Thích Đạt Ma Phổ Giác
Con thiêu thân là con vật nhỏ bé, có cánh và có thói quen mê muội khi thấy đèn là lao vào, nó bám vào bóng đèn hoặc bay xung quanh cho đến khi nào cánh bị cháy, rơi xuống đất thì thôi. Dân gian Việt Nam mượn hình ảnh con thiêu thân để diễn tả sự ngu dốt của con người, khi quá đam mê những thói quen có hại cho mình và người khác để rồi đánh mất chính mình mà sống trong đau khổ lầm mê.
Vì nhu cầu cuộc sống, chúng ta mãi mê trong việc tìm kiếm vật chất, bất chấp những thủ đoạn đê hèn mà vô tình biến mình trở thành một con thiêu thân? Giới trẻ ngày hôm nay khi chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống nên dễ trở thành con thiêu thân mà không hay không biết.
Biết dừng lại đúng lúc hoặc khi chúng ta vấp ngã hãy từ mình đứng lên. Chúng ta có quyền đam mê để vươn lên trong cuộc sống, thiếu đam mê con người ta không làm gì được….đam mê trong ngu dốt sẽ biến mình thành con thiêu thân.
Tuổi trẻ ngày hôm nay hãy khát khao đến chùa để được học hỏi những điều hay lẽ phải qua sự hướng dẫn của chư Tăng, biết cách áp dụng lời Phật dạy để hoàn thiện chính mình mà giảm bớt những sai lầm đáng tiếc.
Ngày nay một số cha mẹ có ý thức đã đưa con em mình đến chùa rất sớm. Dù chúng chưa hiểu gì về Phật pháp chân chính, chưa biết tu là gì! Tuy nhiên, qua những hành động nhỏ mang tính đạo đức đã vô tình giúp cho các em gieo duyên lành với nhà chùa. Phật là người giác ngộ, Phật là người tử tế luôn giúp mọi người bình đẳng nếu ai có thiện chí muốn trau giồi đạo đức sống làm người tốt trong hiện tại và mai sau. Trẻ nhỏ được tiếp thu kiến thức về tội phước đều do mình tạo ra, hạt giống ấy huân tập từ buổi đầu khiến các em sẽ biết cách thao thức và trăn trở về những lời Phật dạy.
Trước tiên các em học biết cách phân biệt đâu là thiện, đâu là ác, đâu là tội, đâu là phước nhờ vậy khi khôn lớn trưởng thành các em sẽ biết được đúng sai, tội phước mà áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.
Hiểu được đúng sai, tội phước và biết tin sâu nhân quả thì chúng ta sẽ hạn chế rất nhiều những sai lầm đáng tiếc, nhờ vậy giảm bớt phiền muộn khổ đau mà sống an vui hạnh phúc trong từng phút giây.
Ngày xưa, khi Phật còn tại thế chàng trai Vô Não bị đầu độc bởi một niềm tin sai lầm. Nếu anh ta muốn được đạo thì phải giết 100 người, rồichặt một ngón tay làm vòng hoa để đeo đến khi đủ số. Khi anh đã giết xong người thứ 99, vì quá nôn nóng nên anh quay về nhà để tìm giết mẹ mình. Phật biết được sự việc sắp xảy ra, Ngài dùng thần thông hiện ra trước mặt anh đi chậm rãi khoan thai như không có chuyện gì, chàng Vô Não muốn đến gần mà không sao rượt đuổi kịp. Tức quá chàng ta la lên, này ông Cồ Đàm hãy dừng lại. Phật bảo ta đã dừng lại từ lâu rồi, ngươi có biết chăng? Cồ Đàm dừng lại chỗ nào, ta thấy Ngài vẫn còn đang đi. Ta đã không còn suy nghĩ ác, nói lời ác và hành động ác nữa, còn ngươi mới là người đang tạo vô số nghiệp ác. Ngay câu nói này, chàng Vô Não liền thức tỉnh và quỳ xuống xin Phật chỉ dạy. Phật nói về nhân quả tội phước, cuối cùng chàng traiấyxin được quy y với Phật và xuất gia tu hành cuối cùng chứng quả A la Hán nhưng vẫn bị mọi người mắng chửi và quăng đá mỗi khi gặp Ngài.
Xưa và nay vẫn có nhiều con thiêu thân lao mình vào bóng đèn vì không tin sâu nhân quả, vì quá tham lam, vì niềm tin mù quáng mà ta dễ mắc phải những sai lầm. Chúng ta có thể vì cơm áo gạo tiền để lo cho mình cùng gia đình người thân mà sát sinh hại vật, lừa gạt người khác.
Niềm tin và lý tưởng sống không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, thế cho nên một niềm tin mù quáng, một chính sách sai lầm sẽ làm suy đồi nhân cách đạo đức cả một thế hệ tương lai. Chúng ta không phải là kẻ giết người như chàng Vô Não kia, nhưng chúng ta sai lầm vì đam mê hưởng thụ quá đáng, ỷ lại vào gia đình người thân, lười biếng, dựa dẫm, cầu xin hoặc thần Thánh hóa sự linh thiêng mầu nhiệm mà tự đánh mất chính mình. Rất mong mọi người hãy tự suy xét và chiêm nghiệm khi muốn làm việc gì, để không làm những con thiêu thân của thế kỷ thứ 21. Thế kỷ của những con người vì lợi ích tha nhân, với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến.