Thương yêu và hiểu biết

Chúng tôi đã chia sẻ pháp thoại “Hoa trái của thương yêu và hiểu biết”, phân tích về hai khía cạnh rất quan trọng, theo lời Phật dạy liên hệ đến giá trị của Hiểu và Thương để thương yêu bám rễ trong quan hệ tình người. Trước nhất, con người cần phải loại trừ bản ngã để giữa mình và người có thể sống hoà thuận và an vui. Thứ hai, phải hoà nhập, tôn trọng những điểm cá biệt của nhau, vì mỗi người có một nghiệp tính riêng. Những nghiệp tính khác biệt này đã tạo ra những cá tính, và sự thiên sai vạn biệt trong từng con người. Do hai nhu cầu đó mà sự thương yêu được thiết lập. Nếu chỉ đơn thuần thương yêu thì chưa đủ, còn phải hiểu biết được tâm trạng của nhau. Nhờ sự hiểu biết mà nhịp cầu thương yêu được củng cố và bảo vệ một cách lâu dài.

Có thể nói, sự hiểu biết giống như mối hàn để thiết lập, kết nối, tạo chất keo nối liền giữa cảm xúc thương yêu giữa mình với người khác. Đó là sự kết nối trực tuyến, không phải là những biểu hiện giả tạo thuộc ngoại giao hay tâm lý khéo léo, mà nó phải được thể hiện bằng tấm lòng chân thật. Tấm lòng chân thật đó có thể rất vụng về, thiếu sót, lập cập lẩm cẩm, có thể rất đơn sơ mộc mạc, người tiếp nhận sẽ thấy được giá trị của trái tim, tấm lòng, dòng cảm xúc và giá trị của những gì người đó tặng cho mình bằng tất cả sự trân trọng. Chúng ta có thể nói sự hiểu biết như một nhịp cầu để hàn gắn giữa ta và người, giữa hai trái tim đang thổn thức. Nếu thương yêu mà thiếu hiểu biết, thì bản chất của sự thương yêu đó không được trọn vẹn.

Trong nhà Phật khẳng định rằng: kiến thức là một trong những cửa ngõ để thiết lập sự an vui và hạnh phúc. Có kiến thức như có một cái đèn pin đi trong đêm tối, hay một ánh đuốc đi trong đêm mờ mịt, hoặc là có được mặt trời và mặt trăng để sinh hoạt, sống, biết được ngày và đêm, để vươn lên. Nếu sự hiểu biết đó đặt trên nền tảng của bản ngã, thì có khả năng phá vỡ những giá trị hạnh phúc mà mình đã, đang, hoặc sẽ có.

Kiến thức về hữu ngã là một trong những kiến thức có thể tạo ra nền tảng của sự phá hoại rất lớn. Kiến thức vô ngã là hiểu biết được tâm trạng, dòng cảm xúc, tâm tình, ý nghĩa, lời nói, việc làm của người kia. Sự tha thứ trở thành chất liệu của hiểu biết, có thể chữa lành nỗi đau đang có mặt giữa chúng ta và một người nào đó. Muốn tình thương yêu được sống mãi thì sự hiểu biết phải đặt trên nền tảng của tha thứ.

Tha thứ là một thái độ tâm lý tích cực. Trước nhất, tha thứ có thể khởi đi bằng nhận thức sáng suốt rằng: không người nào là trọn vẹn tuyệt hảo và đầy đủ, hoàn thiện về tính cách, đạo đức, nhận thức và ứng xử trong cuộc đời. Khi chúng ta đặt ra một giả định rằng mọi người có thể sai lầm, nhận thức thêm bước thứ hai là sự sai lầm đó cần được tha thứ và sửa chữa. Với cái nhìn tích cực như vậy, để không đẩy người đã từng bị sai lầm vào chân tường. Nếu dồn họ vào thế chân tường, sẽ có phản ứng rất tiêu cực.

Bài viết khác