Mục lục
Cư Trần Lạc Đạo (nguyên văn)
Bài Cư Trần Lạc Đạo là của một vị vua xuất gia viết, đó là vua Trần Nhân Tông. Sau khi xuất gia, vua có hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Bài này là trái tim của Trúc Lâm Đại Sĩ, và trong địa vị văn học, đây là sáng tác tiếng Nôm đầu tiên tại Việt Nam.
Cư Trần Lạc Đạo là một bài phú gồm mười Hội, trình bày phương pháp tu tập của Trúc Lâm Đại Sĩ. Khi đọc bài này tôi rất xúc động, tựa như mình đang đi vào trái tim của người xưa để thấy được tình thương và tuệ giác của một vị tổ sư.
HỘI THỨ NHẤT
Mình ngồi thành thị; nết dùng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý; biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm!
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng; liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục; nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam.
Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu; kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
HỘI THỨ HAI
Biết vậy! Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an; nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe; cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung; dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
HỘI THỨ BA
Nếu mà cóc, tội ắt đà không, phép học lại thông.
Gìn tính sáng mựa lạc tà đạo; sửa mình học cho phải chính tông.
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ; vong tài đối sắc ắt tìm cho phải thói Bàng công.
Áng tư tài tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh-diều Yên-tử; răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; sơn lâm chẳng cóc, họa kia thực cả đồ công.
Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín; phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đơm bông.
HỘI THỨ TƯ
Tin xem! Miễn cóc một lòng; thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân; đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.
Xem tam tạng giáo, ắt học đòi thiền uyển thanh quy; đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca; cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di-lặc.
HỘI THỨ NĂM
Vậy mới hay: Bụt ở cong nhà; chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến cóc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà hữu; kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân-la.
Cong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ; lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận; ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xễ; cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội; lãy tam huyền, nông tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, sá đàn dấu xoang vô sinh khúc; địch chẳng có lỗ, cũng phiếm chơi xướng thái bình ca.
Lãy cội tìm cành, còn khá tiếc Cu-chi trưởng lão; quay đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa.
Lọt quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng; nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.
HỘI THỨ SÁU
Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ; chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng; hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết quặng, sá tua chín phen đúc chín phen rèn; lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; học đạo thợ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
HỘI THỨ BẢY
Vậy mới hay: Phép Bụt trọng thay; rèn mới cóc hay.
Vô minh hết bồ đề thêm sáng; phiền não rồi đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu; học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay.
Cùng căn bản, rữa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận; đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.
HỘI THỨ TÁM
Chưng ấy: Chỉn sá tua rèn; chớ nên tuyệt học.
Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc.
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.
Rèn lòng làm Bụt, chỉn sá tua một sức giồi mài; đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lừa lọc.
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay; trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; lật thửa cơ quan, mà còn để tấm hơi lọt lọc.
HỘI THỨ CHÍN
Vậy cho hay: Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ; ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi; quách nhiên bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ; thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa; thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ưa, chẳng cho mà cả; sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Phá táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần vật; Cu Chi dơ ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm sá nghênh ngang.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn; xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Thuyền tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; rắn Ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái bạch; bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng thiên cang.
Trà Triệu lão, bánh Thiều dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; ruộng Tào khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết; lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.
HỘI THỨ MƯỜI
Tượng chúng ấy: Cóc một chân không; dùng đòi căn khí.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông; há cơ tổ nay còn thửa bí.
Chúng Tiểu thừa cóc hay chửa đến, Bụt sá ngăn Bảo sở hóa thành; đấng Thượng Sĩ chứng thực mà nên, ai ghẻ có sơn lâm thành thị.
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý.
Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang; gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.
Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm ngu; say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bẳng nhau; mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý.
KỆ KẾT THÚC
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Cư Trần Lạc Đạo (phần văn xuôi)
HỘI THỨ NHẤT
Thân hình tuy còn ngồi ở nơi thành thị, nhưng phong thái mình đã là phong thái của người sống ở núi rừng. Khi các nghiệp (thân, khẩu và ý) đã lắng xuống thì thể và tính mình đều được an tĩnh, chỉ cần nửa ngày thực tập thảnh thơi thì thân và tâm đều đã trở nên tự tại.
Khi nguồn suối tham ái dừng lại thì ta không còn nhớ tưởng tới chuyện châu yêu ngọc quý, lúc tiếng tranh cãi thị phi chấm dứt thì ta tha hồ nghe được tiếng hót ca của các loại chim yến chim oanh.
Có bao nhiêu người đắc ý khi có dịp đi du ngoạn và ẩn náu những nơi nước biếc non xanh, nhưng có bao nhiêu kẻ có khả năng thấy được tự tính của liễu lục hoa hồng ?
Hình ảnh trời xanh và trăng bạc soi chiếu xuống khắp mọi dòng sông thiền (đang lai láng), trong khi mặt trời trí tuệ chiếu xuống làm xanh tốt bao nhiêu cảnh liễu mềm hoa tươi.
Những người tu tiên vì muốn đổi cốt và phi thăng nên mới luyện thuốc thần đan để uống, vì muốn được trường sinh về thượng giới cho nên mới còn say mê đi tìm thuốc thỏ.
Trong khi ấy, người tu Bụt yêu chuyện đọc kinh xem luận, cho nếp sống thanh thản còn quý giá hơn cả hoàng kim.
HỘI THỨ HAI
Nên biết! Cái quan trọng nhất là làm cho tâm mình thảnh thơi, ngoài ra không có pháp môn tu học nào mầu nhiệm như thế.
Gìn giữ tính sáng thì mới mong đem tới cho ta an lạc. Ngăn ngừa vọng niệm thì vọng niệm không thể nào không dừng lại.
Vượt thoát được ý niệm ta và người thì thật tướng kim cương của tâm biểu hiện, chuyển hóa được hết tham sân thì mới thấy được diệu tâm viên giác.
Tịnh độ chính là tự tâm thanh tịnh của ta, không cần phải hỏi rằng có hay không có tịnh độ ở Tây phương. Di đà là tự tính sáng soi của ta, không cần phải nhọc nhằn tìm về một cõi Cực lạc ở đâu đó nữa.
Quán sát thân và tâm, luyện rèn tính và thức, để có an lạc cho ta mà không phải để khoa trương sự thực tập cho người thấy. Nghiêm trì giới hạnh, đối đầu với quỷ Vô thường, đây đâu phải là chuyện lợi danh buôn bán !
Ăn thì chỉ cần ăn rau trái, miệng không ngại những món đắng cay. Mặc thì chỉ chọn vải bố vải sồi, thân chẳng quản màu nâu màu bạc,
Chỉ cần sống vui được với đạo đức, thì nửa gian lều ở cũng còn quý hơn cả cung trời. Khi đã mến chuộng nhân nghĩa, thì ba phiến ngói còn yêu hơn cả lầu các.
HỘI THỨ BA
Một khi đạt được cái thấy biết, thì mọi lầm lỗi trong quá khứ sẽ biến thành hư không, và các phép luyện tập về ba học giới định tuệ sẽ được thông suốt.
Gìn giữ được tính sáng của chân tâm, thì không còn lạc vào con đường tà đạo, và do đó con đường tu học sẽ là con đường chính tông.
Bụt chỉ là tâm mình, ta hãy ướm hỏi theo cơ duyên thầy Mã Tổ. Đối diện với sắc tài, ta hãy học hỏi theo cách thức của cư sĩ Bàng Công.
Tự tính đã sáng trong, thì tài sản và tư lợi không còn là đối tượng của ham muốn, không cần phải bỏ lên cư trú ở Cánh Diều trên Yên Tử mới làm được như thế. Đề cao cảnh giác về thanh và về sắc, tà niệm sẽ dừng lại mà không còn lay chuyển được ta, chẳng còn phải trèo tới ngồi xuống ở am Sạn trên non Đông.
Tuy còn sống trong cõi trần tục mà ta vẫn thành công được trong sự tu tập, niềm hạnh phúc ấy ta yêu chuộng hết lòng. Dù có ở chốn núi rừng mà chưa có được tuệ giác, thì tai họa vẫn còn, thật chẳng đáng cho ta uổng phí công phu.
Nếu hết lòng phát nguyện cầu được thân cận minh sư, thì cho quả vị Bồ đề có thể trong nội một đêm mà chín, Có phúc được gặp gỡ người thiện tri thức, thì đóa hoa Ưu Đàm chẳng cần mấy kiếp cũng có thể đơm bông.
HỘI THỨ TƯ
Hãy tin! Một phen thấy được cái nhất tâm thì mọi phiền não lậu hoặc đều chấm dứt. Tam độc sẽ được chuyển hóa, và ta chứng được tam thân. Nếu muốn chấm dứt những sai lầm của lục căn thì phải biết nhận diện những hiểm nguy của lục tặc.
Kẻ tu Tiên khi tìm đường đổi cốt thì chỉ có biết con đường phục thuốc luyện đơn; còn người tu Bụt khi tham vấn về chân không, thì chẳng cần né tránh thanh và sắc.
Đã biết thật tính của chân như, đã tin vào tuệ giác Bát Nhã, thì không còn nhu yếu đi tìm Phật và Tổ dù ở phương Tây hay ở phương Đông. Đã chứng được thực tính, đã ngộ được vô vi, thì đâu còn phải nhọc công học hỏi kinh Thiền, dù truyền thống phương Nam hay phương Bắc ?
Khi học giáo lý tam tạng, tất là phải theo thanh quy của vườn Thiền, Lúc đốt trầm hương ngũ phận, chẳng cần tốn tiền mua sắm các loại chiên đàn.
Biết chất chứa nhân nghĩa, biết tu tập đạo đức, ai trong chúng ta mà lại không phải là Bụt Thích Ca? Biết nghiêm trì giới hạnh, biết chặt đứt ghen tham, những kẻ ấy không ai không là Bụt Di Lặc.
HỘI THỨ NĂM
Vậy mới hay: Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa.
Vì quên gốc nên ta có nhu yếu đi tìm Bụt, đến khi ta biết được rồi, thì Bụt chính là ta.
Chỉ cần nói và nghe dăm ba câu thiền ngữ, thì ta đã thấy mình đang rong chơi ở quê hương Hà hữu đích thực của mình rồi. Chỉ cần mở kinh ra xem vài lượt, là ta thấy ta đang ngồi nghỉ ngơi tại vương quốc Tân-La.
Sống trong đạo nghĩa, thực tập công án thiền, là ta đã lọt vào được và sống trong môi trường của Kinh và của Tổ. Xa được thị phi, lánh được thanh sắc, là ta không còn lạc đến những chốn dặm liễu đường hoa.
Đức của Bụt là từ bi, nguyện cho mình được gần gũi ngài trong nhiều đời nhiều kiếp. Ơn của Vua Nghiêu là lớn rộng, mong cho người tu hành không phải đóng thuế nộp sưu.
Áo và chăn chỉ cần cho ta đủ hơi ấm qua khỏi mùa lạnh, dù là chằm vá hay đơn sơ; cơm cùng cháo là để cho qua buổi khỏi phải đói lòng, dù là được nấu bằng gạo lức hay gạo hẩm.
Hộ trì tám loại tâm thức (nhãn thức, nhĩ thức, v.v..), chống được với tám ngọn gió (lời, lỗ, nhục, vinh, khen, chê, khổ, sướng) không phải bằng cách đè nén chúng. Làm bật trong huyền môn, trình bày ra ba yếu chỉ, bằng cách mài dũa và cắt xén từ từ.
Dù cây đàn không có giây, ta vẫn chơi và gảy lên được khúc ca vô sinh, dù ống địch không có lỗ, ta vẫn thổi xướng được khúc hát thái bình.
Xới bật rễ cây để tìm cành cây, đó là điều đáng tiếc của Câu chi trưởng lão, Quay đầu lại để nhìn vào bóng mình ở trong kính, đó là chuyện đáng cười của chàng Diễn Nhã Đạt Đa.
Chui lọt qua vòng Kim Cương, chuyện này không đủ để kẻ anh hùng lo sợ. Nuốt trọn vào vỏ trái lật, việc ấy chẳng khiến cho tay hào kiệt ngại phải xướt da.
HỘI THỨ SÁU
Đúng thế ! Chỉ cần thực tập vô tâm là tự nhiên ta được đi vào con đường chính đạo. Biết làm thanh tịnh ba nghiệp thì mới có được bình yên ở thân và tâm, tới được chỗ nhất tâm thì mới có thể thông đạt lời dạy của chư Tổ.
Kẹt vào văn chương, vướng nơi chữ nghĩa, kẻ thiền khách trở nên lạc lõng bơ vơ. Biết chứng nghiệm sự thật và hiểu thấu căn cơ, người xuất gia cần vững vàng và khôn khéo.
Khảo sát hữu lậu và vô lậu, phải bảo cho biết rằng cái rây thì lọt, mà cái vá (môi) thì không. Nghiên cứu tiểu thừa và đại thừa, phải nói cho hay rằng có khi cần cái lòi để xâu tiền, có lúc lại phải dùng sợi dây tơ để đan gàu múc nước.
Nhận cho được bản tâm sáng chói một cách rõ ràng thì không còn ngần ngại về thời tiết nhân duyên. Lau cho sạch đài gương chân tính thì không còn bị ảnh hưởng bởi những giác quan và đối tượng huyên náo của chúng.
Vàng mà chưa lọc hết quặng thì còn phải chín phen đúc, chín phen rèn. Lợi lộc mà chẳng còn đuổi theo thì vẫn sống, hạnh phúc với những gì đạm bạc.
Giữ cho tâm giới thanh tịnh, làm cho tướng giới sạch trong thì trong ngoài đều biểu hiện được tướng Bồ tát trang nghiêm. Ngay thẳng thờ vua, hiếu thảo thờ cha,thì khi đi hay lúc dừng đều chứng tỏ là mình bậc trượng phu trung hiếu.
Khi tham thiền cần thân cận bạn tu, ân tình phải biết đền đáp bằng thân bằng mạng. Lúc học đạo cần phải tìm cầu bậc thầy, đạo nghĩa phải nên báo đáp bằng xương bằng óc.
HỘI THỨ BẢY
Thế mới biết: phép Bụt rất sâu, có thực tập mới bắt đầu biết rõ.
Vô minh càng tan biến thì bồ đề càng sáng tỏ, phiền não càng chuyển hóa bao nhiêu thì đạo đức càng ham chuộng bấy nhiêu
Nghiên cứu và thực hành theo nội dung Kinh văn thì lời Bụt dạy mới có thể dễ dàng lĩnh hội. Học hỏi và bắt chước pháp môn của Tổ, thì ý chỉ Không của Thiền mới không còn là con đường bí hiểm khó hiểu khó nhận ra.
Đi cho tới chỗ tận cùng nơi căn bản, làm cho rã ra mọi mối khách trần phiền não, đừng để cho một mảy vụn nào còn có mặt. Xô cho ngã xuống ngọn cờ chiến thắng, làm cho vẹn toàn mọi tri kiến, đừng để cho một tai họa nào còn có thể ẩn núp trong hai cánh tay.
Phóng lửa giác ngộ, đốt cho cháy hết tất cả các rừng tà kiến chất chứa từ bao nhiêu ngày trước. Cầm kiếm trí tuệ, diệt cho tới cùng những nhận thức sai lạc vẫn còn sót lại hôm nay.
Nhớ ân nghĩa các bậc thánh tăng, yêu thương mẹ cha, theo chí thờ thầy mà học đạo. Yêu chuộng đức độ của Bụt Gotama, tránh con đường hưởng thụ, một lòng giữ giới và ăn chay
Cảm được đức từ bi, kiếp kiếp nguyền xin cho thân cận. Nhớ mãi công cứu độ, dù có phải đời đời chịu đựng đắng cay.
Nghĩa xin nhớ, đạo không quên, hương hoa cúng dường chỉ là để tượng trưng lòng hiếu thảo. Nói rằng tin mà lòng chưa thật, dù có vàng có ngọc cũng chưa hẳn là dạ thẳng ngay.
HỘI THỨ TÁM
Vì thế: Chỉ nên tập rèn, đừng bỏ học hỏi.
Lay cho ý thức tỉnh dậy, đừng để nó khư khư nắm giữ Buông bỏ vọng niệm, chớ để chúng trạo cử lăng xăng.
Chìm đắm trong công danh đó những kẻ ngây thơ dại dột. Nuôi lớn lên phước tuệ, đây những ai trí tuệ thực tài.
Bắc cầu, đưa đò, dựng xây chùa tháp, đó là những gì ta có thể tu bổ và làm đẹp về phương diện hình tướng bên ngoài. Bồi đắp hỷ xả, nuôi dưỡng từ bi, đây là những gì đưa tới giải thoát nội tâm khi kinh Lòng thường được đọc tụng.
Luyện tâm thành Bụt, thì chỉ cần một yếu tố giồi mài. Đãi cát kén vàng, cố nhiên phải qua nhiều phen lựa lọc
Xem kinh, đọc lục, làm cho cả hai cái (thấy) và (biết) đều được ngang nhau. Kính Bụt, tu thân, đừng xem thường những điều nhỏ nhặt.
Đi cho tới chốn tận cùng của ngữ ngôn và văn cú, đừng có một giây phút nào e ngại, Phát hiện cho được các thiền cơ, chớ để cho tám ý niệm ra vào.
HỘI THỨ CHÍN
Ta nên biết: Các phép thiền cơ mà chư Tổ đem dạy, tuy có nhiều đường, nhưng cũng không khác nhau bao nhiêu gang tấc,
Hãy chỉ nói tới những công án từ thiền sư Mã Tổ về sau, cần nhớ chi những gì đã xảy ra từ thời Lương Võ Đế.
“Công đức gì đâu !” thói quen bị kẹt làm cho si mê càng lúc càng thêm dày đặc. “Chẳng có gì là thiêng liêng”, “Tôi không biết !” những lời thiền ngữ ấy lỗ tai của người phàm phu vẫn còn nghe dư âm.
Sinh ở Thiên Trúc, chết tại Thiếu Lâm, tổ Bồ đề Đạt ma được mai táng sơ sài dưới chân núi Hùng Nhĩ. “Thân là cội bồ đề, tâm là đài gương sáng”, bài kệ làm cho dơ mặt vách chốn hành lang.
Vương lão chém mèo, thiền sư đi thấu qua tâm ý còn đầy nghi vấn của cả hai ngài thủ tọa. Thầy Hồ khua chó, thiền sư cho thấy cái thấy con nít của giới môn đồ.
Giá gạo ở chợ Lư Lăng cao quá, mà không cho phép người mua mặc cả. Đường đá ở núi Thạch Đầu trơn lắm, sự nghiệp thiền sư Tây Thiên khó mà tiếp nhận và thừa đương.
Phá Táo cất bỏ cây cờ, dẹp bỏ miếu thiêng nơi có sát sinh cúng tế. Câu Chi đưa ngón tay trỏ lên, áp dụng theo phương pháp giáo hóa của cha ông.
Lưỡi gươm Lâm Tế, cây nạng Bí Ma, giới xuất gia ngày xưa được giáo dưỡng đàng hoàng cho nên đã đạt tới nhiều tự tại. Sư tử ông Đoan, trâu thầy Linh Hựu, người cư sĩ bây giờ được nhắc nhở đã không mắc vào lỗi hợm hĩnh nghênh ngang.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, để giúp kẻ thiền sinh chứng ngộ. Xô hòn cầu, cầm vá gỗ, nhắc tăng chúng đừng có mưu kế khoe khoang.
Thiền Tử dù có rà chèo, dòng sông xanh vẫn chưa giúp mình tẩy tịnh. Đạo Ngô có ra múa hốt, trò hề vẫn không che dấu được tài năng.
Rồng Yển lão nuốt cả đất trời, làm người ta sợ hãi. Rắn Ông Tồn vắt ngang thế giới, khiến thiên hạ tránh sang bên
Cây bách chính là bản tâm - muốn thấy phải ra nhìn sao Thái Bạch. Bính Đinh cũng thuộc về lửa - nhờ tìm về sao Bắc Đẩu mới khỏi lạc đường.
Trà Triệu Châu, bánh Thiều Dương, tuy đầy đủ, nhưng thiền sinh vẫn còn đói khát. Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, dầu mênh mông, mà tăng chúng cứ để bỏ hoang.
Liệng bó củi, thổi tắt đèn, nhờ đó mà đạt đạo. Nhìn hoa đào, nghe tiếng trúc, do vậy mà chứng nên.
HỘI THỨ MƯỜI
Xin lắng nghe: Chỉ cần tỏ ngộ về chân không, không cần phải căn cơ, pháp khí.
Vì lòng ta còn vướng chấp cho nên chưa thông đạt. Đó không phải là công án của chư Tổ không có hiệu lực
Cái biết của chúng Tiểu Thừa chưa được đến nơi đến chốn, nên Bụt không ngại tạo nên Bảo sở và hóa thành. Cái chứng ngộ của đấng Thượng Sĩ sở dĩ mà thành công, đó không phải do thực tập ở núi cao hay nơi thành thị
Núi hoang rừng vắng, ấy là nơi của các bậc dật sĩ tiêu dao, Chùa vắng am thanh, đó đích thực là nơi các bậc dị nhân ưa thích.
Dù ngựa cao lọng lớn, những kẻ nghênh ngang kia khi chết xuống cõi âm cũng phải đối diện với Diêm vương. Gác ngọc lầu vàng, những kẻ sang giàu ác độc khi hết đời cũng phải vào trong địa ngục.
Đam mê danh lợi, thổi phồng nhân ngã, đó đích thực là những kẻ phàm phu. Mến chuộng đạo đức, chuyển hóa thân tâm, đây quyết định đưa về thánh trí.
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy khác nhưng vẫn như nhau, Mặt thánh lòng phàm, thật và giả cách nhau vạn dặm.
KỆ
Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên
Hể đói thì ăn, mệt ngủ liền
Châu báu đầy nhà, đừng kiếm nữa
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền !
Hội thứ nhất
HỘI THỨ NHẤT
Mình ngồi thành thị; nết dùng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý; biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm!
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng; liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục; nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam.
Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu; kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
BÌNH GIẢNG
Mình ngồi thành thị, nết dùng sơn lâm.
Dùng là tiếng Việt. Câu này có nghĩa là thân của ta tuy sống ở thành thị, nhưng phong thái của ta đã là phong thái của người ở núi rừng rồi.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính; nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Muôn là mười ngàn. Khi mười ngàn hành động (về thân, về nghiệp và về ý) đã lặng xuống thì cái thể và cái tính của ta an nhàn trở lại. Thể, tiếng Anh là Essence, tính là Nature. Lặng xuống là relaxed, là peaceful. Nửa ngày rồi, rồi ở đây có nghĩa là thanh thản, không bị bó buộc. Nửa ngày thực tập sự thảnh thơi, thanh thản, nhờ vậy mà thân và tâm của ta đã bắt đầu có tự do.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Khi ngọn suối tham ái ở trong ta đã khô cạn rồi, thì cái đầu của ta không còn nghĩ tới vàng bạc, châu báu, tiền tài và của cải nữa. Thị phi nghĩa là ai phải ai trái; khi những tiếng cãi lộn với nhau về “anh sai tôi đúng” ngừng lại rồi, thì bắt đầu ta tha hồ được nghe những tiếng chim chóc véo von ca hát: Được dầu nghe yến thốt oanh ngâm. Dầu ở đây có nghĩa là tha hồ.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Ở trong cuộc đời có nhiều người biết thưởng thức cảnh trí của thiên nhiên, như nước màu biếc, núi màu xanh, và họ lấy làm đắc ý về sự kiện họ có thể thưởng thức được vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhưng:
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm!
Hay có nghĩa là biết, là hiểu. Năng ở đây có nghĩa là có thể, có khả năng. Thiên hạ năng mấy chủ tri âm là trong thiên hạ có mấy ai có khả năng biết được bản chất của đào hồng, của liễu lục. Chỉ có những thiền sư đắc đạo mới có thể nắm được bản chất của đào hồng liễu lục. Chúng ta đã nghe bài kệ của thiền sư Linh Vân khi trông thấy hoa anh đào nở thì thoắt nhiên đại ngộ.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Nguyệt bạc là vừng trăng màu bạc. Vừng xanh là bầu trời xanh thẳm. Nguyệt bạc, vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng có nghĩa vừng trăng bạc trên bầu trời xanh chiếu soi khắp mọi nơi. Mặt trăng không có kỳ thị, ở đâu có dòng sông là dưới đáy sông đó có phản chiếu ánh mặt trăng. Lai láng nghĩa là chỗ nào cũng có.
Chúng ta nhớ đến hai câu thơ của vua Trần Thái Tông:
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
Nghĩa là một ngàn dòng sông (thiên giang) thì dòng sông nào còn nước là dòng sông đó có mặt trăng ở trong lòng, và mười ngàn dặm đường (vạn lý) mà dặm nào không có mây là dặm đó có trời xanh. Thành ra khi đọc câu “Nguyệt bạc, vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng” chúng ta có khuynh hướng nhớ tới câu thơ của Trần Thái Tông. Đúng là cháu (vua Nhân Tông) nhớ thơ của ông nội (vua Thái Tông)!
Nguyệt bạc, vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng. Thiền hà là dòng sông thiền. Dòng sông một khi tĩnh lặng, không có sóng gió thì phản chiếu được hình ảnh của mặt trăng ở trong lòng nó. Chúng ta cũng vậy. Mỗi chúng ta là một dòng sông thiền. Khi nào nước ở trong dòng sông ta lắng trong thì ta phản ảnh được mặt trăng Phật tánh ở trong ta. Đây là những hình ảnh thi ca rất tuyệt diệu.
Chúng ta nhớ bài:
Bụt là vầng trăng mát,
Đi ngang trời thái không,
Hồ tâm chúng sanh lặng,
Trăng hiện bóng trong ngần.
Khi nào hồ tâm của chúng ta lặng yên thì mặt trăng hiển hiện trong hồ tâm đó. Ở đây cũng vậy. Khi mặt trăng sáng chói ở trên bầu trời xanh chiếu xuống thì nó soi rõ và phản chiếu trong tất cả mọi con sông.
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Cành liễu thì mềm, bông hoa thì tốt. Ngất là cao ngất. Quần sinh là các loại hữu tình. Quần sinh cũng như là chúng sinh, các sinh vật. Loài người, loài chim, loài cá, loài thú, loài côn trùng, tất cả đều gọi là quần sinh hay chúng sinh. Tuệ nhật tức là mặt trời của trí tuệ. Sâm lâm có nghĩa là sum suê, xanh tốt. Khi mặt trời trí tuệ chiếu xuống thì tạo ra màu xanh và nuôi dưỡng những loài thảo mộc tươi tốt. Mặt trời ở đây tức là mặt trời trí tuệ, là bát nhã. Mặt trời bát nhã chiếu vào ta thì ta được nuôi dưỡng và ta được tươi tốt trong đời sống tâm linh của chúng ta. Liễu mềm, hoa tốt là công trình của mặt trời, còn nếu chúng ta có hạnh phúc, có an lạc, đó là công trình của trí tuệ.
Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục
Lo hoán cốt là lo đi tìm cách đổi bộ xương của mình. Đây là một phép thực tập của các nhà đạo sĩ. Họ muốn đạt tới cõi trường sinh, sống lâu không bao giờ chết, cho nên họ phải đổi xương của họ, gọi là hoán cốt. Ước phi thăng tức là mơ ước được bay lên cõi bất tử. Phi là bay, thăng là lên. Đan thần mới phục: Đan là thuốc viên, cũng như linh đan; thần là thuốc tiên, thần dược. Mới phục tức là mới uống, như phục dược, tức là uống thuốc. Vì những người kia muốn đổi xương, muốn trở thành bất tử, cho nên họ mới đi tìm thuốc trường sinh để uống. Đây là nói về các nhà tu theo Lão giáo,
Chúng ta còn nhớ một câu của vua Trần Thái Tông:
Đến được động tiên sâu thẳm ấy
Linh đan thay cốt mới quay về.
Khi tới được động đá của người tiên ở sâu thẳm trong núi, ta cương quyết phải xin cho được thuốc tiên, uống cho được linh đan, thay cho được tất cả những khúc xương ở trong cơ thể thì ta mới chịu quay về. Cũng như khi tới Làng Mai, ta nhất định không về hai tay không, ta phải đổi xương đổi cốt, phải đổi thịt đổi da, phải uống cho được thuốc chánh niệm, phải thay đổi con người của ta rồi mới chịu về, chứ không thể bỏ về nửa đường được.
Nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam.
Thuốc thỏ tức là mặt trăng. Nếu nhìn lên mặt trăng quý vị sẽ thấy hình một con thỏ nằm trên đó. Con thỏ bằng ngọc, gọi là Ngọc Thố. Mặt trời thì người ta gọi là con quạ vàng, Kim Ô. Đó là danh từ để chỉ mặt trăng và mặt trời trong văn chương Á Đông. Thuốc thỏ tức là thứ thuốc tiên, nếu như ta uống vào sẽ được bất tử, và có thể như là Hậu Nghệ bay lên mặt trăng và sống muôn đời trên đó.
Truyền thuyết cho rằng Hậu Nghệ đã ăn cắp thuốc trường sinh của vua. Nhà vua đã tìm đủ mọi cách để mời các vị đạo sĩ tới luyện đan cho vua uống để thành bất tử. Nhưng mới luyện xong, vua chưa kịp uống thì chàng Hậu Nghệ đã lẻn vào cung uống hết thuốc đó, rồi bay lên mặt trăng sống với Hằng Nga!
Nhẩm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam. Đam là say mê. Nghĩa là những người có mục đích nhắm tới chuyện trường sinh, sống lâu và đi về thượng giới thì họ mới đam mê chuyện thuốc thỏ. Trong khi đó thì:
Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu; kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
Ở đây chữ dễ có người phiên âm là dịch, nhưng tôi nghĩ có thể không phải chữ dịch, tại vì kinh Dịch không phải là kinh Phật, hơn nữa cũng không nói về cái tính sáng, tức là cái bản tâm thanh tịnh của con người. Chơi ở đây nghĩa là thích, tiếng Anh là enjoy, ta thích xem sách. Sách đây tức là sách nói về giáo lý đạo Bụt, có thể là những bộ Luận. Mỗi ngày ta đem sách đó ra xem, ta yêu thích chuyện xem sách, tại vì xem sách là một phương pháp để nuôi dưỡng cái thấy của mình. Yêu tính sáng yêu hơn châu báu: Tính sáng tức là minh tánh, cái tính chiếu sáng sẵn có trong người của ta. Mỗi người đều có tính sáng. Ta yêu chuộng tính sáng vì đó là cái ta cho là quí giá hơn tất cả những cái gì khác, gọi là yêu tính sáng yêu hơn châu báu.
Chúng ta thấy tiếng Việt của thế kỷ thứ XIII, XIV còn Việt hơn là tiếng Việt của thế kỷ thứ XX, XXI của chúng ta: tính sáng chứ không viết là minh tính.
Kinh nhàn đọc dấu. Dấu đây có nghĩa là in dấu, cũng có nghĩa là ưa thích, như trong chữ yêu dấu. Ta ưa thích việc đọc kinh, đọc một cách nhàn hạ, cũng như việc xem sách, ta xem một cách dễ dãi, chứ không phải ta xem sách nhức đầu, nhức óc. Nếu nhức đầu nhức óc thì làm sao mà thưởng thức được? Cho nên ta xem sách như thế nào mà ta thấy có sự thích thú, có hạnh phúc ở trong đó. Đọc kinh cũng vậy. Ta đọc kinh không phải vì sợ thầy bắt trả bài, thầy bắt phải nói cho đúng, mà tại vì ta ưa thích đọc kinh. Đọc tới đâu ta cảm thấy hạnh phúc tới đó. Phương pháp tu của Trúc Lâm Đại Sĩ là vừa tu vừa chơi. Phải thưởng thức (enjoy) việc tu tập, chứ không phải lao động mệt nhọc.
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim. Lòng rồi tức là nhàn tâm, nghĩa là lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Trong tâm ta mà không có sự thanh thản nhẹ nhàng thì không cách gì có thể làm cho ta hạnh phúc cả. Tâm thảnh thơi ngày xưa gọi là lòng rồi, nghĩa là lòng rỗi. Trọng nữa hoàng kim có nghĩa là trọng hơn cả vàng bạc nữa. Nữa ở đây có nghĩa là hơn cả. Khi đọc sách ta thấy rằng ta yêu cái tính sáng sẵn có ở trong và yêu hơn cả châu báu. Khi xem kinh thì ta quí trọng cái tự do của tâm còn hơn bất cứ vàng bạc nào trong đời.
Giáo pháp
Trước hết là tự do. Tự do là cái mà người đi tu quí trọng nhất. Không có những dây buộc, dây ràng, không có cái gì có thể sai sử mình được nữa. Tự do đây không phải là tự do chính trị. Tự do đây là tự do của tâm, gọi là nhàn tâm, sự thảnh thơi trong tâm. Nếu tâm mình có thảnh thơi thì tự khắc mình có hạnh phúc. Cái mà người tu phải thực hiện trước tiên là đạt tới sự thảnh thơi của tâm, điều đó quí hơn cả vàng, quí hơn cả bạc, quí hơn tất cả những cái như công danh và lợi dưỡng.
Thứ hai là tính sáng (tính Bụt). Trong mỗi chúng ta ai cũng có tính sáng, và đó là cái quí nhất mà chúng ta có, chúng ta chỉ cần làm cho nó biểu lộ ra thôi.
Thứ ba là phải nắm cho được bản chất của thực tại. Tuy nhiều người có khả năng thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng người tu cần phải đi xa hơn. Người tu không chỉ thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn phải tiếp xúc cho được, nắm cho được bản chất của thực tại. Không phải chơi nước biếc, ẩn non xanh mà đủ, mà phải biết đào hồng, hay liễu lục thì mới được. Tức là phải nắm cho được, phải tiếp xúc cho được bản chất của liễu lục, đào hồng, tức là pháp thân. Tại vì trúc tím hoa vàng, bạch vân minh nguyệt, đều là những biểu hiện của pháp thân cả. Tiếp xúc sâu sắc với trúc tím hoa vàng, bạch vân minh nguyệt thì chúng ta chạm được tới pháp thân. Đó gọi là biết đào hồng, hay liễu lục.
Sau cùng, nếu sống một đời sống nội hướng, sâu sắc thì dù có phải ở thành phố, chúng ta vẫn có an lạc hạnh phúc, chứ không hẳn phải trốn lên núi, đi vào rừng, chúng ta mới có thể có được điều đó.
Hội thứ hai
HỘI THỨ HAI
Biết vậy! Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an; nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương; dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe; cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung; dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác
BÌNH GIẢNG
Biết vậy!
Có nghĩa là chúng ta hãy nên biết như thế! Và Đại Sĩ đưa lên một ngón tay rồi tuyên bố một câu quan trọng:
Miễn được lòng rồi; chẳng còn phép khác.
Lòng rồi tức là tâm thảnh thơi. Đó là cái quí nhất. Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác. Miễn là ta có được tâm thảnh thơi, ngoài ra không còn pháp môn nào nữa hết. Đó là một tiếng sét, và đó là hiệu lệnh của Trúc Lâm Đại Sĩ.
Ta hãy tự hỏi, trong khi sống tại Mai Thôn Đạo Tràng, ta có đang thực tập làm cho tâm ta mỗi ngày mỗi thảnh thơi hay ta vẫn còn lăng xăng, tâm ta vẫn còn rối như tơ vò? Tuy là người tu mà ta vẫn còn lo chuyện này, rầu chuyện khác, ta nghĩ về quá khứ, ta nghĩ tới tương lai, ta bị ràng buộc vào vấn đề này và vào vấn đề khác. Có gì là quan trọng đâu! Chỉ có một cái quan trọng thôi, đó là sự thảnh thơi của tâm ta. Ngoài ra, tất cả đều không quan trọng. Sư chị có rầy hay cưng nhiều hoặc ít hơn một chút, cái đó không quan trọng. Sư anh có “găng” nhiều hay ít hơn một chút, cái đó không quan trọng. Cái quan trọng là sự thảnh thơi có đang có mặt ở trong lòng ta hay không thôi. Sự thảnh thơi đó là tự ta tạo ra, không ai có thể cho ta được. Tâm thảnh thơi của ta, thầy không thể nào ban cho ta được. Sư anh không ban cho ta được, sư chị cũng không ban cho ta được. Tự ta phải khơi mở lấy. Tâm thảnh thơi gọi là “lòng rồi” hay “lòng rỗi”. Thành ra mỗi khi thấy trong lòng buồn bã, khổ đau, giận hờn, thất vọng, chúng ta hãy gọi: “Tâm thảnh thơi của tôi ơi! Ngươi đi đâu rồi?”
Ta biết rằng không phải người khác có thể cho ta cái tâm thảnh thơi đó. Tâm thảnh thơi không phải là một món quà mà nhà dây thép đem tới. Tâm thảnh thơi không phải là thứ có thể mua được ở siêu thị. Tâm thảnh thơi không phải do một người thương của ta đem tới, dù người đó là sư anh, sư chị, sư em hay thầy của ta. Tâm thảnh thơi đó chỉ có ta mới có thể cho ta được. Ta lấy nó ở đâu? Ta lấy nó từ cái tính sáng của ta.
Càng đọc bài Cư Trần Lạc Đạo, quí vị thấy rõ là tiếng Việt ngày xưa rất Việt, kể cả văn cú và chữ dùng. Miễn được lòng rồi, chẳng còn phép khác. Dùng chữ phép chứ không dùng chữ pháp.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an
Gìn tức là bảo vệ, là gìn giữ, là bảo quản. Hầu an tức là mới có được cái an ở trong lòng. Gìn tính sáng, tính mới hầu an tức là gìn giữ tính sáng thì mới mong đem tới cho ta an lạc. An đưa tới lạc. Người khổ là người không có an. Muốn có an, người đó phải biết dựa trên cái tính sáng của mình. Tính sáng của ta là khả năng thấy của ta.
Nếu không thấy hoặc thấy sai, tức là vọng tưởng, thì ta khổ. Tất cả những nỗi khổ của ta đều do cái thấy sai của ta mà ra cả. Bụt nói tất cả những khổ đau của chúng ta đều phát sanh từ chỗ chúng ta bị kẹt trong vọng tưởng. Chúng ta đau khổ là vì sao? Vì giận hờn, vì ganh tị, vì thèm khát, vì sợ hãi, vì thất vọng... Tất cả những giận hờn, ganh tị, thất vọng, sợ hãi đó đều phát sinh từ vô minh, tức là không thấy được sự thật. Vì vậy cho nên chỉ có một cái có thể chữa được bệnh khổ của chúng ta, đó là cái tính sáng. Có tính sáng, tức là thấy được sự thật thì tự nhiên ta hết khổ. Ta cứ nghĩ rằng cái khổ của ta sẽ chấm dứt khi những hiện tượng chung quanh ta thay đổi theo ý ta muốn. Nhưng đó chỉ mới là cái ngọn, cái gốc của sự chấm dứt niềm đau nỗi khổ của ta là ở chỗ thấy được tính sáng của ta.
Cho nên nếu ta đau khổ thì phương cách chữa bệnh là trở về với tính sáng ở trong ta, chứ không phải nói rằng: “Đợi chừng nào hoàn cảnh của tôi thay đổi thì tôi mới hết đau khổ.” Đó không phải là phương pháp chữa trị của đạo Bụt. Gìn tính sáng, tính mới hầu an, vậy nên muốn được lòng an thì ta phải làm cho tính sáng trong ta chiếu rọi ra.
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Chữ niềm ở đây tương đương với chữ niệm. Niềm là tiếng Việt, còn niệm là tiếng Hán-Việt. Khi chúng ta nói “nỗi khổ niềm đau” thì đó là chữ niềm được dùng trong câu này. Niềm vọng là chữ dùng rất Việt Nam, tiếng Hán-Việt là vọng niệm. Vọng niệm là trái với chánh niệm. Chánh niệm tức là niềm chính. Nén niềm vọng tức là đừng để cho vọng niệm tung hoành ở trong ta. Ta đau khổ là do có những vọng niệm. Nén tức là ngăn ngừa đừng cho phát hiện. Nếu vọng niệm phát hiện ra rồi thì phải quán chiếu để thấy được tự tánh của nó, thì tự nhiên nó sẽ thay đổi. Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác. Nếu chúng ta có quán chiếu và phòng hộ thì vọng niệm sẽ dừng lại. Thác có nghĩa là sai lạc. Chẳng thác là không thể nào sai được. Vọng niệm sẽ dừng lại chứ không phải bị đàn áp hay bị tống ra khỏi ta.
Trúc Lâm Đại Sĩ đã thấy rằng phương pháp tu tập không phải là đàn áp vọng niệm mà là ngăn ngừa đừng cho nó phát triển. Nếu vọng niệm đã phát khởi rồi thì ta nên quán chiếu và dùng chánh niệm can thiệp vào để cho tự nó dừng lại. Điều đó không thể nào sai lạc được.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương;
Tướng thực kim cương, tiếng Hán-Việt là kim cương thật tướng. Trong kinh Kim Cương, Bụt dạy chúng ta phải phá tung bốn ý niệm, đó là Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ giả. Nhưng ở đây, Trúc Lâm Đại Sĩ chỉ đưa ra Nhân và Ngã, lý do là vì câu phú bị hạn định bởi số chữ. Đưa ra hai chữ để nói bốn chữ. Dứt trừ nhân ngã tức là vượt thoát ý niệm về ta (ngã) và về loài người (nhân). Nhân đây không có nghĩa là người kia. Nhân ngã ở đây tức là ý niệm về loài người như là một chủng loại, và về ta như là một thực thể bất biến. Ta ở đây không phải là chữ đối lại với người. Ta ở đây là đối với vô ngã. Nếu ta dứt trừ được ý niệm sai lầm về nhân, về ngã, trừ được hai niềm vọng đó rồi thì tự nhiên sẽ xuất hiện ra cái tướng thực kim cương.
Dừng hết tham sân, mới lảu lòng mầu viên giác.
Lảu tức là hiểu một cách thấu suốt, như trong chữ lảu thông. Nếu dừng được hết những thèm khát và giận hờn thì ta mới có thể chứng thực được cái diệu tâm của viên giác. Viên giác tức là sự giác ngộ tròn đầy. Lòng mầu viên giác, tiếng Hán-Việt là viên giác diệu tâm.
Quí vị có thấy là các ngài tổ tiên biết rằng cái độc lập về chính trị, độc lập về quân sự dính líu mật thiết đến cái độc lập về văn hóa không? Ngôn ngữ này là một ngôn ngữ độc lập. Thay vì nói “viên giác diệu tâm” thì nói “lòng mầu viên giác”. Văn cú rất là Việt Nam. Độc lập với ngoại bang là do gốc gác đó. Tổ tiên của chúng ta xây dựng nền tảng của đất nước ngay từ trong ngôn ngữ. Viên giác, tiếng Anh là Fully Enlightenment, sự giác ngộ toàn vẹn.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phiên âm là “Tịnh thổ”, nhưng đọc là “Tịnh độ” thì đúng hơn. Viết là thổ, nhưng đọc là độ.
Làng Mai có bài hát “Tịnh độ là đây - Đây là tịnh độ”. Đó là chúng ta hành trì theo lời dạy của Trúc Lâm Đại Sĩ. Chúng ta đâu có đặt ra cái gì mới đâu? Tịnh độ là lòng trong sạch. Khi nào tâm ta tịnh, tâm ta lắng lại, tâm ta an, ta không phiền não, không giận hờn, không ganh tị, thì ta bước vào Tịnh độ. Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Đâu cần đặt vấn đề Tịnh độ có thật hay không có thật? Đối với những người tin rằng Thiên đường có thật nên trong tâm họ thấy an. Nhưng khi câu hỏi được đặt ra: “Lâu nay mình tin là có Thiên đường, nhưng lỡ nó không có thì sao?” Lúc đó bắt đầu đi vào trong đêm đen của sự nghi ngờ. Nguy hiểm lắm! Giờ đây, khi biết được Tịnh độ là lòng trong sạch, thì ta không còn đặt vấn đề là có hay không có Tịnh độ. Rõ ràng là Tịnh độ có, và có ở đây chứ không phải ở chỗ khác: chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương!
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Di Đà là tính sáng soi, tại vì Bụt A Di Đà là Bụt Vô Lượng Quang. “Vô lượng quang” là ánh sáng chiếu xa, không biên giới. Mựa tức là đừng, chớ có. Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc, là chớ có nhọc tìm về Cực lạc. Cực lạc không nằm trong không gian, không nằm trong thời gian, không nằm ở nơi nào khác và lúc nào khác. Cực lạc nằm ngay ở đây và bây giờ. Cực lạc có mặt trong cái tính sáng của chúng ta.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Xét thân tâm tức là quán sát thân và tâm của ta. Xét ở đây không có nghĩa là xét nét (judging), mà có nghĩa là nhận xét, quan sát (observing). Xét thân tâm (contemplate on the body, contemplate on the mind), là kinh Niệm Xứ. Chúng ta phải quán niệm về thân và về tâm. Chúng ta phải luyện rèn cái “tính thức”. Tính thức tức là bản chất của cái biết, của sự tỉnh thức ở trong ta. Chúng ta phải thực tập, rèn luyện. Rèn ở đây là cultivate. Rèn tính thức, tiếng Anh là cultivate the nature of understanding, cultivate the nature of consciousness.
Há rằng mong quả báo phô khoe: Ta làm những công việc đó không phải là để khoe sự thực tập của ta với người khác. Ta làm cái đó là để có an, có lạc, có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Cầm, tiếng Hán-Việt là trì. Bây giờ chúng ta nói là trì giới, ngày xưa tổ tiên chúng ta nói là cầm giới. Địch vô thường tức là đối phó với cuộc đời vô thường. Ngày hôm nay như thế này, ngày mai như thế kia, ta đâu biết trước được thì làm sao mà đối địch được với vô thường? Đại sĩ nói phương cách để đối địch với vô thường là tay luôn luôn cầm lấy giới, cầm lấy hạnh. Cầm giới hạnh, địch vô thường.
Thành ra giới hạnh là một khí giới có thể chống lại được với vô thường. Nếu có giới hạnh trong tay, thì vô thường không làm gì được ta. Nào có sá cầu danh bán chác. Bán chác tức là mua bán. Tất cả những chuyện gọi là thực tập trì giới đều nhắm tới mục tiêu giải thoát, an lạc, chứ không phải để khoe khoang, mua bán với người ta.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Thửa là những chỗ, những đối tượng, tương đương với chữ sở trong Hán-Việt. Ví dụ như sở tri là cái mình biết, tiếng Việt xưa là thửa biết; sở kiến là cái mình thấy, tiếng Việt xưa là thửa thấy. Vậy thì chẳng hiềm thửa đắng cay tức là những thức mình ăn đôi khi có đắng, có cay cũng không sao. Đắng cay ở đây có nghĩa là không ngon. Ăn rau ăn trái, tức là ăn chay. Nghiệp miệng là tiếng Việt của chữ “khẩu nghiệp”. Nếu chúng ta ăn thịt các loài chúng sanh thì chúng ta tạo ra nghiệp miệng. Nghiệp miệng ở đây không phải là nghiệp nói năng mà là nghiệp ăn uống. Nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay: Dở hơn một chút hay ngon hơn một chút cũng không sao, chúng ta không ngại ngon dở. Chẳng hiềm nghĩa là không quản, không ngại.
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Vận tức là mặc. Giấy ở đây là một thứ vải làm bằng vỏ cây. Sồi cũng là một thứ vải thô. Thân căn có ngại chi đen bạc. Thân căn tức là cái hình hài của chúng ta. Đen là màu đen, bạc là màu trắng. Mặc áo nhuộm màu nâu cũng được, màu lam cũng được, màu nào cũng được hết, không kén chọn. Đó gọi là có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung;
Nhược có nghĩa là nếu, là ví bằng. Chín là chỉ, quí nữa nghĩa là quí hơn. Nếu chúng ta chỉ tìm cái vui về mặt đạo đức thì nửa gian lều tranh còn quí hơn là một cung điện ở trên trời (Thiên cung).
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
Dâu là tiếng Hán-Việt, dầu là tiếng Việt. Thửa là cái chỗ, như thửa ruộng, hay là biết. Thửa nhân nghì, nghĩa là biết yêu mến chỗ nhân nghĩa. Nhân tức là tình thương người, thương vật (Loving kindness). Nghì tức là sống có tình với nhau, biết ơn nhau.
“Nghĩa” là một chữ rất khó dịch ra tiếng Anh. Dịch là Faithfulness cũng không hay lắm. Ví dụ như hai người, một trai một gái thương nhau. Lúc đầu, cái tình của họ có vẻ bồng bột, nhưng khi hai người sống với nhau, giúp đỡ nhau, cứu nhau trong những lúc khó khăn, thì tự nhiên có một thứ tình nẩy ra từ tình thương ban đầu. Thứ tình này không bồng bột, không có sự đam mê như thuở đầu nhưng bền bỉ, vững chãi. Đó là nghĩa. Khi người ta lên 90 tuổi rồi thì tình có thể phai mờ đi, nhưng nghĩa đậm thêm lên. Người ta ở được với nhau lâu dài là do nghĩa chứ không phải do tình. Bắt đầu bằng tình, và tình tạo ra nghĩa. Trong chữ nhân nghì thì nghì tức là nghĩa.
Cái nghĩa phát sinh là vì người kia đã chống đỡ giùm cho ta, người kia đã hy sinh cho ta, người kia đã không bỏ ta trong những lúc mình gặp khó khăn. Trong nghĩa có sự biết ơn là người kia đã chọn ta, người kia đã chấp nhận ta là một người bạn, là một người học trò của ta, hay là một người thầy của ta. Chính cái nghĩa là cái rất đẹp. Nó có sự bình tĩnh, có sự vững chãi hơn là cái tình thuở nào. Vì vậy hai người muốn sống với nhau lâu dài, muốn có chỗ nương tựa bền bỉ, thì phải làm phát triển cái nghĩa. Chỉ có tình thôi thì chưa đủ.
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác. Nếu biết quí mến chỗ nhân và nghĩa, thì dù ta chỉ có ba viên ngói che mái thôi, ta cũng yêu mến ba viên ngói đó hơn là những lầu loan gác phụng. Lầu gác là tiếng Việt, còn “lâu cát” là tiếng Hán-Việt. Bản của giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết là “lâu cát”.
Giáo pháp
Trước hết là tâm thảnh thơi. Thực tập để tâm thảnh thơi được là cái pháp duy nhất. Điều này ta phải nhớ. Trong đời sống hàng ngày, ta phải tạo cho được sự thảnh thơi. Làm gì cũng được, miễn là có thảnh thơi. Giá trị của ta là tâm thảnh thơi. Có tâm thảnh thơi thì ta làm hạnh phúc cho người chung quanh rất nhiều. Sự đóng góp của ta cho tăng thân là cái tâm thảnh thơi, cái hạnh phúc của ta, chứ không phải số lượng những công tác lao động mà ta làm. Có tâm thảnh thơi, có nụ cười là ta nuôi dưỡng thầy ta, nuôi dưỡng anh ta, chị ta, em ta.
Điều thứ hai là thực hiện được viên giác diệu tâm và kim cương thực tướng bằng phương pháp tu tập chánh niệm. Ta phải giữ gìn để cho vọng niệm, tức là niềm vọng, đừng phát khởi. Nếu vọng niệm phát khởi rồi thì quán chiếu để thấy được tự tánh của nó, thì tự khắc nó dừng lại. Nguyên tắc đó không bao giờ có thể sai được.
Điều thứ ba là tịnh độ nằm ngay ở đây. Di Đà tức là tính sáng soi ở trong ta. Tịnh độ tức là lòng thanh tịnh của ta. Tính sáng và lòng thanh tịnh ta đều có. Chúng ta không nên đặt vấn đề là nó có hay không, chúng ta không cần đi tìm ở chỗ khác.
Cuối cùng, nếu sống theo chánh pháp thì chúng ta có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải có những điều kiện vật chất xa hoa thì mới có hạnh phúc được. Ba phiến ngói, hay nửa gian lều là đủ cho chúng ta có hạnh phúc rồi. Chúng ta ăn và mặc đơn giản, chúng ta sống đơn giản mà chúng ta vẫn có hạnh phúc, tại vì chúng ta có chánh pháp. Đây là những tư tưởng vẫn còn giá trị rất nhiều trong thế giới ngày nay.
Trong thế giới bây giờ, người ta chạy theo sự hưởng thụ. Người ta nghĩ hạnh phúc là phải có tiền, phải có tiện nghi. Càng chạy theo hướng đó chừng nào người ta càng khổ đau chừng đó. Con đường thoát cho thế giới mới có thể tìm ngay trong giáo lý của Trúc Lâm Đại Sĩ. Nếu chúng ta biết sống theo chánh pháp thì chúng ta không cần tiêu thụ thật nhiều nữa, mà chúng ta vẫn có hạnh phúc với những điều kiện sinh hoạt rất đơn giản.
Giây phút chúng ta bắt đầu nắm lấy chánh pháp và thực tập là ta đã bắt đầu có hạnh phúc. Vì vậy chánh pháp có tính cách siêu việt thời gian, nó không phải là vấn đề thời gian. Khi biết cầm chánh pháp trong tay để sống thì tự nhiên chúng ta có hạnh phúc liền, chứ không cần phải tu ba bốn ngày, hay tu ba bốn tháng, ba bốn năm mới có hạnh phúc. Đó là một nguyên tắc rất quan trọng. Sở dĩ chúng ta không có hạnh phúc là tại chúng ta không sử dụng chánh pháp một cách thông minh và đúng đắn.
Trong nghi thức tụng niệm, chúng ta có một bài kệ xưng tán kinh Pháp Hoa:
Đêm tụng kinh Pháp Hoa,
Tiếng xao động tinh hà,
Địa cầu vừa tỉnh thức,
Lòng đất bỗng đơm hoa.
Chúng ta còn có một bài tán dương kinh Pháp Hoa trước khi tụng kinh Pháp Hoa. Bài đó tôi chưa dịch ra tiếng Việt, nhưng có thể đọc để quý vị nghe bằng chữ Hán:
Lục vạn dương ngôn, thất trục trang.
Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng.
Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận.
Khẩu nội đề hồ đích đích lương.
Bạch ngọc xỉ biên lưu Xá Lợi.
Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang.
Giã như tạo tội quá sơn nhạc,
Bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng.
Bài này của một vị tổ làm và đặt ở trang đầu kinh Pháp Hoa. Trước khi tụng kinh Pháp Hoa, chúng ta thường xưng tán kinh Pháp Hoa bằng bài này. Hồi hai mươi tuổi tôi đã bắt đầu tụng kinh Pháp Hoa.
Lục vạn dương ngôn, thất trục trang. Lục vạn tức là sáu mươi ngàn. Lục vạn dương ngôn là hơn sáu mươi ngàn chữ. Thất trục trang là chia làm bảy cuốn. Ngày xưa một cuốn sách được làm bằng một cuốn giấy rất dài, có một cái trục để cuốn lại thành một cuộn. Khi đọc, người ta mở ra từ từ để đọc. Ngày xưa kinh Pháp Hoa có hơn sáu mươi ngàn lời, chia ra làm bảy cuộn.
Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng. Vô biên diệu nghĩa tức là nghĩa lý mầu nhiệm không thể nào có biên giới được. Quảng là rộng lớn, hàm tàng là chứa đựng. Chỉ có hơn sáu vạn lời, được chia làm bảy cuốn, mà trong đó chứa đựng những nghĩa lý thâm diệu vô cùng.
Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận - Khẩu nội đề hồ đích đích lương - Hầu trung tức là trong yết hầu, trong cổ họng của ta tiết ra một chất cam lộ, một thứ nước rất bổ, rất ngọt, rất mát, tiếng Phạn là amrta. Quyên quyên nhuận là chảy ri rỉ, từng giọt và thấm vào. Nhuận tức là thấm vào. Khi đọc kinh Pháp Hoa thì những nghĩa lý ở trong kinh trở nên thứ nước cam lộ mầu nhiệm, chảy thành một dòng nhỏ, thấm dần vào trong cổ họng ta, và ta được nuôi dưỡng ngay trong lúc trì kinh. Khẩu nội là trong miệng của ta; đề hồ là một loại cháo lỏng làm bằng nước cháo, sữa, và mật ong. Rất bổ. Đích đích là từng giọt, từng giọt một. Lương là mát. Khi chúng ta trì tụng kinh Pháp Hoa, thân và tâm của chúng ta được nuôi dưỡng liền lúc đó bằng chánh pháp, chứ không phải là sau đó.
Bạch ngọc xỉ biên lưu Xá Lợi - Bạch ngọc là ngọc trắng. Xỉ là răng. Biên là một bên. Câu này có nghĩa là răng ta trở nên những viên bạch ngọc, và nó đang là Xá Lợi của Bụt. Rất là linh thiêng, vì sự kiện ta đang trì tụng chánh pháp.
Thường thường chúng ta nghĩ rằng Xá Lợi đốt từ nhục thân của Bụt thì mới linh ứng. Chùa nào có được một hạt Xá Lợi để thờ thì chỗ đó rất là linh ứng. Có một ngôi chùa ở Miến Điện thờ một cái răng của Bụt - Chùa Răng Bụt - rất nổi tiếng. Chúng ta không cần phải đi tới Miến Điện hay Tích Lan hay chỗ nào khác để tìm cầu Xá Lợi. Khi tụng kinh Pháp Hoa, răng của chúng ta biến thành Xá Lợi.
Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang. Thiệt là cái lưỡi. Thượng là trên. Cái lưỡi của ta biến thành một đóa sen hồng (hồng liên), và trên đóa sen đó phóng ra những luồng ánh sáng. Chánh pháp phóng ra những luồng ánh sáng. Khi ta đau khổ, khi ta bị kẹt bởi cái buồn, cái giận, cái ganh, cái tức, cái thất vọng, thì ta có sự tăm tối ở trong tâm hồn. Khi nghe Bụt thuyết pháp, khi nghe thầy thuyết pháp, Bụt và thầy đều phóng những luồng ánh sáng của chánh pháp vào trong vùng tối tăm đó của tâm ta, và tự nhiên ta thấy những tối tăm đó tiêu đi, ta thấy khỏe, ta thấy nhẹ và ta có hạnh phúc liền. Vì vậy cho nên thuyết pháp có nghĩa là soi chiếu, là phóng những đạo hào quang vào trong tâm người để cho tối tăm và hắc ám ở trong lòng họ tan biến đi. “Vous avez faire descendre la paix dans mon coeur!” Người Pháp hay nói như vậy. “Thầy đã làm cho trái tim con an bình trở lại. Trước đó thì con đau khổ lắm, nhưng nhờ thầy soi sáng bằng chánh pháp, cho nên bây giờ con có an lạc, con có giải thoát.” Đó là gì nếu không phải là hào quang?
Lưỡi ta là một đóa sen. Nếu ta hiểu được chánh pháp, nếu ta thực hiện được chánh pháp thì khi ta chia sẻ chánh pháp đó cho những người chung quanh là ta đang phóng hào quang. Còn hào quang ở ngoài đời thì dễ ợt. Ta chỉ cần cắm điện vô, bật công tắt là ta có liền. Hào quang ở trong đạo mới khó.
Chúng ta mỗi người phải tập phóng hào quang. Hào quang đó phát sinh từ cái thấy, cái hành của chúng ta về chánh pháp. Nếu chúng ta không có thực hành chánh pháp, không có cái thấy đúng về chánh pháp thì chúng ta chỉ cho ra những cái máy cassette thôi chứ không phải là những hào quang.
Cố nhiên, chánh pháp nuôi dưỡng ta bằng cam lộ, bằng đề hồ; chánh pháp làm cho thế giới của ta được trang nghiêm bằng Xá Lợi Bụt; chánh pháp phóng ra những tia hào quang, đem lại sự hiểu, sự thương ở trong lòng của mỗi chúng ta.
Giả như tạo tội quá sơn nhạc - Bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng - Sơn là núi, nhạc cũng là núi, núi lớn. Giả như trong quá khứ ta đã dại dột tạo ra những lầm lỗi nhiều đến chất thành núi, thì Bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng, nghĩa là tất cả những tội lỗi đó có thể chuyển hóa được một cách rất mau chóng, không tới hai ba dòng của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Lưỡng là hai, tam là ba, hàng là dòng. Chỉ cần trì tụng và hành kinh Pháp Hoa hai ba dòng thôi là đủ để làm tiêu tan những lầm lỗi mà chúng ta đã làm trong quá khứ.
Ví dụ những câu như Từ nhãn thị chúng sanh, Phước tụ hải vô lượng. Có hai câu và mười chữ thôi, nhưng nếu hành trì được hai câu đó và hiểu được hai câu đó thì tất cả những lỗi lầm của ta chứa chất trong nhiều kiếp sẽ tiêu tan đi hết. Bất tu có nghĩa là không cần đến. Giả như ta có những lỗi lầm chất đầy lên thành núi, chỉ cần trì tụng và thực hành hai hoặc ba hàng trong Diệu Pháp là đã có thể chuyển hóa được tất cả những khổ đau đó. Diệu Pháp ở đây có nghĩa là pháp mầu nhiệm, nhưng cũng có nghĩa là kinh Pháp Hoa, tại vì kinh Pháp Hoa được gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
Ta làm thầy, làm sư anh, làm sư chị, ta phải có khả năng phóng hào quang. Hào quang đó có khả năng giúp cho sư em thấy được tính sáng, giải tỏa khổ đau, phá tan bóng tối, và đem hiểu biết, thương yêu vào trong lòng của các sư em.
Ta biết rằng trong khi thực tập chánh pháp thì ta được nuôi dưỡng bởi chất cam lộ, bởi chất đề hồ của chánh pháp, và tâm ta được soi sáng. Khi có chuyển hóa, có hiểu biết, ta soi sáng cho các sư em của ta. Nếu ta là sư em, nếu ta là học trò thì ta đừng đợi thầy hay sư anh, sư chị soi sáng cho ta những khi ta đau khổ, trong lòng tối tăm, ta phải tập phóng hào quang cho chính mình. Nghĩa là ta phải có khả năng quán chiếu, biết sử dụng tính sáng của ta để soi sáng, để làm tan biến những tối tăm, những hiểu lầm ở trong tâm của mình, thì tự nhiên ta có an, có lạc. Phóng hào quang là nghệ thuật của người tu. Người tu nào cũng phải học kỹ thuật phóng hào quang hết.
Hội thứ ba
HỘI THỨ BA
Nếu mà cóc, tội ắt đà không, phép học lại thông.
Gìn tính sáng mựa lạc tà đạo; sửa mình học cho phải chính tông.
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ; vong tài đối sắc ắt tìm cho phải thói Bàng công.
Áng tư tài tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh-diều Yên-tử; răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; sơn lâm chẳng cóc, họa kia thực cả đồ công.
Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín; phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đơm bông.
BÌNH GIẢNG
Nếu mà cóc, tội ắt đà không
Cóc là một từ xưa, có nghĩa là biết. Nếu ta biết được, thì những lầm lỗi ta đã tạo ra trong quá khứ sẽ tan biến đi. Sở dĩ ta làm ra những lầm lỗi, những vụng về là tại ta không biết, tại ta vô minh. Bây giờ biết rồi thì ta nhất định sẽ không làm lại những lầm lỗi đó nữa.
Phép học lại thông. Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo
Làm thế nào để biết? Phải quán chiếu, phải dùng tính sáng ở trong ta để chiếu soi mới có thể biết được, hiểu được. Nhiều khi ta phải nhờ những người trong tăng thân soi sáng cho chúng ta.
Nếu mà cóc, tội ắt đà không, phép học lại thông. Nếu chúng ta thấy được, biết được, thì những lầm lỗi của chúng ta sẽ tan biến và sẽ không bị lặp lại nữa. Phép học ở đây tức là Giới, Định và Tuệ. Phép học ở đây là luyện tập, là tu học trong đời sống hàng ngày.
Gìn tính sáng mựa lạc tà đạo. Gìn tức là bảo vệ, giữ gìn, chăm sóc. Tính sáng là bản tánh sáng chói có sẵn trong tâm ta. Ta biết rằng năng lượng chánh niệm là ánh sáng. Có chánh niệm, ta biết cái gì đang xảy ra. Khi giận mà có chánh niệm ta biết ta đang giận. Giận mà không biết rằng đang giận thì rất nguy hiểm. Khi giận mà biết rằng ta đang giận thì tuy vẫn còn giận nhưng ta đã đặt ta trong tình trạng an ninh rồi, tại vì chánh niệm là Bụt. Nếu biết nuôi dưỡng chánh niệm đó trong một thời gian năm hay mười phút, cái giận kia sẽ được chuyển hóa. Gìn tính sáng, tính sáng không phải là một ý niệm mơ hồ. Tính sáng, tiếng Anh là the shining nature in us. Chúng ta có thể nói tính sáng này là chánh niệm. Niệm giúp ta có định. Khi tâm định lại, chúng ta có cái thấy, cái hiểu, gọi là tuệ. Có tuệ rồi thì mới “cóc” được.
Mựa là không, là chớ, là đừng lạc vào trong tà đạo. Tà đạo tức là con đường nghiêng, con đường sai lạc. Chánh đạo là con đường thẳng. Tà đạo là con đường đưa ta tới những khổ đau, những tối tăm; con đường làm cho ta mất thầy, mất bạn, mất tăng thân. Ta có thể đánh mất thầy, mất bạn, mất tăng thân một cách rất dễ dàng. Và có người đã đánh mất thầy, đã đánh mất tăng thân. Dù tăng thân còn có một vài yếu kém, nhưng tăng thân đích thật là một viên ngọc quí. Những ai đã thực tập với tăng thân mới thấy rằng sự có mặt của tăng thân thiết yếu vô cùng cho sự thực tập của mình. Sống trong tăng thân, ta mới làm được những điều mà ta không làm được khi vắng mặt tăng thân. Khi đã đánh mất tăng thân thì cũng như ta rơi xuống biển mà không có một cái phao cứu mạng, ta sẽ đuối sức và chìm trong biển cả mênh mông. Trong khi ta ở trong tăng thân, nếu có những điều bất hạnh xảy ra cho ta, chính tăng thân là một cái mạng lưới cứu vớt ta. Nếu như điều đó xảy ra khi sống có một mình thì ta có thể chết liền! Gìn tính sáng mựa lạc tà đạo tức là giữ gìn cái tự tính luôn sáng chói đó để đừng lạc vào tà đạo. Nghĩa là thực tập chánh niệm để có định lực, để có thể thấy được sự thật của lòng ta, hoàn cảnh ta và hoàn cảnh tăng thân ta, và để cho ta đừng đi lạc vào nẻo khổ đau tăm tối.
Sửa mình học cho phải chính tông.
Sửa mình là tiếng Việt của hai chữ “tu thân”. Tu tức là làm, là sửa lại cho đẹp hơn. Nếu nhà dột thì làm cho cái nhà hết dột, nếu tánh hay bộp chộp thì làm cho tánh hết bộp chộp, nếu tánh hay ganh tị thì làm cho hết ganh tị. Đó gọi là tu sửa. Tu không có nghĩa là chỉ có cạo đầu, ăn chay thôi đâu. Sửa mình học cho phải chính tông. Chính tông tức là những giáo huấn đích thực của Bụt, chứ không phải là những cái người ta đánh tráo vào. Tại vì những lời dạy của Bụt rất rõ, và tăng đoàn của Bụt thực tập những lời dạy đó. Có thể có khuynh hướng đưa vào những thực tập và giáo lý từ bên ngoài, và chúng ta phải cẩn thận để đừng đi lạc vào nẻo tà mà mất đi con đường thực tập chính thống của Bụt. Thực tập chánh niệm, thực tập giới luật, thực tập sống với tăng thân, cái đó gọi là chánh tông. Còn nói rằng ta có thể ngồi thiền trong khi ta uống rượu, ta dùng ma túy, ta phóng túng, thì đó không phải là thiền. Tại vì thiền mà không đi theo với giới, với định, với tuệ thì đó không phải là thiền, đó không phải là chánh tông. Khi thiền tập được truyền qua Tây phương thì có người nghĩ rằng thiền có thể đi đôi với ma túy, với sự sống buông thả, không có giới luật. Những người làm như vậy đã tạo ra những đổ vỡ đau đớn cho xác thân và tâm hồn của họ.
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ
Chỉn có nghĩa là chỉ. Chỉn Bụt là lòng - Bụt tức là tâm mình, tiếng Anh là only the mind is the Buddha. Bụt không phải là một cái tượng bằng xi-măng, bằng đồng, hoặc bằng ngọc. Bụt không phải là một vị thần thánh, một vị tạo hóa, mà sự hiện diện chỉ có thể tìm thấy ở trên mây, ở trong cõi cực lạc, hay ở chỗ nào khác. Bụt chính là cái tâm của ta. Khi nào tâm ta có giới, có định, có tuệ, có chánh niệm thì lúc đó Bụt có mặt. Chỉn Bụt là lòng, lòng này không phải là lòng tàn hoại, lòng quên lãng, lòng thất niệm. Lòng đây là lòng chánh niệm. Khi tâm ta có chánh niệm, có mặt bây giờ, ở đây, và bắt đầu có ánh sáng để soi chiếu, thì tâm đó mới là lòng, mới là Bụt.
Xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn phiên âm là Sá, là không đúng, phải để là Xá. Xá có nghĩa là hãy, hãy ướm hỏi. Đòi tức là theo, như chữ theo đòi. Đòi cơ nghĩa là phải học theo cái cơ của Mã tổ. Cơ đây là nói tắt của hai chữ cơ quan. Cơ quan, dịch tiếng Việt là then máy, tiếng Anh có thể dịch là mechanism. Là những dụng cụ mà các Tổ sử dụng để tháo gỡ giùm cho học trò. Những câu công án, những câu thoại đầu, những tiếng hét, cây gậy, v.v... Tại Làng Mai ta không có tiếng hét, ta cũng không có gậy, nhưng tiếng hét và cây gậy là hai trong những dụng cụ mà người xưa đã sử dụng để giúp người thiền sinh tháo gỡ được những đau khổ và bế tắc của họ.
Có những then máy rất đơn sơ mà tôi hay dùng, ví dụ như hỏi “Con đang làm gì đó?” Ngày hôm kia, sư cô Chân Không đang lục lạo trong đám hồ sơ để tìm cái gì đó, tôi hỏi: “Sư cô đang làm gì đó?” Sư cô trả lời: “Thầy bắt được quả tang! Con lo làm việc mà không có chánh niệm”. Đó là một cách để trả lời thầy. Nếu dùng thì giờ trong ngày chỉ để làm việc thôi thì rất là uổng cho đời tu của ta. Trong khi nấu ăn, giặt áo, quét nhà, làm hồ sen ta phải tận dụng thời gian đó để thực tập chánh niệm. Nếu không thì rất là phí! Cho nên khi nghe thầy hỏi: “Con đang làm gì đó?” Và nếu lúc đó ta đang thở và đang mỉm cười thì ta sung sướng vô cùng! Ta chỉ cần nhìn thầy và mỉm cười là đã tạo được hạnh phúc cho ta và cho thầy ta. Còn lỡ như ta đang thất niệm thì ta có thể nói như sư cô Chân Không vậy.
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ. Mã tổ là một thiền sư nổi tiếng ở Trung quốc vào đời Tần, sống ở đầu thế kỷ thứ VIII, sinh năm 707, có tên là Đạo Nhất. Mã tổ sống đến 81 tuổi. Có câu chuyện giữa thầy Đạo Nhất và thầy Hoài Nhượng Nam Nhạc.
Một hôm, thấy Đạo Nhất ngồi thiền rất là nghiêm túc thì thầy Nam Nhạc hỏi: “Thầy đang làm gì đó?”
Đạo Nhất nói: “Dạ con đang ngồi thiền.”
Thầy Nam Nhạc hỏi: “Ngồi thiền làm chi vậy?”
Đạo Nhất nói: “Ngồi thiền để thành Phật.”
Nghe vậy, thầy Nam Nhạc ngồi xuống, lấy một viên ngói bể, bắt đầu mài trên một tảng đá một cách rất chăm chú.
Đạo Nhất hỏi: “Thầy làm gì vậy?”
Thầy Nam Nhạc nói: “Tôi mài viên ngói để làm thành một tấm gương soi.”
Đạo Nhất nói: “Mài ngói làm sao mà thành ra gương soi được?”
Lúc đó, thầy Nam Nhạc mới ngẩng lên mỉm cười và nói: “Vậy ngồi thiền làm sao mà thành Phật được?”
Thành Phật không phải chỉ ngồi thiền. Muốn thành Phật là phải biết cười, biết nói, biết đi, biết đứng, biết làm việc, biết chùi nồi, và phải biết làm tất cả những điều đó trong tình trạng quán chiếu. Thiền đâu phải chỉ là ngồi?
Một lần khác, một vị đệ tử tới gặp Mã tổ và hỏi: “Bạch thầy, chủ đích của tổ Bồ-Đề Đạt-Ma khi đi qua nước Trung Hoa là làm gì vậy?” Đó là câu hỏi rất là điển hình của các thiền sinh. “Tổ sư Tây lai ý?” Mã tổ nói: “Tới gần đây.” Thiền sinh tới gần. Mã tổ đánh cho một cái xửng vửng.
Mã tổ Đạo Nhất là tác giả của bốn chữ nổi tiếng trong thiền môn: Tức tâm tức Phật, nghĩa là Bụt là lòng. Vì vậy cho nên Đại Sĩ Trúc Lâm mới nhắc đến Mã tổ ở đây: Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ. Chúng ta nên biết rằng Bụt là tâm của chính chúng ta, vì vậy cho nên chúng ta phải tìm học theo phương pháp của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất.
Vong tài đối sắc ắt tìm cho phải thói Bàng công.
Tài và sắc, tiếng Anh là money and sex, đối với hai cái đó ta đừng vướng vào. Vong tức là quên đi, không cho đó là quan trọng. Đối sắc tức là đối phó với sắc đẹp. Chúng ta biết chúng ta có tự do, chúng ta không bị sắc đẹp của người nam hay người nữ trói buộc. Ta phải quán chiếu về thực chất của tài và sắc. Đó là những mồi nhử chúng ta. Trong mỗi cái mồi của tài và sắc có một lưỡi câu rất nguy hiểm. Nếu chúng ta là những con cá ngây thơ, cắn vào mồi thì chúng ta sẽ bị móc cứng vào lưỡi câu.
Quý vị biết rằng trong thời đại hiện tại, nhiều khi người ta không dùng con mồi thật để câu, họ dùng những con mồi bằng nhựa giống hệt như mồi thật. Nếu lỡ “đớp vào” là chúng ta lãnh đủ. Vong tài đối sắc có nghĩa là ta phải thấy cho được bản chất của tài và của sắc, thấy được cái nguy hiểm mà chúng mang lại để có thể giữ được sự tự do của ta.
Vong tài đối sắc ắt tìm cho phải thói Bàng công. Thói đây là phong cách sống. “Thói nhà băng tuyết” nghĩa là sống một cách trong sạch. Nếu chúng ta muốn đối phó với tài, với sắc, muốn có tự do, thì chúng ta phải học theo phong thái của cư sĩ Bàng Uẩn.
Bàng Uẩn là một vị cư sĩ sống trong thời của thiền sư Mã Tổ, thế kỷ thứ 8. Bàng Uẩn có một người vợ và hai đứa con, một trai một gái. Cả bốn người trong gia đình đều tu. Đó là một gia đình có hạnh phúc, và người nào tu cũng thành công hết. Họ sống một đời sống rất đơn giản, họ bỏ hết những nếp sống xa hoa. Trước đó họ giàu lắm, nhưng khi đã được nếm pháp vị rồi, họ cho tất cả gia sản của họ. Bốn người trong gia đình sống rất hạnh phúc với một nếp sống rất đơn giản. Cô con gái của cư sĩ Bàng Uẩn là Linh Chiếu, rất giỏi. Một hôm cư sĩ Bàng Uẩn tới với thiền sư Thạch Đầu, và hỏi rằng: “Nếu con không muốn làm bạn với các pháp thì con phải làm thế nào?” Thiền sư Thạch Đầu đưa tay che miệng lại. Đó là câu trả lời của thiền sư Thạch Đầu. Lần sau, cư sĩ gặp thiền sư Mã Tổ và cũng hỏi câu đó. Thiền sư Mã Tổ trả lời rằng: “Này cư sĩ! Nếu ông uống nước sông Tây giang, và uống một hơi mà hết được tất cả nước trong sông Tây giang thì tôi trả lời câu đó cho ông.” Nhờ câu trả lời đó mà cư sĩ Bàng Uẩn giác ngộ. Thói Bàng công là nếp sống đơn sơ, không xa hoa. Vậy mà hạnh phúc của cư sĩ Bàng Uẩn rất lớn. Đây là câu trả lời cho xã hội hiện đại của chúng ta, xã hội tiêu thụ, nghĩ rằng có tiền đi chợ mua đồ cho nhiều mới có hạnh phúc. Đó không phải là thói Bàng công.
Áng tư tài tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh-diều Yên-tử
Áng là một sự tập hợp như một áng mây, có nghĩa là một đám mây, hay là áng danh lợi. Tư tài tức là lợi lộc, tiền tài. Cánh-diều là một địa danh ở trên núi Yên-tử. Ngồi trên đó giống như ngồi trên một cánh chim nhìn xuống, rất là đẹp. Nếu ta không bị kẹt vào tài, vào sắc là tại ta gìn giữ được, làm hiển lộ được tính sáng ở trong ta, chứ không phải nhờ chạy lên núi ở mà ta vượt được tài và sắc.
Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông
Răn là tiếng Việt để dịch cho chữ giới. Mười giới là mười điều răn, năm giới là năm điều răn. Răn còn có nghĩa là cảnh cáo cho biết, nuôi sáng chánh niệm rằng nếu làm việc đó thì ta sẽ đau khổ. Ta phá giới thì ta sẽ đau khổ. Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, nghĩa là phải đề cao chánh niệm, phải đề cao cảnh giác để đối phó với thanh và với sắc. Tại vì có những âm thanh làm cho ta mềm cả trái tim, có những âm thanh làm cho ta nóng giận sôi lên sùng sục; có những hình sắc làm cho ta sợ hãi, có những hình sắc làm cho ta mê mệt... Ta dễ bị cuốn theo thanh sắc, cho nên ta cần phải răn thanh sắc, phải có chánh niệm về thanh sắc. Niềm dừng chẳng chuyển, một khi biết đề cao cảnh giác thì tà niệm của ta dừng lại, và ta sẽ không bị lay chuyển, bị kéo theo âm thanh kia và hình sắc nọ. Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, đó là văn chương Việt Nam ngày xưa. Rất là hay.
Lọ chi ngồi am Sạn non Đông. Đâu phải ta giữ được thân tâm vững chãi, không bị kéo theo thanh sắc là do ta ngồi trong thiền am ở trên non Đông đâu? Non Đông cũng là một phần của núi Yên-tử, trên đó có một cái am gọi là am Sạn, có khi gọi là am Chạn. Nếu ta không bị kẹt vào thanh, vào sắc là tại ta dừng được tà niệm và ta không bị kéo theo, chứ không phải tại ta leo lên trốn trong thiền am ở trên núi Yên-tử!
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc;
Trần tục mà nên có nghĩa là tuy ở trong cuộc đời bụi bặm mà vẫn thành công. Trần tức là bụi bặm. Nghĩa là ta ở thành phố, ở ngay trong lòng xã hội, mà ta tu có thành công. Đây là đạo Bụt đi vào cuộc đời, tiếng Anh là Engaged Buddhism.
Phúc ấy càng yêu hết tấc. Phúc tức là sự may mắn, niềm hạnh phúc. Hạnh phúc đó là thứ hạnh phúc mà ta rất quý trọng. Hết tấc tức là hết mực, con nít gọi là quá cỡ thợ mộc! Sống ở trong cuộc đời bụi bặm, trần tục mà thành công trong sự tu tập, đó là một hạnh phúc lớn mà ta quí chuộng, yêu mến không biết dường nào.
Sơn lâm chẳng cóc, họa kia thực cả đồ công
Sơn lâm chẳng cóc, tức là trên núi hay trong rừng tu mà không đạt được sự hiểu biết. Cóc là biết. Có nhiều người tu mười năm, hai mươi năm nhưng vẫn không đạt tới sự hiểu biết và thương yêu, đó là một sự thất bại.
Họa kia thực cả đồ công: ta không được hạnh phúc lại còn bị đau khổ. Họa có nghĩa là tai nạn. Thực cả đồ công: Cả là một từ xưa có nghĩa là lớn, ví dụ như biển cả, anh cả, hay cả cười (cười lớn). Đồ có nghĩa là không ích lợi gì cả. Đồ công là uổng công, luống công. Ở trên rừng núi một mình thực tập, ta lánh xa cuộc đời, ta bỏ cha mẹ, bỏ anh, bỏ chị, bỏ em đi tu nhưng lại không đạt được sự hiểu biết, thương yêu, thì dù có ở sơn lâm cũng không ích lợi gì mà còn có hại. Cái hại đó rất lớn, đó là uổng công, vô ích.
Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín;
Nguyền là tiếng Việt, tiếng Hán-Việt là nguyện, tiếng Anh là vow. Mong thân cận minh sư : Minh sư là thầy sáng, thầy giỏi. Nếu không có thầy giỏi dẫn dắt, ta khó thành công. Thân cận là gần gũi, thân thiết. Cận là gần. Cái nguyện của ta là được sống gần bên thầy, một vị thầy có ánh sáng.
Quả bồ đề một đêm mà chín: Nếu được sống gần thầy thì hoa trái của giác ngộ một đêm có thể chín được. Quả bồ đề, tiếng Anh có thể dịch làthe fruit of enlightenment.
Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đơm bông
Phúc là đối với họa. Tri thức, tức là thiện hữu tri thức, nghĩa là người bạn có thể hướng dẫn, nâng đỡ, soi sáng cho ta trên đường tu học, tiếng Phạn là Kalyanamitra. Hoa Ưu Đàm mấy kiếp đơm bông: Hoa Ưu Đàm có tên là Udumbara flower. Người ta thường ví sự xuất hiện của một vị Bụt, Đức Thế Tôn cũng hiếm như là hoa Ưu Đàm nở. Hoa Ưu Đàm có khi cả mấy ngàn năm mới nở một lần. Mấy kiếp đơm bông: Chỉ cần vài kiếp là hoa đơm bông không phải đợi tới ba ngàn năm hay ba triệu năm. Vì vậy hai điều kiện của sự tu học giác ngộ là thầy và bạn. Thầy hay là minh sư, và bạn giỏi là thiện hữu tri thức. Chữ tri thức ở đây là đối với chữ minh sư.
Giáo pháp
Đầu tiên, hiểu biết là gốc rễ cho tất cả mọi sự thành đạo và hạnh phúc. Một khi ta có hiểu biết thì tất cả những lầm lỗi được xóa nhòa và ta đạt tới sự thành tựu của tam học (giới, định và tuệ). Nếu mà cóc, tội ắt đã không, phép học lại thông. Trúc Lâm Đại Sĩ cũng dạy rằng tính sáng ở trong ta đã có sẵn. Ta phải giữ gìn tính sáng và thực tập chánh niệm để cho tính sáng đó tỏa chiếu, soi sáng cho ta thấy được con đường chánh tông, có vậy ta sẽ không đi lạc vào con đường tà.
Điều thứ hai là có thầy hay và bạn giỏi. Quan trọng không phải là tìm lên núi rừng để ở, vì tìm lên núi rừng mà nếu không thành đạt được sự hiểu biết cũng uổng công mà thôi. Quan trọng là có minh sư và thiện hữu tri thức. Chúng ta thấy những lời dạy của Đại Sĩ rất là thực tế, không nói lý thuyết trên trời dưới biển.
Hội thứ tư
HỘI THỨ TƯ
Tin xem! Miễn cóc một lòng; thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân; đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc.
Xem tam tạng giáo, ắt học đòi thiền uyển thanh quy; đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca; cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di-lặc.
BÌNH GIẢNG
Tin xem! Miễn cóc một lòng
Miễn có nghĩa là điều kiện căn bản. Miễn cóc một lòng tức là ta biết được nghệ thuật nhất tâm. Một lòng là nhất tâm. Nhất tâm đảnh lễ ta dịch là Một lòng kính lạy. Thành ra bí quyết của sự thành công trong việc tu tập là thực hiện được cái nhất tâm. Cái tâm của ta được gom về một mối, và ta chú trọng vào đối tượng đó, gọi là một lòng.
Thì rồi mọi hoặc
Hoặc tức là phiền não, tiếng Phạn là klesa. Rồi có nghĩa là thảnh thơi. Nếu được nhất tâm thì tất cả mọi phiền não đều có thể chuyển hóa thành thảnh thơi.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân
Tam độc là ba chất độc ở trong con người của ta, đó là thèm khát (tham, raga), sân hận (krodha) và u mê (si, moha). Phải chuyển hóa tam độc chúng ta mới có thể đạt tới sự sống của tam thân (trikaya), tức là pháp thân, báo thân, và ứng thân. Chúng ta có pháp thân, báo thân và ứng thân, nhưng vì chúng ta chưa chuyển hóa được tam độc cho nên ba thân đó chưa biểu hiện ra mà thôi.
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc
Lục căn là sáu nền tảng, sáu căn cứ làm phát sinh ra thức, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Lục căn đối lại với lục trần, tức sáu cảnh ở ngoài ta có thể tạo ô nhiễm cho thân tâm của ta, còn gọi là lục tặc. Lục tặc là sáu loại đối tượng có thể lôi kéo ta đi theo, đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
Khi giác ngộ, ta có thể sử dụng được lục căn và lục trần một cách rất tự do. Lục căn và lục trần trở thành những phương tiện rất mầu nhiệm để hoằng pháp. Khi tam độc chưa được chuyển hóa, thì lục căn là căn cứ của tội lỗi, và lục trần cũng trở nên nguyên do của sự đi lạc vào con đường tăm tối, gọi là lục tặc. Tặc có nghĩa là giặc. Lục tặc là sáu thứ giặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Những người tu tiên tìm con đường để đổi bộ xương của họ (hoán cốt), họ phải (“sá” là hãy) có khả năng uống thuốc (phục dược) và luyện đơn. Luyện, tiếng Anh có thể dịch là elaborate. Hỏi ở đây là thực tập, là học hỏi. Chân không là một phép tu. Khi chúng ta học hỏi về pháp môn chân không, tức là con đường Bát Nhã Ba La Mật, thì chúng ta đâu cần phải né tránh, e ngại thanh và sắc. Chấp tức là bị kẹt vào, ngại là sợ hãi.
Có những quan niệm cho rằng sáu trần (thanh, hương, vị, xúc và pháp) là sáu thứ giặc, vì vậy cho nên không được dính líu tới sáu trần. Do đó chúng ta phải tìm cách trốn chạy sáu trần, bằng cách nhắm mắt lại để đừng thấy sắc, bịt tai lại để đừng nghe thanh, bịt mũi lại để đừng ngửi hương v.v... Đó là một lối tu, gọi là Tức vọng tu tâm.
Vào thế kỷ thứ VIII có thầy Tông Mật là Tổ thứ Năm của Tông Hoa Nghiêm ở Trung Quốc (ngày xưa có 13 tông phái Phật giáo và Thiền là một trong những tông phái đó). Tông Hoa Nghiêm căn cứ trên kinh Hoa Nghiêm. Thầy Tông Mật vừa là một người trong thiền tông, vừa là một trong các vị tổ của Tông Hoa Nghiêm. Trong tác phẩm Thiền Tông Chư Thiên Tập, thầy nói đời Đường có ba khuynh hướng tu học thiền.
Khuynh hướng thứ nhất là Tức vọng tu tâm. Khuynh hướng này cho rằng có một giới hạn giữa ngoại cảnh và nội tâm. Phương pháp tu là đừng chạy theo ngoại cảnh, phải nhắm mắt, phải bịt tai,... mà trở về nội tâm và quán chiếu. Bối cảnh quán tâm là xoay lưng lại với sáu trần và trở về với tâm, hành giả có thể từ từ diệt hết tất cả vọng niệm mà đạt tới giác ngộ. Khuynh hướng này có màu sắc của khuynh hướng thiền Bắc tông. Trung Hoa thời đó có chia ra thiền Bắc tông và Nam tông. Thiền Bắc tông là thiền của thầy Thần Tú. Thiền Nam tông là thiền của thầy Huệ Năng. Thiền Bắc Tông dạy nhiều về những điều này.
Khuynh hướng thứ hai là Mẫn tuyệt vô ký. Theo khuynh hướng này, tất cả các pháp dù là phàm hay thánh đều là mộng huyễn cả, thành ra phải vượt ra khỏi mọi sự chấp trước, vô ngại, đạt tới trí tuệ có thể thấy được tất cả đều là không có; đừng phân biệt người này là người thân của ta, còn người kia là người thù của ta; cái này là khổ, cái kia là vui; cái này là mê, cái kia là giác... Nhờ đó mà xa lìa được tất cả những sai lầm, những điên đảo và đạt được giải thoát.
Khuynh hướng thứ ba là Trực hiển tâm tánh. Tức là trực tiếp làm hiển lộ bản chất sáng chói của tâm và của tánh. Theo khuynh hướng này, những vọng niệm và những đối tượng của sáu giác quan đều là không. Nếu tiếp xúc được với tính sáng ở trong ta, thì tự nhiên ta không còn sợ chúng nữa. Ta không sợ vọng niệm bên trong cũng không sợ trần cảnh bên ngoài, không sợ lục căn cũng không sợ lục trần. Vì vậy cho nên chúng ta không cần phải nhắm mắt, bịt tai. Nhắm mắt, bịt tai chỉ chứng tỏ một sự sợ hãi, chứng tỏ một quan niệm là những âm thanh kia và những hình sắc kia quả thật là những tên giặc, chúng có thể làm hại ta, cho nên chúng ta cần phải tránh né, lo ngại. Thái độ đó chưa phải là thái độ anh hùng. Nếu thực tập theo phép chân không thì chúng ta không cần phải nhắm mắt và bịt tai, chúng ta không cần phải sợ hãi sắc, sợ hãi thanh... tại vì tự tánh của chúng là không. Khi đạt được tính sáng, thấy được tự tánh của chúng là không, chúng ta có tự do đối với lục trần, chúng không còn là những tên giặc đáng sợ hãi nữa. Cho nên trong hội thứ tư này mới có câu: Hề chi lánh ngại thanh chấp sắc. Theo khuynh hướng trực hiển tâm tánh, khi tiếp xúc được với tính sáng ở trong ta thì chúng ta đạt tới một cái biết, gọi là tri. Tri ở đây tức là “chúng diệu chi môn”, tức là cửa ngỏ để đi vào tất cả những mầu nhiệm. Khi vào được cánh cửa này rồi, chúng ta biết rằng tất cả những vọng niệm đều không có bản chất, và những hình tướng, những âm thanh đó sẽ không làm gì được ta. Vì vậy cái biết đó là cái chìa khóa để thành đạo.
Chắc chắn là Trúc Lâm Đại Sĩ đã được đọc sáng tác của thầy Tông Mật rồi. Tại vì thầy Tông Mật sống vào cuối thế kỷ thứ VIII, và nửa đầu của thế kỷ thứ IX, cho nên Đại Sĩ đã viết ba dòng trong hội thứ Ba: Nếu mà cóc, tội ắt đà không, phép học lại thông. Cóc đó là tri, là biết. Nếu đọc bài Phú này mà chúng ta không biết tới sáng tác của thầy Tông Mật thì đọc tới đây chúng ta không hiểu Đại Sĩ muốn nói gì. Nếu mà cóc: Nếu chúng ta đạt được “chúng diệu chi môn” đó thì tất cả những sai lầm của chúng ta đều tan biến cả, và sự tu học của chúng ta thành công: Tội ắt đà không, phép học lại thông. Chúng ta hiểu được như vậy thì Đại Sĩ mới mỉm cười, nếu không thì ngài nói rằng: “Con cháu mình đọc bài mình viết mà chúng chẳng hiểu gì hết!” Chữ “cóc” này là cái chìa khóa để đạt tới tự do.
Tìm đường hoán cốt, chỉn sá hay phục thuốc luyện đơn; hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc là như vậy. Nếu chúng ta tu học về phương pháp của Bát Nhã Ba La Mật thì chúng ta không cần phải e ngại, sợ bị kẹt vào thanh và vào sắc.
Trong kinh Bảo Tích, phẩm Ca Diếp Vấn, tức những câu hỏi của thầy Ca Diếp, Bụt có nói tới ví dụ một con chó bị người kia liệng một cục đá trúng vào mình nó. Đau quá, sanh giận, nên nó chạy theo cục đá đó sủa, mà không biết rằng cái làm cho nó đau không phải là cục đá, mà là người liệng cục đá. Chạy theo cục đá để trả thù là vì con chó vô minh. Nếu chúng ta bị thanh sắc cuốn đi, làm cho chúng ta đau khổ, chúng ta thù thanh sắc, chúng ta trốn thanh sắc thì chúng ta cũng giống như con chó kia, rất là u mê. Thủ phạm làm chúng ta đau khổ vì thanh sắc không phải là thanh sắc mà là sự u mê của chúng ta về thanh và về sắc. Thanh sắc có thể là rất mầu nhiệm, nhưng tại vì ta bị cuốn theo, ta bị vướng mắc vào, ta thèm khát, ta tham đắm, cho nên ta bị đau khổ. Và sự vướng mắc, thèm khát đó là do thiếu cái gọi là biết, là tri.
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc
Chân như, tiếng Phạn là Paramartha, dịch tiếng Anh là Suchness, Reality, hay as it is, tức là cái tự tính của ta. Thực tại là như vậy thôi, dùng ý niệm và ngôn ngữ để diễn tả thì không được, nó là nó. Cái đó gọi là chân như. Nếu ta thấu hiểu được thật tánh của thực tại, tức là biết chân như, là ta tin ở Bát Nhã, Bát Nhã là trí tuệ, trí tuệ đưa ta từ bến mê mờ sang bên kia bờ giải thoát. Nếu ta đã thực tập, ta đã có đức tin nơi Bát Nhã thì ta cần gì phải đi tìm Phật và tìm Tổ dù ở phương Đông hay là phương Tây, tại vì chân như hay Bát Nhã đó là Bụt rồi.
Chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc: Tiếp xúc được với thật tướng, tức là bản tính chân thật của thực tại rồi, thì ta mở được cánh cửa thế giới vô vi, thế giới của bản môn: không có sinh, không có diệt, không có trước, không có sau, không có trong, không có ngoài. Vô vi, tiếng Anh dịch là The unconditions. Chữ ngỏ ở đây nghĩa là mở ra. Nam tông và Bắc tông đều có kinh điển riêng của mình. Khỏi cần phải nhọc mệt đi tìm kinh thiền Nam Bắc khi ta đã chứng thực tướng và ngỏ vô vi.
Xem tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh quy; đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tam tạng là ba tổng hợp (collections) về văn học Phật giáo, tức là Kinh, Luật và Luận. Khi học giáo lý ở trong tam tạng thì ta phải học theo Thiền uyển thanh quy. Thiền uyển tức là vườn thiền. Thanh quy tức là quy luật thanh tịnh của thiền viện. Thiền uyển là một danh từ rất đẹp, một vườn thiền trong đó mỗi thiền sinh, mỗi thiền sư đều là một bông hoa. Vườn thiền đó có những quy tắc của nó, làm cho có sự thanh tịnh, có sự an lạc, gọi là thanh quy. Xem tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền Uyển thanh quy. Ta đừng phiêu lưu trong những tư tưởng, những ý niệm mơ hồ về giáo lý, ta phải nắm cho được những quy luật của tu viện, nắm cho được những điều làm cho nếp sống của thiền viện thanh tịnh, an lạc.
Khi Thiền tông được thiết lập tại Trung Hoa, các thiền sinh và thiền sư cư trú chung trong những Luật viện. Thiền tông đi đôi với Luật tông, và không có mặt riêng biệt với Luật tông. Các thầy Luật tông và các thầy Thiền tông sống chung với nhau. Mãi cho đến thế kỷ thứ VIII, đời Đường, có một thiền sư tên là Bách Trượng, người Phúc Châu ở miền Nam. Lúc nhỏ ngài xuất gia ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc. Khi thầy về Giang Tây để mở đạo tràng, thầy đã sáng tác ra một bộ Thanh Quy, tức là những quy luật dùng cho các thiền viện, gọi là Bách Trượng Thanh Quy, rất nổi tiếng.
Từ đó về sau, Thiền viện tách rời ra khỏi Luật viện vì đã có quy chế riêng. Trong những nguyên tắc mà thiền viện đi theo, có nguyên tắc bất tác bất thực, nghĩa là không làm việc thì không ăn. Thấy thầy - Bách Trượng - đã lớn tuổi, đệ tử thương không muốn thầy làm việc nên họ đã đem dấu cái cuốc của thầy đi. Trưa hôm đó thầy không ra ăn. Các đệ tử hỏi:
- Bạch Hòa thượng, sao Hòa thượng không ra dùng cơm với chúng con?
Thầy trả lời:
- Hôm nay tôi không làm việc cho nên tôi đâu được ăn!
Đó là một giai thoại về thiền sư Bách Trượng. Thiền sư Bách Trượng sinh năm 739, và tịch năm 803.
Đốt ngũ phận hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc. Ngũ phận hương là năm thứ tâm hương mà chúng ta cúng dường Tam Bảo. Đó là hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến. Nếu biết đốt tâm hương đó thì chúng ta khỏi tốn tiền mua các thứ nhang như nhang Tây Tạng, nhang Ấn Độ, hay nhang Nhật Bản. Chiên đàn là một thứ trầm quý, chiêm bặc là một thứ hoa ở Ấn Độ. Chỉ cần đốt năm thứ hương rất quí báu của trái tim để cúng dường là quí nhất. Đó là thứ hương mà anh chàng Tú Uyên đã đốt, và khi đốt lên thì nàng Giáng Kiều trở về. Đó là câu chuyện của Tú Uyên và Giáng Kiều, quý vị còn nhớ không?
Giáng Kiều của chúng ta là Tam Bảo, là tăng thân. Khi giận tăng thân thì ta mất tăng thân. Muốn tăng thân trở lại với ta, ta phải đốt ngũ phận hương.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca
Tích là chứa chất lại. Nhân tức là tình thương. Nghì tức là nghĩa, là sự biết ơn. Tu đạo đức là làm cho cái đạo và cái đức của ta lớn lên, tốt hơn nữa.
Đạo, trước hết, có nghĩa là con đường. Nhưng đạo cũng cũng có nghĩa là đối tượng của giác ngộ. Ví dụ như thành đạo, không phải là thành con đường mà thành sự giác ngộ. Đắc đạo không phải là đắc con đường mà đắc quả vị giác ngộ. Cho nên chữ đạo ở đây là đối tượng của sự chứng đắc, tức là cái hiểu biết, cái từ bi, cái thấy của ta. Đức, tiếng Anh dịch là virtue, tức là những cái tính tốtcủa mình. Ví dụ như sự cởi mở, sự rộng rãi, tình thương yêu, sự kiên nhẫn, v.v...
Tích nhân nghì, tu đạo đức: một bên thì chất chứa, nhóm lại tình thương và sự biết ơn; một bên thì làm lớn lên cái đạo và cái đức của mình. Ai hay này chẳng Thích-ca, người nào mà không phải là Bụt Thích-ca? Ai cũng là Bụt Thích-ca hết.
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di-lặc.
Những người nào cầm trong tay giới và hạnh và có thể cắt đứt được những sự ganh tị và sự tham đắm thì chính người đó là hiện thân của Bụt Di-lặc. Ta đã biết chữ cầm ở đây có nghĩa là trì. Trì giới tức là cầm giới ở trong tay, đừng liệng nó xuống đất. Trước đây chúng ta có học câu Cầm giới hạnh, địch vô thường. Giới hạnh là một thanh bảo kiếm, và chỉ với thanh gươm của giới, chúng ta mới đối địch được, đối phó được với con ma vô thường mà thôi. Thành ra nếu buông giới xuống là ta chết!
Ngày nay chúng ta chỉ dùng chữ trì giới mà không dùng chữ cầm giới nữa. Kỳ thật chữ cầm giới nghe dễ hiểu hơn nhiều. Cầm giới và cầm hạnh. Giới được biểu lộ ra thành hành động. Hành động có chánh niệm, hành động không làm tan nát gọi là giới hạnh. Không có giới thì có sự tan nát. Hành động không có giới là hành động phá hoại, nếu có giới thì hành động là hành động xây dựng.
Đoạn ghen tham. Ghen tức là sự ganh tị. Ganh tị với anh, ganh tị với em, ganh tị với chị. Khi có sự ganh tị, ta mất tất cả những cái đẹp của mình. Vì vậy đoạn ghen tham, chính thực đó là đức Di-lặc.
Giáo pháp
Nhất tâm bất loạn là chìa khóa của sự thành công. Nhất tâm, tiếng Phạn là Ekagrata. Tất cả những điều mà chúng ta thực tập hàng ngày, ví dụ đi thiền hành, ngồi thiền tọa, ăn cơm im lặng, thiền trà,.. đều để gom tâm về một mối để đạt tới sự nhất tâm. Tại vì nhất tâm đó giúp ta trở về tiếp xúc với tính sáng trong ta, và giúp ta chuyển hóa được những khổ đau, làm cho những phiền não đó được thảnh thơi.
Rồi mọi hoặc tức là phiền não được thảnh thơi. Khi đạt được tính sáng, có cái biết đó rồi, chúng ta không cần phải chạy trốn hình sắc và âm thanh nữa, tại vì chúng không còn kéo được ta nữa, ta đã có tự do. Đến lúc đó chúng ta không cần đi tìm kinh, tìm Tổ, tìm Bụt ở bên ngoài.
Trong khi học hỏi và thực tập, chúng ta đừng phiêu lưu trong lĩnh vực lý thuyết, chúng ta phải thực tế, chúng ta phải chú trọng tới giới, tới những quy luật của thiền viện. Chúng ta phải vâng theo những quy luật thiền viện, phải nắm vững những quy luật thiền viện, và Bụt sẽ được phát hiện ngay trong con người của chúng ta. Bụt không phải bằng vàng, cũng không phải bằng đá hay bằng xi măng. Bụt được làm bằng tình thương, bằng nhân nghĩa, đạo đức, và giới hạnh.
Hội thứ năm
Vậy mới hay: Bụt ở cong nhà; chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến cóc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà hữu; kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân-la.
Cong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ; lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận; ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xễ; cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội; lãy tam huyền, nông tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, sá đàn dấu xoang vô sinh khúc; địch chẳng có lỗ, cũng phiếm chơi xướng thái bình ca.
Lãy cội tìm cành, còn khá tiếc Cu-chi trưởng lão; quay đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa.
Lọt quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng; nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.
BÌNH GIẢNG
Vậy mới hay! Bụt ở cong nhà;
Cong là tiếng cổ của chữ trong. Ngày nay nghe chữ cong thì thấy như là nói ngọng, nhưng ngày xưa chúng ta dùng chữ cong, cong nhà. Vì lâu quá không dùng nên chúng ta thấy hơi lạ đó thôi, nhưng đích thực nó là tiếng Việt. Ví dụ như chữ “ga ngoài” thì sau này chừng một hai trăm năm, “ga ngoài” sẽ là “ra ngoài”.
Chẳng phải tìm xa.
Tức là Bụt ở ngay trong nhà ta, ta không phải đi tìm ở đâu khác.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt
Khuây có nghĩa là quên. Có khi chúng ta nói “buồn quá không khuây”, nghĩa là không quên được nỗi buồn. Chúng ta quên gốc, nên chúng ta mới đi tìm Bụt.
Đến cóc hay chỉn Bụt là ta.
Đến khi ta biết được rồi thì Bụt chính là ta. Tìm Bụt ở đâu? Tìm Bụt ở cái gốc của mình. Bụt ở cong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt. Nhân có nghĩa là vì. Vì lý do quên gốc rễ của ta cho nên ta mới đi tìm Bụt mà thôi. Người xưa có nói “Thiền Phật bất cầu” nghĩa là không đi tìm thiền cũng không đi tìm Phật. Đến cóc hay chỉn Bụt là ta. “Chỉn” có nghĩa là chỉ. Ta chỉ là Bụt mà thôi.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà hữu
Thiền ngỏ năm câu. Năm tức là dăm, là vài ba câu. Ngỏ tức là mở ra, nói ra, bày tỏ ra. Ví dụ như ngỏ ý, tức là nói ý mình ra, tỏ bày ý của mình ra. Cong tức là trong. Nằm nhãn có nghĩa là nằm chơi, nằm khểnh, không lo buồn gì hết. Quê Hà Hữu tức là quê hương Hà Hữu, một danh từ ở trong sách Trang Tử. Đó là quê hương đích thực của ta, nó không nằm trong thời gian hay trong không gian. Nó không nằm ở phương Tây, phương Nam, phương Bắc. Đó là quê hương đích thực, trong đó ta tìm thấy tổ tiên, tìm thấy sự thoải mái, tìm thấy bản chất của ta. Nó cũng như là Tịnh độ của ta vậy. Quê hương đích thực không tìm được trong thời gian và trong không gian thông thường, nó nằm ở bản môn. Sách Trang Tử đã có ý niệm đó. Danh từ Hà Hữu hương cũng đã được dùng trong một bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãn cong quê Hà-hữu: Chỉ cần nói ra và nghe một vài câu về thiền thì ta thấy ta đang nằm thảnh thơi ở trong quê hương đích thực của mình rồi.
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân-la.
Ngồi ngơi: ngơi tức là nghỉ ngơi, ngồi nghỉ ngơi. Lấy cuốn kinh đọc qua đọc lại vài ba lần, tự nhiên ta thấy ta đang ngồi nghỉ ngơi ở nước Tân La.Mái là cái mé, cái phía. Mái Tây là phía Tây. Tân La là tên một nước, có thể là nước Cao Ly, lúc đó đang có hòa bình, có an lạc và người ta sống theo Phật giáo một cách rất thâm sâu. Có những người từ Tân La tới, họ rất dễ thương. Họ nói: “Tại nước chúng tôi người ta thực tập đạo Bụt rất là hạnh phúc.” Thành ra có một huyền thoại về nước Tân La như là một nước có hòa bình, có an lạc trong đạo pháp, người dân sống một cách rất thoải mái.
Trong đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ
Chữ “trong” ở đây có thể là chữ “cong”, và có người biên chép nào đó đã thử sửa lại thành chữ trong, tức là chữ mới. Tại vì hồi đó người ta chỉ dùng chữ cong. Trong đạo nghĩa có nghĩa là ta sống trong đạo và trong nghĩa. Khoảng là cái không gian rộng rãi. Cơ quan là những then máy, những phương pháp sử dụng trong thiền môn để giúp người thiền sinh cởi mở được những khổ đau, thoát khỏi cái kẹt của họ. Đạo ở đây có nghĩa là giáo pháp, (the teaching). Nghĩa ở đây la phương tiện (meaning). Trong sự học hỏi giáo pháp và nghĩa lý thâm uyên của giáo pháp, trong sự sử dụng các công án, thoại đầu, tiếng hét v.v..., thì ta đang ra vào, đang len lỏi, đang lăn lóc trong trường Kinh cửa Tổ. Trường là môi trường; cửa tức là cái nhà. Cửa thiền là nhà thiền, cửa Phật tức là nhà chùa. Ta đang sinh hoạt, ta đang ra vào, ta đang len lỏi, ta đang lăn lóc, đang sống ở trong môi trường của Kinh, của Tổ. Đó là khoảng không gian của đạo, của nghĩa, của cơ quan. Lọt lẫn tức là len lỏi, lăn lóc, tức là sống ngày sống đêm với cái đó.
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa
Lánh thị phi tức là không tham dự vào những cuộc đàm luận, nói rằng người này phải, người kia trái. Không nói xấu người, không lên án người, đó là lánh thị phi. Không tham dự vào những cuộc nói chuyện như vậy, và luôn luôn phải chú ý. Ghê ở đây là phải đề cao cảnh giác đối với thanh và sắc. Ghê thanh sắc là phải ngán thanh sắc một chút, tại vì nó ghê lắm! Mất chánh niệm thì ta vướng vào lưỡi câu của nó liền. Kỳ trước chúng ta có học rằng khi thị phi tiếng lặng thì mặc tình ta nghe yến thốt oanh ngâm, rất là thích. Đừng nói chuyện thị phi thì tự nhiên được nghe tiếng chim hót. Ở đây lánh thị phi, ghê thanh sắc, tức là thanh và sắc có đó, nhưng ta phải có chánh niệm. Vì vậy cho nên ta e ngại chuyện đi chơi với bạn vào những nẻo gọi là dặm liễu đường hoa, đó là nẻo ăn chơi, nẻo hút cần sa, ma túy, rượu chè, trai gái.
Những lời dạy của Đại Sĩ có thể áp dụng được trong môi trường của chúng ta ngày nay. Ví dụ như lánh thị phi, đôi khi ta chê trách người này, lên án người kia, chỉ trích tất cả mọi người, từ chánh quyền cho đến cha mẹ, xã hội, bè bạn. Gặp nhau là toàn nói chuyện lên án thị phi; hoặc suốt ngày chạy theo thanh sắc, theo những phim ảnh đồi trụy…... Vì vậy mà bị kéo theo con đường chơi bời, con đường dặm liễu đường hoa. Đó là tình trạng của tuổi trẻ ngày hôm nay. Ngày xưa có một bệnh gọi là bệnh hoa liễu, tức là khi ta đi ngủ với các cô gái ăn sương thì ta rước vào thân những chứng bệnh của hoa liễu. Vương phải chứng bệnh hoa liễu thì chết, tại vì ngày xưa không có thuốc trụ sinh.
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận; ơn Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha
Đức là đức độ. Đức độ của Bụt là từ và bi, vì vậy cho nên ta ước mong, ta nguyện từ kiếp này sang kiếp khác có cơ hội để gần gũi ngài, gần gũi các vị Bụt. Ơn Nghiêu khoáng cả. Nghiêu là tên của một ông vua hiền. Đây không phải nói về vua Nghiêu, mà nói về những ông vua hiền, những chánh quyền biết tới khổ đau của dân, gọi là ơn Nghiêu. Chánh quyền của đảng bảo thủ, hay đảng lao động, hay đảng xã hội,.. chánh quyền nào biết được lòng dân, làm theo lòng dân thì dân biết ơn, gọi là ơn Nghiêu khoáng cả. Khoáng cả là lớn lao; khoáng là rộng, là lớn; cả cũng có nghĩa là lớn.
Lọt toàn thân phô việc đã tha: Phô là nhiều, tha tức là khỏi phải đóng thuế, khỏi phải đi phục dịch, lao động. Tại vì ngày xưa cũng như ngày nay, người công dân phải đưa vai ra mà gánh cái gánh nặng của quốc gia, phải đóng thuế rất nhiều, phải đi làm việc rất nhiều. Ngày xưa phải đi đắp đê, phải làm đường, phải xây thành, phải đi đánh giặc, phải đi canh gác, có khi phải đi làm những công trình lớn lao như Vạn Lý Trường Thành hay là Kim Tự Tháp,... Vua lấy sức lao động của dân để xây những cung điện hay những công trình như vậy, và dân chết rất nhiều. Có hai cái làm dân rất sợ: một là đi công dịch, hai là đóng thuế. Chỉ khi nào dân có một ông vua nhân từ, một chánh quyền tốt thì dân mới thoát khỏi mức tối đa của hai loại nợ nần đó.
Lọt toàn thân phô việc đã tha, tức là khi thấy ta được tha những công tác đó, ta được tha những thứ thuế đó thì ta biết ơn ông vua hiền. Ngày xưa, mỗi khi có lụt lội hay có bệnh tật, vua thường tha thuế cho dân. Đôi khi vua có một điều gì vui thì tuy không có lý do gì về hoàn cảnh của dân cả, vua cũng có thể tha thuế cho dân.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể; cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Áo miễn chăn tức là áo với chăn. Chăn là mền đắp, chỉ cần cho đủ ấm qua mùa thôi, không cần phải đẹp. Chằm tức là vá nhiều lớp, như là chằm nón; xể tức là lòa xòa, không gọn gàng lắm. Hoặc chằm hoặc xể đều được hết, miễn là áo và chăn đó cho ta đủ sức ấm qua mùa lạnh thôi.
Cơm cùng cháo, đói no đòi bữa. Đòi tức là nhiều. Đòi đoạn tức là nhiều lần, đòi bữa tức là nhiều bữa; có bữa ăn cháo tại không đủ gạo nấu cơm; có khi ăn cháo một ngày hai lần, có khi được ăn cơm một bữa còn bữa kia thì ăn cháo.
Dầu bạc dầu thoa: Gạo để nấu cơm nấu cháo có thể là gạo trắng. Tục ngữ có câu “Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.” Bạc là trắng; nước trắng gọi là nước bạc. Thoa là gạo hẩm, nhưng không phải là gạo thiu, nó là gạo không còn mới, gần mục rồi. Gạo mới thì dẻo, từ từ hạt gạo hết dẻo chỉ còn tinh bột, sau đó thì thành gạo hẩm.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội; lãy tam huyền, nòng tam yếu, một cắt một ma
Bát thức tức là tám thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, và a lại gia thức. Phải hộ trì tám thức, phải biết quán chiếu tám thức của mình. Nén bát phong: Bát phong là tám ngọn gió. Tám ngọn gió đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc. Khi tám ngọn gió đó đến, nếu ta không vững thì chúng thổi làm ta chao đảo và ta có thể sẽ bị bay mất.
Ngọn gió thứ nhất là lợi. Cái lợi nhử ta. Nó nói rằng: “Nếu anh làm cái đó thì tôi sẽ cho anh mấy triệu đồng!” Cho nên ta xiêu bè! Ta ham tiền lắm và sự ham lợi đó là một ngọn gió. Đôi khi nó nói rằng: “Nếu anh làm chuyện này tôi sẽ cho anh ba triệu”, thì ta còn đứng vững, tại cái sức ta có thể chống được với ngọn gió ba triệu. Nhưng nếu nó nói: “Anh làm điều đó thì tôi cho anh ba chục triệu!” thì ta xiêu liền! Thành ra ngọn gió lợi có khi mạnh vừa, có khi rất mạnh.
Ngọn gió thứ hai là suy. Suy tức là ngược lại với lợi. Nếu làm điều đó thì ta sẽ thiếu gạo thiếu cơm, nhưng ta vẫn làm. Ví dụ có người dọa rằng nếu ta cứ tiếp tục sống như vậy ta sẽ mất rất nhiều quyền lợi, nói ta hãy thay đổi cách sống, và vì biết nếu đổi cách sống đi thì ta sẽ trở nên ác đức, cho nên ta đã không nghe theo lời người đó. Thành ra sự dọa dẫm của họ không làm cho ta lay chuyển thì ngọn gió suy đó không thể nào thổi ta ngã được.
Ngọn gió thứ ba là hủy, tức là cái nhục; ngọn gió thứ tư là dự. Dự là vinh dự. Nhục hay vinh là những ngọn gió có thể thổi ta xiêu bè.
Ngọn gió thứ năm là xưng, tức là ca ngợi, tâng bốc. Ngọn gió thứ sáu là cơ. Cơ là chê bai. Tâng bốc hay chê bai là những ngọn gió mà người tu không nên bị cuốn theo. “Dù ai nói ngã nói nghiêng, thì ta cũng vững như kiềng ba chân.”
Ngọn gió thứ bảy là khổ, và thứ tám là lạc. Cái khổ không làm ta thay đổi mà cái sung sướng cũng không làm ta thay đổi.
Đó là tám ngọn gió. Thi sĩ Hàn Sơn là một phật tử rất nổi tiếng ngày xưa. Hàn Sơn đi đôi với một người bạn tên là Thất Đắc. Họ là một cặp bạn thiền rất nổi tiếng, Hàn Sơn có câu thơ “Bát phong xuy bất động”, nghĩa là tám ngọn gió thổi mà ta không bị lung lay. Người tu có chí khí, có đạo đức là những người mà tám ngọn gió kia thổi không bay.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội. Bội có nghĩa là nhiều lần. Phương pháp tu không phải là phương pháp đè nén, tại vì càng đè nén càng trở nên mạnh hơn. Vậy thì phương pháp “ngăn bát thức, nén bát phong” là không nên đè nén mà phải giải tỏa bằng cái thấy của ta. Đó là phương pháp quán chiếu. Quán chiếu để có cái thấy sâu về sự kiện thì tự nhiên ta được giải thoát, nếu chỉ có đè nén thì sự đè nén đó không đem đến kết quả nào cả.
Lãy tam huyền, nông tam yếu, một cắt một ma. Tam huyền là ba giáo lý của thầy Lâm Tế. Tam yếu cũng vậy. Thầy Lâm Tế có giáo lý Tam Huyền Môn (ba cơ sở huyền diệu). Mỗi huyền môn gồm có ba yếu chỉ (ba điều quan trọng). Chúng ta chỉ cần nói tên ra đây mà không cần đi vào nghĩa lý của Tam huyền và Tam yếu.
Tam huyền là Thể trung huyền (huyền ở trong bản chất), Củ trung huyền (huyền ở trong câu nói) và Huyền trung huyền (là huyền ở trong huyền).
Tam yếu tức là lý (nguyên lý), trí (sự hiểu biết) và phương tiện. Trong mỗi huyền đều có ba yếu chỉ đó. Ta chỉ cần biết như vậy thôi.
Lãy tam huyền: Lãy tức là làm bật nó ra; dùng một cây bằng sắt hay bằng gỗ, đặt dưới chân của một tảng đá rồi bẩy nó lên, gọi là lãy tam huyền. Nông tam yếu: Nông là nạy nó ra, tức là tìm cách để hiểu sâu được tam huyền và tam yếu. Một cắt một ma: Ma là mài cho nhỏ. Cắt ở đây là xén cho nhỏ bớt lại. Tức là sự thực tập phải đi từ từ, ngày hôm nay ta phải cắt xén chỗ này, ngày mai ta mài bớt chỗ kia.
Cầm vốn thiếu huyền, sá đàn dấu xoang vô sinh khúc; địch chẳng có lỗ, cũng phiếm chơi xướng thái bình ca.
Cầm là cây đàn; sá là hãy; dấu tức là yêu dấu, đàn dấu là thưởng thức, enjoy playing. Dù đàn kia thiếu dây nhưng ta hãy chơi và tấu lên khúc đàn gọi là Vô Sinh Khúc. Khúc, tiếng Anh là a piece of music. Không có bản đàn nào đáng để cho chúng ta chơi bằng bản Vô Sinh Khúc, tức là đạt tới vô sinh, nghĩa là tiếp xúc với bản môn không sinh không diệt.
Địch chẳng có lỗ. Địch là cái ống sáo (flute). Nó không có lỗ nhưng cũng bấm chơi xướng thái bình ca. Không có khúc ca nào đáng cho chúng ta hát bằng khúc ca thái bình. Peace in your heart, peace in the world (Tâm bình thế giới bình).
Lãy cội tìm cành, còn khá tiếc Cu-chi trưởng lão;
Lãy ở đây có nghĩa là làm bật tung ra. Muốn tìm cành cây mà lại đi tìm ở dưới cội cây. Cội cây tức là gốc rễ của cây. Và đó là cái khuyết điểm của một thiền sư tên là Cu Chi trưởng lão. Khá là rất, như trong từ khá tiếc. Cu Chi trưởng lão là một vị thiền sư đời Đường, đi tham học rất nhiều nhưng chưa thấy được đạo. Một hôm có một vị hòa thượng tên là Thiên Long tới thăm. Cu Chi trưởng lão mới đem những điều mình còn đang nghi hoặc ra hỏi. Hòa thượng không nói gì cả mà chỉ đưa lên một ngón tay, thì tự nhiên Cu Chi trưởng lão có cảm tưởng là mình hiểu được nên lạy xuống. Từ đó trở đi mỗi khi học trò hỏi một câu gì thì Cu Chi trưởng lão bắt chước thầy đưa một ngón tay lên! Có người thành công, có người thất bại.
Nghe đồn có một lần Cu Chi trưởng lão hỏi một chú sa di rằng: “Bụt là cái gì?” thì thay vì trả lời, chú sa di đó đưa một ngón tay lên. Thầy nắm lấy ngón tay đó rồi cầm dao cắt ngón tay đi! Sư chú hét lên, sợ quá và bỏ chạy. Thầy đuổi theo. Đuổi tới một nơi đó thầy kêu: “Sư chú! Đứng lại!” Chú quay lại để xem thầy có ngừng lại không. Nếu có thì mình ngừng, nếu không thì mình phải chạy, mình đâu có làm được như Bụt với anh chàng Angulimala! Khi quay lại, chú thấy thầy dừng lại, và thầy hỏi: “Bụt là cái gì, nói nghe coi?” Sư chú không dám đưa ngón tay lên nữa. Rồi thầy đưa ngón tay lên, lúc đó ở trong chú sa di có một ước muốn rất mạnh là muốn đưa ngón tay lên nhưng chú sợ. Rốt cuộc chú cũng đưa ngón tay lên! Lúc đó thầy gật đầu, và coi như chú thấu hiểu được thiền cơ.
Hình như ngón tay của chú sa di bị đứt hoặc bị chảy máu, cho nên đời sau khi nhắc tới Cu Chi trưởng lão người ta nói rằng trong đó còn có một cái gì đó bị kẹt, vì vậy trong câu này mới nói còn khá tiếc Cu Chi trưởng lão. Có một lần Cu Chi trưởng lão tuyên bố rằng: “Ngày xưa thầy Thiên Long cho tôi một ngón tay mà tôi giữ ăn hoài suốt đời không hết.” Ăn ở đây là nuôi dưỡng sự tu học của mình.
Quay đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn-nhã-đạt-đa
Quay đầu chớp bóng: Nhìn vào gương thấy mình, nhưng quay đầu lại thì không thấy mình nữa, và nghĩ rằng mình không có cái đầu. Ắt kham cười Diễn-nhả-đạt-đa. Kham cười là đáng cười.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Bụt có dạy thầy A Nan rằng ở trong thành phố Vaisali, có chàng Diễn-nhã-đạt-đa hơi khùng khùng. Một buổi sáng đó anh ta vào súc miệng, nhìn vào gương thấy khuôn mặt của mình có hai con mắt ngó cũng được, có lỗ mũi ngó cũng được, có cái miệng ngó cũng được, và khi cười lên thấy cũng được, cho nên anh vui lắm, thấy mình có cái đầu xem ra ngó cũng được. Đánh răng xong, quay lưng lại, anh không thấy cái đầu của mình đâu nữa! Trong lúc hoảng hốt, anh cho rằng mình mất cái đầu rồi! Đó là tại anh quay lưng lại, không nhìn vào tấm gương nên không thấy cái đầu của mình, nhưng anh đã không nghĩ như vậy, anh chỉ nghĩ là cái đầu của mình mất, nên anh chạy ra xóm để tìm cái đầu của anh! Chúng ta cũng vậy. Chúng ta có tánh giác, có cái tính sáng trong người, nhưng chúng ta cứ tưởng rằng mình không có, cho nên chúng ta cũng cứ chạy đi tìm! Đó là sự u mê. Sự u mê đó không phải chỉ có ở anh chàng Diễn-nhã-đạt-đa.
Lọt quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng; nuốt bồng lật cức, nào tay xước phải tượng da -
Quyển kim cương là một cái vòng nhỏ bằng kim cương. Nếu ta là bậc anh hùng thì ta phải chui qua được cái vòng kim cương đó.
Cư sĩ Diêm Kỳ ngày xưa có hai câu thơ:
Thấu đắc kim cương khuyên,
Thôn đắc lật cức bồng.
Bồng là một quả gai hơi giống trái chôm chôm, nhưng gai chôm chôm thì mền, cho nên ta có nuốt cũng không sao. Lật cức là tên một trái cây. Lật cức bồng là vỏ của quả lật cức, rất nhiều gai. Nếu là anh hùng hảo hán thì ta có thể nuốt được quả gai lật cứt đó. Thấu đắc kim cương khuyên, thôn đắc lật cức bồng, tức là những cái khó làm mà ta làm được, như con ngựa mà có thể chui qua lỗ trôn kim.
Thầy A Nan được thầy Ca Diếp nói rằng: “Nếu thầy giác ngộ rồi thì chun qua lỗ khóa mà đi vào trong đại hội, cần gì tôi phải mở cửa?” Điều đó có nghĩa là: cái vô cùng lớn nằm trọn trong cái vô cùng nhỏ, tức là thấu được tính tương tức, không thấy cái gì ở trong, cái gì ở ngoài. Thường thường chúng ta nói cái lớn phải nằm ở ngoài, cái nhỏ phải nằm ở trong. Nhưng nếu đạt được cái thấy của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta có thể thấy được cái tất cả nằm ở trong cái một, và cái một nằm ở trong cái tất cả; cái vô cùng lớn nằm ở trong cái vô cùng nhỏ, và cái vô cùng nhỏ chứa đựng cái vô cùng lớn. Một vị thiền sư đời Lý có nói rằng:
Càng khôn tận thị mao đầu thượng.
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Nghĩa là cả trời cả đất đều có thể đặt gọn trên một sợi tóc; cả mặt trời mặt trăng đều có thể nhét vào trong một hạt cải. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ cũng có nói “nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.”
Cho nên tuy con người của ta là lớn như vậy so với vòng kim cương nhỏ mà ta vẫn chui lọt qua được. Nếu vỏ của quả lật cức lớn và gai góc mà ta có thể nuốt được là tại ta đã thấy được cái một trong tất cả, và tất cả trong cái một: mặt trời, đám mây, người làm vườn, v.v... đều đi vào trong bông hoa,.. đó là lý tương tức.
Lọt quyển kim cương há mặt hầu thông nên nóng. Nếu ta chui qua được cái vòng bằng kim cương nhỏ xíu, thì cái khó khăn đó đâu có đủ để làm cho ta phải sợ hãi, phải nóng lòng. Chữ mặt ở đây giống như chữ “mặt anh hùng” tức là kẻ anh hùng. Hầu có nghĩa là sắp, thông có nghĩa là đủ.
Nuốt bồng lật cức, nào tay xước phải tượng da. Xước, bây giờ là sướt, tức là sự quào cấu trên da thịt của mình. Nuốt được quả có gai thì sợ gì những vết trầy sướt trên da thịt chứ?
Giáo pháp
Trong hội này, Đại Sĩ dạy rằng Bụt ở ngay trong nhà của ta, ta không phải đi tìm ở đâu khác. Tại vì ta quên gốc, nên ta mới đi tìm Bụt. Đến khi nhận biết được rồi thì Bụt chính là ta. Hà Hữu hương là quê hương đích thực của ta, nó không nằm trong thời gian hay trong không gian.
Trong sự học hỏi giáo pháp và nghĩa lý thâm uyên của giáo pháp, trong sự sử dụng các công án, thoại đầu, tiếng hét v.v..., thì ta đang ra vào, len lỏi và lăn lóc trong trường kinh cửa tổ. Ta đang sinh hoạt và đang sống ở trong môi trường của kinh, của tổ. Đó là khoảng không gian của đạo, của nghĩa, của cơ quan. Ta nên lánh thị phi, không nên tham dự vào những cuộc đàm luận, nói rằng người này phải hay người kia trái...
Ngoài ra, ta còn phải hộ trì tám thức, phải biết quán chiếu tám thức của ta. Ta phải chống lại và vượt thắng cho được tám ngọn gió lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc. Nếu ta không vững thì tám ngọn gió đó sẽ thổi ta bay.
Sự thực tập phải đi từ từ, giống như tật xấu hay vô minh của ta vậy, ngày hôm nay ta phải cắt xén chỗ này, ngày mai ta mài bớt chỗ kia. Thành ra những lời dạy của Đại Sĩ, ta có thể áp dụng được trong môi trường xã hội ngày nay.
Hội thứ sáu
Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ; chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng; hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết quặng, sá tua chín phen đúc chín phen rèn; lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; học đạo thợ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
BÌNH GIẢNG
Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo.
Hãy sá vô tâm nghĩa là hãy nên áp dụng phương pháp vô tâm. Vô tâm là một danh từ thiền, có khi chúng ta sử dụng danh từ vô niệm. Vô tâm là một phương pháp thực tập rất quan trọng đối với Trúc Lâm Đại Sĩ. Cuối bài Cư Trần Lạc Đạo có một bài kệ bốn câu bằng chữ Hán, trong đó danh từ vô tâm được lặp lại trong câu chót của bài kệ:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Chúng ta sẽ có dịp bình giảng bài kệ này ở phần cuối của bài Cư Trần Lạc Đạo.
Thật thế, hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo, nghĩa là hãy nên áp dụng thái độ vô tâm thì tự nhiên nếp sống của chúng ta hợp với đạo lý.
Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm
Tam nghiệp tức là thân, khẩu và ý. Dừng ở đây có nghĩa là làm cho nó lặng lại để có sự an bình, có sự lắng trong. Trong khi chúng ta tư duy, trong khi chúng ta nói năng, hành động mà có sự lắng trong, có định ở trong đó, thì thân và tâm của chúng ta mới có được sự thanh tịnh.
Chúng ta biết rằng chỉ khi nào thân có an tịnh, tâm có an tịnh thì hạnh phúc mới có thật mà thôi. Cái an, cái lạc không phải chỉ là của tâm thôi, nó đã là cái an, cái lạc của thân nữa. Sự an lạc của thân và tâm tùy thuộc vào chỗ chúng ta có thể làm lắng lại ba nghiệp của chúng ta hay không mà thôi.
Trước khi thỉnh chuông, chúng ta chắp tay và thở. Chúng ta làm cho "ba nghiệp lắng thanh tịnh" và "gởi lòng theo tiếng chuông". Khi gởi đi ba tiếng chuông cho đại chúng và gởi theo sự lắng lòng của ba nghiệp của mình, thì tiếng chuông đó mới có phẩm chất. Vì vậy mà trước khi thỉnh chuông là ta phải lắng ba nghiệp, tịnh tam nghiệp.
Đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Một lòng tức là nhất tâm. Chúng ta biết rằng muốn đạt tới nhất tâm thì chúng ta phải biết nắm vững sự thực tập hơi thở, tại vì hơi thở đưa chúng ta về với giây phút hiện tại, nó phối hợp thân với tâm làm thành một khối. Trong trạng thái nhất tâm đó, chúng ta có thể dễ dàng thông cảm với giáo lý của các vị tổ dạy. Đó là đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Trong những câu chúng ta vừa học thì có ba danh từ đáng nhớ: một là danh từ vô tâm, hai là danh từ dừng tam nghiệp (sự lắng lại của ba nghiệp) và ba là danh từ đạt một lòng (sự thực hiện nhất tâm).
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ
Thói quen của người ta trong khi học đạo là bị dính chặt vào văn cú. Họ học kinh, học chữ mà căn cứ trên những chữ đó để giải thích những nghĩa lý nên nhiều khi họ bị lạc vào những khái niệm, bị những ý niệm đó bao vây, và không đạt tới được cái tinh hoa mà Bụt và tổ để lại. Nhận văn giải nghĩa tức là ta chỉ tiếp xúc được với văn chương, chữ nghĩa mà ta không tiếp xúc được với cái tinh hoa của sự giác ngộ, của hạnh phúc mà Bụt và tổ đã để lại qua những câu văn và nghĩa lý đó.
Chúng ta đã biết, đã gặp nhiều người thuộc kinh làu làu, họ nói thao thao bất tuyệt. Chúng ta thua xa đứng về phương diện trí nhớ, chúng ta không thể thao thao bất tuyệt như họ. Nhưng những người đó tuy là nhớ kinh rất nhiều và giải thích về kinh rất hùng biện, nhưng đời sống của họ không biểu hiện được cái giải thoát, an lạc, tại vì họ là những người kẹt vào chuyện nhận văn giải nghĩa.
Lạc lài nên thiền khách bơ vơ: Thiền khách là những người thực tập thiền. Khi ăn cơm, gọi là thực khách; khi ngồi thiền, gọi là thiền khách. Chúng ta đều là những thiền khách. Chúng ta bơ vơ, chúng ta lạc lõng là vì chúng ta chỉ biết nhận văn giải nghĩa. Dưới những hàng chữ có cái tinh ba sự sống của Bụt và của Tổ mà chúng ta không tiếp nhận được.
Trong câu văn này, Đại Sĩ nói chúng ta đừng bị kẹt vào chữ nghĩa, vào văn cú. Một trong những nguyên tắc của thiền là siêu việt văn cú, bất lập văn tự. Bất lập văn tự tức là không thiết lập văn tự.
Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Chứng lý tri cơ là ngược lại với nhận văn giải nghĩa. Chứng tức là kinh nghiệm trực tiếp. Ví dụ khi uống một ly nước cam thì ta trực tiếp nếm được vị của nước cam. Người khác không uống nước cam thì không biết rằng nước cam này ngọt như thế nào, chua như thế nào, thơm như thế nào. Kinh nghiệm trực tiếp, tiếng Anh là direct experience. Nghe người ta nói lại thì không phải là chứng. Tri cơ tức là biết và hiểu được cái cơ quan, cái then máy. Những công án, những thoại đầu, những tiếng hét, những cử chỉ của các thiền sư đưa ra, đều là những cái then máy nhằm để tháo gỡ cái kẹt của thiền sinh. Ta phải nắm cho được, biết cho được và sử dụng cho được những cái đó.
Chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo: Nạp tăng là những ông thầy áo vá. Chúng ta đừng theo đường lối nhận văn giải nghĩa mà chúng ta phải theo đường lối chứng lý tri cơ. Cứng cát tức là mạnh khỏe. Những vị nạp tăng không những phải có sự cứng cát, sự hùng mạnh mà còn cần phải có sự khôn khéo nữa. Khôn khéo ở đây có nghĩa là thông minh; thông minh để đừng bị kẹt vào những chữ, những câu, những nghĩa. Có người nghĩ rằng, điều quan trọng nhất khi tu là cần cái tâm thành (devotion). Không đủ đâu! Với cái tâm thành không thôi cũng chưa được, phải có sự khôn khéo, thông minh, nhất là tu thiền. Tu thiền không phải là vấn đề làm công quả. Tu thiền là phải thông minh, phải linh động, phải uyển chuyển, và nhiều khi người ta không sử dụng những từ ngữ Phật giáo, không sử dụng những câu kinh mà người ta sử dụng những từ ngữ thông thường như “Ăn cơm chưa? Uống nước chưa?” mà vẫn có thể tháo gỡ được những vướng mắc của người kia.
Có vị thiền sư khi một thiền khách đến thăm thì hỏi:
- Thầy đã tới đây lần nào chưa?
Vị thiền khách trả lời:
- Dạ con tới đây lần đầu.
Thiền sư nói:
- Mời thầy đi uống trà!
Kỳ sau, có một thiền sinh khác tới, thiền sư cũng hỏi:
- Thầy đã tới đây lần nào chưa?
- Dạ con đã tới đây nhiều lần rồi.
- Mời thầy đi uống trà!
Lúc đó, thầy thủ tọa mới lấy làm ngạc nhiên. Cho nên thầy hỏi:
- Bạch hòa thượng, tại sao người chưa tới lần nào thì cũng đi uống trà, mà người tới nhiều lần, thì hòa thượng cũng bảo đi uống trà. Vậy thì nghĩa lý của câu nói đó là gì?
Vị thiền sư mới nói:
- Mời thầy đi uống trà!
Đó là một câu chuyện rất nổi tiếng ở trong thiền môn. Những câu thiền ngữ đó không nằm ở trong kinh, không lấy ra từ lời Bụt dạy. Đó là một then máy. Đó là ngôn ngữ của thiền. Và ta phải khôn khéo, nếu không thì ta bước trượt qua.
Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng;
Có bản viết là duộc dừng. Han ở đây là hỏi han, tiếng Anh là enquire about. Han hữu lậu han vô lậu tức là tham vấn về vấn đề hữu lậu và vô lậu thì bảo cho người đó biết rằng cái the thì lọt còn cái duộc thì thưng. The là một loại vải dệt rất thưa, được dùng để rây bột. Người ta để bột lên rây rồi lắc lắc thì bột nhỏ hạt rơi xuống, còn những hạt bột to thì ở lại trên rây. Thưng có nghĩa là dừng lại. Duộc là một cái vá, miền Bắc gọi là cái môi, để múc nước tương. Nếu gặp thethì nó chảy qua, nếu gặp duộc thì nó dừng lại. Đó là hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu nghĩa là lọt ra ngoài được. Vô lậu nghĩa là không lọt ra ngoài nữa.
Còn hữu lậu là còn cư trú trong tam giới, trong luân hồi, trong sanh tử. Vô lậu là vượt thoát được tam giới và tiếp xúc được với bản môn. Ví dụ tới chùa ta cúng một trăm đồng. Trong khi cúng, ta cầu nguyện rằng con đang đau ốm và xin cho con được mau lành, hoặc ta sẽ có những phước báo trong tương lai. Ta cầu mong có một công đức thì công đức đó là công đức hữu lậu. Đó là công đức thật, nhưng nó nằm ở trong vòng sinh tử luân hồi. Nếu cúng một trăm đồng hay một ngàn đồng mà không thấy rằng ta là người cho, không thấy chùa là nơi ta đến cúng dường, thì đó là một hành động vô tướng. Cho mà không có ý niệm là cho, không cầu mong gì hết, công đức đó gọi là công đức vô lậu. Nó lớn vô cùng, không có thể nhận ra được. Nếu có thể nhận ra được là còn hữu lậu.
Ví dụ tay phải cầm búa, tay trái cầm đinh. Thay vì cây búa đóng lên cây đinh thì nó đóng lên trên ngón tay trái. Ngón tay đau nên buông cái đinh rơi xuống. Tự động bàn tay phải bỏ cây búa xuống nắm lấy bàn tay trái để săn sóc. Hành động đó của bàn tay phải rất vô lậu. Nó không nói rằng: “Tao là bàn tay phải đây, tao đang giúp mày đây, sau này mày phải giúp tao lại!” Tay phải không có những ý niệm như vậy, nó rất là vô tâm. Vô tâm không có nghĩa là không biết những gì đang xảy ra và không đáp ứng lại với những nhu yếu của thế giới hiện tại. Tay phải rất thông minh, rất chánh niệm: bỏ cái búa xuống, nắm lấy tay trái để săn sóc. Nó vô tâm trong hành động và vô tâm trong sự kỳ thị hay phân biệt. Công đức của tay phải là hành động vô tâm, vì vậy cho nên đó là công đức vô lậu.
Nếu anh giúp một người, anh làm cho người đó cái gì mà anh cứ nhớ hoài là anh đã giúp nó thế mà nó tệ với anh như vậy, thì việc làm đó của anh là công đức hữu lậu. Hữu lậu thì lọt ra ngoài, còn vô lậu thì không lọt ra ngoài, tức là vô lượng. Chính cái hạnh phúc mà công đức vô lậu đem tới cho ta lớn hơn nhiều so với cái hạnh phúc hữu lậu tạo nên rất nhiều.
Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, sơ tổ thiền tông Trung Hoa, trước khi rời nước Lương để vượt sông lên miền Bắc Trung Hoa, Tổ có gặp vua Lương Vũ Đế. Sách vở có ghi lại nội dung câu chuyện đó, không biết câu chuyện đúng tới mức nào. Vua Lương Vũ Đế hỏi Bồ-Đề Đạt-Ma rằng:
- Trẫm đã từng xây cất rất nhiều chùa và tạo rất nhiều tượng Bụt và cúng dường rất nhiều vị xuất gia, công đức đó như thế nào? Có tạm được hay không?
Thầy Bồ-Đề Đạt-Ma nói:
- Chẳng có công đức gì hết!
Nói như vậy là đứng về phương diện vô lậu mà nói. Nghĩ rằng ta đã tô được bao nhiêu tượng, ta đã cất được bao nhiêu chùa, ta đã cúng dường được bao nhiêu tăng, đứng về phương diện vô lậu, nó chẳng có công đức gì cả! Nhưng đứng về phương diện hữu lậu thì nó có công đức chứ! Nhưng tổ Bồ-Đề Đạt-Ma muốn nói tới công đức vô lậu hơn.
Hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo.
Thưa thẳng tắt tức là nói trực tiếp. Lòi là sợi dây để xâu tiền. Ngày xưa chúng ta có những đồng tiền bằng kim loại, hình tròn và có lỗ vuông ở giữa, cũng bằng cỡ đồng mười Franc ngày nay. Để cho những đồng tiền đó đừng rơi rụng, người ta dùng một sợi dây, xâu qua những đồng tiền đó rồi cột lại để vào túi hay tay nải. Có người sợ mất cho nên họ xâu một xâu dài để họ có thể cột ngang lưng! Ngày nay cũng có nhiều du khách làm như vậy. Họ mua một cái thắt lưng rồi để tiền đồng, tiền giấy vào trong đó. Ngày xưa, những anh chàng học trò sắp đi thi được hàng xóm, bà con đem tặng những xâu tiền để anh có tiền lên kinh đô hay lên tỉnh ứng thí. Một xâu tiền như vậy, gọi là lòi tiền.
Gáo là cái gàu múc nước. Đây không phải là cái gáo làm bằng trái dừa đâu. Gáo này là cái gàu múc nước, làm bằng mo cau hay bằng tre đan, có quét sơn dầu để cho nước không lọt ra ngoài. Muốn múc nước từ giếng thì phải cột một sợi thừng và thả gàu xuống giếng, có khi sâu cả mười thước. Nếu đó là một cái gàu múc nước thì ta không thể dùng một sợi dây nhỏ như sợi dây lòi, mà ta phải dùng sợi dây thừng lớn hơn, gọi là tơ, rất chắc.
Tiểu thừa và đại thừa cũng vậy. Tiểu thừa có phận sự của tiểu thừa, đại thừa có phận sự của đại thừa, mỗi truyền thống có một sứ mạng riêng. Chúng ta đừng chê phái này là nhỏ, phái kia là lớn. Đây là một thái độ rất cởi mở. Đại thừa không chê tiểu thừa là cỗ xe nhỏ, còn tiểu thừa không chê đại thừa là không chính thống. Cũng giống như trên. Hữu lậu cũng quan trọng mà vô lậu cũng quan trọng. Tại vì có khi ta cần dùng the mà có khi ta cũng phải dùng đến duộc, và có khi ta phải dùng cả hai cái. Ở đây cũng vậy, có khi ta cần dùng tiểu thừa, có khi ta cần dùng đại thừa.
Các vị xuất gia ở Việt Nam, khi thọ giới lớn là thọ cả hai thứ giới: 250 giới của Tiểu thừa và 58 giới Bồ tát của Đại thừa. Không có sự kỳ thị. Đó là thái độ của Trúc Lâm Đại Sĩ mà cũng là thái độ của truyền thống Phật giáo Việt Nam. Do đó cho nên ta có Giáo hội Thống nhất của cả hai truyền thống.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Nhận biết tức là nhận diện và biết được, tiếng Anh là recognise, acknowledge the presence of. Ví dụ như sư cô Bích Nghiêm ngồi trước mặt tôi thì tôi nhận ra đây là sư cô Bích Nghiêm, và tôi biết đây là sư cô Bích Nghiêm. Đó gọi là nhận biết. Làu làu tức là sáng, là rõ ràng. Lòng vốn là một từ rất Việt của chữ bản tâm, original mind. Vốn tức là cái gốc, lòng là cái tâm. Cái tâm gốc của mình là một cái tâm rất sáng, người nào cũng có cả, và ta có bổn phận phải tiếp xúc, phải nhận diện, phải biết tới nó. Làu làu lòng vốn tức là phải nhận biết cái bản tâm sáng chói của mình.
Chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên: không có những chướng ngại. Chữ hề ở đây tương đương với một dấu phẩy, một nhấn mạnh. Thời tiết nhân duyên: Thời tiết là thời gian: mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông, tiết Lập Xuân, tiết Đại Hàn, v.v... Và những điều kiện gọi là nhân duyên. Chuyện chúng ta thực tập nhận diện và tiếp xúc với bản tâm của chúng ta hoàn toàn không dính líu gì tới thời tiết và nhân duyên cả. Tại vì lòng vốn (bản tâm) của chúng ta luôn luôn có đó. Nó là nền tảng của hạnh phúc, của tự do của chúng ta. Chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên, sự có mặt của bản tâm không bị ngăn ngại bởi vấn đề điều kiện và thời gian.
Chùi cho vặc vặc tính gương. Vặc vặc cũng có nghĩa là sáng chói. Tính gương, bản tính của chúng ta là một tấm kính có thể chiếu soi được. Trong Duy Biểu Học, thức thứ tám sau khi đã được chuyển hóa thì được gọi là Đại viên Cảnh trí, tức là cái trí tuệ như tấm gương sáng, lớn và tròn. Chúng ta người nào cũng có tính gương đó, có bản chất soi chiếu được. Nếu chúng ta dùng gương đó để soi chiếu thì không có cái gì mà chúng ta không hiểu và không thấy. Sở dĩ gương của chúng ta không soi chiếu được là vì chúng ta để cho những bụi bặm bám vào mặt gương. Do đó sự thực tập của chúng ta là lấy một miếng giẻ, một cái khăn, chùi cho tấm gương sáng ra thì không có gì mà ta không thấy được. Câu này khiến cho chúng ta nhớ lại câu của thiền sư Thần Tú: “Thân thị Bồ đề thụ, tâm như minh kính đài.” Nghĩa là “Thân là cây Bồ đề còn tâm là đài gương sáng.”
Nào có nhuốm căn trần huyên náo. Huyên náo tức là ồn ào. Căn là sáu giác quan, trần là sáu đối tượng. Sự lăng xăng, huyên náo của sáu căn và sáu trần không động tới được bản tính sáng chói của chúng ta, gọi là kính gương.
Vàng chưa hết quặng, sá tua chín phen đúc chín phen rèn;
Khi đào dưới mỏ lên thì vàng còn trộn lẫn với những chất đất, cát, sỏi... những chất không phải là vàng. Muốn có vàng ròng, chúng ta phải đúc, phải rèn, phải luyện, phải cần dùng tới lửa. Tua tức là nên, sá tua tức là phải nên. Muốn vàng hết quặng thì phải nên chín phen đúc, chín phen rèn.
Lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Tức là những thức người ta cúng dường, những tài lộc của cuộc đời, ta không còn tham nữa. Tại vì ta có cái lòng vốn, ta có cái tính gương. Ta giàu quá rồi! Thành ra những thứ tài lợi ở trên cõi đời ta thấy nó là bã trấu, ta không chạy theo nữa, vì vậy mà ta có thể sống một cuộc đời đơn giản được. Bữa trưa thì được ăn một bữa chay, bữa tối thì chỉ cần ăn bữa cháo lỏng cũng có hạnh phúc như thường.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm
Sạch tức là làm cho thanh tịnh. Giới lòng tức là tâm giới, nghĩa là không cần phải bề ngoài. Bề ngoài chứng tỏ là ta giữ giới nhưng bề trong tâm chúng ta không có chánh niệm, không đi đôi với cái tướng bên ngoài, thì đó là chưa hay. Cho nên thực tập giới là phải thực tập tâm giới trước.
Chúng ta biết rằng tất cả các giới chúng ta thực tập đều phát sinh từ chánh niệm, từ sự giác ngộ. Chúng ta ý thức là làm điều trái quấy thì có hại cho bản thân, hại cho thầy tổ, hại cho các con cháu và tăng thân ta, thành ra ta không làm. Đó là tâm giới. Chứ không phải ta không làm điều đó là tại ta không được phép làm, tại ta sợ mang tiếng, hoặc ta sợ sư anh, sư chị rầy rà, trách móc, ta sợ thầy buồn,.. cho nên ta không làm, thì đó không phải là tâm giới. Tâm giới phát sinh từ chánh niệm của chúng ta.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng. Giới tướng là hình thức biểu hiện của giới. Ở trong có tâm giới thì ở ngoài giới tướng sẽ rất đẹp và rất tự nhiên, không có giả bộ. Nếu có giới lòng thì giới tướng là giới tướng thật, chứ không phải là giả trang thiền tướng.
Ví dụ chúng ta đi thiền hành. Chúng ta đi thiền hành là vì chúng ta thấy đi thiền hành hạnh phúc quá chừng. Cho nên có người chung quanh thì ta cũng đi thiền hành thảnh thơi an lạc, không có ai thì ta cũng đi an lạc, thảnh thơi. Ta không phải đi thiền hành cho người quan sát kia, ta đi cho chính chúng ta. Khi đi thiền hành mà chúng ta có an lạc thì tất cả tăng thân đều được thọ hưởng.
Nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm. Ở trong cũng có cái đẹp của Bồ tát, mà biểu hiện bên ngoài cũng có cái đẹp của Bồ tát. Danh từ trang nghiêm trong đạo Bụt có nghĩa là đẹp. Đẹp bên trong và đẹp bên ngoài. Ta là một vị Bồ tát trang điểm cho thế giới bên trong, và trang điểm luôn cho cả thế giới bên ngoài, trong đó có tăng thân của chúng ta.
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Chúa đây tức là vua, người cầm đầu guồng máy chính trị ở trong nước. Lòng mình ngay thẳng trong việc thờ vua. Thờ có nghĩa là phụng sự. Thờ cha thờ mẹ không có nghĩa là ta đốt hương, cúng vái trên bàn thờ, mà ngay khi cha mẹ còn sống, ta vẫn phải thờ cha thờ mẹ, ta phải phụng sự cha mẹ như thường. Như vậy ta cũng có thể nói là ta thờ anh, thờ em, thờ chồng, thờ vợ, thờ chúng sanh, thờ con cái. Tại vì mỗi một việc đều là một cái đạo: đạo làm cha, đạo làm mẹ, đạo làm con, đạo làm vợ, đạo làm chồng. Nếu ta thực tập được cái đạo đó cho thật hay, thật đẹp, đó gọi là thờ. Giống như pha trà cho thật đẹp, thật ngon, thì gọi là trà đạo. Ngay thờ chúa, thảo thờ cha tức là đem sự ngay thẳng để phụng sự quốc vương của ta, đem sự hiếu thảo mà phụng sự cha ông của ta.
Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu. Đi tức là hành. Đỗ tức là chỉ, nghĩa là ngừng lại. Ví dụ như xe đỗ lại, tàu đỗ bến. Đi đỗ tức là khi đi khi dừng. Câu trên là “nội ngoại”, câu dưới đối lại là “đi đỗ”. Dịch theo chữ Nho là “tấn chỉ”, tức là đi tới và dừng lại. Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu, nghĩa là phải biết lúc nào ta nên đi tới, lúc nào ta cần dừng lại, thì ta mới có thể được gọi là bậc trượng phu có trung và có hiếu. Trung là không có phản bội đối với vua, với nước. Hiếu là sống có tình có nghĩa đối với cha mẹ và tổ tiên của mình.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân;
Tham thiền tức là tham khảo về thiền học. Ta tham vấn với thầy, với bạn, với kinh sách để soi sáng cho sự thực tập hàng ngày của ta. Chúng ta đã học về đại tham, và tiểu tham. Tham khảo một thoại đầu, tham khảo một công án cũng là tham thiền.
Kén bạn tức là trong đời sống tu tập, ta phải chọn những người bạn tu có thể sách tấn đường tu của ta. Ở đây tức là vấn đề xây dựng tăng thân, ta có được người bạn thiện hữu tri thức thì đó là một điểm tích cực trong đời tu của ta. Nếu tu mà không có bạn thì thiếu, cho nên phải tìm cho được bạn hiền để cùng tu tập chung.
Nát thân mình mới khá hồi ân. Nghĩa là cái ân nghĩa của đạo và của bạn khó có thể đền đáp lắm. Hồi tức là đem trở lại, ân tức là ân nghĩa. Ân đó lớn lắm, thân ta không đủ để đền đáp cái ân đó.
Ở Đông phương, người ta thường nói: “Sau này chết đi dù tôi có trở lại thành con ngựa, con lừa để chở anh trong trọn kiếp, thì tôi vẫn chưa đền được ơn của anh đã làm cho tôi trong kiếp này.” Làm thân trâu ngựa đền bù nghì ??trúc mai. Cái thân này, suốt cuộc đời này tôi lao động, tôi làm đủ thứ, mà tôi vẫn chưa đủ để đền công ơn của anh. Tại vì anh là người tri kỷ của tôi, anh đã dẫn tôi đi trên con đường đạo, anh đã khai mở con đường sáng cho tôi, anh đã cứu tôi ra khỏi nhà tù hắc ám của khổ đau, của thất vọng. Người đó đã cho ta sống trở lại. Người đó mở đường cứu ta thoát ra. Ơn đó, cái thân này không đủ để đền bồi, họa chăng những thân của kiếp sau. Đó là cái cảm tưởng của ta đối với một người bạn hiền (thiện hữu tri thức).
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
Dọt có nghĩa là đập mạnh vào, làm cho nó mòn mỏi. Cả xương cả óc của ta dầu có mòn mỏi, tiêu ma đi nữa thì ta vẫn chưa đủ để trả ơn thầy, ơn Bụt đã cho ta con đường thực tập.
Giáo pháp
Khi đi thiền hành, chúng ta nắm tay một người bạn để đi trên con đường Xóm Thượng hay Xóm Hạ, chúng ta phải làm thế nào để cho giây phút đó trở nên giây phút có hạnh phúc. Chúng ta phải làm cho được điều đó ngày hôm nay. Khi làm được rồi, có thể ta sẽ tự hỏi: “Ta có khả năng có hạnh phúc hay không khi ta trở về địa phương của ta?” Câu trả lời có thể là được! Nếu hôm nay anh làm được thì ngày mai về tới trú xứ, anh cũng có thể làm được. Cho nên bí quyết của sự thực tập là phải thành công ngay ngày hôm nay. Cố nhiên, càng làm thì hạnh phúc càng lớn, nhưng hạnh phúc đó không phải đợi đến ngày mai ta mới có. Đừng đợi khi về tới “bên nớ” ta mới làm được, “bên ni” ta vẫn làm được như thường. Điều này phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp của tôi.
Thành quả tu học của ta, cái mà ta mong đạt tới là gì? Rất đơn giản. Đó là có hạnh phúc trong khi ta bước chân đi; có hạnh phúc trong khi ta ngồi một mình, hay ta ngồi với các bạn; có hạnh phúc trong khi ta ăn cơm; có hạnh phúc trong khi ta uống nước; có hạnh phúc trong khi ta quét thiền đường, ta giặt áo hay ta nấu cơm. Chúng ta phải có hạnh phúc trong những lúc đó thì chúng ta mới gọi là đang thành công trong việc tu học, đang thực tập đúng với giáo pháp. Còn nếu chúng ta cứ nghĩ rằng ráng qua ngày hôm nay để ngày mai sẽ tươi sáng hơn, có hạnh phúc hơn, là chúng ta đang không thực tập đúng theo pháp môn của thầy trao truyền.
Chúng ta hãy sử dụng hình thức đó. Một mai kia, trên giường bệnh, thân thể đau nhức, không thể ngồi dậy được nữa, không thể bước đi một bước nào nữa, thì điều mà ta ước mong nhất trong giây phút đó là có thể bước đi những bước thanh thản, hạnh phúc trên con đường thiền hành một mình hay với các bạn, hay có thể ngồi thẳng lưng, thở rất thông và mỉm cười. Hạnh phúc phải có ngay trong khi chúng ta làm những chuyện đó, bây giờ và ở đây. Hạnh phúc đó có hay không, không phải là do người khác, mà là do chính ta. Ta bắt buộc phải có hạnh phúc bây giờ và ở đây.
Cũng như ngày mà chúng ta pháp đàm ở trên núi Pyrénées, có tương lai nào đâu? Chỉ có giây phút hiện tại này mà thôi. Nếu giây phút hiện tại này mà ta an trú được, ta có hạnh phúc được thì ở đâu mà ta không làm được chuyện đó? Cho nên chúng ta có thể nói giây phút hiện tại là giây phút duy nhất. Nếu quí vị còn thao thức, còn lo lắng cho tương lai, thì quí vị biết rằng quí vị chưa an trú và chưa nắm được phương pháp thực tập. Nếu nắm được phương pháp thực tập, có an trú, có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại rồi thì quí vị đừng lo lắng nữa. Tương lai đã được bảo đảm rồi đó! Đi đâu, làm gì cũng có thể có hạnh phúc được. Làm thợ mộc cũng có hạnh phúc, làm thợ nề cũng có hạnh phúc, tại sao chúng ta phải lo sợ, hoảng hốt về cái tương lai của chúng ta? Đó gọi là đốn ngộ.
Pháp môn mà chúng ta tu tập ở đây là đói thì ăn, khát thì uống, nhà dơ thì quét, mệt thì đi nghỉ. Nhưng làm tất cả những việc đó với thái độ vô tâm, không bị vướng mắc, không đòi hỏi, không lên án, không sợ hãi, không sầu đau, và hạnh phúc là cái gì có thể đạt được ngay ngày hôm nay.
Gốc Gác của Ý Niệm Vô Tâm
Vào khoảng cuối đời Đường ở bên Tàu, người ta hay lặp đi lặp lại ý niệm về vô tâm như là con đường lý tưởng, vô tâm thị đạo. Có nhiều người lặp đi lặp lại mà không hiểu, rốt cuộc nó trở thành một từ ngữ đầu môi (cliché) của rất nhiều người dù họ không hiểu gì hết.
Trong tác phẩm Trung Cảnh Lục có một câu mà người nào đã đọc cũng đều biết:
Nhược bất khởi vọng tâm, tất năng thuận giác. Sở dĩ văn: vô tâm thị đạo.
Nhược bất khởi vọng tâm, tất năng thuận giác. Thuận là đi theo hướng. Giác tức là sự bừng tỉnh, sự giác ngộ. Câu này có nghĩa là nếu không phát khởi tâm vọng thì có thể đi theo hướng của giác ngộ. Sở dĩ văn: vô tâm thị đạo. Vì vậy cho nên nói rằng vô tâm chính là con đường.
Trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục có câu chuyện một thiền sinh học thuộc câu “vô tâm thị đạo” và đem lặp lại cho Thượng Sĩ nghe, bị Thượng Sĩ la rầy. Một vị xuất gia khác hỏi Thượng Sĩ: “Thế nào là đạo?” Thượng Sĩ trả lời: “Đạo không có trong câu hỏi, câu hỏi không có trong đạo.” Tức là Thượng Sĩ đã ngửi thấy mùi lý thuyết, mùi danh từ của anh chàng này rồi.
Ngày xưa nhạc sĩ Phạm Duy có làm một bài tâm ca, trong đó có câu: “Kẻ thù ta là một rổ danh từ!”
Ta cũng vậy. Ta cũng có thể bị kẹt vào các danh từ mà ta đã học. Ta nói rất giỏi, trình bày những danh từ rất giỏi; ta học thuộc lòng, ta nói thao thao bất tuyệt, nhưng những cái đó không dính líu gì tới đời sống hàng ngày của ta cả, cho nên ta không được chuyển hóa.
Trong những khóa tu, người ta thường đặt câu hỏi. Có thể tới tám mươi phần trăm các câu hỏi là thuộc loại này, hỏi để mà hỏi thôi. Ta phải tìm cách để giúp cho họ thoát ra khỏi sự đi tìm danh từ và tìm ý nghĩa của danh từ. Thiền sư hay dùng những loại ngôn ngữ để có thể giúp cho những người đó thoát ra khỏi đường rầy xe lửa mà họ thường đi tìm đó là danh từ và ý niệm. Vì vậy khi có người hỏi:
- Thế nào là đạo?
Thì Thượng Sĩ trả lời:
- Đạo không có trong câu hỏi, câu hỏi không có trong đạo.
Vị xuất gia đó vẫn chứng nào tật nấy, hỏi thêm một câu:
- Các hàng đạt đức ngày xưa đã nói vô tâm tức là đạo, có đúng không bạch Thượng Sĩ?
Nếu trả lời là đúng thì cũng chẳng có ích lợi gì cho anh ta. Anh chỉ muốn xác nhận lại một câu nói, và cái đó không dính líu gì đến và không có ảnh hưởng gì đến sự tu học của anh ta cả. Cho nên Thượng Sĩ nói:
- Vô tâm bất thị đạo, vô đạo diệt vô tâm.
Vô tâm không phải là đạo, không có đạo cũng không có tâm! Nó hoàn toàn ngược lại giáo điều! Trong khi vị xuất gia đó đang ngớ ngẩn, cố nhiên là phải ngớ ngẩn, tại vì cái đường rầy bị lấy mất rồi cho nên cái đầu tàu đâu còn chạy tới được nữa? Thì Thượng Sĩ giải thích tiếp:
- Nếu nói vô tâm là đạo, thì tất cả cây cỏ đất đá đều là đạo hết sao, tại vì tụi nó vô tâm lắm! Ngược lại nếu nói vô tâm không phải là đạo thì nói vậy để làm gì, có ích lợi gì đâu? Cho nên trong cả hai mệnh đề, phủ nhận hay xác nhận, đều không ích lợi gì cho thầy hết!
Nghĩa là thầy đừng chạy theo tìm sự xác nhận hay phủ nhận một ý niệm, nó không ích lợi gì cho thầy hết. Rồi Thượng Sĩ đọc cho thầy bài kệ sau đây:
Bổn vô tâm vô đạo, (Có nghĩa là vốn không có tâm cũng không có đạo.)
Hữu đạo bất vô tâm.( Nếu có đạo thì làm sao vô tâm được?) Nó ngược lại hoàn toàn! Một bên nói vô tâm tức là đạo, một bên nói tâm cũng không có mà đạo cũng không có, mà nếu có đạo thì làm sao vô tâm được, tức là ngược lại điều nói trong sách.
Tâm đạo nguyên hư tịch. (Tâm và đạo chúng vốn là trống rỗng, vắng lặng.)
Hà xứ cánh truy tầm. (Ở đâu có thể chạy theo mà tìm cho được?) Tại vì cả tâm lẫn đạo đều hư tịch cả, nghĩa là nó rất vắng lặng. Nó là sự thật, nhưng nó rất yên lặng. Cũng như trái chuối hay trái cam, nó có thật nhưng nó rất im lặng. Bây giờ ta ngồi pháp đàm về thế nào là trái chuối, thế nào là trái cam thì rất ồn ào, và đôi khi ta không có chuối mà cũng chẳng có cam, ta chỉ bàn về chuối và cam mà thôi!
Thật sự là như vậy. Có rất nhiều Phật tử ngồi nói tới chân như, tới bản thể, vô ngã, vô thường nhưng họ không có mấy thứ đó. Giống như ta ngồi cả ngày cãi nhau về chuối, về cam mà không người nào có được trái chuối, không người nào có được trái cam. Hư tịch không có nghĩa là không có. Hư tịch có nghĩa là nó có nhưng nó rất là vắng lặng. Vắng lặng ở đây là vắng lặng ý niệm, ngôn từ, chứ còn nó là sự thật. Anh chỉ để thì giờ để nói về tâm và về đạo thôi, chứ anh không tiếp xúc được với cái tâm và cái đạo. Vì vậy mà không ích lợi gì cho anh cả. Anh chạy theo để tìm nó thì tìm ở đâu được? Tại vì anh tìm theo kiểu ngôn thuyết và hí luận.
Trong câu chuyện này, sách còn ghi thêm một câu: “Vị xuất gia đột nhiên nhận ra cái ý chỉ (tức là cái ý) của Thượng Sĩ, nên cúi đầu xá rồi rút lui.” Không biết thầy có nhận ra không, hay thấy ngán quá nên rút lui cho rồi!
Chúng ta biết rằng trong thiền môn thỉnh thoảng có những trận giáp chiến, những cuộc xuất trận đó giữa thầy và trò. Đây quả thật là những trận đánh tơi bời. Trong buổi đại tham, một thiền sinh bước lên và thiền sư tạo ra một cơn gió bão rất lớn để xem thiền sinh này có chịu đựng nổi hay không, trong cơn bão đó thiền sinh có tỏ lộ gì về sự vững chãi không hay là bị những ngọn gió thổi bay tung hết. Thành ra Tuệ Trung Thượng Sĩ hay nói ngược lại những điều trong kinh nói. Ví dụ kinh nói: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” thì Tuệ Trung nói rằng: “Sắc bất thị không, không bất thị sắc”. Và trong bài kệ đọc cho vị thiền sinh trên đây thì:
Bổn vô tâm vô đạo,
Hữu đạo bất vô tâm,
Tâm đạo nguyên hư tịch,
Hà xứ cánh truy tầm.
Chúng ta trở lại hội thứ Sáu của bài Cư Trần Lạc Đạo. Hãy xá vô tâm tự nhiên hợp đạo, nghĩa là hãy nên vô tâm, hãy nên áp dụng phương pháp vô tâm thì tự nhiên ta hợp với đạo.
Nhược bất khởi vọng tâm. Tức năng thuận giác.
Không khởi vọng tâm tức là vô tâm. Vô tâm là vô vọng tâm hay vô vọng tưởng. Tức năng thuận giác. Giác đây tức là đạo, là sự giác ngộ, tức là sự hiểu biết. Nói ngắn lại: Vô tâm tức là đạo. Vì vậy khi đọc hai câu này chúng ta phải biết gốc gác của nó. Gốc gác của nó là ý niệm vô tâm thị đạo.
Thiền sư Vĩnh Minh Duyên Thọ đã nói rất rõ cái vô tâm đó, cái đạo đó là bất khởi vọng tâm. Vô tâm có nghĩa là không có vọng tâm, tức là không có vọng tưởng, tiếng Anh là wrong perception. Ví dụ bây giờ ta có một ý niệm về ta. Ta là một người thương người, một người muốn giúp người, ta rất dễ thương, ta có rất nhiều thiện chí. Mỗi chúng ta đều có một hình ảnh về mình cả. Tôi thông minh, tôi dễ thương, tôi không tạo ra những bất bình đẳng với người khác, tôi không kỳ thị người khác. Đó là một cái tưởng về ta. Và cái tưởng đó thường thường là sai. Nó sai tới một mức độ nào đó. Mỗi người trong chúng ta có một hình ảnh về bản thân của ta, và chúng ta tin rằng đó là hình ảnh thật của ta. Nếu đem một tấm kính ra để trước mặt, ta sẽ thấy hình của ta phản chiếu lại. Quí vị cười nhăn răng thì tấm kính hắt hình quý vị cười nhăn răng trở lại. Khi ta giận dữ, nhìn vào trong kính thì kính hắt lại một bộ mặt rất ghê cho ta thấy. Nhưng ta không chịu, ta nói mặt ta không như vậy, đâu có xấu như vậy!
Tăng thân của ta cũng giống như một tấm kính, nó gởi trở lại hình ảnh của ta cho ta thấy. Chẳng những tăng thân mà xã hội cũng vậy, đều là một tấm kính, trong đó hình ảnh của ta được phản chiếu lại. Thành ra khi ta thực tập cầu xin sáu sư em, sáu sư anh hay sáu sư chị soi sáng cho ta, tức là ta làm việc soi gương. Có thể có những người quen sống với những người dua nịnh. Người nào cũng muốn có những lợi lộc cho nên họ không nói sự thật cho ta nghe. Ví dụ như cấp dưới nói với cấp trên: “Đồng chí quên ngủ quên ăn nhiều quá, đồng chí lo cho đồng bào nhiều quá, đồng chí là người hy sinh nhất ở trên thế gian này!” Thì đó có thể là những lời đường mật để tâng bốc cấp trên. Nếu mỗi ngày nghe nhiều lần như vậy, ta sẽ có một hình ảnh cao tột về ta. Đó là một vọng tưởng, một vọng tâm. Sống với vọng tâm thì ta chết. Cho nên chuyện ta cầu sáu người bạn nói thật về con người của ta là một cách soi kính rất hay. Những người đó nói cho ta hay về giá trị và những khuyết điểm của ta. Mỗi thiền sinh ở Làng Mai đều đã được giao cho bài tập đó.
Ta có một hình ảnh về ta, có thể là một vọng tâm đã đành, ta còn có một hình ảnh về người kia hay về tăng thân cũng không đúng luôn. Ta nói rằng tăng thân kỳ thị ta, tăng thân muốn đẩy ta ra khỏi, tăng thân không muốn chấp nhận ta, và ta tạo ra một ranh giới làm bằng dây kẽm gai, rất khó để vượt qua. Như vậy ta có hai hình ảnh: hình ảnh về ta và hình ảnh về người kia hay về nhóm người kia. Cả hai hình ảnh đó tạo ra một biên giới. Biên giới đó làm cho ta và người kia đau nhức. Không những nó làm cho hai người đau nhức, nó làm cho luôn cả tăng thân đau nhức!
Cho nên nguyên tắc thực tập là vô tâm, tức là đừng bám víu vào một ý niệm. Phải luôn luôn quán chiếu về ý niệm đó để thoát ra, luôn luôn đi tìm sự thật. Và phương pháp tìm sự thật là căn cứ vào cái đèn sẵn có trong người của ta, tức là tính sáng của ta, và cũng căn cứ trên tính sáng của người khác. Nếu dùng cái đèn của chúng ta và cầu xin cái đèn của những người khác soi sáng cho ta và soi sáng cho tăng thân, thì ta có thể làm tiêu tán đi những vọng tưởng, những vọng tâm. Như vậy là ta đi theo ánh sáng, đi theo sự giác ngộ, gọi là thuận giác.
Có khi chúng ta có cảm tưởng chúng ta đang gánh một gánh tủi nhục, một gánh bất công. Mà những bất công đó đã được gây ra bởi hoàn cảnh xã hội, bởi những người khác. Chúng ta có cảm tưởng rằng chúng ta như là Chúa Ki-tô, đang phải mang một cái Thánh giá rất nặng. Chúng ta là nạn nhân của những người khác, nạn nhân của sự kỳ thị của những người khác, và vì mang gánh nặng đó nên chúng ta đau khổ. Chúng ta thiết lập một biên giới ngăn cách giữa chúng ta với những người kia.
Có thể chúng ta không thấy gánh nặng đó phát sinh từ nhận thức sai lầm của chúng ta, từ cách nhìn của chúng ta, từ vọng tưởng của chúng ta. Vì vậy cho nên phải sử dụng vô tâm, tức là con đường, phương pháp vượt những tà niệm, những vọng tâm. Lại nữa, muốn vượt vọng tâm cũng nên dùng cây đèn bên trong để soi sáng. Nếu người kia nhìn ta bằng con mắt như vậy, nếu những người kia có thái độ với ta như vậy, chắc có lẽ là tại cách hành xử, cách nhận thức của ta sao đó mới có phản ứng như vậy từ phía những người kia. Nếu cái mặt ta nhăn thì tấm kính mới gởi lui cho ta một hình ảnh có cái mặt nhăn, chứ không phải tự nhiên mà có. Có quán chiếu, ta mới thấy được phần trách nhiệm của mình.
Nhiều khi tấm kính của người kia cũng hơi méo, tại vì người kia nếu không tu tập, nếu không quán chiếu thì cũng có thể có một nhận thức sai lầm về ta. Nhưng thường thường khi chúng ta có tu học, có quán chiếu, thì phía bên này cảm thấy đỡ mà phía bên kia cũng thấy đỡ hơn. Cái hình ảnh méo mó càng ngày càng bớt đi, và sự phối hợp giữa hai ánh sáng, ánh sáng của nội tâm ta và ánh sáng nội tâm của người kia, có thể xua đuổi đi những bóng tối, những méo mó, những sai lầm trong nhận thức của ta và của người kia.
Hội thứ bảy
Vậy mới hay: Phép Bụt trọng thay; rèn mới cóc hay.
Vô minh hết bồ đề thêm sáng; phiền não rồi đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu; học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay.
Cùng căn bản, rữa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận; đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.
BÌNH GIẢNG
Vậy mới hay: Phép Bụt trọng thay; rèn mới cóc hay.
Chúng ta thấy rằng trong bài Cư Trần Lạc Đạo cũng như trong những tác phẩm bằng chữ Nôm ở thế kỷ thứ 13, không có tác phẩm nào sử dụng danh từ Phật hết. Điều đó chứng tỏ rằng vào thế kỷ thứ 13, 14, dân Việt vẫn còn dùng chữ Bụt để chỉ đấng Toàn Giác.
Từ khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, họ gom góp và đốt hết tất cả những thư tịch của các thầy ở Việt Nam sáng tác, và đem kinh điển ở bên Trung Quốc sang, thì chúng ta mới bắt đầu gọi Bụt là Phật, một danh từ phiên âm từ tiếng Trung Hoa. Đó là từ thế kỷ thứ 15, 16. Trước đó chúng ta vẫn gọi Phật là Bụt, theo danh từ tiếng Việt.
Trong tác phẩm chúng ta đang dùng đây, không bao giờ có chữ Phật hết, toàn là Bụt. Vì vậy, là con cháu, ngày nay chúng ta nên trở về nguồn, nên theo tổ tiên của chúng ta mà sử dụng danh từ Bụt, và đừng dùng danh từ Phật của người Trung Hoa đã ép buộc ông cha ta sử dụng.
Phép Bụt trọng thay, nghĩa là phép của Bụt rất quí báu. Rèn, tiếng Anh là training, nghĩa là học hỏi và tập dượt. Nếu có học và tập theo phép Bụt thì ta mới thấy được, mới hiểu được rằng Phật pháp rất mầu nhiệm, rất quí báu. Chữ phép Bụt là tiếng Việt của chữ Phật pháp. Ta có bài kệ mở kinh:
Phép Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi
Vô minh hết bồ đề thêm sáng
Vô minh tức là sự không thấy rõ, không có ánh sáng. Mục đích của việc học là lấy vô minh ra khỏi ta. Nhưng khi vô minh ra khỏi rồi thì sẽ có một cái khác để thay thế, đó là bồ đề, tức là sự giác ngộ, là sự hiểu biết sáng thêm. Có nghĩa là ta đã có ánh sáng rồi, nhưng vì màn vô minh che lấp cho nên ánh sáng đó chỉ tỏa chiếu một cách rất khiêm nhường. Nếu ta lấy màn vô minh đi thì ánh sáng đó chiếu ra rạng rỡ. Vô minh hết Bồ đề thêm sáng là câu lặp lại những câu ở trong kinh: Vô minh diệt, minh sinh, nghĩa là khi nào vô minh diệt thì minh sinh ra. Ánh sáng xuất hiện khi bóng tối đi mất, đó là một định luật. Hễ bóng tối đi mất là chỗ đó có ánh sáng.
Phiền não rồi đạo đức càng say
Phiền não rồi tức là phiền não đã được chuyển hóa, đã được thảnh thơi. Chữ rồi ở đây chúng ta nhớ nó có nghĩa là thảnh thơi. Khi phiền não đã được thảnh thơi rồi thì cái đạo và cái đức càng được quí chuộng, ưa thích.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu; học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay
Phỏng ở đây là làm theo (adapt). Xem và làm theo, bắt chước theo. Lòng kinh tức là tinh yếu của kinh, bản chất của kinh chứ không phải là hình thức của kinh, không phải là cái xác kinh, không phải là chữ nghĩa, văn cú của kinh.
Chữ lòng là dịch từ chữ tâm. Kinh chi tâm tức là cái tinh yếu của kinh. Thốt ở đây có nghĩa là nói, là thưa thốt. Dễ cho thấy dấu: dấu này là dấu vết. Nếu học kinh mà chúng ta biết để đừng bị kẹt vào chữ nghĩa, chúng ta đi vào tinh túy của kinh, biết thực tập theo lời kinh dạy, mà không đi vào lý thuyết thì dấu vết của những lời Bụt dạy trở nên rõ ràng, ta có thể thấy được, nắm được.
Học đòi cơ tổ: Học đòi tức là học theo. Cơ nghĩa là then máy, là cơ quan. Tức là những phương pháp của các tổ dùng để giúp người ta giác ngộ, như những công án, những thoại đầu, những tiếng hét, những bài kệ ngược lại với kinh điển, đó là cơ. Học đòi cơ tổ tức là học theo những phương pháp của chư tổ.
Sá thiền không khôn chút biết nay. Sá có nghĩa là lối đi, là con đường, như đường sá. Thiền không là những giáo lý về không (sujnata) được dạy trong thiền môn, không phải cái không ở ngoài đời mà là cái không không thể nói tới.
Khôn chút biết nay: khôn ở đây nghĩa là khó biết được, như trong chữ khôn lường (difficult). Thay vì là nơi, đọc là nay. Nơi là chỗ, là nơi chốn. Vì đây là Hội thứ Bảy, tất cả các vần đều là “ay”, cho nên chữ nơi phải đọc thành chữ nay. Những giáo lý mầu nhiệm về không ở trong thiền, con đường đạt tới nó không phải dễ dầu gì mà tới nơi tới chốn được đâu.
Cùng căn bản, rữa trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn họa trữ cong tay.
Cùng là đi tới tận nơi tận chốn, không bỏ nửa chừng. Căn là rễ, bản là cái nền. Cùng căn bản là đi tới nguồn cơn, gốc rễ, tiếng Anh là go all the way through, hitting the bottom. Rữa trần duyên: Rữa tức là rã ra. Ví dụ có một khối gì đó chúng ta để ngoài mưa. Ban đầu nó cứng, nhưng nước thấm vào từ từ, mưa gió đi qua, và nó bắt đầu rã ra từng mảnh. Đó là rữa ra. Trần duyên là những ràng buộc vào phiền não. Trần đây là những bụi bặm của cuộc đời. Duyên là những ràng buộc của cuộc đời. Rữa trần duyên nghĩa là những bụi bặm, những ràng buộc của cuộc đời từ từ rã ra. Ban đầu nó làm thành một cái vỏ cứng giam hãm chúng ta, nhưng nếu chúng ta đi tận cùng tới cái căn bản của giáo lý, của thiền tập, thì những mối trần duyên làm chúng ta khổ đau trong bao nhiêu kiếp sẽ từ từ rã ra hết.
Mựa để mấy hào ly đương mặt. Mựa là đừng, chớ. Hào ly là một chút xíu, hay là những mảy vụn. Câu này nghĩa là chớ để cho những mảy vụn của nó còn trước mặt ta. Cái trần duyên đó rã ra, nó tan hết, và đừng để cho nó còn lại dầu là một tơ hào, một mảy mụn rất nhỏ. Đừng cho nó ở lại trước mặt nghĩa là đừng thấy nó một chút xíu nào nữa cả. Cái trần duyên đó phải được rã ra một cách hoàn toàn.
Ngã thắng tràng: Tràng là một cái cờ. Thắng tràng là cờ chiến thắng. Ngã là ngã xuống. Ngã cờ chiến thắng đó xuống. Ngày xưa khi đánh trận thắng, người ta dựng cờ lên, gọi là cờ chiến thắng. Thắng trận là thắng tràng. Các vị Bụt, các vị Bồ tát khi chiến thắng được ma quân, chiến thắng được phiền não vô minh thì cũng giống như dựng lên một cây cờ chiến thắng của đạo pháp.
Nhưng tại sao lại 'ngã thắng tràng'? Cây cờ chiến thắng đó tại sao lại làm cho nó ngã? Tại vì nó vẫn còn có ý niệm là có người thắng, người thua. Nó có thể có ý niệm về ngã, về mạng, về sự tự hào, tự đắc, cho nên làm cho cây cờ chiến thắng đó nó ngã xuống. Tức là bước cuối cùng của sự chiến thắng của ta.
Viên tri kiến: Viên tức là làm cho nó tròn đầy; tri kiến là cái thấy, cái biết của ta. Cái thấy và cái biết của ta làm cho nó tròn đầy, gọi là viên tri kiến. Chúng ta có tri kiến của chúng ta, mà Bụt cũng có tri kiến của Bụt. Tri kiến của chúng ta rất nhỏ bé, còn tri kiến của Bụt rất lớn lao.
Kinh Pháp Hoa được xem như một kinh diễn bày cho ta thấy tri kiến của Bụt: Khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến. Tức là mở ra, chỉ bày, làm cho chúng ta thức tỉnh, và chúng ta đi vào trong tri kiến của Bụt. Viên tri kiến là làm cho tri kiến của ta càng ngày càng tròn đầy.
Chớ cho còn họa trữ cong tay: Làm sao để cho những tai họa không còn ẩn dấu trong hai vòng tay của ta. Tại vì tai họa nó từ đâu tới? Tai họa nó nằm trong hai vòng tay ta mà ta không biết, ta tưởng từ ngoài nó đi vào! Tất cả những tai họa đến với ta đã nằm sẵn trong hai vòng tay của ta. Một ngày nào đó gặp tai họa, ta nghĩ là từ xa nó đi tới, kỳ thực nó đã có sẵn! Cong tay là trong tay.
Muốn cho tai họa đừng tới thì ta phải thấy rằng nó đã nằm núp sẵn trong hai vòng tay của ta. Vì vậy cho nên phải làm ngã xuống cái thắng tràng của ta, ngã sự tự hào, tự thị là ta giỏi hơn người, ta thành công hơn người. Và ta phải làm cho tròn đầy cái thấy và cái biết của ta (viên tri kiến), thì những tai họa ẩn náu trong hai vòng tay của ta, dưới hình thức của những hạt giống, tan rã đi, lúc đó ta mới thật sự có an ninh.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.
Giác ngộ là một thứ lửa. Tính thức là một thứ lửa. Khi các thứ lửa đó được đốt lên thì tất cả rừng tà kiến ngày trước sẽ rần rần cháy hết. Buông lửa giác ngộ: Buông, tiếng Hán-Việt là phóng (phóng giác ngộ hỏa). Bao nhiêu cái thấy sai lầm của ta là một rừng tà kiến rậm rạp, và ta phải phóng lửa giác ngộ để cho nó đốt tan tành rừng tà kiến đó. Rừng đó có từ bao nhiêu kiếp trước, gọi là rừng tà ngày trước. Còn đốt hoại thảy, tức là đốt và phá hủy tất cả. Thảy có nghĩa là tất cả, như trong chữ hết thảy.
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay. Giác ngộ là một thứ lửa, còn trí tuệ là một cây gươm. Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta thường hình dung đức Văn Thù cầm một thanh gươm. Thanh gươm đó là thanh gươm trí tuệ, có nhiệm vụ cắt đứt tất cả phiền não.
Này gươm trí tuệ mài đây,
Bao nhiêu phiền não cắt ngay cho rồi.
Đó là hai câu thơ trong tác phẩm Quan Âm Thị Kính.
Quét cho không tính thức thuở nay: Quét cho đến khi nào sạch không. Tính thức tức là cái tính của nhận thức sai lầm. Thuở nay tức là từ trước cho tới bây giờ. Chữ thức đối lại với chữ trí. Khi tâm còn chứa chất nhiều vọng tưởng, nhiều tà kiến, gọi là thức; khi những tà kiến, những vọng tưởng đã được chuyển hóa thì cũng cái tâm đó nhưng gọi là trí. Chuyển thức thành trí. Một bên là vijđana (thức, conciousness), một bên là prajđa (trí, Wisdom hay Insight).
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo. Mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Ơn của Bụt, đức của thánh, ta phải nhận thức được và ta phải biết quí chuộng. Thánh đây tức là The Holly Ones, các vị A La Hán, các vị Bồ tát, các vị Bụt đều có ơn với ta, và ta phải thấy được, nhận thức được cái ơn đó, cho nên ta phải thương mẹ (xót là thương), thương cha, ta phải thờ thầy, học đạo. Thờ ở đây có nghĩa là sống một bên để phụng sự. Sống bên thầy để thực tập đạo, và đó là một cách thương mẹ, thương cha, và đền ơn các bậc thánh.
Mến đức cồ: Cồ có nghĩa là lớn lao. Có người giải thích rằng Cồ đây là Gotama (Cồ viết hoa), nhưng có lẽ không đúng. Mến đức cồ tức là mến cái đức lớn. Cái ơn kia là ơn rất thánh thiện, còn cái đức này là đức rất lớn lao.
Kiêng bùi ngọt, tức là đừng ham ăn, đừng chạy theo các món ăn ngon. Nếu chạy theo các món ăn ngon thì đâu có thì giờ để phụng sự, thờ thầy và học đạo. Cầm giới ăn chay, những thức ăn ngon kia tốn rất nhiều tiền, tốn rất nhiều thì giờ, vì vậy cho nên ta trì giới và ăn chay. Ăn chay để cho thân thể khỏe mạnh, ăn chay để có thì giờ nuôi dưỡng tâm từ bi. Và trì giới là để bảo hộ cho ta, giữ tự do lại cho ta, tại vì nếu mất tự do thì không còn hạnh phúc nữa.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận
Ta cảm vì cái đức từ bi của Bụt, và ta mong ước rằng kiếp này sang kiếp khác ta được gần gũi Bụt và các vị Bồ tát. Để nhiều kiếp nguyền cho thân cận: Để cho được thân cận trong nhiều kiếp.
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay
Ơn cứu độ của Bụt, của Bồ tát, ta không thể nào quên được. Nếu cần nhiều hơn là một thân thể này, kiếp này sang kiếp khác, dù có chịu những khổ nhục, những đắng cay thì ta vẫn đi theo con đường đó, tại vì con đường đó là con đường ta cứu độ được mẹ cha, cứu độ được tổ tiên, cứu độ được con cháu của ta.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.
Ta phải nhớ tới cái nghĩa và đừng quên cái đạo. Nghĩa hãy nhớ, đạo chăng quên: Chăng tức là chẳng. Hương hoa cúng xem còn nên thảo: Mỗi ngày ta chỉ cần cúng dường một cây hương hay một đóa hoa thôi, không tốn kém gì cả. Nhưng nếu có đạo và có nghĩa thì phẩm vật cúng dường đó biểu lộ được lòng hiếu thảo của ta đối với tổ tiên, đối với Bụt, đối với các vị Bồ tát, đối với thầy. Xem còn nên thảo: thảo đây có nghĩa là hiếu thảo. Làm con, làm học trò, làm đệ tử phải có hiếu, có thảo. Hiếu thảo này không cần phải biểu lộ bằng tiền bạc, bằng ngọc vàng. Chỉ cần biểu lộ bằng sự đừng quên đạo, đừng quên nghĩa, thì một bông hoa hay một cây nhang là đủ để tỏ lòng hiếu thảo của ta.
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay: Cái miệng ta nói tin vào đạo, tin vào nghĩa, tin vào Bụt, tin vào thầy, nhưnglòng lại lỗi, tức là cái tâm ta lại không chân thật. Ta không cố tâm tu chánh niệm, ta chỉ tu hình thức bên ngoài. Thấy người ta ngồi, ta cũng ngồi, thấy người ta đi, ta cũng đi, thấy người ta ăn cơm im lặng, ta cũng ăn cơm im lặng, nhưng ta không đem hết tâm để làm chuyện đó. Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, tức là ta thật sự không có tín, do đó ta không có tấn, không có niệm, không có định, và không có tuệ. Vậy thì trong trường hợp đó ta có làm chùa, làm tháp hay làm bàn thờ bằng vàng, bằng ngọc, thì cũng không biểu lộ được, không chỉ cho người ta thấy được cái ngay của ta. Chữ ngay ở đây không phải là một trợ từ, ngay ở đây là một danh từ, và nó đối với chữ thảo, thảo và ngay. Ngay, tức là sự thẳng thắn của ta. Nếu ta không có ngay thẳng thì dầu ta có vàng có ngọc để cúng dường đi nữa, cái đó cũng không biểu lộ được cái tâm chân thật của ta.
Giáo pháp
Trong hội này chúng ta học rằng khi bóng tối vô minh tan biến thì ánh sáng tự nhiên hiện rõ và soi sáng cho ta. Khi học tập ta phải dùng sự thông minh của ta, ta đừng kẹt vào trong chữ nghĩa, ta phải luôn luôn nhớ phá những tà kiến của ta, tại vì tà kiến của ta có cả rừng, và ta phải vun trồng cái tri kiến của Bụt. Và một người tu thì phải biết ơn nghĩa. Cái ơn nghĩa này không phải được trả bằng phẩm vật mà bằng sự thực tập, sự ngay thẳng và sự hiếu thảo của mình.
Hội thứ tám
Chưng ấy: Chỉn sá tua rèn; chớ nên tuyệt học
Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; nén niềm vọng mựa còn xóc xóc
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc
Rèn lòng làm Bụt, chỉn sá tua một sức giồi mài; đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lừa lọc
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay; trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; lật thửa cơ quan, mà còn để tấm hơi lọt lọc.
BÌNH GIẢNG
Chưng ấy: Chỉn sá tua rèn; chớ nên tuyệt học
Chưng ấy có nghĩa là bởi vì cớ ấy. Chỉn có nghĩa là chỉ (only). Sá là nên. Tua cũng là nên. Rèn tức là tập luyện. Chỉ cần thực tập hàng ngày, luyện tập hàng ngày. Tuyệt tức là bỏ đi, chấm dứt đi. Chớ nên tuyệt học tức là đừng nên bỏ chuyện học hỏi và thực tập.
Lay ý thức chớ chấp trằng trằng; nén niềm vọng mựa còn xóc xóc
Cái ý thức của ta hay nắm bắt, hay bị kẹt, vì vậy cho nên ta phải lay cho nó thức dậy. Chấp trằng trằng hay là chấp khư khư, tức là ôm riết lấy nó, bị kẹt vào nó.
Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc: Niềm vọng tức là vọng niệm. Ta phải đối phó với vọng niệm của mình, nó nhiều như một khu rừng. Mựa còn xóc xóc tức là đừng có lăng xăng. Vọng niệm không dừng, thì ta không yên, ta trạo cử. Trạo cử là một trong những tâm sở xấu. Trạo cử là ngược lại với hôn trầm, nghĩa là buồn ngủ. Chữ nén ở đây có nghĩa là đừng để cho vọng niệm lộng hành. Nên quán chiếu nó, kiểm soát nó, gọi là nén. Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc. Chớ để cho nó trạo cử. Đây là đứng về phương diện ý thức mà nói.
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ; phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc
Mảng là mê mải chạy theo, như trong chữ mê mảng: Tay cầm bầu rượu nắm nem, mảng vui quên hết lời em dặn dò (ca dao): Mê vui nên quên hết tất cả những lời em dặn dò trước khi ra đi. Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ: Những người mê mải theo công danh, đắm chìm trong công danh, đó là những người ngây thơ. Tu học, ta có mục đích cao lớn hơn nhiều, hơn cả danh cả lợi. Sự thành công của ta phải là sự thành công của một bậc giác ngộ.
Sự thành công của ta là ở chỗ thực hiện được sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc trong ta; sự thành công của ta không phải là làm một cái chùa thật lớn, có lầu vàng điện ngọc, có những con rồng trên mái cong. Sự nghiệp của ta không phải là một cái bằng cấp, một chức vị, dù là chức vị giáo thọ, hòa thượng, hay là pháp chủ, hoặc viện trưởng của một tu viện. Sự nghiệp của ta là thực hiện được sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc trong trái tim mình. Đó là sự thành công lớn. Ta làm thầy cho loài người và loài trời. Còn nếu chúng ta bị hút theo đường công danh thì chúng ta là những người ngây thơ, đã đi tu rồi mà còn đi lo học đời, cố đậu bằng cử nhân, tiến sĩ. Đó là công danh mảng đắm.
Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc. Gồm tức là có cả hai cái. No tức là đầy đủ. Ta có cả hai cái, và ta được no bởi hai cái đó: Cái thứ nhất là phúc, cái thứ hai là tuệ. Phúc, tiếng Anh là merit. Tuệ tức là hiểu biết. Phúc là khi mình tạo ra được niềm vui, tạo ra được hạnh phúc cho nhiều người, nhiều loài. Tuệ là khi ta có được cái thấy của một vị Bồ tát.
Chúng ta thường nói có hai khía cạnh của sự tu học: Tu phước và tu huệ. Tu phước là để có phước đức, và tu huệ là để có trí tuệ. Khi tu cả hai cái, ta gọi là phước huệ song tu. Chia ra làm hai nhưng kỳ thực là một, hễ có tuệ tức là có phúc, hễ có phúc thật tức là có tuệ. Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cóc: Cóc có nghĩa là biết, là hiểu. Chỉ cái đó mới có thể làm cho ta trở thành con người hiểu biết, con người giác ngộ. Còn “thực cóc” mà hiểu là “ăn ngũ cốc” là chết!
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu; săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc
Đứng về phương diện tướng, ta có những công tác phải làm. Chỗ nào cần một cây cầu thì ta dựng cây cầu; chừng nào cần có một con đò thì ta thiết lập một con đò. Đó là những hạnh tu về phước, đem người ta lại với nhau bằng cách xây những cây cầu và thiết lập những con đò, hoặc hòa giải giữa cha mẹ và con cái. Nếu ta làm cho cha hiểu được con, con hiểu được cha, hai cha con ôm nhau, đó cũng là một cách xây cầu, làm đò. Đi qua cầu hiểu, tới cầu thương.
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp. Giồi tức là trau dồi, làm cho nó đẹp hơn, tốt hơn. Chiền tức là chùa, người ta gọi là chùa chiền. Chữ chiền do chữ thiền mà ra, thiền môn. Cửa chiền tức là cửa thiền. Chiền là tiếng Việt, thiền là tiếng Hán-Việt. Giồi chiền tháp tức là tu bổ chùa và tháp.
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu. Bên ngoài ta làm cho nó đẹp. Chữ “nghiêm” có nghĩa là làm đẹp.
Săn hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc. Săn ở đây không có nghĩa là hunting (đi săn), mà là săn sóc (taking care), chăm bón cho nó lớn lên. Chăm bón cái gì? Chăm bón niềm vui và cái không kỳ thị của ta, tức là xả. Hỷ tức là niềm vui trong tình thương, và xả là sự không kỳ thị trong tình thương. Dễ thương thì ta cũng thương, không dễ thương thì ta cũng cứ thương, đó gọi là xả. Chúng ta phải chăm bón cho hai cái đức hỷ và xả.
Săn hỷ xả, nhuyến từ bi. Nhuyến tức là làm cho nó mềm mại hơn, đẹp hơn. Thương yêu là một nghệ thuật. Ban đầu nó còn hơi cứng, hơi có góc cạnh, nhưng từ từ nó sẽ tròn, sẽ mềm, sẽ dễ chịu. Nhuyến từ bi là làm cho lòng từ và lòng bi mềm mại, nhu nhuyến.
Nội tự tại kinh lòng hằng đọc. Nội ở đây là bên trong. Bên ngoài thì làm cho nó trang nghiêm, bên trong thì làm cho nó tự tại. Tự tại tức là tự do. Tự do là bản chất của từ, bi, hỷ và xả. Kinh lòng hằng đọc. Kinh lòng tức là tâm kinh. Có người phiên âm là kinh ruột. Nhưng đúng chữ của nó là kinh lòng, tâm kinh. Sáng nào chúng ta cũng đọc kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa, và chúng ta đọc bằng miệng. Đại Sĩ khuyên chúng ta nên đọc bằng trái tim, đọc như thế nào để tâm kinh trở thành một dụng cụ phá tan những phiền não ở trong lòng để chúng ta có được sự tự do, tự tại.
Rèn lòng làm Bụt, chỉn sá tua một sức giồi mài; đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lừa lọc.
Rèn lòng tức là luyện tâm. Hai chữ rèn lòng này làm cho ta nhớ tới kinh Tăng Nhất A Hàm, trong đó Bụt nói rằng: ‘Có một pháp, nếu không rèn luyện thì nó tạo ra rất nhiều đau khổ và phiền não. Pháp đó là tâm’.
Nếu tâm ta không được rèn luyện, không được tu tập, thì tâm đó sẽ gây rất nhiều đau khổ cho ta và cho người. Tiếp đó Bụt nói: ‘Có một pháp, nếu ta biết tu tập và rèn luyện thì sẽ gây được hạnh phúc rất nhiều cho mình và cho kẻ khác. Pháp đó là tâm.’
Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức giồi mài: Làm Bụt, chỉ cần một yếu tố thôi, đó là sự giồi mài. Giồi mài tức là công phu hàng ngày. Mài như là mài kim, mài đá. Giồi là làm cho mềm, làm cho tốt. Tâm của ta phải được giồi mài, còn để cho nó thô tháo thì tâm đó không xài được gì cả, nó sẽ làm cho ta đau khổ. Tâm được giồi mài gọi là tu. Rèn lòng là tấn, đó là sức mạnh thứ hai trong năm sức mạnh (ngũ lực): Tín, tấn, niệm, định và tuệ.
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc. Có những con suối người ta đồn rằng trong cát có vàng, thành ra ai cũng đến đó và dùng những cái rổ hốt cát lên, rồi rửa trong dòng nước để bỏ hết tất cả bụi cát, còn lại là những hạt vàng. Muốn đãi cát kén vàng thì không thể mau chóng được, phải lựa, phải lọc rất nhiều phen. Đãi cát kén vàng còn lại phải nhiều phen lựa lọc. Lựa, tiếng Anh là sort it out. Lọc, tiếng Anh là filter.
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay
Kinh tức là những lời Bụt nói. Lục là những ghi chép các lời của chư Tổ. Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay nghĩa là chúng ta phải làm thế nào để cho cái thấy của chúng ta ngang bằng với cái học của chúng ta. Thửa thấy thửa hay là tiếng Việt của hai tiếng Hán-Việt Sở kiến và sở tri. Chữ sở ngày xưa ông cha chúng ta gọi là thửa. Sở tức là đối tượng. Thửa thấy là đối tượng của cái thấy, và thửa hay là đối tượng của cái biết. Làm cho bằng, nghĩa là cả hai cái (cái biết và cái thấy) phải ngang nhau.
Nhiều khi chúng ta biết nhưng lại không hiểu, tức là phần lý thuyết chúng ta rất giỏi nhưng phần thực tập chúng ta còn thấp, nghĩa là kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta rất yếu. Vì vậy chúng ta phải làm cho hai phương diện đó bằng nhau.
Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc
Trọng tức là kính ngưỡng. Trọng Bụt tu thân có nghĩa là kính ngưỡng Bụt và tu tập bản thân của mình. Dùng mựa lỗi một tơ một tóc. Dùng tức là dừng lại. Mựa là đừng có, chớ có làm lầm lỗi dù là một sợi tơ hay một sợi tóc. Ý của Đại Sĩ là chúng ta đừng nên khinh thường dù là những lỗi nhỏ, những hành động rất nhỏ, những lời nói bâng quơ, nếu những cái đó không phù hợp với đạo, tại vì những cái lớn phát sinh từ những cái nhỏ.
Thí dụ ta đạp lên một con kiến, và ta cho là không quan trọng, ta bỏ đi làm chuyện khác. Nhưng nếu thở vào một hơi, ta phát khởi tâm từ bi đối với con kiến đó và ta nói rằng kỳ sau ta sẽ cẩn thận hơn, không làm như vậy nữa, lúc đó ta mới đi đúng trên con đường của Bụt dạy. Hoặc ta vô tình nói đùa thiếu chánh niệm làm cho người sư em của ta đau khổ hay động tâm, mà ta nghĩ rằng câu nói đó có nhằm nhò gì và không cho là quan trọng, thì không được. Mỗi cử chỉ, mỗi tư tưởng, mỗi lời nói nhỏ nhặt đều là quan trọng. Cho rằng những cái lớn mới đáng chú ý, còn những cái nhỏ này không đáng chú ý, là một lầm lỗi rất lớn của rất nhiều người. Đây là câu nói của Đại Sĩ: Dùng mựa lỗi một tơ một tóc. Phải biết những cái lỗi rất nhỏ của mình. Nếu hôm nay ta khinh thường bỏ qua thì sau này ta sẽ làm những cái lỗi rất lớn.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo; lật thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo, tức là đi cho đến tận cùng thế giới của ngôn ngữ, văn cú mà đừng có một phút lo ngại. Cú là câu nói, ngôn là lời nói. Lật thửa cơ quan: phải phát hiện những phương pháp các Tổ đã dùng. Lọt lọc tức là đi ra đi vào. Tám hơi tức là tám ý niệm căn bản. Chúng ta thường bị tám ý niệm căn bản làm cho bí lối, lạc đường. Vì vậy chúng ta phải nắm cho vững và thực tập cho tới nơi tới chốn những cơ quan mà các Tổ sử dụng để thoát ra khỏi tình trạng mà trong đó tám ý niệm thường ra vào công phá và quản thúc mình. Tám ý niệm đó là sinh, diệt, thường, đoạn, tới, đi, một và khác. Bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất lai, bất khứ, bất nhất, bất dị là bát bất (tám cái "không").
Tóm lại, đứng về phương diện ngôn cú, ta phải đi cho đến nơi đến chốn, đừng để cho một phút nào bị những ngôn cú đó làm ngăn ngại làm cho ta lo lắng; đứng về phương diện các công án, các thoại đầu của các Tổ, ta phải nắm cho vững, phải thực hành cho thấu suốt để đừng bị điên đảo bởi tám ý niệm căn bản.
Giáo pháp
1- Ý thức của chúng ta hay nắm bắt, vọng niệm của chúng ta nhiều như một khu rừng, cho nên chúng ta phải học kiểm soát để không bị trạo cử.
2- Một người có hiểu biết, giác ngộ là một người gồm đủ cả phước và tuệ (ngoại trang nghiêm sự tướng; hỷ, xả, nhuyến từ bi, nội tự tại), và có cả hai phương diện thấy (sở kiến) và biết (sở tri) ngang nhau.
3- Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta chớ khinh thường đến một lỗi nhỏ. Tâm của chúng ta cần phải được giồi mài và nhiều phen lừa lọc, thì khi sử dụng mới hợp với đạo được.
Hội thứ chín
Vậy cho hay: Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ; ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi; quách nhiên bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ; thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa; thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ưa, chẳng cho mà cả; sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Phá táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần vật; Cu Chi dơ ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm sá nghênh ngang.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn; xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Thuyền tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; rắn Ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái bạch; bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng thiên cang.
Trà Triệu lão, bánh Thiều dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; ruộng Tào khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết; lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.
BÌNH GIẢNG
Trong Hội này có nhiều điển tích, và chúng ta sẽ có cơ hội nghe một số công án và những truyền thuyết về các vị tổ sư thiền ở Trung Hoa.
Vậy cho hay: Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
Vậy cho hay nghĩa là cho nên chúng ta biết rằng. Cơ quan là những then máy (devices). Cơ quan tổ giáo tức là những then máy, những biện pháp, những phương tiện mà chư tổ đã sử dụng để tháo gỡ những cái kẹt ở trong tâm ta. Tâm ta có những chỗ kẹt, và thầy ta là người thợ chuyên môn gỡ rối giùm ta. Ta sống với thầy thì thầy có bổn phận quán chiếu tâm ta và biết rằng tâm ta đang bị kẹt ở những chỗ nào. Những công án, những thoại đầu, những tiếng hét, những cây gậy, những cái đá, đôi khi những cái đạp nữa, đều là những cơ quan, những then máy. Nếu chúng ta không hiểu đó là những then máy thì chúng ta có thể buồn, chúng ta có thể khổ, chúng ta có thể nói rằng: "Tại sao thầy không đối xử với mình một cách dễ thương?" Đây không phải là vấn đề dễ thương hay không dễ thương. Đây là vấn đề gỡ kẹt cho ta.
Tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang: Có nhiều phương pháp rất khác nhau, nhưng chẳng cách mấy gang, nghĩa là tuy khác như vậy nhưng chẳng xa nhau bao nhiêu. Gang là gang bàn tay. Đôi khi nó chỉ cách hai gang hoặc một phần tư gang thôi, nghĩa là các phương pháp đó tuy rất khác nhau, nhưng kỳ thật chúng giống nhau ở mục đích, ở phương pháp.
Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ; ắt đã quên thuở trước Tiêu hoàng.
Chỉn sá nói từ sau Mã Tổ nghĩa là chúng ta chỉ nên nói những gì đã xảy ra từ thiền sư Mã Tổ trở về sau. Nghĩa là chúng ta hãy duyệt lại một số những cơ quan mà các vị tổ sư thiền đã dùng, bắt đầu từ thiền sư Mã Tổ.
Mã Tổ Đạo Nhất sinh năm 707, tịch năm 786. Mã Tổ Đạo Nhất cùng với thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên, là hai vị thiền sư rất nổi tiếng vào thời đó. Người ta gọi hai vị là Long Tượng, tức là con rồng và con voi của thiền môn, có nghĩa là những thiền sư có tầm cỡ lớn trong cửa thiền.
Ắt đã quên thuở trước Tiêu hoàng: Tiêu hoàng tức là vua Lương Vũ Đế. Vua Lương Vũ Đế sống trong thời đại Nam Bắc triều. Vua là người đã được gặp thầy Bồ-Đề Đạt-Ma khi thầy vừa ở Tây Trúc sang. Lương Vũ Đế tên là Tiêu Diễn cho nên được gọi là Tiêu hoàng.
Vua Lương Vũ Đế ban đầu sùng đạo Nho, nhưng về sau rất tôn sùng đạo Bụt. Vua đã học hỏi và hành đạo rất nhiều. Vì vậy khi nghe tiếng tổ Bồ-Đề Đạt-Ma đến nước Lương thì vua mời tới để tiếp kiến.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi; quách nhiên, bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang.
Công đức toàn vô tức là không có công đức gì hết! Đó là lời tuyên bố của thầy Bồ-Đề Đạt-Ma. Trong cuộc đối thoại giữa vua Lương Vũ Đế và thầy Bồ-Đề Đạt-Ma, vua hỏi:
- Trẩm đã xây được rất nhiều chùa, tô được rất nhiều tượng và độ được rất nhiều tăng ni, xin hỏi có được công đức gì chăng?
Giống như vua Lương Vũ Đế chờ đợi một lời khen của thầy Bồ Đề Đạt Ma. Ai ngờ thầy trả lời là chẳng có công đức gì hết. Đó là một gáo nước lạnh mà thầy dội lên cho vua. Giống như bây giờ có một sư chú hay sư cô nào đã học bốn năm năm ở Làng Mai, thấy mình khá giỏi, đến khi nghe thầy nói: "Con chưa biết gì hết!" thì sư chú hay sư cô đó chịu không nổi.
Tính chấp si càng thêm lỗi nghĩa là khuynh hướng hay thói quen bị kẹt làm cho tính si mê của ta (vô minh) càng ngày càng lớn. Khổng Tử nói rằng: “Biết rằng mình không biết là bắt đầu biết rồi. Còn người nói mình đã biết rồi tức là người đó chưa biết!” Vì vậy bốn chữ công đức toàn vô giáng xuống như một cái búa, họa may vua có thể thoát ra được ý niệm rằng vua là vị Bồ tát đã từng ủng hộ Phật pháp trong các nước Phật giáo, nhà vua được xưng tụng là Hộ quốc Nhân vương, là một vị Bồ tát. Trong các chùa ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, mỗi ngày rằm, mồng một có lễ chúc tán cầu nguyện cho nhà vua, vì đó là vị Bồ tát Hộ quốc. Bây giờ có một ông thầy chùa bá vơ nào vừa ở Ấn Độ qua lại dám nói rằng việc làm của vua chẳng có công đức nào cả, cho nên vua rất giận!
Quách nhiên, bất thức, tai ngu mãng ắt còn vang: Quách nhiên có nghĩa là mênh mông, như là hạo nhiên. Bất thức là không biết. Trong cuộc đối thoại với thầy Bồ Đề Đạt Ma, vua hỏi:
- Đệ nhất Thánh đế là gì?
Đệ nhất là cao hơn hết. Đế là sự thật, không thể nào bẻ gãy được. Thánh đế tức là chân lý thiêng liêng, tiếng Anh là Holly truth. Tại vì vua cũng đã học kinh, cũng biết có những chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Với câu hỏi đó vua cũng muốn trình bày, khoe khoang cái hiểu biết của mình. Giống như có vị thiền sinh lên hỏi thiền sư Triệu Châu rằng: "Con chó có Phật tánh không?" Có ý cho thiền sư hay rằng mình cũng biết tất cả mọi loài đều có Phật tánh. Cho nên câu hỏi đó không phải là câu hỏi, mà chỉ là một cách khoe với thiền sư rằng mình cũng biết mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh. Biết vậy cho nên thiền sư Triệu Châu trả lời: "Không có!" Nếu thiền sư nói: “Có, con giỏi lắm!” thì vị thiền sinh đó đâu có lớn lên được! Vị đó càng chấp thêm một ý niệm nữa! Nghe như vậy, vị thiền sinh bị thất điên bát đảo, không biết bám víu vào đâu nữa. Đó là ngôn ngữ của thiền.
Trong câu hỏi đầu của vua Lương Vũ Đế, thầy Bồ-Đề Đạt-Ma đã cho một gáo nước lạnh (công đức toàn vô). Trong câu hỏi thứ hai, thầy đã trả lời: "Quách nhiên vô thánh!" Nghĩa là "chẳng có cái gì là thánh!" Và đó là gáo nước lạnh thứ hai. Quách nhiên là mênh mông. Vô thánh là không có gì thiêng liêng hết, tôi dịch là absolutely nothing Holly, tuyệt đối không có gì gọi là thánh cả. Tại vì vua bị kẹt vào chữ thánh đế (sự thật tuyệt đối) cho nên câu trả lời của thầy Bồ Đề Đạt Ma là để gỡ cái kẹt của vua. Ngược với thánh đế là phàm đế, là sự thật ở ngoài đời, còn gọi là tục đế (sự thật tương đối).
Khi học Phật, ta thường chỉ thích nói đến sự thật tuyệt đối (bản môn) hơn là tương đối (tích môn). Có hai cái, tại sao ta lại không chọn cái oai hơn? Vua cũng như ta vậy thôi, chỉ ưa nói chuyện bản môn! Cũng như khi nói: “Thế nào là pháp thân thanh tịnh?”. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Nước tiểu của con ngựa là pháp thân thanh tịnh!”. Đó là cơ quan tổ giáo. Tại vì người hỏi bị kẹt vào chữ thanh tịnh, bị kẹt vào lưỡng nguyên. Pháp thân thì làm gì có dơ, có sạch mà nói pháp thân thanh tịnh? Đi tìm cái thanh tịnh ở ngoài cái không thanh tịnh là một lỗi lầm rất lớn. Thành ra vị thiền giả bị kẹt vào ý niệm thanh tịnh được Tuệ Trung Thượng Sĩ dùng một cái then máy gọi là “vũng nước đái của con ngựa” để mà tháo gỡ. Còn vua Lương Vũ Đế bị kẹt vào ý niệm thánh đế được thầy Bồ-Đề Đạt-Ma dùng cái then máy gọi là “Vô thánh” để tháo gỡ.
Sau khi nghe như vậy (quách nhiên vô thánh), vua vẫn chưa hiểu được, bèn hỏi:
- Vậy người đang đối thoại với trẫm là ai vậy? Ngài là ai mà lại dám nói ra những câu không đúng với kinh sách như vậy?
Cái ý có thể là như vậy. Bồ-Đề Đạt-Ma trả lời:
- Bất thức.
Bất thức là không biết. Đây là gáo nước lạnh thứ ba! Hai chữ bất thức này trở nên rất nổi tiếng. Nếu chúng ta đi vào các thiền viện thì thế nào cũng tìm ra hai chữ “bất thức” được viết ở phía dưới của bức tranh vẽ Bồ-Đề Đạt-Ma. Tranh đó đi tìm ở thiền viện nào cũng có. Nhưng rốt cuộc những câu này cũng làm cho người ta bị kẹt rất nhiều.
Từ khi Bồ-Đề Đạt-Ma qua Trung Quốc, thầy đã tạo ra ba cái bẫy, và không biết bao nhiêu người Trung Hoa và người Việt Nam bị kẹt vào ba cái bẫy đó. Tại vì ta dùng cái then máy để gỡ giùm cho người ta, nhưng đôi khi người ta lại kẹt vào cái then máy của ta! Ví dụ có cậu bé không thấy mặt trăng. Nó nói trăng ở đâu mà sư ông Làng Mai cứ nói đến trăng hoài. Thì sư ông mới đưa ngón tay chỉ về hướng mặt trăng. Nhưng cậu bé lầm tưởng ngón tay là mặt trăng nên nói: “Trăng gì mà kỳ vậy?”
Vì vậy cho nên những then máy đó trở thành đối tượng của sự thực tập, và chúng ta phải có khả năng đốt cháy những then máy này. Còn nếu chúng ta chỉ là những người hiếu thảo, thầy nói gì nghe đó, không dám sai lời, thì chúng ta lại kẹt thêm một lần nữa! Vì vậy người thiền sinh là phải thông minh.
Lúc thiền sư Triệu Châu còn tại thế, có một thiền sinh đến hỏi ngài:
- Bạch thầy, chủ đích của thầy Đạt-Ma khi qua Trung Quốc là để làm gì?
Tại vì câu hỏi đó rất phổ thông trong thiền giới, nó trở thành một công án rất nổi tiếng. Thiền sư thấy sư chú này theo đòi phong trào cho nên thiền sư chán quá. Thay vì trả lời, thiền sư hỏi:
- Chú có thấy cây tùng ở trước sân không? (Đình tiền bách thọ tử)
Đình tiền là trước sân. Bách thọ là cây tùng. Ở trước sân có mấy cây tùng rất đẹp, vậy mà sư chú đi ra đi vào không thấy nó, cái đầu chỉ bị kẹt vào chuyện thầy Đạt-Ma qua đây làm gì! Sống không có ý thức, không thấy được cái đẹp, không thấy được cái mầu nhiệm, không về được quê hương đích thực mà chỉ bị kẹt vào những ý niệm về giáo lý, cho nên thầy Triệu Châu mới nhắc sư chú nhìn cây tùng trước sân. Thành ra cây tùng đó là một cái then máy. Không biết sư chú đó thực tập ra làm sao, hay là về ngồi thiền và nói: “Cây tùng, cây tùng, cây tùng, cây tùng trước sân!” Có thể sư chú sẽ hành động một cách thiếu thông minh như vậy! Đâu biết được!
Ở đời này có nhiều người thực tập như vậy đó. Miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật, nhưng trong lòng thì không có Phật, chỉ có những phiền não. Cũng giống như khi tụng Lăng Nghiêm hay Bát Nhã vậy, nhiều khi ta chỉ biết chú trọng tới âm điệu như hát vậy thôi, chứ trong tâm ta không có định, không có niệm. Những cái đó trở thành những cái kẹt của ta. Thành ra chúng ta đừng cười. Đôi khi ta cũng chính là sư chú đó, sư cô đó, ta cũng đang bị kẹt vào các then máy của các vị tổ sư.
Các vị có biết rằng các vị làm khổ chúng con không? Các vị đã làm ra những then máy và bây giờ chúng con kẹt cứng vào những chỗ đó. Mà ý của các vị là để gỡ cho chúng con khỏi kẹt. Ai dè chúng con đã kẹt một lần rồi, lại kẹt thêm một lần thứ hai.
Đình tiền bách thọ tử trở thành một công án rất nổi tiếng trong tỉnh Hà Bắc. Rồi nổi tiếng luôn cả nước Trung Quốc. Cho đến nỗi có một thầy ở cách đó tới mấy ngàn cây số, nghe tiếng công án “Cây tùng trước sân“ mới lấy làm thích thú, chống gậy lên đường đi lên miền Bắc để gặp thiền sư Triệu Châu mà hỏi cho ra công án “Cây tùng trước sân”. Nhưng rủi thay, khi tới được chùa của thiền sư Triệu Châu thì thiền sư đã tịch rồi. Buồn quá ông khóc than, nên có người mách nước:
- Thầy tịch rồi thì tới tham vấn với đệ tử lớn của thầy.
Ông ta mừng quá, vào gặp vị chủ tòa và nói:
- Bạch ngài, xin ngài cho con biết thế nào là cây tùng trước sân.
Thầy chủ tòa nói:
- Cây tùng nào vậy? Tôi đâu có nghe nói đến cây tùng hồi nào?
Vị tăng khách ngạc nhiên hết sức, tại vì cái công án “Cây tùng trước sân” nó nổi tiếng cho đến nỗi tất cả nước đều nghe, mà tại sao ngay chùa gốc, vị chủ tòa lại không nghe nói tới cây tùng trước sân? Đó là chuyện không thể nào tưởng tượng được!
- Thầy không biết hả? Cả nước nói tới chuyện đó, mà ngay tại chùa chính này thầy lại không biết có chuyện đó, thì con không thể nào tin được!
Ông đâu biết rằng thầy chủ tòa đang muốn gỡ kẹt cho ông. Thầy chủ tòa bèn nhìn vào trong mắt của vị khách tăng và nói:
- Thầy tôi chưa bao giờ nói tới cây tùng trước sân cả, thầy đừng vu oan giá họa cho thầy tôi như vậy.
Vị khách tăng hoàn toàn mất phương hướng, không biết làm gì cả! Thầy chủ tòa rất thông minh, thầy biết rằng vị khách tăng này đã bị kẹt quá sâu vào cái công án cây tùng, cho nên thầy đã tìm cách gỡ giùm cho ông ta. Bề ngoài thì giống như thầy nói láo hay thầy thật sự không biết, nhưng kỳ thực thầy biết rằng biết bao nhiêu người đã ngã quỵ, đã bị kẹt vào công án cây tùng.
Năm ngoái khi thầy trò Làng Mai chúng tôi gần 20 người đến thăm chùa của thầy Triệu Châu ở Hà Bắc, bước vào thì thấy trước cổng đề tên chùa là Bách Lâm Tự. Bách tức là cây tùng, Lâm là rừng, Chùa Rừng Tùng. Tôi quay lại nói với các thầy, các sư cô:
- Một cây tùng mà người ta đã chết rồi, người ta đã khổ vì kẹt như vậy rồi, nay là một rừng tùng thì người ta sẽ khổ biết bao nhiêu mà kể!
Tới thăm chùa Bách Lâm, tôi nói một pháp thoại cho đại chúng ở chùa và tôi tìm cách để đốn tất cả những cây tùng đi. Tôi đã nói rằng chúng tôi ở xa tới không có quà gì lớn, chỉ có cái cưa để lại đây. Quí vị nên cưa hết tất cả những cây tùng ở đây đi! Đó là giúp Tổ, đó là có hiếu với Tổ.
“Bất thức” là không biết. Người đối diện với trẫm là ai vậy? Tổ trả lời: “Tôi không biết!” Sau buổi đàm thoại đó thì cả hai bên đều không cảm thấy hài lòng, và thầy Bồ-Đề Đạt-Ma bỏ nước Lương vượt sông sang nước Ngụy. Sau đó Lương Vũ Đế thuật lại cuộc đối thoại cho một ông quan tên là Chí Công. Chí Công hỏi:
- Bệ hạ có biết người đó là ai chăng?
Làm như là ông có biết! Vua Lương Vũ Đế nói:
- Không biết.
Chí Công nói:
- Đó là hiện thân của đức Quan Thế Âm Bồ tát, đi sang đây để truyền tâm ấn của Bụt.
Nghe nói như vậy, vua Lương Vũ Đế hối hận, bèn cử một phái đoàn đuổi theo để mời thầy Bồ-Đề Đạt-Ma trở lại. Chí Công mới nói rằng:
- Tâu bệ hạ, vô ích! Dù tất cả mấy trăm triệu dân nước này, đuổi theo khóc lóc chưa chắc người đó đã trở lại, huống hồ là gởi một phái đoàn.
Vua nghe vậy nên không gởi phái đoàn nữa. Đó là những điều đã được ghi chép lại trong sách.
Khi nghe những câu chuyện như vậy chúng ta phải cẩn thận, tại vì câu chuyện đó có thể là một cái then máy; có thể nó không phải là sự thật mà nó chỉ phản ảnh ý nguyện của người kể chuyện để giúp ta tháo gỡ một cái kẹt mà thôi. Nếu lôi thôi thì chúng ta cũng sẽ bị kẹt vào cái đó luôn! Dễ lắm, chúng ta sinh ra là để bị kẹt mà, phải không?
Khi nghiên cứu sử liệu, người ta thấy rằng Chí Công qua đời năm 514, mà Bồ-Đề Đạt-Ma mãi đến năm 520 mới bước chân vào đất Ngụy. Vậy thì làm sao có vụ này xảy ra?
Thành ra khi nhìn vào công án này, chúng ta phải xét cái tâm của người kể chuyện, chứ đừng bị kẹt vào cái ý niệm đây là chuyện có thật đã xảy ra. Chúng ta cũng đừng vội tin vào ý niệm Lương Vũ Đế là người như thế đó, và Bồ-Đề Đạt-Ma là người như thế kia. Chưa chắc là đúng.
Khi Bồ-Đề Đạt-Ma vượt sông đi lên miền Bắc nước Ngụy thì Tổ không tiếp xúc với ai hết. Suốt chín năm ngài ngồi quay mặt vào vách. Tại sao lại phải ngồi quay mặt vào vách đến chín năm? Đó là câu hỏi mà tôi đã đặt ra. Nếu quả thật ta đã giác ngộ rồi, ta đã có niềm vui, ta đã có tuệ giác, ta đã có hạnh phúc rồi, thì tại sao không dùng chín năm đó để hóa độ mà lại ngồi quay mặt vào vách? Hay là vì vua Lương Vũ Đế hỏi một câu mà Tổ không trả lời được: “Người ngồi trước mặt tôi là ai?” “Không biết!” Chữ “không biết” đó có thể là rất thành thật! Tôi chưa tìm ra được tôi. Vì vậy mà tôi phải ngồi đến chín năm để tìm ra tôi!
Chúng ta là học trò, chúng ta là thiền giả, chúng ta phải dùng trí tuệ của chúng ta, tại vì ta đâu có gì nữa? Ta chỉ có sự quán chiếu và trí tuệ của ta. Ta đâu phải là tín đồ mà ai nói gì cũng phải nghe. Rất nhiều điều trong kinh sách, trong các bộ luận, đôi khi trái chống nhau, tại sao chúng ta phải gánh hết tất cả những cái đó trên hai vai của chúng ta? Chúng ta phải có tự do, phải có khả năng quán chiếu. Tại sao Tổ vào nước Ngụy ngồi quay mặt vào vách trong chín năm? Nếu đó không phải là để giải quyết một cái công án, một cái then máy mà do chính Lương Vũ Đế đưa ra? Ai đóng vai thiền sư trong câu chuyện này, Lương Vũ Đế hay Bồ-Đề Đạt-Ma? Xin mời đại chúng tham khảo.
Sau đó, vì tổ Bồ-Đề Đạt-Ma ngồi cửu niên diện bích, cho nên người ta gọi Tổ là “ông Bà La Môn ngồi quay mặt vào vách”. Chín năm sau mới có một thiền sinh tên là Huệ Khả đi tới, nhưng đó là chuyện của hồi sau phân giải. Bây giờ chúng ta trở lại với Hội thứ Chín.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi. Quách nhiên bất thức, tai ngu mảng ắt còn vang: Tai ta là tai của người ngu, tức chưa phải là tai có thể nghe và hiểu được, gọi là tai ngu. Câu trên là tính chấp, còn câu dưới là tai ngu. Mảng là một từ cổ, có nghĩa là nghe. Ví dụ như trong câu “Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng” tức là nghe tin thì xiết nỗi kinh hoàng. Tai ngu mảng ắt còn vang có nghĩa là cái lỗ tai u mê của ta khi nghe những chữ đó thì âm hưởng của nó còn vang lại ở trong đầu ta: nào là Công đức toàn vô; Quách nhiên vô thánh; Bất thức v.v..., những tiếng đó dội lại trong lỗ tai ngu của ta và chúng ở lại với ta rất lâu! Nếu thông minh thì ta có thể sử dụng được những chữ đó làm phương tiện để gỡ kẹt cho mình.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ; thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ, tức là nói về tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, sơ tổ của thiền tông Trung Quốc. Ngài sinh ở bên nước Thiên Trúc, chết ở chùa Thiếu Lâm, và được chôn một cách không kỹ lắm ở chân núi Hùng Nhĩ. Núi Hùng Nhĩ rất nổi tiếng. Người ta đồn rằng sau khi chôn thiền sư rồi thì có người gặp thiền sư đang vượt biển trở về Ấn Độ và chỉ mang theo có một chiếc dép. Cho nên người ta đã tới chân núi Hùng Nhĩ, đào ngôi mộ của ngài lên, giở nắp hòm ra thì không thấy nhục thân của thiền sư mà chỉ thấy có chiếc dép thứ hai mà thôi. Đó là những truyền kỳ người ta đã xây dựng chung quanh nhân vật Bồ-Đề Đạt-Ma. Tức là ngài không chết, ngài trở về Thiên Trúc.
Trong khi đó thiền sư Thường Chiếu đã trả lời lúc đệ tử hỏi:
- Bạch thiền sư, một người đắc đạo như thiền sư mà cũng phải tùy chết đi như thế tục hay sao?
Tức là ông ta muốn so sánh Bồ-Đề Đạt-Ma làm được như vậy thì thầy của mình có làm được như vậy không. Thiền sư Thường Chiếu nói:
- Tại vì ta muốn giống như mọi người cho vui!
Đó cũng là một cách trả lời. Thiền sư Thường Chiếu không muốn nói những chuyện kia là chuyện người ta bịa đặt ra, không ích lợi gì cả. Có thiền sư còn nói: “Đừng nghe những tiếng chó sủa trăng làm gì cho mệt! Họ đặt ra những chuyện đó!” Ví dụ như chuyện từ cái thất của tổ sư, ban đêm tôi thấy ánh hào quang chiếu ra! Đó là những điều không quan trọng bằng chuyện anh có thể gỡ được những cái kẹt hôm nay của anh để anh đừng có buồn, đừng có giận, đừng có ganh, đừng có chấp. Làm được những cái đó còn quan trọng hơn là anh phóng hào quang! Tại nếu cần ánh sáng thì anh có thể mượn sư em, sư chị cái đèn pin để dùng!
Thân bồ đề, lòng minh kính, bày dơ mặt vách hành lang
Ai cũng biết câu này là nói về tổ thứ Sáu. Tổ thứ Năm là Hoằng Nhẫn, có nhiều học trò giỏi, trong đó có một vị thương tọa tên là Thần Tú. Thần Tú là một vị giáo thọ lớn, thường thay thầy để nói pháp thoại cho đại chúng, và là người anh cả trong tăng thân mà ai cũng thương, cũng mến phục.
Một hôm tổ Hoằng Nhẫn nói:
- Bây giờ các con trong đại chúng mỗi người làm cho thầy một bài kệ kiến giải, tại vì thầy muốn trao truyền cái tâm ấn của thầy cho người làm bài kệ kiến giải hay nhất.
Tức là thiền sư cho làm bài thi! Và người nào làm được bài kệ kiến giải hay nhất sẽ thừa kế cái pháp của thầy, sẽ được nhận áo Cà-sa và bình bát của thầy.
Mọi người đều nôn nao, nhưng có nhiều người có mặc cảm: “Sức mấy mà mình được tiếp thọ cái y bát đó. Có những thầy quá giỏi như thầy Thần Tú, mình sức mấy mà chen vào đó được!” Cho nên nhiều người không chịu làm. Thầy Thần Tú cũng có làm một bài nhưng thầy không trình lên, tại vì thầy thấy các sư em thầy có nhiều người giỏi mà tại sao họ không làm? Cho nên tuy làm rồi, nhưng thầy cất trong túi áo.
Một hôm tổ Hoằng Nhẫn nhắc:
- Sao lâu quá mà chưa ai trình kệ kiến giải cả vậy?
Đêm đó thầy Thần Tú mới viết bài kệ kiến giải của mình lên trên một tấm vách. Bài kệ kiến giải đó là:
Thân thị bồ đề thọ
Tâm như minh kính đài
Thời thời thường phất thức.
Mạc sử nhã trần ai.
Bài kệ này có nghĩa là thân ta như một cây Bồ đề, tâm ta như một đài gương sáng. Ta phải luôn luôn (thời thời) phủi (phất) và lau chùi nó (phất thức). Mạc sử nhã trần ai là đừng có để cho bụi bặm bám vào. Nếu quí vị muốn biết thêm chi tiết của sự kiện này thì xin đọc kinh Pháp Bảo Đàn.
Theo ý của tôi thì bài này hay lắm, và nó rất thực tế. Sự tu hành của ta không phải là tu tâm không thôi mà còn phải tu thân nữa. Không phải là vấn đề của thân (sycho) cũng không phải là vấn đề của tâm (soma) không thôi. Vấn đề là tu cả hai, thân và tâm. Chữa bệnh cũng vậy, ta cũng phải để ý chữa cả thân lẫn tâm. Chăm sóc cả hai phần thì nó dễ thành công hơn. Đó là nguyên tắc y khoa ngày nay. Khi chữa bệnh, bác sĩ phải biết cái tâm và cái thân của người đó. Chữa bệnh tâm phải biết về thân, chữa bệnh thân phải biết về tâm. Đó là phương pháp mới của trị liệu.
Thân thị bồ đề thọ, tâm như minh cảnh đài, thời thời thường phất thức, Mạc sử nhã trần ai. Tu là phải như vậy. Mỗi ngày thường phải phủi bụi, đừng để cho bụi bặm bám vào và phải lau sáng đài gương của mình. Tại vì đài gương soi chiếu để cho ta thấy. Đây là công phu hàng ngày. Như vậy ta thấy bài này đi đôi với phương pháp tu chánh niệm rất hay!
Đứng về phương diện văn học mà xét thì khuyết điểm của bài này là không nói gì về cây bồ đề hết. "Thân là cây bồ đề, tâm là đài gương sáng", hai câu đồng đều với nhau. Nhưng hai câu chót lại chỉ để giải thích câu thứ hai, còn câu thứ nhất thì lẻ loi một mình, không làm gì cả: không làm những động tác chánh niệm, không ăn uống cho đàng hoàng, không đưa vào thân thể những độc tố. Đó là sự khiếm khuyết của thượng tọa Thần Tú.
Thành ra các thầy, các sư cô, sư chú phải học cho được bài học đó. Sau này dạy đệ tử thì phải cho họ tập thiền chạy, phải cho họ ăn uống cho đủ chất bổ nhưng đừng bao giờ ăn chất độc vào.
Tuy thầy Thần Tú có nói thân là quan trọng, nhưng thầy không dạy ta làm sao để tu thân. Hay thầy nghĩ chỉ có bốn câu làm sao nói hết được? Đó là chúng ta thanh minh giùm cho thầy Thần Tú! Nếu không đủ, tại sao thầy không cho sáu câu hay tám câu?
Buổi sáng hôm đó, tổ Hoằng Nhẫn đi ngang qua, thấy bài này, Tổ gật đầu khen hay, rồi dạy đại chúng thực tập theo bài này. Các sư em thấy Tổ khen nên nghĩ rằng chắc bài này hay thật. Thường là thầy thì có “kí-lô” lắm. Thầy nói gì thì chắc là đúng, nhất là tác giả của bài kệ này là một vị giáo thọ rồi. Có gì ngờ vực nữa đâu! Hơn nữa Ngũ Tổ cũng có nói: “Nếu chúng ta thực tập theo bài này thì chúng ta sẽ thành công, sẽ có hạnh phúc, sẽ đạt đạo. Và chúng ta nên đem hương trầm để đốt lên cúng dường bài này.” Cả chúng đều rất hãnh diện vì trong đại chúng có một sư anh rất giỏi. Chúng ta có thể tưởng tượng được một cảnh tượng rất đẹp: Tất cả các sư em, mấy vị ở dưới bếp cũng vậy, đều lên quỳ trước bài kệ đó, đốt hương lên, chắp tay cung kính. Thầy trò vui sướng lắm!
Trong khi đó, ở dưới bếp có một anh chàng tên là Huệ Năng, không lên tham dự vì anh ta bận giã gạo, chùi nồi. Nghe đồn rằng anh chàng này không biết chữ, thành ra có lên cũng chịu thua. Nghe đồn thôi, không chắc là anh chàng không biết chữ! Đôi khi người ta nói quá như vậy. Anh chàng này nguyên ở Lĩnh Nam (có thể là ở vùng Bắc Việt hiện nay) lên đó tu học. Sách sử không nói rõ, chỉ nói chàng quê ở Lĩnh Nam. Khi thấy đại chúng xôn xao, có vẻ hí hửng, có vẻ hạnh phúc như vậy thì anh chàng ở dưới bếp mới hỏi:
- Có chuyện gì mà vui như vậy thưa mấy sư anh?
Mấy sư anh mới nói:
- Chú ở dưới bếp nên chú có biết gì đâu! Chuyện này vui lắm! Đó là việc thượng tọa Thần Tú vừa trình một bài kệ và tất cả mọi người trong tăng thân đều rất hứng khởi. Thầy có nói rằng nếu thực tập theo đúng bài này thì sẽ thành công trong sự tu học, nên mọi người đã đốt hương cúng dường. Tối nay chùi nồi xong, lau nhà bếp xong, tôi sẽ đọc cho chú nghe.
Huệ Năng nói: “Dạ”.
Tối hôm đó sư anh kia mới đưa Huệ Năng lên và chỉ vào bức tường ở nhà ngang rồi đọc bài đó cho Huệ Năng nghe, xong rồi hỏi:
- Hay không?
Thầy Huệ Năng nói:
- Dạ hay. Em cũng có một bài.
Thầy kia giật nẩy mình! Anh chàng này mà cũng có một bài kệ để trình lên! Thầy lắc đầu:
- Chú mới tu, làm việc ở dưới bếp, làm sao mà trình kệ kiến giải được? Sức mấy mà chú tranh đua kịp với thượng tọa Thần Tú, sư anh của chúng tôi?
Theo lời thuật lại của kinh Pháp Bảo Đàn thì thầy Huệ Năng nói:
- Đừng nên chê, đừng nên có thành kiến như vậy. Tuy là sư em không có biết chữ, nhưng sự chứng ngộ không tùy thuộc vào chữ nghĩa. Tính giác ngộ thì mọi người đều có, tại sao lại phân biệt Nam Bắc, tại sao lại phân biệt biết chữ và không biết chữ, tại sao phân biệt mới tu hay tu lâu năm? Thành ra sư anh cứ viết giùm bài kệ cho sư em đi!
Người sư anh đó cũng chịu chơi cho nên đáp lại:
- Như vậy là sư em có can đảm lắm, có chí khí lắm, nếu sau này được thầy chấp nhận và trao truyền giáo pháp thì sư em nhớ tới sư anh nghe!
Trong lúc đó hình như đại chúng đã đi ngủ hết. Người sư anh mới bắt một cái ghế leo lên, cầm cây bút nhúng vào dĩa mực, còn Huệ Năng thì đốt cây đuốc nhỏ đưa lên. Trong ánh sáng mù mờ đó Huệ Năng đọc cho người sư anh viết xuống bài kệ của mình:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệt phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhã trần ai
Bài này có tính cách gây gổ. "Làm gì có cái cây gọi là cây Bồ đề? Làm gì có một cái đài gọi là đài gương sáng?" Nó giống như là một lời phủ định. Tại vì trong kinh điển Bụt nói rất rõ là từ trước đến nay không có một vật nào thật sự là có hết! (Bản lai vô nhất vật). Như vậy thì cái bụi bặm mà anh nói đó nó bám vào chỗ nào?
Theo tôi, chúng ta có thể nói một cách khác, nhìn một cách khác, mà đừng tiếp tục nhìn và hiểu theo cách của người đi trước. Trước hết, ta có thể nói rằng hai bài kệ này có thể được viết ra dưới hai nhãn quan khác nhau. Một bên là nói về bản môn, một bên là nói về tích môn, như vậy không có nghĩa là bản môn hay hơn tích môn. Có thể là ông nói gà, bà nói vịt, nhưng ông nói cũng đúng, bà nói cũng đúng. Thật sự giữa hai bài không có sự đối thoại! Tưởng như có đối thoại, tưởng như bài này bẻ bài kia, nhưng kỳ thực hai người đứng trên hai bình diện khác nhau.
Nhưng nếu đúng là giáo lý chân thật của Bụt thì hai bài kệ phải có liên quan với nhau. Bản môn là bình diện bản thể, còn tích môn là bình diện hiện tượng. Bản môn là nước, mà tích môn là sóng. Sóng rất khác với nước, nhưng đồng thời sóng cũng là nước. Bản môn với tích môn tuy là hai nhưng chúng dính vào nhau, chúng là một.
Ví dụ chúng ta có bài tập Giận nhau. Sư anh giận sư em, hay sư em giận sư chị. Theo phương pháp thực tập của tôi đưa ra là khi giận nhau và chúng ta làm khổ nhau, thì chúng ta phải thực tập bài kệ mà chúng ta đã thiết lập ra từ giáo lý kinh Pháp Hoa Tam Muội:
Giận nhau trong tích môn.
Nhắm mắt nhìn mai sau.
Trong ba trăm năm nữa.
Em đâu và tôi đâu?
Khi giận sư em hay sư chị thì phương pháp thực tập là ta đừng nói gì hết, ta nhắm mắt lại. Người kia đang ở trước mặt ta, ta ghét quá trời, ta không muốn nhìn thấy người đó nữa, hoặc ta sắp nói một câu để người đó đau cho bỏ ghét! Nhưng theo pháp môn này thì đừng nói gì hết. Nhắm mắt lại, thở vào một hơi, ta nói: Giận nhau trong tích môn.
Thở ra: Nhắm mắt nhìn mai sau.
Thở vào: Trong ba trăm năm nữa.
Thở ra: Em đâu và tôi đâu?
Chỉ cần nhắm mắt lại mà quán chiếu trong ba trăm năm nữa ta sẽ như thế nào và sư chị của ta sẽ như thế nào? Lúc đó cả hai người đều tịch mịch, đều trở về bản môn. Chỉ cần thở như vậy mấy hơi thì mọi giận hờn đều tan biến cả, và điều ta muốn làm trong lúc đó là ta muốn ôm lấy sư chị hay sư em của ta mà thôi. Tại vì giận nhau như vậy là dại vô cùng! Có được thời gian sống với nhau dưới ánh sáng mặt trời, có thầy, có bạn, có con đường thiền hành, có những bước chân thảnh thơi mà không thừa hưởng lại đi giận nhau như vậy là uổng quá chừng!
Vậy thì bản môn là thời gian vô cùng và không gian vô biên. Còn tích môn là giờ phút hiện tại. Khi thực tập như vậy, ta tiếp xúc với bản môn, và tự nhiên cái tích môn của ta trở nên tươi sáng hơn, dễ chịu hơn trước.
Thành ra bài kệ kiến giải của thầy Thần Tú được viết ra trên bình diện tích môn (historical dimension), còn bài kệ của thầy Huệ Năng được viết ra trên bình diện bản môn (ultimate dimension). Vì vậy cho nên đem hai bài so sánh với nhau, cho rằng bài này hay hơn bài kia, là chuyện làm không đúng. Cách nhìn này có thể là một sự sửa chữa lại cách nhìn sai lầm đã có từ hàng ngàn năm nay.
Bài kệ của thầy Huệ Năng cũng đúng về giáo lý, đúng với cái nhìn của Bát Nhã về Không Quán. Nhưng thầy Thần Tú cũng đúng. Theo tôi, bài của thầy Thần Tú có ích lợi hơn cho sự thực tập hàng ngày của người tu, nó thiết thực hơn. Còn bài của thầy Huệ Năng dễ đưa chúng ta vào thế giới của hí luận, của khái niệm.
Chúng ta phải đem cái thông minh và quyền tự do của chúng ta ra để quán chiếu, đừng để bị ảnh hưởng, đừng để bị uy hiếp bởi thầy, bởi các Tổ. Tại vì các thầy, các Tổ có cái nhìn của các vị, ta phải có cái nhìn của ta. Các thầy các Tổ sẽ đồng ý với ta về chuyện đó. Ta không phải là một tên nô lệ. Tu là để có tự do nhận thức của mình. Ta cũng làm Thầy làm Tổ được, ta cũng làm Bụt được. Vì vậy cho nên nếu ta học theo thói quen chỉ là nô lệ thôi thì không bao giờ ta đáp ứng được ơn của Thầy và của Tổ.
Thành ra trong tâm thức của những người thiền sinh, họ nói bài của thầy Huệ Năng hay hơn, là bài đạt đạo, và họ bác bỏ bài của thầy Thần Tú. Đó là một sai lầm rất lớn! Họ có thể thắp hương cúng dường bài của thầy Huệ Năng, nhưng họ không thể không thực tập bài của thầy Thần Tú! Chúng ta tuy là con cháu của Nam tông, nhưng ta không kỳ thị Bắc tông. Bắc tông là Thần Tú, Nam tông là Huệ Năng. Người ta thường nói Nam Năng, Bắc Tú. Ta là con cháu của Nam Năng, nhưng ta cũng là con cháu của Bắc Tú. Bắc Tú không phải là đối lập với ta. Phải như vậy thì ta mới vươn lên được.
Tăng thân của tổ Hoằng Nhẫn cũng chưa hay lắm. Nói vậy mà ta không sợ mang tội. Tại vì chính ngay tăng thân của Bụt thỉnh thoảng cũng có những bê bối, và tăng thân của Bụt có lúc cũng bị chia ra làm hai, chống đối nhau. Chúng ta phải nhìn vào sự thật, chúng ta phải nhìn vào tăng thân của tổ Hoằng Nhẫn và thấy rằng họ chưa toàn bích. Trước đó họ đốt hương cúng dường bài kệ của thượng toạ Thần Tú. Nhưng buổi sáng thức dậy, họ thấy có một bài khác, đọc rúng động, rồi nói bài này hay hơn bài kia, rồi thì xôn xao, bàn tán, như cái chợ. Khi nghe ồn như vậy, tổ Hoằng Nhẫn từ trong phương trượng đi ra và hỏi:
- Gì mà ồn quá vậy các con?
- Dạ không biết người nào vừa viết thêm một bài kệ mà ghê gớm quá. Hôm qua chúng con tin bài kệ kia là số một, nhưng hôm nay chúng con thấy bài kệ này còn hay hơn!
Tổ Hoằng Nhẫn nói:
- Bài ra sao đọc cho thầy nghe coi. Bài của ai viết vậy? Có người thưa:
- Dạ của sư chú giã gạo ở dưới bếp, chú chưa được thọ sa di mà chỉ đang tập sự xuất gia thôi.
Khi đọc lên, theo lời ghi chép lại, Tổ thấy bài kệ này là chứng đạo, nhưng sợ động chúng và sợ mất uy tín của Thượng tọa Thần Tú (vì Thượng Tọa tu đã mấy mươi năm nay, bây giờ bị một tên đàn em vô danh tiểu tốt, mới tới có mấy tháng, đánh ngã thì còn thể thống gì của thiền viện nữa!), cho nên Tổ nói:
- Bài này cũng tạm được, nhưng làm sao bằng bài kia? Cũng chưa chứng đạt.
Rồi Tổ lấy chiếc giầy rơm xóa bài thứ hai đi.
Chưa chắc Tổ đã làm như vậy. Chúng ta hãy cẩn thận. Tôi không tin rằng tổ Hoằng Nhẫn đã làm như vậy. Đây là qua lời thuật lại của những người sau. Chúng ta sống ở trong những truyền kỳ thì rất nhiều, còn sự thật thì rất ít. Chúng ta phải khôn khéo mới khỏi bị kẹt. Tại vì còn rất nhiều chứng thư khoa học cho chúng ta thấy rằng có những thêu dệt của Nam tông để đưa lại uy tín cho Nam tông và triệt hạ uy tín Bắc tông, những thêu dệt đó không ăn khớp với những sự thật của lịch sử.
Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đang nghe một câu chuyện. Chúng ta đừng vội tin ngay rằng những chi tiết của câu chuyện đó là phản ảnh những sự thật đã xảy ra. Phải đề cao cảnh giác lắm mới được. Tuy nó có thể không phải là sự thật, nhưng đó là từ tâm của một con người nói ra, và chúng ta đang nhìn vào tâm của người kể chuyện. Tâm của người kể chuyện là một sự thật. Khi nghe một câu chuyện, chúng ta phải tỉnh táo, phải nhìn vào câu chuyện đó và phải thấy cho được tâm của người kể chuyện mà đừng vội tin vào những chi tiết.
Vậy thì người kể chuyện nói rằng tổ Hoằng Nhẫn tuy thấy bài kệ thứ hai phản chiếu được sự đắc đạo, sự giác ngộ, nhưng Tổ đã không công nhận trước đại chúng, tại vì Tổ sợ nguy cho tánh mạng và sự an ninh của Huệ Năng. (Hay là Tổ sợ thượng tọa Thần Tú buồn?) Tổ sợ cái gì mà Tổ lấy chiếc giầy rơm của mình để xóa bài của Huệ Năng, và nói bài của chú Huệ Năng chưa đạt đạo? Sự thật như thế nào thì chúng ta không biết. Đây là chuyện đã được kể lại trong kinh Pháp Bảo Đàn. Thầy Thần Tú có thể giỏi, thầy Huệ Năng có thể giỏi, nhưng trong tăng thân có nhiều kỳ thị, có nhiều ganh ghét, có nhiều sự a dua. Cố nhiên là có thể có những chất thánh ở trong tăng thân, nhưng những chất phàm ở trong tăng thân qua câu chuyện đó được hiện ra rất rõ.
Tổ Hoằng Nhẫn nói: “Bài này cũng chưa thấy đạo”, rồi lấy chiếc giầy rơm mà xóa đi. Chúng ta hãy quán chiếu cho kỹ, đừng vội lên án, đừng vội chê trách, nó có thể thế này, có thể thế kia, nó có thể được bày đặt ra để gây uy tín cho Nam tông.
Chiều hôm đó, Tổ đi xuống nhà bếp và thấy Huệ Năng đang giã gạo. Tổ không hỏi mà chỉ nói:
- Chà, giã gạo cực dữ à con! Gạo đã trắng chưa con?
Hình như Huệ Năng nói dạ trắng rồi hay sao đó, không quan trọng lắm. Mời quý vị đọc kinh Pháp Bảo Đàn để rõ. Rồi Tổ mới dùng cây gậy gõ ba lần lên chiếc cối đá.
Huệ Năng hiểu, và canh ba hôm đó, Huệ Năng một mình đột nhập vào phòng của Tổ. Hai thầy trò gặp nhau. Tổ đem kinh Kim Cương để dạy cho Huệ Năng, và trao cho Huệ Năng cái áo cà-sa và bình bát của mình, rồi nói với Huệ Năng phải lập tức đi về phương Nam để hành đạo. Như vậy là trong căn phòng nhỏ bé của Tổ đã xảy ra một lễ truyền đăng chui!
Tại sao phải như vậy? Tại vì tăng thân đó chưa có khả năng chấp nhận chuyện truyền đăng cho một người dở nhất, cho người trẻ nhất, cho người không biết chữ gì hết ở trong tăng thân! Nếu công khai làm truyền đăng, như vậy là tạt một gáo nước vào những vị thông minh, những vị học thức cao ở trong tăng thân, trong đó có thượng tọa Thần Tú.
Một lần nữa tôi mời quí vị tham cứu chứ đừng đọc kinh rồi nhắm mắt nghe người ta nói gì thì tin cái đó. Phải dùng cái thông minh của mình.
Ngũ tổ còn làm hơn thế nữa. Tổ đưa Huệ Năng ra bờ sông, ở đó đã có một chiếc thuyền đợi sẵn. Tổ nói:
- Thầy sẽ đưa con đi một đoạn đường.
Huệ Năng thưa:
- Khi con còn một mình và chưa chèo chống được, thì thầy chèo chống cho con. Bây giờ con đã chèo chống được rồi, xin thầy trao cho con mái chèo.
Sau đó hai thầy trò tạm biệt nhau. Khi về tới tu viện, Ngũ tổ đóng cửa phòng lại, không ra ăn sáng. Không ra ăn trưa, mà cũng không ra ăn tối! Ngài ở luôn mấy ngày trong phòng. Đại chúng xôn xao: Không lý thầy bệnh? Nhưng không dám vào phòng để làm rộn thầy. Sau đó vài ngày thì thấy không thể nào không vào để hỏi thăm, cho nên trong chúng mới cử một phái đoàn đi vào để hỏi thăm:
- Bạch thầy, thầy có sao không, thầy có bệnh gì không mà mấy ngày nay thầy không ra?
Ngũ tổ nói:
- Thầy không sao hết, chỉ có chuyện là y và bát đã đi về phương Nam rồi.
Lúc đó toàn chúng mới nhốn nháo lên, và biết Ngũ tổ đã truyền pháp và truyền y và bát cho sư em út là Huệ Năng rồi.
Trong kinh còn nói rằng, nghe tin đó xong, có một đoàn rất đông người đã đuổi theo, họ tổ chức một cuộc săn bắt Huệ Năng để cướp lại y và bát đó. Những chi tiết đó cho chúng ta một ảnh tượng không mấy đẹp về tăng thân của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Người kể chuyện đó tuy có thể với mục đích tạo uy tín cho Nam tông, cho Ngũ tổ và Lục tổ, nhưng kỳ thực đã bêu xấu tăng thân của Ngũ tổ và chính bản thân của Ngũ tổ nhiều lắm! Tại vì nếu ta là Huệ Năng, ta cũng không hãnh diện vì có một tăng thân như vậy. Quý vị đừng tưởng đây là chuyện đời xưa, Thần Tú đang ngồi đây và Huệ Năng cũng đang ngồi ngay trong giảng đường này!
Đoàn người đi ngày này qua ngày khác, và cuối cùng thì có một người, ngày xưa vốn là võ tướng, đuổi kịp lên đồi. Nghe tiếng chân rầm rập đuổi theo sau, Huệ Năng mới đặt y và bát ở trên một tảng đá rồi chui vào núp trong một bụi rậm. Viên võ tướng đó bây giờ đã trở thành sư anh rồi, khi lên tới đỉnh đồi thì không thấy Huệ Năng đâu mà chỉ thấy y và bát để trên tảng đá, nên đưa tay ôm lấy, nhưng không biết tại sao cái bát nặng quá, vô phương nhấc lên nổi! Lúc đó sư anh mới nói rằng:
- Tôi đến đây là vì pháp chứ không phải vì bát xin hiền giả xuất đầu lộ diện.
Kể lại vậy không biết có đúng hay không! Có lẽ tại nâng bát lên không nổi cho nên mới nói vậy. Nên nhớ rằng đây là câu chuyện kể lại thôi, không hẳn sự thật nó đã xảy ra như vậy. Chúng ta đang nhìn vào tâm của người kể chuyện. Tại tâm của người kể chuyện là một thực tại chứ không phải chỉ có câu chuyện mới là sự thật. Câu chuyện này chính thức thì nói là do tổ Huệ Năng kể lại và người ta ghi chép. Những điều này không có bằng cớ nào chứng thật được. Có thể là Huệ Năng và Thần Tú là hai anh em rất thương nhau, không có vấn đề, và giờ đây tôi đang có cái cảm tưởng đó. Những nghiên cứu của tôi gần đây cho biết rằng hai anh em rất thương nhau, không có sự đối lập Nam Bắc. Đối lập Nam Bắc là chuyện học trò sau này sinh ra, bắt đầu từ thầy Thần Hội, đệ tử của Huệ Năng. Như vậy cũng không hẳn là ta muốn nói xấu thầy Thần Hội.
Khi nghe sư anh nói vậy, Huệ Năng mới xuất đầu lộ diện và đã giúp cho người sư anh đó đạt đạo và trở về.
Khi người sư anh đó xuống đồi, gặp những người kia thì nói:
- Tôi đã xem xét phía này rồi, không có anh chàng ở phía này, mình đi phía khác.
Nhờ đó mà Huệ Năng thoát.
Sau đó Huệ Năng phải ẩn tránh một thời gian, cuối cùng xuất đầu lộ diện tại một ngôi chùa đó. Vị trụ trì nhận ra đây là một pháp khí nên đã làm lễ xuất gia cho Huệ Năng.
Tất cả những điều đó quí vị có thể đọc trong kinh Pháp Bảo Đàn. Kinh này hiện có bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Giai đoạn từ tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma cho đến Huệ Năng có thể là giai đoạn đầu của thiền tông ở Đông Độ, đó gọi là giai đoạn thành lập, kéo dài tới 250 năm. Trong giai đoạn này thì các vị tổ sư thường sử dụng kinh điển, và các vị không có tinh thần đối lập tông phái, tức là không có cho tông pháp mình là hơn hết. Hơn nữa thiền tông trong giai đoạn này cũng không có tách rời với các tông phái khác, và lúc đó cũng chưa gọi mình là thiền tông. Chúng ta nên biết chuyện này. Trước khi tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma xuất hiện thì đã có những trường phái khác, những truyền thống khác thực tập về thiền như là Thiên Thai tông (của Trí Giả Đại Sư), Tam Luận tông, cũng như phái thiền của tổ Tăng Hội. Thiền của tổ Tăng Hội đã xuất hiện tại Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ III. Thành ra thiền đã xuất hiện trước đó rồi không phải đợi tới thế kỷ thứ VI mới có thiền. Trước đó, danh từ thiền dùng để chỉ cho nhiều tông phái. Nhưng từ đời Đường về sau người ta mới cho thiền của Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma là thiền, còn những cái trước đó không phải là thiền. Đó là sự sai lầm trong sự sử dụng ngôn từ.
Thời kỳ đầu là thời kỳ thành lập tông thiền là 250 năm từ Bồ-Đề-Đạt-Ma cho đến sau Huệ Năng.
Thời kỳ kế tiếp cũng là 250 năm, gọi là thời kỳ phát đạt của tông thiền. Thời kỳ này bắt đầu từ thiền sư Thanh Nguyên cho đến cuối đời Đường. Gọi là Ngũ đại. Thế kỷ thứ VII, thứ VIII và giữa thế kỷ thứ IX là thời kỳ phát đạt nhất của tông thiền ở Trung Quốc. Các thiền sư lớn, những long tượng của thiền, xuất hiện trong thời đại này như là Mã Tổ Đạo Nhất, Thạch Đầu Y Thiên. Thời kỳ này, những then máy được thiết lập rất nhiều, rất linh hoạt, như sử dụng tiếng hét, cây gậy, phất trần, đôi khi sử dụng cả cái đấm, cái thụi, cái chân đạp, sử dụng công án, thoại đầu, và theo tinh thần tức tâm tức phật, hay bình thường tâm thị đạo (cái tâm bình thường là đạo). Trong thời kỳ thứ hai, chủ truơng là "giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự", tức là thiền tông của chúng tôi không cần tới kinh điển; thiền tông của chúng tôi được Bụt truyền trực tiếp từ trái tim Ngài sang trái tim thầy Ca Diếp, rồi thầy Ca Diếp truyền từ trái tim thầy sang trái tim của thầy A Nan... cho đến thầy Bồ-Đề-Đạt-Ma. Khi sang Trung Quốc, tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma đã lấy tim mình ấn vào tim của tổ Huệ Khả... Gọi là truyền tâm ấn. Tông thiền trong thời kỳ này rất coi thường sự học tập và nghiên cứu. Trong khi tông thiền thời kỳ thứ nhất thì các tổ sử dụng và trích dẫn kinh điển khá nhiều, như kinh Lăng Già, kinh Kim Cương...
Thời kỳ thứ ba kéo dài vào khoảng 320 năm, thời kỳ này thiền tông không được thịnh hành như trong đời Đường nữa, gọi là thời kỳ thủ thành. Trong thời kỳ này thì tông Lâm Tế chia thêm ra hai phái là Huỳnh Long và Duyên Kỳ, và tạo ra cái thế Ngũ gia và Thất tông. Ngũ gia là năm tông phái, và thất tông là bảy tông phái thiền. Trong thời kỳ này, phương thức giáo hóa và thực tập đã đổi khác. Thiền tông hơi yếu, cho nên có khuynh hướng Thiền Giáo Nhất Trí, bắt đầu sử dụng kinh điển lại và không nhìn những tông phái khác bằng con mắt nhìn xuống nữa.
Thời kỳ thứ tư là thời kỳ suy đồi của tông thiền. Thời kỳ này kéo dài 450 năm, qua những thời đại vua Nghiêu, vua Thuấn cho đến vua Càn Long. Thỉnh thoảng có một vài thiền sư sáng lên, nhưng không thể nào so sánh được với các vị thiền sư vào đời Đường.
Đó là sơ lược về bốn thời kỳ của tông thiền. Bây giờ xin trở lại với Hội thứ chín của bài Cư Trần Lạc Đạo:
Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa; thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng
Vương lão tức là thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện, sinh năm 748 và tịch năm 834. Nam Tuyền (đắc pháp từ thiền sư Mã Tổ) giáo hóa ở chùa Nam Tuyền và là thầy của thiền sư Triệu Châu. Thiền sư Nam Tuyền đã chém một con mèo đứt làm hai khúc. Và con mèo cho đến ngày hôm nay vẫn còn đau!
Hôm đó, các vị thủ tọa của hai cư xá ở trong chùa Nam Tuyền tranh nhau một con mèo. Bên Tây đường có một chúng, bên Đông đường cũng có một chúng. Không biết tại sao hôm đó lại có sự tranh chấp giữa hai cư xá về một con mèo. Lúc đang có sự tranh chấp thì thiền sư đi ngang qua hỏi:
- Việc gì vậy?
Người ta mới kể lại chuyện tranh chấp và trình con mèo lên. Thiền sư nói:
- Quí vị phải nói lên một câu, nếu không tôi sẽ chém con mèo này đứt làm hai đoạn!
Các vị ở trong hai cư xá không ai mở miệng ra được hết, và chính hai vị thủ tọa cũng cứng miệng không nói được gì cả. Vì vậy thiền sư buộc lòng phải chém con mèo làm hai khúc!
Câu chuyện này được truyền đi khắp nước. Người thì phê phán cách này, người thì phê phán cách khác, và nó đã truyền lại cho đến ngày nay.
Có người nói thiền sư Phổ Nguyện đã đắc đạo rồi, thành thử con mèo mà thiền sư chém làm đôi sẽ được hóa sinh làm người, và thiền sư không có tội tình gì cả. Có người nói tại sao thiền sư là người tu, hơn nữa là bậc thầy mà lại sát sanh? Có người nói thiền sư đã vượt ra ngoài vòng quả báo rồi thành ra thiền sư làm như vậy là để độ người và để độ mèo. Rất là lăng xăng. Và gần cả 1000 năm nay biết bao nhiêu nước miếng đã đổ ra vì câu chuyện Vương Lão chém mèo.
Người nào nghe câu chuyện này cũng nghĩ đến con mèo mà tội nghiệp, mà không biết rằng chém con mèo như vậy thì có ích lợi gì cho đại chúng của hai cư xá hay không?
Chiều hôm đó, thiền sư Triệu Châu đi đâu về, người ta mới kể lại chuyện đã xảy ra vào buổi sáng cho thầy nghe. Nghe xong câu chuyện, thiền sư Triệu Châu mới lấy chiếc dép đang đi dưới đất để lên trên đầu rồi đi ra khỏi thiền đường. Lúc đó, thiền sư Nam Tuyền mới nói:
- Tiếc quá! Nếu hồi sáng mà thầy có mặt ở đây thì chắc con mèo không đến nỗi bị giết!
Chúng ta thử tưởng tượng thiền sư Triệu Châu đặt một chiếc dép lên trên đầu rồi lững thững đi ra sau khi nghe câu chuyện!
Con mèo của thiền sư Nam Tuyền còn đó. Nó còn đóng vai trò của nó, nó chưa chết đâu. Người ta thường chú ý tới sự kiện thiền sư chém con mèo ra làm hai. Nhẫn tâm hay không nhẫn tâm? Cách giáo hóa của thiền sư như thế nào? Nhưng rốt cuộc thì người ta thấy không có gì thay đổi trong không khí của tăng thân hết. Tại vì không có ai trong đại chúng đã nói lên được câu nào. Chính hai vị thủ tọa của hai cư xá cũng không nói ra được một câu nào cả! Vì vậy mà con mèo bị hy sinh!
Khi thiền sư Nam Tuyền nói ra câu đó thì đã tạo ra một sự căng thẳng trong chúng. Bắt buộc vì lòng thương con mèo mà phải nói lên kiến giải của mình, nhưng rốt cuộc thì tất cả đều bị ứ đọng, không thoát ra được, kể cả hai vị thủ tọa. Vì vậy mà bắt buộc thiền sư Nam Tuyền phải chém con mèo ra làm hai đoạn. Một sự thất bại rất lớn của đại chúng trong hai cư xá, mà cũng là một sự thất bại rất lớn của thiền sư Nam Tuyền. Tại vì học trò như vậy thì mình lãnh đủ. Theo thầy Thanh Từ thì tạo ra một tình trạng khẩn cấp như vậy là để cho một câu nói từ tuệ giác có thể vọt ra từ một người trong đại chúng. Tình trạng khẩn trương đó đã được tạo ra, nhưng tất cả mấy trăm người có mặt đều chết cứng, đều bị ứ đọng, và không người nào thốt ra được một lời nào để có thể cứu được con mèo!
Phương pháp của chúng ta là chúng ta phải nhìn vào hoàn cảnh chứ đừng chỉ chú ý tới sự kiện mà thôi. Có một điểm mà ít người chú ý tới là sự tranh chấp của hai cư xá về một con mèo, nếu không quán chiếu về sự kiện đó thì chúng ta không thể nào hiểu được về công án này. Hai cư xá tranh chấp một con mèo, đó là tình trạng đã tạo nên công án.
Con mèo này có thể là một rổ cà chua, một chiếc xe Van. Hai cư xá đó có thể là Xóm Thượng và Xóm Hạ. Con mèo còn y nguyên đó. Khi Xóm Hạ nghĩ rằng Xóm Thượng như thế này, hay Xóm Thượng nghĩ rằng Xóm Hạ như thế kia, có sự phân biệt giữa hai xóm, thì bất cứ một cái gì cũng có thể trở thành con mèo của thiền sư Nam Tuyền hết.
Có những cảm thọ, những vui buồn, những kỳ thị xảy ra khi ta nghĩ rằng ta là Xóm Hạ, còn bên kia là Xóm Thượng. Hoặc ta là sư cô, còn bên kia không phải là sư cô; ta là Tây phương, còn những người kia là người Việt. Tất cả những cái đó là những ranh giới mà ta đặt ra. Từ những ranh giới do ta đặt ra đó, ta sẽ có những vui buồn, những kỳ thị, những ý kiến, những đau khổ. Thành ra vấn đề đại chúng của chùa Nam Tuyền có phải là vấn đề của quá khứ đâu? Và con mèo đó có phải là con mèo đã chết rồi đâu? Con mèo đang “sống nhăn răng” đó! Cho nên nhờ sư cô, sư chú nào ra bắt con mèo vào đây, để chúng ta coi thử mặt mũi con mèo đó như thế nào!
Chúng ta nhớ ngày xưa có chuyện một rổ cà chua phải không? Một sư cô nào đó lượm những trái cà chua tốt đem cất đi, và để ra những trái cà chua không tốt bằng, để nấu ăn buổi chiều hay buổi sáng hôm sau. Nếu ta là một người có trách nhiệm, có ý thức, thì ta đều sẽ làm như vậy hết, tức là lựa những trái tốt đem cất lại, còn những trái gần hư thì ta để nấu cơm chiều hôm nay. Thế nhưng có một người khác lại nghĩ rằng xóm đó lấy hết những trái tốt đi và để cho xóm mình những trái cà chua xấu!
Từ một ý niệm kỳ thị, nó sinh ra một cảm thọ giận hờn, và nó chỉ là một vọng tưởng thôi, tức là một tri giác sai lầm thôi. Người kia đã làm với tính cách thương yêu, không kỳ thị, nhưng vì ta thiếu tuệ giác, ta nghĩ đó là hành động không thương yêu, kỳ thị, và tự nhiên có sự tranh chấp. Và tự nhiên rổ cà chua biến thành con mèo của thiền sư Nam Tuyền!
Chiếc xe Van cũng vậy. Nó thuộc Xóm Thượng hay Xóm Hạ? Nó cũng là một con mèo của thiền sư. Lát dao của thiền sư Nam Tuyền có sắc bén, có gây đau nhức bằng lát dao của nhận thức sai lầm không? Khi dùng lát dao của nhận thức sai lầm, ta cắt đôi rất nhiều thứ: Xóm Thượng và Xóm Hạ ra làm hai khúc khác nhau, người xuất gia và người không xuất gia làm hai khúc hoàn toàn khác nhau; sư em của ta và ta là hai cái khác nhau. Từ những phân biệt khác nhau đó cho nên ta mới có sự giận hờn, ganh tị và kỳ thị.
Vậy thì người dùng lát dao để xắn sự thật ra làm nhiều mảnh, chặt nhỏ cái thực tại ra, là thiền sư Phổ Nguyện hay là những người ở trong đại chúng chia chẻ hai cư xá? Lưỡi dao đó không phải là lưỡi dao của thiền sư Phổ Nguyện Nam Tuyền. Lưỡi dao đó là lưỡi dao nhận thức của ta.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta băm đời sống của chúng ta thành nhiều mảnh. Chúng ta cho rằng người sư anh không dễ thương với chúng ta, người sư chị hay sư em không dễ thương với chúng ta. Từ đó mà chúng ta có những nhận thức kỳ thị, ganh ghét và giận hờn.
Giả dụ có một sư chú ở trong cư xá phía Đông nói rằng:
- Bạch thiền sư, con mèo này khi qua cư xá con, nó kêu “meo meo” thì tự nhiên con nhớ rằng tất cả những người trong cư xá bên kia đều là sư anh và sư em của con. Và khi nó sang cư xá bên kia kêu “meo meo” thì các sư anh và sư em ở bên đó cũng nghĩ rằng tất cả những người sống trong cư xá bên này cũng đều là sư anh và sư em của họ hết”.
Nếu có một sư chú nói được như vậy thì con mèo đã không bị chém làm hai đoạn! Mà câu đó đâu có khó khăn gì mà nói không được? Nếu ta thực tập, ta thấy được những người trong cư xá kia là ta, và ta là những người trong cư xá kia, thì làm gì có chuyện thiền sư Nam Tuyền chém con mèo ra làm hai đoạn. Nhưng sư chú đó đã không có mặt trong đại chúng, nên đã không nói lên được câu nói đó hay một câu tương tự. Thiếu gì câu! Vì vậy cho nên chúng ta phải làm ăn sao cho khá hơn đại chúng của chùa Nam Tuyền.
Nếu bắt buộc có một người nào đó không được thường trú tại Làng Mai nữa, thì quyết định đó phải được phát xuất từ nhận thức bất nhị, nhận thức thương yêu. Người đó ở hay người đó đi ta vẫn thương người đó như là thương bản thân của ta. Như vậy mới đúng theo sự thực tập của chúng ta.
Khi một quyết định được làm trên nhận thức bất nhị, trên tình thương, thì quyết định đó sẽ được coi như sự sống linh động. Còn nếu quyết định đó ta chỉ cứ căn cứ trên nguyên tắc để làm việc thôi, trong đó không có nhận thức bất nhị và không có tình thương, tức là ta không có làm theo nguyên tắc của Bụt dạy.
Vương lão chém mèo, lượt trẩy lòng ngừa thủ tọa. Lòng ngừa tức là cái tâm còn có những nghi ngờ, còn có những chướng ngại. Thủ tọa tức là hai vị thủ tọa của hai cư xá, Đông đường và Tây đường. Lượt trẩy, theo tự điển của Huỳnh Tịnh Của xuất bản cách đây 100 năm, thì chữ lượt này có nghĩa là lọc qua (filter). Trẩy có nghĩa là đi, giống như “trẩy hội Chùa Hương” là đi hội chùa Hương. Lượt trẩy là lọc qua, đi qua. Chữ lượt này cũng có thể đọc là “lướt”, tức là sấn tới, sấn qua. Ở đây nó có nghĩa là thiền sư đi thấu qua cái tâm của hai vị thủ tọa.
Thiền sư chém con mèo là tại thiền sư đi ngang qua, thấy rất rõ về cái tâm còn bị kẹt của hai vị thủ tọa. Không những của hai vị thủ tọa mà của luôn cả đại chúng trong hai xóm. Thiền sư Phổ Nguyện chém con mèo vì khi lướt qua và thấy rõ cái tâm đang chứa chấp những nghi ngờ, những vô minh, những cái kẹt của hai vị thủ tọa. Hai vị thủ tọa đó là ai? Là ta đó! Mỗi người trong chúng ta đều có những chướng ngại ở trong tâm. Cẩn thận! Đừng trách móc những người khác. Con mèo hôm nay nó sống dậy, quý vị hãy thương con mèo, đừng để con mèo bị chết mỗi ngày một lần, hay hai lần mà tội nghiệp nó. Con mèo nó đang ở với chúng ta. Đây không phải là chuyện quá khứ.
Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng. Thầy Hồ tức là thiền sư Lợi Trung ở trên núi Tử Hồ, vì vậy hiệu của thầy là Tử Hồ. Thầy có dựng một cái bảng ở trước cư xá của thầy, viết rằng:
“Ở trong viện này có một con chó rất dữ. Con chó này có cái đầu là đầu người. Cái bụng là bụng người. Cái chân giống như chân người. Người nào tới đây mà xôn xao bàn tán thì nó sẽ cắn chết. Thành ra quý vị hãy cẩn thận!”
Chúng ta thỉnh thoảng đi ngang qua nhà có treo một cái bảng vẽ hình con chó, ở dưới có đề “Chó dữ” để cho mình sợ. Thầy Tử Hồ cũng vậy. Ở đây có con chó rất dữ, nó cắn chết những người ưa thao thao bất tuyệt về lý thuyết Phật giáo. Thường thường có những vị du tăng tới tham vấn về thiền, vừa mới đẩy cửa vô hay vừa mới vén cái rèm thì thầy Tử Hồ nói: “Coi chừng! Coi chừng chó!” Thành ra ai cũng giật mình hết!
Một hôm khi thầy về tới phương trượng của thầy thì có người đứng đợi, và hỏi:
- Bạch thiền sư, ngài nói có con chó, nó ở đâu?
Thì thầy đáp: “Gâu gâu!” Đó là câu chuyện của thầy Tử Hồ. Chắc cũng có nhiều Phật tử tới nói lý thuyết chân như, bản tánh v.v... với thầy nhiều quá, cho nên thầy chán lỗ tai. Không lo tu mà chỉ lo nói về Phật pháp cao siêu mầu nhiệm của phương diện lý thuyết thôi. Người bị bệnh này nhiều lắm. Kẻ thù ta là một rổ danh từ mà! Cho nên thầy mới đặt ra một con chó để khi nào có người tuôn ra một mớ lý thuyết về Phật pháp thì thầy khua chó đuổi đi.
Một bên là chém mèo, một bên là khua chó ra để cắn. Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng. Trỏ xem tức là chứng minh, chỉ cho thấy. Trí nhẹ là cái trí tuệ đang còn non kém. Tuy học thuộc lòng rất nhiều, nói rất hay, nhưng tuệ giác không có gì cả. Có những người nghe người ta nói gì thì tin liền, gọi là nhẹ dạ. Dạ cũng có nghĩa là cái tâm. Trí nhẹ ở đây có nghĩa là cái tuệ giác còn non yếu. Con giàng là chữ xưa, dùng dịch chữ “côn sàng”, có nghĩa là con cháu. Thế hệ hậu côn tức là thế hệ con cháu sau này.
Thiền sư Tử Hồ xua chó, dọa người ta là chó sẽ cắn, để chỉ cho người ta thấy cái tuệ giác của những người học trò, của đàn con cháu đang còn nhỏ bé, còn yếu kém.
Chợ Lư Lăng gạo mắt quá ư, chẳng cho mà cả. Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Đây là nói về Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (660-740). Có một vị học tăng hỏi:
- Đại ý Phật pháp là gì?
Thầy hỏi lại:
- Sư chú có biết giá gạo ở ngoài chợ Lư Lăng bao nhiêu một cân hay không?
Thay vì giải thích thế nào là Phật pháp, thì thầy hỏi lại giá gạo. Và gạo Lư Lăng đã trở thành một công án.
Có những câu hỏi có tính cách ước lệ. Hỏi để có hỏi. Có khi hỏi không phải vì muốn biết mà hỏi để trình bày cái kiến thức của mình. Điều đó làm tốn thì giờ của học trò và của thầy rất nhiều.
Nếu quý vị có đi tổ chức những khóa tu, những ngày đầu của khóa tu thường mình cứ nghe họ hỏi những câu trên trời dưới biển như vậy. Không biết quý vị có biết dùng phương pháp của thiền sư Tử Hồ là xua chó ra, hay phương pháp của thiền sư Hành Tư là nói chuyện giá gạo ở ngoài chợ hay không. Ngày xưa các tổ đã dùng những then máy như vậy, những phương pháp như vậy. Chợ Lư Lăng gạo mắt quá ư, chẳng cho mà cả. Mà cả tức là mặc cả, trả giá.
Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang. Thạch Đầu tức là chỗ ở của thiền sư Hy Thiên. Thiền sư Hy Thiên dựng cái am của mình ở đầu một tảng đá lớn tại núi Hành Sơn, vì vậy ngài có biệt hiệu là Thạch Đầu.
Có một thiền sinh tên là Đặng Ẩn Phong muốn trèo lên núi để tham vấn Hòa Thượng Thạch Đầu, thì bị thiền sư Mã Tổ ngăn lại và nói: “Con đường lên đó trơn lắm, coi chừng đó”. Khi thiền sinh này leo lên đó thì bị trượt té thật. Vì vậy người ta thường nói con đường lên thiền sư Thạch Đầu trơn lắm, ta có thể té như chơi. Nghĩa là ta phải rất cẩn thận, ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi ta tới với thiền sư. Và câu “Đá Thạch Đầu rất trơn” trở thành một công án.
Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang. Sở tức là chỗ, là trụ sở. Khôn tức là khó. Thưa tức là tham vấn, thưa hỏi. Đang ở đây tức là chữ đương. Đương nghĩa là vâng chịu, gánh vác, tiếp tục sự nghiệp. Vậy thì thưa đang là nhận chịu sứ mạng của thầy để tiếp tục gánh vác sự nghiệp giáo hóa chúng sanh. Câu này có nghĩa là chỗ ở của thiền sư Thạch Đầu có con đường đá hết sức là trơn, cho nên rất khó để có thể tới tham vấn và nhận chịu trách nhiệm do thiền sư trao phó.
Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thành miếu. Câu Chi dơ ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Thiền sư Phá Táo hiệu là Tung Sơn. Thiền sư thường hay đi với đệ tử du hành ở trong núi Tung Sơn. Một hôm họ gặp một cái miếu thiêng, trong đó có một cái bếp, và dân ở trong vùng thường đem trâu, bò, gà, heo tới đó để giết và cúng thần trong miếu. Trong miếu có cắm một cây cờ, tượng trưng cho vị thần miếu. Thiền sư Phá Táo thấy vậy rút cây cờ liệng đi, rồi lấy cây gậy đập xuống ba ông táo ở trong miếu mà dân trong vùng đã dựng lên để thờ. Ngài nói:
- Cái bếp này là do bùn đất mà làm ra, nó có gì linh thiêng đâu? Sao lại bắt người ta sát sanh hại vật để cúng tế?
Người thường thì rất sợ ông thần bẻ cổ, nhưng ngài thì không.
Nghe nói rằng sau khi ngài dẹp xong cái miếu thần đó rồi thì có một người mặc áo xanh đội mũ tới lạy và nói rằng:
- Con là thần bếp ở đây, lâu đời chịu nghiệp báo, ngày nay được nhờ thiền sư khai thị cho chánh pháp, thành ra con đã thoát khỏi kiếp tù túng ở nơi này. Con xin đội ơn thiền sư.
Đó là câu chuyện kể lại về thiền sư Phá Táo.
Câu Chi dơ ngón: Câu Chi là vị thiền sư thường hay đưa ngón tay lên khi người ta tham vấn một đề án về thiền. Chúng ta đã học về sự tích của Câu Chi Trưởng Lão rồi.
Dùng đòi nếp cũ ông ang: Tức là áp dụng theo phương pháp giáo hóa mà ông cha đã trao truyền. Ông ang tức là ông cha. Đòi tức là theo. Dùng đòi tức là áp dụng theo.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại; sư tử ông Đoan, trâu Thầy Hựu, răn đàn việt hượm sá nghênh ngang.
Lưỡi gươm Lâm Tế tức là lưỡi gươm của thiền sư Lâm Tế. Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (787-867) là vị sáng lập ra phái thiền Lâm Tế. Người ta nói tiếng hét của thiền sư Lâm Tế có khi như là một tiếng sét, có khi sắc như một lưỡi gươm. Tiếng hét đó có thể đánh tan được những khối u mê ở trong lòng của chúng ta; tiếng hét đó có thể chặt đứt được những sợi dây phiền não, và những ràng buộc vô minh trong lòng chúng ta, cho nên tiếng hét đó gọi là lưỡi gươm Lâm Tế.
Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét,
Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con. (Trần Thái Tông)
Đi ngang qua có thể bị hét giật nảy mình! Khi mà có sự giật nảy mình thì có thể có sự thay đổi trong người của ta.
Nạng Bí Ma: Thiền sư Bí Ma hiệu là Ngũ Đại Sơn, thường cầm một cái nạng gỗ có cái chỉa hai. Mỗi khi có một thiền sinh nào tham vấn thì thầy lấy cây nạng cặp vào cổ của thiền sinh! Rồi thầy hét:
- Ma quỷ nào đã xúi anh xuất gia? Ma quỷ nào đã xúi anh đến đây tham vấn? Nói đi, nói không được thì tôi nạng cho chết! Mà nói được tôi cũng nạng cho chết luôn!
Có nhiều thiền sư dùng những phương pháp khác nhau như vậy, ta không thể ngờ được!
Trước nạp tăng no dầu tự tại. Nạp tăng là những người xuất gia mặc áo vá. Có chiếc áo được may bằng 100 miếng vải đụp, ngoài Bắc gọi là áo bách nạp, ca-sa trăm tấm, trong Nam thì gọi là bá nạp. Hồi sư cô Thị Kính đi tu thì cũng mặc áo ca-sa, và tác giả mô tả rằng:
Đã bồng trăm tấm cà-sa,
Nhưng người tiên vẫn trông ra xác phàm.
Đi tu rồi, cạo đầu rồi, mặc áo vá trăm miếng rồi, nhưng vẫn trông đẹp như thường.
No dầu tự tại: No tức là được nuôi dưỡng đầy đủ, không có đói về chánh pháp, về phương pháp thực tập. Dầu là thỏa thuê, tha hồ. Tự tại là sự thảnh thơi, sự tự do. Trước nạp tăng tức là các vị xuất gia ngày trước, được nuôi nấng, được dạy dỗ để được tha hồ có sự tự tại. Cũng có thể hiểu là các vị thiền sư khi đã chứng ngộ rồi, thì họ có tự do rất lớn, họ có thể sử dụng bất cứ một biện pháp nào để cho người đệ tử có thể tháo gỡ những cái kẹt ở trong tâm của họ.
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang. Sư tử ông Đoan tức là sư tử của thiền sư Tây Dư. Thiền sư Tây Dư họ Đoan, cho nên gọi là ông Đoan. Thiền sư Tây Dư có một cái nón đan bằng chỉ nhiều màu, giống như một cái đầu sư tử. Thỉnh thoảng ông đội cái nón đó vào trong khi dạy đệ tử, ông nói: “Ta là sư tử.”
Trâu thầy Hựu: thầy Hựu tức là Tổ của phái Quy Sơn, Quy Sơn Linh Hựu. Ngày xưa thiền sư Vô Ngôn Thông đã từng dạy thầy Linh Hựu trước khi qua Việt Nam. Hồi đó thiền sư Quy Sơn đang là một chú tiểu nhỏ.
Quy Sơn Linh Hựu sinh năm 771 và tịch năm 853. Một hôm thiền sư Quy Sơn lên pháp tọa và tuyên bố rằng:
- Một trăm năm sau tôi sẽ đầu thai thành một con trâu trắng ở dưới núi này.
Có một thầy khác nói theo:
- Tôi cũng muốn theo thầy, tôi cũng muốn làm con trâu trắng ở dưới núi. Đẹp lắm!
Thì thầy Quy Sơn nói:
- Như vậy thì thầy phải ngoạm một ngoạm cỏ vào trong miệng thì tôi mới nhận ra thầy!
Răn đàn việt hượm sá nghênh ngang: Răn tức là cảnh cáo, báo cho biết trước. Đàn việt tức là những người Phật tử tới chùa để cúng dường. Chữ đàn có nghĩa là cúng dường, tiếng Phạn là Dana. Có khi ta gọi là đàn-na, như đàn-na thí chủ. Hượm tức là khoan đã, đợi đã; sá là chớ, đừng có. Hượm sá nghênh ngang là khoan đã, đừng có lấy le cho rằng: "Ta là giỏi, ta là giàu, ta là hộ pháp, ta là quan trọng trong chùa này. Không có ta, chùa này đâu được như vầy!" Tại vì thầy mình lớn lao như vậy mà thầy chỉ muốn làm con trâu trắng ở dưới núi thôi. Vậy thì mình chớ có hống hách cho mình là quan trọng.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn. Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Phiến tử là cái quạt. Thiền sư Văn Uyển hiệu là Vân Môn. Vân Môn là một trong năm thiền phái ở Trung Quốc. Trong khi thuyết pháp, thầy thường cầm một cái quạt dơ lên và sử dụng một công án. Có một hôm thiền sư nói:
- Cái quạt này có thể nhảy lên cõi trời thứ 33 và đụng vào lỗ mũi của vua Đế Thích. Con cá chép ở biển Đông bị đánh một gậy, mưa như chậu đổ. Quí vị có hiểu không?
Lúc đó thiền sư đưa cái quạt lên. Đưa phiến tử có nghĩa như vậy. Đó là một công án.
Cất trúc bề: Trúc bề là một dụng cụ bằng tre, phía trên xòe ra. Một hôm thiền sư Quy Tính đến tham vấn thiền sư Tỉnh Niệm. Thiền sư Tỉnh Niệm đưa cái trúc bề lên hỏi:
- Bây giờ mình gọi cái này là cái gì đây?
Gọi là cái trúc bề thì không được, tại vì ta biết cái trúc bề là được làm bằng những yếu tố không phải là trúc bề. Mà không gọi nó là trúc bề thì cũng không đúng luôn. Cũng như hai chị em. Ta gọi người này là chị, thì cũng không được, tại vì nếu không có người em thì người kia là chị của ai? Mà nếu không gọi là chị thì gọi là gì bây giờ? Tức là muốn nói hai cái là một, không có cái này thì không có cái kia. Và đó là một công án của thiền sư đưa ra. Ta biết hễ mở miệng ra nói tôi và anh, thầy và con, xuất gia và chưa xuất gia... là đã sai rồi, vì có sự phân biệt nhị nguyên ở trong đó. Tại vì có em trong anh, có anh trong em; có thầy trong học trò, có học trò trong thầy; có con trong mẹ, có mẹ trong con. Làm thế nào để cho cái gươm có thể cắt đứt cho hai cái không dính với nhau được? Chuyện đó không thể nào có được! Thành ra mẹ phải sống đời sống của con, con phải sống đời sống của mẹ. Học trò phải sống đời sống của thầy, thầy phải sống đời sống của học trò. Hai là một. Ta phải ở trong da thịt của nhau thì mới đúng.
Nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn. Nhẹ nhẵn tức là nhẹ nhõm. Cơ quan tức là những phương pháp, những phương tiện, những cái then máy để có thể giúp được người thiền sinh. Người thiền sinh là kẻ học giả. Nghiệm tức là trắc nghiệm, kinh nghiệm. Đưa phiến tử, cất trúc bềtức là sử dụng những phương pháp nhẹ nhõm để giúp kẻ thiền giả trên con đường chứng nghiệm, đạt đạo.
Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang. Xô hòn cầu tức là nói về thiền sư Tiết Phong Nghĩa Tùng. Một hôm lên pháp tọa thuyết pháp, thầy đưa ra một quả cầu bằng gỗ, thì có một vị đệ tử tên là Sư Bị nắm lấy và để lại chỗ cũ. Cầm mộc thược: Mộc thược là cái vá bằng gỗ. Như vậy các thiền sư đã dùng những dụng cụ như vậy để khai thị cho đệ tửû.
Bạn thiền hòa chước móc khoe khoang. Bạn thiền hòa là những người sống ở trong tăng thân. Tức là thiền sinh với nhau cùng sống chung trong sáu sự hòa hợp (lục hòa). Chước móc là mưu kế; khoe khoang là đôi khi ta không hiểu mà muốn chứng tỏ là ta hiểu, nghĩa là ta có thể lạc vào trong hình thức. Tại vì các thiền sư khi có sự đạt ngộ thì họ dùng những phương tiện như tiếng hét, như đưa cái quạt lên, v.v... Còn ta, đôi khi ta không đạt ngộ gì cả nhưng ta cũng giả đò hét lên một tiếng, hay cầm cây gậy múa một hồi để nói rằng ta có đạt cái gì đó. Đó chỉ là làm trò cười cho thiên hạ thôi. Những cử động đó đều là bất thường, không có chứa đựng gì cả!
Thuyền Tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịnh tẩy; Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Thuyền Tử tức là thiền sư Thuyền Tử Đức Thành. Thầy không muốn lập đạo tràng để giáo hóa, chỉ muốn đi chơi sơn thủy thôi. Thầy thường dùng chiếc thuyền con, đi và đưa người từ bên này sông sang bên kia sông. Sống một cuộc đời rất phiêu lãng, không cư trú ở một chỗ nhất định. Nghe nói sau này thầy Thuyền Tử lật úp chiếc thuyền lại và chết ở trong giữa dòng nước xanh, và người ta nghĩ rằng thầy chưa đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn. Tịnh tẩy có nghĩa là hiểu biết một cách thấu đáo, là giải thoát hoàn toàn. Dòng xanh chửa cho tịnh tẩy, nghĩa là dòng sông xanh chưa cho phép thầy đạt tới sự giải thoát hoàn toàn.
Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng: Mỗi khi lên diễn đàn thì thầy Đạo Ngô đội mũ hoa sen, cầm thanh gươm gỗ (tức là cái hốt) và thầy múa, làm trò hề. Càn ma tức là giống như tà ma; quái quàng tức là làm bậy bạ, không ra gì cả. Bề ngoài thì người ta thấy thầy làm như vậy, giống như một người mất trí, nhưng không chắc ở trong có sự mất trí.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ; rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang.
Yển lão, tức là thiền sư Văn Yển, nói:
- Cái gậy này của tôi là con rồng lớn. Nó có thể nuốt được cả trời đất.
Càn khôn là trời đất. Lệ tức là sợ hãi. Ta xem chỉn lệ: Ta nhìn cái gậy của thiền sư Văn Yển và thấy đó là một con rồng có khả năng nuốt trọn cả trời đất, cho nên ta rất sợ nó nuốt luôn cả ta!
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt giang: Trên đây là con rồng của thiền sư Văn Yển, bây giờ tới con rắn của thiền sư Nghĩa Tồn. Thiền sư Nghĩa Tồn một hôm lên pháp tọa nói:
- Ở núi phía Nam có một con rắn mũi giải, các con phải coi chừng!
Con rắn của thiền sư Nghĩa Tồn cũng là một phương tiện để giúp người. Người thấy ắt giang tức là người ta trông thấy con rắn đó, thế nào cũng phải giang ra một bên.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái Bạch; bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng Thiên cang.
Cây bách ở đây tức là cây tùng trước sân của thiền sư Triệu Châu. Có một vị thiền sinh hỏi:
- Tổ Bồ Đề Ma Đạt Ma từ bên Tây Trúc qua đây để làm gì?
Thiền sư Triệu Châu nói:
- Coi kìa! Cây tùng ở trước sân chùa! (Đình tiền bách thọ tử).
Cây bách là lòng: Cây bách đó chính là tâm của ngươi. Thác ra trước phải phương Thái bạch: Thác tức là nhờ cậy, phó thác. Thái bạch là sao Thái Bạch, mọc ở phương Đông. Phương Thái Bạch tức là phương Đông. Muốn thấy được cây bách đó thì phải ra trước sân nhìn về hướng sao Thái Bạch mới có thể nhận thức được sự có mặt của cây tùng đó.
Bính đinh thuộc hỏa, lại trở sau lỗi hướng Thiên cang: Thiên cang tức là vị thần chủ của sao Bắc Đẩu, ở phương Bắc. Bính, đinh là hai cang thuộc về hành hỏa. Người ta làm ra thiên cang và ngũ hành. Ngũ hành là Kim (kim khí), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa) và Thổ (đất). Ví dụ bộ phận tiêu hóa thuộc về hành thổ.
Bính Đinh đã là hỏa mà còn đi tìm hỏa là chuyện buồn cười. Ta cũng vậy. Tất cả chúng ta đều có khả năng giác ngộ ở trong trái tim mình, vậy mà chúng ta vẫn đi tìm cái giác ngộ đó ở ngoài thì cũng giống như anh chàng Bính Đinh đi tìm lửa vậy. Trong chùa thường có một chú tiểu coi về đèn đuốc, giữ cho đèn đừng bao giờ tắt. Chú tiểu đó được gọi là Bính Đinh trọng tử.
Lại trở sau lỗi hướng Thiên cang. Nếu không hướng về sao Bắc Đẩu thì ta dễ đi lộn đường, cũng như Bính Đinh đi tìm hỏa ở một nơi khác. Lỗi tức là lầm; lỗi hướng tức là đi lạc đường.
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát; ruộng Tào khê, vườn Thiếu thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Trà Triệu lão tức là trà của thiền sư Triệu Châu. Có một tăng khách tới thì thầy hỏi:
- Thầy đến đây lần đầu hay đã đến nhiều lần rồi?
Đáp:
- Dạ con đến đây nhiều lần rồi!
Thầy nói:
- Vậy thì mời thầy đi uống trà!
Một thầy khác tới, thiền sư hỏi:
- Thầy đến đây lần đầu hay đã đến nhiều lần rồi?
Thầy đó đáp:
- Dạ con mới đến lần đầu.
Thiền sư nói:
- Vậy thì mời thầy đi uống trà!
Vị thủ tọa ngạc nhiên hỏi:
- Bạch thầy, như vậy thì có khác gì đâu! Tới nhiều lần, thầy cũng mời đi uống trà, mà mới tới lần đầu thì thầy cũng mời đi uống trà, như vậy có nghĩa là sao?
Thiền sư nói:
- Mời thầy đi uống trà!
Đó là trà của thiền sư Triệu Châu.
Mỗi người trong chúng ta phải biết nếm trà của thiền sư Triệu Châu. Nếu ở đây ba bốn năm rồi thì ta phải uống cho được trà đó; nếu mới tới một vài ngày ta cũng uống trà đó, mà nếu ta không hiểu tại sao người nào cũng phải như vậy hết thì ta cũng phải uống trà đó luôn! Tại vì nếu ta muốn tìm cái gọi là “special treatment” thì ta chết! “Special treatment” tức là muốn được biệt đãi, muốn thầy coi ta là đặc biệt, muốn đại chúng coi ta là đặc biệt, tức là ta còn kỳ thị. Cho nên trà của thiền sư Triệu Châu là một thứ trà rất đặc biệt mà mỗi người phải uống, nếu không, thì quý vị sẽ khát hoài.
Bánh Thiều Dương: Thiều Dương tức là thiền sư Văn Uyển. Có người hỏi thiền sư Văn Uyển một câu gì đó, tôi không nhớ là câu gì. Ví dụ như chủ đích của thầy Bồ-Đề Đạt-Ma khi tới đây là để làm gì? Hoặc đại ý của Phật pháp là gì? Thì thầy trả lời: “Bánh!”. Thiền sư hay mời người ta ăn bánh. Có một hôm thiền sư hỏi một thầy:
- Thầy ăn được mấy cái bánh rồi?
Người đó đáp:
- Dạ con ăn năm cái rồi.
Thiền sư hỏi thầy khác:
- Thầy ăn được mấy cái?
Đáp:
- Dạ hai cái.
Và thiền sư thường hay dùng chữ “bánh” để trả lời những câu hỏi của các vị đệ tử, cho nên thiền sư nổi tiếng là vị thiền sư hay tặng bánh cho người ta thay vì tặng những ý niệm hết sức mơ hồ của giáo lý.
Bầy thiền tử hãy còn đói khát: Dù cho ta có những thầy rất giỏi, cho ta đầy trà nhiều bánh nhưng ta vẫn chết đói và chết khát như thường. Ta vẫn khổ, ta vẫn buồn, vẫn giận nhau, vẫn ganh tị nhau như thường. Tại vì trà của thầy mời, ta không chịu uống; bánh của thầy cho, ta không chịu ăn. Bầy thiền tử: bầy là đám, thiền tử là thiền sinh. Bầy thiền tử hãy còn đói khát thì đó không phải là lỗi tại thầy.
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang: Ruộng Tào Khê là ruộng của Tổ thứ Sáu; Vườn Thiếu Thất tức là vườn của tổ Bồ-Đề Đạt-Ma. Chúng ta là con cháu, ruộng vườn hương hỏa của cha ông để lại rất nhiều nhưng chúng ta không chịu cày cấy, chúng ta đã để hoang đất vườn của tổ tiên cho nên chúng ta đói. Vườn ruộng ông cha phải tự cày là một câu thơ của thiền sư Trần Thái Tông. Lưu hoang là để hoang, không cày cấy. Tâm của ta là ruộng. Nếu ta không cày ruộng tâm thì ta không thể nào gieo trồng và tưới tẩm để có những hoa trái của hạnh phúc và giác ngộ cả.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết; lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.
Thiền sư Tuyết Phong đến thăm thiền sư Ngộ Bổn ở núi Động Sơn. Khi bước vào, thiền sư Ngộ Bổn nói:
- Muốn vào cửa thì phải có một lời nói mới vào cửa được.
Thiền sư Tuyết Phong nói:
- Tôi không có miệng!
Thầy Ngộ Bổn nói:
- Nếu không có miệng thì trả con mắt lại cho tôi, tại sao không có miệng được? Con mắt tôi giao cho anh, anh để đâu mà bây giờ anh nói anh không có miệng?
Con mắt tức là trí tuệ, tuệ giác. Lúc đó thiền sư Tuyết Phong mới liệng bó củi vác trên vai xuống. Thầy Ngộ Bổn hỏi:
- Nặng không?
Thầy Tuyết Phong nói:
- Nặng lắm, tất cả mọi người trong xã hội này tới khiêng mà khiêng không nổi.
Đó là điển tích gieo bó củi của thầy Tuyết Phong.
Nẩy bông đèn là câu chuyện của hai thầy trò nhà kia, thầy là Long Đàm, trò là Đức Sơn. Trò vào tham vấn thầy xong, khi bước ra ngoài thì thấy trời tối om. Đức Sơn bước vào bạch thầy: “Bên ngoài trời tối om, con không thấy gì cả.” Long Đàm mới thắp đèn lên rồi đưa cho Đức Sơn. Đức Sơn vừa cầm lấy cây đèn bước ra, thì Long Đàm gọi Đức Sơn lại. Tưởng thầy gọi có chuyện gì, Đức Sơn bước tới gần thì Long Đàm thổi phụt một cái làm cây đèn tắt! Bóng tối đến một cách đột ngột. Và Đức Sơn đột nhiên giác ngộ, mọi kiến chấp đều tan vỡ. Đó là sự tích “Nẩy bông đèn”.
Nhân mang mới nết: Nết tức là giỏi. Tự thân mình đã đi qua cái kinh nghiệm đó, gọi là mang. Nhân mang mới nết nghĩa là vì lý do ta đã trải qua những kinh nghiệm đó (mang bó củi, mang cây đèn) cho nên mới đạt tới cái thấy đó, ta mới trở thành người giỏi.
Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang: Lộc đào hoa là nói về thiền sư Linh Vân. Thấy những lộc hoa đào nở, thiền sư Linh Vân tiếp xúc được với bản môn, với mầu nhiệm của pháp thân, và thiền sư giác ngộ.
Nghe tiếng trúc, là nói đến thiền sư Hương Nghiêm: Có một lần sư phụ trao cho thầy Hương Nghiêm công án: “Hãy cho tôi biết mặt mũi của thầy trước khi cha mẹ thầy sinh ra như thế nào?” Thầy Hương Nghiêm mang công án đó về để khảo cứu. Thầy học rất giỏi, thuộc rất nhiều kinh, nhưng đến khi bị thiền sư hỏi thì thầy không trả lời được. Cho nên thiền sư mới nói tất cả những gì mà thầy đã học đều hoàn toàn vô ích, không giúp gì cho đời sống của một người tu hành cả. Thành ra thầy giận. Không giận sao được! Mình giỏi như vậy mà thầy nói mình là zero thì chịu sao nổi. Và thầy về đốt hết tất cả kinh điển, sách vở rồi thầy rút về một cái am nhỏ lo cuốc đất trồng khoai thôi. Một hôm, đang khi cuốc đất, cái cuốc của thầy chạm vào một hạt sỏi, và hạt sỏi đó văng vào một thanh trúc kêu một tiếng "cóc". Nghe tiếng "cóc" của thanh trúc đó, tự nhiên tâm tư thầy bừng nở và thầy giác ngộ! Đó là chuyện nghe tiếng trúc. Tiếng trúc đó nếu tới trước khi thầy buông bỏ cái ý niệm cho rằng mình giỏi thì chắc là không có kết quả.
Mặc vẻ mà sang: là nói tới thiền sư Linh Vân và thiền sư Hương Nghiêm. Một thầy nhìn hoa đào mà giác ngộ, một thầy nghe tiếng sỏi chạm vào thân trúc mà giác ngộ. Hai thầy là hai ông thầy sang nhất trong tất cả các ông thầy sang!
Giáo pháp
Trong hội thứ Chín, hội khó nhất của bài Cư Trần Lạc Đạo, chúng ta đã duyệt qua một số những cơ quan, những công án, những pháp thức của các thầy ngày xưa đã sử dụng để tháo gỡ những cái kẹt cho học trò của họ.
Nhân đây ta nói tóm lại những nguyên tắc thực tập chính của thiền tông Trung Hoa:
1- Nương vào tự lực hơn là tha lực. Chúng ta biết rằng trong các tông phái của Phật giáo, có tông phái căn cứ vào tha lực nhiều hơn (tức là nương vào sức của Bụt và Bồ tát). Còn tu thiền là ta phải có đức tin ở nơi ta, nơi tâm thức của ta. Đó là một nét chính của thiền. Ở alaya thức có một khả năng tháo gỡ những đau khổ, những cái kẹt của ta, và đưa lại tuệ giác và hạnh phúc ở trong ta. Vì vậy cho nên ta phải tin rằng từng bước chân thiền hành hay từng hơi thở chánh niệm có công năng đem lại hạnh phúc và tuệ giác cho ta chứ ta đừng có đặt đức tin vào nơi ông thần ông thánh nào xa xôi! Người tu thiền là phải có niềm tin ở nơi tự lực (self-relying), chứ không cầu khẩn những thế lực bên ngoài.
2- Chú trọng tới thực tập hơn là kiến thức. Có những truyền thống mà trong đó họ học rất nhiều, học thuộc lòng luôn cả tam tạng kinh điển! Và họ nói thao thao bất tuyệt về tất cả các vấn đề. Nhưng con người của họ không có thay đổi. Những đau khổ, những cái họ mắc kẹt vẫn còn y nguyên. Cho nên những kiến thức đó giúp họ rất ít, đôi khi cũng không có giúp được gì. Vì vậy cho nên thực tập thiền là phải chú trọng về sự thực tập của chính ta nhiều hơn là kiến thức mà ta chứa chất mỗi ngày.
3- Thiên về nhập thế hơn là xuất thế. Tức là không có cầu thoát ra khỏi cõi này mà đi tới cõi khác, tức là ta phải ôm lấy chỗ này làm quê hương của ta. Tịnh độ là đây, đây là tịnh độ.
Đó là ba nguyên tắc. Còn về phương pháp thì thiền có hai phương pháp:
1- Sử dụng ngôn ngữ sinh động hơn là giáo lý cứng ngắt. Ngôn ngữ sinh động dịch tiếng Anh là living words. Ví dụ như khi đệ tử hỏi: “Mục đích của thầy Bồ Đề Đạt Ma tới đây là để làm gì?” Thiền sư trả lời: “Ăn bánh chưa?” hay “Uống trà đi!” Đó là ngôn ngữ sinh động. Nó không hẳn là phải có những danh từ Phật giáo, phải sử dụng danh từ chân như, bản thể, bát chánh đạo... Chỉ cần nói: "Uống trà đi con!” hay “Ăn cơm cho đàng hoàng đi!”, “Mình đang ở đâu đây?”, “Con có thấy mặt trăng đã lên chưa?”, “Này con, con có thấy cây tùng ở trước sân chùa hay không?"... Không có danh từ Phật giáo gì hết, nhưng chính nó làm bung ra được chánh niệm, sự giải thoát.
Có một câu chuyện mà trong đó chú đệ tử lên than phiền:
- Bạch thầy, con ở đây đã được ba năm rồi mà thầy chưa dạy cho con cái gì quan trọng hết. Thầy mới dạy thở vô thở ra thôi! Và ở đây, con gánh nước, nấu cơm..., con làm đủ hết tất cả mọi cái cho thầy hạnh phúc mà thầy chưa chịu dạy cho con cái gì cao siêu hết.
Thầy gọi:
- Sư chú ơi?
Sư chú:
- Dạ.
Thầy lại gọi:
- Sư chú ơi?
Sư chú:
- Dạ!
Rồi thầy hỏi thêm một lần nữa:
- Sư chú ơi?
- Dạ!!!
Sư chú rất lấy làm ngạc nhiên, tại sao sư chú dạ tới hai ba lần mà thầy còn cứ gọi. Lúc đó, nhìn vào mặt sư chú, thầy nói:
- Hồi nãy, nghe sư chú nói thầy có cảm tưởng thầy không có dễ thương với sư chú, nhưng thiệt ra là sư chú không có dễ thương với thầy. Thầy gọi chú ba lần như vậy mà chú chỉ có dạ thôi. Tiếng gọi của thầy rất thân thiết, để gọi sư chú trở lại, để thấy thầy và sư chú là một. Đó là những cái gì quý nhất của thầy, thầy đã trao cho chú rồi.
Đó là ngôn ngữ sinh động. Tại vì giây phút giác ngộ, giây phút chứng nhập vào bản môn có thể xảy ra ở ngay trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đó. Cho nên trong thiền gia mới có câu nói đói thì ăn, khát thì uống, và nhờ đó mà đạt đạo. Khi ăn thì phải ăn cho thật sự, uống thì phải uống cho thật sự, chứ đừng có trong khi ăn hay trong khi uống mà cái tâm của mình đang ở đâu khác. Và vì vậy trong ngôn ngữ thiền không phải là ngôn ngữ của con vẹt, lặp lại những điều Bụt nói. Chúng ta phải học như thế nào để đừng kẹt vào ngôn ngữ chết.
2- Chủ trương dùng thuốc xổ nhiều hơn thuốc bổ. "Ăn mày công đức" nhưng vào ruột thì không tiêu! Nó trở thành những cặn bã và vì vậy có thêm bao nhiêu đi nữa cũng không có ích lợi gì cả. Thiền sư giỏi là phải cho thuốc xổ và rất ít thuốc bổ. Tại vì khi xổ rồi, cái ruột của ta sạch rồi và nó sẽ tiếp nhận chất bổ rất dễ dàng. Ai trong chúng ta mà không có chất độc ở trong tâm? Chính những chất độc đó làm cho ta không có hạnh phúc, ta không tiếp nhận hạnh phúc đó được. Thuốc xổ mạnh hơn thuốc bổ!
Nếu nắm được những nguyên tắc này thì ta không cần phải bắt chước các thiền sư. Ta phải làm thế nào để cho ngôn ngữ của ta là ngôn ngữ sinh động mà không phải là giáo lý khái niệm. Ta phải làm thế nào để bản thân của ta xổ được và giúp cho những người học trò của ta xổ được.
Năm 1964, tôi có xuất bản một cuốn sách gọi là Đạo Phật Hiện Đại Hóa. Tôi đã nêu ra ba nguyên tắc của sự thực tập:
1- Sự có mặt vô hành của đạo đức. Vô hành là không có làm gì cả. Đạo tức là chứng đạo, là cái thấy. Đạo đây không có nghĩa là con đường. Đức là năng lượng tích cực phát xuất từ đạo, tức là sự vững chãi, sự thảnh thơi và sự an lạc. Khi đạt tới một cái thấy thì tự nhiên ta có yếu tố của sự vững chãi, thảnh thơi, an lạc, và những yếu tố đó không cần phải diễn dịch ra hành động là đã có lợi ích cho cuộc đời lắm rồi. Đó gọi là sự hiện diện vô hành của đạo đức.
2- Sự có mặt của ngôn ngữ đạo đức. Ngôn ngữ đạo đức này chính là ngôn ngữ sinh động. Khi ta có an lạc, vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc thì tự nhiên ta phát xuất ra một thứ ngôn ngữ truyền đi được những chất liệu vững chãi, thảnh thơi và an lạc đó. Và khi người ta nghe, người ta cảm nhận liền lập tức những chất liệu đó. Ngôn ngữ đạo đức là thứ ngôn ngữ phải có ở trong thời đại của chúng ta. Khi một người tu mà không đạt được một cái thấy, thì con người tu đó sẽ không đạt được thứ ngôn ngữ đạo đức. Thứ ngôn ngữ đạo đức này là do chúng ta sáng tạo ra qua sự chứng đạo mà không phải rút tỉa từ kinh điển. Và mỗi thời đại phải cần ngôn ngữ đạo đức phù hợp với thời đại đó.
3- Sự có mặt hữu hành của đạo đức. Hữu hành tức là diễn đạt ra bằng hành động. Ví dụ như ta giúp con nít đói, nuôi những người khuyết tật... Những hành động đó không được gọi là những hành động xã hội tại vì nó phát xuất từ cái thấy, từ tình thương của chúng ta. Nếu chúng ta không có đạo đức vô hành thì những hành động của ta không thể gọi là những hành động của đạo đức được. Cho nên một tác viên xã hội đi làm ở ngoài đời để giúp người cùng khổ thì người đó chỉ làm với tư cách một người làm thuê thôi. Nhưng nếu người tác viên đó có cái thấy, cái thương, cái hiểu, cái vững chãi, cái thảnh thơi và an lạc, thì khi đó hành động cứu khổ của người tác viên là hành động đạo đức. Theo cái thấy này, thì cái căn bản là đạo đức vô hành. Có đạo đức vô hành rồi thì tự nhiên bất cứ hành động nào của ta cũng sẽ là đạo đức chân chật, và bất cứ lời nói nào của ta cũng trở thành ngôn ngữ đạo đức, ngôn ngữ sinh động mà không phải là những câu nói khô cứng, lặp đi lặp lại.
Có một điều mà chúng ta phải nhắc nhở nhau là ngày xưa các Tổ sáng tạo ra những công án và những thoại đầu để gỡ kẹt cho chúng ta. Ngày nay chúng ta có thể bị kẹt vào những công án hay thoại đầu đó. Ví dụ như xã hội hiện đang có những vấn đề rất cấp thiết mà chúng ta không quán chiếu, mà chúng ta lại chỉ để hết thì giờ suy nghĩ, quán chiếu về công án "tiếng vỗ của một bàn tay", hay "mục đích của tổ Bồ Đề Đạt Ma qua Tàu để làm gì?"... thì chúng ta hoàn toàn tách biệt ra khỏi sự sống. Vì vậy khi ở Nhật Bổn và Cao Ly, tôi đã nói rằng quí vị thực tập như thế nào để cho sự thực tập của quí vị có dính líu tới những đau khổ có thật trên thế giới ngày hôm nay và những đau khổ có thật của chính quý vị. Còn nếu quý vị thực tập mà không có dính líu gì tới những đau khổ của quý vị và của xã hội ngày hôm nay thì quý vị đang bị mắc kẹt vào những công án của các vị Tổ.
Hội thứ mười
Tượng chúng ấy: Cóc một chân không; dùng đòi căn khí.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông; há cơ tổ nay còn thửa bí.
Chúng Tiểu thừa cóc hay chửa đến, Bụt sá ngăn Bảo sở hóa thành; đấng Thượng Sĩ chứng thực mà nên, ai ghẻ có sơn lâm thành thị.
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý.
Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang; gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.
Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm ngu; say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bẳng nhau; mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý.
BÌNH GIẢNG
Tượng chúng ấy: Cóc một chân không; dùng đòi căn khí.
Chữ tượng ở đây không có nghĩa gì, là dịch từ chữ “cái”, thường để đầu những bài văn ngày xưa: Cái văn. Chúng ở đây có nghĩa là đại chúng. Tượng chúng ấy có thể hiểu là “Xin đại chúng nghe.”
Cóc một chân không: Cóc là biết. Biết rằng chỉ có một cái thôi, đó là chân không. Đó là chủ đích của sự tu học, tức là đạt được chân không. Chân không là nền tảng đích thực của mọi sự mọi vật trong cuộc sống. Tượng chúng ấy: Cóc một chân không có nghĩa là xin đại chúng nghe đây, chúng ta biết rằng chúng ta chỉ có một mục tiêu thôi, đó là đạt tới chân không.
Dùng đòi căn khí: Chỉ có một chuyện đó thôi, nhưng chúng ta phải sử dụng, phải làm theo, phải thực tập trong nhiều căn khí khác nhau. Đòi tức là theo. Dùng đòi tức là làm theo, thực tập theo. Căn khí: Căn tức là căn cơ của ta, là trường hợp riêng của ta. Ví dụ ta nói "người đó có căn tu". Nếu không có căn tu thì nói cách gì người đó cũng không tu được hết; nếu người đó có căn tu thì ngăn cản cách nào người đó cũng cứ tu. Khí tức là cái bản chất, tính chất của từng người. Khí ở đây cũng có nghĩa là dụng cụ, như trong danh từ “pháp khí” (Instrument of the Dharma). Nếu ta là một nhạc sĩ, thì ta là một khí cụ để tạo ra những âm thanh vi diệu, những âm thanh làm cho lòng người thanh thản, đẹp đẽ. Như vậy nhạc sĩ là một khí cụ. Nếu ta là một họa sĩ thì bàn tay của ta, tài năng vẽ của ta là một khí cụ. Khí cụ đó có thể thực hiện được lý tưởng của ta. Người tu nào cũng là một pháp khí cả, tức là một khí cụ để biểu dương chánh pháp. Ta phải biết sử dụng tài năng và sở trường của ta để phục vụ cho chánh pháp, đem lại sự an lạc, vững chãi, thảnh thơi cho chính ta và cho những người chung quanh.
Ai cũng có cái căn và cái khí. Nhưng căn khí của chúng ta không giống nhau, vì vậy phương pháp chúng ta đến với chân như có thể khác nhau. Cho nên mỗi người được thầy, được Tổ trao cho một then máy, một phương pháp khác nhau: người thì công án này, người thì công án kia; người thì phải được khai mở bằng cách chém con mèo ra làm đôi thì mới giác ngộ được, người thì chỉ cần để chiếc dép trên đầu mà đi. Đó là những then máy, những phương tiện, những phương pháp. Người thì cần nói ngọt, người thì cần la rầy, người thì cần phải đánh. Có người cần phải khổ đau một thời gian thì mới thoát ra được. Mỗi người có một căn khác và khí khác nhau. Người nào cũng phải tự qua cầu, người khác không thể qua giùm cho mình được.
Vậy thì chúng ta chỉ có một việc cần phải được thực hiện thôi, đó là đạt tới chân không. Nhưng để đạt tới chân không, chúng ta có nhiều con đường khác nhau, nhiều phương pháp khác nhau, tại vì mỗi người trong chúng ta có những căn, khí khác nhau. Cóc một chân không, dùng đòi căn khí có nghĩa là như vậy.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông; há cơ tổ nay còn thửa bí.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông: Lý do là trong tâm ta có một cái kẹt nào đó và chính cái kẹt đó làm cho sự lưu thông bị nghẽn đọng lại. Tuệ giác, lòng thương yêu và sự hiểu biết đều có ở trong ta, nhưng tại vì ta có một cái kẹt ở trong tâm, khiến cho tuệ giác đó, tình thương đó, hiểu biết đó không biểu hiện ra được. Khôn có nghĩa là khó. Khôn thông là khó có thể có sự thông suốt, thông cảm.
Há cơ tổ nay còn thửa bí: Không phải những then máy của chư Tổ đưa ra cho ta thực tập có chỗ thần bí, khó hiểu hay là bế tắt. Chữ bí này có thể hiểu là thần bí. Ngài nói cái gì mà con chẳng hiểu gì cả! Lỗ tai con nghe công án của ngài giống như con bò nghe nhạc của Chopin[1]. Thửa bí tức là chỗ còn bí. Thửa thấy thửa nghe là chỗ thấy chỗ nghe. Đôi khi trong lòng ta có một cái kẹt mà chính ta cũng không biết, ta lại nói cái công án của Tổ đưa cho ta còn có những cái bí hiểm ở trong đó.
Khi Tổ hay thầy đưa cho ta một công án, đặt ta trước một hoàn cảnh, một vấn đề cần giải quyết, là vì Tổ hoặc thầy thấy ở trong ta có cái kẹt đó cho nên mới trao công án đó cho ta. Giống như trao cho ta một cái búa hay một cái kềm để ta tự gỡ chỗ bí của mình, và ta phải biết tiếp nhận cái búa đó, cái kềm đó một cách rất thông minh và với niềm tin tưởng. Chứ còn ta nói rằng cái búa đó hay cái kềm đó không thích hợp với ta thì nói như vậy, ta sẽ chẳng đi đến đâu cả! Phải thấy rằng vì trong lòng ta bị kẹt nên chưa thể có sự thông thương, chứ không phải là phương tiện của thầy, của Tổ trao cho không hoàn hảo.
Chúng Tiểu thừa cóc hay chửa đến, Bụt sá ngăn Bảo sở hóa thành; đấng Thượng sĩ chứng thực mà nên, ai ghẻ có sơn lâm thành thị.
Chúng Tiểu thừa tức là những người trong đoàn thể Tiểu thừa. Cóc hay chửa đến tức là sự giác ngộ, sự hiểu biết của họ chưa đến nơi đến chốn. Những người có cái nhìn chật hẹp, cố chấp thì được gọi là tiểu thừa, chứ kinh điển và giáo thì không có phân biệt tiểu thừa hay đại thừa. Chúng Tiểu thừa cóc hay chửa đến: Đối với những người Tiểu thừa, sự hiểu biết và giác ngộ của họ chưa được hoàn hảo. Họ có sự hiểu biết, sự giác ngộ nhưng chỉ có nửa chừng thôi (chửa đến). Cóc là biết, gốc của nó là chữ giác (giác ngộ).
Bụt sá ngăn Bảo sở hóa thành: Đức Thế Tôn đâu có ngần ngại tạo ra phương tiện gọi là Bảo sở hóa thành. Bảo sở tức là một nơi có nhiều châu báu, một núi châu báu, nơi mà tất cả chúng ta đều muốn đi tới tại vì biết rằng khi tới núi châu báu đó thì tất cả chúng ta đều được giàu sang: giàu sang về hiểu biết, giàu sang về thương yêu, giàu sang về vững chãi và về thảnh thơi. Nhưng đi được nửa đường, mọi người thấy mỏi mệt và tâm của họ muốn thối lui. Gặp một vài khó khăn, cái tâm muốn dừng lại, muốn bỏ cuộc trở về. Bụt thấy được cái tâm đó cho nên Bụt nói: Đừng có dừng lại! Đừng có trở lui, tại vì cách đây năm, mười dặm thôi, có một thành phố nhỏ. Chúng ta có thể vào thành phố đó nghỉ ngơi một đêm. Khoẻ khoắn rồi thì hôm sau chúng ta sẽ đi tiếp. Nửa chừng bỏ lỡ là rất uổng. Và Bụt đã hóa ra một thành phố ảo thuật (hóa thành), tất cả mọi người đều vui mừng đi vào trong thành phố đó để tắm gội, ăn uống và nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, họ không muốn tiếp tục đi nữa, cho rằng ở đây sướng quá rồi, tại sao họ phải đi đâu nữa. Bụt nói: Đây chưa phải là mục đích của chúng ta. Mục đích của chúng ta là trái núi châu báu kia. Quí vị phải bỏ thành này đi thì mới có thể đến núi châu báu kia được. Sau khi nghe Bụt khai thị như vậy, mọi người buông bỏ thành phố ảo thuật, tiếp tục lên đường, và cuối cùng họ tới được trái núi có nhiều châu báu.
Cái gọi là Niết bàn của Tiểu thừa cũng giống như vậy. Tức là khi người ta đau khổ quá, người ta muốn đạt tới sự an ổn của tâm lý để cho khỏi khổ. Khi đạt tới được trạng thái an ổn của tâm lý thì người ta cho là đã đủ rồi và họ không muốn đi thêm nữa. Bụt nói mục đích của chúng ta không phải là dừng lại ở đây để tìm một sự an ổn tương đối cho tâm hồn, mà chúng ta phải đi nữa, phải đạt thành thánh quả để cứu độ tất cả chúng sanh.
Tóm lại, những người gọi là Tiểu thừa thì họ mãn ý với cái thành phố ảo thuật (hóa thành), và Bụt dạy kinh Đại thừa để cho họ bỏ cái thành phố đó ra mà đi tới một mục đích cao cả hơn, gọi là Bảo Sở. Bảo sở hóa thành là một phẩm trong kinh Pháp Hoa.
Đấng Thượng Sĩ chứng thực mà nên, ai ghẻ có sơn lâm thành thị: Đấng Thượng Sĩ ở đây là Tuệ Trung Thượng Sĩ, tức là bác họ của Trúc Lâm Đại Sĩ. Chữ Thượng Sĩ này cũng có thể hiểu là các vị Bụt, các vị Bồ tát, nhưng ở đây kỳ thực là nói về ông bác của Trúc Lâm Đại Sĩ Trần Nhân Tông. Tại vì uy tín của Tuệ Trung Thượng Sĩ thời đó rất lớn. Chứng thực tức là đi vào được thực tại của chân không, cho nên thành tựu được đạo quả. Chứng có nghĩa là kinh nghiệm trực tiếp. Tiếp xúc được với thực tại một cách trực tiếp gọi là chứng thực mà nên. Mà nên có nghĩa là mà thành công trên con đường tu học.
Ai ghẻ có sơn lâm thành thị. Ghẻ đây tức là phân biệt, chia rẽ, kỳ thị. Thượng Sĩ đâu có ở trên núi? Thượng Sĩ ở ngay trong cuộc đời bụi bặm mà Thượng Sĩ đã có thể thành tựu được đạo nghiệp. Thành ra ta đừng nói là phải bỏ thành phố, phải bỏ cuộc đời bụi bặm để đi vào rừng, lên non cao thì mới đi vào sự giác ngộ được. Đây là những hạt giống của tư tưởng đạo Bụt nhập thế, đạo Bụt đi vào cuộc đời mà chúng ta đang nghe nói đến ở các nước Tây phương (Engaged Buddhism).
Ý niệm đạo Bụt nhập thế phát xuất từ Việt Nam. Nó phát xuất từ những sách vở, từ những bài giảng của tôi trong thời chiến tranh Việt Nam, và sau đó tổ chức Buddhist Peace Fellowship ở Hoa Kỳ đã phát triển ý niệm Engaged Buddhism đó. Hiện nay ý niệm đạo Bụt nhập thế đã trở thành một ý niệm rất phổ thông ở tại Âu châu và Mỹ châu.
Chúng ta biết rằng đạo Bụt nhập thế đã có lâu đời tại Việt Nam, và ở trong bài này, chúng ta có một chứng cớ trong nhiều chứng cớ, đó là ở ngay trong cuộc đời bụi bặm mà có thể sống được an lạc với chánh pháp, gọi là Cư Trần Lạc Đạo. Ai ghẻ có sơn lâm thành thị? Ai phân biệt? Ai chia rẽ sơn lâm và thành thị? Ở đâu cũng tu được hết chứ không phải chỉ lên núi mới tu được.
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý.
Núi hoang tức là núi không có người ở; rừng quạnh là rừng vắng vẻ không có người. Dật sĩ tức là những người muốn rút lui, những người ưa sống ẩn dật. Sĩ là người; dật tức là lui về, lui về vườn, về núi hay về rừng. Tiêu dao là sống một cách thoải mái, tâm không bận rộn. Chúng ta có câu hát “Tâm không ràng buộc, tiêu dao tháng ngày”...
Chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý: Ngày xưa chúng ta gọi chùa là chiền, cửa chiền. Mà chữ chiền này có liên hệ tới chữ thiền. Chiền là cách phát âm rất Việt Nam của chữ thiền. Cửa chùa, người Việt gọi là cửa thiền. Tiếng Hán-Việt là Thiền môn. Chiền vắng am thanh: chùa và am thanh vắng. Am thì nhỏ hơn chiền. Am thì có thể ở một người, nhưng chiền thì ở nhiều người. Chỉn thực cảnh đạo nhân du hí: đó đích thực là cảnh mà các bậc đạo nhân ưa thưởng thức. Du là đến; hí là vui chơi. Đạo nhân là người tu đạo. Thi nhân là người làm thơ. Chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hí: Chùa và am thanh vắng, đó đích thực là cảnh trí mà các người tu đạo ưa thích tới và thưởng thức.
Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang; gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.
Những người giàu sang khi cưỡi ngựa thì cưỡi những con ngựa rất cao, che lọng thì dùng lọng rất lớn. Tán tức là lọng của những kẻ quyền quí, những ông quan, ông vua, những người giàu. Khi ỷ thế giàu có, họ đi nghênh ngang ngoài đường và không coi người đi bộ có “kí-lô” nào hết. Nhưng nghêng ngang ở trần thế thì được, khi chết xuống Âm Phủ thì Diêm Vương đâu có đối xử đặc biệt cho họ được? Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang: Thành ra anh nghênh ngang hôm nay thì coi chừng ngày mai xuống dưới đó anh nghêng ngang không được nữa đâu!
Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý: Yêu quý ở đây có nghĩa là quyền quý, sang trọng, chứ không phải là yêu mến, quý trọng đâu, Cũng như “châu yêu ngọc quí” tức là châu ngọc mà nhiều người ham hố. Chữ yêu quý chỉ có nghĩa là sang trọng, quyền quý. Nếu hiểu là “thương yêu quý trọng” tức là hiểu sai văn mạch ở trong bài này.
Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý: Gác tức là cái lầu phía trên. Gác và lầu sang trọng gọi là gác ngọc lầu vàng. Nghĩa là những người sang trọng, những người quyền quý, cả đời sống trong những gác ngọc lầu vàng, nhưng nếu có xuống thăm địa ngục thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều người sang trọng, quyền quý đó! Thành ra phải cẩn thận mới được, chứ đừng nghĩ rằng ta có một đời sống dư dả về tiền bạc thì sau này ta không khổ đau nên bây giờ ta nghêng ngang, phách lối, tự hào tự thị.
Chuộng công danh, lồng nhân ngã, thực ấy phàm ngu; say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.
Công danh tức là sự thành công về vật chất ở trong cuộc đời. Danh là tiếng tăm, những người chạy theo tiền bạc và tiếng khen. Chuộng công danh tức là những người cho rằng công danh là quan trọng nhất ở trên đời này. Đó là những người phàm ngu (thực ấy phàm ngu). Những người đó, họ lồng vào trong ngực của họ, họ lồng vào trong đời sống của họ cái ý niệm về nhân và về ngã, kỳ thị mình và người. Đó là những kẻ phàm phu.
Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí: Say ở đây tức là mến chuộng, mến chuộng đạo đức. Dời có nghĩa là thay đổi, ở đây có nghĩa là chuyển hóa. Dời thân tâm tức là chuyển hóa thân tâm. Mến đạo đức, chuyển hóa thân tâm là điều quyết định cho ta hoàn thành được thánh trí. Thánh trí là cái hiểu biết sâu sắc về đạo, về thực tại.
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bẳng nhau; mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý.
Bẳng nhau tức là bằng nhau. Tuy anh như thế này, tôi như thế kia, người đó như thế nọ, cái tướng bề ngoài của chúng ta tuy là lạ, nhưng tất cả chúng ta đều có mày ngang và mũi dọc. Anh nhà giàu, tôi nhà nghèo; anh làm bộ trưởng, tôi làm dân quèn; anh đi xe, tôi đi bộ; anh có bằng tiến sĩ, tôi chẳng có bằng cấp gì hết,.. bề ngoài tuy có khác nhau, nhưng chúng ta đều bình đẳng trên phương diện chân như, bản thể, giác ngộ. Và khi xuống “dưới đó” thì chúng ta cũng hoàn toàn bình đẳng. Dưới đó, tức là đối diện với Diêm Vương, anh không thể nào có được biệt đãi, anh cũng như tôi thôi. Anh quen sống nghêng ngang ở trên này rồi thì anh sẽ khổ hơn tôi, tại tôi quen trên này rồi, thành ra khi xuống dưới đó tôi cũng thấy thoải mái, không sao hết! Ở trên này anh tạo địa ngục cho chúng tôi, xuống dưới đó anh lãnh đủ! Tại cái địa ngục ở dưới đó là do anh tạo ra trong thời gian anh ở trên này.
Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý: Nó có sự khác biệt là bề ngoài của anh tuy có vẻ thánh thiện, nhân đức, đạo mạo, nhưng trong tâm anh có thể là đầy những mưu chước, đầy những ác độc. “Miệng nam mô bụng một bồ dao găm” (Tục ngữ). Giữa hình tướng bên ngoài và bản chất của anh có một khoảng cách rất lớn. Thành ra nói về sự ngăn cách, sự khác biệt, thì hình tướng giữa chúng ta không tạo ra được một khoảng cách nào. Anh với tôi là một. Nhưng khoảng cách giữa bề ngoài và bề trong của anh có thể là mười ngàn lần, mười ngàn dặm, vàn vàn thiên lý. Thiên là một ngàn, vàn (vạn) là mười ngàn. Thành ra bề ngoài của anh giống như có đạo đức, có liêm sĩ, nhưng bề trong của anh rất bê bối, anh giả dối, anh ác độc, anh mưu mô. Vì vậy cho nên khoảng cách bề ngoài và bề trong của anh rất lớn. Anh phải cẩn thận! Thành ra, cái mà anh nói khác nhau, tôi thấy chẳng khác gì hết. Nhưng cái mà anh tưởng không khác nhau, tôi thấy rất khác nhau, và đó là cái bề ngoài của anh và cái bề trong của anh.
Thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý. Nhẫn là đến. Cách nhẫn tức là cách nhau đến.
[1] Fréderic Francois Chopin (1810-1849) là một trong những nhạc sĩ lừng danh của nhân loại, chuyên sáng tác nhạc cho đàn Dương cầm. Ông sinh trường tại Warsaw, Poland. Cha là người Pháp, mẹ là người Ba Lan.
Kệ kết thúc
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
BÌNH GIẢNG
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Nếu muốn thực tập theo tinh thần Cư Trần Lạc Đạo, tức là ở trong chốn bụi bặm mà có hạnh phúc với chánh pháp thì phải biết áp dụng nguyên tắc tùy duyên. Tùy duyên tức là ta phải hội nhập vào hoàn cảnh đó mà đừng có đòi hỏi điều kiện này hay điều kiện khác. Tùy duyên là tùy theo những điều kiện đang có đó, đừng có nói rằng: "Nếu không có những điều kiện này thì tôi sẽ không ở đây! Tôi sẽ không có hạnh phúc." Nói như vậy là không có tùy duyên. Phải biết chấp nhận và hạnh phúc với những điều kiện sẵn có, gọi là tùy duyên. Chỉ cần biết chấp nhận là thấy khoẻ liền, là lạc đạo liền. Nếu không biết chấp nhận thì đi đâu ta cũng không có hạnh phúc. Đó là nguyên tắc đầu của Cư Trần Lạc Đạo.
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Đây là nguyên tắc thức hai: Đói thì ăn, khát thì uống. Cái chữ đói ăn khát uống trong thiền môn không có nghĩa là mình sống theo cái bản năng của mình đâu. Nếu ai hiểu như vậy là chết thiền! Đói ăn khát uống tức tức là ta phải thật sự ăn, ta phải thật sự uống. Tại vì đã có những người chết khát ở bên bờ sông. Chúng ta mỗi người đều có những nhu yếu đích thực, và tu tập trước hết là tìm ra được những nhu yếu nào là những nhu yếu đích thực của mình, như là đói thì phải ăn, khát thì phải uống. Tại vì có những nhu yếu không đích thực, ta có thỏa mãn nó hay không thỏa mãn nó cũng không có quan trọng. Mà đôi khi chạy theo những nhu yếu không đích thực này, chúng ta còn làm tan nát cuộc đời của chúng ta. Những cái không cần mà chúng ta cứ tưởng là cần rồi chạy theo chúng thì mất hết đời của chúng ta, mà nắm được chúng trong tay thì chúng làm bỏng tay ta, phá tan cơ thể và tâm hồn của chúng ta. Đó là những nhu yếu không đích thực.
Khi thấy được những nhu yếu nào là đích thực và những nhu yếu nào là không đích thực thì ta đã đi một bước khá lớn ở trên con đường tu học rồi. Phải quán chiếu để thấy cho rõ những nhu yếu đích thực của mình. Và khi quán chiếu thấy được đó là nhu yếu cần thiết để có được vững chãi, có thảnh thơi, có an lạc, thì tự nhiên ta sẽ thực tập theo nguyên tắc đói ăn khát uống. Tức là hằng ngày ta chỉ ăn và uống cái đó thôi, còn thì ta từ chối tất cả những cái khác. Ta cần vững chãi, ta cần thảnh thơi, ta cần an lạc, thì ta phải biết bản chất và phương pháp để làm thỏa mãn những nhu yếu đó của ta. Khi nào buồn thì ta biết làm thế nào để cho bớt buồn, khi nào giận thì ta biết làm thế nào để cho bớt giận, khi nào cô đơn thì ta biết làm thế nào để cho hết cô đơn, khi nào thiếu vững chãi thì ta biết làm thế nào để đem vào tâm hồn mình những chất liệu vững chãi... Đó là đói ăn khát uống. Nếu không có đói thì đừng có ăn, ăn vào là chết đó! Nếu không khát thì đừng có uống, uống những cái đó vào là chết!
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đây là nguyên tắc thứ ba: Trong nhà chúng ta đã sẵn có châu báu, đừng có đi tìm ở đâu xa nữa. Gia trung là trong nhà. Hữu bảo là có châu báu. Hưu là ngưng lại. Tầm mịch là tìm tòi, tìm kiếm. Đừng có chạy đi đâu để tìm kiếm nữa hết vì những cái ta cần đã có sẵn ở trong ta rồi.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Đối cảnh vô tâm là nguyên tắc thứ tư. Cảnh là những cái gì đang xảy ra ở trước mặt ta. Những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của ta thì ta phải biết đáp ứng lại với những sự kiện đó bằng thái độ vô tâm. Vô tâm không có nghĩa là không có chánh niệm. Theo phương pháp tu chánh niệm là cái gì đang xảy ra thì ta biết là cái gì đang xảy ra, đang xảy ra trong lòng ta hay đang xảy ra xung quanh ta, và ta phải ý thức được nó với phương pháp vô tâm. Vô tâm ở đây có nghĩa là không vướng mắc cũng không chán ghét. Tức là ta không bị vướng vào trong hai cực: tham đắm và chán ghét. Chán ghét là một thái cực và tham đắm là một thái cực khác. Một bên là dính như múi mít, một bên là sợ bỏ chạy, thoát ra khỏi cả hai cực này thì tự nhiên ta sẽ có an, có lạc. Cái đó gọi là xả. Đó là chất liệu của tự do. Nếu ta muốn thật sự có hạnh phúc, có tự do thì ta phải có thái độ vô tâm. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền: nếu ta có thể đối cảnh vô tâm thì đừng có hỏi tới thiền làm gì nữa! Ta đã nắm thiền quá vững rồi. Mạc vấn thiền là đừng có hỏi về thiền nữa.
Nếu chúng ta có thể làm được bốn nguyên tắc trên thì hỏi về thiền làm gì nữa !
TỔNG LUẬN
Chúng ta thấy bài Cư trần Lạc đạo của Trúc Lâm Đại Sĩ rất có giá trị thực tiễn, không phải là lý thuyết. Cố nhiên bài này nói lên được cái thái độ và phương pháp tu học của Trúc Lâm Đại Sĩ, một ông vua đã xuất gia, đã thành đạo và đã sáng lập ra được một tông phái thiền rất có tính cách thiền học. Đó là thiền phái Trúc Lâm.
Chúng ta may mắn được đọc tác phẩm này chung với nhau. Phần sau được dịch theo văn mới để con cháu ta đọc có thể hiểu được dễ dàng. Chúng ta cũng có thể dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp.