Theo đạo Phật thì không hề có định mệnh hay số phận, mà tất cả do duyên và nghiệp ta đã tạo.Con người ta gắn bó với nhau là nghiệp duyên. Ta từng tạo nghiệp xấu thì hãy cứ trả một cách thản nhiên.
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.”[1]
Có lúc nào đó, ta ngồi ngân nga vu vơ câu thơ trên như nói rằng ta đang buồn mà không thể biết được lí do. Hay rồi có lúc thì:“khi vui lại khóc, buồn tênh lại cười”, phải chăng tâm trạng con người đặc biệt là nỗi buồn thật là khó hiểu, khó giải thích đến nỗi có khi ta không thể hiểu được chính bản thân ta.
Buồn - vui, là những cảm xúc của con người, là sự rung động mà theo tâm lý học là những phản xạ có điều kiện trước hiện thực, và trong quá trình nhận thức nó đưa đến một tình cảm chủ đạo về đối tượng mà ta hướng đến. Và từ đó nó ngày càng lây lan, di chuyển, tương phản và pha trộn, có khi “giận mà thương”, lúc thì “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”!
Bởi thương, yêu mà mang đến hạnh phúc, nhưng cũng chính vì đó mà mang lại cho người ta biết bao buồn đau, oán giận. Khi vui thì chín bỏ làm mười, thấy cái gì cũng tốt, cũng hay.
Nhưng khi gặp khổ đau thì lại quay sang trách móc: trách người, trách đời sao bạc bẽo. Biết bao nhiều câu hỏi, bao nhiêu nỗi niềm đặt ra khi ta gặp phải những cảnh ngang trái, không như ý muốn. Ta tự hỏi rằng “tại sao mình tốt, mình làm tròn bổn phận và trách nhiệm mà người thân, bạn bè lại tệ bạc, lại phủ nhận tấm chân tình và công sức của ta. Rằng tại sao mình hiền lành, lương thiện nhưng mọi chuyện không may luôn ập đến với mình mà không phải người khác?”
Thật khó tìm ra câu trả lời, hoặc có câu trả lời thì ta cũng không thể chấp nhận được sự lí giải đó. Vì dường như tất cả đều do ngoại cảnh, do người khác mang đến cho ta. Ta thấy mình không xứng đáng để đón nhận sự phũ phàng. Vậy đâu là lí do, đâu là sự thật để ta có thể chấp nhận môt cách thanh thản.
Do cái này có mặt nên cái kia mới có mặt, cái này sanh nên cái kia sanh. Bất cứ điều gì tồn tại và xuất hiện đều có lí do, lí do thì gồm có nguyên nhân và mục đích nhưng lí do chỉ là lí do khi nó thực sự đầy đủ. Vậy nếu chỉ xét đến cái lí do bên ngoài tác động đến ta, chi phối hành động của ta, dẫn kết kết quả ta đạt được thì e rằng chưa đủ, hay nó chỉ là cái nhìn phiến diện.
Nếu nỗi buồn, niềm đau kia chỉ do người khác mang lại, do số phận ta buộc phải thế thì liệu làm sao ta có thể thay đổi được?! Vậy ta còn chấp vào nó để được gì, trong khi cái chủ quan là bản thân, là tâm ta lại không được xem xét. Đối diện với sự cố, mỗi người có một cảm nhận khác nhau. Có người đau khổ tột cùng, có người buồn rồi cũng qua, có người lại xem đó như những bài học kinh nghiệm và chấp nhận nó một cách bình tĩnh.
Cội nguồn, nguyên nhân của mọi khúc mắc, mọi hạnh phúc hay đau khổ cũng chỉ ở lòng người, là cái tâm ta vậy, nó chi phối tác động đến mọi hành vi của chúng ta. Có khi ta cũng chỉ phấn đấu vì cái tôi của chính mình, để đạt được cái mục đích khiến mình hả hê thoải mãn. Tự ta thấy mình tài giỏi, tự ta thấy mình phi thường, rồi tự ta cũng mang đến cho mình bao thất vọng bởi ta hi vọng, ta mong chờ cái điều kiện xứng đáng với bản thân mà ta phải nhận được.
Đó là cái suy nghĩ tự trói buộc bản thân, tự chấp ngã vào những điều không thật của chính ta. Dẫn đến lại tiếp tục thất bại, lại sai lầm lại nối tiếp sai lầm, tuy không cái nào giống cái nào nhưng cái cách mà ta phạm sai lầm thì chỉ có một. Bởi lẽ, con người ta thường có xu hướng hành động theo cùng một phương thức, một lề lối do ta tự vạch ra rồi lại đạp lên những vết xe đổ của chính mình.
Đức Phật đã từng ví tâm ta như cái cây, có rễ chỉ hút toàn chất ngọt nhưng cũng có rễ chỉ hút toàn chất đắng. Vậy ngọt hay đắng, hạnh phúc hay đau khổ là do chính ta chọn lựa, không ai có thể trói buộc mình, hay ban phát cho mình được. Như câu chuyện một vị Thiền tăng trẻ tuổi tìm đến ngài Tổ Tăng Xán mà xin được giải thoát, Ngài đã hỏi lại vị Thiền Tăng ấy rằng: “Ai trói buộc người mà giải thoát”. Ngay lúc ấy vị thiền tăng đã ngộ liền.
Đối với chúng ta những đệ tử của Phật, cũng ít nhiều hiểu được thập nhị nhân duyên, nhân quả, vô thường, vô ngã, giới, định, tuệ, thường đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh,... Và có lúc ta cũng đã nhận diện được tâm mình đang ở đâu, biết được “ta là ai” giữa cõi ta bà tạm bợ này.
Thế nhưng có khi hiểu cũng rồi thôi, rồi cũng tự biện bạch cho những hành động của mình bằng vô số lí do hoặc hiểu đấy nhưng không đủ năng lực để thực hành và vượt qua nỗi buồn, qua những bão giông cuộc đời mình. Tựa như một đứa con hư, ta mắng chửi nó hư hỏng sao không tự hỏi mình không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ chúng. Trách người yêu thương phụ bạc hay thay vì nghĩ rằng do nghiệp ta đã tạo và ta chưa sáng suốt để lựa chọn người đáng tin cậy.
Hoặc có khi nhận ra cái xấu, nhận ra người không tốt nhưng cũng chưa hẳn đã dứt ra được bởi lẽ chúng ta vẫn vấn vương một chữ “tình”. Như Nguyễn Du từng viết:
“Sự rằng phúc họa ở đời
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cội phúc, tình là dây oan”[2]
Vậy làm sao để tháo được Sợi “dây oan” kia ? Liệu ta từ bỏ nó và đoạn tuyệt, lạnh lùng được chăng?
Theo đạo Phật thì không hề có định mệnh hay số phận, mà tất cả do duyên và nghiệp ta đã tạo.Con người ta gắn bó với nhau là nghiệp duyên. Ta từng tạo nghiệp xấu thì hãy cứ trả một cách thản nhiên. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh nhưng cũng chính sự phản ứng với hoàn cảnh lại nằm trong tay con người “nghiệp duyên vốn tự mình ra. Rơi vuông tắc có thiên đường địa ngục”[3].
Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta sự tu tập nghiêm túc, học và thực hành giáo lý của đức Phật với tư duy và trí tuệ. Tất cả chúng ta đều có Phật tính, có bản tính giác ngộ. Trải qua trầm luân, cay đắng ta biết vẫn dụng giáo lí của đức Phật để nhận ra được cái quy luật thật của cuộc sống. Sự an lạc, cảnh giới tâm từ sẽ đến mà không phải kiếm tìm. Như kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
“Người tu tâm thanh tịnh
Như giác hết lầm mê
Người tu trong chánh niệm
Tín tâm biết nẻo về”
[1] Bài thơ Chiều - Xuân Diệu
[2] Truyện Kiều câu thứ 2655 - Nguyễn Du
[3] Bài thơ Vịnh Phật- Nguyễn Công Trứ.
(Viên Anh)
Hạnh phúc cũng cần phải học
************************
Liệu bạn có hạnh phúc hơn nếu bạn giàu có hơn? Nhiều người tin rằng có. Có lẽ vì thế mà ai cũng muốn làm ra tiền thật nhiều. Với tôi, cũng có mà cũng không. Bởi “việc giàu có hơn” chưa phải là nhân tố chính quyết định hạnh phúc gia đình. Cho dù là nhân tố chính, nó vẫn phụ thuộc khá nhiều vào cách mà bạn làm ra tiền và tiêu tiền như thế nào. Nếu công việc của bạn không quá mệt mỏi đến nỗi sức khỏe của bạn bị suy giảm, cũng không căng thẳng đến mức bạn phải luôn nhăn nhó, bực bội với người chung quanh, thì tiền mang lại hạnh phúc cho bạn khi nó vẫn là nhu cầu thiết yếu của bạn. Hạnh phúc đầu tiên mà bạn nhận được là không phải lo lắng, mệt mỏi vì sự nghèo túng. Bạn có thể ăn những gì mình thích, mặc những gì mình muốn và có thể đi đây đi đó mà không cần phải tính toán nhiều. Bạn lại có thể giúp đỡ bạn bè và người chung quanh...
Tiền bạc, của cải giúp ta giải quyết được nhiều thứ trong đời, nên thường thì ai cũng nghĩ đến việc kiếm tiền, càng nhiều càng tốt. Đức Phật cũng nói nhiều về bố thí, vì bố thí là nhân chính đưa đến sự sung túc. Không có nhân tố đó dẫn đường thì dù làm việc cật lực thế nào, đời sống của bạn vẫn thiếu thốn. Phải có nhân tố đó thì khi đủ duyên, quả sung túc mới xuất hiện. Đó là lý do vì sao vẫn có những người không phải động não cật lực nhiều mà vẫn có cuộc sống khá sung túc, là nhờ cái nhân bố thí trong quá khứ.
Thường thì những việc hái ra tiền trong thời buổi hiện nay, thời mà sự cạnh tranh khá gắt gao, cá lớn nuốt cá bé, anh chị em cũng thành đối mặt trong thương trường, thì khó mà không có sự căng thẳng. Ngày còn lang thang ngoài chợ, công việc của chúng tôi chỉ là công việc rất nhỏ, sức cạnh tranh nằm trong phạm vi không lớn, nhưng không ngày nào không có căng thẳng. Ăn không được, ngủ không ngon. Nhăn, là trạng thái rất thường tôi dành tặng chồng và những người chung quanh. Tôi ít gần con mà chúng cũng không thích gần tôi. Sự bất ổn trong tâm thức khiến mọi quan hệ trở thành méo mó.
Khi không có tiền, tôi nghĩ có tiền mọi thứ sẽ tốt hơn. Nhưng khi có tiền để giải quyết những việc đó rồi, lại thấy nảy sinh thêm nhiều việc khác. Tôi lo cho con đầy đủ hơn trước nhưng tình cảm gia đình ngày mỗi xa. Có thể mua cho mình một chiếc nệm tốt, nhưng lại không thể mua cho mình một giấc ngủ ngon như ngày nào. Xưa muốn ăn thứ gì cũng khó, giờ thứ gì cũng có thì không muốn ăn. Sách thích đọc thì không mua nổi, giờ mua nổi thì không còn thời gian để đọc. Mọi thứ đều phải dồn hết cho công việc, không có thời giờ chăm sóc bản thân. Đó là những nghịch lý mà tôi đã không lường hết khi muốn giàu có.
Đi từ cực này sang cực kia để hiểu nghèo hay giàu đều có cái vui và khổ của nó. Không phải có tiền là có hạnh phúc, còn phụ thuộc nhiều thứ khác nữa.
Tôi đã không giải tỏa được những căng thẳng phát sinh đối với công việc đang làm, cũng không thể làm chủ những cảm xúc phát sinh từ sự căng thẳng, nên tôi không thấy hạnh phúc khi có tiền. Có thể bạn sẽ hạnh phúc hơn tôi, vì bạn giải tỏa được những căng thẳng không đáng có. Bạn định tĩnh được trong việc giao tiếp, giữ các mối quan hệ được tốt đẹp. Tôi thì không đủ sức làm điều đó nên chỉ thấy nhọc nhằn. Nhưng cũng không thể từ bỏ công việc để trở lại cảnh cũ ngày xưa. Không ai can đảm bước lùi khi vật chất đang là thứ cần thiết với mình.
Con người cứ loay quay luẩn quẩn trong những nghịch lý của chính mình mà không nhận thấy.
Để được nhẹ nhàng hơn với những gánh nặng tồn đọng từ quá khứ, thay vì phải đặt gánh xuống, ta lại chất thêm lên để hiện tại mệt mỏi và tương lai gánh nặng hơn.
Ta tiêu phí sức khỏe cho việc kiếm tiền rồi dùng tiền ấy đi tìm sức khỏe.
Ta bán đi cái đức để tìm kiếm tiền bạc rồi lại dùng tiền bạc mua lại cái phước.
Ta tự tạo cho mình những nghịch lý nên cuộc đời nhận lại cũng chất đầy những nghịch lý.
Phụ thuộc vào cách tiêu tiền
Không phải chỉ có cách làm ra tiền đóng vai trò quan trọng trong việc tìm thấy hạnh phúc mà cách sử dụng đồng tiền cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hạnh phúc của mình.
Nhiều người làm ra tiền và rất biết cách tận dụng đồng tiền. Một cuộc sống vương giả cho bản thân và gia đình. Nhà cửa, xe hơi, ăn mặc, cho đến những hội hè đình đám sang trọng rất tốn hầu bao. Tiền trở thành nắm ruột. Vì là nắm ruột nên “làm cách nào để có tiền” được xem trọng hơn “không nên làm những việc không nên làm dù việc ấy có mang lại lợi nhuận khổng lồ”. Đó là nhân tố mang lại cho ta cái quả không tốt trong tương lai. Nói tương lai, là muốn nói đến phần hậu của cái nhân đã được gieo. Nó có thể xuất hiện ngay trong kiếp này, liền sau đó. Cũng có thể sang kiếp sau hoặc kiếp sau nữa.
Cho nên, khi chàng thanh niên ở thành Xá Vệ hỏi làm thế nào để sống được an vui, Phật dạy 4 điều:
1. Có công ăn việc làm nuôi sống bản thân và luôn trau dồi công việc cho tốt.
2. Tiền kiếm đúng pháp rồi phải biết giữ gìn không để mất.
3. Phải biết chi thu cân đối, không thể thu ít mà chi nhiều. Cũng không nên thu nhiều mà tằn tiện đến mức không dám chi tiêu. Thu chi biết chừng mực thì cuộc sống an vui.
4. Sống chừng mực không buông lung, không giả dối…
Trước hết, phải có một công việc nuôi sống bản thân. Một công việc không mang tính phi pháp. Vậy thì đồng tiền kiếm được mới đúng pháp. Tiền kiếm được đúng pháp rồi còn phải biết gìn giữ và chi thu cân đối. Điều đó đồng nghĩa với việc không tiêu xài phung phí, có một khoản để dành phòng khi cơ nhỡ và chừa ra một ít để cúng dường bố thí, gieo cái phước sung túc cho tương lai(1).
Xã hội ngày nay, thực tế không đơn giản như thế. Không phải ai cũng được như chàng trai đó, một công việc lương thiện cho một thu nhập nuôi thân và để dành, mà có khi sống đúng với lương tâm lại không đủ tiền nuôi con. Phải lem nhem chút gì đó mới đủ tiền mà sống. Cái khó ló cái khôn. Một cái khôn không mấy lương thiện. Song điều đó mình có thể thông cảm. Cái đáng tội là chúng ta ít phân biệt được đâu là đủ và đâu là dư. Lem nhem bây giờ không chỉ để đủ mà còn để dư. Dư quá độ, dư đến nỗi người khác phải khổ sở. Không phải một người mà hàng ngàn người. Lại mang cái dư ấy tống vào những việc không hay như rượu chè, trai gái, cờ bạc, la cà đình đám hý viện v.v… Một sự sung túc khiến xã hội nghèo đi, người khổ càng thêm khổ. Thông cảm trở thành oán hận. Nếu không tỉnh giác mà lìa bỏ, cái nhân oan nghiệt ấy sẽ đưa đến cái quả bất hạnh trong tương lai. Cũng khó mà xóa đi nỗi oán hờn của người trong cuộc. Hiện nay, mình thấy có những cái chết khá vô duyên. Đều có cái nhân oan nghiệt từ trước. Vì thế, Phật dạy muốn an vui thì phải kiếm tiền đúng pháp, có tiền rồi thì phải biết ăn tiêu vừa đủ. Không phung phí giả dối thì không rơi vào những việc phi pháp…
Cuộc sống của tôi không đến nỗi thiếu hụt nhưng cũng không quá dư dả. Tôi phải tằn tiện trong mọi chi tiêu. Nếp sống ngày xưa nơi cha mẹ cũng dạy tôi quen thế rồi. Mẹ đã có những bài học thiết thực để tôi thấy phung phí kinh hãi ra sao. Hình ảnh suy tàn và chết đói của những người giàu có quen thói phung phí cứ in sâu vào đầu óc non nớt của tôi, khiến tôi phải học cách tằn tiện. Nhưng hình như việc gì cũng có cái đà của nó. Việc gì cũng hay méo đi một chút để khổ đau có chỗ vươn lên. Không phung phí, tôi lại nhào khá sâu vào thói tằn tiện. Sâu đến nỗi khi có tiền rồi, trước baba sau vẫn baba. Cứ đi từ cực này qua cực kia như con lắc đồng hồ, theo quán tính mà tới, không nhận được lối vào trung đạo để đời an vui.
Chỉ tằn tiện với bản thân thì ít phiền hà đến ai. Nói vậy chứ cũng ít nhiều liên lụy. Đi đám tiệc mà cứ một bộ đồ, mặc từ lần này qua lần khác, từ năm này sang năm nọ thì người đi với mình cũng thấy mắc cỡ. Nhưng thường, đã mắc thói tằn tiện rồi, có rộng rãi với người thì cũng dưới mức… trung bình. Tại thứ người thấy bình thường, mình lại thấy phí quá. Đã thấy phí quá thì nhất định phải tằn tiện lại. Thế là, nhẹ nhất là cãi vã và hục hặc. Nặng nữa thì oánh lộn và xa nhau. Thành ra Đức Phật không chỉ nói “không phung phí” mà còn dặn “không tằn tiện”. Đó là lý trung đạo.
Trung đạo, không có nghĩa là “giữa” mà là không vướng vào bên này hay bên kia. Giàu chút, ta có quyền sống sang chút. Nghèo hơn, phải biết hạn chế bớt đi. Trung đạo cho phép ta linh hoạt trong cái duyên đang có. Miễn là đừng để sự thọ nhận đi quá đà, khiến mình phải lệ thuộc vào đồng tiền quá nhiều mà có cái quả đáng tiếc về sau.
Nhưng thường thì sướng quen rồi, giờ có việc cực chút chịu không nổi. Không phải chỉ ở mặt sướng khổ mà còn nhiều mặt khác nữa. Như vụ bất động sản hiện nay, lãi quen rồi giờ tới lỗ không chịu. Chịu lãi mà không chịu lỗ. Cứ muốn theo ý mình khi mọi thứ đã đổi thay. Không thể linh hoạt nên cứ ôm đó để rồi phá sản. Đó là cái khổ của sự chấp dính.
Chấp vào duyên trước nên không thể linh hoạt, trụ vào duyên sau khi duyên trước hết. Do chấp trước mà nảy sinh khổ não. Sống trung đạo, là tùy duyên mà không chấp trước. Tùy duyên mà chấp trước thì không phải là sống trung đạo. Khó! Nhưng sống được thì khỏi lo âu muộn phiền. Dù thăng dù trầm ta vẫn là ta…
Thân như ánh chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu lại cong
Mặc kệ thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.
(Thiền sư Vạn Hạnh)
Sống chết vô chừng. Mọi thứ như sương mai đầu cành. Thịnh suy là chuyện bình thường của thế gian. Công Đức Đại Thiên không thể rời người em gái Hắc Ám(2). Mình đã muốn cô chị nghĩa là mình đã ngầm chấp nhận cô em. Đi trưa tránh sao khỏi nắng. Nhưng mình không nhận ra điều đó, cứ mãi loay hoay với được, mất, hơn, thua. “Được” mà thích, “mất” đương nhiên phải khổ. “Được” “mất” bình thường thì Ta bà không khác Tây phương.
Khổ vì tư kiến
Thoát được tánh tằn tiện rồi mà không thoát được những định kiến của mình trong vấn đề tiền bạc thì khổ nạn vẫn chưa hết.
Có khi không phải tiếc tiền mà không cho, chỉ là vì không ưa mà không cho, là vì người đó không đáng nên không cho. Mình thấy không đáng nhưng chồng thấy đáng nên chồng cho. Thế là sinh chuyện. Vấn đề không còn liên quan đến tằn tiện mà dính líu đến tư kiến của mỗi người.
Cũng như đi chợ, có đi chợ là có trả giá. Phải người ta thách quá thì không nói, đằng này một ngàn hay năm trăm gì cũng trả giá dù tiền bạc rất dư dả. Trả đến mắt cá chân phải lồi ra. Như nhỏ bạn chợt tỉnh, tâm sự: “Bà ơi! Sao tui thấy tui ác, trái thanh long thêm có một ngàn mà tui cứ bắt nó phải bớt, bớt rồi về quăng đó”. Có những việc xảy ra không do tằn tiện mà do tư kiến và thói quen. Cứ quen như thế thì làm như thế. Không thấy rằng mình bớt đi vài ngàn thì người sẽ có thêm được vài ngàn. Vài ngàn, với mình không đáng nhưng với người có khi là một bữa ăn. Cũng như không thấy rằng, mình có cái nhìn của mình thì người cũng có nhìn của người. Mình thấy không đáng nhưng chồng thấy đáng thì hãy để chồng làm cho vui. Người vui thì mình được vui.
Cuộc đời này có những dây nhân duyên rất khó nói.
Chị không tốt với tôi. Mọi rắc rối của tôi đều từ chị ta mà ra, thành ra tôi cũng không ưa gì chị. Có điều, tôi không thể yên lòng khi thấy chị nợ nần và đau khổ. Người ngoài bảo tôi bị cái thương cảm làm cho ngu muội mà còn nói dóc không ưa. Không ưa sao cứ quan tâm. Tôi không biết giải thích sao về việc đó. Cho đến cái ngày tôi vét hết tiền và trả nợ cho chị. Sau đó không còn gì để bận tâm. Chị tiếp tục gây nợ hay khổ đau đó là chuyện của chị, tôi vẫn thấy bình tâm. Một cái nợ trong quá khứ… nên mình thấy bất an khi người ta đau khổ. Không phải trên mặt tình cảm. Chỉ là ở mặt tiền bạc. Giải quyết xong rồi thì mọi thứ bình yên.
Từ khúc nhân duyên đó tôi thay đổi phần nào cái nhìn của mình đối với thế nhân.
Tiền cần thiết cho cuộc sống thật, nhưng không vì thế mà sinh tính toán quá nhiều. Nhân duyên của người không giống nhân duyên của mình, thành ra bắt người sử dụng đồng tiền theo cách của mình là việc không nên. Tiền cho ra không để giải quyết nợ nần thì cũng đang gieo cái phước về sau, không mất đi đâu. Không nhất quyết phải theo ý mình để
phải mệt thân, rối tâm mà còn phiền lụy đến người khác. Tâm rối rồi thì cảnh đưa tới sẽ chẳng an.
Ai cũng chất trong đầu quá nhiều định kiến, những định kiến không phù hợp với lý thực của thế gian, nên khổ mẹ đẻ khổ con.
Khi gặp một bất hạnh nào đó trong cuộc sống, như bị một cơn bệnh trầm kha mà không có điều kiện để chữa trị, ta liền nghĩ đến tiền. “Vì mình không có tiền nên cớ sự mới ra như vậy”. Thật ra, vấn đề không nằm ở việc mình có tiền hay không, mà ở cái nhân không mấy tốt đã gieo trong quá khứ. Nếu không gây nhân xấu thì không phải mắc căn bệnh hiểm nghèo để phải cần đến nhiều tiền. Còn nhân đã xấu thì dù có tiền, bệnh vẫn không thể khỏi. Và trong quá khứ, nếu chúng ta không thu gom mà mở lòng với mọi người, thì khi gặp nạn, không có tiền nhất định sẽ có người lo. Cho nên, vấn đề cần lưu ý trong cuộc sống không phải là làm sao để có thật nhiều tiền mà là chúng ta sống thế nào và đối xử với mọi người chung quanh ra sao.
Thiền sư Mục Châu có một người đệ tử làm quan đại phu. Ngày kia người đệ tử đến muộn. Sư hỏi vì sao, người đệ tử trả lời:
- Con xem người ta cưỡi ngựa đánh cầu.
- Người ta có mệt không?
- Bạch thầy mệt.
- Ngựa có mệt không?
- Bạch thầy mệt.
- Còn cây cột trụ kia cũng mệt chứ?
Câu hỏi bất thần khiến quan đại phu khựng lại, không biết trả lời.
Đêm ấy về nhà ông thức suốt. Gần sáng, ông chợt ngộ ra và chạy vội đến chỗ thiền sư. Sư hỏi lại, ông trả lời:
- Bạch thầy mệt.
Câu chuyện muốn nói đến tính duyên khởi thông dung của vạn pháp mà với nghiệp thức chúng sinh, mình không thể nhận thấy.
Thế giới chung quanh vốn là ảnh tượng được tạo ra bởi một cái tôi. Nó không tách lìa khỏi cái tôi đó. Mọi tác động của Tôi vào thế giới, đều phản hồi trở lại chính Tôi. Nếu Tôi tu bổ và chăm sóc nó, Tôi sẽ gặp những cảnh giới đẹp. Nếu Tôi xem thế giới bên ngoài là đối kháng, chỉ lo cấu xé và thu gom thì vô tình Tôi đang phá hoại chính Tôi. Đau thương và bất hạnh ngày càng nhiều chính vì đó. Vì ta không thấy thế giới là ảnh tượng được tạo ra bởi thiện ác trong chính ta…
Thử một lần nhìn lại, quẳng bớt gánh nặng trên vai cho đời thanh thản an vui.
(1) Kinh Trường A Hàm, phẩm Thiện Sinh
(2) Chuyện Phật kể trong kinh Ðại Niết Bàn, nói lên tính duyên khởi của sống và chết. Phàm phu chọn sống không thích chết. Bồ tát biết có sinh là có chết, nên bỏ cả hai, không tham luyến công đức cõi trời mà rơi vào sống chết.
(Chân Hiền Tâm)