Cư sĩ giới pháp

Mục lục

Chương I. Cư Sĩ Trong Phật Giáo

I.1. TỨ CHÚNG PHẬT GIÁO 

Trong Phật giáo có bốn hội chúng (parisā) là hội chúng tỳ kheo (bhikkhu), hội chúng tỳ kheo ni (bhikkhunī), hội chúng nam cư sĩ (upāsaka), hội chúng nữ cư sĩ (upāsikā).

Hội chúng tỳ kheo là hội chúng của những nam tu sĩ Phật giáo gồm cả Sa di (sāmanera), đó là những vị đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Sa di là vị tu sĩ tập sự để trở thành vị tỳ kheo, vị sa di tuổi từ hai mươi trở lên mới được phép thọ cụ túc giới. Sa di bên Tăng chúng không buộc thời gian. 

Hội chúng tỳ kheo ni là hội chúng của những nữ tu sĩ Phật giáo, gồm cả sa di ni và học nữ (sāmaṇerī, sikkhāmānā). Đó là những người nữ đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Người nữ mới gia nhập ni chúng phải qua hai năm thọ giới học nữ mới làm sa di ni, thọ giới sa di ni qua hai năm và tuổi đủ hai mươi mới được thọ đại giới tỳ kheo ni.

Hội chúng nam cư sĩ là chỉ cho những thiện nam tử ở gia đình, chưa xuất gia, vẫn còn hưởng dục lạc thế tục. Những người nam này có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức. 

Hội chúng nữ cư sĩ là những người nữ ở gia đình, còn hưởng dục lạc thế tục, chưa xuất gia thành ni chúng. Họ có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức. 

Bốn hội chúng Phật giáo, trong đó, hội chúng tỳ kheo và hội chúng tỳ kheo ni, là hội chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật. Hội chúng nam cư sĩ và nữ cư sĩ là hội chúng đệ tử tại gia của Đức Phật.

I.2. Ý NGHĨA U-BÀ-TẮC VÀ U-BÀ-DI

Người sống đời sống gia đình không phải là vị tu sĩ của giáo hội, gọi là người tại gia (gahaṭṭha) hay cư sĩ (gihi). 

Những cư sĩ theo đạo Phật được gọi là U-bà-tắc và U-bà-di. Đó là tiếng đọc âm của danh từ Phạn ngữ Upāsaka và Upāsikā. 

Upāsaka (âm là U-bà-tắc), dịch là "Người phụng sự, người cận sự", danh từ này chỉ cho nam cư sĩ nên được gọi là "Cận sự nam". Người ta cũng thường gọi người nam cư sĩ trong Phật giáo là "Thiện nam", nhưng danh từ này không dịch đúng với tiếng Upāsaka.

Upāsikā (âm là U-bà-di), cũng có nghĩa là người phụng sự, người cận sự. Tiếng Upāsikā và Upāsaka đều có một gốc từ "Upa + ās". Danh từ Upāsikā dùng để chỉ cho nữ cư sĩ nên được gọi là cận sự nữ. Người ta thường gọi nữ cư sĩ trong Phật giáo là "Tín nữ", đó cũng không phải dịch đúng với tiếng Upāsikā. 

Hai danh từ cận sự nam và cận sự nữ đúng nghĩa với tiếng upāsaka và upāsikā (U-bà-tắc, U-bà-di) hơn là gọi Thiện nam và Tín nữ. 

Người ta quan niệm người nam làm điều thiện nhiều hơn người nữ, nên mới gọi là Thiện nam; và người nữ thì có đức tin mạnh hơn người nam, nên gọi là Tín nữ. Thật ra quan niệm này không đúng, vì nếu người không có đức tin thì làm sao tạo thiện sự được? Người nam cũng có đức tin mạnh. Cũng như đối với người nữ không những chỉ có đức tin, mà người nữ vẫn tích cực làm điều thiện vậy. Và đó gọi là cận sự nam và cận sự nữ đúng hơn. 

Ý nghĩa cận sự nam và cận sự nữ, cần được hiểu là những cư sĩ có niềm tin nơi Phật-Pháp-Tăng, trọn đời nguyện phụng sự Tam bảo, luôn luôn sống theo sự hướng dẫn của Tam bảo. 

I.3. NHỮNG CƯ SĨ ĐẦU TIÊN

Cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo qui y nhị bảo.

Hai thương gia Tapussa và Bhallika - Vào tuần lễ thứ bảy sau khi đắc đạo, Đức Thế Tôn ngự tại cội cây Rājāyatana. Lúc bấy giờ có hai thương gia tên Tapussa và Bhallika trên đường về quê, từ Ukkhala đi ngang qua chỗ Đức Phật ngự, khi ấy hai thương gia này được một vị chư thiên vốn là quyến thuộc của họ, đã mách bảo rằng:

"Các bạn ơi, có Đức Thế Tôn vừa giác ngộ, Ngài đang ngự tại cội cây Rājāyatana; các vị hãy đi đến Đức Thế Tôn ấy và cúng dường với bánh bột và mật ong. Sự cúng dường này sẽ mang lại cho các bạn lợi ích an vui lâu dài". 

Được nghe mách bảo, hai thương gia này lòng tràn đầy vui sướng, vội dừng xe, sắp xếp bánh và mật ong, rồi cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật ngự dưới tàn cây Rājāyatana. Đến nơi hai người đã kính cẩn đảnh lễ Đức Phật và dâng lên Ngài thực phẩm bánh và mật ong: 

"Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy thọ nhận lễ phẩm của chúng con, bánh và mật ong cho chúng con được sự lợi ích an vui lâu dài".

Đức Thế Tôn suy nghĩ: 

"Các đấng Như Lai không thọ nhận thực phẩm bằng tay, vậy ta nên thọ nhận bánh và mật ong này bằng cái chi đây?

Khi ấy, tứ đại thiên vương biết được ý nghĩ của Đức Thế Tôn từ bốn hướng hiện ra mang bốn cái bát đá dâng lên Đức Phật, bạch rằng: 

"Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài hãy thọ nhận bánh vào bốn cái bát đá này". 

Đức Thế Tôn đã lấy bốn cái bát và chú nguyện thành một, xong ngài đã thọ nhận bánh và mật bằng cái bát đá đặc biệt ấy rồi thọ thực.

Sau khi Đức Thế Tôn thọ thực xong hai thương gia Tapussa và Bhallika đảnh lễ dưới chân Ngài và xin qui y: 

"Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin qui y Đức Thế Tôn và qui y giáo pháp. Xin Đức Thế Tôn thu nhận chúng con là cận sự nam, kể từ hôm nay đến trọn đời qui ngưỡng". 

Vào thời điểm này chưa có Tăng bảo nên họ chỉ qui y Phật và Pháp. Đây là những cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo đã qui y nhị bảo (Phật bảo và Pháp bảo).

Cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo qui y Tam bảo

Thân phụ của công tử Yasa - Sau khi Đức Thế Tôn Chuyển Pháp Luân tại Lộc Uyển Isipatana gần thành Bārāṇasī, đã tiếp độ được năm tỳ kheo Koṇḍañña (Kiều Trần Như). Bây giờ đã có đủ tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo. 

Lúc ấy tại thành Bārāṇasī (Ba-la-nại) có ông trưởng giả đại phú hộ, là thân phụ của công tử Yasa.

Một ngày kia công tử Yasa khởi lên tư tưởng chán mùi tục lụy, vì đêm khuya chợt thức giấc trông thấy cảnh các cô hầu ngủ say trên sàn nhà, mỗi cô lộ ra tật xấu, làm mất hết vẻ đẹp thần tiên, để hiện ra cảnh tưởng ê chề chẳng khác nào nghĩa địa tha ma. Công tử chán ngán và âm thầm bỏ nhà ra đi giữa đêm thanh vắng, hướng về khu rừng Isipatana.

Vừa đi, công tử Yasa vừa đi vừa thốt: "Ôi! đời quá bẩn chật, quá phiền toái'. Chàng vừa đến ven rừng thì Đức Phật đã ở tại đấy chờ đợi chàng. Khi nghe lời than thở của công tử Yasa, Đức Phật khẽ bảo: "Hỡi Yasa, ở đây không bẩn chật, ở đây không phiền toái. Hãy đến đây, hỡi Yasa! hãy ngồi xuống, ta sẽ thuyết pháp cho ngươi nghe".

Công tử Yasa rất ngạc nhiên khi nghe Đức Phật bảo, chàng bỗng dưng cảm thấy dạt dào niềm hoan hỷ. Chàng liền cởi đôi hia vàng và đi chân trần đến gần Đức Phật, quì xuống đảnh lễ Ngài và ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho công tử nghe, Ngài đã khích lệ, đã khai thị với pháp thoại tuần tự. Liền đó công tử Yasa đã chứng quả Nhập lưu. 

Rạng sáng hôm ấy, ông trưởng giả thân phụ của Yasa đi tìm con. Ông đi hướng về khu rừng Isipa-tana. Bất chợt cũng gặp Đức Thế Tôn đang ngồi dưới một tàn cây trong khu rừng ấy. Lúc này, Đức Thế Tôn đã dùng thần thông che khuất công tử Yasa, nên ông trưởng giả không nhìn thấy con mình đang ngồi bên Đức Phật. 

Ông trưởng giả đến gần Đức Phật, chào Ngài và hỏi thăm Ngài có nhin thấy một vị công tử đi qua đây không? Đức Phật bảo ông ta hãy ngồi xuống đây trong giây lát sẽ gặp vị công tử ấy. Ông trưởng giả nghe lời và ngồi xuống, Đức Phật đã thuyết pháp cho ông nghe, với pháp thoại tuần tự, Ngài đã khích lệ, khai thị pháp nhãn cho ông trưởng giả, ông đắc quả Tu đà huờn ngay khi đó. Ông đảnh lễ Đức Phật và xin qui y:

"Bạch Đức Thế Tôn, thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn, ví như người lật lên vật bị úp, hay như người mở ra vật bị gói kín, hoặc như người chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc như người mang đèn vào bóng tối cho kẻ có mắt được thấy cảnh sắc; cùng thế ấy, giáo pháp đã được Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng giải. Bạch Đức Thế Tôn, con xin qui y Đức Thế Tôn, qui y Giáo pháp, qui y Tăng chúng; mong Đức Thế Tôn hãy nhận con là cận sự nam đã qui y kể từ hôm nay đến mạng chung". 

Đây là người cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo đã qui y Tam bảo (Phật bảo - Pháp bảo - Tăng bảo).

Cận sự nữ đầu tiên trong Phật giáo qui y Tam bảo.

Thân mẫu và hiền thê của công tử Yasa -Trong khi Đức Phật đang thuyết pháp cho ông trưởng giả thì công tử Yasa đã thẩm nghiệm lại pháp và đắc quả A la hán. Đức Phật biết rõ điều đó nên Ngài thu hồi thần thông, ông trưởng giả nhìn thấy con trai của mình, ông rất vui và bảo con trai hãy trở về nhà để an lòng người mẹ. 

Đức Phật đã nói với ông trưởng giả rằng: Yasa, con trai của ông đã đạt đến vô lậu tâm giải thoát thì không thể trở lui lại đời sống thế tục nữa. Nghe vậy ông trưởng giả rất vui lòng vì ông là bậc Dự Lưu nên nhận thức rõ điều đó. Rồi ông trưởng giả đã thỉnh Đức Phật cùng các tỳ kheo đến nhà thọ thực ngày mai, Đức Phật nhận lời, ông đảnh lễ Ngài và ra về. Sau đó, Đức Phật cho phép Yasa thọ phẩm mạo tỳ kheo bằng cách "Ehi bhikkhu" (Thiện lai tỳ kheo).

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn cùng tôn giả Yasa là thị giả, đã đi đến nhà của ông trưởng giả, cha của tôn giả Yasa. 

Người mẹ và người vợ của ngài Yasa đã bước ra đảnh lễ Đức Phật. Đức Phật thuyết tuần tự pháp thoại và giảng về bốn chơn lý cho những nữ cư sĩ ấy nghe. Cuối thời pháp cả hai người đều chứng quả Dự lưu, đạt được lòng tin bất động nơi Tam bảo.

Khi đã đắc pháp nhãn ly trần vô cấu, họ đảnh lễ Đức Phật, xin qui y: 

"Bạch Đức Thế Tôn, thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn, cũng ví như người lật lên vật bị úp, hay người mở ra vật bị gói kín, hoặc như người chỉ đường cho kẻ lạc lối, hay như người đem đèn vào bóng tối cho kẻ có mắt thấy được cảnh sắc; cùng thế ấy, giáo pháp đã được Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng giải. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin qui y Đức Thế Tôn, qui y Giáo pháp, qui y Tăng chúng, mong Đức Thế Tôn hãy nhận chúng con là những cận sự nữ đã qui y kể từ hôm nay đến mạng chung" ... 

Đây là những người cận sự nữ đầu tiên trong Phật giáo đã qui y Tam bảo.

I.4. NHỮNG CƯ SĨ CÓ CÔNG HẠNH LỚN

Người cư sĩ xây dựng ngôi chùa đầu tiên trong Phật giáo 

Vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) - Khi thái tử Sĩ-đạt-ta thoát ly đời sống thế tục để đi tìm chơn lý, trở thành một đạo sĩ. Buổi đầu đạo sĩ Gotama (đó là danh gọi thái tử Sĩ-đạt-ta, khi Ngài xuất gia làm đạo sĩ) chưa khổ hạnh, Ngài khất thực để nuôi mạng. Ngài chọn trú xứ tại khu rừng tĩnh mịch gần thành Rājagaha (Vương xá) của xứ Magadha (Ma kiệt đà). Khi ấy vua Bimbisāra đang trị vì xứ sở này, kinh đô của vua là thành Rājagaha.

Một hôm đức vua trông thấy một vị đạo sĩ đang đi khất thực trên đường phố, với dáng vẻ uy nghiêm khiêm tốn, nhưng biểu hiện tính cách quí phái sang trọng. Đức vua lấy làm cảm kích nên sai người đi thăm dò. Biết được nơi trú ngụ của đạo sĩ Gotama, nhà vua bèn khởi giá cùng đám tùy tùng tìm đến viếng đạo sĩ hỏi thăm Ngài là ai? sanh trưởng ở xứ nào? đạo sĩ Gotama trả lời nhà vua về quê hương và dòng dõi xuất thân của Ngài. Nhà vua càng nể trọng đạo sĩ và khẩn thỉnh Ngài sau khi thành chánh quả, trở lại viếng thăm vương quốc Magadha. 

Đúng theo lời hứa, sau khi đắc quả Chánh Đẳng Giác, Đức Phật cùng đi với ngàn đệ tử A la hán từ Gāyā đến Rājagaha. Nơi đây, Ngài ngự tại điện Suppatittha, trong khu rừng kè (Laṭṭhivana).

Tin lành đến tai vua Bimbisāra và danh tiếng tốt đẹp của Đức Phật cũng đã được lan truyền cùng khắp vương quốc. Đức vua bèn dẫn theo đám đông quần thần đi đến viếng thăm Đức Phật. 

Nhà vua đến nơi cung kính đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống một bên, các quần thần của vua, có người đảnh lễ, có người xá chào, có người thăm hỏi xã giao với Đức Phật, rồi tất cả đều ngồi xuống. 

Đoàn Tăng sĩ một ngàn vị đi theo Đức Phật chính là nhóm đạo sĩ thờ lửa do Tôn giả Uruvelakassapa (Ca-Diếp) lãnh đạo, bây giờ đã trở thành đệ tử Phật.

Lúc ấy hội chúng tùy tùng của vua có sự suy nghĩ phân vân, giữa Đức Phật và Tôn giả Ca-Diếp, ai là thầy, ai là đệ tử. Đức Phật biết được ý nghĩa của họ nên Ngài đã hỏi Tôn giả Ca-Diếp tại sao không thờ lửa nữa, để giải tỏa tâm tư của hội chúng. Tôn giả Ca-Diếp hiểu ý Đức Phật, liền giải thích rằng vì mình đã thấy được con đường đưa đến an vui giải thoát nên đã bỏ sự thờ lửa vì việc đó không bổ ích. Nói xong Tôn giả Ca-Diếp khấu đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật và xác nhận:

"Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Đạo sư của con, con là đệ tử của Ngài".

Nghe vậy tất cả mọi người đều hoan hỷ, dứt nghi nan. Đức Phật hiểu rõ tâm tư của hội chúng đã sẵn sàng lãnh hội pháp, Ngài giảng cho họ nghe tuần tự pháp thoại, làm cho họ được hân hoan. 

Nghe Đức Phật thuyết pháp, ánh sáng chân lý đã rọi đến mọi người. Đức vua và hội chúng tùy tùng đắc được quả vị Tu đà huờn; tất cả đều xin qui y Tam bảo, thành những cận sự nam. Sau đó, vua Bimbisāra cung thỉnh Đức Phật và chư Tăng vào hoàng cung thọ trai ngày hôm sau.

Hôm sau, Đức Phật và chư Tăng ngự đến hoàng cung thọ thực. Khi các ngài đã dùng xong, đức vua đảnh lễ Phật và ngỏ lời xin hiến dâng một nơi làm chỗ trú ngụ của Đức Phật và Tăng chúng, đức vua lại muốn biết nơi nào là thích hợp cho ngôi tu viện. Đức Phật trả lời: 

'Một nơi vắng vẻ không xa cũng không gần thành thị, để những ai muốn, có thể đi đến dễ dàng, một nơi ban ngày không ồn ào, ban đêm yên tĩnh, khoảng khoát và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp thiền tịnh".

Đức vua Bimbisāra nghĩ đến khu Trúc Lâm (Veluvana) của mình hội đủ những điều kiện thích hợp cho ngôi tu viện nên đã tác bạch hiến cúng Trúc Lâm này đến Đức Phật và chư Tăng. Đức Phật nhận lời, và cũng chính do duyên khởi này mà Đức Phật đã cho phép Tăng chúng nhận chùa. 

Khu Trúc Lâm từ đó có tên gọi là Veluvanārāma (Trúc Lâm Tự), và đây chính là ngôi tự viện đầu tiên trong Phật giáo do đức vua Bimbisāra hiến dâng. 

Người cư sĩ hộ độ Tam bảo tích cực 

Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) - Tại kinh thành Sāvatthi (Xá-vệ) có một trưởng giả triệu phú tên Sudatta tính tình hào phóng, quảng đại. Ông có hạnh bố thí đặc biệt, thường xuyên phân phát giúp đỡ cho các kẻ nghèo không nơi nương tựa. Chính vì vậy mà người đời gọi tặng ông với mỹ danh Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) để nói lên công hạnh bố thí của ông.

Trưởng giả Anāthapiṇḍika gặp được Phật pháp do một nhân duyên kỳ ngộ. 

Một ngày nọ, trưởng giả Anāthapiṇḍika có việc đi từ Sāvatthī đến Rājagaha viếng thăm người anh vợ, thấy người anh đang bận rộn chuẩn bị một cuộc lễ, ông nghĩ là người anh mình sẽ tổ chức tiệc mừng, hoặc là cung nghinh đức vua ngự giá đến nhà. Khi hỏi ra mới biết người anh thiết lễ trai đàn cúng dường Đức Phật và chư Tăng vào ngày mai. Thoạt nghe danh từ "Buddha" (vị giác ngộ, vị Phật), ông Anāthapiṇḍika rộn lên niềm hoan hỷ và thiết tha muốn được diện kiến Đức Phật. 

Đêm đó, ông không thể chợp mắt, lòng cứ nao nao phấn khích; cuối cùng không chờ đến sáng nữa, ông đã ra đi trong đêm vắng hướng về Sītavana, khu rừng nơi Đức Phật đang trú ngụ. Một dạ xoa tên Sivakha đã dùng thần lực thu ngắn con đường cho ông, và những lúc ông toan thối chuyển cuộc hành trình vì sợ hãi đêm tối thì dạ xoa đã khuyến khích, trấn an ông lấy lại can đảm và tiếp tục bước đi.

Cuối cùng, ông Anāthapiṇḍika cũng đã đến khu rừng Sītavana, có Đức Phật đang đi kinh hành ngoài trời, Ngài biết ông sẽ đến. Đức Phật gọi tên tộc của ông, Sudatta, và bảo ông đến gần Ngài. 

Ông Anāthapiṇḍika hết sức vui mừng được yết kiến Đức Phật. Kế đến Đức Phật thuyết pháp cho ông nghe. Sau khi nghe pháp, ông Anāthapiṇḍika đã chứng quả Dự lưu (Tu đà huờn), ông xin qui y Tam bảo. Ông đảnh lễ Phật và trở về nhà người anh. 

Khi Đức Phật và chư Tăng đến nhà người anh của ông Cấp-cô-độc khẩn khoản thỉnh cầu Đức Phật ngự về kinh thành Sāvatthī. Quê hương của ông, và ông cũng thỉnh Ngài nhập hạ ở đây. Đức Phật đã nhận lời, nhưng Ngài gợi ý với ông rằng: chư Phật chỉ thích ở nơi vắng vẻ. 

Ông Cấp-cô-độc thưa rằng mình đã hiểu ý Đức Phật. Ông từ giã gia đình người anh và trở về Sāvatthī vội vã. 

Về đến Sāvatthī, ông Cấp-cô-độc tìm một nơi thích hợp để cất chùa. Ông đã tìm được khu vườn của thái tử Jeta, là nơi lý tưởng, thích hợp. Ông đã mua lại khu vườn ấy với giá "Lát nền bằng vàng", nghĩa là trải vàng trên đất diện tích bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.

Để có được diện tích rộng xây cất ngôi chùa Kỳ Viên (Jetavana), ông Cấp-cô-độc đã bỏ ra 18 koṭi tiền vàng (1 koṭi là mười triệu) để mua đất. Và bỏ ra 18 koṭi tiền vàng nữa để xây cất ngôi đại tự danh tiếng Jetavanamahāvihāra. Chính nơi này Đức Phật đã an cư mười chín lần trong cuộc đời Ngài, và phần lớn các bài pháp cũng được Đức Phật thuyết tại đây.

Trong sớ giải Aṅguttaranikāya và Dhammapada ghi rằng: ông Cấp-cô-độc hộ độ vật thực đến chư Tỳ kheo, mỗi ngày 500 vị; trong nhà ông luôn luôn có 500 chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cho bất cứ vị khách Tăng nào từ xa đến không kip thời gian đi khất thực, ghé qua nhà ông để thọ trai. 

Đồng thời ông Cấp-cô-độc cũng dựng lên những ngôi phước xá ở bốn cổng thành Sāvatthī để bố thí đến những tân khách, những dân chúng nghèo khổ, tàn tật, cô độc không chỗ dung thân. 

Gia đình của trưởng giả Cấp-cô-độc có bốn người con, ba gái là tiểu thư Mahāsubhaddā, Cūlasubhaddā, và Sumānā, cùng một trai là công tử Kāla. Ba nàng tiểu thư đã tích cực giúp cha trong việc hộ độ cúng dường Tăng chúng; cả ba đều đắc thánh quả hữu học như cha mình, riêng về nàng Sumānā thì đắc Tư đà hàm quả vị cao hơn ông Cấp-cô-độc.

Công tử Kāla thì thời gian đầu lêu lổng, chỉ biết tiêu xài ăn chơi, không có niềm tin Phật pháp. Về sau, lúc người cha cho tiền thuê cậu ta đi nghe Đức Phật thuyết pháp, duyên lành chín muồi công tử Kāla chứng quả Dự lưu, đạt được niềm tin bất thối nơi Tam bảo. Người con dâu của ông Cấp-cô-độc, vợ của công tử Kāla, buổi đầu cũng thế, kiêu ngạo và cư xử tệ bạc với người trong gia đình nhà chồng; nhưng về sau nhờ nghe Đức Phật thuyết bài pháp về bảy hạng vợ, nàng dâu ấy đã cải tà qui chánh và trở nên hiền thiện. 

Trưởng giả Cấp-cô-độc là một người hào sảng hảo tâm, một người chủ gia đình gương mẫu, và là một đại thí chủ bậc nhất hộ độ Tăng chúng vào thời Đức Phật. Ông có vị trí quan trọng trong hàng cư sĩ Phật giáo với hạnh bố thí xả tài.

Đại tín nữ Visākhā - Một nữ cư sĩ cũng chỉ đắc quả Tu đà huờn như nhiều nữ cư sĩ khác vào thời Đức Phật, nhưng lại là một tấm gương sáng cho hàng cận sự nữ.

Nếu kể hàng thiện nam đại thí chủ là ông Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc), thì trong hàng tín nữ đại thí chủ chính là bà Visākhā. Mặc dù vai vế và tuổi tác thì bà Visākhā nhỏ hơn ông Cấp-cô-độc, bởi em gái út của bà Visākhā là con dâu của ông Cấp-cô-độc.

Bà Visākhā là một nữ nhân đại phước, bà đứng đầu trong hàng tín nữ, được Đức Thế Tôn xác nhận địa vị tối thắng về hộ độ Tăng chúng, trong hàng cận sự nữ (Dāyikānaṃ aggā). 

Bà là con gái của trưởng giả Dhanañjaya, và là cháu nội của nhà đại phú Meṇḍaka ở thành Bhaddiya xứ Aṅga. Thời thơ ấu bà Visākhā sống với gia đình tại thành Bhaddiya xứ Aṅga. 

Vào năm bà được bảy tuổi, Đức Phật có lần ngự đến Bhaddiya cùng đoàn chư tăng. Bà được nhân duyên diện kiến Đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Nghe pháp xong Visākhā chứng đắc thánh quả Dự Lưu. 

Thế rồi bà đã theo cha di cư đến sống ở Sāketa một thị trấn thuộc Kosala.

Bà Visākhā lập gia đình vào năm mười sáu tuổi. Trong sớ giải nói rằng bà là một phụ nữ hội đủ năm vẻ đẹp thanh xuân dù đến khi luống tuổi. Ngoài ra năm vẻ đẹp ấy, bà Visākhā lại còn có trí tuệ hơn người, sáng suốt trong mọi việc nhất là trong phạm vi tinh thần đạo đức. Điều đặc biệt không ngờ được là một mỹ nhân dịu dàng tha thướt như vậy mà lại có sức mạnh phi thường hơn cả nam nhân.

Gia đình chồng của bà là một nơi môn đăng hộ đối trong thành Sāvatthī, thế nhưng họ theo đạo Ni- Kiền-Tử, không có niềm tin Phật pháp, một điều nghịch lại với truyền thống tín ngưỡng của gia đình bên ruột của bà, và bà cảm thấy rất khó chịu vì bà là một thánh cư sĩ đệ tử Phật. Cha chồng của bà Visā-khā, trưởng giả Migāra, một tín đồ của nhóm đạo sĩ lõa thể, ông thường buộc nàng dâu phải phục vụ các đạo sĩ ấy khi họ được mời đến cúng dường.

Một lần, bà Visākhā lúc trông thấy các đạo sĩ lõa thể, bà đã tỏ thái độ không bằng lòng và bỏ vào trong, khiến ông trưởng giả tức giận kết tội nàng dâu vô phép. Bà Visākhā bình tĩnh thẳng thắn ứng đối. Ông cha chồng đuối lý đành đổi giận làm vui. Nhân cơ hội ấy bà đã xin phép cha chồng cho bà được tự do sinh hoạt theo truyền thống tín ngưỡng của bà. Trưởng giả Migāra chấp thuận.

Bà đã thỉnh Đức Phật và chư Tăng về nhà cúng dường. Đức Phật đã thuyết pháp sau bữa ăn. Ông trưởng giả Migāra ngồi sau bức rèm nghe trộm, nghe xong thời pháp ông giác ngộ và chứng quả Tu đà huờn. Ông bước ra đảnh lễ Đức Phật, và bày tỏ lòng tri ân vô hạn đối với nàng dâu quí đã dẫn dắt ông vào con đường giải thoát, và thật cảm động, kể từ ngày ấy ông xem nàng dâu Visākhā như một người mẹ. Cũng chính vì vậy mà đứa cháu nội đầu lòng của ông chào đời, ông đặt tên là Migāra, tên của ông. Về sau người ta gọi Bà Visākhā là Migāramātu (mẹ của Migāra) được hiểu theo hai nghĩa.

Nhờ khôn khéo, có trí tuệ và nhẫn nại, bà dần dần cảm hóa mọi người, và biến đổi gia đình bên chồng trở thành một gia đình Phật tử có chánh tín, sống tràn ngập hạnh phúc. 

Bà Visākhā hằng ngày cúng dường chư Tăng tại nhà, luôn luôn có 500 vị Tỳ kheo. Buổi chiều, bà thường đến chùa nghe pháp, sau đó đi quanh chùa để xem chư Tăng có cần dùng chi, luôn cả chư tỳ kheo ni.

Bà Visākhā là người hộ độ Tăng chúng tín cẩn và có tâm lo lắng an nguy của chư Tăng. Chính vì thế đã có nhiều sự kiện liên quan đến sự giới luật tăng già, bà được mời có mặt để can thiệp, đưa ý kiến hoặc thẩm xét, như vụ án tỳ kheo ni mẫu thân của đại đức Kumārakassapa chẳng hạn. 

Bà Visākhā đã xin Đức Phật chấp nhận cho bà tám đặc ân trong việc hộ độ chư Tăng tại Sāvatthī: 

1- Dâng y tắm mưa đến chư tăng, suốt đời bà.
2- Cúng dường những khách Tăng vừa mới đến.
3- Cúng dường các vị Tăng sắp rời khỏi.
4- Dâng thực phẩm đến những vị Tăng đau bệnh.
5- Dâng thực phẩm đến những vị Tăng nuôi bệnh.
6- Dâng thuốc men đến vị Tăng bị bệnh. 
7- Dâng cháo sáng đến chư tăng.
8- Dâng y đến chư tỳ kheo ni.

Đức Phật chấp nhận cho bà tám đặc ân này. Có một hôm bà Visākhā cùng người nữ tỳ đi đến chùa đảnh lễ Phật và nghe pháp. Khi đến cổng chùa bà cởi chiếc áo choàng đính ngọc quí giá, gói lại và giao cho người nữ tỳ cầm giữ vì bà nghĩ là mặc sang trọng trước mặc Đức Phật là không phải lẽ. Sau khi nghe pháp ra về, người nữ tỳ đã để quên lại áo choàng ấy ở chùa, Tôn giả Ānanda đã làm theo lời dạy của Đức Phật, nhặt cất giữ tạm để chờ trả lại cho chủ. 

Khi bà Visākhā hay rằng người nữ tỳ đã bỏ quên gói đồ trong chùa thì bà sai trở lại lấy nếu chưa có ai chạm đến. Người nữ tỳ trở lại chùa, và về trình sự việc ngài Ānanda đã tạm cất giữ. Bà liền đến hầu Đức Phật và ngỏ ý muốn làm một thiện sự bằng số tiền bán chiếc áo choàng ấy, Đức Phật dạy xây cất một ngôi chùa ở cổng vào phía đông thành Sāvatthi. Bà rất hoan hỷ và tự thân mua lại chiếc áo choàng, rồi dùng số tiền ấy kiến tạo một ngôi chùa đặt tên là Pubbārāma (Đông Phương Tự) cúng dường đến Đức Phật.

Bà Visākhā sống thọ đến 120 tuổi. Bà có rất nhiều con cháu, tất cả đều hiếu thảo. Thật là một người có đầy đủ phúc lộc thọ.

Lương y Jīvaka - Một vị thầy thuốc tài giỏi, giàu tâm đạo, thường xuyên ở gần Đức Phật để chăm lo sức khỏe Ngài, và trị bệnh cho chư Tăng. 

Ông Jīvaka còn được gọi bằng một tên nữa là Jīvakakomārabhacca. 

Jīvaka là con trai của nàng Sālavatī, một kỹ nữ trong thành Rājagaha. Khi mới chào đời, bị bỏ rơi trên một đống rác bên đường, nằm trong cái thùng. Hoàng tử Abhaya con vua Bimbisāra, tình cờ đi ngang qua phát hiện được đứa bé còn sống nên mang về nuôi. Vì hài nhi "Còn sống" nên hoàng tử đặt tên là "Jīvaka", vì được hoàng tử nuôi nấng nên được gọi là "Komārabhacca". 

Lớn lên ông theo học nghề y với vị danh y Takkasilā hết bảy năm, và thành tài. Ông trở thành vị thầy thuốc giỏi, đặc biệt là khoa phẫu thuật. Sách ghi rằng ông đã hai lần thành công mỹ mãn cuộc giải phẫu cho một nhà triệu phú mắc bệnh nhức đầu kinh niên. Ông cũng từng được vua Bimbisāra cử đi đến xứ Ujjeni để trị bệnh cho vua Candappajjota, thành công. 

Lương y Jīvaka có duyên lành với Phật pháp, ông đã qui y Tam Bảo và chứng quả Tu đà huờn.

Sau khi vua Bimbisāra băng hà, Thái tử Ajātasattu lên ngôi, ông vẫn tiếp tục được lưu dụng, và ông đã có lần tiến dẫn vua Ajātasattu đến diện kiến Đức Phật ở tại khu rừng xoài Ambavana để nhà vua có dịp cải hối về tội ác giết cha soán ngôi, quay đầu hướng thiện trong Phật Pháp. Cũng nhờ vậy mà vua Ajātasattu bớt đi mặc cảm tội lỗi và trở thành một Phật tử thuần thành. Chính nhà vua đã bảo trợ chư thánh Tăng kết tập kinh điển lần thứ nhất sau khi Đức Phật viên tịch ba tháng. 

Ông Jīvaka đã hiến khu rừng xoài của mình cho Đức Phật và chư Tăng, ông đã xây cất một tu viện nơi ấy vì thấy rằng Veḷuvana (Trúc Lâm) quá xa để ông đến chăm sóc sức khỏe của Tăng chúng. 

Mỗi ngày ông đến viếng thăm Đức Phật hai lần và chăm sóc sức khỏe cho Ngài. Ông cũng nhiệt tâm lo chữa trị cho Tăng chúng bất cứ vị tỳ kheo bị bệnh đều được ông điều trị, không hề xao lãng với phận sự, mặc dù ông rất bận rộn với công việc xã hội. 

Trong Luật tạng có ghi nhận một số vấn đề có liên quan đến danh y Jīvaka.

Như việc ông đề nghị Đức Phật ban hành luật thu nhận người xuất gia vào Tăng chúng phải hạn chế những người mắc các thứ bệnh lây nhiễm. Nguyên nhân là thời đó có những người mắc bệnh hiểm nghèo, họ đã xuất gia làm tỳ kheo để được lương y Jīvaka điều trị miễn phí và tận tình (Vin.I.71).

Cũng theo lời yêu cầu của ông, nên Đức Phật đã cho phép các tỳ kheo hoạt động thể dục như đi bộ, quét nhà v.v... để có sức khỏe (Vin.II.119).

Ông Jīvaka được Đức Phật xác nhận là một cận sự nam được dân chúng kính mến nhất (aggaṃ puggalappasannānaṃ) (A.I.26).

Vua Pasenadi Kosala (Ba-Tư-Nặc) - Một vị vua mà tên tuổi gắn bó với cuộc đời hoằng pháp của Đức Phật, hơn các vị vua khác, vì ở Sāvatthī (Xá vệ) có hai ngôi chùa mà Đức Phật đã hai mươi lăm lần nhập hạ tại đó, mười chín lần tại Jetavanavihāra, sáu lần tại Pubbārāma.

Vua Pasenadi là vị vua xứ Kosala (Kiều Tát La) kinh đô của vua là thành Sāvatthī (Xá Vệ), sống cùng thời Đức Phật.

Ngài là con trai của vua Mahākosala, từ thuở nhỏ được học các học nghệ tại trường Takkasilā, nơi đào tạo những nhân tài hoàng tộc đương đại từ các xứ sở như thân vương Licchavī Mahali và thái tử dòng Malla là Malla Bandhula - sau trở thành thống soái của vua Pasenadi.

Từ Takkasilā trở về Kosala, phụ vương ngài rất hài lòng về tài năng của ngài qua nhiều môn nghệ thuật nên đã nhường ngôi vua lại cho ngài. 

Khi tước vị vương quyền, vua Pasenadi đem hết tài nghệ cùng với nhiệt tâm để điều hành vận nước được hùng cường, đồng thời nhà vua thực hiện chính sách bang giao tốt đẹp với các nước láng giềng, đức vua cũng làm phong phú đời sống nội tâm bằng cách tìm đến thân giao với các bậc hiền trí. 

Vua Pasenadi đã trở thành tín đồ Phật giáo trong thời kỳ đầu hoằng hóa giáo pháp của Đức Phật. Ngài là người thân tín và phụng sự Đức Thế Tôn cho đến lúc mạng chung, mặc dù nhà vua không phải là vị thánh cư sĩ như vua Bimbisāra. 

Vua Pasenadi cùng chạn tuổi với Đức Phật, nhưng nhà vua hết sức tôn kính Đức Phật. Trong kinh mô tả mỗi lần vua đến viếng thăm Đức Phật, đã đảnh lễ thủ phục sát dưới chân Ngài và úp mặt trên đôi bàn chân của Ngài. 

Cũng có thể vì Đức Phật và vua Pasenadi cùng tuổi với nhau, do đó đã có những cuộc luận đàm diễn ra thân mật, và trung thực thẳng thắn. Trong Saṃ-yuttanikāya phẩm Tương Ưng Kosala, đã ghi lại gồm 25 giai thoại, mỗi giai thoại là một phương đạo đức do vua Pasenadi nêu lên vấn đề với Đức Phật hoặc Đức Phật đưa vấn đề giảng cho vua Pasenadi. Những đề tài bàn luận ấy có nhiều và khác biệt nhau. 

Đức vua tận tụy trong việc bảo vệ thanh danh của Đức Phật vàTăng chúng, áp đảo mọi hành động của kẻ xấu cố tình bôi nhọ Phật giáo, như trong vụ án nàng Sundarīnandā là điển hình. 

Đức vua cũng tích cực can thiệp những sự việc gút mắc có liên quan Tăng chúng nhằm để giữ vững sự trong sạch của Tăng đoàn giáo hội, như trường hợp của vị tỳ kheo ni mẫu thân ngài Kumārakassapa, hoặc như chuyện tỳ kheo Koṇḍadhāna. 

Trong giới luật của tỳ kheo có điều luật Ưng Đối Trị như việc tắm giỡn nước, cũng nhờ sự gợi ý của vua Pasenadi với Đức Phật. Hoàng cung vua nhìn thẳng ra dòng sông Aciravatī, một lần vua đứng trên sân thượng thấy các vị tỳ kheo tắm giỡn nước dưới sông không đẹp mắt. Nhà vua đã khéo léo bạch trình lên Đức Phật việc ấy, và Đức Phật nhân đó chế định học giới về sự giỡn nước của Tỳ kheo. 

Tuy đã trở thành đệ tử Phật nhưng vua Pase-nadi vẫn không bỏ được thói quen đảnh lễ những ngoại đạo sư khác. Nhà vua vẫn có sự ái mộ và khoan dung đối với các giáo chủ ngoại giáo hay các đệ tử của họ. 

Vì chưa đạt được thánh tri kiến nên nhà vua có những tư tưởng lệch lạc với chánh pháp, đôi khi đã có những hành động sai lầm, suýt gây nên tội ác. 

Có lần một cuộc lễ tế thần phải giết thật nhiều súc vật và đồng nhi, mà chính vua Pasenadi cho xúc tiến và đích thân chuẩn bị chu đáo. May nhờ có hoàng hậu Mallikā của vua can ngăn và thuyết phục đức vua hãy đình chỉ tế đàn ấy để đi đến gặp Đức Phật. 

Một câu chuyện khác ghi lại rằng, đức vua vì luyến ái một phụ nữ khi ngài cưỡi ngựa dạo chơi trong kinh thành. Khi biết được nàng ấy đã có chồng, để chiếm đoạt người phụ nữ, nhà vua đã ra lệnh cho người chồng phải ra đi vào ban chiều để đem về cho được một loại hoa súng quí hiếm và đất sét trồng hoa súng ở một nơi cách xa kinh thành hàng trăm do tuần, thời hạn phải có mặt là ngày hôm sau. Nếu trễ thời hạn sẽ bị tội chết. Người đàn ông cố gắng trải qua cuộc hành trình, rạng sáng đã về đến thành nhưng cổng thành có lệnh vua phong tỏa không mở, người ấy sợ hãi lẩn trốn vào chùa Jetavana. Nhà vua suốt đêm cũng không an giấc được vì sự ái ố của mình. Sáng dậy, vua ra khỏi thành và đến Jetavana viếng thăm Đức Phật. Tình cờ gặp được người đàn ông ấy cũng đang ngồi hầu Đức Phật. Đức Phật nghe cả hai kể lại tâm trạng của mình, Ngài đã thuyết pháp giải tỏa sự phiền toái của đôi bên.

Vua Pasenadi vì ăn uống vô độ nên thường xuyên bị bệnh. Một lần vua đến thăm Đức Phật, Đức Phật khuyên nhà vua hãy tiết độ lại trong việc ăn uống, Ngài dạy cho vua một bài kệ làm điều răn về vấn đề ẩm thực. Vua Pasenadi đã thực hành theo và khỏe mạnh lại như xưa. Vua càng kính thương Đức Phật. 

Vua Pasenadi may mắn hơn các vị vua khác được nghe Đức Phật thuyết cho nghe rất nhiều bài pháp. Trong Saṃyuttanikāya, phẩm Kosalavagga ghi lại đầy đủ các bài pháp như vậy.

Đức vua cũng là một bậc đại thí chủ vào thời Đức Phật. Nhờ sự cố vấn của hoàng hậu Mallikā, vua đã tổ chức lễ cúng dường Đức Phật và chư Tăng thật long trọng, với 500 con voi cầm lọng đứng hầu Tăng chúng; đức vua tranh đua với dân chúng, cuối cùng thì dân chúng phải nhượng bộ không theo kịp. Cuộc đại thí này còn gọi là "Đại lễ vô song thí". 

Đức vua đã tỏ ra hào phóng, khi biết được vị đại thần Juṇha là người có tâm hoan hỷ trong cuộc bố thí của mình, vua bèn ban thưởng trọng hậu, đồng thời cho đại thần Juṇha làm vua bảy ngày tùy thích làm việc bố thí. Về phía vị đại thần Kāḷa, là người tỏ ra bất mãn với việc bố thí này của nhà vua, nên vua đã truất phế chức vụ và trục xuất ra khỏi vương quốc Kosala.

Theo sớ giải Jātaka thì vua Pasenadi có xây dựng một ngôi tịnh xá ở trước chùa Jetavana để cúng dường đến Đức Phật, ngôi tịnh xá này có tên là Rāja-gahārāma.

Vua Pasenadi băng hà trước ngày Đức Phật viên tịch, thọ 80 tuổi. Nhà vua đã chết trong cảnh cô đơn, tại một ngôi nhà trọ ở ngoại thành. 

Người cư sĩ hộ pháp quan trọng 

Vua Asoka (A-Dục vương) - Một vị đại đế của Ấn Độ sau thời Đức Phật, một vị cư sĩ đại hộ pháp mà có lẽ chưa có vị vua nào sánh bằng, từ trước tới nay. Tên tuổi của vị vua này đã gắn liền với nền nghệ thuật, văn hóa Phật giáo.

Hoàng đế Asoka xuất hiện vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, khoảng 200 năm sau khi Đức Phật níp bàn.

Ngài là con của vua Bimbisāra xứ Campala. Ngài có một người em ruột nữa là hoàng đệ Vitasoka. Về sau hoàng đệ Vitasoka xuất gia vào Phật giáo và đắc A la hán. 

Thuở thiếu thời, hoàng đế Asoka không được vua cha yêu chuộng bởi ngài có thân hình xấu xí, tay chân thô kệch nhám nhúa, mặc dù tài năng vượt trội các vị hoàng tử khác - anh em một cha khác mẹ với ngài. 

Thời ấy trong nước thường có loạn lạc do các xứ lân cận xâm lấn. Vua cha, vì không ưa hoàng tử Asoka nên luôn ban lệnh cho hoàng tử đi chinh phạt với một lực lượng quân đội yếu kém, binh mã và quân nhu tồi tệ. Thế nhưng do tài thao lược, hoàng tử Asoka lúc nào cũng đem chiến thắng trở về. 

Vua cha của hoàng tử Asoka còn có nhiều người con khác, trong số đó có một hoàng tử mà vua cha rất yêu chuộng và đã chọn làm Đông cung Thái tử để nối ngôi, hoàng tử ấy tên là Susima. Nhưng hoàng tử Susima tính tình kiêu căng và hung dữ nên không được lòng của văn võ triều thần. Họ cùng nhau chờ dịp sẽ lập hoàng tử Asoka lên ngôi.

Thế rồi cơ hội cũng đến, ngày kia xứ Takkasilā nổi loạn, vua Bindusāra sai đông cung Susima mang đại quân dẹp loạn, nhưng thất bại. Hay tin chẳng lành, vua cha thọ bệnh và truyền lịnh hoàng tử Asoka đem binh tiếp ứng cho đông cung Susima.

Các vị đại thần đã xúi giục hoàng tử Asoka cáo bệnh không xuất chinh. Các đại thần thấy vua Bin-dusāra bệnh càng lúc càng trầm trọng, bèn vào triều tâu vua xin nhường ngôi lại cho hoàng tử Asoka, và họ đã tự an bày tôn hoàng tử Asoka lên ngôi, dù vua cha không chấp nhận. Vua Bindusāra quá tức giận thổ huyết mà băng hà.

Hay tin ấy, đông cung Susima tức tốc kéo binh về thành Pātaliputta để dành lại ngôi vua. Vua Asoka lập kế đã tiêu diệt được đông cung Susina.

Sau khi diệt được cái gai Susima, vua Asoka bèn bắt giết những quan thần mà trước đây đã khinh thường mình vì thân hình xấu xí.

Nhà vua lại cho lập ra cảnh Địa Ngục Bồng Lai để hành hình tội nhân, bên ngoài chốn ấy thật hữu tình ngoạn mục chẳng khác Bồng lai tiên cảnh, nhưng bên trong thì cảnh tượng rùng rợn như chốn địa ngục, có rất nhiều cách hành hình thật dã man. 

Mặt khác, vua Asoka lại là vị vua hiếu sát. Nhà vua đã cất binh chinh phạt các nước chư hầu, đã gây nên cảnh tang thương chết chóc kinh hoàng. Trong cuộc chinh phạt ấy, thê thảm nhất là xứ Kaliṅga, mười muôn quân sĩ bị tử trận, mười lăm muôn quân khác bị bắt làm tù binh đem lưu đày, và vô số dân chúng đã bị sát hại, thây chất thành núi, máu chảy thành sông.

Sự hiếu sát và tính hung bạo của nhà vua làm cho dân chúng ta thán sợ hãi, họ đặt tên nhà vua là Caṇḍāsoka (ác vương Asoka).

Thế rồi một ngày kia, có vị tỳ kheo trẻ tuổi tên là Samudda vào thành Pātaliputta để khất thực, vô tình đi ngang qua chốn địa ngục bồng lai, vì mỏi mệt và thấy cảnh mát mẻ hữu tình nên vị ấy dừng chân ngồi nghỉ mát. Bọn cai ngục bắt giữ tỳ kheo Samudda và giam vào đại lao. 

Tỳ kheo Samudda đã tranh thủ thời gian ấy, tinh tấn thiền định, lấy cảnh khổ luân hồi làm đề tài quán niệm, nỗ lực ngày đêm bất thối chuyển, vài ngày sau vị ấy chứng đắc A la hán quả với thần thông. 

Vào ngày thứ tám, bọn cai ngục dẫn Ngài ra hành hình, bỏ vào chảo dầu và đốt lửa. Ngài Samud-da ngồi nhập định thản nhiên trong chảo dầu không hề hấn gì. Đức vua Asoka được báo tin lạ lùng ấy, vội vã ngự đến ngục thất để xem sự tình. Lúc ấy, Ngài Samudda bay lên ngồi kiết già trên không trung. Đức vua sanh tâm kinh sợ liền chắp tay đảnh lễ đại đức Samudda và yêu cầu đại đức Samudda giải thích điều kỳ diệu này. 

Đại Đức Samudda bèn thuyết pháp cho nhà vua nghe, và khuyên nhà vua hãy bỏ dữ về lành, mở lòng từ bi bác ái, thương xót thần dân, đem lại an vui hạnh phúc cho muôn loài; đồng thời Ngài cũng nhắc cho nhà vua biết lời tiên tri của Đức Phật cách đây 200 năm, về nhà vua sẽ là bậc thánh vương hộ pháp có nhiều công đức trong việc phụng thờ xá lợi và truyền bá chánh pháp trong thế gian.

Nghe được lời giảng dạy cao quý, đức vua Asoka xúc động mãnh liệt và khởi lên niềm tịnh tín nơi Tam Bảo, bèn quì xuống tác bạch rằng: 

"Bạch Đại Đức, từ trước đến nay trẫm đã gây nhiều ác nghiệp. Nay trẫm xin thành tâm sám hối các tội để phục thiện. Trẫm xin qui y Phật - Pháp - Tăng để tạo những việc lành kể từ ngày nay đến trọn đời".

Đại Đức Samudda phán rằng: "Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! rồi Ngài biến đi mất. 

Vua Asoka liền hạ lịnh phá hủy chốn địa ngục bồng lai ấy, và bắt đầu từ đấy, nhà vua tận tâm hộ pháp và dạy bảo dân chúng sống đạo đức theo tinh thần Phật giáo. Thần dân trong nước thấy vua thay đổi tâm tính và trở nên độ lượng khoan hồng, bèn tặng cho vua mỹ danh là Dhammāsoka (Pháp Vương Asoka hay Minh Vương Asoka).

Nhờ dựa trên tinh thần Phật giáo, đem chánh pháp áp dụng vào chính sách cai trị của vua Asoka nên đất nước Ấn Độ bấy giờ được thái bình thạnh trị, hùng cường vào bậc nhất.

Đức vua Asoka vì đã thống nhất toàn lãnh thổ Ấn Độ, thành vị đại đế, quyền hành rộng lớn bao gồm các nước chư hầu. Nên sau khi qui y theo Phật giáo rồi, đức vua tự thân đến thành Rājagaha thỉnh trọn phần Xá Lợi Phật được an vị trong thánh tháp mà vua Ajātasattu kiến tạo, để mang về Pātaliputta; đức vua cũng ra lịnh cho sáu vị vua xứ chư hầu mang nạp tất cả Xá Lợi Đức Phật trong xứ của họ đã được chia sớt tại Kusinārā sau lễ trà tỳ kim thân Đức Phật. Sau đó đức vua Asoka đã khiến thợ làm 84.000 hộp nhỏ bằng vàng chạm trổ khéo léo và 84.000 cái bình lớn hơn cũng bằng vàng, rồi phân chia Xá Lợi làm 84.000 phần đều nhau và an trí vào 84.000 cái hộp nhỏ, đặt vào 84.000 cái bình lớn. Xong việc, đức vua cho phân phát khắp nơi xứ Ấn Độ. Chỗ nào cũng xây ngôi tháp để tôn trí Xá Lợi. 

Cách thức qui định là chỗ có dân cư từ 10 triệu, xây tháp Xá Lợi, bốn chỗ động tâm, xây tháp Xá Lợi, mỗi nơi nào có sự tích liên quan đến Đức Phật khi Ngài còn tại thế, xây tháp Xá Lợi.

Đức vua Asoka khuyến khích hoàng đệ Vitasoka xuất gia theo Phật pháp, đồng thời cũng cho hoàng tử Mahinda và công chúa Saṅghamittā gia nhập giáo hội tỳ kheo, tỳ kheo ni, cả ba vị này đều chứng quả A la hán.

Đức vua Asoka đã xây dựng vô số kiến trúc đền thờ có chạm trổ những sự tích Đức Phật và khắc chỉ dụ của vua trên những bia đá khuyên bảo dân chúng sống theo Phật pháp, lại dựng cột trụ nơi bốn thánh địa động tâm để lưu dấu tích: Đản Sanh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân, Níp Bàn của Đức Phật. 

Đức vua Asoka sau khi cho hai người con xuất gia, đã trở thành quyến thuộc thừa kế Phật giáo nên càng tịnh tín Tam Bảo. Mỗi ngày đức vua xuất ra 500.000 đồng Kahāpana cúng dường tứ sự đến Tăng chúng đầy đủ dồi dào. Cũng vì thế mà các nhóm tu sĩ ngoại đạo đã xâm nhập vào Tăng đoàn Phật giáo sống lẫn lộn với các vị tỳ kheo chân chánh để thọ hưởng lợi lộc vì ở ngoài họ bị thiếu thốn. Họ gia nhập hàng Tăng chúng nhưng vẫn có sở hành phi pháp tà kiến. Do đó, nội bộ chư Tăng bị xáo trộn không thể hành Tăng sự với nhau được, tình trạng kéo dài suốt bảy năm. Sau đó, chư tỳ kheo trình sự kiện này cho đức vua biết. 

Đức vua Asoka có đức tin Phật pháp, thấy mình phải có trách nhiệm chấn hưng Phật giáo, nên đức vua đã học hỏi chánh pháp từ vị Thánh Tăng Mog-galliputtatissa. Thế rồi đức vua thỉnh mời tất cả chư tỳ kheo trong thành họp hội tại chùa Asakārāma tổ chức một cuộc vấn đạo. Đức vua làm giám khảo sát hạch pháp luật từng vị tỳ kheo do chư Trưởng lão làm hội đồng chứng minh. Cuối cùng qua cuộc thanh lọc, đức vua đã loại ra được 60.000 vị tỳ kheo giả mạo, cho hoàn tục thành người cư sĩ. 

Khi Tăng chúng đã được thanh lọc, Trưởng lão Moggalliputtatissa họp Tăng 6 triệu tỳ kheo để hành Tăng sự Uposatha. Ngài đã chọn ra 1000 vị tỳ kheo A la hán tuệ phân tích, thông thuộc tam tạng và chú giải để kết tập kinh điển. Đức vua Asoka bảo trợ cho kỳ kết tập này. Đây là kỳ kết tập tam tạng lần thứ ba, vào năm Phật lịch 235.

Đức vua Asoka không những đã hộ độ chư Tăng phát triển Phật giáo trong nước, mà còn hỗ trợ Tăng truyền bá Phật giáo sang các nước lân cận. Vào năm Phật lịch 236, sau khi kết tập kinh điển, Ngài Moggalliputtatissa biết được Phật giáo sẽ được hưng thịnh ở ngoại quốc chớ không tại Ấn Độ, nên Ngài đã cử chư trưởng lão đi truyền bá Phật giáo sang các xứ lân bang, gồm có chín đoàn. Đức vua Asoka rất quan tâm và giúp đỡ chín đoàn sứ giả được thuận lợi đi đến các xứ để truyền đạo. 

Đức vua Asoka là bậc cư sĩ đại hộ pháp với những công trình như vậy, và cho đến cuối cuộc đời, nhà vua vẫn còn nghĩ đến việc cúng dường Tam bảo bằng cách để lại di ngôn cho các quan thừa hành dâng hết cõi đất Diêm Phù (Ấn Độ) đến Tam bảo. Các quan phải xuất quốc khố mua lại giang sơn cho vị tân vương. 

Xét về lòng tịnh tín bất động đối với Tam Bảo thì vua Asola không bằng trưởng giả Anāthapiṇḍika và đại tín nữ Visākhā, vì hai vị này là bậc thánh Tu đàhuờn. Nhưng nói về công trình chấn hưng và truyền bá Phật giáo thì đức vua Asoka vẫn chiếm ưu thế hơn. 

I.5. QUẢ VỊ TU HÀNH CỦA NGƯỜI CƯ SĨ 

Có bốn quả vị (phala) tu hành của đời sống phạm hạnh:

1- Quả vị Nhập Lưu (Sotāpattiphala) cũng gọi là Dự lưu, Sơ quả, Tu đà huờn. 

Gọi là Nhập lưu hay Dự lưu, nghĩa là dự vào dòng thánh vức; khi đắc quả vị này rồi thì không còn là phàm phu tánh, mà là bậc thánh, nhưng là thánh Hữu học.

Gọi là sơ quả vì đây là thánh quả thứ nhất trong bốn thánh quả.

Gọi là Tu đà huờn, tức là đọc âm của tiếng Sotāpatti. 

Vị thánh nhập lưu đã đoạn trừ ba kiết sử là: thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Vị thánh nhập lưu có thể còn tái sanh nhưng không quá bảy lần (vì vậy cũng gọi là Thất lai), và nếu có tái sanh cũng chỉ sanh ở cõi vui, nhất định không sanh đọa vào 4 khổ cảnh. 

2- Quả vị Nhất lai (Sakadāgāmiphala), cũng gọi là Nhị quả, Tư đà hàm. 

Gọi là Nhất lai, vì bậc này nếu có tái sanh nữa thì chỉ một lần sanh lại cõi dục rồi đắc vô dư y Níp bàn. 

Gọi là nhị quả, vì đây là thánh quả thứ hai trong bốn thánh quả, quả vị cao hơn nhập lưu, nhưng cũng là thánh hữu học. 

Gọi là Tư đà hàm, tức là đọc âm của tiếng Sakadāgāmi.

Vị thánh Nhất lai tiếp tục giảm trừ hai kiết sử là: dục ái và sân. 

3- Quả vị Bất lai (Anāgāmiphala), cũng gọi là Tam quả, A na hàm.

Gọi là Bất lai, vì bậc này sẽ không còn tái sanh lại cõi dục nữa, vị ấy sẽ hóa sanh vào cõi Tịnh cư sắc giới và vô dư y Níp bàn ở đó. 

Gọi là tam quả, vì đây là thánh quả thứ ba trong bốn thánh quả, là quả hữu học cao hơn Tu đà huờn và Tư đà hàm. 

Gọi là A na hàm, tức là đọc âm của tiếng Anāgāmi.

Vị thánh Bất lai đã hoàn toàn đoạn diệt năm hạ phần kiết sử là: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân. 

4- Quả vị Ưng Cúng (Arahattaphala), cũng gọi là tứ quả, A la hán.

Gọi là Ưng Cúng, vì là bậc xứng đáng cúng dường bởi người đời. 

Gọi là tứ quả vì đây là quả vị thứ tư, quả vị cao tột trong bốn thánh quả. 

Gọi là A la hán, tức đọc âm của tiếng Arahatta hay Arahaṃ. 

Vị thánh A la hán đã hoàn toàn thanh tịnh phiền não, cắt đứt năm thượng phần kiết sử còn dư sót, là Ái sắc, Ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, và vô minh.

Vị A la hán không còn sự tái sanh, nên gọi là bậc vô sanh, vị ấy phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, nên gọi là bậc vô học. 

Đối với bốn quả vị phạm hạnh này, người tại gia cư sĩ đều có thể đạt được cả. 

Tuy vậy, với phẩm mạo cư sĩ khó có người đắc quả A la hán, nếu có thì không giữ được thọ mạng lâu dài. Một ngươi cư sĩ nếu đắc A la hán, có hai sự kiện xảy ra, một là phải lập tức thay đổi phẩm mạo thành bậc xuất gia, hai là phải viên tịch Níp bàn ngay trong ngày hôm ấy.

Trong kinh Milindapañhā, đức vua Milinda bạch hỏi ngài Nāgasena tại sao người cư sĩ không duy trì được mạng khi đắc quả vị A la hán?

Ngài Nāgasena giải thích rằng, vì phẩm mạo của cư sĩ quá thấp thỏi yếu kém, không kham nổi với quả vị cao thượng A la hán. Ngài có thí dụ: người bụng yếu không ăn được vật thực khó tiêu hóa, hoặc như bụi cỏ lau không nâng đỡ nổi tảng đá đặt lên, hoặc như người bần tiện dốt nát không kham nổi địa vị đế vương v.v...

Những cư sĩ đắc A la hán vẫn có, như là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), Đại thần Santati, du sĩ Bāhiya-dārucariya v.v... 

Phẩm mạo cư sĩ chỉ có thể kham nổi và tương xứng với quả vị thánh hữu học Tu đà huờn, Tư đà hàm, và A na hàm. Nhưng vị cư sĩ A na hàm thì sống ly thân với gia đình vì pháp tánh của vị thánh này đã diệt dục. Vị cư sĩ Tư đà hàm thì cũng không mấy thiết tha với đời sống gia đình vì bậc ấy đã hạn chế dục vọng. Đa phần cư sĩ vào thời Đức Phật chứng đạt quả vị Tu đà huờn, một quả vị bất thối niềm tin Tam bảo và chắc chắn đang hành trình đạo lộ đến Níp-bàn.

Những cư sĩ đắc Tu đà huờn, như ông Anāthapiṇḍika, ông Jīvika, vua Bimbisāra, bà Visākhā v.v... 

Những cư sĩ đắc Tư đà hàm, như Sumanā con gái ông Cấp-cô-độc, Mahānāma ông hoàng Thích ca v.v...

Những cư sĩ đắc A na hàm, như thiện nam Chattapāni ở Sāvatthī, gia chủ Citta ở Macchikāsaṇda, gia chủ Ugga ở Vesāli, Mẹ của thôn trưởng Mātikāgāma, cha và mẹ của nàng Māgandiya v.v...

Các vị chư thiên phạm thiên cũng gọi là cư sĩ vì các chúng sanh này không có phẩm mạo xuất gia. Họ cũng đắc quả vị thánh nhân vô số kể mỗi khi Đức Phật thuyết pháp.

I.6. VAI TRÒ CƯ SĨ TRONG PHẬT GIÁO

Đức Phật có tâm đại bi với chúng sanh, Ngài thuyết pháp vừa theo trình độ và hoàn cảnh của mỗi người, để họ có thể thực hành theo giáo pháp hầu được an vui hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ luân hồi như Ngài. 

Giáo pháp của Đức Phật ứng dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia. 

Người cư sĩ trong Phật giáo cũng có trách nhiệm nặng nề đối với việc tồn vong của chánh pháp.

Đức Phật có thuyết rằng: 

"Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các tỳ kheo, các tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và qui thuận bậc Đạo Sư, sống tôn trọng và qui thuận giáo pháp, sống tôn trọng và qui thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và qui thuận học giới, sống tôn trọng và qui thuận lẫn nhau. Đây là nguyên nhân chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch" (A.III.247). 

Người cư sĩ Phật giáo, đúng nghĩa là cận sự nam và cận sự nữ không phải là người chi đến với Phật giáo như một học giả nghiên cứu triết học Đông phương. Mà phải nhận thức rõ vai trò của mình đối với Phật pháp, phải thiết tha sống theo tinh thần lời dạy của Đức Phật để hướng tìm mục đích giải thoát, thành tựu hạnh phúc thật sự. 

Người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo có hai vai trò: 

1. Vai trò người hộ pháp (Dhammarakkhaka).
2. Vai trò người thừa tự pháp (Dhammadāyadaka).

Vai trò hộ pháp 

Hộ pháp tức là hộ trì Tam bảo: hộ trì Phật bảo, hộ trì Pháp bảo, hộ trì Tăng bảo. 

Hộ trì Phật bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Đức Phật là bậc giác ngộ chân lý, bậc đã tìm ra pháp giải thoát, bậc kính trọng chánh pháp. Do vậy, sự hộ trì Phật bảo cũng gọi là hộ pháp.

Hộ trì Pháp bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng giáo lý của Đức Phật là pháp đem đến sự an vui cho chúng sanh thiết thực hiện tại, lợi ích tương lai, và thoát khỏi luân hồi. Giữ vững giáo pháp cho đúng tinh thần chánh pháp, không để bị mai một, bị sai lệch văn cú ý nghĩa lời dạy của Đức Phật. Đó gọi là hộ pháp. 

Hộ trì Tăng bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Tăng chúng là những vị đệ tử thừa hành giáo lý của Đức Phật, truyền thừa Phật pháp tồn tại trong thế gian ngay khi Đức Phật còn tại thế và sau khi Đức Phật níp bàn. Tăng chúng còn là Giáo pháp còn, do đó sự hộ trì Tăng bảo cũng là hộ pháp. 

a) Hộ trì Phật Bảo 

Người cư sĩ hộ trì Phật bảo bằng bốn hình thức sau đây: 

1- Giữ vững niềm tin đối với Đức Phật, không có hoài nghi sự giác ngộ của Ngài.
2- Hằng tán dương Đức Phật và hoan hỷ người khác tán dương Đức Phật. 
3- Thường xuyên lễ bái Đức Phật qua hình, tượng, xá lợi.
4- Xây dựng đền tháp, tôn thờ Phật cảnh trang nghiêm để tôn vinh Đức Phật. Nếu không có khả năng tự mình làm thì ủng hộ người khác cùng làm. 

Việc thờ phụng Đức Phật, người cư sĩ làm vai trò ấy là hợp lý hơn các vị xuất gia. Khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch, tôn giả Ānanda đã bạch hỏi Ngài về việc xử sự đối với thân Xá Lợi của Thế Tôn phải như thế nào? Đức Phật bảo rằng: 

"Này Ānanda, các ngươi chớ bận lo việc thờ phượng Xá Lợi của Như Lai; hãy tinh tấn tự lợi, hãy chuyên cần tự lợi, hãy sống nỗ lực nhiệt tâm, không dể duôi. Này Ānanda, có các hiền trí Sát đế lỵ, các hiền trí Bà la môn, các hiền trí gia chủ tín ngưỡng Như Lai, những người ấy sẽ thờ phượng thân xá lợi của Như Lai" (D.II.141).

b) Hộ trì Pháp bảo

Người cư sĩ hộ trì Pháp bảo bằng năm hình thức sau đây: 

1- Giữ vững niềm tin đối với giáo pháp, không có hoài nghi về hiệu năng hướng thượng của Giáo pháp.
2- Siêng năng học hỏi giáo pháp, thọ trì đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không xu hướng ngoại đạo.
3- Hoan hỷ cúng dường đến các vị tỳ kheo, sa di là bậc đa văn, những vị học pháp, hành pháp và duy trì giáo pháp. 
4- Có sự ưu tư trong việc chấn hưng Phật pháp khi thấy có dấu hiệu bi suy thoái, bị phá hoại. 
5- Tùy khả năng của mình, hỗ trợ chư Tăng kết tập kinh điển, in ấn sách kinh, mở trường lớp Phật học v.v...

Từ thời Đức Phật đã có những tấm gương cư sĩ hộ pháp như ông Anāthapiṇḍika, bà Visākhā, vua Pasenadi, sau này có vua Asoka ... chẳng những họ cúng dường vật chất hộ độ Đức Phật và Tăng chúng mà họ còn rất quan tâm để hộ trì chánh pháp, cũng cố Phật pháp, làm sao cho giáo pháp hưng thịnh. 

Người cư sĩ hộ trì chánh pháp nổi bậc nhất là đức vua Asoka (A Dục vương). Với quyền hành của mình, nhà vua đã cố gắng học Phật pháp cho thông suốt để sàng lọc ra những vị tu sĩ giả danh gây xáo trộn trong Phật giáo, nhà vua cũng đã nhiệt tâm hộ độ chư Tăng kết tập kinh điển lần thứ ba, nhà vua cũng tận tâm giúp đỡ chư Tăng đi hoằng pháp mở mang Phật giáo đến các nước lân bang ... 

c) Hộ trì Tăng bảo 

Người cư sĩ hộ trì Tăng bảo bằng năm hình thức sau đây: 

1- Có niềm tin vững chắc nơi Tăng chúng, không vì lý do một vài phần tử cá nhân xấu mà mất niềm tin với Tăng chúng. 
2- Thường xuyên hộ độ cúng dường các nhu cầu vật chất đến chư tăng. 
3- Luôn luôn bảo vệ uy tín và thanh danh cho Tăng chúng.
4- Quan tâm đến sự an nguy thịnh suy của Tăng chúng, đồng vui cộng khổ với chư tăng. 
5- Đối xử với Tăng chúng bằng sự kính trọng và nhu thuận. 

Các cư sĩ thời Đức Phật như ông Jīvakakomārabhacca, bà Visākhā, vua Pasenadi ... là những người hộ Tăng tiêu biểu, vừa hộ độ thực phẩm, vừa bảo vệ thanh danh chư tăng, vừa khéo góp ý nhắc nhở những vị có hành vi sai trái để chấn chỉnh giáo hội tốt đẹp.

Vai trò thừa tự pháp 

Thừa tự (dāyada) là sự kế thừa, thừa hưởng, như là thừa tự tài sản, thừa hưởng gia sản v.v... thừa tự pháp là kế thừa Giáo pháp của Đức Phật. 

Trong kinh Trung Bộ, Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Này các tỳ kheo, các ngươi hãy là người thừa tự pháp của ta, đừng là người thừa tự tài vật - Dhamma-dāyādā me bhikkhave bhavatha mā āmisadāyādā" -- (M.I.12).

Ở vai trò thừa tự pháp, người cư sĩ có ba phận sự: 

- Học hỏi giáo lý 
- Thực hành giáo pháp
- Duy trì Phật giáo

a) Học hỏi giáo lý

Để lãnh hội những tinh hoa Phật pháp và có được chánh kiến, người cư sĩ phải siêng năng học hỏi giáo lý, ưa thích tìm hiểu Phật pháp. Sự học hỏi giáo lý cho thông suốt, gọi là thừa tự pháp. Ví như một người con kế thừa sự nghiệp của ông cha, là phải biết được giá trị những gì mà ông cha đã để lại, cũng vậy, giáo pháp mà đấng từ phụ đã để lại, đệ tử xuất gia hay tại gia phải chuyên cần học tập để biết được giá trị của giáo pháp ấy, như thế mới đáng gọi là đệ tử thừa tự pháp. 

Người cư sĩ học hỏi giáo lý bằng nhiều phương tiện, có thể bằng cách nghe chư Tăng thuyết Phật pháp. 

Hoặc có thể học hỏi bằng cách nghiên cứu tham khảo kinh sách Phật giáo. 

Hoặc có thể học hỏi bằng cách tìm gặp nhau để đàm luận Phật pháp. 

Các cư sĩ thời xưa khi đến viếng thăm Đức Phật hay các vị Tỳ kheo, bao giờ họ cũng hoan hỷ nghe pháp, thiết tha học giáo pháp, như vua Pasenadi, ông Anāthapiṇḍika, bà Visākhā v.v... Có vậy mới xứng đáng gọi là cư sĩ thừa tự pháp.

b) Thực hành giáo pháp

Người cư sĩ không phải chỉ đơn thuần là người có tín ngưỡng tôn giáo, là người theo đạo Phật. Người cư sĩ phải sống theo pháp, thực hành giáo pháp, chấp nhận giáo pháp ứng dụng vào đời sống như là một nhu cầu không thể thiếu. Người cư sĩ có thực hành như vậy mới hưởng được hương vị tuyệt vời của giáo pháp, như khi có nếm qua món ăn rồi mới thưởng thức được hương vị của món ăn đó. Gọi là người cư sĩ thừa tự pháp, phải thật sự cảm nhận được sự đặc thù của chánh pháp qua kinh nghiệm tu tập. 

Người cư sĩ ngoài việc học hỏi giáo lý thông suốt, còn phải thực hành nữa. Khi nào còn người thực hành theo giáo pháp thì khi đó Phật pháp còn tồn tại, bởi thế vai trò thừa tự pháp của người cư sĩ cũng rất quan trọng.

Sự thực hành giáo pháp, tức là hành theo ba điều căn bản: 

"Không làm các điều ác" (Sabbapāpassa akaraṇaṃ). Nghĩa là người cư sĩ sống né tránh không làm điều tội lỗi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói độc ác, nói vô ích, tham lam, sân hận và tà kiến.

"Thực hiện các việc lành" (Kusalassa upasampadā). Nghĩa là người cư sĩ thiết tha làm những điều thiện như bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ, thính pháp, nói pháp, hồi hướng phước, tùy hỷ phước và cải chánh tri kiến.

"Thanh lọc nội tâm" (Sacittapariyodapanaṃ). Nghĩa là người cư sĩ tinh tấn thiền định để rèn luyện nội tâm, làm cho tâm trong sạch không bị ô nhiễm bởi phiền não tham, sân, si. 

Sự tu tập của người cư sĩ theo ba điều trên, gọi là người cư sĩ thực hành giáo pháp. 

c) Duy trì Phật giáo

Người cư sĩ thừa tự pháp, ngoài hai phận sự là học hỏi giáo lý và thực hành giáo pháp, còn có một phận sự nữa cũng rất quan trọng, đó là duy trì Phật giáo.

Phật giáo được tồn tại lâu dài là nhờ vào tứ chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ hết lòng phụng sự duy trì chánh pháp. Trong tứ chúng ấy, tỳ kheo và tỳ kheo ni là hàng xuất gia; cận sự nam và cận sự nữ thuộc hàng tại gia cư sĩ. Bậc xuất gia đóng vai trò chính trong phận sự duy trì Phật pháp vững bền; còn đối với hàng cư sĩ chỉ là vai trò phụ. 

Tuy người cư sĩ đối với phận sự duy trì Phật pháp là vai trò phụ nhưng không phải là không quan trọng. Vì nếu người cư sĩ không xuất gia hoặc cư sĩ cha mẹ không hoan hỷ cho con cháu xuất gia thì làm sao có tỳ kheo, tỳ kheo ni để duy trì Phật pháp? Lại nữa, nếu người cư sĩ không ủng hộ cúng dường hoặc bảo vệ Tăng chúng Phật giáo thì làm sao các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni có điều kiện thuận lợi làm phận sự duy trì Phật pháp?

Bởi thế, người cư sĩ cũng có phận sự duy trì Phật giáo là gián tiếp. Và người cư sĩ duy trì Phật giáo được gọi là người thừa tự giáo pháp. 

Một thời, khi đức vua Asoka (A Dục vương) trở thành Phật tử, đức vua đã ra sức xây cất 84.000 chùa tháp để tôn thờ Xá lợi Đức Phật. Đức vua bạch hỏi chư Thánh Tăng: Sự đại thí như vầy, không biết có ai đã từng làm chưa? 

Trưởng lão Moggalliputtatissa thay mặt chư Tăng đã trả lời rằng:

"Thưa Đại vương, dù khi Đức Thế Tôn còn hiện tiền và cho đến nay cũng chưa có một ai làm được việc đại thí như thế này. Chỉ có Đại vương là nguời duy nhất làm được việc đại thí này thôi".

Đức vua Asoka lắng nghe trưởng lão Moggalli-puttatissa trả lời, lòng tràn ngập phỉ lạc. Vua đã suy nghĩ, nếu ta là người đã làm được đại thí này chắc hẳn ta là người thừa kế Phật giáo (Dāyādo sāsanassa) chăng? Nghĩ vậy, Đức vua bèn bạch hỏi vị trưởng lão nữa. 

"Kính bạch Tôn giả, trẫm đã làm được đại thí như thế, vậy trẫm có phải là người kế thừa của Phật giáo chăng?"

Trưởng lão đáp:

"Thưa đại vương, người chỉ bố thí bốn món vật dụng, dù có là đại thí chăng nữa cũng chỉ gọi là thí chủ vật dụng (paccayadāyaka), chứ chưa phải là người kế thừa Phật giáo (sāsanadāyada). 

Đức vua liền hỏi vị trưởng lão, người thế nào mới gọi là kế thừa Phật giáo. Trưởng lão đáp:

"Những người cha mẹ nào hoan hỷ cho phép con của mình xuất gia trở thành tỳ kheo trong Phật giáo, như vậy, người cha mẹ ấy mới được gọi là người kế thừa Phật giáo."

Đức vua Asoka nghe vậy khởi tâm tịnh tín bèn cho phép hai người con là hoàng tử Mahinda và công chúa Saṅghamittā xuất gia làm tỳ kheo và tỳ kheo ni trong Phật giáo. Sau khi xuất gia, cả hai vị đều đắc quả A la hán, và chính Đại Đức Mahinda đã mở đầu công cuộc hoằng hóa giáo pháp tại xứ Tích Lan. 

Các bậc xuất gia duy trì Phật pháp bằng cách hoằng pháp, còn đối với người cư sĩ thì duy trì Phật pháp bằng cách hộ độ chư Tăng hoằng pháp, và tạo người nối truyền hoằng pháp, tức là nếu con em có ý muốn xuất gia thì mình khích lệ, động viên, và hoan hỷ cho phép. 

DỨT CHƯƠNG I

Chương II. Các Pháp Môn Thuyết Cho Cư Sĩ

II.1. MƯỜI HẠNG CƯ SĨ 

Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại chùa Jetavana (Kỳ Viên). Bấy giờ gia chủ Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) đến viếng thăm Đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho gia chủ Anāthapiṇḍika nghe về mười hạng người hưởng dục (Kāmabhogī), tức là người tại gia cư sĩ. 

Mười hạng cư sĩ ấy là:

1- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách phi pháp thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, không chia sẻ và không tạo phước.

2- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách phi pháp thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, nhưng không chia sẻ và không tạo phước.

3- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách phi pháp thủ đoạn; nhưng khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ và tạo phước.

4- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, không chia sẻ và không tạo phước. 

5- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, nhưng không chia sẻ, không tạo phước. 

6- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ và tạo phước. 

7- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, không chia sẻ, không tạo phước. 

8- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, nhưng không chia sẻ, không tạo phước. 

9- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ, tạo việc phước; nhưng người ấy thọ dụng tài sản tham đắm, đam mê, nhiễm trước, không thấy sự nguy hiểm, không có trí tuệ xuất ly. 

10- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ, tạo việc phước; và người ấy thọ dụng tài sản không tham đắm, không đam mê, không nhiễm trước, thấy được sự nguy hiểm, có trí tuệ xuất ly. -- S.IV.331; A.V.176

Mười hạng cư sĩ này được chia ra có bốn bậc: 

- Bậc thấp, gồm ba hạng cư sĩ tìm tài sản phi pháp và thủ đoạn. Trong ba hạng này, có điểm đáng khen, có điểm đáng chê. Người biết làm cho mình an vui no đủ, là điểm đáng khen; không tự làm cho mình an vui no đủ, là điểm đáng chê. Người biết chia sẻ, biết tạo phước, là điểm đáng khen, không biết chia sẻ, không biết tạo phước, là điểm đáng chê. 

- Bậc trung, gồm ba hạng cư sĩ tìm tài sản vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn. Trong ba hạng này, có điểm đáng khen, có điểm đáng chê.

- Bậc cao, gồm ba hạng cư sĩ tìm tài sản hợp pháp và không thủ đoạn. Trong ba hạng này, có điểm đáng khen, có điểm đáng chê. 

- Bậc tối thắng, là hạng cư sĩ có đủ các ưu điểm đáng khen, tức là "Tìm tài sản hợp pháp và không thủ đoạn"; "Tự làm cho mình an vui no đủ"; "Biết chia sẻ và tạo phước"; "Thọ dụng không tham đắm, không đam mê, không nhiễm trước, thấy được nguy hiểm, có trí tuệ xuất ly". Đây là hạng cư sĩ ưu thắng trong mười hạng cư sĩ. 

II.2. NĂM PHÁP TÁNH NGƯỜI CẬN SỰ TAM BẢO

Đức Thế Tôn dạy:

"Này các tỳ kheo, một cận sự (Upāsaka) thành tựu năm pháp này sẽ là cư sĩ châu báu, cư sĩ hồng liên hoa, cư sĩ bạch liên hoa. Thế nào là năm? Đó là có niềm tin (saddho hoti), có giới hạnh (sīlavā hoti), không tin bói toán đoán điềm (Akotuhalamaṅgaliko hoti), không tìm đối tượng đáng cúng dường ngoài Tam bảo (na ito bahiddhā dakkhineyyaṃ gavesati), phụng sự Tam bảo trước hết (idha ca pubbakāraṃ karoti). -- A.III.206

Năm pháp tánh này là tánh hạnh ưu việt của người cư sĩ, thành người cư sĩ cao quí, người cư sĩ thanh lương trong sáng.

1- Có niềm tin. Tức là có sự tin tưởng đối với Phật, Pháp, Tăng, không hoài nghi; có niềm tin vững chắc nơi Tam bảo. 

2- Có giới hạnh. Tức là an trú trong ngũ giới hay bát quan trai giới, thọ trì giới một cách nghiêm túc.

3- Không tin bói toán, đoán điềm. Tức là người cư sĩ chơn chánh chỉ tin vào luật nhân quả nghiệp báo, không tin vào sự may rủi do sao hạn chiếu mệnh, hay điềm báo tốt xấu.

4- Không tìm đối tượng đáng cúng dường ngoài Tam bảo. Tức là người cư sĩ đệ tử Phật dù có bố thí đến các ngoại đạo, chỉ vì lòng bi mẫn giúp đỡ họ, chứ không đặt họ ở địa vị bậc đáng cúng dường ngang hàng với Tam bảo.

5- Phụng sự Tam bảo trước hết. Tức là luôn luôn ưu tiên cho Tam bảo từ việc nhỏ đến việc lớn, phục vụ Tam bảo trước rồi mới thực hiện cho ngoại đạo sau nếu cần làm. 

II.3. MƯỜI ĐỨC LÀNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Trong chú giải có nói đến mười đức lành của người Phật tử đã qui y Tam bảo như sau:

1- Đồng vui khổ với chư Tăng (Saṅghena saddhiṃ samānasukhadukkho hoti), là khi chúng tỳ kheo có việc vui hay khổ, thì nguời thiện tín đều có quan tâm chia sẻ; Tăng chúng vui thì mình hoan hỷ, Tăng chúng khổ thì mình cùng lo. 

2- Khéo giữ gìn thân khẩu (Kāyikavācasikañca surakkhitaṃ hoti), là người thiện tín phải có hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp. 

3- Lấy pháp làm trọng (Dhammo adhipateyyo hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống y cứ giáo pháp, lấy chánh pháp làm chuẩn mực, làm căn bản, làm kim chỉ nam.

4- Vui chia sẻ tùy khả năng (Yathāthāmena saṃvibhāgarato' va hoti), nghĩa là người thiện tín có tâm hoan hỷ trong việc bố thí xả tài tùy theo sức tài sản mình có.

5- Cố gắng học hiểu giáo lý của Phật (Jinasāsanaṃ jānituñca vāyamati), nghĩa là người thiện tín phải cố gắng tìm hiểu học hỏi giáo pháp của bậc Đạo Sư đã dạy. 

6- Có chánh kiến (Sammādiṭṭhiko'va hoti), nghĩa là người thiện tín phải có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.

7- Từ bỏ sự bói toán đoán điềm (Apagato kotuhalamaṅgaliko'va hoti), nghĩa là người thiện tín không tin theo sao hạn hên xui, mê tín dị đoan.

8- Không xu hướng Đạo Sư khác dù có vì nhân mạng sống (Jīvitahetupi aññaṃ satthāraṃ na uddisati), nghĩa là người thiện tín không vì nhân mạng sống bị đe dọa hay vì để nuôi mạng mà hướng về thầy ngoại đạo khác bỏ Đức Phật. 

9- Vui thích trong sự hòa hợp (Samaggārāmo' va hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống đoàn kết, hoan hỷ trong sự đoàn kết, không chia rẽ, không phe phái.

10- Thực hành theo giáo lý (Sāsane carati), nghĩa là người thiện tín luôn luôn thực hành lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập.

Đây là mười đức tính tốt đẹp của một người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo, người cư sĩ có mười đức lành này đáng gọi là cận sự nam và cận sự nữ đệ tử Tam Bảo. -- Kh.A.550.

II.4. BỐN ĐIỀU HẠNH PHÚC CỦA CƯ SĨ 

Đức Phật đã thuyết cho trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) về bốn điều hạnh phúc của người tại gia. 

1- Hạnh phúc sở hữu (Atthisukha), là niềm an lạc do phát sanh tài sản hợp pháp, bằng sự nỗ lực siêng năng làm nghề nghiệp. Khi nghĩ đến sự sở hữu tài sản một cách chân chính như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.

2- Hạnh phúc hưởng thụ (Bhogasukha), là niềm an lạc do thọ hưởng tài sản của mình đã có, nuôi bản thân, nuôi gia đình và làm các công đức. Khi nghĩ đến sự thọ hưởng những tài sản tự tạo ra như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.

3- Hạnh phúc không nợ nần (Anaṇasukha), là niềm an lạc do không bị mắc nợ ai dù ít hay nhiều. Khi người cư sĩ trong gia đình biết sống tri túc, vừa với sự thu nhập, không để bị thiếu nợ; người ấy được thoải mái hạnh phúc, không có lo lắng hồi hộp. 

4- Hạnh phúc không lỗi lầm (Anavajjasukha), là niềm an lạc do không làm điều tội lỗi, thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội, phạm tội đối với luật nghiệp báo và đối với luật quốc độ. Khi người cư sĩ sống không vi phạm lỗi lầm như vậy, tâm tư an ổn, hạnh phúc, không bị đau khổ lo sợ. 

Trong bốn điều hạnh phúc này, điều "Hạnh phúc không lỗi lầm" là điều hạnh phúc có giá trị cao nhất. -- A.II.69

II.5. BỐN PHÁP TẠO LỢI ÍCH HIỆN TẠI 

Đức Phật đã thuyết bốn pháp tạo lợi ích hiện tại này ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī, cho thiện nam tử Dīghajānu. Có bốn pháp đưa đến an lạc hiện tại cho người cư sĩ tại gia.

1- Đầy đủ sự nỗ lực (Uṭṭhānasampadā) tức là có sự siêng năng tháo vát trong nghề nghiệp, không biếng nhác, biết phương pháp làm việc để đạt đến kết quả.

2- Đầy đủ sự bảo quản (Ārakkhasampadā), tức là có khả năng bảo vệ gìn giữ tài sản đã thu hoạch, không để bị thất thoát hư hại do thiên tai hỏa hoạn trộm cướp ... 

3- Có bạn lành (Kalyānamittatā), tức là giao du thân cận với những người hiền thiện đạo đức là những người giàu lòng tin, có giới hạnh, có bố thí và có trí tuệ. 

4- Cuộc sống thăng bằng (Samajīvitā), tức là biết sống chừng mực điều độ, vừa với sự thu nhập, không phung phí quá độ cũng không hà tiện bón rít. -- A.IV.281

II.6. BỐN PHÁP ĐEM ĐẾN LỢI ÍCH TƯƠNG LAI 

Bốn pháp lợi ích tương lai này cũng được Đức Phật thuyết cho thiện nam tử Dīghajānu, ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī.

1- Đầy đủ niềm tin (Saddhāsampadā), là thành tựu chánh tín; có đức tin đối với Tam bảo, nhất là tin tưởng sự giác ngộ của Đức Như Lai. 

2- Đầy đủ giới hạnh (Sīlasampadā), là thành tựu giới đức; từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ uống rượu và chất say. 

3- Đầy đủ bố thí (Cāgasampadā), là sống với tâm không bị cấu uế bởi xan tham, không bỏn xẻn, bố thí rộng rãi, thích chia sẻ khi được yêu cầu. 

4- Đầy đủ trí tuệ (Paññāsampadā), là có trí tuệ, thành tựu trạch pháp, thấy rõ sự sanh diệt của các pháp, để thể nhập chánh kiến. -- A.IV. 284

II.7. BỐN ĐỨC HẠNH NGƯỜI TẠI GIA 

Dạ xoa Ālavaka hỏi Đức Phật rằng, làm thế nào mà ra đi từ đời này đến đời khác con người không bị sầu muộn? Đức Phật đã dạy, người cư sĩ có bốn đức hạnh này nhất định không sầu muộn sau khi chết: 

1- Chân thật (Sacca), nghĩa là lời nói và việc làm đều đúng với sự thật, không giả dối, không hư ngụy.

2- Tự chế (Dama), nghĩa là biết điều phục huấn luyện tâm, tự dạy tâm, tự cải tạo cho mình được tiến hóa.

3- Kham nhẫn (Khanti), nghĩa là có sức chịu đựng nhẫn nại trước nghịch cảnh, kiên nhẫn với mọi khó khăn.

4- Xả tài (Cāga), nghĩa là bố thí chia sẻ đến người khác, dứt bỏ lòng ích kỷ bỏn xẻn. -- S.I.215; Sn.188

II.8. BỐN PHÁP THỊNH CỦA GIA ĐÌNH

Đức Phật thuyết cho các tỳ kheo, những gia đình nào có được tài sản, muốn được tồn tại lâu dài, đều do nhờ bốn sự kiện này hay một trong bốn sự kiện này. Bốn sự kiện hưng thịnh cho gia đình là:

1- Biết tìm lại cái đã mất (Naṭṭhagavesanā), nghĩa là trong gia đình cái gì đã bị tiêu hao, đã bị mất mát, do đã ăn xài hoặc bị trộm cướp ... thì người trong gia đình biết làm cho có lại những gì đã mất.

2- Biết sửa chữa cái đã hư cũ (Jiṇṇapaṭisaṅkharaṇā), nghĩa là trong gia đình cái gì dùng xài đã lâu, nay đã cũ kỹ đã giảm chất lượng, như nhà cửa hoặc vật dụng ... người trong gia đình biết tu bổ cải thiện cho mới lại. 

3- Biết độ lượng việc ăn uống (Parimitapānabhojanā), nghĩa là chi phí trong việc ăn uống, giải trí, phải có chừng mực, hợp lý, vừa với sự thu nhập của gia đình.

4- Đặt người đức hạnh vào vai trò chủ đạo (Adhipaccasīlavantaṭhapanā), nghĩa là trong gia đình, những vị trí lãnh đạo như gia chủ, quản gia, nội trợ ... phải do người có đạo đức giới hạnh đảm nhận. 

Ngược lại, gia đình nào không có bốn sự kiện này, sẽ làm cho gia đình suy sụp, không hưng thịnh, không tồn tại lâu dài. -- A.II.249

II.9. TÁM NGUỒN CÔNG ĐỨC SANH TRỜI NGƯỜI 

Đức Phật đã thuyết cho các tỳ kheo nghe về tám nguồn công đức, nhân sanh cõi người và trời, được khả ái, khả ý, khả hỷ, an lạc, hạnh phúc. Tức là ba qui y và năm vô úy thí. 

1- Quy y Phật (Buddhaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về với Đức Thế Tôn bậc Ứng Cúng Chánh Biến Tri. 

2- Quy y Pháp (Dhammaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về chánh pháp, giáo pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn.

3- Quy y Tăng (Saṅghaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về chúng Tăng đệ tử xuất gia của Đức Thế Tôn.

4- Vô úy thí từ bỏ sát sanh (Pāṇatipātā paṭivirato hoti abhayadānaṃ), nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sát hại mạng sống. 

5- Vô úy thí từ bỏ trộm cắp (Adinnādānā paṭivi-rato hoti abhayadānaṃ), nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự cướp đoạt vật chưa cho. 

6- Vô úy thí từ bỏ tà hạnh các dục (Kāmesu micchācārā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự tà dâm phi pháp. 

7- Vô úy thí từ bỏ nói dối (Musāvādā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự dối trá lừa gạt.

8- Vô úy thí từ bỏ nghiện ngập rượu (Surāmerayamajjamapādaṭṭhānā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ uống rượu, say sưa.

Người cư sĩ qui y Tam bảo là đem lại sự an vui cho mình; thọ trì ngũ giới là đem lại sự an vui cho chúng sanh, làm cho chúng sanh khác không sợ hãi, không oán thù, không bị tai hại, nên cũng gọi là vô úy thí (abhayaṃ deti). -- A.IV.245

II.10. BỐN SỰ CHUNG SỐNG GIA ĐÌNH 

Đức Phật đã thuyết pháp này cho các nam nữ gia chủ khi họ đến viếng thăm Ngài, lúc Ngài đang ở tại một tàn cây trên con đường giữa Madhurā và Verañjā. Đức Thế Tôn thuyết có bốn sự chung sống của nam nữ cư sĩ:

1- Tiện nam chung sống với tiện nữ (Chavo chavāya saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam tính độc ác xấu xa sống chung với một người nữ tính ác độc xấu xa. 

2- Tiện nam chung sống với thiên nữ (Chavo deviyā saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam ác độc xấu xa sống với một người nữ tính hiền thiện đạo đức.

3- Thiên nam chung sống với tiện nữ (Devo chavāya saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam hiền thiện đạo đức lại chung sống với một người nữ tính ác độc xấu xa.

4- Thiên nam chung sống với thiên nữ (Devo deviyā saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam tính hiền thiện đạo đức chung sống với một người nữ cũng có tính hiền thiện đạo đức.

Người tính hiền thiện đạo đức là người có giới hạnh, không bỏn xẻn và không hung tàn. Người tính ác độc xấu xa là người không giới hạnh, xan tham bỏn xẻn, và hung tàn. -- A.II.57

II.11. BỐN NHÂN DUYÊN TẠO XỨNG ĐÔI VỢ CHỒNG

Đức Phật đã thuyết pháp thoại này cho vợ chồng của gia chủ, cha mẹ Nakulā. Khi Đức Thế Tôn ngụ tại khu rừng Bhesakalā ở Bhagga, vào buổi sáng Ngài đi khất thực đến trú xứ của hai người ấy. Cả hai người đã bày tỏ rằng họ rất thương yêu nhau và hài lòng về nhau, họ muốn gặp mặt nhau ở đời sau nữa. Đức Phật đã dạy rằng, nếu họ muốn gặp nhau từ đời này đến đời sau, yêu thương và hạnh phúc, cả hai người phải đồng tín, đồng giới, đồng thí và đồng trí tuệ, như vậy sẽ gặp nhau nữa. Bốn nhân duyên tạo xứng đôi vợ chồng là: 

1- Đồng có đức tin (Samasaddhā), nghĩa là cả hai người đều có chánh tín, tin tưởng Tam bảo, tin lý nghiệp báo.

2- Đồng có giới hạnh (Samasīla), nghĩa là cả hai người đều giữ giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. 

3- Đồng có bố thí (Samacāgā), nghĩa là cả hai người đều có tâm rộng rãi, xả tài, thích phân phát tài sản đến người nghèo khó, biết cúng dường đến các sa môn.

4- Đồng có trí tuệ (Samapaññā) nghĩa là cả hai người đều có trí hiểu biết chân chánh, có chánh kiến, thấy biết nhân quả, thấy biết bản chất cuộc đời, nhận thức được bốn sự thật khổ - tập - diệt - đạo. -- A.II.61

II.12. NĂM NGHỀ BUÔN BÁN TRÁI ĐẠO CỦA CƯ SĨ 

Đức Phật đã thuyết điều này cho các tỳ kheo nghe; một người cư sĩ không nên làm năm nghề buôn bán này:

1- Buôn bán vũ khí (Satthavaṇijjā), nghĩa là buôn bán bất cứ vật gì gọi là khí giới, công cụ dùng để giết hại nhau như gươm đao, cung nỏ, súng đạn v.v...

2- Buôn bán chúng sanh (Sattavaṇijjā), theo chú giải, giải thích điều gọi là buôn bán chúng sanh tức bán con người cho mua về làm nô lệ. 

3- Buôn bán thịt (Maṃsavaṇijjā), theo chú giải, điều gọi là buôn bán thịt là buôn bán thú vật cho người ta mua về nuôi hoặc ăn thịt, kể cả việc mua đi bán lại thịt thú được giết mổ. 

4- Buôn bán chất say (Majjavaṇijjā), nghĩa là buôn bán các chất làm cho say nghiện, như các loại rượu, cần sa á phiện ...

5- Buôn bán độc dược (Visavaṇijjā), tức là buôn bán chất độc, thứ dùng để đầu độc hại chúng sanh. 

Người cư sĩ nuôi sống bằng một trong các nghề buôn bán này gọi là người sống tà mạng. -- A. III. 208

III.13. MƯỜI BẤT THIỆN NGHIỆP ĐẠO 

Khi Đức Thế Tôn trú ở Pāvā, trong vườn xoài của thợ rèn Cunda, ngài đã thuyết cho thợ rèn Cunda nghe về mười bất thiện nghiệp đạo là điều bất tịnh hạnh cho con người, là nghiệp dẫn đến ác thú, là đạo lộ khổ cảnh. Mười bất thiện nghiệp đạo ấy là: 

1- Sát sanh (Pāṇātipātā), là sự sát hại đả thương, cướp mạng sống của chúng sanh, không có lòng từ đối với các loài hữu tình.

2- Trộm cắp (Adinnādānā), là sự lấy của không cho, đoạt tài sản của người khác dù không được người khác bằng lòng. 

3- Tà hạnh trong dục lạc (Kāmesu micchācāra) là tà dâm với các hạng nữ nhân còn sự bảo hộ hoặc đã có chồng. 

Ba điều sát sanh, trộm cắp, tà hạnh này là thân bất tịnh hạnh, thân ác nghiệp. 

4- Nói dối (Musāvāda), là nói không đúng sự thật, có nói không, không nói có, dù nói với bất cứ mục đích gì hễ nói láo đều là miệng nói dối.

5- Nói ly gián (Pisuṇāvācā), là nói chia rẽ, nói đâm thọc với người này chuyện người kia, với người kia chuyện nguời này để hai người ấy bất hòa nhau.

6- Nói độc ác (Pharusavācā), là nói lời thô bạo, thô tục, khiến người nghe đau khổ bực tức. 

7- Nói phù phiếm (Samphappalāpa), là nói lời phi chơn, phi thời, phi pháp, phi luật, nhảm nhí, vô ích.

Bốn điều: nói dối, nói ly gián, nói độc ác, nói phù phiếm này là khẩu bất tịnh hạnh, khẩu ác nghiệp. 

8- Tham lam (Abhijjhā), là tham muốn tài sản của kẻ khác, mong đoạt tài sản người khác về cho mình.

9- Sân hận (Byāpāda), là tâm phẫn nộ, khởi lên hại ý, hại niệm, muốn cho chúng sanh khác bị chết, bị tiêu diệt.

10- Tà kiến (Micchādiṭṭhi), là có tri kiến sai lầm, tư tưởng điên đảo cho rằng không có đời này, không có đời sau, không có quả báo của thiện ác, không có ân đức mẹ cha, không có thành tựu của đời sống phạm hạnh. 

Ba điều: tham lam, sân hận, và tà kiến này là ý bất tịnh hạnh, ý ác nghiệp. -- A.V.263

II.14. MƯỜI THIỆN NGHIỆP ĐẠO

Điều này cũng được Đức Thế Tôn thuyết cho thợ rèn Cunda nghe tiếp theo bài giảng về mười bất thiện nghiệp đạo. 

"Này Cunda, có mười thiện nghiệp đạo này là tịnh hạnh về thân có ba, tịnh hạnh về khẩu có bốn, tịnh hạnh về ý có ba. Ai thành tựu với mười thiện nghiệp đạo này sẽ mở con đường dẫn đến thiên giới, nhân giới, hoặc bất cứ thiện thú nào khác". 

Mười thiện nghiệp đạo ấy là: 

1- Từ bỏ sát sanh (Pāṇātipātā paṭivirato hoti), tức là tránh giết hại chúng sanh, sống bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ thương xót đến các loài hữu tình. 

2- Từ bỏ trộm cắp (Adinnādānā paṭivirato hoti), tức là không lấy bất cứ vật gì của người khác với ý niệm cướp đoạt.

3- Từ bỏ tà hạnh trong các dục (Kāmesu micchācārā paṭivirato hoti), tức là không tà dâm, không quan hệ tình dục bất chính với nữ nhân đã có chồng hoặc còn sự bảo hộ. 

Ba điều này gọi là thân tịnh hạnh, thân thiện nghiệp.

4- Từ bỏ nói dối (Musāvādā paṭivirato hoti), tức là không nói sai sự thật, có nói có, không nói không, chẳng nói dối vì bất cứ nguyên nhân gì. 

5- Từ bỏ nói ly gián (Pisuṇāya vācāya paṭivirato hoti), tức là không nói đâm thọc, không chia rẽ, không phá vỡ sự hòa hợp, không nghe chỗ này nói lại chỗ kia, không nghe chỗ kia nói lại chỗ này để ly gián hai bên; vui hòa hợp.

6- Từ bỏ nói độc ác (Pharusāya vācāya paṭivirato hoti), tức là không nói lời thô bạo ác độc khiến người nghe bực tức đau khổ, chỉ nói lời ngọt ngào tao nhã.

7- Từ bỏ nói phù phiếm (Samphappalāpā paṭivirato hoti), không nói lời vô ích, phi lý, phi chân; chỉ nói lời có ý nghĩa, có lợi ích, nói lời nói đáng để nghe.

Bốn điều này gọi là khẩu tịnh hạnh, khẩu tịnh nghiệp.

8- Không tham lam (Anabhijjhālu hoti), không thèm muốn tài sản của người khác, không thích sang đoạt tài sản của người. 

9- Không có sân tâm (Abyāpamacitto hoti), không khởi lên hại ý, hại niệm, luôn có tư tưởng mong cho chúng sanh này được an lạc, không thù hận, không oan trái.

10- Có chánh kiến (Sammādiṭṭhiko hoti), không có tư tưởng điên đảo, không có tri kiến sai lầm, hiểu thấy đúng, tin có đời này đời sau, có sự tái sanh, có quả báu của thiện ác, có ân đức cha mẹ, có sự thành tựu của phạm hạnh. 

Ba điều này là ý tịnh hạnh, ý thiện nghiệp. -- A.V.266

II.15. MƯỜI PHƯỚC NGHIỆP SỰ THẬP HẠNH PHÚC 

Đức Phật đã giảng về phước nghiệp sự (Puññakiriyavatthu), lã những cơ sở để tạo phước vật, phước đức và phước trí nhưng Ngài chỉ dạy căn bản có ba điều là cơ sở bố thí (dānamaya), cơ sở trì giới (sīlamaya) và cơ sở tu tiến (bhāvanāya) - D.III.218; A.IV.239; It.51.

Trong các bộ chú giải đã giải thích rộng thành mười điều tạo phước, thập hạnh phúc, đó là: 

1- Bố thí (Dānamagga), là tạo phước bằng cách bố thí xả tài.

2- Trì giới (Sīlamaya), là tạo phước, bằng cách giữ giới, thọ trì những giới cấm.

3- Tu tiến (Bhāvanāmaya), là tạo phước bằng cách tu tập thiền định, chỉ và quán.

4- Cung kính (Apacāyanamaya), là tạo phước bằng cách kính lễ bậc trưởng thượng.

5- Phục vụ (Veyyāvaccamaya), là tạo phước bằng cách làm lợi ích cho người khác với công sức của mình.

6- Hồi hướng (Pattidānamaya), là tạo phước bằng cách hướng nguyện công đức đã làm, để tạo điều kiện cho người khác sanh tâm thiện.

7- Tùy hỷ (Pattānumodanāmaya), là tạo phước bằng cách vui thích theo công đức của người khác đã làm. 

8- Thính pháp (Dhammassavanamaya), là tạo phước bằng cách nghe pháp của Đức Phật thuyết, hay các đệ tử của Ngài thuyết, thậm chí là nghe những bậc thiện trí dạy bảo.

9- Thuyết pháp (Dhammadesanāmaya), là tạo phước bằng cách nói pháp chân chánh cho người khác nghe, thậm chí chỉ là bàn luận Phật pháp, hoặc nói những lời hay lẽ phải.

10- Cải chánh kiến thức (Diṭṭhujukamma), là tạo phước bằng cách trau dồi kiến thức, làm cho tri kiến được ngay thẳng, chánh kiến. 

Trong mười điều tạo phước ấy, điều bố thí, hồi hướng và tùy hỷ là chung một nhóm pháp tạo phước vật; điều trì giới, cung kính và phục vụ là chung một nhóm pháp tạo phưóc đức; điều tu tiến, thính pháp và thuyết pháp là chung một nhóm pháp tạo phước trí; riêng về điều cải chánh kiến thức là pháp hỗ trợ chín pháp kia và tạo được ba loại phước. -- D.A. III.999; Comp. 146

II.16. BẢY PHÁP BẤT THỐI CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Đức Phật đã thuyết pháp này cho các tỳ kheo nghe:

"Này các tỳ kheo, có bảy pháp này khiến người cư sĩ không thối đọa (Aparihāniya)". Bảy pháp ấy là:

1- Không quên thăm viếng các tỳ kheo (Bhikkhudassanaṃ na hāpeti).

2- Không dể duôi việc nghe diệu pháp (Saddhammassavanaṃ nappamajjati).

3- Tu tập Tăng thượng giới (Adhisīle sikkhati), là giữ giới luật cư sĩ chính chắn.

4- Giàu niềm tin đối với các tỳ kheo trưởng lão, tỳ kheo trung niên, tỳ kheo tân nhập (Pasādabahulo hoti bhikkhūsu theresu ceva navesu ca majjhimesu ca).

5- Không có tâm vấn nạn, không tìm khuyết điểm khi nghe pháp (Anupārambhacitto dhammaṃ suṇāti na randhagavesī).

6- Không tìm người đáng cúng dường ngoài Tăng chúng (Na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati). 

7- Ưu tiên cho Tăng chúng (Idha ca pubbakāraṃ karoti), nghĩa là bố thí cúng dường cho các tỳ kheo trước, sau mới bố thí cho các ngoại đạo nếu cần giúp đỡ (Ā. Sattanipāta). -- A. IV.25, 26

II.17. BẢY PHÁP SUY THOÁI CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Cũng trong bài pháp nói về những điều bất thoái của cư sĩ, Đức Phật đã thuyết bảy sự kiện suy thoái của người cư sĩ.

"Này chư tỳ kheo, có bảy pháp này đưa đến suy thoái cho người cư sĩ ... 

Bảy pháp ấy là: 

1- Lãng quên việc thăm viếng các tỳ kheo (Bhik-khudassanaṃ hāpeti). Vì thế không được nhắc nhở sách tấn để làm Tăng trưởng đạo tâm, do đó cư sĩ bị suy thoái tu tập. 

2- Dể duôi việc nghe diệu pháp (Saddhammas-savanaṃ pamajjati). Vì ít nghe hoặc không thích nghe các tỳ kheo thuyết pháp nên không có chánh kiến, do đó cư sĩ bị suy thoái tu tập. 

3- Không tu tập thượng giới (Adhisīle na sikkhati), nghĩa là không tu tập giữ giới như ngũ giới, bát quan trai giới ... để ngăn ngừa ác bất thiện. Do đó, thiện pháp bị suy thoái. 

4- Thiếu niềm tin đối với chư tỳ kheo trưởng lão, trung niên, và tân nhập (Appasādabahulo hoti bhik-khūsu theresu ceva navesu ca majjhimesu ca), vì thiếu niềm tin ở Tăng chúng nên người cư sĩ không hoan hỷ cúng dường tạo phước báu, do đó sự tu tập bị suy thoái.

5- Nghe pháp có tâm vấn nạn, tìm kiếm khuyết điểm (Upārambhacitto dhammaṃ suṇāti randhagavesī). Người cư sĩ nghe pháp không với thiện chí học pháp, mà lại muốn tìm khuyết điểm của giáo pháp để công kích. Điều đó làm cho trí tuệ bị suy thoái. 

6- Tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng (Itobahiddhā dakkhineyyaṃ gavesati), là xem tu sĩ ngoại giáo ngang bằng với Tăng chúng, xem Tăng chúng ngang bằng với tu sĩ ngoại giáo. Điều đó làm cho lập trường qui y bị suy thoái.

7- Ưu tiên cho ngoại giáo (Tattha ca pubbakāraṃ karoti), là bố thí giúp đỡ cho các tu sĩ ngoại đạo trước, rồi sau mới bố thí giúp đỡ Tăng chúng đệ tử Phật. Điều đó làm cho niềm tin bị suy thoái." -- A. IV.25, 26

II.18. TÁM LỖI LẦM CỦA CƯ SĨ KHIẾN TĂNG CHÚNG ÚP BÁT, KHÔNG NHẬN SỰ CÚNG DƯỜNG

Đức Phật dạy rằng:

"Này chư tỳ kheo, với người cư sĩ có một trong tám lỗi này, Tăng chúng có thể úp bát đối với người ấy, nếu muốn".

1- Cố tình làm cho chư tỳ kheo mất lợi lộc (Bhikkhūnaṃ alābhāya parisakkati), như là ngăn chặn người khác cúng dường các tỳ kheo v.v...

2- Cố tình gây bất lợi cho chư tỳ kheo (Bhik-khūnaṃ anatthāya parisakkati), như là làm cho các tỳ kheo bị xáo trộn, lo sợ mà không tu tập được.

3- Cố tình làm cho chư tỳ kheo không chỗ ở (Bhikkhūnaṃ anāvāsāya parisakkati), như là đập phá tịnh thất của chư tỳ kheo, hoặc đuổi các tỳ kheo đi khỏi chùa mà họ có quyền hạn. 

4- Mắng chửi nhiếc móc các tỳ kheo (Bhikkhū akkosati paribhāsati), như nói với tỳ kheo bằng lời khiếm nhã do sân tâm. 

5- Chia rẽ tỳ kheo với tỳ kheo (Bhikkhū Bhikkhūhi vibhedeti), như là nói ly gián giữa các tỳ kheo, tạo sự bất hòa giữa các tỳ kheo, làm cho các tỳ kheo không hòa hợp.

6- Phỉ báng Phật (Buddhassa avaṇṇaṃ bhāsati), như là nói lời phạm thượng, nói xuyên tạc, nói lời bất kính với Đức Phật.

7- Phỉ báng pháp (Dhammassa avaṇṇaṃ bhāsati), nói lời công kích, xuyên tạc, bất kính với giáo pháp. 

8- Phỉ báng Tăng (Saṅghassa avaṇṇaṃ bhāsati), nói mạ lỵ, xuyên tạc, bất kính đối với Tăng chúng. -- A.IV.344 

II.19. CHÍN KHUYẾT ĐIỂM CỦA CƯ SĨ KHIẾN TĂNG KHÔNG ĐẾN NHÀ

Đức vua Pasenadi xứ Kosala thỉnh mời 500 vị tỳ kheo đến hoàng cung để nhà vua cúng dường trong bảy ngày. Vài ngày đầu đức vua sốt sắng đón tiếp chư Tăng nhưng các ngày sau thì vua lãng quên phận sự, các cận thần của vua cũng không quan tâm. Chư tỳ kheo nhận thấy tình trạng đó nên đã không đến hoàng cung nữa, chỉ có mỗi một mình tôn giả Ānanda là kiên nhẫn hiện diện đến ngày cuối. Khi vua Pase-nadi chợt nhớ đến phận sự cúng dường chư tăng, nhà vua thân giá đến cung tiếp tân thì chỉ thấy có một vị là tôn giả Ānanda, nhà vua bực tức nghĩ rằng các tỳ kheo không vị nể ta. Hôm sau, vua đi đến Đức Phật và than phiền về việc ấy. Đức Phật đã nói rõ cho nhà vua biết đó không phải là lỗi của các đệ tử Ngài, chỉ vì thái độ đối xử tắc trách của vua nên chư tỳ kheo vì lòng tự trọng mà không đến nữa. 

Sau đó Đức Phật đã nêu rõ cho vua Pasenadi biết, có chín khuyết điểm của người cư sĩ mà nếu muốn, các tỳ kheo không cần phải đến nhà:

1- Không đón tiếp vui vẻ (Na manāpena paccuṭṭhenti).
2- Không đảnh lễ vui vẻ (Na manāpena abhivā denti).
3- Không vui vẻ mời ngồi (Na manāpena āsanaṃ denti).
4- Có của cải thì giấu giếm (Santamassa parigūhanti). 
5- Có nhiều cho ít (Bahukamhi thokaṃ denti).
6- Có ngon cho dở (Paṇītamhi lukhaṃ denti).
7- Cho với cách bất kính (Asakkaccaṃ denti).
8- Không ngồi lại để nghe pháp (Na upanisīdanti dhammassavanāya).
9- Không hoan hỷ tiếp chuyện (Bhāsitamassa na ramissanti). -- A. IV.387

II.20. SÁU CỬA SUY VONG CHO NGƯỜI CƯ SĨ, SÁU NGÕ ĐI DẪN ĐẾN THIỆT TÀI SẢN VÀ BỊ KHỔ LỤY

Đức Phật đã thuyết điều này cho gia chủ tử Siṅgālaka nghe. Gia chủ tử Siṅgālaka là người theo hạnh lễ bái lục phương theo truyền thống của cha. Khi gặp Đức Phật, gia chủ tử này đã yêu cầu Đức Phật giảng cho nghe hình thức lễ bái lục phương theo pháp bậc thánh.

Trước hết, Đức Phật giảng về sáu cửa suy vong mà người cư sĩ phải tránh:

1- Say sưa rượu chè (Surāmerayamajjapamā daṭṭhānānuyogo), người sống say sưa có sáu điều nguy là tài sản bị tiêu hao, gây ra sự tranh cãi, phát sanh nhiều bệnh tật, tự đánh mất danh dự, thân lõa lồ trâng tráo, làm suy giảm trí tuệ. 

2- Du hành đường phố phi thời (Vikālavisikhā cariyānuyogo), người đi chơi đêm có sáu điều nguy là không giữ được mình, không giữ được vợ con, không giữ được tài sản, dễ bị tình nghi, thành nạn nhân tin đồn, chuốc lấy ưu phiền.

3- La cà chỗ hí trường (Samajjhābhicaraṇaṃ), người thường lui tới chỗ vui chơi có năm điều nguy là công việc bị đình trệ, thối thất sự siêng năng, lãng phí nhiều thời gian, làm tốn hao tiền bạc, bận tâm tìm nhạc hội.

4- Đam mê cờ bạc (Jūtappamādaṭṭhānānuyogo), người cờ bạc có sáu điều nguy là thắng sinh ra thù oán, thua lỗ bị khổ đau, tài sản bị tổn thất, lời nói không hiệu lực, bạn bằng hữu khinh rẻ, không ai dám cưới gả. 

5- Giao du ác hữu (Pāpamittānuyogo), người chơi với bạn xấu có sáu điều nguy là ảnh hưởng thói cờ bạc, ảnh hưởng thói đàng điếm, ảnh hưởng thói rượu chè, ảnh hưởng thói gian xảo, ảnh hưởng thói lường gạt, ảnh hưởng thói côn đồ.

6- Sống biếng nhác (Àlassànuyogo), người có tật lười biếng sẽ thối thác, không làm việc, viện lý do lạnh quá, nóng quá, sớm quá, trễ quá, đói quá, no quá. Do vậy, người ấy không thu hoạch được tài sản chưa có, sẽ cạn kiệt tài sản đã có. -- D. III.182.184.

II.21. BỐN HẠNG NGỤY BẰNG HỮU, HẠNG BẠN GIẢ DỐI, KHÔNG PHẢI BẠN TỐT

Điều này cũng được Đức Phật thuyết cho gia chủ tử Siṅgālaka: 

1- Bạn vụ lợi (Aññadatthuhara), là người có tính tham lam: gặp gì cũng muốn lấy, cho ít đòi hỏi nhiều, vì sợ mới làm theo, giao du vì mưu lợi. 

2- Bạn khẩu biện (Vacīparama), là người chỉ biết nói giỏi: tỏ thân tình việc đã qua, tỏ thân tình việc chưa đến, mua chuộc tình cảm bằng lời ngọt, khi bạn hữu sự thì tỏ ra bất lực. 

3- Bạn dua nịnh (Anuppiyabhāṇī), là người nịnh bợ ton hót: đồng tình việc làm xấu, bất đồng việc làm tốt, ca tụng ở trước mặt, xuyên tạc phía sau lưng. 

4- Bạn trụy lạc (Apāyasahāya), là người tính hư hỏng: say sưa rượu chè, du hành chơi đêm, hoang dâm đàng điếm, đam mê cờ bạc. -- D.III.185.

II.22. BỐN HẠNG CHÂN BẰNG HỮU (SUHADAMITTA), HẠNG BẠN CHÂN TÌNH, HẠNG BẠN TỐT 

Điều này cũng được Đức Phật thuyết cho gia chủ tử Siṅgālaka: 

1- Bạn tán trợ (Upakārakamitta), là người bạn giúp đỡ nhau: bảo vệ nhau khi bất cẩn; giữ tài sản của bạn sơ suất, làm chỗ nương tựa khi có sợ hãi, nhiệt tình giúp đỡ khi bạn bè hữu sự. 

2- Bạn đồng cam cộng khổ (Samānasukhadukkhamitta), là người chung vui chung khổ: tỏ chuyện thầm kín của mình, giữ kín chuyện bí mật của bạn bè, không bỏ nhau khi gặp hoạn nạn, dám hy sinh vì bạn. 

3- Bạn khuyến lợi (Atthakkhāyīmitta), là người bạn khuyên nhắc lợi ích: can ngăn điều ác, khuyến khích điều thiện, nói cho nghe pháp chưa từng nghe, chỉ bày cho biết con đường thiên giới. 

4- Bạn thân tình (Anukampakamittta), là người bạn chí cốt tình nghĩa: không vui khi bạn bè gặp nạn, vui mừng khi bạn bè gặp may, phản đối người nói xấu bạn, khích lệ người khen tụng bạn. -- D. III. 187.

II.23. CÁC BỔN PHẬN GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa cha mẹ và con cái, ám chỉ sự lễ bái hướng Đông (Puratthimā disā).

Năm bổn phận của cha mẹ đối với con:

1- Ngăn cản làm ác (Pāpā nivārenti)
2- Khuyến khích con làm lành (Kalyāne nivesenti)
3- Cho con học nghề nghiệp (Sippaṃ sikkhāpenti)
4- Dựng vợ gả chồng xứng đáng cho con (Paṭirūpena dārena saṃyojenti)
5- Đúng thời giao gia tài cho con (Samaye dāyajjaṃ niyyādenti) 

Năm bổn phận của con đối với cha mẹ: 

1- Nuôi dưỡng cha mẹ (Nesaṃ bharaṇaṃ)
2- Làm việc của cha mẹ (Nesaṃ kicca karaṇaṃ)
3- Giữ truyền thống gia đình (Kulavaṃsaṭhapanaṃ)
4- Sống xứng đáng hưởng thừa tự (Dāyajjapaṭipajjana)
5- Khi cha mẹ chết, làm phước hồi hướng (Dakkhiṇānuppadānaṃ). -- D. III.189

II.24. CÁC BỔN PHẬN GIỮA THẦY VÀ TRÒ 

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa thầy và trò, ám chỉ sự lễ bái hướng Nam (dakkhiṇā disā).

Năm bổn phận của thầy đối với học trò: 

1- Huấn luyện với sự khéo huấn luyện (Suvinītaṃ vinenti)
2- Dạy dỗ cho tiếp thu tốt (Suggahitaṃ gāhāpenti)
3- Truyền hết mọi học nghệ (Sabbasippasutaṃ samakkhāgino bhavanti)
4- Khen học trò trước các bạn đồng liêu (Mittāmaccesu paṭivedenti) 
5- Bảo bọc trong mọi mặt (Disāsu parittānaṃ karonti)

Năm bổn phận của học trò đối với thầy: 

1- Đứng lên tiếp đón (Uṭṭhānena)
2- Hầu hạ kính cẩn (Upaṭṭhānena)
3- Ngoan ngoãn vâng lời (Sussusāya)
4- Tự thân phục dịch (Pāricariyāya)
5- Nghiêm túc học tập (Sakkaccaṃ sippuggahaṇena). -- D. III.189

II.25. CÁC BỔN PHẬN GIỮA VỢ CHỒNG 

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa vợ chồng, ám chỉ sự lễ bái hướng Tây (Pacchimā disā). 

Năm bổn phận của người chồng đối với vợ: 

1- Tôn trọng người vợ (Sammānanāya)
2- Không đối xử kỳ thị (Avimānanāya)
3- Không ngoại tình (Anaticariyāya) 
4- Giao quyền nội trợ (Issariyavossaggena)
5- Tặng đồ trang sức (Alaṅkārānuppadānena).

Năm bổn phận của người vợ đối với chồng:

1- Sắp đặt việc nhà vén khéo (Susaṃvihitakammantā) 
2- Đối xử tốt với bà con hai họ (Susaṅgahitaparijanā)
3- Không ngoại tình (Anaticārinī) 
4- Gìn giữ tài sản của chồng (Sambhataṃ anurakkhati)
5- Khéo léo siêng năng trong mọi việc (Dakkhā ca analasā sabbakiccesu). -- D.III.190

II.26. CÁC BỔN PHẬN GIỮA BẠN BÈ CHỦ KHÁCH:

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka, bổn phận giữa bạn bè chủ khách, ám chỉ sự lễ bái hướng Bắc (Uttarā disā): 

Năm bổn phận của chủ gia đối với bạn bè 

1- Biếu tặng quà cáp (Dānena) 
2- Nói lời nhã nhặn (Piyavajjena) 
3- Làm lợi ích đến bạn (Atthacariyāya)
4- Đối xử bình đẳng (Samānattatāya)
5- Không lừa gạt bạn bè (Avisaṃvādanatāya)

Năm bổn phận của người bạn đối với chủ gia 

1- Bảo vệ lúc chủ gia sơ suất (Pamattaṃ rakkhanti). 
2- Giữ gìn tài sản cho gia chủ lúc dể duôi (Pamattassa sāpateyyaṃ rakkhanti).
3- Là chỗ nương cho chủ gia khi sợ hãi (Bhītassasaranaṃ honti).
4- Lúc hoạn nạn không bỏ nhau (Āpadāsu na vijahanti)
5- Tôn trọng thân quyến của chủ gia (Aparapajaṃ ca pi'ssa paṭipūjenti). -- D. III.190

II.27. CÁC BỔN PHẬN GIỮA NGƯỜI CHỦ VÀ NGƯỜI LÀM

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa người chủ và người làm, ám chỉ sự lễ bái phương dưới (heṭṭhimā disā).

Trong xã hội thời nào cũng có trường hợp người chủ quản lý người làm, thời phong kiến thì có hạng nô bộc làm việc cho nhà quí tộc, thời bây giờ thì có hạng làm công cho một ông chủ hoặc giúp việc cho một gia đình. Dù ở hình thức nào chăng nữa thì cũng là vị trí lãnh đạo và vị trí thuộc cấp. Ở đây Đức Phật dạy về cách đối xử giữa người lãnh đạo và thuộc cấp, có thể áp dụng trong mọi thời kỳ.

Năm điều cư xử của chủ nhân đối với người giúp việc: 

1- Giao phó công việc vừa theo sức (Yathābalaṃ kammantasaṃvidhānena)
2- Ban phát vật thực và tiền công (Bhattavettanānuppadānena) 
3- Săn sóc lúc họ bệnh (Gilānupaṭṭhānena)
4- Chia sẻ món ngon vật lạ (Acchariyānaṃ rasānaṃ saṃvibhāgena)
5- Cho thời gian nghỉ ngơi (Samaye vossaggena), dịp ngày lễ, hoặc họ hữu sự.

Năm điều cư xử của người giúp việc đối với chủ nhân:

1- Thức dậy trước chủ (Pubbuṭṭhāyino). Nếu giúp việc trong nhà thì nên thức dậy trước người chủ, nếu là người làm công tại cơ sở thì nên đi đến sở làm trước ông chủ. 
2- Nghỉ ngơi sau chủ (Pacchānipātino). Nếu giúp việc trong nhà thì đến tối luôn luôn đi ngủ sau người chủ, nếu làm công tại cơ sở thì nên tận tụy, lúc nào cũng ra về trễ hơn ông chủ.
3- Chỉ lấy vật chi được chủ cho (Dinnadāyino), là không lấy trộm tài sản của chủ. 
4- Làm việc kỹ lưỡng khéo léo (Sukatakammakārakā). 
5- Đem tiếng thơm cho chủ (Kittavaṇṇaharā), luôn nói tốt chủ mình với mọi người, và biểu hiện là người tốt để người khác khen chủ mình. -- D. III.191

II.28. CÁC BỔN PHẬN GIỮA CƯ SĨ VÀ SA MÔN

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa cư sĩ và sa môn, ám chỉ sự lễ bái hướng trên (Uparimā disā). 

Ở đây, người cư sĩ là người sống tại gia, sa môn là vị xuất gia tu hành. Người cư sĩ cho dù không có tín ngưỡng đạo giáo nhưng để thể hiện là người hiền lương đạo đức, cũng nên có cung cách đối xử lịch sự tối thiểu đối với các vị tu hành. Vì vậy, Đức Phật đã dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka những điều này.

Năm cách của người cư sĩ đối với vị sa-môn, bà- la-môn:

1- Có hành vi cư xử thiện của từ tâm (Mettena kāyakammena), không ác cảm đánh đập, làm hại các vị tu hành.
2- Có lời nói cư xử thiện cảm (Mettena vacīkammena), không ác cảm mắng chửi, công kích các vị tu hành.
3- Có ý nghỉ thiện cảm (Mettena manokammena), không có tư tưởng ác cảm đối với các vị tu hành.
4- Không khép cửa nhà (Anāvaṭadvāratāya), nghĩa là sẵn lòng đón tiếp khi các vị tu hành ghé lại.
5- Hiến cúng tài vật (Ānisānuppadānena), tức là giúp đỡ tặng nhu cầu vật chất đến các vị tu hành bằng hảo tâm. 

Sáu cách của vị sa môn đối xử lại với người cư sĩ, khi được người cư sĩ ấy hảo tâm cư xử:

1- Khuyên ngăn điều ác (Papā nivārenti)
2- Hướng dẫn điều thiện (Kalyāne nivesenti)
3- Có tâm lành thương tưởng (Kalyāṇamanasā anukampanti)
4- Nói cho nghe pháp chưa từng nghe (Assutaṃ sāventi)
5- Minh giải điều họ đã nghe (Sutaṃ pariyodapenti) 
6- Trình bày con đường thiên giới (Saggassa maggaṃ ācikkhanti). -- D. III.191

DỨT CHƯƠNG II

Chương III. Pháp Môn Tu Tập Của Cư Sĩ

III.1. QUI Y TAM BẢO (Tisaraṇagamana)

Ý nghĩa và thái độ qui y 

Qui y (saraṇagamana) là sự đi tìm nương tựa, tìm chỗ ẩn náu cho tâm hồn. Con người phần đông thích tìm chỗ nương tựa để an ủi tinh thần và trấn áp nỗi lo sợ, nhưng làm vậy không phải luôn luôn có hiệu quả, bởi vì nương tựa chỗ không đáng nương tựa thì chẳng có tác dụng gì, ví như một người bị bệnh thập tử nhất sanh thay vì đi tìm đến một vị thầy thuốc giỏi người ấy lại đặt niềm tin vào một hàng xóm mà anh ta quen biết để nhờ chữa trị. Điều đó không có cơ sở bảo đảm cho anh ta lành bệnh được.

Trong kinh pháp cú, Đức Phật có dạy: "Loài người khi hoảng hốt bèn đi tìm nhiều chỗ nương tựa, núi non, rừng rậm, vườn cây hoặc đền tháp. Đó không phải là chỗ qui y an ổn, không phải là sự qui y cao thượng, sự qui y như vậy không thoát khỏi khổ đau. Chỉ có ai qui y Đức Phật, qui y chánh pháp và Tăng chúng, với chánh trí thấy được bốn thánh đế là khổ - tập - diệt - đạo, chỉ có điều đó mới thật sự là qui y an ổn, là qui y cao thượng, qui y như vậy mới thoát khỏi mọi khổ đau". (Dhp.188-192).

Đối tượng qui y của người Phật tử là Đức Phật (buddha), Giáo pháp (dhamma), và Tăng chúng (saṅgha).

Người Phật tử qui y Phật là qui ngưỡng bậc Chánh Giác, xem Đức Phật như là bậc Đạo Sư lãnh đạo tinh thần; người Phật tử chân chính không bao giờ nghĩ rằng nương tựa Đức Phật để được Ngài cứu rỗi hay ban cho ân huệ gì.

Người Phật tử qui y Pháp là qui ngưỡng chánh pháp đã được Đức Phật thuyết giảng, nương tựa giáo pháp như là y cứ vào kim chỉ nam để thực hành; người Phật tử chân chính qui y pháp không nghĩ rằng giáo pháp như những bài chú đọc tụng để tiêu tai giải nạn. 

Người Phật tử qui y Tăng là qui ngưỡng Tăng chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật, nương tựa Tăng chúng như là những vị đàn anh dìu dắt mình trên con đường tu tập mà đấng Từ Phụ đã vạch ra; người Phật tử chân chính qui y Tăng không nghĩ rằng Tăng chúng như những vị giáo sĩ trung gian để giúp nguyện cầu với đấng thần linh. 

Thái độ qui y Tam bảo của người Phật tử tựa hồ như một người bệnh đặt niềm tin, vào vị bác sĩ, nương tựa để được hướng dẫn điều trị bệnh; tất nhiên mọi sự cố gắng nỗ lực, uống thuốc và cử kiêng ăn uống, phải do chính người bệnh.Cũng vậy, người Phật tử phải tự tinh tấn hành trì, sự qui y chỉ là nương tựa tinh thần để xác quyết lý tưởng phạm hạnh.

Yếu tố để thành tựu qui y 

Người Phật tử thành tựu tốt đẹp sự qui y do ba yếu tố: 

a) Đức tin (Saddhā)
b) Trí tuệ (Paññā) 
c) Phó thác sanh mạng (Jīvitapariccāga) 

Người cư sĩ có niềm tin trong sạch với Đức Phật, với giáo pháp, với Tăng chúng, không hoài nghi, không bất mãn Tam bảo, mới phát nguyện qui y, như vậy mới thành tựu sự qui y tốt đẹp. Qui y mà thiếu lòng tin thì không thể có quyết tâm noi theo Tam bảo để tu tập, nên không thành tựu qui y. 

Mặt khác, người cư sĩ thiếu trí tuệ, không hiểu biết tại sao phải qui y, không hiểu biết gì về Đức Phật - Giáo pháp - Tăng chúng, dù người ấy có xin qui y cũng không thành tựu là người Phật tử. Do đó, phải có sự hiểu biết sáng suốt và chín chắn, phải có trí tuệ, mới thành tựu tốt đẹp sự qui y. 

Một điều nữa là người cư sĩ chưa có quyết định phó thác sanh mạng cho Tam bảo, tức là chưa hoàn toàn chấp nhận dấn thân theo lý tưởng tu tập, nên dù có xin qui y vẫn khó thành tựu. Vì vậy, muốn thành tựu sự qui y tốt đẹp phải có yếu tố quyết định phó thác sanh mạng cho Tam bảo. 

Hình thức qui y 

Có bốn hình thức qui y Tam bảo 

a) Hình thức dâng mình qui phục (Attasanniy-yātanā) 
b) Hình thức chấp nhận điểm tựa (Tapparāyanā)
c) Hình thức hạ mình làm môn đệ (Sissabhāvupagamana) 
d) Hình thức biểu lộ tôn kính (Paṇipāta) 

Người cư sĩ có niềm tin nơi Tam bảo muốn qui y Tam bảo, có thể thực hiện một trong bốn hình thức trên để tác thành nghi thức qui y. Nhưng hình thức qui y rất phổ thông là cách thứ hai "Chấp nhận Tam bảo là chỗ nương".

Giải về bốn hình thức qui y như sau:

a) Qui y bằng hình thức dâng mình qui phục, là phát nguyện rằng: "Ajja ādiṃ katvā ahaṃ attānaṃ buddhassa dhammassa saṅghassa niyyādemi" (Bắt đầu từ hôm nay con xin dâng mình đến Đức Phật, Giáo pháp và Tăng chúng).

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.

b) Qui y bằng hình thức chấp nhận điểm tựa, là phát nguyện rằng: "Ajja ādiṃ katvā ahaṃ buddha-parāyano dhammaparāyano saṅghaparāyano. Iti maṃ dhāretha" (Bắt đầu từ hôm nay con có Đức Phật là điểm tựa, có Giáo pháp là điểm tựa, có Tăng chúng là điểm tựa. Xin Ngài nhận biết cho con như thế).

Còn có một cách phát nguyện khác cũng thuộc hình thức qui y này mà ngày nay cư sĩ Phật giáo thường áp dụng: "Eso' haṃ suciraparinibbutaṃpi taṃ bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅghañca upāsakaṃ maṃ dhāretha". (Con xin y chỉ đức Thế Tôn đã níp bàn, xin y chỉ giáo pháp, xin y chỉ chúng tỳ kheo. Mong Ngài nhận biết con là người cận sự).

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.

c) Qui y bằng hình thức hạ mình làm môn đệ, là phát nguyện rằng: "Ajja ādiṃ katvā ahaṃ bud-dhassa antevāsiko dhammassa antevāsiko saṅghassa antevāsiko. Iti maṃ dhāretha" (Bắt đầu từ hôm nay con là môn đệ của Đức Phật, môn đệ của Giáo pháp, môn đệ của Tăng chúng. Xin Ngài nhận biết cho con như thế). 

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo.

d) Qui y bằng hình thức biểu lộ tôn kính, là phát nguyện rằng: Ajja ādiṃ katvā ahaṃ abhi-vādanaṃ paccupaṭṭhānaṃ añjalikammaṃ sāmīci-kammaṃ buddhādīnaṃ-y-eva tinnaṃ vatthūnaṃ karomi. Iti maṃ dhāretha" (Bắt đầu từ hôm nay con chỉ đảnh lễ, nghinh tiếp, vái chào và tôn ngưỡng đối với ba ngôi Phật, Pháp, Tăng. Xin Ngài nhận biết con là như thế).

Bằng hình thức này cũng gọi là người cư sĩ ấy đã qui y Tam bảo. 

Sự kiện bợn nhơ qui y 

Thánh qui y, tức là sự qui y Tam bảo của bậc thánh hữu học như Tu đà huờn v.v... không có sự bợn nhơ, bởi vì các vị thánh cư sĩ ấy đã thành tựu niềm tin vững chắc đối với Phật, Pháp, Tăng, đã đoạn tận tà kiến và hoài nghi. Chỉ có sự qui y của hạng phàm nhân, phàm qui y, mới có trường hợp bợn nhơ qui y, vì phàm phu vẫn còn phiền não. 

Bợn nhơ qui y tức là sự qui y của người cư sĩ bị bất tịnh, không trong sạch, không được hoàn hảo, mặc dù chưa bị phá vỡ, chưa bị mất danh hiệu người cận sự (Upāsaka). Người cư sĩ bợn nhơ qui y sẽ làm khiếm khuyết quả phước, khó có sự tinh tấn tu tập thiện pháp.

Có ba sự kiện làm bợn nhơ qui y: 

a) Thiếu trí (aññāṇa)
b) Hoài nghi (saṃsaya)
c) Tà kiến (micchāñāṇadassa)

Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại không hiểu biết về sự thanh tịnh của Đức Phật, không hiểu về sự đặc thù của giáo pháp, không hiểu về sự cao thượng của Tăng chúng, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y bởi do thiếu hiểu biết nên người ấy không thiết tha, không tinh tấn thực hành phận sự người cư sĩ đối với Tam bảo.

Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại nghi ngờ sự giác ngộ của Đức Phật, nghi ngờ hiệu năng của giáo pháp, nghi ngờ chánh hạnh của Tăng chúng, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y, bởi do hoài nghi nên người ấy thối thất tinh tấn, xao lãng phận sự tu tập và phận sự đối với Tam bảo. 

Người cư sĩ đã qui y Tam bảo nhưng lại có tri kiến sai lầm, hiểu thấy trái ngược với tinh thần lời dạy của Đức Phật, tin vào những điều tà pháp như tin bói toán, đồng bóng v.v... gọi là có tà kiến, đó là sự kiện làm bợn nhơ qui y, bởi do tà kiến nên người ấy không thấy được chánh đạo, không thấy được những gì phải nỗ lực tu tập, người ấy đi xa lời Phật dạy.

Sự kiện đứt đoạn qui y 

Một người đã đắc quả siêu thế, là bậc thánh hữu học, người ấy thành tựu qui y bất thối nơi Tam bảo, sẽ không bao giờ có sự đứt đoạn qui y đối với thánh qui y như vậy. Vị thánh hữu học dù mạng chung ở đây sanh lại đời sống khác cũng không gián đoạn tam qui, vì đạo quả siêu thế là bất động.

Chỉ có sự qui y của phàm nhân mới có thể bị đứt đoạn. Có hai sự kiện đứt đoạn qui y của phàm nhân: 

a) Đứt qui y không có lỗi (Anavajjo)
b) Đứt qui y có lỗi (Sāvajjo)

Một người đã qui y Tam bảo và tu tập tốt đẹp, nhưng khi người ấy chết thì xem như là đã đứt đoạn qui y, vì một kẻ phàm phu không có gì để đảm bảo lúc tái sanh vào cảnh giới khác, với một đời sống khác, lại có thể giữ nguyên lập trường tín ngưỡng; người ấy sẽ không còn nhớ đến Tam bảo, không còn nhớ đến lý tưởng tu tập trong đời này. Nhưng đây gọi là sự kiện đứt qui y không có lỗi. 

Trường hợp một người đã qui y Tam bảo, sau đó xu hướng theo ngoại giáo, trở lại phỉ báng Đức Phật, phỉ báng giáo pháp, phỉ báng Tăng chúng. Như thế gọi là sự kiện đứt qui y có lỗi. Có lỗi đây là tự làm mất gốc và tạo nên quả báo đau khổ; nếu người ấy chỉ từ bỏ Tam bảo để xu hướng ngoại giáo thì gọi là tự làm mất gốc; nếu người ấy xu hướng ngoại giáo và trở lại phỉ báng Tam bảo thì gọi là tự làm mất gốc và tạo ác quả. 

Một người cữ sĩ đã đứt qui y thì không còn là một người cận sự nữa, không đáng gọi là một Phật tử nữa.

Lợi ích của sự qui y 

Qui y Tam bảo là pháp tu bước đầu của người cư sĩ, từ thái độ qui y sẽ thể hiện được niềm tin, tinh tấn và trí tuệ để giúp cho người cư sĩ tiến bộ trong đời sống tu tập. Người cư sĩ muốn tu tiến mà không qui y Tam bảo thì không thể định hướng lý tưởng, không có động cơ để thiết tha hành trì. 

Mặt khác, sự qui y Tam bảo bằng thái độ tôn kính và qui thuận Đức Phật, giáo pháp và Tăng chúng, điều đó có lợi ích là kết thành thiện duyên để người ấy trong những kiếp tương lai sẽ để gắn bó với lý tưởng giải thoát, nếu gặp được một vị chánh giác thì nhờ duyên lành nên rất dễ giác ngộ. 

Lại nữa, trong chú giải còn nói rằng, người phát tâm qui y Tam bảo sẽ có được quả phước rất đặc biệt khi còn tái sanh luân hồi, được quả phúc như là có tuổi thọ cao, có nhiều an vui, có nhiều quyền tước, có thân to lớn, có hình dáng đẹp, có danh tiếng, có ngũ quan nhạy bén ... hơn những đồng loại. 

III.2. HẠNH BỐ THÍ (Dāna)

Ý nghĩa pháp bố thí

Bố thí (Dāna, tàu âm đàn-na) là sự cho, biếu, tặng, hiến, dâng cúng ... cho ra mà không nhận lấy lại, gọi là bố thí. 

Người đời hiểu danh từ "Bố thí" là một hành động "Cho với thái độ khinh bỉ". Trong Phật giáo thì danh từ này có ý nghĩa rất đẹp. "Bố thí" là một hạnh lành, là một nghĩa cử, một hành động chia sẻ với tâm rộng rãi.

Khi người bỏ được tâm keo kiết bỏn sẻn mới bố thí được, do vậy, bố thí là một việc làm cao quí. Không phải ai cũng làm được, và không phải lúc nào cũng làm được.

Phần đông chúng sanh có tâm chấp giữ tư hữu, không vui thích san sẻ, không hoan hỷ phân phát. Vì vậy, nói rằng không phải ai cũng bố thí được. 

Có những người cũng hoan hỷ bố thí, vui thích phân phát, nhưng tâm chúng sanh phàm phu không thăng bằng, có lúc dễ xả tài, có lúc lại khó dứt bỏ, tâm tư có khi hào phóng, có khi thắt chặt. Vì vậy, nói rằng không phải lúc nào cũng bố thí được.

Bố thí (dāna) còn được gọi là xả tài (cāga) hay thí xả (pariccāga).

Điều kiện bố thí

Để thành tựu một việc bố thí, phải hội đủ ba điều kiện: 

a) Có tư niệm (cetanā)
b) Có vật thí (vatthu)
c) Có người nhận (paṭigāhaka)

Gọi là "Có tư niệm", tức là có tâm quyết định dứt khoát hay có tác ý rằng: "Ta sẽ bố thí", hoặc "Ta hãy bố thí", hoặc "Ta chớ nên bỏn sẻn" ... tư tưởng ấy khởi lên trước khi bố thí thì gọi là Tư tiền (pubbacetanā); tư tưởng quyết tâm bố thí khởi lên khi đang làm thì gọi là Tư hiện (muñcanacetanā), tư tưởng nghĩ lại và hoan hỷ sự bố thí đã làm qua thì gọi là Tư hậu (aparacetanā). 

Điều kiện tư niệm (cetanā) rất quan trọng vì chính đây là yếu tố tác thành thiện nghiệp bố thí; có tư niệm càng lâu thời gian thì càng tích lũy được nhiều thiện nghiệp. Có người khởi tư niệm chuẩn bị để bố thí, trước nhiều năm, hoặc nhiều tháng, hoặc nhiều ngày, hay chỉ ngay trước khi bố thí không lâu. Tư niệm thời gian dài như là một người có ý định sẽ làm phước dâng y Kaṭhina vào những năm sau nên chuẩn bị đầu tư tiền bạc ... Trường hợp tư niệm thời gian ngắn như là chợt có người ăn mày ngửa tay xin tiền, cận sự nam ấy quyết định bố thí cho người ăn mày ngay khi ấy ...

Tư niệm thiện đang khi làm cũng là một yếu tố quan trọng để duy trì thiện hạnh bố thí, bởi lúc đó nếu không có tác ý mạnh thì tâm thiện đôi khi bị thối chuyển.

Tư niệm thiện sau khi bố thí cũng rất cần thiết, vì nghĩ lại điều phước mình đã làm thì càng hoan hỷ và điều đó trợ cho ý muốn bố thí thêm nữa bằng cách thường cận y duyên. Một người đã bố thí rồi nhưng không hậu tư niệm sẽ không thiết tha, không khắng khít, không ước muốn làm việc thiện ấy nữa.

Điều kiện bố thí thứ hai là "Có vật thí", tức là nói đến vật chất cụ thể để đem cho, để bố thí, để cúng dường.

Vật thí nói theo luật tạng thì có bốn thứ là y phục (cīvara), vật thực (piṇḍapāta), trú xứ (senāsana), thuốc trị bệnh (gilānabhesajja). Đó là bốn món nhu yếu, cần thiết cho đời sống mọi người; y phục để mặc che thân, vật thực để ăn nuôi sống, trú xứ để ở tránh mưa nắng, thuốc trị bệnh để ngăn trừ cảm thọ khổ. Bốn vật thí này là tứ vật dụng mà người cư sĩ thường bố thí cúng dường đến Tăng chúng trong Phật giáo. 

Vật thí nói theo kinh tạng thì có mười thứ là thức ăn (aṇṇa), nước uống (pāna), y phục (vattha), xe thuyền (yāna), bông hoa (mālā), vật thơm (gandha), vật thoa (vilepana), giường ghế (seyyā), chỗ ở (āvasatha), đèn đuốc (padīpa). Mười vật thí này, trong đó có những thứ cần thiết cho đời sống, có những thứ không phải nhu cầu cần thiết nhưng cũng mang đến lợi ích tiện nghi cho con người. Do đó, đều có thể lấy làm vật thí để cho tặng người khác được.

Vật thí nói theo Vi Diệu Pháp thì có sáu thứ là sắc (rūpa), thinh (sadda), hương (gandha), vị (rasa), xúc (phoṭṭhabba) và pháp (dhamma). Sáu vật thí này là nói theo bản thể của các vật thí thông thường chớ không có gì là lạ thường. Thí dụ, vật thí nào mắt thưởng thức được thì gọi là sắc thí, vật thí nào mà tai thưởng thức được thì gọi là thinh thí v.v...

Vật thí là điều kiện để thực hiện việc bố thí vì có vật thí mới đem cho được đến người khác, như ta mời người bạn ăn cơm thì phải có cơm nấu dọn lên bàn vậy. 

Điều kiện thứ ba là "Có người nhận", nghĩa là có đối tượng để cho. Nếu mình có hảo tâm, có sẵn vật thí, mà không có người để nhận vật thí thì không thành sự bố thí. "Người nhận" được gọi là người thọ thí hay đối tượng thí.

Bất cứ ai cũng có thể là đối tượng thí hay người thọ thí được cả.

Nói theo hình thức, đối tượng thí có hai là cá nhân đối tượng (paṭipuggalika) và tập thể đối tượng (saṅghika).

Cá nhân đối tượng, tức là một chúng sanh nào đó thọ nhận sự bố thí, cá biệt một nhân vật được cho. Thí dụ, như người cư sĩ cúng dường riêng cho Đức Phật hoặc riêng cho một vị tỳ kheo, hay bố thí cho một người ăn mày, giúp đỡ cho một người nghèo, hay là cho thức ăn đến một con chó, một con mèo v.v... nhân vật thọ thí ấy gọi là cá nhân đối tượng.

Tập thể đối tượng, tức là đối tượng gồm nhiều người, đối tượng là đoàn thể, đối tượng là quần chúng. Thí dụ như sự cúng dường đến chư Tăng tỳ kheo, đến các tu sĩ, hoặc như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ các trẻ mồ côi v.v... đối tượng được bố thí ấy gọi là tập thể đối tượng.

Nói theo giá trị, đối tượng thí được phân ra có bốn hạng là bậc khả kính, bậc hữu ân, hạng thường nhơn, hạng súc sanh. 

Đối tượng thí là bậc khả kính như Đức Phật, các tỳ kheo, các sa-môn, bà-la-môn giới hạnh

Đối tượng thí là bậc hữu ân thầy tổ, ông bà, cha mẹ, và những ai có ân đức với mình.

Đối tượng thí là hạng thường nhơn như người nghèo, người sống bất hạnh, người cần giúp đỡ, và tất cả người nào không thuộc bậc khả kính và bậc hữu ân. 

Đối tượng thí là hạng súc sanh như là các thú vật nuôi hoặc những loài bàng sanh khác mà mình thấy đáng thương xót.

Sự bố thí có quả báo ít hay nhiều cũng tùy thuộc ở đối tượng thọ thí nữa. 

Hình thức bố thí 

Bố thí là sự cho đến người khác. Nhưng xét về thái độ "Cho" thì nói có hai hình thức bố thí là:

a) Bố thí tế độ (saṅgahavasa) 
b) Bố thí cúng dường (pūjavasa) 

Bố thí tế độ, là sự bố thí với thái độ bi tâm, thương xót chúng sanh bất hạnh nên bố thí giúp đỡ, mong xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sanh ấy. Như là cho y phục, thực phẩm đến những người nghèo khó, cho đến người ăn xin, hoặc cứu trợ những đồng bào bị thiên tai v.v...

Bố thí cúng dường, là sự bố thí với thái độ tín tâm, bố thí với tâm trong sạch cung kính, mong được người thọ thí chúc phúc. Như là cúng dường đến các bậc sa-môn, bà-la-môn giới hạnh, các bậc xứng đáng cúng dường; thậm chí việc phụng dưỡng cha mẹ và thầy tổ cũng gọi là thái độ bố thí cúng dường.

Người cư sĩ nên thực hành cả hai hình thức bố thí ấy. 

Tâm lý bố thí 

Bố thí là đem tài sản sở hữu của mình ra cho người khác, nhưng không phải tất cả trường hợp bố thí đều có giá trị giống nhau. Giá trị cao thấp của sự bố thí tùy vào tâm lý bố thí của người cho. 

Có tám tâm lý bố thí (A.IV.236):

1- Do thương mà bố thí (chandā dānaṃ deti). Có người vì thương yêu người nào đó nên họ biếu tặng cho người ấy quà phẩm hoặc tiền bạc. 
2- Do ghét mà bố thí (dosā dānaṃ deti). Có người vì bực bội do bị xin xỏ quấy rầy nên bố thí cho yên; hoặc vì muốn sỉ nhục mà bố thí; hoặc vì ghét người này mà đem cho người khác.
3- Do dốt nát mà bố thí (mohā dānaṃ deti). Có người không nhận thức tính thiện pháp của bố thí, không nghĩ đến mục đích gì, chỉ là ai xin thì cho vậy thôi.
4- Do sợ mà bố thí (bhayā dānaṃ deti). Có người bị đe dọa, hoặc bị áp bức, hoặc yếu thế nên phải cho tài sản để yên thân.
5- Do truyền thống mà bố thí (kulavaṃsā dānaṃ deti). Có người ở trong gia đình truyền thống bố thí, nên người ấy rộng rãi xả tài vì nghĩ rằng ta không nên làm mất truyền thống gia đình.
6- Do mục đích sanh thiên mà bố thí (Sugati-upapannatthāya dānaṃ deti). Có người mong được sanh về cõi trời nên bố thí, vì nghĩ rằng sau khi bố thí ta chết sẽ sanh thiên.
7- Do mục đích tâm an vui mà bố thí (cittapa-sīdanatthāya dānaṃ deti). Có người thích bố thí vì nghĩ rằng khi ta bố thí đem niềm vui cho kẻ khác thì ta được an vui. 
8- Do mục đích trang bị cho tâm mà bố thí (cittaparikkhāratthaṃ dānaṃ deti). Có những chúng sanh cầu giải thoát, muốn trang bị cho tâm, làm cho tâm được thuần thục, làm cho tâm trong sáng khỏi cấu uế xan tham nên bố thí.

Trong tám tâm lý bố thí ấy chỉ có sự bố thí vì mục đích trang bị tâm là sự bố thí cao quí, sự bố thí vì mục đích tâm an vui cũng là sự bố thí tốt đẹp. 

Sự bố thí vì truyền thống và sự bố thí vì mục đích sanh thiên, cũng được bậc trí trong đời chấp nhận, nhưng không xem là thù thắng.

Cung cách bố thí

Nhìn vào cung cách bố thí mà biết được là người hiền trí hay không phải hiền trí. 

Cung cách bố thí của bậc hiền trí có năm (A.III.171), là:

1- Bố thí có tôn trọng (Sakkaccaṃ deti). Tức là khi cho ai thì cho bằng thái độ ân cần.
2- Bố thí có suy nghĩ (Cittīkatvā deti), tức là có chủ tâm làm điều tốt nên mới bố thí. 
3- Bố thí tự tay (Sahatthā deti), tức là chính mình làm chớ không sai bảo hay giao phó người khác làm. 
4- Bố thí đồ không quăng bỏ (anapaviddhaṃ deti), là cho vật tốt đẹp mà mình đang dùng xài chứ không phải là vật dư thừa hay thối hư. 
5- Bố thí có nhìn tương lai (āgamanadiṭṭhiko deti), là bố thí có hướng đến mục đích, như nghĩ đến an vui, nghĩ đến phước báu, nghĩ đến giải thoát.
Cung cách bố thí của hạng phi hiền trí có năm (A.III.171) là:

1- Bố thí không tôn trọng (asakkaccaṃ deti). Nghĩa là hạng phi hiền trí khi cho ai thì cho với thái độ khinh rẻ.
2- Bố thí không suy nghĩ (acittīkatvā deti). Hạng phi hiền trí bố thí thờ ơ, không quan tâm việc mình làm. 
3- Bố thí không tự tay (asahathā deti). Hạng phi hiền trí bố thí không tự mình làm mà chỉ sai bảo người khác làm, như thể việc bố thí không đáng để họ làm. 
4- Bố thí đồ quăng bỏ (apaviddhaṃ deti). Hạng phi hiền trí bố thí những thứ mà họ đã chán chê, những thứ mà họ không dùng xài nữa. 
5- Bố thí không nhìn tương lai (anāgamanadiṭṭhiko deti). Hạng phi hiền trí có bố thí cũng không hướng đến mục đích cao cả, không có nguyện vọng, làm chỉ là làm thôi.

Quả phúc bố thí 

Hạnh bố thí thành tựu nhiều lợi lạc cho thí chủ. Nhưng tùy theo hạnh bố thí mà có được những quả lợi ích khác nhau, khó khẳng định được. 

Hạnh bố thí có những quả lợi ích khác nhau tùy theo vật thí, tâm lý bố thí, cung cách bố thí v.v...

Quả bố thí tùy theo vật thí (vật thực, hoặc y phục hoặc trú xứ ...), điển hình như bố thí vật thực sẽ thành tựu 5 điều lợi lạc đến thí chủ (A.III.42): 

1- Hưởng tuổi thọ nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác được kéo dài sự sống.
2- Hưởng dung sắc nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác nuôi thân xinh tốt.
3- Hưởng an vui nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác ngăn được cảm thọ đói khổ.
4- Hưởng sức lực nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác có sức khỏe sung mãn. 
5- Hưởng biện tài nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác bồi dưỡng trí tuệ.

Quả bố thí thành tựu theo tâm lý bố thí (A.A.257) có 5 sự kiện là: 

1- Người bố thí vì thương, vì ghét, vì dốt nát, vì sợ thì quả báo về sau rất kém, có tài sản không đáng kể, không thể sanh ở cõi trời. 
2- Người bố thí vì giữ truyền thống thì thường đạt đến tài sản trong cõi nhơn loại thôi.
3- Người bố thí vì mong sanh thiên thì được đạt đến tài sản chư thiên.
4- Người bố thí vì để tâm an vui thì có thể đạt đến hai loại tài sản là tài sản nhơn loại (manussa-sampatti), tài sản chư thiên (devasampatti).
5- Người bố thí để trang bị cho tâm, làm trang nghiêm tâm, cầu sự giải thoát thì sẽ được tài sản thánh nhân hay thành tựu Níp bàn (nibbānasam-patti), nếu thí chủ chưa chứng đạt Níp bàn mà còn luân hồi sanh tử thì vẫn được tài sản chư thiên và tài sản nhân loại.

Quả bố thí thành tựu theo cung cách bố thí (A.III.172) có 5 điều là:

1- Bố thí bằng niềm tin, được quả báo tương lai giàu có và xinh đẹp khả ái. 
2- Bố thí tôn trọng, được quả tương lai giàu có và nhiều người qui phục.
3- Bố thí hợp thời, được quả tương lai giàu có và các nhu cầu được đáp ứng đầy đủ đúng lúc. 
4- Bố thí tâm không gượng ép, được quả tương lai giàu có và hưởng thụ với tâm thoải mái mãn nguyện.
5- Bố thí không gây tổn hại mình và người, được quả tương lai giàu có và giữ vững được tài sản; không bị phá sản bởi lửa, nước, vua, kẻ cướp, hay người thừa kế.

Quả báo thiết thực của sự bố thí (A.III.38) có năm điều là:

1- Được nhiều người thương yêu kính mến.
2- Được các bậc thiện trí thức giao hảo.
3- Danh thơm tiếng tốt lan truyền
4- Có tâm dạn dĩ tự tại khi đến giữa các hội chúng.
5- Sau khi mạng chung được sanh vào nhàn cảnh cõi trời.

III. 3. HẠNH TRÌ GIỚI (Sīla)

Ý nghĩa pháp trì giới 

Giới (sīla) là nguyên tắc sống cho có sự tốt đẹp về hành động và lời nói, tất nhiên cũng là điều làm cho ý tâm được tốt đẹp, vì giới là đầu mối của thiện pháp (sīra), là điều làm cho mát mẻ (sītala) do bất hối. 

Giới có nhiệm vụ là ngăn chặn những lỗi lầm và nâng đỡ những đức hạnh.

Trì giới là sự cố ý kiêng cử những hành vi xấu. Sự kiêng cử hay sự ngăn điều ác có ba trường hợp.

a) Kiêng làm ác do hoàn cảnh (sampattavirati). Thí dụ: trong luật pháp quốc độ cấm giết người cướp của, người dân vì sợ bị tù đày nên không dám phạm tội. Điều đó không phải là giữ giới. 
b) Kiêng làm ác do thọ trì (samādānavirati). Thí dụ: một người có tác ý sống tốt đẹp nên nguyện tránh những hành vi sai trái, điều đó chính là ý nghĩa trì giới.
c) Kiêng làm ác do dứt trừ phiền não (samuc-chedavirati). Nghĩa là một vị thánh đã lìa phiền não do thánh đạo đoạn trừ thì không còn hành động ác. Đây là sự thành tựu giới do tâm thanh tịnh, không phải sự trì giới.

Hạng phàm nhân tác ý chế ngự phiền não, không vi phạm điều ác của thân và khẩu, được gọi là người giữ giới. Đây cũng gọi là giới cố ý (cetanā-sīlaṃ).

Yếu tố trì giới

Có hai yếu tố để giữ chín chắn giới hạnh (Visdh I.16):

a) Tàm (hiri), lòng hổ thẹn tội lỗi 
b) Quý (ottappa), tâm ghê sợ tội ác.

Một người có lòng hổ thẹn với tội lỗi, nghĩ đến địa vị, gia thế, trách nhiệm của mình, thấy rằng "Thật không xứng đáng nếu ta làm điều quấy như thế". Nhờ biết tự thẹn như vậy nên người ấy không dám dể duôi làm điều ác. Đây gọi là giữ giới chín chắn nhờ có yếu tố lòng tàm. 

Một người có tâm sợ hãi tội lỗi, khi nghĩ đến hậu quả đau khổ do làm điều ác, hoặc nghĩ đến sẽ bị các bạn đồng phạm hạnh có trí quở trách nếu biết ta làm điều ác, hoặc nghĩ đến sẽ bị luật pháp quốc độ xử phạt nếu ta phạm lỗi lầm ... nhờ nghĩ thế nên có tâm sợ hãi tội lỗi, nhờ có tâm sợ hãi nên không dám dể duôi làm điều ác. Đây gọi là giữ giới chín chắn nhờ có yếu tố lòng quý.

Người cư sĩ sống tại gia, có những điều dễ dãi mà xã hội vẫn xem là hành xử tốt đẹp lương thiện, nhưng xét về mặt đạo đức Phật pháp, hay nhân quả nghiệp báo thì những điều xã hội chấp nhận đó vẫn là điều quấy, là nghiệp đưa đến quả báo khổ đau. Do đó, người cư sĩ cần phải có lòng tàm quý, để tu tập giữ giới cho tốt đẹp. Khi có lòng tàm quý thì tự nguyện giữ giới, không cần sự bắt buộc.

Phân loại giới của người cư sĩ

Người cư sĩ trong Phật giáo, thông thường có hai loại giới là ngũ giới (pañcasīla) và bát quan trai giới (aṭṭha-uposathasīla).

Ngũ giới là năm giới căn bản mà ngưòi cư sĩ phải giữ đến trọn đời nên ngũ giới cũng được gọi là Thường nhật giới (niccasīla), gồm năm điều là:

1- Kiêng tránh sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī), tức là tránh sự giết hại các sinh vật, loài có thức tánh. Gọi là giới sát sanh.
2- Kiêng tránh trộm cướp (adinnādānā vera-maṇī), tức là tránh sự đoạt lấy tài sản sở hữu của người khác mà người đó chưa bằng lòng cho. Gọi là giới trộm cắp.
3- Kiêng tránh tà hạnh dục lạc (kāmesu micchā-cārā), tức là tránh sự quan hệ tình dục bất chính với người khác ngoài vợ hoặc chồng của mình. Gọi là giới tà dâm. 
4- Kiêng tránh sự nói dối (musāvādā), tức là tránh nói lời không đúng sự thật, lừa dối người khác; thậm chí không nói dối để vui cười. Gọi là giới nói dối.
5- Kiêng tránh sự uống rượu và chất say (surā-merayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī) tức là tránh sự say sưa rượu chè, không uống các loại chất say. Gọi là giới uống rượu. 

Bát quan trai giới, là tám giới thanh tịnh mà người cư sĩ thọ trì vào những ngày bố tát (uposatha), là ngày âl mùng 5, mùng 8, ngày 14, ngày 15, ngày 20, ngày 23, ngày 29 và ngày 30 (nếu tháng thiếu thì trai giới là ngày 28 và 29 âl). Tính một ngày trai giới là kể mặt trời mọc hôm nay đến mặt trời mọc hôm sau. Bát quan trai giời có tám điều là: 

1- Kiêng tránh sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī).
2- Kiêng tránh trộm cướp (adinnādānā vera-maṇī) 
3- Kiêng tránh hành phi phạm hạnh (abrahma-cariyā veramaṇī), tức là kiêng cử sự hành dâm, dù vợ chồng cũng kiêng gần gũi xác thịt khi giữ trai giới. Gọi là giới hành dâm.
4- Kiêng tránh nói dối (musāvāda veramaṇī) 
5- Kiêng tránh uống rượu và chất say (surāme-rayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī) 
6- Kiêng tránh ăn phi thời (vikālabhojanā vera-maṇī), tức là không ăn những thức ăn nhai thuộc trái cây mễ cốc, từ đứng bóng cho đến hừng đông ngày hôm sau. Gọi là giới ăn phi thời.
7- Kiêng tránh xem múa, hát, nhạc, kịch, trang sức vòng hoa, hương liệu, vật thoa và thời trang (naccagītavāditavisūkadassanamālāgandhavilepana-dhaàraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā veramaṇī), tức là không bận rộn phóng dật với sự ca hát đờn kèn, trang điểm làm đẹp thân. Gọi là giới thưởng thức.
8- Kiêng tránh sử dụng sàng tọa cao rộng (uccāsayanamahāsayanā veramaṇī), tức là không nằm ngồi nơi giường ghế cao sang như hạng quí tộc. Gọi là giới dùng sàng tọa.

Người cư sĩ giữ giới phải biết rõ chi của giới (aṅga), để tự mình biết khi nào giới bất tịnh và khi nào giới hư hỏng (đứt giới).

CHI CỦA GIỚI (Aṅga) 

Chi của giới, tức là những điều kiện để kết luận một hành động sai phạm mà chỉ là bất tịnh giới hay hư hoại giới. Một hành động sai phạm mà gọi là đứt giới phải hội đủ chi phần; nếu chưa hội đủ chi giới thì chỉ là bất tịnh thôi.

Ở đây không nói riêng biệt chi của ngũ giới và chi của bát quan trai giới, mà chỉ nói chung những điều giới cần phải biết. 

* "Giới sát sanh" có 5 chi:

1- Đối tượng bị hại là sinh vật có thức tánh (pāṇa). 
2- Kẻ giết biết rõ đối tượng là sinh vật (pāṇa-saññī). 
3- Có tâm sát hại (vadhakacitta)
4- Hành động cố sát (upakkamo) 
5- Đối tượng bị chết vì sự cố sát ấy (tenama-raṇaṃ)

Hội đủ 5 chi này mới gọi là phạm giới sát sanh.

* "Giới trộm cắp" có 5 chi:

1- Vật bị lấy là vật có chủ bảo quản (paraparig-gahitaṃ).
2- Kẻ lấy biết rõ là vật có chủ (paraparigga-hitasaññī)
3- Có tâm trộm cắp (theyyacittaṃ)
4- Cố sức lấy trộm (upakkamo)
5- Vật đã bị đem đi khỏi chỗ do sự trộm ấy (tena haranaṃ)

Hội đủ 5 chi này mới gọi là phạm giới trộm cắp.

* "Giới tà dâm" trong ngũ giới, có 4 chi: 

1- Đối tượng không nên đi đến (agamanīyat-thānaṃ), tức là người không hợp pháp cho quan hệ tình dục.
2- Có tâm muốn hưởng dục với người ấy (tasmiṃ sevanācittaṃ) 
3- Cố gắng hành động (upakkamo)
4- Đã hành động tình dục (maggena maggappa-ṭipādanaṃ)

Hội đủ bốn chi này gọi là phạm giới tà dâm. 

* "Giới hành dâm" trong bát quan trai giới, có 4 chi:

1- Có lỗ khiếu để hành dâm (bhedanavatthu), tức là trong thân có 3 khiếu, tính theo hạng người tổng cộng có 30 khiếu.
2- Có tâm muốn hướng dục (sevanācittaṃ) 
3- Cố gắng hành động theo ý muốn (tajjovā-yāmo) 
4- Đã hành động tình dục (maggena maggappa-ṭipādanaṃ), là đã làm cho khiếu chạm khiếu.

Hội đủ 4 chi ấy gọi là phạm giới hành dâm. 

* "Giới nói dối" có 4 chi:

1- Chuyện không thật (atathaṃvatthu) tức là chuyện có nói không, chuyện không nói có. 
2- Có tâm muốn nói sai (visaṃvādanacittaṃ) 
3- Cố gắng nói sai (tajjo vāyāmo) 
4- Người nghe đã tin chắc lời nói đó (parassa tadatthavijānānaṃ) 

Hội đủ 4 chi này gọi là phạm giới nói dối.

* "Giới uống rượu" có 4 chi ":

1- Thức uống là chất say (majjanīyavatthu), tức là nước uống có nồng độ 
2- Có tâm muốn uống (Pātukamyatācittaṃ)
3- Cố sức uống chất say ấy (tajjo vāyamo) 
4- Đã uống nước say ấy (tassa pānaṃ), tức là dù một giọt rượu nuốt khỏi cổ cũng gọi là uống rượu. 

Hội đủ 4 chi này gọi là phạm giới uống rượu.

* "Giới ăn phi thời" trong bát quan trai giới, có 3 chi:

1- Phi thời (vikāla), tức là thời gian từ đứng bóng ngày hôm nay cho đến hừng đông ngày hôm sau.
2- Vật thực tác thời (yāvakālika), tức là thức ăn mà chỉ được phép ăn buổi sáng, như các loại trái và mễ cốc, cơm bánh v.v...
3- Đã nuốt khỏi cổ (ajjhoharanaṃ) 

Hội đủ 3 chi này gọi là phạm giới ăn phi thời 

* "Giới thưởng thức" trong bát quan trai giới gồm hai sự việc: thưởng thức nghệ thuật và thưởng thức mỹ thuật.

Giới thưởng thức nghệ thuật, có ba chi: 

1- Điệu múa, bài hát v.v... (naccagītādi)
2- Có tâm muốn thực hiện (kattukamyatācittaṃ), tức là có ý muốn trình diễn hay xem trình diễn.
3- Đã dự nghe hoặc xem (sutadassanatthāya gamanaṃ) 

Giới thưởng thức mỹ thuật, có ba chi: 

1- Là vật thực trang điểm như vòng hoa v.v... (mālādi)
2- Ưa muốn trang điểm (dhāraṇachandatā), tức là ý thích muốn đeo đồ trang sức, hay thoa xức hương liệu mỹ phẩm.
3- Đã trang điểm (tassa dhāraṇaṃ) tức là đã thực hiện hành động làm đẹp.

Giới thứ bảy của bát quan trai, khi hành động có đủ 3 chi của một trong hai sự việc thì gọi là phạm giới.

* "Giới dùng sàng tọa", có 3 chi: 

1- Chỗ nằm ngồi cao và rộng (uccāsayanamahāsayanaṃ), gọi là chỗ cao tức là cao quá 5 tấc tây; gọi là rộng tức là nơi có diện tích mà có thể các vũ nữ đứng tại đấy múa được; hoặc là chỗ nằm ngồi có chạm trổ trang hoàng sang trọng.
2- Có tâm muốn sử dụng (paribhogacittaṃ) 
3- Đã sử dụng (paribhogakaraṇaṃ) tức là đã nằm hoặc ngồi trên chỗ ấy.

Hội đủ 3 chi này gọi là phạm giới dùng sàng tọa.

Nếu sai phạm điều giới nào nhưng chưa hội đủ chi của giới thì chưa gọi là hoại giới mà chỉ là bất tịnh. 

Pháp hỗ trợ cho giới.

Người cư sĩ cần phải tu tập năm pháp lành (kalyānadhamma), là pháp hỗ trợ cho sự giữ giới tốt đẹp (atthakathā): 

1) Từ bi (mettākaruṇā), tính hài hoà vô sân, có lòng trắc ẩn trước đau khổ của chúng sanh mọi loài. Khi người cư sĩ tu tập đức tính này thì sẽ không nỡ hại chúng sanh, không nỡ đoạt mạng sống các sinh vật. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ nhất (tránh sự sát sanh).

2) Chánh mạng (sammā-ājiva), có sự tinh tấn trong việc nuôi mạng, quyết không nuôi mạng bằng nghiệp bất thiện. Khi người cư sĩ vui sống chánh mạng sẽ không nghĩ đến gian tham trộm cướp tài sản của kẻ khác. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ hai (tránh sự trộm cắp).

3) Phòng hộ dục trần (kāmasaṃvara). Kềm giữ tâm không đam mê sắc dục, luôn thấy được sự nguy hiểm của ngũ trần. Khi người cư sĩ có sự thu thúc như vậy sẽ không khởi lên tà ý với vợ con người khác. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ ba (tránh sự tà dâm).

4) Chân thật (sacca). Tính ngay thẳng trung thực, ưa thích sự thật, không thích dối trá. Khi người cư sĩ vui trong pháp chân thật sẽ khó chịu nếu nói dối. Đây là pháp hỗ trợ giới thứ tư (tránh sự nói dối).

5) Chánh niệm tỉnh giác (satisampajañña). Sống kiểm soát và nhận thức, ghi nhớ và suy niệm. Khi người cư sĩ quen sống chánh niệm tỉnh giác sẽ không có sự dể duôi quên mình. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ năm (tránh uống rượu). 

Ngoài năm pháp hỗ trợ cho giới đã nói trên, người cư sĩ trong ngày trì bát quan trai giới còn phải thực hành bốn pháp hỗ trợ thanh tịnh giới (trai giới):

1- Thu thúc các căn (indriyasaṃvāra). Người cư sĩ trong ngày trai giới sau khi phát nguyện thọ bát quan trai, trọn ngày và đêm ấy phải giữ chánh niệm khi mắt thấy, tai nghe, mũi ngữi, lưỡi nếm, thân xúc, ý suy nghĩ, không để tham sân sanh khởi do thấy, nghe v.v...

2- Tu tập quán tưởng (paccavekkhana). Ngày trai giới, người cư sĩ nên dành nhiều thời gian yên tịnh để tu tập quán tưởng, như tưởng thể trược, tưởng thân già bệnh, chết, tưởng vô thường, tưởng khổ não, tưởng vô ngã.

3- Tu tập tùy niệm (anussati). Nếu có thời gian để tu thiền trong ngày trai giới, người cư sĩ có thể tu tập cận định với sáu tùy niệm là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.

4- Tu tập tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna). Nếu người cư sĩ có duyên lành với thiền quán thì ngày trai giới tu tập tứ niệm xứ, càng cao thượng hơn, tức là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Những pháp tu tập về đề tài quán tưởng, hay tùy niệm, hay thiền quán này, người cư sĩ phải học hỏi trước từ nơi chư Tăng hay vị sư truyền trai giới hôm đó, để thực hành cho tốt đẹp và hỗ trợ ngày trai giới thanh tịnh và thành tựu phước báu viên mãn.

Quả phúc của sự trì giới

Sự trì giới có rất nhiều lợi ích. Trước hết là giữ giới có năm điều lợi ích thiết thực (Ud.86):

1- Nhờ sự không dể duôi mà đạt được tài sản lớn.
2- Có danh thơm tiếng tốt đồn xa.
3- Đi đến hội chúng, tâm dạn dĩ ung dung
4- Lúc chết không hôn mê
5- Sau khi chết, được sanh vào nhàn cảnh thiên giới. 

Có lợi ích thiết thực khác nữa (A.V.1) như Đức Phật dạy cho tôn giả Ānanda rằng: 

"Này Ānanda, giới là thiện, giới có mục đích là bất hối, có lợi ích là bất hối".

Khi người giữ giới không làm những điều lỗi lầm tội ác, do vậy, người ấy không bị ray rứt lương tâm, không sống trong trạng thái hối hận, tâm được an lạc tự tại.

Người cư sĩ thọ trì chín chắn ngũ giới, nếu nói riêng mỗi điều giới thọ trì có quả phúc như sau: 

"Không sát sanh" có 23 quả phúc:

1- Được trường thọ 
2- Thân không tàn tật
3- Ít bệnh hoạn
4- Thân hình vừa vặn 
5- Thân thể xinh tốt
6- Tướng khoan thai cao ráo
7- Cử chỉ linh hoạt
8- Bước chân đi dáng đẹp 
9- Vẻ mặt tươi sáng 
10- Tính tình nhu hòa
11- Tinh thần an vui
12- Tâm dạn dĩ dũng cảm
13- Có nhiều sức mạnh
14- Nói năng bặt thiệp
15- Không bị quần chúng bắt nạt
16- Không có sự kinh hoàng sợ hãi
17- Không bị kẻ thù hãm hại
18- Không bị chết do người cố sát
19- Không có chuyện bực mình
20- Thân thể sạch sẽ
21- Có đông tùy tùng
22- Được mọi người thương mến
23- Không gặp cảnh sanh ly tử biệt

"Không trộm cắp" có 11 quả phúc: 

1- Có nhiều của cải
2- Có thực phẩm đầy đủ 
3- Kiếm được thực phẩm dễ dàng 
4- Có được tài sản chưa có 
5- Tài sản có rồi được giữ vững
6- Muốn gì được đó
7- Tài sản không bị tiêu hao do thiên tai, hoả hoạn, trộm cướp, tịch biên hay do người thân.
8- Có được tài sản không bị tranh đoạt.
9- Không bị nghe và biết "sự không có".
10- Ở đâu cũng được an vui. 
11- Dễ đạt được tài sản Siêu thế.

"Không tà dâm" có 20 quả phúc:

1- Không bị thù địch 
2- Không bị người ganh ghét
3- Không bị tai nạn do người hại 
4- Ít bị xa lìa người thương
5- Là chỗ thương yêu của mọi người 
6- Có nhiều thân hữu quí mến 
7- Tìm cái ăn, cái mặc, chỗ ở dễ dàng
8- Ngủ nghỉ được an vui
9- Thức giấc được an vui 
10- Nằm ngồi chỗ nào cũng an vui
11- Sinh kế không khó khăn
12- Không dễ bực mình
13- Không sanh khổ cảnh
14- Không sanh làm người bán nam bán nữ
15- Tánh người nghiêm túc
16- Làm việc minh bạch
17- Tướng mạo uy nghi
18- Ngũ quyền (mắt, tai ... ) đầy đủ 
19- Cổ không cúp, "Tức là có oai phong"
20- Không gục mặt, "Tức là có uy quyền"

"Không nói dối" có 14 quả phúc:

1- Có ngũ quyền (mắt, tai ... ) được trong sáng 
2- Có lời nói thanh tao 
3- Có hàm răng khít khao đều đặn
4- Không quá mập
5- Không quá ốm
6- Không quá cao 
7- Không quá lùn
8- Được hưởng xúc lạc
9- Miệng thơm như hoa sen
10- Lưỡi mỏng đỏ như cánh sen
11- Không câm ngọng
12- Có được kẻ tùy tùng tín cẩn 
13- Lời nói được tín nhiệm
14- Tâm trí không bị rối loạn 

"Không uống rượu", có 15 quả phúc: 

1- Làm người có trí nhớ tốt, không bị lẫn
2- Không bị điên khùng, đờ đẫn 
3- Có sự hiểu biết mau lẹ
4- Thành người đa trí
5- Làm người tri thức
6- Làm người hiểu biết điều lợi ích và điều không lợi ích.
7- Làm người không hoảng hốt
8- Làm người không có sự bực bội
9- Không bị người vu khống 
10- Làm người nói năng nghiêm túc 
11- Làm người siêng năng chăm chỉ
12- Làm người tính trung thực
13- Làm người có liêm sỉ
14- Luôn có sự an vui 
15- Luôn được người kính nể.

Về quả phúc bát quan trai giới, nếu người cư sĩ thọ trì giới thanh tịnh do nghĩ rằng: vị A la hán trọn đời có lòng từ bi với chúng sanh, không sát hại v.v... ta sẽ theo gương vị A la hán, ngày và đêm nay cũng có lòng từ bi với chúng sanh, không sát hại bất cứ sinh vật nào v.v... Thành tựu trai giới thanh tịnh như vậy sẽ có quả lớn, lợi ích lớn, chói sáng và biến mãn (A.IV.248).

Lại nữa, người thành tựu trai giới thanh tịnh được quả lợi ích lớn là đạt đến hạnh phúc cõi người hơn một vị đại đế cai trị mười sáu quốc độ lớn. Lại có thể sau khi mệnh chung sẽ được sanh cộng trú với chư thiên dục giới, hạnh phúc chư thiên vượt trội loài người (A.IV.251).

Đó là những quả phúc của việc trì giới.

III.4. HẠNH TU TIẾN (Bhāvanā)

Ý nghĩa tu tiến

Tu tiến là phát triển, luyện tập, làm cho tấn hóa, làm cho thuần thục; "Bhāvetī' ti bhāvanā" phát triển tốt đẹp gọi là tu tiến.

Ý nghĩa tu tiến ở đây là sự trau dồi phát triển đời sống tâm linh. Sự phát triển tâm linh là điều kiện giúp cho cuộc sống tiến hóa ổn định, không kém gì vật chất, có thể nói là cần thiết hơn sự phát triển vật chất nữa bởi vì khi con người sống với tâm loạn động, âu lo, phiền muộn thì cho dù có hưởng thụ vật chất vẫn không được hạnh phúc an lạc. Thể xác này cũng ảnh hưởng do tinh thần không ít, khi tâm tư bị phiền não chi phối thì các hệ thần kinh bị căng thẳng, sức lực suy sụp, sanh ra những chứng bệnh về tim mạch, về hệ tiêu hóa v.v... Do đó sự tu tập để ổn định tâm lý là điều mang đến nhiều lợi lạc.

Người cư sĩ mặc dù không có điều kiện thuận lợi để tu tập như các vị xuất gia, nhưng không nên vì thế mà bỏ qua cơ hội tu tiến thiền định để tạo đủ ba loại phước báu.

Có những pháp môn tu tập mà Đức Phật đã dạy để cho người cư sĩ thực hành thanh lọc tâm và tăng trưởng trí tuệ. 

Các hình thức tu tiến (bhāvanā) 

Có hai hình thức tu tiến: 

1) Tu chỉ (Samathabhāvanā)
2) Tu quán (Vipassanābhāvanā)

Chỉ và Quán còn được gọi là pháp cần tu tập (bhāvetabbadhamma), cũng gọi là pháp thuộc phần minh (vijjābhāgiyadhamma) -- (D.III.273; A.I.60)

Tu chỉ hay tu tập chỉ tịnh, tức là cách tu tập để làm vắng lặng phiền não, an tịnh tâm tư, vi tế tầm tứ, đạt đến trạng thái tâm định kiên cố. Khi hành giả tu tập chỉ tịnh thuần thục sẽ an trú trong sự tỉnh lặng năm triền cái tức là tham dục, sân hận, hôn thụy, trạo hối và hoài nghi, nếu tâm thoát khỏi năm triền cái, cho dù chưa đắc thiền định cũng được hiện tại lạc trú. 

Tu quán hay tu tập minh sát, tức là cách tu tập để phát triển trí tuệ, liễu tri thực tướng của danh sắc là vô thường, khổ và vô ngã, để đoạn trừ phiền não nhất là dẹp bỏ được tà kiến ngộ nhận ngũ uẩn là thường-lạc-ngã-tịnh. Tu tiến Minh sát trực tiếp đoạn trừ phiền não, đắc đạo quả giải thoát. 

So sánh sự khác biệt giữa thiền chỉ và thiền quán, dựa trên bốn khía cạnh để nhận định: 

a) Khuynh hướng. Thiền chỉ có khuynh hướng là Định (Samādhi), thiền quán có khuynh hướng là Tuệ (paññā).

b) Cứu cánh. Thiền chỉ có cứu cánh là chứng đắc định đáo đại; thiền quán có cứu cánh là chứng đắc đạo quả.

c) Phương tiện. Thiền chỉ có phương tiện tu tập là tập trung trên đối tượng; thiền quán có phương tiện tu tập là suy tư trên đối tượng. 

d) Đề mục. Thiền chỉ có đề mục là những án xứ chế định như màu sắc v.v... Thiền quán có đề mục là những án xứ chơn đế như danh sắc, ngũ uẩn v.v... 

Pháp môn tu tiến cho người cư sĩ

Đối với bậc xuất gia thì có điều kiện tu tập các pháp môn thiền định, bốn mươi đề mục thiền chỉ (kammaṭṭhāna) và bốn đề mục thiền quán (satipaṭṭhāna). 

Những người cư sĩ nếu có cơ hội tham dự khóa thiền tại các trường thiền thì có thể có điều kiện, thời gian và cách sinh hoạt, để tu tập thiền định tích cực. Còn phần đông các cư sĩ không thể tu thiền thực thụ như một hành giả bởi bận rộn với các tục sự nghề nghiệp, bổn phận gia đình, bổn phận xã hội.

Tuy nhiên, vẫn có những pháp môn tu tiến thích hợp cho đời sống người cư sĩ, người cư sĩ tinh tấn tu tập theo các pháp môn ấy sẽ đạt đến nhiều lợi lạc. Các pháp tu tiến cho người cư sĩ gồm có: 

a) Mười pháp tùy niệm (anussati), tức là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, niệm chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm tịch tịnh (A.I.30-41; Vism. 197).

b) Bốn phạm trú (brahmavihāra), tức là tu tập từ tâm, bi tâm, hỷ tâm và xả tâm (D.II.196; D.III.220; Dhs.262; Vism.320).

c) Năm thường quán (abhiṇhapaccavekkhaṇa), tức là quán sự già, quán sự bệnh, quán sự chết, quán biệt ly, quán nghiệp quả (A.III.71).

Đây là những đề mục tu tiến để giúp người cư sĩ bước đầu tiến hành thiền định, chỉ và quán. Các đề mục tu tiến sơ khởi này có thể thực hành trong mọi lúc, mọi nơi, và tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi).

Điều kiện cho việc thực hành tu tiến 

Khi có ý muốn thực hành pháp môn thiền định, người cư sĩ ấy phải chuẩn bị những việc này: chỗ hành thiền thích hợp, ăn vật thực thích hợp, thân cận người thích hợp, chọn oai nghi thích hợp, dọn tâm thích hợp, học đề mục thích hợp.

Chỗ hành thiền thích hợp, tức là một căn phòng biệt lập, rộng thoáng, không bày biện rối mắt, nếu được nơi yên tĩnh không tiếng ồn thì càng tốt. Như vậy không bị tạp niệm.

Vật thực thích hợp, tức là hành giả không ăn quá no, không ăn những thức ăn khó tiêu hóa, không ăn các thức ăn dễ dị ứng cơ thể. Như vậy thân sẽ được khinh an.

Thân cận người thích hợp, tức là hành giả nên giao du với bạn lành, những người có tín, có giới, có thí và có trí tuệ, nhất là người có tinh tấn và chánh niệm. Như vậy sẽ giúp hành giả tiến hóa.

Chọn oai nghi thích hợp, tức là trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, hành giả có thể hành thiền với oai nghi nào cũng được miễn là thích hợp với thói quen của mình; có người dễ chánh niệm lúc đi kinh hành, có người dễ chánh niệm lúc đứng yên, có người dễ chánh niệm trong tư thế nằm, có người dễ chánh niệm trong tư thế ngồi. Nhưng thông thường việc hành thiền hay ở tư thế ngồi, ngồi kiết dà hoặc bán dà, lưng thẳng, mắt nhắm nhẹ, hướng về phía trước mặt, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái. Chọn oai nghi thích hợp cũng là điều kiện giúp hành giả thoải mái tu tập. 

Dọn tâm thích hợp, tức là hành giả trước khi hành thiền hoặc trước khi trú niệm đề mục phải dọn tâm thật yên lặng, không lo âu, không bực tức, không buồn ngủ, không vọng móng. Như vậy sẽ giúp hành giả dễ khăng khít với đề mục.

Học đề mục thích hợp, tức là hành giả phải biết cá tính của mình (nặng về ái, hay nặng về sân v.v...) rồi chọn đề tài thiền định hợp với cơ tánh của mình; chọn được đề tài thích hợp rồi nên học hỏi từ các vị thầy hay thiền sư để nắm rõ phương pháp thực hành. Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, ngài biết rõ cơ tánh từng người nên ngài đã dạy cho mỗi người một đề tài thiền quán thích hợp, ngày nay các vị thiền sư chỉ dạy thiền cho thiền sinh đề mục chung chung thôi. Vì thế vị hành giả phải tự nhận xét và lựa chọn đề mục. 

Tu tiến với đề tài tùy niệm

Có 10 đề tài tùy niệm (anussati), là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, niệm chết, niệm thân, niệm hơi thở, niệm tịch tịnh.

Niệm Phật (buddhānussati)

Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đức tính đặc biệt của Đức Phật gọi là niệm Phật. Đức Phật có mười đức tính đặc biệt, đó là mười ân đức Phật. Ngài là bậc Ưng cúng (Arahaṃ), Chánh biến tri (Sammā-sambuddho), Minh hạnh túc (Vijjācaranasampanno), Thiện thệ (Sugato), Thế gian giải (Lokavidū), Vô thượng sĩ (Anuttaro), Điều ngự trượng phu (Purisa-dammasārathī), Thiên nhơn sư (Satthā devamanus-sānaṃ), Giác giả (Buddho), Thoại đức giả (Bhagavā). Xem "Kho Tàng Pháp Học", đoạn 441.

Cách niệm Phật: hành giả tìm nơi thanh vắng ngồi tham thiền, suy tưởng về sự khổ đau của kiếp sống, nhớ đến Đức Phật là vị cứu tinh của muôn loài, Ngài có những đức tính đặc biệt. Hành giả bắt đầu suy niệm (phải học hiểu rõ mười ân Đức Phật): 

"Iti pi so bhagavā arahaṃ sammāsambuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathī satthādevamanussānaṃ buddho bhagavā"

"Như vậy đức Thế Tôn là bậc Ưng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Giác giả, Thoại đức giả".

Niệm qua mười ân Đức Phật một lần, hành giả đặt niềm tin và hoan hỷ với hình ảnh của Đức Phật; xong niệm lại đủ mười ân đức lần nữa, rồi hoan hỷ; cứ thế niệm tiếp tục như cách thức đã niệm ... cho đến hết thời gian hành thiền. 

Một cách khác, hành giả chọn một ân đức nào trong mười ân đức mà làm cho tâm cảm hứng được, và suy niệm ân đức đó thôi không cần niệm đủ mười. Niệm Phật cách này như sau: 

"Itipi so bhagavā arahaṃ ... arahaṃ ... arahaṃ ... arahaṃ ..." 

Hoặc "Itipi so bhagavā sammāsambuddho ... sammāsambuddho ... sammāsambuddho" v.v... 

Khi niệm Phật, thỉnh thoảng hành giả bị phóng tâm hay bị hôn trầm, lúc đó chánh niệm ghi nhận rồi vận dụng "chi tầm" (vitakka: tìm kiếm cảnh) để chế ngự tâm phóng hoặc hôn trầm.

Hành giả có thể hành thiền tùy niệm Phật trong hai thời: sáng sớm và chiều tối, lúc cảnh yên tịnh.

Phương pháp niệm Phật sẽ giúp tâm hành giả lắng dịu phiền não, Tăng trưởng niềm tin, được hạnh phúc hỷ lạc, nhiếp phục sự sợ hãi. Nếu hành giả chưa đắc thánh quả cao siêu thì ít nhất cũng được sanh vào cõi vui. 

Niệm pháp (dhammānussati) 

Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đặc tính của giáo pháp gọi là niệm pháp. 

Giáo pháp của Đức Phật có sáu đặc tính, cũng gọi là ân đức pháp. Sáu ân đức pháp là: pháp được khéo thuyết (svākkhāto), thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko), vượt ngoài thời gian (akāliko), đến để thấy (ehipassiko), khả năng hướng thượng (opanayiko), vẫn được người trí tự hiểu (paccattaṃ veditabbo viññūhi). Trước khi hành tùy niệm pháp, vị hành giả phải học thông thuộc sáu đặc tính của pháp, gồm cả văn tự và nghĩa lý. Xem "Kho Tàng Pháp Học", đoạn 354.

Cách niệm Pháp: Hành giả tìm nơi thanh vắng, ngồi tham thiền, trước hết là suy tưởng sự đau khổ của đời sống, nghĩ đến giáo pháp do Đức Phật thuyết như loại linh dược để trị tâm bệnh của chúng sanh, giáo pháp ấy gồm có pháp học (tam tạng kinh điển), pháp hành (thiện sự và thiền định), pháp thành (là chín siêu thế pháp). Hành giả bắt đầu niệm tưởng các đức tính đặc biệt của giáo pháp như sau:

"Svākkhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhi" 

"Giáo pháp đã được Đức Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để thấy, khả năng hướng thượng, cần được người trí tự hiểu".

Hành giả niệm qua một lượt sáu đặc tính của giáo pháp như vậy, hãy suy nghĩ "giáo pháp của Đức Phật đặc thù như vậy, tuyệt diệu như vậy", rồi đặt niềm tin nơi giáo pháp với tâm hướng đến sự thành tựu pháp vô tỷ. Xong, vị hành giả tiếp tục niệm trở lại sáu ân đức pháp ... cứ như thế thực hành tùy niệm pháp cho đến hết thời gian một buổi thiền tập. 

Một cách khác, hành giả tùy chọn một trong sáu ân đức pháp mà mình cảm hứng, để niệm một ân đức đó cũng được. Như sau: 

"Svākkhāto bhagavatā dhammo" ... "Svākkhāto bhagavatā dhammo" ... "Svākkhāto bhagavatā dhammo" ... 

Hay "Sandiṭṭhiko dhammo" ... "Sandiṭṭhiko dhammo" ... "Sandiṭṭhiko dhammo" ... 

Hành giả hành tùy niệm pháp mỗi ngày trong hai thời, hoặc tùy lúc yên tịnh.

Hành giả niệm pháp sẽ đạt đến viên mãn về đức tin, sẽ được nhiều hạnh phúc hân hoan, sẽ nhiếp phục được sự sợ hãi như thể đang sống với pháp, sẽ có ý thức tàm quý mãnh liệt, và nếu hành giả chưa thâm nhập được cái gì cao siêu hơn thì ít nhất cũng tiến đến một cõi an lạc.

Niệm Tăng (Saṅghānussati) 

Tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đặc tính của Tăng chúng, để tử xuất gia của Đức Phật, gọi là niệm tăng.

Tăng chúng đệ tử Phật có chín đặc tính cao quí, cũng gọi là chín ân đức tăng. Tức là: Thiện hạnh (supaṭipanno), trực hạnh (ujupatipanno), chánh hạnh (ñāyapaṭipanno), nghiêm hạnh (sāmīcipaṭipanno), đáng cung phụng (āhuneyyo), đáng nghênh tiếp (pāhuneyyo), đáng cúng dường (dakkhiṇeyyo), đáng lễ bái (añjalikaraneyyo), phước điền vô thượng của đời (anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa). Trước khi thực hành tùy niệm tăng, vị hành giả phải học thông thuộc chín đặc tính của Tăng chúng, gồm cả văn tự và ý nghĩa. Xem "Kho Tàng Pháp Học", đoạn 442.

Cách niệm Tăng: Hành giả tìm chỗ thanh vắng, ngồi tham thiền; truớc hết hành giả suy nghĩ về sự uế nhiễm của đời sống thế tục, có những người đã chấp nhận từ bỏ thế tục để sống đời phạm hạnh theo sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn, gọi là đệ tử xuất gia, thành một đoàn thể Tăng chúng, những vị ấy quyết tâm thành tựu cứu cánh phạm hạnh, có nhiều vị đã đạt đến trạng thái bậc thánh. 

Vị hành giả khi suy xét như vậy sẽ có lòng tin và cảm hứng đối với các đặc tính tuyệt vời của bốn bậc thánh tăng. Từ điểm này, hành giả bắt đầu niệm tưởng: 

"Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ujupaṭi-panno bhagavato sāvakasaṅgho ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaraneyyo anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa". 

"Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc thiện hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc trực hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc chánh hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn là bậc nghiêm hạnh, Tăng đệ tử Đức Thế Tôn gồm bốn đôi tám vị đó là bậc đáng cung phụng, đáng nghênh tiếp, đáng cúng dường, đáng lễ bái, là phước điền vô thượng của thế gian".

Hành giả niệm qua một lượt chín đặc tính của Tăng chúng như vậy tạm dừng niệm, và suy nghĩ: "an tịnh thay là thánh chúng đệ tử Phật, an tịnh thay là thánh chúng đệ tử Phật" hành giả hoan hỷ hướng đến Tăng và cảm thấy như mình đang sống với sự hiện diện của Tăng chúng thanh tịnh. Rồi hành giả tiếp tục niệm trở lại chín đặc tính Tăng chúng ... cứ thế niệm theo cách thức này cho đến hết thời gian buổi thiền tập.

Một cách khác nữa, hành giả niệm từng mỗi ân đức tăng, tùy chọn một đặc tính nào trong chín đặc tính mà hành giả có cảm hứng, như là Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ... Supaṇipanno ... Supaṭipanno ... 

Hoặc añjalikaraneyyo bhagavato sāvakasaṅgho ... añjalikaraneyyo ... añjalikaraneyyo ... añjalikaraneyyo ... 

Hành giả hành tùy niệm Tăng mỗi ngày hai buổi sáng và tối, hoặc lúc nào yên tịnh.

Sự tùy niệm Tăng sẽ giúp cho hành giả thành tựu viên mãn đức tin đối với Tăng chúng, đem lại nhiều hạnh phúc an lạc cho hành giả, vị ấy nhiếp phục được sự sợ hãi, nhờ sự tôn kính Tăng chúng nên vị ấy sẽ có ý thức tàm quý mãnh liệt, và nếu vị ấy chưa đạt được thánh quả cao siêu thì ít nữa cũng hướng đến một cảnh giới hạnh phúc. 

Niệm giới (Sīlānussati)

Sự tùy niệm có cảm hứng từ nơi các đức tính của giới thanh tịnh, gọi là niệm giới. Niệm giới hạnh của chính mình đã thọ trì có trạng thái tốt đẹp như thế nào, đó gọi là niệm giới.

Hành giả cư sĩ thì niệm giới cư sĩ. Hành giả cần hiểu rõ những đặc tính của giới hạnh đáng hoan hỷ, như là giới không bị rách, không bị vá, không bị lủng, không bị ố, không bị lốm đốm, giải thoát, không hệ lụy, đưa đến định, được người trí tán thán.

Giới không bị rách, lủng, vá, ố, lốm đốm, tức là không bị tổn hại do dục hệ, do sân hận hay do các ác pháp khác.

Giới giải thoát, là giới có đặc tính giải tỏa khỏi sự nô lệ cho dục ái. 

Giới không hệ lụy, là vì không bị chi phối bởi tham dục và tà kiến. 

Giới đưa đến định, là giới thuộc chánh đạo hỗ trợ cho định cận hành, định an chỉ thiền thông đạo quả. 

Giới được người trí tán thán, là giới hoàn hảo được những bậc trí như Đức Phật khen ngợi.

Cách hành tùy niệm giới: Trước hết hành giả phải tác ý thọ trì giới cho thanh tịnh, hoặc phục hồi giới cho tốt đẹp bằng cách phát lồ v.v... rồi hành giả đi vào nơi độc cư yên tỉnh, ngồi xuống và suy niệm về giới của chính mình, như sau: 

"Giới hạnh của ta đáng được hoan hỷ vì không bị rách, không bị lủng, không bị vá, không bị lem ố, không bị lốm đốm, không hệ lụy, đưa đến định, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán"

Khi suy niệm như vậy hành giả hãy hoan hỷ và cảm thấy như được che chở an ổn bởi nhờ giới có đủ các đặc tính. 

Rồi lại tiếp tục suy niệm ...

Hàng ngày hành giả có thể suy niệm về giới trong nhiều thời.

Khi hành giả chuyên tâm vào việc niệm giới, thì hành giả có sự tôn trọng đối với học pháp, vị ấy sống hoà hợp với những bạn đồng phạm hạnh, vị ấy không sợ tự trách bản thân, không sợ bậc trí khiển trách, vị ấy thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, vị ấy đạt đến viên mãn về tín ... vị ấy có nhiều hạnh phúc an lạc. Và dù chưa đạt đến quả vị nào cao hơn, ít nhất vị ấy cũng hướng đến một thiện thú.

Niệm thí (Cāgānussati)

Tùy niệm thí là sự suy tư cảm hứng đối với đặc tính vô tham và xả tài, mà chính mình đã có.

Đặc tính của sự bố thí là thích xả bỏ, thích san sẻ, thích được kẻ khác cần đến và yêu cầu. Trạng thái của tâm bố thí là vô tham, không keo bẩn.

Khi muốn tu tập niệm thí, hành giả phải chuyên cần bố thí, thường cho và san sẻ đến người khác một cách tự nhiên thoải mái, không phải tâm cho gượng ép. Nên có quyết định: "Từ nay trở đi, lúc nào có người hiện diện để nhận, ta sẽ bố thí đến người ấy". 

Ngay hôm ấy, là ngày mà hành giả muốn tu tập niệm thí, hành giả nên bố thí một vật gì đó tùy phương tiện và khả năng, tốt nhất là cho đến người có đức tính đặc biệt để hành giả dễ có tâm vui thích san sẻ, vui thích bố thí.

Khi đã nắm được tướng trong việc này, hành giả hãy đi đến nơi yên tĩnh độc cư và tưởng niệm đến sự bố thí của mình, như sau: 

"Thật sự là lợi lạc cho ta! Thật sự là lợi ích cho ta! vì rằng giữa cuộc đời bị ô nhiễm bởi lòng xan tham bỏn sẻn thì ta không bị ô nhiễm bởi xan tham. Ta bố thí một cách rộng rãi với bàn tay rộng mở, thích thú trong sự từ bỏ, vui mừng được san sẻ với người khác, và mong có người yêu cầu".

Sau khi niệm tưởng như vậy, hành giả suy xét ý nghĩa các đặc tính của hạnh bố thí như sau: 

"Thật là lợi lạc cho ta!, nghĩa là ta sẽ có những lợi lạc của người bố thí như được thọ mạng, được an vui cõi trời, cõi người, được nhiều người lui tới, được bậc trí yêu mến.

"Thật là lợi ích cho ta!, nghĩa là ta có lợi ích ở chỗ được gặp giáo pháp, được làm thân người, lại được an trú với tâm không ô nhiễm vì xan tham, được tâm vui thích bố thí và san sẻ.

Rồi hành giả trở lại niệm tưởng hạnh bố thí của mình như cách thức trước ...

Khi hành giả tưởng đến sự bố thí như vậy. Ngay khi ấy tâm hành giả không bị tham sân si ám ảnh nhờ an trú thiện tâm cảm hứng từ hạnh bố thí. 

Một người chuyên tâm tưởng niệm về bố thí, người ấy trở nên thông thoáng tâm vì tính cách hoan hỷ vô tham, vị ấy có lòng ưa thích bố thí, vị ấy hành xử phù hợp với tâm từ bi, vị ấy có nhiều hạnh phúc an lạc, và nếu không tiến đạt quả vị cao, thì ít nhất hành giả cũng hướng đến cảnh giới an lạc. 

Niệm thiên (Devānussati) 

Niệm thiên là suy niệm về đức tính đặc biệt của chư thiên mà xét lại chính mình.

Có bốn đức tính tốt đẹp, chính nhờ những đức tính đó mà thành tựu thân chư thiên ở các cõi trời. Đó là đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới hạnh, đầy đủ thính pháp, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

Người muốn tu tập niệm thân cần phải có những đức tính đặc biệt về đức tin, giới hạnh, thính pháp, bố thí, trí tuệ do khéo an trú. Rồi người ấy đi vào nơi thanh vắng độc cư để niệm tưởng những đức tính đặc biệt của mình có, so sánh với chư thiên. Như sau: 

"Các vị chư thiên Tứ thiên vương, các vị chư thiên Đạo lợi, các vị chư thiên Dạ ma, các vị chư thiên Đâu suất, các vị chư thiên Hóa lạc, các vị chư thiên Tha hoá tự tại, các vị Phạm chúng thiên và những vị chư thiên cao hơn nữa, các vị chư thiên ấy có đức tin, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, đức tin ấy cũng có đầy đủ nơi ta".

"Các vị chư thiên ấy có giới hạnh, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, giới hạnh ấy cũng có đầy đủ nơi ta. 

"Các vị chư thiên ấy có hạnh thính pháp, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, hạnh thính pháp ấy cũng có đầy đủ nơi ta".

"Các vị chư thiên ấy có bố thí, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, hạnh bố thí ấy cũng có đầy đủ nơi ta". 

"Các vị chư thiên ấy có trí tuệ, và nhờ vậy khi chết ở cõi này đã sanh ở cõi kia, trí tuệ ấy cũng có đầy đủ nơi ta". 

Hành giả suy xét như vậy, lập đi lập lại. Mục đích để chứng minh rằng những đức tính đặc biệt về tín, giới, văn, thí, tuệ có ở chính mình cũng là tín, giới, văn, thí, tuệ có nơi chư thiên.

Khi hành giả niệm tưởng các đức tính của chư thiên và của mình như vậy thì tâm hành giả có được nguồn cảm hứng từ chư thiên, tâm không bị tham sân, si ám ảnh. Đó là một trạng thái hướng thiện. 

Một người chuyên tâm tu tập niệm Thiên, người ấy được chư thiên thương tưởng, có niềm tin an trú mãnh liệt hơn, có được nhiều hạnh phúc an lạc, và dù không đắc quả gì cao cả, nhưng ít nhất người ấy cũng hướng đến một cảnh giới tốt đẹp.

Niệm chết (Maranānussati) 

Chết (maraṇa) là sự kết thúc một mạng sống, sự chấm dứt mạng căn của một chúng sanh. 

Chết là đề mục mà hành giả suy niệm ở đây nên lấy tình trạng chết của đời sống con người, như vậy mới dễ động tâm hơn là nghĩ về cái chết của chư thiên, phạm thiên v.v...

Phải niệm chết với tác ý trí tuệ, nghĩa là không nên tưởng đến cái chết của người quá thân thương, vì sầu ưu sẽ sanh khởi, cũng không nên tưởng đến cái chết của một người mình ghét, bởi vì sẽ khởi niềm hoan hỷ. Hành giả nên tác ý đến cái chết của một người mà mình biết được họ sống tràn đầy hạnh phúc hoặc có nhiều uy quyền ... tưởng nghĩ như vậy sẽ có một ý thức khẩn trương với chánh niệm và trí tuệ, để rồi hành giả có thể niệm chết như là một phương tiện chính đáng tu tập. 

Cách tu tập: Một người muốn tu tập pháp quán niệm này, hãy đi đến chỗ độc cư và ngồi lại hoặc kinh hành rồi tác ý với trí tuệ như sau: 

"Maraṇantaṃ jīvitaṃ, mạng sống chấm dứt bằng sự chết ... Marananantaṃ jīvitaṃ, mạng sống chấm dứt bằng sự chết ..."

Niệm như vậy một lúc, hành giả khởi tâm suy nghĩ đến một trong tám sự kiện này: 

Suy nghĩ sự chết như một tên sát nhân xuất hiện. Hành giả suy nghĩ thấy mạng sống bị sự chết đe dọa, ví như có kẻ sát nhân đang cầm khí giới xuất hiện và chuẩn bị giết chết mình. Quả thật, mạng sống rất mỏng manh. Đó là cách nghĩ thứ nhất. 

Suy nghĩ sự chết là một cuộc thất bại thảm hại. Hành giả suy nghĩ thấy người sống trong đời dù có thành công trong sự nghiệp, địa vị, hạnh phúc nhưng chắc chắn phải sụp đổ vì cái chết. Đó là cách nghĩ thứ hai. 

Suy nghĩ sự chết bằng cách so sánh kết luận. Hành giả suy nghĩ đến sự chết của những người có danh vọng lớn, người có đại phước, người dũng mãnh, bậc đại thần thông, bậc đại trí tuệ, bậc Độc Giác, bậc Chánh Đẳng Giác. Những bậc ấy mà cũng phải chết, thì sao ta thoát khỏi sự chết được. Đó là cách nghĩ thứ ba.

Suy nghĩ sự chết theo cách ghi nhận thân này là chỗ cộng trú của nhiều sinh vật. Hành giả suy xét trong thân này có tám mươi loại ký sinh trùng; thân thể là chỗ sanh ra của chúng, là chỗ ở của chúng, là nghĩa địa của chúng, thân này phải san sẻ cho chúng, khi chúng nổi loạn thì thân sẽ cảm thọ thống khổ và có thể đi đến chết được. Đó là cách nghĩ thứ tư.

Suy nghĩ sự chết theo cách xét mạng sống mỏng manh. Hành giả suy xét rằng mạng sống này chỉ dựa vào hơi thở, khi còn hơi thở ra thở vào thì mạng sống còn; nếu hơi thở có ra mà không có vào, hoặc có hơi thở vào mà không có ra thì chết. Đó là cách nghĩ thứ năm.

Suy nghĩ sự chết theo cách xét sự sống vô chừng không thể định đoạt. Hành giả suy xét rằng mạng sống này không thể biết sống bao lâu sẽ chết do nguyên nhân gì, sẽ chết ở đâu ... sự sống thật là bất định. Đó là cách nghĩ thứ sáu. 

Suy nghĩ sự chết theo cách thấy mạng sống bị giới hạn thời gian. Hành giả suy xét rằng mạng sống có giới hạn; có người sống lâu có người chết yểu, nhưng nhất định phải có giới hạn, trên dưới một trăm năm thôi, mỗi ngày trôi qua là tiến gần đến sự chết. Đó là cách nghĩ thứ bảy: 

Suy nghĩ sự chết theo cách nghĩ đến sự hoại diệt từng sát na. Hành giả suy xét theo thực tính pháp thấy sự chết có trong từng sát na sanh diệt của danh sắc. Đó là cách nghĩ thứ tám. 

Với tám cách suy nghĩ này, hành giả nhớ được cách nào thì suy xét theo đó sau mỗi lúc niệm "Chết".

Suy nghĩ để nhập tâm, rồi niệm tiếp tục: "Maraṇantaṃ jīvitaṃ ... maraṇantaṃ jīvitaṃ , mạng sống chấm dứt bằng sự chết ... mạng sống chấm dứt bằng sự chết ..."

Một người chuyên tâm niệm sự chết, người ấy sẽ đạt được trạng thái vô úy, không bối rối trước sự chết sắp xảy ra, người ấy sống không bám bíu vào bất cứ sự vật gì ở đời, không bị cấu uế bởi lòng tham bốn vật dụng; vô thường tướng dần dần phát triển trong tâm người ấy, và theo sau đó là tưởng về khổ và vô ngã, nếu ngay trong hiện tại người ấy chưa đạt đến quả vị vô sanh, ít ra cũng hướng đến một cõi tốt đẹp khi thân hoại mạng chung. 

Niệm thân (Kāyagatāsati) 

Đây cũng gọi là Thân hành niệm. 

Cái gì là thân hành (kāyagata)? Chính là nói đến 32 thể trược trong thân này. Niệm tưởng về 32 thể trược của thân, gọi là Thân hành niệm.

Thân hành niệm là một pháp môn tu tập vượt ngoài lãnh vực của ngoại đạo, chưa hề được công bố trước khi bậc đại giác xuất hiện. Pháp môn này là một cách trong những cách tu tập thuộc thân quán niệm xứ, nhưng được tách riêng thành pháp môn riêng biệt, cũng như pháp môn nhập xuất tức niệm (niệm hơi thở) v.v...

32 thể trược trong thân là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng ruột, dạ dày, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, óc, mật đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu. 

Vị hành giả trước khi thực hành pháp môn này cần phải học hỏi thuần thục đề mục từ nơi một vị thiện trí thức. Sự học thiện xảo đề mục ấy là đọc làu tên thể trược, thuộc lòng tên thể trược, biết màu sắc thể trược, biết hình dáng thể trược, biết định hướng thể trược, biết định vị thể trược, biết giới hạn của thể trược.

Thuần thục về cách đọc, tức là đọc từng nhóm 5 thứ, đọc xuôi và đọc ngược. Thí dụ đọc xuôi nhóm một "Tóc, lông, móng, răng, da". Rồi đọc ngược "Da, răng, móng, lông, tóc" v.v... đọc xuôi ngược từng nhóm như thế cho đến khi đọc làu không lộn xộn. Sự học đề mục đọc ra tiếng như vậy sẽ làm cho hành giả quen thuộc đề mục. 

Thuần thục cách thuộc lòng, tức là sự nhẫm trong tâm, không phải là đọc ra tiếng. Nhưng sự đọc ra tiếng nhuần nhuyễn mới giúp cho thuộc lòng được, cho nên trước tiên hành giả học đọc tên, kế đến mới nhẫm thuộc lòng. Cũng với cách xuôi ngược: Tóc, lông, móng, răng, da - da, răng, móng, lông, tóc ... sự thuộc làu như vậy sẽ là điều kiện để hành giả thâm nhập tính chất của đề mục.

Biết màu sắc thể trược, tức là hành giả phải tìm hiểu và định rõ mỗi thể trược có màu sắc thế nào, tất nhiên là thể trược trong thân này, như tóc có màu đen hoặc bạc hay hoe, lông màu đen, móng có màu trắng đục hay màu trắng hồng ...

Biết hình dáng thể trược, tức là định rõ mỗi vật thể có hình dáng ra sao. Thí dụ như tóc có hình sợi dài ...

Biết định hướng thể trược, tức là hành giả định rõ mỗi thể trược ấy ở về hướng trên hay hướng dưới của thân. Trong thân này từ rốn trở lên gọi là hướng trên, từ rốn trở xuống gọi là hướng dưới.

Biết định vị thể trược, tức là hành giả định rõ mỗi thể trược ấy vị trí ở đâu trong thân. Thí dụ: tóc mọc trên da đầu, trước mọc tới trán, phía sau mọc tới ót, hai bên mọc tới vành tai ...

Biết giới hạn của thể trược, tức là hành giả ghi nhận sự giới hạn của thể trược, như tóc mọc cắm vào da, chân tóc ghim dưới da, ngọn tóc chỉa vào khoảng không ... hoặc giới hạn rằng tóc không phải là lông, lông không phải là tóc ...

Khi đã thông thuộc bảy điều ấy rồi, hành giả nên tìm đến một trú xứ thích hợp với thiền tịnh, và từ bỏ những chướng ngại nhỏ làm phân tâm như y phục bẩn thỉu, thân thể cáu ghét, giường ghế không sạch ...

Hành giả ngồi lại và bắt đầu nhẩm đọc 6 nhóm thể trược, từng nhóm đọc xuôi rồi đọc ngược như sau:

"Tóc, lông, móng, răng, da / da, răng, móng, lông, tóc". Nếu đọc được Pāli càng tốt. 

"Thịt, gân, xương, tủy, thận / thận, tủy, xương, gân, thịt".

"Tim, gan, màng ruột, dạ dày, phổi / phổi, dạ dày, màng ruột, gan, tim".

"Ruột già, ruột non, vật thực, phẩn, óc / óc, phẩn, vật thực, ruột non, ruột già".

"Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ / mỡ, mồ hôi, máu, mủ, đàm, mật".

"Nước mắt, dầu da, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu / nước tiểu, nước nhớt, nước mũi, nước miếng, dầu da, nước mắt".

Hành giả đọc nhẩm như vậy qua nhiều lượt để rà soát những phần nào hiện rõ và không hiện rõ, phần nào trong 6 nhóm thể trược đọc qua mà không hiện rõ thì loại bỏ, dần dần chỉ còn một nhóm hiện rõ. Hành giả chú tâm ghi nhận tướng của nhóm thể trược ấy một cách thứ tự, thí dụ "Tóc, lông, móng, răng, da / da, răng, móng, lông, tóc". Cần lưu ý khi ghi nhận thứ tự, hành giả không nên lướt qua nhanh hay quá chậm.

Đồng thời phải tránh sự phân tâm đi ra ngoài đề mục, vì đây là đề mục có khả năng đắc thiền, nếu hành giả phân tâm khỏi đề mục thì việc thiền định bị thối thất.

Một điều quan trọng khác nữa là phải vượt qua khái niệm về danh từ. Nghĩa là vị hành giả lúc ban đầu niệm thể trược dựa trên danh từ như "Tóc ... lông ... móng ... răng ... da ...", nhưng sau đó phải bỏ qua khái niệm danh từ, và nhận thức ở khía cạnh "Bất tịnh" đáng ghê tởm của nó. Như vậy mới thật sự có mãnh lực chế ngự các phiền não như tham dục ... 

Nếu hành giả có đủ duyên lành thì trong lúc "đọc" tên thể trược cũng có thể nhập tâm và an trụ thiền định được; nếu hành giả đã "đọc" qua như thế mà vẫn chưa an trú tâm được thì phải áp dụng phương pháp chủ ý thể trược qua nhận định màu sắc, hình dáng, phương hướng, vị trí, và giới hạn của thể trược ấy. Thí dụ niệm đến "Tóc", phải chủ tâm đến: "Tóc màu đen" "Hình dáng như sợi chỉ", mọc ở phía trên cùng của thân", "Vị trí mọc nơi da đầu" "Giới hạn chân tóc cắm vào da đầu, ngọn tóc tiếp giáp khoảng không".

Về ý nghĩa năm khía cạnh nhân định về thể trược, hãy học hỏi ở vị thiền sư, hoặc tham khảo kinh sách (Thanh Tịnh Đạo, chương VIII, đoạn 42 - 144).

Lợi ích của sự tu tập niệm thân, một vị chuyên tu tập thân hành niệm này là vị ấy khắc phục được tâm ái nhiễm, vị ấy sống chinh phục được tâm sợ hãi khiếp đảm, vị ấy có khả năng kham nhẫn chịu đựng với các cảm thọ, vị ấy có thể đạt được bốn thiền sắc giới, dù không như thế, khi tu tập khởi thiện tâm, với tâm thiện này sẽ thành tựu quả dị thục đặc biệt cho vị ấy khi tái sanh.

Niệm hơi thở (Ānāpānassati)

Đề tài hơi thở là một pháp môn tu tập quan trọng; có thể là một đề mục thiền chỉ, có thể là một đề mục thiền quán.

Pháp môn tu tập niệm hơi thở này thích hợp cho mọi cá tính (carita) hành giả.

Đề mục hơi thở được tu tập thuần thục sẽ đem lại nhiều kết quả. Trước nhất, sự tu tập niệm hơi thở sẽ làm cho tâm trở nên an tịnh (S.v, 231), kế đến, sự tu tập niệm hơi thở sẽ làm cho tâm đình chỉ tầm tư, tức là dẹp trừ sự tán loạn phóng tâm (A.IV,353). Lại nữa, một lợi ích lớn của sự tu tập niệm hơi thở theo khuynh hướng thiền quán là đạt đến minh và giải thoát, đó là điều kiện căn bản cho sự viên mãn minh và giải thoát (M.III, 82). Một lợi ích khác nữa, người tu tập niệm hơi thở thuần thục sẽ biết trước và định được thời chết của mình (M.I, 425-426); một vị đắc A la hán nhờ tu tập đề mục nào khác thì vị ấy có thể tiên định được, cũng có thể không tiên định được thọ mạng của mình còn bao lâu; nhưng với vị đắc quả do tu tập đề mục niệm hơi thở thì luôn luôn định được thời viên tịch của mình (Vism.243).

Đó là những lợi ích của sự tu tập niệm hơi thở.

Phương pháp tu tập: Một người muốn tu tập đề mục niệm hơi thở, sau khi đã học thông thạo cách thức đề mục từ nơi vị thầy có nhiều kinh nghiệm, hãy đi đến một trú xứ yên tịnh để sống độc cư, đến thời hành thiền hãy ngồi kiết già hoặc bán già, giữ lưng ngay thẳng, thư giãn toàn thân, và trước hết hành giả nên làm cho tâm phấn chấn bằng cách tưởng niệm những đức tính đặc biệt của ba ngôi báu. Sau đó, hành giả khởi sự chú ý niệm hơi thở bằng cách "đếm".

Đếm hơi thở (số tức) là tác ý khi hơi thở ra vào đếm 1, rồi 2, rồi 3 ... đếm số tùy thuộc hơi thở nhanh hay chậm tự nhiên; chớ không nên điều khiển hơi thở theo số đếm, điều tức như vậy sẽ làm hành giả bị mệt.

Khi đếm, hành giả không nên dừng lại dưới 5 hay đi quá số 10 hay làm bất cứ một sự gián đoạn nào. Nếu dừng lại dưới 5 thì tâm vị ấy trở nên nóng nảy trong khoảng giới hạn chật hẹp. Nếu đi quá số 10 thì tâm hành giả sẽ bị chi phối bởi nhớ con số cặp. Nếu gián đoạn thì hành giả sẽ hoang mang vì không biết đề mục thiền đã đạt đến hoàn tất chưa. Bởi thế, hành giả nên đếm hoi thở đừng có những lỗi trên.

Hành giả đếm 1, 2, 3, 4, 5; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8; rồi 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; rồi 1, 2 ... 9, 10. Rồi trở lại đếm như từ đầu ... cứ vậy cho đến khi nào tâm gắn chặc vào hơi thở ra - hơi thở vào, mặc dù không đếm mà niệm vẫn an trú. Đếm chỉ là một phương tiện để trú niệm, chấm dứt sự phân tán lúc đầu.

Sau khi tác ý đến hơi thở bằng cách đếm đã tập trung được rồi, bấy giờ hành giả nên tác ý hơi thở bằng cách "theo dõi" không đếm nữa. 

Theo dõi hơi thở là tác ý đến sự chạm xúc của gió nơi chót mũi; hơi thở vào là cảm giác "gió mát", hơi thở ra là cảm giác "gió ấm". Hành giả không nên theo dõi hơi thở theo cách tác ý chặng đầu, chặng giữa, và chặng cuối của hơi thở (hơi thở vào, chặng đầu là mũi, chặng giữa là ngực, chặng cuối là rốn; hơi thở ra, chặng đầu là rốn, chặng giữa là ngực, chặng cuối là mũi). Nếu hành giả niệm hơi thở ra - hơi thở vào mà theo dõi chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối như thế thì tâm vị ấy bị phân tán, rối loạn, dao động, cả thân lẫn tâm vị ấy bị bất an (Ps.I,165). 

Hành giả chỉ nên chánh niệm, tâm dán chặc ở "cửa" mũi và nhận biết "Đây là hơi thở vô" "Đây là hơi thở ra"; do cảm xúc "gió mát" ở cửa mũi lâu hoặc mau mà nhận biết "Đây là hơi thở vô dài" hay "Đây là hơi thở vô ngắn"; do cảm xúc "gió" ấm ở cửa mũi lâu hoặc mau mà nhận biết "Đây là hơi thở ra dài" hay "Đây là hơi thở ra ngắn".

Trong một giai đoạn nào đó do chú tâm lâu thân thể hành giả có sự rung chuyển dao động, ngã tới, ngã lui, nghiêng qua, nghiêng lại ... hành giả phải luyện tập làm cho an tịnh, ngưng lại các thân hành dao động ấy. Phải tác ý: "an tịnh thân hành thở vô, an tịnh thân hành thở ra" ... và khi thân hành không còn dao động ngã tới ngã lui nữa, hành giả cũng tác ý: "tịnh chỉ thân hành thở vô, tịnh chỉ thân hành thở ra" ...

Cần lưu ý rằng khi chánh niệm hơi thở chỉ nên ghi nhận và tác ý "hơi ra", "hơi vào, "hơi dài", "hơi ngắn", chớ không phải là "đọc thầm" câu nói "ta thở vô, ta thở ra" ...

Hành giả nên tinh tấn nỗ lực, thực hành liên tục; nhờ sự nỗ lực đó vị ấy sẽ đạt được kết quả, từ bỏ được những kiết sử (sự trói buộc), đoạn trừ các phiền não tiềm miên (phiền não ngũ ngầm).

Người cư sĩ cũng có thể hành thiền với đề mục niệm hơi thở như vậy để Tăng trưởng trí tuệ và tìm thấy sự an lạc.

Niệm tịch tịnh (upasamānussati)

Trạng thái tịch tịnh hay tĩnh lặng (upasama), ám chỉ Níp bàn, vì Níp bàn vắng lặng hoàn toàn sự náo động của phiền não, tịnh chỉ các pháp hữu vi.

Niệm tịch tịnh là suy niệm về đặc tính Níp bàn như là vô nhiễm, ly tham, đoạn diệt tập khởi, chấm dứt khổ đau, kết thúc tái sanh ...

Ở đây, vấn đề là sự chứng nghiệm trạng thái Níp bàn chỉ được viên mãn ở một vị thánh đệ tử đã chứng đắc tâm siêu thế; tuy vậy, đối với một phàm nhân có trí tuệ và thiết tha với mục đích giải thoát, chỉ bằng sự nghe nói học hiểu về Níp bàn, người ấy cũng có thể nhờ nghĩ đến đặc tính của Níp bàn mà làm cho phát sanh hỷ lạc tín tâm và đạt được nhiều lợi ích vì an trú tâm thiện. Bởi thế một phàm nhân cũng có thể niệm Níp bàn như là một đề tài tu tiến.

Một người muốn tu tập niệm tịch tịnh này, hãy đi đến chỗ độc cư, ngồi xuống hoặc bước đi kinh hành. Bắt đầu bằng sự suy xét đến trạng thái hệ lụy phiền toái của phiền não, của thân đây, của đời sống tử sanh ... Rồi vị hành giả nhớ tưởng đến các đặc tính thù diệu của Níp bàn, như sau:

"Níp bàn là sự bài trừ hệ lụy - ālayasamugghāto"
"Níp bàn là sự cắt đứt luân hồi - vaṭṭtūpacchedo"
"Níp bàn là sự đoạn tận tham ái - taṇhak-khayo".
"Níp bàn là sự vô nhiễm - virāgo"
"Níp bàn là sự đoạn diệt - nirodho"
"Níp bàn là sự không còn liên hệ với khát ái - nibbāna" 
"Níp bàn là an ổn các khổ ách - yogakkhemaṃ"
"Níp bàn là bất tử - amataṃ"
"Níp bàn là tịnh lạc - santi" ...

Khi hành giả tưởng đến tịch tịnh với những đức tính đặc biệt như thế, ngay lúc ấy tâm hành giả không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, do đó hành giả trú trong niềm an lạc hoan hỷ. Nhưng vì hành giả bận tâm tưởng niệm nhiều đức tính khác nhau nên không khởi lên thiền chứng mà chỉ đạt đến mức cận định thôi.

Một vị tu tập chuyên tâm tưởng đến tính cách của Níp bàn như vậy, thường ngủ trong an lạc, thức dậy trong an lạc, các căn tĩnh lặng tâm tư bình an, thường có tàm quý, có niềm tin có sự tha thiết với mục đích phạm hạnh; và dù ngay kiếp này không chứng nhập được quả vị gì cao siêu, ít nhất cũng hướng đến một thiện thú.

Dứt phần tu tiến với đề tài tùy niệm

TU TIẾN VỚI ĐỀ TÀI BỐN PHẠM TRÚ (Brahmavihāra)

Bốn phạm trú là an trú tâm từ, an trú tâm bi, an trú tâm hỷ, và an trú tâm xả. Bốn đức tính từ, bi, hỷ, xả này được gọi là phạm trú vì là bốn pháp an trú cao cả, tốt đẹp, và vô nhiễm; lại cũng có nghĩa là hành giả an trú với bốn đặc tính này, ngang hàng với các vị trời phạm thiên, bởi các vị phạm thiên cũng trú với tâm vô nhiễm tốt đẹp (Vism.IX, 106).

Bốn phạm trú là đề tài thiền chỉ, đưa đến đắc chứng định. Nếu không như vậy cũng sẽ mang lại nhiều lợi lạc về phước đức cho người tu tập. Người cư sĩ nên tu tập và an trú với bốn phạm trú này.

Tu tập tâm từ (Mettā)

Tâm từ là trạng thái không hận, không sân, hiền hòa mát mẻ đối với chúng sanh. Tâm từ phá tan sự bực tức nóng giận, nhưng không phải là thái độ luyến ái yêu thương ích kỷ.

Một người muốn tu tập tâm từ, trước hết phải ổn định tâm lý. Sau khi đi đến chỗ yên tĩnh thoải mái hãy suy xét sự nguy hiểm của lòng sân hận và sự lợi lạc của tâm hiền hòa. Nếu hành giả ngay lúc ấy đang bực bội trong tâm thì không thể tiến hành tu tập tâm từ được, nếu không thấy sự lợi lạc của tâm vô sân thì chẳng có hứng thú tu tập.

Hành giả nên thăm dò nội tâm: "giờ đây tâm này có sân hay không có sân? ta đang thoải mái hay bực bội ưu phiền? ". Nếu dò xét như vậy hành giả cảm nhận tâm mình đang thoải mái thì tiếp tục tiến hành niệm "tâm từ"; bằng như cảm nhận được mình đang có sân giận ưu phiền thì hãy suy nghĩ đến sự tai hại của tâm sân: "thật là khổ sở khi sống với tâm sân! thật là khó chịu khi bị sân tâm chi phối! thật là nguy hiểm khi con người bị ám ảnh bởi sân!" rồi hành giả hãy nên đình chỉ sân tư duy bằng cách nhẫn nại và tác ý đến một thiện pháp hoặc tác ý niệm hơi thở. Sau khi đã thật sự có tâm yên bình thoải mái trở lại mới bắt đầu tiến hành niệm "tâm từ".

Hành giả tiến hành niệm tâm từ như sau:

Thoạt đầu, hành giả nên trú tâm từ với chính bản thân, bằng cách lập đi lập như sau: "mong rằng ta được an lạc, thoát khỏi hận thù, không buồn khổ, âu lo". Đó là bước sơ khởi trú niệm tâm từ. Đến khi nội tâm thật sự an lạc, không sân, không hận thì hành giả tưởng đến chúng sanh khác với ước mong.

"Mong cho chúng sanh được an lạc, thoát khỏi hận thù, không buồn khổ âu lo". Thỉnh thoảng hành giả trải tâm từ đến chính mình để làm cho tâm dễ chịu rồi tiếp tục trải tâm từ đến các chúng sanh khác như thế.

Nên nhớ rằng, đôi khi hành giả nghĩ đến bao quát chúng sanh sẽ làm cho tâm hành giả dửng dưng, bởi thế phải trải tâm từ tuần tự; nhưng phải bắt đầu từ những vị thầy khả kính, tiếp đến là những bạn rất thân, tiếp tục là những người thương, tiếp tục nữa là những người xa lạ, rồi sau cùng là những người đối nghịch. Người đối nghịch ở đây là những người ác xấu không đồng chí hướng chớ không phải là kẻ mình thù ghét, bởi vì đối với hành giả tu tâm từ thì không thấy ai là kẻ thù. Sở dĩ phải trải tâm từ tuần tự hạng chúng sanh như vậy là vì để dẫn dắt tâm dễ dàng trú trong niềm an lạc, không bị những cú sốc tâm lý.

Người tu tập tâm từ sẽ có được mười một điều lợi ích: ngủ an vui, thức an vui, không chiêm bao ác mộng, được người khác yêu mến, được phi nhân yêu mến, được chư thiên hộ trì, không bị lửa hay khí giới hoặc thuốc độc làm hại, tâm người ấy dễ định tỉnh, nét mặt khinh an, khi chết tâm không rối loạn, nếu còn tái sanh sẽ sanh vào phạm thiên giới. Những lợi lạc này sẽ có đến ai tu tập an trú liên tục trong tâm từ. 

Tu tập tâm bi (Karuṇā) 

Tâm bi là trạng thái tâm trắc ẩn trước những chúng sanh đang đau khổ, phận sự của tâm bi là muốn chúng sanh thoát khổ, sự biểu hiện của tâm bi là không tàn nhẫn. Sự bạo tàn là thái độ tương phản của tâm bi; nhưng tâm bi cũng không phải là thái độ lụy phiền vì người khác.

Một người muốn tu tập tâm bi, trước hết cần phải ổn định tâm lý bằng cách quán sát sự nguy hiểm của sự tàn bạo, và suy xét lợi ích của tâm bi mẫn. Đây là trường hợp phải làm đối với hành giả sơ cơ mới bắt đầu tu tập, vị ấy còn phiền não dễ khởi tâm não hại; nếu khởi lên hại tư duy sẽ làm trở ngại tu tập tâm bi; nếu không thấy lợi lạc của tâm trú bất hại thì sẽ không hứng thú tu tiến. 

Hành giả tác ý dò xét nội tâm "giờ đây tâm ta còn oán hận não hại chăng?" Nếu biết tâm còn u ẩn niềm hận thù, hãy suy nghĩ đến nỗi khổ tâm phiền toái, mất hạnh phúc, do ôm ấp hận thù; nghĩ đến điều tổn đức do sống trong hận thù; nghĩ đến thiệt hại lớn do lòng hận thù gây nên ... nghĩ như vậy cho đến khi hành giả cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái vì không còn ám ảnh bởi hận thù, bắt đầu hành giả niệm bi tâm. 

Đối tượng của tâm si là chúng sanh đang đau khổ hoặc sẽ đau khổ.

Bởi thế trước hết hãy nghĩ đến một chúng sanh đang đau khổ nhưng không phải là kẻ thù, rồi khởi lên tâm bi mẫn đối với nạn nhân ấy như sau:

"Khổ thay cho chúng sanh này, mong sao chúng sanh ấy thoát khỏi khổ đau!". Nếu hành giả thấy một người đang bất hạnh chịu nhiều thống khổ thì cũng hãy khởi tâm bi mẫn đối với người ấy bằng cách như vậy.

Thấy một kẻ thù đang đau khổ, hành giả phải làm lắng dịu hiềm hận rồi mới khởi tâm bi được.

Một trường hợp khác, hành giả có thể khởi tâm bi mẫn đối với một kẻ làm ác mặc dù họ vẫn đang vui vẻ; bằng cách là suy nghĩ rằng: "chúng sanh này mặc dù đang vui vẻ nhưng vì nó đã tạo ác nghiệp nên chắc chắn nó sẽ bị khổ trong cảnh địa ngục. Thật đáng thương!". Trường hợp này giống như mình thấy một kẻ tử tù đang ăn bữa ăn ngon ân huệ để rồi bị xử tử vậy.

Hoặc hành giả có thể khởi tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh bằng cách nghĩ rằng: "Vì chưa thoát khỏi luân hồi, nên các chúng sanh này sẽ phải bị khổ do sự già, bệnh, chết, hoành hành. Thật sự đáng thương!"

Hành giả tu tập tâm bi cần giữ thái độ bình đẳng và khách quan đối với chúng sanh. Nếu không, sẽ bị nhức nhói khi thấy người thân bất hạnh hoặc sẽ mãn nguyện khi thấy kẻ thù bất hạnh. Hãy nghĩ rằng "chúng sanh này ..."

Hành giả tu tập tâm bi sẽ có được mười một lợi lạc như tu tâm từ vậy. 

Tu tập tâm hỷ (Muditā)

Tâm hỷ là trạng thái vui thích, hài lòng với sự thành đạt của người khác, đặc tính của tâm hỷ là không ganh tỵ, sự biểu hiện của tâm hỷ là xua tan sự bất mãn. 

Thái độ ganh ghét sự hạnh phúc của chúng sanh khác là thái độ tương phản của tâm hỷ; nhưng thái độ tán thành sự xa hoa trụy lạc hay hạnh phúc bất chánh của người khác, cũng không phải đúng nghĩa của tâm hỷ. 

Một người muốn tu tập tâm hỷ, trước hết trải rộng tâm bằng cách dẹp bỏ ý niệm tự hào về mình, tự hào về người thân của mình, bởi khi tự hào như thế mà thấy người dưng thành đạt hạnh phúc thì tâm hành giả sẽ thấy khó chịu bực bội. 

Nếu hành giả có tánh hay ganh tỵ thì hãy suy xét hậu quả tệ hại của lòng tật đố, như sau: "chỉ có người tâm ích kỷ nhỏ mọn mới ganh tỵ kẻ khác", hay "người khác có tâm ganh tỵ sẽ bị quả báo sanh ra ở đời làm người thua sút thế cô" (M.III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt).

Và để mở rộng thêm tấm lòng, hãy suy xét đến lợi lạc an vui của tâm hỷ, như sau: "người không ganh tỵ sẽ sống thoải mái" hay "sống không ganh tỵ là một đức độ khiến cho người có địa vị cao" v.v...

Sau khi đã làm cho tâm hân hoan trải rộng, hành giả trước tiên hãy biến mãn tâm hỷ với một người bạn tốt, vì người bạn tốt không làm cho hành giả chi phối niềm vui ích kỷ mà cũng không làm cho tâm hành giả gượng gạo miễn cưỡng. Khi thấy hay nghe một người bạn thân được hạnh phúc thành đạt, hành giả khởi lên tâm hỷ như sau: "thật là vui cho người này! người này đã được hạnh phúc, mong rằng người này luôn luôn lợi lạc". 

Sau khi khởi tâm hỷ đối với người bạn tốt, hành giả có thể hướng tâm ấy tuần tự đến một người thân, rồi đến một người dưng (không thân không thù), và cuối cùng là hướng tâm hỷ với một người thù. 

Nếu khi nhớ đến kẻ thù mà tâm hỷ không có được, trái lại niềm hận khởi lên, thì hành giả nên làm cho nó lắng xuống theo cách đã nói trong phần niệm tâm từ (mettā). 

Hành giả nên phá rào ngăn tâm bình đẳng các đối tượng, nghĩa là bằng cách nào cho tâm thoải mái nghĩ đến sự hạnh phúc của người khác như đã thoải mái với hạnh phúc của chính mình.

Do tu tập, đào luyện tướng tâm ấy thường xuyên, hành giả có thể tăng cường định cho đến tam thiền, tứ thiền được.

Dù chưa đạt đến định của thiền, nhưng hành giả tu tập biến mãn tâm hỷ như vậy cũng sẽ có những lợi lạc như "ngủ an vui, thức an vui" v.v...

Tu tập tâm xả (Upekkhā) 

Tâm xả phạm trú không phải là thọ xả phi khổ phi lạc; xả đây là trạng thái quân bình của tâm, không chi phối bởi ưa và ghét, dễ chịu và khó chịu.

Vị hành giả muốn tu tập tâm xả, cần phải trải qua cảm nghiệm từ, bi và hỷ, vì khi đã quen thuộc với cảm giác bị động tâm bởi sự hạnh phúc hay đau khổ của chúng sanh, bấy giờ hành giả mới thấy được sự an bình lợi lạc vi tế trong xả phạm trú được.

Do đó, hành giả tu tập xả với chúng sanh, bằng cách nhìn với tâm thản nhiên, nghĩ rằng: "Tất cả chúng sanh có nghiệp riêng, chúng sanh thừa hưởng quả của hành động mà chính họ đã tạo, có vui có khổ là do duyên nghiệp". Bằng cách đó hành giả sẽ trú với tâm bình thản khi trông thấy chúng sanh khác, dù họ đang hạnh phúc hay đau khổ.

Trước đây, hành giả đối với một người dưng, không thân không thù, thì tâm nhìn người ấy thản nhiên, chẳng có gì bận tâm dù người ấy đang vui hay khổ. Nay tu tập tâm xả, hành giả cũng nên khơi dậy tâm xả ấy với một người thân, một kẻ thù ... nhìn bất cứ ai cũng với trạng thái thản nhiên như thể đã đối với người dưng, vì thấy rõ nghiệp lực ở mỗi người.

Tại sao, hành giả phải tiến đến tu tập tâm xả?

Trong chú giải thanh tịnh đạo có thí dụ, cũng như một người mẹ có bốn đứa con, một đứa còn bé, một đứa bị bệnh tật, một đứa đang thành đạt, và một đứa đã nên danh phận. Người mẹ sẽ tưng tiu làm vui đứa con bé nhỏ, sẽ chăm nom an ủi đứa con bệnh tật, sẽ vui mừng với đứa con đang thành đạt, và sẽ không bận tâm gì nữa với đứa con đã nên danh phận. Đây là thí dụ cho tâm của hành giả tuần tự an trú từ, bi, hỷ, xả đối với chúng sanh.

Về lợi lạc, hành giả trú biến mãn với tướng tâm xả một cách thuần thục sẽ đạt đến tứ thiền (nói bốn bậc) hay ngũ thiền (nói năm bậc), một trạng thái thiền xả niệm thanh tịnh. Cho dù không đạt đến thiền chứng chăng nữa thì với tâm trú xả biến mãn như vậy cũng làm cho hành giả được nhiều lợi lạc như "ngủ an vui, thức an vui" v.v... 

Dứt phần tu tiến với đề tài bốn phạm trú.

TU TIẾN VỚI ĐỀ TÀI QUÁN TƯỞNG (Paccavekkhana)

Đức Phật dạy:

"Này chư tỳ kheo, có năm sự kiện này cần được thường xuyên quán tưởng bởi người nam hay người nữ, bởi người tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm? "Ta phải bị già, không thoát khỏi già" "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh". Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết". "Đối với ta, phải lìa bỏ, phải ly biệt tất cả người vật thân ái"; Ta có nghiệp là sở hữu, nghiệp là của thừa hưởng, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa; nghiệp thiện hay ác nào ta đang làm, ta sẽ lãnh chịu nghiệp ấy" (A.III,71).

Đối với một đệ tử xuất gia hay tại gia, nếu không có tu tiến thiền định gì thì ít ra trong một ngày cũng phải tu tập quán tưởng năm điều này để giảm thiểu được nguyên nhân phát sanh thân ác, khẩu ác và ý ác.

Bởi do kiêu mạn với tuổi trẻ là nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác và ý nghĩ ác, nên cần phải thường xuyên quán tưởng "Ta phải già, không thoát khỏi già" để đoạn trừ hay giảm thiểu sự kiêu mạn với tuổi trẻ.

Bởi do kiêu mạn với sức khỏe là nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác và ý nghĩ ác, nên cần phải thường xuyên quán tưởng "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" để đoạn trừ hay giảm thiểu sự kiêu mạn với sức khỏe.

Bởi do kiêu mạn với sự sống là nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác và ý nghĩ ác, nên cần phải thường xuyên quán tưởng "Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết" để đoạn trừ hay giảm thiểu sự kiêu mạn với sự sống.

Bởi do tham muốn quyến luyến với các người vật thân ái là nhân khiến thân làm ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác, nên cần phải thường xuyên quán tưởng "Đối với ta, phải lìa bỏ, phải biệt ly tất cả người vật thân ái" để đoạn trừ hay giảm thiểu lòng tham luyến vật khả ái.

Bởi chúng sanh dễ làm thân ác, nói khẩu ác, suy nghĩ ý ác, do vậy chịu quả đắng cay, nên cần phải thường xuyên quán tưởng "Ta có nghiệp là sở hữu, nghiệp là của thừa hưởng, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp thiện hay ác nào ta đang làm, ta sẽ lãnh chịu nghiệp ấy;" quán tưởng như vậy để đoạn trừ hay giảm thiểu các hành vi ác hạnh.

Vì do duyên lợi ích như vậy nên năm sự kiện này cần phải thường xuyên quán tưởng.

Một người muốn tu tập quán tưởng năm sự kiện này, có thể thực hành bất cứ ở đâu, bất cứ oai nghi nào, bất cứ lúc nào, vì sự quán tưởng là để đình chỉ tà tư duy nên khi nào có tâm kiêu mạn ỷ lại sanh khởi thì khi ấy khởi tâm quán tưởng để dẹp bỏ kiêu mạn ấy. 

Phải thực hành quán tưởng theo cách như sau, suy tư rằng:

"Ta phải bị già, không thoát khỏi già. Nhưng không phải chỉ một mình ta bị già mà tất cả các chúng sanh có đến, có đi, có sanh, có diệt, cũng đều bị già, không thoát khỏi già".

"Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh. Nhưng không phải chỉ một mình ta bị bệnh mà tất cả các chúng sanh có đến, có đi, có sanh, có diệt, cũng đều bị bệnh, không thoát khỏi bệnh".

"Ta phải lìa bỏ phải biệt ly tất cả người vật thân ái. Nhưng không phải chỉ một mình ta chịu ly biệt với người vật thân ái mà đối với tất cả các chúng sanh có đến, có đi, có sanh, có diệt, cũng đều phải ly biệt người vật thân ái".

"Ta có nghiệp là sở hữu, phải lãnh chịu quả của nghiệp đã làm. Nhưng không phải chỉ một mình ta phải lãnh chịu quả của nghiệp đã làm, mà tất cả chúng sanh cũng đều có nghiệp là sở hữu, phải lãnh chịu quả của nghiệp họ đã làm".

Nên học thuộc ý nghĩa này và suy tư như vậy thường xuyên mỗi ngày.

Do thường xuyên quán tưởng các sự kiện ấy, nên con đường hiện ra, sử dụng con đường ấy tu tập làm cho sung mãn nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. 

Dứt phần tu tiến với đề tài quán tưởng

DỨT CHƯƠNG III

Chương IV. Các Nghi Thức Khóa Lễ

CÁC NGHI THỨC KHÓA LỄ

Một người Phật tử tại gia cần phải thông thuộc các nghi thức sinh hoạt lễ hội Phật giáo có liên quan đến cư sĩ. Mặc dù ở các buổi lễ đều có người hướng dẫn (A-cha, ācariya), nhưng nếu ai cũng hiểu thông nghi thức và thuộc kinh kệ thì dễ hòa đồng và dễ cho người hướng dẫn; hoặc có khi chính mình phải hướng dẫn nghi thức trong lễ ấy.

IV-1. NGHI THỨC TỤNG NIỆM 

Có bốn loại kinh tụng niệm mà người cư sĩ nên lưu ý và học thuộc lòng: 

a) Kinh lễ bái (đầy đủ và tóm tắt) 
b) Kinh hồi hướng 
c) Kinh phục nguyện
d) Kinh xưng tán uy lực

Các loại kinh tụng này đều có trong quyển "Nhật Hành của Cư sĩ" đã được in và tái bản do giáo hội Phật giáo Nguyên thủy ấn hành tại trụ sở Chùa Kỳ Viên, số 610, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP HCM.

Về nghi thức tụng niệm, tùy mỗi khóa lễ ở chùa hay ở tư gia; lễ đặc biệt hay buổi công phu sáng chiều.

Có thể áp dụng nghi thức thứ tự như sau: 

- Tụng kinh lễ bái Tam bảo (đầy đủ hoặc tóm tắt).
- Tụng xưng tán uy lực hoặc kinh quán tưởng, kinh rải tâm từ v.v...
- Tụng kinh hồi hướng phước đến chúng sanh, hoặc hồi hướng phước đến chư thiên.
- Tụng kinh phục nguyện để nguyện thành tựu phước.

Khi tụng kinh nên ngồi xếp bằng hoặc xếp chè-he (một chân xếp qua bên phải), lưng giữ ngay thẳng, mắt khép lại (nếu tụng thuộc lòng), tâm thái thư thản không bận rộn lo lắng việc khác, đọc thầm hoặc nhỏ tiếng. Nếu tụng kinh với nhiều người thì đọc lớn tiếng nhưng phải giữ hòa giọng với nhau. Trước khi tụng kinh hoặc sau khi tụng xong, đảnh lễ ba lạy, có thể quì gối hoặc ngồi, lạy chậm chậm chánh niệm với lòng thành kính Tam bảo.

Tụng niệm có ích lợi ở hai phương diện: giúp tâm chánh niệm vì tập trung vào lời kinh; giúp ôn nhuần kinh pháp đã học.

Người cư sĩ sơ cơ có thể thực hành thiền tập qua nghi thức tụng niệm vào lúc chiều tối và sáng sớm yên tĩnh, thời lượng không nhất định, tùy thích hoặc tùy hoàn cảnh.

IV-2. NGHI THỨC QUI Y

Những người nam hoặc nữ cư sĩ muốn tu tập theo Phật giáo đã có lòng kính tin Tam bảo, phát tâm qui y Phật-Pháp-Tăng. Trường hợp như vậy có thể áp dụng một trong hai nghi thức qui y.

A- Tự phát nguyện qui y

Trường hợp này khi người cư sĩ không có dịp đến chùa gặp chư Tăng xin qui y mà ở nhà tự phát nguyện. Bằng nghi thức như sau:

Nên sắp xếp một nơi trong nhà thờ hình tượng Phật; sau khi dâng hương đăng trên bàn thờ, quì lạy kim thân Đức Phật ba lạy, bắt đầu tụng đọc như vầy: 

Itipi so bhagavā arahaṃ sammāsambuddho vijjācaranasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathī satthādevamanussānaṃ buddho bha-gavā’ ti.

Đức Thế Tôn ấy là bậc Ưng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Svākkhāto bhagavatā dhammo sa diṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viñ-ñūhī’ ti.

Giáo pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, bất luận thời gian, đến để thấy, hiệu năng hướng thượng, đáng được người trí tự chứng.

Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ujupatipanno bhagavato sāvakasaṅgho ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho. Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhineyyo añjalikaraṇīyo anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā’ ti.

Tăng đệ tử Thế Tôn là thiện hạnh, Tăng đệ tử Thế Tôn là trực hạnh, Tăng đệ tử Thế Tôn là như lý hạnh, Tăng đệ tử Thế Tôn là chân chánh hạnh. Tăng đệ tử Thế Tôn gồm bốn đôi tám vị đáng nhận lễ phẩm, đáng nhận tặng phẩm, đáng nhận tế phẩm, đáng được chắp tay lễ bái, là phước điền vô thượng của thế gian. (lạy một lạy).

Arahaṃ sammāsambuddho bhagavā buddhaṃ bhagavantaṃ abhivādemi.

Con kính lạy Đức Phật Thế Tôn là bậc A la hán Chánh Đẳng Giác. (1 lạy). 

Svākkhāto bhagavatā dhammo dhammaṃ namassāmi.

Con kính lạy giáo pháp là pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn. (1 lạy). 

Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho saṅghaṃ namāmi. 

Con kính lạy Tăng chúng là Tăng đệ tử Đức Thế Tôn, bậc thiện hạnh. (1 lạy). 

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. 

Dutiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dutiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dutiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. 

Tatiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Tatiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Tatiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi. 

Con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng.

Lần thứ hai, con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng.

Lần thứ ba, con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng. (1 lạy). 

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ buddho me saraṇaṃ varaṃ. Etena saccavajjena hotu me jayamaṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ dhammo me saraṇaṃ varaṃ. Etena saccavajjena hotu me jaya-maṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ saṅgho me saraṇaṃ varaṃ. Etena saccavajjena hotu me jayamaṅgalaṃ.

Chẳng có chi khác là chỗ nương cho con, chỉ Đức Phật đối với con là chỗ nương cao quí. Do lời chân thật này mong cho con được kiết tường thắng lợi.

Chẳng có chi khác là chỗ nương cho con, chỉ Giáo pháp đối với con là chỗ nương cao quí. Do lời chân thật này, mong cho con được kiết tường thắng lợi.

Chẳng có chi khác là chỗ nương cho con, chỉ Tăng chúng đối với con là chỗ nương cao quí. Do lời chân thật này, mong cho con được kiết tường thắng lợi.-- (lạy 3 lạy).

Từ khi phát nguyện qui y, đã thành người cận sự trong Phật giáo, hãy giữ niềm tin Tam bảo và giữ gìn năm giới.

B- Qui y trực diện Tăng 

Người cư sĩ qui y trực diện Tăng là sau khi đi đến chùa, trực tiếp xin qui y trước sự chứng minh của một hoặc nhiều vị sư. Tốt nhất là lễ qui y nên cử hành tại chánh điện.

Phải làm theo nghi thức sau đây:

Trước tiên nên sám hối tội lỗi để bắt đầu nhập đạo. Sau khi đảnh lễ Phật-Pháp-Tăng ba lạy, bắt đầu đọc như sau: 

Accayo maṃ bhante accagamā yathābālaṃ ya-thāmūḷhaṃ yathā-akusalaṃ. Yo’haṃ [1] bhante kāyena vā vācāya vā manasā vā buddhassa vā dhammassa vā saṅghassa vā agāravaṃ akāsiṃ. Tassa [2] me ayyo [3] accayaṃ accayo paṭiggaṇhātu āyatiṃ saṃvarāya.

Bạch đại đức [4], vì con là người thiểu trí, lầm lạc, không minh mẫn nên đã phạm các tội lỗi. Bạch đại đức, sợ e con đã dể duôi, không có lòng thành kính, do thân khẩu ý của con bất tịnh mà phạm đến Phật Pháp Tăng. Bạch đại đức, cầu xin đại đức xá tội lỗi ấy cho con, bởi các tội lỗi ấy là quấy thật, đặng cho con làm những việc lành từ nay về sau (1 lạy). 

Vị sư chứng minh, hoặc chư Tăng chứng minh nên xác chứng lời sám hối bằng tiếng "Sādhu, sādhu, sādhu". 

Người ấy tiếp tục bằng lời thệ nguyện qui y như sau: 

Esvāhaṃ [5] bhante suciraparinibbutampi taṃ bha-gavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅ-ghañca upāsakaṃ [6] maṃ ayyo dhāretu [7] ajjatagge pāṇu-petaṃ saraṇaṅgataṃ.

Bạch đại đức [8], con cầu xin thọ phép qui y Phật đã níp bàn, cầu xin thọ phép qui y pháp, cầu xin thọ phép qui y tăng. Xin đại đức nhận biết cho con là người cận sự nam [9] đã qui y Tam bảo kể từ nay cho đến trọn đời. (1 lạy). 

Khi ấy vị sư chứng qui y, hoặc một trong những vị Tăng chứng, hãy truyền qui giới cho người cư sĩ ấy (áp dụng nghi thức thọ ngũ giới). 

Sau khi người cư sĩ ấy đã thọ trì qui giới và trở thành một Phật tử, chư Tăng sách tấn bằng một pháp thoại ngắn rồi phúc chúc an lành đến người Phật tử mới qui y.

Nếu trong lễ qui y có nhiều thiện nam tín nữ tham dự thì khi chư Tăng vừa dứt lời chúc phúc, chư thiện tín đồng đọc bài kệ hoan hỷ có thêm bạn đạo.

Ngưỡng cầu Đức Phật ban ơn
Độ người chánh kiến tầm chơn đạo thiền
Ngưỡng cầu đức pháp vô biên
Độ người hữu chí cần chuyên đạo hành
Ngưỡng cầu hai bậc Tăng lành 
Độ người mộ đạo tâm thành qui y
Cầu xin thiên chúng hộ trì 
Giúp người giới luật luôn khi giữ tròn 
Chúc cho bạn mới lòng son
Tu hành tinh tấn dạ mong Níp bàn
Thiện nam, tín nữ lưỡng ban 
Xin cùng đồng chí bạn vàng nhận thâu
Phước lành đạo tạo bấy lâu 
Đồng xin hồi hướng nguyện cầu quả cao 
Đạo mầu gắng chí dồi trau
Thoát đường tội lỗi, trần lao dứt lần
Tìm người trí thức xa gần 
Học người đạo đức ân cần hỏi han 
Ngày đêm tu tập đoan trang
Công phu hành đạo tìm đàng vô sanh
Dọn thân khẩu ý trọn lành
Kịp thời thoát tục thực hành đạo cao 
Tìm đường bát chánh lần vào 
Siêu phàm nhập thánh tiêu dao Níp bàn. 

Dứt nghi thức qui y

IV- 3. NGHI THỨC THỌ NGŨ GIỚI

Người cư sĩ mới qui y Tam bảo phải thọ ngũ giới, và trong các cuộc lễ khác như trai tăng, thính pháp v.v... trước khi vào chính lễ đều có nghi thức thọ ngũ giới. Nghi thức này áp dụng như sau: 

Ngồi đối diện trước chư tăng, hoặc một hay vài vị tỳ kheo, sa di, cư sĩ đảnh lễ Tăng và đọc như vầy: 

Ukāsa ahaṃ [10] bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaranena saha pañca sīlāni yācāmi [11]. 

Dutiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaranena saha pañca sīlāni yācāmi.

Tatiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaranena saha pañca sīlāni yācāmi.

Bạch đại đức, con xin thọ trì tam qui và ngũ giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích. 

Bạch đại đức, con xin thọ trì tam qui và ngũ giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ nhì. 

Bạch đại đức, con xin thọ trì tam qui và ngũ giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ ba. 

Tiếp đó một vị sư đại diện Tăng để truyền qui giới đến cư sĩ. Bắt đầu kinh lễ Phật.

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambud-dhassa (3 lần).

Con đem hết lòng thành kính làm lễ đức Phá-gá-va đó, ngài là bậc Á-rá-hăng cao thượng, được chứng quả chánh biến tri, do Ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy. (3 lần).

Người cư sĩ cũng đọc kinh lễ bái như vậy. Xong, vị sư sẽ đọc từng câu truyền thọ tam qui, cư sĩ đọc theo:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật.

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp.

Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng.

Dutiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, lần thứ nhì.

Dutiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp, lần thứ nhì.

Dutiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng, lần thứ nhì.

Tatiyampi buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, lần thứ ba.

Tatiyampi dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp, lần thứ ba.

Tatiyampi saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng, lần thứ ba.

Đọc xong tam qui, vị sư nói: 

Tisaraṇaggahanaṃ paripuṇṇaṃ
Phép qui y Tam bảo tròn đủ chỉ có bấy nhiêu.

Người cư sĩ đáp:

Āma bhante! Dạ xin vâng!

Tiếp đến, vị Sư đọc từng điều giới cho người cư sĩ ấy đọc theo: 

Pānātipātā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh.

Adinnādānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

Kāmesu micchācārā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà dâm.

Musāvādā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.

Surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.

Vị sư sau khi cho đọc đủ năm giới rồi thì có lời sách tấn:

Imāni pañca sikkhāpadāni sādhukaṃ katvā appamādena niccakālaṃ sammārakkhitabbaṃ.
Thiện tín đã thọ trì năm điều học này rồi, phải vâng giữ hành theo cho chín chắn chớ có dể duôi.

Người cư sĩ lãnh giáo 

Āma bhante, Dạ xin vâng 

Vị sư tiếp tục khuyến khích

Sīlena sugatiṃ yanti sīlena bhogasampadā sīlena nibbutiṃ yanti, tasmā sīlaṃ visodhaye.

Các chúng sanh, sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới, các chúng sanh được đầy đủ tài sản cũng nhờ giữ giới, các chúng sanh được níp bàn cũng nhờ giữ giới. Bởi các cớ ấy, thiện tín nên trì giới trong sạch đừng để lấm nhơ. 

Thiện tín đồng hoan hỷ

Sādhu sādhu! Lành thay, lành thay!

Thọ giới xong thì tiếp tục làm nghi thức khóa lễ khác; nếu không có thì Phật tử đọc kinh sám hối Tam bảo tóm tắt. Vị sư tụng kinh phúc chúc ngắn. Cuối cùng thì Phật tử hồi hướng phước.

IV. 4. NGHI THỨC THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI 

Ngày trai giới (uposathadivasa) là ngày tu tập thanh tịnh của người cư sĩ.

Ngày trai giới, người cư sĩ thúc liễm thân tâm, tạm gát bỏ việc thế tục, chuyên tâm hành thiền, quán tưởng ... để trau dồi đạo hạnh.

Thời Đức Phật trụ thế, ngày trai giới được qui định có 4 ngày trong tháng là mồng 8 âl, ngày rằm, ngày 23 và ngày cuối tháng (29 hoặc 30). Về sau, các vị Axàlê qui định thêm 4 này nữa thành có 8 ngày trai giới trong tháng, tức là ngày mồng 5, 8, 14, 15, 20, 23 và ngày cuối tháng (29 và 30 hoặc 28 và 29).

Để hỗ trợ cho việc tu tập ngày trai giới được viên mãn phước hạnh, người cư sĩ trong ngày trai giới thọ trì tám điều học, gọi là bát giới hay bát quan trai giới. 

Nghi thức thọ bát quan trai giới như sau: 

Từ lúc sớm mai rạng đông ngày trai giới, người cư sĩ tác ý thọ trì trai giới, nguyện rằng:

Ajja uposatho imañca rattiṃ imañca divasaṃ uposathiko [12] bhavissāmi.
Hôm nay là ngày trai giới, ta sẽ là người thọ trì trai giới trọn ngày và đêm nay.

Sau đó người cư sĩ đi đến chùa để thọ bát quan trai giới do Tăng chứng minh (nếu có điều kiện ở gần chùa thì đến, bằng không thì ở nhà phát nguyện cũng được). 

Khi đã đến chùa, đảnh lễ chư Tăng hay một vị sư; cư sĩ tác bạch xin giới như vầy: 

Ukāsa ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkhanatthāya tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathaṃ yācāmi.

Dutiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkha-natthāya tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ upo-sathaṃ yācāmi.

Tatiyampi ahaṃ bhante visuṃ visuṃ rakkha-natthāya tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ upo-sathaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, tôi xin thọ trì tam qui và bát quan trai giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích. 

Bạch đại đức, tôi xin thọ trì tam qui và bát quan trai giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ nhì.

Bạch đại đức, tôi xin thọ trì tam qui và bát quan trai giới nơi Tam bảo, để vâng giữ hành theo cho được sự lợi ích lần thứ ba. 

Vị sư truyền giới sẽ đọc cho cư sĩ đọc theo phần thọ tam qui trước. Phần này giống như trong nghi thức thọ ngũ giới.

Tiếp đến sư truyền tám giới cho cư sĩ đọc theo:

Pāṇātipātā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh.

Adinnādānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

Abrahmacariyā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự hành dâm.

Musāvādā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.

Surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramanī sikkhā-padaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.

Vikālabhojanā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự ăn sái giờ.

Naccagītavāditavisūkadassanamālāgandhavilepanadhāraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự múa hát, thổi kèn, đờn, xem múa hát, nghe đờn kèn, trang điểm thoa vật thơm, dồi phấn, đeo tràng hoa.

Uccāsayanamahāsayanā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp.

Tiếp tục, người cư sĩ xác định thọ trì:

Imaṃ aṭṭhaṅgasamannāgataṃ buddhappaññattaṃ uposathaṃ imañca rattiṃ imañca divasaṃ sammadeva abhirakkhituṃ samādiyāmi.
Tôi xin thọ trì bát quan trai giới, trọn đủ tám điều của Đức Phật đã giáo truyền, hầu để vâng giữ hành theo cho được trong sạch trọn ngày nay và đêm nay, mong cầu gieo được giống lành, để thấy rõ Níp bàn trong ngày vị lai.

Vị sư sách tấn:

Imāni aṭṭha sikkhāpadāni uposathasīlavasena imañca rattiṃ imañca divasaṃ sādhukaṃ katvā appamādena sammā rakkhitabbaṃ.
Thiện tín đã thọ trì tám điều học này trọn ngày nay và đêm nay, phải nên vâng giữ hành theo cho chín chắn chớ dể duôi.

Cư sĩ lãnh giáo

Āma bhante, Dạ xin vâng.

Vị sư tiếp tục khuyến khích:

Sīlena sugatiṃ yanti sīlena bhogasampadā sīlena nibutiṃ yanti. Tasmā sīlaṃ visodhaye.
Các chúng sanh sanh về cõi trời cũng nhờ giữ giới; 
Các chúng sanh được đầy đủ tài sản cũng nhờ giữ giới; 
Các chúng sanh được níp bàn cũng nhờ giữ giới. 
Bởi các cớ ấy, nên thiện tín phải trì giới trong sạch đừng để lấm nhơ.

Cư sĩ hoan hỷ

Sādhu! lành thay! 

Nếu sau đó không có khóa lễ khác nữa thì cư sĩ tụng sám hối Tam bảo. Sư chúc phúc. Cư sĩ hồi hướng phước. 

IV.5. NGHI THỨC SÁM HỐI LỆ KỲ MỖI NỬA THÁNG 

Nghi thức này vẫn thường được sinh hoạt ở các chùa Nam Tông, dành cho nam nữ cư sĩ vào ngày rằm và 30 âl, hoặc có chùa thì tổ chức ngày 14 và 29 âl.

Thường thì ngày sám hối lệ kỳ là ngày pháp hội, sau khi chư Phật tử tụng kinh sám hối, chư Tăng sẽ thuyết thời pháp sách tấn cư sĩ tu hành ... 

Nghi thức sám hối này không có trong thời Đức Phật, cũng không phải là truyền thống phổ thông của các xứ Phật giáo Nam Tông. Đây chỉ là nghi thức trước bày nay làm thôi, nhưng cũng thấy là tốt. Người cư sĩ tụng kinh sám hối là để bày tỏ những lỗi lầm ác nghiệp mà mình đã phạm rồi có tâm hối cải nguyện chừa bỏ lỗi lầm ấy. Sự sám hối chỉ là một cách phát lộ chớ không phải tụng như vậy có thể làm tiêu tan ác nghiệp từ trước; muốn tiêu trừ ác nghiệp xưa thì phải hành thiện tạo phước, giữ giới tu thiền.

Nghi thức sám hối là đến chùa hoặc ở nhà cũng được, đối diện kim thân Đức Phật, sau khi đảnh lễ ba lạy, bắt đầu tụng kinh lễ bái Tam bảo, xưng tán ân đức Tam bảo.

Xong nghi thức lễ bái, thì đọc kinh sám hối như sau: 

Cúi đầu lạy trước Bửu Đài
Con xin sám hối từ rày ăn năn 
 Xưa nay lỡ phạm điều răn
Do thân khẩu ý bị màng vô minh
Gây ra nghiệp dữ cho mình
Sát sanh hại vật chẳng tình xót thương
Giết ăn hoặc bán không lường
Vì lòng tham lợi quên đường thiện nhân 
Oan oan tương báo cõi trần
Trầm luân biển tối chịu phần khổ lao
Xét ra nhân, vật khác nào 
Hại nhơn, nhơn hại, mắc vào trả vay
Lại thêm trộm sản cướp tài 
Công người cực nhọc hàng ngày làm ra
Lòng tham tính bảy lo ba 
Mưu kia kế nọ, lấy mà nuôi thân 
Hoặc nuôi quyến thuộc xa gần 
Làm cho người phải lắm lần than van
Tà dâm tội nặng muôn ngàn 
Liệu toan chước sách làm đàng chẳng ngay
Vợ con người phải lầm tai 
Mất trinh thất tiết phải tai tiếng đời
Xấu cha hổ mẹ nhiều lời 
Xa lìa chồng vợ rã rời lứa đôi
Vọng ngôn giả dối ngoài môi
Chuyện không nói có, có rồi nói không
Dùng lời đâm thọc, hai lòng
Phân chia quyến thuộc, vợ chồng anh em. 
Mắng nhiếc chửi rủa pha dèm 
Xóm làng cô bác chị em không chừa. 
Nói lời vô ích dây dưa 
Phí giờ quí báu hết trưa đến chiều 
Uống rượu sanh hại rất nhiều
Ham ăn mê ngủ nói nhiều chẳng kiên
Say sưa ngã gió đi xiên 
Nằm bờ té bụi như điên khác nào 
Loạn tâm cuồng trí mòn hao 
Nhiều người vì rượu biết bao hư nhà
Xan tham những của người ta 
Mong sao đoạt được, lòng tà mới ưng
Nết sân nóng giận không chừng
Toan làm hại chúng bâng khuâng trong lòng
Si mê tin chạ chẳng phòng 
Nghe đâu theo đó, không thông chánh tà 
Chẳng tin Phật pháp cao xa 
Thậm thâm vi diệu bao la trên đời
Nếu con cố ý phạm lời 
Hoặc là vô ý, lỗi thời điều răn 
Hoặc xúi kẻ khác bạo tàn
Hoặc nghe thấy ác lòng hằng vui theo 
Phạm nhằm ngũ giới thập điều 
Vì nhân thân, khẩu ý, nhiều lần sai; 
Lỗi từ kiếp trước lâu dài
Đến kiếp hiện tại miệt mài lắm phen
Hoặc vì tà kiến đã quen
Khinh khi Tam bảo, lòng bèn chẳng tin 
Cho rằng người chết hết sanh
Phạm vào đoạn kiến tội tình nặng thay 
Hoặc phạm thường kiến tội dày 
Sống sao, đến thác sanh lai như thường 
Tội nhiều kể cũng không lường
Vì con ngu dốt không tường phân minh
Dể duôi Tam bảo, hại mình
Bởi nhân không thấu vô minh nghiệp tà 
Cho nên tâm tánh mới là 
Tối tăm chẳng rõ sai ngoa khổ sầu
Hóa nên khờ dại đã lâu 
Để cho hoàn cảnh mặc dầu kéo xoay 
Khác nào bèo bị gió quay 
Linh đinh giữa biển dật dờ bờ sông 
Xét con tội nặng chập chồng
Kiếp xưa cho đến hiện trong kiếp nầy
Con xin sám hối từ đây
Nguyện cầu Tam bảo đức dày độ cho 
Tội xưa chẳng hạn nhỏ to 
Con nguyền dứt bỏ, chẳng cho thêm vào
Tâm lành dốc chí nâng cao 
Cải tà qui chánh, trú vào Phật ngôn
Nguyện cho dứt kiếp sinh tồn
Chứng tri đạo quả chẳng còn tối mê
Thoát vòng khổ não mọi bề
Hưởng an tịch tịnh bồ đề thảnh thơi
Ngày nay dứt bỏ việc đời
Căn lành gieo giống chẳng rời công phu
Mặc ai danh lợi bôn xu
Con nguyền giữ hạnh người tu thoát trần
Trước là độ lấy bổn thân
Sau giúp quyến thuộc được phần tiêu diêu
Sám hối tội lỗi đủ điều 
Duyên lành đều cũng ít nhiều kết xây
Con xin hồi hướng phuớc nầy
Thấu đến quyến thuộc nơi đây cho tường 
Cùng là thân thích tha phương 
 Hoặc đã quá vãng, hoặc tường hiện nay
Chúng sanh ba giới bốn loài 
 Vô tưởng hữu tưởng chẳng nài đâu đâu
Nghe lời thành thật thỉnh cầu
 Xin mau tụ hội lảnh thâu quả nầy
Bằng ai xa cách chưa hay 
 Cầu xin thiên chúng mách ngay với cùng 
Thảy đều thọ lãnh hưởng chung 
 Dứt trừ tội lỗi, thoát vòng nạn tai 
Nguyện nhiều Tăng chúng đức tài 
 Đạt thành thánh quả hoằng khai đạo lành
Nguyện cho Phật pháp thạnh hành
 Năm ngàn năm đủ, phước lành thế gian.

Sau khi tụng sám hối xong, nếu ở tại chùa thì các cư sĩ thỉnh pháp sư thuyết pháp cho hội chúng; nếu ở nhà thì tọa thiền công phu.

IV.6. NGHI THỨC THÍNH PHÁP

Thông thường trong các lễs hội Phật giáo được tổ chức ở chùa, hay tại tư gia người cư sĩ, như lễ trai tăng, lễ sám hối, lễ dâng y .v.v... đều có thời thuyết pháp, chư Tăng sẽ cử ra một vị tỳ kheo hay sa di để thuyết pháp cho các cư sĩ nghe.

Nói theo tích xưa khi Đức Thế Tôn vừa đắc quả Phật thì có vị Phạm thiên tên gọi Sahampati hiện xuống thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp độ đời, từ đó Phật pháp được hoằng dương. Bây giờ các cư sĩ muốn nghe pháp cũng thỉnh cầu pháp sư.

Nghi thức thỉnh pháp như sau: 

Chư thiện tín tụ họp nơi chánh điện hoặc nơi phòng rộng có thờ Phật, sửa soạn một chỗ ngồi cao và trang trọng gọi là pháp tọa. Khởi đầu là nghi thức tụng kinh lễ bái Tam bảo, sau đó rước pháp sư quang lâm pháp tọa, khi pháp sư đã an tọa, các cư sĩ xin thọ qui giới; vị pháp sư truyền giới xong, hội chúng đồng loạt tác bạch thỉnh cầu thuyết pháp như vầy:

Brahmā ca lokādhipatī sahampatī 
Katañjalī andhivaraṃ ayācatha 
Santī’dha satāpparajakkhajātikā 
Desetu dhammaṃ anukampimaṃ pajaṃ
Saddhammabheriṃ vinayañca kāyaṃ 
Suttañca bandhaṃ abhidhammacammaṃ
Ākoṭayanto catusaccadaṇḍaṃ 
Pabodhaneyye parisāya majjhe 
Evaṃ sahampatī brahmā 
Bhagavantaṃ ayācatha 
Tuṇhībhāvena taṃ buddho 
Kāruññen’ ādhivāsaya 
Tamhā vuṭṭhāya pādena 
Migadāyaṃ tato gato 
Pañcavagyādayo neyye 
Amaṃ pāyesi dhammato 
Tato pabhūti sambuddho 
Anūnā dhammadesaṇaṃ 
Māghavassāni desesi 
Sattānaṃ atthasiddhakaṃ 
Tena sādhu ayyo bhante 
Desetu dhammadesanaṃ 
Sabbāyidha parisāya 
Anukampampi kātave.

Thuở Phật mới đạt thành quả vị
Có Xá-hăm-bá-tí phạm thiên
Cả trong thế giới các miền
Thanh cao quán chúng cần chuyên đạo mầu
Hiện trước Phật đê đầu đảnh lễ
Bạch xin Ngài tế thế độ nhơn
Chúng sanh trong khắp cõi trần
Tối mê điên đảo không phân tội tình 
Cầu Phật tổ cao minh ái truất 
Hiển oai linh tỉnh thức dắt dìu
Hoằng khai giáo pháp cao siêu
Tu hành theo đặng kết nhiều thiện duyên
Thế-Tôn được mãn viên đạo quí
Con hết lòng hoan hỷ tán dương
Nhưng vì hoàn cảnh đáng thương
Không đành bỏ mặt lạc đường làm thinh 
Chúng sanh vốn đa tình lắm bậc
Không hiểu đâu chơn thật giả tà
Chấp thường, chấp lạc, chấp ta
Ngày nay sơ ngộ thiết tha nhờ Ngài
Xin mở lượng cao dày răn dạy
Chuyển pháp luân diễn giải diệu ngôn
Chúng sanh nghe đặng pháp môn
Thoát vòng khổ não dập dồn bấy lâu
Giải thoát những nguồn sầu câu thúc
Diệt tham lam ái dục bao vòng
Tối tăm sẽ được sáng trong 
Phát sanh trí tuệ hiểu thông tinh tường
Thông thấu lẽ vô thường biến đổi
Chúng sanh trong ba cõi mỏng manh 
Vô minh nhân của quả hành
Cội căn dắt dẫn chúng sanh luân hồi
Biển trần khổ nỗi trôi chìm đắm 
Bị ngũ ma dày xéo chuyển di
Vậy nên cầu đấng từ-bi
đưa thuyền bát-nhã trải di vớt người
Đưa qua chốn tốt tươi yên tịnh
Bờ Níp bàn chẳng dính trần ai 
Như đèn rọi suốt trong ngoài
Chiếu tia sáng khắp các loài hân hoan
Pháp như trống khải hoàn rầm rộ
Luật ví như đại cổ hoằng dương
Kinh như giây buộc trên rương
Luận như mặt trống phá tường vô minh
Tứ diệu đế ấy hình dùi trống
Gióng khua tan giấc mộng trần gian
Chúng sanh tất cả bốn hàng 
Như sen trong nước minh quang luống chờ
Trời lố mọc đặng nhờ ánh sáng 
Trải hoa lành rải tản mùi hương 
Pháp mầu ánh sáng phi thường
Chiếu khắp ba cõi rõ đường an vui 
Phạm thiên vẫn ngậm ngùi khẩn khoản
Phật nhận lời nhưng chẳng dỉ hơi 
Quyết lòng mở đạo dạy đời 
Nhắm vườn Lộc-giả, ngài dời chân sang
Thuyết pháp độ các hàng đệ tử 
Có năm thầy thính dự pháp từ
Đó là nhóm Kiều Trần-Như
Được nếm hương vị hữu dư Níp bàn
Rồi từ đó mở mang giáo pháp
Bốn mươi lăm hạ giáp vẹn toàn 
Một lòng chẳng thối, không mòn
Những điều lợi ích hằng còn lâu năm 
Cả tam giới thừa ân phổ cập
Đám mưa lành rưới khắp thế gian; 
Bởi nhân cớ tích rõ ràng 
Thỉnh Ngài thuyết pháp noi đàng từ bi.
Chúng sanh ngồi khắp chốn ni 
Tối mê cầu đặng trí tri vẹn toàn. -- (lạy)

Tiếp đến là vị pháp sư bắt đầu thuyết pháp; các cư sĩ ngồi yên lặng chú tâm nghe pháp. Khi pháp sư kết thúc thời pháp; hội chúng đảnh lễ và tụng sám hối Tam bảo, sau đó vị pháp sư phúc chúc phước cho hội chúng.

Các cư sĩ tỏ sự hoan hỷ bằng cách đồng thanh: Sādhu sādhu, lành thay! 

Cuối cùng các cư sĩ tụng hồi hướng pháp thí như sau: 

Yā devatā santi vihāravāsinī thūpe ghare bodhighare tahiṃ tahiṃ tā dhammadānena bhavantu pūjitā sotthiṃ karonte’ dha vihāramaṇḍale therā ca majjhā navakā ca bhikkhavo sārāmikā dānapatī upā-sakā gāmā ca desā nigamā ca issarā sappāṇabhūtā sukhitā bhavantu te jalābujā ye pi ca aṇḍasambhavā saṃsedajātā athav’ opapātikā niyyānikaṃ dhammavaraṃ paṭicca te sabbe pi dukkhassa karontu saṅkhayaṃ ṭhātu ciraṃ sataṃ dhammo dhammadharā ca puggalā saṅgho hotu samaggo va atthāya ca hitāya ca amhe rakkhatu saddhammo sabbepi dham-macārino vuḍḍhiṃ sampāpuṇeyyāma dhammāriyappavedite.

Ngưỡng cầu các đấng chư thiên 
Trong vòng tịnh xá ngự yên hàng ngày 
Ngự nơi đền tháp xưa nay 
Những nơi biệt thất, nơi cây bồ đề
Chúng tôi xin hội họp về 
Sẽ dùng pháp thí tiện bề cúng dâng 
Rồi xin hộ độ chư Tăng 
Cửa từ ẩn náu phước hằng hà sa
Tỳ khưu chẳng luận trẻ già 
Cao hạ, trung hạ hoặc là mới tu 
Thiện nam, tín nữ công phu
Đều là thí chủ đồng phù trợ nhân 
Những người trong khắp thôn lân 
Kiều cư châu quận được phần an khương 
Chúng sanh bốn loại thông thường
Noãn, thai, thấp, hóa khi nương pháp lành 
Giải thoát pháp bảo nên hành 
Đặng mà dứt khổ truyền quanh đọa đày 
Cầu cho hưng thạnh lâu dài 
Pháp thiện trí thức các Ngài mở mang
Bậc tu xin được bình an 
Cầu cho Tăng chúng các hàng hòa nhau 
Lại thêm phẩm hạnh thanh cao 
Những quả lợi ích kết mau kịp thì 
Cầu xin pháp bảo hộ trì 
Cho người tu đã qui y Phật rồi 
Xin cho cả thảy chúng tôi 
Tiến hoá trong pháp Phật roi giáo truyền.

Đến đây hoàn mãn buổi thuyết pháp

IV.7. NGHI THỨC LỄ CẦU AN 

Thuở Đức Phật hiện tiền, có một lúc ở xứ Vajjī thành Vesāli xảy ra nạn đói, người chết nhiều, ô nhiễm sanh ra dịch bệnh. Vương tộc Licchavī đã sang Sāvatthī để cung thỉnh Đức Phật ngự về thành Vesāli, mong nhờ uy lực của Đức Phật giải trừ thiên tai. Đức Phật cùng chư Tăng ngự về thành Vesāli, Đức Phật dạy đại đức Ānanda đi ba vòng thành tụng kinh Pāritta xưng tán ân đức Tam bảo, nhờ oai lực kinh Pāritta mà quốc độ Vajjī được thoát tai ách.

Theo tích ấy mới có nghi thức thỉnh chư Tăng tụng kinh an lành, kinh gia trì, thường gọi là kinh cầu an. Nghi thức tụng kinh cầu an được cử hành trong nhiều trường hợp lễ trai tăng, lễ chúc thọ, lễ cưới hỏi, lễ khánh thành, lễ khởi công, lễ khai trương ... ở tại những xứ Phật giáo bất kỳ lễ hội nào người ta cũng thỉnh chư Tăng tụng kinh Pāritta, để mong nhờ oai lực Tam bảo thành tựu mọi sự an lành, tránh khỏi những tai ương tật bệnh. Tất nhiên không phải luôn luôn tụng kinh an lành là được thành tựu hạnh phúc; còn tùy thuộc niềm tin và nghiệp lành mà người ấy đã làm. 

Nghi thức lễ cầu an có thể cử hành tại chùa, hoặc ở tư gia, hay ở nơi công cộng hội trường. 

Thường thấy lễ cầu an có nghi thức như sau: 

Người cư sĩ đối diện trước chư tăng, đảnh lễ Tam bảo rồi xin thọ trì ngũ giới hay bát quan trai giới; xong tác bạch thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu an.

Cư sĩ đọc:

Vipattippatibāhāya sabbasampattisiddhiyā sabbadukkhavināsāya parittaṃ brūtha maṅgalaṃ.
Vipattippatibāhāya sabbasampattisiddhiyā sabbabhayavinasāya parittaṃ brūtha maṅgalaṃ.
Vipattippatibāhāya sabbasampattisiddhiyā sabbarogavināsāya parittam brūtha maṅgalaṃ.

Bạch đại đức tăng, cầu xin các ngài tụng kinh an lành, để ngăn ngừa tránh khỏi các điều rủi ro tai hại, cho đặng thành tựu những hạnh phúc, khiến cho tất cả sự khổ não, kinh sợ và bệnh hoạn đều tiêu tan. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Kế đến chư Tăng bắt đầu tụng các bài kinh an lành Pāritta, thời gian và nội dung nhiều ít tùy theo vị trưởng lão xướng kinh, có thể có nghi thức rảy nước nếu các cư sĩ có đặt sẵn bát tịnh thủy với nhánh hoa trước mặt chư Tăng, sự rảy nước tượng trưng sự ban rải phước, ban rảy uy lực kinh Pāritta. Vị trưởng lão sẽ thực hiện nghi thức này, hoặc một vị sư nào do vị trưởng lão chỉ định. Vừa tụng kinh vừa rảy nước.

Sau khi chấm dứt thời kinh, các cư sĩ đồng thanh Sādhu Lành thay. Rồi tụng kinh sám hối Tam bảo; chư Tăng chúc phúc ngắn; cuối cùng các cư sĩ tụng kinh hồi hướng công đức bài "Phước căn tôi đã tạo thành ...", hoặc bài "Chư thiên ngự trên hư không ..." v.v...

Đến đây hoàn mãn khóa lễ cầu an.

IV.8. NGHI THỨC LỄ CẦU SIÊU 

Phật giáo nguyên thủy từ thời Đức Phật không có nghi thức tụng kinh cầu siêu cho người chết; khi có người cư sĩ qua đời, thân nhân thỉnh chư Tăng về tư gia để làm phước cúng dường thực phẩm, rồi hồi hướng phước ấy đến người quá vãng. Hoặc giả các tỳ kheo có tụng kinh thì chỉ là tụng quán tưởng sự chết hay kinh giải về tướng vô thường, khổ, vô ngã v.v... tụng như vậy là nhằm mục đích thức tỉnh mọi người tu tập thiện nghiệp vì hiểu được bản chất của cuộc sống. Việc cúng dường đến Tăng trong các dịp lễ tang, lễ giỗ ... nhằm mục đích là để tạo phước hồi hướng cho người quá cố, hy vọng nhờ đó mà người đã chết sanh ở đâu cũng được an vui hoặc vơi bớt nỗi khổ đau. Hình thức này được gọi nôm na là cầu siêu, theo dân gian thường gọi. 

Nghi thức cầu siêu được áp dụng trong lễ tang, lễ giỗ, và bất cứ trường hợp nào người cư sĩ muốn hồi hướng phước đến thân nhân quá cố.

Nghi thức cầu siêu được thấy áp dụng thông lệ như sau: 

Gia đình thỉnh mời chư Tăng đến, sau khi đọc kinh lễ bái Tam bảo tóm tắt, mọi người sẽ xin thọ qui giới. Sau đó, theo sự hướng dẫn của vị cư sĩ A-cha (trường hợp người trong gia đình không rành nghi thức), mọi người đọc theo (vì nghi thức cầu siêu trong Phật giáo Nam tông chỉ là mượn phương tiện để cảnh tỉnh, nên không có Pāli truyền thống): 

Bạch đại đức tăng, xin thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu siêu để trợ tiến giác linh của Ông ... (hay Bà ...) được an vui trong cảnh giới tái sanh, thoát ly khổ cảnh. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Sau lời thỉnh cầu của cư sĩ, chư Tăng bắt đầu tụng kinh về những đầu đề Vi Diệu Pháp, những bài kệ động tâm ... dứt thời kinh, các cư sĩ tụng sám hối Tam bảo và hồi hướng công đức như bài "Phước căn tôi đã tạo thành ..." v.v ...

Dứt phần nghi thức cầu siêu

IV.9. NGHI THỨC CHÚC THỌ

Lễ chúc thọ là lễ mừng tuổi cha mẹ, ông bà được 60, 70, 80 ... để thể hiện sự tôn quí của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cũng để làm vui lòng cha mẹ, ông bà thấy con cháu sum vầy hiếu thuận. Đây là một thuần phong mỹ tục cần được gìn giữ, mặc dù đây không phải là văn hóa Phật giáo.

Không phải chỉ ở Việt Nam mới có mỹ tục này mà ở Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện cũng có. Nhưng nghi thức ở mỗi xứ mỗi khác.

Trung Quốc ảnh hưởng tinh thần Nho Giáo, Thái Lan, Miến Điện ảnh hưởng tinh thần Phật giáo.

Người cư sĩ Phật tử trong dịp lễ chúc thọ cho cha mẹ, ông bà thì thường mời thỉnh các vị sư về tư gia để tụng kinh ban phúc lành cho cha mẹ, ông bà của mình. Số lượng Tăng tối thiểu nên có 8 vị, để tăng thêm oai lực.

Về nghi thức lễ chúc thọ vì không phải là luật nghi của Đức Phật ban hành nên có sự bất nhất. Nhưng theo ý kiến của các bậc trưởng lão đã hướng dẫn Phật tử làm nghi thức lễ chúc thọ, thường áp dụng như sau:

- Sắp đặt những chỗ ngồi cho chư Tăng được thỉnh đến, vị trí trước bàn thờ nhìn ra.

- Sắp đặt hai chỗ ngồi trang trọng cho cha mẹ hay ông bà, vị trí bên phải của chư tăng, và đối diện bên trái nơi con cháu sẽ tham dự.

- Sắp sẵn lễ phẩm mừng thọ và lễ phẩm cúng dường tăng.

- Nên sắp xếp cho cha mẹ hoặc ông bà mặc lễ phục hay trang phục trịnh trọng trong ngày lễ chúc thọ.

- Tất nhiên phải trần thiết hương đăng hoa quả tươm tất tôn nghiêm trên bàn thờ Phật.

- Con cháu tụ họp đầy đủ trước mặt cha mẹ ông bà, khi thỉnh Tăng an tọa.

Phần tiến hành lễ 

Trước tiên, người xướng lễ tác trình duyên sự buổi lễ đến chư Tăng:

Kính bạch chư tăng, hôm nay gia đình Phật tử "..." cung thỉnh chư đại đức Tăng về tư gia để cúng dường cầu phúc, nhân dịp các con cháu làm lễ chúc thọ, mừng cha mẹ (hay ông bà) được thượng thọ (hoặc đại thọ). Kính mong chư Tăng chứng minh.

Sau đó, các con cháu hướng về cha mẹ hay ông bà, đồng quì lạy 3 lạy với sự trang nghiêm, rồi các người con cùng đọc bài kệ xưng tán ân đức cha mẹ (nếu là các cháu nội, cháu ngoại làm lễ chúc thọ ông bà thì không cần đọc bài kệ này):

Kính thưa cha mẹ tường tri
Nghĩ suy con sợ lỗi nghì ân trên 
Từ con hình thể có nên 
Mẹ cha bảo dưỡng kề bên không rời 
Nặng nề cực nhọc lắm ôi 
Chăm nom con trẻ kể thôi sao cùng
Con xin đảnh lễ cúc cung
Nghiêng mình phủ phục mong dung tội rày
Khi con la khóc rầy tai 
Từ bi mẹ hát, thương thay não nùng 
Tân dịch đại tiểu tiện cùng 
Các vật uế trược ung dung lau chùi 
Giặt rữa, cha mẹ vẫn vui 
Chẳng hề nhờm gớm những mùi thúi tha.
Từ bi thay! lòng mẹ cha
Ân tầy trời đất khó mà đáp xong
Cầu cho cha mẹ thảy đồng 
Đắc thành Phật quả, thoát vòng tai ba. (lạy cha mẹ)

Sau khi đọc xong bài kệ xưng tán công ơn cha mẹ (nếu có), tiếp đến một người đại diện trong con cháu tỏ lời sám hối cha mẹ hay ông bà, về những lỗi lầm do thân khẩu ý đã xúc phạm cha mẹ hay ông bà, và xin các vị ấy tha thứ: 

Thưa cha mẹ (hoặc thưa ông bà), nếu chúng con do lầm lạc vô minh đã làm những lỗi lầm, xúc phạm đến cha mẹ (hay ông bà), cúi xin cha mẹ (hay ông bà) xá các tội lỗi ấy cho chúng con. 

Phước báu nào chúng con đã làm, xin cha mẹ (hay ông bà) hãy tùy hỷ với chúng con. Phước báu nào cha mẹ (hay ông bà) đã làm xin cho đến chúng con.

Kế đó cha mẹ (hay ông bà) tỏ lời hoan hỷ:

Sādhu, lành thay! cha mẹ (hay ông bà) sẵn lòng tha thứ cho các con, và cha mẹ mong cho các con được an vui tiến hóa.

Sau khi cha mẹ (hay ông bà) đã tỏ lời hoan hỷ, các con cháu tuần tự dâng tặng lễ phẩm mừng thọ đến cha mẹ ông bà.

Xong nghi thức này, các con cháu mời cha mẹ hay ông bà xoay mặt hướng đối diện chư Tăng và hướng dẫn cha mẹ tự tay cúng dường lễ phẩm đến Tăng để cha mẹ tự thân làm phước. Sau đó, con cháu đồng tác bạch cầu thỉnh chư tăng.

Bạch chư đại đức tăng, cầu xin chư Tăng tụng kinh an lành cho cha mẹ chúng con để được sự lợi ích, tiến hóa, an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Chư Tăng bắt đầu tụng khóa kinh an lành, chúc phúc báu đến ông bà cha mẹ của thí chủ (có thể thêm nghi thức rảy nước như để ban phúc).

Dứt thời kinh, vị trưởng lão trong chư Tăng sẽ ban đạo từ bằng pháp thoại ngắn, nội dung tán thán sự hiếu hạnh và cách thực hành để đáp công ơn cha mẹ đúng theo tinh thần Phật pháp v.v...

Các người con cháu nghe pháp xong đồng thanh: Sādhu Lành thay.

Rồi tất cả cùng đọc bài kinh hồi hướng.

Chư thiên ngự trên hư không
Địa cầu thượng ngự rõ thông mọi điều
v.v...

Do phước báu mà chúng con đã tạo đây, nguyện cầu cho cha mẹ hằng được an vui, phúc thọ miên trường. (đọc 3 lần) 

Đến đây hoàn mãn nghi thức lễ chúc thọ. 

IV.10. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG

Trai Tăng nghĩa là bố thí cúng dường thực phẩm đến chư tăng, gồm những vị tỳ kheo, sa di, hay tỳ kheo ni, sa di ni. Trai tăng, gọi theo Pāli là Saṅghabhatta-dāna. 

Phép trai Tăng có nhiều hình thức: 

1- Sakalabhattaṃ, là thí thực đến toàn thể Tăng có mặt trong chùa.
2- Uddesabhattaṃ, là thí thực đến những vị sư do Tăng chỉ định đi thọ thực. 
3- Nimantanabhattaṃ, là thí thực đến những vị sư do mình thỉnh mời đích danh.
4- Salākabhattaṃ, là thí thực đến những vị sư mà mình rút thăm trúng tên.
5- Pakkhikabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng theo thông lệ hằng tháng, thượng huyền hay hạ huyền.
6- Uposaṭhikabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng trong ngày trai giới.
7- Pātipadikabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng vào mỗi ngày đầu của nửa tháng. 
8- Āgantukabhattaṃ, là thí thực đến các vị khách tăng. 
9- Gamikabhattaṃ, là thí thực đến các vị Tăng sắp ra đi.
10- Gilānabhattaṃ, là thí thực đến các vị Tăng bị bệnh.
11- Gilānupaṭṭhākabhattaṃ, là thí thực đến các vị Tăng chăm sóc tỳ kheo bệnh.
12- Niccabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng thường xuyên hằng ngày, như là người hộ tăng.
13- Kuṭikabhattaṃ, là thí thực đến vị Tăng nhập thất.
14- Vārakabhattaṃ, là thí thực đến chư Tăng theo sự luân phiên hộ độ.

Đây là mười bốn hình thức trai tăng, khi thí chủ trai tăng bằng loại hình nào thì nêu tên loại hình đó trong lời tác bạch dâng cúng. Tuy nhiên, chỉ nêu tổng quát là "Saṅghabhatta" (Tăng thực), không cần nêu cụ thể một loại hình nào cũng được.

Lễ trai Tăng có thể tổ chức ở tư gia, hoặc tổ chức ở chùa; lễ trai Tăng được làm tùng dịp lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ chúc thọ, lễ giỗ v.v... thường thì nghi thức trai Tăng được thực hiện sau khi đã xong phần lễ chính, để chư Tăng thọ thực và hoàn mãn cuộc lễ.

Về nghi thức lễ trai tăng, thí chủ sắp soạn thực phẩm sẵn sàng trên mâm bàn trước mặt chư Tăng, sau đó đọc lời tác bạch cúng dường.

Nếu là lễ trai Tăng để cầu siêu, giỗ kỵ, hồi hướng phước đến người thân đã quá vãng ... thì đọc lời tác bạch như sau:

- Ayaṃ no bhante piṇḍapāto dhammiko dhammaladdho dhammeneva uppādito mātāpitādike guṇavante uddissa imaṃ "Saṅghabhattaṃ" saparikkhāraṃ buddhappamukhassa saṅghassa dema te guṇavantādayo imaṃ attano santakaṃ viya maññamānā anumodantu anumoditvāna yathicchitasampattīhi samijjhantu sabba-dukkhā pamuñcantu iminā nissandena. 
Dutiyampi. Tatiyampi. 

- Bạch đại đức Tăng được rõ, những thực phẩm này của chúng con làm hiệp theo lẽ đạo, được cũng hiệp theo lẽ đạo, chúng con xin hồi hướng phước đến các bậc hữu ân, nhất là cha mẹ của chúng con, chúng con dâng những thực phẩm này gọi là lễ trai Tăng gồm cả món ăn phụ tùng, dâng cúng đến chư Tăng, có Phật chứng minh. Xin cho các bậc hữu ân của chúng con hay biết rằng, phước báu của lễ trai Tăng này về phần các vị đó, và cầu xin các vị đó được phép thọ hưởng tùy ý, khi đã thọ hưởng rồi, thì được thoát khỏi những điều lao khổ, và được thành tựu quả cõi người, quả cõi trời, và cho được như ý muốn của các bậc hữu ân chúng con, do theo phước báu chảy vào không dứt. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Nếu là lễ trai Tăng để cầu an cho người bệnh, cầu phước trong gia đình, chúc thọ cho ông bà cha mẹ ... thì đọc lời tác bạch cúng dường như sau:

- Mayaṃ bhante imāni khādanīyabhojanīyādīni sajjetvā saṅghassa dema sādhu bhante saṅgho imāni khādanīyabhojanīyādīni paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgha-rattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.

- Bạch đại đức tăng, chúng con thành kính dâng cúng những thực phẩm loại cứng loại mềm này đến chư tăng. Lành thay, bạch đại đức tăng, xin Tăng thọ nhận các thực phẩm này, cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Đọc lời tác bạch xong, thí chủ tự tay dâng mâm thực phẩm đến chư Tăng, hoặc nếu thực phẩm đặt trên chiếu cổ, bàn ăn ... thì dâng bằng cách vịn vào bàn, chờ cho chư Tăng thọ lãnh, mới đảnh lễ và lui về chỗ ngồi.

Kế đến, gia đình thí chủ đọc kinh sám hối Tam bảo, hoặc đọc thêm lời thỉnh cầu chư Tăng tụng kinh cầu an hay cầu siêu ... khi thiện tín dứt lời, chư Tăng sẽ tụng kinh chú nguyện phước hoặc phúc chúc cho thí chủ được thành tựu công đức. 

Trong khi chư Tăng tụng kinh, các cư sĩ giữ yên lặng và thành tâm nguyện phước.

Dứt thời kinh, các cư sĩ đồng thanh hoan hỷ: Sādhu, sādhu, Lành thay. Và tụng kinh hồi hướng phước như bài "Phước căn tôi đã tạo thành" ... hoặc "Chư thiên ngự trên hư không" ... hoặc "Tôi xin hồi hướng quả này" ... tùy theo mục đích của buổi lễ trai tăng.

Hoàn mãn nghi thức cúng dường trai tăng.

IV.11. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG BÁT HỘI

Trì bình khất thực là hạnh chánh mạng của vị tỳ kheo từ thời Đức Phật trụ thế, chính Đức Phật cũng đi trì bình khất thực. Đức Phật và chư Tăng sống bằng hạnh trì bình khất thực vừa là theo hạnh của chư Phật nuôi mạng chân chính (tùy theo hảo tâm bố thí của mọi người, các ngài không mong cầu, không đòi hỏi thứ này thứ kia); cũng vừa là tiếp độ chúng sanh, tạo cảnh cho chúng sanh làm thiện (dù người nghèo khổ cũng có cơ hội làm phước bằng cách đặt bát cho các ngài).

Ngày nay, chư Tăng ở các xứ Phật giáo như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, và chư Tăng Nam Tông Việt Nam, vẫn còn giữ truyền thống hạnh trì bình khất thực. 

Tuy nhiên, do điều kiện khách quan bất lợi nên chư Tăng Nam Tông người kinh ít giữ hạnh truyền thống đó, chỉ có chăng là vào những dịp lễ có tổ chức cúng dường bát hội thì chư Tăng mới cầm bình bát đi trong khuôn viên chùa, các cư sĩ tụ họp và đặt vào bát chư Tăng những thực phẩm.

Về nghi thức cúng dường đặt bát, khi người cư sĩ gặp chư Tăng đi trì bình, có nghi lễ như sau:

Cư sĩ chuẩn bị sẵn lễ phẩm để đặt bát; đi chân không để tỏ sự cung kính tăng; giữ trang nghiêm không nói cười lớn tiếng; trịnh trọng đặt cúng phẩm vào bát của từng vị Sư. Đặt bát xong chắp tay xá lễ Sư. 

Đang đi trì bình chư Tăng sẽ im lặng và nhìn xuống phía trước, không đọc kinh phúc chúc; người cư sĩ cũng nên im lặng cúng dường mà không cần tác bạch lời gì. 

Nếu là lễ cúng bát hội trong chùa, thì sau khi đoàn chư Tăng lần lượt nhận cúng phẩm đặt bát xong, các ngài tập trung về trai đường hoặc một nơi đã qui định; các cư sĩ cũng tập trung đến chỗ ấy, và môt cư sĩ A-cha sẽ xướng kinh dẫn cho mọi người đọc theo:

Bạch đại đức tăng, chúng con xin thành kính dâng đến chư Tăng những cúng phẩm đặt bát hội. Ngưỡng mong chư Tăng thọ dụng những cúng phẩm này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba. 

Hoặc nếu là lễ bát hội ngày Vu Lan báo hiếu thì đọc:

Bạch đại đức tăng, chúng con xin thành kính dâng đến chư Tăng những cúng phẩm đặt bát hội. Ngưỡng mong chư Tăng thọ dụng những cúng phẩm này, cho các bậc hữu ân cùng quyến thuộc của chúng con được sự an vui y như ý nguyện. Lần thứ nhì. Lần thứ ba. 

Bấy giờ chư tăng sẽ đọc kinh chúc phúc và kinh cầu an hoặc cầu siêu. Dứt thời kinh, các cư sĩ đọc kinh hồi hướng công đức, như "Phước căn tôi đã tạo thành ..." hay "Chư thiên ngự trên hư không ...", hay "Tôi xin hồi hướng quả này ..." Sau khi hoàn mãn nghi thức, chư Tăng tìm chỗ ngồi thọ thực.

Dứt nghi thức cúng dường bát hội

IV.12. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG Y TẮM MƯA

Trong Luật, Đức Phật cho phép các thầy tỳ kheo thọ nhận y tắm mưa trước khi bước vào mùa mưa, thời gian được phép nhận kể từ ngày 16 tháng 5 âl đến rằm tháng 6 âl.

Y tắm mưa là chiếc y choàng để tắm. Kích thước khoảng 0m,90 x 2m,00; nhuộm màu như y casa, nhưng không cần may theo qui cách y nội (antaravāsaka).

Người cư sĩ hiểu luật này, là cơ hội để tạo phước bố thí hợp thời, nên gần đến ngày chư Tăng an cư mùa mưa (nhập hạ) thì họ đem những lá ý tắm mưa dâng đến chư tăng; tùy theo khả năng có thể dâng đều đủ đến số lượng tỳ kheo trong chùa ấy, hoặc chỉ dâng 1, 2 lá y nhiều người góp lại dâng mỗi vị một lá y tắm mưa và vật dụng. 

Nghi thức cúng dường y tắm mưa như sau:

Các cư sĩ sắp đặt y tắm mưa mang đến chỗ ngụ của các vị tỳ kheo, sa di sẽ an cư nhập hạ; đảnh lễ các tỳ kheo, và đọc lời tác bạch dâng cúng y tắm mưa như sau:

Mayaṃ bhante imāyo vassikasātikāyo [13] idh’ āne-tvā saṅghassa [14] dema sādhu bhante saṅgho [15] imāyo vassikasātikāyo paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi. 

Bạch đại đức tăng, chúng con mang đến đây những lá y tắm mưa này xin dâng cúng đến tăng. Lành thay, bạch đại đức tăng, mong chư Tăng nhận lãnh các y tắm mưa này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Khi tác bạch xong, cư sĩ dâng y tắm mưa đến tận tay các tỳ kheo, các tỳ kheo đọc kinh phúc chúc; các cư sĩ đồng thanh Sādhu rồi hồi hướng phước hoàn mãn. 

Nếu lễ dâng y tắm mưa này được cử hành tại chùa, nơi chánh điện, thì trước khi đọc lời tác bạch dâng y, nên có nghi thức lễ bái Tam bảo, xin thọ qui giới như ngày nay vẫn thường làm. 

Dứt nghi thức cúng dường y tắm mưa.

IV.13. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG Y KAṬHINA

Luật Đức Phật cho phép các tỳ kheo sau an cư mùa mưa (khi mãn hạ) được phép thọ nhận y Kaṭhina để thay đổi tam y đã cũ rách. 

Thời gian thí chủ dâng y Kaṭhina và chư Tăng thọ y Kaṭhina chỉ vào tháng cuối của mùa mưa, từ ngày 16 tháng 9 âl đến ngày rằm tháng 10 âl; mỗi chùa chỉ được làm lễ dâng y Kaṭhina một lần trong mùa dâng y.

Thí chủ dâng y Kaṭhina sẽ gặt hái phước báu đặc biệt, bởi y Kaṭhina là Tăng y nghĩa là y casa dâng đến tập thể tăng, do Tăng tối thiểu là năm vị tỳ kheo thọ nhận, y Kaṭhina là thời hạn y chớ không phải ngoại thời y (akālacīvara). 

Y Kaṭhina phải làm đúng qui cách luật và Tăng thọ y cũng phải làm Tăng sự đúng theo luật. Đây là luật do Đức Phật ban hành, không phải tự tiện làm.

Ở đây chỉ nói đến nghi thức cúng dường y Kaṭhina, để người cư sĩ biết mà hành lễ.

Thí chủ mang đến chùa một xấp vải hoặc một bộ y casa may sẵn (thời Đức Phật, thí chủ dâng xấp vải trắng đến chư tăng, chư tăng chỉ định cho một vị nào y cũ rách để nhận xấp vải ấy và tự may thành y càsa, nhuộm màu rồi mặc. Ngày nay, các cư sĩ biết may y càsa hoặc mua ở hàng may rồi đem đến dâng chư tăng làm y Kaṭhina. Cách nào cũng được cả). Sau khi đến chùa, thí chủ cùng các thiện tín khác đội lễ phẩm hành lễ nhiễu Phật (là đi quanh điện Phật 3 vòng, hướng phía hữu); hoặc lúc nhiễu Phật, không cần đội mang theo các lễ phẩm mà chỉ tay cầm hương hoa cũng được. Nhiễu Phật trong dịp lễ dâng y Kaṭhina, các thiện tín vừa đi vừa tụng bài kệ sau đây: 

Cà-sa oai đức chi bằng
Sắc vàng thanh bạch của hàng Sa-môn
Noi gương từ phụ Thế-Tôn 
Hoằng khai giáo pháp tám muôn bốn ngàn
Ngày nay thiện tín các hàng 
Cà-sa đại lễ nghiêm trang cử hành 
Dâng y với tấm lòng thành 
Ba vòng nhiễu Phật đồng thanh nguyện cầu
Chư Tăng hoan hỷ lãnh thâu
Căn lành gieo giống để hầu mai sau
Nguyện mau thoát khỏi trần lao
Tu hành tinh tấn, tiêu dao đạo mầu
Nguyện cho Phật pháp bền lâu
Thấm nhuần trăm họ năm châu thạnh hành
Nguyện cho tất cả chúng sanh
Hồi đầu hướng thiện tâm thành quy y 
Lần theo gương đấng từ-bi
Xuất gia hành đạo mang y ngồi kề
Tu tâm dưỡng tánh mọi bề
Tham sân đoạn tuyệt bồ-đề đến nơi.

Sau khi kết thúc ba vòng nhiễu Phật, chư thiện tín đi vào chánh điện đọc kinh lễ bái Tam bảo, rồi cung thỉnh chư Tăng quang lâm.

Thiện tín đảnh lễ chư Tăng, và xin thọ trì qui giới (ngũ giới hoặc bát quan trai giới). Sau đó, có thể vị thí chủ hoặc đại diện thí chủ đứng lên trình duyên sự lễ dâng y đến chư Tăng. Dứt lời trình duyên sự, là lời tác bạch cúng dường Kaṭhina, cư sĩ A-cha dẫn cho mọi người đọc theo:

Imaṃ bhante saparivāraṃ kaṭhinacīvaradussaṃ bhikkhusaṅghassa onojayāma. Sādhu no bhante bhikkhusaṅgho imaṃ saparivāraṃ kaṭhinacīvaradussaṃ paṭiggaṇhātu paṭiggahetvā ca iminā dussena kaṭhinaṃ attharatu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya.

Bạch đại đức tăng, chúng con xin thành kính dâng y kaṭhina cùng với những vật phụ tùng này đến tỳ kheo Tăng; bạch đại đức Tăng, cầu xin chư tỳ kheo Tăng nhận lãnh và thọ dụng y kaṭhina cùng với những vật phụ tùng này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài.

Đọc lời tác bạch xong, thí chủ đặt bộ y kaṭhina đến trước mặt chư tăng, khỏi phải dâng đến tận tay chư Tăng vì y kaṭhina chư Tăng không thọ nhận bằng thân mà chỉ thọ bằng tâm thôi.

Tiếp đến chư tỳ kheo Tăng cử hành Tăng sự giao y đến một vị tỳ kheo nào trong chùa có y cũ rách, sự giao y kaṭhina phải thông qua tuyên ngôn theo Luật.

Sau phần nghi thức Tăng sự giao y và thọ y của chư Tăng, là khóa kinh cầu an hoặc cầu siêu theo lời thỉnh cầu của thí chủ, hoặc khóa lễ trai Tăng (nếu lễ dâng y cử hành buổi sáng), hoặc chư Tăng chỉ tụng kinh chúc phúc phước lành cho thí chủ.

Sau cùng là thiện tín hồi hướng phước dài ngắn tùy thời gian.

Trong cuộc lễ dâng y cũng như các khóa lễ khác, thường thì nên có một thời pháp do vị pháp sư thuyết để khuyến tấn các cư sĩ, nhất là tán dương sự làm phước của thí chủ. Thời pháp có thể sắp xếp trước khi hoặc sau khi xong phần nghi thức dâng y. 

Dứt nghi thức cúng dường y kaṭhina

IV.14 NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG Y NGOẠI THỜI

Y ngoại thời (akālacīvaraṃ) là y mà thí chủ làm phước đến chư Tăng ngoài thời gian đặc biệt, tức là không phải y tắm mưa (thời hạn trong 1 tháng trước mùa mưa), không phải y kaṭhina (thời hạn trong 1 tháng cuối mùa mưa). Ngoài hai tháng đặc biệt đó, người cư sĩ phát tâm làm phước dâng y nào đến chư Tăng thì y đó gọi là y ngoại thời.

Cư sĩ dâng y ngoại thời đến chư Tăng trong các dịp như lễ trai tăng, lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ chúc thọ, lễ ma chay v.v... 

Sau khi mang lễ phẩm y đến chùa, hoặc thỉnh chư Tăng về tư gia cúng dường, thí chủ sắp đặt lễ phẩm y trước mặt chư Tăng đã an tọa nơi phải lẽ, đảnh lễ chư Tăng rồi đọc lời tác bạch cúng dường y ngoại thời như sau:

Mayaṃ bhante "imaṃ cīvaraṃ"[16] idh’ ānetvā saṅghassa deme sādhu bhante saṅgho "imaṃ cīva-raṃ" paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi. 

Bạch đại đức tăng, chúng con dâng y này đến chư tăng. Bạch đại đức tăng, ngưỡng mong Tăng thọ nhận y này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Trong lời tác bạch, thí chủ nêu tên cúng phẩm thay vào chỗ "Imaṃ ...".

Sau lời tác bạch cúng dường, thí chủ tự thân dâng y đến tận tay chư tăng, xong rồi ngồi lại chỗ cũ. Chư Tăng tụng kinh chúc phúc cho thí chủ. 

Dứt khóa kinh chúc phúc, các cư sĩ đồng thanh hoan hỷ: Sādhu sādhu - lành thay và đọc kinh hồi hướng phước, như "Chư thiên ngự trên hư không ..." hoặc "Phước căn tôi đã tạo thành ..." .

Dứt nghi thức cúng dường y ngoại thời

IV.15. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG LIÊU CỐC 

Liêu cốc (kuṭi) là thất nhỏ dùng làm trú xứ cá nhân cho vị xuất gia; liêu cốc ấy có thể là trong khuôn viên chùa, hay trong một khu vườn, hay tại khu rừng. Ở tại nơi có nhiều vị sư thì có nhiều liêu cốc. 

Các cư sĩ muốn tạo phước cúng dường trú xứ đến chư tăng, đôi khi chia nhau làm mỗi gia đình một ngôi thất, nhiều người làm mới đủ chỗ ở cho chư tăng. Ngày xưa, các cư sĩ thường làm như vậy, bây giờ cũng có thể làm như thế. 

Sau khi xây dựng xong một hoặc nhiều ngôi liêu cốc đúng theo cách thức luật lệ, ở trong chùa hay rừng chỗ chư Tăng cư trú, thí chủ thỉnh các tỳ kheo Tăng đến tại địa điểm liêu cốc đã hoàn tất đảnh lễ chư tỳ kheo và nói lời tác bạch cúng dường liêu cốc ấy đến tăng, như sau:

Mayaṃ bhante imaṃ kuṭiṃ kāretvā cātuddisassa bhikkhusaṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ kuṭiṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.

Bạch đại đức tăng, chúng con xây cất xong ngôi cốc liêu này, xin dâng cúng đến tứ phương tỳ kheo Tăng. Lành thay bạch đại đức Tăng, xin tỳ kheo Tăng nhận lãnh ngôi cốc liêu này cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba. 

Sau khi nói lời tác bạch, thí chủ làm nghi thức hiến cúng bằng cách rót nước vào tay của vị trưởng lão cao hạ nhất ở đấy, biểu hiện cúng dường đến tận tay chư tăng. Vì rằng liêu cốc, trú xứ ... không phải là lễ phẩm mà dâng bằng tay và thọ bằng tay như y phục, vật thực, nên phải làm nghi thức đó. Thuở xưa, vua Bimbisāra khi dâng chùa Veḷuvana đến Đức Phật và chư Tăng, cũng làm nghi thức rót nước như vậy trên tay của Đức Phật.

Xong nghi thức ấy, vị trưởng lão sẽ thuyết pháp khích lệ, tán dương và tùy hỷ công đức của thí chủ.

Sau cùng, chư Tăng đọc kinh chúc phúc cho thí chủ thành tựu an vui. Thí chủ đọc kinh hồi hướng cúng dường liêu cốc.

Dứt nghi thức cúng dường liêu cốc

IV.16. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG HỘI TRƯỜNG 

Hội trường (sālā) là ngôi nhà rộng làm nơi tụ họp của chư Tăng và Phật tử. Trong chùa thường có ba sālā:

Giảng đường (upaṭṭhānasālā), là nơi để chư Tăng tụ họp dạy pháp, luận pháp. Ngày xưa khi Đức Phật còn hiện tiền, trong chùa có giảng đường là nơi Đức Phật thuyết pháp cho chư tỳ kheo và các cư sĩ đến chùa.

Trai đường (bhattaggasālā), là nơi nhà ăn của chư Tăng ở chùa; dù các vị đi bát, về chùa cũng tập trung ăn nơi ấy. Nên mới có luật dạy về phận sự (kiccavatta) trong nhà ăn.

Khách đường (āgantukasālā), là nơi trong chùa dùng làm chỗ vị trưởng lão hay trụ trì tiếp khách Tăng hoặc khách cư sĩ đến viếng. 

Có thí chủ nào phát tâm xây dựng sālā trong chùa để chư Tăng sinh hoạt thì sau khi xây dựng xong làm lễ lạc thành, hãy làm nghi thức dâng hiến sālā ấy đến chư Tăng.

Trước hết phải trang hoàng trần thiết ngôi sālā ấy rồi thỉnh chư Tăng tụ họp trong sālā sau khi cắt băng khánh thành. Kế đó thí chủ đọc lời tác bạch cúng dường sālā ấy đến Tăng, như sau:

Mayaṃ bhante imaṃ sālaṃ kāretvā cātuddisassa saṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ sālaṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.

Bạch đại đức tăng, chúng con xây cất ngôi giảng đường (trai đường, khách đường) này, xin dâng hiến đến tứ phương Tăng. Lành thay bạch đại đức Tăng, xin Tăng nhận lãnh ngôi giảng đường (trai đường, khách đường) này cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba. 

Sau khi nói lời tác bạch, thí chủ làm nghi thức hiến cúng bằng cách rót nước vào tay của vị trưởng lão cao hạ nhất ở đấy, biểu hiện cúng dường đến tận tay chư tăng.

Xong nghi thức ấy vị trưởng lão sẽ thuyết pháp khích lệ, tán dương và tùy hỷ công đức của thí chủ.

Kế đến chư Tăng đọc kinh phúc chúc cho thí chủ thành tựu an vui.

Sau cùng thí chủ đọc kinh hồi hướng phước báu.

Dứt nghi thức cúng dường hội trường

IV.17. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG NGÔI CHÁNH ĐIỆN 

Chánh điện hay đại diện (mahāvihāra) là nơi chính yếu trong ngôi chùa, nơi để thờ Phật và là địa điểm sīmā để chư Tăng làm các Tăng sự như phát lồ, tự tứ ...

Khi Đức Thế Tôn hiện tiền, trong chùa không có chánh điện thờ Phật, mà nơi chính yếu trong chùa là bố tát đường (uposathāgāra), chỗ khaṇḍasīmā làm các Tăng sự. Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, mỗi chùa có thêm một nơi điện thờ, nhưng thường thì lấy bố tát đường làm điện thờ Phật luôn, và gọi bố tát đường là chánh điện.

Nếu có người cư sĩ nào là thí chủ đứng ra xây dựng ngôi chánh điện mới, hoặc đại trùng tu ngôi chánh điện, sau khi hoàn thành thỉnh chư Tăng để hiến cúng ngôi chánh điện ấy.

Trong ngày lễ lạc thành, sau nghi thức hành chánh cắt băng khánh thành xong, thỉnh chư Tăng nhập điện, thí chủ đảnh lễ chư Tăng và tác bạch hiến cúng ngôi chánh điện, như sau:

Mayaṃ bhante imaṃ uposathāgāraṃ kāretvā uposathapavāraṇādisaṅghakammakaraṇatthāya cātuddisassa bhikkhusaṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ uposathāgāraṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.

Bạch đại đức tăng, chúng con đã xây dựng ngôi bố tát đường này, xin hiến cúng đến tứ phương Tăng để làm Tăng sự bố tát, tự tứ vân vân ... Lành thay bạch đại đức tăng, ngưỡng mong chư Tăng lãnh nhận ngôi bố tát đường này cho chúng con được sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba. 

Sau khi nói lời tác bạch, thí chủ làm nghi thức hiến cúng bằng cách rót nước vào tay của vị trưởng lão cao hạ nhất ở đấy, biểu hiện cúng dường đến tận tay chư tăng.

Xong nghi thức ấy, vị trưởng lão sẽ thuyết pháp khích lệ, tán dương và tùy hỷ công đức của thí chủ.

Kế đến chư Tăng đọc kinh phúc chúc cho thí chủ thành tựu an vui.

Sau cùng, thí chủ đọc kinh hồi hướng phước báu.

Dứt nghi thức cúng dường ngôi chánh điện

IV.18. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG THUỐC TRỊ BỆNH

Ngoài dược phẩm chữa bệnh (gilānapaccaya) còn có các thứ như sữa tươi (khīra), sữa đặc (sappi), sữa chua (navanīta), dầu mè (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇita), cũng được kể là bhesajja (thuốc) bởi vì chư Tăng không ăn vật thực phi thời nên buổi chiều có thể bị bệnh đói lả hay suy dinh dưỡng, nếu có dùng sữa, dầu mè v.v... sẽ ngăn ngừa bệnh suy dinh dưỡng ấy.

Người cư sĩ dâng thuốc trị cho chư Tăng bị bệnh đau, hay là dâng các món thuốc đói vào buổi chiều, đều gọi là cúng dường thuốc (bhesajjaṃ).

Thí chủ đem món thuốc nào đó đến chùa, sau khi đảnh lễ chư Tăng, hãy đọc lời tác bạch cúng dường thuốc như sau:

Mayaṃ bhante imaṃ bhesajjaṃ idh’ ānetvā bhikkhusaṅghassa dema. Sādhu bhante bhikkhusaṅgho imaṃ bhesajjaṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.

Bạch đại đức tăng, chúng con đem món thuốc này đến dâng cúng tỳ kheo Tăng. Lành thay, bạch đại đức Tăng, mong chư Tăng thọ nhận món thuốc này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Sau lời tác bạch, thí chủ dâng cúng món thuốc ấy đến tận tay chư Tăng.

Tăng thọ nhận xong, đọc kinh phúc chúc phước báu đến thí chủ.

Thí chủ hoan hỷ bằng tiếng Sādhu sādhu, lành thay, rồi tụng hồi hướng phước.

Dứt nghi thức cúng dường thuốc trị bệnh.

IV.19. NGHI THỨC CÚNG DƯỜNG TỨ SỰ

Tứ sự, hay bốn món vật dụng, tứ vật dụng (catu-paccaya), là y phục, vật thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh (cīvarapiṇḍapātasenāsanagilānapaccayabhesajja).

Trường hợp thí chủ làm phước một lúc có đủ bốn món vật dụng, hoặc làm phước phương tiện tịnh tài để giao người hộ tự mua sắm tứ sự khi chư Tăng cần, thì có thể tác bạch cúng dường tổng quát như sau:

Mayaṃ bhante ime cattāro paccaye idh’ ānetvā saṅghassa dema. Sādhu bhante saṅgho ime cattāro paccaye paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.

Bạch đại đức Tăng, chúng con đem tứ sự này dâng đến chư Tăng. Lành thay, bạch đại đức Tăng, xin chư Tăng nhận lãnh tứ sự này cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.

Sau lời tác bạch, thí chủ dâng món gì trong tứ sự tượng trưng, đến tận tay chư tăng.

Tăng thọ nhận xong, đọc kinh phúc chúc phước báu đến thí chủ.

Thí chủ hoan hỷ bằng tiếng Sādhu sādhu, lành thay, rồi tụng hồi hướng phước báu.

Dứt nghi thức cúng dường tứ sự

IV.20. NGHI THỨC ẤN TỐNG KINH SÁCH

Ngoài sự cúng dường vật chất nhu cầu cho đời sống chư Tăng để tạo "phước vật", người cư sĩ muốn tạo "phước trí" phải thiền định, học pháp, nghe pháp, đàm luận Phật pháp; thêm nữa là hoan hỷ với trí tuệ của người khác, tạo điều kiện giúp người khác tiến hóa trí tuệ, làm như thế cũng là tạo nhân sanh phước trí cho mình ở hậu lai. Gọi là việc tạo điều kiện giúp người khác tiến hóa trí tuệ, tức là ủng hộ các vị Tăng tu học, giảng dạy, dịch thuật kinh sách; hoặc mua hoặc in kinh sách (kinh cao sách chánh) như tam tạng và sách chú giải tam tạng, để ấn tống. 

Khi thí chủ bỏ tiền ra để in kinh sách hoặc mua kinh sách, nhất là tam tạng và chú giải, rồi hiến tặng đến chùa nào chưa có để chư Tăng trong chùa có tài liệu tham cứu tu học. Hãy làm theo nghi thức như vầy:

Tất cả sách tam tạng và chú giải phải được bài trí trên một hoặc nhiều chiếc bàn kê đối diện chư tăng, vừa tầm nhìn, không quá cao không quá thấp hơn chỗ ngồi của chư Tăng (vì kinh sách là pháp bảo), trần thiết trang trọng chỗ đặt kinh sách đó. Có thể cử hành lễ này ở trong chánh điện hay trong giảng đường.

Khi chư Tăng đã quang lâm và an tọa thí chủ đảnh lễ chư Tăng rồi nói lên vài lời trình duyên sự để chư Tăng được rõ, xong rồi thí chủ tác bạch cúng dường như sau:

Mayaṃ bhante imaṃ saparivāraṃ tepiṭakaganthaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ cātuddisassa bhikkhusaṅghassa onojayāma. Sādhu no bhante bhikkhusaṅgho imaṃ saparivāraṃ tepiṭakaganthaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ paṭiggaṇhātu amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya hitāya sukhāya. Dutiyampi. Tatiyampi.

Bạch đại đức tăng, chúng con xin hiến cúng kinh điển tam tạng cùng với sách phụ chú này có nghĩa văn cụ túc thanh tịnh, xin dâng đến tứ phương tỳ kheo Tăng. Lành thay bạch đại đức Tăng, ngưỡng mong chư Tăng lãnh nhận kinh điển tam tạng cùng với sách phụ chú này có nghĩa văn cụ túc thanh tịnh, cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì. Lần thứ ba. 

Sau lời tác bạch dâng cúng, thí chủ quì lên rót nước vào tay vị trưởng lão cao hạ nhất để biểu hiện sự hiến cúng tận tay chư tăng. Vì kinh điển như là tài sản văn hóa nên không thể dâng như cách cúng dường vật dụng.

Một nghi thức khác, nếu thí chủ có làm vi bằng hiến cúng tam tạng, thì sau lời tác bạch, thí chủ quì lên dâng tấm vi bằng ấy đến tận tay vị trưởng lão chứng minh, vậy cũng xem như là dâng cúng trọn bộ kinh điển đến chư Tăng rồi.

Toàn thể chư Tăng hiện diện đồng hoan hỷ. Sādhu sādhu sādhu.

Tiếp đến, vị trưởng lão có lời đạo từ khuyến tấn cư sĩ, hoặc tán dương ân đức pháp bảo cho mọi người hoan hỷ.

Xong lời đạo từ, chư Tăng đọc kinh phúc chúc cho thí chủ thành tựu an vui. 

Kết thúc buổi lễ là phần hồi hướng công đức của thí chủ và thiện tín tham dự. 

Dứt nghi thức ấn tống kinh

IV.21. NGHI THỨC LỄ AN VỊ PHẬT

Tại tư gia người Phật tử nên có bàn thờ Phật để hằng ngày Phật tử lễ bái cúng dường ngõ hầu tăng trưởng niềm tin và trợ duyên thiện tâm tu hành. Ngoài những dịp đến chùa, khi ở nhà, người Phật tử cũng nên tinh tấn sớm hôm lễ Phật và niệm tưởng ân đức Phật.

Nơi thờ Phật phải nơi chính diện nhìn ra cửa chánh, chỗ thờ phải sáng rõ và trang trọng. Có thể thờ Phật bằng hình ảnh hay tượng cốt. 

Người cư sĩ có thể tự mình tôn tạo nơi thờ Phật vẫn thành tựu phước báu an vui nhờ niềm tin và tâm thành. Tuy nhiên, để tạo ấn tượng mạnh cho lòng tin, khi tôn tạo nơi thờ Phật tại tư gia hoặc tại chùa mới dâng hiến đến giáo hội, người cư sĩ nên thỉnh chư Tăng làm lễ an vị Phật. Nghi thức làm như sau:

Trang hoàng tươm tất nơi thờ Phật, đảnh lễ chư Tăng và tác bạch thỉnh chư Tăng như sau:

Idaṃ bhante buddharūpaṃ kāritaṃ buddhābhisekaṃ karotha. Idaṃ bhante buddharūpaṃ kāritaṃ buddhābhisekaṃ karotha. Idaṃ bhante buddharū-paṃ kāritaṃ buddhābhisekaṃ karotha.

Bạch đại đức tăng, đây là hình tượng Phật đã được tôn tạo, cầu xin quí ngài làm lễ an vị. Bạch đại đức Tăng, đây là hình tượng Phật đã được tôn tạo, cầu xin quí ngài làm lễ an vị. Bạch đại đức tăng, đây là hình tượng Phật đã được tôn tạo, cầu xin quí ngài làm lễ an vị.

Vị trưởng lão hướng dẫn chư Tăng tụng kinh an vị Phật. Trước nhất là chú nguyện để xác định hình Phật hoặc tượng Phật được tôn tạo:

Ukāsa imaṃ buddharūpaṃ adhiṭṭhāmi.
Dutiyampi imaṃ buddharūpaṃ adhiṭṭhāmi.
Tatiyampi imaṃ buddharūpaṃ adhiṭṭhāmi.

Tiếp theo là tụng kinh lễ bái xưng tán ân đức Tam bảo, kệ Phật lực cảm thắng, tam thập độ v.v... 

Dứt thời kinh, các cư sĩ thọ qui giới, làm lễ trai tăng, thỉnh tụng kinh cầu an; hoặc thỉnh thuyết pháp trước lễ trai tăng, lễ cầu an càng tốt.

Khi hoàn mãn khóa lễ, các cư sĩ hồi hướng phước báu đã làm.

Dứt nghi thức an vị Phật.

IV.22. NGHI THỨC LỄ NHIỄU PHẬT 

Nhiễu hay nhiễu hành, tiếng phạn gọi là padakkhiṇakaraṇa, là một nghi thức bày tỏ sự cung kính, sự thương yêu, sự quí trọng. Người vợ hay chồng bày tỏ sự thương yêu với người chồng hoặc vợ, trước khi đi khỏi nhà, họ nhiễu quanh vợ hay chồng; người con nhiễu quanh cha mẹ để tỏ lòng thương kính; người học trò kính trọng nhiễu quanh thầy. Một đệ tử cư sĩ sau khi nghe pháp xong, đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh Ngài rồi ra về như trong kinh thường mô tả: utthāyāsanā bhagavantaṃ abhivāde-tvā padakkhiṇaṃ katvā pakkāmi ...

Nhiễu hành, là một phong tục đã có từ ngàn xưa trước và trong thời Đức Phật. Cho đến ngày nay tại các xứ Phật giáo, các tín đồ vẫn còn giữ tập tục ấy, nhưng chỉ để biểu lộ sự cung kính đối với nơi tôn nghiêm thờ Phật thôi. Và đó trở thành một nghi lễ trong Phật giáo. 

Lễ nhiễu Phật có nghi thức là người Phật tử đi ba vòng ngôi chánh điện, hoặc ngôi bảo tháp xá lợi, hoặc tượng đài Phật lộ thiên, đi vòng phía hữu, theo chiều kim đồng hồ.

Khi nhiễu Phật, mọi người chắp tay hoặc cầm hương hoa hay cúng phẩm, mắt nhìn xuống phía trước, không ồn ào, không vội vã; nếu ít người hành lễ thì đi thành hàng một, nếu nhiều người thì đi hàng đôi, hàng ba ...

Người Phật tử đi nhiễu Phật trong sự im lặng với tâm niệm tưởng ân đức Phật, hoặc vừa đi vừa tụng kệ tán dương Đức Phật, hoặc tụng kệ dâng y càsa v.v... 

Nghi thức nhiễu Phật được cử hành trong các lễ hội như lễ Māghapūjā (Rằm tháng Giêng), lễ Vesā-khapūja (Rằm tháng tư), lễ Kaṭhina (dâng y càsa), và các lễ khác như lễ rước Xá Lợi, lễ rước pháp bảo; ở Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào ... người ta cử hành nhiễu Phật cả trong các lễ xuất gia nữa.

Dứt nghi thức lễ nhiễu Phật.

DỨT CHƯƠNG IV

[1] Người nữ xin qui y thì đọc “Yā’ haṃ”. 

[2] Nếu là nữ thì đọc “Tassā me”. 

[3] Nếu sám hối với 2-3 vị sư thì nói “ayyā...paṭiggaṇhantu”. Nếu là Tăng từ 4 vị sắp lên thì nói “Saṅgho ... paṭigganhātu”.

[4] Đối với 2-3 vị sư thì nói “Bạch chư đại đức”. Đối với Tăng từ 4 vị sắp lên thì nói “Bạch đại đức tăng”. 

[5] Nếu là nữ thì nói “Esā’haṃ”

[6] Là cận sự nữ thì nói “Upāsikaṃ”

[7] Nói với nhiều vị “Ayyā dhārentu”. Với Tăng thì là “Saṅgho dhāretu”. 

[8] Thay đổi tùy theo “bạch chư đại đức” hay “Bạch đại đức tăng”. 

[9] Hoặc “cận sự nữ”, nếu người xin qui y là nữ. 

[10] Nếu nhiều cư sĩ đồng thọ giới thì đọc “Mayaṃ ... chúng con” 

[11] Nếu dùng chủ từ Mayaṃ thì đổi động từ là yācāma”

[12] Nếu là nữ cư sĩ thì đọc uposathikā. 

[13] Nếu chỉ có một y tắm mưa thì nói “imaṃ vassikasātikaṃ”, lá y tắm mưa này. 

[14] Nếu dâng cúng đến 2, 3 vị tỳ kheo thì nói “āyasmantānaṃ dema”, dâng cúng đến quí ngài.

[15] Đối với 2,3 vị tỳ kheo thì nói “āyasmantāto ... paṭiggaṇhantu”, mong quí ngài nhận lãnh. Đối với mội vị tỳ kheo thì nói “āyasmā paṭiggaṇhātu”, mong ngài thọ lãnh.

[16] Nếu dâng nhiều y thì đổi lại là “Imāni cīvarāni”. Nêu tên cúng phẩm chung chung là “Imaṃ cīvaraṃ (y này) cũng được; bằng như muốn nêu rõ tên cúng phẩm cũng được. Có 11 thứ y, tên gọi như vầy:

1- Y Tăng già lê (saṅghātiṃ) 
2- Y uất đà la tăng, y vai trái (uttarasaṅgaṃ)
3- Y an đà hội, y nội (antaravāsakaṃ)
4- Tam y (ticīvaraṃ)
5- Tọa cụ, y trải ngồi (nisīdanaṃ)
6- Ngọa cụ, y trải nằm (paccattharanaṃ)
7- Khăn lau mặt (mukhupuñcanacoḷaṃ)
8- Y phụ (parikkhāracoḷaṃ) 
9- Vải lọc nước (parissāvanaṃ)
10- Vải băng ghẻ (kaṇḍuppaṭicchādiṃ)
11- Y đặc biệt (accekacīvaraṃ). 

Chương Phụ Lục. Các Vấn Đề Cần Biết

VẤN ĐỀ THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Người Á-Đông thường có tục lệ thờ cúng, không phải chỉ thờ cúng ở đình, chùa, miếu mạo, mà họ thờ cúng ngay ở nhà nữa. Tục lệ thờ cúng là một mỹ tục, nhưng nếu không hiểu biết và không làm đúng ý nghĩa thì trở thành hình thức mê tín. Phật giáo gọi hình thức mê tín ấy là giới cấm thủ (sīlabatupādāna).

Ý nghĩa thờ cúng là một mỹ tục khi mà sự thờ cúng ấy nhằm để biểu lộ sự tôn kính, sự ngưỡng mộ, và sự biết ơn. Người Phật tử thờ Đức Phật vì lòng tôn kính một Đấng giác ngộ đã vạch ra con đường giác ngộ cho chúng sanh thực hành thoát trầm luân; quần chúng thờ một vị vua hay vị tướng vì ngưỡng mộ một đấng anh hùng đã làm lợi ích cho nước nhà; con cháu thờ tổ tiên ông bà cha mẹ vì lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc đã sanh thành ra mình ...

Nếu việc thờ cúng vì tin rằng thờ bái vật linh thiêng sẽ phù trợ, thì đó là hình thức mê tín. Người Phật tử chơn chánh không thờ cúng với quan niệm như vậy.

Về hình thức thờ cúng ở tư gia: Đối với người Phật tử chỉ nên dựng lập hai bàn thờ là bàn thờ Đức Phật (người Phật tử Nam Tông chỉ thờ duy nhất hình hoặc tượng Phật Thích Ca, vì là bậc Đạo Sư mình qui y), bàn thờ tổ tiên (ông, bà, cha, mẹ hay người thân đã quá vãng). Vị trí thiết lập bàn thờ là ở nơi trịnh trọng nhất trong nhà, có thể là nơi nhà giữa, hay nơi phòng khách, hoặc nơi một căn phòng riêng biệt, bàn thờ Phật nên đặt cao hơn bàn thờ tổ tiên.

Việc bài trí bàn thờ: Trên bàn thờ Phật chỉ nên đặt một lư hương, đôi đèn, một bình hoa tươi, có thể thiết kế thêm đèn bóng cho sáng. Trên bàn thờ tổ tiên cũng bày biện như ở bàn thờ Phật và có thể thêm một đĩa quả tử (đĩa rộng để chưng trái cây). Phật giáo Nam Tông không sử dụng pháp khí chuông mỏ, nên người Phật tử Nam Tông không thờ chuông mỏ trên bàn thờ. 

Nghi lễ cúng bái: Trong nhà đã có lập nơi thờ phượng, nhất là có thờ Phật, người Phật tử nên cúng bái hằng ngày hai thời - sáng và chiều tối. Theo nghi lễ sau đây: 

- Cúng dường hoa tươi (ít nhất mỗi tháng hai lần, ngày rằm và 30); hoặc chưng bình hoa vải, hoa nylon cũng được.

- Mỗi sáng tối dâng hương, thắp ba nén hương trên mỗi chỗ thờ. 

- Những lúc dâng hương đăng, đảnh lễ Phật 3 lạy (lạy thứ nhất tác ý kỉnh lễ Đức Thế Tôn bậc đã tự giác ngộ; lạy thứ hai tác ý kỉnh lễ giáo pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn; lạy thứ ba tác ý kỉnh lễ tăng chúng bậc thừa hành giáo pháp của Đức Thế Tôn).

Nếu trong gia đình thuận dòng tu tập thì mỗi tối hoặc sáng, các Phật tử trong gia đình họp lại tụng kinh lễ bái Tam bảo và những bài kinh quán tưởng tu tập.

Vào những dịp tổ chức lễ tại tư gia như chúc thọ, cầu an, trai tăng, giỗ kỵ ... có thỉnh Tăng về nhà để cúng dường, thì trang hoàng bàn thờ, dâng hương đăng hoa quả, sau đó mới làm nghi thức cúng dường Tăng.

Người Phật tử Nam Tông chỉ cúng dường trên bàn thờ Phật những cúng phẩm là nhang, đèn, bông hoa, dầu thơm, tuyệt nhiên không bày cúng thức ăn trên bàn thờ Phật.

Nói tóm lại, người Phật tử thờ phượng Đức Phật tại tư gia với tâm niệm tỏ lòng kính ngưỡng, và cũng để gợi nhắc mình phải noi gương lành của Đức Phật; việc thờ cúng phải có ý nghĩa đúng với chánh kiến tu tập, không nên làm theo sự mê tín dị đoan. 

VẤN ĐỀ LỄ NGHI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Người Phật tử là cư sĩ tại gia, cần phải có lễ nghi phù hợp với vai trò của mình.

Khi người Phật tử tiếp xúc xã giao với xã hội bên ngoài, hãy làm theo lễ nghi phổ thông mà người ta thường làm, như bắt tay, khoanh tay gật đầu, bái xá v.v... người Việt Nam ta không lễ nghi chào với hình thức tiêu biểu nhất định, tùy theo trình độ văn hóa mỗi người.

Khi người Phật tử tiếp xúc với người đồng đạo thì nên có lễ nghi tôn giáo, hình thức đẹp nhất là chắp tay xá chào. Hình thức này vẫn thường thấy phổ thông ở các xứ Phật giáo như Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào v.v... dân chúng gặp nhau chào nhau bằng cách chắp tay xá. Người Phật tử không nên câu nệ cho rằng chắp tay xá người thế tục e đứt tam qui có tội; đó chỉ là nghi thức xã giao chẳng có lỗi gì. Phật tử gặp nhau nên chắp tay chào nhau, hoặc khi có người chắp tay chào mình thì mình phải chắp tay chào đáp lễ; Như vậy mới phải phép.

Khi người Phật tử gặp gỡ chư Tăng, có thể áp dụng một trong bốn nghi lễ tôn kính sau đây:

1- Đảnh lễ (Abhivāda), có ba cách là quì lạy với năm thể chạm đất, ngồi chồm hổm lạy, ngồi xếp chân cúi đầu lạy. Người cư sĩ đảnh lễ chư Tăng khi đến chùa và khi chư Tăng đến nhà; nhưng không nên đảnh lễ lúc vị tỳ kheo đang nằm ngủ hoặc vị ấy đang bận rộn làm việc, hoặc vị ấy chưa mặc y tề chỉnh.

2- Đứng dậy tiếp đón (Uṭṭhāna), cử chỉ đứng lên khỏi chỗ ngồi khi thấy vị tỳ kheo đang đi đến. Nghi lễ này được áp dụng ở mọi nơi mọi lúc; người Phật tử đang ngồi trong nhà hoặc tại trạm xe hoặc nơi họp hội công cộng khi thấy vị tỳ kheo đến gần thì biểu lộ sự cung kính bằng cách đứng lên, không cần đảnh lễ. Như vậy cũng gọi là phải lẽ.

3- Chắp tay xá chào (Añjalīkamma), cử chỉ chắp tay hướng về vị tỳ kheo đứng trước mặt. Nghi lễ này cũng có thể áp dụng ở mọi lúc mọi nơi; người Phật tử đến chùa gặp chư Tăng đang trong tình trạng làm việc hoặc không mặc giáo phục, người ấy đều có thể chắp tay xá chào; thậm chí gặp chư Tăng nơi công cộng, người ấy cũng có thể chắp tay chào mà không cần đảnh lễ.

4- Tỏ thái độ lịch sự (Sāmīcikamma), biểu lộ cử chỉ lịch sự ngoài ba nghi lễ trên. Trường hợp này rất dễ thực hiện trong mọi hoàn cảnh; người Phật tử khi đang đi trên xe thuyền, đang xách, mang, khuân, vác ... không rảnh tay để xá chào đảnh lễ nếu gặp vị tỳ kheo, lúc ấy chỉ cần gật đầu chào, hay mắt nhìn với vẻ tươi cười, hay thốt lời chào hỏi ân cần, hoặc nhường bước ... đó cũng là cách biểu hiện sự cung kính. 

Nói tóm lại, lễ nghi của người Phật tử tất nhiên phải có, vì người Phật tử là người đạo đức, mà người đạo đức là người có văn hóa, lễ nghi là một trong những hình thức văn hóa. Tuy nhiên, có lễ nghi nhưng không quá câu nệ thái quá đến nỗi gây cho người khác cái nhìn khó chịu; phải biết uyển chuyển thực hiện lễ nghi đúng thời hợp lẽ. Sự cung kính hay thái độ lịch sự là xuất phát từ tâm lành mà ra.

VẤN ĐỀ TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ 

Trang phục của người cư sĩ có kiểu mẫu đa dạng, tùy theo thời đại, tùy theo dân tộc tính.

Người Phật tử trong sinh hoạt xã hội, trang phục tùy thích, sao cũng được. Nhưng đừng quá lố, bất xứng với tư cách đạo đức, hạnh kiểm của một Phật tử tục gia; không để cho người khác cười chê và đánh giá thấp đạo đức của mình. Như vậy là tốt rồi.

Nói về trang phục của người Phật tử trong sinh hoạt tôn giáo, khi đến chùa, khi gặp gỡ tiếp kiến chư Tăng. Đức Phật không có một qui chế nào về trang phục của các cư sĩ. Nhưng hãy thử hình dung cách quan niệm về trang phục của những vị thánh cư sĩ thời Đức Phật khi họ đến chùa, thì từ đó suy ra được nguyên tắc căn bản về trang phục của Phật tử trong sinh hoạt tôn giáo.

Ngày nọ, bà Visākhā sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe pháp, bà đang trang phục với chiếc áo choàng nạm ngọc quí giá, sang trọng cực kỳ. Nhưng lúc đến cổng chùa bà chợt nghĩ "Trước mặt Đức Thế Tôn mà ta trang phục rực rỡ như thế này thật không thích nghi". Nghĩ vậy bà cởi chiếc áo choàng quí giá ấy và gói lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ, rồi mới vào chùa đảnh lễ Đức Phật và nghe pháp.

Người Phật tử trang phục nên biết một số nguyên tắc sau đây: 

Khi ra ngoài xã hội vẫn có thể mặc theo model thời trang, nhưng: 

- Không quá lố lăng, làm ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức.
- Không quá lòe loẹt màu sắc, làm cho người khác có ấn tượng khó chịu.

Khi đến chùa, tiếp xúc với chư Tăng, mặc dù không bắt buộc trang phục hình thức nào, nhưng người Phật tử:

- Nên trang phục lịch sự kín đáo
- Nên trang phục giản dị hòa hài
- Nên trang phục sạch sẽ trang trọng. 

Có câu nói "Nhìn trang phục biết tư cách"; quả thật vậy, người trang phục lịch sự kín đáo là người biết tự trọng; người trang phục giản dị hòa hài là người dễ dải cởi mở; người trang phục sạch sẽ trang trọng là người biết tôn trọng người khác.

Tóm lại, sự trang phục chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng người Phật tử cũng nên chú ý cách ăn mặc của mình sao cho phù hợp với cương vị người tu hiền, giữ được phẩm chất đạo đức, không gây trở ngại cho việc tu tập. Như vậy là phải lẽ.

VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ 

Ngôn ngữ là phương tiện thông tin, phương tiện giao tiếp. Ngoài hai ý nghĩa trên, ngôn ngữ theo Phật giáo còn là tác nhân hình thành nghiệp quả (khẩu nghiệp) đưa đến an vui hoặc đau khổ nữa. 

Dùng ngôn ngữ nếu biết cẩn trọng sẽ đem lại lợi lạc, bằng như ngôn ngữ bừa bãi sẽ mang đến tai ương. Người Phật tử cần phải tu tập khẩu nghiệp, cũng như tu tập thân nghiệp và ý nghiệp vậy. 

Có năm loại ngôn ngữ gọi là thiện ngôn (subhāsita) mà người Phật tử nên áp dụng trong sinh hoạt giao tiếp và thông tin:

1- Nói hợp thời (Kālena bhāsitā) là nói đề tài hợp với hoàn cảnh, đúng lúc, đúng người; dù nói thiện pháp nhưng phi thời cũng không hay. Người Phật tử phải biết lúc nào nên nói gì; nếu thấy nói không hợp thời thì thà rằng giữ im lặng.

2- Nói chân thật (Sacca bhāsitā), là nói lời thật, nói đúng sự thật, chuyện có nói có, chuyện không nói không. Người Phật tử không nói dối, không nói sai sự thật; nếu thấy nói thật sẽ gây bất lợi có thể làm hại mình hại người thì nên im lặng, hoặc nói lảng chuyện khác khi không thể im lặng.

3- Nói nhã nhặn (Saṇha bhāsitā), là nói lời thiện cảm, lời nói làm cho người nghe thông cảm đến tim. Người Phật tử khi nói chuyện xã giao nhất là khi tiếp xúc với chư Tăng, nên dùng cam ngôn mỹ từ, nói chuyện nhã nhặn, không nên thô lổ, to tiếng, dù gặp chuyện bất bình cũng thế. 

4- Nói hữu ích (Atthasañhita bhāsitā), là nói những đề tài liên hệ lợi ích thiết thực. Người Phật tử phải tu dưỡng tâm trí, vì vậy nếu có nói chuyện với ai chỉ nên nói chuyện gì đáng nói để không làm mất thời giờ làm việc hay thời giờ tu dưỡng. Ngoài xã hội thì nên nói điều lành mạnh có lợi ích trong sinh hoạt cuộc sống; khi vào chùa thì nên bàn luận điều thiện có lợi ích tiến hóa về tri kiến tu tập. 

5- Nói với từ tâm (Mettācitta bhāsitā), là nói với tâm hiền thiện mát mẻ, không sân giận, độc hiểm. Người Phật tử khi tiếp xúc, nên có ý niệm "Mong tâm ta luôn mát mẻ, trong hoàn cảnh nào cũng nói bằng tâm từ không bằng tâm sân"; cho dù lúc quở trách người khác lầm lỗi cũng chỉ nên nói với ý tốt, xây dựng nhau, và giúp nhau tiến hóa thôi.

Đó là năm hình thái ngôn ngữ mà người Phật tử nên biết và áp dụng trong cuộc sống giao tiếp; khi tiếp xúc với chư Tăng là đối tượng khả kính thì người Phật tử cần phải ngôn ngữ thích hợp và tốt đẹp hơn nữa để không mắc lỗi lầm khẩu ác nghiệp. 

VẤN ĐỀ ẨM THỰC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ 

Việc ăn uống là một trong những nhu cầu tất yếu của cuộc sống; con người phải ăn mới sống được. Triết lý đó tưởng chừng như đơn giản vậy thôi, nhưng kỳ thực vấn đề "Ăn" của loài người rất phức tạp. Loài người không như các loài động vật khác ăn thức ăn thuần túy của giống loài. Con người tự chế biến ra thức ăn, tạo thức ăn theo ý thích, theo sắc thái dân tộc, theo tư tưởng tôn giáo v.v... từ đó đã sanh ra những tệ hại, như sát phạt nhau vì miếng ăn, hoặc tranh luận nhau về cái ăn v.v... 

Ở đây chỉ bàn đến vấn đề ẩm thực trong đời sống của người Phật tử, sao cho hợp lẽ đạo và đúng nghĩa ăn để sống, sống để tu hành. Ở đây không có điểm tranh luận.

Lập trường tu tập của người Phật tử là không làm điều ác, năng hành điều thiện, thanh lọc nội tâm. 

Việc ăn uống mặc dù là nhu cầu nuôi sống nhưng không nên vì thế mà để việc ăn uống chi phối lập trường tu tập.

Người Phật tử không nên quan niệm ăn uống như là một pháp môn tu hành, mà chỉ nên biết rằng tu tập thế nào để trưởng dưỡng thiện tâm, tu tập thế nào để phát triển trí tuệ ... để đem lại an lạc, phá tan phiền não, chấm dứt mọi khổ đau.

Về vấn đề ẩm thực, người Phật tử cần biết những nguyên tắc sau đây:

1- Ăn uống tiết độ. Tức là ăn uống có chừng mực, vừa phải, để cho thân được nhẹ nhàng và không mất nhiều thời gian tu tập thiền định.

2- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Tức là ăn uống những thức ăn thức uống hợp với thể tạng; không ăn những thức ăn khó tiêu, những thức ăn có nhiều độc tố, những thức ăn gây bệnh. Điều này cũng có nghĩa là người Phật tử chơn chánh không có thành kiến về thức ăn chay mặn, miễn là thức ăn không gây thân bệnh là được.

3- Ăn thức ăn không gây ảnh hưởng giới luật người tu. Điều này có nghĩa là người Phật tử không thọ dùng miếng ăn có được do sát sanh, hay do trộm cướp, hay do tà mạng bất chánh.

4- Ăn thức ăn không làm tổn giảm thiện pháp. Điều này có nghĩa là người Phật tử không ăn bằng sự tham đắm, bằng sự bận rộn tìm kiếm, bằng sự gây khó khăn cho người cấp dưỡng.

Nếu áp dụng được bốn nguyên tắc về ẩm thực như thế, người Phật tử thật sự sống an lạc và không có lỗi lầm trong việc ẩm thực.

VẤN ĐỀ HƯỞNG THỤ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ 

Người cư sĩ (gihi) là người còn hưởng dục (kāma-bhogī). Tức là hạng người còn chất chứa tài sản và thọ dụng năm món dục lạc; thưởng thức sắc, thinh, hương, vị, xúc. 

Nhưng giữa các người cư sĩ có hạng sống lương thiện, có hạng sống không lương thiện. Người Phật tử là hạng cư sĩ sống lương thiện.

Người cư sĩ lương thiện là người sống tầm cầu tài sản hợp pháp không thủ đoạn, là người biết tự nuôi dưỡng mình và cấp dưỡng người trong gia đình, là người biết san sẻ và tạo nhiều công đức.

Người Phật tử chân chính không phải chỉ là người cư sĩ sống lương thiện mà còn phải biết cách sống để đạt đến trạng thái thánh thiện, quả vị giải thoát trong tương lai nữa.

Người Phật tử cư sĩ mặc dù còn thụ hưởng tài sản, nhưng ngoài cách sống lương thiện, còn phải có những khuynh hướng nội tâm thánh thiện như sau:

1- Thọ dụng tài sản có tri túc, tức là biết đủ với những gì có được, không đua đòi quá đáng.

2- Thọ dụng tài sản không tham đắm, tức là không quá đam mê hưởng thụ, không nhiễm trước đến nỗi làm nô lệ cho tài sản.

3- Thọ dụng tài sản thấy được nguy hiểm, tức là thấy được sự nguy hiểm của các dục; ngũ trần như khúc xương, như tử thi, như đuốc rơm, như hầm lửa, như giấc mộng, như đồ tạm mượn, như trái độc, như đao kiếm, như dao thớt, như đầu rắn độc; Ngũ trần vui ít khổ nhiều, nguy hiểm càng nhiều hơn.

4- Thọ dụng tài sản có trí tuệ xuất ly, tức là có trí quán thấy luân hồi phải bị khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, các pháp hữu vi là vô thường, khổ não, vô ngã, chỉ có sự tịch diệt Níp bàn mới thật sự an lạc.

Đó là thái độ đúng đắn của một người Phật tử chí thiện, mặc dù đời sống cư sĩ còn hưởng thụ.

DỨT CHƯƠNG PHỤ LỤC

CHỮ VIẾT TẮT

(Dùng trong quyển sách này)

A: Aṅguttaranikāya, Tăng Chi Bộ Kinh
Comp: Compendiuṃ of Philosophy, Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasaṅgaha)
D: Dīghanikāya, Trường Bộ Kinh
DA: Dīghanikāya Atthakathā, Chú giải Trường Bộ Kinh.
KhA: Khuddakapāṭha Atthakathā, Chú giải tập Tiểu Tụng (của Tiểu Bộ Kinh).
S: Saṃyuttanikāya, Tương Ưng Bộ Kinh
Sn: Suttanipāta (Khuddakanikāya), Kinh Tập (thuộc Tiểu Bộ)

SÁCH THAM KHẢO

Tương ưng bộ kinh (HT Thích Minh Châu dịch)
Tăng chi bộ kinh (HT Thích Minh Châu dịch)
Tìm hiểu Phật giáo (Pháp sư Thông Kham)
Gương lành bậc xuất gia (Tỳ kheo Hộ Pháp)
Cư sĩ vấn đáp (Lê văn Giảng) 
Nghi thức và lễ giáo của Phật tử tại gia (Tỳ kheo Dũng Chí)
Kinh nhật hành (HT Hộ Tông)
Kho Tàng Pháp Học (Tỳ kheo Giác Giới)
Nền tảng Phật giáo - Cẩm nang (Tỳ kheo Hộ Pháp)

Bài viết khác