là cô đơn trên con đường cải cách trình bày những điều Bụt dạy, thầy rất cô đơn trên con đường muốn tổ chức lại cơ cấu giáo hội cho đúng theo lục hòa, trên con đường muốn làm cách mạng đạo Phật. Quý vị lớn thay vì nâng đỡ thầy thì chỉ chê bai. Sư chú nói thầy là chủ bút tờ nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, cơ quan văn hóa của Tổng Hội PGVN cho Phật tử toàn quốc, hay vô cùng! Trong đó thầy lấy bút hiệu Tâm Quán để viết những kinh nghiệm tu học của một chú sa di tại chùa tổ của thầy là tu viện Từ Hiếu, thầy lấy bút hiệu Dã Thảo để phê bình văn học Tây phương dưới cái nhìn của Phật giáo, thầy lấy bút hiệu Thạc Đức để nói về thời sự, về chỗ đứng của Phật giáo trong lòng dân tộc thuộc hai miền đất nước, về vai trò hiện tại của Phật giáo, thầy lấy bút hiệu Phương Bối để viết về những bài Phật học căn bản như Bát Chánh đạo, Tứ Diệu Đế, Tứ Chánh Cần, thầy chỉ để tên Nhất Hạnh khi thầy ký tên những bài thơ như “Hãy nguyện cầu cho bóng tối thêm sâu hỡi ngàn sao lấp lánh“:

Đã không nguyện cầu cho trời êm bể lặng

Nhưng nguyện cầu cho chân cứng đá mềm.

Thầy soạn một số bài Phật học dùm cho Thượng Tọa Đốc Giáo chùa Ấn Quang trong bộ Phật Pháp Phổ Thông, thầy nhuận thơ cho một thượng tọa thi sĩ mà không ai biết và rất phục thi sĩ, thầy có nhiều mật hạnh (hạnh làm âm thầm yên lặng), và nhờ là thị giả của thầy nên sư chú thấy hết chứ thầy không nói đâu. Rất ít ai biết tất cả những hạnh mà thầy làm lắm. Thầy không nói cho các sư chú biết nhưng sư chú nào cũng thương thầy. Khi thầy đi chơi chung với các sư chú không ai biết là thầy đã là giáo thọ. Học tăng nào cũng thương thầy. Phòng thầy không có các ông bà nhà giàu đến cúng dường, nhưng lúc nào cũng đầy các chú học tăng trẻ, thương thầy như anh, như cha, như thầy. Có nhiều khi thầy sốt mà không có một đồng bạc mua thuốc, chỉ trông nhờ các sư chú cạo gió xoa bóp cho thầy thôi. Sư chú nói thầy cùng với thầy Trí Hữu lập Chùa Ứng Quang sau đổi thành Ấn Quang, thầy giúp các vị lớn như thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa lập giáo trình để thành lập Phật học đường Nam Việt. Thầy dạy các sư chú như Trí Không, Minh Cảnh, Chơn Lễ, Đức Niệm, Hồng Huệ... về Phật pháp, thầy cũng dạy các thầy giảng sư lớn về triết học Tây Phương và Phật Giáo - trong những vị này có những vị như thầy Huyền Vi, thầy Thanh Từ… nữa. Nhưng trong chùa có nhiều vị không hiểu thầy nên một hôm thầy đi dạy ở Đà Lạt về thì tên thầy bị xóa trong hộ khẩu chùa Ấn Quang. Thời này còn Pháp thuộc, nếu tên mình không có trong chùa cũng sẽ bị khó khăn lắm. Chắc là thầy có buồn nhưng những lúc như vậy thầy không bao giờ phản ứng mà chỉ rút lui về Phương Bối Am để đi rừng chơi, đọc thơ và ngồi thiền, đi thiền… Tôi ngồi lắng nghe say sưa những hạnh nguyện của thầy và từ đó tôi tìm đọc tất cả sách của thầy viết. Tôi cũng tìm cách làm quen với các thầy khác, các sư chú khác như Chơn Lễ, Trí Không, Hồng Huệ, Minh Cảnh, Thiện Tánh... có được biết thầy để nghe lại xem có thật những điều sư chú Thanh Hiện nói là đúng không, kẻo chú Thanh Hiện vì thương thầy quá nói không thật thì sao?

Những cây tùng cây bá cho ngôi nhà mới của đạo Phật

Tháng Hai năm 1961 thầy lại về Sài Gòn và đề nghị thầy Quảng Liên, thầy Thiện Châu mỗi vị giảng một chủ nhật cho sinh viên học sinh trong vòng ba tháng tại chùa Ấn Quang. Sau buổi thuyết pháp đầu của thầy tại chùa Ấn Quang, bỗng có hai nam sinh viên nói giọng hơi hơi Bắc đến mời tôi và em Cao Ngọc Thanh, em Mười của tôi, lên hầu chuyện với thầy Nhất Hạnh cùng với một số bạn sinh viên đại học Sài Gòn khác. Hôm đó chỉ có những sinh viên sau đây: anh Huỳnh Bá Dương, anh Huỳnh Bá Huệ Dương (em ruột của anh Huỳnh Bá Dương), anh Tôn Thất Chiểu, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chị Phạm Thị Ngọc Liên, chị Cao Ngọc Phượng, chị Cao Ngọc Thanh, chị Lê Kim Chi, chị Trương Thị Nhiên, anh Ðỗ Tuấn Khanh (hai chị Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Ngọc Bích và anh Đặng Ngọc Cương đến sau vài tuần). Thầy thuật cho chúng tôi nghe là thầy có niềm tin nơi đạo Bụt, vốn đã rất thành công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước và đưa đất nước vượt khỏi ách ngoại xâm suốt 300 năm trong thời Lý Trần. Giờ đây nếu ta tu học và hành đạo đúng đắn, ta cũng sẽ làm được như tổ tiên đã làm. Thầy nhớ phong trào canh tân Phật Giáo những năm 1930 - 1945 chỉ bắt đầu bằng một nhóm thanh niên theo học với đạo hữu Lê Ðình Thám. Sau khóa Phật học Ðức Dục với hai vị này (là cụ Thám và thầy Tri Do) cả phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung được hưng thịnh nhờ mỗi học viên sau đó đã trở thành những cán bộ nòng cốt, những cây tùng cây bá của phong trào. Thầy mong đào tạo các con thành những cây tùng cây bá nâng đỡ cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, làm mới lại những điều Phật dạy cho khế cơ. Thầy nói khế cơ phải đi đôi với khế lý để không được đi trật điều Phật dạy. Khi thầy giảng trên bục đã hay rồi mà khi ngồi nghe thầy chia sẻ chúng tôi như được đưa vào khung trời tâm linh của thầy thật im mát mà thật thâm sâu. Mười ba anh chị sinh viên ngồi như bị thôi miên không nói được lời nào. Chúng tôi cứ nói riêng với nhau là sao khi thầy nói chuyện với một nhóm nhỏ tụi mình thì như tất cả mọi người đều được đưa vào khung trời thân thương thâm sâu và đầy ánh sáng của lý tưởng phụng sự. Không còn gì để lý luận và bàn cãi. Thầy với mình là một, thầy với lý tưởng là một. Thầy và trò cùng đi thôi, không cần bàn cãi. Thiếu chỗ này mình thưa thì thầy làm, sai chỗ kia thầy dạy thì mình nghe và vì quá đúng ý mình nên mình làm thôi chứ không phải bị buộc làm theo vì mù quáng vâng lệnh.

Bốn chục năm sau tôi mới thấy đúng là ngay từ lúc ấy, thầy đã đưa chúng tôi đi vào dòng sông lý tưởng. Thầy trò cùng đi như một dòng sông. Mọi người có một niềm tin tuyệt đối nơi thầy. Thầy nói mỗi ba tuần thầy sẽ giảng tại Chùa Ấn Quang một lần cho đại đa số quần chúng, vì có thầy Quảng Liên và Thiện Châu sẽ giảng hai chủ nhật kế tiếp, nhưng mỗi chiều chủ nhật thầy mời các con tới đây học giáo lý với thầy cho có những hiểu biết căn bản về những điều Bụt dạy. Chúng ta tiếp tục việc làm của đạo hữu Lê Đình Thám cho nhóm Thanh Niên Phật Học Đức Dục tại Huế những năm 1930 -1940 vậy.

Chúng tôi đã không phụ lòng thầy, sau này mỗi anh chị em học trò của lớp này mỗi người đi phụng sự một cách khác nhau, nhưng cùng chung một hướng lý tưởng, trở thành những cây tùng cây bá của ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam. Anh Huỳnh Bá Huệ Dương trở nên cánh tay tổ chức hạ tầng cơ sở Phật tử thật tài tình để giúp thật hữu hiệu cuộc tranh đấu chống chánh quyền độc tài Ngô Ðình Diệm, sau đó anh lãnh đạo Vụ Trưởng Vụ Thanh Niên Phật Tử trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964. Anh Tôn Thất Chiểu cũng là đoàn viên xuất sắc của đoàn Sinh Viên Phật Tử sau này, chị Thu Hà (sau này là sư cô Thuần Đức) và em Cao Ngọc Thanh lập nhà xuất bản Lá Bối cùng với thầy Thanh Tuệ, chị Trương Thị Nhiên, phu quân là anh Phạm Văn Điến, chị Lê Kim Chi và phu quân là anh Nguyễn Văn Tiếng (cả hai vị bác sĩ này chăm sóc sức khỏe cho tất cả tu sĩ ở tu viện Lộc Uyển thật hết lòng).

Tôi và em Mười Cao Ngọc Thanh rất nghịch (nhưng nghịch ngầm nên chỉ có hai chị em biết). Hai chị em đặt đủ thứ tên nhỏ cho từng nhân vật trong vòng đệ tử của thầy tại Sài Gòn. Anh Huỳnh Bá Dương lúc nào cũng mang tượng Bụt bằng sợi dây nhung đen trên cổ nên chị em tôi gọi anh là “chàng sợi dây nhung đen”, anh Huỳnh Bá Huệ Dương cao lớn nhưng hơi tròn trịa nên chị em nhà này gọi “huệ Đà Lạt” vì huệ Đà Lạt (tức là bông lys đó) to hơn huệ thường cúng Phật, tròn trịa như anh Huệ Dương thì chỉ có thể là huệ Đà Lạt thôi! Chị Thu Hà là “triết gia” vì chị hay có những tư tưởng thâm trầm và sâu sắc. Có một anh trong Gia Đình Phật Tử Chùa Xá Lợi thấy hai chị em nhà này không chịu vào GĐPT mà cứ đứng nhìn cười hoài như chế giễu (vì thấy cái anh chàng đó lớn quá, già rồi mà cứ quây một vòng nhảy mà chơi, nhảy tưng tưng như trẻ con, thổi tu huýt toe toe như lấy le). Thấy chúng tôi cười, anh ấy giận lắm cứ nhìn chúng tôi vừa bậm môi vừa trợn mắt dọa dẫm. Thế là chúng tôi cho anh đó tên “chàng bậm môi trợn mắt”. Lê Kim Chi rất xinh, nũng nịu, nhõng nhẽo với đại đức Narada và với quý thầy hoài nên chúng tôi gọi là “tiểu thư”, Trương Thị Nhiên rất là im lặng và đảm đang. Trong khi chúng tôi ngồi nghe thầy giảng dạy say mê, chẳng đứa nào biết làm chi cúng dường cho thầy hết thì Nhiên lẳng lặng đi pha trà cho thầy nên chúng tôi gọi thầm là “mẹ Việt Nam”.

Con có còn chiếc áo nào đẹp hơn cái áo này không ?

Hôm đó là buổi giảng thứ hai của thầy ở chùa Ấn Quang, giảng xong thầy nhờ một sư chú gọi tôi vào phòng khách cho thầy gặp. Tôi hớn hở được thầy cho gặp riêng, ai dè vừa vào thì thầy hỏi: Con còn chiếc áo dài nào đẹp hơn chiếc áo con đang mặc này không? Tôi nhìn xuống chiếc áo dài nâu rộng thùng thình (theo lối áo các em tập sự xuất gia ở Làng Mai) và bỗng tủi thân khóc! Ở nhà ai cũng chê tôi ăn mặc lôi thôi thì kệ họ, nhưng mà chính thầy, vị thầy quý kính mà tôi nghĩ đã hiểu tôi rất nhiều, cũng chê thì không tủi thân sao được? Thầy phải tự hiểu rằng vì tôi dành tất cả thì giờ trong đời mình cho người nghèo khổ thì tôi phải ăn mặc thật nghèo cho giống họ chớ?

Thầy tỏ vẻ lúng túng khi thấy tôi khóc, nhưng rồi thầy dịu dàng nói: Cái đẹp của một người cần được thể hiện từ trong ra ngoài. Con không cần mua áo sang trọng đắt tiền để mặc. Tâm hồn đẹp của con phải được thể hiện bằng cách đi đứng nói năng và chiếc áo, dù rằng rẻ tiền nhưng trang nhã. Mai này khi đi tu con sẽ cạo đầu, con sẽ mặc chiếc áo sư cô, nhưng cũng thật trang nhã. Còn bây giờ, con còn là một cư sĩ, con phải ăn mặc bình thường nhưng trang nhã để khuyến khích các bạn muốn sống đời thánh thiện như con cũng ăn mặc như con và đi làm đẹp cuộc đời như con.

Trung học miễn phí dạy mỗi tối tại chùa Giác Ngộ

Chỉ còn một tháng nữa là thầy đi Hoa Kỳ, chúng tôi tranh thủ đi thăm thầy ở Chùa Trúc Lâm ở Bà Quẹo (thuộc tỉnh Gia Định), mỗi chiều sau giờ học. Mười mấy đứa “bè lũ” ngồi trong chiếc cốc nhỏ xíu của thầy, nghe thầy đọc thơ, bình thơ đạo, thơ Đường, dạy Phật học tối tối… Khuya 11 giờ mới chở nhau về. Anh chị em chở nhau, bảy xe máy đi hàng ngang, ngang tàng giữa đường khuya Sài Gòn rất là vui.

Sau khi thầy đi Hoa Kỳ, chúng tôi quyết định lập một trường trung học tư miễn phí cho người nghèo, những người phải đi làm thuê cả ngày chỉ có tối mới có giờ đi học. Trường lập tại chùa Giác Ngộ. Tôi dạy Hóa, anh Huệ Dương dạy Toán, anh Khanh dạy Lý, Tôn Thất Chiểu dạy Anh văn, Chị Hà dạy Văn chương, Chi và Nhiên dạy Pháp văn. Dạy xong “bè lũ” cũng về khuya và cũng đi xe máy hàng ngang ngang tàng như hồi đi Chùa Trúc Lâm ở Bà Quẹo thăm thầy tối tối. Ôi những cây tùng thân thương năm 1960 của thầy sao mà đẹp quá!

Chương 5: Cuộc đấu tranh bất bạo động chống độc tài

Đoàn Sinh Viên Phật Tử Việt Nam đầu tiên tại Sài Gòn

Thầy đi rồi chúng tôi cũng có ý định theo học giáo lý với thầy Quảng Liên tại chùa Ấn Quang. Nhưng do dự bàn tính xong thì không hăng say lắm. Lý do là vì thấy có một sự khác biệt giữa thầy Quảng Liên và thầy Nhất Hạnh. Ngày xưa, tới giờ pháp đàm, chúng tôi mỗi đứa một ý, ý nào cũng có lý, cũng hay (!) theo hướng thấy của mình, nhưng mười ba đứa thì mười ba ý. Tới khi thầy Nhất Hạnh nói, vì thầy lắng nghe rất kỹ và rất sâu ý của từng người nên khi đưa ý thầy ra thì ý thầy bao trùm từng mảnh tuệ giác của ý mỗi chúng tôi, mỗi đứa mỗi khác. Xong thầy cộng thêm cái thấy thâm sâu của thầy trùm lên trên, nên ai cũng thỏa mãn. Nhưng khi học với thầy Quảng Liên thì khi nghe xong ý chúng tôi, thầy cho thêm ý của thầy và không đứa nào đồng ý với thầy hết. Vì ý của thầy chỉ là một ý thứ 14 khác với 13 ý của 13 đứa chúng tôi. Ý thầy không vượt lên trên nên chúng tôi không hài lòng, không nghe theo. Có khi thầy giận. Rồi chúng tôi lẳng lặng rút lui và không xin theo học với thầy nữa. Khi thầy Nhất Hạnh còn ở nhà thì thầy tưởng thầy Nhất Hạnh xúi chúng tôi cứng đầu, nhưng thầy Nhất Hạnh đã đi thì chúng tôi cũng không còn dịp học với thầy nữa. Rồi khi thầy Thiện Minh từ Huế vào Sài Gòn (lúc này thầy Nhất Hạnh đã ở Princeton, Hoa Kỳ) bảo phải lập ngay Đoàn Sinh Viên Phật Tử thì thầy Quảng Liên rất đồng ý với chúng tôi là phải học giáo lý cho vững trước đã rồi hãy mở rộng ra. Nhưng rồi chiều ý các thầy lớn nên cuối cùng chúng tôi lập ngay Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đầu năm 1962. Khi mở lớn chúng tôi mới thấy là sinh viên theo đạo Phật khá đông ở Sài Gòn và làm như thế chúng tôi có dịp làm lớn những hoạt động phụng sự của chúng tôi hơn. Nhờ thế mà 13 cây tùng trở thành một trăm cây rồi ba trăm cây tức là ba trăm đoàn sinh Đoàn Sinh Viên Phật Tử. Lúc đó tôi có bạn mới là Lê Khắc Phương Thảo, Nguyễn Thị Trà Mi, Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng, Lê Hữu Bôi, Tôn Thất Tuệ, Trương Văn Niên, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - người đẹp của Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn, Nguyễn Thị Bích (Đà Lạt), chị Thanh Cam, Phạm Thúy Uyên, Phạm Thị Thục, Phạm Mạnh Hương…

Bảy mươi người bạn lo cho các xóm nghèo

Công tác ở xóm nghèo của tôi trước đó có trên dưới hai mươi người, sau này nhờ được thầy khuyến khích và tác động chúng tôi đã lập thành một nhóm lớn hơn, nhưng khi có Đoàn Sinh Viên Phật tử mà tôi là Trưởng Ban Từ Thiện Xã Hội thì chúng tôi có được 70 người đi vào các xóm nghèo của thành phố Sài Gòn làm việc rất có phương pháp. Ngày xưa chúng tôi chỉ làm việc ở xóm Mả Lạng thôi nhưng bây giờ có các bạn, tôi đã chia ra làm năm nhóm đi vào năm xóm ổ chuột của thành phố: xóm Mả Lạng sau rạp hát Quốc Thanh, xóm Bàn Cờ, xóm Cầu Bông, xóm Chợ Ông Tạ và xóm gần chợ Bà Chiểu. Phùng Thăng, Trà Mi và Ngọc Thanh... đều là những nữ kiệt trong Ban Từ Thiện của chúng tôi nên mỗi người chăm sóc nguyên một xóm cùng với các bạn khác.

Mỗi tháng một lần, chúng tôi tổ chức để mỗi sinh viên bạn chúng tôi có dịp đưa một cháu thiếu nhi nghèo đi Sở Thú, đi ăn kem, đi xem xi nê và đi ăn mì, hủ tiếu ở các hiệu ăn bình dân mà chưa cháu nào có diễm phúc được vào. Sau khi cấp học bổng bằng 15 ký gạo cho gia đình mỗi cháu, các bạn đặc trách xóm nào còn phải chạy lo làm giấy khai sinh cho từng cháu thì mới ghi tên cho các cháu vào trường học gần nhà được. Đối với chúng tôi thì việc này thật dễ dàng, chỉ cần ra phường làm đơn xin lập thế vì khai sinh cho các cháu vì hồi sinh cháu ra bố mẹ không đi làm khai sinh. Phường sẽ gửi lên quận, rồi quận gửi lên tòa án. Một thời gian sau, tòa án sẽ mời ba mẹ các cháu đến, và hai người chứng lên tuyên thệ là cháu đã sinh đúng ngày đó và có hai người làm nhân chứng. Thế là xong. Nhưng đối với dân nghèo làm như thế quá rắc rối và khó khăn. Ở xóm Mả Lạng tôi tổ chức cho bốn bà có con mọn, giữ con dùm cho nhau để ba bà kia đi buôn bán, và cứ như thế vần công ba ngày bán một ngày nghỉ giữ con cho nhau, đi bán tới chiều mới đón con về.

Mỗi bạn chăm sóc xóm của mình như là lo cho chính gia đình mình, đưa chị này đi bệnh viện, đưa cháu kia đi chữa mắt, tìm nghề buôn bán dạo, như tôi đang làm cho xóm Mả Lạng cho những người thất nghiệp ngồi không cờ bạc, nhậu nhẹt, móc túi hay làm những việc tiêu cực khác. Ở xóm Bàn Cờ, Phùng Thăng và Trà Mi mở lớp dạy đêm cho trẻ em lớn, suốt ngày phải đi bán dạo hay đánh giày để nuôi gia đình. Xóm Cầu Bông của em Thanh thì có rất nhiều người bị lao phổi, chúng tôi vào ra bệnh viện Hồng Bàng của người lao hoài. Nhờ có học chung với các bạn Y Khoa hồi năm thứ nhất PBC (Physique, Biologie, Chimie), lớp này học chung Sciences Naturelles, Physiques et Chimiques với tôi, nên khi chở bệnh nhân đi tới bệnh viện nào, chúng tôi đều có các bạn đang học y khoa giúp.

Khơi màu kỳ thị

Một ngày tháng Tư năm 1963 một người phụ tá của bà Ngô Đình Nhu lên phòng làm việc của tôi tại Đại Học Khoa Học và mời tôi vào đảng Phụ Nữ Cộng Hòa. Họ hứa khi tôi trở thành đảng viên thì họ sẽ đưa tôi lên làm trưởng ngành Phụ Nữ Cộng Hòa vùng Sài Gòn Gia Định. Ông Nhu là em ruột Tổng Thống Ngô Đình Diệm đương thời, ông bà Nhu lập ra đảng Thanh Niên và Phụ Nữ Cộng Hòa như là một đảng thuộc chính quyền và họ mời hết những nhân viên năng nổ của chính phủ vào đảng ấy. Tôi từ chối, nói rằng vì công việc lo cho Đoàn Sinh Viên Phật Tử và lo cho năm xóm nghèo của chúng tôi đã lấy hết giờ của tôi rồi. Đoàn Sinh Viên Phật Tử lúc này làm việc giỏi lắm. Có nhóm chỉ lo về hội thảo do anh Lê Hữu Bôi làm trưởng nhóm. Nhóm tu học và pháp đàm giáo lý do anh Huệ Dương làm trưởng nhóm. Nhóm báo chí có ra tờ Tin Tưởng như là tiếng nói của đoàn do anh Lê Hữu Bôi làm chủ bút. Khi nghe tôi từ chối “ân huệ “ như thế của bà Ngô Đình Nhu, bà liên lạc viên có nói: Sự từ chối của cô có thể bị xem như là một thách thức với bà “cố “ (ông bà Ngô Đình Nhu có tên là ông bà Cố Vấn cho tổng thống, thiên hạ gọi là “ông Cố bà Cố “), một thái độ chống đối chính quyền đương thời. Xin cô suy nghĩ lại. Bà ấy có đưa cho tôi tấm danh thiếp và căn dặn tôi liên lạc khi đổi ý chịu hợp tác. Ở Đại Học Khoa Học nơi tôi làm giảng nghiệm viên ai cũng biết tôi dấn thân vào các xóm nghèo và câu chuyện với người phụ tá bà Ngô Đình Nhu. Có người nói: Cô mà làm việc cho người nghèo là đã bị xem như là “thân cộng” rồi, nay mà cô từ chối vào Phụ Nữ Cộng Hòa là nguy hiểm cho cô lắm đấy. Tôi vẫn mỉm cười im lặng và không bao giờ gọi cho bà ấy cả.

Tôi có báo cáo lại chuyện đó cho các bạn biết trong buổi họp Đoàn thì mới biết ra là trên cùng khắp đất nước, những người Phật tử đã quá bực vì sự đàn áp ngấm ngầm của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ai xứng đáng làm trưởng ty, hay giám đốc một chương trình, một bộ trưởng đều phải đi rửa tội, vô đạo Chúa thì mới được lên chức đó được. Nghe nói ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kontum, Ban Mê Thuột, Quảng Ngãi, Quảng Nam, sự đàn áp âm thầm thương tâm lắm. Không theo đạo là bị kết tội cộng sản. Bao nhiêu Phật tử đã chết oan, thà trốn nhà vào chiến khu còn hơn là ở lại mà không theo đạo Chúa thì bị vào tù.

Sau này, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, người ta mời dân chúng đến xem nhiều hầm bí mật ở Phú Yên, ở Quảng Ngãi, mà các vị tỉnh trưởng hay quận trưởng Công giáo cho đào dưới đất để nhốt những người Phật tử không theo đạo Chúa nhưng cũng không phải là Cộng Sản nên không có cớ đem ra xử trị họ. Các bạn đi xem cho biết, có những hầm trên vách có viết những dòng chữ viết bằng máu “Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm“ rất thương tâm.

Chùa Lá Vằng hay nhà thờ La Vang?

Ở Quảng Trị, huyện Cam Lộ, từ thế kỷ trước đã có những xuất hiện linh thiêng của một người phụ nữ mặc áo trắng cứu một cháu bé trai rơi xuống giếng mà không chết chìm cho tới khi người làng tới cứu kịp. Cháu nói thấy một người phụ nữ giống như hình Phật Quan Âm trên bàn thờ, kéo cháu lên khi cháu ngộp. Cuối cùng cháu víu được một khối đá bên vách giếng chờ người tới cứu. Một thôn với mấy mươi nóc nhà sát bên giếng bị một cơn trốt nổi lên nhưng có một phụ nữ mặc áo trắng đi qua đi lại rồi cơn cuồng phong bị đưa ra đồng cuốn một cái chòi bỏ trống lên không. Riêng mấy mươi căn nhà sát bên cơn cuồng phong vẫn bình yên. Dân trong thôn quyết định lập nên ngôi chùa có tên là chùa Lá Vằng. Chùa đã hiện diện cả trăm năm, bỗng nhiên anh của tổng thống là Ngô Đình Thục nói người phụ nữ mặc áo trắng là Đức Mẹ Đồng Trinh, mẹ chúa Giê Su, và ra lệnh lập nơi đó làm nơi thánh địa và sẽ xây thành Vương Cung Thánh Đường La Vang. Khi xây nhà thờ La Vang, các công nhân viên nhà nước đều được “mời” đóng góp. Ngay tại Trường Đại Học Khoa Học, khi tôi đi lãnh lương, anh kế toán viên có đưa sổ xin tiền đóng góp cho nhà thờ La Vang. Tôi từ chối nhưng tôi biết ở các vùng xa, với một giám đốc là người mới vào đạo Thiên chúa để lên chức, nếu nhân viên từ chối đóng tiền xây cất theo lệnh rất cao bên trên thì sẽ không dễ cho họ!

Cờ Phật giáo bị cấm treo trong ngày Phật Đản. Tám thiếu niên Phật tử bị xe tăng cán chết

Một tuần lễ trước Phật Đản vào tháng Năm năm 1963, chính phủ Ngô Đình Diệm ban ra một sắc lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản, và ngày này không còn được xem là ngày Quốc Lễ nữa. Phật tử 12 tỉnh miền Trung rất thuần thành, tin Phật. Ngày Phật Đản ở Huế thì chợ không bao giờ bán cá thịt, các hàng quán các tiệm cơm nấu cá thịt đều đóng, chỉ có các quầy bán thức ăn chay. Ai cũng có thể đi chùa và cũng có thể ăn cơm chay tại chùa. Chùa nào cũng treo cờ vui như ngày hội lớn. Phật tử từng khuôn hội, tỉnh hội đều có xe hoa mừng Phật ra đời. Ngay cả quân nhân Phật tử vùng một chiến thuật cũng có xe hoa. Khi nghe tin cấm treo cờ, cấm mừng Phật Đản, Phật tử rất bức xúc, họ trông tới ngày Rằm để nghe thượng tọa Trí Quang dạy dỗ gì. Năm nào thượng tọa Trí Quang cũng thuyết pháp cho đồng bào trên đài phát thanh Huế. Bài thuyết pháp năm nay đã thu thanh và đưa lên đài nhưng đến sáu giờ chiều, Phật tử quy tụ quanh đài phát thanh để nghe pháp thì chỉ nghe lệnh công an cảnh sát nói trên loa là phải giải tán ngay. Đồng bào tới ngày càng đông, không ai muốn ra về. Bỗng nhiên mấy chiếc xe tăng ầm ầm tiến tới, mọi người hoảng hốt nhưng muốn chạy cũng không dễ, vì người đông nghẹt. Xe tăng tiến tới cán nát tám em oanh vũ và thiếu niên Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên. Máu chảy, tiếng người khóc. 10.000 người đi biểu tình đòi tự do tôn giáo ngay rạng ngày mồng mười tháng Năm năm 1963. Tổng thống Diệm hoàn toàn không đếm xỉa gì tới lời kêu gọi của Phật tử, trái lại còn ra lệnh bắt những “tên Cộng Sản” quấy rối an ninh quốc gia. Các thanh niên sinh viên Phật tử Thừa Thiên bị bắt rất nhiều.

Sài Gòn tỉnh dậy kêu gọi tự do tôn giáo

Sau khi thu thập những hình ảnh, tên tuổi các cháu bị cán chết, các dữ kiện do Phật tử đưa vào từ Thừa Thiên và những chứng nhân bị đàn áp ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên..., đoàn Sinh Viên Phật Tử chúng tôi quyết định gia nhập phong trào đòi hỏi bình đẳng tôn giáo của Phật tử Thừa Thiên. Quý thầy tập họp tại chùa Ấn Quang yêu cầu chính quyền thực thi năm điểm của người Phật tử. Chúng tôi đi phổ biến năm điểm đòi hỏi của Phật tử Việt Nam:

1/ Chính quyền phải thu hồi lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản.

2/ Mỗi công dân Việt Nam phải có quyền bình đẳng hưởng tự do tôn giáo như chính quyền đô hộ Pháp đã dành riêng cho người Công giáo nhất là quyền tự do tập họp. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải được hưởng quy chế tự do tôn giáo như Giáo Hội Công Giáo chứ không bị giới hạn, chỉ được xem như một hội đoàn nhỏ của các hiệp hội nhỏ thiết lập bởi dụ số 10 do người đô hộ Pháp lập ra.

3/ Phải chấm dứt sự bắt bớ người Phật tử.

4/ Người Phật tử phải có tự do thực tập những điều Phật dạy.

5/ Phải bồi thường cho những nạn nhân bị cán chết tại Huế và những kẻ giết người phải được đưa ra tòa xét xử.

Hòa thượng hội chủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc cũng gửi đến chính quyền và toàn thể tín đồ Phật giáo những điểm sau đây:

1/ Người Phật tử không bao giờ có chủ tâm muốn lật đổ chính quyền. Chúng tôi chỉ mong chính quyền thay đổi chính sách kỳ thị người Phật tử.

2/ Người Phật tử không có kẻ thù, sự đấu tranh của chúng tôi hoàn toàn không nhằm chống đối đồng bào Công giáo mà chỉ chống sự kỳ thị. Người Phật tử không bao giờ muốn chống đối các tôn giáo bạn.

3/ Người Phật tử tranh đấu cho một chính sách công bằng như là một phần của sự tranh đấu cho công bằng xã hội trên toàn cõi Việt Nam.

4/ Suốt quá trình đấu tranh, người Phật tử nguyện đi con đường bất bạo động mà đức Phật đã dạy. Vì quyết tâm đi con đường bất bạo động nên người Phật tử sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng hiểu biết và thương yêu. Chúng tôi mong rằng hành động của chúng tôi chẳng những khiến cho chính quyền đổi thay chính sách mà còn cầu mong sao cho tình thương và trí tuệ thể hiện qua hành động của chúng tôi có thể gây niềm tin và chuyển hóa tâm tư của toàn dân và cả những người đang cầm quyền.

5/ Người Phật tử nhất định không cho các thế lực chánh trị lợi dụng sự đấu tranh này.

Bản tường trình 45 trang về đàn áp Phật Giáo

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo

Báo chí hoàn toàn bị kiểm duyệt hoặc bị bắt buộc đăng những tin nhà nước bóp méo đưa ra

Ngày 15 tháng 05 năm 1963, phái đoàn Phật Giáo đã trao lên cho chính quyền và báo chí một Bản tường trình 45 trang về những bằng cớ đàn áp những người Phật tử có tên tuổi ghi rõ nơi nào chính quyền địa phương tỉnh đó, huyện đó, xã đó đã bắt bớ, bỏ tù oan ức những người nọ, tên họ nọ đã từ chối không theo đạo của chính quyền. Báo chí và chính quyền vẫn im lặng không trả lời, không đăng tin đàn áp; và sự bắt bớ những Phật tử tích cực, giỏi giắn vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra khắp nước.

Ngày 21 tháng 05 năm 1963, một nghìn người xuất gia đã tập họp tại Chùa Ấn Quang nhịn ăn để cầu nguyện cho các Phật tử đã bị cán chết trước đài phát thanh Huế. Hàng ngàn Phật tử cư sĩ cũng tập họp chung quanh chùa để cùng cầu nguyện. Cảnh sát của ông Ngô Đình Diệm đã dùng dây kẽm gai để ngăn đường, dùng lựu đạn cay để giải tán. Ngày 23 tháng 05, năm trăm người xuất gia khoác y vàng xuất hiện trước chợ Bến Thành đòi hỏi tự do tôn giáo và yêu cầu chính quyền trả lời những thỉnh nguyện của Phật Giáo. Lựu đạn cay, gậy gộc của cảnh sát không giải tán được họ nên công an cho mười xe bít bùng đến bắt, kéo níu thô bạo các tăng ni bỏ lên xe tải chở về chùa.

Ngày 25 tháng 05 năm 1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Xá Lợi và một phái đoàn của Ủy Ban xin gặp chính quyền để lắng nghe chính quyền trả lời về yêu sách của Phật tử Việt Nam. Nhà nước vẫn không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của người dân. Cuộc đấu tranh tiếp tục, sự bắt bớ tiếp tục, biểu tình đột xuất chỗ này, tuyệt thực của tăng ni chỗ kia. Báo chí hoàn toàn bị kiểm duyệt nên chúng tôi phải dùng hệ thống thông tin truyền miệng và phân phát những bản tin quay ronéo tại chùa Xá Lợi, thông báo cho đồng bào biết thế giới đã chú ý đến chúng ta như thế nào, cho đồng bào biết ngày nào có biểu tình ở đâu, tuyệt thực ở đâu, v.v…

Ủy Ban Liên Phái là một nhóm quý thượng tọa thật tài ba. Thượng tọa Tâm Châu nói năng mềm mỏng khéo léo, nhưng thượng tọa Thiện Minh mới thật là nhà ngoại giao đại tài, cuộc thương thuyết nào mà thầy đi thì đối phương là phó thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ luôn bị thầy khéo léo đưa đến sự hoàn toàn đồng ý tất cả những điều kiện Phật giáo yêu cầu. Nhưng sau đó thì chính quyền (nghe lời ông bà Ngô Đình Nhu) lại phủ nhận, lại nuốt lời hứa, lại làm ngược hết những điều đã thỏa thuận. Thầy Quảng Độ, rất giỏi sinh ngữ, thầy nói được tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, Thái, Lào, Miên và Anh văn nên đã nghe các đài phát thanh ngoại quốc, rồi dịch ra Việt và viết xuống để cho thầy Châu Toàn quay Ronéo phân phát cho toàn quốc. Đoàn Sinh Viên Phật Tử chúng tôi làm việc sát cánh với thầy Châu Toàn vốn là văn phòng trưởng Phòng Thông Tin của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo tại chùa Xá Lợi, đem tin tức tới từng trường trung học, từng chợ, từng công sở. Anh Huệ Dương như đầu não của bọn Sinh Viên Phật Tử chúng tôi lúc ấy đã lên hơn 1000 người. Anh đi lập Thanh Niên Phật Tử tại các trường trung học, tiểu thương Phật tử tại các chợ… để tiện bề phân phát và phổ biến tin tức vào hạ tầng cơ sở, bẻ gẫy lập luận tuyên truyền bóp méo của nhà nước về phong trào Phật giáo. Chùa Xá Lợi bị bao vây, anh Huỳnh Bá Huệ Dương có chiếc máy ronéo lưu động, lấy tin từ Xá Lợi và chúng tôi về tự lắng nghe đài BBC, VOA rồi thảo tin và quay ra phân phát cùng khắp. Chúng tôi lập ngay một gia đình đặt tên anh Huệ Dương là anh Hai, tôi là chị Ba, chị Thảo là chị Tư… như mật mã để trao đổi tin tức. Nếu công an bắt được chiếc máy Ronéo thì chúng tôi đi tù rục xương nên chiếc máy cứ chuyền từ nhà này sang nhà khác khi rục rịch có tin sắp bị phát hiện. Chị Thảo rất gan dạ, can đảm sát cánh làm việc in ấn phát truyền đơn của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo cùng anh Huệ Dương nên khi hai người bị cảnh sát ông Diệm bắt, cai tù đã tra tấn thật dã man chị Thảo để bắt bí anh Huệ Dương. Họ buộc anh phải khai hết tên những anh em nào đã sát cánh với anh. Họ để điện vào âm hộ chị Thảo cho điện giựt trước mắt anh Dương, chị Thảo chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn khai là chỉ có một mình chị mà thôi, anh Dương không làm gì hết! Anh Dương cũng bị đánh hộc máu, bị treo chổng ngược đầu, bất tỉnh nhiều lần... tàn ác vô cùng. Vì ân tình đó mà sau khi ra tù và sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm đổ, anh Huệ Dương quyết định lấy chị Thảo làm vợ dù trước đó anh đã có người yêu là một người bạn khác của chúng tôi. Biết tin đó nhiều bạn trong chúng tôi ai cũng muốn “nghỉ chơi” với anh Hai Huệ Đà Lạt vì coi anh là người phụ bạc. Chỉ có mình tôi là hiểu và thương tất cả ba người! Tôi khuyên các bạn đừng trách anh Dương vì ân tình nghĩa nặng với người con gái, biết mình đang có người yêu mà vẫn yêu mình và hy sinh cho mình! Tôi với anh Huệ Dương là đồng chí, đồng minh lớn. Có khi nào tôi nhớ mình là phụ nữ đâu? Nhưng hạt giống âm nhạc nhận được từ mẹ đã khiến tôi hát nho nhỏ khi tôi họp các bạn đổ gạo và chia từng phần cho trẻ em nghèo khiến các bạn giật mình: Trời! Chị Phượng mà cũng biết hát nhạc tình Histoire d’un Amour nữa sao? Ý muốn nói tôi như con trai, như đại tướng chỉ biết chỉ huy và ra trận, đâu có biết nhạc tình như các tiểu thư. Tôi cười tủm tỉm hơi mắc cỡ vì vào chùa mà hát nhạc tình. Tại vì cái đầu tôi sao mà đầy âm nhạc, hễ để trống không suy tư là có một đoạn nhạc hiện ra khiến miệng tôi ca nho nhỏ hết bài này đến bài khác vì nghe loáng thoáng các đài phát thanh chớ không phải sống chết vì bài nhạc đó bao giờ. Công tác giúp các thiếu nhi nghèo vẫn tiếp tục, trong khi đấu tranh kịch liệt với ông Ngô Đình Diệm, nên cũng giúp được chúng tôi rất nhiều. Cứ mỗi lần bị công an chìm của ông Diệm rượt theo bắt, chúng tôi cứ chui hút vào các hẻm các xóm ổ chuột của chúng tôi thì công an không tài nào tìm ra. Nhà các cháu nghèo sẵn sàng che chở, nói láo chỉ đường sai để Công An không rượt theo chúng tôi được.

Ngọn lửa thiêng từ bi

Ngày 11 tháng 06 năm 1963, tôi mới ra khỏi nhà cậu của tôi ở đường Trần Quý Cáp, vừa tới gần ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng thì thấy nhiều áo vàng tập họp rồi chợt thấy ngọn lửa bừng cháy xa xa. Tôi chạy xe đến sát ngã tư thì thấy một nhà sư đang ngồi yên, uy nghi và bình an trong lửa đỏ thật bi hùng và đứt ruột. Thương quá là thương thầy ơi, con quỳ xuống lạy và phát nguyện sẽ không bao giờ quên ngọn lửa từ bi này và quyết tâm chỉ có thể đi theo con đường từ bi này để tranh đấu cho nhân quyền mà thôi. May mắn là một đài truyền hình đã thu được cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngồi yên trong lửa đỏ nên lúc đó toàn thế giới mới giật mình. Dù cho bà Ngô Đình Nhu có nói thô tháo là: Bọn Phật giáo đồ đang làm thịt nướng sư sãi, thì thế giới cũng không thể để cho anh em ông Ngô Đình Diệm làm mắt ngơ tai điếc được. Lòng dân cả nước Việt Nam lúc bấy giờ thật căng thẳng, ai cũng muốn đập phá nổ tung cả quả địa cầu! Ngay hai giờ trưa ngày 16 tháng 06, ngày làm tang lễ cho Hòa Thượng, chính quyền và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo mới đi đến thỏa thuận năm điểm để chấm dứt cuộc tranh chấp. Nhà nước yêu cầu hoãn ngày tang lễ lại bốn ngày cho lòng dân êm dịu lại. Thượng tọa Tâm Giác đứng trên một chiếc ô tô chạy dài theo đoàn người đi dự tang lễ báo tin nhà nước thỏa thuận năm điểm yêu sách của Phật tử, nhưng vì nhà nước Diệm đã nhiều lần thỏa thuận rồi nuốt lời nên rất đông Phật tử không tin là thật. Ngày 20 tháng 6, sau sáu giờ thiêu, tất cả nhục thân Hòa Thượng đã ra tro nhưng thật mầu nhiệm là trái tim Hòa Thượng vẫn còn nguyên màu nâu đỏ mà không bị cháy. Lò thiêu lại bỏ trái tim vào lò 1.000 độ C, nung thêm hai giờ nữa nhưng trái tim chỉ sẫm màu hơn một chút chứ không biến thành tro. Văn phòng ông Ngô Đình Nhu lại âm thầm ra một công lệnh cho nhân viên âm thầm chuẩn bị một cuốc tấn công Phật giáo. Khi bắt được tài liệu trên, Ủy Ban Liên Phái đã công bố và yêu cầu nhà nước phải giữ lời hứa thực thi năm điểm yêu sách của Phật tử. Cùng ngày đó nhà nước Diệm cho lập một Giáo Hội Phật Giáo giả chỉ gồm những sư sãi Cổ Sơn Môn. Nhóm người này cũng cạo đầu, cũng tụng kinh cầu siêu cho người chết được, nhưng họ ăn thịt cá và có vợ mà trong nước ai cũng gọi là “thầy cúng” để đứng bên chính quyền. Với mạng lưới báo chí bóp méo sự thật, nhà nước muốn chứng tỏ cả phong trào Phật Giáo đang đấu tranh là nhóm Cộng sản giả danh Phật tử.

Cách làm việc tráo trở gian lận như thế của chính quyền Ngô Đình Diệm khiến cho lòng dân thật nản, chỉ muốn đi hết về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của chính quyền cộng sản Bắc Việt mà thôi. Một số lớn tướng lãnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa vì thấy nguy cơ đó nên đã muốn lật đổ chính quyền Diệm, nhưng họ sợ Hoa Thịnh Đốn sẽ ngưng viên trợ thì rất nguy cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa miền Nam. Miền Bắc có viện trợ của Nga và Trung Quốc nên nếu Miền Nam không còn viện trợ của Hoa Kỳ thì e Miền Nam sẽ thua ngay quân đội miền Bắc. Nhưng Tổng Thống Kennedy vẫn chưa chấp nhận buông chỗ đứng của ông Ngô Đình Diệm. Phẫn uất quá, thầy Nguyên Hương đã theo gương Hòa Thượng Quảng Đức ngồi yên trong lửa đỏ ở Phan Thiết ngày 04 tháng 08. Ni sư Diệu Quang cũng tự thiêu cùng ngày ở Nha Trang, còn thầy Thanh Tuệ hy sinh ngày 13 tháng 08 ở Huế và Đào Thị Yến Phi ở Khánh Hòa. Nhiều bạn Tây phương đã hỏi tại sao người Việt Nam dám làm hành động tự thiêu giống như là bạo động với chính mình vậy.

Tự thiêu có phải là tự sát không?

Theo cái nhìn của tôi, dựa theo tuệ giác mà tôi học được từ Bụt Thích Ca thì mạng sống của người chỉ là những biểu hiện trong một giai đoạn trên đại dương của sự sống mênh mông. Sự biểu hiện đó tùy thuộc vào những kết quả của hành động của mình, kết quả hành động của cha mẹ và tổ tiên (nghiệp báo của tổ tiên huyết thống, tổ tiên đất đai và tổ tiên tâm linh) của mình. Mình có thể xoay chiều sự biểu hiện từ xấu thành khá hơn, đỡ hơn rồi tốt hơn nhờ bắt đầu tu sửa ngay cách tư duy, nói năng và hành động về hướng tốt đẹp hơn. Khi tình trạng chung của xã hội đi về hướng độc ác xấu xa, người học hạnh tỉnh thức sẽ gắng tạo một hành động nào có tính cách đánh mạnh vào lòng từ bi của mọi người, đánh thức mọi người tỉnh dậy trước bao nhiêu tình huống mê mờ.

Hàng ngàn tăng ni Việt Nam lúc ấy đã thực hiện chung bao nhiêu lần nhịn ăn cầu nguyện… Tại chợ Bến Thành, trước cửa chùa Xá Lợi, trên đường Bà Huyện Thanh Quan,… cả trăm tu sĩ ngồi im thở giữa đường khi đoàn binh sĩ chĩa súng vào mình. Có những thầy trong đoàn biểu tình khi bị thảy lựu đạn cay vẫn cố gắng đi đến người cảnh sát để tặng hoa cho người thảy lựu đạn cay ấy, tặng hoa cho người đang cầm gậy gộc đánh mình… Tu tập bất bạo động từng ấy, tăng ni Việt Nam vẫn chưa cảm hóa được chính quyền Ngô Đình Diệm nên Hòa Thượng Quảng Đức phải dùng hành động kêu gọi thống thiết nhất, bi thương nhất nhưng vẫn không mất bớt lòng từ bi. Thư để lại của ngài Quảng Đức không một tiếng nặng lời với những người đối xử tệ với Phật tử Việt Nam. Một mình Hòa Thượng Quảng Đức đốt lên ngọn lửa thiêng như thế chắc cũng đủ. Nhưng đối với các bạn Tây Phương chưa hiểu nhiều về văn hóa Á Đông, tôi hay giải thích một cách đơn giản hơn. Tôi nói: khi ta cần mua vật gì ta phải trả bằng một giá. Mà giá cả cao nhất mà ta có thể trả là mạng sống của chính mình. Người Việt chúng tôi thấy không phải chết là hết. Niềm tin, tình thương lớn của Hòa Thượng Quảng Đức đang bừng cháy nơi bao con tim Việt Nam và thế giới. Ngài cũng như Gandhi, vẫn còn sống, còn đang biểu hiện trong nhiều người chúng ta. Người tự thiêu đã không chết mà còn tái sinh ngay trong những người chứng kiến, hay nghe đến sự hiến tặng sự sống kia, bằng một loại năng lượng vô cùng tỉnh táo và tràn đầy thương yêu.

Bắt hơn hai nghìn tăng ni và sinh viên Phật tử

Ngày 20 tháng 08 năm 1963, lúc hai giờ sáng, cảnh sát công an đánh úp tất cả những chùa lớn vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các thành phố lớn của Việt Nam, nơi có phong trào Phật tử đấu tranh. Họ đánh úp các chùa và bắt hết tất cả những ai có mặt trong chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Từ Nghiêm, Dược Sư (Sài Gòn), Từ Đàm, Báo Quốc (Huế), Linh Sơn (Đà Lạt), v.v… Hơn 2.000 tăng ni cư trú trong các ngôi chùa lớn này bị còng tay bỏ lên xe bít bùng đưa đi đâu mất. Cùng ngày ấy, tất cả những ai có tên trong danh sách Đoàn Sinh Viên Phật Tử đều có công an đến tận nhà còng tay bắt đi. Mười hai người công an bao vây nhà tôi ở tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ năm 1962, sau khi ba tôi chết, má tôi lên Sài Gòn ở với em Mười và tôi tại nhà anh chị Tám. Khi họ đập cửa và anh Tám tôi ra đón họ thì họ cho biết cần vào đây bắt thằng Cao Ngọc Phượng gian tặc phá rối an ninh quốc gia. Anh Tám tôi nói: Ở đây không có thằng gian tặc nào tên Cao Ngọc Phương nhưng có cô Cao Ngọc Phượng, nữ giảng nghiệm viên Đại Học Khoa Học, là em vợ tôi. Tôi là Nguyễn Trung Ngôn, tổng giám đốc Nha Hàng Không Dân Sự của chính phủ, anh ruột của anh Nguyễn Trung Trương làm việc ở Bộ Nội Vụ, Trưởng Nha Thanh Tra Cảnh Sát Công An trên toàn quốc. Hai anh thanh tra công an nhìn nhau và nói nhỏ “Sếp của mình”. Thế là họ đứng dậy xin lỗi chào giã từ. Khi anh Tám đưa sáu người ra cửa thì thấy bốn người khác đi ra từ bốn góc vườn nhà và hai người nhảy từ trên nóc nhà xuống. Thì ra quyết định bắt cho được gian tặc nên từng đó người họ phải chia ra, người vào nhà, người leo lên nóc, cố tóm cho được con người ghê gớm... là tôi! Chiều ngày hôm đó khi bắt các bạn tôi lên tra tấn, công an đã nói với các bạn tôi rằng chính tôi giao hết hồ sơ và điểm chỉ cho họ bắt hết các bạn. Thử tưởng tượng các bạn tôi khổ đau dường nào khi nghĩ lầm rằng chính tôi - người mà họ đặt hết niềm tin - lại phản phúc họ! Sau này nhiều bạn có thuật cho thầy Nhất Hạnh nghe về sự kiện đó và nói, họ không tin là tôi tố cáo họ nhưng có thể là các anh chị tôi đã làm điều đó. Nghe vậy tôi rất đau và chắc chắn 100% không hề có chuyện đó. Thứ nhất là anh Nguyễn Trung Trương, Trưởng Nha Thanh Tra Bộ Nội Vụ chưa bao giờ tới nhà anh chị Tám tôi chơi và không hề biết tôi rất năng nổ trong phong trào Phật giáo. Các anh chị khác của tôi thì hết lòng ủng hộ phong trào, cũng đi biểu tình, tuyệt thực cầu nguyện và tôi cũng chưa lần nào làm danh sách các bạn trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử dù là để làm tài liệu.

Sáng đó vừa nghe tin quý thầy ở chùa Xá Lợi và Ấn Quang bị bắt mà còn nghe tiếp tất cả các bạn tôi đều vào tù, tôi điên tiết chỉ muốn tự thiêu như ngài Quảng Đức, chỉ muốn la hét hay đi vào tù như các bạn. Trưa đó vào trường đại học tôi thưa với giáo sư Phạm Hoàng Hộ là tôi chỉ muốn xé bỏ hết công trình nghiên cứu về rong nước ngọt của tôi, chỉ muốn tự thiêu hay đi vào tù thôi. Giáo sư Hộ là một khoa học gia mẫu mực, suốt ngày giáo sư chỉ vùi đầu vào nghiên cứu. Nhưng giáo sư ngồi lắng nghe tôi vừa nói vừa khóc xong thì giáo sư tự ngồi xuống thảo một thỉnh nguyện thư yêu cầu chánh quyền ngưng đàn áp tôn giáo và chính giáo sư là người ký tên đầu tiên vào danh sách. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ là một khoa học gia lớn thuần túy ưu tư về khoa học nên chữ ký của người rất có giá trị. Trong một buổi sáng tôi đã xin được 79 chữ ký của thành phần giảng huấn các đại học. Ngày 21 tháng 08 năm 1963 chúng tôi đã họp báo công bố danh sách này rồi gửi ngay cho chính quyền Ngô Đình Diệm và sẵn sàng vào tù ngồi khi cần. Cùng ngày này, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao chính phủ Ngô Đình Diệm là ông Vũ Văn Mẫu đã cạo đầu, đệ đơn từ chức và đứng ra họp báo tố cáo sự dã man của chính quyền Diệm.

Phong trào thanh niên và học sinh các trường trung học tranh đấu cho tự do tín ngưỡng

Vì các vị xuất gia đã bị bắt và những vị lãnh đạo tinh thần của sinh viên cũng bị bắt nên học sinh các trường trung học và thanh niên các chợ, các công sở quyết định đứng ra tranh đấu. Ngày 25 tháng 08 năm 1963 hàng ngàn học sinh Phật tử các trường trung học Trưng Vương, Chu Văn An, và các trường tư thục tập họp tại chợ Bến Thành để biểu tình đòi tự do tôn giáo. Cảnh sát đã nổ súng vào đoàn người trẻ biểu tình, nhiều em bị thương và một nữ sinh trường Trưng Vương mười sáu tuổi tên Quách Thị Trang đã chết ngay tại công trường chợ. Thù hận và phẫn uất ngút ngàn, nhiều thanh niên, dù gia đình đã từng là nạn nhân của cộng sản từ miền Bắc vào cũng phải giã từ bạn bè đi vào chiến khu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thôi.

Ngày 09 tháng 09 năm 1963, sinh viên, học sinh lại đổ xuống đường biểu tình đòi tự do tín ngưỡng nữa khi vừa hay tin nữ sinh Mai Tuyết An ngã quỵ tại cổng chùa Xá Lợi vì cô bé tự lấy búa chặt nguyên bàn tay của cô để cúng dường tổng thống Ngô Đình Diệm và ông bà Ngô Đình Nhu, cầu mong họ tỉnh dậy, đừng làm khổ dân lành nữa.

Khi hay tin Mai Tuyết An chặt tay, giáo sư Phạm Hoàng Hộ nhìn tôi thật buồn và hỏi: Cô Phượng có muốn đi Pháp để hoàn tất luận án của cô không? Tôi sẽ lo giấy tờ giới thiệu cô như nhân viên của nhà nước (trường đại học) để đi công tác khoa học, giấy tờ sẽ đi rất nhanh, đi ngả ngoại giao, không qua đường bộ Nội Vụ thông thường. Qua đấy tôi sẽ gửi gắm cô cho giáo sư Bourrelly vốn là chuyên viên rong nước ngọt để tiếp tục hướng dẫn cô và cả giáo sư đỡ đầu luận án tiến sĩ của tôi là giáo sư Feldmann để chánh thức đỡ đầu luận án luôn cho cô. Tôi im lặng xin chờ vài ngày để suy nghĩ lại. Vài giờ sau tôi đã có ý mới, vì không còn làm gì ở đây được để tranh đấu cho quyền làm người Phật tử nữa, chi bằng tôi đi Pháp để họp báo nói rõ những gì xảy ra ở Việt Nam cho thế giới biết và làm áp lực với chánh quyền Ngô Đình Diệm. Tuy tôi không tự thiêu nhưng tôi cũng sẽ làm một hành động rất xúc động lòng người: tôi sẽ cạo mái tóc đen dài óng mượt của tôi mà gửi tặng tổng thống Diệm cầu xin ông nghe được tiếng nói đau thương của dân tộc mà sống cho xứng đáng với kỳ vọng của toàn dân. Nghĩ đến đây tôi có nhiều hy vọng và quyết định trở vào xin giáo sư Hộ cho phép tôi được đi Pháp trình luận án. Nghe tin này và nghe ý định của tôi, mẹ tôi phát tâm đan ngay cho tôi chiếc mũ len để che đầu trong cơn gió rét mùa đông Paris.

Giáo Hội Phật Giáo giả hiệu

Ngày tôi sắp ra đi chợt nghe nhiều Phật tử điên lên vì giận khi hay tin nhà nước Ngô Ðình Diệm lập ra một Giáo Hội Phật Giáo giả hiệu, quy tụ các ông thầy cúng thuộc Phái Cổ Sơn Môn không biết kinh điển, không biết những điều Phật dạy gì hết, cũng có vợ, cũng ăn thịt cá như mọi người cư sĩ. Song song với việc đó, lại nghe nhà nước thuyết phục được thầy Thích Thiện Hòa là vị thầy rất đạo cao đức trọng, người đứng ra bảo lãnh cho 2.000 tăng ni mới bị nhà nước hốt, bỏ tù và tra tấn, những người được xem là cốt cán... Sự phẫn uất càng cao chừng nào thì thanh niên Phật tử lại càng có ý ngả theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chừng ấy. Nhiều thanh niên sinh viên trong đường đại học tôi dạy đã đến chào tôi đi vào chiến khu. Em đi cứu nước khỏi chế độ độc tài này trước, rồi sau này sẽ giải quyết chuyện chống cộng sau.

Thầy Nhất Hạnh nhịn ăn và cầu nguyện tại Liên Hiệp Quốc

Trong thời gian này, thầy Nhất Hạnh đang ở Hoa Kỳ, thầy nhận được tập tài liệu 45 trang về sự vi phạm nhân quyền do Giáo Hội gửi qua. Thầy đã dịch ra tiếng Anh, lập 111 tập hồ sơ để gửi cho 111 thành viên LHQ và đã trình lên Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu cứu xét gấp. Để được sự chú tâm của Hội Đồng LHQ, thầy đã nhịn ăn cầu nguyện cho Việt Nam tại một ngôi chùa gần đấy và có mời báo chí tới nói chuyện. Thầy cũng đã đi gặp riêng một số nhân vật quan trọng trong Hội Đồng LHQ để nói chuyện riêng, yêu cầu họ đưa ra bàn cãi gấp trong Hội Đồng.

Tôi đến Paris

Tôi đến Paris ngày 24 tháng 10 năm 1963. Tôi gặp được một số bạn Phật tử hứa sẽ cùng tổ chức cho tôi cuộc họp báo nói về sự vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam vào ngày 04 tháng 11 năm 1963, và cắt mái tóc dài của tôi mà tặng cho ông Ngô Đình Diệm. Tuy ở Pháp nhưng tôi vẫn giữ chiếc áo dài Việt Nam, vẫn giữ mái tóc dài nên có thể khi họp báo, cắt mái tóc dài cũng đánh động được dư luận.

Ngày 01 tháng 11 năm 1963, chỉ bốn ngày trước ngày tôi định họp báo, thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảo chính được chính quyền Ngô Đình Diệm. Nghe nói hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị một sĩ quan được lệnh lái xe cho hai anh em nhà Ngô đi trốn, đã quay súng lại bắn chết hai vị này ngay trên xe. Tôi đến nhà thờ quận Latin Paris để dự lễ cầu hồn cho hai ông. Lòng tôi bình an không một chút oán thù. Tôi thương cho hai người là nạn nhân của cái thấy sai lầm về đất nước và dân tộc Việt Nam, bị cái nhìn sai lệch kia đưa họ đi quá xa trên con đường tội lỗi. Thảm kịch nhà Ngô Đình Diệm đã qua nhưng bài học đau thương còn đó cho những vị lãnh đạo hàng triệu người dân Việt. Ta phải rất khiêm cung về cái thấy của mình về tình trạng đất nước, về văn hóa, về lịch sử và về tín ngưỡng của toàn dân. Phải lắng nghe, phải quán chiếu lại thường xuyên cách hành xử của mình, phải hỏi thăm thường xuyên xem cách hành xử của mình có đúng tâm tư nguyện vọng của đại đa số không.

Sau này tài liệu bí mật về Ngũ Giác Đài được phanh phui, và người ta đọc được những dòng như là: Ngũ Giác Đài đã ra lệnh cho tướng lãnh Việt Nam lật đổ Ngô Đình Diệm. Đó chỉ là cái thấy đứng về phía Ngũ Giác Đài. Thật ra chúng tôi được biết khi chính sách đàn áp dã man tráo trở của anh em nhà Ngô đối với Phật giáo xảy ra, nhiều người yêu nước thấy chỉ có một con đường thoát là theo cộng sản, làm cho một số tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa thấy tình trạng quá nguy kịch. Bên cộng sản thì được sự ủng hộ vũ khí của Nga và Trung Quốc, còn bên quốc gia chống cộng thì ít nhất phải có sự ủng hộ vũ khí của Hoa Kỳ, nên các tướng lãnh có lời đề nghị chính quyền Hoa Kỳ nên tiếp tục ủng hộ miền Nam nếu họ lật đổ Ngô Đình Diệm. Hoa Kỳ đã nhiều lần không đồng ý cho tới khi tình trạng quá tệ, cả thế giới đều thấy toàn dân Việt Nam quá đau khổ vì sự tàn ác của nhà họ Ngô nên mới “đồng ý” để tướng lãnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đảo chính ông Diệm. Thật ra không ai ra lệnh lật đổ ai, chính gia đình Ông Ngô Đình Diệm tự lật đổ mình bằng cái thấy hẹp hòi của chính mình, bằng cách làm việc độc tài, muốn biến một nền văn hóa dân tộc thành một nền văn hóa lai căng phương Tây.

Biết rằng chế độ độc tài đã chấm dứt, tôi hủy cuộc họp báo tặng mái tóc cho nhà họ Ngô và để hết thì giờ lo việc làm cho xong luận án rong nước ngọt của tôi. Bỗng một tối kia tôi nhận được cú điện thoại liên Đại Tây Dương do thầy Nhất Hạnh gọi sang. Khi vừa đặt chân lên đất Pháp ngày 24 tháng 10 năm 1963, tôi đã viết ngay cho thầy một bức thư thuật đầy đủ những đàn áp xảy ra mà ở Việt Nam tôi không thể viết, e bị kiểm duyệt và có thể nguy hiểm cho những người trong nước quanh tôi. Tôi cũng báo tin là tôi sẽ họp báo và cúng dường mái tóc cho nhà Ngô. Vì mới tới, chưa biết cách, tôi đã gửi thư đi Hoa Kỳ mà chỉ dán con tem dành gửi thư trong nước Pháp nên ba tuần sau thư mới tới!

Ði New York lần đầu

Câu đầu tiên mà thầy hỏi tôi: Con đã cạo mái tóc chưa? - Dạ thưa chưa! Thầy có vẻ vui và cố thuyết phục tôi đi thăm thầy một tuần thôi ở Nữu Ước. Thầy bảo thầy cần sự góp ý của tôi vì tôi đại diện cho thế hệ trẻ tin tưởng nơi thầy, quyết chí đi theo con đường làm mới Phật giáo của thầy để xây dựng đất nước dân tộc. Thầy mới được ông viện trưởng Viện Đại Học Columbia Nữu Ước Hoa Kỳ mời làm khoa trưởng Khoa Việt Học mà trong đó thầy có thể lập nhiều ban ngành như văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian… để dạy cho thế giới biết về văn minh Việt Nam. Ông viện trưởng nói rằng trong tình trạng Việt Nam hiện tại, rất khó cho những người trí thức sống đời trung thực như thầy sống sót ở đất nước đó. Ở đây, làm Phân Khoa Việt Học cho Viện Đại Học nổi tiếng này cũng là một cách phụng sự cho đất nước Việt Nam. Thầy không nói tiếp nhưng tôi cũng “nghe” được tiếng thở dài của thầy là sẽ không về vì những ông thầy tu quá thủ cựu kia cứ ngăn chặn những cố gắng của thầy và làm khó dễ với thầy trăm cách! Tôi quyết định xin nghỉ hai tuần để đi New York gặp thầy, bàn bạc kỹ về cách làm mới đạo Phật và thiết lập những cơ cấu xây nền cho một cuộc xây dựng công bằng xã hội cho Việt Nam. Mục đích chuyến đi này là nhất định thuyết phục thầy bỏ cái chương trình ở lại Hoa Kỳ lập Phân Khoa về Việt Học tại Columbia, một trong những đại học lớn nhất ở đây. Tôi chưa biết rõ tầm quan trọng của chương trình này nhưng tôi biết rất rõ là Việt Nam cần thầy. Chúng tôi, những người trẻ thao thức về tương lai Phật giáo, về sự làm mới đạo Phật để làm cái gì cấp thiết giúp cho đồng bào đau khổ Việt Nam, đang và sẽ rất cần thầy. Mặt khác thì tôi cũng quá vui vì sắp gặp lại vị thầy quý kính của tôi.

Khi đến Nữu Ước ngày 15 tháng 11 năm 1963, tôi chờ đợi sẽ tiếp tục phải ăn những món ăn Tây phương như là khoai tây tán, yaourt, fromage... như những món tôi thường dùng trong các quán cơm cho sinh viên ở Paris. Nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi bước vào appartment nơi thầy và anh Steve, một sinh viên làm luận án tiến sĩ đã chia tiền mướn ở số 306 W đường 109 trung tâm Mahattan. Không khí căn nhà thật Việt Nam với cơm trắng, với rau luộc và món đậu hũ rim mặn với nấm đông cô thật đậm đà đang chờ ba thầy trò. Suốt thời gian tôi ở Nữu Ước thầy đã dạy tôi nấu nhiều món ăn chay thật ngon và thật khéo. Thầy, Steve và tôi đêm nào cũng ngồi hát chung vài bản nhạc Pháp, Anh hay Việt. Khi Steve đi ngủ, tôi lại kể cho thầy nghe từng chi tiết những diễn trình tranh đấu bên nhà. Thầy trò thức thật khuya. Nên về hay không nên về? Ai xây dựng công bằng xã hội đây thưa thầy? Thầy sẽ thỏa chí phụng sự văn minh Việt Nam trên công trình nghiên cứu và dạy dỗ thế giới, còn tại Việt Nam ai sẽ xây dựng công bằng xã hội đây thưa thầy? Chúng con ở nhà sẽ tiếp tục tự mình đi thôi dù không có thầy, nhưng liệu chúng con có đủ tuệ giác và đủ uy tín khi không có thầy hướng dẫn không? Cuộc tranh đấu vừa qua chứng tỏ chúng con cũng không tệ lắm! Nhưng tuệ giác của thầy bằng một trăm lần tuệ giác của mấy chục đứa con nhập lại ngày xưa ở chùa Ấn Quang khi có pháp đàm thầy nhớ không? Thầy cười tươi vì thấy niềm tin của chúng tôi nơi thầy không suy giảm. Ông Ngô Đình Diệm đổ, các bạn tới tấp gửi thư khẩn khoản thầy về. Mục đích tôi đi New York cũng chỉ từng ấy nguyện vọng: Thầy phải về. Dạy văn minh Việt Nam cho thế giới làm gì? Khi mà Việt Nam ngày nay vẫn chưa đủ văn minh. Khi tôi vừa tới New York, thầy có viết tặng chúng tôi, thế hệ trẻ có niềm tin nơi thầy bài Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng. Bài này thầy dặn đem ra đọc khi làm việc nhiều quá mệt nhọc và căng thẳng. Đọc để tiếp xúc lại với những hình ảnh ngọt ngào tươi mát của bản môn rồi lại tiếp tục công tác dấn thân:

Mười năm vườn xưa xanh tốt

Hai mươi năm nắng dọi lều tranh

Mẹ tôi gọi tôi về

Bên bếp nước rửa chân

Hơ tay trên bếp lửa hồng,

Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.

Tôi không bao giờ khôn lớn,

Kể gì mười năm hai mươi năm ba mươi năm

Mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã trong khu vườn cải hoa vàng

Mẹ và em còn đó

Gió chiều như hơi thở

Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?

Gió mang tiếng ca. Ngày ra đi em dặn:

“Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát,

Thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh!

Tôi đã về, có tiếng hát ca, bàn tay trên liếp cửa

Hỏi rằng:Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?

Gió thì thầm: em nên hát ca

Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu.

Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười

Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?

Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau

Tôi tìm em.

(Như đêm giống tố loạn cuồng

Rừng sâu đen tối

Những cành cây sờ soạng,

Đợi ánh chớp loè ngắn ngủi

Thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)

Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu

Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.

Tôi đứng đây. Chúng ta không cần khởi hành

Quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ,

Xin đừng ai xâm phạm - tôi vẫn còn hát ca.

Đầu còn gối trên thánh kinh,

sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ

đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng

Công trình xây dựng ngàn đời

Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất.

Bánh xe nhiệm mầu chuyển hoài đưa chúng ta đi tới

Nắm lấy tay tôi em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt từ ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.

Tóc mẹ tôi còn xanh và dài chấm gót

Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu

Nắng ấm mùa thu

Tôi ở đây. Chính thực là vườn xưa

Những cây ổi trái chín thơm

Những lá bàng khô thắm

Đẹp

Rụng

Còn chạy chơi la cà trên sân gạch

Tiêng hát vẳng bên sông

Những gánh rơm thơm vàng óng ả

Trăng lên quây quần trước ngõ

Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua

Tôi không ngủ mơ đâu,

Ngày hôm nay đẹp lắm thật mà

Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ

Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,

Đến đây

Khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong.

Ai nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng người?

Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp,

Khổ đau vì không tự biết là lá là hoa

Em hát ca đi. Bông cúc cười theo em bên hàng dậu

Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát,

Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình

Để cho chúng tôi hát ca. Để cho chúng tôi là những đóa hoa.

Chúng tôi đang ở trong cuộc đời - mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy.

Bàn tay cũng là hoa. Đừng biến bàn tay em thành dây chằng

Thành khớp rằng cưa

Thành móc sắt.

Hiện hữu không kêu gọi tình thương.

Hiện hữu không cần ai phải thương ai

Nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca, không đắn đo suy tính

Xin ghi vào đây một tân ước nữa của tất cả chúng ta

Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng sáng

Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm

Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc Mẹ.

Một tuần sau khi tôi đến Nữu Ước, thầy nhận được điện tín của thầy Trí Quang viết: Nhất Hạnh phải về gấp, Phật giáo và đất nước đang cần thầy. Tôi thấy được nỗi cảm động của thầy khi cầm điện tín trong tay. Thật là vô thường! Mới hôm nào thầy khổ đau vì cấp lãnh đạo không bao giờ nâng đỡ những cố gắng của thầy trong công trình làm mới đạo Phật, nhất là thầy Trí Quang bậc trưởng thượng mà thầy trông đợi. Mấy hôm sau, một bức thư gửi qua bưu điện do chính tay thầy Trí Quang viết gửi những dòng sau đây: Nhất Hạnh nên về lo Phật sự, tôi già rồi không lo nổi trách vụ lớn lao này.

Bức thư thầy Trí Quang là giọt nước cuối, thúc đẩy thầy quyết định về thôi. Hy vọng lần này có sự yểm trợ của thầy Trí Quang, chuyện làm mới đạo Bụt sẽ hanh thông hơn.

Tôi hứa trở lại Paris trình thật sớm luận án rong nước ngọt để trả nợ ơn nghĩa với giáo sư Phạm Hoàng Hộ, sau đó sẽ về nước ngay để hợp tác cùng thầy trong công trình làm mới đạo Bụt và xây dựng công bình xã hội cho Việt Nam.

Trên đường về nước vào tháng 12, thầy ghé lại Paris cùng với chị Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, chị của Phùng Thăng. Sau này xuất gia chị trở thành ni sư Trí Hải.

Thầy có thuyết pháp cho đồng bào tại Paris và ngày 16 tháng 12 năm 1963 thầy bay về Việt Nam.

Chương 6: Làng Tình Thương

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự - Hồi kí của Sư cô Chân Không

Bài thơ của thầy mà tôi thuộc lòng mãi là Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ. Khi đọc đến câu :

Những đêm bên ướt mẹ nằm Bên ráo con lăn, Từng miếng cơm nhai, Từng bầu sữa cạn, Bao nhiêu ngày Bao nhiêu tháng Bao nhiêu năm Lo lắng cho con nên hình nên vóc, Sáng nay một viên đạn đồng làm anh ngã gục Một viên đạn đồng ghim vào giữa tim, thân em lăn lóc Mẹ sống làm sao được nữa, con ơi? Chị làm sao sống được nữa, em ơi? Đau thương chừng nào vơi, bên cạnh dĩa dầu hao xóm cũ?

Hay là :

Ngực tôi đây anh bắn đi. Mạch máu của mẹ truyền cho đây, em cắt đi để mà xây dựng lâu đài em mơ ước. Tôi không thể nào cầm được nước mắt vì tin tức chiến trường tới tấp mỗi ngày.

Ba điều thỉnh nguyện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Khi về tới Việt Nam thầy đã đi gặp nhiều thành phần dân tộc trong giới trí thức, giới bình dân, giới không Phật giáo và lắng nghe tiếng nói của giới tăng ni trẻ. Sinh viên học sinh rất quý kính thầy. Sau nhiều ngày thiền quán thầy đã trình lên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (viết tắt GHPGVNTN) ba điều thỉnh nguyện, xin Giáo Hội cố gắng thực hiện để giữ lại niềm tin cho toàn dân. Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm đổ, toàn dân đã quy ngưỡng thật nhiều nơi Giáo Hội, nhưng chư tôn đức chưa có dịp ngồi lại để chuẩn bị những chương trình về lâu về dài.

Thứ nhất:

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên đứng lên kêu gọi anh em miền Nam và miền Bắc Việt Nam ngồi lại tìm giải pháp chung để chấm dứt chiến tranh cốt nhục tương tàn.

Lúc này, quân đội Hoa Kỳ chưa có mặt tại Việt Nam, mới chỉ có những nhóm cố vấn nhỏ mà thôi. Thế quân bình của Nam và Bắc còn cân nhau. Giáo Hội Phật Giáo còn uy tín lớn, hai bên lâm chiến có thể lắng nghe.

Thứ hai:

Giáo Hội xây dựng gấp Viện Cao Đẳng Phật Học để xây dựng lớp trí thức mới có tu có học rành mạch những điều Phật dạy hầu hướng dẫn đất nước đi về hướng đại trí đại bi, khoan dung, và biết lắng nghe tiếng nói của toàn dân.

Thầy nhắc hoài là trong thời đại Lý và Trần, con em những vị lãnh đạo đất nước, cả những vua chúa đều đến học tại Quốc Tử Giám, ở đó họ được học ba nguồn tuệ giác lớn của dân tộc là đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão. Học đạo Khổng để trị nước, đạo Phật để phá chấp và từ bi, nắm quyền bính trong tay mà không bị kẹt vào danh lợi; đừng làm như các trường học gần đây chỉ bàn cãi quanh quanh chuyện nên học theo giáo dục Pháp hay giáo dục Hoa Kỳ.

Thứ ba:

Giáo Hội thành lập ngay một trung tâm đào tạo Tác Viên Xã Hội đi về nông thôn chăm sóc cho đại đa số quần chúng nghèo thiếu ăn thiếu học và thiếu cách tổ chức. Nói một cách khác là xây dựng cơ cấu hạ tầng xã hội cho công bằng, căn cứ trên nhiều điều Phật dạy.

Ý của thầy không phải bảo GHPGTN chỉ làm chuyện từ thiện đi giúp đỡ người nghèo. Ý của thầy là Giáo Hội huấn luyện người có học có kiến thức về y tế, giáo dục, kinh tế và tổ chức để giúp người dân quê tự đứng lên làm cách mạng thay đổi cho chính cuộc đời mình. Người trí thức về nhà quê giúp nông dân, nhưng không nghĩ mình là “người giúp đỡ” và người dân là người “được giúp”, cả hai bên tương tức như cánh tay mặt và cánh tay trái, cùng đứng lên, cùng trách nhiệm, cùng tự nguyện thay đổi cuộc sống chung.

Những vị lãnh đạo trong Giáo Hội chỉ ủng hộ cho thầy mục thứ hai là lập Viện Cao Đẳng Phật Học. Điểm thứ nhất kêu gọi chấm dứt cốt nhục tương tàn, quý vị không đồng ý. Quý vị bảo miền Nam chưa có cơ cấu dân chủ, cần có quốc hội rồi quốc hội sẽ lập hiến pháp trước. Lập hiến pháp xong rồi thì ta mới kêu gọi chấm dứt chiến tranh được. Mới nghe qua dường như đúng về phần lý luận và lý thuyết nhưng nhìn kỹ lại thì các tướng lãnh quân đội đang nắm quyền, đến khi nào họ mới chịu đứng ra tổ chức quốc hội lập hiến đây? Thầy có thưa với Viện Hóa Đạo rằng chuyện Quốc Hội Lập Hiến là chuyện của các chính trị gia. Chúng ta là người tu, khi anh em một nhà - miền Bắc và miền Nam - đang chém giết nhau, hay bị đẩy vào thế chém giết nhau, lấy vũ khí người ngoài - chủ nghĩa Mác Lê và chủ Nghĩa Chống Cộng theo thế cờ Domino của Hoa Kỳ - cả hai đều là ý thức hệ ngoại lai, chúng ta kêu gọi họ ngừng chém giết nhau tức khắc thôi. Chuyện Quốc Hội Lập Hiến và ngưng chiến tranh như thế nào thì các chính trị gia sẽ biết cách tự đề nghị, tự giải quyết tuần tự như thế nào cho hợp lý. Ông thầy tu chỉ làm việc ông thầy tu là kêu gọi ngưng chém giết. Chuyện chính trị để hai bên lâm chiến lo. Ngày tháng qua mau, niềm tin đối với Giáo Hội Phật Giáo càng ngày càng xuống vì thiếu cán bộ lãnh đạo có uy tín, có đủ đạo đức và tài ba. Nếu để quá lâu khi Phật giáo lên tiếng kêu gọi, e chẳng còn ai nghe. Mà thật thế, không bao lâu sau đó, GHPGVNTN bị chia thành hai khối, uy tín xuống trầm trọng.

Điểm thứ ba quý thầy cũng không chấp nhận vì Phật Giáo làm sao mà làm cách mạng xã hội được? Trong khi bên khối quốc gia chống cộng thì có sự ủng hộ của Hoa Kỳ, bên Cộng Sản thì có khối Trung Quốc và Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết đứng phía sau. Còn nếu Phật giáo chúng ta muốn làm cách mạng xã hội thì phải có khối Phật giáo như Thái Lan, Sri Lanka, Miến Điện, Đại Hàn, Nhật Bản ủng hộ mà khối này thì… yếu xìu… Quý thầy còn nói: Thầy Nhất Hạnh thì làm thơ hay lắm nhưng quá lý tưởng. Đừng nói chuyện cách mạng, không thể nào thành đâu.

Bốn chục năm sau tôi càng thấy rõ hơn là nếu hồi ấy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đứng ra kêu gọi chấm dứt cốt nhục tương tàn, chấm dứt chiến tranh thì sẽ không có quân đội Hoa Kỳ vào nước, không có mấy triệu người dân chết oan. Lúc ấy cả hai miền Nam Bắc đều chỉ có những ông cố vấn Hoa Kỳ, Nga Xô và Trung Quốc. Bên Quốc Gia đủ mạnh để thương thuyết với miền Bắc chấm dứt chiến tranh. Tình trạng điển hình là anh Bùi Thanh Thủy, chồng chị thứ Bảy của tôi. Anh là đại úy quận trưởng Giá Rai tỉnh Bạc Liêu. Chị tôi thì theo truyền thống ông bà họ Cao và họ Bùi, hay đi vào các thôn làng nghèo khó mà giúp đỡ người dân. Khi bên “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” (hồi này không có quân đội Hoa Kỳ nên những khẩu hiệu này không có giá trị) lùa cả làng ở vùng sâu vùng xa đi ra quận Giá Rai biểu tình “đòi hòa bình” thì bên cảnh sát an ninh quốc gia lùa mấy trăm người vào sân vận động bắt họ phơi nắng, nhịn đói tới chiều mới tha về. Chị Bảy tôi là bà quận trưởng nên tự do đi vào sân vận động có lính canh gác, đem nước cho mấy trăm người “bị“ đi biểu tình uống, và trưa thấy họ đói bụng thì đi mua xôi, bắp hay nấu cơm vắt vào phát cho họ ăn. Dân chúng rất thương ông bà quận trưởng nên mỗi khi bên du kích kháng chiến về thì họ tự động, âm thầm, đến báo tin cho ông quận trưởng và ông đại úy quận trưởng đã đến dẹp rất nhanh. Quận Giá Rai bình an, số người biểu tình không còn nữa. Nhưng anh Bảy của tôi có than là bên du kích sao mà súng của họ tốt quá. Còn bên quốc gia thì chỉ có cấp “úy” (thiếu úy, trung úy, đại úy) mới có tiểu liên. Binh sĩ chỉ có súng cũ của Pháp, bắn từng viên rất tồi. Nếu anh giữ bình yên quận Gia Rai là vì dân thương, họ tình báo ngay khi bên kia về. Nhưng từ khi Hoa Kỳ cung cấp súng tốt thì các ông cố vấn Hoa Kỳ ngày càng đông và vì thế bên quốc gia mất chính nghĩa, anh tôi bị bắn chết trong một trận đánh có vài người cố vấn Mỹ. Có lẽ dân chúng ngày càng mất niềm tin nơi giới lãnh đạo có người nước ngoài (Hoa Kỳ) giúp đỡ vì người dân Việt Nam nào cũng biết thành ngữ “cõng rắn cắn gà nhà”. Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam từ từ mất chính nghĩa khi cố vấn Hoa Kỳ đến rất đông và cuối cùng thì cóđến hàng chục ngàn, trăm ngàn binh sĩ Hoa Kỳ.

Khi các thầy lớn trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói rằng mình phải có Quốc Hội Lập Hiến mới kêu gọi hòa bình được thì thầy Nhất Hạnh im lặng không cãi lại, nhưng sau đó thầy dạy chúng tôi rằng mình cứ tự thắp đuốc lên mà đi thôi. Tổ tiên ta ngày xưa chỉ có tấm lòng thương dân, thương nhân loại mà dựng quốc, giữ nước, xây dần từng nấc thang đạo đức và văn hóa dân tộc. Ta cũng cứ thế mà làm, chúng ta cứ y theo như lời Phật dạy, chúng ta tự thắp đuốc lên mà đi. Nếu chúng ta làm đúng thì sẽ có nhiều tấm lòng ủng hộ. Tháng 3 năm 1965 thầy đã viết bài kêu gọi ngưng chém giết nhau giữa hai miền Nam Bắc thành một bài Editorial đăng nguyên trang đầu trên tuần báo Hải Triều Âm, tiếng nói chính thức của Viện Hóa Đạo mà thầy là chủ bút. Mỗi tuần tờ báo ra năm mươi nghìn số. Nhà nước chưa nói gì thì thượng tọa Tâm Châu và nhiều vị lớn trong Viện Hóa Đạo bắt tuần báo Hải Triều Âm đóng cửa. Thầy Châu Toàn, tổng thư ký Hải Triều Âm đã đau khổ như người mất hồn khi tuần báo bị Giáo Hội cho ngưng hoạt động.

Viện Cao Đẳng Phật Học, tiền thân của Đại Học Phật Giáo đầu tiên, Viện Vạn Hạnh.

GHPGVNTN nói sẽ ủng hộ điểm thứ hai là lập Viện Cao Đẳng Phật Học, nhưng quý tôn túc trong Giáo Hội cũng quá bận bịu nên chẳng giúp được gì. Thầy Nhất Hạnh, tuy phải làm tất cả từ đầu đến cuối, nhưng thầy có rất nhiều thanh niên trí thức và nhiều sinh viên các trường Đại Học Sài Gòn hết lòng ủng hộ. Thầy mượn được chùa Pháp Hội mới xây, khá khang trang làm văn phòng và làm những lớp học các chứng chỉ đầu. Thầy mời hòa thượng Thích Trí Thủ làm viện trưởng, kỹ sư Trịnh Sâm làm tổng thư ký, thầy Thích Thanh Văn đệ tử của thầy làm trưởng văn phòng. Bác Trịnh Sâm rất thương quý thầy nên chuyện gì cũng đem tới bàn bạc rất kỹ với thầy. Thầy viết thư mời thầy Minh Châu đang ở Ấn Độ, thầy Thiên Ân và thầy Mãn Giác ở Nhật về để cùng chuyển Viện Cao Đẳng thành Viện Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh.

Ngày khai giảng Viện Cao Đẳng Phật Học tháng Tư năm 1964, chỉ bốn tháng sau khi về nước, thầy đã chiếm được hết cảm tình của các nhân sĩ trí thức Sài Gòn. Viện chưa có ngân sách để làm lại con đường trước chùa đầy những vũng lầy trước cổng, nhưng bác Trịnh Sâm cười hả hê sau buổi lễ, bảo rằng trong bài diễn văn khiêm cung và khéo léo thầy đã lấp được vũng nước trước chùa thật là dễ thương. Ai nghe cũng muốn tìm cách giúp ngay.

Thầy xin được khu đất sát cầu Trương Minh Giảng và xin giấy phép thành lập ngay Viện Đại Học Vạn Hạnh, thầy sắp xếp để thượng tọa Thích Minh Châu, khi về nước sẽ được mời làm viện trưởng, thượng tọa Thích Thiên Ân sẽ làm khoa trưởng Khoa Nhân Văn và thượng tọa Thích Mãn Giác khoa trưởng Khoa Sinh Ngữ. Riêng trung tâm đào tạo tác viên đi làm cuộc cách mạng xã hội bằng con đường tự nguyện và tình thương thì thầy phải đứng ra thôi. Thầy chỉ nhận làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị còn đại đức Thích Thanh Văn sẽ làm giám đốc điều hành.

Nhà xuất bản Lá Bối xuất hiện

Cũng trong năm này thầy dạy thầy Thanh Tuệ, chị Nguyễn Thu Hà và em Cao Ngọc Thanh đứng lên làm nhà xuất bản Lá Bối. Thầy Thanh Tuệ trình bày sách, chị Hà đứng thủ quỹ và Ngọc Thanh lo sổ sách. Tiền vốn bỏ ra là 20.000 đồng do bà bác sĩ Ngô Văn Hiệu cúng dường. Bà Hiệu là người Phật tử duy nhất trong số các Phật tử giàu có đến chùa Ấn Quang thấy được giá trị của thầy. Chính bà đưa thầy đi bác sĩ khi thầy nóng sốt nằm vùi. Cuốn sách đầu tiên của Lá Bối là Bông Hồng Cài ÁoĐạo Phật đi vào cuộc đời. Sách bán rất chạy và nhờ thế có đủ tiền tiếp tục in các cuốn sách khác.

Làng Tình Thương, tiền thân của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội

Tháng 9 năm 1965 trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mới chính thức thành lập như một phân khoa của Đại Học Vạn Hạnh. Nhưng ngay những ngày đầu về tới Việt Nam ngày 18 tháng 12 năm 1963 thầy đã cho một số anh chị em trong Ban Xã Hội của đoàn Sinh Viên Phật Tử đi điều nghiên một số thí điểm để làm Làng Tình Thương thí nghiệm gọi là làng hoa tiêu.

Ngày 17 tháng 6 năm 1964, tôi trình xong luận án đệ tam cấp về rong nước ngọt với hạng Ưu. Viện Đại Học Paris V cấp cho tôi một chỗ làm tại Muséum d’Histoire Naturelle và một học bổng khá cao để làm tiếp luận án Tiến Sĩ Quốc Gia. Nhưng tôi đành từ chối tấm lòng ưu ái của các giáo sư Bourrelly và Feldmann và xin phép về nước ngày 18 tháng 06 năm 1964 để có mặt ngay ở Việt Nam ngày 19 tháng 06 năm 1964.

Bước chân vào Làng Tình Thương hoa tiêu Cầu Kinh tôi như cá gặp nước. Việc nào cũng làm thật dễ dàng không khó khăn như ở xóm ổ chuột ngày xưa. Thiên hạ ở nông thôn chí thú làm ăn, không ai tính lường gạt chúng tôi để đi đánh bài, ăn cắp. Các cháu ham học, các bác nông dân hợp tác tất cả những dự án chúng tôi đề xướng.

Không có trường học cho trẻ con? Thì mình phải tự đứng lên lập lấy cái trường của chính mình. Mới bước chân vào Làng Cầu Kinh, đếm được 77 thiếu nhi từ 5 đến 12 tuổi mà không đứa nào biết đọc, biết viết hết. Chúng tôi đi gặp ông quận trưởng để yêu cầu nhà nước cất trường học cho các cháu. Ông quận trưởng nói, theo ngân sách của Bộ Quốc Gia Giáo Dục thì nơi nào có ít nhất là 200 thiếu nhi mới được cho mở trường học. Chúng tôi áp dụng ngay ba phương châm thầy dạy là TRÁCH NHIỆM, TỰ NGUYỆN và TÌNH THƯƠNG. Chúng tôi tới chơi nhà bác Ba là người lớn tuổi nhất trong làng và thưa rằng: Bác ba ơi, vì chúng cháu thấy 77 đứa bé ở làng mình không có trường học, chúng cháu có tới xin nhà nước, nhưng ông quận trưởng nói không đủ ngân sách, chúng cháu thấy trách nhiệm đối với các em nhỏ nên tự nguyện đứng lên kêu gọi mọi người giúp một tay. Vì tình thương mà làng Cầu Kinh mình phải lập ngay trường học cho con em mình bác Ba đồng ý không? Mình đã không biết đọc biết viết rồi, các con trai con gái mình cũng dốt, mà bây giờ tới đời cháu nội cháu ngoại cũng dốt thì tội nghiệp quá. Thôi chưa có trường cho chúng cháu dạy, các cháu học dưới gốc cây vậy. Thưa bác Ba, thưa cô Bảy, cô bác hy sinh bớt việc nhà để các cháu có thể đến trường nhé. Việc nhà của phần đông các cháu là đi câu cá để có chút thức ăn cho bữa cơm.

Có khi câu được con cá to thì đem đi đổi thêm gạo cho gia đình. Chúng tôi dạy ngoài trời chừng mươi ngày thì gặp hôm trời mưa phải đem cả lớp học chạy xin trú ẩn trong nhà bác Hai, nhà nóc ngói, khá giả nhất trong làng. Bác Hai thấy các cháu lóp ngóp dưới mưa thì thương, nhân đó hôm sau chúng tôi đi mời cả làng tới để trình bày là cần sự góp sức cả làng mới thành tựu được một trường học. Bác Hai cho ba thiên lá dừa nước, bác Ba cho bốn chục cây tre to. Cô bác khác hứa sẽ góp công góp sức. Thế là vài tuần sau chúng tôi có được ngôi trường nóc lá vách đất và tre với ba lớp học và một phòng làm trạm y tế. Chị Trà Mi mới tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm nhưng bị bổ đi dạy ở Trung Học Bến Tre, Phùng Thăng có việc nhà phải về Huế, anh Tôn Thất Chiểu cũng thế. Chị Lê Kim Chi tốt nghiệp trường Dược phải về Cao Lãnh mở hiệu thuốc tây. Chú Nhất Trí, em Tâm Thái và Tâm Quang đều quá trẻ, còn thầy thì lúc sau này phải ở luôn chùa Pháp Hội để lo các lớp Phật học vừa khai giảng.

Tôi được các bạn giao hết mọi việc điều động Làng Tình Thương. Đầy nhiệt huyết mới về nước, tôi kéo các bạn bè mới cũ vào hết trong ban điều động. Lê Khắc Phương Thảo ăn nói mềm mỏng và đầy nhiệt huyết, nên để chị nằm trong Ban Phổ Triển, ngoại giao để tìm người tham gia. Chính Phương Thảo đã mời được ba anh nội trú vừa tốt nghiệp Y Khoa bác sĩ là Trần Tấn Trâm, Hồ Văn Quyền và Nguyễn Thành Nguyên đó mà. Người đứng tên trường tiểu học của làng đáng lý là chị Trà Mi vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm nhưng vì chị bị đi dạy ở Bến Tre nên làng nhờ chị Cao Ngọc Thanh, đang học Dược, đứng tên làm hiệu trưởng và xin phép cho trường Tiểu Học Chim Sơn Ca chính thức hoạt động. Trường có tất cả năm lớp. Thế thì mỗi ngày chúng tôi cần 5 người tình nguyện ngồi chơi và dạy các cháu học từ lớp năm (tức lớp 1 bây giờ) đến lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất. Cao Ngọc Thanh, Phạm Thúy Uyên và tôi là ba người có bổn phận điều động 30 anh chị sinh viên, mỗi bạn dạy một ngày, dạy sáng và dạy luôn buổi chiều một trong năm lớp. Vì trường dạy 6 ngày trong tuần thành ra phải cần đến 30 người tình nguyện là vậy.

Đó là dịp rất hay để quy tụ hết các bạn cũ trở về xây dựng tăng thân: dược sỹ Mỹ Hạnh - hoa khôi của đoàn sinh viên Phật tử, dược sỹ Lê Kim Chi, dược sỹ Lê Khắc Phương Thảo, dược sỹ Phạm Thị Thục và các bạn các ban ngành khác như thẩm phán Bùi Văn Thanh, tiến sĩ toán Lê Khắc Tích, chị Trương Thị Nhiên đang làm luận án tiến sĩ sinh học, chị Nghiêm Thị Kim Chi, giáo viên, chị Nghiêm Thị Bạch Tuyết, học Dược, chị Phan Thị Mai, giáo viên, anh Lương Hữu Định, luật sư, anh Đỗ Văn Khôn, anh Ngô Vĩnh Thành, anh Ngô Lương Phú, v.v… Mỗi người nhận dạy một buổi hay trọn ngày tùy tâm. Chỗ nào trống thì tôi, Thanh và Thúy Uyên đều tự nguyện lãnh hết những chỗ thiếu người ấy. Bên Y Tế thì đã có các anh bác sĩ Trâm, Quyền, Nguyên, Đỗ Tuấn Khanh và Đặng Ngọc Cương cùng dược sỹ Nguyễn Văn Bảy rồi. Nhưng trùm lên trên mọi người bằng tình thương và sự ưu ái là bác sĩ Ngô Văn Hiệu và chị dược sĩ Đỗ Thị Nga. Hai vị này cúng cho làng những vật dụng thiết yếu mà dân làng dù đầy lòng tự nguyện cũng không có tiền mua là thuốc tây và trọn bộ bàn ghế cho học sinh, những dụng cụ cần thiết bên y khoa cho một trạm xá nhỏ.

Nếu cháu sốt là vì bị ông bà quở

Khi tôi về thăm Làng Cầu Kinh lần đầu, lòng tôi rất bất nhẫn, Cầu Kinh chỉ cách Sài Gòn có 7 cây số mà dân ở đây sống như thuộc về thế kỷ trước. Con thím Năm sốt nặng, thím nhất định là tại bà bắt, tại vì nó đi câu cá xa quá, tận trên gần Miếu Bà, bây giờ phải cúng Bà thôi. Anh bác sĩ Trâm nhìn tôi cười khi nghe tôi nói tỉnh bơ: “Bác nói đúng quá, vậy để cháu sẽ đi mua nải chuối về cúng Bà nhưng bác cho em Trung uống viên thuốc này cũng giúp cho bớt sốt”. Anh Trâm nói nhỏ với tôi: “Sốt cao quá có thể bị thương hàn, nhưng để xem”. May quá là hôm sau, bé Trung đã hết sốt và ăn được cháo. Tôi quên mua nải chuối nhưng thấy Trung hết bịnh dân làng bắt đầu tin thầy Tư (Trâm). Trâm, Nguyên và Quyền cũng không xưng là bác sĩ, chỉ xem mạch rồi phát vài viên thuốc trắng trắng xanh xanh là người bệnh hết bệnh khiến dân làng cứ khen thầy Tư, thầy Bảy, thầy Tám mát tay! Thầy Quyền và thầy Nguyên cũng thay phiên nhau tới xem mạch và cho thuốc. Đồng bào bắt đầu tin tưởng ba cái “chú biết chữa bệnh” của Làng.

Rã bành tô

Một bữa khi đi xe máy về lại Sài Gòn sau một ngày làm việc vất vả, bác sỹ Quyền đi song song và hỏi tôi: Chị Phượng đã có người yêu chưa? Tôi hỏi dùm một người bạn chứ tôi đã có fiancée rồi, xin chị đừng hiểu lầm tôi. Tôi mỉm cười nhẹ nhàng nói: “Dạ có rồi, thưa anh”. Trong tâm tôi nghĩ là tôi nói thiệt vì tôi nhớ tới Khá, tôi đã phụ tấm lòng trung hậu đó thì tôi chỉ có một người yêu bất diệt duy nhất là lý tưởng phụng sự người nghèo khổ của tôi thôi. Nếu tôi ưng ai tức là tôi phụ lòng người con trai hiền lành trung hậu ấy, tôi phụ người yêu bất diệt là lý tưởng phụng sự của tôi. Tôi có thuật điều này cho bạn tôi là Lê Kim Chi nghe. Nghe điều ấy Chi bèn đi mách với thầy Nhất Hạnh khiến thầy thấy tội nghiệp tôi quá. Chiều đó thầy gửi các bạn đem cho tôi một bức thư và căn dặn khi nào buồn lắm thì mở bức thư “cấp cứu”của thầy ra mà đọc. Tôi rất can đảm và không cần mở bức thư cấp cứu đó ra, sau này có dịp, tôi đem trả lại thầy, thầy bảo tôi mở ra xem. Thì ra chỉ có mấy câu thầy dạy tôi cách đi thiền hành để ôm ấp niềm xót xa trong lòng!

Ngày hôm sau, các bạn trong giới y khoa (bạn của Trâm) Sài Gòn, nhiều người được anh Trâm hỏi: Có biết cô Cao Ngọc Phượng bên Đại Học Khoa Học không? Các bạn hỏi lại: Biết, thì sao? Trâm nói: Tui “rã bành tô” rồi bồ ơi, tôi buồn quá, cô ấy đã có người yêu. “Bành tô” là tiếng người bình dân miền Nam gọi trại chữ manteau của Pháp tức là áo khoác dày bên ngoài khi trời lạnh. Nếu bành tô của mình mà rã thì tả tơi lắm. Đúng ra phải nói: Tôi tả tơi quá bạn ơi.

Với một bạn khác của làng thì anh chia sẻ: Bạn biết không. Vừa gặp Phượng thì tôi biết đây là người mà tôi chờ đợi từ lâu rồi, lâu lắm rồi. Đúng là người con gái có cái dáng ốm ốm thanh thanh đó, đúng là cái người thiếu nữ tóc dài có nước da xanh mét đó… Buồn quá, bạn nghĩ có thật cô ấy đã có hôn phu rồi không?

Trâm buồn được vài tuần thì bỗng nhiên vui vẻ trở lại và lại tiếp tục đi cùng tôi thăm từng gia đình dân làng Cầu Kinh và Thảo Điền, xem mạch, cho thuốc và bàn bạc với tôi về những việc chung của làng. Tôi cũng vui vì nghĩ rằng anh ấy đã bình thường hóa lại cái tình đồng chí với tôi trong công tác làm mới xã hội nghèo khó này.

Vài tháng sau tôi nghe nguồn tin là Phương Thảo đã bật mí cho anh ấy biết tôi chẳng có anh chàng nào hết, trừ chàng Nguyễn Khá, cố nhân rồi! Thế là anh ấy lại hy vọng. Nhưng hôm đó tại nhà Phương Thảo tôi nhất định cho Trâm biết người yêu của tôi là lý tưởng phụng sự đồng bào nghèo khổ, xin đừng hy vọng bỏ tôi vào lại cung điện của tình yêu thường tình. Mấy hôm sau tôi bị các bạn của anh Trâm “tấn công” khá kỹ. Họ nói: Cái chị Phượng đó hả? Thà cạo đầu đi tu làm ni cô cho người ta không mơ tưởng. Ai kêu chị ấy để tóc dài mơ mộng quá để cho người khác bể trái tim, tội chết! Không biết chị ấy có biết không? Tôi cười buồn, cũng muốn cạo đầu quách cho rồi nhưng không có chùa thì làm sao mà tu được? Tôi đâu muốn vào chùa của ni sư Vĩnh Bửu, vì tôi không cho nghiệp phụ nữ là nặng và không cần tu để kiếp sau thành con trai cho nhẹ nghiệp. Con trai mà cứ vướng mắc tình cảm như anh Trâm thì còn nặng nghiệp hơn. Gia đình tôi đa số đều chấm Trâm thi đậu làm rể, ai cũng bàn vào đề nghị tôi đồng ý cho rồi, nhưng cái đầu cứng của cô cọp con này ai mà bóp cho mềm được. Sáng sớm tôi đã mất hút vào làng, khi thì làng Cầu Kinh, khi thì làng Thảo Điền, và tối khuya mới về lại nhà. Má tôi trách: Hồi ở Pháp, con nói con nhớ má, thương má, vậy mà khi về tới đây, sáng sớm là con đi mất, tối khuya con mới về, con đi đâu mà đi dữ vậy? Tôi nằm kề bên ôm chặt má và nói: Con thương má lắm nên mới không lấy chồng, nếu con lấy chồng thì bụng mang con, tay này lo cho chồng, tay kia lo cho cả giang san gia đình bên chồng, còn đâu thì giờ ngồi ôm má ban đêm như vầy đâu?

Nghe thế má tôi cười vui trở lại. Má tôi thật dễ thương, dễ nghe lời con gái quá à! Tôi ôm hôn má thật ngon, rúc đầu vào má mà ngủ, hai mẹ con hạnh phúc nằm bên nhau. Hôm sau tôi lại phải đi sớm và má vẫn vui.

Khi nào thì tôi mới gửi thiếp mời mọi người đi dự lễ xuất gia của tôi đây?

Bảy tháng sau, tôi nghe nói Trâm thật tình hiểu là tôi quyết đi tu nên anh không theo đuổi nữa và quyết định trở lại với người con gái rất xinh đẹp đã thương anh từ lâu. Lòng tôi rất vui mừng cho anh ấy vì làm sao mà tôi vui nổi khi có người khổ vì mình mà mình thì nhất định không thể ưng anh ta được. Tôi hỏi các bạn sao không rủ chị ấy đi làng mình cùng với anh Trâm. Chị Nhiên ở chung cùng cư xá Trần Quý Cáp với cô kia nói: Trời ơi, chị Phượng ơi, tội nghiệp cô kia lắm! Cô cứ khóc với tụi tui hoài hà. Cứ mỗi lần anh Trâm gặp cô ấy thì hay đề nghị em nên để tóc dài như chị Phượng, em nên mặc áo trắng như chị Phượng… Mấy tháng sau nữa chúng tôi nhận được thiệp cưới của Trâm. Bỗng nhiên tôi thấy thật buồn!

Lạ quá, tại sao từ chối người ta khi người ta hai lần cầu hôn rồi bây giờ được thiếp cưới của người ta thì buồn, tôi yêu Trâm ư? Nhìn sâu lại tâm mình tôi mới nhận ra một sự thật rất bình thường là: Người con gái nào cũng xem ngày cưới của mình là trọng đại, là ngày đi lập cuộc đời mới với người con trai mình thương yêu và gửi gắm niềm tin. Nhưng con đường của tôi, không phải là con đường đó. Tôi đã chọn lý tưởng làm người xuất gia theo Phật. Lấy sự dấn thân phụng sự cho người nghèo khổ làm tương lai cho mình. Vậy thì khi nào tôi mới mời được bạn bè đến dự ngày xuất gia của tôi đây? Tôi buồn là phải! Đất nước đầy khổ đau, nội chiến lăm le cùng khắp nước, một ngôi chùa ni theo lối tu mới, dấn thân theo lối tôi mơ ước, chẳng biết khi nào lập được. Thế thì chẳng bao giờ tôi có được cái hạnh phúc gửi thiệp cho ai hết để mời đến dự ngày tôi xuất... gia. Tôi buồn không phải năm phút mà... gần cả ngày!

Ngày hôm sau tôi lấy xe mobylette chạy tới hỏi chị Hà: Tiền tụi mình dành dụm để cất chùa ni được bao nhiêu rồi hả chị ? Chị Hà cười: “Còn chờ lâu lắm Phượng ơi! Nhưng nếu cất chùa lá chắc là đủ. Tôi nghĩ: Tại sao không? Một ngôi chùa bằng lá? Cách mạng lắm chứ! Tôi nghĩ đến ngày cất chùa xong tôi mời thầy tới xuống tóc cho mấy chị em tôi. Thiệp mời sẽ làm thật đẹp. Thế nào cũng gửi cho vợ chồng anh Trâm, anh Quyền và Xuân Lan, anh Nguyên, Phương Thảo, Bích, Kim Chi, Nhiên… Thiệp xuất gia của bảy tám chị em chúng tôi cùng một lúc. Vui quá! Người xuất gia chắc chắn sẽ có chị Hà, Phượng, Thanh, Uyên, Trà Mi, Phùng Thăng, chị Liên, chị Điệp... Chắc chắn là vui hơn đám cưới nhiều!

Tránh kịp một vụ Mỹ Lai

Sáng đó tôi vào đến làng Thảo Điền bỗng thấy không khí có vẻ kỳ lạ quá. Cái làng hiền lành của tôi hôm nay đầy lính Mỹ. Anh Mỹ nào cũng nhìn tôi với ánh mắt vừa sợ hãi, vừa ngây thơ. Tuy cao lớn dềnh dàng - có anh cao bằng hai tôi - nhưng mặt anh nào cũng non choẹt. Tôi nhìn vào mắt một anh và hỏi: Các anh định làm gì ở đây? Anh ta hơi giật mình! Có người biết tiếng Mỹ! Ngập ngừng một chút anh ta nói: Chúng tôi đến tìm cộng sản. Với ánh mắt thật trong sáng và chân thật, tôi trả lời ngay là ở đây không có Cộng Sản đâu. Cách đây ba hôm, có một toán du kích vào trói gô ông xã trưởng lại và nói: Mày làm việc cho ngụy, ta phải đốt nhà mày. Dân làng lạy lục năn nỉ họ đừng đốt nhà ông xã trưởng vì ở đây nhà nào cũng bằng lá. Đốt một nhà là đốt hết cả làng. Họ do dự... rồi sau đó bỏ đi. Mừng quá, thế là chúng tôi yên tâm mấy ngày nay. Thế các anh tới đây làm gì? Tại sao trước đây không tới mà bây giờ đến? Họ nói: Cái cầu dài ngoài kia suýt bị mìn nổ vì có du kích đem mìn tới. A thì ra thế! Một lát sau, một người sĩ quan Hoa Kỳ hình như là trưởng nhóm lại đến hỏi tôi lần thứ hai. Sau đó, toán lính Mỹ này có đi lùng soát rất kỹ và hình như thấy đúng như lời tôi khai báo, không có súng, vỏ đạn, không có gì khả nghi. Nhờ thế nên khoảng một giờ sau thì họ rút đi. Tôi chợt nghĩ nếu sáng hôm đó mà tôi không tới kịp, nếu có chú bé nào dại dột vác hèo tới đập anh lính Mỹ nào đó thì sự cố có thể rất tệ. Cái ánh mắt sợ sệt kia sẽ nhanh chóng biến thành hoảng hốt và những loạt súng bắn bừa vì sợ hãi sẽ kéo theo một vụ Mỹ Lai thứ hai thì sao? Mỹ Lai là một làng nhỏ của Quảng Ngãi bị lính Hoa Kỳ (sĩ quan Calley) bắn ria chết mấy trăm người dân vô tội, toàn là trẻ em và ông bà già cùng phụ nữ, báo chí Hoa Kỳ đang phanh phui tội ác lớn này. Lòng tôi rất thương, có khi người ta không ác nhưng vì sợ hãi - như mấy anh lính Mỹ hồi sáng nay ở Thảo Điền đã nhìn dân làng với đôi mắt đầy ngây thơ nhưng sợ hãi - vì nghĩ là phải tự vệ nên người ta tàn sát. Ôi tôi mong mỏi chiến tranh này chấm dứt càng sớm càng tốt để con người không phải gây nghiệp ác với nhau dài dài vì vô minh và sợ hãi như tôi đã chứng kiến sáng nay và kịp thời tránh giúp cho họ. Nhưng ở các làng xa của Việt Nam có bao nhiêu nông dân nói được tiếng Hoa Kỳ để tránh tai nạn kịp thời như tôi đã làm?

Tết Trung Thu

Chỉ còn có một tuần nữa là tới rằm tháng Tám. Tôi rất phục sư chú Nhất Trí là đệ tử xuất gia đầu của thầy chúng tôi. Làng Thảo Điền là làng hoa tiêu thứ hai mà sư chú và tôi tìm ra, nó chỉ cách Làng Cầu Kinh chúng tôi có một con sông lớn. Đây là một làng hoàn toàn bị cô lập với thế giới văn minh từ Sài Gòn mà chúng tôi đang sống. Không có trường học, không trạm y tế, không hàng quán. Nông dân làm nghề thuần túy trồng lúa. Mỗi nhà có được giàn bầu, giàn bí, giàn khổ qua, giàn dưa và có trồng rau húng và khoai lang, khoai sọ, khoai mì. Họ chèo ghe qua bên kia sông tới Cầu Kinh mua dầu hôi đốt đèn, dầu ăn, nước mắm và muối. Mỗi khi về làng Thảo Điền, tôi phải đi xe mobylette khoảng bảy cây số từ nhà chị Tám tôi ở Nguyễn Bỉnh Khiêm tới cầu Xa Lộ, chạy thêm nửa cây số thì rẽ vào đường đê, băng ngang ruộng lúa độ hai cây số thì tới cổng Làng. Hình như đây là ấp chiến lược của ông Ngô Đình Nhu muốn đưa dân vào ở chung một nơi cho dễ kiểm soát. Mỗi khi sư chú Nhất Trí về làng là trẻ con gọi nhau ơi ới: Thầy Năm về, đi học, đi học, bây ơi. Không khí này khiến tôi nhớ xóm Quốc Thanh của tôi mỗi khi tôi vào thăm. Các cháu mừng tôi như mẹ đi chợ về. Lúc nào tôi vào các cháu cũng gọi nhau ơi ới như thế, tôi ưa đem bong bóng và kẹo dừa cho các cháu. Còn ở đây các cháu gọi nhau chỉ là để đi học. Thương không? Con nít thành phố đâu có ham đi học như vậy đâu? Các bé đủ lứa tuổi, đứa nào cũng ham học. Có đứa phải ở nhà giữ em nhưng có thầy Năm (tên mà dân Làng đặt cho sư chú) về dạy học, dạy hát mà không đi học sao được. Các bé bồng em vào lớp để cùng học chung. Bờ a ba, bờ a ba huyền bà…đứa bé một tuổi đòi tụt xuống đất để bò lê trên sàn nhà, cô chị mới sáu tuổi ráng níu em lại. Chợt có tiếng khóc thét của đứa bé đòi tụt xuống sàn. Chị nó là Ổi, phải miễn cưỡng bồng em ra ngoài kẻo làm ồn lớp học. Sư chú nhìn tôi lắc đầu, chắc phải tổ chức giữ em vần công mới được chị ơi. Sư chú đọc lớn và bảo các em đọc theo: Bờ a ba huyền bà. Bà ru em ngủ. Bỗng có tiếng la lớn: Xíu ơi, em mầy ị dưới nền lớp học rồi! Thúi hoắc hà! Thế là lớp học tạm ngưng để Xíu đi lau phân của em nó, ị trên sàn đất, lau trên sàn đất thì làm sao mà sạch được !

Ở chơi đến chiều, tôi học được rất nhiều bài hát của chú tự sáng chế để dạy cho trẻ em.

Em ra ngoài đồng, em thấy một con trâu, sừng trâu to lớn nước da xám xỉ năm chì ỉ trên đường đi gặp chi ăn nấy em thấy hai con trâu. Em ra ngoài đường, em thấy hai con trâu

Sư chú Nhất Trí nhờ tôi dạy các em bài:

Tết Trung Thu em xách đèn đi chơi Em xách đèn đi khắp phố phường Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh Em xách đèn cùng đến cung trăng Đèn ông sao với đèn cá chép Đèn xanh xanh với đèn tím tím Em múa đèn cùng với chị Hằng.

Chị Hằng là ai? Sư chú chịu khó chỉ mặt trăng mới lên và giải thích, kể chuyện Hằng Nga và Chú Cuội cho các cháu nghe, giải thích là vì trăng tròn tháng Tám trời không lạnh không nóng, mới gọi là lúc tận hưởng trăng tròn giữa Mùa Thu. Người lớn thì khoe tài khéo làm bánh, làm kẹo; trẻ em thì được xách đèn đi múa dưới trăng Trung Thu rất mát mẻ và vui tươi. Mình sẽ tập múa chèo thuyền để trình diễn văn nghệ cho cô bác xem, các anh chị bạn của cô Chín (là tôi) sẽ mang quà về cho tụi con. Mình sẽ mời dân làng Cầu Kinh sang đây trình diễn chung coi bên nào có tiết mục hay nhất.

Ngày hôm đó, Mỹ Hạnh phối hợp việc thu quà, Phương Thảo lo điều động toàn chương trình; Thanh, Uyên, Bạch Tuyết đã về đây tập hát với các cháu nhiều lần nên đang tập dượt với các cháu. Tôi với sư chú rút vào hậu trường để các bạn từ Sài Gòn xuống đứng ra chủ động cho họ vui. Sau khi các cháu trai trình diễn điệu múa mới với mái chèo, dân làng vỗ tay tán thưởng thật lâu khiến các cháu lại múa lại lần nữa.

Bỗng chúng tôi nghe tiếng hát reo vui của một đoàn thiếu nhi dẫn đầu là sư chú Nhất Trí đã có đèn trong tay, vừa đi vừa hát:

Tết Trung Thu em xách đèn đi chơi Em xách đèn đi khắp phố phường Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Rồi ở góc kia của Làng lại một đoàn thiếu nhi khác, dẫn đầu là Tâm Thái, cũng vừa đi vừa hát:

Em xách đèn cùng đến cung trăng Đèn ông sao với đèn cá chép

Rồi ở góc làng khác một đoàn thiếu nhi dẫn đầu là Tâm Quang:

Đèn xanh xanh với đèn tím tím Em múa đèn cùng với chị Hằng

Các cụ già nhìn các cháu xách đèn đi chơi cười rung rung hàm râu trắng nói: Trăng tròn năm nay nhờ có thầy Năm và cô Chín về, các cháu sướng ghê, lâu lắm rồi, chưa bao giờ làng này vui như vậy.

Nhưng sau đó sư chú vào Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đi làm công tác ở Bình Điền, mất tích cùng với bảy người bạn khác. Đêm đó ở Bình Điền, nếu tôi không sợ mẹ tôi buồn, ở lại ngủ đêm tại cái làng bình yên đó thì chắc tôi cũng bị mất tích theo.

Chương 7: Ruột đau chín khúc

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự - Hồi kí của Sư cô Chân Không

Mùa Mưa Lũ năm Giáp Thìn, mặt nước sông Thu Bồn dâng cao 5 thước, từ 60 năm nay chưa bao giờ có trận lũ lớn như thế. Nước lên quá nhanh đồng bào chạy không kịp nên nghe nói có hơn 4.000 người bị lũ cuốn đi. Có thôn như Đông An, Sơn Ninh, Đức Dục có 700 cử tri mà sau lũ lụt chết gần 500, giờ chỉ còn 204 người. Toàn quốc ai cũng đứng ra cứu trợ, có rất nhiều đoàn thể sinh viên học sinh các trường Đại Học, Trung Học, đoàn dược sĩ, y sĩ, thương gia, đoàn từ thiện của các chùa đều tổ chức đi cứu lụt. Lúc đó tại Đại Học Vạn Hạnh, tôi được cử làm Phó Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt. Anh Phúc và anh Siêu được đoàn gửi đi điều nghiên ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín và Quảng Nam để dọn đường cho đoàn chính thức chuẩn bị đi. Các anh về báo cáo là nhiều đoàn thể đi cứu trợ lắm nhưng họ trọng hình thức, làm gì cũng chụp hình đăng báo, cứu trợ nhiều nhất là xung quanh các thành phố lớn tương đối an ninh như Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn... Có những làng xa như Đức Dục, Sơn Khương, Cà Tang, quân đội du kích rất đông, chạm súng với bên quốc gia thường xuyên. Ai mà liều đi cứu trợ các vùng đó thì có thể chết vì lạc đạn dễ dàng nên chưa có đoàn nào dám đi. Thế là phái đoàn cứu trợ Viện Đại Học Vạn Hạnh chúng tôi lên đường ngay sáng hôm đó quyết đến những nơi mà thiên hạ thật cần mình.

Lời thệ nguyện trên sông Thu Bồn

Thầy Nhất Hạnh vui lòng đưa chúng tôi đi chuyến đầu. Tôi làm trưởng đoàn với khoảng 15 sinh viên Vạn Hạnh cùng đi như chị Phương Thảo, anh Phúc, sư chú Nhất Trí, anh Hiệp sinh viên Đại Học Huế. Tới Đà Nẵng chúng tôi lấy 200 bao gạo 100 kí mà đoàn gửi ra trước đó cùng với 20 bao quần áo, 3.000 cái nồi, 3.000 cái soong, đường, muối, tiêu và xì dầu, mấy chục bao đậu xanh để làm giá cho có vitamines, mấy ngàn chiếc chén, dĩa, đũa, muỗng, thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ sốt rét. Nhờ có thầy Nhất Hạnh đi theo nên mọi sự sao mà quá dễ dàng. Tới đâu cũng có người đồng sự: Đây là thượng tọa trụ trì Như Vạn, là học trò của thầy khi ở Ấn Quang, chỗ kia là các vị Phật Tử, kia nữa cũng là huynh trưởng từng là người ngưỡng mộ thầy. Các thượng tọa Như Vạn, Như Huệ rất cảm động vì các vị trưởng lão trong đạo, bậc cao tăng như thầy không có vị nào đi tới tận vùng xa xôi này. Thượng tọa Như Vạn nổi tiếng là đi cứu trợ không biết mệt vì cả hai bên quốc gia và du kích, nhiều người cũng là đệ tử của thầy. Nhờ cái cờ Phật giáo phất phới trên ghe mà bảy ghe chài cao nghệu chất ngất những soong, nồi, chảo, áo quần, gạo, đường, thuốc men, đậu xanh đi tới đâu cũng được tiếp đón dễ dàng giữa vùng “xôi đậu” (là vùng có hai phe cai trị).

Nghe nói ở miệt Sơn Khương (Trung Phước), Duy Xuyên không có ai đến cứu trợ cả và người ta đang đói. Tội nhất là đồng bào sống dài theo sông từ huyện Đức Dục, Cà Tang trở lên, phía thượng nguồn như Sơn Thuận, Tứ Phú, Khương Bình... Đau thương của đồng bào nơi đây thì thật ngút ngàn. Các vùng này nằm bên kia một chiến tuyến, hai bên chạm nhau thường xuyên và rất dữ dội, không đoàn cứu trợ nào dám đến giúp. Vì thế một số người chết vì lũ lụt, rồi bây giờ một số còn sống sau trận lụt lại tiếp tục chết vì đói, vì cả tháng rồi mà không ai dám tới. Thượng lưu sông Thu Bồn vách núi đá cheo leo. Nước từ các đỉnh núi, từ các nguồn đổ về, nhưng đất nơi đây chỉ là đá và đất sét nên hút nước không kịp. Nghe nói nước dâng lên tám thước. Chúng tôi thấy được tận trên cao của vách núi dấu ngấn lũ lụt ở khuôn Tứ Phú, xã Sơn Thuận. Cao đến thế thì dĩ nhiên là lút nhiều nóc nhà, nước cuốn thật nhanh cả nhà cả người cả súc vật. Nền hoang nhiều lắm vì rất nhiều gia đình chết sạch không còn ai.

Ghe đi ngược dòng vừa chèo vừa chống nên đi rất chậm. Ban ngày chúng tôi ghé từng thôn, phân phát gạo, thực phẩm và hỏi bệnh phát thuốc, tối chúng tôi cắm sào dừng ghe lại ngủ bên vách núi. Chúng tôi ngủ tại Khương Bình, Tứ Phú giữa vách núi đá lạnh căm căm, mỗi người chỉ có một lớp mền mỏn, không mùng và cũng không có nước suối đóng chai như ngày nay. Nước sông còn mùi xác chết, dù có lọc và nấu sôi vẫn không uống được nên sau khi thấy cơm vừa chín tới chúng tôi phải mở nắp nồi cơm để bốc hết những mùi hôi của nước.

Có một cụ già bảy mươi lăm tuổi, nước cuốn đi mất vợ và tất cả các con gái con trai, các cháu ngoại nội dâu rể và nhà cửa ruộng vườn... Nhờ cụ ngồi trên mình trâu trôi từ Đông An xuống đến tận Kỳ Lương nên chỉ còn một con trâu là kỷ niệm duy nhất trong đại gia đình. Suốt ngày cụ cứ dắt trâu đi vòng vòng như người mất hồn. Thấy chúng tôi mang quà tới cụ chẳng mừng, hồn lơ lơ lửng lửng như đang nghĩ ngợi đâu đâu.

Đi đến Cà Tang có những cụ già quỳ xuống xoè tay nhận cơm vắt và gạo chúng tôi mang đến, rồi vừa khóc vừa cúi xuống lạy các em gia đình Phật tử đáng tuổi cháu nội của cụ như lạy bồ tát Quan Âm (Gia Đình Phật Tử Quảng Nam cùng đi theo để phụ phát quà với chúng tôi). Các cháu hoảng kinh: Thưa cụ, xin đừng lạy cháu, cháu đáng cháu nội của cụ thôi, nhưng cụ bảo cụ lạy Bồ Tát đã che chở và đưa cháu tới tận nơi này. Đã bao nhiêu ngày sống sót sau trận lũ nhưng thoi thóp vì đói, cụ tưởng loài người đã quên hẳn cụ và những người còn sống sót sau cơn lũ. Thầy trò bắt đầu rời ghe xuống đi bộ từ Sơn Thuận, Tứ Phú. Có quá nhiều miếu nho nhỏ để thờ cả một khu xóm đều chết hết, nhất là ở Đông An, Sơn Ninh.

Đêm đó thầy cắt đầu ngón tay để nhỏ ra mấy giọt máu và phát nguyện rằng thầy sẽ không bao giờ quên đồng bào khổ cực chết vì thiên tai, chết vì bom đạn ở những vùng xa xôi như vầy. Rồi quay lại chúng tôi thầy nói: Các con nhớ không? Chúng ta sẽ không bao giờ quên! Có trời đất, có hồn thiêng đất nước, tổ tiên và đồng bào chứng minh! Những giọt máu rơi xuống dòng sông tại Tứ Phú. Chiều hôm đó khi đã hết gạo và các thứ cứu trợ chúng tôi chào đồng bào ra về. Nghe nói có quá nhiều cháu mồ côi. Có nhiều bà mẹ trẻ ôm đứa con duy nhất còn lại của mình đưa cho chúng tôi, xin chúng tôi đem các cháu về nuôi dùm vì họ sợ họ không sống sót tới mùa lúa tới. Mà các cháu chết thì tội quá. Chúng tôi cũng khóc với họ nhưng phải từ chối vì chúng tôi đều còn là sinh viên, không thể nào nuôi các cháu được.

Đừng quên, xin đừng vội quên

Sau chuyến đó thầy về Sài Gòn bị sốt rét nặng, nhưng đã viết bài tường thuật thật cảm động: Đừng quên, xin đừng vội quên đăng trên tuần báo Hải Triều Âm. Nhờ thế mà nhiều đoàn từ thiện lại chịu khó đi cứu trợ thêm trên thượng nguồn sông Thu Bồn. Cuối năm 1965, quý sư cô ở Huế đã quyết định đem một số khoảng mấy trăm trẻ không cha mẹ về nuôi tại chùa Tây Lộc, cô nhi viện Tây Lộc; và một số khoảng cũng mấy trăm em được đem về Sài Gòn nuôi tại Viện Hóa Đạo lấy tên là Cô Nhi Viện Quách Thị Trang. Riêng tôi thu xếp để mỗi hai tháng khi có giấy Viện Đại Học Huế trả vé phi cơ mời ra dạy thì tôi chỉ dạy một tuần thay vì mười ngày để có thể bỏ thêm một tuần thứ hai đi cứu trợ. Tôi được đi cứu trợ đều đặn mỗi năm ba lần cho đến 1966 tôi bị công an Thừa Thiên không cho ra Huế dạy nữa.

Chuyến đầu tiên không có thầy, tôi rủ được Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng. Phùng Thăng có gương mặt rất thanh tú, dáng người thanh lịch, nhìn em mặc chiếc áo năm thân mầu nâu cùng đi cứu trợ với tôi ở những vùng xa xôi bom đạn như vầy tôi rất cảm động và thầm khâm phục cô công chúa bé dễ thương chịu khó này. Em nói với tôi là em rất ưa tên Phượng, nên sau này lấy chồng sinh con, Phùng Thăng đã đặt tên cháu là Tiểu Phượng. Chuyến đi cứu trợ nào tôi cũng đi với sư chú Nhất Trí, đệ tử xuất gia đầu của thầy. Chú người Hòa Vang, Quảng Nam. Chú về trước vài ngày để mướn thuyền to, mướn xe tải chở thực phẩm và quà cho đồng bào từ Đà Nẵng tới (những khối lượng quà này chúng tôi lạc quyên từ Sài Gòn và gửi ra Đà Nẵng vài tuần trước khi tôi đi dạy ở Huế rồi đi Quảng Nam cứu trợ luôn). Lần nào cũng vậy, sau khi dạy xong ở Đại Học Khoa Học Huế, tôi và đoàn sinh viên từ Huế sẽ về Đà Nẵng rồi Quảng Nam để đi ngược sông Thu Bồn dọc theo bờ sông mà phân phát quà cho đồng bào. Phan Đạm Hiệp là một sinh viên đại học Huế không bao giờ vắng mặt trong các chuyến đi của tôi.

Lần cứu trợ thứ ba, cũng tại nơi này, khi ghe đến Sơn Khương thì hai bên du kích và quốc gia đang bắn nhau dữ dội, sư chú Nhất Trí sợ quá nhảy tòm xuống sông trốn đạn. Chú bé đứng gần bên bèn hô hoảng lên: Ông thầy tự vẹn (tự vận). Ai cũng biết chú sợ lạc đạn mà nhảy nên không ai lo cứu! Tôi ngồi thật yên, thở và niệm thầm Phật Quan Âm. Tôi tự nhủ: Con không tránh đạn được. Chính đạn phải tránh con đó bồ tát Quan Thế Âm ơi. Con phải đi tới đây vì mấy nơi này xa xôi hiểm nguy quá, đâu có đoàn nào dám đi tới đây đâu nên đồng bào cần con. Đâu. Bỗng nhiên tôi cất tiếng lên, nhẹ nhàng nhưng trầm hùng, dũng mãnh: Bồ tát Quán Tự Tại, khi quán chiếu thâm sâu, bát nhã ba la mật, tức diệu pháp trí độ, bỗng soi thấy năm uẩn, đều không có tự tánh, thực chứng điều ấy xong, ngài vượt thoát tất cả, mọi khổ đau ách nạn.

Xá Lợi Tử nghe đây, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc, còn lại bốn uẩn kia cũng đều như vậy cả.

Hình như các em sinh viên Phật tử trong ghe đều tụng lớn với tôi. Tiếng tụng kinh cả đoàn mười mấy người thật trầm hùng, dũng mãnh và bỗng nhiên chúng tôi không còn sợ hãi gì cả. Tiếng súng đã im bặt từ lúc nào.

Trời cũng vừa hửng sang. Chúng tôi chống ghe đi lên vài trăm thước thì có tiếng gọi cầu cứu. Dừng ghe, chúng tôi bước lên bờ, thật là một cảnh đứt ruột nát gan, mươi căn nhà cháy vừa rụi, nhiều người máu me đầy mình nằm im, thân nhân vái chúng tôi như lạy Phật cầu cứu. Trong chúng tôi không có ai là y tá hay bác sĩ, chúng tôi chỉ định đi cứu đói thôi, thuốc men để trị tiêu chảy, kiết lỵ, sốt rét thì có nhiều, nhưng thuốc trị thương vì bom đạn thì chỉ có một ít thuốc đỏ và thuốc bột rắc sát trùng, vài cuộn băng. Các em khác đi phát gạo và thực phẩm cho đồng bào trong khi tôi và Tuấn băng bó hai người bị thương nặng. Chúng tôi hứa sẽ chở họ về tỉnh mà cứu. Tôi đi theo các em tiếp tục đến từng nhà, những nhà chưa cháy hay đã cháy chúng tôi an ủi bằng cách phát gạo, xì dầu, dầu ăn, đậu nành, đậu xanh. Bỗng xuất hiện phía sau chòi, một phụ nữ ôm đứa bé máu me đầy mình, mặt mày xanh lét, người mẹ trẻ ấy ôm cháu và đến gần tôi trao cháu cho tôi và chắp tay lạy tôi lia lịa như lạy Trời, lạy Phật. Tôi đưa tay đỡ cháu vào lòng mà cũng không biết làm gì để cứu cháu. Tuyệt vọng tràn ngập tận xương tủy tôi. Tôi muốn khóc mà cũng không khóc được thành nước mắt. Rồi cháu bỗng nấc lên một tiếng như nấc cục. Tôi đưa tay lên mũi cháu, cháu đã hết thở! Đầu tôi nhức như búa bổ, tim tôi trĩu nặng và tôi có cảm tưởng là tôi khổ hơn chính bà mẹ của cháu nữa. Có lẽ mặt tôi cũng xanh dờn như mặt bà mẹ trẻ nên các em đã dìu tôi trở lại ghe.

Sau này khi có dịp theo thầy đi kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, một hôm nọ ngồi bên một số bạn Hòa Lan, nhìn lên đài truyền hình có cảnh môt người cha ôm đứa con máu me bê bết. Các bạn cũng thương tâm nhưng sau đó thì lại tính chuyện này chuyện nọ như vừa xem phim kiếm hiệp. Trong khi đó thì tôi ngồi im như pho tượng, như có dao đâm vào tim. Và tôi hiểu có thể chiến tranh Việt Nam sẽ còn lâu lắm mới chấm dứt. Khi nào mọi người trên thế giới có dịp ôm một đứa bé - dù không phải là con mình - máu me đầy mình mà biết là không thế nào mình cứu được nó, khi nào mà tất cả những người xem truyền hình trên thế giới,o có dịp ôm vào tay một đứa bé máu me như tôi và biết là nó sẽ chết, thấy được mẹ nó xanh như tàu lá, lạy mình như lạy Chúa lạy Phật để cứu đứa con thân yêu của họ mà mình hoàn toàn bất lực, không làm cách gì để cứu sống được mạng bé thì chiến tranh Việt Nam mới hy vọng có nhiều người hiểu và thương và hết lòng muốn chấm dứt.

Ruột Đau Chín Khúc

(Thơ Thầy Nhất Hạnh)

1. Tôi đến đây cùng khóc với các anh các chị. Xứ sở ta đau thương và cảnh tình ta bi đát. Bàn tay tôi đây xin các anh nắm lấy, xin các em nắm lấy, Tôi muốn được nói cùng các anh và các chị: dù sao thì chúng ta cũng phải can đảm để mà lo lắng cho trẻ thơ, cho ngày mai. 2. Đã một tháng rưỡi trời sau khi nước rút, em tôi nhận được của cứu trợ hai lần, một lần chưa đầy lon gạo. Ba ngày mới có một bữa cơm. Chiều nay tới thăm em, tôi được em cho biết tối nay em phải ăn đọt cau và bắp thối Thương thay cho em tôi (Và cho biết bao chiếc đầu xanh vô tội Một đàn trẻ con da vàng mặt bủng) Đi kiết từ hơn một tuần nay, không thuốc không men. Nước cuốn mất mẹ em rồi, nước cuốn mất cả cha em, nước cuốn mất cả em em nữa Trên chiếc đầu thơ ngây, khăn tang không có Nhưng nắng chiều vàng vọt trên cánh đồng tan hoang xác xơ khốn khổ Đã là chiếc khăn tang phủ trọn tâm hồn tôi. 3. Hãy tới đây mà chứng kiến cảnh những người thương của tôi trong trận bão lụt Giáp Thìn. Đến để ẵm trong tay em bé xanh xao đã rủi ro còn sống. Để thấy người cha trẻ sau khi tìm biết rằng vợ và bốn con đã chết, trong ba ngày ba đêm đã ngồi yên nhìn vào khoảng không, và thỉnh thoảng cười lên sằng sặc. Ở xa xăm anh có nghe thấy tiếng cười ấy không? Hãy đến đây để thấy cụ già râu bạc, sau những ngày cô đơn tuyệt đối trên mảnh đất hoang, đã quỳ xuống đỡ lấy nắm cơm cứu trợ trên tay một em thiếu nhi ngơ ngác. Cụ đã quỳ trước tình thương, trong khi em bé khóc "Cụ ơi, con chỉ bằng cháu của cụ mà thôi" Nhưng dù sao thông điệp tình thương đã tới nơi rồi Tôi có quyền đặt lòng tin nơi ngày mai nhân loại. 4. Chồng chị đã mất rồi, con chị đã mất rồi, Vườn dâu tan nát Bếp lửa làm sao nhóm lại, mảnh đất nghèo ơi? Trời cho, rồi trời lấy lại, Tôi sợ chị tôi chiều nay không còn kiên nhẫn, Mà mở miệng ra, nguyền rủa hiện sinh mình. Tôi khóc khi nghe chị nói rằng: "Tuy một phút khó khăn Mà khỏe thay những gia đình chết trọn". Nhưng hôm nay còn tôi, còn anh, còn bạn Ta chung lưng gánh đầy hiện hữu trên hai vai Hãy nương vào nhau, và gắng đừng bật lên tiếng khóc; con đường còn dài, Vì thế hệ tương lai, hãy cúi đầu đi tới. 5. Người nông dân ngửng đầu lên khi nghe lời tôi hỏi Và chua xót trả lời, không e dè, ngần ngại: ỀTôi ghét cả hai bên Tôi không theo quốc gia Tôi không theo giải phóng Tôi chỉ theo người cho tôi sự sốngỂ Cuộc tồn sinh! Ôi tủi nhục không chừng! 6. Trên thượng lưu sông Thu Bồn Đứng giữa dòng Tôi cắt đầu ngón tay cho giọt máu đào rơi, hòa tan vào dòng nước Máu tôi đã được hòa với dòng sông Thôi hãy nằm im Tất cả những ai đã vong thân oan ức! Còn những người sống, và còn dòng sông đây - Nghe tiếng trẻ thơ từ muôn trùng đồng vọng Tôi đã trở về giữa những thành núi cao Để đêm nay nhìn đỉnh núi nghiêng đầu nghe dòng sông kể chuyện Chúng tôi còn đây, trong cuộc đời hằng chuyển sẽ xin đứng bên nhau mà dựng lại quê hương 7. Có những Trì Địa tay còn lấm mực nhà trường Xẻng cuốc trên tay Đào đất bắc cầu Cúi xuống vừa khóc vừa chôn những thây người sình thối Có những bóng hình Quan Thế Âm, với vừng trán ngây thơ vô tội Áo nâu Chân đất Nón lá che đầu Lặng lẽ đặt từng bước chân non trên vùng đá sạn thương đau Chui vào những túp lều con mới dựng Bất chấp hiểm nguy "quốc gia, việt cộng" Tìm tới Những người thoi thóp Đang ngửa cổ chờ trông 8. Tôi đã thấy rồi bàn tay các em Tuy bé nhỏ, nhưng hiền như tơ trời Đâu La Miên thuở trước Vừa đưa ra để ẵm lấy trẻ thơ Thì đứa bé bỗng nhiên lặng thinh, nín khóc Và mắt người mẹ khốn khổ sáng lên như hai viên bích ngọc Khi nhìn hộp sữa đã được từ nghìn trùng sông nước đem đến cho con 9. Tôi ngồi đây, trước cánh cửa thiên đường Đương khép chặt Tôi cúi đầu mong đợi Nơi vườn cũ chắc hương cau còn nhẹ tỏa Nhưng các em sao lặng lẽ chiều nay Hãy cất tiếng lên, trên mảnh đất đau thương này Cất tiếng lên, cho chim xanh ngàn nơi bay về quy tụ Cho nước non này mãi còn cẩm tú Nói lên đi em Hiện hữu sẽ bừng sinh sau ngôn thuyết nhiệm mầu.

Chương 8: Chùa Lá và Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội

Tháng 9 năm 1965, Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội chính thức thành một phân khoa Xã Hội của Viện Đại Học Vạn Hạnh, khai giảng tại chùa Từ Nghiêm với ba trăm sinh viên đầu tiên. Trước đó TNPSXH chỉ có nội dung (là kinh nghiệm hai năm làm Làng Tình Thương hoa tiêu) nhưng chưa có hình thức cơ sở vật chất. Thầy phải mượn giảng đường chùa Từ Nghiêm làm lớp học chính, một phòng nhỏ ở chùa Từ Nghiêm làm văn phòng ghi danh và tiếp khách. Chùa Từ Nghiêm mới xây xong, có vẻ bề thế uy nghi. Chỉ cần để ở góc trái mấy chữ viết tắt TNPSXH là đủ mát mắt rồi. Các xuất sĩ nam thì ở chùa Trúc Lâm Gò Vấp với thầy Đồng Bổn, các nam cư sĩ thì ở cư xá tạm Đại Học Vạn Hạnh (các lớp học của Đại Học Vạn Hạnh vẫn ở nhờ chùa Pháp Hội, Viện Đại Học mới xin được khu đất sát cầu Trương Minh Giảng chưa xây, chỉ mới có cư xá tạm là dãy nhà ba căn mà nam cư sĩ TNPSXH mượn ở tạm). Quý sư cô và nữ cư sĩ tác viên TNPSXH thì ở nhờ chùa của ni sư Giác Nhẫn ở Huệ Lâm Quận 8. Thầy xin được một chiếc xe Renault Mini Van. Sáng nào từ tinh sương bác tài xế cũng đã phải đón quý sư cô và nữ cư sĩ trước từ Quận 8 tới Từ Nghiêm. Sau đó đi Trúc Lâm Gò Vấp để rước quý thầy. Còn nam cư sĩ thì đạp xe tới Chùa Từ Nghiêm mà học. Nghèo thế mà vui vô cùng. Thầy nuôi anh chị em bằng lý tưởng nên tuy sống nghèo và cực mà ai cũng hạnh phúc. Thỉnh thoảng thầy mời nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào hát với anh em sinh viên. Nhạc sĩ Phạm Duy vào trình bày 10 Bài Tâm Ca tuyệt vời. Hồi này Trịnh Công Sơn chưa ai biết đến, có lẽ vì còn ở Huế. Có thể Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội là nguồn cảm hứng cho Phạm Duy thời đó và Phạm Duy cũng là nguồn cảm hứng của anh em. Nhưng sau đó anh Phạm Duy đi hát cho Bộ Xây Dựng Nông Thôn của chính quyền miền Nam nên chúng tôi không dám mời đến nữa vì sợ đi vào nông thôn “xôi đậu” có thể bị khó khăn với phía bên kia.

Anh em ưa hát nhất là những bài:

Kẻ thù ta đâu có phải là người giết người đi thì ta ở với ai? Kẻ thù ta tên nó là gian dối Tên nó là hờn căm, tên nó là lòng tham, tên nó là tị hiềm Tên nó là một lũ ghét ghen Thế thì kẻ thù ta đâu có phải người ngoài Nó nằm đây nằm nơi ở mỗi ai.

hay bài Tâm Ca số 5 Để Lại Cho Em. Nghe tới đâu chúng tôi chảy nước mắt đến đó. Bài Ngồi Gần Nhau, tình huynh đệ đẹp quá. Rồi bài Giọt Mưa Trên Lá rất là mượt mà, bài Một Cành Củi Khô rất là thiền.

Trước khi trường chính thức khai giảng, thầy Nhất Hạnh có viết một lá thư kêu gọi sự đóng góp hàng tháng nuôi mỗi sinh viên TNPSXH là 600 đồng. Ai không cho nổi một học bổng thì cho nửa học bổng thôi, hay 1/4 hay 1/8 học bổng. Có người cho 30 đồng là 1/20 học bổng. Chúng tôi cũng tình nguyện đi thu hàng tháng để chia sẻ công tác của mình. Tôi mỉm cười nhớ hồi đi xin một nắm gạo mỗi ngày khi xưa, cũng xin 1 đồng mỗi tháng và cũng “say sưa” kể chuyện giúp các cháu nghèo khổ ra sao. Vì thế tôi vui vẻ nhận lời Ban Quản Trị Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mời tôi làm Trưởng Ban Phổ Triển của trường. Việc này Phương Thảo cũng có thể làm nhưng hồi này anh Đồng Sỹ Nam, chồng của Thảo, du học từ Úc đã về Việt Nam nên chị phải lo chuyện chồng con nhiều quá, biến đâu mất, yên lắng luôn. Lâu lắm mới ẵm con lên thăm “dì Chín”. Tôi có cái niềm vui “phổ triển” bằng cách chia sẻ cho những thí chủ đóng góp học bổng cho TNPSXH những công tác mình đang làm. Ví dụ tôi quyết định sáng nay tôi bỏ bốn tiếng đồng hồ buổi sáng lên chợ Tân Định thu học bổng của bạn hàng mua bán ở các sập chợ. Mỗi vị cho 30 đồng, 50 đồng, có khi 100 đồng mỗi tháng. Song song với việc dạy Sinh Vật Học ở Đại Học Khoa Học nếu tôi nhận dạy toán cho một tư thục thì tôi sẽ được trả 300 đồng một giờ, 4 giờ dạy toán là 1.200 đồng. Số tiền này đủ đóng hai học bổng trọn tháng cho hai sinh viên TNPSXH. Nhưng tôi chọn mất nguyên bốn tiếng một buổi sáng, dù chỉ thu được 300 đồng từ tám người bán ở chợ Tân Định đóng góp, hơn là đi dạy thêm để lấy tiền cho anh em. Tám người đồng chí hướng phụng sự với mình là quan trọng lắm. Mỗi người chỉ cho 30 đồng nhưng cho với cả trái tim thương yêu. Đó là nhờ chúng tôi tới tận nơi, chia sẻ sự tu học và sự giúp đỡ các thôn nghèo, họ nghe xong thì lên tinh thần và phấn khởi lắm. Chợ Tân Định, chợ Cầu Muối là “bồ nhà của TNPSXH”. Chúng tôi chỉ cần xuống chợ Cầu Muối than thở là: Hết thức ăn rồi cô Ba ơi. Thế là chiều đó sẽ có vài xe vận tải chở đầy rau, bắp sú, súp lơ, bông cải, cà tím, cà đỏ, bắp, khoai lang, v.v.. tới cứu bồ! Cô Ba Tý bán cau ở chợ Cầu Muối, các bạn hàng bán ở chợ không ai là không biết và không thọ ơn cô. Cô chỉ bán cau thôi nhưng cô có cái muỗng cạo gió lợi hại vô cùng. Ai nhức đầu chóng mặt, đau nhức. tiêu chảy... bệnh gì cô cũng đem dầu, đem dụng cụ nhà nghề cứu người của cô mà cứu cấp, giúp không công, giúp vì thương.

Lớp học giáo lý và các buổi hội thảo về chấm dứt cốt nhục tương tàn.

Song song với việc lo cho trường TNPSXH về học bổng, phổ triển và công tác, tôi còn ghi tên vào học lớp Pháp Tướng Duy Thức Học và Pháp Tánh Không Tuệ Học (tức là hệ thống Bát Nhã) của Đại Học Vạn Hạnh. Năm đó sinh viên Vạn Hạnh bầu tôi làm Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh. Điều đó không làm cho thầy Minh Châu vui lắm vì giữa năm 1965 thầy Minh Châu lên làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh mà giáo sư đại học nào vào Vạn Hạnh ở Chùa Pháp Hội cũng chỉ tham vấn với thầy Nhất Hạnh, nhóm sinh viên nào cũng chạy theo hỏi ý kiến chỉ với thầy Nhất Hạnh. Đúng là chúng tôi khá vụng về. Hội họp hội thảo gì cũng mời thầy Nhất Hạnh. Tôi học cùng lớp với sư chú Tuệ Sỹ. Thầy này xuất sắc lắm. Nghe nói hôm thi chứng chỉ Pháp Tướng Duy Thức Học, thầy Nhất Hạnh ra bài cho sinh viên làm thì thầy Tuệ Sỹ được đến 16/20 điểm, điểm cao nhất. Còn tôi chỉ được 10/20, may mà không trượt. Mê học giáo lý của Bụt là tánh cố hữu của tôi nhưng vì tôi có một số tính xấu (tập khí xấu, tâm hành bất thiện) mà chữa hoài không xuể nên tôi hơi dị ứng khi học Duy Thức Học vì trong 51 tâm hành có quá nhiều tâm hành bất thiện mà tôi nhận diện đang đầy dẫy trong tôi! Cùng lúc này, thầy Nhất Hạnh và thầy Thanh Văn, văn phòng trưởng, cũng nhờ tôi mở lớp Dự Bị Khoa Học cấp ba để cung cấp kiến thức căn bản về khoa học cho các vị tăng và ni đã học xong chương trình Trung Đẳng Phật Giáo nhưng thiếu căn bản khoa học thường thức. Mục đích là để khi vào Đại Học Vạn Hạnh trình độ học vấn về khoa học khỏi chênh lệch với những vị đã học xong qua Tú Tài.

Lúc này thầy Nhất Hạnh thật bận rộn, phải họp liên miên với các giáo sư thuộc Viện Đại Học Sài Gòn như giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Bửu Kế, Hồ Hữu Tường, Tam Ích, Nguyễn Khắc Kham để lên chương trình đại học sang năm. Chúng tôi đi công tác ở Làng Tình Thương suốt ngày, chiều về ghé qua chùa Pháp Hội, trụ sở của Viện Phật Học Vạn Hạnh, được thầy Thanh Văn cho ăn món mì ống (macaroni) có nước súp với tiêu ngò, rất ngon. Thầy Thanh Văn nấu mì ống thì tuyệt, thầy Nhất Hạnh rất ưa. Mỗi chiều cùng với hai thầy Nhất Hạnh và Thanh Văn còn có thầy Thanh Tuệ, nhà xuất bản Lá Bối, bác Sâm, em Bạch Tuyết, Uyên, Thanh và tôi vào ngồi ăn ké. Đó là những phút giây hạnh phúc nhất. Nhưng không phải bữa nào cũng được như vậy, thầy Thanh Văn là Trưởng Văn Phòng Viện Đại Học Vạn Hạnh nên không có thì giờ nấu ăn, thế nên quý thầy ăn uống rất thất thường. Vì vậy thầy Thanh Văn đặt cơm chay của tiệm Phật Hữu Duyên mang tới tận chùa mỗi trưa và chiều cho mấy thầy trò ăn. Thấy cơm canh lạnh ngắt chúng tôi lên Bảo Lộc năn nỉ dì Thợ mà ngày xưa vẫn nấu cho thầy ăn ở Phương Bối Am, trả tiền xe và chút ít tiền túi để dì về lo cho thầy cơm trưa và tối. Ôi, dì “Thợ”mà nấu ăn chay thì tuyệt, chỉ có vài lát cải, vài củ khoai mà dì chế ra những món thật ngon, chúng tôi đứa nào cũng ham tới học nghề với dì.

Cư Xá TNPSXH ở Phú Thọ Hòa

Đất cho Đại Học Vạn Hạnh và đất cho Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cũng xin được vào thời gian này. Bên Vạn Hạnh có ngân sách nhiều hơn nên cất tạm ba gian để những nhân viên trong tương lai có thể ở đấy để lo xây cất Đại Học Vạn Hạnh. Trong khi chờ đợi thì TNPSXH mượn cho nam sinh viên làm cư xá tạm.

Ai cũng thấy một chiếc xe Mini Van già mà phải lái đi hai ba nơi mỗi sáng và chiều thì mất thì giờ rất bất tiện. Thế nào cũng phải cất cơ sở cho Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở miếng đất mới mua tận Phú Thọ Hòa xa xôi kia thôi.

Chùa Lá đầu tiên tại Sài Gòn

Việt Nam là nước Phật Giáo nên không xây được chùa thì thôi, nếu xây chùa thì phải là vách gạch nóc ngói hẳn hoi, nhất là ở nơi trù phú như miền Nam. Nhưng thầy chúng tôi muốn làm một cái chùa bằng lá thôi, cho giống với chùa của dân nghèo.

Thầy đưa hết tiền dạy Đại Học Văn Khoa của thầy và những tiền túi còn lại khi ở Hoa Kỳ về với lương dạy học ở Columbia cho thầy Lưu Phương để xây ngay một ngôi chùa bằng lá tại khu đất mới. Xây với sự giám sát của thầy Nhất Hạnh nền vách làm bằng đất sét và xi măng, tre và lá. Bàn thờ Bụt, ghế bàn dài, bàn ngồi uống trà đều làm bằng tre đan rất thanh nhã. Chùa có hành lang. Thầy Lưu Phương cho xây bít một đầu hành lang, ngăn làm hai, một phòng để làm phòng tiếp khách, uống trà và một phòng nhỏ ở góc làm phòng ngủ cho thầy Nhất Hạnh khi thầy về nghỉ ngơi.

Cách Chùa Lá chừng 3 mét là một phòng dài lợp tôle có ba gian, định để cho các sư chú đi theo thị giả thầy ở tạm hay là các thầy Thanh Văn, Lưu Phương và Đồng Bổn lo về xây xất có chỗ mà nghỉ tạm. Kế bên một nhà nhỏ bằng tôle khác làm nhà bếp và nhà tắm cầu tiêu.

Chùa Lá vừa xây xong ở Phú Thọ Hòa. Thầy Nhất Hạnh đặt tên là chùa Pháp Vân, thầy Nhất Hạnh lấy tên này vì là tên một trong những ngôi chùa đầu tiên có mặt trong lịch sử đất nước Việt Nam.

Chương 9: Dòng Tiếp Hiện và những hoạt động dấn thân

Khi Chùa Lá Pháp Vân vừa xây xong thầy quyết định cho sáu anh chị em chúng tôi làm lễ thọ 14 Giới Tiếp Hiện để chúng tôi, khi chưa xuất gia được thì vì giữ giới Tiếp Hiện tại gia nên vẫn phải giữ ít nhất là một ngày tu học chánh niệm 24 giờ hằng tuần. Người Tiếp Hiện phải tập bỏ hết mọi hoạt động sang bên, sống như người xuất gia vô sự ít nhất là một ngày mỗi tuần và 60 ngày tất cả trong một năm 365 ngày. Sáu người sung sướng nhất đời ngày hôm đó là: Diệu Huỳnh Phan Thị Mai, Diệu Không Cao Ngọc Phượng, Diệu Thiện Phạm Thúy Uyên, anh Tuệ Linh Đỗ Văn Khôn, anh Minh Tịnh Bùi Văn Thanh và anh Tâm Thông Nguyễn Văn Phúc. Sáu người chính thức thuộc chúng chủ trì dòng tu Tiếp Hiện. Hôm đó có cả trăm người rất mong được thầy chấp nhận cho thọ giới chính thức như chúng tôi nhưng thầy khuyên nên làm chúng đồng sự trước. Khi sự tu học vững chãi, thầy sẽ làm lễ đưa vào chúng chủ trì như sáu anh chị hôm nay. Các bạn như chị Đỗ Thị Nga, Nghiêm Kim Chi, Nghiêm Thị Bạch Tuyết, Vũ Thị Tố Nga, Trịnh Ngọc Sương... và tất cả các anh em trong Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đều là chúng đồng sự của dòng Tiếp Hiện từ ngày hôm đó. Nhiều người tu học và dấn thân còn giỏi hơn các vị trong chúng chủ trì nữa. Chúng tôi rất có phước được thầy truyền giới vào một ngày trăng tròn tháng 01 năm Bính Ngọ (nhằm ngày 05 tháng 02 năm 1966).

Ai cũng nghĩ rằng lần lượt rồi ai cũng vào chúng chủ trì như thầy hứa. Không ngờ hai tháng sau, thầy được trường Đại Học Cornell ở Ithaca, New York mời đi trình bày về nguyện vọng người Phật Tử Việt Nam trong chiến tranh hiện tại. Thầy rời nước ngày 02 tháng 05 năm 1966. Ngày 01 tháng 06 năm 1966 thầy gửi đến thế giới Lời kêu gọi Hòa Bình với năm điểm đề nghị (nguyên văn trong cuốn sách Hoa Sen Trong Biển Lửa). Chính quyền Sài Gòn vô hiệu hóa ngay hộ chiếu của thầy và thầy bị lưu đày từ hôm ấy. Thầy ngỡ là đi vài tuần nhưng bốn chục năm sau mới được trở về. Trong thời gian đó dòng Tiếp Hiện của thầy có cả ngàn nhánh thuộc chúng chủ trì thuộc 42 quốc tịch khác nhau. Nhánh Việt Nam có những người là học trò cũ, trung kiên với lý tưởng dấn thân của thầy, nhưng phải chờ hơn 30 năm sau thầy mới gửi các đệ tử xuất gia của thầy về truyền 14 giới cho tất cả những anh em TNPSXH cư sĩ mà vẫn còn trung kiên với lý tưởng. Khá muộn màng nhưng có còn hơn không.

Ngày Chánh Niệm trong tuần

Trưa thứ bảy, sau khi dùng cơm với gia đình, chúng tôi đem theo đồ dùng cá nhân để đến chùa Pháp Vân tu tập Ngày Chánh Niệm. Ở đấy và tập định tâm an trú trong phút giây hiện tại suốt 24 giờ cho đến trưa chủ nhật mới về lại nhà. Bên nam thì ba anh Tiếp Hiện có được hành lang bên trái chánh điện chùa Lá, chia ra làm ba bởi hai tấm màn vải. Ba chị Tiếp Hiện thì chia nhau cái phòng dài, nóc là fibro xi măng và vách gạch kế bên Chùa. Chúng tôi cũng may màn để chia ra làm ba phòng. Mỗi chị một “phòng” rất là khiêm tốn nhưng chúng tôi quá hạnh phúc vì như thế mới thật là tu. Vào chùa, tôi xếp xắp áo quần và vật dùng cá nhân vào một góc, rồi lên chùa lạy Phật và về phòng chuẩn bị nấu nước, tắm, dọn phòng... tất cả từng hành động tôi đều gắng quay về an trú, không để tâm chạy lông bông nữa. Bỏ hết những lo lắng, muộn phiền, bỏ cái lăng xăng phải lo gấp việc này, làm cho kịp việc nọ. Tôi tập nghĩ: “Nếu mình chết chiều nay thì ai lo? Thôi, nhẹ buông cho khỏe, cho bình tĩnh lại, rồi tỉnh ra, sáng suốt hơn thì từ từ mà giải quyết. Từng gáo nước ấm dội lên mình, tôi gột hết những lăng xăng ưu phiền trong thân và trong tâm. Mặc áo mới vào, tôi đi từng bước thảnh thơi ra bìa rừng gần đó, tìm cắt một cành tre hay một cành cây khô. Rồi với vài chiếc lá xanh, vài bông hoa nhỏ bên đường tôi cắm một bình hoa lớn để lên bàn thờ Bụt và một bình hoa nhỏ cho góc phòng của tôi. Khi ba anh và hai chị khác về đầy đủ, lúc ấy cũng hai giờ rưỡi trưa, chúng tôi tập họp trên chính điện, ngồi thiền 15 phút rồi đứng dậy lạy Phật, tụng kinh và thuyết giới. Thuyết 14 giới xong, chúng tôi lạy Phật rồi ngồi thành vòng tròn để pháp đàm về một vài giới trong 14 giới.

Lòng nhẹ tênh sau mấy tiếng đồng hồ làm lắng lòng, định tâm, tụng kinh và tụng giới rồi, chúng tôi trở về lại “phòng riêng của từng người” và tùy ý ngồi thiền thêm hay đọc kinh sách hay vào bếp làm thức ăn trong chánh niệm. Vì có nhiều trách nhiệm, nhiều công việc gấp nên sau năm sáu giờ tĩnh tâm như trên, tôi bắt đầu đem các việc cấp bách ra mà thư thả giải quyết trong chánh niệm và nhẹ nhàng. Có thể nhờ thế mà dù hoàn cảnh cấp bách bức xúc mấy, chúng tôi nhờ chạm được với lòng bình an của mình mỗi tuần trong ngày tĩnh tu này mà hành xử khả dĩ đẹp hơn, từ bi hơn.

Thầy đã ra đi và chờ mãi vẫn không thấy thầy về. Chiến tranh thì càng ngày càng lan rộng. Các báo cho biết sẽ có thêm 50.000 quân Mỹ nữa tới Việt Nam để phụ với quân đội Việt Nam Cộng Hòa và 100.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã có mặt ở nơi đây. Báo chí nói rằng hy vọng như thế mới đẩy lui được quân đội cộng sản ngày càng đông. Quân đội chính quy miền Bắc cũng đã tiến vào. Chúng tôi muốn điên đầu vì thấy xuất hiện nhiều lính Hoa Kỳ trên đường phố quá. Nhà cửa trở nên khan hiếm cho người Việt vì các vị cố vấn Hoa Kỳ dân sự mướn nhà giá quá cao, người công nhân viên trung bình không thể nào tranh kịp những căn nhà thanh lịch. Sư chú Nhất Trí bị một binh sĩ Hoa Kỳ nhổ nước bọt xuống đầu từ trên xe nhà binh vận tải chở lính Mỹ. Chú giận quá, về thuật cho tôi nghe mà khóc và muốn đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tôi an ủi sư chú nói rằng có thể anh lính ấy mới mất một người bạn trong trận chiến nào đó nên nghĩ rằng mình là cộng sản nên “trả thù” cho bạn một cách vô lý như vậy. Tôi thấy rõ là người Mỹ vào Việt Nam không phải để cướp nước đô hộ ta như người Pháp, nhưng truyền thống của Việt Nam là không bao giờ cho quân đội ngoại quốc vào đất nước mình. Như thế là hỏng mất rồi, Việt Nam Cộng Hòa đã mất chính nghĩa từ ngày cho phép đưa 50 rồi 100 rồi 150 ngàn quân Hoa Kỳ vào Việt Nam đánh Cộng Sản Việt Nam. Làm sao? Làm sao đây?

Tôi có nhiều việc phải lo quá, nào là vẫn phải tiếp tục dạy Sinh Vật Học ở Sài Gòn và Huế, nào là phải tiếp tục lo lạc quyên gạo, thực phẩm và thuốc men để gửi ra Đà Nẵng, Quảng Nam hầu tiếp tục đi cứu trợ sau mỗi chuyến đi dạy ở Huế, nào phải điều động Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh mà tôi đã bị bầu làm chủ tịch. Phải ra nội san, phải có chương trình xã hội, hội thảo để kêu gọi hòa bình và cũng làm việc gần như 2/3 thời gian cho Trường TNPSXH, phải đi thu tiền giúp TNPSXH ở các chợ. Nhưng có được 24 giờ, từ trưa thứ bảy đến trưa chủ nhật, là chiếc phao cứu sống tôi, không lạc đường, không bị bức xúc, nhờ tập bỏ hết công việc từ thân đến tâm, bỏ hết những tính toán lo âu, ưu tư trong tâm, ít nhất là trong năm sáu giờ đầu.

Lá Bối chui

Song song với việc làm ở Làng Tình Thương, tôi cũng phải làm đúng vai trò Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh nên phải đi họp liên miên với các hội Sinh Viên Luật Khoa, Y Khoa, Khoa Học, Văn Khoa của Viện Đại Học Sài Gòn để cùng với các ban ngành tổ chức hội thảo trong giới sinh viên. Các đề tài hội thảo xoay quanh sự chia sẻ ưu tư làm thế nào để chấm dứt việc cốt nhục tương tàn bởi vũ khí ngoại bang, làm thế nào để mình chống cộng sản mà không cần mời quân đội nước ngoài vào giúp. Quyển sách chui đầu tiên là Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện của thầy Nhất Hạnh. Đó là một tập thơ viết tay rất đẹp của thầy, nhà xuất bản Lá Bối xin phép in. Vừa in ra thì thiên hạ thích quá mua hết ngay, phải tái bản. Mấy anh chị em thân bên Mặt Trận Giải Phóng cũng mua rất nhiều. Công an quốc gia cũng mua nhưng căn dặn các cô bán sách dấu bên dưới, có ai hỏi thì hãy bán. Ai ngờ một hôm chúng tôi được nghe báo cáo là Đài Phát Thanh Hà Nội và Đài Phát Thanh ở Bắc Kinh “tiếng nói Việt Nam” cùng lên án dữ dội những bài thơ “phản động” này.

Sau khi thầy đã đi kêu gọi hòa bình ở hải ngoại thì chúng tôi tiếp tục in Đối Thoại: Cánh Cửa Hòa Bình, rồi cuốn Hoa Sen Trong Biển lửa, cuốnĐừng Quên, Xin Đừng Vội Quên, (bài mới, không phải là bài đăng ở Tuần san Hải Triều Âm về nạn lụt trên sông Thu Bồn) nói về chiến tranh đang xảy ra và anh em giết nhau từng ngày, từng giờ và Nhìn Kỹ Quê Hương. Tập thơ thứ hai in chui của thầy là Tiếng Đập Cánh Loài Chim Lớn. Tất cả sách in chui đều là của thầy. Chúng tôi rất ý thức là hôm nào mà công an cảnh sát bắt được ai lưu hành tài tiệu phản chiến này thì người đó phải tù ngay.

Hôm đó tôi chở trên xe gắn máy mobylette của tôi 300 cuốn sách mỏng “Đừng quên, xin đừng vội quên” của thầy Nhất Hạnh. Đến giữa cầu Trương Minh Giảng tôi bị chặn lại. Tôi thật hối hận, xưa nay đem phân phát những tài liệu phản chiến tôi đều lái chiếc xe hơi Morris nhỏ xíu của tôi, để sau thùng rất gọn và cảnh sát không bao giờ chặn chiếc ô tô bóng nhoáng lái bởi một cô gái yểu điệu tóc dài. Hôm nay tôi hấp tấp đi lấy tài liệu này vì ngày mai sẽ có buổi họp với sinh viên Luật Khoa. Bức thư thầy viết nhắc những ai đang sống yên lành ở thành phố nên đừng quên, xin đừng vội quên bao nhiêu đồng bào đang chạy dưới đạn bom, chết và đói ở những vùng xa xôi của đất nước. Tôi đã tự nhủ, thôi chuyến này vậy là bị bắt rồi, không cách gì thoát khỏi. Tôi niệm Bồ Tát Quán Thế Âm và “phân bua” với Ngài: Con làm việc này là vì lòng thương thôi, đâu vì danh vì lợi. Thôi nếu bồ tát nghĩ là con cũng nên bị bắt một phen thì con cũng đành thôi. Đi vô tù một lần cho biết. Nghĩ thế tôi bỗng nở một nụ cười thật hiền. Anh cảnh sát hỏi: “Sách gì vậy?” Mở một cuốn sách mỏng ấy ra, tôi đọc lớn: Em, Bây giờ là mấy giờ rồi. Thầy lúc nào cũng bắt đầu dạy hay viết những vấn đề rắc rối khó khăn bằng lối trình bày thật đơn giản nhưng từ từ đưa người nghe hay người đọc vào những tình huống rất sâu. Anh Cảnh Sát nói: “Thư tình hả?” Tôi lại mỉm cười thật tươi và tự nhủ thầm: Thì thư tình chứ gì nữa, tình thương những người chạy dưới đạn bom. Anh ta xếp sách lại và khoát tay bảo đi. Tôi thoát nạn!

Nhưng cuốn sách in chui mà bán chạy nhất là Hoa Sen Trong Biển Lửa thầy viết ở Paris và gửi về cho tôi in. Lần đầu tôi in hai nghìn quyển và chiếc xe hơi của tôi cứ chở tới anh HT Chánh một thùng, rồi thầy Thông Bửu hai thùng, rồi em Dương Văn Đầy một thùng, rồi cha Nguyễn Ngọc Lan một thùng, rồi cho chị Nga, rồi chị Uyên, chị Mai, v.v.. Tháng Chín 1966 tôi đi dạy ở Huế mang nguyên hai thùng sách 200 quyển Hoa Sen Trong Biển Lửa, nhờ xe viện đại học chở dùm tới nhà của các em người Huế mà cộng tác với tôi. Tôi không đem quyển sách nào về chùa Từ Hiếu cả dù đêm nào tôi cũng về chùa ngủ vì không thích ở khách sạn Morin mà viện đại học dành cho tôi một phòng khá khang trang.

Nhưng sau đó có lẽ công an thấy Huế tràn ngập sách phản chiến của thầy Nhất Hạnh nên vào tháng 11 năm 1966, khi vào Huế dạy chuyến thứ hai của năm học, tôi bị chặn soát ngay từ phi trường. Tôi có mang theo bản thảo Lời Kêu gọi các giáo sư ký tên đề nghị kéo dài Đình Chiến Tết để đưa tới thương thuyết hòa bình giữa hai miền Việt Nam. Tôi cẩn thận không mang quyển sách in chui nào hết vì biết nơi nào xa xôi thì thiên hạ có thể tự in lại mà phát hành, tôi không cần phải đem nhiều lần. Nhưng rủi cho tôi là hôm đó chị Lê Khắc Phương Thảo là con của ông Lê Khắc Duyệt, cựu trưởng ty Cảnh Sát Công An Thừa Thiên có gửi cho mẹ một gói quà trong đó có nhiều tiền và hai cuốn sách Hoa Sen Trong Biển Lửa. Tôi bị bắt quả tang có mang theo tài liệu phản chiến Hoa Sen Trong Biển Lửa nằm trong gói quà của Phương Thảo gửi cho mẹ, dù có ký tên là Lê Phương Thảo. Cảnh sát đem tới cho bà Duyệt tiền con gái gửi nhưng vẫn giữ hai cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa, xem như tài liệu phản chiến do tôi mang đi! Tôi hoàn toàn không biết sự có mặt của hai cuốn sách ấy nhưng tình ngay lý gian thì cũng chịu thôi. Khi năm anh cảnh sát chia nhau đọc từng trang sách tài liệu tôi mang ra dạy, tôi biết rất rõ xấp giấy nào tôi nhét tài liệu kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Tôi im lặng niệm Quan Thế Âm Bồ Tát và nói thầm với Ngài: Nếu Bồ Tát muốn con làm việc này thay cho Ngài thì xin Ngài lo cho con. Anh cảnh sát khoảng 23 tuổi cầm lên đọc tờ Kêu Gọi Hòa Bình của tôi. Tôi thấy tay anh hơi run. Anh liếc nhìn tôi rất nhanh và xếp tờ giấy xuống bên kia, phía tài liệu đã soát xong, và anh chồng tiếp lên đó những tài liệu khác. Có lẽ ánh mắt tôi lúc đó là ánh mắt mà bồ tát Quan Âm mượn đỡ để rót cái nhìn dịu hiền vào tấm lòng trung hậu của người cảnh sát cũng yêu nước thương đồng bào như tôi.

Vì không có chi ngoài hai cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa của con gái gửi bà Lê Khắc Duyệt, người cảnh sát trưởng cho phép tôi lên xe của trường Đại Học Khoa Học Huế trên đường từ phi trường về Tổng nha, ông ấy ngồi kế bên bác tài còn tôi ngồi một mình phía sau. Trên xe, tôi khe khẽ rút nhẹ tờ tài liệu phản chiến và xếp lại làm ba bốn năm sáu lần. Tuy nó đã nhỏ lắm nhưng bỏ nó đâu bây giờ? Thôi thì... tôi bỏ vào miệng nhai cho nát và... nuốt luôn. Họ đưa tôi về Văn Phòng Cảnh Sát và soát lại lần thứ hai. Tài liệu cũng chỉ là môn Tảo Học mà tôi đang dạy. Tuy thế họ vẫn giữ tôi tại văn phòng Nha Cảnh Sát Thừa Thiên hai ngày và hai đêm, cho người đi mua thức ăn cho tôi, và cuối cùng cho người dẫn độ tôi về Sài Gòn. Tại đây tôi thật sự bị bỏ vào nhà tù bảy ngày. Họ đưa tôi vào thay áo tù (không được mặc áo quần của tôi như tôi tưởng, cũng không được giữ đồng hồ, tiền bạc giấy tờ chi cả). Nhưng tôi lén dấu được vào áo tù một tấm post card của thầy Nhất Hạnh gửi cho tôi trong đó thầy có ghi bài thơ:

Rùng mình, sóng gợn mặt hồ sương sớm lạnh. dấu chân em buổi sáng trinh tuyền lối cỏ, không lá ngô đồng xa, nhưng hồn mùa ấm áp, hoang sơ đi rồi thuyền chở mái trăng về bến cũ.

Tôi chẳng hiểu hết bài thơ nhưng hình ảnh mặt hồ buổi sáng trong hình rất đẹp, và vào tù thỉnh thoảng tôi mở ra để nhìn hình ảnh đó, đọc dòng chữ thân thương của thầy để nghe hồn mùa ấm áp. Chúng tôi chín nữ tù mà chỉ có một phòng 2mét x 1,80mét. Bảy người ngồi sát nhau thì hai người có thể nằm. Ở một góc phía trong có một thùng để ai cần “vệ sinh” thì tiêu tiểu. Tôi ngồi lắng nghe nhiều người, nghe kể đều là oan ức, chờ ngày thẩm vấn, nhưng nhờ có chú của chị Uyên là bạn đánh cờ của ông Nguyễn Ngọc Loan tổng giám đốc Tổng Nha Cảnh Sát nơi tôi bị giam nên chú liên lạc xin thả. Chú nói với ông Loan là “cô ấy em cháu trong nhà mình, nếu cần thì để theo dõi...” nên tôi được thả nhanh sau một tuần mà khỏi bị điều tra phỏng vấn tra khảo chi cả.

Thương một em bé gái chín tuổi bị hàm oan (em nói thế), tôi xin ông ưu ái cho một em bé được tha vì - tôi nói - nhà tù không phải chỗ của một bé chín tuổi cứ nghe toàn chuyện không vui. Tôi không rõ họ có tha cho em bé không, nhưng chuyện oan trước nhất của tôi là ông Tổng Nha có la mấy người cai tù sao để cho tù nhân nói chuyện. Cai tù nổi cáu la lại tù nhân. Tôi thật buồn vì muốn giúp mà thành làm cho người ta oán mình. Mấy người trong tù nhắn ra nói tôi phản động, báo cáo làm sao mà cả cai tù cũng như người tù bị cảnh cáo phạt nặng!

NHẤT CHI MAI Lời kêu gọi hòa bình của thầy

Diệu Huỳnh Phan Thị Mai là tên thật của chị đầu trong sáu người thọ giới Tiếp Hiện với tôi tại Chùa Lá Pháp Vân ở Phú Thọ Hòa. Mai là cô giáo tiểu học ở trường Tân Định, chị hay lái chiếc xe hơi Wolkswagen trắng. Hôm đó tôi ghé lại nhà chị trên con đường đi chợ Tân Định số 60/50 đường Huỳnh Tịnh Của. Thấy chiếc xe hơi trắng, tôi biết có chị ở nhà nên mừng rỡ tin rằng thế nào cũng được uống một chầu nước mát lạnh trong nhà chị. Tôi chưa kịp dựng chiếc xe mobylette bên lề thì đã nghe tiếng các cháu của chị gọi chị vang lên: Út ơi, Út có khách!

- Khách nào đó cưng? Ô Phượng! Đi đâu mà mồ  hôi mồ kê nhễ nhại vậy cưng?

Lông mày chị nhíu lại, môi chu chu như người lớn nói nựng với trẻ con khiến tôi bật cười:

- Cực gì đâu chị ! Em mới ghé qua chợ Tân Định thu tiền học bổng cho TNPSXH mà. Chị Mai làm như em giãi nắng dầm mưa lắm vậy đó!

Chị Mai cũng cười kéo tôi vào ngồi ghế sa lông và cho tôi nguyên một chai nước để trong tủ lạnh, đúng như điều tôi mong ước! Sau khi nói đủ thứ chuyện, tôi hỏi chị nghĩ gì về lời tuyên bố của thầy chúng tôi, thầy Nhất Hạnh tại Hoa Thịnh Đốn đòi Hoa Kỳ phải ngưng oanh tạc Bắc và Nam Việt Nam và yêu cầu Hoa Kỳ cho một lịch trình Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Chị Mai nhìn tôi do dự một chút rồi vuốt tóc tôi và nói:

- Phượng nè, chị Mai thương và phục thầy lắm. Thương lý tưởng Phụng Sự Xã Hội của thầy và vì vậy mà quyết định theo thầy giúp phụng sự xã hội. Tuy nhiên, chị Mai rất ngại về thái độ chính trị của thầy.

Tôi rất hiểu vì sao chị lo lắng thế! Lời kêu gọi hòa bình của thầy lúc đó “quá sớm” với những người đang sống bình an trong thành phố. Một người “quốc gia” chưa ai dám đòi Mỹ rút quân và không những chính phủ Sài Gòn và các báo chí Sài Gòn đã tấn công thầy như mưa bão mà các giới công chức suy nghĩ cạn cũng hoảng hốt cho thầy là cộng sản. Chị Mai là con gái út một gia đình giàu có, chị được cha mẹ nuông chiều, chưa bao giờ đi đến những làng mạc xa xôi như thầy và chúng tôi đã từng đi thăm ở hai bên bờ thượng nguồn sông Thu Bồn, làng mạc và đồng bào đang bị cày xới bởi đạn bom. Chị không nao núng sao được khi thấy hết Đài Phát Thanh Sài Gòn đả kích đến các nhật báo như Chính Luận, Tự Do, v.v.. Tôi rưng rưng nước mắt nói:

- Chứ chị Mai nghĩ coi, Phật dạy mình nhìn sâu để thấy nỗi đau khổ và sợ hãi của con muỗi, con ruồi, con gà, con heo, con bò khi bị giết và vì thương mà mình không nỡ giết. Vậy thì khi thấy con người giết nhau, anh em cùng con Mẹ Việt Nam mà cầm vũ khí ngoại bang để giết nhau thì chẳng lẽ mình khoanh tay ngồi nhìn sao? Còn chuyện Mỹ rút quân, lịch sử Việt Nam xưa nay có nhờ người Mỹ qua Việt Nam đánh Tàu cho mình đâu nhưng mình vẫn đuổi được Tàu về nước. Chị Mai biết không? Khi bài Lời Khấn Nguyện Đau Thương Của Dân Tộc được đăng trên tuần báo Hải Triều Âm, có tám Phật Tử Việt Nam đến thỉnh cầu được nhịn ăn đến chết để cầu nguyện hòa bình nếu Viện Hóa Đạo chịu đứng ra bảo trợ. Em cũng có xin tình nguyện theo trong số tám người tình nguyện nữa đó chị Mai, nhưng thầy Tâm Châu la quá, và nếu Viện Hóa Đạo không chịu làm thì làm sao thành. Làm lẻ loi không ai biết mà ủng hộ thì sẽ không đi đến đâu.

Chị Mai bèn nói:

- Đâu được! Dù thầy viện trưởng có đồng ý Phượng cũng không được làm vì Phượng còn mẹ phải trông nom.”

Tôi lý luận:

- Em biết, em sẽ mang tội bất hiếu với mẹ nếu em chết, nhưng nếu cái chết của mình làm ngắn được chiến tranh một vài năm, cứu không biết bao nhiêu là mạng sống thì tội bất hiếu em sẽ đền sau.

Tôi “nói” thì bao giờ cũng cảm động và chân thành, chỉ khổ là tôi chưa làm được như tôi nói. Nhưng điều đó đã khiến chị Mai ngồi im lặng rất lâu, cúi mặt xuống một chút. Một lát sau chị Mai ngửng lên và nắm chặt hai tay tôi, giọng cương quyết:

- Phượng nói phải lắm. Rất phải!

Chị Mai lại nhìn tôi và hơi do dự. Cuối cùng chị Mai nói:

- Vậy thì chị Mai cũng muốn tình nguyện như Phượng nữa. Rủi là Viện Hóa Đạo đã bác bỏ ý nguyện đó. Vậy sau có làm gì Phượng nhớ rủ chị Mai với nghe?

Chị Mai đã khiến tôi muốn khóc vì cảm động. Chị Mai không phải thuộc về loại Phật tử “đợt sóng mới” như chúng tôi, tâm trí không rắc rối như bọn trẻ chúng tôi, nhưng ưu điểm của chị là dám thẳng thắn chê chúng tôi, rồi khi chúng tôi lý luận bẻ lại thì chị lắng nghe và nếu nghe mà “lọt” được vào tai thì chị Mai thực hiện cho bằng được chứ không cò kè bớt một thêm hai như chúng tôi, rồi cuối cùng chẳng làm gì hết!

Mấy tháng sau đó chị Mai trở nên vô cùng tích cực trong việc tranh đấu cho hòa bình của Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh mà trước đó chị chỉ chịu làm một thủ quỹ thuần túy. Cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa ra đời khiến chị Mai thêm hăng hái. Với chiếc xe hơi Volkswagen trắng chị Mai chở 10 cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa tới trường học này, 20 cuốn đến công sở kia. Sách được đưa vào tay từng giáo chức, công chức, sinh viên, sĩ quan quanh chị Mai. Tôi rất thương chị Mai trong công tác ấy, vì sinh trong gia đình nhà giáo, chị không bao giờ làm chuyện lén lút như khi đi phổ biến tài liệu hòa bình như vầy. Cuối năm 1966, sau giờ tụng giới chị Mai rủ tôi vào phòng của chị tại chùa. Chị nắm tay tôi và nói:

- Chị Mai có sáng kiến này, Phượng nghe xem có được không nhé? Tám người bạn mà Phượng nói chịu tình nguyện tuyệt thực đến chết cho hòa bình hồi năm 1964 đó, cộng với chị Mai là chín và chị sẽ tìm thêm một người nữa là mười. Mười người đi mười thành phố khác nhau và cùng mổ bụng một ngày, cùng viết thư kêu gọi hòa bình, làm rúng động mười điểm quan trọng của đất nước và do đó sẽ làm rúng động lòng người khắp mọi nơi, Tuyệt thực và tự thiêu, giờ thiên hạ đã lờn rồi, không còn gây xúc động nữa và vì thế không tác động tình thế như xưa.

Tôi hứa với chị Mai là em sẽ đi tìm lại các bạn cũ và thưa về chuyện này nhưng tôi cũng biết trước là khó thực hiện. Hồi đó 1964, các bạn chưa có gia đình. Bây giờ trong số ấy có người đã có vợ có chồng, người thì đi làm việc ở vùng xa. Nếu được hay không là chỉ có một mình tôi và chị Mai mà thôi.

Bốn ngày tôi đóng cửa phòng suy tư. Cuối cùng tôi đã bác bỏ ý định của chị Mai một cách “hữu lý” như vầy:

- Chị Mai nghĩ coi, mình mà cùng làm với Giáo Hội thì mình như nhịp cầu nằm xuống cho mọi người, cho cả khối đông đảo quần chúng Phật tử tiến tới. Chớ nếu mình làm riêng rẽ như vầy thì rất khó. Ý thức tranh đấu cho hòa bình trong nhóm sinh viên còn rất yếu. Ngoài Viện Đại Học Sài Gòn chỉ có vài ba anh em tha thiết với hòa bình được đắc cử vào vài phân khoa. Viện Đại Học Vạn Hạnh tuy cả ê kíp mình được đắc cử nhưng Ban Giám Đốc và Ban Quản Trị viện còn đang gây khó dễ muôn bề. Giới Phật tử hiểu đạo theo lối mình cũng còn ít (em bi thảm hóa sự kiện chứ có thể số Phật tử trẻ dấn thân khá đông. Chỉ tại Giáo Hội chưa chính thức đứng ra nên ai cũng thấy lẻ loi). Mình mà xúm nhau chết hết thì hòa bình có đến hay không chưa lường được, chỉ có một điều rất rõ là anh em tranh đấu cho hòa bình thiếu chị và thiếu em, hai hoạt đông viên đắc lực. Ngoài chuyện hòa bình ra, còn công tác xã hội mình cũng đắc tội với thầy Thanh Văn. Thầy Nhất Hạnh đã giao chức giám đốc điều hành cho thầy Thanh Văn, mình có hứa sẽ giúp thầy Thanh Văn trong thời gian đầu, ít nhất là phải xong khóa 1. Hiện trường TNPSXH rất nghèo vì ảnh hưởng kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh đã gây cho trường đủ thứ khó khăn, 300 anh em chỉ ăn cơm với xì dầu và rau luộc mà bữa đủ bữa thiếu. Em với chị Mai và chị Nga là ba người lạc quyên cho Trường nhiều nhất, nếu mình chết hết thì đúng là mình giết thầy Thanh Văn và các bạn v.v…

Tôi lý luận về sự ”chết” của tôi hôm trước rất say sưa và chân thành. Hôm nay tôi lại lý luận về cái phải “sống”của chị Mai và của tôi cũng rất chân thành khiến chị Mai bỏ ngay ý định hy sinh thân mạng cho hòa bình một cách vui vẻ với điều kiện là chờ ý kiến cuối cùng của thầy Nhất Hạnh (chị nói đã gửi thư xin phép thầy nhưng chưa có hồi âm).

- Thôi thì mình ráng làm việc nhiều nhiều hơn nữa há Phượng, mà Phượng phải bắt chị Mai làm việc nhiều hơn nghen? Sao Phượng hay quá hà, giỏi quá hà, việc gì cũng làm được, cũng quá hay. Chị Mai rất mắc cỡ sao mình không làm được như Phượng.

Tôi lại nhăn nhăn cái mặt dễ ghét của tôi:

- Lại “như” Phượng nữa. Em rầu chị Mai quá. Em đâu có làm được “như” chị Mai thì chị cũng đâu có làm được như em. Mỗi đứa làm một cách, bổ túc cho nhau. Như ngón cái bổ túc cho ngón trỏ. Nếu bàn tay chỉ có năm ngón cái giống y nhau thì đâu làm gì được. Nếu chị Mai cứ tiếp tục so sánh em với chị thì em nghỉ chơi chị à?

Chị Mai cười túm miệng lại, rất hiền vừa vuốt tay tôi nói:

- Phượng thiệt à!

Giọng chị thật nhõng nhẽo. Sau đó một tuần chị cũng vui vẻ cho hay là thầy Nhất Hạnh không đồng ý và tuyệt đối cấm ý định đó.

Khó khăn của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội

Tháng Mười 1966 là giai đoạn Trường TNPSXH gặp khó khăn nhiều nhất. Đáng lý cuối tháng 08 năm 1966 là tháng nhập học nhưng chúng tôi chưa đủ tiền xây cho xong cư xá 20 phòng ngủ và giảng đường cho TNPSXH, xây bên kia chùa Lá Pháp Vân. Thế nên chúng tôi thông báo cho sinh viên là phải dời sang tháng Mười với hy vọng là Trường sẽ xây xong. Trước khi ra đi, thầy đã viết trước một bức thư tâm huyết về sự cần thiết của phong trào TNPSXH và trường đào tạo tác viên TNPSXH và dặn chúng tôi đi gõ cửa từng nhà xin lạc quyên sự đóng góp của họ. Chúng tôi chưa kịp đi gõ cửa từng nhà thì có lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh với năm điểm của thầy, trong đó quan trọng nhất là ngưng oanh tạc tức khắc toàn lãnh thổ Việt Nam, Hoa Kỳ thông báo một lịch trình rút quân ra khỏi Việt Nam trong thời gian rõ rệt và Hoa Kỳ phải thực sự giúp miền Nam đủ mạnh để thương thuyết với miền Bắc chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Đài Phát Thanh và báo chí Sài Gòn chửi thầy ra rả thì chúng tôi đâu dám đi gõ cửa từng nhà mà xin ủng hộ tài chính cho trường.

Đầu tháng Mười, 300 sinh viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội sắp nhập học, thầy Thanh Văn nhắc ba chị em Tiếp Hiện là chị Uyên, chị Mai và chị Phượng làm ơn lên Chùa Lá thầy nhờ ít việc. Có một cơ quan văn hóa tư nhân Hoa Kỳ tên là Asia Foundation sẽ ghé trường thăm và đã bắn tiếng có thể hỗ trợ một số tiền lớn (80.000 dollars) để hoàn tất việc xây cất cư xá cho TNPSXH. Hồi đó tôi ở trong phong trào kêu gọi hòa bình nên rất “dị ứng” với các cơ quan Hoa Kỳ. Tôi hỏi bác Sâm:

- Có thiệt họ là cơ quan tư nhân không bác?

- Sao lại không thật! Cái cô này!

Thế là ba chị em ôm nhau mừng quá đi. Nhớ mới tuần rồi, cuối tháng Chín, thầy Thanh Văn nói: “Chắc phải nhập học thôi, không chần chừ được nữa, nhưng tiền đâu mà nuôi ba trăm người trẻ đây? Tất cả học bổng người ta đóng góp cho các sinh viên này đã bị ban xây cất xin để trả nợ gấp công thợ hồ, tiền xi măng v.v... Lấy tiền đâu mua gạo và thức ăn?” Tôi đề nghị mỗi chị em chúng tôi, từng người, gắng đi xin các ân nhân khá giả của trường, cố thuyết phục họ cho mỗi tháng một bao gạo 100 kí, và chỉ cho như thế trong ba tháng thôi. Ba tháng sau chắc tình trạng sẽ khá hơn. Tôi xin được 17 bao, chị Đỗ Thị Nga tám bao, chị Mai được năm bao và chị Uyên ba bao mà thôi. Nhưng chị Uyên không có mặc cảm gì hết còn chị Mai thì quá rầu:

- Sao mà Phượng hay quá hà, chị Mai không bằng Phượng.

Tôi ôm vai chị và nói:

- Chị là số một rồi, tụi em không ai bằng chị đâu, chị biết lân mẫn với quý ni sư chùa Từ Nghiêm nè, biết chăm sóc quý ni sư nè, chị lên chùa Huệ Lâm giúp ni sư Giác Nhẫn nè... để ai cũng thương “Tiếp Hiện” hết, có đứa nào trong tụi em mà làm được như chị Mai đâu?

Chị nhoẻn miệng cười thật hiền. Trường chỉ có gạo và rau cải héo của cô Ba Tý chợ Cầu Ông Lãnh lạc quyên về cho chúng tôi, mỗi tuần ba xe cam nhông đầy rau cải bắp su hơi héo héo. Chúng tôi chọn ra, nếu bắp su nào còn tươi thì luộc, nếu cũ quá thì làm dưa ăn. Sáng thì cơm với xì dầu, trưa cơm với dưa cải chua kho, chiều ăn rau muống luộc chấm xì dầu. Các em tuổi trẻ mà ăn uống thiếu chất đạm thương quá đi thôi, chúng tôi hỏi thầy Thanh Văn: Mấy người Asia Foundation đã sắp cho tiền xây cất Trường TNPSXH chưa vậy thưa thầy? Thầy Thanh Văn cứ lắc đầu và nói lảng sang chuyện khác. Nhưng vì bị chúng tôi hỏi thăm hoài nên một hôm nọ thầy nói: Thôi, đừng trông cậy họ làm chi, các chị ạ.

Mãi tới một bữa chiều thứ bảy chị Mai đem về bản tin ngắn của Đại Học Vạn Hạnh bằng tiếng Anh có cái gì là Asia Foundation mà lại có tên thầy Nhất Hạnh, tôi đọc xong và bực tức dịch cho thầy Thanh Văn nghe một cột báo nhỏ ghi như vầy: “Trong cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa nhà xuất bản có giới thiệu tác giả Thích Nhất Hạnh như là sáng lập viên của Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi xin minh xác là thầy Nhất Hạnh tuyệt đối không còn dính dáng gì với chúng tôi hết! Ký tên Thích Minh Châu”. A thì ra vì thầy Nhất Hạnh đi kêu gọi hòa bình, kêu gọi hai bên ngưng chém giết nhau, nhân danh những người dân chạy dưới đạn bom và nhân danh đa số đồng bào, tiếng nói của thầy đang có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ nên cái cơ quan “văn hóa tư nhân” phải làm mọi cách để phá hoại uy tín đó. Chừng đó thầy Thanh Văn cũng giận và mới bật mí là chính họ cũng ra điều kiện một cách rất nhã nhặn rằng nếu thầy Thanh Văn chịu ký tên trên một tờ giấy nhỏ xác nhận thầy Nhất Hạnh không còn dính dáng gì với TNPSXH nữa thì họ sẽ cho TNPSXH ngay tám mươi ngàn đô la ấy. Chúng tôi thật cảm phục thầy Thanh Văn, còn trẻ mà thấy được mưu đồ của phe chủ chiến, lại còn muốn che chở cho tôi. Biết tính tôi hay nói ngay nói thẳng nên thầy không dám cho tôi biết. Nếu biết họ đòi hỏi như thế, thầy Thanh Văn e rằng tôi có thể tới mắng cho họ một phen thì chuyện gì có thể xảy ra? Thầy bảo chính thầy cũng không dám từ chối ngay, cũng sợ họ ám hại. Thầy chỉ nói: “Chúng tôi sẽ ký và đưa các ông sau.” Nhưng một tuần sau họ tới hỏi thầy cũng khất và khất cả chục lần thì họ hiểu và không hỏi nữa.

Ý nghĩ trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội phải có nguồn kinh tế tự túc đã nung nấu trong chị Mai và cứ mỗi tuần chị Mai lại có một số ý kiến xây dựng kinh tế tự túc. Tuần này chị đề nghị mấy chị em mình đi mua xà bông bột giặt, mua sỉvà chia ra từng bao nhỏ và khi đi thu tiền học bổng thì bán cho cô bác (bề gì họ cũng phải mua xà bông xài) để lấy lời cho trường. Tuần sau chị bảo mình mua gạo giá sỉ, từng bao 100 kí về chia ra bán lẻ cho các ân nhân cho tiền trường để lấy lời... Chị Uyên và chúng tôi không thích lắm nhưng vẫn chiều chị mà không vui. Rồi một hôm chị đề nghị:

- Chúng mình sẽ đi xin tiền thầy Quảng Liên, thầy giàu lắm, Phượng biết không?

Tôi dẫy nẩy nói:

- Không! Không! thưa chị của em. Em biết thầy giàu rồi, nhưng em đố chị xin được thầy.

Ai dè mấy tuần sau chị hớn hở báo tin thầy cho 20.000 đồng, hơn tiền 30 học bổng toàn phần (600đ/tháng). Chừng đó chúng tôi mới phục chị thật lòng và rất áy náy sám hối trong lòng về ý nghĩ sai và nông cạn của mình về thầy Quảng Liên chứ không phải vì được 20.000 đồng. Xưa nay thầy Quảng Liên không thích thầy của chúng tôi lắm. Như hồi ở chùa Ấn Quang năm 1961, chúng tôi chạy sát theo thầy Nhất Hạnh học hết lớp này tới lớp khác, mà không đứa nào chịu đi học với thầy thì thỉnh thoảng thầy có trách! Giờ đi xin tiền, chắc thầy không cho đâu. Thầy Quảng Liên quả thật là người ân lớn của chúng tôi lúc ấy, và với số tiền đó, các em TNPSXH làm rất nhiều chương trình kinh tế tự túc như trồng nấm rơm, trồng cải dưa bán Tết - mỗi lần hái mấy chục ký luôn. Đó là nhờ “Tổ” kinh tế tự túc là chị Mai!

Ngày nhập học, các em nam TNPSXH chiếm hết chánh điện Chùa Lá, nằm đầy cả hành lang vì trong cư xá mới chỉ xây xong có năm phòng của 40 phòng cần hoàn tất. Bên nữ thì chiếm hết dãy nhà lợp tôle của ba chị em nữ Tiếp Hiện chúng tôi. Chiều thứ bảy, như thường lệ, tôi ôm túi vải đựng các thứ cá nhân về Chùa Lá tu tập 24 giờ chánh niệm như mọi hôm thì không còn chỗ để ngả lưng. Nghe tiếng các em tíu tít, nằm đầy cả phòng nghỉ và ngủ của ba chị em, chúng tôi chỉ tập họp lại tụng kinh và thuyết 14 giới. Xong, anh chị em ăn chiều rồi ngồi pháp đàm với thầy Thanh Văn và chờ đến tối, đến giờ mọi người lên ngồi thiền tụng kinh chung với các em rồi các anh chị Tiếp Hiện ai về nhà nấy.

Chúng tôi quyết định mỗi người về xin tiền gia đình để chung lại, cất một chỗ tĩnh tu cho riêng chúng Tiếp Hiện chủ trì để có đủ năng lượng lo cho TNPSXH. Chị Mai ngồi im không đồng ý, chị nói nếu xin được tiền chị sẽ cho Trường TNPSXH chứ không xây chỗ tĩnh tu cho mình. Đạo Phật đi vào cuộc đời thì hành động nào cũng là vừa làm vừa tu. Chị Mai thì chắc lúc nào cũng có đủ nội lực, đủ bình an bên trong nên chị chỉ lo bên ngoài. Riêng tôi và chị Uyên thì rất đồng ý là mình phải có chỗ tĩnh tu. Mỗi tuần phải luyện NGƯNG hết những hoạt động bên ngoài để có dịp tiếp xúc với chút bình an, chút vững chãi, chút sáng suốt của mình mà tiếp tục bao nhiêu hoạt động bức xúc khác. Giải thích mấy chị cũng khó chấp nhận. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng có được dãy nhà lá, vách cây, chia ra làm 7 phòng 2,2mét x 3mét và 1 mét hành lang phía trước. Sáu phòng cho 6 người Tiếp Hiện đầu tiên và 1 phòng dành cho khách. Mỗi phòng có cửa sổ rộng mở ra bìa rừng tre làng Phú Lộc. Pphòng của chị Uyên và tôi thì lúc nào cũng có những bó hoa dại nhỏ xíu hái ngoài đồng với vài lá tre. Phòng chị Mai thì lúc nào cũng rất cổ điển: bàn thờ có hình Phật bằng giấy kim tuyến vàng bạc lấp lánh, có hào quang màu vàng màu cam màu đỏ thật vui mắt. Trên tường là hình hòa thượng Quảng Đức, trọn bộ tám hình. Trên bàn Phật là bình hoa đỏ chói bằng nhựa có lá xanh cũng làm bằng nhựa nylon. Trên tường treo nhiều bức tranh và trên giường mền gối nào cũng có áo gối bọc bằng satin hồng và được phủ lên bằng chiếc khăn lông vàng theo lối các ni sư. Chị Mai rất hài lòng phòng của chị, còn chị Uyên và tôi cũng rất hài lòng phòng của chúng tôi. Trong phòng tôi ngoài cái bàn viết và một vài cuốn kinh, tôi chỉ có một chiếc giường tre đơn giản, trên trải một manh chiếu trắng mỏng; không có gối, không nệm chỉ có chiếc mền thật nhẹ màu rừng tre.

Bữa nọ vào phòng tôi chơi chị Mai trách phòng gì mà buồn quá, không có tranh ảnh gì hết. Nhưng nhìn kỹ, chị Mai mới thấy được một chiếc ảnh nhỏ xíu, phong cảnh một cái hồ bên rừng cây đính trên vách ván. Hình cách mặt đất chỉ có ba tấc. Và trên góc sát tường gần kề bên giường vừa tầm mắt tôi là ba cái bưu họa đều là hình trẻ thơ đang rưng rưng khóc. Chị ngạc nhiên: Phượng trưng bày gì mà kỳ vậy? Hình trưng bày lại dán tuốt dưới đất hoặc ở sát góc giường, không cho ai được thấy chi cả. Tôi chỉ mỉm cười im lặng. Tôi muốn được hoàn toàn trở về với thế giới bình an nhất của tôi, chỗ này đâu phải chỗ tôi tiếp khách. Nhưng biết nói chị cũng không hiểu nên tôi im lặng và chỉ cười.

TNPSXH bị mưu sát hay thầy Nhất Hạnh bị mưu sát

Thầy Nhất Hạnh được trường Đại Học Cornell ở Ithaca, New York, Hoa Kỳ mời đi hội thảo và xin thầy góp ý về chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Thầy đi ngày 11 tháng 05 năm 1966 thì đêm 16 tháng 05 năm 1966 có ba người lạ mặt vào chính điện Chùa Lá, thảy ba trái lựu đạn và bắn một tràng tiểu liên. Em Lê Văn Vinh bị vỡ sọ, óc rớt ra ngoài. Nhờ đem vào bệnh viện cứu sống kịp thời, em không chết nhưng vẫn phải bị liệt hai chân. Một trái lựu đạn khác bị người lạ mặt chọi vào phòng mà trước đó thầy Nhất Hạnh vẫn nghỉ và ngủ nơi đó. Nhờ phòng có màn nên trái lựu đạn bị bật ngược ra ngoài làm em Nguyễn Tôn bị thương ở mông nhưng không sao. Nhìn em Vinh thoi thóp trong bệnh viện không biết sống chết ra sao, tôi không khóc nổi! Đau đớn như bị ai xé từng tế bào cơ thể tôi. Tại sao con người lại có thể nhẫn tâm với nhau vậy? Nhất là các em tôi chỉ tình nguyện đi phụng sự đất nước bằng tình thương, trách nhiệm, và tự nguyện? Tôi thầm lạy Phật cho những người chủ tâm cầm lựu đạn ném vào người tay không vì thấy được thái độ không thù hận, không họp báo chửi mắng của chúng tôi mà tỉnh ngộ, không còn quấy nhiễu chúng tôi nữa. Hai tháng trôi qua, rồi năm tháng, bảy tháng và gần một năm trôi qua, chúng tôi sống bình yên. Tai nạn của Lê Văn Vinh khiến rất đông đồng bào thương mến. Họ tới cho gạo, cho dầu, cho tương chao rau cải và đóng góp tài chánh, tuy ít ỏi nhưng khá nhiều người đóng góp nên chúng tôi trả tạm bớt nợ xây cất cũ và hoàn tất được 15 phòng còn lại ở cư xá sinh viên. Giảng đường, thư viện của các em, giếng nước đóng cung cấp nước cho toàn trường hơn 300 người cũng được thực hiện hoàn mãn.

Gần một năm sau, khi phòng ốc Trường TNPSXH đã xây cất xong, anh chị em sinh viên vừa làm kinh tế tự túc trồng nấm rơm, trồng rau, dưa..., vừa vào thời khóa học tập rất hứng khởi, tuy sáng vẫn ăn cơm trắng với xì dầu, trưa vẫn chỉ ăn cơm với dưa cải kho và chiều cơm rau luộc cũng chấm xì dầu. Không khí học tập hào hứng, đầy tình đệ huynh. Chiều nào cũng có chương trình nhạc thơ phụng sự xã hội. Sáng từ sáu đến bảy giờ rưỡi là công tác kinh tế tự túc, trồng rau cải, ủ rơm và phân bò để lấy phân trồng đậu, trồng dưa để ăn và để bán. Các em biết ủ meo nấm rơm để nuôi nấm rơm rất nhiều hầu bán gây quỹ mua những thứ cần dùng khác. Từ tám giờ rưỡi đến mười một giờ rưỡi là học lý thuyết, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ thì đem những bài học ra ứng dụng trong đời sống hằng ngày và tối là văn nghệ tu học trước khi tham thiền tối và đi ngủ. Bác Nam Đình, chủ bút nhật báo Thần Chung đã được chị Mai mời tới thăm trường. Bác quá cảm động và đã viết một bài báo ca ngợi cho rằng “chỉ có Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mới là một phong trào thật sự vì dân mà đứng lên, được hơn 3.000 gia đình Việt Nam đóng góp tài chính để nuôi dưỡng họ và đang đi về những thôn làng nghèo khổ mà giúp dân. Không cần phải có những khoản tài trợ khổng lồ của người nước ngoài”.

Bài của nhật báo Thần Chung được đăng chưa đầy một tuần thì ngày 24 tháng 4 năm 1967 vào lúc trời vừa tối, có những người lạ mặt đến thảy hơn mười trái lựu đạn vào cư xá nữ và phòng học sát Chùa Lá Pháp Vân khiến cho nữ tác viên Trần Thị Vui và giáo sư Trương Thị Phương Liên từ Quảng Ngãi vào thăm bị tử nạn, 16 nữ sinh viên bị thương và cô Bùi Thị Hương nát hết bàn chân, phải cưa mất chân trái gần đến gối. Các nữ sinh Diệu, Út, Mai, Minh Nguyện, Lành, Kỷ và Kê đều bị thương nặng nhưng may quá, trị thương một thời gian thì qua khỏi.

Thi hài của Trần Thị Vui và Trương Thị Phương Liên quàn ở Trường nên chúng tôi quyết định làm tang lễ truy điệu năm ngày sau. Chúng tôi định mời thật đông quan khách để có dịp trình bày lập trường của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Thầy Thanh Văn bắt tôi viết dùm cho tăng thân bài diễn văn để đến ngày truy điệu thầy thay tăng thân đọc trong tang lễ. Tôi đã viết dùm cho tăng thân như sau: Chúng tôi không xem các anh, những người ném lựu đạn để giết các bạn chúng tôi, là kẻ thù. Bởi vì chúng tôi thấy rõ rằng kẻ thù chúng tôi không phải là con người, không phải là các anh, những vị đã sát hại anh chị em chúng tôi. Kẻ thù chúng tôi là cái thấy sai lệch của các anh về chúng tôi và các anh đã quyết tâm giết những cái hình ảnh ghê tởm trong đầu các anh về chúng tôi. Thật ra chúng tôi không ghê gớm như vậy, chúng tôi chỉ có một ước vọng rất bé nhỏ là giúp các cháu ở nhà quê có trường học, các bệnh truyền nhiễm được chặn đứng nhờ các bác nông dân biết phép vệ sinh. Với những hiểu biết về canh nông chăn nuôi chúng tôi chỉ mong giúp gà vịt ít chết toi, canh nông y tế được phát triển để người dân quê nghèo khó được nhờ. Nếu biết rõ chúng tôi chỉ có chừng ấy tham vọng chắc các anh cũng thương mà giúp đỡ chứ nỡ nào ném lựu đạn vào những thanh niên thiếu nữ không có một chút vũ khí trong tay? Chúng tôi lạy Phật cho tất cả mọi người thấy rõ rằng dù phải mất mát nhiều quá trước cái chết và thương tích của các bạn thân thương, chúng tôi xin tuyên bố không hờn trách các anh mà chỉ mong các anh hiểu được chúng tôi và giúp chúng tôi hoàn thành ước mơ khiêm tốn này. Bài diễn văn khiến quý thầy trong Hội Đồng Lưỡng Viện Hóa Đạo và Tăng Thống quá cảm động và hết lòng giúp đỡ. Hòa Thượng Thiện Hòa thương và khen: “Các con có thiệt tu, thầy quý lắm. Các con cần gì cứ đến nhờ thầy.”

Sau đó hai tháng, vào ngày 14 tháng 6 cũng năm 1967, tám người TNPSXH bị bắt đi mất tích ở Bình Quới Đông. Chiều hôm đó tôi có mặt tại đây. Thấy cảnh ngôi đình mát mẻ, cây cối quá xanh tươi, sư chú Nhất Trí, đệ tử xuất gia của thầy kèo nài tôi ở lại ủng hộ tinh thần phụng sự của anh em, tôi đã hơi xiêu lòng định ở ngủ lại đêm. Khi tôi đang chuẩn bị tìm chỗ nghỉ đêm thì linh tính báo tôi biết là má tôi sẽ rất lo, má sẽ không ngủ được nếu tối nay tôi không về. Nghĩ như thế nên tôi đã khất với chú Nhất Trí là sẽ tới ngủ lại đây đêm hôm sau vì tối nay phải về nhà xin phép má. Không ngờ tám anh chị em TNPSXH ngủ đêm trong đình Bình Quới Đông đã bị bắt đi mất tích ngay đêm ấy. Chúng tôi đi từng đồn lính quốc gia để hỏi thăm, từng nhà nông dân các khu lân cận để cố tìm nhưng không cách gì tìm ra tông tích.

Chưa đầy ba tuần sau, ngày 5 tháng 7 cũng năm 1967, tại xã Bình Phước, lại năm anh em TNPSXH bị một toán người lạ mặt đến uy hiếp, bắt trói tay và dẫn ra bờ sông. Họ bắn cả năm anh em ngã gục bên bờ sông, bốn người chết, còn một người sống sót là sư chú Hà Văn Đính. Sư chú bị bắn trước, máu ra nhiều quá nên họ tưởng đã chết, không bắn tiếp lần thứ hai như đã bắn bốn vị kia, nhờ thế mà chúng tôi được nghe rõ tỉ mỉ câu chuyện. Thái độ người bắt anh em TNPSXH rất hiền nên các anh em không nghĩ là sẽ bị giết. Thấy họ dẫn ra bờ sông anh em nghĩ là sẽ chờ thuyền đến chở đi. Ai ngờ bỗng nhiên anh trưởng đoàn đến sờ đầu em Võ Văn Thơ 18 tuổi và hỏi: Có phải các anh là Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không? Khi nghe anh em xác nhận là phải, thì họ lại sờ đầu thêm lần nữa và nói: Chúng tôi rất tiếc nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh. Và họ bắn tức khắc, bắn lần thứ hai rồi bỏ đi.

Sáng hôm đó tôi đi thăm anh em, chưa đến nơi đã thấy Diệp Lân Hải đi xe máy ngược lại và chặn đường báo tin bốn bạn đã chết, Hà Văn Đính đang nằm bệnh viện và xác Hy, Tuấn, Thơ và Lành đang nằm bên bờ sông Bình Phước. Chiếc xe mobylette đưa tôi đến tận bờ sông để nhìn xác bốn em nằm sõng soài, mắt vẫn còn trợn trừng, máu như còn trào ra ở khóe miệng, có vẻ thật đau đớn. Các em đau đớn là phải, vì không hiểu tại sao mình bị giết trong khi trái tim mình đầy ắp lòng yêu thương, tay không có một tấc sắt. Đầu tôi quay cuồng tự hỏi: Bất bạo động là gì? Thầy nói: “Là khi tâm mình tràn ngập yêu thương, muốn cho tất cả mọi người bớt khổ, không bao giờ muốn làm cho ai đau đớn dù người đó đang hãm hại mình. Trong ước mong lớn lao muốn chấm dứt khổ đau mà không hại người khác, người bất bạo động tự nhiên có sáng kiến nên làm như vầy, nên nhịn ăn tới chết, hay nên không hợp tác, hay nên tự thiêu cúng dường”. Các em TNPSXH của tôi đang “thiêu đốt” tuổi trẻ các em để cúng dường cho đồng bào bất hạnh, nhưng chưa làm được gì đã bị bắn chết oan ức như thế. Tuyệt vọng tràn ngập tận xương tủy tôi. Thà tôi nằm chết như các bạn, chắc có lẽ sẽ đỡ khổ hơn!

Cách đây hơn 2 tháng, khi Liên và Vui nằm xuống, chúng tôi đã tuyên bố rồi, trong bài diễn văn trước gần 10 ngàn người trong tang lễ của hai em, rằng kẻ thù chúng tôi chỉ là cái thấy sai lầm của các anh về chúng tôi, chúng tôi hy vọng trái tim thương yêu của chúng tôi bộc lộ trong lần chết của Liên - Vui đủ để những người sát hại thấy rõ mà hiểu và thương chúng tôi hơn. Nhưng họ vẫn bắt cóc tám người bạn thân yêu, vẫn sát hại bốn người con trai vô tội như vầy thì tôi chịu hết nổi! Chúng ta “nói” đến Từ Bi Hỷ Xả rất dễ, nhưng khi bạn có dịp đứng trước những xác chết của những người con trai con gái trong tuổi thanh xuân, không chạy theo những thú vui trần thế, trái tim thơm mùi yêu thương, tận tụy vào những thôn làng xa, giúp người dân quê nghèo đói nâng cao đời sống của họ mà vẫn bị thảm sát một cách tàn nhẫn như thế thì chúng tôi mới thấm thía: Tu thật là khó, thương được những người như vầy, thương được người chủ tâm sát hại mình, thật là khó. Tôi chỉ biết trở về hơi thở và cố gắng không bi lụy để gánh gồng phụ với thầy Thanh Văn. Thầy lại nhờ tôi: Chị viết dùm diễn văn trong tang lễ truy điệu nhé. Trong tôi như có sự phản kháng lớn, tôi chỉ muốn thét lên: Không, không, không! Tôi không viết được đâu. Chúng ta đã nói rồi, chúng ta tập không thù hận những người sát hại Liên, Vui; chúng ta đã chỉ mong họ thấy rõ chúng ta không tệ như họ tưởng bằng thái độ hiểu biết của chúng ta. Càng suy nghĩ tôi lại càng rối rắm thêm. Chỉ còn một cách làm như chúng tôi vẫn làm trong ngày chánh niệm là bỏ hết những suy tư khổ đau rối rắm đó sang một bên và theo lời Phật dạy chỉ trở về với hơi thở, bám lấy hơi thở, sống trọn vẹn với những việc làm trong phút giây hiện tại. Đi thì chỉ để tâm tới bước chân, ăn thì chỉ nhìn sâu và thấy kỹ những gì tích cực trong chén cơm ấy, bỏ hết những tâm nghĩ suy đi ra xa hơn cái không gian và thời gian của phút giây hiện tại và để tâm được bình an hơn. Khi tâm bình an hơn thì hy vọng mình sáng suốt hơn và biết phải làm gì, sẽ làm gì. Bốn ngày liên tiếp, tôi chỉ trở về sống với những công việc hiện tại mà tăng thân nhờ tôi làm. Chạy đi mua bì thư, đi quay ronéo thư mời, bỏ bì thư thơ mời quan khách, tâm chỉ bám vào chuyện bỏ thư vào bì thư mời dự tang lễ. Biên thư, mời bao nhiêu quan khách quen biết, chạy lên cầu cứu với thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa, chạy lên các chợ Cầu Muối, chợ Tân Định nhờ cô bác lo giúp chuyện này và chuyện kia. Đêm về, khi mọi người tạm yên giấc ngủ, tôi vào chánh điện ngồi thiền một thời gian rồi đứng dậy đi chậm rãi quanh chùa. Tôi không biết vậy là đi thiền hành nhưng tâm tôi chỉ tùy tức nghĩa là bám lấy hơi thở ra, thở vào như là đang ngồi thiền định. Không dám suy nghĩ gì hết và cũng không biết sẽ viết gì cho thầy Thanh Văn đọc trong tang lễ sắp tới. Bốn đêm liên tiếp, đêm nào tôi cũng nghĩ là đêm nay, có thể tôi sẽ có sáng kiến, nhưng cũng không có. Rồi đêm mai, rồi đêm mai nữa cũng không có ý gì cả, tôi cũng vẫn đi im lặng quanh chùa cho đến mệt nhoài thì mới ngả ra chợp mắt được chút ít.

Đêm thứ tư, trong khi ngồi thiền chợt trong tôi loé lên câu nói của chú Hà Văn Đính. Chú thuật rằng, họ sờ đầu anh em hai lần và lần thứ hai thì nói rất nhanh: “Tôi rất tiếc, nhưng tôi buộc lòng phải giết các anh!” Tại sao giết người ta mà nói rất tiếc? Thế có nghĩa là họ không muốn giết, không nỡ giết? Thế có nghĩa là lời tuyên bố hai tháng trước đã chạm vào mối từ tâm trong lòng họ rồi. Nhưng thời buổi chiến tranh, nếu cấp chỉ huy ra lệnh mình phải đi thủ tiêu ai đó mà mình từ chối thì âm mưu cấp chỉ huy bại lộ. Chỉ huy phải thanh toán mình thôi. Nếu được lệnh giết người mà vì lòng từ bi, mình không nỡ giết những người con trai vô tội này thì mình sẽ bị thủ tiêu. Nếu không tuân lệnh, mình bị giết thì ai lo cho vợ con mình đây? Khi thấy được thế khó xử của những người sát hại bốn anh em bên bờ sông, tôi hiểu hơn và thương họ được. Tôi cầm bút lên viết bài diễn văn Truy Điệu trong tang lễ: Cám ơn các anh đã nói lời dễ thương là Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh. Những lời ấy chứng tỏ các anh BỊ BẮT BUỘC phải giết các bạn chúng tôi. Nếu không vâng lời cấp chỉ huy, các anh có thể bị giết. Rồi ai lo cho vợ con các anh? Chúng tôi hiểu và nhờ thế vẫn không thể thù hận các anh. Kẻ thù chúng tôi vẫn là cái thấy sai lạc của cấp chỉ huy của các anh về chúng tôi. Chúng tôi lạy Phật cho lần này cấp chỉ huy của các anh sẽ hiểu hoặc ít nhất các anh sẽ hiểu và chúng tôi tin là bằng mọi cách, các anh sẽ giúp chúng tôi vượt ra khỏi những khó khăn này. Quan khách ai cũng chảy nước mắt khi nghe bài diễn văn của thầy Thanh Văn đọc. Các vị linh mục, mục sư, các thầy trong Giáo Hội, quan khách thân hữu thân tả đều thương mến và quyết lòng che chở. Và kể từ ngày đó TNPSXH không còn bị sát hại nữa.

Xong tang lễ Hy - Tuấn - Thơ - Lành, thấy bà con thương Trường quá, đã về dự tang lễ quá đông và ủng hộ hết lòng nên lòng chúng tôi đã giảm bớt đau thương.

Lặng lẽ chuẩn bị cho sự hy sinh

Trưa đó là trưa thứ bảy, chúng tôi về Chùa Lá Pháp Vân tu tập chánh niệm như thường lệ. Trong buổi ăn trưa, thầy Thanh Văn nói: Được thương cũng khổ và bị ghét cũng khổ. Chắc tại lúc sau này báo chí khen mình quá, người ta ganh tị, người ta giết mình chứ gì. Chợt một em TNPSXH nói đùa chọc chị Mai: Thôi chắc tại chị Mai viết mấy bài báo trên nhật báo Thần Chung, ký tên là Nhất Chi hay quá, khen TNPSXH quá, mà họ ghét chứ gì. Ai nấy đều cười, chỉ có chị Mai là buồn. Chiều đó có Mai Sa và Tài tụng giới chung với mình. Tuần này đến phiên chị Mai thuyết giới. Khi đọc đến giới thứ 12: “Ý thức rằng giết chóc đem đến khổ đau, con quyết tâm không giết hại, con không tán thành sự chém giết, con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ nhân mạng”. Giọng chị Mai lạc hẳn đi. Và từ đó đến giới thứ mười bốn chị Mai không đọc được đĩnh đạc như trước đó nữa. Giọng chị khúc mắc khó nghe. Sau này Mai Sa nhắc lại và tôi cũng nhớ những sự kiện đó và mới nghĩ rằng: Có thể chị Mai quyết định hy sinh cho hòa bình từ lúc ấy. Tôi cũng còn nhớ thuyết giới xong, chị xếp kinh lại thì chị Uyên nói:

- Chị Mai bữa nay làm “xao“ ấy!

Tôi cũng hỏi:

- Hình như bữa nay chị Mai không bình tĩnh lắm, chị Mai có sao không?

Chị chỉ cười và xin về phòng sớm. Suốt hai tuần lễ kế tiếp, chị Mai không về chùa tu. Mẹ chị Uyên và má của tôi cũng không muốn chúng tôi về chùa vì sợ “ăn lựu đạn”. Nhưng các anh chị Tiếp Hiện đều nhỏ nhẹ nhưng cương quyết giải thích cho gia đình nên năm anh chị em Tiếp Hiện vẫn về chùa đầy đủ để tĩnh tu, trừ chị Mai. Tôi vẫn nghĩ: Chắc là hai bác ba má chị Mai cũng sợ như má tôi, mẹ chị Uyên hay một số cha mẹ các em TNPSXH khác nên có một số nhỏ, không dám cho con đi con đường này nữa. Ít có ai mà như ba của em Hy. Khi thấy quan tài bốn em nằm bốn cái song song, tôi rất khổ tâm, tự hỏi nếu mà gia đình các em Hy, Tuấn, Thơ, Lành vào thăm và bắt đền mình vì sao mà để cho con họ bị ám sát như vầy thì tôi biết ăn nói làm sao. Khi ba của em Hy từ Quảng Nam vào Sài Gòn thăm xác con, bác ôm quan tài mà khóc: “Ôi con ơi, con chết đi thì lấy ai đi phụng sự xã hội? Ba rất tiếc, ba không còn một đứa con trai nào hết để tiếp tục đi phụng sự xã hội thay cho con!” Tôi sững sờ chảy nước mắt muốn sụp lạy bác, ôi lý tưởng của chúng tôi nếu có một người như bác thôi cũng đủ đem nắng ấm và mây hồng cho mùa đông lạnh lẽo tình người này, tất cả chúng tôi thật ấm lòng và thêm lớn niềm tin. Còn má tôi hay mẹ chị Uyên thì chưa được như thế. Thấy chị Mai bỏ ngày tu hằng tuần, tuy không nói ra, nhưng trong lòng tôi không vui. Tôi nghĩ ba má chị Mai không cho chị về tu thì ít nhất chị cũng cho chúng tôi biết chứ. Ngày 13 tháng 05 năm 1967 là thứ bảy. Khi tôi đang ngồi yên trước cửa sổ phòng tĩnh tu, nhìn ra rừng - tôi đang thở thì chị Uyên gõ nhẹ vào cửa, báo tin chị Mai mới tới, chị Uyên reo to:

- Ui chao, chị Mai mặc áo tím có kim tuyến trông rất đẹp, tóc bới cao cài trâm như sắp đi dự lễ hội. Chị lại đem theo một mâm bánh chuối rất lớn để đãi mọi người.

Tôi bước ra khỏi phòng, cười liến thoắng:

- Lý do gì mà chị Mai bỏ đi tu ngày chánh niệm hai tuần liên tiếp, ý gì mà mặc áo đẹp, mà vấn tóc cao, mà đem bánh vào đãi mọi người? Chị Mai sắp báo tin có ai “chạm ngõ” phải không?

Các em TNPSXH ồ lên:

- Có thể lắm, có thể lắm.

Chị Mai chỉ im lặng và cười. Chị mời mọi người ăn bánh rồi hối hả đi thăm Lê Văn Vinh, xuống bếp thăm dì Tư, thăm từng em sinh viên. Xong, trước khi lên xe chị đến nắm tay tôi và nói:

- Thứ ba, Phật Đản, Phượng đến chùa Từ Nghiêm lúc bảy giờ nhé để dự lễ với chị Mai.

Tôi lại nhăn mặt hỏi:

- Lễ chi mà sớm vậy chị Mai? Với lại mình tu mỗi tuần một ngày tại Chùa Lá của mình là đủ rồi, em đâu có thì giờ để đi những lễ lượt Phật Đản đông đúc người ở chùa Từ Nghiêm.

Chị vẫn năn nỉ:

- Thôi mà, đi một chút với chị Mai mà, vui lắm, Phượng nhớ đi nghen!

Tôi lại bực, nghĩ tánh cũ của chị Mai vẫn thế, chị ưa làm gì, dù chúng tôi chẳng thích, cũng cứ kèo nài bắt làm theo cho bằng được, giống như việc bán gạo và bán xà bông. Tôi càu nhàu ra mặt:

- Thôi mà! Chị Mai đi chùa Từ Nghiêm dùm em, đừng bắt em đi, em đâu có thì giờ dự các lễ lượt đông đảo đó.

Chị nhìn em thật buồn và nói:

- Phượng không đi thì thôi, đừng quạu thế.

Và chị ra về. Tôi hơi mắc cỡ, định bụng thứ ba thế nào cũng gắng ghé qua chùa Từ Nghiêm cho chị vui, nhưng chiếc áo kim tuyến, chiếc bánh tặng mọi người khiến tôi hơi hờn nên sáng đó thứ ba ngày 16 tháng 5 năm 1967 là ngày Phật Đản tôi vẫn chưa muốn đi. Cho đến khi Ngọc, TNPSXH đến nhà tôi, báo tin chị Mai đã tự thiêu ở phía trước chánh điện chùa Từ Nghiêm, ở ngoài hành lang. Tôi sững sờ ngồi yên thật lâu, không nói được một lời. Bỗng tôi đứng dậy nói rất bình tĩnh: Chị Mai tự thiêu cho hòa bình rồi. Má tôi ngồi nghe im lặng rồi bỗng bật khóc thành tiếng: “Trời ơi sao nó bất hiếu vậy. Cha mẹ già còn đó mà nó làm như thế là nó giết mẹ giết cha“, má tôi vừa khóc vừa nhìn tôi. Tôi biết má tôi khóc và nói thế nhưng trong lòng không thật trách móc gì chị Mai đâu. Má tôi muốn nhắc khéo cô con gái nam nhi, chỉ biết ăn lý tưởng mà sống của má, có thể sẽ theo gót chị Mai. Tôi im lặng, mặc áo dài ra xe đi vì còn nhiều việc cần làm gấp. Nhưng tối hôm đó về nhà, tôi thuật cho má nghe chuyện chị Mai đề nghị mười đứa đi mười thành phố để mổ bụng và tôi đã bác bỏ như thế nào. Khi đó má tôi mới yên lòng.

Thì ra sau cái chết của Thơ, Tuấn, Hy, Lành, khi tụng giới, chị đã quyết định thiêu thân cúng dường cho hòa bình và hai tuần liên tiếp là hai tuần chị muốn ở nhà chơi với ba má, dành cho cha mẹ những giờ phút êm đẹp nhất của người con hiếu thảo và cũng trong hai tuần chị lặng lẽ chuẩn bị cho sự hy sinh. Những bức thư để lại chị chép thành mười bộ, nhưng cảnh sát công an đã tịch thu hết. Bản duy nhất còn lại là bản của em Ngọc đem tới nhà cho tôi. Sau khi đọc xong tất cả những bức thư của chị, việc tôi làm đầu tiên là lấy xe hơi, lái đến nhà thăm hai bác ba má chị. Con đường vào nhà chị Mai thiên hạ đã nhốn nháo cả lên, nghe nói ai đó báo tin nên từ sáng đến giờ bác gái xỉu hai lần rồi. Khi tôi vừa bước vào nhà, hai bác đã ôm tôi và òa lên khóc to, tôi mời hai bác ra xe để chở đến chùa Từ Nghiêm. Đến nơi, hai bác vừa xuống xe, tôi nhờ các bạn đi tìm Mai Sa ra cho tôi gặp riêng, căn dặn bảo mật mấy bức thư của chị (hồi này ở Việt Nam chưa có máy photocopy) và nhờ em Mai Sa và Tài dịch ra Anh Văn. Xong tôi thấy cần phải đi ngay để báo tin sự hy sinh của chị cho hàng trăm hàng ngàn người được biết. Tôi đi thông tin cho các nhật báo lớn nhưng biết chắc là tất cả đều sẽ bị kiểm duyệt, tôi xin gặp cho được bác Nam Đình là chủ bút nhật báo Thần Chung để xin bác tìm mọi cách phổ biến.

Tôi không dám vào chùa. Tôi không dám đến gần để nhìn chị. Tôi tự nhủ là đáng lý xác tôi phải nằm kề bên chị mới phải. Tại sao tôi còn đây? Tôi đi tiếp xuống chợ Cầu Muối, tới tận sạp bán cau của cô Ba Tý, tới nắm tay cô Ba và nói: “Chị Mai của con tự thiêu cho hòa bình rồi cô Ba ơi, chị con chết rồi, ở chùa Từ Nghiêm”. Nói xong tôi mới oà ra khóc thành tiếng. Từ hồi sáng sớm đến bây giờ mắt tôi ráo hoảnh, như đông đá, khi bác gái má của chị xỉu, ba chị ôm tôi khóc, tôi cũng không có được một giọt nước mắt. Trong góc chợ tối tăm của sạp bán cau tôi oà ra khóc, ôm cô Ba Tý mà khóc như một đứa trẻ con. Cô Ba la hoảng lên: Trời ơi, thiệt không cháu? Cô Diệu Huỳnh đó hả cháu? Trời ơi (cô Ba khóc lớn). Thế là cả chợ xôn xao. Cô Ba Tý chỉ là một bạn tiểu thương bán cau nhưng cả chợ không ai là không kính nể cô Ba vì đức độ. Đêm hôm khuya khoắt, ai sốt, ai bị kinh phong, ai trúng gió, thiên hạ đều cầu cứu cô Ba. Cô có cái muỗng và chai dầu cạo gió để sẵn trong túi, cô không bao giờ từ chối giúp bất cứ ai. Ở chợ ai bị hoạn nạn, cô cũng kêu gọi chị em bạn hàng chung sức giúp. Vì thế khi cần gì chúng tôi chỉ cần đến thưa với cô Ba. Cô chỉ “hô “lên một tiếng là mọi người nghe theo. Trường TNPSXH cả năm nay sống sót là nhờ mỗi tuần nhận được hai xe cam nhông rau cải, su bắp, su hào, cải củ, khoai lang, dưa leo xà lách (loại bắt đầu héo, bán sỉ e khó ai chịu mua). Ba trăm anh em TNPSXH là khách hàng sử dụng đúng mức các thực phẩm không tốn tiền ấy. Cô Ba lau nước mắt và tiễn tôi ra đầu chợ, căn dặn: Con đi trước, cô Ba sẽ tới chùa liền. Cô đưa tay vẫy vài anh xe lam, xe ba bánh gắn máy đậu gần đó, nói nho nhỏ với họ vài tiếng là đã thấy họ nổ máy chở một số các vị anh chị của chợ Cầu Muối cùng với cô Ba lên đường đến chùa Từ Nghiêm thăm chị Mai. Mới đợt đầu mà đã có ít nhất năm chiếc xe lam, bảy chiếc xích lô máy sẵn sàng chở không công cho các vị có ảnh hưởng trong chợ. Mấy vị này vừa đi vừa khóc:

- Trời ơi ! Cô Út Diệu Huỳnh dễ thương lắm, tốt lắm! Tức quá!

- Trời ơi, sao đánh giặc làm chi mà đánh hoài cho cô Út cô phải tự thiêu để đòi hỏi hòa bình vậy nè!

Hàng nào trong chợ cũng đầy người quá cảm động khi nghe tin, họ thốt lên những câu tương tự như nhau :

- Trời ơi, con nhà giàu học giỏi như vậy mà người ta còn hy sinh cho hòa bình, mình là cá chốt lòng tong mà cũng sợ chết, sợ bị bắt không dám hy sinh sao?

Bác Thiếu Sơn, bác Nam Đình và vài người bạn lão thành đến thăm chị Mai lần chót trong chùa. Vừa thấy tôi, bác đến gần và chỉ kịp kêu: Cháu! Rồi hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Bác lấy khăn lau rồi chẳng nói chi cả. Nhưng nhìn bác, nhìn những bậc đàn anh kỳ cựu yêu nước, cảm động trước cái chết của chị Mai tôi không lấy gì làm ngạc nhiên. Chuyện khiến tôi lạ lùng là cái bà chủ nhà in đã từ chối giúp tôi in những tài liệu chống chiến tranh cũng có tới lạy chị và khóc rồi đến nói nhỏ với tôi là từ đây khi cần in gì, cứ cho bà biết, bà sẽ lo! Có nhiều vị chức sắc trong chính quyền miền Nam cứ từ từ tìm cách liên lạc và muốn làm việc với mình, muốn giúp mình triệt để để chấm dứt chiến tranh huynh đệ tương tàn này. Chính các bạn đã ra đi biền biệt vào chiến khu cũng nhắn tin về, hỏi phải làm sao để họ tham gia việc thực hiện chấm dứt chiến tranh theo những điểm thầy mình kêu gọi và đề nghị ngưng chiến và Hoa Kỳ tuyên bố rút quân theo lịch trình có quốc tế chứng giám. Chừng đó tôi mới thấy rõ cái ”biện luận” của tôi “nếu chị Mai và tôi chết hết thì lấy ai mà lo cho cuộc vận động chấm dứt chiến tranh này” là sai. Thật ra nhờ sự hy sinh của chị Mai mà phong trào hòa bình lớn mạnh, không những trong nước mà ở cùng khắp thế giới. Tôi vẫn còn nhớ bài thơ mà chị Mai cứ đọc đi đọc lại mãi trong thời gian trước đó và chị cũng có thu thanh để lại giọng đọc bài thơ đó, bài thơ Dặn Dò của thầy chúng tôi, thầy Nhất Hạnh:

Dặn dò

Xin hứa với tôi hôm nay Trên đầu chúng tôi có mặt trời Và buổi trưa đứng bóng Rằng không bao giờ em thù hận con người Dù con người Có đổ chụp lên đầu em Cả ngọn núi hận thù Tàn bạo Dù con người Giết em, Dù con người Dẫm lên mạng sống em Như là dẫm lên giun dế Dù con người móc mật moi gan em Đày ải em vào hang sâu tủi nhục Em cũng phải nhớ lời tôi căn dặn: Kẻ thù chúng ta không phải con người. Xứng đáng chỉ có tình xót thương Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện Bởi không bao giờ Oán hờn lên tiếng Đối đáp được Sự tàn bạo con người. Có thể ngày mai Trước khuôn mặt bạo tàn Một mình em đối diện. Hãy rót cái nhìn dịu hiền Từ đôi mắt Hãy can đảm Dù không ai hay biết Và nụ cười em Hãy để nở Trong cô đơn Trong đau thương thống thiết Những người yêu em Dù lênh đênh Qua ngàn trùng sinh diệt Vẫn sẽ nhìn thấy em. Tôi sẽ đi một mình Đầu tôi cúi xuống Tình yêu thương Bỗng trở nên bất diệt Đường xa Và gập ghềnh muôn dặm Nhưng hai vầng nhật nguyệt Sẽ vẫn còn Để soi bước cho tôi.

Trong cuộn băng nhựa thu âm để lại cho gia đình, chị Mai có đọc cho hai bác nghe bài thơ này và giải thích rất rõ. Tiếc là trong tập “Chết mới được ra lời”, hai bác không đưa cho cha Nguyễn Ngọc Lan ghi chép ra trọn và in chung với loạt thư để lại của chị. Thiên hạ lúc sau này có khuynh hướng cho bất bạo động là thụ động. Thật ra nếu chị đứng lên cầm súng, dù ở bên này hay bên kia, thì kết quả sẽ rất thấp so với lời kêu gọi từ con tim thương yêu của chị. Nhất Chi Mai đã làm cho phong trào hòa bình lớn nhanh như vũ bão. Ủy Ban ICCV (International Committee of Conscience on Vietnam hay Ủy Ban Lương Tâm Quốc Tế cho Việt Nam do thầy Nhất Hạnh và Alfred Hassler của Fellowship of Reconciliation thành lập hơn năm nay) đứng ra kêu gọi Campaign “Stop The Killing Now” và với những bức thư gửi gắm của chị, Ủy Ban đã gom được chín nghìn nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đồng ký tên, yêu cầu các bên ngưng chiến tức thì. Những lời kêu gọi này được đăng nguyên một trang lớn trong nhiều ngày trên các nhật báo New York Times, Los Angeles Times, International Herald Tribune, The Guardian và Le Monde v.v.., những nhật báo mà các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới đều phải đọc. Trong suốt ba ngày thi thể chị Mai nằm ở chùa Từ Nghiêm, tôi cứ tìm cách đi hoài, tôi không dám ngồi bên chị. Thấy chị T.H., em H. T. Hiệp và bao nhiêu bạn bè ngồi ôm chị bằng cách xoa xoa miếng vải vàng trùm thi thể chị tôi không dám tới gần. Đáng lẽ ra thi thể của tôi cũng nằm như thế trong một ngôi chùa ở Bến Tre, Mỹ Tho, Cần Thơ, Nha Trang, Huế, Hội An hay Quảng Trị... như chị Mai đề nghị. Nhưng tôi vẫn còn đây, vẫn còn sống, còn ăn, còn ngủ được sao? Các anh em TNPSXH tề tựu về rất đông và thay phiên nhau trực vì sợ chính quyền cho cướp xác chị. Ngay hồi chị mới tự thiêu, xe công an đã đến định chở thi hài chị đi nhưng các anh em TNPSXH cản ngăn, và công an vẫn cứ tiến tới. May thay lúc ấy ba má chị Mai vừa tới và ông cụ đã lớn tiếng đuổi họ để cho chị yên.

Đêm nào tôi cũng thức suốt, khi thì dịch bài với Mai Sa, khi thì biên thư cho từng đoàn thể Hòa Bình trên thế giới do Mai Sa giới thiệu, khi thì viết thư cho những báo chí có uy tín (Mai Sa tên thật la Masako Yamanouchi, người Nhật, tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ làm việc công tác thiện nguyện cho nhóm American Friends Service Committee tại Việt Nam, nhưng sang đây học tiếng Việt và muốn sống chết với trường TNPSXH). Tôi có nói chuyện với ký giả nhật báo New York Times (NYT) ngay chiều hôm ấy thì ngày 17 tháng 05 năm 1967 hình tôi hiện lên trên năm cột báo NYT và không cần chúng tôi điện thoại cho biết, thầy chúng tôi cũng biết ngay là Nhất Chi Mai đã tự thiêu.

Ngược lại tại Việt Nam ngày hôm sau tất cả các nhật báo có đăng tin tự thiêu của chị thì bị chính quyền cho bôi trắng nên ở Sài Gòn không phải ai cũng biết tin chị tự thiêu cho hòa bình. Tin chị hy sinh cho hòa bình chỉ được truyền miệng qua các nhóm tiểu thương chợ và các đoàn thể sinh viên học sinh Phật tử thôi, trong vòng hai hôm, vậy mà bữa đưa chị ra lò thiêu cũng có quá đông người tham dự. Xe tang đã ra đến tận cầu Phú Lâm mà đoàn người tiễn đưa vẫn còn rất đông trong chùa Từ Nghiêm. Tất cả các đoàn thể Sinh Viên Học Sinh, Hướng Đạo ở các phân khoa Đại Học đều có mặt, các đoàn thể tiểu thương tất cả các chợ trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Định, Gia Định và Gò Vấp đều có mặt, các văn nghệ sĩ, những ký giả lão thành, các chính trị gia lão thành bên tả (thân chính quyền Hà Nội và khối cộng) hay bên hữu (thân Quốc Gia chống cộng và thân Hoa Kỳ) đều có mặt. Tôi hết sức ngạc nhiên là ngay cả những ông triệu phú xưa nay vẫn xầm xì chê thầy Nhất Hạnh là cộng sản hay “bị cộng sản giật dây”, những người giàu có đã quyết định ngưng không giúp học bổng cho TNPSXH từ khi thầy kêu gọi hòa bình, nay cũng có mặt.

Sau sự hy sinh này, số người thương TNPSXH lớn vô kể, khi trường TNPSXH gửi sáu em về Quảng Trị thì có đến 50 đến 100 các em Gia Đình Phật Tử tới công tác tự nguyện chung, tới Huế thì tiểu thương Phật tử, Phật tử các khuôn hội tới phụ làm công tác nơi nào mà TNPSXH có chương trình giúp đỡ đồng bào. Con số tác viên 300 người đợt đầu, 400 người đợt hai và những người thiện nguyện làm việc không nhận tiền túi, tới rất đông. Trong số tình nguyện viên ấy, ban điều hành TNPSXH đã chọn một số người có lý tưởng cao, đưa về trường đào tạo cấp tốc thành trợ tác viên. Con số tác viên và trợ tác viên cứ tăng mỗi ngày nhưng số tình nguyện viên không nhận tiền thù lao thì có khi lên đến hơn 9 nghìn người trên toàn quốc. Vào năm 1975 khi Chánh Phủ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào Sài Gòn, họ ra lệnh TNPSXH phải đóng cửa, không cho sinh hoạt nữa.

Chết mới được ra lời

Tôi có một kỷ niệm dễ thương về thầy Trí Quang. Từ tháng 10 năm 1962, ngày tôi được thầy cho rất nhiều sách quý như Tự Điển Pali - Anh, Sanskrit - Anh, những cuốn của Louis La Vallée Poussin bằng tiếng Pháp, thầy kể cho tôi biết sự tàn tệ của các cán bộ Thiên chúa giáo đối với Phật tử ở miền Trung,... Nhưng chưa bao giờ tôi thấy được niềm xúc động của thầy như khi hay tin chị Mai tự thiêu cho hòa bình. Một giờ khuya hôm đầu, thầy đi bộ từ Ấn Quang sang Từ Nghiêm tụng kinh cho chị. Tối thứ hai, sau khi đọc những thư chị để lại, thầy cho xe hơi qua chùa Từ Nghiêm, xin quý ni sư cho phép chở tôi sang chùa Ấn Quang để thầy nhờ vài việc. Xe không tài xế nên Tài phải đưa tôi đi bộ sang. Đến phòng thầy, chúng tôi thấy thầy lay hoay với cái máy thu thanh dềnh dàng của thầy. Thầy nói: Cái băng của Nhất Chi Mai thu không được rõ. Thầy muốn thu một băng có người đọc trọn tất cả thư trối trăn của Nhất Chi Mai để thầy sẽ chêm vào đó những nhận xét về sự hy sinh này. Con giúp thầy, vì thầy cần một giọng đọc gần giống như giọng của Mai, giọng con gái, người miền Nam. Sáng sớm hôm sau thầy lại đi bộ sang chùa Từ Nghiêm tụng kinh cho chị trước linh cữu và lại gọi tôi đến: Con phải làm mọi cách để in những tài liệu trối trăn này thật nhiều và phổ biến thật sâu rộng. Thầy sẽ trả lại tiền giấy mực và công nhà in cho con. Hiện tại tuy thầy không có tiền, nhưng thầy có người em gái đi dạy học. Mỗi tháng nó có thể cho thầy 5.000 đồng và trong vòng bốn tháng chắc sẽ trả hết tiền công thợ in và giấy mực cho con! Hôm sau nữa thầy lại cho gọi tôi vào và nói: Cái nguyện của Mai là các tôn giáo làm việc chung cho hòa bình, thầy nghe nói ông linh mục Nguyễn Ngọc Lan là người công giáo tiến bộ và gần mình. Con thử đề nghị ông ấy viết bài tựa cho những bức thư của Mai đi. Không ngờ ngoài sức tưởng tượng của thầy, cha Lan trước đó đã tìm tới chúng tôi và tự đề nghị sẽ lãnh trách nhiệm đề tựa cho các bức thư của chị Mai. Linh mục lấy tựa cho cuốn sách từ một câu thơ của chị “Chết mới được ra lời” và linh mục hứa sẽ công khai nhận trách nhiệm trước pháp luật về chuyện in ấn này.

Đúng như nguyện ước của chị, các vị lãnh đạo trong Phật giáo và Công giáo đã từ từ đến gần với nhau hơn. Ký giả Nam Đình cứ tìm cách cho ra từng bài thơ của chị Mai, không nề hà hiểm nguy, coi nhẹ những can ngăn của ban biên tập là nhật báo Thần Chung có thể bị đóng cửa và sự nghiệp của bác sẽ suy sụp. Chính phủ cũng có thể viện cớ bác là cộng sản để tịch thu hết gia sản của bác.

Chị Mai ơi, em lội mòn cả giày trên các thành phố Rome, Venizia, Milan, Torino, Zürich, Bern, Lausanne, Genève, Paris, Bruxelles, Amsterdam, Utrecht, Groningen, Hagen, Bremen, Berlin, Bonn, Hamburg, London, Edingburg, Copenhague, Stockhom, Helsinki và gần 50 tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ New York, Washington DC, Chicago,... để nói rằng: Khi bạn muốn mua một món gì, bạn phải trả tiền, nhưng khi mà bạn muốn mua món quý giá nhất, quý cho đến nỗi bao nhiêu tiền cũng không mua được thì bạn chỉ còn có một thứ quý giá để trả cho món hàng đó, đó là sự sống của bạn. Bạn muốn mua sự hiểu biết của gia đình nhân loại để chấm dứt cuộc chiến tranh cho Việt Nam thì chỉ có cách đem thân làm đuốc mà thôi.

Em “nói” thì khi nào cũng chân thành và các bạn nghe, cảm động và thương lý tưởng chấm dứt chiến tranh của chúng ta ngày càng đông. Họ bỏ thì giờ, tình thương để tổ chức cho em đi gặp hết các giới trong quen biết của họ. Có người cho nguyên một tháng lương để mướn phòng cho em thuyết giảng. Mỗi ngày em phải bay đi một thành phố. Xuống phi cơ là họp báo, sau đó lên đài truyền hình và truyền thanh. Có những buổi truyền hình sống và em được nói trực tiếp qua điện thoại với khán giả. Trưa về ăn “working lunch” là vừa ăn trưa mà vừa làm việc thuyết pháp hay nghe người thuyết. Em không quen vừa ăn vừa nói nên chỉ chờ họ ăn xong mới nói, mà khi ăn xong thì họ có thể đi mất nên mình đành nhịn ăn để có dịp chia sẻ cái thấy của mình. Họ ăn xong thì cũng tới giờ em đi chia sẻ thuyết giảng tại trường Đại Học gần đó, năm giờ chiều lại gặp một nhóm đạo Kitô hay nhóm activists nào đó. Ăn chiều cho nhanh để tối lúc tám giờ sẽ được thuyết giảng nơi công cộng. Phần nhiều buổi chiều thì luôn luôn rất đông người tại vì họ đã thấy em nói trên truyền hình và radio ban sáng. Như vậy là mỗi ngày em làm việc sáu thời không bao giờ biết mệt. Em chỉ cảm thấy bất an là khi tối về, các bạn dành cho em một phòng ở khách sạn. Em thấy sao mà mình ở chỗ sang quá trong khi đồng bào chạy dưới đạn bom.

Trong chuyến hành hương cho hòa bình này, tôi chỉ có hành trang là hình ảnh chú Bảy, bị cháy nhà lần thứ tư, vợ và bảy con bị bom đạn chết hết. Chú ngồi nhìn vào khoảng không, không nói một lời; hình ảnh bà Ba mới 63 tuổi, nhưng da mặt nhăn nheo như người tám mươi, nước mắt ràn rụa trước sáu đứa cháu nội đang bịt khăn tang vì ba mẹ chúng đã chết tất cả. Và hình ảnh cháu bé bê bết máu ở Khương Bình bên bờ sông Thu Bồn mà tôi không cứu sống được.

Tôi phải sống và phải chết với những hình ảnh này của đất nước cho đến ngày nào môi của bé thơ lại được hát ca cho quê hương hòa bình.

Chương 10: Tết Mậu Thân

71 giáo sư Đại Học Sài Gòn kêu gọi kéo dài đình chiến vào dịp Tết Mậu Thân để đi đến thương thuyết chấm dứt chiến tranh

Tám tháng sau khi chị Mai tự thiêu kêu gọi hòa bình, chiến tranh vẫn khốc liệt trên nhiều trận tuyến lớn: trận Bình Long, binh sĩ hai bên và thường dân chết quá nhiều, trận Chu Phrong, trận Pleime, trận Đồng Xoài,... trận nào cũng thây chết chất chồng. Chúng tôi trong phong trào Phật tử và sinh viên các trường đại học Sài Gòn quá nóng lòng, muốn làm cái gì đó như là tiếng nói của lương tâm đất nước. Từ góc Đại Học Khoa Học, tôi thuyết phục được một số giáo sư, rồi bên Văn Khoa, Luật Khoa, Y Khoa và có được 71 giáo sư các trường đại học Sài Gòn đồng ký tên kêu gọi ngưng chiến nhân dịp Tết sắp đến. Kế đó xin hai phe lâm chiến kéo dài ngày Đình Chiến vào dịp Tết để có thể đưa tới thương thuyết tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Cả hai bên đập vỡ hòa ước đình chiến vào dịp Tết Mậu Thân

Bên Mặt Trận Giải Phóng hứa đình chiến ba ngày, bên Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chỉ đồng ý một ngày thôi. Đâu có ai ngờ là mới tối 30 tháng Chạp, chưa giao thừa thì súng đã nổ cùng khắp. Du kích quân đã băng qua được phi trường và vào tận các khu phố khắp Sài Gòn. Hai bên đánh nhau dữ dội, phi cơ Hoa Kỳ yểm trợ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hết lòng nên đã bỏ bom nát tan nhiều chung cư lớn, nhiều xóm nghèo đông đúc ở quận 5, quận 6, quận 7, quận 10, quận 11 của Sài Gòn. Chính quyền ra lệnh giới nghiêm 100%. Không ai dám ra khỏi nhà, mọi người quây quần bên đài truyền thanh hay truyền hình. Bỗng nhiên tôi nghe đài phát thanh đọc tên tôi chung với 70 vị giáo sư đã ký tên kêu gọi kéo dài ngưng chiến vào dịp Tết Mậu Thân. Cô xướng ngôn viên cho biết tất cả những người vừa được đọc tên phải vào gặp ông bộ trưởng Bộ Giáo Dục gấp ngày hôm sau. Nhưng mới vài phút trước đó, đài truyền hình có chiếu cảnh thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đưa súng ra lẩy cò giết tại chỗ một cậu thanh niên mà ông nghi là cộng sản. Vì thế nên cả nhà đã khuyên tôi không nên đi dự buổi họp của Bộ Giáo Dục theo lời yêu cầu trên radio. Nhưng tôi vẫn phải đi thôi vì tôi biết rất rõ chính tôi là người chủ trương.

Tiếng nói của lương tâm nhà giáo

Hôm đó có nhiều giáo sư phải về quê ăn Tết và kẹt lại ở nhà quê. Đến nơi ông bộ trưởng Quốc gia Giáo Dục yêu cầu chúng tôi ký tên ngay một bản tuyên cáo chống sự vi phạm Đình Chiến vào dịp Tết của phía bên cộng sản mà văn phòng của Bộ đã chuẩn bị sẵn. Tôi đã thưa với các giáo sư có mặt hôm đó rằng, cả nước đều nghe chúng ta, 71 giáo sư đại học đã kêu gọi Hòa Bình, bị mời lên Bộ Giáo Dục để bàn việc này, rồi sau đó là bức thư soạn sẵn như trên, sinh viên sẽ thấy chúng ta làm theo mệnh lệnh chứ không phải vì lương tâm của kẻ sĩ phu. Nếu cần biên một thư phản kháng việc vi phạm đình chiến nhân dịp Tết thì chúng ta sẽ làm riêng, vào một cuộc họp mặt khác. Kết quả là 18 người đã ký tên bản tuyên cáo soạn sẵn vì... sợ và 3 người từ chối ký là tôi, giáo sư Châu Tâm Luân và Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan.

Từ chối xong, về nhà tôi chuẩn bị ngay bàn chải, kem đánh răng và một bộ quần áo ngắn mặc ở nhà để sẵn sàng chuẩn bị vào tù. Nhưng thay vì bị công an đến nhà bắt, tôi nhận được một thư mời đến gặp riêng ông Bộ Trưởng. Vừa vào tới văn phòng, ông Bộ Trưởng nhìn tôi soi mói:

-  A, thì ra cô đây là một trong ba người đã từ chối ký tên phản đối việc vi phạm đình chiến của cộng sản phải không? Cũng đơn giản thôi. Đó là do Tổng Nha Cảnh Sát họ yêu cầu tôi, nếu cô không ký tên, tôi chỉ cần gọi điện thoại cho họ (Tổng Nha Cảnh Sát) biết và cho ông Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn của cô thôi, thì cô sẽ biết hậu quả của hành động của cô.

Tôi rất giận khi nghe câu nói đó và tôi đáp:

- Thưa ông Bộ Trưởng, câu nói trên của ông có nghĩa là ông Viện Trưởng sẽ đuổi em ra khỏi ban giảng huấn của Đại Học Khoa Học, và sẽ báo tin để Tổng Nha Cảnh Sát cho người đến bắt em. Xin ông Bộ Trưởng cứ tùy nghi, em đã chuẩn bị các thứ cần dùng cá nhân để đi tù rồi, từ khi em từ chối ký tên trên cái bản Tuyên Cáo soạn trước ấy.

Nói xong tôi bỗng cảm thấy vô cùng bơ vơ trước những bậc “đàn anh” quá tệ như thế. Đất nước nhiễu nhương, có quá nhiều gia đình mà anh em cùng mẹ cha phải buộc lòng cầm súng đứng về hai phe chống cộng hay thân cộng rồi giết nhau. Có khi người em đã nói: Ngực em đây anh bắn đi? Mạch máu của mẹ truyền cho đây, anh cắt đi, để xây dựng lâu đài anh mơ ước. Nghĩ đến đây tôi không ngăn được hai dòng nước mắt tuôn trào. Giọng nói tôi run run:

- Sở dĩ em tới đây vì em nghĩ ông Bộ Trưởng trước khi làm chức này vẫn là một giáo sư bậc cha chú, bậc đàn anh của em. Trong hàng giáo chức em chỉ thuộc vào hàng em cháu nhỏ xíu, em chỉ có bổn phận lớn lên, sống xứng đáng, sống đẹp để dám nhìn vào mắt đàn em cháu mình mà không hổ thẹn. Bản kêu gọi Hòa Bình mà em thảo cho 71 giáo chức đại học ký hôm trước Tết, xuất phát từ trái tim thương yêu chơn chất của em. Thưa ông Bộ Trưởng, chưa bao giờ lịch sử nước Việt Nam lại xảy ra việc anh em một nhà sử dụng vũ khí ngoại bang để chém giết nhau. Chưa bao giờ dân tộc giải quyết chuyện nhà mà phải mời quân đội ngoại quốc đến lo giúp. Nhà giáo trong thời hỗn loạn này không thể chỉ dạy cho sinh viên kiến thức mà thôi, sinh viên chờ đợi ở bậc thầy trong ngành giáo dục dạy họ thêm về lương tâm đối với đất nước, lương tâm của kẻ sĩ trong thời tao loạn. Em không muốn cúi đầu ký tên trong một tuyên cáo soạn sẵn dưới áp lực của nồi cơm, và của cây súng. Nếu em nghe lời ông Bộ Trưởng, cúi đầu ký tên ngay, thì tối nay nếu du kích chiến vào nhà em, đưa súng ra và bắt em ký tên “Hoan hô ngài Chủ Tịch Mao Trạch Đông” thì em cũng sẽ ký, bởi vì chính ông Bộ Trưởng dạy em cúi đầu làm theo mệnh lệnh của cây súng. Ông Bộ Trưởng có biết không, đại tá Liễu, thân tín của tổng thống Thiệu, mới bị bên kia bắt ngày trước thì ngày sau đã kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa bỏ súng theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đó là kết quả của lối giáo dục như ông Bộ Trưởng bày em làm. Em chỉ là mụt măng non mới lớn trong hàng giáo chức, xin ông Bộ Trưởng giúp cho em sống cho đẹp, cho xứng đáng là con cháu của tổ tiên đất nước này. Hôm trước khi từ chối ký tên, em đã chuẩn bị để sẵn sàng vào tù rồi, xin ông Bộ Trưởng tùy tiện.

Mặt ông đỏ lên và lúng túng nói:

- Cô hiểu lầm tôi, tôi không chủ trương như vậy. Thôi cô về đi.

Tôi đi về bình yên và một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua tôi vẫn chưa bị bắt.

Lượm xác chết sình thối

Năm sáu ngày trôi qua từ khi du kích đột nhập được vào thành phố Sài Gòn ngày ba mươi Tết Mậu Thân. Hai bên vẫn còn tiếp tục xáp lá cà nhiều chỗ. Thây những người bị trúng đạn chết từ hôm khuya 30 Tết đã bắt đầu sình thối, xe Hồng Thập Tự của Sở Vệ Sinh Đô Thành Việt Nam Cộng Hòa đi lượm xác chết để chôn hầu tránh nạn dịch tả vì thây người sình thúi, nhưng có hai người tài xế xe Hồng Thập Tự bị du kích bắn trọng thương. Sở Vệ Sinh yêu cầu - trên radio - là họ cần người tình nguyện đi lượm xác vì xác chết nằm đầy nhiều góc đường đã bắt đầu xông mùi, không khéo sẽ bị dịch tả chết còn ghê gớm hơn. Tôi thấy hầu như sinh viên học sinh các trường Trung và Đại Học đã lập nhiều đoàn thể cứu trợ nạn nhân chiến tranh Tết Mậu Thân nên anh em Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không cần lập thêm một đoàn thể cứu trợ nữa. Anh em cũng đang giúp quý ni sư chùa Từ Nghiêm lo gạo lo cơm cho mấy ngàn đồng bào vào tá túc ở chùa Từ Nghiêm và Ấn Quang rồi. Vậy thì tại sao mình không tổ chức thêm một đoàn tình nguyện hợp tác với Hồng Thập Tự đi lượm những xác chết không người thừa nhận đầy đường đem chôn để tránh nạn dịch tả sẽ làm chết cả thành phố. Thầy Thanh Văn im lặng nghe lời đề nghị của tôi, nhưng sau đó thầy trả lời là Trường TNPSXH là để đào tạo thanh niên đi về nông thôn phát triển cộng đồng, giúp người dân nghèo đứng lên tự giúp mình vượt ra khỏi nghèo khó chứ không phải đào tạo người đi lượm xác chết. Tôi im lặng nhưng nói nhỏ với vài người quen là ngày mai tôi đi lượm xác chết cùng với xe Hồng Thập Tự, ai muốn đi theo thì đi. Vài sư cô và vài sinh viên cư sĩ hôm sau cũng có mặt tại trụ sở của Sở Vệ Sinh Đô Thành, cùng lên xe có treo cờ Hồng Thập Tự.

Thế là xe chở chúng tôi đi từng khu phố, khi thấy có xác sình thối ở góc đường thì xe dừng lại và chúng tôi xuống xe, khiêng xác bỏ lên sau thùng. Hồi này đang chiến tranh, không có eau de Javel sát trùng và trung hòa cho bớt mùi hôi, cũng không có găng tay để mang vào. Tôi nghe nói nếu bôi dầu phọng vào mũi thì báng mùi, nhưng không đúng, không báng mùi gì hết. Vừa đụng đến xác chết sình thúi thì cái mùi hôi ôi là kinh khủng! Mấy em gái nôn oẹ và sắp xỉu nên xin về nhà ngay. Tôi và em Phú cũng nôn, may có chai dầu nhị thiên đường thoa gần phỏng mũi luôn mà vẫn thúi. Sư chú Phạm Đăng Phú và một anh nhân viên Hồng Thập Tự thấy tôi là người con gái duy nhất vẫn kiên trì đi tiếp tục lượm xác thì thương, không cho tôi làm nữa nhưng tôi vẫn đi theo xe.

Nhìn mặt của cả trăm xác chết, đủ các thế nằm, đủ màu sắc màu đen khô, hay còn chút đỏ. Ôi mặt người khi chết, quả thật là một khám phá mới của tôi. Tôi nhìn mặt bác tài xế và liên tưởng ngay: Nếu chết nằm ở góc đường thì mặt bác ấy sẽ như thế này đây, như cái xác này. Nếu anh nhân viên Hồng Thập Tự chết thì mặt sẽ ra thế kia, môi chết sẽ tím như vầy, mắt sẽ trợn trừng như vầy. Nếu chú Phú chết thì mặt chú sẽ ra sao? Tôi lại hình dung và tiếp tục quán chiếu. Xe đưa chúng tôi về nghĩa trang Đô Thành. Có chiếc xe ủi đất (bulldozer) đang xúc từng đống xác chết và định ủi vào hố chon tập thể đã đào xong. Chúng tôi xin phép để chúng tôi đặt mỗi xác xuống hố cho có thứ tự theo lối xếp cá hộp chứ để xe đẩy đứt tay, cụt thêm chân hay gãy ngang cổ thì tội quá. Nhưng hố quá sâu, chúng tôi không bước xuống hố được nên cuối cùng đành đẩy từng xác xuống bằng tay thôi.

Mùi hôi dần dần thấm vào người nên tôi cũng quen, hết nôn oẹ và rồi những cảm giác thương tâm cũng mất. Ờ thì khi sống chú Phú như vầy, chết thì như thế kia thôi, tôi tự nhủ. Tôi rồi cũng thế, cái mặt của tôi khi chết chắc cũng hơi hơi giống nét mặt của mình thấy trong kiếng nhưng xấu xí hơn như thế, sẽ xanh tái lại, miệng hở, đưa mấy cái răng chết hơi lòi ra như cô kia nằm dưới hố đó! Rồi thầy Nhất Hạnh thương kính của mình nếu chết thì cũng nằm ngay đơ và mặt mày cũng xanh mét, môi tím và méo lại xấu ra, không còn phương phi và từ bi như khi còn sống đâu. Hồi này thầy chưa dạy chúng tôi về Cửu Tưởng Quán và về không sinh không diệt, nhưng những kinh nghiệm bi đát như trên đã dạy tôi quá nhiều về cái mong manh của sự sống.

Về lại trường TNPSXH tôi có chia sẻ cho thầy Thanh Văn nghe và thầy cũng hứng khởi muốn theo kinh nghiệm của tôi đi lượm xác để thực chứng mấy điều tôi thuật. Nhưng Nha Vệ Sinh nói họ đã làm xong, chấm dứt chương trình lượm xác chết. Thế nên thầy Thanh Văn chưa có dịp đi. Tôi thì khi về nhà tắm đã ba bốn lần xà bông nhưng vẫn nghe mùi “ấy” nó theo sát bên tôi ngày đêm. Suốt mấy tháng tôi chỉ ăn cơm với muối tiêu chứ bất cứ thức gì có chút mùi chất hữu cơ như chao, tương và ngay cả nước tương tôi cũng không ăn được.

Sau Tết Mậu Thân đài phát thanh Mặt Trận Giải Phóng (cộng sản) nói rằng đã giết được 40.000 quân ngụy. Bên Quốc gia nói rằng đã có 40.000 tên cộng sản phải bỏ thây. Còn tôi, tôi chỉ thấy xác nào cũng là đồng bào tôi, con cùng bọc từ bụng Mẹ Âu Cơ, cùng là anh em bè bạn tôi. Nếu tôi sống thì như vầy, lăn ra chết đi thì cũng xanh lè và hôi thúi như tất cả thôi, nhưng ngoài sự hôi thúi đó vẫn còn cái gì? Sau này được thầy dạy, tôi biết rằng tôi không nên khổ đau vì những xác chết. Không có gì thật sự “chết” cả. Cái thân xác này tàn hoại nhưng sẽ biểu hiện lại dưới hình thức tùy thuận theo nghiệp lực mà mình, ông bà mình, hoàn cảnh mình đã tích tụ suốt thời gian trước đó. Cái rõ ràng nhất là những gì mà suốt đời mỗi người đã tận tụy, đã làm; những gì rất thiện, rất lành thì những tinh ba đó đang đi vào bao nhiêu bè bạn, bao nhiêu người thân, để tái sinh liền bây giờ nơi các bạn bè ấy, nơi những người thân ấy, chứ không đợi đến khi mình chết xong mới “tái sinh”. Thân xác mình đang sống hay chết đi nhưng tinh anh mình làm cũng đang tái sinh nơi bao nhiêu người thương mến mình.

Chương 11: Lọt vào vòng bom đạn

Ngày 11 tháng 05 năm 1968, từ nhà chị Bảy tôi ở cư xá Lữ Gia Trường Đua Phú Thọ, gia đình chúng tôi nghe tiếng súng bắn dữ dội ở hướng phi trường Tân Sơn Nhất, dường như là có du kích đang tiến về phía phi trường suốt một ngày và hai đêm. Sáng hôm ấy Masako đi mobylette tới nhà tôi báo tin là cả vùng Phú Thọ, Hòa Tân Phú du kích tràn ngập và bên quốc gia đang bắn đại pháo rockets dữ dội lắm. Dân chúng đổ xô vào công viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội rất đông, không đếm xuể được. Có thể là trên 11 ngàn người. Giếng nước đóng của trường, bình thường anh em cho máy bơm một giờ thì đủ nước cho cả Trường xài ba ngày, mà nay máy đã bơm suốt ngày và cả suốt đêm hôm qua cũng không thể nào đủ cho hằng hà sa số người vào tá túc. Nồi niêu soong chảo của trường cũng đều biến mất. Chánh điện của chùa, giảng đường và thư viện của trường cùng với 40 phòng ngủ của các sinh viên nam nữ đều đầy người. Và ngay cả cầu tiêu nhà tắm cũng có người vào trốn trong ấy. Họ sợ bom nên vào tránh. Anh chị em muốn đi cầu cũng không có chỗ đi. Thầy Thanh Văn sợ du kích lẫn trong dân, nếu du kích đem vũ khí vào công viên mình và bắn qua bên quốc gia thì sẽ biến trường mình thành chiến trường mất. Ban điều hành tìm những vị bô lão và nhờ họ lặng lẽ làm việc theo dõi và khuyến thỉnh nếu có du kích chiến trà trộn vào. Nếu đã vào lỡ thì xin các anh vì đồng bào mà chôn súng đừng sử dụng.

Anh em TNPSXH gửi đi công tác các tỉnh hết rồi, chỉ còn có 37 người, rất khó mà điều động hơn 11.000 người bồng bế nhau chạy vào công viên và cư xá của Trường TNPSXH tị nạn. Anh em phải cấp tốc chia ra thành tám toán để tổ chức lại số người quá đông này. Mỗi toán của trường chỉ có bốn hay năm người, và anh em mời được đồng bào tị nạn bổ sung mỗi toán thêm 20 người nữa để lo trật tự, lo phụ nấu ăn, chia phần ăn và nước uống cho từng gia đình, lo vệ sinh từng khu - đào thêm 20 hố xí dã chiến - các chị thì chăm sóc trẻ em theo từng lứa tuổi, làm vệ sinh, chăm sóc người bị thương.... Cô Masako được nhờ đi mua xăng cho máy bơm nước vì hết xăng và hết nước thì sống rất khó.

Khi cô Masako đến nhà tôi báo tin này, phản ứng tức thì của tôi khi nghe tin là mặc áo lên Trường TNPSXH ngay, cứ nghĩ đơn giản là lên kia, khi thấy thiếu gì thì chạy về mua thôi. Tôi chỉ kịp ghé tiệm thuốc tây Lữ Gia gần nhà lấy thêm bông băng thuốc đỏ, alcool và thuốc bột exoseptoplix để rắc khử nhiễm trùng. Tôi thật không ngờ là mới hai đêm một ngày mà vùng Phú Thọ Hòa bị tàn phá lớn lao đến thế và tôi đang dại dột đi vào ngay cơn xoáy của chiến tranh. Muốn trở lui cũng không được nữa rồi. Trước mặt tôi phía trái một rocket rơi ầm, bụi tung mù mịt mà sau lưng tôi cách một trăm thước, khoảng xe tôi vừa chạy qua, cũng một trái rocket nữa. Vườn lài hoa thơm lừng vào tháng năm mỗi khi tôi đi ngang, bây giờ đạn tung bụi bay mù mịt.

Cuối cùng thì tôi cũng vào được Trường TNPSXH, các em tôi đã treo lên lá cờ Phật Giáo phất phơ trên nóc chùa để báo hiệu đây là chùa, xin đừng dội bom. Các em gái tôi đang băng bó những người bị thương, may quá tôi không bị thương. Em Tuấn (cựu y tá) báo tin là em đỡ đẻ bình yên cho hai bà mẹ trẻ mới sinh tại đây, một gái một trai rồi. Xưa Tuấn học nghề y tá, không có học đỡ đẻ gì hết, nhưng vì không thể nào đưa họ lên nhà bảo sanh hay bệnh viện được nên em liều, nhưng rồi mẹ con cũng bình yên! Có ba người chết, phải giải quyết chôn gấp nếu không, thây sình thối lên sẽ bị truyền nhiễm thì nguy lắm. Các em chạy tới hỏi: Chị có mang băng và thuốc không? Tôi tức mình, tôi thật ngu, nghe thế là đi liền, chỉ trút tạm tủ thuốc gia đình và có ghé nhanh đến hiệu thuốc tây Lữ Gia nhưng họ cũng chỉ có hai cuộn băng. Chúng tôi mới băng bó thêm được năm người là hết băng. Tôi cũng phải chung sức lo băng bó và cũng đành cắt hai vạt áo dài của tôi mà làm băng như các em gái khác. Trong khi tôi đang băng thì có một bé trai khoảng 11 tuổi tới kéo áo tôi nói lí nhí gì đó. Tôi dịu dàng nói: Cô bận lắm, cưng chờ một chút cô rảnh tay, sẽ lắng nghe nhé. Rồi tôi quay lại chăm chú rắc thuốc bột sát trùng cho một phụ nữ cỡ 38 tuổi mà Tuấn đã dùng alcool lau sạch vết thương ở đùi. Rắc bột, để thêm một miếng compress, tôi loay hoay băng cho thiếu phụ thì chợt nghe các em la lên: Kìa xem kìa, ai rảnh tay ra phụ với thằng bé gấp, kéo như vậy nguy hiểm quá. Thì ra chú bé gọi tôi khi nãy chắc là để cầu cứu vì bà nó đang bị thương nặng nhưng tôi bận băng bó cho chị Năm nên không lắng nghe cháu. Sợ bà chết cháu quay về chỗ bà ngoại cháu bị đạn ngã quỵ, cố lôi bà tới nơi để chúng tôi cứu. Bà bị thương ở bụng máu ra nhiều quá. Chúng tôi chỉ có thể lau máu chứ đâu dám sờ vào vì trong chúng tôi không có ai là bác sĩ cả, nhất lại là bác sĩ giải phẫu. Để bà nằm ngay ngắn, Tuấn cho bà thở ether và chúng tôi phải bàn bạc tìm cách vượt qua lằn đạn mà đưa bà đi bệnh viện, chỉ còn cách ấy thôi. Bởi vì chiếc xe Hồng Thập Tự cấp cứu Nghiệm mới gọi tới đã chở đi hết bốn người rồi, chắc họ không chịu trở lại đâu. Cuối cùng có sáu em, tôi không nhớ là ai, hai người cầm lá cờ Phật giáo, hai người giăng chiếc y vàng của một sư chú và hai em khiêng miếng ván để bà ngoại của bé Ty nằm. Họ vượt được khu bom đạn và tới Hòa Hưng mướn xe lam đưa cụ vào bệnh viện. Thấy bé Ty khóc, ai cũng thương nên cho em đi theo đoàn đưa bà đi bệnh viện. Nghe nói cuối cùng bà ngoại của Ty được cứu sống. Cha mẹ Ty đều chết, cháu chỉ sống với bà ngoại. Chính sự can đảm kiên trì của chú bé đã động lòng mọi người, các sư chú dám vượt bom đạn đưa cụ vào bệnh viện cũng là vì thương bé Ty bơ vơ nếu bà chết.

Lúc này các đoàn TNPSXH đã công tác khắp nơi như Quảng Trị, Quảng Nam, Tánh Linh, Đồng Nai, Bình Thuận nên tại trường chỉ có 37 tác viên. Vì thế mà có được mươi phòng trống nên khi hơn 10 nghìn người tới thì người già người bệnh có phòng nghỉ bên trong. Bên ngoài thiên hạ đành phải nằm tràn lan đầy nghẹt hết lối đi. Chúng tôi mời hơn 100 người trong số 11 nghìn người này hợp tác vào ban điều hành chia ra làm tám nhóm như đã nói trên để cấp tốc phục vụ.

Buổi tối, khi mọi người đi ngủ thì từng nhóm họp riêng chia việc và Ban Điều Động nguyên nhóm cũng họp để bàn chung những bất trắc từng ngày. Ví dụ như nhờ những bô lão chức sắc trong quần chúng lặng lẽ đi xem xét xem trong quần chúng tị nạn có ai là du kích chiến đang giữ súng không, nếu có thì nhờ năn nỉ các anh đừng dùng liên thanh bắn sang bên quốc gia, nếu không bên quốc gia sẽ gọi phi cơ oanh tạc 11 nghìn đồng bào lánh nạn; Làm cách nào để tải thương về bệnh viện, làm thế nào để giải quyết chôn tám xác chết.

Đến ngày thứ ba, bỗng nhiên có tin đồn là phi cơ sắp tới oanh tạc công trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Thiên hạ nhốn nháo lên rồi vô cùng sợ hãi. Có người kêu nên bình tĩnh, nên ở lại vì đi ra ngoài thì đạn cũng đang pháo kích tùm lum. Còn đây mới là tin đồn, ở đây còn an ninh hơn nhiều. Nhưng cũng có một số không biết suy nghĩ, hễ nghe sắp có oanh tạc thì cuốn gói chạy tiếp. Thầy Thanh Văn đã cầm máy phát âm chạy bằng pile của trường định khuyên và kêu gọi đồng bào nên bình tĩnh, ở lại. Nhưng thầy buông máy xuống và quyết định không kêu, không tuyên bố gì hết. Sau này thầy cho chúng tôi biết là hôm đó vì sợ đồng bào đi ra ngoài chùa sẽ bị lạc đạn chết, thầy đã quyết định ra lệnh kêu gọi đồng bào ở lại. Nhưng khi sắp mở miệng thì thầy bỗng tự hỏi: Nếu đồng bào nghe lời mình ở lại đây mà phi cơ vẫn oanh tạc và đồng bào chết thì mình sống làm sao nổi! Nghe thế chúng tôi rất cảm kích lòng từ bi lớn của thầy. Va cũng nhờ sự bình tĩnh của Ban Điều Hành Trại mà tâm mọi người dần dần ổn định.

Chương 12: Rời Việt Nam

Một đoạn nhật ký của thầy Nhất Hạnh:

Chuyến đi kéo dài bốn hôm. Bốn người đi bằng xe hơi: Alfred, Dorothy, Donald và Nhất Hạnh. Các tiểu bang miền Bắc còn lạnh lắm, tuyết vẫn còn nhiều. Hôm 11 tháng 04 năm 1968 đi qua State Park ở RockLand, thầy thấy tới 16 con nai rừng ra gần vệ đường ăn cỏ. Những bụi cây forsythia đã nở hoa vàng rực rỡ cả núi đồi. Về tới Shadow Cliff, ở Nyack, trụ sở F. O. R., thầy thấy các cây magnolia đã nở hoa.

Linda Forest đưa cho thầy những lá thư từ nhà gửi qua. Có một lá thư của Phạm Đăng Phú, tác viên Trường Xã Hội, cho biết về ngày giờ cùng một vài chi tiết khác về sự viên tịch của Sư Ông chùa Từ Hiếu và tình trạng các tác viên của trường đang hoạt động tại Huế. Lá thư viết hôm 30 tháng 03 năm 1968 tại Sài Gòn:

Thưa Thầy,

Đáng lẽ con viết thư này hồi hôm, nhưng vì họ đánh nhau ở trước chợ Tân Phú, súng lớn, súng nhỏ và lựu đạn thi nhau nổ và dội vào trường nghe rõ quá, nên con đành tắt đèn và đợi đến sáng nay mới viết thư gởi Thầy được.

Chuyện ở nhà thì buồn quá Thầy ơi, trung tâm Huế (của TNPSXH) bây giờ kể như tan rã, Sanh và Thông đã bị chánh quyền bắt bỏ tù sau lúc quân đội Việt Nam Cộng Hòa làm chủ tình hình ở vùng đất Cố Đô. Trong những ngày còn giao tranh giữa đôi bên, vì nhà của Thông - quản nhiệm Trung Tâm Huế - ở tại bến đò Phường Đúc, lúc ấy đang bị lực lượng Mặt Trận (MTGP Miền Nam) tràn ngập, nên Thông đã bị bắt buộc làm y tá để băng bó vết thương cho các chiến sĩ của họ. Thế rồi khi ngưng tiếng súng, Thông bị chính quyền bắt giữ cho đến nay. Trường hợp Sanh lại còn bi đát hơn. Nhà cửa và tài sản bị cháy rụi. Nhà Sanh ở ngay cây số 3 trên đường Thống Nhất, Phú Thạnh. Lúc quân đội Mặt Trận về, họ bắt ba của Sanh lái chiếc xe lam ba bánh của ông để đưa họ đi tuyên truyền trong thành phố. Vì thế, sau này cả hai cha con đều bị bắt. Cả chị Minh Nguyện ở Kim Long cũng bị bắt luôn, nhưng vì là con gái nên chỉ bị bắt trong một tuần rồi thả cho về. Hiện tại, hai tác viên khác của trung tâm Huế đã bị bắt đi lính là Viễn và Quảng, hai người khác là Tri và Hạt thì lưu lạc vào Quảng Ngãi và mới tìm phương tiện trở về Trường cách đây hai ngày. Huế bây giờ thì thật là không còn chi nữa rồi, không có một con đường nào trong thành phố là không mang nặng vết tích chiến tranh. Các chùa Báo Quốc và Linh Quang là thiệt hại nặng nề nhất. Thầy Mật Nguyện bị gãy chân, các thầy và các chú khác đang sống trong sự thiếu thốn vô kể, có người chỉ còn độc nhất một chiếc áo mặc trong mình.

Con cũng tin thêm để Thầy rõ, Sư Ông Từ Hiếu đã mất ngày 08 tháng 2 âm lịch. Ôn mất vì bệnh chớ không phải vì bom đạn, mặc dầu một quả đạn - hình như đại bác - đã rớt ngay cạnh Ôn - cách chừng vài thước và nổ tung, nhưng Ôn không làm sao cả, không bị thương dù là một vết nhỏ. Sau đó Sư Ông đau rồi mất. Con cũng loan một tin rất dè dặt là, chiều hôm qua, ở Sài Gòn người ta được tin thượng tọa Đôn Hậu bị ám sát chết ở Huế rồi. Thầy Trí Thủ và chư Tăng khóc ghê quá. Con cầu mong cho tin nói trên không chính xác. Ở Huế từ Tết Mậu Thân đến giờ người ta đã và đang tiếp tục thanh toán nhau đẫm máu lắm Thầy ơi. Thanh niên khó sống lắm. Cả những người trước đây đã từng là anh em tham gia tích cực vào cuộc vận động của Phật Giáo năm 1963 - mà đã có lần Thầy nói là Cuộc Tranh Đấu Thần Thánh - và những vụ tranh đấu kế tiếp, giờ đây cũng đã đang quay mũi súng vào nhau vì những bất đồng chính kiến và nghi kỵ lẫn nhau. Mối nghi ngờ đang là sức mạnh thúc đẩy người ta tàn sát nhau một cách dã man hơn bao giờ hết. Những hố chôn sống người ở đồi Từ Hiếu, ở Lăng Tự Đức là những tố cáo hùng hồn nhất cho cảnh tàn sát nói trên. Nói tóm lại trong tình thế hiện tại, nếu không kịp thời dập tắt được mối nghi ngờ nhau do khung cảnh chính trị tạo ra, thì tương lai của dân tộc và Giáo Hội chỉ còn là “một chuỗi dài rối loạn”. Không biết rồi đây, số phận con người Việt Nam sẽ đi về đâu? Có ở trong nỗi lo âu, chua xót của Phật tử và đồng bào Việt Nam mới biết được cái hiện trạng thê thảm và viễn ảnh đen tối của tương lai là dường nào, con không đủ sức để diễn tả bằng lời được.

Tại Sài Gòn, trường Xã Hội của mình cũng đang phập phồng bởi những cuộc lục soát của quân đội chính phủ, mỗi lần vào khám xét Trường thì y như là họ sắp đương đầu với toàn quân Giải Phóng vậy. Mặt họ đằng đằng sát khí, ai nấy như ở trong thế tấn công, họ nắm sẵn lựu đạn ở tay, miệng ngậm “khoen” mở chốt, có người lăm lăm cò súng và chực chờ nhả đạn, bất cứ gặp người nào trong Trường họ cũng chĩa súng, hỏi giấy tờ xong, dù là hợp lệ, họ cũng bắt tất cả sắp hàng hai rồi dẫn một đoàn ra đi, đến bộ chỉ huy cuộc hành quân ở vùng Phú Thọ Hòa, vị chỉ huy xét giấy tờ chúng con một lần nữa rồi thả về. Họ chỉ giữ lại hai người thuộc lứa 19 tuổi chở về tiểu khu một đêm, áp dụng đường lối khai thác cổ điển, rồi vì các bạn này chưa đến hạn trình diện nên buộc lòng họ phải thả về. Con quên nói để Thầy biết trong cuộc “khám xét” Trường và chùa Pháp Vân vì thầy trú trì sơ ý để quên một cái máy quẹt lửa ở trên bàn sau hậu liêu, mà chưa kịp cất kỹ vào túi thì bị anh lính nào thể hiện “tình quân dân gắn bó” bèn “chiếu cố” vật ấy ngay, có lẽ họ xem đó là một chiến lợi phẩm cũng nên. Quê hương mình đang chịu cái cảnh ấy đó Thầy ơi.

Thầy đừng lo gì cho bọn con ở nhà cả, chúng con đều đã có giấy tờ hợp lệ cả rồi, chỉ có vài người đến tuổi lính thì cũng ra đi trình diện nhập ngũ thôi. Dù lâu lâu, gặp một vài khó khăn, nhưng bọn con vẫn được bình an trên công việc làm. Chúng con vẫn tiếp tục. Chúng con tin tưởng sắt đá rằng nếu thực sự làm việc cho đồng bào thì chúng con sẽ không thể nào chết vì những viên đạn vô tình trong thời tao loạn được. Thầy cứ an tâm để tiếp tục công việc trọng đại của Thầy ở hải ngoại. Chúng con sẽ sống và chờ đợi ngày về của Thầy, ngày đó con hy vọng rằng bình minh cũng sẽ đến cho dân tộc khổ đau của mình.

Con xin hẹn Thầy thư sau. Con, Phạm Đăng Phú.

Có một lá thư khác đề nghị thầy về Hồng Kông để gặp thầy Thanh Văn, giám đốc Trường TNPSXH. Thầy Thanh Văn thấy tình trạng bế tắc và muốn được gặp Nhất Hạnh để bàn cho rõ về đường hướng hoạt động của Trường Xã Hội. Thầy Thanh Văn có thể ghi tên trong danh sách những người xin đi hành hương tại các nước Đông Á như Thái Lan, Hương Cảng, Đài Loan và Nhật Bản và có thể sắp đặt để gặp thầy ở Hương Cảng hay ở Đài Loan. Những người giàu vẫn có thể xuất ngoại bằng đường lối ấy và tổ chức hành hương kia đã thành công được mấy chuyến rồi. Lá thư này làm thầy suy nghĩ. Có thể sau chuyến đi vận động thuyết giảng vào tháng 5 và tháng 6 tại các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ, thầy sẽ đi Đông Nam Á và sẽ tìm cách liên lạc với các bạn ở nhà.

Đêm thứ sáu 12 tháng 4 năm 1968 là đêm trăng tròn. Trăng sáng vằng vặc ở Skyview Acres. Thầy viết về cho chú Phú và các bạn trẻ ở Trường Xã Hội.

Cuối thư thầy cho biết vào khoảng tháng 7 thầy sẽ về tới Hương Cảng.

Chuyến đi miền Tây có cả Jim và Linda Forest đi phụ tá. Người tổ chức cho thầy tại Portland, tiểu bang Oregan là Eric và Margaret Robinson. Tại Eugene, cùng một tiểu bang có ông bà giáo sư Steve và Beth Deutsch. Tại Seattle, tiểu bang Washington, người tổ chức là bà Milton Karr. Thầy tới Seattle vào buổi trưa 13 tháng 05, nghỉ ngơi, rồi đến 9 giờ tới gặp gỡ ban tổ chức và một số sinh viên nòng cốt tại Wesley House. Sáng hôm 14 tháng 05 năm 1968 thầy gặp gỡ báo chí, các vị lãnh đạo tôn giáo và các giáo sư ở trường Đại học. Buổi chiều thầy diễn thuyết công cộng tại nhà thờ Methodist ở trong khuôn viên Đại Học. Chiều hôm sau thầy đọc thơ và nói chuyện trong một buổi hội họp khác cũng trong khuôn viên trường. Ngày 16 tháng 05 thầy tới Eugene ở tiểu bang Portland. Chiều hôm ấy thầy gặp đại diện giáo chức và sinh viên trường Đại Học Oregon và tối hôm ấy có buổi diễn thuyết công cộng tại trường. Ngày 17 tháng 05 thầy đi Portland. Buổi chiều có cuộc phỏng vấn của đài truyền hình, tối dự một bữa tiệc tại nhà thờ Methodist trong Rose City Park và diễn thuyết về đề tài Việt Nam, Hoa Sen Trong Biển Lửa. Báo chí và truyền hình được mời tới tham dự. Ngày 18 tháng 05 năm 1968 thầy đi Salem. Ngày 20 tháng 05 năm 1968 thầy đi San Jose ở tiểu bang California. Sáng ngày 22 tháng 05 năm 1968 thầy diễn thuyết tại thính đường Morris Dailey Auditorium. Thầy nói về tính cách vô ích và vô vọng của cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đang theo đuổi tại Việt Nam và đề nghị Hoa Kỳ sử dụng biện pháp ngưng bắn, ngoại giao và chính trị để đi đến một giải pháp chấm dứt cuộc chiến và tự tháo gỡ ra khỏi guồng máy của sự tàn phá giết chóc.

Ngày 24 tháng 05 năm 1968 thầy ngồi viết thơ cho Alfred, Võ Đình ở Mỹ, thầy Thanh Văn, Phượng, Uyên, Thanh, Phúc ở Việt Nam, Ái ở Paris và Hương ở Hiroshima. Thầy gọi điện thoại cho thầy Giác Đức ở New York. Thầy Giác Đức cho biết thầy Tâm Châu đã xuất ngoại. Tối hôm ấy thầy diễn thuyết tại Trường Đại Học Berkeley. Sau cuộc diễn thuyết và nghỉ ngơi thầy có gặp một số thiền sinh tới từ thiền viện Tassajara. Họ đem cho thầy xem một tờ bướm về thiền viện này. Thiền viện nằm trên núi cao, cảnh vật rất ngoạn mục. Họ tham vấn thầy về thiền tập, về thế ngồi kiết già, gọi là thế ngồi hoa sen. Thầy hỏi họ có biết thế ngồi hoa cúc không? Họ nói không, và họ hỏi thầy về thế ngồi đó. Thầy mỉm cười và nói: chưa đến lúc tôi nói về thế ngồi này.

Từ hôm 06 tháng 05 năm 1968 thầy đã nghe có cuộc tấn công thứ hai của Mặt Trận Giải Phóng vào thành phố Sài Gòn. Hôm 11 tháng 05 năm 1968 thầy lại nghe tin những vùng ven đô thành phố bị các tiểu đoàn xâm nhập kể cả vùng Phú Thọ Hòa ở mặt Tây đô thành, nơi ấy có Trường TNPSXH. Thầy chưa nhận được tin tức trực tiếp từ bên nhà. Trong suốt chuyến đi miền Tây để vận động dư luận, thầy vẫn lo lắng vì tình hình bên nhà và cho các bạn. Trưa ngày 25 tháng 05 năm 1968 vào lúc 1 giờ 15, thầy rời phi trường San Francisco bay về Đông Nam Á. Tại Hương Cảng, thầy sẽ tìm cách liên lạc về nhà. Có thể thầy sẽ tìm cách trở lại Việt Nam. Có thể thầy sẽ nhờ ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền hiện đang làm Quốc Vụ Khanh vận động. Và đồng thời thầy cũng nhờ các bạn trong giới tôn giáo và nhân bản quốc tế làm áp lực giúp thầy.

Máy bay bay đường Bắc cực. Trên máy bay không có bao nhiêu hành khách. Thầy tìm một nơi có ba chiếc ghế trống nằm xuống ngả lưng. Đầu thầy nhức và người thầy đang bị sốt nhẹ.

Nhất Hạnh ý thức là mình đang đi về phía Đông Nam Châu Á. Thầy rời quê hương hai năm về trước cũng vào hồi tháng Năm. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên quê nhà và hải ngoại trong hai năm qua. Hôm ra đi thầy nghĩ là chỉ vắng mặt ở quê nhà chừng vài ba tháng, nhưng hai năm đã trôi qua và thầy đã không về được. Hồi tháng 11 năm 1966, nghĩa là nửa năm sau khi ra đi, trong chuyến đi Úc và Nhật thầy đã có dịp ghé Phi Luật Tân với Raphael, và đó là trạm ghé gần quê hương nhất của thầy. Raphael đã thay thầy về nước đem thư từ cho các bạn. Thầy nhớ hôm ấy thầy nằm sốt ở nhà của mục sư Richard Deats ở thủ đô Phi Luật Tân.

Hương Cảng cũng là một trạm đường rất gần gũi quê hương, thầy có thể nói chuyện điện thoại về nhà và thăm dò cách thức vận động để có thể về nước. Trong khi chờ đợi, thầy sẽ cố gắng làm được những gì có thể làm để giúp các bạn ở nhà trong giai đoạn khó khăn và tao loạn hiện thời.

Tại phi trường Hương Cảng, Nhất Hạnh xin được ghé lại hai tuần lễ. Thầy tìm được một quán trọ đơn giản và sạch sẽ ở lầu thứ 12, số 80 đường Nathan ở Cửu Long để tạm trú. Tại đây, thầy dùng điện thoại để báo cho văn phòng của Hội Phật Tử Việt Kiều ở Paris biết địa chỉ hiện tại của thầy và yêu cầu anh Nguyên Ân trưởng phòng gởi trực tiếp cho thầy những tin tức mới nhất và những tài liệu cần thiết có liên hệ tới hội nghị Hòa Đàm tại Paris. Thầy cũng báo tin cho các bạn ở Sài Gòn biết là thầy đang ở Hương Cảng và chờ để được gặp thầy Thanh Văn ở đây. Thầy đã đánh một điện tín cho cô Phượng hôm 27 tháng 05. Sáng hôm 30.05.68 cô gọi điện thoại cho thầy. Nói chuyện với cô Phượng, thầy biết tại khuôn viên của Trường trong những ngày tao loạn đã có tới trên mười ngàn đồng bào chạy vào tỵ nạn. Hiện thời Trường rất cần thuốc men để giúp đỡ cho đồng bào. Thầy dặn trong khi thầy Thanh Văn hoặc cô Phượng vận động giấy tờ xuất ngoại, Trường có thể cho bà Ethelwyn Best hoặc cô Masako Yamanouchi qua Hương Cảng gặp thầy để báo cáo chi tiết về tình trạng của Truờng, và có thể cùng thầy tính chuyện mua thuốc men để cấp tốc gởi về. Bà Best là người Anh, Masako là người Nhật, hai người này có thể đi lúc nào cũng được, họ không cần xin phép xuất ngoại như thầy Thanh Văn hay cô Phượng. Thầy cũng cho Alfred ở trụ sở F.O.R. bên Hoa Kỳ biết chỗ ở của thầy để các bạn bên kia có thể gởi cho thầy tất cả mọi thư từ và tin tức. Ngày 01 tháng 06 năm 1968, thầy gọi điện thoại cho Andrew Roy, một trong những người bạn Tây phương của Alfred đang cư trú tại Hương Cảng, những người bạn mà Alfred muốn giới thiệu với thầy. Họ cũng là những người hoạt động trong các lãnh vực tôn giáo và nhân bản. Sáng ngày 03 tháng 06 năm 1968, thầy đi thăm nhà xuất bản và phát hành các kinh sách Phật giáo gọi là Hương Cảng Phật Giáo Kinh Lưu Thông Xứ và ở lại cả ngày ở đó để xem xét. Ngày hôm sau nữa thầy đi thăm chùa Bảo Liên ở đảo Lantao.

Bảo Liên là một ngôi chùa thuộc phái Thiền, gọi là Bảo Liên Thiền Tự. Muốn đi Bảo Liên thầy phải xuống bến Silvermine Bay đợi đò máy. Đò đi khoảng 40 phút thì tới đảo Lantao. Tới đảo, lên bến, phải lên ngồi xe đò leo núi khoảng 40 phút nữa mới lên tới chùa. Nhất Hạnh rất thích phong cảnh ở đây. Thầy rất ưa đi thiền hành vòng ra phía sau lưng chùa. Sau lưng chùa có một chóp núi thường ẩn trong sương mù. Chùa có cửa vào đề ba chữ Bất Nhị Môn và có biển đề Vân Thâm Xứ. Vách trước nhà khách có đề bốn câu thơ:

Hữu độ tức phi tịnh Ngôn thuyên hà sở vi Phật thuyết nguyên vô ngã Thiền sư vấn thị thùy?

Thầy lẩm nhẩm dịch:

Có độ làm sao tịnh? Ngôn ngữ vướng bận hoài Phật đã bảo vô ngã Vậy thiền sư là ai?

Thiền đường rất êm mát, có bục gỗ cao bằng ghế ngồi sát bốn vách, hành giả bỏ dép phía dưới và ngồi kiết già quay mặt vào phía giữa. Đi thiền hành và ngồi thiền ở chùa rất thoải mái nên Nhất Hạnh xin ở lại đây ba hôm.

Buổi sáng Nhất Hạnh hay ngồi nói chuyện và uống trà với bác thư ký của chùa ở phòng khách. Phòng khách có treo một bức vẽ sen và những nét chữ của thầy Thái Hư: Khả đăng bỉ ngạn sơn. Khay trà có nhiều chén trà, người nào uống trà xong có thể tráng chén và úp ngay lại.

Ngày 05 tháng 06 năm 1968 Nhất Hạnh nhận được thư của cô Phượng viết từ hôm 23 tháng 05 năm 1968 do văn phòng F.O.R. ở Nyack chuyển về. Trong thư cô cho biết các vùng chung quanh Trường TNPSXH đã bị oanh tạc dữ dội, các xí nghiệp từ Cầu Tre về đến Phú Thọ Hòa đều bị tan nát hết. Hơn một vạn đồng bào đã tới tỵ nạn trong khuôn viên Trường. Các tác viên phải lo lắng cho họ trong bảy ngày trời không có viện trợ. Trong những ngày đầu thấy đồng bào đói quá thầy Thanh Văn đem gạo dự trữ của Trường ra nấu cơm cho đồng bào ăn. Ba ngày sau kho gạo cạn sạch. Cả tác viên, cả đồng bào phải nhịn đói sau đó. Nhịn tới ngày thứ tư gạo tiếp viện của các bạn ở Sài Gòn mới tới được, vì trước đó những cuộc giao tranh giữa hai bên không cho phép. Trong thời gian một tuần lễ, các tác viên của Trường phải làm đủ mọi thứ công việc để giúp đỡ cho đồng bào tỵ nạn, trong đó có việc băng bó thương tích do bom đạn gây ra và việc đỡ đẻ, vì có hai phụ nữ lâm bồn ngay trong thời gian tỵ nạn tại Trường. Có 41 người bị thương rất nặng cần được băng bó và có bốn người phải được chở về các bệnh viện ở Sài Gòn rất gấp. Một tác viên đã chạy băng đường ruộng về tới Sài Gòn để xin xe Hồng Thập Tự lên chở 41 người này. Cô báo cáo là trong số 41 người được chở về Sài Gòn chỉ có 1 người chết, còn 40 người kia được cứu sống. Số người bị thương nhẹ có đến hàng trăm. Họ được băng bó và chích serum anti-tetanique. Dược phẩm thiếu thốn, vải băng không còn, các nữ tác viên phải xé áo dài của họ ra để làm băng mà băng bó. May mắn là số thuốc men của tổ chức Direct Relief Service ở California đã tới được Trường trước khi cuộc tấn công xảy ra, nếu không thì không biết các tác viên sẽ làm sao trước tình trạng ấy. Anh bác sĩ Quyền đã chỉ dẫn cặn kẽ cho các tác viên cách sử dụng những loại thuốc men này. Cho tới ngày 23 tháng 05 năm 1968 gần mười ngàn đồng bào vẫn còn tỵ nạn tại Trường. Cô Phượng cùng các bạn đã liên lạc với Bộ Xã Hội để có thể cung cấp mỗi ngày 30 tạ gạo làm thức ăn cho đồng bào. Sinh viên Sài Gòn cũng đang về Trường Xã Hội cất tạm 5 dãy nhà cho đồng bào tạm trú. Trường đã nhường cho đồng bào giảng đường, thư viện, văn phòng, cư xá mà cũng chỉ cung cấp được chỗ ở cho chưa tới một ngàn người. Ban giám đốc và các tác viên ngủ tạm trong chánh điện chùa Pháp Vân. Đồng bào dựng lều liên tiếp chung quanh hành lang chánh điện để tạm trú. Tác viên của Trường đang điều động xây cất 30 căn nhà tạm tại các khu bị cháy để làm nơi cư trú cho 30 gia đình nghèo nhất và đông con nhất. Các bạn dự tính sẽ nhờ Bộ Xã Hội yểm trợ sau đó để có thể tiếp tục dựng lên hàng trăm căn nhà khác.

Cô Phượng cũng cho biết là các thầy Trí Quang, Hộ Giác, Liễu Minh và Pháp Siêu đang bị công an bắt giữ. Tiểu luận “Đối Thoại, cánh cửa hòa bình” đã được in và phát hành tới mười ngàn bản. Bên Mặt Trận rất muốn dụ cô, giáo sư Châu Tâm Luân và cha Nguyễn Ngọc Lan theo họ, vì họ biết ba người rất được những người trẻ có lòng nghe theo. Họ đã gửi một ông bác sĩ lớn tuổi từ Pháp về, nói năng rất chững chạc, mời ba người đi vào chiến khu chơi. Cô Phượng thì sợ gì mà không vào chiến khu thử dù có hiểm nguy, nhưng cô nói cần phải nhìn sâu hơn mới quyết định được. Vì thế chỉ có cha Lan và giáo sư Châu Tâm Luân đi suốt một ngày. Sáng hôm sau vừa vào trường Đại Học, giáo sư Luân đã gặp ba bốn chú sinh viên mỉm cười hỏi: “Thầy! Sao “đi chơi“ vui không thầy?”, khiến giáo sư Luân hết hồn luôn. Nếu cần cho giáo sư vào tù thì họ (bên Mặt Trận Giải Phóng) chỉ cần cho thoát một ít tin tức cho công an đô thành Sài Gòn, là anh Châu Tâm Luân sẽ đi tù và bị tra tấn. Cô Phượng mừng là đã biết dừng lại và nhìn sâu trước khi quyết định. Và cô cũng thấy đó là phương cách mà Mặt Trận hay dùng: Lấy gậy ông đập lưng ông bằng cách cho thoát một ít tin tức. Vì thế khi sinh viên TNPSXH đi làm công tác ở Bình Phước, bên du kích nói với các TNPSXH là các anh vào đây sao không có giấy phép của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam? Muốn chúng tôi để yên thì các anh phải xin giấy phép hoạt động (đêm đó họ tới, năm người du kích tới chĩa súng vào anh em nhưng họ rất sợ tiếng động, e bên đồn lính Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa biết). Cô ấy thưa với thầy Thanh Văn là tuyệt đối không xin phép bên Mặt Trận, họ sẽ làm như với giáo sư Châu Tâm Luân.

Ngày 09 tháng 06 năm 1968, bà Ethelwyn Best qua tới Hương Cảng. Ethelwyn thuộc tổ chức F.O.R. bên Anh, đã từng làm sứ giả cho thầy để mang tin tức về cho thầy Trí Quang và các thầy khác, và cho các bạn bên Trường Xã Hội nữa. Sau đó bà đã tình nguyện sang làm việc với Trường để giúp đỡ về mặt liên lạc đối ngoại. Bà đã báo cáo cho thầy biết về tình trạng của Trường, những nhu yếu cấp thiết nhất của Trường và của các bạn. Nhất Hạnh sắp đặt để bà và các bạn của thầy có mặt ở Hương Cảng như Chris Sevink mua các thứ thuốc men và dụng cụ cần thiết gửi gấp về Trường. Bà đem theo thư của thầy Thanh Văn và của cô Phượng. Cả hai đều yêu cầu thầy suy nghĩ thật chín chắn về việc thầy định về nước. Thầy Thanh Văn thì nhất định không muốn thầy về nước ngay trong lúc này.

Trước đây Nhất Hạnh đã viết cho hai người về việc vận động cho thầy về nước và đã hỏi ý kiến hai người. Ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền hiện đang làm Quốc Vụ Khanh trong chính phủ. Ông Truyền có thể nói chuyện hơn thiệt với thủ tướng Trần Văn Hương, và nếu ông Hương hứa với ông Truyền là sẽ làm lơ để cho thầy về thì thầy sẽ về. Hội nghị Hòa Bình ở Paris đang họp và theo thầy nhận xét thì Hoa Kỳ đã có chủ ý muốn đi tìm một giải pháp chính trị. Thời thế đang biến chuyển và thầy nghĩ có thể thầy sẽ được về trong một vài tháng tới.

Thầy Thanh Văn viết: “Thầy không nên về, thầy về thì sẽ khổ vì con đường của thầy vạch ra tuy đúng nhưng quá sớm. Người ta chưa theo kịp. Con đường thứ ba đúng là con đường mà chúng ta đang cần tới, nhưng những người quyết tâm đi trên con đường ấy không có nhiều. Phải để cho người ta ê chề cả hai phía, thấy được bộ mặt thật của cả hai phía thì người ta mới biết quý con đường thứ ba. Những cuộc thảm sát tại Huế trong đó hàng ngàn người bị chôn tập thể là những tiếng chuông cảnh tỉnh. Con thấy người ta chỉ chịu mở mắt khi thấy được những điều như thế. Con nghĩ thầy không nên về bây giờ, mà nếu có hòa bình, thầy cũng không nên về vội. Phải đợi cho nước bùn lắng đọng cái đã.”

Cô Phượng viết: “Nếu thầy về mà ngồi trong tù thì thật là khỏe cho thầy, và điều đó sẽ làm cho lời nói của thầy có thêm sức mạnh sau này để ngăn cản không cho người ta lôi kéo đất nước vào những guồng máy vô nhân. Nhưng con sợ họ sẽ không bỏ tù thầy mà sẽ tìm cách thủ tiêu thầy. Chắc chắn là cả hai bên sẽ tìm cách dụ thầy theo họ. Và nếu không dụ được họ sẽ tìm cách giết thầy bởi vì uy tín của thầy rất lớn và khi thầy nói sẽ có không biết bao nhiêu người nghe. Con biết thầy có nhu yếu về để cùng chia sẻ những khổ đau thiết thực của người dân, nhưng con biết rằng nếu thầy về, thầy cũng chỉ tiếp xúc được rất ít, vì thầy sẽ bị họ cô lập hóa. Nếu thầy về, chúng con cũng phải tìm cách bảo vệ thầy, bởi vì an ninh của thầy sẽ không có. Nếu thầy nhất định về thì xin thầy sắp đặt trước với các bạn của thầy ở hải ngoại để có thể có dư luận quốc tế yểm trợ và để người ta không dám động tới thầy một cách quá dễ dàng.”

Ethelwyn về lại Sàigon hôm 17 tháng 06 năm 1968. Mai Sa từ Sài Gòn qua. Mai Sa là tên của cô Masako Yamanouchi, một thiếu nữ Nhật Bản làm việc thiện nguyện cho Hội American Friends Service Committee (AFSC) của người Quakers, đã qua Việt Nam tình nguyện công tác ở Trường TNPSXH, giúp đỡ về mặt liên lạc quốc tế. Thầy Nhất Hạnh đi đón cô ở phi trường. Mai Sa mặc áo dài Việt Nam màu vàng, nói tiếng Việt đã khá. Tiếng Anh của cô rất giỏi. Cô cho biết có thể cả thầy Thanh Văn, cả cô Phượng đều sẽ không qua được Hương Cảng gặp thầy vì giấy tờ khó khăn lắm.

Mai Sa kể cho thầy nghe rất nhiều về tình trạng ở Trường TNPSXH trong những ngày binh biến. Thầy Thanh Văn đã chứng tỏ rất xuất sắc trong thời gian đó. An ninh của hơn một vạn người tỵ nạn trong khuôn viên Trường là vấn đề lớn lao nhất. Thầy đã dùng loa phát âm để nói chuyện với đồng bào và yêu cầu bất cứ ai có bất cứ một loại vũ khí nào đều đem tới nộp hết cho văn phòng để văn phòng khóa vào tủ và niêm phong lại. Người bị thương được khiêng vào Trường càng lúc càng đông. Tác viên được phân phối điều động đồng bào dựng lều tạm trú và tổ chức cứu thương. Trong giới đồng bào ai có khả năng tổ chức và cứu thương đều được mời tới văn phòng để cộng sự. Một đêm nọ thầy Thanh Văn được báo cáo rằng quân Mặt Trận đã tới đặt súng bắn máy bay gần sát khuôn viên Trường, chỉ cách khuôn viên Trường chừng một trăm năm mươi thước. Mọi người xôn xao. Nếu súng phòng không được bắn lên, quân lực Hoa Kỳ có thể cho rằng súng này phát xuất từ khuôn viên Trường TNPSXH và có thể sẽ oanh tạc Trường, và đồng bào sẽ chết như rạ. Một buổi họp được triệu tập cấp tốc tại văn phòng. Có một tác viên tình nguyện xin đi tới địa điểm các ổ súng phòng không để giải thích cho các binh sĩ Mặt Trận rõ và yêu cầu họ dời súng đi nơi khác. Thầy Thanh Văn không cho, thầy nói có thể là anh tác viên ấy không đủ sức thuyết phục những người đang lắp súng. Thầy bảo là thầy sẽ đích thân đi thuyết phục. Đây là một việc làm khá nguy hiểm, vì từ góc khuôn viên Trường sang tới bên kia, người đó có thể bị một bên hoặc cả hai bên bắn. Nếu đi thì phải bò sát đất. Và thầy Thanh Văn đã đích thân làm việc ấy, dù bị các bạn ngăn cản. Thầy đợi trời tối mới đi. Không biết nhờ vào phước đức nào, thầy đã bò sang bên kia và trở về an toàn. Điều đáng kể nhất là thầy đã thuyết phục được những người lính Mặt Trận dời súng phòng không đi nơi khác.

Có một buổi sáng, không biết từ đâu có tin đồn là không lực Mỹ sẽ dội bom xuống khuôn viên Trường. Toàn trại nhốn nháo cả lên. Có những người tom góp vài ba thứ có thể tom góp được và bắt đầu rời khỏi khuôn viên Trường. Thấy thế thầy Thanh Văn muốn ngăn họ lại. Thầy mở máy ghi âm định lên tiếng yêu cầu đồng bào đừng chộn rộn và đừng bỏ ra đi, vì tin đồn chỉ là tin đồn. Cầm ống nói lên trên tay, thầy suy nghĩ rồi đắn đo. “Mình yêu cầu đồng bào ở lại thì đồng bào sẽ ở lại. Nhưng nếu Trường bị oanh tạc thật thì sao?”, thầy nghĩ. Thầy Thanh Văn mới suýt soát 30 tuổi đầu mà phải gánh những trách nhiệm quá lớn lao và phải làm những quyết định quá quan trọng. Ngần ngừ một lát, thầy buông máy nói xuống, và thừ người ra. Thầy đã không dám quyết định yêu cầu đồng bào ở lại. Ngày hôm ấy không lực Hoa Kỳ không dội bom xuống khuôn viên Trường, và một số đồng bào bỏ ra đi từ hồi sáng đã lục tục kéo về, trong số đó có những người bị thương.

Ngày 08 tháng 07 năm 1968 Nhất Hạnh đi với Mai Sa tìm mua cho Trường một máy ảnh sao (photocopieur) và mấy ngàn tờ giấy cùng đi theo với máy này. Đọc thơ của cô Phượng, và nói chuyện với Mai Sa, thầy hiểu rằng ban đầu tới với Trường cô rất có cảm tình với bên Mặt Trận Giải Phóng và cũng như nhiều người trẻ ở Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, cô muốn Mặt Trận thắng Mỹ ngay về phía quân sự. Tuy nhiên, làm việc lâu ngày với các bạn ở Trường, cô từ từ thấy được lập trường không phe phái của các bạn: họ làm việc để làm vơi nhẹ bớt nỗi khổ của người dân chứ không phải để yểm trợ một phe phái nào, và như vậy họ không tham dự vào cuộc chiến. Họ chỉ ao ước chấm dứt chiến tranh bằng phương pháp hòa giải. Họ không muốn sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam, nhưng họ cũng không muốn một cuộc chiến tranh tương tàn tương sát giữa những người Việt. Cùng sang Việt Nam với Mai Sa còn có một người trai trẻ nữa cũng phát xuất từ AFSC, đó là Carl. Anh chàng này không làm cho Trường nhưng đã quyết định ủng hộ cho Mặt Trận Giải Phóng. Anh là người Mỹ và anh ta nói rằng ủng hộ Mặt Trận là chống lại tổ quốc anh, nhưng anh ta vẫn phải làm như thế.

Nhất Hạnh thấy rằng hồi thầy mới sang Hoa Kỳ để vận động hòa bình, các giới tôn giáo, trí thức và tuổi trẻ bên ấy đã đáp ứng với một thái độ rất nhân bản, phong trào hòa bình dậy lên đã không mang nặng tính chính trị như bây giờ. Sau một thời gian hoạt động, vận động, đòi hỏi mà không thấy chiến tranh chấm dứt, nhiều người tỏ ra sốt ruột. Từ sốt ruột nhiều người sinh ra nóng nảy, giận dữ. Từ nóng nảy và giận dữ nhiều người mất niềm tin nơi khả năng nhân bản và bất bạo động. Họ cảm thấy bất lực. Họ nghĩ chỉ có bạo lực mới nói chuyện được với bạo lực. Và vì vậy họ muốn quân đội miền Bắc và Mặt Trận chiến thắng quân đội Hoa Kỳ để quân đội Hoa Kỳ bắt buộc phải triệt thoái khỏi Việt Nam. Và từ sự ủng hộ giải pháp thương thuyết hòa giải mà thầy gọi là con đường thứ ba (the third way) họ chuyển sang sự ủng hộ Miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng.

(Sẽ viết về vấn đề cực hóa trong giới chống chiến tranh. Viết thêm về Bertil Swarstrom, Peggy Duff, Ronald Young, David Mc Reynold, Stewart Meachum,...)

Hơn bốn năm nay, tập hồi ký này không được viết tiếp vì thì giờ đã được sử dụng nhiều cho việc giảng dạy và biên tập những cuốn sách có công năng hướng dẫn thiền tập. Nay vì sự thúc đẩy ân cần của một số các vị đệ tử đã từng được đọc mấy trăm trang đầu tập hồi ký, tôi mới quyết định viết tiếp, nhưng tôi chỉ sẽ viết vắn tắt thôi, không thể đưa vào nhiều chi tiết như phần trước đây được. Nếu có dịp sẽ tìm cách bổ túc sau.

Sơn Cốc, Làng Mai 12.01.1996

Chiếu khán lưu lại Hương Cảng chỉ còn mười ngày thì hết hạn, Nhất Hạnh đã nghĩ sẽ không có cơ hội được gặp thầy Thanh Văn và cô Phượng để đàm luận về tình trạng và công việc tại đây, thì bất thần buổi chiều ngày 24 tháng 07 năm 1968 có tiếng gõ cửa phòng, và bà quản gia mở cửa ló đầu vào nói: Thầy có khách! Thầy mới đứng dậy để đi lấy chiếc áo tràng thì cửa đã mở rộng và cô Phượng xuất hiện một cách đột ngột trong chiếc áo dài màu trắng. Thầy ngạc nhiên kêu lên “trời đất” và ra đón lấy chiếc valy nhỏ trong tay bà quản gia. Thì ra cô Phượng đã xin được chiếu khán xuất ngoại nhưng không báo tin trước cho thầy biết ngày giờ cô tới. Cô chắp hai tay xá thầy rồi nói: “Thầy ốm quá” và cho biết cô chỉ xin được xuất ngoại có bảy ngày đi Hương Cảng vì cô là công chức và trường Đại Học Khoa Học đang chuẩn bị mùa thi. Cô nói “thầy ốm quá” nhưng cô cũng vừa ốm vừa xanh.

Phải chọn một trong hai con đường?

Hồi đó thầy chưa dạy thiền ôm nên con kính cẩn chắp tay chào thầy và thốt lên: Thầy ốm quá! Nhưng thật tình con chỉ muốn oà lên khóc trong vòng tay của thầy. Thầy ơi, đường con đi sao mà chông gai quá! Con thấy rất rõ là không thể nào làm công tác xã hội mà không kêu gọi hòa bình. Bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, chúng con tới một nơi nghèo đói vô tổ chức, không có trường học, không có chút kiến thức tối thiểu về bệnh hoạn. Chúng con, tác viên xã hội đã bỏ hết công sức, tình thương và trí thông minh để chinh phục lòng dân, rồi cùng những người dân lam lũ đó, đứng lên xây dựng trường học đầu tiên cho con em họ, cùng xây dựng trạm y tế, cùng lập tổ hợp trồng trọt chung, nuôi gia súc có chủng dịch. Làng xã vừa khang trang thì bom đạn tới, oanh tạc tơi bời, không còn căn nhà dân nào còn nguyên vẹn, trường học xây dựng với bao tình thương và công sức đã nát tan. Thế mà mỗi lần con đi họp sinh viên Đại Học để kêu gọi hòa bình, mỗi lần con suýt vào tù vì đã ký tên với 70 giáo sư Đại Học đòi ngưng chiến thì thầy Thanh Văn và anh em không vui. Trong khi thầy nghe những tin ấy thì thầy cảm động khuyến khích con, nâng đỡ con. Thầy Thanh Văn cứ tìm dịp nói riêng với con hay nói trước chúng là: Làm sao để chúng tôi thưa với thầy là thầy phải chọn lựa một trong hai con đường: một là kêu gọi hòa bình, hai là làm công tác xã hội. Nếu con không là người có khả năng nhất trong các anh chị em Tiếp Hiện thì chắc thầy Thanh Văn sẽ không muốn con dính đến Trường TNPSXH nữa. Con cũng hiểu, thầy Thanh Văn là người rất mong manh, thầy đã cực khổ nhiều rồi và không muốn khó khăn thêm khi con làm chuyện kêu gọi hòa bình (in lậu sách cho thầy như Hoa Sen Trong Biển Lửa, Đừng Quên Xin Đừng Vội Quên, Nhìn Kỹ Quê Hương, Đối Thoại: Cánh Cửa Hòa Bình... hay ký tên kêu gọi hòa bình và sẵn sàng đi vào tù như hôm Tết Mậu Thân) mặc dù con không hề đem bất cứ một tài liệu kêu gọi hòa bình nào về Trường TNPSXH, mặc dù con không hề mời một em TNPSXH nào phổ biến tài liệu phản chiến của con. Dĩ nhiên, khi nghe cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa in đẹp lắm thì thầy Thanh Văn xin và con có tặng thầy một cuốn đọc chơi. Còn thầy Trí Quang nữa. Một lần gặp con thầy Trí Quang chê thầy Nhất Hạnh kêu gọi hòa bình sớm quá. Con chán chẳng thèm đi thăm thầy ấy nữa, nhưng khi cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa ra đời, Phật tử xuýt xoa khen hay, thầy biết là con in nên gọi con vào bảo mang cho thầy một thùng vài chục cuốn để thầy tặng cho Phật tử đến thăm!

Và nếu không nghĩ tới thầy (Nhất Hạnh) thì con cũng có con đường đi của con thôi. Ví dụ như năm 1967, nghe tin có những trận đánh lớn ở Bình Long, chiến sĩ hai bên và dân thường chết vô số kể. Con không ăn, không ngủ được, con chạy vào rủ một số em Tác Viên Xã hội đi cứu trợ với con. Tiền bạc, sữa, thuốc, con tự lạc quyên lấy, đã có đủ. Nhưng thầy Thanh Văn và ban điều hành không đồng ý. Quý vị đó nói: “Chúng ta là một tổ chức phát triển cộng đồng, không phải là đoàn từ thiện đi cứu trợ. Tôi nghĩ chị không nên đi”. Con im lặng ra về mặt buồn xo. Nhưng Mai Sa chạy ra xin, nếu chị đi cứu trợ thì cho em đi với. Thế là hai chị em ngày hôm sau đem theo tiền bạc, thuốc men và đến thăm từng nơi tan nát. Tới nơi thì họ đã dẹp rồi, con chỉ có thể mang tiền tới trường học, nơi đồng bào có nhà cửa đã bị cháy rụi hoặc nát tan đang tạm trú, để cúng mỗi người một bao thơ tiền và đến bệnh viện thăm từng người bị thương. Đi như vậy lòng con mới thấy có chút nào bình an. Như hôm Tết Mậu Thân, thây người chết khắp cùng thành phố. Xác thường dân và xác của binh sĩ cả hai bên. Xe Chữ Thập Đỏ đi hốt xác chết cũng bị du kích chiến bắn. Con thấy tất cả sinh viên học sinh Sài Gòn, xưa nay chẳng bao giờ đi cứu trợ, nay đều lập những Ủy Ban Cứu Trợ của từng Trường Đại Học. Nhưng khi Sở Vệ Sinh Đô Thành xin tình nguyện viên đi lượm và chôn xác chết nằm lềnh khênh bốn bề đầy các đường phố, sắp có nguy cơ sinh bệnh dịch thì không ai tình nguyện hết. Con đề nghị Trường cho thêm một ngành đi phụ công tác từ bi và vệ sinh đó của Sở Vệ Sinh. Thầy Thanh Văn im lặng không trả lời. Sau đó thầy nói với chị Uyên: Mình mời các em vào đây để làm công tác phát triển cộng đồng chứ đâu phải để đi chôn xác chết. Thế là con tự làm một mình thôi. May mắn là cũng có vài em chịu đi theo phụ con với tư cách tình nguyện cá nhân. Sáng hôm sau, ba chị em họp nhau tại Sở Vệ Sinh đô thành, leo lên xe Hồng Thập Tự và đi đến khu có nhiều trận xáp lá cà và nhiều người chết nhất. Con vừa làm mà vừa khóc. Con nghe nói xác chết sình thối hôi lắm. Những người chôn xác chết ở các nghĩa địa phải thoa dầu phọng trên mũi và trên mặt để mùi hôi không bám vào. Thì con cũng thoa dầu phọng! Hồi này chiến tranh đang căng lắm, không ai bán găng tay, không mua đâu được eau de Javel để báng mùi hôi. Khi vào việc con mới biết: Từ cái thấy về lòng từ bi của mình - tình nguyện đi chôn xác chết - đến cái thực tại đứng trước xác chết sình thối, mùi tanh hôi chịu không cưỡng được sự nôn oẹ, nó thật khác xa. Ngồi trên xe Hồng Thập Tự con sẵn sàng xuống phụ khiêng xác chết bên đường lên xe. Khiêng xong một xác thì con thoa lia lịa trên mũi con dầu Nhị Thiên Đường vì dầu phọng đâu có báng mùi hôi. Thoa riết mũi con nóng muốn cháy da mà cứ nôn oẹ. Về tới Nghĩa Trang Đô Thành, đưa xác chết xuống ngay những hầm tập thể đã được xe xúc đất (bulldozer) móc đất lên và sắp ủi các xác chết xuống hầm. Con xin họ đừng ủi, tội quá. Con và em Phú (Phạm Đăng Phú) khiêng từng xác đã cứng đơ đặt nhẹ nhàng ngay thẳng xuống hầm như cá hộp. Con nhìn nhiều xác chết quá nên vừa ra khỏi nghĩa trang hễ thấy mặt người nào đang đi ngang qua thì ngay trong đầu con có liền một hình ảnh người đó nằm cứng đơ, ngoẻo đầu sang bên, hay trợn mắt, hay lim dim đôi mắt. Về tới nhà con tắm rửa và nhìn vào kiếng: A mặt mình như vầy đây, nhưng nếu chết sẽ tái mét như mặt bà đó, cô gái đó, mắt sẽ trợn trừng lên. Suốt mấy tháng con không ăn được món ăn nào, dù là món chay. Bởi vì mùi nào cũng có vẻ mùi xác chết hết, mùi chao cũng giống, mùi tương cũng giống, mùi đậu kho sao cũng giống. Con chỉ ăn cơm với muối chứ cũng không ăn được với xì dầu.

Thầy ơi, trước khi con đi, con hỏi thầy Thanh Văn đã xin được đi hành hương Thái Lan, Ấn Độ, Hương Cảng theo như địa chỉ con cho thầy chưa thì thầy trả lời là chưa. Con hỏi thầy có căn dặn con thưa với thầy Nhất Hạnh việc gì không thì thầy nói: Chị biết rồi. Thanh Văn thưa với thầy là Thanh Văn chịu hết nổi cách làm việc không có giấy phép như vậy nữa. Thầy Minh Châu đã tách Trường TNPSXH ra khỏi Vạn Hạnh rồi. Trường không có một giấy tờ pháp lý nào hết, gửi tác viên đi chỗ nào họ cũng hỏi giấy phép! Xin thầy Nhất Hạnh xét lại. Thôi mình ngưng kêu gọi hòa bình đi để có cơ hội mà giúp đồng bào nông thôn.” Nhưng con ngưng không được thầy ơi. Cái hôm mà con nghe Vòng Đai DMZ bị bỏ rất nhiều chất độc (hồi đó con chưa biết là có chất độc da cam), con chỉ biết qua báo chí là những chất hóa học này sẽ làm cho cây không mọc hằng chục năm, người chết đã đành mà cây cỏ và ngay cả đất đá cũng chết. Hàng chục năm sau chưa chắc đất được lành mạnh lại như lúc ban đầu. Con đã định bay đến Huế rồi lấy xe đò đi Quảng Trị để tự thiêu vì con là một sinh học gia, con muốn thức tỉnh lương tâm nhân loại về việc người ta đã giết con người rồi mà còn giết cây cỏ và đất nữa. Nghe đến đây thầy giật mình (trời ơi nếu để cô này trở về Việt Nam, hôm nào bức bách quá với hoàn cảnh chắc cô đi tự thiêu thì mình mất đi cánh tay đắc lực). Những nỗi tuyệt vọng của con khi ôm một em bé máu me be bét trong chuyến cứu trợ trên sông Thu Bồn mà không cứu được cháu, những điều đau khổ của con, thầy cũng đau như con, thầy cũng đồng ý như con là không thể tách rời công tác xây dựng xã hội với công tác kêu gọi hòa bình.

Những trở ngại phải vượt qua khi rời một nước thuộc khối tự do

Ngày 27 tháng 05 năm 1968 tôi nhận được điện tín thầy dạy trình thầy Thanh Văn để thầy Thanh Văn và tôi đi sang Hồng Kông gấp gặp thầy dù chỉ vài ngày, nhưng ít nhất thì cũng phải có một người. Nhưng trước khi đi thì thầy Thanh Văn cũng như tôi phải đi thỉnh ý những vị chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và hỏi Giáo Hội có cần thầy ở hải ngoại không hay thầy nên về lo việc chung. Tôi đã đi gặp quý thầy tôn đức trong và ngoài Giáo Hội như thầy Trí Quang (ngoài Giáo Hội), thầy Thiện Hoa, thầy Thiện Hòa, thầy Quảng Liên (trong Giáo Hội) và thầy Quảng Độ (ngoài Giáo Hội). Thượng Tọa Quảng Liên thì bảo tôi nhân chuyến đi này nên lạc quyên luôn cho nạn nhân chiến cuộc mà Giáo Hội đã giao cho tôi làm chức phó chủ tịch Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc từ hôm Tết Mậu Thân đến nay và thầy Quảng Liên là chủ tịch. Quý tôn đức như thầy Thiện Hòa, Thiện Hoa - đương kim Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN - bảo rằng thời tranh đấu chống ông Ngô Đình Diệm, thầy Nhất Hạnh đã rất xuất sắc mời được Liên Hiệp Quốc tới điều tra, nhờ lúc đó thầy đang ở Hoa Kỳ. Không ai có thể thay thế được thầy nếu thầy về Việt Nam. Vậy thì thầy Nhất Hạnh nên tiếp tục ở hải ngoại để làm tiếng nói cho Giáo Hội bớt bị ép uổng ở nhà. Thầy Trí Quang thì chỉ nói:

- Nhất Hạnh về đây sẽ chẳng làm gì được đâu. “Nó” sẽ giết thầy như giết tụi bây.

Tôi hỏi:

- Bạch thầy “nó” là ai?

Thầy nói:

- Thì nhóm Cần Lao chứ ai?

Cần Lao là đảng của ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu lập nên, gồm những người Công Giáo quá khích rất thân tín của họ.

Có hai người tin tưởng bên kia (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) hơn là tin bên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là anh Võ Đình Cường và thượng tọa Quảng Độ. Tôi vốn rất thán phục thầy Quảng Độ trong cuộc đấu tranh chống ông Ngô Đình Diệm, nên đến cầu xin:

- Thầy nên vào Giáo Hội (lúc này thượng tọa không giữ chức vụ gì trong Giáo Hội PGVNTN cả) để ủng hộ lời kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh và chúng con, giáo chức và sinh viên học sinh Sài Gòn chống chiến tranh. Chúng con tha thiết đề nghị Giáo Hội PGVNTN nên kêu gọi hòa bình thẳng thắn đi.

Thầy cười ngạo nghễ nói:

- Con đừng có tin mấy cái ông trong Giáo Hội PGVNTN, mấy ông ấy không làm gì được đâu.

Giọng thầy khinh bạc lắm. Nhưng tôi thưa:

- Bạch thầy chính vì các vị không chịu làm nên chúng con mới cầu mong thầy.

Thầy lắc đầu và nói giọng y chang như anh Võ Đình Cường:

- Quý vị chỉ nên tin những người có thực lực thôi! GHPGVNTN không làm gì được hết đâu!

Tôi biết thầy Quảng Độ muốn nói gì nhưng tôi thôi không hỏi tiếp và xin chào ra về.

Ngày xưa  hồi năm 1963, tôi đi Pháp sử dụng hộ chiếu công vụ (nhân viên Bộ Giáo Dục đi tu nghiệp) nên không qua Sở Ngoại Kiều và Bộ Nội Vụ. Bây giờ 1968, chuyến đi này thật nhiều khó khăn. Tôi đến Phòng Ngoại Kiều ở Tổng Nha Cảnh Sát để xin hộ chiếu xuất ngoại. Luật lệ thường là của những ông bà nhà giàu thôi. Họ điền đơn xong, nộp hồ sơ - biết cách nộp hồ sơ - ba tuần sau là có hộ chiếu. Nhưng dân thường - không biết cách - thì chờ sáu tháng sau cũng không biết có thể được đi hay không. Hồ sơ phải đi qua tám phòng: điều tra lý lịch, chứng minh nhân dân xem là giấy thật hay giả, có phạm pháp không, có thiếu thuế không, v.v... Xong xuôi thì mới quay về phòng ngoại kiều trở lại. Phòng này sẽ gửi lên Bộ Nội Vụ để ký giấy cho phép cấp hộ chiếu xuất ngoại. Giấy phép của Bộ Nội Vụ sẽ quay lại về Phòng Ngoại Kiều và hộ chiếu sẽ được cấp.

Khi tôi đem tờ điện tín: Anh Cao Thái Nghiệp đau nặng ở Hồng Kông, cần em qua gấp (lúc đó anh Sáu tôi, ca sĩ Cao Thái đang đi hát ở Hương Cảng, Bangkok và Đài Bắc nên cũng dễ làm điện tín như thế). Ông Trưởng Phòng vui vẻ mời tôi vào phòng làm việc riêng, mãi sau này tôi mới biết đó là lúc tôi nên cho một bì thư bỏ tiền “trà nước” vào thì chắc công việc cũng nhanh thôi. Tôi xưa nay đâu có biết chuyện này nên cứ tha thiết năn nỉ ông lo dùm sớm. Cùng lúc lo hồ sơ, mỗi ngày tôi vẫn phải đi Bộ Xã Hội hay USAID xin gạo, xin dầu cho đồng bào, vẫn phải đi dạy, vẫn làm việc in chui tài liệu chống chiến tranh, vẫn phải khuyên nhủ em sinh viên này, giúp đỡ em sinh viên kia. Một tháng sau tôi trở lại, hồ sơ tôi vẫn nằm tại chỗ, ông ta nói ỡm ờ: Nếu cô biết điều với tôi thì tôi mới biết điều với cô được. Hồ sơ cô vẫn nằm đây! Tôi buồn quá, đang ra về thất vọng bỗng chợt nhớ là anh Bửu Luân con dì Sáu của tôi vốn là anh họ của đại tá Thanh Tra Cảnh Sát ở Tổng Nha. Tôi ra Nha Thanh Tra Cảnh Sát Đô Thành xin gặp anh Sắt. Tôi xưng là em con bạn dì vời anh Bửu Luân và Công Tôn Nữ Diệu Minh, tôi dạy Đại Học Khoa Học, anh tôi bị bệnh ở Hương Cảng cần đi gấp mà ông Trưởng Phòng Ngoại Kiều nói cái gì mà “cô biết điều tôi, tôi biết điều cô” là sao? Ông Thanh Tra Sắt cầm điện thoại lên và nói với Phòng Ngoại Kiều: Cô này là em út tôi, nó cần đi gấp, anh lo giúp hộ chiếu cho nó. Thế là khi tôi trở về Phòng Ngoại Kiều, ông ấy gửi hồ sơ tôi đi ngay. Nhưng đã trễ cả tháng rồi nên ông ấy căn dặn: nếu muốn nhanh thì phải chịu khó đi theo hồ sơ của tôi qua từng phòng, suốt tám phòng thì họ mới chuyển nhanh cho cô được. Cám ơn ông Trưởng Phòng tôi ra về, điện thoại báo tin cho thầy rằng có hy vọng 50% rồi. Nhưng ba ngày sau tôi trở vào thì phòng thứ hai, thứ ba đã chuyển đi, phòng số 4 số 5 cũng thương tôi mà chuyển đi khá nhanh. Đến phòng số 7 là phòng điều tra lý lịch. Tôi xin gặp ông Trưởng Phòng và trình bày lý do xin đi. Ông ấy bảo thư ký đi soạn hồ sơ của tôi để ông duyệt và nhìn tôi hỏi:

- A cô là bà con của đại tá Thanh Tra Sắt, sao cô người Bến Tre mà ông Sắt người Huế lại có bà con?

Tôi thưa là vì dì thứ sáu tôi lấy chồng Huế, ông Ưng Lê và ông Sắt là cháu ông Ưng Lê.

- À ra thế.

Lúc đó cô thư ký cũng đem đến chỗ ông Trưởng Phòng trọn bộ hồ sơ của tôi, ông nhìn hồ sơ và hơi đổi sắc mặt:

- Cô... cô dạy Đại Học Khoa Học mà cũng là Chủ  Tịch Tổng Hội Sinh Viện Vạn Hạnh phải không?

Tôi thưa:

- Dạ thưa đúng.

Ông mỉm cười và nói thôi cô về đi, để tôi tính. Nhưng một tuần, hai tuần, ba tuần hồ sơ tôi vẫn nằm nguyên một chỗ. Hôm nào cũng vậy, hễ tôi vào xin gặp ông Trưởng Phòng thì nhân viên đều bảo là Trưởng Phòng bận hoặc Trưởng Phòng đi họp. Có một hôm, một nhân viên phòng này nói nhỏ với tôi: Thôi cô đừng hỏi nữa, tôi nghe nói hồ sơ cô sẽ không được xét đâu vì cô có tên mật mã cộng sản là “Đáng” nằm trong sổ đen. Tôi nghe thế biết là họ nhất định “ghìm” tôi nên rất tức và thắc mắc. Làm gì mà tôi có tên mật mã Đáng? Hoàn toàn bịa đặt! Tôi có làm gì phạm pháp đâu. Chỉ có là từ hôm Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh kêu gọi hòa bình và bị thầy Minh Châu giải tán thì thầy có đưa danh sách chúng tôi ra Tổng Nha Cảnh Sát, tôi vẫn không hề bị bắt vì gia đình tôi không phải là Cộng Sản. Trong khi đó, sau khi giải tán chúng tôi, thầy Minh Châu đề cử mấy người thân tín của thầy lên làm Ban Điều Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh thay chúng tôi thì mới ba tháng sau họ bị Tổng Nha Cảnh Sát bắt hết năm người vì họ là người ”nằm vùng” thứ thiệt của bên kia! Chỉ có thế, tôi không là Cộng Sản, tôi không có tên mật mã là Đáng nào hết. Tôi nhất định đi “kiện” với ông Trưởng Phòng Lý Lịch về việc này cho ra lẽ. Ông vẫn không cho gặp, tôi viết thư tay đưa vào: Thưa ông, tôi không là Cộng Sản, tôi không có tên mật mã nào là Đáng cả, tôi cần gặp ông để nói cho ra lẽ. Sau khi đọc giấy của tôi ông vẫn không tiếp tôi, nhưng bảo nhân viên ra báo tin là ông gửi hồ sơ của tôi lên Bộ Nội Vụ hôm nay. Sau đó người nhân viên - người đã rỉ tai cho tôi nghe hôm trước - cho biết: Hồ sơ của cô, Sếp gửi đi nhưng gửi chung một cọc dày cộm, nào là cô làm chủ tịch Sinh Viên Vạn Hạnh kêu gọi hòa bình, cô là bạn thân của Nhất Chi Mai tự thiêu đòi hòa bình, hình cô hiện lên trên New York Times ngày 17 tháng 05 năm 1967 một ngày sau khi cô Mai tự thiêu, cô vận động 71 giáo sư Đại Học kêu gọi ngưng chiến, cô bị bắt ở Huế vì có mang tài liệu phản chiến của ông sư Nhất Hạnh, v.v... Nghe thế tôi biết là đường đi Hương Cảng của tôi không còn chút hy vọng nào. Hôm đó tôi đã điện thoại cho thầy ở Hồng Kông hay là hy vọng đi gặp thầy của tôi chỉ còn 0%. Thầy lại năn nỉ: “Con ráng đi, thầy đang chờ con”. Vì thế tôi đành kiên nhẫn đi theo hồ sơ của tôi lên Bộ Nội Vụ. Nhưng theo bằng cách nào?

Hôm đó nhà có giỗ, tôi than thở nước mình là nước tự do mà sao muốn xin hộ chiếu đi Hồng Kông khó như xin đi Thiên Đàng vậy. Nghe vậy anh rể thứ ba của tôi, anh Nguyễn Văn Giỏi nói: Em dại lắm, dễ ợt, muốn đi các nước Á Châu, một hộ chiếu là 20 ngàn, đi Pháp hay Hoa Kỳ là 100 ngàn đồng. Lương tháng tôi lúc đó chỉ có 7.000 đồng, còn lương thư ký thì 2.000 thôi. Anh Ba nói tiếp: Em biết không, nếu anh gửi gắm thì không tốn đồng nào cả, tụi đó bồ với anh lắm vì anh dạy tennis cho họ mỗi ngày, không lấy xu nào. Anh Ba tôi là vô địch quần vợt toàn quốc trong nhiều năm, đã được gửi đi Pháp tranh giải Tennis nên ai được anh dạy quần vợt sẽ giỏi nhanh lắm. Thế là anh Ba lo cho tôi và dặn:

- Ngày mai em vào Bộ Nội Vụ lấy giấy sự vụ lệnh mà đi làm hộ chiếu, thị thực của em xong rồi.

Khi tôi vào Bộ Nội Vụ, Phòng Hộ Chiếu thì không ai cho phép tôi vào cả. Cảnh sát hai ba lớp, không có giấy mời không được vào. Tôi tức quá, chỉ còn có 10 ngày nữa là tôi hết phép đi Hương Cảng vì đã tới ngày thi và chấm thi cho sinh viên Thực Vật mà làm sao có giấy mời mới vào được? Tôi đứng đấy mà khóc ròng. Bỗng có một ông lớn (tôi quên tên) ngừng lại hỏi vì sao cô khóc. Tôi nói đầu đuôi. Ông ta hỏi tên tôi và bảo đứng đó chờ nếu được ông sẽ lấy cho tôi. Mười phút sau ông trở ra nói: Hồ sơ của cô đang nằm chỗ chờ ký ngày hôm nay. Chắc là ngày mai cô tới thì có. Ngày hôm sau tôi phải nhờ anh Ba đi lấy hồ sơ và đem xuống Phòng Ngoại Kiều ở Tổng Nha Cảnh Sát với tôi. Anh Ba nói:

- Chàng này cũng là bạn của anh, sao em không nói?

Thế là trong ngày ấy tôi có ngay hộ chiếu để đi lấy thị thực đi Hương Cảng. Tôi đến Sứ Quán Hồng Kông. Nhân viên bảo rằng cô chờ 48 giờ là sớm nhất. Trời ơi, tôi chỉ còn có 8 ngày là hết hạn phép rời Việt Nam mà chờ hai ngày thì còn gì mà đi được. Tôi bình tĩnh niệm Bồ Tát Quan Âm, bỗng nhiên tôi nhớ ra là hôm Hội OXFAM tới thăm Trường TNPSXH, có ông bí thư thứ nhất cùng đi. Ông ấy rất quý tôi và có cho tôi danh thiếp. Tôi xin gặp ông ấy và trình bày với ông về chuyến đi Hương Cảng. Hai mươi phút sau tôi có thị thực đi Hương Cảng. Tôi còn phải xin giấy chủng dịch, mua vé máy bay, đổi ngoại tệ v.v... Tôi được phép đi Hương Cảng bảy ngày. Tôi mua được vé đi Hương Cảng ngày 24 tháng 07 năm 1968 lúc năm giờ chiều.

Năm trăm con gà con trên xe mobylette Cả xe cả người cuộn vào giây kẽm gai

Bây giờ mới là bốn giờ chiều ngày 23 tháng 07 năm 1968. Tôi về nhà xin phép má đi Hương Cảng bảy ngày, thì được giấy của cha Lan nhắn là các cha dòng Chúa Cứu Thế ở Đà Lạt có tặng cho Trường TNPSXH 500 con gà con, gà giống tốt. Tôi nên lên chỗ của cha ở mà đem về trường kẻo đem trễ gà con sẽ chết. Xe hơi tôi đang nằm garage. Tôi chỉ còn chiếc mobylette cũ. Chắc chỉ có mình tôi là đi lấy gà được thôi. Tới nhà cha Lan, chất gà thành năm hộp, mỗi hộp 100 con lên sau ba-ga xe mobylette, tôi cứ tưởng tượng là nếu xe tôi bị vấp đá, nhảy tung lên nghiêng xe thì 500 con gà con sẽ rớt chạy tứ tung, chắc tôi “chết” luôn quá. Lúc đó sáu giờ chiều. May quá tôi chở 500 con gà con tới nơi bình yên lúc bảy giờ tối. Tôi giao gà xong lên tìm thầy Thanh Văn và báo tin, tôi sắp đi vài ngày, thầy có thưa chi với thầy Nhất Hạnh thì dặn tôi thưa. Thầy cúi gầm mặt xuống nói:

- Chị biết rồi, chị thưa với thầy là xin thầy chọn một trong hai việc, một là kêu gọi hòa bình thì không làm xã hội, hai là làm xã hội thì không kêu gọi hòa bình. Giáo Hội đã bỏ, Đại Học Vạn Hạnh đẩy mình ra, anh em TNPSXH đi tới đâu ai cũng đòi giấy phép mà hai năm rồi mình hoạt động không có giấy phép, rất khó khăn.

Tôi im lặng lắng nghe thầy Thanh Văn, rất thương nhưng tôi biết không thể nào tách rời hai thứ đó ra. Tôi biết chỉ có mình thầy Nhất Hạnh mới đủ sức mà giải thích cho thầy Thanh Văn hiểu mà thôi. Tôi chào thầy ra về. Lúc này đồng bào vẫn tị nạn hàng ngàn người tại khuôn viên trường. Một thiếu phụ đang ẵm một cháu bé trai gầy còm nhìn tôi ái ngại: Cô về bây giờ sao? Trời tối quá, cô không sợ ma sao? Dọc đường ra Cầu Tre có hai nghĩa địa, có nhiều mồ mả bị bom, bật cả quan tài. Tôi vuốt đầu cháu bé nói:

- Không, tôi không sợ ma đâu chị ạ. Tôi thương những cháu như cháu con chị nè, nó ốm như ma ấy. Và các cháu như cháu này nhiều lắm trên đất nước mình. Cứ đánh giặc hoài như vầy thì làm sao có điều kiện mà nuôi cháu mạnh khỏe ra.

Tôi bắt đầu mở máy xe mobylette mới nhớ ra là xe máy của tôi bị hư đèn đã lâu, chưa sửa kịp. Đêm nay không trăng, trời lại u ám, không có cả sao. Nhưng tôi không ngại vì con đường từ Chùa Lá Pháp Vân về tới Cầu Tre tôi thuộc làu từ những chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu. Tôi biết đoạn này, bên phải là vườn khoai mì, xa xa bên trái đoạn kia là những bụi tre bụ bẫm mọc che cả nghĩa địa Triều Châu. Những ngôi nhà vách gạch ngói đỏ này với rất nhiều giàn hoa giấy tím, đỏ, vàng duyên dáng, những nhà ở góc kia với giàn hoa vàng anh xoè những cánh vàng trong nắng. Tôi cũng biết bom đạn đã cày xới tất cả rồi, không còn những ngôi nhà nóc đỏ, không còn những ngôi vườn nhỏ xinh xinh. Nhưng hồi chiều chở 500 chú gà con về tôi đã ghi rõ chỗ nào có những lỗ hổng mới, chỗ nào đoạn đường gần như bị cắt ngang vì một hố bom. Thế là tôi vẫy tay chào mọi người, hứa tuần tới trở về sẽ kể bao nhiêu chuyện nóng hổi khi gặp được thầy. Lúc này du kích chiến có thể còn sót lại trà trộn trong dân nên thành phố Sài Gòn có lệnh giới nghiêm (cấm ra khỏi nhà) sau 9 giờ tối. Bây giờ mới 8 giờ 30 tôi còn nửa giờ để về kịp nhà ở cư xá Lữ Gia. Tôi lái xe máy đi chầm chậm, thong thả trong bóng tối. Xe đi 10 phút, 15 phút trong đêm đen, không đèn mà vẫn bình yên, tôi không vấp phải hầm hố nào cả. Sắp đến Cầu Tre rồi, tôi thuộc làu từng chỗ hủng bên phải, lách qua chỗ có phiến đá to bên trái. Nhưng ô hay cái gì thế? Tôi té nhào, tôi và xe máy của tôi bị cuốn vào những sợi dây rối nùi. Xe tự tắt máy và tôi té trên những sợi kẽm gai, xước áo xước tay. Có tiếng lên cò súng lách tách và tiếng đàn ông hô to: Giơ tay lên! Tôi đã giơ tay lên trong bóng đêm nhưng tôi sợ nhỡ họ chưa thấy mình giơ tay và họ bắn thì nguy quá. Tôi la to:

- Tôi là người đi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc ở khu Chùa Lá Tân Phú mới về.

Vùng này hồi này vẫn là vùng “xôi đậu”, nghĩa là có thể Quốc Gia kiểm soát ban ngày và bên Mặt Trận kiểm soát ban đêm. Tôi nhanh trí lựa những câu mà nếu bên nào kiểm soát cũng không nỡ bắn người giúp nạn nhân chiến cuộc. Họ bật đèn pile sáng chóa vào mặt tôi và thấy quả thật tôi tay không, vô tội. Họ đòi xem giấy tờ, tôi cho xem giấy nhân viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, dù liếc nhìn thấy họ là quân đội quốc gia tôi cũng chưa chắc lắm. Giấy làm xã hội thì ai cũng thương chớ nếu đưa giấy làm giảng viên Đại Học của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa e bên du kích quân ghét. Vì vùng này còn du kích trà trộn nên giờ thiết quân luật (giới nghiêm) là 8 giờ chứ không phải 9 giờ như ở thành phố. Xem giấy xong, họ giúp tôi gỡ những sợi kẽm gai quấn chằng chịt quanh xe tôi và cho phép tôi đi. Nhưng than ôi xe tôi bị xì luôn cả hai bánh, làm sao mà lái về? Từ đây về nhà chị Bảy của tôi là bốn cây số giữa đêm khuya khoắt trong giờ thiết quân luật. Tôi đành dắt xe vào nhà bên đường năn nỉ cho gửi nhờ xe mobylette đã xẹp hai bánh và hẹn hôm sau trở lại lấy. Giờ này không còn bất cứ taxi hay xích lô nào để đưa tôi về nhà hết vì đã quá giờ giới nghiêm từ lâu. Tôi đi bộ chừng 100 bước trong đêm đen thì đến ngã tư, thấy có một binh sĩ đi xe scooter chạy ngang, tôi giơ tay xin quá giang. Ông đi về hướng khác, tôi đi hướng khác, nhưng ông cũng cho đi nhờ được hai cây số. Leo xuống xe ông này, tôi may mắn và đón được một xe khác đi về hướng trường đua Phú Thọ. Đi thêm hai cây số là tới cư xá Lữ Gia, tôi xuống xe cám ơn ông rối rít rồi đi bộ về nhà trong đêm tối, mừng ơi là mừng, thế là vừa thoát chết tại Cầu Tre. Tới trước nhà chị Bảy tôi, nhà đã kéo cửa sắt khóa kỹ bên trong. Không có chuông, tôi đi vòng ra sau, may quá, cửa sổ còn đèn, tôi thấy cháu Bùi Thanh Vũ, khoảng 12 tuổi, con trai chị Bảy tôi còn thức, ngồi làm bài tập. Tôi mừng quá gọi:

- Vũ! Vũ!

Cháu ngẩng đầu lên, thấy tôi, liền lễ phép khoanh tay lại:

- Dạ thưa dì Chín gọi con có việc chi?

Mặt cháu ngớ ngẩn như tôi đang ở chốn bình an trong phòng ngủ mới bước ra để gọi cháu hầu chuyện vậy. Tôi phá ra cười nói:

- Con làm ơn ra mở cửa cho Chín vào nhà, Chín thoát chết, cuối cùng rồi cũng về được tới nhà, nhà đã khóa hết cửa vào!

Ngày hôm sau, ôm má vào lòng từ giã, tôi hẹn gặp lại má tuần sau rồi ra phi trường. Lúc năm giờ chiều ngày 24 tháng 07 năm 1968, chiếc phi cơ Air France cất cánh đưa tôi đi Hương Cảng gặp thầy. Tôi không ngờ có thể đây là lần chót tôi nhìn quê hương Việt Nam thân yêu.

Được mời làm phụ tá cho thầy Nhất Hạnh.

Tới Hương Cảng lúc 8 giờ chiều. Cảnh Sát Hương Cảng vô cùng ngạc nhiên thấy trong hộ chiếu của tôi, con dấu thị thực của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa chỉ cho phép tôi ở bảy ngày và dấu thị thực chính quyền Hồng Kông thì chỉ cho năm ngày vì luật Hương Cảng là đương sự phải về nước hai ngày trước khi thị thực Việt Nam hết hạn. Hương Cảng lúc này là ngã tư thương mại nên công dân bất cứ nước nào thuộc khối tự do cũng được vào Hương Cảng chơi bảy ngày không cần giấy phép. Vậy cô này là ai? Hộ chiếu của cô thuộc Việt Nam Cộng Hòa chứ đâu phải Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa? Vì sao mà chỉ được vào Hương Cảng có năm ngày thôi? Anh cảnh sát này gọi anh cảnh sát kia đến xem và nhìn tôi, rồi nhìn hộ chiếu. Tôi thở ba hơi mỉm cười thật tươi và nói:

- Có gì đâu, tôi chỉ xin đi từng đó ngày vì tôi phải trở lại Việt Nam gấp để lo hàng trăm công việc.

Nhìn mái tóc học trò và chiếc áo dài trắng của tôi ông ta hỏi:

- Cô mà có hàng trăm việc gấp à?

Tôi mỉm cười:

- Tôi về chấm thi. Tôi có hàng trăm bài thi để chấm!

Thế là tôi thoát nạn! Ý thức rằng đi gặp thầy Nhất Hạnh là việc làm có thể bị theo dõi nên tôi từ chối hết tất cả những tài xế taxi mời tôi lên xe của họ chực sẵn ở phi trường. Tôi đi bộ ra xa, nhìn quanh, thấy không ai theo dõi, tôi gọi một chiếc taxi, leo lên đưa địa chỉ của thầy số 80 đường Nathan Road, Guest House, Phòng số 8. Bà A Má già mở cửa và đưa tôi lên tận phòng của thầy. Bà gõ cửa. Thầy mở nhẹ cửa phòng thì bỗng thấy tôi, thầy tròn mắt và chỉ nói được: Ô ô trời đất!.. rồi không nói gì hết. Thầy kéo ghế bảo tôi ngồi xuống, nhưng tôi đã sà xuống đất ngồi dưới chân thầy và khóc thút thít. Mới tuần trước đây tôi báo tin cho thầy là tôi chỉ còn 0% hy vọng được sang gặp thầy ba ngày ở Hương Cảng vì ông trưởng phòng lý lịch đã gửi lên Bộ Nội Vụ trọn bộ hồ sơ dày cộm với một số dữ kiện lý lịch của tôi như là bạn thân của Nhất Chi Mai, tự thiêu cho hòa bình, đệ tử ông sư Nhất Hạnh phản chiến ở Hoa Kỳ v.v... và rất nhiều điều không thật về tôi như tôi là Cộng Sản có tên mật mã là “Đáng”, thì chắc hy vọng được gặp thầy chỉ là một giấc mơ. Bây giờ tôi ngồi đây, dưới chân thầy! Mơ hay thật? Tôi nhìn thầy chăm chăm. Trời ơi, thầy mới xa Việt Nam có hai năm mà mặt thầy già hơn chừng mười tuổi. Thầy cũng nhìn tôi chăm chăm và sờ đầu tôi nhè nhẹ và hỏi: Có phải thật là Phượng đây không? Con ốm quá! Thầy chê tôi ốm nhưng thầy vừa ốm vừa già. Tôi ngồi im, lặng lẽ khóc chừng mươi phút rồi mới bắt đầu kể cho thầy nghe những lời dặn dò của chư tôn đức ở nhà.

Khi tôi mở miệng nói chuyện công việc thì thầy bảo chờ đó, thầy tới bật radio lên để nếu có máy thu thanh của CIA thì không nghe được tôi thuật gì. Thầy nói thầy biết họ có theo dõi thầy từ khi thầy về Hương Cảng. Thư tôi viết cho thầy gửi qua Masako và qua bà Ethelwyn Best, dù khá nhiều cũng không nói hết những khó khăn của phong trào ở Việt Nam. Thầy đi pha một ấm trà ô long, rót ra hai chén và cho tôi một. Hồi này tôi chưa hề biết uống trà, vị trà khá đắng, nhưng tình thương và ánh mắt của thầy khiến chén trà thật là ngon. Thầy lắng nghe kỹ, hỏi thêm thái độ của từng tôn đức, từng thầy, từng tác viên và kết luận:

- Nếu tình trạng như thế, nếu Hòa Thượng viện trưởng có ý muốn thầy ở lại lo Phật sự là kêu gọi hòa bình thì thầy cần một người phụ tá như Phượng. Con phải ở lại giúp thầy. Con đã từng đi qua vùng lửa đạn ở Khương Bình, đã từng ôm một em bé bê bết máu tuyệt vọng vì không cứu được nó, con đã từng đi chôn hàng trăm xác chết giữa chốn đô thành, con phải là nhân chứng của những người mà con cứu, những người chết oan ức giữa đường phố mà con đem chôn. Con không ăn nói văn hoa lý thuyết như những người theo phe bên này hay bên kia. Con chỉ nói lời phát xuất từ trái tim của người chạy dưới đạn bom, thốt lên những tiếng kêu oan ức thống thiết. Thầy mà để cho con trở về Việt Nam là thầy dại lắm. Rất khó mà tìm ra được một nhân chứng như con. Con phải ở lại!

Tôi nhìn thầy sửng sốt. Tôi? Ở lại hải ngoại luôn để phụ tá cho thầy? Nước mắt chảy dài trên má tôi, tôi không tưởng tượng nổi Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội sống một tuần mà thiếu tôi! Ai đi chạy xin gạo, dầu, đường muối, sữa cho hàng ngàn đồng bào còn lưu lại ở khuôn viên TNPSXH đây? Ai phổ biến những tài liệu phản chiến, ai sách tấn các em sinh viên các trường Đại Học cần tham vấn riêng với tôi bao nhiêu điều khó xử? Ai an ủi các tác viên xã hội như Trần Minh Tâm, như Phạm Đăng Phú, như Nguyễn Văn Ân lạc lõng trong cơn giông binh lửa, ai an ủi sinh viên các đại học bơ vơ chỉ nương tựa vào tôi? Tôi nhìn thầy thật buồn, lạy tạ tình thương của thầy nhưng lắc đầu từ chối. Được gần thầy, được là một trong nhiều đứa học trò thân cận của thầy đã là điều tôi mơ ước nhưng tôi không thể ở lại. Thầy ơi, con không thể ở lại! Tôi nấc lên, khóc lớn và chạy về phòng mà khi nãy thầy nhờ bà A Má dọn cho tôi, phòng số 13, nhà khách số 80 Nathan Road Kowloon. Suốt cả đêm tôi ngồi thiền, lòng tạm bình an nhưng tôi biết không thể nào ở lại với thầy được.

Sáu giờ sáng tôi nằm xuống chợp mắt được nửa giờ thì thầy gõ cửa mời tôi dậy để thầy đưa lên Bảo Liên Thiền Tự trên núi ở hải đảo Lan Tao. Phải đi đò máy nửa giờ mới đến một bến Lan Tao. Leo lên bờ thì có xe buýt đi Bảo Liên Thiền Tự. Xe leo núi thật cao, bò trên đường tráng nhựa cheo leo giữa hai bên vực sâu. Chùa trên núi thật yên tĩnh, có rừng chung quanh và rừng đưa tận lên đỉnh núi. Nơi này suốt ngày đều dày đặc sương và mây mù. Thầy trò đi thiền hành nhiều giờ mà không đả động đến chuyện đi theo thầy hay về lại quê hương. Ngồi xuống một bậc đá, thầy mới nhấn mạnh buộc tôi phải ở lại. Vì chỉ có cách đó, cùng làm việc với thầy, tôi mới thỏa chí vừa phụng sự người khổ, vừa kêu gọi người ta ngưng chém giết nhau như tôi đã làm hôm Tết Mậu Thân và đã lãnh đủ bao truân chuyên với ông bộ trưởng, với cảnh sát công an. Thầy cười chỉ cho tôi xem những đóa hoa kèn tím như vành tai bên vách núi để nghe thầy nói và khuyên tôi nên nghe lời thầy! Tối hôm đó thầy trò xin ngủ lại chùa.

Tôi được ngủ chung với các nữ cư sĩ trên cái phản cây có căng cái mùng thật dài. Buổi sáng chùa trên núi thật yên tĩnh, tâm trí tôi sáng sủa hơn, người tôi khỏe ra. Tôi nhớ lại lời nhắn nhủ duy nhất của thầy Thanh Văn: Chị thưa với thầy nên chọn một trong hai việc "kêu gọi hòa bình thì không làm xã hội, làm xã hội thì không kêu gọi hòa bình". Câu nói đó cũng là câu mà tôi biết thầy muốn nhắn tôi. Tôi biết từ lâu, từ khi thầy Nhất Hạnh rời Việt Nam, thầy Thanh Văn im lặng không đồng ý khi nghe tôi kêu gọi hòa bình, không đồng ý khi biết tôi đang in ấn và phân phối tài liệu phản chiến mặc dù tôi không hề đem tài liệu này về trường cũng như không nhờ các em TNPSXH phổ biến. Tôi biết khi thầy Thanh Văn đề nghị như thế thì không có nghĩa là thầy không tha thiết hòa bình, nhưng đối với thầy Thanh Văn làm công tác phát triển cộng đồng đã là trách nhiệm quá lớn đối với thầy. Làm hai việc một lần, thầy làm không xuể. Nhưng với con người tôi thì hai thứ đó như hai mặt của một bàn tay, không thể tách rời ra được. Khi tôi hỏi thầy Thanh Văn là nếu không có hòa bình thì làm sao phát triển được cộng đồng? Thầy nói thầy không biết và điều đó không quan trọng với thầy. Vì những không đồng ý ngầm ấy mà thỉnh thoảng thầy Thanh Văn hay thốt ra những câu khiến tôi rất tổn thương. Thầy không đồng ý chút nào khi tôi đi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc mà muốn rủ vài em TNPSXH theo, thầy cũng chống đối khi tôi đi lượm xác chết. Rồi một hôm nọ, khi nghe quý vị trụ trì trong Giáo Hội PGVNTN quá yếu về hành chánh (Hiến pháp của GHPGVNTN là chỉ tu sĩ mới được làm các chức lãnh đạo như Chánh Đại Diện Tỉnh Giáo Hội, Huyện Giáo Hội chứ cư sĩ không được làm, mà vì quý vị tu sĩ thì quá yếu về hành chánh nên xảy ra nhiều lủng củng), tôi bàn với thầy Thanh Văn là trường TNPSXH nên cống hiến những khóa huấn luyện ngắn hạn về hành chánh cho quý vị lãnh đạo trên. Như thế chúng ta có thể chứng minh là Trường rất thành thạo về việc đào tạo cán bộ và để quý thầy nể mà đưa TNPSXH vào thành phần chánh thức của Giáo Hội để TNPSXH được “hợp pháp” bởi vì TNPSXH đã bị thầy Minh Châu loại trừ khỏi Đại Học Vạn Hạnh từ khi thầy Nhất Hạnh kêu gọi hòa bình. Thầy Thanh Văn chợt nói rất mạnh:

- Không! Chúng ta không dính líu gì hết với các ông trong Giáo Hội PGVNTN đó cả. Tôi rất ngạc nhiên là chị muốn làm việc đó. Nếu chị muốn thế thì tôi cũng nghi chị luôn.

Câu này làm cho tôi thật tổn thương. Thầy Thanh Văn nghĩ là tôi lợi dụng trường để gây ảnh hưởng lên các vị lãnh đạo Giáo Hội nhằm tạo uy tín cho tôi ư? Những vết thương như vầy giữa hai người có tính khí khác nhau như tôi và thầy Thanh Văn cứ chồng chất lên nhau. Hai mươi năm sau tôi được thầy Nhất Hạnh dạy pháp môn làm mới để gỡ rối, để hàn gắn lại những đổ vỡ và giúp đỡ biết bao nhiêu cặp bạn bè, vợ chồng, cha con được truyền thông. Nhưng lúc đó chúng tôi hoàn toàn không biết pháp môn này nên sáng hôm đó ở Bảo Liên Thiền Tự tôi cảm thấy không hứng thú làm việc sát cánh với thầy Thanh Văn như xưa nay nữa. Con đường của tôi thật sáng ra, rõ ràng hơn. Nếu ở bên thầy Nhất Hạnh tôi sẽ có dịp đi lạc quyên tiền cứu trợ xã hội của nhiều đoàn thể không phải của chính phủ Hoa Kỳ. Tuy rằng TNPSXH không hề lấy một xu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không nhận một xu của chính quyền Mỹ, nhưng khi có 11 ngàn người nát tan nhà cửa cần cơm ăn, cần thực phẩm dụng cụ sinh sống, chúng tôi vẫn phải nhận dùm cho họ tiền của USAID. Bom đạn của chính phủ Hoa Kỳ bỏ lên tan nát nhà họ, rồi mình tới Ban Xã Hội của chính phủ Hoa Kỳ để lấy tiền nuôi họ ăn. Có cái gì thật sai, thật khó nuốt trong công tác này. Tôi mong ở hải ngoại, tôi sẽ có dịp xin tiền các cơ quan tư nhân không dính líu gì đến bom đạn đang dội lên đầu đồng bào tôi. Ở hải ngoại bên thầy Nhất Hạnh, tôi tha hồ lạc quyên nhân danh nạn nhân chiến cuộc rồi gửi tiền trực tiếp cho 42 ủy ban cứu trợ xã hội của 42 Tỉnh Giáo Hội PGVNTN mà không cần xin phép thầy Thanh Văn. Tôi tha hồ lạc quyên giúp trường TNPSXH vì tôi biết rất rõ những công tác xứng đáng của anh em trong Trường. Tôi sẽ năn nỉ thầy Nhất Hạnh, bằng những bức thư ân cần có thể giúp từng em TNPSXH với những khó khăn của em, giúp thầy Thanh Văn với những khó khăn của thầy, giúp ban Điều Hành sửa sai những yếu kém của họ mà không sợ làm họ tổn thương, vì thầy Nhất Hạnh rất sâu sắc nên nói đúng chỗ, đúng lúc và có kết quả liền. Và trên hết là được ở kề bên thầy để giúp thầy như tôi đã giúp thầy mấy năm 1964, 1965, 1966 ở Việt Nam, hạnh phúc biết bao nhiêu. Thế là sáng hôm đó tại Thiền Tự Bảo Liên tôi quỳ xuống xin Đức Bổn Sư Thích Ca cho tôi được phụ tá vị thầy quý kính của tôi trên đường phụng sự lý tưởng từ bi của Người.

Tôi xin được gia hạn thị thực ở Hương Cảng thêm hai tuần. Sau đó tôi đi Nhật với thị thực du khách. Tại nơi đây trong khi chờ đợi thị thực được đi Pháp ở dài hạn, tôi làm việc tại một nhà in để học về quadrichromie, tập lọc và in hình màu trong khi chờ đợi Sứ Quán Pháp chấp thuận.

Chương 13: Phái đoàn hòa bình tại Paris

Cầu nguyện Hòa Bình ngay trong Trung Tâm Paris

Cuộc Họp Mặt của những người tranh đấu cho Hòa Bình Việt Nam tại Fontainebleau để ủng hộ sự ra mắt Phái Đoàn Hòa Bình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hòa Đàm Paris

Năm 1968, cuộc Hòa Đàm tìm giải pháp cho Việt Nam khởi xướng tại Paris, kéo dài mãi đến năm 1973 thì chấm dứt bằng một Hiệp Ước Hòa Bình. Trong bàn Hội Nghị tìm giải pháp cho Việt Nam có bốn phái đoàn chính:

1/ Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam);

2/ Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc) lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản Việt Nam;

3/ Chính Phủ Lâm Thời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà phần đông là người Miền Nam bất đồng ý kiến với Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa nhưng có sự chuẩn bị trước của Chính Quyền Cộng Sản Miền Bắc đặt để nội công miền Nam;

4/ Các nước có can thiệp trực tiếp vào Việt Nam là Chính Phủ Hoa Kỳ, Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Riêng Cộng Hòa Pháp và Liên Hiệp Anh là hai nước đồng bảo trợ và chứng minh cho cuộc hòa đàm.

Vâng lời Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà Viện Trưởng Viện Hóa Đạo là Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh, người đại diện duy nhất cho Giáo Hội tại hải ngoại để nói lên tiếng nói của những người dân chạy dưới đạn bom và của Phật tử Việt Nam, đã đứng ra thành lập Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN tại Hòa Đàm Paris để kêu gọi thế giới giúp Việt Nam có ngay một cuộc ngưng bắn.

Cách làm việc của Phái Đoàn là cứ mỗi lần bên Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có những điểm đề nghị đưa tới chấm dứt chiến tranh mà Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) không đồng ý và phản hồi bằng đề nghị những điểm khác thì Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN lại họp báo và phân tích cho dư luận thế giới biết điểm nào của VNCH, điểm nào của VNDCCH gần với thực tế, gần với lòng dân hơn, điểm nào còn xa thực tế. Nhờ thế lần đề nghị sau, VNCH lại đưa những điểm gần với những đề nghị của Phái Đoàn Phật Giáo hơn, phái đoàn VNDCCH cũng đưa ra những điểm gần với Phật Giáo hơn để cuối cùng đưa đến các bên đồng ý ký Hòa Ước 1973 tại Paris.

Để làm lễ ra mắt Phái Đoàn ngày 9 tháng 6 năm 1969, chúng tôi trong hay ngoài Hội Phật Tử Việt Kiều đều đứng ra góp một tay giúp Thầy tổ chức một Buổi Cầu Nguyện cho Hòa Bình tại Phòng Họp Lớn của Khách Sạn Quai d’Orsay sát bên Bộ Ngoại Giao Pháp. Ban đầu Bộ Ngoại Giao Pháp không đồng ý vì sợ làm phiền các phe lâm chiến, nhưng chúng tôi đã trình bày là thế nào chúng tôi cũng thành lập Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN, một Phái Đoàn do Giáo Hội lãnh đạo, đại diện cho những người dân Việt Nam chạy dưới bom đạn, và Phái Đoàn phải hiện diện quanh bàn hòa đàm về Việt Nam. Nếu Pháp không cho phép lập Văn Phòng Phái Đoàn tại Pháp thì chúng tôi sẽ lập văn phòng tại một nước khác như Bỉ hoặc Hà Lan hay Tây Đức và nếu báo chí hỏi tại sao không làm tại Paris thì chúng tôi phải nói là vì Pháp không cho phép. Nghe thế Bộ Ngoại Giao Pháp đành đồng ý giúp cho chúng tôi đặt trụ sở tại Pháp nhưng đề nghị phải làm cuộc Họp Mặt Ra Mắt Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN tại Fontainebleau - cách Paris 60km - để các phe lâm chiến trong Bàn Hòa Đàm không trách chính quyền Pháp. Ông Henri Bolle, Giám Đốc về Việt Nam của Bộ Ngoại Giao đã giúp đỡ chúng tôi bằng cách cấp thị thực cho các thầy tu của GHPGVNTN tới Pháp dễ dàng.

Ngày 8 tháng 6 năm 1969, một ngày trước Buổi Họp Mặt ra mắt Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Đàm Paris, chúng tôi mời được khoảng 600 người, trong đó có đồng bào Phật tử Việt Nam, các chính khách Việt Nam lưu vong ở hải ngoại và rất đông những đồng bào Phật tử Việt Nam bình dân theo chồng Pháp về nước Pháp nhưng thương vẫn rất nặng lòng nhớ quê hương, tới dự buổi lễ cầu nguyện ra mắt Phái Đoàn. Buổi Cầu Nguyện được mở đầu bằng ba hồi chuông trống Bát Nhã thật trầm hùng vang lên làm chấn ­động con tim bao người con Việt Nam xa quê hương. Lúc đó không có tiệm bán chuông trống mõ như ở Việt Nam, không có chùa Việt Nam, không có chùa Trung Quốc, làm sao mà có được chuông trống? Đó là nhờ Thầy có đem theo một băng nhựa (hồi này chưa có cassette) và để băng Ba Hồi Chuông Trống Bát Nhã phát ngay trước micro nên nghe thật trầm hùng như có chuông trống thật vậy. Mọi người ai cũng rưng rưng giọt lệ khi nghe tiếng chuông trống xoáy mạnh vào tâm hồn. Mỗi người được phát Bài Kinh Cầu Nguyện và tất cả đều tụng lớn theo sự hướng dẫn của quý thầy trong Phái Đoàn:

Trang nghiêm đài sen ngự tọa Đại hùng từ phụ Thích Ca Đệ tử đem lòng thành kính Bàn tay chắp thành liên hoa, Cung kính hướng về Điều Ngự Dâng lời thỉnh nguyện thiết tha. Kính lạy mười phương chư Phật Từ bi trí tuệ chan hòa Xin thương Việt Nam khốn khổ Hai mươi năm lẻ can qua Đất nước hai Miền chia cắt Máu xương rơi rụng trẻ già Mẹ khóc khô dòng nước mắt Con phơi thây chiến trường xa Rách nát non sông gấm vóc Khóc thương máu lệ chan hòa Huynh đệ tương tàn tương sát Theo lời xúi xiểm gần xa. Kính lạy mười phương chư Phật Xót thương dân Việt hiếu hòa Xin cho Việt Nam mở mắt Nhìn ra Nam Bắc một nhà Xin cho từ bi khơi dậy Trong tình huynh đệ bao la Xin cho lợi quyền chủ nghĩa Biến thành thương cảm xót xa. Lạy đức Từ Bi run rủi Để cho thù hận xóa nhòa Lạy đức Quan Âm cứu khổ Cho lòng đất Việt nở hoa. Tín thành tâm hương một nén Cầu xin chuyển nghiệp ta bà Hoa tâm linh bừng nở khắp Đuốc trí tuệ rọi muôn nhà. Cung kính hướng về Phật tổ Đại bi đại nguyện Thích Ca Đệ tử tâm thành phát nguyện “Nghĩ điều thương yêu đùm bọc Làm điều cảm thông đoàn kết Nói điều xây dựng thuận hòa“ Hồi hướng vô biên công đức Cầu cho nước Việt thái hòa Cầu cho tất cả chúng con Viên thành đại nguyện.

Bà Hoàng Xuân Hãn rưng rưng nước mắt và cứ tấm tắc khen “kinh gì mà hay quá! Nghe y như là một bài thơ tuyệt tác”. Tôi tủm tỉm cười im lặng không dám bật mí cho bà biết là Thầy chúng tôi viết đó!

Những người tổ chức Buổi Lễ Cầu Nguyện đại hội ra mắt Phái Đoàn gồm có: tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, ông bà Võ Văn Ái, tiến sĩ Tạ Huệ Châu, ông Chinh Ba, anh Cao Thái Nghiệp và tôi. Cô Marie Emmeny, cô Penelope Faulkner và anh Raphael Ruiz giúp chúng tôi những hỗ trợ cần thiết khác.

Những vị Đại Đức tham dự gồm quý Đại Đức Thích Minh Tâm, Thích Thiện Thắng, Thích Pháp Kiên, Thích Thiện Quả, Thích Thế Tịnh, Thích Chơn Hòa và Thích Trí Quảng. Người xướng ngôn viên và hướng dẫn toàn buổi lễ là đại đức Thích Thế Tịnh.

Sau bài cầu nguyện chúng tôi thấy mắt mọi người đều đỏ.

Bên Phái Đoàn những nhân sĩ thế giới thì có: tiến sĩ Heinz Kloppenburg, một nhân vật tiến bộ lúc nào cũng cất cao tiếng kêu gọi Hòa Bình cho Việt Nam tại Tây Đức, chủ tịch Hội Hilfe Vietnam; ông Alfred Hassler, vừa là Tổng Thư Ký Hội Thân Hữu Hòa Giải (Fellowship of Reconciliation hay F.O.R.) - một hội chỉ gồm những người Ky Tô Giáo nổi tiếng hiền đức, đạo hạnh cao làm việc cho Hòa Bình từ hồi thế chiến thứ nhất và thứ nhì cho đến nay với 46 nước chi nhánh trên thế giới, vừa là Chủ Tịch Lương Tâm Quốc Tế về chiến tranh Việt Nam (International Conscience of Vietnam); ông Danilo Dolci, một nhà tranh đấu cho quyền sống của trẻ em đói kém vùng Sicilia và rất nổi danh vì dám chống lại tập đoàn Mafia ghê gớm của Ý Đại Lợi; Lord Philip Noel-Baker, người đã được giải thưởng Nobel Hòa Bình, tới từ Anh Quốc, cũng thuộc FOR Anh; ông Hannes De Graaf, học giả thần học người Hà Lan; ông Jean Goss-Mayr, nhà tranh đấu Hòa Bình lừng danh Nam Mỹ; ông Devi Prasad của Hội War Resistance International (Quốc Tế Chống Chiến Tranh) gồm 37 nước trên thế giới; và khoảng 600 đồng bào Phật Tử Việt Nam tới từ nhiều tỉnh trong nước Pháp.

Để tránh đụng chạm với các phe lâm chiến nên ngày đầu chính quyền Pháp yêu cầu chúng tôi không họp báo. Nhưng nhiều ngày sau, chúng tôi đã lần lượt được đài truyền hình Hà Lan, báo chí Đức, Bỉ phỏng vấn. Nhiều bài báo nói rất nghiêm minh và cảm động về tiếng nói của Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN. Phái Đoàn đã nói lên tiếng kêu tuyệt vọng của người dân vô tội chạy dưới bom đạn, và tiếng nói chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bao gồm những điểm rõ ràng sau đây:

Thứ nhất: Làm sao để ngưng oanh tạc, ngưng chiến ngay tại chỗ càng sớm càng tốt.

Thứ hai: Yêu cầu Hoa Kỳ công bố và cam kết với thế giới lịch trình rút quân đội Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi Việt Nam.

Thứ Ba: Làm thế nào để anh em người Việt Nam không cầm vũ khí của Hoa Kỳ, vũ khí của Trung Quốc và của Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết mà chém giết nhau.

Thứ Tư: Thế giới giúp Việt Nam có cuộc bầu cử tự do để chọn những nhà lãnh đạo cho toàn dân.

Một Văn Phòng rất khiêm tốn của Phái Đoàn Hòa Bình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Bắt đầu từ tháng 5 năm 1970, sau 6 tuần lễ đi du thuyết kêu gọi hòa bình bên Anh về, tôi được Thầy dạy lập ngay một Văn Phòng cho Phái Đoàn Phật Giáo. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng giúp đỡ chúng tôi về mặt tài chính khi cần phải mướn những cơ sở. Chúng tôi thuê một phòng nhỏ ở số 11 rue de la Goutte d’Or quận 18 Paris, văn phòng sát đường Metro Porte Clignancourt trong một khu nghèo gồm rất nhiều di dân Maroc, Ả Rập. Tám giờ rưỡi sáng tôi đã có mặt ở đây và sáu giờ chiều tôi mới rời văn phòng, lái xe về lại căn hộ số 88 rue Gambetta, Maison Alfort, nơi Thầy ở, để cùng ăn chiều với Thầy và hai sư chú Thanh Hương và Chơn Hòa. Chú Thanh Hương rửa rau và luộc rau rất xanh và ngon hết xảy. Thầy kho tàu hũ thì tuyệt vời nhưng mỗi hai ba tuần chúng tôi mới được ăn tàu hũ một lần vì chúng tôi ở ngoại ô, muốn mua tàu hũ phải ra tận Paris mới có tiệm thực phẩm Á Đông. Chiều, tôi và bà Ethelwyn Best lái xe về thì mệt lả, đã có cơm rau do chú Thanh Hương nấu sẵn, tôi chỉ cần kho nấm và xào rau cải, cà rốt mà ăn thôi. Cơm thì nấu từ gạo gãy mà chú Thanh Hương mua ở các grainetterie Pháp, loại gạo chỉ dành cho chim ăn. Thấy chú Hương mua gạo cho chim ăn mà sao nhiều quá, bà bán hàng tiệm Graineterie hỏi: Chắc vườn nhà ông có nhiều chim đến ăn lắm hả? Chú Hương cười thật xinh mà không nói năng gì...!

Cơm nước xong, sau khi nghe chúng tôi trình bày công việc văn phòng trong ngày, Thầy thường cho chúng tôi ngồi yên nghe một bài thơ rồi thầy trò cùng ngồi thiền hai mươi phút trước khi tôi và bà Ethelwyn Best chào Thầy và quý sư chú để lui về căn hộ 97 cùng đường Gambetta.

Khi anh thư ký trước của Thầy xin từ chức để ra lập nhà in riêng từ tháng 3 năm 1970, anh đã “cẩn thận” giữ hết địa chỉ của tất cả các bạn hữu và các đoàn thể mà thầy chúng tôi đã mắc những đường dây thân hữu từ năm 1966 và không bao giờ trả lại cho văn phòng. Mất hết mấy trăm địa chỉ của những người hết lòng giúp đỡ, những bạn bè tranh đấu cho hòa bình của Thầy, nhưng may mắn cho tôi lúc đó còn trẻ tuổi, trí nhớ còn khá tốt, nên tuy chỉ ở chung làm việc văn phòng có mấy tháng nhưng tôi đã nhớ và ghi lại đầy đủ những địa chỉ quan trọng mà trong thời gian làm việc với anh tôi đã đọc qua tên Hội Đoàn đó, tên ông chủ tịch đó, số văn phòng, tên đường, tên thành phố và tên nước. Anh cũng viết thư về nước gửi cho Viện Hóa Đạo những hình ảnh cắt ráp xấu xa hoàn toàn không có thiệt, nói những điều không dễ thương về Thầy, đặt câu hỏi Thượng Tọa Nhất Hạnh có phải là Đại Diện của Giáo Hội, được Giáo Hội đề cử đứng ra lập Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN không? Anh cũng hỏi thầy Thanh Văn, Giám Đốc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội là thầy chúng tôi có gửi tiền mà chúng tôi lạc quyên được từ hải ngoại về hay không? Nhờ thế nên Hòa Thượng Thích Thiện Hoa mới gửi cho thầy Nhất Hạnh bức thư nói rõ thầy Nhất Hạnh là đại diện duy nhất của Giáo Hội ở hải ngoại bằng bức thư đính kèm (* theo Bức Thư đề cử của GHPGVNTN số 0476-VHĐ/VP ngày 9 tháng 9 năm 1970 của Hòa Thượng Thiện Hoa)và Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mới báo cáo rõ ràng ngày tháng nào nhận bao nhiêu tiền.

Nhờ anh tung tin sai mà lại giúp cho Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN có dịp nhận giấy tờ báo cáo chính thức, còn các hội đoàn quốc tế thì mất niềm tin với anh ấy ngay khi đến gặp tôi và được tôi đưa giấy của Hòa Thượng Thiện Hoa cùng tất cả những biên nhận, hình ảnh từ trong nước về công tác của chúng tôi. Vậy là nhờ anh ấy thải ra một khối bùn mà chúng tôi có thêm hoa sen đẹp đẽ. Bạn của Phái Đoàn Hòa Bình ngày càng đông và có thêm niềm tin. Thầy chúng tôi luôn dạy: “Các con phải giữ tâm thật trong sáng, liêm trực và từ bi. Những vu cáo oan ức rồi cũng có ngày sáng tỏ. Khi các con thốt ra lời nào, phải ý thức là cả tam thiên đại thiên thế giới đều nghe câu nói của con, dù nói sau lưng hay nói trước mặt thì cũng phải ý thức là người đó và tam thiên thế giới đều nghe câu nói ấy, đừng nói trước mặt người ta câu A và nói sau lưng thì câu B, phải nói bằng tấm lòng chơn chất của mình. Cũng có trường hợp mà nhìn sâu mình thấy chưa nói được sự thật trong thời điểm đó thì khoan nói. Đừng nói với người A như vầy và nói với người B khác.“ Và câu nói dễ thương nhất của Thầy dạy tôi là “trước sau gì anh chàng này cũng sẽ dừng lại, tiếp xúc với tánh Bụt của anh, không để cái tâm bất thiện đó kéo đi mãi được đâu, rồi anh ta cũng sẽ tu thôi! Hiện tại anh ấy càng bóp méo, nói điều không thật thì chúng ta càng phải giữ gìn mỗi bước chân, mỗi hành động cho chánh niệm, cho chân thật, giữ gìn từng tư duy, từng hơi thở cho hoàn toàn từ bi để giữ quân bình cho cuộc đời. Đời có bên phải thì phải có bên trái, có ông ác thì phải có ông thiện. Đừng làm một ông ác thứ hai để chống ông ác kia. Bên kia nói sai thì mình cứ im lặng và chỉ từ từ chứng minh bằng hành động chân thật và từ bi của mình thôi.“

Phái Đoàn có ra tờ Le Lotus, Lá Thư của Phật Giáo và tiếng nói của người dân chạy dưới đạn bom, với những tin tức từ trong nước, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Mỗi lần chỉ in: 400 bản bằng tiếng Anh để gửi cho bạn bè, cho các ký giả đã từng phỏng vấn Thầy hay chúng tôi và có cảm tình với Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN, các dân biểu đã từng gặp Thầy hay gặp chúng tôi, các hội đoàn tranh đấu cho hòa bình ở các nước Bắc Âu, Úc Châu - Tân Tây Lan và Á Châu; 200 bản tiếng Pháp cho bạn bè báo chí Pháp và các nước như Ý Đại Lợi, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha cùng vài bạn ở Phi Châu; 200 bản tiếng Việt cho đồng bào hải ngoại.

Tại Anh Quốc, nhóm Third Way in Vietnam gồm các giáo viên tại Anh đã cho in lại 300 bản để gửi cho bạn bè ủng hộ các chương trình của Phái Đoàn, rồi khi số người ủng hộ tăng thành năm trăm, bảy trăm hay một ngàn người thì họ in lại 1.000 bản Le Lotus tại Anh.

Ở Hoa Kỳ đã có nhóm Fellowship of Reconciliation (FOR) do Alfred Hassler làm Tổng Thư Ký đã đăng lại những tin quan trọng, nhưng nhóm của tiến sĩ Richard Murray đã in lại tới hàng ngàn bản mỗi khi nhận được một Lá Thư Le Lotus của Phái Đoàn. Họa sĩ Võ Đình đã thu gọn những bài quan trọng nhất và cũng in lại vài trăm bản tiếng Anh.

Tôi học tiếng Anh

Khi ở Trung Học Marie Curie, tôi học bên cổ ngữ, mỗi tuần học 5 giờ tiếng Latin mà chỉ có 2 giờ Anh Văn nên dù khi nào cũng điểm cao, tháng nào cũng có bảng danh dự tableau d’honneur, là một trong 5 người học trò nhất lớp, nhưng tôi chỉ giỏi văn phạm, có thể viết đúng chính tả, còn khi nghe thiên hạ nói tiếng Anh thì tôi chẳng hiểu chi cả. Tuy nhiên, nhờ tập nói lõm bõm với Masako, một người Nhật sinh ở Hoa Kỳ, khi cô sang Việt Nam làm việc và tập nói chuyện với bà Ethelwyn Best khi Thầy nhờ bà về Việt Nam liên lạc với tôi, nên tôi cũng bập bẹ được những câu nói cần thiết. Vậy mà khi có khách tới chơi tôi chỉ hiểu phân nửa câu chuyện. Vì thế trước khi đi Anh, Thầy đưa cho tôi ba bài báo trong tờ nhật báo The International Herald Tribune để tôi học. Thầy dạy: Con nên chép ra tiếng Việt nghĩa của từng câu tiếng Anh. Chữ nào không biết thì tra tự điển. Khi nào hiểu rõ tất cả nghĩa các từ nhưng nhìn trọn một câu có cách hành văn lạ lùng, ráp nghĩa rồi mà vẫn không hiểu thì mới nên hỏi Thầy. Sau một buổi sáng loay hoay, cuối cùng tôi cũng dịch được một bài báo bốn cột. Tôi che bên tiếng Anh và chỉ nhìn vào bản tiếng Việt của mình để dịch lại ra tiếng Anh từng câu. Dịch xong một câu, lại mở tiếng Anh ra xem dịch đúng không. Nhờ thế tôi biết luôn cách hành văn. Sau động từ go thì tôi biết dùng trạng từ to để chỉ chuyện đi (chợ). Với động từ khác thì có khi dùng trạng từ at, có khi dùng for hay toward hay forward to. Mất hết một ngày tôi mới dịch ra tiếng Anh trọn bài báo, nhưng sau đó tôi dần dần quen cách ráp một câu tiếng Anh nên dịch nhanh hơn và khi dịch đến bài thứ hai thì tôi có thể diễn tả vài ý nghĩ bằng tiếng Anh. Công việc của Phái Đoàn Phật Giáo nhiều quá. Mới học được nửa bài thứ ba thì có tin từ Việt Nam cho hay phi cơ mới oanh tạc nát tan vùng Trà Lộc Quảng Trị, ngay trên cái trường học mà các em tác viên trường TNPSXH đã cùng với dân làng đứng ra đóng góp, tự xây với tất cả tình thương; ba người tác viên suýt chết. Vì thế tôi không có giờ học hết bài thứ ba thì đã tới ngày đi Anh quốc để chia sẻ những khổ đau của đồng bào.

Lần đầu tiên tôi “ra trận” bằng tiếng Anh, chia sẻ những cái thấy của mình về chiến tranh Việt Nam với các bạn là ở tại Luân Đôn. Mục Sư David Harding rất dễ thương, đưa tôi đi gặp đức Giám Mục, đức Hồng Y ở Coventry, đưa tôi đến nói chuyện với các nhóm Quakers ở Luân Đôn, ở Birmingham, ở Leeds... toàn là những tăng thân gặp nhau hàng tuần để cầu nguyện, đưa tôi đến trường Trung Học để chia sẻ cho học sinh biết chiến tranh là gì, thăm Lord Philip Noel-Baker để ông giới thiệu tôi đi gặp luôn năm Dân Biểu Quốc Hội Anh. Mục Sư David Harding biết tiếng Anh của tôi rất yếu nên khi người kia nói gì mà tôi không hiểu, ông lại lặp lại với tiếng Anh đơn giản của ông. Có khi chỉ vì phát âm lạ lẫm với tôi quá khiến tôi vẫn không hiểu thì ông viết xuống, nhìn mặt chữ tôi nhận ra ngay nghĩa của nó. Khi nào có mặt chữ mà tôi vẫn chưa hiểu thì tôi sử dụng quyển tự điển Anh-Pháp cầm tay đem theo để tìm cho đúng nghĩa. (Hồi này tôi không có quyển tự điển Anh-Việt nào đem theo từ Sài Gòn). Sau lần đi Anh, tôi đi tiếp sang Hà Lan rồi Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển. Những nước này tuy cũng nói tiếng Anh nhưng tiếng Anh tại Đan Mạch khác với tiếng Anh Anh! Tiếng Anh Na Uy, khác tiếng Anh Anh và cũng khác tiếng Anh Đan Mạch, tới Thụy Điển lại cũng một loại tiếng Anh khác!!! Cho tới khi Thầy cho tôi đi Hoa Kỳ hai tháng rưỡi viếng thăm và nói chuyện về chiến tranh Việt Nam với 37 tiểu bang Hiệp Chủng Quốc, mỗi tiểu bang một loại phát âm tiếng Anh khác nhưng dần dà tôi phải tập nghe quen. Có khi thiếu chữ, không diễn tả được bằng Anh văn, tôi cứ dùng chữ Pháp đọc trài trại theo tiếng Anh, mười lần cũng đúng được năm! Có vài người Hoa Kỳ khen tiếng Anh của tôi sao văn chương cổ kính quá. Thì ra đó là tiếng Pháp đọc trại ra tiếng Anh mà mấy người lập quốc Hoa Kỳ đầu tiên vốn gồm một số người Pháp cũng đã dùng những danh từ đó.

Chương trình của tôi mỗi ngày trong chuyến đi Hoa Kỳ thường gồm như vầy: Sáng 5 giờ, tôi cùng các bạn của Hội Thân Hữu Hòa Giải (FOR), hội đoàn bảo trợ cho chuyến đi của tôi, thức dậy và cả đoàn lên phi cơ bay sang tiểu bang khác. Tới phi trường lúc 8h30 sáng tôi gặp ngay báo chí ở phi trường, phỏng vấn chớp nhoáng 15 phút bởi Đài Truyền Hình địa phương để họ cho vào bản tin buổi trưa và chiều, bản news khoảng 2 phút thôi (mục đích là để có thể mời thiên hạ tới nghe tôi nói chuyện tại một giảng đường lớn của thành phố hay tại nhà thờ hoặc một Trường Đại Học lúc 20 giờ). Sau đó cũng tại phi trường, tôi họp báo nói chuyện với vài nhật báo địa phương. Xong, lên đường tới đài truyền hình địa phương để nói chuyện trong mục Trả lời những câu hỏi của khán thính giả. Khán giả đặt câu hỏi với tiếng Anh địa phương khiến tôi không hiểu gì cả. Nhưng có anh Allan Brick, bác Alfred Hassler hay anh Ronald Young người của FOR lặp lại câu hỏi bằng thứ tiếng Anh đơn giản để tôi hiểu được và tôi trả lời dễ thương, đơn giản mà hết lòng. Vì thương đồng bào mà cầu mong họ sớm dứt được nạn bom đạn đao binh, tôi yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ sớm giúp Việt Nam ngưng bắn càng sớm càng tốt, đừng gửi binh sĩ Hoa Kỳ sang Việt Nam nữa. Tôi thường mời họ hình dung cảnh thím Tư nhà cháy hai lần vì bom lửa nhưng may mà không chết. Lần nào cũng tiêu tan sự nghiệp nhưng nhờ có vợ, có chồng hai người đi mót tre, mót lá về xây căn chòi mới ở một nơi tương đối an ninh hơn, nhưng lần thứ ba thì anh Tư chết cháy cùng với cả ba đứa con. Thím ngồi im lặng nhìn vào khoảng không, thảng thốt thốt lên: “con, con đâu rồi? Con lại đây cho mẹ ôm! Ôi con tôi! Xí ơi!” Rồi thím lại ôm mặt khóc, rồi lại ngồi im ngơ ngác... Có khi là hình ảnh chú Hai ngồi nhìn trừng trừng vào không gian và những giọt nước mắt chảy dài trên má, vợ và 7 đứa con chú vừa chết hết trong trận oanh tạc vừa qua. Những hình ảnh đó đi theo tôi suốt những ngày làm việc không ngừng nghỉ và tôi không hề biết mệt.

Trưa tôi được ăn cơm với một nhóm Laymen and Clergymen of Concerns. Họ thì ăn, mình cũng được mời một đĩa thức ăn nhưng họ chỉ có giờ để vừa ăn vừa nghe tôi thôi, nếu tôi cùng ăn (mà tôi thì ăn trong chánh niệm, đâu có nói chuyện được) thì khi tôi ăn xong họ cũng ăn vừa xong và sẽ đi ngay nên tôi đành nhịn ăn, chỉ nói về niềm đau của đồng bào, về chết chóc và sau đó tôi cũng không muốn ăn luôn. Một giờ trưa tôi được nghỉ vài mươi phút, rồi đi tới một trường trung học hay giảng đường một trường đại học để nói chuyện cho sinh viên học sinh và giáo chức nghe từ 14 giờ đến 16 giờ. Tôi được ăn chiều thong thả rồi nghỉ ngơi chờ đến 19 giờ 30 mới đi đến Thính Đường lớn của thành phố cho buổi diễn thuyết chính thức. Nếu may mắn mà truyền hình ra kịp, bài báo ra kịp trước chiều đó thì Thính Đường sẽ chật người, nhưng cũng chỉ khoảng hơn bảy tám trăm người nghe thôi, nhiều lắm là một nghìn người. Nghĩ đến 200 triệu dân Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ họ gửi quân qua Việt Nam để “cứu dân Việt Nam”, tôi rất nản lòng. Nhất là mỗi lần được vào gặp State Department là nơi chính sách đã định sẵn, có khi sau cả tiếng đồng hồ tôi mở lòng ra giải thích rằng bên Việt Nam Cộng Hòa thiếu chính nghĩa vì có quân đội Hoa Kỳ tham chiến trong khi bên Cộng Sản chỉ lấy súng đạn của Nga Xô và Trung Quốc thôi mà không có binh sĩ Trung Hoa và binh sĩ Liên Bang Xô Viết..., các ông làm việc ở State Department chỉ có một câu trả lời như cái máy đã thu thanh sẵn: “Chúng tôi phải gửi quân đội và súng ống qua giúp dân Việt thoát khỏi ách nạn Cộng Sản,vì mất miền Nam Việt Nam là mất luôn các nước ở Đông Nam Á!” Dĩ nhiên tôi không được gặp ông Robert McNamara như Thầy nên các nhân viên làm sao mà dám trái lệnh Trung Ương.

Các bạn Hoa Kỳ cùng vận động hòa bình như tôi thấy tôi làm việc không ngừng nghỉ ngày này sang ngày khác thì ai cũng ái ngại muốn bớt chương trình lại, nhưng tôi căn dặn các bạn cứ tổ chức nhiều nhiều, càng nhiều càng tốt bởi vì làm sao mà tôi biết mệt được khi nghĩ tới hình ảnh thím Tư mất chồng con thảng thốt như kể trên, khi thì hình ảnh chú Hai ngồi nhìn trừng trừng vào không gian và những giọt nước mắt chảy dài trên má, vợ và 7 đứa con chú vừa chết hết trong trận oanh tạc vừa qua, khi mà chị Mai của tôi hiến cả tuổi thanh xuân và sự sống của chị để thiêu thân kêu gọi mọi người ngưng chiến.

Sử dụng tiền trong chánh niệm

Sau những chuyến đi du thuyết chúng tôi lạc quyên được kha khá tiền nhưng tôi biết rõ mỗi mỹ kim, mỗi quan Pháp là tấm lòng của những người có tâm vị tha, nên không bao giờ tôi dám xài trên số tiền người ta gửi cho nạn nhân chiến cuộc. Tôi nhận dạy kèm cho con của các gia đình khá giả tại Paris đang học Trung Học và còn yếu toán. Tôi mua các sách toán mới, toàn là loại toán mà ngày xưa tôi chưa học, ví dụ như ngày xưa tôi học các đơn vị là 10 nhưng cách học bây giờ có khi đơn vị là 5 hay 7 hay 9... nhưng tôi đọc trước và dạy sau, các em cũng có tiến bộ. Thầy thì nhận làm giảng viên tại Đại Học Sorbonne, Ecole des Hautes Etudes để có chút tiền trả tiền điện nước và mua gạo ăn. Thầy trò chỉ ăn gạo gãy mà các tiệm bán thực phẩm cho thú vật (Grainetterie) bán cho chim ăn. Thấy tôi mỗi lần mua ba bốn bịch gạo năm ký, bà bán thức ăn cho thú vật bèn hỏi: Nhà cô nuôi nhiều thú vật lắm sao? Tôi muốn nói là nhà chúng tôi có hai con cọp (là cọp Thầy và cọp tôi nhỏ hơn thầy 12 tuổi), một con khỉ (là chú Thanh Hương), một con gà (là chú Chơn Hòa) và một con khỉ (là bà Ethelwyn Best lớn hơn Thầy 18 tuổi), nhưng tôi chỉ mỉm cười không nói.

Nhiều bạn Âu Châu đến thăm văn phòng chúng tôi ở 11 rue de la Goutte d’Or, 75018 Paris và khuyên tôi nên đổi văn phòng đến một nơi trang trọng hơn vì ở đây phải leo lên năm tầng lầu không thang máy giữa một khu nghèo của thành phố Paris thì có vẻ như không đàng hoàng. Tôi mỉm cười nói, chúng tôi đại diện cho những người chạy dưới bom đạn thì văn phòng chúng tôi nghèo cũng phải thôi. Tiền để dành cho người thiếu ăn còn Văn Phòng không cần sang trọng. Báo chí viết bài khen rất nhiều và bảo đảm là gửi tiền giúp Việt Nam qua Phái Đoàn thì không mất 10% hay 20% như ở các hội đoàn khác.

Nhật báo Le Monde và ký giả Jacques De Cornoye

Trước khi tôi đến Pháp, thầy chúng tôi có làm việc với Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại, nhưng báo chí Pháp hoàn toàn không chịu đăng những tin của Hội PTVKHN gửi tới dù là những tin rất thật về tiếng nói của GHPGVNTN từ trong nước gửi ra. Họ tin tưởng ở Tòa Đại Sứ Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hơn. Hôm đó tôi quyết định đến tận văn phòng nhật báo Le Monde xin gặp ông giám đốc đặc trách về tin tức Á Châu và Việt Nam - ông Jacques De Cornoye. Tôi rụt rè bước vào văn phòng ông. Vì quá bận nên ông định từ chối nhưng thấy một cô gái Việt Nam mặc áo dài trắng, tóc dài như nữ sinh đứng tần ngần trong văn phòng bận rộn của thành phố Paris, ông hơi ngỡ ngàng không nỡ từ chối và đã quyết định tiếp tôi vài phút. Biết trước ông không có thì giờ, tôi trao cho ông một tập sách mỏng đánh máy bằng tiếng Pháp và cho ông biết đó là những ghi chép ngắn gọn của tôi về phong trào sinh viên học sinh tranh đấu cho hòa bình ở Miền Nam Việt Nam mà tôi là một trong những nhân vật ấy ở trong nước mới ra, rồi chào ông ra về. Hình như buổi gặp mặt ngắn ngủi ấy có gây chút ấn tượng nơi ông. Tôi chẳng quảng cáo gì về cái tập 30 trang giấy đánh máy với tiếng Pháp không văn chương gì mấy của tôi. Nhưng một tuần sau, ngay sau khi đọc xong, ông điện thoại cho tôi, khen bài viết rất chân thật và có nhiều tin mà xưa nay ông mù tịt. Ông xin phép tôi cho ông nhuận Pháp văn của tôi lại và cho đăng trên bán nguyệt san Esprit hai lần liên tiếp, vì những gì tôi viết đã cô đọng lắm rồi nên ông không muốn cắt bớt đoạn nào. Dĩ nhiên là tôi quá mừng và từ đó về sau, mỗi khi có tin gì từ Việt Nam gửi qua, tôi thông báo là ông đăng đầy đủ hết. Những phê bình của Thầy chúng tôi về tám điểm, bảy điểm của các phe lâm chiến, ông đều có đăng, dù chỉ một cột ngắn nhưng cũng khiến thầy trò chúng tôi tri ân và có niềm tin là những gì mình làm với tấm lòng chân thật, với trái tim tinh khiết thì khó khăn mấy cũng sẽ động lòng trời đất, nhất là phá vỡ được bức trường thành nhật báo Le Monde, tờ báo rất quan trọng mà trước đó tin tức của Thầy gửi tới không bao giờ được đăng.

Ethelwyn Best là một tác viên xã hội lâu năm của Hội FOR. Bà rất hãnh diện là Hội này đã làm việc chống chiến tranh từ hồi thế chiến thứ nhất rồi thứ hai. Ngoài ra bà còn tình nguyện đi công tác không lương cho Hội FOR khi hội nhờ bà đi Việt Nam giúp Thầy. Bà cũng là thành viên Hội International Civil Service chuyên đi làm công tác từ thiện như xây trường học, mẫu giáo, bệnh xá không công cho các nước nghèo.

Tôi quen bà năm 1967, khi hội FOR nhờ bà đi đi về về Hồng Kông, Sài Gòn để vận động thuốc men cho chúng tôi đi cứu trợ hay đem vào các Làng Tự Nguyện. Khi mướn xong văn phòng ở 11 rue de la Goutte d’Or Paris 18 thì tôi biên thư năn nỉ bà qua giúp tôi một tay. Bà nhận lời ngay và tới Maison Alfort sống với tôi liền. Thường thì bà sửa dùm những bức thư tiếng Anh mà tôi viết cho các hội đoàn với cái thứ tiếng Anh Trung Học ở Việt Nam, dở ẹc của tôi. Bà sửa cho tôi cách nói những câu tiếng Anh rất thanh tao của người trí thức. Tôi đã ăn no thì bà không cho nói I am full mà phải nói I have eaten enough! Bà leo một lèo năm tầng lầu lên văn phòng của chúng tôi không thang máy mà không cần nghỉ giữa chừng. Món ăn gì tôi nấu bà cũng thích, rất dễ nuôi. Chồng bà chết khi bà 25 tuổi, bà ở vậy suốt đời và đi làm việc thiện nguyện cho tới tuổi này là đã 76 mà vẫn tin tưởng rằng khi bà chết sẽ lên thiên đàng đoàn tụ với ông ngay. Có một hôm Thiền Sư (thầy chúng tôi) hỏi một câu khiến bà lúng túng lần đầu trong đời: Này Ethelwyn bà nghĩ rằng khi bà về thiên đàng thì ông mấy tuổi và bà mấy tuổi? Ngày ông chết ông mới 25 tuổi và là một thanh niên trẻ đẹp tuấn tú, còn bà bây giờ đã 76 tuổi, da đã nhăn, thế hai người tính sao đây khi gặp nhau? Đó là một công án thiền cho bà!

Các bạn bè khác trong phái đoàn có chị Marthe De Venoge là một dịch giả chuyên nghiệp, chỉ cần bỏ ra một buổi chiều là chị dịch xong 15 hay 20 trang tiếng Anh Le Lotus mà Thầy vừa viết xong. Tôi thì dịch ra tiếng Việt cho bạn bè người Việt ở năm Châu được đọc. Ngoài ra còn có: bác sĩ Cao Thị Dung và tiến sĩ Tạ Huệ Châu là bạn cùng học với tôi hồi trung học Marie Curie; tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng được cử làm Tổng Thư Ký hội Phật Tử Việt Kiều, đặc trách giúp quý thầy trong Phái Đoàn lo chuyện tín ngưỡng cho đồng bào, ví dụ như đi tìm mướn một appartement nhỏ để làm Niệm Phật Đường cho thầy Minh Tâm bắt đầu làm việc vì thầy lo chuyện cầu siêu cầu an cho đồng bào ở vùng Paris và ngoại ô; anh Trần Quang Hải, con trai giáo sư Trần Văn Khê; chị Trần Thị Hằng, anh Thái Quang Trung, Nguyễn Văn Liêm, Trần Thị Tuyết và anh tôi là Cao Thái Nghiệp thì đóng góp được nhiều trong việc dịch hồ sơ cô nhi vì chiến tranh. Mỗi tuần chúng tôi nhận được mấy trăm hồ sơ cô nhi và thầy trò đều chia nhau dịch.

Sau này có thêm em Bùi Thị Hương, tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, từ Nhật sang Pháp cùng làm việc. Rồi lại có Mobi Warren từ Hoa Kỳ sang, có cả Kim Thoa và Lợi sang Pháp học nữa. Khi gia đình Thoa nhờ tôi tìm nhà cho các em thì Thầy dạy chúng tôi mời anh Cao Thái và gia đình Kim Thoa mướn luôn căn hộ thứ hai cùng số 69 đường Bd Desgranges 92330 Sceaux, Phái Đoàn thì ở tòa nhà A còn anh Cao Thái và Thoa, Lợi thì ở tòa nhà B ngay sau chung cư chúng tôi để cùng làm việc cho gần.

Hai mười bốn giờ tinh khôi, một bài hát chánh niệm cho người bận rộn

Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh, chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm Cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi, cho em bầu trời bao la Mặt trời lên cao rừng cây ý thức Mặt trời lên cao, rừng cây vươn nắng chan hòa

Điệp khúc

Em đi ngang qua đồng hoa hướng dương Hàng vạn bông hoa ngoảnh nhìn về phương Đông chói sáng Ý thức em mặt trời tỏ rạng Bàn tay em gieo hạt cho mùa sang năm Biển động tai em nghe tiếng triều dâng Xôn xao mây bốn phương trời lồng lộng Quê hương thân yêu ngát hồ sen thơm Quê hương hàng dừa ven sông Ruộng đồng vươn vai cười theo bông lúa, Ruộng đồng vươn vai cười mưa vui nắng trăm mùa

Điệp khúc Em đi ngang qua đồng hoa hướng dương Hàng vạn bông hoa ngoảnh nhìn về phương Đông chói sáng Ý thức em mặt trời tỏ rạng Bàn tay em gieo hạt cho mùa sang năm Đất mẹ cho em hương quế tần ô Tía tô rau húng rau ngò mầu nhiệm Mai đây xanh tươi núi đồi quê hương Mai đây lộc đời lên nhanh Ngọt lời ca dao trần gian ca hát

Ngọt lời ca dao, cười mưa vui nắng trăm mùa

Đây là bài hát nhạc và lời do Thầy sáng tác cho chúng tôi hát để không bực bội mỗi sáng phải lái xe từ nam Paris sang tới văn phòng làm việc tận bắc Paris, và cũng tập tiếp xúc với sự mát mẻ an tịnh tâm hành khi nghe tin bom đạn chỗ này, chết chóc làng xã kia, có nơi có những tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đang làm việc.

Pierre Marchand và Uỷ Ban Giúp Trẻ Em Việt Nam

Một hôm tôi được mời tới Hội Đoàn Mouvement International de Réconciliation (MIR, tên tiếng Pháp của FOR) để nói chuyện về Việt Nam. Có khoảng 80 người ngồi nghe và đặt câu hỏi là họ có thể giúp được gì. Một thanh niên Pháp mới 17 tuổi mặt mày sáng sủa đã đến bên tôi và cho tôi biết em rất cảm động nghe những gì tôi nói và quyết sẽ đến giúp tôi dù em chưa biết là bằng cách nào. Em ấy xin đến văn phòng của tôi để gặp Thầy và các bạn khác. Lúc này Thầy có lương của Đại Học Sorbonne nên quyết định tìm một appartement lớn để tất cả thầy trò cùng ở và làm việc nguyên ngày đêm tại một chỗ, khỏi phải lái xe băng qua Paris hằng ngày, chính là appartement ở tòa nhà A số 69 đường Desgranges, Sceaux. Em người Pháp đó tên là Pierre Marchand. Hôm sau em đến thăm tôi với một đóa hồng đỏ để tặng tôi, em nói em cảm động lắm và rất thương chị Nhất Chi Mai khi nghe tôi kể chị đã tự thiêu cho hòa bình. Pierre muốn làm đủ cách để có thể giúp Việt Nam và xin được giúp bất cứ việc gì ở Văn Phòng Phái Đoàn như xếp tờ Le Lotus, ghi địa chỉ dán tem, và ngồi chép tên tuổi từng em sẵn vào bản dịch tiếng Pháp để khi nào chúng tôi - người Việt - rảnh thì ngồi dịch ngay tiểu sử của các em mà khỏi cần chép lại tên tuổi. Tôi cho Pierre xem hình các bé mồ côi mà chúng tôi nhận từ Việt Nam và nhờ Pierre tìm người bảo trợ. Pierre cứ ngồi ngắm hình từng em và rưng rưng muốn khóc. Sau này tôi mới biết Pierre làm sao mà tìm ra người bảo trợ vì cậu bé mới 17 tuổi. Em không thích đi học nữa, chỉ muốn đi làm từ thiện giúp trẻ em thiếu ăn. Ba của Pierre là một đại thương gia rất giàu có (điều này tôi chỉ mới biết sau này) đã rất giận em bỏ học đi theo tôi. Pierre yêu cầu tôi để em tổ chức một Đại Nhạc Hội để lạc quyên cho trẻ em Việt Nam. Pierre đưa tôi xem một danh sách các danh ca nổi tiếng nước Pháp đương thời như Graeme Allwright, Claude Nougaro, Nana Mouskouri... Tôi thì mù tịt về những danh ca đương thời nhưng đã tùy hỷ công đức, tôi bảo em cứ làm đi, giúp được gì thì tôi sẽ giúp nhưng tôi không đứng ra lo được vì rất bận. Sau một tuần vắng mặt Pierre trở lại báo tin là đã có được sự đồng thuận của Greame Allwright và Pierre định đi mướn Đại Sảnh Đường 2.000 chỗ của Palais de la Mutualité Maubert, tốn 3.000 Francs một đêm. Pierre bảo tôi cho em mượn tiền đặt cọc để mướn rạp và nhờ tôi trình bày quảng cáo để em gửi đăng báo chí với đài phát thanh và làm những áp phích đi dán các nơi công cộng tại Paris cho mọi người biết. Cũng chính Pierre định giá 10 Francs mỗi người. Thường thì vé vào cửa đêm hát của những tài tử danh tiếng như vậy phải 30 Francs. Nhưng Pierre nghĩ đến túi tiền của những thanh niên như em, nên tính giá quá rẻ. Tôi có giới thiệu Pierre với anh Hướng, chị Dung, bảo Pierre mượn tiền họ rồi bán vé xong sẽ trả lại sau nhưng những người này không nghĩ đó là một chuyện nên làm nên không giúp. Tôi thương tấm lòng một người trẻ nên làm liều lấy quỹ trẻ em mồ côi mà chưa gửi về Việt Nam cho Pierre mượn đi đóng tiền cho Hội Trường Palais de la Mutualité. Đưa 3.000 Francs cho Pierre xong thì tôi sợ mất tiền vì nếu đến ngày nhạc hội mà không ai mua vé thì sẽ không đủ tiền trả nợ và có chút lời cho trẻ em mồ côi vì chiến tranh. Vì thế đã phóng lao tôi phải theo lao, tối nào khi mọi người đã đi ngủ, đường phố không kẹt xe tôi cũng chở Pierre đi dán áp phích (affiches) trên các cột quảng cáo của đường phố Paris. Mới dán tối hôm trước, tối sau trở ra để dán chỗ khác thì thấy áp phích của chúng tôi ở chỗ cũ đã bị dán chồng lên. Thật là nản! Nhưng tôi vẫn phải dán lại và thức đêm thêm để đi dán nhiều chỗ, nhiều khu phố những nơi gần các trường đại học v.v..

Đến ngày Nhạc Hội, ngày 27 tháng 06 năm 1973, anh chị em chúng tôi đứng soát vé vào cửa, nhưng không ai trong Phái Đoàn có thể ngờ thiên hạ đến đông như thế. Đúng là một nước Pháp khác với những người Pháp đã đến với chúng tôi vì hòa bình. Toàn là người trẻ, trí thức, ưa nếp sống tâm linh, thích những bản nhạc của The Beatles. Họ đến vì Graeme Allwright là một ca sĩ Pháp dịch các bài ca của The Beattles để hát và người trẻ “mê” anh dễ sợ. Người trẻ đòi vào cửa nhưng hết vé, hết chỗ, may mà hồi này nước Pháp chưa nghiêm ngặt lắm về tiêu chuẩn an ninh hỏa hoạn nên cho chúng tôi mở toang các cửa để khán giả vào ngồi chật cả các lối giữa các hàng ghế, rồi cũng hết chỗ nên họ leo luôn lên cả trên khán đài với ca sĩ. Ca sĩ Graeme Allwright chịu chơi, anh hát trước, rồi sau đó mời mọi người hát theo luôn. Vui ơi là vui. Hết vé, thanh niên vào cửa cứ xòe ra 10 Francs, chúng tôi lấy tiền mặt đủ 10 Francs rồi cho vào không có vé! Sau buổi Nhạc Hội, chúng tôi trả hết nợ 3.000 Francs và còn dư ra 17.000 Francs cho trẻ em mồ côi vì chiến tranh Việt Nam, số tiền lớn nhất xưa nay. Tôi cám ơn Pierre và viết một bức thư cho ba của Pierre để cám ơn ông có người con trai rất xứng đáng, đã hy sinh hết lòng cho trẻ em mồ côi vì chiến tranh Việt Nam. Ông trả lời bằng một bức thư gửi bảo đảm, báo tin là ông sẽ kiện tôi ra tòa vì tội dụ dỗ vị thành niên! Và ông định làm thật. Pierre hay tin này thì buồn lắm, bỏ ăn cả ngày. Thấy vậy Thầy bèn lấy cho Pierre cái huy chương mà đức Giáo Hoàng Paul VI đã tặng Thầy. Mẹ của Pierre là người Công Giáo nhưng mất sớm, nên Pierre cảm động lắm, ôm cái huy chương của Giáo Hoàng và phát một lời nguyện là từ rày về sau em sẽ hết lòng lo cho trẻ em Việt Nam. May mắn cho tôi và cho Pierre, tháng đó Pierre đúng 18 tuổi và chính phủ Giscard D’Estaing mới lên, Tổng Thống Pháp ra quyết định hạ tuổi thành niên xuống 18 thay vì 21 như xưa. Thế là hai chị em tôi thoát nạn, ba của Pierre không kiện tôi được. Đúng 18 tuổi Pierre quyết định đứng ra thành lập một hội chính thức lo cho Trẻ Em Việt Nam, khai báo với chính quyền Pháp hẳn hoi. Thế là Comité Pour Les Enfants du Việt Nam ra đời, có trương mục ở ngân hàng đàng hoàng và Pierre bắt đầu gõ cửa từng tờ báo xin đăng tin miễn phí! Chú Pierre này có phước nên xin gì cũng được. Ban đầu là tờ báo rơi Télérama (hồi này nhỏ lắm), chỉ đăng lời kêu gọi của Pierre một lần, thế mà chúng tôi nhận được 200 bức thư xin bảo trợ trẻ mồ côi Việt Nam, mỗi thư xin đơn và hình một em bé mồ côi. Thế rồi báo này kéo báo khác, dần dần Hội của Pierre bảo trợ đến 3.000 em. Lúc đó Neige Achiary là bạn cũ của Pierre từ Maroc sang Pháp cũng xin tới ở làm việc chung với Pierre và tôi ở Phái Đoàn. Neige cũng làm việc hết lòng, dịch xong ra tiếng Pháp quyển Phép Lạ của sự tỉnh thức từ bản tiếng Anh mà Mobi Warren đã dịch từ Việt ra. Sau này Pierre cưới Neige và hai người dọn ra riêng, đặt trụ sở Hội về Compiègne nhưng vẫn thường xuyên đến với Phái Đoàn. Hội của Pierre sau 1975 đổi thành Partage avec les Enfants du Tiers Monde và sau này lại đổi tên thêm lần nữa là Partage. Năm 1992 Hội Partage có rất đông người ủng hộ và tiền thu hằng năm lên đến 62 triệu quan. Tôi nghĩ đó là nhờ tài khéo tổ chức của Pierre vì hưởng được cái tài giỏi của cha và tình thương người của người mẹ Công giáo. Hội này chỉ giúp Việt Nam một phần nhỏ. Lúc sau này, khi tôi ngưng giúp Việt Nam, Pierre trang trải tình thương ra hơn mười nước nghèo đói khác. Vì Hội có nhiều tiền quá nên kẻ tham tiền và tham quyền chen vào. Tôi cố gắng giúp Pierre nhưng không được nên Pierre đành rút lui, giao hội lại cho nhóm người rất dữ dằn vì tham quyền tham danh.

Alfred Hassler và Hội Fellowship of Reconciliation (viết tắt FOR)

Hội FOR là một Hội do các đạo hữu Ky Tô thành lập năm 1914 từ thế chiến thứ nhất và tiếp tục tranh đấu cho Hòa Bình qua thế chiến thứ hai 1945. Khi đó Hội có chi nhánh trên 31 nước và nhánh nào cũng chỉ gồm tín hữu Ky Tô. Nhưng từ khi gặp Thầy, ông Alfred Hassler, Tổng Thư Ký FOR Hoa Kỳ và là chủ tịch của FOR thế giới, thương quý Thầy, thương Việt Nam và thương đạo Bụt lắm nên ông mời Thầy làm Phó Chủ Tịch FOR Hoa Kỳ cùng với Mục Sư Martin Luther King Jr. Ông tổ chức thêm một chi lấy tên là Buddhist Peace Fellowship (BPF) - Phật tử thân hữu tranh đấu cho hòa bình - để người Phật Tử có chỗ đứng trong Hội FOR và nhờ đó mà có thêm đồng minh tranh đấu cho hòa bình.

Nhờ FOR bảo trợ những chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình cho Việt Nam mà Thầy chúng tôi đã gióng lên được tiếng kêu của người dân chạy dưới đạn bom, những người không quen biết ai bên này và không thể nhờ cậy những phe thân với các chính phủ lâm chiến nói giúp để thế giới hiểu cho thảm trạng của họ. Thầy mong làm được một việc quá khó, tưởng như không thể nếu ở Việt Nam, đó là: hồi giữa năm 1966, Thầy đang ở trên đất nước Hoa Kỳ mà muốn chống đối chính sách chủ chiến của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng sang đây, nhờ thể chế thật tình dân chủ của đất nước này mà ai cũng có quyền lập hội. Nhìn danh sách các hội viên hay vị chủ tịch, các vị đồng phó chủ tịch hội FOR trong các nước, Thầy đã biết đây là một hội đoàn có đạo đức và tin tưởng được. Thầy mới tới xứ lạ quê người nên muốn nhờ một tổ chức có tiếng là liêm khiết đã từng tranh đấu cho hòa bình qua hai cuộc thế chiến.

Ngược lại, nhờ bảo trợ những chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình cho Việt Nam của Thầy và chúng tôi mà Hội FOR được kính nể và càng ngày càng đông thành viên. Đó là vì người đến nghe thầy Nhất Hạnh diễn thuyết, mến mộ Thầy và trở nên thành viên FOR.

Hội thì vì thương Thầy và thương lý tưởng của Thầy nên có thêm hội viên, còn Thầy thì từ là một ông thầy tu Việt Nam chưa quen biết ai, nay bỗng nhiên có cả một cơ cấu nhân sự ở mỗi thành phố đứng ra lo cho mình. Họ viết tiểu sử Thầy, yêu cầu hội viên đóng góp tài chính để tổ chức một cuộc du thuyết cho Thầy đi từng tiểu bang Hoa Kỳ, gặp những nhân vật có đạo đức được kính nể ở mỗi tiểu bang đó hay trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Khi gặp được Thầy thì ai cũng thương Thầy và phục đạo Phật nên số người ghi tên vào Hội FOR và mua nguyệt san tăng gấp 3 rồi gấp 5 lần. Ngày chưa có thầy Nhất Hạnh làm Phó Chủ Tịch, Hội FOR Hoa Kỳ chỉ có khoảng 3.000 hội viên. Sau chuyến du thuyết đầu của Thầy, FOR Hoa Kỳ đã có trên 20.000 hội viên rồi 30.000 hội viên. Chi nhánh FOR tại các nước như Pháp, Anh, Hà Lan, Tây Đức dù cũng có những nhân vật cao đức được người dân trong nước kính nể nhưng có lẽ do sự tổ chức yếu hơn nên số hội viên chỉ vài ngàn người thôi. Nhưng sau khi Thầy đi kêu gọi hòa bình ở các nước Anh, Đức, Na U, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan thì Hội lớn nhanh như thổi. Có khi một vị linh mục ngồi dưới thính đường nghe Thầy mà nước mắt lưng tròng, sau đó ông rụt rè chia sẻ ông đi theo nhà dòng 25 năm mà không ai dạy ông cái nhìn sâu sắc về chúa Ky Tô như Thầy dạy. Thầy dùng cái nhìn chánh niệm để chia sẻ cái thấy của Thầy khi người tin Chúa sắp rước mình bánh thánh: người rước bánh thánh nên đem tâm về với thân, tâm thân thanh tịnh, bạn mở miệng ra đón nhận tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác như rước Thượng Đế - nền tảng của sự sống - vào người. Ý của Ky Tô là muốn bạn sống cho sâu sắc phút giây hiện tại. Lịch sử của chuyện rước bánh thánh là trong buổi ăn chiều cuối cùng của Ky Tô với 12 người tông đồ, ngài nhận thấy các bạn ấy chỉ ăn uống trò chuyện rất hời hợt, không trân quý phút giây quý báu bên nhau. Chúa Ky Tô mới bẻ bánh mì và nói: Đây là da thịt ta đó, tỉnh dậy và ăn đi, để có sự sống đời đời! Ngài đưa ly rượu vang ngài đang cầm trong tay lên, đánh thức 12 tông đồ bằng câu: Đây là máu ta, mấy người hãy tỉnh dậy, uống đi cho sâu sắc để ta có bên nhau đời đời. Theo Thiền Sư thì đây là để đánh thức các đệ tử sống trong quên lãng trở về phút giây hiện tại đang được ngồi chơi vài giờ với Chúa Ky Tô. Các vị đệ tử Chúa Ky Tô nghe thế thì thương và phục Thầy quá đi, mà Alfred Hassler là số một. Những gì Thầy đề nghị ông đều làm theo rất trung kiên và thương quý. Thầy bảo ông đi Việt Nam gặp thầy Trí Quang để xin lời dạy bảo. Ông đến Việt Nam vào tháng 7 năm 1966. Vào lúc đó, Thượng Tọa Trí Quang vừa chấm dứt 100 ngày tuyệt thực sau khi thấy Hoa Kỳ chỉ ủng hộ ông Nguyễn Cao Kỳ đem xe tăng xuống đường bắt Phật tử Huế và Đà Nẵng. Thầy Trí Quang rất ghét Mỹ, không tiếp bất cứ ký giả Hoa Kỳ nào. Tôi đưa ông vào gặp Thượng Tọa ở chùa Ấn Quang. Thầy Trí Quang gặp tôi nhưng từ chối “tau không gặp bọn Mỹ phản phúc” nên không tiếp Alfred. Alfred tự ý biên một tờ giấy nhét vào khe cửa của thầy Trí Quang trong đó ông tuyên bố: “Thưa thầy, người Mỹ có người phản phúc nhưng có người trung kiên, có người đủ liêm khiết và muốn tôn trọng tự do dân chủ của nước mình và các nước Hoa Kỳ giúp, thực hiện đúng kỳ vọng mà tổ tiên lập quốc chúng tôi đã phát nguyện là quyết chí làm hướng đi cho nhân loại, giúp nhân dân Việt Nam phục hồi tự do và dân chủ. Tôi là loại người Mỹ thứ hai. Thầy mà không tiếp tôi, tôi xin phép ngồi thiền và tuyệt thực cho tới khi thầy hiểu được và tiếp để tôi thưa chuyện thì tôi mới về.” Thế là Alfred ngồi thiền thật, trước cửa phòng thầy Trí Quang ở chùa Ấn Quang. Gần hai giờ sau thầy ngủ trưa dậy, mở cửa ra, thấy ông vẫn ngồi thiền tại đó nên cười thật tươi, mời vào. Sau chuyến đi Việt Nam được thăm thầy Trí Quang, Alfred Hassler rất lên tinh thần và xin tôi cho tên 300 vị thầy tu đang tuyệt thực ở khám Chí Hòa vì bị bắt lính và thuyết phục Heidi Vacarro, chi nhánh Ý Đại Lợi của FOR đi mời 300 vị linh mục Công Giáo chịu đi diễn hành một ngày chủ nhật, mỗi vị mang tên một tu sĩ PGVN để thiền hành im lặng qua các đường phố Rome. Báo chí Ý Đại Lợi đăng hình và tin rất hồ hởi và tiếng nói của Phái Đoàn được thế giới chú ý nhiều thêm.

Alfred Hassler và Ủy Ban Lương Tâm Quốc Tế về Việt Nam và chương trình Đại Đồng Thế Giới - Great Togetherness

Như đã nói, Alfred Hassler là người bạn Hoa Kỳ trung kiên nhất, hết lòng ủng hộ phong trào kêu gọi Hòa Bình Việt Nam trong tinh thần bất bạo động do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chủ xướng mà người đại diện ở hải ngoại là thầy Nhất Hạnh. Sau khi nghe thầy Nhất Hạnh nói chuyện lần đầu ở Đại Học Cornell, ông như tìm ra viên ngọc quý. Ông làm mọi cách để đưa Thầy đi gặp các nhà đạo đức lớn như Mục Sư Martin Luther King Jr., Thomas Merton, Arthur Miller... để Thầy thuyết phục các vị lãnh đạo nhân quyền này chịu dấn thân cho Việt Nam. Trước khi gặp thầy Nhất Hạnh, Mục Sư Martin Luther King chỉ đấu tranh cho quyền công dân của người da màu bị da trắng kỳ thị nặng. Nhiều cố vấn trong phong trào tranh đấu cho dân quyền Hoa Kỳ đã khuyên ngài không nên đụng tới chuyện chiến tranh Việt Nam vì nếu Mục Sư nói đụng tới những điều mà ngài không nắm vững về tình hình Việt Nam thì có thể làm cho cuộc tranh đấu của ngài cho dân quyền tại Hoa Kỳ bị mất nhiều người ủng hộ. Nhưng sau khi gặp thầy Nhất Hạnh chỉ trong vòng một giờ, ngài đã rất cảm mến, có niềm tin lớn nơi Thầy và quyết định họp báo lên tiếng ủng hộ Lời kêu gọi ngưng chiến tại Việt Nam do thầy Nhất Hạnh đề xướng qua năm điểm đề nghị.

Alfred đã rất hứng thú khi nghe thầy Nhất Hạnh quyết định cô đọng ngay những gì Thầy diễn tả về chiến tranh Việt Nam thành một cuốn sách rõ ràng vì người đến nghe Thầy thuyết giảng chỉ bằng một phần ngàn số lượng độc giả có thể đọc sách và hiểu tình hình hơn. Nhờ thế Thầy đã viết ngay cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa. Alfred liền tìm ngay một nhà xuất bản lớn của Hoa Kỳ - nhà Hill &Wang thuộc hệ xuất bản lớn Doubleday - để in cuốn này và họ đã phổ biến 40.000 cuốn chỉ trong vòng mấy tháng. Nhiều nhà nhân bản, nhiều chính khách, nhiều chính trị gia đánh giá cuốn sách rất có giá trị lịch sử, khoa học mà lại giúp họ thấy chiều sâu của một đạo Phật mà xưa nay họ hiểu rất hời hợt, thật là cuốn sách giá trị nhất mà họ đọc được trong chiến tranh Việt Nam, giá trị về cả phương diện lịch sử tôn giáo đến văn hóa Việt Nam và cả đến tình người. Alfred cũng là người quan trọng giúp Thầy đi du thuyết cùng khắp nước Mỹ và nhờ hội FOR trong 46 nước tổ chức cho Thầy đi nói chuyện với các nhà nhân bản tại các nước này để ảnh hưởng tới cuộc ngưng chiến tại Việt Nam. Alfred đã viết cuốn Saigon USA và thành lập Ủy Ban Lương Tâm Quốc Tế về Việt Nam - International Committee of Conscience on Vietnam (ICCV) để kêu gọi 10.000 nhà nhân bản trên thế giới ký thư kêu gọi ngưng chiến tại Việt Nam và 10.000 tên tuổi này đã được đăng trên báo New York Times và nhiều nhật báo quan trọng của các nước như International Herald Tribune, Le Monde (Pháp), Trouw (Hà Lan), Tribune de Geneve (Thụy Sĩ), v.v... Đa số công việc của Ủy Ban này là: chi nhánh các nước đi vận động các nhà nhân bản địa phương đứng ra kêu gọi chính phủ và dân nước họ nghỉ chơi với các nước dính líu đến chiến tranh Việt Nam.

Alfred cũng hiểu sâu sắc những ưu tư của Thầy và cùng Thầy tìm cách khuyến thỉnh mọi người lưu ý che chở trái đất, kêu gọi các nước trên toàn cầu giảm lãng phí tài nguyên địa cầu như điện, dầu hỏa, giảm đốn rừng để lấy đất chăn nuôi...

Affred Hassler và chương trình Đại Đồng Thế Giới

Để bắt đầu thực hiện chương trình cứu trái đất của Thầy, Alfred Hassler đã khéo léo thực hiện đề nghị của Thầy là mời được sáu khoa học gia có tiếng tăm trên thế giới họp buổi họp đầu để nghe thầy Nhất Hạnh trình bày ý tưởng đại đồng, để mọi người thấy chúng ta chỉ có một quả địa cầu làm ngôi nhà chung cho toàn thể nhân loại, cho toàn thể mọi loài sinh vật, cỏ cây và đất đá thôi. Thầy đề nghị những nhà khoa học có tên tuổi này tìm cách kêu gọi để các nước đừng vì cái lợi cục bộ, chỉ vì muốn phát triển để làm lợi cho riêng cơ sở cá nhân mình hay cho riêng đất nước mình mà không đếm xỉa gì đến việc tôn trọng sinh thái của núi, của rừng, của biển, của sự hài hòa giữa các loài, quên đi đường dài khổ đau của đất mẹ thì toàn thế giới sẽ lâm nguy. Lúc này là năm 1970, Liên Hiệp Quốc chưa hề có buổi họp nào về tôn trọng sinh môi. Buổi họp đầu tiên là tại căn phòng nhỏ xíu, chỗ Thầy cư ngụ với hai chú Thanh Hương và Chơn Hòa tại số 88 Avenue Gambetta, ở Maisons Alfort ngoại ô Paris, gồm có Thầy, Alfred Hassler, thư ký của Alfred là Dorothy Murphy, Ethelwyn Best và tôi. Thầy chia sẻ ưu tư của Thầy và đề nghị thành lập ngay chương trình Đại Đồng Thế Giới dịch là The Great Togetherness. Alfred đồng ý ngay và năm người đã đồng ý nhờ họa sĩ trình bày biểu tượng của Đại Đồng Thế Giới (xem kèm hình Đại Đồng) là hình năm em nhỏ đại diện cho năm Châu của địa cầu cùng nắm tay nhau bao quanh trái đất. Lần thứ hai là buổi họp với sáu khoa học gia nổi tiếng tại Menton gần thành phố Nice miền đông nam nước Pháp. Tiến sĩ Pierre Lépine, khoa trưởng Viện Pasteur Paris và là tác giả nhiều chương trình khảo cứu về vi trùng học đã được những người trong buổi họp đề nghị thảo ngay bản kêu gọi toàn thế giới lắng nghe tiếng gọi của địa cầu vì Pierre Lepine rất sâu sắc và phát biểu nhiều tư tưởng độc đáo. Chúng tôi cũng quyết định gửi bản tuyên ngôn kêu gọi này đi các nước để mời những khoa học gia lỗi lạc của từng nước cùng ký tên. Bản tuyên ngôn này có tên là Menton Statement, the Calling for help from the Mother Earth.

Năm 1971, bản Tuyên Ngôn từ Menton - lời kêu cứu của địa cầu do Đại Đồng Thế Giới đề xướng cùng với chữ ký của hơn năm nghìn khoa học gia các nước Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển được đăng trên các tờ báo lớn như đã kể trên đã đánh động những người có cùng ưu tư trên thế giới. Vì vậy nên ngay sau đó Liên Hiệp Quốc đã quyết định có buổi họp mặt Liên Hiệp Quốc đầu tiên về bảo vệ địa cầu tại Stockholm vào tháng 6 năm 1972.

Các khoa học gia cho Thầy biết là họ rất ngại rằng Liên Hiệp Quốc, xưa nay vốn hay bị áp lực của các nước lớn, sẽ họp bàn lấy lệ chứ cuối cùng có thể sẽ không chịu ghi rõ ra những điều mà các nhà bảo vệ sinh môi thật tình lên án các nước lớn đã vì quyền lợi riêng tư mà tàn phá trái đất. Biết trước thế nên vào tháng 6 năm 1972, nhóm Đại Đồng Thế Giới quyết định mở ngay một đại hội lo cho địa cầu, cũng họp mặt tại Stockholm cùng thời gian đó, cũng mời các khoa học gia bảo vệ sinh môi nổi tiếng và thuộc giới tiến bộ, đồng thời cũng mời luôn các khoa học gia bảo vệ địa cầu được Liên Hiệp Quốc mời mà dám thẳng thắn lên tiếng. Hơn phân nửa các nhà bảo vệ sinh môi vừa đi họp bên LHQ vừa đi họp bên Đại Đồng Thế Giới. Những vị này quyết định nếu tiếng nói của họ không được tôn trọng trong đại hội của LHQ, nếu LHQ không nói rõ, không nêu tên thẳng những nước lớn đang vì những hành động như phát triển kỹ nghệ chăn nuôi, sản xuất nhiều thịt bò heo gà... mà phá rừng, tàn phá trái đất thì đại hội bên Đại Đồng sẽ nói.

Nhưng niềm vui của Thầy và chúng tôi khi tham dự đại hội Stockholm này bị gián đoạn khi hay tin thầy Thanh Văn, Giám Đốc điều hành trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở Việt Nam vừa viên tịch vì bị một binh sĩ Hoa Kỳ say rượu lái xe đụng chết. Chưa bao giờ tôi thấy Thầy khổ đau như chiều hôm ấy khi cầm tấm điện báo trong tay và gọi tôi đến cùng đọc lại điện thư. Thầy Thanh Văn không chỉ là người học trò yêu quý, xứng đáng, can đảm băng qua bom đạn để thương thuyết hầu che chở cứu mười một nghìn đồng bào mà còn là người đang lãnh đạo phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đại diện cho thế hệ trẻ đang đương đầu với bom đạn để đem tình thương đến cho đồng bào bất hạnh chạy dưới lửa đạn. Dẫu biết rằng con chim đầu đàn ngã thì đàn chim vẫn tiếp tục cuộc hành trình, dẫu biết rằng thầy Thanh Văn sẽ xuất hiện trong hàng trăm người trẻ Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội khác dù thầy Thanh Văn vì thiếu nhân duyên mà bắt buộc bị ẩn tàng hôm nay... nhưng thầy Nhất Hạnh lúc ấy vẫn là một người đang tập sự quán chiếu về sinh tử nên Thầy vẫn xanh xao im lặng luôn mấy tuần. Bây giờ thì Thầy hiểu hơn, Thầy nói cộng nghiệp của toàn dân Việt Nam còn nặng quá, không đủ lành để che chở một người trẻ xứng đáng như thầy Thanh Văn thoát khỏi cánh tay say rượu của người lính Hoa Kỳ.

Nhắc đến Alfred Hassler, chúng tôi nhớ một câu chuyện vui mà Alfred và Thầy vẫn nhắc lại và cười thích thú với nhau. Số là hôm ấy để giúp cho chương trình Đại Đồng Thế Giới có chút ít tiền cho ban tổ chức có thể đi tới nhiều nước vận động những người có tiếng tăm để họ kêu gọi thế giới chú tâm che chở địa cầu, Alfred đã lấy được cái hẹn với nhà tỷ phú Chester Carlson, người sáng chế ra máy Xerox photocopy và hứa hẹn có thể tặng một triệu dollars cho một chương trình lớn của Đại Đồng Thế Giới dạy về sự tương tức, hầu thể hiện lòng từ lớn. Alfred tin là với tuệ giác của Thầy, Thầy sẽ cảm hóa vợ chồng nhà tỷ phú này và bà vợ ông Chester Carlson sẽ tặng một triệu dollars cho chương trình. Bà tỷ phú hỏi Thầy một câu về tái sinh và chắc mẩm Thầy sẽ xác nhận cái thấy của bà về chuyện đầu thai kiếp sau sẽ tiếp tục làm nhà tỷ phú. Mục đích của Thầy là dạy đạo nên không “ngoại giao” xác nhận bà sẽ sinh ra làm người giàu như kiếp này mà chỉ dùng một công án thiền để hỏi vặn lại bà, hầu giúp bà thức tỉnh về cái thấy nhị nguyên rất cạn ấy: “Này bà, nếu đạo Bụt dạy vô ngã thì “ai” sẽ tái sinh? Ai sẽ đầu thai đây? Bà nên tập nhìn sâu hơn về giáo lý vô ngã và sự tái sinh, bà sẽ khám phá ra nhiều điều kỳ diệu lắm. Đạo Phật không đơn giản như vậy đâu”. Bà tỷ phú ngạc nhiên nhưng chắc không tỉnh dậy bởi công án ấy nên chương trình Đại Đồng Thế Giới cứu địa cầu mất dịp có được một triệu mỹ kim của bà tỷ phú Phật tử. Thầy và Alfred thỉnh thoảng nhắc lại để cười thích thú về tư cách của thiền sư đối với tài chính!

Laura Hassler and Jim Forest

Con gái của Alfred là Laura Hassler xinh đẹp và quý phái. Tóc em vàng và đôi mắt thật xanh, tâm hồn đôn hậu và tiến bộ. Laura đã đến làm việc thiện nguyện với Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN từ đầu năm 1971 khi cô 24 tuổi. Em như một con chim tươi mát, cùng làm việc với chúng tôi từ 8h sáng đến khi ăn chiều lúc 20h. Cơm nước xong Thầy không cho làm việc nữa, anh chị em chúng tôi ngồi quây quần bên Thầy nói chuyện văn hóa Việt Nam, văn hóa Hoa Kỳ và Laura dạy cho chúng tôi các bài dân ca Hoa Kỳ. Jim Forest, một thanh niên Hoa Kỳ, là ký giả khá nổi tiếng và là nhân viên trong phong trào tranh đấu cho Hòa Bình FOR cùng làm việc với Alfred Hassler, cha của Laura. Các em dạy tôi rất nhiều dân ca Hoa Kỳ và hay thuật những mẩu chuyện nhỏ trong đời các sinh viên Hoa Kỳ cho tôi nghe. Các em Laura, Jim và Raphael Ruiz, Marie Emmeny... quả thật là những thiên thần sẵn sàng có mặt, sẵn sàng lắng nghe khi thầy trò chúng tôi nhận được những tin đau buồn từ trong nước hay từ các bạn ngoại quốc hiểu lầm đường lối của Giáo Hội, tin về quần chúng đang chạy dưới bom đạn ở Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt tha thiết lắng nghe của Jim và Laura là thầy trò chúng tôi sẵn sàng mở lòng ra chia sẻ hết những khó khăn, những uẩn khúc, mặc cảm của từng hoàn cảnh. Tối tối Thầy thường dạy Laura, Jim, Pierre, Neige, Raphael, Marie Emmeny và cả chính những người Việt như tôi, chú Thanh Hương, Bùi Thị Hương, anh Sáu Cao Thái, Trung, Hằng, Liêm, Tuyết, Thoa và Lợi nhiều về văn hóa và phong tục Việt. Jim và Laura đã lắng nghe, đã hiểu và đã viết bài rất khéo để chuyển tải những uẩn khúc ấy cho độc giả của họ. Jim Forest vốn là chủ bút tờ bán nguyệt san Fellowship của FOR và hay viết nhiều bài đăng ở các tờ báo của các nhóm tranh đấu hòa bình. Nhân được Thầy dạy về câu ca dao Việt Nam “chỉ có cơm thương mình thôi”, anh đã viết một tiểu luận in thành cuốn sách nhỏ “Only the Rice loves you” rất dễ thương. Sau đó nhà xuất bản Hòa Bình Press của anh đã in cuốn sách mỏng Nẻo Về Tiếp Nối Đường Đi của Thầy, cuốn sách viết về tuệ giác của Thầy về cái chết và sự “tái sinh” của chị Nhất Chi Mai và của bốn Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội Hy, Tuấn, Thơ, Lành bị ám sát bên bờ sông Bình Phước khi đi công tác ở đó.

Jim đưa Linh Mục Daniel Berrigan đến Văn Phòng Phái Đoàn Hòa Bình, Cha đã xin ở lại luôn một tháng để cùng Thầy viết cuốn sách “The Raft is not the shore” (Chiếc bè không phải là bờ bên kia) ghi lại cuộc đối thoại của Thầy và cha Berrigan về những tương đồng giữa đạo Bụt và đạo Chúa. Trong những tháng chót của cuộc hòa đàm cho Việt Nam tại Paris, các bên lâm chiến tranh đấu rất ráo riết, bên chính quyền Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẵn sàng chụp mũ rằng Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất trụ sở ở Chùa Ấn Quang là hủ hóa, đã bị tình báo Hoa Kỳ mua, rằng Phái Đoàn Hòa Bình của Giáo Hội là thân phe chủ chiến. Vì thế sau khi nghe giải thích cặn kẽ, Laura và Jim thay nhau viết những bài rất sâu sắc để nói lên chỗ đứng văn hóa và tinh thần của Phật Giáo Việt Nam. Văn phong của Jim rất nhẹ nhàng có khi khá hài hước. Ví dụ như sau 1975, chúng tôi được tin hàng trăm ngàn sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù, bị “học tập cải tạo” rất vất vả và khốn đốn, thế nhưng các nhóm Hoa Kỳ thân với chính quyền Hà Nội xưa nay như anh Doug Hostetter nói và viết nhiều bài rằng: “Ở Việt Nam không có nhà tù nào cả. Sau khi Việt Nam được giải phóng, ở nước này chỉ có Trường học để huấn luyện cải tạo lại những người có tư tưởng lệch lạc thôi”. Nghe vậy Jim đã trả lời: “Tôi vốn là người bình dân, không ưa dùng những từ ngữ hoa mỹ để che dấu một sự thật phũ phàng. Khi các ông cai ngục cầm súng dí vào mặt người ta, bắt buộc người ta làm việc quần quật, cho ăn rất ít gần như bỏ đói, đánh đập khi không nghe lời, và dí súng vào lưng dọa bắn nếu bất tuân, thì tôi, Jim Forest, cho đó là bị ở tù, không phải trường học, không có học hành gì hết.”

Khi phong trào hòa bình rất lớn, có số theo Phái Đoàn Phật Giáo, theo Thầy nhưng cũng có một số kêu gọi hòa bình lâu quá mà chưa thấy kết quả gì thì nản lòng nghĩ rằng bất bạo động như Thầy quá lý tưởng, thôi thì ủng hộ chính quyền Hà Nội để cho quân đội Hoa Kỳ thua càng sớm càng tốt, để chính phủ Hoa Kỳ học một bài học. Họ chỉ muốn Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Hoa Kỳ thua trận cho thật đậm, thật đau thôi, không có kêu gọi ngưng chiến và rút quân theo lịch trình xếp đặt trước (cease-fire and withdrawal of American troops according to the calendar) như Thầy đề nghị.

Tóm lại, phía bên Hoa Kỳ Jim và Laura là những chiến sĩ hòa bình giỏi nhất. Chính họ đem vô số hội đoàn, những nhà nhân bản lớn đến để được Thầy khai thị về tình hình Việt Nam.

Hòa Ước được ký tháng 3 năm 1973

Ngày hay tin Hòa Ước về Việt Nam vừa được ký tại Paris, thầy Nhất Hạnh đang ở Bangkok để gặp quý tôn đức từ Việt Nam sang là Hòa Thượng Thích Thiện Minh và Thích Huyền Quang để bàn hướng đi tiếp tục. Laura mang đến cho tôi một bó hoa thật to và ôm chầm lấy tôi, mắt hai chị em đẫm đầy lệ. Hai chị em quyết định đi tới đường Kléber ở Paris 16, chỗ hòa đàm, để tặng hoa cho bốn phái đoàn. Nhưng đến nơi phố phường đông nghẹt, chúng tôi đành ra về và tôi nhân danh Phái Đoàn Hòa Bình của GHPGVNTN viết cho bốn phái đoàn: Việt Nam Cộng Hòa (Sài Gòn), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Hà Nội), Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Hoa Kỳ lời tri ơn đã ký Hòa Ước chấm dứt chiến tranh. Từ Bangkok, Thầy đứng tại bưu điện sáng tác một bài thơ trên giấy vàng bạc rất mỹ thuật. Bài thơ Bé đã sinh ra rồi. Bé đây là bé hòa bình vừa sơ sinh:

Bé đã sinh ra rồi, Chân trời xôn xao dâng ánh sáng Hoa cỏ ơi sống dậy Núi rừng ơi sống dậy Thật đã qua rồi Đêm tối hãi hùng Ánh sáng dồn trên cánh bướm mong manh Hoa cải rực vàng trên lối cũ Cành mai ấy (tưởng nhớ chị Nhất Chi Mai, người đã cúng dường tuổi trẻ và sự sống cho hòa bình) Ngày tôi về trước ngõ Có rưng rưng giọt ngọc nhìn tôi cười. Đất tái sinh cho sắc hương đoàn tụ Cho nước non này lại thành cẩm tú Hãy cho hết hai bàn tay anh Cơ hội muôn thuở một lần Níu sự sống trên vành nôi ươm biếc.

Laura và Jim yêu nhau, đến khi Hòa Ước về Việt Nam ký xong năm 1973 cô bay về Hoa Kỳ làm đám cưới với Jim. Sau vài tuần Laura đã tìm được người thay cho cô làm thư ký. Đó là một cô sinh viên người Texas mới 20 tuổi, ưa hát mà cũng sẵn sàng học tiếng Việt và giúp văn phòng Phái Đoàn, em tên là Mobi.

Văn Phòng mới ở Sceaux

Tháng 3 năm l973, chúng tôi dọn văn phòng về Sceaux, trả lại ba cái studios ở Maisons Alfort. Sceaux cũng là vùng ngoại ô Paris nhưng Tây Nam thay vì Đông Nam như Maisons Alfort, nơi Thầy, sư chú Thanh Hương, sư chú Chơn Hòa, Ethelwyn Best, Laura Hassler và tôi sống và làm việc. Sau khi dọn về Sceaux thì Chơn Hòa ra đời và có gia đình, chúng tôi có thêm Bùi Thị Hương, Mobi Warren, Pierre Marchand, Neige Achiary và những người thường xuyên tới ở cả ngày nhưng không ngủ lại là Charles, Trần Thị Hằng, Thái Quang Trung, Nguyễn Văn Liêm, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Nguyệt,... Những ngày được ở chung cùng Thầy và tất cả Phái Đoàn vui lắm. Căn hộ chỉ có ba phòng, một WC, một gian bếp nhỏ xíu 1,50X3mét và một phòng tắm có bồn tắm và lavabo. Thầy bỏ cái máy roneo in tài liệu cho Phái Đoàn vào phòng tắm này, thế là phòng tắm trở thành nhà in sách tài liệu. Thầy ở phòng sau cùng bên kia “nhà in” với ba hàng kệ ba phía tường chất đầy những hồ sơ tài liệu, sách đi dạy của Thầy và những thư từ riêng của Giáo Hội gửi qua về với Thầy. Phòng khách vừa làm chỗ thờ Phật, ngồi thiền, tiếp khách, sinh viên tới làm việc thiện nguyện chung, ăn điểm tâm, ăn trưa ăn chiều chung. Khi mọi việc đều xong, các sinh viên về hết thì phòng này là chỗ ngủ của chú Thanh Hương và Pierre Marchand. Phòng kế bên vừa là văn phòng của tôi vừa là phòng ngủ của bốn hay năm cô gái là tôi, Mobi, Neige, Hương và có khi thêm Hằng. Vách phòng tôi kệ đóng từng hàng từng hàng từ dưới đất cao lên tận trần nhà, chứa hồ sơ cô nhi chiến tranh Việt Nam gồm: hồ sơ mới nhận được, hồ sơ mới dịch ra tiếng Pháp và Anh, hồ sơ đã có người bảo trợ. Mobi Warren đánh máy những thư của Thầy hay của tôi cho các hội đoàn. Phòng này cũng là chỗ Hương, tôi và Neige Achiary ngồi dịch hồ sơ cô nhi. Tối đến thì dẹp giấy tờ lên kệ, chúng tôi kéo túi ngủ ra làm giường và mền ngủ cho bốn chị em gái. Sau khi ngồi thiền sáng, thầy trò ngồi uống trà chung, Thầy hay chia sẻ một trong những bài thơ của Thầy với những ý nghĩa thâm sâu của bài đó. Sau buổi cơm chiều cũng thế. Thầy hay bảo Laura hát các bài dân ca Hoa Kỳ và dạy cho chúng tôi hát. Có khi Pierre hát bài hát em vừa đặt nhạc xong như bài thơ Dặn dò của Thầy mà chị Nhất Chi Mai đã đọc trước khi tự thiêu kêu gọi ngưng chiến. Khoảng 10h tối, chúng tôi ngồi thiền cùng với Thầy rồi im lặng xếp đồ đi ngủ.

Văn phòng mới của tôi và 4 cư sĩ nữ

Sau khi mọi người tắt đèn đi ngủ, tôi vào “nhà in”, tức là nhà tắm mà Thầy đã đặt máy in ronéo của Thầy, để làm việc tiếp: dịch hồ sơ cô nhi, viết dự án này gửi cho Thụy Điển, dự án kia gửi cho Third Way Vietnam, viết thư giải thích cho các bạn ở Việt Nam biết cách làm việc của mình, biết tiền mà mình có được không phải từ những cơ sở giàu có như Asia Foundation ngày xưa dụ mình để lái mình theo đường chính trị của họ, mà từ những gia đình khiêm tốn cũng không dư dả gì nhưng có nhiều tình thương. Họ gửi cho mình 25 Francs nhưng có được bức hình một cháu mất mẹ cha, để họ có thể dạy các con họ biết sống tử tế, biết chia sẻ, biết sống cho có đạo đức. Ban ngày tôi ngồi với Thầy và các bạn, người nào cũng dễ thương. Tôi có mặt, ý thức sự hiện diện của Thầy, ý thức sự có mặt của từng người bạn, ý thức tâm bồ đề của họ và nhờ họ làm chuyện này hay theo dõi cách họ làm chuyện kia, đâu có thời giờ cho một khung trời bình yên lắng đọng để mời các bạn ở Việt Nam tham dự con đường lý tưởng của tôi ở bên này. Tôi nhớ một câu thơ của Thầy tặng cho chị Helen người Mỹ, vợ một họa sĩ Việt Nam mà rất tận tụy lo cho bên chồng ở Việt Nam: Trời bên ấy sáng chưa? Để bên này tôi ngủ...

Xong, tôi đi ngủ vào khoảng 1 hay 2 giờ sáng và thức dậy ngồi thiền với mọi người lúc 6 giờ. Quá đủ cho một người đang lo cho đồng bào chạy dưới bom trong một đất nước như Việt Nam. Đôi khi thấy sống thanh bạch làm việc nhiều như vậy vẫn chưa xứng đáng nên tôi tự ý nhịn ăn ngày thứ Bảy để nhớ tới đồng bào đói khát chạy tránh bom. Ban đầu chỉ mình tôi nhịn âm thầm, không cho ai biết nhưng dần dần mọi người đều biết và sau đó Thầy cũng nhịn, rồi ba tuần sau các em khác cũng nhịn luôn. Thấy mọi người đói, nhất là Neige Achiary và Pierre Marchand, tội nghiệp quá nên Thầy khuyên tôi cùng để cả nhà nhịn bữa cơm chiều thứ Bảy thôi.

Mobi Warren là một thiếu nữ hai mươi tuổi cực kỳ thông minh về ngôn ngữ. Em đến từ Texas và là con gái bác sĩ Warren. Em học tiếng Việt bằng cách dịch hồ sơ cô nhi, tập hát và học nghĩa từng chữ của từng bài hát Việt. Em bắt đầu dịch thử quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức sang tiếng Anh. Sách này là một bức thư thật dài Thầy viết cho anh Thiều, một tác viên xã hội để chỉ nhiều cách giữ chánh niệm khi làm việc. Sau khi Mobi dịch xong quyển sách này, Thầy phải sửa lại rất nhiều vì em hiểu sai, nhưng Thầy kiên nhẫn sửa. Thầy nói sửa như vầy có khi cực và mất thì giờ hơn là Thầy viết trực tiếp nhưng việc làm này rất cần thiết để khuyến khích em tiếp tục dịch quyển khác. Và cuốn sách thứ hai sẽ khá hơn cuốn thứ nhất. Quyển thứ hai là Tình Người với nhiều chuyện ngắn của Thầy viết dưới tên Tâm Quán. Quyển này dịch ra Anh ngữ lấy tựa đề “My Master’s Robe”

Jim Forest vừa là nhà hoạt động xã hội social activist vừa là nhà văn nên khi tóm được quyển Miracle of being awake của Mobi dịch, anh mừng như bắt được của quý bèn đem nhuận văn lại và in ngay trong Hòa Bình Press của anh. Quyển này đúng là của quý cho những người quá bận rộn với nhiều trách nhiệm mà vẫn muốn giữ được sự bình an, bình tĩnh trong công việc. Vì vậy mà ngay sau khi tờ Fellowship magazine in một chương đầu và quảng cáo là ai cần mua nguyên quyển thì tới tòa soạn, nhiều vị mục sư, linh mục thành viên của FOR đọc và thích, muốn có ngay vài chục quyển tặng bạn, đã lái xe đến tận New York để mua sách. Nhận thấy nhà xuất bản Hòa Bình nhỏ quá không xứng với quyển sách quan trọng như vậy nên Jim Forest đã đem tới Beacon Press đề nghị họ mua bản quyền cuốn này. Nhà Beacon Press xin sửa tựa thành The Miracle of Mindfulness.

Vào lúc ấy, năm 1968, Ủy Ban Nobel đã tặng cho ông Henri Kissinger và ông Lê Đức Thọ giải Nobel Hòa Bình vì bên Hoa Kỳ và chính quyền miền Bắc Việt Nam đang thương thuyết trên bàn Hội Nghị Hòa Đàm và họ nghĩ giải hòa bình đó sẽ giúp cho hai bên nhượng bộ nhau để Việt Nam sớm có hòa bình. Thấy thế, một buổi sáng mùa thu đẹp trời khi nhìn cây bạch dương óng ánh lá vàng Thầy bèn nói: “Các con có thấy cây bạch dương nhà mình tuyệt vời không? Mà Linh Mục Daniel Berrigan cũng tuyệt vời như cây bạch dương. Mình phải tặng cha Berrigan giải Hòa Bình Bạch Dương mới được!”

Bên cửa sổ căn phòng mà Thầy nhường cho Cha Daniel có cây bạch dương rất đẹp. Mùa Xuân lá cây non màu xanh trong vắt khiến cho không gian bên dưới như nhuộm màu bích ngọc; mùa Hè cây xanh rờn, râm mát; mùa Thu lá cây ửng đỏ vàng óng ả và mùa Đông gan lì trụi lá, cang cường đón tuyết. Quý trọng nếp sống thanh bạch đẹp đẽ của cha Daniel Berrigan cho lý tưởng hòa bình – ngài và một số đệ tử của ngài làm một buổi lễ long trọng đem đốt mấy trăm thẻ trưng binh của một số binh sĩ Hoa Kỳ và sau đó bị bắt vào tù; ngài hiểu rất nhanh những thao thức chấm dứt chiến tranh của thầy Nhất Hạnh là ngưng chiến tức khắc và thương thuyết rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam ngay theo lịch trình hai bên đồng ý – nên Phái Đoàn Hòa Bình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chúng tôi quyết định tặng Linh Mục Daniel Berrigan giải Hòa Bình Bạch Dương. Buổi tặng huy chương có chiếu trải dưới cây bạch dương, có trà rất ngon do Thầy pha, có bánh ngọt, có Thầy đọc diễn văn và có Pierre Marchand, Hương, Thoa, Lợi, Mobi và tôi hát tặng cha. Sau đó cả nhóm đi thiền hành trong Công Viên Sceaux rất vui.

Tôi đang thông dịch cho Thầy Huyền Quang và Thầy Thiện Minh tại Đại Hội Tôn Giáo và Hòa Bình Thế Giới họp tại Louvain, Vương Quốc Bỉ.

Hòa Thượng Thích Thiện Minh và Hòa Thượng Thích Huyền Quang của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Năm 1973, Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới họp tại Louvain, nước Bỉ mời hai Hòa Thượng lớn Thích Thiện Minh và Thích Huyền Quang của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sang tham dự đại hội. Phái Đoàn Hòa Bình GHPGVNTN chỉ có chiếc xe Citroen hai ngựa Diane nhỏ xíu nên chú Thanh Hương, anh Cao Thái, Chơn Hòa và Bùi Thị Hương phải đi bằng xe của anh Cao Thái trước, còn Mobi và tôi chở Thầy đi đón hai vị Hòa Thượng tận phi trường Bruxelles và đưa hai vị vào dự đại hội tại Louvain. Thầy trò chúng tôi không có đồ đạc gì nhưng các vị trong Ủy Ban Kiến Thiết và Phát Triển của GHPGVNTN ở Việt Nam đã nhờ quý Hòa Thượng mang sang cả trăm ký lô hồ sơ cô nhi và vô số là dự án của Giáo Hội. Tôi ngồi đằng trước lái xe với Mobi. Đằng sau là Hòa Thượng Thiện Minh, Huyền Quang và thầy Nhất Hạnh. Quý thầy nhẹ xìu nhưng cái hòm xe phía sau chứa quá nhiều hồ sơ nạn nhân chiến cuộc nên chiếc xe Hquá tải, chịu không nổi đã rên siết kêu két...két...két. Chúng tôi phải dừng xe lại, khiêng bớt hồ sơ từ phía sau xe đưa ra trước, bỏ dưới ghế ngồi băng trước của hai chị em thì xe mới chịu ngưng kêu rên! Nhóm sinh viên Việt Nam ở Bỉ và nhóm nhạc sĩ, ca sĩ từ Pháp như ca sĩ Cao Thái, nhạc sĩ Trần Quang Hải và rất nhiều sinh viên Việt Nam được mời lên cùng trình diễn dân ca và giải thích về văn hóa Việt Nam cho đại hội trước khi quý Hòa Thượng trình bày lập trường Giáo Hội. Ai cũng trân quý Phái Đoàn Việt Nam. Khi Phái Đoàn các nước khác lên trình bày thì tôi thông dịch cho hai vị Hòa Thượng. Tôi không ngờ đó là lần chót tôi được hầu cận hai vị tôn đức kính yêu.

Hòa thượng Thiện Minh thật là viên ngọc quý của ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam. Người rất bình tĩnh và biết lắng nghe để biết lúc nào nói thì người ta nghe và lúc nào không nên nói. Vì thế trong cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm năm 1963, hai lần thương thuyết với ông Nguyễn Ngọc Thơ, phó thủ tướng chánh phủ này, Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo lúc nào cũng nhờ thầy Thiện Minh hướng dẫn cuộc hòa đàm. Lần nào Hòa Thượng cũng đem thắng lợi về cho Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo, nhưng ngay sau đó thì chính quyền Ngô Đình Diệm, qua miệng bà Ngô Đình Nhu, lại nuốt lời. Không biện luận được với thầy, những thế lực đen tối đã dùng nhiều cách xấu xa để ám hại tánh mạng thầy. Ba năm sau, vào năm 1966, có một cuộc tranh đấu của Phật giáo để đòi tự do bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Cuộc tranh đấu sắp thành công, quân đội Vùng Một Chiến Thuật sẵn sàng lật đổ chính phủ quân sự Nguyễn Cao Kỳ để tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, thì quý Hòa Thượng Trí Quang và Tâm Châu duyệt binh khuyên quân sĩ Phật tử nên dừng tranh đấu để chờ chính phủ thực thi lời hứa là sẽ tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến và dĩ nhiên là mỗi tôn giáo, mỗi đảng phái đều có quyền công cử ứng cử viên của mình. Nhưng khi mọi người ngưng tranh đấu và ngày bầu cử quốc hội lập hiến sắp được ấn định thì bất thình lình giữa đêm, ông Nguyễn Cao Kỳ cho Công An Cảnh Sát đến bắt hết các ứng cử viên Phật tử có khả năng vào Quốc Hội và ngay sau đó ông vẫn ngang nhiên tuyên bố ngày bầu cử, lập danh sách ứng cử viên của ông. Khi nhận được tin sét đánh đó (các ứng cử viên Phật Giáo đều bị vào tù) thì quý Hòa Thượng và Thượng Tọa lãnh tụ ở Huế vô cùng bồi hồi bức xúc. Một mặt thì muốn tôn trọng tinh thần bất bạo động Bụt dạy, một mặt thì muốn ngăn chặn cuộc bạo động sắp xảy ra vì dân chúng uất ức đứng dậy biểu tình mà nhà nước thì ra lệnh cho xe tăng xuống cán chết dân biểu tình, nên quý ngài đã kêu gọi các Phật tử Thừa Thiên đem bàn thờ dựng giữa đường để ngăn đoàn xe tăng tiến vào đàn áp. Ngồi yên và nhìn sâu tôi thấy được tiếng kêu trầm thống phát xuất từ trái tim dân tộc của chư tôn đức. Không còn gì nữa để chống đỡ trước sự tráo trở đàn áp của chính quyền ngoài gia tài văn hóa linh thiêng nhất của dân tộc là chiếc bàn thờ. Quý ngài bảo Phật tử dọn bàn thờ ra giữa đường để chặn đoàn xe tăng ông Nguyễn Cao Kỳ cho tiến vào đàn áp dân biểu tình ở Huế (lúc đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới đặt bản nhạc “Ghế đá công viên, dời ra đường phố, người già co ro...”. Ghế đá đây là bàn thờ!) Và sự tranh đấu bằng trái tim dân tộc đó đã thành công, đoàn xe tăng ngừng lại không dám cán lên bàn thờ. Vài tuần sau cũng năm 1966, từ Sài Gòn, xe hơi chở Hòa Thượng Thiện Minh bị kẻ gian đặt mìn dưới gầm xe. Xe chạy, mìn nổ nhưng nhờ Phật độ thầy vẫn không chết. Thầy bị bể hết xương hông, phải điều trị hơn một năm và từ đó thầy phải đi bằng gậy. Năm 1969 ông Nguyễn Văn Thiệu bắt thầy không có lý do và tự đặt chuyện giả mạo để kết án thầy 20 năm tù. Từ bên ngoài, Phái Đoàn Hòa Bình làm áp lực ráo riết với thế giới nên cuối cùng họ chịu thả thầy ra năm 1973 không có án gì hết!!! Cũng vì thế mà chúng tôi nhất định đưa thầy đi ra ngoài nước cho được để tiếng nói của thầy mạnh hơn.

Sau khi kết thúc hội nghị, thầy trò chúng tôi đã đưa hai Hòa Thượng đi thăm núi Alpes ở Chamonix, thăm đỉnh trượt tuyết rất đẹp, cao nhất Âu Châu. Hai vị cũng về thăm Phương Vân Am, nơi ẩn tu của thầy chúng tôi mỗi khi Thầy cần có chỗ yên tĩnh để viết lách, đi thăm những lâu đài cổ rất đẹp dọc bờ sông Loire. Anh Hướng đưa hai thầy đi thăm Chateau de Versailles gần Paris. Chú Thanh Hương nấu cơm rau rất ngon để đãi hai thầy sau những ngày bị ăn cơm Tây chỉ toàn khoai tây chiên suốt các chuyến du hành.

Tháng 4 năm 1977, chính quyền Cộng Sản bắt Hòa Thượng và tháng 10 năm 1977 chúng tôi được điện thư của ni sư Trí Hải báo hung tin bằng mật mã là ngài vừa bị bức tử chết ở khám Chí Hòa ngày 17 tháng 10 năm 1977. Lúc đó thầy trò chúng tôi đang ở Phương Vân Am, chúng tôi đã cho ra Urgent Press Release (Khẩn Báo) ngày 19/10/1977 báo tin Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã chết ở khám Chí Hòa Sài Gòn ngày 17/10/1977 vì bị bức tử. Nhiều hãng thông tấn nghe tin đến hỏi ngay chính quyền Hà Nội thì chính quyền cho biết ngài chết ngày 18 ở Hàm Tân chứ không phải ngày 17 ở Sài Gòn và do đứt mạch máu não thôi. Sự thật là khi nghe tin thầy bị bức tử, họ cho lệnh chở ngay Hòa Thượng về Hàm Tân và cho báo chí biết Hòa Thượng chết hôm 18 tháng 10 vì bị đứt mạch máu não tại Hàm Tân Phan Thiết. Nhiều dấu tích cho thấy rõ là thầy chết ở Sài Gòn vì bị bức tử. Chánh quyền sợ Phật tử ở Sài Gòn lấy cớ đám tang ngài mà biểu tình nên đưa ra Hàm Tâm gấp để không ai đi đám tang được vì Hàm Tân lúc ấy đường xá rất xa xôi khó đi. Hòa Thượng Trí Thủ cũng xác nhận là khi đến thăm Hòa Thượng Thiện Minh tại Hàm Tân, Hòa Thượng thấy mặt Hòa Thượng Thiện Minh đỏ bầm như bị ép uống thuốc độc. Thầy chúng tôi đã viết tặng Hòa Thượng bài thơ Mây Trắng Thong Dong thật bi hùng:

Nhớ thuở xưa - khi ngươi còn là đám bạch vân bay thong dong Ta theo nguồn múa ca đi về đại dương mênh mông Ngươi lưu luyến chốn đỉnh cao, lắng tiếng reo cười ngàn thông Ta nhấp nhô trên sóng bạc, lên xuống vào ra muôn trùng Kịp đến khi thấy trần gian quằn quại lệ chảy thành dòng Thì ngươi biến thành mưa, nhỏ giọt tuôn tràn đêm đông Mây đen mịt mờ một phương chừ, mặt trời hấp hối Ngươi gọi ta về, cùng nhau giăng tay nổi trận cuồng phong. Lòng thảnh thơi đâu, khi hoa ngàn cỏ núi còn rên siết hận bất công, Ngươi đưa hai tay thiên thần, quyết tâm tháo bỏ cùm gông Trong bóng tối phủ đầy, họng súng đen ngòm bạo lực Xương dồn thành gò cao chừ, trong khi máu đã chảy dài thành sông Hai bàn tay ngươi dập nát, thương ôi, xích xiềng vẫn chưa tháo được, Ta gọi sấm sét về bên ngươi, quyết cùng bạo lực mở cuộc thư hùng. Gan dạ hơn người, trong đêm ngươi hóa thành Sư Vương rống lớn Hàng vạn loài ma quái nghe ngươi, đã cầm cập run trong đêm sương. Hiên ngang không lùi bước chừ, dù phía trước dày đặc hầm chông Ngươi thản nhiên đưa mắt nhìn bạo lực chừ, như nhìn vào khoảng không Sống Chết là chi chừ, ép uổng nhau sao được Ngươi gọi tên ta mà cười chừ, không một lời rên siết dù tra tấn cùm gông Bây giờ thoát đi xiềng xích chẳng còn buộc nổi chân thân, Ngươi trở về kiếp xưa mây trắng, thảnh thơi trên bầu trời mênh mông. Đến, Đi, tự ngươi - đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại, Cưỡi trên sóng bạc đầu chừ, ta hát ru ngươi khúc hát bi hùng.

Thầy Huyền Quang là Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Thầy rất giỏi về hành chánh, quán xuyến trong ngoài rất khéo. Thầy trực tánh và rất mẫu mực. Không thích thì thầy nói ngay, không dừng lại, nhìn kỹ nhìn sâu nói khéo như thầy Thiện Minh. Thầy bị bắt năm 1977 sau khi gửi cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng bức thư trình lên 86 vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ Phạm Văn Đồng.

Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội sau khi bị tách rời ra khỏi Viện Đại Học Vạn Hạnh đã sống “không có giấy phép của nhà nước Việt Nam đương thời từ 1966 đến giữa 1973”. Trường này chỉ được hợp thức hóa sau khi hai vị Hòa Thượng Thiện Minh và Huyền Quang gặp thầy chúng tôi tại Thái Lan tháng 3 năm 1973, khi Giáo Hội chịu đứng ra thành lập Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (UBTTPTXH của GHPGVNTH) vào giữa năm 1973. Hòa Thượng Thích Thiện Hòa làm Chủ Tịch Điều Hành, Thượng Tọa Thích Châu Toàn làm Tổng Thư Ký Ủy Ban vừa là Giám Đốc Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Hòa Thượng Thích Thiện Minh và Thích Huyền Quang làm thanh tra điều hành Ủy Ban.

Song song với việc phát triển xã hội những vùng bị tan nát hoàn toàn, Ủy Ban cũng hỗ trợ hết lòng các công tác từ thiện của các tỉnh giáo hội Phật Giáo như tìm người đỡ đầu cho hàng chục ngàn cô nhi tại gia, nạn nhân chiến cuộc. Tuy cha mẹ các cháu đã chết nhưng các cháu còn được sống với ông bà hay cô dì hay anh chị ruột. Từ Bangkok, Thầy chúng tôi đã cùng với hai vị tôn đức hòa thượng soạn thảo bức thư tha thiết kêu gọi các thượng tọa, đại đức và các ni sư, sư cô chịu khó đứng ra lập những nhà giữ trẻ, trông coi dạy dỗ cho các cháu mất cha mẹ trong chiến tranh để người lớn yên tâm đi làm suốt ngày kiếm tiền nuôi các cháu và để các cháu có nơi nương tựa bình an. Con số các nhà trẻ ở Miền Nam sau một năm đã tăng lên rất nhanh. Năm 1973 chỉ có mười bảy nhà trẻ trong toàn quốc mà đến năm 1975 đã lên đến hơn 300. Phần lớn các nhà trẻ này không cần sự giúp đỡ từ hải ngoại. Các ni sư, sư cô đầy tình thương chỉ cần đứng lên là có những nhà hảo tâm tại chỗ đóng góp. Chúng tôi giật mình thấy sự phát triển từ thiện gia tăng quá nhanh và chừng đó mới thấy rõ sức mạnh của một bức thư thống thiết tới từ cấp trung ương Giáo Hội.

Phát triển xã hội của Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trong Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Giáo Hội PGVNTN hồi này có 42 tỉnh giáo hội, mỗi tỉnh có từ 200 đến 300 tu sĩ và chừng 150 đến 500 đoàn sinh Gia Đình Phật Tử. Có tỉnh như Thừa Thiên, Quảng Trị thì nhiều hơn nhưng Cà Mau, Bạc Liêu thì ít hơn. Thể thức phát triển xã hội là tất cả mọi dự án đều do từ 5 đến 15 tác viên TNPSXH đến từng vùng, từng tỉnh hay từng huyện tham khảo, lắng nghe, học hỏi và mời giáo hội địa phương gồm huynh trưởng Gia Đình Phật Tử hay các bác trong các khuôn hội Phật giáo của từng thôn, từng xã, từng huyện, từng vùng cùng điều nghiên những gì cần phải làm cho địa phương đó: ví dụ như thiết lập một nhà giữ trẻ do vài sư cô đứng ra, thành lập một trạm y tế dân tộc châm cứu, bấm huyệt, bốc thuốc nam, lập hồ sơ các cháu mồ côi cha hay mẹ hay cả cha lẫn mẹ. Nếu hải ngoại có người bảo trợ thì tiền được gửi qua tỉnh Giáo Hội rồi chuyển đến nhà trẻ để sư cô giám đốc trao tiền và theo dõi sự chăm sóc các cháu qua bà nội, hay dì, hay cậu của cháu. Sư cô cũng nhận thư cám ơn của các cháu sau khi phát tiền bảo trợ mỗi ba tháng.

Về phát triển cộng đồng thì Ủy Ban chỉ làm có mươi dự án. Dự án nào cũng phải điều động chung với vài mươi vị huynh trưởng Gia Đình Phật Tử hay Thanh Niên Phật Tử, hay Tiểu Thương Phật Tử địa phương. Dự án làm chung với địa phương xong thì đưa lên Khối Công Tác Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội duyệt xét lại vừa về kỹ thuật vừa về dự chi rồi mới gửi lên Hòa Thượng Thiện Hòa là chủ tịch. Ngài đưa qua cho Hòa Thượng Huyền Quang và Hòa Thượng Thiện Minh với toàn nhóm của chư Hòa Thượng là ban Thanh Tra duyệt xét từng dự án. Khi chư tôn đức đồng ý rồi, tiền mới được chi ra thành nhiều đợt, thực hiện đến đâu chi tiền đến đó. Có tất cả ba dự án thật lớn cần phải dùng tiền của chính phủ Thụy Điển, một nước trung lập không tham gia vào chiến tranh Việt Nam, là ba Trung Tâm Định Cư cho dân thật nghèo ở các vùng xa xôi bị bom đạn. Ủy Ban địa phương chọn một vùng khá an ninh để khai quang rừng, chia cho mỗi hộ một lô đất cất nhà, một lô đất trồng trọt riêng cho từng gia đình và dành một lô đất lớn để cùng canh tác chung và chia phần lời chung cho toàn Trung Tâm. Dự án thứ nhất là Trung Tâm Phát Triển Cộng Đồng ở Tánh Linh Quảng Phước do Khối Công Tác của TNPSXH phụ trách. Trung Tâm Phát Triển Cộng Đồng thứ hai là ở Quảng Nam do Thượng Tọa Long Trí phụ trách và trung tâm thứ ba ở Quảng Trị do Thượng Tọa Chánh Trực phụ trách.

Suốt những năm 1973, 1974 cho đến tháng 5 năm 1975, Phái Đoàn Hòa Bình GHPGVNTN đã gửi qua Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Xã Hội của Giáo Hội đều đặn mỗi ba tháng tiền bảo trợ cho 860 rồi 1.770 rồi 2.310 rồi 9.764 cô nhi nạn nhân chiến cuộc Việt Nam qua 42 tỉnh Giáo Hội. Tiền gửi qua trương mục của Ủy Ban do Hòa Thượng Thích Thiện Hòa đứng tên (Hòa Thượng là chủ tịch kiêm thủ quỹ Ủy Ban). Sau đó Ủy Ban sẽ chuyển tiền về từng tỉnh Giáo Hội và tỉnh Giáo Hội chuyển đến từng nhà giữ trẻ từng huyện, từng làng xã xa xôi của tỉnh mình. Hòa Thượng Huyền Quang đặc trách theo dõi văn phòng của Hòa Thượng Thiện Hòa. Chúng tôi gửi tiền thì qua Giáo Hội trung ương, nhưng tin tức của các cháu, thư cám ơn, thưa chuyện hoàn cảnh từng nơi thì liên lạc trực tiếp với địa phương. Nhờ vậy mà sự truyền thông rất tâm đắc. Nhờ có liên lạc trực tiếp mà Phái Đoàn tiếp xúc trực tiếp được với gia đình các cháu mồ côi và khuyến khích họ gần gũi chia sẻ với các vị xuất sĩ giám đốc các Ký Nhi Viện để gửi thư các cháu trực tiếp cho chúng tôi. Các vị xuất sĩ địa phương đã như những vị bồ tát sống lo cho các cháu như quý sư bà Như Huyền ở Quảng Ngãi, Cát Tường ở Huế, Viên Minh ở Nha Trang, Thể Thanh ở Cam Ranh, nên ba tháng đầu mới có 860 người bảo trợ mà 3 tháng kế đã có 1.770, và tăng rất nhanh lên tới 9.764 vào tháng tư 1975.

52 năm theo thầy học đạo và phụng sự - Hồi kí của Sư cô Chân Không