Phật Học Vấn Đáp (TVHS)

Phật Học Vấn Đáp (TVHS)

Mục lục

  1. Đầu năm bàn luận phật pháp với một người phương tây
  2. Đấng sáng tạo, quyền năng tuyệt đối
  3. Giải đáp những nghi vấn liên quan đến pháp môn tịnh độ
  4. Những điểm khác biệt quan trọng với tôn giáo khác
  5. Quan điểm của phật giáo về tự sát
  6. Phật học vấn đáp duy thức học phần thứ 8
  7. Quán chiếu duyên nghiệp để nhẹ lòng hơn
  8. Phật tử có được buôn bán thực phẩm “mặn”
  9. An lạc tức khắc
  10. Ưu tư về hỏa táng, cách rải tro cốt và thờ cúng
  11. Hỏa táng
  12. Biệt nghiệp và cộng nghiệp
  13. Biệt nghiệp và cộng nghiệp (giáo sư minh chi)
  14. Cõi cực lạc có vĩnh hằng?
  15. Phải chăng cuộc đời đã lập trình sẵn?
  16. Hôn nhân khác tôn giáo
  17. Quan niệm sai lầm về thân trung ấm
  18. Phát huy chánh kiến trước những luận điệu xuyên tạc đạo phật
  19. Bị đổ nghiệp
  20. Có nên cho trẻ nhỏ quy y?
  21. Thiền hay tịnh tốt cho phút lâm chung?
  22. Địa ngục có thật không?
  23. Ý nghĩa sắc tức thị không
  24. Hương linh có bị đoạ địa ngục?
  25. Đức phật a di đà, tây phương tam thánh có tiếp dẫn người tu không?
  26. Người chết bất đắc kỳ tử, thì nghiệp quả sẽ ra sao?
  27. Ý nghĩa của hai chữ lăng nghiêm và nguyên nhân nào phật nói chú lăng nghiêm.
  28. Tụng kinh cầu siêu thì có siêu được không?
  29. Làm gì khi chúng ta gặp thị phi?
  30. Nghịch duyên và tình huống xuất gia
  31. Con cái và cha mẹ ở kiếp này có duyên nợ gì với nhau?
  32. Niệm phật vãng sanh
  33. Lạy phật cách nào đúng
  34. Bảy cách lễ phật
  35. Đưa ông táo về trời
  36. Hiên tượng phật sống, và làm sao để thấy được một vị phật hay bồ tát?
  37. Hồi hướng công đức
  38. Cầu nguyện và hồi hướng có tác dụng không?
  39. Viên tịch và tân viên tịch
  40. Khi chết ngũ uẩn diệt theo như vậy nếu chết mà diệt hết thì thoát khỏi nghiệp chăng?
  41. Sự thật về cúng cô hồn vào mùng 1 & 15 hàng tháng
  42. Sư tu theo truyền thống phật giáo nào?
  43. Xuất gia – nên hay không?
  44. Sau khi chết xác thân chỉ là đất
  45. Ăn chay nhưng phải nấu mặn cho chồng con
  46. Linh hồn người chết đi về đâu?
  47. Ăn chay có thể ăn trứng được không?
  48. Luật nhân quả có bất công hay không?
  49. Chánh mạng của người xuất gia
  50. Bái sám, lễ lạy có diệt được tội không?
  51. Có phải phật giáo cũng tin có quỷ, thần mơ hồ hay không?
  52. Khi thần tượng sụp đổ
  53. Làm thế nào để định tâm không bị ảo giác khi huyệt đạo bị mở do tu theo nhân điện?
  54. Bố thắc mắc mong được giải đáp
  55. Quan điểm của đạo phật về “tháng cô hồn”
  56. Người xuất gia có được tham dự, bàn luận chuyện chính trị không?
  57. Ăn chay trường nhưng nấu đồ mặn có mang tội sát sinh không?
  58. Nhân quả trùng điệp
  59. Ý nghĩa & điều kiện xuất gia
  60. Thế nào là thính pháp như chánh pháp
  61. Giúp người tái duyên có bị đọa địa ngục?
  62. Người đồng tính nam có được thọ đại giới?
  63. Đạo phật và vấn đề nạo phá thai
  64. Thiên tai, động đất, sóng thần có phải do chiêu cảm của việc sát sanh và nạo phá thai?
  65. Cái nhìn phật giáo về sự phá thai và sự tha thứ
  66. Mua dâm có phạm giới tà dâm?
  67. Mười hai bộ kinh
  68. Vấn đề hộ niệm cho người sắp lâm chung
  69. Hộ niệm chỉ là trợ duyên
  70. Thiền và tịnh độ khác nhau?
  71. Ý nghĩa chơn tâm và bản tánh như thế nào?
  72. Tâm ở đâu?
  73. Làm sao để chia sẻ buồn vui với mọi người?
  74. Cầu cúng có được chăng
  75. Sự linh ứng của bồ-tát có mâu thuẫn với luật nhân quả?
  76. Vô niệm vô sanh
  77. Oan hồn có tồn tại ở bệnh viện không? làm thế nào để hóa giải?
  78. Tẩu hỏa nhập ma
  79. Tu tập xả ly phải chăng là vô cảm?
  80. Tâm ở đâu?
  81. Lạy phật cách nào đúng?
  82. Đạo nào cũng là đạo
  83. Trọng giới và “y luật xử trị” có nghĩa là gì?
  84. Đi tu lánh đời hay đương đầu với cuộc sống?
  85. Một sự ngộ nhận về luật nhân quả
  86. Làm thế nào để phân biệt chánh tà giữa rừng pháp môn phật giáo?
  87. Con ăn chay trường nhưng bác sĩ bảo ăn mặn để chữa bệnh, nên làm như thế nào?
  88. Tính không là gì? pháp môn niệm phật và kinh điển đại thừa có phải do đức phật thuyết giảng không?
  89. Hỏi đáp phật pháp: ứng dụng tu tập
  90. Nghiệp câu cá
  91. Cúng chay, đãi mặn
  92. Buddhist hybrid sanskrit
  93. Tri túc và làm giàu có mâu thuẫn không?
  94. Tu tịnh độ không phải chỉ tụng kinh vô lượng thọ
  95. Tội lỗi - hình phạt - sám hối (cư sĩ tuệ đăng)
  96. Làm sao để kiếm tìm vị thầy tâm linh?
  97. Có nên tin vào duyên số?
  98. Địa ngục là gì?
  99. Ma là gì nó ở đâu và làm cách nào để trừ ma
  100. Phật giáo giải thích thế nào về ý thức trong cây, trong đá
  101. Về thần thông, biến hóa trong đạo phật
  102. Tự tử có tội và có phạm giới sát sinh không?
  103. Làm nghề trồng lúa và cây ăn trái sử dụng thuốc giết sâu bọ và diệt cỏ dại có phạm giới sát sanh và gánh chịu quả báo không?
  104. Sau khi chết "nghiệp" đi đâu?
  105. Có nên ca hát không?
  106. Thần thức sẽ trụ nơi nào sau khi chết
  107. Không giải đóan điềm lành điềm dữ
  108. Làm sao biết một vị a la hán?
  109. Phi thân thị chơn thân phi thuyết thị chơn thuyết
  110. Xin hỏi một tăng sĩ ở chùa nuôi chó và cho chó ăn thịt sống có được không?
  111. Quan điểm của phật giáo về nguồn gốc loài người
  112. Cha ăn mặn con khát nước
  113. Đại-thừa và tiểu-thừa phái nào cao siêu hơn ?
  114. Kinh ngụy tạo (apocrypha)
  115. Nguồn gốc và ý nghĩa của lá cờ phật giáo
  116. Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà sa
  117. Cloning và phật giáo
  118. Sinh sản vô tính và đạo phật
  119. Quan niệm của đức phật với nữ giới như thế nào?
  120. Cầu siêu độ
  121. Vấn đề tự sát
  122. Tìm minh sư học đạo
  123. Vấn đề cầu siêu cúng cơm
  124. Phật giáo có chủ trương hoả táng không?
  125. Đốt vàng mã một hủ tục cần huỷ bỏ
  126. Ý nghĩa ba lạy trong đạo phật
  127. Vấn đề khất thực trong đạo phật
  128. Bói toán tử vi
  129. Địa ngục
  130. Muốn tu tập theo phật giáo, có cần phải bỏ tôn giáo của mình, chuyển qua đạo phật không?
  131. Đức phật có cứu độ chúng sinh không?
  132. Mục đích ăn chay của đạo phật
  133. Ăn chay đúng phương pháp
  134. Thầy chùa, thầy cúng hay đạo sư
  135. Tâm chân như, tâm sinh diệt
  136. Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn
  137. Nghi vấn về nguyên do đức phật niết bàn
  138. Giáo lý tứ y
  139. Thế nào là kinh liễu nghĩa?
  140. Cúng sao giải hạn
  141. Phật giáo có phải là duy vật không?
  142. Thế nào là một phật tử đúng nghĩa phật tử
  143. Vấn đề tái sanh
  144. Y kinh giải nghĩa, tam thế phật oan
  145. Xin cho biết ngồi thiền như thế nào cho đúng cách, đúng phương pháp?
  146. Hôn nhân khác tôn giáo
  147. Công đức và phước đức
  148. Buông xả
  149. Buông xả những quá khứ đau thương và thù hận
  150. Xin cho biết cách xưng hô trong đạo phật
  151. Hiến chương của giáo hội phật giáo việt nam và giáo hội phật giáo việt nam thống nhất
  152. Hiện tượng osho
  153. Tứ cú là gì?
  154. Xuất gia đi tu
  155. Đức phật giảng pháp
  156. Trì chú
  157. Thập nhị bộ kinh
  158. Năm thời thuyết pháp của đức phật.
  159. Người giác ngộ còn bị chi phối bởi luật nhân quả không?
  160. Phật giáo đại thừa là bà la môn giáo?
  161. Đối cảnh vô tâm
  162. Quan điểm của phật giáo về pháp môn niệm phật
  163. Chế ngự năng lượng tình dục
  164. Kiến bất năng cập
  165. Pháp danh bắt đầu bằng họ thích có ở việt nam từ bao giờ
  166. Xin cho biết "thiền duyệt" là gì?
  167. Có hay không "kiếp luân hồi"?
  168. Ba thứ lượng và năm phần luận trong kinh lăng già đức phật
  169. Quan điểm về nghiệp của phật giáo có sự khác biệt như thế nào so với quan điểm số mạng của nho giáo?
  170. Xin cho biết ý nghĩa chữ kinh trong đạo phật
  171. Biên kiến và sở tri chướng. xin giải thích cho tôi biết rõ về hai từ nầy?
  172. Vậy xin hỏi ban biên tập về thiền xuất hồn và phật giáo có loại thiền này không?
  173. Xin hỏi đồng bóng, đồng cốt là gì? có cách nào khuyến hóa những người thân trở về chánh pháp không?
  174. Hình ảnh phật giáo trong truyện tây du kí
  175. Điạ mẫu chơn kinh, táo quân chơn kinh, thiên địa bát dương có phải là kinh phật giáo không?
  176. Quy y qua internet.
  177. Sự khác biệt giữa hai chữ phật và chữ bụt
  178. Xin hỏi ban biên tập thế nào là nguỵ kinh và có phải kinh lăng nghiêm là kinh giả không?
  179. Xin cho biết quan điểm của phật giáo về hình phạt án tử hình
  180. Tăng đoàn là gì và một tập hợp cư sĩ có thể là một tăng đoàn không?
  181. Mục đích và ý nghĩa về lễ trai đàn chẩn tế
  182. Tăng ni trẻ và chuyện học hành
  183. Hướng dẫn và dạy cho con về đạo phật
  184. Vấn đề hôn nhân khác tôn giáo và việc giao lưu giữa phật giáo và cơ đốc giáo
  185. Xin vui lòng giải thích công án nam tuyền chém mèo.
  186. Quan điểm của phật giáo về phá thai
  187. Phật tử và những phương thức làm ăn chân chính
  188. Về giới cấm không được ca hát và xem nghe
  189. Đạo phật với vấn đề an tử
  190. Cúng dường tam bảo
  191. Tăng ni và phật tử tại gia có được kinh doanh làm giầu không?
  192. Về pháp môn quan âm của "vô thượng sư" thanh hải
  193. Trì chú chuẩn đề
  194. Xin cho biết tịnh khẩu có phải là pháp tu trong đạo phật không?
  195. Đại thừa phật giáo chấp không. chân như hay niết bàn chỉ là không không
  196. Ăn chay trường và vấn đề ăn trứng gà
  197. Tượng phật di lặc và tượng ông thần tài
  198. Làm thế nào để chữa khỏi được bệnh căng thẳng tinh thần theo phương cách của nhà phật ?
  199. Đồng tính luyến ái có thể đi vào chùa lễ phật được không?
  200. Nghĩa của sư tử hống là gì? có liên hệ gì đến lời đàm dân gian "hà đông sư tử rống" không?
  201. Xin cho biết lễ điểm đạo là gì?
  202. Bình thường tâm thị đạo
  203. Công án là gì?

ĐẦU NĂM BÀN LUẬN PHẬT PHÁP VỚI MỘT NGƯỜI PHƯƠNG TÂY

Thiền Viện Thường Chiếu | Cư sĩ Chánh Tấn Tuệ lược ghi

HỎI : Tôi là một giáo sư người Đức đã nhiều năm tìm hiểu Phật pháp. Hiện nay tôi đã về hưu và dành nhiều thời gian sống tại Việt Nam để tìm hiểu thêm về Phật pháp. Tôi thường đi chùa, tham gia xây chùa, trợ giúp một số Tăng Ni, làm từ thiện, thực hành các nghi lễ trong Phật giáo, niệm Phật. Khi niệm Phật, nhiều lúc tôi có được sự tập trung cao độ. Mặc dù vậy, tôi vẫn còn một số thắc mắc chưa giải quyết được. Thắc mắc lớn nhất của tôi là vì sao trong Phật giáo xuất hiện hai cách tu học trái ngược nhau mà có giá trị tương đương và cùng dẫn đến một cứu cánh ?

1. Chỉ thực hành một phương pháp nào đó mà không cần học hỏi thêm điều gì nữa. Như chỉ niệm một danh hiệu Phật và chỉ thế mà thôi.

2. Học hỏi Phật pháp với một tri thức rất cao. Như các bài viết và các đối đáp mang tính biện chứng cao trong Thiền tông.

Với người phương tây chúng tôi, chỉ cần học hiểu là đủ, vì sao lại phải thực hành, điều mà trong Phật giáo luôn đòi hỏi phải có ? 

ĐÁP : Câu hỏi trên sẽ dễ dàng được giải quyết, nếu ta nhìn về nó từ một cấp độ căn bản hơn. Đó là sự phân biệt giữa triết học và đạo học.

Phật học là đạo học, không phải là triết học. Đạo học không phải là triết học nhưng chúng có cùng một điểm chung là cả hai đều tìm hiểu về chân lý.

Với Phật giáo, chân lý không nằm trong ngôn từ. Nói cách khác, ngôn từ không thể diễn tả được chân lý. Tuy vậy, chân lý là cái sẵn đủ trong mỗi người. Vì thế chúng ta có thể nhận ra nó bằng sự chứng ngộ, không qua ngôn từ. Muốn chứng ngộ, cần phải tu tập. Tức phải thực hành.

Triết học, quan niệm của đa số người phương tây cho rằng ngôn từ có thể diễn tả được chân lý, nên chỉ cần học hiểu đúng chân lý là đủ.

Ta có thể phân biệt như sau: Triết học là cái học về chân lý thông qua ngôn từ. Đạo học là cái học trực tiếp về chân lý không qua ngôn từ, suy tưởng.

Với Phật giáo, cái học qua ngôn từ suy tưởng chỉ cho những hiểu biết phù hợp với chân lý, chứ không thể nhận ra chân lý y như chính nó. Bởi chân lý không nằm trong ngôn từ suy tưởng. Chính vì thế, sự hiểu biết về chân lý chỉ có tác dụng hướng dẫn chúng ta cách sống phù hợp với chân lý, nhờ đó mà có sự chứng ngộ. Đây là lý do vì sao Phật giáo luôn đòi hỏi phải có sự thực hành. Trên tinh thần ấy, trong Phật giáo xuất hiện hai hình thức tu học chính :

1. Nếu đủ niềm tin, người ta chỉ cần thực hành một phương pháp nào đó được chỉ dạy trong kinh luận một cách đúng đắn, cho đến khi đạt được sự chứng ngộ. Vì chứng ngộ là nhận ra chân lý vốn sẵn nơi chính mình, nên không cần phải học hỏi thêm một điều gì khác. Sau khi chứng ngộ, ta sẽ thực sự nhận ra chân lý.

2. Học hỏi kinh luận một cách đúng đắn và đầy đủ, ta sẽ có sự hiểu biết phù hợp với bản chất chân lý. Do hiểu mà có niềm tin. Do tin mà có sự thực hành theo chỗ hiểu của mình. Do thực hành mà có sự chứng ngộ. Do chứng ngộ mà nhận ra chân lý. Đó mới thật là chân lý.

Đến đây, ta hiểu vì sao với hai phương cách khác nhau, ta lại có cùng một cứu cánh.


HỎI : Có phương cách nào ngoài hai phương cách nói trên ?

ĐÁP : Thông thường người ta sử dụng phương cách thứ ba. Đó là kết quả của việc phối hợp hai phương cách nói trên.


HỎI : Vì sao ?

ĐÁP : Cách thứ nhất đòi hỏi hành giả phải có niềm tin vững chắc. Vì trở ngại lớn nhất trong việc tu học là NGHI. Sau một thời gian thực hành, khi gặp khó khăn, người ta dễ nghi ngờ phương pháp thực hành mà mình đang theo đuổi, không hiểu nó có dẫn đến cứu cánh hay không. Nếu niềm tin không vững, sẽ không phá được cái nghi này, và không thể đạt được mục tiêu đã định.

Với cách thứ hai, đòi hỏi người tu phải có một trình độ tri thức thật đầy đủ mới có thể tiến đến cứu cánh. Nếu tri thức chưa đầy đủ thì sau một thời gian thực hành, ta dễ rơi vào tình trạng mịt mờ, không biết tiến thoái thế nào, không biết tiếp tục đi theo đường hướng nào cho đúng, dễ đi lạc hướng và không đến được cứu cánh.


HỎI : Tôi không hề nghi ngờ Phật pháp. Tôi có niềm tin với Phật pháp.

ĐÁP : Nhưng niềm tin đó chưa đủ để ta buông bỏ tất cả, chỉ sống chết với câu niệm Phật cho đến khi chứng ngộ. Nói chung đa số chúng ta, tuy có được niềm tin và một tri thức tương đối, nhưng chưa đầy đủ. Chính vì vậy, đa số chúng ta phải vừa học, vừa thực hành. Sự kết hợp này giúp ta có được sự chứng ngộ. Nói một cách rõ ràng hơn, song song với việc học hỏi kinh luận chúng ta phải thực hành một phương pháp tu tập nào đó. Việc thực hành sẽ giúp chúng ta có những cảm nghiệm về những điều được nói trong kinh. Sự cảm nghiệm sẽ làm tăng trưởng niềm tin và giúp chúng ta có được cái hiểu đúng đắn và sâu sắc hơn đối với kinh luận. Với cái hiểu này, chúng ta sẽ tinh tấn và thực hành một cách đúng đắn hơn. Nhờ đó có được những chứng thực sâu sắc hơn ... Cứ như thế mà tiến dần đến cứu cánh.


HỎI : Người phương tây chúng tôi đề cao tư duy luận lý, nên không coi trọng trực giác. Trong khi đó, chứng ngộ là kết quả của cái học trực tiếp về chân lý, không qua ngôn từ suy tưởng. Thật khó để chúng tôi tin hiểu chỗ này. 

ĐÁP : Chứng ngộ không phải là trực giác theo cái hiểu của người phương tây. Trực giác, theo người phương tây, là một ý tưởng đột nhiên xuất hiện không thông qua sự suy tưởng. Nó có thể đúng cũng có thể sai, nên không thể tin tưởng, xem đây là cơ sở cho các nhận định đúng. Chứng ngộ không phải là một ý tưởng, nên lại càng không phải là một ý tưởng đi kèm với một giá trị đúng sai tình cờ.


HỎI : Nhưng làm sao biết đâu là sự chứng ngộ đúng đắn? Trên thực tế, có nhiều người tự xem là đã chứng ngộ. Nhưng xét kỹ chỉ là sự tưởng tượng về chân lý. Chỉ là ảo tưởng về sự giác ngộ.

Nếu cho rằng sự giác ngộ ấy là đúng đắn vì đã được một vị thầy ấn chứng, thì làm sao biết được đây là một vị thầy có đầy đủ tư cách để ấn chứng ?

ĐÁP : Thông thường, người ta vẫn cần đến một vị Thầy để ấn chứng. Nhưng chính yếu vẫn là sự tự kiểm nghiệm của chính mình. Nếu thật sự chứng ngộ, ta sẽ thông hiểu một phần kinh luận. Tiếp tục hành trì dần dần ta sẽ thông hiểu tất cả kinh luận. Thấy được cội nguồn của ngôn từ. Thấy được nguồn gốc, vai trò và vị trị của tất cả mọi học thuyết có trên thế gian. Khi đó, nếu cần ta có thể lập ra một lý thuyết dung hội tất cả mọi lý thuyết.

Vì chân lý là chân lý của tất cả, là chân lý của pháp xuất thế, nghĩa là của những điều đề cập trong kinh luận, cũng là chân lý của các pháp thế gian, nghĩa là của mọi sự vật xuất hiện trong thế giới mà ta đang sống v.v... Chân lý không chỉ là chân lý của lãnh vực tu chứng mà còn là chân lý của lãnh vực thường nghiệm.


HỎI : Vì sao trong Phật giáo có quá nhiều nghi lễ ?

ĐÁP : Theo Phật giáo, sự giáo hóa chỉ có tác dụng khi nó vừa phù hợp với chân lý, vừa tùy thuận theo tánh dục của chúng sanh, tạm hiểu là chỗ ưa thích của chúng sanh. Do chỗ ưa thích của chúng sanh có nhiều sai khác nên cần lập ra nhiều hình thức khác nhau để thích ứng. Là một trong những hình thức giáo hóa của Phật giáo, nghi lễ cũng không ra ngoài qui tắc trên. Vì vậy, mà có nhiều nghi lễ khác nhau. Mặt khác, nghi lễ với các hình thức trang nghiêm dễ tạo ra sự thành kính. Với sự thành kính, người ta dễ có sự thành tâm thậm chí là nhất tâm. Đây là điều kiện cần thiết để học đạo.


HỎI : Xin cho một phương cách tu học thật hữu hiệu.

ĐÁP : Hiện tại xin cho biết, ông có thực hành pháp gì không ?


HỎI : Niệm Phật.

ĐÁP : Xin cứ tiếp tục niệm Phật. Song song đó cần tìm hiểu thêm về giáo lý. Là một người phương tây, với sự đề cao tư duy luận lý, ông sẽ không thể hành trì đến cùng một pháp nào đó mà chưa có sự hiểu biết rõ ràng. Việc tìm hiểu về giáo lý, giúp ta có được sự hiểu biết phù hợp với chân lý. Từ đó ta sẽ hiểu tại sao mình lại phải thực hành thế này hay thế kia. Sự thực hành giúp ta có được những cảm nghiệm về các điều đã nói trong kinh luận. Nhờ đó làm tăng trưởng niềm tin nơi ta. Giúp ta vượt qua các nghi ngờ và trở ngại để đạt đến chân lý. 

ĐẤNG SÁNG TẠO, QUYỀN NĂNG TUYỆT ĐỐI

Tôi là một Phật tử, thế nhưng tôi vẫn nghĩ đến một đấng sáng tạo ra tất cả, có quyền năngtuyệt đối, định đoạt mọi sự việc trên đời. Như thế, con người sẽ yên tâm hơn, vì có chỗ nương tựa tối cao, bền vữngtrong đời này và sau khi chết đi. Có thể hiểu đấng ấy là Đức Phật không? Xin giải thích thêm.

Tôn Nữ Hoài Ân – đường Thành Thái, Q.10, TP. Hồ Chí Minh

Suy nghĩ như thế của bạn là không đúng. Đó chỉ là mong ước của bạn cũng như của rất nhiều người khác, nhưng thực sự không thể có một đấng như vậy và Đức Phật cũng không hề tự nhận Ngài là một đấng quyền năng tuyệt đối, sáng tạo và định đoạt tất cả. Qua kinh điển Phật giáo, chúng tôi xin lược dịch vài lập luận sau đây:

1) Mọi sự vật đều không tự có, không do một nguyên nhân độc nhất mà do số nguyên nhân (nhân duyên) để hình thành. Ví dụ: cái chén đang ở trên bàn được tạo nên bởi người thợ, bởi đất sét, lửa nung, nhà buôn, khách hàng, chuyên chở…Tức là do vô số nguyên nhân mà ta không thể kể hết được. Do đó, vũ trụ vạn vật, chúng sinh…đều do vô số nguyên nhân mà có, không thể do một nguyên nhân hay một người tạo ra được.

2) Nếu có một vị tuyệt đối toàn hảo thì vị ấy vốn đầy đủ tất cả, không cần phải làm gì, không cần phải sáng tạo ra thứ gì cả. Ta xây nhà vì ta cần nhà để ở, ta tạo hoa màu để ăn, ta trang hoàng nhà cửa để đáp ứng đòi hỏi thẩm mỹ…Tức là ta có thiếu thốn mới tìm cach sáng tạo chứ đấng tuyệt đôi toàn hảo (nếu có) thì không cần phải như thế.

3) Nếu có một vị toàn hảo, quyền năng tuyệt đối thì tác phẩm sáng tạo của vị ấy phải toàn hảo. Chúng ta thấy đâu đâu cũng là sự bất toàn. Sự bất bình đẳng giữa các thân phận con người (giàu nghèo, sang hèn, khỏe yêu, chết già, chết trẻ…), cái xấu, cái ác, thiên tai, hỏa hoạn , đói nghèo, bệnh hoạn, chiến tranh, bạo lực, suy thoái đạo đức…xảy ra khắp nơi, liên tục. Thế giới này là không hoàn hảo, không phải là tác phẩm của một vị toàn năng, toàn hảo.

4) Nếu có một vị toàn hảo,quyền năng tuyệt đối thì tac phẩm sáng tạo phải được hình thành ngay, hoàn tất, trọn vẹn, tuyệt hảo, tuyệt đối ổn định, không thay đổi…Tự bao giờ, hiện nay và trong tương lai vũ trụ thay đổi không ngừng, nhiều ngôi sao bị tan vỡ, nhiều hành tinh mới được hìnhthành, trái đất luôn biến đổi, tình hình thế giới đổi thay không ngừng…Như vậy, sự sáng tạo được gọi là của đấng toàn năng là chưa xong và không biết đến bao giờ mới xong!

Sự tin vào một đấng tuyệt đối quyền năng, quyết định tất cả mọi sự việc, theo chúng tôi, chỉ là sự mong ươc được nương tựa của những người lo lắng cho số phận mình hiện nay và sau khi chết đi. Phật giáo khẳng định rằng cái chết không phải là chấm dưt sự sống mà chỉ là sự thay đổi hình thái sống. Theo ly tái sinh, ta có vô số đời sống cho đến khi được giải thoát tối hậu, đời ta là do ta quyết định. Đối với người Phật tử, trên bước đường tìm về hạnh phúc tối hậu, nơi nương tựa duy nhất là Đức Phật, Phật pháp và chư Tăng Ni. Nhưng Phật, Pháp Tăng vốn chung một thể, Phật vốn là cai Tâm nguyên thủy của mỗi người, tâm mình vốn là Phật. Tất cả do tâm tạo chứ không do ai khac tạo, tốt, xâu cũng do tâm. Người Phật tử tự tin, hành trì theo lời Phật dạy mà hành thiện, phát triển tâm linh cho đến khi giải thoát tối hậu, không việc gì phải tự đánh mất mình bằng những tưởng tượng vu vơ.

Bàng Ẩn

Giải đáp những nghi vấn liên quan đến pháp môn Tịnh độ

Lý Bỉnh Nam biên soạn | Thích Đức Trí dịch

Tịnh độ là pháp môn thuộc Phật giáo Đại thừa. Đã gọi là pháp môn thì thuộc phương tiện; Phật pháp có bao nhiêu pháp môn thì có bấy nhiêu phương tiện. Chư Phật ra đời cũng tùy theo căn cơ trình độ của chúng sinh mà khai mở nhiều phương tiện sai khác. Phương tiện là nhịp cầu đưa chúng sinh đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát sinh tử. Cho nên nhận thức nghĩa lý Phật pháp là điều cần thiết cho việc hoằng pháp trong thời hiện đại; và việc vận dụng pháp môn tu học phù hợp với quan điểm giáo dục Phật giáo là điều người Phật tử mong muốn.

Thời gian qua, tôi có viết một số bài liên quan đến pháp môn Tịnh độ gửi cho báo Giác Ngộ cũng như các trang báo khác. Có hai vấn đề mà tôi quan tâm: một là làm sao giải đáp những thắc mắc trong lòng mọi người về pháp môn này; hai là làm sao thể hiện bản sắc của Tịnh độ thuộc hệ tư tưởng Đại thừa đang tiếp cận trong đời sống hiện đại. Nhân đọc tác phẩm “Giải đáp những nghi vấn liên quan đến pháp môn Tịnh độ” của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi nhận thấy tác phẩm này trả lời nhiều câu hỏi về pháp môn Tịnh độ có sức thuyết phục và phù hợp với Phật pháp. Do vậy, tôi chọn bản văn do Giáo sư Tăng Kỳ Vân đã biên tập hoàn thiện bằng Hán ngữ hiện đại để dịch sang Việt ngữ.

Tăng Kỳ Vân là nhà nghiên cứu Phật học nghiêm túc, chuyên về hệ văn học Phật giáo Đại thừa. Ông có biên soạn một số tác phẩm về Tịnh độ liên quan đến tư tưởng của Tổ sư Ấn Quang. Tăng Kỳ Vân vốn là giáo sư dạy triết học, văn hóa và Hán ngữ, vì vậy chúng tôi tin rằng ông có thẩm quyền trong việc chuyển ngữ tác phẩm bằng chữ Hán của Lý Bỉnh Nam sang Hán ngữ hiện đại. Khi dịch tác phẩm này, chúng tôi có lược bớt một số câu không cần thiết vì lập lại nội dung.

Thiết nghĩ, Tịnh độ là pháp môn dễ tu mà khó tin, muốn tin được cần hiểu rõ giáo lý mới giải tỏa được nghi vấn. Nội dung những câu giải đáp trong tác phẩm này là tri thức cần thiết cho những người muốn tìm hiểu về pháp môn Niệm Phật. Bên cạnh, cuốn sách còn giới thiệu đến bạn đọc những giá trị của pháp môn này trong đời sống tu tập cầu thoát ly sanh tử luân hồi, cũng như chỉ ra những kinh nghiệm và phương pháp truyền bá giáo lý Tịnh độ đến với mọi người đúng theo tôn chỉ mà Đức Phật đã dạy trong các kinh điển Đại thừa.
Kính bút
Tỳ-kheo Thích Đức Trí

NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG VỚI TÔN GIÁO KHÁC

Tuệ Uyển chuyển ngữ

1- Không có một đấng Thượng Đế toàn năng trong Đạo Phật. Không có ai đưa ra sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong một Ngày Phán Xét giả định.

2- Đạo Phật hoàn toàn không phải là một tôn giáo trong phạm vi của một đức tin và thờ phượng do lòng trung thành một thế lực siêu nhiên.

3- Không có khái niệm cứu rỗi trong Đạo Phật. Một Đức Phật không phải là một đấng cứu rỗi bằng năng lực cứu độ cá nhân của Ngài. Mặc dù người Phật tử quy y với Đức Phật như bậc hướng dẫn vô song, bậc chỉ con đường của tịnh hóa, nhưng người Phật tử không như đầu phục như nô lệ. Người Phật tử không nghĩ rằng người ấy có thể đạt đến sự tịnh hóa chỉ đơn thuần bằng việc quy y với Đức Phật hay chỉ bằng việc có niềm tin trong Ngài. Không phải vì năng lực của Đức Phật mà rửa sạch sự ô nhiễm của kẻ khác.

4- Một Đức Phật không phải là một hiện thân của thần linh/ Thượng đế (như một số tín đồ Ấn Giáo tuyên bố). Mối quan hệ giữa Đức Phật và đệ tử của Ngài và tín đồ là của một vị thầy và học nhân.

5- Sự giải thoát tự ngã là trách nhiệm của tự thân. Đạo Phật không kêu gọi một đức tin mù quáng vô điều kiện đối với tất cả mọi tín đồ Đạo Phật. Nó đặt nặng yếu tố tự chủ, tự giác và phấn đấu cá nhân.

6- Quy y với Ba Ngôi tôn quý là Phật, Pháp và Tăng; không có nghĩa là tự đầu hàng hay hoàn toàn nương tựa vào một sức mạnh ngoại tại hay một phía thứ ba cho việc hổ trợ hay cứu rỗi.

7- Giáo Pháp (giáo lý Đạo Phật) tồn tại bất chấp có một Đức Phật hay không. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni (Đức Phật lịch sử) khám phá và chia sẻ giáo lý/ lẻ thật phổ quát với tất cả chúng sanh. Ngài không phải là đấng sáng tạo ra những giáo lý như vậy cũng không phải là sứ giả của một Thượng Đế toàn năng trao truyền những giáo lý như vậy cho người khác.

8- Nhấn mạnh một cách đặc biệt trong Đại thừa Phật giáo là tất cả chúng sanh có Phật tánh/ bản thể. Một người có thể thành một Đức Phật (một chúng sanh siêu việt Giác Ngộ) qua một tiến trình  tu tập nếu người ấy thực hành một cách cần mẫn và đạt đến sự tịnh hóa của tâm thức (hoàn toàn không còn vọng tưởng hay phiền não).

9- Trong Đạo Phật, mục tiêu tối hậu của tín đồ/ hành giả là Giác Ngộ và/ hay giải thoát khỏi vòng luân hồi; thay vì đi đến một Thiên đàng ( hay thế giới chư thiên trong phạm trù của vũ trụ quan Phật giáo).

10- Nghiệp và nghiệp lực là viên đá nền tảng của giáo lý nhà Phật. Chúng được giảng nghĩa rất kỷ lưởng trong Đạo Phật. Nghiệp liên quan đến một khái niệm siêu hình quan trọng liên hệ với hành động và những hệ quả của nó. Quy luật về nghiệp này giải thích vấn nạn của những khổ đau, bí ẩn của điều được gọi là số mạng và tiền định của một số tôn giáo, và ở trên tất cả sự bất bình đẳng hiển nhiên của loài người.

11- Tái sanh là một giáo lý chìa khóa khác trong Đạo Phật và nó liên hệ mật thiết với nghiệp. Có một sự khác biệt vi tế giữa tái sanh và đầu thai như được giải thích trong Ấn giáo. Đạo Phật phủ nhận lý thuyết về một sự đầu thai của linh hồn thường còn, cho dù nó được tạo ra bởi thượng đế hay hiện thân từ một bản thể thần linh.

12- Từ ái (sankrit: Maitri, pali: Metta) và Bi mẫn (karuna) đối với tất cả chúng sanh kể cả thú vật. Đạo Phật cấm chỉ triệt để việc giết hại súc sanh để cúng tế dù cứ lý do gì. Việc ăn chay được khuyến khích nhưng không bắt buộc.

13- Tầm quan trọng của việc Không dính mắc – hành xả. Đạo Phật vượt khỏi hành động tốt và biểu hiện tốt. Hành giả không được dính mắc với những hành vi tốt hay ý tưởng làm việc tốt; bằng khác đi chỉ là một hình thức khác của tham chấp.

14- Trong Đạo Phật, có sự quan tâm cho tất cả chúng sanh (đối với con người, như trong những tôn giáo khác). Người Phật tử nhìn nhận sự tồn tại của thú vật và những chúng sanh trong các cõi khác của vòng Luân Hồi.

15- Không có khái niệm thánh chiến trong Đạo Phật. Giết hại là phạm một giới đạo đức then chốt trong Đạo Phật. Phật tử bị cấm chỉ triệt để việc giết hại người khác nhân danh tôn giáo, một lãnh tụ tôn giáo hay viện cớ tôn giáo hay lý do trần tục.

16- Khổ đau là một nền tảng khác của Đạo Phật. Đó là chân lý thứ nhất trong Tứ Diệu Đế. Khổ đau được phân tích và giải thích rất tỉ mỉ trong Đạo Phật.

17- Ý tưởng về nguyên tội hay tội tổ tông không có vị trí trong Đạo Phật. Cũng thế, nguyên tội không nên bị đánh đồng với khổ đau.

18- Giáo lý Đạo Phật nói về sự không có khởi đầu và không kết thúc (vô thỉ và vô chung) đối với sự tồn tại của con người hay sự sống. Hầu như không có sự quan tâm đến nguyên nhân đầu tiên – hay như đầu tiên con người hình thành như thế nào? (Vì chúng ta sẽ đòi hỏi nguyên nhân của nguyên nhân đầu tiên …)

19- Giáo pháp cung ứng một giải thích rất chi tiết về giáo lý vô ngã (sankrit: anatman, Pali: anatta), nghĩa là không có thực thể linh hồn (cho dù trong một kiếp sống hay nhiều kiếp sống).

20- Đức Phật là toàn giác toàn tri nhưng không toàn năng. Ngài có thể thực hiện vô lượng công đức nhưng có 3 việc Ngài không thể làm (không thể dứt hết nghiệp chướng của chúng sanh, không thể dứt hết khổ đau của chúng sanh, không thể độ tận chúng sanh). Cũng thế, một Đức Phật không tự nhận là một đấng tạo ra những sự sống hay vũ trụ.

21- Bát nhã (Prajna [Sankrit], Panna [Pali]) Tuệ trí Siêu việt chiếm vị trí chính yếu trong giáo lý Đạo Phật. Đức Thế Tôn Thích Ca giảng dạy khái niệm Bát nhã trong gần 20 năm cho giáo đoàn. Nó được dạy để cân bằng từ bi và tuệ trí nghĩa là cảm xúc (đức tin) với nhân tố căn bản (chánh kiến/ lẻ thật/ luận lý).

22- Truyền thống và hành thiền trong Đạo Phật tương đối quan trọng và mạnh mẽ. Trong khi tất cả mọi tôn giáo dạy một số hình thức hay sự đa dạng của thiền định / nhất tâm thiền (chỉ), thì chỉ có Đạo Phật nhấn mạnh thiền quán/ thiền phân tích (Tuệ minh sát) như một khí cụ đầy năng lực để giúp hành giả trong việc tìm kiếm giải thoát hay Giác Ngộ.

23- Giáo lý Tánh không hay Sunyata là đặc biệt của Đạo Phật và nhiều khía cạnh của nó được giải thích cặn kẻ trong giáo lý Đạo Phật phát triển. Một cách tóm lược, giáo lý này thừa nhận bản chất siêu việt của Thực tại Cứu kính. Nó tuyên bố thế giới hiện tượng là trống rỗng mọi giới hạn của diễn tả và rằng mọi khái niệm của thế giới nhị nguyên bị xóa tan.

24- Nhân duyên [Paticcasamuppada: Pali] hay Duyên khởi là một giáo lý then chốt khác của Đạo Phật. Giáo lý này giải thích rằng tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý cấu thành sự tồn tại cá thể là phụ thuộc lẫn nhau và điều kiện cần thiết hổ tương với nhau; điều này đồng thời diễn tả những gì làm chúng sanh bị vướng mắc vào vòng luân hồi.

26- Khái niệm về địa ngục trong Đạo Phật cũng rất khác biệt với nhưng tôn giáo khác. Nó không là một nơi cho kiếp đọa đày vĩnh viễn như cái nhìn của những tôn giáo thờ ‘đấng tạo hóa toàn năng’. Trong Đạo Phật, nó chỉ là một trong sáu cõi Luân hồi [chỗ tệ hại nhất của ba thế giới khổ đau không ai muốn]. Cũng thế, hầu như có vô số địa ngục trong vũ trụ quan Phật giáo như có vô số cõi Phật.

26- Vũ trụ quan Phật giáo là khác biệt rõ ràng với những tôn giáo khác vốn thường nhìn nhận chỉ có thái dương hệ (Trái Đất) này như trung tâm của Vũ trụ và hành tinh duy nhất có sự sống. Quan điểm của Đạo Phật về một thế giới Phật (cũng được biết như Ba Nghìn Đại

Thiên thế giới) là có hàng tỉ thái dương hệ. Bên cạnh đó, giáo lý Đại thừa Phật giáo giải thích rằng có những hệ thống thế giới hiện tại như Tịnh độ của Đức Phật Di Đà và Đức Phật Dược Sư.

27- Luân  hồi là một khái niệm nền tảng trong Đạo Phật và nó đơn giản là ‘những chu kỳ tồn tại bất tận’ hay những vòng sinh tử không ngừng của sáu cõi luân hồi. Hình thức tái sanh theo chu kỳ chỉ chấm dứt khi một chúng sanh thành tựu Niết bàn, có nghĩa là sự cạn hết nghiệp chướng, dấu vết thói quen, nhiễm ô và vọng tưởng. Tất cả những tôn giáo khác giảng rằng chỉ có một thiên đàng, một trái đất và một địa ngục, nhưng quan điểm này rất giới  hạn so với vòng luân hồi của Đạo Phật nơi mà thiên đàng chỉ một trong sáu cõi luân hồi và  nó có 28 cấp độ/ tầng.

QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ TỰ SÁT

Nhiên Như - Quảng Tánh

HỎI: Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”, trích từ quyển Nhân quả giải theo Phật giáo. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên. Tuy nhiên, tôi không rõ nếu như những vị anh hùng tướng lĩnh vì đất nước sẵn sàng tuẫn tiết để giữ chữ trung, các cô gái sẵn sàng tự sát để giữ gìn chữ trinh, các Thánh tử đạo thì có chịu quả báo thống khổ này không? (QUẾ KHANH, nguyenthiquekhanh@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Quế Khanh thân mến!

Thánh tử đạo là những bậc nguyện hy sinh thân mình để bảo vệ đạo pháp và làm lợi lạc cho chúng sinh. Tuẫn tiết cũng là tự sát nhưng để giữ tròn khí tiết, xả bỏ thân mạng vì nghĩa lớn hoàn toàn khác với tự tử vì những lý do hay hoàn cảnh tiêu cực của cá nhân. Phật giáo có quan điểm khác nhau về các phương diện tự hủy thân mạng.

Trước hết, Phật giáo phê phán hành vi tự tử (dù bất cứ lý do gì) vì 3 tội lỗi như đã nêu, đó là bất hiếu, giết người (bản thân mình), sân si. Vì phạm lỗi và tạo ác nghiệp nghiêm trọng nên người tự tử bị quả báo thống khổ lâu dài (thường là địa ngục). 

Kế đến là các tướng sĩ tuẫn tiết để giữ chữ trung. Trung quân ái quốc là một phẩm chất cao quý của tướng sĩ cũng như mọi người dân. Phật giáo tán thán phẩm chất trung quân ái quốc của con người nói chung nhưng vì luôn đề cao trí tuệ nên không chấp nhận “ngu trung”. Thân mạng rất quý giá nên chết vì ngu trung thì thật oan uổng. Nho giáo luận về sự tuẫn tiết là “sinh vi tướng, tử vi thần”, nghĩa là lúc sống làm tướng, vì trung nghĩa mà chết sẽ làm thần. Phật giáo luận về tái sinh của những vị này vi tế hơn, tùy thuộc vào nhiều nhân duyên khác nữa, tựu trung nghiêng về các cảnh giới a-tu-la (thiện) và quỷ thần (thường là trung-thượng đẳng thần).

Riêng vấn đề các cô gái chịu chết để giữ chữ trinh, đây là quan niệm của Nho gia, chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Phật giáo có quy định về giữ gìn tiết hạnh (giới Không tà dâm), chung thủy với người bạn đời nhưng không cực đoan về chữ trinh như Nho gia. Do đó, tự sát để giữ chữ trinh, xét về nhiều phương diện (liên hệ đến các tập tục, truyền thống, văn hóa, văn minh trên toàn thế giới), vẫn là cái chết thiếu trí tuệ, sau khi chết đọa vào đường ác (thường làm quỷ thần).

Các bậc Thánh tử đạo thì hoàn toàn khác. Những bậc này đã quán thông vô thường và vô ngã, không còn chấp thủ thân này, phát tâm nguyện Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi mà xả bỏ thân mạng vì lợi ích chúng sinh, nên cảnh giới của chư vị là không thể nghĩ bàn.

Chúc bạn tinh tấn!

PHẬT HỌC VẤN ĐÁP DUY THỨC HỌC PHẦN THỨ 8

Lý Bỉnh Nam giải đáp | Thích Đức Trí chuyển ngữ

(Từ Hán ngữ hiện đại sang Việt ngữ)

1-    Hỏi: Tất cả chúng sanh sau khi chết còn có linh hồn không?

Trả lời: Linh hồn trong nhà Phật gọi là thần thức, một hình thái bất giác của tâm thức vốn có trong thể tánh chân như biến hiện ra. Tất cả chúng sanh thức đến gọi là sanh, thức ra đi gọi là tử. Cho nên trong Bát thức tụng có nói: “Khứ hậu lai tiên tác chủ ông”(Ý nói là khi chết thần thức rời khỏi thể xác, thức nhập thai hay tái sanh là bắt đầu kiếp sống mới)

2-    Hỏi: Tất cả chúng sanh sau khi chết thì nghiệp lực đưa thần thức vào trong sáu nẻo luân hồi?

Trả lời: Thần thức luân chuyển trong sáu đường luân hồi tức là do nghiệp lực dẫn dắt. Cho nên nói: “Mọi sự không thể mang theo chỉ có nghiệp lực trói buộc sanh mạng của mình”, hay nói:“Dẫn nghiệp và mãn nghiệp chiêu cảm quả báo của nghiệp lực”[1]

3-    Hỏi: Tôi không tin trên đời này có sự tồn tại loài quỷ thần, như vậy có đúng không?

Trả lời: Thế giới quỷ thần cũng nằm một trong sáu đường luân hồi của chúng sanh, tức do sự chuyển hóa của thần thức, thừa nhận có thần thức mà không thừa nhận có quỷ thần cũng gióng như thừa nhận hợp chất H2O mà không thừa nhận có nước!

4-    Hỏi: Có một số tín đồ tin rằng linh hồn lìa xác có thể đi đầu thai vào loài heo loài chó, như vậy có thuyết đó hay không?

Đáp: Linh hồn lìa xác tức có nghĩa là thần thức tách rời thể xác, biến thành loài heo loài chó tức là cách nói chỉ cho cảnh luân hồi nói chung. Xem kỉ hai câu trước sẽ hiểu rõ nghĩa lý ngày.

5-    Hỏi: Linh hồn bắt đầu là từ đâu đến? Phật giáo nói về luật nhân quả, như vậy nguyên nhân nào mà tạo thành linh hồn, vì sao nhân loại và tất cả động vật đều tăng chứ không giảm.

Trả lời: Vấn đề này không phải người mới học Phật có thể hiểu rõ, Khổng Tử có đến ba ngàn đệ tử đều là bậc hiền triết ngài còn không nói đến vấn đề  này, có thể biết đây là vấn đề khó hiểu. Linh hồn là do mê tánh mà chuyển thành. Trước tiên nói về tánh, tánh là khắp ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, không đầu không cuối, biến khắp tám phương, vô biên vô tận. Thể tánh vốn không, gặp duyên thì khởi, thông rõ lý này thì nên biết tánh ấy vốn không đến không đi, không tăng và không giảm! nhận thấy số lượng loài động vật tăng giảm mà nói là chỉ nhìn bằng mắt thường, còn nếu như dùng trí quán sát khắp hư không pháp giới thì mới tự mình sẽ hiểu rõ vấn đề này.

6-    Hỏi: Thần thức của chúng sanh được sanh ra như thế nào? Có phải do Thượng Đế tạo hay từ năng lực của một nguồn tinh thần của mẹ sanh ra?

Trả lời: Không có sự bắt đầu và sau cùng của một của tâm thức hay sự vật nói chung, tính chất của các pháp vốn là như vậy, do một niệm bất giác biến thành vô minh, từ giác mà chuyển thành mê, từ trí mà chuyển thành thức, thức này đối với người đời hay gọi là linh quỷ, linh hồn, thần thức. Ở đây lấy việc chiếu phim mà ví dụ, cuộn phim dụ cho tánh, rõ ràng không tướng mạo, tại kính phát xuất ra, vắng lặng chiếu soi mà thôi. Trên cuốn phim đó có đầy đủ các hình tượng như sơn hà địa đại, hình ảnh nam nữ, cảnh ăn uống đều xuất ra từ ống kính, các loại huyễn cảnh làm rối loạn tâm trí con người.

7-    Hỏi: Thần thức và giả thân này có khác nhau về hình dạng hay không?

Trả lời: Thần thức vốn không có hình tướng, do ý tưởng mà chuyển thành có tướng, cái thân như mộng do ý tưởng trong tâm thức chuyển biến thành. Ở đây xin đưa ra một ví dụ để dễ hiểu, như bản chất vàng vốn không có hình tướng nào, nhưng nếu người thợ dùng vàng tạo ra các tướng như cái bình, cái chậu, cái trâm và cái vòng thì tất cả đồ vật đó đều do ý tưởng con người chứ không phải nguyên gốc của vàng là thuộc các tướng trạng ấy.

8-    Hỏi: Thân thể người khi chết thì thần thức từ ví trí nào để xuất ra ngoài?

Trả lời: Một đời tạo nghiệp, hạt giống thuần thục, khi chết sanh vào các cảnh giới sẽ xuất ra từ mỗi bộ phận khác nhau trên thân thể. Người tu chứng thánh quả thần thức xuất ra từ đỉnh đầu, được sanh vào cảnh trời thần thức xuất ra tại trán, sanh vào cõi người thần thức xuất ra tại ngực, sanh vào loài ngạ quỹ thần thức xuất ra tại bụng, sanh vào loài súc sanh thần thức xuất ra tại đầu gối, sanh vào địa ngục thần thức xuất ra từ bàn chân.

9-    Hỏi: Người sau khi chết chưa được vãng sanh Tây Phương và cũng chưa xác định sanh vào trong cảnh giới nào, vậy có phải thần thức của họ đang tồn tại với dạng là trung ấm thân không?

Trả lời: Vãng sanh Tây Phương chẳng những là cần tu tịnh nghiệp mà còn phải là người có Tín, Nguyện và Hạnh, không phải tự do đi đến được. Cảnh giới loài quỷ và cảnh địa ngục là hai chỗ cư trú của chúng sanh đang trong vòng lục đạo. Sanh vào trong đó gọi là sanh, rời khỏi cảnh đó gọi là tử, hai từ sanh và tử không phải chỉ ở tại thế gian này. Khi chúng sanh tại cảnh giới nào đó chết mà chưa sanh vào cảnh giới khác thì tồn tại trong dạng ”Trung Hữu Thân”, thời gian thọ mạng ngắn là trong một tích tắc, dài thì khoảng bốn mươi chín ngày. Tùy theo nghiệp lực mà sanh vào cảnh giới nào đó, người đời cho rằng chết rồi thành quỷ, vào cảnh âm ty là chưa rõ thứ lớp trong sáu nẻo luân hồi.

10-                     Hỏi: A lại da thức có phải là thần thức của chúng ta hay không? Nó tồn tại bất diệt hay không?

Trả lời: Do mê hoặc che lấp thể tánh nên gọi là A Lại Da, ngoại đạo gọi đó là linh hồn và cho đó là bản thể tồn tại không bao giờ mất, đó là từ sai lầm này đi đến sai lầm khác! Nhưng nếu đoạn trừ mê hoặc, hiển bày giác tánh, gọi là chuyển thức thành trí, mê hoặc có thể phá bỏ, vọng thức có thể chuyển, sao mà gọi nó là bất diệt?

11-                     Hỏi: Duy thức tông nói rằng: Tất cả chủng tử đều chứa trong A Lại Da thức, nhưng không biết các chủng tử đó nằm ở đâu trong thức thứ tám?

Trả lời: Nước từ trăm sông đều chứa ở biển, sao lại hỏi nước trong biển ở chổ nào?

12-                    Hỏi: Thức A Lại Da là thức tạp nhiễm cùng với chân như là một hay là khác?

Trả lời: Chân như do có tạp nhiễm mới gọi là thức, như nước do có gió tác động mới tạo thành sóng, nước và sóng là một mà chẳng phải một, nói là hai mà chẳng phải hai.

13-                     Hỏi: Tam giới duy thức, vạn pháp duy tâm, vậy thức và tâm khác nhau ở điểm nào?

Trả lời: Căn cứ từ loại mà giải thích thì tâm và thức đều là tính từ, tâm đứng về phương diện chân tánh bản giác mà nói, còn thức sau khi tâm bị nhiễm vọng mà nói. Nhưng căn cứ câu hỏi trên thì tâm và thức đều là động từ, thức là khả năng phân biệt, tâm là niệm khởi.

14-                     Hỏi: Phật dạy tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, thế nào để phân biệt tâm và thức?

Trả lời: Trong kinh nói đến tâm và thức, có lúc hai tên này chỉ là một trạng thái tinh thần, ví dụ như nói: Tám thức hay có tên khác là tám thức tâm vương. Nhưng có lúc hai tên này có ý nghĩa khác, Thức thứ tám là A Lại Da gọi là tâm, thức thứ bảy gọi là ý, thức thứ sáu gọi là thức. Hôm nay hỏi vấn đề duy tâm và duy thức vẫn là biến hóa tu từ trong hành văn, thực chất tâm thức ở đây chỉ là một.

15-                     Hỏi: Làm sao để phân biệt Mạt na thức và A Lại Da thức?

Trả lời: A lại da lấy Khả năng dung chứa và dị thục[2] làm tác dụng, Mạt na lấy chấp ngã và liên tục suy xét, so lường làm tác dụng, lấy đó để phân biệt.

16-                     Hỏi: Từ ý trong các ý nghĩa của: Ý thức, ý niệm, ý chí, ý tưởng, ý cảnh, ý địa, tâm ý gồm trong tám thức của duy thức luận thuộc loại nào? Trường hợp phát sanh của nó bắt đầu như thế nào?

Trả lời: Thức thứ sáu và thức thứ bảy đều gọi là ý. Thức thứ sáu có khả năng phân biệt liên tục và có gián đoạn, thức thứ bảy luôn luôn chấp ngã lâu dài, tính chất hai thức khác nhau. Trong bảy danh từ hỏi ở trên trừ danh từ thứ nhất, thứ hai và thứ bảy thì cần phải căn cứ vào hoàn cảnh và tính chất để phân định thuộc thức nào. Còn danh từ ý chí, ý cảnh, và ý địa thuộc ”quyết định tư”, ý tưởng không tạo tác thuộc “Thẩm lự tư”, nếu dự định tạo tác thuộc “Động phát tư”. Như vậy bốn loại ý này thuộc ý thức thứ sáu.

17-                     Hỏi: Người sau khi chết, thức thứ bảy và thức thứ tám tiếp tục tồn tại không? Hay là cùng với thức thứ sáu theo thân thể mà diệt mất? Nếu diệt mất thì tất cả đều chấm dứt thì làm sao mà còn có thuyết về luân hồi?

Trả lời: Người chết rồi không bị diệt mất do còn lại thức thứ tám; xả thân này thì thọ nhập vào thân khác là do thức này. Kệ tụng: ”Thọ huân trì chủng căn thân khí, khứ hậu lai tiên tác chủ ông” (Có nghĩa thức này tiếp tục duy trì sinh mạng với hạt gióng nghiệp tồn tại trong một cảnh giới khác, nó rời khỏi thân thể trút hơi thở sau cùng, và đi trước để tái sanh vào đời sống mới)

18-                     Hỏi: Niết bàn, chân như, Phật tánh có phải thuộc một loại thức không? Hay là có một tên gọi đặc thù khác? Có phải là thức thứ chín không?

Trả lời: Chân như có nhiều danh từ để gọi, thật sự đó là phạm trù không thể nghĩ bàn. Thức thứ chín gọi là Am Ma La, cũng là cách gọi khác về ý nghĩa chân như mà thôi.

19-                     Hỏi: Cần nghiên cứu: “Nghiệp cảm duyên khởi, A lại da duyên khởi, Chân như duyên khởi, Pháp giới duyên khởi, Lục đại duyên khởi, Chư pháp duyên khởi” thì phải đọc từ kinh luận nào?

Trả lời: Đọc Hoa Nghiêm Kinh và Thành Thật Luận, Nghiên cứu những kinh luận đó thì đúng, nhưng thực sự chẳng phải tài liệu của người sơ học mà dễ dàng lãnh hội. Hiện nay Có tác phẩm Pháp giới duyên khởi lược thuật của cư sĩ Kim Lăng Cung Vân Bá biên soạn, đó là một tài liệu đơn giản mà dễ hiểu, phải nên đọc trước.

20-                     Hỏi: Số lượng của thần thức vô hạn và thường tăng lên hay giảm xuống, đó là vì lý do nào?

Trả lời: Nay đưa ra một thí dụ, xem nước trong biển lớn, lúc gió lớn thì sóng nước cuồn cuộn, lúc gió nhẹ thì lay động mặt nước mà thôi. Sóng biển tuy có nhiều ít nhưng nước trong biển không có tăng giảm.

21-                     Hỏi: Thức thứ hai năng biến là thức Mạt Na dịch là: ”Ý”, tợ như biểu hiện bên ngoài của thức thứ sáu, không có dịch tên nào khác hay sao? Tam thập tụng cho rằng: Thức này lấy tư lượng làm tánh tướng, vậy sao dịch là tư lượng?

Trả lời: Vấn đề này giải thích tường tận thì rất dài dòng, ở đây chỉ nói ý tổng quát thôi, khi lập tên gọi toàn bộ tám thức thì y cứ vào căn và thức để chỉ rõ nghĩa tương ưng và công năng của nó, tất cả gồm bốn loại. Năm thức đầu căn cứ theo sắc và căn mà lập tên gọi, thức thứ sáu căn cứ vào sự phát khởi của thức thứ bảy mà lập tên gọi, thứ thứ bảy căn cứ sự tương ưng mà lập tên gọi, thức thứ tám căn cứ vào công năng là lập tên gọi. Đầy đủ văn nghĩa của thức thứ bảy như sau: “Cật lợi sắt trá da mạt na”, dịch nghĩa là: “Ý ô nhiễm”, nhiễm ô là chỉ ngã tham, ngã sân, ngã ái và ngã mạn; bốn sự mê hoặc này thường có đầy đủ. Ý chỉ cho tính nắm bắt các duyên và tư lượng lấy thức thứ tám làm tự ngã, trong các luận gọi tên là Mạt na,tức là ý, đều là cách gọi tóm lược, nó không nhầm lẫn với thức thứ sáu. Nếu như dịch nghĩa là tư lượng, thứ thứ sáu đôi khi khởi tác dụng tư lượng. Nếu dùng từ không rõ ràng thì không diễn đạt hết nghĩa thức này.

22-                     Hỏi: Người sau khi chết chỉ còn lại thức thứ tám, có phải còn bảy thức khác do thức thứ tám này sanh ra lại hay không? Vui lòng hướng dẫn cho biết sách luận về duy thức học gồm mấy loại?

Trả lời: Tam Tế lục thô [3] vốn đã thành thục, chẳng qua người sau khi đầu thai mượn cái Thắng nghĩa căn[4] hiển thị tác dụng mà thôi. Nghiên cứu lĩnh vực Duy Thức thì trước hết nên xem tác phẩm Bách Pháp Minh Môn Luận và và tác phẩm Bát Thức Quy Củ.

23-                     Hỏi: A lại da thức còn gọi là tạng thức, tất cả các chủng tử đều được chứa trong đó. Sau khi người chết thức này sẽ chuyển sanh, đủ duyên sinh một đứa trẻ với tính cách tốt hay xấu tương ưng với kiếp trước của nó. Nhưng đôi lúc không chỉ như vậy, đứa bé mới sanh tốt hay xấu phần nhiều giống tính cách của cha mẹ nó, người ta bảo đó là do ảnh hưởng tính di truyền. Như thế thì các chủng tử kiếp trước đã mất hết tác dụng hay sao? Hay là các chủng tử đó chưa chín muồi?

Trả lời: A Lại da thức trải qua nhiều kiếp luân hồi, chứa nhiều vô số chủng tử thiện ác. Các chủng tử thiện ác đó sai khác nhau rất nhiều và không đồng nhất. Trong A lại da thức của cha mẹ hàm chứa các chủng tử. Tuy mang tính di truyền nhưng thần thức thai nhi vẫn mang đầy đủ các chủng tử khác cùng tương ưng với tập khí chủng tử cha mẹ. Cho nên khi gặp chủng tử cha mẹ làm tăng thượng duyên phát khởi hiện hành. Sau khi đứa trẻ ra đời, tính cách mới bắt đầu và tính cách của cha mẹ gióng nhau nên gọi di truyền. Các chủng tử hàm chứa trong thần thức đứa trẻ không giống cha mẹ của nó nhiều và không thọ tính di truyền. Nếu hiền lương thì như Thuấn Vũ, ngược lại thì như Quản Thái, Việc ấy ví dụ như vậy.

24-                     Hỏi: Các Pháp vô ngã, có phải là duy chỉ có A lại da thức là không sanh diệt nên không thể gọi là ngã hay sao?

Trả lời: A lại da là thức tạp nhiễm sinh ra từ vô minh làm sao mà có thể gọi là bất sanh bất diệt? Ngay khi dùng một từ ngã vốn có sự hạn định, không nên từ một phương diện thông thường mà luận bàn. Người đời thường không rõ chân như nên mê chấp có ngã, đó là thật điên đảo; Hàng nhị thừa dính mắc vào tướng không và mê chấp đó là vô ngã, cũng là vọng tưởng điên đảo.

25-                     Hỏi: Trong sách có nói rằng: “Thức A lại da khi vừa hình thành sự sống thì đến trước, khi chết thì xuất ra sau cùng, thức ấy là chủ nhân ông của chúng ta”. Căn cứ qua lời khai thị đăng trong tập san kì thứ hai mươi thì nói rằng, chủ nhân ông này cũng có khả năng thay đổi, không phải tồn tại bất biến, vậy cái gì là cái thể sự thọ báo ứng ba đời? Cái thể này có phải là cái không sanh không diệt không? Nó có thể gọi là chân ngã không?

Trả lời: Bản tính chân như vốn là không sanh diệt có thể gọi là chân ngã. Nhưng do ở trong vô minh nhiễm thành thức, thọ nghiệp báo ba thời.

26-                     Hỏi: Thần thức nhập thai là khi người phụ nữ bắt đầu mang thai hay là lúc sanh sản mới nhập vào?

Trả lời: Cả hai trường hợp có thể xảy ra, nhưng trường hợp nhập thai khi người phụ nữ mang thai là phổ thông nhất. Trường hợp sau xảy ra ngay khi người nữ sanh sản là đối với bậc cao đức đã tự tại không muốn thọ khổ trong thai ngục, nên có một thức thay thế nhập thai, đợi đến thời sanh sản trở lại chuyển đổi.

27-                     Hỏi: Có phải thức A lại da vãng sanh sau khi người chết vài tiếng đồng hồ, có phải khi thân thể lạnh rồi mới thực sự thoát ra hay không? những chúng sanh khác đều như thế hay sao?

Trả lời: Phải xem thời gian xả hơi ấm nhanh hay chậm mà luận, không phải trường hợp chúng sanh nào cũng giống nhau.

28-                     Hỏi: Duy thức học nói hai yếu tố ngã không và pháp không để hiển thị “Thắng nghĩa vô tánh”. Từ bản văn mà luận giải thì chưa rõ hết nghĩa, nhưng theo quan điểm nhà Phật thì tất cả pháp tuy huyễn mà còn pháp tánh, nói vậy thì trước sau như có vẽ mâu thuẩn, làm thế nào để giải thích? Hiểu như thế nào để được trọn vẹn?

Trả lời: Tánh là thật thể, ngã và pháp đều không có thật thể, cho nên nói: “Thắng nghĩa vô tánh”; nói cách khác là pháp tánh chân không gọi là viên thành thật tánh. Tánh này có hai tính chất là bất biến và tùy duyên. Bất biến là bản chất của chân không, tùy duyên tức có nương gá lẫn nhau khởi ra các tướng hư huyễn của pháp hữu vi, cho nên nói: “Tất cả Pháp tuy huyễn nhưng còn có pháp tánh”. Pháp tánh tức là “Chân không pháp tánh” và “Thắng nghĩa vô tánh”, cùng nghĩa mà khác tên.

29-                     Hỏi: Oán là một của mười tập nhân trong kinh Lăng Nghiêm có nói đến(Xem trong quyển tám kinh Lăng Nghiêm), làm chủ yếu của tâm pháp. Ưu là một trong năm món khổ của tâm pháp, Hỉ và Xả thuộc trong mười một tâm thiện. Ưu còn thuộc vào trong phiền não tâm sở. Nhưng thấy Đại Sư Thái Hư giảng về trăm pháp của Duy Thức học thì không xếp hai món tâm Ưu và Oán vào tâm sở pháp. Nếu chiếu theo luận thì tâm sở pháp trong Duy Thức học vẫn còn chưa đầy đủ phải không?

Trả lời: Tâm oán và tâm Ưu thuộc ở tâm sở hữu pháp, trong năm món biến hành có tâm sở Thọ, Thọ này có năm, Ưu thì thuộc yếu tố nhập. Trong tùy phiền não có ba tâm sở: Phẩn, Hận, Não; Oán đã thuộc yếu tố nhập. Tâm không dừng nghỉ trong từng sát na, chỗ nào cũng có, nếu căn cứ vào một quyển sách thì sẽ thấy chướng ngại. Cho nên bản văn trình bày theo phương pháp quy nạp, ngôn từ tuy đơn giản nhưng không thiếu sót ý nghĩa.

30-                     Hỏi: Hàng mở đầu của chương kinh Pháp Bảo Đàn có nói: “Nào ngờ tự tánh vốn thanh tịnh”. Đoạn cuối của chương này lại nói:”Tự tánh năng chứa vạn pháp, gọi là Tạng thức”. Tạng thức chính là A lại da thức, chân vọng hòa hợp, tại sao có hai câu nói về tự tánh không giống nhau? Có phải đoạn trước nói bổn tánh vốn thanh tịnh là thể, sau nói tánh ấy hàm chứa vạn pháp là dụng?

Trả lời: Chân như là thuộc bản giác, vọng do bất giác mà có vô minh, giống như vàng nằm ẩn trong quặng, tuy vàng và cát tuy một chỗ nhưng vàng vẫn là vàng và cát vẫn là cát. Chân vọng hòa hợp cùng bản tánh thanh tịnh chẳng có gì là mâu thuẩn. Công năng chứa đựng(Hàm tạng)là đứng về phương diện dụng mà nói, đúng như điều ông đã nêu trên.

31-                     Hỏi: Quan điểm Thiền tông là chỉ thẳng tâm người, kiến tánh tức thành Phật. Như trên đã nói, theo văn giải nghĩa, kiến tánh tức kiến A lại da của chính mình, kiến A lại da tức thành Phật. Trong Bát Thức Quy Củ nói trước quả vị Bất Động Địa mới xả tạng thức, sau địa vị Kim Cang Đạo mới không còn quả dị thục, như vậy ý nghĩa thế nào? Đệ tử có chỗ nghi vấn, kính mong thầy từ bi chỉ dạy.

Trả lời: Tánh là thuộc về thể, A lại da là thuộc về dụng. Như thau rửa mặt, nói cái thau là thể, khi nói thau rữa mặt là nói cái dụng của cái thau. Khi dùng rửa mặt nên gọi là thau rửa mặt, sau khi đổ nước không rửa mặt nữa cũng gọi nó là thau rữa mặt. Hiểu được lý này tức không còn nghi ngờ về tên gọi của Tánh và A lại da. Cho nên người xưa thường nói “Kiến tánh thành phật”, nếu nói “Kiến A lại da thành Phật” chắc rằng mọi người chưa nghe qua.

32-                     Hỏi: Trong mười hai chi phần nhân duyên, Ý nghĩa Hành trong Vô minh duyên hành của đứng trước chi phần danh sắc, vậy khi chưa có hình sắc làm sao có sự tạo tác của Hành? Xin khai thị điểm này.

Trả lời: Pháp có phân biệt sắc và tâm, Hành có phát khởi sắc tâm, Hành trong Vô Minh Hành là do tâm pháp sanh khởi chẳng phải Hành của bảy món biểu hiện nghiệp của thân và khẩu[5]. Tâm lại phân thành năng và sở. Vậy Hành ở đây lại là thuộc pháp của tâm sở.

33-                     Hỏi: Tám thức, mỗi thức đều có bốn phần, thế nào là Kiến phần, tướng phần, chứng phần và chứng tự chứng phần của thức thứ tám? Cái gì là Kiến phần, tướng phần, chứng phần và chứng tự chứng phần của thức thứ năm, thức thứ sáu và thức thứ bảy?

Trả lời: Câu hỏi này có nhiều vấn đề, tại sao không đề cập bốn phần của thức thứ một cho đến thức thứ bốn; nếu nói bốn phần của bốn thức mà hiểu được rồi thì có thể suy luận mà biết bốn cái sau. Câu hỏi tuy đơn giản, nhưng muốn biết bốn phần của bốn thức sau, xem ra đối với ý nghĩa bốn phần còn chưa hiểu rõ tường tận. Ở đây khó nói hết ý, tám thức này đối với hàng sơ cơ biết về thức thứ sáu, thứ bảy và thứ tám cũng còn mơ hồ, huống gì luận đến bốn phần là không dễ dàng. Tuy nhiên chỉ giải thích từ thức thứ tám trở xuống với ý nghĩa tổng quát thôi. Tướng phần của thức thứ tám là các chủng tử, kiến phần là thức thứ bảy. Thường biết về thức thứ bảy này là kiến phần của thức thứ tám, còn gọi là Tự chứng phần. Do đây khởi lên tác dụng của năng duyên, khảo chứng lại tự chứng của thức thứ bảy là kiến phần của thức thứ tám, xác nhận một cách đúng đắn, đây là Chứng tự chứng phần của thức thứ tám, các thức khác tương tự như vậy.

34-                     Hỏi: Sử dụng phương pháp nào để chuyển tám thức thành bốn trí? xin đưa ra bằng chứng để có thể nhận thức và dễ dàng vận dụng.

Trả lời: Cần tu Bát chánh đạo và sáu ba ba mật có thể chuyển thức thành trí. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng có thể chuyển thành Thành sở tác trí. Chánh tư duy, chánh tin tấn có thể chuyển thành Diệu Quán Sát Trí. Chánh Kiến, Chánh Niệm có thể chuyển thành Bình đẳng tánh trí. Chánh định có thể chuyển thành Đại viên cảnh trí. Bố thí và trì giới tương ưng Thành sở tác trí, Tinh tấn tương ưng với Diệu quán sát trí, Nhẫn nhục tương ưng Bình đẳng tánh trí, thiền định và trí tuệ tương ưng Đại viên cảnh trí; lại nữa, ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều hổ trợ chuyển hóa tâm thức. Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực có khả năng hổ trợ chuyển năm thức trước, thất Bồ đề phần hổ trợ chuyển thức thứ sáu, Tứ niệm xứ hổ trợ chuyển thức thứ bảy,Tứ thần túc, Bát chánh đạo trợ chuyển thức thứ tám.

35-                     Hỏi: Trong bốn phần của Duy Thức, tự chứng phần là cái thể nương tựa của kiến phần và tướng phần (Theo bản Khởi Tín Luận Giảng Nghĩa của học giả Phạm Cổ Nông), chính là cái thể của A Lại Da Thức, vậy thì chứng tự chứng phần là cái gì?

Trả lời: Muốn hiểu rõ vấn đề này, tóm lược mà trả lời để cho dễ hiểu. Bốn phần đều là một hệ tâm thức, chẳng qua phân thành hai nhóm lớn như sau: “Tự thể, tâm vương, năng duyên” và “Khởi dụng, tâm sở, sở duyên”. Kiến phần thuộc trong ba yếu tố của nhóm trước, Tướng phần thuộc trong ba yếu tố của nhóm sau; khi khởi ra tác dụng của năng duyên trong đó lấy kiến phần làm sở duyên, gọi là tự chứng phần; nhưng khi khởi tác dụng của năng duyên trong đó lấy tự chứng phần làm sở duyên, gọi là chứng tự chứng phần. Thực ra, chứng tự chứng phần này là do tự chứng phần sanh khởi, đó là tính chất kiểm định chính xác lại mà thôi, thực chất vẫn lấy tự chứng phần làm thể, kiến phần làm đối tượng duyên trước và chứng tự chứng phần làm đối tượng duyên sau đều là tác dụng của nó(Tự chứng phần).Tự chứng phần như kết quả của bài toán nhân, Chứng tự chứng phần như tính chất bản cửu chương để kiểm tra lại kết quả đó, hai yếu tố này bổ sung cho nhau mà tồn tại

36-                     Hỏi: Bốn từ “Tâm Vương Tâm Sở” trong Duy thức luận giải thích như thế nào? Người mới học chưa hiểu rõ ràng, mong được chỉ giáo! Xin đưa ví dụ thực tiển chứng minh để hiểu một cách thông suốt hơn!

Trả lời: Tâm gọi là vua, nhân vì vua là đứng đầu cả nước lãnh đạo tất cả mọi việc, tâm cũng như thế. Nói gọn nghĩa tâm sở trong hai từ là “Sở hữu” là chỉ trong tâm còn có hơn mười loại tư tưởng thiện ác xen lẫn rất phức tạp cho nên gọi là “Sở hữu”. Nay đưa ví dụ để diễn đạt nghĩa đó: Giống như tác dụng những điều luật quốc gia phụ thuộc vào vua, ở đây tâm ví như vua. Luật lệ được vua phát ra có thể đưa đến tai họa hoặc là đưa đến phước lành cho người dân, nó có tác dụng sai biệt. Cho nên dụ cho các loại tâm sở phụ thuộc là “Sở hữu”.

37-  Hỏi:  Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có chú giải yếu tố Vô Minh rằng: “Si mê làm chỗ nương gá của phiền não là nghiệp”;  ý nói là phiền não nương vào si mê mà sanh, phiền não nương vào si mê mà trụ.  Si mê là quán trọ, phiền não là khách đến ở, nếu dẹp bỏ quán trọ thì khách không còn có chỗ đến ở. Giải thích như thế có hợp lý không?

Trả lời: Bạn giải thích chỗ nương gá của phiền não, có nói “Mà sanh” và “Mà trụ”;  sau đó lấy quán trọ dụ cho si mê, nghĩa lý này chưa đầy đủ, vì rằng quán trọ có thể tiếp nhận khách đến ở, không thể nói là quán trọ có thể sanh ra khách đến ở.

38- Hỏi: Lúc ngồi thiền những niệm thô không khởi nhưng giống như còn có tri giác vi tế. Vậy tri giác vi tế này là thuộc sự phân biệt của thức thứ sáu hay thuộc sự thấy biết của Tứ trong hai thiền chi Tầm Và Tứ? (Tầm là tâm niệm thô, Tứ là tâm niệm vi tế)

Trả lời: Vẫn là thức thứ sáu.

39- Hỏi: Diệu quán sát trí và ý thức được phân biệt như thế nào?

Trả lời: Khi vọng thì gọi là thức, chuyển vọng thành chân gọi là trí.

40- Hỏi: Thầy thường nói rằng: Người chết trong vòng bốn mươi chín ngày thì phải đi đầu thai chuyển kiếp, nhưng có người chết đã lâu hay vừa mới chết lại về báo mộng với con cháu và người thân, vấn đề này giải thích như thế nào? (Có lúc báo điều lành, có lúc báo điều dữ)

Trả lời: Người chết đã đi đầu thai vào lục đạo thời gian lâu mà người thân còn nằm mộng thấy người đó, vấn đề này có hai trường hợp xảy ra: Một là do người nằm mộng có lòng thương tiếc người đã chết và ấn tượng vào tâm thức khiến phát khởi hiện hành thành tướng trạng trong mộng. Giống như một người nhiều năm trước đã đi dạo núi, nay nằm mộng thấy núi ấy, chẳng phải núi ấy về báo mộng, thực sự đó chỉ là tác dụng ý thức của chính mình. Hai là người đã chết sanh vào cảnh giới ngạ quỹ, có cơ hội thì tiếp xúc với người còn sống.

41- Hỏi: Linh hồn và thân trung ấm khác nhau như thế nào? Nhưng người niệm Phật lúc lâm chung thì linh hồn vãng sanh hay là thân trung ấm vãng sanh?

Trả lời: Trung ấm còn gọi là trung hữu, có nghĩa khi thân này đã chết mà chưa sanh vào chỗ khác, thân trung gian giữa hai kiếp sống chưa định, người đời thường gọi đó là linh hồn, đúng là như vậy. Nhưng người vãng sanh Tây phương nhanh hơn thời gian co duỗi cánh tay thì không có giai đoạn trung gian. Chỉ có thể nói thần thức vãng sanh, không thể nói thân trung ấm vãng sanh. Đương nhiên cũng có trạng thái trung ấm vãng sanh nhưng đó là một trường hợp bất đắc dĩ, giống như chỉ một phần trong trăm ngàn phần mà thôi.

42- Hỏi: Pháp sư Khuy Cơ là một vị Tăng tu diệt tận định trong thời kỳ Pháp Phật Ca Diếp đã diệt, đến thời đại nhà Đường mới may mắn gặp duyên pháp sư Huyền Trang đi thỉnh Kinh, tức đã chuyển kiếp tái sanh vào Trung Quốc, mới mười sáu tuổi đỗ trạng nguyên, thời gian mê lầm an trú trong cảnh giả huyễn, bậc tu hành như thế mà còn mê khi cách ấm. Như vật thì trong thời gian dài tu thiền định như thế, thần thức đã từng đi đầu thai hay chưa? Giả sử không đi đầu thai thì trong lúc nhập định thần thức ở đâu?

Trả lời: Tu theo giáo pháp Bồ tát Đại Thừa chứng quả Thất địa trở lên mới không còn bị cách ấm. Thời gian tu định, thần thức tại trong cảnh định. Định là không bị loạn động, không đến, không đi, thời gian có thể dài có thể ngắn, động là chẳng phải định; không có trường hợp thần thức sanh vào trong cảnh giới Lục đạo.

43- Hỏi: Xin thầy giải thích về đạo lý Luân hồi?

Trả lời: Nếu thần thức chưa chuyển thành trí thì không tránh khởi Luân hồi, tạo nghiệp có thiện và có ác thì sanh vào lục đạo có thăng có trầm. Nghiệp thiện ác của chúng sanh rất phức tạp, tùy theo nghiệp lực mà chiêu cảm cảnh giới tương ưng, thiên biến vạn hóa. Đại khái là như vậy, biết điều này thì suy nghiệm được điều kia.

44- Hỏi: Xưa nay đối vấn đề sự tích cảm ứng hài cốt rất nhiều, nếu người sau khi chết, thần thức do nghiệp lực dẫn vào cảnh lục đạo luân hồi, Thế gian có câu: “Sống không nhận qủy, chết không nhận thây”, Vậy hài cốt làm sao có chuyện cảm ứng?

Trả lời: Cảm ứng hài cốt chỉ hạn định đối với người chết sanh vào đường ngạ quỹ, vì chúng quỷ thần cũng có một phần thần thông nhưng lại chấp vào thân kiến cho nên có duyên tương cảm về hài cốt, đó chẳng phải chuyện thông thường, sự thật cũng có yêu ma khác nương dựa vào hài cốt mà chúng ta khó biết rõ.

45- Hỏi: Hôm nay có người hỏi tôi về ý nghĩa ba hồn bảy vía, rốt cuộc phải trả lời như thế nào?

Trả lời: Hồn vía là vấn đề ngoài Phật giáo, có rất nhiều quan niệm về yếu tố đó. Trong nhà Nho gọi nó thuộc năng lực tinh thần, chuyển bên này biến hóa bên kia, vía hóa vía. Trong văn Dương Viết Hồn chú giải rằng: Nương vào phần linh ảnh là vía, nương vào linh khí là hồn. Y học cổ truyền lại nói hồn liên quan đến gan, vía liên quan đến phổi, cho rằng đó đều thuộc linh khí. Kinh sách nhà Nho nói về nội ảnh và có xác nhận có ba hồn bảy vía. Ngoài ra có nhiều thuyết bàn về hồn vía khác với quan điểm Phật giáo, đâu rảnh mà bàn chuyện đúng sai! Nhà Phật có nói về Tánh, do mê hoặc thì chuyển thành thức. Từ cái thức này mà các nhà ngoại đạo gọi là linh hồn. Thực ra, thức này càng mê thì càng xa tánh giác, từ một mà thành tám thức, nói ra tường tận mới hiểu, không thể vài lời mà giải hết cho bạn được.

46- Hỏi: Trung ấm thân có theo các căn(Phù trần căn) không? Nếu có thì không thể trở lại các căn của sắc thân giả làm duyên cho thấy, nghe, giác, biết; như xem ở người bị mù và điếc mất khả năng thấy và nghe thì có thể nói thân trung ấm có thức mà không có các căn không?

Trả lời: Đã gọi thân trung ấm có là có thân, tự nó có các phù trần căn, thân là một trong các căn. Sắc thân chẳng phải chỉ ở một loại thai sanh mà thôi, vì bốn loài chúng sanh đều có sắc thân. Vậy tác dụng của sự thấy, nghe, giác, biết chẳng phải chỉ thuộc ở phù trần căn, các căn chẳng qua là trợ thêm một duyên, duyên chủ lực là thuộc các tịnh sắc căn.

47- Hỏi: Trung hữu thân thật có không? Nếu có thì thể tướng của nó như thế nào? Nếu như trước khi nó chưa đầu thai thì nương vào chỗ nào mà tồn tại?

Trả lời: Hai từ “thật có”, phương diện học lý thì vạn pháp đều không, chỉ do nhân duyên sanh ra các tướng, trung hữu thân cũng không ngoài nguyên lý đó. Tướng của nó như người nhưng nhỏ hơn, dáng vóc nằm ngang hay nằm đứng thẳng và với nhiều loại khác nhau, Kinh Trung Ấm nói rất rõ về nó, khi chưa đầu thai nương thức mà tồn tại.

48- Hỏi: A lại da thức nương vào chân như không có đến và đi, vậy thì tâm thức đến đài sen như thế nào?

Trả lời: Cổ đức có câu nói:”Sanh thì quyết định sanh, đi mà thật không đi”, “Đi thì quyết định đi, sanh mà thật không sanh” có thể rõ điều ấy. Nếu chưa lĩnh hội được câu đó, nên nghĩ thêm rằng A lại da thức đã có thể đi vào lục đạo, tại sao lại không thể sanh về Tây phương?

49- Hỏi: Chuyển tám thức thành bốn trí, bốn trí thành tam thân. Mấy thức cộng thành một trí, chỉ riêng một thức nào mà thành một trí?

Trả lời: Năm thức trước tổng hợp nên thành sở tác trí; chỉ riêng ý thức thành Diệu quán sát trí, thức thứ bảy chuyển thành bình đẳng tánh trí và thức thứ tám chuyển thành đại viên cảnh trí.

50- Hỏi: Bốn trí chuyển thành ba thân, bao nhiêu loại trí thành một thân, riêng loại trí nào thành một thân?

Trả lời: Thành sở tác trí và Diệu quán sát trí cộng thành hóa thân; riêng loại bình đẳng tánh trí thành báo thân, đại viên cảnh trí thành pháp thân.

51- Hỏi: Nguồn gốc của chủng tử là mới sanh khởi hay là vốn có sẳn? Có phải chủng tử hữu lậu là mới sanh khởi? Có phải vô lậu chủng tử là vốn có sẳn hay không?

Trả lời: Chủng tử là một loại từ ngữ dùng diễn đạt công năng chẳng phải thật có như một vật thể. Các nhà Duy thức phân chủng tử có hai loại, thức thứ tám vốn không có đầu mối, gốc của nó vốn có chủng tử, về sau huân tập các tập khí ấn tượng vào trong thức thứ tám nên có chủng tử vừa huân tập, còn gọi là chủng tử mới sanh khởi; không kể là chủng tử hữu lậu hay vô lậu, đều có hai loại:loại có sẳn và loại mới huân tập.

52- Hỏi: A lại da thức là tuần hoàn không gián đoạn, vì sao thường khi bị hôn mê bất tỉnh mất đi tri giác, rốt cuộc không phải là đã có gián đoạn một lần hay sao?

Trả lời: Ở đây lấy con mắt làm ví dụ, ngay lúc sáng suốt trong sạch không bị bệnh, dụ cho cái gốc của thể tánh chiếu soi tất cả vạn vật đúng như thật tướng; Một khi mắt bị phát bệnh dụ cho A lại da khả năng nhận biết không đúng sự thật nên không thấy rõ chân tướng vạn vật. Nếu khi nhắm mắt hoặc đang ngủ thì không thấy gì, thật sự lúc ấy không khởi tác dụng cái thấy nhưng chẳng phải con mắt bị đoạn diệt, suy nghĩ việc này có thể hiểu rõ.

53- Hỏi: Phật dạy rằng: Tất cả động vật đều có Phật tánh, đã có Phật tánh thì có thần thức. Lại nói: Nhìn trong một bát nước thấy có tám vạn bốn ngàn vi trùng, hiện nay các nhà khoa học dùng kính hiển vi chiếu soi thì quả thật không sai; nhưng có người lại hỏi, nếu bát nước này đổ xuống đất, thế là có nhiều tâm thức của vi trùng hay không? Nếu có nhiều thần thức, vậy thì một bát nước thì có thể biến thành quá nhiều vi trùng?

Trả lời: Thần thức vô hình, nương tựa vào thân hữu hình. Nếu thừa nhận một bát nước có tám vạn bốn ngàn thân vi trùng, sao còn nghi hoặc con số tám vạn bốn ngàn thần thức. Thần thức trong một bát nước không hiện rõ nhiều, nếu đổ nước ra mặt đất nghĩ thấy quá nhiều. Nước rơi xuống đất, thân trùng bị chết thì thần thức chuyển nương chỗ khác sanh, nghĩa lý ấy quá rõ ràng. Nên biết trong hư không pháp giới chỉ trong một sát na có hằng hà sa số không thể nói số lượng chúng sanh trong bốn loại: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh bị chết; lại có hằng hà sa số không thể nói số lượng chúng sanh trong bốn loài xả thân chỗ này đầu thai hay sanh ở chỗ kia, điều đó cũng dễ hiểu.

54- Hỏi: Kinh Phật nói:”Người chết trong vòng bốn mươi chín ngày thì tùy theo nghiệp lực của mỗi người mà sanh vào cảnh giới tương ưng với nghiệp lực của họ. Còn có trường hợp, khi cơ duyên đầu thai chưa chín muồi, thường ở trong hư không giới trôi nỗi không chỗ nương tựa.” Nhưng mà người ta thường nói: “Ở phần mộ thường phát hiện tượng qoái lạ”. Đây có phải người trong lúc còn sống quá ư chấp trước, mê đắm sắc thân cho nên linh hồn cứ bám víu không rời, cho nên mới có hiện tượng đó xuất hiện phải không?

Trả lời: Trong vòng bốn mươi chín ngày, gọi là “Thân Trung Hữu”, Trãi qua cuộc phiêu du trong hư không, hoặc hiện tướng quái lạ, thì trường hợp người đó đã sanh vào cảnh giới ngạ quỹ. Lại còn tâm luyến ái phần mộ của chính mình là do chấp “Thân kiến” mà có.

55- Hỏi: Phàm phu nương thần thức để đầu thai, nếu như Phật và Bồ tát vì nguyện lực tái sanh, nếu như không dùng thần thức đầu thai, không rõ cách nhập thai như thế nào?

Trả lời: Tánh mê gọi là thức, Thức giác gọi là trí, thức là còn trói buộc vì nghiệp lực nên không được tự do, cho nên có thọ báo từ nguyên nhân trong vòng sanh tử là nhập thai và xuất thai. Bồ tát có nhiều cấp độ, tùy theo sự phân định nên chưa nói hết được. Nhưng Bồ tát từ thất địa trở xuống còn tồn tại thức, tùy nguyện nhập thai, dùng hóa thân để nhập thai, nếu không thì dùng Như Lai Tạng gồm thức và trí mà nhập thai. Nếu như Phật hoặc bậc Đẳng giác đã chuyển thức thành Đại Viên Cảnh Trí, pháp thân bất động, hóa thân vô lượng, dùng hóa thân mà nhập thai. Giống như trường hợp biến hóa loại chim nói pháp trong Kinh A Di Đà, theo đó mà biết.

56- Hỏi: Thần thức của bốn loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh là giống nhau hoặc có phân biệt lớn nhỏ. Thí dụ như loài súc sanh hổ, sư tử, voi có hình dạng to và khỏe; con kiến con sâu thì dạng nhỏ và yếu; vậy thần thức của chúng vốn có giống nhau không?

Trả lời: Thể tánh giống nhau, thần thức sai biệt, thần thức ô nhiễm sâu cạn của các loài khác nhau, nếu luận to nhỏ thì đều không nghĩ bàn, có lớn bao nhiêu cũng không ngoài tâm thức ấy, không hạn định thọ thân hình lớn hay nhỏ. Cho nên các loài hổ, sư tử, voi to lớn và mạnh khỏe, con kiến con sâu nhỏ và yếu đuối, vẫn là quan hệ thể lực và hình trạng, thần thức không vì đặc điểm ấy mà có thêm hay bớt.

57- Hỏi: Chúng sanh vì nghiệp lực trói buộc, vậy khi kết thúc báo thúc sanh mạng thì phải đọa vào địa ngục hay không? Có phải yếu tố thọ nhận quả báo do nghiệp lực này là thức thứ tám hay không? Chúng sanh đi nhận quả báo là chủ động đi hay bị động? Nếu chủ động thì nhất định đi tìm cảnh giới tốt và lánh xa cảnh giới xấu? Nếu là bị động thì làm sao trong hằng hà sa số chúng sanh mà biết tìm ra chủ nợ để đền tội báo?

Trả lời: Không ra khỏi cảnh lục đạo luân hồi thì tâm thức có thể nhập vào địa ngục, như người ở chung trong nhà thì thường phải gặp lại nhiều lần. Thức thứ tám là chủ nhân ông, nghiệp lực là hạt gióng được chứa trong thức thứ tám, khởi lên hiện hành, gọi là năng lực của nghiệp giống như dây trói ràng buộc thức thứ tám thăng trầm trong lục đạo, đây là nguyên nhân chính yếu; trả nợ oan gia chẳng qua là cái duyên bên ngoài mà thôi.

58 Hỏi- Khoa học cận đại phát minh tất cả quy tắc và nguyên lý; y theo kinh Phật thì vẫn thuộc khả năng phân biệt của thức thứ sáu thì chẳng phải là lý tuyệt đối. Nhưng nếu ứng dụng nó vào thực tế thì phù hợp với sinh hoạt văn minh vật chất, như học môn toán học có thể đo độ cao của núi, độ sâu của nước, biến đổi hành tinh, điều này quá ư rõ ràng. Hiệu quả như vậy, cũng gọi là hư vọng hay sao?

Trả lời: Vọng là vọng niệm mê hoặc, cho đến cảnh giới hư vọng bên ngoài. Cảnh đã không thật, tính toán nhiều cách cũng là lấy vọng duyên vọng. Núi cao, nước sâu vốn là cảnh giả, môn toán học tính toán cũng thực dụng, nhưng không qua sự kiểm soát hành vi trật tự của tâm.

59- Hỏi: Chúng sanh chết không diệt, tùy theo sự tạo nghiệp thiện ác chịu lang thang trong lục đạo luân hồi, nhưng từ vô thủy đến nay, thần thức của chúng sanh có tăng hay giảm? Nếu như không có tăng giảm, nhưng khi tu hành đạt đến địa vị Phật và Bồ tát thì không còn đọa lạc luân hồi, thì rõ ràng là có giảm; Như sinh vật tăng trưởng không ngừng, y số lượng tăng thêm với cấp độ như thế nào thì biết là tăng. Nếu gọi là có tăng giảm, nếu tăng thì từ đâu đến, nếu giảm thì đi về đâu?

Trả lời: Ở đây xin lấy không khí làm ví dụ, không khí khi gặp khí hậu nóng và lạnh lưu chuyển không ngừng, trong quá trình lưu động đó chiếm vạn không gian căn nhà. Như vậy, trong mỗi căn nhà đều chứa đầy không khí, nếu như bớt đi ngàn căn nhà thì có thể nói bớt đi ngàn gian không khí không? Nếu kiến lập tăng thêm mười vạn gian nhà, cũng không thể nói tăng thêm mười vạn gian không khí. Tâm thức chúng sanh giống như không khí trong nhà có phần thơm, thúi, nóng và lạnh. Ví dụ, không khí nhà anh A lưu chuyển sang nhà anh B, nhà anh B lưu chuyển qua nhà anh C, triển chuyển không ngừng. Không khí vô lượng vô biên trong tam thiên đại thiên thế giới đến chỗ này đi chỗ kia. Nên biết hư không này rộng lớn, vấn đề tăng giảm có thiết lập hay không? Tánh của Phật và Bồ tát giống như bản năng không khí bên ngoài căn nhà, không có mùi vị thơm hay thối, cũng không thọ biến đổi nhiệt độ nóng hay lạnh.

60- Hỏi: Bậc thánh nhơn không mộng tưởng có tương tợ với trạng thái như như bất động của nhà Phật hay không?

Đáp: Trình độ thánh nhân cũng có các bậc sai biệt, trạng thái như như bất động đương nhiên là không còn mộng tưởng, nếu chỉ đạt trạng thái không còn mộng tưởng cũng không thể cho rằng là đã chứng như như bất động.

61- Hỏi: Trong thế gian có thánh hiền, có hạng ngu trí và tầm thường, căn tánh vốn sai biệt. Lại có người giàu sang hay nghèo hèn, người có mạng sống lâu dài hay bị chết yểu, tất cả có quả báo khác nhau. Cho đến tất cả chúng sanh bao gồm thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh sống ở đất liền hay dưới nước đều có nhiều loại. Nếu như do vô minh làm cái duyên đầu tiên đưa đến cảnh luân hồi sanh tử, như vậy có phải là chân như thật tướng có nhiều thể loại khác nhau, như thể chất của kim loại thì cảm ứng điện từ, thể chất của cây gỗ thì đốt cháy. Cái gọi là vô minh cũng có nhiều thuộc tánh khác nhau, gióng như điện, như lữa và nhiều loại khác nhau ngay khi mới hình thành thế gian. Thứ hai là chúng sanh có nhiều hình tướng sai biệt đều do nghiệp lực mỗi loài mà tạo nên, tức là do đầu tiên của yếu tố vô minh. Nếu tạo nghiệp thiện thì có quả báo thiện, nếu tạo nghiệp ác thì có quả báo xấu ác, phân biệt như thế nào? Thứ ba, Duy thức luận có nói: “Vô minh huân tập chủng tử, chủng tử sanh hiện hành”. Lập luận vô minh làm nhân đầu tiên nên có hai tính chất thiện ác. Nếu do huân tập mà có, nếu duyên điều thiện thì trãi qua nhiều kiếp có thể thành Phật, nếu duyên điều ác thì bị đọa lạc địa ngục càng sâu nặng. Nếu có hai cảnh giới thánh nhân và và địa ngục, thì tại sao có sự phân biệt cảnh chư thiên, cảnh A tu a, cảnh súc sanh và cảnh ngạ quỹ, cho đến trường hợp người chết đầu thai làm con dê, con dê chết đầu thai thành người, thay đổi ăn nuốt lẫn nhau. Thứ tư, Giả sử ban đầu chân như thật tướng giống như một tấm vãi trắng, vô minh dụ như một chậu chứa nhiên liệu nhuộm đủ các màu sắc, do điều kiện nhuộm khác nhau mà có các màu sắc khác nhau. Nếu theo nhà thiền nói: “Tất cả do tâm tạo”, vậy ai là người tạo các màu sắc ban đầu và cái chậu chứa nhiên liệu nhuộm? Xin chỉ giáo.

Trả lời: Câu hỏi này có bốn đoạn, nay phân biệt để trình bày cho rõ ràng. Đoạn đầu hỏi về “Tối sơ vô minh”(Vô minh là yếu tố có đầu tiên), Phật học chỉ nói: “Vô thủy vô minh”(Vô minh không có ban đầu), chứ không nói là vô minh là có đầu tiên. Không có cái nguyên nhân đầu tiên, huống gì nói có nghĩa ban đầu. Nay đưa một vật ra truy cứu, truy tìm tận cùng thì chắc chắn khó thấy cái yếu tố ban đầu trong đó. Người ta thường nói cái ban đầu là cách nói tạm thời mà thôi. Thứ hai là câu: “Thật tướng chân như phải có nhiều cái thể khác nhau”, thật tướng chân như không có nhiều thể khác nhau, do nhiễm có sâu và cạn nên lưu chuyển có tiến và lùi, cho nên hình thành vạn loại. Kế đến đoạn: “Các tướng thiện và ác làm sao mà phân biệt”, tánh thiện, tánh ác đều có đủ trong ba phẩm loại nghiệp bậc thượng, bậc trung và bậc hạ; hoặc là trước thiện sau thì ác, trước thì ác sau thì thiện, nên vô minh khởi thì thấy đủ duyên phần và hoàn cảnh, hình thành duyên thiện và duyên ác thành nhiều loại khác biệt, không thể suy lường hết. Đoạn ba câu nói: “Nên chỉ có hai cảnh giới thánh và cảnh địa ngục…” Hai cảnh thiện ác nói tổng quát thì có thượng, trung và hạ, nếu nói tường tận thì có nhiều đẳng cấp. Cái nhân đã phức tạp như vậy thì kết quả làm sao chỉ đơn giản có hai cảnh thánh và địa ngục. Bậc thánh còn có bốn quả vị thanh văn, Bồ tát còn có năm mươi hai địa vị khác nhau. Địa ngục cũng căn bản có nhiều loại như cận biên, cô độc. Tuy nói hai cảnh thánh và địa ngục nhưng trong đó không giống nhau. Đoạn cuối đã nói: “Tất cả do tâm tạo” Vậy sao đặt câu hỏi ai tạo! Xin vui lòng tự hiểu.

61- Hỏi: Theo tông Duy thức thì tu hành như thế nào? Đến lúc lâm chung đi về đâu? Có phải sanh về thế giới Tây phương?

Trả lời: Tu theo Duy thức chỉ là quán sát, nói đến tường tận rất là phức tạp. Đầu tiên phải hiểu nghĩa lý năm pháp quán ba tự tánh, ba tánh ấy là “Biến kế sở chấp”, “Y tha khởi” và “Viên thành thật”. Ý nghĩa ba tánh ấy như thế nào, ở đây không thể nói hết, chỉ giới thiệu tên, chỉ nói thứ tự cho biết mà thôi. Hành giả phải quán sát ba tánh ấy, từ cạn đến sâu. Lại thêm năm món khác, một là: Bỏ hư vọng thì hiện chân thật (Khiển hư tồn thật), ở đây vẫn là pháp quán tương đối về hư và thật. Hai là: Xả tạp vọng nhiễm lưu thuần tịnh(Xả lãm lưu thuần), đây vẫn là pháp quán về tâm và cảnh tương đối). Ba là: Nhiếp ngọn trở về gốc ( Nhiếp mạt quy bổn), đây vẫn là pháp quán thể dụng tương đối. Bốn là làm mất hạ liệt hiện thù thắng (Ần liệt hiện thắng), đây là pháp quán tâm sở tương đối. Bốn là: Bỏ tướng trở về tánh (Khiển tướng quy tánh), đây là pháp quán tương đối về sự lý. Đến đây là xong. Bốn pháp quán đầu là xả bỏ “Biến kế sở chấp” trở về pháp quán: “Y tha khởi”. Pháp quán sau cùng là xả bỏ “Y tha khởi” để chứng đắc “Viên thành thật”, viên thành thật là tên khác của chân như, còn gọi là Đại viên cảnh trí. Phát nguyện sanh Cực lạc thì được sanh, nếu không có nguyện ấy thì không sanh.

62- Hỏi: Trường hợp lỗ tai bị điếc mất khả năng nghe là tai có bị bệnh; nhưng trường hợp lỗ tai không bị bệnh gì tại sao khi chúng ta đang ngủ cũng không nghe được âm thanh?

Trả lời: Lỗ tai là thuộc về căn, khả năng nghe thuộc về thức, căn và thức đều có chủng tử trong A lại da. Chủng tử có công năng tịnh chỉ và hiện hành, âm thanh là thuộc tướng phần, khả năng nghe thuộc về kiến phần. Kiến phần duyên tướng phần tức là thức nương vào căn mà nắm lấy nhân duyên đó. Bất luận là nghe hay nhìn đều phải mượn duyên để phát khởi chủng tử của thức và chủng tử của căn cùng nương tựa vào nhau phát khởi hiện hành khả năng nghe và thấy. Nếu không có duyên tịnh chỉ thì không có khả năng nghe và thấy. Cho nên lúc ngủ mất các duyên đó và thức không nương vào căn được nên không có khả năng nghe.

63- Hỏi: Thầy thường dạy rằng, chúng ta làm việc lành với thể không tam luân, hạt giống nghiệp không lưu dấu trong tâm thức (Người chuyên làm việc xấu ác lại không biệt hỗ thẹn. Ví dụ như tín đồ ngoại đạo nói: “Loài súc sanh là để cho con người ăn, cho nên họ chủ trương giết vật ăn thịt mà trong tâm không một chút ái ngại, trường hợp đó trong tâm thức tựa hồ như hạt giống nghiệp chưa lưu dấu, như vậy có tội không?

Trả lời: Tam luân thể không vẫn là một pháp hành không chấp tướng, chúng ta nghe pháp và đang tu đây chỉ là công phu đầu tiên, tu thiện mà tâm chưa tự tại, vẫn còn lưu dấu pháp trần trong tâm thức. Tu hành với công phu sâu hơn tâm thức như cảnh vật qua gương soi, cảnh đối trước gương thì bóng hiện, cảnh vật dời đi thì bóng không còn, đạt cảnh giới đó mới gọi chân thể không. Ngoại đạo không rõ thể tánh, chưa từng nghe pháp không và vô tướng thì nhất cử nhất động đều ghi bóng trong tâm thức. Sát sanh ăn thịt mà trong tâm không chút ái ngại chứng tỏ còn si mê không rõ tội phước, chẳng phải là thể tánh không nhiễm chân không. Những thực phẩm có các loại thịt, có đủ các loại máu huyết trong cảnh dao thớt và nấu nướng, đầy đủ các mùi vị khiến mọi người tham lam, mê mờ nhân quả. Những thực phẩm và tâm niệm luôn luôn tương ưng mà tập nhiễm, tại sao nói là trong thức thứ tám không huân tập hạt giống nghiệp đó.

64- Hỏi: Do vô ý hay gián tiếp tạo nghiệp mà bản thân mình không biết, hạt giống nghiệp làm sao mà nhập vào được trong thức thứ tám?

Trả lời: Do vô ý mà tạo tác thì vấn đề tội phước chưa phân biệt, với sự kiện do thân khẩu ý tạo ra, tức có niệm khởi thì hạt giống nghiệp sẽ lạc vào trong thức thứ tám. Tất cả mọi sự tạo tác đều có đủ tánh thiện và tánh ác, thiện ác ở trong sự việc, sự việc ở trong tâm niệm, tâm niệm ở trong tâm thức. Thử hỏi hạt giống thiện ác rơi vào chỗ nào? Chẳng qua dù cố ý hay vô ý thì tội ấy cũng phân ra có lực mạnh hay yếu, cho nên khi khởi lên hiện hành thì có phân biệt tội báo nặng hay nhẹ.

65- Hỏi: Giải thích như thế nào về ý nghĩa duyên hình bóng sáu trần trong tâm thức?

Trả lời: Năm thức của Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, theo duyên bên ngoài tương ưng với năm trần là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc thì chủng tử ấn vào trong tâm thức thức tám, gọi là nội pháp trần. Ý thức hướng vào bên trong duyên với hình ảnh đó, tính toán và phân biệt ba thời tương tục, sự mê hoặc phát khởi như lữa cháy. Nên biết thức vốn huyễn vọng, nhân căn trần mà khởi, nếu căn cách li trần thì thức không phát khởi. Phàm phu không liễu ngộ tâm mình, ngộ nhận ý thức là tướng của tâm, gọi là duyên hình ảnh của sáu trần.

66- Đáp: Độc đầu ý thức có chức năng như thế nào?

Trả lời: Trong tám thức, ý thức có năng lực rất lớn, cùng với năm thức trước theo duyên bên ngoài, gọi là Ngũ câu ý thức, lại còn duyên với pháp trần bên trong gọi là Độc đầu ý thức.

67- Hỏi: Nguyên nhân nào mà có thức?

Trả lời: Mê bản tánh là thức, mê tức là nhân duyên của thức.

68- Hỏi: Căn cứ “Bát thức quy củ tụng thích luận”, nói Sắc căn là tăng thượng duyên, sắc trần là sở duyên duyên. Khi căn và trần giao thoa với nhau sanh ra sự thấy biết của thức về tướng phần; nói cách khác, thấy biết về cảnh thì cảnh đó là do thức biến không phải là cảnh của sắc trần. Cảnh sắc trần thật bên ngoài không phải do thức biến, ở đây không phải trái ngược với đạo lý vạn pháp do thức biến của Duy thức hay sao?

Trả lời: Thức và vạn pháp chẳng phải một và chẳng phải hai, như nước và sóng chỉ có tướng bên ngoài khác nhau mà thôi. Trong tám thức đó ví như một cây cổ thụ, thức thứ tám là gốc cây, thức thứ bảy là thân cây, thức thứ sáu và năm thức trước là cành cây. Tuy nói là tám thức nhưng thực sự ra từ một thức mà biến thêm bảy thức. Thức thứ tám hàm chứa tất cả các chủng tử, biến hiện thành sanh mạng và môi trường sự sống, nói vạn pháp duy thức là giải thích rõ gốc tướng trạng của căn và thức. Thức thứ sáu là chủ sự phân biệt do năm thức đầu duyên với trần cảnh mà khởi. Khi khởi lên phân biệt thì phân thành kiến phần và tướng phần, đó là tác dụng của thức vậy. Khi căn trần không duyên thì không có tác dụng tiền ngũ thức, tác dụng không khởi nhưng chẳng phải không có năm thức trước. Khi căn trần giao thoa mà sanh thức là giải thích tướng trạng chi nhánh của thức.

69- Hỏi: Xin chỉ giáo về đạo lý Tâm tạo ra cảnh giới?

Trả lời: Đạo lý tâm tạo ra cảnh giới, thật khó giảng rõ khi dùng vài lời ngắn gọn, giáo lý về hai tông tánh và tướng đã từng nói về vấn đề này. Nếu nói tóm lược và không đi vào chi tiết thì khó nắm được ý nghĩa quan trọng của nó. Theo những lời giải đáp trước có thể hiểu khái quát về đạo lý tâm tạo ra các cảnh giới.

70- Hỏi: Ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức, đạo lý tâm và thức có gì khác nhau.

Trả lời: Ba cõi duy tâm là nói đến phần năng(chủ thể), vạn pháp duy thức là nói đến phần sở(đối tượng), chủ thể là lấy niệm khởi làm thể, đối tượng là cảnh được nhận thức. Thực ra hai câu này có sự diễn đạt riêng của nó, nên thấy ý nghĩa tâm thức tương tự như một. Nếu như không dùng câu nói trên, khi diễn đạt về pháp tướng thì tâm là A lại da thức, thức là sáu thức khi căn trần tiếp xúc với nhau, vậy thì tâm và thức có nội dung khác nhau.

71- Hỏi: Xin hỏi thân thể con người sau khi bị gây mê tâm thức ở chỗ nào? Thức thứ tám có bị lạc mất cảnh tượng hay không? Vì sao bị lạc?

Trả lời: Thức đợi nhân duyên mà khởi, nếu không khởi là do lúc đang hôn mê các căn tạm thời mất tác dụng, lúc ấy thức chỉ tạm thời không khởi mà thôi. Công năng thức thứ tám dung chứa chủng tử. Thức nương vào căn, đợi đủ duyên mới khởi. Lúc hôn mê các căn tạm thời mất tác dụng, thức không đủ duyên nằm ẩn đó mà không khởi. Công dụng của thức thứ tám vốn là dung chứa, thức thứ bảy nắm giữ các duyên, là đều thuộc tư tưởng, tư tưởng có tập khí của nó, có tập khí thì có ấn tượng trong tâm thức. Ngôn ngữ hiện đại, danh tức là ấn tượng, ấn tượng sâu cạn quan hệ với trí nhớ sâu hay cạn, từ điều này mà suy luận ra đạo lý ấy.

72- Hỏi: Ban ngày suy tư điều gì, ban đêm mộng điều ấy, lúc vào giấc mộng thì có phải thần thức đi đến chỗ nào đó phải không?

Trả lời: Thần thức tức là dung lượng của tâm, rộng lớn bao trùm vô cùng, tất cả các sự vật đều chứa trong đó, lúc vào giấc mộng là chủng tử khởi hiện ra, vì đó là hiện tượng của thức, cho nên thức chẳng có đến đi, cái gọi là bóng dáng của sáu trần, mộng là một sự kiện như vậy.

73- Hỏi: Từ đầu đêm đến sáng mai không nằm mộng, không biết thời gian đó thần thức nằm ở đâu?

Trả lời: Nên biết thần thức gồm có thể và dụng, thể của nó vốn là do khi mê lầm và theo vọng tâm, dụng tức là khởi sự phân biệt. Lúc tỉnh ngủ thì theo duyên vọng niệm, lúc ngủ say thì mộng tưởng điên đảo, các hiện tượng này đều thuộc tác dụng của thức, như thế tác dụng của thức lại có hai trạng thái ẩn phục và hiện khởi. Ẩn phục là tiềm ẩn không có điều kiện sanh khởi tác dụng của thức, tuy ẩn nhưng chẳng mất công năng của tác dụng. Khởi là theo điều kiện sanh khởi tác dụng, tuy khởi nhưng vẫn thuộc thể không. Nay đưa ra ví dụ cho dễ hiểu: Khi dùi chuông đánh vào cái chuông thì âm thanh được phát ra, thật ra âm thanh không có tự thể. Khi dùi không đánh vào chuông thì không có âm thanh phát ra. Suy tìm tường tận, chẳng phải không có âm thanh. Nếu thấu hiểu điểm này, nếu có mộng thì sanh khởi tác dụng của thức, khi không có mộng thì tác dụng của thức ẩn phục.

74- Hỏi: Vấn đề thức thứ sáu và thức thứ bảy, khi xuất hiện một niệm (Niệm tưởng), cái nào có trước? Cái nào có sau? Hay là cùng khởi lên một lần, hay là không có sự trước và sau? Có phải một niệm khởi đầu tiên là từ thức thứ sáu? Nếu thức thứ bảy cùng nương tựa vào niệm khởi thì thức thứ bảy là đầu tiên? Tóm lại, khi khởi lên một niệm tưởng là do tác dụng của thức nào trước, hay là không có phân biệt trước sau?

Trả lời: Thức thứ bảy gọi là hằng tư lượng (Tư duy và suy lượng), diễn biến liên tục không ngường, thức này do căn bản của vô minh mà sanh tướng phần, lại còn tiếp nhận thêm từ thức thứ sáu, mà tác dụng thức thứ sáu là phân biệt và lúc thì hiện hữu lúc thì vắng mặt. Thứ hai, luôn nhớ nghĩ, vừa dừng niệm này lại tiếp tục niệm sau, vì vậy rất khó so sánh và thấy được thức nào trước và thức nào sau. Nếu như phân tích rõ ra thì thức thứ bảy hiện khởi trước, thức thứ sáu hiện khởi sau. Hiện khởi trước là lúc ban đầu niệm tưởng khởi, Hiện khởi sau là sau khi niệm khởi.

75- Hỏi: Tại sao “Sanh khởi của sắc pháp phải có hai duyên, nhân duyên và tăng thượng duyên”? Tại sao “ Tâm pháp thì phải hội đủ bốn duyên?

Trả lời: Tâm pháp là tám thức, các thức sanh khởi phải y theo chủng tử, cho nên phải có nhân duyên. Tâm và tâm sở tương tục không gián đoạn, nếu đoạn thì không sanh khởi, nếu sanh thì không đoạn, nên có vô gián duyên. Duyên lự của thức vẫn nhờ tự cảnh của thức mà khởi, duyên lự vào tự cảnh của chính nó, nên gọi là sở duyên duyên. Nương vào pháp khác mà làm duyên giúp sức, hoặc đoạn trừ chướng ngại, làm cho thức sanh khởi dễ dàng và có cơ hội tốt, nên gọi là tăng thượng duyên. Trường hợp này bốn duyên liên quan với nhau, thiếu một duyên cũng không sanh khởi. Sắc là biến tướng của tâm và tâm sở mà thành, khi có tướng thì có thể luận từng giai đoạn, tự nó thành một nhân, còn giữ thức mà trừ duyên nương tựa thì nó hiện bày.

76- Hỏi: Chứng bệnh phân liệt tâm thần tạo ra các nghiệp hoặc cố ý hoặc vô ý, hoặc thiện hoặc ác, tương lai gặp nhân duyên thì có khởi hiện hành không?

Trả lời: Khởi hiện hành là từ chủng tử trong tâm thức con người. Chủng tử này có tồn tại từ đời trước và đời này, gặp duyên thì phát khởi. Sự tác động của căn bệnh tâm thần cũng phân thành trạng thái còn tỉnh và mê loạn. Như người say rượu, chẳng đầy đủ lý trí, lúc tỉnh thì có ý thức xen vào và ấn tượng vào tâm thức, trạng thái cuồng điên tâm thức là vô ý thì không ấn tượng vào trong tâm thức. Có ấn tượng thì có chủng tử, gặp duyên thì khởi hiện hành, không có chủng tử thì làm sao mà có hiện hành. Ở đây chỉ nói tình trạng căn bệnh, nếu bệnh chưa lành hẳn thì sẽ phát sanh trở lại, chủng tử hiện hành thì định kết quả.

77- Hỏi: Mỗi người trong giấc mộng thấy hình ảnh các sự vật, sau khi tỉnh giấc cảm nhận những hình ảnh ấy giống như thật, nhưng thật ra đó là không phải thật, có phải hình ảnh trong mộng là tác dụng phát khởi của các chủng tử thức thứ bảy và thức thức tám của chúng ta hay không? Đối với nhân quả có quan hệ như thế nào?

Trả lời: Tuy những cảnh trong mộng đó là không thực, có lúc cũng ấn tượng thành chủng tử trong tâm, vấn đề xem cảnh mộng đó ấn tượng trong tâm lý sâu hay cạn mới xác định thành chủng tử hay không. Chủng tử có năng lực, gặp duyên thì phát khởi mầm thành nhân. Trường hợp khởi mầm nhân là khi giấc mộng xảy ra có hình ảnh và nội dung trùng lặp với giấc mộng lần trước. Có người nói cảnh huyễn mộng đó không thực thuộc vô ký, không thể tạo thành kết quả. Cảnh mộng liên hệ với tướng cảnh giới, nếu không trải qua sự “Liên tục”,“Nắm giữ”,“Lập danh tự” và “Khởi nghiệp” thì sẽ không sanh quả báo về sau.

78-Hỏi: Có phải từ vô thủy đến nay Phật tánh đã bị nhiễm vô minh hay không? Hoặc giả là có phật tánh bất động thanh tịnh bỗng nhiên sau lại bị nhiễm vô minh? Phật pháp là siêu việt thời gian và không gian, nếu trả lời cho người sau này hiểu rõ thì chắc rất khó trình bày?

-Trả lời: Phật tánh và vô minh đều từ vô thủy mà có. Vô thủy là không thể nói ban đầu của nó. Phật tánh bất động vắng lặng đột nhiên nhiễm vô minh, nhiễm từ lúc nào nói ra không cùng tận, gọi là vô thủy.

79- Hỏi: Do hết thảy thức thứ tám đến thức thứ nhất đều là vô minh, như thế sự tồn tại khách quan của vũ trụ là có thật hay sao? Hay là giả? Sự tồn tại khách quan của vũ trụ chính là lý thuyết này cho rằng vũ trụ sanh ra cảm giác của người và sự vật, vậy vũ trụ làm sao sanh ra cảm giác con người? Làm sao sanh ra sự vật nữa?

Trả lời: Vũ là không gian, trụ là thời gian, hai yếu tố này chẳng phải là sự vật, đó là hai phạm vi bao hàm sự vật. Đây là cảnh, tâm ta khởi niệm theo cảnh cho nên nói: ”Sanh ra cảm giác con người”

80- Hỏi: Tất cả do tâm tạo, câu nói này có phải nói là khi tâm chúng ta chưa khởi động niệm thì vũ trụ không có vạn vật? Giả sử không có vạn vật thì tại vì lý do nào mà thể tính bị ô nhiễm bởi vô minh bên ngoài?

 Trả lời: Vô minh phân làm hai loại, một là vô thủy vô minh, hai là hậu lai tăng thượng vô minh. Vô thủy vô minh là một niệm bất giác từ vô thủy, vô minh tự khởi lên, bất giác tức gọi là vô minh, chẳng phải do bên ngoài vào. Giống như người mệt mỏi sanh buồn ngủ, vậy buồn ngủ là do mệt mỏi sanh chứ không phải do từ bên ngoài vào. Hậu lai tăng trưởng vô minh là do Tam tế lục thô(Tam tế: Vô minh nghiệp tướng, năng kiến tướng, cảnh giới tướng; lục thô: Trí tướng, tương tục tướng, thủ chấp tướng,kế danh tướng, khởi nghiệp tướng và nghiệp hệ khổ tướng) mà sanh khởi, rồi sanh ra vạn hữu, mới bắt đầu gặp cảnh tăng thêm vô minh, ví dụ như hiện tại đối với sáu trần mà khởi niệm thương ghét vậy.

81- Hỏi: Mê bản tánh thì biến thành thức, phân thành bốn nhóm bao gồm tám thức. Tất cả mọi hoạt động của chúng sanh đều là do tác dụng của thức thứ tám. Lại nói thức thứ tám cũng chẳng thật có, do niệm niệm sanh diệt. Trong trường hợp này, khi niệm trước diệt, trong sát na niệm sau chưa sanh, có phải chính ngay đó là trở về bản thể?

Trả lời: Vọng niệm và vô minh sanh khởi, hai từ sanh diệt chỉ là tổng tướng. Thực chất tướng “Sanh” và tướng “Diệt” thuộc trong bốn tướng chuyển biến liên tục không gián đoạn. Nếu biết “Sanh-trụ-dị-diệt” là liên tục thì nhận ra sự liên tục của “Trụ-dị-diệt-sanh”, thuộc cái gọi là ”Niệm niệm không dừng”. Dù có sát na của tướng bên ngoài “Chưa sanh”, thực chất không có sát nào thức thứ bảy “Chưa sanh”, dù có sát na của thức thứ bảy “Chưa sanh” Nhưng nghĩa sanh ấy thuộc năng sở (tướng đối đãi) vẫn là là vô minh, vô minh này chưa đoạn trừ, làm sao gọi là trở về bản thể!

82- Hỏi: Tự chứng phần và chứng tự chứng phần hỗ trợ chứng đắc như thể nào?

Trả lời: Ở đây có thể đưa ra một ví dụ làm sáng tỏ vấn đề: Như có hai hình chữ Khẩu viết thiếu nét, một hình thiếu một nét phía trên, một hình khác viết thiếu nét ở dưới. Khi mắt nhìn thấy rõ xác nhận đặc điểm hai chữ khẩu thiếu nét. Từ phương diện con mắt mà nói thì con mắt là “Tự chứng phần”. Nhưng con mắt thấy có chính xác hay không, sau khi xem lại cẩn thận hai chữ khẩu thiếu nét, quả thật là đúng, mắt nhìn không sai. Từ phương diện hai hình mà nhận thức, thì hai hình chữ là dụ cho “Chứng tự chứng phần”, Năng và Sở cùng chứng, không cần tìm cái duyên bên ngoài.

83- Hỏi: Nói thức trước sau đó mới có vạn pháp, có phải là “Vạn pháp duy thức” hay không?

Trả lời: Phật pháp nói rằng giác ngộ chân tướng của vạn pháp. Vạn pháp có tương quan tương duyên với nhau, có đặc điểm khác khau. Nếu dùng văn tự giải thích tức là từ lý nhân duyên xác định, nhưng khác nhau ở ngôn từ diễn đạt, như “Vạn pháp duy thức”, “Vạn pháp giai không”, “Vạn pháp vô thường”, không thể nói hết, nếu chấp vào một phương diện thì có sự vấn nạn; Nếu khởi viên quán, vấn đề càng thực tế hơn. Ở đây đáp lại câu hỏi, thức cũng là pháp, vậy thì thức có trước hay pháp có trước? không thể xác định được. Nếu từ ”Vạn pháp nhất như” mà nói thì không có trước và sau.

84- Hỏi: Con người do từ nhiều điều kiện có nhận biết của các giác quan từ cái nhìn thấy, nghe âm thanh, ngữi mùi,nếm vị,xúc chạm và cảm thọ của sáu thức, tác dụng của sáu thức này không có tính thiện hay ác, thế thì từ xưa tới nay không phải chỉ vì vô minh dẫn khởi. Do đó mà lý “Vạn pháp duy thức” được thành lập và không nhất thiết lấy nguyên nhân “Mê” để giải thích.

Trả lời: Tư tưởng rất cao nhưng lý còn thiếu sót, đó là chỉ có thể phân tích trên lời nói. Một là: “Sáu thức khởi tác dụng không có tính thiện ác”. Theo thế gian pháp mà luận thì: Không hợp lễ giáo chớ nhìn. Không hợp lễ giáo chớ nghe. Không hợp lễ giáo chớ nói, Không hợp lễ giáo chớ làm.(Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động). Ở đây, cho rằng sáu thức không hợp lễ là ác vậy. Nhưng khi nói: Quán sát tư duy rõ biết đối tượng, lắng nghe tư duy hiểu lời người nói, Nét mặt biểu hiện thân thiện ôn hòa, Oai nghi cử chỉ biểu hiện cung kính.(Thị tư minh, Thính tư thông, Sắc tư ôn, Mạo tư cung). Ở đây, sáu thức có tư duy thiện, không thể nói là không phải thiện và không phải ác. Theo pháp xuất thế mà luận: Bản tánh giác ngộ là trí, bình đẳng nhất như là thiện, vô minh là thức, giả dối phân biệt là ác. Tham sân si do thức khởi tác dụng là ác; giới định tuệ do trí tuệ khởi tác dụng là thiện. Cho nên cần tu giới định tuệ, dứt bỏ tham sân si để chuyển thức thành trí.

Hai là nói tác dụng của sáu thức: “từ xưa tới nay không phải chỉ vì vô minh dẫn khởi”. Không biết về thức tức là vô minh, vô minh là mê, mê thì vọng động. Phật dạy A Nan và bà Vi Đề Hy, phát khởi ba thứ tâm liền được vãng sanh. Một là chí thành tâm, hai là thâm tín tâm, ba là phát nguyện hồi hướng tâm; đầy đủ ba tâm này thì được vãng sanh Tây phương. Lại nữa có ba hạng chúng sanh được vãng sanh. Thế nào là ba: Một là từ bi không sát hại, đầy đủ giới hạnh. Hai là đọc tụng kinh điển đại thừa. Ba là tu hành lục niệm, hồi hướng nguyện vãng sanh Cực lạc. Đầy đủ các công đức này, một ngày cho đến bảy ngày tức được vãng sanh./.

(Dịch xong một ngày đầu xuân năm 2015, tại chùa Tam Bảo-Tulsa-Oklahoma-Hoa Kỳ)

[1] Dẫn nghiệp là tổng báo, mãn nghiệp là biệt báo.

[2] Dị thục: Chỉ cho ý nghĩa diễn biến nhân duyên đưa đến quả báo.

[3] Tam tế: Vô Minh Kiến tướng, Năng kiến tướng, Cảnh giới tướng. Lục thô: Tri tướng, tương tục tướng, chấp thủ tướng, kế danh tự tướng, khởi nghiệp tướng, nghiệp hệ khổ tướng.

[4] Thắng nghĩa căn: Hệ thống tinh thần.

[5] Ý này chỉ bảy nghiệp của thân và khẩu: Thân ba: sát, đạo, dâm; khẩu bốn: Nói lời độc ác, nói dối, nói lời hai chiều, dựa lời nói ngụy biện.

QUÁN CHIẾU DUYÊN NGHIỆP ĐỂ NHẸ LÒNG HƠN

Nhiên Như - Quảng Tánh

HỎI: Tôi có một người bạn, bạn ấy không may mắn bị hãm hiếp và có thai. Vì nhiều lý do và khủng hoảng về mặt tâm lý nên bạn ấy đã phá thai. Về sau trở thành Phật tử, bạn ấy suy nghĩ lại và rất ân hận vì hành động của mình khiến suy sụp tinh thần. Mong quý Báo có thể giúp cho những lời khuyên để bạn ấy vượt qua cú sốc tinh thần đồng thời khuyên bạn ấy nên làm gì để thai nhi được siêu thoát? (NGUYÊN NHÃ, nguyennha0989@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Nguyên Nhã thân mến!

Mỗi người sống ở đời đều có một hoàn cảnh riêng, họ thường suy tư về đời mình “vì đâu mà nên nỗi” cũng theo những cách khác nhau. Có người thì cho rằng, cuộc đời mình được sắp đặt bởi ý chí của các đấng thiêng liêng. Người khác thì cho rằng, tất cả được mất buồn vui âu cũng là số mệnh. Người Phật tử thì không nghĩ như vậy, những diễn biến của đời mình là kết quả tất yếu của nghiệp cũ và nghiệp mới do chính mình đã làm trong quá khứ xa và gần tạo nên. Hoàn cảnh hiện tại là biểu hiện cụ thể Nhân quả-Nghiệp báo của chính mình. Người Phật tử cần thấy rõ Nhân quả-Nghiệp báo để bình tâm mà lập chí hướng thượng. Nghiệp cũ đã tạo thì chấp nhận, nghiệp mới đang tạo (mình hoàn toàn chủ động) thì cố trau dồi cho thanh sạch thiện lành để tạo nên quả tốt ở tương lai.

Trước đây, bạn ấy đã gặp bất hạnh (bị hãm hiếp), rồi bị khủng hoảng tâm lý nên tạo ác nghiệp (phá thai). Nay đã là Phật tử, bạn ấy cần nương vào giáo pháp để quán chiếu thấy rõ duyên nghiệp của chính mình. Ắt hẳn vì trong quá khứ mình đã tạo nghiệp nhân cưỡng bức người, nay nghiệp quả đến, và bạn ấy cũng đã trả. Điều cần làm trong hiện tại là xả buông, không oán hận và tha thứ cho người đã hãm hại mình. Thù hận và tìm cách rửa hận chỉ làm cho mình khổ đau hơn, oán đối chập chùng không bao giờ dứt được.

Ác nghiệp phá thai cũng vậy. Tạo nghiệp thì cũng đã tạo rồi. Người Phật tử khi đã biết tội thì hãy thành tâm sám hối. Bạn cần lễ bái Tôn hiệu chư Phật, thành tâm bày tỏ tội lỗi của mình, cầu Tam bảo chứng minh cho sự sám hối ấy, mong con tha thứ cho sự nóng giận và si mê của mình. Chí thành lễ sám lâu ngày cùng với nỗ lực làm thiện thì tội diệt phước sinh, duy trì mãi cho đến lúc thấy lòng bình yên, thanh thản.

Riêng vấn đề hương linh (con của bạn ấy) tái sinh vào đâu là tùy thuộc vào duyên nghiệp của vị ấy. Người thân chỉ có thể làm các việc phước thiện (bố thí, cúng dường, giữ giới, tu học…) rồi hồi hướng công đức, phước báo cho hương linh. Cho dù ở đâu thì hương linh người thân của mình đều được lợi ích. Để an lòng hơn, bạn ấy nên đến chùa nhờ chư Tăng cầu siêu cho con, ký linh vào chùa, hàng ngày đi chùa tụng kinh và tu học, đem phước đức ấy hồi hướng cho con và cho tất cả.

Chúc bạn tinh tấn!

PHẬT TỬ CÓ ĐƯỢC BUÔN BÁN THỰC PHẨM “MẶN”

(SỬ DỤNG THỊT LÀM THỨC ĂN)

Nhiên Như – Quảng Tánh

HỎI: Tôi được nghe, trong 5 nghề Phật cấm người Phật tử không nên làm có nghề bán thú vật và bán thịt. Vậy điều này có đúng không? Xuất xứ từ kinh sách nào? Người Phật tử kinh doanh buôn bán thực phẩm có sử dụng thịt thì có rơi vào trường hợp này không? (NGUYÊN NIỆM, xuandinh.nguyenle@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Nguyên Niệm thân mến!

Kinh Tăng chi bộ,Đức Phật dạy:  “Có năm nghề buôn bán, này các Tỳ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc” (Chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán).

Vấn đề đáng bàn ở đây là lời dạy không buôn bán thịt. Hiện có nhiều luận giải khác nhau về lời dạy này, tựu trung có hai khuynh hướng: 1- Không làm nghề đồ tể (không bán thịt-trực tiếp giết hại), 2-Không những chẳng giết hại mà còn không buôn bán thú vật, không bán thịt sống và cả thịt chín (không bán thịt-dù không trực tiếp giết hại).

Trước hết là vấn đề bán thú vật. Trong bối cảnh xã hội nông nghiệp thời Phật, người nông dân chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi nên việc buôn bán hoặc trao đổi gia súc là đương nhiên. Do đó, không buôn bán thịt không hẳn là Phật cấm buôn bán hoặc trao đổi gia súc, thú vật nói chung.

Đối với vấn đề bán thịt, thời xưa, những người bán thịt hầu hết đều kiêm luôn giết mổ. Muốn có thịt để bán thì người hàng thịt phải sát sanh. Cho nên nghề đồ tể, sát sanh lấy thịt đem bán là chắc chắn không được làm vì tạo nghiệp sát rất nặng nề.

Còn ngày nay, người bán thịt (bán hàng ăn, các loại thực phẩm “mặn”) thì đa phần không trực tiếp sát sanh. Trong trường hợp này, họ tuy có liên hệ nhưng không tạo nghiệp sát hại. Người Phật tử trong những ngày không ăn chay, ra chợ mua các thực phẩm về thọ dụng cũng có liên hệ nhưng không tạo nghiệp sát hại.

Vì vậy, xét theo quan điểm tạo ác nghiệp, không buôn bán thịt là không làm nghề đồ tể (bán thịt-trực tiếp giết hại) hoàn toàn xác đáng. Còn luận giải, không buôn bán thịt là không bán thịt sống và thịt chín (dù không giết hại), về ngữ nghĩa thì rất chính xác nhưng xét về bản chất tạo ác nghiệp thì không xác đáng bằng.

Dĩ nhiên người Phật tử thì không nên mở cửa hàng, tiệm sạp chuyên bán thịt tươi sống. Vì những hình ảnh thịt xương máu huyết ngổn ngang ám ảnh lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm thức. Nhưng “kinh doanh buôn bán thực phẩm có sử dụng thịt”, trong chừng mực nào đó, nếu chưa tìm được nghề khác để mưu sinh thì có thể tạm chấp nhận. Vì như đã nói, nếu không trực tiếp giết hại thì họ chỉ có liên hệ mà không tạo nghiệp sát.

Trong cuộc sống, mỗi nghề mỗi nghiệp, không ai mà không tạo nghiệp. Người Phật tử nguyện sống theo tinh thần Chánh mạng (nuôi mạng chơn chánh) có thể tránh được hoặc hạn chế đến mức thấp nhất các biệt nghiệp xấu ác nhưng cũng không thể tránh hết các liên hệ cộng nghiệp. Do đó, thành tâm sám hối nghiệp chướng hàng ngày, trong mỗi nửa tháng là việc cần làm. Song hành với sám hối là nỗ lực làm mọi việc phước thiện, tốt lành trong khả năng có thể để vun bồi phước đức.

Người Phật tử luôn phát huy trí tuệ và từ bi để tìm một nghề mưu sinh thích hợp với hoàn cảnh của mình. Không chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả nhưng cũng không quá cứng nhắc, không dám làm gì vì thấy nghề nào cũng có tội. Vì thế trung đạo là tinh thần căn bản mà mỗi người cần suy nghiệm để cân nhắc và quyết định nên và không nên trong việc chọn việc mưu sinh cho chính mình.

Thầy Henepola Gunaratana (người Tích Lan), có đưa ra một vài nguyên tắc mà một người khi thực hành công việc mưu sinh cần nên suy xét. Chúng ta có thể tham khảo thêm những nguyên tắc này để sống theo tinh thần Chánh mạng:

“Xem xét phương tiện kiếm sống có làm cản trở việc phát triển tâm linh của ta hay không. Xem xét một nghề nghiệp được coi là Chánh mạng hay không bằng việc thực hiện một sự khảo sát ba bậc: 1.Xem xét công việc đó có làm hại người và mình hay không. 2. Xem xét công việc đó có khiến ta phạm năm giới cấm hay không. 3.Xem xét những yếu tố khác mà chúng liên quan đến công việc đó có khiến cho tâm ta khó định tĩnh hay không. Nếu không có những ý định gây hại, tâm ta sẽ không bị tổn hại bởi những kết quả tiêu cực của công việc” (Henepola Gunaratana, Eight mindful steps to happiness: Walking the Buddha’s Path, 2001, tr.148).

Chúc bạn tinh tấn!

AN LẠC TỨC KHẮC

Thích Minh Không

Có đạo hữu hỏi tôi rằng thực sự có luân hồi (hệ quả của lý nhân quả ) hay không ? Sở dĩ có câu hỏi đó đa số là vì kẹt ở chỗ chỉ thấy có những gì xảy ra trong đời sống ở kiếp này mà như theo pháp của Phật thì nhân quả cần thấy qua 3 đời : quá khứ, hiện tại, vị lai… Có những nhân quả dù nhân tạo trong đời này nhưng quả có khi phải qua đời sau hoặc những đời sau mới trỗ. Và hoặc trong đời này dù sống rất là thiện nhưng hay gặp nhiều cảnh xấu. Rối cũng cần phân biệt  định nghiệp và bất dịnh nghiệp. Dù đã tạo nhân nhưng khi nhân chưa thành quả mà do những nhân duyện khác ngược lại thì nhân sẽ bị tiêu trừ và không thành quả Còn khi tạo nhân mà quả trở thành định nghiệp thì quả phải trỗ. Trong trường hợp này thì cho dù có tu tập thì quả cũng xảy ra ; nhưng sự khác biệt là nếu có tu tập thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận một cách an nhiên .

Và khi được hỏi về luân hồi thì tôi trả lời rằng : trừ những người đã đạt quả thì không ai thấy được nhân quả qua 3 đời nhưng chúng ta có thể thấy những chỉ dấu (indices) ; chẵng hạn những hiện tượng thần đồng, những hiện tượng  một người tự nhiên nói một ngoại ngữ mà người đó chưa từng học qua ; hoặc là kể một nơi chốn mà người đó chưa hề đi tới, và rồi chúng ta thấy những trẻ sơ sinh dù mới có vài tháng nhưng đã có tính khí riêng biêt rõ ràng những thứ dó hòan toàn không do dạy dỗ…Nhưng những điều đó hoàn toàn không quan trọng. Điều tôi muốn nói với các đạo hữu là dù các đạo hữu có còn một chút nghi ngờ về luân hồi thì cũng nên hành trì theo Phật pháp.Tại sao vậy ? Thí dụ như không có luân hồi, các bạn đi tìm hạnh phúc theo sự hiểu của mình như cần phải có nhiều tiền,cần có một danh vọng, địa vị ; cần có một tình yêu…Chỉ là những ảo tưởng vì tất cả những gì ở bên ngoài đó đều hình thành do nhân duyên và tan biến cũng bằng nhân duyên.Bởi vì nhân duyên tạo thành bởi những điều kiện. Hễ có điều kiện này thì có cái kia..không có thì thôi. Rồi thì, bạn sẽ phải miên man đối đầu với lo âu, sợ hải…Rồi vì vậy lúc tuổi già, bạn cảm nhận cuộc đơi thật là vô nghĩa . Nhưng khi các bạn tu tập theo Phật pháp thì mọi điều kiện sẽ từ từ tan biến : chẵng hạn bạn cúng dường bố thí không đặt điều kiện là đạt được cái này hay cái nọ mà đơn thuần là chia sẻ những gì mình có và người khác đang cần…Khi có tu tập hành trì (chẵng hạn thể hiện từ bi hỉ xả…) thì chúng ta cũng có an lạc ngay lâp tức,  lo âu và sợ hải trở nên xa lạ, hanh phúc ngay trong tầm tay. Hoặc nói đơn giản hơn, nếu chúng ta sống không mong cầu, không dính mắc thì chúng ta cũng có an lạc ngay lập tức bởi vì những khổ đau, lo âu, sợ hải do chúng ta có quá nhiều điều ham muốn ( tài,sắc,danh tực, thùy…) có quá nhiều dính mắc về vật chất,tình cảm,tinh thần…Điều đó không có nghĩa là từ bỏ tất cả những thứ này vì chúng cũng đến do nghiệp quả trong quá khứ đời trước hoặc đời này nhưng đừng sử dụng chúng để tạo nghiệp xấu mà ngược lại nên cố gắng nhờ những quả tốt để tạo thêm nhiều nhân tốt. Nói thì cũng khó mà có an lạc tức khắc vì chúng ta đều chịu áp lực rất mạnh cuả nghiệp lực cũ nhưng chắc chắn nếu ta liên tục tu tập thì càng ngày ta càng an lạc nhiều hơn . Và rồi  chúng ta càng ngày càng có cái cảm nghiệm sống rất thực , sống thực chứ không phải chỉ là hiện hữu (vivre au lieu d’exister). Và rồi nếu có luân hồi thì dĩ nhiên sự hành trì sẽ đem lại kết quả, cho dù  không giải  thoát thì kiếp tới cũng sẽ tốt hơn kiếp hiên tại. Tức là dù có luân hồi hay không thì tu tập theo đao Phật cũng tạo quả tích cực.

Một điều tôi muôn nói thêm là trong tiến trinh tu tập chúng ta nên làm những gì chúng ta có thể làm và hãy tạm bỏ qua những gi ngoài tầm tay. Chẵng hạn khi bố thí, ta có khi nghe nói đến ‘tam luân không tịch’ tức là 3 thứ không : không có ngưòi bố thí, không có ngưòi nhận bố thí và không có của cải bố thí ( tam luân không tịch thôi nên dành cho các vị đại bồ tát). Chúng sinh như chúng ta có ký ức, có ý thức cho nên dỉ nhiên chúng ta phải biết là ta có bố thí, có ngươi nhận bố thí, và có của bố thí ; có điều là ta nên mau quên những gi ta làm và luôn luôn ý thức rằng  tất cả những gì ta làm dù có tạo nhiều công đức hay phước đức đến đâu cũng chưa bằng một hạt cát trong sa mạc công đức và cũng chỉ là một giọt nước trả ơn cho cả đại dương mà ta nhận được tư nhũng ơn chư Phật, chư Bô tát và chúng sinh.                              

Hoặc câu nói ‘ năng lễ, sở lễ tánh không tịch’ và được lý giải rằng nếu lễ lạy trong tinh thần tánh không thì một lạy này bằng cả ngàn lạy bình thường. Thực là sai lầm khi so sánh hai thứ hoàn toàn khác nhau. Không thể nào nói 1000 con chuột bằng một con bò.1000 con chuột là 1000 con chuột và một con bò là một con bò. Thôi thì ta cứ lễ lạy chư Phật  một cách bình thường như là một chứng tỏ lòng thành kính và biết ơn, thế thôi.

ƯU TƯ VỀ HỎA TÁNG, CÁCH RẢI TRO CỐT VÀ THỜ CÚNG

 Quảng Tánh - Nhiên Như trả lời

HỎI: Cha tôi nay đã già nhưng còn rất minh mẫn. Tôi đã bàn bạc với cha cùng toàn thể gia đình thống nhất là, sau khi cha mất, đưa đi hỏa táng xong, tro cốt còn lại mang đi rải ở sông hoặc biển. Xin hỏi làm như vậy được không? Nếu được thì khi đi rải cốt có cần mời thầy với lễ nghi nào nữa hay con cháu tự làm là được. Còn nữa, khi đi rải cốt, phải bốc từng nắm thả xuống sông, biển hay thả luôn cả hũ? Rải cốt xong, về nhà thờ hình ảnh và cúng cơm như phong tục xưa nay hay phải gửi hình lên chùa và cúng cơm ở chùa? (DIỆU HOẰNG, Bưu điện Bình Thọ, Q.9, TP.HCM)

ĐÁP:

Bạn Diệu Hoằng thân mến!

Nhân loại hiện nay có nhiều cách mai táng người chết như địa táng (chôn), hỏa táng (thiêu), thủy táng (thả sông biển), lâm táng (bỏ xác vào rừng), không táng (treo lên cây)… Theo Phật giáo, mai táng người chết theo cách nào cũng đều được. Bởi lẽ, sau khi chết thần thức sẽ theo nghiệp tái sinh, đây mới là phần quan trọng, còn xác thân tứ đại thì tùy duyên an táng theo phong tục. Gia đình bạn chọn cách hỏa táng, sau đó đem tro cốt rải sông hoặc biển (hoặc rừng cây) là giải pháp rất văn minh, tiết kiệm, phù hợp với xu thế chung của xã hội hiện nay.

Khi đi rải tro cốt, con cháu nên tự làm mà không cần mời thầy cũng như thực hiện bất cứ lễ nghi nào. Chọn một khúc sông hay bờ biển (khu rừng) nào sạch sẽ, kính cẩn bốc từng nắm tro cốt của người thân thả xuống. Trong khi rải tro cốt con cháu cần yên lặng, thành kính, nguyện cầu cho người thân được sinh về cõi lành. Khởi tâm quán tưởng thân tứ đại này vốn là cát bụi, nay trở về với cát bụi; ngày mai thân của mình cũng trở về với cát bụi. Rải cốt xong, “về nhà thờ hình ảnh và cúng cơm như phong tục xưa nay” hoặc “gửi hình lên chùa và cúng cơm ở chùa”, cách nào cũng được.

Quan trọng là, gia đình cần chăm làm các điều phước thiện trong khả năng có thể để hồi hướng phước đức cho người thân. Có thể cúng dường, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, giữ giới v.v… rồi đem phước đức ấy hồi hướng cho người đã mất. Dù người thân tái sinh bất cứ nơi đâu, những phước đức mà bạn đã làm đem hồi hướng họ đều nhận được, sẽ trở nên tốt hơn trong cảnh giới hiện đang tái sinh.

Chúc bạn tinh tấn!
Quảng Tánh - Nhiên Như 

HỎA TÁNG

Tâm Diệu biên soạn

Quả là một chuyện không được cho là bình thường vì đang khỏe mạnh yêu đời mà lại đi đến các nhà quàn hỏi thăm vấn đề hỏa táng hay chôn cất người chết vì nhiều người quan niệm rằng nói về cái chết là một điều cấm kỵ, có thể mang lại vận sui vào người. Thật ra chuyện chết chóc hầu như không ai muốn nghĩ tới nhưng đây là một sự thật không ai tránh khỏi. Người chết thì đương nhiên nhắm mắt ra đi, nhưng còn người sống ở lại, thường là thân nhân mới thật sự là những người đau khổ và vô cùng bối rối không biết phải làm những gì...

Vì muốn người thân ở lại được yên tâm, không phải gánh nhiều đau khổ và bối rối lúc người thân yêu ra đi nên chúng tôi đã đích thân đến thăm viếng một số nhà quàn ở quận Cam cho biết sự tình. Chúng tôi đã đến thăm bốn nhà quàn, 2 nhà quàn tọa lạc ở thành phố Westminster, một nhà quàn ở Garden Grove và nhà quàn còn lại ở thành phố Orange.

Nói chung tất cả những người chúng tôi tiếp xúc tại các nhà quàn nói trên đều cho biết họ làm vì “lợi ích” cho người qua đời và thân nhân của họ. Và một điều chung khác nữa là các nhà quàn đều có nhiều dịch vụ với các thuật ngữ tiếng Mỹ xa lạ tương ứng với nhiều loại chi phí. Nhiều đến nỗi mà chính chúng tôi, những người còn đang tỉnh táo mà còn cảm thấy rối đầu khó hiểu. Chính một vị chủ nhà quàn còn nói “ông chả hiểu gì cả”, ông ấy cũng nói thêm rằng “ngay cả một phóng viên của một nhật báo Việt ngữ địa phương cũng thế ..” Chúng tôi tự hỏi mai đây khi chúng tôi chết đi, người thân chúng tôi trong lúc tang gia bối rối mà đến gặp các vị chắc chắn cũng không hiểu gì cả nên cứ việc gật đầu đồng ý với dịch vụ và giá cả như họ nói cho xong. 

***

Có hai cách an táng thông thường hiện nay là chôn cất và thiêu hay còn gọi là địa táng và hỏa táng. Trong phạm vi bài này, chúng tôi tập trung nói về hỏa táng: lợi ích, các dịch vụ và các chi phí tương ứng. Trước hết nói sơ qua về hỏa táng và những lợi ích của nó.

VẤN ĐỀ HỎA TÁNG


Hỏa táng là hình thức an táng người qua đời bằng cách dùng lửa để thiêu xác người chết. Thuật ngữ nhà Phật dùng chữ “trà tỳ” để thay cho từ hỏa táng, do vậy lễ hỏa táng của đức Phật và các đệ tử của Ngài thường được gọi là lễ Trà tỳ. Hình thức lễ táng này theo một bài viết được đăng tải trên tạp chí TIME của Mỹ cho biết, việc hỏa thiêu người chết đang trở thành xu thế mới ở Mỹ và nhiều quốc gia trên khắp thế giới, vốn coi việc chôn cất là cách an táng truyền thống. Ngày xưa thì xác người chết được đốt bằng củi. Sau khi cháy hết, người thân thâu nhặt tro cốt của người chết rồi rải trên núi rừng, hay thả xuống sông, biển... Ngày nay thì xác người chết thường được đem đến lò thiêu đốt bằng gas hay điện, sau đó sẽ thu lấy tro cốt để vào trong một cái hủ, lọ... rồi đem thờ tại chùa, nhà thờ, hay trong nhà, hoặc rải xuống sông biển, hay trên núi rừng... để gieo duyên với vạn loại chúng sanh, hay mang ý nghĩa “xác thân tứ đại trả về với tứ đại.” 

Tuy đi ngược với tập tục được duy trì suốt hàng trăm, hay hàng ngàn năm qua ở nhiều quốc gia nhưng những lợi ích thiết thực khiến hỏa táng đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biết trong giới trung lưu và có trình độ đại học tại Hoa Kỳ.

Có ít nhất là ba lợi ích lớn là (1) dành đất cho người sống bởi tình trạng quá tải dân số. (2) chi phí rẻ vì nguồn cung cấp đất có hạn trong khi nhu cầu tăng cao. Ở Hoa Kỳ, chi phí cho địa táng đắt gấp 3 lần so với chi phí hỏa táng khiến tỷ lệ an táng theo cách thức này tăng từ 25% năm 1999 lên con số dự kiến 50% năm 2017 và sẽ tiếp tục gia tăng. (3) thân thiện với môi trường. Hỏa táng được tiến hành nhanh gọn, không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh do các lò thiêu đã xử lý khói thải trước khi thoát ra ngoài. Trong khi đó, cách địa táng, thi thể người chết buộc phải trải qua quá trình xử lý bằng hóa chất. Sau khi chôn cất, hóa chất này sẽ ngấm vào đất trước khi tác động đến các mạch nước ngầm, gây ra hiện tượng ô nhiễm đất xung quanh nơi chôn cất (nghĩa địa). Ngày nay, phương pháp “hỏa táng xanh” tối tân mới, sử dụng hỗn hợp nước và kali hydroxit vẫn giúp giữ lại tro cốt của người quá cố mà không cần sử dụng lửa. Hiện tại, cách thức này đang nhận được sự ủng hộ của đa số trường hợp hỏa táng ở Mỹ. (4) tiễn đưa người quá cố nhanh gọn nhằm giúp người quá cố thoát khỏi cõi trần nhanh chóng, không còn lưu lại dấu gì để thần thức tơ vương và người thân ở lại mau trở về trạng thái bình thường cuộc sống.

Trong số các viên chức nhà quàn chúng tôi gặp, có lẽ người duy nhất là ông Khang Lê chủ nhân nhà quàn An Lạc ở Westminster khuyên chúng tôi nên áp dụng phương cách hỏa táng mà theo ông là có những điểm lợi ích tương tự như nói trên và một điều nữa ông cho biết chính chính quyền tiểu bang California cũng khuyến khích dân chúng như thế qua các văn thư gửi chủ nhân các nhà quàn.

BIỆT NGHIỆP VÀ CỘNG NGHIỆP

Nhiên Như – Quảng Tánh

HỎI:Xin hỏi quý Báo, tại sao trong một gia đình, cha mẹ làm ác và hậu quả thì con cái lại gánh? Đúng ra thì ai làm nấy chịu chứ! Trường hợp khác, tại sao cha mẹ giàu mà con cái lại nghèo, và ngược lại con cái giàu mà cha mẹ lại nghèo? (VĂN GIÁP, vovangiapalgiap@gmail.com)

ĐÁP: 

Bạn Văn Giáp thân mến!

Theo giáo lý Nghiệp của đạo Phật, mỗi người đều thừa tự nghiệp của chính mình. Nghiệp là những tạo tác, hành động có tác ý. Nghiệp do mình tạo ra và trở lại chi phối chính mình. Nghiệp có biệt nghiệp (nghiệp riêng) và cộng nghiệp (nghiệp chung). Hai loại nghiệp này có liên hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau.

Xét về biệt nghiệp thì dĩ nhiên ai làm nấy chịu, không ai có thể chịu thế cho ai. Khi cha mẹ làm ác thì chính họ sẽ chịu quả báo. Sở dĩ “cha mẹ làm ác và hậu quả thì con cái lại gánh” là do cộng nghiệp. Con cái có liên hệ cộng nghiệp với cha mẹ, nên những nghiệp thiện hay ác mà cha mẹ tạo ra sẽ tác động tốt hay xấu lên con cái. Và ngược lại, những nghiệp thiện hay ác mà con cái tạo ra sẽ tác động tốt hay xấu lên cha mẹ.

Trường hợp “cha mẹ giàu mà con cái lại nghèo, và ngược lại con cái giàu mà cha mẹ lại nghèo” là trong cộng nghiệp có biệt nghiệp. Cộng nghiệp là cả gia đình nhưng mỗi người có một biệt nghiệp khác nhau. Thế nên trong cùng một gia đình nhưng mỗi người lại có một đặc điểm giàu nghèo khác biệt nhau.

Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như - Quảng Tánh

BIỆT NGHIỆP VÀ CỘNG NGHIỆP (Giáo sư Minh Chi)

Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc.

Thực là một điều lý thú đối với Phật tử chúng ta, khi theo dõi cuộc bàn luận về một đề tài Phật giáo như: “Biệt nghiệp và cộng nghiệp” giữa hai nhà khoa học tự nhiên, hai nhà bác học thế giới: Một là Matthieu Ricard, người Pháp, tiến sĩ Sinh học, trở thành một tu sĩ Phật giáo tại một thiền viện Tây Tạng ở Katmandu (Nepal). Người thứ hai là Trịnh Xuân Thuận, một người Mỹ gốc Việt, một nhà bác học về Vật lý thiên văn, đang công tác tại Viện Công nghệ học California, và là giáo sư ở trường Đại học Virginia.

Chủ đề của cuộc đàm thoại như sau: Khái niệm về nghiệp (karma) của Phật giáo có ý nghĩa hay không? Thuyết nghiệp liên hệ như thế nào với luật nhân quả và tư tưởng định nghiệp (destin deterministe). Nếu theo đạo Phật, cái ta và con người cá nhân là ảo ảnh, thì cái gì luân hồi trong vòng sanh tử? (chương 8,cuốn “Vô biên trong lòng bàn tay”_ L’infini dang la paume da la main _Trịnh Xuân Thuận)

Tôi rất đổi ngạc nhiên khi thấy tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard, mô tả một vài thế giới đặc biệt theo đúng nội dung của phẩm “Hình thành thế giới” trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra). Một kinh đại thừa mà bản Hán dịch đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ VII (đời bà Võ Hậu Võ Tắc Thiên). Nghĩa là trước rất xa sự phát hiện của Copernic ! Đúng là đạo Phật luôn luôn và liên tục dành nhiều ngạc nhiên cho các nhà bác học thế giới!

Sau đây, xin giới thiệu nội dung của cuộc đàm thoại, bắt đầu bằng lời phát biểu của tiến sĩ Matthieu Ricard (từ đây, viết tắt là Matthieu).

Matthieu Về từ nguyên mà nói, karma có nghĩa là “hành động”.Những điều chúng ta làm, nói và suy nghĩ không những có một tầm quan trọng về đạo đức, mà chúng còn tạo ra thế giới của chúng ta. Nhận thức của chúng ta đối với thế giới là kết quả của toàn bộ thực nghiệm của tâm thức của chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp. Ngược lại, tâm thức đó lại bị chi phối bởi cấu trúc thân thể chúng ta, bộ não và hệ thần kinh chúng ta. Đây là một ví dụ nữa của luật tương tác nhân quả (causalité réciproque). Chắc chắn là con người nhận thức vũ trụ khác với bầy ong bầy dơi. Cách thức hoạt động của tâm thức chúng ta gắn liền với cái mà chúng ta gọi là “vũ trụ của chúng ta”. Do có những thực nghiệm tương tợ nhau trong nhiều kiếp quá khứ, mà có những cộng đồng loài hữu tình có một nhận thức tương tợ nhau về thế giới. Đó là kết quả của cái mà đạo Phật gọi là cọng nghiệp(karma collectif) nói lên nhận thức của chúng ta đối với thế giới, ngoài ra, còn có biệt nghiệp (karma individuel) là kết quả của kinh nghiệm cá nhân của mỗi người.

Thuận: Nhận thức về thế giới có thể khác nhau giữa các sinh vật trong các thế giới khác nhau trong vũ trụ này, thí dụ, những sinh vật sống ở một hành tinh khác, có một vì sao khác làm mặt trời, nhưng theo tôi nghĩ, nhận thức của họ đối với thế giới, có thể không khác biệt lắm so với nhận thức của chúng ta, bởi lẽ, tất cả đều cùng có một lịch sử vũ trụ, giống nhau, đều là sản phẩm của vụ nổ đầu tiên- Big bang, với các tinh vân, sao và hành tinh v.v...Đối với hàng triệu sinh vật không phải loài người, sống trên trái đất này cũng vậy, vì có cùng một lịch sử vũ trụ, cho nên nhận thức của chúng đối với thế giới có thể là không khác nhau lắm.

Matthieu: Đấy bất quá là do chúng ta quá chấp thủ vào nhận thức của chúng ta đối với thế giới, đến mức chúng ta cho là các sinh vật khác cũng thấy thế giới, gần như chúng ta thấy. Tôi cho rằng, con kiến hay con dơi nhìn thế giới khác chúng ta rất nhiều. Quen thuộc với ba chiều kích(dimension) của thời gian, chúng ta mệt lắm mới mường tượng chiều kích thứ tư, bây giờ các nhà vật lý học nói có tới 10 hay 12 chiều kích! Một sinh vật sống ở bình độ thứ nguyên tử(subatomic), chắc là thấy thế giới khác chúng ta rất nhiều.

Đức Phật là bậc toàn giác, hẳn là cũng thấy thế giới rất khác với chúng ta. Kinh Phật nói tới một số thế giới và vũ trụ nhiều như cát trong biển, và mô tả chúng một cách rất hình ảnh và khác lạ. Có những thế giới giống như bánh xe quay vòng (phải chăng đó là những tinh vân hình xoáy- galaxies spirales), những vũ trụ hình giống miệng sư tử (phải chăng đó là những lỗ đen-trous noirs-là loại thiên thể đặc biệt, có trọng lực bản thân lớn đến nỗi, không có vật chất hay ánh sáng nào có thể thoát ra được), những vũ trụ hình dẹp (phải chăng đó là vũ trụ có không gian hai chiều?), những vũ trụ giống như núi lửa đang phun (phải chăng đó là những novae-là ngôi sao bùng nổ rồi tan biến) v.v...

Thuận: Hình ảnh của các vũ trụ theo Phật giáo thật là kỳ lạ. Đức Phật có thể đã nói tới những sinh vật không phải là loài người, phát triển khác hẳn  chúng ta trong một môi trường khác biệt hoàn toàn.

Matthieu: Theo vũ trụ quan Phật giáo, có tới sáu loại chúng sanh, trong số này chỉ có hai loại, chúng ta còn nhận thức được, tức làloài người và loài động vật, còn bốn loại kia thì chúng ta không biết được. Đó là không kể loài trời gọi là vô sắc, tức là không có sắc thân, là một hính thái sống không thể nghĩ bàn(bất khả tư nghì) đối với loài người chúng ta.

Thuận: Nếu hai loại biệt nghiệp và cọng nghiệp theo Phật giáo đều do quá khứ quyết định, thì phải chăng đây là một hình thức của quyết định luận(determinisme)?

Matthieu: Không, thuyết nghiệp phản ánh luật nhân quả, thuyết nghiệp không phải là quyết định luận. Nghiệp là hành động, nghiệp do hành động tạo ra, thì nghiệp cũng do hành động của con người mà thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi qúa trình chuyển nghiệp, bằng cách tác động vào nó, trước khi hình thành quả vui hay buồn, tốt hay xấu. Cũng như một quả bong bóng đang rơi, chúng ta có thể bắt lấy nó và ném lên ở một độ cao hơn.

Cuộc sống chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh là kết quả của toàn bộ ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, được thực hiện trong vũ trụ này, trong đời này hay là trong các đời sống trước. Đó là một tổng thể hết sức phức tạp của những yếu tố tương tác lẫn nhau, mà chúng ta có thể thay đổi quá trình trong từng giây phút. Đó là thuyết bất định nghiệp của đạo Phật, rất khác với các thuyết quyết định luận hay số mệnh luận.

Thuận: Như vậy, điều xảy ra cho chúng ta trong đời này là kết quả trực tiếp của hành động và tư duy của chúng ta trong các đời sống trước. Như vậy phải chăng thuyết nghiệp có liên hệ với thuyết tái sanh, thuyết luân hồi qua nhiều cuộc sống nối tiếp nhau. Đối với tôi, niềm tin về thuyết tái sanh làm giảm nhẹ nỗi lo âu trước sự chết, và cung cấp những giải thích hợp lý cho sự xuất hiện những đứa bé thiên tài. Mozart, mới 5 tuổi đã là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và đã soạn được nhiều bản nhạc... phải chăng trong đời sống trước, Mozart đã là một thiên tài âm nhạc? Thuyết tái sanh cũng giải thích vì sao có những đứa trẻ, chưa lớn lên đã mắc phải những chứng bệnh hiểm nghèo và phải đau đớn vô cùng. Phải chăng chính chúng phải gặt hái hậu quả những hành động của chúng trong đời sống trước?

Matthieu: Nếu không tin vào thuyết tái sanh, thì thật là khó chấp nhận tình hình những đứa bé “vô tội” phải gánh chịu hậu quả những hành động mà dường như chúng không có ý niệm gì hết, không có trách nhiệm gì hết. Nhưng thuyết tái sanh và nghiệp sẽ giúp cởi bỏ thắc mắc đó.

Thuận: Đạo Phật nói không có “cái ta”, “cái ta” không thật có. Nếu không có cái ta thì ai hưởng hạnh phúc, ai chịu bất hạnh?

Matthieu: Đúng là có một sự liên tục cho phép nói “tôi” hưởng hạnh phúc hay là chịu nỗi bất hạnh, thế nhưng đó chỉ là sự liên tục của một cái gì thay đổi liên tục. Chính sự liên tục đó tạo ra ảo ảnh một cái gì có thật và bất biến. Cũng như một người đứng xa nhìn con sông, hình như không chảy, hay là nhìn một ngọn đuốc cháy liên tục suốt đêm, nhưng ngọn đuốc đầu đêm, ngọn đuốc giữa đêm, và ngọn đuốc cuối đêm không phải là cùng một ngọn đuốc. Thậm chí, qua từng giây phút, ngọn đuốc cũng đổi khác. Không phải chỉ con người mà mọi sự vật đều là những giòng chảy liên tục của những hiện tượng nối tiếp nhau, và mỗi hiện tượng trong giòng chảy liên tục đó cũng vô thường, biến đổi không ngừng. Norbert Wiener, một trong những cha đẻ của môn “Thần kinh cơ giới học”(Cybernetics) đã dùng hình ảnh của thi ca để nói lên chân lý đó của đạo Phật: “ Chúng ta chỉ là những giòng xoáy của một con sông chảy vô tận. Chúng ta không phải la ømột chất liệu tồn tại mãi, mà là những nét đường luôn được tái phục hồi.”

Một thế kỷ trước công nguyên, Milinda, vua xứ Bactriane, (tức một phần của xứ Aphganistang hiện nay, sách Hán dịch là Đại Hạ) đã đặt câu hỏi đó với Đại Đức Nagasena:

“- Bạch Đại Đức, con người tái sanh với con người kiếp trước là một người hay là hai người?

-  Không phải là một người, cũng không phải là hai người.

-  Hãy cho tôi một ví dụ.

-   Nếu chúng ta thắp một bó đuốc, bó đuốc có thể cháy suốt đêm không?

-   Tất nhiên, có thể.

-    Bó đuốc cuối đêm có giống bó đuốc nửa đêm và bó đuốc đầu đêm hay không?

-   Không.

-   Như vậy là có ba bó đuốc khác nhau?

-   Không, chỉ có một bó đuốc cháy suốt đêm.

-   Thưa Đại Vương, cũng như vậy,các hiện tượng nối tiếp nhau liên tục, một hiện tượng này nảy sinh, thì một hiện tượng khác mất đi. Chính vì lẽ đó, mà người tái sanh không phải là một người, cũng không phải là người khác, so với người của đời sống trước.”

Khái niệm có một cái ta thường tại, hay một tâm thức thường tại, thực nghiệm hậu quả của những nghiệp tạo ra trong quá khứ, và luân hồi liên tục từ đời sống này qua đời sống khác chỉ là một ảo tưởng. Cái ta ảo tưởng đó tuy không có một sự tồn tại tuyệt đối, nhưng vẫn tồn tại tương đối, cho nên mới có tạo nghiệp và chịu hậu quả của nghiệp. Đó là cái mà sách Phật gọi là cái ta giả( giả ngã), cái ta quy ước. Cái ta quy ước đó tồn tại một cách tương đối và cái ta tồn tại tương đối đó vẫn chịu hậu quả của một cái nghiệp cũng tồn tại tương đối.

Lời người bình: Tôi không muốn bàn nhiều hơn về vấn đề cái ta quy ước vì chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội để bàn vấn đề khá phức tạp này. Nhưng qua cuộc toạ đàm giữa Thuận và Ricard, còn một vấn đề phức tạp khác là vấn đề cọng nghiệp, là nghiệp do nhiều người tạo ra và cùng chịu hậu quả. Thí dụ, tôi là người Việt Nam, hiện đang sống cùng với khoảng 80 triệu người Việt khác trên đất nước Việt Nam này. Theo thuyết nghiệp của Phật Giáo, chắc là tôi trong nhiều đời sống trước đã cùng với 80 triệu đồng bào đó đã tạo ra cọng nghiệp, khiến cho tôi cùng với họ trở thành người Việt Nam và cùng sống trên đất nước Việt Nam này.

Thế nhưng, trong cọng nghiệp của người Việt, sống trên đất nước Việt Nam, lại phân chia có người Nam, người Trung, người Bắc sống trong những môi trường địa lý khác nhau. Có thể nói trong cọng nghiệp đất nước, còn có cọng nghiệp vùng. Đấy là không kể những người Việt định cư ở nước ngoài. Nghĩa là trong cọng nghiệp chung, có những yếu tố không phải cọng nghiệp. Thí dụ, cùng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại ở các quận, phường, khu phố khác nhau. Người thì có nhà cửa khang trang, người thì ở căn nhà chật hẹp, thậm chí không có nhà,v.v... Nếu phân tích chi ly thì phức tạp vô cùng. Đạo Phật cho rằng, không có gì gọi là ngẫu nhiên. Mọi sự sai biệt trong cuộc sống, đều do nghiệp tạo ra cả, kể cả cọng nghiệp , biệt nghiệp. Một cách không có ý thức, chúng ta tạo ra môi trường sống của bản thân chúng ta. Giáo chủ Đạt Lai Lạt Ma, phát biểu về ảnh hưởng của nghiệp đến môi trường khí hậu như sau:

“ Hãy tưởng tượng một cộng đồng trong đó hận thù và giận dữ là tâm trạng phổ biến. Tôi nghĩ là tình trạng cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng tới môi trường, có thể góp phần tạo ra một đợt thời tiết nắng nóng và khô hạn. Nếu trong một cộng đồng mà lòng tham ái, tham đắm rất mạnh mẽ và phổ biến thì đó có thể là nguồn gốc của độ ẩm tăng cao và nạn lụt lội. Tôi (tức Đạt Lai Lạt Ma) chỉ nêu vấn đề chứ không nói điều gì khẳng định. Nhưng dù là cá nhân hay cộng đồng, thì hành động của mỗi người, cách hành xử của anh ta, tâm trạng của anh ta, ngày này qua ngày nọ, năm tháng này qua năm tháng nọ cuối cùng cũng ảnh hưởng tới môi trường cộng đồng” (Đạt Lai Lạt Ma_Samsara{Luân hồi}, trang 167, bản Pháp ngữ)

Rõ ràng, vấn đề ngài Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến trong đoạn văn trên chỉ là một vấn đề chi tiết trong cả vấn đề cọng nghiệp rộng lớn, có thể bao quát cả vũ trụ, như hai ông Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard nêu ra trong cuốn sách tôi tường thuật “Vũ trụ trong lòng bàn tay”. Trình độ khoa học hiện nay chưa cho phép khẳng định ngoài trái đất ra, còn có rất nhiều hành tinh có sự sống, có thể là cao cấp hơn loài người  rất nhiều. Môi trường sống của những hành tinh đó cũng có thể rất khác với môi trường sống trên trái đất, do cọng nghiệp của các chúng sanh trên các hành tinh đó khác biệt với cọng nghiệp người trên trái đất. Với cọng nghiệp khacù nhau, chúng sanh trên các hành tinh đó rất có thể có cấu trúc thân thể và cảm quan khác với cấu trúc thân thể và cảm quan người. Kinh Hoa Nghiêm Phẩm “Thế giới” có mô tả những thế giới muôn hình vạn trạng trong vũ trụ, mà ông Ricard có đề cập tới ở đầu bài này. Kinh Hoa Nghiêm giải thích muôn hình vạn trạng các thế giới (Kinh Hoa Nghiêm nói tới không phải một thế giới mà là hàng biển thế giới – thế giới hải), đếu do cọng nghiệp của chúng sanh tạo ra. Cọng nghiệp khác, thì thế giới môi trường cũng khác. Có thể nói câu: “Thế biệt do nghiệp sanh”, trong luận Câu Xá ( Phẩm nghiệp) không những áp dụng cho thế giới loài người mà là cho toàn vũ trụ, cho muôn vàn thế giới trong cả ba cõi “ Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới”. Chỉ nói riêng về Dục giới, trong đó có cõi người cũng đã có nhiều cõi sống, mà mắt người không thể thấy được như cõi địa ngục là nơi chúng sanh sống chịu đựng những nổi khổ vô cùng tận; cõi quỷ đói, nơi chúng sanh bị đói triền miên; cõi súc sanh, là nơi chúng sanh thường ăn thịt lẫn nhau ( ngay cõi súc sanh, mắt loài người cũng chỉ thấy được một phần); cõi A tu la là cõi các hung thần; cuối cùng là 6 cõi trời ở dục giới là nơi chúng sanh hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống loài người rất nhiều.Sách Phật, có nói tới cõi “ bốn thiên vương” là cõi trời thấp nhất trong các cõi trời thuộc dục giới. Ở đây, thời gian một ngày đêm bằng cả 50 năm ở cõi người. Đây mới nói tình hình thọ mạng ở một cõi trời thấp nhất trong các cõi trời dục giới. Nếu bàn tới cõi trời sắc giới, là cõi không còn có lòng dục, không còn phân biệt giới tính, nam nữ, chúng sanh có sắc thân chói sáng, vô cùng đẹp đẽ, với thọ mạng lâu dài. Theo luận Câu Xá, phẩm “phân biệt thế gian”, thì cõi sắc giới gồm có 17 cõi trời khác nhau, với những tên gọi khác nhau. Cuộc sống ở đây, thật là không thể nghĩ bàn.

Cuối cùng, là cõi Vô sắc, nơi chúng sanh không còn có sắc thân, chỉ sống cuộc sống tinh thần thuần tuý, loài người chúng ta lại khó bàn hơn nữa.

Để kết luận lời bình giải của tôi về đoạn văn hai nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard bàn về biệt nghiệp và cọng nghiệp, tôi thấy cần ghi nhận tính phức tạp của vấn đề nghiệp, mà có lẽ chỉ có Đức Phật mới thấu rõ mọi ngọn ngành chi tiết. Còn chúng ta chỉ có thể nắm được những nét chính, cơ bản. Những nét chính cơ bản về thuyết nghiệp của đạo Phật cũng đủ để chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời mà mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày đều có trọng lượng, có giá trị nhân sinh vì chúng đều ảnh hưởng dến cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta ở đời này và đời sau. Đó là những ý nghĩ, lời nói, hành động thiện lành, tuyệt đối không hại người, hại vật, những lời nói và hành động thấm nhuần bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ,xả.

Trong Tăng Chi I, Phật ví người sống thiện như một cái cây có bộ rễ toàn hút chất ngọt từ trong đất, khác với cái cây có bộ rễ toàn hút những chất đắng từ trong đất đem ví với người ác.

Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc. Không những, bản thân chúng ta tạo ra biệt nghiệp cho chúng ta,mà chúng ta còn góp phần tạo ra cọng nghiệp tốt đẹp cho cộng đồng.

Phật tử chúng ta không phải, chưa phải là con người hoàn thiện. Nhưng chúng ta có ý thức là chúng ta đang tiến tới sự hoàn thiện, dù cho bước tiến đó có thể kéo dài từ đời sống này sang đời sống khác.

Vì biết rằng, thế giới chúng ta đang sống là không hoàn thiện, là vô thường, khổ, không, vô ngã, cho nên chúng ta luôn tỉnh giác, không để cho hình dáng, màu sắc, âm thanh,v.v... của thế giới đó làm chúng ta động lòng, tham đắm, dẫn chúng ta tạo nghiệp, và nghiệp lực tạo ra lại lôi kéo chúng ta lăn lóc mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Nhờ chánh niệm tỉnh giác, mà tâm chúng ta được giữ ở trạng thái hài hoà, cân bằng, thanh thản. Đó chính là tâm giải thoát, dẫn tới tuệ giải thoát, cuộc sống hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại.


GS. Minh Chi

CÕI CỰC LẠC CÓ VĨNH HẰNG?

Nhiên Như – Quảng Tánh

HỎI: Xin được hỏi, Phật Thích Ca dạy vạn pháp vô thường. Vậy việc tồn tại một cõi Cực lạc vĩnh hằng có mâu thuẫn với lời dạy của Phật Thích Ca? (minhminh0712@yahoo.com.vn)

ĐÁP: 

Bạn Minh Minh thân mến!

Vạn pháp vô thường là một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật. Các pháp hữu vi, có hình tướng, duyên sinh thì đều tuân theo quy luật vô thường, biến hoại, sinh diệt. Nếu nói vĩnh hằng, thường còn mãi là không đúng với Tam pháp ấn, sai với giáo lý đạo Phật.

Vì thế, cảnh giới Cực lạc tuy là y báo của Đức Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng, có vô lượng công đức cũng như sự thù thắng vi diệu trang nghiêm nhưng thực chất vẫn không vĩnh hằng, không ngoài quy luật vô thường. Bởi “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (KinhKim cang), bất cứ pháp nào có tướng (do duyên sinh) thảy đều hư vọng, vô thường, vô ngã.

Sở dĩ giáo điển Tịnh độ (Phật giáo Bắc tông) ca ngợi Cực lạc với vô lượng thù thắng trang nghiêm là nói thiên về mặt Tướng và Dụng. Thế giới Cực lạc là y báo do vô lượng công đức đồng thời là phương tiện quyền xảo của Đức Phật A Di Đà nhằm tạo thắng duyên cho chúng sinh Ta-bà về nương để tu tập cho đến ngày thành Phật.

Nói một cách dễ hiểu, khi chưa thành Phật, các Thánh giả ở Cực lạc có được một môi trường tu tập tuyệt hảo, hội đủ mọi thắng duyên tiến tu thành Phật, bất thoái chuyển. Tuy nhiên, đến khi các Thánh giả ở Cực lạc tu tập thể nhập “Tự tánh Di Đà”, thành bậc Giác ngộ rồi thì chính các Ngài trực nhận rõ ràng nhất, Cực lạc chỉ là phương tiện độ sinh của Phật A Di Đà. Nên phàm đã có “tướng”, cho dù là Cực lạc thì cũng theo quy luật duyên sinh, vô thường, vô ngã. 

Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như - Quảng Tánh

CÕI CỰC LẠC CÓ HAY KHÔNG?
Nhiên Như – Quảng Tánh

HỎI: Cả nhà tôi lâu nay đều tu theo pháp môn Tịnh độ, luôn khuyến tấn nhau niệm Phật, thực hiện ba điều Tín-Nguyện-Hạnh, đồng thời cũng biết làm lành, tránh dữ, cúng dường, bố thí, phóng sanh, nguyện cầu hiện đời an lành và sau khi xả bỏ nhục thân được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Tây phương Cực Lạc. Nhưng gần đây chúng tôi được nghe bài pháp thoại nói về vai trò của người Phật tử tại gia đã làm cho chúng tôi cảm thấy hoang mang. 

Theo thầy giảng sư thì tu pháp môn Tịnh độ mục đích hướng về cõi Cực Lạc, mong cầu sau khi chết được Phật rước, tu như vậy là vì tham, sẽ không bao giờ được thấy Phật. Một điều khác nữa là thầy nói cõi Cực Lạc mà Đức Phật Thích Ca nói trong kinh A Di Đà chỉ là phương tiện, tạm dùng để cho chúng sanh mê muội hướng về, và cảnh giới Cực Lạc vốn không có thực. Những người lớn tuổi trong gia đình tôi cảm thấy lo lắng khi nghe pháp thoại này. Bây giờ chúng tôi phải làm sao đây? Rất mong được quý Báo sẻ chia và cho chúng tôi biết cõi Cực Lạc có hay không?

(THANH VŨ, giachaohdvl@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Thanh Vũ thân mến!

Niệm Phật là một pháp môn tu tập rất căn bản và phổ biến trong Phật giáo, cả Nam tông lẫn Bắc tông. Tu tập như gia đình của bạn “luôn khuyến tấn nhau niệm Phật, thực hiện ba điều Tín-Nguyện-Hạnh, đồng thời cũng biết làm lành, tránh dữ, cúng dường, bố thí, phóng sanh, nguyện cầu hiện đời an lành và sau khi xả bỏ nhục thân được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Tây phương Cực Lạc” là hoàn toàn đúng đắn với Chánh pháp.

Tất nhiên, pháp môn tu nào cũng là phương tiện. Vì là phương tiện, nên mỗi pháp môn có một đường hướng, lập trường và quan điểm tu tập riêng. Cũng giống như lên núi, có nhiều cách khác nhau, đi bộ hay ngồi cáp treo là tùy nhân duyên của mỗi người, miễn là lên đến đỉnh núi. Cho nên không thể đứng ở lập trường pháp môn của mình rồi so sánh hay đánh giá các pháp môn khác.

Do đó, các hành giả tu Tịnh độ, “nguyện cầu hiện đời an lành và sau khi xả bỏ nhục thân được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Tây phương” chính là Nguyện (Tín-Nguyện-Hạnh), hoàn toàn không phải là tham. Tu Tịnh độ mà không nguyện, không mong sanh về Cực Lạc là thiếu sót, hành giả cần phải cầu vãng sanh, phải nguyện về Tây phương, đây là đường hướng, tôn chỉ căn bản của pháp môn này.

Xin nói thêm, lập trường của người tu nói chung là buông xả, không mong cầu, dẫu là cầu Niết-bàn nhưng bước đầu cũng cần phải “muốn”, đó là Dục định (lòng mong muốn, nhiệt tình, khát khao loại bỏ mọi thứ ngăn che thiền định, khử trừ mọi ham muốn thế thường để đi vào thiền định). Chắc chắn Dục định hoàn toàn không phải là tham. Dục định là ước muốn mãnh liệt để chứng đạt các Thánh quả, thà xả bỏ thân mạng cũng không nao núng, sờn lòng. Phật Thích Ca lúc sắp thành đạo ngồi dưới cội bồ-đề cũng phát khởi đại nguyện, nếu không thành chánh quả thì thà chết chứ không rời khỏi cội bồ-đề đó sao!

Đối với vấn đề, cõi Cực Lạc có hay không? Xin khẳng định rằng: Cực Lạc hoàn toàn có thật với các vị có chánh báo tương ứng, Cực Lạc là y báo của Phật A Di Đà và chư Thánh chúng tu niệm Phật. Các hành giả tu Tịnh độ cầu sanh về Cực Lạc, rồi từ đó nương thắng duyên mà tu tập cho đến ngày công viên quả mãn, thành Phật. Cho nên, Cực Lạc không chỉ “tạm dùng để cho chúng sanh mê muội hướng về” mà các bậc Tổ sư vĩ đại của Tịnh tông, các Đại Bồ-tát có nhân duyên cũng nguyện sanh về cõi ấy.

Tất nhiên, mọi người con Phật có chánh kiến đều biết “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Kinh Kim cang) nên Cực Lạc dù có thù thắng trang nghiêm đến mấy cũng là phương tiện, không có tự tánh (tánh Không, vô ngã). Vãng sanh Cực Lạc là thành tựu “bất thối chuyển”, không còn bị đọa lạc, để rồi từ đó tiến tu thành Phật, phổ độ quần sanh. Vì thế, gia đình bạn không có gì phải hoang mang cả mà càng tinh tấn niệm Phật hơn nữa để thành tựu nhất tâm.

Chúc bạn tinh tấn!

PHẢI CHĂNG CUỘC ĐỜI ĐÃ LẬP TRÌNH SẴN?

Hòa thượng Viên Minh chia sẻ

trong buổi Trà Đạo Bửu Long sáng ngày 25.8.2016

1. Phải chăng cuộc đời đã lập trình sẵn?

HỎI: Thưa Thầy phải chăng cuộc đời đã lập trình sẵn?

TRẢ LỜI: Cuộc đời không phải đã được lập trình sẵn nhưng nó giống như một bàn cờ mà thành hay bại, khổ hay vui... là do quyết định của người trong cuộc đi quân cờ nào, chọn nước cờ nào, với mục đích gì... (có nhiều quân cờ, nước cờ và mục đích để mỗi người tự do lựa chọn) tuỳ theo khả năng hay trình độ nhận thức và cách xử lý trong ván cờ của mình.

Nói là lập trình sẵn cũng đúng nhưng không nên nghĩ rằng ai đó đã an bài sẵn như định mệnh mà mình phải tuân theo. Lập trình sẵn ở đây chỉ có nghĩa là có sẵn những yếu tố tự nhiên, ví dụ như trong thiên nhiên đã có sẵn hydrogen, oxygen, carbonic v.v..., nhưng tuỳ hiểu biết tính chất của các nguyên tố ấy mà có thể tạo ra những phản ứng hoá học khác nhau để có những hiệu ứng nhất định tuỳ mục đích sử dụng của mỗi người.

Dễ hiểu hơn như chúng ta có sẵn rau, củ, quả, gia vị mặn, ngọt, chua, cay v.v... nhưng ai thông hiểu được tính vị của chúng thì có thể chế biến thành những món ăn ngon, không biết chế biến sẽ ra món ăn dở. Như vậy thức ăn ngon dở không phải do Tạo Hoá lập trình sẵn mà do nhận thức và cách chế biến của người nấu.

Lập trình mà không phải lập trình, đây là một cách lập trình rất kỳ lạ: chỉ lập trình trên nguyên lý thôi còn ứng dụng thì tự do chọn lựa của mỗi người. Ngược lại dù tự do chọn lựa nhưng cuối cùng vẫn phải học ra sự vận hành theo nguyên lý của pháp chứ không phải muốn gì theo ý mình cũng được. Rốt cuộc chọn lựa đường nào rồi cũng phải học cho ra nguyên lý của pháp mới thôi.

HỎI: Có đôi khi những giấc mơ như báo hiệu chính xác điều sắp xảy ra. Vậy có phải là mọi việc đã sắp đặt sẵn rồi sao?

Không phải sắp đặt sẵn mà giống như trái mít đang được 1 tháng người trồng mít rành nghề có thể biết bao lâu nữa trái mít ấy sẽ chín vì nó có tiến trình của nó, nhưng trong đó vẫn có sự uyển chuyển mà người càng rành rẽ càng đoán trúng chừng đó. Nếu như trời nắng nhiều thì trái mít sẽ chín sớm, trời lạnh quá thì mít sẽ chín trễ hơn, người ta có thể nhìn qua tất cả hiện tượng thiên nhiên mà biết được sự vận hành của vạn pháp. Cho nên người ta có thể dự đoán thời tiết...mà trong dịch lý gọi là "lý sương kiên băng chí" tức nhìn thấy sương mà biết sắp tới sẽ có băng giá. Những người đi làm rừng thấy măng mọc như thế nào đoán được năm đó có lũ lụt lớn hay không, hoặc thấy hoa lau nở ra sao mà đoán được thời tiết sắp xãy ra rất chính xác, như kiểu kiến đoán được trời mưa, cá đoán được động đất dưới biển vậy.

Trong “lập trình” của tạo hoá có những nguyên lý phổ quát quy mô lớn như thành - trụ - hoại - không; quy mô vừa như sinh - trụ - dị - diệt; quy mô nhỏ như sinh - lão - bệnh - tử. Nhân quả, nghiệp báo cũng có quy luật của nó nên những vị có thiên nhãn minh có thể biết được người nào làm hạnh nghiệp gì sẽ gánh chịu hậu quả ra sao, ở cõi giới nào. Nghiệp được mỗi người tự do chọn lựa nhưng chọn lựa nào thì cũng đều phải học bài học trong chọn lựa của mình.

Về phương diện tâm, phần tướng biết của tâm qua lục căn chỉ biết được đối tượng hiện khởi, nhưng tánh biết của tâm có thể biết được thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai và không gian vô tận bên trong, bên ngoài, tám hướng, mười phương. Bản chất của tâm rộng lớn bất tận về cả không gian và thời gian nên việc linh cảm được chuyện sắp xãy ra ở tương lai hoặc chuyện đang diễn biến ở cõi giới khác là chuyện bình thường. Ví như nước và sóng, tánh biết như nước, tướng biết như sóng, sóng tuỳ duyên mà biểu hiện khác nhau nhưng tánh nước không thay đổi. Nước thì ở cùng khắp nhưng hiện tướng như hơi, sương, mù, mây, mưa, nước giếng, nước sông, ao, hồ, biển cả… đều khác nhau.

Cũng vậy, tướng của tâm chỉ giới hạn trong mỗi chúng sanh, nhưng tánh của tâm rộng lớn vô cùng nên người ta thường gọi là vũ trụ tâm. Người thoát khỏi bãn ngã, thâm nhập vào được biển tâm rộng lớn có thể thấy quá khứ, tương lai và không gian rộng lớn. Như Đức Phật có thể ngồi ở chùa Kỳ Viên mà thấy được các cõi trời ra sao, thấy luôn cả quá khứ, tương lai ra sao.

Đôi lúc chúng ta vô tình cảm ứng được tương lai, nhất là qua giấc chiêm bao, lúc đó ý thức của tướng biết không hoạt động, nhưng tánh biết của tâm thì vẫn âm thầm làm việc. vì vậy mà nó vẫn biết được quá khứ tương lai, thậm chí linh cảm được những chuyện xãy ra bên ngoài.

Tâm rất kỳ diệu mà chưa môn tâm lý học nào nói hết được, kể cả Vi Diệu Pháp hoặc Duy Thức. Có những trường phái thấy tâm như vậy sinh ra chủ nghĩa duy tâm và cho rằng tất cả do tâm tạo ra hết. Thật ra, sự sống không phải chỉ có tâm không thôi mà còn có đất nước lửa gió hư không nữa. Những nguyên tố đó kết hợp với nhau sinh ra muôn loài vạn vật. Hiện tướng của muôn loài vạn vật thì có sinh có diệt, nhưng tánh của chúng vẫn không sinh diệt.

Đạo Phật nhìn sự vật một cách toàn diện cả mặt tất định, mặt tự do và cả mặt ngẫu nhiên nữa. Trong khi một số tôn giáo, triết học chỉ nhìn thấy một chiều nên họ chủ trương hoặc là định mệnh, hoặc là tự do, hoặc là ngẫu nhiên một cách phiến diện.

HỎI: Những yếu tố này có liên quan gì trong Thiên thời, địa lợi, nhân hòa?

Đó chỉ là duyên bên ngoài giúp đạt đến thành công. Trong Phật giáo có Tứ Như Ý Túc: dục, cần, tâm và thẩm là những yếu tố bên trong làm nhân quyết định sự thành công. Trong khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa có vẻ thụ động vì lệ thuộc vào điều kiện trời đất và lòng người thì Tứ Như Ý Túc mang tính chủ động của thái độ nội tâm.

Thí dụ như trong chiến tranh bên nào biết lợi dụng điều kiện thiên thời, địa lợi và lòng người thì có hy vọng chiến thắng, như vậy chiến thắng vẫn một mặt mang tính thiên định, một mặt do quyết định của con người nên mới có câu: “Thuận thiên lập mệnh”. Vì nhiều người không thấy được điều này nên khi thành công cứ tưởng là mình tài giỏi và sinh ngã mạn, tự cao.

2. Đạo có phải là con đường? 

Đạo không phải là con đường. Đạo trong Đạo đế là những yếu tố giác ngộ ra Sự Thật mà sự thật rốt ráo nhất chính là Niết Bàn. Nếu có con đường thì phải có điểm xuất phát và đích đến như vậy đã có ham muốn trở thành, tức rơi vào hữu, tướng, tác, cầu hay sinh, hữu, tác, thành, chứ không phải là Đạo: không, vô tướng, vô tác, vô cầu hay không sinh, không hữu, không tác, không thành.

Niết-bàn ở ngay đây và bây giờ nơi chính mình nên đức Phật dạy chỉ cần nhìn lại mà thấy chứ không phải trở thành hay đạt tới.

Như Tuệ ghi chép

HÔN NHÂN KHÁC TÔN GIÁO

Con xin chào thầy!

Con năm nay con được 28 tuỗi, hiện tại con đã ra trường và đang làm việc tai Mỹ. Qua sự tìm hiểu con có quen một bạn Nữ rất đáng yêu, bạn Nữ cũng đã ra trường và đang làm việc tại Đức. Trong quá trình tìm hiểu tụi con đã có cảm tình với nhau.

Ban Nữ con quen là một người rất yêu thích Đạo Phật và gia đình bạn ấy cũng vậy. Gia đình con thì Bố con hồi trước có theo đao Phật và Mẹ con thì theo đạo Công Giáo. Bố con rất thương mẹ con nên đã quyết định theo đạo Công Giáo vì Bố, Mẹ con nghĩ chỉ nên theo một đạo trong một gia đình thôi. Hiện tại gia đình con là đạo công giáo nhưng bố và mẹ con luôn tôn trọng cac Đạo khác cũng như là Đạo Phât. Gia Đình con nghĩ là Đạo tại Tâm chỉ cần có Đạo Đức là bố mẹ con luôn luôn tôn trọng. 

Con và bạn Nữ có nói chuyện về tôn giáo của mỗi gia đình và trong lúc bạn Nữ về Viet Nam đã có lên chùa để hỏi một thầy tại chùa xem tuổi cho tụi con và hỏi là chúng con có tiếp tục mối tình này không. Bạn Nữ có nói lại với con là vì gia đình con là đạo Công Giáo nên thầy nói không nên quen nhau nữa. Con rất buồn và thất vọng. Từ lúc quen bạn Nữ con cũng tìm hiểu về Đạo Phật rất nhiều và con cũng rất thích. Con tin vào nhân quả nhưng con không có niềm tin vào xem tuổi cũng như là xem tương lai cho ai cả.Con cảm nhận đạo chính là một phương tiện, một người thầy để giúp mỗi người hoàn thiện hơn. Con thấy Đức Phật là một người rất từ bi và con rất kính trọng ngài vì con nghĩ nhờ có Đức Phật nên rất nhiều người đã trở nên tốt đẹp hơn. Lúc xưa ngài cũng đã nói là con người không vì xuất thân mà cao quý mà là vì hành động mà cao quý. Con nghĩ nếu con và bạn Nữ yêu thương nhau chân thành và con cũng đồng ý ngồi xuống cùng bạn ấy tìm hiểu về một đạo và sẽ chỉ theo một đạo sau này mà thôi thì có sai không thầy?. Bạn Nữ có nói với con là bạn ấy rất mệt mõi vì thầy trong chùa và mẹ của bạn Nữ khuyên bạn ấy là không nên quen con nữa. Hiện giờ con rất là bế tắc và không biết là phải nên nói với bạn nữ như thế nào. Xin thầy hãy giúp cho tụi con lời khuyên.

Mong hồi âm của thầy,


Chào hai anh chị,

Ngày xưa, một số tôn giáo đã khắt khe ngăn cấm các tín đồ mình kết hôn với người “ngoài” tôn giáo. Sự cấm đoán như vậy dựa trên một kinh nghiệm, đó là sự khác biệt niềm tin tôn giáo, tạo nên những trở ngại có ảnh hưởng không tốt đến hạnh phúc lâu dài của hai người yêu nhau. Có những người Kitô Giáo lấy vợ hay chồng là Phật Giáo hay ngược lại, sau nhiều năm chung sống, đều cho rằng hôn nhân hỗn hợp là một sai lầm đối với họ do vấn đề họ gặp phải vì những bất đồng tôn giáo nhất là về việc giáo dục con cái trước tuổi thành niên.[01]

Mới đầu khi yêu nhau họ chỉ muốn sống chung với nhau mà không nghĩ tới hướng giải quyết khi hai người có con. Lời giao kết "đạo ai nấy giữ" thuở ban đầu ấy là chỉ dành cho vợ chồng, nhưng con của họ thì sao? Theo cha hay theo mẹ? Ai mến đạo thì cũng muốn con mình theo đạo truyền thống của ông bà cha mẹ mình, phải tranh thủ hướng dẫn cho con ngay từ khi còn bé nhỏ. Nếu cha mẹ thoáng hơn, cởi mở hơn thì khi tới tuổi trưởng thành cho con được tự quyền lựa chọn tôn giáo, quyết định số phận của cuộc đời, nhưng nếu đứa con, mặc dù đã đủ lớn khôn để nhận thức nên theo đạo nào, lại ngặt nỗi sợ mất lòng cha hoặc mẹ thì càng rắc rối hơn. Thật là nan giải..

Đối với người Phật Giáo ngày nay, nhất là những tín đồ Phật giáo ở Tây Phương phần đông chủ trương đạo ai nấy giữ, cố gắng hiểu biết và tôn trọng tôn giáo của người phối ngẫu và không đem hôn nhân làm một áp lực bắt người phối ngẫu đổi đạo. Sự cưỡng bách hay khuyến dụ bỏ đạo không thể thấm sâu vào lòng người, mà lại phát sinh ẩn ức. Với con cái, không bắt ép chúng đi chùa hay đi nhà thờ, không ép buộc chúng phải quy y hay rửa tội mà đợi chúng đến tuổi trưởng thành, cho chúng tự quyền quyết định nên theo tôn giáo nào. 

Đối với người Công Giáo, trước thời Công Đồng Vatican II trong thập niên 1960, nếu một người Công Giáo quyết định lấy một người không-Công Giáo, Giáo Hội mạnh mẽ yêu cầu họ “trở lạiđạo” trước khi làm đám cưới. Nếu người ấy không chịu “trở lại đạo”, thì họ được yêu cầu phải đồng ý nuôi nấng con cái trong đức tin Công Giáo. 

Ngày nay (sau Công Đồng Vatican II),  trên nguyên tắc, Giáo Hội Công Giáo không bắt buộc sự “trở lại đạo” của người không-Công Giáo, cũng như người không-Công Giáo không bị bắt buộc phải đóng vai trò tích cực trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong đức tin Công Giáo. 

Tuy nhiên, thực tế cho biết, “theo giáo luật Công Giáo, người Công Giáo kết hôn với người chưa rửa tội (không-Công Giáo) thì hôn nhân ấy không thành sự hay bị rối. Theo khoản 1086 trong Bộ giáo luật hiện hành của giáo hội Công Giáo, nếu không muốn bị rối trong tình trạng ấy thì phải xin phép chuẩn dị giáo (dispensation for disparity of cult) của Đức Giám Mục địa phận. Để được phép chuẩn cho hôn nhân dị giáo hầu ‘đạo ai nấy giữ’, khoản 1126 trong giáo luật cũng quy định phải có 3 điều kiện : (1) Bên Công Giáo hứa phải giữ trọn đức tin của mình, đồng thờicố gắng rửa tội và giáo dục con cái theo đức tin công giáo. (2) Thông tri cho bên không công giáo biết những điều mình hứa và bị lương tâm ràng buộc. (3) Cả hai phải được học hỏi về mục đích và đặc tính căn bản của hôn nhân theo giáo lý công giáo”.[2][3]

Thật ra, việc hôn nhân với người khác tôn giáo theo cách nhìn của những người Công Giáo cũng có những điểm tích cực nhất là trên phương diện truyền giáo, “nếu khi có tình yêu với người khác đạo, ta nên dùng chính cơ hội này để giúp cho người mình yêu tin và sống theo Chúa Kitô, gia nhập Giáo Hội Ngài…”[3] Đó là chưa kể đến việc truyền giáo cho con cái khi chúng nó ra đời. 

Xét hai quan niệm hay hai đường hướng giải quyết vấn đề kết hôn với người khác tôn giáo, giữa Phật Giáo và Công Giáo vẫn còn có nhiều điểm khác biệt, khó có thể dung hoà hay hiệp thông được. Bên Công Giáo vẫn yêu cầu người Công Giáo muốn kết hôn với người ngoài đạo phải có “phép chuẩn” của Toà Giám Mục sở tại mới cho kết hôn và phải “cố gắng rửa tội và giáo dục con cái theo đức tin Công Giáo”. Bên Phật Giáo, ngược lại, không muốn con cái phải rửa tội mà không biết một chút gì về tôn giáo mình theo…và cũng không bắt buộc chúng phải quy y vì chúng còn quá nhỏ, không biết gì về Phật, Pháp, Tăng.

Vì thế, anh chị và các bạn trẻ khác đang là Phật tử, đang là Kitô hữu sắp yêu, đang yêu và sẽ tính đến chuyện kết hôn với nhau hãy nghiên cứu thật kỹ quan niệm của cả hai bên về vấn đề này. Nếu có đủ sáng suốt, đủ để thấy là mình không thể sống với một vài khác biệt nào đó của người khác, thì ngay tự bây giờ (trước khi kết hôn) thật quan trọng để thú nhận và bàn thảo kỹ lưỡng với nhau là có nên kết hôn hay không. Nếu cần phải lựa chọn thì cách hay nhất (nếu có khả năng) vẫn là làm sao cả hai người và con cái ra đời về sau được sống trong tinh thần hiểu biết và quý trọng cả hai tín ngưỡng. Phải hiểu đức tin Công Giáo cũng như đức tin Phật Giáo đều là những (không phải một) “viên ngọc vô giá” nên cần được chia sẻ cùng nhau giữa vợ chồng và con cái. Nếu như cảm thấy không đủ khả năng cam kết và cùng nhau thực hiện việc sống trong tinh thần hiểu biết và quý trọng tín ngưỡng của nhau thì hãy cùng nhau vui vẻ chấp nhận chia tay từ bây giờ để kết hôn với người cùng đạo, dù sao vẫn hay hơn và dễ có hạnh phúc hơn.

Cả hai anh chị phải tự quyết định hướng đi của chính mình, không thể giao phó đời sống lứa đôi của mình cho bất cứ ông Thầy nào hay một vị thày bói nào. Lời dạy của ông thầy mà hai anh chị đề cập đến trong thư không đáng tin cạy vì (thứ nhất) Đạo Phật cấm không cho các vị tu sĩ xem tuổi, xem sao đoán hạn vì đó là mê tín. (thứ hai) chỉ vì gia đình anh là đạo Công Giáo nên ông thầy nói "không nên quen nhau nữa" là một lời khuyên võ đoán, hàm hồ, không có cơ sở.

Còn việc anh chị hỏi nếu như hai người chỉ theo một đạo mà thôi thì có điều gì sai không. Chúng tôi có thể trả lời ngay cho anh chị là không có điều gì sai hết nếu như cả anh và chị không đem hôn nhân làm một áp lực bắt người yêu phải đổi đạo. Anh chị nên nhớ là một trong những yếu tố cơ bản để cấu thành cuộc hôn nhân bền vững ngoài tình yêu là sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Việc từ bỏ tôn giáo của mình để theo người yêu phải là việc  xuất phát từ tinh thần tự giác, tự nguyện và lòng tôn trọng lẫn nhau.

Chúc anh chị an vui hạnh phúc lâu bền.

QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ THÂN TRUNG ẤM

HT. Viên Minh

Bạch Sư, 
Con có một thắc mắc về ý niệm Thân Trung Ấm. Theo như con hiểu thì con người sau khi chết, tùy theo nghiệp lực mà đi đầu thai ngay lập tức, từ tử tâm, chuyển tức thì qua thức tái sanh (Vi Diệu Pháp).  Nhưng cùng lúc lại có sự giải thích là nếu chưa đi đầu thai được thì phải chờ ở Thân Trung Ấm. Xin thầy giảng giải cho con được rõ.

Thầy Viên Minh trả lời:

Thân trung ấm, người cõi âm, vong linh, ngạ quỷ, hồn ma, phi nhân v.v... là những tên gọi khác nhau người đời sau đặt ra theo hiểu biết của họ nhưng đều ám chỉ người cõi Peta trong tiếng Pāli mà thôi. Như vậy gọi gì không quan trọng, chủ yếu là biết đúng thực chất cõi này là gì mới được.

Có hai quan niệm cực đoan sai lầm: Một cho rằng có thân trung ấm là vong linh người chết còn vất vưởng đâu đó trong vòng 49 ngày chưa được đi đầu thai, đó là theo quan niệm trong Abhidharma-Kosa (A-tì-đàm Câu-xá) của Nhất Thiết Hữu Bộ. Về sau được người Hoa duy trì phát triển thêm. Hai cho rằng không có người  âm, tức không có cõi Peta này.

Theo Pāli Abhidhamma nguyên thủy thì tiến trình tâm tục sinh (patisandhi) đi liền sau tử tâm (cuti) chỉ một sát- na, có nghĩa là chết là tâm thức do nghiệp lực liền đi tái sinh ngay, không có tình trạng vong hồn vất vưởng 49 ngày, do đó quan niệm thân trung ấm về sau là sai. Tuy nhiên, vì vậy mà cho rằng không có người cõi Peta cũng là một sai lầm khác. Thức tái sinh, kết sinh thức hay tâm tục sinh vẫn xuất hiện ngay sau tử tâm để tái sinh vào cõi Peta, và tuổi thọ của cõi này bất định chứ không nhất định là 49 ngày như quan niệm về thân trung ấm.

Thực ra, Peta là một cõi tái sinh do nghiệp lực và tưởng của người lúc lâm chung, nên chính xác nhất có thể gọi đó là người cõi âm bởi vì thân của người cõi này được hình thành do tưởng của người cõi dương trước khi chết (người sống). Như vậy có người âm nhưng không phải là hồn ma trung ấm mà là một cõi chúng sinh có thực trong trong 4 đường ác đạo ( cõi Atula, Peta, súc sinh và cõi khổ).

Người cõi âm (Peta) hình thành:

1) Do nghiệp lực mà chủ yếu là nghiệp bất thiện thuộc loại xan tham, ích kỷ, bỏn sẻn, ganh tỵ, khao khát, dính mắc, luyến tiếc tài tình danh lợi ở đời chưa thỏa mãn được

2) Do tưởng ngay khi tử tâm xuất hiện.Thí dụ: Người bị chết đuối thấy mình đang chới với lặn hụp trong nước với sự sợ hãi cao độ, hình ành ấy tạo một ấn tượng rất mạnh ám ảnh tâm thức người ấy, tưởng chấp giữ hình ảnh ấy và một thân tướng do tưởng ấy sinh tạo thành người cõi âm là một "ma chết đuối" như người đời thường nói. Một người mẹ chết khi đứa con còn nhỏ dại, cô ta trở thành âm bản của mình, hàng ngày ôm ấp đứa con trong tưởng để tự đánh lừa mình v.v...

Có một loại nữa gọi là Asura thường đọc theo phiên Âm Hán Việt là A-tu-la. Đây là loại "Atula địa" thấp hơn cõi người, cũng gọi là người âm có nhiều năng lực hơn cõi âm Peta, nên người Hoa còn gọi là Thần nhưng cũng thuộc 4 ác đạo, khác với "Atula thiên" cao hơn cõi người, thuộc cõi trời Dục giới (thường tranh chấp với chư thiên cõi trời Đao Lợi).

Những người vì có tài năng và quyền lực nên ngã mạn, tự cao, thích ra oai, điều khiển, khống chế người khác, dễ bị sân hận oán thù nên bị đọa vào cõi Atula địa này. Atula này cũng do tưởng sinh nên gần giống như Peta nhưng có uy lục hơn và thường hay quấy phá những người oan trái với họ ở dương gian...

Viên Minh
Trích mục Hỏi Đáp - trungtamhotong.org

PHÁT HUY CHÁNH KIẾN TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC ĐẠO PHẬT 

Nhiên Như - Quảng Tánh

HỎI: Tôi là một Phật tử trẻ, đang tìm hiểu về Phật pháp để ứng dụng trong đời sống. Hiện tôi đang phân vân về giá trị của đạo Phật bởi một số ý kiến phản biện như sau: Họ nói, đạo Phật chỉ thích hợp với người già, người lớn tuổi, người về hưu... vì những người này gần như đã buông bỏ tất cả các nhu cầu về cuộc sống, cần một bến đỗ bình yên, tâm hồn thanh thản trước khi rời khỏi cuộc sống này. Đạo Phật mang khuynh hướng từ bỏ tất cả mọi thứ như mong muốn vật chất, tình yêu..., nên giới trẻ đến với đạo Phật sẽ không năng động, không mang tinh thần cầu tiến, cống hiến, từ đó sẽ làm cho xã hội không phát triển được, nói chung là mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn. 

Họ lại nói, nếu cho con trẻ đi chùa, ăn chay, học Phật thì dần dần tính cách của chúng sẽ điềm đạm, hiền từ, chỉ biết buông xả... nên lớn lên vào đời sẽ rất khó thành công. Tôi rất mong được quý Báo giải đáp và chia sẻ để thiết lập niềm tin vững chắc vào đạo Phật.

(PHÚ QUỐC, dophuquoc927@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Phú Quốc thân mến!

Đạo Phật ra đời vì lợi ích, vì an lạc cho tất cả chúng sinh. Có thể nói, khi nào con người còn vô minh, tham ái, phiền não, khổ đau thì còn cần đến các giải pháp trị liệu và chuyển hóa của đạo Phật. Tùy theo tuổi tác, điều kiện, hoàn cảnh và đặc điểm riêng của mỗi người mà có cách ứng dụng Phật pháp vào đời sống khác nhau. Cụ thể, một người từ khi bắt đầu thọ thai, đến lúc sinh ra và lớn lên học tập, cho đến khi trưởng thành có sự nghiệp, lúc nghỉ hưu, già yếu và chết đi, cả đời người đều cần đến các giá trị của đạo Phật.

Nên nói, “đạo Phật chỉ thích hợp với người già, người lớn tuổi, người về hưu...” là phiến diện, không đúng. Tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, xã hội, cộng đồng là đặc điểm nổi bật của người già, vì có tác động tích cực lên đời sống tinh thần của họ. Sở dĩ người lớn tuổi, người nghỉ hưu đi chùa, tham dự các lễ hội, những khóa tu nhiều hơn những người khác, đơn giản vì họ có thời gian hơn. Không phải chỉ có người già mới “cần một bến đỗ bình yên, tâm hồn thanh thản” mà tất cả mọi người, nhất là tuổi trẻ đều rất cần. Có điều, người trẻ có cách tiếp cận với đạo Phật khác với người già. Vì không có nhiều thời gian nên họ chỉ tranh thủ đến chùa những lúc có thể, nên khi nhìn vào những buổi lễ ở chùa thấy người trẻ ít hơn. Trong quá trình học tập và làm việc, những người trẻ rất cần đến các giá trị đạo đức Phật giáo để tự răn và hoàn thiện mình, để làm chủ bản thân trước mọi cám dỗ. Dù không có thời gian để đi chùa nhiều nhưng giới trẻ luôn ứng dụng Phật pháp để tạo ra những “khoảng lặng” cần thiết nhằm nghỉ ngơi, thư giãn, thanh lọc và làm mới thân tâm, đồng thời chiêm nghiệm về các giá trị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, để sống có ý nghĩa, lợi mình và lợi người.

Kế đến, nói “đạo Phật mang khuynh hướng từ bỏ tất cả mọi thứ như mong muốn vật chất, tình yêu...” cũng rất phiến diện và thiển cận. Đạo Phật không hề phủ định các giá trị của vật chất, tình yêu… mà chỉ phê phán sự tham lam, khát khao sở hữu chúng một cách mù quáng, vô độ mà thôi. Buông xả vì tham lam, vun vén cho riêng mình nhiều quá sẽ không tạo ra hạnh phúc, thậm chí ngược lại chỉ tạo ra đau khổ. Vật chất, tình yêu…, hay mọi thứ cần cho cuộc sống nói chung đều được đạo Phật trân trọng nhưng chỉ xem đó là phương tiện.

Luôn vận dụng sự tỉnh thức, dùng trí tuệ để soi sáng nhằm đem vật chất phục vụ đời sống, không để mình phải phụ thuộc, bị vật chất sai khiến. Với tình yêu cũng vậy, tham ái và chiếm hữu sẽ giết chết tình yêu, thành ra yêu nhiều thì đau khổ nhiều. Muốn tình yêu mang đến hạnh phúc thực sự thì thay thế tham ái bằng từ ái, không chiếm hữu mà trân trọng và hiến dâng, yêu người như yêu mình. Đạo Phật kêu gọi tu tập buông xả, chuyển hóa tâm tham ái và chiếm hữu chứ không phủ nhận hay chối bỏ các phương diện của đời sống. Nên quy kết “giới trẻ đến với đạo Phật sẽ không năng động, không mang tinh thần cầu tiến, cống hiến, từ đó sẽ làm cho xã hội không phát triển được, nói chung là mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn” là một sự xuyên tạc có dụng ý riêng.

Nói “cho con trẻ đi chùa, ăn chay, học Phật thì dần dần tính cách của chúng sẽ điềm đạm, hiền từ, chỉ biết buông xả... nên lớn lên vào đời sẽ rất khó thành công” lại càng sai lầm. Ai cũng biết, đạo đức vốn cần thiết hơn cả tài năng, “có tài mà không có đức là người vô dụng”. Đạo đức cần dạy dỗ từ khi còn tấm bé, như măng được uốn nắn thì tre mới thẳng. Nên cần nói ngược lại, nếu trẻ mà không được dạy dỗ cho hiền từ, điềm đạm, biết xả buông… đến khi lớn khôn vào đời chắc chắn sẽ thất bại. Để thành công trong cuộc sống, con người cần có nhân cách đạo đức, trầm tĩnh và nghị lực, thông minh và khéo léo (đạo Phật gọi là Giới-Định-Tuệ) chứ không phải nhờ tranh đoạt, mạnh được yếu thua, khôn ranh lõi lọc, lợi mình mà hại người.

Hiện nay, mọi người đều sống trong sự bất an, chất lượng cuộc sống ở mọi phương diện bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sự xuống cấp đạo đức xã hội, nhất là trong giới trẻ. Đây là quả báo xấu có nhân duyên một phần từ việc chối bỏ, thậm chí hủy hoại các giá trị đạo đức và tâm linh truyền thống mà tổ tiên đã dày công tạo dựng. Trong các mối nguy thì tà kiến (quan điểm sai lầm, nhận thức không đúng) sẽ khiến cho nhiều thế hệ bị ảnh hưởng và hệ lụy. Mặt khác, người Phật tử cần cảnh giác, phát huy chánh kiến trước những luận điệu xuyên tạc từ những phần tử xấu, cố tình bóp méo nhận thức về đạo Phật để tiến hành cải đạo.

Hiện nay, các giá trị đạo đức, nhân văn của đạo Phật được các bậc trí thức trên thế giới tôn vinh, họ hy vọng giáo lý từ bi và trí tuệ của Phật giáo sẽ cứu vãn cho các xung đột, bất an trên thế giới. Bạn đã có duyên lành quy y rồi thì cố gắng học tập, nghiên cứu giáo pháp. Đạo Phật chủ trương “đến để thấy”. Một khi đã nhận thức đúng đắn về Chánh pháp (chánh kiến) ắt sẽ có hành động đúng và giúp bạn kiến tạo cuộc sống với đầy đủ thành công, cống hiến, hạnh phúc và an vui.

Chúc bạn tinh tấn!

BỊ ĐỔ NGHIỆP

Nhiên Như - Quảng Tánh

HỎI: Tôi phát tâm tu tập theo Phật giáo, áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày như bố thí, giúp đỡ người khác hết lòng, nguyện sống tốt, không làm gì xấu và tổn hại đến ai. Nhưng không biết vì sao, đã mấy năm hướng Phật, làm lành, tránh dữ mà tôi ngày càng xui xẻo, làm gì cũng thất bại, bị người khác ganh ghét, công việc, sức khỏe,... đều xấu đi, giống như bị đổ nghiệp. Xin hỏi quý Báo nên làm gì để giải nghiệp xấu đó. (QUANG VIỆT, quangviet2006@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Quang Việt thân mến!

Hiện nay, có một bộ phận Phật tử, do nhận thức về Phật pháp còn hạn chế nên hình thành quan niệm vì siêng tu nên ‘đổ nghiệp’. Đây là một quan niệm sai lầm, không đúng với Chánh pháp, tà kiến, cần được chấm dứt trong suy nghĩ cá nhân Phật tử và không trao truyền đến người khác. Bởi lẽ, tu tập thì chuyển nghiệp, từ xấu thành tốt, từ dữ hóa lành, không hề có chuyện vì tu mà ‘đổ nghiệp’ hay gieo nhân lành mà gặt quả ác cả.

Vậy thì lý giải thế nào đối với một số trường hợp, sau một thời gian tu học, hướng thiện thì bản thân và gia đình có nhiều xui xẻo liên tiếp xảy ra? Trước hết, người đệ tử Phật cần học tập về giáo lý Nhân quả-Nghiệp báo để hiểu đúng và tin sâu. Nhân quả-nghiệp báo do mình tạo ra trong quá khứ xa và gần, rồi tác động lên đời sống của chính mình.

Tiến trình từ nhân đến quả có 3 thời: 1-Hiện báo, nhân quả nhãn tiền, xảy ra liền hay trong đời này. 2-Sinh báo, gieo nhân hiện đời nhưng đến đời kế sau mới thành quả. 3-Hậu báo, gieo nhân hiện đời nhưng đến những đời sau mới thành quả. Đây là xét về mặt thời gian hình thành nhân quả. 

Còn về phương diện vận hành của nhân quả phức tạp hơn nhiều, không đơn thuần nhân nào quả nấy mà chính là nhân-duyên-quả. Duyên, tuy là nhân phụ nhưng tác động rất lớn đến việc hình thành quả. Chuỗi nhân-duyên-quả này lại không độc lập mà luôn tương tác, va chạm với vô số chuỗi nhân-duyên-quả khác. Trong quá trình vận hành, chúng vừa làm nhân, làm duyên, làm quả của nhau đồng thời luôn tác động chi phối lẫn nhau mãnh liệt tạo ra một mạng lưới nhân quả, nhân duyên trùng trùng điệp điệp.

Người phàm chúng ta chỉ có thể biết phần nào nhân quả nhãn tiền (hiện báo) mà không thể biết về nhân quả của sinh báo và hậu báo. Cụ thể, chúng ta không biết được trong những đời trước mình đã gieo nghiệp nhân nào, thiện hay ác. Nhân quả-Nghiệp báo hay dòng chảy Nghiệp cũ (thiện hoặc ác) từ quá khứ đang xuôi về hiện tại với tất cả sức mạnh của nó. Năng lực của Nghiệp cũ rất mạnh mẽ, nếu gặp lúc đã chín muồi thì không gì có thể ngăn cản nổi sự hình thành quả. 

Việc tu tập, làm thiện của bạn mấy năm gần đây dĩ nhiên tạo ra Nghiệp mới tốt lành. Nghiệp mới (thiện) này, nếu đủ mạnh thì có khả năng tương tác với Nghiệp cũ (xấu ác), chi phối lên Nghiệp cũ để khiến cho nó lệch hướng, tạo thành quả bình an. Cụ thể, Nghiệp mới (thiện) giống như đắp đê, Nghiệp cũ (xấu ác) như nước lũ thượng nguồn dội xuống. Đê nhỏ và yếu, thì dù có cố công xây đắp nhưng không cản được sức tàn phá của lũ.

Bạn nhờ tu tập, làm phước thiện, đã kiến tạo được Nghiệp mới tốt lành nhưng chúng không đủ lớn mạnh để chống chọi, chi phối lên dòng Nghiệp cũ xấu ác đang tràn về. Khi dòng vận hành Nhân quả-Nghiệp báo của bạn đến đúng thời điểm như vậy thì những việc không như ý, xui xẻo xảy ra. Cần phải thấy sự việc trong tiến trình Nhân quả (3 thời) chứ không phải do hiện tại tu tập mà đổ nghiệp. Quan trọng nhất là, phải thấy rõ nhờ hiện tại có tu tập, tích lũy được một số công đức phước báo nên tuy bị tác động bởi Nghiệp cũ nhưng hậu quả ít nặng nề hơn. Nếu không tu tập và làm thiện, không tích lũy được chút phước báo nào thì hậu quả sẽ thảm khốc hơn rất nhiều.

Để giải nghiệp xấu, trước phải hiểu rõ dòng vận hành Nhân quả-Nghiệp báo. Nhận ra Nghiệp cũ vốn không thay đổi được nhưng Nghiệp mới thì hoàn toàn do mình chủ động kiến tạo. Nghiệp mới thiện lành trong hiện tại chắc chắn sẽ cho quả tốt về sau. Nghiệp mới này còn tương tác, chi phối lên Nghiệp cũ xấu ác để tạo ra quả báo nhẹ nhàng hơn. Vì thế, bạn hãy nỗ lực tu học, sám hối tội chướng, tích cực làm thiện, tạo ra Nghiệp mới thiện lành nhiều hơn nữa, sau một thời gian quả lành sẽ đến với bạn.

Chúc bạn tinh tấn!

CÓ NÊN CHO TRẺ NHỎ QUY Y?

Nhiên Như - Quảng Tánh

HỎI: Hiện tôi thấy nhiều bậc cha mẹ cho con cái quy y Tam bảo rất sớm, mới 1 hoặc 2 tuổi đã quy y. Tôi nghĩ, người quy y Tam bảo thì phải hiểu ý nghĩa quy y, phải hiểu về ngũ giới, mà trẻ em làm sao hiểu được điều đó? Và những bé quy y từ nhỏ, khi lớn lên hiểu biết về quy y Tam bảo cùng ngũ giới thì có cần quy y và phát nguyện giữ giới lại không?

(PHẠM LONG, long_p97@yahoo.com.vn )

ĐÁP:

Bạn Phạm Long thân mến!

Vấn đề quy y Tam bảo cho trẻ nhỏ, thậm chí khi còn trong thai đã có từ thời Đức Phật. Kinh Trung bộ II (kinh Vương tử Bồ-đề, số 85) đã ghi lại chi tiết vấn đề này.

Theo kinh văn, lúc Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, tại Sunsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Bấy giờ, vương tử Bồ-đề (Bodhi) có một ngôi lâu đài tên Kokanada dựng lên không bao lâu và chưa được một Sa-môn, một Bà-la-môn hay một hạng người nào ở cả. Rồi vương tử Bodhi gọi thanh niên Sanjikaputta đi đến chỗ Thế Tôn, mời Ngài ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo tại lâu đài Kokanada.

Thế Tôn nhận lời và ngày mai đi đến lâu đài của vương tử Bồ-đề thọ trai. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vương tử Bồ-đề đã nói: “Ôi, thật là Phật! Ôi, thật là Pháp! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay!” nhưng vương tử không nói thêm “Tôi quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng” như thông thường đối với những người khác.

Thanh niên Sanjikaputta đã nhắc lại điều này, nhân đó, vương tử Bồ-đề đã giải thích cho Sanjikaputta rõ: “Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân của ta, ta tự nghe như sau: Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng’. 

Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẵm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, vương tử Bồ-đề nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng’. Và nay, này Sanjikaputta, lần thứ ba ta quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.

Như vậy, quy y cho trẻ lúc còn mang thai hay khi còn thơ ấu là điều cần làm. Tuy bấy giờ trẻ chưa nhận thức mấy về ý nghĩa quy y nhưng gia đình đã gieo trồng được hạt giống lành vào tâm thức con trẻ đồng thời đứa trẻ cũng nhận được năng lượng bi mẫn gia hộ của Tam bảo. Sự kết nối và giao cảm tâm linh sơ khai ấy đã được Đức Phật chấp nhận.

Cần thấy rõ rằng, lễ quy y Tam bảo và trao truyền năm giới tuy được thực hiện chung nhưng kỳ thực đó là hai vấn đề khác biệt nhau. Người quy y Tam bảo có thể chưa thọ giới hay thọ từ một đến hết cả năm giới. Nên trong trường hợp quy y cho trẻ nhỏ thì chỉ có quy y mà không thọ giới. Và dĩ nhiên, sau khi đứa trẻ đó lớn lên trong sự gia hộ của Tam bảo, nhận thức được sự cao quý của giáo pháp, cần đối trước Tam bảo phát tâm quy y và nguyện giữ năm giới. Cũng giống như vương tử Bồ-đề, lúc còn trong bào thai đã được mẹ cho quy y, rồi tuổi thơ được cho quy y thêm lần nữa, khi trưởng thành nhận thức được giáo pháp, chính vương tử đã phát tâm quy y Tam bảo.

Chúc bạn tinh tấn!

THIỀN HAY TỊNH TỐT CHO PHÚT LÂM CHUNG?

Chân Hiền Tâm

Sống chết là vấn đề hầu như ai cũng thấy lo ngại, nhất là với người lớn tuổi. Trong buổi tọa đàm ở một đạo tràng thiền, một phụ nữ lớn tuổi đã nêu ra thắc mắc: “Một thầy ở bên Tịnh độ khi nào gặp con cũng khuyên con nên tu Tịnh độ. Nhưng vừa rồi đây, một người bạn bên Tịnh độ đã hỏi con, khi chị ấy đang lâm vào cơn bạo bệnh với những đau đớn về thể xác không thể tránh khỏi, là bên Thiền có pháp gì hỗ trợ cho chị vào lúc này không?”.
Câu thứ hai người phụ nữ ấy hỏi là chết rồi, thiêu là tốt hay chôn là tốt?

Thiền tốt hay Tịnh tốt?

Ngoại trừ những pháp, tuy cũng mang tên Tịnh độ hay Thiền mà nội dung hoàn toàn khác với những gì kinh luận đã nói, như xuất hồn, nhân điện, cúng sao giải hạn v.v… thì Thiền hay Tịnh độ đều là pháp của Phật. Tu pháp nào cũng được, miễn nó phù hợp với căn cơ và tính dục của mỗi người. Bởi pháp Phật, ngoài việc khế lý còn phải khế cơ, pháp mới mang lại lợi ích cho hành giả.

Nếu khế lý mà không khế cơ, tức người có căn cơ tu Thiền mà lại tu Tịnh độ, người có căn cơ tu Tịnh độ lại tu Thiền thì pháp không mang lại kết quả tốt đẹp. Xưa, Đức Phật đã nói về việc này, khi ngài A Nan dùng sai pháp cho hành giả của mình. Người làm ở nghĩa địa lại cho tu pháp quán hơi thở. Người thợ lò hơi lại cho quán pháp bất tịnh. Do dùng pháp không phù hợp với điều kiện hiện tại của người nên kết quả không có. Vì thế, pháp phải được đổi lại cho phù hợp mới mang lại kết quả tốt đẹp.

Nếu khế cơ mà không khế lý, tức pháp phù hợp với căn cơ của người mà không phải là pháp của Phật, thì mục đích giải thoát cũng không được đáp ứng.

Người phụ nữ không tu Tịnh độ mà bước sang tu Thiền, vì trong môi trường Thiền bà tìm được sự an vui. Bà hình thành được cho mình một đường hướng rõ ràng. Tu để tương lai thành Phật. Học và tọa thiền để khai mở phần định tuệ của chính mình. Vì “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ và đức tướng của Như Lai”. Quan trọng là hiện tại bà tìm thấy được sự an lạc cho chính mình và gia đình. Bà không còn thấy khổ sở khi có những bất như ý xảy ra, không thấy bực bội về những gì chồng con nói nữa v.v… Mọi thứ đều thay đổi khi bà đến với Thiền. Đó là lý do bà không quay về Tịnh độ như lời khuyên của vị thầy. Việc này không có nghĩa là Thiền hay hơn Tịnh độ. Chỉ là vì Thiền phù hợp với căn cơ của bà. Pháp vừa khế lý vừa khế cơ với bà nên bà có được sự an lạc trong hiện tại, lại có phương hướng rõ rệt cho tương lai.

Rốt cuộc, tu Thiền hay tu Tịnh đều được. Với điều kiện là phù hợp với căn cơ của mình. Việc này tự mỗi người phải liệu lấy. Một vị thiện tri thức đúng nghĩa cũng có thể giúp hành giả tìm thấy pháp phù hợp với căn cơ của mình. Nếu không thể tự mình liệu lấy pháp môn cho mình, cũng không thể gặp được vị thiện tri thức giúp mình như ý, thì nên phát lời nguyện với chư Phật. “Nguyện con gặp được pháp môn phù hợp với căn cơ của mình mà pháp môn ấy luôn đúng với Chánh pháp”. Với tâm thiết tha, mọi nguyện cầu sẽ được đáp ứng.

Tu Tịnh độ là tu thế nào?

Ngày trước, khi khởi xướng lại Thiền tông, Hòa thượng Trúc Lâm đã nêu ra một vài sai trái của cái gọi là Tịnh độ trong thực tế. Những vị không hiểu, cho rằng Hòa thượng bài bác pháp môn Tịnh độ. Hòa thượng không bài bác pháp môn Tịnh độ. Vì trong một số bài, Hòa thượng vẫn nói về Tịnh độ. Những ai phù hợp với pháp niệm Phật, Hòa thượng vẫn khuyến khích họ niệm Phật. Chỉ là nêu ra những gì đã được thực hành không đúng với nội dung của pháp môn Tịnh độ mà Phật Tổ đã xiển dương. Như tu Tịnh độ mà chỉ còn hai thời tụng kinh, không phải người tụng mà máy tụng, chỉ thấy cúng ma chay không thấy công phu cho chính mình, rồi cúng sao giải hạn v.v… Vì những sai trái ấy mà Hòa thượng lên tiếng, không phải là bài bác pháp môn Tịnh độ. Thực hiện một pháp môn, nếu không đúng với những gì pháp môn đó nêu bày, thì kết quả không thể có. Vì lý do đó mà Hòa thượng Trúc Lâm đã lên tiếng.

Người tu Tịnh độ, đa phần đều muốn vãng sinh Cực lạc. Để được vãng sinh Cực lạc hành giả phải có đủ ba việc: Tín, Nguyện, Hạnh. Trong ba thứ đó Tín là nền tảng. Vì không có phần Tín này thì không có hai phần sau. “Ba thứ này tương quan mật thiết với nhau như cái đỉnh có ba chân, thiếu một tức phải sụp đổ”1, vì thế không thể thiếu một trong ba thứ này.     

Tín, là tin có thế giới A Di Đà, tin niệm Phật có thể giúp chúng ta về được cõi đó, tin lời nguyện của A Di Đà không hư dối. “Chúng sinh dù nghiệp nặng đến đâu, nếu đã niệm được danh hiệu Ngài thì nhất định được tiếp dẫn vãng sinh”2.

Nguyện, là tha thiết mong muốn được về cõi Cực lạc. Muốn vậy, phải có tâm chán cõi Ta-bà, nói chính xác là chán những ham muốn đối với ngũ dục ở thế gian. Nếu tâm còn ham muốn dục lạc thế gian thì nguyện về cõi Cực lạc chỉ là nguyện suông, không đủ lực để về cõi Cực lạc, cũng không đủ lực để niệm Phật cho được nhất tâm bất loạn.  

Thời Hậu Lê xưa, có vị sư ở chùa Quang Minh, công hạnh niệm Phật tuy sâu nhưng nguyện lại không chí thiết. Khi mãn phần, chuyển sinh làm một vị Đế vương triều nhà Thanh bên Trung Hoa. Về sau nhà vua nhân dùng nước giếng ở chùa ấy để rửa vết son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm mấy bài thơ. Trong ấy có hai câu “Ta vốn là con Phật cõi Tây. Vì sao lưu lạc Đế vương này?”. Tuy biết vậy, nhưng do cảnh đế vương quá nhiều dục lạc nên rốt cuộc kiếp ấy cũng không tu hành gì được3. Điều đó cho thấy, dù Tín và Hạnh đầy đủ chăng nữa mà Nguyện không tha thiết thì cũng không thể vãng sinh Cực lạc, chỉ theo cõi lành mà đi. Cho nên, Đại sư Ngẫu Ích nói: “Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung chỉ cần mười niệm hay một niệm danh hiệu, cũng quyết được vãng sinh”. Kinh Hoa nghiêm, phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền cũng nói: “Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát-na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui hết. Duy có nguyện vương này là không rời đi. Trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Trong khoảng một sát-na, kẻ ấy liền được vãng sinh thế giới Cực lạc”. Cho nên, Nguyện cần tha thiết.                

Hạnh, là những gì hành giả phải thực hành để tâm có thể tương ưng được với cõi Cực lạc. Đó là niệm danh hiệu Phật.

Hòa thượng Thiền Tâm nói: “Đã đủ Tín Nguyện mà thiếu phần Hạnh thì như thuyền có lái mà không chèo, không thể vãng sinh. Có người nghe nói chỉ cần Tín Nguyện chân thiết, khi lâm chung, mười niệm hay một niệm cũng quyết được vãng sinh Tây phương, liền nghĩ rằng như thế cần gì phải vội gấp, đợi đến khi ấy niệm Phật cũng được. Đó là ý tưởng rất sai lầm. Vì đã xem thường pháp môn niệm Phật. Phải biết điểm quan yếu để vãng sinh theo kinh “Phật thuyết A Di Đà” là khi lâm chung lòng không điên đảo (Thị nhân chung thời tâm bất điên đảo tức đắc vãng sinh A Di Đà Phật Cực lạc quốc độ). Nếu tâm không điên đảo thì quả tình niệm mười niệm hay một niệm đều được vãng sinh. Nhưng ai dám chắc đến lúc ấy tâm mình không điên đảo? Nếu bình thường không chịu dụng công, đến khi mạng chung, tứ đại phân ly, sức nghiệp dồn dập, thân tâm bị khổ làm cho kinh hoàng mê loạn, sợ e một niệm còn không thực hành được, huống là mười niệm? Cho nên, muốn khi lâm chung có phần bảo đảm thì lúc bình thường, hành giả phải chuyên niệm Phật cho nhiều, cố gắng đạt cho được trình độ nhất tâm bất loạn. Bằng khi đợi sắp chết mới niệm, trên lý nghe thì suốt thông, nhưng trên sự e chẳng phải đơn giản. Cho nên, các hành giả niệm Phật phải gắng dụng công, không nên lơ là khinh thường sự hành trì mà rước lấy nỗi thất bại”.

Bình thường nếu không chuyên tâm trì niệm danh hiệu thì khi bệnh tật khổ nạn, Phật pháp còn không cứu giúp gì được huống là khi chết. Vì thế, nếu nói tu Tịnh độ mà chỉ đi chùa lễ lạy lấy đó làm vui, không chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật cho nhiều, cũng không tham học giáo lý và tập buông bớt tham chấp, tức chỉ có danh xưng mà không có chất thực của cái gọi là Tịnh độ, thì khó có thể giúp mình an vui trong cuộc sống khi gặp việc bất như ý xảy ra, huống là khi gần chết, tứ đại phân ly đau đớn, tâm tán loạn lo lắng? Vì thế, dù là tu Tịnh độ hay tu Thiền, muốn cuộc sống hiện tại được an vui, lúc ra đi được an ổn, thì bình thường nhất định phải có công phu. Dù niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, Thiền tập chưa được chỗ vô niệm thì trên sự học hỏi cũng phải quán xét thấu đáo cái lý vô thường ở thế gian. Quán chết là việc không ai có thể tránh, chết rồi cũng không mất mà đi đầu thai kiếp khác. Sướng hay khổ ở kiếp sau là do ba nghiệp trong đời này quyết định v.v... Biết vậy thì giới đã thọ cần giữ kỹ được chừng nào hay chừng nấy, thiện nghiệp cần tạo cho nhiều. Tạo rồi hồi hướng khắp tất cả chúng sinh cũng như hồi hướng cho những sở nguyện của mình. Được vậy thì tu Thiền hay Tịnh độ, khi ra đi đều được an ổn.

Người tu Thiền có thể hỗ trợ gì cho người tu Tịnh độ khi sắp lâm chung?

Ni sư TĐ ở thiền viện Từ Nguyên đã kể câu chuyện:

Ngày trước trong thiền viện có một Ni, mẹ Ni cũng xuất gia. Nhưng sau, sợ bà cụ không giữ được giới luật đã thọ, Ni đã để bà xả giới làm Phật tử thường ngoài đời. Thời gian sau bà bệnh, Ni sư TĐ cho rước về chăm sóc. Khi bà sắp đi, ngoài việc khai thị để bà hiểu chết là chuyện thường ở thế gian, v.v… Ni sư cho chúng tụng Bát-nhã liên tục cho bà. Bà tụng theo được thì tụng không thì thôi, phần chính vẫn là chư Ni trong thiền viện. Khi đi, sắc diện bà rất tốt, thân thể mềm mại. Đó là điềm tốt, biết bà đã vào được vào cõi giới lành. Nói cõi giới lành, không phải vãng sinh Cực lạc. Bởi Tín, Nguyện, Hạnh không đủ thì không thể vãng sinh.

Cách hỗ trợ như thế tương tự như cách hộ niệm bên Tịnh độ. Chỉ khác bên thì niệm Phật, bên thì tụng Bát-nhã.

Song muốn việc hỗ trợ có kết quả thì bình thường người sắp mất cũng phải biết đến kinh kệ, thậm chí là phải huân sâu kinh kệ hay danh hiệu Phật.

Một lần, tôi và người bạn đi dự một lễ cầu siêu cho người chết. Giấc trưa rất nóng, lại tìm hoài ngôi chùa không ra nên cả hai không khỏi thấy mệt mỏi và bực bội. Nhưng khi vào được trong chùa, nghe tiếng tụng kinh của chư Tăng, thân tôi tự nhiên hết nhọc, tâm cũng hết bực bội. Một trạng thái hoan hỷ an lạc trùm khắp. Nhưng người bạn thì không. Mọi bực dọc không thể xóa bỏ. Vì cô chưa từng đến chùa và huân tập kinh điển bao giờ. Điều đó cho thấy, tụng đọc kinh điển hay trì danh hiệu Phật một khi đã được huân tập trong tạng thức thì việc hộ niệm lúc gần chết dễ mang lại kết quả tốt đẹp hơn là người chưa từng huân tập chút gì về Phật pháp.        

Bát-nhã, dù là tu Thiền hay tu Tịnh, gần như ai cũng thuộc lòng. Chủng Bát-nhã hay danh hiệu Phật, một khi được huân sâu trong tạng thức thì khi đủ duyên được khơi, nó sẽ hiện tiền, làm chủ thân tâm. Dù chỉ mới là văn tự Bát-nhã, nhưng một khi đã được hiện tiền, thì ngay giờ phút ấy, sự bình yên nhất định có. Chủng Bát-nhã hiện tiền làm chủ tâm thì cận tử nghiệp đương nhiên tốt. Cảnh giới kế tiếp của người chết nhất định lành.

Việc này đòi hỏi hành giả, bình thường phải huân sâu danh hiệu Phật hay chủng Bát-nhã. Phải huân sâu thì khi đủ duyên khơi dậy, nó mới có khả năng làm chủ tâm. Không thì lực nghiệp nào mạnh, lực ấy sẽ làm chủ tâm, bất kể có người tụng niệm chung quanh.

Ngoài cách hỗ trợ như thế, chúng ta còn có thể cúng dường Tăng Ni, dùng phước đức đó hồi hướng cho người sắp mất.  

Nếu hiểu nghĩa hỗ trợ theo cách “vào lúc này Thiền có pháp gì có thể giúp tôi tự giải quyết khổ nạn của tôi”, thì phải nói là rất khó. Bởi bình thường, nếu không thường xuyên dùng trí tuệ quán xét thân tâm vô thường, không tập buông xả, không tọa thiền tập định, là những thứ đòi hỏi chúng ta phải có sức khỏe và năng lực mới dễ tu tập, thì trong cảnh bệnh hoạn, khó có thể dùng Thiền để thoát khổ. Niệm danh hiệu Phật là việc đơn giản nhất trong hoàn cảnh này. Song không phải ai cũng làm được việc đó nếu không có tâm tin tưởng và tha thiết đối với pháp môn này.

Rốt cuộc, khi còn đang khỏe mạnh thì nên tự mình tu tập. Tu tập theo đúng tinh thần mà pháp môn đó đang chuyển tải. Hiện tại được an lạc mà khi lâm chung cũng không sợ hãi.

Tu Tịnh vãng sinh Cực lạc, tu Thiền đi về đâu?

Đây là câu hỏi hiện giờ đang có nhiều người thắc mắc. Tu Tịnh vãng sinh Cực lạc, kinh luận nói như thế, còn tu Thiền thì không thấy nói chỗ nơi, chỉ nghe nói hai chữ vô sinh. Nhưng vô sinh không phải là chỗ mà ai cũng có thể đạt được.   

Thật ra kinh luận không nói chung chung “tu Tịnh vãng sinh Cực lạc”. Chỉ nói, tu Tịnh nếu Tín và Nguyện đầy đủ, khi lâm chung, tâm không tán loạn (nhất tâm bất loạn) thì nhất định vãng sinh. Nghĩa là tu Tịnh, muốn vãng sinh cũng phải có điều kiện mới vãng sinh được. Không phải chỉ có cái danh tu Tịnh độ là đã có thể vãng sinh. Như vị Sa-môn trong câu chuyện trên, Hạnh và Tín tuy có mà Nguyện không đủ, cũng không về được Cực lạc mà rơi vào cảnh Đế vương. Người có Tín có Nguyện mà khi lâm chung, tâm không được bất loạn thì cũng khó mà về được cõi Cực lạc. Như vậy không phải cứ tu Tịnh là đương nhiên vãng sinh Cực lạc. Tín, Nguyện và Hạnh phải đủ mới về được Cực lạc. Còn lại cứ theo nghiệp hiện tại mà đi. Thiện nghiệp nhiều, cận tử nghiệp không có việc gì khiến tâm bức xúc thì đương nhiên vào cõi giới lành. Thiện nghiệp có nhưng cận tử nghiệp xấu thì vẫn đầu thai vào ba đường dữ. Những lúc này rất cần sự hộ niệm.  

Người tu Thiền, muốn được vô sinh, dòng tâm thức phải dừng. Đó là việc không mấy người làm được. Tuy vậy, khi tu Thiền, ngoài việc điều phục thân tâm để có định tuệ, hành giả còn phải giữ giới và làm các việc phước thiện. Dù định tuệ chưa được bình đẳng để có thể vô sinh thì việc giữ giới và làm phước thiện là cái nhân giúp hành giả tiếp tục đường lành của mình. Vì thế, người tu thiền, dù chưa được định tuệ, chưa được vô sinh thì vẫn sinh ở cõi lành, để tiếp tục con đường tu hành của mình. Nguyện lực là việc không thể thiếu của hành giả tu thiền, nó góp phần không nhỏ cho việc này. Song nguyện lực của hành giả tu Thiền không phải để vãng sinh Cực lạc mà là ra đời luôn gặp được Chánh pháp, gặp được minh sư, tu hành tinh tấn v.v… để trọn thành Phật đạo.

Tóm lại, tu Thiền hay tu Tịnh, nếu chúng ta có tâm tu hành và tu đúng với nội dung pháp môn mình đang tu thì hiện tại được lợi ích, tương lai được lợi ích, không phải chỉ cho mình mà còn cho người hữu duyên với mình.    

Chết rồi, thiêu tốt hay chôn tốt?    

Chết rồi, nghĩa là thần thức đã lìa khỏi thân và có thân mới (thân trung ấm hoặc thân ở các cõi), thì thân chết ấy chỉ là tứ đại giả hợp, không còn phần “thọ” để bị chi phối bởi việc thiêu hay chôn. Nhưng nhiều người vẫn nghĩ chôn an toàn hơn thiêu, thiêu nóng rát. Nếu thiêu nóng rát thì chôn nhất định sẽ ngợp thở. Với suy luận đó thì chỉ còn cách không thiêu cũng không chôn mới thoát được cái mé nhị biên kia. Thật ra, chỉ là những suy tưởng của người đời đối với vấn đề chôn-thiêu, không phải thực chất của nó vốn vậy.

Ngày bố tôi mất, thân được chôn ở Mạc Đĩnh Chi. Vài tuần sau, mẹ tôi mộng thấy bụng ông sình to, ruột gan lòi ra chảy nước… Bà thắc mắc thì ông nói, bây giờ thân ông đang như thế. Dù chỉ là mộng nhưng không thiếu tính trung thực. Thiêu rồi, nhất định không có việc như thế xảy ra. Ở mặt này, rõ ràng thiêu lợi hơn chôn.

Việc thiêu hay chôn đối với người chết là việc đã xảy ra sau khi thần thức lìa khỏi thân, nên nó không ảnh hưởng gì đến tâm thức người chết nữa. Vấn đề là tâm thức của người chết khi còn sống và khi sắp chết như thế nào đối với vấn đề chôn thiêu mới là quan trọng. Vì tâm có tính chấp thủ. Chính sự chấp thủ này gây bất lợi cho tâm thức người chết trong suốt quá trình tiếp theo khi việc chôn cất không như ý mình muốn. Nếu người chết vẫn nghĩ thiêu nóng, chỉ muốn chôn mà người sống không đủ khả năng để lý giải hay thuyết phục thì nên theo ý người chết, dù ý đó trên thực tế không có giá trị xác thực.

Có thuyết cho rằng thiêu thì con cháu đời sau làm ăn không phát đạt, chôn thì giữ được giềng mối cho dòng tộc… Nói vậy là lấy việc chôn hay thiêu làm cái nhân quyết định sự sung túc cho dòng tộc. Như vậy là phủ nhận lý Nhân quả và tính đồng nghiệp mà Phật đã nói.

Trên thực tế, không phải gia đình nào có người chôn thì dòng tộc cũng phát đạt, gia đình nào có thân nhân hỏa táng thì gia đình đó con cháu không phát đạt. Dì chồng tôi khi chết cũng được mang chôn, nhưng người con trai ra tù vô khám nhiều bận, giờ thần kinh cũng không ổn định. Bố tôi ngày trước cũng chôn, nhưng gia đình xuống dốc một cách kinh khủng. Sau này, con cái biết đến chùa chiền, biết bố thí cúng dường v.v… thì cuộc sống mới đổi khác. Giải phóng vào mộ ông cũng phải bốc và mang thiêu. Điều đó cho thấy lý thuyết “Chôn để giữ gìn giềng mối cho con cháu đời sau được sung túc” không phải là lý thật ở đời này. Nếu nó là lý thật thì nó phải chi phối mọi sự vật, mọi hiện tượng như lý Nhân quả. Nhưng đã có nhiều trường hợp xảy ra không theo hướng đó thì biết lý thuyết ấy không mang tính xác thật. Chỉ là một sự suy đoán trùng lập. Nhưng với cái nhìn hạn hẹp của người đời, chúng ta thấy như chính sự việc ấy tạo ra cái nhân khiến cái quả thành hình.

Kết luận

Hiện tại nếu chúng ta có tâm tu tập và tu tập tốt thì dù là tu Tịnh hay tu Thiền, thảy đều được lợi ích trong hiện tại và lúc lâm chung. Vấn đề là phước nghiệp chúng ta không được tốt, nên không gặp được thầy lành bạn tốt, hoặc gặp được thầy lành bạn tốt rồi, lại không chịu tu. Đó là lý do khiến chúng ta không thể áp dụng Phật pháp vào đời sống để tìm thấy an vui trong hiện tại và được yên ổn khi ra đi.

Nguyện tất cả chúng ta luôn gặp được Chánh pháp và minh sư, tâm cũng thuận thảo thích ứng được với những gì minh sư ấy chỉ dạy, để có thể ứng dụng Phật pháp vào đời sống thường nhật của mình, giúp hiện đời được an vui, tương lai được an vui. 

Chân Hiền Tâ

 

ĐỊA NGỤC CÓ THẬT KHÔNG?

Theo kinh điển Phật giáo thì địa là chỗ còn ngục là hình phạt đau khổ. Vì thế khi chúng sinh khi còn sinh tiền tạo quá nhiều nghiệp ác thì sau khi chết phải thọ sanh vào chỗ chịu những hình phạt đau khổ thì đó gọi là địa ngục. Cũng theo Phật giáo thì Địa Ngục không phải là cõi giới có 18 tầng với bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa lăm le để trừng phạt con người như người Trung Hoa đã vẽ trong kinh sách. Thật ra Địa Ngục chỉ do Nghiệp Thức biến hiện bởi vì tự thể chính địa ngục cũng chỉ là cái Không. Khi một người chết thì thần thức thoát khỏi thân xác trong một trạng thái mơ hồ, tối tăm mê muội trong khoảng ba, bốn ngày.

Lúc bấy giờ chính thần thức cũng không nghĩ rằng mình đã chết và dĩ nhiên cũng không biết mình sẽ đi về đâu. Những nghiệp thức hiện đến làm cho thần thức cảm nhận những điều ghê sợ. Lúc bấy giờ có một thứ gió Nghiệp (Nghiệp Phong) nhẹ nhàng thổi đến đưa nghiệp thức vào nơi không phương hướng bềnh bồng như một con thuyền không người lái trên đại dương mênh mông. Tiếp theo là những vầng sáng lạ lùng tỏa ra hòa với những âm thanh kỳ lạ mà thần thức chưa từng được nghe thấy như lúc còn sống ở thế gian.  Chưa hết những hình tượng đầy vẻ ma quái rùng rợn của những con vật mình người đầu thú, hung tợn, gầm gừ như muốn nhảy tới phanh thây, nhai  nuốt người chết. Sau cùng là những khối lửa lớn ngùn ngụt phụt lên từ mọi phía cùng với giông tố sấm sét chớp lòa làm cho Thần Thức kinh hoàng. Tất cả những hiện tượng kinh hoàng đó thật ra đều do nghiệp lực mà chiêu cảm nhưng Thần Thức không biết mà tin là thật cũng giống như nếu để một em bé trước một cái TiVi lớn có hình ảnh sấm sét kinh hồn làm cho đứa bé tin là thật mà khóc thét lên.

Vì do nghiệp lực chiêu cảm và Thần Thức vẫn còn mê mờ tăm tối nên nó càng thấy nhiều cảnh tượng kinh hoàng làm cho nó càng sợ hãi và tìm cách trốn tránh bất chấp đó là chỗ nào.  Bây giờ nếu nghiệp cảm của người chết muốn sinh vào cõi địa ngục thì trong thời điểm nầy Thần Thức sẽ thấy một khoảng mờ ảo với âm thanh trầm buồn lặng lẽ. Thần Thức nghĩ rằng đây chính là một nơi yên lành có thể dung thân trong giai đoạn nguy hiểm nên mới dấn thân vào đó.Từ đó tất cả những nghiệp thức sẽ phát sinh ra những cảnh giới như nhà cửa, đường xá… Thần thức sẽ thấy những căn nhà có màu sắc đen hay trắng đục và có vẻ mờ ảo lung linh. Còn đường xá thì như chìm dưới lớp sương màu xám tro và thỉnh thoảng lộ ra những đoạn gập gềnh, hang lỗ tối đen. Cảnh vật nơi đây thì vô cùng lạnh lẽo, âm u và vắng lặng và cũng có nơi nóng ran như thiêu đốt. Dần dần Thần thức cảm nhận những sự nóng lạnh rất rõ ràng như khi còn sống ở thế gian. Nếu người chết bị đọa vào Hỏa ngục thì Thần Thức trước tiên cảm nhận một sự lạnh lẽo ghê hồn xuyên qua Thân Trung Ấm khiến họ mong mỏi có cơ hội thoát khỏi cái lạnh khủng khiếp nầy. Tư tưởng nầy vừa xuất hiện đã làm phát sinh một làn hơi nóng ấm từ đâu đó thoát ra khiến họ vô cùng mừng rở và dĩ nhiên Thần Thức vội vàng tìm đến đó. Thế là họ tức thì rơi vào Hỏa ngục mà chính họ không hay biết gì. Nên nhớ tất cả những cảnh tượng chợt biến chợt hiện đó đều do Nghiệp Cảm tạo thành cho nên khi lòng nghĩ đến điều gì thì hình ảnh liên quan sẽ hiện ra như có thật trước mắt.

Thân Trung Ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân nên tất cả đều không thật mà chỉ là giả tướng. Nếu đã là không thật thì không có gì phải khiếp sợ. Người có tu đạo thì họ làm chủ được Thần Thức của mình nên dễ dàng tránh xa những cảm nhận thích nghi với những âm thanh và ánh sáng dễ chịu mà thoát ra khỏi lục đạo.Nếu lỡ đã sa vào Địa ngục hay chạm trán với quỷ sứ Ma Vương thì cũng chỉ là đối diện với hư ảnh mà thôi. Bởi vì tất cả những hình tượng ấy đều do nghiệp thức biến hiện và tự thể của nó là không thật. Nhưng trong thật tế hầu như tất cả mọi người khi chết đều rung sợ và mê mờ tối tăm trước những hình ảnh hư ảo ở cõi âm. Một lần nữa, kinh điển Phật giáo khẳng định là địa ngục không phải là nơi có các quỷ sứ hiện diện để moi tim, móc ruột, chặt tay, cưa chân hay thả tội hồn vào vạt dầu…Mà Địa Ngục chỉ là nơi tối tăm mà con người khi chết phải vào đó để thọ lãnh những đau khổ mà họ đã tạo tác trong khi còn sinh tiền.

Nói một cách khác theo tinh thần Phật giáo thì Địa Ngục không có quỷ sứ xử phạt kẻ có tội với những cực hình thê thảm mà thật ra Địa Ngục chính là cõi thế gian mà loài người đang sống. Từng giây, từng phút và từng ngày họ phải thọ báo những đau khổ, những xấu xa, những tội lỗi mà nghiệp báo đã chuyển đến cho họ sau khi họ được tái sinh. Đây chính là Địa Ngục trần gian vậy. Biết bao người hằng ngày phải sống trong thiếu thốn khổ đau. Họ bị đọa đày từ tinh thần đến xác thân thì có phải đây là địa ngục chăng? Trong kiếp quá khứ chúng ta gây nên ác nghiệp nên bây giờ thân phải chịu bệnh tật hiểm nghèo. Có người vì bệnh mà phải chịu mổ xẻ tim, gan, thận, cắt tay, cắt chân, mổ óc…Đây có phải là giống như cảnh chặt tay, cưa chân, móc óc trong cảnh địa ngục chăng? Có người trong tiền kiếp gây ra nghiệp sát hại nên khi qua đến kiếp nầy phải bị sát hại mà tệ hại hơn nữa là bị sát hại ngay khi còn nằm trong bụng mẹ tức là phá thai.  Đây có phải là địa ngục chăng?

Trong cuốn Hồi Dương Nhân Quả của Linh Tự Kỳ và sách Địa Ngục Du Ký xuất bản đời nhà Đường có ghi lại những lời đối thoại của Tế Phật cho một nhân vật tên là Dương Sinh nghe về cảnh giới của địa ngục. Dựa theo sách nầy thì địa ngục gồm có 10 điện chính và mỗi điện có 16 ngục. Sách diễn tả khá rõ ràng về kích thước và cảnh giới của mỗi điện địa ngục. Thêm nữa sách nầy cũng mô tả những gì liên quan đến cõi Diêm phù mà từ lâu trong thế gian thường hay nói đến. Chẳng hạn như cây cầu ở chốn địa ngục mà người Việt Nam hay Trung Hoa thường gọi là cầu Nại Hà. Cầu Nại Hà nầy là một trong 6 cây cầu chính ở địa ngục. Cầu treo lơ lửng trên cao và người chết vào địa ngục thì phải đi qua cầu nầy. Các quỷ sứ có nhiệm vụ áp giải tội hồn đi qua cầu.

Khi tội nhân tới giữa cầu thì các tội hồn nầy sẽ bị quỷ sứ đẩy xuống vực sâu thăm thẳm. Nơi đó vô cùng tối tăm lạnh lẽo và đầy rắn độc. Còn những kẻ ác ở thế gian khi chết đi qua cầu nầy tự nhiên tâm thức kinh động nên tự nhào xuống vực chớ không cần quỷ sứ xô xuống. Khi xuống đến địa ngục thì có 18 tầng và còn thêm 16 tiểu ngục nữa để trừng phạt tội hồn. Có lẻ tất cả đều là do óc tưởng tượng của người Trung Hoa vì có ai xuống được địa ngục rồi trở về để ghi chép quá chi tiết như thế bao giờ? Nằm mơ, nằm mộng kể lại thì ai nói gì chẳng được. Đạo Phật là đạo giải thoát mà cứ ôm khư khư những tư tưởng kinh hồn, khiếp vía ràng buộc cứng ngắt như thế thì làm sao giải thoát cho được.Riêng đối với các nhà khoa học thì quan niệm về Địa Ngục quả là một quan niệm chứa đầy tính chất siêu hình. Khó có ai thấy được rõ ràng trước mắt cõi Địa ngục và khó có ai chụp được hình ảnh của cõi Địa ngục. Cho đến nay, những nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh huyền bí cũng chỉ ở giai đoạn thu thập các tư liệu liên quan đến những gì gọi là cõi giới bên kia cửa tử mà chúng ta gọi là Địa ngục mà thôi. 

Ý NGHĨA SẮC TỨC THỊ KHÔNG

Tâm Trí

Hỏi: Gần đây, tôi có tham gia một pháp hội trong đó có một vị giảng sư trẻ giảng về Kinh Bát Nhã. Trong pháp hội này có một đạo hữu đứng lên hỏi nếu thầy nói sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, như vậy ăn cũng giống như là không ăn. Vậy tại sao mình phải ăn? Nếu thầy không trả lời được thì thầy không có tư cách giảng bài pháp này. Câu hỏi làm vị giảng sư trẻ bí lối không thể trả lời bèn cáo lỗi đại chúng rồi lui xuống.  Vậy xin hỏi ý nghĩa sắc tức thị không là như thế nào?

Đáp: Tôi xin chia phần trả lời thành 2 phần như sau:

Phần 1: Ý nghĩa của “Sắc Tức Thị Không”

Đa số chúng ta đã nghe nhắc đến “sắc tức thị không, không tức thị sắc” nghĩa là sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Nhưng nếu hiểu và lập luận là có cũng như không có, không có cũng như có, vậy là sống cũng như chết, chết cũng như sống, vậy ta đi chết hết ư? Ở nhà cũng như không ở, vậy chúng ta ra bụi ở hết ư? Đấy là một cách hiểu và lý luận sai lạc của những người chưa hiểu đạo.

Sơ lược về thâm nghĩa thì đây là câu nói trong Bát Nhã Tâm Kinh. Nếu đã nói đến Bát Nhã thì đấy là giáo lý tối thượng thừa của Phật giáo, không phải chỉ dựa vào một chút ít Phật Pháp sơ sài là hiểu được diệu lý bên trong. Bằng cớ là ba đời mười phương chư Phật nhờ thông đạt Bát Nhã mà có được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nói như thế không phải là chúng ta không thể nào hiểu được nghĩa lý của kinh Bát Nhã, mà là để cho chúng ta hiểu rằng, sắc tức thị không là nhìn từ cái nhìn của Tuệ Nhãn và Phật Nhãn, chứ không phải là nhìn bằng nhục nhãn của phàm phu.

Từ “Sắc” trong đạo Phật dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng màu sắc. Chữ “Không” được nhắc đến trong đạo Phật không phải là “Ngoan Không” như lông rùa sừng thỏ, cái mà không bao giờ xẩy ra. Chữ Không được nhắc đến nhiều trong đạo Phật chính là “Chơn Không Diệu Hữu”. Như vậy, sắc tức thị không là nói đến THẬT TƯỚNG của vạn pháp và đấy chính là VÔ TƯỚNG, cái tướng KHÔNG của vạn pháp. Đến đây chắc có người thắc mắc sao lại là Vô Tướng, rõ ràng tôi thấy có nhà cửa, xe cộ, sông núi tại sao lại bảo là không? Xin thưa, nếu nhìn bằng nhục nhãn là như thế. Tuy nhiên, nếu truy nguyên ra nguồn gốc thì chẳng có cái gì là nhà cửa hay xe cộ gì cả. Vì sao thế? Vì những cái có hình tướng đó KHÔNG CÓ TỰ TÁNH CHƠN THẬT. Tất cả cũng do nhân duyên tạm bợ nương gá nhau mà thành. Hết duyên thì tan rã rồi trở về với cát bụi hư vô. Không có gì là tự thân riêng biệt của chính nó cả. Vậy, nếu có vị nào hiểu được từ cái không mà do nhân duyên nương gá nhau để hợp lại thành cái có (ví dụ như là thân này, nhà cửa, xe cộ, sông núi) khi hết duyên mọi thứ tan rã, và từ cái có lại trở về với không, mỗi giây phút chúng ta đang sống thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang dần dần chết, v.vv.. thì quý vị đã hiểu được ý nghĩa sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc là không, không là sắc. Câu nói “phiền não tức bồ đề” cũng là từ ý này.

Phần 2: Tư cách của người học pháp và hỏi pháp

Vấn đề Phật Tử tại gia có trình độ Phật Pháp cao hơn những vị xuất gia là một điều đáng khen. Tuy nhiên, nếu đem sự hiểu biết đó để hý luận, tranh chấp hơn thua, để đề cao cái ngã mạng của mình, không đem sự hiểu biết đó góp phần gìn giữ Chánh Pháp, thì đấy là tư cách không nên có của một người học Phật. Khi học pháp hay hỏi pháp, chúng ta nên học làm sao, hỏi làm sao để sự học hỏi đó đem lại lợi lạc cho bản thân và cho tất cả mọi người, và đừng nên có thái độ “bắt bí” người khác. Giá như trong pháp hội vị đạo hữu này dùng sự học hiểu của mình để trợ giúp thêm phần giảng của vị giảng sư trẻ thì hay biết bao nhiêu?

Mỗi khi vào chùa chúng ta đều thấy các pho tượng hộ pháp trấn giữ ở các chùa. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi các vị hộ pháp này là ai hay không? Từ các bài học lịch sử đã cho thấy những ông hộ pháp bằng đất, bằng xi măng không thể nào bảo vệ được Chánh Pháp khi có trộm cướp hay binh biến giặc loạn. Nhưng chính quý vị là những vị hộ pháp, đã gìn giữ Chánh Pháp của Phật cho đến nay là đã gần 2600 năm. Vậy thì xin quý vị mãi là những vị hộ pháp chứ không phải là con cháu của ma vương, đi đâu cũng nhiểu loạn đại chúng, và ngăn trở sự truyền thừa của Chánh Pháp!!

Chúng ta trì tụng Bát Nhã tâm kinh, bản toát yếu của giáo pháp Bát nhã luận giảng về tính không. Kinh điển dạy rằng: ngũ uẩn không có sự tồn tại cố hữu, điều đó biểu lộ về tính không của Pháp và tính không của cái tôi. Tinh túy của Bát nhã Tâm kinh là: Tất cả chư Phật, an trụ trong tam thế tỉnh thức viên mãn và thấu suốt, cũng y theo Trí huệ Bát-nhã mà được vô thượng, chánh đẳng, chánh giác. Chứng ngộ tính không được tạo ra trực tiếp bởi Bồ đề tâm tỉnh giác là nền tảng của trí tuệ Bát nhã.

Tính không là gì? Sắc tức thị không; không tức thị sắc. Nếu chúng ta suy xét và phân tích kỹ càng về sắc, chúng ta sẽ không thể thấy bất cứ thứ gì tồn tại một cách cố hữu cả. Mọi thứ đều tồn tại trong mối liên hệ với sự vật khác. Sắc tướng và tính không đều có sự tương tác lẫn nhau.

Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, đức Phật đã dạy nhiều về tính không của cái tôi, còn trong lần chuyển pháp luân thứ hai, ngài giảng kỹ hơn về tính không của Pháp, hợp uẩn thân- tâm là nền tảng tạo nên con người cũng được hiển lộ trong lần chuyển pháp luân này. 
(Trích lời giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết tại chùa Điều Ngự ngày 20 tháng 6 năm 2016)

HƯƠNG LINH CÓ BỊ ĐOẠ ĐỊA NGỤC?

TT. Thích Nhật Từ

Câu hỏi: Thưa Thầy sau khi con người qua đời được 49 ngày mà vẫn chưa được tái sinh vào cảnh giới khác có phải là đã bị đọa vào cảnh giới ngạ quỷ không?

Trả lời: Hoàn toàn không có chuyện đó. Có 2 vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm. Thứ nhất, theo lời dạy nguyên gốc của đức Phật, sau khi kết thúc sự sống, con người không hề bị mất đi. Chết không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời. Con người và vạn vật sau khi chết tiếp tục tái sinh. Sự tái sinh này do nghiệp chi phối 100%, không hề có một tác nhân nào làm công việc trung gian sắp xếp cảnh giới tái sinh ở chỗ này hay chỗ nọ như trong các tôn giáo nhất thần, đa thần đã chủ trương.

Đức Phật dạy trong một số kinh và dựa vào những lời dạy đó ta có thể kết luận rằng: sau khi kết thúc sự sống, phần lớn đối với những người có nghiệp cực ác hay cực thiện thì sự tái sinh của họ diễn ra trong tích tắc, tức trong vòng vài ba giây là họ đã có mặt trong một kiếp sống mới. Đối với những người bị vướng kẹt vào sự tiếc nuối về tình yêu, tình thương, gia tài, sự nghiệp, oán hận, oan ức... thì tiến trình tái sinh có phần muộn hơn. Muộn không có nghĩa là kéo dài tình trạng đó theo ý muốn của mình được. Thời gian tối đa được kinh điển Đại thừa, đặc biệt kinh dia tang bo tat bon nguyenkinh Địa Tạng cho biết là 49 ngày. Sau 7 tuần thất không có một chúng sinh nào, dù là con người hay con vật có thể tiếp tục tồn tại trong cảnh giới trung gian. Đây là điều mà các Phật tử cần phải lưu tâm để không mê tín dị đoan.

Các nhà ngoại cảm trong vòng 30 năm qua tại Việt Nam đã vẽ vời rất nhiều câu chuyện hoang đường. Rằng: họ có thể đối thoại được với các hương linh dưới âm phủ sau khi các hương linh đó chết vài trăm năm, vài chục năm, vài năm. Họ còn nhắc lại các câu chuyện lâm li bi đát hoặc có những câu chuyện đầy ắp tình người. Tất cả những chuyện đó không có thật.

Theo đức Phật thì không có âm phủ dưới lòng đất. Các hương linh sau khi chết sẽ không bám víu ở mộ huyệt, không bám víu ở nơi mà cái chết diễn ra, không bám víu vào nơi thờ tự tức là từ đường hay bàn thờ, cũng không bám víu vào di ảnh hay các đoạn băng video chứa đựng hình ảnh của mình. Lý do họ không thể bám víu được là vì: nghiệp quyết định tiến trình tái sinh của mỗi người sau khi chết.

blankKinh Na Tiên Tỳ Kheo đưa ra một ẩn dụ rất có chiều sâu: Tử tù 2 ngày nữa là bị tử hình, đến gặp phán quan nài nỉ rằng: “Hãy cho tôi ân huệ cuối cùng là về thăm vợ con cha mẹ thì tôi chết vẫn thấy hài lòng”. Phán quan trả lời: “ theo luật nước, tôi không thể cho anh trở về thăm người thân. Hai ngày sau khoảng 3-4h khuya chúng tôi sẽ cho anh ăn bữa ăn cuối cùng, bịt mắt anh lại, dẫn ra pháp đình, cho anh nói lời cuối cùng, sau đó sự sống của anh phải bị kết thúc”. Tử tù nài nỉ: ‘nếu phán quan sợ tôi có thể tẩu thoát trong giai đoạn đưa tôi về nhà người thân thì hãy còng, trói bằng nhiều phương pháp khắt khe, cho đội kỵ binh giỏi nhất đi theo tôi’. Phán quan trả lời: ‘việc đó là không thể được”.

Câu chuyện ẩn dụ này cho ta những gợi ý về lời nài nỉ của tử tù tượng trưng cho tâm lý tiếc nuối gắn kết với tình yêu, tình thân, gia tài, sự nghiệp, oan trái, hận thù… mà thỉnh thoảng chúng ta bị vướng kẹt một thời gian nhất định nào đó. Nhưng, theo quy luật tái sinh, tất cả chúng ta không thể trì hoãn tiến trình đó, không thể lũng đoạn, thương lượng được với tiến trình đó, không thể hối lộ để tiến trình tái sinh đó diễn ra chậm hơn mà theo đó chúng ta có thể được tồn tại trong cảnh giới trung gian. Về sau này Phật giáo Trung Quốc, do tác động của các phong trào mê tín dị đoan có sẵn tại Trung Quốc, lại có khuynh hướng cho rằng người chết có thể tồn tại dưới chín suối, âm phủ bằng cách này hay cách khác dưới hình thức là ngạ quỷ.

Ngạ quỷ được họ “đánh đồng” với địa ngục và ngược lại. Đó là các quan điểm rất sai lệch và ngược lại phần lớn nội dung đức Phật giảng dạy về bản chất của tái sinh. Là người tu học Phật chúng ta không nên bận tâm đi tìm hài cốt của những người thân đã mất tích hay đã chết trong quá khứ vì chúng ta biết rất rõ, nhiều nhất trong 49 ngày, mà phần lớn chỉ là vài phút, tất cả các người chết phải tái sinh theo nghiệp.

Thứ hai, cảnh giới ngạ quỷ được đạo Phật đề cập đến thật ra là cảnh giới trung gian, không giống như con người đang sống trên mặt đất, vạn vật đang sống trong vũ trụ này. Vào thời đức Phật chỉ có 3 cảnh giới phàm phu: con người, động vật và cảnh giới được tạm gọi ngạ quỷ (tức sau khi con người và động vật chết do sự luyến tiếc sẽ tồn tại trong cảnh giới trung gian ). Phật giáo Trung Quốc nhấn mạnh đến tính chất trung gian này, nên tạm gọi đương sự chết trong cảnh giới trung gian đó là thân trung ấm. Thực tế trong giai đoạn chờ tái sinh không có hương linh nào có thân thể. Do vây, khi gọi là thân trung ấm sẽ dẫn đến ngộ nhận lớn là sẽ có một cảnh giới sống ở đó có thể tồn tại hoặc 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm, vài chục năm, vài trăm năm.,…nhận thức này đã dẫn đến rất nhiều ngộ nhận .

Các ngộ nhận này phần lớn xuất phát từ sự hiểu sai của Phật giáo Trung Quốc đối với lời dạy nguyên gốc của đức Phật về tiến trình tái sinh. Do đó, chúng ta cần thấy rõ, ngạ quỷ chỉ tồn tại nhiều nhất là 49 ngày sau khi chết. Ma quỷ mà dân gian thường đề cập đến có nghĩa đen tương đương với hương linh, tâm tái sinh, thức tái tục trong triết học Phật giáo. Nếu họ chưa được siêu trong 49 ngày không thể có khả năng hại con người, đeo phá hay nhập vào con người. Tất cả các khái niệm nói về chứng bệnh như bệnh “mắc đằng trên”, “mắc đằng dưới”, “ma nhập”,“quỷ ám” thực ra chỉ là những ngộ nhận hoặc mê tín dị đoan. Các hiện tượng vừa nêu nói theo y khoa ngày nay là sự rối loạn tâm thần đa nhân cách, một loại tâm thần phân liệt cần phải được điều trị y khoa, ma không nhập không bám vào con người được nếu họ chưa siêu. Thời gian tồn tại nhiều nhất là 49 ngày, trên thực tế khoảng 95% tồn tại nhiều nhất là vài phút.

Kinh Na Tiên tiếp tục đưa ra một sự kiện: trong vũ trụ bao la này, hành tinh chúng ta có sự sống con người và có những hành tinh khác ngoài hành tinh của chúng ta cũng có sự sống của con người, sẵn sàng tiếp nhận tâm thức tái sinh sau khi chết. Sự tái sinh diễn ra theo cơ chế: cộng nghiệp của người mới vừa chết và cha mẹ của người sắp được sinh ra đó có một mẫu số “na ná” với nhau, để sinh ra chịu trách nhiệm trực tiếp về gien di truyền, màu da, vóc dáng, hình thù đồng thời tiếp nhận văn hóa, phong tục, tập quán,….nói chung là cộng nghiệp của gia tộc đó.

Như vậy chúng ta thấy: hiện nay hơn 7 tỷ người trên hành tinh có rất nhiều người có cùng mẫu số nghiệp. Cho nên, nếu sinh ra không tiếp tục làm người Việt Nam thì cũng sinh ra làm những người có cộng nghiệp, mà mẫu số của cộng nghiệp đó tương đương với mình. Và trong vũ trụ bao la như thế, nửa ngày bên đây là nửa ngày bên kia, đêm của nửa vòng trái đất này là ngày của nửa vòng trái đất khác, bất cứ thời điểm nào trên hành tinh này cũng có sự quan hệ giới tính giữa nam và nữ, giữa người mẹ với người cha. Vì vậy, thức tái sinh sau khi sinh vật kết thúc hơi thở, thoát ra khỏi cơ thể và có mặt trong bào thai của một người mẹ hay của một giống cái để tiếp nhận cộng nghiệp mà mình đã gieo tạo. Nhận thức này sẽ giúp cho người Phật tử không còn tiếp tục rơi vào mê tín dị đoan rằng: người thân của tôi sau khi chết báo mộng, than vãn dưới âm phủ lạnh lẽo, không có tiền xài, đói khát,...cần phải cúng cái này làm cái nọ, đốt giấy vàng mã mới yên tâm. Đó chỉ là ức chế của tình thương do khi còn sống chúng ta có mối quan hệ quá mật thiết với người chết và mình chưa làm tròn bổn phận cho nên khi ngủ dưới điều kiện phòng quá nóng, quá lạnh, ngủ nằm sấp, gối cao, ngủ co quắp,….không được thoải mái,cơ thể mệt mỏi, kiệt sức... chúng ta thường có những giấc mộng, những giấc mộng đó liên hệ với người quá cố hoàn toàn không phản ánh điều gì trong thế giới hiện thực. Các hiện tượng báo mộng không phải là dấu hiệu cho thấy rằng người thân của chúng ta chưa được tái sinh.

Các Phật tử cần tin vào lời Phật dạy: sau 49 ngày làm lễ cúng thất tại các chùa nên tin rằng người thân của chúng ta đã tái sinh, từ đó, ta không phải khổ đau, luyến tiếc, buồn rầu, lo lắng nữa. Đến những ngày kỵ giỗ lần thứ nhất, lần thứ hai và những ngày giỗ về sau mặc dù biết những người thân đó đã tái sinh, ta vẫn cúng như là một biểu hiện văn hóa của sự nhớ ơn và đền ơn trong ứng xử với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Nhờ đó mà truyền thống văn hóa hiếu thảo trong gia tộc được di truyền. Các hương linh sau khi chết không thể trở thành ma quỷ như trong phim ma của Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Do vậy, người Phật tử tại gia không cúng cô hồn tại nhà mình cũng không sợ ma vì ma không thể hại mình được. Tất cả đều phải tái sinh phần lớn là vài ba phút sau khi chết chứ không còn đó để hại mình hay gây trở ngại như người ta đã suy nghĩ.

(Giảng tại chùa Hoa Nghiêm, Pháp, ngày 12/07/2014)

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ, TÂY PHƯƠNG TAM THÁNH CÓ TIẾP DẪN NGƯỜI TU KHÔNG?

Thích Giác Chinh

Nhân việc nhiều người hỏi:


- Đức Phật A Di Đà, Tây phương Tam thánh có tiếp dẫn người tu không?

Đáp:

- Câu trả lời là Không, không thể có chuyện đợi đến lúc trút hơi thở cuối cùng ra đi rồi tiếp dẫn đón về thế giới Tây phương, vì như vậy là sai ngược với giáo pháp Nhân quả, ngược với Chân lý Tứ diệu đế.

Vì vậy, hãy từ bỏ cách niệm Phật mê tín, nó sẽ không dẫn đến con đường giác ngộ chân lý tối hậu, người tu có trí và tuệ giác giác ngộ không ai chọn tịnh độ mê lầm, thiếu chánh kiến.

Hỏi: Vậy lâu nay, Tôi (con) đã niệm Phật tiếp dẫn thì bây giờ có phải đã quá muộn rồi không?

Đáp:

- Pháp giác ngộ tĩnh thức không bao giờ muộn khi một người trí quay đầu và bắt đầu thực hành giáo pháp. Đó là giáo pháp Bát chánh, con đường đưa đến an vui, tĩnh thức, tịch tịnh, giác ngộ, chứng đạt chân lý. Đó là pháp hành của người tu có chánh tri kiến.

Hỏi:

- Nhưng như vậy, lâu nay và đến lúc này Tôi (con) đã biết, có phải rằng là đã quá hoang mang, con không thể ngồi thiền thì làm sao?

Đáp:

- Đâu phải ngồi thiền mới giác ngộ!

Phật giáo đề cập đến đặc tính Vô thường, Vô ngã là bản chất của tất cả sự vật hiện tượng dù thuộc vật lý hay thuộc tâm lý. Như vậy, một thế giới Tây phương và một Phật Di Đà tiếp dẫn (hoặc Tây phương Tam thánh tiếp dẫn về tịnh độ) được xác định như thế nào khi mà tất cả đều luôn thay đổi, biến chuyển, không có một tự tính tự tồn nhất định?

Với nguyên lý hệ thuộc (điều kiện, nhân duyên), và tất cả đều luôn thay đổi, biến chuyển, không có một tự tính tự tồn nhất định, chính là bản chất của Phật giáo và là pháp môn - pháp hành của người Phật tử. Niệm Phật cầu nguyện để về Tây phương nó không đưa đến giác ngộ, nó làm ra con đường đẹp và cụt, nó đưa đến cuối chân tường không lối thoát và rồi nó trở thành nguy hại cho Giác ngộ giáo pháp Tứ đế do Đức Phật Thích Ca khám phá ra (khám phá chứ không sáng tạo ra).

Niệm Phật A Di Đà Tiếp dẫn và cứ mù quáng thực hành cầu, nguyện, và tin sẽ được vãng sanh về một thế giới đó là chấp ngã, nếu không muốn nói là Tà chấp, điều này trái ngược hoàn toàn với giáo pháp Bát chánh đạo trong Phật giáo.

Mong rằng, bằng cách thể hiện giáo pháp, ít ra con và đối với những ai có chút nhân duyên về Phật giáo hãy nên nhanh chóng giác ngộ điều này; nói ra để thấy pháp với tinh thần chia sẽ và từ bi chứ không phải vì phân biệt hay chỉ trích hoặc với thái độ vạch lá tìm sâu, một hành giả thực hành giáo pháp không ai làm điều đó.

Như vậy, giác ngộ hay không do chính mình lựa chọn và thực hành. An lạc và giác ngộ không thể nào ép buộc mà thành, giác ngộ và trí tuệ đến do buông bỏ mà thành chứ không phải do tiếp dẫn và cầu nguyện để được về mới được.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật giáo chỉ rõ mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác. Chúng không có tự ngã, lại càng không có cơ sở tự tồn hoặc cở sở tồn tại do Thượng đế ban cho. Nếu nói rằng Phật A Di Đà có tiếp dẫn thì A Di Đà không phải vị Phật và là không khác gì một vị Thượng đế có quyền năng ban cho năng lực để có thể về Tây phương, điều này không thể và không phải là giáo pháp Vô ngã của Phật giáo.

Bản chất của sự tồn tại thế giới và sự sống chính là một dòng chuyển biến liên tục (vô thường), không do một thần linh hay Thượng đế nào sáng tạo ra, và chúng không tồn tại vĩnh hằng. Mọi sự vật hiện tượng đều vận động theo một quá trình của sự hệ thuộc vào sự sinh ra, tụ lại, biến đổi và cuối cùng là hoại diệt theo một quy luật Nhân quả nhất định. Mỗi tác động dưới một điều kiện nhất định thì sẽ tạo thành một kết quả tương ứng. Khi nhận thức rõ bản chất này, còn người sẽ hình thành nên một nhận thức tích cực trong đời sống. 

Đó chính là nhận thức của sự chấm dứt hành động bất thiện, chấm dứt một ý niệm xấu hoặc một hành động xấu và ác; và từ đó, đối với hành động thực hành pháp Bát chánh đạo của hành giả mới bắt đầu có mặt, không cầu, không nguyện và không có tiếp dẫn trong một Đạo Phật giác ngộ.

NGƯỜI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ, THÌ NGHIỆP QUẢ SẼ RA SAO?

Thích Phước Thái

Kính bạch Thầy, nếu người sắp chết, được có nhiều người tụng kinh, niệm Phật, thì người đó niệm Phật theo, nên sau khi chết được sinh về cảnh giới lành. Ngược lại, đối với những người, họ bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử thì sao? Kính xin Thầy hoan hỷ giải đáp điều này cho con rõ.

Điều thắc mắc này, tuy Phật tử lo hơi xa, nhưng xét kỹ ra cũng thật là chính đáng. Nhưng Phật tử đừng lo, vì xưa kia, ở thời Phật, cũng có một người thắc mắc hỏi Phật, y như Phật tử hôm nay hỏi chúng tôi vậy. 

Xưa kia, Ngài Ma Ha Nam là em bà con chú bác với đức Phật. Khi đức Phật trở về hoàng cung giáo hóa trong thân tộc, thì ông đến xin Phật cho ông Quy y giữ 5 Giới và tu thập thiện. Đức Phật tán thán sự phát tâm của ông và cho ông được toại nguyện. Từ ngày đó, ông trở thành một vị Ưu bà tắc rất thuần thành.


Một hôm, ông nêu ra vấn đề đó hỏi Phật. Ông nghĩ rằng, cả đời vâng theo lời Phật dạy tu hành, bỗng một hôm nào đó, bất thần xảy ra tai nạn, chết bất đắc kỳ tử, như vậy, thì thần thức sẽ sinh về đâu? Có bị sa đọa không? Vì chết như thế, đâu có ai hộ niệm cho mình mà được siêu thoát! 


Đức Phật không trả lời thẳng câu hỏi của ông, mà đức Phật hỏi vặn lại:

- Này Ma Ha Nam, giả như có một cái cây mà nó đã nghiêng sẵn, bỗng một hôm có người đến cưa, thì cây đó ngã về đâu ?

- Thưa Thế Tôn, cây nghiêng chiều nào, khi cưa thân cây sẽ ngã theo chiều đó.

Phật dạy: “Cũng vậy, hàng ngày ông thường tạo nghiệp lành, khi chết thì ông sẽ theo nghiệp lành mà tái sinh vào cõi lành. Ngược lại, nếu người nào hàng ngày tạo nghiệp ác, thì khi chết sẽ tái sinh vào cõi ác. Không phải chết bất đắc kỳ tử là đọa địa ngục”. Chúng ta chết nghiệp không mất, mà thần thức theo nghiệp thiện hoặc nghiệp ác sinh vào cõi lành hay cõi dữ. 

Điều quan trọng là hàng ngày chúng ta nên kiểm điểm lại mình tạo nghiệp lành nhiều hay nghiệp ác nhiều. Hiện đời mình nặng về nghiệp gì, thì khi nhắm mắt mình sẽ đi theo nghiệp đó. Căn cứ theo lời Phật dạy cho ông Ma Ha Nam ở trong Kinh A Hàm, thì chúng ta đừng lo sợ, khi chết bất đắc kỳ tử không biết có sinh về cảnh lành hay không? Vấn đề này, nếu nghiệm vào đời sống thực tế, thì chúng ta cũng thấy rõ.

Người có thói quen niệm Phật, bất thần ai làm họ giật mình, thì họ liền Mô Phật. Vậy tiếng Mô Phật đó, họ đâu có cần phải suy nghĩ. Do "tập quán nghiệp và tích lũy nghiệp" hàng ngày của họ huân tập, mà tự động họ phát ra như thế thôi. Ngược lại, người có tập quán nghiệp hay văng tục chửi thề, bất thần có ai chọc giận họ, thì họ sẽ tự động cho văng tục bằng tiếng chửi thề ra ngay, mà không cần phải suy nghĩ.

Lại như, hai người cùng đi chung một đường, một người thì ghiền cờ bạc; một người thì thích chơi kiểng. Khi đi ngang qua, có một khu vườn trưng bày đủ thứ hoa kiểng, người thích chơi kiểng liền vội ghé vào xem. Trong khi đó, người thích chơi đỏ đen, thì không ngó ngàng đếm xỉa gì đến vườn hoa kiểng đó, mà họ đi riết tới nhà chứa bài để chơi. Cũng vậy, chết là một, (dụ như cùng đi chung một đường) nhưng tùy theo nghiệp thiện ác của mỗi người mà thọ sinh có khác. 

Quan trọng là ở nơi Tập quán nghiệp và Tích lũy nghiệp. Khi hai nghiệp này thuần thục, sẽ đưa đến "Cực trọng nghiệp". Nghĩa là nghiệp nào nặng sẽ lôi đi trước. Nghiệp lành nặng sẽ lôi người đó đi vào đường lành. Ngược lại, nghiệp ác nặng, thì cũng sẽ lôi người đó đi vào con đường ác. Tất cả đều đi đúng theo luật nhân quả báo ứng, không ai thưởng phạt mình cả, mà do nghiệp thiện ác của mình dẫn dắt mình đi mà thôi.

Vậy Phật tử đừng lo sợ, cứ ráng lo tu tạo phước lành cho nhiều, thì khi chết, cũng sẽ theo con đường lành mà đi. Tuy nó không được thắng duyên bằng khi mình chết có người hộ niệm nhắc nhở, vì lúc đó, tín tâm hướng về Phật của mình mạnh hơn, nên sẽ được vãng sinh về cõi Phật. Nhưng có điều, theo lời Phật dạy cho ông Ma Ha Nam ở trên, thì chắc chắn sẽ không bị đọa vào đường ác vậy.

Kính chúc Phật tử tinh tấn tu hành, để khỏi phải lo sợ sau khi chết không như ý sẽ bị rơi vào đường ác.



Ý NGHĨA CỦA HAI CHỮ LĂNG NGHIÊM VÀ NGUYÊN NHÂN NÀO PHẬT NÓI CHÚ LĂNG NGHIÊM.

Thích Phước Thái

Hỏi: Mỗi buổi sáng sớm, con thường trì chú Lăng Nghiêm, nhưng con không hiểu nghĩa Lăng Nghiêm là gì? và nguyên nào mà Phật nói bài chú đó? Kính xin thầy giải thích cho con được rõ.

Đáp: Lăng nghiêm, tiếng Phạn là Suramgama, nói đủ là “Thủ Lăng Nghiêm”, Trung Hoa dịch là “Đại Định Kiên cố”. Nghĩa là cái bản thể chơn tâm sẵn có của tất cả chúng sanh và chư Phật. Vì thể của nó rộng lớn không có giới hạn ngằn mé, bao la trùm khắp cả pháp giới, nên gọi là “Đại”. 

Tâm thể nầy xưa nay vốn là thanh tịnh, không có tán loạn, thường hằng vắng lặng, không lay động dời đổi, nên gọi là “Định”. Vì tính chất của nó không dời đổi, thấu xưa suốt nay, thường hằng bất động, ở nơi thánh không tăng, ở nơi phàm không giảm, hằng hữu bất hoại, nên gọi là “Kiên cố”. Đại khái, đó là nghĩa của ba chữ “Thủ Lăng Nghiêm”, tức là “Đại Định Kiên Cố”.

Nguyên nhân Phật nói thần chú Lăng Nghiêm là vì Tôn giả A nan mắc nạn Ma đăng già. Ngài A nan bị nàng Ma đăng già dùng chú thuật Ta tỳ ca la tiên Phạm thiên ép buộc tình duyên … Lúc đó, Tôn giả A Nan rất buồn rầu, thành kính  hướng về đức Phật, mong  đức Phật đoái hoài thương xót cứu độ giải nạn cho Ngài. 

Phật biết Ngài A Nan bị nạn, nên sau khi thọ trai, Phật không thuyết pháp như thường lệ mà trở về tinh xá ngay và rồi Ngài ngồi kiết già, trên đảnh phóng hào quang, có hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có đức Hóa Phật ngồi kiết già, nói thần chú Lăng Nghiêm. 

Phật bảo Ngài Văn Thù đem thần chú ấy đi đến chỗ nàng Ma đăng già , để phá trừ tà chú, cứu nạn cho A Nan. Ngài A nan được kịp thời cứu thoát và sau đó Phật độ luôn cho nàng Ma đăng già tu hành trở thành bậc A la hán. Đó là nguyên nhân có ra năm đệ thần chú Lăng Nghiêm mà chư Tăng Ni cũng như quý Phật tử thường trì tụng vào mỗi buổi khuya. 

Ở nhà có tụng chú Lăng Nghiêm được không? Hỏi: Thường thì ở trong chùa chư Tăng Ni hay tụng Chú Lăng Nghiêm và Đại Bi Thập Chú vào buổi khuya. Vậy xin hỏi không biết hàng cư sĩ tại gia chúng con có trì tụng được không?

Đáp: Tất nhiên là được. Chỉ sợ chúng ta lười biếng không tụng trì đó thôi. Tụng kinh trì chú là điều rất tốt. Như đã nói, sở dĩ có chú Lăng Nghiêm là do Ngài A Nan bị mắc nạn Ma đăng già, nên Hóa thân Phật nói thần chú và Bồ tát Văn Thù lãnh sứ mạng tụng chú để giải nạn cho tôn giả A Nan. 

Chính vì lý do đó, nên trong các thiền môn thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, còn gọi là Phật giáo Phát triển ( Đại thừa ), đều có trì tụng vào mỗi buổi khuya. Tại sao không trì tụng vào những thời điểm khác mà phải trì tụng vào buổi khuya? Trong thiền môn có hai thời khóa căn bản, gọi là nhị thời khóa tụng. Buổi tối là thời Tịnh độ, tức tụng Kinh A Di Đà. Buổi khuya thì tụng năm đệ chú Lăng Nghiêm và Đại bi thập chú. 

Vì buổi khuya khí trời mát mẻ trong lành và cảnh vật yên tĩnh. Thần khí con người mới ngủ thức dậy cũng tỉnh táo mạnh mẽ hơn. Thần chú có năng lực rất mạnh, nên rất thích hợp với sự định tỉnh của thời điểm nầy. Do đó, người tụng chú ngoài phần tự lực nhiếp tâm ra, còn có sức gia hộ mạnh mẽ của long thần hộ pháp.

Như thế, thì bất luận Phật tử xuất gia hay tại gia, tất cả đều có thể trì tụng được hết. Phật tử đừng có lo ngại chi cả. Điều quan trọng là khi trì tụng chú, chúng ta cần phải nhiếp tâm thật kỹ. Như thế, thì rất dễ nhiếp phục vọng tưởng phiền não. Phiền não vọng tưởng không có, thì ngay lúc đó tâm ta sẽ được an định thanh thoát, nhẹ nhàng. Đó là ta đã có được hạnh phúc phước báo rất lớn vậy.

TỤNG KINH CẦU SIÊU THÌ CÓ SIÊU ĐƯỢC KHÔNG?

Thích Nhật Từ

(Giảng tại Hội trường Đông Đô, TTTM SAPA, Praha, Czech, ngày 27/07/2014)

Làm Gì Khi Chúng Ta Gặp Thị Phi?

Thích Nữ Huệ Nhàn

Thị phi là một yếu tố hiển nhiên trong cuộc sống nó giống như gió bụi  giữa hư không . Thị phi hiểu đơn giản là dư luận, là lời đồn, Trong đó tiếng Hán Việt thì “thị” là đúng, “phi” là sai, “thị phi” đi chung với nhau ý muốn nói miệng đời không lường được, ai muốn nói đúng nói sai thế nào thì nói.

 Các pháp tương đối ở thế gian luôn tồn tại hai phạm trù đối lập đó là trắng và đen, thương và ghét, đêm và ngày, buồn và vui vv…Tuy nó là những cặp tương phản nhau nhưng luôn tồn tại song song và không thể tách rời, đặc biệt nhờ vậy mà nó mới tạo nên cuộc sống. Nếu chỉ có đặc mà không có rỗng thì cái chén không có công năng chứa đựng, nếu chỉ có tối mà không có sáng con người sẽ chẳng thể làm được gì. Vì vậy đừng mong cầu rằng chỉ có thị mà không có phi.

Thị phi thỉnh thoảng làm cho người ta đau đầu, bất an, cảm thấy mệt mỏi và có khi suy sụp, mất niềm tin vào cuộc sống. Những lúc như vậy chúng ta nghĩ rằng phải tránh xa nơi này, tìm đến một nơi không có những người “big mouth” để tìm một cuộc sống yên ổn hơn. Nhưng điều đó là không thể, bởi vì ở nơi đâu có con người thì ở nơi đó có cả thiện- ác, đúng - sai.

Phần lớn thị phi phát xuất từ lòng đố kị giữa con người với nhau, bởi lẽ rằng cảm thông với nỗi khổ của người khác thì dễ mà hân hoan với thành công của người thì rất khó. Khi thấy một ai đó thành đạt hay được nhiều người yêu thương hơn mình chúng ta thường có khuynh hướng khó chịu, và tìm cách chỉ ra những lỗi nhỏ nhất của họ, soi mói đời tư của họ thay vì nhìn những những ưu điểm hay những đóng góp của họ cho mọi người. Thị phi có đôi khi là sản phẩm của tâm thức con người dệt nên. Chúng ta quan sát ai đó bằng cặp mắt nhỏ hẹp của mình từ xa rồi cho rằng họ thế này thế kia. Chúng ta đánh giá những việc làm của các bậc hiền trí qua lăng kính, qua tâm lượng phàm phu của mình mà cho đó là phải quấy, thanh ô. Tất cả nói cho cùng cũng đều là do tâm thức của chúng ta đầy ắp những phiền não, trái tim của chúng ta nhỏ hẹp không thể dung chứa được những ưu khuyết của nhân gian.

Sống trên đời không ai tránh khỏi được thị phi yêu ghét, ngay cả đức Thế Tôn hay các bậc Thánh cũng không tránh khỏi huống hồ gì chúng ta. Đứng trước những thị phi nhân ngã người thường dễ mất bình tĩnh, chạy Đông chạy Tây để phân bua hư thật, tìm cách đáp trả hơn thua cho đến cùng. Tuy nhiên kẻ trí thì an nhiên tự tại, chỉ lặng lẽ ngồi nhìn nó đến đi, sanh diệt. Bởi lẽ rằng hơn ai hết họ biết họ đang làm gì, biết làm chủ và kiểm soát tâm họ không vì những tiếng lao xao đó len lõi vào tâm để đánh mất sự quân bình nội tại. Chính vì vậy cuộc sống họ luôn thảnh thơi.

 Kinh Tứ Thập Nhị Chương Đức Phật dạy: "Có người nghe ta giữ đạo, thực hành tâm đại nhân từ, nên đến mắng ta; ta im lặng không phản ứng. Người kia mắng xong, ta liền hỏi: "Ông đem lễ vật biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không?". Đáp: "Về chứ". Ta bảo: "Nay ông mắng ta, ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân, giống như bóng theo hình, rốt cuộc không thể tránh khỏi. Vậy, hãy cẩn thận, đừng làm điều ác".

Đặc biệt trong nhà thiền còn có câu chuyện về thiền sư Hakuin. Có một cô gái con nhà danh giá gần chùa bị chữa hoang, nên gia đình cô xem đây là việc xấu hổ, cha cô tra khảo, đánh đập rất bạo. Ban đầu cô định quyết tâm không khai nhưng sau đó cô thiết nghĩ nông cạn rằng khai đại thiền sư Hakuin ở chùa gần nhà là khỏe nhất. Vì thiền sư vốn nổi tiếng, đông đệ tử, ai cũng kính trọng, hơn nữa thiền sư vốn từ bi nên không chối, không kiện ngược hay làm khổ cô. Thế là cô khai đứa con ấy là con của thiền sư.

   Gia đình cô tức giận nhưng kiên nhẫn chờ đứa con được sinh ra buộc cô gái phải mang tới trả cho thiền sư.

   Khi gia đình cô mang đưa bé tới thả vào tay thiền sư và bảo: “Đấy, con của ông đấy, ông giữ mà nuôi lấy, đồ đạo đức giả”.

   Hakuin: “Thế à!”

   Thông tin  được loan ra và dân chúng dị nghị, nghi ngờ, xầm xì, khinh thường. Họ cho rằng ông ấy mà tu hành gì, đồ đạo đức giả… rồi đệ tử cũng dần dần bỏ ra đi gần hết.

   Không có sữa cho đứa bé, đệ tử xa lánh nên đích thân thiền sư phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu.

   Một thời gian, cô gái thấy điều ấy thật nhẫn tâm và tội lỗi nên quyết tâm nói ra sự thật. Cô khai đứa bé đó là con của cô và chàng bán cá tanh hôi ở chợ.

   Cha mẹ cô nghe xong liền hoảng hốt, cảm thấy tội lỗi vô cùng nên tức tốc dẫn con gái tới chùa dập đầu sám hối với thiền sư và xin cháu về.

   Thiền sư nghe xong, bảo: “Thế à!”.

   Sự tình câu chuyện lại được loan ra và dân chúng cũng như đệ tử cảm phục đức nhẫn nhục và tâm lượng thản nhiên tốt đẹp của thiền sư nên lần lượt kéo về và danh tiếng lại hơn xưa.

Lời đồn xuất phát từ những tâm địa xấu, từ những cái miệng không xinh gây tổn thương đau khổ đến người khác vô cùng. Nhất là ngày nay trên hệ thống internet rất dễ dàng, chỉ có một cái click chuột là cả ba ngàn thế giới hiện ra, đủ tốt đủ xấu. Những lời đồn vì thế được truyền đi càng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Và cũng chính vì vậy sự nguy hại của nó càng khôn lường hơn. Nó làm cho người bị đồn cảm thấy xấu hổ, tuyệt vọng, nếu không đủ sáng suốt họ sẽ nghĩ quẫn và đi tìm cái chết.

Thiết nghĩ rằng là con người ai ai cũng có những ưu và khuyết điểm trong tính cách, những sai trái trong việc làm, chẳng có ai là hoàn hảo cả. Biết như vậy chúng ta nên hiểu và thông cảm lẫn nhau để tránh gây đau thương cho nhau dù chỉ bằng một lời nói vô tình hay cố ý. Cho nên tu tập khẩu nghiệp tuy có vẻ đơn giản song có khi cả đời chúng ta không làm được. Chính vì vậy đừng vì những lời đồn của dư luận mà hùa theo đánh giá chỉ trích việc làm của một ai đó khi chúng ta không phải là người trong cuộc. Người xưa có câu  “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập" (Tai họa từ miệng mà ra, bệnh tật từ miệng mà vào). Nếu không muốn rước họa vào thân thì nên cẩn trọng lời nói, biết lắng nghe, biết quan sát và dùng trí tuệ để nhận định những đúng sai hư thật trên cuộc đời. Nếu gặp những thị phị trong cuộc sống thì nên bình tâm quán chiếu lại chính mình, không hơn thua, không phân bua, chỉ lặng lẽ quan sát nó đến đi như lời Thế Tôn dạy: “ Bất cứ cái gì thuộc về bản chất của sinh đều thuộc về bản chất của diệt”. Là những người học Phật chúng ta thừa hưởng cả kho tàng quý giá mà Thế Tôn đã để lại, vậy thì ngần ngại gì mà ta không đem vào trong cuộc đời mình và biến nó thành chất liệu sống, để cuộc sống mỗi ngày nhẹ nhàng và an vui hơn.

Nghịch duyên và tình huống xuất gia

Lời Ban Biên Tập:

Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều thư và lời ngỏ ý qua các mục góp ý muốn xin xuất gia tu tại chùa hay tu viện hoặc thiền viện. Chúng tôi rất vui mừng vì ít nhất trong xã hội văn minh vật chất hiện nay vẫn còn có nhiều người có tâm nguyện chân thành, xem con đườngxuất gia như là một lý tưởng.

Để trả lời, chúng tôi xin giới thiệu hai bài viết về vấn đề xuất gia: một bài của TT. Thích Nhật Từ dưới đây và một bài do ban biên tập chúng tôi biên soạn theo link: http://thuvienhoasen.org/a23513/y-nghia-va-dieu-kien-xuat-gia
Trường hợp người muốn xuất gia nếu là vị thành niên cần phải được sự cho phép của cha mẹ là theo điều 28 chương VI của nội quy ban Tăng sự Trung ương và Luật (Tỳ-ni) nghiêm cấm việc tiếp nhận vào Tăng đoàn những người trẻ chưa có sự ưng thuận của cha mẹ. Tuy nhiên... (xem bài nghiên cứu: Về sự cho phép của gia đình để được xuất gia)

NGHỊCH DUYÊN VÀ TÌNH HUỐNG XUẤT GIA
Thích Nhật Từ

Trước khi xuất gia, ta cần có quyết tâm, thấu rõ động cơ tốt, hiểu được bản thân, xác định lý tưởng. Không nên lấy thiện cảm hay tình cảm với một vị thầy nào để làm mục đích xuất gia, vì như thế sẽ không có giá trị.

BẢN CHẤT TẠI GIA VÀ XUẤT GIA

Cách đây vài tháng, chúng tôi có dịp thuyết pháp mười ba tiểu bang ở Hoa kỳ. Đến tiểu bang nào, hầu như chúng tôi cũng được gặp và trao đổi những người có nguyện vọng muốn xuất gia nhưng không xuất gia được. Sau khi làm một thống kê nhỏ, chúng tôi đúc kết thành bốn lý do căn bản. Gồm nghịch cảnh, thói quen, tình thương, và sở hữu. Rất nhiều người có tâm nguyện chân thành, động cơ và thái độ đúng đắn, xem con đường xuất gia như là một lý tưởng. Thế mà thời gian qua đi, họ vẫn duy trì hình thức tại gia. Dĩ nhiên, chúng ta cảm thấy hơi buồn và làm tiếc cho họ. Các hạt giống xuất gia ấy, nếu được phát hiện đúng lúc, chăm sóc một cách có phương pháp, chắc chắn sau này họ sẽ trở thành những rường cột giúp cho Phật giáo phát triển vững mạnh.

Khi sống và sinh hoạt với tư cách là một người tại gia, có rất nhiều hạn chế. Trong kinh Phật thường dùng ẩn dụ về đời sống tại gia bị giới hạn trong bốn bức tường, với những sinh hoạt mang tính chất thỏa mãn các dục lạc thế gian. Người nam và người nữ khi trưởng thành lấy vợ hoặc gả chồng. Hoa trái của tình yêu và hạnh phúc đó mang lại cho họ những đứa con, và tiếp tục được nuôi dưỡng bằng nhà cao cửa rộng, tài sản, sự nghiệp, danh phận, địa vị và chức tước v.v… Tất cả những thứ này được xem là đỉnh cao hạnh phúc của người tại gia.

Đức Phật đưa ra ẩn dụ sâu sắc, sánh ví hạnh phúc đó giống như hình ảnh của con ốc hay con rùa. Dĩ nhiên, cái vỏ của con ốc hay cái mai của con rùa sẽ giúp cho hai loài vật này được sống an ổn trong môi trường mà nó được sinh ra. Mỗi khi đối đầu với con vật lớn hơn, có sức hủy diệt hay tàn phá nhiều, thì phản ứng khôn ngoan của chúng là rút đầu vào trong cái mang hay cái vỏ đó. Nhờ đó, các con vật lớn hơn không thể làm hại đến tánh mạng của chúng.

Chính cái mai hay cái vỏ này đã làm cho chúng có cảm giác đây là một sự an ổn, giả tạo. Nói cách khác, nó có giá trị thời lượng rất hạn hữu. Có đôi lúc, chúng ta cảm thấy thực sự thoải mái và hạnh phúc, nhưng phần lớn không thể duy trì được trạng thái này một cách lâu dài.

Ngược lại, đức Phật cũng đưa ra hình ảnh ẩn dụ về người xuất gia giống như bầu trời quang đãng không có mái nhà che, không có bốn bức tường bao bọc lại, nhưng có thể sống, hít thở không khí trong lành của gió thoảng, mây bay, trời xanh, thông reo hay suối chảy. Những cảnh vật xung quanh là dưỡng khí giúp cho người tu có một sức sống lạc quan, yêu đời, hạnh phúc, vững chải và an lạc. Đây là hai hình ảnh đối lập nhau, một bên có mái nhà che và một bên là sự bao la không cùng tận. Dĩ nhiên, bức tường mà đức Phật đề cập đến ở đây không phải là bức tường vật lý mà là những bức tường về thái độ nhận thức, tâm lý, tình cảm, hành động liên hệ đến đời sống vật dục. Theo tình huống của thái độ chấp mắc, bức tường này là vật vô hình nối kết ta với những người khác. Thông thường, chính thái độ chấp mắc luôn dẫn đến những khổ đau trong cuộc đời.

Trong khi đó, sự hoạch định sống với bầu trời quang đãng, thong dong, tự tại gợi cho người xuất gia có một sức sống mới: “Lấy thái hư làm nhà, phong cảnh làm bạn, chánh pháp làm thầy, đạo lý vô ngã vị tha làm tông chỉ, mang lại hạnh phúc cho mình và cho những người khác”.

Do đó, hai phương cách này dẫn đến tình huống của hai lối sống khác nhau: con đường thế trần lẫn lộn hạnh phúc và khổ đau; và con đường tâm linh, tìm giá trị an lạc bằng đời sống nội tại, vượt lên trên các giá trị hạn hữu của một kiếp người. Mặc dù, người xuất gia vẫn mang thân phận của một con người, có trái tim biết yêu thương, biết suy nghĩ và hành động để có thể đứng vững vàng trong cuộc đời, nhưng sự biết yêu thương, suy nghĩ và hành động của người xuất gia vẫn mang tính vị tha hơn. Họ lấy đức tính vị tha vô ngã làm nền tảng. Mỗi bước chân đi, mỗi một hành động của họ, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều góp phần mang lại hạnh phúc cho tha nhân.

Trong cuộc đời, không phải ai cũng có được sự may mắn phát tâm xuất gia. Đã xuất gia rồi, có nhiều người duy trì được đời sống tâm linh lâu dài với lý tưởng và hạnh nguyện dấn thân phục vụ. Một số còn lại thì bỏ cuộc nửa chừng. Đại đa số những người không thực hiện được, hoặc bỏ cuộc nửa chừng, đều do thái độ chuẩn bị tâm lý, động cơ và lý tưởng quá ít, hoặc không đúng theo tinh thần mà đức Phật đã dạy.

NHẬN DIỆN NGHỊCH CẢNH

Nghịch cảnh bao gồm thái độ nhận thức, hoàn cảnh, điều kiện và con người không thuận lợi, hoặc tiêu cực, mà chúng ta có dịp tiếp xúc. Tất cả những tâm lý tiêu cực từ nghịch cảnh đã làm cho nhiều người nhận định về đời sống của người tu chẳng khác gì so với đời sống của người tại gia.

Trong những nước phương Tây, chúng tôi có dịp tham quan và thuyết pháp, có một số nghịch cảnh làm cho nhiều người không muốn xuất gia, mặc dù họ có chí nguyện. Những nghịch cảnh đơn giản như hằng ngày họ tới chùa, nhìn thấy quí thầy, quí sư cô phải làm nhang bán, đi tụng kinh, ma chay, những việc rất đỗi thông thường. Ngoài ra, họ không nhìn thấy được những việc gì có giá trị ấn tượng hơn. Do đó, họ đã suy nghĩ rằng, đi tu là giao hết thân phận cho đức Phật, chánh pháp và những vị hướng dẫn đời sống tâm linh, liệu mình sẽ có được những giá trị an lạc gì thông qua những việc làm như thế này? Câu hỏi của họ chứa đựng nỗi niềm thao thức. Chính vì thế, người xuất gia cần thể hiện các giá trị vượt lên trên những người thông thường về nhận thức, tình cảm, cách ứng xử và các sinh hoạt khác trong cuộc đời.

Hoặc một tình huống so sánh về nội dung và hình thức,đã làm cho người phát tâm xuất gia chưa vững trở nên thối chí. Chẳng hạn như nhìn thấy quí thầy, quí sư cô ở chùa vẫn có những nỗi buồn, lời qua tiếng lại, ăn uống, ngủ nghỉ giống như những sinh hoạt hàng ngày của người tại gia. Một số đã thối chí vì nghĩ rằng khi xuất gia ta hy sinh cả tuổi đời thanh xuân tươi đẹp để được gì đây?

Nếu được ở chùa, ta sẽ được học cách ăn uống, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, trao đổi hay tư duy có chánh niệm sẽ khác hoàn toàn với người tại gia. Sự khác biệt lớn giữa người tại gia và người xuất gia trong các sinh hoạt hằng ngày, người tại gia thể hiện như một thói quen: thích cái gì thỏa mãn cái đó, đôi lúc thể hiện thiếu sự cân nhắc, chỉ chiều theo bản ngã và thói hưởng thụ vật dục.

Trong khi đó, đạo Phật dạy người xuất gia khi ăn luôn có sự hiện diện của dòng chảy chánh niệm tỉnh thức. Khi ăn, họ đóng lại cửa ngõ của suy nghĩ, hay ký ức về mọi sự vật hiện tượng, con người hoặc các mối quan hệ đối tác. Khi ăn, họ hiểu được thực phẩm nào có lợi ích cho sức khỏe, thực phẩm nào chứa độc tố thì mạnh dạn kiêng cữ, không hành hạ thân thể bằng những chiều chuộng thông thường.

Trong lời nói và việc làm của họ cũng thể hiện tính cách từ ái, biết chia sẻ, lắng nghe, bồi đắp tình huynh đệ và các giá trị của sự vươn lên. Trong dòng chảy của tâm thức, họ có sự huấn luyện và theo dõi chánh niệm không còn những nỗi khổ niềm đau và những ước vọng mông lung. Cho nên, người xuất gia sẽ nhận thấy rất rõ các giá trị của sự tu tập. Với những phương tiện đời sống giản đơn ấy, nhưng họ vẫn tìm được những giá trị của hạnh phúc và đi suốt cuộc đời với hình ảnh và hình thức người tu.

Vì thế, khi đánh đồng hình thức sinh hoạt hằng ngày của người xuất gia giống như người tại gia, ta đã đánh mất đi cơ hội nhìn thấy các giá trị của chánh niệm tỉnh thức trong lòng hiện thực. Khi hành động của người đánh đồng bị ám ảnh bởi những điều đó, những người muốn xuất gia khó phát nguyện chân thật đi tu để mang lại lợi ích cho nhiều người. Chướng ngại này liên hệ đến nhận thức, vốn thuộc về phần chủ đạo, dẫn khởi và đạo diễn cho đời sống của chúng ta. Sự nhận thức sai lệch về khuynh hướng lý tưởng và con đường thực hiện đi theo cái ngã mà giá trị của nó lại không được gì. Vì lẽ đó, đức Phật khuyên chúng ta hãy chăm sóc nhận thức của chính mình, giúp nó đi đúng hướng và có giá trị bền bỉ, lâu dài.

NHẬN DIỆN THÓI QUEN ĐỜI

Thói quen thế tục luôn ảnh hưởng đến sự xuất gia. Thói quen này đòi hỏi sự hưởng thụ đời sống vật dục như: quần áo, thực phẩm, giải trí, hoàn cảnh sinh hoạt v.v… Nếu không có những thứ này, cuộc sống sẽ trở nên vô vị.

Các hình thức sinh hoạt, giải trí, phục vụ đời sống là cần thiết, nhưng nếu chạy theo những khuynh hướng này một cách cực đoan, con người sẽ bị biến thành kẻ nô lệ. Thói quen đó được nhận định như một dòng chảy ngấm ngầm, vô hình không thấy được, nhưng bên trong có tác động chi phối, buộc chúng ta phải ứng xử theo hình thức này mà không phải hình thức khác. Chúng ta bị sai sử theo cách này hay cách khác. Từ đó, nó tạo cho ta một phong cách riêng, làm cho ta khác biệt hơn những người khác. Khi một ai đó chạm đến sự khác biệt này, ta thường có sự biện hộ rằng: “Tính của tôi như thế, ai không chịu được thì thôi..!”. Vì suy nghĩ sai như thế, ta sẽ khó thực hiện được việc sửa đổi, cho dù những điều này liên hệ đến hạnh phúc của bản thân.

Chúng tôi từng gặp một số tình huống, các cô thiếu nữ muốn xuất gia, khi được sự khuyến khích, đã trả lời rằng: “Thưa thầy, con rất thích đi tu nhưng tu không được. Vì con rất yêu mái tóc đẹp của con. Nếu xuất gia sẽ bị cạo đầu trọc, con cảm thấy nó làm sao ấy!” Hoặc nhiều người có thói quen trang điểm son phấn, đồ nữ trang v.v… Họ cảm thấy nếu đi tu mà thiếu những thứ này thì giá trị con người sẽ bị giảm xuống.

Thực ra, giá trị nhà Phật không dựa trên những nền tảng này, vì nó là những giá trị ảo, liên hệ đến sự nhận thức về bản ngã, tầm quan trọng của mình đối với người khác. Khi ăn mặc những bộ quần áo thời trang và nữ trang đắt tiền, ta nhầm tưởng nó làm tăng giá trị đẹp cho bản thân mình, ta sẽ được nhiều người ca ngợi, nhưng thực tế không có ai quan tâm. Sĩ diện này làm cho một số người cảm thấy hạnh phúc khi được sở hữu những thứ đắt tiền và sang trọng.

Thói quen vật dục sẽ chi phối con người lớn đến độ làm cho ta mất tất cả sự tự do.Về lâu dài, có thể làm cho con người bị trói buộc, chạy theo những gì mà ta muốn, thay vì nó phải phục vụ cho những gì mà ta cần làm.

Trong Kinh Phật có câu chuyện ngụ ngôn như sau. Có một chàng thanh niên vào rừng thưởng ngoạn cảnh đẹp. Không may anh ta đã gặp cọp. Anh hoảng hốt chạy bán sống, bán chết về phía trước, nhưng càng chạy anh lại càng bị lạc sâu hơn vào rừng. Cuối cùng, anh ta không thể tìm thấy con đường phía trước. Trước mắt anh chỉ là một vực thẳm. Khi anh quay đầu nhìn lại, con cọp đã tới gần và nó sắp sửa chực vồ lấy anh. Nếu anh không có một phản ứng nhanh bằng cách nhào xuống vực sâu, chắc chắn anh đã trở thành con mồi cho cọp. May mắn thay, ở dưới vực sâu có một chùm dây tầm gửi, và anh đã vội chụp lấy chùm dây này. Chùm dây đã đánh đong đưa qua lại làm cho thân thể của anh cũng bị va vào trong vách núi, khiến anh ta bị đau nhức vô cùng, và tim anh đập thình thịch. Nỗi sợ hãi lúc đó đã chiếm hết tâm trí của anh. Một lát sau, ngước nhìn lên trên, anh thấy con cọp đang nhìn xuống. Ở phía trên của vực sâu có hai con chuột đang gặm nhấm chùm dây tầm gửi này, anh đã chợt nghĩ không biết nó sẽ đứt vào lúc nào?

Bi kịch của câu chuyện, thay vì phải tìm cách leo lên khỏi vực sâu để tránh cái chết đang gần kề, làm mồi cho cọp. Anh lại nhìn một chùm nho lơ lửng trước mặt, anh đã nở nụ cười rất tươi, với tay hái lấy nó, mà quên đi sự nguy hiểm ở gần kề. Anh đã ăn những trái nho đó một cách ngon lành, không còn nhớ đến mọi khổ đau đang có mặt với anh. Bi kịch này gợi lên một số suy nghĩ

Thứ nhất, nếu đứng trên phương diện kinh Phật, ta phải biết tận dụng đời sống hiện tại, sống với những gì mà ta đang có và những gì ta cần phải sống, không nên để cho những nỗi sợ hãi, khó khăn chi phối mình. Ta vẫn có thể biến nỗi khổ đau thành niềm vui. Một khuynh hướng thông thường khác mà bài kinh muốn phản ánh là thái độ, thói quen thường chi phối con người. Đó là góc độ của sự hưởng thụ, thay vì phải tìm cách thoát khỏi vực thẳm và cái chết, thì anh ta lại quay sang hưởng thụ những trái nho.

Thứ hai, nó phản ánh được rằng trong cuộc sống luôn có nhiều nỗi khổ, niềm đau. Nhiều người trong chúng ta lại không quan tâm, chăm sóc và chữa trị nó. Ta chỉ quan tâm tìm đến những nguồn vui nhất thời. Do vậy, nỗi khổ niềm đau sẽ bị tăng trưởng theo thời gian. Khi để cho các thói quen hưởng thụ chi phối cuộc đời mình, ta sẽ trở thành những cái máy. Phản ứng của ta thể hiện qua lời nói hoặc việc làm hoàn toàn sẽ không phụ thuộc vào nhận thức, mà phụ thuộc vào quán tính, thay vì ta phải ứng xử, lời nói, việc làm theo cách khác có lợi cho mình và cho người.

Chướng duyên trong đời sống vật dục làm cho nhiều người nhận thấy rằng mình không thoải mái, an lạc, hạnh phúc trong đời sống rất thanh cao và giản dị của người tu. Nghịch cảnh về thói quen trong trường hợp này liên hệ đến yếu tố nhận thức, tâm lý, vốn có khả năng chi phối tác động những hành vi trong cuộc sống. Vì lẽ đó một số người họ có nguyện vọng chính đáng, có chí nguyện xuất gia nhưng lại không dám nghĩ, vì sợ nó sẽ làm cho họ mất hết tất cả.

NHẬN DIỆN SỰ TRÓI BUỘC CỦA TÌNH CẢM

Tình cảm quyến luyến giữa chúng ta và cha mẹ, giữa vợ chồng, con cái, anh em với nhau đã tạo nên sự ràng buộc rất lớn. Sợi dây tình cảm càng đằm thắm bao nhiêu sẽ là những trở lực cho người tu nhiều bấy nhiêu.

Kinh điển nhà Phật đề cập đến người xuất gia như người đang đi trên con đường ngược dòng, và đời sống của họ được xem là đời sống của những người ngược đời. Ngược dòng và ngược đời là hai khái niệm ca ngợi sự ra đi có giá trị của họ. Theo nhà Phật, phản ánh một cách sống ngược lại với khuynh hướng hưởng thụ thông thường. Những gì mà con người cho là sự hạnh phúc tuyệt đối và lâu dài, thì nhà Phật xem nó có giá trị nhất thời, dễ bị vô thường tác động, làm thay đổi, có thể gây những nỗi khổ niềm đau cho chúng ta bất cứ lúc nào.

Có nhiều bậc cha mẹ không đồng ý cho con cái họ xuất gia, vì nghĩ rằng nếu con mình đi tu sẽ khổ. Đây là một quan niệm và nhận thức rất sai lầm.

Đức Phật Thích Ca, khi còn là một đông cung thái tử, muốn được xuất gia nhưng vua cha không cho phép. Các vị tiên tri đã dự đoán trước, sau này thái tử sẽ đi một trong hai con đường. Con đường thứ nhất, nếu là vua thì Ngài sẽ là một đấng minh quân, cai trị toàn cõi Ấn Độ, thống nhất sơn hà về một mối và có khả năng ảnh hưởng đến các nước liên bang. Ngài sẽ lấy tinh thần đạo đức làm nền tảng của chính trị. Con đường thứ hai, nếu trở thành người tu, Ngài sẽ là một nhà đạo sư lỗi lạc nhất của nhân loại. Dĩ nhiên, khi nghe điều dự đoán con đường thứ hai của đức Phật, nhà vua đã không thể chấp nhận. Ông chỉ mong muốn con mình trở thành một đấng minh quân, giúp cho dòng họ ông được trường thịnh. Từ đó, nhà vua luôn tìm đủ mọi cách để ngăn cản, không cho thái tử tiếp xúc với ai. Ông cho xây dựng ba cung điện nguy nga tráng lệ, giúp cho đời sống của thái tử được an vui hạnh phúc, để cho nhu cầu xuất gia của Ngài không có cơ hội bén rễ. Vậy mà lúc nào, trong lòng thái tử vẫn thao thức, mong muốn thuyết phục được cha mình để trở thành nhà tâm linh, hơn là một vị minh quân.

Sau đó, không còn cách nào khác, nhà vua đành chọn một cô gái đẹp nhất để lập gia thất cho thái tử. Đó là công chúa Da-du-đà-la. Vẻ đẹp và sự chung thủy của nàng vẫn không thể giữ chân được thái tử. Ngay khi nàng vừa sanh đứa con đầu lòng là La-hầu-la, thái tử đã quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc để ra đi. Nhiều người cho rằng ngài là một người chồng không có tình nghĩa, một người cha thiếu trách nhiệm, và một người con bất hiếu, và một thái tử vô trách nhiệm với muôn dân. Trước tình cảnh như thế, Ngài vẫn dứt khoát không hề thay đổi quyết định. Khi từ giã vợ con để ra đi, những xúc cảm dâng trào với tình thương yêu đã giằng xé đến độ Ngài phải quay trở vào lần thứ hai. Và khi đi được vài bước, Ngài cảm thấy khó chịu trong lòng, trở vào nhìn vợ con một lần nữa. Ngài đã tự chiến đấu với tâm lý dằn co. Thái độ dứt khoát giúp Ngài hy sinh tình cảm nhỏ nhoi để hướng về tình thương bao la. Cuối cùng, Ngài đã tìm thấy được bầu trời của hạnh phúc, với những giá trị của sự hy sinh, để mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình mình và cho quốc gia xã tắc. Ngài đã không còn bận tâm, quyến luyến đến những tình cảm thông thường của cuộc đời.

Chúng ta thấy, nếu đi tu để khổ thì đức Phật không bao giờ từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con khôn, quyền uy tối thượng để chọn con đường đi tu. Ngài nhận thấy tâm linh mới chính là con đường mang đến những giá trị và niềm hạnh phúc cao đẹp để phục vụ nhân sinh và xã hội.

Ngày nay, có một bài Thiền ca được cải biên lời lại, phản ánh rất rõ giá trị này: “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ …!” Thật vậy, đi tu rất sướng. Có những người khi chưa xuất gia mặt mày u ám, phiền não tràn trề, nhưng khi vào chùa, nếu tu tập đúng phương pháp trong một thời gian ngắn, tâm của họ sáng ra, chất liệu an lạc và thảnh thơi bắt đầu có mặt. Họ trở thành một con người mới hoàn toàn với tâm buông xả, lòng hoan hỷ, sự hy sinh và sự dấn thân phục vụ cho tha nhân.

Thời nay, câu chuyện về cô công chúa Thái Lan, hiện tại cũng là một người có chí nguyện xuất gia, không còn xa lạ nữa. Vì truyền thống của Phật giáo Nam Tông không chấp nhận nữ tu như trong thời kỳ của đức Phật ngày xưa. Vì thế, khi người nữ đi xuất gia ở các nước Nam Tông sẽ không có tương lai. Thế nhưng, hạt giống xuất gia của công chúa vẫn lớn mạnh. Cô quyết định không lập gia đình và tu Bát Quan Trai giới dành cho người tại gia. Cô theo học Phật và trở thành nhà Phật học. Chúng ta thấy, khi hạt giống xuất gia cấy vào trong tâm thức của con người, tuy có thể trải qua nhiều đời, hạt giống của sự tu tập đó vẫn tiếp tục phát triển lớn mạnh, khiến cho nhiều người nhận thấy đời sống của thế gian thực sự không phù hợp, không mang lại hạnh phúc cho họ.

Các bậc cha mẹ nếu nhận thấy con em mình có nguyện vọng xuất gia với lòng nhiệt huyết và niềm tin chánh pháp rõ ràng thì đừng bao giờ ngăn cản. Chính sự ngăn cản này sẽ làm cho những hạt giống đó bị biến dạng. Chúng ta là những người Phật tử, hiểu được tu là con đường đúng đắn, hãy khuyến khích, tạo điều kiện cho con em đạt thành sở nguyện đi đúng con đường lý tưởng, với những giá trị của sự dấn thân phục vụ.

Trong một số nước Phật giáo Nam Tông như Thái Lan, Lào, Campuchia, tất cả những người nam trước khi lập gia đình đều phải xuất gia tối thiểu là một tuần, ba tháng hoặc ba năm. Tu tập ở chùa với thời gian nhiều chừng nào, thì cơ hội được các cô chọn làm chồng sẽ nhiều chừng đó. Vì xã hội của họ quan niệm rằng, một thanh niên trước khi lập gia đình để trở thành một người chồng, một người cha mẫu mực, cần phải trải qua đời sống đạo đức trong chùa. Sau khi đi tu họ sẽ trở thành những người có đạo đức, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Họ nhận thấy việc đi tu như vậy không phải là khổ. Cứ một tháng đi tu, họ cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn và sau những kỳ đi tu như vậy, tâm của họ được sáng ra, làm được nhiều việc thiện, giúp cho những mảnh đời bất hạnh, giải phóng khổ đau.

Sự quyến luyến về tình cảm trong gia đình là một rào cản lớn, làm cho người muốn đi tu nhưng không cắt đứt được.

Nhất là khi cha mẹ đang gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc cha mẹ đang cần sự chăm sóc, nâng đỡ của người con. Vì thế, họ đi tu rất khó, tâm không cảm thấy an ổn. Việc cắt đứt sợi dây luyến ái của người thân là việc khó làm. Những người có đời sống không được hạnh phúc với gia đình, vợ chồng, con cái, hoặc anh em ra đi rất dễ. Sự ra đi trong trường hợp này giống như một quá trình giải phóng, mang lại cho ta niềm vui lớn. Ngược lại, những tình cảm gia đình nồng nàn, hạnh phúc trong đời tại gia sẽ là một thử thách, rào cản và những trở lực lớn đối với những người có chí nguyện xuất gia.

TÀI SẢN TRÓI BUỘC NGƯỜI TẠI GIA

Sở hữu tài sản cũng là sợi dây ràng buộc đối với người xuất gia, làm cho họ khó có thể rời bỏ để ra đi. Những ràng buộc đó gồm: tiền bạc, tình yêu, nhà cửa, địa vị, chức tước, v.v… Một số người không quan trọng về tài sản, nhưng lại quan trọng chức danh, địa vị họ đang có. Khi có ý định xuất gia, họ thấy rằng mình sẽ mất hết những gì mà hàng ngày mình có được, mất hết sự quí trọng và tôn kính của những người cấp dưới, để trở thành một nhà sư sống nương tựa vào sự giúp đỡ của đàn na tín thí. Trước đây, khi làm Phật sự, phát tâm cúng dường và chia sẻ, họ cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng bây giờ phải nhận lại những đồng tiền từ người cúng dường, lòng tự ái, mặc cảm bị trỗi dậy, khiến họ cảm thấy không thể mạnh dạn để xuất gia. Mặc khác, nếu một người nào đó đã làm việc đủ số thời gian mà chính phủ qui định, họ sẽ được hưởng các khoản trợ cấp như lương hưu hoặc các chế độ an sinh xã hội khác. Khi có ý định xuất gia, thời điểm này họ chưa được hưởng các chế độ ưu đãi mà bỏ đi tu thật uổng phí, mất hết những gì họ đã dành dụm suốt mấy mươi năm qua.

Quan niệm trên là cách nhìn thông thường của những người không hiểu được qui luật nhân quả, vô thường. Trong các tùng lâm của Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam thời xưa, tất cả những người đi xuất gia không được quyền có tài sản riêng, những trương mục riêng, chỉ giao trọn thân phận mình cho nhà chùa gói gọn. Tất cả những việc khác đều được nhà chùa lo. Ngay cả khi có bệnh tật đau ốm, nhà chùa sẽ giúp đỡ. Người xuất gia nếu tích lũy nhiều tài sản, tiền bạc sẽ ỷ lại, không cố gắng tu học. Càng có nhiều phương tiện, tâm của họ sẽ hướng ngoại nhiều hơn. Từ đó, họ sẽ xa rời đời sống tăng thân. Do đó, để vượt qua sự trở ngại của việc tiếc nuối về sở hữu tài sản, đây cũng là sự thách đố rất lớn đối với người xuất gia.

Câu chuyện của Ngài lục tổ Huệ Năng, là một bài học để chúng ta suy ngẫm và học hỏi. Cha của ngài mất sớm. Mẹ của ngài mất sức lao động, không tạo ra của cải vật chất để lo cho bản thân bà lúc về già.

Một ngày nọ, khi ngài từ trong rừng đốn củi trở về, gặp một cư sĩ từ chùa Huỳnh Mai đi xuống. Ông ta rất hân hoan, vừa đi vừa xướng đọc bài kệ: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm”. Ý Nghĩa nói tâm rỗng rang, thanh thản, không vướng mắc, tức không bị kẹt vào địa vị, chức tước, quyền thế, danh lợi. Có an trụ tâm như vậy lòng mới cảm thấy nhẹ nhàng. Khi nghe được bài kệ, bỗng nhiên ngài lục tổ Huệ Năng cảm thấy tâm mình bừng sáng và hạnh phúc vô cùng, ông quyết định trở thành một người xuất gia. Thông thường, những người có đại căn, chỉ cần nghe một câu nói hay một ý tưởng nào đó, tâm của họ bừng sáng và tự nguyện trở thành người tu.

Hoàn cảnh ngài lúc đó thật khó giải quyết. Vì ngài còn mẹ già, nếu đi tu ai sẽ chăm sóc cho bà? Dù ngài không được đi học, không hề biết chữ, nhưng nhờ trí sáng suốt, ngài đã giải quyết công việc ổn thỏa. Ngài đã mời một người bạn thân nhất đến giúp mình cùng đốn củi trong thời gian thêm một tháng nữa. Một tháng đó, giúp ngài đốn thêm được nhiều củi và bán được nhiều tiền. Ngài lấy tất cả tiền kiếm được cùng tài sản, giao hết cho người bạn thân, mong anh ta hãy xem mình như người anh em ruột thịt, thay mình chăm sóc mẹ, để ngài có thể yên lòng ra đi.

Cuộc đời của ngài rất gian truân, lận đận. Suốt mấy tháng ở chùa, ngài chưa một lần được bước lên chánh điện, chỉ quanh quẩn dưới nhà bếp để làm những công việc nặng nhọc mà người khác không làm. Có những việc chỉ dành cho những người thấp kém, nhưng ngài vẫn làm với tất cả sự dấn thân phục vụ, với niềm hoan hỷ và dòng chảy chánh niệm tỉnh thức. Với niềm hạnh phúc tràn đầy, Tâm ngài càng sáng hơn.

Lúc bấy giờ, ngài ngũ Tổ Hoàng Mai nhận thấy đây chính là pháp khí của Phật giáo nên đã âm thầm truyền y bát cho ngài. Và ngài đã trở thành vị tổ thứ sáu khi còn là người cư sĩ tại gia. Đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử truyền tâm ấn của Phật giáo. Từ khi nhận tâm ấn, ngài phải sống một cuộc sống nhiều gian truân thử thách. Rất nhiều người ganh tị, hãm hại nên ngài phải sống ẩn tu trong rừng với đám thợ săn trong suốt mười một năm. Ngài vẫn không sờn lòng, nản chí, để nuôi dưỡng chí nguyện lớn trở thành nhân tài đóng góp những lợi ích thiết thực cho Phật giáo.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy sự lựa chọn của ngài lục tổ Huệ Năng bấy giờ là sự buông bỏ khôn ngoan. Ngài đã trở thành một vị thầy xứng đáng cho chúng ta học hỏi suốt cuộc đời vẫn chưa hết.

Khi người muốn xuất gia không chấp trước vào sở hữu tài sản, nhận thấy những giá trị thật thì họ sẽ mạnh dạn buông bỏ hết tất cả.

XUẤT GIA LÀ SỰ KHAI SINH TRONG ĐẠO

Bốn trở lực về nghịch cảnh, thói quen, quyến luyến tình cảm, và sự tiếc nuối sở hữu tài sản trở thành những nghịch duyên đối với những người có chí nguyện xuất gia.

Những ai có chí nguyện muốn xuất gia nên đi trong thời điểm còn tuổi thanh xuân, có năng lực, sức khỏe và sự sáng tạo. Lúc đó, sự dấn thân của chúng ta mới thật sự có ích cho xã hội và tha nhân. Mặc dù đi tu tuổi về già, vẫn mang lại sự an lạc nhưng sự đóng góp, phục vụ của ta sẽ bị hạn chế.

Có thể định nghĩa rằng, xuất gia là sự khai sinh trong Phật pháp. Với giáo pháp của đức Phật, chúng ta được sinh ra với con người hoàn toàn mới. Mặc dù về vóc dáng, hình hài không có gì thay đổi, nhưng sự nhận thức, lý tưởng và hành trì của người xuất gia hoàn toàn khác với trạng thái của người tại gia. Xuất gia là cơ hội để ta tiếp xúc với hạnh phúc, và là con đường mở rộng tầm nhìn, sự dấn thân nhằm đem lại lợi ích cho chính mình và cho những người khác. Niềm thao thức và động cơ xuất gia là những yếu tố rất quan trọng, quyết định cho sự đóng góp của ta trong suốt đời tu.

Đức Phật dùng hình ảnh những quả trứng gà sau một thời gian được gà mẹ ấp. Nhờ sự ấp ủ đó gà con có khả năng chọc thủng lớp vỏ bên ngoài, trở thành một chú gà con.

Đức Phật nói, Ngài cũng là một con gà giống bao nhiêu con gà khác như chúng ta, nhưng Ngài khác chúng ta một điểm, Ngài là con gà đầu tiên chọc thủng vỏ đi ra với một thân thể khỏe mạnh, không cần sự giúp đỡ của gà mẹ. Thỉnh thoảng, ta vẫn thấy gà mẹ hỗ trợ gà con, dùng mỏ, mổ cho gà con chui ra. Hành động này đôi khi làm cho gà con bên trong bị chết do gà mẹ không xác định vị trí, vô tình mổ trúng con mắt hoặc cái đầu.

Đức Phật dạy người xuất gia hãy nương vào sự hỗ trợ phương tiện, hoàn cảnh, điều kiện môi trường khi có thầy bạn tốt. Chính ngôi chùa là nơi chúng ta cũng như những gà con biết tự mình chọc thủng vỏ trứng, chui ra tạo nên một sức sống mới. Đó là sự khai sinh trong đời sống của đạo đức, thiền định và hành trì. Nơi đó, yếu tố tâm lý, tình cảm của người tu sẽ hoàn toàn khác biệt so với lúc họ còn tại gia. Sự khác biệt này được cảm nhận rõ rệt giống như cảm xúc của người nam và nữ khi kết hôn với nhau. Ở đây, người xuất gia kết hôn với chánh pháp của đức Phật, với lý tưởng của sự phục vụ, những giá trị hạnh phúc, an lạc nội tại và xa rời hạnh phúc của thế nhân. Đối với những ai khi xuất gia không có sự rung động với Phật pháp, người đó khó tu được lâu dài và bền bỉ. Sự rung động càng mạnh, giá trị sự tu tập càng lớn, dấn thân càng lâu dài, giúp họ vượt qua được những thử thách, trở ngại dễ dàng trong tương lai.

CÁC TÌNH HUỐNG XUẤT GIA

Không phải những ai đi xuất gia đều mang một tâm nguyện lớn, được đóng góp, phục vụ. Có những người xuất gia để quên đi những nỗi khổ đau trong tình duyên, như chuyện tình Lan và Điệp. Xuất xuất gia như vậy sẽ không có giá trị cho bản thân, làm cho thế nhân có sự nhìn nhận sai lệch, cho rằng người xuất gia chỉ toàn là người chán đời, tiêu cực, không mang lại giá trị gì cho cuộc đời.

Chúng ta nhìn thấy có nhiều vị thầy, vị sư cô rất trẻ, thậm chí rất đẹp, nhưng họ lại đi tu. Không phải do họ chán đời hoặc không có người thương. Thực ra, họ có rất nhiều thứ, nhưng những thứ ấy họ không màng tới. Họ nghĩ rằng, hy sinh tình yêu nhỏ để có được tình yêu lớn, vĩ đại hơn. Đó là những người xuất gia chân chính. Tôi xin nêu ra một số hình thức xuất gia như sau:

1. Thân xuất gia mà tâm hướng về thế tục

Hình thức này, họ vẫn vào chùa, cạo đầu, mặc đồ tu, tụng kinh, bái sám, niệm Phật, tham thiền nhưng tâm của họ luôn hướng về đời sống của thế gian, những dục lạc thấp kém, về danh vọng, địa vị hoặc họ để cho dòng cảm xúc tiêu cực như tham, sân, si, hờn giận, ganh tị chi phối. Những người xuất gia này, theo ngôn ngữ nhà Phật gọi là dơi chuột. Vì họ không hẳn là chuột, mà cũng không hẳn là dơi, nếu xếp vào loài có cánh cũng không xong, vì vừa có cánh vừa có chân. Hành động của một người tu không đúng với người tu thật là đáng tiếc.

Khi xuất gia, nếu không làm mới cuộc đời, không cách tân về nhận thức, không làm cho con mình hạnh phúc, không làm cho tình yêu thương của mình được mở rộng, để những giá trị cuộc đời thêm lớn mạnh, thà rằng chúng ta đừng đi tu. Nếu động cơ của ta không đúng với những chất liệu Phật pháp, về sau ta dễ rơi vào những cám dỗ, sa ngã trước dục tình, trở thành con người đi sai với lý tưởng Phật giáo, phản bội lại con đường phục vụ chân chính.

2. Tâm xuất gia nhưng thân tại gia

Hình thức này là một sai lầm lớn đối với người tại gia. Những người này không thấy được sự khác biệt giữa người xuất gia và người tại gia. Họ nghĩ, mình ở nhà tu tâm dưỡng tánh, thích thì đi chùa, tụng kinh hoặc khi có tiền thì làm phước, không có thì thôi. Họ không bị ràng buộc, vướng bận nào. Điều khó nhất của người xuất gia là đời sống độc thân. Họ phải từ bỏ tình cảm luyến ái của thế gian. Đây là sự hy sinh hướng thượng. Nếu ai có thể từ bỏ tất cả những thứ đó, tại sao không dám mạnh dạn mang hình thức của một người tu?

Chúng ta làm một cư sĩ với hình thức tại gia cũng tốt, nhưng sự phục vụ sẽ bị giới hạn. Trong khi đó, mang hình thức người tu, có hình tướng trang nghiêm, đỉnh đạt, lời nói nhẹ nhàng có thể mang lại sự an lạc cho những người khác. Nếu ta là một nhà sư có uy tín trong lời nói, ta có khả năng vận động được nhiều người cùng chia sẻ những sở hữu tài sản của họ để làm những việc từ thiện, phước báu, khả năng này đối với những người tại gia vẫn còn bị hạn chế.

Trường hợp của Ni sư Chứng Nghiêm ở Đài Loan là một điển hình. Những năm trước, đất nước Đài Loan bị động đất, Ni sư đã vận động được những khoản từ thiện từ quần chúng vượt xa hơn cả ngân quỹ của quốc gia.

Là một người tu có tư cách, có hạnh nguyện lớn, chúng ta luôn mang lại an vui cho những người khác và sẽ được nhiều người cùng dấn thân, giúp đỡ ta hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, khi xuất gia bằng tâm mà thân tại gia, là sự uổng ích: Vì tâm thiêng về xuất gia nên không dấn thân xã hội, vì không xuất gia nên có tâm tốt mà không làm việc lớn được. Nếu không khéo chuyển hóa, kiếp này và những kiếp khác, chúng ta mãi mãi cũng chỉ là những người tu tại gia mà thôi.

3. Thân và tâm xuất gia

Đây là hình thức xuất gia đúng đắn với lý tưởng nhất, đầu tròn, áo vuông, vào chùa, tu học, sống với tăng thân, có tình huynh đệ, có lý tưởng, có chí nguyện và sự dấn thân. Mặt khác, ta cũng có thể làm được nhiều Phật sự để mang lại hạnh phúc, tháo gỡ những đau khổ của con người trong điều kiện mà ta có thể. Đây là mẫu người tu có lý tưởng mà người xuất gia cần hướng đến. Người tu muốn có một đời sống lý tưởng về thân và tâm, phải có động cơ lớn, chí nguyện hùng dũng, hành sự khôn ngoan, khéo léo. Sự tu tập của họ phải miên mật và lâu dài, biết tạo điều kiện, cơ hội để có phước báu và hạnh phúc. Họ không sợ hãi trước những khó khăn,

không chùn bước trước những thử thách. Chính động cơ xuất gia này sẽ giúp họ trở thành những người có giá trị đóng góp lớn cho Phật giáo và cuộc đời về sau.

4. Thân và tâm đều không xuất gia

Đây là hình thức của những người có lối sống buông thả, ăn chơi, sa đọa hoặc không có đạo đức và cũng không chịu tu. Những người này không những mang lại khổ đau cho bản thân, cho người thân, người thương mà còn là mối đe dọa của xã hội.

Các tổ Trung Hoa phân định ra bốn loại xuất gia trên, các ngài cũng thấy rằng. Giá trị của người xuất gia chân chính bao gồm hai phương diện. Phương diện về hình thức và phương diện về nội dung.

Về phương diện hình thức, dân gian Việt Nam có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng nếu thiếu đi chiếc áo của thầy tu, có lẽ chúng ta dễ dàng đánh mất đi tư cách của người tu.

Khi mặc chiếc áo của người tu đi ra đường, chúng ta luôn ý thức đến tính cách trang nghiêm, không dám nghĩ đến việc đùa giỡn. Ta cũng không thể làm những việc mang tính chất phàm tình của thế nhân, phải tự nhắc nhở mình cần làm gì để xứng đáng với người tu. Không chỉ xứng đáng về mặt hình thức, mà còn xứng đáng trong suy nghĩ của người tu. Khi phát khởi một ý nghĩ sai lầm như: ăn cắp, lừa đảo, giả dối hoặc hưởng thụ, chính hình thức này sẽ ngăn cản chúng ta lại, không dẫn ta đi đến con đường sa ngã và tội lỗi.

Ta không nên xem nhẹ yếu tố hình thức, vì nó sẽ làm thăng hoa đời sống của người tu bằng những việc làm thanh cao, những giá trị hạnh phúc lớn từ hành động cho đến suy nghĩ của họ. Nếu đánh giá con người thông qua hình thức, ta dễ dàng bị đồng hóa những cái không có giá trị, trở thành những cái có giá trị. Đôi khi trong cuộc sống, ta có thể gặp những vị Phật sống, nhưng do vì chấp mắc vào hình thức, ta lại xem họ chỉ là những người bình thường.

Đức Phật dạy những người xuất gia, mỗi ngày hãy sờ vào cái đầu láng bóng của mình, để suy nghĩ và sống như thế nào cho xứng đáng là bậc chân tu, vượt lên trên thế tục. Nếu tâm của chúng ta vẫn còn sự ích kỷ, nhỏ hẹp, ngại khó, hưởng thụ thì biết rằng mình vẫn đang đi chưa đúng con đường, đang làm mất đi giá trị của một vị thánh. Cho nên, ta cần phải chuyển hóa, cải tạo, cách tân và làm mới.

Có ba cấp độ của sự xuất gia, được phân định về nội dung như sau:

1. Cấp độ thứ nhất - Xuất thế tục gia

Cấp độ này có ý nghĩa là chúng ta từ bỏ mái ấm gia đình, chia tay với người thân, người thương không hề quyến luyến và nuối tiếc. Ta không nối dõi tông đường, không dấn thân làm chính trị để trở thành con người có chất liệu an vui, hạnh phúc, thảnh thơi, vững chãi. Thông qua những giá trị ta có được, có thể giúp đỡ cho những người khác. Xuất thế tục gia trong trường hợp này cần phải cương quyết. Vì khi xuất gia rồi, mà ta vẫn giống như đang ở trong ngôi nhà thế tục, thì ý nghĩa xuất gia không còn nữa.

Có nhiều người do không hiểu được lời Phật dạy, cứ tưởng rằng tu đâu chẳng được. Nhất là khi họ bị ảnh hưởng bởi quan niệm dân gian có câu: “Thứ nhất tu chợ, thứ hai tu chùa, thứ ba tu tại gia”. Nghĩa là thờ cha, kính mẹ mới là tu. Họ cho rằng tu ở chùa thì dễ, nhưng tu ở nhà thì khó hơn.

Hiểu như vậy là sai lầm. Khi chúng ta xa rời đời sống tập thể của những người xuất gia chân chính thì thân và tâm của ta cũng sẽ bị lung lạc. Khi tăng thân phấn đấu vươn lên trong lý tưởng, ta cũng được ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực đó. Phấn chấn vươn lên, không cho phép mình lười biếng.

Chúng ta hãy quan sát con hổ, nó sẽ mất đi thế mạnh của nó khi rời khỏi rừng sâu, núi thẳm, nơi nó từng sinh sống. Hình ảnh của một người xuất gia cũng thế. Nếu chỉ ở nhà tu tại gia, ý nghĩa của việc xuất gia sẽ không còn nữa.

Chúng ta từ bỏ gia đình, để có điều kiện tiếp xúc với ngôi chùa, với Phật, chánh pháp. Với sự hành trì và dấn thân, người xuất gia chân chính sẽ làm mình ngày càng lớn mạnh. Nếu chỉ tiếp xúc với những bức tường của ngôi nhà thế tục, thì tâm của ta sẽ không có gì thay đổi. Đứng về góc độ xuất thế tục gia, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được cấp độ thứ hai và thứ ba.

2. Cấp độ thứ hai - Xuất phiền não gia

Đây là một cách chơi chữ rất hay. Nghĩa là cần vượt ra khỏi ngôi nhà phiền não. Phiền não tức những tâm lý tiêu cực như: tham, sân, si, giận dỗi, ganh tị, lười biếng v.v… không làm cho con người hạnh phúc và phát triển đúng mức. Ta cần phải chuyển hóa những nhận thức sai lầm, lý giải mọi sự vật hiện tượng theo nguyên lý vô thường, vô ngã, không lệ thuộc vào thần linh. Khi nào gội rửa được phiền não, chuyển hóa được nhận thức, lúc đó chúng ta mới thật sự là người xuất gia.

Chúng ta phải nắm bắt cơ hội làm người tu ở trong chùa, làm người tu đúng đắn về nhận thức, chí nguyện và hành động. Chính những sự trưởng thành đó mới giúp chúng ta đạt được chí nguyện ở cấp độ thứ ba.

3. Cấp độ thứ ba - Xuất tam giới gia

Có nghĩa là vượt qua khỏi dòng sanh tử luân hồi trong ba cõi sáu đường. Ba cõi gồm: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

Cõi dục là cảnh giới sống như đời sống vật dục, tình dục. Sự ham muốn của con người đặt trên nền tảng của bản ngã, vị kỷ và lòng tham. Ta có thể bất chấp nền tảng của đạo đức, hạnh phúc, khổ đau của người khác để mang lại những giá trị cho bản thân. Vì vậy, đời sống trong dục giới là đời sống thấp kém. Cõi sắc vẫn còn hạn chế những điều kiện, hoặc cảnh giới vô sắc, nghĩa là sống hoàn toàn với trạng thái lặng thinh với đời sống nội tâm. Trong ba cảnh giới này, dục giới là cảnh giới thấp nhất.

Theo đức Phật, ba giới nằm trong nhà lửa. Muốn vượt ra khỏi nhà lửa của ba cõi, tnhững người xuất gia cần phải có động cơ chân chính, nghị lực phi thường để buông bỏ và chuyển hóa nhận thức, cảm xúc với những pháp môn đúng đắn. Có như thế, chúng ta mới có thể đi đến con đường của an lạc, hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát.

CON ĐƯỜNG RỘNG MỞ

Bốn loại hình và ba cấp độ của người xuất gia, giá trị của người tu gợi cho ta một con đường phục vụ, dấn thân lớn. Khi muốn trở thành người xuất gia, ta cần phải đạt được hai giá trị: xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Nếu không đạt được trong kiếp này, cần có quyết tâm lớn để đạt được ở nhiều kiếp trong tương lai, không bao giờ cho phép ta được bỏ cuộc nữa chừng. Trên thực tế, có rất nhiều người không thành công, họ đã ra đời và sống đời sống của một người tại gia.

Trước khi xuất gia, ta cần có quyết tâm, thấu rõ động cơ tốt, hiểu được bản thân, xác định lý tưởng. Không nên lấy thiện cảm hay tình cảm với một vị thầy nào để làm mục đích xuất gia, vì như thế sẽ không có giá trị. Nếu xuất phát từ tâm niệm đúng đắn, thì những giá trị lợi lạc sẽ có mặt, nhờ đó sự đóng góp, dấn thân của chúng ta mới mang lại các giá trị an vui và hạnh phúc lâu dài.

TT.Thích Nhật Từ
Trích từ cuốn sách "Phương trời thong dong"

CON CÁI VÀ CHA MẸ Ở KIẾP NÀY CÓ DUYÊN NỢ GÌ VỚI NHAU?

Thích Tánh Tuệ

Xét về nghiệp quả nhân duyên giữa cha mẹ và con cái, nhà Phật cho rằng: Con cái đến với cha mẹ ở kiếp này là có 4 loại:

Một là đến để báo ơn,
Hai là đến để đòi nợ,
Ba là đến để trả nợ,
Bốn là đến để báo oán.

Nếu không có nợ nhau thì không có gặp gỡ, hãy cùng xem câu chuyện dưới đây để hiểu hơn về điều này.

- Ở một ngôi làng kia có một cặp vợ chồng nông dân. Hai vợ chồng họ mãi mới sinh được một cô con gái. Nhưng con gái họ vừa chào đời đã có nhiều bệnh tật, thường xuyên ốm yếu. Cũng chính vì có một đứa con mà con lại ốm yếu nên hai vợ chồng họ rất sủng ái đứa con này, đứa trẻ muốn gì được đấy.

Vì để chữa bệnh cho con gái, tiền của và tài sản trong nhà họ lần lượt ra đi. Vào năm con gái họ tròn 18 tuổi, tài sản trong nhà chỉ còn lại 1 con ngựa duy nhất. Một ngày, con gái họ lại chỉ vào con ngựa này và nói: “Con muốn ăn thịt ngựa, cha mẹ hãy làm thịt con ngựa này đi.”

Hai vợ chồng người nông dân nhìn con ngựa khỏe mạnh, là tài sản duy nhất trong nhà, giúp làm việc đồng áng nên không lỡ lòng giết nó. Nhưng nhìn cô con gái duy nhất đang nằm trên giường thoi thóp thì trong lòng lại thấy đáng thương.

Trong lúc hai người họ còn đang phân vân thì cô con gái kia lại nhắc lại một lần nữa: “Con đang rất muốn ăn thịt ngựa. Cha mẹ không giết thịt con ngựa này đi thì con sẽ chết mất.”

Hai vợ chồng họ thấy con gái nói như vậy liền vô cùng luống cuống hoảng loạn liền mang con ngựa ra giết thịt. Sau khi làm thịt con ngựa, vợ chồng họ làm món hầm cho con gái ăn. Nhưng thật không ngờ, chỉ nửa canh giờ sau khi ăn, con gái họ nằm trên giường mà chết.

Hai vợ chồng người nông dân gào khóc thảm thiết. Hàng xóm láng giềng đến an ủi động viên nhưng cũng không thể làm vơi đi nỗi đau mất con trong lòng họ.

Con gái chết đi là một sự đả kích rất lớn đối với họ. Mặc dù họ biết rằng, từ khi con gái ra đời đều là mang đến vô cùng nhiều họa nạn, đến mức mà ngay cả tiền làm tang chôn cất cũng không còn. Nhưng vì thương con, vợ chồng họ cũng không còn thiết sống, cả ngày thẫn thờ.

Thấy thương cho tình cảnh của hai vợ chồng họ, một người đàn ông trong làng đã tìm đến nhà nói với họ rằng: “Ở ngôi chùa ở phía nam của ngọn núi kia có một lão hòa thượng. Ông ấy có thể giải phá được rất nhiều chuyện ly kỳ. Hai người thử lên núi tìm gặp lão hòa thượng để hỏi về chuyện của con gái hai người xem.”

Thế là, hai vợ chồng người nông dân này trèo đèo lội suối tìm đến gặp lão hòa thượng để thỉnh giáo. Sau khi kể hết sự tình về con gái từ khi ra đời đến lúc mất đi, người chồng cất lời hỏi: “Thưa thầy, không biết nhân duyên kiếp trước của vợ chồng con và đứa con gái này là như thế nào ạ?”

Vị lão hòa thượng nghe xong không nói gì mà nhắm mắt lại ngồi thiền nửa ngày. Sau đó, ông chậm rãi nói: “Ở kiếp trước, thí chủ còn nợ con của thí chủ một khoản nợ nên kiếp này phải hoàn trả. Hai người có muốn biết kỹ càng về khoản nợ này không?”

Hai vợ chồng họ phủ phục trước mặt lão hòa thượng rồi nói: “Chúng con muốn biết nguyên nhân thực sự là gì? Xin lão phương trượng nói chi tiết ạ!”

Lão hòa thượng vừa nhắm mắt lại vừa chậm chạp nói: “Ở kiếp trước, con gái của hai người là thiên kim tiểu thư của một gia đình giàu có. Vào năm thiên kim tiểu thư này 18 tuổi, cha mẹ họ cùng cô con gái của mình đi thăm người thân. Không ngờ giữa đường lại gặp một toán cướp. Thủ lĩnh của toán cướp đó chính là con ngựa của nhà thí chủ ở kiếp này, còn hai thí chủ khi đó là đám thuộc hạ của nó.(tức con ngựa kiếp này) Ba tên cướp này đã cướp sạch tài sản của nhà họ, giết chết cha mẹ cô gái, đánh đuổi người nhà họ, tên thủ lĩnh còn cưỡng hiếp cô ấy. Cuối cùng, vị tiểu thư này đứng trên vách núi thề rằng: “Kiếp sau nhất định ta phải lấy đầu tên thủ lĩnh này để trả mối hận trong lòng mình.” Nói xong, vị tiểu thư này nhảy xuống núi tự vẫn. Về sau, tên thủ lĩnh vì cướp bóc quá nhiều chết bị đầu thai thành súc sinh, còn hai thí chủ về sau có làm việc thiện nên vẫn được đầu thai làm người nhưng phải hoàn trả khoản nợ kia. Vị tiểu thư kia chuyển sinh làm con gái của hai người chính là để đòi nợ kiếp trước.”

Hai vợ chồng họ nghe xong nửa tin nửa ngờ: “Hòa thượng! Những lời ngài nói là thật sao?”

Lão hòa thượng nhìn hai vợ chồng họ rồi nói thêm: “Thí chủ hãy nghĩ lại tất cả mọi chuyện xảy ra với bản thân và cô con gái của mình thì sẽ thấy rõ điều này. Tất cả tài sản của thí chủ đều dùng để chữa bệnh và nuôi dưỡng con gái, đây chính là tài sản mà thí chủ lấy của người ta ở kiếp trước nay phải trả lại. Đến năm 18 tuổi, con gái thí chủ nhất định đòi giết thịt con ngựa kia, chẳng là ứng với lời thề kiếp trước sao?”

Hai vợ chồng người nông dân này bấy giờ mới ngẫm nghĩ lại thì thấy quả đúng là mọi chuyện đều y như lời vị hòa thượng nói. Họ lập tức bái lạy rồi thỉnh cầu: “Xin phương trượng chỉ bảo cách để chúng con thoát khỏi nghiệp lực này?”

Lão hòa thượng trả lời: “Chỉ có vứt bỏ cái ác, một lòng hành thiện, làm một người lương thiện thì mới có thể hóa giải hết được. Nếu làm việc ác thì kiếp này không trả, kiếp sau sẽ vẫn phải trả hết.”

Hai vợ chồng họ cung kính cảm ơn vị lão hòa thượng rồi ra về. Cũng từ đó, hai vợ chồng họ một lòng hướng Phật, làm việc tốt để mong sám hối cho những tội ác ở kiếp trước của mình và cũng là để gieo trồng phúc báo cho kiếp sau.

Namo Buddhaya

Thích Tánh Tuệ

NIỆM PHẬT VÃNG SANH

Tâm Trí

Hỏi: Mẹ tôi rất đam về pháp môn tịnh độ và niệm Phật vãng sanh. Mẹ bảo các con phải ráng niệm Phật thì đến lúc chết sẽ được vãng sanh. Khi tôi hỏi thì mẹ lại bảo chưa chết làm sao biết? Chẳng lẽ niệm Phật phải chờ chết mới được vãng sanh hay sao? Chẳng lẽ niệm Phật không vãng sanh được lúc còn sống hay sao?

Đáp: Đức Phật thuyết pháp 49 năm gom lại cũng chỉ có 2 ý chính, về mặt Không Gian là “Lý Nhân Duyên”, về mặt Thời Gian là “Lý Nhân Quả”. Dựa vào Lý Nhân Quả thì cái Nhân niệm Phậttức sẽ có Quả Vãng Sanh. Đấy là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, niệm Phật mà phải đợi chết mới cầu được vãng sanh thì cũng giống như là chế tạo máy bay mà không hề thử nghiệm trước là có bay được hay không, rồi nhảy vào để lái với hy vọng là nó sẽ bay được. Nếu trường hợp thành công bay được thì là chuyện đáng mừng, nhưng nếu không bay được, nữa đường gãy cánh thì xem như là toi mạng vô ích.

Pháp môn Tịnh Độ thật ra là một Pháp Môn tu rất hay. Tuy nhiên, vì thiếu người giảng giải cho nên Pháp Môn này đã bị “Đồng Hóa” hay là “Dân Gian Hóa” rất nhiều. Đôi khi nó còn pha lẫn cả Tà Kiến của ngoại đạo ở trong này

Trong Đạo Phật, cái chết để bỏ thân xác của mình để biến đổi qua một giai đoạn khác gọi là “Phần Đoạn Sanh Tử”. Cái chết thứ 2, nói theo thông thường là Đổi Đời, hay Làm Lại Cuộc Đời Mới, ví dụ như lúc trước là người xấu, bây giờ làm người tốt, một ý niệm xấu khởi lên là ta đang ở thế giới của Địa Ngục, của Ngạ Quỷ, của Xúc Sanh. Nhưng dẹp bỏ ý niệm xấu là ta đã sanh sang một thế giới khác của trời, người, hay Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Trong Đạo Phật gọi sự biến chuyển sanh diệt này là “Bất Tư Nghì Biến Dịch Sanh Tử”. Cái vãng sanh ở Tịnh Độ là ý nói đến “Bất Tư Nghì Biến Dịch Sanh Tử” này. Chỉ cần nhất tâm chuyên niệm, khởi một niệm lành thì ngay tức thì ta đã vãng sanh cực lạc và mang theo cả thân xác và nghiệp báo mà cũng chẳng cần đi đâu hết. Tịnh Độ Tông gọi cái này là “Đới Nghiệp Vãng Sanh”. Thử hỏi một người lúc còn sống niệm Phật với tâm Tham Sân Si (là Nhân của Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Xúc Sanh) thì làm sao mà có quả Tây Phương Cực Lạc? Thế nên Niệm Phật là phải vãng sanh liền ngay lập tức, phải thực chứng là vãng sanh ngây lúc còn sống. Niệm Phật là phải thấy an lạc, khinh an, gia đình hạnh phúc, mọi vật cỏ cây hoa lá đâu đâu cũng đẹp, đấy là đã vãng sanh vào cảnh giới Tây Phương như Phật Thích Ca đã giới thiệu trong kinh Vô Lượng Thọ rồi đấy. Từ chỗ thực chứng này ta có thể khẳn định rằn, cái Nhân Tây Phương Cực Lạc đã thành thục ngay lúc ta còn sống, thì đến lúc lâm chung, do căng lành đã gieo trồng thì tự nhiên nghiệp lực sẽ chiêu cảm đến cõi Cực Lạc mà không cần người nào hộ niệm. Luật Nhân Quả rõ ràng là như thế.

Để chứng minh vãng sanh Tây Phương là vãng sanh ở nội tâm và Tây Phương cũng chỉ là phương tiện của Như Lai nhằm giúp chúng sanh cột cái tâm để dễ dàng tu tập, vậy tôi xin chứng minh về điều này như sau:

Chứng minh 1:

Cùng một ngôi nhà, nếu mà đời sống hạnh phúc thì ta sẽ cảm thấy căng nhà đẹp và hạnh phúc. Nhưng cũng căn nhà này, lúc trong nhà có chuyện lộn xộn thì ta cảm thấy sống trong nhà khó chịu bực bội, là ngục tù, là địa ngục, là khổ đau. Như vậy, ở cùng một chỗ, nhưng thiên đàng hay địa ngục có phải là do “Tâm” của ta hay không? Nếu một người Tâm luôn khổ đau, thì đi đâu, sống ở đâu trong tam thiên đại thiên thế giới này cũng là đau khổ. Cho dù ở cõi Cực Lạc vẫn là đau khổ và cõi Cực Lạc sẽ biến ngay thành cõi Ta Bà. Các vua quan, tổng thống sống trong nệm ấm chăng êm, người hầu kẻ hạ, ai cũng cho là sung sướng, nhưng tâm hồn đau khổ thì vẫn cứ đau khổ thôi

Chứng minh 2:

Theo quan niệm thông thường thì mặt trời mọc ở hướng Tây. Khoa học bay giờ đã chứng minh là trái đất xoay quanh mặt trời, và ngay cả khi xoay quanh mặt trời, trái đất cũng xoay vòng không đứng yên ở một vị trí nhất định. Quý vị cứ lấy 2 vật tròn ra làm thí nghiệm, như là 2 trái banh. Trái thứ nhất đứng giữa làm mặt trời, trái thứ hai thì xoay quanh trái thứ nhất. Vậy có vị nào chỉ xem “Hướng Tây” là hướng nào? Dựa vào đâu để xác định là Hướng Tây? Mà Hướng Tây quý vị đưa ra có phải là chân lý hay không? Hay chỉ là “Phương Tiện” của Như Lai? Để mở gút ở điểm này Đức Phật đã khéo léo vận dụng ngôn từ “Đông Tây Nam Bắc, Tứ Chi, Thượng Hạ” để chỉ rõ 10 phương mà khoa học bây giờ cũng đã chứng minh là quả địa cầu lơ lững. Nếu không dựa vào hiện tượng vật chất để làm mốc điểm, thì không thể chỉ được phương hướng. Nhưng dựa trên một điểm nào để định hướng thì đấy chỉ là tương đối chứ không phải là tuyệt đối (Chân Lý là Tuyệt Đối).

“Giả sử” là có Hướng Tây, như vậy, nhìn từ Hướng Tây thì cõi chúng ta đang ở sẽ là Hướng Đông, vậy chẳng phải là ta đang ở cõi “Tịnh Độ Đông Phương của đức Dược Sư Lưu Ly” hay sao? Nếu đã ở cõi Tịnh Độ của Phật Dược Sư rồi tại sao lại còn Tham Sân Si Phiền Não? Đang ở cõi Tịnh Độ mà quý vị còn muốn chạy đi đâu nữa? Có phải là “đứng núi này trông núi nọ” hay không?

Chứng minh 3:

Nếu có vị nào nghiên cứu sâu về kinh điển Đại Thừa cũng điêu biết rằng, Pháp Giới là “Nhất Chơn”, tất cả chỉ là một. Dựa trên “Hình Tướng” thì có sự phân biệt chia cách. Nhưng dựa trên “Thể Tánh” thì tất cả đều là một. Thế nên kinh Hoa Nghiêm mới nói “Tâm, Phật và Chúng Sanh tuy 3 nhưng là một”. Nếu tất cả Pháp Giới là một vậy thì chỉ cân “Chuyển Đổi Cái Tâm” tức thì sẽ vãng sanh Cực Lạc. Nói đến đây nhiều người vẫn chưa tin. Bằng chứng là sau khi thành Phật dưới cội Bồ Đề, Đức Phật của chúng ta có được Bồ Đề Niết Bàn ngay trên mặt đất này mà đâu cần trốn chạy chỗ nào đâu? Các Hàng Thánh Chúng của Phật cũng có Bồ Đề Niết Bàn nhưng cũng đi đứng nằm ngồi như chúng ta đấy thôi? Vậy chẳng phải Vãng Sanh là Vãng Sanh ở Nội Tâm hay sao?

Chứng minh 4:

Trong kinh Duy Ma Cật ở lần hiện Tịnh Độ thứ nhất, ông Xá Lợi Phất (đại diện cho chúng ta) nghĩ rằn, chẳng lẽ Đức Thế Tôn (chỉ cho Phật Thích Ca) tu cái Nhân “Bất Tịnh” hay sao mà nay ngài lại làm Giáo Chủ ở cõi Ta Bà (Ta Bà dịch là Kham Nhẫn hay là chịu đựng mọi thứ khổ đau. Nếu chiếu theo luật Nhân Quả thì xem như là đúng rồi) Biết được ý nghĩ này, Đức Thế Tôn muốn cho đại chúng nhìn nơi mà chúng sanh gọi là cõi Ta Bà bằng cái nhìn của “Phật Nhãn”. Ngài liền ấn chân xuống đất thì lập tức Cõi Ta Bà liền biến thành Cõi Tịnh Độ.

Đoạn kinh này đã xác định rõ ràng ngay chính nơi đây là cõi Tịnh Độ của Phật Thích Ca. Chỉ cần Tâm Thanh Tịnh, nhìn bằng “Tuệ Nhãn”, nhìn bằng “Phật Nhãn” thì đây là Cực Lạc, là Tịnh Độ. Bằng không, nhìn “Nhục Nhãn” của phàm phu, nhìn bằng cái Tâm đau khổ thì đâu đâu cũng là Ta Bà, là chịu đựng, là đau khổ.

Mình đang sống ở cõi Tịnh Độ của Phật Thích Ca mà vẫn đau khổ, vậy nếu mình chạy sang cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà thì vẫn cứ đau khổ thôi. Ngay cả thi hào Nguyễn Du cũng nói là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”?

Chứng minh 5:

Cũng trong kinh Duy Ma Cật. Bồ Tát Duy Ma Cật dạy rằng:

“Tùy Kỳ Tâm Tịnh Tắc Phật Độ Tịnh

Dục Tịnh Phật Độ, Tiên Tịnh Kỳ Tâm”

Nghĩa là muốn có được cõi nước Thanh Tịnh của Phật, trước hết Tâm mình phải Thanh Tịnh. Là Vãng Sanh ở nội Tâm đấy.

Chứng minh 6:

Dựa vào câu “Nam Mô Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật” nghĩa là Phật A Di Đà ở khắp cùng trong tất cả Pháp Giới, vậy thì trên mặt đất này Phật A Di Đà cũng hiện hữu. Nếu chúng ta đang sống với Phật A Di Đà, vậy chẳng phải đây là Cực Lạc hay sao? Trong kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật cũng giới thiệu về Phật A Di Đà như vậy: “Đức Phật Như Lai kia đến không chỗ đến, đi không chỗ đi, không sanh không diệt, không có quá khứ hiện tại vị lai, chỉ có một nguyện độ sanh. Hiện ở phương Tây cách diêm phù đề này mười vạn ức cõi Phật, thế giới đó gọi là Cực Lạc, Pháp Tạng thành Phật hiệu là A Di Đà”. Nếu Phật A Di Đà “đến không chỗ đến, đi không chỗ đi” nghĩa là không đến cũng không đi. Sở dĩ mình thấy khách đến nhà chơi, có đến có đi là vì người đó không ở với mình. Còn nếu người khách đó không bao giờ rời xa mình thì mình không bao giờ thấy có đến có đi. Đây để nói lên “Tự Tánh Di Đà” của chính mình, là Phật Tánh, là Pháp Thân Như Lai, luôn hiện hữu trong ta. Cho nên một niệm Giác là sẽ thấy Phật, là sẽ sống trong thế giới an lành của Phật.  Vậy chẳng phải là Vãng Sanh hay sao?

Nói tóm lại, Pháp Môn Tịnh Độ niệm Phật để được vãng sanh rất tốt và rất có hiệu quả nhanh chóng. Nhưng vì không có người giảng giả cho nên đã số đại chúng đã hiểu sai lạc về pháp môn này. Lấy ví dụ một người đang tranh chấp gianh nhau bãi đậu xe. Vì lúc đang nóng giận (Nhân A Tu La), người này cầm cây đánh chết người kia. Kết quả là bị tù tội, đánh đập, giam cầm, rồi sống trong ăn năn hối hận (Quả Địa Ngục). Ngược lại lúc này người đó nhớ đến câu niệm Phật, lúc đó niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” cho dù là niệm Phật mà nghiếng răng, rồi không tranh cãi nữa, vậy là đã chuyển đổi ngay cái Nhân A Tu La và đóng bít cánh cửa Địa Ngục (không bị tù tội), để rồi có được sự tư do, an vui tự tại. Như vậy có phải là nhờ câu niệm Phật nên được vãng sanh ngay tức thì hay không? Công năng của niệm Phật rất lớn. Đấy cũng là do chính tự thân của mình tu tập. Nếu hiểu theo kiểu nhờ niệm Phật A Di Đà nên Phật mới đến rước, nghĩa là nếu không niệm Phật, không kêu tên ngài, thì ngài sẽ làm lơ không đến cứu, chẳng lẽ đức Phật lại còn ưa thích nịnh nọt, phải đợi người ta khóc lóc van xin mới cứu hay sao? Tâm đại từ đại bi đại hỹ đại xã của Phật chạy đâu mất tiêu rồi? Hiểu như vậy thì làm sao gọi Đạo Phật là “BÌNH ĐẲNG” cho được? Làm sao gọi là Tâm Đại Từ Đại Bi thương xót tất cả mọi chúng sanh?

Kết luận:

Niệm Phật Vãng Sanh là Vãng Sanh là Vãng Sanh ở Nội Tâm. Thế nên phải vãng sanh ngay bây giờ lúc chúng ta còn sống, còn thực chứng được. Đấy mới thật sự là Niệm Phật Vãng Sanh. Nếu niệm Phật bây giờ mà không vãng sanh nổi nghĩa là tham sân si còn đầy dẫy (Nhân), thì lúc chết sẽ không bao giờ vãng sanh nổi (Quả). Đấy, cái nhân tham sân si là của địa ngục ngạ quỷ xúc sanh thì làm sao ra quả Cực Lạc?  Cho nên, điều cần thiết là ngay bây giờ chúng ta phải gieo trồng Nhân lành, xã bỏ Tham Sân Si để chứng thực được Bồ Đề Niết Bàn (là hạnh phúc, là kinh an, là an lạc đấy) để sau khi xã bỏ thân này ta có thể đi theo Nghiệp Lực (Nghiệp Thiện) mà thọ báo một kiếp sống tốt hơn. Hãy nhớ rằn, chúng ta đang sống trong cõi Tịnh Độ của Phật Thích Ca, là đã vãng sanh rồi đấy. Đừng nên thả mồi bắt bóng chạy theo một hư ảo mà quên đi Bồ Đề Niết Bàn mà mình đã sẵn có.

“Thân người khó được, đạo pháp khó gặp, thời khắc dễ qua”

Nếu đã được thân người, gặp được Chánh Pháp thì phải nên trân quý, vận dụng Trí Tuệ, nắm lấy thời cơ để tu hành. Đừng đợi phải mất đi thân người rồi mới biết là vãng sanh hay không? Niệm Phật chờ chết mới được vãng sanh xem như là đi buôn lỗ vốn, đợi chờ những cái mà mình không thực chứng, lãng phí đi những ngày tháng tu hành và hạnh phúc hoặc là sự an lạc trong đời hiện tại.

LẠY PHẬT CÁCH NÀO ĐÚNG

Quảng Tánh - Như Nhiên

HỎI: Tôi được biết lạy Phật nên theo cách “ngũ thể đầu địa”, đại thể là hai chân, hai tay và đầu đụng mặt đất, tâm thanh tịnh và trang nghiêm. Tuy nhiên thực tế tôi thấy nhiều người lạy Phật với những cách thức khác nhau: Có người ngửa hai lòng bàn tay, trán cúi đặt vào lòng bàn tay. Có người thì úp hai bàn tay xuống đất, trán cúi đặt vào lưng bàn tay. Có người thì trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán. Có người khi cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc. Có người cúi lạy xuống thì ngẩng đầu lên ngay. Tôi không biết cách lạy nào đúng? Ý nghĩa của cách thức lạy ấy thế nào? Kính mong quý Báo hướng dẫn.

(CHÁNH TÂM, tanlochappy@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Bạn Chánh Tâm thân mến!

Đúng như bạn nói, lạy Phật theo cách “ngũ thể đầu địa” là thể hiện lòng tôn kính nhất. Ngũ thể đầu địa có nghĩa là năm vóc (đầu, hai tay và hai chân) gieo sát đất. Theo Phật Quang đại từ điển, tập 3, dẫn sách Đại Đường Tây Vực ký(quyển 2), nói về cách lạy Phật “năm vóc gieo xuống đất” gồm: Trước hết, quỳ gối bên phải (gồm toàn bộ gối, cẳng chân và mu bàn chân) sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc, như thế gọi là một lạy.

Điều cần lưu ý là động tác “hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán”. Động tác này biểu thị cho việc hai tay người lạy nâng bàn chân của Thế Tôn cung kính đảnh lễ . 

Cho nên, cách lạy này còn gọi là “đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” (đầu mặt chạm chân Thế Tôn cung kính lễ lạy). Như vậy, cách lạy mà bạn mô tả “trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán” là đúng với cách lạy “ngũ thể đầu địa”.

Một điều nữa cần lưu tâm là “đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc”. Việc cúi lạy rồi “giữ yên một lúc” là rất cần thiết vì không chỉ thân mà cả tâm đều cung kính lễ. Do đó, cần một khoảng thời gian để dốc hết tâm tư cung kính lễ lạy Phật. Lạy Phật nên chậm rãi, thong thả mới trang nghiêm và thành kính. Nên, những ai “cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc” là đúng với quy cách lạy “ngũ thể đầu địa”.

Theo Hoa nghiêm kinhtùy sớ diễn nghĩa sao, khi kính lễ Tam bảo năm vóc gieo sát đất có ý nghĩa nhiếp phục sự kiêu mạn và tỏ lòng thành kính: 1. Khi gối bên phải sát đất nguyện cho chúng sanh được đạo chánh giác. 2. Khi gối bên trái sát đất, nguyện cho chúng sanh không khởi tà kiến ngoại đạo, tất cả đều an trụ trong đạo chánh giác. 3. Khi tay phải sát đất, nguyện như Thế Tôn ngồi tòa kim cương, đại địa rúng động, hiện bày tướng lành, chứng nhập đại Bồ-đề. 4. Khi tay trái sát đất, nguyện cho chúng sanh xa lìa ngoại đạo, khiến họ vào chánh đạo. 5. Khi đỉnh đầu sát đất, nguyện cho chúng sanh lìa tâm kiêu mạn, đều được thành tựu vô kiến đỉnh tướng.

Chúc bạn tinh tấn!
Quảng Tánh - Như Nhiên

BẢY CÁCH LỄ PHẬT

Tâm Trí

Hỏi: Tôi thấy có nhiều tông phái hay ở các chùa, các đạo tràng cách lạy Phật không giống nhau. Vậy xin hỏi là có bao nhiêu cách để Lễ Phật?

Đáp: Trước hết ta phải phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa “Lạy” và “Lễ”. Lạy là nói trên hình thức của Thân, được biểu hiện qua hành động đứng lên lạy xuống. Có người thì lạy úp hai bàn tay xuống, có người lai ngửa hai bàn tay lên, có người lại lạy theo ngũ thể đầu địa, người Tây Tạng thì lạy bằng cách nằm ẹp dài xuống đất, v.vv… Lạy chỉ là một phương tiện rất thấp. 

Lễ không nằm trong phạm vi hạn hẹp của sự đứng lên lạy xuống, mà Lễ là nói chung cho cả Thân và Tâm. Bài viết hôm nay xin chú trọng về “Lễ Phật”. Nếu biết lễ đúng cách thì quý vị cũng có thể đạt được sự giải thoát Giác Ngộ.  Lễ Phật được chia ra làm 7 cách:

  1. Ngã Mạng Lễ
  2. Cầu Danh Lễ
  3. Thân Tâm Cung Kính Lễ  
  4. Phát Trí Thanh Tịnh Lễ
  5. Biến Nhập Pháp Giới Lễ
  6. Chánh Quán Tâm Thành Lễ
  7. Thật Tướng Bình Đẳng Lễ

Ngã Mạng Lễ - Đây là cách hành lễ mà vẫn còn ngã mạng, vẫn còn tự tôn, không có sự thành tâm hay cung kính. Ví dụ như các Tiểu ở chùa bị sư phụ phạt lễ lạy, vì đang bị phạt trong lòng còn đầy sân hận, thân thì lạy theo tiếng chuông, nhưng tâm thì không phục

Cầu Danh Lễ - Đây là cách hành lễ trên hình thức lòe loẹt bên ngoài để cầu danh lợi, để được ngợi khen là sư ông sư bà đúng là chơn tu, chỉ làm ra vẽ bên ngoài khi có khách hay là thập phương bá tánh bổn đạo viến thăm. Nhưng thật chất hàng ngày thì biếng nhác không chuyên tâm cầu đạo. Hoặc là ông A bà B lên chùa thì xâu chuổi đeo đầy mình, lên chánh điện thì chen lấn xô đẩy người này người kia để được đứng trước tượng Phật để lễ lạy để được khen là thành tâm cúng Phật.

Thân Tâm Cung Kính Lễ - Đây là cách hành lễ của những người bình thường, tuy chưa hiểu nhiều về đạo, nhưng đến chùa (hoặc là lạy Phật ở nhà) với lòng tin vào Tam Bảo và khi lễ lạy rất chí thành

Phát Trí Thanh Tịnh Lễ - Đây là cách hành lễ của những người hiểu đạo, biết tư duy học hành theo kinh điển để Trí Tuệ phát sinh. Tuy Thân không có lạy Phật, nhưng phát sinh Trí Tuệ là được kể như là một cách hành lễ

Biến Nhập Pháp Giới Lễ - Đây là cách hành lễ bằng cách mở rộng Tâm mình ra bên ngoài, dẹp bớt những cái trần tướng phiền não bình thường, nhìn cỏ cây hoa lá đâu đâu cũng đẹp, cũng thanh tịnh, lúc này Tâm có được khinh an, nhẹ nhàng, không cần có đối tượng mà Tâm vẫn có được sự an lạc

Chánh Quán Tâm Thành Lễ - Đây là cách hành lễ bằng cách vận dụng tư tưởng trong chánh niệm để tu tập Chỉ và Quán. Chỉ là chặn đứng các Vọng Tưởng, Quán là đặc vấn đề Quán cái gì, như là Quán Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Quán Bất Tịnh, v.vv..

Thật Tướng Bình Đẳng Lễ - Đây là cách hành lễ bằng cách học đạo tư duy nghiên cứu cho đến khi nào không còn chấp ngã, thấy được Thật Tướng Của Vạn Pháp là Vô Tướng, thấy được sự vật Sắc Chẳng Khác Không, Không Chẳng Khác Sắc

Nhìn bằng Đạo Nhãn, 3 cách hành lễ đầu tiên gọi là “Sự Lễ”, là cách hành lễ hạng bét. Vì Sao thế? Vì đấy chỉ là hình thức bên ngoài, bất quá thì chỉ giản gân giản cốt, không đem lại được sự giải thoát Giác Ngộ. Là một người Trí, chúng ta phải xát định rõ ràng, mục đích ra đời của chư Phật là gì? Và tại sao chúng ta lại lễ lạy Phật?

Chư Phật ra đời nhằm mục đích nguyện độ chúng sanh chứ không phải là ngồi để cho quý vị lễ lạy (Phật không còn cái ngã mạng là ngồi để cho quý vị lễ lạy đâu nha). Sở dĩ chúng ta lạy Phật là do lòng kính quý của chúng ta đối với vị thầy của trời người, đã khai sáng cho chúng ta con đường giải thoát, và mỗi lần lễ lạy ông Phật bên ngoài, lại nhắc nhỡ chúng ta rằng, mình còn có ông Phật bên trong, đó là ông Phật Tâm của chính mình. Và làm sao để ông Phật Tâm của chính mình có được giải thoát giác ngộ, đấy mới thật sự là Lễ Phật và đền đáp công ơn của chư Phật.

Như vậy 4 cách hành lễ sau cùng là hành lễ bằng Tâm (bằng Trí), có thể đưa chúng ta đến giải thoát và giác ngộ. Đấy mới thật sự là LỄ PHẬT.

ĐƯA ÔNG TÁO VỀ TRỜI

Hôm nay ngày 23 Tết Âm lịch, năm nào cũng vậy, mọi nhà lo mua ba bộ mũ, hia, giày và một con cá chép sống để cúng tiễn đưa ông Táo về Trời và ông Táo sẽ tâu trình với Ngọc Hoàng các việc làm ác, thiện của gia chủ. Như vậy có không, có người còn bảo, năm nào mà không mua mũ cho ông Táo thì đêm đến nằm mơ thấy ông Táo về đòi. Như vậy có đúng không ?


Đáp: Ông Táo là một chuyện mê tín của dân gian, mục đích là để răn người đừng làm điều ác, vì làm điều ác là ông Táo sẽ về chầu Trời tố cáo tội ác trong năm, rồi Ngọc Hoàng sẽ cho giáng họa và người làm ác sẽ chịu biết bao nhiêu đau khổ. Mũ hia, áo mão của ông Táo giống như mũ hia, áo mão của một vị quan phong kiến. Ông Táo không có thật, mà chỉ là trí tưởng tượng của loài người, để khiến cho người ta sợ mà không làm điều ác.

Từ câu chuyện dân gian răn nhắc đừng làm ác, biến dần thành một phong tục, đến cuối năm nhà nào cũng đều cúng ông Táo, để ông về tâu bớt những chuyện làm ác của mình, để ông Trời không  có  gieo  tai  họa.  Câu  chuyện  biến  dần thành câu chuyện lo lót hối lộ. Từ câu chuyện răn nhắc đừng làm ác thì dần dần biến thành phi công lý, phi đạo đức (hối lộ mũ hia, giày, quần áo, cá chép, cúng bái thần linh là một hình thức hối lộ).

Nằm mộng thấy ông Táo về đòi, đó là tưởng mộng chớ ông Táo đâu có thật. Người ta huyền thoại nhiều câu chuyện về Táo quân “Một bà hai ông”, bây giờ đã thành một phong tục truyền thống dân tộc, cứ đến ngày 23 tháng chạp nhà nhà đều cúng đưa ông Táo về trời. (Nguồn: TTL)

HIÊN TƯỢNG PHẬT SỐNG, VÀ LÀM SAO ĐỂ THẤY ĐƯỢC MỘT VỊ PHẬT HAY BỒ TÁT?

Tâm Trí

Hỏi:Gần đây lại có tin đồn hiện tượng “Phật sống”và cũng có một số người đã xác nhận là đã gặp qua Phật sống. Vậy tin này có thể tin được không? Và làm sao để có thể thấy được một vị Phật hay Bồ Tát?

Đáp: Trên căn bản, danh từ “Phật sống” là đã sai đối với giáo lý của Đạo Phật. Đã gọi là Phật sống tức là phải có Phật chết. Nhưng Phật có chết hồi nào đâu mà bảo là Phật sống hay là Phật chết? Chẳng lẽ đã là Phật, là Như Lai Thế Tôn mà lại còn sống chết như phàm phu hay sao? Vậy làm sao gọi Phật là đã chấm dứt sanh tử luân hồi? Cho nên những người phao tin, cũng giống như là những người xác nhận đã thấy qua Phật sống, thật ra chẳng biết Phật là gì, mà chỉ tự dối mình gạt người và đánh lừa lòng tin của những Phật Tử nhẹ dạ, chưa thâm nhập vào Đạo Phật.

Có 3 điều đáng lưu ý ở sự kiện này:

1.Thuở xưa, Đức Phật Thích Ca (cũng như là các vị Phật khác) đã từ bỏ vương vị, tiền tài danh vọng, cung vàng điện ngọc, chỉ còn lại 1 bình bát và 3 y,  để có được bồ đề niết bàn. Bây giờ chúng ta lại đem những của cải tài vật đến cho Phật, những cái mà ngài đã bỏ đi từ lâu vì chính nó là “nguyên nhân của Phiền Não”, vậy chẳng phải là “Phỉ Báng Như Lai” hay sao? Các chư Phật ra đời là nhằm mục đích độ thoát chúng sanh, chứ không phải ngồi để cho chúng ta lễ lạy. Chẳng lẽ Như Lai Thế Tôn đại từ đại bi, đại hỹ đai xã lại còn cái ngã mạn là ngồi để cho chúng ta lễ bái hay sao? Cho nên chẳng có ông Phật nào mà ngồi ở không để nhận lễ lộc cúng bái của quý vị đâu nha.

2.“Lại nữa, Xá Lợi Phất! Các Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đó tự cho mình đã đặng A-la-hán, là thân rốt sau rốt ráo Niết bàn, bèn chẳng lại quyết chí cầu đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nên biết bọn đó là kẻ tăng thượng mạn” (kinh Pháp Hoa)

3.Phật hỏi: “Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng? Như Lai có pháp để nói chăng?” Tu Bồ Đề thưa: “Theo con hiểu về nghĩa Phật đã nói thì không có pháp cố định gọi là Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không có pháp cố định Như Lai có thể nói. Tại sao? Pháp do Như Lai nói đều chẳng thể chấp lấy, chẳng thể nói, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai khác.” (kinh Kim Cang) – Qua đoạn hội thoại này, ta có thể hiểu được, sở dĩ gọi là Như Lai Thế Tôn, là Phật, vì ngài đã không còn có ý niệm ngài là Như Lai Thế Tôn. Nếu ngài khởi niệm thì tuyệt không phải là Như Lai Thế Tôn nữa vì khi đã thành Phật thì không còn chấp vào 4 tướng là Tướng Ngã, Tướng Nhơn, Tướng Chúng Sanh, và Tướng Thọ Giả.

Qua 3 điểm trên, ta có thể khẳn định ông nào tự xưng là Phật sống, là Bồ Tát, là đã chứng thánh quả ngồi cho quý vị lễ lạy cúng bái, thu nhận tiền của, thì ông đó, không phải là “bị chạm dây” thì cũng là “Phàm Phu Thứ Thiệt 100% đấy”

Trả lời câu hỏi thứ 2,làm sao để có thể thấy được một vị Phật hay Bồ Tát? Cõi Ta Bà mà chúng ta đang sống được gọi là “Thánh Phàm Đồng Cư Độ”, nghĩa là chư Phật, chư Bồ Tát và Phàm Phu chính hiệu 100% đều sống chung lẫn lộn.Cho nên, muốn thấy Phật và Bồ Tát cũng không khó, chỉ cần có “Trí Tuệ” là có thể thấy được. Vậy trước hết ta hãy định nghĩa Phật và Bồ Tát là gì?

Phật là gọi tắc của hai chữ “Phật Đà” nói theo tiếng Pali (Phạn Ngữ), dịch sang tiếng Hán-Việt là “Giác Giả”, có nghĩa là “Người Tỉnh Thức”. Nói như vậy có người lại hỏi, tôi đang tỉnh, đang nói chuyện, vậy có phải tôi cũng là người tỉnh thức hay không? Xin thưa không. Quý vị chỉ đang tỉnh ngủ thôi. Tất cả chúng ta nhìn thì dường như không khác biệt, nhưng thật sự là “đang đắm chìm trong sông mê, biển ái, sanh tử trầm luân” mà lại không hề nhận thức, lấy giả làm thật, lấy khổ làm vui, lại cho đó là thật. Thế nên Phật mới bảo là chúng sanh mộng tưởng điên đảo.

Bồ Tát là gọi tắc của Bồ Đề Tát Đỏa. Vào đời Dao Tần, ngài Cưu Ma La Thập dịch là “Thành Tựu Chúng Sanh Đại Đạo Tâm”. Nghĩa là nếu có chúng sanh nào phát nguyện đi trên con đường rộng lớn (là con đường thoát ly sanh tử), thì người đó chính là Bồ Tát.Trong bài kệ hồi hướng có đoạn “Thế thế thường hành Bồ Tát đạo. Nguyện sanh Tây Phương tịnh độ trung”. Nếu quý vị đã nguyện là thường hành Bồ Tát đạo, nghĩa là làm việc làm của Bồ Tát, như vậy quý vị là Bồ tát rồi đấy. Nhưng là “sơ phát tâm Bồ Tát”. Phải còn tu lâu dài nữa mới diệt trừ được tham sân si phiền não.

Sau này đến đời nhà Đường, ngài Huyền Trang dịch là “Hữu Tình Giác” nghĩa là Chúng Sanh Hữu Tình đã có sự tỉnh thức (không còn mê). Tuy nhiên quý vị đừng nghĩ “Tỉnh Thức” là hoàn toàn Giác Ngộ như Phật. Ba La Đề Mộc Xoa dịch là “Giới”, nghĩa là “Biệt Biệt Giải Thoát”, tức là “sự giải thoát từng phần”. Nếu có vị nào giữ được 2 giới là đã chứng được 2 phần và cũng đã có sự giải thoát hay là tỉnh thức được 2 phần. Giữ được 10 giới thì giải thoát được 10 phần. Bồ Tát cũng được dịch là Giác Hữu Tình” nghĩa là đem sự tỉnh thức của mình để đánh thức những Chúng Sanh Hữu Tình khác. Nói tóm lại, Bồ Tát là một người tỉnh thức chuyên làm việc lợi lạc cho chúng sanh.

Theo như trong kinh Hoa Nghiêm, khi một thế giới mới được hình thành thì chư Phật và Bồ Tát liền thị hiện xuống làm những vị thuốc, làm nhữ vị tổ của các nghành nghề để giúp đỡ, truyền dạy và hóa độ cho chúng sanh ở quốc độ đó. Cũng với ý này, trong kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Quán Thế Âm dạo chơi ở cõi Ta Bà qua 32 Ứng-Hóa-Thân. Như vậy, nếu quý vị quán sát đến những người chung quanh (“dùng Trí để quán sát” không được dùng tình cảm), những vị “Chơn Tu”, những người xuất gia hay không xuất gia, bất kể là màu da, chủng tộc, hay Tôn Giáo, đã không cầu danh lợi, bỏ cả cuộc đời để đi làm việc lợi lạc cho chúng sanh, hay là những vị tổ của các nghành nghề. Nhìn bên ngoài thì không khác với chúng ta, nhưng đích thực đấy là những vị Phật và Bồ Tát thị hiện để hóa độ chúng sanh.

PHẦN ĐỌC THÊM

Phần trả lời trên, xem như là khá đầy đủ chi tiết cho những người chưa hiểu nhiều về đạo. Tuy nhiên, xin khai triển thêm ở điểm này, hằng mong những ai có “Chủng Tử Đại Thừa” có thể lĩnh hội thêm nét sâu sắc của đạo Phật.

Như đã trả lời ở phần trên, tuy chư Phật và các hàng “Đại Bồ Tát” thị hiện khắp nơi để giáo hóa chúng sanh. Nhưng khi đã thâm nhập sâu vào đạo thì đừng nên chạy tìm cầu các ông Phật hay Bồ Tát nào ở bên ngoài nhé, Phật rầy nặng lắm đấy.

Thế nào là kẻ “Ngoại Đạo”? Đa số các Phật Tử ai cũng cho rằng các đạo khác như là Thiên Chúa Giáo hay là Hồi Giáo là ngoại đạo chứ gì? Xin thưa đấy là một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Những người Phật Tử đôi khi cho mình là “Nội Đạo”, nhưng thật ra là ngoại đạo đấy. Lục Tổ Huệ Năng định nghĩa như thế này: “Thế nào là kẻ ngoại đạo? Chính là kẻ cầu tìm Phật Pháp ở ngoài Tâm”. Vậy những ai đi tìm cầu Phật Pháp ở bên ngoài mà không hề biết, không hề tìm cầu ông Phật ở trong Tâm mình để sớm đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (là thành Phật), thì đều là những kẻ ngoại đạo. Vậy thì hãy xem lại xem mình là Nội Đạo hay là Ngoại Đạo nhé. Phật nói 4 câu kệ trong Kinh Kim Cang cũng là ý này:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thinh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”

Đây là 4 câu kệ trong kinh Kim Cang, nghĩa là nếu có kẻ tìm cầu mong được thấy Phật bằng âm thanh hay sắc tướng, qua 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, muốn đến chiêm ngưỡng lễ bái ông Phật biết đi, biết đứng, biết nói biết cười, kẻ đó đang làm việc tà, không bao giờ biết được Như Lai là như thế nào (Phật rầy những ai tìm cầu ông Phật bên ngoài là tà đạo đấy)

“Phật hỏi: Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể ở nơi thân tướng mà thấy được Như-lai chăng? Thưa không, Thế-tôn! Không thể ở nơi thân tướng mà thấy được Như-lai. Vì sao? Như-lai nói thân tướng đó, tức chẳng phải thân tướng. Phật bảo Tu-bồ-đề: Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, thì thấy Như-lai (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai.)” – Kinh Kim Cang

Qua đoạn hội thoại trên, ta có thể hiểu được rằng, dựa vào thân tướng bằng xương bằng thịt, biết đi, biết đứng biết nằm biết ngồi mà cho đó là thân của Phật vậy là chưa biết gì về Phật. Vì sao thế, đó chẳng qua là những giả hợp do nhân duyên nương gá nhau để tạo thành, nào phải là thân Phật (cũng gọi là thân Như Lai). Muốn thấy được Phật thì phải thấy cho được “Pháp Thân Phật”. Pháp Thân Phật còn được gọi là Tỳ-Lô-Giá-Na dịch là “Biến Nhất Thiết Xứ” mà Pháp Thân Phật là Bất Sanh Bất Diệtbởi lẽ đó là tự tánh thanh tịnh, là bản thể chơn như, cùng khắp Pháp Giới vô thỉ vô chung. Thế nên, muốn thấy Pháp Thân Phật là phải thấy cho được“Vô Tướng”. Vậy Vô Tướng là gì? Vô Tướng là “Tướng Không”, nghĩa là khi nhìn vào các tướng mà không bị “dính mắt” (nghĩa là không chấp vào 4 tướng, không có sự phân biệt đối đãi – Nhìn bằng “Thập Như Thị”) và hiểu rõ tất cả đều do nhân duyên nương gá hợp thành, “Không có tác giả cũngKhông Có Tự Thể Riêng Biệt Của Chính Nó” thì người đó mới thấy được “Thật Tướng của Như Lai”. (Xin nói thêm, cổng Tam Quan ở chùa là tượng trưng cho Cửa Không-Vô Tướng-Vô Tác)

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phât dạy rằng: “Giả sử cúng dường Hằng Sa Thánh. Không bằng kiên dõng cầu Chánh Giác”. Nghĩa là giả sử có người cúng dường các chư Phật nhiều bằng số cát của Sông Hằng, thì Phước Đức cũng không bằng người này tự cầu đạo và giải thoát cho chính mình. Vì sao thế? Vì chỉ lo cúng dường ông Phật bên ngoài chỉ là “phương tiện râu ria bìa chéo”. Nói dễ hiểu hơn là cho dù người nào làm vua cũng đâu bằng chính mình làm vua? Thế nên, phải tìm cầu cho được ông Phật Tâm của mình để có được Giải Thoát Giác Ngộ cho tự thân đó mới thật sự là cứu cánh. 

Nói như vậy có người lại hiểu là từ nay lên chùa gặp các ông Phật đồng Phật đất thì không cần lễ lạy kính quý nữa. Trên lý là nói như vây, tuy nhiên, không phải thế. Kính quý là sự biểu hiện của sự biết ơn của chúng ta đối với vị thầy của trời người, đã khai sáng cho chúng ta con đường giải thoát. Lễ lạy là tập thể dục, tốt cho sức khỏe, và mỗi lần lễ lạy ông Phật bên ngoài, lại nhắc nhỡ chúng ta rằng, mình còn có ông Phật bên trong, đó là ông Phật Tâm của chính mình!!

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Hỏi: Xin được giải thíchvề sự hồi hướng công đức. Cũng xin hỏi thêm: “Công đức được hồi hướngcó đến với người không làm nên việc thiện, thậm chí đã hay đang làm ác không? Việc hồi hướng trái với nhân quả hay không?” V.T. Ân (Nguyễn Biểu, Q. Ba Đình, Hà Nội)

Đáp:

Hồi hướng công đức là ý niệm do Phật giáo Đại thừa triển khai, được trình bày rất đa dạng nên có thể khiến người ta hiểu theo nhiều cách. Về công đức (Punya, Guna) được Đại thừa nghĩa chươnggiải thích: “Công là công năng làm tăng trưởng phước lợi, công là đức của người tu hành nên gọi là công đức”. Theo đó, công tạo ra phước lợi nhân quả, đức là đức độ, đức hạnh và công cũng được hiểu biết là công đức. Sách Thắng Man Bảo Quật ghi: “Hết sạch đều ác gọi là công, điều thiện tràn đầy gọi là đức”. Theo đó, công đức là sự toàn thiện.

Xưa kia, Lương Võ Đế hỏi sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma rằng vua đã cho lập chùa, bố thí, độ Tăng vô số, như thế vua được công đức gì không thì Sơ tổ đáp rằng không có công đức gì cả (xem Cảnh Đức truyền đăng lục). Lục Tổ Huệ Năng giảng rằng: “Đấy là cầu phước, không thể đem phước đổi lấy công đức (…). Công đức là ở trong pháp thân, không thể do tu mà được (…). Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm không ngừng trệ, thường thấy bổn thánh chân thật, diệu dụng, đấy gọi là công đức” (Xem Pháp Bảo Đàn kinh). Ở đây, công đức thuộc bình diện tuyệt đối, là chân như, bình đẳng, vô sai biệt. Từ các giải thích trên về công đức, ta có thể hiểu công là hành động, là công việc thực hiện, là tu hành, hành thiện; đức là sự phát triển tâm linh, là tánh hạnh, thiện căn tăng trưởng do kết quả của công và công cũng là sự thể hiện của cái đức bên trong. Công đức là sự viên dung giữa thể và dụng, tánh và tướng.

Hồi hướng (Paridanayati) là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng công đức (Pridana) nghĩa là bố thí (Dana) khắp cả (Pari), tức bố thí công đức của mình cho hết thảy chúng sanh. Sách Đại thừa nghĩa chương phân biệt ba ý nghĩa của hồi hướng công đức: a/mong cầu trí tuệ;
b/đem thiện pháp do mình tu được ban cho chúng sanh và
c/đưa thiện căn của mình đến pháp tánh bình đẳng như thật.
Có thể hiểu hồi hướng công đức là công hạnh tu hành vừa là lởi lạc, là sự thể hiện của từ bi (cũng là một công hạnh tu tập), thiện nguyện của người hồi hướng; và theo lý bình đẳng thì mọi chúng sanh đều được hưởng công đức hồi hương. Cũng trong ý nghĩa bình đẳng, vô chấp, vô phân biệt, kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ghi: “Hồi hướng mà không có một pháp nào được gọi là hồi hướng mới gọi là hồi hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (…), vì chư Phật dạy rằng hồi hướng thì không được chấp tướng”.

Thấy tánh, chân thật, bình đẳng (như ngài Huệ Năng giảng và đoạn trích trong Đại thừa nghĩa chương, đã dẫn) là những pháp vô vi thuộc chân lý tuyệt đối hay chân như thì không liên hệ gì đến lý nhân quả của thế giới hiện tượng (hữu vi) này. Do đó mọi chúng sanh đều được thọ nhận công đức hồi hướng. Mặt khác, về lý nhân quả thì tùy theo sức hồi hướng (tức trình độ tâm linh) của người hồi hướng và tùy theo nghiệp lực, nghiệp quả của mỗi chúng sanh mà sự thọ nhận có mức độ ít nhiều khác nhau. Đối với người không làm thiện, thậm chí làm ác thì người ấy cũng thọ nhận được đôi phần công đức; điều này không trái với lý nhân quả vì chắc chắn trong quá khứ, trong vô số kiếp trước, chắc chắn người ấy cũng có hành thiện, tích đức ít nhiều.

Hồi hướng công đức là mục tiêu, hướng đi của chư Phật, Bồ-tát; là một thể cách tu hành để phát triển tâm linh, thể hiện nguyện ước thiện lành, lòng từ bi cao độ mà mọi Phật tử nên thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày.

(Tạp chí văn hóa Phật giáo)

CẦU NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG CÓ TÁC DỤNG KHÔNG?

 Thích Phước Thái

Việc cầu nguyện đều theo như ý mình muốn hết, thì trần gian này chắc không ai dại khờ gì mà tu hành chi cho nó khổ sở mệt xác. Vì tất cả đều có chư Phật, Bồ tát lo hộ độ cho mình hết rồi. Hiểu đạo Phật theo kiểu đó, tức vô tình ta mắc phải cái tội là dìm đạo Phật vào con đường mê tín.

Hỏi: Kính bạch thầy, con có hai câu hỏi kính mong thầy giải đáp:

1. Mấy đứa con của con đều có tâm từ biết làm phước, bố thí, nhưng chúng nó chưa có hướng tâm về Tam bảo. Điều mà con mong muốn cho chúng nó nên hướng lòng về Tam bảo để lo tu niệm, nhưng không có đứa nào làm theo như ý muốn của con. Có phải đó là do căn duyên của chúng nó không? Và con phải làm sao?

2. Con có đứa con bị mang tật bẩm sinh và một đứa ham mê cờ bạc, con nghĩ đây cũng là do nghiệp duyên của nó, nên mỗi khi tụng kinh, niệm Phật, thì con đều hồi hướng công đức về cho chúng nó. Xin hỏi, như vậy có lợi lạc gì cho chúng nó không?

Đáp: Tôi rất cảm thông nỗi lòng đau khổ của phật tử và hơn thế nữa, với tâm tư sầu muộn lo âu trong trách nhiệm bổn phận của một người mẹ. Tôi xin được chia sẻ góp chút thành ý với phật tử qua hai câu hỏi đã nêu trên.

1. Việc bố thí làm phước của các đứa con của phật tử, thật đó là điều đáng khen ngợi vui mừng. Nếu các em không có thiện căn biết thương yêu người, thì làm gì các em có thể biết hành thiện như thế. Đó cũng là do nhiều đời các em đã có huân tập hạt giống lành vào trong tâm điền, nên nay các em mới có được phát tâm như thế. Phật tử chỉ nên khuyến khích các em cố gắng tu tạo thêm phước đức để được lợi mình và lợi người. Đó là điều cần khích lệ cho các em. Khích lệ chớ không phải là bắt buộc. Có nhiều người vì muốn cho con mình có phước, nên thường bảo các em phải cúng dường, bố thí v.v… Điều này, tất nhiên là có ý tốt, nhưng việc làm từ thiện không nên ép buộc. Có đôi khi, phật tử sẽ bị phản tác dụng, gây nên tình trạng không mấy tốt đẹp giữa tình mẹ con với nhau. Tốt hơn hết, là hãy để cho các em tự ý thức và phát tâm. 

Còn việc phật tử nói, các em chưa hướng tâm về Tam bảo, theo ý của phật tử mong muốn các em phải hướng về Tam bảo như thế nào? Có phải là các em nên đến chùa quy y thọ giới hay phải đi chùa thường xuyên hoặc là hằng đêm phải lễ bái tụng niệm v.v… Điều này, theo tôi, phật tử không nên mong muốn những gì ngoài khả năng tầm tay của mình. Việc hướng lòng về Tam bảo tu hành còn tùy thuộc vào căn duyên chủng tính của mỗi người. Không phải ai cũng có thể làm được. Nếu người đó thiếu căn lành với Phật pháp, thì dù mình có muốn cho họ thọ giới quy y hay đi chùa nghe kinh, tụng niệm, lễ bái… đâu phải là chuyện dễ làm. 

Thật ra, làm cha mẹ ai cũng mong muốn cho con mình đi theo con đường chính giáo đạo đức tốt đẹp, chớ không ai muốn cho con mình phải hư hỏng lầm đường lạc lối, đi vào con đường tà giáo tội lỗi. Nhưng xin thưa với phật tử, không phải cái gì mình muốn là được hết đâu. Muốn là một chuyện còn được hay không lại là chuyện khác. Nếu muốn cái gì cũng toại nguyện theo ý mình hết, thì cõi đời này chắc không còn một ai phải chịu nhiều đau khổ nữa. Vì mọi việc đều theo ý mình muốn hết rồi. Muốn trúng số độc đắc bạc triệu để mau làm giàu, mua vé số là trúng liền. Như thế, thì trần gian này sẽ trở thành cõi huỳnh kim thiên đường hạnh phúc. Người ta sở dĩ đau khổ thất vọng nhiều, chính là do những điều mong muốn mà không được toại ý. Đây là một trong tám nỗi khổ lớn của con người, đó là “cầu bất đắc khổ”.

Tại sao phật tử lại bắt chúng nó phải theo ý của phật tử? Nếu thế, thì chúng nó sẽ cho phật tử là một người độc tài độc đoán. Nhứt nhứt cái gì cũng phải theo ý của phật tử hết. Ý niệm mong muốn đó là nguyên nhân đưa đến cho phật tử phải đau khổ. Hẳn phật tử còn nhớ câu người xưa nói: “Sinh tử bất sinh tâm, sinh ngưu bất sinh giác”. Phật tử chỉ có thể sinh được cái hình hài thể xác của chúng nó thôi, chớ làm sao sinh được cái lòng dạ của chúng nó. Nghĩa là chúng nó muốn cái gì, suy tính nghĩ ngợi điều gì, thử hỏi làm sao phật tử có thể hiểu biết hết được? Phật tử nên nhớ, tư tưởng và quan niệm sống của mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Mình không nên bắt buộc người khác phải làm theo ý mình. Nếu thế, thì còn gì là tinh thần tự do, độc lập và làm sao phát triển tư tưởng theo chiều hướng tiến bộ được? 

Xưa kia, đức Phật khi thuyết pháp độ sinh, Ngài không bao giờ bắt buộc ai phải theo đạo của Ngài. Chủ trương của đạo Phật từ xưa tới nay và có thể nói mãi mãi về sau cũng thế. Đạo Phật không bao giờ khuyến dụ hay bắt buộc một ai theo đạo Phật cả. Vì đạo Phật lúc nào và bao giờ cũng tôn trọng quyền tự do tin tưởng chọn lựa quyết định của con người. Đức Phật chỉ đóng vai trò của một vị Đạo Sư chỉ đường vạch bày hướng đi mà thôi. Phật chỉ rõ con đường nào đau khổ và con đường nào dẫn đến hoàn toàn an lạc hạnh phúc, rồi từ đó để cho mỗi người tự do quyết định chọn lựa lấy. Đi hay không là phần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tuyệt đối, không bắt buộc ai cả. 

Tôi thành thật khuyên phật tử hãy để cho chúng tự quyết định, chúng ta hãy tôn trọng quyền tự do tư tưởng của mỗi người. Bổn phận làm cha, mẹ là có nhiệm vụ phân tích cân nhắc việc lợi và hại của những vấn đề tốt xấu, thiện ác, hay dở v.v… theo luật nhân quả và nghiệp báo. Từ đó, để tự con trẻ ý thức quyết định chọn lấy. 

Nói về việc tu hành như ở những câu trả lời của một vài câu hỏi trên, chúng tôi cũng đã có nói sơ qua. Nếu luận về sự tu hành, thì không nhất thiết là chúng ta phải đi chùa mới gọi là tu. Tu nghĩa là sửa đổi. Sửa những điều  xấu xa, hư tệ, hung dữ v.v… trở thành những điều tốt đẹp,  hiền lương, thiện mỹ cả thân lẫn tâm. Hiểu thế, thì ở bất cứ nơi đâu hay trong hoàn cảnh thuận nghịch nào mình cũng có thể tu hành được cả. Điều quan trọng là mình có ý chí cương quyết thực sự tu hay không mà thôi.

Ở đời, càng mong muốn thì lại càng đau khổ. Nhất là những điều mong muốn đó ngoài khả năng tầm tay của mình. Mong phật tử không nên mong muốn những gì ngoài ý lực khả năng của mình.

2. Việc phật tử tụng kinh niệm Phật cầu nguyện cho đứa con hư hỏng hiện đam mê trụy lạc vào con đường bài bạc, thật ra, việc cầu nguyện hồi hướng đó, tuy không phải là hoàn toàn không có ảnh hưởng, nhưng chỉ có được chút ít nhỏ nhoi phần nào thôi. Điều quan trọng là phải chính ở nơi đứa con đó. Làm sao cho nó phải tự thức tỉnh, cai nghiện bài bạc, thì nó mới hết khổ được. Nếu cầu nguyện được hết, thì thế gian này, chắc không còn ai đau khổ nữa cả. Nghĩa là không còn một ai phải chịu đau khổ vì những vấn nạn nghiện ngập bài bạc, rượu chè say sưa, hút chích xì ke ma túy. Nói tóm lại, là xã hội sẽ không còn những tội phạm gây nên những thảm họa và bị tù đày đau khổ như hiện nay. Thế giới loài người sẽ trở thành một thế giới Cực lạc hết rồi.

Thiết nghĩ, là phật tử tu học chơn chính, chúng ta cần phải tu tập hiện thực, không nên cái gì cũng tin tưởng hoàn toàn ỷ lại vào chư Phật, Bồ tát hết. Vì chư Phật, Bồ tát các Ngài cũng phải nỗ lực quán chiếu tự tu hành không ngừng, nên các Ngài mới thành tựu được đạo quả. Tuyệt đối, không ai tu thế cho ai, vì không thể người này ăn mà người khác no bụng được. Ai tu nấy thành ai hành nấy đắc. Nguyên tắc xưa nay là như thế. Còn việc cầu nguyện mong các Ngài gia hộ, đó là điều trợ duyên giúp sức phần nào thôi, chớ không phải đó là nguyên nhân chính yếu. Mà việc chính yếu là mỗi người phải tự tỉnh ngộ lo tu hành chuyển hóa hết vô minh phiền não, những tập khí xấu ác đầy dẫy trong tâm thức, có thế thì mới mong được hoàn toàn giải thoát vậy. 

Sự có mặt của chúng ta ở đời, là do báo nghiệp mà chúng ta đã gây tạo từ trước. Do đó, nên mỗi người có mỗi báo thân tốt xấu và hoàn cảnh sống khác nhau. Trường hợp đứa con bị khuyết tật bẩm sinh của phật tử cũng thế. Đó là do nghiệp quả của em. Theo luật nhân quả, tất cả khổ vui đều do mình tạo lấy. Làm lành làm dữ cuối cùng rồi cũng phải trả. Hiểu thế, thì chúng ta nên an vui mà trả nghiệp. 
Trong truyện Kiều có câu:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa..”

Tóm lại, việc thành tâm cầu nguyện của phật tử chỉ giúp được một phần nhỏ nhoi nào đó thôi, điều quan trọng là đương sự phải ý thức tự từ bỏ cái thói hư tật xấu nghiện ngập của chính mình. Không ai cứu thoát mình, mà chính mình phải tự cứu thoát lấy mình. Có thế, thì mới mong tiêu nghiệp hết khổ được. Bằng trái lại, không có một bàn tay thần thánh nào cứu thoát mình được cả. Đạo Phật hướng dẫn chỉ dạy cho con người rất ích lợi thực tế trong đời sống. Nếu con người y theo đó mà thật hành. Phải dựa trên nền tảng của triết lý duyên sinh, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, mà Phật Tổ đã chỉ dạy. Đó là những triết lý đạo đức căn bản nhằm xây dựng đời sống hướng thượng tròn phẩm cách của một con người. Nếu người Phật tử chịu khó áp dụng hành trì theo nguyên lý đạo đức căn bản qua 5 giới cấm của đạo Phật, thì chắc chắn người phật tử sẽ không còn đau khổ nữa.

Phật tử một mặt nên thành tâm cầu nguyện, mặt khác và thực tế cụ thể hơn, là nên tìm mọi phương cách để giúp đỡ cho đứa con của mình sớm được cai nghiện cờ bạc. Xin nhắc lại, nếu mọi việc cầu nguyện đều theo như ý mình muốn hết, thì trần gian này chắc không ai dại khờ gì mà tu hành chi cho nó khổ sở mệt xác. Vì tất cả đều có chư Phật, Bồ tát lo hộ độ cho mình hết rồi. Nghĩa là ta muốn cái gì được cái nấy. Hiểu đạo Phật theo kiểu đó, tức vô tình ta mắc phải cái tội mê tín. Kính mong phật tử lưu ý điều này. Kính chúc phật tử thân tâm thường lạc, trí huệ sáng suốt, nghị lực dồi dào để vượt qua mọi chướng duyên thử thách trên bước đường tu học Phật pháp.
Thích Phước Thái

VIÊN TỊCH và TÂN VIÊN TỊCH

Trần Việt Long

Trước đây do phương tiện truyền thông còn nhiều hạn chế nên người ta ít khi nghe và thấy chữ "Tân Viên Tịch" trong các văn thư, cáo phó, phân ưu, điếu từ và điếu văn trên các phương tiện truyền thông, nhưng gần đây người ta thấy chữ "Tân Viên Tịch" nhiều hơn trước để chỉ sự kiện một vị Tôn Đức Tăng Ni Giáo Phẩm vừa viên tịch.  Vậy trong thực tế có sự khác nhau giữa viên tịch và tân viên tịch không?

Trong Kinh Luận Đại Thừa thì có Tân Vãng Bồ Tát và Cựu Trụ Bồ Tát, tức là tên gọi để phân biệt Bồ Tát mới vãng sinh về cõi Tịnh Độ với Bồ Tát đã trụ ở cõi Tịnh Độ từ trước.  Nhưng đấy là một phạm vi kinh luận khác còn chữ "Tân" trong "Tân Viên Tịch" chỉ thuần là phạm vi ngôn ngữ mà thôi.  Về phương diện ngôn ngữ học thì chữ "tân" được dùng dưới ý nghĩa tỉnh từ (mới / new) nhiều hơn trạng từ (vừa / newly / recently) như tân hôn, tân lang, tân giai nhân, tân gia, v.v...; tuy thỉnh thoảng cũng có dùng, ở vị trí trạng từ, nhưng ít lắm, như tân trang, tân tạo.  Trong chữ "tân viên tịch" thì chữ "tân" (mới, vừa xảy ra) là trạng từ; chữ "viên tịch" là động từ.  Chữ "tân" trong "tân viên tịch" hoàn toàn không mang ý nghĩa "mới" (tân / new / tỉnh từ) để đối chiều với "cũ" (cựu / old, former / tỉnh từ) mà chỉ mang ý nghĩa "vừa xảy ra" (tân / newly, recently / trạng từ).

Về phương diện kinh luận Phật học thì chữ "tân viên tịch" cũng không được khế lý mặc dầu trong ý nghĩa xã hội thì có vẻ khế cơ.  Viên tịch hay niết bàn (Sancrit: Nirvàna / Pali: Nibbàna / Nir là không, không còn, không có; Vàna là vọng, tham, dục, dục vọng, tham vọng, vọng tưởng) là một biến cố cấp kỳ, xảy ra trong sát-na chớp nhoáng (mỗi ngày có 24 giờ và gồm 4.800.000 sát-na) như thổi tắt ngọn đèn, và có nghĩa là diệt tận vòng quay sinh tử luân hồi, hoàn toàn giải thoát để vào một cõi sống khác đầy an lạc.  Khoảnh khắc viên tịch như một niệm, khởi lên và tan biến ngay lúc đó như khi ta nghĩ về, nhớ đến hình ảnh người thân yêu thì hình ảnh đó hiện ra ngay cho dầu người thân của chúng ta đang ở đâu đó trên trái đất này.  Tình trạng đau yếu, và thời gian bệnh hoạn, kể cả khoảng thời gian lâm chung và trăn trối không phải là thời điểm viên tịch mà là giai đoạn trả nghiệp mà người lâm chung đã tạo ra trong cuộc đời của họ.  Để hình dung được sự viên tịch và hành viên tịch thì phải hiểu sát-na là gì?
" Nhất sát-na vi nhất niệm.
Nhị thập niệm vi nhất thuấn.
Nhị thập thuấn vi nhất đàn-chỉ.
Nhị thập đàn-chỉ vi nhất la-dự.
Nhị thập la-dự vi nhất tu-du.
Nhất nhật nhất dạ hữu tam thập tu-du.
一刹那为一念
二十念为一瞬
二十瞬为一弹指
二十弹指为一罗预
二十罗预为一须臾
一日一夜有三十须臾
1 sát-na là 1 niệm
20 niệm là 1 thuấn
20 thuấn là 1 đàn-chỉ
20 đàn-chỉ là 1 la-dự
20 la-dự là 1 tu-du
1 ngày 1 đêm có 30 tu-du."

["Nhất Sát-Na" Thị Đa Cửu / Huỳnh Chương Hưng dịch]

Như vậy trọn mỗi một ngày đêm trong 24 giờ thì có 4.800.000 sát-na và được tính như sau:

30 tu-du x 20 la-dự x 20 đàn-chi x 20 thuấn x 20 niệm = 4.800.000 niệm mà mỗi niệm là một sát-na.

Mỗi lời, mỗi chữ đều có nội hàm và ngoại diên của nó và nó còn tùy thuộc vào ngữ cảnh (context) mà thay đổi ý nghĩa nữa.  Trong ngôn ngữ thường dùng mỗi ngày chúng ta thường gặp những mâu thuẩn thật khó nói; chẳng hạn như, khi một tín hữu Thiên Chúa Giáo từ trần thì tang gia đưa ra một cáo phó với nội dung “Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn báo tin Cụ Phê-rô Nguyễn Văn A … đã được Chúa gọi về ngày …” và rồi sẽ nhận được nhiều phân ưu như “Nhận được tin buồn Cụ Phê-rô đã được Chúa gọi về ngày … chúng tôi xin thành kính chia buồn … .”  Được Chúa gọi về Nhà Cha ở trên Trời là một tin vui chứ sao lại tin buồn; tin buồn là khi nào bị Chúa gọi về mới hợp lý. 

Ngôn ngữ là một quy ước không thuần lý nên ở đây, là người Phật tử, chúng ta nên hiểu rõ sự khác nhau giữa hai chữ “Viên Tịch” và “Tân Viên Tịch” do tập tục lâu đời trong sinh hoạt sơn môn như sau.  Và ở đây cũng cần nói qua về ý nghĩa hai chữ “sơn môn” và “hệ phái.”  Sơn môn nghĩa đen là cổng chính của một ngôi chùa được kiến lập ở chốn núi rừng, nghĩa thông thường là cửa chùa, nhưng nghĩa rộng thường được dùng trong nhóm chữ “sơn môn hệ phái” thì sơn môn là chùa Tổ, là Tổ đình, là môn phái trong Phật giáo.  Sơn môn và hệ phái được hiểu như là một chi nhánh, một cấp nhỏ hơn của một Tông chính.

Khi một vị Tôn Đức Tăng Ni Giáo Phẩm cao cấp như các bậc Cao Tăng, Trưởng Lão, Đại Lão Hòa Thượng, Đại Lão Ni Trưởng, Hòa Thượng, Ni Trưởng hay vị Phương Trượng, Trụ Trì, Viện Chủ từ trần thì theo tập tục sơn môn, vị Tăng sĩ phụ trách giới luật, thanh quy phải viết tôn kính vị Tôn Đức đó là “Hòa Thượng, Thượng Tọa Tân Viên Tịch” để bày tỏ lòng thương tiếc và kính trọng theo đúng tinh thần văn hóa “tôn lão, kỉnh trưởng” của dân tộc Việt Nam.  Chữ “Tân Viên Tịch” được dùng từ ngày viên tịch cho đến khi xong Lế Giỗ lần thứ nhì, tức là mãn phục Đại Tường, và sau đó là Lễ Thỉnh Nhập Tổ Vị.

Khi một vị Tôn Đức Tăng, Ni còn tương đối trẻ tuổi và chưa giữ trách nhiệm Trụ Trì, Viện Chủ mà từ trần vì bất cứ nguyên do gì thì chúng ta, môn đồ, Pháp quyến, và đồng bào Phật tử xa gần vẫn chỉ nói và viết "Thượng Tọa / Đại Đức (Pháp danh) vừa viên tịch lúc 11 giờ 22 phút 33 giây ngày 14 tháng 11 năm 2015" như xưa nay mà thôi.

Trần Việt Long

San Jose, 15-11-2015

KHI CHẾT NGŨ UẨN DIỆT THEO NHƯ VẬY NẾU CHẾT MÀ DIỆT HẾT THÌ THOÁT KHỎI NGHIỆP CHĂNG?

Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo) Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính

Đức vua hỏi:

- Khi một chúng sanh chết ở đây, tái sanh chỗ khác thì thức của chúng sanh ấy có lìa khỏi ngũ uẩn này để tái sanh chăng?

- Chúng sanh chết thì ngũ uẩn diệt và thức cũng diệt theo, tâu đại vương .

- Thế tại sao Đức Thế Tôn có thuyết rằng, chúng sanh hằng đi theo nghiệp của mình và thức sẽ đi tìm cảnh thú tái sanh theo nghiệp ấy.

- Đúng là như thế.

- Xin đại đức giảng cho nghe.

- Thức tái sanh ấy được gọi là kết sanh thức, tức là thức nối liền từ kiếp này sang kiếp kia. Khi chết, thức diệt, không đi theo, nhưng nó tác động, chuyển hướng trong nháy mắt là kết sanh thức đi sang cảnh giới khác liền. Ví như người ta mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác. Lửa từ cây đèn bên này không đi sang cây đèn bên kia như thế nào, thì thức cũng không đi theo như thế ấy, tâu đại vương .

- Xin cho nghe thêm ví dụ.

- Thuở nhỏ đại vương có học toán số, văn phạm, sử truyện với các thầy phụ đạo phải chăng?

- Đúng thế.

- Thế thì toán số, văn phạm, sử truyện... ấy nó có chạy ra từ miệng, từ óc của thầy phụ đạo sang miệng và óc của đại vương chăng?

- Không có chạy qua.

- Và khi đại vương học giỏi, thì kiến thức, hiểu biết của các thầy phụ đạo chắc là cạn hết vì đã truyền sang tất thảy cho đại vương rồi?

- Không phải như thế. Kiến thức và hiểu biết của các vị ấy còn y nguyên.

- Vậy là không có cái gì đi qua cả sao?

- Không có.

- Tái sanh cũng y cũng như thế. Khi chết ngũ uẩn diệt, thức cũng diệt, chẳng có thức đi theo, nhưng thức ấy tác động, hướng tâm, trong một niệm là duyên theo cảnh giới tái sanh liền, tâu đại vương .

- Trẫm đã rõ.

* * *

Đức vua hỏi:

- Cho trẫm trở lại câu hỏi trước. Đại đức nói là khi chết, ngũ uẩn diệt, nghĩa là cả thân tâm này diệt hết, không còn gì?

- Đúng vậy.

- Chẳng có bất cứ cái gì ở thân này đi sang cảnh giới tái sanh cả?

- Tạm thời có thể nói như vậy.

- Vậy thì tiện lắm, khỏe lắm rồi. Nếu trên đời này mà trẫm có làm ác, giết người vô số; khi chết, tất cả nghiệp cũng diệt theo; sang cảnh giới mới, trẫm sẽ không bị trả quả do ác nghiệp của mình đã tạo!

- Chẳng phải thế đâu, đại vương! Chỉ có người chấm dứt mọi nguyên nhân sanh tử, kẻ ấy mới chấm dứt được nghiệp; còn tất cả mọi chúng sanh, không ai thoát được nghiệp đã gieo!

- Thế tại sao đại đức bảo là diệt hết!

- Đại vương có nhớ chuyện xử phạt người trộm xoài không?

- Có nhớ.

- Kẻ trộm xoài ấy đã ngụy biện ra sao?

- Y nói rằng, tôi hái trái ở trên cành còn xoài của người trồng ở trong đất đã bị diệt mất tiêu.

- Rồi đại vương phán tội ra sao?

- Trái dưới đất nó diệt nhưng nó nảy mầm, lớn lên, ra hoa ra trái. Trái mà ngươi hái cũng do từ trái dưới đất mà sanh ra.

- Nghiệp cũng như thế, tâu đại vương! Thân tâm tuy diệt, nhưng nghiệp đã tạo giống như mầm cây, nó sẽ ra hoa kết trái ở thân tâm mới. Người hái trộm xoài không thoát khỏi tội như thế nào thì chúng sanh cũng chẳng thể tránh khỏi nghiệp khi nó đã trổ quả, tâu đại vương !

- Hay thay! Đại đức đúng là bậc Đại trí tuệ.

- Dạ không dám!

__________________

Chú thích của BBT:

Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Đây là những yếu tố vật chất và tinh thần được kết hợp lại mà có cái gọi là con người, là chúng sanh.

Khi không gọi là ngũ uẩn mà gọi là danh và sắc thì ta cũng phải hiểu: Sắc là sắc thân vật lý, và danh là gọi chung của phần tâm và tâm sở gồm có thọ, tưởng, hành và thức.

Nói chi tiết thì ngũ uẩn là:

  1. Sắc, chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng.
  2. Thọ, tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
  3. Tưởng, là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
  4. Hành, là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác...
  5. Thức, bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh v.v

(Hết chú thích)

(Trích trong Mi Tiên Vấn Đáp)

SỰ THẬT VỀ CÚNG CÔ HỒN VÀO MÙNG 1 & 15 HÀNG THÁNG

Thích Nhật Từ

Hỏi: “Chúng con muốn cúng thí thực cô hồn vào ngày sóc vọng mùng 1 - 15 hàng tháng, chúng con đọc bài ‘Mông sơn thí thực’ trong Kinh nhật tụng nhưng lại nghe có người nói việc cúng chúng sinh ngoài trời chỉ thích hợp ở chùa, có quý sư tu hành thanh tịnh; người tại gia nếu cũng cúng tương tự sẽ kéo theo tình trạng trong nhà bị phá phách, nhất là cúng ở ngoài giờ đã định nhiều khi có hại hơn là có lợi. Xin thầy chia sẻ vấn đề này”.

Trả lời:

Nghi thức cúng cô hồn với tên gọi “Mông sơn thí thực” là nghi thức do Phật giáo Trung Quốc biên soạn, đức Phật không hề dạy nghi thức này. Người TQ cho rằng TQ cho rằng “sống là tạm bợ trên dương thế, chết là về với âm phủ lâu dài”; cũng giống với người TQ, người Ai Cập cổ xưa tin rằng dưới lòng đất mới là cảnh giới sống vĩnh hằng. Cho nên kho còn sống các vị vua không chăm sóc cho người dân, thu gom ngọc ngà vàng bạc châu báu chôn ở dưới đế kim tự tháp, ướp xác để mình tiếp tục được sống và hoàng hậu, cung tần mỹ nữ từng được vua sủng ái đều phải bị chôn sống theo. Người TQ đã có cải biên về tập tục này, thay vì chôn vàng thật, họ đốt giấy vàng mã; thay vì làm kim tự tháp tốn tiền thật, họ làm nhà giấy vàng mã; thay vì chôn người chết thật là phạm pháp họ chôn người hình nộm.

Dù có cải biên, phong tục tập quán của người TQ và Ai Cập cổ đều là mê tín giống như nhau, cho nên người TQ tin rằng có 10 loại cô hồn, nếu không được cúng và cầu siêu họ sẽ không thể được siêu thoát. Cho nên các chùa TQ vào 4 giờ chiều đều cúng nghi thức cúng cô hồn và phẩm vật cúng cô hồn thật ra chỉ là 1 chung nước nhỏ đường kính 3cm, chiều cao 3cm, trong đó chỉ bỏ 7 hạt cơm. Bằng sự quán tưởng, người TQ tin rằng thế giới ma quỷ ăn no đủ từ 1 chung 7 hạt cơm đó - đó là cường điệu và hoang tưởng. Vì theo đức Phật sau khi chết Nghiệp dẫn chúng sanh tái sinh trong Luân hồi.

Đã trở thành thói quen nhiều thế kỷ rồi, các chùa VN tiếp tục cúng cô hồn và nhấn mạnh đến việc cúng cô hồn này, từ đó có nhiều thầy cường điệu qua các câu chuyện ly kỳ và từ đó người ta đồn thổi với nhau sau khi chết ma quỷ vẫn chưa siêu. Vài chục năm, vài trăm năm, vài nghìn năm, điều đó trái với Phật học vừa trái với khoa học hiện đại. Một số nhà sư TQ còn cường điệu: đang khi cúng cô hồn, nếu lỡ mà mình nghĩ đến chìa khóa thì các cô hồn này chỉ nhai chìa khóa không, nếu nhà sư đó nhớ đến các cục đá cục đất thì cô hồn chỉ ăn đá và đất, nếu lỡ người cúng nghĩ đến vàng vòng thì các cô hồn này hưởng vàng vòng là không có thật. Cúng là 1 hình thức tưởng niệm, mục đích của sự tưởng niệm này để nối kết văn hóa “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ đời sau dành cho ông bà tổ tiên đã qua đời.

Cho nên, chỉ có những chùa tu theo Tịnh Độ tông kiểu TQ mới cúng cô hồn vào 4 giờ chiều tại các chùa; VN mô phỏng TQ 100% nên chùa nào tại VN cũng cúng cô hồn vào 4 giờ chiều. Do vậy, người Phật tử tại gia không nên làm việc đó vì không cần thiết và không có giá trị thiết thực gì. Thay vì dành 45 phút cho nghi thức Mông sơn thí thực, các Phật tử hãy đọc các bài Kinh thuần Việt, mở mang trí tuệ hoặc đến chùa làm công quả, tham gia các hoạt động từ thiện, làm công ích gì đó – giá trị thiết thực cao hơn nhiều lắm. Vì đặt nặng vào nghi thức cúng cô hồn, Phật giáo TQ, VN, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng rơi vào việc biến đạo Phật thành đạo đám ma. Ở Nhật Bản người ta có 1 câu rất đau lòng: “Muốn tổ chức sinh nhật linh đình, hãy vào các đền thờ Thần Đạo – đạo riêng của người Nhật, họ tổ chức thôi nôi, sinh nhật rất hay. Nếu muốn tổ chức các lễ cưới linh đình, hãy vào các nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, vì tại đây lễ cưới rất trang trọng; muốn tổ chức đám ma linh đình, hãy vào nhà chùa.” Vì mỗi đám ma, các Phật tử mời đến vài chục nhà sư, mấy chục Phật tử cùng hộ niệm, như vậy đạo Phật đã trở thành đạo hốt xác.

Một nhà sư nếu chịu khó đi giảng kinh thuyết Pháp có thể độ được vài chục ngàn Phật tử, khi còn sống nghe giảng còn chưa chắc hiểu được, hiểu rồi chưa chắc vượt qua được nghiệp chướng; huống hồ ngay cái chết, tâm thức của hương linh chuẩn bị tái sinh rối bời, vừa tiếc nuối, vừa sợ hãi, vừa lo lắng, vừa bấn loạn, … tâm trí đâu mà lắng nghe, có nghe cũng rất khó có thể làm được. Cho nên trở về với đạo Phật gốc, chúng ta (bao gồm cư sĩ và Phật tử) hãy độ người còn sống đúng với lời Phật dạy. Khi người còn sống đó, có đời sống đạo đức, nhập thế, năng động, tích cực; khi chết chẳng cần ai tụng kinh, người đó tái sanh ngay lập tức dựa vào Nghiệp thiện do chính mình tạo dụng được. Đó là cách tu rất thiết thực, còn tại các chùa hiện nay người ta vẫn tiếp tục tụng bài Kinh cúng cô hồn; thay vì tụng bài kinh cúng cô hồn, chúng ta hãy đọc bài kinh đạo đức (Kinh 5 điều đạo đức, Kinh 10 điều đạo đức, Kinh 8 điều đạo đức, Kinh phước báu, Kinh lời vàng Phật dạy) đều là những bài Kinh người đọc tụng có thể phát triển đạo đức và nhân cách cao thượng.


Do đó, muốn cho đạo Phật phát triển, chúng ta phải mạnh dạn tách rời sự nô lệ văn hóa vào TQ. Phật giáo VN, phải tách rời sự nô lệ Phật giáo vào văn hóa Phật giáo TQ và trở về với đạo Phật gốc. Chúng ta không tốn thời gian mà đạt được được những kết quả rất lợi lạc, thiết thực.

SƯ TU THEO TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NÀO?

Chắc hẳn, những vị đã từng là Tăng-ni sinh Khất sĩ du học tại nước ngoài như các nước Phật Giáo Đại thừa (Mahayana), và Phật Giáo Nguyên thủy (Theravada). Sẽ bao lần nghe chung một câu hỏi: Bạn theo truyền thống Phật giáo nào?

Với tôi, là một Tăng sĩ trẻ hiện đang du học tại Thái Lan. Với những trải nghiệm sâu sắc từ một đất nước Phật giáo với nhiều truyền thống, văn hóa và sinh hoạt đặc thù theo tinh thần truyền thừa của Phật giáo Nguyên thủy. Cộng theo sự du nhập và giao lưu văn hóa giữa các truyền thống Hệ phái với nhau tại Trường Đại học Phật giáo Quốc tế đến từ các nước Phật giáo Đại thừa.

Chính sự hài hòa, cùng chung tu học giữa cộng đồng Tăng sĩ với nhiều hệ tư tưởng khác nhau và cách thức truyền tải giáo lý khác nhau, đã tạo nên sự đặc sắc, đa dạng của Phật giáo tại đây, để cùng nhau trải nghiệm theo tinh thần sẻ chia và cầu học.

Sư theo truyền thống Phật giáo nào?

Đó là câu hỏi của sư Ashim Chakma –một vị sư người Ấn Độ, hiện đang học cùng chung chương trình Cử nhân Phật học, cũng như những vị Tăng sĩ khác. Với tôi chỉ có một câu trả lời: Phật giáo Khất sĩ.

Rồi sư Ashim Chakrma liên tục đặt cho tôi nhiều câu hỏi khác nhau: Phật giáo Khất sĩ là như thế nào? Pháp tu ra sau? có gì khác với các truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy. Cứ thế, cuộc trò chuyện với nhiều câu hỏi liên tục được đưa ra để tìm hiểu và muốn biết đến sự đặc sắc của một Hệ phái Phật giáo mới mà sư Ashim Chakrma tỏ ra một cách phấn khởi.

Con đường tôi đang đi,…

Khác với các nước vốn đặc thù một truyền thống Phật giáo riêng biệt, thì Phật giáo Việt Nam được tiếp nhận và dung hòa từ hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy. Từ đó, Phật giáo Khất sĩ ra đời vì mục đích dung hòa chung với hai nguồn từ tưởng của hai truyền thống Phật giáo lâu đời. Nhằm đáp ứng nhu cầu học Phật của đại đa số người dân tại Việt Nam lúc bấy giờ, giúp cho mọi tầng lớp có thể hành trì tu học một cách dễ dàng như tụng kinh tiếng Việt, Ăn chay, và lấy pháp trì bình khất thực để đi vào đời sống người dân, giúp họ gieo duyên và gần gũi hơn với Đạo Phật.

Phật giáo Khất sĩ cùng chung một chí nguyện tiếp nối con đường mà Đức Phật đã đi, vì thế những pháp môn tu học và hành trì không đi ngoài lời dạy của Đức Phật, lấy Tứ-Diệu -Đế làm nền tảng để tu học và Thiền định là pháp môn để hành trì theo Tứ niệm xứ,… vì đây là phương pháp hành thiền mà Đức Phật đã thực hành để đưa đến sự Giác-ngộ hoàn toàn.

Được coi, như một truyền thống đặc thù của Người Việt, vì thế giáo lý và pháp môn đều dựa trên lời Phật dạy, và những tinh hoa được đúc kết từ hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy. Chỉ có sự khác biệt là đời sống sinh hoạt và phương thức hành trì để phù hợp với văn hóa và truyền thống vùng miền. Không ngoài mục đích tuỳ nhân duyên mà hoá độ, không có sự phân biệt giai cấp Giàu-sang, Kẻ ngu-người trí,…tất cả đều bình đẳng trên con đường cứu cánh, và giải thoát khổ đau.

Bây giờ đã hiểu,…

Cứ như thế, mỗi khi có ai tiếp tục hỏi tôi: Sư theo truyền thống Phật giáo nào? Thì sư Ashim Chakrma lại tiếp lời và dành phần trả lời của tôi. Sư trả lời cho những vị sư khác một cách rất tâm đắc và phấn khởi về kiến thức của mình đã biết được về Phật giáo Khất sĩ khi ai hỏi đến. Tôi chỉ biết nhìn và thầm mỉm cười, vì đã có thêm một người bạn đã hiểu được con đường tôi đang đi. Nó đơn giản là sự hạnh phúc bình dị của một người con trong giáo pháp. Tôi không còn cảm thấy mình là người lẻ loi giữa các truyền thống Phật giáo khác, mà tôi càng cảm thấy sự tự hào vì mình là người “đặc biệt”.

Còn lại một nỗi lòng

Nỗi lòng đó được mang tên là “Hạnh phúc”, cảm ơn Người, cảm ơn Đời. Cảm ơn những cảm xúc bình dị giữa đời, khi được đắp trên mình tấm Y người Khất sĩ. Nó quá đổi thiêng liêng và thanh thoát. Với tôi tất cả là quá đủ cho một kiếp người, rồi tương lai sẽ đi mãi. Nhưng hiện tại là đây, tôi là người con Khất sĩ.

Một ngày kia, vừa bước chân vào lớp, sư Ashim Chakma và các sư cùng lớp đều gọi tôi bằng một ngôn từ tiếng Việt rằng: Khất sĩ. Một sự ngạc nhiên và cảm xúc tràn dâng, đúng chúng ta là Khất sĩ.
Giác Minh Luật 

XUẤT GIA – NÊN HAY KHÔNG?

Giác Minh Luật

Gần đây, tôi thường xuyên nhận được những dòng tin nhắn, những chia sẻ chân tình của rất nhiều bạn trẻ than trách về đời mình và muốn tìm đến con đường xuất gia giải thoát.

Những dòng tin nhắn đại loại như: Sư ơi! Con đang gặp rất nhiều khó khăn trước mắt, con cảm thấy chán nản và bất lực trước hiện tại, giữa gia đình và xã hội.

Giờ này con chỉ muốn xuất gia đi tu để tìm sự bình an.

Hồi đáp: - Xuất gia không có nghĩa là sự trốn chạy cuộc đời, không có nghĩa là từ bỏ cuộc sống hiện tại và lẩn trốn mọi ràng buộc. Mà xuất gia cũng có nghĩa là bắt đầu cho một chặng đường mới càng nhiều thử thách và khó khăn hơn nữa.

Nếu bạn không yêu đời, không nhìn đời bằng cặp mắt của tình thương và hiểu biết, không dám chấp nhận khó khăn để vượt qua khó khăn trong hiện tại, thì xin đừng có ý niệm xuất gia. Vì đời sống tu hành càng gặp nhiều khó khăn và chông gai hơn bạn nghĩ, nếu dễ thì ai cũng trở thành tu sĩ và không khó thì chẳng ai mà trở lại cuộc sống thế tục, bạn nhé!

Về phương diện xuất gia giải thoát, thì không dễ như bạn đã hình dung. Vì nếu muốn được sự giải thoát thì không chỉ dựa vào yếu tố buông bỏ hoặc buông xả, vì nó chỉ là bước đầu tiên của ý niệm từ bỏ hay xa lánh. Như người sai trái và lỗi lầm, họ ăn năn và phát nguyện từ bỏ để trở thành một người hoàn thiện, thì sự phát nguyện từ bỏ chỉ là yếu tố đầu tiên, còn muốn trở thành người hoàn thiện phải dựa trên hành động cụ thể qua hình thức đạo đức, thái độ của mình để chứng minh cho người khác ở tương lai thì mới thật sự là người hoàn thiện.

Như "Buông đao thành Phật" nó chỉ mang tính khích lệ và khuyên bảo, chứ bản chất thật sự của sự việc, khi bạn đã "buông đao" thì phải trả giá cho những hành động tội lỗi của mình đã gây tạo và phải nổ lực để khắc phục, ăn năn và chấp nhận đối diện với nhân quả mà mình đã gieo và gây đau khổ cho người, từ đó mới bắt đầu cho những việc làm cụ thể để làm lại cuộc đời với vai trò của một con người mới.

Hay nói với ngôn ngữ hiện đại là: Một khi đã giết người thì phải đền tội và trả giá cho những việc làm của mình đã gây ra. Còn yếu tố hoàn thiện thì chỉ nằm ở khía cạnh trong quá trình đền tội và nổ lực khắc phục từ bỏ bằng hành động cụ thể trong hiện tại hoặc tương lai.

Vậy bản chất của giải thoát phải dựa trên nền tảng của công đức hay khác hơn là thiện nghiệp mà bạn đã đạt được. Mà công đức hay thiện nghiệp thì định nghĩa căn bản của nó đã là hành động và công việc được lập đi lập lại từ giá trị lợi ích mà bạn đã mang lại theo một cách tích cực cho chính mình, cộng đồng và xã hội. Chứ không phải công đức hay thiện nghiệp xuất phát từ sự cầu nguyện, khát khao hay mong muốn mà có được. Điều đó sẽ phi thực tế và mâu thuẫn với định nghĩa của chính nó. Như vậy thì sự nổ lực chuyển hóa thân tâm và giá trị phụng sự để mang lợi ích cho người khác của bạn phải gấp đôi người bình thường.

Nhưng dưới góc độ cá nhân: Với tôi, con đường xuất gia của những người trẻ là con đường rất cần thiết, nếu ai đã và đang có ý niệm muốn trở thành những người phụng sự trên phương diện là một người xuất gia để có đủ điều kiện, thời gian, hoàn cảnh và dành trọn đời mình cho sự phụng sự nhân sinh thông qua lăng kính đạo Phật.

Thì con đường xuất gia là quyết định đúng đắng và phù hợp nhất mà bạn phải cần quyết định ngay và liền nếu đang có ý niệm đặc biệt nêu trên.

Giác Minh Luật

SAU KHI CHẾT XÁC THÂN CHỈ LÀ ĐẤT

Nhiên Như – Quảng Tánh

HỎI: Cha tôi được chôn tại Nghĩa trang Văn Điển đã 29 năm. Mẹ tôi mất cách đây gần một năm, hiện tro cốt đang gửi chờ đến giỗ đầu mới thu xếp nơi đặt tro của mẹ. Tôi thấy hiện có nhiều gia đình lập mộ đôi (hợp táng), và tôi cũng rất muốn làm như vậy để tiện thăm viếng các cụ sau này, giảm đi một phần chiếm dụng quỹ đất đai của xã hội. Tất nhiên đó là những vấn đề mang tính thực dụng, tôi không rõ về mặt tâm linh thì có phù hợp không? 

Ngay cả đối với chính bản thân, tôi vẫn có ý định sau này khi mất đi tro cốt của tôi được rắc xuống dòng sông Hồng, liệu có gì ảnh hưởng đến con cháu tôi về sau hay không? Trong gia đình tôi, một số anh em sợ đụng chạm vào phần mộ của cha thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Có một chuyện tôi cũng xin được thưa rằng, sau khi tôi đưa ý kiến của mình cho người anh cả, ít hôm sau tôi có nằm mơ thấy cha hiện về, ông có điều gì đó phản ứng rất dữ dội, thậm chí nhiều lần còn tìm cách đánh vào người tôi. 

Tôi vốn rất tin tưởng vào các quan điểm của Phật giáo, tuy hơi thắc mắc về chuyện liệu 29 năm qua đi cha tôi đã đầu thai chưa? Việc mỗi khi có sự kiện gì lớn trong gia đình tôi lại mơ thấy cha mình, lúc nhiều lúc ít, liệu đây có phải là cha tôi vẫn còn chưa siêu thoát và vẫn còn tham dự vào chuyện gia đình chúng tôi?  (PHẠM VIỆT, phamvietds@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Phạm Việt thân mến!

Trên thế giới hiện nay, tùy theo tập tục của mỗi địa phương, xứ sở mà có sự an táng người chết khác nhau. Địa táng (chôn dưới đất), hỏa táng (thiêu đốt thành tro), thủy táng (thả sông hoặc bỏ biển), thiên táng (treo lên cây hoặc nhét trong hang núi), lâm táng (đem bỏ trong rừng)… là những cách an táng phổ biến. Người Việt phần lớn theo tập tục địa táng, lâu đời hình thành tín niệm về mồ mả như: Phần mộ phải hợp hướng, mộ không bị “động”, mộ kết lại càng hay v.v… Ngày nay, xu hướng hỏa táng ngày càng được người Việt hưởng ứng vì tiện lợi nhiều mặt.

Theo Phật giáo, con người là hợp thể năm uẩn, gồm sắc (thân) và thọ, tưởng, hành, thức (tâm). Khi một người chết đi, phần quan trọng nhất là tâm thức thì theo nghiệp tái sinh. Còn thân xác, “cái túi da chứa đầy vật bất tịnh” trở nên vô dụng được tùy duyên an táng, theo cách nào cũng được. Điều đáng nói là, cái xác thân tứ đại còn lại nhưng thực ra chỉ có địa đại, chính xácchỉ là “đất”; các đại khác như hỏa, phong cũng nhanh chóng phân tán, thủy đại thì chậm hơn. Như vậy, với tuệ giác của Phật giáo, người đệ tử Phật không xem một phần nhỏ còn lưu lại của thân này, xác chết, là “tôi, của tôi và tự ngã của tôi”.

Người đệ tử Phật có chánh kiến, hiểu biết Phật pháp, thấy rõ sự vô thường, bất tịnh, vô ngã của xác thân nên an táng theo tinh thần tùy duyên. Mộ đơn hay mộ đôi, theo Phật giáo, chỉ đơn thuần là cách xử lý phần “đất”, không liên hệ gì đến “tâm linh”. Theo quan điểm nhà Phật, việc đem tro cốt của người mẹ hợp táng vào phần mộ của người cha là bình thường.

Sau khi bạn chết đi, bạn cứ di nguyện người thân an táng theo cách nào mà bạn cảm thấy phù hợp nhất. Hỏa táng rồi đổ tro bụi xuống sông, gởi vào chùa hay chôn cất theo phong tục v.v…, tất cả đều không có bất cứ ảnh hưởng gì lên con cháu cả. Bởi lẽ, đời sống con cháu của bạn hạnh phúc hay bất hạnh là do nghiệp duyên tốt hay xấu của họ quyết định chứ không phải do cách an táng thân xác của bạn.

Còn việc bạn “mơ thấy cha hiện về, ông có điều gì đó phản ứng rất dữ dội” chỉ là biểu hiện của chính tâm thức bạn. Vì bạn suy nghĩ quá nhiều về điều ấy nên tâm bạn tự “nhào nặn” thành giấc mơ, hoàn toàn không phải là cha của bạn về báo mộng hay chưa tái sinh.

Kinh Phật dạy rằng, một người chết đi lập tức tái sanh nếu sinh thời tạo nghiệp cực thiện hoặc cực ác. Còn nếu tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn có thể trải qua thân trung gian, tối đa 49 ngày là tái sinh. Cha của bạn mất đã 29 năm, dĩ nhiên đã theo nghiệp tái sinh, không hề có chuyện “ông vẫn còn tham dự vào chuyện gia đình”.

Việc “một số anh em sợ đụng chạm vào phần mộ của cha thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người” là tín niệm dân gian về mồ mả của không ít người Việt. Đạo Phật không có quan niệm này. Tuy nhiên đây là việc chung, liên hệ đến nhiều người, nên việc hợp táng cần có sự đồng thuận của tất cả anh em gia đình. Với người Việt, mồ mả là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là “biểu tượng” của cha ông, là nét văn hóa tâm linh. Người Phật tử luôn tôn trọng những tập tục này nhưng cũng cần phát huy tuệ giác của nhà Phật để tránh những hủ tục, những tín niệm dân gian kiêng kỵ không nên có,… để sống văn minh, góp phần lợi đạo, ích đời.

Chúc bạn tinh tấn!  

Ăn chay nhưng phải nấu mặn cho chồng con

Hỏi: Kính bạch Sư, con có một câu hỏi kính Sư chia sẻ cho con được biết. Con là phật tử mới bước vào đạo, con cũng có giác ngộ được chút đỉnh. Con đi chùa, con ăn chay trường mà về nhà con còn phải đi chợ mua và làm đồ ăn thịt cá cho chồng và con của con ăn. Con phải làm tất cả từ khâu mua bán, chế biến… vậy Sư cho con hỏi con tu thì liệu có được kết quả gì không? (Phật tửNhư Liên hỏi tại chùa Bửu Châu – Trà Vinh 3/9/2015 – 21.7.Ất Mùi)

Đáp: Để giải đáp cho thắc mắc của cô, trước tiên sư chia sẻ với cô câu chuyện sau:

Dưới thời Đức Phật, có một cô đắc được Thánh quả Tu-Đà-Hườn (quả vị thấp nhất trong 4 tầng đạo quả của bậc thánh, quả vị này vẫn được lập gia đình). Để đắc được đạo quả Tu-Đà-Hườn này phải là người đoạn tuyệt hoàn toàn nghiệp sát sanh. Tuy nhiên, cô này lại có chồng làm nghề thợ săn. Mỗi ngày, cô này đều phải chuẩn bị cung tên cho chồng vào rừng đi săn bắn. Cô đã làm việc này trong thời gian rất dài. Vì cô ấy là bậc thánh nên các vị tỷ khưu biết được chuyện đó mới bàn tán vào ra. Theo những bàn tán đó thì cô này đã đắc quả vị Tu-Đà-Hườn mà còn làm như vậy thì không biết là đúng hay sai? Có đúng với chánh pháp không? Có phù hợp với đạo hạnh của bậc thánh Tu-Đà-Hườn hay không? Những bàn cãi qua lại này mãi không tìm ra được một đáp án thống nhất vì các vị tỷ khưu mỗi người một lý lẽ để phản biện cho hành động của cô đó. Cuối cùng, các vị quyết định tham vấn

Đức Phật Tổ để nhờ Ngài giải đáp.

Đức Phật mới trả lời rằng: việc làm của cô đắc được quả vị Tu-Đà-Hườn là hoàn toàn ĐÚNG. Cô làm công việc hằng ngày đó vì vai trò bổn phận của một người vợ đối với chồng. Cô làm hoàn toàn vô tâm và không để tâm dính chấp vào cái nghiệp sát.

Còn đối với cô Như Liên, cô là người ăn chay trường nhưng cô vẫn đi chợ thực hiện bổn phận người vợ, người mẹ để mua và chế biến cá thịt cho chồng cho con thì cô là người đại trí huệ. Vì rằng, chồng cô ăn cá thịt, con cô ăn cá thịt mà cô không làm thì đó là cô thiếu trách nhiệm trong vai trò của người vợ, người mẹ. Còn nếu cô cố ý lôi kéo, ép buộc chồng con cô ăn chay mà họ hoàn toàn chưa thực sự sẵn sàng thì dẫn tới việc lục đục, xào xáo, mâu thuẫn trong gia đình. Người chồng có thể vì thế mà bất mãn dẫn tới việc xa cách trong đời sống tình cảm vợ chồng gây đổ vỡ hôn nhân. Thậm chí, người chồng người con còn có thể có những phản ứng tiêu cực lại với tăng sĩ, chùa chiền và pháp môn mà cô đang tu học. Điều này đi ngược lại với giáo huấn của Đức Phật. Vì tiêu chí cho các lời dạy của Ngài là để giáo dục cho đạo đứcvà phạm hạnh của con người. Giúp cho họ tìm được hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại. Bây giờ, đi chùa mà gia đình xào xáo, đổ vỡ thì đó hoàn toàn không phải tu theo đúng chánh pháp. Do vậy, nếu được thì khi cô đi chợ, cô tránh mua những thực phẩm còn tươi sống. Cô mua các thực phẩm đã được sơ chế qua để hạn chế nghiệp sát sanh. Nếu cô làm được điều này thì cô đã tu đúng theo luật Tam Tịnh Nhục (không thấy, không nghe, không nghi) của Đức Phật dạy. Vậy là cô vừa giữ được giới đạo vừa hòa hợp được với lẽ thường tình ở đời.

LINH HỒN NGƯỜI CHẾT ĐI VỀ ĐÂU?

Thích Phước Thái

Hỏi:Kính bạch Thầy, con nghe người ta nói, con người sau khi chết có một cái hồn tồn tại và rồi đi đầu thai, chứ không có nghiệp báo gì hết. Họ nói như thế có đúng không? Kính xin Thầy giải đáp cho chúng con được rõ.

Đáp: Vấn đề sau khi chết, linh hồn tồn tại hay không tồn tại và linh hồn người chết sẽ đi về đâu? Đây là một vấn đề rất phức tạp, thật khó chứng minh. Vấn đề này, có nhiều luận giải quan niệm khác nhau, tùy theo quan niệm giải thích của mỗi tôn giáo và tùy theo niềm tin của mỗi người. Tuy nhiên, người Phật tử khi đặt định niềm tin theo một điều gì, chúng ta cần nên phối kiểm tìm hiểu vấn đề bằng lý trí và qua sự sát nghiệm luận cứ kỹ càng, chứ không nên nghe đâu tin đó. Nhất là đối với những người nói bừa không có một luận cứ vững chắc và không có một niềm tin nào cả. Tốt hơn hết là chúng ta nên cẩn trọng khi nghe người khác nói.

Qua câu hỏi trên, nếu phải luận giải cặn kẽ rõ ràng, thì thật là dài dòng. Ở đây, chúng tôi chỉ dựa theo quan điểm của Phật giáo, mà xin được trình bày góp ý qua một vài nhận xét thô thiển của chúng tôi, còn vấn đề tin hay không là tùy ý ở nơi mỗi người.

Bảo rằng, con người sau khi chết còn có một cái hồn tồn tại và rồi đi đầu thai, chứ không có nghiệp báo gì hết, theo Phật giáo, thì quan niệm lý giải đó không thể chấp nhận được. Phật giáo không chấp nhận có một linh hồn bất tử. Vì đó là lối chấp của ngoại đạo. 

Ngày xưa, thời Phật, có 2 phái ngoại đạo nêu ra 2 chủ thuyết: một là "Thường kiến" hai là "Đoạn kiến". Phái Thường kiến cho rằng, linh hồn con người mãi mãi là con người, dù có tạo tội ác đến đâu, chết rồi cũng tái sinh trở lại làm người. Ngược lại, phái Đoạn kiến thì cho rằng, con người sau khi chết là không có linh hồn tồn tại đời sau, nghĩa là mất hẳn. Họ chấp như thế, nên Phật gọi họ là phái Đoạn diệt hay Đoạn kiến. Vì quan niệm và tin như thế, nên họ tha hồ làm ác, vì không có tội lỗi quả báo ở đời sau. Đây là 2 phái gây tác hại lớn làm đại loạn trật tự an bình cho xã hội. 

Hai phái này, theo chủ trương của họ là, không có nhân quả báo ứng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, nhân quả là một chân lý phổ biến, tiềm tàng trong mọi sự vật và chi phối tất cả. Không một loài nào thoát khỏi nhân quả. Do Phật sau khi giác ngộ chân lý, Ngài nói ra cho chúng ta biết như thế.

Vì căn cứ theo luật nhân quả mà nhà Phật nêu ra thuyết nghiệp báo. Hễ chúng ta gây tạo nghiệp nhân gì, sớm hay muộn gì cũng phải có kết quả. Phật giáo không chấp nhận có một linh hồn bất tử như thế. Vì như thế là rơi vào lối chấp thần ngã của ngoại đạo như đã nói ở trên.

Theo Phật giáo, tất cả đều do nhân duyên sinh. Nghiệp báo cũng từ nhân duyên, nhân quả mà hình thành. Theo Duyên khởi luận của Phật giáo, trong đó, có nêu ra thuyết A lại da duyên khởi. Thuyết này thuộc Đại thừa thỉ giáo. A lại da là thức thứ tám sau thức Mạt na. Thức này còn gọi là Tàng thức. Là cái thức trùm chứa tất cả chủng tử thiện ác. Nói Tàng thức, vì thức này có 3 công năng: "năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng". 

Năng tàng là thức này có khả năng hay dung chứa tất cả pháp. Sở tàng là khả năng để đựng chứa chủng tử các pháp. Do 2 công năng này, nên khi chúng ta gây tạo nghiệp thiện ác, thì tất cả những hạt giống thiện ác đó đều được huân chứa vào cái kho Tạng thức này. Đến khi đủ nhân duyên, thì những chủng tử ấy phát khởi hiện hành. Những chủng tử (hạt giống) được cất giữ vào trong kho nầy gọi đó là nghiệp thức. Chính cái nghiệp thức này là chủ động theo duyên mà tiếp nối thọ sinh đời sau. Nhà Phật gọi đây là tiếp nối vòng sinh tử luân hồi trong Lục đạo (Trời, người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh ).

Như vậy, theo thuyết nghiệp cảm duyên khởi và A lại da duyên khởi của Phật giáo, thì mỗi ý nghĩ, lời nói, hành động của 3 nghiệp: thân, miệng, ý tạo tác của chúng ta, đều được cất giữ trong cái kho Tạng thức này hết, không sót mất một hạt giống thiện ác nào. 

Dụ như một thửa đất chúng ta gieo nhiều loại hạt giống khác nhau, khi mới gieo xuống ta không thấy chúng nẩy mầm lên, vì không thấy nên ta tưởng là chúng bị mất hay không lên, nhưng khi gặp mưa ướt đất, đủ duyên, thì chúng lại nẩy mầm lên. Khi nẩy mầm lên, thì giống nào nẩy mầm theo giống nấy. Như hạt cam, hạt ớt, hạt ổi…mỗi thứ lên khác nhau, chúng không bao giờ lộn lạo. Khi chưa đủ duyên, chúng nằm yên đó, chớ không bao giờ mất.

Cũng thế, nếu hiện đời, chúng ta huân tập nhiều hạt giống lành như niệm Phật, làm lành, làm phước… vào Tàng thức, thì chính những hạt giống đó nó có công năng dẫn dắt chúng ta đến cảnh giới lành sinh ra, để tiếp tục hưởng những quả báo tốt đẹp mà do chúng ta đã gây tạo trong hiện đời nầy. Nhà Phật gọi đó là nghiệp dẫn. Ngược lại, nếu chúng ta tạo nghiệp ác thì cũng như thế. Nên nói, tùy nghiệp thọ sanh là vậy. Nên biết, nghiệp là hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen. Chính thói quen này khi thuần thục, thì nó có một sức mạnh phi thường để tùy duyên chiêu cảm thọ sinh.

Như người ghiền cờ bạc, họ đi kiếm nơi nào có sòng bài, thì họ nhào vô chơi. Người ghiền nhạc, thì đi tìm phòng nhạc để ca hát… Khi tập thói quen, dĩ nhiên có thói quen tốt và có thói quen xấu. Thói quen tốt hay thói quen xấu, một khi đã tiêm nhiểm thành ghiền nặng rồi, thì chính thói quen đó nó dẫn dắt chúng ta, tùy theo sở thích mà chiêu cảm, Thói quen hay sở thích nào nặng (cực trọng nghiệp), thì nó có một năng lực rất mạnh để tìm đến môi trường thích hợp mà thọ sinh, nên gọi là nghiệp cảm. 

Về điểm này, trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn cũng có nói: “Như nhân phụ trái, cường giả tiên khiên, tâm tự đa đoan, trọng xứ thiên trụy”. Nghĩa là: Như kẻ mắc nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó. 

Thường ta nghe trong kinh nói, người khi chết, thần thức xuất ra. Nói thần thức, chính là cái nghiệp thức A lại da, nói rõ ra là những chủng tử thiện hoặc ác đã kết thành nghiệp. Và chính nghiệp thức nầy là đầu mối của việc thọ sinh đời sau đó vậy.

Người đời vì không biết, nên cho là có một cái linh hồn đi đầu thai. Chữ đầu thai có nghĩa là có một cái hồn nhảy vào cái bào thai để thọ thai. Hiểu như thế, thì không phù hợp với hai thuyết: Nghiệp cảm và A lại da duyên khởi của Phật giáo như đã nói ở trên. Không phải có một cái linh hồn đi đầu này đầu kia để kiếm đường chui vào một chỗ nào đó. Theo thuyết A lại da duyên khởi, thì không chấp nhận quan niệm đó. Vì trong thức nầy có đủ chủng tử hữu lậu và chủng tử vô lậu. Chủng tử hữu lậu là những hạt giống tùy duyên mà phát sinh ra thiên sai vạn biệt, tức hiện tượng giới; còn chủng tử vô lậu, có thể đưa đến chỗ giải thoát.

Tóm lại, người nào đó nói rằng sau khi con người chết, có một cái hồn tồn tại đi đầu thai và không có nghiệp báo gì hết, thì điều nầy như chúng tôi đã tạm nêu ra đôi nét giải thích trên, thì quan niệm đó không đúng.

Trong quyển Quy Sơn Cảnh Sách giảng giải của Thiền sư Thích Thanh Từ ở trang 77 có đoạn Hòa thượng nói: “Người thế gian cho rằng mọi người đều riêng có một linh hồn là cái tính linh khôn ngoan sáng suốt, mà đã khôn ngoan thì sao lại chịu vào nơi khổ? Ai cũng nghĩ rằng sau khi chết linh hồn mình sẽ sinh ra làm người nữa và chấp chặt cho linh hồn đó là mình.

Đạo Phật thì gọi đó là tâm thức. Cái tâm thức này tùy theo chỗ huân tập thiện ác mà đến, chứ không cố định. Vì không cố định nên nó không phải là cái khôn ngoan biết lựa chọn, mà chỉ tùy nghiệp mà thôi. Tâm thức khác linh hồn ở chỗ đó. Nếu nói chúng ta có linh hồn thì sẽ tưởng như đó là một tinh thần duy nhất, nếu là duy nhất cố định thì thiện ác, mãi mãi không thay đổi. Nhưng tâm thức chúng ta luôn luôn biến chuyển, gần người lành thì hấp thụ điều lành, gần kẻ ác thì hấp thụ điều ác. Như vậy, tâm thức là một dòng thiện ác sinh diệt, chính dòng thiện ác đó sẽ đưa chúng ta đến chỗ lành hay dữ, nghiệp nào nặng sẽ lôi mình trước, đó là ý Tổ Quy Sơn nói “trọng xứ thiên trụy”.

Như vậy, Phật giáo không chấp nhận có một cái linh hồn trước sau như nhất và càng không chấp nhận cái hồn đó đi đầu thai, như người đời lầm tưởng. Còn bảo rằng không có nghiệp báo gì hết, quan niệm nầy, theo Phật giáo cho đó là thuộc hạng người Nhất xiển đề, tức bất tín cụ. Đây là hạng người họ không có lòng tin nhân quả. Chẳng những không tin mà họ còn bài bác nhân quả nữa. Hạng người như thế, thật chúng ta khó trao đổi luận giải với họ được.

Như đã nói, thuyết nghiệp báo là đặt định trên chiều thời gian nhân quả mà nói. Người nói như thế, thiết nghĩ, họ chưa tìm hiểu về thuyết nghiệp báo. Và chưa hiểu nghiệp là gì. Nếu vì chưa hiểu, thì tốt hơn hết là nên tìm hiểu, chớ không nên nói càn bướng mà chuốc lấy khổ lụy vào thân. Thật là một tai hại vô cùng và thật đáng thương xót lắm thay!

Thích Phước Thái

ĂN CHAY CÓ THỂ ĂN TRỨNG ĐƯỢC KHÔNG?

Như Nhiên – Quảng Tánh

HỎI:Gia đình tôi ăn chay trường, vừa rồi tôi có tìm hiểu vài cuốn sách dạy nấu chay nhưng lại thấy một số các món chay có thành phần là trứng gà. Theo mẹ tôi thì ăn chay là không được ăn trứng. Vậy tại sao trong sách dạy nấu chay lại nói như vậy? Tôi có biết một số món chay trong Thực phổ của Làng Mai cũng dùng trứng. Tôi thảo luận với mẹ chuyện này nhưng mẹ nói người ta tu ở bên Tây nên ăn được, hiện tôi rất thắc mắc nên nhờ quý Báo giải đáp. Tôi ăn chay đã hơn 10 năm, vì một số bệnh duyên nên bác sỹ bảo thỉnh thoảng phải ăn trứng để bổ sung thêm dinh dưỡng. Theo bác sỹ thì ăn chay không đúng cách có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Tôi có tìm hiểu thì một số vị bảo là người ăn chay trường có thể ăn trứng gà công nghiệp. Việc đó không biết đúng sai thế nào, xin quý Báo hoan hỷ giải thích. (DIỆU HẢI, dieuhai12...@yahoo.com.vn; QUẢNG TUỆ, KP.3, P.7, Q.5, TP.HCM)

ĐÁP:Bạn Diệu Hải và Quảng Tuệ thân mến!

Hiện nay có rất nhiều người trên thế giới thực hành ăn chay. Có người ăn chay trường, có người ăn chay kỳ, có người ăn chay tùy thích… và họ ăn chay cũng vì nhiều mục đích khác nhau như tôn giáo, đạo đức, khấn nguyện, sức khỏe hay đơn giản chỉ là để thay đổi khẩu vị.

Theo các nhà nghiên cứu ẩm thực, cách thức ăn chay của người phương Tây và trên thế giới nói chung hiện nay gồm ba nhóm chính như sau:

(1)Ăn chay có uống sữa và ăn trứng (Ovo-Lacto Vegetarian) nhưng không ăn thịt cá gà vịt và những loại hải sản khác.

(2)Ăn chay có uống sữa (Lacto Vegetarian) nhưng không ăn trứng, thịt cá gà vịt và những loại hải sản khác.

(3)Ăn chay hoàn toàn (Strict Vegetarian/Vegan), không ăn tất cả thực phẩm là động vật hoặc các sản phẩm chiết xuất từ động vật.

Trong các sách, tài liệu dạy nấu ăn chay trên thị trường, những nhà ẩm thực thiết kế thành phần các món ăn chay dựa trên ba quan điểm này. Đối với các thực phẩm chay đã được đóng gói thì nhà sản xuất có ghi rõ thành phần để người tiêu dùng tự lựa chọn.

Riêng việc ăn chay trong truyền thống Phật giáo Việt Nam hiện nay, theo thiển ý và quan sát của chúng tôi, có sự phối hợp của cả ba cách ăn chay trên. Trước hết, cách ăn chay (2) là phổ biến nhất, chư Tăng và Phật tử tuy không ăn thịt cá và trứng nhưng uống sữa và ăn các thực phẩm chế biến từ sữa. Trong trường hợp không dùng trứng, sữa, phó-mát chỉ ăn ngũ cốc cùng tương dưa rau củ quả v.v… thì đã ăn chay theo cách (3). Từ khi có trứng gà công nghiệp (theo quy trình sản xuất thì loại trứng này không chứa mầm sống) bán rộng rãi trên thị trường thì một số người và một số nơi ăn chay theo cách (1), ăn chay có sữa và trứng (sản xuất công nghiệp). Có điều, người ăn chay theo cách (1) này không nhiều và không phổ biến, bởi còn một số vấn đề… bất đồng và nhạy cảm, đơn cử như hình thức của hai loại trứng gà công nghiệp và trứng gà ta (có mầm sống) khá giống nhau.

Và hiện Giáo hội cũng chưa ban hành một văn bản mang tính giáo quy hay giới luật nào quy định cụ thể về việc ăn chay ngoài các tiêu chuẩn và nguyên tắc ăn chay truyền thống như không ăn thịt, không sát sanh, nuôi dưỡng lòng từ…, nên người Phật tử Việt Nam ăn chay theo cách nào (3), (2) hay (1) hoàn toàn tùy thuộcvào quyết định chọn lựa của cá nhân, phù hợp với điều kiện sức khỏe, tu học của mỗi người.

Trong Thực phổ của Làng Mai, thành phần của một số món chay có trứng gà công nghiệp và một số nơi chư Tăng Ni, Phật tử dùng thực phẩm có trứng là chuyện rất bình thường, đều dựa trên nguyên tắc này. Tuy nhiên, việc ăn trứng nhằm bổ sung thêm một số dinh dưỡng theo lời khuyên của bác sỹ là cần thiết nhưng cũng cần liều lượng phù hợp. Những người có khuynh hướng kiêng ăn trứng vì để giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh dị ứng cùng các bệnh do nhiễm khuẩn salmonella, campylobacter và H5N1 v.v…

Đối với vấn đề suy dinh dưỡng, không chỉ ăn chay mà ăn uống nói chung, nếu không đúng cách đều dẫn đến hậu quả suy dinh dưỡng. Theo bác sỹ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), “Thực phẩm chay thường có năng lượng thấp và nếu không ăn đa dạng thì rất dễ bị thiếu dinh dưỡng gây ra gầy ốm cùng suy giảm sức đề kháng, dễ bị bệnh nhiễm trùng. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu chất sắt tạo máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin B12... với biểu hiện là thiếu máu có thể xảy ra do các chất này có trong thực vật với tỷ lệ thấp và cũng khó hấp thụ hơn.

Nếu bữa ăn chay quá đơn điệu, như chỉ ăn cơm với rau cải luộc chấm tương, chao hoặc cơm với muối tiêu, nước tương thì nguy cơ thiếu chất rất cao. Ngược lại nếu bữa ăn chay có quá nhiều bột đường và dầu thì có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.

Ăn chay đúng cách là các món ăn trong bữa chính phải đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm (đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành, đậu phộng, muối mè, nấm, đậu que, đậu đũa, đậu xanh...), dầu và rau - trái cây. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên. Bữa ăn luôn có rau trái để vitamin C giúp hấp thụ chất sắt trong thức ăn. Ngoài ra cần bổ sung thêm sắt, vitamin... theo chỉ định của bác sĩ”.

Chúc các bạn tinh tấn!

LUẬT NHÂN QUẢ CÓ BẤT CÔNG HAY KHÔNG?

ĐÁP: “Ác đạo tuần hoàn cảm ứng tự nhiên, tuy không báo ứng tức thời, nhưng thiện ác chung qui vẫn phải chịu quả báo” (kinh Vô Lượng Thọ)

Luật nhân quả là một hệ thống phức tạp mà chúng sanh không thể dùng trí tuệ phàm phu để thấy rõ được sự việc. Với cái nhìn của nhục nhãn của phàm phu, chúng ta chỉ thấy được những gì trước mắt, còn những chuyện thầm kín, tâm tư, quá khứ, tạo tác (nghiệp đã gây ra), tiền kiếp, v.vv.. chúng ta điều không nhìn thấy được.

“Bồ Tát sợ Nhân chẳng sợ Quả
Chúng Sanh sợ Quả chẳng sợ Nhân”

Như các hàng Bồ Tát, các ngài dùng Pháp Nhãn đã thấy trước được sự việc (Quả) nên các Nhân ác các ngài đã không trồng. Còn chúng sanh không thấy được “hậu Quả” nên cứ vun trồng nghiệp ác, đến khi quả báo đến thì lại than trời trách đất sao lai bất công. Đức Phật đã có dạy rằng: “nếu muốn biết nghiệp đời trước của chúng ta (nhân) thì hãy nhìn vào phước báo mà chúng ta đang có ở hiện tại (qủa). Muốn biết nghiệp báo của tương lai (quả) thì hãy nhìn vào những tạo tác mà chúng ta đang làm hiện tại (nhân)”.

Luật Nhân Quả không mảy may sai lệch. Những người giàu có về vật chất, quyền uy thế lực, chưa chắc đã là sung sướng. Những của cải, uy quyền người ta đang hưởng là dó quá khứ người ta đã vun trồng giờ thì người ta đang hưởng. Còn những nghiệp ác bây giờ có thể đến “mùa lúa sau” khi người ta đã hưởng hết phước báo rồi thì mới trả quả ác. Biết đâu chừng lúc đó có người lại bảo sao trời lại quá bất công với những người này mà đâu biết rằng tất cả điều đã do người đó tạo nghiệp

Nói chung, Nhân quả được chia ra làm 4 loại:

  1. Đồng Thời Nhi Thục
  2. Dị Thời Nhi Thuc
  3. Biến Dị Nhi Thục
  4. Dị Loại Nhi Thục

Đồng Thời Nhi Thục: nghĩa là nhân và quả xảy ra cùng vào một thời điểm. Ví dụ như ta cầm dao bị cắt đứt tay, cái nhân chơi dao, và cái quả là bị cắt tay liền ngay vào lúc đó.

Dị Thời Nhi Thục: nghĩa là nhân và quả xảy ra vào 2 thời điểm khác nhau. Ví dụ như hút thuốc lá và bị ung thu phổi, cái nhân hút thuốc lá, nhưng phải cần một thời gian dài mới có kết quả là ung thư phổi

Biến Dị Nhi Thục: nghĩa là nhân và quả có chênh lệch thay đổi vì tác động nhân duyên có thay đổi. Ví dụ như một vú đụng xe trên đường cao tốc, theo như lý thì với tốc độ này thì tai xế xe phải bị tử nạn, nhưng nhờ có cài dây an toàn (seat belt) nên tài xế chỉ bị thương mà không tử nạn

Dị Loại Nhi Thục: nghĩa là nhân và quả không giống nhau. Ví dụ cái nhân trộm cắp và cái quả là bị tù tội đánh đập chứ chưa hẳn là sẽ bị trộm cắp lại

Sở dĩ nhân quả có khác là vì bị “Duyên” tác động. Nếu ta đem một hột cam gieo trồng, theo lý nhân quả là chúng ta sẽ hưởng được quả cam đấy. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào rất nhiều duyên tố khác trước khi quả cam được hình thành, ví dụ như thời gian, nước, nắng ấm, phân bón, người chăm sóc, v.vv.. Nếu như cây bị ngập nước, khô cháy v.vv.. thì quả cam vẫn không hình thành được. Vì từ nhân cho đến quả bị “Duyên” chi phối thế nên Nhân Quả có khác. Thế nên, nếu lúc trước lỡ làm việc ác thì vẫn có thể sám hối được. Với điều kiện là thật tâm sám hối và chừa bỏ các tội ác xưa. Hãy nên vui vẽ trả nghiệp và đừng thối tâm làm việc thiện. Đến khi nghiệp trả xong thì tự nhiên sẽ gặt hái được những phước báo mà mình đã và đang gieo trồng.

“Tội từ Tâm khởi đem Tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm diệt thảy điều không
Thế mới thật là Chơn Sám Hối”

CHÁNH MẠNG CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Thiên Hạnh

HỎI :

Mô Phật.

Kính bạch thầy. Con là sa di Trung Thắng mới xuất gia được hơn một năm. Con kính xin thầy  chỉ dạy thế nào là Chánh mạng đối với người xuất gia để con có được định hướng thích đáng trong việc tu học. Con xin kỉnh lễ tri ân Thầy.

ĐÁP:

Sa di Trung Thắng thân mến. Mới xuất gia thời gian ngắn, rồi đây chú sẽ được thầy bổn sư hoặc nếu được vào các trường sơ trung cấp Phật học sẽ được các vị giáo thọ dạy về Gíao lý căn bản và Kinh_Luật_Luận ở mức khai tâm. Nhân đây thầy tóm tắt các ý chính về phần Chánh mạng của người xuất gia. Chánh mạng là phương kế sinh nhai chân chánh (còn gọi là phương tiện sống chân chánh). Trong Kinh DI GIÁO Đức Phật dạy các Tỳ kheo về Phương tiện thanh tịnh:

Đức Phật đã phân tích những phương cách làm nguồn sống trong đời sống nhân sinh mà chúng đệ tử Ngài bất đắc dĩ phải tiếp cận. Ngài cảnh tỉnh các vị Tỳ kheo (xuất gia) không nên theo lối mòn của người thế tục và ngoại đạo có nghĩa là không nên làm các việc sau:

_ Việc của doanh nhân như mua bán trao đổi ( dịch vụ ).

_Việc của các điền chủ như tậu dựng ruộng đất, nhà cửa, mướn nhân công, nuôi người ở, nuôi súc vật, khai khẩn trang trại, xâm hại thiên nhiên.

_Việc của ngoại đạo như bào chế linh đơn, luyện phép thuật bùa chú, làm bốc sư, địa lý…

_Việc của các nhà hoạt động chính trị xã hội như đi sứ ngoại giao, tham gia các cơ quan quyền lực,…

       Đức Phật đã thấu rõ nếu người xuất gia làm những công việc trên sẽ phát sanh những tác hại. Trước hết nó tăng trưởng lòng tham hủy bại công đức. Thứ đến là suy mất chánh niệm, trí tuệ khó thành. Và cuối cùng là nhận lấy chướng duyên, lung lay Đạo nghiệp.

       Người xuất gia cốt cầu Pháp xuất thế, sống đơn giản thanh bần, bình bát ba y, không thiên vật chất, không màng danh vọng. Từ cơ sở này, Đức Phật khuyên chúng đệ tử nên điều độ và thanh tịnh trong mọi sinh hoạt, chừng mực trong sự thọ nhận cúng dường của tín thí, thành khẩn trong lỗi lầm, phải xem mục đích giải thoát là trên hết.

       Thầy cầu chúc sa di Trung Thắng và các Pháp hữu tinh tấn trong Đạo lộ hành trì Pháp Phật, tăng trưởng Đạo nghiệp.

(Thiên Hạnh_ giáo thọ tại tp HCM)

BÁI SÁM, LỄ LẠY CÓ DIỆT ĐƯỢC TỘI KHÔNG?

Thích Nhật Từ

Hỏi: Thưa thầy, bái sám, lễ lạy nhiều thì có tội diệt phước sinh không? Tu và bái sám thế nào thì đúng với chánh pháp.

Trả lời:

Bái sám nhiều mà tội diệt phước sinh là không đúng về nhân quả. Trong kinh điển Pali, A Hàm và Đại Thừa, Đức Phật không cường điệu về sám pháp. Đức Phật chỉ dạy chúng ta: hãy nhận thức lỗi lầm, nêu cam kết không để cho lỗi lầm đó được xuất hiện thêm một lần nào nữa trong tương lai và bằng “Tứ Chính Cần” để kết thúc việc xấu đã làm, ngăn chặn việc xấu chưa có
1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh. 
2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác phát sinh. 
3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh. 
4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.

Tác dụng thứ hai của sám pháp nhằm thuyết phục, răn đe để chúng ta không cố tình làm những lỗi lầm đó trong tương lai. Có lạy hàng trăm lạy các Đức Phật ba đời thì tội đó cũng không bớt được một tý nào. Có đọc hàng trăm bộ Lương Hoàng Sám, Từ Bi Thủy Sám, Mục Liên Sám Pháp, Ngũ Bách Danh, Tam Thiên Phật, Vạn Phật thì cũng không thể nào chuyển được nghiệp đó. Lạy thì có sức khỏe. Lạy thì có phước được tôn kính. Nghiệp xấu vẫn phải trả thôi. Cho nên, chúng ta không nên cường điệu. Đọc vừa phải để nhận thức đúng và điều chỉnh nghiệp xấu bằng sự gieo nghiệp thiện đối lập tương đương với năng lực nghiệp xấu cũ đã tạo.

Theo chúng tôi lạy Phật là một điều đúng, tốt cho sức khỏe vì vận động toàn thân, giúp chúng ta rũ bỏ được cái tâm ngã mạn khi biết tôn kính Phật và Bồ Tát. Tốt vì thời điểm đó chúng ta đang tĩnh tâm, hoàn toàn thanh tịnh, nó làm cho tâm của mình được an lạc. Và chỉ cần lạy 50 - 100 lạy là đủ vì với chừng đó số lượng lạy, lượng calori chúng ta được tiêu hao. Lạy Phật để tu chứ đừng có lạy Phật để mà cầu sám hối hết tội. Muốn sám hối hết tội thì phải gieo nghiệp thiện đối lập. Đó là con đường duy nhất, không có con đường nào khác.

Có phải Phật giáo cũng tin có quỷ, thần mơ hồ hay không?

Đạo Phật là đạo giác ngộ. Mọi sự mê tín không bao giờ đạo Phật chấp nhận. Thế thì xin hỏi: Tại sao chúng tôi thấy rãi rác trong các kinh lại có nêu ra các vị Thần, như Thiên Thần, lâm Thần, thọ Thần, Quỷ, Thần v.v... điều nầy, có ý nghĩa gì ? Có phải Phật giáo cũng tin có Quỷ, Thần mơ hồ hay không? Và có phải Phật giáo cũng tin tưởng vào đa Thần giáo không?

Xin thưa, Đạo Phật dứt khoát không bao giờ chấp nhận việc mê tín Thần quyền, nhứt là những vấn đề tin nhảm nhí, theo một niềm tin mù quáng, không được điều động bởi lý trí. Phật giáo cũng không chủ trương lấy việc cúng tế Quỷ, Thần như là một điều van xin cầu khẩn để được các vị Thần linh ban phước, giải khổ. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật giáo, thì giữa vũ trụ bao la, thế giới vô lượng, và lẽ dĩ nhiên có vô số chúng sanh xuất hiện dưới mọi hình thức tùy theo nghiệp quả của mỗi loài mà có ra thiên hình vạn trạng sai biệt. Sự sai biệt đó, theo kinh điển của Phật giáo cho chúng ta biết, thì tùy theo nghiệp nhân của mỗi loài đã tạo, nên quả báo thọ thân chẳng đồng.

Như có loài sống ở dưới nước, như tôm, cá v.v... Có loài ở trên không, như chư Thiên... Có loài sống trên đất liền, như loài người và các loài động vật, thực vật khác. Như thế, Quỷ, Thần cũng là một loại chúng sanh như vô số chúng sanh khác. Vì vậy mà rãi rác trong các kinh điển của Phật giáo, tiêu biểu như Kinh Địa Tạng chẳng hạn, trong đó, Phật nêu ra có nhiều loại Quỷ, Thần. Nhưng nêu ra như thế, để nói lên nghiệp cảm sai biệt của mỗi chúng sanh trong thế giới lục đạo luân hồi, chớ không phải Phật nêu ra như thế là có ý chấp nhận Quỷ, Thần có quyền ban phước giáng họa, để rồi Phật khuyên mọi người nên tin tưởng cúng bái Quỷ, Thần .

Điều nầy là một điều tối kỵ trong Phật giáo. Kinh Phật còn cho chúng ta biết thêm về thế giới quan, có chúng sanh hữu tình, có loài chúng sanh vô tình, có loài hữu hình hữu tướng, có loài vô hình vô tướng vân vân và vân vân. Tất cả đều tùy theo căn thức và nghiệp cảm mà có ra vô số sai khác. Như thế, thì không có một chúng sanh nào cai quản chúng sanh nào, ngoại trừ sự hỗ tương sinh thành theo luật nhân duyên nhân quả.

Do đó, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy bất cứ ai cầu xin nơi Quỷ, Thần, vì Quỷ, Thần vẫn còn là một chúng sanh cũng vẫn đang chịu khổ như bao nhiêu chúng sanh khác, chưa biết bao giờ thoát khỏi, nếu như Quỷ, Thần đó không biết hồi tâm chuyển ý lo tu niệm.

Tóm lại, theo giáo lý của Phật giáo, Phật giáo có nói đến các loại Quỷ, Thần, như là một chúng sanh bị nghiệp cảm thọ báo mang hình hài nghiệp thức trong loài đó, chớ Phật giáo không chấp nhận quyền năng của bất cứ vị Thần sáng tạo nào, dù là nhất Thần, hay đa Thần cũng thế.

Hơn thế nữa, Đức Phật chưa bao giờ khuyên đệ tử của Ngài tin tưởng vào Thần quyền. Và cũng không bao giờ chấp nhận cho đệ tử của Ngài cúng bái, cầu khẩn van xin điều nầy việc nọ với Quỷ, Thần. Nếu là đệ tử của Phật, đã quy y theo Phật giáo, thì trong 3 điều quy y có một điều Phật răn cấm là không được quy y với Thiên, Thần, Quỷ, Vật. Ngay cả như chư Thiên, người phật tử cũng không được nương tựa. Lý do tại sao? Xin thưa, vì các vị trời cũng vẫn là một chúng sanh, nói rõ hơn, họ với ta sánh vế thì ngang nhau, vì ta cùng họ đều là đệ tử của Đức Phật. Tất nhiên là huynh đệ với nhau. Chẳng qua là họ hơn ta ở chỗ thọ dụng phước báo mà thôi.

Tỳ Kheo Thích Phước Thái

KHI THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ

Thiên Hạnh

HỎI:

Mô Phật.

Con kính bạch thầy ạ!

Con còn đang là sinh viên đại học, chưa quy y Tam Bảo. Trong nhà con chỉ có một mình má con (năm nay đã ngoài năm mươi) là đã quy y, thường xuyên đi chùa và tham gia các hoạt động của chùa. Trong những bữa cơm hay các dịp gia đình đông đủ, má con thường tỏ vẻ rất tự hào về Đạo Phật, về ngôi chùa nơi bà sinh hoạt và đặc biệt bà ca tụng hết lời vị thầy bổn sư bà đã quy y. Thấy tuổi già về hưu mà má con tìm được nơi an vui hoan hỷ như vậy cả gia đình con rất mừng, anh chị em chúng con còn có ý định thời gian nữa xin phép má cho được cùng quy y làm Phật tử. Đùng một cái, một hôm má từ chùa về mặt buồn thiu không nói năng gì, đi thẳng vào phòng nằm rầu rĩ bỏ cả cơm nước. Chúng con phải tìm cách nhẹ nhàng khéo léo gạn hỏi mãi má mới nói giọng như nghẹn ngào: thầy đổ nghiệp rồi!. Chỉ bấy nhiêu thôi, rồi bà không nói thêm gì nữa, nhưng con biết là vị thầy bổn sư của má đã phạm một điều hệ trọng gì đó để đến nỗi má phải thất vọng ê chề như thế.

       Sau đó chúng con tìm hiểu số các vị Phật tử cùng tu với má mới biết là ông thầy của các vị đó có phạm một số điều giới gì đó của người xuất gia khiến cho các Phật tử mới lâm vào cảnh “thần tượng sụp đổ” dở khóc dở cười như thế.

       Kính bạch thầy.

       Đứng trước sự việc này, sự hoang mang khiến tâm phát nguyện quy y của con cũng không còn nữa. Má con thì không còn đi chùa và cũng chẳng vui tươi như trước, mặt mày lúc nào cũng ủ dột và thường tránh mặt mọi người trong nhà. Xin thầy cho chúng con một lời khuyên, chúng con phải làm gì, phải hành xử như thế nào cho phải phép trong chuyện này ạ! Trước giờ con rất sùng tín Đạo Phật và Qúy Thầy, nay thì lòng tin đã giảm rõ rệt thay vào đó là sự hoang mang ngờ vực.

       Con kính tri ân thầy, và xin thầy hỷ xả nếu con có nói gì chưa phải.

             (Một tín nữ ở phường 12, q. Gò Vấp, tp HCM)

ĐÁP:

Phật tử thân mến.

       Trước hết cho phép thầy gọi con bằng danh xưng là Phật tử, vì qua câu hỏi thầy biết con đã rất tin kính Tam Bảo. Đây quả là nhân duyên tốt lành mà không phải bất cứ ai trong cõi đời này cũng có được.

       Mẫu thân con như con đã miêu tả là một Phật tử thuần thành đã lớn tuổi, có quá trình gắn bó phụng sự quý thầy và hộ trì Tam Bảo, đó là phước duyên của bà và của gia đình mình, con nên tự hào về điều đó.

       Trường hợp của mẹ con cũng không phải ít xảy ra đối với những Phật tử có tín tâm với Chư Tăng, dường như rất phổ biến là đằng khác. Theo logic thông thường của thế gian, người ta vẫn truyền tụng câu: càng hy vọng lớn thì thất vọng càng nhiều_ có thể tinh thần câu nói đó rất trùng hợp trong tình huống này vậy.

       Sự thất vọng và khủng hoảng tâm lý của mẹ con bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

    Thứ nhất là tôn sùng và đề cao thái quá một nhân vật nào đó đến nỗi thần tượng hóa nhân vật ấy. Nên nhớ điều gì thái quá thường được gọi là cực đoan, mà đã cực đoan thì không còn tỉnh táo sáng suốt, đến nỗi gán ghép cho nhân vật đó những đức tính khả năng mà thực sự họ không hề có hoặc chưa đạt tới, ví dụ trong tâm mình cứ nghĩ họ thanh tịnh siêu quần như Phật như Thánh. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, đến khi thực tế phơi bày ra những mặt hạn chế của họ khiến mình bị bất ngờ, thậm chí khi họ mắc những sai lầm có vẻ hơi trầm trọng thì mình càng bị sốc vì “thần tượng sụp đổ”. Đối trước tình huống này, không ít Phật Tử phản ứng một cách tiêu cực là quay lưng với chùa( nơi vị ấy trú xứ), thậm chí xa rời Tam Bảo, bỏ ngang việc tu học mình đã bao lâu dày công nổ lực, cá biệt có vị niềm tin không vững quay lại phỉ báng Phật Pháp và bỏ theo tôn giáo khác.

     Thứ hai, Chưa xác định một cách chánh kiến về mục đích tu học và đâu là cái tổng thể nên nương theo và đâu là nhân duyên nhất thời mang tính tương tác cục bộ, thêm nữa là do các Phật tử chưa tự đào luyện cho chính mình sự bản lĩnh thích nghi bất cứ hoàn cảnh bất lợi nào trên đường tu tập nên gặp chuyện ngoài dự tưởng thì khủng hoảng, suy sụp, dẫn đến những hình thức đối phó thiếu đứng đắn.

       Vậy nên thầy có lời khuyên chung cho các Phật tử như sau:

       ● Để tránh những việc không hay về sau, trước khi đến và thỉnh cầu một vị Tăng(Ni) là thầy Bổn sư cầu Pháp tu học lâu dài( xin quy y), các tín chủ nên có quá trình tiếp cận tham học, là giai đoạn sơ ngộ, dần dần nếu thấy với vị thầy này, việc tu học mình có tiến bộ, tâm thức mình ngày càng an lạc, hoan hỷ, thì đây là bậc tôn túc hữu duyên với bản thân mình, lúc đó nên thỉnh cầu phát nguyện được quy y là đệ tử( bởi vì Phật Pháp là nhân duyên, không quy định rạch ròi như một số tôn giáo khác: tín đồ khu vực nào phải sinh hoạt khu vực đó). Các Phật tử không nên vì hình thức bề ngoài, hay thoạt diện kiến vị nào thấy trang tướng dung nghi dễ coi liền tức khắc xin quy y để gắn bó thầy trò, đó là những lối hành xử hời hợt, cảm tính, bột phát… rất dễ tạo ra sự giao động tâm lý về sau.

      ● Vì sao có tâm lý “ thần tượng sụp đổ”? Xin trả lời một cách nôm na là : vì có xây nên mới có đổ! Nếu không xây thì chẳng có gì là đổ và không đổ! Thế nào gọi là xây, nghĩa là ngày mỗi ngày, Phật tử cứ vun quén tạo dựng ảo tưởng thầy mình là nhất không thầy nào bằng, thầy mình tu hành giới đức thanh tịnh, thầy mình giỏi dang, thầy mình toàn bích, không chút tỳ vết lỗi lầm,… quả là một bức tượng hoàn hảo! Nhưng mình quên rằng, thầy mình cũng là con người, là người xuất gia đang tu học Phật, thầy mình chưa là Phật làm sao toàn bích đây? Vậy nên lời khuyên là hãy đừng xây nên một thần tượng nào cả, hãy tinh cần tu và học là điều thiết thực nhất.

       ● Tại sao phải buồn rầu khi một ai đó phạm sai lầm, mình vẫn còn một Đức Phật, Bậc Giác Ngộ tối thượng, là thầy của trời và người( Thiên nhơn chi Đạo Sư) đang được cả nhân loại ngưỡng mộ đó cơ mà! Sao không lấy Ngài làm thần tượng noi gương mà tu tập lại thần tượng một vị nào đó, rồi thấy họ là tất cả?

       Thêm nữa, cả nền giáo lý nhiệm mầu Đức Phật để lại còn đây, Phật tử nên theo đó hành trì tu tập, nên nhớ: “ Y Pháp bất y nhơn”. Với người tu học Phật chân chính thì lúc nào cũng lấy Gíao Pháp làm thầy như lời Đức Phật đã dạy, các thầy chỉ là người trợ duyên dẫn đường.

       ● Sai lầm của một vị thầy nào đó là chuyện cá nhân, một hiện tượng cá biệt, nó không phản ánh toàn bộ Phật Giáo, nếu đánh đồng rồi quy kết là Phật Giáo không tốt rồi quay sang chê bai Đạo Phật, bỏ theo tôn giáo khác là cách hành xử thiếu trí tuệ, rồi sẽ mất cơ hội tu tập (tự mình thiệt mình).

        ● Cũng có thể đó là biệt nghiệp rơi rớt của riêng thầy ấy, xử lý theo Luật theo Pháp là việc của cộng đồng Tăng đoàn, nằm ngoài trách nhiệm của cư sĩ Phật tử, nên các Đạo hữu chỉ nên chú tâm tu học đừng quá bận tâm.Vả lại nhân quả ai gây ra người ấy gánh chịu, không phải Phật tử chịu thay, nên hiểu rõ điều này.

  Theo thầy, mẹ con cứ nên đi chùa tu học tụng kinh bình thường, vẫn cung kính thầy mình như chưa từng xảy ra việc gì. Một Phật tử khôn khéo là biết học tập những gì nên học tập, không làm theo những điều chưa tốt chưa hay. Cứ theo Phật theo Pháp hành trì, vững chải mà tiến lên.

       Riêng phần của con, thầy khuyên con không việc gì phải thối thất tín tâm với Tam Bảo, việc mẹ con bị chao đảo tâm lý cũng là chuyện bình thường, nếu tín tâm Phật Pháp đủ mạnh, thầy tin tưởng bà sẽ vượt qua nhanh thôi và sẽ tinh tấn tu học như xưa. Con đừng lấy chuyện riêng của một vị thầy nào đó mà ảnh hưởng sự quy hướng về Phật Pháp của mình( bởi chuyện chẳng đáng chút nào cả_chẳng khác nào tự mình thiệt mình, uổng lắm!).

        Thầy cầu nguyện Chư Phật gia hộ mẹ của con sớm nhận rõ đường lành, bản thân con sẽ sớm là Phật tử ngày ngày tinh tấn tu tập theo lời Phật dạy.

        Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật

Ghi chú của ban biên tập: Thầy Thiên Hạnh hiện là giảng viên lớp đào tạo giảng sư (cao trung cấp giảng sư) tại TP. HCM

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỊNH TÂM KHÔNG BỊ ẢO GIÁC KHI HUYỆT ĐẠO BỊ MỞ DO TU THEO NHÂN ĐIỆN?

VẤN: Cách đây ba năm, con được một số bạn chỉ cho cách tu nhân điện vì các bạn bảo đó là phương pháp tốt nhất giúp sớm định tâm quán tưởng, biết được nhiều chuyện nhiệm mầu, hiểu về thế giới xung quanh cũng như có một năng lực rất diệu kỳ. Con tò mò nghe theo và đã được một người thầy khai ấn, mở huyệt đạo để tu. Ban đầu con cũng khá thích thú vì thấy mình có một sức mạnh khác, khỏe hơn và thấy được nhiều thứ xung quanh. Tuy nhiên, dần dần con cảm thấy tâm con quá loạn động, không bao giờ được ngồi yên, ảo giác xảy ra thường xuyên nhiều lúc làm con muốn điên loạn. Giờ con cảm thấy hối hận và muốn tu hành theo một pháp môn của Phật giáo để không bị loạn động. Con không thể ngồi thiền vì mỗi lần ngồi là con bị hoảng loạn, ảo giác xuất hiện dù chỉ là ngồi hít thở. Con không biết là con có thể niệm Phật được không hay có phương pháp nào giúp con định tâm tốt hơn? Các huyệt đạo bị khai mở ấy có bị làm sao không và có cách nào giúp đóng lại các huyệt đạo bị mở? Xin sư chỉ dạy cho con.

ĐÁP

Nhân điện xuất hiện trong cộng đồng người Việt ở Mỹ mà người khởi đầu là ông Lương Minh Đáng, một người Việt di cư đến Mỹ năm 1985. Những người theo học được ông hoặc các người phụ tá giảng dạy khai mở luân xa, rồi sau đó có thể tự chữa lành bệnh cho mình và cho tha nhân, kể cả các căn bệnh như ung thư và tim mạch và có khả năng chữa bệnh cho bệnh nhân ở xa qua việc truyền nhân điện bằng điện thoại?

Những người tu theo phái này cho biết khi khai mở được luân xa cuối cùng, hoặc thầy khai mở cho hay tự mình khai mở được luân xa số 1 thì con người trở thành siêu nhân và đạt được giác ngộ…Nhân điện hay còn gọi là Trường Sinh Học Khai Mở Luân Xa, chủ trương vào việc khai mở luân xa với mục đích, gần thì có năng lực cho mình được khỏe rồi truyền cho người khác cùng khỏe, chữa cho họ hết bệnh; cao xa hơn nữa là để “thể xác và tâm trí hoàn toàn trống rỗng, hư vô tuyệt đối, hòa mình vào cùng vũ trụ”.

Ý tưởng nhân điện thì cao xa, tuy nhiên trong các kinh điển đức Phật không dạy về luân xa cũng như khai mở luân xa. Cứu cánh của Phật giáo là giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sinh tử luân hồi, thoát ly tam giới đạt được giác ngộ hoàn toàn, an trú trong Niết bàn tịch diệt.

Chúng ta không nên phê phán tín ngưỡng khác, như mỗi loài hoa có vẻ đẹp riêng, chúng ta có thể nghiên cứu để mở mang kiến thức. Việc đóng mở luân xa là việc của Nhân điện, không phải việc của Phật pháp. Về tín ngưỡng tâm linh thì tùy duyên, không nên gượng ép.

Riêng đối với Phật tử, Sư có lời khuyên hãy trì giới thành kính, không thực hành pháp môn ngoại đạo. Đó là điều bạn đã hứa khả khi trong lễ thọ tam quy ngũ giới:

Các thiện nam (hay Thiện nữ)!

Các vị đã quy y Phật rồi, từ nay trở đi thà bỏ thân mạng trọn đời không quy y thiên thần và quỷ vật, vì sao? Vì thiên thần quỷ vật kia còn bị luân hồi sanh tử, không phải là thánh nhân xuất thế gian

- Quy y pháp rồi, thà bỏ thân mạng, chớ không quy y theo kinh điển ngoại đạo tà giáo. Vì sao? Vì kinh điển ngoại đạo tà giáo không phải là pháp môn vô lậu giải thoát

- Quy y Tăng rồi, thà bỏ thân mạng chớ suốt đời không quy y đồ chúng ngoại đạo. Vì sao? Vì đồ chúng ngoại đạo không phải là người giải thoát chứng quả Tam thừa, họ sẽ dẩn dắt quý vị vào con đường tối tăm nguy hiểm (trích Giới đàn Tăng, trang 15,16, do HT Thích Thiện Hòa biên dịch).

Đoạn luật nầy chỉ nói đến người Phật tử phát tâm quy y Tam Bảo là như vậy, không áp dụng cho người không hoặc chưa quy y Tam bảo.

Là Phật tử, trước đi theo pháp nhân điện, nay có trở lại tu Phật thì phải sám hối trước Phật và chư tôn đức Tăng già, bổn sư, chốn Tổ của bạn, hoặc chư tôn đức ở tự viện nào cũng được, cho được thanh tịnh nhẹ nhàng, thanh tâm mát dạ; nếu chưa phải là Phật tử thì bạn cầu học Phật pháp, lóng lòng cho tâm trí sạch trong và thanh thản rồi xin quy y Tam bảo. Không nên chê bai ngược lại pháp môn mà bạn đã theo và thực hiện không hiệu quả vừa qua.

Không nên nặng nề lắm với công phu tụng kinh niệm Phật. Bạn vẫn sinh hoạt bình thường với gia đình và xã hội. Sau đó tìm Thầy quy y, hướng dẫn tu hành. Mỗi ngày nên chọn thời gian thích hợp, buông bỏ vạn duyên, thành kính niệm Phật từ 20-30 phút. Mỗi ngày tự thực hành như thế dần dà sẽ thấy Phật pháp nhiệm mầu.

HT Thích Giác Quang
Quan Âm Tu Viện
TP. Biên Hòa, Đồng Nai

BỐ THẮC MẮC MONG ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

Con có một số thắc mắc mong quý sư giải đáp:

01. Con đọc được một số tài liệu là không nên để hình của mình trên màn hình máy tính hoặc làm hình nền điện thoại. Vậy liệu con có thể để hình ảnh của những vị Phật, Bồ tát mà con tôn kính làm hình nền máy tính hoặc điện thoại liệu có ổn không ạ?

Trả lời: Rất nhiều người thường lấy hình của người mình yêu làm hình nền máy tính hoặc điện thoại. Còn em lấy hình Phật hay Bồ Tát là những vị em tôn kính, luôn nghĩ tưởng và hướng tới. Điều này là điều tốt vì em luôn nhớ tưởng đến ngài, đến các công hạnh của ngài mà em sẽ cố gắng noi theo. Thí dụ như Đức Phật. Ngài là hiện thân của đấng Đai Từ, Đại Bi không phải chỉ nhằm tình thương trong phạm hẹp hòi của gia đình: thương cha mẹ, vợ con, bạn bè hay tình thương yêu đồng chủng, đồng loại. Tình thương của Ngài là tình thương tất cả chúng sanh, không trừ bỏ một sinh vật nhỏ bé nào. Tình thương ấy nó rộng sâu như trời bể, không bờ bến, không biên cương, không hạn định.

02. Con có nghe một số người nói là với những người giới tính bất thường, đồng tính hoặc ái nam ái nữ, bán nam bán nữ thì không được quy y có đúng không ạ? Nếu đúng thì cho con xin phép hỏi thêm, con hiện giờ sinh ra với cơ thể là nam giới nhưng con cảm nhận bản thân mình là nữ giới và nếu con tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành 1 người nữ thì liệu con có được quy y và được tu học không? Nếu được thì con sẽ thọ giới của Tăng hay Ni ?

Trả lời: Trước hết em nên hiểu quy y là gì.

Trong kinh Tăng Chi, đức Phật dạy: "Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng, thì người ấy được gọi là Phật tử". Nguyên văn lời nguyện thành một Phật tử là:

Buddham saranam gacchàmi, (Con nay đi theo Phật) 
Dhammam saranam gacchàmi, (Con nay đi theo Pháp) 
Sangham saranam gacchàmi, (Con nay đi theo Tăng) 

Đó là ý nghĩa của quy y. Nói rộng ra là Tam Quy. Tam quy là Quy y Phật, Quy Y Pháp và Quy Y Tăng, gọi là Quy Y Tam Bảo. Quy y nghĩa là trở về và nương tựa, nhưng chúng ta trở về đâu và nương tựa cái gì? Chúng ta trở về với Phật giáo và nương tựa vào Tam Bảo, Phật, Pháp, và Tăng. Sau lễ quy y, người Phật tử được thầy truyền thọ Tam Quy đặt cho một pháp danh (Dharma name). Pháp danh này là biểu tượng chính thức của người Phật tử, nói lên sự chấp nhận nương tựa vào Tam Bảo về mặt tinh thần.

Quy y như thế có nghĩa là hoan hỷ chấp nhận sự hướng dẫn của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phật Bảo là chư Phật, Pháp Bảo là giáo pháp, cụ thể là Tam Tạng Kinh Điển, Tăng Bảo là Tăng đoàn, đoàn thể của những người đã ly gia cắt ái, đang tu hành thanh tịnh, đại diện Chư Hiền Thánh Tăng cả ba thời để hướng dẫn Phật tử trên con đường đến bờ Giác. 

Như thế bất cứ ai, không phân biệt, chủng tộc, mầu da, giới tính, kể cả những người giới tính bất thường, đồng tính hoặc ái nam ái nữ, bán nam bán nữ đều được quy y để trở thành một người Phật tử. Với nguyên tắc thương yêu tất cả mọi loài chúng sinh, Phật giáo không chủ trương xét xử, không chống đối hay chỉ trích (lên án) người khác, đơn thuần chỉ dựa trên tính chất của người đó, vì điều này được xem như là một sự phê phán thiên vị và không công bằng. Vì thế, xuyên qua những lời giảng dạy của Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài phê phán hay lên án những người đồng giới tính hay chuyển đổi giới tính về phương diện đạo đức.

Trong đạo Phật, có hai giới Phật Tử, Phật tử tại gia và Phật tử xuất gia.

Đối với hàng Phật Tử tại gia, hôn nhân và sinh con được xem là tích cực, nhằm xây dựng một đời sống hạnh phúc gia đình của đời này và đời sau, nhưng không có nghĩa là bắt buộc. Trong giới luật áp dụng cho hàng cư sĩ tại gia, không có điều luật hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Đối với hàng Phật tử xuất gia, những người đã từ bỏ nếp sống gia đình, phát nguyện sống đời sống độc thân, quyết chí tu hành giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, nên bị ràng buộc trong tổ chức Tăng đoàn qua bộ luật Tỳ Kheo. Theo bộ luật này, Dâm Dục là giới cấm đầu tiên trong bốn giới “Ba La Di” mà bất cứ vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni nào phạm phải giới này đều bị trục xuất hay bị khai trừ vĩnh viễn ra khỏi cộng đồng Tăng đoàn. Dâm Dục được định nghĩa là bất cứ loại hoạt động tình dục nào, cho dù đó là cùng giới tính hay khác giới tính, kể cả với loài vật.

Có thể do nguy cơ gây xáo trộn đời sống thanh tịnh của Tăng đoàn, làm cản trở tiến trình tu tập của các thành viên, nên những người đồng tính luyến ái, trong đó bao gồm cả người ái nam ái nữ và cả loại người mà kinh điển Pali gọi là Pandakas, không được thọ giới Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, tức là không cho vào hàng ngũ Tăng đoàn.

Con hỏi hiện giờ sinh ra với cơ thể là nam giới nhưng con cảm nhận bản thân mình là nữ giới và nếu con tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành 1 người nữ thì liệu con có được quy y và được tu học không? Nếu được thì con sẽ thọ giới của Tăng hay Ni?

Trả lời: Đạo Phật tin rằng, mọi sự mọi vật trên thế gian là vô thường, cuộc sống nhân sinh cũng chuyển dịch biến hoá không ngừng và tuỳ theo nghiệp của mỗi chúng sinh, giới tính có thể thay đổi từ giới này sang giới khác như người nam trở thành người nữ hay ngược lại và chuyển dịch từ đời này sang đời khác. Ngay cả hiện tại cũng đã có nhiều người hoặc tự mình thay đổi với sự trợ giúp của y khoa hay tự nhiên thay đổi giới tính. Đạo Phật không ngăn cấm, không kỳ thị đồng tính hay chuyển đổi giới tính. Và như trên đã nói bất kỳ ai cũng được thọ quy y Tam Bảo. Em cũng vậy, khi em trở thành nữ em có thể quy y với bất cứ với vị Tăng hay vị Ni nào tại bất cứ ngôi chùa nào hay tu viện nào. Vì khi em quy y, không phải quy y với vị Tăng đó hay vị Ni kia mà quy y với Tăng Bảo hay Tăng Đoàn.

03. Con có đọc 1 số trang sách có ghi là Giới luật là do Đức Phật chế ra sau khi có những sự cố trong tăng đoàn, nên Đức Phật mới tạo ra giới luật để ngăn chặn những việc đó. Việc này liệu đúng không ạ ?

Trả lời: Điều này đúng.

Vì theo như chỗ con biết và nghe thì con có nghe là Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Là bậc biết được quá khứ hiện tại vị lai và biết rõ tất cả căn tánh chúng sanh, thì không có lý do nào Phật lại để xảy ra những việc đáng tiếc mới tìm cách ngăn chặn. Con thấy điều này có gì đó không hợp lý cho lắm theo ý ngu muội của con.

Trả lời: Trong Ngũ Phần Luật quyển 1, Ngài Xá Lợi Phất trình thưa Phật: “Bạch đức Thế Tôn làm sao để Chánh Pháp của đức Như Lai, sau khi Như Lai diệt độ rồi Chánh Pháp ấy được tồn tại lâu dài”.

Thế Tôn dạy: “Đức Phật nào mà có nói giới nói pháp thì chúng đệ tử nhờ đó để tu hành, làm cho Chánh Pháp được cửu trụ lâu dài”.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Thế Tôn tại sao con không thấy Thế Tôn chế giới mà chỉ nói Pháp?”

Đức Phật nói: “Này Tôn giả, ta biết thời phải làm gì, nay chưa đến thời ta chưa chế giới. Khi nào trong Tăng chúng có việc vì danh lợi, vì hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế giới”. 

Ngài còn dạy rằng : “Nếu Ta chế Giới trước khi vi phạm, thì người đời sẽ phỉ báng ta. Họ sẽ bảo rằng tôi không có gây tội, sao lại cưỡng chế ra Giới luật. Đây không phải là nhất thiết trí. Như thế là Như Lai không có tâm từ bi, không lợi lạc, không bảo bọc chúng sanh. Như người không có con lại nói rằng sẽ sanh con vào giờ ấy. Chuyện ấy không thể tin, vì không chân thật. Nếu là sự thấy đứa con người ta mới tin được, cũng thế hữu lậu chưa sanh, tội chưa làm, trời người chưa thấy làm sao chế Giới được. Cho nên cần phải thấy rõ phạm tội, rồi sau đức Thế Tôn mới chế Giới, đây là đúng thời. Này Xá Lợi Phất như y sĩ biết là nguyên nhân tật bịnh và biết thuốc nào ngọt để trị bịnh ấy”.

Từ đó, dần dần về sau trong Giáo đoàn Tăng sinh các hữu lậu với mục đích tâm họ không chân chánh. Do đó tăng đoàn đã xảy ra nhiều trường hợp nhiều Tỳ kheo thiếu kỷ cương nề nếp, đời sống buông lung phóng túng, vi phạm tịnh hạnh … khiến cho Giáo đoàn của Phật bị mang tiếng xấu lây, lại có nhiều ý kiến mâu thuẫn. Để giải quyết những vấn đề đó, Thế Tôn bắt đầu chế Giới để đối trị những lỗi lầm đã xảy ra, ngăn ngừa hành vi bất thiện pháp sắp vi phạm hay đã phạm thì phải sám hối, đồng thời duy trì uy tín của Tăng đoàn.

04. Có 1 ngày con nghe 02 người nói chuyện với nhau với ý gần như là phỉ báng. Đại ý như sau :" Chắc bữa nào phải nhờ mẹ của con mua dùm cho mấy cái áo tràng để mặc vào nhìn cho giống chân tu" rồi họ cười lên, con không hiểu tại sao lúc đó con lại bật cười chung với họ, con thực sự rất sợ hãi, vì con biết mình đã có ý phỉ báng với chiếc áo tràng và những bậc tu hành, con đã sám hối và xin được tha thứ,nhưng con vẫn lo lắng và tâm con không yên. Liệu có được không thưa quý sư, con thật sự không muốn mình như vậy và con cũng không muốn thối chuyển bồ đề tâm và mất hạt giống Phật. Xin hãy chỉ giúp con cách nên làm thế nào?

Trả lời: Sám hối chân thật thì Đức Phật dạy có sự hối hận trong lòng. Khi làm việc sai, mình thực lòng ăn năn việc quá khứ đã lỡ làm. Vì nhận ra lỗi cũ khiến cho lòng mình ray rứt, nên quyết tâm về sau không bao giờ tái phạm như vậy nữa. Trong kinh diễn tả rằng “Sám tiền khiên, hối hậu quả”, nghĩa là sám hối tội trước và ngăn chặn tội sau, không cho phạm, đó là chân thật sám hối.

Như thế là em đã sám hối chân thật rồi.

Em cũng biết là trong các thời kinh sám hối, chúng ta thường tụng rằng:

Xưa nay đã tạo bao ác nghiệp
Đều từ vô thủy tham sân si
Bởi thân miệng ý phát sinh ra
Hết thẩy tôi nay xin sám hối.

Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh thẩy đều không
Ấy mới thật là chân sám hối.

Nghĩa là tội sanh ra phát xuất từ tâm. Nếu thành tâm sám hối, dần dần tội hết, tâm sẽ sáng. Và khi tâm tịnh, tội cũng không còn thì chơn tâm hiển hiện. Chơn tâm là tâm Phật, nên tâm này gắn liền với chư Phật mười phương tạo thành thế giới thanh tịnh, Niết-bàn.


Con có những thắc mắc như vậy mong Quý Sư từ bi giải đáp cho con để con được hiểu rõ. Nếu con có nói điều gì sai trái, con xin được sám hối, kính mong chư Phật, Bồ tát và quý Sư từ bi tha thứ cho con.

Con chân thành cảm ơn.


(Ban Biên Tập)

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠO PHẬT VỀ “THÁNG CÔ HỒN”

Nhiên Như- Quảng Tánh

HỎI: Trong dân gian xem tháng Bảy âm lịch là “tháng cô hồn”, tháng của ma quỷ. Đặc biệt rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế. Dân gian tin rằng từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ đêm thì kết thúc. Thế nên tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá. Xin cho biết, quan điểm của đạo Phật về vấn đề này thế nào? (DIỆU PHÚC, Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM)

ĐÁP:

Bạn Diệu Phúc thân mến!

Trước hết, xin khẳng định việc gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn” chính là quan niệm dân gian. Phật giáo Bắc tông gọi tháng Bảy là mùa lễ hội Vu lan-Báo hiếu. Trọng tâm của lễ hội Vu lan-Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo.

Dựa theo kinh Vu lan với sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, nhân ngày chúng Tăng mãn hạ Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báo nguyện cầu âm siêu dương thái. Nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn. 

Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, lễ hội Vu lan-Báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”, hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn”. Tuy nhiên hiện nay, tháng Bảy mùa hội Vu lan-Báo hiếu có ý nghĩa trọng tâm là giáo dục lòng hiếu thảo cho con người rất nhân văn và cao cả của đạo Phật đang có nguy cơ bị không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín.

Chúng ta đều biết, kinh Vu lan có mặt rất sớm ở Trung Quốc (do ngài Trúc Pháp Hộ [226-304] dịch vào đời Tây Tấn [265-317]) và có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội thời bấy giờ. Người Trung Quốc xưa tiếp thu tinh hoa hiếu đạo của kinh Vu lan nhưng đồng thời có sự tiếp biến với văn hóa bản địa thành tín ngưỡng dân gian: “Tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế. Từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ đêm thì kết thúc”.

Phật giáo Bắc tông Việt Nam chịu khá nhiều ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nên ngoài việc đọc tụng và thực hành hiếu đạo theo kinh Vu lan, một bộ phận quần chúng Phật tử và trong dân gian còn ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, tin vào “tháng cô hồn” (sâu đậm ở miền Bắc). Vấn đề là người Phật tử Việt Nam hiện nay cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh Phật không hề nói đến việc Diêm Vương mở cửa địa ngục vào tháng Bảy. Nên không có ngày “âm khí xung thiên”, ma quỷ đồng loạt tràn lên dương thế phá phách, xin ăn mặc vào ngày rằm tháng Bảy. Nếu tin vào việc Diêm Vương mở địa ngục vào tháng Bảy, rồi thành lệ: “Tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá” là không phù hợp với Chánh pháp.

Người Phật tử chân chính cần xác định rằng: Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tăng tự tứ, ngày Tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ. Đối với Phật tử thì tháng Bảy là thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu. Còn việc “thí thực cô hồn” trong dịp này cũng rất tốt, là hạnh bố thí cho quỷ thần được no đủ nhưng chỉ là một lễ tiết có tính thứ yếu trong mùa lễ hội Vu lan mà thôi. Cần lưu ý là, thực hành bố thí - ở đây là “thí thực” - nên lễ phẩm chủ yếu là thực phẩm, không nên quá lãng phí cho việc mua sắm vàng mã, rải tiền lẻ v.v... Đặc biệt là không nên kiêng kỵ và sợ hãi ma quỷ theo kiểu mê tín dị đoan. Thiết nghĩ Giáo hội PGVN cũng như chư vị Tăng Ni cần hướng dẫn cho Phật tử tu học đúng Chánh pháp trong mùa Vu lan-Báo hiếu, nhất là tránh gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn” rồi quá chú trọng đến cầu cúng ma quỷ theo dân gian.

Chúc bạn tinh tấn!

NGƯỜI XUẤT GIA CÓ ĐƯỢC THAM DỰ, BÀN LUẬN CHUYỆN CHÍNH TRỊ KHÔNG? 

Hòa thượng Thích Giác Quang

VẤN: Xin Sư cho con hỏi: người tu hành xuất gia có được tham dự chuyện thế sự và chính trị đời thường không? Con nghe nói người tu hành không được xen vào chuyện chính trị, chỉ lo thuyết pháp độ chúng, tu hành cho mình, nhưng con thấy rất nhiều các bài viết từ những người tu hành bàn luận chính trị, các chính sách của nhà nước, của nước ngoài, bàn chuyện đời nhiều hơn chuyện đạo như vậy là có đúng không? Có bạn bảo thì đó cũng là phương tiện hoằng pháp, mang đạo vào đời, xưa kia các vị thiền sư còn cởi áo nhà sư để lo chuyện chính sự, đánh đuổi quân xâm lược, hết chiến tranh, đất nước yên bình, lại trở về thảo am tu hành. Con cũng biết vậy nhưng con cảm thấy có điều gì đó không được bình thường nếu người tu hành lo bàn luận chuyện chính trị thế sự quá nhiều. Xin Sư từ bi giải đáp cho con được rõ.

Đáp:

I .

Trước khi niết bàn, Phật có khuyên bảo đức A Nan và đại chúng: “Ta tịch rồi các ông hãy lấy giới luật làm Thầy, giới luật còn là Ta còn, giới luật mất là Ta mất”. Ngoài ra, Phật còn nói những lời cuối cùng là kinh Di Giáo, tại chương Một, có đọan như sau:

"Này các Tỳ-kheo! Sau khi Ta diệt độ, các ông phải nên tôn trọng và trân kính Biệt Giải Thoát. Nó như trong bóng tối gặp được ánh sáng, như kẻ nghèo được châu báu. Phải biết rằng nó tức là vị đại sư của các ông, và cũng y như chính Ta trụ thế không khác.

Phàm người trì giới thanh tịnh thì không được kinh doanh buôn bán, không được sở hữu nhà cửa ruộng vườn, lưu giữ nô tỳ, hay chăn nuôi súc vật. Hết thảy các loại nông nghiệp và tiền tài, họ phải nên xa lánh như là tránh hầm lửa. Không nên cắt cỏ chặt cây, khai khẩn đất đai, bào chế thuốc thang, xem tướng cát hung, xem tinh tú, xem tử vi, hay xem bói. Tất cả những việc này đều không nên.

Họ nên điều hòa thân thể, thọ thực đúng thời, và sống thanh tịnh. Không nên tham dự chuyện thế tục hay làm sứ giả đại diện. Không nên dùng chú thuật, luyện tiên dược, kết giao với người quyền quý, và thân cận với kẻ đê tiện.

Với chánh niệm và lòng ngay thẳng, người trì giới thanh tịnh hãy nên cầu độ thoát. Họ không nên che giấu lỗi lầm hay tỏ ra vẻ khác lạ để mê hoặc đại chúng. Đối với bốn sự cúng dường, họ phải biết giới hạn và biết đủ. Khi được phẩm vật cúng dường thì đừng nên cất giữ...”

Câu Không nên tham dự chuyện thế tục hay làm sứ giả đại diện, đứng về góc độ xuất thế, Đức Phật không cho phép chư Tăng Ni tham gia việc chính trị, du thuyết thế sự, ngọai giao hòa đàm, đàm phán, khiêu khích chiến tranh, thời nay gọi là làm chính trị. Tuy nhiên, ở một công hạnh khác của người con Phật, thì người Phật tử có thể ra giúp nước giúp dân, tham gia góp phần đánh đuổi ngoại bang xâm lăng tổ quốc dưới mọi hình thức, mang lại nền hòa bình thống nhất đất nước, ấm no cho dân tộc .

II .

Trong quá khứ, vào thế kỳ thứ XIV, đất nước chúng ta có Phật Hoàng Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, hai lần đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lăng Đại Việt, chinh phạt Ai Lao, ngọai giao với Chiêm Thành mở mang bờ cõi đến Thuận Hóa. Ngài có để lại hai câu thơ về việc đánh giặc phương Bắc, bình định Chiêm Thành, Ai Lao như sau:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông muôn thuở vững âu vàng

(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu)

Sau khi đất nước hòa bình độc lập thì Nhà Vua đi tu trở thành vị Thiền sư đắc đạo thiền và nhập Niết Bàn vào ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308). Nhìn chung, trải suốt gần 600 năm, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, giáo lý Đức Phật truyền bá sâu rộng trong chốn cung đình, tạo điều kiện cho vua quan, cận thần, đến hàng thứ dân đều quy y Tam bảo tu hành theo hạnh Phật.

Đứng về góc độ xuất thế, tầm nhìn của chúng ta có bị lệch, chứ không phải kinh hướng dẫn lệch hướng, hay đệ tử Phật giáo hóa lệch hướng. Tuy nhiên, theo tầm nhìn của Bồ tát giáo hóa chúng sanh thì dù ở thời đại nào, Phật sự của người con Phật phải làm là “hộ quốc an dân” đúng nghĩa và xứng tầm với nền giáo lý chính chân, chính đẳng. Đạo Phật đi vào cuộc đời làm cho quốc thới dân an, thiên hạ thái bình, đó cũng là bản hoài của ba đời chư Phật.

Trong quyển từ điển Phật học từ vựng, giải thích rằng: Đạo Phật đi vào cuộc đời là “tùy duyên bất biến” nghĩa là tùy theo cơ duyên mà duyên với ngàn sai vạn biệt, Đạo Phật hóa cuộc đời, tức là “Phật Độ Đời” làm lợi lạc cho đời, góp phần an sinh xã hội, làm cho xã tắc tổ quốc bình an chứ không phải bị cuộc đời hóa Đạo Phật, nên các Ngài, các bậc tổ sư “độ đời”; “bất biến tùy duyên” nghĩa là tùy theo duyên mà hiện ra vạn hữu, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi, nghĩa là các Ngài vào đời “độ đời” chứ không tham chính gì cả! Ví như muốn tham chính cũng không có cơ sở để tham gia Bạn ạ! Vì đã là tu sĩ xuất gia học đạo giải thoát!

III .

Các nhà Sư đi vào cuộc đời giáo hóa chúng sanh, nhưng đi mà không đi đâu cả, mới thật sự là giáo hóa. Các Sư độ đời thật ra không độ ai cả! Có chăng các Ngài độ đời bằng hạnh nguyện, Phật tử nương theo hạnh nguyện của nhà Sư mà năng tác Phật sự theo hạnh nguyện của nhà Sư; như vậy nhà Sư vào đời mà không đi đâu cả là như thế.

Đạo Phật đi vào cuộc đời bằng lòng từ bi chí cả, nêu cao ý thức hệ của Tăng lưu, hướng thiện cuộc đời bằng tâm nguyện vô biên, hành động đi vào đời của con người Đạo Phật không có một động lực, thế lực nào xây trở biến thể các nhà Sư thành người thế tục. Tinh thần hộ Phật, hộ Pháp, hộ Tăng của người Phật tử một đôi khi bị lệch hướng, làm cho nhà Sư biến thái, biến dị. Phải có tinh thần hộ trì Tam Bảo sao cho Phật Pháp xương minh, giới luật được truyền trì, định tuệ được viên dung, người Phật tử mới tăng phước tăng huệ, đạo Phật mới vững bền. Đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son. Đừng biến nhà Sư thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để người Phật tử hiểu rằng Phật Pháp Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giũa cuộc đời đau khố. Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể chứng minh rằng đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời để giải thoát cho con người (Ts Nhất Hạnh - 1966 - Lá Bối xuất bản).

Trong chiến tranh Việt Mỹ, người người bị nạn tai do chiến tranh, chết chóc do chiến tranh, từng gia đình ly tan do chiến tranh, nhà cháy, lửa bùng cháy do chiến tranh, người người tị nạn do chiến tranh, chẳng lẽ lúc bấy giờ các nhà Sư, chư Tăng Ni, các Phật tử đến an ủi ủy lạo, tụng kinh cầu nguyện nạn nhân chiến tranh...

Sau mỗi thời kinh tụng của người con Phật, chư Tăng Ni, Phật tử đều có bài cầu nguyện:

Phật nhật tăng huy,
Chiếu diệu đại thiên sa giới.
Pháp luân thường chuyển,
Lưu thông bá vạn nhơn thiên.
Tăng hải hòa bình,

Hạo hạo tông phong vĩnh chấn; Thiền môn nghiêm tịnh,
Nguy nguy Tổ ấn trùng quang.
Vũ thuận phong điều, dân an, quốc thạnh.

Phổ nguyện:

Đồng văn Phật thuyết, đồng diễn Phật âm,
Đồng kiến Phật tâm, đồng thành Phật đạo.

Hay là:

Phục nguyện:
Đèn thiền na tỏ rạng,
Chuông cảnh tỉnh reo vang.
Ba thừa xe pháp chuyển rần rần
Sáu thứ hoa trời tuôn rỡ rỡ
Cầu cho chúng sanh đặng phần ăn ở
Bề sanh nhai hớn hở thêm lên
Chúc cho nước nhà thêm cuộc mở mang
Đời thực tế dân sang giàu mạnh

Khắp trăm họ bỏ tà về chánh
Suốt sáu loài nhập thánh siêu phàm
Bao nhiêu phước thiện hãy nên làm
Tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Lời cầu nguyện trên, tức là nói đến sinh mệnh nước non, cầu cho vận mệnh nước nhà thêm giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Cầu nguyện cho thế giới hòa bình, không có vấn đề quốc gia mạnh hiếp quốc gia yếu; không đem bom đạn giết chết dân lành. Chẳng lẽ những lời cầu nguyện như trên là tham chính sao?

HT Thích Giác Quang

ĂN CHAY TRƯỜNG NHƯNG NẤU ĐỒ MẶN CÓ MANG TỘI SÁT SINH KHÔNG?

Hòa Thượng Thích Giác Quang

VẤN:Con đã phát nguyện ăn chay trường được hơn 5 năm và ngày ngày đều cố gắng tu hành, niệm Phật, nguyện vãng sanh. Tuy nhiên, vì sống chung với gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái mà gia đình của con những người còn lại chỉ ăn chay được một tháng hai bữa và con lại là người nấu ăn chính trong gia đình. Chồng con cũng có hiểu biết một chút về Phật pháp, dù không ra mặt phản đối con ăn chay nhưng cũng không cảm thấy hài lòng cho lắm khi vào mâm cơm một người ăn chay một người ăn mặn. Quả thật là con không thể ăn nổi đồ mặn được nữa và con cũng không hề ép chồng con ăn chay. Chồng con vì muốn con vui cho nên cũng im lặng. Con cũng không biết làm cách nào ngoài việc cố gắng nấu thật nhiều món mặn ngon nhất có thể cho chồng con ăn. Tuy nhiên, mỗi lần nấu quá nhiều đồ mặn con lại xúc động dâng trào chỉ còn biết cố gắng hồi hướng mong đến lúc đủ duyên chồng con cũng ăn chay với con, không thì nguyện mong cho những con vật ấy sớm được siêu sinh về cảnh giới lành. Con ăn chay mà nấu đồ mặn như vậy có phạm tội sát sanh không Sư? Con nên làm gì để chồng con vui vẻ và dần dần ăn chay cùng con? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:
Ăn chay (từ ngữ phổ thông trong chư Tăng Ni, Phật tử), ăn trai (các nhà Phật học, biên dịch sách Phật), hay ăn lạt (sử dụng trong giới Phật giáo xưa, Phật giáo bình dân, nông thôn). “Ăn mặn” đối với “ăn lạt”, ăn mặn tức là ăn thịt cá; theo Phật giáo Nam tông gọi là ăn “tam tinh nhục”. Ăn chay theo Phật giáo là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả, v.v...), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt (thịt máu đỏ, máu trắng, thịt gia cầm và hải sản) hoặc kiêng ăn các thực phẩm có được từ quá trình giết mổ, cướp mạng sống của thú cầm, những sanh mạng yếu hơn để nuôi mạng sống của mình.

Bạn là cư sĩ ăn chay trường, như vậy đời sống Bạn thật cao quý, tinh khiết trong sạch, có trồng sâu căn lành với Phật Pháp trong muôn vạn kiếp về trước, chắc chắn Bạn sẽ thành tựu ước nguyện của mình, thành công trên đường đời, sự nghiệp như ý nguyện, gia đình hiện tiền an khang hạnh phúc.

Trong kinh Tăng A Hàm, quyển 37, khi luận bàn về vấn đề sát sanh, Phật dạy như sau: "Tôi muốn sống, không muốn chết, muốn được sung sướng, không muốn phải đau khổ. Nếu có kẻ nào cướp đi sự sống của tôi, tôi có vui vẻ không? Nếu tôi không vuivẻ, thì kẻ khác cũng không vuivẻ khi tôi cướp đi của họ sự sống và sự sung sướng ấy. Không những thế, phàm cái gì mình không ưa thích thì kẻ khác cũng không thích. Nếu thế thì tại sao ta lại làm cho những kẻ khác những điều mà ta không ưa thích?" (Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Kimura Taiken).

Hay là trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy hàng Tỳ Kheo, nếu hành đầy đủ ba pháp "Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sinh, tùy hỷ sự từ bỏ sát sanh sẽ được sanh lên cảnh trời, không bị rơi vào địa ngục…”

Việc ăn chaycòn có thể do nhiều lý dolợi ích khác nhau:

- Đạo đứckhông dùng sức mạnh hiếp yếu.

- Y tế: không bị tổn hại sức khỏe do ăn thịt những con vật bệnh dịch, lở mồm long móng, sên lãi lúc nào cũng đeo bám bên trong loài vật…

- Phật giáothể hiện lòng từ bi, không giết hại sanh mạng chúng sanh, bảo vệ sanh mạng động vật, cân bằng sinh thái.

- Chính trị: Tôn trọng mạng sống của các dân tộc, không sát sanh bắn giết xâm lăng lẫn nhau bằng súng đạn.

- Môi Trường: lục căn, thân người cân bằng sinh thái nội tạng, không giết hại động vật, làm cho cân đối môi trường.

- Văn Hóatâm linhSử dụng thức ăn tinh khiết, trong sạch, mang lại sự an vui bình đẳng, niềm hỷ lạc cho muôn loài, tôn trọng sanh mạng muôn loài.

- Thẩm Mỹ: không ăn thịt thì da thịt tinh khiết mịn màn, chén bát, bàn ghế nội thất không hôi nhơ.

- Kinh Tế: không tốn hao nhiều về việc ăn uống, vui say thỏa thích.

Ở Ấn Độ, do môi trường sinh thái, thực vật dồi dào, ước tính khoảng 40% dân số đều ăn chay.

Trong suốt thời gian trị vì vương quốc Ấn Độ, Hoàng Đế Asoka đã trở nên một đại quân vương Phật tử, lấy những tinh hoa của Phật giáo và những lời giảng dạy của Đức Phật làm thành chính sách trị nước của Nhà Vua. Mọi nơi, Ngài ra lệnh xây các bia đá "pillars of life" ghi lại giới luật của Phật. Trên các bia này, Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến lòng từ bi và tính cách bất khả xâm phạm của đời sống, cả con người lẫn súc vật. Ngài đã đối xử với tất cả muôn loài chúng sinh bằng lòng từ bi không phân biệt. Ngài cho xây cất không chỉ những bệnh viện để săn sóc cho người đau ốm mà còn xây bệnh viện săn sóc cho thú vật. Trong một bia đá có khắc những hàng chữ sau: "Không nên lấy sự sống nuôi sự sống. Cho đến rơm rạ, nếu còn côn trùng trong ấy, cũng không nên đốt".

Trong luật tạng của Phật giáo quy định chư Tăng phải ăn không quá giờ ngọ. Hằng tháng vào những ngày trăng rằm và đầu tháng (mùng 1 và 15 âm lịch) gọi là ngày Bố-tát (tiếng Phạn gọi là Uposatha hay Upavasatha), là ngày định kỳ để thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành. Về sau được các nhà Phật học Đại thừa ở Trung Quốc dịch là ngày trai giới và Việt Nam dịch là ăn chay từ chữ trai đó.

Theo Phật giáo Bắc truyền và Khất sĩ, các Nhà sư khuyến giáo Phật tử tín đồ tập ăn chay: từ ăn chay kỳ đến ăn trường chay.

1/. Ăn chaykỳ, Phật tử sau khi đã quy y Tam bảo phát tâm ăn chay:

- Ăn chay mỗi tháng 02 ngày: Ngày 15 và mùng 01

- Ăn chay mỗi tháng 4 ngày: Ngày 14, 15, 30 và mùng 01 (nếu tháng thiếu 29, mùng 01).

- Ăn chay mỗi tháng 6 ngày: Ngày mùng 8, 14, 15, 18, 30 và mùng 01 (nếu tháng thiếu 29 mùng 01).

- Ăn chay mỗi tháng 10 ngày: Ngày mùng 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 và mùng 01 (nếu tháng thiếu 27, 28, 29 và mùng 01).

- Ăn ngọat trai (chay): ăn chay trọn tháng Giêng, hoặc trọn tháng 7, hoặc trọn tháng 10 hằng năm.

- Ăn tam ngọat trai (chay): ăn chay trọn 03 tháng trong năm.

2/. Ăn chaytrường: cả đời người, người Phật tử dù không ở chùa nhưng vẫn phát nguyện ăn chay trường, thật quý báu vô cùng. Những người Phật tử ấy luôn được kính phục, tán dương công đức trong cộng đồng người đệ tử Đức Phật.

Bạn ăn chay, phục vụ cha mẹ chồng và chồng con, nấu mặn có phạm giới sát không?

Bạn ăn chay thì cứ ăn chay, làm “dâu” thì cứ làm “dâu”, phụng sự cha mẹ chồng, phụng sự cho chồng là việc tốt, không ảnh hưởng gì tới việc ăn chay của Bạn trong hành trình tu nhơn học Phật, Nhà Phật sẽ khai giới cho Bạn. Xin kể vài câu chuyện Phật pháp vấn đề người tu ăn chay nhưng nấu thức ăn mặn phục vụ cho người khác:

Bà Tỳ Xá Ly, một đệ tử thân tín thời sanh tiền của Đức Phật, ăn chay trường, lớn lên được cha mẹ gã về nhà chồng thuộc ngọai đạo, ăn mặn. Bà được Phật khai giới sát cho phép phục vụ cha mẹ chồng, mà không phải lỗi lầm.

Vào thế kỷ thứ VI, Đức Huệ Năng, sau khi rời khỏi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, phải lui về ở ẩn 15 năm mới đi hoằng đạo.

Để sống ẩn, Đức Huệ Năng phải “ở đợ” cho số đông thợ săn khắp rừng núi vùng Lãnh Nam. Mỗi ngày phải nấu thức ăn bằng những con vật của thợ săn bắn giết đem về, bắt buộc Đức Huệ Năng phải làm thịt, nấu thịt phục vụ cho thợ săn… Trong quá trình phục vụ, do Ngài ăn chay trường nên hái rau rừng đem luộc chung với nồi thịt, khi ăn cơm, Đức Huệ Năng chỉ gắp rau mà ăn, không ăn thịt, việc làm của Đức Huệ Năng là việc làm đúng, vẫn gọi là ăn chay chứ không phải phạm giới sát.

Một ngày nọ Thiên Cảm Hoàng Hậu thỉnh Thượng sĩ Tuệ Trung vào cung để dâng lễ cúng dường trai Tăng, triều thần văn võ bá quan đại thần rất quý mến thượng sĩ. Tuy nhiên lúc cúng dường thọ thực, Thượng sĩ vẫn ăn thịt gà với mọi người - Thiên Cảm Hoàng Hậu nói: “Anh ăn thịt gà làm sao thành Phật được?” - Thượng sĩ trả lời: “Phật là Phật, Anh là Anh, Anh không cần thành Phật, Phật cũng không cần thành Anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?” Trong bữa tiệc này có vua Trần Nhân Tông; vua rất thắc mắc về việc này và chưa hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng chưa tiện hỏi, nói xong Thượng sĩ vẫn tiếp tục ăn tiệc…!

Vả lại, ngày nay khoa học tiến bộ, nhà máy, lò sát sanh thay người chế biến thịt thú vật, gia cầm, tôm cá… sẵn cho các Bà nội trợ mua về nấu ăn, không trực tiếp làm việc giết hại loài vật để phục vụ. Đây là việc làm tạo thuận lợi cho những người “ăn chay” phục vụ nấu “ăn mặn” cho người khác. Tuy vẫn còn nấu thức ăn mặn, nhưng không trực tiếp giết hại loài vật, cũng có “phạm giới” nhưng là “giới khinh”! cũng nghiệp nhưng là cộng nghiệp!
HT. Thích Giác Quang
(Quan Âm Tu Viện, TP. Biên Hòa, Đồng Nai)

NHÂN QUẢ TRÙNG ĐIỆP

HỎI: Tôi  đọc khá nhiều những câu chuyện Phật giáo và rất tin tưởng vào nhân quả. Nhưng có hai vấn đề hiện tôi vẫn chưa hiểu rõ: 1- Ví như đời này tôi giết một con chó, đời sau đủ nhân duyên tôi và con chó đều được tái sinh, và con chó ấy giết lại tôi thì đúng vì tôi phải trả mạng lại cho nó. Nhưng nếu con chó giết tôi lại phạm phải tội nghiệp thì như thế có công bằng với nó không? 2- Nếu kiếp sau tôi là người biết tu học, sám hối, tụng kinh, niệm Phật…, thì những tội lỗi của tôi (kiếp trước giết chó) sẽ biến mất hay chuyển hóa thành nhẹ hơn? 

(ÁNH DƯƠNG, anhduong3997@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Ánh Dương thân mến!

Nhân quả là nói tắt của tiến trình nhân-duyên-quả. Nhân là tác nhân chính, duyên là những nhân phụ, quả là kết quả. Ngoài nhân, duyên có vai trò cực kỳ quan trọng, chi phối mãnh liệt đến việc hình thành quả. Thực tế có vô số tiến trình nhân-duyên-quả đang vận hành, những tiến trình nhân-duyên-quả khác nhau này lại luôn tương tác, chi phối lẫn nhau; làm nhân, làm duyên, làm quả cho nhau để tạo ra thiên biến vạn hóa. Nhân quả theo Phật giáo là những mối quan hệ đa tuyến, đan xen điệp điệp trùng trùng, là điều không thể nghĩ bàn.

Vì thế, nếu hiện đời bạn giết một chú chó, tạo ác nghiệp sát sinh thì có thể ngay đời này, đời kế sau hoặc nhiều đời về sau mới có quả báo. Quả báo ấy rất đa dạng, có thể bạn bị oan gia báo oán, có thể vô tình bị đoạt mạng, có thể bị đau ốm bệnh tật triền miên, có thể bị tai này nạn kia nhưng không ảnh hưởng gì nhiều đến thân mạng hay sức khỏe, v.v và v.v... Đó là chưa nói đến vô số các việc thiện ác khác mà bạn đã làm trong đời (các đời trước nữa) sẽ vận hành cùng tương tác lẫn nhau tạo ra vô lượng chuỗi nhân-duyên-quả tốt xấu khác nhau, vô cùng vô tận.

Như vậy, có nhân thì chắc chắn có quả. Nhưng quả ấy thế nào còn tùy thuộc vào duyên. Nếu hiện tại tạo được nhiều duyên lành (tu tập, tạo phước…) thì có thể chuyển hóa phần nào (hoặc gần hết) các nhân ác trong quá khứ. Điều cần lưu ý là những định dạng nhân quả theo chiều hướng đơn tuyến (như bạn ví dụ, kiếp trước người này giết chó rồi kiếp sau con chó ấy giết lại người này, rồi tiếp tục theo nhau oan oan tương báo) đều không đúng như thật với vận hành nhân-duyên-quả đa tuyến, trùng điệp của Phật giáo.

Nhân quả trong các câu chuyện hay các truyện tích Phật giáo phần lớn hướng đến việc giáo dục đạo đức, có tính phổ biến, nên thường triển khai theo nguyên tắc “nhân nào-quả nấy”, nhằm giúp cho người đọc dễ khái quát về nhân quả, thực sự đó chỉ đúng một phần nhỏ so với triết lý nhân-duyên-quả của Phật giáo.

Chúc bạn tinh tấn!
Quảng Tánh-Nhiên Như

Ý NGHĨA & ĐIỀU KIỆN XUẤT GIA

Lời Ban Biên Tập: Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều email của các bạn trẻ ngỏ ý muốn được xuất gia và hỏi về các điều kiện xuất gia. Bài viết này nhằm mục đích trả lời chung các bạn. Trước hết chúng tôi tán thán tâm nguyện xuất gia của các bạn và sau nữa, chúng tôi khuyên các bạn nên tiếp cận với thầy trụ trì ngôi chùa nào gần nơi cư trú để tham vấn hay ghi danh tham dự một hay nhiều khóa tu xuất gia gieo duyên do bất cứ một tu viện hay thiền viện nào tổ chức để có cơ hội tham học với quý thầy, quý sư và sinh hoạt với môi trường sống trong chùa hay tu viện. Xuất gia gieo duyên là chịu sự ràng buộc của giới luật trước hết trong một thời gian, còn sau đó, là nếp sống quy củ của tự viện và cách thay đổi thói quen hàng ngày như chuyện ăn uống là phải thay đổi thói quen ăn uống từ 3 bữa/ngày thành 1 bữa/ngày và không ăn phi thời (ăn vặt).

Ý NGHĨA XUẤT GIA

Xuất gia đi tu là nguyện suốt đời sống với giáo lý đạo Phật, mang trái tim từ bi sưởi ấm cho chúng sanh. Người xuất gia là bậc đại trượng phu, có ý chí kiên cường, tâm nguyện vững chắc, và việc làm cao thượng.

Xuất gia có nghĩa lìa xa gia đình, lìa bỏ nhà cửa sự nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái, dứt đường ái ân, không còn thiết tha lưu luyến mùi đời thế tục, để vào ở hẳn trong chùa hay tu viện sống suốt đời độc thân, qui y thọ giới, hằng ngày tu thiền, tụng kinh, niệm Phật, học kinh, đọc sách, để thanh lọc tâm ý.

Hòa thượng Thích Thanh Từ dạy “xuất gia có ba nghĩa: 1. Xuất thế tục gia. 2. Xuất phiền não gia. 3. Xuất tam giới gia. Trước hết là xuất thếtục gia. Khi phát nguyện cạo tóc xuất gia làm Sa-di, thì kể từ ngày đó phải ra khỏi nhà thế tục. Nhà thế tục là nhà cha mẹ, anh chị. Nếu người già, thì nhà của con cháu. Tại sao chúng ta phải ra khỏi nhà đó? Bởi vì còn trong nhà thế tục thì phiền não còn vây khốn chung quanh, không thể nào gỡ được. Đến ý nghĩa thứ hai là xuất phiền não gia, tức ra khỏi nhà phiền não. Người xuất gia là ra khỏi nhà phiền não. Còn phiền não thì chưa gọi là xuất gia.  Đến thứ ba là xuất tam giới gia. Nghĩa là ra khỏi nhà tam giới. Đức Phật dạy có ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Người tu chẳng những ra khỏi nhà phiền não của Dục giới, mà ra luôn cả nhà phiền não của Sắc giới và Vô sắc giới, hoàn toàn thoát ly sanh tử, không còn đi trong tam giới nữa. Đó là xuất tam giới gia.”

Cụ Đoàn Trung Còn trong quyển Phật Học Từ Điển, có phân ra ba hạng xuất gia như dưới đây:

Thân xuất gia mà Tâm không xuất gia, ấy là hạng người dầu là đầu tròn áo vuông, mà tâm còn luyến tục.

Thân Tâm đều xuất gia, ấy là hạng người mộ Tam Bảo, giữ giới thanh tịnh, quyết dứt các phiền não, quyết đắc quả Bồ Đề.

Thân tại gia mà Tâm xuất gia, ấy hạng người dầu còn ở thế gian mà tinh tấn tu học,không say đắm nhiễm trược, ấy cầm bằng xuất gia.”

Hiện nay việc xuất gia gặp nhiều khó khăn nên người tu hành quyết tâm cầu tu giải thoát có thể chọn loại thứ ba kể trên để tu tiến lên hàng thượng thừa.

ĐIỀU KIỆN XUẤT GIA

Ngoài ý chí nguyện lực của mình, người muốn xuất gia còn phải được sự cho phép của cha mẹ nếu là vị thành niên hay nếu đã có gia đình thì phải có sự cho phép của chồng hoặc vợ, và chính quyền địa phương thường trú (nếu ở Việt Nam). Dưới đây là các điều khoản mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hiến chương Phật giáo đã qui định(Điều 28 chương VI của nội quy ban Tăng sự Trung ương):

a. Là công dân tốt, không vi phạm pháp luật. Tự tay viết đơn phát nguyện, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia.        

b. Người xin xuất gia phải đầy đủ các căn (bộ phận cơ thể), thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt.        

c. Nếu Nam Nữ Phật tử dưới 16 tuổi (tính theo khai sinh), thì do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì cơ sở Tự, Viện. Nếu nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có giấy ly hôn do Tòa án cấp và theo các quy định tại mục a, b, c, d điều 28 chương VI của Nội quy này.         

d. Thông qua ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện.         

e. Được Tăng, Ni trụ trì cơ sở Tự, Viện nơi người xuất gia đến cư trú và tu hành bảo lãnh.        

f. Các nam nữ Phật tử tại địa phương có nhân duyên xuất gia, tu học phải được vị trụ trì, Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện cùng (chính quyền) địa phương chấp thuận. Ban Đại diện Phật giáo phải báo trình Ban Tăng sự cấp Tỉnh được tri tường.        

g. Các nam nữ Phật tử từ địa phương này đến địa phương khác (ngoài Tỉnh) xuất gia tu học, phải được Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện đề xuất, Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh chấp thuận.        

h. Việc nhận người vào tu hành tại cơ sở Tự, Viện phải thực hiện theo quy định của điều 21 chương III Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và điều 22 mục 2 chương IV Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ.        

i. Nam nữ Phật tử có đầy đủ thủ tục xuất gia được Ban Tăng sự cấp Tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia theo mẫu do Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN ban hành.    

TẬP SỰ ĐỂ XÁC LẬP LÝ TƯỞNG

Thông thường, những ai muốn xuất gia phải trải qua thời gian thực tập xuất gia từ ba tháng cho đến sáu tháng. Tùy theo mỗi người tập sự, thầy trụ trì hay thầy bổn sư có thể quan sát người đó từ lời nói, việc làm, xem họ có thật sự muốn vào chùa trở thành người tu bằng lý tưởng, chí nguyện lớn hay không. Đây là sự thử thách cần thiết.

Ở trong nước ví dụ như chùa Hoằng Pháp, Phật tử được vị trụ trì chấp thuận cho xuất gia khi đã qua thời gian thực tập xuất gia là 6 tháng, phải có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc phải 32 chướng nạn của người xuất gia và học thuộc các thời khóa tụng kinh, công phu như: Chú Lăng Nghiêm, Kinh Nhật Tụng và các nghi thức sử dụng chuông, trống, mõ...

Ở hải ngoại ví dụ như Làng Hoa Anh Đào (Virginia, Hoa Kỳ - Thầy Thích Minh Niệm trụ trì) việc xuất gia tu học tương đối dễ dàng hơn (vì không cần giấy phép cho xuất gia của chính quyền địa phương). Chỉ cần thỏa mãn các điều kiện sau:

Tuổi từ 18 đến 50.

Sức khỏe tốt (có thể tham dự đầy đủ các chương trình luyện tập).

Không bệnh tật nặng hay bệnh truyền nhiễm.

Không mắc nợ (cá nhân hay nhà nước)

Không đang mắc tội hình sự.

Phải được sự chấp thuận của gia đình (cha mẹ, hoặc vợ/chồng)

Phải trải qua từ 3 đến 6 tháng thử nghiệm.

Phải trả chi phí sinh hoạt trong thời gian thử nghiệm (giảm 50% so với các thiền sinh. Trong trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, Làng sẽ cứu xét). (xem thêm: www.thienhieubiet.org)

KẾT LUẬN

Như trên đã trình bày, việc xuất gia có nhiều khó khăn, tối thiểu phải hội đủ ba điều kiện tiên quyết là (1) phải được sự hoan hỷ chấp thuận của gia đình (cha mẹ, hoặc vợ/chồng) (2) phải được vị trụ trì và Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện chấp thuận và (3) phải được chính quyền địa phương chấp thuận. Tuy nhiên việc khó cũng trở thành dễ là do cái duyên, nhất là có túc duyên nhiều đời theo Phật Giáo (là tu sĩ hay là cư sĩ) của mỗi người.

Đi tu không phải để trốn chạy cuộc đời thực của mình, để đi tìm hạnh phúc ảo tưởng nào đó mà là tự mình tu hành giải thoát và trợ giúp người khác giải thoát, và lấy việc tự cứu mình cứu người đồng được giải thoát làm lý tưởng.

Ban Biên Tập TVHS biên soạn

THẾ NÀO LÀ THÍNH PHÁP NHƯ CHÁNH PHÁP

Thiên Hạnh

HỎI
Kính bạch Thầy.
Con thường dự các khóa tu một ngày ở các chùa và được nghe khá nhiều quý thầy giảng Pháp. Trong khi đang dự thính thì con nghe được nhiều điều hay nhưng về đến nhà tư duy lại thấy sao mình không nằm lòng được điều gì cốt lõi ( thường các nội dung nhớ nó bàng bạc, lẻ tẻ ). Con kính mong thầy chỉ giáo thế nào là nghe Pháp đúng nghĩa.

Mô Phật, con cảm ơn Thầy.
(Phật tử Ngọc Diệu_ q. Bình Thạnh_tp HCM)

ĐÁP:
Phật tử N.D thân mến.
Giảng Pháp và thính Pháp là những Pháp sự không thể thiếu trong chương trình tu học của các tự viện đúng nghĩa. Các đàn tràng Pháp hội ngày trước quy củ và rất trang nghiêm vì đó là một thời khóa tu tập. Vị giảng sư được lãnh sứ mệnh đại Phật tuyên dương , trao truyền nghĩa lý ba đời Chư Phật đến thính chúng.

Ngày nay các đạo tràng tu học mở ra khắp nơi là thuận duyên cho các Phật tử tu tập. Thường thì các giảng sư tuyên giảng với nội dung theo các chủ đề, có thể đó là nội dung sở trường của các vị, cũng có thể quán sát căn cơ hội chúng mà chuẩn bị nội dung tương hợp. Những người nghe Pháp thường đa dạng, nhiều trình độ và nhu cầu khác nhau :

_ Có người nghe Pháp để thu nhận kiến thức giáo lý, bồi bổ văn tuệ làm cơ sở để hành trì tiến tu

_ Có vị đơn giản chỉ nghe Pháp vì thời Pháp đó được phụ trách bởi vị giảng sư mình ưu ái kính mộ ( dạng như đề cao thần tượng_ trường hợp này phổ biến)

_ Có vị suốt thời giảng khi nghe thuyết minh nghĩa lý Kinh Điển thì lim dim hôn trầm nhưng lúc vị giảng sư kể chuyện cổ tích tiếu lâm hay có những câu trào lộng hay ca cổ gì đó thì bỗng tươi tỉnh hẳn, mắt sáng rực, phấn chấn đến không ngờ (!), khi hết thời Pháp ra về chỉ lưu lại trong óc những câu chuyện đó.

_ Có vị thì cố gắng nghe nhưng sức tập trung có hạn , kỹ năng hệ thống hóa các nội dung đã nghe kém đưa đến sự lĩnh hội chẳng là bao.

_ Phần đông Phật tử khi đề cập đến một vị giảng sư nào thường ưu tiên những đặc điểm như : thầy ấy tướng hảo quang minh quá, thầy ấy ăn nói có duyên quá, thầy ấy kể chuyện tiếu lâm nghe hấp dẫn quá, rồi thầy ấy giảng nghe ướt át tình cảm quá, thầy ấy,.v.v… Hy hữu mới có những Phật tử cảm nhận sâu xa được ý Pháp các vị giảng sư đã truyền trao (điểm này đáng quý)

Không ít các vị tôn túc hành trì miên mật học vấn uyên thâm nhưng khi giảng Pháp một số Phật tử lại cho là khô khan quá, rồi thối lui dần dần, thật là của báu trước mặt không biết đón nhận lại xu hướng theo những giá trị không đâu. Đã có những vị trụ trì nơi có các đạo tràng Phật tử tu tập chỉ thỉnh giảng những vị giảng sư được quần chúng mến mộ dẫn đến hệ quả có vị giảng sư lịch giảng kín có khi không đáp ứng hết ( còn phải để thời gian cho các vị ấy tu tập, tái tạo và củng cố nội lực nữa chứ! ), có những vị giảng sư năng lực cũng không tệ nhưng vẫn không được để tâm. Sự mất quân bình tạo ra tình trạng khập khiễng trong Hoằng Pháp ( hội chứng cám để treo heo nhịn đói).

Riêng các Phật tử luôn luôn phải tỏ ra mình là những người nghe Pháp đúng Pháp, có trí tuệ. Biết để tâm nắm bắt những giá trị quý báu trong thời Pháp ( đó là những nền tảng giáo lý hữu ích ), không nên quá sa đà hay chỉ chú tâm vào các tiểu tiết ngoài lề như chuyện vui hay vài câu ngâm hát của một vị giảng sư nào đó.

Hãy thính Pháp với càng nhiều vị giảng sư càng tốt bởi đó là điều kiện mình sẽ được tiếp cận nhiều nguồn truyền thụ phong phú từ nhiều bộ óc khác nhau. Không nên chỉ chăm chăm nghe Pháp độc nhất với một vị dù đó là thần tượng trong tâm đi nữa, hãy nhớ nguyên lý 1+0,1 kết quả vẫn hơn 1. Qúy vị thấy bắt đầu từ lớp 6 phổ thông trở lên mỗi môn học đều do một vị giáo viên khác nhau đảm trách, càng lên bậc học cao hơn sự phân bố chuyên môn càng rõ rệt, không có và không thể có một vị giáo sư dám vỗ ngực rằng có thể đảm đương tất cả các môn học trên đời.

Thứ nữa chúng ta đừng cho rằng thời Pháp là cơ hội thư giãn ( chức năng này có các sân khấu giải trí phụ trách rồi) để rồi chê vị này giảng khô, ông kia giảng mùi mà hãy chú tâm vị ấy đã giảng điều gì, điều ấy có thiết thực cho cuộc sống và tu tập của mình không. Nếu biết tự định hướng bản thân như thế là các vị đã có thái độ đúng đắn khi nghe Pháp và học Pháp.

Nếu có điều kiện các Phật tử có thể đăng ký học các lớp giáo lý của Ban Hoằng Pháp tp tổ chức ( chùa Phổ Quang, Việt Nam Quốc Tự, Tuyền Lâm, Xá Lợi, Phật Bảo,..) . Ở đó các vị sẽ được rất nhiều vị giảng sư hướng dẫn nội dung học một cách tuần tự có hệ thống, bài vở quy củ dễ nắm bắt và điều quan trọng là kiến thức Phật học của mình sẽ rất căn bản, có nền tảng_ cơ sở để nghiên cứu học tập lĩnh vực cao hơn.

Chúc Phật tử Ngọc Diệu và các Phật tử luôn tinh tấn tu học và tinh tấn nghe Pháp trên  tinh thần trí tuệ.

GIÚP NGƯỜI TÁI DUYÊN CÓ BỊ ĐỌA ĐỊA NGỤC?

Nhiên Như - Quảng Tánh

HỎI: Tôi là Phật tử, vừa qua tôi có lên internet tìm hiểu về lục đạo và thấy một bài viết về 18 tầng địa ngục. Trong đó có tầng Tiễn đao địa ngục trừng phạt những ai “Làm cho quả phụ tái duyên hoặc giúp nàng làm mai làm mối câu dẫn đàn ông khác thì sau khi chết sẽ bị đưa vào ngục này, cắt đứt mười ngón tay”. Không biết bài viết này có thuộc kinh điển Phật giáo không? Theo tôi thì hình phạt này không hợp tình cho lắm, vì quả phụ thủ tiết thờ chồng sau ba năm vẫn có thể tìm hạnh phúc riêng cho mình. Nếu trừng phạt như vậy thì chẳng phải là ngăn cấm quả phụ không được mưu cầu hạnh phúc sau khi chồng chết, là cướp đi cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời của người đó hay sao? Mong quý Báo khai ngộ cho.

(VIỆT ANH, vietanhkid2001@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Việt Anh thân mến!

Đúng là kinh sách của Phật giáo có nói đến địa ngục (Dục giới gồm lục đạo: cõi trời, a-tu-la, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Địa ngục là cảnh giới khổ đau chiêu cảm với những nghiệp nhân xấu ác, gây trọng tội. Con người tạo ác nghiệp vô biên nên có vô lượng khổ đau trong địa ngục. Trong kinh điển Phật giáo thuộc Hán tạng, có bản kinh nói về 18 địa ngục(Phật thuyết Thập bát nê-lê kinh, An Thế Cao dịch) nhưng nội dung khác với “địa ngục có 18 tầng và nhất là nhân quả của tầng Tiễn đao địa ngục” mà bạn đã nêu.

Thiết nghĩ, loại hình địa ngục được mô tả với 18 tầng, vong hồn người chết trải qua 10 điện Diêm vương, rồi qua cầu Nại hà nếu tội nặng liền đọa xuống, ai được chuyển kiếp đầu thai phải qua Vọng đài (ăn cháo lú nên quên hết quá khứ)… cùng với nhân quả kiểu “Làm cho quả phụ tái duyên hoặc giúp nàng làm mai làm mối câu dẫn đàn ông khác thì sau khi chết sẽ bị đưa vào ngục này, cắt đứt mười ngón tay” là sự tiếp biến, pha trộn giữa kinh văn Phật giáo và văn hóa dân gian Trung Hoa.

Theo tinh thần từ bi và nhân bản của Phật giáo, người cư sĩ sau khi ly hôn hay người bạn đời chết đi thì có thể tái hôn bình thường. Giúp người tái hôn một cách chân chính, đúng pháp thì không hề mang tội, nên không vì thế mà đọa địa ngục. Với lý luận nhân quả về địa ngục như bạn đã nêu, cốt nhằm răn đe người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi sống thờ chồng, chồng chết thủ tiết nuôi con theo quy chuẩn tam tòng “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (Người nữ lúc nhỏ thì theo cha, đến khi lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết thì theo con), hoàn toàn xa lạ với nhân quả và đạo đức nhân bản của Phật giáo.

Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như - Quảng Tánh

NGƯỜI ĐỒNG TÍNH NAM CÓ ĐƯỢC THỌ ĐẠI GIỚI?

HỎI: Tôi xuất gia từ nhỏ, đã thọ giới Sa-di được bốn năm. Lúc nhỏ thì tôi không biết gì nhưng nay tôi phát hiện mình là người đồng tính nam (gay). Khi các bạn đồng tu biết tôi là gay, họ có vẻ kỳ thị và thường nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Cuối năm nay, tôi sẽ được bổn sư cho đi thọ Đại giới, làm Tỳ-kheo.

Tôi có nghe rằng người đồng tính nam như tôi thì không được thọ Đại giới. Vậy điều đó có đúng không? Trước đây, tôi có nghe những người như tôi không được thọ Đại giới nên đã nhiều lần có ý định hoàn tục nhưng vì tôi không đủ can đảm để tự quyết định. Bên cạnh đó, sư phụ, bố mẹ và các thầy trong chùa cũng rất kỳ vọng và thương yêu tôi, tôi sợ sẽ làm các vị ấy đau lòng. Hiện tôi không biết phải làm sao? Mong quý Báo hoan hỷ giúp tôi. 

(ĐỨC HOÀNG, hoangbaoduc95@gmail.com )

ĐÁP:

Bạn Đức Hoàng thân mến!

Theo giới luật nhà Phật, và đúng như bạn đã biết, “người đồng tính nam như tôi thì không được thọ Đại giới”. Vì trước khi thọ giới, bạn không vượt qua được vòng khảo nghiệm đầu tiên của 13 già nạn. Già nạn là chướng ngại đạo pháp, tức là những điều gây trở ngại cho việc chứng đắc Thánh quả ngay trong đời này do thân và tâm có khiếm khuyết.

Bạn đã vướng vào già nạn bất năng nam - người có cấu trúc tâm sinh lý không phải chuẩn nam, từ đó phát sinh nhiều trở ngại không thể thành tựu mục tiêu phạm hạnh - nên không được phép thọ Đại giới.

Giới luật còn quy định, trong quá trình khảo nghiệm 13 già nạn, nếu bạn cố tình che giấu, vị thầy khảo nghiệm cũng không nhận ra bạn là người bất năng nam, bạn vẫn được Đại Tăng cho thọ Đại giới, nhưng về sau nếu bị khám phá ra cũng bị tẩn xuất khỏi Tăng đoàn.

Với hoàn cảnh của bạn, thiết nghĩ, bạn nên bình tâm suy xét thấu đáo về bản thân để thương mình, kính Phật, trọng Pháp, thanh tịnh Tăng nhằm tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho sự tu học. Là người có tâm tu, có nhiều hạnh lành nên được bố mẹ yêu thương, thầy tổ kỳ vọng là điều tốt, bạn nên giữ vững các đức tính này.

Bạn là người đồng tính nam, đó là nghiệp duyên của bạn. Thực chất thì người nam, người nữ, người đồng tính nam, người đồng tính nữ, người song tính, người chuyển giới tính…, mỗi người mang mỗi nghiệp. Nói chung là họ đều tu được, đều có khả năng trở thành người tốt, có ích cho đạo và đời.

Bạn nên can cảm nói lên sự thật về giới tính của mình cho bố mẹ, thầy tổ và các bạn đồng tu biết. Vì lẽ người đồng tính nam không có gì là xấu cả. Chắc chắn bổn sư của bạn, người quyết định cho bạn đi thọ giới và chịu trách nhiệm trước Tam bảo, sẽ chỉ dạy cho bạn những điều nên làm.

Theo chúng tôi, tu học bắt đầu từ nơi tâm, nếu bạn có tâm tu, bạn có thể chỉ làm Sa-di (Bồ-tát giới), vẫn ở chùa, tu học và phụng sự đạo pháp bình thường. Mặt khác, vì không thể làm thầy Tỳ-kheo, không có cơ hội thăng tiến trong đạo pháp thì bạn cũng có thể xin phép bổn sư để hoàn tục, làm người cư sĩ và sống đúng với con người thật của chính mình, hộ trì Phật pháp.

Cũng nên nói thêm rằng, thực tế hiện nay vẫn có một số ít người đồng tính nam và đồng tính nữ trong hàng ngũ xuất gia. Không nói đến những người đồng tính hay có khuynh hướng đồng tính sau khi thọ Đại giới, mà ngay cả những người biết trước sự đồng tính của mình (như bạn) cũng vẫn tham gia thọ giới.

Chắc chắn khi dự phần vào Tăng đoàn thì các “chướng ngại đạo” sẽ xuất hiện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hòa hợp và thanh tịnh Tăng. (Đức Phật đã dạy như vậy!). Nếu những người này vẫn không tự biết mình để an phận mà còn tìm mọi cách tham gia lãnh đạo tín đồ, lãnh đạo Tăng đoàn, thì chính điều này ẩn tàng một nguy cơ tai họa cho Phật pháp không nhỏ.

Cho nên, đó không phải là lối mòn để cho bạn nghĩ rằng, người khác làm được thì mình cũng làm được. Sự nghiệp tu học phải lấy sự thật làm căn bản. Che giấu hay chối bỏ sự thật thì chỉ đạt được hình thức mà thôi.

Vì vậy, người đệ tử Phật luôn lấy bi-trí-dũng để làm hành trang cho cuộc sống. Bạn hãy phát huy bi-trí-dũng để khẳng định và chấp nhận bản thân, ứng xử phù hợp với hoàn cảnh đúng như lời Phật đã dạy. Bởi có rất nhiều phương cách tu học và phụng sự Phật pháp tùy theo duyên nghiệp của mỗi người.

Chúc bạn tinh tấn.
Tổ Tư Vấn (Giác Ngộ)

ĐẠO PHẬT VÀ VẤN ĐỀ NẠO PHÁ THAI

Thích Minh Trí dịch

Quan điểm của Phật tử

Không có quan điểm duy nhất của Phật tử xung quanh vấn đề nạo phá thai:

Hầu hết Phật tử phương Tây và Nhật Bản hiện không còn tin vào việc có thể được phép phá thai, cùng lúc đó, nhiều Phật tử khác tin rằng phá thai là phạm tội sát sinh. (James Hughes)

Phật tử tin rằng, sinh mệnh của chúng sinh không nên bị hủy diệt. Nhưng họ xem nguyên nhân gây nên tử vong chỉ là sai lầm mang tính đạo đức, nếu sự tử vong được gây ra bởi cố ý hay do sơ suất.

Phật giáo truyền thống không chấp sự nạo phá thai. Vì nạo phá thai liên quan đến tác ý hủy diệt sinh mệnh của chúng sinh.

Phật tử cho rằng sinh mệnh của chúng sinh bắt đầu tại tưởng (conception). Đạo Phật tin vào sự tái sinh và dạy rằng, sinh mệnh của con người khởi nguồn tại tưởng (conception). Vì thế, một chúng sinh mới, mang bản thể nghiệp của một người vừa mới chết gần đây, được quyền tôn trọng giống như một người trưởng thành nếu xét về phương diện đạo đức. (Damien Keown, Bản tin Khoa học và Thần học, 4/2004)

Quan niệm của đạo Phật về sát sinh

Theo giáo lý của đức Phật, để cấu thành nên một hành động sát sinh, phải có sự hiện diện của 5 điều kiện sau:

- Đối tượng bị giết phải là một chúng sinh.

- Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh.

- Người sát sinh có tác ý giết chúng sinh đó.

- Người sát sinh phải có một cố gắng/nỗ lực giết.

- Chúng sinh bị giết phải là kết quả của những điều kiện trên.

Ở đây, đơn cử một thí dụ về sự nạo phá thai đã cấu thành nên một hành động giết như thế nào:

- Khi thai nhi đã tượng hình, một chúng sinh đã được tạo ra. Điều này thỏa mãn điều kiện thứ nhất. Mặc dù Phật tử tin rằng, chúng sinh sống trôi lăn trong vòng sinh tử, và tái sinh, nhưng họ coi sát-na của tưởng là sự bắt đầu của đời sống của một con người cụ thể.

- Sau ít tuần, thai phụ trở nên nhận thức được sự hiện hữu của thai nhi. Sự kiện này đáp ứng được điều kiện thứ 2.

- Nếu thai phụ quyết định muốn nạo phá thai nhi ấy, thì quyết định muốn ấy chính là có tác ý giết. Đây là điều kiện thứ 3.

- Khi thai phụ tìm kiếm cách nạo phá thai, thì thai phụ đã tạo ra một cố gắng/nỗ lực giết,  tức đã rơi vào điều kiện thứ 4.

- Cuối cùng, thai nhi bị giết chết vì hành động nạo phá thai ấy. Đây thỏa mãn điều kiện thứ 5.

Vì thế, nạo phá thai là phạm vào giới thứ nhất của đạo Phật - cấm sát sinh, và sự nạo phá thai này tương đương với việc giết một chúng sinh.

Nghiệp (karma)

Như đã trình bày trên đây, thì rất rõ ràng là tại sao nạo phá thai sinh ra nghiệp bất thiện cho thai phụ và người phá thai, trong khi đó, có vẻ như không được rõ ràng lắm là tại sao nạo phá thai lại sinh ra nghiệp bất thiện cho thai nhi.
Sở dĩ thai nhi phải chịu nghiệp bất thiện khi bị nạo phá thai là vì, thần thức của nó bị tước mất những cơ hội mà cuộc sống trần thế có thể mang đến cho nó để tìm kiếm nghiệp thiện, và hơn nữa, thần thức của nó ngay lập tức phải quay trở lại vòng luân hồi sinh tử, và tái sinh. Như vậy, nạo phá thai là chướng ngại vật cho tiến tình phát triển tâm linh của thai nhi.

Sống quân bình

Các Phật tử đối diện với một khó khăn, ở đó sự phá thai cần đến y học can thiệp để cứu lấy sinh mệnhh của thai phụ. Vì vậy, trong trường hợp này, chắc chắn sẽ phải có một sinh mệnh bị hủy diệt dù muốn hay không muốn nạo phá thai.

Đối với những trường hợp như thế, khía cạnh đạo đức của nạo phá thai sẽ dựa trên những tác ý của từng trường hợp đang tiến hành.

Nếu quyết định nạo phá thai trong những trường hợp ấy bị mất đi lòng từ, và sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cẩn thận, thì dù hành động nạo phá thai có thể là bất thiện, nhưng việc làm gây tổn hại về phương diện đạo đức này sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất vì đã có sự tác ý thiện xen vào.

Phá thai vì lợi ích của thai nhi

Có những trường hợp không nạo phá thai, dẫn đến việc sinh con bằng những điều kiện y học mà khiến cho thai nhi đau khổ.

Trong trường hợp này, tư tưởng của Phật giáo truyền thống trở nên bất cập. Các Phật tử đang tranh luận về trường hợp này như sau:

Nếu thai nhi đã gặp phải trở ngại quá lớn mà nó phải chịu nhiều khổ đau, thì nạo phá thai khả dĩ chấp nhận được.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:

Dĩ nhiên, theo quan điểm của Phật tử,  phá thai là một hành động sát sinh và tiêu cực nói chung. Thế nhưng, nó cũng dựa  vào từng  trường hợp. Nếu thai nhi không sinh sẽ bị chậm phát triển, hoặc nếu sự sinh nở sẽ sinh ra những vấn đề nghiêm trọng cho cha mẹ, thì những trường hợp này có thể là ngoại lệ. Tôi nghĩ, sự nạo phá thai được chấp nhận hay không chấp nhận tùy thuộc vào mỗi trường hợp”. (Dalai Lama, Thời báo New York, 28/11/1993)

Trách nhiệm cá nhân

Các Phật tử nghĩ rằng, họ phải tự chịu trách hoàn toàn về những gì mà họ đã làm và về những hậu quả mà nó đưa tới cho họ.

Vì vậy, quyết định phá thai là một quyết định có tính cách cá nhân rất cao, và là một quyết định vốn đòi hỏi sự xem xét hết sức cẩn thận, đầy tình người về các vấn đề vốn liên quan đến đạo đức, và chấp nhận gánh lấy bất cứ gánh nặng hậu quả nào mà nó mang đến..

Những hậu quả có tính đạo đức của quyết định cũng sẽ dựa vào động cơ và tác ý nằm sau một quyết định, cũng như vào mức độ lưu tâm đến hậu quả mà nó mang lại.

Nạo phá thai ở Nhật Bản

Phật tử Nhật Bản đã phải tạo nên những cố gắng có ý nghĩa để làm cho việc nạo phá thai tương thích với tôn giáo của họ khi sự nạo phá thai đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Và sự nạo phá thai đã được sử dụng như là một hình thức kiểm soát nạn nhân mãn.

Một vài tín đồ Phật giáo Nhật Bản, những người đã nạo phá thai, tiến hành tổ chức những buổi lễ cúng dường đức Địa Tạng Vương, - vị Bồ-tát của những người du hành đã khuất và của trẻ em. Họ tin rằng, đức Địa Tạng Vương Bồ-tát sẽ quản lý những đứa trẻ cho đến khi chúng được tái sinh trong một kiếp tái sinh khác.

Họ thực hiện việc này tại Thủy Tử Cúng Dường (mizuko kuyō), một dịch vụ mai táng dành cho những đứa trẻ chết vì nạo phá thai đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản trong thập niên 70 của thế ký XX. (Dịch vụ này cũng được dùng trong các trường hợp sẩy thai hay chết yểu). Nghi lễ gồm có các yếu tố tín ngưỡng dân gian, và Thần Đạo (Shinto) cũng như Phật giáo.

Nhà văn William R.Lafleur đã nêu lên vài khó khăn về truyền thống này:

Tranh luận  nạo phá thai ở bên trong cộng đồng Phật giáo Phật Bản hiện nay được hạn chế đến mức tối đa sau  những chỉ trích của những ngôi chùa và những tổ chức gần giống như chùa, nơi mà khái niệm báo oán của các thai nhi bị phá được tận dụng một cách triệt để  nhằm ép buộc cha mẹ của chúng tham gia vào các buổi lễ cầu siêu rình rang hình thức để tưởng nhớ các thai nhi bị phá, để xóa bỏ lòng đố kỵ của chúng, và để làm cho  chúng  được tái sinh dễ dàng.

Nhiều Phật tử Nhật Bản  nhận ra được cái kiểu tuyên truyền phản cảm như thế về tội lỗi của cha mẹ, nhất là khi diễn đạt dưới khái niệm mà một thai nhi trong tình trạng không biết đi về đâu  sẽ trút cơn oán hận lên đầu  cha mẹ đã sao lãng việc làm lễ húy nhật cho nó”. (William R. Lafleur, Tranh luậnvà Đồng thuận: Đạo đức của sự Nạo phá thai ở Nhật Bản, Triết học Đông và Tây, tập 40, 1990)

Thích Minh Trídịch

Thiên tai, động đất, sóng thần có phải do chiêu cảm của việc sát sanh và nạo phá thai?

VẤN: Trong những năm gần đây, tình hình bão lũ, động đất, sóng thần xảy ra khắp mọi nơi với cường độ càng ngày càng mạnh có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của rất nhiều người và động vật. Hình như bão lũ năm sau luôn mạnh hơn năm trước và thiệt hại về người cũng như vật chất không ai có thể biết được. Theo các nhà khoa học tất cả đều do việc nóng dần lên của trái đất làm băng tan, do việc phá rừng bừa bãi, sử dụng quá nhiều chất gây tăng khí hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tất cả đều do việc sát sinh mà ra vì các oan hồn uổng tử không được siêu thoát, chồng chất nợ nghiệp nhau nên chiến tranh mới xảy ra khắp nơi còn động đất và sóng thần là do chiêu cảm nghiệp của việc phá thai, các vong nhi không được siêu thoát gây nên. Xin sư cho con biết liệu điều ấy là có đúng với tinh thần của Phật giáo không? Làm cách nào để giảm bớt những thiệt hại như thế này?

ĐÁP

Trong lịch sử địa chất của Trái đất chúng ta, sự biến đổi khí hậu đã từng nhiều lần xảy ra với những thời kỳ lạnh và nóng kéo dài hàng vạn năm mà chúng ta gọi là thời kỳ băng hà hay thời kỳ tan băng. Thời kỳ băng hà cuối cùng đã xảy ra cách đây 10.000 năm và hiện nay là giai đoạn ấm lên của thời kỳ tan băng.

Nguyên nhân gây nên sự thay đổi khí hậu này, chúng ta có thể thấy đó là do sự biến động và thay đổi độ nghiêng trục quay trái đất, sự thay đổi quỹ đạo quay của trái đất quanh Mặt trời, vị trí các lục địa và đại dương và đặc biệt là sự thay đổi trong thành phần khí quyển.

Trong khi những nguyên nhân đầu tiên là những nguyên nhân hành tinh, thì nguyên nhân cuối cùng lại có sự tác động rất lớn của con người mà chúng ta gọi đó là sự làm nóng bầu khí quyển hay hiệu ứng nhà kính. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm…

Có thể thấy tác hại theo hướng nóng lên toàn cầu thể hiện ở 10 điều tồi tệ sau đây: Gia tăng mực nước biển, băng hà lùi về hai cực, những đợt nóng, bão tố và lũ lụt, khô hạn, tai biến, suy thoái kinh tế, xung đột và chiến tranh, mất đi sự đa dạng sinh học và phá hủy hệ sinh thái…(theo Tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới và những tác hại - Ngô Huyền, tổng hợp Kiến Thức Môi Trường).

Như trên là nhận định của khoa học, còn theo Phật giáo thì tình trạng môi trường của chúng ta đang sống thuộc về “kiếp giảm”. Những hiện tượng của “kiếp giảm” xảy ra trong thế kỷ XXI làm tổn hại con người, cũng không ai khác hơn là con người tự tạo nghiệp ác, như bạn đã kể trong câu hỏi là chuyện nhỏ và còn tệ hơn thế nữa!

Kiếp giảm lấy nhơn thọ trong thời kỳ tiệm giảm làm hạn lượng. Thọ số của nhơn loại ở mức cực cao là 84.000 tuổi. Từ 84.000 tuổi mỗi 100 năm giảm một tuổi, giảm đến chừng nào con người còn 10 tuổi là mức cuối cùng. Khoảng thời gian nầy kể là một giảm kiếp. Như thế một giảm kiếp tính ra có đến 8.399.000 năm. Trong khi thọ lượng được 84.000 tuổi, con người cao 840 trượng, qua trăm năm giảm một tuổi, bề cao cũng thấp xuống một tấc, qua ngàn năm giảm 10 tuổi, bề cao thấp xuống một thước. Đến chừng nhơn loại còn 10 tuổi là thượng thọ, bề cao con người chỉ còn một thước. Trong kiếp giảm, ác nghiệp của nhơn loại càng ngày càng tăng, phước báo càng lúc càng kém. Như khi nhơn thọ 84.000 tuổi, do phước nghiệp tăng thạnh, nên có bảy báu hiện ra, điềm lành tập hợp, năm vị ngon quí, người thần vui đẹp, mưa gió thuận thời, suối ngọt gạo thơm, dân chúng hiền lành, bậc thánh vương trị nước. Lúc nhơn thọ còn mười tuổi, do ác nghiệp tăng thạnh nên bảy báu ẩn mất, năm vị lợt lạt, điềm dữ hiện ra, nhơn vật khốn cùng, quỷ thần kêu khóc, âm dương trái độ, mưa gió lỗi thời, cảnh đói khát lan tràn, con người tranh đua lường gạt chém giết lẫn nhau. Lại trong kiếp giảm có tiểu tam tai là: Nạn cơ cẩn, nạn dịch khí, và nạn đao binh.

Theo luận Du Già Sư Địa, lúc nhơn thọ giảm còn 30 tuổi, có tai nạn cơ cẩn (đói khát) kéo dài bảy năm bảy tháng bảy ngày. Trong thời gian này cách rất lâu mới có một cơn mưa, ngũ cốc không sanh loài người chết vô số, xương trắng đầy đồng. Khi đó nếu người nào tìm được một hạt lúa, họ xem như ngọc ma ni, đem cất giấu ở trong rương. Qua một loạt chết chóc kinh khủng này, những kẻ còn sống sót khởi lòng nhàm chán bậc hạ, thật tâm ăn năn sám hối, tai nạn đó mới dứt.

Lúc nhơn thọ giảm còn 20 tuổi, do loài người lui sụt tâm nhàm chán ăn năn trước kia, lần lần làm ác, nên có tai nạn dịch khí nổi lên, trải qua thời gian bảy tháng bảy ngày, thây chết rải rác ngổn ngang khắp đường sá đồng ruộng, không ai chôn cất. Khi ấy mọi người tự biết do nghiệp ác nên phải chịu quả khổ như thế, ai nấy đều ăn năn sám hối, khởi lòng nhàm chán bậc trung, nạn dịch khí liền dứt. Rồi tháng năm trôi qua, nhơn loại lần lần quên bao nhiêu cảnh khổ, trở lại tạo thập ác thêm nhiều.

Đến lúc thọ lượng của thế nhơn còn 10 tuổi, con người sanh ra ít ngày là biết đi, mới năm tháng đã có chồng vợ. Lúc ấy nhơn loại lấy lúa lép làm thức ăn bậc nhất, lấy tóc kết lại làm y phục bậc nhất, lấy sắt làm đồ trang nghiêm bậc nhất. Bao nhiêu thức ăn ngon quí đều ẩn mất, các thứ mật, mía, dầu, muối đều biến chất, không thành mùi vị. Khi có yến hội lớn, người ta thường nấu xương khô để thết đãi lẫn nhau. Bấy giờ lại có tai nạn đao binh nổi lên. Trước tiên các nước đem binh đánh giết lẫn nhau; trong thân quyến như cha con, anh em, chồng vợ còn luôn luôn có sự tranh cãi, huống chi đối với kẻ khác.

Đến lúc kiếp mạt, thế lực của nghiệp ác mạnh mẽ cùng cực, trong vòng bảy ngày, loài người như mê cuồng, tay cầm đến cây, gậy, ngói, đá, những thứ ấy đều hóa ra đao, kiếm không luận kẻ thân sơ, hễ gặp mặt là tàn sát nhau. Ai nấy đều nghĩ rằng: Nếu mình không giết người ta, người ta cũng giết mình. Trong thời gian đó, thây chết cùng khắp, đường sá vắng người. Qua bảy ngày nầy nghiệp sát tiêu tan, còn độ một muôn người sống sót, trốn ở trong hang đá rừng núi lần lượt đi ra. Bấy giờ thế giới hoang sơ, trong vòng mấy muôn dặm khó thấy một bóng người, nên khi được gặp mặt họ liền ôm nhau mà khóc. Thời gian nầy kiếp giảm đã đến mức cuối cùng, loài người khởi tâm nhàm chán bậc thượng, lần lần tu pháp lành, nên phước thọ cũng lần lần tăng thêm (trích Phật học tinh yếu - HT Thích Thiền Tâm biên soạn)

Thật vậy những hiện tượng (y báo) thường xảy ra như thế, là do nghiệp nhân, quả báo của chúng sanh (chánh báo) trên hành tinh địa cầu tác động, muốn có sự hưởng thụ lao động của mình, tranh chấp quyền bính, bành trướng bá quyền, ít nghĩ đến sanh hoạt đạo đức, ít tu hành. Từ đó khí tham sân si ngày càng bộc phát dữ dội, để phục vụ cho sự tham lam ích kỷ cá nhân. Vì sự ăn mặc, tiện nghi, hám danh hám lợi, tạo cảnh oán thù, chém giết lẫn nhau, dẫn đến gây nên những thảm cảnh chiến tranh sắc tộc, chiến tranh biên giới, chiến tranh thế giới, thật tàn khốc, giết hại con người không thương tiếc. Đấy là những nghiệp nhân quả báo.

Còn một hệ quả khác đáng thương tâm không ít là con người tạo nghiệp, sát sanh loài vật, thú rừng: Hùm, beo, tê, tượng; gia súc: Trâu, bò, cừu, dê, lợn, gà, vịt; dưới biển các loài thủy tộc cũng không yên. Chung quy cũng từ con người chuốc lấy oán hờn, tạo thành những cuộc tử sanh, luân trầm, vay trả.

Muốn không còn khổ đau, thì con người cần có sự tu tỉnh, tránh xa các điều ác, làm các việc lành, giúp đỡ chúng sanh, đó là lời chư Phật trang nghiêm kiếp, hiền kiếp đều giáo hóa. Thế giới và con người sẽ theo nghiệp cảm mà thọ báo lành, không còn khổ đau nữa. 

Ví dụ: Không chặt phá rừng thì không có lũ lụt, hạn hán; không sát sanh, trộm cướp, không ỷ thế hiếp cô thì không còn chiến tranh đau thương chia cách, không tham lam ích kỷ, say đắm ngũ dục thì không có cảnh trái đất nóng dần, băng tan, động đất sóng thần, không xa hoa trụy lạc, cờ bạc rượu chè thì không còn cảnh nghèo đói…

HT Thích Giác Quang

Cái Nhìn Phật Giáo Về Sự Phá Thai Và Sự Tha Thứ

Lodro Rinzler - Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến

Source-Nguồn: www.huffingtonpost.com

(A Buddhist View On Abortion And Forgiveness - Lodro Rinzler)

Cái Nhìn Phật Giáo Về Sự Phá Thai Và Sự Tha Thứ

Nhiều người xem Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) như một thí dụ về một người đã đạt tới Niết bàn, ngài là một vị Phật. Cứ mỗi hai tuần lễ, trên trang mạng nầy, chúng ta giả sử rằng, ngày hôm nay nếu Tất Đạt Đa bước vào cuộc hành trình tâm linh, ngài sẽ làm gì. Ngài sẽ kết hợp Phật giáo và cuộc hẹn hò trai gái, như thế nào? Ngài sẽ giải quyết sự căng thẳng nơi làm việc, như thế nào?  "Ông Sĩ (tên gọi tắt của Sĩ Đạt Ta) sẽ làm gì?" câu hỏi nầy mang đến một cái nhìn trung thực về những vấn đề của chúng ta - là các thiền giả - sẽ phải đối mặt trong thế giới hiện đại.

Cứ mỗi hai tuần lễ, tôi sẽ mang vào một câu hỏi mới và đưa ra một số lời khuyên dựa trên những gì tôi nghĩ rằng ông Sĩ, một Sĩ Đạt Ta tưởng-tượng, sẽ làm gì. Ông Sĩ lúc nầy chưa thành Phật; ông chỉ là một người tranh đấu, để duy trì một trái tim rộng mở trên một con đường tâm linh, trong khi ông phải đối mặt với rất nhiều phiền toái trên đường ông đi. Bởi vì chúng ta sẽ phải đối mặt với trở ngại nầy: Bạn và Tôi, bây giờ chính là ông Sĩ.

Câu hỏi của tuần nầy đến từ Cô Gái Đẹp (Pretty Girl):

Tôi là một người mẹ độc thân, đang nuôi một đứa con còn bé, mới bốn tuổi. Tôi năm nay 41 tuổi, và tôi đã có thai ba lần. Lần có thai đầu tiên, tôi đã phá thai, rồi sau đó, tôi cảm thấy không thể tha thứ cho chính tôi. Lần có thai thứ nhì, tôi đã sẩy thai. Mỗi ngày tôi tự hỏi tại sao tôi còn sống ở đây, và tại sao tôi có lại hành động ích kỷ vì tôi đã giết con tôi. Tôi thương yêu con trai tôi, nhưng luôn tự hỏi tại sao, tôi lại có được cơ hội có con nầy. Tôi cũng đã tự làm hại, tự gây đau khổ cho chính tôi, trong những lúc tôi cố gắng tìm sự tha thứ cho chính mình. WWSD?

Nói chung trong các truyền thống Phật giáo, người ta tin rằng sự sống bắt đầu từ thời điểm thụ thai. Thần thức sẽ có rất ít thời gian, từ lúc bố mẹ của bạn có quan hệ tình dục, rồi thấy đây là chuyện vui vẻ, rồi đi đến để vào gá thai. Vào thời điểm nầy, thần thức đã đi vào cõi người, và ở trong quá trình sẽ được sinh ra đời. Vì như thế, Đức Phật dạy rằng phá thai chính là lấy đi mạng sống của một con người, đây là một lỗi lầm rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhiều vị Thầy Phật giáo đã nói rằng, có những trường hợp mà phá thai có thể không tạo ra nghiệp xấu, thí dụ như bào thai sẽ tạo ra tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ. Với cùng ý tưởng nầy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Báo Nữu Ước Times rằng "... phá thai được chấp nhận, hoặc không được chấp nhận, là còn tùy theo mỗi trường hợp."

Phật giáo truyền thống có thể không khuyến khích phá thai, nhưng cũng không khuyến khích việc áp đặt luân lý cứng chắc một cách tuyệt đối. Trong khi tôi nghĩ rằng, ông Sĩ sẽ không khuyến khích người bạn gái của ông phá thai, và tôi cũng nghĩ rằng, ông sẽ để người đàn bà có quyền tự do chọn lựa, chuyện bà muốn làm gì với thân thể của bà. Tôi phải nói ra rằng, với cá nhân tôi - Lodro Rinzler - không phải là ông Sĩ, tôi có thể muốn và tôi cũng có thể không muốn người bạn gái của tôi phá thai. Đây là những chuyện mà tôi phải học tập để hòa giải với chính bản thân tôi.

Phật giáo gần như là một con đường đi, mà tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Tôi không biết tại sao bạn đã phá thai, và cũng vì thế, tôi cũng không có quyền lên án hay ca ngợi bạn (và cho những người vào bình luận, xin bạn vui lòng viết lời tử tế ở đây: bởi vì, có người thật đằng sau những câu hỏi thật nầy!). Tôi khuyến khích bạn nên suy nghĩ thật kỹ lưỡng, những động cơ đằng sau quyết định của bạn. Tôi không biết một chút gì về bạn, nên tôi chỉ đoán rằng những gì bạn đã làm, là bạn muốn làm giảm bớt đi sự đau khổ, không những cho chính bản thân bạn, mà còn cho đứa con mà bạn sẽ mang vào thế giới nầy. Nếu đúng như thế, thì ý định của bạn không phải là điều xấu xa, và vì hành động nầy của bạn đã xảy ra, bạn nên học tập để tha thứ cho chính mình, đây là điều vô cùng quan trọng.

Rinpoche Dilgo Khyentse đã từng nói, "Trong trường hợp phá thai ... nếu bố mẹ cảm thấy hối hận, họ có thể tự giúp đỡ bằng cách thừa nhận chuyện nầy, cầu mong sự tha thứ, và hãy hăng hái thực hành cách thanh lọc của Bồ Tát Vajrasattva. Họ cũng có thể mang những hiểu biết và kinh nghiệm nầy để khuyên nhủ, ngăn ngừa, hoặc cứu giúp người khác, hoặc tài trợ cho một số dự án nhân đạo, và tinh thần, rồi hồi hướng cho hạnh phúc và tương lai giác ngộ cho thần thức của thai nhi." Những chuyện làm kể trên đều là việc làm tốt đẹp, tuy nhiên, tôi muốn nói thêm cho đầy đủ, là chuyện thực hành cách thanh lọc của Bồ Tát Vajrasattva của Phật giáo Tây Tạng, nên được giảng dạy bởi một vị Thầy đã được chứng nhận. Nói cách khác, đừng thử cách nầy ở nhà, hoặc học qua một cuốn sách.

Chủ đề này làm tôi nhớ đến câu chuyện về Đức Phật và Angulimal. Angulimal là một kẻ giết người. Một kẻ giết người hàng loạt. Người ta nói rằng ông ta đã giết chết 999 người và ông mang chiếc vòng đeo cổ bằng các ngón tay, mỗi một ngón tay là một nạn nhân của ông, nghĩa là ông ta đang đeo 999 ngón tay. Tuy nhiên, Đức Phật vẫn đi xuống đường để gặp ông ta. Angulimal cảnh báo với Đức Phật rằng, nếu ông đến gần ngài hơn, thì ngài sẽ là nạn nhân thứ 1000 của ông ta.

Đức Phật, sẵn sàng hiến tặng cuộc sống của ngài, để Angulimal thực hiện lòng mong muốn của ông, là làm xong chiếc vòng đeo cổ, nhưng ngài yêu cầu ông cho ngài một điều ước cuối cùng. Ngài mong muốn Angulimal cắt một nhánh cây. Angulimal đã làm như thế và dâng lên Đức Phật. Sau đó, Đức Phật nói ông ta gắn nhánh cây nầy ngược trở lại cây, cho nó y hệt như cũ. Khi ngài nhìn thấy kẻ giết người đang bị rối trí, Đức Phật mới giải thích rằng: "Nếu ông không tạo ra cây, thì ông cũng không có quyền cắt bỏ nó. Nếu ông không ban cho sự sống, thì ông cũng không có quyền gây ra cái chết cho bất kỳ sinh vật nào."

Tâm của Angulimal đã được chuyển đổi ngay lập tức, ông đặt thanh kiếm xuống, rồi ông được chấp nhận vào Tăng Đoàn. Ông đã được Đức Phật tha thứ cho những lỗi lầm của ông, và người ta được biết là trước khi ông mất, ông đã là vị A La Hán.

Tôi đề cập đến câu chuyện nầy, không phải để đánh đồng những gì bạn đã làm với kẻ giết người hàng loạt nầy (thật sự không phải như thế), nhưng để nói ra rằng, ngay cả những hành động kinh khủng và vô nghĩa lý nhất, cũng có thể và đã được tha thứ. Hơn nữa, những sai lầm to lớn nhất của chúng ta, cũng sẽ là những vật to lớn nhất, lót đường cho chúng ta đến mục đích giác ngộ. Chúng ta cần phải học mọi khía cạnh của cuộc sống, từ khía cạnh cần trau giồi, cho đến những khía cạnh cần loại bỏ. Chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, khi chúng ta vượt qua được những lỗi lầm, và học hỏi từ những lỗi lầm nầy.

Bạn nói rằng bạn đã làm nhiều chuyện tự làm hại, tự gây đau khổ cho chính bạn, trên con đường hướng đến sự tha thứ. Điều quan trọng, là khi bạn đã nhận ra những điều đó là sự tự gây hại, đây là bước quan trọng đầu tiên. Bước thứ nhì là từ bỏ những điều tự gây hại nầy. Bước thứ ba thậm chí còn khó khăn hơn. Bước thứ ba là học tập những thói quen mới, cụ thể là học tập để biết được những cảm xúc của chính mình khi chúng đang có mặt, như là cảm giác tội lỗi, như là sự tức giận, hoặc như là sự buồn bã. Để cảm nhận được những cảm xúc của chúng ta, nguyên vẹn như chúng chính là, theo kinh nghiệm của tôi, là con đường tốt nhất để tha thứ cho những sai lầm của chính bản thân mình. Tôi có thể đã làm cho mọi người khó chịu, vì lập đi lập lại quá nhiều lần trên trang mạng nầy, nhưng thiền định chính là một phương pháp có giá trị, vì thiền định cho phép chúng ta có mặt với những loại kinh nghiệm nầy.

Hơn nữa, tôi nghĩ rằng những lời đối thoại của Đức Phật với Angulimal khá thích đáng với trường hợp của bạn. Trong lúc nầy, cuộc đời bạn đã có một người con yêu quý. Bạn có thể thương yêu cháu và nuôi nấng cháu với một trái tim đầy lòng từ bi và hiểu biết. Cá nhân tôi tin rằng, làm bố mẹ là đi trên con đường mang đến cuộc sống phong phú và hạnh phúc, và nếu được thực hiện một cách chính xác, cùng với thực tập thiền định, có thể dẫn chúng ta đến sự giác ngộ.

Chúc bạn thật nhiều may mắn, trên con đường hướng đến sự tha thứ, cũng như trên con đường làm bố mẹ. Chúng ta hãy học hỏi từ sự sai lầm, đây chính là cơ hội thực hành có nhiều giá trị. Chúng ta hãy học cách tha thứ cho chính mình, đây là chuyện làm, còn có giá trị nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta học tập để có mặt trong lúc có nhiều khó khăn, bối rối, hoặc nhiều buồn đau là điều tuyệt vời. Như Acharya Pema Chodron đã nói, "Lúc nầy đây, chính là vị Thầy Giáo tốt nhất."

MUA DÂM CÓ PHẠM GIỚI TÀ DÂM?

HỎI: Tôi năm nay 32 tuổi, khỏe mạnh, công việc và kinh tế ổn định. Là nam cư sĩ, hiện đang tu học theo pháp môn niệm Phật, cầu vãng sanh Cực lạc nhưng do một số điều kiện khách quan nên tôi hiện sống độc thân (cũng có thể độc thân suốt đời). Vì sống độc thân, nhu cầu sinh lý không được đáp ứng đầy đủ như người có gia đình nên tôi thường bị bức xúc, ức chế, không thể tập trung làm việc cũng như tu niệm tốt được. 

Tôi có ý định tìm gái bán hoa làm bạn tình trong vài giờ nhằm cân bằng tâm sinh lý; tôi biết điều độ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, tôn trọng đối tác, cả hai đều tự nguyện và đều vui. Theo bản thân tôi, chỉ có cách đó tôi mới cân bằng tâm sinh lý, sau đó mới toàn tâm toàn ý làm việc cũng như tu niệm. Xin hỏi, tôi mua dâm như vậy thì có phạm giới tà dâm của người Phật tử không?

(HUY PHƯƠNG, hoabac999@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Huy Phương thân mến!

Người cư sĩ được khuyến nghị tiết dục chứ không bị ngăn cấm hành dục. Nên Phật tử lập gia đình, nguyện giữ giới không tà dâm cốt để giữ thủy chung với người bạn đời của mình nhằm xây dựng đời sống hôn nhân hạnh phúc.

Phạm vi của giới không tà dâm rất rộng: Ngay trong quan hệ vợ chồng cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dâng hiến, có chừng mực, hợp thời, phải chỗ; ngay cả sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, buông thả phóng dật, cũng bị xem là tà dâm.  Nói chung, theo quan điểm của Phật giáo, những sự quan hệ nam nữ không được giới luật, luật pháp và luật tục thừa nhận đều được xem là tà dâm.

Bạn đã trưởng thành, khỏe mạnh nên có nhu cầu sinh lý là chuyện bình thường. Hiện bạn còn độc thân nên vấn đề chung thủy với người bạn đời chưa được đặt ra. Do đó, bạn mua dâm mà “biết điều độ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, cả hai đều tự nguyện và đều vui”, theo giới luật của hàng cư sĩ tại gia, bạn không phạm tà dâm. Kinh Ưu-bà-tắc ngũ giới tướng, Phật dạy: “Nếu Ưu-bà-tắc (nam cư sĩ) cùng dâm nữ (gái điếm) hành dâm, quỵt không trả tiền, phạm tà dâm không thể sám hối, trả đủ tiền thì không phạm (Minh Lễ dịch, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1994, tr.52).

Như vậy, về mặt giới luật của người cư sĩ và luật tục (một số tập tục như lệ làng), người trưởng thành sống độc thân, có hành vi tình dục trước hôn nhân hay mua dâm, trong chừng mực nào đó, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, về mặt luật pháp, ở nước ta hiện nay, mua dâm là hành vi phi pháp. Theo Điều 22, Pháp lệnh số 10/2003/UBTVQH11 ngày 17-3-2003 về phòng, chống mại dâm: “Người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. 

Mặc dù hoạt động mua bán dâm khá phổ biến trong đời sống xã hội nhưng đều không chính thức, nước ta không có “phố đèn đỏ” hoạt động hợp pháp và công khai như ở một số nước trên thế giới, vì thế mua dâm là phạm pháp (đa phần bị xử phạt hành chính).

Ngay đây, bạn cần lưu ý là, dù giới luật và luật tục tạm “du di” cho bạn có thể mua dâm nhưng vì luật pháp hiện hành lại không cho phép, do đó, nếu bạn mua dâm tức phạm vào tà dâm. Những Phật tử đã thọ Bồ-tát giới tại gia, vi phạm luật pháp dĩ nhiên là phạm giới. “Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di (nam, nữ cư sĩ) đã thọ tại gia Bồ-tát giới, phạm luật pháp nhà nước, ấy là phạm tội thất ý, giới thể không vững, đọa lạc, bất tịnh, bị chướng ngại” (Ưu-bà-tắc giới kinh, Giới khinh thứ 22). Mặc dù đây là giới luật của những Phật tử thọ Bồ-tát giới tại gia, nhưng nếu các Phật tử chỉ thọ năm giới mà vi phạm pháp luật (nhân cách chưa trọn) thì cũng xem là khuyết giới, phạm giới vậy.

Tóm lại, hiện nay ở nước ta, người cư sĩ độc thân mua dâm là phạm tà dâm (nhưng nếu mua dâm tại các “phố đèn đỏ” ở nước ngoài hoạt động hợp pháp thì không phạm). Trong hoàn cảnh của bạn, nên quán niệm rằng ở đời không có ai là hoàn hảo, mỗi người mỗi nghiệp nặng nhẹ khác nhau đồng thời thành tâm sám hối tội nghiệp tà dâm của mình. Sám hối liên tục cho đến khi nhẹ nghiệp.

Chúng ta đang sống trong cõi dục nên dục vọng không có gì là xấu. Quan trọng là biết điều hòa và làm chủ thân tâm, không để cho dục vọng chi phối quá mức dẫn đến mất tự chủ, dễ dàng tạo ác nghiệp. Cần xác quyết rằng, mua dâm (nếu được giới luật và pháp luật cho phép) cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Do đó, lập gia đình, xây dựng hạnh phúc hôn nhân vẫn là giải pháp tối ưu và bền vững nhất cho bạn để “toàn tâm toàn ý làm việc cũng như tu niệm” ở hiện tại và tương lai.

Chúc bạn tinh tấn!

MƯỜI HAI BỘ KINH

(THẬP NHỊ BỘ KINH)

* Nếu dựa trên phạm vi vĩ mô thì giáo lý mà Phật nói trong 49 năm được chia thành 3 tạng kinh điển là:

1) Kinh tạng
2) Luật tạng 
3) Luận tạng

* Nếu dựa theo thời gian thuyết pháp thì giáo lý Phật nói được chia thành 5 thời, gọi là "Ngũ thời giáo":

1) Thời Hoa Nghiêm
2) Thời A Hàm
3) Thời Phương Đẳng
4) Thời Bát Nhã
5) Thời Pháp Hoa, Niết Bàn


* Nếu dựa theo cấp độ cao thấp về ý nghĩa thì giáo lý Phật nói được chia thành 5 cấp độ, gọi là "Ngũ thừa". Mỗi "thừa" phù hợp với một tầng lớp căn cơ từ thấp đến cao:

1) Nhân thừa
2) Thiên thừa
3) Thanh Văn thừa
4) Duyên Giác thừa
5) Bồ tát thừa, Đại thừa hay Phật thừa


* Nếu dựa theo phạm vi ý nghĩa chi tiết của kinh điển thì giáo lý Phật giáo được chia thành 12 chủng loại, gọi là "Thập nhị bộ kinh". 

1) Kinh (Khế kinh): những bài kinh chính căn bản Phật nói bằng văn xuôi, ngắn gọn, súc tích, khế cơ và khế lý tức là những lời Phật dạy khế hợp với chân lý với từng căn cơ của chúng sinh.

2) Trùng tụng (Ứng tụng): những bài kinh hoặc kệ tụng được đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các đệ tử ngài thuộc lòng. 

3) Thụ ký: kinh Phật thụ ký, chứng nhận quả vị cho những đệ tử và những việc xảy ra về sau.

4) Ký chú (Phúng tụng): những bài kinh thuộc thể thơ ca không diễn xuôi

5) Tự thuyết (Tán thán): bài pháp Phật thuyết không cần sự thưa thỉnh

6) Nhân duyên (Quảng thuyết): kinh nói về nhân duyên pháp hội, nhân duyên của nhân sinh và vũ trụ.

7) Thí dụ (Diễn thuyết giải ngộ): kinh Phật dùng thí dụ để giảng thuyết những giáo lý cao thâm cho dễ hiểu.

8) Bản sự kinh (Như thị pháp hiện): kinh Phật nói “tu nhân, chứng quả” của hàng đệ tử trong quá khứ và vị lai.

9) Bản sinh kinh: kinh Phật nói về tiền thân của Phật và hàng Bồ tát dẫn đến câu chuyện của đời hiện tại, sự liên hệ giữa tiền kiếp và hậu kiếp…

10) Phương quảng (Phương đẳng): kinh điển đại thừa, nói về pháp tu rốt ráo

11) Hy pháp (Vị tằng hữu): kinh Phật nói về thần lực của Phật và hàng thánh đệ tử, nói về cảnh giới vi diệu của quả tu.

12) Nghị luận (Cận sự thỉnh vấn): kinh vấn đáp, biện luận giữa Phật và hàng đệ tử hoặc giữa các hàng đệ tử với nhau để lý giải rốt ráo chính tà…

Vấn đề hộ niệm cho người sắp lâm chung

Thích Phước Thái

Con nghe nói hộ niệm vãng sinh, nhất là cho người hấp hối sắp chết, nhưng con không hiểu phải hộ niệm như thế nào mới đúng cách? và phải làm sao cho người chết được lợi lạc vãng sinh? Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con được hiểu rõ

Đây là một vấn đề rất hệ trọng đối với những người tu theo pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sinh. Những người mà tịnh nghiệp của họ đã thuần thục, hiện đời họ đã niệm Phật chứng được niệm Phật Tam Muội, tức được nhất tâm bất loạn, Thánh cảnh hiện tiền rồi, thì việc hộ niệm không cần thiết nữa.

Vì họ đã vãng sinh ngay trong hiện đời rồi. Thật ra, trong thời mạt pháp này, đối với hạng người này thật không phải dễ có. Đó phải là bậc thượng căn thượng trí mới có được.

Ngoài ra, nếu chưa được như thế, thì giờ phút sắp lâm chung, đối với việc hộ niệm hay trợ niệm là điều tối thiết yếu, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên tìm hiểu thật kỹ về vấn đề này.

Trong khuôn khổ giới hạn của trang giấy phạm vi vấn đáp, chúng tôi không thể nào trình bày cho tận tường chi tiết hết được. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trình bày một cách khái yếu vấn đề mà thôi.  

Đời người, khi sắp mất, hay cuối nẻo đường trần có 3 lối rẽ để đi. Một là tiến thẳng lên Thánh đạo, vãng sinh Cực Lạc tức thời, lối đi này chỉ dành cho những người cực thiện. 

Hai là lối đi vào thiện đạo và ba là lối đi vào ác đạo. Lối đi vào thiện đạo dù có được tốt đẹp ít khổ, nhưng vẫn còn quanh quẩn luân chuyển vào nhân đạo hoặc thiên đạo. 

Thứ ba là lối đi vào ác đạo, đây là con đường trầm luân thọ khổ muôn kiếp, mà không một ai muốn bước chân vào. Tuy không muốn, nhưng nghiệp ác hiện đời đã gây tạo, thì phải tránh như thế nào đây? Cho nên đối với hai hạng người sau này, thì việc hộ niệm trong giờ phút sắp lâm chung thật vô cùng quan yếu. Nhưng phải hộ niệm như thế nào để cho người sắp lâm chung mới được lợi lạc vãng sinh? Đó là điều mà người đóng vai trò hộ niệm giúp cho những người sắp chết, thiết nghĩ, cũng cần nên  biết qua. 

Hai chữ hộ niệm có nghĩa là giúp cho người sắp chết có được chánh niệm. Chữ niệm nầy, có nghĩa là chánh niệm. Nói cách khác là mình giúp (hộ) cho họ nhớ (niệm) Phật, tức đồng với tâm niệm Phật, vì tâm niệm Phật là chánh nhân thành Phật. Vì muốn nhắc nhở người bệnh luôn nhớ đến Phật, mà không nhớ đến duyên trần, vì nhớ đến duyên trần là mất chánh niệm hay tịnh niệm, thì rất trở ngại cho việc vãng sanh. 

Do đó, mà người hộ niệm là chiếc phao nổi để người bệnh sắp chết nương vào.Vì sao? Vì lúc nầy, người bệnh tứ chi đau nhức rã rời, nếu là người bị mang chứng bệnh nan y, như ung thư chẳng hạn, thì sự hành hạ xác thân, bởi cơn đau nhức hoành hành thật là khó tả. Do đó, tâm thần của họ dễ bị tán loạn, dù cho bình thường, họ có công phu niệm Phật, nhưng vì chưa đạt đến chỗ thuần thục, nên dễ bị tán tâm. Bởi thế, nên họ rất cần người khác hộ niệm. 

Lúc nầy, người bệnh hoàn toàn mất hết tự chủ, tinh thần rối loạn, nghĩ nhớ lung tung, thật khó tập trung vào câu hiệu Phật. Nên người hộ niệm phải giúp cho họ tập trung tinh thần về với chánh niệm bằng cách chí thành tha thiết niệm Phật.

Điều ta nên nhớ, người bệnh vừa dứt hơi thở, nhưng chưa thật chết hẳn, thần thức chưa hoàn toàn rời khỏi thể xác, ít nhứt là 2 tiếng đồng hồ, nên giờ phút nầy, vẫn còn rất cần thiết cho việc hộ niệm, niệm Phật. 

Người bệnh được vãng sanh hay không, ngoài phần chánh nhân tu niệm bình nhật của họ ra, phần lớn là nhờ vào giờ phút hộ niệm nầy. Do đó, những người thân quyến hay con cháu trong gia đình, là những nhân tố chánh giúp cho người thân của mình không bị đọa lạc vào cảnh khổ.

Nếu giờ phút quan trọng nầy, mà thân nhân hay bạn bè, không biết cách hộ niệm, chẳng những không niệm Phật giúp cho người thân mình có thêm chánh niệm, trái lại, còn gây thêm cho họ nhiều rối loạn, lo âu, buồn bực v.v… thì thật là tai hại nguy hiểm vô cùng. Cho nên, nếu mọi người thật sự thương thân nhân của mình, thì chỉ nên một lòng chắp tay tha thiết mà thành tâm niệm Phật. 

Ngoài ra, không nên có thái độ hay lời nói gây xúc phạm đến người bệnh sắp lâm chung. Vì lúc nầy hơn bao giờ hết, người bệnh dễ hay sanh bực tức giận hờn.

Cách hay nhất trong giờ phút nầy, nên cần có ít nhất là một người biết cách trợ niệm, để giúp đỡ  chỉ bảo mọi việc cho thân nhân và bạn bè. Người nầy rất là cần thiết. Vì thân nhân của người sắp chết, ai nấy đều tỏ ra rất bối rối lo buồn, nên không còn đủ bình tĩnh để lo trợ niệm giúp đỡ cho bệnh nhơn. 

Thế nên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì phải có người thông hiểu mọi việc hộ niệm túc trực bên cạnh bệnh nhơn, vừa nhắc nhở bệnh nhơn niệm Phật, vừa khuyên nhủ thức nhắc bằng những lời pháp ngữ cảnh tỉnh, để bệnh nhơn tăng thêm đạo lực tín tâm và dễ được định tâm niệm Phật hơn. 

Bởi vậy, những người hộ niệm nầy, phải được thay phiên nhau niệm Phật liên tục, tùy hoàn cảnh mà khéo léo dùng chước phương tiện để giúp cho bệnh nhơn và trong thân quyến.  Điều nầy, thật rất là cần thiết quan trọng. Người hộ niệm phải có tấm lòng bi cảm và hòa ái nhẫn nại đối với bệnh nhơn. Đó là thể hiện lòng từ bi vị tha nhân ái cao cả của Bồ tát Quán Thế Âm. 

Tóm lại, muốn cho việc hộ niệm vãng sanh đạt được kết quả cao, theo thiển nghĩ của chúng tôi, cần phải hội đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện qua 3 yếu tố quan trọng như sau :

I. Người hộ niệm 

II. Bệnh nhân.

III. Thân bằng quyến thuộc. 

I. Người hộ niệm.

Đối với người hộ niệm đóng một vai trò chủ chốt rất quan trọng trong việc hộ niệm, nên cần phải thông hiểu về việc hộ niệm nầy. Sau đây là những điều mà người hộ niệm cần biết:

1. Nên khuyên bảo thân quyến và sắp xếp mọi việc cần thiết trong lúc hộ niệm cho người bệnh hấp hối sắp lâm chung. Tối kỵ nhứt là gây xáo trộn khóc than trong giờ phút nầy. Những ai không dằn lòng được xúc động, thì tốt hơn hết là nên mời họ bước ra ngoài, đừng để bệnh nhơn nghe tiếng khóc than.

2. Thái độ và cung cách, nhứt là lời nói đối với người bệnh phải hiền hòa dịu ngọt, nên khuyến nhắc người bệnh nhớ niệm Phật và cần gợi lại những công hạnh mà người bệnh đã thực hiện.

3. Ngoài việc niệm Phật và khuyến nhắc bệnh nhơn ra, tuyệt đối không được nói lời gì khác, mà gây cho bệnh nhơn không vui dễ mất tín tâm và tán loạn.

4. Tùy trường hợp, hoàn cảnh nơi bệnh nhơn nằm, mà linh động niệm Phật to tiếng hoặc nhỏ tiếng, tốt hơn hết là chỉ niệm Phật cho bệnh nhơn vừa đủ nghe, không nhỏ quá và cũng không nên lớn tiếng quá. Theo kinh nghiệm cho biết, lúc nầy, càng niệm lớn tiếng, bệnh nhơn càng không nghe rõ. Tốt hơn hết, là nên niệm vừa đủ cho bệnh nhơn nghe thôi. Và khi niệm, phải niệm đủ 6 chữ : Nam Mô A Di Đà Phật. Phải niệm chậm rãi và từng chữ cho thật rõ ràng.

5. Phải thay phiên nhau niệm Phật liên tục không cho gián đoạn, cần khuyến khích thân nhân cùng thay phiên nhau niệm Phật. Trong phòng bệnh, ngoài tiếng niệm Phật ra, tuyệt đối phải giữ yên lặng, không được nói chuyện ồn ào làm loạn tâm bệnh nhơn vô ích.

6. Khi người bệnh đã thật sự tắt thở, cứ để như vậy mà chí thành niệm Phật liên tục, không nên sửa làm động đậy bệnh nhơn, ít nhứt là 2 tiếng đồng hồ. Điều nầy rất quan trọng, chúng ta cần phải lưu ý. Vì khi bệnh nhơn mới tắt thở, thần thức chưa rời khỏi xác thân. Nên rất cẩn trọng quan tâm về vấn đề nầy. Còn nhiều chi tiết khác, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra 6 điều quan trọng mà người hộ niệm cần ghi nhớ trong khi hộ niệm mà thôi.

II. Bệnh nhân.

Người bệnh là yếu nhân chính trong việc quyết định cuộc đời mình. Đây là giờ phút quan trọng để mình quyết định cho sự chọn lựa. Nếu là một liên hữu đã phát nguyện niệm Phật cầu vãng sanh, thì trong lúc bệnh nặng, nên buông bỏ tất cả duyên trần, không bận tâm với bất cứ vấn đề gì, nhứt là đối với việc gia đình nhà cửa con cháu v.v… Không ai thương mình bằng chính mình thương mình. Trước giờ phút phân ly đôi ngã, dù đó là người thân yêu nhứt đời mình, họ cũng không thể nào thay thế được gì cho mình. 

Trong nỗi niềm cô đơn tuyệt vọng, cái chết gần kề với mình, thì thử hỏi mình còn tham đắm luyến tiếc thứ gì nữa chớ! Nghĩ thế, mình nên dốc hết tâm lực còn chút hơi tàn mà quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây phương, theo bản nguyện sanh tiền của mình đã phát nguyện. Nên nhớ đến lời khuyên dạy chí tình chí thiết của Hòa Thượng Thiện Đạo, vị Tổ thứ hai của Liên Tông. Ngài thường khuyên dạy cho những người tu Tịnh độ, niệm Phật như sau: “Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về Tịnh độ, thì điểm cần yếu là đừng sợ chết. Phải thường nghĩ thân nầy nhơ nhớp, biết bao điều khổ lụy trói vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực Lạc thọ thân kim cương thanh tịnh, sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô sự an vui. Ví như bỏ chiếc áo cũ rách đổi lấy đồ trân phục, còn điều chi đáng thích ý bằng! Nghĩ như thế, buông hẳn thân tâm không còn lo buồn tham luyến. Lúc vừa có bệnh, liền tưởng đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, cùng bàn việc hay dở trong nhà. Nếu có ai đến thăm, chỉ khuyên nên vì mình niệm Phật, đừng hỏi thăm chi khác…”. 

Đó là chúng tôi trích dẫn một đoạn khuyến nhắc của Ngài, để chúng ta nhớ đến mà hết lòng niệm Phật. Nên biết, Tổ Thiện Đạo là hóa thân của đức Phật A Di Đà. Lời Ngài dạy thật là thiết tha bi mẫn. Đây là lời khuyên chung của Tổ, không nhứt thiết là chỉ có liên hữu không thôi. Nếu ai nghe theo lời khuyên dạy nầy của Ngài, mà thật tâm tha thiết hành trì, dốc lòng niệm Phật, thì cũng được lợi lạc vãng sanh về Cực Lạc. 

Xin tất cả hãy nghĩ đến tương lai sướng hay khổ của đời mình mà tự mình phải cố gắng buông bỏ tất cả, chỉ có một con đường trước mắt là niệm Phật cầu vãng sanh về Cực Lạc mà thôi. Hãy nhớ đến bản nguyện của đức Từ Phụ A Di Đà lúc nào Ngài cũng sẵn sàng chờ đón chúng ta.  Đó là trọng tâm chính yếu mà người bệnh sắp lâm chung cần ghi nhớ thực hành để được lợi lạc cho chính mình.

III. Thân bằng quyến thuộc.

Việc hộ niệm người bệnh được vãng sanh hay không, những người trong thân quyến đóng vai trò không kém phần quan trọng. Nếu thật sự thương thân nhân của mình trong giờ phút quyết định cuộc đời vui hay khổ nầy, y cứ theo lời chư Phật Tổ chỉ dạy, chúng tôi xin thành thật có đôi lời khuyến nhắc chung qua một vài điều thiết yếu sau đây:

1. Phải tỏ thái độ có lòng thương kính từ ái và tuyệt đối không được dùng lời nói mất hòa khí trong gia đình. Tuyệt đối, không nên đem việc nhà ra bàn luận. Nếu để cho người bệnh biết được những sự việc không hay xảy ra, thì sẽ gây tác hại lớn cho việc vãng sanh, vì người bệnh sẽ phiền muộn, tham, sân, si nổi lên dễ sa vào ác đạo như tên bắn.

2. Phải làm và nghe theo sự thức nhắc, sắp xếp của người có trách nhiệm hộ niệm cho thân nhân của mình. Những người nầy, họ vì thân nhân của mình mà hết lòng hộ niệm, nên chúng ta cần tôn trọng những lời chỉ bảo của họ.

3. Không nên kêu khóc lớn tiếng và kể lễ bất cứ điều gì, chỉ một bề niệm Phật. Phải gắng dằn lòng xúc động trong giờ phút nầy. Nên nhớ đây là yếu tố quan trọng mà người mới lâm chung có được vãng sanh hay không, đều tùy thuộc vào thân quyến.

4. Tất cả nên vì người mất mà phải thành tâm niệm Phật, tụng kinh cầu siêu suốt trong thời gian từ khi mất cho đến trải qua 49 ngày.

5. Trong thời gian cư tang, nên tu tạo nhiều phước lành để hồi hướng cho người quá cố sớm được siêu sanh thoát hóa.

Riêng đối với thân hữu bạn bè, chúng ta cũng nên quan tâm lưu ý. Tục ngữ ta có câu: “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Hay “nhứt gia hữu sự bá gia ưu”. Nghĩa là: một nhà có việc trăm nhà đều quan tâm lo lắng giúp đỡ. Vì thế, nên khi hay tin người bạn thân của mình bệnh nặng, thì bạn bè thường hay đến thăm. Đến thăm là vì nghĩ tình thương bạn. Do đó, nếu thật thương người bạn mình trong giờ phút quan trọng nầy, thì chỉ nên hiệp lực cùng với những người khác mà đồng tâm niệm Phật. Nếu không quen niệm, thì chúng ta cũng không nên nói những chuyện gì khác. Vì như thế, chỉ làm cho người bạn của mình đang nằm chờ chết càng thêm rối loạn tinh thần mà thôi, chớ không có ích lợi gì. 

Thế nên, nếu thật sự thương bạn mình, thì chúng ta chỉ nên giữ yên lặng là tốt lắm rồi. Được thế, thì chẳng những người bệnh được lợi ích mà những thân quyến của người bệnh cũng mang ơn chúng ta rất nhiều. Xin tất cả hãy quan tâm cho vấn đề nầy. Đừng vì thói quen tình cảm của mình mà gây tác hại cho người bệnh, đang cần đến sự trợ niệm thiết thực của chúng ta. Nếu không như thế, thì rất tội nghiệp cho người bạn của chúng ta lắm! Họ đang khao khát cần sự giúp đỡ của chúng ta, như người sắp chết đuối mong chúng ta cứu vớt họ vậy. Mong lắm thay!

Thích Phước Thái

Hộ niệm chỉ là trợ duyên

HỎI: Ở quê tôi, một số gia đình khi người thân mất, có mời Ban hộ niệm đến để hộ niệm. Có điều, những người trong Ban hộ niệm bắt buộc phải niệm (A Di Đà Phật) đến khi nào người chết được vãng sanh mới thôi, có khi quá 24 giờ mới được khâm liệm. Tôi muốn hỏi làm sao để biết người chết được vãng sanh để dừng hộ niệm? Để quá lâu như thế mới khâm liệm có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của mọi người không? (HUỆ QUANG, Bưu điện Ngã Bảy, Hậu Giang)

ĐÁP:

Bạn Huệ Quang thân mến!

Hộ niệm trước, trong và sau khi lâm chung có tác dụng trợ duyên rất tốt cho người chết. Nếu người chết lúc sanh tiền đã có công phu tu niệm sâu dày, trợ niệm sẽ giúp họ giữ được chánh niệm, tùy thuận vãng sanh. Còn nếu người chết có gieo chút duyên tu niệm hoặc chưa tu niệm ngày nào thì cũng nhờ năng lực trợ niệm mà có thể chuyển hóa cận tử nghiệp theo hướng thiện lành. Vì thế, những ai được Ban hộ niệm đến trợ duyên thì thật có phước.

Tuy nhiên, theo tinh thần Chánh pháp, hộ niệm dù đông đảo, thiết tha và chí thành đến mấy cũng chỉ có tính trợ duyên mà không mang tính quyết định trong việc vãng sanh của người chết. Vãng sanh (hoặc sanh về cõi lành) hay không là do duyên nghiệp của người chết tự quyết định. Ban hộ niệm, thậm chí ngay cả Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng Cực lạc cũng không thể giúp người chết vãng sanh nếu nghiệp lực, chấp thủ của họ quá nặng nề. Điều này, chúng ta có thể thấy rõ, trong thời Phật Thích Ca tại thế, một số người vô duyên thì Ngài cũng không thể cứu độ.

Đối với vấn đề người chết sẽ sanh về đâu, trừ các bậc lậu tận A-la-hán thành tựu Thiên nhãn minh trở lên mới có thể biết chính xác, còn người phàm như chúng ta không ai đủ khả năng để biết được điều này. Dù rằng, một số dấu hiệu lưu lại trên thân xác có thể dự đoán người chết sẽ sanh về cõi lành hay dữ (1-Nóng sau cùng ở đỉnh đầu, sanh về cõi Thánh. 2-Nóng sau cùng ở vùng trán, sanh vào cõi trời. 3-Nóng sau cùng ở ngực, sanh vào cõi người. 4-Nóng sau cùng ở bụng, sanh vào ngạ quỷ. 5-Nóng sau cùng ở đầu gối, sanh vào súc sanh. 6-Nóng sau cùng ở lòng bàn chân, sanh vào địa ngục) nhưng điều đó chỉ có tính tương đối mà thôi.

Điều cần hết sức lưu ý là theo nghiên cứu của y khoa, sau khi chết chừng vài giờ thì thân xác bắt đầu đông cứng, co quắp lại. Nhưng khi sự co cứng đã đạt đến đỉnh điểm, trung bình khoảng từ 15 đến 20 giờ trở đi (có khi từ 2 đến 3 ngày) thì xác chết dần mềm tươi trở lại để bắt đầu quá trình phân hủy. Như vậy, việc thân thể từ tím tái và co quắp sau một thời gian chuyển thành “mềm mại, tươi nhuận hơn” là sự chuyển biến bình thường của mọi xác chết, dù có được hộ niệm hay không thì tiến trình này vẫn xảy ra. Nếu những ai xem sự biến chuyển tự nhiên đó là kết quả nhiệm mầu của quá trình hộ niệm rồi “vỗ tay chúc mừng bạn đã vãng sanh” là một nhầm lẫn vô cùng nghiêm trọng, cần nhanh chóng sửa sai và khắc phục.

Do đó, việc “Ban hộ niệm bắt buộc phải niệm đến khi nào người chết được vãng sanh mới thôi” là điều hoàn toàn không đúng và không nên. Nếu Ban hộ niệm tự tin vào năng lực tiếp dẫn của mình một cách thái quá, cứ khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình thì chắc chắn rơi vào tà kiến, chấp thủ sai lạc. Vì như đã nói, vãng sanh hay không tùy thuộc vào nhiều nghiệp duyên của người chết. Chúng ta nỗ lực hết mình hộ niệm chỉ nhằm trợ duyên cho họ được chừng nào hay chừng nấy mà thôi.

Nên thiết nghĩ, việc hộ niệm thì rất cần, nhưng hộ niệm trong khoảng 8 đến 10 giờ sau khi mất là lý tưởng nhất. Đây là khoảng thời gian cần thiết để thần thức lưu xuất ra khỏi xác thân nên rất cần được bảo hộ. Mặt khác, sau khoảng thời gian này (có thể thêm vài giờ nữa) thì tiến trình phân hủy sẽ bắt đầu. Nếu không khâm liệm kịp thời sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cũng như an toàn sức khỏe cho thân nhân và cộng đồng.

Người học Phật cần nêu cao tinh thần Chánh kiến, tin sâu Nhân quả-Nghiệp báo, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, quyết không rơi vào tà kiến và chấp thủ sai lạc.

Chúc bạn tinh tấn!

THIỀN VÀ TỊNH ĐỘ KHÁC NHAU?

Con xin được hỏi: Năm nay con 26 tuổi. Con có một số thắc mắc về phương pháp tu tập:

1. Sau khi đọc cuốn “Thiền Tông và Tịnh Độ Tông” của Hòa Thượng Thích Thanh Từ và “Thiền Tịnh Song Tu” của Ni trưởng Như Thanh, con đã quyết định thực tập niệm Phật và tu tập Thiền song song với nhau, vì con thấy sự kết hợp này rất phù hợp với con. Nhưng con không biết rằng tu tập như vậy có được không? Con muốn dung hòa tự lực và tha lực chứ không nghiêng về một bên. Kính mong quý thầy quý sư cô hướng dẫn giúp con một đường đi cụ thể hơn?

2. Người sơ cơ như con liệu có thể thực hành thiền Minh sát được không? Có cần một nền tảng nào không? Ví dụ như thiền chỉ samatha hay các thế khí công,… Khi ngồi kiết già con thấy tâm dễ yên hơn là bán già, nhưng bàn chân trái của con lại tím dần, vì con mới tập ngồi kiết già và chân con rất cứng, không dẻo, con có ngồi sai không? Khi thiền hành thì đi trong nhà có được không (vì ngoài đường bụi và ồn ào)? Thời gian thiền hành có nhất thiết phải bằng thời gian ngồi thiền không? Làm thế nào để duy trì  nhẫn nại?

3. “Tượng pháp” và “Mạt pháp” là gì? Tại sao mỗi thời kỳ lại có sự sai khác về pháp môn tu tập để đạt được giải thoát? Thời mạt pháp cũng có chánh pháp, tại sao không được gọi là thời chánh pháp?

4. Hiện con rất khó xử, vì tuy con đã ăn chay trường nhưng tháng 9 này con lại sang UK học và ở homestay nên hoang mang không biết liệu chủ nhà có cho mình ăn chay không, ra ngoài ăn thì có đồ chay nhưng làm sao đủ tiền ăn nhà hàng? Con phải làm sao đây? Phải nói với họ như thế nào?


Thầy Từ Thông xin được chia sẻ cùng bạn:

1. Thiền hay Tịnh đều là pháp môn của Phật giáo. Nếu theo đúng chân tinh thân đạo Bụt, hai pháp môn này không bao giờ chống trái nhau, bởi nó được sinh ra từ một cội gốc: tuệ giác của đức Thế Tôn. Và do đó, nó cũng có cùng chung đích: tuệ giác giải thoát. Theo lời Bụt dạy, muốn đạt được tuệ giác giải thoát thì phải thành tựu cho được chánh định, mà con đường duy nhất đưa tới chánh định đó là niệm (niệm, định, tuệ), chánh niệm. Khi các thiền sinh thực tập theo pháp môn Làng Mai thì lấy hơi thở, bước chân, mọi động thái sinh hoạt suốt hai mươi bốn giờ làm đối tượng của chánh niệm để làm duyên cho chánh định có mặt và lớn lên theo thời gian công phu thực tập. Nhưng người thực tập pháp môn Tịnh độ thì dùng danh hiệu Bụt để làm đối tượng của chánh niệm nhằm đạt đến đích điểm là “nhất tâm bất loạn”, mà nhất tâm bất loạn cũng chính là chánh định. Cho nên thực tập chánh niệm với đối tượng nào cũng được, miễn là mình có được chánh định và càng thực tập mình càng có nhiều tuệ giác, cái thấy mỗi ngày mỗi sâu sắc và sáng suốt hơn, định tĩnh hơn. Và một điều quan trọng nữa là trong khi thực tập, mình phải cảm thấy thoải mái, an lạc chứ không bị gò ép, khó chịu từ tâm lý và vật lý mình. Ngày xưa, Bụt đã dạy như thế với các thanh niên Kalama, hãy đọc lại “Đường xưa mây trắng” chương “Đừng vội tin cũng đừng vội bài bác”.

Tuy nhiên, theo pháp môn Sư Ông Làng Mai dạy thì Thiền và Tịnh là một, các thiền sinh đến thực tập tại Làng Mai, tăng thân cũng đang thực tập tịnh độ, nhưng là thứ tịnh độ hiện tiền, tịnh độ có mặt ngay trong giờ phút hiện tại. Nghĩa là, trong luồng ánh sáng của chánh niệm, hành giả nhận diện được những gì đang xảy ra trong mình và quanh mình đều rất mầu nhiệm và đẹp không thua gì những sự kiện được diễn tả trong kinh. Hơn nữa, một mục đích quan trọng mà kinh A-di-đà đưa ra để trả lời “tại sao cần phải phát nguyện sinh về nước Cực lạc?” thì đó là vì ở đó mình “sẽ được sống chung và gần gũi với các bậc “thiện nhân cao đức” (舍利弗!眾生聞者,應當發願,願生彼國。所以者何?得與如是諸上善人俱會一處。Xá-lợi-phất, chúng sinh văn giả, ưng đương phát nguyện sanh bỉ quốc độ. Sở dĩ giả hà? Đắc dữ như thị chư thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ (366 - tạng kinh Đại Chánh tân tu).

Như thế, bây giờ thử xét lại, ở ngay đời này mình có được cùng các thượng thiện nhơn tu học không? Thượng thiện nhơn là ai? Mình tiếp xúc, học hỏi, tu tập với ai mà tâm bồ đề, niềm vui, hạnh phúc an lạc trong cuộc sống mình được nuôi dưỡng và năng lượng tu học của mình được nâng cao mãi, thì mình biết ‘đây chính là thượng thiện nhân’ rồi. Và nếu ngay thế giới này mà mình có thể có được thượng thiện nhân thì tại sao đây không phải là Tịnh độ? Đây là Tịnh độ, Tịnh độ là đây (Tây thiên thử độ, thử độ Tây thiên), các vị Tổ sư ngày xưa đã dạy như thế. Xin hãy tìm đọc thêm ở sách “Thiết lập tịnh độ” và sách “Thông điệp tình huynh đệ” của Sư Ông để rõ thêm.

2. Trước hết, xin lỗi bạn là vì truyền thống thiền tập Làng Mai không phải là thuyền thống thiền Minh sát, cho nên các thầy, các sư cô không trả lời được cho bạn.

Còn thế ngồi kiết già hay bán già, thì bạn cảm nhận như vậy cũng rất gần với cảm nhận của nhiều thầy và sư cô tu tập lâu năm. Nếu vì ngồi lâu nên bị bầm tím thì phải xoa bóp ngay những nơi bị tê, máu ít lưu thông đến trong khi mình ngồi thiền. Khi tập ngồi thiền, mình không nên quá ép cơ thể mình (cố nhiên là phải có cố gắng rồi), mà nên thoải mái cơ thể một chút, nếu chân mình đau quá rồi thì nên đổi chân hoặc xả chân ra, hoặc xả thiền ngồi và tiếp tục thiền tập bằng đi kinh hành hoặc thiền hành ngoài trời. Còn về thực tập thiền hành thì tùy theo hoàn cảnh mình cho phép mà mình thực tập. Tuy nhiên, phép thực tập thiền hành nếu được thực tập trong một khung cảnh thoáng mát, có nhiều cây xanh, không khí trong lành thì rất lý tưởng. Nhưng nếu hoàn cảnh mình không được như vậy không phải là mình không thể thực tập thiền hành. Ngày xưa, khi mới viết “Thiền Hành Yếu Chỉ” Sư ông Làng Mai đã nhờ người gởi cho một người học trò đang ở trong tù (VN) một bản chép tay, và người học trò đó thực tập rất thành công ngay trong khung cảnh tù đày, rất chật chội và ồn ào (người học trò đó là cố Ni sư Thích nữ Trí Hải, đã tịch năm 2003). Phép thực tập thiền hành đã đem lại cho sư cô đó (hồi đó chưa gọi là Ni sư) những tháng ngày hạnh phúc, an lạc ngay trong tù. Mình chắc chắn bạn đang còn nhiều tự do hơn sư cô đó lắm. Vậy tại sao bạn không thành công! Còn thời gian thực tập không nhất thiết là bao nhiêu hết, hễ lúc vào được thì thực tập liền. Nhưng thiền hành đâu phải chỉ có một số thời gian quy định đâu, theo tinh thần Làng Mai, phép thiền hành phải được đem áp dụng khắp nơi, hễ lúc nào cất bước đi là đi trong chánh niệm (thiền hành), dù dưới tàu điện ngầm, trong siêu thị, ngoài chợ, từ bến xe buýt về nhà, lên xuống cầu thang... đều nên áp dụng phép thiền hành. Có nắm được, làm chủ được bước chân thì mới mong nắm được, làm chủ được tâm mình. Không làm chủ được tâm thì sức mấy làm chủ được mình trong đời sống hàng ngày!

Độ nhẫn nại của mỗi người tùy thuộc vào độ cao của lý tưởng. Lý tưởng càng cao thì mới thúc đẩy được độ nhẫn nại cao. Mà muốn lý tưởng cao thì phải biết học hỏi và tu tập cho có niềm vui và lợi lạc từ sự chuyển hóa thân tâm thật sự.

3. Câu hỏi này cũng hay, nhưng chúng tôi thấy báo Văn Hóa Phật Giáo trả lời những câu hỏi thuộc loại này rất hay, bạn hãy gởi cho VHPG đi. Cảm ơn bạn.

4. Mình đã thực tập ăn chay và đã thấy được lợi ích từ ăn chay từ con đường ăn uống mà mình đang đi thì chắc chắn mình phải biết tìm cách để bảo vệ con đường ấy. Bây giờ đã tháng 10 rồi, chắc là bạn đã sang UK rồi, nhưng không biết là chủ nhà có tạo điều kiện cho bạn không. Xin gợi ý cho bạn mấy cách giải quyết: bạn có thể tự đi chợ nấu ăn riêng trong nhà không? Đó cũng là một cách. Hai, là tìm một tiệm ăn chay rẻ tiền để đăng ký cơm tháng như ở Việt Nam! Ba, tìm một chỗ ở khác, có thể tìm chung với một vài người bạn khác. Bốn, bạn cũng tiếp tục ở đấy và ăn đấy nhưng mình tìm cách, trong bữa ăn mình hạn chế tối đa ăn thịt động vật thôi, và mình thưa với chủ nhà như vậy cho chủ nhà và nhà bếp biết, thì có thể họ sẽ cho mình thêm một món rau quả/củ gì đó. Ngày xưa, khi Tổ Huệ Năng còn lánh nạn, ở chung với một nhóm người trong rừng, thì Ngài không ăn thịt, nhưng rau quả nấu chung trong nồi thì Ngài cũng ăn, vì đó là thời gian tạm thời. Mình bây giờ cũng vậy, thời gian ở nhà đó để đi học thì chắc cũng là thời gian tạm thôi, mình có thể phương tiện cho qua thời gian này, nếu trường hợp bất đắc dĩ. Chúc bạn sống vui và khỏe những tháng ngày ở UK.
(Làng Mai)

Ý NGHĨA CHƠN TÂM VÀ BẢN TÁNH NHƯ THẾ NÀO?

Thích Phước Thái

Hỏi: Kính thưa thầy, con có một thắc mắc về chơn tâm và bản tánh. Sao gọi là chơn tâm? Sao gọi là bản tánh? Vậy giữa chơn tâm và bản tánh giống nhau hay khác nhau? Con hay nghe cái tánh Phật của mọi người nó bất sanh bất diệt, thế nào là bất sanh bất diệt?

Đáp: Giữa chơn tâm và bản tánh tuy hai danh từ có khác nhưng ý nghĩa thì không khác. Nói chơn tâm là đối với vọng tâm mà nói. Chơn là chơn thật không biến đổi đó là nghĩa thường hằng bất sanh bất diệt. Tâm là biết, cái biết nầy nó lặng lẽ trong sáng không bị ngoại cảnh chi phối. Nếu trong lúc ngồi thiền, khi tâm chúng ta chưa dấy động khởi nghĩ bất cứ thứ gì, mà lúc đó chúng ta vẫn có cái biết sáng suốt hiện tiền, chính đó mới là cái biết chơn thật. Trong Kinh thường gọi cái “biết” nầy là chơn tâm. Còn khi chúng ta khởi niệm nghĩ đến chuyện lành dữ, phải trái, hơn thua v.v… thì cái biết đó trong kinh gọi là vọng tâm. Nghĩa là cái biết duyên theo trần cảnh đối đãi mà có. Kinh Viên Giác nói: “Cái tâm nầy nó do duyên theo bóng dáng sáu trần, mà có ra cái tướng tự tâm”. Nên nói nó là vọng tưởng. Chính nó do duyên sanh, nên bản chất của nó là không thật. Vì không thật, cho nên nó khởi sanh, khởi diệt, chợt có, chợt không, sanh diệt biến đổi liên miên không dừng.

Còn nói bản tánh là vì cái tánh “Biết” nó sẵn có từ hồi nào đến giờ. Trong kinh gọi là Phật tánh hay chơn như. Bản tánh là tên khác của Phật tri kiến hay Viên giác v.v… Thí như trong quặng nhơ sẵn có chất vàng ròng trong đó. Đứng về mặt bản thể của sự vật, thì nói là bản tánh. Thí như nước và sóng, nếu đứng về mặt bản thể, thì người ta gọi là nước. Nhưng nếu đứng về mặt hiện tượng thì người ta gọi là sóng. Như vậy, sóng và nước không thể ly khai ra mà có. Chính trong lúc sóng nổi lên, thì nó mang sẵn chất nước tiềm tàng ở trong sóng. Nếu không có nước thì làm gì có sóng? Nhưng nói sóng là nước thì không đúng.

Cũng thế, khi phiền não (dụ cho sóng) dấy khởi thì nó che phủ mờ tánh giác sẵn có. Ngay khi phiền não dấy lên, thì mình không thể nói phiền não là chơn tâm hay bản tánh được. Nhưng bản tánh cũng không rời phiền não mà có. Như nước trong không rời lìa nước đục mà có. Muốn có nước trong cần phải lóng. Lóng có nghĩa là tu, tu là chuyển hóa những thứ phiền não nhiễm ô, để cho tâm ta được thanh tịnh sáng suốt. Hai thực thể nầy không thể ly khai mà có. Đây là lý “Bất Nhị” hay pháp môn “Không Hai” của Kinh Duy Ma Cật đã nói. Và đây cũng chính là yếu lý “Tương Tức Tương Nhập, hay Lý Sự vô ngại” của hệ tư tưởng giáo lý trong Kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, nên nói một là sai, mà nói hai thì không đúng.

Thí dụ như lúc mình nổi giận, thì cái tánh không giận nó tiềm tàng sẵn có trong cái phiền não giận. Giận là hiện tượng dấy khởi từ bản thể. Bản thể vốn vắng lặng. Vì nó sẵn có nên khi hết giận thì cái tánh không giận ( trước khi nổi giận ) nó trở lại với cái tánh không giận. Sở dĩ giận là vì tại mình không khéo gìn giữ ở nơi cái tánh không giận, nên để cho tập khí giận nổi lên.

Nói giận là để tiêu biểu cho tất cả những thứ phiền não khác. Giận là vì nó gặp nghịch cảnh cho nên khởi giận. Cũng như nước vốn không phải sóng, nhưng vì gặp gió thổi nên nước mới nổi sóng. Khi sóng dừng lại thì tánh nước sẽ hiện bày trở lại như cũ, nghĩa là như cái lúc mà nước chưa khởi thành sóng. Cho nên trong kinh nói: “Phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn” là ý đó. Sóng thì khi có, khi không, nhưng nước thì lúc nào cũng vẫn có. Nước là dụ cho bản tánh hay chơn tâm, còn sóng là dụ cho vô minh hay phiền não. Muốn hết phiền não thì phải dừng vô minh. Muốn không có sóng thì gió phải dừng lại.

Đó là ý nghĩa của sự tu hành là diệt trừ phiền não. Tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, hay trì chú v.v… vô lượng pháp môn Phật dạy cũng nhắm thẳng vào một mục đích duy nhất đó. Nói rõ hơn là Phật muốn cho chúng sanh nhận và hằng sống lại với cái thể tánh chơn thật sáng suốt hằng hữu bất sanh bất diệt sẵn có của chính mình. Sở dĩ nói bất sanh bất diệt là vì cái thực thể nầy vốn nó không có hình tướng, giống như hư không. Hư không thì không có sanh có diệt. Tuy nhiên, hư không thì vô tri, nhưng tánh giác thì hằng tri hằng giác. Khác nhau là ở chỗ đó. Thế nên, Kinh Bát Nhã nói: “Thị chư pháp Không Tướng, bất sanh, bất diệt” v.v… Tướng của các pháp thì giả có, nhưng tánh của các pháp thì không. Nhưng cái “Tánh Không” nầy, xin chớ vội lầm hiểu là không trơn như lông rùa sừng thỏ. Mà cái “Không” nầy là cái “Không Chơn Thật” của vạn pháp.

Đứng về mặt tu hành mà nói, thì cái chánh nhân Phật tánh tuy sẵn có, nhưng vì bị vô minh phiền não che lấp, nên có đó mà cũng như không. Đây là nghĩa Như Lai tại triền ( tánh giác còn bị các thứ phiền não trói buộc ). Khi nào hành giả nỗ lực gia công tu hành chuyển hóa hết vô minh phiền não, thì cái thể tánh thanh tịnh sáng suốt kia mới hiện bày. Đây là nghĩa Như Lai xuất triền ( tánh giác ra khỏi phiền não nhiễm ô ràng buộc ). Cũng thí như mây tan, thì trăng hiện, chỉ cần vẹt tan mây mù vô minh, thì ánh trăng Chơn Như sẽ hiện bày.

TÂM Ở ĐÂU?

CÂU HỎI: Chúng tôi được đọc sách của một vị Thiền sư. Vị này nói rằng “tâm không thể ở ngoài não, tâm cũng không thể ở trong trái tim mà tâm thực sự ở trong não….tâm bị nhốt trong cơ chế não”. Và "Cơ chế Tánh Giác (Phật tánh - Buddha nature) nằm sau bán cầu não trái" (Đồ Thị dẫn giải Thiền – Dẫn Giải pháp Thiền trong quyển Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ Hai Mươi Tập 1). Vì vậy, xin quý độc giả cao minh và ban biên tập hoan hỷ giải thích cho chúng tôi hiểu rõ, chiếu theo lời Phật và chư Tổ thì Tâm ở đâu?

Nguyễn Văn Hòa Bình


Lời Ban Biên Tập: Câu hỏi này (Tâm ở đâu?) thường hay được hỏi ở nhiều đạo tràng và trong các buổi thuyết pháp của quý thầy tại các chùa. Ban biên tập chúng tôi không đưa ra câu trả lời mà ghi chép lại nơi đây lời giải đáp của chư Tôn Thiền Đức đã giảng giải cho quý Phật Tử: (1) Thượng Tọa Thích Phước Thái, (2) Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, (3) Bác sĩ Sam Parnia, và (4) Hòa thượng Giới Đức Minh Đức Triều Tâm Ảnh.

TRẢ LỜI CỦA TT. THÍCH PHƯỚC THÁI,
TRỤ TRÌ CHÙA QUANG MINH, AUSTRLIA

Hỏi: Kính bạch thầy, trong lúc chúng con bàn bạc nói về tâm, thì một bà bạn hỏi con, chị nói tâm mà chị có biết tâm ở đâu không? Con đành ngậm miệng nín thinh không biết phải trả lời ra sao. Vậy kính xin thầy giải đáp cho chúng con được rõ.

Đáp: Phật tử nín thinh không trả lời cũng phải. Bởi vì ngay câu hỏi của bà bạn đó đã sai rồi. Nếu Phật tử có trả lời thì Phật tử cũng sai luôn. Thí như có người hỏi Phật tử: không khí ở đâu? Hỏi thế, thì Phật tử làm sao trả lời. Biết không khí ở đâu mà trả lời. Tâm của chúng ta cũng giống như không khí. Nói giống là vì không khí, không có hình tướng chỗ nơi. Nó bàng bạc trùm khắp tất cả. Tâm ta cũng thế. Nhưng tâm có khác hơn không khí là ở chỗ không khí thì vô tri, nhưng tâm lại là hữu tri, nghĩa là có cái “Biết” rõ ràng.

Chính vì cái biết không hình tướng, nên nó không có chỗ nơi cố định. Nhưng, người hỏi thì muốn biết chỗ trú ngụ của nó, cũng như muốn biết chỗ trú ngụ của không khí. Mà tâm hay không khí làm gì có nơi chốn để trú ngụ. Tuy nhiên, đứng về mặt học thuật trao đổi tìm hiểu, thì chúng tôi cũng xin tạm giải thích đôi điều. Kỳ thật, thì câu hỏi đó đã sai rồi. Nếu đặt câu hỏi: thế nào là tâm vọng? và thế nào là tâm chơn? Hỏi như thế, thì chúng ta còn có thể dễ trao đổi bàn bạc với nhau hơn.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Tôn giả A nan đã hỏi Phật bảy lần về chỗ trú ngụ nơi chốn của tâm, tất cả đều bị Phật bác hết. Vì Ngài A nan cũng muốn biết cái tâm nó ở chỗ nào. Nên bảy lần Ngài nêu ra bảy nơi: “Tâm ở trong thân, ở ngoài thân, tâm ẩn trong con mắt, trở lại cho tâm ở trong thân, tâm tùy chỗ hòa hợp, tâm ở chính giữa, cuối cùng, Ngài cho chỗ không dính mắc đó là tâm. Cứ mỗi lần Ngài nêu ra mỗi nơi, tất cả đều bị Phật bác hết”. Sau đó, Ngài hốt hoảng kinh sợ không lẽ mình không có tâm. Mà nếu không có tâm thì làm sao biết tu hành thành Phật? Đó là chỗ hoang mang thật khó hiểu. ( Nên nhớ, Ngài A nan chỉ là đại diện cho chúng sanh để thưa hỏi thôi, chớ không phải Ngài dốt nát như chúng ta ).

Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh, chuyên thuyết minh giải bày cặn kẽ về chân tâm và vọng tâm. Muốn biết chân tâm, thì chỉ cần hết vọng thì chân hiện. Thí như vẹt hết mây mù thì ánh trăng sáng hiện ra. Như vậy, tu hành ta không cần phải tìm cầu chân tâm, vì có ý niệm tìm cầu là đã sai rồi. Ngài Tú Tài Trương Chuyết nói: “Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh, thú hướng chân như tổng thị tà” . Nghĩa là, có ý niệm đoạn trừ phiền não, thì đó là càng thêm bệnh. Vì phiền não tự tánh vốn không. Đã không, thì đoạn trừ cái gì? Chính cái ý niệm khởi lên muốn đoạn trừ, đó là bệnh rồi. Còn có khởi ý niệm tìm cầu chân như thì đó cũng là tà ngoại. Vì sao? Vì tánh giác không phải là đối tượng để mong cầu. Vừa khởi ý niệm là đã trái với tánh giác rồi. Như vậy, chơn tâm là một thực thể thanh tịnh sáng suốt hằng hữu. Vì nó vốn không có hình tướng, giống như hư không, nên bất sanh bất diệt… Một thực thể trùm khắp pháp giới như vậy, thì làm gì có chỗ nơi mà tìm cầu. Tuy nhiên, tâm vọng khi dấy khởi thì nó có bóng dáng hình tướng. Đó là do vì, nó duyên với sáu trần mà có ra hình bóng, rồi chúng ta lại lầm chấp những cái bóng dáng đó cho là tâm thật của chính mình. Còn cái thể chơn tâm vắng lặng rỗng suốt hằng hữu thì chúng ta lại quên mất. Do đó, nên Phật thường quở trách chúng ta là những kẽ si mê tăm tối. Chúng ta vọng nhận cái tâm giả dối dấy lên từng chập, từng hồi, thì lại cho đó là tâm mình. Vì vọng chấp như thế, nên chúng ta mới theo nó mà tạo nghiệp luân hồi thọ khổ.

Nói rõ hơn, cùng là cái thấy biết, nhưng nó có hai phương diện, giống như đồng tiền cắc có hai mặt ( tạm dụ như thế): cái biết do theo cảnh phân biệt thương ghét, phải trái, tốt xấu, hay dở v.v… thì đó là cái biết vọng. Còn cái biết mà không theo vọng duyên phân biệt, nhưng vẫn thường hằng chiếu liễu, thì gọi đó là cái biết chơn, tức vô phân biệt. Kinh Lăng Nghiêm có đoạn Phật dạy Tôn giả A nan: “Nhược ly tiền trần hữu phân biệt tánh, tức chơn nhữ tâm”. Nghĩa là, nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái “suy nghĩ phân biệt” nầy vẫn còn, thì mới thật là chơn tâm của ông. Trong kinh thường gọi là chơn tâm hay chơn như. Tuy biết mà không có bóng dáng hình tướng, tự thể làu làu trong sáng vắng lặng vậy.

Cái biết nầy khác hơn cái biết vọng là ở chỗ phân biệt và vô phân biệt. Tuy nhiên, ta nên lưu ý, nó không phải là hai thực thể riêng biệt. Nói một là sai mà nói hai thì không đúng. Như sóng và nước không thể tách rời ra. Nhưng khi sóng nổi lên, thì ta không thể nói sóng là nước. Nhưng khi sóng lặng thì toàn thể tánh nước hiện bày. Cũng thế, khi cái biết dấy khởi lên phân biệt cảnh duyên, thì nó là hiện tượng giả dối, tạm gọi nó là vọng tâm. Cái biết nầy giống như hiện tượng của sóng. Khi cái biết nầy lặng xuống, thì cái biết “không phân biệt” nói gọn là “Tánh không”, toàn thể hiện bày. Như sóng tan thì nước hiện, mây tan thì trăng hiện. Vì thế, trong kinh thường nói: “phiền não tức Bồ đề, hay sanh tử tức Niết bàn” chính là ý nầy. Một thực thể không hình, không tướng, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch v.v… nghĩa là vượt ra ngoài đối đãi nhị nguyên như thế, thì làm gì có nơi chốn mà hỏi tâm ở đâu. (Trích: 100 Câu Hỏi Phật Pháp Tập 2)

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
Làng Mai ,Pháp Quốc


Khi quá bận rộn, hoặc quá căng thẳng về một vấn đề nào đó, chúng ta thường hay nói rằng chúng ta “đánh mất tâm.” Nhưng trước khi mất tâm thì tâm ở đâu và nó đã đi đâu? Trong Kinh Lăng Nghiêm (Surangama), một Kinh rất phổ biến của đạo Bụt ở Việt Nam và Trung Quốc, kể lại rằng Đức Bụt và đệ tử của Bụt là ngài A Nan có trao đổi cách làm thế nào để xác định vị trí của tâm. Tâm nằm bên trong thân thể hay bên ngoài thân thể, hay tâm nằm ở giữa thân thể và thế giới bên ngoài? Cơ bản, Kinh dạy chúng ta tâm là vô trụ. Nói cách khác, chúng ta không thể nói tâm nằm bên trong thân thể, cũng không thể nói tâm nằm bên ngoài thân thể, mà cũng không thể nói tâm nằm ở giữa thân thể và thế giới bên ngoài. Tâm không có một vị trí cố định.

Không những chỉ có tâm không có vị trí mà mọi thứ đều như thế cả. Sáng nay tôi nhặt một chiếc lá xanh. Chiếc lá này nằm bên trong hay bên ngoài tâm tôi? Đó là vấn đề. Câu hỏi tuy rất đơn giản nhưng lại khó trả lời. Chúng ta không thể lấy khái niệm về trong và ngoài để áp dụng vào thực tại.

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng tâm thì ở đây và thế giới thì ở ngoài kia; tâm là chủ thể còn thế giới và thân thể là đối tượng. Bụt dạy rằng tâm và đối tượng của tâm không thể tồn tại biệt lập ngoài nhau mà chúng tương tức với nhau. Không có cái này thì cái kia cũng không thể có được. Sẽ không có chủ thể nhận thức nếu không có đối tượng nhận thức. Chủ thể và đối tượng nương nhau mà biểu hiện. Thông thường khi nghĩ về tâm chúng ta chỉ nghĩ về ý thức. Nhưng tâm không phải chỉ có ý thức thôi mà nó bao gồm cả mạt na thức và tàng thức nữa.

Chúng ta có thể tập luyện để xem thân thể chúng ta như một dòng sông, và tâm chúng ta là một phần của dòng sông ấy, luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi. Theo tâm lý học Phật giáo thì chướng ngại lớn nhất ngăn cản chúng ta, không cho chúng ta nhìn rõ thực tại là khuynh hướng bị kẹt vào khái niệm chủ thể là một cái gì đó khác hẳn với đối tượng, và đối tượng là một cái gì đó tồn tại độc lập ngoài chủ thể. Cách nhìn này đã trở thành một tập khí, một khuôn mẫu ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách hành xử của chúng ta.

Khi còn là một sa di trẻ, chúng tôi được học rằng thức có ba phần. Trong đó hai phần đầu là kiến phần, darshana, tức chủ thể nhận thức; và tướng phần, nimitta, là đối tượng được nhận thức. Chủ thể và đối tượng nương vào nhau mà biểu hiện. Tin rằng có chủ thể mà không cần có đối tượng thì đó là một sai lầm căn bản. Vậy mà chúng ta hay có khuynh hướng tin rằng chủ thể nhận thức - tâm chúng ta - có thể tồn tại biệt lập, tách rời với đối tượng nhận thức; và đối tượng nhận thức tồn tại biệt lập, nằm ngoài chủ thể nhận thức.

Trong đạo Bụt có danh từ nāmarūpa, tương đương với thân tâm (psychosoma). Nāma là tâm, rūpa là thân. Thực tại được biểu hiện qua hai mặt thân và tâm, tâm lý và sinh lý. Cái này không thể có được nếu không có cái kia. Cái này không thì cái kia cũng không. Não và tâm là hai mặt của cùng một thực tại. Vì vậy chúng ta phải luyện tập để thấy được não là thức, não tương tức với thức mà đừng xem chúng như là hai đối tượng hoàn toàn tách rời và khác biệt nhau.

Khi mời một ngọn lửa biểu hiện, chúng ta có thể nghĩ rằng ngọn lửa hoàn toàn khác với que diêm. Nhưng chúng ta biết rằng ngọn lửa có mặt khắp nơi, ngọn lửa có mặt trong que diêm, có mặt trong ôxy, trong không khí. Ngọn lửa không có vị trí đích thực. Khi điều kiện đầy đủ thì ngọn lửa biểu hiện. Bản chất của thức cũng thế, cũng không có vị trí. Chúng ta biết rằng ý thức luôn luôn phải là ý thức về một cái gì đó. Đối tượng và chủ thể luôn luôn có mặt cùng một lúc. Nhìn vào phần này chúng ta sẽ thấy được phần kia. Nhìn vào phần kia chúng ta sẽ thấy được phần này. Đó là tương tức. Cái này có trong cái kia.

Tàng Kinh Các - langmai.org

--------

Tâm là gì? Trong chúng ta chắc có nhiều người đã từng được nghe giai thoại Thiền học liên quan đến câu chuyện "an tâm" giữa Bồ Đề Đạt Ma và Tổ Huệ Khả. Khi Tổ Huệ Khả thỉnh cầu Bồ Đề Đạt Ma, “Xin Thầy an tâm cho con.” Bồ Đề Đạt Ma bảo, “Ngươi đem tâm của ngươi ra đây để ta an cho.” Tổ Huệ Khả bối rối, “Nhưng con không thể tìm ra nó.” Bồ Đề Đạt Ma cười bảo, “Thì ta đã an tâm cho ngươi rồi đó.”

Sự bối rối của Tổ Huệ Khả cũng là sự bối rối của tất cả chúng ta. Cho đến nay Tâm vẫn là một khái niệm trừu tượng. Có tâm hay không? Nếu có, tâm nằm ở đâu trong mỗi con người? Phải chăng tâm chính là thần thức, một danh từ mà Phật giáo Tây Tạng thường hay dùng để chỉ một cái gì đó như là một chủng tử -tích lũy tất cả nghiệp quả của một cá nhân- sẽ rời bỏ xác thân khi ta chết để đầu thai hay đi về một cảnh giới khác?

Những câu hỏi này không phải chỉ được đặt ra cho những người Phật tử mà còn cho cả giới khoa học nói chung. Dưới mắt nhìn khoa học, cái tâm này nếu hiện hữu tất phải nương tựa vào thân xác để tồn tại. Trong con người, não bộ là bộ phận chủ quản của ý thức, của tư duy, thế nên cái tâm này nếu có, não bộ phải là ngôi nhà lý tưởng để tâm trú ngụ, hay nóimột cách khác hơn, tâm chỉ là sự nối dài của não bộ. Trên căn bản của cái nhìn này, khi ta chết, não bộ ngưng hoạt động, cái tâm này cũng phải biến mất theo.

Cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa tâm và thân, như thế, đã kéo dài từ bao thế kỷ qua. Sam Parnia, Bác sĩ chuyên khoa hồi sinh, Giám đốc Dự án “Human Consciousness Project” và là tác giả cuốn “Chuyện Gí Xảy Ra Khi Chúng Ta Chết,” đang cốgắng để giải quyết cuộc tranh luận này. Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 10/08 dành cho AOL, Bác sĩ Parnia đã cho chúng ta một ý niệm căn bản về trường hợp cận tử cũng như phương pháp khoa học thực nghiệm được áp dụng hiện nay trong việc khảo cứu về tâm. Ông đã chứng minh cho ta thấy một điều: Tâm có mặt, hiện hữu như một thực thểđộc lập đối với não bộ. Kết quả này vô hình chung đã hoàn toàn phù hợp với những gì được mô tả trong “Tử Thư” của Phật giáo Tây Tạng về việc thần thức lìa bỏ xác thân trong giờ lâm tử. Đây là một bước tiến quan trọng của khoa học trong nỗ lực nghiên cứu về tâm. Từ viên gạch lót đường này, khoa học đang bắt đầu có những bước đi mới vào ngưởng cửa bí mật này.

Tốt nghiệp Đại Học Y Khoa St. Thomas, Luân Đôn, BS Parnia là người sáng lập Consciousness Research Group tại Đại học Southampton, Anh quốc. Cùng với Tiến sĩ Peter Fenwick, những công trình nghiên cứu của ông về Kinh Nghiệm Cận Tử (NDE - near-death experiences) đã gây được sự chú ý của dư luận, không phải chỉ riêng ở Anh quốc mà trên toàn thế giới. Công trình ngiên cứu này đã được trình bày trong một tác phẩm xuất bản mơi đây: “What Happens When We Die: A Groundbreaking Study into the Nature of Life and Death.”

Xem tiếp tại đây bài của BS. Sam Parnia:
TÂM LÀ GÌ? NÓ Ở ĐÂU TRONG CƠ THỂ
Dr. Sam Parnia - Tâm Hà Lê Công Đa dịch

TÂM (CITTA)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Trụ Trì Thiền Viện Huyền Không Sơn Thượng


Tâm ở đâu?

Như vậy, tâm rất là rõ ràng khi thấy sự hiện khởi của nó như tâm tham, tâm sân... tuy nhiên, có người hỏi tâm ở đâu thì quả là câu hỏi khó có lời giải cho thoả đáng. Đây là một thắc mắc khá nghiêm túc, người học Phật, tu Phật cần phải liễu tri, chứ không thể mơ mơ hồ hồ được. Cũng không nên đưa những ví dụ có vẻ văn hoa nhưng vô thưởng, vô phạt như cách nói “huề vốn”.Cũng không nên lấy kinh điển mà bảo Phật nói như thế này, Phật bảo như thế kia – vì bao giờ “cái thực” cũng khác với những khái niệm khói sương!

Theo giáo pháp Theravāda, thì cần thấy biết tâm ở đâu mới có thể tu tập thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanā) được.

Đầu tiên, câu hỏi tâm ở đâu, tức là muốn hỏi cái “trú xứ” của tâm.

- Cái biết của con mắt (nhãn thức) có trú xứ là nhãn căn, tức là nương tựa nơi “con mắt thịt” mà khởi sanh. Con mắt thịt này có hai phần, phần thô tháo gọi là “phù trần căn”, phần tinh tế là “tịnh sắc căn”. Trong tịnh sắc căn này có thần kinh nhạy bén cảm biết đối tượng – mà ta gọi là nhãn thức.

Cả tai, mũi, lưỡi, thân đều tương tợ vậy nên có nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Cả 5 thức nầy đều yếu ớt, muội lược – nhưng Abhidhamma đều gọi chúng là tâm (thức và tâm đồng nghĩa, là cái biết). Như vậy, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức có trú xứ là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn.

Nói cho rõ hơn:

- Nhãn thức y cứ vào nhãn tịnh sắc căn mà khởi sanh.

- Nhĩ thức y cứ vào nhĩ tịnh sắc căn mà khởi sanh.

- Tỷ thức y cứ vào tỷ tịnh sắc căn mà khởi sanh.

- Thiệt thức y cứ vào thiệt tịnh sắc căn mà khởi sanh.

- Thân thức y cứ vào thân tịnh sắc căn mà khởi sanh.

- Ý giới (tiếp thọ tâm).

- Ý thức giới (các tâm còn lại).

Hai cái ý giới và ý thức giới y cứ trên ý căn mà khởi sanh.

Đây được gọi là "7 thức tâm y cứ trên 6 trú căn". Ý giới chỉ những thức tâm yếu ớt, muội lược; còn ý thức giới, chỉ cho những thức tâm đầy đủ nhận thức. Thế thì, 5 căn đầu thì có điểm tựa rõ ràng, còn ý giới, và ý thức giới nương tựa nơi ý căn, nhưng ý căn ấy nằm ở đâu trong tấm thân một trượng nầy? Đây là vấn đề “bí hiểm”“gay cấn” nhất từ xưa đến nay!

Theo sớ giải, Hadayavatthu (hadaya là trái tim, vatthu là cõi, chỗ) là trú căn của tâm thức (tâm căn). Quan niệm trái tim là trú căn của tâm thức nguyên xưa thuộc truyền thống của Upanishad (Áo nghĩa thư), sau này ảnh hưởng vào các sớ giải. Đức Phật không chấp nhận cũng không phủ nhận điều ấy. Tuy nhiên, trong tập Paṭṭhāna (1) (tập 7, quan trọng nhất của tạng Abhidhamma) nói rằng đức Phật không xác định ý căn nằm ở đâu mà chỉ nói"y cứ trên sắc pháp này" (Yaṃrūpamnissāya) mà tâm khởi sanh - chứ không xác định trú căn ấy là ở tim hay ở não bộ!

Đến đây, “y cứ trên sắc pháp nầy” hé lộ cho ta về giáo lý duyên khởi, cái tư tưởng độc sáng của đức Phật, làm nền tảng cho giáo pháp.

Y cứ trên sắc pháp nầy?

Theo giáo lý duyên khởi, không cái gì tự dưng có mặt, lại càng không thể quan niệm được có một cái gì đó tồn tại độc lập mà không nương theo cái khác, kết hợp với cái khác. Từ trăng sao, vũ trụ, cho đến một hạt vi trần thảy đều duyên sinh, kết hợp. Lý tương duyên tương sinh cho ta biết rằng, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không! Từ sự thật này, nên ai nói rằng, có một cái tâm ở đâu đó, có một cái tâm thường còn ở đâu đó hoặc có một cái tâm độc lập (nhất nguyên luận) thì lại rơi vào cái thường kiến trong 62 tà kiến.

Vậy, tâm, thức (cái biết) cũng do kết hợp mà có, do duyên sinh.

Ta hãy quan sát.

- Khi nhìn một chiếc lá, ta nhận biết đó là chiếc lá: Tâm nhận biết chiếc lá có mặt do có nhãn căn tiếp xúc với chiếc lá (sắc). Tương tợ như vậy là nhĩ thức với âm thanh (sắc), tỷ thức với các mùi (sắc), thiệt thức với các vị (sắc), thân thức với đất, lửa, gió (sắc) (2). Vậy thì tâm, cái nhận biết là do duyên sinh. Rõ hơn, do sự vận hành của căn, trần, và thức. Căn là lục căn, trần là lục trần và thức là lục thức. 18 giới ấy là toàn bộ vận hành của ta và cả vũ trụ. Nó duyên sanh đồng khởi, đồng vận động, đống tác động, chẳng có cái nào trước, cái nào sau; và cũng chẳng có trong, có ngoài, chủ và khách không thể lập!

“Y cứ trên sắc pháp nầy” – nghĩa là tâm ở đó, khi nào ý thức, nhận thức có mặt. Khi đang ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi... mà không có tâm biết (chánh niệm, tỉnh giác) đang ăn, đang uống, đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi... thì gọi là thất niệm hoặc gọi là “tâm bất tại”, vì nó đang lang thang ở chân trời góc biển, ở quá khứ hay tương lại nào đó! Người có tu tập minh sát tuệ có lẽ hiểu rõ điều này hơn ai hết khi tâm tham biết tham, tâm sân biết sân (cả 16 loại tâm). Huệ Khả cũng được Đạt Ma dạy cho chỗ này: “Tâm tán loạn tuệ tri tâm tán loạn; tâm không an, tuệ tri tâm không an” (3) Chỉ tuệ tri như vậy thôi, ngay hiện tiền như vậy, không đánh giá, không phê phán – thì đấy mới gọi là thấy rõ thực tánh. Cái gì cũng phải tuệ tri như thực, không thêm bớt, không thủ xả, không “đầu thượng trước đầu” không “tuyết thượng gia sương!”,“tri lập tri tức vô minh bổn” vậy!

Như thế thì người tu minh sát luôn thấy rõ tâm mình trong mọi lúc, mọi nơi – sao còn phải hỏi tâm ở đâu nữa? Nó duyên sanh!

Không ở trái tim, không ở não bộ, mà vẫn là duyên sanh.

Khoa học ngày nay cho rằng cái biết sơ khởi, ban đầu ở các giác quan (họ gọi là hưng phấn) là trạng thái được xác định bởitương quan lực” do sự phân cực điện trong các axon thần kinh (4). Mà hệ thần kinh có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu kích thích từ các cơ quan cảm giác, xử lý phân tích các tín hiệu và phát các thông tin phản ứng nhằm điều khiển các hoạt động của các cơ và các tuyến tiết. Sự truyền tín hiệu này liên quan đến các neuronsynapse là các tế bào mang thông tin. Bất kỳ cung phản xạ thần kinh nào dù đơn giản hay phức tạp cũng đều được cấu tạo từ một số neuron nối với nhau qua các synapse nhỏ bé. Nhờ các synapse nhỏ bé này mà xung thần kinh được truyền từ neuron này sang neuron khác.

Còn nữa, hệ thần kinh gồm có hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Hệ thần kinh trung ương gồm tuỷ và não bộ được xem như là bộ phận điều khiển trung ương có chức năng thu nhận và xử lý phân tích tất cả các thông tin và phát thông tin trả lời. Hệ thần kinh ngoại biên gồm các tế bào và toàn bộ dây thần kinh còn lại, nó có chức năng nối liên lạc giữa thần kinh trung ương với các mô và các cơ quan của cơ thể.

Nói khái quát như thế để biết rằng, thu nhận và xử lý thông tin là cả một bộ máy khổng lồ, là cả một hệ thống tinh vi, tinh tế liên quan chặt chẽ với nhau, nó duyên khởi, nương tựa nhau trùng trùng.

Trở lại với giáo pháp, đức Phật khi nói về con người, ngài chỉ nói đến sắc thọ tưởng hành thức. Ngũ uẩn ấy nếu được nhìn ở thế giới khái niệm thô tháo (vĩ mô) thì có sắc thân, cảm thọ, cảm giác, tâm hành và nhận thức, một bên thân, một bên tâm. Nhưng nếu được nhìn trong thế giới cực vi (vi mô), vận động liên tục, hoạt dụng liên tục, duyên khởi liên tục – thì sắc chỉ là các phân tử, nguyên tử, hạt cơ bản, hạt nhân... Cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức chúng chỉ là những sát-na cực vi trong những hạt chuỗi sinh, trụ, diệt (6) trùng trùng. Nơi ngũ uẩn, thì cảm giác là cái biết sơ khởi, tri giác là cái biết tổng quát và ý thức là cái biết có chức năng xử lý phân tích các thông tin và cả phát thông tin nữa.

Vậy nếu ai đó nói, cái tâm (cái biết) tồn tại độc lập thì rõ ràng là phản khoa học; và nên nhớ rằng thiên tài khoa học vĩ đại Albert Einstein có nói rằng: Phật giáokhông cần phải tu chỉnh, cải sửa những quan điểm của mình mà theo khoa học vì Phật giáo không chỉ bao hàm khoa học mà nó còn vượt xa, vượt quá khoa học nữa!” (5) Đức Phật chỉ nói: “Y cứ trên sắc pháp này”dường như là câu nói cô đọng và minh triết nhất cho mọi vận động duyên khởi ở trên, mà từng cái biết ở thần kinh mắt, thần kinh tai, thần kinh mũi, thần kinh lưỡi, thần kinh thân, thần kinh tuỷ sống, thần kinh não bộ - là toàn bộ vận hành ấy, trao truyền tín hiệu ấy lại còn nhờ cậy vào các neuronsynapse là các tế bào mang thông tin nữa. Vậy, cái biết ở khắp mọi nơi khi nhận thức, ý thức có mặt trong sự vận hành của căn trần thức. Đến đây, những hành giả tu tập minh sát chắc sẽ tâm đắc tại sao trong Tứ Niệm Xứ, đức Phật dạy, đừng bao giờ “rời khỏi cái biết”!

Không có vọng tâm, không có chân tâm.

Vậy cái biết (tâm) là duyên sanh trong sự vận động trùng trùng của căn trần thức. Và nếu duyên khởi là vọng thì tất cả đều làvọng hết làm gì có chơn? Nhưng nếu tất cả duyên khởi đều được “tuệ tri như thực” như tham, tuệ tri tham, như sân, tuệ tri sân - thì chúng đều là chơn (như thực) hết, làm gì có vọng?

Hay vọng với nghĩa là khi nó khởi và chơn là khi nó chưa khởi? Điều này cũng không đúng lắm, và coi chừng cũng chỉ ngang bằng tư tưởng của Khổng và Lão thôi!

Khổng nói rằng, chưa có dâm, nộ, si (tham, sân, si) là chỗ vào ra của đạo; nói cách khác, đạo là khi dâm nộ si chưa khởi! Còn Lão thì nói đạo sinh nhất, sinh nhị, sinh tam, tam sinh vạn vật – thì khi chưa sinh khởi là đạo!

Đức Phật là bậc Toàn Giác, ngài nói cái chỗ chưa khởi ấy là khi chưa có 6 nhân: tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si; và ngài không hề cho đây là đạo, mà ngài còn nói rằng, có duyên thì nó khởi đấy; và nó khởi thì khởi trùng trùng! Lại nữa, trong tâm của mỗi chúng sanh đang ngủ ngầm vô lượng hạt giống tốt có, xấu có – nghĩa là còn vô lượng năng lực ngầm (tuỳ miên kiết sử). Vậy thì từ chỗ chưa khởi này cũng phải thường trực chánh niệm, tỉnh giác; không thường trực chánh niệm tỉnh giác thì nó sẽ khởi lung tung đấy! Vậy nếu có khởi thì khởi làm việc lành, việc tốt, khởi thọ trì tam quy, ngũ giới, tu thập thiện, tu bố thí, tu tứ vô lượng tâm v.v.và v.v...

Để kết luận: Chỉ có sự khổ và sự diệt khổ.

Biết được cái tâm ở đâu là biết được hành tung của nó, là để mà tu tập. Ví dụ như đâu là tâm địa ngục, tâm ngạ quỷ, đâu là tâm người, tâm trời. Nói có hình tượng hơn là như bức tranh “thập mục ngưu đồ” đi tìm dấu chân trâu là đi tìm cái tâm của mình vậy! Và ai cũng biết rằng, tâm dẫn đầu các pháp, tâm chủ, tâm tạo tác. Vậy hãy dè chừng cái tâm. Và dè chừng kiểu nào cũng được hết, tu sao cũng được hết, miễn là có tu.

- Nếu ai thấy tâm mình có khuynh hướng xấu ác thì nên tu giới, mấy giới cũng được để ngăn chừng, ngăn ngừa chừng nào tốt chừng ấy.

- Nếu ai thấy mình thiếu phước, lại keo kiệt, bủn xỉn thì nên tu bố thí vừa được phước vừa mở rộng tấm lòng của mình ra.

- Nếu ai thấy mình lao xao, rối loạn, thiếu tự chủ, thiếu bình tĩnh thì nên tu thiền định.

- Nếu ai thấy mình vô cảm, xơ cứng, lạnh lùng thì nên tu tập tâm từ, tâm bi.

- Nếu ai thấy mình tối tăm, cố chấp thì nên tập tành tu tập thiền tuệ để tâm trí nó sáng ra...

Tất cả, tất cả sang hèn, giàu nghèo, trí ngu, vui khổ... đều do tâm, bởi tâm. Vậy hãy tu tập đi thôi, lửa đang bốc cháy ở khắp nơi; vậy hãy là hòn đảo an lành, an toàn cho mình nương tựa – là lợi mình và lợi người, lợi cả hai vậy.

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Ghi chú:

(1) Thường dịch là Vị trí, Đại xứ hay Nhân duyên thuyết. Trong bộ này trình bày chi tiết về 24 duyên - trong ngoài duyên khởi, duyên sanh rất phức tạp – nó cũng không có trong ngoài, không có chủ thể và khách thể.

(2) Thân xúc cái gì cứng, mềm chiếm chỗ trong không gian là đất, cái gì nóng, lạnh là lửa, cái gì rung động, chuyển động là gió. Riêng nước, thân không xúc chạm được vì nó là cái kết dính các sắc. Do vậy, ngũ căn (5 sắc), có 7 đối tượng sắc pháp (sắc, thanh, hương, vị, địa, hoả, phong).

(3) Vikkhitaṃ vā cittaṃ ‘vikkhitaṃ cittan’ ti pajānāti hay Asamāhitaṃ vā cittaṃ ‘asam āhitaṃ cittan ‘ ti pajānāti.

(4) Tôi mạo muội học lóm một vài kiến thức cũng như một số thuật ngữ chuyên môn về cấu tạo tế bào và thần kinh học – mà tôi chưa thật sự hiểu cho tường tận. Ở đây chỉ nhằm chứng minh cho lý duyên khởi thôi!

(5) Buddhism requires no revision to surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science.

(6) Mỗi sát-na có 3 tiểu sát-na, một tiểu sát-na sinh, một tiểu sát-na trụ, một tiểu sát-na diệt.


Trích từ: http://thuvienhoasen.org/a21321/tam-citta

Làm sao để chia sẻ buồn vui với mọi người?

HỎI: Tôi là một kỹ sư, độc thân, công việc thì tạm ổn. Là Phật tử, tôi nguyện sống tử tế, hài hòa với mọi người trong gia đình, trong cơ quan và bè bạn. Hiện có một điều làm tôi cảm thấy khó xử. Đó là, theo như giáo lý nhà Phật, con người sống trên đời này thì luôn tương duyên với nhau; những suy nghĩ, nói năng và hành động của mình sẽ tác động đến mọi người xung quanh, và ngược lại. Vì vậy, tôi luôn sống tốt với mọi người, mong mọi người xung quanh mình có hạnh phúc, an vui để mình có nhiều cơ hội hơn được an vui, hạnh phúc.

Tuy vậy, trước những niềm vui của người khác tôi cũng khó có thể chia sẻ, vì không biết phải làm như thế nào? Rồi khi có người than thở về những nỗi buồn và sự bất hạnh của họ, nếu nghĩ tới thì tôi cũng bị lây theo cảm xúc đó, kéo theo cảm giác bất an. Nhưng nếu tỏ ra không quan tâm đến nỗi buồn và sự bất hạnh của người thì ngay lập tức tôi có suy nghĩ là mình vô cảm, ác độc với người. Chính những điều này làm cho tôi nhiều trăn trở, day dứt, không được bình yên. Vậy có cách nào vừa quan tâm chia sẻ với mọi người lại vừa bảo hộ được thân tâm của mình an lạc?

(LÊ QUANG HOÀNH, lq.hoanh@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Lê Quang Hoành thân mến!

Đúng như điều bạn đã chiêm nghiệm về Phật pháp, “con người sống trên đời này thì luôn tương duyên với nhau”, nên mình muốn hạnh phúc thì hãy trợ duyên giúp người thiết lập an vui, hạnh phúc.

Không thể có hạnh phúc đích thực nếu tự thân mình chưa hoàn thiện (suy nghĩ, nói năng, hành động chưa thuần thiện - lợi mình, lợi người) và xung quanh có quá nhiều người bất hạnh.

Vì thế, ngoài việc tự kiện toàn nhân cách đạo đức của người Phật tử (giữ năm giới, biết hổ thẹn với những điều sai trái đã làm), sống tử tế và hài hòa với mọi người thì chia sẻ buồn vui với người, khiến mọi người thêm hạnh phúc an vui là điều cần thiết, nên làm.

Khi một người có niềm vui, họ thổ lộ ra, bạn liền khởi tâm tùy hỷ (bày tỏ sự hân hoan, vui với niềm vui của họ). Bạn chỉ cần nở một nụ cười, hân hoan nói xin chúc mừng là đã đủ. Việc này không mất công, nhọc sức, chỉ cần có tấm lòng thật sự sẻ chia, vui với hạnh phúc của người là làm được.

Tuy nhiên, thực tế đời sống thì việc nhỏ này (tùy hỷ) lại không dễ làm. Vì trước thành công hay hạnh phúc của người, trong ta thường dấy lên tâm ganh tỵ nên cố gắng lắm mới nói được lời chúc mừng gượng gạo mà thôi. Bạn đã hiểu về lý Duyên sinh, niềm vui của người luôn tương tức với hạnh phúc của mình, vậy thì phải chuyển hóa ngay tâm ganh tỵ và đố kỵ (nếu có) để thật lòng tùy hỷ.

Ngược lại, khi một người thổ lộ những nỗi khổ niềm đau, bạn nghe mà xót thương, nhói lòng chính là tâm bi hiển lộ. Đừng sợ niềm đau ấy xâm chiếm tâm mình. Hãy lắng nghe họ, chỉ cần lắng nghe một cách chân thành thôi mà không cần làm gì khác (vì rất nhiều việc có thể ngoài khả năng của mình), sau khi lắng nghe, động viên “bạn cố gắng lên nhé” thì thực sự mình đã yêu thương (từ) và đã giúp cho họ bớt khổ rất nhiều (bi).

Có không ít người nghĩ rằng, mình phải có điều kiện thế này thế kia mới có thể thực hành từ bi, giúp người khác bớt khổ. Sự thật không hẳn như vậy, không cần có nhiều điều kiện, chỉ cần có tấm lòng thì mình đã có thể “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”.

Đối với người đang đau khổ, bạn đã biết thực hành từ bi. Đối với người có niềm vui, bạn đã thực tập sẻ chia niềm hoan hỷ. Tuy nhiên, trong quá trình thực tập từ bi và hoan hỷ, có nhiều trường hợp bạn chưa thật thoải mái, lý do là vì bạn chưa tu tập tâm xả.

Xả chính là một trong Bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả). Xả chính là tâm buông bỏ, tự tại, an nhiên, bình thản trước mọi biến động thuận nghịch ở đời. Không luyến ái và cũng không thờ ơ, vô cảm là đặc tính của tâm xả.

Ngay cả khi thực hành tâm từ (yêu thương rộng lớn, hóa giải sân hận), tâm bi (thương xót và cứu giúp chúng sanh, lắng dịu độc ác và bạo tàn), tâm hỷ (mừng vui trước sự thành đạt, hạnh phúc của chúng sanh và loại trừ ganh ghét, đố kỵ) thì tâm ta vẫn còn những xung động vi tế, cần buông xả tất cả.

Vì vậy, khi ứng dụng thực tập chia sẻ buồn vui với mọi người, bạn cần trang bị thêm cho mình tâm xả. Tùy duyên mà làm việc tốt và sống tốt, sau đó là xả buông. Trước những thnh bại, được mất, hơn thua, khen chê, vui khổ... ở đời, bạn nên giữ tâm điềm nhiên và bình lặng như mặt đất thì sẽ giúp người và chính mình luôn an lạc.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

CẦU CÚNG CÓ ĐƯỢC CHĂNG

Minh Hạnh Đức

Tinh Vân thiền thoại kể rằng:

Có một ông nhà giàu quanh năm suốt tháng mải mê đầu cơ tích trữ, vun vén cho bản thân, nuôi tham vọng làm cho cơ nghiệp ngày càng thêm lớn, bất chấp thủ đoạn, giẫm bừa lên khổ đau của người khác. Một lần vợ ông bệnh nặng, ông thỉnh một vị Tăng về nhà tụng kinh cầu phước giải bệnh. Ông nói với vị Tăng:

- Nhờ thầy thay tôi tụng kinh cầu nguyện chư Phật và Bồ-tát gia hộ cho gia đình tôi được bình an, việc làm ăn của tôi thêm phát đạt, vợ tôi qua khỏi cơn trọng bệnh, con cháu tôi sớm được thăng quan phát tài.

Nghe ông nhà giàu nói những điều mong cầu mà vị Tăng thở dài ngao ngán. Vị Tăng muốn cảnh tỉnh ông, bèn làm lễ, tụng kinh và khấn lớn tiếng rằng:

- Nguyện chư Phật và chư Bồ-tát phương xa từ bi chứng giám, hiện tiền gia chủ cầu khẩn chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ cho gia đình ông ta được bình an, làm ăn thịnh vượng, vợ ông mau chóng khỏi bệnh, con cháu thăng quan phát tài.

Ông nhà giàu nghe vị Tăng khấn nguyện lấy làm ngạc nhiên, thắc mắc:

- Bạch sư phụ, sao thầy lại cầu khẩn Phật và Bồ-tát phương xa mà không cầu khẩn các vị ở gần để các vị ấy đến đây cho mau lẹ?

Vị Tăng đáp:

- Sở dĩ tôi không cầu Phật và Bồ-tát ở gần là vì e ngại các vị ấy không chịu giúp ông. Ông nghĩ coi, bình thường ông chẳng làm việc phước đức, chẳng gieo nhân lành, không làm việc gì có ích cho ai, ngược lại còn xan tham, sân hận, si mê tà kiến, kiêu căng ngã mạn. Tôi e rằng Phật và Bồ-tát ở gần đây đều biết ông, các vị ấy sẽ không đáp ứng lời thỉnh cầu của ông. Vì vậy mà bất đắc dĩ tôi phải cầu chư Phật và Bồ-tát ở xa giúp ông, may ra vì không biết rõ về ông mà các vị ấy giúp ông ít nhiều.

Lúc bình thường không gieo nhân lành, không kết thiện duyên, không tạo công đức phước báu gì thì dù cầu chư Phật và chư Bồ-tát ở gần hay ở xa cũng khó có sự cảm ứng. Vị Tăng trong câu chuyện trên mượn việc cầu Phật và Bồ-tát phương xa mà không cầu Phật và Bồ-tát ở gần để thức tỉnh ông nhà giàu, chứ kỳ thực chẳng phải Phật, Bồ-tát ở xa thì không hay không biết việc làm của ông nhà giàu. Đối với chư Phật và Bồ-tát thì không có chuyện ở xa hay ở gần mà không biết, quan trọng là người đời có thiện tâm hay không, có thật lòng hướng về Phật và Bồ- tát hay không, và tâm ý, việc làm của người đó có tương ưng với hạnh nguyện của các Ngài hay không. Có nghĩa là muốn cầu Phật và Bồ-tát có sự cảm ứng thì phải sống cho tốt, biết hành thiện, làm việc lợi ích cho mình và cho người khác, có lòng từ bi, hỷ xả, vị tha… Bởi vì Phật và Bồ-tát là những bậc toàn chơn, toàn giác, toàn thiện, toàn mỹ, muốn cầu các Ngài có cảm ứng thì tâm niệm và việc làm phải tương ưng với hạnh nguyện của các Ngài.

Trên thế gian không chỉ riêng ông nhà giàu nọ, còn có biết bao người trong lúc bình thường chẳng màng tội phước, không tin nhân quả, điên đảo thiện ác, không ngần ngại tạo nghiệp xấu, ác để thỏa lòng tham lam, sân hận, kiêu căng, ngã mạn, đến lúc tai họa giáng xuống đầu, gặp chuyện không may bất trắc xảy đến thì lạy lục cầu xin Phật, Bồ-tát che chở. Lúc đó dù có dâng cúng phẩm vật trọng hậu, quỳ mọp sát đất lạy lục đến mấy cũng chẳng ích lợi gì. Nhân quả tương ưng, đâu có Phật, Bồ-tát nào làm thiên lệch quy luật nhân quả được. Những người có tâm địa không tốt, xấu xa, độc ác, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi thì làm sao có được kết quả tốt đẹp và làm sao có được sự cảm ứng nơi các Ngài.

Không nên chỉ biết trông cậy vào sự giúp đỡ, chở che của Phật, Bồ-tát, mà cần phải hiểu rằng sự gia hộ của Phật, Bồ-tát cũng do chính mình mà được, do việc làm thiện lành của mình, do công đức phước báo mình đã tạo mà có sự cảm ứng đó. Khi đã tin hiểu nhân quả thì biết muốn có cây lành trái ngọt thì phải gieo nhân tốt và tạo các duyên thích hợp, thuận lợi cho nhân đó phát triển. Ví dụ muốn cầu sống lâu trường thọ thì phải có ý thức giữ gìn sức khỏe, sống hợp vệ sinh, siêng năng vận động, rèn luyện thân thể, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, sống tiết độ, không làm tổn hại sức khỏe, tính mạng chúng sinh khác, biết phóng sinh, bố thí thuốc, các phương tiện điều trị cho người ốm đau bệnh họan… Muốn được giàu sang thì cần kiệm siêng năng học tập, lao động, giúp đỡ người nghèo khó đói rách, những người có hoàn cảnh neo đơn, cơ nhỡ bằng cách bố thí tài vật, phương tiện sinh kế v.v. Tóm lại, nếu không sống tốt, không biết gieo nhân lành, sống thiếu ý thức trách nhiệm đối với bản thân và xã hội thì đâu có Phật, Bồ-tát nào lại đi “phò hộ”, “che chở”, “giúp đỡ” cho.

Ngày nay hiện tượng tín ngưỡng nhiều nhưng ít người có được chánh tín, chỉ tin vào hững điều dị đoan, huyễn hoặc: nghe đồn chùa nào linh thì đến để cầu được ước thấy, xin bùa xin phép để làm ăn phát đạt, dán tiền lên tượng Phật, Bồ-tát hoặc lấy tay xoa lên tượng rồi xoa lên thân mình, chẳng biết những việc làm đó có ý nghĩa, lợi ích gì; suy nghĩ sai lầm, lệch lạc, mê tín cho rằng chư Phật, Bồ-tát, thần thánh cũng có tâm niệm như phàm phu, từ đó dẫn đến những hành động mù quáng, sai lầm: Khi đến chùa thì xì xụp vái lạy cầu xin đủ thứ chuyện, cúng một ít tiền hay phẩm vật thì muốn Phật, Bồ-tát làm cho mình lắm điều, không biết họ nghĩ Phật, Bồ-tát là những ai, mỗi ngày ngồi chờ hương quả để cho họ sai khiến sao? Nếu những gì họ cầu xin mà được như ý thì thế gian chẳng có công đạo, luật nhân quả không còn. Những việc làm đó chẳng khác nào hủy báng chư Phật, Bồ-tát, hủy báng Chánh pháp.

Nếu bỏ tiền ra thật nhiều để cúng chùa, làm phước, bố thí, phóng sinh, in kinh, tạo tượng mà không cần thuận theo nhân quả, và chỉ làm có hình thức, không có thật tâm mà vẫn được phước báu, vẫn tai qua nạn khỏi, vẫn bình an, thì trên thế gian này chỉ có người giàu mới có được an vui hạnh phúc, vì người nghèo làm gì có tiền để làm phước, cúng chùa… Nếu bố thí với tâm tham, mong rằng nhờ việc bố thí mà mình giàu hơn, làm ăn thuận lợi hơn; nếu phóng sinh với tâm tham, bỏ tiền ra mua con vật rồi nhốt ở đó, chờ tụng kinh cầu nguyện cho mình được việc, mặc cho con vật thoi thóp trong chậu, trong lồng, quằn quại khổ đau đang mong chờ sự sống; nếu cúng chùa với tâm tham muốn cho nhiều người biết đến mình, nhiều người hâm mộ mình, muốn cho Phật, Bồ-tát ghi công mình, phò hộ mình; nếu làm việc phước thiện với những tâm niệm ấy thì phước báu chẳng những không có được mà còn tăng thêm tà kiến. (Văn Hóa Phật Giáo số 155)

SỰ LINH ỨNG CỦA BỒ-TÁT CÓ MÂU THUẪN VỚI LUẬT NHÂN QUẢ?

HỎI: Tôi là Phật tử, hiện đang là sinh viên. Gia đình tôi thờ Bồ-tát Quán Thế Âm. Trong quá trình tu học, tôi thường trì chú Đại bi, niệm danh hiệu Bồ-tát và nhận được nhiều sự nhiệm mầu linh ứng không thể nghĩ bàn.

Tôi chỉ thắc mắc một điều là, theo luật nhân quả, những gì xảy đến với con người trong hiện tại là do nhân duyên đã gieo trồng trong quá khứ. Nhưng khi trì niệm thần chú Đại bi, nhờ thành tâm trì chú, thiết tha nguyện cầu, được Bồ-tát cảm ứng và gia hộ nên được thành tựu như nguyện (ví dụ như đau bệnh được lành, không con được con…) thì việc tu tập linh ứng và luật nhân quả đang vận hành có gì mâu thuẫn không?

(KIỀU TRINH, kieutrinh.ibc@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Kiều Trinh thân mến!

Đúng như bạn nhận thức về nhân quả, “những gì xảy đến với con người trong hiện tại là do nhân duyên đã gieo trồng trong quá khứ”, không có việc gì xảy ra mà chẳng có nguyên nhân. Tuy nhiên, từ nhân đến quả là một tiến trình phức tạp đầy biến động, trong đó, duyên (những nhân phụ) luôn tác động và chi phối vào nhân chính khiến cho quả bị lệch tốt hoặc xấu hơn so với nhân ban đầu.

Ví dụ, ta có hạt giống rất tốt (nhân chính tốt), theo nguyên tắc thì sẽ cho quả tốt nhưng nếu gieo vào đất xấu, không người chăm sóc (duyên xấu) thì cho quả không tốt. Ngược lại, ta có hạt giống không mấy tốt nhưng gieo vào đất tốt, có người chăm sóc (duyên tốt) thì lại cho quả tốt (có thể tốt hơn nhân chính rất nhiều lần).

Nói như vậy để thấy rằng, trong tiến trình nhân-duyên-quả, duyên đóng vai trò rất quan trọng. Nhân đã tạo ra trong quá khứ (xa hoặc gần) vốn không thay đổi được. Trong khi duyên được chúng ta chủ động tạo ra trong quá khứ gần và ngay trong hiện tại, thông qua những nỗ lực hướng thiện của cá nhân, sẽ tác động mạnh mẽ lên kết quả.

Bạn thành tâm niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, thiết tha trì tụng thần chú Đại bi (hay tu tập, làm phước nói chung), cầu tai qua nạn khỏi, mong vạn sự an lành chính là nỗ lực tạo ra những duyên tốt nhằm tác động vào nhân chưa tốt để thành tựu quả tốt đẹp hơn.

Chính điều này đã lý giải cho việc có người trì chú Đại bi, niệm danh Bồ-tát thì được linh ứng như nguyện nhưng có người lại không.

Những người được như nguyện nhờ nghiệp nhân trong quá khứ của họ không xấu lắm, cộng với duyên hướng thiện (tu tập, làm phước) trong hiện tại rất mạnh mẽ, nên những kết quả không lành nếu lớn thì hóa nhỏ, nếu nhỏ thì hóa không, mọi sự tưởng chừng khó khăn đều trở nên thuận lợi, tốt đẹp.

Ngược lại, những người cũng trì chú mà không được như nguyện vì nghiệp nhân trong quá khứ của họ vốn đã xấu, cộng với duyên hướng thiện (tu tập, làm phước) trong hiện tại chưa đủ mạnh nên không tác động tích cực vào kết quả, do đó những gì mà họ cầu nguyện không được như ý.

Vì vậy, những điều bạn cầu nguyện được linh ứng hoặc những điều mà người khác cầu nguyện không linh ứng đều do nơi duyên đủ hay chưa. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự vận hành nhân-duyên-quả, không có gì mâu thuẫn cả.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

VÔ NIỆM VÔ SANH

Thưa ban biên tập,

Một vị giảng sư Phật Giáo và một vị Cư sĩ viết nhiều bài về Phật Pháp loan tải trên một trang web Phật giáo đều cho rằng:

Tu Phật mà cầu vô niệm là tu sai bởi vì vô niệm thì làm sao “biết” để tư duy chân lý và những gì phi chân lý…và chẳng những vô niệm là tu sai mà nghĩ rằng tu cầu đến vô sanh cũng là lầm lẫn. Trên thế gian này có cái gì mà không biến chuyển vận hành? Nói cách khác tất cả đều là sanh diệt…Tu hành cần có những giờ phút "tĩnh tâm" nhưng tĩnh tâm, không được hiểu đó là những phút giây VÔ NIỆM. VÔ SANH là một ý niệm mà người tu Phật phải từ bỏ dứt khoát. Vô sanh đồng nghĩa với "đoạn diệt". Tự mình làm cho mình "rớt" vào hàng ngũ của ngoại đạo "đoạn kiến" là cách tu sai lạc, đáng thương!..”

Vậy xin ban biên tập cho biết ý kiến của hai vị pháp sư này.

Trước hết ý tưởng (hay là sao chép) của vị Cư sĩ là từ lời dạy trong giáo án Chứng Đạo Ca Trực Chỉ Đề Cương của vị giảng sư Phật giáo dạy trường Cao Trung Phật Học tỉnh Đồng Nai.

Thật ra vị giảng sư và vị cư sĩ nói ở trên đã hiểu một cách sai lạc về Vô Niệm, Vô Sanh. Từ và nghĩa Vô Niệm đã được nhiều thiện tri thức thảo luận từ năm 2002 trên diễn đàn Phật Pháp Thư Viện Hoa Sen, nay chỉ xin tóm lược để giải đáp câu hỏi nêu trên của Đạo hữu:

1 Khi trả lời một câu hỏi về Vô Niệm, Hòa ThượngThích Duy Lực đã khai thị trong một buổi pháp thoại tại Từ Ân Thiền Đường như sau:

“Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ giải thích: “Vô niệmchẳng phải không có bản niệm, ngoài bản niệm ra không được mống khởi niệm gì khác, mới gọi là vô niệm, chứ chẳng phải tuyệt luôn bản niệm, nếu bản niệm tuyệt là chết. Dù người chết, bản niệm cũng y nguyên không mất, vì đó là bản thể của tự tánh, chẳng đồng như gỗ đá. Nhiều người hiểu lầm cho vô niệm là trăm tư tưởng đều dứt, ấy là sai. Ngài Lục Tổ giải thích thêm: “Lục căntiếp xúc lục trần, sanh ra lục thức, không nhiễm không chấp thật tức vô niệm.” Hễ thấy cái gì thì chấp cái đó, nghe được cái gì chấp vào cái đó, là có niệm. Thấy như không thấy, nghe như không nghe, chẳng phải là không biết, biết mà không chấp thật (không dính mắc), mới là vô niệm. Kỳ thật, vô niệm tức vô tướng, vô tướng tức vô trụ, mặc dù danh từ có ba, sự thật chỉ là một. Ngài Lục Tổ sợ người hiểu lầm, nên đã hai lần giải thích về vô niệm. (Trích: Duy Lực Ngữ Lục)

2 Trong bản dịch Kinh Pháp Bảo Đàn Hòa Thượng Thích Minh Trực dịch như sau: “Sao gọi là vô niệm? Biết cả thảy các pháp mà lòng không nhiễm vương, dính níu, ấy là vô niệm.”

3 Tổ Huệ Năng đã chỉ rõ: "Đối trên các cảnh, tâm không nhiễm gọi là vô niệm, đối trên niệm thường lìa các cảnh, chẳng ở trên cảnh mà sanh tâm". Tổ không có nói là phải diệt trừ hết niệm, tổ nói thêm: "một niệm dứt tức là chết, rồi sẽ sanh nơi khác" tức là tổ biết rằng suy nghĩ là cái chức năng tự động của bộ óc con người, chỉ khi chết thì mới hết suy nghĩ.

4 Một thiền sư Nhật bản đương thời là thiền sư Kōshō Uchiyama, thuộc dòng Tào Động, có viết cuốn sách "Opening the Hand of Thought, Approach to Zen" trong đó sư có trình bày về pháp tu Vô niệm như sau:

" Khi chúng ta tọa thiền (zazen) có nghĩa là mọi ý nghĩ phải ngưng bặt và đầu óc trống rỗng phải không? Không, dĩ nhiên là không phải thế. Khi mà chúng ta còn sống thì các ý nghĩ khởi lên là điều tự nhiên, ngày cả khi tọa thiền cũng vậy. Điều quan trọng là để chúng tự đến và đi mà ta không theo đuổi chúng hoặc dẹp trừ chúng."

"Nếu niệm khởi phải gắng để dẹp nó không? Nếu làm như vậy tức là chúng ta lập ra ý nghĩ là phải dẹp niệm đó". Lấy một thí dụ trong cuộc sống là lái xe hơi. Khi chúng ta lái xe mà trong đầu suy nghĩ đủ thứ chuyện thì sẽ bị rối loạn, căng thẳng và nguy hiểm cho việc lái xe. Muốn giữ cho an toàn thì cần phải thư dãn và tỉnh giác. Tọa thiền là để cho bản thể biểu hiện một cách tự nhiên và thanh tịnh. Niệm khởi là điều tự nhiên. Nhưng khi chúng ta bám vào niệm đó, chạy theo chúng thì là chúng ta đang suy nghĩ. Thế nào là buông xả các niệm? Khi chúng ta suy nghĩ là suy nghĩ về một cái gì đó. Nghĩ về cái gì là dùng ý nghĩ để bám vào cái đó. Không bám vào cái đó tức là buông xả. Sư so sánh những trạng thái biến đổi trong tâm ta như là quang cảnh thiên nhiên: có những lúc trời xanh quang đãng, có lúc mây mù, có lúc mưa bão … những cảnh đó đến rồi tự nó đi, không có gì ta phải bận tâm dính mắc."

Hay nói một cách khác: "Khi mắt thấy một vật, chỉ thấy vật ấy. Khi tai nghe một tiếng, chỉ nghe tiếng ấy. Khi mũi ngửi một mùi, chỉ ngửi mùi ấy. Khi lưỡi nếm món gì, chỉ nếm món đó. Khi có cảm xúc trên da hay trên thân, chỉ biết đến cảm xúc ấy. Và khi một ý nghĩ, một đối tượng tâm linh, khởi lên trong tâm, như một tư tưởng xấu chẳng hạn, chỉ biết tư tưởng ấy. Điều này có nghĩa là không nên để cho tư tưởng phân biệt xấu, tốt, ưa thích hay ghét bỏ sanh khởi. Ưa thích cái gì có nghĩa là ham muốn cái ấy, không ưa thích cái gì có nghĩa là ghét bỏ cái ấy. Ham muốn hay ghét bỏ đều là ô nhiễm phát sinh từ tâm tham, sân và si. Không để các ô nhiễm này dấy lên trong tâm, tức là không dính mắc." (trích sách: Phật Pháp Trong Đời Sống (Tâm Diệu)

5 Còn Vô Sanh, trong kinh Đại Thừa cũng như Nguyên Thủy nói rất rõ ràng. Cho rằng “Vô sanhđồng nghĩa với "đoạn diệt". Tự mình làm cho mình "rớt" vào hàng ngũ của ngoại đạo "đoạn kiến" là cách tu sai lạc, đáng thương!..” là hiểu không đúng, hiểu một cách sai lạc. Đức Phật Thích Ca đã phá hai kiến chấp của ngoại đạo này là (1) chấp thường tức là chấp có một linh hồn bất diệt, và 2) chấp đoạn tức là chấp rằng chết là hết, không còn tồn tại sau khi chết, cũng có nghĩa là không có nhân quả, luân hồi, không có tội phước, đúng sai, phải quấy, đạo đức gì cả vì chết là hết. Chấp thường, chấp đoạn cũng là chủ trương của chủ nghĩa Duy Vật (metarialism)

BBT/TVHS

Ý KIẾN PHẢN HỒI CỦA TÁC GIẢ:

VÔ NIỆM VÔ SANH
(Phần chót)

Trước hết chúng tôi xin cám ơn ban biên tập TVHS đã cho phép chúng tôi đóng góp thêm vài ý kiến nhỏ để cho vấn đề được sáng tỏ.

1)Danh từ “Vô Niệm” nếu được hiểu theo ý nghĩa thông thường là không có ý niệm, không có tư tưởng nào phát hiện trong tâm cả. Nếu hiểu theo định nghĩa này thì trên thế gian này có người nào đã đạt đến trình độ đó chưa? Ngày xưa chính Đức Phật và 1250 vị A la hán khi nhập vào thiền định (tứ thiền) thì ý thức bị diệt, không còn tác động được nữa. Các Ngài chỉ còn sống trong tỉnh thức nghĩa là trong thời điểm đó các Ngài biết rất tỏ tường, sáu căn vẫn sáng tỏ, nhưng không tác ý được nữa cho nên toàn bộ tư tưởng, lời nói cho đến hành động đều bị diệt nghĩa là không còn suy nghĩ, nói năng hay cử động tay chân cho đến khi xuất thiền. Lúc đó tâm các Ngài hoàn toàn thanh tịnh và đây là con đường giải thoát, chứng nhập chân lý. Thế thì tuy ý thức không còn hoạt động, nhưng sáu căn vẫn còn sáng tỏ tức là các Ngài vẫn còn biết, còn tư tưởng chớ đâu có phải là vô niệm.

Bây giờ trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng định nghĩa “Vô Niệm” như sau:” Vô niệm là đối với niệm mà không niệm, đối trên các cảnh mà tâm không nhiễm” nghĩa là khi sáu căn đối diện với cuộc đời (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà tâm không dính mắc, không khởi tà niệm tham, sân, si thì đây là vô niệm. Thế thì vô niệm bên Thiền tông chính là Chánh niệm bên Nguyên thủy rồi. Mỗi trường phái dùng một danh từ khác nhau để diễn giải ý tưởng của trường phái mình, nhưng bên trong ý nghĩa đâu có khác gì nhau. Đức Phật không dạy vô niệm mà chỉ dạy chánh niệm và vô ngã để có giải thoát. Tại sao? Bởi vì khi sáu căn tiếp xúc với thế gian thì mắt vẫn thấy sắc, tai vẫn nghe âm thanh, mũi vẫn ngửi mùi, lưỡi vẫn nếm thức ăn, thân vẫn có cảm xúc tức là đối cảnh mà vẫn vô tâm hay là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nhưng chỉ thấy biết một cách khách quan, không cộng ngã kiến vào thì không bao giờ có khổ vui mà chỉ có an lạc. Tại sao? Bởi vì: “Chư Pháp tùng bổn lai, Thường tự tịch diệt tướng” nghĩa là các pháp từ xưa đến nay, tánh chúng thường vắng lặng, không hạnh phúc và cũng chẳng có khổ đau. Nói cách khác tất cả các Pháp từ Căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đến Trần như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cho đến sáu Thức đều là tự tánh thanh tịnh bản nhiên nghĩa là tự tánh của thiên nhiên là vậy (như thị), không khổ, không vui. Vì thế khi nói khổ đau hay hạnh phúc là có sự hiện diện của bản ngã trong đó nghĩa là tôi khổ hay tôi hạnh phúc rồi. Thí dụ cành hoa tự nó không đẹp, không xấu, không thơm, không thúi cho nên người biết đạo thì nhìn cành hoa là cành hoa thì tâm an lạc. Ngược lại, nếu cho cành hoa là đẹp thì trong tâm đã có sự so sánh, phân biệt. Tại vì mình cho nó đẹp, mình nghĩ nó đẹp…tức là có tự ngã. Thế thì đau khổ là không được như ý mình muốn còn hạnh phúc là thỏa mãn được ý muốn của mình. Nói cách khác thỏa mãn được Cái Ta thì gọi là hạnh phúc, ngược lại không thỏa mãn được Cái Ta thì gọi là đau khổ chớ trên thế gian này không có cái gì là khổ đau hay hạnh phúc cả. Do đó khi không còn sống với bản ngã thì người đó trở về sống với thực tánh pháp thì gọi là giải thoát thế thôi.

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài dạy chúng sinh chớ vội tin những gì Ngài nói huống chi là kinh luận của các tông phái đời sau viết ra. (Believe nothing, no matter where you read it or who has said it, not even if I have said it, unless it agrees with your own reason and your own common sense. Buddha).

Ban biên tập TVHS viết rằng:”Nếu niệm khởi phải gắng để dẹp nó không? Nếu làm như vậy tức là chúng ta lập ra ý nghĩ là phải dẹp niệm đó”. Lấy một thí dụ trong cuộc sống lái xe hơi. Khi chúng ta lái xe mà trong đầu suy nghĩ đủ thứ chuyện thì sẽ bị rối loạn, căng thẳng và nguy hiểm cho việc lái xe. Muốn giữ cho an toàn thì cần phải thư giản và tỉnh giác”.

Thế thì vô niệm mà quý vị giải thích ở câu trên chính là tỉnh thức chánh niệm chớ là gì! Do vậy, trên thế gian này không có cái gì là vô niệm cả mà chỉ có chánh niệm. Danh từ Vô Niệm là do Thiền tông đặt ra chớ không phải do Đức Phật chế vì thế người học đạo cần phải sáng suốt để thấy con đường mình đi chớ không phải tin suông vào văn tự.

2) Ban biên tập TVHS viết rằng:””Cho rằng “Vô sanh đồng nghĩa với đoạn diệt. Tự mình làm cho mình “rớt” vào hàng ngũ của ngoại đạo “đoạn kiến” là cách tu sai lạc, đáng thương”  là hiểu không đúng, hiểu một cách sai lạc”.

Trong phần Tập đế của Tứ Diệu đế, Đức Phật đã giải thích rõ ràng biện kiến như sau:

Biện kiến: có nghĩa là lý luận một chiều. Đây là nói về những người có lý luận độc đoán. Họ nghĩ rằng lý luận của họ là đúng nhất bất chấp là lý luận ấy thực sự có đúng hay không. Có hai loại biện kiến thường thấy là:

-Thường kiến: là họ lý luận rằng khi chết rồi, cái Ta vẫn còn tồn tại mãi mãi. Người chết sẽ sanh ra người, còn súc vật chết sẽ trở lại làm súc vật và thánh nhân chết sẽ trở lại làm thánh nhân. Vì tin tưởng như vậy, nên đối với họ, có tu hay không tu cũng như nhau. Họ không sợ tội ác, nên chẳng cần làm thiện.

-Đoạn kiến: đối với nhóm nầy, thì họ nghĩ rằng chết là hết. Một khi chúng ta tắt thở, nhắm mắt xuôi tay thì không còn gì tồn tại nữa. Lúc đó tội cũng không mà phước cũng chẳng còn. Họ luôn luôn tâm niệm rằng:”Tu nhơn đức già đời cũng chết, hung hăng bạo ngược tận số cũng chẳng còn”. Vì tin tưởng như thế, nên luật nhân quả luân hồi đối với họ không còn ý nghĩa gì cả thành thử họ mặc tình làm điều tội lỗi.

Vì thế “Vô sanh” nghĩa là không còn tái sinh nữa tức là đoạn kiến chớ còn là gì nữa.

Ngày xưa Đức Phật chọn con đường trung đạo để xiễn dương đạo Phật nghĩa là thường kiến Ngài cũng phá mà đoạn kiến Ngài cũng phá. Tại sao? Giáo lý Phật Đà dựa trên thuyết “Duyên Khởi” và chân lý Vô Ngã. Khi Đức Phật thuyết giảng chân lý Vô Ngã cho nhóm ông Kiều Trần Như thì Ngài đã khẳng định rằng tất cả mọi hiện tượng trong thế gian này đều không ngừng tác tạo. Vì là do nhân duyên, nhân này quả nọ, mà thành chớ không có một vật thể nào tự chúng có được nên tất cả mọi hiện tượng đó không có thực thể, không có tự tánh tức là Vô Ngã. Con người chúng ta cũng thế, không có cái gì gọi là Cái Tôi hay Cái Của Tôi tức là Vô Ngã. Đức Phật gọi Cái Tôi chỉ là một ảo giác do tâm thức biến hiện. Sự sai lầm là con người luôn đồng hóa ngũ uẩn (thân, tâm) là Tôi cho nên họ luôn bám chặt vào nó như là một cá thể vững bền. Sự bám vúi đó chính là nguyên nhân đem lại biết bao nỗi khổ đau trong kiếp sống này và mãi mãi về sau. Vì thế dựa theo chân lý Vô Ngã thì làm gì có “vô sanh” cho nên nói vô sanh không là đoạn kiến hay tà kiến thì là gì?

Con đường trung đạo dựa theo thuyết Duyên Khởi là trong cái sinh đã ngầm chứa sự hủy diệt và trong cái chết đã ngầm chứa (kết duyên) cho sự sinh mới nghĩa là sinh ra rồi sẽ bị diệt và diệt rồi để sinh ra cái mới và cứ thế chu kỳ sinh sinh diệt diệt tiếp diễn không ngừng mà Phật giáo gọi là luân hồi. Vì thế từ vô ngã mà con người phải chịu sự biến hóa của luật vô thường để phải sinh tử luân hồi trong bao kiếp sống. Do đó vô sanh tức là đoạn diệt nếu không phải là lý luận của ngoại đạo thì là gì?

Ngày xưa Đức Phật và các vị A la hán khi chứng tứ thiền thì các Ngài đắc quả “vô sanh” nghĩa là các Ngài vĩnh viễn không còn tái sinh làm con người để phải chịu sinh tử khổ đau. Ngược lại phàm nhân thì phải chịu tái sinh nghĩa là tạo nhân thì chính mình phải thọ lãnh vì thế đạo Phật mới nói có luân hồi.

Lê Sỹ Minh Tùng

Oan Hồn Có Tồn Tại Ở Bệnh Viện Không? Làm Thế Nào Để Hóa Giải?

HT. Thích Giác Quang trả lời

VẤN: Chúng con là một nhóm các sinh viên y khoa và bác sĩ nội trú năm nhất thường thực tập và trực ở bệnh viện vào ban đêm. Ngày trước chúng con có nghe các anh chị sinh viên đi trước kể về các oan hồn họ thường thấy ở bệnh viện hay nhà xác nhưng chúng con cũng không tin là mấy. Dạo gần đây một số bạn trong nhóm kể thường thấy có bóng người lui tới lúc nửa khuya , kể cả nghe tiếng nước chảy nhưng khi vào nhà tắm thì chẳng thấy ai, cả nhóm cho là hoa mắt. Có một số bạn chẳng biết thế nào vừa đến ca trực người cảm thấy mê mệt, chỉ muốn ngủ, không phải vì bạn ấy thiếu ngủ và đôi khi nằm ở góc nào trong phòng trực ngủ rất ngon nhưng ngắn, khi tỉnh dậy người cứ như trên mây một lúc mới bình thường trở lại. Một số bạn còn có triệu chứng khó thở, người rất xanh nhợt nhạt sau những lần thực tập ở khoa chấn thương nhiều người liên tục qua đời. Có một bạn trong nhóm biết chút Phật pháp khuyên nên niệm Phật hay trì Chú Đại Bi và có lần bạn ấy trì chú thì một bạn hôn trầm đã tỉnh dậy. Con phân vân không hiểu là những gì chúng con thấy có đúng không? Có oan hồn thật sự trong bệnh viện không? Tại sao họ chưa siêu thoát? Nếu chúng con phải trì chú thì nên trì chú nào là đúng nhất? Chúng con xin cảm ơn Sư ạ.

ĐÁP:

Oan hồn, hồn ma, ma, cô hồn gọi chung là “ma”:

Bàn đến “ma”, “hồn ma bóng uế” đối với Phật giáo là việc không tưởng! Người Phật giáo cũng không tin là có ma. Phật giáo quan niệm ma là những nghiệp lực, chướng duyên cản trở quá trình tu chứng của người đệ tử đức Phật, như: ma tiền tài, ma danh vọng, ma sắc đẹp, ma ngủ nghỉ, ma ngũ dục… chứ không có vấn đề ma nhác, ma hiện hình cho người đời thấy, ma báo mộng, đưa tin…

Theo từ điển Việt Nam của Thanh Nghị thì hồn ma, oan hồn là bóng hình quái dị của người đã chết mà lắm người tin rằng có thể hiện ra. Như nói “ma da” là ma dưới nước, oan hồn, ma xó, cô hồn. Hồn ma là sự ám ảnh đối với người sống, “hồn ma” là hiện tượng mà mọi người tin là có, hoặc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và “hồn ma” có thể xuyên qua khe hở, qua cửa, qua tất cả vật thể để đến với người sống, lúc bấy giờ người sống gọi là “ma nhác”. Câu chuyện “ma” là câu chuyện vô cùng hấp dẫn, nói mãi không hết chuyện “ma”. Người sợ “ma” bao nhiêu thì thích nghe nói chuyện “ma” bấy nhiêu… Thật ra “hồn ma” là một hiện tượng “vô thể” đối lập với “hữu thể”!

Như người bệnh mới vừa bị cưa mất khúc chân, người đó vẫn còn cảm giác bên khúc chân bị cưa mất về sự đau đớn, nhức nhối. Sự đau đớn nhức nhối ở khoản không bên khúc chân vừa bị cưa mất gọi là “chân ma”.

Nghe nói có người chết trên giường bệnh trong một bệnh viện lớn, vắng vẻ, xe hồng thập tự vừa đưa xác người chết xuất viện về quê… việc nầy đối với các Bác sĩ thì chẳng là gì! Nhưng với người bình thường vừa đến đây có cảm giác lành lạnh sờ sợ, khi vào bên trong đi ngang các phòng bệnh, nghe chuyền tai nơi đây hôm qua có người chết vừa đem ra khỏi giường… Cái cảm giác có người chết nằm trên giường, hôm qua còn người nằm, hôm nay không còn người nằm, liền nảy sanh sợ chỗ đó gọi là “sợ hồn ma bóng uế”.

Đối với các tôn giáo:

Nói đến ma, hồn ma, oan hồn, mọi người tiến bộ trên hành tinh nghĩ ngay đến tôn giáo, chỉ có những người làm công tác tôn giáo mới hóa giải vấn đề hồn ma. Một số tôn giáo và nền văn hóa dân gian quan niệm, con người gồm thể xác (mang tính chất vật chất) và linh hồn (mang tính chất phi vật chất). Khi thể xác chết, linh hồn xuất khỏi thể xác. Nếu linh hồn đó không có cơ hội đầu thai hoặc nơi trú ngụ chung với các linh hồn khác mà tương tác với cõi thực có con người sẽ gọi là "ma", "hồn ma"; nhưng nếu các phần phi vật chất đó tương tác với cõi thực của con người theo tình cảm, theo trách nhiệm được giao của các tôn giáo thì lại gọi là "hồn", "linh hồn", "thánh", "thần", "thiên sứ".

Theo Phật giáo:

Con người, nói chung là chúng sanh sau khi chết, không có một linh hồn, oan hồn nào tồn tại sau khi thân ngũ uẩn tan rã! Thân chúng sanh gọi là thân ngũ uẩn hay ngũ ấm, gồm có sắc, thọ, tưởng hành và thức: sắc dụ cho máu thịt gân xương v.v… và tâm (thọ, tưởng, hành, thức) dụ cho tâm thức, sự hiểu biết tạo ra nghiệp lực, hình thành một con người.

Có thể hiểu cách khác: thân người gồm có đất, nước, lửa, gió (là máu, thịt, gân, xương), tâm là thức đại, không đại (là sự hiểu biết); sau khi qua đời, đất, nước, lửa, gió được trả về với đất, nước, lửa, gió; thức đại, không đại được trả về với hư không và sau 49 ngày tái sanh theo nghiệp lực đã tạo. Như vậy, không còn gì ở lại thế gian nữa, làm gì có hồn ma hay oan hồn?

Việc cúng cầu siêu cho hương linh người qua đời, ngày kỵ giổ mời ông bà về thọ hưởng là đứng về mặt tín ngưỡng tưởng niệm người quá cố. Tưởng niệm không phải tin rằng có linh hồn tồn tại sau khi chết, tưởng niệm nói lên đạo đức của người con Phật, không quên ân sâu nghĩa nặng của cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, quá thế nhiều đời, cũng như cha mẹ tại tiền. Tưởng niệm cũng chính là để đáp ân sanh thành dưỡng dục của người con Phật mà thôi, hoặc cúng thí thực cho các “oan hồn” được siêu thoát là vì phát huy lòng từ thiện: người chết còn nghĩ đến huống gì người đói nghèo!

Con người hình dung về hồn ma:

Cho đến nay, hồn ma vẫn là bí ẩn đối với nhân loại, có những câu chuyện hư cấu về hồn ma, nhưng cũng không thể kết luận được có phải hư cấu hay không. Sự bí ẩn của hồn ma xuất phát từ giới hạn tri thức và hiểu biết của con người (nói chung) và các nhà khoa học (nói riêng).

Hồn ma thường được miêu tả là một dạng người, nhưng thông thường là "trắng bạc", "cái bóng lờ mờ", "nửa trong suốt", hay "tựa như sương mù", "đống đen thùi lùi". Hồn ma không có cơ thể sống như con người, hoặc chỉ là bộ xương người biết đi. Xã hội của các oan hồn theo nhiều người là "âm phủ" còn chỗ ở của hồn ma là cái mộ (sống cái nhà, thác cái mồ) vì vậy họ xây dựng nhà mồ rất đẹp có nhiều nghĩa địa khang trang như một thành phố. Nhưng hồn ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ nơi có liên quan đến họ khi còn sống.

Ở một số tín ngưỡng dân gian:

Người có "duyên" với hồn ma mới có thể nhìn thấy hồn ma hoặc chỉ những người có khả năng đặc biệt còn gọi là các nhà ngoại cảm là có thể thấy và tương tác với hồn ma. Nhiều người cho rằng oan hồn (ma) có khả năng biết tất cả những gì người sống nghĩ, có khả năng biết được các việc đã, đang và sắp xảy ra, hoặc có khả năng tác động lên thể xác, lời nói của người sống như hiện tượng lên đồng, tác động lên cảm quan người sống như dắt người sống đi lạc vào bụi, xúi người sống ăn đất mà tưởng ăn bánh hoặc hồn ma có thể tác động lên vật chất như tạo ra tiếng động, tắm trong nhà tắm nữa đêm, rung cây, xô lệch bàn ghế...

Oan hồn theo nghĩa đen tức là người chết không do từ một nguyên nhân cố định (bệnh chết, già chết) như xe đụng hết, bị lạc đạn chết, bị chết vì nước, lửa, lốc xoáy… gọi là chết oan, chết tức tửi. Người chết không có người cứu, không có người tụng kinh, đưa linh, nên người đời gọi đó là những oan hồn, còn ẩn khuất đâu đây chưa siêu thoát. Cứ nghĩ như thế mãi theo thời gian và cho rằng người chết đó không siêu thoát nên thành “ma đói, ma ngã ba đường cái, ma oán, oan hồn, cô hồn”.

Lời khuyên:

Bạn có thấy những oan hồn, nghe những sinh hoạt của oan hồn, nghe tiếng nước chảy trong bồn tắm, nghe trong người của Bạn có hiện tượng khác, ngầy ngật, ợ ngáp, khó thở… đó là do nghiệp thức của Bạn cảm ứng.

Người đời nói chuyện “hồn ma” vì thấy có “hồn ma”. Khi các Bạn nghĩ đến ma, thấy ma, nói chuyện ma, nghi có ma ở nơi nào đó thì Bạn cảm thấy sợ sệt, nhất là những nơi vắng vẻ… Theo Sư thì hôm nay chúng ta sợ “ma sống” hơn là “ma chết”, “ma xã hội đen” đấy Bạn ạ!

Về đạo đức tâm linh, Bạn niệm thần chú Vãng sanh, thần chú thất Phật diệt tội chân ngôn (Thập chú trong kinh Nhựt Tụng), Bạn chỉ còn thấy đức Phật, Bồ Tát, nên không còn thấy “hồn ma bóng uế” nữa!

HT Thích Giác Quang (Quán Âm Tu Viện - TP. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai)

TẨU HỎA NHẬP MA

Nhiên Như-Quảng Tánh

HỎI:Chúng tôi đang tự thực tập tọa thiền ở nhà nhưng một số người nói như vậy là không được, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Vì thế, cần phải tìm các bậc minh sư hướng dẫn. Xin cho biết phải thiền thế nào cho đúng? “Tẩu hỏa nhập ma” là gì? Tu thiền có bị “tẩu hỏa nhập ma” không?
(TÂM THÀNH, Bình Chánh, TP.HCM; HOÀNG NGUYỄN, hoang.inf@gmail.com) 

ĐÁP: Bạn Tâm Thành và Hoàng Nguyễn thân mến!

Thiền định là pháp môn tu tập cốt tủy của Phật giáo. Đức Thế Tôn nhờ nỗ lực thiền định mà chứng đạt giác ngộ tối thượng. Nội dung tu tập thiền định của Thế Tôn hiện vẫn được lưu truyền và ứng dụng phổ cập trong cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.

Tu tập thiền định hiện nay rất phổ biến trong giới Phật giáo và cả những người không có tôn giáo hay theo các tôn giáo khác. Thiền định giúp hành giả tăng cường sức khỏe, thư giãn tinh thần, sống lạc quan, hạnh phúc và an vui. Quan trọng hơn, thiền định giúp người thực tập an trú chánh niệm, làm chủ thân tâm, xả ly và đoạn tận tham ái phiền não, thành tựu trí tuệ, giải thoát, Niết bàn.

Ở Việt Nam hiện có nhiều thiền phái đang được truyền bá với đông đảo thiền giả thực tập. Đơn cử như thiền phái Trúc Lâm (Thiền sư Thích Thanh Từ), thiền chánh niệm của pháp môn Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh), thiền công án, thiền Tứ niệm xứ, thiền Minh Sát Tuệ v.v… Tuy đồng nhất một mục tiêu thành tựu giải thoát nhưng kỹ thuật và phương thức dụng công, mỗi thiền phái có khác biệt nhau. Do vậy, để thực tập thiền đúng Chánh pháp, các bạn cần phải theo học một trong những thiền phái này, sau đó mới ứng dụng tu tập tại nhà.

Nói cách khác, muốn tu tập bất cứ pháp môn nào, trước hết phải có các bậc thầy nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, kế đến là tham khảo nghiên cứu thêm các kinh sách, chỉ nam liên hệ đến pháp môn để nắm vững các phương pháp và kỹ thuật thực tập. Nếu chưa hội đủ những yếu tố căn bản này mà vội vàng thực tập thì dù cố gắng thật nhiều vẫn khó tiến bộ và không thể đạt đến thành công. Mặt khác, trong quá trình thực tập thiền định, nếu không nắm vững phương pháp và kỹ thuật thì có thể dẫn đến một số rối loạn về hơi thở, thân và tâm cùng với những di chứng khó lường, thường gọi là “Thiền bệnh” hay gọi nôm na là “tẩu hỏa nhập ma”.

Tuy nhiên, hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma” và những liên hệ đến thiền định Phật giáo là điều cần phải bàn. Sau khi tra cứu một số từ điển Phật học thông dụng như Từ điển Phật học Huệ Quang (Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB.Tổng Hợp TP.HCM), Từ điển Phật học Hán Việt (NXB.Khoa Học Xã Hội), Từ điển Thiền tông Hán-Việt (Hân Mẫn-Thông Thiền biên dịch) thì tuyệt nhiên không thấy đề cập đến vấn đề “tẩu hỏa nhập ma”.

Thực ra, “tẩu hỏa nhập ma” là các tai biến xuất phát từ việc luyện tập công phu võ thuật trái với quy luật vận động sinh lý tự nhiên (Có thể vì vậy mà “tẩu hỏa nhập ma” không được đề cập đến trong kinh sách Phật giáo). Theo các nhà luyện công, “tẩu hỏa” là tình trạng khí lực chuyển động bất chấp quy luật và nằm ngoài ý muốn của người luyện công. Các triệu chứng của “tẩu hỏa” bắt đầu với những cơn căng tức ở bụng và ngực kèm theo cảm giác hoa mắt chóng mặt do khí lực di chuyển thái quá đến các bộ phận cơ thể gây ra. Đến một giai đoạn nặng hơn, người luyện công sẽ cảm thấy đau đớn, nóng rực toàn thân và dần mất hẳn sự tự chủ cho đến điên cuồng. “Nhập ma” là trạng thái mê loạn với những ảo ảnh vọng tưởng hoặc không bao giờ có thật của người luyện công. “Nhập ma” được coi là rất nguy hiểm vì chỉ được phát giác ở giai đoạn bệnh đã trở nên nặng nề, khó chữa trị. Đây là quá trình người luyện công dần dần bị lôi cuốn vào những ảo ảnh để rồi lấy giả làm thật, tiến đến trạng thái hôn mê, tán thần và dẫn tới sự điên cuồng vào giai đoạn cuối.

Như vậy, “tẩu hỏa nhập ma” là bệnh của người luyện công vì không tuân thủ các nguyên tắc luyện công, vận khí, điều tâm cũng như quá nôn nóng để thành công hay tham lam luyện nhiều võ công lai tạp. Người luyện công tuy có thực tập thiền nhưng phối hợp với vận khí, khai mở các trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống, hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Và rõ ràng, mục đích tọa thiền của người luyện công hoàn toàn khác với các hành giả thực tập thiền định Phật giáo.

Những thiền giả Phật giáo tu tập thiền định khiến tâm trí tĩnh lặng, thư giãn thần kinh cũng như cơ bắp, giúp hơi thở nhẹ, đều và sâu hơn nên sức khỏe được cải thiện rõ rệt. Mặt khác, các phương pháp thiền định Phật giáo không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào, xả ly hết tham ái và phiền não nên rất an toàn và hoàn toàn có thể tránh được tai biến “tẩu hỏa nhập ma” mà một số nhà luyện công mắc phải.

Chúc các bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

TU TẬP XẢ LY PHẢI CHĂNG LÀ VÔ CẢM?

HỎI: Người tu lập nguyện xả ly, buông bỏ hết mọi thứ tạp niệm, tâm không vướng bận, không màng chuyện thế sự, vậy điều đó có phải là vô cảm không? Đạo Phật dạy mọi người hãy xem nhẹ mọi chuyện, đừng bám víu, hãy xem mọi thứ là Không thì sẽ chẳng dính mắc, nhưng tôi không biết làm thế nào mới là đúng? 

Đơn cử như khi đi đường gặp cảnh cướp giật nếu không giúp người đuổi cướp sẽ bị gọi là vô cảm, hèn nhát, còn đuổi theo thì có phải là động tâm, bị sân si chi phối không? Một việc khác, như người trong gia đình bị kẻ xấu hãm hại, mình không can thiệp thì không thương gia đình, nhưng mình trả thù thì có đúng không? Thật khó quá khi không làm gì thì bị coi là vô cảm, còn can thiệp vào thì tâm chưa tịnh.

(NAM, nam.torres_t9@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn Nam thân mến!

Trước tiên cần minh định rằng, xả ly và vô cảm là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau. Vô cảm là không có cảm xúc, tâm trơ lì với mọi người, mọi sự trong cuộc sống. Người vô cảm tâm không còn rung động, thờ ơ và dửng dưng trước những khổ đau của người khác. Xả ly là tâm buông bỏ, không dính mắc vào ngũ dục (tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ), không chấp thủ vào cái “tôi và tự ngã của tôi”; một tâm thái tự do với đầy đủ trí tuệ và từ bi. Nói cách khác vô cảm là biểu hiện của tâm si mê, vô minh, còn xả ly là biểu hiện của minh triết, trí tuệ.

“Nguyện xả ly, buông bỏ hết mọi thứ tạp niệm” là không tham lam, sân hận, si mê… phiền não, tâm luôn tràn đầy hoan hỷ, yêu thương, dấn thân phụng hiến, lợi mình và người. Người tu “không màng chuyện thế sự” nên hiểu là những thăng trầm, vinh nhục, khen chê ở đời không tác động hay chi phối lên tâm bình an của họ, hoàn toàn khác tâm lý an phận, trốn đời kiểu “mũ ni che tai” vốn không phải là hạnh xả ly (luôn có mặt đồng thời với từ-bi-hỷ-xả) của Phật giáo.

Đạo Phật dạy quán Không, tức nhìn thật sâu sắc vào các pháp để thấy như thật về tính chất duyên sinh của chúng. Vạn pháp do duyên sinh nên vô thường, do duyên khởi nên vô ngã. Phàm đã vô thường, vô ngã thì sự vật hiện tượng tuy có đó nhưng chỉ là giả có, không chắc thật nên không bám víu, không dính mắc. Đây là một tuệ giác lớn, là một sự thật khách quan, cần phải quán chiếu thâm sâu mới ngộ ra được. Khi đã có tuệ giác trực nhận tánh Không thì luôn tự tại, thảnh thơi, vui sống vì mọi người, vì cuộc đời.

Người có tâm xả ly luôn phát huy tuệ giác để ứng xử thích hợp với từng hoàn cảnh trong cuộc sống. Cụ thể như gặp cảnh cướp giật, người tu liền vận dụng trí tuệ phân tích tình huống, lượng sức mình để chọn giải pháp như: đánh đuổi bọn cướp, gọi cơ quan chức năng, kêu gọi mọi người cùng ứng cứu, giúp đỡ người bị hại…, làm tất cả khả năng có thể để cứu người với tâm từ bi mà không hề có chút sân hận. Điều này hoàn toàn khác với người sân si hay vô cảm.

Trường hợp khác, nếu người thân của mình bị hại thì mình cũng tìm mọi cách để lấy lại sự công bằng, đem sự việc ra ánh sáng nhưng điều đó hoàn toàn không phải là hành động “trảthù”. Người có tâm xả không hề tồn tại ý niệm trả thù mà chỉ theo lương tâm, trách nhiệm và lòng từ bi để làm sáng tỏ công lý, để ứng xử và đối đãi với mọi người, kể cả thủ phạm gây oan nghiệp cho người thân của mình.

Cần nói thêm rằng, có một số trường hợp nhìn vào hình thức bên ngoài thì người tu hạnh xả ly và người vô cảm có biểu hiện khá giống nhau nhưng bên trong tâm thức của họ lại khác biệt nhau. Đơn cử như trước sự được mất của bản thân, người tu hạnh xả ly thấy rõ tính chất huyễn ảo của cuộc sống nên tâm không động, bình thản mà tiếp tục phụng hiến làm đẹp cho đời. Ngược lại, người vô cảm tâm cũng không động nhưng chẳng có động thái nào dấn thân phụng sự cả. Và trước sự được mất của người khác, người vô cảm thì dửng dưng còn người tu hạnh xả ly quán thấu nhân quả-nghiệp báo của họ nên bình thản an nhiên, chỉ tìm cách sẻ chia hay giúp đỡ trong khả năng có thể.

Nói chung tâm xả ly là biểu hiện của trí tuệ, có trí mới buông bỏ được. Bốn tâm vô lượng từ-bi-hỷ-xả luôn có mặt trong nhau, tương tức với nhau nên xả ly có mặt thì từ, bi, hỷ đồng thời hiện hữu. Vậy nên xả ly hoàn toàn khác biệt với vô cảm. Vì vậy, bạn hãy phát huy trí tuệ, thấy bản chất các pháp là tánh Không mà xả ly. Buông xả càng nhiều thì hạnh phúc, an vui càng lớn.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

TÂM Ở ĐÂU?

Tỳ Kheo Thích Phước Thái

Hỏi: Kính bạch thầy, trong lúc chúng con bàn bạc nói về tâm, thì một bà bạn hỏi con, chị nói tâm mà chị có biết tâm ở đâu không? Con đành ngậm miệng nín thinh không biết phải trả lời ra sao. Vậy kính xin thầy giải đáp cho chúng con được rõ.

Đáp: Phật tử nín thinh không trả lời cũng phải. Bởi vì ngay câu hỏi của bà bạn đó đã sai rồi. Nếu Phật tử có trả lời thì Phật tử cũng sai luôn. Thí như có người hỏi Phật tử: không khí ở đâu? Hỏi thế, thì Phật tử làm sao trả lời. Biết không khí ở đâu mà trả lời. Tâm của chúng ta cũng giống như không khí. Nói giống là vì không khí, không có hình tướng chỗ nơi. Nó bàng bạc trùm khắp tất cả. Tâm ta cũng thế. Nhưng tâm có khác hơn không khí là ở chỗ không khí thì vô tri, nhưng tâm lại là hữu tri, nghĩa là có cái “Biết” rõ ràng.

Chính vì cái biết không hình tướng, nên nó không có chỗ nơi cố định. Nhưng, người hỏi thì muốn biết chỗ trú ngụ của nó, cũng như muốn biết chỗ trú ngụ của không khí. Mà tâm hay không khí làm gì có nơi chốn để trú ngụ. Tuy nhiên, đứng về mặt học thuật trao đổi tìm hiểu, thì chúng tôi cũng xin tạm giải thích đôi điều. Kỳ thật, thì câu hỏi đó đã sai rồi. Nếu đặt câu hỏi: thế nào là tâm vọng? và thế nào là tâm chơn? Hỏi như thế, thì chúng ta còn có thể dễ trao đổi bàn bạc với nhau hơn.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Tôn giả A nan đã hỏi Phật bảy lần về chỗ trú ngụ nơi chốn của tâm, tất cả đều bị Phật bác hết. Vì Ngài A nan cũng muốn biết cái tâm nó ở chỗ nào. Nên bảy lần Ngài nêu ra bảy nơi: “Tâm ở trong thân, ở ngoài thân, tâm ẩn trong con mắt, trở lại cho tâm ở trong thân, tâm tùy chỗ hòa hợp, tâm ở chính giữa, cuối cùng, Ngài cho chỗ không dính mắc đó là tâm. Cứ mỗi lần Ngài nêu ra mỗi nơi, tất cả đều bị Phật bác hết”. Sau đó, Ngài hốt hoảng kinh sợ không lẽ mình không có tâm. Mà nếu không có tâm thì làm sao biết tu hành thành Phật? Đó là chỗ hoang mang thật khó hiểu. ( Nên nhớ, Ngài A nan chỉ là đại diện cho chúng sanh để thưa hỏi thôi, chớ không phải Ngài dốt nát như chúng ta ).

Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh, chuyên thuyết minh giải bày cặn kẽ về chân tâm và vọng tâm. Muốn biết chân tâm, thì chỉ cần hết vọng thì chân hiện. Thí như vẹt hết mây mù thì ánh trăng sáng hiện ra. Như vậy, tu hành ta không cần phải tìm cầu chân tâm, vì có ý niệm tìm cầu là đã sai rồi. Ngài Tú Tài Trương Chuyết nói: “Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh, thú hướng chân như tổng thị tà” . Nghĩa là, có ý niệm đoạn trừ phiền não, thì đó là càng thêm bệnh. Vì phiền não tự tánh vốn không. Đã không, thì đoạn trừ cái gì? Chính cái ý niệm khởi lên muốn đoạn trừ, đó là bệnh rồi. Còn có khởi ý niệm tìm cầu chân như thì đó cũng là tà ngoại. Vì sao? Vì tánh giác không phải là đối tượng để mong cầu. Vừa khởi ý niệm là đã trái với tánh giác rồi. Như vậy, chơn tâm là một thực thể thanh tịnh sáng suốt hằng hữu. Vì nó vốn không có hình tướng, giống như hư không, nên bất sanh bất diệt… Một thực thể trùm khắp pháp giới như vậy, thì làm gì có chỗ nơi mà tìm cầu. Tuy nhiên, tâm vọng khi dấy khởi thì nó có bóng dáng hình tướng. Đó là do vì, nó duyên với sáu trần mà có ra hình bóng, rồi chúng ta lại lầm chấp những cái bóng dáng đó cho là tâm thật của chính mình. Còn cái thể chơn tâm vắng lặng rỗng suốt hằng hữu thì chúng ta lại quên mất. Do đó, nên Phật thường quở trách chúng ta là những kẽ si mê tăm tối. Chúng ta vọng nhận cái tâm giả dối dấy lên từng chập, từng hồi, thì lại cho đó là tâm mình. Vì vọng chấp như thế, nên chúng ta mới theo nó mà tạo nghiệp luân hồi thọ khổ.

Nói rõ hơn, cùng là cái thấy biết, nhưng nó có hai phương diện, giống như đồng tiền cắc có hai mặt ( tạm dụ như thế): cái biết do theo cảnh phân biệt thương ghét, phải trái, tốt xấu, hay dở v.v… thì đó là cái biết vọng. Còn cái biết mà không theo vọng duyên phân biệt, nhưng vẫn thường hằng chiếu liễu, thì gọi đó là cái biết chơn, tức vô phân biệt. Kinh Lăng Nghiêm có đoạn Phật dạy Tôn giả A nan: “Nhược ly tiền trần hữu phân biệt tánh, tức chơn nhữ tâm”. Nghĩa là, nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái “suy nghĩ phân biệt” nầy vẫn còn, thì mới thật là chơn tâm của ông. Trong kinh thường gọi là chơn tâm hay chơn như. Tuy biết mà không có bóng dáng hình tướng, tự thể làu làu trong sáng vắng lặng vậy.

Cái biết nầy khác hơn cái biết vọng là ở chỗ phân biệt và vô phân biệt. Tuy nhiên, ta nên lưu ý, nó không phải là hai thực thể riêng biệt. Nói một là sai mà nói hai thì không đúng. Như sóng và nước không thể tách rời ra. Nhưng khi sóng nổi lên, thì ta không thể nói sóng là nước. Nhưng khi sóng lặng thì toàn thể tánh nước hiện bày. Cũng thế, khi cái biết dấy khởi lên phân biệt cảnh duyên, thì nó là hiện tượng giả dối, tạm gọi nó là vọng tâm. Cái biết nầy giống như hiện tượng của sóng. Khi cái biết nầy lặng xuống, thì cái biết “không phân biệt” nói gọn là “Tánh không”, toàn thể hiện bày. Như sóng tan thì nước hiện, mây tan thì trăng hiện. Vì thế, trong kinh thường nói: “phiền não tức Bồ đề, hay sanh tử tức Niết bàn” chính là ý nầy. Một thực thể không hình, không tướng, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch v.v… nghĩa là vượt ra ngoài đối đãi nhị nguyên như thế, thì làm gì có nơi chốn mà hỏi tâm ở đâu.

Lạy Phật cách nào đúng?

Lạy Phật theo cách “ngũ thể đầu địa” là thể hiện lòng tôn kính nhất.

HỎI: Tôi được biết lạy Phật nên theo cách “ngũ thể đầu địa”, đại thể là hai chân, hai tay và đầu đụng mặt đất, tâm thanh tịnh và trang nghiêm. Tuy nhiên thực tế tôi thấy nhiều người lạy Phật với những cách thức khác nhau: Có người ngửa hai lòng bàn tay, trán cúi đặt vào lòng bàn tay. Có người thì úp hai bàn tay xuống đất, trán cúi đặt vào lưng bàn tay. Có người thì trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán. Có người khi cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc. Có người cúi lạy xuống thì ngẩng đầu lên ngay. Tôi không biết cách lạy nào đúng? Ý nghĩa của cách thức lạy ấy thế nào? Kính mong quý Báo hướng dẫn.

(CHÁNH TÂM, tanlochappy@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Bạn Chánh Tâm thân mến!

Đúng như bạn nói, lạy Phật theo cách “ngũ thể đầu địa” là thể hiện lòng tôn kính nhất. Ngũ thể đầu địa có nghĩa là năm vóc (đầu, hai tay và hai chân) gieo sát đất. Theo Phật Quang đại từ điển, tập 3, dẫn sách Đại Đường Tây Vực ký (quyển 2), nói về cách lạy Phật “năm vóc gieo xuống đất” gồm: Trước hết, quỳ gối bên phải (gồm toàn bộ gối, cẳng chân và mu bàn chân) sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc, như thế gọi là một lạy.

Điều cần lưu ý là động tác “hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán”. Động tác này biểu thị cho việc hai tay người lạy nâng bàn chân của Thế Tôn cung kính đảnh lễ . 

Cho nên, cách lạy này còn gọi là “đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” (đầu mặt chạm chân Thế Tôn cung kính lễ lạy). Như vậy, cách lạy mà bạn mô tả “trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán” là đúng với cách lạy “ngũ thể đầu địa”.

Một điều nữa cần lưu tâm là “đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc”. Việc cúi lạy rồi “giữ yên một lúc” là rất cần thiết vì không chỉ thân mà cả tâm đều cung kính lễ. Do đó, cần một khoảng thời gian để dốc hết tâm tư cung kính lễ lạy Phật. Lạy Phật nên chậm rãi, thong thả mới trang nghiêm và thành kính. Nên, những ai “cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc” là đúng với quy cách lạy “ngũ thể đầu địa”.

Theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao, khi kính lễ Tam bảo năm vóc gieo sát đất có ý nghĩa nhiếp phục sự kiêu mạn và tỏ lòng thành kính: 1. Khi gối bên phải sát đất nguyện cho chúng sanh được đạo chánh giác. 2. Khi gối bên trái sát đất, nguyện cho chúng sanh không khởi tà kiến ngoại đạo, tất cả đều an trụ trong đạo chánh giác. 3. Khi tay phải sát đất, nguyện như Thế Tôn ngồi tòa kim cương, đại địa rúng động, hiện bày tướng lành, chứng nhập đại Bồ-đề. 4. Khi tay trái sát đất, nguyện cho chúng sanh xa lìa ngoại đạo, khiến họ vào chánh đạo. 5. Khi đỉnh đầu sát đất, nguyện cho chúng sanh lìa tâm kiêu mạn, đều được thành tựu vô kiến đỉnh tướng.

Chúc bạn tinh tấn!

ĐẠO NÀO CŨNG LÀ ĐẠO

Tâm Diệu biên soạn

Có người cho rằng “đạo nào cũng là đạo”. Câu nói này thoạt nghe qua có vẻ hợp lý và là một ý tưởng hấp dẫn. Nếu hiểu theo một cách đơn giản, trong phạm trù luân lý đạo đức là đạo nào cũng dạy con người làm lành tránh dữ, thì câu này rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy xét và nhận định lại quan niệm đó qua lăng kính tôn giáo.

Trước hết có thể nói ngay rằng câu “đạo nào cũng là đạo” hay “đạo nào cũng tốt” chỉ là một câu nói xã giao thông thường hoặc để làm vừa lòng khách, vui lòng bạn hay có thể do sự thiếu thông tin về sự khác biệt giữa các tôn giáo. Trong phạm vi bài này người viết thu gọn về sự khác biệt căn bản giữa hai tôn giáo lớn có đông đảo tín đồ tại Việt Nam là Kitô Giáo [01] và Phật Giáo để giúp cho những người đang đứng ở giữa ngã ba đường tầm Đạo với ấn tượng đạo nào cũng tốt để nhận thấy con đường nào phải lựa chọn. Việc chọn lựa là quyền của mỗi người. Dĩ nhiên mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Người viết chỉ xin chúng ta suy nghĩ đến sự thật.

Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần ghi nhận rằng, Phật Giáo là một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo khác trên thế giới về mặt tư tưởng triết học. Phật Giáo không chấp nhận giả thuyết có một vị Trời hay một vị Thượng Đế sáng tạo, không có giáo điều, không có một linh hồn bất tử vĩnh hằng, và không có một đấng quyền năng sáng tạo nào ngự trị trong cái gọi là định mệnh hay số mệnh của mỗi con người. Vì thế, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, ý niệm về một “nguyên nhân đầu tiên” không hề được đặt ra để lý giải do bởi ý niệm về tánh không và duyên khởi.

Điểm khác biệt căn bản đầu tiên giữa hai đạo là Niềm Tin Tôn Giáo:

Đối với Kitô Giáo, Đức Tin là cốt lõi của đạo. Nếu không tin thì không thể trở thành một Kitô hữu được. Không tin thì không thể thực hành những gì mà đạo Kitô đòi hỏi được. Đức Tin được ghi trong bản Kinh Tin Kính của các Tông Đồ (Apostle's Creed) thường gọi tắt là Kinh Tin Kính. “Tôi tin kính Thiên Chúa, là Cha toàn năng, là Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. [02]

Đối với Phật Giáo, vị sáng lập tôn giáo này – Đức Phật Thích Ca – khuyên những người muốn theo Ngài chớ có tin một điều gì chỉ vì điều đó đã được một bậc đạo sư của mình nói ra, được phát xuất từ nơi có uy quyền, được kinh điển truyền tụng hay theo truyền thống từ xưa để lại; mà phải dùng lý trí và sự thông minh của mình để cứu xét và chỉ chấp nhận điều gì khi đã trải nghiệm được hạnh phúc an lạc. Ngài nói rằng “Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”. Điều này đã khuyến khích những người muốn đi theo Ngài hãy nghiên cứu kỹ càng những lời dạy của Ngài và để cho họ tự do quyết định là có nên chấp nhận những điều chỉ dạy đó không. Ngài không bảo ai đến và chấp nhận tôn giáo này nếu họ chưa hiểu những lời dạy của Ngài.[Kinh Kalama] [03].

Nói gọn lại Kitô Giáo là tôn giáo của “đức tin” (faith) và Phật Giáo là tôn giáo của “lý trí” (trí tuệ). [4]

Điểm khác biệt thứ hai giữa Kitô Giáo và Phật Giáo là quan niệm về giải thoát.

Đối với Kitô Giáo, thì sự giải thoát là sự "giải thoát khỏi tội lỗi qua một Đấng Cứu Rỗi". Giáo lý giải thoát này được đặt trên căn bản một số tín điều mà các tín hữu Kitô Giáo phải tin, và đức tin này là tuyệt đối, bất khả tranh cãi, bất khả luận bàn. Vì thế muốn được giải thoát, tín hữu Kitô Giáo phải tin vào nhiều tín điều được ghi trong Kinh Tin Kính của các Tông đồ (Apostle’s Creed). Chúa Giê-xu là nền tảng, là Tác giả và là Đấng duy nhất có quyền ban cho sự Cứu Rỗi (Rôma 3:24, 25; 5:21; Công Vụ 4:12; Hêbơrơ 12:2). Những ai không tin nhận Chúa Giê-xu sẽ không được tha thứ tội lỗi và sẽ chịu phạt nơi hoả ngục.

Đối với Phật Giáo, đạo Phật cho rằng cuộc đời này là giả tạm và chúng sinh cứ phải sống trong đau khổ vì lòng tham dục vô bờ bến, khiến con người tự mình trói buộc với những xung đột và khổ đau do không bao giờ thoả mãn, nên phải luân hồi triền miên trong vòng sinh tử. Do đó nếu muốn, con người có thể tự mình giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi bằng các nỗ lực tu tập bản thân: làm lành, tránh ác và tự thanh tịnh hoá tâm ý. Bốn chân lý nền tảng của Phật giáo (Tứ Diệu Đế) cho rằng mọi khổ đau của chúng sinh đều có một hay nhiều nguyên nhân gây nên, chúng có thể bị giải trừ và có con đường để giải trừ khổ đau đó. Con đường đó chính là con đường giải thoát, là Bát Chánh Đạo trong giáo lý căn bản của nhà Phật. Giáo lý này được qui thành ba môn học: Giới, Định và Tuệ. Thực hành Giới và Định là đưa tới trí Tuệ, là giải thoát khỏi sự mê muội, lòng ích kỷ và khổ đau, là đạt tới cảnh giới Niết Bàn.

Đó là nét đại cương sự khác biệt giữa giải thoát trong Phật Giáo và trong Kitô Giáo. Cái căn bản khác biệt này là, một bên là tha lực tức nhờ sự cứu rỗi, bên kia là tự lực, tự mình thắp đưốc lên mà đi. Với Phật Giáo, triết lý của đạo này là một triết lý sống, bởi vì nó là một chân lý giải thoát mà chỉ có ai thực hành nó mới đạt được nó, hiểu được nó trọn vẹn, người Phật tử phải tự mình tu tập để tiến tới giải thoát. Chính Đức Phật dạy, "Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân chúng ta”. Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tạo ra nguyên nhân và hậu quả. Số phận của chúng ta nằm trong tay chúng ta, không phải trong tay của Trời/Thượng Đế cũng không phải trong tay của Đức Phật. Với Kitô Giáo, vì là một tôn giáo cứu rỗi, con người chỉ cần đặt tất cả vào một niềm tin duy nhất ở một đấng siêu nhiên để mong cầu được giải thoát cho mình: "Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban con duy nhất (sic) của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời." (Crossing The Threshold of Hope, trang 76),

Điểm khác biệt thứ ba giữa hai đạo là thuyết Sáng Tạo:

Kitô giáo tin có một Thiên Chúa duy nhất, và là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã dựng nên và điều khiển toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình. Cuốn Genesis (Sách Sáng Thế), một trong những kinh Thánh Cựu Ước viết rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và muôn vật và loài người trong 7 ngày. Vì thế tín hữu Ki Tô giáo tin rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó.

Đối với Phật Giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyênhòa hợp mà hiển hiện, biến đổi vô thường. Thế giới này, về bản chất, chỉ là một dòng biến ảo vô thường, không do một Đấng toàn năng nào sáng tạo. Sở dĩ vũ trụ vạn vật biến hóa vô thường chính là do vạn vật trong vũ trụ chịu sự chi phối của luật nhân quả. Cái nhân nhờ có duyên mà trở thành quả, quả lại là nhân mới, nhờ có duyên trợ giúp mà trở thành quả mới… Cứ như vậy, vạn vật trong thế giới cứ sinh hóa biến hiện không ngừng theo quá trình thành, trụ, hoại, không.

Điểm khác biệt thứ tư giữa hai đạo là vị sáng lập ra tôn giáo.

Đối với Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài.

Đối với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thật, có một tiểu sử rõ ràng được cả thế giới công nhận. Ngài đã thực sự sống trên thế giới này, Ngài không tự xưng mình hay các đệ tử của Ngài tôn xưng Ngài là đấng toàn năng, đấng tạo hóa hay là Thượng Đế v.v. Ngài là người đã giác ngộ hoàn toàn và triệt để (toàn giác), là vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào. Ngài là một người như mọi người khác, nhưng chính nhờ nỗ lực tu tập cá nhân, Ngài đã tìm ra được con đường giải thoát. Sau khi giác ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua quan cho đến thứ dân, kẻ khốn cùng đều được giác ngộ như Ngài. Cho nên Ngài đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ngài là người hướng đạo, chỉ dẫn đường lối cho những ai muốn tu tập, Ngài không thể tu tập thay cho chúng sinh mà con người phải tự mình tu tập mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được. Cho nên Ngài đã nói: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài khuyên hãy nên nương tựa vào chính mình và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính bản thân mình.

Nói tóm lại, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với Kitô Giáo nói riêng, các truyền thống tín ngưỡng lớn khác trên thế giới nói chung là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp (duyên sinh), do đó không hề có một Đấng Sáng Tạo. Ngoài ra, với Kitô Giáo, Thiên Chúa chính là Chân Lý, là hơi thở, là con đường giải thoát, bất cứ ai đến với Ngài, tin nơi Ngài sẽ được cứu rỗi. Với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là bậc Đạo Sư đã tìm ra con đường giải thoát, hướng dẫn những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ trầm luân, hãy đi theo con đường mà Ngài đã kinh qua. Ngài chỉ là người dẫn đường, còn người đi theo phải tự mình làm chủ, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không nương nhờ ở bất cứ đấng Thần quyền nào để được giải thoát.

Tâm Diệu

[01] Kitô giáo bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo với các dị biệt văn hóa cũng như hàng ngàn xác tíngiáo phái khác nhau. Trải qua hai thiên niên kỷ, Kitô giáo tự hình thành nên ba nhánh chính: Công giáo Roma, Chính Thống giáo Đông phươngKháng Cách (Protestantism). Tính chung, đây là tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 2,1 tỉ tín hữu (chiếm khoảng 34% dân số thế giới). (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

[02] Kinh Tin Kính các Tông Đồ, cũng gọi là Biểu Tín các Tông Đồ, là kinh Tin Kính xưa nhất, có từ thế kỷ thứ II. Bản này tổng hợp các công thức đã có trước đó. Từ thế kỷ thứ VI, bản này có hình thức như ngày nay. Đây là bản tuyên xưng những tín điều chính yếu nhất khi chịu phép Rửa.

[3] Kinh Kalama (trong Kinh Tăng Chi Bộ III.65)

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-11426_5-50_6-1_17-78_14-1_15-1/kinh-kalama-anh-viet-thanissaro-bhikkhu-thich-minh-chau.html

[4] Theo định nghĩa trong tự điển thì Faith hay Đức Tin là "sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực" (Firm belief in something for which there is no proof.) Định nghĩa của Reason hay Lý Trí trong tự điển là "khả năng có những tư tưởng hợp lý, suy lý, hoặc phân biệt" (The capacity of rational thought, inference, or discrimination) hay "suy xét đúng, phán đoán hợp lý" (good judgment, sound sense). Theo những định nghĩa trên thì hiển nhiên là Đức Tin Ki-Tô Giáo và Lý Trí của Phật Giáo là hai từ có nghĩa loại trừ hỗ tương (mutual exclusive), có cái này thì không có cái kia. Thật vậy, khi chúng ta dùng lý trí để xác định và chấp nhận một điều gì thì chúng ta không cần đến đức tin, và khi chúng ta tin vào điều gì mà không cần biết, không cần hiểu, thì lý trí trở nên thừa thãi.

TRỌNG GIỚI VÀ “Y LUẬT XỬ TRỊ” CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

TRỌNG GIỚI
VÀ “Y LUẬT XỬ TRỊ” CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

HỎI:

Trong cáo bạch từ nhiệm ngôi vị Tăng Thống GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Quảng Độ có nói “Y luật xử trị” một vị tăng phạm trọng giới theo giáo luật Phật chế. Vậy xin cho hỏi Trọng giới là gì và “Y luật xử trị” là nghĩa gì? (phamtlan1979…@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Theo sử sách ghi lại, trong 12 năm đầu, đức Phật chưa chế ra giới, vì chưa có chuyện gì rắc rối xẩy ra trong Tăng đoàn, có thể tạo nên sự bất hòa và gây cản trở cho sự tu tập của tăng ni.

Nhưng vào năm thứ 13, có xẩy ra chuyện Na Đề Tử ân ái với vợ cũ, cho nên Phật mới bắt đầu chế giới. Mỗi khi chế một giới, ngài lại nói 10 lợi ích của việc chế giới đó: "Vì sự kiện toàn của Tăng già, sự trường tồn của Chánh Pháp, sự an lạc của Tăng chúng, sự tăng trưởng của lòng tin, sự đoạn diệt phiền não trong hiện tại và tương lai... "

Cứ như vậy, mỗi khi xẩy ra một sự việc, Ngài lại chế thêm một giới, và dần dần số giới mỗi ngày một gia tăng, đa số là giới nhẹ (Khinh Giới) và một số ít là giới nặng (Trọng Giới). Trong 4 trọng giới đầu tiên được chế ra, giới Không Được Dâm Dục là giới đứng hàng đầu đối với người xuất gia.

Nguyên do vì Na Đề Tử là một đệ tử xuất gia của đức Phật, xuất thân từ một gia đình giầu có. Năm đó bị hạn hán mất mùa, dân tình đói kém, Tăng đoàn phải phân tán nhau đi các vùng chung quanh khất thực. Tình cờ, Na Đề Tử đi ngang quê mình, vào nhà khất thực. Mẹ của ông gặp lại con mừng rỡ, khóc lóc, năn nỉ ông ở lại, đừng đi tu nữa. Ông một mực từ chối. Cuối cùng, bà mẹ van xin ông để lại cho bà một đứa cháu để nối nghiệp gia đình và lo hương khói tổ tiên. Vì thương mẹ, cho nên Na Đề Tử chấp thuận ái ân một lát với người vợ cũ, rồi từ giã mẹ về với Tăng đoàn. Tưởng là chuyện đã xong, nhưng từ đó Na Đề Tử ăn năn, hối hận, ăn ngủ không yên, thân hình tiều tụy. Thấy vậy, các vị Tỳ-kheo khác hỏi lý do tại sao, Na Đề Tử kể chuyện đó cho họ hay. Họ đem chuyện bạch lên đức Phật, ngài liền quở trách và chế ra từ đó giới thứ nhất là bất dâm, tức là hàng xuất gia không được có quan hệ tình dục, ngay cả với vợ chồng cũ của mình. Đối với người cư sĩ, thì không được tà dâm, tức là có quan hệ tình dục bất hợp pháp.

Theo Tứ Phần Luật, Giới bổn của Tăng thì vị Tỳ kheo mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ đề cập đến trong cáo bạch đã phạm 2 trong 4 trọng giới là giới Dâm và giới Vọng, là những giới nặng nhất, phạm vào thì mất tư cách Tỳ-kheo, không làm sao cứu vãn được nữa, phải trở về với thế tục làm ăn sinh sống như một người cư sĩ, vì thân tâm người này bất tịnh, thuật ngữ Phật giáo gọi là Ba la di tội. Ba la di tội tương đương với tội tử hình của luật thế gian (có nghĩa là giống như người đã bị chặt đầu, không thể dùng thuốc để cứu chữa được nữa. Ba la di gồm 4 tội: 1) đại dâm dục, tức là giao hợp với người khác phái, và ngay với cả người cùng phái, với súc vật; 2) lấy của người ta không cho, trộm cắp; 3) sát hại mạng người, đồng lõa giết người, và ngay cả khuyến khích sự chết; 4) đại vọng ngữ, tức là mạo nhận có thần thông.

Đó là ý nghĩa của trọng giới và biện pháp xử lý với người phạm giới được gọi là “Y luật xử trị”, tức y theo giới luật Phật chế ra mà xét xử.

Ban Biên Tập

ĐI TU LÁNH ĐỜI HAY ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CUỘC SỐNG?

Đi tu hay không đi tu là “duyên” của mỗi người trong cuộc sống. Nhưng, theo thầy Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Trúc Lâm Thiền viện Tây Thiên không phải cứ ai muốn đi tu đều được chấp nhận…

(Hình bên: Thầy Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Trúc lâm Thiền viện Tây Thiên)

Đi tu phải được sự đồng ý của người thân

Như chúng tôi đã có bài phản ánh về việc một số ông chồng tự nhiên đòi xuống tóc đi tu trước sự ngỡ ngàng của người thân. Phân tích ở góc độ tâm lý, hành động này là hành vi chạy trốn. Nhưng, ở góc độ người trong cuộc, thầy Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Trúc lâm Thiền viện Tây Thiên chia sẻ: Đối với đạo Phật, người được xuất gia là một đại nhân duyên, Người có túc duyên nhiều đời thì không còn tâm ham muốn hưởng thụ ngủ dục nên mới xuất gia chịu cảnh ăn uống kham khổ, mặc đồ nâu sòng, hoại sắc. Những ai còn ham muốn ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) thì khó đi trọn đường tu.

Ngoài ý chí nguyện lực của mình, người xuất gia còn phải được sự cho phép của cha mẹ và chính quyền địa phương thường trú (nếu là vị thành niên (dưới 18 tuổi), nếu đã có gia đình thì phải có sự đồng ý, sự cho phép của chồng hoặc vợ. Đây là điều mà giáo hội Phật giáo ViệtNam và Hiến chương Phật giáo đã qui định, người xuất gia thọ giới pháp (phải có đơn xin xuất gia, đơn cho phép của cha mẹ, hoặc chồng – vợ , và xác nhân của Chính quyền địa phương thường trú, thì mới được cứu xét đơn cho thọ giới phẩm để tu. Khi vào đạo rồi còn biết bao nghịch cảnh, chướng duyên thử thách, khiến nhiều người không đi trọn được con đường hướng đến giác ngộ, giải thoát mà mình đã chọn trước đó.

Đi tu chỉ là một trong nhiều lựa chọn trong cuộc sống

Việc một số người chọn cách đi tu, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chỉ là một trong nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Bởi, trên thực tế, có nhiều người chọn cách đối đầu với cuộc sống thực tại. Bằng chứng là cũng có những người chọn cách cực đoạn: tự tử để giải quyết nỗi đau của cuộc sống; có người bằng lòng với cuộc sống thực tại của bản thân mình… Trong muôn vàn chọn lựa về cách sống của mỗi người, những người chọn cách xuống tóc đi tu theo Thầy Thích Kiến Nguyệt, là vì mỗi người có một cái “duyên” riêng.

Theo phân tích của thầy Thích Kiến Nguyệt, trong thời gian vừa qua đất nước chúng ta có chiến tranh, nên có nhiều người hoạt động cách mạng không thành công bị địch truy lùng, vào chùa ẩn dương nương Phật, có người trốn quân dịch, cũng có người thất tình, làm ăn thất bại, thất chí, tuổi già không con cháu nương tựa… Từ đó có nhiều người xem đạo Phật là tôn giáo bi quan yếm thế.

Tuy nhiên, đối với những người có “túc duyên nhiều đời” (những người nhiều đời là thầy tu), lại mang nhiều ý nghĩa. Việc chọn lựa xuống tóc đi tu của một số người là bởi quan niệm đến với đạo Phật là để thực hành lời Phật dạy rồi tự mình “ngộ” ra vấn đề, thấy được chân lý. Từ đó mới hiểu được tại sao một vị hoàng đế anh hùng của dân tộc, đang hưởng thụ ngũ dục cao nhất, đang nắm quyền lực cao nhất mà lại từ bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho con (trường hợp đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, năm Ngài 35 tuổi), chắc hẳn không phải đi tu để trốn chạy cuộc đời thực của mình, để đi tìm hạnh phúc ảo tưởng nào đó.

Vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống này của mỗi con người là trách nhiệm trước bản thân, gia đình và xã hội. Nếu mỗi người đều muốn làm những điều tốt đẹp cho bản thân và vẫn nghĩ đến cộng đồng, xã hội thì cuộc sống của mỗi người sẽ thực sự có ý nghĩa hơn và cùng hướng đến một mục tiêu, làm cái gì đó để ngày mai tốt đẹp hơn.

Trúc Dân

MỘT SỰ NGỘ NHẬN VỀ LUẬT NHÂN QUẢ

Thích Phước Thái

Hỏi: Kính thưa thầy, con không phải là người tu theo đạo Phật, nhưng lâu nay con nghe nói nhiều về luật nhân quả của đạo Phật và duyên nghiệp nhiều đời trồng chéo lên nhau. con thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình. Con có một cá tánh là khi biết người khác đối xử xấu với mình, con thường im lặng và tìm cách tránh chớ không nói. Như vậy, đối với luật nhân quả con có phạm hay không? Kính mong thầy giải thích.

Đáp: Trong câu hỏi của bạn, nếu phân tích thì tôi thấy có ba vấn đề chi tiết cần được trao đổi chia sẻ:

Thứ nhứt, theo bạn nói: “bạn thấy có nhiều người nói về nhân quả, nhưng thường thì họ chỉ nói chứ ít khi nào áp dụng vào đời sống của mình”. Điều nầy, tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhưng thưa bạn, trên đời nầy ít có mấy ai thật hành đúng theo hết những gì mà mình đã nói. Giữa lý thuyết và thật hành, thật khó mà song hành hợp nhứt với nhau. Nói thì rất dễ nhưng làm thì rất khó. Vì thế, nên sách Nho có câu: “Thuyết dị, hành nan” hay “năng thuyết bất năng hành”. Lý thuyết bao giờ cũng đi xa hơn hành động. Nếu nói và làm đi đôi với nhau, thì cõi đời nầy chắc không còn ai chịu nhiều đau khổ nữa. Do đó, nên ta thấy các bậc Cổ Đức, thường các ngài ít nói, và chỉ nói những gì trong phạm vi khả năng mà các ngài có thể thật hành được thôi. Bởi vậy, nên các ngài rất cẩn trọng ở nơi lời nói.

Trong đạo Phật có câu nói: “Tri hành hợp nhứt”. Câu nói nầy nhằm để cảnh tỉnh khuyến tấn, nhưng trên thực tế thì ít có mấy ai làm đúng. Chính vì không hợp nhứt, nên đôi khi trở thành là kẻ nói khoát. Hiểu biết tuy cũng rất cần thiết, nhưng nó chỉ đem lại lợi ích cho phần sở tri kiến giải của mình thôi. Cũng như người có đôi mắt thật sáng, nhìn xa thấy rộng, họ có thể nói đông nói tây đủ thứ chuyện trên đời, nhưng nhìn lại, thì họ vẫn còn dặm chân tại chỗ. Dù rằng họ có đôi chân rất mạnh.

Như thế, thì thử hỏi làm sao đến nơi mà họ nhắm tới. Khác nào như người ngồi đó chỉ biết diễn tả phân tích đủ thứ món ăn tuyệt diệu trên đời, nhưng rốt lại thì bụng họ vẫn đói meo. Họ nói thì rất hay, nhưng bản thân họ chưa từng bước chân xuống bếp. Người xưa có câu: “Muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn chết phải lết vô hòm”. Đây là câu nói nhằm cảnh tỉnh thức nhắc người ta nên làm hơn là nên nói. Hãy biến nhận thức của mình thành hành động cụ thể. Có thế, thì mới có lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, sự nhận định hiểu biết đúng hướng chân lý (chánh kiến ) tuy chưa thật hành đúng theo, nhưng điều đó cũng rất là tốt và cần thiết. Chỉ sợ nhận định sai lầm ( tà kiến ) rồi chấp chặt bảo thủ làm theo, đó mới là điều tai hại đáng nói. Cho nên, điều quan yếu trước tiên là phải nhận định đúng với chân lý, còn việc thật hành thì có thể thực hiện từng bước cũng không sao. Cũng như người đứng dưới chân núi, thấy rất rõ hình dạng của ngọn núi, nhưng muốn tới ngọn núi, thì đòi hỏi họ phải gắng sức trèo lên từ từ từng bước vững chắc. Tuy chưa tới ngọn núi liền, nhưng cái hướng thấy của họ không bị sai lệch.

Trong nhà Phật có câu nói: “Đốn ngộ, nhưng phải tiệm tu”. Có thể cái chỗ thấy biết tương đồng với Phật Tổ, nhưng phải từ từ tu tiến, vì tập khí nghiệp chướng của con người còn quá sâu nặng. Như vậy, có những người tuy họ nói nhiều về nhân quả, nhưng sự thật hành của họ quả không đúng theo những gì họ nói. Người như thế, tuy họ không được lợi ích nhiều, nhưng ít ra họ cũng không đến nổi phải gây ra những lỗi lầm sâu nặng. Vì họ đã có ý thức đến lý nhân quả vay trả phần nào.

Như bạn nói, họ ít khi áp dụng chớ không phải hoàn toàn là họ không có áp dụng. Nghĩa là họ có áp dụng từ từ, đó gọi là họ đang hướng đời mình trên bước đường tu tập. Như thế, kể ra họ cũng vẫn còn tốt hơn là những người mà cả đời chưa bao giờ học hỏi biết đến nhân quả và họ cũng không bao giờ áp dụng một chút nào theo lý nhân quả trong cuộc sống. Do đó, nên suốt đời họ gặp phải nhiều tai nạn khổ đau. Có tránh nhân xấu thì mới không gặp quả xấu. Ở đời, nếu mình đòi hỏi phải thật hành một cách toàn vẹn, điều đó, thật khó có ai làm được, ngoại trừ các bậc Thánh nhân.

Thứ hai, bạn nói: “là bạn có cá tánh khi biết người khác đối xử xấu với mình thì bạn thường im lặng và tìm cách tránh chớ không nói”. Điều nầy là bạn hiện tập cho mình có một thói quen tương đối khá tốt. Nghĩa là bạn khéo áp dụng câu châm ngôn của người xưa: “Im lặng là vàng nói là bạc”. Điều đáng nói hơn nữa, là bạn khéo biết tránh duyên. Bạn tìm cách tránh né chớ không muốn đương đầu để tranh cãi hơn thua. Đứng về mặt xử thế tự lợi, điều nầy bạn xử sự rất tốt cho bạn. Vì bạn không muốn gây ra những chuyện phiền phức rắc rối cho mình và người.

Đấy là bạn đang thực tập hạnh nhẫn nhục rồi đó. Nhưng nếu bạn tập tánh khá hơn nữa là tuy tìm cách tránh né, nhưng bạn không bao giờ quan tâm cất chứa những lời nói của họ ở trong lòng. Đó là bạn đang thực tập hạnh hỷ xả. Hạnh nầy thật rất khó làm. Nhưng nếu bạn cố gắng thực tập, thì chắc chắn có ngày bạn sẽ thành công. Chẳng những bạn không buồn giận họ, mà bạn còn thương xót tật tánh của họ. Vì họ chưa biết thực tập tánh tốt không nói xấu ai. Người thích nói xấu chỉ trích lỗi lầm kẻ khác là vì người đó tâm của họ còn quá thô tháo vọng động, còn thích nhiều chuyện thị phi. Họ là hạng người thích làm cảnh sát quốc tế. Do đó, nên bạn cần thương họ nhiều hơn. Vì biết họ vẫn còn ôm ấp quá nhiều đau khổ nội kết trong lòng. Bởi thế, họ là người thật đáng thương hơn đáng trách!

Thứ ba, bạn nêu ra câu hỏi: “Như vậy đối với luật nhân quả bạn có phạm hay không?” Điều nầy, có lẽ bạn đã hiểu lầm về luật nhân quả rồi. Thưa bạn, luật nhân quả khác hơn những điều luật cấm giới. Luật nhân quả không mang tính giới điều như là giới luật mà người ta đã lãnh thọ. Dù bạn tu theo bất cứ tôn giáo nào, mỗi tôn giáo đều có những giới luật răn cấm cả. Nhân quả, sở dĩ người ta gọi là luật, bởi vì nó là luật tắc thiên nhiên có tác dụng vận hành chi phối toàn thể vũ trụ. Vì thế nên nói nhân quả là một chân lý phổ biến. Chân lý nầy nó tiềm tàng bao trùm trong mọi sự vật, không có một vật thể nào thoát ngoài định luật nầy. Từ thực vật, động vật, khoáng vật v.v… không một loài nào thoát khỏi.

Nói cách khác là từ vật lý, sinh lý, cho đến tâm lý… không có một thứ gì mà không có nhân quả. Lý nhân quả được đặt định trên chiều thời gian. Vì từ nhân tới quả phải có thời gian. Ngoài chánh nhân ra, nó còn nhiều trợ duyên khác nữa. Cho nên nhân quả là một hiện tượng rất phức tạp xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai, chớ không phải đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Bạn thử tìm mọi hiện tượng trên đời nầy có cái gì không phải là nhân quả. Ăn là nhân, no là quả. Học là nhân, biết chữ là quả v.v…

Nói tóm lại, người hiểu lý nhân quả và khéo biết ứng dụng vào trong đời sống, thì họ sẽ có được lợi lạc rất lớn. Như vậy luật nhân quả là quy luật vận hành tự nhiên của vạn hữu vũ trụ. Không ai đặt định bày ra luật nhân quả nầy. Đức Phật cũng chỉ là người giác ngộ khám phá ra luật nhân quả mà thôi. Mong bạn cố gắng khéo ứng xử hành hoạt đúng theo luật nhân quả, tức theo chiều hướng thánh thiện, thì đời bạn sẽ gặt hái nhiều điều lợi lạc trong đời sống vậy.


Thích Phước Thái
Chùa Quang Minh Australia

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÂN BIỆT CHÁNH TÀ GIỮA RỪNG PHÁP MÔN PHẬT GIÁO?

HT. Thích Giác Quang

VẤN: Con nghe quá nhiều pháp môn và những cách giảng dạy về Phật giáo của đủ thứ kể cả các vị xuất gia và Phật tử tại gia. Giữa rừng pháp môn và những lời giảng pháp như vậy, con không biết đâu là đúng, đâu là sai mà thực hành. Xin Sư cho con biết mình lấy gì để có thể so sánh và đối chiếu là những lời giảng ấy đúng với chánh pháp của Đức Phật? Con nên dựa vào đâu để phân biệt tạo chánh kiến cho chính mình giữa rừng pháp môn mà không bị cuốn theo và đi sai con đường tu hành? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

Sau Phật nhập diệt 1000 năm, mỗi môn phái được sáng lập để truyền bá giáo lý Phật đi khắp trong nhân gian, mỗi môn phái được sáng lập đều có chánh kiến, tư duy riêng, tôn chỉ riêng dành cho môn đệ tu tập. Các bạn nên dựa vào kinh Phật để nghe thuyết giảng tu hành, làm sao cho tâm các bạn an lạc, dứt ngã mạn, tham sân si phiền não, giải thoát mọi phiền trược.

Thường bạn nghe pháp, mà trong đó người giảng thường hay chê khen pháp nầy pháp kia, ông nầy chánh, ông kia tà… là không phải pháp Phật rồi đấy.

Người xưa có câu: “Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan - Ly kinh thuyết tự tức thành ma thuyết”, nghĩa là:

Người thuyết giảng đem kinh ra dẫn chứng thì oan cho ba đời chư Phật, vì trong đời thuyết giáo của các đức Thế Tôn, các Ngài không có nói lời nào cả - người giảng kinh thuyết pháp mà không y cứ vào kinh Phật để giảng giải thì dễ bị sai lầm, đồng với ma thuyết.

Giáo pháp “tứ y” rất quan trọng với sứ giả Như Lai, thuyết pháp gặp thời điểm nào y cứ vào kinh nào, thời điểm nào không y cứ vào kinh nào, hoặc cả hai…

Các bậc đạo sư xưa từng giáo hóa đồ chúng, có khi các ngài dạy chúng không bằng một lời nào cả mà chúng vẫn học được, như Bồ Đề Đạt Ma thì khuyến giáo “y giáo biệt truyền bất lập văn tự”

Tổ sư Đạt Ma từ xa quán đất này có căn khí Đại Thừa, bèn vượt biển đến Trung Quốc, chuyên truyền Tâm ấn, khai thị cho kẻ mê, chẳng lập văn tự, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật” (Bích nham lục)

Nói “Chẳng lập văn tự”, vì văn tự phải nương bộ não suy nghĩ, suy nghĩ thì nương nơi nhất niệm vô minh; nhất niệm vô minh hư huyễn chẳng thật, nên suy nghĩ văn tự cũng hư huyễn chẳng thật. Do hư huyễn chẳng thật gọi là tương đối, tương đối thì có sanh có diệt, chẳng thể hiển bày tuyệt đối chẳng sanh diệt của bản thể, vì văn tự chẳng thể hiển thị Phật tánh, nên nói chẳng lập văn tự.

Phật Thích Ca dùng lời nói văn tự để hoằng giáo pháp là do sự bất đắc dĩ, nên thí dụ như ngón tay chỉ mặt trăng, vừa thuyết liền phá, Kinh Niết Bàn nói: “Bắt đầu từ Lộc Uyển, cuối đến sông Bạt Đề, khoảng giữa 50 năm, chưa từng thuyết một chữ” là vậy.

Đấy là việc của chư Phật, Bồ tát, hàng Thanh văn, phàm phu không thể sánh kịp. Trong đời làm con Phật của Bạn, khi đi nghe thuyết pháp bất cứ nơi nào, dù đó là Mỹ châu hay Á châu, Âu châu, bạn tu học bốn pháp như dưới đây:

Y pháp bất y nhân, nghĩa đen là y theo giáo pháp, chẳng y theo theo người. Theo cách giải thích thông thường, Phật pháp là chân lý, quý giá và khó gặp, vì thế không nên đối chiếu, tỵ hiềm nơi tư cách người nói pháp để rồi bỏ lỡ cơ hội nghe pháp, tự thân mất sự lợi lạc. Cứ y theo giáo pháp của Phật mà tu hành, người nói ra giáo pháp ấy tốt hay xấu không quan trọng. Tuy nhiên, kinh Đại Bát Niết Bàn nói cụ thể hơn về vấn đề này, y pháp bất y nhân có nghĩa là y chỉ vào Pháp tánh tức Phật tánh, Như Lai vì pháp tánh thường trụ, không y chỉ vào người (nhân) vì là hữu vi tức vô thường, sanh diệt.

Y nghĩa bất y ngữ, tạm dịch là y theo nghĩa lý, không y theo ngôn ngữ văn tự. Phật thuyết pháp với ý nghĩa sâu xa nhằm biểu đạt và thể nhập chân lý. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ diễn đạt Trung đạo đệ nhất nghĩa, giúp người tu nhận ra chân lý để hành trì và thân chứng, bởi thế không nên bám víu và quá cố chấp vào văn tự.

Y trí bất y thức, nghĩa là y theo trí tuệ, không y theo vọng thức phân biệt. Chỉ có trí tuệ mới nhận chân được chân lý, thực tại còn vọng thức là thấy biết theo nghiệp, có tính tương đối và đa phần sai lầm. Chỉ có trí tuệ mới đầy đủ công năng quét sạch phiền não, thanh tịnh ba nghiệp. Còn thức dẫu thông minh, nhạy bén và lanh lợi đến đâu đi nữa cũng là sanh diệt, hư vọng và không đủ sức giác quán để chuyển hóa, diệt trừ phiền não. Vì vậy, “duy tuệ thị nghiệp” chính là phương châm tu học của hàng đệ tử Phật.

Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, có nghĩa là y theo các kinh điển liễu nghĩa, chẳng y theo các kinh điển không liễu nghĩa. Kinh điển được Phật tuyên thuyết tùy căn cơ chúng sanh nên có cao thấp, khác biệt. Dù mục tiêu cứu cánh vẫn là giải thoát sanh tử, song trên tinh thần phương tiện thì những kinh điển thuyết minh về con đường thể nhập Nhân thừa, Thiên thừa v.v… được gọi là kinh bất liễu nghĩa (chưa nói hết ý nghĩa thâm diệu, toàn triệt của giáo pháp). Những kinh điển chỉ thẳng đến quả vị giải thoát viên mãn (Phật quả) là kinh liễu nghĩa. Người tu hướng về Vô thượng Bồ đề, tất nhiên phải y cứ vào kinh liễu nghĩa để hành trì nhằm thành tựu giác ngộ rốt ráo, thành Phật.

Khi nghe pháp, Bạn đã hiểu và thực hành về “tứ y pháp” chắc chắn các bạn không còn nghi ngờ chánh tà nữa đó các Bạn.

HT Thích Giác Quang

CON ĂN CHAY TRƯỜNG Nhưng Bác Sĩ Bảo Ăn Mặn Để Chữa Bệnh, Nên Làm Như Thế Nào?

VẤN: Con ăn chay trường đã hơn hai mươi năm và sức khỏe rất tốt. Tuy nhiên gần đây con bị một chứng bệnh và phải điều trị phẫu thuật nên người khá yếu. Thêm vào đó con còn bị thêm chứng bệnh viêm xoang chữa trị khá nhiều thuốc tây y không hết. Từ khi ở trong bệnh viện cho đến khi ra viện, các bác sĩ bảo với con là muốn khỏe mạnh nhanh chóng thì phải nên ăn mặn, không ít thì nhiều mới mau lại sức. Thêm vào đó, một người thân mách bảo cho con biết là bệnh viêm xoang của con có thể sẽ được chữa trị khỏi với một bài thuốc đông y và cần phải giết một con rắn lục. Nghe đến việc sát sanh con đã hoảng loạn từ chối. Thế nhưng họ hàng gia đình làm áp lực bắt con phải ăn mặn bảo như vậy mới có sức khỏe tốt. Thêm vào đó nếu không dùng thuốc đông y với rắn lục đốt lên xông mũi thì phải uống rượu rắn ngâm với nhân sâm để bệnh mau thuyên giảm. Mọi người bảo đây là vì bệnh nên phải như thế thôi và hứa khi hết bệnh sẽ cho con ăn chay trở lại. Con không muốn làm như vậy nhưng không biết phải làm sao? Xin Sư cho con biết con nên làm gì cho đúng và nếu con dùng thực phẩm mặn hay dùng thuốc như họ chỉ dạy thì con có mang tội không?

ĐÁP: Đối với người xuất gia có quyết tâm và hướng thượng thì dù có chết bao nhiêu thân xác nầy cũng không phá giới, chuyển từ ăn chay trường đến ăn mặn để trị bệnh theo lời Bác sĩ điều trị hướng dẫn.

Năm 2012, lúc bệnh nằm ở Bệnh viện, Sư có nghe kể chuyện một bạn tu: Thượng tọa Thích Thông Quả, Trụ trì chùa Phước Hoa, Long Thành, Đồng Nai tu thấp hơn Sư cả hai bậc, mang bệnh tiểu đường, lại có vết thương chữa mãi không lành, Bác sĩ yêu cầu ăn mặn để điều trị và cho “tháo khớp”, Thầy nói: “tôi thà chịu chết chứ không ăn mặn và không cho tháo khớp”!

Mọi người nghe Thầy nói như vậy thương kính quá, vì Thầy phải mang trong mình vết thương không bao giờ lành, mà còn nguy hiểm đến tánh mạng. Có vị nữ tu sĩ đến thăm, cúng dường ủng hộ cho Thầy một túi trái khổ qua rừng xắt mõng phơi khô để dành pha uống như uống trà. Trải qua một thời gian uống nước khổ qua rừng, lần hồi vết thương Thầy khô ráo và lành hẳn cho đến hôm nay đã hai mươi năm tu hành, Thầy trở thành vị Thượng tọa lành lặn, không bị tháo khớp mà cũng không phá giới ăn mặn.

Ở Việt Nam có ba loại Thầy Thuốc, một vị Thầy Thuốc khi chữa bệnh nhân ăn chay thì khuyên nên ăn mặn mới chữa trị, không ăn mặn không trị - một vị Thầy Thuốc không bàn đến việc ăn chay hay ăn mặn mà Thầy vẫn trị cho bệnh nhân - một vị Thầy Thuốc vẫn giữ nguyên việc ăn chay của bệnh nhân mà vẫn chữa trị cho bệnh nhân. Cả ba Thầy Thuốc nầy đều chữa lành bệnh cho bệnh nhân, đôi khi cũng không lành bệnh dẫn đến tử vong, hoặc bệnh nhân phải chuyển Thầy khác.

Theo Sư thì các Thầy Thuốc không nên xen vào việc ăn chay hay ăn mặn của bệnh nhân, mà vẫn chữa trị cho bệnh nhân, chỉ nên khuyến khích bệnh nhân ăn uống theo chế độ, theo lệnh điều trị của Thầy Thuốc thôi, như vậy mới đúng nghĩa Thầy Thuốc giỏi.

Khi chữa trị, Thầy Thuốc phải giết thú vật để làm thuốc điều trị cho bệnh nhận, trách nhiệm thuộc về Thầy Thuốc, có tội lỗi bao nhiêu thuộc về Thầy Thuốc, không xuất phát từ bệnh nhân. Làm Thầy Thuốc chữa bệnh, nên tìm phương thuốc tối ưu, phù hợp với hoàn cảnh của bệnh nhân là Thầy Thuốc đại tài. Với người tu sĩ Phật thì Thầy Thuốc tìm thuốc phù hợp với tu sĩ, với người ở ngoài thế tục thì Thầy Thuốc tìm phương thuốc theo thế tục mà chữa trị.

Với người ăn chay thì Thầy Thuốc tìm loại thuốc chữa trị cho người bệnh thuộc diện ăn chay, với người ăn mặn thì Thầy Thuốc tìm loại thuốc chữa trị cho người bệnh thuộc diện ăn mặn… đó là đức tánh của một đại lương dược xưa nay hiếm.

Ngày nay, thế lực văn minh khoa học xâm lăng vào lẽ sống và chết của con người, nói chung là vạn vật. Họ muốn cho con người và vạn vật sống thì được sống, muốn cho con người và vạn vật chết thì phải chết. Nhưng đối với người tu sĩ Phật chánh chân sẽ không phục tùng thế lực nầy và họ chiến thắng. Người tu sĩ Phật sống ngoài vòng sanh diệt của thế cuộc mới đúng là tu sĩ chánh chân, tu sĩ Phật bị lệ thuộc thế cuộc là tu sĩ sa đọa. Lẽ sống chết đối với tu sĩ Phật là thường tình, như thay áo cũ, mặc vào áo mới rồi tiếp tục đi về cố hương, đạt mục đích cứu cánh an vui tự tại, thế thôi.

Trên đây là một số ý hướng thượng cho Phật tử, các Bạn có cương quyết thì việc gì cũng thành công, cho dù các Bạn là bệnh nhân nhưng phải có ý chí tự quyết. Còn việc trị bệnh của Thầy Thuốc không liên quan đến việc ăn chay, ăn mặn của bệnh nhân, không nên khuyến giáo bệnh nhân ăn chay hay ăn mặn, mà chỉ lo trị bệnh cho bệnh nhân.

Cuối cùng, Sư có lời khuyến giáo: “khi Bạn là bệnh nhân thì Bạn là của Thầy Thuốc, Bạn là tu sĩ Phật khi Bạn hết bệnh…”. Chúc các Bạn an lạc.

HT Thích Giác Quang

TÍNH KHÔNG LÀ GÌ? Pháp Môn Niệm Phật Và Kinh Điển Đại Thừa Có Phải Do Đức Phật Thuyết Giảng Không?

HT. Thích Giác Quang

Câu 1:

VẤN: Con nghe mọi người thường hay nói đạo Phật là ở tánh không và tính không? Vậy tánh không là gì và tính không là gì? Có người lại nói với con Phật giáo là “sắc sắc không không, không không sắc sắc.” Vậy câu này có nghĩa là gì ạ và con nên tu như thế nào ạ?

ĐÁP: Tánh không và Tính không cùng một ý nghĩa, một pháp không hai; từ ngữ Phật học “Tánh không” do người miền Nam Việt Nam thuyết giảng biên soạn; còn “Tính không” do người miền Bắc Việt Nam thuyết giảng biên soạn. Cả hai có ý nghĩa:

1/. Nói đến tính chân như thực tướng của các pháp: ví dụ người Phật tử không khởi tâm sát sanh, nên không khởi tâm giữ giới sát sanh, đó mới chính là giữ giới sát sanh.

2/. Các pháp là hư huyển, không thật có: ví dụ nghe tiếng nhạc bên tai, cùng một lúc nghe tiếng kèn xe, cùng một lúc nghe tiếng nói của bố mẹ v.v… Khi tai nghe cái nầy thì cái kia diệt, nghe cái kia thì cái nầy phải diệt… nhưng cùng một lúc nghe các tiếng sanh diệt, diệt sanh liên tục đến với ta nên gọi các pháp là hư huyển.

3/. Các pháp vốn không tự tánh mà có: như nói Phật thị hiện cứu đời là vì có chúng sanh trần luân nên nói có Phật thị hiện; vả như không có chúng sanh trần luân thì cũng không có Phật thị hiện cứu đời.

4/. Các pháp vốn giả danh do đặt tên mà có: ví dụ như “ban ngày” đối với “ban đêm”, “sáng” đối với “tối”, “tội” đối với “phước”, do mình đặt tên mà có. Các pháp ngày, đêm, sáng, tối, tội, phước tự nó không có.

5/. Hư cấu bời các duyên hợp mà có, nên không thật: như 1 tách trà ngon thơm, xuất phát từ người công nhân lấy đất làm cao lanh, người nắn, người vẽ vời, người nun thành 1 cái tách; người chế trà, người pha trà, rót trà… cộng lại thành “tách trà ngon thơm”. Tách trà thơm ngon do các duyên mà có, chứ tự nó không thật có.

Trong phẩm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Phật dạy: “…Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị…”

“Sắc sắc, không không”, nghĩa là cũng có đó rồi cũng không đó, tuy có mà không; trong quá trình pháp giới duyên khởi, thân tâm ta tuy có mà không; các pháp thế gian như gia đình, xã hội, giàu sang, quý phái, nghèo hèn, địa vị, danh vọng, quyền cao, tước trọng, tên tuổi, tiền bạc tuy có nhưng giả, không thật có, thế giới nầy hợp để rồi tan, ánh trăng vũ trụ có khi tròn khi khuyết v.v… Người tu hiểu được lý nầy thì không còn tham sân si, ví dụ: khi ta đang có niệm buồn (sắc), có người đến an ủi, tức là niệm vui đến, niệm buồn vụt tắt (không), buồn tuy có nhưng nó nào có thật đâu. Trong một niệm của ta có 4.900.000.000 lần sanh diệt (trích Phật Học Tinh Hoa – Nguyễn Duy Cần), sinh là có, diệt là không, quá trình sinh diệt đó gọi là mộng huyển, mộng ảo, giấc mộng, phù du, ảo giác, cuộc đời chẳng có chi bền chắc, Phật tử quán chiếu như thế thì cuộc đời của ta không còn bị tung hứng theo thế sự buồn vui nữa.

“Không không, sắc sắc”, các pháp vốn không (chân không), nhưng không phải là không có (diệu hữu); tự tánh các pháp vốn không sanh không diệt (tự tính chơn như), các pháp có sanh thì có diệt và có diệt thì có sanh (mộng huyển), với nhãn quan nầy các bậc đại tổ sư như Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng đã từng chứng đắc.

Tâm Phật vốn chơn như nên nhìn các pháp bất sanh, bất diệt không còn gì phải có tu, có chứng, có đắc (chơn không), tâm chúng sanh là tâm sanh diệt, nên khi tu hành thấy các pháp như mộng huyển, bào ảnh, như lộ, như điện mà chứng đắc nên thấy có tu, có chứng, có đắc (diệu hữu). Phật tử quán chiếu như thế mà tu hành.

Câu 2:

VẤN: Con thích niệm Phật và thích tu nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Tuy nhiên, nhiều bạn tu của con, nhất là các bạn tu thiền thường hay nói với con rằng kinh điển đại thừa và nhiều pháp tu sau này không phải là pháp Phật vì theo kinh điển Pali không có nói đến. Những kinh pháp sau này khi truyền sang Trung Hoa rồi do người Trung Hoa họ theo tôn giáo tín ngưỡng bản địa họ tạo ra sinh ra rất nhiều pháp khác nhau rồi cho là của pháp Phật. Việc tu hành niệm Phật nguyện vãng sanh giống như là của ngoại đạo, mong sự cứu rỗi tâm hồn ở một cảnh giới khác như các đấng cứu thế của các tôn giáo hứa hẹn cho đệ tử của mình. Bạn con còn bảo những pháp tu đó ngày xưa thời Đức Phật trong kinh điển Pali đâu có nói đến đâu. Con thật sự bối rối vì khi niệm Phật con thấy bình an. Mong Sư chỉ dạy thêm cho con ạ. A Di Đà Phật!

ĐÁP: Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn, pháp môn tu nào cũng là của ba đời chư Phật, nếu pháp đó giúp ta tiến đến an tâm và giải thoát, dù pháp đó là Thiền, Tịnh, Luật hay Mật cũng đều là của ba đời chư Phật nói ra.

Người có duyên với tu Thiền thì nói pháp môn Thiền là của Phật, các pháp môn khác không phải của Phật ở xứ khác chế biến chứ không phải xuất sanh từ Ấn Độ; người có duyên với Tịnh độ thì nói pháp tu Thiền là của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma sáng chế dạy cho dân Đông Độ (Trung Hoa) tu hành chớ Phật không có dạy thiền “Đốn giáo” bao giờ ! Rốt rồi tu đâu chấp đó, đem pháp giải thoát của Phật đấu lý chê bay, thật là đời mạt pháp ngông cuồng !

Phật thì chẳng nói Thiền, nói Tịnh, mà vịn vào căn duyên của đệ tử để giáo hóa. Như buổi ban đầu thuyết giáo, Phật dạy đệ tử quán chiếu đề mục đất, đề mục hoa sen… (tất cả đều nắn từ đất sét) để chánh niệm rồi tiến dần lên từng bậc chánh định (tam muội); từ đó trí tuệ sanh, trí tuệ sanh tức là cứu cánh giải thoát, lúc bấy giờ không có niệm danh hiệu Phật nào cả. Tuy nhiên khoảng 20 năm sau đó, dân trí lên cao, các Tôn giả thông suốt giáo pháp Phật, Đức Phật tiếp tục mở rộng tầm nhìn của đệ tử, nên ngài thuyết các bộ kinh giới thiệu về các thế giới “Tịnh độ”, bên ngoài thế giới “Ta Bà khổ đau” nầy, để các vị giữ vững niềm tin mà nguyện sanh về thế giới đó, nhằm có cơ sở giáo hóa chúng sanh trong khắp mười phương. Đây là ý tứ của Pháp Phật có nhiều pháp môn tu, chớ không chỉ có pháp môn “Thiền” hay “Tịnh”.

Việc nói Thiền chê Tịnh là việc xưa, lạc hậu lắm rồi, Phật tử chưa thấy đó thôi, chúng ta là những đoàn người bị cuộc rượt đuổi của “thời gian vô thường” tới tấp cận kề bên ta, không mau xuống thuyền qua sông thoát nạn, ở đó mà đem Thiền với Tịnh chê nhau.

Pháp Phật lưu truyền là vô biên giới, không có Ấn Độ, Trung Hoa gì cả, ai duyên tu pháp môn nào thì tu pháp môn đó, ai khéo tu thì giải thoát, ai vụng tu thì mê lầm. Người đem Thiền chê Tịnh là người vụng tu, sau không tự chê mình còn ở bên bờ vực thẳm mê lầm nơi bến tử sanh, mà lại chê khen giáo pháp Phật.

Lẽ ra thì Sư không phân trần làm gì, nhưng vì sự kém hiểu biết của những người chê bai Tịnh độ, Sư sẽ trích một vài đoạn kinh trong kinh điển Pali nói đến pháp tu Niệm Phật, để quý vị nghiên cứu tu hành.

Cõi Tịnh Độ qua các kinh nói về Phật Di Đà từ Hán Tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh Độ hay Cực Lạc được mô tả là một cảnh giới tuyệt vời với tất cả những thứ du dương, mát mẻ, thơm ngát và không có chuyện đói lạnh. Con đường dẫn đến cõi này có thể chỉ gói gọn trong công phu trì niệm hồng danh Phật Di Đà.

Chúng ta thử tìm hiểu vấn đề qua kinh điển Pàli, nguồn giáo lý căn bản của Phật Giáo Nam phương xem sao. Dĩ nhiên, trong Tam Tạng Pàli cũng có khái niệm Tịnh Độ với những trình bày thật rõ ràng về cảnh giới này, những bậc thiện tri thức ở đó và con đường dẫn đến cảnh giới Tịnh Độ, tức phép cầu vãng sanh theo kinh điển Nam Truyền.

Thời Đức Phật tại thế, chư Tôn giả thường thường hướng về nơi ngài xưng niệm danh hiệu của Như Lai, đầy đủ thập hiệu, để tỏ lòng cung kính tri ân và cầu nguyện, chư Tôn giả cản thấy được an lạc nhiều lắm.

Trong kinh An Hàm và các kinh cho thấy niệm Phật, tức là sự cung kính đảnh lễ vâng lời, tán thán, nhớ nghĩ Đức Thích Tôn, các tâm bất thiện từ đó không phát sanh.

Niệm Phật theo kinh tạng Pali có 3 cách: một là nhớ nghĩ, hai là quán tưởng tướng hảo của Phật, ba là xưng niệm danh hiệu Phật.

Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật dạy các Thầy Tỳ kheo: “Hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa môn, tự đến Niết Bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật” (Đại chính 2, trang 532).

Đức Phật giải thích thế nào là niệm Phật: “Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân,chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời, trong khi mắt không hề rời, niệm tưởng công đức Như Lai”. (Đại chính 2, trang 554).

Ở thời gian khác, Đức Phật dạy: “Có một pháp, nầy các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn. Một pháp ấy là gì?Chính là niệm Phật, Chính một pháp nầy, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn,đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn” (Tăng chi bộ I.16. HT Minh Châu dịch).

Xin trích một vài lời kinh ngắn để dẫn, xem pháp môn niệm Phật xuất xứ từ Đức Phật hay người Trung Hoa?

Thân chào các Phật Tử

HT Thích Giác Quang

HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP: ỨNG DỤNG TU TẬP

Phật pháp tại thế gian, Phật pháp bất ly sinh hoạt, với chùm Hỏi đáp Phật pháp Chủ đề " Ứng dụng tu tập" sẽ giúp Phật tử giải đáp những thắc mắc phát sinh trong quá trình tu tập thực tiễn.

Câu hỏi 1: Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn câu kệ sau nay trong kinh A Hàm:
"Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ không yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ”

Trả lời: Hơn người thì bị người oán ghét, thù hận. Thua người thì phiền muộn, đau khổ. Người không dính mắc vào chuyện hơn thua sẽ luôn được an ổn.Hơn thua là nguyên nhân gây khổ đau và phiền não. Người Phật tử phải tu tập hạnh Hỷ Xả để luôn được sống an vui.

Câu hỏi 2:
Con người ta đem theo được gì sau khi chết? Vậy Phật tử đã chuẩn bị cho mình những gì cho đời sau ?
Trả lời:
- Sau khi chết mọi người không thể mang theo mình bất cứ vật gì ngoài những nghiệp thiện và ác mà người ấy đã tạo tác lúc sinh thời.
- Để chuẩn bị cho đời sau người Phật tử phải không làm tất cả các việc ác, vâng làm các việc lành.
- Làm tất cả các việc lành mà không có tâm chấp trước vào việc mình đang làm. Vượt qua được sự đối đãi thiện ác.

Câu hỏi 3:
Căn cứ vào giáo lý của Đạo Phật, người Phật tử tu tập như thế nào để tâm không bị dao động trước những thuận, nghịch của cuộc đời?
Trả lời:
Để tâm không bị dao động trước những thuận nghịch của cuộc đời, người Phật tử cần phải:
- Tin sâu Nhân quả (nhân quả ba đời)
- Giác ngộ lý Vô thường.
- Chứng nhập lý Vô Ngã

Câu hỏi 4:
Phật tử khi toạ thiền do mắc phải những lỗi gì khiến cho vị ấy không được chánh niệm tỉnh giác ? Bản thân Phật tử khi toạ thiền đã thực hành phương pháp nào để được chánh niệm tỉnh giác?
Trả lời:
- Do bị năm món ngăn che nên người Phật tử không được chánh niệm tỉnh giác khi tọa thiền, đó là Ngũ triền cái gồm: Tham, Sân, Hôn trầm, Trạo hối và Nghi. Nhưng phổ biến hơn cả là do ba món: Hôn trầm, Loạn tưởng và Vô ký.
- Phật tử áp dụng một trong các phương pháp tọa thiền do Hòa thượng chỉ dạy: Sổ tức, Tùy tức, Tri vọng hay “Biết có chân tâm”

Câu hỏi 5: Phật tử hiểu bài thơ “ Mộng” của Hoà Thượng Ân Sư như thế nào?
“Gá thân mộng, dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng”
Trả lời: Hòa thượng là người đã giác ngộ, nhận ra được chân tâm hằng hữu. Thấy thân là hư vọng, giả tạm, vạn pháp đều là mộng huyễn nên đạt được hạnh phúc chân thật. Hòa thượng nhắc nhở để mọi người đều được tỉnh mộng như Ngài. Và những lời dạy của Người cũng chỉ là phương tiện “dĩ huyễn độ huyễn” (dùng lời huyễn để cứu độ cúng sinh như huyễn) mà thôi.

Câu hỏi 6: Qua 4 câu kệ cuối bài phú “Cư trần lạc đạo” của thượng hoàng Trần Nhân Tông, Phật tử hiểu và ứng dụng tu tập như thế nào?
“Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền” Trả lời: Giữa cuộc đời vô thường, hư vọng, muốn đạt được sự an lạc chân thật thì người tu Phật phải biết:
- Tùy thuận với pháp tướng nhưng luôn sống với tự tánh.
- Tin nhận ở ngay nơi mình sẵn có chân tâm thanh tịnh (kho báu trong nhà), không cần phải tìm cầu bên ngoài.
- Đối với các cảnh chỉ cần không để Tâm dính mắc thì không cần phải hỏi đến Thiền.

Câu hỏi 7:
Niềm vui chân thật của người tu Thiền là gì ? Phật tử ứng dụng phương pháp nào tu tập để được niềm vui đó trong mọi hoàn cảnh?
Trả lời:
- Nhận ra được chân tâm và hằng sống với chân tâm thanh tịnh của chính mình.
- Các phương pháp tu tập theo sự chỉ dạy của HT Tôn sư: 1. Biết vọng không theo.
2. Không kẹt hai bên.
3. Đối cảnh vô tâm.
4. Hằng sống với cái chân thật sẵn có.

Câu hỏi 8:
“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu tập ?
Trả lời:
- Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc. Chẳng từ nơi khác mà được nghĩa là: Bổn phận chính của người Phật tử là không cần phóng tâm ra tìm kiếm sự giác ngộ giải thoát từ bên ngoài mà phải trở về để sống với bản tâm thanh tịnh của chính mình.
- Phương pháp soi sáng lại chính mình là trọng tâm của người tu Thiền, là cốt tủy của đạo Phật. Tất cả các pháp tu của đạo Phật đều bắt chúng ta phải soi lại mình. Từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo phát triển đều ứng dụng pháp phản quan.
Tùy theo căn cơ của mỗi người mà sự ứng dụng có khác nhau: 1. Pháp quán Tứ Niệm xứ để ngăn ngừa sự dính mắc nơi thân, thọ, tâm, pháp.
2. Dùng trí Bát nhã để chiếu phá sự dính mắc nơi thân, tâm và ngoại cảnh. 3. Pháp quán của Thiền tông là người tu thiền dùng trí để nhìn lại tâm mình, thấy vọng tưởng dấy khởi liền biết không theo, vọng tưởng tự lặng. Khi vọng tưởng lặng yên, thì ngay nơi thân tâm sanh diệt, chúng ta nhận ra cái không sanh diệt. Bấy giờ thấy rõ tất cả Tướng sanh diệt của thân tâm, của cảnh vật đều là hư dối không thật, chỉ có Thể không sanh diệt mới là chân thật. Sống thẳng với tính giác nên không còn dính mắc các pháp hư vọng.

Câu hỏi 9: Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn câu kệ sau đây:
“Nhân ác xem kỹ,
Nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả,
Quên ngắm trăng thật”.
Trả lời: - Đối với điều lành điều tốt thì xem thường dễ quên, còn đối với điều dữ điều xấu lại chăm chú nhớ dai.
- Hoa giả là tất cả những gì có hình sắc trên thế gian, đó đều là những tướng vô thường tạm bợ, có rồi mất, không lâu bền nhưng chúng ta lại mê đắm và chạy theo giả tướng nên quên ngắm trăng thật. Trăng thật là chỉ cho thể chân thật sẵn có nơi con người cũng như ở ngoại cảnh. Nếu thấy rõ muôn pháp đều là duyên hợp, không có pháp nào thật thì chúng ta không mê đắm theo cảnh tức là không nhận lầm hoa giả mà nhận ra được bản thể chân thật của chính mình hay cái bản tính thật của ngoại cảnh.

Câu hỏi 10:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn câu kệ sau đây:
“Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà.
Mê mất gốc chân, đuổi theo ngoại vọng.”
Trả lời: - Nghe những lời kinh Phật dạy để diệt trừ mầm đau khổ thì lại ngủ gục, nhàm chán không muốn nghe, nhưng nếu có ai ca hát hoặc nói đùa chơi thì lại chú tâm lắng nghe không biết chán và có khi còn nhớ kỷ nữa. Chỉ muốn nghe những lời làm tăng thêm dục nhiễm, thuận theo nghiệp xấu ác, khổ đau.
- Vì thích lời tà nên quên mất gốc chân. Mê đây là quên cái hân thật của chính mình. Đuổi theo ngoại vọng là đuổi theo những vọng tưởng điên đảo và các pháp hư huyễn bên ngoài.

Câu hỏi 11:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn câu kệ sau đây:
“Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào.
Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh.”
Trả lời: - Chỉ thích ngửi những mùi hương hoa thơm bay thoảng bên ngoài mà quên những loại hương thơm chân thật, hương thơm của giới đức đó là: Hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến. Mùi thơm của giới đức không phải ngửi bằng mũi mà nghe bằng tai. Giới đức hay định tuệ của người hiền được mọi người hay biết và quí kính thì gọi là ngửi được mùi thơm. Hương của đạo đức không bị biến hoại mà tồn tại mãi mãi nên gọi là chân hương.
- Hai câu này nói lên sự mê lầm của con người, luôn chạy theo những gì tạm bợ mà không biết được điều quí báu, thanh tịnh lâu bền.

Câu hỏi 12:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua bốn câu thơ sau đây:
“Một nguyện ăn no vị vô thượng,
Hai nguyện nhả hết vị trần tanh.
Ba nguyện biện tài trừ các hoặc
Bốn nguyện thích nói độ quần sanh.”
Trả lời:
- Nghe kinh học đạo đầy đủ là ăn no vị vô thượng.
- Nhả sạch những vị hôi hám của trần tục, đó là: nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói lời ác độc, khinh chê cha mẹ, hủy báng Tam bảo ….
- Nguyện được biện tài vô ngại để trừ các mê lầm cho chúng sanh.
- Nguyện thích tuyên dương Phật pháp để rộng độ cho chúng sanh.

Câu hỏi 13: Phật tử hiểu và thực hành như thế nào trong cuộc sống đời thường qua bốn câu thơ sau đây:
“Tinh cha huyết mẹ, chung hợp nên hình.
Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp.
Chấp cho là thật, quên mất pháp thân.
Sanh dâm sát trộm, bèn thành ba nghiệp”. Trả lời: - Thân hình chúng ta là do tinh cha huyết mẹ hợp thành, trong đó năm tạng trăm hài kết lại cùng nhau.Năm tạng là: Tim, gan, lá lách, phổi, thận. Trăm hài là chỉ các đốt xương.
- Thân người chỉ là sự kết hợp giả tạm như vậy nhưng chúng ta lại chấp cho là thật mà quên mất pháp thân thanh tịnh. Vì chấp thân là thật nên sinh ra các tội lỗi tạo thành ba nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

Câu hỏi 14:
Phật tử hiểu và thực hành như thế nào trong cuộc sống đời thường qua bốn câu thơ sau đây:
“Chúng con từ vô thuỷ kiếp đến nay.
Bỏ mất bản tâm, quên mất chánh đạo” . . .
“Nghĩ vơ nghĩ vẩn không lúc nào dừng Mắc mứu tình trần kẹt tâm chấp tướng” Trả lời: - Vô thủy hay vô thỉ là không có ban đầu. Chúng ta được sinh ra do nhân duyên trùng trùng điệp điệp kết hợp nhau không có đầu mối nên nói là vô thủy.
- Bỏ quên bản tâm chân thật của mình nên không biết đạo chân chánh. Ai ai cũng có bản tâm chân thật nhưng quên đi không biết nên mới mê lầm chạy theo đường ác, tạo nghiệp luân hồi.
- Ta có thể dùng câu “Tâm viên, Ý mã” để giải thích câu này. Tâm ý chúng ta luôn loạn động, không ngừng suy nghĩ hết việc này đến việc nọ. Có khi những chuyện không đâu cũng làm cho chúng ta phải bận tâm suy nghĩ.
- Đã dính kẹt với sáu trần lại thêm chấp tướng. Chấp tướng là kẹt về hình thức bên ngoài, chỉ bám chặt vào hình thức mà không nhận được ý nghĩa thâm trầm bên trong. Chỉ căn cứ trên hình thức để khen chê, thương ghét đều là chấp tướng nên đều là khổ. Nếu không chấp tướng thì hết cả khen chê, thương ghét và cũng hết khổ.

Câu hỏi 15:
Triệu Châu: “Thế nào là Đạo”.
Nam Tuyền: “Tâm bình thường là đạo”
Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu tập? (TS Trung Hoa tập 1)
Trả lời:
- Tâm bình thường là tâm không dính mắc hai bên, không kẹt vào các đối đãi: Hơn thua, phải quấy, yêu ghét, buồn vui …
- Để thực hành lời dạy trên người Phật tử cần phải biết tu tập thiền định, tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh. Ngoài không dính mắc các pháp, trong giữ tâm không loạn động. Và luôn thực hiện phương châm: “Đối cảnh không sinh tâm”.

Câu hỏi 16:
Phật có tam thân vậy chúng ta có tam thân không? Nếu có, Phật tử hãy nêu lên cụ thể cho chúng hội cùng hiểu biết?
Trả lời: (Theo kinh Pháp Bảo đàn – phẩm Sám Hối)
Mỗi người chúng ta ai cũng có đủ ba thân Phật: Thanh tịnh Pháp thân, Viên mãn Báo thân, Thiên bá ức Hóa thân.
- Thanh tịnh Pháp thân Phật chỉ cho mỗi người chúng ta đều có sẵn bản tánh thanh tịnh. Từ bản tánh đó dấy niệm lành thì làm lành, dấy niệm dữ thì làm dữ. Khi niệm dấy lên, chúng ta mãi chạy theo niệm mà quên mất tự tánh như mây mù che mất mặt trăng. Khi mây mù vọng tưởng tan thì tự tánh Thanh tịnh Pháp thân hiện.
- Viên mãn Báo thân Phật là ở trong thật tánh không nhiễm thiện ác. Khi hai niệm thiện ác lặng thì chỉ còn một tánh giác thanh tịnh tròn đầy, đó là Viên mãn Báo thân Phật. Ngay nơi mỗi người đều có Báo thân Phật, vì chúng ta không lặng được niệm thiện ác cho nên không nhận được, nếu lặng được niệm thiện ác thì ngay nơi tâm mình đã đầy đủ Báo thân Phật.
- Thiên bá ức hóa thân Phật: Nếu mình không khởi duyên với muôn pháp thì tánh mình lặng lẽ như hư không, không có tướng mạo. Dấy niệm suy nghĩ liền biến hóa. Dấy niệm ác bị dẫn đi trong các đường ác, niệm lành dẫn đi trong các cõi lành. Dù cho có trăm ngàn muôn ức niệm ác mà mình biết xoay trở về thiện tức là liền trở về với tự tánh mình, xoay muôn ngàn ức niệm trở về tự tánh, tức là chuyển cái biến hóa trở về cái thật. đó là Hóa thân Phật.

Câu hỏi 17:
“Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.
Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu tập?
Trả lời:
- Bồ tát luôn cân nhắc khi làm mọi việc nên không bao giờ gây tạo nhân xấu ác. Chúng sinh thì ngược lại. Khi quả báo xấu đến thì lo lắng sợ hãi nhưng lại không quan tâm đến những việc làm xấu ác mà mình đang tạo tác.
- Người Phật tử phải tin sâu nhân quảp phải luôn luôn gây tạo nhân lành trong hiện tại để có quả báo tốt đẹp trong tương lai. Nếu đã tạo nhân xấu ác thì chắc chắn sẽ nhận lãnh quả báo dữ không thể nào trốn tránh.

Câu hỏi 18:
“Thắng một vạn quân không bằng thắng chính bản thân mình.Thắng chính bản thân mình là chiến công oanh liệt nhất”. Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu tập?
(PC. 103- Phẩm Ngàn)
Trả lời:
Những gì chinh phục được ở bên ngoài đếu chỉ là tương đối, không đem lại cho người chiến thắng niền an vui hạnh phúc thật sự. Chỉ khi nào khắc phục được những thói hư tật xấu, làm chủ được những tập khí nơi nội tâm thì đó mới chính là chiến thắng thật sự và mới đem lại cho người chiến thắng niền an lạc, hạnh phúc vĩnh cửu.

Câu hỏi 19:
Bát phong là gì? Phật tử phải tu tập như thế nào để trong cuộc sống đời thường luôn đứng vững trước bát phong?
Trả lời:
- Bát phong là tám ngọn gió: Lợi (lợi lộc), Suy (hư hao), Hủy (bị khinh chê), Dự (được khen), Xưng (được ca ngợi), Cơ (chế diễu), Khổ (đau khổ), Lạc (sung sướng).
- Để luôn đứng vững trước “tám gió” này người Phật tử phải: Tin sâu nhân quả, hiểu rõ duyên sinh và chứng ngộ lý vô thường.

Câu hỏi 20:
“Khôn trong thế pháp là khôn dại
Dại để tu hành dại hoá khôn”
Phật tử hiểu và thực hành lời dạy trên như thế nào trong đời sống tu tập?
Trả lời:
- Khôn ngoan lanh lợi để được các pháp thế gian càng làm cho con người đắm chìm trong tham dục, chưa phải là người có trí tuệ.
- Không tham chấp các pháp thế gian, bề ngoài thấy dường như ngây ngô dại dột nhưng đó lại chính là nền tảng của bình an và hạnh phúc chân thật, của sự giác ngộ, giải thoát.

Câu hỏi 21:
Phật tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế nào qua đoạn thơ sau đây:
“Có chi là khổ có chi vui?
Vui trong tham dục vui là khổ,
Khổ để tu hành khổ hoá vui.
Nếu biết có vui là có khổ,
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui.”

Trả lời:
- Vui khổ đều là vô thường, hư vọng. Tất cả rồi sẽ qua đi.
- Người thế gian xem ngũ dục lạc là niềm vui, là hạnh phúc nên luôn mong muốn đạt được nhưng không biết rằng trong đó đã ẩn tàng mầm đau khổ.
- Không tham chấp ngũ dục, sống ít muốn biết đủ để tu hành là nhân của niềm an vui hạnh phúc lâu dài.
- Vì biết rằng vui khổ đều là vô thường sanh diệt nên người tu luôn được tự tại trước khổ vui.

Câu hỏi 22:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua đoạn thơ sau đây:
“Người khôn nói ít nghe nhiều
Khéo lời đối đáp lựa điều hỏi han
Trước người hiền ngỏ khôn ngoan
Nhường trên một bước rộng đàng dễ đi
Chuyện người mình biết làm chi?
Chuyện mình mình biết vậy thì mới khôn”
(HT. Thiện Hòa) Trả lời:
- Nghe nhiều, nói ít. Lắng nghe là một nghệ thuật trong giao tiếp và cũng là một phương pháp tu tập.
- Thực hành hạnh ái ngữ. Nhường nhịn, khiêm cung với mọi người.
- Luôn nhìn lại mình, không chấp lỗi người.

Câu hỏi 23:
Phật tử hiểu và thực hành trong khi tọa thiền như thế nào qua lời dạy sau đây:
Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,
Vô ký lặng lặng sai;
Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,
Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.
(Thiền tông Vĩnh Gia tập – Bài tụng Xa Ma Tha) Trả lời:
- Tỉnh tỉnh lặng lặng hay lặng lặng tỉnh tỉnh là: Tâm luôn vắng lặng nhưng vẫn thấy nghe, hay biết mọi chuyện. Thấy nghe hay biết nhưng không dính mắc vào thấy vào nghe…
- Vô ký là trạng thái lơ mơ, bất định, không thể phân biệt được thiệc ác, nằm giữa hai trạng thái hôn trầm và loạn tưởng. Trong nhà thiền gọi là lọt vào hang quỷ.
- Tỉnh táo nhưng tâm luôn lăng xăng, loạn động tức là bị vọng tưởng dẫn dắt.
- Tỉnh tỉnh là Tuệ, lặng lặng là Định. Lúc nào cũng phải có Định Tuệ song hành, hay nói cách khác trong Định có Tuệ và trong Tuệ có Định.

Câu hỏi 24:
Phật tử hiểu và thực hành trong cuộc sống đời thường như thế nào qua lời dạy sau đây:
“Muốn biết nhân đời trước,
Nên nhìn quả hiện tại.
Muốn biết quả vị lai,
Hãy xem nhân hiện tại.”
Trả lời: - Những gì chúng ta thọ lãnh trong hiện tại là kết quả của việc làm mà chúng ta đã gây tạo trong quá khứ.
- Những gì chúng ta đang tạo tác khi nhân duyên sẽ cho kết quả trong tương lai.
- Chúng ta có thể quyết định được tương lai tốt đẹp cho chính bản thân mình bằng cách cố gắng tu tập, làm lành lánh dữ ngay trong hiện tại.

Câu hỏi 25:
Phật tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế nào qua bài kệ của Ngài Thần Tú:
“Thân là cây Bồ Đề
Tâm là đài gương sáng
Hằng ngày phải lau chùi
Chớ để dính bụi bặm.”
Trả lời:
- Ngài Thần Tú nói “Thân là cây bồ đề, tâm là đài gương sáng”, ý nói tánh giác sẵn có nơi mỗi người nhưng bị vọng tình che lấp. Nếu muốn tánh giác được hiển lộ cần phải dụng công tu tập để dẹp trừ mê chấp vọng tình. Đó là phương pháp tiệm tu.
- Người Phật tử phải tin nơi thân tâm mình có sẵn tánh giác, luôn nhắc mình sống tỉnh giác đừng lầm chấp những vọng tưởng sinh diệt.

Câu hỏi 26:
Phật tử có khái niệm như thế nào qua bài kệ của Tổ Huệ Năng:
“Bồ Đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm”
Trả lời: Qua bài kệ này chúng ta được Tổ chỉ dạy:
- Tánh giác vốn không hình tướng nên không thể dùng bất cứ pháp gì để so sánh hay ví dụ. - Vì không hình tướng nên không có chỗ dính mắc, cần gì phải lau chùi. Đây chính là Thật tánh, nơi phàm không thiếu, nơi Thánh không dư, chỉ ngay tự tánh đó mà sống, còn khở niệm lau chùi (Tu) liền sai.

Câu hỏi 27:
Phật Tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế nào qua lời Phật dạy dưới đây: “ Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo.”
(Pháp cú 01 – Tâm)
Trả lời:
- Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì ý là quan trọng hơn cả. Tất cả các ác nghiệp mà chúng ta gây tạo đều phát xuất từ tâm ý không thanh tịnh. - Người Phật tử phải luôn kiểm soát tâm ý mình. Người Phật tử tu thiền luôn xem tâm ý mình như con trâu hoang cần phải được chăn dắt cẩn thận, không cho phạm vào lúa mạ của người. Luôn suy nghĩ chín chắn, cẩn thận trước khi nói năng hay hành động để tránh những quả báo khổ đau.

Câu hỏi 28:
Phật Tử hiểu và thực hành trong đời sống tu tập như thế nào qua lời Phật dạy dưới đây: “ Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình.”
(Pháp cú 02 – Tâm)

Trả lời:
- Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì ý là quan trọng hơn cả. Tất cả những nghiệp lành mà chúng ta tạo được đều phát xuất từ tâm ý hiền thiện, thanh tịnh. - Người Phật tử phải siêng tu thiền định, sống tỉnh giác, biết giữ tâm ý luôn luôn được thanh tịnh. Với tâm ý thanh tịnh thì sự an lạc sẽ đến ngay với mỗi chúng ta trong từng lời nói hay việc làm.

Câu hỏi 29:
Phật tử hiểu và thực hành như thế nào trong đời sống tu tập qua các câu kệ sau đây: “Tà đến phiền não sanh Chánh đến phiền não dứt
Tà chánh đều không dùng
Thanh tịnh mới hoàn toàn”
(Pháp Bảo đàn – Phẩm Bát nhã)
Trả lời: Đoạn này trích trong bài tụng Vô tướng của lục tổ Huệ Năng, phẩm Bát nhã: Tà lai phiền não chí, Chánh lai phiền não trừ, Tà chánh câu bất dụng,
Thanh tịnh chí vô dư.
- Một niệm tà vừa khởi lên là bao nhiêu phiền não liền kéo đến với chúng ta. Trong kinh thường nói “Nhất ba tài động, vạn ba tùy” tức là một lượn sóng vừa nổi lên thì muôn lượn sóng khác kéo theo. Một niệm sai lầm khởi lên là bao nhiêu niệm xấu khác dẫn, cho nên vừa có một niệm sai lầm là phải dẹp bỏ ngay thì phiền não cũng theo đó mà dứt. Như vậy là lấy Chánh độ Tà.
- Trong tương đối phải như thế nhưng đến chỗ cứu kính thì cả Tà lẫn Chánh đều không dùng, mới hoàn toàn thanh tịnh, không còn thừa gì nữa. Hiện nay chúng ta ở giai đoạn ứng dụng tu trong cái đối đãi, rồi lần lần đến chỗ hết đối đãi. Tóm lại Ngài chỉ cho chúng ta tu từ cái đối đãi sau đó tiến sâu dần, nghĩa là đầu tiên dùng pháp Chánh đối trị Tà, sau đó xả luôn pháp đối trị thì mới đạt được tâm thanh tịnh hoàn toàn.

Câu hỏi 30:
Phật tử hiểu và thực hành như thế nào trong đời sống tu tập qua các câu kệ sau đây:“Người chơn chánh tu hành
Không thấy lỗi thế gian
Nếu thấy lỗi người khác
Lỗi mình đã đến bên.”
(Pháp Bảo đàn – Phẩm Bát nhã)
Trả lời:
- Người tu hành chân chánh phải không thấy lỗi của thế gian, nếu thấy lỗi của người khác, lỗi mình đã đến bên cạnh rồi. Nếu cứ thấy lỗi người này người kia, đến đâu cũng kể lỗi người tức mình đã có lỗi.
- Vì thấy người có lỗi nên xem ai cũng thua mình, còn lỗi mình thì giấu mất nên thấy mình cao hơn thiên hạ, đó là ngã mạn. Trái lại, chúng ta thấy lỗi mình thì đâu có tự cao, đâu dám tự xưng ta hơn người; không thấy lỗi người thì đâu dám xem người thấp, đâu biết ai dỡ mà dám khinh, ngã mạn theo đó mà hết. Như thế là tu hành.


Biên tập: Thầy Thích Trúc Thông Tánh
Thiền Viện Sùng Phúc, Hà Nội

Nghiệp Câu Cá

HỎI:

Tôi là Phật tử đã về hưu, tôi luôn tâm niệm sống thế nào cho tốt, góp phần bảo vệ thiên nhiên, nuôi dưỡng từ tâm theo Phật dạy. Tôi có mấy ông bạn già thích đi câu, có người là đại gia giàu nhất nhì ở địa phương, việc ăn mặc ở không thiếu cái gì. Nhưng rồi ngày ngày các bạn tôi phải ngồi một góc khuất nào đó, kiên trì chờ cá cắn câu. Nắng cũng như mưa, ngồi bên mép nước, chờ niềm hứng khởi. Không đi câu là không được, không thấy cá cắn câu là không vui. Đó có phải là nghiệp không? Cái nghiệp vui sướng trên sự khổ đau của chúng sinh.

(NGUYỄN TRANH, thaihoa1508@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Nguyễn Tranh thân mến!

Trong dân gian hay nói “nghề chơi cũng lắm công phu”. Câu cá cũng được xem là một trò chơi, thú tiêu khiển khá công phu của một số người nhàn rỗi, khá giả. Nhưng trong vô số trò tiêu khiển, thú vui của tuổi già thì câu cá (hay săn bắn) không phải là trò hiền lành mà gắn liền với nghiệp sát hại chúng sanh. Người Phật tử có thể xem đây là một trò chơi ác, một thú vui bất thiện, có hại cho đời này và cả đời sau, không nên tham dự vào.

Bạn là Phật tử và đã có quan điểm rất đúng đắn “luôn tâm niệm sống thế nào cho tốt, góp phần bảo vệ thiên nhiên, nuôi dưỡng từ tâm theo Phật dạy”. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động khác, có lợi ích cho thân tâm, cho đời này và cả đời sau hơn câu cá rất nhiều như tập dưỡng sinh, tập thiền, đi bộ, trồng cây… và các hoạt động xã hội bổ ích khác.

Mỗi người đều có nghiệp riêng, chọn thú tiêu khiển câu cá cũng do nghiệp của họ. Nếu có dịp, bạn cũng nên chia sẻ tâm sự để những người bạn thích đi câu nhận thức được hành vi câu cá để tiêu khiển là không tốt, vì tạo nghiệp giết chóc, tàn hại môi trường nhằm giúp họ chuyển nghiệp xấu câu cá sang một hoạt động giải trí khác bổ ích hơn.

Chúc các bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

CÚNG CHAY, ĐÃI MẶN

HỎI: Sắp đến là ngày cúng giáp năm cho ngoại của tôi. Tất cả các cậu, các dì đều có ý muốn cúng chay cho ngoại và làm tiệc mặn để đãi khách. Duy chỉ có mẹ và tôi là có ý làm chay tất cả để không phải gây tạo nghiệp báo sát sanh.

Từ ngày ngoại qua đời đến nay gia đình tôi đều cúng chay để hồi hướng cho ngoại được sanh về cõi an lành. Có thể hiện nay ngoại tôi đã được vãng sanh hay tái sanh ở một cảnh giới nào đó, nhưng tôi lo sợ rằng liệu việc sát sanh hại mạng này có gây ảnh hưởng xấu gì cho ngoại tôi không? Ngoại tôi có bị cộng nghiệp không? Kính mong quý Báo hoan hỷ cho tôi một lời khuyên.

(PHAN NGỌC THANH, phanngocthanh48@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Bạn Phan Ngọc Thanh thân mến!

Dĩ nhiên là cúng chay và làm tiệc chay đãi khách trong các ngày giỗ (lễ) sẽ tốt hơn nhưng khi đối diện với thực tiễn thì không phải gia đình Phật tử nào cũng làm được. Bởi lẽ, giỗ quảy thường là việc chung của các con cháu vốn dĩ “chín người mười ý”, cộng thêm khách mời cùng bà con lối xóm cũng không nhiều người quen và cảm nhận hết giá trị của các món chay.

Do đó, người Phật tử nên vận dụng tinh thần “tùy duyên”, cúng chay và đãi chay là rất tốt, trong những trường hợp khác thiếu duyên hơn thì vẫn cúng chay còn đãi khách thì tùy thực tiễn, chay hoặc mặn đều được. Miễn sao vào những dịp giỗ quảy mọi người trong gia đình hòa hợp và hiếu thuận, khách bạn hoan hỷ. Các Phật tử hãy nêu cao tinh thần hòa hiếu, không nên vì vấn đề “chay-mặn” mà dẫn đến căng thẳng, xung đột, bất hòa trong ngày giỗ. Nếu đãi tiệc mặn thì việc cần lưu ý nhất là tránh trực tiếp giết hại chúng sanh.

Có một điều rất quan trọng khác mà chúng ta ít để ý đó là việc cúng và đãi tiệc mặn (có trực tiếp giết thịt chúng sanh) chẳng những ảnh hưởng không tốt đến người mất mà còn liên quan ảnh hưởng xấu đến con cháu hiện đang tạo nghiệp.

Khi người thân mới mất, trong vòng dưới 49 ngày, việc tổ chức tang lễ của thân nhân có liên quan đến sát sanh, thì ngoài việc thân nhân tạo ác nghiệp, nghiệp xấu ấy còn tác động và ảnh hưởng khá lớn đến xu hướng tái sanh của hương linh. Nhưng sau 49 ngày khi thần thức hầu hết đã tái sanh, vào những dịp giỗ quảy họ nếu thân nhân tổ chức cúng và đãi mặn có trực tiếp giết thịt thì người bị tội nghiệp nặng nề không phải hương linh mà chính là con cháu hiện tiền. 

Vì thế, những bận tâm cho hương linh, sợ họ cộng nghiệp giết hại là điều tốt nhưng lo lắng về vấn đề tạo ác nghiệp của chính mình mới là điều cần thiết và quan trọng nhất. Nên không chỉ trong những dịp tang lễ hay giỗ quảy mà mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày, người Phật tử luôn chú tâm tỉnh giác để không tạo nghiệp sát sanh. Đối với những người chưa ăn chay được nhiều ngày trong một tháng thì cứ ăn uống bình thường nhưng quyết không chính tay mình tạo nghiệp giết hại.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Buddhist Hybrid Sanskrit

Lời BBT: Để trả lời cho một câu hỏi của một độc giả về ngôn ngữ trong kinh điển Phật Giáo liên quan đến dạng ngôn ngữ Indic miền Trung Ấn, “Buddhist hybrid Sanskrit”, chúng tôi biên tập bài dưới đây dựa theo Tự Điển Bách Khoa Wikipedia và bài viết của tác gỉa Lê Tự Hỷ:

BUDDHIST HYBRID SANSKRIT

Thời đức Phật Thích Ca tại thế (563-483 trước dương lịch) thì Phật pháp được giảng giải và trao truyền bằng lời nói, chứ chưa được ghi lại dưới dạng văn tự. Trong lần kết tập thứ ba, theo lệnh của vua A Dục (Aśoka : 268-233 tr. dl), tức khoảng 218 năm sau khi Đức Phật Niết Bàn, Kinh Phật mới được ghi lại thành văn bản trên những miếng đồng để lưu trữ. Vào thời kỳ nầy thì tiếng Phạn đã được học giả Pānini chuẩn hóa thành tiếng Phạn mà các học giả Tây phương gọi là tiếng Phạn Cổ điển (Classical Sanskrit) để phân biệt với tiếng Phạn thời trước đó trong kinh Vệ Đà, gọi là Phạn Vệ Đà (Vedic Sanskrit).

“Theo Giáo sư Franklin Edgerton [1], các văn bản Phật giáo đã được lưu giữ trong ít nhất là 4 ngôn ngữ Indic (1) Phạn Cổ Điển (Classical Sanskrit) : Tiếng Phạn chuẩn tức tiếng Phạn đã được chuẩn hóa bởi Pānini, phân biệt với tiếng Phạn trong kinh Vệ Đà là Vedic Sanskrit. (2) Pāli, còn gọi là Nam Phạn, một ngôn ngữ Indic miền Trung Ấn (Middle Indic). Đây là ngôn ngữ chuyển tải phần lớn nhất của tác phẩm Phật giáo mà ngày nay được bảo lưu trong bất kỳ ngôn ngữ Indic nào , đó là ngôn ngữ của Phật Giáo Miền Nam (Nam truyền, Nam tông, Nguyên thủy, Tiểu thừa). Ngày nay, hầu hết các học giả đều tin rằng Pāli chủ yếu là dựa trên một phương ngữ Middle Indic thuộc miền Tây hay Trung tây. (3) Prakrit Dharmapada : là phương ngữ dựa trên một Middle Indic miền Tây bắc. (4) Buddhist Hybrid Sanskrit : Ngôn ngữ mà Giáo sư Franklin Edgerton goi là Buddhist Hybrid Sanskrit (viết tắt là BHS). Hầu hết các tác phẩm Phật Giáo Bắc Ấn Độ (Bắc truyền, Bắc tông, Đại thừa) được viết bằng BHS. Chẳng hạn, toàn bộ các kinh trong bộ Đại Bát Nhã được viết bằng BHS. Ngôn ngữ nầy chủ yếu dựa trên một phương ngữ Middle Indic cổ xưa mà vẫn chưa xác định rõ, đồng thời chứa nhiều tiếng địa phương của các Middle Indic khác. Nhưng BHS cũng chịu ảnh hưởng sâu xa bởi tiếng Phạn khiến cho nhiều tác phẩm viết bằng BHS vẫn được gọi một cách đơn giản là “tiếng Phạn”.

Giáo sư Franklin Edgerton, trong bài viết “ Tiếng Prakrit Làm Nền Tảng Cho Buddhistic Hybrid Sanskrit” [02], cho biết rằng những tác giả Phật giáo sử dụng tiếng Phạn chuẩn hóa hay Tiếng Phạn Cổ điển (Classical Sanskrit), hay Brahmanical Sanskrit, do Pānini và các vị tiền bối chuẩn hóa chỉ là một số nhỏ. Nhóm nầy dường như là đã được đào tạo trong truyền thống tăng lữ Bà La Môn chính thống (orthodox Brahmanical training) vào thời trẻ nên họ rành tiếng Phạn chuẩn, rồi sau họ mới chuyển qua đạo Phật, chẳng hạn như Aśvaghosa (Mã Minh), do đó họ dùng tiếng Phạn chuẩn hóa để viết kinh sách Phật giáo. Đa số tác phẩm Phật giáo viết bằng tiếng Phạn, chính là bằng Buddhist Hybrid Sanskrit . Vì vậy Buddhist Hybrit Sanskrit cũng còn gọi là Tiếng Phạn Phật Giáo (Buddhist Sanskrit) hay Tiếng Phạn Hỗn Hợp (Mixed Sanskrit).

Các tác phẩm Phật giáo viết bằng Buddhist Hybrid Sanskrit xuất hiện sau khi Pānini đã hoàn thành việc chuẩn hóa tiếng Phạn vào khoảng đầu thế kỷ thứ 4 trước dương lịch. Sau công trình của Pānini thì tiếng Phạn đã trở thành ngôn ngữ vượt trội trong văn học và triết học ở Ấn Độ. Cho nên các nhà sư Phật giáo bắt đầu thích nghi ngôn ngữ họ đã dùng (tiếng địa phương của họ) với tiếng Phạn trong khi vẫn còn ảnh hưởng của truyền thống ngôn ngữ thoát thai từ một dạng tiếng Prakrit dùng chính thức trong tôn giáo của truyền thống truyền khẩu vào thời kỳ đầu của việc trao truyền Phật pháp. Có lẽ chính vì dưới sự ảnh hưởng đa phương ngữ như thế, mà các tác phẩm Phật giáo được viết bằng Buddhist Hybrid Sanskrit đã ra đời.

Trong khi có nhiều lý thuyết khá khác biệt nhau về mối liên hệ của Buddhist Hybrid Sanskrit với Pāli, thì điều chắc chắn là Pāli thì gần với ngôn ngữ nầy hơn là Sanskrit [3]. Theo K.R. Norman, thì Pāli cũng nên được xem như một dạng của Buddhist Hybrid Sanskrit [04]. Franklin Edgerton lại cho rằng Pāli về cơ bản là một loại tiếng Prakit [05]. Ở những nơi mà BHS khác biệt với Sanskrit thì nó lại gần giống hay y hệt như Pāli. Tuy nhiên, hầu hết những tác phẩm viết bằng BHS hiện còn tới nay thì nguyên thủy được viết bằng BHS chứ không phải được viết lại hay dịch lại từ các tác phẩm đã viết bằng Pāli hay các ngôn ngữ khác [06]…”

Theo thầy Nhất Hạnh, khi giảng kinh Pháp Hoa cho biết “Prakrit và Sanskrit là hai thứ tiếng gần giống nhau, nhưng hình thái văn pháp và chữ nghĩa của Sanskrit rất khác với Prakrit. Cho nên, đứng về phương diện trường hàng tức là văn xuôi, thì việc nhuận văn rất dễ dàng, nhưng đứng về phương diện trùng tụng thì rất khó dịch. Vì vậy mà có nhiều đoạn trùng tụng đã không sửa lại được thành Sanskrit, nên vẫn phải để nguyên chữ Prakrit. Thành ra tiếng Phạn trong kinh Pháp Hoa cũng như trong một số kinh điển khác là tiếng Phạn lai, nghĩa là một ngôn ngữ trộn lẫn giữa Sanskrit và Prakrit. Các học giả vào thế kỷ 19 và 20 thường gọi tiếng Phạn trong kinh điển đạo Bụt là Buddhist Hybrid Sanskrit, tức là tiếng Phạn lai của đạo Bụt.” (Sen Nở Trời Phương Ngoại, Lá Bối xuất bản).

 BBT

[01] Franklin Edgerton, “Buddhist Hybrid Sanskrit, vol. I Grammar, Motilal Banarsidass, 1998, tr.1
[02] Kranklin Edgerton, The Prakit Underlying Buddhistic Hybrid Sanskrit, Bulletin of the School of Oriental Studies, Unversity of London, Vol. 8, No. 2/3, tr. 504. 
[03]. Kranklin Edgerton, The Prakit Underlying Buddhistic Hybrid Sanskrit, Bulletin of the School of Oriental Studies, Unversity of London, Vol. 8, No. 2/3, tr. 502. 
[04]. Jagajjyoti, Buddha Jayanti Annual, 1984, tr. 4, được in lại trong K.R. Norman, Collected Papers, vol. III,1992, Pāli Text Society, tr. 37
[05]. Kranklin Edgerton, The Prakit Underlying Buddhistic Hybrid Sanskrit, Bulletin of the School of Oriental Studies, Unversity of London, Vol. 8, No. 2/3, tr. 503.
[06]. Kranklin Edgerton, The Prakit Underlying Buddhistic Hybrid Sanskrit, Bulletin of the School of Oriental Studies, Unversity of London, Vol. 8, No. 2/3, tr. 502.
Trích từ: TIẾNG PHẠN TRONG PHẬT GIÁO, Lê Tự Hỷ (đoạn 2)

Tri Túc Và Làm Giàu Có Mâu Thuẫn Không?

Huyền Ngu - Quảng Tánh

HỎI: Chúng tôi là những Phật tử rất thích đi nghe pháp. Chúng tôi đã nghe pháp tại các giảng đường ở TP.Hồ Chí Minh gần 10 năm nay. Một lần, chúng tôi được quí thầy dạy ... “phải biết sống tri túc”. Chúng tôi chưa hiểu thật đầy đủ thế nào là tri túc, nếu “sống tri túc” thì có được buôn bán làm giàu không? Nếu cuộc sống có nhiều phương tiện, của cải thì có đi ngược lại tinh thần “tri túc” hay không?

ĐÁP:

Tri túc là biết đủ, biết an trú vào những gì mà mình hiện có, không vọng tưởng mong cầu. Một đời sống tri túc đúng nghĩa là một đời sống an lạc, thanh cao vì không còn bị khổ đau do sự chi phối của dục vọng. Thế nên, trong kinh Di Giáo, Phật đã dạy: “Người biết sống tri túc, tuy nằm trên đất cũng an lạc, người không biết sống tri túc, tuy ở trên các cõi trời nhưng lòng cũng không an ổn”.

Cần phải thấy rằng, cứu cánh đích thực mà giáo lý Phật đà nhắm đến là diệt hết mọi khổ đau trong cuộc sống. Muốn thoát khỏi khổ đau thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là phải vượt thoát khỏi mọi dục vọng. Bởi lẽ, mầm mống cội nguồn của tất cả các nỗi khổ đau trong cuộc sống này đều bắt nguồn từ những tham muốn của con người. Còn tham muốn là còn đau khổ, đó là chuỗi nhân quả tương liên tất yếu. Cho nên, việc loại bỏ dần những tham muốn trong cuộc sống đời người đồng nghĩa với việc thực hành một đời sống tri túc. Ở đây, tri túc là một pháp hành, trợ lực cho hành giả trên con đường thăng tiến tâm linh và giải thoát khổ đau.

Tuy nhiên, trên bình diện hiện thực của một chúng sanh với nhiều nghiệp duyên ràng buộc nhưng đang hướng về Thánh đạo; lẽ cố nhiên ta phải tự xác định vị trí cũng như phải lựa chọn một con đường phù hợp, ngõ hầu gặp nhiều thuận duyên trên hành trình tìm về Bảo sở của chính mình. Vì lẽ, Phật giáo là một tôn giáo xây dựng trên cơ sở hiện thực, dựa vào những điều kiện thiết thân của mỗi chúng sanh mà đưa ra những phương thuốc thích ứng.

Khi đã xác định là một người Phật tử ở trong giai đoạn đầu của tiến trình học Phật, lẽ dĩ nhiên mỗi chúng ta còn phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp khác của cuộc sống. Chẳng hạn như phải lập nghiệp, mưu sinh, quan hệ xã hội, bạn bè, dựng vợ gã chồng cho con cái... tất cả những vấn đề đó đòi hỏi những cơ sở để tồn tại mà đời sống vật chất là một điều kiện cần không thể thiếu. Vấn đề ở đây chính là khi tạo ra và sử dụng những phương tiện vật chất ấy, ta phải có thái độ như thế nào để phù hợp với tinh thần tri túc.

Ở đây, theo chúng tôi tri túc không phải là một giáo lý khuyến khích sự tự mãn, tự bằng lòng với những gì ít ỏi mà mình có mà chính là một thái độ biểu lộ sự thao thức của mình đối với những nỗi khổ đau của tha nhân. Chính vì thông cảm với những nỗi khổ đau ấy mà người Phật tử chân chính không an tâm thâu góp riêng cho mình những tài lợi, những tiện nghi mà mình có thể sở hữu và có quyền thâu góp. Chính vì thông cảm với nỗi khổ đau ấy mà người Phật tử quên bớt mình đi và nghĩ đến người, luôn luôn tâm niệm rằng những điều kiện vật chất mà mình đang có là có thể tạm đủ cho mình rồi và dành thời giờ, tâm lực để lo lắng cho kẻ khác. Chính nhờ sự tự nguyện tri túc như vậy mà người Phật tử biết hạn chế sử dụng những xa xỉ phẩm, những phí tổn vô ích khác và có thể dành dụm những sở hữu vật chất nhất định để giúp đỡ cho tha thân. Có thêm vài mẫu ruộng để mở mang canh tác, có thêm một chiếc xe để thuận tiện việc đi lại, có được một cái máy điện toán, điện thoại để tiện việc thông tin... điều đó không có gì chống trái với giáo lý đạo Phật cả, không hề đi ngược lại giáo lý tri túc. Trừ phi phương tiện để có được những điều kiện vật chất ấy là phương tiện bất chính và mục tiêu sử dụng là để nhằm thỏa mãn tư dục của cá nhân.

Cho nên có thể thấy, sống tri túc không nhất thiết phải chấp nhận một cuộc sống với điều kiện vật chất tạm bợ và như vậy không hề ngăn cản sự tiến lên hay “làm giàu” của mỗi cá nhân. Việc vận dụng nhiều phương tiện hỗ trợ trong cuộc sống không hề trái với tinh thần tri túc, vì cần phải hiểu tri túc chính là biết đủ đối với bản thân mình để từ đó có thể hy sinh mà phụng sự cho người, cho nhân loại.

(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)

TU TỊNH ĐỘ KHÔNG PHẢI CHỈ TỤNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ

HỎI: Gần đây tôi nghe nhiều người tu niệm Phật nói về hai việc khiến tôi rất hoang mang. Một là, phải quy y Phật A Di Đà với pháp danh Diệu Âm mới được vãng sanh Tịnh độ. Hai là, thời mạt pháp này chỉ nên niệm Phật A Di Đà và tụng kinh Vô Lượng Thọthôi, không nên tụng những kinh khác. Mong quý Báo giải thích hai vấn đề cho tôi được hiểu để an tâm trong việc tu tập theo pháp môn Tịnh độ truyền thống.

(THIỆN BẢO, qv619@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn Thiện Bảo thân mến!

Vấn đề “phải quy y Phật A Di Đà với pháp danh Diệu Âm mới được vãng sanh Tịnh độ” hiện chúng tôi chưa tìm thấy kinh luận nào trực tiếp đề cập đến. Trong kinh Vô Lượng Thọ (phẩm 48 - Nghe kinh được lợi ích) có nói đến danh hiệu Diệu Âm: “Bốn vạn ức na-do-tha trăm ngàn chúng sanh chưa từng phát nguyện thành Phật, nay mới phát tâm gieo các căn lành, nguyện sanh về Cực lạc, thấy Phật A Di Đà, đều sẽ vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật Vô Lượng Thọ, thảy đều thứ lớp thành Phật khắp các phương cùng một danh hiệu là Diệu Âm Như Lai” nhưng đây là sự thọ ký của Phật A Di Đà, chứ không phải là bắt buộc quy y lại với Ngài.

Mặt khác, khi một người phát tâm quy y Tam bảo, quy y Phật tức vị ấy đã quy y tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, trong đó tất nhiên đã quy y với Đức Phật A Di Đà rồi nên bây giờ quy y thêm lần nữa thì không đúng. Mà quy y với tâm niệm ràng buộc kiểu “phải quy y Phật A Di Đà với pháp danh Diệu Âm mới được vãng sanh Tịnh độ” thì lại càng xa lạ với Chánh pháp, không đúng và không nên. Đành rằng thâm tín với Phật A Di Đà chính là quy mạng, quy y Ngài nhưng sự quy y đó mang ý nghĩa quay về nương tựa vào lời Ngài dạy thực hành tự độ, độ tha cho đến ngày công viên quả mãn; hiển lộ tự tánh Di Đà hằng thanh tịnh và sáng suốt của bản tâm tịch tịnh chứ không phải là quy y lại theo sự tướng bên ngoài.

Tu học theo pháp mônTịnh độ, để thành tựu vãng sanh, theo kinh A Di Dà, hành giả phải thành tựu tín-nguyện-hạnh và nhất là niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn từ một cho đến bảy ngày. Niệm Phật nhất tâm là chánh hạnh, còn trợ hạnh là làm tất cả các việc lành, chánh hạnh và trợ hạnh phải song hành trong quá trình tu tập. Đây chính là nguyên tắc căn bản nhất, xuyên suốt nhất, là điều kiện cần và đủ để vãng sanh theo tôn chỉ tu tập của Tịnh Độ tông.

Tiếp đến, vấn đề “thời mạt pháp này chỉ nên niệm Phật A Di Đà và trì tụng kinh Vô Lượng Thọ thôi” cũng chưa ổn. Riêng vấn đề “không nên tụng những kinh khác” là hoàn toàn sai với Chánh pháp. Bởi giáo lý Tịnh độ dạy người muốn vãng sanh thì phải: Hiếu kính cha mẹ và sư trưởng, phát Bồ-đề tâm, tu tập thiện nghiệp và đọc tụng kinh điển Đại thừa (Theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ).

Nếu đổ thừa cho thời mạt pháp mà chủ trương như vậy lại càng sai. Chính thời mạt pháp, người Phật tử phải phát Bồ-đề tâm, hành theo hạnh Bồ-tát, nỗ lực truyền bá Chánh pháp của Phật. Y theo tôn chỉ “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học/Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, mới xiển dương Chánh pháp của Phật, sao lại chủ trương quay lưng với kinh điển Phật dạy?

Mặt khác chủ trương “không nên tụng những kinh khác” là mắc tội phá kiến, khiến cho số đông người không hiểu hoặc hiểu sai bản chất của toàn bộ giáo lý Đức Phật; điều này người học Phật nên thận trọng, vô tình phạm vào tội hủy báng Chánh pháp. Tu hành chưa được bao nhiêu công đức, mà phạm tội đó thì đáng tiếc, phải chịu quả báo khổ đau, làm sao mà thành tựu nguyện lực vãng sanh!

Có thể sau quá trình tìm hiểu nhiều kinh điển liên quan đến Tịnh Độ tông, hành giả chọn một vài kinh tiêu biểu như kinh A Di Đà hay kinh Vô Lượng Thọ để hành trì chuyên sâu. Thế nhưng, kêu gọi những hành giả sơ cơ chuyên nhất vào kinh Vô Lượng Thọ mà không tìm hiểu, đọc tụng các kinh sách khác là không nên, nếu điều đó vì dụng ý riêng để dựng tông lập phái thì Phật tử chúng ta phải hết sức cảnh giác.

Hiện nay một số vị hành giả Tịnh tông (ảnh hưởng Phật giáo nước ngoài) đang cổ xúy cho việc chuyên nhất vào kinh Vô Lượng Thọ, tụng kinh thì tốt nhưng kêu gọi Phật tử “không nên tụng những kinh khác” là một sự sai lạc cần được chấn chỉnh. Bởi lẽ, nhân danh tu tập pháp môn Tịnh độ mà kêu gọi Phật tử từ bỏ Phật Thích Ca để quy y với Phật A Di Đà là không thể chấp nhận. Thậm chí có nơi đã xảy ra hiện tượng “phế” Phật Thích Ca để chỉ thờ duy nhất Phật A Di Đà mà thôi. Chúng ta thử hình dung có một tổ chức Phật giáo mà gần như lãng quên Đức Giáo chủ Phật Thích Ca, chỉ biết đến duy nhất niệm Phật A Di Đà và thọ trì kinh Vô Lượng Thọ mà thôi, thì tổ chức ấy có còn là Phật giáo đích thực nữa không? Nhân đây chúng tôi kính đề nghị các ban ngành hữu quan của GHPG Việt Nam quan tâm đến vấn đề này để kịp thời chấn chỉnh.

Đối với những ai đã quen với nếp tu học niệm Phật, tụng kinh, lễ bái và thực hành theo kinh A Di Đàcùng nhiều kinh điển Đại thừa khác như cổ lệ chùa chiền Việt Nam từ trước đến nay thì cứ như vậy mà tu hành, không có gì phải dao động cả. Tu học theo Phật pháp là không nên vội tin bất cứ điều gì mà phải luôn vận dụng tuệ giác soi xét tất cả các pháp trong tinh thần Chánh kiến của đạo Phật.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

TỘI LỖI - HÌNH PHẠT - SÁM HỐI (Cư sĩ Tuệ Đăng)

Có câu chuyện Thiền trích dịch từ cuốn “Collection of Stone and Sand”, xuất hiện vào thế kỷ 13, do thiền sư Muju viết bằng Nhật ngữ, tên là Shasekishu, dịch giả Paul Reps dịch sang Anh Ngữ, nội dung như sau:

“Trong cuộc hành trình tới tỉnh Edo, Zenkai, con trai của một hiệp sĩ Nhật, trở thành người hầu cận của một quan chức cao cấp tại đó. Zenkai ngoại tình với vợ của quan chức này và bị phát hiện. Để tự vệ, hắn ta giết vị quan rồi chạy trốn cùng với người vợ.

Sau này hai người trở thành những tên ăn trộm. Nhưng người đàn bà quá tham lam khiến cho Zenkai càng ngày càng khinh ghét đến phát ghê tởm. Cuối cùng không còn chịu nổi, Zenkai bỏ người đàn bà lại mà đi tới nơi xa, tận tỉnh Buzen, trở thành một người hành khất lang thang.

Để chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ, Zenkai quyết tâm hoàn thành một vài việc thiện trong cuộc đời. Biết rằng có một con đường nguy hiểm cheo leo trên vách đá từng là nguyên nhân gây ra tai nạn chết và bị thương cho nhiều người, Zenkai quyết tâm mở một con đường hầm xuyên qua núi tại nơi đó.

Ban ngày thì đi xin thực phẩm, ban đêm Zenkai mài miệt đào con đường hầm. Trải qua ba chục năm, con đường hầm dài được 2.280 feet, cao 20 feet và rộng 30 feet.

Hai năm trước khi hoàn tất công trình, người con trai của viên quan mà Zenkai giết khi xưa, nay đã trở thành một kiếm sĩ lão luyện, tìm ra được Zenkai và tới để trả thù nhà. Biết mục đích của khách lạ, Zenkai nói:

- Tôi sẽ sẵn sàng trao mạng sống của tôi cho anh. Chỉ xin hãy để cho tôi làm xong công việc này. Ngay hôm con đường hoàn thành, anh có thể giết tôi.

Người con trai đồng ý đợi tới ngày đó. Nhiều tháng trôi qua, Zenkai cứ miệt mài làm việc. Người con trai càng ngày càng thêm chán nản vì cái cảnh ăn không ngồi rồi, nên bắt đầu phụ giúp công việc đào hầm. Sau khi đã giúp Zenkai trên một năm, anh ta cảm thấy ngưỡng mộ ý chí mãnh liệt và nghị lực của Zenkai.

Cuối cùng thì con đường hầm cũng đào xong và mọi người có thể sử dụng nó để đi lại an toàn. Bây giờ Zenkai mới nói:

- Công việc của tôi đã hoàn tất. Hãy chặt đầu tôi đi.

Với đôi mắt đẫm lệ, người đàn ông trẻ nghẹn ngào:

- Làm sao con có thể cắt đầu vị thầy của chính con được?”

Như quý vị đã thấy, chủ đề chính của câu chuyên Thiền này là vấn đề tội lỗi, hình phạt và sám hối.

Đạo Phật không quan niệm rằng có quỷ thần hai vai hay một dạng thức thần thánh nào đó từ bên ngoài ghi nhận các việc thiện ác của mỗi người ngõ hầu sau khi chết đương sự sẽ phải tới đâu đó để được phán xét coi sẽ phải chịu hình phạt đầy đọa tại một nơi ghê rợn nào đó, hoặc được hưởng gì theo lệnh ban xuống từ các đấng, các bậc gì đó chăng.

Mà nhà Phật cho rằng mỗi hành vi tạo tác trong cuộc đời con người ta đều để lại dấu ấn nơi kho chứa của chính mình, đó là Tàng Thức, là một trong tám Thức, theo tâm lý học của đạo Phật. Những dấu ấn đó sẽ trở thành chủng tử, tức là hạt giống, nảy nở thành thiện quả hoặc ác báo trong đời sống tương lai, có thể là tương lai ngay trong cuộc đời này, hoặc trong những kiếp sau, chi phối bởi luật nhân quả.

Như thế, theo quan điểm của nhà Phật, mỗi cá nhân sẽ nhận sự báo ứng tùy theo hành vi thiện ác của mình trong cuộc đời, nếu gây tội ác thì sẽ nhận lãnh quả báo tương xứng với tội ác mình đã gây ra trong quá khứ, nhưng không do một thế lực nào bên ngoài giáng xuống mà do chính sức bật của quy luật nhân quả mà thôi.

Đến đây, chúng ta cần lưu tâm tới một điều đặc biệt tối quan trọng, đó là vấn đề Tâm của nhà Phật.

Đức Phật là bậc Giác Ngộ. Ngài giác ngộ cái gì? Xin thưa rằng Ngài giác ngộ lại được chính Bản Tâm, điều mà chư Tổ Thiền Tông gọi là Kiến Tánh.

Từ sự giác ngộ, Ngài trực nhận rằng chúng ta trôi lăn vào màng lưới sinh tử này là do một niệm mê từ biển Tâm dấy lên, gọi là khởi niệm huyễn vọng, rồi từ đó tạo Nghiệp, nhận quả báo, dòng đời trôi lăn miên viễn.

Nhưng Chân Tâm vốn là viên mãn, hòan hảo, thanh tịnh, cũng như hoa sen dù mọc trong bùn mà không bị nhuốm mùi bùn. Một niệm Giác Ngộ thì mê vọng tan rã, cũng như người ngủ mê chợt tỉnh, như căn nhà tối hàng ngàn năm, thắp lên ngọn đèn là bóng tối tan biến.

Về điều này, đức Phật đã dạy rõ nơi kinh Viên Giác, hòa thượng Thích Duy Lực dịch như sau:

Huyễn từ bản giác sanh,
Huyễn diệt, giác viên mãn.
Bản giác vốn chẳng động,
Như tất cả Bồ Tát,
Và mạt pháp chúng sanh.
Thường nên xa lìa huyễn,
Các huyễn thảy đều lìa,
Như dùi cây lấy lửa,
Cây hết, lửa cũng diệt.

“Cây hết lửa cũng diệt” chính là ý của câu đức Phật nói khi ngài chứng ngộ, được ghi lại trong kinh Trung A Hàm là:

"... Tâm siêu thoát của ta không thể lay chuyển. Đây là kiếp sống cuối cùng của ta. Từ đây ta sẽ không còn trở thành, không còn tái sanh...”

Trong các cuộc đàm luận Phật pháp, có một câu thường hay được nhắc đến, coi như danh ngôn, đó là “Kẻ cướp buông dao thành Phật”. Vì câu nói quá ngắn gọn, khiến cho một số người hiểu lầm. “Buông dao” trong câu này có hàm ý là buông cái tâm sát nhân, tâm bất thiện, chứ không phải chỉ buông con dao bằng vật chất trong khi tâm còn giữ nguyên những ý niệm xấu ác. Nếu chỉ buông con dao mà tâm ác vẫn còn thì lại có thể cầm kiếm, cầm súng vậy.

Tại các thời kinh của nhà Phật, đều có tụng lên bài kệ:

Tội từ tâm khởi, đem tâm Sám
Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh, thảy đều Không
Ấy mới thật là Chân Sám Hối.


Tội nói ở đây tức là nghiệp báo.

Như bài kinh Viên Giác trên, chúng ta thấy tất cả pháp giới, tội phước, nghiệp báo, đều chỉ là huyễn, đều“Huyễn từ bản giác sanh”, vốn chỉ do nhân duyên giả hợp mà huyễn hiện thành ra như là có. Nghiệp sẽ là nhân chi phối dòng đời, lặn hụp trong biển sinh tử, nghiệp thiện thì hưởng quả thiện, nghiệp ác thì lãnh quả báo ác, như bóng đi theo hình, không thoát được cái vòng lẩn quẩn.

Nếu biết tỉnh ngộ mà theo các đường lối tu hành để chuyển nghiệp, từ xấu chuyển qua tốt, rồi từ tốt chuyển qua thanh tịnh, thì sẽ tiêu dung được nghiệp, ra khỏi dòng sinh tử triền miên.

Sám Hối là một trong những phương pháp tu để chuyển nghiệp. Sám Hối ở đây là “Tâm Sám”, tức là chuyển Ý nghiệp từ những tư tưởng xấu ác thành những tư tưởng lành thiện, rồi tới Thân nghiệp là thực hiện những việc lành thiện đó.

Kẻ sát nhân trong câu chuyện Thiền trên đã thực hiện trọn vẹn chu kỳ chuyển nghiệp. Trước hết là trong thâm tâm, ông ta Sám Hối chuyện ác đã gây ra trong quá khứ, và muốn chuộc tội bằng cách làm việc thiện.

Suốt ba chục năm trường, ông ta cần cù chỉ làm một việc là đào con đường hầm để giúp mọi người thoát tai nạn, cho đến khi con của nạn nhân tới trả thù, đòi chém đầu, ông ta cũng sẵn sàng chết cho anh này tròn bổn phận làm con, muốn báo thù cha, chỉ xin lưu mạng sống một gian ngắn đủ để hoàn tất con đường. Khi con đường đã xong, ông ta bèn nộp mạng.

Như vậy, kẻ sát nhân đã buông dao, đồng thời buông luôn tâm ác, đó là trường hợp “Buông dao đồ tể thành Phật”.

Sau một thời gian chứng kiến hành trình chuyển hoá của kẻ sát nhân, trước mắt người con, hình bóng kẻ thù tàn ác đã biến mất, mà chỉ còn lại tấm gương sáng của một bậc thày miệt mài trên con đường bồ tát hạnh, quên mình, hy sinh bản thân vì lợi ích của chúng sinh, cứu chúng sinh khỏi bị tai nạn hiểm nguy trên con đường núi hiểm trở, mà thôi.

Nơi phẩm Bát Nhã, kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng đã dạy:

...”... Thiện tri thức, khi chưa ngộ thì Phật tức chúng sanh, lúc một niệm khai ngộ, chúng sanh tức Phật."

Tâm chúng sinh thì vô thường, không cố định. Con đường giải thoát của nhà Phật rộng mở thênh thang, bất cứ ai phạm tội mà biết hối cải, chuyển hóa Tâm ác trở thành lành thiện, thì nghiệp dữ cũng theo đó mà hoán chuyển, khi“tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”.

Bản hoài của đức Đại Giác Bổn Sư Thế Tôn là dạy chúng sinh các pháp môn tu để tới được đích cuối cùng là:

“Tội tiêu Tâm tịnh thảy đều Không”.

Không ở đây là Tánh Không, là Bản Thể Chân Tâm Giác Tánh, là Niết Bàn, là vĩnh viễn giải thoát, là Tận Diệt tất cả Khổ vậy.

Cư sĩ Tuệ Đăng

LÀM SAO ĐỂ KIẾM TÌM VỊ THẦY TÂM LINH?

Rudy Harderwijk

Quảng Trí lược dịch

“Dựa trên những lời giáo huấn để đánh giá một vị thầy: Đừng tin một cách mù quáng, nhưng cũng đừng phê bình mù quáng”. Đức Đạt Lai Lạt Ma

Chúng ta cần sự hỗ trợ trên con đường tâm linh để giúp tìm ra con đường đúng đắn. Rõ ràng, một người tốt nhất để chúng ta đi theo có thể xem như là một hướng dẫn viên du lịch giỏi, người đã đi qua con đường đó một cách thành công. Người ấy có thể giúp ta rút ngắn lộ trình của mình và tránh những chướng ngại trên đường.

Ở phương Tây, vai trò của vị thầy tâm linh thường bị hiểu nhầm, bởi vì người phương Tây đã không còn giữ hệ thống giáo dục cổ điển, học sinh học với một vị thầy giáo trong nhiều năm, chẳng hạn như việc học các ngành nghề thủ công.

Có nhiều sự hiểu nhầm về các bậc thầy tâm linh. Một số người có thể nghĩ rằng, một vị thầy tâm linh sẽ nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm đối với đời sống của một người đệ tử, và xem người đệ tử như là một kẻ biết vâng lời, một đứa trẻ vô tâm. Như Scott Mandelker nhận định: “Dường như rằng, hầu hết những người đệ tử đều thật sự muốn giữ lại một chút tính trẻ con, và thần tượng hóa người cha, người mẹ tâm linh thiêng linh của mình”.

Tuy nhiên, không ai có thể nhận lãnh trách nhiệm thay cho chính ta, cho lối sống của ta và cho những hạnh nghiệp mà ta đã làm. Thậm chí, ngay cả khi nhường việc đưa ra một số quyết định lại cho người khác, chúng ta vẫn chịu trách nhiệm về những hành động của mình, kể cả khi chúng ta chuyển các quyết định ấy cho người khác.

Chúng ta cần có cái nhìn thiết thực về những vị thầy tâm linh. Nếu muốn học điều gì đó, chúng ta cần một vị thầy, hoặc ít ra sẽ rất hữu ích khi có một vị thầy chỉ dẫn. Làm sao chúng ta có thể tiến bộ trong việc tập đọc, tập viết khi không có thầy dạy, không có người hướng dẫn? Ngài Zasep Tulku Rinpoche đã dạy: “Nếu bạn học Phật chỉ vì mục đích nghiên cứu, vì muốn phát triển sự hiểu biết của mình về Phật pháp, nếu bạn chỉ học Phật pháp mang tính học thuật, chỉ ở mức độ tri thức thì tôi nghĩ bạn không cần đến mối quan hệ thầy-trò. Và bạn cũng có thể học với tất cả mọi vị thầy. Việc này cũng giống như bạn đến học tại một trường đại học vậy, bạn học với những vị thầy khác nhau, những giáo sư khác nhau và cứ thế bạn tiến về phía trước. Nhưng nếu bạn muốn dấn thân tu theo Phật pháp thì cần phải có vị thầy dẫn dắt, bởi vì chúng ta cần phải biết làm sao để đạt đến sự giải thoát, làm sao để thực tập Chánh pháp”.

Trong đạo Phật, chúng ta cần phải nhận thấy được rằng, vai trò của người thầy tâm linh là vô cùng quan trọng, bởi người thầy có thể dẫn dắt chúng ta tìm thấy được trí tuệ và “vị thầy bên trong” của mình. Chúng ta cần phải phát triển trí tuệ và sự thấu hiểu để trở thành một bậc thầy, và cuối cùng là chính ta trở thành một vị Phật. Trong ý nghĩa đó, một vị thầy như là "một người mẹ tâm linh"; ở giai đoạn khởi đầu, chúng ta dường như không có khả năng tự lập, nên cần nhiều sự giúp đỡ, chỉ dẫn; nhưng cuối cùng thì chúng ta cần phải đứng bằng chính đôi chân của mình và có khả năng tự lập. Ngài Lama Thubten Yeshe từng dạy: “Một vị thầy tâm linh là một người thật sự có thể chỉ cho bạn thấy Phật tánh trong tâm bạn và là người biết những phương thuốc tuyệt hảo để chữa trị những tâm bệnh của bạn. Một người mà không biết tâm của chính họ thì sẽ không bao giờ biết được tâm của người khác, do vậy họ không thể nào làm một vị thầy tâm linh”.

Trước khi quyết đinh đi theo một vị thầy tâm linh, chúng ta cần phải tìm hiểu về vị đó, đây là điều hết sức quan trọng. Có không ít những điều dối trá ở xung quanh ta. Trong truyền thống Ấn Độ cổ, các vị thầy thường được kiểm tra trong vòng 12 năm hoặc hơn trước khi họ được hoàn toàn tin tưởng và giao phó nhiệm vụ làm vị thầy hướng dẫn tâm linh cho học trò. Người ta rất dễ đi theo người khác một cách mù quáng, đặc biệt là với “những người nói rất êm tai” và “những người bán hàng giỏi”. Lý do khiến các vị thầy tâm linh được gọi với những danh từ xấu đó là vì nhiều người đã bị lừa bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài. Không nên tin tưởng một cách mù quáng vào các vị thầy như thế để rồi đi theo họ.

Bạn cần phải có trách nhiệm kiểm tra những cảm nhận của mình một cách nghiêm túc, ngay cả trong những mối quan hệ cá nhân: Kiểm chứng xem những hành vi của họ có hợp với những gì họ nói không? Phải chăng họ thường nhấn mạnh đến những vấn đề đời thường hơn so với con đường tâm linh của họ? Hãy xem những gì mà các vị đệ tử khác nói về thầy của họ; và đương nhiên là cả những điều mà các vị thầy khác nghĩ.

Làm sao để một người có thể chọn cho mình một vị thầy để giảng dạy cho họ các vấn đề tâm linh hoặc nhận biết một vị thầy đáng tin cậy? Đối với câu hỏi này, Đức Dalai Lama đã dạy: “Điều này nên được tiến hành một cách tương ứng với tính tình và mối quan tâm của bạn, nhưng bạn phải phân tích kỹ lưỡng. Bạn phải kiểm tra trước khi nhận một vị thầy tâm linh để xem vị đó có thật sự có khả năng hay không. Trong kinh điển có dạy rằng, một con cá ẩn nấp dưới nước có thể được nhìn thấy thông qua sự chuyển động của những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước, cũng vậy, những phẩm chất bên trong của một vị thầy, qua thời gian, có thể nhìn thấy một ít thông qua những hành vi của vị đó. Chúng ta cần nhìn vào sự uyên thâm của vị thầy - khả năng giải thích các chủ đề - và xem vị đó có thực hiện những lời họ dạy trong tư cách đạo đức và lối sống của bản thân hay không.

Theo ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, thật khó để nhận ra một vị thầy chân thực, bởi vì những phẩm chất của một vị thầy đích thực thường nằm ở bên trong. Chúng ta không thể dựa vào những yếu tố bên ngoài được, nhưng những yếu tố bên ngoài là những gì chúng ta có thể thấy. Rất khó nhìn thấy được những phẩm chất bên trong của người khác. Một người kinh doanh có thể thân thiện với chúng ta hơn cả người bạn thân nhất của mình, trong khi động cơ bên trong của anh ta là chỉ để bán được sản phẩm. Tương tự như thế, một vị thầy hành xử với chúng ta bằng một thái độ rất tử tế và đầy yêu thương, nhưng điều đó không hẳn là vị ấy có tâm thương yêu và vị tha, tại vì chúng ta không thể nhìn thấy được động cơ bên trong của người đó. Chúng ta cũng không thể xác định những phẩm chất của một vị thầy dựa trên danh tiếng của họ, hay là dựa trên số lượng đệ tử, học trò của họ.

Không có một giải pháp đơn giản cho vấn đề này, nhưng có một vài điều mà chúng ta có thể áp dụng trong việc tìm kiếm cho mình một vị thầy tâm linh. Trước hết, chúng ta cần làm quen với những phẩm chất của một vị thầy tâm linh, đó là: 1. Một vị thầy tâm linh phải có hành vi đạo đức phù hợp, không làm tổn hại người khác mà ngược lại còn giúp đỡ họ; 2. Có khả năng định tĩnh; 3. Không chấp ngã và không có những ý niệm về tự ngã; 4. Giảng dạy mọi người với tâm thương yêu, không vụ lợi; 5. Có sự hiểu biết, có tri thức phù hợp; 6. Chuyên tâm giảng dạy không biết mệt mỏi; 7. Thông thạo nhiều kinh điển; 8. Nghiên cứu sâu và thực chứng nhiều hơn học trò; 9. Khéo thuyết giảng; và 10. Không thất vọng và bỏ rơi học trò khi họ có những biểu hiện chưa tốt. Nếu được thì nên tìm những vị thầy tâm linh hội đủ 10 phẩm chất nói trên, hoặc ít nhất là 5 phẩm chất đầu. Tiếp đến, chúng ta phải duy trì sự tỉnh giác đối với động cơ của chính mình trong quá trình tìm kiếm vị thầy tâm linh. Chúng ta phải luôn tự vấn rằng: Phải chăng tôi đang tìm kiếm một vị thầy để giúp tôi đạt được sự giác ngộ để rồi làm lợi ích cho chúng sanh, hay là tôi tìm kiếm một vị thầy để thỏa mãn nhu cầu của tôi là có được uy tín khi được ở bên cạnh một vị thầy nổi tiếng, hay chỉ đơn giản là tôi bị thu hút bởi không gian tu tập đẹp đẽ của vị thầy, hoặc là bị cuốn hút bởi hình ảnh của cộng đồng tu sĩ tân thời…?

Những động cơ của chúng ta rất quan trọng, góp phần giúp ta tìm được một bậc thầy minh triết thực sự. Bởi vì, vị thầy mà ta tìm thấy có liên hệ với nghiệp của ta, và nghiệp của ta thì lại gắn kết mật thiết với động cơ của mình. May mắn cho chúng ta là còn có những phương pháp giúp ta thanh lọc động cơ của bản thân và tạo ra những điều kiện tương hợp cho việc tìm kiến một vị thầy minh triết. Những phương pháp ấy là: dùng sự tỉnh giác của mình để soi rọi vào những động cơ của bản thân càng nhiều càng tốt, thực tập thiền mỗi ngày, và cầu nguyện Tam bảo gia hộ… Những phương pháp này sẽ giúp ta gặp và nhận ra một vị thầy minh triết thực thụ.

Trong truyền thống tu tập của Phật giáo, Đức Phật ví những giáo pháp mà Ngài đã giảng dạy như những vị thuốc, và người thầy tâm linh thực thụ như là những vị bác sĩ giỏi, có khả năng chẩn đoán đúng tâm bệnh của đệ tử để rồi đưa ra những phương thuốc phù hợp giúp chữa lành căn bệnh cho họ. Vì thế, trên con đường tu học, nếu ta gặp được một vị thầy tâm linh thực thụ, một vị thầy với đầy đủ sự minh triết và lòng thương yêu để dẫn dắt chúng ta tu học thì đấy là một diễm phúc lớn, một phước báo lớn của ta.

Rudy Harderwijk - Quảng Trí lược dịch

CÓ NÊN TIN VÀO DUYÊN SỐ?

Huyền Ngu - Quảng Tánh

HỎI: Tôi có xem sách bói toán nói về tuổi tác nam nữ khi lập gia đình, rồi nghiệm bản thân cùng bốn người bạn bị phạm vào tháng “Cô thần”, “Cô quả” hiện tại đều gặp trục trặc trong đời sống hôn nhân. Dù rằng, họ là những người có nhân cách tốt, là giảng viên giỏi, nhà quản lý tài năng và có đời sống vật chất khá đầy đủ. Vậy có phải do tuổi tác của họ không hợp? Hay là do trong quá khứ họ đã tạo nghiệp nên trong hiện tại chịu quả báo cô đơn? Đây có phải là định nghiệp? Có thể chuyển nghiệp được không và chuyển bằng cách nào?

ĐÁP:

Về vấn đề bói toán, trước hết, xin nói rõ cho bạn biết rằng đạo Phật không có chủ trương bói toán, xem tuổi tác và ngày giờ tốt xấu để phán xét, đoán định vận mạng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai. Đạo Phật chủ trương nhân quả và nghiệp báo, với mục đích tìm ra những nguyên nhân hình thành ác nghiệp rồi khắc phục, cải tạo nhân xấu thành nhân tốt và chuyển hoá ác nghiệp thành thiện nghiệp để hoàn thiện nhân cách và đời sống của chúng sanh. Do đó, theo Đạo Phật, những bất hạnh và đổ vỡ trong đời sống hôn nhân của bạn và nhiều người khác không phải là do tuổi tác xung khắc hoặc phạm vào Cô thần, Cô quả như bạn nói. Đó chính là kết quả của Nghiệp do tự thân bạn tạo ra rồi trở lại chi phối, tác động làm tan vỡ đời sống hôn nhân của chính bạn.

Nghiệp là một năng lực được tạo ra do những suy nghĩ, lời nói và hành động có chủ ý. Có nhiều Nghiệp được tạo ra trong quá khứ, quyết định một phần tính cách, hình dáng và hoàn cảnh của một cá nhân. Tuy nhiên, ảnh hưởng và chi phối phần lớn đời sống chúng ta là những Nghiệp được tạo ra trong hiện tại. Như vậy, sự đổ vỡ trong hôn nhân của các bạn ắt hẵn có một phần nguyên nhân của những nghiệp duyên quá khứ nhưng những nghiệp duyên do các bạn tạo ra trong hiện tại giữ vai trò rất quan trọng, gần như quyết định. Những người có học vấn cao, thành đạt trong nghề nghiệp nhưng không phải ai cũng có khả năng chuyển hoá để phù hợp, hòa thuận, sống hạnh phúc với người bạn đời của mình. Sự tổn thương và rạn nứt trong tình cảm vợ chồng, nếu không biết hàn gắn theo thời gian sẽ dẫn đến đổ vỡ. Tiến trình đi đến phá sản hạnh phúc hôn nhân là cả một quá trình tạo nghiệp theo chiều hướng tan vỡ. Nếu nghiệp nhân được tạo ra không mang tính chất cảm thông, thương yêu, chia sẻ và gắn bó thì làm sao tránh khỏi nghiệp quả ly tan.

Tính chất cơ bản của nghiệp là bất định tính. Nghiệp luôn luôn chuyển biến theo hướng thiện hoặc ác tuỳ theo sự tạo nghiệp của thân, khẩu và ý trong đời sống hiện tại của cá nhân. Vì thế, sự đổ vỡ trong hôn nhân tuy có sự tham gia của nghiệp nhân quá khứ nhưng chỉ mang tính tiền đề. Nếu biết cải tạo nghiệp cũ và xây dựng nghiệp mới, tức biết thông cảm, hiểu và thương nhau thật sự, thì “nghiệp cũ đổ vỡ” sẽ bị nghiệp mới là “chia sẻ và thương yêu” triệt tiêu. Vì nghiệp không có định tính cho nên không có định nghiệp. Càng không có định nghiệp theo kiểu số mạng như là “chúng tôi phải chia tay vì duyên số của chúng tôi như vậy”. Đây chính là sự yếu hèn và thiếu sáng suốt của khá nhiều người. Đúng ra, trách nhiệm phải quy về tự thân vì chính cá nhân đó không nỗ lực cải tạo và xây dựng thiện nghiệp của chính mình, lại đem tất cả đổ lỗi cho duyên số, số phận và định mệnh.

Tu tập để chuyển hóa, sửa đổi và thăng hoa nghiệp lực của chính mình là mục đích sống của người Phật tử. Trong đời sống hôn nhân và gia đình thì sự thực tập Chánh pháp để xây dựng hạnh phúc lại càng được chú ý hơn. Hạnh phúc hay khổ đau là do chúng ta tự tạo dựng và quyết định. Không ai có quyền và có thể chi phối đời sống của chúng ta.

Trong kinh tạng, Đức Phật đã dành cho hàng đệ tử tại gia không ít những lời dạy, những phương pháp thực tập để xây dựng đời sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc. Cốt lõi của của những lời dạy này không ngoài sự chuyển hoá ba nghiệp của thân, khẩu và ý. Muốn chuyển hoá tốt, trước hết phải tu tập chánh niệm. Phải ý thức một cách rõ ràng về những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình đang và sắp xảy ra. Nếu đó là những suy nghĩ, lời nói và hành động đem đến chia rẽ, hận thù và đổ vỡ… thì ngay lập tức chủ thể phải nỗ lực diệt trừ chúng khi còn trong ý niệm. Ngược lại, những suy nghĩ, lời nói và hành động mang đến cảm thông, hiểu biết, yêu thương… thì cần phát huy đến chỗ hoàn thiện. Phải biết lắng nghe những tâm tư, hoài bão và những uẩn khúc của người bạn đời của mình thật sâu sắc để hiểu được họ. Không những thế, phải lắng nghe những tâm sự của chính mình để hiểu mình. Hiểu được mới thương được. Hiểu nhau là cơ sở của thương yêu đồng thời thương yêu là chất liệu để nuôi dưỡng, là nhịp cầu nối liền cảm thông để hiểu nhau thêm trọn vẹn. Chuyển hóa ba nghiệp, thiết lập được hiểu biết và thương yêu là phương pháp xây dựng đời sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc theo lời Phật dạy.

ĐỊA NGỤC LÀ GÌ?

Thưa quý thính giả,

Tuần này chúng tôi xin trả lời bức thư sau đây của một vị thính giả gửi về Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen:

Thưa quý Ban Biên Tập,
Năm nay tôi đã trên sáu chục tuổi, ở cái tuổi mà hằng ngày tìm tên bạn bè trên những mục cáo phó, phân ưu trong các nhật báo và tuần báo. Biết rằng giờ phút ra đi của mình cũng chẳng còn bao xa, cho nên đêm đêm nằm trằn trọc, tôi băn khoăn không biết tương lai sau khi tắt hơi, mình sẽ về đâu.
Thuở nhỏ, mỗi khi làm điều lỗi, tôi thường được nghe người lớn hù dọa về Thập Điện Diêm Vương, về các loại địa ngục ở dưới đất, vân vân, nhưng tôi không quan tâm. Đến nay gần đất xa trời, nhiều lúc tôi mơ hồ cảm thấy một nỗi sợ hãi mênh mông, nên gửi thư này xin thỉnh ý quý vị về vấn đề địa ngục.

Thưa quý thính giả,

Không riêng vị thính giả gửi là thư này, mà nhiều người trong chúng ta, dù có niềm tin về một tôn giáo nào đó, hoặc không tin thần thánh gì cả, cũng có đôi chút ấn tượng trong đầu về một cảnh giới được đặt tên là địa ngục.

Ý niệm về địa ngục được hình thành từ thời cổ xưa, xuất hiện cùng với ý niệm về ông Trời, về Thượng Đế, về các loại Thánh Thần vân vân. Hầu hết các tôn giáo đều nói đến những sự thưởng phạt sau khi chết, được thưởng thì được sinh lên thiên đường hưởng phước, bị phạt thì bị đầy xuống địa ngục chịu tội. Thời trước người ta tin là trái đất vuông, mặt đất bằng phẳng, cho nên thiên đường được giới thiệu là ở cao tít trên mây, và địa ngục ở dưới sâu trong lòng đất. Lý do để được thưởng hay bị phạt thì tùy theo luật lệ của mỗi tôn giáo quy định.

Suốt chiều dài của lịch sử loài người, hình ảnh về thiên đường và địa ngục đã giúp những bậc trưởng thượng trong các bộ lạc, làng mạc, thôn xóm, gia đình, như là một trợ huấn cụ đắc lực để răn đe con cháu khỏi làm điều sai trái.

Sau này, khi các tổ chức tôn giáo hình thành, thì vai trò thiên đường và địa ngục lại càng đắc lực hơn, trong việc tạo ấn tượng về thưởng phạt, về nỗi khiếp sợ sẽ bị đầy xuống địa ngục nếu trái lệnh, hoặc sự cứu rỗi nếu người tín đồ vâng lời, khiến cho từ trong tiềm thức, người ta tin chắc rằng cần phải có một nơi để bấu víu, để nương tựa sau khi chết, nếu không sẽ phải chịu muôn vàn khốn khổ, thiêu đốt vĩnh viễn trong địa ngục.

Có niềm tin cho là sau khi con người chết đi, linh hồn xuống tới âm phủ, thì “quỷ thần hai vai” của người ấy sẽ đem tất cả công và tội của họ tâu lên vua Diêm Vương để ông ta quyết định sự thưởng phạt, hoặc cho lên trời hưởng phước, hoặc đầy vào các loại địa ngục mà tên gọi thường là rất rùng rợn, tùy theo sáng kiến của người phát minh.

Đạo Phật không tin chuyện quỷ thần hai vai và ông Diêm Vương nào đó lại có thể quyết định vận mạng của ai được. Nền đạo đức Phật giáo không xây dựng trên sự thưởng phạt ở thiên đường hoặc địa ngục, do các Thần Linh áp đặt, mà lấy quy luật nhân quả làm căn bản.

Tâm lý học của đạo Phật cho rằng tất cả những việc mà mỗi dòng đời tạo ra, trải dài theo cuộc hành trình trong thế giới hiện tượng tương đối này, là những hạt giống, hay còn gọi là chủng tử thiện hoặc ác, trong tương lai khi hội đủ cơ duyên, sẽ nẩy nở thành những thiện quả hoặc ác báo, đều chứa tại Thức Thứ Tám, còn gọi là Tàng Thức hoặc A Lại Da Thức, của chính dòng sinh mạng đó. Thức này là lớp Vọng, cũng mênh mông như Chân Tâm, tạm ví như làn sóng điện trong không gian.

Những chủng tử thiện hoặc ác này sẽ xuất hiện vào giây phút lâm chung, để quyết định cảnh giới tái sinh của đương sự, nhà Phật gọi là “gió Nghiệp cuốn đi tái sinh”. Một số người có kinh nghiệm về cận tử (near death experience) kể lại đại khái rằng vào cái lúc họ cảm thấy muốn ngừng thở, bỗng nhiên trước mắt nổi lên một cảnh tượng tràn ngập không gian, cả quãng đời quá khứ, những việc làm khiến cho họ rất sung sướng hoặc rất đau khổ, xuất hiện như là đồng thời. Họ cảm thấy như trong giấc mơ, như là hình ảnh của ký ức. Đối với quan điểm của nhà Phật thì đó là giây phút mà một người có thể nhìn thấy được chính cái kho chứa các nghiệp nhân, tức là Tàng Thức của mình.

Chiếu theo thành quả tự tu, tự giác ngộ lại Bản Thể của đức Phật, người Phật tử không tin vào sự cứu rỗi do bên ngoài mang đến, mà tin vào chính mình, theo gương sáng của đức Bổn Sư. Trong đời sống, người Phật tử từng bước chuyển hóa tâm, từ xấu ác trở thành lành thiện, đó là giai đoạn chuyển hóa tương đối. Sau đó sẽ bước qua giai đoạn cốt tủy của quá trình tu chứng là “thanh tịnh hóa tâm”, vượt lên trên những khái niệm thiện và ác tương đối, chỉ còn lại tâm Từ Bi và Trí Tuệ Bình Đẳng, hóa giải tam độc Tham Sân Si, vốn là căn bản trói buộc con người vào vòng sinh tử. Từ đây dòng sinh mệnh được hoàn toàn giải phóng, đạt được mục tiêu tối cao của con đường tu Phật, là Toàn Giác.

Có câu chuyện ẩn dụ về sự tự tu, tự độ như sau:

“Trong khu vườn kia có một nhóm thiền sinh đang đứng chung quanh vị thiền sư. Góc vườn là một con cọp bị trói. Thiền sư hỏi đám học trò:
- Có ai biết cách cởi trói cho con cọp không?
Đám thiền sinh góp ý, người thì bàn “lấy tấm lưới chụp nó”, người thì bảo ”xông thuốc mê cho nó”. Cuối cùng, một thiền sinh ung dung:
- Cứ bảo người nào đã trói được nó, thì chính người đó mở trói cho nó là xong.

Câu chuyện nói lên tính chất của quy luật nhân quả, người nào tạo nhân thì người đó lãnh quả, người nào ăn thì người đó no, người nào tu hành thanh tịnh hóa tâm thì người đó giác ngộ.

Như thế về căn bản, đạo Phật không tin vào sự cứu rỗi, mà tin lời Phật tuyên bố khi mới thành đạo: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, và câu di huấn khi Ngài sắp nhập cảnh giới Niết Bàn: “Mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đuốc ở đây là đuốc Tuệ, là ngọn đèn trí tuệ mà đức Phật đã giơ cao, nay còn nằm trong kinh điển, mỗi người đều cần phải “tự học, tự tu, tự giác thành Phật”.

Tuy nhiên, trên con đường giáo hóa chúng sinh từng bước, đạo Phật đi trong nhân gian thường dùng những phương tiện đã sẵn có của người dân địa phương để truyền bá tư tưởng nhà Phật, theo tôn chỉ “tùy duyên mà bất biến”, dùng bình địa phương đựng thuốc Phật giáo, khiến cho mọi người đều được thấm nhuần tư tưởng từ bi hỷ xả mà không cảm thấy nền văn hóa truyền thống của họ bị xúc phạm. Thí dụ tượng ảnh đức Phật khi ở Ấn Độ thì gầy gò, nghiêm túc, đúng là hình ảnh người tu khổ hạnh. Sang tới Mỹ, tại tu viện Shasta trên sườn núi Shasta, nơi có trên sáu chục vị sư người Tây Phương từ các tôn giáo khác chuyển qua đạo Phật đang tu hành, thì tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lại giống hệt tượng Đức Mẹ. Trong khi đó, tượng ảnh Phật và chư Bồ Tát bên Trung Hoa thì lại mập mạp, hơi mỉm cười, đượm vẻ từ bi, cảm thông với chúng sinh, theo truyền thống hiếu khách của người Á Đông là “đem lại niềm vui cho nhau”.

Tóm lại, đạo Phật cũng nói về thiên đường và địa ngục, nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Từ quan điểm “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm, thiên đường và địa ngục dưới mắt người Phật tử chính là những cảnh giới tâm thức, mà mỗi người đều trải qua hằng ngày. Nếu con người không chế ngự được ba thói xấu là tham lam, sân hận và si mê, để cho bản thân rong ruổi trong sự bon chen, tính toán lợi mình hại người, thì tâm hồn không được an lạc, mà phiền não triền miên, ăn không ngon, ngủ không yên, thường thấy ác mộng do những bực bội bất mãn gặp phải hằng ngày, đó cũng đã được coi là cảnh giới địa ngục của tâm thức rồi.

Trong kinh Địa Tạng, chúng ta cũng thấy nói đến những cảnh giới địa ngục. Vì “nhất thiết duy tâm tạo” nên những cảnh giới trong kinh Địa Tạng cũng là những cảnh giới tâm thức. Địa Tạng cũng có nghĩa là Tâm Địa, là Đất Tâm. Nhà Thiền có câu “Đất Tâm nếu trống không thì mặt trời Trí Tuệ tự chiếu”. Người nào có thể “thanh tịnh hóa tâm”, khiến cho Đất Tâm trống không, thí Trí Tuệ Bình Đẳng tự hiện, cũng có nghĩa là Bồ Tát Địa Tạng đã phá xong cửa ngục tâm thức cho người đó rồi. Còn như nếu Đất Tâm mà ô nhiễm quá, thì vào giờ phút lâm chung, do nghiệp thiện hoặc ác trong quá khứ, mà thần thức người đó sẽ bị chiêu cảm vào cảnh giới tương ưng.

Quan điểm của nhà Phật về tất cả hiện hữu trên thế gian là vô thường. Tâm cũng vô thường, khi tâm chuyển thì tất cả mọi thứ do tâm tạo cũng chuyển theo tâm. Cho nên, đối với nhà Phật, không có cảnh giới địa ngục vĩnh viễn. Mỗi người đều có thể tự ra khỏi địa ngục bằng sự “thanh tịnh hóa tâm” của họ. Đó là niềm hy vọng về giải thoát của tất cả mọi người.

Nhà Phật có câu: “ Buông dao đồ tể là thành Phật” hoặc “Biển khổ mênh mông quay đầu là bến”. “Buông dao” và “quay đầu” ở đây có nghĩa là buông bỏ đời sống ô nhiễm, bước vào con đường thực hành các phương pháp để “thanh tịnh hóa tâm” như Mật Tông, Thiền Bắc Tông, Thiền Nam Tông, Tịnh Độ Tông, vân vân ...

Trên đây chúng tôi đã trình bày vài khái niệm về địa ngục. Nay xin nói về nỗi sợ hãi mênh mông của vị thính giả gửi về câu hỏi.

Thưa quý thính giả,

Tất cả loài người chúng ta, mà có lẽ luôn cả các loài sinh vật nữa, kể từ thời tiền sử, đều đã mang sẵn một nỗi sợ hãi mênh mông. Ngay khi vừa mới lọt lòng mẹ, đứa bé đã khóc thét lên vì sợ, tay chân quờ quạng, chới với. Nó đang được nằm trong bào thai, được bảo bọc chặt chẽ, ấm áp trong lòng mẹ nó, nay bỗng nhiên rơi tõm vào một khoảng không gian trống rỗng, nên nó thất kinh hồn vía. Rồi theo với thời gian, càng ngày con người càng có thêm nhiều nỗi sợ hãi, từ những nỗi sợ nhỏ nhít linh tinh như sợ bị đòn, cho tới nỗi sợ mất mát người thân yêu, mất nước, vân vân. Vì nỗi sợ hãi triền miên này mà tinh thần con người bị giam hãm, không khai phóng nổi.

Chúng tôi xin trích dịch một đoạn bình luận về sự sợ hãi do tư tưởng gia Krishnamurti trình bày trong cuốn On Fear, ông viết:

“Đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi "sợ là gì" và "nỗi sợ hãi nổi lên như thế nào"?
Đối với chúng ta, bản thân từ ngữ "sợ" nghĩa là gì? Tôi đang tự hỏi "sợ là cái gì", chứ không phải là "tôi sợ cái gì".

Hiện tại, ngay lúc tôi đang ngồi đây, tôi không sợ. Lúc này tôi không sợ, chẳng có chuyện gì xẩy ra cho tôi, chẳng ai đe dọa hoặc lấy cái gì của tôi. Nhưng ngoài cái thời gian đang hiện hữu này, trong tâm thức tôi còn có một lớp sâu hơn, đó là vùng ý thức hoặc vô thức, đâu đó, manh nha tới điều gì đó có thể xảy ra cho tôi trong tương lai, hoặc e ngại về một cái gì đó từ thời quá khứ đột nhiên ụp xuống đầu tôi. Cho nên tôi sợ cả quá khứ lẫn tương lai. Thế là tôi đã chia thời gian ra thành quá khứ và tương lai. Đến đây thì sự suy nghĩ nhẩy vào lên giọng: "Coi chừng, sẽ không gặp được điều đó một lần nữa đâu", hoặc "Sửa soạn sẵn cho tương lai đi. Tương lai anh có thể sẽ nguy khốn. Bây giờ tuy là anh đã có chút đỉnh, nhưng rồi ra có thể là anh sẽ bị mất hết. Biết đâu chừng ngày mai anh sẽ chết, vợ anh có thể bỏ anh, có thể anh sẽ mất công ăn việc làm. Anh có thể chẳng bao giờ trở thành người có danh vọng. Có thể anh sẽ cô đơn... "

Bây giờ chúng ta hãy thử xét tới cái dạng sợ hãi của chính bạn. Nhìn coi. Quan sát kỹ phản ứng của bạn đi. Bạn có thể nhìn nỗi sợ hãi đó mà không nhấp nhổm muốn bỏ chạy, không nẩy ra chút ý muốn bào chữa, kết án hoặc kiềm chế chăng? Bạn có thể trực diện nỗi sợ đó mà không có trong tâm cái từ ngữ đã làm thức dậy nỗi sợ chăng? Bạn có thể trực diện sự chết, thí dụ thế, mà không có từ ngữ đã đánh thức nỗi sợ chết chăng? Bản thân từ ngữ đã đem tới sự chấn động, cũng như từ ngữ "yêu" có sự rung động của chính nó, có ấn tượng của chính nó, phải vậy không?

Bây giờ hãy coi có phải là những hình ảnh trong tâm trí bạn về sự chết, ký ức về biết bao nhiêu cái chết mà bạn đã nhìn thấy, cùng với sự bạn tự liên tưởng chính bản thân với những chuyện đã xẩy ra còn giữ trong tiềm thức đó, -- phải chăng đó chính là hình ảnh đã tạo ra sự sợ hãi trong lòng bạn? Hay là quả thật bạn sợ sự chết sẽ đến chứ không phải là bạn sợ những hình tượng trong tâm đã tạo ra sự chết. Có phải là từ ngữ "chết" làm cho bạn sợ hay là sự chết thật? Nếu chỉ là từ ngữ hoặc ký ức là lý do để bạn sợ thì chẳng có gì đáng sợ hết ráo.

Giả dụ như hai năm trước bạn bị bệnh, ký ức về sự đau đớn, về cơn bệnh vẫn còn tồn tại trong trí nhớ, nay nó trỗi dậy nhắc nhở "Coi chừng, đừng để bị bệnh lại như lần trước nữa đấy nhé". Thế rồi ký ức cùng với bè đảng của nó là guồng máy suy tư bèn tạo nên sự sợ hãi, mà thật ra thì chẳng có cái gì đáng để mà sợ hết ráo, vì lẽ lúc đó bạn đang rất là khoẻ mạnh.

Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm -- tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự đau ốm, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ "Cẩn thận, đừng để bị bệnh lại nữa đấy nhé!"

Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.”

Thưa quý thính giả,

Như Krishnamurti nói “... chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi”, đạo Phật từ hai ngàn năm trăm năm trước cũng đã khuyên mọi người nên “thanh tịnh hoá tâm”, nghĩa là đừng để cho tâm chạy nhẩy như con vượn, con ngựa (tâm viên ý mã), thì sẽ được hưởng một đời sống giải thoát từng bước, rồi sẽ tới giải thoát triệt để.
Không cần phải đi tới đích mới được hưởng hoa trái, mà ngay khi quyết định bước lên con đường thanh tịnh hóa tâm là đã bắt đầu được hưởng kết quả, tâm hồn đã thấy thơ thới hân hoan rồi.

Có bài kệ trong kinh Phật như sau:

Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh, thẩy đều không
Ấy mới thật là chân sám hối.

Sám hối ở đây là “thanh tịnh hoá tâm”, làm cho “tâm tịnh”, chứ không phải là đem nải chuối tới chùa cúng Phật, hứa hẹn và cầu xin lung tung.

Nhà Phật cho rằng con người ta vì vô minh mà tạo nghiệp, thọ báo, cũng ví như một người đang đi trong căn nhà tối. Khi tâm được tịnh rồi “Trí Tuệ Bình Đẳng tự chiếu”, thì cũng ví như bật ngọn đèn bừng sáng lên, bóng tối biến mất, màn vô minh bỗng tan rã, là lúc con người giác ngộ giải thoát vậy.

Ban Biên Tập/ TVHS
(Bài này đã được phát thanh tại Nam California

và tại Houston Texas trên các làn sóng phát thanh của Đài Liittle Saigon Radio)

MA LÀ GÌ NÓ Ở ĐÂU VÀ LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TRỪ MA

Ma hay Mâra là một biểu tượng trong Phật giáo và cả trong Ấn Độ giáo, dùng để chỉ một vị trời hay vị thần linh đứng vào hàng đầu, cao siêu và mạnh hơn hết, giống như định nghĩa của chữ Ma Phạm trên đây. Tên của ma có nghĩa là thần chết. Ma là chúa tể của mọi dục vọng, thèm khát, ham muốn, mọi thứ khoái lạc do thân xác. Đó là chủ nhân ông của thế giới vật chất và mọi hiện tượng. Trọng trách và bổn phận của vị chủ nhân ông này là phải điều khiển và canh chừng sự vận hành của thế giới đang diễn biến chung quanh ta.

Ma không những tượng trưng cho những biểu hiện của dục vọng như vừa kể mà còn tượng trưng cho những thèm khát, những xung năng tiềm ẩn thật sâu kín bên trong tâm thức ta. Do đó ma nằm trong da thịt ta, trong tâm thức ta, tức trong sự vận hành chung của ngũ uẩn. Tuy con ma ẩn nấp trong ngũ uẩn của ta rất tinh ranh thế nhưng nếu ta thật chú tâm thì đôi khi cũng có thể trông thấy nó được hay bất chợt chạm trán với nó. Thí dụ vì nóng giận, vì một phút thiếu suy nghĩ, vì thèm muốn khích động quá độ mà ta phạm vào một hành động thật đáng trách, sau đó thì hối hận và ta tự nghĩ rằng không ngờ mình lại có thể phạm vào một hành động tồi tệ đến như thế. Ta có cảm giác hình như "ma quỷ xúi khiến" ta phạm vào việc ấy chứ thật ra ta nào có tồi tệ đến thế. Như thế là ta đã thấy ma rồi đấy, sự hối hận là một trong các cách giúp mình trông thấy con ma đang ẩn nấp trong thân xác và tâm thức của chính mình.

Ma còn mang một cái tên nữa mà kinh sách ít nói đến, đó là con ma Ái dục (kâma, xin đừng lầm lộn với karma), đó là sự yêu mến, lòng yêu thương, nôm na là con ma tình yêu. Ái dục hay con ma tình yêu là một thứ bản năng, tinh anh của sự sống, luôn luôn "canh chừng" và "chăm lo" cho ta rất cẩn thận. Con ma này hiển hiện một cách tuyệt vời, thật đẹp, hoặc thật thanh tú, nó làm phát sinh ra mọi hình tướng, màu sắc và âm thanh đủ loại. Con ma đó hiến dâng cho ta những ảo giác biến động như vừa kể do chính nó tạo ra, mang lại mọi thứ lạc thú và mọi cảnh giới tuyệt đẹp thuộc vào thế giới luân hồi, và tạo ra mọi thứ hạnh phúc của thế tục.

Vấn đề rắc rối và gay go là con ma tình yêu không bao giờ chú ý đến hậu quả của những thứ do nó tạo ra. Nó rất hào phóng, cho không tiếc tay, "tham" bao nhiêu nó cũng cho, "yêu" bao nhiêu nó cũng khuyến khích thêm, "bám víu" bao nhiêu nó cũng sẵn sàng tiếp tay. Thế nhưng hậu quả của những ảo giác ấy mà nó đem tặng cho ta thật ra chỉ là khổ đau mà thôi : "lạc thú", "hạnh phúc lứa đôi", "sinh ra thêm một đám khổ đau", hay đấy chỉ là mưu mô, lường gạt, tự ái, thất tình, tự tử, đâm chém… Những khổ đau ấy ma không cần biết. Ma cho ta lạc thú, nhưng đồng thời cũng tập cho ta thèm khát lạc thú. Điều này có nghĩa là ngũ uẩn quen dần với lạc thú, lệ thuộc vào lạc thú và bị kích động bởi lạc thú, hậu quả rất phức tạp và đa dạng kể ra không hết được. Ma vừa là kẻ sáng tạo và đồng thời cũng vừa là kẻ phá hoại là như thế đó.

Tóm lại khi nhìn ma qua các khía cạnh như liệt kê trên đây, thì ta sẽ hiểu ngay là ma ngự trị ở đâu: trong đầu của chúng ta. Nó nằm sẵn trong tâm thức ta, trong da thịt ta, trong sự vận hành của thân xác và tâm trí ta. Nói cách khác là ma không phải là một thực thể bên ngoài, có nghĩa là không có ta thì cũng không có ma, cái "ta" càng mạnh và càng phức tạp thì "ma" cũng càng đông và càng hung dữ. Ma quân hay những đạo binh ma chính là sự thèm khát, thất vọng, buồn bực, đói khát, bám víu, tham lam, lười biếng, đờ đẫn, sợ hãi, nghi ngờ, hận thù, tiện nghi, kiêu căng, tự phụ, yêu thương một cách ích kỷ, tự mãn với cái "tôi" của chính mình v.v. và v.v... Nếu cứ tiếp tục suy luận theo chiều hướng đó thì ta sẽ thấy ma còn đông đảo và đa dạng hơn nhiều so với những gì do kinh sách liệt kê, chúng hiển hiện cùng khắp trong thế giới luân hồi này.

Tuy nhiên người đọc biết đâu cũng có thể lấy làm lạ là phần trình bày trên đây dựa vào kinh sách đã mô tả và liệt kê ra đủ mọi thứ ma, thế nhưng vẫn không thấy đề cập gì đến các loại ma có thể làm cho ta dựng tóc gáy, hét lên và phóng chạy, hoặc làm cho người ngủ mê kêu ú ớ, tay chân lạnh ngắt và toát mồ hôi đầm đìa. Vậy ta cứ thử lấy thêm một chút can đảm nữa để tìm hiểu loại ma này xem sao.

Một thí dụ cụ thể về Ma

Để tránh cách trình bày tổng quát, siêu hình và ẩn dụ như trên đây, ta thử đưa ra một vài thí dụ cụ thể và đơn giản hơn vể những con ma thường hiện ra để dọa nạt những con người bình dị như chúng ta đây, kể cả trẻ con cho đến người lớn. Chẳng hạn khi ta bước vào một gian phòng tối, ta thấy trong một góc phòng có một con ma, tóc xõa, mặt xanh mét, đang nhe răng trợn mắt… và cười với ta một cách thật rùng rợn.

Nếu ta bình thản, từ tốn, không khiếp sợ, tiến thẳng đến con ma, thì ta sẽ không thấy nó khi ta đến gần. Vì thật ra đấy chỉ là những ảo giác do ta tạo ra trong đầu và do bóng tối mờ ảo nuôi thêm trí tưởng tượng của ta. Nếu như ta vẫn "không dám" tiến đến gần "nó" thì ta cứ bật đèn lên, thì con ma cũng sẽ biến mất. Ngược lại, nếu ta hét lên một tiếng, "vắt giò lên cổ" mà phóng chạy, thì nhất định con ma sẽ đuổi theo, và nhất định là ta sẽ không thể nào chạy nhanh hơn nó được, vì chính ta cõng nó mà chạy. Nó ở trong đầu ta, trong thân xác đang "nổi da gà" của ta.

Tệ hơn nữa, có thể sau đó ta lại đem chuyện "thấy ma" ấy mà vừa thở hổn hển, vừa kể lại với đầy đủ chi tiết cho một người khác nghe. Đấy là cách mà ta giới thiệu con ma mà ta trông thấy cho một người thứ hai, có thể người này cũng hơi sợ thế nhưng vẫn cứ đón rước nó với sự thích thú và đem cất nó vào trong đầu mình, sau đó lại đem nó ra để kể cho người thứ ba nghe, người thứ ba lại kể cho người thứ tư. Cứ mỗi lần chuyển sang đầu một người khác thì con ma lại trở nên hung tợn hơn và khiếp đảm hơn một chút, mắt nó trợn to hơn, răng nó dài hơn, và nó cười rùng rợn hơn. Biết đâu sau một vòng chu du hết người này sang người khác thì con ma ấy lại được người nghe sau cùng thuật lại cho chính ta nghe, và có thể là ta sẽ còn sợ con ma đó hơn cả con ma mà chính ta đã từng trông thấy tận mắt trước đây.

Đức Phật có đưa ra một thí dụ dễ hiểu. Khi bước ngang ngưỡng cửa lúc nhá nhem tối, ta thấy một con rắn. Ta hoảng hốt và giật lùi lại. Thế nhưng khi nhìn kỹ lại thì đấy chỉ là một cuộn dây thừng. Con rắn ở trong đầu ta, con ma cũng ở trong đầu ta là như vậy. Vì thế nếu trông thấy có con ma trong góc phòng thì nên bật đèn lên hay tiến đến gần "nó" để xem thực hư ra sao mà không nên thét lên một tiếng rồi cõng nó mà chạy.

Khi ta ngủ mê, đôi khi ta "thấy ma", ta hét lên hoặc la ú ớ… Giật mình thức giấc, ta không thấy con ma nào cả. Khi ngủ, ta nhắm mắt, nằm trên giường và trong gian phòng tối om, làm gì ta có thế dùng mắt mà thấy được. Cái thấy ấy là do tâm thức của ta thấy, hình ảnh con ma hiện lên từ nơi tiềm thức của ta, sinh khởi từ những xúc cảm bấn loạn tiềm ẩn trong ta, từ những nghiệp sâu kín của ta, từ những ám ảnh bịnh hoạn của ta, từ những đam mê, tham dục của ta, từ những bám víu vào ảo giác, sân hận của ta…Đối với những người tu tập cao, nhất là các vị đại sư tu tập theo các phép thiền định của Phật Giáo Tây Tạng, thì ít khi họ chiêm bao, hoặc nếu có chiêm bao thì họ cũng chỉ "thấy" những phản ứng thấm đượm lòng từ bi, yêu thương, khoan dung và độ lương của họ trước những cảnh xảy ra trong giấc mơ, thế nhưng tuyệt nhiên họ không còn thấy ma hoăc những gì làm cho họ khiếp sợ nữa.

Tóm lại, ma nằm trong tâm trí ta, trong tâm thức ta. Nó là chủ nhân ông của mọi tư duy và tác ý của ta. Vị chủ nhân ông ấy khích động và tiếp tay cho sự vận hành của nghiệp. Ngũ uẩn (skandha) tức tổng hợp thân xác và tâm thức ta là cơ sở chống đỡ cho sự vận hành ấy để tác động với ngoại cảnh - tức cơ duyên - để giúp cho nghiệp biến thành quả. Vậy con ma, hay vị chủ nhân ông của ta chính là cái "ta", cái "ngã", cái "tôi" đang ẩn nấp trong ta, đang điểu khiển ta. Nói cách khác đơn giản hơn thì con ma ấy chính là ta. Con ma đó đại diện cho vô minh, tức các bản năng thú tính, dục vọng, thèm khát, bám víu, hận thù, ảo giác… kích động và xúi dục ta tìm mọi cách làm thoả mãn những đòi hỏi đó của nó. Hậu quả đưa đến là khổ đau. Trong đầu ta, ma luôn luôn nhắc nhở ta phải bảo vệ cái "tôi", cái "ngã" của ta. Nó rất khôn ngoan và khéo léo, vì tùy theo từng người, từng bối cảnh và từng trường hợp mà nó sẽ dùng cách quát nạt, ra lệnh hay vỗ về bằng những tiếng êm ái, dễ thương, hoặc hét lên the thé…, mục đích là để in đậm trong tâm trí ta sự hiện diện của cái "ngã".

Ma là cái "ngã" đang thống trị ta, dạy ta tham lam, ích kỷ, xúi giục ta, nịnh hót ta để biến ta trở thành đốn mạt, quỷ quyệt và lừa dối. Đấy là cách mà ma đã làm phát sinh ra cả cái thế giới luân hồi này, ma nào phải chỉ biết có dọa nạt suông đâu. Cái thế giới của chúng ta nằm trong sự kiềm tỏa của nó, đồng thời nó lại nằm trong tâm thức ta. Ma là hiện thân của sự sợ hãi, đọa đày, già nua và cái chết trong thế giới này. Nó đội lốt của vô minh để tung hoành trong tâm thức ta, tạo ra u mê và lầm lẫn, kích động ta tạo nghiệp, buộc chặt ta vào cảnh giới của Ta-bà. Đánh đuổi con ma ấy ra khỏi tâm thức tức có nghĩa là xoá bỏ cả thế giới luân hồi.

Tóm lại sự vận hành của bánh xe luân hồi hay chu kỳ của sự sống sở dĩ quay đều là nhờ vào bộ máy vận chuyển do ma điều khiển và lèo lái. Bộ máy đó được thiết kế bởi sự tương tác của vô số nghiệp. Chỉ có sự tu tập nhằm đạt được những thể dạng tâm thức trong sáng, an bình và tinh khiết mới có thể giúp ta tháo gỡ và phá bỏ cấu trúc của bộ máy đó và đuổi con ma ra khỏi đầu. Sử dụng bùa chú, phù phép hay nghi lễ để đuổi ma thì chẳng những chỉ làm trò hề cho trẻ con xem mà còn làm cho ta thêm hoang mang và khiếp sợ. Lý do thật hết sức đơn giản, nếu muốn đuổi ma trong gian phòng thì nào có con ma nào đâu trong đó để mà đuổi, còn nếu muốn đuổi con ma trong đầu ta thì nó lại quá sức tinh ranh để mà có thể đuổi nó, bởi vì nó biết sử dụng tấm màn vô minh dầy đặc của ta để nấp.

Trừ Ma theo Phật giáo Tây tạng

Trong mục đích "cụ thể hóa" những gì trình bày trên đây, cũng xin mạn phép mượn câu chuyện trừ ma hay trị ma của một vị thánh nhân Tây tạng là Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa, thế kỷ XI-XII) do một đại sư Tây tạng khác là Kalou Rinpoché (1904-1989) thuật lại trong một quyển sách của ông như sau:

Mật-lặc-Nhật-ba ẩn cư trong một hang động trên Hy-mã Lạp-sơn. Một hôm, khi ông quay trở về hang thì bất ngờ bắt gặp một đàn ma rất hung tợn đang chờ đợi ông trong hang. Chúng nhe răng và trợn hai mắt to như hai cái đĩa, hò hét thật khiếp đảm, dậm chân làm rung chuyển cả mặt đất để dọa nạt ông. Mật-lặc Nhật-ba bèn chắp tay khấn nguyện vị thầy của mình là Lạt-ma Mã-nhĩ-ba và các vị Thần linh phù trợ hãy dùng thần lực để tiếp tay với ông, thế nhưng vẫn không thấy hiệu quả gì, đàn ma quỷ vẫn cứ tiếp tục hò hét và vung khí giới để dọa nạt. Ông đổi chiến lược, tỏ vẻ giận dữ, trợn mắt, vung tay và hăm dọa trở lại chúng. Thế nhưng chẳng những chúng không sợ mà còn chế nhạo lại ông:

- Nhìn thấy mi múa may như thế, chúng ta thừa biết mi hoảng sợ lắm rồi. Mi mất hết trầm tĩnh và sự an bình rồi. Ha ! ha !

Mật-lặc Nhật-ba liền tự nhủ :

- Thầy ta là Mã-nhĩ-ba có dạy rằng những biểu hiện bên ngoài chỉ là những phóng ảnh của tâm thức, bản chất của tâm thức thật ra là trống không và trong sáng. Xem ma quỷ thuộc bên ngoài tâm thức để mà đánh đuổi chúng thì quả đấy chỉ là chuyện hão huyền, chúng là những ảo giác phát sinh từ bên trong tâm thức.

Mật-lặc-Nhật-ba liền hiểu rằng ông không được phép để cho tâm thức bị ám ảnh bởi những biểu hiện bên ngoài ấy, mà phải giữ cho tâm thức vững vàng trước các đàn ma quỷ dù cho chúng hung tợn đến đâu cũng thế. Ông cũng quán nhận được rằng ma quỷ chỉ là những bám víu, và những tư duy nhị nguyên phát sinh từ trong tâm thức mình. Tức thời ông hết sợ, chấp nhận sự đối diện với ma quỷ, đồng thời phát lộ lòng từ bi vô biên với chúng. Ông thầm nghĩ: "Nếu chúng nó muốn ăn thịt ta, thì ta cứ hiến dâng cái thân xác cấu hợp này cho chúng ngấu nghiến hầu giúp chúng bớt cơn đói khát. Sự sống là tạm bợ, đây là một dịp tốt giúp ta sử dụng thân xác trống không này để làm một việc thiện". Thật bất ngờ, thái độ từ bi sâu xa và sự quán thấy tánh không và vô thường của Mật-lặc-Nhật-ba đã làm nguôi cơn thịnh nộ của đám ma quỷ mà vừa mới đây còn đang hung hăng và dữ tợn. Tên cầm đầu liền nói với Mật-lặc Nhật-ba như sau:

- "Chúng ta cứ ngỡ là mi khiếp sợ chúng ta, thế nhưng những ý nghĩ về ma quỷ chẳng hiển hiện được trong đầu mi, vậy mi chẳng có gì để sợ hãi cả".

Dứt lời, tất cả đám ma quỷ đều biến mất.

Ma sử dụng tấm màn vô minh trong tâm thức ta để ẩn nấp, chúng chỉ hiện hữu trong đầu của ta mà thôi. Những con ma mà chúng ta trông thấy trong góc phòng hay trong giấc mơ là những phóng tưởng của tâm thức. Nếu ánh sáng của từ bi và trí tuệ tỏa rộng thì sẽ không có bóng dáng của một con ma nào có thể hiển hiện ra trong gian phòng hay trong tâm thức của ta được.

Hoang Phong, 14.12.06

Phật giáo giải thích thế nào về ý thức trong cây, trong đá

Hỏi đáp

Phật giáo giải thích thế nào về ý thức của những sinh vật như sâu bọ và vi trùng ? Mọi sinh vật đều có ý thức không ? Thế thì nói đến ý thức trong cây, trong đá, những vật có vẻ như vô tri vô giác dưới mắt chúng ta như vậy, có được không ? Cây cối có Phật tính không ?

(Nguyễn Như Ý, P.5,TX. Đông Hà, Quảng Trị)

Những câu hỏi của bạn cũng chính là thắc mắc của những người Đạo Phật quan niệm chúng sinh có hai loại hiện hữu : có tình thức và không có tình thức. Có lẽ các nhà khoa học và tất cả chúng ta đều đồng ý phần nào sự kiện là ý thức, trí tuệ, đi theo tất cả những gì di động, trong nghĩa là tự mình có thể di chuyển, đây là khả năng mà cây cối không có. Dĩ nhiên, rễ cây có xê xích lúc lớn lên. Nhưng rễ không di động thực sự, ngoại trừ sự nhúc nhích để tăng trưởng. Người ta không thể nói cây là một sinh vật, nghĩa là có một trí tuệ. Nhưng chúng tôi đã kết luận rằng những tế bào sơ đẳng nhất như trùng a míp có thể xem như một sinh vật vì nó có thể tự mình di chuyển.

Vì không thể xem là sinh vật, các loài thảo mộc như cỏ v v… chúng ta cho rằng chúng nó không có Phật tánh. Còn những loài cây ăn thịt tôi không dám quả quyết việc bắt một con mồi là do một tác động hỗ tương thuần túy hóa học, hay là những cây này có một ý thức. Vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người ta có thể nêu lên những nghi vấn, chẳng hạn như với cây hoa này : nó là cây cỏ vô hồn – không ý thức – hay là một sinh vật ? Đôi khi người ta có thể hồ nghi vì có những bài kinh trong Phật giáo đề cập đến những hạng sinh vật có thể biểu hiện dưới hình thức vật vô tri, cây cỏ v v …Vì như thế, người ta không thể đoán chắc hoa kia là sinh vật hay không. Phật giáo nhắc nhở nhiều đến bảo vệ thiên nhiên, cây cối, thảo mộc, không phải vì những loài thảo mộc có linh hồn, nên phải được xót thương, nhưng vì thiên nhiên giúp cho bao nhiêu sinh vật sống còn và ẩn náu. Nếu đốt phá một thành phố, người ta tiêu hủy nơi cư trú của nhiều người phải không ? Đối với sự tàn phá thiên nhiên cũng vậy, nó khiến cho một số động các sinh vật không còn có thể ăn, ở và sống còn.

Còn những con vật phải thấy bằng kính hiển vi, thì theo những đoạn kinh Phật giáo, chúng có rất nhiều trong cơ thể con người. Con số đưa ra vượt quá tám mươi nghỉn, biểu hiện cho một số rất lớn. Phải to lớn đến chừng nào, phải tiến hóa đến mức nào, những sinh vật đơn giản này mới được xem là những sinh vật ? Tôi không thể nói gì về vấn đề này, trừ sự kiện là nói đến loài vật, dù nhỏ bao nhiêu, có vẻ như nói đến một hình thức đời sống thực sự, như vậy có linh hồn.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 32 | Bàng Ẩn

Về thần thông, biến hóa trong đạo Phật

Xin được hỏi về thần thông, biến hóa trong Phật giáo.

Nguyễn Hữu Hưng- p.4 , Q.3, TP. Hồ Chí Minh

Thần thông (Abhijina-Abhinna) nguyên nghĩa là trí tuệ siêu nhiên, được hiểu là năng lực siêu phàm do tu tập Thiền định mà có được (nói chung, không riêng chỉ Phật giáo). Các vị đạt thần thông được gọi là thành tựu giả (Siddha). Vào thế kỷ XII, một vị cao tăng Ấn Độ có viết một cuốn sách về hành trạng của 84 vị có thần thông từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, nhan đề là Carturraciti-Siddha-Pravitti (Keith Dowman và H. W. Shumann dịch ra Anh ngữ). Đặc biệt , ở Tây Tạng có rất nhiều truyền thuyết và sách nói về thần thông của nhiều vị tu sĩ và người bình thường thuộc nhiều giới khác nhau. Theo quan điểm Phât giáo, những vị có thần thông không hẳn là những vị đạt ngộ và những vị đạt ngộ không hẳn là những vị có thần thông.

Kinh điển Phật giáo thường nói đến sáu loại thần thông (lục thông – Sad-abhijnah) là: 1) Thần túc thông (năng lực hiện thân tùy ý tại bất cứ nơi đâu), 2) Thiên nhãn thông (năng lực thấy cảnh huống vui khổ của tất cả chúng sinh), 3) Thiên nhĩ thông (năng lực nghe được mọi âm thanh của chúng sinh), 4) Tha tâm thông (năng lực biết được tâm ý của chúng sinh), 5) Túc mạng thông (năng lực biết được thọ mạng của mình và của chúng sinh từ muôn nghìn kiếp) và 6) Lậu tận thông (năng lực đoạn trừ phiền não, sinh tử). Những vị không tu thiền định Phật giáo cũng có thể đạt được năm thần thông đầu, ngoại trừ thần thông thứ sáu là Lậu tận thông. Thần túc thông, Thiên nhãn thông và Lậu tận thông còn được gọi là Tam minh (Trisno Vidyah – Tisso Vijja), nhằm trỏ khả năng giáo hóa, cứu độ của Đức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài.

Do có thần thông nên có thể thực hiện các phép biến hóa. Kinh điển Phật giáo thường dựa theo tín ngưỡng dân gian của Ấn Độ thời xưa , thường miêu tả năng lực của các vị đạt ngộ (Phật, Bồ tát, A la hán) bằng các phép biến hóa gì là thần biến (Virkurvana). Các bộ Du già Sư Địa Luận, Pháp Hoa Huyền Tán, Giáo Thừa Pháp Số, Đại Tạng Pháp Số, Chân Ngôn Quảng Minh Mục…liệt kê 18 phép biến hóa, tuy nội dung đôi chỗ khác nhau nhưng tựu trung gồm việc hóa thân phía trên bốc lửa, phía dưới tuôn nước, biến nước thành lửa,lửa biến thành nước, hóa thân khắp nơi, đi đứng, ngồi trên hư không, phóng ánh sáng, an tâm chúng sinh khiến tiêu trừ bệnh tật, tai họa…

Cần nhớ rằng kinh điển mô tả các phép biến hóa trên như là một phương tiện để ca ngợi khả năng siêu việt của các bậc chứng ngộ, nhưlà một miêu tả ước lệ, tượng trưng cho sự diệu dụng của trí tuệ siêu phàm. Đức Phật từng phê phán bác các thần thông và khuyên các đệ tử không nên thể hiện thần thông. Ngài khẳng định thần thông cao nhất là thần thông hiểu pháp và truyền đạt pháp. Đạo Phật nhằm đưa con người đến trí giải thoát, đến cứu cánh Đại giải thoát khỏi khổ đau của sinh tử luân hồi, chứ không phải nhằm khiến một số ít người mù được thấy, người què được đi, người chết được sống lại, biến đá thành cơm, biến nước thành rượu…Đức Phật vàcác Thánh đệ tử thường đến thăm người bệnh , người sắp mất để truyền cảm ứng tâm linh giúp những vị này qua đi sự đau đớn khiến tâm rối loạn. Một phụ nữ đau khổ gần như điên loạn vì đứa con vừa chết đến cầu cứu Đức Phật, Ngài giúp bà hiểu rõ luật vô thường mà vơi đi sự đau khổ, chứ không làm cho đứa bé sống lại. Ngài chế ngự con voi dữ, chế ngự kẻ hung bạo bằng sự thể hiện năng lực từ bi tự tại của Ngài chứ không phải Ngài biến mất đi hay phóng thân lên không trung hay thực hiện những biến hóa khác.

Sự biểu hiện cụ thể thần thông Phật giáo là đem sức cảm ứng, đem giáo pháp mà an tâm và tạo niềm tin cho người ta, từ đó người ta vơi đi hay dứt đi cái khổ nhất thời trên bước đường tu tập tìm về Đại giải thoát.

(Bàng Ẩn)

Tự Tử Có Tội Và Có Phạm Giới Sát Sinh Không?

HỎI: Thưa quý ban biên tập. Tôi được biết có người là Phật tử, không biết vì lý do gì lại tự kết liễu đời mình bằng cách treo cổ, vậy cho tôi hỏi như giới luật Phật dạy sát sinh là có tội, là phạm giới điều thứ nhất của nhà Phật, nhưng người này không có giết hại sinh mệnh người khác hay chúng sinh khác mà tự mình giết mình, vậy có tội hay không?

ĐÁP: Chúng tôi xin mượn lời của Pháp sư Thông Kham, nguyên văn như sau:

Nói về vấn đề tự sát, ta hãy tìm nguyên nhân của sự hành động đó. Khái quát ta phải hiểu ba lý do là:

- Tự tử để trốn cái khổ mà chính mình không còn chịu đựng nổi.
- Tự tử để phản đối việc làm của người khác.
- Tự tử để tỏ ra lòng cương quyết của mình.

Nếu đem ba nguyên nhân trên để so sánh với mạng sống của con người là vật vô giá thì sinh mạng của con người còn quý hơn nhiều. Trên đời này không có vật gì quý bằng sinh mạng. Vì vậy chúng ta không nên cẩu thả nhất thời thiếu suy nghĩ mà tự tử hay hủy hoại nó.

Nếu theo giáo lý của Đức Phật thì tự sát cũng có tội. Vì khi người tự sát là người đang ở trong trạng thái của tâm Si mê, không còn sáng suốt nhận định được phải quấy lành dữ, người chết trong trạng thái như vậy chỉ bỏ cái xác thân vô dụng này. Chủng tử là mầm của tâm si mê sẽ đưa người đi tái sinh vào cảnh tối tăm tương xứng với tâm si mê và cũng tiếp tục hứng chịu tất cả hậu quả mà đã tạo. Đã nói là nghiệp thì không khi nào chúng ta trốn nó được, vì vậy nên Đức Phật có dạy: Nghiệp là nơi sinh ta ra - Kammasakomhi... người Phật tử chân chính không nên làm chuyện quá si mê như thế.” (GIẢI ĐÁP THẮC MẮC NGƯỜI CƯ SĨ, Pháp sư Thông Kham - Nhà xuất bản Tôn Giáo 2000)

LÀM NGHỀ TRỒNG LÚA VÀ CÂY ĂN TRÁI SỬ DỤNG THUỐC GIẾT SÂU BỌ VÀ DIỆT CỎ DẠI CÓ PHẠM GIỚI SÁT SANH VÀ GÁNH CHỊU QUẢ BÁO KHÔNG?

HỎI : Tôi là một Phật tử đã thọ tam quy và ngũ giới, hiện đang làm nghề trồng lúa và trồng cây ăn trái. Do nhu cầu công việc tôi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để giết sâu bọ và cỏ dại có hại cho cây trồng. Việc này tôi cảm thấy không được an tâm vì nghĩ rằng mình đang phạm giới sát sanh. Tôi xin hỏi quý ban biên tập, tôi có phạm giới sát không và có chịu quả báo không? Và những người sản xuất ra thuốc hoặc những người được thuê có trả tiền làm công việc xịt thuốc thay tôi và ngay cả người ăn lúa gạo, hoa quả do tôi sản xuất có liên đới lãnh quả báo không? (Quốc Cường)

ĐÁP: Trước tiên phải nói ngay rằng Đức Phật luôn luôn tôn trọng sự sống của muôn loài chúng sinh, vì vậy trong năm giới cấm của một người Phật tử tại gia hay mười giới cấm của Sa-Di giới "không được sát sanh" đã được Đức Phật đưa lên hàng đầu.

“Người Phật tử không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại mọi loài có mạng sống”. Đó là giới văn khi chúng ta thọ nhận.

Trong Kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật dạy các đệ tử (bạch y) của Ngài là “xa lìa sát sanh, vứt bỏ dao gậy, có tâm tàm quý, tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng, người ấy đối với sự sát sanh, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ nhất mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo”. [1]

Đối tượng chúng sinh trong giới cấm thứ nhất của đạo Phật là mọi dạng sống, chứ không phải chỉ riêng dạng sống loài Người mà trong kinh sách thường nhắc tới là hữu tình chúng sinh, tức là những chúng sinh có hệ thần kinh, có tình cảm, biết cảm giác, biết đau đớn và vui sướng.. Sâu bọ, côn trùng đến con giun con dế cũng biết đau đớn. Chúng ta trồng lúa, trồng cây có sử dụng thuốc giết sâu bọ, tức là chúng ta đã chủ động trong việc này, chắc chắn là có tạo nghiệp và vi phạm vào giới sát sanh. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường tiêu thụ, tức những người mua nông phẩm, nên bạn là người sản xuất, chỉ lãnh một phần quả mà thôi. Cả một dây chuyền từ người cấy trồng, người được thuê làm công tác giết sâu bọ côn trùng, người gặt hái cho đến người lái buôn và sau cùng là người tiêu dùng đều liên đới trách nhiệm. Thật khó mà cầu toàn trong thế giới tương đối này. Chúng ta có thể làm hết sức mình để hạn chế mức độ tổn hại đến chỗ tối đa và làm tăng trưởng lòng từ bi, trân quý và tôn trọng sự sống của muôn loài, trong đó có con người, súc vật, cầm thú, và cỏ cây được nhiều chừng nào hay chừng ấy mà thôi.

Một tin mừng cho bạn và các nhà trồng lúa và cây trái, các nhà nghiên cứu khoa học phương Tây cho hay việc dùng hàng loạt thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân hóa học để bảo vệ mùa màng, tăng sản lượng nông nghiệp đã gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm đất bị cằn cỗi, nước bị ô nhiễm, đánh mất sự sống; nên họ khuyến cáo các nhà canh tác nên dùng phân bón sinh học, cấm không dùng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ nhằm cân bằng hệ sinh thái, thân thiện với môi trường.

Trong đời sống tương đối này, nhất là chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, mọi ngươi đều có liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau. Một người sinh sống ở Mỹ đi chợ Costco mua trái chôm chôm trồng tại Bến Tre hay mua cá basa nuôi ở An Giang về ăn cũng liên đới lãnh trách nhiệm về việc họ giết sâu trùng và giết cá. Vì thế, chúng ta ai ai cũng bị chi phối bởi luật nhân quả, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Không nhân nào mà không ra quả, chỉ chờ đủ duyên thôi. Cho nên nếu bất đắc dĩ bạn phải làm những nghề liên quan đến sát sinh dù là trực tiếp hay gián tiếp như làm nghề chài lưới, săn bắn, giết heo, mổ gà, mổ bò, bán súng, thì chắc chắn sẽ có ngày lãnh hậu quả, có thể đời nay, hay những kiếp sau. Đức Phật chế giới không sát sanh là Ngài muốn mọi người cố gắng ngăn chặn tâm ác, phát triển tâm từ bi và Ngài dạy chúng ta hãy chọn một nghề sinh sống không làm tổn hại đến chúng sinh (Bát Chánh Đạo). Đức Phật thương xót đến cả côn trùng không nỡ dẫm lên chúng. Nếu như chúng ta có vì vô tình hay vì nhu cầu phải sinh sống để tồn tại mà không tránh được việc giết các con vật nhỏ bé thì chúng ta cũng nên tránh các nghề sát hại chúng sinh như nói ở trên.

Ban Biên Tập TVHS

[1] Kinh số 26 Trung A Hàm - Kinh Ưu Bà Tắc (128) Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm, Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ]

SAU KHI CHẾT "NGHIỆP" ĐI ĐÂU?

Thích Phước Thái

Hỏi: Kính thưa thầy, sau khi mình chết rồi nghiệp còn hay mất? Con chưa hiểu rõ vấn đề này, xin thầy từ bi chỉ dạy.

Đáp: Tôi xin thưa ngay, con người sau khi chết, nghiệp không bao giờ mất. Trừ phi, những người hiện đời đã dứt sạch ý nghiệp. Nói rõ ra, là những người đã đạt đạo, thì mới thấy được: “nghiệp tính bổn lai không”.Tuy nhiên, nghiệp nhân đã gây, tất nhiên phải có nghiệp quả. Dù người đó đã ngộ đạo. Trường hợp như đức Phật vẫn còn phải trả quả. Ngài còn phải trả quả báo “kim thương mã mạch”. Và như trường hợp Tổ Huệ Khả phải bị ngồi tù, hay Ngài Mục Kiền Liên bị đám côn đồ đánh chết. Tuy nhiên, đối với các Ngài khi trả nghiệp thì khác hơn chúng ta. Chúng ta trả nghiệp trong sự thống khổ kêu khóc rên la. Còn đối với các Ngài không có gì là khổ đau cả. Vì sao? Vì các Ngài đã thấy rõ “ngũ uẩn giai không”. Đã thế, thì nói gì trả hay không trả. Cho nên, sự trả nghiệp của các Ngài như trò chơi, không có gì phải lo âu sợ hãi.

Nói thế, để chúng ta thấy rằng, một khi nghiệp nhân đã gây, thì sẽ không bao giờ mất. Nếu nói như vậy, thì nghiệp không có thể chuyển được sao? Dĩ nhiên, là chuyển được. Nếu không chuyển được, thì chúng ta tu làm gì. Nên nhớ, chuyển là chúng ta chuyển nặng thành nhẹ. Chớ không thể nào chuyển cái có, hoàn toàn trở thành cái không được. Kinh nói :

“Giả sử bá thiên kiếp

Sở tác nghiệp bất vong

Nhân duyên hội ngộ thời

Quả báo hoàn tự thọ”.

Tạm dịch :

Dù trải qua trăm ngàn kiếp

Chỗ tạo nghiệp không mất

Khi nhân duyên đến rồi

Quả báo tự chịu lấy.

Như thế, thì làm sao hoàn toàn mất được. Chúng tôi xin nhắc lại, để Phật tử khỏi phải nghi ngờ, nghiệp tuy không mất, nhưng nếu chúng ta biết tu, ăn năn sám hối, thì có thể chuyển nghiệp quả nặng thành nghiệp quả nhẹ.

Thí như anh A vì nóng giận đánh anh B bị trọng thương, lẽ ra, thì anh B và thân nhân của anh B sẽ tìm cách đánh trả thù anh A cho hả giận, nhưng anh A, sau đó, biết lỗi lầm sai quấy mà anh ta đã gây ra, anh liền đến anh B để năn nỉ, xin anh B tha lỗi. Thế là, anh B thay vì đánh anh A để trả thù, nhưng nay, thấy anh A đã tỏ lòng ăn năn hối cải lỗi lầm, nên anh B tha thứ. Thay vì đánh anh A, anh B chỉ dùng những lời lẽ nặng nề trách móc anh A mà thôi. Anh B nói để cho hả cơn giận, chớ không đến nỗi phải đánh anh A trả thù. Đó là anh A đã chuyển được cái nghiệp quả nặng thành ra cái nghiệp quả nhẹ rồi. Chuyển nghiệp là như thế. Còn hành động anh A đánh anh B bị trọng thương, không bao giờ mất ở trong lòng anh B. Bởi hành động đánh đập (nghiệp) đó không bao giờ mất. Tuy anh B đã tha thứ, nhưng trong lòng anh không bao giờ quên.

Xin nêu thêm một thí dụ nữa, như có 3 gia đình cùng tọa lạc trên một đường phố. Trong 3 gia đình đó, ông A làm nghề thầy giáo, ông B làm nghề bác sĩ, ông C làm nghề kỹ sư. Bỗng một hôm, cả 3 căn nhà đều bị cháy sạch hết, tất cả đồ đạc, của cải trong nhà đều bị thiêu hủy, chỉ có những người trong 3 gia đình đó còn sống. Như vậy, nhà cửa của cải tuy cháy hết, nhưng nghề nghiệp của 3 ông đó có cháy mất không? Ông thầy giáo vẫn tiếp tục hành nghề dạy học. Ông bác sĩ vẫn tiếp tục hành nghề chữa bệnh và ông kỹ sư cũng vẫn tiếp tục hành nghề như cũ.

Như thế, để chứng minh rằng, cái gì có hình tướng đều bị hư hoại, thiêu hủy, nhưng còn cái nghề nghiệp không hình tướng kia không hề bị mất. Qua ví dụ nầy cho chúng ta thấy, ngày mai khi thân chúng ta chết, nhưng nghiệp chúng ta đã gây, thì không bao giờ mất, nó sẽ theo sát chúng ta như hình với bóng. Chúng ta tu Tịnh nghiệp, thì được vãng sinh về cõi Tịnh, vì còn nghiệp, nên nói là vãng sinh, mà không nói là Vô sinh. Do đó, nhân và quả không bao giờ sai chạy vậy.

Đến đây, chúng tôi cũng xin nói rõ thêm, nếu không, thì khi quý vị đọc hoặc nghe trong Chứng Đạo Ca của Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói: “Sát na diệt khước A tỳ nghiệp”. Nghĩa là, Ngài nói cái nghiệp A tỳ, tức là Vô gián địa ngục, chỉ diệt đi trong một sát na thôi. Nếu không hiểu chỗ nầy, quý vị sẽ đâm ra hoang mang nghi ngờ và cho rằng, có sự mâu thuẫn với nhau. Nên nhớ, Ngài Huyền Giác nói, là Ngài đứng trên lập trường của giáo lý tối Thượng thừa, thuộc Kinh Liểu Nghĩa. Người ta đọc câu đó mà quên câu đầu của bài Ca nói: “Chứng thật tướng vô nhơn pháp”. Nghĩa là, người chứng được Thật Tướng, tức Vô Tướng, thì còn gì là Nghiệp A Tỳ ? Bởi vì, đến đây là người chứng đạo, sống trọn vẹn với cái chân lý Tuyệt Đối, nên thấy rất rõ : "Nhân Không và Pháp Không", như vậy, thì có gì là nghiệp với không nghiệp ? Đó là cái thấy cùng tột, vượt ngoài đối đãi của người chứng đạo.

Như trên đã nói, đối với các Ngài thì không thấy có, nhưng không phải là không có địa ngục A tỳ. Có là có, đối với những ai còn si mê vọng chấp. Còn không là không, đối với những ai đã tròn chứng Pháp thân, nghĩa là không còn vô minh vọng chấp. Hiểu như vậy, thì chúng ta sẽ không còn nghi ngờ và cho là mâu thuẫn với nhau nữa.

Tóm lại, vì biết rõ nghiệp quả không mất, nên người Phật tử mới gia công nỗ lực tu tạo phước lành, để mai sau sinh về cõi lành, hưởng quả báo tốt đẹp, chớ nếu mất đi, thì ai tu tạo điều lành làm gì. Người không tin nhân quả nghiệp báo, đối với tự thân và xã hội đều là họa hại lớn, vì họ mãi gây tạo nghiệp ác. Một khi đã gây tạo nghiệp ác, thì vĩnh kiếp trầm luân trong bể khổ. Thật là đau xót lắm thay!

Thích Phước Thái

CÓ NÊN CA HÁT KHÔNG?

Bình Anson

Trong các phòng thảo luận Phật giáo của Paltalk , thỉnh thoảng thấy có các tranh luận về vấn đề ca hát của hàng tu sĩ lẫn cư sĩ. Xin có vài dòng góp ý dưới đây.

*

1) Cư sĩ tại gia

Đối với người cư sĩ tại gia nguyện giữ 5 giới căn bản, ca hát không là vấn đề. Đức Phật không ngăn cấm người cư sĩ ca hát, sử dụng âm nhạc. Điều quan trọng là gìn giữ tâm ý, không để lôi cuốn, loạn động bởi âm thanh qua bài ca, tiếng hát, nhạc điệu. Âm nhạc và ca hát – đối với hàng cư sĩ – nếu biết sử dụng khéo léo, đúng thời, đúng mục đích, là một phương tiện truyền thông tốt trong các sinh hoạt Phật giáo.

Tuy nhiên, nếu người cư sĩ nguyện giữ 8 giới (bát quan trai giới) – thông thường trong các khóa thiền hay những ngày bố-tát tịnh tu – không ca hát là điều giới thứ 7 cần phải tuân giữ:

– Trong đêm nay và ngày nay, ta nguyện sống tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang (Tăng chi bộ, chương Tám pháp).

2) Sa-di, sa-di-ni xuất gia

Không ca hát là giới thứ 7 trong 10 giới căn bản của hàng sa-di, sa-di-ni:

– Đệ tử thực hành giới tránh múa, hát, nhạc, kịch (Tiểu bộ, Tiểu tụng).

3) Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni xuất gia

Riêng giới không múa hát, thổi kèn, đàn, xem múa hát, nghe đàn kèn tuy không ghi rõ trong giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa nhưng có ghi trong các điều liên quan đến tội Tác ác (dukkata) [*], thuộc Tiểu phẩm (Chương V), của Luật tạng. Duyên sự như sau (dựa theo bản Việt dịch của Tỳ-khưu Indacanda):

... Một lần nọ, tại thành Rājagaha (Vương xá) có lễ hội ở trên đỉnh núi. Các tỳ-khưu nhóm Lục sư (lục quần tỳ-khưu) đã đi xem lễ hội ở trên đỉnh núi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

– Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi xem vũ, ca, luôn cả tấu nhạc, giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ-khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ-khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Ngài khiển trách nhóm Lục sư ấy, rồi bảo các tỳ-khưu rằng:

– Này các tỳ-khưu, không nên đi xem vũ, ca, hoặc tấu nhạc; vị nào đi thì phạm tội dukkata (tác ác). [*]

––––––––––
[*] Theo Gs Rhys Davids (Vinaya Texts – bản dịch Anh ngữ Luật tạng), "dukkata" dịch là "wrong doing" (làm xấu, tác ác) là những lỗi nhẹ, chỉ cần tự sám hối là đủ.

4) Ngâm nga theo âm điệu ca hát

Ngay cả đến việc ngâm nga các bài kệ, bài pháp với các âm điệu trầm bổng du dương cũng bị Đức Phật khiển trách và ngăn cấm. Một lần nọ, các tỳ-khưu nhóm Lục sư ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

– Các sa-môn Thích tử này ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài giống y như chúng ta ca hát vậy.

Các tỳ-khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ-khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Ngài khiển trách nhóm Lục sư ấy, rồi bảo các tỳ-khưu rằng:

– Này các tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài:

  • bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu,
  • khiến cho những kẻ khác cũng bị ảnh hưởng say đắm trong âm điệu,
  • hàng cư sĩ tại gia phàn nàn, chê cười vị ấy,
  • trong khi ra sức thể hiện âm điệu, thiền định của vị ấy bị phân tán,
  • điều cuối cùng là vị ấy khiến dân chúng thực hành theo đường lối sai trái.

Này các tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Này các tỳ-khưu, không nên ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm tội dukkata (tác ác) – (Luật tạng, Tiểu phẩm).

Thần thức sẽ trụ nơi nào sau khi chết

Tiến sĩ Thích Gíac Hoàng

Hỏi: Sau khi một người bị chết rồi, phần tâm thức sẽ trụ ở nơi nào? Và làm sao để biết chắc có sự tái sanh? Tôi đã có lần gặp ma rồi, vậy họ là hạng chúng sanh gì? (Giác Hy)

1) Sau khi một người từ giã cõi đời, tâm thức của người đó không trụ ở một nơi nào, tùy theo khuynh hướng của tâm (nghiệp) mà thần thức đi tái sanh ở cõi tương ứng. Ngay khi còn sống tâm thức của người đó cũng không trụ ở nơi nào, vì nó hằng tuôn chảy như thác nước (hằng chuyển như bộc lưu) như Duy Thức Tam Thập Tụng đã nêu rõ, thì làm sao khi chết thần thức của người đó tồn tại, hay kết ngưng ở một điểm nào. Khi thần thức nằm trong bụng mẹ thì nó sẽ nằm một chỗ trong suốt thời gian mang thai.

Theo Luận Tạng (Abhidhamma Pitaka) của Phật giáo Nam truyền, tâm tử (cuti citta) cũng chính là tâm sanh (patisandhi citta), nghĩa là khi con người lìa bỏ thân tứ đại này lập tức đi tái sanh, tìm kiếm một thân mới dưới hình thức khác.

2) Làm sao để biết chắc có sự tái sinh? Theo kinh Sa-môn Quả thuộc Trường Bộ kinh, nhiều học thuyết thời đức Phật đã chủ trương rằng sau khi chết là hết, không có đời sau. Kinh này ghi lại tư tưởng của ngoại đạo Ajita Kesakambali cho rằng sau khi chết là hết, không hề có tái sanh luân hồi. Học thuyết này cho đến thời cận đại cũng còn có nhiều tư tưởng gia cổ xúy. Theo đức Phật học thuyết không có đời sau có khả năng đưa con người đến đọa xứ và ác thú, vì tính tác hại đạo đức của nó.

Lại nữa, kinh Tệ Túc 23, cũng thuộc Trường Bộ kinh trình bày cuộc trao đổi giữa một vị vua minh triết Pàyàsi và Thánh đệ tử đa văn Kumàra Kassapa của đức Thế Tôn là làm thế nào để biết có luân hồi. 12 thí dụ của tôn giả Pàyàsi Kassapa đã minh chứng hùng hồn về sự tái sanh của tất cả hữu tình, mà vua Pàyàsi đã cố tình đưa đẩy không chấp nhận. Cuối cùng nhà vua đã thâm tín lời giảng dạy của tôn giả Kumàra Kassapa và quy y Tam bảo.

Cũng nên xem thêm kinh Na-tiên Tỳ kheo để thấy ngài Na-tiên (Nagasena) chứng minh cho vua Mi-lin-đà (Milinda) biết rằng tái sanh là chuyện có thật và nhà vua đã hoàn toàn bị thuyết phục trước những lập luận khoa học của ngài Nagasena.

3) Về khái niệm “ma”. Các dịch giả Trung Quốc và Việt Nam đều chuyển ngữ chữ Peta trong Pàli hoặc Preta trong Sanskrit thành “ngạ quỷ” (quỷ đói) như tiếng Hán Việt, chứ không dịch chữ này thành “ma”, “quỷ” như người Việt Nam thường gọi.

Khái niệm “ma” và “quỷ”, Việt Nam và Trung Quốc phân biệt khá rõ ràng. Những hạng chúng sanh sau khi chết mà không đi đầu thai ở cõi người hoặc các cõi khác mà phải đọa vào hạng chúng sanh vất vưởng đói khát, nhưng không phá phách nhiều thì gọi là ma, còn cùng một loại trên mà có năng lực mạnh hơn và chuyên tâm hại người thì gọi là quỷ. Còn những hạng có công với quốc gia, với xã tắc, bỏ mình vì chiến trận, và hộ quốc an dân, hoặc trong đời sống có làm phước thiện, nếu không được đi đầu thai làm người hoặc trời, thì được phong làm “thần”. Trong Phật giáo, theo cách phân chia tổng quát, thì cả 3 hạng trên đều thuộc về Peta cả. Trong Ngạ Quỷ Sự (Petavathu) hoặc còn được dịch là Chuyện Ngạ Quỷ, có mô tả nỗi khổ của loài quỷ đói, đồng thời đề cập đến các nguyên nhân bị đọa vào loài Peta của cả 3 hạng này.

Cách phân loại chúng sanh ở cảnh giới nào cũng mang tính khái quát thôi. Hạng thần ở cõi trần, vì tạo được một vài thiện sự nên cũng ở cõi trần mà hưởng phước dưới dạng một chúng sanh không phải cõi người và vì nghiệp thức chiêu cảm nên cấu trúc xác thân và có những đặc điểm y như loài quỷ vậy, ví dụ biết được tâm niệm của người, mà họ khác loài quỷ ở chỗ phước đức mà thôi, do đó cũng xếp vào hạng Peta.

Do đó, nếu ta dịch chữ Peta hoặc Preta thành ngạ quỷ (quỷ đói), e rằng không lột tả được hết nghĩa của của nó. Và, có người sẽ đặt vấn đề vậy thần sẽ được xếp vào hạng nào? Theo Pali-English Dictionary của T.W. Rhys Davids và William Stede, Peta các nghĩa sau: 1. Thần hồn của những người đã mất (souls of the departed); 2. Loài ma quỷ đau khổ (unhappy ghosts) và 3. Loài ma quỷ hạnh phúc (happy ghost). Trong đó, còn liệt kê nhiều kinh liên hệ đến cả 3 loại này. Do đó, nếu ta theo sát từ điển nói trên thì peta chỉ có nghĩa là thần hồn của người đã mất, quá cố (dead, departed, the departed spirit) để chỉ chung cho các hạng sau khi chết không bị đọa vào địa ngục (niraya) hoặc không được tái sanh vào cõi A-tu-la (Asura), người (manussa) hoặc chư thiên (deva).

Từ Điển Phật Học Hán Việt trình bày các hạng ma quái, quỷ mị, địa thần cũng xếp vào Peta hoặc Preta. Luận Thuận Chính Lý, quyển 31, có 3 loại quỷ: 1. Vô tài quỷ; 2. Thiểu tài quỷ; 3. Đa tài quỷ. Mỗi loại quỷ lại chia 3 hạng nữa thành cả thảy 9 loại. Trong kinh Chánh Pháp Niệm, quyển 16, nêu ra 36 loại quỷ.

Kinh Địa Tạng cũng liệt kê nhiều loại quỷ khác nhau, như Ác Mục quỷ vuơng (chúa quỷ mắt dữ), Đạm Huyết quỷ vuơng (chúa quỷ ăn huyết), Đạm Tinh Huyết quỷ vương (chúa quỷ ăn tinh chất), Đạm Thai Noãn quỷ vương (chúa quỷ ăn thai trứng), Hành Bịnh quỷ vương (chúa quỷ gây bịnh tật), Nhiếp Độc quỷ vương (chúa quỷ trừ độc). (Phẩm một: Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi).

Như vậy, trường hợp gặp “ma”, người viết cũng không thể xác định rằng đó là thuộc hạng Peta 1, 2 hoặc 3 như Pali-English Dictionary trình bày. Giác Hy tự mình có thể đoán họ là hạng nào, vì bạn là người gặp và trong trường hợp nào. Dĩ nhiên chúng cũng không ngoài hạng ma, quỷ, thần như chúng ta vừa đề cập ở trên.

Viết đến đây, chúng tôi nhớ đến câu chuyện của Khổng Tử, khi Quý Lộ (Tử Lộ) hỏi Khổng Tử về đạo thờ quỷ thần, Khổng Tử đáp “chưa biết đạo thờ người, sao biết được đạo thờ quỷ thần” (Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ). Khi đó, Tử Lộ hỏi tiếp về trạng thái sau khi chết, Khổng Tử cũng đáp “sự sống còn chưa biết, làm sao biết được sự chết?” (vị tri sinh, yên tri tử ), (Luận Ngữ : Tiên Tần đệ thập nhất: 11).

Thế giới quỷ thần là có thật, đôi khi xung quanh chung ta. Tồn tại dưới dạng quỷ thần là một bất hạnh, mà người bị vướng vào trường hợp này nên rũ bỏ sự chấp trước để sớm được siêu thoát. Hãy cầu siêu các loại ma quỷ để họ sớm được tái sinh.

(Nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay số 3)

KHÔNG GIẢI ĐÓAN ĐIỀM LÀNH ĐIỀM DỮ

Trích Tiểu phẩm, tạng Luật:

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư học tập việc giải đoán điềm lành dữ. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại học tập việc giải đoán điềm lành dữ giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai như thế, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, kẻ chuyên chú trong việc giải đoán điềm lành dữ có thể đạt được sự tiến triển, sự tăng trưởng, sự lớn mạnh trong Pháp và Luật này không?
- Bạch Ngài, không có điều ấy.
- Hoặc vị chuyên chú trong Pháp và Luật này có thể học tập việc giải đoán điềm lành dữ không?
- Bạch Ngài, không có điều ấy.
- Này các tỳ khưu, không nên học tập việc giải đoán điềm lành dữ; vị nào học tập thì phạm tội dukkata (tác ác).

*


Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư dạy việc giải đoán điềm lành dữ. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại dạy việc giải đoán điềm lành dữ giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai như thế, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, kẻ chuyên chú dạy việc giải đoán điềm lành dữ có thể đạt được sự tiến triển, sự tăng trưởng, sự lớn mạnh trong Pháp và Luật này không?
- Bạch Ngài, không có điều ấy.
- Hoặc vị chuyên chú trong Pháp và Luật này có thể dạy việc giải đoán điềm lành dữ không?
- Bạch Ngài, không có điều ấy.
- Này các tỳ khưu, không nên dạy việc giải đoán điềm lành dữ; vị nào dạy việc ấy thì phạm tội dukkata (tác ác).
(Nguồn: http://budsas.blogspot.com/2009/12/khong-giai-oan-iem-lanh-iem-du.html)

LÀM SAO BIẾT MỘT VỊ A LA HÁN?

(Kinh Jatila, Phật tự thuyết - Udana, 6.2)

Vua Pasenadi hỏi Đức Phật về bảy vị Ni-kiền-tử lõa thể bện tóc:

- Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?

Đức Phật trả lời:

- Thưa Đại vương, khi Đại vương còn là cư sĩ trong khi còn sống với gia đình, thọ hưởng dục lạc, bị vợ con trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, thọ hưởng vàng và bạc, thời Đại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến đạo quả A-la-hán.

Thưa Đại vương, chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không có tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

Thưa Đại vương, chính phải có giao tiếp mới biết được sự thanh liêm của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không có tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

Thưa Đại vương, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.

Thưa Đại vương, chính phải đàm luận mới biết được trí tuệ của một người, và như vậy, phải trong một thời gian dài, không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
(HT Thích Minh Châu dịch)
(http://budsas.blogspot.com/2010/12/lam-sao-e-biet-mot-vi-la-han.html)

PHI THÂN THỊ CHƠN THÂN PHI THUYẾT THỊ CHƠN THUYẾT

Nhuận-Bảo

Một số bạn đạo thân thiết đã trực tiếp cũng như gián tiếp biên thư hỏi, nhằm vào hai ý chính, xin lược kê sau đây.

Thứ nhất, đức Phật lấy thân nào để thuyết pháp?.

Thứ hai, tại sao đức Phật lại phủ nhận việc thuyết pháp của Ngài, khi tuyên bố: ”Trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, ta chưa hề nói một lời nào ” hoặc những câu tương tự cùng một ý nghĩa như trên ?.

***

Đáp: -Cả hai câu hỏi tuy hình thức có khác nhau nhưng cốt lõi của nội dung lại đặc biệt tương quan mật thiết với nhau, nếu không muốn nói là tinh thần của hai câu hỏi ấy có cùng một điểm sáng chung. Nghĩa là, nếu một khi đã nắm bắt và thông suốt được ý nghĩa của câu hỏi này, thì cũng tức khắc sáng tỏ được ý nghĩa của câu hỏi kia, và ngược lại.

Mặc dù sở học Phật và công phu tu hành còn kém cỏi, bỡi biển pháp vốn dĩ mênh mông, rộng lớn vô cùng, nhưng chúng tôi cũng mong chia xẻ chút hiểu biết cạn cợt của mình cùng các bạn, nhằm có thể đáp ứng được phần nào sự cầu tiến chung của mọi người trên con đường học đạo.

*

I. Về câu hỏi thứ nhất : đức Phật lấy thân nào để thuyết pháp?

Chư Phật ba đời thị hiện các cõi để thuyết pháp hóa độ chúng sanh, đều gồm đủ cả ba thân. Nói ba thân đó, là căn cứ vào sự thấy biết chung của chúng sanh ba cõi, chứ cùng tột của lý tánh thì một thân còn không có, huống là có ba thân. Còn với nhục nhãn của những người trung sơ cơ, đang trên đường tu học như chúng ta hiện giờ, thì phải hiểu, đó cũng chỉ là một cách nói, tạm mượn làm phương tiện dẫn dắt cho việc khai thị người cầu đạo ngộ nhập Phật tri kiến sau này mà thôi.

Nghĩa là chơn thân Phật chỉ một, tuyệt đối, bất khả thuyết, bất khả tư nghị, mà tri thức, tình tưởng, giác quan, nghĩ nghị, văn tự, ngôn ngữ của con người không thể với chạm tới được. Lại cũng phải hiểu, khi nói chơn thân Phật chỉ một, thì đó cũng chỉ là một cách nói, bỡi chỗ “một” ấy là cái một tuyệt đối, nhằm chỉ vào thật tướng vô tướng của Pháp thân, tức không một tướng nào, là tuyệt vô đối đãi, chứ chẳng phải là một theo khái niệm số học hoặc đối đãi hữu vô mà có.

Khi nhân duyên đến cần giáng thế để cứu độ chúng sanh thì một thân lại ứng hiện thành có ba, trong đó có một Bồ-tát thân xuất hiện, mà hình tướng giống như nhân chủng ở quốc độ ấy, cũng được con người sinh ra, lớn lên, rồi xuất gia tu hành cho tới khi đắc đạo.

Bồ tát ấy tuy ở tại tam độc trong đời ngũ trược ác thế, nhưng thân tâm vẫn luôn luôn là tấm gương tinh anh, trong sáng, thuần khiết, không chút nhiễm ô, thường trưởng dưỡng tất thảy các pháp lành, tu hành ly tướng đến sạch hết các lậu hoặc từ thô đến vi tế, tự giác ngộ bổn tánh thanh tịnh vô sanh, thật chứng lục thông, ngũ nhãn, đắc quả Bồ-đề thành Phật, rồi lên tòa sư tử mà thuyết giáo độ sanh. Tới chừng hết duyên hóa độ với thế gian, thì xả bỏ nhục thể của Báo thân, an nhiên Niết bàn thị tịch.

Ba thân đó mà thiệt ra chỉ ở trong một, chứ chẳng phải có ba thân riêng biệt. Tuy nói có ba thân gồm trong một, nhưng với nhục nhãn của phàm phu nhìn vào, thì chỉ thấy có một, tức chỉ thấy được cái thân động tịnh có hình tướng như người, tức thấy sắc thân Phật (Báo thân) mà không thể thấy được chơn thân vô tướng kia. Chơn thân vô tướng ấy, nói cho chính xác, là thật tướng không tướng, là thể tánh “như” của Pháp thân thường trụ vậy.

Chúng ta có thể mượn từ ngữ và ý tưởng để tạm hiểu về tam thân của đức Phật như sau đây. Lại nói thêm, sở dĩ nói là tạm hiểu, vì sự hiểu biết đó của chúng ta trong lúc này đối với tam thân của đức Phật, chẳng phải là cái hiểu biết như thật về Ngài mà chỉ là cái hiểu tương đối, tức cái hiểu bằng tri thức đối đãi theo phạm trù khái niệm nhị nguyên sanh diệt mà thôi.

Chúng tôi biết rằng, sự tìm tòi để mong hiểu biết về tam thân của đức Phật mà các đạo hữu yêu cầu, có lẽ không ngòai mục đích muốn làm tăng tấn thêm, bền chặt thêm cái lòng tin tưởng, cùng sự kính ngưỡng và biết ơn của mình đối với đức Phật, khiến mỗi người càng thêm nỗ lực tu hành để không phụ lòng của một vị cha chung đại từ bi, đại trí huệ.

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói ở đây là, tới chừng nào chúng ta tu hành sáng được bổn tâm, tỏ ngộ được bổn tánh, cũng là thể nhập Bát-nhã trí thì ngay lúc ấy mỗi người liền tự biết như thật thế nào là tam thân của đức Phật. Bỡi khi ấy mỗi hành giả thường tự đang-là “một” Pháp thân vô tướng, bất khả thuyết, bất khả tư nghị, thường tự sống một với nó, không rời lìa nó, nếu tự mình không móng khởi vọng tưởng trụ chấp vào các pháp tướng sanh diệt trong đời. Tới lúc ấy mỗi người cũng tự biết như thật, rằng văn tự, ngôn ngữ dùng để mô tả, giải thích như trong đây, tức bài pháp này, đều chỉ là phương tiện giả lập, đặt bày ra cho mục đích tiến đến cứu cánh, chỗ “đang-là” thực tại giải thóat trước mắt ở vị lai mà thôi.

Còn hiện tại thì mỗi người trong chúng ta vẫn còn đang trên đường học hỏi và tu tập, còn phải mượn văn tự, ngôn ngữ, tri thức để giải ngộ một cách tương đối về tam thân của đức Phật, nên chúng ta cũng chỉ mong hiểu đại khái phần nào về những điều chúng ta muốn biết mà thôi.

Chúng sanh cùng với Phật đồng một tâm này, không khác. Chỉ vì đang mê, vọng chấp ngã pháp làm thật có, nên tự trói buộc theo nghiệp thức vô minh, phải trôi lăn trong sáu đường luân hồi nhơn quả, nên gọi là chúng sanh. Một khi chợt ngộ, tức ngộ cái tâm này vốn tuyệt đối, thanh tịnh, tự tại, vô sanh, đồng như Phật không khác, thì liền không lầm nhơn quả, tự vượt thóat nhơn quả, nhơn quả chẳng thể trói buộc, tự do tự tại đến đi theo bổn nguyện. Thế nào là tự tại đến đi theo bổn nguyện? Nghĩa là, hoặc vì lòng từ bi thương xót chúng sanh mà phát nguyện vào ra trong các cõi để tùy duyên dùng mọi phương tiện của Phật đạo để giúp họ biết đường tu học, tự giải thóat khỏi sự trói buộc của nghiệp thức vô minh, luân hồi sanh tử; hoặc tùy ý an nhiên tịch diệt, không còn lai sanh làm thân chúng sanh trong sáu đường nữa.

Vậy thế nào là tam thân của đức Phật?

a. Pháp thân Phật : là thân chơn như thường hằng, tuyệt đối, không phải tướng cũng chẳng phải không tướng. Chơn thân Phật tự tại, vô thỉ vô chung, không sanh không diệt, không sạch không nhơ, không tăng không giảm, cũng là thường trụ pháp giới, là Phật tánh, mà từng mỗi mỗi chúng sanh hữu tình, ai ai cũng tự sẵn có, cũng tự trọn đủ tánh ấy như Phật không khác

b. Ứng, Hóa thân Phật : là bổn lai chẳng phải tướng mà hiện ra tướng, tức vì đại nguyện từ bi mà Phật, Bồ tát hóa hiện ra khắp mười phương cõi, với đủ các hình tướng để không ngòai mục đích giáo hóa, độ thóat chúng sanh ra khỏi biển mê của nghiệp thức luân hồi sanh tử.

c. Báo thân Phật : là mượn cái tướng chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng của chơn thân để tùy thuận các quốc độ mà thị hiện làm Phật, làm Bồ tát, hầu thuyết pháp cứu độ chúng sanh. Đó là Báo thân Phật. Báo thân Phật có hình tướng như người thế gian, cũng nhận lấy các cái khổ như sanh, lão, bệnh, tử cùng những đau đớn khác của nhục thân như mọi chúng sanh khác. Tuy nhiên, với Báo thân của đức Phật Thích-ca Mâu ni, vì nhờ có trọn vẹn mọi đức lành đã từng gieo trồng trong vô lượng kiếp quá khứ, một chút nhiễm ô uế trược trong đời này cũng không, nên Báo thân của Ngài vô cùng tốt đẹp, hòan tòan thanh tịnh, khác biệt với người thường như chúng ta.

Do ba thân Pháp, Ứng, Báo gồm trọn trong một, nên tòan thân của đức Phật chính thiệt là sự thị hiện thật tướng vô tướng của pháp thân, là anh linh, là chơn thể, là trí huệ hiện tiền, mà chỉ có giác trí, tuệ nhãn của các bậc Đại Bồ-tát mới có thể nhận biết được, còn nhục nhãn của phàm phu thì không thể nào nhận ra.

Tam thân của đức Phật thị hiện ở cõi ác thế ngũ trược này chẳng khác như cái bông sen vươn cao lên trên mặt nước bùn lầy, tuy về mặt hình tướng thì bông sen ấy cũng từ bùn mà ra, nhưng hòan tòan chẳng có chút bợn nhơ nào có thể làm ảnh hưởng tới đóa sen thanh khiết, đẹp đẽ và thơm ngát. Tam thân Phật xuất sanh vào thế gian đen đúa, uế ác, nhiễm ô này cũng như thế đó.

Nói tam thân trong một, cũng chỉ là một cách nói để dẫn dắt, bỡi vì Báo thân là nhục thân, là sắc tướng sanh diệt thì ai cũng thấy, cũng biết nên không cần nói tới; còn trong chỗ cùng tột, tuyệt đối, không hình không bóng, không thuyết không lời, cũng là thật tướng không tướng của vạn pháp, trạm nhiên vắng lặng, thì chỉ một thân này còn hiếm người thấy biết như thật, huống là nói cả ba thân. Chợt biết nó như thật thì chính mình liền đồng một với nó, hốt nhiên tuyệt đối, tịch lặng, nên miệng lưỡi, văn ngôn, tay chân, ý tưởng của tứ đại, ngũ uẩn, lục thức sanh diệt làm sao có thể lọt được vào đây mà nói năng hay chỉ trỏ. Chỗ “Một” đó chính là pháp giới thường trụ, là cảnh giới giải thóat, tuyệt vô đối đãi. Thế nên, xin nhấn mạnh lại một lần nữa, rằng nói một thân hay ba thân cũng chỉ là một cách nói, một cách dẫn dắt để đưa người vào cữa đạo mà thôi. Chớ nên chấp vào văn tự, hình tướng, ý tưởng kẻo bị kẹt vào cái hiểu biết nhị nguyên sanh tử. Người học đạo hãy nên học cách nhìn các pháp bằng cái tâm ly tướng, nghĩa là đọan lìa ngã và pháp, thì mới mong có lúc tự biết như thật thế nào là tam thân Phật, vì tới lúc ấy, mỗi hành giả tự đang-là, tự đồng “một” pháp thân tuyệt đối.

Còn với cái nhìn và thấy biết của chúng ta trong lúc này đối với Báo thân Phật thì sao? Thử hỏi, cái sắc thân được mọi người trông thấy cũng bằng xương, bằng thịt như mọi người, tức thấy biết qua dáng vẻ bên ngòai của Báo-thân Phật, thì ở đó có chỗ nào khác biệt với con người phàm tình chúng ta chăng?

Xin thưa, hòan tòan khác biệt? Tuy thân tướng của đức Phật giống như người, nhưng Ngài lại có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 tướng tùy hình uy nghi, kỳ đặc mà phàm phu không thể nào có đầy đủ được. Đó là nói về mặt sắc thân. Còn đứng về khía cạnh tâm linh trí huệ, vượt quá sắc tướng phàm tình, thì tam thân của đức Phật hòan tòan là do trí huệ ứng hóa hiện thành, nghĩa là từ thể tánh linh diệu của Pháp thân chơn như, không hình, không tướng mà hóa hiện ra, bằng cách mượn hình hài của thánh mẫu Ma-da làm phương tiện giáng thế. Cho nên bằng con mắt của trí huệ để thấy biết, thì đức Như-lai hiện ra trong cõi Ta-bà này gồm trọn đủ cả ba thân, Pháp thân, Ứng thân và Báo thân. Con người nhìn vào đức Phật chỉ thấy biết có Báo thân, mà không biết rằng một Báo thân ấy cũng gồm trọn đủ cả ba thân vô nhiễm, là sự kết hợp tinh anh của trí huệ, là biểu hiện cái tướng “thật tướng vô tướng” của Pháp thân thường trụ, là Như-lai. Như-lai là nghĩa như như của các pháp, là bao gồm trọn vẹn tam thân, là không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, là trùm khắp pháp giới, là Pháp thân Phật, là ứng hóa từ Như-lai tạng.

Sự hóa hiện từ Chơn thân và giáng thế một cách kỳ đặc của đức Phật Thích-ca Mâu ni vào cõi này hơn hai ngàn rưởi năm trước, như trong Phật sử đã ghi chép lại, hòan tòan là sự thật, mà đó cũng là cung cách giáng thế dành cho bất cứ một vị Phật nào ở thời quá khứ cũng như ở vị lai, chứ chẳng phải là một truyền thuyết khó tin hay nghi ngờ gì cả. Chúng ta không nên nghi ngờ về sự giáng thế kỳ đặc ấy của đức Phật.

Lại nói thêm một chút về 32 tướng tốt và 80 tướng tùy hình uy nghi của đức Phật. Thật ra, đọc trong kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật, chúng ta thấy các đức Chuyển-luân Thánh vương cũng có đủ 32 tướng tốt giống như Phật, nhưng các vị ấy không phải là Phật, không phải là Như lai. Các vị ấy do đã từng gieo trồng vô lượng thiện nghiệp trong các kiếp quá khứ nên đến đời kiếp này được hưởng phước báu cùng tột, mới có đủ 32 tướng tốt ấy, nhưng các vị ấy vẫn còn ở trong tam giới, vẫn còn phải chịu trói buộc theo luật tắc nhơn quả, vẫn còn phải đến đi, sống chết trong ba cõi, sáu đường khi hết phước báu. Còn đức Như-lai Thích-ca Mâu-ni thì do từ Chơn tánh ứng hóa hiển hiện ra để cứu độ chúng sanh cõi này. Tam thân của Ngài là kết tinh của trí huệ, sắc thân của Ngài là cái tướng của thật tướng vô tướng, là Bát-nhã hiện tiền, vượt quá Tam giới, không đến, không đi, không sanh, không diệt; tới chừng hết duyên hóa độ thì Niết-bàn thị tịch, trở về lại Chơn thể thường hằng, tuyệt đối, cũng là Pháp thân Như-lai. Đó là chỗ khác biệt rất lớn của Như-lai với các vị Chuyển-luân Thánh vương vậy.

Còn phàm phu chúng ta thì rõ ràng là do nghiệp thức vô minh trói buộc, theo dòng lưu chuyển trong sáu đường nhân quả mà có đến đi sống chết để thọ nghiệp khổ vui huyễn hoặc.

Thế nên, phải biết, khi đấng Như-lai thuyết pháp giải thóat, thì cả tam thân Ngài đều đồng thời diễn thuyết, mà không thiếu một thân nào. Có điều, hàng phàm phu chúng ta, vì chỉ có nhục nhãn, nên chỉ thấy được sắc tướng của Báo thân Phật, nghe văn ngôn được từ chính miệng đức Phật, mà không thấy biết còn có hai thân vô tướng kia hàng ngày vẫn thường diễn thuyết Bát nhã Ba-la-mật.

**

II. Về câu hỏi thứ hai. “ Vì sao đức Phật lại phủ nhận việc thuyết pháp của Ngài, khi tuyên bố: ”Trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, ta chưa hề nói một lời nào” hoặc những câu tương tự cùng ý nghĩa như trên ?”.

Thật ra những lời phủ định của chính đức Phật về việc Ngài có thuyết pháp, mang ý nghĩa tương tự như câu vừa nêu, thì nhiều lắm.

Sở dĩ đức Phật có những lời cảnh giác như thế, cũng chỉ vì Ngài lo ngại cho các hàng đệ tử của mình không tỏ rõ được ý chỉ của Ngài khi thính pháp, vọng chấp vào ngôn thuyết, chương cú, vào những lời dạy của Ngài mà cho đó là thật pháp, khiến họ phải đi lạc đường.

Trong thời pháp thuyết “Lăng-già A-bạt-đa-la Bảo kinh” đức Phật đã ân cần chỉ dạy Đại-Huệ Bồ-tát và các thánh chúng, rằng :”Ngã tùng mỗ dạ đắc Tối Chánh-giác, cập chí mỗ dạ nhập Bát Niết-bàn. Ư kỳ trung gian bất thuyết nhứt tự, diệc bất dĩ thuyết, đương thuyết. Bất thuyết, thị Phật thuyết - Ta từ cái đêm đắc Tối Chánh-giác, cho đến cái đêm kia nhập Niết-bàn. Ở nơi khỏang giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết. Chẳng thuyết, tức là Phật thuyết” .

Với lời dạy trên của đức Phật, thì “ở nơi khỏang giữa” của “cái đêm đắc Tối Chánh-giác” cho đến “cái đêm nhập Niết-bàn” cũng là suốt thời gian mà đức Như-lai thuyết pháp độ sanh ở cõi này, tức bốn mươi chín năm. Đức Phật khẳng định, suốt bốn mươi chín năm ấy, Ngài chưa từng thuyết một lời.

Câu tuyên bố “cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết” là ở ngay thời điểm thuyết “Lăng-già A-bạt-đa-la bảo kinh”, Ngài khẳng định với đại chúng rằng, Ngài chưa từng thuyết pháp ở quá khứ cũng như sẽ không có thuyết pháp ở vị lai. Lại nữa, “chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết” cũng còn có nghĩa là chư Phật quá khứ và chư Phật vị lai cũng đều làm như vậy, nghĩa là không thuyết một lời nào.

Không thuyết một lời nào chính là chỗ sở thuyết thậm thâm, thậm diệu của ba đời chư Phật vậy.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sau khi thành đạo, bắt đầu chuyển pháp luân, thì bốn oai nghi và mọi động tác thi vi thường nhựt của Ngài, mà đối với tuệ nhãn của hàng đại Bồ tát, đều là những bài pháp giải thóat huyền mầu, vi diệu, không thể nghĩ bàn.

Mọi động tịnh của tam thân Phật đều biểu hiện thật tướng Bát nhã, hiển bày diệu lý Pháp thân thường trụ, là Phật thừa, đưa rước trực tiếp hàng thượng căn, thượng trí, đầy đủ phước đức trực nhập Phật tri kiến.

Từng lúc, từng nơi, ngày đêm sáu thời, Ngài vẫn thường lấy chính tam thân Phật mà phô diễn tinh túy của Phật đạo một cách tuyệt hảo.

Chỗ thường thuyết thậm thâm, vi diệu, không thể nghĩ bàn ấy chính là trí huệ thật tế đương thuyết, vượt quá tư thức, văn tự, ngôn ngữ phàm tình.

Mỗi cử chỉ, động tác, đi, đứng, nằm, ngồi, uống, ăn, nói, nín, nghỉ ngơi, khất thực, hay ngồi tòa sư-tử thuyết pháp đều nhứt nhứt là những bài pháp ly tướng vượt cách, nhiệm mầu, phô bày thực tướng vô tướng của Pháp thân thường trụ, phô bày trọn vẹn cảnh giới của Phật tâm giải thoát mà ngay đó Ngài đang-là, không gì dấu che, trước mắt tất cả mọi người.

Điều ấy có nghĩa, nói hay nín, động hay tịnh của tam thân Phật đều là giải thóat, vì tâm thể ngay lúc động môi hay im lặng ấy của đức Phật đều hòan tòan thanh tịnh, là biểu hiện của trí huệ, vượt thóat khỏi tất thảy các pháp tướng. Việc nói hay nín của Ngài không dung chứa một mảy may niệm khởi nào có dính dấp, vướng mắc, hay ảnh hưởng tới tri thức sanh diệt .

Với đức Như-lai, tam thân của Ngài ngay đó cũng là chơn thể, cũng là pháp giới thường trụ; cho nên vì lòng từ bi mà Ngài dẫu có nói pháp suốt ngày thì chỗ nói ấy cũng đều là giải thóat, hoặc tùy duyên mà lặng bặt không thốt một lời nào, thì chỗ lặng im ấy cũng là những bài pháp như sấm, như sét có công năng làm xoay đầu, chuyển não những hữu tình nào vừa gặp duyên lành, hốt nhiên nhận ra chơn thể phi sanh diệt của mình.

Đối với Như-lai, văn tự, ngôn ngữ hay thậm chí sự im lặng không một lời nào của Ngài cũng đều biểu thị cảnh giới thanh tịnh của Phật tâm, là trí huệ giải thóat hiện tiền. Điều đó hòan tòan là sự thật, mà chỉ có tâm chứng mới tự thấy biết như thật mà thôi.

Còn phàm phu chúng ta thì ngược lại, dù có cố gắng ngồi im, ngậm miệng suốt ngày, không nói một lời nào, thì chỗ nín ấy cũng không thể gọi là giải thóat, vì cái tâm vô minh trước tướng, niệm niệm vọng khởi trùng trùng trong từng mỗi sát na, liên tục không ngưng dứt.

Trong chỗ cùng tột rốt ráo thì Tam thân Phật cùng với thật tướng của vạn pháp đều ở thể tánh chơn không, tuyệt đối, như có như không, sáng trong không gì ngăn ngại, nên chỉ có trí huệ mới có thể nhận biết như thật. Chỗ hiển bày Phật đạo của tam thân như thế đó, chính thiệt là chỗ nhứt niệm chánh chơn thuyết pháp, mà đức Phật đã từng thuyết suốt bốn mươi chín năm ở cõi này. Thế nên nói, chơn pháp mà Như-lai đã thuyết thì lìa tất thảy các tướng ngôn ngữ, văn tự, tư tưởng, ý thức, khái niệm vv…. vì các tướng ấy đều là huyễn tướng sanh diệt, hòan tòan không thể tiếp cận, hay với chạm tới được, không thể đồng một “đang-là” Phật tâm giải thóat được.

Phải hiểu rằng, thật tánh của các tướng ngôn ngữ, văn tự, câu cú cũng như sắc tướng vạn pháp nói chung, đều là chơn không, vô tướng, tức không một tướng nào.

Thế nhưng không phải ai ai cũng có được phước đức sâu dày, căn cơ trí tuệ vượt bậc để dễ dàng nhận ra được chỗ đức Phật hàng ngày vẫn đang thuyết thật tướng Bát-nhã bằng chính tam thân của Ngài.

Thuở đức Phật đương thời, lúc Ngài còn chưa gióng lên hồi chuông Bát-nhã lần đầu tiên, thì tuy có một số trong các đại đệ tử xuất gia của Ngài đã đắc tuệ nhãn, nhưng cũng ít người nhận ra được chỗ cụ túc tam thân của Ngài thường ngày vẫn hay trực tiếp diễn thuyết đạo lý giải thóat trước mắt mọi người. Đa số hàng đệ tử của Phật chỉ thính pháp bằng cách “nghe” đức Phật thuyết pháp từ miệng Ngài. Âm thanh từ miệng đức Thế-tôn thâm nhập vào lỗ tai của người nghe, rồi họ dùng tri thức để tư duy, biện biệt và y theo pháp hành trì cho đến giải thóat mà ít ai thấy biết chơn pháp được tuyên thuyết một cách kỳ đặc, trực tiếp, trừ Tôn-giả Huệ-mạng Tu-bồ đề vừa khám phá.

Đọc trong kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật, chúng ta dễ dàng nhận ra điều ấy là sự thật. Và cũng chính nhờ sự khéo thưa thỉnh của ngài Tu-bồ-đề, thay mặt đại chúng cầu Phật giải ngộ chỗ sở nghi của mình về tam thân của đức Phật thường ngày vẫn hay thuyết pháp, mà nhân lọai từ xưa tới nay và mãi mãi ngàn sau cho tới hồi sau rốt, có được một pháp giải thóat siêu việt, vi diệu, nhiệm mầu giúp chúng sanh vượt thóat khỏi sự trói buộc của nghiệp thức vô minh, luân hồi sanh tử.

Tam thân Phật đồng thời thuyết pháp trước mắt mọi người một cách trực tiếp bằng thật tướng Bát nhã, cũng là khéo chỉ bày cho chúng sanh nhận ra được tánh chơn không của vạn pháp, mà trong đó hàm chứa ý nghĩa thật tánh của cái tướng “ngã” đang thính pháp kia cũng chính thiệt đồng một pháp giới thường trụ, là pháp thể, pháp giới tánh, là tâm bất sanh, là tuyệt đối, gọi sao cũng được, cũng chỉ một nó.

Có nghĩa là Phật đang thuyết không pháp, tức pháp không hai, rời lìa kiến chấp hữu vô, thường đọan, cũng là phô diễn thật tướng vô tướng của vạn pháp mắt mọi người. Thế nên, nếu tâm người thính pháp cũng biết đọan lìa tất thảy tướng và kiến chấp hai bên, thì không sớm thì muộn ắc cũng sẽ có lúc thể nhập làm một thường trụ pháp giới.

Vừa chợt nhận ra trong sát na, cũng là ngộ nhập Phật tri kiến, thì tâm Phật, tâm Bồ tát tức khắc khế hợp làm một, liền thấy biết như thật, nhất thiết pháp vô ngã, nên không lầm nhơn quả, đọan lìa nghiệp thức vô minh nhơn quả, vượt quá trói buộc của tam giới.

Vì sao mà ít ai nhận ra được cái chỗ cả tam thân Phật đang thật tế thuyết pháp trước mắt? Bỡi vì pháp mà Như-lai đang thuyết, thiệt chẳng phải pháp, cũng chẳng phải phi pháp, mà là vượt quá cả hai pháp trên. Pháp Phật thuyết chính là bất nhị pháp môn, là pháp không hai, là vô vi pháp, là bất định pháp, vượt lìa tri kiến sanh diệt, nên nếu nói một cách chân thật thì thiệt không có một pháp nào nhất định mà Phật có thể thuyết cả.

Như-lai là nghĩa như của các pháp, là không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, là như thật như hư, đồng khắp pháp giới, hòan tòan không có bất kỳ một tướng nhất định nào, huống là có thật pháp, có pháp nhất định mà Như-lai có thể thuyết.

Có người hỏi, thế thì đức Phật đang trên tòa sư-tử thuyết pháp thì sao?

Thưa, đó chỉ là sắc thân của Như-lai. Mà sắc thân ấy, nhìn trong chỗ cùng tột giải thóat, thiệt chẳng phải là sắc thân, chỉ tạm gọi là sắc thân mà thôi. Bỡi vì sao? Vì không có cái gì gọi là sắc thân thật cả, tức không có sắc thân nhất định nào, mà chỉ vì lòng từ thương khắp chúng sanh mà Như-lai ứng hiện vào huyễn cảnh này để mà thuyết pháp độ sanh mà thôi. Thật tướng của sắc thân ấy cũng là tánh chơn không của vạn pháp, là pháp thể, là trí huệ, là thường trụ pháp giới.

Thế nên, chỗ chơn pháp mà Như-lai thường thuyết một cách thật tế bằng thật tướng Bát-nhã, thì tri thức phàm tình không thể nắm bắt, không thể hình dung, không thể nghĩ tưởng, suy lường, là bất khả thuyết, bất khả tư nghị. Chỉ có trí huệ, tức Bát-nhã mới có thể thâm nhập. Nói thâm nhập tức là tự đồng một, tức tự đang-là cảnh giới thanh tịnh, giải thóat của Phật tâm.

Trong thời pháp giảng Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật, đức Phật đã dạy “Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp – Thuyết pháp đó, không có pháp chi có thể thuyết, ấy là chỗ chơn thuyết pháp vậy.

Bỡi cớ sao? Vì Phật pháp là pháp không hai, chẳng phải pháp cũng chẳng phải chẳng phải pháp. Thế nên đức Phật đã quở những người còn chấp tướng, cho là Như-lai có thuyết pháp, rằng:”Nhược nhơn ngôn: Như-lai hữu sở thuyết pháp, tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố - Nếu có người nói: Như lai có thuyết pháp, tức là chê bai Phật, chẳng tỏ rõ nghĩa của ta được ”. Kim-Cang Bát-nhã Ba-la mật kinh - Phần thứ 21 – Phi thuyết sở thuyết.

Những lời quở trách hay những lời cảnh giác, dạy dỗ, nói xa nói gần, có ý nghĩa tương tự như câu trên của đức Phật, xuất hiện hầu hết trong các kinh Đại thừa Phương đẳng.

Vì sao mà đức Phật lại dạy như vậy ? Vì dưới con mắt thấy biết như thật của thánh trí, thì thật tướng của cả sum la vạn tượng, cho tới văn tự, ngôn thuyết đều vốn tự chơn không, như hư như thật, không phải thật có. Chỉ vì phàm phu đang chấp mê cảnh giới huyễn hoặc, hư dối của tứ tướng (ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả), không nhận ra được thật tướng vô tướng của ngã và pháp, nên mới coi các huyễn pháp như bản ngã của mình làm thật có, khiến phải nhận nghiệp báo khổ vui hai đường, phải nổi trôi bất tận trong luân hồi sanh tử.

Như-lai thị hiện vào huyễn cảnh sanh diệt này để thức tỉnh sự lầm thấy, lầm biết ấy của chúng sanh. Ngài đã đánh thức con người mê mờ vọng chấp ngã pháp làm thật có, bằng cách nói cho họ biết, rằng”Chúng sanh, chúng sanh giả, Như-lai thuyết phi chúng sanh, thị danh chúng sanh- Chúng sanh, chúng sanh đó, Như lai nói chẳng phải chúng sanh, chỉ tạm cưỡng gọi là chúng sanh mà thôi- . Chúng sanh ở đây, chẳng khác những người đang trong cảnh giới chiêm bao, chấp sự việc trong mộng mị của chiêm bao làm thật có vậy.

Vì sao Ngài lại dạy “người nhân thế chúng ta chẳng phải thật chúng sanh?”. Bỡi vì quả thật, cái tướng thật của chúng ta cùng vạn pháp vốn thiệt ở thể chơn không, không một tướng nào. Cái chỗ “không” ấy rất linh diệu, huyền màu, không phải thật có, cũng chẳng phải thật không, mà vắng lặng, tròn đầy, như như, bất động, hay khéo sanh muôn pháp, là pháp giới tánh, Pháp thân thường trụ, vv…gọi sao cũng một nó, mà chúng sanh hữu tình thì ai ai cũng đồng một “nó”. Chợt giác ngộ tướng thật của mình, tức chợt “biết” mình từ vô thỉ lâu xa đã có cái lầm thấy lầm biết, thì hốt nhiên trực ngộ bổn tâm đồng “một” pháp giới tánh, đồng một Phật tâm giải thóat, tự do, tự tại. Chợt biết mình lầm thấy, lầm biết cũng là không lầm nhơn quả, tự nhiên vượt quá nhơn quả, nhơn quả không còn có thể trói buộc.

Miệng lưỡi, âm thanh, tư tưởng, nghĩ nghị, nói chung là lục căn, lục thức của cái thân nghiệp báo vô minh đang mê mờ, trói buộc nhị nguyên nhân quả của chúng sanh không thể với chạm tới được cảnh giới tuyệt đối, thanh tịnh, tự tại, giải thóat, cũng là pháp thân thường trụ.

Phàm phu trước tướng vì cái tâm chấp ngã chấp pháp, nên khi thấy Phật thuyết pháp thường chỉ thấy, chỉ biết, chỉ nghĩ tưởng có một thân tướng tức Báo thân của Phật đang thuyết pháp bằng ngôn ngữ mà thôi. Cũng bỡi lẽ đó mà chúng sanh thường chấp vào những gì Phật thuyết, cho là có thật pháp để thuyết, mà không biết rằng, hằng vạn pháp môn mà đức Phật nói ra, đều là pháp phương tiện, tùy duyên giả lập, là bất định pháp, không phải thật có.

Cũng bỡi lẽ ấy mà đức Phật đã cảnh giác những người theo học đạo giải thóat với Ngài, rằng, “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như-lai - Bằng lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, kẻ ấy hành tà đạo, chẳng thấy được Như-lai”. Kinh Kim-Cang Bát-nhã Ba-la-mật – Phần thứ 26 - Pháp thân phi tướng.

Điều ấy có nghĩa, đức Phật chẳng những nghiêm khắc cảnh giác những người theo ngài học đạo chớ nên chấp vào ngôn thuyết khi thính pháp (dĩ âm thinh cầu ngã), mà ngài phủ nhận luôn cái sắc thân 32 tướng tốt và 80 tướng tùy hình uy nghi của Phật, rằng đó chẳng phải là Phật thật. Chơn thân của Phật thì thường hằng, vắng lặng, vô thỉ vô chung, không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, là pháp thân thường trụ, là nghĩa như như của vạn pháp.Còn các tướng tốt kia đều là tướng hư dối, biến hiện vô thường của nhục thân, chẳng khác như bọt bèo, như mộng mị, như ánh chớp, nay còn mai mất.

Cũng vì người học đạo không nắm bắt được ý chỉ của đức Phật là phải rời lìa cái tâm tướng chấp trước văn tự ngôn thuyết, nên họ thường cho những gì đức Phật nói ra đều là thật pháp, lầm tưởng các pháp ấy là cứu cánh để bản ngã chấp thủ, khiến đi sai con đường giải thóat mà đức Phật muốn dạy bảo. Sự lầm chấp do thiếu hiểu biết ấy dễ khiến cho người học đạo tự trói buộc và chết chìm với mớ tri thức lầm lạc, hư dối của mình.

Việc đức Phật dùng ngôn ngữ, văn tự thuyết pháp chỉ là phương tiện tạm mượn nhằm hiển bày thật tướng vô tướng của pháp thân để giác ngộ tánh thấy biết của chúng sanh. Người học đạo cần phải sáng suốt để nhận biết một điều, rằng, đức Phật thuyết pháp chỉ là cách mượn tánh “không” của văn tự, ngôn ngữ để chuyển tải tánh “không” của Phật đạo, chứ hòan tòan không dụng tướng văn ngôn như phàm tình. Bỡi vì tướng của văn tự, ngôn ngữ, của ý thức, tình tưởng sanh diệt chẳng dính dấp gì được tới chỗ chơn thật mà Như-lai muốn trỏ về. Thế nên, khi thính pháp của Ngài, chúng sanh cũng phải biết vận dụng cái tâm “rổng rang” để nghe pháp, tức cái tâm rời lìa tất thảy tướng, cái tâm vượt thóat khỏi mọi hệ phược của văn tự, ngôn ngữ, ý thức phàm tình thì mới có thể bừng sáng Bát-nhã trí, mới tự tỏ rõ bổn tánh, cũng là thể nhập Phật tâm giải thóat. Chợt sáng tỏ bổn tánh thì liền biết như thật, nhất thiết pháp đều không, là vô ngã, nên không lầm nhơn quả, tự vượt thóat nhị nguyên nhơn quả .

Bằng nếu không biết vận dụng cái tâm rời lìa tướng văn tự, ngôn thuyết để mà thấy nghe chơn pháp của Thế tôn, thì không thể nào trực ngộ cái chỗ mà Thế tôn muốn đề cập tới, tức cái chỗ mà Phật đang-là, hòan tòan giải thóat kia.

Bỡi vì sao? Bỡi vì các tướng sanh diệt thì không thể nào với chạm tới được chỗ tuyệt đối, huyền mầu, linh diệu của thật tướng vô tướng. Bỡi Bát nhã là trí huệ, là pháp thể, là chơn tánh, là Pháp thân thường trụ Phật, là thật tướng vô tướng của tất thảy pháp.

Chúng tôi minh họa chỗ này bằng mấy câu thơ. Tuy tôi ít làm thơ, và đương nhiên thơ của mình cũng không hay lắm, nhưng nghĩ rằng nó có thể nói lên được chỗ chấp tướng và lìa tướng của hai người cầu đạo khi cùng đang đứng trước cữa đạo.

Cữa không vào không cữa,

-Không cữa làm sao vào?

-Không cữa sao không vào?

Vào rồi thiệt không cữa.

Pháp mà Phật thuyết thì vô sở đắc, vô sở thuyết, là pháp “không”, lìa cả hai bên hữu vô, thường đọan. Còn chúng sanh thì lại đem cái tâm hữu tướng của các thức sanh diệt: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ý, tức cái tướng của tứ đại, ngũ uẩn thế gian mà mong nắm bắt thể tánh chơn không, vô tướng của trí huệ, của pháp tánh thì làm sao có thể được?

Đức Phật thấy hết, biết hết tâm ý của chúng sanh, nên lo sợ họ chấp vào các tướng ngôn thuyết, văn tự, chẳng những không giải thóat được mà còn làm cho họ bị trở ngại thêm vì sở tri chướng. Cũng vì những lý do đó mà đôi khi Thế tôn mới có những lời quở trách hay ân cần dặn dò hoặc đôi lúc nói xa nói gần như câu trên.

Thiết nghĩ, điều cần yếu nên làm bây giờ của những Phật tử tại gia chúng ta, nhất là những người đã có tuổi như chúng tôi, như các bạn, đang ở cái ngưỡng trên dưới thất thập cổ lai hy (bỡi thời gian tại thế để tu và hành không còn nhiều nữa), thì phải nên biết tự thành với chính mình trong việc tu học. Nghĩa là mỗi người cần phải chuyên tâm, nỗ lực tu hành và không tự dối mình, dù tu theo bất cứ pháp môn nào của đức Phật. Phải biết tự nhìn vào trong chính mình mà vận dụng trí lực để tư duy, quán chiếu, tìm ra lẽ thật về một cái tâm này, tức nội quán để khám phá tự tâm là chính, hơn là cứ nhìn ra ngòai để thân tâm mặc tình bay nhảy, phân biệt, đắm trước theo trần cảnh, tự trói buộc với các pháp tướng sanh diệt, bỏ phí thời gian một cách vô ích. Cho nên, trong đây chúng tôi không thể nói nhiều, mà thật ra, dẫu có nói nhiều tới đâu thì cũng chỉ là phương tiện bên bờ này, chẳng dính dấp gì tới chỗ cứu cánh “biết như thật”, cũng là chỗ tánh biết bùng vỡ, đang-là pháp thể hiện tiền, cũng là qua bờ kia. Chỉ có cách tự thân mỗi người tùy theo căn cơ, trí tuệ, chọn một pháp thích hợp, rồi y pháp hành trì đúng như lời của đức Phật từng dạy theo mỗi pháp môn, thì tự thân mới có thể khám phá như thật thế nào là tam thân Phật, thế nào là chơn giải thóat, tức qua bờ kia. Hơn hữa, lại phải hiểu, chữ nghĩa, ý tưởng, tri thức như trong đây chỉ là phương tiện, là vật ngòai, là tạm mượn để bắt cầu mà lần tới bờ kia, nên mới nói, dẫu hiểu bằng tri thức tới đâu đi nữa mà tự thân không thực hành pháp Phật một cách chơn chánh, đúng như pháp thì cũng vẫn là giậm chân tại chỗ ở bờ này mà thôi. Lại nói thêm, nói bờ này bờ kia cũng chỉ là một cách nói, bỡi khi mê thì thấy có hai bờ, bờ này và bờ kia; hốt nhiên tỏ ngộ bổn tánh chơn không của vạn pháp, thì quả tình chẳng thấy có bờ nào. Thí như trong chiêm bao, thấy bị ma quỉ bắt nhốt, hành hạ. Tâm trạng lúc ấy trong chiêm bao chỉ muốn được thả, được tự do, được ra khỏi chỗ bị nhốt. Nhưng hốt nhiên chợt tỉnh, thì rõ ràng không thấy có bắt có thả gì cả. Chỗ có bắt, có thả, có trói buộc, có tự do ấy, một khi tỉnh ra thì liền biết như thật đó chỉ là huyễn pháp mộng mị. Thế nên rất mong chớ chấp vào ngôn ngữ, văn tự, sắc tướng mà tự trói buộc mình.

Xin hỏi một tăng sĩ ở chùa nuôi chó và cho chó ăn thịt sống có được không?

Có thể trả lời một cách rõ ràng và thẳng thắn là KHÔNG.

Đức Phật dạy rằng "Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh", "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành", chữ chúng sinh ở đây là chỉ tất cả mọi loài động vật có cảm giác, tức hữu tình chúng sinh, chứ không chỉ riêng loài người.

Cửa chùa là nơi truyền bá đạo Phật, tu sĩ ở chùa là Trưởng tử Như Lai, đem chánh pháp dạy chư Phật tử. Một trong những lời dạy quan trọng, cốt tủy của Đức Phật là phải dùng tâm bình đẳng để đối xử với mọi loài, cả người lẫn vật. Vậy thì việc nuôi chó và cho chó ăn thịt, dù thịt tươi hay thịt chín cũng không được. Một đằng thương con chó, lo cho con chó khỏi đói, đằng khác lại lấy đi mạng sống một con vật khác để nuôi sự sống của con chó. Điều này nghịch lý. Nguyên việc thương con chó vì không muốn nó đói đã là sai rồi. Vì có thương tất phải có ghét. Tâm đã bất bình đẳng lại thêm tâm kỳ thị thương ghét nữa. Ngoài ra còn phạm giới thứ 32 không được gây tổn hại chúng sinh trong Giới Bồ Tát: “không được buôn bán dao, gậy, cung, tên, những khí giới sát sanh. Không được chứa cân non giạ thiếu. Không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người. Không được ác tâm trói buộc người, và phá hoại việc thành công của người. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó ... Nếu cố làm các điều trên, Phật-Tử này phạm khinh cấu tội”….

Cũng nên biết, trong Phật Giáo điều dạy căn bán nhất của Đức Phật là lòng từ bi, không làm tổn hại đến chúng sinh. Nghiệp giết hại được hiểu là gốc rễ của tất cả khổ đau luân hồi và là nhân tố căn bản của bệnh tật và chiến tranh. Lý tưởng cao nhất và phổ cập nhất của Phật Giáo là làm việc không ngừng nghỉ để chấm dứt sự đau khổ của tất cả chúng sanh, không phải chỉ riêng loài người.

Ngày xưa có một thi sĩ Trung Hoa viết về bát canh thịt:

Ngàn năm qua một bát canh
Oán sâu biển cả hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe quán thịt tiếng gào thâu đêm.

Chỉ cần nhìn vào trong bát canh và miếng thịt trong đó, chỉ cần nhìn vào nồi súp ra-gu hầm thịt, người ta sẽ thấy được niềm oán hận của các loài bị tàn sát; nỗi oán hận này sâu như biển, lớn như núi. Nếu muốn biết được bản chất của chiến tranh hiện đang xảy ra trên thế giới, từ A phú Hãn đến Trung Đông, chỉ cần nửa đêm thức giấc lắng nghe tiếng gào thét của những con vật đang bị giết ở các lò sát sinh.

Rất tiếc cho vị tăng sĩ ở chùa, ăn chay trường, tuy bát canh không có thịt nhưng lại đem miếng thịt lấy ở đâu đó cho chó ăn. Tâm vô cảm, không thấy máu đổ thịt rơi khi con vật bị giết trong lò sát sinh và nhất là không thấy niềm oán hận của các loài bị tàn sát.

Rất tiếc cho vị tăng sĩ đã quên rằng khi còn tại thế, Đức Phật đã chế pháp an cư kết hạ cho Tăng đoàn. Mùa mưa ở Ấn độ là mùa hồi sinh của thiên nhiên và vạn vật; cây cỏ, côn trùng và muôn thú đều vươn lên sức sống, sinh xôi và phát triển. An cư để tránh không vô tình tàn phá thiên nhiên và dẫm đạp lên những sinh vật nhỏ bé dưới chân. Phật dạy phải an cư, chẳng lẽ Phật lại cho phép cho chó ăn thịt …

QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI

Hỏi: Một lần, tôi có đọc được một đoạn của bài viết trong báo Giác Ngộ như sau “Khi được hỏi con người ở thế giới này từ đâu có, trong một bản kinh Phật trả lời: có những vị Trời sắp hết phước, họ nhìn xuống thế giới này thấy có ánh sáng liền tìm đến. Tới nơi, họ ăn thử trái cây nơi đây thấy ngon, liền mất thần thông nên ở lại luôn, làm tổ tiên loài người…”.

Xin cho biết xuất xứ của đoạn kinh trên và tóm tắt ý chính của kinh. Quan điểm của Phật giáo về nguồn gốc loài người có sự khác biệt như thế nào so với các lý thuyết khoa học đương đại?

Đáp:

Đoạn kinh trên được trích dẫn từ kinh “Khởi Thế Nhân Bổn – số 27” ( Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trường Bộ Kinh, tập 2, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt nam, 1991, Tr 387. Kinh tương đương: “Kinh Tiểu Duyên – số 5” Đại Tạng Kinh Việt Nam, Trường A Hàm, tập 1, Nxb. Viện nghiên cứu Phật học Việt nam, 1991, Tr 285).

Theo quan điểm của Phật giáo được thể hiện cụ thể qua kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Nikàya) và kinh Tiểu Duyên (Agama), thế giới là vô cùng, vô tận. Trong mỗi thế giới có các dạng thức tồn tại khác nhau. Ngoài thế giới chúng ta đang sống đây còn có nhiều thế giới khác, trong đó, cõi Trời Quang Âm là một trong những thế giới có sự liên hệ mật thiết với chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề. Vào thời kỳ hình thành của thế giới này (có thể hiểu là quả đất và Thái dương hệ của chúng ta), các chúng sanh ở Quang Âm thiên sau khi thác sinh sẽ được chuyển sinh vào thế giới mà chúng ta đang sống. Buổi đầu hình thành thế giới, chưa có sự phân biệt giữa ngày và đêm, chưa có sự phân biệt giữa nam và nữ. Đất đai lúc đó có màu sắc và hương vị rất ngon ngọt. Khi ấy, “những chúng sanh này, do ý sanh, nuôi sống bằng tự hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không” (Kinh Khởi Thế Nhân Bổn). Sau đó, có một số chúng sanh nổi lên ý tưởng thử nếm vị ngọt của đất. Sau khi nếm, trong họ khởi dậy lòng tham ái thì ngay lúc đó, ánh sáng trên thân thể của họ biến mất. Lòng tham ái đã khiến cho các chúng sanh ấy trở nên thô xấu, họ không còn được tự tại, thanh thản như lúc đầu. Đồng thời, ý thức về giới tính xuất hiện, các chấp thủ phát sanh, điều kiện sống thay đổi…họ phải lao động cực nhọc để tồn tại và phải tranh đấu với nhiều điều kiện sống khắc nghiệt khác để khẳng định sự hiện hữu của mình.

Cùng bàn về vấn đề nguồn gốc loài người, một quan điểm được giải trình trước hội đồng khoa học và đã được thông qua, đó là: “lúc trái đầt này hình thành, các chúng sanh xuất hiện đầu tiên từ Quang Âm Thiên, không cần thực phẩm. Rồi vị ngọt của đất và lúa đã cám dỗ họ khiến lòng ham muốn các hiện hữu khởi lên và phát triển trong tâm họ. Sau đó các bộ phận sinh dục cùng xuất hiện với các ham muốn dục tính. Khi dục vọng con người phát triển, các nhu cầu xã hội phát triển và yêu cầu có tổ chức các xã hội: xã hội con người được hình thành từ đó và các giai cấp xã hội xuất hiện”.(Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pàli, Luận án Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhy Ấn độ năm 1996, NXB. TP Hồ Chí Minh ấn hành 1999, tr77).

Như vậy, theo quan điểm của Phật giáo thì nguồn gốc loài người trên trái đất này được xuất phát từ một thế giới khác, thế giới đó có tên là Quang Âm Thiên và đồng thời có những ưu điểm vượt trội hơn so với thế giới của chúng ta. Quan điểm này mặc dù được nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều giác độ khác nhau nhưng theo chúng tôi, mãi đến hôm nay các lý thuyết về nguồn gốc loài người mà các nhà khoa học đưa ra vẫn đang còn nhiều vấn đề cần phải bàn cãi.

Đơn cử như lý thuyết của Darwin về nguồn gốc loài người được đề cập trong tác phẩm: “Nguồn gốc các loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên”. Ông cho rằng, con người được hình thành chính ở ngay thế giới này. Tuy nhiên, ở cuối tác phẩm này Darwin đã lưu ý rằng: “một ngày nào đó sẽ có sự bổ sung nhằm soi sáng nguồn gốc và lịch sử loài người” (Xem, Phạm Thành Hổ, Nguồn gốc loài người, Nxb. Giáo dục, 1997, Tr7). Điều này cho thấy rằng lý thuyết của Darwin là một lý thuyết mở, cần được bổ sung để kiện toàn. Gần đây nhất, đã có một số nhà khoa học cận hiện đại như Carl Sagan (1934 – 1996), Francis Crick (1916 – 2004) – người đồng khám phá ra chuỗi xoắn kép ADN – đã đưa ra giả thuyết cho rằng loài người trên trái đất có nguồn gốc từ các hành tinh, các thế giới xa thẳm trong không gian (Xem, Kiến Thức Ngày Nay số 314, 1999). Những nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài trái đất của các nhà khoa học trong những năm gần đầy đã cho thấy rằng, vấn đề nguồn gốc của loài người là một vấn đề chưa thể vội vàng đưa ra một kết luận chung cùng, đích đáng.

(Giác Ngộ)

CHA ĂN MẶN CON KHÁT NƯỚC

Thích Phước Thái

Hỏi: Kính bạch thầy, con thường nghe người ta nói câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Con chưa hiểu rõ ý nghĩa của câu nói nầy như thế nào? Và nói như thế có trái với luật nhân quả hay không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho chúng con được rõ.


Đáp: Câu nói nầy mới nghe qua, thì dường như có chống trái với luật nhân quả. Vì theo luật nhân quả, ai làm nấy chịu, không thể người nầy ăn mà người khác lại no, hay người nầy uống mà người kia đã khát. Nghiệp quả mình gây, thì mình phải chịu nhận lấy, không ai thay thế cho ai. Thế thì, tại sao ở đây nói, đời cha ăn mặn, đời con khát nước? Câu nói nầy, theo chỗ hiểu của chúng tôi, thì nó nói lên cái tác động ảnh hưởng qua lại trong đời sống gia đình.

Đã sống chung trong một gia đình, tất nhiên, ngoài biệt nghiệp ra, nó còn có sự cộng nghiệp trong đó. Nếu không có sự cộng nghiệp, thì chắc chắn không có sự quan hệ gắn bó tương quan qua tình nghĩa cha con hay vợ chồng. Dù đây là duyên nợ oan gia chằng chịt của mỗi người với nhau trong quá khứ.

Đã nói là cộng nghiệp, thì ít nhiều gì cũng có ảnh hưởng với nhau. Theo biệt nghiệp, thì ai làm nấy chịu. Như cha phạm pháp, thì cha phải chịu tù tội trước luật pháp, không ai có thể thay thế. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện cộng nghiệp, thì việc làm của người cha sẽ gây ra ảnh hưởng đến gia đình rất lớn. Ảnh hưởng tác động qua nhiều phương diện. Như sa sút về phương diện làm ăn, khó khăn trong vấn đề kinh tế gia đình, ảnh hưởng đến sự học hành của con cái về mặt lý lịch, vật chất cũng như tinh thần.

Điều liên hệ ảnh hưởng về việc học hành thi cử nầy, chúng ta thấy rất rõ, sau năm 1975, đa số các con em học sinh trong những gia đình có cha làm sĩ quan cấp lớn thời quốc gia, đều bị đánh rớt vì lý lịch không tốt. Như vậy, việc cha làm có ảnh hưởng cho gia đình và con cái là như thế.

Đó là một cộng nghiệp chung của gia đình phải gánh chịu. Còn người cha bị pháp luật trừng trị hành hạ đó là nghiệp riêng của ông ta. Từ đó suy ra, hành động tốt hay xấu của mỗi thành viên trong gia đình hay trong một đoàn thể, rộng ra là cả quốc gia dân tộc, đều có tác động ảnh hưởng chung. Vì thế mới có những câu nói : “Tốt lá tốt nem, tốt em, tốt chị. Hay ngược lại cũng thế. Hoặc: một người làm xấu cả bọn mang nhơ; một người làm tốt cả bọn được nhờ. Một con sâu làm sầu nồi canh v.v…” Còn và còn rất nhiều những câu nói như thế.

Nếu làm cha mẹ ăn ở không có đạo đức, thì người con dễ bị hư hỏng. Thí dụ trong gia đình, người cha thì hay rượu chè say sưa be bét, còn mẹ thì cũng hay thích chơi bài bạc đỏ đen. Đã vậy, hai người còn xung khắc cãi vã rầy rà với nhau mãi. Cuộc sống giữa hai người không có một chút hạnh phúc. Cả hai đều sống buông thả như thế, thì bảo làm sao con cái trong gia đình nên thân cho được? Bởi cha mẹ thiếu đạo đức, thì làm sao dạy dỗ con cái. Tất nhiên, con cái cũng có cuộc sống bê tha mà thôi. Điều nầy, đã và đang xảy ra nhan nhãn hằng ngày trong xã hội.

Trong cuộc đời tương đối, đôi khi cũng có những trường hợp đặc biệt ngoại lệ. Như cây đắng mà sanh trái ngọt. Có những gia đình, cha mẹ thiếu đạo đức, kém học thức, nhưng có những đứa con rất ngoan hiền, học giỏi đổ đạt thành tài. Những trường hợp ngoại lệ nầy, thật sự mà nói, ta thấy rất ít. Đại đa số, đều tác động chịu ảnh hưởng bởi cộng nghiệp rất lớn.

Tóm lại, câu nói trên, theo tôi, thì không có gì là chống trái với luật nhân quả cả. Vì luật nhân quả, ta phải xét qua nhiều mặt. Không thể xét một cách đơn phương, cục bộ, một chiều được. Bởi lý nhân quả nó tương quan theo ước định của chiều thời gian. Và sự ảnh hưởng qua lại giữa biệt nghiệp và cộng nghiệp đương nhiên là phải có. Đời cha gây ra những hành động xấu, tốt, tất nhiên, phải có ảnh hưởng đến đời con. Nếu đời cha là người ăn ở có đạo đức, hiền từ, có trình độ học vấn kiến thức khá, và có một đời sống cư xử gương mẫu, thì đời con chắc chắn là phải có ảnh hưởng tốt đẹp lây. Trường hợp nầy đã xảy ra nhan nhãn trong xã hội xưa nay.

Ngược lại, nếu người cha là một người kém đạo đức, đời sống bê tha trụy lạc, có nhiều tánh xấu, thì tất nhiên sẽ gây tác động ảnh hưởng đến tánh tình và đời sống của người con rất lớn. Như ăn mặn là nhân mà khát nước là quả. Chính vì cha mẹ ăn ở không có đạo đức mà có thể gây ảnh hưởng hậu quả cho đời con gánh chịu. Đây là nhân quả tương đồng tác động ảnh hưởng bởi cộng nghiệp mà ra.


Thích Phước Thái
Chùa Quang Minh, Australia

ĐẠI-THỪA và TIỂU-THỪA phái nào cao siêu hơn ?

Nguyên văn câu hỏi:

1) Tại sao một số kinh điển Đại Thừa lại không nằm trong Tam Tạng (Tripitaka), mặc dù chúng cũng là lời của Phật (như thị ngã văn), như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, v.v…?

2) Sự chia rẽ giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa trầm trọng ở mức độ nào? Sao bên nào cũng tự nhận là đi đúng đường và cao siêu hơn? Và tại sao Phật từng nói trong Kinh Pháp Hoa, Đại Thừa là hạt giống rắn chắc, khác với Tiểu Thừa là hàng thấp thỏi, trình độ kém, như vậy Phật đã xếp hạng giữa hai phái, vậy mà Tiểu Thừa vẫn tự nhận là Nguyên Thuỷ đúng lời Phật dạy?

Xin đa tạ quý Thầy và đạo hữu.

Trần Thanh.

*************

Phật tử Trần Thanh mến,

Trước nhất, HTPH chân thành gởi lời tán thán tinh thần học hỏi của Phật tử. GH chân thành cảm ơn Phật tử đã đặt vấn đề, nhân đó mà vài quan điểm nhỏ của người viết được trình bày.

Bài viết phía dưới khá chi tiết, người viết xin tóm tắt lại vài ý chính:

1) Kinh điển Đại Thừa chắc chắn có mặt trong Tam Tạng (Tripiṭaka) dù ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hoặc Tây Tạng.

2) Sự chia rẽ giữa Đại thừa và Tiểu thừa trên bình diện tư tuởng khá mạnh, thậm chí có một số Kinh được xếp vào lời Phật thuyết của Đại thừa hoặc trong sử của Nam truyền vẫn còn mang dấu tích chê bai, đả kích lẫn nhau. Nhưng trên bình diện sinh hoạt vào những giai đoạn sau, sự căng thẳng của hai truyền thống đã giảm lần, tiến tới có những điểm chung và tu học chung trong cùng một khu vực.

3) Truyền thống nào cũng đi đúng đường và cao siêu cả, nếu các vị thực hành đúng theo lời Phật dạy. Ngược lại, bên nào cũng đi không đúng đường vì không giữ giới và không thực hành những lời Phật dạy.

4) Căn cơ chúng sanh bất đồng. Trong truyền thống Đại thừa vẫn có người vô trí và trong Thượng Toạ Bộ vẫn có những bậc lợi căn, không thể nào nói Đại thừa là căn cơ cao, còn bên Thượng Toạ Bộ là hạng chúng sanh có căn cơ thấp kém.

Điều cốt yếu trong khi học hỏi giáo pháp là “y nghĩa bất y ngữ”, nghĩa là nên hiểu cốt tuỷ, tinh thần của giáo pháp mà tu tập, không nên chấp trước trên ngôn ngữ văn tự. Tu hành cao siêu hay thoái đọa không phải do tu theo Đại thừa hay Tiểu thừa, mà chính yếu là do gột rửa những cặn bã trong tâm hay không.

Chúc Phật tử Trần Thanh an vui và tinh tấn hơn nữa.

Sau đây là bài viết chi tiết:

1) Một số Kinh điển Đại Thừa không nằm trong Tam Tạng (Tipiṭaka)?

Sau Đức Phật nhập niết-bàn khoảng 100 năm, Phật giáo đã bắt đầu có sự phân phái rõ rệt. Đặc biệt, kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ 2 đánh dấu sự ra đời của 2 bộ phái lớn, đó là: Theravāda (Thượng Toạ Bộ) và Mahāsaṅghika (Đại Chúng Bộ). Hầu hết các học giả uyên bác trong lĩnh Phật học đều công nhận rằng, đến thế kỷ thứ nhất trước TL từ hai bộ phái chính này, đã phân hoá thành 18 mạc phái khác nữa, cuối cùng thành 20 bộ phái. Vào giai đoạn cuối thế kỷ thứ I TL, triều đại Kaniṣka (78-101 TL), Phật giáo Đại Thừa được hưng khởi là nhờ công của Ngài Par’sva (Hiếp Tôn Giả), A’svaghosa (Mã Minh), và Vasumitra (Thế Hữu) và một số vị khác. Câu chuyện Mahāyāna và Hīnayāna bắt đầu từ đây một cách rõ rệt. Cả hai hệ thống này đều có những kinh điển đặc thù riêng tuỳ theo tư tuởng của trường phái đó đặt nặng. Tam tạng của Mahāyāna được viết bằng chữ Sanskrit, được gọi là Tripiṭaka và Tam tạng của Theravāda được viết bằng văn hệ Pāli, gọi là Tipiṭaka.

Do đó, nếu ta tìm các Kinh điển thuộc hệ Đại Thừa trong Tam tạng của Phật giáo Theravāda thì không thể có được. Ví dụ, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Niết-bàn, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bửu Tích, v.v… thì không thể nào tìm thấy trong danh mục của hệ thống kinh điển Phật giáo Theravāda. Nhưng các Kinh này, chúng ta có thể rất dễ dàng tìm thấy trong các danh mục Kinh điển Đại Thừa nói chung hoặc trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh[1] của Trung Quốc, Nhật Bản và Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo Tây Tạng nói riêng.

Rất tiếc là hệ thống Kinh điển Sanskrit tại Ấn Độ ngày nay không còn giữ nguyên vẹn, chỉ còn lại rất ít, nói đúng hơn chỉ là những mảnh vụn của Tam Tạng, vì chính sách xoá sạch Phật giáo ra khỏi cái nôi của Ấn Độ của Hồi giáo cực đoan vào đầu thế kỷ thứ XIII dưới mọi hình thức. Nhưng cũng rất may mắn, các Kinh, Luật, Luận Sanskit này đã được dịch sang tiếng Hoa rất sớm, kéo dài từ hậu bán thế kỷ thứ II cho tới thế kỷ XIII. Do đó, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong thư mục kinh điển Đại Thừa trong Hán tạng. Dựa vào cuốn A Catologue of the Buddhist Tripitaka của Bunyiu Nanjio, được Lokesh Chandra bổ sung và hiệu đính[2] chúng ta sẽ thấy rất rõ hệ thống Kinh điển Đại Thừa Phật giáo như thế nào, ngay cả hệ thống A-hàm và các luận sớ cũng như các tác phẩm gốc vốn bằng Hán văn do các học giả, các nhà nghiên cứu đời sau viết. Các Kinh Pháp Hoa, Niết-bàn, Bảo Tích, Bát-nhã, v.v… trong hệ thống Tripiṭaka của Đại Thừa không những có mặt mà còn có một vị trí đặc biệt trong hệ thống Phật giáo Đại thừa nữa.

Một điểm cần lưu ý ở đây, chúng ta rất khó xác định Kinh điển do chính Đức Phật thuyết hay không chỉ vì mở màn Kinh bằng câu rất quen thuộc “như thị ngã văn” (tôi nghe như vầy). Vì việc biên tập kinh điển dưới dạng văn bản viết diễn ra rất muộn. Theo học giả rất nổi tiếng trong giới Phật học, giáo sư Sử học Étienne Lamotte đã trình bày trong tác phẩm nổi tiếng của ông,[3] Kinh điển của Thượng Toạ Bộ viết bằng ngôn ngữ Pāḷi đã được biên tập sau kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 3, dưới sự bảo trợ của Đại Đế A‘soka tại Pāṭaliputra (nay là thủ phủ Patna thuộc bang Bihar).[4] Còn Kinh điển của Mahāyāna được viết bằng Sanskrit và một phần bằng tiếng Prakrit được biên tập 200 năm trước CN và bắt đầu phát triển sau kỳ kiết tập kinh điển lần thứ IV, nghĩa là khoảng thế kỷ I TL. Như vậy, làm sao bảo đảm được tính chất nguyên thuỷ của lời dạy Đức Phật sau một thời gian quá dài dưới dạng truyền khẩu và qua ký ức của con người. Qua quá trình nghiên cứu, chúng ta có thể phát hiện một số đoạn không được mạch lạc trong Kinh. Các học giả dựa trên phân tích văn bản học, họ cũng khám phá ra có một số đoạn nghi ngờ có thể là không phải cho chính Đức Phật thuyết và nó có thể phù hợp trong một số đoạn Kinh khác, chứ không thể trong đoạn kinh đó.[5]

Trong hệ thống luận thư của Phật giáo Theravāda, ngoại trừ bộ luận Kathāvatthu (Những Điểm Dị Biệt) của Ngài Moggaliputta Tissa, còn sáu bộ luận không có tác giả, cũng thường được nhiều vị Theravāda khăng khăng cho rằng các Luận này do chính Đức Phật thuyết. Nhưng trong thực tế các vấn đề phân tích, chia chẻ các trạng thái tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết-bàn chúng ta có thể đoan chắc rằng ngôn ngữ và bố cục của các luận phẩm đó không do chính Đức Phật trình bày. Thế nhưng vì để tạo niềm tin cho người đọc, các nhà viết luận còn cho rằng đây là giáo pháp cao siêu, vi diệu (Abhi) được Đức Phật nói cho thế giới chư thiên cõi trời Đao-lợi (Tāvatiṃsa) suốt 3 tháng an cư mùa mưa thứ 7 sau khi Ngài giác ngộ. Mẫu hậu của Ngài là Māyā cũng từ cõi trời Đâu-suất (Tusita) đến đây học pháp, nên thông thường trong nhiều sách viết là Vi Diệu Pháp được nói cho mẫu hậu Māyā. Truyền thuyết nói rằng mỗi ngày Đức Phật xuống Bắc Câu-lô Châu (Uttarakuru) dưới gốc cây bên bờ hồ Anottara thọ thực, trong khi đó tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) đang chờ để dâng nước cho Đức Thế Tôn. Thế là Vi Diệu Pháp này được truyền lại cho tôn giả Xá-lợi-phất, rồi tôn giả Xá-lợi-phất truyền cho học trò của mình. Các vị còn đưa ra quan kiến của những nhà luận giải Tam Tạng nổi tiếng thời xưa như Ngài Buddhaghosa sống vào khoảng thế kỷ thứ IV-V TL chẳng hạn, để bảo vệ quan kiến của mình. Nhưng khi đi sâu văn bản, chúng ta có thể đi đến kết luận mà không sợ sai lầm là các luận phẩm này là do công của các nhà đa văn, tinh thông Kinh tạng đã sớ giải, chia chẻ vấn đề tỉ mỉ hơn và sắp xếp chúng dưới một dạng có hệ thống mà thôi.

Cũng theo mô típ trên, trong hệ thống 7 Luận thư của Hữu Bộ (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, Sarvāstivāda) có một vài luận phẩm cũng cho rằng chính do tôn giả Xá-lợi-phất hoặc những đại đệ tử của Đức Phật biên tập, nhằm củng cố duy trì lời dạy cao minh của Đức Thế Tôn. Rõ ràng, quan điểm của Thervavāda và của Sarvāstivāda không phải ai cũng chấp nhận được. Vào thời kỳ nó ra đời, đã có nhiều Tăng Sư không đồng ý với ý trên, chủ trương lấy kinh Phật làm chỗ nương tựa, làm y cứ cho việc tu học của mình, nên mới tạo ra phái Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika).

Còn phía bên Thượng Toạ Bộ lại thẳng thừng cho rằng Kinh điển của Phật giáo Đại Thừa là nguỵ tạo, không phải lời của Phật thuyết, đôi chỗ còn nặng nề cho rằng đó là tà ma ngoại đạo. Vấn đề này là một vấn đề cần lưu tâm khi nghiên cứu dòng văn học Phật giáo Mahāyāna, và các nhà nghiên cứu Phật học Theravāda đã thường gọi những loại kinh điển như vậy là “ngụy tác” (apocrypha). Cách đây không lâu, một vài học giả ra sức nghiên cứu về những kinh điển có thể bị nghi ngờ là do đời sau thêm vào trong hệ thống văn học Phật giáo Trung Quốc và họ cho các Kinh này là Kinh nguỵ tác.[6] Do đó, câu “như thị ngã văn” trong Hán tạng hoặc câu “Evaṃ me sutaṃ” (tôi nghe như vầy) trong Pāḷi tạng không thể là tiêu chí xác định đó là kinh do chính Đức Phật thuyết.

Theo thiển ý của người viết, mặc dầu chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra một số kinh điển không phải do chính kim khẩu của Đức Phật tuyên thuyết, nhưng điều đó chỉ có giá trị cho việc khẳng định lại kinh điển nào ra đời sớm nhất và được tin là tư tưởng, ngôn ngữ và cách trình bày là của chính Đức Phật. Đứng trên phương diện tu tập, chúng ta có thể chấp nhận những gì theo lý trí của chúng ta cho là chân lý, có giá trị đến đời sống tu tập tâm linh thì chúng ta sẵn sàng mở rộng lòng để đón nhận, và những gì lý trí chúng ta nhận thấy là không hợp lý, không đem lại lợi ích cho mình, cho người thì chúng ta không vội tin và không nên chấp nhận. Thái độ này rất tương hợp với lời dạy rất nổi tiếng, có thể được xem như kim chỉ nam để đọc kinh Phật, được ghi lại trong Tăng Chi Bộ (Tập I, Phẩm Lớn, 65, ĐTKVN, tr.338), xin trích lại nguyên văn như sau:

Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình. Nhưng này các Kàlàma, khi nào tự mình biết rõ như sau: các pháp này là bất thiện, các pháp này có tội; các pháp này bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kàlàma, hãy từ bỏ chúng!”

Kinh Thanh Tịnh (số 18) trong Trường Bộ ghi rằng: “Một thời, Thế Tôn trú giữa giòng tộc Sakya (Thích ca) trong vườn xoài của một gia đình Thích ca tên là Vedhannà.”

“Lúc bấy giờ, Nigantha Nāthaputta vừa mới tạ thế ở Pàvà. Sau khi vị này tạ thế, các vị Nigantha chia ra làm hai phái, chia rẽ nhau, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau với binh khí bằng miệng – “Ngươi không biết pháp luật này, ta biết pháp luật này. Sao Ngươi có thể biết pháp luật này? Ngươi theo tà hạnh, ta theo chánh hạnh. Lời nói của ta tương ưng, lời nói Ngươi không tương ưng. Điều đáng nói trước, Ngươi nói sau; điều đáng nói sau, Ngươi nói trước. Điều Ngươi quan niệm trình bày, đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ngươi đã bị thách đố. Ngươi đã bị đánh bại. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ngươi! Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ngươi có thể làm được.” Hình như các đệ tử của Nigantha Nàthaputta muốn tàn hại lẫn nhau. Chính các đệ tử cư sĩ mặc đồ trắng của Nigantha Nàthaputta cũng chán ngấy, cơ hiềm, và phản đối các vị Nigantha, vì pháp luật của họ đã được trình bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết, pháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.”

…. ……………

Thế rồi vấn đề đưa lên Đức Thế Tôn. Ngài đã dạy rất kỹ nên xử sự như thế nào. Có lẽ đây là bài kinh tiêu biểu nhất trong Tam Tạng kể cả hai hệ thống Tam Tạng Nam Truyền và Bắc Truyền mà Đức Phật đã ân cần dạy chư Tỳ-kheo phải nên xử sự thế nào trước tình trạng mỗi người thọ trì giáo pháp một kiểu khi bậc Đạo Sư không có mặt hoặc đã tạ thế.

“Này Cunda, các Ngươi hãy hội họp với nhau trong tinh thần hòa đồng và tương kính, không có tranh luận nhau. Có vị đồng phạm hạnh nói pháp giữa Tăng chúng. Nếu các Ngươi nghĩ rằng “Vị Đại đức này nắm nghĩa sai lạc hay hành văn sai lạc”, các Ngươi không nên tán thán, không nên bác bỏ. Không tán thán không bác bỏ, các Ngươi nên nói với vị ấy:

“Này Hiền giả, với nghĩa này, cách hành văn này hay cách hành văn kia, cách nào thích hợp hơn? Giữa những cách hành văn này, nghĩa này hay nghĩa kia, nghĩa nào thích hợp hơn?” Nếu vị ấy trả lời: “Này Hiền giả, với nghĩa này, cách hành văn này thích hợp hơn cách hành văn kia. Giữa những cách hành văn này, nghĩa này thích hợp hơn nghĩa kia”, các Ngươi không nên bác bỏ vị ấy, không nên phỉ báng vị ấy. Không bác bỏ, không phỉ báng, các Ngươi phải giải thích cho vị ấy một cách cẩn thận cả nghĩa lẫn hành văn.

Bài kinh Thanh Tịnh này trình bày vấn đề trên vô cùng chi tiết. Mỗi Tăng Ni và Phật tử có lẽ nên đọc bài kinh này ít nhất một lần trong đời để tự rút ra bài học cho chính mình.

2) Sự phân chia của Tiểu Thừa và Đại Thừa trầm trọng ở mức độ nào?

Phật giáo đã diễn ra khá mạnh tại Ấn Độ thời tiền bán thế kỷ thứ nhất trở về sau. Điều này dẫn đến các bộ phái co cụm lại và hưng thịnh ở những địa hạt khác nhau, không còn tinh thần hoà hợp thống nhất “như nước với sữa” như thời Phật còn tại thế, ví dụ như Theravāda thì giáo hoá tập trung ở khu Maghadha (Ma-kiệt đà), nay thuộc Bang Bihar và một số vùng lân cận. Mahāsaṁghika (Đại Chúng Bộ), bộ phái tổ tiên của Đại thừa thì trú tại phía Bắc Ấn, một trong những trung tâm học thuật thời bấy giờ, đó là các vùng thuộc Afghanistan và Parkistan ngày nay.[7] Điều này chúng ta có thể dễ dàng nhận dạng các tư tuởng trong các bộ Kinh như Pháp Hoa, rõ nhất là Kinh Duy-ma-cật. Trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Phật là tôn giả Xá-lợi-phất mà còn thấp kém hơn cả một vị vua cõi trời. Cả thập đại đệ tử của Đức Phật đều phải chạy dài không dám đi thăm bịnh cư sĩ Bồ-tát Duy-ma !

Mặc dầu vậy, theo Phật Quốc của Ngài Pháp Hiển để lại mà HT. Minh Châu đã tham khảo và viết tác phẩm: Fa-Hsien, the Unasssuming Pilgrim,[8] chúng ta có thể dựa vào một vài đoạn trong tài liệu này để đoán thêm tình trạng phân chia hay hoà hợp của Đại thừa và Tiểu thừa như thế nào. Ngài Pháp Hiển ghi rằng tại Ma-kiệt-đà trong thành Ba-liên-phất: “cạnh tháp Vua A-dục có một ngôi chùa Đại thừa rất tráng lệ. Lại còn có một ngôi chùa Tiểu thừa. Trong cả hai ngôi chùa có từ 600-700 tu sĩ….” (tr.75). Đến thế kỷ thứ VII TL, sau Ngài Pháp Hiển khoảng 200 năm, ngài Huyền Tráng đã du hành qua Ấn để tham học Kinh Luận và đặc biệt là Du-dà-sư-địa Luận và chiêm bái Phật tích, trong cuốn Đại Đường Tây Vức Ký của ngài có tường thuật lại tại Surath có khoảng 50 tu viện, trên 3000 tăng sĩ sống ở khu vực đó. Phần lớn là các vị theo Đại thừa ….các vị theo các bộ phái khác cũng sống chung với nhau.[9] Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, mặc dầu có những chủ trương dị biệt trong cách tiếp cận lời Phật dạy, nhưng các vị trong cả hai hệ thống Hīnayāna và Mahāyāna sống tương đối hoà hợp với nhau, chứ không có dùng thế loại trừ như một sự phân chia các tông phái ở một số nước Phật giáo sau này.

Chúng ta cũng nên lưu ý là từ “Tiểu Thừa” (Hīnayāna) và Đại Thừa (Mahāyāna) không hề tìm thấy trong năm bộNikāya của Thượng Toạ Bộ và trong các bộ[10] A-hàm (Āgama) theo trường phái Sarvāstivāda (Nhất Thiết Hữu Bộ) hoặc của Dharmaguptaka (Pháp Tạng Bộ // Đàm-vô-đức Bộ). Lại nữa, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng, không thể có một bộ phái nào, dù chủ trương hay cổ xuý một học thuyết nào, giả như là “dỏm” đi nữa, cũng không tự nhận mình là “Tiểu Thừa”, là cỗ xe nhỏ bao giờ.[11] Chúng ta có thể thấy trong lịch sử các bộ phái, không có bộ phái nào có danh hiệu “Hīnayāna” trong 10 bộ phái chi nhánh của Theravāda hoặc 8 bộ phái của Đại Chúng Bộ cả.

Theo công trình nghiên cứu của HT. Piyadassi, thì “danh từ Đại Thừa và Tiểu Thừa được biết đến vào khoảng thế kỷ thứ I trước CN, xuất hiện trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.”[12] Hoà Thuợng cũng nhấn mạnh đến khái niệm “thừa” không hề tìm thấy trong Tạng Pāḷi. Trong một bài trả lời ngắn trên diễn đàn alt.religion.buddhism.theravada, ông Kare A. Lie đã nói rằng từ “Hīnayāna” (tiểu thừa) để chỉ cho một trong những trường phái có ảnh hưởng mạnh nhất thời bấy giờ là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda), vì Thượng Toạ Bộ đã “di trú” qua Tích Lan rồi.[13] Dĩ nhiên, theo thiển ý của người viết, không nhất thiết danh từ này để chỉ cho Thượng Toạ Bộ, mà để chỉ chung cho tất cả trường phái không theo Đại Thừa, ngay cả các bộ phái của nó. Và một điều không thể chối cãi, sau khi các bộ phái lần lần biến mất khỏi Ấn Độ, chỉ còn lại Thượng Toạ Bộ (Theravāda) ở một vài nước như Tích, Miến, Thái, Lào và Campuchia, đặc biệt mạnh nhất ở Tích Lan vào những thế kỷ thứ V-VIII, thì danh từ “Tiểu Thừa” vẫn còn được các nhà khảo cứu, các nhà chép sử tiếp tục sử dụng để gán vào. Cách dùng từ thiếu tế nhị này, nếu không muốn nói là không đúng, kéo dài trên dưới 2000 năm trong truyền thống Mahāyāna, nó ảnh hưởng sâu rộng đến cả giới học Phật tri thức và ngay cả quần chúng bình dân ngày nay. HT. Thích Minh Châu, ngay trong lời giới thiệu về dịch phẩm Đại Thừa và sự Liên Hệ với Tiểu Thừa[14]của mình, HT. đã nhấn mạnh đến sự nguy hiểm khi chúng ta tiếp tục dùng những từ “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa” để chống báng lẫn nhau và không có tinh thần rộng mở để tiếp nhận những tinh hoa của cả hai hệ thống. Người viết xin trích lại nguyên văn như sau:

Thái độ của một số Phật tử Đại thừa ngược lại xem những gì Tiểu thừa là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không phải là ngây thơ, phản trí thức. Nguy hiểm vì tự nhiên phủ nhận ba tạng Pāli, bốn bộ A Hàm và các luật tạng, những tinh hoa tốt đẹp nhất và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy. Và làm vậy chúng ta mắc mưu các nhà Bà-la-môn giáo đã khôn khéo loại bỏ ra ngoài Phật giáo những tinh ba của lời Phật dạy, bằng cách gán cho danh từ “Tiểu thừa.” Nông nổi và ngây thơ, vì thật sự danh từ Tiểu thừa và Đại thừa không được tìm trong Tam tạng Pāḷi và bốn bộ A Hàm và chỉ là những danh từ được tạo ra về sau. Hơn nữa, tìm hiểu quá trình lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta chỉ có thể hiểu được tư tưởng Đại thừa sau khi chúng ta tìm hiểu được tư tưởng nguyên thủy. Loại bỏ tư tưởng nguyên thủy để tìm hiểu tư tưởng Đại thừa cũng như thả mồi bắt bóng, và bắt bóng ở đây là bắt bóng tà ma ngoại đạo, mới thật sự nguy hiểm hơn. Các nhà gọi là Đại thừa cần phải xác nhận một sự thật lịch sử, là các nước Tiểu thừa chống giữ sự xâm nhập của ngoại đạo tà giáo kiên trì và hữu hiệu hơn các nước Đại thừa. Lý do chính là tư tưởng Đại thừa và tà giáo ngoại đạo nhiều khi cách xa chỉ có gang tấc, và nhiều nhà tự cho là Đại thừa lại sẵn sàng bước qua biên giới ấy.

Theo người viết, đọc suốt tiến trình lịch sử từ thời Phật còn tại thế, cho đến những năm tháng về sau, thì sự phân phái và sự chia rẽ giữa hai truyền thống lớn của Phật giáo lúc đó gần như là một sự kiện tất yếu phải xảy ra, một sự kiện đáng tiếc, nhưng không thể nào tránh khỏi! Sự chia rẽ Tăng đoàn đã có mầm mống ngay từ khi Đức Phật còn tại thế qua sự kiện Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) đòi thay Phật lãnh đạo Tăng đoàn và chế năm điều luật thái quá vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, cũng như kích động Tăng chúng đi theo đường hướng của ông. Tiếp theo là “thập sự phi pháp” của nhóm Tỳ-kheo tại Vajjī (Bạt-kỳ). Lại nữa, một sự kiện “đóng góp” không nhỏ cho sự phân phái mãnh liệt đó là “ngũ sự” của Mahādeva, mà sách sử Hán ngữ thường mệnh danh là “ngũ sự Đại Thiên”, cộng thêm các vấn đề thuộc học thuyết phát sanh khác nhau của mỗi bộ phái tạo nên sự bất đồng càng ngày càng mạnh hơn.

Trở lại vấn đề “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa”, cách đây trên 50 năm, ngày 25-5-1950, một sự kiện đáng ghi nhớ trong trang sử Phật giáo thế giới, 127 đại biểu đại diện cho Phật giáo của 29 nước đã tổ chức và thành lập hội “The World Fellowship of Buddhists” (Hội Thân Hữu Phật Giáo Thế Giới). Một trong những sự kiện nổi bậc của Đại hội này là thống nhất không dùng chữ Hīnayāna (Tiểu Thừa) và bắt đầu sử dụng chữ Theravāda (Thượng Toạ Bộ).[15] Vậy, nếu ngày nay chúng ta tiếp tục sử dụng từ Hīnayāna cho các vị tu tập theo đường lối của các vị Theravāda chủ trương với dụng ý là để xem nhẹ các giá trị đặc thù của Theravāda thì không nên! Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng từ Hīnayāna này theo văn bản sử học của thời kỳ xa xưa, như một sự thật khách quan khi đánh giá lại vấn đề và từ ngữ của thời ấy sử dụng, thì lại đúng với tinh thần học thuật.

Ngày nay, nhiều học giả có khuynh hướng dùng từ “Bắc tông” hay “Bắc truyền Phật giáo” (Northern Buddhism) hoặc dùng từ “Phật giáo thời kỳ sau” / “Hậu Kỳ Phật giáo” (Later Buddhism) để chỉ cho Đại Thừa. “Nam Tông” hoặc “Nam phương Phật giáo” (Southern Buddhism) hoặc “Phật giáo thời kỳ đầu” (Early Buddhism) để chỉ cho Phật giáo theo truyền thống Theravāda. Như vậy để tránh việc hiểu lầm do ngôn ngữ gây ra, mà cũng đúng với lộ trình truyền bá giáo pháp của cả hai hệ thống trên đến các nước khác thời bấy giờ.

3) Sao bên nào cũng tự nhận đi đúng đường và cao siêu hơn?

Vì để tôn vinh một lý tưởng nào mà mình bỏ cả cuộc đời theo đuổi, và để gây ấn tượng và niềm tin cho người đọc, nên trong một số Kinh Đại Thừa thường nói là “Kinh này là Vua trong các Kinh”, “là pháp tối thượng thừa”, “là đệ nhất nghĩa đế.” Dĩ nhiên, nếu giáo lý của Đức Phật được vận dụng một cách đúng đắn, dầu là hệ A-hàm, hệ Bát-nhã, Phương Quảng, Hoa Nghiêm, Niết-bàn chắc chắn sẽ đem lại lợi ích lớn cho mình và cho người, cho nhân quần xã hội thì kinh nào cũng tối thượng thừa cả. Xét về giáo nghĩa, chúng ta có thể thấy điểm dị biệt về tư tuởng và các cách lý giải lời Phật của các bộ phái tuy có, nhưng về pháp môn tu tập căn bản thì không khác. HT. Thích Minh Châu trong lời giới thiệu trong bản dịch vừa đề cập ở trên, nói rằng:

Đọc kỹ tiến trình tư tưởng Phật giáo, chúng ta sẽ thấy các luận sư không vị nào là không muốn diễn đạt cho thật sự trung thành giáo nghĩa nguyên thủy của đức Từ Phụ. Dầu cho sự diễn đạt đặt dưới nhiều quan điểm và khía cạnh sai khác, lồng vào những bối cảnh có thể nói là mâu thuẫn, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy những sóng ngầm đồng nhất, thật sự nguyên thủy trong sự cố gắng trung thành của các nhà luận sư.

Chúng ta có thể lấy ngay ảnh dụ trong Kinh Pháp Hoa, phẩm “Dược Thảo Dụ”, Đức Phật đã ví giáo pháp của Ngài giống như một trận mưa rào tuỳ theo từng hạng cây cỏ mà hấp thụ khác nhau, chứ không hề phân biệt trận mưa rào này cốt để cho các loại cây cao, bóng cả hấp thụ; hay trận mưa rào này để cho các loài cỏ, bụi rậm thấp kém hấp thụ! Biển cả chỉ có một vị, đó là vị mặn; giáo Pháp cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Giáo pháp thì không có tiểu-đại, chỉ có người tiểu-đại mà thôi!

4) Đức Phật đã xếp hạng giữa hai phái: Đại Thừa và Tiểu Thừa qua Kinh Pháp Hoa?

Như Đạo Hữu đã trích ý rải rác từ các phẩm của Kinh Pháp Hoa, cho rằng Đại Thừa là hạt giống rắn chắc, khác với Tiểu Thừa là trình độ thấp thỏi, trình độ kém, như vậy Đức Phật đã xếp hạng trình độ giữa hai phái, vậy mà Tiểu Thừa còn tự nhận là Nguyên Thuỷ đúng lời Phật dạy? Người viết xin trình bày sau:

Mặc dù, Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh có lẽ phổ biến và được các nhà sớ giải, chú thích nhiều nhất, và đã từng trở thành một trào lưu tu học chính của Trung Quốc và ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nhật Bản, Triều Tiên, cũng như Việt Nam gần đây. Tuy nhiên, xét về phương diện ra đời của Kinh sớm nhất là vào thế kỷ thứ I TL, sau kỳ kiết tập kinh điển lần IV dưới sự ủng hộ của đại đế Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka).[16] Bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh được HT. Thích Trí Tịnh dịch sang Việt ngữ mà lâu nay chúng ta thường trì tụng xuất phát từ bản chữ Hán được ngài Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập) dịch từ nguyên tác Sanskrit Saddharmapuṇḍarīka sūtra sang tiếng Hoa thuộc thời Diêu Tần (384- 417 TL). Bản Sanskrit này là bản hoàn hảo nhất trong các bản mà các học giả sau này đã phát hiện và đã được chọn làm Kinh tiêu chuẩn cho Thiên Thai Tông. Trước thời ngài Kumārajīva cũng có một dịch phẩm mang tựa đề Tát-đàm-phân-đà-lợi Kinh do phiên âm từ chữ Saddharmapuṇḍarīka sūtra, bản dịch này dịch không hoàn hảo hai phẩm “Hiện Bảo Tháp” và “Đề-bà-đạt-đa.” Đọc tiếp phần trình bày vắn tắt các ấn bản của Kinh Pháp Hoa trong A Catalogue of the Buddhist Tripitaka của Bunjiu Nanjio, chúng ta sẽ thấy tất cả là có tới 6 bản dịch Kinh Pháp Hoa, với các tựa đề khác nhau, và nội dung không nhất quán, không phải bản tiếng Hoa mà ngay cả bản Sanskrit. Cho tới ngày nay các bản dịch này cũng còn được lưu giữ nguyên vẹn trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh và được phổ biến rộng rãi dưới dạng CD ROM.[17] Một bản dịch khác của Saddharmapuṇḍarīka sūtraThiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa với phẩm phụ), chỉ có 27 phẩm, vì phẩm “Hiện Bảo Tháp” (số 11) và “Đề-bà-đạt-đa” (số 12) được gộp thành một. Về điểm này, thì bản dịch lại chính xác với bản Sanskrit mà mục lục các Kinh của Hodgson (Catalogue of Hodgson Manuscript) trình bày. Cũng theo tư liệu trên, có ít nhất 2 ấn bản Sanskrit được phát hiện, một bản thì giống với bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập. Bản thứ hai, thì tương đồng với bản dịch Chánh Pháp Hoa Kinh, nhưng trong bản này lại thiếu phẩm “Diệu Âm Bồ-tát.” Nhưng bản Sanskrit đầu, phẩm “Dược Thảo Dụ” lại thiếu cả nửa phẩm “Dược Thảo Dụ” trong ấn bản Sanskrit sau, và nhiều đoạn thiếu-dư trong cả hai ấn bản, chưa kể tới trật tự phẩm của cả hai bản Sanskrit và các bản dịch. Chuyện thiếu dư trong các bản tiếng Hoa và Sanskrit được các nhà nghiên cứu Kinh Pháp Hoa sẽ đi chuyên sâu hơn. Trong phần “Lịch Sử Thành Lập” của công trình nghiên cứu Tư TưởngKinh Pháp Hoa của TT. Thích Chơn Thiện, theo Junjiro Takakusu, ông đã phát hiện bản dịch mà Ngài Cưu-ma-la-thập dịch sang Hoa văn lúc đầu cũng chỉ 27 phẩm, sau này đệ tử của Ngài là Pháp Hiền đưa thêm phẩm Đề-bà-đạt-đa, cũng như một số ý kiến cho rằng phẩm Tựa có thể do một nhà Sư Trung Hoa sáng tác với lối hành văn rất nhuyễn tóm tắt toàn bộ 27 phẩm kia. Đi sâu vấn đề này đòi hỏi kiến thức chuyên môn và mất nhiều thời giờ hơn.

Do đó, chúng ta không thể nào phủ nhận lịch sử, và có thể khẳng định lại một lần nữa, việc biên tập Kinh Pháp Hoa ra đời tương đối muộn và chắc chắn là do các nhà tư tưởng Đại Thừa thời bấy giờ biên tập. Về phần lợi ích của việc thọ trì Kinh Pháp Hoa hay giá trị thực tiễn của bộ Kinh, không phải mục đích nhắm đến bài viết này, nên người viết không trình bày.

Một vấn đề nữa, đó là vấn đề Niết-bàn (Nirvāṇa) cho rằng Tiểu thừa không có niết-bàn. HT. Thích Trí Quang, trong phần “Ghi Sau Khi Duyệt Pháp Hoa” của bản dịch Kinh Hoa Sen Chánh Pháp cũng cho rằng tư tưởng “Pháp Hoa công nhận tiểu thừa nhưng không công nhận tiểu thừa có Niết-bàn.” Trong khi đó, Đức Phật đã xác định và tán dương không biết bao nhiều lần trong hệ thống Nikāya và Āgama là các vị A-la-hán là các vị đã cắt đứt dòng chảy ái nhiễm của mọi cảnh giới (dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu), là vị “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc làm đã xong, không còn trở lui đời sống này nữa”, các vị này mới thật sự đạt đến mục tiêu của đời sống phạm hạnh.

Lại nữa, mặc dầu nhiều nơi trong Kinh Pháp Hoa không ca ngợi công hạnh của các vị A-la-hán, nhưng có lẽ cũng để hoà giải mối tranh chấp của các bộ phái, vì tư tuởng “Tam Thừa quy nhất”, đã xuất hiện. Giả như Đức Phật có nói Tam Thừa đi nữa cũng là phương tiện quyền giáo để dẫn dụ đến Nhất Phật thừa. Đó là điểm hay của Kinh Pháp Hoa, mà người viết thường tâm đắc.

Đến đây, quý vị lại có thể đặt vấn đề, như vậy câu “như thị ngã văn” trong Kinh điển Đại Thừa, cụ thể như Kinh Pháp Hoa, là ngoa mà lại cho là lời của Tôn giả Ānanda thuật lại, như vậy có trái với giới thứ tư của Đức Phật dạy cho hàng Phật tử không? Đây, xin đưa ra cách lý giải khác mang tính hoà giải khá hay của Thượng Toạ Chơn Thiện, cho người đọc sự thông cảm và thấy tinh thần vì mục đích truyền bá Phật Pháp của các bậc Tổ Sư hơn là vì tên tuổi của mình: “Do vì lời kinh phù hợp với giáo lý truyền thống nên có thể được xem là do Phật thuyết. Chư Tổ không dám nhận lãnh trách nhiệm chuyển bánh xe Pháp. Vả lại, bảo Kinh do Đức Phật dạy sẽ khơi dậy được niềm tin Pháp sâu xa trong tâm người học hỏi và tu tập kinh hơn. Do nhằm xây dựng niềm tin Pháp ấy cho đời, nên Kinh Đại Thừa được chư Tổ kiết tập dưới hình thức Phật thuyết” (Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, Lời Tựa).

Trở lại vấn đề mà Phật tử đưa ra, sao mà các vị Theravāda lại tự nhận mình là Nguyên Thuỷ đúng với lời Phật dạy? Thật ra, chữ Nguyên Thuỷ vốn xuất phát từ chữ Theravāda, mà chữ này vốn có nghĩa là bộ phái của những vị trưởng lão (Thera: nghĩa là lớn, trưởng lão; vāda vốn có nghĩa là lời dạy, được dịch thoát là bộ phái, trường phái hoặc là học thuyết), như vậy, đúng ra chữ này nên được dịch là học thuyết của những vị Trưởng Lão, hoặc là chủ trương của những vị Trưởng Lão, và để cho gãy gọn, mang tính học thuyết thì ta nên dịch là bộ phái của các vị Trưởng Lão hoặc như cách dịch của các dịch giả Trung Quốc dịch là “Thượng Toạ Bộ.” Điều này có thể được kiểm chứng qua các nguyên tác bằng chữ Hán. Dựa vào các tiêu đề trong Hán tạng và các tác phẩm đã được đọc, chưa hề thấy tác phẩm nào có liên hệ đến chữ “Nguyên Thuỷ” cả, mà phần lớn được dịch là “Thượng Toạ”, cụ thể là Dị Bộ Tông Luân Luận (đã được HT. Thích Trí Quang dịch sang tiếng Việt). Còn một số bản kinh luật, luận khác của Theravāda hoặc của các bộ phái của Theravāda cũng như ngay cả các ký sự của các Ngài chiêm bái như Pháp Hiển, Huyền Tráng và Nghĩa Tịnh đều dùng chữ “Tiểu thừa” để chỉ cho các bộ phái thuộc Theravāda hoặc của Mahāsamghika.

Bộ phái Theravāda này cũng còn có cách viết khác là: Sthaviravāda (theo Sanskrit) hoặc tên khác là Vibhajavāda (theo Pāḷi), có nghĩa là Phân Tích Bộ (bộ phái chủ trương các học thuyết cần phải phân tích trên lý trí). Như đã đề cập trên, các nhà Đại Thừa đã cho tất cả các học thuyết, chủ trương khác với đường lối chủ trương của mình là “tiểu thừa”, và điều này đã gây mâu thuẫn không ít trên dưới 2000 năm rồi. Thuật ngữ “Nguyên Thuỷ” bằng tiếng việt và tiếng Anh xuất hiện cũng không sớm. Vào cuối thế kỷ XIX, các dịch giả của hội “Pali Text Society” (Hội Kinh Điển Pāḷi) đã dịch chữ Theravāda thành chữ “Early Budddhism”, vốn có nghĩa là Phật giáo thời kỳ đầu, hoặc các nhà viết sử thường chép trường phái này là: “the most orthodox school of Buddhism” (trường phái Phật giáo chính thống nhất). Các Kinh điển Pāḷi dịch thành “Early Buddhist Manuscripts / Texts / Canon” (Kinh điển Phật giáo thời kỳ đầu). Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt, như Bà I. B. Horner, cũng là một dịch giả nổi tiếng, đóng góp rất lớn vào công trình dịch thuật kinh điển Pāli sang tiếng Anh, dịch chữ Theravāda thành “Primitive Buddhism”[18] (Phật giáo Nguyên Thuỷ), nhưng các học giả hầu như không sử dụng từ của Bà. Còn một số vị khác, thỉnh thoảng dịch chữ Theravāda thành “trường phái của những người bảo thủ” (conservative School), nhưng nghĩa này cũng không sát và không được các nhà nghiên cứu sử dụng.

Có lẽ cũng nên đề cập ở đây, ai là người sử dụng chữ “nguyên thuỷ” đầu tiên trong quá trình dịch thuật hay trước tác trong giới học thuật Việt Nam, xin chờ một bài khảo cứu có giá trị của các nhà nghiên cứu khác. Tuy nhiên, ở mức độ sơ bộ, chúng ta không thể kể đến công của dịch phẩm của HT. Quảng Độ: Nguyên Thuỷ Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken (người Nhật), rất tiếc là bản dịch không đề rõ Kimura Taiken viết vào năm nào để truy nguyên ông đã sử dụng chữ “Nguyên Thuỷ” để chỉ cho Theravāda và Tiểu Thừa (Hīnayāna) để chỉ cho các bộ phái của Theravāda.

Theo thông tin của cư sĩ Bình Anson cung cấp, đến năm 1957 khi Giáo Hội Tăng-già Phật giáo Nguyên Thuỷ được thành lập, thì chữ “Nguyên Thuỷ” đã được ra đời, hoặc có thể sớm hơn nữa. Người viết nghĩ rằng, chính vì lý do này mà các học giả Việt Nam mạnh dạn sử dụng chữ “Nguyên Thuỷ” để chỉ cho bộ phái Theravāda, chứ trên thật tế, cuộc sống xã hội và môi trường tự nhiên thay đổi từng sát-na, làm sao con người hiện nay giữ đúng được cả nội dung và hình thức giáo pháp như thời Phật còn tại thế cách nay hơn 2500 năm. Nếu ai có cố gắng hết sức mình, cũng chỉ giữ được phần nào tinh hoa của giáo pháp mà thôi. Điều này chúng ta có thể phát hiện một cách dễ dàng qua cách hành trì và tiếp cận Kinh, Luật và Luận của 3 nước Phật giáo Theravāda mạnh nhất, đó là: Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan.

Một câu trả lời mang tính gợi ý cho các vấn đề mà quý Phật tử đã đặt ra, như vậy có lẽ đã quá dài, và hơi dư nữa là khác. Nên người viết ngưng tại đây. Trước khi kết thúc, người viết xin thưa là những gì được trình bày với mục đích khiêm tốn là đưa ra vài quan điểm nhỏ của mình, hy vọng nó sẽ bổ túc phần nào mà Phật tử có thể cần thiết, chứ không hề dụng tâm chê khen kinh điển hoặc các bộ phái và các bậc hữu công tiền bối đối với hai dòng văn học Phật giáo lớn. Và để trình bày quan điểm của người viết về thái độ khi tiếp cận giáo pháp như thế nào, xin trân trọng giới thiệu bài viết “Thái Độ Cần Có Khi Đọc Kinh Phật” của HT. Thiện Siêu, như là lời kết của người viết xin gởi đến độc giả. Kính mong các bậc thiện tri thức tường tri.

Để cung cấp thêm các bài viết có chủ để liên hệ về Tiểu Thừa và Đại Thừa, xin giới thiệu bài “Đạo Phật Nguyên Thuỷ và Đạo Phật Đại Thừa”, nguyên tác của HT. Walpola Rahula, được Sư Thiện Minh dịch; bài viết “Mahayana và Theravada: Cùng Một Cỗ Xe” của cư sĩ Binh Anson; hoặc Theravada and Mahayana với tiêu đề nhỏ là Basic Points Unifying the Theravada and the Mahayana (Các Điểm Căn Bản Đồng Nhất Giữa Theravāda và Mahāyāna) của HT. W. Rahula. Cả ba đều được đăng trong trang nhà Buddhasasana.

Thân chúc Phật tử thân tâm thường an lạc, đạo tâm bất thối đối với chánh pháp, và ngọn đèn chánh pháp mỗi ngày mỗi rực sáng trong lòng của quý Phật tử và của tất cả chúng sanh.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát.

Thích Giác Hoàng


[1] Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Shīnshū Daizōkyō) gọi tắt là “Đại Chánh Tạng”. Tạng này dựa vào các tạng có trước từ thời Tống, Nguyên, Minh và các bản di thư, thạch thư ở Đôn Hoàng. Ngoài ra các nhà biên tập tạng này còn tham khảo các tạng của Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng và những phần còn sót lại tại Ấn Độ. Như vậy, “Đại Chánh Tạng” cho tới ngày nay, nó có thể được xem như là Tạng tiêu chuẩn nhất của các nước Phật giáo vốn chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc được ấn hành tại Nhật khoảng năm 1924- 1929.

[2] Nguyên mục lục này được biên tập vào thời nhà Minh, Trung Hoa, nguyên thuỷ có tựa đề: Đại Minh Tam Tạng Thánh Giáo Mục Lục, được học giả đương đại Bunjiu Nanjio, Nhật Bản đối chiếu, bổ sung, cũng như học giả Lokesk Chandra ở New Delhi, Ấn Độ bổ sung và hiệu đính lại một lần nữa. (Delhi: Jayyed Press, 1980).

[3] Nguyên tác bằng tiếng Pháp Histoire du Bouddhisme Indien, des origines à l’ère ‘Saka (1958) được Sara Webb-Bon dịch sang Anh ngữ với tiêu đề History of Indian Buddhism from the Origins to the ‘Saka Era, (Louvain-Paris: Peeters Press, 1988, pp.556-557).

[4] Có rất nhiều ý kiến bất đồng về việc biên tập Kinh điển Pàli bằng chữ viết, một số cho rằng chính Ngài Mahinda đã vận động biên tập bằng chữ viết tại Sri Lanka, nhưng theo thiển ý của người viết không thể nào một mình tôn giả Mahinda có trí nhớ siêu việt hết những lời dạy của Đức Phật. Lại nữa, văn hoá Sri Lanka lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Ấn Độ rất lớn, không lẽ nào các bậc Thánh giả và các đại tri thức của Ấn Độ không nghĩ ra cách biên tập chữ viết, mà sau này lại copy Kinh điển Pāḷi từ Tích Lan. Do đó, người viết ủng hộ quan điểm của Lamotte và một số vị khác cho rằng, Ngài Mahinda chỉ đem Kinh điển Pāḷi sang Tích Lan truyền bá và tại đó có thể biên tập lại một lần nữa.

[5] Xem thêm: G.C. Pande, A Studies in the Origins of Buddhism (Delhi: Moltilal Banasidass, 1999). Tác phẩm này là một trong những công trình nghiên cứu tuyệt vời giáo sư về Kinh Tạng Phật giáo Thượng Toạ Bộ, được xuất bản đầu tiên năm 1957 và được tái bản nhiều lần: 1974, 1983, 1995, 1999. Quý vị có thể tham khảo từ chương IV đến chương VII để xác định ý chúng tôi vừa trình bày trên.

[6] Xem tuyển tập Chinese Buddhist Apocrypha do Robert E. Buswell, Jr biên tập (Delhi: Sri Satguru Publications, 1992).

[7] Xem N. Dutt, Early History of the Spread of Buddhism and Buddhist Schools, (New Delhi: Rajest Publications, 1925, pp.132-134).

[8] Tác phẩm này được Ni Sư Trí hải dịch sang tiếng Việt: Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái (TP.HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1977).

[9] Thomas Watters, On Yuan Chwang’s Travels in India (1904-5) (ed. by T.W. Rhys Davids and S.B. Bushell), 2 vols, (Delhi: Munshiram Manoharlal Pulishers Pvt. Ltd., 1996, vol. 2, p. 248)

[10] Chỉ có 4 bộ A-hàm chính thức được sang tiếng Hoa. Còn bộ Tạp A-hàm được dịch hơi muộn, và cách phân chia không rõ ràng

[11] Vì chữ Hīnayāna được dịch sang Anh ngữ là “Small Vehicle”, chữ Hán là “Tiểu Thừa”, nhưng thực chất chữ Hīna, không những có nghĩa là nhỏ (small), mà còn có nghĩa là dỏm, tồi, thấp, kém, xấu xa, hạ liệt, đáng khinh bỉ. W. E. Soothhill and L. Honous (compiled) A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (1837), (Delhi: Motilal Banasidass, 1997, p.54) cũng dịch chữ này là: below, lower, inferior, low, to decend, let down, put down. Tương tự, trong Pali-English Dictionary do T.W.Rhys Davids và W.Stede biên tập thì cũng cho các nghĩa của từ Hīnayāna như sau: inferior, low, poor, miserable, vile, base, contemptible, despicable (p. 732). Còn nếu các nhà trước tác, biên tập muốn dùng chữ “nhỏ” (small) để đối lập với chữ “lớn” (great), thì có lẽ đã sử dụng từ “cūḷa” bằng tiếng Pāḷi hoặc Sanskrit thay cho chữ “Hīna” rồi.

[12] Piyadassi, The Spectrum of Buddhism, (Taiwan: The Corporate of the Buddha Educational Foundation, p. 427).

[13] Bài này tôi đã đọc được trên trang nhà Buddhasasana.

[14] Nguyên tác của N.Dutt, Aspects of Mahāyāna Buddhism and its Relations to Hīnayāna (London: Luzac, 1930). Bản dịch được nhà Xuất Bản TP.HCM tái bản năm 1999.

[15] Cố Hoà Thuợng Thích Thanh Kiểm đã trình bày vấn đề này vắn tắt nhưng rất rõ trong cuốn Luợc Sử Phật Giáo Ấn Độ (Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, 1989, tr. 144-147).

[16] Dựa theo biên niên sử Phật giáo khả tín của Charles S. Prebish, Historical Dictionary of Buddhism (Delhi: Sri Satguru Publiscations, 1993, p. xxix). Kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 4 này bao gồm cả Nguyên Thuỷ và Đại Thừa. Truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ không tính kỳ kiết tập này trong 6 kỳ kiết tập.

[17] Chúng tôi có đĩa CD ROM Đại Tạng Kinh Trung Hoa (đĩa 1) do Thầy Thích Minh Nhẫn viết phần giới thiệu và hướng dẫn sử dụng.

[18] Thông qua tiêu đề của tác phẩm Women under Primitive Buddhism (1930), (Delhi: Moltilah Banarsidass Publishers Private Limited, 1975, 1990, 1999).

KINH NGỤY TẠO (APOCRYPHA)

Tác giả Prof. KYOTO TOKUNO, Ph.D

Dịch sang Việt: PHẠM DOÃN

Giới chuyên môn Tây Phương dùng chữ APOCRYPHA - KINH ĐIỂN NGỤY TẠO để gọi văn học Phật giáo phát triển ở nhiều khu vực Á châu giả mạo những văn bản Phật giáo có gốc từ Ấn độ. Mớ bong bong của ngụy thư có nhiều nét chung, nhưng chúng không bao giờ thống nhất bằng cùng một kiểu mẫu (style) văn học hay cùng một nội dung.

Kinh điển ngụy tạo (Apocrypha) có đặc điểm chung là một loại văn học, vốn thuộc về các tôn giáo bản xứ, nhưng lại tự cho mình có nguồn gốc hoặc mối liên hệ với Phật giáo Ấn Độ. Điều này đòi hỏi phải đặt ra nhiều mức độ khác nhau về tính hợp chuẩn và độ tin cậy khi tham khảo nội dung của kinh điển.Một vài kinh ngụy tạo, đặc biệt của Phật giáo Đông Á, mạo nhận nó chính là giáo pháp của Đức Phật - Buddhavacana (Word of the Buddha) tức tự mạo nhận nó là KINH (Sutra). Kinh ngụy tạo đôi khi cũng tự mạo nhận là lời luận giảng về kinh từ một vị thày có tiếng tăm (hoặc có khi cũng vô danh) của Phật giáo Ấn Độ, tức nó tự mạo nhận là LUẬN (Sastra). Một số kinh ngụy tạo tuyên bố xuất phát từ tuệ giác của các đấng giác ngộ ở Ấn Độ hoặc là người được truyền thừa tuệ giác đó từ một dòng phái chính thức, ví dụ như trường hợp “các bộ Thánh Thư Quí Báu” (Gterma) của Tây Tạng cho là đã được dấu kín và rồi được khám phá lại bởi những người đủ cơ duyên. Một số kinh ngụy tạo được soạn thảo theo văn phong kinh điển kiểu kể chuyện, ví dụ như trường hợp bộ “Tiền thân Đức Phật” (Jataka) của khu vực Đông Nam Á. Như vậy cái phân biệt kinh ngụy tạo với Phật học bản xứ là kinh ngụy tạo luôn tuyên bố hoặc cố ý ám chỉ rằng nó xuất nguồn từ Ấn Độ. Sự tạo ra các văn bản ngụy tạo có mối liên hệ với bản chất của các bộ kinh Phật thật trong từng mỗi truyền thống. Các bộ kinh Trung Quốc hay Tây Tạng có nội dung luôn “để mở” hay “bỏ ngõ” với mục đích cho phép sự tiếp tục thêm vào dễ dàng các bản kinh mới từ Ấn Độ qua nhiều thế kỉ. Không còn nghi ngờ gì nữa, một tình huống như vậy đã tạo cảm hứng cho ý muốn tân trang các bản kinh và khích lệ sự sáng tạo ra các bản kinh gọi là kinh ngụy tạo. Kinh Pali của vùng Nam và Nam Á, trái lại đã được “cố định” rất sớm trong lịch sử, điều này khiến khó có thể thêm vào đó những nội dung nào khác.

Những đặc điểm chung ở trên đem đến một chỉ dẫn cho chức năng và mục đích của kinh ngụy tạo: Tích hợp tư liệu Ấn Độ vào những nội dung bản địa – đó có thể là tôn giáo, văn hóa xã hội, hoặc chính trị - bằng cách ấy nó xóa bỏ ý niệm rằng làm đồng hóa Phật giáo rất khó hoặc là không thể. Tác quyền trong văn bản truyền thống chính thức được mặc nhiên công nhận và thông qua để làm cho tôn giáo địa phương trở thành dễ hiểu đối với con người đương thời của vùng đất mới, nơi Đạo Phật được đưa vào. Thực tế lịch sử cho thấy, một vài văn bản giả đã đóng vai trò làm nhân tố phát triển nền văn hóa Phật giáo cục bộ địa phương, khi nó trở thành một phần của văn bản trong hay ngoài của kinh điển thực. Không phải tất cả kinh giả chỉ thuần túy nhằm mục đích phổ biến Phật giáo. Ví dụ, vài kinh giả Trung quốc đều cố ý đồng hóa những phong tục và cách thực hành tôn giáo có tính cục bộ địa phương bằng cách mạo nhận đấy là giáo pháp của Đức Phật.. Những ví dụ đó cho thấy (sức mạnh từ) thẩm quyền của thánh điển đã khiến sản sinh ra mảng văn học vượt ra ngoài giáo pháp thực sự của Đạo Phật, đồng thời tạo ra một loại hình văn bản thể hiện những nội dung tôn giáo cục bộ địa phương.

Trong bộ sưu tập các kinh giả, phải nói “kinh dị” nhất là các kinh giả của Đạo Phật Đông Á. Các kinh này mạo nhận cấp bậc cao nhất của truyền thống Ấn Độ bằng cách tự nhận là lời nói của chính Đức Phật. Hiển nhiên khi kinh ngụy tạo mạo nhận là thánh điển, nó không thể không bị phát hiện bởi các nhóm bảo thủ hay tư do trong cộng đồng Phật tử. Trong thời kỳ trung cổ các kinh giả trở thành đối tượng bị khinh bỉ nhưng ngược lại chúng cũng đã trở nên công cụ và lực lượng vật chất làm biến đổi ý nghĩa của Phật giáo.

Như vậy kinh ngụy tạo của đạo Phật Trung quốc là hình ảnh thu tóm tất cả sự phức tạp xung quanh các vấn đề lịch sử, lí lịch và chức năng của nó bao gồm một lãnh vực rộng hơn trong kinh điển Phật giáo.

Kinh ngụy tạo của đạo Phật Trung quốc

Kinh ngụy tạo của đạo Phật Trung Quốc được viết hầu như đồng thời với lúc khởi đầu các hoạt động dịch thuật kinh Phật vào giữa thế kỉ thứ 2 sau công nguyên. Theo ghi chép của Đại Tạng kinh Phật giáo, con số kinh ngụy tạo gia tăng liên tục qua các thế hệ cho đến ít nhất vào thế kỉ thứ tám. Các nhà làm danh mục phê bình kịch liệt các ngụy kinh, theo chuẩn mốc của họ, là “không có nguồn gốc rõ ràng” hoặc “đầy nghi vấn” hoặc lên án các ngụy kinh đã làm sói mòn sự toàn vẹn việc truyền bá kinh điển Phật giáo tại Trung quốc. Bất kể sự phối hợp của tập thể các nhà soạn danh mục, đồng thời với hội đồng của triều đình cố gắng loại bỏ các ngụy kinh bản xứ, mãi tận đến lúc kết tập cho lần in kinh lần thứ nhất (tại Trung Quốc) tức ấn bản của nhà Bắc Tống (971-983) thì việc tạo ngụy kinh mới giảm xuống rồi ngưng lại. Sự xuất bản các ngụy thư ở Trung quốc như vậy đã làm nên “hiện tượng” của thời kì gọi là “kinh điển viết dưới dạng bản thảo”. Khi những bản thảo viết tay có nguồn gốc địa phương lại có thể được chấp nhận là kinh và được xếp vào bộ thánh điển, thì giữa ngụy thư và kinh điển đã trở thành một phạm trù mơ hồ (không phân biệt được).

Khám phá của chuyên gia thời hiện đại về các kinh điển ngụy tạo cho thấy tính phức tạp và khó khăn khi xác quyết một văn bản về mức độ giả tạo kiến thức, cũng như khả năng làm nhái các văn bản Phật giáo, của tác giả các ngụy kinh. Thật không dễ dàng cho các chuyên gia thư mục xác định được tính chính thống của kinh điển. Phải có kiến thức rất rộng về Phật học mới có thể truy tìm những văn bản ngụy tạo đặc biệt khi chúng được tạo ra bởi những loại người thông hiểu lý thuyết và thực hành trong Phật giáo, nhất là người đó lại có thêm kỉ năng văn chương. Ngoài ra, trong nghiệp vụ đã có lúc phải cần đến sự thỏa thuận trong cẩn trọng, ví dụ trường hợp của Bộ Lịch Đại Tam Bảo Kí (Lidai Sanbao Ji - Record of the three Treasures) xuyên suốt các triều đại; 597- vì không có lí do khác hơn là một cuộc tranh cãi cần để tẩy uế bộ thánh điển sạch các yếu tố ngoại lai có thể làm Đạo Phật vướng vào sự chí trích của các đối thủ tôn giáo và tư tưởng như Đạo Lão và Đạo Khổng.

Vì khi tranh luận trong việc loại bỏ các yếu tố ngoại lai ra khỏi thánh điển có thể đưa Đạo Phật vướng vào sự chỉ trích của các đối thủ về mặt tôn giáo và tư tưởng như Đạo Lão và Đạo Khổng. Bộ Lịch Đại Tam Bảo Chí đã thêm vào nhiều nguồn tư liệu về tác giả và dịch giả không có thực, nhằm mục đích làm các văn bản của nó giống như của một bộ kinh thực sự chính thống. Và một khi các thuộc tính giả mạo được chấp nhận bởi bộ Thư Mục của triều đình (the Da-Zhou kanding zhongjing mulu - Danh mục kinh tạng, công bố bởi nhà Đại Chu năm 695) thì truyền thống Trung quốc buộc phải nhận thêm rất nhiều các văn bản giả tạo kiểu như thế vào bộ Đại Tạng Kinh. Bộ Khai Nguyên Thích Giáo Lục (Kaiyuan Shijiao Lu Record of Sakyamuni’s teaching), soạn vào đời Khai Nguyên năm 730- được cho là hay nhất trong tất cả các bộ Danh Mục Đại Tạng – Bộ này chỉ trích cả hai bộ Đại tạng trước đó. Nhưng chính bộ Khai Nguyên cũng không thể loại trừ tất cả những điều không chính xác trong quá khứ, điều này một phần cũng do ảnh hưởng nặng nề của truyền thống. Kinh ngụy tạo là một ví dụ lý tưởng cho sự lệch lạc giữa sự vận động và thỏa hiệp đạt được trong quá trình hình thành ra một truyền thống tôn giáo (bản xứ). Những kinh ngụy tạo này đã thêm vào chiều kích mới cho sự phát triển Đạo Phật Trung quốc một phần nhờ sự tình trạng tôn sùng kinh điển ở Trung quốc, nhưng quan trọng nhất là vì để đáp ứng nhu cầu cho chính tôn giáo và văn hóa tại Trung quốc.

Có khoảng 450 tựa đề kinh ngụy tạo Trung quốc liệt kê trong Danh Mục Đại Tạng kinh Nhưng thực ra tổng số tích lũy của ngụy thư viết ở Trung quốc gần đến con số 550, khi chúng ta tính cả hai loại bằng chứng văn học, ví dụ những văn bản không liệt kê trong danh mục nhưng lần lượt được tìm thấy trong tập hợp các văn bản Phật giáo và bản thảo tại Trung Quốc và Nhật Bản. Khoảng chừng một phần ba tổng số này còn tồn tại đến ngày nay, một con số lớn kinh ngạc đối với sự kiểm duyệt liên tục ngụy thư suốt thời Trung cổ. Tỉ lệ ngụy thư còn sót lại đã chứng minh cho tính “lợi hại” của kinh Phật ngụy tạo trong bản xứ và cũng chứng minh cho sự kiện người Trung Quốc tiếp tục tin dùng loại văn bản này, trong đó có cả nhà phân tích thông tuệ như Trí Di (538-597) [1], người hệ thống hóa trường phái Thiên Thai của Đạo Phật Trung Quốc. Sự bùng nổ của hiện tượng ngụy kinh tại Trung Quốc cũng đã thúc đẩy cho sự lan rộng kinh điển ngụy tạo tại các vùng khác thuộc Đông Á, mặc dù không nơi đâu lại nhiều bằng tại Trung Quốc.

Tập hợp các ngụy thư bao gồm cả hai loại: kinh ngụy tạo và các văn bản được bảo tồn như là nguồn tham khảo trong các bộ luận Trung Quốc. Kinh ngụy tạo cũng đã được tìm thấy trong bộ sưu tập các bản thảo thời trung cổ phát hiện trong hiện tại. Thứ nhất là kho cất dấu tại Đôn Hoàng ở Trung Á, được phát hiện trong thế kỉ 20, gồm các bản thảo từ thế kỉ thứ 5 đến thế kỉ thứ 11. Hai là các bản thảo kinh tìm thấy tại Nanatsu-dera ở Nagoya, Nhật Bản, được kết tập suốt thế kỉ 12, dựa vào các ấn bản kinh Phật trước đó. Vào năm 1990, phát hiện cho thấy có cả ngụy thư của Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Điều kinh ngạc nhất trong lịch sử tìm kiếm là trong các bộ kinh được tìm thấy này là cuốn kinh Piluo Sanmei jing - the Scripture on the Absorption of Piluo, một cuốn kinh giả mạo nhưng được chứng thực trong danh mục Đại Tạng Kinh soạn bởi nhà sư học giả nổi tiếng Đạo An (312-385), trước đó thì kinh này không ai biết. Bản thảo kinh Phật tại Nhật Bản chỉ là bản sao của bộ ngụy thư có sớm nhất từ Trung Quốc. Các công cuộc tìm kiếm khác cũng không kém phần giá trị trong sự xác nhận toàn cảnh lịch sử của kinh ngụy tạo: Cả hai loại bản thảo tại Đôn Hoàng và tại Nanatsu-dera bao gồm nhiều tựa đề không thấy có trong các bảng danh mục Đại Tạng, bằng chứng chỉ ra rằng sự tự sáng tác ra kinh bản xứ còn nhiều hơn như trước đây người ta nghĩ. Hơn bao giờ hết, các học giả chuyên môn cần phải đề xuất ra hay phân loại một cách thuyết phục các kinh ngụy tạo tìm thấy ở Nanatsu-dera là soạn thảo của Nhật Bản dựa trên văn bản Ấn Độ, hay dựa trên kinh ngụy tạo ở Trung Quốc. Như vậy các ngụy thư còn tồn tại ở Nhật Bản được đóng vai trò là bằng chứng cho sự ảnh hưởng và phổ biến của loại văn bản còn tranh chấp nhưng rõ ràng “thực dụng” này.

Văn bản và nội dung

Tập hợp văn học ngụy tạo hiện còn tồn tại thách thức sự diễn đạt đơn giản, ví dụ mỗi văn bản có riêng một học thuyết hay một khuynh hướng thực hành, động lực, và mô thức văn học hay kĩ thuật. Vài kinh ngụy tạo rất khéo léo trong sự tổng hợp tài liệu của Phật giáo nguyên thủy (chính thống) từ Ấn Độ mà không nói bất cứ gì về nguồn gốc tộc hệ của chúng; tuy thế, một số kinh ngụy tạo khác tuyên truyền về những loại đức tin và những loại thực hành phổ biến tiêu biểu cho văn hóa bản địa, đồng thời thêm vào một cách vụng về cẩu thả những yếu tố Phật giáo nhằm mục đích giải thích cho cái tựa đề là “kinh” (tức Jing trong tiếng Trung Quốc). Đa số các kinh ngụy tạo Trung Quốc rơi vào hai cực đoan khi ca ngợi các đức tin và cách thực hành Phật giáo như là phương tiện để thu hoạch lợi ích vừa trần gian vừa tâm linh. Một số các nhà chuyên môn đã dự định thực hiện “phân loại hệ thống” (Typological classification) đối với tất cả các ngụy thư còn tồn tại, nhưng điều này sẽ còn khó khăn cho đến khi đã nghiên cứu toàn thể các ngụy thư và thấu hiểu các nội dung tôn giáo và văn hóa xã hội của chúng. Sau đây là những phê bình có chọn lọc về những nguyên cớ cho sự xuất hiện của các kinh giả tạo, điều này phản ánh cái cách mà giáo pháp của Đức Phật đã bị đóng khung và bị suy diễn.

Chúng ta bắt đầu bằng hai ví dụ kinh ngụy tạo từ học thuyết Đại Thừa ủng hộ một lý thuyết hay một cách thực hành không có phiên bản tương ứng trong Phật giáo Ấn Độ. Thứ nhất cuốn Khởi Tín Luận (Dasheng Qixin lun) tái tạo Phật giáo chính thống bằng cách tổng hợp ba khuynh hướng chính của học thuyết Ấn Độ: Tánh không (Sunyata), A Lại Da Thức (Alayavijnana) và Thai Tạng giới (Tatha Gatagarbha). Kinh này nhằm đặt ra một bản thể luận cho tâm trí con người, theo đó Tâm trí có thể đồng thời vừa vô minh vừa có giác tánh nội tại. Sau khi xuất hiện ở thế kỉ thứ sáu, bộ Luận Khởi Tín có lẽ đã trở nên ví dụ nổi bật của sự tác động của kinh ngụy tạo vào sự phát triển của hệ tư tưởng Phật giáo Trung Quốc, vì nó đã trở nên chất xúc tác cho sự hình thành các học thuyết của các giáo phái (pháp môn) bản xứ như Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Thiền Tông (TQ). Văn bản ngụy thư cũng là ví dụ chủ yếu cho phương cách của một tác giả bản xứ chọn lọc phù hợp và tổng hợp một cách thông minh những văn bản Ấn Độ sao cho thích nghi hoàn hảo với bản chất tôn giáo Trung Quốc. Trường hơp thứ hai, cuốn Kinh Kim Cang Định (Jin’gang sanmei jing, Vajrasamadhi sutra) được tạo ra bằng sự pha trộn hỗn tạp tất cả các học thuyết Đại Thừa, nhằm cung cấp một nền tảng cho một hệ thống thực hành thiền và khẳng định hiệu quả giải thoát của hệ thống đó. Đây là một trong những những bản kinh lâu đời nhất của Thiền Tông của Trung Quốc và Đại Hàn, vì vậy có tính tiêu biểu lịch sử. Không giống trường hợp của các kinh ngụy tạo khác đã bàn đến trong bài viết này, một nghiên cứu cho rằng kinh này thực sự là tác phẩm của Đại Hàn từ thế kỉ thứ 7 (theo Buswell 1989). Bản ngụy kinh này, cùng với ngụy kinh tại Nhật bản đã đề cập ở phần trước, chính là thước đo cho mối liên hệ hữu cơ có được giữa Phật Giáo Trung Quốc với phần còn lại của Đông Á, và cũng cho thấy có sự kích động lan tràn của việc tạo tác kinh bản xứ ở khắp khu vực.

Một số kinh ngụy tạo thêm vào các nguồn dẫn và sự suy diễn với mục đích tăng cường một giá trị hay quan điểm nào đó của Đạo Phật với môi trường bản xứ. Giới luật, nền tảng của giải thoát Phật giáo, đã được kinh ngụy tạo thể hiện nổi bật như một chủ đề. Ví dụ như Kinh Phạm Võng (Fanwang Jing, Brahma’s bet sutra)). Kinh này thay đổi một phần giới luật của Bồ Tát đạo bằng cách thêm vào khái niệm Hiếu của Đạo Khổng, một xảo thuật lộ liễu phản lại cả truyền thống Trung Quốc cũng như nổ lực tương thích hai hệ thống giá trị quá khác biệt. Cũng phải nói đến những vấn nạn phát sinh khi đặt để những trói buộc có tính thế gian lên tăng đoàn và tăng sĩ. Sự pha trộn giữa giáo pháp và các mối quan tâm trần tục chính là điểm tiêu biểu cho các kinh ngụy tạo, như ta sẽ thấy dưới đây.

Có loại kinh ngụy tạo đưa ra giới luật nhấn mạnh một cách đặc biệt vào giới cư sĩ. Loại kinh như thế gồm các kinh như Piluo sanmei jing - the Scripture of the absorption of Piluo, Tiwei Jing - The scripture of Tiwei và Chingjing Faxing Jing - the Scripture of pure religious cultivation. Các ngụy kinh này dạy hướng dẫn đạo đức cơ bản cho cư sĩ, như ngũ giới, thập thiện, sự quan trọng của cúng dường tất cả được dựng trong học thuyết của Nghiệp và Tái sanh. Năm giới cư sĩ được cho là điều kiện đủ để đạt tới giác ngộ của Phật, một con đường cực kì đơn giản vạch ra để động viên sự tham gia của cộng đồng cư sĩ vào thực hành Đạo Phật. Những giới đó còn thường được coi như tối cao hơn năm đức của Khổng Giáo, hơn sự rối rắm siêu hình của thế giới quan cổ đại của người Trung Quốc, kể cả hệ thống âm dương, ngũ hành và năm tạng của Y học Lão Giáo. Khái niệm “Hiếu” thể hiện rất rõ trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân (Fumu enzhong jing - the Scripture on profound gratitude toward parent) đặt căn bản trên giáo huấn theo kiểu “24 ân phụ mẫu” của Khổng Tử. Ngụy thư tô đậm hành động cụ thể của người con bất hiếu và thúc đẩy anh ta phải báo đáp cha mẹ, phải hi sinh bằng cách cúng dường tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Loại kinh này là một trong những kinh ngụy tạo phổ biến nhất vào thời Trung cổ.

Luật nghiệp và tái sanh được đề cập ở trên là một chủ đề có khắp mọi nơi hay một hậu cảnh của kinh ngụy tạo. Văn bản được biết một cách phổ biến ví dụ như kinh Thập Điện Diêm Vương (the Shiwang Jing, the Scripture of the Ten Kings) minh họa giáo lý Đạo Phật Ấn Độ cho độc giả Trung Quốc bằng cách mô tả sự thanh tẩy sau khi chết. Sau khi chết, mỗi người phải lần lượt đi qua mười cửa địa ngục, mỗi địa ngục cai quản bằng một phán quan; số phận của của môt người sau khi chết tùy thuộc vào sự xét xử hành động của người đó lúc còn trên trần thế. Địa ngục kiểu phong kiến này là một sự đổi mới để phản chiếu cấu trúc chính trị-xã hội Trung Quốc. Ảnh hưởng rộng khắp của kinh này có thể được chuẩn hóa từ nhiều tranh ảnh, đá điêu khắc và tượng về Thập Điện Diêm Vương- với chuẩn mực trang phục, mũ mão truyền thống của các quan chức Trung Quốc- tất cả thấy ở nhiều nơi trong thời Trung cổ.

Các kinh ngụy tạo là sản phẩm ở những không gian và trong những thời gian đặc biệt, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có sự phê phán tình trạng tôn giáo đó, hay sư phê phán toàn thể xã hội, cả cấp quốc gia mà chính sách của nó đã thực hiện đối với Đạo Phật. Những phê phán như thế đã thường thể hiện trong khái niệm về thuyết Mạt Thế gọi là Thời Mạt Pháp truyền vào từ các nguồn Ấn Độ.. Kinh Nhân Vương (Renwang Jing, Humane King sutra) mô tả sự thoái hóa tất cả các tầng lớp xã hội, thiên tai, dịch bệnh, quyền kiểm soát đất nước, sự suy đồi biến dạng Đạo Phật, buông lơi giới luật của Phật tử. Giải pháp được đề xuất cho khủng hoảng này là sự hoàn thiện Tuệ giác (trí huệ bát nhã), cái được tin là có thể khôi phục trật tự tôn giáo xã hội và ngay cả bảo vệ được sự diệt vong của đất nước. Kinh được phổ biến rộng trong thời Trung cổ của khu vực Đông Á, đặc biệt là trong giới cầm quyền ít nhất cũng là vì nó cũng khẳng quyết về việc bảo vệ quốc gia. Kinh Tỳ kheo Nguyệt Quang (Shoulo biqiu Jing – Scripture of Bhiksu Shoulo) đưa ra một giải pháp khác cho thời Mạt Pháp: Nó tiên tri một đấng cứu thế xuất hiện, Nguyệt Quang, vào lúc khủng hoảng và suy đồi đã đến lúc cực điểm. Một thông điệp cứu thế như vậy dĩ nhiên không thể không có cội nguồn từ Phật Giáo Ấn Độ- giáo phái thờ phật tương lai Di Lặc là một ví dụ- nhưng sự đề xuất một đấng cứu thế trong thế giới hiện tại có thể dễ bị giải thích như một sự lật đổ chính trị và là một thách thức cho nhà cầm quyền của chế độ thế tục. Kinh này là một kinh ngụy tạo đã bị thất lạc được tìm thấy tại Đôn Hoàng 1400 năm sau lúc có bằng chứng là nó được sáng tác.

Phần bài viết tới đây chỉ chạm đến một phần rất nhỏ câu chuyện về Kinh Phật Giáo ngụy tạo. Ngay cả khi đã được làm rõ, Kinh ngụy tạo vẫn chiếm chỗ quan trọng trong lịch sử Phật Giáo như một sự đổi mới và thích nghi để nối liền văn bản từ truyền thống Phật Giáo Ấn Độ với tôn giáo, văn hóa, xã hộ bản địa Trung Quốc. Tuy vậy chúng cũng cung cấp tài liệu vật chất cho các nghiên cứu liên văn hóa và nghiên cứu đối chiếu các thánh điển, các kinh trong các truyền thống tôn giáo khác nhau.


Chú thích của người dịch
[1] Trí Di (chữ Hán: 智顗; Wade-Giles: Chih-i; 538 - 597) được coi là Tổ thứ tư của Thiên Thai tông; đệ tử của Huệ Tư, Tổ thứ ba của Thiên Thai tông.
Ông tu trên núi Thiên Thai thuộc tỉnh Chiết Giang 22 năm cho đến khi mất để nghiên cứu Phật học. Tùy Dưỡng Đế đã ban cho ông danh hiệu Trí Giả, nên ông được người đời tôn xưng là Trí Giả đại sư hay Thiên Thai đại sư.
Hầu hết các sách tiếng Việt đều phiên tên ông là "Trí Khải". Tuy nhiên tên đúng của ông phải là Trí Di. Encyclopædia Britannica (Từ điển Bách khoa Britannica) đã viết rõ về vấn đề này như sau, trong mục từ Chih-i:
Pinyin Zhiyi, also called Chih-k'ai Buddhist monk, founder of the eclectic T'ien-t'ai (Japanese: Tendai) Buddhist sect, which was named for Chih-i's monastery on Mount T'ien-t'ai in Chekiang, China. His name is frequently but erroneously given as Chih-k'ai.

Source:
- Apocrypha by Kyoto Tokuno,
Encyclopedia of Buddhism (Editor in Chief: Robert E. Buswell.Jr)

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA LÁ CỜ PHẬT GIÁO

Hoang Phong

Phật giáo là một tôn giáo khiêm tốn, chú trọng vào tâm linh và trí tuệ, nhắm vào mục đích giải thoát con người khỏi thế giới biến động và khổ đau. Phật giáo không chủ trương tranh giành uy quyền, củng cố thế lực hay bành trướng ảnh hưởng trong thế giới Vô thường này. Phật giáo cũng không xem nặng hình thức màu mè và biểu tượng, như vậy thì lá cờ Phật giáo giữ vai trò gì và vị trí của nó như thế nào trong bối cảnh của Đạo Phật ngày nay. Suốt hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử Đạo Pháp, lá cờ Phật giáo đã xuất hiện từ lúc nào và ở đâu, ý nghĩa của nó là gì ?

Nguồn gốc lá cờ Phật giáo

Lá cờ Phật giáo mà ta thấy ngày nay ra đời vào năm 1880 ở Tích Lan (Sri Lanka). Người có ý kiến mang đến cho Phật giáo một lá cờ là một cựu đại tá quân đội Mỹ : Ông Henry Steel Olcoott.

Đặt chân đến Tích Lan lần đầu tiên vào năm 1879, ngay sau đó ông Olcoott đã hết sức say mê Phật giáo. Năm 1880 ông trở lại Tích lan và trình lên Ủy ban Phật giáo Colombo đề nghị tạo cho Phật giáo một lá cờ. Hình thức và màu sắc của lá cờ xuất phát từ trí sáng tạo của ông Olcoott, dựa vào sáu vòng hào quang của đức Phật và các màu sắc của cầu vồng. Lá cờ cũng tượng trưng cho Lục đạo, tức sáu đường tái sinh hay sáu thể dạng của tất cả chúng sinh trong cõi luân hồi.

Lá cờ được chính thức chấp nhận trên đất Tích lan vào dịp lễ Phật đản ngày 28 tháng 4 năm 1885. Tuy nhiên mãi đến ngày 25 tháng 5, năm 1950, trong lần hội nghị Phật giáo quốc tế ở thủ đô Colombo (Tích lan), với 26 quốc gia tham dự, thì lá cờ ngũ sắc mới được chính thức và nhất trí chấp nhận, nói lên sự thống nhất của Phật giáo thế giới.

Ngày nay, một lá cờ chung cho toàn thể Phật giáo - biểu tượng của Hòa bình, Từ bi và Trí tuệ, không phân biệt màu da và chủng tộc, không phân biệt giữa con người và tất cả những sự sống khác - đã phất phới trên lãnh thổ của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Ngày 24 tháng 2 năm 1951, tỳ kheo Thích Tô Liên, đại diện Ủy ban Phật giáo thế giới tại Việt Nam, đi dự hội nghị Colombo đã đích thân mang lá cờ quý báu này về cho quê hương chúng ta.

Hình thức lá cờ

Lá cờ hình chữ nhật, chia đều thành sáu phần theo chiều dọc. Màu sắc gồm các màu của cầu vồng, nhưng chỉ có năm màu được chọn : xanh dương, vàng nhạt, đỏ, trắng, cam (hay vàng nghệ), sọc thứ sáu của lá cờ tượng trưng cho sự tổng hợp của các màu vừa kể. Vì thế, sọc thứ sáu lập lại tất cả năm màu, nhưng xếp theo chiều ngang.

Lời đề nghị nguyên thủy của ông H.S. Olcoott giải thích về lá cờ này không tìm thấy, tuy nhiên văn bản giải thích hay tờ phác họa lá cờ của ông Olcoot có thể vẫn còn được lưu giữ trong văn khố của Tích lan (?). Bài viết này do đó chỉ dựa vào một số tư liệu Tây phương. Rất tiếc là trong các tài liệu này thì cách giải thích về màu sắc có vẻ kém mạch lạc hoặc dùng những từ không phù hợp với Đạo Pháp cho lắm. Ý nghĩa tượng trưng các màu sắc dựa theo các tài liệu ấy có thể được tóm lược như sau :

1) Màu xanh dương tượng trưng cho « Thiền định ».

2) Màu vàng nhạt tượng trưng cho sự « suy nghĩ đúng », có thể là « Chính tư duy » (?) trong Bát chính đạo.

3) Màu đỏ tượng trưng cho « sinh lực tâm linh » (?).

4) Màu trắng tượng trưng cho « đức tin » (?).

5) Màu cam hay màu nghệ tượng trưng cho « trí thông minh » (?), cũng có thể đây là « Trí tuệ » (?).

6) Màu thứ sáu, tổng hợp của các màu vừa kể, tượng trưng cho « hành vi không kỳ thị ».

Các tài liệu trên đây cũng có thể đã được căn cứ vào các lời đề nghị của ông Olcoott (?). Dù sao thì lá cờ cũng chỉ là một biểu tượng, và ý nghĩa mà ta gán cho nó là do nơi chúng ta. Ý nghĩa của lá cờ sẽ được đề cập rộng hơn trong phần thứ hai của bài viết.

Henry Steel Olcoott là ai ?

H.S. Olcoott thực ra cũng không phải là một người hoàn toàn vô danh. Ông sinh ngày 2 tháng 8 năm 1832 tại New Jersey (Hoa kỳ) trong một gia đình Tin lành rất kỷ cương và ngoan đạo. Ngay từ ngày còn nhỏ, cha mẹ ông đã khuyến khích ông quan tâm đến những vấn đề tâm linh. Cha của ông là một thương gia, nhưng vào năm 1951 thì gia đình bị phá sản và ông phải rời bỏ nhà trường. Sau một thời gian gián đoạn học hành và sống nhờ họ hàng ở tiểu bang Ohio, ông trở lại đại học và trở thành một chuyên gia canh nông. Ông viết báo và khảo cứu khoa học. Lấy vợ năm 1860, sinh được bốn con, nhưng sau đó thì hai vợ chồng lại ly dị vào năm 1874.

Khi cuộc nội chiến ở Mỹ bùng nổ thì ông gia nhập quân đội liên bang, giữ những chức vụ hành chính khá quan trọng. Đến năm 1865, ông xuất ngũ và quay ra học luật rồi trở thành luật sư và lại tiếp tục viết báo.

Năm 1874 đánh dấu một khúc quanh lớn trong cuộc đời của ông. Năm đó đã 42 tuổi, sau khi ly dị vợ, ông gặp một người phụ nữ rất lạ lùng và đặc biệt và hai người kết bạn với nhau. Đó là bà Helene Petrovna Blavatsky, một phụ nữ gốc người Nga, thuộc một gia đình thật quý phái – có lẽ còn quý phái hơn cả gia đình của Nga hoàng lúc bấy giờ. Bà rất quan tâm đến những vấn đề thần bí, đã từng chu du nhiều nơi trên thế giới, kể cả Ấn độ và Tây tạng và viết khá nhiều sách. Bà Blavatsky và ông Olcoott cùng với một người bạn nữa là William Quan Judge đứng ra thành lập hội Thông thiên học, một truyền thống bao gồm tất cả các tôn giáo. Ông Olcoott được bầu làm chủ tịch của hội này.

Năm 1878, trụ sở chính của hội Thông thiên học được chuyển từ Mỹ về Adyar, một vùng ngoại ô của tỉnh Madras ở Ấn độ. Trụ sở này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay. Tuy nhiên điều đáng nêu lên hơn hết là khi ông Olcoott và bà Blavatsky đến Tích lan ngày 16 tháng 5, năm 1880 thì họ được dân chúng thủ đô Colombo tiếp đón rất trọng thể vì họ đã được nghe danh ông từ trước. Ngày 25 tháng 5, ông Olcoott và bà Blavatsky đã đến quỳ gối trước một tượng Phật khổng lồ tại đền Wijananda và xướng lên bằng tiếng Pa-li những câu thệ nguyện về Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng) và Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói xằng bậy, không say sưa), để xin được quy y.

Dư luận thời bấy giờ thường gán cho ông cái biệt danh là người « Phật tử da trắng ». Thật vậy ông là một trong những người Mỹ đầu tiên đã quy y. Sau đó, mặc dù ông đến Tích lan nhiều lần và mỗi lần chỉ lưu lại trong một thời gian ngắn, ông đã thành lập được nhiều trường đại học Phật giáo, chẳng hạn như các Đại học Ananda và Nalanda, các trường Cao đẳng Phật học Dharmaraja và Visakha Vidyalaya…, tổng cộng gần 400 trường Phật học. Ông giúp người Tích lan phục hồi truyền thống Phật giáo, chống lại ảnh hưởng ngoại lai do thực dân Anh du nhập vào Tích lan. Ngoài ra ông lại còn cổ động cả phong trào chống lại thực dân Anh trên phần đất này. Tháng 7 năm 1880, ông rời Colombo như một vị anh hùng dân tộc của Tích lan. Sau đó ông quay trở lại vào những năm 1881, 1882 và 1884. Năm 1884, khi rời Tích lan ông đi thẳng đến Luân đôn và đòi chính quyền Anh phải thực thi sáu điều khoản ông đưa ra trong mục đích bênh vực người Phật giáo Tích lan bị ức hiếp và bị hạn chế sinh hoạt Phật sự ngay trên chính quê hương của họ. Chính quyền Anh quốc chỉ chấp nhận hai điều khoản mà thôi. Kể lại những tình tiết trên đây, người viết chỉ nhắm duy nhất vào mục đích trình bày nhiệt tâm của ông Olcoott đối với Đạo Phật nói chung và đối với người dân Phật giáo Tích lan nói riêng mà thôi. Chẳng những ông có công bênh vực và giúp hồi phục nền Phật giáo Tích lan mà lại còn mở đường cho Phật giáo trên đất Mỹ nữa.

Ông mất ngày 17 tháng 2 năm 1907 tại Adyar. Người ta đã đắp lên người ông một lá cờ Mỹ và một lá cờ Phật giáo rồi mang đi hỏa táng. Từ đó đến nay, 17 tháng 2 đã trở thành một ngày lễ của Tích lan. Học sinh, sinh viên, Phật tử cùng với các nhà sư cầm cờ Phật giáo đi diễn hành, đặt vòng hoa và lễ vật dưới chân đài tưởng niệm ghi nhớ công đức của ông. Ngày nay, một đường phố lớn ở Colombo thủ đô Tích lan vẫn còn mang tên ông.

Ý nghĩa của lá cờ Phật giáo

Cách giải thích các màu sắc của lá cờ như đã trình bày trong phần trên đây dựa vào một vài tài liệu bằng Pháp ngữ. Trong một số tài liệu bằng Anh ngữ thì cách giải thích có khác hơn đôi chút, tuy vẫn thiếu mạch lạc và không thống nhất. Sau đây là cách giải thích thường thấy :

1) Màu xanh dương tượng trưng cho Từ bi.

2) Màu vàng tượng trưng cho Trung đạo.

3) Màu đỏ tượng trưng cho Đạo đức.

4) Màu trắng tượng trưng cho Đạo Pháp vượt ra khỏi không gian và thời gian.

5) Màu cam tượng trưng cho Trí tuệ.

6) Màu tổng hợp (màu thứ sáu) tượng trưng cho Sự thật tuyệt đối.

Vì lý do có nhiều khác biệt trong ý nghĩa tượng trưng của màu sắc như đã trình bày, chúng ta cũng không nên quá chú trọng và câu nệ vào cách giải thích từng màu. Chúng ta hãy xem lá cờ Phật giáo tượng trưng cho ánh hào quang của Phật là đủ. Kinh sách kể rằng khi đức Phật đạt được Giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề thì thân của Ngài trở nên sáng ngời, tia sáng toả rộng trên đầu tạo thành một hào quang sáu màu rạng rỡ.

Lá cờ được chia thành sáu phần hay sáu sọc theo chiều dọc, tượng trưng cho sáu thể dạng của chúng sinh, tức Lục thú hay Lục đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, A-tu-la và thiên). Sọc thứ sáu, tổng hợp của năm màu, tượng trưng cho sự hòa đồng, không phân biệt giữa tất cả chúng sinh. Chẳng những lá cờ Phật giáo không mang tính cách kỳ thị về quốc tịch, màu da và chủng tộc giữa con người, mà còn chủ trương tôn trọng và hòa đồng tất cả mọi hình thức và dạng thể của sự sống.

Ta cũng có thể xem lá cờ Phật giáo là ánh sáng của cầu vồng. Màu sắc trên lá cờ là màu sắc của cầu vồng. Đối với Phật giáo Tây tạng, cầu vồng tượng trưng cho Báo thân (Sambhogakaya), tức hiện thân của Phật, hình tướng của Phật.

Sau hết, tất cả mọi người đều tìm thấy một chút màu cờ của quốc gia mình trên lá cờ ngũ sắc của Phật giáo. Lá cờ Phật giáo không dương lên để phân định hay đánh dấu một lãnh thổ nào cả, nó chỉ có thể kéo lên ở một nơi thật rộng lớn, một giang sơn không biên giới, vượt khỏi mọi sự tranh giành. Giang sơn đó là giang sơn của Từ bi và rộng lượng, của yêu thương và hy vọng. Giang sơn đó rộng lớn và mênh mông như không gian.

Lá cờ Phật giáo cũng không tượng trưng cho một chủ thuyết hay một niềm kiêu hãnh nào cả. Lá cờ Phật giáo là biểu tượng của Hoà bình, không hề nhuốm một giọt máu nào, dù là giọt máu của một sinh vật nhỏ nhoi và tầm thường nhất. Lá cờ Phật giáo được kéo lên để nhắc nhở chúng ta hãy hy sinh tất cả cho sự an vui và hạnh phúc của nhân loại và tất cả chúng sinh.

Lá cờ ấy cũng không kêu gọi và không khích động ta phải xông lên để đương đầu với một kẻ thù nào cả. Đối với người Phật tử, thì kẻ thù nguy hiểm và khó chế ngự nhất là kẻ thù đang ngự trị trong tâm thức của mình, đang ẩn nấp trong thân xác của chính mình. Kẻ thù ngự trị trong tâm thức là Vô minh, hận thù, tham lam và bám níu ; kẻ thù ẩn nấp trong thân xác là những bản năng thú tính của chính mình.

Kết luận

Một lá cờ nói chung, thực ra chỉ là một biểu tượng và ta có thể gán cho nó bất cứ một ý nghĩa nào ta muốn. Đối với lá cờ Phật giáo, rất có thể ta cũng nhìn thấy nó mang nhiều màu sắc vui mắt và xem nó như một vật trang trí ở cổng chùa, trước cửa nhà hay trên bàn thờ Phật.

Tuy nhiên biết đâu rằng, đến một lúc nào đó khi ta ngước nhìn lá cờ Phật giáo thì tâm thức ta bỗng nhiên sẽ bừng lên ánh hào quang của Phật, rạng rỡ và muôn màu.

Khi nhìn thấy lá cờ đột nhiên ta sẽ đồng loạt quán nhận được tất cả sáu thể dạng của chúng sinh : từ ngạ quỷ, quỷ đói đến súc sinh, từ con người đến thánh nhân và thiên nhân, không mảy may phân biệt, ghét bỏ, hận thù hay ganh tỵ. Tất cả chúng sinh và chính ta đều đang quờ quạng trong bóng đêm, như đang bước đi trong một giấc mộng du. Bỗng nhiên tâm thức ta bị khích động mãnh liệt bởi lòng Từ bi vô biên và ta ước mong được gieo rắc tình thương trên khắp sáu nẻo của luân hồi.

Hoặc cũng có thể khi nhìn lên lá cờ Phật giáo, tâm thức ta bỗng thấy cả một cầu vồng chan hòa ánh sáng nối liền tâm thức của mình với tâm thức của Phật.

Chỉ khi nào đạt được như thế thì có lẽ khi ấy ta mới mong có đủ sức mạnh để hiểu được hết ý nghĩa thật sự của lá cờ Phật giáo.

Bures-Sur-Yvette (Pháp quốc) 20.05.07

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA CHIẾC ÁO CÀ SA

Hoang Phong

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sakasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, tầm thường, và khiêm nhường nhất. Người đọc, nếu chưa có ý niệm gì về chiếc áo của một nhà tu Phật giáo, cũng có thể hơi ngạc nhiên khi đọc những điều vừa nêu trên đây.

Thật vậy, kẻ thế tục thường hay đồng hoá chiếc áo với người tu hành hay Đạo Pháp của Đức Phật vì họ chỉ thấy những biểu tượng hay những quy ước mà thôi. Họ có thể cho rằng Đạo Pháp hay người tu hành thì rất cao cả, nhưng chiếc áo thì lại rất tầm thường, hoặc đôi khi cũng có thể hiểu ngược lại là chiếc áo tượng trưng cho sự cao cả, còn nhà sư thì lại tầm thường. Tầm thường ở đây có nghĩa là khiêm tốn, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa đen là không xứng đáng để khoác lên người chiếc áo cà-sa. Bài viết không đề cập đến trường hợp theo nghĩa đen hiếm hoi này, tuy nhiên trên thực tế cũng có thể xảy ra được.

Ngày nay, nhiều tu viện lớn ở Miến điện vẫn còn giữ được truyền thống thật xưa, theo đó các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình chắp nối và may lấy áo để mặc. Mỗi người chỉ được phép có ba chiếc áo như thế, thêm một bình bát để khất thực và một bàn chải đánh răng, thế thôi. Đến đôi dép cũng không có vì họ đi chân đất, và có lẽ đây là một truyền thống rất lâu đời, từ thời Đức Phật còn tại thế. Tóm lại, chiếc áo cà-sa không bao giờ mang màu sắc sặc sỡ, kết ren hay thêu thùa. Chiếc áo của người tu hành không phải là một hình thức để tạo ra ảo giác, không được dùng để loè mắt những người thế tục…Chiếc áo cà-sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và tầm thường nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên đồng thời, chiếc áo cà-sa lại cũng là biểu tượng của Đạo Pháp, do đó cũng tượng trưng cho những gì cao cả, thâm sâu và thiêng liêng nhất, vượt lên trên sự hiểu biết quy ước của chúng ta.

Trên thực tế thì ngày nay chiếc áo cà-sa đã biến đổi ít nhiều tùy theo phong thổ, tập quán, chủng tộc, học phái…Nhưng dù cho có biến đổi thế nào đi nữa thì chiếc áo cà-sa vẫn giữ được ý nghĩa nguyên thủy của nó : sự đơn sơ, khiêm nhường, trân quý và cao cả.

Bài viết này sẽ lần lượt chọn hai thí dụ điển hình, một thuộc Nam tông và một thuộc Thiền học trong Bắc tông để trình bày những biến đổi từ quan niệm đến hình thức của chiếc áo cà-sa, và sau đó sẽ lạm bàn xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo ấy.

Nguồn gốc, tên gọi và những biểu tượng của chiếc áo cà-sa

Theo Luật Tạng (Vinaya), Tăng đoàn của Phật lúc ban đầu ăn mặc không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Đúng vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà đang du hành ở phương Nam để thuyết giảng. Phật nhìn thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những con đê tăm tắp, liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Vì thế, trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn gọi là Cát triệt y hay Điền tướng y, mảnh áo mang hình những thửa ruộng, tượng trưng cho sự phong phú và phúc hạnh.

Câu chuyện này cũng đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của sự biến dạng. Cách so sánh khá thi vị trên đây đòi hỏi đến trí tưởng tượng và những ước mơ phù hợp với các tiêu chuẩn và quan niệm quy ước về hạnh phúc và giàu sang của thời đại bấy giờ, nghĩa là không có gì là Đạo Pháp cả. Như đã trình bày trong phần nhập đề, chiếc áo cà-sa gồm nhiều mảnh ráp lại vì đó là những mảnh vải vụn nhặt được ở bãi tha ma, tượng trưng cho những gì tầm thường nhất và cũng để nhắc nhở người tu hành về tấm thân vô thường của họ.

Tiếng Hán còn gọi chiếc áo cà-saĐoạn phục, Pháp y, Nhẫn nhục khải, Giải thoát chàng, Cà-sa-duệ, Già-sa-dã…, các chữ này hàm chứa một ý nghĩa đại cương là dứt bỏ, bất chính, ô uế, nhiễm bẩn, có màu xích sắc (màu đỏ)… Theo sách tiếng Hán, áo không bắt buộc phải nhuộm bằng một màu nhất định nào cả, chỉ cần tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, và đồng thời có thể pha trộn nhiều màu với nhau để tạo ra một màu xích sắc thật bẩn thỉu, đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ kasaya trong tiếng Phạn. Áo gồm nhiều mảnh, có thể mỗi mảnh một màu, vì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu lại với nhau. Ngày nay tùy theo học phái, địa phương, phong tục, khí hậu…mà chiếc áo cà-sa cũng biến dạng đi, từ cách may cho đến màu sắc : màu vàng ở Ấn độ và các nước theo truyền thống Nam tông ; các màu vàng, màu lam, nâu, nâu đỏ (nhuộm bằng vỏ cây mộc lan, hay củ nâu) như ở Việt Nam và Trung quốc ; màu lam ở Hàn quốc ; màu đen hay nâu đen (màu trà) ở Nhật ; màu vàng nghệ hay nâu đỏ ở Tây tạng…Nói chung có ba màu chính gọi là như pháp cà-sa sắc tam chủng (ba màu sắc của áo cà-sa theo phép quy định) : tức màu gần như đen (màu thâm, màu bùn dất), màu xanh (màu rỉ đồng), màu gần như đỏ (màu hoa quả).

Pháp y của người tu hành gồm có ba loại : Đại, Trung và Tiểu. Loại nhỏ, Tiểu y, gọi là An-đà-hội (Antarvasaka), áo này gồm có năm mảnh ráp lại (ngũ điều). Áo kiểu Trung gọi là Uất-đa-la-tăng (Yttara-Samgha) gồm có bẩy mảnh (thất điều). Áo kiểu rộng, Đại y, gọi là Tăng-già-lê (Samghati), gồm chín mảnh (cửu điều). Trên đây là các loại áo cà-sa có gốc từ Ấn độ. Tùy theo xứ lạnh hay nóng bức, những nơi giá rét có thể mặc áo tiểu và trung bên trong, rồi mặc thêm áo cửu điều bên ngoài.

Chiếc áo cà-sa dùng để che thân, để đắp, để gối đầu hoặc để gấp lại và ngồi lên đó như một tọa cụ. Kinh Bát-nhã có kể chuyện Phật cùng với các đồ đệ sau khi khất thực về, ăn xong, Phật tự lau rửa bình bát, sau đó tự tay xếp áo cà-sa làm tọa cụ và ngồi lên đó để thuyết giảng. Có khi các đồ đệ lấy áo của mình xếp chồng lên nhau để Phật ngồi.

Công dụng của chiếc áo cà-sa thiết thực như thế, nhưng dần dần người ta gán thêm cho nó nhiều đức tính khác nữa. Kinh Bi hoa kể chuyện áo Cà-sa ngũ đức và kể các đức ấy ra như sau : 1. Người thế tục nếu biết kính trọng cà-sa sẽ tiếp nhận được Tam Thừa (tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừaBồ-tát thừa), 2. Thiên long nhân quỷ nếu biết kính cà-sa cũng đắc Tam thừa, 3. Quỷ thần và chúng sinh chỉ cần bốn tấc vải của chiếc áo cà-sa cũng được no đủ, 4. Chúng sinh hằng tâm niệm về chiếc áo cà-sa sẽ phát sinh được lòng Từ bi, 5. Giữa nơi trận mạc, nếu có được một mảnh nhỏ áo cà-sa và biết cung kính mảnh áo ấy cũng thắng trận. Một quyển kinh khác là Tâm địa quán kinh lại nêu lên đến mười điều lợi của chiếc áo cà-sa và gọi là Cà-sa thập lợi : 1. Che thân khỏi thẹn ngượng, 2. Tránh ruồi muỗi, nóng rét, 3. Biểu thị các tướng tốt của người xuất gia, 4. Kho chứa châu báu (tức Diệu Pháp của Phật), 5. Phát sinh nghị lực gìn giữ giới hạnh, 6. Màu nhạt bẩn không làm phát sinh lòng ham muốn, 7. Mang đến sự thanh tịnh, 8. Tiêu trừ tội lỗi, 9. Mảnh đất tốt làm nẩy sinh Bồ-đề tâm, 10. Giống như áo giáp, mũi tên phiền não không đâm thủng được.

Kể lể dài dòng như trên đây chẳng qua vì mục đích muốn nêu lên một thí dụ điển hình trong việc thêm thắt và biến dạng đối với ý nghĩa của chiếc áo cà-sa. Chẳng hạn như đức tính thứ năm do Kinh Bi hoa kể : « nơi trận mạc, nếu có một mảnh nhỏ cà-sa và biết cung kính cũng thắng trận », đức tính này có lẽ không phù hợp lắm với Đạo Pháp của Phật. Dù sao cũng xin phép được tiếp tục kể thêm rằng một vài kinh sách gốc Hán đã đặt cho chiếc áo cà-sa đến mười hai danh hiệu khác nhau và gọi là Cà-sa thập nhị danh : 1. Cà-sa, 2. Đạo phục (áo của người tu hành), 3. Thế phục (áo của người xa lánh thế tục), 4. Pháp y (áo đúng theo quy định trong Đạo Pháp), 5. Ly trần tục (áo xa lánh lục trần), 6. Tiêu sấu phục (áo có khả năng tiêu trừ phiền não), 7. Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn nhơ), 8. Gián sắc phục (áo đem nhuộm cốt ý làm hư hoại màu sắc), 9. Từ bi phục (áo của người thực thi đức Từ bi), 10. Phúc điền phục (áo gồm nhiều mảnh giống như những mảnh ruộng tượng trưng cho sự giàu có và phúc hạnh), 11. Ngọa cụ (áo dùng để lót lưng khi nằm), 12. Phu cụ (áo dùng làm chăn để đắp).

Tiếp theo ta hãy tìm hiểu ý nghĩa chiếc áo cà-sa trong hai trường hợp điển hình là Nam tông và Thiền tông.

Lễ Dâng y của Nam tông

Một trong những lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của Nam tông là lễ Dâng y trong dịp kiết hạ. Sau thời gian ba tháng an cư trong mùa mưa là lễ kiết hạ. Lễ kiết hạ đánh dấu ngày chấm dứt ẩn cư, tức thời gian không được phép đi ra ngoài của các tỳ kheo. Người Nam tông làm lễ này rất long trọng và gọi là lễ Dâng y hay Kathina. Thật sự chữ kathina trong tiếng Pali (tiếng Phạn là kathinya) không có nghĩa gì là áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững chắc và trong ngôn ngữ Pali chữ này lại có một nghĩa nữa là cái khung để dệt vải hay căng vải để may áo.

Trong dịp lễ này, Phật tử dâng vải cho Tăng đoàn may áo cà-sa. Trước khi dâng, vải và các vật cúng dường khác được đặt vào mâm rồi đội lên đầu đi diễn hành trong thôn xóm, làng mạc trước khi đến Chùa để dâng lên các tỳ kheo. Các tỳ kheo phải chia nhau may cắt và phải may cho xong chiếc áo trong một ngày. Tục lệ này được đặt ra để nhắc lại sự tích người mẹ nuôi của Đức Phật, cũng là người Dì tức là em của mẹ Đức Phật, tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cồ-đàm-di (Mahaprajapati Gautami), đã từng thức suốt một đêm để hoàn tất chiếc áo cho Phật. Khi Phật sinh ra đời được bẩy ngày thì mẹ mất, người Dì đứng ra chăm sóc cho Phật. Sau này, khi Phật đạt được Giác ngộ, Bà đã xin quy y và thành lập Tăng đoàn các Tỳ kheo ni, vì thế Bà cũng là Ni sư đầu tiên của Phật giáo.

Quy luật an cư cần phải có tối thiểu năm tỳ kheo cho mỗi nhóm, và được hưởng một khúc vải dài độ ba thước. Theo nghi lễ, cả nhóm họp lại để cắt may, xong áo thì tặng cho tỳ kheo nào nghèo nhất, hoặc cho người nào thông thái nhất hay lớn tuổi nhất trong nhóm. Khi may xong, áo được căng lên một cái khung (kathina) rồi mời mọi người đến chiêm ngưỡng. Áo này được gọi là mahakathina. Sau đó, khung căng áo được tháo ra để tượng trưng cho sự nới lỏng một vài giới luật đối với các tỳ kheo. Nhưng trước đó trong suốt thời gian an cư, phải giữ khung căng áo nguyên vẹn vì là biểu tượng của giới luật phải giữ gìn. Vì thế, lễ kiết hạ của Nam tông mang tên là kathina tức là sự chặt chẽ, vững chắc đúng theo nghĩa của chữ này trong tiếng Phạn và tiếng Pali.

Trên đây là những tục lệ và ý nghĩa được thêm thắt và tô điểm qua thời gian. Kinh sách tiếng Pali có kể một câu chuyện như sau. Trước mùa an cư, có một nhóm tỳ kheo độ chừng ba mươi đến năm mươi người họp nhau cùng đi đến thành Xá-vệ (Savatthi) để được an cư bên cạnh Phật. Trên đường đến Xá-vệ thì không may họ gặp mưa bảo triền miên, đi đứng khó khăn, cho nên khi đến được Xá-vệ thì quần áo rách nát tả tơi và hạn an cư ba tháng đã chấm dứt. Khi thấy nhóm tỳ kheo đến trễ, quần áo tả tơi, Đức Phật bèn quyết định tạm thời lưu giữ toàn thể Tăng đoàn ở lại để vá hoặc may quần áo mới, do đó đã nới lỏng một vài giới luật. Cũng có một cách giải thích khác là tháng đầu tiên sau khi kiết hạ là tháng dành cho việc may mặc, vì thế nên một vài điều luật được tạm thời nới lỏng trong thời gian này để các tỳ kheo lo việc may áo cà-sa. Tuy rằng ngày nay, việc may mặc không còn là một mối quan tâm cho người tu hành, nhưng thói tục vẫn còn giữ để bảo tồn sự tương trợ giữa các tỳ kheo với nhau, giúp nhau trong việc may vá. Về phía người thế tục, thì họ cúng dường vải vóc để tự nhắc nhở phải nghĩ đến những khó khăn và thiếu thốn của người xuất gia.

Các câu chuyện trên đây cho thấy những biến dạng trong ý nghĩa của chiếc áo cà-sa đối với Nam tông. Tuy là những ý nghĩa thêm thắt nhưng vẫn giữ được truyền thống lâu đời. Những thêm thắt đó đã củng cố và tô điểm thêm cho Đạo Pháp và nhất là bày ra những tục lệ giúp một cách thiết thực vào việc tu hành.

Chiếc áo cà-sa và Thiền tông

Trước khi tịch diệt, Phật trao y bát cho người đệ tử uyên bác, kỷ cương và đạo hạnh nhất là Ma-ha Ca-diếp và khuyên bảo các tỳ-kheo khác sau này nên nghe theo những lời hướng dẫn của Ca-diếp. Thật ra khi Ma-ha Ca-diếp gặp Phật lần đầu, Phật đã trao áo của Ngài cho Ma-ha Ca-diếp rồi. Lúc ấy Phật đi từ thành Vương-xá (Rajagrha) đến địa phận Na-lan-đà, Ma-ha Ca-diếp gặp Phật đang đi trên đường và nhận ra ngay chính đây là Đức Thế Tôn. Ma-ha Ca-diếp phủ phục dưới chân Phật. Phật tuyên bố đây chính thực là một đệ tử của Ngài. Phật cởi áo để trao đổi với Ca-diếp và sau đó đã thuyết giảng riêng cho Ca-diếp. Nhờ thế chỉ tám ngày sau Ca-diếp đắc quả La-hán. Nhưng cũng nên hiểu rằng ngài Ca-diếp đã có căn tu trừ trước, đã dốc lòng tu tập trước khi gặp được Phật. Kinh sách kể chuyện ngài bỏ nhà đi tìm Đạo đúng vào ngày Đức Phật đạt được Giác ngộ. Sau này khi Đức Phật tịch diệt, chính ngài Ca-diếp đứng ra tổ chức lần kết tập đầu tiên những lời giảng huấn của Phật. Ma-ha Ca-diếp sống rất thọ, theo Kinh Tăng nhất A-hàm, Ma-ha Ca-diếp trèo lên hang Thạch đầu ở núi Kì-xà-quật (Kukkutapada) khoác lên người chiếc áo cà-sa của Phật rồi thệ nguyện rằng xác thân này sẽ không hư nát cho đến khi nào Phật Di Lặc hiển hiện để cứu độ chúng sinh. Sau lời phát nguyện, Ma-ha Ca-diếp nhập vào Niết bàn.

Một lần ở núi Linh thứu, trong một buổi đăng đàn, Đức Thế Tôn không thốt lên một lời nào cả, chỉ cầm một cánh hoa đưa lên cho mọi người xem. Tất cả đều ngơ ngác không ai hiểu gì, chỉ có một mình Ma-ha Ca-diếp nét mặt bừng tỉnh và mỉm cười. Truyền thuyết này gọi là « Niêm hoa vi tiếu » (cầm hoa mỉm cười), nêu lên khái niệm về sự tinh tế và cao siêu của Giác ngộ không thể trình bày hay diễn đạt bằng lời nói được. Yên lặng tượng trưng cho sự quán nhận trực tiếp, vượt lên trên ngôn từ và sự hiểu biết quy ước của chúng ta. Đây cũng là một đặc thù của Thiền học, và cũng vì thế ngài Ca-diếp được xem là tổ thứ nhất của Thiền tông trên đất Ấn.

Ngài Ma-ha Ca-diếp về sau lại trao y bát của mình cho A-nan-đà. Tục lệ truyền thụ này tiếp tục trên đất Ấn cho đến tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma (~470-543), tức là đã kéo dài gần một ngàn năm sau khi Phật tịch diệt. Khi Bồ-đề-đạt-ma sang truyền giáo ở Trung quốc, ngài lại trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền tông trên phần đất này. Tục lệ truyền y bát tiếp tục trên đất nước Trung hoa cho đến tổ thứ sáu là ngài Huệ Năng (638-713), tức là được thêm khoảng hai trăm năm nữa.

Y bát của tổ thứ năm và ngài Huệ Năng

Ngài Hoằng Nhẫn (601-674), tổ thứ năm của Thiền tông Trung quốc, trao chiếc áo cà-sa tượng trưng sự lãnh đạo tông phái cho ngài Huệ-Năng, vì Huệ Năng là người thấu hiểu sâu xa hơn hết về Thiền học trong số các môn đồ trong tông phái. Huệ Năng kính cẩn tiếp nhận chiếc áo cà-sa cao quý ấy và đồng thời cũng hiểu rằng khi nhận lãnh chiếc áo tượng trưng cho sự lãnh đạo và uy quyền này thì cũng khó tránh khỏi sự ganh tỵ và tranh chấp trong Tăng đoàn. Ngài Hoằng Nhẫn cũng ý thức được điều ấy, nên khi trao chiếc áo cho Huệ Năng đã khuyên Huệ Năng bỏ trốn về phương Nam, và nhất là sau này không nên truyền thụ y bát nữa.

Hừng đông, Huệ Năng khoác lên người một chiếc áo rách để hóa trang, ôm chặt cái bọc gói chiếc áo cà-sa của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, lẻn ra khỏi chùa và cắm cổ đi miết về phương Nam. Đi suốt mấy ngày liền, khi đến vùng núi Đại châu Huệ Năng bỗng nghe thấy tiếng ồn ào phía sau liền ngoảnh cổ lại để nhìn và giật mình hoảng hốt vì có hàng trăm người đang hò hét đuổi theo. Dẫn đầu đám đông là sư Huệ Minh, một cựu võ quan đi tu, chính là người muốn cướp đoạt chiếc áo cà-sa của ngũ tổ. Đám đông càng lúc càng gần, Huệ Năng thì vừa mệt lại vừa đói không còn đủ sức để chạy thêm được nữa, ông liền để cái bọc áo cà-sa lên một tảng đá rồi ngẩng cổ hướng về phía đám đông và nói lớn lên như sau : « Chiếc áo cà-sa tượng trưng cho việc Hoằng Pháp. Tại sao các ông là đám người thế tục lại muốn cướp nó ? Cướp giữ chiếc áo cà-sa nhưng thiếu chính Pháp, chẳng qua cũng như một cánh hoa phản chiếu trong gương mà thôi ». Nói xong Huệ Năng tìm một bụi rậm bên đường chui vào để trốn.

Huệ Minh chạy đến thấy cái bọc áo cà-sa, mừng quá liền ôm lấy, nhưng cái gói lại dính chặt vào tảng đá, không thể nào gỡ ra, hoặc kéo lên được. Huệ Minh bổng nhiên cảm nhận được sức mạnh vô biên của Đạo Pháp, liền chui vào bụi rậm tìm Huệ Năng và phủ phục dưới chân Huệ Năng xin được thọ giáo.

Câu chuyện lại tiếp tục như sau. Huệ Năng rời Huệ Minh và tiếp tục đi về phương Nam. Huệ Năng đến thôn Tào khê, thuộc quận Thiều châu, tá túc ở chùa Bảo lâm. Nhiều tháng sau, vào một đêm tối, có một đám đông gồm nhiều nhà sư, đầu đội mũ sùm sụp, kéo đến đập cửa sau của chùa và hét to lên : « Này Huệ Năng, ngươi phải đưa chiếc áo cà-sa cho chúng ta. Nếu không sẽ có chuyện to đấy ». Trong chùa, Huệ Năng sợ quá, ôm bọc áo tông cổng trước mà chạy. Huệ Năng phăng phăng trèo lên một ngọn đồi gần chùa, nhìn xuống thấy đám đông đốt đuốc đuổi theo, họ chạy nối đuôi nhau, ngoằn ngoèo như một con rắn lửa đỏ rực. Huệ Năng thì mệt lả không còn chạy được nữa, liền chui vào một khe đá để trốn. Một lúc lâu, không nghe động tịnh gì, ông thò đầu nhìn ra. Nhưng lúc ấy cả ngọn đồi đã cháy rực như một biển lửa. Đám đông, vì không tìm thấy ông, nên nổi lửa đốt ngọn đồi và tin rằng Huệ Năng thế nào cũng phải chui ra.

Trong tình huống dầu sôi lửa bỏng như thế, Huệ Năng vẫn không cảm thấy sợ hãi cho thân mình, chỉ nghĩ đến việc phải bảo vệ chiếc áo mà thôi. Ông bỗng chợt nhớ đến trước đây Huệ Minh không thể nhấc được chiếc áo lên khỏi tảng đá và ông tin rằng chiếc áo này là biểu tượng của sức mạnh Đạo Pháp, không thể nào cháy được. Ông liền bình thản mở cái bọc và khoác lên người chiếc áo cao quý ấy rồi tọa thiền trên một tảng đá. Sau khi nhập thiền, Huệ Năng cảm thấy thân xác nặng thêm, lún sâu vào đá, cảnh tượng hãi hùng biến mất, lửa tắt, khỏi đen và bụi mù cũng tan biến hết. Cảnh vật chung quanh bỗng nhiên trở nên êm ả một cách lạ thường.

Tọa thiền như thế thật lâu, bất chợt Huệ Năng cảm thấy có những tia sáng xuyên vào mắt. Ông mở mắt ra thì mặt trời đã lên cao, cây cỏ chung quanh và trên khắp ngọn đồi đã bị cháy sạch, tro bụi khắp nơi. Chiếc áo cà-sa bám đầy tro nhưng vẫn giữ được vẽ rạng rỡ. Huệ Năng đứng lên, nhưng lại hết sức ngạc nhiên nhận thấy trên mặt tảng đá nơi ông ngồi bị lún sâu, in dấu hai đầu gối và mông của ông lúc tọa thiền, nhìn kỹ hơn lại thấy cả vết vạt áo, vết vải và đường chỉ khâu nữa. Trước cảnh tượng đó, Huệ Năng bất thần chứng ngộ được sức mạnh của Đạo Pháp.

Chiếc áo cà-sa và Thiền học Zen

Sau đây lại xin kể tiếp các chuyện khác về chiếc áo cà-sa trong Thiền tông, đặc biệt là Thiền phái Zen của người Nhật. Người Nhật gọi chiếc áo cà-saokesa hay kesa, chữ này cũng có gốc từ chữ Phạn kesaya. Chữ okesa trong tiếng Nhật có nghĩa là miếng vải thừa vứt bỏ, dính bẩn hay hư hoại. Người Nhật tu Thiền còn gọi chiếc áo kesa là « Fukuden-e », chiếc áo của Phúc hạnh, hoặc « Mu soo », chiếc áo « Vô tướng » hay « Không hình tướng », tức chiếc áo của một người « Vô ngã », tự tay khâu lấy cho mình và mặc lên một thân xác « không mang một dấu hiệu gì cả ». Người tu Thiền có ba chiếc áo kesa, một chín mảnh, một bẩy mảnh và một năm mảnh. Chiếc áo năm mảnh được biến dạng và trở thành một vật tượng trưng gọi là rakusu dành cho người xuất gia và cho cả hàng cư sĩ, tức những người tu tại gia.

Đại khái tùy theo học phái, rakusu gồm năm mảnh vải màu nâu hay màu lam, khâu ráp vào nhau, có viền vải chung quanh thành hình vuông hay chữ nhật, sau cùng lại khâu thêm một quai bằng vải. Vì thế, rakusu giống như một cái túi khá rộng, quai dùng để đeo vào cổ, tấm rakusu giấu vào bên trong áo hoặc để ra trước ngực, tượng trưng cho chiếc áo cà-sa. Mặt sau của tấm rakusu có lót thêm một lớp lụa màu trắng hay màu ngà. Vị Thầy của người xin quy y ghi pháp danh của người này lên mặt lụa, viết thêm một câu thơ hay một công án, tất cả đều bằng chữ Hán, rồi ký tên và đóng triện lên đó.

Điều đáng nêu lên là người xin quy y trong Thiền tông Zen phải tự may tấm rakusu cho mình, giống như người tỳ kheo Nam tông phải tự may chiếc áo cà-sa để mặc. Tục lệ này cũng được bảo tồn và tôn trọng trong các tu viện Thiền học tại các nước Tây phương. Nếu người đọc có dịp chứng kiến cảnh tượng những người Tây phương, trong số này có những giáo sư Đại học, những nhà Khoa học lừng danh, các Bác sĩ nổi tiếng ghi tên vào những khoá thực tập để may tấm rakusu trước khi xin quy y, thì có thể quý vị ấy sẽ cảm động lắm. Họ chăm chỉ may từng mũi kim, ráp từng mảnh vải. Khâu hỏng, đường chỉ không thẳng… họ lại tháo ra để may lại. Đó cũng là cách tập chú tâm trong Thiền học, nhưng điều đáng nêu lên chính là sự hiển lộ của Đạo Pháp trong từng cử chỉ, hành vi và trong quyết tâm của họ.

Người cư sĩ, không có cái may mắn của một người xuất gia, đành an phận với tấm rakusu, đeo vào cổ hoặc dấu trong ngực áo để nhắc nhở họ phải giữ giới và để che chở cho tâm thức họ. Trước khi đeo vào cổ thì họ phải đặt tấm rakusu lên đầu và đọc một câu kinh. Khi cởi ra, tấm rakusu phải được gấp lại thật cẩn thận, cất trong một túi vải nhỏ, hay gói trong một miếng vải sạch và đặt lên bàn thờ Phật. Đạo Nguyên (Dogen) nói rằng :

« Áo mặc của kẻ thế tục làm gia tăng dục vọng – nhưng tấm áo của Phật, tấm áo của một sinh linh Giác Ngộ, sẽ nhổ bỏ tận rễ tất cả những dục vọng đó ».

Để tiếp tục nêu lên ý nghĩa của chiếc áo cà-sa trong Thiền học, thiển nghĩ chúng ta cũng nên trích dẫn thêm những câu khác của Đạo Nguyên (1200-1253), một đại thiền sư và cũng là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nước Nhật. Ông sang Trung Quốc tầm Đạo năm 1223, thọ giáo với thiền sư Trường Ông Như Tịnh (Tiantong Rujing,1163-1228) thuộc tông phái Tào động. Ông ngộ được Thiền, trở về Nhật năm 1227 và phát triển dòng Tào động trên quê hương của ông. Trong tập luận nổi tiếng của ông là Chính Pháp nhãn tạng (tiếng Nhật : Shobogenzo), Đạo Nguyên đã phát biểu về chiếc áo cà-sa như sau:

« Những ai đã Giác Ngộ đều tôn kính chiếc áo cà-sa, tin tưởng nơi chiếc áo đó. Họ xem đó là chiếc áo của giải thoát, một cánh đồng của phúc hạnh, một mảnh áo vô tướng, mảnh áo của Như Lai, mảnh áo của Anuttarak Samnyak Sambodhi (hoàn toàn Giác Ngộ, hoàn hảo và không có gì so sánh được) »

Sau đây là một câu khác của ông trong tập Chính Pháp nhãn tạng, dùng để nhắc nhở những người quy y :

« Tư tưởng của con người không bao giờ ngưng đọng, vì những tư tưởng ấy sinh ra và chết đi trong từng khoảnh khắc ; thân xác con người cũng thế, sinh ra rồi biến đi trong từng giây phút một.

Chiếc áo cà-sa không phải là một sáng chế của con người, nó cũng chẳng phải không phải là một sáng chế của con người ; nó không đứng lại ở một nơi nào cả, nhưng chẳng có một nơi nào mà nó không dừng lại, và Sự Thực tuyệt đối của chiếc áo cà-sa chỉ có chư Phật mới hiểu được mà thôi. Tuy nhiên, đối với những người tu tập trên đường Đạo Pháp, những gì xứng đáng do chiếc áo cà-sa mang đến cho họ thì vô tận, không bao giờ khô cạn (...).

Trong thế giới này chiếc áo cà-sa luôn luôn hiện đại và cập nhật hoá. Sự hiện thực trong một giây phút cũng là sự hiện thực của vô biên. Trong giây phút này, chúng ta đang có cơ duyên tuyệt vời không những được nghe nói về Đạo Pháp, nhưng hơn thế nữa ta còn được trông thấy, xem xét và tiếp nhận chiếc áo cà-sa này.

Cơ duyên ấy cũng giống như ta được nhìn thấy Đức Phật tận mắt, nghe được chính Tiếng nói của Đức Phật. Cơ duyên ấy chính thực là sự truyền thụ của Tâm thức Phật, tiếp nhận được thân xác và cốt tủy của Phật ».

Sau đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu sâu xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa.

Lạm bàn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

Như chúng ta vừa nhận xét trên đây về những biến đổi từ hình thức cho đến ý nghĩa của chiếc áo cà-sa qua thời gian, không gian, nhưng những biến đổi đó vẫn luôn luôn giữ được truyền thống và phong cách từ hàng ngàn năm suốt trong lịch sử Phật giáo, từ những tục lệ của Nam tông cho đến những hình thức mang tính cách tượng trưng trong Thiền tông. Tất cả đều không đi ra ngoài Đạo Pháp.

Thật vậy, người xuất gia khoác lên người chiếc áo cà-sa để giúp họ tự giữ giới, nhắc nhở họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám víu… Chiếc áo ấy mang lại an lạc cho họ, giúp họ phát lộ lòng Từ bi, gia tăng thêm tinh tấn, sức mạnh và Trí tuệ.

Tuy nhiên phần đông chúng ta là những kẻ thế tục, những cư sĩ tại gia, chúng ta không có cái may mắn, cái cơ duyên tốt lành của một người xuất gia, hãnh diện được khoác lên người chiếc áo cao quý của Đạo Pháp. Chúng ta trần trụi và hở hang như những con sâu, phơi bày thân xác trước phong ba và bão táp, làm mồi cho những hiểm nguy của cõi dục giới và luân hồi. Như vậy thì chúng ta phải làm sao bây giờ ?

Không được mặc lên người, nhưng chúng ta hãy cố gắng khoác lên tâm thức mình một chiếc áo cà-sa, một manh áo bạc màu, một manh áo mà ta tự khâu lấy bằng những mảnh vải vụn vứt bỏ mà ta mót nhặt từ những cảnh nghèo nàn và khổ đau chung quanh ta. Một manh áo tuy khiêm tốn, nhưng chúng ta hãy xem đó là manh áo của Đạo Pháp, ngay thật và tinh khiết, rạng ngời và cao cả. Dù bước ra đường với một chiếc áo thật hợp thời trang, đắt tiền và thật đẹp, nhưng ta vẫn không hãnh diện bằng chiếc áo bạc màu mà ta khoác lên tâm thức. Hoặc nếu kém may mắn hơn, khi phải bước ra đường với một chiếc áo vá nghèo nàn trên thân xác, ta cũng không nên xấu hổ mà vẫn ngẩng đầu cao, vì bên trong ta, chiếc áo cà-sa trong tâm thức thật là rạng rỡ.

Chiếc áo cà-sa khoác lên tâm thức sẽ che chở cho ta trong cuộc sống bon chen, đầy tham vọng, lừa đảo, hận thù và hung bạo. Nó ngăn chận không cho ta hung dữ và hận thù. Trong lúc bước chân ra đường, khi hòa mình với xã hội, thông thường ta chỉ xét đoán con người qua hình dạng và phong cách bên ngoài, qua phấn son, quần áo, chức vị, cử chỉ, ngôn từ…, phản ảnh một phần nào tâm thức của họ. Nhưng ta không thấy được những gì sâu kín trong tâm hồn họ. Có những người ăn mặc sang trọng, chải chuốt, phấn son loè loẹt, nhưng tâm hồn họ trần truồng, dơ bẩn, đầy lo âu và hổ thẹn. Có những người nghèo khó, cực khổ, nhưng tâm hồn họ thật an vui, kín đáo, sạch sẽ và nhân từ.

Trên đây chỉ là hai trường hợp cực đoan và tiêu biểu mà thôi. Thế gian này thật phức tạp vì có đủ mọi hạng người, pha trộn rất nhiều đức tính và những sai lầm u mê khác nhau. Thế giới ta bà hay luân hồi gồm có ba cõi : dục giới, sắc giớivô sắc giới. Tất cả chúng sinh còn vướng mắc trong luân hồi đều sống chung đụng bên cạnh nhau trong ba cõi ấy : từ súc sinh, quỷ đói, con người, cho đến thánh nhânthiên nhân. Do vậy ta hãy quyết lòng khoác lên tâm thức ta một chiếc áo cà-sa thật tinh khiết để nhìn thấy những thánh nhân và thiên nhân chung quanh ta và để được đến gần với họ. Họ sẽ tập cho ta cởi chiếc áo cà-sa trong tâm thức để khoác lên thân xác những ai đang trần truồng và hổ thẹn, để lau nước mắt cho những người đang khổ đau và băng bó vết thương cho những sinh linh bị hành hạ. Tất cả chúng sinh ấy đang hiện diện chung quanh ta, những cũng may mắn thay, thánh nhân cũng đang ở bên cạnh ta để nhắc nhở ta những việc phải làm.

Tóm lại, chiếc áo cà sa trong tâm thức, trước hết cũng không khác gì một bức rào ngăn chận những hành vi mê lầm và phạm giới của ta, và sau đó lại trở thành một bức tường thành kiên cố mang lại sự an lạc cho ta. Thế nhưng ta cũng phải biết cởi chiếc áo cà-sa ấy từ tâm thức để khoác lên thân xác của những ai cần đến, biết dựng lên cho kẻ khác một bức rào ngăn chận những hành vi phạm giới của họ và xây lên một bức tường thành để bảo vệ sự an vui cho họ.

Nhưng tu tập có phải là dừng ở đấy hay không ? Giữ giới và phát lộ lòng Từ bi, tuy cực kỳ quan trọng và cần thiết nhưng thật ra chỉ là giai đoạn đầu. Từ bi phải đưa đến Trí tuệ, Trí tuệ đưa đến Giác ngộ và Giác ngộ sẽ đưa đến Giải thoát. Con đường còn dài và thật dài. Ta hãy thử tiếp tục lạm bàn xa hơn về chiếc áo cà-sa.

Lạm bàn xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

Để mở đầu phân đoạn này, xin trích dịch bốn câu thơ của thiền sư người Nhật là Suzuki Shosan (1579-1655) như sau :

Cùng nhau đi trong mưa Như Lai,

Cà-sa ướt sũng cả đôi vai.

Ô kìa, trên những tàu lá sen,

Chẳng có một giọt nào đọng lại.

Cũng xin trích thêm ra đây một vài câu thơ của Thiền sư Ryokan (1758-1831). Thiền sư Ryokan là một nhà thơ, một thiền sư ngoại lệ, một con người có tâm hồn dịu dàng, thanh thoát, sống trong đơn sơ và hoàn toàn ẩn dật. Ngày nay, các bảo tàng viện ở Nhật cũng như trên thế giới đã cố tìm mua với bất cứ giá nào những tờ giấy viết chữ thảo của ông còn lưu lại. Năm 1790, thầy của ông là Kokunen rút lui và giao phó cho ông trọng trách hướng dẫn Tăng đoàn. Thế nhưng một năm sau khi thầy của ông qua đời, ông cũng rời bỏ Tăng đoàn, xa lìa thế tục để vào rừng ẩn cư. Ta hãy đọc qua một bài thơ của ông, thoát dịch như sau :

Trong cánh rừng xanh mướt,

Là chiếc am cỏ của tôi.

Chỉ có những người đi lạc đường

Mới tìm ra được nó.

Chẳng có một tiếng ồn ào của thế tục,

Hoạ chăng thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng hát của một gã tiều phu.

Một nghìn đỉnh núi cao, một vạn con suối chảy,

Chẳng có một bóng người.

Tuy thế, một hôm sau khi đi tản bộ về, ông thấy túp lều cỏ của ông bị trộm, tên trộm vơ sạch những gì thật nghèo nàn của ông. Ông liền cầm bút viết một câu thơ như sau:

Tên trộm đã bỏ quên

Khuôn trăng

Bên thềm cửa sổ

Thôi thì chúng ta hãy trở lại với chiếc áo cà-sa, với bức rào cản ngăn chận những hành vi phạm giới, với bức tường thành mang lại an vui cho ta. Chiếc áo mầu nhiệm như thế, bức tường thành kiên cố như thế, lớp rào cản hữu hiệu như thế, nhưng có phải đó là Đạo Pháp hay không ? Thưa không, đó chỉ là những phương tiện mà thôi, giống như ngón tay dùng để chỉ mặt trăng, ngón tay không phải là Đạo Pháp. Đức Phật dạy rằng Đạo Pháp giống như một cái bè bằng tre dùng để qua sông. Qua được bờ bên kia thì ta hãy bỏ lại, đừng đội nó lên đầu mà đi. Cũng thế, mặt trăng cũng chỉ là một biểu tượng. Nếu ta bám víu vào chiếc áo cà-sa, vào bức rào cản hay bức tường thành, vào ngón tay, vào mặt trăng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được Giải thoát. Đấy chỉ là những biểu hiện của sự bám víu mà thôi.

Quay trở lại với ý nghĩa trong bốn câu thơ của Suzuki trên đây. Ngay cả những giọt mưa Như Lai, tức Diệu Pháp của Phật cũng không hề đọng lại trên chiếc lá sen, nhưng ô kìa tại sao những chiếc áo cà-sa lại ướt đẫm như thế ? Chúng ta sống trong một thế giới mà tất cả đều là quy ước, đều là những biểu tượng. Quy ước và biểu tượng không phải là hiện thực và cũng không phải là Đạo Pháp, thế nhưng chúng ta nhất định cứ bám víu vào đó. Từ chiếc áo bạc màu, được khâu vá chắp nối bằng những mảnh vải vụn vứt đi cho đến chiếc áo rạng rở may bằng lụa và vải quý của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, tượng trưng cho Đạo Pháp, tất cả cũng chỉ là những biểu tượng. Ta sống trong một thế giới của biểu tượng, của quy uớc và công thức. Tất cả đều là những sáng tạo, những biến chế, những tạo dựng của tâm thức con người. Ngôn ngữ cũng là quy ước, vì thế mà Đức Phật đã cầm cánh hoa đưa lên nhưng không thốt ra một lời nào cả.

Tâm thức Bát-nhã, siêu việt và nhất nguyên của Phật đã có sẵn trong tâm thức Giác ngộ của Ma-ha Ca-diếp. Tâm thức Giác ngộ của Ma-ha Ca-diếp cũng đã có sẵn trong tâm thức Bát-nhã, siêu việt và nhất nguyên của Phật. Cánh hoa chỉ là một biểu tượng, cũng như ngôn từ chỉ là những quy ước. Trong tâm thức Từ bi, độ lượng và bao dung của một người tu hành đã có sẵn tâm linh tỉnh thức của một kẻ thế tục, và trong tâm linh tỉnh thức của một kẻ thế tục đã mang sẵn tâm thức Từ bi, độ lượng và bao dung của một người tu hành. Chiếc áo cà-sa chỉ là một biểu tượng làm trung gian giữa họ mà thôi.

Gỗ đã có sẵn trong cái bàn, và trong cái bàn đã có sẵn gỗ. Người thợ mộc lấy gỗ làm ra cái bàn, và cái bàn trở thành một sự sáng tạo của con người. Trong sự sống đã có sẵn cái chết, và trong cái chết đã có sẵn mầm mống của sự sinh. Phân biệt sự sống và cái chết là hậu quả của sự hiểu biết nhị nguyên và đối nghịch. Tương tự như thế, ý nghĩa thêm thắt và đa dạng của chiếc áo cà-sa cũng chỉ là những tạo dựng của tâm thức con người.

Chỉ vì một biểu tượng mà lục tổ Huệ Năng đã suýt chết mấy lần. Mỗi khi có một biểu tượng được tạo dựng là có sự bám víu vào đó. Một chiếc áo tượng trưng cho việc lãnh đạo một Tăng đoàn cũng đủ để sinh ra tham vọng, ganh tị, tranh chấp, huống gì danh vọng, tiền bạc và uy quyền trong thế gian này. Cũng may là ngũ tổ và lục tổ đã ý thức được việc ấy mà bỏ đi tục lệ truyền thụ y bát. Nếu không thì biết đâu ngày nay, Tăng đoàn vẫn còn tiếp tục dòm ngó một chiếc áo, và kẻ thế tục lại có thêm một dịp để tham dự nghi lễ truyền thụ mà quên đi những gì thiết thực trong việc tu tập.

Kết luận

Từ nguyên thủy, chiếc áo cà-sa đã là những mảnh vải vụn, những miếng vải rách bạc màu được khâu lại với nhau để làm áo. Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài dùng chiếc áo ấy để che thân, để đắp và để gấp lại làm tọa cụ. Chiếc áo ấy đã biến dạng để tượng trưng cho những thửa ruộng vuông vắn của phúc hạnh, hoặc để tượng trưng cho sự lãnh đạo một Tăng đoàn. Chiếc áo ấy cũng đã trở thành tấm rakusu của người tu Thiền dùng để đeo lên ngực một cách kính cẩn.

Tất cả những biến dạng và thêm thắt ấy có phải là những điều phù phiếm hay không ? Thưa không, những thêm thắt ấy thật cần thiết cho việc tu tập, và tuy không phải là Đạo Pháp nhưng là những cánh hoa của Đạo Pháp. Ngón tay không phải là Đạo Pháp, nhưng không có ngón tay ấy thì ta cũng không thấy được Đạo Pháp. Từ lòng Từ bi của Đức Phật, từ những lời giảng huấn thiết thực của Đức Phật đã nở ra muôn hoa, vạn sắc, và cũng đã nở ra trăm triệu trang kinh sách. Tuy là một biểu tượng nhưng chiếc ao áo cà-sa thật là cần thiết. Chiếc áo ấy được khoác lên thân xác vô ngã của người xuất gia để làm gương cho chúng ta soi. Chúng ta cũng nên khoác chiếc áo ấy lên tâm thức để ra đường và gấp nó lại để gối đầu trong giấc ngủ. Nó sẽ che chở chúng ta trước những ý tưởng điên rồ, những xúc cảm bấn loạn và những cơn ác mộng giữa đêm đen.

Đức Phật dạy chúng ta đừng bám víu vì Đạo Pháp cũng chỉ là một chiếc bè giúp để qua sông mà thôi. Thiếu chiếc bè thì ta không thể qua sông được, và tương tự như thế, nếu không có Đạo Pháp thì ta cũng khó mà vượt được dòng thác của Vô minh. Đối với chiếc áo cà-sa cũng vậy, khi ta vẫn còn đang lặn ngụp trong dòng thác chảy xiết của Vô minh thì hãy cứ bám víu vào nó. Cuốn trôi theo dòng nước cuồn cuộn, nếu như ta có vớt được một cành tre gai góc to bằng ngón tay thì ta cũng chớ vội tưởng là đã đến được bờ bên kia của Giác ngộ mà vứt bỏ nó đi. Ta hãy bám lấy cành tre, gom góp thêm các cành khác để kết lại làm bè, một chiếc bè thật lớn, vì biết đâu chúng lại có thể giúp những người khác đang lặn ngụp bên cạnh ta mà vẫn chưa vớt được một cành tre nào. Vậy thì ta hãy thu nhặt những mảnh vải vụn trong cõi vô thường này để tự may lấy cho mình một chiếc áo cà-sa.

Xin mượn một lời nguyện cầu của thiền sư Ryokan để chấm dứt bài viết này. Sống trong chốn hiu quạnh nơi rừng núi hoang vu, Ryokan chẳng có gì cả ngoài manh áo cà-sa trên vai và một khuôn trăng bền thềm cửa sổ, nhưng có lẽ tâm thức ông lúc nào cũng muốn dang tay thật rộng để ôm lấy tất cả chúng sinh. Ông nguyện như sau :

« Tôi nguyện cầu chiếc áo cà sa của một người tu hành như tôi sẽ trở nên thật rộng lớn để có thể gom lại và quàng lên tất cả chúng sinh đang đau khổ trong cõi vô thường này…»

Bures-Sur-Yvette (Pháp quốc), 18.04.07

Hoang Phong

Cloning Và Phật Giáo

Nếu Phật đã dạy rằng, vạn vật từ Không mà có, vậy thì tại sao linh hồn sau khi chết lại không trở về Không, mà phải đi lang thang từ kiếp này sang kiếp khác? Và Nếu con người có linh hồn, thì Phật pháp làm sao để giải thích vấn đề cloning, lấy cell của một người để tạo nên một người mới, con người mới này có xài chung một linh hồn với người donor hay không?


TRẢ LỜI:

Kính thưa quý vị,

Nếu nói rằng “vạn vật từ Không mà có” thì cũng không đúng với quan điểm của đạo Phật. Nhà Phật nói rằng: “Vạn pháp trong thế giới hiện tượng tương đối này đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh khởi, cái này sanh thì cái kia sanh. Vì duyên với nhau mà sanh, cho nên khi “cái này diệt thì cái kia diệt", không có tự thể độc lập của riêng nó, mà sanh diệt tùy thuộc lẫn nhau, chỉ huyễn hiện liên tục, nên còn được phát biểu là : “Vạn pháp đương thể tức không, duyên hợp giả có”. “Có ”nhưng không phải là “thật có”, mà chỉ là “huyễn hiện”, nên gọi là “giả có”.

Nhà Phật quan niệm rằng mỗi dòng sinh mệnh đều từ Chân Tâm, vì một niệm vô minh bất giác khởi vọng mà lưu xuất, vốn là Chân Tâm (tịnh) chuyển thành Vọng Thức (nhiễm), -- nói gọn là Tâm và Thức – bắt đầu dòng sinh tử, rồi từ đó hành động tạo tác, gây nhân thọ quả thiện ác, hình thành nghiệp lực, bị nghiệp lực chi phối, cuốn trôi trong vòng luân hồi sinh tử. Tâm mênh mông bằng hư không thì Thức cũng mênh mông bằng hư không. Có thể tạm dùng thí dụ cụ thể, dù không đúng hẳn nhưng sẽ giúp dễ hiểu, là ví Tâm với biển cả, Thức với bụi bậm rác rưởi lẫn trong nước biển. Biển rộng mênh mông tới đâu thì rác rưởi cũng trôi nổi tới đó. Chân Tâm là Bản Thể, thuộc bình diện tạm gọi là tuyệt đối. Thức chỉ là bình diện ô nhiễm của Tâm, còn gọi là thức tâm sinh diệt, thuộc về thế giới hiện tượng tương đối, huyễn hiện theo quy luật “duyên hợp giả có”, tính chất nó là vô thường.

Nhà Phật quan niệm rằng mỗi sinh vật đều do hai thành phần tạo nên, đó là phần tâm thức và phần vật chất, tức là cơ thể chúng sinh. Tâm và Vật duyên sanh trong đời sống. Tâm có thể ví như làn sóng điện và vật chất, thí dụ cơ thể con người, có thể ví như chiếc máy thu thanh.

Làn sóng dàn trải trên không gian, máy thu thanh vặn đúng tần số thì bắt được tín hiệu. Khi máy cũ, hư hỏng, không còn sử dụng được nữa, thì mua máy mới, lại tiếp tục vặn lên, bắt làn sóng điện, cũng giống như một sinh vật chấm dứt sự sống thì Thần Thức sẽ lại nhập vào một phôi thai khác để tiếp tục một đời sống mới, do nghiệp lực chi phối, tới tận khi nào tu hành cho tới cảnh mà đức Phật mô tả khi Ngài giác ngộ là:

"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai mãi đi tìm mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà,
Như Lai đi tìm được ngươi.
Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng nghiệm quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục".

Cái sườn của căn nhà tự tạo ấy là những ô nhiễm như tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, những hành động bất thiện, vân vân. Cây đòn dong chịu đựng cái sườn nhà là vô minh, căn nguyên xuất phát mọi dục vọng. Giác ngộ là phá vỡ được cây đòn dong vô minh bằng trí tuệ, là đã làm sập được căn nhà.

Nếu chưa giác ngộ mà vì một lý do nào đó, căn nhà đổ nát, có nghĩa là phần vật chất, tức cơ thể của sinh vật chết đi, Thần Thức sẽ bị cuốn hút bởi cận tử nghiệp, là chập tư tưởng cuối cùng, hội nhập nhân duyên quan hệ với cha mẹ tương lai mà đầu thai, bắt đầu một đời sống mới. Như thế, vì chịu sự chi phối của nghiệp báo, cho nên Thần Thức không thể tự do “trở về Không” được. Muốn “sinh tử tự tại” để có thể “tùy Nguyện mà thọ sanh” như các vị bồ tát đầu thai vào cõi nhân gian để hoàn thành nguyện ước cứu độ chúng sanh, thì bản thân con người phải tu hành cho tới “Tâm tịnh tội tiêu”. Tội đây chính là những điều mình đã tạo tác trong quá khứ, chính là nghiệp báo vậy.

Đạo Phật không cho rằng “có một linh hồn trường tồn bất biến đi trong cõi u minh hoặc đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác”, mà chỉ có cái “Thần Thức”, bị dòng nghiệp lực cuốn đi đầu thai vào cái lúc chấm dứt mỗi kiếp sống, hoặc sau khi chết một thời gian ngắn, khi nghiệp và duyên hội đủ điều kiện để đầu thai mà thôi.

Thưa quý thính giả,

Câu hỏi tiếp như sau:

- Nếu con người có linh hồn, thì Phật pháp làm sao để giải thích vấn đề cloning, lấy cell của một người để tạo nên một người mới, con người mới này có xài chung một linh hồn với người donor hay không?

Kính thưa quý vị,

Như trên chúng tôi đã thưa rằng Phật giáo không chấp nhận sự kiện “có một linh hồn trường tồn bất biến” mà mỗi sinh vật đều đươc hình thành bởi hai nguyên tố là phần tâm thức và phần thể xác.

Giáo lý của nhà Phật dạy rằng các loài sinh vật có tới 4 cách sanh sản, đó là:

- Thai sanh, là sanh sản bằng bào thai, như người và một số loài vật
- Noãn sanh, là sanh sản bằng trứng, như gà, vịt, chim, ... vân vân.
- Thấp sanh, là sanh sản bằng sự ẩm ướt, như các loại côn trùng, mốc vân vân...
- Hóa sanh, như một số loài sâu, thí dụ con tằm hóa ra con nhộng, rồi hóa ra con ngài mà bay đi, vân vân. . .

Tất cả những loài này đều không có ai đem linh hồn phân phát cho mầm sống, mà chính là Thần Thức đã hội nhập ngay vào sinh vật để sử dụng cái cơ thể vật chất mới được hình thành. Cơ thể vật chất đó sẽ là công cụ để phần Thức sử dụng trong suốt cuộc đời, cho đến khi cái chết xảy đến, thì Thức sẽ từ bỏ cái công cụ để -- nay được gọi là Thần Thức -- gá vào một phôi thai nào đó vừa mới thành hình, tùy theo nghiệp lực của dòng sinh tử và nhân duyên từ quá khứ đối với cặp cha mẹ đưa đẩy.

Giáo lý nhà Phật không nói đến chuyện cloning, vì vào thời đức Phật còn tại thế thì chuyện này chưa xảy ra. Nhưng chiếu theo pháp Tứ Y mà đức Phật đã dạy, có câu “Y nghĩa, bất y ngữ”, chúng ta có thể nương theo sự hiểu biết về Phật pháp mà suy luận. Như vậy, để trả lời câu hỏi của vị thính giả này, chúng tôi có thể thưa như sau:

- Theo quan điểm của nhà Phật thì cloning thuộc về nhóm “thấp sanh”, vì phôi thai không được hình thành qua sự gần gũi của cha mẹ như là người bình thường thuộc dạng thai sanh. Sự sống của phôi thai là nhờ ở khoa học kỹ thuật, kết hợp hài hòa những điều kiện về ấm áp và ẩm ướt, cùng với sự kích thích khiến cho phôi thai phát triển, tương tự cách sinh trưởng của các nhóm côn trùng, mốc meo, vân…vân.

Cũng như ba loại sinh khác, phôi thai do cloning này cũng có Thần Thức của một dòng sinh mạng, thí dụ từ một sinh vật mới chết, nhập vào. Kể từ giây phút đó, Thần Thức là phần tâm linh của sinh vật mới được cloning này. Tất cả mọi hành vi tạo tác sau này của sinh vật đó, về mặt tâm thức, đều không liên quan gì tới người donor. Không có chuyện “xài chung một linh hồn với người dono
Tóm lại, chúng tôi vừa mới trình bày vấn đề thành tố của một sinh vật, đứng trên lập trường thuần lý, chiếu theo quan điểm của nhà Phật, gồm có hai phần : phần vật chất là thể xác và phần phi vật chất là tâm linh. Như vậy một sinh vật do cloning cũng sẽ sinh hoạt như một người bình thường, có phần vật chất và phần tâm linh riêng biệt, như bất cứ một người bình thường nào, cũng có tâm hồn, có sự suy tư riêng biệt.

Tuy nhiên, mục tiêu của đạo Phật là diệt khổ, nên trước mỗi vấn đề, người Phật tử đều cân nhắc kỹ càng, để tránh tạo nên nỗi đau khổ cho chúng sinh.

Trước mắt, chúng ta thấy một người được sanh ra từ cloning dường như không có gì khác với người thường. Nhưng vì bản thân sự kiện cloning nó đã có những sự khác thường đối với đồng loại sinh trưởng bình thường, cho nên chúng ta cần tìm hiểu thêm về vấn đề tâm sinh lý và môi trường xã hội đối với sinh vật ra đời một cách khác thường là cloning, liệu sau này có vì thế mà sinh ra điều gì đáng tiếc cho kiếp người do cloning chăng.

Trong quá trình cloning, người ta lấy một nhân tố di truyền từ một tế bào của donor đem đặt vào một trứng đã được rút nhân tố di truyền ra. Nếu là sinh sản theo thường lệ thì sự kết hợp của hai nhân tố này trong cái trứng của người đàn bà sẽ quyết định sự giống hay khác nhau về hình thể của đứa bé đối với cả cha và mẹ hoặc dòng họ của bên nội và bên ngoại, theo di truyền. Nhưng khi cloning, nhân tố di truyền của người mẹ trong cái trứng đã được lấy ra, chỉ có độc nhất một nhân tố của donor được đặt vào trong trứng, nên phôi thai chỉ tăng trưởng từ một nhân tố di truyền gốc, vì thế sau này cơ thể vật chất của nó sẽ giống y hệt người donor.

Cơ thể trông thì giống hệt, nhưng sự hình thành đã không bình thường, chúng ta cũng chưa có đủ thời gian và dữ kiện để chứng minh rằng cơ thể đó sẽ phát triển bình thường. Trong khoảng thời gian gần một trăm năm của đời người, chưa thể biết sẽ có những biến chuyển nào xẩy tới cho kẻ ra đời do cloning. Đấy là nói riêng về vấn đề cơ thể vật chất.

Về mặt tinh thần, tuy con người đó có một Thần Thức mang theo nghiệp lực gá vào cơ thể để hoạt động, thì nghiệp quá khứ là của dòng nghiệp đó, nhưng do sự ra đời bất thường, những va chạm trong đời sống do mặc cảm về sự bất thường này có thể xảy ra, sẽ gây nên đau khổ cho người đó và nếu như vì mặc cảm quá sâu sắc, hắn có thể gây nên những nhân ác mới, như những người vốn mang mặc cảm đã gây nên nhiều tội ác trong lịch sử của nhân loại, thí dụ Hitler, vân vân. Từ những điều ác mới gây ra do mặc cảm vì sự ra đời bất thường, dòng nghiệp lực của hắn sẽ trở thành xấu đi. Nếu chuyện đó xảy ra thì cũng là một điều đáng tiếc.

Ngoài ra, theo nhận xét của những nhà xã hội học, trẻ em mồ côi, hoặc xuất thân từ những gia đình đổ vỡ, thường dễ nảy sinh mặc cảm cô đơn. Từ mặc cảm, các em có thể phát sinh những phản ứng tiêu cực, dù trên thực tế, mọi người chung quanh đối xử với các em rất bình thường. Qua suy nghĩ đó, chúng ta có thể dự đoán về đời sống tinh thần của một em bé cloning trong lòng xã hội. Thí dụ có một chuyện xảy ra trong lớp học, một em bé bình thường có thể phát biểu một câu bất thường, cả lớp không thấy có gì lạ, chỉ cho là em bé đó đang có chuyện gì không vui nên phản ứng thế chăng. Nhưng nếu là một em bé cloning, thì mọi người có thể phát sinh ngay một dấu hỏi trong đầu: “Liệu có phải vì nó là đứa bé cloning nên mới sinh ra chuyện này chăng?”. Lại có thể không ai nghĩ gì, nhưng chỉ tình cờ thôi, một tia nhìn lơ đãng của bạn trong lớp cũng có thể khiến cho em bé cloning vốn đã có mặc cảm, phát sinh ra những tư tưởng tiêu cực.

Chuyện kỳ thị chủng tộc, mầu da, vân vân, đã xảy ra và vì thế đã bùng nổ những cuộc đấu tranh dữ dội, đó là vì nạn nhân là một đám đông. Nhưng các em bé từ cloning mà bị kỳ thị, hoặc có cảm giác bị kỳ thị, thì nỗi đau khổ và phản ứng chống đối trong cô đơn sẽ có thể là rất tệ hại và đáng thương biết mấy. Những điều này khi xảy ra sẽ thành nghiệp nhân mới tạo trong kiếp này của dòng sinh mệnh, chứ không phải là nghiệp nhân mà Thần Thức khi gá vào sinh vật cloning đã mang theo từ kiếp trước. Như thế là chúng ta đã góp phần tạo nên nỗi thống khổ cho chúng sinh.

Cloning con người là một vấn đề quá mới mẻ nên chúng ta cũng chưa biết rằng khi các em bé đó lớn lên, những vấn đề khác về cơ thể có diễn tiến bình thường như một người do thai sanh không. Nếu thí dụ qua một vài thế hệ cloning, cơ thể con người vì đã được cấu tạo một cách bất thường, có thể thiếu hoặc dư chất gì đó, mà biến đổi như những trái cây được tháp giống, tuy trông vẫn giống trái nguyên thủy, nhưng hình thể to lớn bội phần. Côn trùng là loài thấp sinh vẫn bình thường sinh trưởng từ thời cổ đại là vì chúng “thấp sanh” một cách thiên nhiên. Cloning là thấp sanh nhân tạo, sự kiện khác nhau này có nảy sinh vấn đề gì gây nên tai hại là điều các nhà khoa học chưa thể bảo đảm một cách chắc chắn.

Vấn đề hiện nay đang làm nhức nhối lương tâm của loài người là nạn nghèo khổ, thất học, thiếu ăn, thiếu nước, chiến tranh, vân vân, và nhất là nạn nhân mãn, phá thai, tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại Phi Châu. Nếu thay vì nghiên cứu để sinh sản ra người do cloning, hãy dùng khả năng khoa học để nghiên cứu phương cách giải quyết những vấn nạn kể trên, khiến cho toàn thể nhân loại đều được sống một cuộc đời đáng sống, có lẽ còn là việc cấp thiết hơn nhiều.

Chúng tôi xin trích một mẩu tin của đài BBC trong tháng 9 năm 2005:

“Ngồi trong trung tâm nhận đồ ăn của Mauritania, Phi Châu, em bé Mohamed Nour’s - một tuổi – có cái bụng chướng to nhưng không phải là vì chứa thức ăn và xương khớp cổ tay của em thì nhô ra coi còn lớn hơn cả cánh tay em nữa. Ấy vậy mà mẹ em vẫn quả quyết một cách hãnh diện:

- Tôi vẫn cho cháu ăn uống đầy đủ, tôi ăn gì thì nó ăn nấy, mỗi ngày một lần. Mới hôm qua chúng tôi đã ăn cháo yến mạch, còn ngày hôm trước và kể cả 3 ngày hôm trước nữa thì chúng tôi ăn cháo bột mì.

Em bé Mohamed Nour’s này cũng chưa phải là những người dân khốn khổ ở khu vực Đông Nam của Mauritania, phần đất đã lãnh nhận trận mất mùa thê thảm, giết chết hàng ngàn người ở Niger.

Suy dinh dưỡng triền miên là vấn đề lớn nhất ở những vùng như địa phương này. Nó không thuộc loại đói đến chết lăn ngay ra, nhưng nó ẩn tàng trong những bữa ăn thiếu thốn. Các cháu thiếu hầu như tất cả các loại sinh tố và khoáng chất cần thiết để một đứa trẻ có thể tăng trưởng cơ thể và tinh thần một cách bình thường. Tỷ lệ tử vong của nạn suy dinh dưỡng triền miên là cứ 1000 em thì có 109 em bị chết trong tuổi ấu niên, trong khi ở Tây Ban Nha, trong số 1000 em, chỉ có 3 em chết non.

Các bà mẹ không nhìn thấy sự nguy hiểm đang rình rập các cháu bé suy dinh dưỡng, vì sự nguy hiểm cứ lùi lũi tiến đến một cách yên lặng. Dù có thấy con mình gầy rạc, nhưng nó không ốm lăn ra, thế là họ yên chí rằng chúng khỏe mạnh rồi. Nhưng thật ra thì đứa bé đang mất dần sức sống và từ từ lăn xuống huyệt mộ.

Thưa quý thính giả,

Trong một thế giới mà sự ngu dốt, nghèo khổ, đói khát còn tràn ngập, có lẽ Phật tử chúng ta cũng thấy cần dành thì giờ, tiền bạc và những bộ óc thông minh để tìm cách cải tiến về nhiều mặt khác, ngõ hầu làm giảm bớt nghèo khổ, tăng trưởng mức sống thì như thế có lẽ lại phục vụ hữu hiệu cho loài người hơn là chuyện cloning.

Ban Biên Tập TVHS

SINH SẢN VÔ TÍNH VÀ ĐẠO PHẬT

Nguyễn Tường Bách

Gần đây, một công ty tại Mỹ vừa thông báo đã thành công trong việc tạo phôi người nhân bản đầu tiên (human cloning). Với thành công này người ta hy vọng đi một bước dài trong việc tạo các tế bào gốc của con người. Công ty nọ cho hay, họ chỉ muốn sử dụng thành tựu này để chữa bệnh chứ không nhằm mục đích tạo nên một con người được nhân bản. Sau khi tin này được thông báo, một loạt thành tựu tương tự cũng được công bố, chủ yếu cũng nhắm đến việc chữa bệnh cho con người. Dù thế, mọi nơi trên thế giới đều lên tiếng phản đối, cho rằng việc tạo phôi người nhân bản là đi ngược lại « các nguyên tắc đạo đức », dù chỉ sử dụng nó vì những lý do nhân đạo. Người ta tin rằng, không sớm thì muộn, con người nhân bản thông qua kỹ thuật sinh sản vô tính sẽ hình thành.

Trong lịch sử khoa học, hầu như chưa có một bước đột phá nào gây nhiều phản ứng và tranh cãi như sự việc này. Nhiều người nghĩ ngay đến một viễn cảnh “rùng rợn”, trong đó con người được chế tạo như những món hàng giống hệt nhau chạy ra từ một băng chuyền công nghiệp. Ngược lại cũng có nhiều người vội nghĩ tới tự nhân bản chính mình để sống đời này qua kiếp khác. Có kẻ thành tâm nghĩ tới khả năng sao chép những thiên tài của loài người để họ tiếp tục phục vụ cho nhân loại hàng trăm năm sau đó. Cũng có người chủ trương nhân bản con người chỉ để có một « kho » lưu chứa phụ tùng thay thế tim óc và các bộ phận, một khi chúng bị tai nạn hay bệnh tật hủy phá.

Tất cả những điều kể trên không còn là chuyện khoa học giả tưởng trong thế kỷ 21 của chúng ta. Những điều đó có lẽ sẽ dần dần được thực hiện, chính thức hay không chính thức. Lý do giản đơn là lĩnh vực sinh học này quá hấp dẫn, kích thích đầu óc con người vốn say mê nghiên cứu những điều mới mẻ. Ngoài ra nó sẽ mang nguồn lợi tài chánh vô tận cho những kẻ đi tiên phong và đây sẽ là động lực chủ chốt.

Ngành sinh học của thế kỷ 21 đang đứng trước một quá trình phát triển kỳ diệu. Trong thế kỷ 20, ngành vật lý cũng có một giai đoạn tương tự. Với sự phát hiện của thuyết tương đối trong những năm đầu và thuyết lượng tử trong khoảng những năm 30, thế kỷ 20 đã làm một cuộc cách mạng trong ngành vật lý, đã thống nhất nhiều khái niệm tưởng chừng như độc lập với nhau, để đưa vật lý của thế kỷ thứ 19 từ một mức độ “trung bình” của con người đến mức bao quát, gồm chứa cả những thế giới cực nhỏ của các hạt cơ bản đến những phạm vi cực đại của các thiên hà. Quan trọng nhất là nền vật lý hiện đại đã đưa thẳng con người đi đến cửa ngõ của triết học, trong đó nhiều nhà vật lý khẳng định thế giới vật chất dường như không phải là một đối tượng « độc lập tự nó » mà là sự cảm nhận của con người về một thực tại khác. Thế giới vật chất chỉ là dạng xuất hiện của thực tại đó trong ý thức quán chiếu của con người. Vì lẽ đó, sự phát triển của ngành vật lý trong thế kỷ 21 sẽ mang nhiều tính chất « tâm linh » mà sự đồng qui của nó với triết học phương Đông, nhất là với Phật giáo, đã được nhiều người thừa nhận [1].

Khi những đối tượng nghiên cứu thuộc phạm vi « vô sinh » như vật chất mà đã dẫn đến những vấn đề thuộc về vai trò của « ý thức » thì ta có thể dễ dàng nhận thấy ngành sinh học còn đặt những câu hỏi thiết thân hơn nữa với triết học. Sự sống do đâu mà có, con người từ đâu sinh ra và sẽ đi về đâu - đó là những câu hỏi xưa nay của nhân loại trong triết học và ngày nay bỗng nhiên trở thành then chốt trong sinh học. Sự khám phá ra bộ gen người (Genom) hứa hẹn một điều rất thú vị. Với Genom, người ta nghĩ rằng đã tìm ra được tất cả những chữ cái và sẽ đọc được cuốn sách về sự sống, được viết nên bằng những chữ cái đó. Nhiều người vội cho rằng Genom là nguồn gốc của sự sống cũng như các hạt cơ bản là nguồn gốc của mọi vật chất trong ngành vật lý của thế kỷ trước. Thế nhưng nếu trong ngành vật lý đã có một sự bừng tỉnh lớn lao rằng, hạt cơ bản xem ra cũng chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác, chúng xuất hiện tùy theo cách quan sát của con người, thì trong ngành sinh vật người ta chưa biết Genom là nguồn gốc của mọi sự sống hay bản thân Genom cũng chỉ là dấu vết của một thực tại khác. Thế kỷ 21 có lẽ sẽ trả lời câu hỏi đó và nhiều nền triết học phương Đông có thể có những giải đáp quan trọng.

Một hệ quả của sự thành tựu trong ngành sinh vật hiện nay là khả năng nhân bản của con người bằng cách sử dụng gen người, cho nó tự phân chia, không cần đến sự thụ tinh thông thường. Đó là lý do mà sự sinh sản đó được mệnh danh là « vô tính ». Mặc dù hiện nay người ta chỉ nhân bản các động vật như bò, trừu nhưng khả năng nhân bản con người là hầu như chắc chắn trong tương lai không xa. Câu hỏi đầu tiên và then chốt được đặt ra là, con người được nhân bản đó là « ai », nó là một hay khác với con người « bản chính ». Người ta phải đối xử thế nào, nếu một ngày nọ có một Hitler đi dạo trên đường phố Paris?

Không phải chỉ hình ảnh Hitler mới làm ta thấy « rùng rợn » mà chỉ hình dung về một con người bình thường thứ hai giống như bản chính như hai giọt nước đủ gây hãi hùng trong chúng ta. Tôn Hành Giả thổi sợi lông biến thành hàng ngàn con khỉ khác chỉ gây thú vị trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân nhưng tốt hơn nó nên dừng tại đó. Vì lẽ đó mà nhiều nơi trên thế giới đều chống lại chuyện nhân bản con người. Thế nhưng ngoài sự sợ hãi chung chung, có hai loại tư tưởng chính trong việc phản đối. Một là, tư tưởng thần học cho rằng chỉ có Thượng Đế hay Chúa mới làm chủ được sự sống, con người không được phép giành lấy quyền sáng tạo sự sống của Chúa. Hai là, tư tưởng duy vật cho rằng, con người nhân bản là một, là đồng nhất với con người bản chính, vì tâm thức là sản phẩm của cơ thể. Có kẻ trong giới đó cho rằng cơ thể « tiết » ra tâm thức cũng như não tiết ra tư tưởng, như gan tiết ra mật. Vì thế tâm thức con người bản sao sẽ là một với con người bản chính. Đáng sợ thay! Vì thế mà nếu có nhân bản thì không ai sáng tạo Hitler cho mang họa mà người ta sẽ tạo ra một Einstein để mọi người được nhờ. Cũng vì nghĩ thế mà nhiều người muốn nhân bản chính mình vì « mình » sẽ được sống ngàn năm.

Con người nhân bản là « ai »? Đó là một câu hỏi không đơn giản. Người viết bài này tự tìm cách trả lời bằng cách lục lại kinh sách của thánh nhân và biết trước rằng vấn đề này có lẽ sẽ không bao giờ có một lời giải chung quyết.

- Này A Nan, ta đã nói, có Thức mới có Danh Sắc. Nói như thế tức là: nếu Thức không lọt vào lòng mẹ, thì trong bụng người mẹ đó có Danh Sắc sinh ra chăng?

-Bạch Thế Tôn, không. (Trường Bộ Kinh, 15).

« Danh Sắc » là từ chỉ chung là hai yếu tố tâm lý và vật lý mà nếu nói chi tiết chính là ngũ uẩn. Danh Sắc là yếu tố thứ tư trong mười hai nhân duyên và do yếu tố thứ ba, Thức, sinh ra. Không có Thức thì không có Danh Sắc. Một bào thai muốn thành hình thì phải cần « tinh cha huyết mẹ » làm cơ sở vật chất và một Thức sẵn sàng tham dự vào đời sống tương lai.

« Cha mẹ giao hợp với nhau và người mẹ đã đến thời, nhưng nếu không có một thức sẵn sàng gia nhập thì không có thai nhi » (Trung Bộ Kinh, 38).

Như thế tinh cha huyết mẹ chỉ là cái khung vật chất để Thức có thể nương tựa. Còn Thức nào sẽ « tham dự » vào đó và tại sao nó tham dự là một vấn đề nằm ngoài khả năng suy luận của người bình thường. Thế thì thai nhi là « ai »? Ta có thể hiểu một cách sơ sài Thức đó là một nguồn năng lực có tính cá thể và có đủ « nhân duyên » với cha mẹ để « đợi » thời điểm đó mà tham gia vào và trở thành thai nhi. Điều quan trọng nhất có lẽ là giữa nghiệp lực của cha mẹ và của Thức phải có một mối quan hệ rất sâu xa vì Thức sẽ lấy máu mủ của cha mẹ làm cơ thể của mình và lớn lên trong môi trường sống do cha mẹ tạo ra.

Vì lẽ đó mà trong quan điểm của đạo Phật, việc sinh con đẻ cái là một quá trình kỳ diệu của nghiệp lực. Đó không hề là một chuyện tầm thường, càng không phải là một điều tình cờ, kết quả vô ý thức của hành động tính dục. Thai nhi không phải do cha mẹ sinh ra mà thông qua cha mẹ để đến với thế giới con người. Thai nhi không phải là một tờ giấy trắng để cha mẹ có thể vẽ lên đó những gì mình muốn mà nó đã mang kinh nghiệm và năng lực của một quá khứ vô thủy. Vì thế con cái có thể « già giặn » hơn cha mẹ rất nhiều. Nó cần tinh huyết và sự nuôi dưỡng của cha mẹ vì giữa ba con người đó có một mối liên hệ về nghiệp mà thường cả ba đều không biết và chỉ có thánh nhân như Phật mới thấy rõ.

Trong kinh sách đạo Phật, nhất là trong « Tử thư Tây Tạng »[2], ta còn tìm thấy những mô tả cảnh tượng lúc Thức bị nghiệp lực lôi kéo vào bụng mẹ và những gì mà nó cảm nhận trong lúc Thức gia nhập vào thân thể thai nhi. Thế nhưng những điều này không phải là đối tượng của bài này. Điều cần xác nhận nơi đây là, một thai nhi chỉ thành hình khi có Thức gia nhập và máu huyết của cha mẹ chỉ là phần sắc thể của sinh vật.

Xuất phát từ điều đó, ta hãy thử xét điều gì xảy ra khi phôi người nhân bản hình thành và nếu tế bào tí hon đó phát triển thành người thật thì nó có quan hệ thế nào với con người bản chính. Như đã nói ở trên, sự hình thành thai nhi trong điều kiện bình thường vốn đã hết sức kỳ diệu và cơ chế đích thực của nó nằm ngoài khả năng tư duy của chúng ta. Vì thế dùng tư duy để tìm hiểu quá trình của sự nhân bản con người - một vấn đề hoàn toàn mới mà kinh sách chưa hề đề cập đến - lại càng là một điều bất khả. Bài này chỉ có chút hy vọng tìm hiểu vài khía cạnh thuộc về phạm vi suy luận của câu hỏi lớn này.

Trước hết có lẽ cần quan niệm rằng, động tác của nhà sinh vật khi đưa gen người vào một trứng có thể được xem là hành động « tạo cơ sở vật chất » cho một sinh vật. Dù đây là thành tựu to lớn của ngành sinh vật nhưng về ý nghĩa thì đây « chỉ » là hành động thay tinh cha huyết mẹ của thai nhi thông thường bằng một gen người có sẵn. Thế nhưng, muốn nó trở thành sinh vật - dù đó là thú vật, phôi người để trở thành các tế bào chuyên môn hay thậm chí thành một con người bản sao - thì ngoài các điều kiện môi trường của phòng thí nghiệm, nhất thiết phải có một Thức « chịu » tham gia. Nếu dùng từ « nhân duyên » để soi sáng thì « duyên » là các điều kiện và khả năng kỹ thuật của nhà sinh vật, còn « nhân » chính là một Thức sẵn sàng gia nhập. Nơi đây khả năng lý luận của chúng ta đã bị chận đứng vì không ai biết rõ Thức tái sinh nơi đây là gì, nhưng xem ra không phải dễ tìm được một Thức như thế vì chỉ sáng tạo con cừu Dolly thôi mà người ta phải thử gần 300 lần nhân bản. Người ta cho rằng xác suất để thành hình một con người nhân bản sẽ khó hơn gấp bội lần, thai nhi sẽ sớm chết trong bụng mẹ.

Từ một góc nhìn khác, kinh sách đạo Phật cho ta biết rằng, nghiệp lực của Thức tái sinh sẽ « lựa chọn » cha mẹ và hoàn cảnh sống, từ đó mà chịu hay không chịu tham gia vào một « cơ sở vật chất » - tức là tinh cha huyết mẹ trong trường hợp thông thường và gen người được cấy vào trứng trong trường hợp nhân bản. Mặt khác, Thức, tức là năng lực sống mang tính cá thể, vốn tràn đầy trong đại thiên thế giới, nên ở đâu cũng có sự sống xuất hiện, nơi nào có điều kiện sống là có sinh vật. Đạo Phật quan niệm mỗi cấp bực của sự sống đều mang một Thức tương ứng: cấp vi trùng vi khuẩn cũng có Thức của nó, cũng như mỗi tế bào, mỗi mô sinh vật cũng thế, cho đến thú vật và con người, đến các loài khác mà con người không thể trông thấy. Vì thế mà sinh vật có thiên hình vạn trạng, được sinh ra trong bốn cách, loài sinh con, loài sinh trứng, loài sinh trong chỗ ẩm ướt và loài hóa sinh.

Như thế thì ta không lấy làm lạ nếu có những sinh vật sẽ phát sinh từ phép nhân bản, dù sinh vật đó là loài thú hay chỉ những tế bào có tính chuyên môn mà con người hiện đang hy vọng dùng để chữa bệnh. Và nếu ngày nào đó có cả một con người hẳn hoi sinh ra từ sự nhân bản thì ngoài cái rùng mình sợ hãi ban đầu, ta cần xem đó là một con người bình thường như chúng ta. Đó là một người mà tinh cha huyết mẹ đã được thay bằng bộ gen của người bản chính và, đây là điều quan trọng nhất, đã có một Thức tái sinh tham gia vào sự sáng tạo này, cũng như một Thức đã gia nhập vào bụng mẹ lúc tượng hình thai nhi. Thế nên, người trả lời được thai nhi là « ai » thì sẽ trả lời được con người nhân bản là ai. Hai câu hỏi đó chỉ là một và trong chúng ta xem ra ít có người biết câu giải đáp.

Con người bản sao sẽ rất giống với con người bản chính vì cùng một bộ gen, nhưng tâm thức người đó không phải là tâm thức của con người bản chính. Nó cũng có một quá khứ xa xôi riêng biệt của nó với tất cả những năng lực và kinh nghiệm mang theo. Thế nhưng giữa nó và con người bản chính hẳn phải có một nghiệp lực vô cùng kỳ lạ vì nó sẽ giống với người đó một cách khủng khiếp, giống hơn hẳn hai trẻ sinh đôi cùng một trứng. Giữa hai con người, nơi đây ta tạm gọi là bản sao và bản chính, phải có một mối liên hệ về nghiệp mà tư duy chúng ta không bao giờ tiếp cận nổi.

Khác với quan niệm thần học, đạo Phật không thấy có một ai nắm quyền làm chủ sự sống mà sự sống là khả năng nội tại nằm trong mỗi sinh vật. Khác với quan niệm duy vật, đạo Phật thấy Thức tái sinh là năng lực chủ động tạo tác thân người và cơ thể chỉ là phương tiện cho tâm thức nương tựa và thực hiện trách nhiệm của mình, cho dù nó thực hiện một cách có ý thức hay vô ý thức. « Tâm dẫn đầu các pháp »[3], dù « pháp » ở đây là một thai nhi hình thành trong tình trạng bình thường hay thông qua một thủ thuật của con người.

Đến đây độc giả sẽ có người sốt ruột hỏi, thế thì đạo Phật cho phép hay không cho phép thi hành phương pháp nhân bản. Bài này không dám có tham vọng trả lời một câu hỏi đạo đức như thế, nó chỉ muốn nêu lên vài khía cạnh hẳn còn sơ sài của vấn đề. Thế nhưng thông qua những suy nghĩ trên đây, một yếu tố khác hiện ra rõ nét. Đó là việc sinh con đẻ cái trong tình trạng bình thường không hề là một chuyện tầm thường. Đó là sự hiện hành của một mối nghiệp lực sâu xa, là sự sáng tạo một sinh vật với thể chất và tâm thức, một bên là của cha mẹ, một bên là của sinh vật mới, hòa quyện với nhau trong một thể Danh Sắc thiêng liêng không gì sánh được.

Nếu con người biết kính sợ trước tác động huyền diệu của nghiệp lực, biết cẩn trọng với một thai nhi được tạo hình trong điều kiện bình thường thì con người được quyền bắt tay làm những thủ thuật để sinh vật mới mẻ ra đời. Nếu con người chưa hiểu ngộ những điều đó, chưa vươn tới mức đạo lý đó, chưa biết quí trọng sự sống, dù của sinh vật bé nhỏ nhất, thì tốt hơn hãy thối lui, hãy học lại những bài học vỡ lòng về đạo đức.
NTB (3.12.2001)

[1] Xem thêm « The Tao of physics » của Fritjof Capra
[2] The Tibetan bookof the Dead (Bardo Thodol) cu »a Evans Wentz
[3] Lời trong kinh Pháp Cú
Source = Khuông Việt

ĐẠO PHẬT VÀ VẤN ĐỀ TẠO SINH VÔ TÍNH

Trong đạo Phật chúng sanh là do Nhân Duyên 5 Ấm hội hợp mà thành thì trong đó Thân là thuộc về Sắc Âm còn Tinh Thần là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Hiện nay các nhà bác học đang thực hiện các cuộc Tạo Sinh Vô Tính (Cloning) việc này trong đạo Phật bản thân của nó không phải là một vấn đề vi phạm đạo đức mà là chỉ do mục đích của các nhà bác học mà thôi.

Thân chỉ là phương tiện để Thức nương gá cho nên làm sao mà có thân thì cái điều này vốn là chẳng quan trọng.

Có nhiều người nói rằng Tạo Sinh Vô Tính là đoạt quyền Tạo Hóa mà đi ngược lại thiên nhiên nhưng mà họ lại quên rằng là từ ngàn xưa con người đã luôn luôn muốn làm trái ngược thiên nhiên để được sinh tồn.

Thí dụ như các chứng bịnh nan y như là cùi, ho lao, phong đòn gánh, dịch hạch, cancer, aids v.v nếu mà con người không làm trái ngược thiên nhiên để tìm tòi phương thức chữa trị thì có lẽ con người đã bị biến mất từ lâu.

Đạo Phật thì chẳng nhận có đấng sáng tạo gì cả mà chỉ nói là tất cả các hiện tượng đều là do Nhân Duyên hội hợp mà thành. Tạo Sinh Vô Tính thì cũng là do Nhân Duyên hội hợp mà thành.

Có nhưng người thì lại lập luận là sự sanh ra do sự phối hợp của Cha Mẹ là kết tinh của sự yêu thương v.v nhưng mà họ lại quên là Nam Nữ kết hợp đó chỉ là Tình Dục còn sự thụ thai và hình thành thai thì chỉ là một hiện tượng thiên nhiên.

Tinh trùng của người nam và trứng của người nữ vốn là vô tri đâu có sự thương yêu gì.

Như trong Kinh Phật dạy sáu loài chúng sanh thì có các Trời hay Thần do sự Hóa Sanh và nương tựa các hình thể vật chất khác nhau mà làm thân chứ không phải nhất thiết là phải sanh ra do sự phối hợp của Cha Mẹ.

Trở lại vấn đề Tạo Sinh Vô Tính là chỉ có khi nào các nhà bác học sử dụng các điều đó vào trong việc Ác thì mới là điều Ác cò nếu chỉ là thuần túy là về Y Học để cứu giúp người bịnh hay là để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn thì không có gì là sai trái cả.

Tạo Sinh Vô Tính thì cũng là một hình thức thọ sinh theo quan niệm của đạo Phật mà thôi.

Trong đạo Phật thì cõi trời đều là do Hóa Sinh tức là nếu có ai được sinh về cõi trời thì Tự Nhiên hiện ra chứ không có Cha Mẹ gì cả.
Vajra

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ KỸ THUẬT TẠO SINH (CLONING)
TRONG KHOA DI TRUYỀN HỌC,
Quán Như

Cả thế giới rúng động khi công ty nghiên cứu sinh học American Advanced Technology loan tin là họ đã clone được một phôi sinh (embryo) của người. Không những chỉ có giới thẩm quyền thuộc các tôn giáo độc thần lớn tiếng kết tội các khoa học gia muốn cướp quyền Thượng Đế, giới khoa học gia, các nhà lập pháp cũng như chánh quyền các nưóc Tây Phương vội vã lên tiếng chống đối. Thượng viện Anh đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thông qua một đạo luật chống cloning, trong đó những người nào thi hành thí nghiệm cấy một phôi sinh của người, khác hơn là phôi sinh đã được kết hợp tự nhiên bởi một tinh trùng và một trứng, có thể bị kêu án 10 năm tù.

Tổng Thống Bush tuyên bố là cloning phôi sinh người là một việc làm trái đạo đức và thúc dục Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật cấm cloning người. Tuy nhiên thượng viện Mỹ nói là họ không vội vã trong việc cấm cloning và sẽ điều tra xem kỹ thuật này có giúp ích gì trong việc chữa các chứng bịnh hiểm nghèo cho dân chúng không. Các phản ứng tại Âu Châu cũng tương tự. Pháp, Đức, Gia Nã Đại và Ý đều lên tiếng chống đối việc tạo con người trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên các nhà khoa học di truyền nói là quần chúng phải phân biệt giữa hai kỹ thuật Cloning. Kỹ thuật Cloning thứ nhất là tái tạo một cá thể con người (productive cloning) và một kỹ thuật khác là tạo những tế bào để thay thế các tế bào bị hư hại (Theurapetic cloning) trong cơ thể. Các nhà khoa học nói là các tế bào này chỉ là mầm sống sơ khởi, chưa phải là một cá thể người, do đó không liên hệ đến các vấn đề đạo đức về hủy diệt sự sống. Các phôi sinh do American Advanced Technology cấy được chỉ mới sinh ra chừng 6 tế bào khác, tuy nhiên chúng có đầy đủ các yếu tố di truyền của người cung cấp tế bào . Vatican dĩ nhiên nghiêm khắc lên án thí nghiệm tái tạo người cũng như thí nghiệm tái tạo các tế bào phôi sinh (Stem cells) để chữa bịnh. Các chánh phủ Tây Phương mặc dù lên án productive cloning nhưng vẫn cho phép theurapetic cloning các tế bào phôi sinh để áp dụng vào việc chữa bịnh.

Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Advanced Cell Technology, Tiến sĩ Robert Lanza, nói là công trình này có những tiềm năng lớn lao trong việc chữa các chứng nan y và cấm đoán việc thử nghiệm này sẽ ngăn chặn những khám phá y học cần thiết để chữa trị những chứng bịnh hiểm nghèo, như ung thư, tiểu đường và các chứng run rẩy (Parkinson) ở các người già. Các khoa học gia ở trung tâm ACT tiết lộ người hiến tế bào để thử nghiệm là Bác sĩ Judson Someville, hiện đang bị tê liệt và ngồi trên xe lăn vì một tai nạn xe đạp 11 năm trước đây. Bác Sĩ Someville đã hiến tặng các tế bào ở bắp chân phải để các nhà khoa học cấy một phôi sinh vào. Các tế bào này khi sinh trưởng vẫn còn giữ toàn vẹn nhiễm thể của ông. Nếu các tế bào này sinh trưởng, chúng có thể được thay thế cho các tế bào hư hại và bác sĩ Someville có thể đi lại được bình thường. Bác sĩ Someville sắp sữa lập gia đình một lần nữa và có hai cô con gái. Ông nói nếu thí nghiệm thành công, ông hy vọng một ngày nào đó ông có thể đi dạo bình thường với 2 cô con gái. Bác sĩ Someville là một người sùng đạo (Tin Lành) và là một đảng viên đảng Cộng Hòa, một đảng trên nguyên tắc kịch liệt chống đối kỹ thuật cloning, cho dù chỉ là cloning chữa bịnh. Bác sĩ Someville nói là ông không ngần ngại gì khi tham gia vào chương trình này và ông không thấy có một sự xung đột gì với niềm tin tôn giáo của mình.

So với các tôn giáo độc thần Tây Phương, Phật Giáo với lý thuyết duyên khởi là một tôn giáo không bị những tiến bộ khoa học bỏ rơi và những khám phá mới càng chứng tỏ thị kiến của đức Phật về sự sống và về vũ trụ rất gần gũi với thị kiến khoa học. Lập trường của Phật Giáo, hay ít nhất là của một số Phật Tử, về khoa di truyền học như thế nào? Sau đây là bài viết của Christina Desser.

Một học giả Phật Giáo nổi tiếng ở Mỹ nói đùa: ‘Nếu cloning được Đức Phật thế giới này sẽ bỗng chốc biến thành tịnh độ’. Đây là một lời nói đùa, nhưng không phải là không phản ảnh lý tưởng của Phật Giáo; ai cũng có thể là Phật sẽ thành và giống như nhãn quan của Bồ Tát Thường Bất Khinh, ai cũng là một bồ tát hóa thân. Tuy nhiên lời nói bông đùa đó phản ảnh một chút lạc quan ngây thơ về những tiến bộ vượt bực của khoa sinh học di truyền cũng như những ảnh hưởng không ai lường trước được về những khám phá của khoa này.

Chúng ta đang bị mê hoặc bởi những lợi ích có thực hay tưởng tượng: một thế giới không còn bịnh tật, những khám phá làm vơi khổ đau của con người, đúng như lý tưởng của đạo Phật. Thực phẩm tăng thêm nhiều chất lượng, được sản xuất dồi dào và không lo còn có ai bị đói. Y tế sẽ được cải thiện và nếu chúng ta lựa chọn những Genes tốt, cũng như lựa toàn hạt lúa giống tốt, khả năng trí thức của con người sẽ tăng tiến không giới hạn. Không phải thế giới chỉ có một vài thiên tài làm đảo lộn lịch sử, hoặc chỉ có một thiên tài độc nhất kiểu Phạm Công Thiện, mà thiên tài mọc đầy rẫy như cúc vạn thọ. Những ai nghĩ mình là thiên tài sẽ lấy làm khó chịu vì trong tương lai không còn ai giữ độc quyền tri thức. Đó là chưa kể chúng ta có thể khuynh đảo các genes gây bịnh già và biến giấc mộng trường sanh bất tử của Lão Trang thành sự thật. Nghĩa là con người có khả năng chấm dứt dòng tiến hóa từ hàng triệu năm nay và kết thúc với một chủng loại siêu việt! Những mơ ước của chúng ta vô tận. Từ thập niên trước những điều mơ ước chỉ là những giấc mộng con, không ai ngờ chỉ có hơn 10 năm, những giấc mộng này bỗng chốc thành sự thật. Đó là một viễn tượng của một hình ảnh Niết bàn hay thế giới Tịnh độ của Phật Giáo Đại Thừa có thật ở đây, bây giờ.

Chúng ta chào mừng các tiến bộ này với cả hai tay và hy vọng như chúng ta đón mừng những phát minh khoa học khác. Tuy nhiên những áp dụng vào canh nông, y tế và sinh sản con người sẽ làm đảo lộn tất cả mọi trật tự và khoa sinh học di truyền sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống. Trong thời gian qua, việc cấy genes vào các chủng loại khác (transgenic) đã được áp dụng để biến đổi bắp, lúa mì, gạo và các mùa màng khác; việc chế tạo các vũ khí sinh học di truyền được tiến hành một cách thầm lặng nên không ai chú ý; chế biến năng lượng; sản xuất các dược liệu và các phương pháp điều trị y khoa. Khi phối hợp với kỹ thuật tái tạo (productive cloning) chúng ta có thể thay đổi các nhiễm thể di truyền của thế giới hữu tình. Mặc dù khoa sinh học di truyền bắt đầu viết lại pho lịch sử tiến hóa của nhân loại, phần lớn chúng ta cũng còn lờ mờ về các áp dụng này. Trong khi Phật Giáo Tây Phương còn chăm chú vào những vấn đề như phá thai, các liên hệ sinh lý thái quá, các bạo hành cơ thể, chủng tộc và phái tính, khoa sinh học di truyền trẻ trung đã có những tiến bộ nhanh chóng về canh nông và y tế và hậu quả của các áp dụng này chưa được giới Phật Tử để ý tới một cách đúng mức.

Quan điểm Phật Giáo về các vấn đề này ra sao? Khoa học di truyền có phải một đáp ứng nhân đạo cho những đau khổ của con người? Hay đó chỉ là một hình thái vô minh nguy hiểm phát sinh từ tham, sân và si để kích thích hành động con người?

Các cơ quan nghiên cứu khổng lồ trên mặt trận canh nông như Monsanto, Novarris, DuPont và các nhà khoa học đang biến đổi genes của hạt giống- cổ võ cho khoa di truyền, dựa trên những lý do nhân đạo. Các người này nói là khoa di truyền cần thiết vì nông phẩm sẽ được sản xuất dồi dào hơn và không còn ai bị đói ăn nữa. Khoa di truyền sẽ giúp làm giảm lượng thuốc xịt sâu rầy. Khoa di truyền giúp việc bào chế các dược phẩm mới cũng như các thuốc chủng ngừa cho dân nghèo. Tuy nhiên những hành động của họ của các công ty này chứng tỏ những lời tuyên bố đầy nhân đạo này không đúng sự thật. Việc cung cấp thức ăn cho người nghèo không thể nào đủ lời để cho các công ty lớn này theo đuổi công trình nghiên cứu về di truyền học. Hiện chỉ mới có một loại nông phẩm được chế biến để làm tăng dinh dưỡng có tên là Gạo Vàng (Golden Rice) do các nhà khoa học được tài trợ duy nhất bởi công ty này. Cho tới ngày hôm nay có người nghi ngờ về hiệu năng của vụ mùa có genes bị chế biến này.

Ngoài các vụ biến đổi genes của các nông phẩm, có những thú vật được chuyển genes (transgenic) như dê, bò, chuột và heo. Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm của Mỹ sắp sửa chấp thuận cho phép chương trình nuôi cá hồi (salmon) có genes được biến đổi để cá có khả năng lớn thật nhanh và do đó các công ty nuôi cá sản xuất được nhiều, và dĩ nhiên là có lời nhiều. Ở Trung Quốc một loại cá chép được đổi genes có lẽ đã được tung ra thị trường. Các nhà khoa học chuẩn bị thả vào thiên nhiên một loại bọ đã bị đổi genes. Loại bọ này khi làm tình với các con bọ cái khác sẽ sinh ra một loại trứng bị hư và do đó sẽ làm tiêu diệt các loại bọ trước đây đã tàn phá mùa màng bông vải. Tuy nhiên điều nguy hiểm là những con bọ đổi genes không thể nào thu hồi lại được. Trong khi những loại thảo mộc, bọ và cá có genes bị biến đổi sẽ thay đổi quá trình tiến hoá của môi sinh thiên nhiên, những con người được tạo sinh (cloned) và có genes biến đổi sẽ vĩnh viễn làm thay đổi quá trình tiến hóa của con người. Những điều mà mới đây chúng ta nghĩ chỉ là khoa học giả tưởng, bây giờ đã thành sự thực. Hơn 50 năm trước Hitler mơ ước tạo được một chủng loại Aryan toàn hảo và giấc mơ đó chỉ được điện ảnh hoá qua phim The Boys From Brazil do Gregory Pech đóng vai chánh, bây giờ có thể thực hiện một cách dễ dàng, nếu luật pháp cho phép! Trên thực tế giáo phái Raelians hy vọng có thể tạo sinh (cloning) một đứa con đã chết của hai tín đồ trong một phòng thí nghiệm bí mật. Một thí nghiệm tạo sinh khác do Tiến Sĩ Panayiotis Zaros của viện nghiên cứu Mỹ Andrology và Trung Tâm Kentucky Centre for Reproductive Medicine đã thực hiện. Tiến sĩ Zaros đã có những nỗ lực tạo sinh người cho các cặp vợ chồng không có con cái. Nhà khoa học này hy vọng rằng việc tạo sinh người sẽ thành công trong vòng một năm.

Nhiều người muốn tạo sinh vì nhiều lý do khác nhau. Hoặc là họ muốn làm sống lại một người thân yêu đã chết. Hoặc là họ muốn mình trường sanh bất tử. Hoặc là họ không có con nối dõi.

Trên quan điểm đạo đức Phật Giáo, việc tạo sinh nẩy ra nhiều vấn đề rắc rối. Có phải chăng ý muốn cho người thân sống lại là một hình thái bám chặt vào cái thân như điện ảnh mà Đức Phật đã cảnh cáo? Có phải chăng việc tạo sinh chính mình là một hình thức chấp ngã đi ngược lại với nguyên tắc vô thường trong tất cả kinh điển Phật Giáo? Những cặp vợ chồng không có con cái muốn có người nối dõi qua hình thức tạo sinh cũng là một hình thức chấp ngã và kéo dài các vòng luân hồi vô tận!

Những cặp vợ chồng có khả năng có con cái muốn có con theo ý mình (design baby) sau khi đã gạn lọc những genes hạ đẳng và cấy vào những genes tốt và do đó sẽ tạo ra một chủng tộc thượng đẳng mà Hitler ngày xưa đã mong muốn? Những người chống đối việc chuyển genes để tạo ra design babies nói là trong tương lai gần, sẽ có hai ‘giống’ người khác nhau. Một giống tự nhiên ‘trời sinh sao thì cứ để vậy’ và một ‘giống’ người đã được chuyển genes thượng đẵng. Nhà sinh vật tế bào Lee Silver cho rằng nếu cloning và kỹ thuật chuyển genes được luật pháp bật đèn xanh, xã hội Mỹ trong tương lai sẽ có hai ‘giống’ người. Giống người được chuyển genes chiếm 10% trong xã hội Mỹ và họ sẽ nắm tất cả các địa vị đầu não trong các lĩnh vực truyền thông, kinh tế và kiến thức (đại học), trong khi 90% còn lại sẽ làm những nghề hạ tiện. Tới một lúc nào đó hai giống người này không còn liên hệ với nhau nữa và những cuộc hôn nhân ‘dị giống’ sẽ không bao giờ xảy ra nữa, tương tự như tình trạng giữa người và vượn, hai bên sẽ không thể nào có những liên hệ sinh lý nữa. Lục đạo của Phật Giáo đã trở thành ‘thất đạo’, bảy nẽo luân hồi! Và tình trạng này cũng không khác gì xã hội đẳng cấp của Ấn Độ là bao. Thay vì dùng thần quyền để biện minh cho đẳng cấp như các giáo sĩ bà la môn, giống người thượng đẳng sẽ dùng genes toàn bích để biện minh tại sao họ là những người sinh ra để lãnh đạo, ăn trên ngồi trước. Khoa học giả tưởng? Viễn tượng một xã hội có hai ‘giống’ người khác biệt, một có genes toàn bích, một giống người tự nhiên, gần hơn mọi người nghĩ nhiều!

Tất cả những thí nghiệm tạo sinh (cloning) thường được thi hành bí mật trong các phòng thí nghiệm và hiện nay không ai biết là khả năng tạo sinh của các nhà khoa học đến mức nào rồi. Sẽ có những hậu quả không thể nào lường được cho con người và các chủng loại khác. Những công ty lớn đang nghiên cứu việc biến đổi genes không thèm để ý đến những hậu quả đến môi sinh của chúng ta. Trên thực tế không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra khi việc chuyển đổi và hổn hợp các genes giữa những chủng loại khác nhau được thực hiện. Về sự chuyển genes giữa các cây cỏ khác nhau, Steve Jones, giáo sư khoa di truyền ở đại học Luân Đôn tin rằng sự ô nhiễm genes sẽ không thể nào tránh được. Các genes đã được chuyển đổi trong thực vật sẽ lẫn lộn với các genes khác và có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nguy hại. Nếu như côn trùng có genes làm tuyệt giống tràn lan, thình lình tất cả các côn trùng đều biến mất. Không có côn trùng thì môi sinh không thể tồn tại, không có thụ phấn, không kết hoa hay quả. Nếu môi sinh trong tình trạng mất thăng bằng thì thế giới và nhân loại sống còn nữa không? Cái này có thì Cái kia có. Cái này không còn thì cái kia không còn, Chưa bao giờ thuyết duyên khởi của Phật Giáo trở nên minh bạch và dễ hiểu như thế!

Khi nghiên cứu về những vấn đề này Phật Tử sẽ suy nghĩ như thế nào?

Trong một quyển tiểu thuyết giả tưởng, Michel Houellebecq, cuốn Elementary Particles (Vi Trần?), cho rằng Phật Giáo có thể đồng ý với cloning, hay ít ra là cũng không phản đối. Một trong những nhân vật trong truyện phát biểu:

rồi đây con người như chúng ta biết hiện nay sẽ biến mất, nhường chỗ cho một chủng loại mới trung lập về phái tính, không đàn ông mà cũng không phải là đàn bà, vượt lên trên cá nhân, phân biệt cá thể và tiến hoá. Không cần nói là những tôn giáo chủ trương mặc khải phản đối quyết liệt những kỹ thuật này. Chỉ có Phật Giáo là tuy có im lặng và nghi ngờ, tuy nhiên tất cả những lời dạy của Đức Phật đều dựa trên đệ nhất đế, khổ đế, và phần lớn đề cập đến sinh lão bịnh tử, và nếu Đức Phật quán niệm về những vấn đề này, Ngài không nhất thiết phản bác kỹ thuật cloning.

Tôi (tác giả) nghĩ là quan điểm của Houllebecq không đại diện cho chánh kiến, tuy nhiên có dịp nào những tu sĩ và học giả Phật Giáo có dịp thảo luận về vấn đề này, có nhiều ý kiến thích thú mới sẽ nẩy sinh và có để đưa chúng ta sang một bước ngoặc bất ngờ. Trong một thế giới mà con người có khả năng (hay nghĩ mình có khả năng) kiểm soát quá trình tiến hoá của chính chủng loại của mình và môi sinh quanh mình, quan niệm về nghiệp của Phật Giáo có thay đổi không? Chúng ta có quyền gì thay đổi quá trình tiến hoá của các thế hệ tương lai? Kỹ thuật tạo sinh-sinh sản mà không cần có liên hệ sinh lý- có giúp chúng ta tránk khỏi bị ràng buộc những ham muốn về sinh lý? Kỹ thuật tạo sinh có củng cố quan niệm chấp ngã và ái ngã nhiều hơn hay là phân hóa ngã của chúng ta thành những cái ngã con con (mini-me’s) và làm cho chúng ta mau giải thoát hơn? Hay là những kỹ thuật tân tiến này khiến chúng ta càng ôm chặt cái ngã ‘duy ngã độc tôn vô thượng’ của mình và muốn kéo dài tuổi già đau khổ của mình mà Đức Phật đã tiên kiến? Quá trình thành trụ hoại diệt có còn đúng không và duyên khởi sẽ đóng vai trò nào?

Kỹ thuật thay đổi, biến hoá và đùa bỡn với đời sống hiện nay trong khoa học di truyền là những khám phá có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử nhân loại, cũng giống như lúc con người khám phá ra lửa và chẻ nhỏ các hạt nhân nguyên tử. Phải có một nền đạo đức mới để hướng dẫn những quyết định về chánh trị và kinh tế để cùng đi tới với khoa học tạo sinh, bởi vì chúng ta không thể ngăn cản những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật và thái độ cấm đoán của Vatican chỉ phản ảnh cho một thái độ tiêu cực và vô bổ. Nghiên cứu những vấn đề này có thể làm sáng tỏ hơn về vai trò của đạo đức Phật Giáo cũng như có thể góp phần một phần nào vào việc thiết lập những nguyên tắc đạo đức mới cho toàn thể nhân loại. Nếu Phật Tử, nhất là những người xuất gia, chỉ loay hoay với những mối lo âu hình thức lặt vặt như tạo phước điền, tụng kinh Pháp Hoa mấy thời, niệm Phật giải thoát, chỉ tự biến mình thành những ông thầy cúng, thầy tụng, hoàn toàn biệt lập với đời sống và biến Đạo Phật thành những giáo phái kiểu vô thượng sư chuyên đi lừa bịp các tín đồ nhẹ dạ. Có thể trích ra một thiền ngữ thích hợp cho hình thức tu tập kiểu này là, mài ngói nghìn kiếp, ngói vẫn còn là ngói, chẳng bao giờ ngói trở thành gương.

Quán Như
Viết theo Christina Desser, Tricycle số Kỹ Niệm Mười Năm, Muà Thu 2001.

SINH MỆNH TỨC KHÔNG
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai

Trong kinh số 53, Tạp A Hàm, có đoạn Phật bảo Bà la môn: "Có nhân, có duyên, thế gian tập khởi. Có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian. Có nhân, có duyên, thế gian diệt tận. Có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian."

Một đoạn khác:

"Hỏi: Ai tạo ra hình này (hữu tình)? Người tạo ra hình ấy ở đâu? Từ đâu hình này sinh? Rồi về đâu hình này diệt?

Đáp: Hình này chẳng phải tự tạo, cũng chẳng phải do ai tạo, do nhân duyên mà sinh, nhân duyên diệt thời diệt; cũng như hạt giống gieo ngoài ruộng, gặp đất gặp nước và ánh sáng nhờ đó mà nảy nở; (5) uẩn, (18) giới cũng do nhân duyên mà sinh, nhân duyên diệt thời diệt " (Tạp Hàm 45, trang 731).

Như vậy tất cả đều do nhân duyên sinh, trong đó không có một cái gì tồn tại tuyệt đối, bởi thế hữu tình tức sinh vật, dĩ nhiên cũng không ngoài nguyên tắc ấy. Hữu tình là một hợp thể gồm nhiều yếu tố tụ tập lại chứ quyết không phải là một thể thuần nhất, đơn độc, và cố định. Bất cứ yếu tố nào cũng niệm niệm sinh diệt, nhất là hiện tượng tâm lý luôn luôn lưu chuyển biến thiên, không một phút nào dừng ở một chỗ, trong đó không có cái gì được gọi là ngã thể thường trụ cả. Cái tự ngã mà người thường cho là một linh thể cố định thời thật ra chỉ là sản phẩm của không tưởng mà thôi.

Lý tắc duyên khởi được giải thích bằng nhiều cách. Trước tiên là bằng nghiệp cảm duyên khởi. Nghiệp cảm là năng lực tiềm thế, ảnh hưởng tồn tại của hành động sau khi hành động chấm dứt. Nghiệp cảm là nguyên nhân làm cho bánh xe sinh hóa vận chuyển, tác thành một đời sống mới. Sự tiếp diễn của bánh xe sinh hóa được gọi là luân hồi (samsàra). Thuyết nghiệp cảm duyên khởi cho thấy sinh vật tự quyết định bản chất và hiện hữu cho chính nó bằng các hành vi tự tạo (nghiệp). Bởi thế sinh vật không lệ thuộc uy quyền của một cái khác, như uy quyền của Thượng đế chẳng hạn. Do đó mà có những định luật "tự tác, tự thọ" hay "nhân tốt thời quả tốt, nhân xấu thời quả xấu".

Vì tâm là cứ điểm căn để nhất của tất cả mọi hành động (nghiệp) nên luật duyên sinh phải được đặt trong kho tàng tâm ý, tức tàng thức hay a lại da thức (alayavijnàna). Vì vậy mà nói đến a lại da duyên khởi. Nhưng a lại da, kho tàng chủng tử, là thể, tướng, và dụng của tâm về nhiễm (vọng; hiện tượng) và tịnh (chơn; bản thể) hòa hiệp, không phải một không phải khác. Do đó, a lại da xem như sinh khởi từ cái tổng tướng của tâm tức Như lai tạng. Mặt khác, Như lai tạng chính là Chân như chơn tịnh tức cái tổng thể của tâm còn bị phiền não che phủ. Bởi thế mới dẫn đến thuyết Chân như duyên khởi.

Nhưng vũ trụ (vạn hữu) là biểu lộ động của Chân như nên cuối cùng ta phải nhận xét về toàn thể tiến trình duyên khởi của vũ trụ tức là nói đến Pháp giới duyên khởi. Pháp giới bao gồm hai nghĩa, vừa là tánh thể hay cảnh giới của lý tắc, vừa là thế giới hiện tượng hay cảnh giới của hết thảy mọi sự tướng. Theo quan niệm viên dung và đồng khởi, Pháp giới duyên khởi là lý thuyết cho rằng vũ trụ cọng hữu trên phổ quát, tương hệ trên đại thể, và hiện khởi trong giao hỗ, không hiện hữu đơn độc một cách độc lập. Do đó, mười hai nhân duyên được hiểu như là một chuỗi dây tương liên trong thời gian. Trong chiều hướng không gian, lý tắc duyên khởi phát biểu sự tương quan lệ thuộc của cái này và cái kia. Pháp giới duyên khởi là cực điểm của tất cả những thuyết lý nhân quả, là kết luận của thuyết duyên khởi bởi vì nó có tính cách phổ biến và nằm trong lý bản hữu, vô tận, thông huyền của vũ trụ. Thật ra, Pháp giới duyên khởi là một thứ triết lý về toàn thể tính của tất cả hiện hữu hơn là triết học về duyên khởi.

Nhìn vào quá trình tra tầm và nghiên cứu trong mọi lãnh vực khoa học ta luôn luôn thấy rằng tất cả mọi hiện tượng khảo sát đều bị lý pháp nhân duyên chi phối, đều là kết quả của những tác dụng của nguyên lý duyên khởi.

Năm 1944, nhà vật lý học người Áo, Erwin Schrödinger, viết một quyển sách ngắn có tựa đề "Thế nào là sinh mệnh (What is life?)" trong đó ông đưa ra những giả thiết rất rõ ràng và xác đáng về cấu trúc phân tử của gen. Quyển sách này đã khai thông một đường lối nghiên cứu mới cho ngành di truyền học và khởi xướng một bộ môn sinh học mới, khoa sinh học phân tử (molecular biology).

Trong nửa phần cuối thế kỷ 20, nhiều công trình nghiên cứu tìm cách trả lời câu hỏi được nêu ra trong tựa đề quyển sách của Schrödinger và nhiều câu hỏi liên quan khác được đặt ra trong nhiều thế kỷ qua. Làm thế nào những cấu trúc phức hợp hiện hành từ một mớ phân tử hỗn tạp? Tâm và não bộ có những quan hệ nào? Thế nào là thức? Các nhà khoa học chuyển hướng và thay đổi phương cách quan sát và suy luận. Do đó một thứ ngôn ngữ mới được hình thành để thích ứng với sự hiểu biết và diễn tả các cấu trúc sinh mệnh phức hợp và hỗn nhất. Nào là thuyết hệ thống động lực (dynamical systems theory), thuyết về tính phức tạp (theory of complexity), động lực học phi tuyến (non-linear dynamics), động lực học mạng lưới (network dynamics), v.. v... Những thuyết ấy bàn về những khái niệm chủ yếu như là quỹ đạo hấp dẫn hỗn độn (chaotic attractors), hình thể biến lặp (fractals), cấu trúc tiêu tán (dissipative structures), tính tự tổ chức (self-organization), và các mạng liên tục tự tạo tự sanh (autopoietic networks).

Các nhà sinh học chuyển đổi mục tiêu từ sự khảo sát cơ thể (organism) qua sự khảo sát tế bào (cells). Các chức năng sinh học nay không còn phản ảnh cách tổ chức của cơ thể mà là mô tả sự tương giao tác dụng giữa những tế bào đơn nguyên. Thiên tài Louis Pasteur trong ngành vi sinh vật học (microbiology) thiết lập được vai trò của vi khuẩn (bacteria) trong một số quá trình hóa học dùng làm nền tảng cho một môn học mới, khoa sinh hóa học (biochemistry). Ông đã chứng minh vi sinh vật (germs; microorganisms) là nguyên nhân của nhiều thứ bệnh tật. Bằng vào những tiến bộ thực hiện được trong ngành sinh hóa học, một số các nhà sinh học tin tưởng mọi tính chất và chức năng của sinh vật đều có thể giải thích tựa trên các định luật vật lý và hóa học. Số khác chống đối quan điểm ấy, cho rằng lối sống của sinh vật xét trên phương diện toàn thể không thể vin vào sự khảo sát các thành phần của nó mà thông hiểu được. Do đó phát sinh thuyết hệ thống (systems theory).

Theo thuyết này, các phẩm tính chủ yếu của một sinh vật hay sinh hệ là phẩm tính của toàn thể, không cấu phần nào của hệ có được. Chủ trương của phái này hoàn toàn đối nghịch với phương pháp giải tích của Descartes. Đó là phương pháp chia chẻ vật thể ra thành cấu phần cho đến khi không còn chia ra được nữa và khảo sát phẩm tính của các cấu phần bất khả phân đó để thấu hiểu toàn thể vật thể. Thuyết hệ thống xác quyết rằng không thể hiểu biết hệ thống bằng phương pháp giải tích của Descartes. Các phẩm tính của cấu phần một mặt, không phải là phẩm tính của hệ và mặt khác, chỉ có thể hiểu được bằng cách xét chúng trong trạng huống tổ chức của toàn thể hệ thống.

Như vậy, phẩm tính của hệ sẽ bị hủy diệt nếu chia cắt hệ ra thành cấu phần riêng biệt. Điều đáng lưu ý ở đây là hệ này có thể nằm trong một hệ khác. Thí dụ: một sinh vật là một hệ nằm trong một hệ khác như một thành phố chẳng hạn. Do đó hệ có thể sắp hạng thành mức (level). Mức khác nhau thời tính phức tạp cũng khác nhau. Phẩm tính của hệ ở vào một mức được gọi là phẩm tính xuất hiện (emergent properties) vì chúng xuất hiện tương ưng với mức riêng biệt đó. Ở mỗi mức, các mối liên hệ giữa các phần của hệ hỗ tương tác dụng tổ chức sắp xếp các quan hệ theo thứ tự thành một cấu hình biểu thị đặc trưng gọi là mẫu hình tổ chức (pattern of organization) của hệ và do đó mà phát khởi phẩm tính xuất hiện của hệ.

Thay vì chọn sự vật làm đối tượng thuyết hệ thống chủ trương khảo sát các mối quan hệ giữa các sự vật. Khi giải thích bất cứ sự vật gì thời phải giải thích trong sự tương quan với những sự vật khác. Thật ra, mỗi sự vật là một mẫu hình tổ chức gắn vào trong một mạng quan hệ và không thể tách ly riêng biệt. Nói cách khác, mỗi mỗi sự vật là một mạng gồm các tương quan liên hệ (relationships), kết dệt trong những mạng rộng lớn hơn. Cơ học lượng tử minh chứng rằng chung cánh không có thành phần cấu tử nào cả! Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, thế giới hiện tượng là một mạng lưới "nhân duyên sinh" vĩ đại trong đó hết thảy hiện tượng đều là tương đối, quan hệ chằng chịt với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Không một sự vật nào trong đó có thể tách rời mối quan hệ nhân duyên mà có thể tự tồn.

Từ lâu hình tướng của kiến thức được ví như một tòa kiến trúc rộng lớn. Các nhà khoa học cổ điển thường dùng những danh từ, nào là định luật cơ bản, nào là nguyên lý cơ bản, nào là khối kiến trúc, ... và luôn luôn tin tưởng có thể xây dựng khoa học trên những nền móng vững chắc. Nhưng nhìn vào quá trình phát triển, cứ mỗi lần có một cuộc cách mạng tư tưởng khoa học thời nền tảng khoa học lại chuyển dịch. Einstein viết trong tự thuật tiểu sử: "Điều xảy ra như là mặt đất sụp biến làm hỏng chân, nhìn không thấy đâu là nền móng vững chắc để tựa vào đó mà xây dựng" (It was if the ground had been pulled out from under one, with no firm foundation to be seen anywhere, upon which one could have built). Nói theo Phật giáo, sự tri nhận không có nền móng cho mọi khái niệm khoa học về hiện tượng hay biến cố và về những tiến trình vận chuyển năng lượng và vật chất để tựa trên đó mà giải thích chính là sự tri nhận tánh Không của vạn hữu.

Vì ngôi nhà kiến thức được khám phá ra là không có nền móng nên hình tướng của kiến thức nay được thay thế bằng một mạng lưới. Theo lối nhìn này thời mọi hiện tượng đều bình đẳng như nhau vì tất cả cùng nằm trong mạng lưới, không có hiện tượng nào cơ bản hơn hiện tượng nào.

Một câu hỏi vô cùng quan trọng được nêu ra. Nếu một sự vật tương quan liên hệ với bất cứ sự vật nào khác, thời hỏi làm thế nào có hy vọng hiểu biết bất cứ sự vật gì? Là vì trong trường hợp này muốn giải thích một sự vật tất phải giải thích hết thảy sự vật, đó là điều không thể thực hiện được. Để trả lời câu hỏi, nên biết rằng mọi sự hiểu biết trong phạm vi khoa học đều là sự hiểu biết gần đúng. Lý do: Khả năng của khoa học gia có hạn. Họ đo lường và mô tả một số hữu hạn phẩm tính mà họ cho là quan trọng nhất khả dĩ biểu trưng đặc tính của sự vật khảo sát. Do đó, luôn luôn có rất nhiều mối quan hệ bị gạt bỏ, cho nên sự hiểu biết về sự vật không thể nào chính xác. Heisenberg đã nói: "Cái ta quan sát không phải là thực tại mà là cái thực tại biểu lộ ứng với cách ta đặt vấn đề".

Trước năm 1970, giới khoa học gia gặp phải một vấn đề rất nan giải. Một đằng, theo Darwin, thế giới sinh vật tiến hóa càng ngày càng tăng trật tự và tăng tính phức tạp. Đằng khác trái lại, theo nguyên lý nhiệt động học thứ hai của Carnot, thời thế giới hiện tượng được xem như một hệ thống kín, nghĩa là không có trao đổi vật chất hay năng lượng với hệ thống nào khác, càng ngày càng trở nên hỗn độn như một động cơ hỏng máy. Vậy người nào đúng, Darwin hay Carnot? Vấn đề đó được giải quyết nhờ công trình nghiên cứu các hệ thống không cân bằng mà vẫn tạm thời tồn tại của nhà khoa học gốc Nga Ilya Prigogine, giải Nobel năm 1977, giáo sư hóa và vật lý học tại Đại học Free ở Bỉ. Ông thành công thiết lập một lý thuyết về hệ thống hở, tức là một hệ thống xa vị trí cân bằng (non-equilibrium) nhưng vẫn tạm thời giữ được trạng thái bền vững (stability) do có sự trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường chung quanh. Nếu sự trao đổi vật chất và năng lượng tăng nhịp độ thời ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống, gây ra một sự chuyển biến cấu trúc của hệ thống làm tính phức tạp tăng thêm. Mọi hệ thống kín về phương diện tổ chức, nghĩa là hệ thống tự tổ chức lấy nó (self-organizing), không bị môi trường chung quanh áp đặt trật tự (order) và tập tính (behavior), nhưng hở vì có sự giao lưu năng lượng và vật chất với bên ngoài thời luôn luôn ở vào một trạng thái rất xa cân bằng. Tuy nhiên vẫn có thể ổn định bền vững trong một khoảng thời gian nào đó. Prigogine gọi tên những hệ thống này là hệ thống tiêu tán (dissipative system) vì chúng phải tiêu tán vật chất và năng lượng để tồn tại.

Đó chính là trường hợp của mọi hệ thống sinh vật, của mọi sinh mệnh. Thông thường đời sống con người được quan niệm như một hiện tượng cân bằng nhưng không bền vững lâu dài (a state of non-stable equilibrium). Theo Prigogine thời ngược lại. Đời sống con người là một trạng thái không cân bằng mà tạm thời bền vững (a temporary state of stable non-equilibrium). Nếu muốn dùng một vật vô tri để diễn tả hình tướng của đời sống như một trạng thái không cân bằng nhưng tạm thời bền vững, ta có thể lấy trường hợp một xoáy nước (whirlpool) hay một cơn lốc xoắn ốc (tornado) làm thí dụ.

Tuy thuyết hệ thống rất hữu ích và thích hợp để mô tả các hệ thống sinh vật hay sinh mệnh, nhưng trong thực tế đến nay không mấy ảnh hưởng đến ngành sinh học. Sau ngày nhà sinh hóa học Hoa kỳ James D. Watson và nhà sinh vật lý học Anh Francis H. C. Crick phát minh mô thức cấu trúc xoắn kép của DNA ứng dụng rất có hiệu quả, và được ca tụng ngang hàng với Charles R. Darwin, nhà thiên nhiên học đã khám phá luật tiến hóa tự nhiên, thời phần đông sinh học gia chuyển đổi đối tượng nghiên cứu. Trước đây tế bào được xem như khối kiến trúc (building blocks) sinh mệnh, thời nay phân tử được xem là đơn vị cấu thành sinh vật. Các nhà di truyền học cũng bắt đầu khai phá bộ môn sinh học mới, khoa sinh học phân tử. Gần đây, ngoài nhiều phương cách định bệnh và trị liệu trong lĩnh vực y học mới phát minh tựa trên sự hiểu biết cấu trúc của DNA, có hai thành quả khác rất quan trọng thường được nhắc đến. Đó là kỹ thuật tạo sinh vô tính [Tạo sinh vô tính là dịch chữ cloning; vô tính ở đây là dịch danh từ sinh học asexual, có nghĩa là sự hình thành cá thể không có sự phối hợp các giao tử (gametes), hay sự truyền lại các vật liệu di truyền, khác với chữ vô tính tức vô tự tính dịch tiếng Phạn nihsvabhàva dùng để biểu trưng tính chất tương đối của mọi hiện thực], và mới nhất là sự hoàn tất công trình thiết lập trình tự (sequence) và định danh (naming) các gen trong toàn thể DNA của tế bào. Điểm đáng ghi nhận về những thành công nói trên trong ngành sinh học phân tử là sự xác nhận đời sống con người có bản chất vô tính (nhân bản vô tính), do nhân duyên mà thành hoại chứ không do bàn tay của vị thần linh nào tạo lập hay hủy diệt.

DNA, viết tắt chữ deoxyribonucleic acid, là vật liệu di truyền của hết thảy mọi tế bào sinh vật và của hầu hết virus (siêu vi trùng). Tế bào (cell) là đơn vị cấu trúc cơ sở của mọi cơ thể sống. Các tế bào cùng chức năng tạo thành mô (tissue), mô tạo thành các cơ quan (organ) trong cơ thể. Nhiều tế bào là sinh vật đầy đủ như vi khuẩn (bacteria) đơn bào và động vật (protozoa) đơn bào; nhiều tế bào khác như tế bào của dây thần kinh, gan, và bắp thịt là những thành phần chuyên hóa của sinh vật đa bào. Tế bào nhỏ nhất là tế bào vi khuẩn chất nấm (mycoplasma) có đường kính khoảng 0.1 micromet và tế bào lớn nhất là tế bào noãn hoàng (egg yolk) đà điểu có đường kính độ 8 centimet. Mọi tế bào đều hiện khởi do sự phân chia của một tế bào nguyên thủy. Tất cả tế bào trong con người chẳng hạn, dẫn xuất từ sự phân chia kế tiếp của một tế bào duy nhất, gọi là trứng thụ tinh (zygote), do sự kết hợp của trứng nguời mẹ và tinh trùng của người cha. Hầu hết các tế bào do sự phân bào tạo ra bắt đầu từ trứng thụ tinh đều đồng nhất giống nhau và đồng nhất với trứng thụ tinh về phương diện thành phần cấu hợp của vật liệu di truyền.

Mặc dầu chúng có hình tướng và chức năng khác nhau rất nhiều, tất cả tế bào đều có một màng (membrane) bao quanh một lớp chất tế bào hay bào chất (cytoplasm). Có hai loại tế bào: tế bào nhân sơ (prokaryote) chỉ có độc nhất một phân tử DNA tiếp xúc trực tiếp với bào chất vì không có màng nhân bao ngoài và tế bào nhân chuẩn (eukaryote) trong đó DNA đa dạng và độ lượng lớn hơn có màng nhân bọc ngoài phân cách với bào chất và tạo thành cái được gọi là nhân của tế bào. Sinh vật có nhân sơ bao gồm vi khuẩn (bacteria) và táo lam (blue-green algae). Sinh vật nhân chuẩn bao gồm động vật và thực vật.

Nhân tế bào do hai hóa chất tạo thành, protein và DNA. Bên trong nhân chuẩn, DNA quyện với protein tạo thành những cấu trúc đơn vị gọi là nhiễm sắc thể (chromosome). Các nhân sơ tuy không phân cách với bào chất vẫn chứa một ít nhiễm sắc thể. Tế bào nào trong con người cũng có 23 cặp nhiễm sắc thể. Trong số đó có 22 cặp gọi là thể thường nhiễm sắc (autosomal) cả trai lẫn gái đều có giống nhau. Hai thể thường nhiễm sắc trong mỗi cặp cũng giống nhau. Các cặp thể thường nhiễm sắc được đánh số từ 1 đến 22. Còn lại một cặp gọi là thể nhiễm sắc sinh dục (sex chromosomes) trong đó hai nhiễm thể có độ dài và cấu trúc khác nhau. Các thể nhiễm sắc sinh dục quyết định giống đực hay cái của mỗi cá thể. Gái thời có cặp XX, hai bản sao nhiễm thể cái, hay X nhiễm sắc. Trai thời có cặp XY, một bản sao nhiễm thể đực, hay Y nhiễm sắc và một X nhiễm sắc. Một thể nhiễm sắc sinh dục là do mẹ truyền lại, luôn luôn là X nhiễm thể; thể kia là do cha truyền lại, có thể là X nhiễm thể mà cũng có thể là Y nhiễm thể.

Số nhiễm sắc thể trong các tế bào sinh dục (sex cells) chỉ bằng nửa số nhiễm sắc thể của tế bào thân (somatic cells). Trong lúc thụ tinh một tế bào sinh dục của cha (tinh trùng) và một tế bào sinh dục của mẹ (trứng) hợp lại tạo thành trứng thụ tinh (zygote) chứa đầy đủ số nhiễm thể như trong các tế bào thân. Do đó, cha mẹ đã truyền lại cho con cái các tính chất làm cho con cái giống họ về hình dáng, tiếng nói, v..v... Nếu vì một lý do nào đó các tế bào có thừa hoặc thiếu một nhiễm sắc thể nơi trẻ sơ sinh, thời trẻ sơ sinh sẽ sinh ra dị dạng, bất bình thường. Chẳng hạn trường hợp nhiễm sắc thể số 21 có thừa, hay còn gọi là Dow's syndrome, trẻ sẽ chậm lớn, ngu đần, hay có tật bẩm sinh về tim hoặc chết vì ung thư máu.

Sau hơn 50 năm khoa di truyền học được thành lập và tính di truyền qua các gen được giải thích cặn kẽ, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Làm thế nào các nhiễm sắc thể và gen của chúng được sao chép đi sao chép lại nhiều lần mà vẫn luôn luôn chính xác trong sự phân chia từ tế bào này đến tế bào khác? Bằng cách nào chúng điều động và hướng dẫn sự chuyển biến cấu trúc và tập tính của các sinh mệnh? Một mô hình cấu trúc của DNA được James Watson và Francis Crick thành lập và công bố lần đâu tiên vào năm 1953. Mô hình này giải thích tường tận sự tổng hợp protein và tiến trình tái bản thông tin di truyền. Vì vậy hai nhà bác học tác giả của mô hình DNA được thưởng giải Nobel Y học năm 1962.

Cấu trúc của phân tử DNA gồm hai chuỗi xoắn do các hợp chất hóa học gọi là nucleotide nằm dọc theo hai chuỗi tạo thành. Chuỗi đơn này xoắn chuỗi đơn kia tạo nên một chuỗi xoắn kép giống hình một thang lầu trôn ốc. Mỗi nucleotide gồm có ba đơn vị: một phân tử đường gọi là deoxyribose, một nhóm phosphate, và một trong bốn hợp chất của nitơ gọi là base: hoặc base A (gọi tắt adenine), hoặc base G (gọi tắt guanine), hoặc base C (gọi tắt cytosine), hoặc base T (gọi tắt thymine). Phân tử đường chiếm vị trí giữa, bên này là nhóm phosphate, bên kia là một trong bốn base vừa kể. Nhóm phosphate của mỗi nucleotide liên kết với phân tử đường của nucleotide kế tiếp. Những liên kết đường-phosphate nằm trên chuỗi đơn này đối hợp với liên kết đường-phosphate nằm trên chuỗi đơn kia. Các base trên hai chuỗi đối diện nhau giống như hai đầu của một nấc thang, mỗi đầu nằm trên một chuỗi đơn, và như vậy, chúng liên kết hai chuỗi đơn với nhau. Do ái lực hóa học nên nucleotide chứa A phía chuỗi này luôn luôn cặp đôi với nucleotide chứa T phía chuỗi kia, và nucleotide chứa C phía chuỗi này luôn luôn cặp đôi với nucleotide chứa G phía chuỗi kia.

DNA vận tống mọi thông tin cần thiết để chỉ dẫn sự tổng hợp protein (protein synthesis) và sự tái bản (replication). Tổng hợp protein có nghĩa là sản xuất các thứ protein cần thiết cho sự hoạt động và phát triển của virus hay của tế bào. Tái bản có nghĩa là quá trình theo đó DNA tự làm bản sao chính nó để truyền lại cho virus hay tế bào kế thừa, đồng thời chuyển trao thông tin cần thiết cho việc sản xuất protein.

Các virus không được xem như là tế bào vì chúng không có thiết bị hóa học tái bản. Chúng phải ăn bám (ký sinh) vào các tế bào để nhờ đó mà phiên dịch mã hóa lệnh di truyền của chúng hầu tự sản xuất thêm ra.

Bằng cách nào DNA chỉ thị sự sản xuất protein? Protein là những hợp chất hữu cơ tạo nên sinh vật và có nhiều chức năng rất quan trọng tối cần thiết đối với mọi cơ thể sống, như điều tiết (regulation), vận chuyển (transport), bảo vệ (protection), co rút (contraction), kiến tạo cấu trúc (structure), và sản xuất năng lượng (energy). Thí dụ: protein với tên gọi enzyme có phận sự điều tiết các phản ứng hóa học; hormone tiết chế các quá trình sinh lý học; insulin kiểm soát sự vận chuyển glucose vào tế bào. Huyết cầu tố (hemoglobin) chuyển oxy và carbon dioxide vào máu; protein trong màng tế bào kiểm soát sự giao lưu các vật liệu thông qua màng tế bào; v.. v..

Đơn vị cấu tử của protein gồm có vào khoảng 20 phân tử axit amin (amino acids). Cấu trúc và chức năng của protein là do trình tự sắp xếp các axit amin định đoạt. Trình tự các axit amin lại do trình tự các base của nucleotide trong DNA định đoạt. Tương hợp với mỗi axit amin riêng biệt là một bộ ba base của nucleotide gọi là mã hay codon. Thí dụ: bộ ba GAC là mã của axit amin leucine; bộ ba CAG là mã của axit amin valine. Nếu một protein có 100 axit amin thời sẽ được ghi mã bằng một đoạn phân tử DNA gồm có 300 nucleotide. Chỉ một trong hai chuỗi đơn cấu thành chuỗi xoắn kép của một phân tử DNA là có chứa thông tin cần thiết để sản xuất một trình tự axit amin nào đó. Chuỗi này có tên là chuỗi bản năng (sense strand). Chuỗi đơn kia đóng vai trò phụ lực để thực hiện sự tái bản (replication).

Sự tổng hợp protein bắt đầu bằng sự phân đôi một phân tử DNA.Trong quá trình phiên mã (transcription), một đoạn cắt (section) trong chuỗi bản năng của DNA dùng làm mẫu hình (pattern) để sản xuất một chuỗi mới gọi là thể truyền tin RNA (messenger RNA viết tắt là mRNA; RNA tức ribonucleid acid). Thể mRNA lìa khỏi nhân tế bào và buộc vào một cấu trúc tế bào chuyên hóa gọi là ribosome, cơ xưởng tổng hợp protein. Các axit amin được tải đến ribosome bằng một thứ RNA khác gọi là thể vận chuyển RNA (transfer RNA; viết tắt tRNA). Trong quá trình phiên dịch (translation), các axit amin liên kết với nhau theo một trình tự riêng biệt đúng theo mệnh lệnh của mRNA để tạo lập một protein.

Gen là một trình tự các nucleotide có chức năng định rõ thứ tự sắp xếp các axit amin trong một protein qua trung gian của một thể truyền tin mRNA. Nếu biến đổi một nucleotide của DNA bằng cách thay vào một nucleotide khác với một base khác thời kết quả là trình tự biến đổi các base của nucleotide sẽ được truyền lại cho tất cả con cháu tế bào hay virus về sau. Do đó trình tự các axit amin trong protein sản xuất cũng có thể biến đổi. Một sự thay đổi như vậy gọi là một đột biến (mutation). Hầu hết các đột biến phát sinh từ sự sai lầm trong quá trình tái bản. Bức xạ hay một số hóa chất nào đó tác dụng trên tế bào hay virus có thể gây ra đột biến.

Bằng cách nào thực hiện được sự sao chép một phân tử DNA? Sự tái bản một phân tử DNA thực hiện trong nhân của tế bào và xảy ra ngay trước khi tế bào phân hai. Tái bản bắt đầu với sự tách hai chuỗi xoắn kép của phân tử DNA nguyên thủy xa nhau ra. Gọi hai chuỗi tách riêng là chuỗi 1 và chuỗi 2 chẳng hạn. Mỗi chuỗi tách riêng dùng làm mẫu hình để tựa theo đó mà sắp ghép một chuỗi bổ sung mới hầu tạo nên một tái bản của DNA nguyên thủy. Sau đây ta xét cách thức tái bản bằng vào chuỗi tách riêng 1 mà thôi. Những gì xảy ra cho chuỗi 1 này cũng lặp lại giống hệt cho chuỗi 2 kia.

Mỗi nucleotide trong chuỗi 1 thu hút một nucleotide mới đã được tế bào tạo sẵn trước đó. Như vậy, một nucleotide trong chuỗi 1 liên kết với một nucleotide sẵn có tạo thành một nấc thang của một phân tử DNA mới. Nên nhớ sự liên kết chỉ thực hiện do ái lực hóa học giữa A và T, giữa C và G. Sau đó, các nucleotide bổ sung được một enzyme có tên là DNA polymerase liên kết lại thành chuỗi bổ sung chuỗi 1. Sự liên kết được thực hiện giữa nhóm phosphate của nucleotide này với phân tử đường của nucleotide kế tiếp, giống như trong DNA nguyên thủy. Cuối cùng, bên cạnh chuỗi 1 ta có một chuỗi bổ sung hợp với chuỗi 1 thành một phân tử DNA mới, tái bản của DNA nguyên thủy. Bên phía chuỗi 2, ta cũng có một tái bản mới của DNA nguyên thủy. Khi tế bào phân hai, mỗi phần tế bào sẽ mang theo một tái bản của DNA nguyên thủy vừa tạo lập.

Với sự hiểu biết sâu rộng về cấu trúc và chức năng của phân tử DNA và với những tiến bộ trong việc triển khai thuyết hệ thống, thử hỏi nên quan niệm sự hiện khởi của sinh mệnh như thế nào?

Các nhà khoa học đưa ra rất nhiều giả thuyết để giải thích nguồn gốc và sự tiến hóa của sự sống. Khi đề xướng các thuyết ấy họ nương vào những bằng chứng tìm ra nơi các vật hóa thạch (fossil), hoặc mô phỏng trên máy tính (computer simulation) các điều kiện nhân duyên hiện hữu trong thời kỳ sơ khai của quả đất, hoặc tựa trên cấu trúc và chức năng của các tế bào.

Quả đất thành hình cách đây hơn 4 tỉ năm. Trong một tỉ năm đầu, mọi điều kiện nhân duyên để sự sống sinh khởi lần lần hội đủ. Mới đầu quả đất là một quả cầu lửa. Nhờ thể tích khá lớn nên quả cầu lửa khi nguội mới đủ khả năng giữ lại một bầu khí quyển và chứa đủ những nguyên tố hóa học cơ bản cần thiết để tạo tác những khối kiến trúc sự sống. Quả đất lại cách xa mặt trời một khoảng thích hợp, vừa đủ xa để sự nguội diễn tiến theo một quá trình chậm và hơi nước ngưng tụ thành nước, và vừa đủ gần để các khí không đóng băng vĩnh viễn.

Sau độ nửa tỉ năm lạnh lần, hơi nước trong khí quyển ngưng tụ; mưa xối xả suốt nhiều ngàn năm, và nước tụ lại thành nhiều biển cạn. Suốt thời gian dài quả đất tiếp tục nguội, carbon, nguyên tố cơ bản của sự sống, tổ hợp với hydro, oxy, nitơ, sulfur, và photpho để tạo tác một số lớn đủ thứ hợp chất hóa học. Những nguyên tố vừa kể: C, H, O, N, S, P, là những thành phần hóa học chính yếu có mặt trong mọi sinh mệnh hiện nay.

Trong suốt nhiều năm, các nhà khoa học bàn cãi về vấn đề sự sống sinh khởi từ một hỗn hợp vật liệu xuất hiện vào thời kỳ quả đất nguội đi và biển lan rộng ra. Có thuyết cho rằng sự sống phát khởi do một chớp điển. Thuyết khác cho rằng sự sống được mang lại từ ngoài quả đất qua trung gian của những vẫn thạch. Có người bác bỏ hai thuyết ấy sau khi tính thấy xác suất để các trường hợp như vậy xảy ra quá bé nhỏ gần như triệt tiêu. Hiện nay, những công trình nghiên cứu về các hệ thống có khả năng tự tổ chức (self-organizing system) chứng minh không cần đến những biến cố đột nhiên như vừa đề cập để giải thích sự sinh khởi của sự sống.

Theo thuyết hệ thống, môi trường của quả đất trong thời kỳ sơ khai hội đủ điều kiện để những phân tử phức hợp thành hình. Một số phân tử phức hợp đó lại có tính chất xúc tác đối với nhiều loại phản ứng hóa học. Chính những phản ứng xúc tác khác nhau lần hồi móc lồng vào nhau để tạo ra những mạng có khả năng tự tổ chức và tự tái bản. DNA và RNA có thể là thành phần chủ yếu của những mạng này. Vì chỉ có DNA và RNA là những phân tử hữu cơ có khả năng tự tái bản mà thôi. Đến giai đoạn này sự tiến hóa tiền sinh học đã được định hướng. Các chu trình xúc tác biến chuyển thành những hệ thống gọi là hệ thống tiêu tán (dissipative system), nghĩa là kín về tổ chức nhưng hở về cấu trúc vì có giao lưu năng lượng và vật chất. Những hỗ tương tác dụng với bên ngoài của những hệ thống tiêu tán gây ra sự mất bền vững và làm xuất khởi những hệ thống hóa học đa dạng hơn như kết thành màng chẳng hạn. Do đó, sinh khởi những hệ thống có màng bọc quanh, có khả năng tự tái bản, tiến hóa một thời gian, rồi tự hủy diệt. Những hiện tượng như vậy xảy ra liên tiếp không ngưng. Cuối cùng, vào khoảng 2 tỉ năm về trước, xuất hiện tế bào vi khuẩn đầu tiên và từ đó sự sống bắt đầu tiến hóa.

Những mô hình khoa học vừa trình bày trên về tánh sinh, trụ, diệt của sinh mệnh đưa đến những nhận xét sau đây.

1. Những chuỗi DNA và RNA là những kho lẫm thông tin biểu hiện bộ mã hóa lệnh di truyền. Tuy chưa hiểu biết chính xác bộ mã này hiện khởi và phát triển như thế nào, nhưng tựa vào thành quả nghiên cứu bằng cách sử dụng nào là toán học, nào là mô phỏng trên máy tính, nào là thí nghiệm trên các phân tử sinh vật, các nhà sinh học tin rằng một khi con số phân tử trong một quần tập hóa chất đủ các loại tăng vượt quá một ngưỡng mức nào đó, thời toàn thể sinh mệnh xuất khởi đồng loạt vị phân hóa như là một mạng các phản ứng hóa học và xúc tác chuyển hóa liên tục tự tạo tự sinh. Vào lúc ấy bộ mã di truyền hiện khởi như là một tính chất tự nhiên của một phức hợp hóa học. Theo Stuart Kauffman, nhà nghiên cứu nguồn gốc sinh mệnh rất nổi tiếng, bí mật của sinh mệnh không tìm thấy được nơi cấu trúc tuyệt mỹ của chuỗi xoắn DNA hay RNA, mà chính ở trong sự thành tựu tự nhiên những hệ thống tiêu tán liên tục tự tạo tự sinh.

2. Khái niệm thông tin hiện nay rất thông dụng nhờ khắp nơi đều biết cách nhập dòng Internet là mạng lưới thông tin toàn cầu. Thông tin mạng lưới phát hiện là chữ, hình, hay âm thanh do thông tục quy định nghĩa lý. Những thông tin này truyền dẫn với một vận tốc không thể quá tốc độ ánh sáng truyền dẫn. Thông tin cất giữ trong DNA và RNA là một thứ thông tin khác. Đó là những mã lệnh. Một khi được phiên mã (transcription) nghĩa là di chuyển mã thông tin di truyền từ DNA qua mRNA và được phiên dịch (translation) tức là quá trình mRNA rời nhân đến ribosome và chuyển mã thông tin di truyền thành lệnh tổng hợp protein thời DNA hoàn tất vai trò tổng hợp protein và tái bản truyền thừa. Trong khi thực hiện hai quá trình nói trên, có thể xảy ra đột biến, tức là sự thay đổi tổ chức và cấu trúc của DNA, hoặc do tia X, hoặc do tia tử ngoại, hoặc do hóa chất tác dụng trên các base của DNA. Đột biến có thể gây chứng ung thư hay những tính khác thường cho chính cá nhân hay truyền xuống cho con cháu. Nhưng cũng có những đột biến lợi ích phát triển trong quần thể nhờ sự chọn lọc tự nhiên theo thuyết tiến hóa của Darwin.

3. Vì mọi sinh hệ như tế bào (cell), cơ thể (organism), đều là hệ thống tiêu tán, kín trên phương diện tổ chức nhưng hở trên phương diện cấu trúc, nên chỉ tạm thời ổn định bền vững. Nói cách khác, sinh mệnh luôn luôn ở trong một chế độ bền vững nhưng rất gần bờ vực của một chế độ hỗn độn. Theo ngôn ngữ hệ thống động lực học (dynamical systems), trong một chế độ hỗn độn, chỉ cần thay đổi điều kiện nhân duyên trong hiện tại một lượng rất bé nhỏ thời tất cả hệ thống sẽ thay đổi dạng thức không thể lường trước. Thí dụ: Vào đầu thập niên 1960, nhà thời tiết học Edward Lorenz nhận thấy không thể tiên đoán thời tiết trong một khoảng thời gian dài hạn vì hệ thống động lực gồm ba phương trình vi phân ông sử dụng để tiên đoán thời tiết dẫn đến những lời giải thật hỗn độn, nghĩa là điều kiện nhân duyên vào một lúc nào đó thay đổi tí chút là về sau quỹ đạo của lời giải biến thiên theo nhiều cách thật bất ngờ, không đoán trước được. Bởi vậy trong thuyết hỗn độn, hiện tượng này được gọi là "hiệu quả bướm đập cánh" (Butterfly effect). Một con bướm ở Huế đập cánh nhẹ tức thời một cơn giông tố dữ dội nổi lên ở Hoa Thịnh Đốn!

Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, tập tính tồn tại của sinh mệnh là theo Trung đạo. Nghĩa là không bền vững lâu dài để hóa ra thường còn vĩnh viễn, không nghiêng về hỗn độn để rơi vào hư vô đoạn diệt. Theo Stuart Kauffman, lý do các hệ thống phức tạp như sinh mệnh ở vào một cách thế tạm thời ổn định bền vững và rất gần bờ vực của chế độ hỗn độn là bởi tại luật tiến hóa (Darwin's evolution law) đặt chúng vào trạng thái đó.

Tóm lại, được thuyết minh như là hiện thân của sự biến hóa của các phân tử di truyền hay theo thuyết hệ thống tiêu tán liên tục tự tạo tự sinh, sinh mệnh và sự phát sinh của sinh mệnh đúng là pháp do duyên khởi. Do đó, theo ngài Long Thọ, sinh mệnh "là Không, là Giả danh, và cũng chính là Trung đạo".

Tháng 12, 2000
Trích từ: Nguyệt San Phật Học Xuất Bản - Phật lịch 2545

Quan Niệm Của Đức Phật Với Nữ Giới Như Thế Nào?

TRẢ LỜI CỦA BAN TƯ VẤN TẠP CHÍ GIÁC NGỘ:

Đức Phật nhiều lần cố tình tránh né phụ nữ vì không ít lần họ đã khuấy nhiễu, cản trở việc hoằng hóa. Chuyện nàng Sundarì bị một số ngoại đạo thúc giục đóng vai một tín nữ ngưỡng mộ, hoặc Cincà giả vờ mang thai để hạuy tín của Ngài trước chúng hội, hoặc những phiền phức xảy ra của một số phụ nữ trong gia tộc Thích Ca, rồi chuyện của bà vương phi Yasodhara và bà dưỡng mẫu Mahàpajàpati khóc lóc than thở xin được thành lập giáo hội Tỳ Kheo ni… và nhiều chuyện động trời khác nữa. Đầy dẫy trong kinh tạng những lời phán xét của đức Phật về tính gian xảo, ích kỷ, che dấu, môi mép, mưu mẹo, không trung thành… của đàn bà. Thế nhưng họ có sức quyến rũ lạ thường đối với đàn ông, dù đó là bậc hiền triết cũng khó mà kiềm chế không cho dục vọng sinh khởi.

Này các Tỳ Kheo, ta không thấy một hình sắc nào làm say đắm tâm trí của đàn ông như hình sắc của đàn bà. Ta không thấy một âm thanh, mùi hương, vị, xúc nào làm say đắm tâm trí đàn ông như âm thanh, mùi hương, vị, xúc của đàn bà ( Tăng Chi Bộ).

Người đời cũng chua chát than vãn: “ Dùng lửa để thử vàng, dùng vàng thử đàn bà, dùng đàn bà thử đàn ông” quả thật không sai tí nào. Nhưng với một Thầy Tỳ Kheo chưa phá trừ kiết sử làm thế nào để chế ngự đây? Năm thứ 13 sau khi Phật thành đạo, chính phụ nữ là đối tượng để các thầy Tỳ Kheo đầu tiên phá hạnh thanh tịnh và Phật phải chế giới. Những “ sương phụ” Tỳ Kheo đã ruồng bắt những đức ông chồng trốn đi xuất gia bằng những trò tinh ma quỷ quyệt. Những thiếu nữ đa tình thuộc cấp thấp đã chết mê chết mệt trước những vị xuất gia trẻ đẹp, đạo hạnh ôm bình bát lang thang một mình. Giới luật vì thế ngày mỗi khắc khe, đức Phật cẩn thận khuyên các thầy Tỳ Kheo trẻ phải tâm niệm như đang gánh bó rơm khô trên vai mà phụ nữ là hầm lửa đang cháy phừng phựt, không được khinh suất lại gần. Phải tránh xa họ ra, đừng vì chút lợi dưỡng mà để họ phá sạch Thất Thánh tài thì coi như con đường giải thoát vô phần. Thầy A Nan cũng là một nan nhân của những phụ nữ ướt át tình cảm. Chuyện nàng Ma Đăng Già đã làm cho thầy quá khiếp đảm và luôn ở thế phòng ngự. Lúc Phật sắp nhập diệt, thầy A Nan đã đề cập đến vấn đề này với niềm thao thức cho các vị xuất gia sau này khi phải tiếp xúc với phụ nữ.

“ Này A Nan, không nên nhìn họ.
- Song nếu chúng con phải đối diện thì làm thế nào?
- Đừng bắt chuyện với họ.
- Nhưng nếu họ nói chuyện với chúng con thì sao?
- Chỉ nên nói vài lời và luôn tỉnh thức để phòng hộ tâm ý.

Nếu chỉ vì thế mà chúng ta kết luận rằng đức Phật ghét phụ nữ là sai lầm.

Ngay cả phương diện đạo đức của họ đức Phật cũng chưa bao giờ khẳng định là yếu kém tuyệt đối. Đại vương Pasenadi thất vọng vì hoàng hậu Mallikà đã sinh ra một công chúa thay vì một hoàng tử như hằng mong ước. Đức Phật an ủi bằng cách nói rằng một người nữ nếu thông minh và đức hạnh, biết tôn kính cha mẹ, trung thành tận tụy với chồng thì còn đáng quý hơn một nam nhi. Ngài còn khen ngợi gia chủ Nakulapità ở vùng Sumsumàragiri có được người vợ hiền như bà mẹ Nakula, khi ông lâm chung vì trọng bệnh, bà đã hứa với ông rằng bà sẽ nuôi nấng gia đình, giáo dục các con và sống hợp với đạo đức. Rồi đức Phật hết lời khen ngợi bà phu nhân Visakha đã bao dung không quở trách đứa nô tỳ bỏ quên chiếc áo choàng bạch điệp trong tinh xávà còn cảm ơn cô ấy đã giúp bà có cơ hội phát tâm cúng dường cho chư Tăng. Chính đức Phật công nhận Cù Đáp Ma Gầy là một vị Ni trì giới đệ nhất, đã từng dũng cảm vượt qua những cơn tai biến khủng khiếp trong đời: con đứa bị sói tha đứa bị nước cuốn, chồng thì bị rắn cắn, cha mẹ thì chết trong hỏa hoạn….

Đức Phật đã công khaixác nhận phụ nữ có khả năng chứng Niết Bàn, và thực chất thì khắp trong kinh tạng nói đến vô số các vị Tỳ Kheo ni và nữ đệ tử tại gia dự vào các quả vị Thánh. Dù hiện kiếp quả vị Vô thượng Bồ Đề không có phần của họ, nhưng không ít vị Ni vừa xuất gia tu tập đã nhanh chóng tiến đến quả vị cao nhất của bậc Thánh, A La Hán, bỏ xa nhiều thầy Tỳ Kheo công phu lâu năm.

Trong kinh tạng Palì, tất cả những câu chuyện kể những cuộc hội kiến giữa đức Phật và phụ nữ đều chứng tỏ Ngài xem họ bình đẳng với nam giới. Sự kiện một số nữ nhân ác hạnh hay tranh cãi và một số nữ nhân đã lôi cuốn các thầy Tỳ Kheo ra khỏi chánh đạo, vẫn không cản trở Ngài công nhận rằng: “ Nữ giới có khả năng đạt kiến thức cao và nhiều nữ nhân còn vượt hẳn nam nhi về lòng nhân từ và tận tụy hy sinh”. Ngài cũng biết rằng thông thường chính phụ nữ quyết định bầu không khí mộ đạo trong gia đình và dạy bảo con cháu các nguyên tắc đạo đức. Thực tế cho thấy có nhiều phụ nữ trong số người hộ trì Phật Pháp phần lớn là do đức Phật đã công nhận nữ giới có ý thức trách nhiệm và đầy đủ khả năng giải thoát mà các ngoại đạo sư đương thời kịch liệt phản đối.

Vì lý do này, nữ giới rất xúc động và bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đối với đức Phật.

Cầu Siêu Độ

Ba tôi mất tháng 10 này sẽ là một năm. Lúc đầu thì mẹ tôi đem tro của ba tôi vào chùa ký gởi nhờ thầy tụng kinh. Sau đó như ý nguyện của ba tôi, mẹ tôi đem tro về chôn ba tôi gần mộ ông bà nội tôi. Thế là ở nhà tôi chỉ có tấm hình của ba tôi, chỉ vậy thôi, không có thường cúng kiếng gì cả. Tôi thấy ở Việt Nam, gia đình có người thân thì hay tụng kinh cho người đã khuất. Tôi sắp về Việt Nam. Tôi xin hỏi quý vị rằng tôi có nên nhờ thầy tụng kinh cho ba tôi không? Tôi nghe nói, nếu mà mình nhờ thầy nào đắc đạo cao hơn, thì linh hồn người chết sẽ có hy vọng được siêu thoát. Tôi không biết điều đó có đúng không thưa quý vị? Và tôi phải làm như thế nào để linh hồn của ba tôi được siêu thoát? Xin quý vị chỉ dẫn cho, tôi xin thành tâm cảm ơn quý vị.

Chào cháu Hương,

Các chùa Việt Nam và Trung Hoa theo truyền thốngPhật GiáoĐại Thừathường hay tổ chức các nghi lễ cầu siêu cho thân nhânquá vãng của người Phật tử sớm được siêu sinh Tịnh Độ. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện cho thần thức người quá vãng được siêu thoát khỏi cảnh khổ để tới một cảnh giớian lành, cao hơn, thường là cõi Tịnh Độ. Lễ cầu siêu được tổ chức vào lúc người thân đang hấp hối, trong suốtthời gian lễ tang và kéo dài tới 49 ngày, có khi đến 100 ngày sau đó và vào những ngày cúng giỗ. Hàng năm các chùa cũng tổ chức thiết lễ cầu siêu liên danh tập thể vào dịp lễ Vu Lan.

Nghi lễ cầu siêu thường bao gồm việc tụng kinh, lễ sám, cúng dường, phóng sinh, làm những việc phước thiện như bố thí và hồi hướng những công đức ấy đến người quá vãng. Có người thắc mắc không biết cầu siêu như thế có thực sự đem lại lợi ích cho người mất không? có giúp thần thức người quá vãngsiêu thoát về cảnh giớian lạc không?

Quả thật khó mà khẳng định. Nếu nói có thì làm sao có thể chứng minh được với người sống? Vì lẽ chưa có người chết nào trở về cho chúng ta hay họ đã đi tái sanh vào cõi nào. Nếu nói không thì hoá ra chấp không, phủ nhận những lời dạy của Thánh hiền? Có một điều chắc chắn là chúng ta không biết cha mẹchúng tatái sanh vào cảnh giới nào. Do vì không biết rõ nên chúng tacần phải làm với hết sứcthành tâm của mình như thiết lễ cầu siêu, cúng dường, tu phước, bố thí, tránh sát sinh và phóng sinh. Những việc làm này, xét trên phương diệnthực tế thì chúng ta đã làm những việc tốt, đã gieo những nhân lành và chắc chắn, theo luật nhân quả thì chúng ta sẽ gặt hái cho chính chúng ta những quả tốt lành trong tương lai. Đối với người đã khuất, là bậc làm con, chúng ta đã thể hiện bằng tất cả tấm lòng tha thiết cầu mong cha mẹ sớm siêu thoát đến cảnh giớian lành. Điều này không biết có được như ý nguyện không, nhưng hành động với tâm thành đã thể hiện thì thế nào cũng có cảm ứng. Việc cảm ứng nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào nhân duyênnghiệp quả của cha mẹ với con cái nữa.

Như thế, sức mạnh chủ yếu của việc cầu siêu vẫn là những việc làm khi chúng ta đang còn sống.Vì vậy đối với người Phật tử, nếu muốn cứu độ người quá vãng thì nên tránh làm các điều ác và làm các việc lành, ấn tống kinh sách để Phật Giáo được lưu hành, làm các công tác từ thiệnxã hội như bố thí cho những người nghèo khổ, thăm viếng những cụ gìa sống cô đơn trong các trại dưỡng lão, chăm sóc các trẻ em mồ côi tật nguyền và điều quan trọng khác là tự thanh lọc tâm ý mình. Trong các lễ cầu siêu nếu mời được chư Tăng Ni thì tốt, nếu khôngthuận duyên hay vì một lý do nào đó không thể mời được cũng không sao. Hoà ThượngThánh Nghiêmcho biết là “không nhất thiết phải mời Tăng Ni đến tụng kinh. Tăng Ni khi được cúng dường thì chỉ chú nguyện cho thí chủ mà thôi. Vì Tăng Nitụng kinh là công việc làm hàng ngày của Tăng Ni trong các khoá lễ, tụng kinh là một phương pháptu hành, mục đích của việc tụng kinh không phải là để siêu độ người chết. Thí chủcúng dườngchư Tăng Ni là để cho chư Tăng Ni có thể tu hành đạt đượcmục đích của tu hành...” [Hoà ThượngThánh Nghiêm, Phật GiáoChính Tín, Phân Viện Nghiên CứuPhật Học, Hà Nội xuất bản 1991].

Việc cháu hỏi, “nếu mà mình nhờ thầy nào đắc đạo cao hơn, thì linh hồn người chết sẽ có hy vọng được siêu thoát chăng?” Điều này đã được trả lời qua tích truyện Mục Kiền liên. Ngài Mục Kiền Liên đã đắc quảA La Hán, có thần thông bậc nhất trong các Đại Đệ Tử của Phật, với sức một mình ngài cũng không cứu nổi thần thức mẹ đang chịu khổ vì phải trả nghiệp mà phải nhờ nhiều vị Thánh Tăng đồng tâm chú nguyện mới được.

Cháu Hương,

Cháu đang có dự tính về Việt Nam, nếu cháu khởi niệm muốn thiết lễ cầu siêu cho ba cháu với ước mong ba cháu được siêu thoát thì cháu cứ việc thực hiện với tất cà tấm lòng chân thành và thiết tha. Cháu có thể đến một ngôi chùa nào đó tác bạch với thầy trụ trì để xin cúng dườngtrai tăng làm lễ cầu siêu cho ba cháu. Song song với việc đó cháu cũng cố gắngthực hiện các công tác từ thiệnxã hội như giúp đỡ các trẻ em mồ côi, tật nguyền đang lang thang trên các vỉa hè hay đang tập trung tại các trung tâmxã hội, các lớp học tình thương hay các mái nhà nhân ái. Ờ quê nhà có rất nhiều cảnh đời khốn khổ đang cần những bàn tay thoa dịu của cháu. Cháu có thể vào xem những mảnh đời bất hạnh này cùng những tấm lòng từ ái trong Thư Viện Hoa Sen tại địa chỉ sau:

Cháu Hương ơi, sự vô thườngmong manh của đời người mà tri ân và báo âncha mẹ cùng chúng sinh cũng là những lý do để chúng taphát khởitâm từ bi hầu chúng ta có thể làm tất cả các việc lành cho chúng sinh. Hãy “quyết tâmthành tựu sự hạnh phúc cao lớn nhất cho tất cả chúng sinh. Điều này còn hơn cả viên ngọc như ý. Tôi sẽ thường trựcliên tục thương quí mọi chúng sinh.” Đó là đoạn thi kệ đầu tiên trong tám đoạn thi kệ bất hủ của một vị Thánh TăngTây Tạng mà chúng ta nên nhắc nhở cùng nhau.

Hy vọng những lời góp ý trên có thể giúp cháu hiểu thêm và tìm cho mình một hướng đi, vừa giúp ích cho mình vừa giúp ích cho người quá vãng và vừa giúp ích cho tất cả hữu tìnhchúng sinh.

Cháu có thể xem thêm bài phát thanh hàng tuần của BBT TVHS liên quan đến câu hỏi của cháu. Chúc cháu nhiều nghị lực và an lạc.

Tịnh Thủy

Thưa quý thính giả,

Về nghi thức cúng kiếng, cầu nguyện cho người qua đời thì tôn giáo nào cũng có. Không những thế, ngay cả từ thời kỳ mông muội, chưa có tôn giáo, cũng đã có những sự cầu nguyện các đấng mà họ nghĩ là linh thiêng, nhiều quyền phép nào đó, để che chở, cứu vớt người thân đã chết của họ. Họ làm vậy vì trước những tai họa xảy đến, con ngườicảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, nên nảy sinh nỗi sợ hãimênh mông đối với bóng tối, sấm chớp, núi cao, sông sâu, dịch bệnh, vân vân, họ tưởng tượng ra nhiều loại thần, nhiều loại ma, và khi người thân chết đi, họ thương xót, thấy là từ nay không còn giúp đỡ, bảo vệ được người thân nữa, họ bèn nghĩ tới các Thánh Thần, đến những nhân vật được tưởng tượng ra từ biết bao nhiêu đời trước mà cho đến nay thì đã được tô đậm thành những hình ảnh huyền bí, đầy quyền năng nơi cõi u linh nào đó chưa ai biết tới, nhưng là nơi mà thân nhân họ có lẽ đang bơ vơ lạc lõng trong đó.

Từ niềm thương xót người thân mà nay mình đã đành chịu bất lực, họ cầu cứu đến các đấng được gọi là khuất mày khuất mặt đầy bí mật, các đấng đã được những kẻ lợi dụnghình ảnhlinh thiêng để hù dọa thân nhân người đã chết, khiến cho họ phải biện lễ hậu hĩnh đến xin xỏThần Thánh này.

Đạo Phật khi tới các vùng đất mới, thường uyển chuyển hội nhập, gọi là tùy duyênphương tiện, dùng bình của địa phương đựng nước Cam Lồ của nhà Phật, cho nên bên cạnh những nguyên tắc sống Từ BiHỉ Xả, tham thiền, nhập định, hành trìtu tập trong khuôn khổ của đạo Giác Ngộ, vẫn tham dự các nghi lễ vốn có từ ngàn xưa của địa phương, chỉ chuyển hóa từ từ. Cho nên, trên con đường Bắc truyền, một số hình thứclễ nghi của những vùng mà đạo Phật đi qua vẫn cùng với đạo Phật chung vai sát cánhôn hòa.

Một số quốc gia trong trường hợp này vốn sẵn có những nền đạo học rất uyên áo, sâu sắc, thí dụKhổng giáo, Lão giáo, vân vân. Cúng kiếng là một lễ nghi quan trọng của Khổng giáo, coi như là một nguyên tắc sống của con người. Cúng giỗ là một hình thứcbáo hiếu. Không có con trai nối dõi tông đường để thờ cúng tổ tiên bị coi như là tội đại bất hiếu. Trong niềm tin ấy, đạo Phật muốn sống hài hòa với đời, tất nhiên là cũng tùy duyên áp dụng các nghi thức cúng bái, miễn sao không trở nên quá mê tín, vi phạm vào quy luậtnhân quả niềm tin cốt tủy của Phật tử trong thế giớihiện tượngtương đốimà thôi.

Vậy thìthực ra, đạo Phậtquan niệm thế nào về sự cúng kiếng cho người chết?

Thưa quý thính giả, muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu coi đạo Phậtquan niệm thế nào về sự Sinh và Tử, và theo đạo Phật thì có một linh hồntrường tồn sống mãi mãi trong một cõi giớiu linh nào đó để hằng năm trở về nhà con cháu ăn một bữa cơm không. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một bài pháp, lược trích trong cuốn Đức Phật Phật Pháp do Hòa Thượng Narada biên soạn theo kinh sách nhà Phật và do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch:

"Theo triết họcPhật Giáo (Vi Diệu Pháp), ba hiện tượng có thể xuất hiện cho con người thấy trong giai đoạn hấp hối là: Nghiệp, Hiện Tượng Của Nghiệp, và Biểu Hiện Lâm Chung.

Nghiệp là vài hành động tốt hay xấu trong đời sống hoặc ngay trước phút lâm chung. Nếu người hấp hối đã phạm một trong năm tội nặng là các tội giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán, làm tổn thươngĐức Phật và chia rẽ Tăng chúng, hoặc người ấy có một thiện nghiệp lớn như đã đắc một trong các tầng Thiền, thì sẽ chứng nghiệmHiện Tượng cùa Nghiệp trước khi chết. Những hành động thiện hay bất thiệnđặc biệt ấy có năng lực thật mạnh, chen vào, áp đảo tất cả các hành động khác và biểu hiện thật rõ rệt trước mắt người hấp hối.

Nếu không có Nghiệp xấu hoặc tốt mạnh mẽ như vậy thì có thể tiến trình tư tưởngcuối cùng của người ấy sẽ tùy theo cái Nghiệp vừa tạo liền trước khi chết, gọi là Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là hành vicuối cùng hoặc hành vi nào mà luồng tư tưởngcuối cùngsực nhớ ra ngay lúc lâm chung.

Nếu không phải Cận Tử Nghiệp thì có thể là Thường Nghiệp là những việc mà đương sự thường làm hằng ngày, hoặc thưòng nhớ đến và ưa thích hơn hết. Trong trường hợp này, nếu người hấp hối là một bác sĩ thì thấy đang săn sóc bệnh nhân, một nhà tu thì thấy đang thuyết pháp, một tên trộm thì thấy đang cạy cửa, khoét vách v.v...

Nếu ba trường hợp trên không xảy ra thì Nghiệp Tích Trữ xuất hiện. Nghiệp Tích Trữ gồm tất cả những trường hợp không kể trong ba loại Nghiệp trên, mà là những hành động tốt hoặc xấu thông thường.

Hiện Tượng của Nghiệp là những biểu tượngxuất hiện trong tâm thức của người hấp hối dưới hình thức sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp, tức là những hình sắc, âm thanh, mùi, vị hay tư tưởng mạnh mẽ, quen thuộc trong nếp sinh hoạthằng ngày, thí dụ người đồ tể thì thấy con dao hay con thú chết, bác sĩ thì thấy bệnh nhân, người mộ đạo thì thấy các món lễ vật vân vân…

Biểu Hiện Lâm Chung là vài dấu hiệu có liên quan đếncảnh giới mà người hấp hối sắp được tái sanh vào mà do đó, mặt người sắp lâm chung lộ vẻ vui sướng hoặc đau khổ. Khi triệu chứng phát sinh, nếu là xấu thì ta có thể sửa chữa kịp thời bằng cách giảng kinhhay nói pháp để tạo đối tượng tốt đẹp trong tư tưởng người sắp chết. Những Biểu Hiện Lâm Chung thường là lửa, rừng, vùng sơn cước, bào thai người mẹ, thiên cung v.v...

Dầu trong trường hợp bất đắc kỳ tử, tiến trình tư tưởng của người sắp chết vẫn diễn tiến và đối tượng của chập tư tưởngcuối cùng ấy là một trong ba hiện tượng: Nghiệp, Hiện Tượng của Nghiệp và Biểu Hiện Lâm Chung .

Thí dụ một người sắp lâm chung và sẽ tái sanh vào cảnh người thì đối tượng của chập tư tưởngcuối cùng là một vài nghiệp tốt.

Cái chết thật sự đến lúc Tử Tâm tức luồng tâm thứccuối cùngchấm dứt. Kể từ đó tâm và vật thực không còn tạo năng lựcvật chất nữa. Chỉ còn một loại năng lựcvật chất phát sanh do hơi nóng tiếp tụctồn tại đến khi cơ thể vật chất tan rã.

Sự diệt tắt của tâm trong kiếp vừa qua là cơ hội để cho một tâm mới phát sanh trong kiếp sống kế. Tuy nhiên, không có cái gì vĩnh cửu, nguyên vẹn đơn thuần, không biến đổi, được chuyển từ quá khứ sang hiện tại. Cũng như bánh xe lăn tròn trên đường, mỗi một lúc chỉ có một điểm của bánh xe chạm với đường. Nói một cánh chính xác, chúng ta chỉ sống trong từng chập tư tưởng. Ta chỉ sống trong hiện tại và hiện tạinhất định phải trôi vào dĩ vãng.

Trong tiến trình luôn luôn biến đổi của đời sống, trong một khoảnh khắc, mỗi chập tư tưởng đều trải qua sanh, trụ, rồi diệt, và trong khi diệt, nó chuyển tất cả năng lực và cảm giác đã ghi nhận cho chập tư tưởng kế. Vậy mỗi chập tư tưởng mới gồm những năng lực tiềm tàng của chập trước và thêm vào đó chút gì khác. Đến lúc chết, chập tư tưởngcuối cùngchấm dứt, để nhường chỗ cho chập tư tưởng kế phát sanh trong kiếp sống mới. Vậy, cái Thức mới gồm chứa tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ, vì tất cả những cảm giác trong quá khứ đều được ghi nhận trong cái tâm biến đổi, và tất cả tiềm năng đều được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác, mặc dầu phần vật chất tan rã. Vì lẽ ấy, đôi khi có người còn nhớ được kiếp quá khứ của mình. Nếu trí nhớ chỉ tùy thuộc vào bộ não, tức nhiên không thể có người nhớ được tiền kiếp.

"Chúng sanh mới" là sự biển hiện của luồng nghiệp trong hiện tại, không giống hệt, không phải là một, nhưng cũng không hoàn toàn khác với chúng sanh trước kế đó.

"Những thành phần (ngũ uẩn) tạo nên chúng sanh ấy không giống hệt, không phải là một với thành phần (ngũ uẩn) đã tạo nên chúng sanh trước. Tuy nhiên, cũng không phải hoàn toàn là khác vì cả hai cùng nằm chung trong một luồng nghiệp, mặc dầu biểu hiện dưới hình thức mới, trong thế gian mà ngũ quan ta có thể thâu nhận, và ta cho là có một "chúng sanh mới."

Theo Phật giáo, cái chết là sự chấm dứt của đời sống tâm-vật-lý của cá nhân. Chết là sự diệt tắt của sinh lực, tức là đời sốngtâm linh và vật lý, cùng với hơi nóng và thức.

Chết không phải là sự tiêu diệthoàn toàn của một chúng sanh, mặc dầu kiếp sống chấm dứt. Cái tiềm lực làm sống chúng sanh không bị tiêu diệt.

Cũng như ánh sáng đèn điện là biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy của luồng điện vô hình, chúng ta là biểu hiện bề ngoài của luồng nghiệp vô hình. Bóng đèn có thể vỡ và ánh sáng có thể tắt, nhưng luồng điện vẫn tồn tại, và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cũng như thế, sự tan rã của thể xác không làm xáo trộn luồng nghiệp lực, và sự chấm dứt của thức hiện tại dẫn đến sự phát sanh mới. Tuy nhiên, không có gì trường tồnbất biến, như một thực thểđơn thuần, "chuyển" từ hiện tại sang tương lai.

Trong trường hợp nêu trên, nếu người chết tái sanhtrở lại vào cảnh người, chập tư tưởngcuối cùng tất nhiên là một loại tâm thiện. Thức-tái-sanh là từ tâm thiện ấy phát sanh, tự nhiên chuyển đến cái trứng và tinh trùng tương xứng trong cảnh người.

Như thế có nghĩa là cho đến lúc chết, luồng nghiệp lực vẫn luôn luôn trôi chảy, không có một điểm thời giangián đoạn. Ngay lúc chết những chập tư tưởng vẫn liên tụckế tiếp như trong đời sống.

Hiện tượng chết và tái sanh diễn ra tức khắc, dầu ở bất cứ nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh, không trải qua một trạng thái chuyển tiếp nào. Phật giáothuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai.

Trên đây là quan điểm của Phật giáo Nguyên Thủy, hay còn gọi là Nam Tông.

Về phía Phật giáoBắc Tông, hay còn gọi là Đại Thừa, thì quan niệm rằng không hẳn là tất cả mọi ngườisau khi chết đều tái sinhngay lập tức. Trường phái này quan niệm rằng những người có nghiệp cực thiện thì ngay sau khi chết sẽ sanh vào các cõi Tịnh, thí dụ cõi Tây Phương Tịnh Độ, Đông PhươngTịnh Độ, vân vân, và những người có nghiệp cực ác thì sau khi chết sẽ sanh ngay vào các cảnh giới ác, như Địa Ngục, Ngạ Quỷ hoặc tái sinh thành các loài súc sinh. Trường hợp đó gọi là chết đây sinh kia. Ngoài các trường hợp đó, sau khi chết, người ta có thể còn lưu tâm thức lại một thời gian trong trạng thái gọi là Thân Trung Ấm, và mơ màng trong cảnh giới này từ 1 lần 7 ngày, cho tới 7 lần 7 ngày, là 49 ngày. Trong thời gian đó, nhất là 21 ngày đầu, người đã qua đời vẫn còn có ấn tượng mạnh mẽ về kiếp sống vừa qua. Và chính từ niềm tin này, người ta coi trọng sự cầu nguyện để giúp chuyển hóa tâm trạng người chết khiến cho thần thức của họ hòa nhập được vào các cõi an lành.

Như vậy thì cả hai truyền thốngPhật giáo, Bắc Tông Nam Tông đều không nói đến những hình thức cúng kiếng cho người đã chết từ lâu, hàng năm trời, mà chỉ có thể giúp cho người mới chết qua những lời kinh tiếng kệ, qua lòng chí thànhthanh tịnh của chư vị chân tu và thân nhân, hy vọng họ chuyển hóa các tâm niệm xấu mà thôi.

Tuy nhiên, như trên đã nói, cúng giỗthân nhân đã qua đời, nhất là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đối với người Đông Phương, là một hình thứcbáo hiếu, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ chư vị đã khuất, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành, cũng như mỗi quốc gia đều có những ngày kỷ niệm Chiến Sĩ Trận Vong, để nói lên lòng nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước vậy.

Về việc cúng giỗ này, chúng ta có thể tổ chức tại nhà, hoặc tại chùa. Nhưng nếu đủ phương tiện để có thể làm lễ trên chùa thì tốt. Trước nhất, đây là một duyên lành giữa thân nhân người chết đối với nhà Phật, có dịp cho họ tiếp cận với các vị Sư, nhân đó, có thể hiểu thêm về Phật pháp. Thứ nữa là thân nhân người chết có thể tạo chút phước qua việc cúng dườngTam Bảo, để nhà chùa có thêm khả năng ấn tống kinh sách, phổ biếnPhật pháprộng rãi, thêm phương tiện để hoàn thành các Phật sự. Các vị Sư là những Trưởng TửNhư Lai, có nhiệm vụhoằng dương Chánh Pháp song song với việc tu tậpbản thân. Phật tử cũng vậy, cũng cần tu tập bản thân và giúp phương tiện cho các Sư trong công cuộc hoằng truyền và bảo vệ sự trong sáng của đạo Phật.

Ban Biên Tập TVHS

Bài Đọc Thêm:

BƠ VÀ NHỮNG VIÊN ĐÁ CUỘI

Một ngày nọ có chàng trẻ tuổi vừa buồn vừa khóc, tìm đến Đức Phật. Đức Phật hỏi, "Cái gì sai trái đã làm nhà ngươi khóc?"
"Thưa ngài, cha con chết ngày hôm qua."

"Thì nhà ngươi làm gì được? Ông ấy đã chết rồi, buồn khóc chẳng thể làm ông ấy sống lại."

"Vâng, thưa ngài, con hiểu điều đó; buồn khóc chẳng thể làm cho cha con trở về với con. Nhưng con đến đây cầu xin ngài một điều: xin ngài hoan hỷ làm một điều gì đó cho người cha quá vãng của con!"

"Vậy ta có thể làm gì giúp cho cha con?"

"Thưa ngài, xin ngài làm một cái gì đó. Ngài là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được. Ngài hãy xem, các vị tu sĩ cúng tế, các thầy phát giấy xá tội, đã cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu giúp người quá cố. Và nghi thức cúng tế cầu siêu nếu được tổ chức sớm ở đây, thì cánh cửa trên thiên giới sẽ được mở ra sớm và người quá cố sẽ được siêu thăng về nơi đó. Họ sẽ nhận được giấy nhập cảnh. Thưa ngài, ngài là đấng toàn năng, ngài có đầy đủ quyền lực! Nếu ngài chủ tế nghi thức cầu siêu cho cha con, cha con không những nhận được giấy nhập cảnh nơi thiên quốc mà ông ấy sẽ được ở thường trú luôn. Thưa ngài, xin ngài hoan hỷ giúp cha con!"

Biết rằng chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ phải trái trong lúc này, nên Đức Phật đã phải dùng một phương tiện khác giúp cho chàng ta hiểu. Vì thế Phật nói: "Nhà ngươi hãy đi mua hai cái chậu đất nung." Chàng trẻ tuổi lấy làm sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho cha hắn và đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung.

"Được rồi," Phật nói, "đổ vào chậu thứ nhất đầy đá cuội, chậu thứ hai đầy bơ." Chàng trẻ tuổi làm y như lời Phật dạy.

"Bây giờ bịt miệng cả hai chậu lại, xong bỏ xuống hồ nước. Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ. "Bây giờ" Phật nói, "đem cái gậy ra đây, chọc bể cả hai chậu." Chàng trẻ tuổi rất lấy làm sung sướng, nghĩ rằng đức Phật đã cử hành nghi lễ cầu siêu cho cha hắn.

Theo tập quán cổ truyền cổ Ấn Độ, khi người cha chết, người con làm lễ hỏa táng. Vào khoảng giữa thời gian thiêu, người con dùng cây gậy thọc và làm vỡ sọ đầu. Cũng theo niềm tin cổ truyền của họ, cho đến khi sọ đầu được mở ra nơi trần gian này thì cánh cửa thiên giới cũng được mở ra. Vì thế chàng trẻ tuổi tự nghĩ là, "Cha ta đã được thiêu đốt ngày hôm qua. Như là một biểu tượng, đức Phật muốn mình làm vỡ các chậu ngày hôm nay!" Chàng cảm thấy sung sướng nhiều với nghi thức này của Đức Phật.

Chàng trẻ tuổi đã dùng cây gậy làm bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng bơ bị vỡ, bơ nổi lênh láng trên mặt hồ nước. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy hồ. Rồi Đức Phật nói, "Chàng trẻ tuổi, đó là những gì ta đã làm. Bây giờ hãy mời các thầy cúng tế và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện: "Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên, hãy nổi lên! Hỡi bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống!" Hãy cho chúng ta xem sự kiện xảy ra."

"thưa ngài, ngài nói đùa với con! Không thể nào như thế được, những viên đá cuội nặng hơn nước, chúng chìm xuống đáy. Chúng chẳng thể bao giờ nổi lên được. Đây là định luật tự nhiên! Và thưa ngài, bơ nhẹ hơn nước, chúng nổi lên mặt nước, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được. Đây là định luật tự nhiên."

"Chàng trẻ tuổi, nhà ngươi biết nhiều về định luật tự nhiên, nhưng nhà ngươi đã không hiểu về định luật tự nhiên này. Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, (3) cha nhà ngươi sẽ bị đọa, ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như bơ, (4) ông ấy sẽ được siêu thoát; ai có thể đè ông ta xuống được?"

Nếu chúng ta hiểu định luật tự nhiên (5) và sống theo luật tự nhiên này, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi những khổ đau và bất hạnh của cuộc đời.

Tâm Diệu

Cước Chú:

(1) Bản viết này được trích dịch từ quyển "The Art Of Living, Vipassana Meditation, As Taught By S.N. Goenka" của William Hart do nhà xuất bản Harper San Francisco phát hành năm 1987 trang 55-56. Cuối bản viết tác giả có ghi chú là "Based on S. XLII. viii. 6, Asibandhakaputta Sutta.

(2) Asibandhakaputta Sutta là một phẩm trong Tương Ưng Bộ Kinh, Tập IV hệ Pali (Samyutta Nikaya, IV). Chúng tôi không có bản Việt dịch của HT Minh Châu, nhưng có tham chiếu bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi do Dr. Bình Anson (Uc Châu)gửi tặng.

(3) Những điều nặng như viên đá, được hiểu là trong cuộc đời đã tạo những nghiệp xấu, nghiệp ác. Theo bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Bodhi là, "a person here who destroys life, takes what is not given, engages in sexual misconduct, speaks falsely, speaks divisively, speaks harshly, chatters idly, one who is covetous, full of ill will, and holds wrong view".

(4) Những điều nhẹ như bơ, được hiểu là trong cuộc đời đã tạo những nghiệp tốt lành. Theo bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi là, "there is a person here who abstains from the destruction of life, from taking what is not given, from sexual misconduct, from false speech, from divisive speech, from harsh speech, from idle chatter, one who is not covetous, without ill will, who holds right view."

(5) Định luật tự nhiên (the law of nature). Luật nhân quả (kamma) là một trong năm định luật tự nhiên của vũ trụ vạn vật. Bốn định luật kia là: utu, bija, dhamma và citta. "Định luật nhân quả cho rằng nhơn gieo thì quả trổ. Nhơn lành đem lại quả tốt. Nhơn ác đem lại quả xấu. Đó là định luật tự nhiên, phải trổ sanh như vậy chớ không phải là một hình thức thưởng hay phạt..." (Đức Phật và Phật Pháp, trang 313, HT. Narada Thera, Phạm Kim Khánh Việt dịch)

Vấn Đề Tự Sát

Xin cho biết quan điểm của Phật giáo đối với vấn đề tự sát như thế nào? Trường hợp các tu sĩ Phật giáo đã tự thiêu trong chiến tranh ở Việt Nam có phù hợp với tinh thần Phật giáo không?

Phần Trả Lời của Ban Tư Vấn Tạp Chí Giác Ngộ
Bài tham luận đọc trong cuộc hội thảo “Bồ-tát Thích Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân” do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam tổ chức ngày 29-5- 2005 tại TP. HCM)

TRẢ LỜI

Khi bản năng hưởng thụ bị xâm phạm, cơn nóng giận bùng cháy làm cho bản ngã bị kích động mãnh liệt, lúc ấy, bản năngsinh tồnhoàn toàn bị lấn áp, đạo đức cũng không đủ năng lực để hóa giải và cuối cùng tự thỏa mãn mình bằng cách tự sát. Đó là một hành vitiêu cực và tội lỗi. Tự sát thường bắt nguồn từ kết quả của những cơn sân hận, vì thế ảnh hưởng rất nhiều trong tiến trình tái sinh mặc dù lúc còn sống thường gây tạo công đức lành. Trải qua nhiều kiếp gieo trồng thiện pháp mới được làm thân người, nếu chúng ta tự hủy hoại thì coi như bỏ lỡ điều kiệntu tập vượt thoát sinh tử đã đành, mà còn bị kết tội ngang với giết một sinh mạng. Phật giáoĐại thừa khắc khe vấn đề này hơn vì cho rằng dưới chân của mỗi sợi tóc có tới hàng ngàn tế bào sống khác, khi ta tự sát tức đồng thời ta cũng hủy diệt chúng… Luật phápthế gian tuy không thể kết tội kẻ tự sát nhưng cho đó là một hành động đáng trách và ngu xuẩn. Chết trong căm hờn, uất ức thì chắc chắntrở thành những vong hồn không siêu thoát vì bản ngã luôn luôn đòi hỏi được thỏa mãn, càng không được thoản mãn càng sân hận và không muốn tái sinh.

Vì muốn cứu độchúng sanh nên Bồ Tátsẳn sànghy sinh sát, đạo, dâm, vọng mà không sợ mất mình, không sợ mất lợi ích của Biệt giải thoát, dù biết chắc phải đọa vào địa ngục cũng không do dự, sự phạm giới đó chính là sự trì giớirốt ráo, hợp lý. Ngài Ấn Thuận nói : “ Có khi phạm giới mà trở thành Thi-La ba la mật”. Cho nên các vị tu sĩPhật Giáotự thiêu trong chiến tranh vì muốn thế giới chú ý đến nỗi khổ đau chiến tranh ở Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam đang bị chèn ép là hành động tích cực trên tinh thầnBồ tát đạo. Xuất phát từ mục đích muốn cứu vãnChánh pháp không lún sâu vào chiến tranh, một động cơ hết sức cao cả mà trong đó không có lãng vãng hình bóng của bản ngãích kỷ nên Phật giáoĐại Thừađánh giá rất cao, cho đó là việc làm có công đức. Tuy nhiên, Phật giáo nguyên thủy thì tuyệt đốikhông chấp nhận, bởi chủ trương của tinh thần này là tự lợi, phải rán gìn giữ chiếc thân quý hiếm yên ổn trên thuyền bè giới luật một cách cẩn mật thì mới có thể vượt qua dòng sông sinh tử được. Như câu chuyện một thầy Tỳ Kheo trẻ bị một phụ nữép buộc phải lấy bà ta. Thầy Tỳ Kheo này biết rõ rằng nếu mình chịu lấy thì sẽ phá bỏ giới luật, chấp nhậntiếp nốicon đườngsanh tử; còn nếu không chịu lấy bà ta sẽ vu khống rằng mình đã có những hành vitồi bại. Vì thế, để giải quyếttình cảnh bế tắc này mà không phạm giới, thầy Tỳ Kheo ấy quyết định tự kết liễu đời mình bằng cách tự đâm vào cổ họng mà chết. Trước khi tắt thở, vị ấy kính lễmười phươngTam Bảo và nói rằng: “ Vì tôn kínhTam Bảo và giữ gìngiới hạnh mà con quyết địnhtừ bỏ tấm thân này”.

Kinh điểnghi nhận đây là một hành vitích cực và có công đức.

BỒ TÁTQUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN
ĐỐI CHIẾU QUA KINH ĐIỂNNAM TÔNG BẮC TÔNG
Tâm Diệu (*)

Công cuộc vận động cho bình đẳng và tự do tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam bắt đầu vào ngày lễ Phật Đản 8 tháng 5 năm 1963 tại Huế và sau đúng 106 ngày tranh đấu cam go đã thực sự kết thúc vào đêm khuya ngày 20 rạng sáng ngày 21 tháng 8 năm 1963 khi chính quyền Ngô đình Diệm thi hành kế hoạch Nước Lũ tổng đột kích toàn thể chùa chiền, bắt giam hầu hết các thành phần lãnh đạo và những người tham gia phong trào vận động.

Cao điểm của công cuộc vận động là hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào ngày 20-4 năm Quý Mão (tức ngày 11-6-1963) ngay trên đường phố Sài Gòn, đã làm xúc động hàng triệu đồng bào, tăng ni, và Phật tử cả nước lúc bấy giờ. Hình ảnh của Ngài ngồi ở tư thế kiết già trong lửa đỏ trên một ngã tư đường phố tấp nập ở Saigon, đã in một dấu ấn không bao giờ phai nhòa trong lòng người và trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Ngày nay, sau hơn bốn thập niên trôi qua, vẫn còn có một số người thắc mắc: động lực nào thúc đẩy Ngài đã hành động như thế và sự việc tự thiêu như vậy có chống trái với pháp và luật của Phật không, có vi phạmgiới luật không và có đi ngược lại giáo lýTrung Đạo không? Một số cho rằng hành động tự thiêu là một hình thức của sự tự sát, đi ngược lại với giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy. Trong số những người đồng với quan điểm này phải kể đến ban biên tập một tạp chí Thiên Chúa Giáo ở Hoa Kỳ đã tranh luận vào thời đó và nhiều thập niên sau cũng có hai học giả Phật giáoTích Lan [01] và Nhật Bản [02] tán đồng.

Hơn bốn thập niên, một quãng thời gian khá dài, đủ để chúng ta có thể nhìn lại hình ảnhtự thiêu của Ngài và giai đoạn lịch sử của miền Nam Việt Nam vào năm 1963 một cách khách quan hơn, không bị cảm quan và hoàn cảnhcá nhânchi phối.

Nói về động lực đưa đến hành động của Ngài thì sử sách đã ghi nhận. Ngài không vì lợi ích hay danh tiếngcá nhân mà vì lòng từ bi muốn cứu độchúng sinh, muốn Phật tửViệt Nam được sống trong môi trường bình đẳng và tự dotôn giáo, không bị kỳ thị, không bị ép buộcbỏ đạo, cũng như muốn cho thế giớithức tỉnh trước cuộc chiến tương tàn càng ngày càng trở nên khốc liệt. Còn về việc tự thiêu của Ngài có chống trái với pháp và luật của Phật không, thiết tưởng chúng ta nên nhìn sự việc qua hai nhãn quan Phật GiáoNam Tông và Phật GiáoBắc Tông.

Theo giới luậtTỳ Kheo, [03] thì vịêc hủy hoại, làm thương tổn, hay đầy đọa thân xác của mình đều là những việc Đức Phật không cho phép. Tự hủy họai thân xác tức là tự sát, là phạm giới luật, đi ngược lại giáo lý của đạo Phật về các phương diện: (1) ngăn trở nỗi ước muốn giải thoát, (2) bỏ mất cơ hội may mắn được làm người vì tái sanh làm thân người là điều rất khó và chỉ có loài người mới có nhiều khả năng để thành tựusự nghiệpgiải thoát khỏi khổ đau, sinh tử, luân hồi, (3) huỷ hoại tinh thầntừ bi, bình đẳng và (4) tạo sự liên hệ lẫn nhau giữa nhân và quả trong hiện tại cũng như trong tương lai qua định luậtduyên khởi.

Tự sát đề cập ở đây (giới luật) được hiểu là hành động do chán nản cuộc sống, chán nỗi khổ đau của thân tâm và thiếu nghị lực đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống cũng như đánh mất hy vọng và niềm tin nơi chính mình. Nguyên nhân khác dẫn đến việc tự sát đối với những người tu hành là do thiếu công phutu trì, không rõ đường đi của luật Nhân Quả, chưa chứng ngộthực tướng của vạn pháp, mà chỉ hiểu một cách lệch lạc rằng sau khi tự sát sẽ được giải thóat. Ví dụ như thời đức Phật còn tại thế, có một số Tỳ kheotu phápbất tịnh quán, nên chán ngấy nỗi khổ của thân bèn tự sát [04].

Tuy nhiên, nếu một vị Tỳ kheo lấy công phutu trì, chuyên tinhthiền định, đã nhiếp phục được tâm tham, sân, si, biết rõ đường đi của nhân qủa và biết rõ sau khi xả bỏ báo thân này sẽ không tiếp tụcsinh thân khác thì không phạm lỗi, tức không vi phạmgiới luật. Cả hai hệ kinh điển Pàli của Nam Tông và Sanskrit của Bắc Tông đều nhắc đến ba trường hợptự sát như vậy của các Tỳ-kheo Xiển Đà (Channa), Bạt Ca Lê (Vakkali) và Cù Đề Ca (Godhika):

Trường hợp thứ nhất: Kinh Trung Bộ 144 [05] và kinh Tạp A Hàm 47 [06] kể rằng Tỳ kheoXiển Đà (Channa) bị thân bệnh đau đớn, khổ sở, bức bách, khó chịu đựng nổi, nên muốn dùng dao tự sát. Được tin, Tôn giả Xá Lợi Phất cùng Tôn giảMa HaCâu Hi La đến thăm và xét hỏiPhật Pháp. Sau khi chất vấn về căn trần thức và vấn đềsanh tử, Tỳ kheoXiển Đà, mặc dầu thân bệnh đau đớn nhưng vẫn trả lờithông suốt những câu hỏi của hai Ngài và vẫn tỏ ý muốn được kết liễuthân mạng. Sau đó Tỳ kheoXiển Đà đã dùng dao tự kết liễu đời mình. Hai vị Tôn gỉa Xá Lợi Phất và Ma HaCâu Hi La không phản đối. Ngài Xá Lợi Phất bạch sự vụ lên Phật và được Ngài dạy rằng: “Như vậy, Xá-lợi-phất, thiện nam tử bằng chánh trí mà chân chánh khéo giải thoát, thì có nhà cung dưỡng, nhà thân hậu, nhà khéo nói năng. Này Xá-lợi-phất, Ta không nói người kia có lỗi lớn. Nếu có người nào bỏ thân này để rồi tiếp tục thân khác, Ta mới nói người đó có lỗi lớn. Nếu có người nào bỏ thân này rồi không tiếp tục thân khác, Ta không nói người đó có lỗi lớn. Do không có lỗi lớn, Xiển-đà đã dùng dao tự sát ở thôn Na-la trong rừng Am-la.”

Trường hợp thứ hai: Kinh Tương Ưng Bộ Tập 3 [07] và Kinh Tạp A Hàm quyển 47 [08] có kể Tỳ kheo Bạt Ca Lê (Vakkali) đau nặng nằm liệt giường, muốn được diện kiếnđức Thế Tôn nhưng sức yếu không thể tự đi đến chỗ Thế Tôn được.
Thế Tôn được báo tin và đến thăm. Tỳ Kheo Bạt Ca Lê bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, thân con đau khổ quá chịu không nổi, muốn tìm dao tự sát, con không thích sống khổ. Sau khi Phật xét hỏiPhật Pháp và khai thị chỉ giáo cho Bạt Ca Lê, Ngài trở về trụ xứ. Tỳ Kheo Bạt Ca Lê hoan hỷ phụng mệnh và tư duy suốt đêm về giải thoát.
Sáng hôm sau một vị Tỳ kheođại diện Phật đến vấn an Bạt Ca Lê và chuyển những lời thăm hỏi của Như Lai và lời của hai vị Thiên tử bạch với Phật đêm hôm trước đến với Bạt Ca Lê.

Sau khi nghe lại những lời của chư Thiên tử và lời Thế Tônthọ ký, Bạt Ca Lê thưa với vị Tỳ Kheosứ giả: “Tôn giả, Đại Sư khéo biết rõ điều cần biết, khéo thấy rõ điều cần thấy, hai vị Thiên kia cũng khéo biết rõ điều cần biết, khéo thấy rõ điều cần thấy. Nhưng hôm nay, tôi đối với sắc thân này là vô thường, quyết định không còn nghi ngờ. Vô thường là khổ, quyết định không còn nghi ngờ. Vô thường, khổ là pháp biến dịch, đối với chúng không gì đáng tham, không có gì đáng muốn, đã quyết định không còn nghi ngờ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Nhưng hôm nay tôi bệnh tật đau đớn vẫn bám theo thân. Tôi dùng dao tự sát, không thích sống lâu.” Nói rồi liền cầm dao tự sát.

Vị Tỳ Kheođại diện Phật trở về trình tự sự với đức Thế Tôn. Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đi đến tịnh xá Kim-Sư, chỗ thi thể của Bạt Ca Lê. Thế Tôn và các Tỳ Kheo thấy thi thể Bạt Ca Lê có sắc viễn ly và có bóng bao quanh vây lấy thân thể. Phật bảo các Tỳ-kheo: “Đó là(hiện) tượng của Ác ma đi quanh để tìm thần thức của thiện nam Bạt Ca Lê sẽ sanh về chỗ nào?” Sau đó Phật lại bảo các Tỳ-kheo: “Thiện nam tử Bạt Ca Lê, với thần thức không sở trú mà cầm dao tự sát.” (bản Sanskrit) “thiện nam tử Vakkali đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn!”(bản Pali) và Thế Tôn vì Bạt-ca-lê nói lời thọ ký đệ nhất.

Trường hợp thứ ba: Kinh Tương Ưng Bộ Tập I [09] và kinh Tạp A Hàm quyển 39 [10] có kể Tỳ kheo Cù Đề Ca (Godhika) nỗ lựchành trì tu giải thoát, ngày đêm chuyên tinhthiền định, không màng đến tánh mạng. Sau một thời gian, Sư đạt đếncảnh giớiPhi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng vì quá nỗ lực với pháp mônquán niệm nên sức khỏe bị suy giảm: tứ chi mỏi mệt, khí lực hôn trầm; Sư sáu lần gia côngthiền định nhưng vẫn không thành. Đến lần thứ bảy, Sư đạt đượcchánh định, thâm nhậpcảnh giới Phi phi tưởng, nhưng chỉ nhất thời. Trong lúc xả thiền, Sư nghĩ: “Ta đã qua sáu lần phản thoái mới trở lại được, chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy. Ta hãy dùng dao tự sát không để cho thoái chuyển lần thứ bảy.” Thế rồi tự kết liễuthân mạng. Phật biết được liền cùng các Tỳ Kheo đến hang Đá đen bên sườn núi Tiên Nhân, thấy Tỳ-kheo Cù Đề Ca đã tự sát nằm trên đất, chung quanh thân thể bốc khói đen. Phật bảo các Tỳ-kheo: “Đó là ác Ma Ba-tuần ở bên thân thiện nam Cù Đề Ca đang quanh quẩn tìm thần thức; nhưng Tỳ-kheo Cù Đề Ca với tâm vô trụ mà cầm đao tự sát!”(bản Sanskrit) “Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả” (bản Pali)

Đó là ba trường hợp của ba vị Tỳ kheotự sát xảy ra trong thời đức Phật. Theo kinh, cả ba vị Tỳ kheo đều là những vị tu sĩ thuộc hàng trưởng lão, chuyên cầntinh tấnthiền định và đều tự sátkết liễuthân mạng với “tâm vô trụ”, với “thức không an trú”. Các ngài đều biết rõ sau khi xả bỏ xác thân này là sẽ không tiếp tụcsinh thân khác. Các ngài biết rõ đường đi của Nhân Quả. Các ngài đã đi với tâm vô trụ, với tâm bất sinh và vì thế, theo lời của đức Phật dạy, các Ngài đã không phạm lỗi và đã vào Niết Bàn.

Đối với Phật GiáoBắc Tônghay còn gọi Phật GiáoĐại Thừa, chư Tăng Ni khi thọ GiớiTỳ Kheo thường tự nguyện thọ thêm giới Bồ Tát phát đại nguyện trên thì cầu Phật đạovô thượng để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, dưới thì phát nguyệnđộ thoátvô lượngchúng sinh để cùng thoát khỏi biển khổ sinh tử, có nghĩa là tự độ và độ tha, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả thân mạng của mình để cứu giúp chúng sinh. Ngay cả Đức PhậtThích Ca, ở kiếp trước, khi còn tu hành đạo Bồ Tát, Ngài đã nhiều lần xả thân để cúng dường, hy sinh mạng sống của mình để cứu độchúng sinh. Ví dụ như có một lần, khi còn là Thái tửMa Ha Tát Đoả, trong một dịp đi vào rừng, Ngài thấy một con cọp đói vì thiếu thức ăn mà mấy con cọp con sắp chết đói, Người đã động lòng thương và thầm nghĩ rằng: “Ta phải tích cực hành động để tạo an lành cho kẻ khác. Phải rải tâm từ đến tất cả chúng sanh. Phục vụ những ai cần đến ta là nhiệm vụtrọng đại. Ta hãy hy sinh tấm thân ô trược nầy để cứu mạng sống cho cọp mẹ và năm cọp con. Do hành động xứng đáng nầy, mong rằng ta sẽ bước lần đến mức giác ngộhoàn toàn, hầu cứu độchúng sanh ra khỏi vòng luân hồiđau khổ. Ước mong tất cả chúng sanh đều an vụi hạnh phúc”. Nghĩ vậy Thái tửxả thân cho cọp mẹ ăn để cứu sống bầy cọp con đang sắp chết vì đói. [11]

Nói đến Phật giáoBắc Tông, chúng ta không quên nói đến giới Bồ Tát hay còn gọi là giới Đại Thừa. Đối với giới này có tính cáchtích cực, không những không làm những điều ác (Nhiếp Luật Pháp Giới) mà còn phải tích cực làm tất cả các thiện pháp nữa (Nhiếp Thiện Pháp Giới). Ngoài ra còn phải cứu độchúng sinh (Nhiêu Ích Hữu Tình Giới). Một vị Tỳ Kheo có thể nói rằng tôi không giết cho nên tôi không phạm giới, nhưng đối với một vị Tỳ kheo đã thọ giớiBồ Tát thì nếu có cơ hội cứu một sinh vật mà mình không cứu tức là phạm giới. Bồ Tát sẵn sàng hy sinh tất cả các vật sở hữu quí báu nhất, cho đến ngay cả mạng sống của chính mình đi nữa cũng không tiếc. Trong kinh "Phạm Võng Bồ Tát Giới" giới điều thứ 16 có nói: "… Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói..” [12]

Cũng trong mười pháp Ba La Mật, trong Kinh Đại Bảo Tích có pháp Bố ThíBa La Mật. Trong pháp này có Dana Paramatthaparami tức là hy sinh mạng sống của mình cho kẻ khác, để cứu một hay nhiều chúng sanh. Hy sinh mạng sống hay hy sinh một phần thân thể trong đó có việc đốt thân cúng dường hay dùng thân làm thực phẩm cho chúng sinh, hoặc để cứu giúp chúng sinh là một hình thứcbố thí vĩ đại nhất, cao quý nhất.

Có người thắc mắc rằng, nếu như việc bố thíthân mạng như thế thì lấy ai mà giảng chánh pháp cho chúng sinh nữa. Xin thưa, với Bồ Tát là luôn luôn đi vào trong cuộc đời, hết đời nay qua đời khác, mà làm lợi ích cho chúng sinh, cho nên không có hạn cuộc thời gian. “Đại ThừaBồ Tát không lấy thời gian, hạn cuộc nơi một thân. Nếu ở đời đó có chết đi, tức làm nhơn duyên cho đời sau để độ. Thuở xưa, đức Phật đã kết nhơn duyên đem thịt nơi thân để bố thí cho mấy người đói, nên khi thành Phật rồi nhờ nhân duyên đó mới độ được cho họ đắc pháp.” [13]

Trong kinh Đại Bảo Tíchđức Phật nói rằng: Một bậc Bồ Tát đã thành tựuVô Sinh Pháp Nhẫn (Anutpattidharma- ksànti) [14] thì phải luôn luôn sẵn sàng an trụ bố thí ba thứ: (1) bố thí cả cái ngôi vua của mình, (2) bố thí vợ và con cái của mình, (3) bố thí đầu mình, hai mắt mình, tay chân mình. Bố Thí như thế mới là Đại Thí. Kinh văn viết:

Lúc đại Bồ Tát thật hành Đàn na Ba la mật đa cứu độchúng sanh, đại Bồ Tát chúng sanh mà làm thí chủ. Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn đến cầu xin, Bồ Tát đều thí cho, cần ăn cho thức ăn, cần uống cho món uống, những vật ngon của lạ đều thí cho hết. Hoặc có người cầu xiny phục, xe cộ, hương hoa, giường ghế, chiếu mền, thuốc men, đèn đuốc, âm nhạc, tôi tớ, vàng bạc, châu báu, voi ngựa, rừng vườn, suối ao, trai gái, thê thiếp, kho tàng, hoặc có kẻ cầu xin đồn dùng của Luân Vương, hoặc cầu xin tay chưn, đầu mắt, máu thịt, xương tủy. Bồ Tát đều có thể vui mừng thí cho. Nầy Xá Lợi Phất! Nói tóm lạiđại Bồ Tát thật hành đại thí chỉ thấy người đến cầu tất cả vật cần dùng thế gian đều thí cho cả.” [15]

Trong lịch sử đương đại Phật Giáo Việt Nam, một số chư Tăng Ni và Phật tử theo truyền thốngBắc Tông Phật Giáo, đã noi gương Thái tửMa Ha Tát Đoả, tiền thân của đức Thích Ca Mâu Nixả thâncứu độchúng sinh. Thái tửxả thân mình cho cọp mẹ ăn để cứu sống đàn cọp con thơ dại, còn các Ngài chọn tự thiêu để làm bó đuốc soi đường cho chúng sinh đang đi trong đêm tối, nguyện cầu các nhà lãnh đạo đương thời tỉnh thức và mong chúng sinh sớm thoát khỏi cảnh vô minhđen tối.
Trong các vị đó, nổi bật lên một vị Bồ Tát. Đó là Hoà Thượng Thích Quảng Đức, một điểm sáng chói ngời thể hiệntinh thầnđại từ, đại bi, đại trí, đại dũng và đại thí. Hình ảnh Ngài ngồi kiết giàuy nghithiền định trong ánh lửa hồng vô cùngtừ bi, vô cùngtráng lệ và không tiền khoáng hậu, cho đến nay vẫn là điều bất khả tư nghì.

Muốn có được một hình ảnhthiên thutuyệt tác như thế, phải đòi hỏi, ngoài lòng can đảm và đức bi trí dũng mênh mông không bờ bến, Ngài còn phải trải qua quá trình tu luyệnthiền địnhlâu dài.

Quả là như vậy, Bồ TátQuảng Đức đã vừa nỗ lựctu hành vừa nỗ lựchoá đạotrong suốt 49 năm. Ngài đi khắp mọi miền đất nước, nơi nào có chúng sinh cần độ, ngài ở lại độ, rồi lại ra đi. Ngài đã xây dựng 49 ngôi già lam để Phật tử có nơi nương tựa học Phật. Đến giai đoạn đen tối nhất của lịch sửPhật Giáo và của đất nước, Ngài đem thân xác còn lại của Ngài sử dụng thành ngọn đuốc soi sángthế giớivô minh, hy vọngđánh thứclương tâm nhân loại và những người lãnh đạo cuộc chiến tương tàn đang hồi khốc liệt. Ngài thiêu thân vì pháp, vì tiền đồ nguy khốn của Phật giáo, vì tự do và bình đẳngtôn giáo, không vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạcvật chất.

Do vì mục đích cao cả như thế nên trước khi từ giã cõi đời, Ngài đã soạn trước bản di chúc một cách “bình thản và kín đáo” [16]. Ngôn từ Ngài dùng đầy nét từ hoà khi viết di chúc để lại. Ngài nhắn nhủ với mọi người và ngay cả với người lãnh đạo miền Nam lúc bấy giờ với lòng từ ái, không một niềm sân hận hay oán trách. Ngài nói với Tổng thống miền Nam: “Tôi xin trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòngtừ bibác ái mà đối với quốc dân”... [17]

Nói tóm lại, theo giáo lýPhật giáo nói chung và giới luậtTỳ kheo nói riêng thì việc tự sát hay tự thiêu là phạm lỗi, có tội phước nhân quả rõ ràng, tuy nhiên cũng tuỳ trình độtu chứng, có trình độtu chứng cao như đã trình bày ở trên thì ngược lại. Ngoài ra, với Phật giáoNam Tông việc giữ giới tướng hết sức quan trọng. Đối với Phật giáoBắc Tông, tuy tôn trọnggiới tướng, nhưng coi Tâm giới quan trọng hơn. Tất cả mọi hành động đều do sự chỉ đạo của Tâm, tất cả do Tâm tạo. Tâm thanh tịnh thì các pháp thanh tịnh, không có tội cấu. Trong kinh điểnBắc tông có nhiều thí dụ điển hình các vị Bồ Tátvì lợi íchchúng sinh mà làm những việc mà người thường cho là phạm lỗi, nhưng đối với các Bồ Tát đã biết Ngũ uẩn là Không thì làm gì có lỗi hay không lỗi, có tội hay không tội. Dù thấy việc cứu người mà phạm giới thì người có tâm hạnh Bồ Tátquyết tâm làm, chỉ mong sao cứu giúp được chúng sinhthoát khỏi cảnh khổ, thoát khỏi nỗi chết, còn riêng mình bị thiệt thòi, bị phạm lỗi hay bị mất mạng cũng chấp nhận. Bồ TátQuảng Đứctự thiêu, nguyện đem thân xác còn lại làm bó đuốc soi sáng, mong chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm đừng kỳ thị tôn giáo, trả lại quyền tự dotôn giáo cho mọi người, là một tỷ dụ nói lên sự hy sinh cao cả, một sự bố thí vĩ đại, quên thân mình vì chúng sinh. Hành động tự thiêu của Ngài, dù nhìn qua nhãn quan Phật GiáoNam Tông qua các kinh Trung Bộ và Tương Ưng Bộ, như trường hợp ba vị Tỳ kheotự sát thời đức Phật, hay qua nhãn quan Phật GiáoBắc Tông qua các kinh Phạm Võng, kinh Đại Bảo Tích, và kinh Hiền Ngu như trường hợpThái tửMa Ha Tát Đoả xả thân cứu cọp, cũng không có điều gì chống trái với pháp và luật Phật.

Tâm Diệu

Tìm Minh Sư Học Đạo

Từ lâu nay tôi nghiên cứu sách Phật học nên cũng am tường đôi chút về tinh thần thoát khổ của Đạo Phật, nhưng trong thực tế tôi vẫn chưa áp dụng được gì để cải thiện đời sống của chính mình. Có phải chăng vì tôi chưa có Thầy để hướng dẫn? Vậy có nên tìm một vị Thầy thay vì chỉ nên nương tựa vào “pháp” như đức Phật đã nói không? Giả sử cần phải có một vị Thầy để hướng dẫn thì tôi nên tìm vị Thầy ấy với tiêu chuẩn như thế nào?

CHỌN MINH SƯ

Trên con đường tu học của người theo đạo Phật, chúng ta có nên tìm cầu vị minh sư hay không?

Ngày xưa muốn học đạo phải lặn lội đi tìm thầy, vì thầy là người không những có đức hạnh mà còn có đầy đủ kinh nghiệm tu trì và có khả năng truyền dạy lại cho người sau. Thời ấy muốn học đạo phải đến chùa vì chỉ nơi đây mới có đầy đủ kinh sách. Ngày nay, việc tìm kinh sách không khó, ngoài chùa ra, còn có trong các thư viện trường đại học, các nhà sách lớn và ở trên Internet, ai cũng có thể tìm đọc và tự nghiên cứu học hỏi. Do đó có người nói việc tìm thầy học đạo thời nay không cần thiết lắm. Tuy nhiên, quý bạn cần lưu ý, ngay chuyện học ngoài đời, chúng ta vẫn phải có thầy dạy. Việc nghiên cứu trong sách vở là điều cần thiết nhưng vẫn cần phải có thầy hướng dẫn. Đó chỉ là học về kiến thức mà còn cần đến thầy dạy, huống chi cầu học đạo giác ngộ giải thoát?

Trong đạo Phật không phải chỉ học giáo lý suông mà còn phải tu trì nữa. Một vị thầy dạy chúng ta giáo lý không những qua việc thuyết giáo mà còn dạy chúng ta về giới đức qua hành động và cử chỉ hàng ngày của ông thầy mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thân giáo. Chính thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy mới quan trọng, nó làm gương cho ta noi theo. Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy. Một trăm lần tụng đọc về kinh Từ Bi không bằng một lần thấy hành động từ bi nơi vị thầy của mình.

Hiện nay có một số người tự xưng mình là Minh Sư, Đạo Sư, Vô Thượng Sư, Đại Sư, Thiền Sư, vân vân… thường dùng một số giáo lý Phật giáo, lợi dụng uy tín của đức Phật để thuyết giảng hầu lôi cuốn quần chúng, nhưng thực chất bên trong những điều giảng đó lại chứa đựng những tư tưởng đối nghịch với tư tưởng nhà Phật. Cho nên, nếu chúng ta là những Phật tử quyết tâm tu hành theo giáo lý giải thoát, mà không hiểu rõ giáo lý căn bản của nhà Phật thì rất dễ bị đi lạc đường

Trong chương trình phát thanh hôm nay chúng tôi muốn trình bày với quý thính giả về việc lựa chọn minh sư như thế nào.

Trước hết chúng ta nên lưu ý đặc biệt đối với những vị Thầy hay bất cứ một ai khi đến khuyên bảo chúng ta tu mà luôn luôn khoe khoang pháp môn của mình là hay nhất và ra sức chê bai hay chỉ trích pháp tu khác là sai đường, cho là không đúng, thì chúng ta phải xem xét lại những lời nói và hành động của họ, tức là tìm hiểu về thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị ấy và động lực nào thúc đẩy ông ấy giảng dạy.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dạy rằng: “Động lực giảng dạy của một vị Thầy phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ…”

Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với Phật Pháp thì hành xữ như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp…”

Ở Ấn Độ, một lần kia, một vị thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi ra ngoài ăn trộm. Vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn và rất nghèo. Ông dạy rằng khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó thì có quyền được ăn cắp. Ông nói, “là những người được Trời Brahma tức đấng sáng tạo của thế giới, đối với một người Bà la môn, việc ăn cắp không xấu xa”. Trong số những đệ tử sắp đi ăn cắp thì vị thầy người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng cúi đầu xuống. Ông hỏi anh tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm được điều đó. “ Lời nói này làm vui lòng vị thầy người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.” …”

Đó là lời giảng dạy của Ngài Đạt Lai Lạt Ma về việc chọn Thầy.

Với Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm, trong bài giảng Lựa chọn minh sư như thế nào ?

Hoà thượng nói:

"Nghề học phải chuyên nhất." Do đó học tập pháp môn nào đều phải lựa chọn các bậc minh sư có chuyên môn giỏi, độc đáo, tinh thông về các mặt học vấn nghệ thuật và giáo lý Phật học. Mặc dù minh sư không nhất thiết phải từ cửa minh sư mà trưởng thành ra, trong số đệ tử của minh sư không nhất thiết xuất hiện những đệ tử xuất chúng. Nhưng khi đi tìm minh sư thì tối thiểu họ cũng không được nhầm phương hướng, dạy sai yếu lĩnh, phải đảm bảo an toàn, chắc chắn chứ không thể như "người mù chỉ lối cho người mù".

Vậy ai là minh sư ? Thường thường thì không có cách nào mà biết được điều đó. Đặc biệt là theo kinh nghiệm của tôn giáo và khi khổ công tu thiền, khi bản thân chưa nhập môn thì không có cách nào phán đoán được ai là minh sư và ai không phải là minh sư. Thế nhưng minh sư không nhất thiết phải nổi tiếng, nhưng người minh sư được quần chúng công nhận thì đáng tin cậy hơn so với người tự xưng là minh sư mà chưa được đông đảo quần chúng công nhận. Hoặc các bậc thầy tuy chưa nổi tiếng nhưng được các bậc thầy đã nổi tiếng giới thiệu là minh sư cho mình thì đó là điều đáng tin cậy.

Như kinh "Hoa Nghiêm" có nói : "Phương thức thiện tài đồng tử tham gia về việc chất vấn 53 vị thiện tri thức thông qua một vị giới thiệu một vị đã hình thành mối quan hệ liên tục đối với 53 vị sư. Vì vậy, các thiện tài đồng tử tuyệt nhiên không phải công nhận các bậc thầy một cách mù quáng".

Bất kỳ thời đại nào trên thế gian này đều có những nhân vật tự xưng là tôn sư của thời đại. Họ dùng những lời yêu quái để mê hoặc quần chúng, lẫn lộn trắng đen, nghe thấy lung tung, thu nạp đông đảo các đệ tử phô trương thanh thế. Nếu không phân biệt rõ thì rất có khả năng lấy tà sư khét tiếng làm minh sư. Vì vậy, Mạnh Tử cũng nói: Tai họa lớn nhất của con người là "thích làm thầy người ta".

Bởi vì những tà sư này có tác hại hướng dẫn lệch lạc lương tâm xã hội, khiến cho con người nẩy sinh nhiều sự quấy nhiễu không bình thường, nghi hoặc bất an. Do vậy, mà theo họ, học tập những tà pháp, tà thuyết và tà thuật thì chẳng những không mở mang được cảnh giới nhân sinh mà ngược lại còn mang tác hại cho thân tâm mình, gia đình mình bất hòa. Chỉ đáng tiếc là những người bình thường rất khó mà phân biệt được cái thật, cái giả, cái tà, cái chính của những người này.

Xét theo lập trường của Phật Pháp thì tiêu chuẩn về cái tà, cái chính, cái tối, cái sáng đều phải được khảo sát, thí nghiệm ở trung tâm cái tôi của mình. Nếu con người còn mang nặng tham, sân, si thì nhất định không phải là minh sư. Lại có người tuy bề ngoài thì biểu hiện nhân từ, vẻ mặt phúc hậu, tươi tắn, đạo mạo trịnh trọng nhưng lại là kiêu căng, ngạo mạn thì cũng nhất định không phải là minh sư. Về việc tìm minh sư, "Đại trí độ luận" cuốn 4 đã nêu lên 4 điều trọng yếu gọi là tứ y pháp "4 chỗ nương tựa".

1) Dựa vào pháp không dựa vào người :

Minh sư không tự cho mình là trung tâm, cũng không lấy cá nhân nào đặc biệt làm quyền lực mà lấy nguyên tắc, quy luật chung là tiêu chuẩn Pháp của Phật giáo là pháp nhân duyên, pháp nhân quả. Nếu đạo lý và những điều khêu gợi của vị thầy nào trái ngược với phép tắc nhân quả và nhân duyên thì không phải là minhh sư. Bởi vì, nhân quả đòi hỏi chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhân duyên là dạy chúng ta không được khởi tâm chấp trước tham, sân. Không thì tuy được đông đảo mọi người tôn là Thánh cũng không khác gì tà sư.

2) Dựa vào nghĩa không dựa vào lời :

Phàm là phép tắc chân chính thì nhất định tung ra bốn biển đều đúng, từ xưa tới nay đều giống như nhau, không phải vì bối cảnh dân tộc, khu vực, văn hóa khác nhau mà sai biệt khác nhau. Nếu cho rằng do sự cấm kỵ về tôn giáo hoặc có sự bí mật trên ngôn ngữ mà không phải chính pháp là không đúng. Chính pháp nên chú trọng đến sự cảm thông về nghĩa lý chứ không được câu nệ trên sự dị biệt trên ngôn ngữ. Tỉ dụ, nếu nói người theo đạo Hồi chú trọng đến chữ Ả rập, người Do Thái chú trọng đến chữ Hêbơrơ thì xét về chuẩn tắc là khác nhau. Người theo đạo Phật chú trọng đến chữ Phạn, Pàli là để nghiên cứu những kinh điển nguyên thủy, để truy tìm nguyên nghĩa chứ không phải nói chữ Phạn và chữ Pàli có thần lực và thần thánh gì đặc biệt. Tất nhiên Ấn Độ giáo chú trọng đến tiếng Phạn, âm Phạn khác với Phật giáo.

3) Dựa vào trí, không dựa vào thức:

Trí là trí tuệ của thánh nhân, là sản sinh ra đại trí của vô ngã, từ đại bi đến đồng thể. Do đó, hể có tự ngã làm trung tâm, dù là vì mình, vì người, thậm chí vì tất cả chúng sinh hoặc vì cầu cho Phật Đạo vô thượng, dù là đại ngã, phạm ngã và thần ngã, cái ngã cá biệt và cái ngã toàn thể đều không thể sản sinh ra trí tuệ chân chính được. Vì vậy, điều đó vẫn thuộc vào phạm vi trí thức và trí tuệ. Trí thức là từ trong kinh nghiệm học tập của bản thân mình mà sản sinh ra tác dụng phân biệt, ghi nhớ và suy lý. Còn trí tuệ chỉ có hiện tượng của khách quan không có trung tâm chủ quan. Chỉ có công năng chuyển vận, không có trung tâm chủ thế, nếu trái ngược như thế thì không phải minh sư.

4) Dựa vào ý nghĩa rốt ráo, không dựa vào ý nghĩa không rốt ráo:

Nghĩa rốt ráo là không nói ra được, không có pháp nào có thể chấp, không có pháp nào có thể tu, cũng không có pháp nào có thể chứng được. Đúng như vô niệm vô tướng, vô trụ, mà "Đàn kinh" nói : "Không vì cái gì, cũng không có cái gì, chỉ việc ăn cơm, mặc quần áo, sinh sống, lợi mình, lợi người, tinh tiến không ngừng".

Căn cứ vào 4 điều chuẩn trên, chúng ta có thể phân biệt dễ dàng ai là minh sư, ai không phải là minh sư, rồi dựa vào 4 tiêu chuẩn đó mà quan sát thẩm tra minh sư mà mình mong gần gũi thì nói chung không thể có sự nhầm lẫn, rồi ngày qua tháng lại dù không gặp được minh sư thì bản thân anh cũng trở thành minh sư…”

Thưa quý thính giả,

Đức Đạt Lai Lạt Ma và Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm đã chỉ cho chúng ta một số nguyên tắc trong đó có bốn tiêu chuẩn để chọn minh sư. Y pháp bất y nhân là một trong bốn tiêu chuẩn hướng dẫn chúng ta trên đường đi tìm thầy tìm học đạo. Câu này có nghĩa là nương theo giáo pháp chứ không nương vào thầy. Lẽ dĩ nhiên, y pháp bất y nhân không có nghĩa là được pháp rồi thì không cần biết gì đến thầy. Học đạo không giống như học các ngành học ở ngoài thế gian, học đạo phải có lòng tri ân tôn kính thầy nhưng không bám víu và thần tượng hóa thầy.

Ngày nay một số trong chúng ta theo thầy không phải vì thực sự cầu pháp gỉai thoát mà vì tình cảm hay biên kiến, hay vì thầy là người nổi tiếng trên thế giới, đông đệ tử xuất gia lẫn tại gia có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, có chùa to đất rộng, vân vân...đáng tiếc thay cho đạo giác ngộ giải thoát, đạo phá trừ chấp ngã, phá trừ tham sân si.

Có nhiều Phật tử đặt câu hỏi: Sau khi quy y và tu học theo thầy một thời gian dài, cảm thấy không tiến bộ, tham sân si vẫn như cũ, chấp ngã gia tăng nhiều hơn, muốn đi chùa khác tìm thầy khác nhưng làm như thế có phải là phản thầy không. Chúng tôi xin thưa ngay là không có mang tội phản thầy. Khi làm lễ qui y là chúng ta quy y với ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, chứ không phải quy y với thầy. Thầy chỉ là vị đại diện làm lễ quy y cho chúng ta quay về nương tựa với Tam Bảo. Trong buổi lễ chưa bao giờ chúng ta nói: Con xin quy y với thầy Thích Tâm A hay thầy Thích Tâm B. Hơn nữa, ở ngoài đời, học xong bậc tiểu học, chúng ta phải lên trung học rồi lên đại học chứ đâu có thể học mãi một lớp hay một trường được.

Xưa kia lúc còn tìm đạo, thái tử Tât Đạt Đa đến học với đạo sĩ Alara Kalama, sau khi chứng được thiền "Vô sở hữu xứ" và không học được gì thêm nữa thì ngài từ giã thầy. Kế tiếp ngài đến học đạo với Uddaka Ramaputta, sau khi chứng được thiền "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" và không học được gì hơn thì ngài cũng kiếu từ ra đi. Nếu thái tử trung thành ở lại với đạo sĩ Kalama hay đạo sĩ Ramaputta thì chắc ngày nay chúng ta không có Đức Phật và Phật Pháp.

Là Phật tử, muốn có được đời sống an lạc, hạnh phúc, tiến bộ, chóng thành đạo quả giác ngộ thì phải hết sức cẩn trọng trong việc chọn thầy, chọn bạn, chọn pháp môn tu, chớ để tánh hiếu kỳ dẫn dắt, thì mới khỏi oan uổng công phu tu tập suốt cả một đời.

Ban Biên Tập TVHS

CHỌN MINH SƯ (Phần 2)

Thưa quý thính giả,

Trong lần phát thanh kỳ trước, chúng tôi đã trình bày với quý thính giả về việc chọn minh sư. Một vị minh sư dạy chúng ta giáo lý không chỉ qua việc thuyết giáo mà còn dạy chúng ta về giới đức, qua hành động và cử chỉ hàng ngày của ông thầy mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thân giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma và Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm đã chỉ cho chúng ta một số nguyên tắc trong đó có bốn tiêu chuẩn để chọn minh sư. Trong phần phát thanh hôm nay chúng tôi lược trích một bài pháp ngắn của Tỳ Kheo Thích Trí Siêu cũng nói về việc Tầm Sư học Đạo như là để trả lời thư của một thính giả hỏi rằng ngoài tiêu chuẩn Thân Giáo của vị minh sư, vị minh sư đó có cần phải có học vị Tiến sĩ Phật học hay bất cứ học vị Tiến sĩ thế gian nào không. Tỳ Kheo Thích Trí Siêu nói:

"Đi tìm Đạo tức là đi tìm Thầy. Do đó có câu: "Tầm Sư học Đạo". Vì thế chữ Đạo không thể rời chữ Sư. Đức Phật là một Đạo Sư, người chỉ đường đến Niết Bàn và con đường này được gọi là Đạo Phật. Chúa Giê-Su cũng là một Đạo Sư, người chỉ đường về nước Trời (Thiên Đàng) và con đường này được gọi là Đạo Chúa. Ngày nay hai vị Đạo Sư này không còn nhưng có các đệ tử đại diện cho hai ngài, đó là quý Thầy, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, hoặc các cha Linh Mục, Giám Mục, Hồng Y, v.v...

Người tu hành ban đầu rất cần sự hướng dẫn của một vị Thầy. Nếu theo một Thầy lành, ta sẽ trở nên lành; nếu theo một Thầy ác, ta sẽ trở nên ác. Do đó người tu hành phải sáng suốt lựa chọn cho mình một vị Thầy xứng đáng tin tưởng. Nếu lựa chọn đúng thì sự tu hành gặp nhiều thiện duyên tiến triển. Nếu lựa chọn sai thì có thể thối thất đạo tâm, không muốn tu hành, nhiều khi đâm ra hận và chán ghét luôn tất cả Thầy khác.

Ở đây tôi sẽ không giới thiệu bạn một Thầy mẫu lý tưởng mà chỉ nói lên sự nhận xét của tôi về chuyện tìm Thầy.

Tìm Thầy cũng giống như tìm bác sĩ vậy. Khi bị bệnh muốn khỏi thì phải đi tìm bác sĩ. Thí dụ trong tỉnh bạn ở có 10 ông bác sĩ. Sự đi tìm bác sĩ có thể được chia ra làm ba giai đoạn:

1. Tìm bác sĩ gần nhà nhất.
2. Tìm bác sĩ nổi tiếng hoặc do người quen giới thiệu.
3. Chính mình đi hết 10 ông bác sĩ.

Khi mới bị bệnh, bạn sẽ tìm đến một ông bác sĩ gần nhà nhất. Nếu bệnh của bạn không nặng lắm và ông ta cho thuốc chữa khỏi thì bạn không cần tìm một ông bác sĩ khác nữa.

Nhưng nếu bệnh của bạn thuộc loại nan y và ông ta không chữa khỏi, hoặc bạn đi chữa nhiều lần mà không thấy khá thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy cần phải tìm một ông bác sĩ khác khá hơn. Bạn có thể tìm đến một ông bác sĩ nổi tiếng trong vùng hoặc nhờ người quen giới thiệu. Nếu ông bác sĩ này chữa bạn hết bệnh hoặc bạn cảm thấy bệnh tình thuyên giảm thì bạn sẽ tiếp tục đến với ông ta và không cần đi tìm một bác sĩ khác nữa. Nhưng nếu ngay cả ông bác sĩ nổi tiếng này cũng không chữa bạn hết bệnh được thì giải pháp thứ ba là bạn phải tự mình chịu khó đi khám hết 10 ông bác sĩ trong vùng, may ra sẽ tìm được một ông chữa cho bạn khỏi bệnh.

Trong trường hợp cả 10 ông bác sĩ trong tỉnh cũng không chữa hết bệnh thì có lẽ bạn phải chịu khó lặn lội sang tỉnh lân cận để tìm bác sĩ khác. Và đây là một giải pháp thứ tư. Ta có thể tiếp tục đưa ra nhiều giả thuyết và sẽ có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng tôi tạm ngưng ở ba giai đoạn đầu.

Đi tìm Thầy học Đạo cũng tương tự như vậy. Bình thường chúng ta không bao giờ nghĩ chuyện tới chùa. Đến khi trong nhà có ai bệnh, ai chết cần phải cầu an, cầu siêu thì lúc đó ta đến đại một chùa nào gần nhà có Thầy cầu an, cầu siêu. Nếu bệnh của ta chỉ là bệnh cần tín ngưỡng, cần cầu xin ơn trên gia hộ thì tất cả chùa nào có đầy đủ tượng Phật trang nghiêm, có quý Thầy tụng niệm nhịp nhàng hợp nhĩ là có thể cứu khổ cho ta được rồi.

Nhưng có những người sau thời gian cầu an, cầu siêu bỗng nhiên nghe lòng chán ngán cuộc đời vô thường, muốn tìm hiểu nhiều hơn và bắt đầu thỉnh kinh sách về đọc. Càng đọc càng thấm thía, muốn tìm hiểu hơn, muốn đi nghe thuyết pháp, muốn tu thiệt, muốn ngồi thiền, trì chú, vân vân... Nếu vị Thầy trụ trì ở đó ngoài việc ứng phó, tụng kinh làm đám, còn biết giảng Đạo thuyết pháp thì quá tốt, ta sẽ không cần phải đi tìm Thầy khác học Đạo. Nhưng nếu sau một thời gian học Đạo với Thầy, ta cảm thấy mình thông minh quá, học đâu hiểu đó và hình như Thầy cứ giảng đi giảng lại hoài những đề tài cũ rích. Đến đây ta sẽ nảy lên ý niệm muốn đi tìm Thầy khác giỏi hơn. Đây chính là giai đoạn hai: đi tìm Thầy nổi tiếng hoặc nghe đồn về Thầy nào giỏi. Nhiều người ở Pháp, Mỹ mua vé về Việt Nam xin làm đệ tử Thầy này, hoặc ở Việt Nam thì muốn sang Pháp tu học với Thầy kia, hoặc gần đây có một số người muốn sang Ấn Độ, Dharamsala, làm đệ tử của đức Dalai Lama, hoặc các Lạt Ma Tây Tạng vì cho rằng các Lạt Ma tu cao hơn, nhiều thần thông. Họ đâu biết rằng Phật Giáo Tây Tạng cũng có những lủng củng nội bộ, chia rẽ tông phái, vân vân. . .

Anh A thích tu theo Thầy này thì cứ để anh theo. Cô B thích theo Thầy kia thì cứ để cô theo. Chúng ta là những người đang đi trong sa mạc nắng chói, cần tìm bóng mát. Các vị Thầy là những bóng cây che mát. Sao ta lại dại dột chia rẽ, níu kéo nhau, muốn mọi người phải theo về ông Thầy của mình, Thầy mình là giỏi nhất, là bậc chân tu đắc đạo.

Song le, có những người theo học với Thầy nổi tiếng trong một thời gian mà vẫn không thỏa mãn, còn nhiều nội kết đau khổ trong lòng chưa giải tỏa được. Đến đây ta bước sang giai đoạn ba là lên đường tham vấn tất cả các Thầy khác. Điều này xưa kia các thiền sư Trung Hoa đã có làm, gọi là hành cước.

Thông thường giai đoạn ba ít có người đến vì đa số dừng lại ở giai đoạn hai. Khi được làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, có ai dại gì mà lại bỏ đi. Nếu có bỏ đi thì chắc phải tìm Thầy nổi tiếng hơn nữa, hơi đâu mà đi tìm một Thầy vô danh. Được làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, dù không đắc đạo đi nữa, cái Ta (Ngã) của mình không nhiều thì ít cũng được hưởng lây cái danh của Thầy.

Trên đây là ba giai đoạn thông thường của sự tìm Thầy. Trong mỗi giai đoạn chúng ta đều mang theo một cái khung về ông Thầy. Đó là những khái niệm cứng ngắc sẵn có của ta về một ông Thầy lý tưởng. Thí dụ theo tôi thì một ông Thầy lý tưởng phải như sau:

- Hiền như Bụt.
- Khờ khạo không biết gì về chuyện đời.
- Sống kham khổ, ăn mặc thô sơ.
- Suốt ngày chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật.

Nếu tôi thích ứng phó thì tôi sẽ thêm vào:

- Thầy phải biết tán tụng đúng điệu, tán rơi, tán xắp, tán trạo, v.v...
- Thầy phải biết làm sớ làm điệp ...

Hoặc nếu tôi biết đôi chút về giáo lý thì thêm:

- Thầy phải biết tất cả giáo lý căn bản.
- Thầy phải biết giảng kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Kim Cang, v.v...

Nếu tôi thích tu Thiền thì sẽ thêm:

- Thầy phải có định lực này nọ...
- Thầy phải ngồi thiền suốt ngày hay ít nhất là bốn tiếng một ngày...

Hoặc nếu thích Mật Tông thì:

- Thầy phải biết làm bùa vẽ chú, trừ ma yếm quỷ, v.v...

Cứ thế, cái danh sách tiêu chuẩn về Thầy lý tưởng của tôi dài hay ngắn tùy theo sự hiểu biết nhiều hay ít về Đạo. Sau đó tôi đóng khung cái danh sách này rồi mang nó đi tìm Thầy. Nếu thấy Thầy nào hợp với những tiêu chuẩn ấn định trong khung thì tôi cho Thầy đó xứng đáng làm Thầy của tôi, là một Thầy tu chân chính.

Trước khi đi tu, tôi đã học đến cử nhân vật lý (licence de physique) ở Đại Học Orsay. Khi đi tu, tôi nghĩ rằng bằng cấp thế gian không có ích lợi gì và cũng không có gì đáng để phô trương, vì Đạo Phật há chẳng dạy buông xả hết sao! Thế nhưng sau khi vào chùa tôi thấy quý Thầy hay trưng bằng tiến sĩ (Ph.D) ra, và nhiều Thầy khuyên tôi nên trở lại Đại Học để lấy bằng tiến sĩ, vì thời nay nếu có bằng cấp cao thì dễ làm Đạo, nói người ta mới nghe, mới nể. Nghe nói hợp lý nên tôi cũng tính đi học lại để lấy bằng Ph.D, nhưng một hôm ngồi nói chuyện với chú Minh Lâm, chú nói một câu làm tôi tỉnh ngộ: "Sao quý Thầy cứ tốn thì giờ theo đuổi bằng cấp ngoài đời làm chi! Xá lợi Phất, Mục kiền Liên đâu có bằng Ph.D mà vẫn đắc đạo". Cuối cùng tôi đã nghe lời chú nên tới nay tôi vẫn không có bằng Ph.D. Nói vậy bạn đừng hiểu lầm cho tôi chống báng bằng cấp. Bằng cấp chỉ là bằng cấp, tự nó vô hại, chỉ có những khái niệm về bằng cấp mới là nguy hiểm mà thôi. Bằng cấp dùng để chứng minh trình độ kiến thức. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, bạn có thể tham khảo tất cả Tam Tạng Kinh Điển Anh ngữ trên hệ thống Internet ngay nơi phòng ngủ của mình nếu bạn có máy vi tính. Với Internet bạn có thể mở mang kiến thức của mình 24 tiếng trong ngày nếu bạn muốn mà không cần phải vào Đại Học hay Thư Viện.

Thưa quý thính gỉa,

Qua hai lần phát thanh về chủ đề đi tìm minh sư học đạo, thì thân giáo, thể hiện qua hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy vẫn là yếu tố nền tảng để chúng ta chọn ông thầy. Một yếu tố khác không kém quan trọng là động lực giảng dạy của ông thầy phải trong sạch, không bao giờ vì ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất. Việc ông thầy có học vị hay không có học vị Tiến sĩ, không là yếu tố cần thiết. Đức Phật cũng như các đại đệ tử của Ngài không có bằng cao học, không có học vị Tiến sĩ. Ngài là một bậc Vô Thượng Sư, Đại Đạo Sư, ngài đã giác ngộ và dạy cho chúng ta nhận biết cái Chân Tâm Phật Tánh có sẵn nơi mình để mình tu hành và sẽ được giác ngộ như ngài. Ngài đã để lại cho chúng ta không biết bao nhiêu là kinh sách mà mỗi ý tưởng là một ánh sáng chói ngời, mỗi lời nói là một bài học quý báu, và cứ đọc trong các sách nói về cuộc đời của Ngài thì chúng ta cũng thấy những lời ngài dạy đều biểu hiện đời sống của chính ngài. Trước khi chấm dứt chương trình phát thanh hôm nay chúng tôi xin mời quý thính giả nghe câu chuyện về "Thân Giáo" với lời bàn của Sư cô Như Thuỷ:

Thuở xưa có một nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi, được mọi người xem là đạo cao đức trọng.

Một hôm nhà sư tiếp một bà lão cùng cậu con trai của bà.
Bà lão thưa:
- Bạch sư thằng bé này mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi tốn hao không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu này... Xin sư làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó.
Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu nói:
- Bà hãy dắt nó về khoảng nửa tháng sau trở lại tôi sẽ giúp cho.
Bà lão y lời. Đến ngày hạn nhà sư chỉ thốt một câu đơn giản:
- Đó là một thú vui hao tài tốn của con hãy bỏ đi, để tiền mà thờ mẹ nuôi con.
Bà lão bất bình:
- Tưởng thầy có phương cách gì té ra chỉ có bao nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói giùm ngay bữa trước mà còn hẹn đến hôm nay? Đường xá xa xôi biết là bao!
Nhà sư mỉm cười:
- Chẳng giấu gì bà... tôi cũng mắc phải cái tật sưu tầm hoa kiểng như cậu nhà đây. Nửa tháng gia hạn là thời gian để tôi bỏ cái cố tật đó. Nay mọi việc đã xong tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em này.
Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.

Lời bàn của Sư cô Như Thuỷ:

Trong một quyển kinh A Hàm, Đức Phật đã giải thích vì sao Ngài được gọi là Như Lai. "Như Lai là làm sao thì nói vậy, lời nói và việc làm đi đôi với nhau nên gọi là Như Lai." Và chúng ta có thể gọi vị sư này là Như Lai theo nghĩa ấy.
Người xưa có thể chỉ với một câu nói giản dị mà cảm hóa được lòng người là do thân giáo. Còn chúng ta, nói ra rả suốt ngày mà chẳng ai chịu nghe là vì miệng nói một đàng mà hành động một nẻo, chứ không phải tại chúng sanh đời mạt pháp cang cường khó dạy đâu nghe!

Thưa quý thính giả,

Đối với những người có nhân duyên tốt, biết được Phật pháp, nhất là những nhà tu hành đã đem cả cuộc đời cống hiến cho công cuộc tu chứng, thì hẳn là hiểu rõ giá trị của thời giờ. Các bậc Thầy trong đạo Phật luôn luôn nhắc nhở đệ tử câu:

Ngày nay đã qua
Mạng sống giảm dần
Như cá cạn nước
Nào có vui gì !
Nên siêng tinh tấn
Như lửa cháy đầu
Chỉ nhớ vô thường
Chớ nên buông thả ”

Ngoài sự lãng phí thời giờ và tiền bạc, sưu tầm cái gì thì cũng đi xa với đạo Phật, không riêng sưu tầm cây cảnh, vì người tu sĩ phải xả bỏ từ tình cảm yêu ghét cho tới của cải vật chất, đến khi nào không còn dính mắc vào bất cứ cái gì ở thế gian nữa thì mới không hư tiêu tín thí, mới hoàn toàn giải thoát, đắc đạo được.

Ban Biên Tập TVHS

Vấn Đề Cầu Siêu Cúng Cơm

Gia đình tôi theo đạo Phật từ xưa, trong nhà có bàn thờ Phật, mẹ tôi ăn chay mỗi tháng bốn ngày. Nhưng bản thân tôi và các anh chị em, kể luôn cả cha tôi nữa, đều không biết gì nhiều về đạo Phật, ngoại trừ bàn thờ Phật và chiếc áo tràng màu khói hương của mẹ tôi. Hôm nay anh chị em chúng tôi có mấy thắc mắc muốn hỏi quý Ban Biên Tập vì chúng tôi không thỏa mãn với câu trả lời của mẹ tôi, là người Phật tử hiểu đạo nhất trong nhà.

Thắc mắc thứ nhất:
Chúng tôi thường thấy những gia đình đạo Phật đến chùa làm lễ cầu siêu cúng cơm cho thân nhân đã chết hoặc những dịp đám giỗ, vân vân. Vậy xin hỏi rằng những vụ cầu siêu cúng cơm như thế, thân nhân đã chết có được hưởng gì không?

Thắc mắc thứ hai:
Nếu nhờ cầu xin mà được, vậy thì không cần siêng làm các điều thiện, cứ thoải mái làm các việc ác, miễn sao có nhiều tiền, khi chết nhờ quý tăng ni làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ, được không ạ. Mẹ chúng tôi thì tin tuyệt đối vào khả năng “làm Phật sự độ chúng sinh” của các thầy, nên không niệm Phật tụng kinh, chỉ đến chùa làm công quả những ngày cuối tuần, cho là khi chết sẽ có các thầy lo”

VẤN ĐỀ CẦU SIÊU CÚNG CƠM
THÂN NHÂN QUÁ VÃNG CÓ ĐƯỞNG HƯỞNG KHÔNG

Thưa quý thính giả,

Về thắc mắc thứ nhất, chúng tôi xin nhắc lại phần trình bày của chúng tôi trong một kỳ phát thanh trước đây, như sau:

“Theo Phật giáo, cái chết là sự chấm dứt của đời sống tâm-vật lý của cá nhân. Chết là sự diệt tắt của sinh lực, tức là đời sống tâm linh và vật lý, cùng với hơi nóng và thức.

Chết không phải là sự tiêu diệt hoàn toàn của một chúng sanh, mặc dầu kiếp sống chấm dứt. Cái tiềm lực làm sống chúng sanh không bị tiêu diệt.

Cũng như ánh sáng đèn điện là biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy của luồng điện vô hình, chúng ta là biểu hiện bề ngoài của luồng nghiệp vô hình. Bóng đèn có thể vỡ và ánh sáng có thể tắt, nhưng luồng điện vẫn tồn tại, và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cũng như thế, sự tan rã của thể xác không làm xáo trộn luồng nghiệp lực, và sự chấm dứt của thức hiện tại dẫn đến sự phát sanh mới. Tuy nhiên, không có gì trường tồn bất biến, như một thực thể đơn thuần, "chuyển" từ hiện tại sang tương lai.

Trong trường hợp nêu trên, nếu người chết tái sanh trở lại vào cảnh người, chập tư tưởng cuối cùng tất nhiên là một loại tâm thiện. Thức-tái-sanh là từ tâm thiện ấy phát sanh, tự nhiên chuyển đến cái trứng và tinh trùng tương xứng trong cảnh người.

Như thế có nghĩa là cho đến lúc chết, luồng nghiệp lực vẫn luôn luôn trôi chảy, không có một điểm thời gian gián đoạn. Ngay lúc chết những chập tư tưởng vẫn liên tục kế tiếp như trong đời sống.

Hiện tượng chết và tái sanh diễn ra tức khắc, dầu ở bất cứ nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh, không trải qua một trạng thái chuyển tiếp nào. Phật giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai.”

Trên đây là quan điểm của Phật giáo Nguyên Thủy, hay còn gọi là Nam Tông, trích trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp do Hòa Thượng Narada biên soạn.

Về phía Phật giáo Bắc Tông, hay còn gọi là Đại Thừa, thì quan niệm rằng không hẳn là tất cả mọi người sau khi chết đều tái sinh ngay lập tức. Trường phái này cho là những người có nghiệp rất thiện thì ngay sau khi chết sẽ sanh vào các cõi Tịnh, thí dụ cõi Tây Phương Tịnh Độ, Đông Phương Tịnh Độ, vân vân, và những người có nghiệp rất ác thì sau khi chết sẽ sanh ngay vào các cảnh giới ác, như Địa Ngục, Ngạ Quỷ hoặc tái sinh thành các loài súc sinh. Trường hợp đó gọi là “chết đây sinh kia”. Ngoài các trường hợp đó, sau khi chết, người ta có thể còn lưu tâm thức lại một thời gian trong trạng thái gọi là Thân Trung Ấm, và mơ màng trong cảnh giới này từ 1 lần 7 ngày, cho tới 7 lần 7 ngày, là 49 ngày. Trong thời gian đó, nhất là 21 ngày đầu, người đã qua đời vẫn còn có ấn tượng mạnh mẽ về kiếp sống vừa qua. Và chính từ niềm tin này, người ta coi trọng sự cầu nguyện để giúp chuyển hóa tâm trạng người chết khiến cho thần thức của họ hòa nhập được vào các cõi an lành.

Như vậy thì cả hai truyền thống Phật giáo, Bắc Tông và Nam Tông đều không nói đến những hình thức cúng kiếng cho người đã chết từ lâu, hàng năm trời, mà chỉ có thể giúp cho người mới chết, qua những lời khai thị, những bài kinh, thốt lên từ tấm lòng chí thành thanh tịnh của chư vị chân tu và thân nhân, hy vọng thần thức của Thân Trung Ấm cảm được, mà tiêu dung được các tâm niệm xấu, cởi mở được các nỗi oán hờn.

Nhà Phật quan niệm rằng các loài hữu tình chúng sinh tiếp xúc được với thế giới bên ngoài là nhờ ở ba thành phần, gọi là “bộ ba Căn, Trần cảnh và Thức”.

Căn, là bộ phận cơ thể,
Trần cảnh, là đối tượng nhận thức của Căn
Thức, là phần tâm thức vô hình, vốn từ Chân Tâm vọng khởi mà chuyển thành, cũng tràn ngập khắp không gian như Chân Tâm, là cầu nối giữa Căn và Trần cảnh, tức là cầu nối giữa bộ phận cơ thể của chúng sinh và thế giới mà chúng sinh nhận thức, “cảm” hoặc “thấy” được.

Đối với một cơ thể đã chết, bộ phận cơ thể, là Căn, đã ngưng hoạt động, có nghĩa là bộ ba đã mất một phần, thế thì những sinh hoạt về vật chất như ăn uống, hiển nhiên là không thể tiếp tục.

Có người cho rằng sau khi đã qua đời, người chết vẫn còn ăn, gọi là Thức thực. Như chúng ta đã biết, Thức vốn vô hình, nếu có Thức thực thì cũng chỉ là “cảm” được những tâm niệm thương ghét, an ủi, v.v... không thể “ăn” được món ăn vật chất. Nếu quả thật là còn có sự thèm ăn, thấy thân nhân bầy những món ngon, mà thần thức lại không thể ăn được, thì chỉ thêm thèm thuồng đau khổ mà thôi!

Sau đây là câu hỏi thứ hai:

Nếu nhờ cầu xin mà được, vậy thì không cần siêng làm các điều thiện, cứ thoải mái làm các việc ác, miễn sao có nhiều tiền, khi chết nhờ quý tăng ni làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ, phải không ạ. Mẹ chúng tôi thì tin tuyệt đối vào khả năng “làm Phật sự độ chúng sinh” của các thầy, nên không niệm Phật tụng kinh, chỉ đến chùa làm công quả những ngày cuối tuần, cho là khi chết sẽ có các thầy lo”.

Thưa quý vị,

Để hiểu rõ hơn về vấn đề “làm Phật sự độ chúng sinh” và niềm tin “làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ”, chúng tôi xin gửi tới quý vị lời giải thích ghi trong bộ Giáo Khoa Phật Học cấp 2, do Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam ấn hành, như sau:

...” ... Về tập tục tụng kinh siêu độ cho người chết, theo hòa thượng Đạo An, vốn không phải là một tập tục truyền thống của Phật giáo. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung Quốc từ đời nhà Đường. Điều này có thể đúng vì theo sử chép, thì năm 738, vua Đường Huyền Tông đã ban sắc lệnh cho toàn quốc, ở mỗi quận đều xây một ngôi chùa, đều đặt tên là chùa Khai Nguyên (Khai Nguyên là niên hiệu thứ nhì của vua Huyền Tông). Đó là chùa công, do các quan lại địa phương trông coi, dùng làm nơi tổ chức các lễ tiết quốc gia, cầu quốc thái dân an. Việc làm này vừa có ý nghĩa đem ân huệ của Phật ban đến quốc dân, cũng vừa để biểu thị quyền uy của chính quyền trung ương. Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành, khiến vua Huyền Tông phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân triều đình dẹp yên giặc loạn. Trong một năm chiến tranh này, số người chết -- chiến sĩ của cả hai bên và thường dân --, nhiều vô kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ cho tất cả các chùa Khai Nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức, thiết lễ tụng kinh siêu độ cho chiến sĩ và thường dân đã chết trong cuộc chiến vừa qua, đồng thời an ủi các gia đình nạn nhân.

Dân chúng thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư tăng tụng kinh siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết trở thành một tập tục trong dân gian.”

Nhân đây, chúng tôi cũng xin kính gửi tới quý thính giả quan điểm của lão pháp sư Tịnh Không về vấn đề “làm Phật sự độ chúng sinh” và niềm tin “làm lễ cầu siêu là sẽ được siêu độ” này.

Lão hòa thượng Tịnh Không là một vị cao tăng Trung Hoa đương thời, rất có uy tín, với một quá trình giảng kinh thuyết pháp gần năm chục năm. Ngài là người đi tiền phong trong việc sử dụng hệ thống truyền thanh, truyền hình vệ tinh, mạng lưới thông tin toàn cầu và những phương tiện truyền thông hiện đại khác trong việc truyền bá Phật pháp trên khắp thế giới. Trong giới tu hành, nhiều người suy tôn ngài như một vị Tổ của tông Tịnh Độ. Ngài nói:

“Trong Phật pháp, nói Phật sự là giúp đỡ tất cả chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, những sự việc này đều gọi là Phật sự.

Vậy còn hiện nay thì sao?

Hiện nay thì thời gian tiếp xúc với kinh điển cơ hồ ít hơn, nhìn thấy trong cửa Phật phần nhiều đều là lấy kinh sám “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong Phật giáo xuất hiện rất trễ ..., rất trễ. Thời xưa ở Ấn Độ chẳng có. Khi Phật giáo được truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có. Vậy sự việc này xảy ra như thế nào?

Năm trước, trong buổi Phật học giảng tọa tại trường Đại Học ở Đài Loan do lão pháp sư Đạo An chủ trì, đã có một sinh viên nêu vấn đề này ra để hỏi lão pháp sư. Hôm đó tôi cũng có mặt nên cũng đã có nghe. Lão pháp sư nói rằng sự việc này có thể là bắt nguồn từ giữa niên hiệu Khai Nguyên triều đại nhà Đường. Vào thời gian đó, có loạn An Lộc Sơn tạo phản, giặc giã nổi lên khắp nơi. Nhờ có danh tướng Quách Tử Nghi tài giỏi mới bình định được nội loạn.

Khi an ninh đã được vãn hồi, nghĩ tới những linh hồn chết thảm còn vất vưởng lang thang nơi đồng hoang cỏ cháy không ai thờ cúng, triều đình cho xây tại mỗi bãi chiến trường một ngôi chùa đều lấy tên niên hiệu Khai Nguyên để đặt làm tên, rồi thỉnh quý vị cao tăng từ khắp các nơi về các chùa Khai Nguyên này để tụng kinh cầu siêu độ cho các vong hồn. Từ đó, tại mỗi bãi chiến trường lớn đều có một chùa Khai Nguyên. Nguồn gốc Khai Nguyên Tự như lão pháp sư Đạo An đã nói, là do triều đình đề xướng, mở hội truy điệu, thỉnh những vị cao tăng đại đức tụng kinh cầu siêu độ.

Từ đó về sau, trong dân gian, khi gia đình có người qua đời, thì cũng thỉnh mời tăng ni đến tụng kinh cầu siêu. Như vậy là đối với Phật pháp, đây chính là việc phụ thêm, chẳng phải là công việc chủ yếu của Phật môn, chẳng phải !

Nhưng hiện nay thì nó lại đã trở thành chủ yếu mất rồi ! Hiện nay tại rất nhiều đạo tràng, người ta lấy việc này làm công tác chủ yếu. Cho dù có giảng kinh thì thời gian làm Phật sự chính yếu này cũng rất ngắn, rất ít. Có những chùa một năm giảng kinh bốn lần, trong bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa giảng một tuần, một năm giảng bốn tuần, chia cho bốn mùa. Cho nên Phật sự chính thức là giảng kinh thuyết pháp để chuyển mê khai ngộ cho dân chúng thì lại đã biến thành việc phụ, còn việc bái sám, cầu siêu đã biến thành “Phật sự” chủ yếu mất rồi.
Điều này chúng ta phải có nhận thức rõ ràng, vào thời trước, Phật sự là giảng kinh thuyết pháp”

Thưa quý thính giả,

Đối với việc cúng bái cầu siêu, chúng tôi xin nhắc lại ý kiến mà chúng tôi đã đề ra trong một kỳ trước, rằng người Đông Phương chúng ta, từ thời xa xưa, vốn đã có truyền thống cúng bái người đã qua đời, nhất là cúng bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ, coi như một hình thức báo hiếu, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ chư vị đã khuất, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành, cũng như mỗi quốc gia đều có những ngày kỷ niệm Chiến Sĩ Trận Vong, để nói lên lòng nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước vậy. Chúng ta có từ ngữ “Đạo Ông Bà”, nghĩa là theo truyền thống từ thời xa xưa, khi ông bà, cha mẹ, thân nhân qua đời, gia đình đem hình ảnh và bát hương bày lên bàn thờ, quanh năm hương khói, đến ngày giỗ thì làm cơm cúng, đó là tập tục của hầu hết những dân tộc Đông Phương, nhất là tại những quốc gia ảnh hưởng đạo Khổng.

Như vậy, theo phong tục cổ truyền, việc cúng giỗ cũng là điều tốt, coi như là ngày kỷ niệm, tưởng nhớ người đã khuất. Chúng ta có thể tổ chức cúng giỗ tại nhà, hoặc tại chùa. Nếu đủ phương tiện để có thể làm lễ trên chùa thì rất tốt. Trước nhất, đây là một duyên lành giữa thân nhân người chết đối với nhà Phật, có dịp cho họ tiếp cận với các vị Sư, nhân đó, có thể hiểu thêm về Phật pháp. Thứ nữa là thân nhân người chết có thể tạo chút phước qua việc cúng dường Tam Bảo, để nhà chùa có thêm khả năng ấn tống kinh sách, phổ biến Phật pháp rộng rãi, thêm phương tiện để hoàn thành các Phật sự. Các vị Sư là những Trưởng Tử Như Lai, là những Đạo Sư, có nhiệm vụ hoằng dương Chánh Pháp song song với việc tu tập bản thân. Phật tử cũng vậy, cũng cần tu tập bản thân và giúp phương tiện cho các Đạo Sư trong công cuộc hoằng truyền và bảo vệ sự trong sáng của đạo Phật.

Về trách nhiệm của Đạo Sư, có một câu chuyện ẩn dụ vui vui, để nhắc nhở tầm quan trọng của sự dậy đạo, như sau:

Có ông lang băm kia trong thời gian còn sống tại thế, do tài coi mạch bói không ra bệnh, ổng giết nhiều người quá. Khi chết xuống âm phủ, chiếu theo tội trạng, Diêm Vương ra bản án cho ông được định cư ở Địa Ngục tầng thứ 18. Vừa nghe Diêm Vương nói xong là ông ta đã thấy mình đứng ngay nơi Địa Ngục tầng thứ 18 rồi, đó là thần thông của Diêm Vương, khỏi tốn tiền mua xe chở tù, giảm việc sổ sách.

Thấy mình chưa kịp cãi cọ, luật sư chưa kịp thu tiền, mà đã lọt vào tận đây, ông lang băm giậm chân đùng đùng để phản đối. Bỗng nhiên, ông ta nghe văng vẳng từ phía dưới vọng lên:

-- Đứa nào ở trên đó mà ầm ĩ quá vậy, cho ta ngủ một chút chớ !

Ông lang băm ngạc nhiên hỏi vọng xuống:

-- Ủa, sao còn có ai dưới đó ? Ta đã ở Địa Ngục tầng thứ 18 rồi mà, bộ còn có tầng thứ 19 nữa hay sao?

Thì có tiếng phía dưới vọng lên:

-- Đúng chóc rồi đó, cha nội ! Ta đang ở tầng thứ 19 đây nè.

Ông lang băm ngạc nhiên thấy có kẻ dám qua mặt mình, bèn lại hỏi vọng xuống:

-- Nhà ngươi lúc sống làm nghề gì mà nay phải vào tầng thứ 19 ?

Có tiếng nghẹn ngào tức tủi vọng lên:

-- Hu ...hu, khi xưa ta làm đạo sư, dạy sai Chánh Pháp. Diêm Vương bảo tội ta nặng hơn tội lang băm giết người, vì lang băm chỉ giết một số người, rồi chết là hết gây họa. Còn ta thì vì dạy bậy, số học trò học bậy của ta lại tiếp tục dạy bậy, học trò chúng nó lại tiếp tục dạy bậy, liên miên chẳng biết bao giờ mới chấm dứt, cho nên chẳng biết bao giờ ta mới hết tội, mới được tháo cũi xổ lồng, ra khỏi đáy địa ngục thứ 19, ...hu hu hu ...

Ban Biên Tập TVHS


Bài Đọc Thêm:

BƠ VÀ NHỮNG VIÊN ĐÁ CUỘI

Một ngày nọ có chàng trẻ tuổi vừa buồn vừa khóc, tìm đến Đức Phật. Đức Phật hỏi, "Cái gì sai trái đã làm nhà ngươi khóc?"
"Thưa ngài, cha con chết ngày hôm qua."

"Thì nhà ngươi làm gì được? Ông ấy đã chết rồi, buồn khóc chẳng thể làm ông ấy sống lại."

"Vâng, thưa ngài, con hiểu điều đó; buồn khóc chẳng thể làm cho cha con trở về với con. Nhưng con đến đây cầu xin ngài một điều: xin ngài hoan hỷ làm một điều gì đó cho người cha quá vãng của con!"

"Vậy ta có thể làm gì giúp cho cha con?"

"Thưa ngài, xin ngài làm một cái gì đó. Ngài là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được. Ngài hãy xem, các vị tu sĩ cúng tế, các thầy phát giấy xá tội, đã cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu giúp người quá cố. Và nghi thức cúng tế cầu siêu nếu được tổ chức sớm ở đây, thì cánh cửa trên thiên giới sẽ được mở ra sớm và người quá cố sẽ được siêu thăng về nơi đó. Họ sẽ nhận được giấy nhập cảnh. Thưa ngài, ngài là đấng toàn năng, ngài có đầy đủ quyền lực! Nếu ngài chủ tế nghi thức cầu siêu cho cha con, cha con không những nhận được giấy nhập cảnh nơi thiên quốc mà ông ấy sẽ được ở thường trú luôn. Thưa ngài, xin ngài hoan hỷ giúp cha con!"

Biết rằng chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ phải trái trong lúc này, nên Đức Phật đã phải dùng một phương tiện khác giúp cho chàng ta hiểu. Vì thế Phật nói: "Nhà ngươi hãy đi mua hai cái chậu đất nung." Chàng trẻ tuổi lấy làm sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho cha hắn và đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung.

"Được rồi," Phật nói, "đổ vào chậu thứ nhất đầy đá cuội, chậu thứ hai đầy bơ." Chàng trẻ tuổi làm y như lời Phật dạy.

"Bây giờ bịt miệng cả hai chậu lại, xong bỏ xuống hồ nước. Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ. "Bây giờ" Phật nói, "đem cái gậy ra đây, chọc bể cả hai chậu." Chàng trẻ tuổi rất lấy làm sung sướng, nghĩ rằng đức Phật đã cử hành nghi lễ cầu siêu cho cha hắn.

Theo tập quán cổ truyền cổ Ấn Độ, khi người cha chết, người con làm lễ hỏa táng. Vào khoảng giữa thời gian thiêu, người con dùng cây gậy thọc và làm vỡ sọ đầu. Cũng theo niềm tin cổ truyền của họ, cho đến khi sọ đầu được mở ra nơi trần gian này thì cánh cửa thiên giới cũng được mở ra. Vì thế chàng trẻ tuổi tự nghĩ là, "Cha ta đã được thiêu đốt ngày hôm qua. Như là một biểu tượng, đức Phật muốn mình làm vỡ các chậu ngày hôm nay!" Chàng cảm thấy sung sướng nhiều với nghi thức này của Đức Phật.

Chàng trẻ tuổi đã dùng cây gậy làm bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng bơ bị vỡ, bơ nổi lênh láng trên mặt hồ nước. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy hồ. Rồi Đức Phật nói, "Chàng trẻ tuổi, đó là những gì ta đã làm. Bây giờ hãy mời các thầy cúng tế và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện: "Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên, hãy nổi lên! Hỡi bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống!" Hãy cho chúng ta xem sự kiện xảy ra."

"thưa ngài, ngài nói đùa với con! Không thể nào như thế được, những viên đá cuội nặng hơn nước, chúng chìm xuống đáy. Chúng chẳng thể bao giờ nổi lên được. Đây là định luật tự nhiên! Và thưa ngài, bơ nhẹ hơn nước, chúng nổi lên mặt nước, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được. Đây là định luật tự nhiên."

"Chàng trẻ tuổi, nhà ngươi biết nhiều về định luật tự nhiên, nhưng nhà ngươi đã không hiểu về định luật tự nhiên này. Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, (3) cha nhà ngươi sẽ bị đọa, ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như bơ, (4) ông ấy sẽ được siêu thoát; ai có thể đè ông ta xuống được?"

Nếu chúng ta hiểu định luật tự nhiên (5) và sống theo luật tự nhiên này, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi những khổ đau và bất hạnh của cuộc đời.

Tâm Diệu

Cước Chú:

(1) Bản viết này được trích dịch từ quyển "The Art Of Living, Vipassana Meditation, As Taught By S.N. Goenka" của William Hart do nhà xuất bản Harper San Francisco phát hành năm 1987 trang 55-56. Cuối bản viết tác giả có ghi chú là "Based on S. XLII. viii. 6, Asibandhakaputta Sutta.

(2) Asibandhakaputta Sutta là một phẩm trong Tương Ưng Bộ Kinh, Tập IV hệ Pali (Samyutta Nikaya, IV). Chúng tôi không có bản Việt dịch của HT Minh Châu, nhưng có tham chiếu bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi do Dr. Bình Anson (Uc Châu)gửi tặng.

(3) Những điều nặng như viên đá, được hiểu là trong cuộc đời đã tạo những nghiệp xấu, nghiệp ác. Theo bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Bodhi là, "a person here who destroys life, takes what is not given, engages in sexual misconduct, speaks falsely, speaks divisively, speaks harshly, chatters idly, one who is covetous, full of ill will, and holds wrong view".

(4) Những điều nhẹ như bơ, được hiểu là trong cuộc đời đã tạo những nghiệp tốt lành. Theo bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi là, "there is a person here who abstains from the destruction of life, from taking what is not given, from sexual misconduct, from false speech, from divisive speech, from harsh speech, from idle chatter, one who is not covetous, without ill will, who holds right view."

(5) Định luật tự nhiên (the law of nature). Luật nhân quả (kamma) là một trong năm định luật tự nhiên của vũ trụ vạn vật. Bốn định luật kia là: utu, bija, dhamma và citta. "Định luật nhân quả cho rằng nhơn gieo thì quả trổ. Nhơn lành đem lại quả tốt. Nhơn ác đem lại quả xấu. Đó là định luật tự nhiên, phải trổ sanh như vậy chớ không phải là một hình thức thưởng hay phạt..." (Đức Phật và Phật Pháp, trang 313, HT. Narada Thera, Phạm Kim Khánh Việt dịch)

PHẬT GIÁO CÓ CHỦ TRƯƠNG HOẢ TÁNG KHÔNG?

Gia đình chúng tôi hiện còn cha mẹ gìa đang bị bệnh, có thể qua đời bất cứ lúc nào. Trong gia đình có hai ý kiến trái ngược nhau, một ý kiến muốn hoả táng các cụ khi qua đời, còn một ý kiến muốn chôn cất các cụ tại một nghĩa trang thành phố nơi họ cư ngụ. Cũng xin thưa là cha mẹ chúng tôi để chúng tôi tuỳ ý quyết định, mặc dầu có một lần chúng tôi đem ra hỏi ý cụ. Bà cụ nói “lúc nào mẹ cũng muốn ở gần các con. Hoả thiêu chắc là nóng lắm nhưng có lẽ còn đỡ hơn là nằm dưới lòng đất lạnh lẽo bên cạnh mấy người Mỹ mà mình không biết nói tiếng họ.” Chúng tôi là chị cả không muốn phủ quyết ý muốn của hai cậu em nên biên thư này hỏi ý ban biên tập là (thứ nhất) đạo Phật có chủ trương hoả thiêu không vì chúng tôi thấy bên Phật giáo có một số Tăng ni khi qua đời thường hoả thiêu, (thứ hai) chúng tôi nên chọn giải pháp nào, nên chôn hay hoả táng? (thứ ba) nếu hoả táng hay chôn cất thì thân xác có còn cảm giác nóng hay lạnh không?

Thưa quý thính giả,

Con người ta dù là giầu sang hay nghèo khó, ai ai cũng có môt lần phải chết, thân xác sẽ trở về với cát bụi. Người theo Thiên Chúa giáo nói là trở về thiên đường với Chúa, bên Phật giáo nói là về miền cực lạc, người thờ cúng tổ tiên nói là về miền tiên cảnh với ông bà v.v.. Nhưng dù theo tín nguỡng hay phong tục tập quán nào, ai ai cũng phải đi qua giai đoạn chung sự trước khi thân xác nằm sâu dưới lòng huyệt lạnh hay thành nắm tro tàn hòa trong cát bụi.

Thưa quý vị,

Trước khi trả lời trực tiếp vào các câu hỏi, chúng tôi xin lược qua các phương pháp an táng từ xưa cho đến ngày nay.

Hiện nay trên thế giới người ta đã sử dụng nhiều hình thức mai táng khác nhau. Mỗi hình thức chọn lựa cho mình khi từ giã cõi đời đều mang một triết lý nhân sinh khác nhau. Nhưng xét qua nhiều khía cạnh và ý nghĩa, tựu chung lại có 5 hình thức chính, đó là: địa táng, hoả táng, thuỷ táng, huyền táng và thứ năm là điểu táng. Thủy táng là bỏ xác chết xuống nước cho cá ăn. Điểu táng là đem xác chết lên núi cho chim ăn. Huyền táng là táng treo trên vách núi. Ở Việt Nam chỉ có địa táng và hỏa táng, không có thủy táng, huyền táng và điểu táng.

Từ thời vua Hùng Vương nước Việt đã có tục an táng người chết dưới huyệt đất: nhiều huyệt đất được đào công phu thành tầng cấp sâu rộng; đến thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, những mộ huyệt được lập thành hình hộp chữ nhật như ngày nay chúng ta thấy. Ở một vài địa phương, xác chết được chôn trong những chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng hình thuyền độc mộc ở xa nơi cư trú, như phong tục của người Mường cận đại. Xác chết được lót hoặc bao bằng chiếu cói đặt nằm giữa quan tài và xung quanh là những của cải mang theo. Ở nơi khác nữa, có tục hoả táng trên đống củi, người chết được đốt cùng với quần áo và đồ trang sức trên người, sau đó than tro và xương răng cháy vụn được bỏ vào những đồ đựng lớn và quý như hộp bằng đồng cùng với tài sản được chia rồi đem chôn sâu dưới đất ở vùng xa nơi cư trú, như phong tục người Thái, người Tày và người Nùng thời cận đại.

Qua phong tục tang ma, qua quan niệm và thái độ đối với người chết và sự chết, có thể thấy được phần nào sự phát triển lịch sử - xã hội và tình cảm. Sự săn sóc, ân cần chu đáo thể hiện qua khóc than, chia của, chôn cất, xuất phát từ tình người là chủ yếu chứ không phải là vì lo ngại, sợ hãi như ở thời nguyên thủy. Cũng có thể người Việt xưa quan niệm rằng người chết vẫn gần gũi và còn ảnh hưởng đến người sống, hoặc làm lợi hay làm hại cho họ bằng những phương tiện thần bí, do đó người còn sống thường thể hiện lòng kính trọng và sự quan tâm săn sóc của mình đối với người thân đã khuất bằng những nghi lễ chôn cất có tính chất ma thuật nhằm bảo đảm cho mình được nhiều ảnh hưởng tốt, ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu. Cũng vì thế người sống thường chôn cất người thân sát địa điểm cư trú, tuy những trường hợp đem chôn sâu ở xa nơi cư trú không phải là không có.

Việc lưu giữ xác chết có từ thời xa xưa của nhân loại. Vào thời đó, người ta tin rằng linh hồn bất tử. Trường hợp những nguời Ai Cập ướp xác vì họ hy vọng người chết vẫn còn có thể liên lạc được với người sống. Những lăng mộ vĩ đại và những lâu đài đuợc xây dựng để gìn giữ xác chết, nhưng những việc thực hành này chỉ dành cho các nhân vật quan trọng như vua chúa và các vị lãnh đạo tôn giáo. Phần còn lại, xác chết của dân chúng chỉ được chôn cất sao cho thuận tiện. Trái lại một tập tục khác gọi là thờ cúng Tổ-Tiên, phát triển tại một số quốc gia Á Châu. Theo đó, người sống có thể liên lạc với người chết qua nhũng tập tục lễ nghi chung quanh bàn thờ người chết. Điều này dẫn đến việc lưu giữ tro cốt trong bình và tục lệ này còn lưu truyền đến ngày nay.

Trong năm cách an táng, Hỏa Táng đang trở thành phương pháp an táng phổ thông hiện nay trên thế giới. Ở Canada, phần lớn người chết được thiêu, sau đó tro cốt được gửi trong các nhà thờ hay nhà chùa. Nếu người chết được chôn theo cả quan tài thì được chôn xuống huyệt đất. Người ta đào những cái hầm khá lớn và sâu, rồi chia ra thành từng ngăn. Mỗi ngăn cho một quan tài. Mộ không được xây thành nấm mà được san bằng để trồng cỏ lên. Trên mộ chỉ đặt một tấm bia. Còn ở Hồng Kông, việc mua đất để chôn rất đắt nên hầu hết người chết cũng được hỏa táng. Người ta gửi những bình tro cốt vào nghĩa trang, nhà chùa hoặc nhà thờ. Mỗi bình tro được khắc ghi như một tấm bia. Ở Hoa Kỳ, vào thập niên 70 thì 10 người chết mới có 1 người thiêu nhưng hiện nay ở nước Mỹ cứ 4 người chết là có một người thiêu tức là 25%. Người ta tiên đoán vào năm 2025 thì số người chết muốn thiêu sẽ lên đến 50%. Riêng ở Việt Nam, do nhu cầu bảo vệ môi sinh và dân số gia tăng nhanh chóng, chính quyền khuyến khích người dân nên chuyển sang phương thức hoả táng.

Thưa quý thính giả,

Trở lại câu hỏi của của thính giả là Phật giáo có chủ trương hoả táng không? Chúng tôi xin thưa ngay là Phật Giáo là một tôn giáo tự do nên rất uyển chuyển trong vấn đề này. Không có luật lệ cứng rắn hay bắt buộc trong việc an táng. Tuy nhiên tại một vài xứ Phật Giáo, việc hỏa thiêu thuờng được đa số tín đồ thi hành.

Đối với Phật Giáo Ấn Độ, chết thì thiêu đó là làm theo phong tục sẵn có của Ấn Độ thời cổ chứ không phải là một sự bắt buộc gì cả và mang ý nghĩa theo triết lý của Ấn Độ nhằm nhắc nhở rằng khi chết rồi thì đừng nên luyến tiếc gì nữa, vì họ tin rằng tro cốt cuối cùng sẽ hợp nhất với lực đã khai sáng ra nó. Không riêng gì Phật Giáo mà đa số các tôn giáo bắt nguồn tại Ấn Độ như là Ấn Độ Giáo và Kỳ Na Giáo khi chết đều áp dụng phương cách Hoả Táng

Trong Phật giáo Tây Tạng cũng có tục Hoả Táng với những pháp hành đặc biệt cho nghi lễ này. Một số nước theo truyền thống Phật giáo Nam Tông như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Cao Miên, Lào và một phần của Nam Việt Nam thường theo cách Hoả Táng. Ở các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông, như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam vì ảnh hưởng sâu nặng nhân sinh quan Nho Giáo và Khổng Giáo cho rằng hoả táng, điểu táng và thuỷ táng không hợp đạo lý với người qua đời nên từ trước đến nay họ thường dùng cách chôn cất hay nhập tháp. Tuy nhiên, theo quan niệm hiện đại, hỏa táng là một hình thức rất hợp vệ sinh, bảo vệ môi sinh, không mất đất, giảm bớt được nhiều vấn đề như: xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời…cho nên việc hỏa táng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng Phật giáo. Họ quan niệm nên dành đất cho người sống ở hơn là xây đầy những mộ chí, những nghĩa trang cho người đã nằm xuống.

Với những người Việt sinh sống ở hải ngoại, vì điều kiện làm ăn nên không thường ở cố định một nơi, nơi nào kiếm được việc làm là định cư nơi đó nên việc chọn lựa lối an táng người thân không phải là điều đơn giản. Nếu chọn lối chôn cất rồi mai đây định cư nơi khác mà mỗi năm đến ngày giỗ không về thăm mộ trong lòng áy náy không yên, mà về thăm thì đất nước này mênh mông, đi lại thăm viếng không phải là chuyện dễ dàng. Cũng như một nhà văn tỵ nạn viết về việc chôn cất người cha tại thành phố Bloomington, bang Illinois. Sau đó gia đình ông di chuyển về thành phố San Diego ở bang California. Mỗi năm đến ngày giỗ và ngày thanh minh tảo mộ, bà mẹ và nhà văn lại trở về Illinois giữa mùa tuyết phủ ngập trời. Ông đã viết lại những cảm nghĩ đau buồn, chua sót, dằn vặt của ông về ngày giỗ và chuyện không thể trở về Illinois thăm phần mộ người cha còn nằm tại miền đất lạnh xa xôi.

Đối với những gia đình đã ổn định đời sống, khi có người thân qua đời nếu chọn chôn cất tại các nghĩa trang với những thảm cỏ xanh, hoa nở tươi tốt, để người thân đến thăm viếng trong những dịp lễ Father’s Day, Mother’s Day, Vu Lan v..v cũng rất hay và đẹp.

Cho nên, trở lại câu hỏi của vị thính giả là nên chôn hay hoả táng cha mẹ khi qua đời, chúng tôi thiết nghĩ còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, từ cảm quan của mỗi thành viên trong gia đình đến môi trường sống chung quanh và nhất là quan niệm cá nhân về sự sống và chết của con người. Vì thế việc chọn lựa này là do quyết định của người qua đời lúc còn sống đã để lại di chúc còn không thì người thân trong gia đình nên bàn thảo để có quyết định chung.

Thưa quý thính giả,

Sau khi hoả thiêu, vấn đề được đặt ra là có nên chôn tro cốt xuống đất, gìn giữ để thờ cúng tại nhà, tại chùa hay đem rải xuống sông biển.Đức Phật không để lại một huấn thị rõ ràng về vấn đề này, vì Ngài muốn chúng ta hiểu xác thân chỉ là sự hỗn hợp của vật chất và sau khi chết, những thứ này lại trở về các nguyên tố Đất, Nước, Gió, Lửa. Phần tro cốt còn lại chỉ là biểu tượng của nguời qua đời, là người thân mà ta thuơng yêu. Chúng ta nên kính trọng, tuy nhiên, không nên quyến luyến quanh những biểu tượng này, không nên sống mãi với quá khứ của họ hay nghĩ rằng chúng ta chẳng còn liên hệ gì với người đã chết.

Một số người thích thờ cúng tro cốt tại chùa hay tại nhà, một số người khác lại đem chôn, hoặc đem tro cốt rải xuống biển hay xuống sông để gieo duyên với các loài thuỷ tộc hay rải xuống rừng để gieo duyên với các loài chúng sinh sống trên đất hay một nơi nào đó theo ý muốn v..v... như năm xưa trong một trận baseball tại cầu trường San Francisco, trong khi đang diễn ra trận đấu, một chiếc máy bay nhỏ bay trên cầu trường và thả ra một chất bụi mầu hơi đỏ. Nước Mỹ vừa chứng kiến biến cố 9-11, rồi lại nghe vụ Anthrax nên khán giả chạy tán loạn. Cầu thủ phải ngưng ngay trận đấu. Về sau báo chí cho biết chất bụi mầu hơi đỏ đó là tro cốt của người quá cố mà khi còn sống ông ta là fan của đội cầu San Francisco Giants đã để lại di chúc là khi ông ta chết phải thiêu xác và rải trên cầu truờng San Francisco cho ông.

Gần đây nhất, theo hãng thông tấn AP cho biết công nghệ khoa học hiện đại đã biến tro cốt người quá cố thành viên kim cương để mang theo trong người. Họ đã thực hiện được 1000 viên kim cương từ 500 hũ tro cốt của 500 gia đình người quá cố. Những viên kim cương nhân tạo này đã đưa ra một lựa chọn mới cho kỹ nghệ mai táng. Giá làm kim cương tuỳ thuộc vào kích cỡ, khoảng 2.500 USD cho viên kim cương 0,25 cara và khoảng 14.000 USD cho viên kim cương 1 cara.

Đó là các phương cách để gỉai quyết phần lưu lại những gì của người quá vãng. Tuỳ theo niềm tin, áp dụng phương cách nào cũng không có gì sai cả, nhưng là Phật tử chúng ta đừng nghĩ rằng để tro cốt ở những nơi thiêng liêng như chùa chiền, người quá vãng sẽ được an toàn, được nghe câu kinh tiếng kệ và không bị nghiệp lực lôi kéo. Việc để tro cốt trong chùa không có ý nghĩa gì hơn là việc biểu lộ niềm kính trọng và thương yêu với người đã khuất.

Thưa quý thính giả,

Về câu hỏi thứ ba của vị thính giả hỏi là khi thiêu có nóng không hay khi đem chôn xuống dưới đất có lạnh không? Chúng tôi xin thưa là, sau khi xác thân này hư hoại, theo Phật giáo, thần thức sẽ tuỳ theo nghiệp lực mà tái sanh vào các cõi tương ứng với nghiệp nhân mà người kia đã gieo trồng, ngoại trừ các bậc đại giác như Đức Phật, các bậc Bồ-tát, các bậc A-la-hán đã giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Thế giới tình thức này không chỉ có cảnh giới con người, mà còn có các cảnh giới khác nữa, nếu tính từ dưới lên thì có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên. Theo Phật giáo Nguyên Thuỷ việc tái sinh xảy ra tức khắc chỉ trong một sát na niệm tưởng, không để trống khoảnh khắc nào trong trạng thái lưng chừng như làn sóng điện lan trong không gian, tức khắc được phát sinh trong máy thu thanh hay thu hình. Sự sinh tử này xảy ra cực kỳ nhanh chóng và được xem là một tiến trình liên tục.

Còn theo Phật Giáo Bắc Tông cho rằng có một số trường hợp có thể phải qua giai đoạn chuyển tiếp, ở đó chúng sinh mang dạng “thân trung ấm” không hình tướng, lưu lại trong thời gian từ một đến bảy tuần lễ, thông thường thời gian thọ sinh là bảy ngày, tuy cũng có thể lâu hơn nữa do sở duyên chưa thích hợp. Cũng theo thuyết này, thời gian bốn mươi chín ngày này rất là quan trọng vì các nghiệp lành và nghiệp dữ dằng co tâm thức, làm mê mê tỉnh tỉnh, phải cảm thọ những điều không yên ổn, không tự tại. Vì vậy có tục lê cúng giỗ cầu siêu bảy tuần liên tiếp.

Như vậy dù là tái sinh tức thời hay tái sinh qua giai đoạn chuyển tiếp, mang thân trung ấm, thì thân xác lúc ấy chỉ còn lại là một cơ thể vật chất, các giác quan không còn hoạt động, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, tứ chi không còn cử động, cho nên không còn cảm gíac đau đớn, nóng hay lạnh.

Thưa quý thính giả,

Nói tóm lại Phật Giáo không chủ trương hoả táng cũng như địa táng. Mỗi phương cách, tuỳ thuộc từng địa phương, từng quốc độ và từng thời gian, đều có những lợi điểm và bất lợi điểm riêng, cho nên việc chọn lựa phương pháp an táng là do quyết định của gia quyến hay lời dặn dò của người sắp chết. Dù thiêu hay chôn thì thân xác của người chết không còn cảm giác nóng hay lạnh vì khi tứ đại tan rã, hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác để đi tái sanh sang cõi khác.

Ngoài việc chọn lựa nên chôn hay thiêu, chúng ta cũng cần chọn lựa cho chính chúng ta một cuộc sống có ý nghĩa trong lúc chúng ta còn sống. Cuộc sống ăn hiền ở lành, làm lành tránh ác, giúp đỡ những người gặp hoạn nạn khổ đau do thiên tai bão lụt như nạn nhân cơn bão Katrina, mới là điều đáng quan tâm. Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta tạo nhân thiện hay nhân ác khi chúng ta lâm chung tuỳ theo việc làm lành hay dữ mà thọ sanh trong kiếp tới. Nghiệp do chính mình tạo ra và nghiệp trở lại chi phối mình. Cũng như Nguyễn Du đã viết trong "Truyện Kiều"

Đã mang lấy nghiệp vào thân, 
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Chính chúng ta chứ không phải một thần linh nào khác quyết định đời sống chúng ta, và chúng ta quyết định nó bằng các hành động qua thân, khẩu, ý hàng ngày, hàng giờ, hàng phút trong cuộc sống hiện tại.

Ban Biên Tập TVHS

ĐỐT VÀNG MÃ MỘT HỦ TỤC CẦN HUỶ BỎ

Thưa quý thính giả,

Trong một dịp đi hành hương các chùa nhân dịp đầu năm, chúng tôi có cơ hội chứng kiến việc đốt vàng mã để cúng lễ tại các chùa đền khắp nước Việt Nam, điển hình, tại lễ hội chùa Hương cảnh hai lò đốt vàng mã đặt tại Chùa Thiên Trù và Động Hương Tích hoạt động không ngừng nghỉ, đốt suốt ngày đêm mà không đáp ứng kịp nhu cầu của người hành lễ. Nay trong một dịp dự tang lễ người quen tại một nhà quàn ở thành phố Westminster Hoa Kỳ, chúng tôi cũng chứng kiến việc đốt vàng mã cúng tế người quá vãng. Thật không ngờ tục lệ này lại có thể được thực hiện nơi một xứ được gọi là văn minh tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được cho biết là ngay trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và một vài nước khác trên thế giới, vẫn còn việc đốt sớ và vàng mã cho những người đã khuất nhân dịp họ cúng giỗ và cầu siêu tại gia đình hay tại một số chùa.
Vì có một số ít Phật tử cho rằng đốt vàng mã cúng người chết giúp cho người sống được an tâm, nên trong buổi phát thanh hôm nay, chúng tôi xin trình bày về nguồn gốc của tục lệ đốt vàng mã và quan điểm của nhà Phật về việc này.

Thưa quý thính giả,

Tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Nhiều người cho tục lệ đó là một trong những nét đẹp văn hoá của phong tục thờ cúng tổ tiên. Trong bất cứ dịp lễ nào, từ ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày hoá vàng, ngày cúng giỗ tổ tiên ông bà hay dọn nhà, giải hạn, lập bàn thờ, bốc bát hương... đều phải có ít nhất vài bó vàng tiền để đốt như là một sự gửi gắm và chăm lo cho những người đã khuất có một cuộc sống sung túc ở cõi âm, hoặc mong được thứ lỗi, hay có được sự thanh thản trong tâm hồn. Với suy nghĩ, càng mua nhiều đồ hàng mã càng tốt, đồ càng đắt tiền càng có nhiều lộc và càng được bình an, người ta không ngần ngại lấy tiền thật để đổi lấy tiền giả là những tờ giấy xanh đỏ hay những vật dụng bằng giấy mầu.

Hiện nay tại Việt Nam, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang các cơ quan công quyền quốc doanh, trở thành một nghi thức mới không thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình thủy điện, trong các buổi lễ động thổ, khởi công các công trình do nhà nước giao phó. Theo thống kê cho biết khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã. Tại tiểu bang California và Texas, nơi có đông người Việt cư ngụ, không có con số thống kê nhưng tất cả các siêu thị Việt Nam và Trung Hoa đều bày bán vàng mã, chứng tỏ có nhu cầu tiêu thụ.

Trong nước, đã có nhiều vị Sư kêu gọi bà con nên bỏ thói tục mê tín này. Một vị Hoà Thượng ở tỉnh Lâm Đồng cho biết lỗi lầm mê tín này là do quý Sư không giáo dục Tăng Ni Phật tử. Gần đây, một vị Hoà Thượng khác tại Hà Nội cũng lên tiếng chỉ trích việc đốt vàng mã. Sư cho biết “nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì ngược đãi, đánh đập. Thế mà đến ngày lễ Vu Lan thì những người con ấy lại đốt vàng mã thật nhiều để báo hiếu cha mẹ. Hành vi ngược đãi cha mẹ, luật pháp cũng không dung tha, Phật cũng không chấp nhận lễ của những đứa con bất hiếu đó. Phật dạy, con cái phải thờ phụng cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ lúc già yếu. Không nên biến ngày lễ Vu Lan trở thành ngày mê tín dị đoan, lãng phí.”

Tuy nhiên, cũng có một vị Sư trụ trì một ngôi chùa ở ngoại ô Hà Nội, từng tu học ở Trung Quốc, khi được hỏi về việc này lại cho biết “… Hết thảy mọi pháp đều là Phật pháp. Nếu chúng ta nhận thức được thì việc đó cũng không hề sai. Khi tâm mình chưa thanh thản thì cũng nên làm bất cứ một điều gì (như đốt vàng mã) để cho tâm được thanh thản. Khi đó, việc học đạo, làm việc đều thành tựu. Nếu cứ chấp trước cái này là của Phật pháp, cái kia không phải thì sẽ sinh tâm phân biệt như vậy càng xa với Phật pháp.

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe lời dạy này từ một vị tu sĩ Phật giáo. Câu nói: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp” còn có nửa sau “Phật pháp là pháp bất nhị. Cả câu “Tất cả các pháp đều là Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị” cốt để hiển thị tính chất bao hàm của “Tự Tánh bất nhị” đối với toàn thể thế giới hiện tượng tương đối. Nếu hiểu lầm rằng “tất cả các pháp đều là Phật pháp”, cho nên bất cứ chuyện hay, dở gì trong thế gian cũng đều như nhau, đều có thể làm được, không phân biệt tốt, xấu, vì đều “là Phật pháp”, thì đã sai quá rồi.

Bất Nhị là cảnh giới Chân Tâm tuyệt đối. Nói về đời sống nhị biên, tương đối, thì Phật đã dạy rằng “Không làm điều xấu, ác và siêng làm điều thiện, lành”. Các bậc Thày của đạo Giác Ngộ phải có nhiệm vụ dạy cho Phật tử biết cái gì là xấu, ác, để tránh và cái gì là thiện, lành, để thực hiện. Không thể nói rằng: “Nếu cứ chấp trước cái này là của Phật pháp, cái kia không phải thì sẽ sinh tâm phân biệt như vậy càng xa với Phật pháp”. Không phân biệt được thiện và ác thì làm sao mà tu hành để chuyển nghiệp xấu, ác thành thiện, lành được ?

Kinh Phật dạy con cái phải tận hiếu với cha mẹ khi các người còn sống, và cho là sau khi chết một thời gian ngắn, Thần Thức đã theo nghiệp thiện hoặc ác mà đi đầu thai vào một đời sống mới. Thần Thức cũng không thể ở trong cái nhà hoặc dùng đồ đạc bằng giấy tùy theo ý kiến của nhà sản xuất vàng mã chế ra.

Sự kiện đốt vàng mã chỉ tạo nên ảo tưởng, hoặc sự khoe khoang về báo hiếu. Ngoài ra, nó còn có thể khiến cho những người con bất hiếu tha hồ xử tệ với cha mẹ khi các người còn sống, thí dụ tống cha mẹ ra ở góc vườn với ý nghĩ: “Ui da, mai mốt ông bà ấy chết ta đốt cho họ cái lâu đài đầy đồ đạc, xe cộ ê hề, tiền bạc vài trăm tỷ, cho tha hồ mà ăn ở, tiêu xài rộng rãi, sướng nhé”.

Đã thế, sự kiện báo hiếu bằng vàng mã sẽ có thể khiến cho những người mê tín thi đua nhau, ai nhà nghèo không đốt được lâu đài cho cha mẹ thì lại tủi thân : “Tội nghiệp cha mẹ mình, sống đã phải ở chui rúc, chết cũng không có được cái nhà cao cửa rộng”. Thế là lại vay công mượn nợ để đốt cho cha mẹ cái building, xe Mercedes, vài ngàn thỏi vàng hồ, cho hồn ma cha mẹ vênh vang với các ma hàng xóm và mình thì cũng nở mày nở mặt với bà con.

Xin quý vị thày của đạo Giác Ngộ nhớ sự ủy thác của đức Phật mà không quên nhiệm vụ dạy Phật tử chuyển mê khai ngộ.

Thưa quý thính giả,

Như vậy, chúng ta cũng nên xét lại vấn đề đem tiền thật mua những đồ vàng mã như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc giả và các vật dụng trong gia đình hoàn toàn bằng giấy rồi đem đốt đi nhằm mục đích để ông bà và người thân nơi âm phủ có đủ vật dụng để tiêu dùng.

Theo sử sách của người Trung Hoa, tục đốt vàng mã bắt đầu từ thời nhà Hán. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn và cho rằng người mất sống nơi cõi âm vẫn có những nhu cầu như kẻ còn sống như tiền bạc, nhà cửa, thực phẩm v.v... Nên khi nhà vua băng hà, phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị quân trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dà người dân bắt chước và trở thành tập tục. Đến năm Khai Nguyên thứ 26 (738 DL), đời Đường Huyền Tông, nhà vua ra sắc dụ cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu do quan tế tự Vương Du phụ trách. Việc sử dụng vàng mã chính thức bắt đầu từ đấy.

Không bao lâu, dân chúng chán bỏ vì thấy việc đốt vàng mã không hiệu nghiệm, họ đốt đủ thứ cần dùng để người quá cố tiêu dùng mà không thấy được báo mộng hay có một hiện tượng gì chứng tỏ người chết được hưởng dụng, nhất là đối với những người nghèo không đủ tiền mua sắm đồ mã nên họ bảo nhau không đốt nữa, thế là nghề làm đồ mã bị ế ẩm. Sách Trực Ngôn Cảnh Giác của Trung Hoa kể lại rằng Vương Luân là dòng dõi của Vương Du, vì không muốn nghề nghiệp gia truyền làm vàng mã bị mai một, nên cố gắng hết sức để chấn hưng nghề làm đồ mã, bèn lập mưu với người bạn thân, lên kế hoạch bí mật chết giả, bằng cách để người bạn thân đó giả vờ đau ốm cho mọi người biết, khoảng vài ngày sau Vương Luân loan tin người bạn thân đã qua đời, sau đó khâm liệm bỏ vào quan tài chờ ngày an táng. Nhưng sự thật thì người bạn của Vương Luân vẫn còn sống, tuy ở trong quan tài nhưng vẫn có lỗ trống ở dưới đáy để thở và đưa thức ăn vào. Đến ngày đưa đám tang, trong khi lễ nhạc linh đình, phúng điếu rộn rịp, Vương Luân đem giấy tiền vàng mã và những đồ dùng bằng giấy như nhà cửa, áo quần và hình nhân thế mạng, đích thân làm lễ cúng tế để cầu nguyện cho người bạn thân. Sau đó ông ta đốt hết giấy tiền vàng mã và hình nhân thế mạng.

Khi đốt xong thì quan tài tự nhiên rung động, ai nấy đều mục kích rõ ràng, vội cùng nhau mở nắp quan tài ra. Người bạn thân của Vương Luân quả nhiên sống lại, đến trước mặt Vương Luân phủ phục xuống đất cảm tạ và thuật lại cho mọi người nghe rằng chư vị thần dưới âm đã nhận được vàng mã và hình nhân thế mạng nên thả hồn ông ta trở về cõi trần, nên ông ta mới được sống lại.

Mọi người đều tin là thật và tin tức được loan truyền rộng rãi trong dân gian, nên đồ mã của Vương Luân sau đó lại được hưng thịnh như xưa. Nhờ thế các nhà buôn đồ mã lại làm giầu một cách nhanh chóng và phổ biến sang các nước chư hầu để tiêu thụ, trong đó có Việt Nam. Sau này do sự cạnh tranh nghề nghiệp, nên người bạn thân đã tiết lộ mưu kế gian xảo của Vương Luân và vì thế ngày nay chúng ta mới biết lai lịch việc này.

Tục lệ đốt vàng mã này ảnh hưởng sâu đậm vào nước ta, từ vua chúa đến thứ dân. Vụ đốt vàng mã lớn nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là trong đám tang của Vua Khải Định, băng hà vào ngày 25 tháng 11, năm 1925, triều đình Huế đã làm nguyên cả ngôi điện Kiến Trung bằng giấy thật lớn và nhiều loại đồ dùng của vua như ngự liễn, long xa, tàn kiệu, v.v... để đốt theo vua.

Thưa quý thính giả,

Ngày nay, dưới ánh sáng văn minh, ai cũng biết người chết không thể nào tiêu xài số tiền vàng và các thứ cần dùng chôn theo ấy. Như có người ở Hà Nội cúng người chết cả máy điện thoại Nokia cầm tay bằng giấy, Honda Dream bằng giấy và máy vi tính bằng giấy nữa. Khi còn sống không hiểu người chết ấy có biết sử dụng máy vi tính, điện thoại cầm tay hay xe Honda không? Xin kính gửi tới quý vị đoạn phóng sự viết vào thời gian ngày Vu Lan vừa qua tại Hà Nội:

“Tại phố Hàng Mã, điểm "phân phối" hàng mã cho những người bán rong trên các đường phố luôn đông nghịt người mua sắm, bộ cúng thần linh rẻ nhất cũng 15.000 đồng, cúng chúng sinh giá tương tự. Chúng tôi chen chân hỏi mua đồ cúng với giá "bình dân" đã không được các chủ hàng bán. Tôi chứng kiến một phụ nữ trung niên cùng cô con gái đến mua nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động, tivi, xe máy, quần áo, tiền dollars Mỹ. Họ còn mua thêm một cô gái bằng giấy như búp bê, mang giày cao gót, mặc váy ngắn, áo lửng. Khi bà mẹ cầm "cô gái" trong tay thì cô con gái cầm ngay chiếc kéo nhỏ đâm lia lịa vào mặt hình nhân thế mạng. Giải thích cho những người hiếu kỳ xung quanh về việc làm kỳ quặc của cô con gái, người phụ nữ trung niên nói: "Bố cháu làm tổng giám đốc, nay xuống dưới ấy cũng phải gửi cho ông ấy cô thư ký, nhưng phải làm cho nó xấu xí để khỏi trở thành bồ của bố cháu".

Thưa quý thính gỉa,

Chúng tôi không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết được ghi trong tam tạng kinh điển của nhà Phật. Đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Quan niệm sống chết đối với Phật Giáo chỉ là hai mắt xích trong một chuỗi sinh tử dài vô tận, từ vô thủy, cho tới ngày giải thoát tối hậu, con người đạt tới cảnh giới bất tử. Do đó, Phật giáo không có khái niệm về một nơi chốn dành riêng cho những người đã chết, mà dân gian thường hay gọi là cõi âm hay là âm phủ. Có thể đây là những từ ngữ của tín ngưỡng dân gian.

Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm, trong một bài giảng Phật Pháp, nói rằng:

“Rất đáng tiếc là hiện nay, đa số tăng ni cũng không hiểu đạo lý ấy, thậm chí Phật tử ở Trung Hoa lục địa sang Đài Loan còn phát minh ra loại tiền giấy đặc biệt gọi là "tiền giấy vãng sinh", tức là trên một tờ giấy màu vàng, dùng mực đỏ in bài chú vãng sinh bằng chữ Phạn. Thực ra, công dụng tụng chú và tác dụng đốt tiền giấy là hai chuyện căn bản khác nhau…” Hơn nữa, các tăng ni tụng kinh, lễ sám, cầu đảo v.v…đều có viết sớ. Đọc sớ xong rồi đốt sớ đi. Đó là bắt chước đạo gia đọc sớ cho quỷ thần nghe, đó là mê tín, hoàn toàn không có căn cứ gì trong giáo lý đạo Phật cả. Trong mọi việc, Phật giáo đều chủ trương lấy tâm thành kính để có cảm ứng. Đã đạt tới chỗ tâm thành và cảm ứng rồi, là có linh nghiệm, chứ không cần phải đốt lá sớ.”

Thưa quý thính giả,

Cho rằng việc đốt vàng mã làm người sống cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, an lạc hơn, thì chỉ là một cách nói, một cách đánh lừa tâm thức, nếu có chăng chỉ là an lạc tạm thời như người dùng thuốc phiện. Muốn tâm thảnh thơi an lạc, không có gì hay hơn là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thực hiện lời Phật dạy:

Không làm điều xấu, ác
Siêng làm điều thiện, lành
Tự thanh tịnh tâm ý

Còn chuyện hoang đường như đốt vàng mã, thì ngoài việc đã làm tổn hại tài nguyên, còn mâu thuẫn cả về mặt tâm tư. Trong khi chúng ta cầu nguyện cho người thân quá vãng được tái sanh vào cõi an lành, như sanh cõi trời hay cõi người hay về cảnh giới Tây phương cực lạc hay một cảnh giới thanh tịnh nào đó mà lại đi đốt giấy tiền vàng mã và đồ dùng bằng giấy xuống âm phủ cho người thân tiêu dùng trong các lễ tang, lễ giỗ, thì như vậy có phải chúng ta cầu cho người thân ở mãi cảnh giới âm u tối tăm đó để xài tiền ma, đồ dùng ma hay sao. Thậm chí có người, khi đốt xong còn lo lắng không biết người thân có nhận được không? …

Ban Biên Tập TVHS

Ý Nghĩa Ba Lạy Trong Đạo Phật

Tôi là một Phật tử thường đến Chùa có nghe các vị giảng sư giảng nhưng chưa hiểu rõ về lạy 3 lạy, có hỏi một số huynh đệ thì có người nói thế nâỳ có vị nói thế khác . Xin giải thích ý nghĩa của 3 lạy của đạo Phật như thế nào? Ngoài ra, gần đây tôi có nghe nói đến 5 lạy, vậy ý nghĩa của 5 lạy như thế nào?

TRẢ LỜI: Trước hết chúng tôi trình bày về ý nghĩa ba lạy và cách thức lễ lạy của Phật giáo mà từ xưa đến nayPhật tửthường hayđảnh lễTam Bảo mỗi khi đến chùa hay trong các buổi lễPhật giáo. Thứ đến chúng tôi cũng ghi lại đây hai sáng tác của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh về ba lạy và năm lạy. Ý nghĩa và cách thức lạy này được tìm thấy trong nội dung - trong đó lạy thứ nhất là lạy Tổ Tiên, xin tổ tiênphù hộđộ trì, lạy thứ hai là lạy Phật và chư Tổ Sư.......

Ý nghĩa ba lạy của Phật Giáo
Ba Lạy, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Năm Lạy, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Ý NGHĨA BA CÁI LẠY CỦA PHẬT GIÁO

Lạy hay còn gọi là Lễ Lạy, Lễ Bái, là nghi thức rất phổ thông trong dân gian, mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn và niềm tôn kính đến với các đấng thần linh, các bậc tiên hiền có công khai phá giang sơn, bảo vệ sơn hà xã tắc, và tổ tiêndòng họtiếp nối.

Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hoá Trung Hoa, nên việc lễ lạy, từ hình thức đến nội dung, từ lễ tổ tiên ông bà ở nhà cho đếnlễ lạy Trời, Phật, Thánh, Thần ở đình, chùa, lăng, miếu cũng đều bị ảnh hưởng theo.

Hầu hết các tôn giáo đều có lễ lạy nhưng với nghi thức và ý nghĩa khác nhau. Với Phật Giáo, ý nghĩa và cách thức lễ lạy khác với các đạo giáo khác.

Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ. Tại xứ này ngày xưa, dân chúng thường bày tỏ lòng tôn kínhchân thành đến một người nào đó họ ngưỡng mộ kính mến bằng cách quỳ xuống sát đất, đặt trán mình lên chân của vị ấy. Đức Phật là vị Đạo Sư, là bậc giác ngộ được tôn kínhđặc biệt tại xã hộiẤn Độ thời bấy giờ.

Lúc đức Phật còn tại thế, mỗi lần nghe pháp hay thưa thỉnh việc gì, chư tăng thường chắp tay lạy ba lạy rồi thưa hỏi hay ngồi nghe pháp. Đức Phậtmặc nhiênchấp nhận cung cách này như là một tục lệ có từ lâu đời của xã hộiẤn Độ. Tuy vậy Ngài cũng không đặt thành nghi thứclễ lạy mà để tùy tâm các đệ tử.

Sau khi Phật Niết Bàn, hình thứclễ nghi và sự tôn kính ấy vẫn được duy trì trong các hàng đệ tử của Ngài. Sự duy trìhình thức ấy với mục đích là luôn luôn xem đức Phật như còn tại thế. Chư tăng mỗi khi tụng kinh ôn lại lời Ngài dạy, phải mặc áo cà sa tức áo mầu hoại sắctrang nghiêm, lạy Phật ba lạy. Hàng đệ tửtại gia cũng theo gương quý chư tănglạy Phật như thế.

Tại sao lại lạy ba lạy mà không lạy hai lạy, bốn lạy hay năm lạy? Ba lạy chính là lễ lạy ba ngôi quý báu tức Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.

Người đời thường xem vàng, bạc, kim cương, hột xoàn, dollars, và danh lợithế gian là quý báu. Nhưng thực tếcho biết những thứ này không đem lại hạnh phúcchân thực, không cứu được con ngườithoát khỏisinh lão bệnh tử. Nhưng với ba ngôi quý báuTam Bảo: Phật, Pháp, và Tăng có năng lực dẫn dắt con ngườithoát khỏi mọi phiền não và ra khỏi sinh tử luân hồi.

Phật là Giác, là thức tỉnh ra khỏi giấc ngủ mê. Đức Phật là người đã giác ngộ và giải thoáthoàn toàn. Ngài là một bậc đạo sư, một người chỉ lối dẫn đường cho mọi chúng sinhthoát khỏisinh tử luân hồi. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy đầu tiên là để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ và nhớ ơn Phật, cùng là thề nguyện sẽ theo gương Ngài mà tu hành để về bến giác.

Pháp là những lời Phật dạy các đệ tử, sau đó được ghi bằng chữ, gọi là Kinh và Luật. Còn Luận là những lời bàn luận của các vị Bồ tát, đệ tử của Phật để làm sáng tỏ thêm những lời Phật dạy. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy thứ hai là lạy Pháp bảo nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến những lời dạy của Phật, những lời dạy mà, nếu chúng tathực hành sẽ có công năng đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bến bờ giải thoát.

Tăng là một đoàn thể sống chung với nhauít nhất là bốn người, bỏ nhàxuất gia đi tu, giữ đầy đủ giới luật của Phật đặt ra, với mục đíchtu hànhgiải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Vì thế cái lạy thứ ba là lạy Tăng Bảo, từ các vị Thánh Tăngxuất thế đến các vị Tỳ Kheo trụ thế tu hànhchân chính, đạo đứctrong sạch, và giới luậttrang nghiêm, để tỏ lòng thành kính và biết ơn những vị này đã sống đời sốnglý tưởng, đã hy sinhgia đìnhtiền của và danh vọng, đã xem tiền bạc châu báu như rắn độc, danh lợi như đôi dép rách, sắc đẹp như cạm bẫy, ăn ngon mặc đẹp như xiềng xích trói buộc, để tình nguyện thay Phật dẫn dắt chúng sinh trên đường đạo.

Ngoài ý nghĩalễ lạy Phật, Pháp và Tăng nêu trên, ba cái lạy cũng còn mang ý nghĩa lễ lạy ba ngôi qúy báu bên trong chúng ta và trong mỗi chúng sinh, vì chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt (Phật tánh), đồng một pháp tánhtừ bi và bình đẳng (Pháp tánh), và đồng một đức tánh thanh tịnh, hòa hợp (Thanh tịnh tánh).

Về cung cách lạy cũng có nhiều thứ. Người Ấn Độ cũng như Trung Hoa có nhiều cách lễ lạy khác nhau. Riêng Phật giáo Việt Nam thường lạy theo phương cách "Ngũ thể đầu địa", tức là làm thế nào cho hai tay, hai chân và cái đầu đụng mặt đất. Đây làmột phương cách lạy tôn kính nhất trong tất cả các cung cách lễ lạy. Khi lễ lạy, người Phật tử đứng ngay thẳng, hai chân khép sát vào nhau, hai bàn tay chắp sát lại nhau cho khít theo thế hiệp chưởng (không phải thế hình búp sen) tiêu biểu cho sự nhất tâm. Khi lạy Phật có người để hai tay trước ngực lạy xuống. Cũng có người đưa hai tay lên trán rồi mới lạy xuống theo phương cáchngũ thể đầu địa, tức là khi lạy phải quỳ xuống, ngửa hai bàn tay ra như đang nâng hai chân Phật và cúi lưng xuống đặt trán mình lên trên hai lòng bàn tay. Đối với phụ nữ, thường là quì thẳng lưng rồi lạy, chứ không đứng, vì hình thể đặc biệt của phụ nữ, khác với nam giới nên thế đứng thẳng trông hơi lộ liễu.

Trong đạo Phật bao giờ sự và lý cũng phải viên dung. Về sự lẫn lý thì như trên chúng tôi đã trình bầy. Chúng ta lạy Tam Bảo với tất cả thân tâmthành kính nhớ ơn, thành kính nhớ ơn Phật, thành kính nhớ ơn Pháp, và thành kính nhớ ơn Tăng. Thế còn cái tâm của chúng ta trong khi lạy phải như thế nào? Nghĩ ngợi gì? Tưởng nhớ đến ai, đến cảnh gì, vật gì? Hay là để tâm không nghĩ ngợi, không cầu mong điều gì? Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta hãy nhớ lại bài kệ "Quán Tưởng" mà chúng ta thường tụng trước khi đảnh lễ:

Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
Ngã thử đạo tràng như Đế Châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Đã được dịch ra là:

Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật hiện hào quang sáng ngời,
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thề nguyện quy y.

Như thế thì bản chất Phật và chúng sinh vốn là "không tịch" lặng lẽ, tạm gọi là chân tâm. Chỉ từ khi bắt đầu khởi niệm, là bắt đầu bị cuốn vào dòng vô minh, rồi thức mới hoạt động, mới suy nghĩ, mới phân biệt ra cái "ta" (năng) và cái "không phải ta" (sở), mới nảy sinh ra tình cảm yêu ghét, tạo nghiệp, trả quả, xoay chuyển trong vòng sinh tử không thấy đường ra.

Phật thương xótchúng sinhmê muội "... trong trí bồ đề mà không thanh tịnh, trong cảnh giải thoát mà sanh ràng buộc... " (Lời sám hối), mới dậy cho chúng sinhtu hành để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đó bằng cách trì giới, tham thiền, niệm Phật, trì chú, mục tiêu đều để giảm bớt sự hoành hành của con vượn tâm, con ngựa ý, giảm bớt những thói quenchấp trước, phân biệt, yêu ghét, từ từ đi tới định tâm.

Khi tâm đã "định" thì trí huệ bát nhã mới có dịp hiển lộ, mới được hưởng mùi vịcam lồ của Phật Pháp. Đó là điểm đặc biệt của đạo Phật. Nếu chỉ dạy con người ăn hiền ở lành thì nhiều tôn giáo khác đã làm, đức Phậtthị hiện ra đời là dư, không có gì đặc biệt đáng được tôn là Đấng Đại Giác. Chính là vì Ngài đã "nhận" được cái tánh "không tịch" và tự mình dẫn đường cho chúng sinhtrong suốt 49 năm, còn để lại kinh sách làm bản đồ cho đời sau nương theo tu tập mà trở lại được cái tánh "không tịch" ấy.

Kẻ nội thù dìm ta trong dòng vô minh chính là cái tâm sinh diệtsuy nghĩliên miên này. Cho nên nếu muốn báo đền ơn Phật, vâng lời Phật thì ít nhất là trong khi lễ lạy phải tuân theolời Phật dạy, không suy nghĩ gì cả, chỉ theo dõi hành động mà thôi, lễ xuống thì chỉ biết là lễ xuống, đứng lên thì chỉ biết là đứng lên, chắp tay thì chỉ biết là chắp tay, v..v... không có nghĩ đến bất cứ ai, không tưởng nhớ đến bất cứ cái gì. Hễ một niệm tưởng dấy lên là ô nhiễm rồi, là hết "không tịch" rồi, là từ "nhất niệm vô minh" trôi lăn vào dòng vô minhmiên viễn rồi.

Nói tóm lại, "Năng lễ, sở lễ tánh không tịch", nghĩa là người lạy và đấng mình lạy, thể tánh đều vắng lặngbình đẳng. Thật tướngvạn pháp đều thể hiện một cách bình đẳng, không phân biệt, không thấy có mình lạy và người để cho mình lạy. Nếu khi lạy mà tâm còn vướng mắc một chút xíu mong cầu, dù là cầu cho tha nhân, hay một chút tơ tưởng đến bất cứ điều gì, như nghĩ đến công ơnđức Phật, nhớ đến dòng họtổ tiên, dù chỉ mỏng như một sợi tơ cũng không đúng phép. Tâm phải ở trạng tháithanh tịnhvắng lặng. Phật giáo Việt Nam đã thực hiện phép lý lạy này từ ngàn xưa, thiết tưởng không có phép nào đầy đủ ý nghĩa và hợp với lý Bát Nhã hơn.

Ban Biên Tập TVHS

BA CÁI LẠY
Thích Nhất Hạnh

Thứ Nhất (Xướng) Năm vócsát đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong hai dòng tâm linh và huyết thống (chuông) (lạy xuống)

(Quán niệm, trong tư thế phủ phục) Con có tổ tiêntâm linh của con là Bụt, các vị bồ tát, các vị thánh tăng và các vị tổ sư qua các thời đại, trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã truyền trao cho con những hạt giốngbình an, trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, tuệ giác và từ bi. Trong dòng tổ tiêntâm linh của con, có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ biviên mãn, nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu nhận chịu tất cả là tổ tiêntâm linh của con, vì chính trong con cũng có những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh, trí tuệ và từ bi. Và cũng vì con biết con còn có những yếu đuối và khiếm khuyết ấy cho nên con mở lòngchấp nhận tất cả các con cháu của con, trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng nhưng cũng có những người còn đang chật vật khó khăn và trồi sụp không ngừng trên con đườngtu đạo (thở nhẹ và sâu). Điều này cũng đúng về phương diện huyết thống. Con chấp nhận tất cả các vị tổ tiên huyết thống của con về cả hai phía nội ngoại với tất cả những đức độ, công hạnh và khiếm khuyết của các vị, cũng như con mở lòngchấp nhận tất cả các con cháu của con với những đức độ, tài năng và khiếm khuyết của từng người (thở nhẹ và sâu). Tổ tiêntâm linh và tổ tiên huyết thống của con, cũng như con cháu tâm linh và huyết thống của con, đều có mặt trong con. Con là họ, họ là con, con không có một cái ta riêng biệt; tất cả đều có mặt trong một dòng sinh mệnh đang din biến mầu nhiệm (thở nhẹ và sâu).

(Chuông) (Đứng dậy, chắp tay, thở nhẹ và sâu)

Thứ Hai (Xướng) Năm vócsát đất, con tiếp xúc với mọi người và mọi loài đang có mặt với con giờ này trong sự sống (Chuông) (lạy xuống)

(Quán niệm, trong tư thế phủ phục) Con thấy con là sự sống mầu nhiệm đang trải dàn trong không gian. Con thấy con liên hệmật thiết tới mọi người và mọi loài; tất cả những hạnh phúc và khổ đau của mọi người và mọi loài là những hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con là một với những người sinh ra đã có khuyết tật, hoặc vì chiến tranh, tai nạn hay đau ốm mà trở thành khuyết tật. Con là một với những người đang bị kẹt vào những tình trạng chiến tranh, áp bức và bóc lột. Con là một với những người chưa từng có hạnh phúc trong gia đình, không có gốc r, không có bình an trong tâm, đói kháthiểu biết, đói khátthương yêu, đang đi tìm một cái gì đẹp, thật, và lành để bám víu vào mà tin tưởng. Con là một với người đang hấp hối, sợ hãi không biết sẽ đi về đâu. Con là em bé sống trong nghèo khổ, tật bệnh, chân tay gầy ốm như những ống sậy, không có tương lai. Con là kẻ đang chế tạo bom đạn để bán cho các nước nghèo khổ.

Con là con ếch bơi trong hồ mà cũng là con rắn nước cần nuôi thân bằng thân ếch nhái. Con là con sâu con kiến mà cũng là con chim đang đi tìm kiếm con sâu con kiến. Con là cây rừng đang bị đốn ngã, là nước sông và không khí đang bị ô nhim, mà cũng là người đốn rừng và làm ô nhim không khí và nước sông. Con thấy con trong tất cả mọi loài và tất cả mọi loài trong con (thở nhẹ và sâu)

Con là một với những bậc đại nhân đã chứng được vô sanh, có thể nhìn những hiện tượng diệt sinh, hạnh phúc và khổ đau bằng con mắt trầm tĩnh. Con là một với những thiện tri thức hiện đang có mặt rải rác khắp nơi trên thế giới, có đủ bình an, hiểu biết và thương yêu, có khả năng tiếp xúc với những gì nhiệm mầu, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong sự sống, và cũng có thể ôm trọn thế gian này bằng trái tim thương yêu và hai cánh tay hành động của quý vị. Con là người có đủ an lạc và thảnh thơi, có thể hiến tặng sự không sợ hãi và niềm vui sống cho những sinh vật quanh mình. Con thấy con không hề đơn độc. Những bậc đại nhân hiện đang có mặt trên đời; tình thương và niềm vui sống của họ đang nâng đỡ con, không để con đắm chìm trong tuyệt vọng và giúp con sống đời sống của con một cách an vui, trọn vẹn và có ý nghĩa. Con thấy con trong tất cả các vị và tất cả các vị trong con (thở nhẹ và sâu).

(Chuông) (Đứng dậy, chắp tay, thở nhẹ và sâu)

Thứ Ba (Xướng) Năm vócsát đất con buông bỏý niệm về hình hài và thọ mạng (Chuông) (lạy xuống)

(Quán niệm, trong tư thế phủ phục) Con thấy được thân tứ đại này không đích thực là con, con không bị giới hạn trong hình hài này. Con là tất cả dòng sinh mệnhtâm linh và huyết thống từ ngàn xưa liên tục din biến tới ngàn sau. Con là một với tổ tiên của con, con là một với con cháu của con. Con là sự sống biểu hiện dưới vô lượnghình thức. Con là một với mọi người và mọi loài, dù an lạc hay khổ đau, vô úy hay lo lắng. Con đang có mặt khắp nơi trong giờ phút này, và từ quá khứ cho tới tương lai. Sự tan rã của hình hài này không động được tới con, như một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm. Con thấy con là một con sóng trên mặt đại dương, bản thể con là nước trong đại dương. Con thấy con trong tất cả các con sóng khác và tất cả các con sóng khác trong con. Sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương. Pháp thân và tuệ mạng của con không sinh và cũng không diệt (thở nhẹ và sâu).

Con thấy được sự có mặt của con trước khi hình hài này biểu hiện và sau khi hình hài này biến diệt. Con thấy được sự có mặt của con ngoài hình hài này, ngay trong giờ phút hiện tại. Khoảng thời gian tám mươi chín năm không phải là thọ mạng của con. Thọ mạng của con, cũng như của một chiếc lá hay của các vị Bụt, Thế Tôn, là vô lượng. Con thấy con vượt thoát ý niệm con là một hình hài biệt lập với mọi biểu hiện khác của sự sống, trong thời gian cũng như trong không gian (thở nhẹ và sâu).

(Chuông) (Đứng dậy, chắp tay, xá ba lần rồi lui ra)

Trích trong Lá Thư chùa Làng Mai thứ mười chín 07.02.1996

ĐẢNH LỄ (NĂM LẠY)
Thích Nhất Hạnh

Lạy thứ nhất:

Trở về kính lạy, liệt vịtiền nhân, dòng họtổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại. "Con thấy cha mẹ và xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiêntrải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệtổ tiên. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hóa. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vịtruyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó; con biết cha mẹ nào, ông bà nào cũng yêu thương, đùm bọc và hộ trì cho con cho cháu khi sinh tiền có lúc gặp phải khó khăn hay rủi ro mà không bọc lộ được niềm thương yêu và sự đùm bọc đó. Con thấy cha ông của con, từ Lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ những người khai sáng đất nước, mở rộng cõi bờ, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sốngViệt Nam có thỉ, có chung, có nhân, có hậu. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên của gia đình huyết thống của con. Xin tổ tiênphù hộđộ trì cho con".

Lạy thứ hai:

Trở về kính lạy Phật và Tổ sư, truyền đăng tục diệm, gia đìnhtâm linh, qua nhiều thế hệ. "Con thấy thầy con, con thấy sư ông của con, người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy, qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệThánh Tăng qua các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Thôn Ngông, Vạn Hạnh, Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán; con tiếp xúc được với các vị Bồ tát và với Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đìnhtâm linh của con, đã có từ 2600 năm nay. Con biết Phật là thầy con mà cũng là tổ tiêntâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Phật, của Tổ, của các thế hệcao Tăng và năng lượng của liệt vị, đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Con biết Phật đã giáo hóa cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp, làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Phật đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý Trần. Con biết nếu không có Phật, có Tổ, có thầy thì con không biết tu tĩnh và thực tậpan lạc cho con và cho gia đình con. Con mở rộng trái tim và xương thịt con để tiếp nhậnkinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượngtừ bi của Phật và của các thế hệthánh Tăng, gia đìnhtâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Phật và của các thế hệtổ tiêntâm linh của con. Xin Phật và chư Tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượngthương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện tu tập để chuyển hóa và để truyền về cho thế hệ tương lai năng lượng của Phật, của Tổ và của thầy".

Lạy thứ ba:

Trở về kính lạy, liệt vịtiền nhân, khai sáng đất này, sông núi khí thiêng, hàng ngày che chở. "Con thấy con đang đứng trên đất nước này và tiếp nhậncông ơn khai sáng của tiền nhân đất nước này, trước hết là các vua Hùng, rồi các vị lãnh đạo các triều Tiền Lê, Tiền Lý, Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn cùng với các thế hệtổ tiên và biết bao nhiêu người có tên tuổi và không có tên tuổi đã đem tài trí, kiên nhẫn và chịu đựng để làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của bao nhiêu giống dân đủ các màu da; đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường sá, chợ búa, đã thiết lậpnhân quyền, luật pháp, phát minh khoa học làm cho mức sống được nâng cao. Con tiếp xúc được với những thế hệtổ tiênngày xưa đã sinh sống trên đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên nhiên, với con người, và con cảm thấynăng lượng của đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con xin nguyện tiếp tụcgiữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. Con xin nguyện góp phần chuyển hóa những bạo độngcăm thù và vô minh còn tồn tại trong xã hội này. Xin phù hộđộ trì cho chúng con".

Lạy thứ tư:

Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đìnhtâm linh, gia hộđộ trì, cho người con thương. "Những nguồn năng lượngvô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền đạt cho cha con, cho mẹ con, cho những người con thương yêu: những người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng, đã từng buồn khổ về con, vì những vụng về và dại dột của con trong quá khứ, và cũng đã từng lo lắng buồn khổ vì buồn khổ và không may của các vị. Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh chị em của con, (cho những người thân của con, cho chồng con, cho vợ con, các con của con), cho tâm hồn họ lắng dịu lại, cho khổ đau trong lòng (những) người ấy được chuyển hóa, cho (những) người ấy nở được nụ cười, cho (những) người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho (những) người ấy được nhẹ nhàng trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu mong cho (những) người ấy có hạnh phúc và an lạc. Con biết nếu (những) người ấy có an lạc thì con cũng có an lạc. Con cảm thấy trong lòng con không có oán hận trách móc những người ấy một mảy may nào. Con lạy tổ tiên, ông bà trong gia đình huyết thống và trong gia đìnhtâm linh của con phù hộđộ trì cho người con thương, cho những người mà con đã nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con không là một cái ta riêng biệt mà con đã trở thành một với những người con thương".

Lạy thứ năm:

Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đìnhtâm linhgia hộđộ trì, người làm khổ con. "Con mở rộng lòng ra để truyền đi năng lượnghiểu biết và lòng xót thương của con tới những người đã làm con khổ đau và điêu đùng. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau, đã chứa chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi những khổ đau và bực bội của người ấy lên con. Con biết những người ấy không được may mắn có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị cuộc đời dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Con biết những người như người ấy chưa được may mắn được học, được tu, đã chứa chấp những tri giácsai lầm về cuộc đời, về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con xin gia đình huyết thống và gia đìnhtâm linh của con truyền năng lượng cho người ấy, (cho những người ấy) để trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lộ mà nở ra được như một bông hoa. Con chỉ cầu mong cho người ấy được chuyển hóa để người ấy tìm ra được niềm vui sống, để không còn giữ tâm thù hận mà tự làm khổ mình và làm khổ người. Con biết vì những người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho gia đình con khổ, dân tộc con điêu đùng, kể cả những kẻ xâm lăng, cướp nước, những người hải tặc, những kẻ ích kỷ, dối trá và tàn bạo được nhờ ơn Phật, ơn Tổ, ơn tiền nhân mà cải hóa. Con thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế hệ và con không muốn giữ tâm niệmsân hận, oán thù. Con không muốn cho họ khổ. Con có gốc rễ nơi tổ tiên, nơi dòng họ huyết thống và dòng họtâm linh: trái tim con đã nở ra như một đóa hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi niềm hận, một lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ con, làm khổ gia đình và dân tộc con được thoát khỏi vòng tai nạn và đớn đau, để họ có thể thấy được ánh sáng của niềm vui sống và an lạc như con. Tâm con không còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con xin truyền đạtnăng lượng của con cho tất cả những người ấy. Lạy Phật, lạy Tổ, lạy ông bà chứng minh cho con".

Source: Lá Thư Làng Mai, Pháp Quốc

Vấn Đề Khất Thực Trong Đạo Phật

Trong một dịp về thăm quê nhà gần đây, tôi thấy có một vị Sư đứng khất thực tại trước cửa Đông chợ Bến Thành và vào một dịp khác ghé thăm khu Little Saigon, miền Nam California, tôi cũng thấy có một vị Sư áo vàng đứng khất thực trước cổng sau thương xá Phước Lộc Thọ. Tôi không biết đường lối khất thực của nhà Phật như thế nào? Khất thực có phải là đi xin ăn hay đi xin tiền vì tôi thấy có người bỏ tiền vào bình bát? Xin vui lòng giảng giải cho tôi biết về pháp khất thực của nhà Phật như thế nào.

Thưa quý thính giả,

Việc đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành lập Tăng đoàn gồm những đệ tử xuất gia theo Ngài, những hiền nhân nay đây mai đó, những người từ bỏ tất cả để học Phật pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác, và sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc áo và một cái bình bát. Danh từ khất sĩ có từ đó. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm. Từ ban đầu, họ không phải là những nhà tu khổ hạnh tự hành xác để sám hối và không xem lối sống đơn giản tự nó là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để giải thoát những phiền toái hàng ngày hầu có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình và giúp ích cho người.

Khất thực có nghĩa là xin ăn. Cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia. Đó là thực hành chính mạng thanh tịnh. Tưởng cũng nên nói thêm ở đây là tu sĩ của một số tôn giáo khác ở xã hội Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế, thường dùng những phương tiện không chính đáng để mưu sinh, bởi lẽ những công việc ấy nhẹ nhàng, dễ làm, không khó nhọc như các nghề coi bói toán, xem tinh tú, bùa chú, xem ngày xấu, giờ tốt, xem phong thổ, địa lý, xây nhà, đào ao, v…v... Đức Phật nhận thấy đây là điều không thể chấp nhận và không phải là việc làm của người tu sĩ Phật giáo, không phải là hành chánh mệnh thanh tịnh.

Đi khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát. Chữ Bát có nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát là loại bình được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung thật chín rồi tráng men bên trong cho khỏi rỉ nước, chứ không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim khí quý, ... Nếu dùng bằng kim khí quý thì không đúng phẩm hạnh của người xuất gia. Các vị đã phát tâm xuất gia tức là tập hạnh xả bỏ tất cả, kể cả thân mạng nếu cần và đúng với chánh pháp, nghĩa là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Ở các nước theo Nam Tông Phật giáo, chư Tăng đi khất thực nên thường dùng bình bát. Các nước theo Bắc Tông Phật giáo thì không đi khất thực nên chỉ dùng bình bát trong ba tháng an cư kiết hạ, có nơi còn ba tháng kiết đông nữa; đồng thời, thỉnh thoảng có quý thí chủ phát tâm cúng dường trai tăng thì cũng dùng bình bát để cúng Phật trước khi thọ trai.

Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng và chấm dứt trước giờ ngọ tức trước lúc mặt trời đứng bóng. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không. Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Nếu chưa đủ dùng, chư vị tiếp tục đi theo hàng dọc đến nhà bên cạnh nhưng không được quá bảy nhà. Chư vị không được phép bỏ sót nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho phố xá ở các thị trấn phồn thịnh, các gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên, cũng không muốn gây cảm tưởng là chư vị ham thích những khu phố giàu có vì thức ăn ngon hơn.

Khất thực xong, các vị trở về tịnh xá để ăn trước khi mặt trời đứng bóng. Đây là bữa ăn duy nhất trong ngày. Thông thường thức ăn được phân ra làm bốn phần: một phần nhường lại cho các bạn đồng tu nếu thấy họ không có hay có ít, một phần san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống chung với người và cuối cùng còn lại là phần mình dùng. Khi thọ dụng thức ăn các vị Tỷ kheo xem như là việc uống thuốc để duy trì sự sống mà tu hành, ngon không ham, dở không bỏ. Thọ dụng cúng phẩm của người đời vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Sau bữa ăn, các vị rửa bát, xếp gọn các y, ngơi nghỉ trong chốc lát, liền lại đến một gốc cây hay căn nhà trống, hay tịnh thất ngồi thiền định như hành Tứ niệm xứ hay niệm hơi thở vào, hơi thở ra.

Hằng năm, chư Tăng ni an cư vào ba tháng mùa mưa. Tất cả trở về sống chung trong các tịnh xá lớn. Trong thời gian này, chư Tăng không đi khất thực, đã có thiện nam, tín nữ, đến tịnh xá "để bát" và lo tứ sự cúng dường. Cứ đến ngày lễ Bố-tát vào ngày trăng tròn và ngày đầu trăng, chúng Tỳ kheo cùng sống trong một vùng phải tập họp lại một chỗ gọi là giới trường để tụng đọc Giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa. Chư Ni thì có đại diện đến xin lãnh giới ở chư Tăng và trở về tịnh xá riêng của Ni để tụng đọc Giới bổn Ni. Ngoài ba tháng an cư, chư Tăng được tung ra khắp các phương hướng, đi đến các trú xứ khác nhau, trong các quốc độ, vừa khất thực để độ nhật, vừa thuyết pháp độ sinh, và vừa nỗ lực tinh cần tiếp tục hành Thiền để đoạn trừ tham sân si.

Thưa quý thính giả,

Pháp Khất thực do Phật truyền cho các đệ tử xuất gia phù hợp với nguyên lý Trung đạo, tức là tránh xa hai cực đoan: Thứ nhất là tránh xa sự sung sướng thái quá qua việc ăn thực phẩm do người đời cúng dường để vào trong bình bát mà không dùng đũa ngọc, chén ngà, bàn cao, ghế đẹp với thức ăn mỹ vị, và thứ hai là tránh xa sự khổ hạnh thái quá qua chiếc bát đựng đồ ăn vừa đủ dùng, không giống như phái tu khổ hạnh lượm trái cây, lượm đồ ăn dư thừa mà ăn.

Theo Kinh Phật, sự xin ăn của tu sĩ đem lại lợi ích cho mình và cho chúng sinh:

Đối với vị Tỳ kheo khất thực thì có năm điều lợi ích:

(1) tâm trí được rảnh rang, ít phiền não,
(2) không bận rộn tâm và thân để kiếm kế sinh nhai,
(3) đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn,
(4) đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa, thức ăn chỉ đầy bát chớ không nhiều hơn nữa, tránh khỏi sự thâu trữ vật thực tiền của và
(5) có nhiều thì giờ tu hành.

Ngoài lợi ích cho riêng mình, vị Tỳ kheo khất thực còn mang lại ba điều lợi ích cho chúng sinh như:
(1) tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham, tức là tạo phước duyên cho họ,
(2) tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh, và
(3) Nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải.

Theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực vị khất sĩ nguyện rằng: “Nguyện cho các vị Khất gỉa thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ.”

Trong khi đi khất thực, vị khất sĩ giữ tâm bình đẳng: theo thứ tự nhà của dân chúng mà xin ăn, không chỉ đến xin nơi nhà giầu, cũng không chỉ xin nơi nhà nghèo. Có lần đức Phật quở Tôn gỉa Ca Diếp bỏ nhà giầu mà xin nhà nghèo, quở Tôn gỉa Tu Bồ Đề bỏ nhà nghèo mà xin nhà giầu. Vì trước đó Tôn Giả Ca Diếp nghĩ rằng "người nghèo thật đáng thương, ít phước, nếu không gieo trồng phước lành cho họ thì đời sau lại càng khổ hơn, nên đến đó xin để nhờ đó họ bố thí cúng dường mà được phước về sau". Trái lại, Tôn giả Tu-Bồ-đề lại cho rằng: "Người giàu, nếu đời nay không gieo trồng phước lành thì đời sau lại nghèo khổ." Mỗi vị đều trình bày lý do của mình, Đức Phật mới quở trách các vị ấy là bậc A-la-hán có tâm phân biệt, không bình đẳng.

Khi đi vị Khất sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, đi hết bảy nhà nếu không ai cúng dường cũng phải trở về với bát không và không ăn ngày hôm đó. Khi đi khất thực, vị khất sĩ cũng không được để ý xem mình được cái gì, và cũng không được thỏa mãn cũng như bất mãn. Nếu một người đàn bà cúng dường đồ ăn, vị Khất sĩ không được nói, nhìn hay quan sát người ấy đẹp hay xấu. Đồ ăn cúng dường cho Khất sĩ không phải luôn luôn nhiều hay ngon lành, hay tinh khiết. Các chuyến đi khất thực đôi lúc cũng có thể gây nên những xáo trộn tình cảm cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là đàn bà con gái. Do đó, việc tự điều phục thân tâm phải được tăng cường là điều rất cần thiết trong lúc khất thực, như đức Phật đã nhấn mạnh: “chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất thực".

Thưa quý thính giả,

Ngày nay, tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và một phần của miền Nam Việt Nam chư Tăng vẫn tiếp tục theo truyền thống khất thực này. Ở Trung Hoa, Triều Tiên và Tây Tạng truyền thống khất thực dường như đã hoàn toàn biến mất. Dưới Triều nhà Đường ở Trung Hoa, một tông phái đặc biệt, Luật Tông, được thành lập với mục đích làm sống lại truyền thống khất thực xưa, và đem ra thực hành những giới luật nghiêm ngặt của Luật Tạng. Dưới triều đại nhà Tống, các Thiền Sư thực hành khất thực và sự thực hành này còn tồn tại nơi những Thiền Sư Nhật Bản. Tuy nhiên ở Nhật Bản, khất thực không phải là nguồn sinh sống chính mà chỉ là một sự tập luyện kỷ luật cho những vị sơ tu hay là một cách lạc quyên vào những dịp đặc biệt và cho những mục đích từ thiện. Đối với Phật giáo phương Tây, vì hoàn cảnh xã hội không giống như hoàn cảnh các quốc gia phương Đông, nên pháp Khất thực khó thực hiện. Đa số các Tăng ni không đi khất thực nên các nhu cầu ăn uống đều do các Phật tử tại gia cúng dường.

Riêng tại Việt Nam hình ảnh các vị tăng áo vàng đi khất thực không còn nhiều nữa bởi nhiều lý do không hay cho lắm, trong đó có những vị Sư giả đi khất thực! Thật là buồn khi chính Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải ra thông tư giới hạn nghiêm ngặt việc khất thực để bảo vệ danh dự của tăng đoàn nhất là tăng đoàn của hệ phái Khất sĩ và Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam. Đối với hệ phái Khất sĩ và Nam tông, sau ngày 1.5.2001, nếu vị nào vẫn muốn giữ hạnh khất thực thì phải xin phép với giáo hội và sẽ được giáo hội cấp gấy chứng nhận cùng với phù hiệu đàng hoàng. Các vị này phải hành trì đúng chánh pháp, đúng luật qui định của giới khất sĩ, tức là chỉ đi khất thực từ 8 giờ đến 10 giờ sáng. Sau 10 giờ sáng là phải trở về trú xứ. Chỉ được thọ nhận vật thực, không được nhận tiền bạc. Về hành trang chỉ gồm có một chiếc bình bát duy nhất, không được mang theo túi hay đãy. Đối với Ni giới, khi đi khất thực, phải đi từ hai vị trở lên, không được đi một mình riêng lẻ.

Nói tóm lại, vì nhu cầu tu học, nên vấn đề ăn uống cần phải được giản dị, thực phẩm phải được xem như là dược thực, vì thế Tăng đoàn thời Đức Phật phải đi khất thực. Khất thực là chính sách thực hành giáo pháp, là truyền thống của chư Phật. Các thầy Tỳ kheo phải giữ tâm bình đẳng mà đi khất thực từng nhà, không phân biệt giầu nghèo sang hèn để tạo cho đủ mọi tầng lớp dân chúng đều có cơ duyên thực hành hạnh bố thí cầu phước, nhân dịp đó quý thầy nói pháp khuyên dạy mọi người tu hành. Khi đi không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, luôn điều phục thân tâm trong chánh niệm, đi theo thứ lớp: Nếu hàng Phật tử thỉnh thọ trai thì không cần theo thứ lớp, cứ đi thẳng đến nhà thí chủ thỉnh mình. Còn khất thực phải theo thứ lớp. Ai cho gì ăn nấy, không được phân biệt thức ăn tốt xấu, ngon dở, chay mặn, không được qui định người thí chủ phải cúng dường như thế nào, mà là tùy điều kiện khả năng và phát tâm của thí chủ. Đó mới gọi là trí không phân biệt. Cũng vậy khi ăn thì phải trộn các món ăn với nhau để không còn phân biệt món này với món khác, món ngon món dở và không phân biệt mùi vị. Mục đích để không còn luyến ái mùi vị thơm ngon, mà chỉ cần ăn để nuôi sống xác thân mà tu hành giải thoát.

Ban Biên Tập TVHS

Bói Toán Tử Vi

Tôi thấy hiện nay ở trong nước cũng như ngoài nước người ta thường hay đi xem bói toán tử vi và lên đồng nhập cốt. Tôi không hiểu rõ việc này như thế nào và quan điểm của nhà Phật Giáo ra sao? Nhờ quý vị vui lòng giải thích.

QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO
VỀ VẤN ĐỀ XEM TỬ VI BÓI TOÁN

Có lẽ ai cũng biết rằng tử vi bói toán là một khoa giải đoán tương lai đời người về vận mạng, tình duyên, gia đạo, học hành thi cử, thời vận thịnh suy, tốt xấu và chọn hướng nhà đất thích hợp, bao gồm cả việc so đôi tuổi và hóa giải sự xung khắc vợ chồng, chọn ngày giờ tốt để khai trương, cưới hỏi, cùng là giải hạn xấu, dựa theo một vài yếu tố như ngày, giờ, tháng, năm sinh của người xin coi bói toán.

Trong thời đại ngày nay, vì lo lắng cho tương lai nhiều bất trắc, rất nhiều người muốn biết hậu vận nên việc xem tử vi bói toán ngày càng phổ biến. Giới làm ăn buôn bán cũng dựa vào chiêm tinh để quyết định công việc đầu tư và làm ăn. Những người khác từ việc mua nhà, đi xa, dựng vợ, gả chồng, cho đến việc tang ma...đều tìm đến những người coi bói toán để tham vấn, hầu dựa vào những lời khuyên đó mà làm theo. Tử vi, bói toán, đồng cốt đang lan rộng ra nhiều người, nhiều giới và nhiều nơi.

Khoa tâm lý học cho rằng, những người này thường là những người có “vấn đề” hoặc là về gia đạo, hay công danh sự nghiệp không như ý, hay cũng có thể đang lo toan một điều gì không rõ nét. Họ cũng có thể là những người thường có tâm mong cầu và tâm sợ hãi, cùng là thiếu niềm tin nơi chính mình và lại hay tin vào việc bói toán hoặc tin vào một đấng thần linh, tin vào một định mệnh hay số mệnh đã an bài, và nếu là một Phật tử thì họ xem ông Phật như một vị thần linh tối cao có thể ban vui giáng họa.

Có nhiều hình thức bói toán, nhưng có ba loại phổ thông đối với người Á Đông chúng ta. Đó là bói bài, xem lá số tử vi và lên đồng nhập cốt. Việc coi lá số tử vi là dựa trên sự tương tác của các ngôi sao vào lúc người đó chào đời, những ngôi sao này mang một số đặc tính nhất định do con người đặt ra, xem như là thần linh hoặc là các thần linh trấn giữ các ngôi sao đó. Bói bài là dựa vào việc giải đoán những dấu hiệu cũng do con người vẽ ra nơi những con bài. Còn bói qua việc lên đồng là để một vong linh người chết nào đó nhập vào và làm trung gian truyền thông ban bảo các lời khuyên hoặc hướng dẫn những ai đang cần giúp đỡ.

Ngày nay ở Việt Nam cũng như ỏ các nước phương Tây, sách báo về khoa bói toán nhiều vô số. Hầu hết những lời tiên đoán đều có tính chất chung chung, vô thưởng vô phạt, nhưng những người tin, thường có tâm lý suy đoán và áp dụng cho trường hợp riêng mình, cho nên đôi khi họ cảm thấy đúng.

Vấn đề cần nói là chính việc xem bói toán, tử vi hoặc trực tiếp đến với các nhà coi bói hoặc gián tiếp qua sách báo, thì người tham dự cũng đều trực tiếp và tự nguyện tham gia vào những sinh hoạt thuộc lãnh vực tâm thần, và đó là một lời mời rõ ràng, một cách mở cửa cho những tư tưởng vui buồn lo sợ xâm nhập, dễ sinh ra các áp lực trong tâm trí và trong đời sống, khiến cho một ngày kia người đó có thể rơi vào tình trạng xáo trộn tâm lý như có những nỗi sợ hãi ám ảnh trong cuộc sống và những nỗi buồn kinh niên. Ngay cả việc coi ngày tốt xấu cho việc quan hôn tang tế cũng có những hậu quả tiêu cực. Việc định ngày tốt xấu ghi trên lịch sách hoàn toàn không có cơ sở. Vì lợi ích kinh doanh, các nhà làm lịch sách đặt thêm phần coi ngày tốt xấu vào. Họ tự đặt ra ngày này nên làm việc này, ngày kia không nên làm việc nọ, rồi những người dễ tin tin theo. Việc tốt xấu là do nơi con người tạo tác. Một bằng chứng cụ thể là đa số người Tây phương không cần coi ngày tốt xấu khai trương cửa hàng, nhưng họ vẫn thịnh vượng phát đạt. Họ không có thờ thần tài, thờ ông địa, nhưng họ vẫn làm ăn buôn bán, phát tài như thường. Họ chỉ tính toán ngày giờ theo dự án, theo kế hoạch làm việc, theo khả năng chuyên môn nghề nghiệp.

Có thể khởi đầu chỉ là một chút tò mò muốn biết hậu vận mai này ra sao nhưng sau đó người đó sẽ bị tác động không chỉ về phương diện tâm lý mà bị chính quyền lực của sự u tối, của tà linh, của mê tín điều khiển, khiến cho người đó tưởng như không thể thoát ra khỏi số phận đã tiên đoán cho đời mình, rồi có thể hành động một cách vô ý thức, dẫn đến một kết thúc bi thảm. Như trường hợp một bà mẹ đã bắn chết đứa con của mình, vì ông thầy coi lá số tử vi của bà tiên đoán đứa con đang bị bệnh tâm thần của bà, sẽ không bao giờ lành mạnh, vì thế bà đã hạ sát con để cho nó khỏi khổ! Người đàn bà này đã bị bắt, bị kết án, trong khi nhà coi bói tiên đoán cho bà vẫn được tự do hành nghề.

Cũng có thể do sự tin tưởng mù quáng, khiến con người mất hết sức phán đoán và trí thông minh mà người ta thường gọi là mê tín. Mê tín đem lại những tai hại không thể lường trước được. Nó có thể làm hại cuộc đời con người, có thể làm tan nát cả gia đình, có thể làm suy sụp chuyện quốc gia đại sự. Như trường hợp một người vợ ghen bóng ghen gió, đi xem bói tử vi. Thầy bói nói chồng có nhân tình, trong lá số có sao đào hoa chiếu mệnh bèn tin ngay, không cần suy xét, không chịu tìm hiểu hư thực thế nào, thế là bà tức giận, ghen bóng ghen gió với người tình không có thực của chồng. Thế là hai vợ chồng cãi vã nhau, đưa đến hậu quả là gia đình tan nát do việc mê tín coi bói của người vợ. Hoặc có trường hợp đôi trai gái yêu nhau thắm thiết song chỉ vì một lời của thầy mà hai gia đình kiên quyết không cho lấy bởi “có lấy được thì cũng sớm tan vỡ thôi” Cho nên ca dao Việt Nam có câu:

Tay cầm tiền của bo bo
Đi coi thầy bói mang lo vào người

Vậy quan điểm của Phật giáo đối với các vấn đề bói toán tử vi như thế nào?

Xin trả lời là Đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát. Việc coi bói toán tử vi, lên đồng nhập cốt không có mặt trong giáo lý nhà Phật. Cái mà mọi người thường gọi là số mạng tức là nghiệp lực trong Phật giáo. Nếu chúng ta tin có nghiệp lực thì tự nhiên là phải có số mạng, nhưng Đức Phật dạy mọi sự đều do tâm tạo. Chỉ cần tâm an ổn thì chỗ nào cũng yên

Trong kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ, xem sao và xem tướng số. Trong năm môn học được giảng dạy ở các trường đại học Phật giáo trước đây ở Ấn Độ không có môn tướng số và bói toán tử vi, tuy có dạy các môn thế học như là Ngôn Ngữ Học, Thủ Công Nghệ Học, Y Học và Luận Lý Học.

Theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề tai họa hay sung sướng, khổ đau hay bất hạnh, giầu có hay nghèo khổ đều do nhân thiện ác mà chúng ta gieo trồng từ nhiều đời sống trước rồi đời này hay đời sau chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại mà có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này hay đời sau. Do việc gieo nhân khác nhau trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này. Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng và giáo dục, anh em, họ hàng, thầy bạn và đồng nghiệp. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu có sự tu tập về mặt nội tâm và luyện tập thân thể tốt, trau dồi thêm ý thức mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt.

Phật Giáo quan niệm, con người không phải do một đấng nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay cho chết. Người Phật giáo không tin vào cái gọi là "định mệnh" an bài. Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên. Tiến trình nhân và quả không do một nhân vật toàn năng nào điều khiển và định đoạt mà do hành động qua thân, khẩu và ý của chúng ta hằng ngày. Đó là một định luật tự nhiên. Chúng ta trách nhiệm về những hành động chúng ta làm, thì chúng ta cũng phải gánh trách nhiệm về hậu quả của những hành động ấy. Việc chấp nhận ở đây không có nghĩa là tự mãn hay cam chịu với cái gọi là "Số Mệnh" an bài, bởi vì chúng ta có tự do làm thay đổi và khắc phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích. Như chúng ta thi rớt, chúng ta phải cố gắng luyện thi lại, thế nào cũng đạt được. Chúng ta làm chủ tạo nhân, chính chúng ta làm chủ thọ quả. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Đó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi hay đi xin xăm cầu đảo.

Một nhà Sư người Trung Hoa là Trí Khải Đại Sư, trong bài tựa cuốn "Đồng Mông Chỉ Quán", kể trường hợp một chú Sa-di trẻ ở cùng chùa với một vị trụ trì đã chứng quả A-la-hán. Vị trụ trì biết trong vòng một tuần nữa học trò mình sẽ chết bệnh, không thể tránh khỏi, bèn lẳng lặng cho học trò mình về thăm nhà. Anh học trò lên đường về nhà thấy một ổ kiến trên bờ đê đang bị một dòng nước xoáy đe doạ cuốn trôi đi. Chú Sa-di trẻ động lòng thương lũ kiến đang nháo nhác, bèn cởi quần áo nhảy xuống sông, ra sức đắp lại chỗ đê có thể bị vỡ để cứu ổ kiến. Cứu được ổ kiến, chú Sa-di tiếp tục lên đường về thăm nhà và sau một tuần trở lại chùa. Vị Thầy trụ trì thấy học trò mình trở lại chùa an toàn, khí sắc lại còn hồng hào hơn xưa, rất lấy làm lạ, bèn hỏi chú Sa Di, tuần lễ vừa qua đã làm những gì. Sau một hồi nhớ lại chú Sa di đã tường thuật cặn kẽ đầu đuôi chuyện cứu ổ kiến thoát chết. Vị trụ trì kết luận là do chú Sa-di phát tâm từ bi rộng lớn cứu ổ kiến cho nên đã chuyển nghiệp, đáng lẽ phải chết trong vong một tuần lại vẫn sống an toàn và còn tiếp tục sống thọ trong nhiều năm nữa.

Do câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng không có một cái gì là cố định, không có một cái gì là định pháp hay định mệnh, tâm thức chúng ta biến chuyển từng sát na và do đó nghiệp thức lẫn nghiệp quả cũng thay đổi từng sát na. Nếu các ông thầy bói toán tử vi tướng số nói những gì xảy ra trong tương lai mà chúng ta tin, tức là chúng ta tin rằng muôn sự muộn việc là thường chứ không phải là vô thường và là định pháp chứ không phải là bất định pháp, tức là chúng ta mù quáng mà phủ nhận định luật nhân quả và giáo pháp vô thường của Phật dạy.

Tóm lại, đối với việc coi tử vi bói toán, cũng như việc xin xăm cầu đảo là những việc làm có tính cách mê tín, không có chỗ đứng trong Phật Giào. Người Phật Giáo được khuyên bảo cẩn trọng đừng để rơi vào hố sâu mê tín dị đoan khiến tâm bị rối loạn bởi sự sợ hãi không cần thiết. Một thời tọa thiền hay niệm Phật hằng ngày giúp ích rất nhiều để tự thanh lọc tư tưởng bất thiện trong tâm. Tâm được thanh lọc tự động dẫn đến một thân thể trong sạch và khoẻ mạnh. Pháp Phật là liều thuốc chữa khỏi các loại tâm bệnh này. Một phút giây tâm được tịnh là ngưng tạo bao nhiêu nghiệp, ngưng gieo bao nhiêu nhân và xa bao nhiêu dặm khổ ải.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.” (127)

Nếu như con người hàng ngày không làm các việc lành thiện, chỉ lo tạo tội, tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giựt, khi quả báo đến, không ai có thể tránh được, dù cho có lên non xuống biển hay trốn vào hang núi.

BBT TVHS

Địa Ngục

Năm nay tôi đã trên sáu chục tuổi, ở cái tuổi mà hằng ngày tìm tên bạn bè trên những mục cáo phó, phân ưu trong các nhật báo và tuần báo. Biết rằng giờ phút ra đi của mình cũng chẳng còn bao xa, cho nên đêm đêm nằm trằn trọc, tôi băn khoăn không biết tương lai sau khi tắt hơi, mình sẽ về đâu. Thuở nhỏ, mỗi khi làm điều lỗi, tôi thường được nghe người lớn hù dọa về Thập Điện Diêm Vương, về các loại địa ngục ở dưới đất, vân vân, nhưng tôi không quan tâm. Đến nay gần đất xa trời, nhiều lúc tôi mơ hồ cảm thấy một nỗi sợ hãi mênh mông, nên gửi thư này xin thỉnh ý quý vị về vấn đề địa ngục.

Thưa quý thính giả,

Không riêng vị thính giả gửi là thư này, mà nhiều người trong chúng ta, dù có niềm tin về một tôn giáo nào đó, hoặc không tin thần thánh gì cả, cũng có đôi chút ấn tượng trong đầu về một cảnh giới được đặt tên là địa ngục.

Ý niệm về địa ngục được hình thành từ thời cổ xưa, xuất hiện cùng với ý niệm về ông Trời, về Thượng Đế, về các loại Thánh Thần vân vân. Hầu hết các tôn giáo đều nói đến những sự thưởng phạt sau khi chết, được thưởng thì được sinh lên thiên đường hưởng phước, bị phạt thì bị đầy xuống địa ngục chịu tội. Thời trước người ta tin là trái đất vuông, mặt đất bằng phẳng, cho nên thiên đường được giới thiệu là ở cao tít trên mây, và địa ngục ở dưới sâu trong lòng đất. Lý do để được thưởng hay bị phạt thì tùy theo luật lệ của mỗi tôn giáo quy định.

Suốt chiều dài của lịch sử loài người, hình ảnh về thiên đường và địa ngục đã giúp những bậc trưởng thượng trong các bộ lạc, làng mạc, thôn xóm, gia đình, như là một trợ huấn cụ đắc lực để răn đe con cháu khỏi làm điều sai trái.

Sau này, khi các tổ chức tôn giáo hình thành, thì vai trò thiên đường và địa ngục lại càng đắc lực hơn, trong việc tạo ấn tượng về thưởng phạt, về nỗi khiếp sợ sẽ bị đầy xuống địa ngục nếu trái lệnh, hoặc sự cứu rỗi nếu người tín đồ vâng lời, khiến cho từ trong tiềm thức, người ta tin chắc rằng cần phải có một nơi để bấu víu, để nương tựa sau khi chết, nếu không sẽ phải chịu muôn vàn khốn khổ, thiêu đốt vĩnh viễn trong địa ngục.

Có niềm tin cho là sau khi con người chết đi, linh hồn xuống tới âm phủ, thì “quỷ thần hai vai” của người ấy sẽ đem tất cả công và tội của họ tâu lên vua Diêm Vương để ông ta quyết định sự thưởng phạt, hoặc cho lên trời hưởng phước, hoặc đầy vào các loại địa ngục mà tên gọi thường là rất rùng rợn, tùy theo sáng kiến của người phát minh.

Đạo Phật không tin chuyện quỷ thần hai vai và ông Diêm Vương nào đó lại có thể quyết định vận mạng của ai được. Nền đạo đức Phật giáo không xây dựng trên sự thưởng phạt ở thiên đường hoặc địa ngục, do các Thần Linh áp đặt, mà lấy quy luật nhân quả làm căn bản.

Tâm lý học của đạo Phật cho rằng tất cả những việc mà mỗi dòng đời tạo ra, trải dài theo cuộc hành trình trong thế giới hiện tượng tương đối này, là những hạt giống, hay còn gọi là chủng tử thiện hoặc ác, trong tương lai khi hội đủ cơ duyên, sẽ nẩy nở thành những thiện quả hoặc ác báo, đều chứa tại Thức Thứ Tám, còn gọi là Tàng Thức hoặc A Lại Da Thức, của chính dòng sinh mạng đó. Thức này là lớp Vọng, cũng mênh mông như Chân Tâm, tạm ví như làn sóng điện trong không gian.

Những chủng tử thiện hoặc ác này sẽ xuất hiện vào giây phút lâm chung, để quyết định cảnh giới tái sinh của đương sự, nhà Phật gọi là “gió Nghiệp cuốn đi tái sinh”. Một số người có kinh nghiệm về cận tử (near death experience) kể lại đại khái rằng vào cái lúc họ cảm thấy muốn ngừng thở, bỗng nhiên trước mắt nổi lên một cảnh tượng tràn ngập không gian, cả quãng đời quá khứ, những việc làm khiến cho họ rất sung sướng hoặc rất đau khổ, xuất hiện như là đồng thời. Họ cảm thấy như trong giấc mơ, như là hình ảnh của ký ức. Đối với quan điểm của nhà Phật thì đó là giây phút mà một người có thể nhìn thấy được chính cái kho chứa các nghiệp nhân, tức là Tàng Thức của mình.

Chiếu theo thành quả tự tu, tự giác ngộ lại Bản Thể của đức Phật, người Phật tử không tin vào sự cứu rỗi do bên ngoài mang đến, mà tin vào chính mình, theo gương sáng của đức Bổn Sư. Trong đời sống, người Phật tử t���ng bước chuyển hóa tâm, từ xấu ác trở thành lành thiện, đó là giai đoạn chuyển hóa tương đối. Sau đó sẽ bước qua giai đoạn cốt tủy của quá trình tu chứng là “thanh tịnh hóa tâm”, vượt lên trên những khái niệm thiện và ác tương đối, chỉ còn lại tâm Từ Bi và Trí Tuệ Bình Đẳng, hóa giải tam độc Tham Sân Si, vốn là căn bản trói buộc con người vào vòng sinh tử. Từ đây dòng sinh mệnh được hoàn toàn giải phóng, đạt được mục tiêu tối cao của con đường tu Phật, là Toàn Giác.

Có câu chuyện ẩn dụ về sự tự tu, tự độ như sau:

“Trong khu vườn kia có một nhóm thiền sinh đang đứng chung quanh vị thiền sư. Góc vườn là một con cọp bị trói. Thiền sư hỏi đám học trò:
- Có ai biết cách cởi trói cho con cọp không?
Đám thiền sinh góp ý, người thì bàn “lấy tấm lưới chụp nó”, người thì bảo ”xông thuốc mê cho nó”. Cuối cùng, một thiền sinh ung dung:
- Cứ bảo người nào đã trói được nó, thì chính người đó mở trói cho nó là xong.

Câu chuyện nói lên tính chất của quy luật nhân quả, người nào tạo nhân thì người đó lãnh quả, người nào ăn thì người đó no, người nào tu hành thanh tịnh hóa tâm thì người đó giác ngộ.

Như thế về căn bản, đạo Phật không tin vào sự cứu rỗi, mà tin lời Phật tuyên bố khi mới thành đạo: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, và câu di huấn khi Ngài sắp nhập cảnh giới Niết Bàn: “Mọi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đuốc ở đây là đuốc Tuệ, là ngọn đèn trí tuệ mà đức Phật đã giơ cao, nay còn nằm trong kinh điển, mỗi người đều cần phải “tự học, tự tu, tự giác thành Phật”.

Tuy nhiên, trên con đường giáo hóa chúng sinh từng bước, đạo Phật đi trong nhân gian thường dùng những phương tiện đã sẵn có của người dân địa phương để truyền bá tư tưởng nhà Phật, theo tôn chỉ “tùy duyên mà bất biến”, dùng bình địa phương đựng thuốc Phật giáo, khiến cho mọi người đều được thấm nhuần tư tưởng từ bi hỷ xả mà không cảm thấy nền văn hóa truyền thống của họ bị xúc phạm. Thí dụ tượng ảnh đức Phật khi ở Ấn Độ thì gầy gò, nghiêm túc, đúng là hình ảnh người tu khổ hạnh. Sang tới Mỹ, tại tu viện Shasta trên sườn núi Shasta, nơi có trên sáu chục vị sư người Tây Phương từ các tôn giáo khác chuyển qua đạo Phật đang tu hành, thì tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lại giống hệt tượng Đức Mẹ. Trong khi đó, tượng ảnh Phật và chư Bồ Tát bên Trung Hoa thì lại mập mạp, hơi mỉm cười, đượm vẻ từ bi, cảm thông với chúng sinh, theo truyền thống hiếu khách của người Á Đông là “đem lại niềm vui cho nhau”.

Tóm lại, đạo Phật cũng nói về thiên đường và địa ngục, nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Từ quan điểm “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm, thiên đường và địa ngục dưới mắt người Phật tử chính là những cảnh giới tâm thức, mà mỗi người đều trải qua hằng ngày. Nếu con người không chế ngự được ba thói xấu là tham lam, sân hận và si mê, để cho bản thân rong ruổi trong sự bon chen, tính toán lợi mình hại người, thì tâm hồn không được an lạc, mà phiền não triền miên, ăn không ngon, ngủ không yên, thường thấy ác mộng do những bực bội bất mãn gặp phải hằng ngày, đó cũng đã được coi là cảnh giới địa ngục của tâm thức rồi.

Trong kinh Địa Tạng, chúng ta cũng thấy nói đến những cảnh giới địa ngục. Vì “nhất thiết duy tâm tạo” nên những cảnh giới trong kinh Địa Tạng cũng là những cảnh giới tâm thức. Địa Tạng cũng có nghĩa là Tâm Địa, là Đất Tâm. Nhà Thiền có câu “Đất Tâm nếu trống không thì mặt trời Trí Tuệ tự chiếu”. Người nào có thể “thanh tịnh hóa tâm”, khiến cho Đất Tâm trống không, thí Trí Tuệ Bình Đẳng tự hiện, cũng có nghĩa là Bồ Tát Địa Tạng đã phá xong cửa ngục tâm thức cho người đó rồi. Còn như nếu Đất Tâm mà ô nhiễm quá, thì vào giờ phút lâm chung, do nghiệp thiện hoặc ác trong quá khứ, mà thần thức người đó sẽ bị chiêu cảm vào cảnh giới tương ưng.

Quan điểm của nhà Phật về tất cả hiện hữu trên thế gian là vô thường. Tâm cũng vô thường, khi tâm chuyển thì tất cả mọi thứ do tâm tạo cũng chuyển theo tâm. Cho nên, đối với nhà Phật, không có cảnh giới địa ngục vĩnh viễn. Mỗi người đều có thể tự ra khỏi địa ngục bằng sự thanh tịnh hóa tâm của họ. Đó là niềm hy vọng về giải thoát của tất cả mọi người.

Nhà Phật có câu: “ Buông dao đồ tể là thành Phật” hoặc “Biển khổ mênh mông quay đầu là bến”. “Buông dao” và “quay đầu” ở đây có nghĩa là buông bỏ đời sống ô nhiễm, bước vào con đường thực hành các phương pháp để “thanh tịnh hóa tâm” như Mật Tông, Thiền Bắc Tông, Thiền Nam Tông, Tịnh Độ Tông, vân vân ...

Trên đây chúng tôi đã trình bày vài khái niệm về địa ngục. Nay xin nói về nỗi sợ hãi mênh mông của vị thính giả gửi về câu hỏi.

Thưa quý thính giả,

Tất cả loài người chúng ta, mà có lẽ luôn cả các loài sinh vật nữa, kể từ thời tiền sử, đều đã mang sẵn một nỗi sợ hãi mênh mông. Ngay khi vừa mới lọt lòng mẹ, đứa bé đã khóc thét lên vì sợ, tay chân quờ quạng, chới với. Nó đang được nằm trong bào thai, được bảo bọc chặt chẽ, ấm áp trong lòng mẹ nó, nay bỗng nhiên rơi tõm vào một khoảng không gian trống rỗng, nên nó thất kinh hồn vía. Rồi theo với thời gian, càng ngày con người càng có thêm nhiều nỗi sợ hãi, từ những nỗi sợ nhỏ nhít linh tinh như sợ bị đòn, cho tới nỗi sợ mất mát người thân yêu, mất nước, vân vân. Vì nỗi sợ hãi triền miên này mà tinh thần con người bị giam hãm, không khai phóng nổi.

Chúng tôi xin trích dịch một đoạn bình luận về sự sợ hãi do tư tưởng gia Krishnamurti trình bày trong cuốn On Fear, ông viết:

“Đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi "sợ là gì" và "nỗi sợ hãi nổi lên như thế nào"?
Đối với chúng ta, bản thân từ ngữ "sợ" nghĩa là gì? Tôi đang tự hỏi "sợ là cái gì", chứ không phải là "tôi sợ cái gì".

Hiện tại, ngay lúc tôi đang ngồi đây, tôi không sợ. Lúc này tôi không sợ, chẳng có chuyện gì xẩy ra cho tôi, chẳng ai đe dọa hoặc lấy cái gì của tôi. Nhưng ngoài cái thời gian đang hiện hữu này, trong tâm thức tôi còn có một lớp sâu hơn, đó là vùng ý thức hoặc vô thức, đâu đó, manh nha tới điều gì đó có thể xảy ra cho tôi trong tương lai, hoặc e ngại về một cái gì đó từ thời quá khứ đột nhiên ụp xuống đầu tôi. Cho nên tôi sợ cả quá khứ lẫn tương lai. Thế là tôi đã chia thời gian ra thành quá khứ và tương lai. Đến đây thì sự suy nghĩ nhẩy vào lên giọng: "Coi chừng, sẽ không gặp được điều đó một lần nữa đâu", hoặc "Sửa soạn sẵn cho tương lai đi. Tương lai anh có thể sẽ nguy khốn. Bây giờ tuy là anh đã có chút đỉnh, nhưng rồi ra có thể là anh sẽ bị mất hết. Biết đâu chừng ngày mai anh sẽ chết, vợ anh có thể bỏ anh, có thể anh sẽ mất công ăn việc làm. Anh có thể chẳng bao giờ trở thành người có danh vọng. Có thể anh sẽ cô đơn... "

Bây giờ chúng ta hãy thử xét tới cái dạng sợ hãi của chính bạn. Nhìn coi. Quan sát kỹ phản ứng của bạn đi. Bạn có thể nhìn nỗi sợ hãi đó mà không nhấp nhổm muốn bỏ chạy, không nẩy ra chút ý muốn bào chữa, kết án hoặc kiềm chế chăng? Bạn có thể trực diện nỗi sợ đó mà không có trong tâm cái từ ngữ đã làm thức dậy nỗi sợ chăng? Bạn có thể trực diện sự chết, thí dụ thế, mà không có từ ngữ đã đánh thức nỗi sợ chết chăng? Bản thân từ ngữ đã đem tới sự chấn động, cũng như từ ngữ "yêu" có sự rung động của chính nó, có ấn tượng của chính nó, phải vậy không?

Bây giờ hãy coi có phải là những hình ảnh trong tâm trí bạn về sự chết, ký ức về biết bao nhiêu cái chết mà bạn đã nhìn thấy, cùng với sự bạn tự liên tưởng chính bản thân với những chuyện đã xẩy ra còn giữ trong tiềm thức đó, -- phải chăng đó chính là hình ảnh đã tạo ra sự sợ hãi trong lòng bạn? Hay là quả thật bạn sợ sự chết sẽ đến chứ không phải là bạn sợ những hình tượng trong tâm đã tạo ra sự chết. Có phải là từ ngữ "chết" làm cho bạn sợ hay là sự chết thật? Nếu chỉ là từ ngữ hoặc ký ức là lý do để bạn sợ thì chẳng có gì đáng sợ hết ráo.

Giả dụ như hai năm trước bạn bị bệnh, ký ức về sự đau đớn, về cơn bệnh vẫn còn tồn tại trong trí nhớ, nay nó trỗi dậy nhắc nhở "Coi chừng, đừng để bị bệnh lại như lần trước nữa đấy nhé". Thế rồi ký ức cùng với bè đảng của nó là guồng máy suy tư bèn tạo nên sự sợ hãi, mà thật ra thì chẳng có cái gì đáng để mà sợ hết ráo, vì lẽ lúc đó bạn đang rất là khoẻ mạnh.

Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm -- tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự đau ốm, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ "Cẩn thận, đừng để bị bệnh lại nữa đấy nhé!"

Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.”

Thưa quý thính giả,

Như Krishnamurti nói “... chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi”, đạo Phật từ hai ngàn năm trăm năm trước cũng đã khuyên mọi người nên “thanh tịnh hoá tâm”, nghĩa là đừng để cho tâm chạy nhẩy như con vượn, con ngựa (tâm viên ý mã), thì sẽ được hưởng một đời sống giải thoát từng bước, rồi sẽ tới giải thoát triệt để. Không cần phải đi tới đích mới được hưởng hoa trái, mà ngay khi quyết định bước lên con đường thanh tịnh hóa tâm là đã bắt đầu được hưởng kết quả, tâm hồn đã thấy thơ thới hân hoan rồi.

Có bài kệ trong kinh Phật như sau:

Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh, thẩy đều không
Ấy mới thật là chân sám hối.

Sám hối ở đây là “thanh tịnh hoá tâm”, làm cho “tâm tịnh”, chứ không phải là đem nải chuối tới chùa cúng Phật, hứa hẹn và cầu xin lung tung.

Nhà Phật cho rằng con người ta vì vô minh mà tạo nghiệp, thọ báo, cũng ví như một người đang đi trong căn nhà tối. Khi tâm được tịnh rồi “Trí Tuệ Bình Đẳng tự chiếu”, thì cũng ví như bật ngọn đèn bừng sáng lên, bóng tối biến mất, màn vô minh bỗng tan rã, là lúc con người giác ngộ giải thoát vậy.

Ban Biên Tập TVHS

Muốn Tu Tập Theo Phật Giáo, Có Cần Phải Bỏ Tôn Giáo Của Mình, Chuyển Qua Đạo Phật Không?

Một người đang theo tôn giáo khác, nếu muốn học Phật pháp thì có gì trở ngại hay không? Và Muốn tu tập theo Phật giáo, có cần phải bỏ tôn giáo của mình, chuyển qua đạo Phật không?

Thưa quý vị,

Bất cứ ai, dù đang theo tôn giáo nào hoặc không theo tôn giáo nào, mà muốn học Phật pháp, đều không có gì trở ngại cả. Phật giáo không phải là một tôn giáomê tín, mà là một hệ thốnggiáo dụcdựa trênquy luậtnhân quả để chuyển hóacon người từ xấu thành tốt, “không làm điều xấu ác, siêng làm điều tốt lành”. Sau giai đoạn chuyển xấu thành tốt, con người trở nên hoàn thiện, thì sẽ có những thiện quả tạo thành duyên lành cho đương sự bước vào bước tu tập thứ hai là “tự thanh tịnh tâm ý”, hoàn toàn rũ bỏ Tham Sân Si, chuyển từ mê lầm sang giác ngộ, tỉnh thức, giải thoát khỏi vòng sinh tử, khai phóng tâm linhbất sinh bất diệt.

Nhà Phật rất hoan nghênh bất cứ ai muốn tìm hiểuPhật pháp và nghiên cứuTam Tạng kinh, luật, luận, trong kho tàng kinh điển của đạo Phật. Có nhiều học giả thâm hiểu giáo lý nhà Phật, - trong số đó có những người Tây Phương, - viết sách luận giải về đạo Phật, là những người thuộc các tôn giáo khác, không phải là Phật tử. Nhiều kinh sách nhà Phật đã được dịch ra tiếng Anh bởi những học giả vốn là tín đồ các tôn giáo khác, đọc kinh sách Phật giáo vì tò mò, hoặc có trường hợp đọc với mục đích tìm những điểm không ưng ý để chỉ trích. Nhưng sau khi tiến sâu vào tư tưởng nhà Phật, họ cảm nhận được tinh thần khai phóng, từ bi, bình đẳng, nên trong lòng họ có sự chuyển hóa, tăng trưởngthiện cảm đối với đạo Phật. Khởi đầu là tìm hiểu phần lý thuyết, dần dần họ bước vào phần thực hành các phương pháp luyện tâm qua thiền quánPhật giáo, thấy được an lạc. Càng đi sâu vào tư tưởnguyên áo của đạo Phật, họ càng thấy tâm hồn được tự tại, giải thoát.

Một số người tìm tòinghiên cứu kinh sách nhà Phật không vì thiện ý, nhưng cuối cùng lại trở thành những tu sĩđáng kính, có công lớn trong việc hoằng truyền Phật pháp tại các quốc giaTây Phương. Ngày nay, nếu chúng ta vào một tiệm sách online, thí dụ Amazon.com, click vào chữ Buddhism, chúng ta sẽ thấy xuất hiện gần bốn chục ngàn tựa sách Phật giáo, hầu hết đều do người Tây Phương viết.

Câu hỏi thứ hai:

- Muốn tu tập theo Phật giáo, có cần phải bỏ tôn giáo của mình, chuyển qua đạo Phật không?

Thưa quý thính giả,

Điểm son của đạo Phật là tinh thầntôn trọngđời sốngnội tâm và sinh mạng muôn loài.Tôn giáo, tín ngưỡng, là vấn đề rất tế nhị, có những ràng buộc tình cảm sâu xa đối với quá khứ và thân quyến của đương sự. Cho nên người Phật tử không thuyết phục người khác bỏ tôn giáo của họ để theo đạo Phật.Đức Phật là bậc Giác Ngộ. Đạo Phật là đạo Giác Ngộ. Giác thì không mê, cho nên người Phật tử không muốn ai bước vào đạo Phật bằng con đườngmê tín. Những người từ đạo khác chuyển qua đạo Phật, phần lớn là do họ nghiên cứukinh điểnthâm sâu, hiểu được phần cốt tủy, tự ý đi tìm các vị tu sĩ để làm thủ tụcgia nhậpcộng đồngPhật tử. Cũng có những trường hợp không cần thủ tục gì cả, người muốn thực hiện những bước tu tập của đạo Phật cứ tự nhiêny theo lời dạy của đức Thế Tôn: “Không làm điều xấu ác, siêng làm điều thiện lành và tự thanh tịnhhóa tâm”, không để cho tâm hồn bị dính mắc vào bất cứ một giáo điều, một hình ảnh nào cả, như thế cũng xứng đáng là một Phật tử đúng nghĩa rồi.

Có rất nhiều thí dụ về thái độtôn trọng các tôn giáo khác của người Phật tử. Chúng tôi xin đơn cử vài trường hợp, như vua A Dục, trị vì xứ Maurya, miền Bắc Ấn Độ từ năm 272 đến năm 236 trước công nguyên, mất năm 231. Ông là một Phật tửthuần thành, đã ứng dụng lời dậy của đức Phật vào việc trị nước, đem lại thanh bình cho toàn xứ Ấn Độ thời đó. Quan điểm của ông là làm sao cho dân chúng có một đời sống hạnh phúc, gồm tự do, lòng từ bi, tránh chém giết, tôn trọngsự thật. Ông cũng là người cổ võ việc ăn chay và chống tệ nạn giết thú vật để cúng tế. Trong một trụ đá kỷ niệm, có khắc lời ông như sau:

- “Ta không nên chỉ đề cao tôn giáo của mình mà chê bai các tôn giáo của người khác, mà nên tôn trọng những điều hay của các tôn giáo khác nữa. Hành xử như thế, ta sẽ giúp cho nếp sống đạo của ta tăng trưởng và đồng thời cũng giúp những người thuộc các tôn giáo khác sống đạo. Nếu làm ngược lại, là chúng ta tự chôn vùi tôn giáo của mình và cũng làm hại những tôn giáo khác. Bất cứ ai tôn vinh tôn giáo mình trong khi chỉ trích các tôn giáo khác, mà nghĩ rằng: “Tôi ngợi ca, thờ phượngtôn giáo của tôi”, thật ra là làm thương tổnsâu xa cho tôn giáo của chính họ. Cho nên, sống hài hòa với nhau thì tốt hơn. Hãy lắng nghe, lắng nghe với thiện ý những học thuyết của các tôn giáo khác”.

Tiến sĩ Malasekara cũng nói :

- “Không bao giờ có chuyện đạo Phậttruyền giáo bằng cách ép buộc những người không thích phải tin theo mình, lại càng không dùng các thủ đoạn gây áp lực, hoặc nịnh nọt tâng bốc, hoặc dối trá lừa phỉnh, để đạt đượcthắng lợi trong sự hoán chuyểntư tưởng người khác. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ tranh đua để giành người cải đạo như ở nơi chợ búa”.

Đạo Phật đã bị hiểu lầm rất nhiều, người thì cho rằng đạo Phật chỉ lo cúng đám làm chay cho người chết, kẻ lại nghĩ rằng đạo Phật chỉ thích hợp với các bậc tu sĩở ẩn. Với mục đích trình bày sự trong sáng của đạo Phật, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một bài pháp trích dịch từ cuốn “What the Buddha Taught”, do hòa thượng Walpola Rahula giảng:

...”... Có một số người cho là đạo Phật quá cao siêu, một đường lối tu quá nghiêm túc, khắc khổ, khiến cho những người dân bình thường sống trong thế giới ngày nay không thể kham nổi. Như thế, nếu muốn thực hànhgiáo pháp, muốn làm một Phật tửchân chính, người ta phải rút lui vào các tu viện, hoặc những nơi vắng vẻ.

Rõ ràng đây là một sự hiểu lầm rất đáng tiếc, do thiếu hiểu biết về giáo lý nhà Phật. Người ta thường vội vã có những kết luậnsai lầm như thế, sau khi nghe một vài mẩu chuyện, hoặc tình cờ đọc một cuốn sách, mà vì thiếu sự tìm hiểurộng rãi, tác giả đã viết về đạo Phật một cách phiến diện.

Giáo lý của nhà Phật không phải chỉ dành riêng cho giới tu sĩ trong tu viện, mà là của tất cả mọi người, kể cả những nam nữcư sĩ sống trong gia đình. Tuân theoBát Chánh Đạo là sống trong tinh thầnPhật giáo. Dù là tu sĩ hay cư sĩ, mọi người đều có thể áp dụng nguyên tác này vào cuộc đời, không phân biệt.

Đại đa số dân chúng trên thế giới không thể trở thànhtu sĩ, hay rút lui vào các hang động hoặc rừng sâu núi thẳm để ẩn tu. Vậy nếu những người này mà không ứng dụng được lời dạy của đức Phật vào đời sốnghằng ngày của họ thì dù những lời dạy ấy có cao siêu, tinh khiết đến đâu đi nữa, đối với họ cũng là vô dụng. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu đúng tinh thần của giáo pháp, -- không phải chỉ hiểu theo từ ngữ -- thì chắc chắn bạn có thể thực hànhPhật pháp trong khi vẫn sống cuộc đờibình thường.

Có thể có một số người cảm thấy nếu ở ẩn tại một nơi xa xôi vắng vẻ, chấm dứt các hoạt độngxã hội, thì sự hành trìPhật pháp sẽ dễ dàng và thoải mái hơn. Nhưng lại cũng có thể có người thấy rằng đời sốngẩn dật đó thật là tẻ nhạt, khiến cho cả tâm hồn và thể xác của họ đều uể oải, không thể giúp cho cuộc sống tinh thần và nội tâm của họ được thăng hoa.

Sự ẩn dậtchân chính không có nghĩa là phải xa lánh hẳn thế gian. Tôn giả Sariputta, một đại đệ tử của Phật nói rằng, một người có thể tu khổ hạnh trong rừng nhưng tâm vẫn đầy những tư tưởngô nhiễm, bất tịnh, trong khi một người khác có thể sống trong làng mạc hay thành thị, không thực hànhkhổ hạnh, mà tâm lại thanh tịnh, trong sáng. Ngài nói, so sánh giữa hai người ấy, thì người sống cuộc đờithanh tịnh nơi làng mạc, thành thị, lại cao cả và giá trị hơn người kia rất nhiều.

Dường như đối với một số người thì sự lui về ẩn tu trong một nơi vắng vẻ, không bị quấy nhiễuphiền phức, sẽ cảm thấythoải mái. Nhưng nếu có thểthực hànhPhật pháp tại nơi ồn náo, sống giữa đồng loại để giúp đỡ và phục vụ họ, thì lại càng can đảm và đáng khuyến khích hơn. Trong vài trường hợp, người ta có thể sống ẩn dật để tịnh tu một thời gian cho đời sốngnội tâm thêm sâu sắc, đạo lực thêm bền chắc, ngõ hầu trau giồi cho nhân cách tăng trưởng, thêm khả năng để sau này giúp đỡ mọi người.

Mặc dầu vậy, nếu có người nào mà lại đem cả cuộc đời dành cho sự sống trong cô độc, chỉ nghĩ đến hạnh phúc và "cứu rỗi" cho riêng mình, không quan tâm đến đồng loại, thì điều này chắc chắn không phù hợp với lời dạy của đức Phật, vốn đặt nền tảng trên tình thương, lòng trắc ẩn và sự phục vụtha nhân.

Kinh Sigala đã nói lên sự quan tâm sâu sắc của đức Phật đối với cách hành xử của người cư sĩ tu tại gia, trong những mối dây liên hệ với gia đình và thân bằng quyến thuộc, như sau:

Có một chàng thanh niên tên Sigala, vâng theolời dặn dò của người cha trước khi qua đời, hằng ngày thường quay mặt về sáu Phương là Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới, để sì sụp lễ lạy.

Đức Phật bảo anh ta rằng theo Phật pháp, sáu Phương có nghĩa khác. Phật pháp dạy rằng Phương Đông là cha mẹ, Phương Nam là thầy dạy, Phương Tây là vợ con, Phương Bắc là bạn bè, quyến thuộc, láng giềng, Phương Dưới là người làm công và thợ thuyền, Phương Trên là tu sĩ và đạo sư. Ngài dạy Sigala phải tôn kính sáu Phương này. Ở đây chữ tôn kính có ý nghĩa rất đặc biệt, vì người ta chỉ tôn kính cái gì thiêng liêng, cao quý, đáng kính. Đạo Phật coi sáu nhóm người này như là những điều thiêng liêng, xứng đáng được tôn kính.

Nhưng làm thế nào để tỏ lòng tôn kính?

Đức Phật dạy rằng chỉ có thể tỏ lòng tôn kínhchân thành bằng cách làm tròn bổn phận đối với họ. Những bổn phận này được đức Phậtgiảng giảirõ ràng cho Sigala như sau:

- Thứ nhất: cha mẹ là thiêng liêng đối với con cái. Cha mẹ là Trời. Từ ngữ “Trời” để biểu tượng sự cao quý và thiêng liêng nhất, theo tư tưởngẤn Độ. Cho nên ngay tại thời đại này, trong những gia đình theo đạo Phậtthuần thành, sáng chiều hằng ngày, con cái vẫn có những hành động để tỏ lòng tôn kínhcha mẹ. Họ phải làm một số bổn phận đối với cha mẹ theo giáo lý nhà Phật: Săn sóc khi cha mẹ già yếu, làm những điều cần thiết để giúp đỡ cha mẹ, giữ gìndanh dự và truyền thốnggia đình, bảo vệtài sảncha mẹ để lại, và khi cha mẹ qua đời thì cử hành các nghi thức trong tang lễ của cha mẹ.

Về phần cha mẹ, họ cũng có những bổn phận đối với con cái, phải giữ gìn, dạy bảo cho con cái tránh xa những đường tà, khuyến khích con cái làm những việc tốt lành và ích lợi, cho con cái được hưởng một nền giáo dục chu đáo, tìm những gia đìnhlương thiện cho con cái kết hôn và khi con cái đã trưởng thành thì chia gia tài cho họ.

- Thứ hai: liên hệ giữa thầy và trò. Người học trò phải kính trọng và vâng lời thầy, phải chú ý đến những sự cần thiết của thầy, nếu thầy cần, phải chăm lo học hành. Về phía thầy, phải tận tâmdạy bảo học trò một cách chu đáo, giới thiệu bạn tốt cho trò và khi trò tốt nghiệp thì cố gắng tìm việc làm để bảo đảmkế sinh nhai cho trò.

- Thứ ba: liên hệ giữa chồng và vợ. Tình yêu giữa vợ chồng được coi gần như một nếp sống đạo, có tính cáchthiêng liêng. Giữa vợ và chồng phải có sự tin cậy, kính trọng, hy sinh, và có những bổn phận đối với nhau. Chồng phải luôn luôn tôn trọng vợ, không được thiếu sự kính nể đối với vợ, phải thương yêu và chung thủy đối với vợ, phải bảo đảmvị trí và tiện nghi của vợ, và nên làm vui lòng vợ bằng cách tặng nàng y phục và nữ trang. (Sự kiệnđức Phật không quên đề cập đến việc tặng quà cho vợ khiến chúng ta thấy được sự mẫn cảm và tế nhị đầy nhân bản của Ngài đối với niềm cảm xúc của những con ngườibình thường). Về phía người vợ, phải tề gia nội trợ chu đáo, làm vui lòng khách khứa, bạn bè, thân nhân và người làm công. Vợ phải yêu thương và chung thủy với chồng, phải biết giữ gìn gia sản, phải khôn khéo và hoạt bát trong công việc.

- Thứ tư: liên hệ giữa bạn bè, bà con, hàng xóm láng giềng: Mọi người phải niềm nở và tử tế đối với nhau, nói năng vui vẻ, hòa nhã, phải làm việc có lợi ích cho nhau và đối xử bình đẳngvới nhau, không cãi cọ mà giúp đỡ lẫn nhau khi cần và đừng bỏ rơi khi người ta gặp hoàn cảnh khó khăn.

- Thứ năm: liên hệ giữa chủ và người làm công: người chủ có nhiều bổn phận đối với người giúp việc hoặc người làm công, phải lượng sức của người ta để mà giao việc phù hợp, tiền lương phải tương xứng, phải cung cấp thuốc men và thỉnh thoảng tặng thưởng cho người ta. Về phía người làm công thì phải chăm chỉ làm lụng, không lười biếng, phải lương thiện và vâng lời chủ, không ăn giannói dối và phải tận tụy trong công việc

- Thứ sáu: liên hệ giữa tu sĩ và cư sĩ: với niềm kính quý, người cư sĩ phải quan tâm đến những nhu cầu vật chất của tu sĩ,người tu sĩ phải truyền bá sự hiểu biết cho cư sĩ với tấm lòng từ bi, lân mẫn và hướng dẫn họ đi trên chánh đạo, không lọt vào tà đạo.

Như vậy, chúng ta đã thấy rõ rằng dù là một người dân bình thường sống trong gia đình, tham dự những sinh hoạt ngoài xã hội, họ vẫn được thụ hưởngsự giáo hóa của đức Thế Tôn, vẫn có thể tu tập, tạo sự an lạc trong nếp sống của một người Phật tử ...”...

Thưa quý thính giả,

Những điều đức Phật dạy thì thật là trong sáng, dễ hiểu và gần gũi với mọi người. Nhưng có những kẻ do thói “bảo hoàng hơn vua”, lại làm cho hình ảnh Ngài trở nên xa vời, biến thành một thứ thần linh. Chúng tôi xin gửi tới quý vị một thí dụ, là câu chuyện “Tu viện trưởng và chú tiểu nhỏ”, trích trong cuốn Three Zen Masters : Ikkyu, Hakuin, Ryokan -- soạn giả : John Steven, như sau:

“Không bao lâu sau khi vào tu viện, chú tiểu Ikkyu được vị viện trưởng sai tắt những cây nến trên bàn thờ trước khi về phòng ngủ. Khi chú tiểu về thưa với thầy là chú đã hoàn tất công việc, vị viện trưởng hỏi:

- Thế con tắt nến bằng cách nào?

Chú tiểu thưa:

- Con thổi tắt.

Vị viện trưởng mắng:

- Không bao giờ được làm thế. Đức Phật là đấng thiêng liêng, mà hơi thở của con người thì dơ bẩn. Phải vẫy vẫy tay hoặc dùng quạt để tắt nến.

Sáng hôm sau, khi vị viện trưởng lên chính điện để cử hànhbuổi lễ sáng, ông nhìn thấy chú tiểu Ikkyu đang quay mặt ra phía ngoài, lưng về phía bàn thờ mà tụng kinh.

Nổi trận lôi đình, ông quát lớn:

- Mi đang làm gì đây hả thằng bé ngu ngốc?

Chú tiểuung dungtrả lời:

- Thầy bảo con là hơi thở của con người thì dơ bẩn, không nên thở về phía các ảnh tượngđức Phật. Chúng ta làm sao có thể tụng kinh mà không thở?

Vị viện trưởng bối rốiấp úng:

- Chuyện này khác.

Rồi ông ra lệnh cho chú tiểu Ikkyu quay mặt lại bàn thờ.”

Ban Biên TậpTVHS

Đức Phật Có Cứu Độ Chúng Sinh Không?

Thưa quý thính giả,

Vào một buổi sáng đẹp trời nào đó quý vị đứng trên bãi biển ở miền Nam đảo Sri Lanka ngắm nhìn những đứa trẻ tung tăng thả diều trong gió, một vài tháng sau sóng thần đã nhận chìm chúng hay vào một buổi sớm mai quý vị ngồi ở một quán cà phê khu phố Tây thành phố New Orleans ngắm nhìn những người qua lại trên hè phố, nhưng chỉ vài ngày sau cả thành phố này ướt sũng trong nước và nổi lềnh bềnh những xác người. Và những con đường từ Islamabad đến Kashmir là những con đường trong hòa bình lẫn trong chiến tranh, nhưng rồi sau 8 giờ sáng thứ bảy của tuần lễ đầu tháng qua, tất cả chỉ còn là đống gạch vụn. Trong khi đó, những công bố khiêm tốn về bão bão Rita, bão Wilma cũng có hàng trăm người chết - nhiều trường học bị cuốn đi, nhiều trẻ em không còn được cắp sách đến trường.

Thưa quý vị,

Sóng thần, bão tố và động đất đã đi qua, để lại những hoang tàn đổ nát, những mất mát đớn đau. Gần một năm trôi qua, thế giới đã trải qua bao cơn khiếp sợ bởi những thiên tai hãi hùng như đợt sóng thần vào tháng 12 năm 2004 ở Ấn Độ Dương làm hơn 200 ngàn người chết, trận động đất ở đảo Sumatra, Indonesia vào tháng 3 năm 2005, cơn bão Katrina đổ bộ vào Mỹ hồi cuối tháng 8 vừa rồi và mới đây là trận động đất ở miền bắc Pakistan làm hơn 70 ngàn người thiệt mạng. Hội nghị về giảm thiên tai trên thế giới được tổ chức tại Kobe, Nhật Bản hồi đầu năm nay đã cho biết, thiên tai trong 10 năm qua đã làm hơn 2 tỉ rưỡi người bị ảnh hưởng và gây thiệt hại về kinh tế vào khoảng 690 tỷ Mỹ kim.

Kể cả những quốc gia hùng mạnh nhất như Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận sự yếu ớt đến bất lực của mình khi đối mặt với những thảm họa thiên nhiên. Một khi thiên nhiên đã nổi giận, khoảnh khắc giữa bình yên, tang tóc chỉ trong chớp mắt và có ai tránh được? Có ai nghĩ đến những tai họa mà một ngày nào đó có thể sẽ xẩy đến cho mình và có nghĩ đến nguyên nhân nào đưa đến những thảm cảnh như thế. Một số người thắc mắc nếu Thượng Đế có quyền năng sáng tạo, tại sao Ngài lại để cho sóng gió tàn phá, giết hại như vậy. Và một số người khác tự hỏi đức Phật với trí tuệ và lòng từ bi vô biên sao không cứu độ hết chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ và nỗi chết.

Thưa quý thính giả,

Trước hết chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến những tai hoạ như vậy. Theo các nhà khoa học, sự ấm nóng quả địa cầu đã gia tăng gấp đôi mối đe dọa về bão tố trong 30 năm qua vì bề mặt đại dương trở nên ấm hơn. Đây không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là hậu quả của sự thay đổi khí hậu do con người gây ra bởi khí thải carbone dioxide và methane, phát ra từ các nhà máy đốt than đá hay dầu khí, các chất độc phế thải từ nhiên liệu hóa học, khí ga của máy lạnh thải hơi đã giữ lại phóng xạ làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Khói xăng từ xe cộ và việc đốt rừng để lấy đất nuôi bò cũng là một nguồn quan trọng phát tán khí carbone dioxide vào bầu khí quyển. Các thứ khí này được gọi chung là khí có hiệu ứng nhà kính (greenhouse gases). Những khí thải hóa học này tạo nên sự phá hoại đại tầng khí quyển, gây ô nhiễm nghiêm trọng trên mặt địa cầu và khiến cho khí hậu hỗn loạn. Độ ấm nóng quả địa cầu gia tăng làm chảy các tảng băng ngàn năm ở Bắc Cực và Nam Cực, làm mực nước biển tăng cao, tạo ngập lụt bão tố. Các quốc gia như Bangladesh và Hoà Lan, và các thành phố như New York, Tokyo và Buenos Aires, có thể sẽ bị đe dọa tràn ngập nước vì ở thấp hơn mực nước biển.

Như vậy nguyên nhân của các thiên tai như bão tố, lụt lội, cơn nóng không có gì là xa lạ, chính là là do con người tạo ra qua việc gia tăng tiêu thụ xe hơi, xe gắn máy, máy bay, điện lực, sự sản xuất hàng ngàn chất liệu hóa học mỗi năm, sự kỹ nghệ hóa canh nông, sự khai thác quá mức các mỏ nhiên liệu. Tất cả sự việc nói trên đều có liên hệ lẫn nhau, tạo nên nhân quả.

Theo Phật giáo, luật Nhân Quả cho rằng tất cả mọi sự, mọi vật, không chừa một sự việc gì, đều xảy ra từ một hay nhiều nguyên nhân nào đó. Như người cầy cấy thì sẽ được thóc lúa. Không thể nào trồng lúa mà ra cam được. Lẽ dĩ nhiên, muốn được mùa cần phải có thêm những yếu tố phụ mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Duyên, như nước, phân bón, ánh sáng mặt trời và công sức của người cầy cấy chăm sóc. Ngoài ra cần phải có thời gian, không thể nào vừa mới gieo mạ là có cây lúa trổ bông ngay. Con người làm ác hay lành cũng tương tự, nghĩa là phải hội đủ nhân, duyên và thời gian thích hợp thì quả mới trổ.

Có nhiều người trong đời sống hiện tại làm rất nhiều điều ác mà vẫn sống sung sướng giầu sang, tại vì trong những kiếp sống thuộc về thời quá khứ, họ đã làm những điều lành, đến nay quả lành mới trổ. Còn những nhân ác gieo trồng trong kiếp hiện tại chưa hội đủ nhân duyên nên chưa trổ quả thế thôi. Phật giáo xếp loại nhân quả này vào loại nhân quả khác thời, tức là loại nhân quả mà thời gian đi từ nhân đến quả phải có một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể là gieo nhân trong đời này sẽ gặt quả ngay trong đời này, hay gieo nhân trong đời này nhưng sẽ gặt quả ở đời sau hoặc là gieo nhân trong đời này sẽ gặt quả ở các đời sau hay các kiếp sau. Nói như vậy cho có vẻ đơn giản nhưng thực sự nhân quả trùng trùng điệp điệp và vô cùng phức tạp. Chỉ có các bậc giác ngộ mới biết hết được.

Luật Nhân Quả áp dụng chung cho tất cả chúng sinh không phân biệt. Mọi người tạo ra nghiệp riêng biệt, chỉ chịu báo riêng biệt. Nhiều người tạo ra nghiệp chung tức cộng nghiệp thì chịu báo chung. Một xã hội tốt lành là kết quả tốt của cộng đồng cùng gieo nhân tốt. Bất kỳ một kết quả nào cũng do các nhân gieo trồng từ quá khứ. Quá khứ này có thể là ngày hôm qua, tháng qua, năm qua hay từ nhiều kiếp trước. Mỗi người mỗi nghiệp, nên khi gieo nhân có thể không cùng thời gian, không cùng địa điểm và họ không hẳn cùng tạo một loại nhân giống nhau, nên gặt quả cũng có giống nhau và cũng có thể khác nhau, cũng có khi cùng thời cùng nơi, cũng có thể khác thời, khác nơi. Ví như nợ ngân hàng, số nợ mỗi người mỗi khác nhau, thời gian mượn nợ khác nhau nhưng đi ra ngân hàng trả nợ cùng lúc cùng ngày vì đã đến kỳ đáo hạn “due date”.

Quả báo chung của hơn 200 ngàn người trong thảm hoạ sóng thần hay hơn 70 ngàn người trong trận động đất mới đây ở Pakistan cũng tương tự như vậy. Do những nhân duyên nào đó họ cùng hội tụ trong một môi trường. Nay nhân duyên và thời tiết hội đủ là cùng nhau nhận quả. Con người và thiên nhiên không phải là hai thành phần cách biệt, tất cả đều có liên hệ lẫn nhau. Cũng có trường hợp nhiều người tạo nghiệp chung nhưng vì họ có nghiệp riêng tốt nên họ bị tách rời ra để nhận quả ở một nơi khác. Một nhóm khách du lịch đi bằng voi, tự nhiên voi không nghe lời người hướng dẫn mà tự đổi hướng cắm đầu cắm cổ chạy lên vùng núi cao và nhóm khách này nhờ vậy thoát chết khi sóng thần ập vào vùng biển PhuKet.

Thưa quý thính giả,

Trở lại câu hỏi đức Phật với trí tuệ và lòng từ bi vô biên sao không cứu độ hết chúng sanh thoát khỏi các cảnh khổ, nỗi chết.

Chúng tôi xin thưa đức Phật là bậc đại từ, đại bi thương hết thảy chúng sinh, không phân biệt màu da hay chủng tộc. Ngài xót thương nhân loại bằng sự bình đẳng tuyệt đối. Đức Phật không phải là đấng toàn năng có khả năng ngăn chận các thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần..v..v.. hay đáp ứng tất cả lời cầu xin của mọi người để mọi người không khổ đau hay dùng thần thông đưa chúng sinh về cõi an lạc được. Phật là người đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, Ngài thấu rõ tất cả, toàn diện và vô bờ bến, thấu rõ mọi liên hệ nhân duyên và nhân quả ba đời của tất cả chúng sinh, nhưng chính ngài không thể làm những điều trái với luật thiên nhiên nhân quả được.

Đức Phật là bậc toàn giác, là vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào. Ngài là một người như chúng ta, nhưng chính nhờ tự lực cá nhân, tìm ra được con đường giải thoát. Sau khi chứng ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua chúa cho đến người gánh phân, kẻ khốn khó đều được chứng ngộ như Ngài. Cho nên Ngài đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ngài là người chỉ dẫn đường lối cho chúng ta tu hành, Ngài không thể tu thay cho chúng sinh mà con người phải tự mình tu mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được. Cho nên Ngài đã nói: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài khuyên chúng ta nên nương tựa vào chính chúng ta và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính chúng ta.

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh t��� mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình. Lòng từ bi của Phật vô biên như ánh sáng mặt trời chiếu sáng khắp nơi, căn cơ chúng sinh không kể lớn hay nhỏ, thấp hay cao, ngu si hay đần độn đều được ánh mặt trời chiếu sáng, nhưng khả năng tiếp thu vẫn khác biệt rất nhiều giữa chúng sinh với nhau. Có người vừa mới sinh ra đã mù cả hai mắt, tuy ở trong ánh sáng mặt trời mà không thấy được ánh sáng mặt trời như thế nào. Côn trùng sống dưới đất và những vi sinh vật ở nơi tối tăm, tuy cũng trực tiếp hay gián tiếp cảm nhận được ánh sáng mặt trời, nhưng chúng không thể biết được lợi ích của ánh sáng mặt trời là thế nào. Ngay cả khi Phật Thích Ca còn tại thế, tại những vùng được Ngài giáo hóa, cũng có rất nhiều người không biết Phật là ai. Các đức Phật ba đời, khi còn hành đạo Bồ Tát, đều phát lời nguyện “độ hết thảy chúng sinh”. Vậy mà các đức Phật tuy thành Phật rồi nhưng vẫn còn vô lượng chúng sinh chìm đắm trong biển khổ. Tại sao vậy? Tại vì lời phát nguyện “độ chúng sinh” của các ngài chỉ có nghĩa là đem ngọn đèn Tuệ đi giáo hóa chúng sinh. Nếu chúng sinh không chịu vâng theo lời dạy mà tu hành, bản thân cứ tiếp tục làm chuyện ác, thì họ phải lãnh quả báo xấu, đúng theo quy luật nhân quả, chư Phật và chư Bồ Tát cũng không thể xóa bỏ nghiệp ác của họ được. Chữ “độ” không có nghĩa là “cứu rỗi”, mà có nghĩa là giáo hóa, để cho chúng sinh biết được Chân Lý, mà tự tu, tự độ.

Khi Phật còn tại thế, ngoài điều Ngài nói không thể chuyển nghiệp của chúng sinh được, Ngài cũng nói là không thể độ thoát cho những chúng sinh mà Ngài không có duyên độ họ. Người không có duyên là người không tin Phật Pháp, không muốn được hóa độ. Vì vậy, khi Phật Thích Ca còn tại thế, tuy vua Lưu Ly xứ Kosana dấy binh tàn sát dòng họ Thích Ca, mà Ngài không thể nào dùng phép thần thông để ngăn chận được vụ thảm sát. Nhưng đức Phật có thể dùng Phật pháp, tuỳ căn cơ cao thấp mà dìu dắt chúng sinh, chúng sinh nào hiểu biết thì giảng cao, người mê mờ thì giảng thấp từ tu thiện, tu phúc, trừ tai, miễn họa, đến tự thanh tịnh tâm. Vì vậy nói là Phật độ chúng sinh nhưng thực ra là chúng sinh tự độ nếu không thì làm trái với quy luật nhân quả.

Thưa quý thính giả,

Nói tóm lại, đức Phật là một vị Thầy dẫn đường sáng suốt, một vị thầy thuốc tài giỏi, nhưng chúng sinh phải tự mình cất bước lên mà đi thì mới tới đích, có bệnh phải uống thuốc mới hết bệnh, tức là tự học, tự tu, tự độ. Đức Phật không thể làm trái luật Nhân Quả, không thể uống thuốc giùm khiến người đau hết bệnh, không thể ăn giùm khiến người đói được no. Đức Phật chỉ có thể khuyên bảo, truyền dạy chúng sinh bỏ ác làm thiện, từ loại thiện phiền não đến loại thiện không phiền não, tức là khởi đầu bằng việc đoạn trừ mọi ác nghiệp dẫn đến ba cõi khổ, rồi cố gắng làm mười việc lành để sinh cõi trời hay sinh làm người, đó là thiện phiền não. Rồi tu đạo Bồ Tát, đạo thành Phật, thành thiện không phiền não, thành trí tuệ Phật. Thế nên, trí tuệ là quan trọng bậc nhất của đạo Phật và bao trùm toàn diện mục đích phải có của các hàng Phật tử nếu muốn đi trên con đường giải thoát đến giác ngộ viên mãn. Trí tuệ này xuất hiện khi bản thân người Phật tử hành trì các pháp môn tu để thanh tịnh tâm và giữ gìn giới hạnh.

Tâm là chủ yếu vì tất cả các pháp đều do tâm tạo. Vậy làm thế nào để thanh tịnh tâm?

Phật nói: “Không làm các điều ác, Nên làm các việc lành, Tự thanh tịnh Tâm, Đó là lời chư Phật dạy”. Đây là quá trình tu tập của mỗi người chúng ta để tự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Ban Biên Tập TVHS

Mục Đích Ăn Chay Của Đạo Phật

Tuần qua, tôi có nghe chương trình phát thanh của ban biên tập nói về việc các nhà Sư khi đi khất thực ai cúng dường thực phẩm gì thì dùng thứ đó, không phân biệt món chay món mặn, thế nhưng tại sao tôi thấy các chùa ở quận Cam đều ăn chay, như vậy có phải đạo Phật chủ trương ăn chay không và mục đích chính yếu của việc ăn chay theo quan điểm của đạo Phật là gì?

Thưa quý thính gỉa,

Nói rằng đạo Phật chủ trương ăn chay hay chủ trương không ăn chay đều không đúng. Từ buổi ban đầu, Đức Phật và Tăng đoàn xuất gia của Ngài sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác, và sở hữu của các ngài không có gì ngoài ba chiếc áo và một cái bình bát. Các ngài không quan tâm đến vấn đề ăn uống, chỉ làm sao cho cuộc sống đơn giản, nhằm giải thoát những phiền toái hàng ngày liên quan đến việc ăn uống, hầu có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là tu hành đạt giác ngộ cho mình và giúp ích cho người, nên đã chủ trương đi khất thực, xem việc khất thực là phương tiện và coi thực phẩm là dược thực nuôi dưỡng thân mạng.

Trong thời kỳ ban đầu của đạo Phật, do nội dung cách mạng và giải phóng triệt để, hầu xóa tan biên giới giai cấp cùng cách phân biệt đối xử rất khắc nghiệt của xã hội Ấn Độ thời ấy, nên nhiều thế lực đã tìm cách phá hoại uy tín của Đức Phật. Cũng do điều kiện khách quan còn nhiều khó khăn, chưa thể hoạt động mạnh mẽ ở tất cả mọi phương diện, nên Đức Phật đã phải tùy nghi phương tiện khất thực, để vừa hoằng pháp, vừa phát triển, lại vừa sinh tồn.

Trong hoàn cảnh xứ Ấn Độ hai ngàn năm trăm năm trước đây, dân chúng thì nghèo mà tăng đoàn của Phật thì lại đông, mỗi khi đi khất thực có đến cả ngàn tỳ kheo, làm sao mà có thể có đủ thực phẩm chay. Lại nữa, đã gọi là trải ruộng phước cho mọi người gieo trồng, làm sao có thể từ chối vật thực của mọi người dâng cúng, tạo sân hận cho người có lòng cúng dường. Cho nên sự việc tăng đoàn thọ nhận vật thực, dù cho có lẫn thịt cá, chư Tăng không hề quan tâm đến món ăn.

Cũng do hoàn cảnh khó khăn, Phật không đòi hỏi mọi người một cách khắt khe, nhưng nhờ thực hành Giới Không Sát Sanh do Ngài ban hành, tâm từ bi sẽ được thấm nhuần từ từ khiến cho người Phật tử sẽ bớt giết hại sinh vật, thay thế thực phẩm bằng các thực vật rau đậu, chừng đó họ sẽ cúng dường rau đậu trái cây.

Do sự sống vô cùng quý giá, nên Đức Thế Tôn luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng cho đến sự sống của cỏ cây. Kinh sách dạy rằng Ngài không đổ các đồ ăn dư thừa của mình trên bãi cỏ xanh hay trong nước có các loài côn trùng nhỏ. Cũng vì vậy, đức Phật khuyên chúng ta không nên sát sanh vì rằng mọi sinh vật đều sợ chết và xem sự sống là điều quý báu nhất trên đời. Ngài dạy chúng ta không những không sát hại mà còn khuyên chúng ta nên tôn trọng và bảo vệ loài vật vì chúng cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ môi sinh trên trái đất, nơi mà con người đang ở.

Qua lời dạy của đức Phật về tôn trọng sự sống và cũng do đời sống ngày nay trên thế giới đã tương đối sung túc hơn. Các vùng sa mạc hoang vu cũng có thể dẫn nước vào để trồng hoa mầu. Lương thực không còn thiếu thốn như xưa. Dù nghèo, mọi người muốn cúng dường chư Tăng đều có thể thực hiện được vì thực phẩm rau đậu đâu đâu cũng có, vừa tinh khiết lại nhiều chất bổ dưỡng.

Tưởng cũng nên biết, chư Tăng nhận lãnh bất cứ thực phẩm gì người Phật tử tại gia vui lòng cúng dường. Việc ăn thịt trong ba trường hợp không thấy giết, không nghe giết, không có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết riêng cho mình ăn mà Đức Phật cho phép thời đó, không còn thích hợp với ngày nay, mà đó là pháp phương tiện mà Ngài uyển chuyển ban hành trong thời kỳ khó khăn nói trên.

Chúng sinh có bệnh, Phật cho thuốc cũng phải tùy bệnh, tùy hoàn cảnh, thời đại, cơ duyên, có lúc thuốc phải nhẹ nhàng để thấm từ từ, có lúc bệnh nhân đủ sức chịu đựng thì Phật cho uống liều mạnh để khỏi bệnh luôn. Hay nói một cách khác, tất cả lời Phật đều là pháp phương tiện giáo hóa chúng sinh, pháp đó hợp với lý chân thật của vạn sự vạn vật, nhưng do hoàn cảnh không gian và thời gian sai khác, nên pháp đó có thể phù hợp hay áp dụng được ở một quãng thời gian hay không gian nào đó cho một số chủng loại chúng sinh nào đó, nhưng cũng có thể không phù hợp hay không áp dụng được cho một thời kỳ nào khác hay nơi chốn nào khác cho chủng loại chúng sinh khác. Đó gọi là “tuỳ duyên”. Nhưng “tuỳ duyên” mà bất biến. Bất biến là phải thực hiện cho được hạnh từ bi và bình đẳng đối với tất cả các loài chúng sinh.

Tưởng cũng nên nhớ vào thời đức Phật, Đề Bà Đạt Đa, một đệ tử của Phật đã thỉnh cầu Ngài ban hành thêm năm điều trong giới luật của hàng xuất gia, trong đó có giới Tỳ Kheo phải ăn chay suốt đời. Với lòng từ bi và đức khoan dung, Ngài tuyên bố rằng các đệ tử của ngài được tự do hành động về năm điều này, muốn áp dụng hay không cũng được, vì Ngài có thể nhận thấy thời điểm áp dụng chưa thuận tiện.

Thưa quý thính gỉa,

Có một điều rất đặc biệt mà có lẽ quý vị đã nhận thấy, là tất cả Phật tử không phân biệt truyền thống hay tông phái tu tập đều có chung một mẫu số. Đó là tôn trọng và bảo vệ sự sống, đồng thời thừa nhận và chấp hành giới luật cấm sát sinh nhằm bảo vệ sự sống ấy. Còn việc làm thế nào để bảo vệ sự sống ấy thì có những sự khác biệt.

Điều này thiết tưởng cũng không có gì khó hiểu. Sự khác biệt này là do tâm chúng sinh khác biệt, do căn cơ và môi trường sinh sống của chúng sinh khác biệt, lại do không gian và thời gian khác biệt. Hoàn cảnh sống của Phật tử Tây Tạng khác với hoàn cảnh sống của Phật tử Việt Nam, lại càng khác hơn với Phật tử sống ở Hoa Kỳ. Ngay như hoàn cảnh quý Tăng Ni theo truyền thống Bắc Tông ở miền Nam Việt Nam ăn chay, cũng khác với một số tăng ni theo truyền thống Bắc Tông sống tại miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1975 không ăn chay do hoàn cảnh chính trị và xã hội. Ngay cả ở Hoa Kỳ ngày nay, nhiều trung tâm tu học, thiền viện theo truyền thống Nam Tông cũng ăn chay. Ngài Narada Maha Thera, một vị cao tăng Tích Lan cũng như đức Tăng Thống Tích Lan hiện nay đều dùng chay.

Người ngày xưa khác với người ngày nay. Hoàn cảnh ngày xưa khác với hoàn cảnh ngày nay. Người và phong thổ xứ Ấn Độ khác với người và phong thổ xứ Trung Hoa và lại càng khác hơn với người và phong thổ xứ Hoa Kỳ, xứ Tây Tạng… Cho nên không có gì là khó hiểu khi thấy Phật Giáo truyền sang phương Bắc chủ trương ăn chay, truyền sang Tây Tạng có nơi ăn chay có nơi không ăn chay, tuy rằng ba bộ kinh liễu nghĩa của Bắc Tông là Kinh Lăng Già, Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật đều dạy các đệ tử không được ăn thịt.

Như vậy, nếu nói rằng Phật giáo chủ trương ăn chay là không đúng vì thời xưa đức Phật và Tăng đoàn của Ngài ăn bất cứ thức ăn gì mà Phật tử dâng cúng. Nhưng nói rằng Phật Giáo chủ trương không ăn chay cũng không đúng vì Phật giáo truyền qua phương Bắc như Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam, một phần quốc gia Tây Tạng, một phần nước Nhật và truyền qua Hoa Kỳ ngày nay đều ăn chay.

Vậy mục đích ăn chay theo quan điểm của đạo Phật là gì?

Chúng tôi xin thưa ngay là mục đích ăn chay của đạo Phật là tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tôn trọng sự sống là một trong những đặc điểm của Phật giáo. Không sát sanh là giới luật nhằm bảo vệ sự sống ấy và ăn chay đối với những người theo đạo Phật chính là sự thực hành cụ thể cho đặc điểm ấy.

Đạo Phật xem sự sống là tối thượng, là trên tất cả. Hết thảy cái gì có sự sống, có cảm giác và tự cử động được, từ con giun, con dế đến con bò, con voi, vân vân thì người Phật tử phải dốc lòng bảo vệ sự sống ấy. Nhân đây chúng tôi cũng thưa với quí vị là, mặc dầu đức Phật có thể đã cho phép hàng Tỳ Kheo ăn thịt trong một số điều kiện đặc biệt nào đó, ở một thời điểm hay một nơi nào đó, nhưng điều chủ yếu của giáo lý đạo Phật là Từ Bi đối với mọi loài chúng sanh, thương xót tất cả muôn loài chúng sanh. Vì thế, nếu thực phẩm có sự chết của chúng sanh thì tốt hơn là không nên ăn. Do đó mới gọi Đạo Phật là đạo từ bi. Và cũng do đạo Phật là đạo từ bi nên đức Phật đã dạy các đệ tử của Ngài là không được giết hại, cũng không được viện dẫn bất cứ lý do nào để giết hại chúng sanh, vì mọi chúng sanh cũng đều ham sống và sợ chết.

Chúng tôi còn nhớ một vị cao Tăng Phật giáo đã giảng dạy rằng: "Giết sự sống để nuôi sự sống là mê muội mà vì tham sống nên hại sự sống cũng là vô minh. Cho nên tôn trọng sự sống không những bằng cách giúp nhau để sống còn, mà còn có khi phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống, nghĩa là có khi tiêu cực như ăn chay để cứu muôn loài, có khi tích cực như "thay khổ cho chúng sanh" để cứu vạn loại. Đạo Phật đặc biệt chú trọng và nêu cao chủ nghĩa lợi tha, nhưng chữ lợi ấy là phải hướng về mục đích tôn trọng sự sống." Thật là thâm sâu khi ngài nói về mục đích ăn chay của đạo Phật như vậy.

Kính thưa quý vị, vì lòng từ bi không sát hại chúng sinh, người Phật tử ăn chay không những có được những lợi ích trong hiện tại mà cả trong đời sống tương lai nữa. Với hiện tại thân thể được mạnh khỏe, nhẹ nhàng, bớt bệnh hoạn, giúp cho việc học hành cũng như việc tu hành dễ dàng. Với tương lai, sẽ không bị quả báo do không tạo nhân giết hại. Ngoài ra, ăn chay không những có lợi ích cho cá nhân, mà còn có lợi ích chung cho cộng đồng là đem lại an lạc hoà bình cho gia đình, xã hội, cho quốc gia và cho thế giới.

Ai là Phật tử cũng đều biết Phật vô cùng từ bi và vô cùng quý trọng sự sống, thí dụ như Ngài nhấn mạnh rằng các Tỳ kheo phải an cư nhập hạ ba tháng, không ra ngoài, tránh dẫm đạp lên côn trùng đang sinh sản trong mùa mưa, cho nên không thể tin được rằng Ngài có thể lãnh đạm trước nỗi đau đớn và chết chóc của các loài gia súc bị giết để làm thực phẩm. Và ai cũng biết từ lúc đạo Phật có mặt trên quả địa cầu này đến nay, đạo Phật chưa bao giờ dấy khởi chiến tranh, bởi giới luật đầu tiên của Phật là Không Sát Sanh - chẳng những không giết người mà còn trân qúy và bảo vệ sự sống của muôn loài chúng sinh hữu tình lẫn vô tình. Phật nói rất rõ trong tất cả các kinh điển Nam Tông cũng như Bắc Tông là, "chớ có sát sinh, chớ có khuyến khích sát sanh, chớ có chấp nhận sát sanh, chớ có làm hại các sinh vật nhỏ bé trong nước, thậm chí chớ có đạp trên cỏ xanh."

Do những lý lẽ trình bầy trên, chúng ta không nên cúng dường qúy thầy, qúy sư những thực phẩm không phải là chay, những thực phẩm hay đồ dùng có nguồn gốc từ thịt, cá, tôm, cua, sò ốc, da đồi mồi, da cá sấu, áo lông thú, dày da bò, da trâu, cao hổ cốt và vải lụa dệt bằng tơ tằm.

Nếu như chúng ta cứ cố ý làm như vậy rồi viện lẽ Phật cho phép, tức là chúng ta đã không hiểu được ý Phật mà còn làm tiêu mòn hạt giống từ bi trong chính chúng ta. Phật đã dạy chúng ta là nên “y nghĩa bất y ngữ”, tức là căn cứ vào nghĩa lý chứ không nên chấp vào ngôn ngữ. Không nên chấp vào từng chữ, từng câu văn mà nên nương vào nghĩa lý ẩn đằng sau các chữ. Việc mua thịt cá ngoài chợ, dù là mua cho mình hay mua cho người khác cũng là gián tiếp góp phần vào việc sát hại sinh vật.

Thưa quý thính gỉa,

Ngày xưa có một thi sĩ Trung Hoa viết về bát canh thịt như sau:

Ngàn năm qua một bát canh
Oán sâu biển cả hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe quán thịt tiếng gào thâu đêm.

Chỉ cần nhìn vào trong bát canh và miếng thịt trong đó chúng ta sẽ thấy niềm oán hận của các loài bị tàn sát, nỗi oán hận này sâu như biển, lớn như núi. Nếu muốn biết được bản chất của chiến tranh ở trên thế giới, chỉ cần nửa đêm thức giấc lắng nghe tiếng gào thét thất thanh của những con vật đang bị sát hại ở các lò sát sinh.

Có rất nhiều nhà chính trị, kinh tế và khoa học đang nghiên cứu cách thức làm giảm bớt chiến tranh. Một trong các giải pháp lâu dài là kêu gọi mọi người đừng phá huỷ môi sinh, đừng làm ô nhiễm nước uống và không khí, mà ăn chay là một trong những phương cách hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Ăn chay để bảo vệ môi trường sinh sống, để tâm từ bi và tâm không sát hại phát triển trong lòng từ trẻ em đến người lớn, đó là một trong những phương pháp có thể giúp mang lại hoà bình an lạc.

Thưa quý thính gỉa,

Kinh Phật dạy có hai nguyên tắc quan trọng là Tuỳ Duyên và Bất Biến. Tuỳ Duyên là tuỳ theo hoàn cảnh, thời tiết nhân duyên mà thay đổi các phương tiện cho thích hợp. Còn Bất Biến là không được thay đổi những yếu lý quan trọng như đặc tính từ bi và bình đẳng hay như giới luật của Đạo Phật, không ai được vi phạm dù ở không gian hay thời gian nào. Việc ăn chay cũng vậy. Đạo Phật không chủ trương ăn chay cũng như không chủ trương ăn mặn. Tuỳ hoàn cảnh phong tục địa phương, tuỳ thời tiết nhân duyên mà phương tiện ứng dụng tu hành, nhưng vẫn phải giữ đúng giới luật, vẫn phải giữ đúng yếu lý từ bi và bình đẳng đối với mọi loài chúng sinh. Giới Không Sát Sinh là giới thứ nhất của tất cả các hàng Phật tử xuất gia lẫn tại gia là giới không được giết hại chúng sinh. Phật tử không những không sát sinh mà còn phải lo phóng sinh, cứu mạng sống cho cầm thú, tôn trọng sự sống muôn loài, do đó nên ăn chay, không làm các điều ác, làm các điều lành và tự thanh tịnh tâm.

Ban Biên Tập TVHS

Ăn Chay Đúng Phương Pháp

Tại sao những người ăn chay trường vẫn có thể bị bệnh như những người không ăn chay. Và làm thế nào ăn chay đúng phương pháp

Thưa quý thính giả,

Trong Phật giáo chúng ta thường được nghe nói tới cội rễ của đau khổ là Tam Độc. Đó là Tham, Sân và Si. Ba thứ này đầu độc chúng ta, dẫn chúng ta đi trong sinh tử luân hồi. Trong giới Y Khoa, cũng nói đến Tứ Độc. Đó là các bệnh cao áp huyết, cao cholesterol, tiểu đường và mập phì.

Cũng như Tam Độc trong Phật Giáo, Tứ độc trong Y Khoa này thường hay kết bạn đi chung với nhau và đưa đến chết người. Chúng không chừa một ai, già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, sắc dân trắng vàng đen đỏ, phàm phu hay tu hành. Nhiều người hay than thân trách phận là ăn hiền ở lành, ăn chay nằm đất quanh năm mà cũng bị trúng độc thủ của Tứ Độc. Chẳng hạn chỉ ăn cơm, ăn bún, ăn phở, ăn mì, ăn rau, không ăn thịt cá gì cả mà mỡ cholesterol cứ cao, cân trọng lượng thì cứ lên và nhịp tim đập cao hơn bình thường. Cũng như có một vài vị sư và ni ăn chay trường khổ hạnh ở Việt Nam khi qua đến Hoa Kỳ, một thời gian sau cũng bị trúng độc thủ của Tứ Độc, làm nhiều Phật tử thắc mắc ăn chay trường mà cũng bị bệnh.

Theo các nhà khoa học cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh này. Tuy nhiên, có những nguyên nhân chúng ta có thể thay đổi và kiểm soát chúng được bằng cách điều hòa việc ăn uống và luyện tập thể dục, nhưng cũng có những nguyên chúng ta không kiểm soát được như đặc tính di truyền của mỗi người, hoặc tuổi già vì càng lớn tuổi càng dễ bị bệnh.

Thưa quý thính gỉa,

Trong buổi phát thanh hôm nay, chúng tôi trình bày về ba nguyên do mà những người ăn chay trường vẫn có thể bị bệnh như những người không ăn chay và nhấn mạnh đến các biện pháp áp dụng hầu có thể ngăn ngừa phần nào được bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư qua việc ăn chay và luyện tập thể dục. Nhưng trước hết phải nói ngay rằng ăn chay đúng phương pháp và luyện tập thể dục đều đặn, theo các nhà khoa học, thì chỉ có khả năng giảm nguy cơ lâm bệnh 58% mà thôi và nói một cách khác, những người ăn chay có luyện tập thể dục này vẫn có thể bị bệnh như thường huống hồ là ăn chay không đúng phương pháp và không luyện tập thể dục và các vị tăng ni bị bệnh cũng nằm trong trường hợp này, không ai được đặc cách miễn bệnh tiểu đường hay tim mạch.

Thưa quý thính giả,

Việc một vài vị sư, vị ni và cư sĩ Phật tử ăn chay trường bị bệnh tiểu đường hay bệnh tim mạch có thể là do ba nguyên nhân sau đây:

(Thứ nhất) là ăn chay không đúng phương pháp.

(Thứ hai) là không luyện tập thể dục hay luyện tập thể dục không đều đặn và không đủ liều lượng.

(Thứ ba) là do sự thay đổi môi trường sống.

Trước hết, chúng tôi trình bày về nguyên nhân do ăn chay không đúng phương pháp:

Thường người Việt nam chúng ta sử dụng ngũ cốc nhiều hơn, nhất là cơm gạo trắng, các loại bún, bánh phở và các loại bánh khác làm từ bột gạo, như bánh canh, bánh đúc, bánh xèov.v..nên xảy ra tình trạng dư thừa năng lượng từ ngũ cốc. Đường và tinh bột được cơ thể chuyển hoá ra glucose. Glucose lưu thông trong máu và cung cấp năng lượng cho các tế bào. Khi tế bào không dùng hết thì glucose sẽ được chuyển hoá thành glycogen và được lưu trữ trong bắp thịt và gan hoặc được chuyển thành mỡ acid béo và triglyceride. Do vậy, kết quả cuối cùng là làm tăng khối lượng mỡ trong cơ thể. Nếu không sử dụng hết năng lượng dư thừa này qua các hoạt động thể lực thì rất dễ bị mập phì và dễ sinh ra bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, khi nấu ăn quý bà thường dùng quá nhiều bột ngọt, đường, muối, thực phẩm chay biến chế và các thực phẩm tinh lọc, nhất là dùng quá nhiều dầu để chiên xào. Mặc dầu dầu thảo mộc không có chất cholesterol nhưng lại có lượng cao chất béo không bão hoà và khi chiên nhiều lần, có độ nóng lâu, dầu không bão hòa sẽ trở thành loại dầu có đặc tính giống như bão hòa mà người ta gọi là trans-fatty acids. Chất béo bão hòa và trans-fatty acids là những chất béo không tốt, làm gia tăng chất cholesterol xấu LDL và đồng thời làm giảm cholesterol tốt HDL trong máu, do đó gia tăng mức nguy hiểm về bệnh tim mạch và đồng thời cũng làm cho chất insulin giảm hiệu năng hộ tống chất đường vào trong các tế bào.

Vì thế, trong việc ăn chay nhằm bảo vệ sức khỏe, yếu tố điều hoà thức ăn hàng ngày để tạo sự quân bình năng lượng thu nhập và tiêu dùng, là một điều vô cùng cần thiết. Và ăn chay đúng phương pháp nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Nguyên nhân thứ hai là do thiếu luyện tập thể dục hay nếu có tập thì tập không đều đặn:

Yếu tố đều đặn (consistency) quan trọng hơn yếu tố cường độ (intensity). Các nhà khoa học cho biết tập thể dục bằng cách đi bộ nhanh trên máy đi bộ hay đi ngoài trời đều đặn mỗi ngày ba mươi phút đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhất. Luyện tập thể dục đều đặn làm máu lưu thông dễ dàng đến mọi nơi trong cơ thể, chuyển vận ốc xy và các chất dưỡng sinh khác nuôi dưỡng các tế bào, tạo năng lượng hoạt động cho con người. Luyện tập đều đặn cũng gia tăng tỷ trọng chất xương, làm xương cốt cứng mạnh hơn, giảm áp xuất máu, giảm sự thành lập các cục máu đông và đồng thời có tác dụng gia tăng hàm lượng cholesterol tốt HDL và giảm chất béo triglycerides trong máu.

Đi bộ chậm, trong Phật giáo gọi là thiền hành, chỉ có lợi cho sự thư dãn tâm hồn mà không có tác dụng gì cho cơ thể nên không thể xem là tập thể dục được. Tập thể dục đúng cách có nghĩa là tập đều đặn hàng ngày và tập với nhịp tim đập trong khoảng từ 65 đến 85 phần trăm nhịp tim đập tối đa. Nhịp tim đập tối đa được tính theo công thức: 220 trừ số tuổi. Khi luyện tập, dù là đi bộ nhanh trên máy cũng nên tập trung vào hơi thở. Chính sự tập trung tinh thần này sẽ nâng cao hiệu quả tập luyện và là một lối thiền đi bộ tạo nên sự thư giãn tâm hồn.

Nguyên nhân thứ ba là do sự thay đổi môi trường sống:

Nguyên nhân này thường xảy ra đối với những người di dân ở thế hệ thứ nhất. Theo các nhà khoa học, cơ thể sinh lý của người Việt Nam chúng ta thuộc loại chuyển hóa chậm từ thực phẩm ra năng lượng (slow metabolizer). Khi còn ở quê nhà các tăng ni làm việc bằng thể lực nhiều, công phu tu nhiều, ăn uống đơn sơ. Dưới mắt nhìn của các nhà dinh dưỡng học là thiếu chất bổ dưỡng, nhưng cơ thể thuộc loại chuyển hóa chậm, lại có nhiều công phu tu tập nên không nảy sinh vấn đề, nay phải đổi sang một môi trường sống mới, hoạt động ít, lo nghĩ nhiều. Một số tăng ni phải đi làm tại các công tư sở kiếm tiền, giảm giờ công phu tu hành và ăn uống theo phong tục người Tây phương lấy bữa ăn tối làm chính. Mặc dầu là ăn chay nhưng lại là thực phẩm chay chứa quá nhiều chất bổ dưỡng và sự hoạt động thể lực lại quá ít, mà cơ thể vẫn giữ thói quen cũ tức loại chuyển hóa chậm, các chất bổ dưỡng dư thừa liên tục đưa vào cơ thể, không được chuyển hóa nhanh thành năng lượng nên biến thành mỡ, do đó dễ sinh ra bệnh tiểu đường và tim mạch.

Vậy ăn chay như thế nào mới là đúng phương pháp?

Ăn chay được xem là đúng phương pháp khi chúng cung cấp cho cơ thể chúng ta đủ các chất dưỡng sinh cần yếu và tạo ra một số năng lượng cần thiết vừa đủ cho cơ thể để hoạt động và tăng trưởng và cũng không qúa ít để bị suy nhược. Nói một cách khác là quân bình năng lượng calories giữa cung và cầu của cơ thể.

Dù ăn chay theo loại nào thì dưới góc độ dinh dưỡng cũng phải hội đủ ba nguyên tắc cơ bản:

(Thứ nhất) Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, nếu thiếu một thành phần nào đó lâu dài, dễ gây bệnh như thiếu các loại vitamin A, B2, C, D, E và chất xơ có thể dẫn đến ung thư ruột và dạ dày. Nên nhớ là không có bất kỳ một loại thực phẩm đơn độc nào bao hàm đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần đến, chẳng hạn như cam cho nhiều sinh tố C nhưng lại không có sinh tố B12.

(Thứ hai) Ăn các loại thực phẩm càng ít chế biến hoặc chưa chế biến càng có lợi về dinh dưỡng. Cứ qua một lần chế biến thì chất dinh dưỡng của thực phẩm bị giảm đi do quá trình chuyển hoá. Ví dụ như gạo được chế biến cho trắng vì qua quá trình đánh bóng gạo, đã làm mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng nằm ngoài vỏ hạt gạo. Các loại ngũ cốc khác cũng vậy và thực phẩm tươi tốt hơn thực phẩm đóng hộp.

(Thứ ba) Ăn chừng mực, tức là không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm hoặc ăn quá ít một loại và không ăn quá no hoặc để quá đói và tránh ăn nhanh, nuốt vội.

Kính thưa quý vị,

Trên đây là ba nguyên tắc cơ bản trong việc ăn chay để tạo sự cân đối và bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho cơ thể và cho một sức khỏe tốt.

Một số người vẫn lầm tưởng ăn chay sẽ thiếu dinh dưỡng, nhưng thực tế khoa học đã chứng minh không phải như vậy. Việc thiếu dinh dưỡng và gây ra một số bệnh là do chúng ta đã ăn không đúng cách và thiếu hợp lý về dinh dưỡng. Vì thế yếu tố cân bằng dinh dưỡng là điều cần thiết. Tổ chức ăn chay Hoa Kỳ đề nghị chúng ta nên ăn nhiều thực phẩm loại whole grains như gạo lức, bánh mì nâu, cereals, các loại ngũ cốc chưa biến chế, rau đậu, trái cây tươi và ăn ít những thức ăn có chứa nhiều chất béo, chất ngọt và chất muối. Một vị bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng đề nghị một tỷ lệ hợp lý về dinh dưỡng chay là 4/6 hay 3/7 để chúng ta dễ nhớ. Tỷ lệ này có nghĩa là 4 phần hay 3 phần whole grains và ngũ cốc loại ít biến chế hay chưa biến chế và 6 phần hay 7 phần rau, đậu, trái cây tươi.

Cũng có một số người ăn chay lo ngại rằng chế độ ăn chay dù bất cứ loại nào cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đối với sức khoẻ do không đầy đủ chất đạm. Điều này hoàn toàn không đúng vì các nhà dinh dưỡng cho biết hàm lượng chất đạm trong chế độ ăn chay nhiều hơn nhu cầu dinh dưỡng đòi hỏi. Tuy nhiên thức ăn có nguồn gốc thực vật tuy giầu chất đạm nhưng có loại lại không đầy đủ acid amino thiết yếu (ngoại trừ đậu nành). Thí dụ như lysine có trong gạo, bắp, lúa mì; threonine có trong gạo; tryptophan có trong bắp và methionine trong các loại đậu. Vì thế các nhà dinh dưỡng khuyến cáo người ăn chay nên sử dụng đa dạng các loại chất đạm thực vật cho cân đối về mặt dinh dưỡng. Thí dụ như xôi gạo lức nấu với đậu đen, đậu đỏ hay hạt sen, ăn với muối mè, bánh mì lát nâu phết bơ đậu phụng, súp đậu lentil, đậu lima, đậu đen hay đậu đỏ ăn với bánh mì nâu. Cơm gạo lức nấu với đậu trắng, đậu xanh, đậu ngự hay đậu đỏ. Hỗn hợp như thế vừa ngon lại vừa bổ.

Họ khuyên chúng ta sáu điều nên làm:

Thứ 1. Thay đổi thực phẩm thường xuyên:
Như trên chúng tôi đã trình bày, không một món ăn nào cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết chẳng hạn như cam cho nhiều sinh tố C nhưng lại không có sinh tố B12 và một số sinh tố khác.
Chúng ta có thể dựa vào tỷ lệ dinh dưỡng chay như vừa nói để có một ý niệm nào đó khi chọn mua thực phẩm. Tuy nhiên cách nấu ăn cũng lại là một vấn đề quan trọng khác làm người ta thích ăn hay không. Người Việt Nam chúng ta có cách nấu ăn hơi phức tạp và hơi mất thì giờ, nên nhiều khi không thích hợp cho thế hệ thứ hai sống tại hải ngoại. Vì thế chúng ta nên tìm cách đơn giản hoá việc nấu ăn mà ăn vẫn ngon và vẫn có đầy đủ năng lượng.

Thứ 2. Cần Quân bình giữa ăn uống và tập luyện thể dục
Một trong những điều cần thiết chúng ta phải làm là tạo thói quen ăn uống tốt như chúng tôi đã trình bày. Tuy nhiên việc ăn uống tốt là chuyện cần thiết, nhưng tập luyện thể dục để tiêu năng lượng dư thừa là chuyện quan trọng không kém vì nếu không, cơ thể chúng ta sẽ mập và mập dễ đưa đến một số bệnh như cao áp huyết, tai biến mạch máu não và tiểu đường. Chúng ta nên tập thể dục cho ra mồ hôi, cho tim đập nhanh hơn bình thường như chúng tôi đã trình bày. Tập khoảng 30 phút đến một giờ mỗi ngày và 5 lần mỗi tuần sẽ giúp cho cơ thể tránh được tứ độc hay là giảm đi sự nguy hại của tứ độc. Thể dục còn làm cho xương cốt được cứng cáp, tim mạch được khoẻ mạnh, bắp thịt dẻo dai; giúp cho tinh thần được sảng khoái, bớt lo âu hồi hộp, bớt bị trầm cảm; tăng sự tự tin và cảm thấy khoẻ mạnh yêu đời, giúp dễ ngủ.

Thứ 3. Bớt ăn muối:
Sodium là loại muối dùng hàng ngày để nêm vào thức ăn, nếu dùng nhiều có thể đưa đến bệnh cao áp huyết. Thức ăn Việt Nam có nồng độ muối cao là các món kho, các món phơi khô, các loại mắm, v.v.. Thực phẩm Hoa Kỳ có chứa nhiều muối là đồ hộp, các thực phẩm biến chế ăn chơi, các lọai junk foods, khoai tây chiên... Khi nấu thức ăn trong nhà nên tránh nêm nhiều muối để ăn cho “đậm đà”.

Thứ 4. Tránh thức ăn chứa chất béo bão hoà (saturated fat) và cholesterol.
Nên hạn chế bớt chất béo thế nào cho tỷ lệ chất béo trong thức ăn chiếm khoảng 15% năng lượng hàng ngày. Chất béo cung cấp năng lượng và cũng là chất trung gian khiến sinh tố A, D, E, và K được hấp thụ qua vách ruột. Những chất béo dư thừa, nhất là cholesterol ứ đọng ở thành vách mạch máu làm mạch máu nhỏ hẹp dần, đưa đến bệnh tai biến mạch máu não. Nên dùng dầu thực vật để nấu nướng, nhất là dầu olive hay Canola. Nên giảm ăn trứng. Một cái lòng đỏ trứng cho khoảng 200mg cholesterol.

Thứ 5. Bớt ăn chất ngọt:
Đường là tiếng gọi thông thường của glucose hay carbohydrate, là một trong ba thành phần dinh dưỡng của cơ thể. Người Việt Nam cũng như các dân tộc Á Châu khác ăn nhiều đường hơn dân Tây phương qua dạng tinh bột như cơm, bún, mì sợi hoặc bánh mì. Những thức ăn khác cho chất đường là sữa, trái cây, rau và hạt. Khoa học đã chứng minh rằng ăn nhiều đường không liên quan gì đến bệnh tiểu đường mà chỉ liên quan đến bệnh mập phì. Vì vậy chúng ta nên giảm bớt ăn ngọt, còn nếu thích ăn ngọt thì phải tăng cường vận động thể dục thể thao để tiêu hao năng lượng dư thừa. Tuy nhiên, đường, muối và cholesterol đều cần thiết cho cơ thể, không có đường thì không có năng lượng, không có muối thì không có hoạt động, không có cholesterol thì không có kích thích tố (hormone). Chúng ta nên nhớ chúng là những chất “bạn” chứ không phải “kẻ thù”, nhưng nếu chúng ta dùng nhiều quá thì bạn sẽ trở thành thù, chúng sẽ làm chúng ta bệnh!

Thứ 6. Giảm ăn Junk food:
“Junk food” là tiếng lóng để chỉ những đồ ăn có mức dinh dưỡng thấp nhưng lại có quá nhiều chất “không tốt” như đường, mỡ, và muối có hại cho cơ thể. Những món “junk food” thông thường phải kể là món khoai tây chiên (French fries), pizza, bánh kẹo, các loại chip, các loại snack food. Những món ăn này lâu lâu ăn cũng vui miệng, nhưng không nên dùng thường xuyên dễ bị mập và cao mỡ, cao máu. Các thức uống ngọt như Coca, Pepsi v..v.. được xem là Junk Food. Các món chè của dân mình có quá nhiều đường, có lẽ cũng nên xếp vào loại Junk Food.

Thưa quý thính giả,

Điều quan trọng như chúng tôi trình bày là làm thế nào ăn chay cho đúng phương pháp mà phần lớn là do sự điều hòa thức ăn và tập luyện thể dục sao cho cân bằng giữa cái cung và cầu cho cơ thể, nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên áp dụng một cách máy móc, vì ăn uống không chỉ là một nhu cầu sống còn, đối với quý vị tu sĩ cần phải có một thân thể khỏe mạnh, ít bệnh tật để tu hành. Đối với những người thường, ăn uống còn là một sự thưởng thức trong đời sống hàng ngày, cho nên làm thế nào để ăn uống một cách thoải mái, không quá gò bó mà vẫn cung cấp cho mình lượng dinh dưỡng vừa đủ, đó cả là một nghệ thuật và có tính chất cá nhân. Người ta bảo “có thực mới vực được đạo”, có ăn uống đàng hoàng, nhất là ăn chay phải đúng phương pháp mới khoẻ mạnh. Tuy nhiên, ăn nhiều chất bổ béo quá thì, thưa quý vị: “cái miệng nó hại cái thân”.

Ban Biên Tập TVHS

Thầy Chùa, Thầy Cúng Hay Đạo Sư

Tôi thường nghe danh từ “thầy chùa”, “thầy cúng” để chỉ các vị sư. Nay đọc sách thấy có từ “đạo sư”, thiền sư”. Vậy những chức vụ này có gì khác nhau? Nếu muốn nói đến các vị sư ở chùa thì nên dùng từ nào cho chính xác?

Kính thưa quý vị,

Trước nhất, chúng tôi xin minh xác là từ ngữ “thầy cúng” không có trong Phật giáo. Trong một kỳ phát thanh trước, chúng tôi đã có trích dẫn lời dạy của hòa thượng Tịnh Không về vấn đề cúng lễ cầu siêu, xin trích lại như sau:

...“... Trong Phật pháp, nói Phật sự là giúp đỡ dậy dỗ tất cả chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, những sự việc này đều gọi là Phật sự. Vậy còn hiện nay thì sao?

Hiện nay thì thời gian tiếp xúc với kinh điển cơ hồ ít hơn, nhìn thấy trong cửa Phật phần nhiều đều là lấy kinh sám “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm. Những việc siêu độ vong linh này ở trong Phật giáo xuất hiện rất trễ ..., rất trễ. Thời xưa ở Ấn Độ chẳng có. Khi Phật giáo được truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có. ...”...

Thưa quý vị,

Vốn chẳng có những việc như thế, nhưng vì là đạo từ bi, nhà Phật có câu “tùy duyên phương tiện độ chúng sinh”, cho nên khi đạo Phật truyền tới nơi nào thì bèn dùng những phương tiện sẵn có để truyền bá giáo pháp, ngõ hầu không gây mâu thuẫn với dân chúng tại địa phương. Do đó, dù đạo Phật không chủ trương cúng bái, cầu xin, nhưng khi tới những quốc gia theo đa thần giáo thì cũng tùy thuận chúng sinh mà lễ bái cho dân chúng, rồi sẽ nhân đó mà giảng giáo lý nhà Phật, rất minh bạch rõ ràng, là nếu muốn thăng hoa cuộc đời trong thế giới hiện tượng tương đối, thì sống theo quy luật nhân quả, “không làm việc xấu ác, siêng làm việc tốt lành”. Nếu muốn giác ngộ bản thể Chân Tâm, giải thoát hoàn toàn như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì tu tập các pháp môn để “thanh tịnh tâm ý ”, như Thiền Nguyên Thủy, Thiền Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông vân vân. Người dạy các pháp môn tu đó gọi là Thiền Sư, hoặc Đạo Sư, là thầy dạy đường lối tu, nói tắt là Sư, nghĩa là Thầy.

Về từ ngữ “thầy cúng”, Tự Điển Việt Nam của soạn giả Lê Ngọc Trụ giải thích là “tiếng gọi một cách mỉa mai những thầy chùa chuyên làm đám ăn tiền chứ không thiết gì đến kinh kệ, giáo lý nhà Phật”. Còn từ ngữ “thầy chùa” thì đó là tiếng bình dân. Những từ ngữ này đã không chính xác lại thiếu tính cách tôn trọng bậc tu hành, chúng ta không nên dùng để chỉ quý vị đạo sư.

Nhân đây, chúng tôi xin lược trích phần nói về Đạo Sư, trong cuốn Taming The Mind, tác giả là Ni Sư Thubten Chodron, dịch giả là thầy Thích Minh Thành. Ni Sư Thubten Chodron là một nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, gốc người Hoa Kỳ, đã từng tu tập tại Ấn Độ và Nepal từ năm 1975. Bà đi khắp thế giới để dạy Phật pháp qua những lớp thiền quán, bằng những lời giảng dạy giáo lý và cách thực hành rõ ràng trong sáng. Cuộc đời tu hành và thuyết giảng của bà được đức Dalai Lama rất khen ngợi, rằng vì sống tại cả Tây phương và Đông phương, nơi bà tu học và giảng dạy Phật pháp, bà đã được nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau nhiệt liệt hoan nghênh vì đã hóa giải được những sự hiểu lầm đôi khi xảy ra giữa họ. Điển hình như cuốn Taming the Mind này, mà trong đó bà chỉ cách tu tập để đạt được an lạc nội tâm do ứng dụng lời dạy của đức Phật từ bi. Ngoài cuốn Taming the Mind, bà còn viết nhiều sách như Buddhism for Beginners, Working with Anger, Open Heart, Clear Mind, vân vân.

Ý kiến của Ni Sư Thubten Chodron về nội dung từ ngữ Đạo Sư như sau:

...”... Một vị đạo sư đang sống có thể làm được những điều mà một quyển sách không thể làm, như:

- trả lời các câu hỏi của chúng ta;

- nêu gương tinh tấn trong việc hành trì theo giáo pháp bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày;

- khích lệ và tạo hưng phấn cho chúng ta trên con đường đạo;

- và điều chỉnh những lệch lạc trong hành vi và trong quan niệm của chúng ta.

Sách vở có thể làm phong phú thêm và mở rộng ra những điều gì mà chúng ta đã học từ nơi vị đạo sư nhưng những mối quan hệ tâm linh giữa chúng ta với những bậc hiền trí trên con đường đạo thì sách vở không thể thay thế được.

Khi chúng ta mới tìm hiểu Phật giáo, có lẽ chúng ta không có một vị đạo sư tâm linh riêng biệt nào. Như vậy là tốt. Chúng ta có thể học hỏi từ những vị đạo sư khác nhau và theo đó mà thực hành. Những người thích theo Phật giáo một cách tổng quát thì có lẽ không cần phải chọn lựa một vị đạo sư. Tuy nhiên sau một thời gian tinh cần tu tập thì người ta sẽ cảm thấy cần xây dựng nên mối quan hệ thầy trò với một vị đạo sư tâm linh. Nhờ vậy, người ta có thể nhận được những lời dạy bảo tâm huyết hơn.

Ngày nay có tình trạng nhiều vị xưng là đạo sư quá, mỗi vị đều có thể dạy lý thuyết này, hay lý thuyết khác, và đều có bề ngoài phô diễn tốt với mục đích được nhiều người theo. Nhưng nếu chúng ta là những người thành tâm cầu đạo, chúng ta sẽ cảm thấy không có lý thú gì trong sự phô diễn mang tính hình thức ấy. Điều mà chúng ta tìm cầu là thực chất chớ không phải phô diễn.

Có thể chúng ta phải tốn thời gian trong việc tìm kiếm và xác định vị đạo sư của mình. Khởi sự, chúng ta có thể tham gia những buổi thuyết giảng và học hỏi nơi những vị giảng sư, nhưng khoan xem vị nào là đạo sư tâm linh của mình. Việc này giúp cho chúng ta có thể xem xét những phẩm chất của những vị ấy và cũng xem xét khả năng của chúng ta trong việc thiết lập mối quan hệ.

Không có lợi thế gì khi chúng ta chọn một vị đạo sư tâm linh chỉ vì vị này có nhiều chức tước, ngồi trên những ghế cao, mặc những bộ y trang trọng và đội những cái mũ uy nghiêm gây ấn tượng, vì những thứ đó đều có thể mua được. Chúng ta không nên dựa vào những hình thức bên ngoài mà nên tìm kiếm những phẩm tính tốt đẹp. Chúng ta cũng không nên chọn một người nào đó làm thầy, chỉ vì người ấy đã là thầy của bạn chúng ta. Chúng ta phải tự mình chọn lấy, dựa theo những phẩm chất và những tiếp xúc trực tiếp của chúng ta.

Trong Đại Thừa Lăng-già kinh, ngài Di lặc đã phác thảo ra 10 phẩm tính của một vị đạo sư tâm linh tuyệt vời. Đó là:

1. Có đạo hạnh thanh khiết. Vị đạo sư là gương sáng để chúng ta nương theo tu tập. Vì chúng ta cần phải chuyển hóa những hành vi, lời nói và tâm ý sai quấy, nên chúng ta phải khôn ngoan chọn vị thầy nào đã có tự thân chuyển hóa rồi. Vị thầy này sẽ dạy cho chúng ta cách để cải thiện bản thân và sẽ làm gương tốt cho chúng ta theo.

2. Có kinh nghiệm trong việc thiền định.

3. Có hiểu biết thâm sâu về giáo nghĩa liên quan đến trí tuệ. Ba phẩm chất đầu tiên này cho thấy rằng đây là một vị đã khéo tu tập Ba Pháp Môn dẫn đến giải thoát là Giới, Định và Trí Tuệ.

4. Có kiến thức uyên bác và nhiều kinh nghiệm tu tập hơn chúng ta.

5. Có lòng nhiệt tâm bền bỉ trong việc dạy bảo và hướng dẫn đệ tử. Nếu chúng ta chọn một vị thầy không ưa việc dạy bảo hay lười nhác trong việc hướng dẫn thì chúng ta sẽ không học được bao nhiêu.

6. Là vị đạo sư đầy đủ tư cách, có kiến thức uyên thâm về Thánh điển và chỉ dạy chúng ta những điều phù hợp với nội dung tư tưởng trong Thánh điển. Những vị nào tự sáng tác ra giáo nghĩa riêng, đi lệch hay đi quá xa những lời Phật dạy thì không thể nào chỉ cho chúng ta con đường để chứng ngộ được.

7. Có nền tảng tư tưởng chín chắn hay có thiền chứng về tánh không.

8. Có kỹ năng diễn đạt giáo pháp một cách rõ ràng và dễ hiểu.

9. Có động cơ là lòng từ ái và lòng bi mẫn vô lượng. Đây là điểm vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể đặt niềm tin vào một người lấy việc dạy đạo để được kính trọng và lợi dưỡng. Thật là nguy hiểm khi chúng ta bị người như vậy làm cho lầm đường lạc lối; chúng ta sẽ hoang phí thời gian và rất dễ bị vương vào những hoạt động không trong sáng. Vì vậy, thật là quan trọng trong việc chọn người thầy có chí nguyện chân thật và thanh tịnh, một người thầy muốn làm lợi ích cho học trò và dẫn dắt học trò trên con đường giải thoát giác ngộ.

10. Có tính kiên nhẫn và sẵn lòng chỉ dẫn cho những người cần cầu học đạo dù họ thuộc bất cứ trình độ nào. Vì chưa phải là người hoàn hảo và còn những tâm thái nhiễu loạn như tham chấp và sân giận nên chúng ta vẫn còn phạm phải sai lầm. Chúng ta cần những vị thầy không bao giờ có ý từ bỏ học trò, những vị đạo sư có tính nhẫn nại và khoan dung cho học trò. Hơn thế nữa, chúng ta cần những vị đạo sư không thối chí khi học trò không hiểu được điều thầy muốn dạy.
Không dễ dàng gì có thể tìm được những vị thầy có tất cả những đức tính trên.

Trong trường hợp này thì những đức tính quan trọng nhất mà người thầy cần nên có là:

1. Có nhiều phẩm tính tốt đẹp hơn là khuyết điểm.

2. Xem trọng việc tu tập đạo hạnh để đạt được hạnh phúc trong tương lai hơn là thụ hưởng những cuộc vui trong hiện tại.

3. Có tấm lòng quan tâm đến người khác hơn là bản thân của mình.

Để biết được những phẩm chất tốt đẹp của thầy, chúng ta cần xem xét hành xử của thầy, nhận thức về Phật pháp của thầy và cách thầy chỉ dạy học trò. Không phải là sáng suốt khi hỏi một vị thầy dạy giáo lý: "Thầy đã chứng ngộ chưa?" Vì ngay cả khi đã chứng ngộ thầy cũng sẽ không cho chúng ta biết. Đức Phật cấm đệ tử tuyên bố cho công chúng biết những gì mà mình đã chứng ngộ được. Đức Phật muốn đệ tử của Ngài khiêm tốn và chân thành. Người phàm tục ngược lại muốn phô trương những thành tích của bản thân. Con người tâm linh không nên giống như vậy: mục đích của con người tâm linh là chế ngự tự ngã chớ không phải là khuếch đại nó.

Chúng ta có thể có rất nhiều thầy, nhưng chỉ có một vị là đạo sư tâm linh quan trọng nhất. Đó chính là vị mà chúng ta kính tin nhất và có thể giãi bày tất cả những gút mắc nghiêm trọng trong tâm hồn. Đó chính là bổn sư của chúng ta. Bổn sư có thể là vị đầu tiên khai tâm cho chúng ta trên con đường đạo, đã đưa chúng ta vào con đường thăng tiến tâm linh. Bổn sư cũng có khi là vị mà chúng ta cảm thấy thân thiết nhất.

Sau khi chọn được thầy rồi chúng ta nên tận tâm nghe theo những lời thuyết giảng của vị thầy đó về Chánh pháp để tu tiến trên con đường đạo.

Chúng ta nên quan tâm đến những nhu cầu trong đời sống của thầy để phục vụ và cung cấp cho thầy. Khi chúng ta nhận ra tấm lòng của thầy trong việc định hướng cho tâm thức chúng ta trên con đường đi đến hạnh phúc thì chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng khi được giúp thầy. Vì thầy của chúng ta hành đạo để đem lại lợi lạc cho mọi người và để hoằng dương Phật pháp nên những đóng góp của chúng ta cho thầy sẽ rất là hữu ích.

Thật ra, sự cúng dường thù thắng nhất của chúng ta cho thầy là công phu tu tập theo Chánh pháp. Nếu chúng ta có tài của và vật chất, năng lực và thời gian thì chúng ta cũng có thể cúng dường. Tuy nhiên chúng ta không nên xao lãng việc tu tập vì việc tu tập mới chính là mối quan tâm hàng đầu của vị thầy tâm linh đúng nghĩa. Khi chúng ta nghe theo những lời thầy dạy và gìn giữ những giới điều mà chúng ta đã thọ lãnh thì đó chính là điều mà thầy của chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất so với tất cả những thứ khác.

Chúng ta xây dựng nên mối quan hệ với thầy ngõ hầu thăng tiến trí tuệ và trách nhiệm tự thân. Không phải là sáng suốt khi nghe theo lời thầy một cách mù quáng chỉ vì "người đó là thầy của tôi vì vậy tất cả những gì người đó dạy là đều đúng cả".

Chúng ta cũng không nên muốn được thầy ưu ái bằng những lời nói ngọt ngào nhưng không thành thật. Vị thầy tâm linh muốn cho mọi người đều được hoan hỷ, và vì vậy nếu chúng ta lấn át hay cư xử tệ bạc với người khác thì chúng ta đã làm ngược lại những lời thầy dạy. Nếu chúng ta xem trọng thầy của mình và khinh thị những người khác có nghĩa là chúng ta đã không hiểu chân nghĩa của đạo Pháp. Để đạt được ý nguyện thăng tiến trên con đường đạo chúng ta phải hành xử với thầy và với mọi người với tâm thành kính.

Mục đích của việc tìm cầu một vị thầy không phải là để làm thỏa mãn tự ngã của chúng ta mà là để diệt trừ vô minh và vị kỷ qua việc tu tập theo Chánh pháp. Khi thầy chỉ ra được những lỗi lầm mà chúng ta đã mắc phải thì chúng ta nên vui mừng. Bởi vì có quan tâm đến chúng ta đúng mức thầy mới có thể làm được như vậy. Thầy đã tin rằng chúng ta sẽ đón nhận lời khuyên bảo chớ không cảm thấy bị xúc phạm.

Theo dòng thời gian mối quan hệ giữa chúng ta và thầy sẽ dần dần phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ này có thể trở nên rất là quý báu vì thầy cho ta những lời dạy bảo và chỉ dẫn chân tình đầy từ bi và trí tuệ. Nhờ đó chúng ta sẽ thăng hoa được những phẩm tính tốt đẹp và có thể tẩy sạch những cấu uế của bản thân. Mối thân tình giữa chúng ta với vị đạo sư tâm linh, tức là vị thầy thật sự quan tâm đến phước lạc và thăng tiến tâm linh của chúng ta khác xa với những mối quan hệ giữa chúng ta với mọi người. Thầy của chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng ta, dù chúng ta có thăng trầm vinh nhục gì gì đi nữa. Điều này không có ý cho phép chúng ta hành động cẩu thả bất kể hậu quả. Điều muốn nói ở đây là chúng ta không cần phải có tâm trạng lo âu rằng thầy sẽ cắt đứt mối quan hệ với chúng ta nếu chúng ta phạm phải những sai lầm. Vị thầy tâm linh thật sự sẽ có tánh khoan dung và lòng từ ái và vì vậy chúng ta có thể tin tưởng hoàn toàn.

Khi chúng ta càng hiểu biết sâu xa về con đường đưa đến giác ngộ thì mối quan hệ thầy trò cũng càng thâm trọng vì tâm hồn của chúng ta đã có nhiều điểm tương đồng với tâm hồn của thầy. Ý chí tìm cầu giải thoát của chúng ta càng trở nên khẳng quyết và tâm xả thân bố thí cũng trở nên dũng mãnh hơn thì chúng ta cảm thấy càng gần gũi với thầy vì cả hai cùng chí hướng, cùng mục đích. Hơn nữa, chúng ta tu luyện được trí tuệ về không tánh thì chúng ta đoạn trừ được cảm giác cách biệt ta người nói chung; cảm giác cách biệt ta người có ra là do chúng ta mê lầm về tính hữu thể của hiện tồn. Khi chúng ta đạt được đạo quả giác ngộ thì sự chứng đạt của chúng ta không khác với sự chứng đạt của thầy....”...

Trên đây là định nghĩa của Ni Sư Thubten Chodron về phẩm cách của một vị Đạo Sư .

Ban Biên Tập TVHS

Tâm Chân Như, Tâm Sinh Diệt

Trong các bài phát thanh Phật giáo, chúng tôi thường được nghe quý vị đề cập đến những từ ngữ như “Tâm”, “trôi lăn từ vô lượng kiếp”, “chiều dài của dòng sinh tử” và “tu hành để chấm dứt vòng luân hồi”, vân vân ......
Thắc mắc của tôi là nếu quả thật tôi đã từ cái “Tâm” mà luân hồi nhiều kiếp, thì tại sao cái “Tâm” của tôi lại không nhớ được những chuyện xảy ra trong các kiếp quá khứ của tôi.

Thưa quý thính giả,

Chữ Tâm trong nhà Phật gồm hai phần là “Tâm Chân Như” và “Tâm Sinh Diệt”.

- “Tâm Chân Như” còn được gọi là “Chân Tâm”. Chân Tâm cũng tức là Bản ThểTuyệt Đối, Phật Tánh, Giác Tánh, Giác Tri Kiến, Tri Kiến Phật, Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna Paramita), Tánh Không, Niết Bàn, Buddha Nature, Buddha Mind, True Mind, The Truth, ... vân vân ...

Tâm Sinh Diệt” còn được gọi là “Vọng Tâm” thì nền tảng của nó là Tàng Thức, nghĩa là cái kho, còn gọi là Thức Thứ Tám trong Tâm Lý Học, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Duy Thức Học.

Nhà Phật quan niệm rằng tất cả các hiện tượng trên thế gian đều do Tâm Thức biến hiện mà thành, cho nên gọi là Duy Thức. Muốn thấu triệtquan điểm này thì phải nghiên cứu sâu vào Duy Thức Học. Ở đây, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu khái quát. Cũng như chúng tôi chỉ có thể giới thiệu với những người chưa bao giờ biết bánh chưng là gì, rằng: “Dùng lá dong, gạo nếp, đậu xanh gói lại luộc kỹ, sẽ thành bánh chưng”. Có khái niệm tổng quát rồi, ai muốn nấu sẽ phải nghiên cứu vào chi tiết, mới có thể thực hiện được.

Theo kinh Viên Giác của nhà Phật, thì “Tất cả chúng sinh vốn là Phật” cũng như vàng vốn sẵn là vàng, nhưng là vàng quặng, lẫn tạp chất, nên phải gạn lọc, xả bỏ tạp chất cho sạch để trở vềbản chất vàng, chứ không phải dùng chất khác mà làm thành vàng được. Tu hành cũng vậy, chỉ là xả bỏ chất độc hại Tham Sân Si, chấm dứtvọng tâmđiên đảo, thanh tịnhhóa Tâm, là trở vềBản ThểPhật Tánh, mà Sơ TổBồ Đề Đạt Ma dùng chữ của thế gian cho dễ hiểu, gọi là “Kiến Tánh thành Phật”.

Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng dòng sinh mệnh khởi đi do một niệm vô minhbất giác, bỗng nổi lên từ Biển Tâmmênh mông, cũng như người đang thức, chớp mắt đã lạc vào giấc ngủ. Trong mơ, thấy đủ thứ hiện ra, bị đánh cũng thấy đau, khóc cũng có nước mắt, sợ hãi cũng chạy trốn, vân vân ... Nhưng thời gian của giấc ngủ bình thường chỉ lâu có một đêm, sáng dậy bèn biết ngay rằng chuyện xảy ra trong đêm là ngủ mơ, không thật.

Dòng sinh tử của con người kéo dài triền miên, từ cái niệm vô minhbất giác đó khởi đi, hết đời này tới kiếp khác, tạo nghiệp thiện, hoặc ác, tất cả đều chứa trong Tàng Thức (là cái kho), làm nhân cho những kiếp sau, tiếp tục trôi lăn trong mê vọng của sinh tử luân hồi, mãi đến khi nào thức tỉnh, trở lại được trạng tháiTâm Thanh Tịnh, thì mới hội nhập lại với Bản ThểChân Tâm được, đó là Kiến Tánh thành Phật.

Phật có nghĩa là người giác ngộ, không phải thần linh. Vì vô minh khởi đi từ vô thủy, hiện hànhThức Tâmsinh diệt, vốn không có thật, nên nhà Phật không quan niệm rằng có một linh hồntrường tồnbất biến, kéo dài từ kiếp này qua kiếp khác đến vô tận, mà chỉ coi dòng đời hiện ra do sự chi phối của nghiệp nhân thiện, hoặc ác, trong Tàng Thức, khi Tâm trở lạitrạng tháithanh tịnh, không còn nghiệp nhân làm chủng tử gây nên đời sau, thì dòng đời sẽ chấm dứt, hội nhập Bản ThểChân Tâm.

Do quan niệm rằng cõi đời này là thế giớitương đối, là hư vọng, không phải là tuyệt đốichân thật, cho nên nếu có người khi tái sinh không nhớ được kiếp sống cũ, trong khi có người khác lại nhớ được, thì cũng là chuyện nằm trong quy luậttương đối. Nhà Phật không thuyết phụcmọi người bằng những lối giải thíchmê tín, áp đặt người nghe phải tin. Vì thế, trước những hiện tượng xảy ra có bằng chứng rõ ràng, người Phật tửghi nhận một cách công bình, phóng khoáng.

Với tinh thầnnghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một vài trường hợphiển nhiên, điển hình là trường hợp ông Edgar Cayce, một người đã có khả năng thần giao cách cảm, trong khi nhắm mắt ở trạng thái bị thôi miên, ông có thể thấy và chẩn bệnh, điều trị cho những bệnh nhân ở bất cứ nơi đâu, dù cách xa hàng trăm dặm và dù ông không phải là y sĩ.

Edgar Cayce sinh ngày 18 tháng 3 năm 1877 tại tỉnh Hopkinsville, tiểu bang Kenturky, tạ thế ngày 3 tháng Giêng năm 1945, tai tỉnh Virginia Beach, tiểu bang Virginia.

Từ năm 1901, vừa tròn 24 tuổi, cho đến khi qua đời, ông ta đã giải quyết được 14 ngàn trường hợp bệnh tật, trong số đó có chín ngàn hồ sơ ghi bằng lối tốc ký, hiện được tàng trữ tại tỉnh Virginia Beach.

Trong khi nhắm mắt ở trạng thái bị thôi miên, sau khi nghe lờigiới thiệu về tên họ và địa chỉ bệnh nhân, ông bắt đầu cất tiếng nói, phần lớn là với giọng bình thường của ông, về bệnh lý của bệnh nhân, ngay cả những người ở cách xa hàng trăm dặm, như là tâm ý thức của ông đang ở bên cạnh họ, đang nhìn thấy họ vậy.

Trong khi ông nói thì tốc ký viên ghi lại. Nếu người tốc ký ghi sai thì dù đang nằm nhắm mắt, ông cũng “nhìn” thấy, và yêu cầu người tốc ký sửa lại. Điều này cũng phù hợp với lời Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm rằng “Tâm không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở quãng giữa, (mà ở khắp nơi)”.

Vào năm 1932, một tổ chức được thành lập, mang tên là Association For Research and Enlightement, tại tỉnh Virginia Beach, để lưu trữ các tài liệu quý giá này của ông. Nếu muốn nghiên cứu thêm, xin mời quý thính giả tìm đọc những tài liệu này ở địa chỉ hội tại số nhà 215 đường 67th Street, thành phố Virginia Beach, Zip code 23451, hoặc vào website :

Câu chuyện về Edgar Cayce là một trong những đề tài khó hiểu đối với giới khoa học kỹ thuật. Nhưng sự thực hiển nhiên được phơi bày rõ ràng như thế, đã tạo cảm hứng cho những nhà khoa học có tâm hồn khai phóng, bắt đầu nhìn thêm nhiều khía cạnh khác, về những hiện tượngtrong đời sống tương đối này. Cũng vì vậy, đối với vấn đềTâm Linh, càng ngày giới khoa học gia càng để tâmnghiên cứu. Theo bác sĩ Peter Fenwick về tâm lý học thì vào năm 1995, chỉ có ba lớp Tâm Linh Học trong các trường Đại Học Y Khoa Hoa Kỳ, qua năm 1998, tăng lên thành 40 lớp, và tăng nhanh lên tới 100 lớp vào năm 2001.

Để chứng tỏ sự quan tâm của các tầng lớp vốn ảnh hưởng nặng về khoa học kỹ thuật, nay đem công sức nghiên cứu về các hiện tượngtâm linh, chúng tôi xin kính gửi quý thính giả bài viết “Câu chuyện tái sinh của Jenny”, do cư sĩ Tâm Diệu thuật lại theo tài liệu của chương trình 20/20, đài ABC, phát hình vào lúc 10 giờ đêm Thứ Sáu ngày 10 tháng 6 năm 1994, như sau:

Vào mùa xuân năm 1993, một bà mẹ người Anh 40 tuổi, tên là Jenny, đang sinh sống với chồng và hai con ở thành phố Northamptonshire Anh quốc, đã đoàn tụ với năm người con của bà trong đời sống trước, tại Malahide, một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Aí Nhĩ Lan.

Mùa xuân năm nay 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình của chương trình 20/20 ABC, Hoa Kỳ, đã đến tận nơi đây làm phóng sự về câu chuyệntái sinh của bà mẹ này, cùng hội họp với những người con trong kiếp sống trước của bà. Đây là câu chuyệntái sinh có thực, đã xảy ra vào cuối thế kỷ thứ hai mươi này, một câu chuyệncảm động về một người mẹ đi tìm con vượt biên cương, trở về kiếp quá khứ.

Ngay từ nhỏ, cô Jenny luôn luôn nhớ ra rằng mình đã có một đời sống ở kiếp trước, nơi một ngôi làng nhỏ bên bờ biển xứ Ái Nhĩ Lan, với tên là Mary. Mary, một người đàn bà trẻ, tầm vóc trung bình, đã từ trần 21 năm trước khi Jenny được sinh ra ở Anh Cát Lợi.

Một trong những giấc mơ luôn luôn hiện lên trong trí nhớ của Jenny là giây phút lìa đời của Mary, trong nỗi đơn độcđau khổ của mình, và lo âu về tương lai đầy bơ vơ của các con, mà đứa lớn nhất mới có 13 tuổi. Nỗi lo âu và đau khổ này đã ám ảnh, hiển hiệnthường trực trong tâm trí nàng từ lúc còn nhỏ.

Ngay từ khi mới bắt đầu cầm được cây bút, Jenny đã vẽ bản đồ làng, với những con đường dẫn đến một căn nhà mái tranh nơi Mary ở, đến nhà thờ, ga xe lửa, các cửa hàng bách hóa... và sau này so sánh với bản đồ Ái Nhĩ Lan của nhà trường, Jenny đã khám phá ra rằng, bản đồ mà nàng đã vẽ từ trí nhớ, và trong những giấc mơ tiền kiếp, đã thật giống với bản đồ một làng nhỏ nằm ở phía bắc thành phố Dublin Ái Nhĩ Lan, có tên gọi là Malahide.

Theo năm tháng, Jenny lớn dần cùng với hình ảnh căn nhà mái tranh, với từng căn phòng, góc bếp, với hình ảnh nhà thờ quán chợ, nơi thị trấn hiền hòa Malahide càng lúc càng rõ rệt. Trong tâm tưởng, nàng vẫn cảm thấy có lỗi với các con, khi bỏ chúng lại bơ vơ nơi cõi trần, nên nàng quyết định đi tìm con.

Jenny sắp đặtkế hoạch, nhưng lại không đủ khả năng tài chánh cho chuyến đi qua xứ Ái Nhĩ Lan, nên đành hoãn lại và tình nguyện làm một người thôi miên, cho một thôi miên gia chuyên môn tìm hiểuquá khứ. Qua thôi miên Jenny đã mô tảchi tiết căn nhà, từng bức hình treo trên tường, kể cả một tấm hình của Mary. Jenny cũng mô tả và vẽ ra hình nhà thờ.

Cuối cùng Jenny đã để dành đủ tiền, để thực hiện một chuyến du hành qua Ái Nhĩ Lan, đi tìm những dấu tích của căn nhà mái tranh, của những đường xưa lối cũ. Đến Malahide, nàng đã đứng lặng trước một căn nhà, mà bên kia là ngã ba đường, dẫn về thành phố. Nàng thấy hình ảnh này sao mà quen thuộc quá, giống như trong trí tưởng, giống như bản đồ nàng đã vẽ.

Sau chuyến đi, Jenny trở về Anh quốc và bắt đầu thực hiệnkế hoạch tìm con. Nàng viết thư cho tất cả các báo ở Ái Nhĩ Lan, các tổ chức sử học, các văn phòng hộ tịch, các chủ phố, và dân làng Malahide để yêu cầu giúp đỡ về tin tức của một người đàn bà tên Mary, chết vào năm 1930, cùng với tin tức về những người con của bà này.

Một thời gian lâu sau đó, Jenny nhận được thư của một chủ đất ở Malahide cho biết ở đó trước đây có một gia đình mà người mẹ tên là Mary đã chết sau khi sinh đẻ một thời gian ngắn, để lại sáu đứa con còn sống. Last name của người đàn bà bất hạnh đó là Sutton, và sau khi bà Sutton qua đời, những đứa con đã được gửi vào các cô nhi viện.

Đúng như trong trí tưởng, và trong các giấc mơ về nỗi lo âu của Mary khi lìa đời, các con của bà đã thực sự bơ vơ đi vào các trại mồ côi. Jenny đau khổ gửi thư cho tất cả các viện mồ côi ở Ái Nhĩ Lan, để dò hỏitin tức và cuối cùng một vị giáo sĩ của một nhà thờ thành phố Dublin đã hồi âm. Sau khi thư từ qua lại với các cơ sở họ đạo và bộ giáodục Ái Nhĩ Lan, vị giáo sĩ này cho biết tên của tất cả sáu người con bà Mary, và nói rằng sáu đứa trẻ này đã trở thành Ki Tô hữu tại nhà thờ Thiên Chúa Giáo Saint Sylvester tại Malahide. Lá thư của vị giáo sĩ không dài lắm, nhưng đã mang lại niềm tin và hy vọng lớn lao cho Jenny.

Sau đó, qua niên giám điện thoại, Jenny đã gửi thư đến tất cả những ai mang họ Sutton tại Aí Nhĩ Lan. Nàng cũng nhận được một bản sao giấy khai tử của Mary, và hai bản sao giấy khai sinh của hai người con, nhưng vẫn không tìm ratung tích. Một lần nữa Jenny lại gửi thư cho tất cả các báo ở Dublin, và thư cho giáo sư Tiến sĩ Stevenson, một chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng của đời sốngquá khứ để nhờ giúp đỡ. Stevenson giới thiệu Jenny với Gitti Coast, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quantruyền thông Anh quốc BBC.

Một thời gian khá lâu sau đó, Jenny nhận được điện thoại từ người con thứ hai ở Ái Nhĩ Lan. Cuộc nói chuyệnhết sức khó khăn, với nhiều tình cảm lẫn lộn, nhưng nói chung có những dấu hiệu tốt đẹp. Jenny hứa sẽ gửi toàn bộ hồ sơ lưu trữ từ nhiều năm qua. Tư tưởng của nàng lúc này cũng lộn xộn. Mặc dầu biết là các con của Mary bây giờ đều đã ở vào lứa tuổi 50 và 60, nhưng Jenny vẫn cócảm giác mạnh mẽ về tình mẫu tử, vẫn cócảm giác mình là mẹ của họ.

Giai đoạn cuối của công cuộc tìm kiếm đã tới. Nàng thông báo đầy đủ diễn tiến mới cho Gitti Coast của đài BBC. Câu chuyện kỳ lạ của nàng đã khiến cho đài BBC muốn dự án tìm con của Jenny, trở thành một tài liệu sống của ban nghiên cứu, nên đã thương lượng với Jenny. Phần Jenny, nàng chỉ yêu cầu có một điều duy nhất, là đặt sự phúc lợi và niềm an bìnhhạnh phúc của gia đình lên trên hết.

Chờ mãi không thấy thư của người con thứ hai, mà Jenny đã nói chuyện qua điện thoại, nàng quyết địnhliên lạc với Sonny, hiện đang ở thành phố Leeds Anh quốc.

Sonny là người con đầu của Mary Sutton, khi Mary qua đời cậu mới 11 tuổi, và vào ngày Thứ Ba 15 tháng 5 năm 1990 sắp tới, Sonny đã 71 tuổi. Qua cuộc điện đàm, Jenny mô tả cho Sonny biết về quá khứ của cậu, về hình ảnh căn nhà mái tranh, về tính nết của cậu, về những lời nói hay câu mắng của Mary với cậu hồi đó. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và khó có thể ngờ được người đầu dây bên kia lại chính là mẹ mình. Sonny ngỏ ý muốn được gặp Jenny ngay.

Như đã thỏa hiệp với đài BBC, Jenny thông báo những biến chuyển mới cho họ biết. Đài BBC muốn phỏng vấn Sonny trước, và trong thời gian này hai người không được liên lạcvới nhau. Họ muốn nghiên cứu tường tận về Sonny, rồi phân tích và so sánh với những dữ kiện mà họ đã có về Jenny. Cũng trong thời gian này, họ đã phỏng vấn thêm Jenny về những điểm chưa sáng tỏ.

Cuộc điều tra của đài BBC kéo dài 4 tháng, và cuối cùng Jenny đã đích thân lái xe đưa cả gia đình của nàng đến thành phố Leeds hội ngộ cùng Sonny. Cuộc đoàn tụ đã diễn ra thật cảm động; Giấc mơ đi tìm con của Jenny đã trở thành sự thực, hai mẹ con, mẹ trẻ con già, đã ôm nhau với những dòng nước mắt tuôn trào.

Sonny cũng như Jenny đều đã nhận được bảng phân tích và so sánhdữ kiện của đài BBC trước đó. Các chuyên gia đài BBC đều không thể ngờ được rằng những sự kiệnhiện ra trong tâm trí lại có thể đúng một cách chính xác với thực tế như vậy, và chuyện có một đời sống sau khi chết đang hiển hiệnrõ ràng.

Năm 1993, với sự giúp đỡ của Sonny, Jenny đã hội ngộ với tất cả 5 người con còn sống. Hơn 60 năm từ khi mẹ họ qua đời, anh em mới được đoàn tụvới nhau, và đặc biệt hơn cả là đoàn tụ với người mẹ đã tái sinh, trẻ trung trong kiếp sống này, để đi tìm họ.

Năm 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình chương trình 20/20 đài ABC Hoa Kỳ, đã một lần nữa mang Jenny và 5 người con trở về thị trấn Malahide đoàn tụvới nhau, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 75 của Sonny.

Trong dịp này, Jenny đã được người con cả, nay đã 75 tuổi, dẫn đến thăm mộ phần của nàng kiếp trước. Đứng trước phần mộ và ống kính thu hình, nàng đã nói rằng: "Không có ai trong mộ này. Cái còn lại trong đó chỉ là những mảnh xương khô, thực sự không là gì cả, phần năng lựctinh thần hiện nay đang ở trong tôi."

Thưa quý thính giả,

Trên đây là câu chuyện bà mẹ đi tìm những người con trong kiếp trước. Cũng như bà mẹ này, trong dòng sinh tử, chúng ta cũng đã liên hệ với biết bao nhiêu người. Ngày nay, nhờ có những máy điện toán tối tân, các nhà toán học và nhân chủng học đã cho chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta có tới hàng tỷ ông bà cha mẹ từ quá khứ đến hiện tại, và tất cả nhân loại đều là anh em họ hàng của nhau. Nếu sự nhận ra được mối liên hệ ấy, mà khiến cho mọi ngườicảm thấy dễ gần gũi, thông cảm và tha thứ cho nhau trong giao thiệphằng ngày, thì cuộc đời tươi đẹp biết bao!

Ban Biên Tập/TVHS

Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn

Em là một sinh viên ở tỉnh xa. Có một lần nghe một người bạn thân theo đạo Phật nói rằng khi Đức Phật sinh ra bước bảy bước thành bảy hoa sen. Xin mạo muội hỏi chuyện này có thật hay chỉ là huyền thoại? Nếu như có điều gì xúc phạm xin lượng thứ cho vì em chưa hiểu về đạo Phật và chính bạn của em cũng không lý giải rõ ràng. Một điều cần thắc mắc nữa là khi bước bảy bước, Đức Phật có nói câu gì nghe có vẻ như tự cao quá, có người bảo bảy hoa sen đó thể hiện cho đời của Đức Phật được tính từ ông cố, như vậy có đúng không?

TRẢ LỜI: Lịch sử Phật giáo ghi: "Vừa sinh ra, Thái tử đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót. Đến bước cuối cùng, tay chỉ trời, tay chỉ đất, Ngài dõng dạc cất cao tiếng sư tử hống: Trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả...”.
Sen, tượng trưng cho sự tinh khôi bất nhiễm.
Bảy bước, con số chỉ vũ trụ ( thời gian phân 3 + không gian có 4 chiều= 7). Con số 7 còn là con số biểu tượng trình tự tu chứng, là bảy cấp tiến đến giác ngộ: Thất Bồ đề phần. Chưa thấy chỗ nào nói đó là biểu thị đời thứ 7 tính từ Phật quá khứ Tỳ Bà Thi, vì nếu thêm một Đức Phật nữa đản sinh sau này lẽ nào phải bước thêm một hoa sen nữa?
Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn (trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả”. Con người “tối linh ư vạn vật”. Bởi chỉ có con người mới có thể có đầy đủ tình cảm, trí tuệ và ý chí (Bi, Trí, Dũng). Chỉ có con người mới có khả năng siêu việt mọi ràng buộc, vượt thoát mọi thống khổ, dục vọng và khoái lạc để tự trở thành” đóa sen” bất nhiễm tinh khôi một khi quyết chí xuất trần thượng sĩ, thung dung trên bước đường tu đạo Thất Bồ đề phần. Thái tử Tất Đạt đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh những cái ta còn đang ngủ quên miên man trong giấc trần tục, hãy nhìn lại giá trị đáng tôn xưng vào bậc nhất mà ngay cả cõi trời (thiên thượng) hay súc sanh (thiên hạ), không chúng sanh nào có được.

Đó là huyền thoại trong những huyền thoại về Phật Thích Ca, một huyền thoại vốn không phải là huyền thoại lại được hiểu theo huyền thoại để thích ứng với trí óc hạn hẹp, phân chia, cố chấp, tị hiềm của số người. Với chúng ta, những người học đạo, Đức Phật không là gì cả, và nếu có chăng chỉ là bậc thầy sáng suốt trong các vị thầy, đã qua rồi trên 25 thế kỷ. Song dấu chân Ngài đến bây giờ vẫn còn hiện thực để dẫn bước bao kẻ mê lầm. Cho dẫu đời Ngài nếu là huyền thoại thì cũng là một huyền thoại của muôn đời để đi vào huyền sử. (Ban Tư Vấn Tạp Chí Giác Ngộ)

NHÂN MÙA PHẬT ĐẢN
BÀN VỀ TÍCH PHẬT ĐẢN SANH

Hàng năm cứ vào mỗi độ tháng tư âm lịch là hoa sen bắt đầu nở. Hoa sen nở báo hiệu mùa Phật Đản trở về như để đón mừng Đức Thế Tôn ra đời. Lịch sử kể rằng bà Ma Da, công chúa của một nước láng giềng, là phu nhân của vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ, khi có thai, theo phong tục của xứ mình phải trở về quê mẹ để sinh nở. Trên đường về, trong lúc dừng chân nghỉ ngơi tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Ma Da đã hạ sinh Thái tử. Khi Thái Tử sinh ra thì được chư Thiên đến nâng đón và tắm rửa. Sau đó, lúc để xuống đất, Ngài đã bước bảy bước và dưới mỗi bước chân là một bông sen nở. Thái Tử đưa tay lên trời mà nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn".

Đó là bảy bước chân và lời nói đầu tiên của Ngài. Ai là người Phật tử cũng biết lịch sử Phật Đản Sanh cùng những lời giải thích khác nhau về ý nghĩa bảy bước đi và lời tuyên thuyết đầu tiên này. Có nhiều người, trong cũng như ngoài đạo Phật, thắc mắc không hiểu vì sao đạo Phật là đạo phá ngã chấp mà đức Phật lại nói chỉ có Ngài là tôn quý nhất, không những trong thiên hạ mà còn khắp các cõi trời và cõi người nữa. Có nhiều vị lại cho rằng tất cả hàng trời người đều tôn xưng Ngài là "Đấng Thế Tôn" thì như thế câu nói trên cũng không phải sai và cũng không trái với giáo lý giải thoát... vân, vân và vân vân. Thật ra trong kinh Phật, có giải thích sự kiện này. Hôm nay nhân mùa Phật Đản, người viết xin được trình bầy thêm, y cứ vào kinh điển và ý nghĩa lời kinh, để làm sáng tỏ.

Về câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" dịch ra tiếng Việt là: "Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý". Câu này chỉ là một phần câu, được ghi trong Kinh Sơ-Đại Bản-Duyên trong bộ Kinh Trường A hàm Quyển Một, một quyển kinh ngắn lược thuật nhân duyên giáng sanh, thành đạo và giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới Ta Bà. Nguyên văn câu đó được dịch như sau: "Trên trời dưới trời, duy ta là tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết" [1][2]. Đó là lời Đức Phật Thích Ca thuật lại khi Đức Phật Tỳ Bà Thi, vị Phật thứ nhất bổ sanh trong thế giới Ta Bà, ra đời đã nói lên lời như vậy, cũng giống như Ngài (Phật Thích Ca) đã nói lên lời như vậy, và "ấy cũng là thông lệ của chư Phật" [3]

Xét về mặt ngôn ngữ, câu trên cho thấy rằng chỉ có Ngài là bậc tôn quý nhất trong loài người và trời, Ngài đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi và thị hiện cõi Ta Bà để cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử như Ngài. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ý nghĩa của câu nói, chúng ta nên hiểu chữ "Ta" trong câu "duy có ta là tôn quý" không phải là cái Ta của Thái Tử Tất Đạt Đa, một cái Ngã sinh diệt như cái Ngã của trăm ngàn chúng sinh khác. Chữ Ta ở đây chính là Phật Tánh, là Chân Tâm, chẳng hề sanh chẳng hề diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là cái xa lìa tất cả những cái gì gọi là đối đãi. Cái Ta đó hay cái Ngã đó chính là Chân Ngã, chính là Pháp Thân thường trụ, không bao giờ hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tánh, đức Phật dạy: "Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được." Cũng trong kinh này (Phẩm Tứ Tướng), Phật nói rõ "thân của Như Lai tức là Pháp Thân, chẳng phải thân thịt máu mạch gân xương tủy hợp thành. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ, vì tùy thuận cách sanh của chúng sinh mà thị hiện làm đứa trẻ...".

Thật ra, Phật Tánh hay Chân Tâm hay Chân Ngã hay Pháp Thân là một cái gì khó hiểu, khó nhận biết và khó trình bày vì thực chất của nó nằm ngoài ngôn ngữ, ngoài thế giới tương đối hiện tượng. Chúng ta chỉ có thể biết qua nhận thức, qua kinh điển rằng: Phật Tánh là một cái gì đó chỉ có người chứng ngộ mới biết được, là một cái gì đó "không sanh không diệt, không đi không đến, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải do nhân làm ra, cũng chẳng phải không nhân, chẳng phải tự tác, chẳng phải tác giả, chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải có danh, chẳng phải không danh, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dài ngắn, chẳng phải nhiếp trì trong ấm, giới, nhập...".

Khi nói về Phật Tánh, Đức Phật thường dùng phương cách lìa tứ cú để dạy chúng ta, có nghĩa là lìa khỏi bốn kiến chấp hay bốn phạm trù thế gian tương đối: có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không. Ngoài ra Ngài cũng dùng tỷ dụ hay phương thức ngụ ngôn, hàm chứa những ý nghĩa thâm thúy, ám thị lý tuyệt đối mà chân lý tuyệt đối này không thể dùng lời trực tiếp mà giảng giải vì lời chỉ là khí cụ diễn đạt cái tư tưởng tương đối, cái có hình, có tướng trong thế giới nhị nguyên. Như khi nói về Chân Tâm Phật Tánh, ngài kể trong Kinh Đại Bát Niết Bàn về một cô gái nghèo, trong nhà có kho vàng ròng mà không biết, đến khi có người khách khéo biết phương tiện chỉ cho chỗ cất giữ kho báu, cô trở nên giầu có. Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Phật, cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sinh hiện bị các phiền não che đậy và kho vàng ròng chỉ cho Phật Tánh Chân Tâm. Câu chuyện gã cùng tử hay viên ngọc châu trong đáy túi áo trong Kinh Pháp Hoa cũng tương tự.

Như vậy, khi nói câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" Đức Phật, lúc ấy là Thái Tử Tất Đạt Đa, không nói về cá nhân ngài, về cái thân tứ đại ngũ uẩn sinh diệt, mà nói về cái Tâm Chân Thật, cái Ngã Chân Thật của chúng sinh. Chính cái Tâm đó mới là tôn quý, mới là tối thượng và cái Tâm Chân Thật đó chính là Tâm Phật mà ai ai cũng có, bất luận giầu nghèo sang hèn, bất luận mầu da ngôn ngữ, bất luận tôn giáo chính kiến.

Bây giờ nói về bảy bước chân trên bảy đóa sen nở của Phật. Tại sao không phải là ba bước, bốn hay năm bước. Có người giải thích Ngài bước bảy bước là vì "Ngài là vị Phật thứ bảy", tiếp nối sáu vị Phật đi trước, mà bắt đầu là Phật Tỳ Bà Thi. Có người khác giải thích bảy bước là tiêu biểu cho bảy đại: địa đại (đất), thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), hư không đại, kiến đại, và thức đại; còn bảy đóa sen nở tượng trưng cho sự thành Phật của bảy hàng để tử Phật gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức Xoa ma na, Ưu bà tắc, và Ưu bà di,...vân vân và vân vân.

Thật ra, con số bảy trong Phật giáo có rất nhiều tiêu biểu. Ngoài thất đại còn có thất bồ đề phần tức bảy cấp bậc tiến đến giác ngộ, biểu tượng cho trình tự tu chứng. Thêm vào đó, còn có thất giác chi, tức bảy pháp của người Phật tử cần phải tu tập để tiến tới giải thoát (Niệm Giác chi, Trạch Pháp Giác chi, Tinh Tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh An Giác chi, Định Giác Chi, Xả Giác chi). Trong Kinh Thập Thượng thuộc bộ Kinh Trường Bộ, Đức Phật có nói tới mười thứ "bảy pháp" [4] tổng cộng là bảy mươi pháp đã đưa Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác (bảy tài sản,bảy giác chi,bảy thức trí,bảy tùy miên, bảy phi diệu pháp, bảy diệu pháp, bảy thượng nhân pháp, bảy tưởng, bảy thù diệu sự, bảy lậu tận lực).

Con số bảy mang nhiều biểu tượng như trên và bảy bước chân đầu tiên của Phật cũng có thể mang hàm ý như thế, tuy nhiên, ai là người Phật tử thấm nhuần đạo Pháp cũng đều hiểu rằng, không phải Phật chỉ bước có bảy bước với bảy bông sen nở dưới chân mà là bước vô lượng bước trong khắp cõi Ta Bà, trong khắp không gian vô tận và thời gian vô cùng. Không một chỗ nào, không một sát na nào mà không có bước chân Phật, mà không có hoa sen nở. (BBT TVHS)

Cước Chú:
(1) Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Kinh Trường A Hàm, Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1986, trang 8.
(2) Hòa Thương Thích Minh Châu, trong Kinh Trường Bộ tập 1(Kinh Đại Bổn), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1991, trang 453 dịch là: "Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa".
(3) Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Kinh Trường A Hàm, Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1986, trang 8
(4) Hòa Thượng Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, Tập 2, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1991, trang 666-670

DUY NGÃ HAY VÔ NGÃ
TT.Thích Minh Đạt

Mâu thuẫn?

Giáo lý Phật Giáo từ đầu đến cuối mệnh danh là giáo lý vô ngã; thế nhưng cũng có một số người bị “lướng vướng” vào câu “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn” rồi bảo rằng giáo lý Nhà Phật là giáo lý Duy Ngã. Thậm chí còn bảo Đức Phật sao mà ngã mạn quá, dám tự cho mình là người duy nhất không ai bằng. Nếu Đức Phật là tự tôn, tự đại và giáo lý do Ngài tuyên thuyết là duy ngã, thì không có gì mâu thuẩn hơn. Hy vọng bài viết nhỏ bé này sẽ giải tỏa được một phần nào thắc mắc.

Bài viết này được viết vào mùa Đản Sanh của Đức Từ Phụ; do vậy, thiết tưởng nên dành một đôi dòng để ôn lại “tiểu sử” của Ngài.

Thân thế:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi chưa đi tu, chưa thành đạo có tên là Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Đa (Siddhattha). Họ của Ngài Gotama ta đọc dưới tên phiên âm Hán Việt là Cồ Đàm. Thân phụ của Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và thân mẫu của Ngài là Hoàng hậu Đại Ma Gia (Mahà Màyà). Ngài sinh vào ngày trăng tròn tháng 5 năm 624 trước tây lịch, nhằm ngày Rằm tháng 4 năm Tân Dậu.

Sự nghiệp:

Ngài là con một, con cầu và đương nhiên là Đông cung Thái Tử. Ngôi vua chắc chắn nằm trong tay Ngài. Thế nhưng Ngài đã từ chối, không muốn làm Quốc Vương, Nhân Vương mà làm Pháp Vương hay Y Vương.

Không có một sự nghiệp nào mà không ra công dồi mài cần khổ. Ngôi vị Pháp Vương lại cần phải miệt mài cần khổ nhiều hơn nữa. Vì vậy Ngài đã xuất gia để có nhiều thì giờ hơn trong sự nghiệp “tôi kinh luyện sử”.

Ước nguyện càng lớn thì ý chí càng cần phải cao và phải đủ mạnh mới mong đạt được sự thành tựu viên mãn. Thật vậy, Ngài đã phấn đấu mãnh liệt, bất khuất mọi gian lao thử thách, chỉ 7 năm thôi, Ngài đã hoàn thành viên mãn ý nguyện cao cả của Ngài. Ý nguyện đó là ý nguyện độ sanh hay nói rõ hơn Sự Nghiệp của đời Ngài là Sự Nghiệp Độ Sanh.

Kinh Pháp Hoa trong phần mở đầu Ngài đã nhắc lại ý nguyện hay mục đích của đời Ngài là phơi bày (khai) và chỉ rõ (thị) cho chúng sanh nhận biết (ngoä) rằng mình và Phật không khác (nhập) (Khai thị chúng sanh ngộ, nhập Phật tri kiến). Và, trước khi xả bỏ huyễn thân, một lần nữa, Ngài lại nhấn mạnh rằng “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”. Suốt gần 50 năm Ngài chỉ làm một việc đó thôi.

Sau khi đã tuyên bày đầy đủ mọi phương pháp để giúp cho chúng sanh thực tập hầu đạt được kết quả mỹ mãn như Ngài, Ngài đã nhập diệt vào ngày trăng tròn tháng 3 năm 544 trước tây lịch; nhằm ngày Rằm tháng 2 năm Tân Tỵ. Tính theo tuổi thế nhân, Ngài thọ 80 tuổi.

Năm 1951, các quốc gia theo Phật Giáo trên thế giới nhóm họp tại Tích Lan đã chọn ngày Niết Bàn của Đức Phật làm Phật lịch. Do vậy, Phật lịch tính đến Rằm tháng 2 vừa qua là 2546; và Phật Đản năm nay (2002) là lần thứ 2626.

Duy ngã hay vô ngã?

Cuộc hành trình từ vô lượng kiếp của Đức Phật, trải qua nhiều thân Bồ Tát và đến thân tối hậu có tên là Sĩ Đạt Ta gói trọn trong một bài kệ gồm 4 câu; mỗi câu 4 chữ, tổng cọng 16 chữ: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ!

Ngã” đây phải được hiểu là chấp ngã, là dính mắc, là bị ràng buộc đủ mọi thứ. Chấp ngã có gốc rễ từ tham, sân, si. Tùy theo tham sân si nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà thọ sanh nơi các cõi trời (thiên thượng) hay đọa ở các cõi địa ngục (thiên hạ). Các cõi trời được xem như ở trên, các cõi địa ngục được xem như ở dưới; mặc dù không hẳn là vậy, nhưng chúng sanh đã hiểu vậy, Phật tùy theo đó để khai thị. Từ đó, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có thể hiểu rằng : Ta từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều khi sanh lên các cõi trời, lắm lần đọa vào các địa ngục, đầu dây mối nhợ không do đâu khác hơn là tham sân si đẩy đưa đến ngã chấp mà không thấy rõ bản chất vô ngã, duyên sanh từ thân tâm đến hoàn cảnh chung quanh. Đó là lời khai thị và cũng là lời cảnh cáo ngay từ buổi bình minh của đời Ngài.

Đến đây duy ngã hay vô ngã có thể đã được vơi đi phần nào.

Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè... của ngươi đã bị mục rã cả rồi...” Pháp Cú câu 154.

Kẻ làm nhà đây là tham lam ái dục, độc đầu tiên trong ba độc. Nhà là chiếc thân do ngũ uẩn chung hợp. Cột kèo... là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi tức Đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Nói rõ hơn là đã thành tựu tuệ giác siêu việt. Không còn bị nghiệp lực đẩy đưa đây đó mà chỉ có nguyện lực độ sanh. Do vậy Ngài tuyên bố:
Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” ([Vì chưa tìm ra nguyên nhân], nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sanh tử luân hồi. [Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ thì sanh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa).

Để chứng ngộ:

Đức Phật thuyết pháp là tuyên thuyết những phương pháp do chính bản thân Ngài thực tập và chứng nghiệm kết quả với tất cả thành tâm thiện ý là mong mỏi mọi người nổ lực thực tập như Ngài đã thực tập để rồi đạt ngộ những điều như Ngài đã đạt ngộ. Ngài không nhằm trình bày một thứ triết lý cao siêu chỉ có trên lý thuyết trừu tượng mà không ăn nhập gì đến cuộc đời dẫy đầy khổ đau trong cuộc sống hằng ngày. Do vậy, học Phật là học những phương pháp thực tập để được làm Phật chứ không phải học “giáo lý” để diễn tả, để trình bày về Đức Phật hay Đạo Phật. Nếu không phải vậy thì Ngài đã không tuyên bố “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vâng, chúng sanh là Phật sẽ thành với điều kiện là phải thực tập những phương pháp do chính Ngài tuyên thuyết. Thực tập một cách cần mẫn, chăm chỉ, không gián đoạn mới mong có kết

Thời cổ đại, người ta lấy lửa bằng cách dùng hai thanh gỗ cọ xát với nhau. Phải cọ xát cho đến khi nào lửa bật ra, lấy lửa được mới nghỉ chứ không thể nghỉ nửa chừng; vì nếu chỉ nghỉ trong chốc lát thôi, thì hai thanh gỗ nguội lại và như vậy không biết đến đời kiếp nào mới lấy được lửa. Cũng vậy, tham sân si của chúng ta cứ liên tục bốc cháy, nếu chúng ta lơ là thì chỉ có làm mồi cho chúng thiêu đốt oan uổng mà thôi.

Là Phật tử, là con Phật đã nguyện nương tựa nơi Ngài, đã nguyện nương tựa với những lời dạy của Ngài, và đã nguyện nương tựa vào đoàn thể đệ tử thanh tịnh của Ngài rồi, chúng ta cần làm ba việc : học hỏi chánh pháp, thực hành chánh pháp, chứng ngộ chánh pháp.

Đó là cách báo đền công ơn hóa độ sâu dày của Phật và đó cũng là cách làm cho chánh pháp thường trú tại thế gian.

TT.Thích Minh Đạt

Ý NGHĨA BẢY BƯỚC SEN
11/05/2006

Hằng năm, cứ mỗi độ mùa Phật đản về – thì khắp nơi khắp chốn – ở đâu – hình ảnh đức Phật hiện hữu, ngự trị – ở đó không khí càng vui tươi, nhộn nhịp. Đó là tất cả những người con Phật hân hoan đón mừng ngày Phật đản. Kỷ niệm Phật đản là tưởng nhớ, ôn lại và tri ân về sự ra đời vĩ đại của đức Phật.

Nguyện vọng của tất cả chúng sinh là “muốn hạnh phúc, tránh đau khổ”. Sự mong mỏi hay xu hướng đến hạnh phúc và tránh đau khổ không hề có giới hạn. Đó là một sự kiện rất tự nhiên, và cũng rất chánh đáng. Sự hiện hữu của đức Thích-ca-mâu-ni Thế Tôn trên quả đất này cách đây hai mươi lăm thế kỷ – quả thật – cũng không ngoài mục đích đó của vạn loại chúng sinh.

Là đệ tử của đức Phật, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần được nghe sự giảng bày ý nghĩa về hình tượng bảy bước hoa sen. Bảy bước ấy là những bước chân trên con đường hạnh phúc, đưa đến hạnh phúc mỹ mãn, bất tận.

Trong không khí trang nghiêm và thành kính cùng muôn vạn trái tim người con Phật – xin cùng chia sẻ với nhau, nhân mùa Phật đản, các ý nghĩa đã từng được nghe từ các bậc Thầy về những hình ảnh trong khung cảnh mà đức Từ phụ đản sinh – qua đó, chúng ta sẽ có thể hiểu được điều gì, giúp chúng ta trong đời sống nhằm có thêm phẩm chất hạnh phúc trong cuộc tồn sinh tương quan này.

Kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh Hạnh – phẩm Thuỵ Ứng kể rằng: “Sau khi mang thai đấng Đại thánh – gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa, hoàng hậu Ma-gia theo phong tục trở về quê hương để sinh nở. Trên đường về, nghỉ chân ở một công viên xinh đẹp gọi là vườn Lâm-tỳ-ni, hoàng hậu khoan thai dạo bước trong vườn hưởng một bầu không khí trong lành, khỏe khoắn sau chặng đường dài mệt nhọc. Đến dưới một gốc Vô ưu, nhìn đoá Ưu-đàm ngàn năm một lần khoe sắc đưa hương – bất giác – hoàng hậu Ma-gia giơ cánh tay phải lên hái hoa – liền đó từ phía hông hữu – đức Phật đản sinh – nhẹ nhàng đi bảy bước trên bảy hoa sen, mỗi bước nhìn mỗi phương: 1, thị Đông phương giả, vị chư chúng sinh tác đạo sư cố; 2, thị Nam phương, vị chư chúng sinh tác lương phước điền cố; 3, thị Tây phương giả, ngã sinh dĩ tận thị tối hậu thân cố; 4, thị Bắc phương giả, ư nhất thiết chúng sinh, ngã đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề cố; 5, thị Hạ phương giả, vị dục phá ma binh chủng linh kì thời tận cố; 6, thị Thượng phương giả, vị chư thiên nhân chi sở quy y cố; 7. Đến bước cuối cùng, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và tuyên bố rằng: 'Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn'. Nói xong, chư thiên dâng hai dòng nước nóng lạnh tắm cho Ngài. Và Ngài trở lại như mọi đứa trẻ bình thường”.

Hình ảnh đức Phật đản sinh và bảy bước hoa sen ấy là một biểu tượng rất ý nghĩa mà nhà Đại thừa mô tả sự đản sinh của đức Phật. Sự xuất hiện của một vị Phật – hay nói một cách rõ hơn, một chúng sinh từ thân phận phàm phu, muốn đạt đến quả vị Phật, phải trải qua lộ trình bảy bước hoa sen ấy.

* Bước thứ nhất, nhìn về phương Đông, Ngài nói: "Thị Đông phương giả, vị chư chúng sinh tác đạo sư cố" (nhìn về phương Đông, vì các chúng sinh làm người dẫn đường tối thượng). Phương Đông là phương mặt trời mọc. Mặt trời biểu hiện cho ánh sáng của trí tuệ, của sự hiểu biết lớn. Đó là bao gồm toàn bộ hành trình hình thành một tri thức, xây dựng một Phàm tuệ đến Thánh tuệ. Thế nào là Phàm tuệ? Đó là ta phải có một tri thức, rồi từ đó, bằng sự suy tư chính chắn biết được như thế nào là một lẽ sống hay, đẹp ở cuộc đời – một trí tuệ ở địa vị phàm phu, chúng sinh. Nhưng là một con người khác với con người thác loạn của chúng ta trước đây. Người xưa đã từng nói, phải là một con người cho trọn trước khi thành một vị Phật. Đạo Phật chỉ dạy hai điều cốt yếu là từ bi và trí tuệ. Nói nôm na là sự hiểu biết và thương yêu. Sự hiểu biết đích thực là sự hiểu biết theo những chân lý Phật dạy. Khi ấy, sự hiểu biết chính là thương yêu, và ngược lại. Trí tuệ chính là Từ bi, Từ Bi chính là Trí Tuệ.

Có câu: “Có hiểu mới thương được”. Tình yêu thương, ở đời, mấy ai sống mà không cần. Tình thương của thường tình không mấy khi không đượm thắm tánh chất vị kỷ. Đó là một thứ tình thương thiết tha mong muốn được (người kia) nhận ra rồi đòi hỏi được đáp lại. Và chỉ cho riêng mình – Nó, thật ra, chỉ làm khổ cho nhau thì nhiều hơn. Đến như những kẻ tỏ ra bất cần đời thì đó cũng là biểu hiện của một tình thương vị kỷ tột đỉnh mà bị phủ nhận hoặc không được đáp ứng. Cho nên, "sự thương yêu" là một thứ gì mà không thể thiếu của đời sống. Nó bàng bạc trong khắp các mối quan hệ giữa vợ chồng, cha con, bè bạn, xóm giềng, thân thích. Trong cuộc sống tương quan tương duyên này – nếu ai cũng hành xử cứng nhắc với đơn thuần trong bổn phận và trách nhiệm không thôi, mà không xuất phát từ một tấm lòng thương mến thật sự – thì cuộc sống này sẽ đơn điệu lắm, không sắc màu, và chẳng có nhịp cầu giao cảm nào được bắc nối cho tình người ấm cúng. Ta dễ dàng thấy rằng, ngoài bổn phận và trách nhiệm, tình cha mẹ thương con cái là một tình cảm thiên phú, rất tự nhiên. Cũng chính tình cảm ấy mới khơi dậy, phát sinh tấm lòng hiếu thảo của con trẻ, dù là đứa ngỗ nghịch nhất. Cũng chính từ sự thành thật mà mối thiện cảm bè bạn thêm thắt chặt. Sự quan tâm thật lòng với bà con xóm giềng thân thuộc của nhau mới làm cho tình người ngày thêm gắn bó keo sơn. Và để nuôi dưỡng tình thương ấy cho dài lâu và đúng nghĩa mang lại an lạc cho nhau, thì chất liệu duy nhất và đầu tiên phải là sự hiểu biết. Nếu hiểu chưa rõ ràng, thấu đạt – chúng ta sẽ dễ dàng có những lời nói, cử chỉ vụng về mà nó càng làm khổ cho nhau thôi. Và để có thái độ sáng suốt để sống yêu thương – ta phải học hỏi, phải hiểu biết. Hiểu biết những gì? Là Phật tử, ta phải hiểu rõ giáo lý, những phương thức sống đức Phật đã dạy – Mà không gì căn để và quan trọng hơn là giáo lý Nhân quả. "Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó". Chúng ta, theo đó để nhận xét rõ về những hành vi thế nào là ác, là thiện để chọn lựa thực hiện. Vậy như thế nào là thiện? Phật dạy: một ý nghĩ, lời nói hay hành động nào đem lại lợi ích an lạc cho mình, an lạc cho người, an lạc cả hai, an lạc cho tất cả, trong hiện tại cho đến cả tương lai – đó gọi là thiện; và ngược lại. Như thế, một khi ta bắt đầu sống theo đó, tức là ta đã đi thêm một bước nữa theo chân đức Phật.

* Bước thứ hai, nhìn về phương Nam, Kinh nói rằng: "Thị Nam phương giả, vị chư chúng sinh tác lương phước điền cố" (Nhìn về phương Nam, vì các chúng sinh làm ruộng phước tốt).

Theo lời Phật dạy để sống là chúng ta bắt đầu tạo phước đức cho mình – nghĩa là chúng ta bắt đầu tu tập, bắt đầu chuyển nghiệp, hình thành thiện nghiệp. Điều đó có nghĩa là sự quy y vậy.

Yếu tố trở thành một Phật tử là sự quy y – nghĩa là quay lại mà nương tựa, mà sống theo Tam bảo – trong tâm thức có sự xoay chiều, đổi hướng. Đó là một quyết định quan trọng và lợi ích cho đời mình. Từ đây, ta từ bỏ chiều sống mê mờ, thác loạn hay làm khổ cho nhau, bằng thân (đánh đập...), bằng lời (nói cay nghiệt, đâm thọc, xốc nhọn hai đầu...), bằng ý (xảo quyệt, ác độc) mà thay vào đó bằng chiều sống giác ngộ – biết ý thức về nhân quả nghiệp báo, biết suy xét trước hậu quả của việc mình làm để tạo an vui cho nhau. Nên khi quy y tức là rạch đôi đời mình ra – vừa kết thúc sự sống luân hồi, khổ đau; vừa mở đầu sự sống giải thoát, hạnh phúc.

Mở đầu sự sống giải thoát, hạnh phúc – ta phải quay về nương tựa những yếu tố mang phẩm tính giải thoát, hạnh phúc – đó là Tam bảo – Phật, Pháp, Tăng. Phật là đấng đã giác ngộ, giải thoát và thuyết minh giáo lý, sự thật. Tăng là đoàn thể những người thực hành và hoằng truyền những giáo lý giải thoát ấy. Pháp là nội dung giáo lý. Như thế gọi là Tam bảo. Bảo là quý. Tam bảo là ba sự quý báu trên thế gian. Bởi lẽ chúng ta dễ dàng thấy rõ rằng, vàng bạc, tiền của không hẳn là yếu tố quyết định sự bình an hạnh phúc, mặc dù nó có khả năng góp phần hạnh phúc. Nhưng đôi khi nó đem lại sự chia rẽ, hạân thù, giết chóc, gây khổ đau cho nhau. Chỉ có những phương thức sống vui, sự bình an trong tâm hồn mới đưa đến niềm hạnh phúc chân thực và vững bền hơn. "Không có hạnh phúc nào lớn hơn bằng sự yên tĩnh của tâm hồn". Cho nên, ta có thể định nghĩa một cách nôm na rằng, Phật giáo là một cách làm cho đời sống có ý nghĩa . Sự quy y hay học Phật Pháp cũng như sự nghe Pháp của chúng ta hôm nay – điều tiên yếu và căn trọng nhất mà người Phật tử chúng ta cần có là Chánh kiến để nhận chân đâu là lẽ sống đúng, tốt, đẹp mà mình phải theo. Và mình tự phát nguyện làm theo. Đó chính là sự phát nguyện lãnh thọ và hành trì năm giới – hay nói cách khác là năm nhân cách làm người thiện lành trong nhân loại. Vì như trước đã nói, phải là một con người trọn vẹn trước khi thành Phật (năm điều nên giữ để hoàn thiện nhân cách).

– Nhân cách thứ nhất: Ý thức rằng, thân mạng là vốn quý nhất. Vì vậy con nguyện bảo vệ thân mạng của mình một cách cẩn thận. Không tự phá hoại nó bằng những thứ có độc tố. Con nguyện làm người lương thiện, bằng cách lấy lý trí để hóa giải khổ đau, lấy từ tâm để yêu thương tất cả. Con nguyện không giết hại, cũng không tán thành sự giết hại. Không gây chiến tranh, cũng không tán thành chiến tranh.

– Nhân cách thứ hai: Ý thức rằng, sống là phải có vật cung ứng cho sự sống. Con nguyện tạo ra nguồn sống để nuôi thân bằng bàn tay, khối óc, và con tim của mình. Con nguyện không trộm cắp, cũng không tán thành sự trộm cắp dưới mọi hình thức. Con nguyện thực hiện lương thiện bằng cách lấy trí tuệ và phước đức ra làm lợi người, nhằm lành mạnh hóa thế gian, để đem đến hạnh phúc cho cuộc sống tương duyên này.

– Nhân cách thứ ba: Ý thức rằng, mưu cầu hạnh phúc lứa đôi là điều mà những người sắp trưởng thành trong thế gian đều mong ước. Con nguyện bảo vệ hạnh phúc lứa đôi, không sinh tâm ngoại tình, lang chạ nhằm bảo vệ hạnh phúc cho gia đình, thanh bình cho xã hội và an toàn cho giống nòi. Con nguyện làm người lương thiện, không gây khổ đau cho cuộc sống, cũng không tán thành những hành vi đem đến khổ đau cho mọi lứa đôi và mọi gia đình.

– Nhân cách thứ tư: Ý thức rằng, lời nói có thể đem đến hạnh phúc hay khổ đau. Con nguyện không nói những lời cộc cằn, thô lỗ, tục tĩu, mỉa mai, gây chia rẽ, hận thù, mất đoàn kết. Con nguyện không nói sai sự thật, trừ lúc vị tha. Con nguyện không loan truyền, cũng không phê phán những gì con không biết rõ. Con ý thức rằng, ngôn ngữ là tài sản chung của mọi người, nên nguyện dùng lời hay ý đẹp để đi vào cuộc sống. Nguyện thực tập hạnh ái ngữ, dùng lời nói nhẹ nhàng, êm ái, thân thương, xây dựng, đoàn kết và hòa hợp; nhằm hóa giải những nội kết do hiểu lầm nhau. Con nguyện thực hiện chánh ngữ, nhằm làm trong sáng ngôn từ, lành mạnh hóa xã hội, bảo vệ tiếng nói tốt đẹp cho giống nòi.

– Nhân cách thứ năm: Ý thức rằng, Trí tuệ là ngọn đuốc soi đường đến chân, thiện, mỹ. Con nguyện luôn luôn giữ gìn sự định tĩnh và trong sáng của tâm hồn. Nguyện không sử dụng ma túy, và những độc tố tác hại thân tâm như rượu, thuốc lá, kể cả những sản phẩm có pha chế hóa chất gây ra ung thư và bệnh tật. Con nguyện không sử dụng những sản phẩm độc hại tâm hồn như phim ảnh, sách báo, băng từ có nội dung không lành mạnh cho thân tâm, gây chiến tranh, bạo động đưa đến hận thù. Nguyện chỉ tiêu thụ những sản phẩm bổ ích cho thân tâm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, an vui cho gia đình, lành mạnh hóa giống nòi, thanh bình cho cuộc sống.

Đó là năm nhân cách căn bản mà mỗi một chúng ta phải học tập và thực hành. Được vậy, loài người mới có cơ duyên tồn tại lâu dài trên trái đất này.

Như thế, nói về ý nghĩa phương Nam – tức là ruộng phước điền của chúng sinh - phương Nam là phương không có ánh nắng gay gắt như phương Đông, cũng không ảm đạm như phương Bắc – phương Nam là phương ánh sáng êm dịu và mát mẻ – dụ cho sự dứt ác làm lành của chúng ta. Chúng ta chuyên suy nghĩ, nói năng và làm việc lợi lạc cho chúng sinh, đó là tự tạo ruộng phước cho mình – tự mình mát mẻ, thanh thản mà mọi người xung quanh cũng bằng lòng, hòa lạc. Đây là giai đoạn của chúng ta, những người Phật tử bắt đầu quy hướng Tam bảo và tập tu hành phước thiện.

Nhưng lộ trình tìm kiếm một hạnh phúc vững bền, chắc thật không phải dừng lại ở đó – mà bước tiếp bước nữa. Cố nhiên là để có bước sau thì tất yếu phải có bước trước.

* Bước thứ ba, ở phương Tây, có câu rằng: "Thị Tây phương, vị chúng sinh dĩ tối hậu thân cố" (Nhìn về phương Tây, vì chúng sinh đây là thân cuối cùng vậy).

Chúng ta, những người đã, đang và sẽ lăn lộn với đời – trải nghiệm biết bao sóng gió bất trắc của cuộc đời – nếu chịu khó nhìn lại – ta dễ dàng đúc kết rằng: thật là hạnh phúc, sung sướng biết mấy khi tâm hồn yên tĩnh. Bởi lẽ, có mấy khi tâm hồn ta thoát được những ý tưởng lo toan, sợ hãi đủ điều về sự sống. “Thằng ý” cứ rong ruổi mãi với những ảo tưởng dự phóng về tương lai vô định hoặc quay về bứt rứt ngậm ngùi một chuyện lầm lỡ buồn tủi năm kia, tháng trước hay nuối tiếc những phút giây của những cuộc vui chóng tàn đã qua mấy khi lặp lại. Trong hiện tại thì hoang mang, dật dờ thất niệm (mất phương hướng, chủ định) hoặc cứ lặp đi lặp lại một cách máy móc như một bộ phận nhỏ vô hồn trong một guồng máy xã hội khổng lồ luôn luôn cuốn ta vào sự vận hành khắc nghiệt của nó. Chúng ta được mấy chốc sống lại với chính mình, được hưởng thụ dù giây lát sự thanh bình trong tâm hồn mình. Cho nên, sau khi đã thành thục bước đi "dứt ác hành thiện" việc kế tiếp là " giữ tâm ý trong sạch, vắng lặng, yên tịnh, thanh bình" – đó là nôm na, để dễ hiểu – sau bước chuyển nghiệp là bước dứt nghiệp. Nghiệp là mọi hành động tạo tác có động cơ sâu xa trong tâm ý. Và năng lực của nó là cái sức mạnh đưa đẩy chúng ta đi từ kiếp này qua kiếp nọ mãi không thôi. Dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng, mỗi một cuộc tử sinh như vậy, chứa đựng trong nó nhiều nỗi khổ đau bất hạnh hơn là niềm vui sướng. Vì thế, giải thoát sinh tử, thực sự mới là niềm vui lớn theo tôn chỉ cứu cánh rốt ráo Phật dạy. Cho nên, chấm dứt sự thi vi tạo tác của ý khiến cho trong sạch, vắng lặng được xem như phương thức dẫn đến sự chấm dứt hẳn khổ đau. Đến đây ta thấy rằng, tâm ý rất là quan trọng trong sự tu tập của chúng ta, quyết định niềm hạnh phúc, an lạc của chúng ta. Rõ ràng, chỉ có thái độ chấp nhận trong tầm tay, trong năng lực, khả năng giới hạn của ta đối với những gì mình mong ước – điều đó mới đặt để và quyết định hạnh phúc của ta – có nghĩa là với ta, tiêu chuẩn để có niềm vui là đơn giản, nhẹ nhàng như vậy mà không phải là những tham vọng ôm đồm tất cả mọi thứ. Nhà Phật gọi đó là thiểu dục tri túc. Cố nhiên, đó không phải là an phận, là dừng lại, đóng khuôn – mà ngược lại làm cho ta luôn phấn đấu để kiến tạo hạnh phúc của ta ngày càng có phẩm chất hơn: song song với tiện nghi vật chất, đời sống tinh thần phải được quan tâm, tình cảm phải được chuyển hoá cho tâm hồn thanh cao, thánh thiện. Tình cảm chuyển hoá như thế nào theo ý nghĩa "dứt nghiệp"? Có câu "trong thiện có mầm của cái ác" – đó là lẽ đối đãi nhị nguyên tự nó trong cuộc sống mang tính duyên sinh này. “Do cái này có nên cái kia có”. Thiện ác với tâm tư chúng ta bây giờ cũng vậy nếu đi sâu vào một tầng nữa của tâmlý. Dẫu biết rằng với những lời nói,việc làm, ý nghĩ bất thiện, trái với lương tâm thì chính tự bản thân nó dù không ai thấy, ai nghe, ai biết – tự nó cũng đã đối mặt với "toà án lương tâm" mình trong chiều sâu tối tăm, dằn vặt của tâm hồn. Còn làm thiện thì sao? Dĩ nhiên là đem lại sự thanh thản cho mình vì không phải lo sợ những hậu quả khi mình đã không tham gia tạo tác. Nhưng có một lẽ thật là khi ấy, tâm lý ta trở nên rất ghét và có phản ứng quyết liệt, bị xao động trước các hành động tội lỗi, độc ác – muốn tẩy trừ, tiêu diệt, thanh trừng một cách không khoan nhượng những phần tử đó - mà trong nhiều mối duyên nghiệp đưa đẩy, ta chịu khó sẽ dần dần nhận ra được: vì lý do này, hay hoàn cảnh kia làm cho nó hành xử như thế với một tâm hồn dày đặc ác nghiệp như thế. Những tưởng phút vinh quang của ác nghiệp khi thắng thế là rực rỡ. Nhưng liền sau đó, ngay trong nó, sự sợ hãi âm thầm luôn ngấm ngầm trong tâm hồn nó rất khủng khiếp. Biết được như vậy, thì mỗi một chúng ta trong cuộc sống chung cùng ở gia đình, bè bạn, xã hội – chúng ta có một thái độ khoan dung độ lượng hơn, dễ dàng chấp nhận nhau hơn; và từ đó cũng dễ dàng chuyển hoá sửa đổi cho nhau mỗi khi có cơ hội. Có lẽ, nếu không như thế thì ngưỡng cửa cảm thông giữa người thiện vớikẻ ác sẽ bịbít lối mãi mãi, sẽ không bao giờ mở ra để nhịp cầu tình người được bắc nối cho cuộc đời nở hoa tươi đẹp.

Cho nên, ở ý nghĩa phương Tây này – sự trung dung giữa thiện và ác, sự thanh tịnh tâm ý để chấm dứt dòng tạo tác của nghiệp, giải thoát sinh tử, đã cho chúng ta một vài bài học sống rất thiết thực. Phương Tây là phương mặt trời lặn. Chúng ta hãy làm cho tâm ý của mình lắng xuống những xao động, những tư tưởng bất chính, so đo, ganh tỵ, thù ghét – chừng nào mạng sống của những tâm ý bất hảo ấy chỉ còn có dịp khởi lên lần cuối ngay khi ta nhậnra mặt thật của nó và nó sẽ ra đi mãi mãi trong tâm hồn ta – nhường chỗ lại cho sự thương yêu đại đồng, sự hiểu biết cảm thông lớn, thì lúc đó, ta đã đi đến tận cùng bước đi thứ ba này “Thị Tâyphương vị chúng sinhdĩ tối hậu thân cố”. Đó là gánh nặng đã để xuống, từ đây không còn trở lại trạng thái khổ đau sinh tử nữa.

Nhưng con đường đi đến Phật quả phải là, ngoài "tự giác" còn "giác tha, giác hạnh viên mãn" – hoằng hoá độ sinh. Cho nên chúng ta tiếp tục theo chân Phật bước nữa.

* Bước thứ tư, nhìn về phương Bắc: "Thị Bắc phương, vị chúng sinh, ngã đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề" (nhìn về phương Bắc, đức Phật vì chúng sinh mà thịhiện ra cõi đời ngũ trược này bằng thân người thành tựu Chánh đẳng chánh giác – và thuyết minh chân lý giải thoát khổ đau cho chúng sinh).

Phương Bắc là phương ảm đạm lạnh lùng, u tối – dụ cho những nơi chúng sinh chưa từng gặp Tam bảo, cứ mãi theo lòng ham muốn trần tục của mình mà tạo ác nghiệp rồi lặn hụp trong biển khổ sinh tử nhiều kiếp, không biết đường thoát ly. Chư Phật, Bồ-tát – như Kinh nói, đã theo ta hoá độ, hộ trì dẫn dắt ta về nẻo thiện. Nhưng nghiệp chướng chúng ta sâu dày, lòng đam mê các thú vui dục trần quá nặng, che lấp tâm tánh, không nhận được ánh sáng tiếp độ của quí Ngài. Ở đời thường, ta thấy có hiện tượng thần giao cách cảm giữa hai người thương nhau. Mẹ thương nhớ con – con cũng luôn nghĩ đến mẹ – cho nên giữa mẹ con tuy xa cách vẫn có một mối liên hệ tình cảm vô hình, mà người này xảy ra việc hệ trọng gì thì vô hình trung, người kia cũng cảm nhận được. Chư Phật , Bồ-tát luôn thương nhớ chúng sinh với lòng đại bi bao la, bình đẳng. Vậy mà chúng ta được mấy khi nhớ đến các Ngài – họa chăng lúc hoạn nạn, nguy khốn?! Vì thế ở phương này – muốn nhấn mạnh sự ra đời của đức Phật bằng xương bằng thịt của thân người, rồi xuất gia tu hành và chứng quả – để cho chúng ta thấy rằng, được làm thân người là quí lắm. Theo như lời Phật dạy, thân người là lý tưởng nhất để tu hành. Ai trong chúng ta cũng đều có khả năng thành Phật – "Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh" – dụ như hoa sen trong đầm, mỗi người là một đóa sen. Đức Phật, chư vị Bồ-tát, các bậc thánh hiền là những đóa sen đã vươn ra khỏi bùn lầy ngũ dục sinh tử, chan hoà ánh sáng chân lý, nở rộ khoe sắc làm đẹp và xoa dịu đau thương cho cuộc đời. Chúng ta cũng là hoa sen nhưng chưa lên khỏi mặt nước đó thôi. Cho nên với phương Bắc này nói vì chúng sinh mà chứng Vô thượng chánh giác. Như vậy đã nói rõ ý niệm xuất hiện ở đời của chư Phật – một minh chứng hùng hồn về quả vị Phật mà trong mỗi chúng ta, ai cũng có phần – còn chần chờ gì nữa mà không lo tu tập theo lời Phật dạy.

* Bước thứ năm: "Thị hạ phương, vịchúng sinh dịdục hàng ma cố" (nhìn về phương dưới, vì chúng sinh hàng phục các loài ma).

Ma quỷ là gì nếu không phải là những gì luôn làm chướng ngại thân tâm ta, cản trở sự thăng tiến tu tập, làm thiện của mỗi người chúng ta. Có nội ma, ngoại chướng. Hãy khoan nói đến ngoại chướng. Ta hãy nhìn vào nội ma của chính mình. Đó là những con ma nhu nhược không thắng nổi lòng tư dục, ma ngạo mạn,khinh bỉ, tham lam, ganh tỵ, ích kỷ – thấy người thành công cũng đem lòng đố kỵ, thấy kẻ thế cô mà không dừng sự hiếp đáp, gặp người túng thiếu mà không biết chia sẻ bố thí dù mình thừa sức... Tất cả những thứ ma ấy ngăn không cho ta làm một cái gì lợi ích cho ai, ngoài có lợi cho riêng mình, do đó chẳng làm được một việc thiện nào dù nhỏ nhặt; tâm thức chúng ta bị ngục tù mãi trong thói vịkỷ – Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh chẳng có nghĩa là chỉ ở những nơi đâu xa – Chúng ta cần phải hiểu thêm rằng, đó là những trạng thái tâm thức trong ấy, tâm chúng ta bị sân hận thiêu đốt. Lúc ấy, mọi người, mọi vật hình như đều là kẻ thù. Người phải chịukhổ nhất là người nhiều sân hận. Đó khác nào ở địa ngục bị hoả ngục đốt cháy tâm can – đỏ mặt tía tai, tim đập liên hồi, huyết áp tăng mạnh... cả thân tâm đều thọ khổ!... Ngạ quỷ, súc sinh cũng vậy – cũng là trạng thái, trong đó tâm thức bị điều động bởi lòng tham không đáy, thiếu trí tuệ, thiếu suy luận – chỉ hành động theo bản năng – chỉ làm những gì mình muốn mà không nghỉ đến hậu quả. Đến đây ta thấy rõ hơn, một khi quy y Tam bảo, quay về với sự sáng suốt, với lòng thương yêu thì ta đã tự cởi trói cho mình, tự cứu mình ra khỏi tam đồ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh ấy.

Ma quỷ còn ám chỉ đến những chúng sinh cang cường khó độ. Do thế phải thị hiện ma vương, quỷ vương để nhiếp phục nó. Cho nên, ta thấy trong các chùa có ông Tiêu Diện Quỷ Vương mặt lộ vẻ dữ dằn phẫn nộ, miệng khạc ra lửa để chấn nhiếp cô hồn các chúng – dân gian gọi nôm na là ông ác – trên đầu có tượng Quan Âm Bồ-tát – đó là chỉ động cơ cũng bắt nguồn từ lòng thương yêu lớn. Chỉ có lòng thương yêu lớn mới thực sự hoá giải mọi ngông cuồng trong cuộc đời. Ta thấy nhan nhãn lắm kẻ giang hồ xuất phát từ một nỗi bất hạnh thiếu sự thương yêu nào đó từ những người thân, và trở về nẻo thiện cũng từ một sự bắt gặp tấm lòng thương yêu nào đó trên đường đời.

Nhưng độ chúng sinh thấp hèn ở phương dưới, chư Phật, Bồ-tát cũng không bỏ quên những loài tâm tánh thuần thục – Nên bước thêm một bước nữa.

* Bước thứ sáu: “Thị Thượng phương, vị chúng sinh, quy y nhân thiên cố” (Nhìn về phương trên, vì chúng sinh, làm nơi nương tựa của trời, người).

Kinh có dạy: “Nhất tâm cụ thập pháp giới”. Tứ thánh lục phàm đều ở trong tâm thức của chúng ta cả. Cõi trời, cõi người cũng vậy – là những cõi trong tâm thức chúng ta. Đó là những trạng thái tâm thức mà ở đó, chúng ta đã thăng hoa rất nhiều thiện tánh trong bản thân mình – có cố gắng, có kiểm soát những tâm lý thấp hèn được ví với các cõi dưới như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la). Sự sống mà luôn có ý thức như thế, là một sự sống mang lại nhiều niềm hỷ lạc cho tự thân và tha nhân. Tuy nhiên, đây không phải là sự hỷ lạc bất biến – đạt được bằng sự chứng ngộ như đức Phật và các Thánh đệ tử. Đây chỉ là những niềm hỷ lạc của các giác quan, của cảm thọ, tức là lạc thú do ảo tưởng tạo nên từ ngã chấp cố hữu. Cho nên đây là một hỷ lạc tạm bợ, do thế, có thể sa trở lại vào các cõi khổ đau – ngay khi có điều bất xứng ý xảy ra. Sự mê đắm bắt nguồn từ ngã chấp là mẫu thức chung cho sự hiện hữu của ba cõi, là nguyên nhân chúng sinh lặn hụp trong sáu đường. Chư Phật Bồ-tát có mặt trong tất cả các cõi ấy là để nêu gương, để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi sự đoanh vây nghiệt ngã của cái Ta ấy. Ý nghĩa này đã từng được đức Phật xác quyết khi có vị Bà-la-môn hỏi Phật: “Có phải Ngài sẽ là vị Tiên, Ngài sẽ là Càn-thát-bà, Ngài sẽ là Dạ-xoa, Ngài sẽ là loài người?”. Đức Phật đã trả lời rằng: Ngài sẽ không phải là Tiên, là Càn-thát-ba, là Dạ-xoa, là loài người; nhưng đối với những chư Thiên chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ngài có thể là chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, đã chặt đứt từ gốc rễ ngã chấp, không còn tái sinh nữa… Ngài có thể là Càn-thát-bà, là Dạ-xoa, là Người – nhưng là Người với các lậu hoặc đã đoạn tận.

Đó là ý nghĩa công hạnh của chư Phật, Bồ-tát hiện hữu khắp các cõi để độ thoát chúng sinh. Đến đây cũng cho chúng ta hiểu ra một điều rằng: chừng nào ta hoàn toàn thoát ly ngã chấp, chừng ấy ta thành Phật – dù chúng ta đang ở trong địa vị nào, thân phận nào đi nữa. Cho nên, bước cuối cùng:

* Bước thứ bảy, đức Phật tuyên bố: “Thiên thượng thiện hạ duy Ngã độc tôn” (Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là trên hết).

Theo trên, chúng ta có thể hiểu nôm na rằng: nguyên do trôi nổi, lên xuống trong ba cõi sáu đường là cái chấp sâu nặng về một tự ngã trong tận cùng tâm thức chúng ta. Nhưng ý nghĩa đích thực về sự tuyên bố ấy, trong phương diện nhận thức và thực hành, chúng ta có thể rút ra hai ý nghĩa – đó là sự thật của ý nghĩa thế giới tất đàn và vị nhân tất đàn.

Theo ý nghĩa Thế giới tất-đàn, đó là sự kiện xuất hiện ở đời như một bậc tôn quý nhất, là tối thắng nhất, vô tiền khoáng hậu của đức Phật .

Kinh Tăng Chi Bộ , tập I, p.23: “Một người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng chánh giác.”

Và Trung Bộ Kinh 3, p.110 , đã nói lên lý do vị trí tối thượng của đức Phật: “Không thể có một Tỳ-kheo, này Bà-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp như Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh đẳng chánh giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo.”

Giữa tất cả các tôn giáo hiện hữu trên địa cầu này, đức Từ phụ Thích-ca Thế Tôn đã nói lên tiếng nói “duyên sinh – vô ngã” đầy chấn động – giữa các con đường đi đến hạnh phúc được biết bởi nhân loại, con đường Bát chánh đạo mà đức Phật thuyết minh là con đường thánh thiện nhất, toàn mỹ nhất để đưa tất cả chúng ta đến bờ an vui đích thực. Đó là ý nghĩa “độc tôn”, “vô song” trong sự thị hiện của đức Thích-ca-mâu-ni Thế Tôn.

Với ý nghĩa Vị nhân tất đàn -Câu này còn có nghĩa là, sự sống chết của Ta đều do Ta quyết định. Cuộc đời của Ta như thế nào; sướng hay khổ; giàu hay nghèo; sang hay hèn… tất cả đều do Ta quyết định. Cho nên sau này Phật có dạy rằng: “Không cha mẹ, trời đất hay ai làm cho Ta cao thượng hay thấp hèn, chỉ có hành động của Ta làm cho Ta cao thượng hay thấp hèn mà thôi; không phải ai khác làm cho Ta ô nhiễm hay trong sạch, mà chỉ do Ta làm cho Ta ô nhiễm hay trong sạch mà thôi”. (Theo HT. Thích Thiện Siêu trong "Chữ Nghiệp trong đạo Phật")

Đó là ý nghĩa chính mà đức Phật nói trong câu: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là tối thượng”. Ngài muốn khai thị cho chúng ta rằng, mọi hành động đúng sai, thiện ác, khổ đau hay hạnh phúc… trong cuộc đời này đều do mình làm, tự mình quyết định lấy cuộc đời của mình. Ngài đã từ bi trao lại quyền tự quyết cho con người giữa các tiếng nói từ quyền năng thần linh huyền bí mơ hồ.

Đến đây, có thể đúc kết lại rằng: Hoa sen là biểu tượng của chân lý – là chân lý hiện thực trong cuộc đời – nó hiển thị ngay trong trần thế lắm ưu phiền và hệ luỵ này. Đó là biểu tượng cho tinh thần nhập thế sinh động của Phật giáo – mà phương ngữ thường được biết là “cư trần bất nhiễm trần” – “Phật pháp bất ly thế gian giác”.

Tóm lại, theo đức Phật thì mỗi bước chân của ta cũng được nâng đỡ trên một đoá sen, mỗi bước chân là một bước sen trong cuộc đời này. Nó mang phẩm tính tinh khiết, “không bị đời thấm ướt”. Người Phật tử thực hành theo lời Phật dạy thì mỗi bước chân của mình là mỗi bước sen ấy. Đi theo bảy bước hoa sen ấy là chúng ta bắt đầu một cuộc đời mới – “đi trong thế gian mà không thuộc thế gian”. Và ngay lúc quy y hay đang trên lộ trình tu tập theo lời dạy thì sự an lạc liền có mặt trong mỗi bước chân của người Phật tử chúng ta – từng bước chân an lạc vững chãi đi về bến vui. Và niềm vui ấy sẽ không chỉ riêng bản thân ta hưởng thụ – niềm vui do sự thực hành theo lời Phật dạy của người Phật tử chúng ta có khả năng chia sẻ cho tha nhân, cho toàn nhân loại. Bởi lẽ, giá trị của chân lý và hạnh phúc là chung cùng, tương quan. Chúng ta hãy cùng nhau bước những bước sen để đón mừng Phật đản!

TS Định Thông

Nghi Vấn Về Nguyên Do Đức Phật Niết Bàn

NGHI VẤN VỀ NGUYÊN DO ĐỨC PHẬT NIẾT BÀN

HỎI: Sau khi thọ dụng bữa ăn do Cunda dâng cúng, Thế Tôn dạy: "Cunda, chỗ còn lại của món nấm chiên đàn này con nên đào đất chôn đi đừng để ai ăn nữa". Xin cho biết vì sao Thế Tôn dạy như vậy, có hàm ý gì không?

ĐÁP: Sự kiện bữa ăn cuối cùng của Thế Tôn trước khi Niết bàn do Cunda (Thuần Đà, Châu Na) dâng cúng được đề cập đến trong các kinh như kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ I), kinh Du Hành (Trường A Hàm I), kinh Đại Bát Niết Bàn (Bắc bản), kinh Niết Bàn (Nam bản)… Chính lời dạy "này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại này ngươi hãy đem chôn" cùng với sự kiện "sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết" (Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ I, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr 624) đã khiến cho mọi người đặt vấn đề với "món mộc nhĩ hay chiên đàn (Sùkara maddave)" của Cunda?

Thế Tôn đã giải thích nguyên do của việc "đem chôn phần mộc nhĩ còn lại" cho Cunda rằng "Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, Ma giới và Phạm thiên giới; không một người nào trong chúng Sa môn và chúng Bà la môn ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai" (sđd).

Cũng theo kinh văn, trong nhiều món thức ăn mà Cunda dâng cúng Phật và chư Tăng ngày đó, Phật chỉ chọn duy nhấtmón mộc nhĩ, dạy Cunda dâng cúng chư Tăng các loại thức ăn khác đồng thời sau khi ăn xong, phần mộc nhĩ còn lại bảo Cunda đem chôn. Từ đây chúng ta có thể khẳng định, với tuệ giác của Thế Tôn, Bậc Chánh Biến Tri, Ngài thấy rằng món ăn thượng vị mộc nhĩ ấy có thể đã bị nhiễm khuẫn hay vì một nguyên nhân nào đó mà nếu thọ dụng sẽ có hại cho sức khỏe (Cunda hoàn toàn vô tâm, không hề biết chuyện này) nhưng vì lòng bi mẫn đối với tâm thanh tịnh cúng dường của Cunda nên Ngài thọ nhận để Cunda được phước báo thù thắng và tối thượng.

Tất nhiên, với nhục thân ngũ uẩn già yếu và đã nhuốm bệnh trước đó, nơi vườn xoài Ampapàli nên sau khi thọ dụng mộc nhĩ của Cunda bệnh của Ngài càng nặng thêm, chứ không phải vì ăn mộc nhĩ mà sinh bệnh (Thích Giới Nghiêm, Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, NXB Tôn Giáo, 2003, tr 452). Do vậy, sau khi rời khỏi nhà Cunda, Thế Tôn đã dạy ngài A Nan, giải nghi cho Cunda và đại chúng về bữa ăn sau cùng của Như Lai. Ngài khẳng định "Có hai sự cúng dường ăn uống có quả báo và lợi ích lớn hơn các sự cúng dường về ăn uống khác. Đó là bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh đẳng giác và bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ, Niết bàn" (sđd, tr 637). (Ban Tư Vấn TC. Giác Ngộ)

NGHI VẤN VỀ NGUYÊN DO
ĐỨC PHẬT NIẾT BÀN

Đây có thể là thắc mắc của nhiều người Phật tử hay không phải Phật tử, đặc biệt là những người nghiên cứu đạo Phật qua sách vở biên soạn bởi các nhà học Phật Tây phương.

Trước tiên phải nói đến vị cư sĩ, tên là Thuần Đà ( Cunda) người đã thỉnh cầu Đức Phật và hàng Tỳ kheo nhận phần cúng dường bữa cơm cuối cùng vào ngày hôm sau. Đức Phật nhận lời sau khi đã giảng một thời pháp cho Thuần Đà cùng với mười lăm người bạn đồng nghiệp của ông ta.

Ngày hôm sau Đức Phật và hàng Tỳ kheo đến nhà ông Thuần Đà. Sau khi Phật và tăng chúng an tọa, Thuần Đà cung kính dâng lên cúng Phật bát canh nấm Chiên Đàn mà ông đã nấu riêng để dành đặc biệt cho Phật. Khi Đức Phật nhận bát canh nấm từ tay Thuần Đà, Ngài có nói với Thuần Đà rằng, đừng đem thứ canh nấm còn dư này cúng dường cho các vị Tăng khác, Thuần Đà vâng lời rồi lui ra. [1]

Từ ngữ Chiên Đàn mà chữ Pali là sukara-maddava được các nhà học giả Tây phương dịch là truffles. Truffles có bốn nghĩa: (1) một loại thức ăn mềm cho heo, (2) một loại thức ăn mà heo rất ưa thích, (3) thịt heo mềm, và (4) bột thịt heo khô xay nhuyễn (pig-pound). Nguyên ngữ trong kinh điển Nguyên Thuỷ (Nam Tông) ghi là nấm mộc nhĩ.

Từ sukara-maddava được kết hợp bởi hai từ sukara có nghĩa là con heo và maddava có nghĩa là phơi khô. Do nghĩa này mà một số người Tây phương đã cho rằng Thuần Đà đã dâng bát canh thịt heo phơi khô nấu nhuyễn cúng dường Phật, và đức Phật đã vì ăn bát canh thịt heo ấy mà ngộ độc. Tuy nhiên theo những nhà học giả khác thì chữ maddava có nghĩa là ngon, một thức ăn mà giống heo rừng rất thích ăn.

Gạt bỏ mọi sự tranh luận của các học giả, chúng ta cần phải hiểu rằng: (1) Thuần Đà là một vị cư sĩ Phật tử đã theo Phật và đã biết rằng Phật quen dùng các món ăn chay và Ngài rất nhạy cảm đến nỗi khổ đau của chúng sinh nỡ nào lại cúng dường Phật bát canh thịt heo nấu nhuyễn, (2) Tại sao Phật dặn Thuần Đà đừng cúng dường cho các vị Tăng khác phần còn dư của món canh nấm. Có phải Phật đã biết bát canh nấm độc là cơ duyên để Phật Niết Bàn nên không cho chư tăng khác ăn? (3) Nếu là thịt heo khô tán nhuyễn nấu canh thì đâu có thể xem là quý mà chỉ dâng một mình Phật ăn. Cho nên rất có thể đây là món canh nấm, vì loại nấm này rất quí, một loại nấm chỉ mọc ở dưới gốc cây chiên đàn và chỉ có heo rừng mới tìm ra được mà thôi.

Đó là những nghi vấn và ý kiến khác nhau, chúng tôi cũng xin trình bày ra đây để tùy ý quý độc giả thẩm định. Chúng tôi xin trích nguyên văn một đoạn kinh trong Trường Bộ Kinh do HT. Minh Châu dịch từ nguyên bản Pali: (BBT TVHS)

Trích đoạn kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) 16. Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahàparinibbàna sutta), Tụng phẩm IV.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2535 - 1991

...
17. Và thợ sắt Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và nhiều thứ Sùkara-maddave (một loại mộc nhĩ), và báo tin cho Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng".

18. Và Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ sắt Cunda, khi đến xong liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi. Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:

- Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Thợ sắt Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm.

19. Rồi Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda:

- Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Thợ sắt Cunda vâng theo Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ sắt Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

20. Sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tĩnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.
....
42. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

- Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ sắt Cunda hối hận: "Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ngươi, thật là tai hại cho Ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ngươi cúng dường, và nhập diệt".

Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ sắt Cunda: "Này Hiền giả, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Này Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: "Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác?

Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ đợưc hưởng cõi trời, nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng uy quyền".

Này Ananda, cần phải làm cho thợ sắt Cunda tiêu tan hối hận.

Giáo Lý Tứ Y

Xin cho con biết xuất xứ của giáo lý Tứ y (y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh), ý nghĩa và phương thức ứng dụng của giáo lý này trong tu tập.

ĐÁP: Giáo lýTứ y, gọi đầy đủ là Tứ y và tứ bất y, tức bốn điều nên và không nên y cứ, nương tựa. Đây là pháp phương tiệnthù thắng theo quan điểmPhật giáo Bắc truyền, với mục đích giúp người tu quyết trạch rõ biết pháp nào nên hoặc không nên nương tựa, nhằm thành tựugiải thoát, giác ngộ.

Tứ ybao gồm: Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễunghĩa kinh. Các kinh luận Hán tạng đề cập đến Tứ y gồm: Đại Bát Niết Bàn kinh, q.6; Đại Phương Đẳng Đại Tập kinh, q.29; Đại Phương Tiện Phật Báo Ân kinh, q.7; Đại Trí Độ luận, q.9 v.v… (Thích Minh Cảnh, Từ điển Phật họcHuệ Quang, tr.4904). Về bản Việt dịch, trong kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 1, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, phẩm VIII, Tứ y, NXB Tôn Giáoấn hành, 2003, trang 186; giáo lýTứ y được trình bày chi tiết và cụ thể.

Y pháp bất y nhân, nghĩa đen là y theogiáo pháp, chẳng y theo theo người. Theo cách giải thích thông thường, Phật pháp là chân lý, quý giá và khó gặp, vì thế không nên đối chiếu, tỵ hiềm nơi tư cách người nói pháp để rồi bỏ lỡ cơ hội nghe pháp, tự thân mất sự lợi lạc. Cứ y theogiáo pháp của Phật mà tu hành, người nói ra giáo pháp ấy tốt hay xấu không quan trọng. Tuy nhiên, kinh Đại Bát Niết Bàn (Sđd, tr.209) nói cụ thể hơn về vấn đề này, y pháp bất y nhân có nghĩa là y chỉ vào Pháp tánh tức Phật tánh, Như Lai vì pháp tánhthường trụ, không y chỉ vào người (nhân) vì là hữu vi tức vô thường, sanh diệt.

Y nghĩa bất y ngữ, tạm dịch là y theonghĩa lý, không y theongôn ngữvăn tự. Phật thuyết pháp với ý nghĩasâu xa nhằm biểu đạt và thể nhậpchân lý. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ diễn đạtTrung đạođệ nhất nghĩa, giúp người tu nhận rachân lý để hành trì và thân chứng, bởi thế không nên bám víu và quá cố chấp vào văn tự, vì “ngôn dĩ tải đạo” mà thôi.

Y trí bất y thức, nghĩa là y theotrí tuệ, không y theovọng thứcphân biệt. Chỉ có trí tuệ mới nhận chân được chân lý, thực tại còn vọng thức là thấy biết theo nghiệp, có tính tương đối và đa phần sai lầm. Chỉ có trí tuệ mới đầy đủ công năngquét sạchphiền não, thanh tịnhba nghiệp. Còn thức dẫu thông minh, nhạy bén và lanh lợi đến đâu đi nữa cũng là sanh diệt, hư vọng và không đủ sứcgiác quán để chuyển hóa, diệt trừphiền não. Vì vậy, “duy tuệ thị nghiệp” chính là phương châmtu học của hàng đệ tử Phật.

Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễunghĩa kinh, có nghĩa là y theo các kinh điểnliễu nghĩa, chẳng y theo các kinh điển không liễu nghĩa. Theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, kinh điển được Phật tuyên thuyếttùy căn cơchúng sanh nên có cao thấp, khác biệt. Dù mục tiêucứu cánh vẫn là giải thoát sanh tử, song trên tinh thầnphương tiện thì những kinh điểnthuyết minh về con đườngthể nhậpNhân thừa, Thiên thừa v.v… được gọi là kinh bất liễu nghĩa (chưa nói hết ý nghĩathâm diệu, toàn triệt của giáo pháp). Những kinh điểnchỉ thẳng đến quả vịgiải thoátviên mãn (Phật quả) là kinh liễu nghĩa.[1] Người tu hướng về Vô thượng Bồ đề, tất nhiên phải y cứ vào kinh liễu nghĩa để hành trì nhằm thành tựugiác ngộrốt ráo, thành Phật.

Việc ứng dụnggiáo lýTứ y vào trong thực tiễntu tập cực kỳ quan trọng. Chính giáo lý Tứ y đã vạch ra những yếu tố quan trọng cần phải nương tựa, y theo và những vấn đề không nên y cứ, nhằm vượt qua hết thảy chướng ngại để thành tựuPhật quả. Mặt khác, giáo lýTứ y là một phương tiệnthù thắng giúp cho người tu vận dụng giáo pháp một cách thông minh, linh động và nhuần nhuyễn đồng thời khai thác hết những tinh túy, đặc sắc của giáo lý để ứng dụngtu tập. Giáo lýTứ y cũng chỉ là một phương tiện trong vô vàn phương tiện khác của giáo pháp, vì thế khi ứng dụnggiáo lýTứ y cũng cần sự linh hoạt, nhất là cần phải hiểu một cách chính xác (y nghĩa bất y ngữ) vì “y kinh giải nghĩatam thế Phật oan”. (Ban Tư Vấn TC. Giác Ngộ)

Thế Nào Là Kinh Liễu Nghĩa?

Tôi được xem nhiều kinh lưu trữ trong Thư Viện Hoa Sen, trong đó có những kinh được quý thầy cho biết là kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Ví dụ như kinh Bát Nhã là kinh liễu nghĩa và kinh Địa Tạng hay kinh Nhân Quả Ba Đời là những kinh không liễu nghĩa. Vậy xin vui lòng cho tôi biết thế nào là kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa. Xin cảm ơn quý ban biên tập.

TRẢ LỜI:Liễu Nghĩa là thực nghĩa hiển liễu phân minhthuyết thịcứu cánh. Là nghĩa đã trọn, đã hết. Đối nghịch với liễu nghĩa là bất liễu nghĩa tức là nghĩa chưa trọn vẹn, chưa hết nghĩa. Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa là tên gọi khác của Cứu Cánh (liễu nghĩa) và Phương Tiện (bất liễu nghĩa). Trong kinh điểnPhật giáo có Liễu Nghĩa Kinh và Bất LiễuNghĩa Kinh. Cho nên Phật dạy; phải y vào kinh Liễu Nghĩa (Kinh Đại Bát Niết Bàn - Phẩm Tứ Y).

Nói một cách giản lược, kinh liễu nghĩa kinh điển trình bày về chân lýtuyệt đối, bản thểchân tâm, đúng mức và rốt ráo. Kinh không liễu nghĩa là những kinh phương tiện, chỉ nói về chân lý tương đối, chưa đúng mức, chưa hết nghĩa. Ví dụ như nói: Như Lai nhờ sự ăn mà sống còn, đó là lời (kinh) không liễu nghĩa. Nếu nói Như Laithường trụ không biến đổi, đây gọi là lời (kinh) liễu nghĩa. Nếu nói Như Lainhập Niết Bàn như củi hết lửa tắt, đó là lời (kinh) không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Pháp tánh, đấy là lời (kinh) liễu nghĩa.

Đối với Phật GiáoNam Tông, bất cứ kinh nào có hiện diện của ba pháp ấn: vô thường, vô ngã và khổ là chỉ cho kinh liễu nghĩa. Hành giả nào vâng theo những lời dạy trong kinh liễu nghĩa này mà thực hànhtu tập thì sẽ đưa đến chỗ đắc đạo và, nếu kinh nào mà không có sự hiện hữu của ba pháp ấn này thì kinh điển đó không phải là kinh liễu nghĩa. Ba pháp ấn là ba phạm trù dùng để ấn chứng, công nhận những kinh điển nào phù hợp với những lời dạy của đức Đạo sư, phù hợp với sự thật thì những lời dạy ấy đích thật là của trí tuệ.

Ý niệm về kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa song hành với ý niệm về hai sự thật: Sự ThậtTương ĐốiSự ThậtTuyệt Đối. Sự ThậtTuyệt Đối tương đương với liễu nghĩa, thuật ngữPhật học gọi là Chân Đế, Đệ Nhất Nghĩa Đế; còn Sự ThậtTương Đối là Tục Đế, cũng còn gọi là Sự Thật Công Ước. Trong sự thật công ước, tất cả mọi hiện tượng đều diễn bày thật một cách công ước, có nghĩa là, chúng cũng thật như thể một giấc mộng. Chúng xuất hiện và vận hành qua tiến trình duyên khởi tạo nên bởi tâm vọng tưởng. Ngược lại, trong sự thậttuyệt đối, tất cả mọi hiện tượng đều không có tự tính và vượt trên mọi khái niệm, vượt trên mọi phân biệtnhị nguyênđối đãi. Một vị Thiền sư cho một ví dụ rất hay khi đề cập đến hai sự thật này là ở trong một căn nhà, người ta muốn thờ Phật ở tầng trên và ngủ ở tầng dưới, tại vì nếu thờ Phật ở tầng dưới, đi đứng, nằm ngồi ngủ nghỉ ở tầng trên thì có cảm giác mang tội. Đó là một sự thậttục đế được mọi người công ước. Mình tin rằng thờ Phật ở tầng trên và mình ở tầng dưới, nhưng khi quả địa cầu quay ngược lại, thì mình ở trên và nơi thờ Phật lại ở dưới. Thành ra ý niệm về trên và dưới là một ý niệmtương đối. Đối với sự thậttuyệt đối thì không có trên dưới.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết, chúng ta đang sống trong thế giới công ước, sống trong những thật tại tương đối, mặc dầu không hoàn toàn, không tuyệt đối, nhưng nó rất là quan trọng vì nhiều khi chúng ta phải nương vào nó để hiểu, để tới thế giớituyệt đối. Đối với kinh, khi thấy một lời kinh (hay) một quyển kinh không liễu nghĩa, không nên cho rằng kinh này là sai, không phải là kinh của Phật, không phù hợp với tinh thầngiáo lý của Phật. Không nên nói và nghĩ như vậy, vì có thể những kinh đó đã được nói ra đễ dẫn dắt những người mới bước chân vào đạo hay những người chưa đủ căn cơ để tiếp nhậngiáo pháp cao hơn. Mặc dầu kinh đó chưa diễn bày hết nghĩa lýthâm sâu của Phật, nhưng nó có tác dụng đưa người ấy ra khỏi cảnh khổ, ra khỏi vũng bùn lầy lội hiện tại.

Một Phật tử được khuyên bảo là “ lòng từ bi với muôn loài chúng sinh nên đừng sát sinh ăn chay là tránh sát sinh. Mục đích đích thực của việc ăn chay trong đạo Phật tôn trọng bảo vệ sự sống. Tôn trọng sự sống không những bằng cách giúp nhau để sống còn, mà còn có khi phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống, nghĩa là có khi tiêu cực như ăn chay để cứu muôn loài, có khi tích cực như "thay khổ cho chúng sanh" để cứu vạn loại”.Mặc dầu nghe rất hay nhưng sao thấy chuyện đó xa vời quá nên vị Phật tử này không quan tâm đến việc thực hànhăn chay. Cho đến khi có một người bạn thân lấy một đoạn kinh Bắc Truyền nói rằng “ăn miếng thịt trả miếng thịt, giết mạng sống đền mạng sống”, thế là vị Phật tử này nghe liền và ăn trường chay luôn. Vậy thử hỏi ai khuyên đúng? Ai khuyên sai? Thật ra không có ai nói sai hay nói đúng hết. Chỉ có vấn đề có phù hợp với căn cơ người nghe không mà thôi.

Đức Phật là một vị đại lương y, trước khi Ngài diễn nói, Ngài quán sátthính chúng, biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo phápthích hợp nhằm chữa cho họ hết tâm bệnh. Cố nhiên khi Phật nói với người này thì người khác cũng có thể nghe nhưng họ không hiểu được, không cảm nhận được vì họ không cùng hoàn cảnh, không cùng căn cơ. Vì vậy từ xưa và đến ngày nay vẫn có một số người hiểu lầm Ngài, tỏ vẻ chống báng, chỉ trích. Cho nên, Chúng ta nên biết rằng mỗi lời Phật nói nhắm vào một mục đíchtương đối nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ cái kẹt cho họ. Nếu chúng ta thấy được hoàn cảnh của họ mới mong hiểu được lời tuyên bố của Phật. Vì Phật muốn độ chúng sinh phương tiện nói pháp

Ngày xưa Tổ Triệu Châu nói với đệ tử về Phật tánh: Con chó có Phật tánh hay không? Trong các kinh Phật đều nói rằng “trên từ chư Phật dưới tới con sâu con kiến đều có Phật tánh” Theo đó thì con chó thế nào cũng có Phật tánh, nên một hôm đệ tử biết chắc như vậy bèn hỏi để thầy ấn chứng cho sở học của mình: “Thưa thầy, con chó có Phật tánh hay không? Tổ trả lời: Không. Cũng chính Tổ hôm trước nói con chó có Phật tánh mà, sao hôm nay lại nói không! Vì Tổ biết vị đệ tử này tin chắc chắn con chó có Phật tánh nên Tổ mới nói không nhằm phá chấp có của đệ tử,tháo gỡ cái vướng mắc “có không” của thế giớinhị biên, đối đãi. Nếu chúng tacăn cứ vàolời nói mà bảo rằng Tổ này nói đúng, Tổ kia nói sai, là không đúng. Đúng là đúng với ai? Sai là sai với ai? Có khi nó đúng với người này mà nó sai với người khác. Các Ngài nói với từng người một, mỗi người có căn cơ riêng, có hoàn cảnh riêng. Một vị Bác sĩ trước khi cho thuốc phải khám nghiệm, chẩn mạch, phải biết được tình trạng cơ thể bệnh nhân.
(Ban Biên Tập TVHS)

Cúng Sao Giải Hạn

Đầu năm vừa qua tôi đi lễ chùa, thầy trụ trì nói với tôi: “Phật tử năm nay sao Thái Bạch, vào hạn khánh tận, thái bạch là sạch cửa nhà, nên phải dùng tám ngọn đèn hay tám ngọn nến làm lễ hướng Tây, mỗi tháng cúng vào ngày Rằm, khấn bái đức Thái Bạch Tinh Quân” cho tai qua nạn khỏi..." Vậy tôi xin hỏi quan điểm của Phật Giáo về việc cúng sao giải hạn?

TRẢ LỜI: Chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây của Cư sĩ Hoàng Liên Tâm, một thành viên của BBT TVHS sau khi đi chùa hành hương ở quê nhà vào dịp đầu năm:

CÚNG SAO GIẢI HẠN

Hằng năm, cứ vào dịp đầu năm Âm Lịch, nhất là tuần lễ thứ hai trong tháng Giêng mà cao điểm là ngày Rằm, người Phật tử Việt Nam và Trung Hoa thường có lệ đi chùa dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa ở trong nước cũng như hải ngọai thường tổ chức lễ rất trọng thể nhằm đáp ứng nhu cầu của quần chúng Phật tử. Hầu như chùa nào cũng có chương trình cầu an đầu năm. Tuy nhiên vẫn còn một số chùa nhận ghi danh Phật tử cúng sao giải hạn vào ngày Rằm tháng Giêng.

Đến thăm một ngôi chùa khá lớn và nổi tiếng tại Hà Nội vào dịp đầu năm vừa qua, chúng tôi cũng thấy chương trình cầu an đầu năm từ ngày mồng tám đến ngày Rằm, có cúng sao giải hạn. Lễ Phật xong, chúng tôi vào phòng khách thăm thầy trú trì. Trong phòng cũng khá đông Phật tử đến nhờ thầy xem tuổi, xem sao hạn và ghi danh vào danh sách cần cúng sao giải hạn. Chúng tôi nghe thầy nói với một Phật tử: “Phật tử năm nay sao Thái Bạch, vào hạn khánh tận, thái bạch là sạch cửa nhà, nên phải dùng tám ngọn đèn hay tám ngọn nến làm lễ hướng Tây, mỗi tháng cúng vào ngày Rằm, khấn bái đức Thái Bạch Tinh Quân”. Tới lượt Phật tử khác và cứ như thế, người vào người ra mang trong lòng nỗi buồn vui đầu năm theo những vì sao đã an bài cho đời mình trong năm.

Tôi rời chùa mà lòng như không vui, tự hỏi ai đã đem tập tục cúng sao giải hạn vào nơi già lam, biến chốn thiền môn nghiêm tịnh thành nơi thờ cúng Thần Tiên, cầu hên xui may rủi cho con người và cũng thương thay cho những ai đặt lòng tin không đúng chỗ, trao phận mình cho người khác sử lý qua việc khấn sao xin giải trừ hạn xấu.

Thật ra, lễ Rằm Tháng Giêng, còn gọi là lễ Thượng Nguyên là lễ hội dân gian ở Việt Nam, được du nhập từ nước láng giềng Trung Hoa phương Bắc. Gọi thượng nguyên là cách phân chia theo Âm lịch: thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và hạ nguyên (Rằm tháng Mười) của hệ thống lịch tính theo mặt trăng. Theo một số sách Trung Hoa, như Đường Thư Lịch Chí, quyển 18 thì có chín ngôi sao phát sáng trên trời. Có sách nói là bảy sao, rồi về sau có sách thêm vào hai sao La Hầu và Kế Đô. Chín vì sao đó là Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Có sách thêm sao Thái Bạch nữa thành mười sao. Chín vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành. Theo sách này cho rằng thì hàng năm mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Hai sao La Hầu và Kế Đô là sao xấu, là loại ám hư tinh vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời.

Đó là theo tập tục dân gian vốn có từ thời xa xưa mông muội, khi mà con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, bị đủ loại bệnh hoạn mà chưa tìm ra thuốc chữa, cho là vì các vị Thần trừng phạt, nên sợ sệt trước đủ mọi loại Thần mà họ có thể tưởng tượng ra được, từ thần Sấm, thần Sét, thần Cây Đa, cây Đề, thần Hổ, thần Rắn, thần Núi, thần Sông (Hà Bá) v.v…

Nhưng căn cứ vào kinh sách liễu nghĩa của nhà Phật, theo lời Phật dạy trong Pháp Tứ Y : "y cứ theo kinh liễu nghĩa, chẳng y cứ theo kinh không liễu nghĩa", thì chúng tôi thấy không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Tuy vậy, vẫn có một số ít chùa, ở những vùng địa dư còn chịu nhiều ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng dân gian đa thần, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải, gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng sơ cơ học đạo giải thoát, mà tổ chức các buổi lễ lạc, bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Ngoài ra, cũng có một số chùa ở chốn thị thành, mặc dầu biết việc cúng sao giải hạn là không phù hợp với chánh pháp nhưng vẫn duy trì, hoặc do nhu cầu phát triển chùa cần sự trợ giúp của thí chủ, hoặc vì lo ngại Phật tử sẽ đi nơi khác hay theo thầy bùa, thầy cúng mà tội nghiệp cho họ phải xa dần Phật đạo.

Tại sao chúng tôi nói là không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Bảy ngôi sao, chín ngôi sao hay mười ngôi sao nói ở trên là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng. Ngài dạy chúng ta về nhân quả. Ngài dạy rằng không có quả nào từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. Thí dụ như chúng ta muốn có cam ngọt thì chúng ta phải chọn giống hay chiết cành từ cây cam ngọt, như cam Texas chẳng hạn. Thêm vào đó chúng ta phải chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng thời kỳ, thì thế nào chúng ta cũng sẽ hái được cam ngọt.

Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành. Những nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ qủa tốt. Nhà Phật có câu “muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”; Tuy nhiên, nhân quả không đơn thuần mà rất đa dạng, trùng trùng, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại có thể do ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ, ngoại trừ những người tu hành liễu đạo, tới được trạng thái "Tâm Không" thì: "Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không"(Vĩnh Gia Huyền Giác).

Cầu xin quả tốt lành mà không chịu gieo nhân tốt lành, sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến, mà không dừng tay tạo nhân xấu, sự cầu xin ấy chỉ là việc hoang tưởng. Phật giáo dạy rằng bất luận việc gì xảy đến cho chúng ta, đều do một hay nhiều nguyên nhân, chớ không do ngẫu nhiên, thời vận hên xui hay số mạng an bài.

Đối với Phật giáo, không có ngày nào xấu, mà cũng không có ngày nào tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt. Nếu ta đi coi xăm, bói quẻ, coi sao, coi hạn, thầy nói ngày ấy tốt mà lại đi làm những chuyện không tốt lành, như ăn trộm, gây gỗ, đánh nhau, giết người, chắc chắn chúng ta sẽ bị pháp luật trừng trị và ngày tốt do ông thầy nói ấy trở thành ngày xấu ngay. Như vậy ngày tốt, ngày xấu không có cơ sở, chỉ là do con người bày ra mà thôi. Lại thí dụ có hai đạo quân giao tranh, đều chọn ngày tốt và giờ hoàng đạo ra quân, vậy mà chỉ có một bên thắng, và cả hai bên, dù thắng dù thua, cũng đều có tử sĩ và thương binh. Chọn ngày tốt mà làm việc giết người thì quả trổ ra sẽ có chết chóc là vậy.

Đối với sự cúng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật mang lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu giùm thì nghịch lại lý Nhân Qủa. Nếu vị thầy cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân, … tha tội, giải hạn xấu nổi thì những người giầu có cứ tạo ác rồi sau đó xin thầy cúng sao giải hạn cho tai qua nạn khỏi, cho khỏi bị tù tội, tạo nhân ác mà hưởng được quả thiện, thì toàn bộ nền đạo lý xây dựng trên quan điểm về lý Nhân Quả mà nhà Phật rao giảng phải sụp đổ sao?

Có người hỏi rằng, nếu chỉ tin vào quy luật Nhân Quả thì có nên cúng bái Cầu Siêu, Cầu An không?

Xin thưa, cúng bái Cầu Siêu, Cầu An khác với cúng Sao giải hạn.

Trường hợp Cầu Siêu, đó là một hình thức tưởng niệm người đã qua đời, với tâm thành ước mong thần thức người quá vãng được sanh về nơi tốt đẹp. Chuyện lời cầu có được đáp ứng hay không thì chưa ai chứng minh bằng khoa học được. Nhưng lòng thương nhớ mà thân nhân dành cho người quá vãng nếu được biểu lộ bằng những buổi lễ trang nghiêm, với niềm tin tưởng thành kính, chí tâm cầu nguyện cho người quá vãng, thì nếu như thần thức người quá vãng còn trong trạng thái thân trung ấm, sẽ có thể có cảm ứng tốt mà vơi đi nỗi buồn rầu, lo sợ, sân hận, có thể tạo được cơ hội cho nghiệp lành dẫn dắt mà tái sanh.

Ngay như những buổi cúng giỗ, nếu gia đình người quá vãng có thể thiết lễ trên chùa, cùng nhau vì người quá vãng mà tụng một thời kinh, dùng một bữa cơm chay tịnh, thì ngoài biểu tượng của lòng hiếu thảo từ con cái hướng lên cha mẹ, hoặc tình thương mến đối với người thân nhân đã qua đời, cũng còn là một duyên lành của những người tham dự với nhà Phật khởi lên từ kỷ niệm đối với người quá vãng.

Còn trường hợp lễ Cầu An thì chúng tôi thiết nghĩ, nếu muốn có được kết quả tốt thì chính người bệnh phải cùng với thân nhân tham dự buổi lễ. Mà phải tham dự với tâm niệm chí thành. Người bệnh và tất cả thân nhân đều đồng tâm chí thành tụng niệm, thì ngay trong những giờ phút chí thành đó, tâm họ đã thanh tịnh. Nhà Phật quan niệm rằng tất cả Thân và Tâm đều vô thường, cho nên khi Tâm chuyển thì nghiệp chuyển, nghiệp chuyển thì bệnh chuyển. Bệnh là do Thân, Khẩu, Ý Nghiệp xấu tạo nên.

Có câu: "Tâm được tịnh rồi, tội (nghiệp) liền tiêu".

Vậy muốn Cầu An cho có kết quả thì ngoài vị thầy, chính người bệnh và thân nhân phải cùng nhau hành trì để cho Tâm được tịnh. Sự kiện thân nhân nên cùng tụng niệm là để cho người bệnh được tăng trưởng niềm tin khi thấy có bạn đồng tu, chứ nhân vật chính vẫn phải là người bệnh. Còn như chỉ đưa tiền cho vị thầy để nhờ thầy tụng niệm giùm, rồi xoa tay hoan hỉ về nhà chờ kết quả thì trái quy luật nhân quả. Vị thầy tụng niệm thì Tâm thầy tịnh, người bệnh không được ảnh hưởng, ngoại trừ chút hy vọng.

Đức Phật là vị đạo sư, Ngài không làm chuyện bất công là ban phước hoặc giáng họa cho ai, đã dạy chúng ta rằng phải tạo nhân lành để hưởng quả tốt trong Nhân Thừa. Rồi Ngài dạy chúng ta con đường để thăng tiến trong năm Thừa của nhà Phật, từ Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa, rồi đi tới giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Quý vị tu sĩ trong đạo Phật là Trưởng Tử Như Lai, hiển nhiên là phải nối tiếp bước chân của Đức Phật mà soi chiếu Ánh Đạo Vàng cho Phật tử, dạy Phật tử những điều Phật dạy trong kinh. Quý vị tu sĩ Phật giáo không phải là những người môi giới giữa Thần Thánh và tín đồ như tu sĩ của một số tôn giáo khác, tự nhận là có thể cầu xin Thần Thánh ban ơn giáng họa được. Chúng ta cần dùng trí tuệ để hiểu rõ con đường Giải Thoát của nhà Phật.

Trong kinh Phật Giáo Nguyên Thuỷ (kinh Trường Bộ), Đức Phật đã khuyên các thầy Tỳ Kheo, những người đã thọ dụng sự cúng dường của tín thí Phật tử, không nên thực hành những tà hạnh như: “chiêm tinh, chiêm tướng, đoán số mạng, xem địa lý, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sáng mờ, … sắp đặt ngày lành để đưa (rước) dâu hay rể về nhà, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, …

Ngoài ra, cũng trong kinh Nguyên Thuỷ (Giải Thoát Kinh), Đức Phật đã dạy về giáo pháp của chư Phật. Ngài dạy rằng:

“Ai hành trì chánh Pháp
Là cúng dường Đức Phật
Bằng cách cao quí nhất
Trong các sự cúng dường…”

Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều, đã trở thành quen thuộc với mọi người Phật tử:

“Không làm các việc ác
Siêng làm các việc lành
Thanh tịnh hoá tâm ý…”

Như vậy, nếu mỗi Phật tử đều hành trì ba điều Đức Phật dạy kể trên thì giờ nào, ngày nào, tháng nào hay năm nào cũng đều là giờ hoàng đạo, là ngày tốt, tháng tốt và năm tốt cả; đâu cần phải đi nhờ thầy cúng sao giải hạn nữa. Và hành trì như thế mới là cách cúng dường cao quý nhất trong các cách cúng dường Đức Phật. (Hoàng Liên Tâm)

Phật Giáo Có Phải Là Duy Vật Không?

Tôi đọc sách Bát Nhã Ba La Mật kinh trực chỉ đề cương của Hoà thượng Thích Từ Thông, ở phần cuối sách có đề mục: Phật giáo là duy vật qua cái nhìn Bát nhã ba la mật. Quan điểm này của tác giả làm tôi rất ngạc nhiên và gây nhiều tranh cãi vì theo thiển ý của tôi cảm nhận về giáo lý Phật Đà thì Phật giáo siêu việt cả duy tâm lẫn duy vật. Mong quý Báo giải thích cho tôi được rõ hơn về vấn đề này. (TT, thành phố Vinh, Nghệ An)

TRẢ LỜI: Trước hết chúng tôi ghi lại nơi đây phần trích đoạn (mầu xanh) bài tham luận của Hòa Thượng Thích Từ Thông đọc trong cuộc Hội thảo tại Viện Khoa Học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh do Viện Triết học Trung ương tổ chức. Sau đó là hai câu trả lời: Một của Cư sĩ Vajra ở Canada và một của Ban Tư Vấn Báo Giác Ngộ, Việt Nam.

BÁT NHÃ BA LA MẬT,MỘT TRONG NHỮNG HỆ TƯ TƯỞNGGIÁO LÝ
CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁOVIỆT NAM

Bài tham luận của Hòa Thượng Thích Từ Thông đọc trong cuộc Hội thảo tại Viện Khoa Học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh do Viện Triết học Trung ương tổ chức.
….
IV. PHẬT GIÁO DUY VẬT QUA CÁI NHÌN BÁT NHÃ BA LA MẬT
Tôi xin đơn cử một thí dụ nhỏ nhoi. Dù nhỏ nhoi nhưng là giáo lý cơ bản của Phật giáo.

Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật Phật nói: ....NGŨ UẨN GIAI KHÔNG"...
Dưới mắt người Phật giáo có học Phật, người ta có thể cho Đức Phật là nhà triết họcduy vật ở thời đại 25 thế kỷ trước. Bởi vì trong bốn chữ NGŨ UẨNGIAI KHÔNG: ta thấy Đức Phật dạy cho các đệ tử:

1.Một hiện tượng vật thể nào ra đời cũng từ một hiện tượng hoặc nhiều hiện tượng khác kết hợp mà thành.

2.Mọi sự vật hiện tượng đều tồn tại khách quan. Mọi sự vật hiện tượng luôn luôn trong quá trình vận động không ngừng. Sự vật này diệt đi, sanh lại sự vật khác, không có cùng tận.

3. Phủ định NGŨ UẨNGIAI KHÔNG, có nghĩa là đánh đổ 3 lần rưỡi về tâm vương, tâm sở ở phía gọi là TÂM. Về vật chất chỉ phủ định có một lần rưỡi thôi
Thế thì dựa vào đâu mà người ta bảo đức Phật chủ trương DUY TÂM? Tại sao không nói Phật là nhà DUY VẬT hai mươi lăm thế kỷ trước?

Đành rằng trong kinh điển Phật rõ ràng có nói: "NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO"
Nhưng không phải vì vậy mà ai muốn phê phán chê trách kiểu nào cũng được. Cái chữ TÂM trong Phật giáo có:

- Nhục đoàn tâm
- Duyên lự tâm
- Chơn tâm
- Vọng tâm
- Tích tập tâm
- Tập khởi tâm
- Tích tụ tinh yếu tâm
- Tâm vương
- Tâm sở

DUY TÂM là thứ triết lý siêu hình. Mà siêu hình đồng nghĩa vớihoang đường, viễn vông, không tư, hư tưởng. Những người Phật giáo có học giáo lý Phật, chúng tôi rất đồng ý về sự phê phán đó. Nhưng nếu ai đó, bảo rằng giáo lýđạo Phật là duy tâm siêu hình, thì xin lựa dùm trong các thứ TÂM vừa nêu, Phật giáo DUY thứ TÂM nào? Và giải thích vì sao nó đáng chê trách? ...."Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm thị danh vi tâm. Quá khứtâm bất khả đắc, hiện tạitâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc". Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật đã phủ nhận cái tâm như thế đấy, mà bảo Đạo PhậtDUY TÂM, vậy Phật đã DUY thứ TÂM nào?

V. ĐẠO PHẬT VÔ THẦN VỚI NHẬN THỨCBÁT NHÃ BA LA MẬT

Vì rằng vũ trụ quan của Phật giáo là TỨ ĐẠIDUYÊN SINH, Y THAKHỞI TÁNH.
Vì rằng nhân sinh quan của Phật giáo là NGŨ UẨN HỢP THÀNH
Con người tự định đoạt số phận của mình qua giáo lýNHÂN QUẢLUÂN HỒI, trong kinh điển Phật ....."Kim sanh tiệm tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân"...

Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật: Quả VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC không phải địa vị dành riêng cho một Như Lai, hà huống có địa vị của một đấng "Thần linh" nào xen vào việc nội bộ của con người Phật giáo?

Tất cả giai vị, thấp nhất là Tu đà hoàn...cho đếnVô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật, đều không được xem là quả vịCHỨNG ĐẮC. Không một ai có quyền làm cái việc ban phúc giáng họa cho ai.

- "Tu Đà Hoàn danh vị nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc thanh hương vị xúc pháp thị danh Tu ĐàHòan”....
……
Trên đây là những tri kiến của người nhìn giáo lý Phật, qua lăng kính Bát Nhã Ba La Mật. Với tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi nêu ra đây, hy vọng được xem là những gợi ý. Là những điều gợi ý thôi, để các đồng chí có trách nhiệm ở Viện Triết Học Trung Ương nghiên cứu các triết học, trong đó có thứ triết học mà không triết học của Phật giáo. (Hòa Thượng Thích Từ Thông)

CÂU TRẢ LỜI THỨ NHẤT:
Cư sĩ Vajra: (http://vnnews.net/forums/showthread.php?t=74480)

Nói Phật Pháp Duy Vật phỉ báng Chánh Phápcủa Đức Phật đã dạy bởi vì Đức Phật dạy tất cả các hiện tượngsanh diệt đều là như mộng như huyễn.

Nói Phật Pháp Duy Vật là Chấp Đoạn Diệt bởi vì tất cả các hiện tượngsanh diệt đều là Vô Thường.

Trong Kinh Đại BảoTích Đức Phật dạy trong thời Mạt Pháp có các chúng Ma hiện hìnhTỳ Kheo lẫn vào trong Phật Pháp để mà phá hoạiChánh Pháp của Đức Phật.

Vạn PhápDuy TâmTam GiớiDuy Thức

Đây là câu trong Kinh Hoa NghiêmĐức Phật dạy về tất cả mọi hiện tượngsanh diệt đều từ TâmVọng TưởngSanh Khởi (Tâm)

Ba cõi là do sự Phân Biệt Theo 8 Thức Sanh Diệt cho nên nói là Duy Thức.

Kinh Kim Cang nói là:

Quá Khứ Tâm chẳng thể được, hiện tại Tâm chẳng thể được, vị lai Tâm chẳng thể được.

Đây là nói Tâm Vọng TưởngSanh Diệt không có tự tánh, không có thật thể cho nên nói là Không Thể Được.

Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai là do Vọng Thức biến hiện rồi Phàm Phu lại Khởi Chấp duyên theo Niệm Vọng Tưởng cho nên Đức Phật mới nói là Tâm trong 3 đời chẳng thể được.

Chân Như hay là Chân Tâm là Tâm không duyên theo Vọng TưởngPhân Biệt của 3 đời.

CÂU TRẢ LỜI THỨ HAI:
Ban Tư Vấn Báo Giác Ngộ, Saigon, Việt Nam (Nguồn: Báo Giác Ngộ 259)

Bát Nhã Ba La Mật kinh trực chỉ đề cương (BNBLMKTCĐC) là giáo án Trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo) của HT.Thích Từ Thông. Tác giả là một trong những vị tôn túc có thẩm quyền về Đại thừa (Mahayana) của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Phật giáo là duy vật qua cái nhìn Bát nhã ba la mật là tiêu đề thuộc phần IV của tham luậnBát Nhã Ba La Mật, một trong những hệ tư tưởnggiáo lý của Đại thừa Phật giáoViệt Nam, đọc trong cuộc Hội thảo tại Viện Khoa học xã hội TP.HCM, do Viện Triết họcViệt Nam tổ chức, được in ở phần Phụ lục sách (Thích Từ Thông, BNBLMKTCĐC, NXB. TP.Hồ Chí Minh, 1999, tr.152).

Trước hết, chúng ta hãy xác định khái niệm chủ nghĩaduy vật. Theo quan điểmtriết học Mác - Lênin, "Chủ nghĩaduy vật khẳng định vật chất có trước và tinh thần, tư tưởng có sau, và điều đó có nghĩa là tính vĩnh viễn, tính vô hạn của nó trong thời gian không gian. Coi ý thức là sản phẩm của vật chất" (Từ điển Triết học, NXB Sự Thật, 1986, tr. 139 - 140); "bằng sự phát triển lâu dài của bản thântriết học và sự phát triển khoa học, chủ nghĩaduy vậtbiện chứngchứng minh rằng, bản chất của thế giới vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất" (Giáo trình triết học Mác-Lênin, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.169).

Đứng trên lập trườngDuyên sanh và Y tha khởi, tuệ giácBát nhã ba la mật "chiếu kiến" vạn pháp là KHÔNG (Sunyata), Ngũ uẩngiai không, vô tự tính, vô ngã tính. Bát nhã ba la mật đã phân tích và nhận thứcthế giới khách quan đến cùng tột và nhận ra rằng mọi hiện tượng đều do Duyên sanh, vô tự tính, là KHÔNG. Điều này có nghĩa rằng, với Bát nhã ba la mật thì bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào ra đời cũng do nhiều sự vật, hiện tượng khác kết hợp mà thành (Duyên sanh). Cái này sở dĩ có, tất yếu phải dựa vào những cái khác (Y tha khởi). Mặt khác, dưới tuệ giácBát nhã ba la mật thì thế giới khách quan luôn vận động, sanh diệttương tụcvô cùngvô tận. Sự vận động này có tính cáchtự nhiên, không do bất kỳ ý chí của một đấng siêu nhiên nào chi phối, sanh tức diệt mà diệt cũng tức sanh, vì bản chất của thế giớitự nhiên là Duyên sanh, vô ngã nên chúng liên tụcvận động trong tương hệ "trùng trùng duyên khởi". Nếu một nhà duy vật luận hay duy vậtbiện chứng khi nghiên cứuBát nhã ba la mật thì chắc chắn phải thán phụctuệ giác của Đức Phật về phương diệnnhận thứcthế giới. Như vậy, ở một chừng mực nào đó, xét trên phương diệnnhận thứcthế giới khách quan, có thể xem chủ nghĩaduy vật có phần tương hợp với cái nhìn của Bát nhã ba la mật.

Mặt khác, quan điểm "Phật giáo duy vật qua cái nhìn Bát nhã ba la mật" mà tác giả đưa ra, xét trong tinh thần chủ đạo của tham luận là để khẳng định rằng Phật giáo không phải duy tâm, dù là duy tâm siêu hình, chủ quan hay khách quan… Điều này thể hiện rõ trong phần XXXI của tác phẩm, Vấn đềsắc tâm qua cái nhìn của Bát nhã ba la mật: "Nhìn vấn đềSẮC TÂM qua nhận thức của Bát nhã, người ta có thể phê phán Đức Phật, nghiêng về bên VẬT, Ngài quả là người DUY VẬT thời xưa! Vì Ngài đã đánh đổ mạnh về ý niệmMÊ TÂM. Các thứ DUY TÂM siêu hình, duy tâmchủ quan, khách quan… hẳn là không có chỗ đứng trong nền giáo lý Phật" (Sđd, tr. 130).

Như đã trình bày, tuệ giácBát nhã ba la mậtchiếu kiếnNgũ uẩngiai KHÔNG thì rõ ràng cả Tâm lẫn Vật đều không còn chỗ đứng trong tuệ giác ấy. Với Bát nhã ba la mật thì Phật giáo lại càng xa lạ với duy vật theo các khái niệm về duy vật như đã nêu. Tuy nhiên, cứ theo cách luận giải của tác giả trong tham luận, khi so sánh về sự phủ định Ngũ uẩngiai không thì "phần TÂM bị phủ định đến ba lần rưỡi, còn phần VẬT chỉ phủ định có một lầnrưỡi" (Sđd, tr 153), do đó, nếu gắng gượng nói duy thì duy vật nhiều hơn duy tâm. Theo chúng tôi, quan điểm "Phật giáo là duy vật qua cái nhìn Bát nhãba la mật" của tác giả chỉ là một phương tiện trong vô vàn phương tiện nhằm mục tiêu gợi mở một sự liên hệ. Bởi lẽ, dưới tuệ giácBát nhã ba la mật thì vạn pháp chỉ còn một thực tướng vô tướng, là KHÔNG. Quả thực, đây là một vấn đề mang tính học thuật chuyên sâu, chúng tôi chỉ làm thao tác gợi mở bước đầu và rất hoan hỷ khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của độc giả, ngõ hầu chúng ta có một cái nhìn toàn cục về vấn đề đã được nêu ra.

Thế Nào Là Một Phật Tử Đúng Nghĩa Phật Tử

Trong nhiều trường hợp, một người tự xưng là Phật tử chỉ khác người không phải là Phật tử ở chỗ khi nào trong nhà có người chết thì rước một vị Sư áo vàng tới làm lễ tang. Ngoài ra, suốt đời không hề tìm hiểu đạo Phật nghĩa là gì, không hề tìm hiểu coi đạo Phật có điều gì khác với các đạo khác, không hề biết đến giáo lý nhà Phật, không hề biết đến chùa chiền, ngoại trừ mỗi khi có công việc gì cần cầu xin, thí dụ cầu an, cầu tài lộc, cầu cho con thi đậu, cầu buôn may bán đắt.. vân vân, thì đem nải chuối đến chùa năn nỉ với Phật. Hoặc ngày Tết thì mới lên chùa, nhưng không phải là lên chùa với mục tiêu cúng dường Tam Bảo để tự huấn luyện cho bản thân mở được cánh của Bố Thí buông xả trong tâm bằng cách cúng dường vào chùa chút tịnh tài để nhà chùa có phương tiện in ấn kinh sách, duy trì Phật đường, hoằng dương Chánh Pháp, mà là lên chùa chỉ để xin xăm và hái lộc, hai việc đó thì cũng rất vui, tuy nhiên, hái lộc chỉ cần một chồi nhỏ, nhưng có người lại bưng cả một "chậu hoa lộc" về, như thế là phạm vào một trong ba tật độc hại mà Phật tử cần trừ là tật Tham.

Vậy thì thế nào là một Phật tử đúng nghĩa?

Trước nhất, chúng tôi xin trình bày vài khái niệm mặt lý thuyết.

Đạo Phật là đạo Giác Ngộ. Từ vô thủy, chúng ta vì một niệm mê mờ bất giác mà trôi lăn vào biển sanh tử, trồi lên ngụp xuống, tới nay đã bao nhiêu đời kiếp rồi mà không biết đường ra.

Nhờ có đức Phật tu hành, Giác Ngộ được Bản Tánh Chân Thật, lại mở lòng từ bi, dạy chúng ta đường lối tu hành chuyển mê khai ngộ, biết đường trở về nguồn Tâm, để có thể trở lại được Bản Tánh Chân Thật sẵn có của chính mình, nên Ngài mới sáng lập ra đạo Phật.

Trên con đường tu hành để Chuyển Mê Khai Ngộ, trở về Bản Thể Chân Tâm, người Phật tử phải từng bước chuyển hóa vọng tâm, chuyển hóa từ Tham Sân Si trở thành Giới Định Huệ.

Vì thế, Phật chế ra Giới để người Phật tử nương theo, từ sự giữ Giới, giảm bớt mê say dục lạc, tâm hồn dần dần trở nên trong sáng, ứng xử trong đời sống có sự từ tốn, cảm thông với người, với vật, có sự bình tĩnh, có Định lực, tâm trí nhờ thế mà sáng suốt để tiến bước trên con đường Giác Ngộ.

Vì đạo Phật chủ yếu là tự nguyện chuyển tâm nên không có sự áp đặt, lôi cuốn. Người từ đạo khác chuyển qua đạo Phật thường là do nghiên cứu kinh điển, hiểu được cái tinh hoa thâm thúy của đạo Phật mà quay về đường Giác.

Người Phật tử đúng nghĩa là người có tham dự một lễ truyền thọ Tam Quy là Quy y Phật, Quy Y Pháp và Quy Y Tăng, gọi là Quy Y Tam Bảo, nhận Tam Bảo là Thầy. Sau lễ quy y, người Phật tử được thầy truyền thọ Tam Quy đặt cho một pháp danh. Pháp danh này là biểu tượng chính thức của người Phật tử, nói lên sự chấp nhận nương tựa vào Tam Bảo về mặt tinh thần.

Chỉ khi nào đã quy y Tam Bảo thì mới có pháp danh, là tên trong đạo Phật, thí dụ Diệu Tâm, Tuệ Minh, Thiện Đạo, vân vân... Không quy y mà tự mình đặt pháp danh hoặc có ông thầy nào cao hứng tự ý tặng cho người quen biết cái pháp danh dù người đó không hề quy y Tam bảo thì hành động đó là sai trái, là không đúng giới luật của đạo Phật.

Quy y như thế có nghĩa là chấp nhận sự hướng dẫn của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phật Bảo là chư Phật, Pháp Bảo là giáo pháp, cụ thể là Tam Tạng Kinh Điển, Tăng Bảo là chư Tăng Ni tu hành thanh tịnh, hiện đang đại diện Chư Hiền Thánh Tăng để hướng dẫn Phật tử trên con đường đến bờ Giác.

Khi quy y Tam Bảo là chúng ta quy y Chư Phật, Chư Pháp và Chư Tăng. Chư Tăng là "tất cả các Tăng". Cho nên đã quy y Thầy A rồi, khi thấy Thầy B danh tiếng lừng lẫy hơn, bằng cấp cao hơn, ta lại quy y thêm Thầy B là dư thừa, vì khi quy y Thầy A, ta đã đồng thời quy y Thầy B.

Có người nói rằng :" Tôi chỉ quy y "Nhị Bảo" là Phật và Pháp thôi, còn Tăng thì cũng như tôi, không cần quy y". Nghĩ như thế là sai lầm. Tăng hiện đang sống, đứng trước mặt chúng ta là phàm tăng. Nhưng các vị ấy đại diện tất cả Tăng Bảo của ba thời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng ta quy y như thế là quy y tất cả Chư Hiền Thánh Tăng của ba thời do các phàm tăng đại diện.

Ngoài ra, Quy Y Tam Bảo còn có một nghĩa cốt tủy, rốt ráo, mà Lục Tổ Huệ Năng đã giảng trong cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh, chúng tôi xin lược trích sau đây:

Lục Tổ nói:

"Nay ta vì thiện tri thức truyền Vô tướng Tam Quy Y Giới. Khuyên các thiện tri thức, nên Quy Y Tự Tánh Tam Bảo: Phật tức là Giác, Pháp tức là Chánh, Tăng tức là Tịnh.

Tự tâm quy y Giác thì tà mê chẳng sanh, thiểu dục tri túc, hay lià tài sắc, gọi là Lưỡng Túc Tôn.

Tự tâm quy y Chánh, niệm niệm chẳng tà kiến, vì chẳng tà kiến nên chẳng có nhơn ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn.

Tự tâm quy y Tịnh, tự tánh đối với tất cả cảnh giới trần lao ái dục đều chẳng nhiễm trước, gọi là Chúng Trung Tôn.

Nếu tu hạnh này là Tự Quy Y.

Nay đã tự ngộ, mỗi mỗi đều phải quy y Tự Tánh Tam Bảo, bên trong tự sửa tâm tánh, bên ngoài kính mến mọi người, tức là Tự Quy Y vậy.

Thiện tri thức, xưa nay tam thân Phật ở trong Tự Tánh mọi người đều sẵn có, tại tâm mê nên chẳng thấy Tánh bên trong, chỉ hướng ra ngoài tìm tam thân Phật mà chẳng thấy tự thân có tam thân Phật."

Thưa quý thính giả,

Ngoài Quy Y Tam Bảo, mỗi người Phật tử cũng cần phải biết và cố gắng tiến tới thọ từ một tới cả Năm Giới của nhà Phật, đó là:

-- Không sát sinh,
-- Không trộm cắp
-- Không tà dâm
-- Không uống rượu và các chất say sưa
-- Không nói dối, nói vu cáo, nói thêm bớt thêu dệt, nói lời xấu ác.

Để quý thính giả thấy được tầm quan trọng của sự giữ giới trong đạo Phật, chúng tôi xin lược trích bài Luận Về Thọ Giới trong cuốn Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tôn, như sau:

"Tịnh giới tiếng Phạn gọi là Ba La Đề Mộc Xoa. Sở dĩ chư Phật ba đời được thành đạo không vượt ngoài giới. Cho nên hiện tại Bồ tát lấy Giới mà độ sanh; vị lai người tu hành do Giới mà giải thoát.

Kinh nói: "Giới như đất bằng, muôn điều lành từ đó sanh. Giới như thuốc hay, chữa lành các bệnh. Giới như hòn ngọc sáng, hay phá mờ tăm tối. Giới như chiếc thuyền, hay đưa người qua biển. Giới như chuỗi anh lạc, trang nghiêm pháp thân".

Người có tội phải sám hối, nếu không sám hối thì tội càng sâu. Một phen mất thân này, muôn kiếp chẳng được lại. Ngày nay tuy an, sáng mai khó bảo đảm. Nên giữ Giới pháp này, chóng qua sanh tử. Thờ Phật làm thầy, trước phải y theo Giới luật. Cổ Đức nói: "Qua sông phải dùng bè, đến bờ chẳng cần thuyền". Đây là cổ nhân dùng Giới luật làm thuyền bè. Song người nay chẳng dùng thuyền bè qua sông, mà được đến bờ kia, thật ít thay! "

Thưa quý thính giả,

Vì đạo Phật là đạo chuyển tâm, hứa thọ giới thì phải giữ lời hứa, cho nên nhà Phật không áp đặt vào các em còn nhỏ tuổi, chưa đủ trí khôn để nhận thức được tầm quan trọng của lời hứa, mà người thọ Giới phải đủ trưởng thành, đã biết suy nghĩ chín chắn, thì mới có thể giữ Giới mà không vi phạm.

Trong Năm Giới kể trên, Giới Vọng Ngữ là dễ phạm nhất. Chúng tôi xin lược trích lời dạy của vua Trần Thái Tôn về Giới này như sau:

"Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng chẳng sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời; cổ nhân ngừa nói. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời không cong queo tà vạy. Không nói đây kia hay dở, chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy. Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt, kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng ôm lòng đau đớn.”

Thưa quý thính giả,

Cư sĩ Hoàng Liên Tâm bàn về vấn đề Họa Tòng Khẩu Xuất (tai họa từ miệng mà ra), đăng trong Thư Viện Hoa Sen khoảng mấy năm trước, như sau:

"Do một bản tin ngắn dựa trên các tin đồn được báo chí Cambodia loan tải đã làm cho một đám đông khoảng 500 người Căm Bốt nổi giận đốt cháy toà đại sứ Thái Lan tại Thủ đô Phnom Penth, gây thiệt mạng cho một người Thái Lan, bảy người khác bị thương, ông Đại Sứ phải leo rào thoát chạy ngả sau và làm căng thẳng mối bang giao giữa hai quốc gia Thái Lan và Cambodia.

Trước đây không lâu, cũng do một bài báo loan tải trên nhật báo Ngày Nay (Thisday) ở Nigeria đã châm ngòi cho cuộc bạo động giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo, làm 215 người thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương. Phía người Hồi giáo cho rằng bài báo đã xúc phạm đến họ khi nói rằng ngài Mohammad sẽ chọn được vợ trong số các người đẹp tới tham dự cuộc thi hoa hậu thế giới Miss World tại nơi đây. Cuộc thi hoa hậu phải di chuyển sang Anh Quốc, ban biên tập tờ báo đã phải xin lỗi, tờ báo bị đóng cửa, và ký giả bài báo đã bị kết án tử hình để rồi phải lẩn trốn ra nước ngoài tránh bị thọ án.

Chỉ một bản tin viết không đúng sự thật làm cháy nhà, chết người và ảnh hưởng đến bang giao giữa hai xứ. Chỉ một câu nói, đáng lẽ không nên nói đã gây bao tang tóc, làm hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương. Quả thật là bút máu, là hoạ tùng khẩu xuất như người xưa thường nói.

Tâm ý của con người được diễn tả bằng lời nói hay bằng cách viết trên giấy hoặc gõ trên key board máy vi tính, tuy không phải là lưỡi kiếm, lưỡi dao, tên bắn, hay viên đạn, nhưng nó nguy hiểm vô cùng vì nếu không biết lựa lời mà nói, lựa chữ mà dùng thì nó có thể gây tang tóc cho nhiều gia đình, làm bại hoại xã hội và đồng thời tác hại lại chính người nói như hai sự kiện đã nêu trên.

Ngày xưa, ở bên Tầu, có một nhà thơ nổi tiếng được một vị quan Tổng Đốc tham ô khen ngợi nên nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình làm thơ ca ngợi đức độ của ông ấy. Những bài thơ đã được khắc vào bia đá trong làng. Nhờ vậy, vị quan đã tránh được cuộc thanh tra của viên Khâm sai triều đình, do đơn tố cáo của dân.

Sau khi viên thanh tra trở về kinh đô, quan Tổng Đốc ra lệnh bắt giết tất cả những người đã tố cáo ông tham nhũng, hà hiếp dân lành. Do vì lời khen ngợi, tán thán không chân thật về quan Tổng đốc, nên đã mang tang tóc đến nhiều gia đình và tự mang nghiệp vào mình.

Ngày nay cũng vậy, nhiều người cũng vì danh lợi, cũng vì muốn được người ta khen nên thường ca ngợi lẫn nhau, đâu có biết rằng nếu không có trí tuệ sáng suốt thì ngòi bút của mình sẽ gieo rắc sai lầm cho nhiều người và có thể cho cả những thế hệ mai sau.

Đối với tôn giáo, ảnh hưởng có thể còn nhiều hơn nữa. Thí dụ một người tự cho mình là Thánh, là Phật rồi được những người khác thiếu hiểu biết tâng bốc, xưng tán, khen ngợi, và cứ như thế lộng giả thành chân và người đó tưởng mình là Thánh nhân thật, nên dù nói ra những lời sai với chân lý, người nghe vẫn tin theo. Thế là cùng nhau lạc vào con đường tà mà không hay biết. Cho nên người khen và người được khen đều cùng nhau tác nghiệp và chắc chắn không nhân nào mà không sanh ra quả. Chỉ còn chờ duyên với thời gian thôi. Trường hợp của ký giả tờ báo xứ Cambodia và tờ Ngày Nay (Thisday) ở Nigeria chỉ tác hại đến việc giết hại một số người, đem tang tóc đến cho một số gia đình, nhưng ở những trường hợp khác, ngòi bút, nếu không dùng những lời chân thật, có thể dẫn dắt con người đi ngược lại chân lý của từ bi trí tuệ, gieo rắc ác tâm cho bao nhiêu người qua nhiều thế hệ mới là những nguy hiểm gấp trăm ngàn lần.

Trong kho tàng chuyện cổ Phật Giáo có câu chuyện ngắn về một con rùa và hai con cò trắng. Chuyện kể rằng: Thưở xưa, ở trong một cái hồ kia có một con rùa và hai con cò trắng thường lui tới làm bạn với nhau. Năm nọ trời bị hạn hán, không có một cơn mưa nào cả. Nước trong hồ cạn dần và nhiều loài cá bị chết. Chàng rùa rất sợ chết, muốn đi nơi khác nhưng không biết nơi đâu có ao hồ, bèn hội ý với hai bạn cò trắng. Hai vợ chồng cò trắng cho chàng rùa biết cách khoảng hơn trăm dặm có một hồ sen lớn không bao giờ cạn nước, có thể di tản đến đó được nhưng phải can đảm và bình tĩnh. Vợ chồng cò trắng nói: "Chúng tôi mỗi người ngậm một đầu cây còn bác phải ngậm chặng giữa cây, chúng tôi sẽ tha bác đến hồ kia, nhưng lúc ngậm cây, bác cẩn thận chớ nói chuyện" . Chàng rùa vâng lời, ngậm chặt khúc cây, hai con cò tha chú rùa bay ngang qua xóm làng. Lũ trẻ con trông thấy reo hò: "Hai con cò tha một con rùa" . Rồi có đứa la lớn lên: "A ha thật giống hai thằng câm dắt một thằng thầy bói mù!" Chàng rùa tức giận, không kềm giữ miệng được, muốn nói: "Có mắc mớ gì bay, mặc kệ chúng tao, đồ nhãi con." Tội nghiệp thay, vửa mở miệng, chàng rùa đã bị rơi xuống đất chết.

Đức Phật nhân đây nói bài kệ:

Con người ở thế gian
Búa bén nằm trong miệng
Sở dĩ chém thân mình
Là do lời nói ác.

Điều đáng chê lại khen
Điều đáng khen lại chê
Là tự chuốc tai hoạ
Không có chút gì vui.
(Ngũ phần luật quyển 25)

Đạo Phật là đạo tôn trọng sự thật, vì thế mà một trong năm giới của Phật tử là "Không Được Nói Sai Sự Thật". Nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi và nói những lời hung ác; ngay cả nói những lời khen không đúng sự thật, những lời để mưu cầu tài lợi, danh vọng và sự kính phục, những lời gây chia rẽ căm thù cho đến những văn chương bóng bảy làm cho người đọc phải loạn tâm, sinh phiền não, người được khen sinh tự mãn, đều thuộc phạm vi giới cấm này.

Xét kỹ mọi việc rắc rối lôi thôi ở đời chỉ từ cửa miệng mà ra. Ngàn tai ương, muôn tội lỗi xảy ra cho người và cho mình đều do lời nói sai sự thật. Còn nếu dùng lời chân thật, lời hiền lành, lời hoà ái sẽ mang lại an lạc hạnh phúc cho mình, cho người. Cả hai đều lợi lạc và an vui. Nhà Phật rất coi trọng sự chân thành, nói năng thành thật là một trong Bát Chánh Đạo."

Ban Biên Tập TVHS

Vấn Đề Tái Sanh

Thưa quý thính giả,

Tuần qua, trong số thư của quý thính giả gửi về, chúng tôi trích ra hai câu hỏi và sẽ xin lần lượt trả lời.

Câu hỏi thứ nhất như sau:

-- Nếu linh hồn người chết đi tái sinh thành kiếp sống mới, thì tại sao mấy trăm năm trước, loài người chỉ có mấy trăm triệu, mà nay theo thời gian đã tăng lên tới 5 tỷ, vậy linh hồn của những người mới này ở đâu mà ra?

Kính thưa quý vị,

Trong những kỳ phát thanh trước, chúng tôi đã có trình bày về quan điểm của nhà Phật trước vấn đề “linh hồn”, nay chúng tôi xin nhắc sơ lại.

Nhà Phật quan niệm rằng tất cả mọi hiện hữu đều là do sự biến hiện của Thức. Theo kinh Lăng Nghiêm, dòng sinh mệnh khởi đi do một niệm Vô Minh bất giác, nổi lên từ Biển Tâm mênh mông, bỗng thấy có “cái Ta” và “cái không phải Ta”, cũng như người đang thức, chớp mắt đã lạc vào giấc ngủ, mộng thấy đủ thứ hiện ra, bị đánh cũng thấy đau, khóc cũng có nước mắt, sợ hãi cũng chạy trốn, vân vân ... Nhưng thời gian của giấc ngủ bình thường chỉ lâu có một đêm, sáng dậy bèn biết ngay rằng chuyện xảy ra trong đêm là nằm mộng, không thật. Đó là những giấc mộng nhỏ, nằm trong giấc mộng lớn, là kiếp người

Trong dòng sinh tử kéo dài triền miên, từ kiếp này qua kiếp khác, người ta không thể tự tỉnh dậy, như đối với giấc ngủ một đêm, mà từ cái niệm Vô Minh bất giác đó khởi đi, trải qua mỗi đời sống, lại do những hành động mà tạo thành nghiệp thiện, hoặc ác. Theo tâm lý học của nhà Phật, thì những hành động thiện hoặc ác này đều chứa trong Tàng Thức (là cái kho lưu giữ lại mọi hoạt động của Thức), làm nhân cho những kiếp sau, tiếp tục trôi lăn trong mê vọng của sinh tử luân hồi, mãi đến khi nào thức tỉnh, trở lại được trạng thái Tâm Thanh Tịnh, thì mới hội nhập lại với Bản Thể Chân Tâm, mới chấm dứt được dòng sinh tử, đó là Kiến Tánh thành Phật.

Phật có nghĩa là người giác ngộ, không phải thần linh. Vì Vô Minh khởi đi từ vô thủy, hiện hành Thức Tâm sinh diệt, còn gọi là Vọng Tâm sinh diệt, không phải là Thật, là Chân, nên nhà Phật không quan niệm rằng có một cái được coi là Thật, là linh hồntrường tồn bất biến, kéo dài từ kiếp này qua kiếp khác đến vô tận, mà chỉ coi dòng đời hiện ra là do sự chi phối của nghiệp nhân thiện, hoặc ác, trong Tàng Thức, khi Tâm trở lại trạng thái thanh tịnh, không còn nghiệp nhân làm chủng tử gây nên đời sau, thì dòng đời sẽ chấm dứt, hóa giải Vọng Tâm, hội nhập Bản Thể Chân Tâm.

Sự kiện dòng đời xuất hiện là do một niệm Vô Minh bất giác nổi lên từ Biển Tâm, cũng có thể tạm ví như một đợt sóng nổi lên từ biển cả. Trong biển cả mênh mông, nhiều hay ít đợt sóng nổi lên, tùy theo gíó thổi mạnh hay yếu. Từ Biển Tâm, nhiều hay ít dòng đời xuất hiện, tùy theo nhiều hay ít niệm Vô Minh bất giác. Chúng ta có thể tạm dùng thí dụ cụ thể, cũng như máy thu thanh và làn sóng trong không gian. Vào thời kỳ đầu của kỹ thuật truyền thanh, người ta mới chế tạo được máy phát và thu thanh trên một làn sóng, gọi là radio một đài. Sau này, khoa học kỹ thuật tiến bộ, máy thu thanh có thể thu cả trăm làn sóng khác nhau, nên gọi là radio nhiều đài. Như vậy, dù lúc trước chưa sử dụng được nhiều làn sóng để phóng âm thanh vào, không có nghĩa là không có làn sóng. Và khi khoa học tiến bộ hơn nữa, máy móc tinh vi hơn nữa có thể phát, thu hàng ngàn tỷ làn sóng khác nhau, thì cũng không có nghĩa là những làn sóng đó mới được sinh ra, mà nó vốn có sẵn trong không gian mênh mông, cũng như Biển Tâm vốn đã có sẵn những yếu tố để một niệm Vô Minh có thể khởi lên, bắt đầu một dòng sinh mệnh, hoặc hàng ngàn tỷ niệm Vô Minh khởi đầu hàng ngàn tỷ dòng sinh mệnh.

Ngoài ra, nhà Phật không quan niệm chỉ có một thế giới mà chúng ta đang ở, mà cho rằng trong khoảng không gian bao la, có hằng hà sa số thế giới (hằng hà sa số nghĩa là nhiều như số cát nơi sông Hằng bên Ấn Độ, là một biểu tượng số lượng lớn đến nỗi không thể tính đếm được). Có những thế giới mà nhà Phật thường nhắc đến, gọi là Tam Giới, gồm;

-- Dục Giới, là nơi ở của những cuộc sống nhiều tham muốn, cụ thể là thế giới của chúng ta;

-- Sắc Giới, là nơi lưu trú của những chúng sinh không còn tham muốn, nhưng vẫn còn có hình thể, tướng mạo.

-- Vô Sắc Giới, là cảnh giới mà chúng sinh đã hết tham muốn, không còn hình thể, tạm gọi là thế giới vô hình, chỉ còn tâm thức.

Như thế thì sự sinh hay diệt của một kiếp sống có thể giao thoa trong nhiều thế giới, hữu hình và vô hình, nhưng chúng ta chỉ biết đến có mỗi thế giới loài ngưòi này, nên chỉ suy tính quanh quẩn trong thế giới này mà thôi.

Để quý thính giả thấu triệt vấn đề “linh hồn” theo quan điểm của nhà Phật, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một bài pháp, lược trích trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp, do hòa thượng Narada Maha Thera biên soạn theo kinh sách nhà Phật, và do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch:

Hòa thượng Narada, sinh năm 1898 tại Tích Lan, xuất gia năm 18 tuổi và nhập học tại đại học đường Tích Lan. Sau này, hòa thượng được bổ làm giảng sư về môn Đạo Đức Học và Triết Học tại đại học này.

Hòa thượng nổi tiếng về kiến thức sâu rộng, nhất là về đạo hạnh và lòng từ bi. Ngài là tác giả của nhiều sách Phật giáo rất có giá trị, thí dụ cuốn "The Manual of Abhidhamma" là bản chuyển dịch ra Anh văn phần uyên thâm nhất của giáo lý nhà Phật. Kinh Pháp Cú cũng được ngài phiên dịch ra Anh văn và chú giải. Còn cuốn "The Buddha and His Teachings" (Đức Phật và Phật Pháp) là một tác phẩm xuất sắc của tác giả. Cuốn này có thể được xem là sách căn bản cho những ai muốn tìm hiểu Phật giáo.

Trong công cuộc hoằng pháp, hòa thượng được cử đi truyền giáo tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai, vân vân ... Tại những nơi này, ngài thường được tiếp đón rất nồng hậu. Quốc vương Cam Bốt tôn vinh ngài là Đức Đại Tôn Giả (Sri Maha Sadhu).

Ngoài ra hòa thượng cũng đi hoằng pháp tại các nước Tây phương. Năm 1955, ngài sang Úc, và giúp tổ chức các hội Phật Giáo địa phương tại các bang New South Wales, Victoria, Tasmania và Queensland. Năm 1956, hòa thượng sang Anh quốc, tổ chức lễ Tưởng Niệm 2.500 năm ngày Đại Bát Niết Bàn của đức Phật. Sau đó ngài giúp củng cố Phật sự, và xây dựng ngôi chùa danh tiếng mang tên Chùa Phật Giáo Luân Đôn (London Buddhist Vihara). Ngài cũng đã sang Hoa Kỳ thuyết giảng về đề tài "Đức Phật và Triết lý đạo Phật" tại đài kỷ niệm Washington, trước một cử tọa rất đông đảo.

Ngài là một sứ giả Như Lai rất hăng hái và nhiệt tình, thu hút được nhiều người nghe, và lúc nào cũng khuyến khích thành lập các hội Phật Giáo địa phương ,để bồi đắp công trình hoằng dương đạo pháp.

Hòa thượng Narada có nhiều gắn bó với đất nước và Phật tử Việt Nam. Ngài đã từng đến Việt Nam vào đầu thập niên 1930, mang theo nhiều nhánh cây bồ đề, đã trồng xuống tại nhiều địa danh trong nước, như Phú Lâm (Chợ Lớn), Cần Thơ, Châu Đốc, Vĩnh Long ở miền Tây Nam bộ, Biên Hòa, Phước Tuy, Vũng Tàu ở miền Đông Nam bộ, ra đến Đà Lạt, Huế ở miền Trung và Vinh, Hà Nội ở miền Bắc.
Trong thập niên 1950, khi Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, ngài đến Việt Nam nhiều lần, để thuyết pháp hằng tuần tại chùa Kỳ Viên, Sài Gòn, thu hút đông đảo Phật tử đến nghe, và có rất nhiều người đến xin quy y với ngài. Đặc biệt là vào năm 1963, ngài đã khuyến khích ủng hộ công tác xây cất bảo tháp Thích Ca Phật Đài tại Vũng Tàu, ngày nay được xem như là một di tích lịch sử. Ngoài ra, ngài còn giúp xây dựng một bảo tháp khác ở Vĩnh Long.

Sau đây là lời dạy của hòa thượng Narada, một bậc thầy người ngoại quốc mà Phật tử Việt Nam đã được kết duyên lành, một sứ giả Như Lai đã lặn lội đến những xứ sở xa xôi để chiếu rọi Tuệ Đăng tới chúng sinh.

Hòa thượng Narada dạy rằng:

...”.... Thuyết tái sanh của Phật Giáo không phải là thuyết chuyển sinh linh hồn, hiểu như có sự di chuyển của một linh hồn từ thân xác nầy đến cơ thể vật chất khác.

Trong sách vua “Milinda Vấn Đạo”, Đại Đức Nagasena đã dùng nhiều truyện ngụ ngôn để giúp ta lãnh hội dễ dàng quy luật tái sanh của Phật Giáo. Câu truyện mồi lửa rất là rõ ràng. Đời sống xem như một ngọn lửa, và hiện tượng tái sanh như sự mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác. Ngọn lửa của đời sống liên tục tiếp diễn, mặc dầu có sự gián đoạn bộc lộ ra bên ngoài mà ta gọi là cái chết.
Vua Milinda hỏi Đại Đức Nagasena:

- Bạch Đại Đức, phải chăng có sự tái sanh, mà không có cái gì được chuyển sinh từ xác thân này đến xác thân khác?

Đại Đức Nagasena trả lời:

- Tâu đại vương, đúng như vậy, sự tái sanh diễn tiến không cần có cái gì được chuyển sinh từ thân này đến thể xác khác?"

Vua đề nghị:

- Xin Đại Đức cho một thí dụ.

Đại Đức Nagasena hỏi:

- Tâu Đại Vương, thí dụ có người dùng lửa của cây đèn này để mồi cây đèn kia. Có phải ngọn lửa của cây đèn này được dời qua cây đèn kia không ?

Vua đáp:

- Bạch Đại Đức, không phải vậy.

Đại Đức Nagasena nói:

- Đúng thế, tâu Đại Vương, tái sanh diễn tiến không cần có sự di chuyển của cái gì từ nơi này đến nơi khác.

Vua lại đề nghị:

- Xin Đại Đức cho thêm một thí dụ khác.

Đại Đức Nagasena nói:

- Tâu Đại Vương, Ngài còn nhớ không, thuở nhỏ đi học, ông thầy dạy làm thơ đã đọc cho Ngài nghe vài vần thơ, để Ngài đọc theo đến thuộc lòng.

Vua trả lời:

- Bạch Đại Đức, quả có như vậy.

Đại Đức Nagasena hỏi:

- Vậy thì, tâu Đại Vương, có phải lời thơ được chuyển từ ông thầy sang trí nhớ của Đại Vương không?

Vua đáp:

- Bạch Đại Đức, không.

Đại Đức Nagasena nói:

- Thì cũng như thế, tâu Đại Vương, hiện tượng tái sanh diễn tiến mà không cần có cái gì chuyển từ chổ này sang qua nơi khác.

Vua Milinda hỏi tiếp:

- Bạch Đại Đức, vậy thì cái gì tiếp nối từ kiếp này sang kiếp khác?

Đại Đức Nagasena trả lời:

- Tâu Đại Vương, chính phần tâm linh và phần vật chất, được sanh ra trong kiếp sống kế.

Vua hỏi:

- Có phải cũng chính tâm linh và thể xác trong kiếp trước được di chuyển và sanh trở lại trong kiếp sống sau không?

Đại Đức Nagasena trả lời

- Tâu Đại Vương, không phải chính tâm linh và thể xác trong kiếp trước được được sanh trở lại trong kiếp sống sau này. Tuy nhiên, tâm linh và thể xác ở kiếp trước đã hành động, gây nhân, tạo nghiệp thiện hoặc nghiệp ác, thì tùy thuộc nơi nghiệp ấy, tâm linh và thể xác được sanh ra trong kiếp nầy.

Vua hỏi:

- Bạch Đại Đức, nếu không phải chính tâm và thân của kiếp trước được sanh trở lại trong kiếp kế, thì ta có thể tránh khỏi quả báo của những hành động bất thiện do tâm và thân của kiếp trước gây ra trong kiếp trước không?

Đại Đức Nagasena trả lời:

- Tâu Đại Vương, nếu ta còn tái sanh trong một kiếp sống khác, thì tất nhiên còn phải chịu hậu quả của những hành động trong những kiếp quá khứ. Chỉ khi nào ta chấm dứt được sức mạnh của nghiệp lực, thì ta mới chấm dứt được sự lãnh chịu quả báo, của những hành động thiện, hoặc ác, trong quá khứ mà thôi.

Dr. Ananda Coomasvami, trong cuốn "Buddha and the Gospel of Budhism", cũng giải thích tiến trình “ tử - sinh “ , bằng thí dụ về một loạt những quả bi da:

"Thí dụ như, nếu một quả bi da lăn đến, đụng một quả khác đang ở yên một chổ, thì quả lăn tới ngưng lại và quả bị đụng bắt đầu lăn. Không phải là quả banh lăn trước được dời sang quả banh bị đụng. Nó vẫn còn nằm lại phía sau, nó chết. Nhưng chính vì sự di chuyển của nó, sức xung kích của nó, cái kết quả dĩ nhiên, hay cái nghiệp lực của quả banh trước, xuất hiện trong quả banh kế, chớ không phải một chuyển động khác mới được tạo ra."

Cũng như thế, xác thân đã chết, nhưng nghiệp lực tái sanh trong một cơ thể khác, mà không cần có cái gì di chuyển từ kiếp sống nầy sang kiếp khác. Chúng sinh mới được sanh ra, không hoàn toàn là một, nhưng cũng không tuyệt đối khác hẳn với chúng sinh vừa mới chết, bởi vì cả hai cùng nằm trong một luồng nghiệp. Chỉ có sự liên tục của dòng đời, triền miên thay đổi, tiếp diễn trong thể xác mới, là hiện hành trong thân khác, mà thôi. ...”...

Thưa quý thính giả,

Trên đây là bài giảng của hòa thượng Narada Maha Thera. Chúng tôi ước mong đã gửi được tới quý vị đôi chút khái niệm về linh hồn qua nhãn quan của nhà Phật.

Sau đây, chúng tôi xin nói về câu hỏi thứ hai.

Hỏi:

-- Nếu đã có những người chết rồi, khi tái sinh lại nhớ được chuyện kiếp trước, thì tất cả mọi người đều phải nhớ chuyện kiếp trước, sao lại người thì nhớ, người thì chẳng hề nhớ tí nào chuyện kiếp trước cả?

Kính thưa quý vị,

Do quan niệm rằng cõi đời này là thế giới tương đối, là hư vọng, là tương sinh tương duyên, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, không phải là tuyệt đối chân thật, cho nên nếu có người khi tái sinh không nhớ được kiếp sống cũ, trong khi có người khác lại nhớ được, thì cũng là chuyện nằm trong quy luật tương đối. Nhà Phật không thuyết phục mọi người bằng những lối giải thích mê tín, áp đặt người nghe phải tin. Vì thế, trước những hiện tượng xảy ra có bằng chứng rõ ràng, người Phật tử ghi nhận một cách công bình, phóng khoáng.
Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng những chuyện đã xảy ra để chiêm nghiệm, so sánh, thì cũng có thể tự tìm được câu trả lời, tạm coi như hữu lý.

Nhà Phật cho rằng kể từ lúc một niệm Vô Minh bất giác nổi lên, bỗng thấy có “cái Ta” và “cái không phải Ta”, khởi đầu dòng sinh mệnh, trôi lăn trong môi trường tương đối, thì cũng là khởi đầu giấc mộng dài. Trong giấc mộng dài đó, có những khúc ngắn hơn, tạm gọi là giấc mộng trung bình, là thời gian của một đời sống. Trong khoảng thời gian của giấc mộng trung bình là đời sống đó, lại có những giấc mộng ngắn hơn nữa, là khoảng thời gian của những giấc mộng mà chúng ta có hằng đêm.

Không phải tất cả các giấc ngủ hằng đêm của chúng ta đều có mộng. Hoặc giả tỉ tất cả các đêm đều có mộng, thì cũng không phải là mỗi sáng thức dậy, chúng ta đều nhớ lại tất cả những giấc mộng đã qua. Thực tế là có người đang ngủ bỗng la lên ú ớ, rồi choàng dậy, mắt nhìn ngơ ngác, tim đập mạnh, hoảng hốt, sợ hãi, vì những hình ảnh trong cơn ác mộng vừa qua. Có người lại rất ít khi mộng thấy có chuyện gì xảy ra, dù mọi người đều có những giấc ngủ đại khái giống nhau. Có người lại thường thấy mộng đẹp, trong mộng còn cười lên nữa. Nhưng khi tỉnh dậy, hỏi họ mộng thấy gì mà vui cười, thì họ ngơ ngác vì không nhớ gì cả.

Giấc mộng dài trung bình là cuộc đời thì cũng vậy thôi. Có một số ít người “thấy” được những chuyện xảy ra trong kiếp quá khứ của dòng sinh mạng, hiện vẫn còn trong Tàng Thức ngoài không gian. Nhưng có nhiều người không “thấy” được gì cả. Cũng như có những người có khả năng phi thường về lòng thương yêu, hy sinh vì người khác, trong khi lại có những người ích kỷ vô cùng tột, không hề biết giúp đỡ tha nhân là cái gì.

Câu chuyện “Người đàn bà đi tìm các con của kiếp trước” được đài truyền hình BBC và đài ABC, chương trình 20/20 thực hiện, mà chúng tôi đã gửi tới quý thính giả trong một kỳ trước, đã nói lên sự “thấy” được quá khứ của người mẹ đi tìm con. Nếu chúng ta không “thấy” được quá khứ của chúng ta, thì cũng có thể hiểu được, rằng chúng ta sống trong thế giới tương đối, không thể có sự tuyệt đối giống nhau, của tất cả mọi người và mọi việc.

Ban Biên Tập/TVHS

Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan

Thế nào là
"Y KINH GIẢI NGHĨA, TAM THẾ PHẬT OAN;
LY KINH NHẤT TỰ , TỨC ĐỒNG MA THUYẾT "?

Trước hết chúng ta tìm hiểu xem Kinh là gì? Kinh, nói cho đủ là khế kinh, có nghĩa là kinh điển do Đức Phật dạy tùy theo năng lực, trình độ và hoàn cảnh của đối tượng riêng biệt. Khế có nghĩa là phù hợp, mà thuật ngữ Phật học gọi là khế lý tức phù hợp với chân lý và khế cơ, tức phù hợp với khả năng, trình độ và hoàn cảnh của mỗi người.

Và mục tiêu của kinh có thể ví như là tấm bản đồ dẫn dắt chúng sanh đi ra khỏi những phiền não khổ đau, hướng đến một đời sống hoà bình an lạc trong hiện tại và xa hơn nữa là thoát khỏi tam giới đến Niết bàn vô thượng. Nhưng vì chúng sinh khác biệt về tâm tánh, về trình độ nên cũng có nhiều kinh (sự chỉ dẫn) khác nhau, tức nhiều pháp phương tiện khác nhau. Đức Phật là một vị đại lương y, trước khi Ngài diễn nói, Ngài quán sát thính chúng, biết căn cơ của người nghe pháp để đưa ra những giáo pháp thích hợp nhằm chữa cho họ hết tâm bệnh. Mỗi lời giáo huấn của Ngài đều nhắm vào một mục đích nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ cái kẹt cho họ. Và vì tâm vọng tưởng ủa chúng sinh luôn luôn dính mắc vào các pháp <<có - không>> nơi thế giới hiện tượng tức thế giới tục đế, nên Đức Phật thấy thật là khó nói về cái mà Ngài đã chứng ngộ, chẳng hạn như nói về Phật tánh, chân tâm, vốn không hình tướng, không số lượng. Nếu nói chúng sinh có Phật tánh là chấp trước, nói không có Phật tánh là hư vọng, nói Phật tánh cũng có cũng không là nói trái ngược nhau, nói Phật tánh chẳng có chẳng không là hý luận. Nên Phật mới dùng các pháp thế gian phương tiện, <<giả lập kệ pháp, giả lập danh tự, vốn chẳng phải Phật, nói với họ là Phật, vốn chẳng phải Bồ Đề, Niết Bàn, giải thoát, nói với họ là Bồ Đề, Niết Bàn, giải thoát, ... Biết họ gánh trăm tạ chẳng nổi, tạm cho họ gánh một lon, một chén, biết họ khó tin giáo liễu nghĩa, tạm nói với họ giáo bất liễu nghĩa, tạm được pháp lành lưu hành còn hơn là pháp ác...>> [Bá Trượng Ngữ Lục]

Chư Tổ nói " Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan" có nghĩa là chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa, thì oan cho ba đời đức Phật, mà rời bỏ kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma vương". Vì lời nói của chư Phật như trên đã trình bày chỉ là phương tiện tạm thời, nghĩa là tùy bệnh cho thuốc. Thuốc trị bệnh của Phật là thuốc phá chấp, nếu chiếu theo văn tự để giải nghĩa, hễ Phật nói Có thì mình chấp cái Có đó là thật, hễ Phật nói Không thì lại chấp cái Không đó là thật, ấy là oan cho Phật. Còn nếu "Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết": Kinh là phá chấp, nếu lìa kinh tức còn chấp, còn chấp là ma, không thể giải thoát được.

Ngoài ra, trong kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng, giáo pháp của Ngài như ngón tay chỉ mặt trăng, là phương tiện để đạt đến chân lý, cho nên đừng lầm ngón tay là mặt trăng, chân lý không nằm trong kinh điển. Nếu y theo kinh điển để giải nghĩa, để tìm chân lý trong những giòng chữ, thì đó chính là chỉ biết nhìn ngón tay mà chưa biết nhìn mặt trăng. Nhưng rời bỏ hẳn kinh điển đi thì lại có thể rơi vào những điên đảo vọng tưởng. Cũng vì không muốn cho môn đệ chấp chặt rằng kinh điển là chân lý mà thật ra chỉ là phương tiện chỉ bày chân lý cho nên đức Phật đã nói: "trong bốn mươi chín năm thuyết pháp ta chưa từng thuyết một chữ." Và chấp lấy phương tiện làm cứu cánh tức là làm oan ức cho chư Phật, mà bỏ mất phương tiện đi thì cũng không có cách gì đạt đến cứu cánh. 

Trong cuốn Hé Mở Cửa Giải Thoát, hòa thượng Thích Thanh Từ dạy: (bắt đầu trích)

..."Có một Phật tử hỏi chúng tôi rằng người xưa nói: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Tại sao y kinh nói giải nghĩa mà oan ba đời, chư Phật? Tại sao lìa kinh một chữ tức đồng ma nói? Đây chúng tôi sẽ giải thích cho quý vị thấy rõ ý nghĩa của kinh điển đại thừa.

Kinh là lời của Phật, trong lời của Phật có khi Ngài nói trắng ra, có khi Ngài nói ẩn dụ, tức là dùng lời nói thẳng thì chúng ta dễ nhận dễ thấy, nếu Ngài dùng lời nói ẩn dưới hình thức thí dụ thì ta có thể nhận ra, như vậy những chỗ Phật dạy ở trong ẩn dụ, nếu chúng ta giải trắng như những lời thường, đó là y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Thí dụ, Như trong kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn là phẩm quý vị thường tụng nhất. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn sau đây nói rằng: Nếu có người cầu con trai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, sanh được con trai. Người muốn cầu sinh con gái, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát sinh được con gái. Cho đến người niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì vào lửa không bị cháy, xuống nước không bị chìm.

Như quý vị tu hành dạy các Phật tử cũng dạy như vậy, có phải không? thấy kinh Phật nói chúng ta cũng theo như vậy. Giả sử có người hỏi: Thưa quý cô tụng kinh như vậy mà cô tin kinh hay không? quý cô sẽ trả lời ra sao? Nếu tụng kinh không tin thì tụng kinh làm chi? Nếu bảo rằng: Tin, thì xin quý cô niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát cho chí thành mà vào lửa bị cháy, xuống nước bị chìm, chẳng lẽ lời Phật không phải là lời vàng ngọc, không phải là chơn lý hay sao? Rồi chúng ta mới trả lời ra làm sao?

Như hôm qua cô Phật tử đến hỏi chúng tôi: Cô được một người bạn khuyên tụng kinh Phổ Môn niệm danh hiệu Quán thế Âm Bồ Tát để cầu con trai, cô làm theo lời bạn, nhưng đến lúc sanh ra lại là con gái. Cô mới hỏi bạn: Vậy kinh có linh không? cô bạn không có lời để đáp lại. Tin và hiểu kinh Phổ Môn như vậy là thiếu thực tế.

Như vậy, chúng ta phải hiểu kinh như thế nào để không rơi vào câu “Y kinh giải nghĩatam thế Phật oan”. Chúng ta phải niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát như thế nào là phải giải nghĩa kinh điển đại thừa như thế nào là phải giải nghĩa kinh điển đại thừa như thế nào để không làm giảm giá trị Đức Phật, và để chứng minh lời Phật dạy là đúng, là thiết thực. Thường trong kinh điển đại thừa, khi có nói đến các vị Bồ Tát là nói đến đặc tính tượng trưng của các vị: Như nói đến Đức Quán Thế Âm là nói đến nhĩ căn (lỗ tai), nói đến Ngài Văn Thù Bồ Tát là nói đến nhãn căn... Chúng ta phải hiểu rõ tinh thần tượng trưng nầy. Cho nên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát tức là nhìn lại tánh nghe của mình, chớ không chạy ra bên ngoài. Khi nhìn lại tánh nghe của mình, thây nó không tướng mạo thì làm sao lữa đốt được, làm sao nước đắm chìm được? Và khi mình sống được với tánh nghe thì mọi việc sẽ được như ý. Nên nói rằng cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, đó là tượng trưng cho mọi việc như ý. Nhìn lại tánh nghe của mình ví như mình được hòn ngọc Ma Ni bảo châu tức là hòn ngọc như ý. Nghĩa là được toại nguyện, được như ý và được diễn tả bằng: Cầu cái gì được cái nấy. Hiểu kinh như vậy, chúng ta mơi thấy lời Phật là đúng, là chơn thật. Nếu không hiểu như vậy, chúng ta sẽ bị bế tắc và không giải quyết những việc bảo người làm mà không được kết quả mong muốn như trong kinh Phật đã dạy.

Kế đến tôi xin nói đến câu “Ly Kinh nhất tự túc đồng ma thuyết”. Giả sử có người nói với quý vị: Người nào trì kinh Pháp Hoa thì cỏ cây tươi tốt, người nào trì kinh Kim Cang thì cỏ cây héo sào, người nói như vậy quý vị có tin? Quý vị thấy rõ ràng những chỗ nói mà không có ly kinh (mà chúng ta lại tin): đó là đồng ma thuyết thật là nguy hiểm.

Người học Phật là người sáng suốt sống bằng trí tuệ chớ không phải sống bằng tình cảm dễ dãi dễ tin, nghe ai nói gì cũng tin mà chúng ta phải trắc nghiệm đúng rồi mới tin. Như vậy khi nghe nói những gì không dính dấp với kinh đó là ly kinh. Ly kinh một chữ cũng là ma nói rồi, huống n ữa là một câu. Một câu không có trong kinh, người tự ý nói, đó là ly kinh rồi. Ly kinh là sao? Là ma thuyết cho nên hiểu thật rõ rồi chúng ta khỏi lầm lẫn ở trong nhà đạo, còn không hiểu nhiều khi nghe người ta nói, đồn với nhau hay truyền miệng với nhau mà không đúng lời Phật dạy, đó là ly kinh, tức là đồng với ma thuyết...." (hết trích)

Không riêng hòa thượng Thanh Từ, hòa thượng Tịnh Không, một bậc cao tăng Trung quốc thời hiện đại, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ, cũng dạy rằng : (bắt đầu trích)

“... Chúng ta thường nghe câu nói sau đây: Nhà Phật thường nói “y văn giải tự, tam thế Phật oan” nghĩa là y theo câu văn hiểu nghĩa theo mặt chữ, thì ba đời Phật bị oan. Cứ chiếu theo văn tự để nghiên cứu, giải thích thì tam thế chư Phật là quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật đều kêu oan uổng, quý vị hiểu lầm ý Phật mất rồi!
Trong bài kệ Khai Kinh có câu “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, tôi nói con người hiện tại hiểu sai lệch, nên trở thành “khúc giải Như Lai chân thật nghĩa” tức là hiểu cong vạy ý nghĩa chân thật của Như Lai, hoặc “ngộ giải Như Lai chân thật nghĩa” là  hiểu lầm lạc ý nghĩa chân thật của Như Lai. 
Quý vị xem :  Có phải là Như Lai kêu “oan uổng” hay không ?  Học Phật pháp phải quy về tự tánh, điều này khẩn yếu lắm. Nói cách khác, giúp cho chúng ta đạt được tâm thanh tịnh, giúp chúng ta mở mang trí huệ, đấy chính là Phật pháp. ....” (Hết trích)

Như thế, quý hòa thượng Thanh Từ và Tịnh Không đã dạy chúng ta phải hiểu rõ nghĩa của lời Phật dạy. Chúng ta cũng nên biết rằng Phật nói kinh là để trị bệnh tâm cho chúng sinh. Đức Phật tùy tâm bệnh chúng sinh mà cho thuốc, chúng sinh nhiều tâm bệnh khác nhau thì cần nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, nhiều lời kinh với vô lượng nghĩa khác nhau, chứ không phải chỉ có một loại thuốc mà thôi. 

Kinh Phật lại có những câu chuyện huyền ký với ý tứ tiềm ẩn, thí dụ mục đích đức Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa là để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Tri Kiến Phật, nghĩa là dạy cho chúng sinh thấu triệt được rằng mọi người đều có Phật Tánh, bởi vì trước khi Phật nói kinh Pháp Hoa thì mọi người chưa biết đến Tri Kiến Phật, tức là Chân Tâm, Phật Tánh, Giác Tánh.

Vì kinh Pháp Hoa dạy về Phật Tánh, cho nên trong kinh có những câu như “vào nước không chìm...”, vào lửa không cháy...”, “đốt thân cháy lâu tới một ngàn hai trăm năm...”, “đốt cánh tay mãn bảy muôn hai ngàn năm...” vân vân, đều là những ẩn dụ để nói về Chân Tâm bất sanh bất diệt, vào nước không chìm vào lửa không cháy mà thôi. Nếu lại dùng tâm chấp của thế gian mà cho rằng những điều trên đã có xảy ra thật, tin rằng nhảy xuống biển sẽ không chìm, bước vào lửa sẽ không cháy, thì rõ ràng là không thông hiểu quy luật của thế giới tương đối, của vật chất. 


Ban Biên Tập TVHS

Xin cho biết ngồi thiền như thế nào cho đúng cách, đúng phương pháp?

Tọa thiền cần một căn phòng yên tĩnh. Ăn uống chừng mực, giảm thiểu những mối giao tiếp thế sự. Chớ tính toán nghĩ suy phải quấy, tốt xấu, cũng không theo bên này chống bên kia. Hãy dừng lại mọi tạo tác vận hành của tâm thức, ngay cả ý niệm muốn thành Phật cũng nên dập tắt. Điều này vẫn đúng không chỉ trong thời tọa thiền mà suốt mọi động tác trong ngày.

Bạn nên bắt đầu tọa thiền vào buổi sáng sớm thức dậy, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu bạn chọn thực tập trước khi ngủ sẽ bất lợi vì bạn sẽ dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc suốt một ngày làm việc tồn đọng lại trong đầu bạn biết bao tạp niệm chưa giải quyết. Bạn nên mặc quần áo bằng vải mềm, rộng rãi.

Trước hết trải một tấm nệm vuông dày khoảng 2 inches (toạ cụ), ngay giữa đặt lên trên một cái gối ngồi nhỏ (bồ đoàn) để ngồi. Nếu không có bồ đoàn bạn có thể dùng một cái gối thường gấp đôi lại. Nửa mông sau đặt trên bồ đoàn và ngồi ngay thẳng vững vàng. Có nhiều cách ngồi, nhưng với những người mới bắt đầu có thể ngồi kiểu Miến Điện hay ngồi bán kiết già. Những người thường mặc Âu phục rất khó ngồi bán kiết già hay toàn kiết già, có thể ngồi thiền trên ghế hay ngồi theo kiểu Nhật Bản.


Ngồi kiểu Miến Điện:


Cách thứ nhất và đơn giản nhất là cách ngồi kiểu Miến Điện (Burmese position), cả hai chân xếp chéo nhau đặt đều trên đệm:

ngoithien7

Ngồi Bán Kiết Già (Half Lotus position)


Tư thế bán kiết già là đặt chân trái lên đùi phải. Tuy nhiên có thể thay đổi, chân trái có thể đặt dưới và chân phải đặt trên đùi trái.

ngoithien6

Ngồi Toàn Kiết Già (Full Lotus position)


Tư thế toàn kiết già là hai chân được khoá vào nhau, trước hết đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu hơn. Cònbàn tay trái để lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chõ vừa ôm hông là được .

ngoithien5

Xương sống hoàn toàn thẳng đứng, không nghiêng bên trái cũng không ngả bên phải, không cúi tới trước cũng không ngả về phía sau, lỗ tai thẳng với vai và lỗ mũi ngay nơi rốn. Lưỡi chạm hàm trên, miệng ngậm, mắt hé mở. Đây là tư thế toạ thiền đúng cách, vững chãi và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tọa thiền là tâm toạ.


Ngồi kiểu Nhật Bản (Seiza position):


Tư thế ngồi này là ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế. Cũng có thể dùng một cái gối nhỏ đặt lên trên hai chân và mông ngồi trên đó.

ngoithien9

Ngồi Trên Ghế (Chair position):


Sau cùng là cách ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt trên mặt thảm. Cũng có thể ngồi trên bồ đoàn đặt trên ghế. Tư thế lưng cũng giống như các thế ngồi trên.

ngoithien8

Nên chú ý bất cứ kiểu ngồi thiền nào thì xương sống cũng phải hoàn toàn ở vị thế thẳng đứng, không nghiêng bên trái cũng không ngả bên phải, không cúi tới trước cũng không ngả về phía sau, lỗ tai thẳng với vai và lỗ mũi ngay nơi rốn.

Chiều chóp mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tay đối xứng hai bả vai, mắt mở 1/3 nhìn không quá 5 tấc với một góc độ vừa phải (45 độ) (nếu mắt nhắm hoàn toàn sẽ dễ bị ngủ, còn mở rộng quá thì sẽ dễ bị toán loạn vì nhìn thấy ngoại cảnh). Gương mặt bình thản, miệng hơi mỉm để cho các cơ bắp trên mặt được giãn ra. Điều này rất cần thiết cho hệ thần kinh.


Thở Vào Ra Trong Lúc Toạ Thiền:
Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng. Miệng ngậm lại, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều, nhè nhẹ không cố gắng.

thien-thovao

thien-thora

Điều quan trọng của toạ thiền là tâm tọa tức là làm thế nào để tâm không còn đi dong duổi ta bà, hết nơi này đến chốn khác. Nhưng muốn tâm toạ chúng ta phải làm thế nào? Trên nguyên tắc, chúng ta phải giảm thiểu từ từ những ý nghĩ miên man trong đầu, mới bắt đầu từ nhiều niệm về ít niệm rồi về một niệm và sau cùng là không còn một niệm nào. Từ từ, tâm chúng ta được trong sáng hơn và từ sự vắng bặt niệm, tự nhiên bộc phát sự hiểu biết sáng suốt. Không một niệm trong đầu chính là đối tượng của thiền. Có rất nhiều phương pháp khác nhau và Pháp Thở là bước căn bản, là bài học vỡ lòng của các pháp thiền tập.

Bước đầu tiên là phải đếm hơi thở để trú tâm nơi hơi thở. 

Hòa thượng Giới Đức dạy như sau: "Khi hơi thở hít vô rồi thở ra, đếm 01. Hơi thở hít vô, thở ra, đếm 02... Đếm cho đến 10. Đếm 10 xong trở lại đếm 01, 02 rồi đến 10. Cứ trở lui, trở tới con số 01 đến 10 ấy. Đừng xem thường, hãy chú tâm liên tục mà đếm, nó dễ quên lắm đấy. Có người vừa mới đếm 3,4 hơi thở là cái tâm đã chạy đi đâu mất tiêu! Đếm đúng và nhớ số đếm liên tục, đừng quên. Khó lắm đấy, đừng xem thường. Lưu ý, là đếm theo “hơi thở thực”, chứ không phải đếm theo “quán tính”. Đếm theo hơi thở thực là khi đếm, cái tâm nó gắn khít với hơi thở. Đếm theo quán tính là đếm một cách máy móc, đếm theo tưởng của mình chứ không liên hệ gì với hơi thở thực cả. Hai các hoàn toàn khác nhau đấy! Đếm theo hơi thở thực mới đúng. Nhớ là khi quên chỗ nào, lầm lộn chỗ nào thì phải trở lại từ đầu. Mục đích của đếm hơi thở là cột tâm vào số đếm, vào hơi thở ấy để cho tâm khỏi chạy nhảy lung tung.

Cứ đếm đến 10, trở lại 01 đến 10 hoài như vậy cho đến lúc thấy rõ ràng mình không còn quên số đếm thì tâm đã bắt đầu an trú. Vậy là chúng ta đã thành công giai đoạn một, nghĩa là đã bước qua Sổ Tức Môn để bắt đầu đi vào Tuỳ Tức môn.  Sau khi thành công, chúng ta bước qua giai đoạn kế tiếp là theo dõi hơi thở. Hòa thượng Giới Đức dạy tiếp tại link: 

http://thuvienhoasen.org/a24158/huong-dan-thien-tap 

Thở là sự sống, là năng lực sống còn, là tâm điểm các hoạt động của cơ thể chúng ta. Tâm và hơi thở của chúng ta là một: khi chúng ta tức bực, hơi thở trở nên hổn hển, khi tâm chúng ta cảm thấy an lạc thoải mái, hơi thở trở nên điều hoà, dễ chịu. Vì thế chúng ta cần điều hoà hơi thở một cách tự nhiên qua lỗ mũi và chú tâm vào cảm thọ về hơi thở nơi đan điền (phần bụng dưới rốn), hoặc là hơi thởvào ra nơi hai lỗ mũ (chỉ nên chọn một). Cảm thọ này là mục đích thiền tập cơ bản của chúng ta. Khi tâm chúng ta nghĩ chuyện khác, chúng ta nên tức khắc gọi nó trở về với hơi thở vào ra. Thân ở đâu thì tâm ở đó.

Do vì mỗi người có một tâm khác nhau nên cũng khó nói có một pháp tu nào áp dụng chung cho tất cả mọi người được, vì vậy đức Phật đã chỉ dạy nhiều pháp khác nhau để mỗi người tùy căn cơ áp dụng. Một số những pháp môn này như sau:

- Quán tưởng: chú tâm quán sát sâu xa về một đề mục rút trong giáo lý.
- Trì chú: chú tâm tụng niệm những câu chú gồm những chữ bí ẩn.
- Niệm Phật: chú tâm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà.
- Tham thiền: chú tâm tham một công án hoặc một thoại đầu.

Chúng tôi liệt kê chi tiết một số pháp môn thiền hiện hành như sau:

- Thiền Tại Hiện (Here and Now Meditation)
- Thiền Niệm Phật
- Thiền Tây Tạng
- Thiền Minh Sát: Mahasi Sayadaw
- Thiền Quán: Ajahn Chah
- Thiền Tào Động (Mặc Chiếu)
- Thiền Công Án
- Thiền Thoại Đầu ..

Nhưng, dù là pháp nào chăng nữa thì việc thực hành cũng là trình tự đưa tâm từ trạng thái nhiều vọng tưởng về trạng thái ít vọng tưởng rồi về nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, rồi liễu tâm, ngưng dứt dòng suy nghĩ miên man, liên tục của ý thức. Nhà Phật quan niệm rằng sự suy nghĩ liên tục, miên man, của ý thức, còn gọi là "tâm viên ý mã", tức là tâm ý vọng tưởng chạy nhẩy như con vượn, con ngựa, có tác hại là đã che mờ mất Chân Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã.

Hành giả nên chọn một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình, và khi thực hành thì nên theo tông chỉ của pháp môn đó mới có kết quả. Và dù thực hành theo pháp môn nào cũng nên có một vị thầy hướng dẫn. Bài này chỉ có mục đích hướng dẫn cách ngồi thiền cơ bản cho những ai mới bắt đầu học thiền.

Ban Biên Tập TVHS

Hôn Nhân Khác Tôn Giáo

Lời Ban Biên Tập: Có tất cả năm câu hỏi liên quan đến vấn đề hôn nhân khác tôn giáo. Chúng tôi đưa ra năm câu trả lời và một một lời khuyên của một vị tu sĩ Phật giáo. Hai câu trả lời do ban tư vấn TC. GN, một câu do ban bien tập TVHS, và một câu do TB. VietTide biên tập. Quý bạn đang ở trong trường hợp sửa soạn một cuộc hôn nhân khác tôn giáo nên nghiên cứu tất cả các câu trả lời và quán chiếu lại trường hợp của riêng mình để có thể tìm ra một giải pháp thích hợp. Chúc các bạn may mắn.

CÂU HỎI 1:

Con là một Phật tử thuần thành, gia đình con có truyền thống Phật giáo đều quy kính Tam bảo. Con thường xuyên đến chùa tụng kinh, học hỏi giáo lý. Vì hoàn cảnh riêng nên con phải lên thành phố học tập và làm việc. Trong thời gian này, con đã yêu một người con gái, cô ấy cũng rất thương con và chúng con có ý định tiến đến hôn nhân. Tiếc rằng, người yêu của con bắt buộc con phải theo tôn giáo của cô ấy và nói rằng đó là điều kiện để đi đến hôn nhân. Con không muốn mất cô ấy, khuyên cô ấy theo con thì con không có khả năng mà bỏ đạo thì con không thể..

ĐÁP:

Một trong những yếu tố cơ bản để cấu thành cuộc hôn nhân bền vững ngoài tình yêu là hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong hôn nhân, cố nhiên tình yêu vốn cực kỳ quan trọng song chỉ có tình yêu đơn thuần thì chưa đủ. Một tình yêu đúng nghĩa phải vượt lên tất cả những chướng ngại bằng bao dung, vị tha và đặc biệt là sự tôn trọng.

Có thể các bạn thương nhau nhưng chưa thực sự đạt đến độ chín của tình yêu chân thật. Trở ngại lớn nhất giữa các bạn bây giờ là niềm tin tôn giáo mà tôn giáo và tín ngưỡng lại thuộc phạm trù thiêng liêng, vốn bất khả xâm phạm. Theo như tâm sự của bạn trong thư thì chính bản thân bạn cũng như người yêu của bạn cả hai đều có lập trường kiên định trong việc bảo vệ niềm tin của mình.

Giữ vững niềm tin là điều tốt song éo le ở chỗ là tôn giáo hiện hữu trên đời để hướng thiện con người, giúp con người ngày một thăng hoa và tiến bộ trên phương diện đạo đức và tâm linh trong đó có vấn đề bảo vệ và xây dựng tình yêu chứ không phải làm chướng ngại, ngăn cách tình yêu. Vấn đề đặt ra ở đây là người yêu của bạn "thách cưới" bằng việc bắt buộc bạn phải từ bỏ tôn giáo của mình để theo tôn giáo của cô ấy. Nếu không thỏa mãn yêu cầu này thì hôn nhân chỉ là chuyện trong mơ. Chính yêu cầu này bộc lộ một điều rằng cô ấy quá ích kỷ, hẹp hòi; bảo vệ niềm tin một cách thiển cận, thiếu tôn trọng và yêu tôn giáo của mình hơn yêu bạn.

Một khi lập trường hôn nhân của người yêu bạn nghiêng nặng về tôn giáo hơn là tình yêu đồng thời ra điều kiện cho bạn muốn đi đến hôn nhân với cô ấy thì phải bỏ đạo, chính bạn cần phải sáng suốt cân nhắc và kiểm định lại quyết định hôn nhân của mình. Bởi lẽ, điều kiện trên đã cho thấy người yêu của bạn sẵn sàng hy sinh tình yêu để bảo vệ tôn giáo đồng thời lộ rõ sự thiếu tôn trọng, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo thiêng liêng của bạn.

Còn đối với bạn, dù yêu thương cô ấy và có dự định hôn nhân nhưng vẫn giữ vững lập trường kiên định về niềm tin tôn giáo của mình. Bạn đã có một quyết định đúng đắn và sáng suốt. Đạo Phật không chủ trương lợi dụng hôn nhân để quy nạp tín đồ đồng thời cũng không khắt khe đến độ cực đoan khi bắt buộc người chung sống với mình phải cải đạo. Người Phật tử, quy hướng đạo Phật xuất phát từ niềm tịnh tín, với ý thức tự giác và tự nguyện đồng thời rất tôn trọng tín ngưỡng và niềm tin của người khác. Do vậy, bạn cũng không cần người yêu của bạn từ bỏ tôn giáo của mình để theo bạn nếu không xuất phát từ tự giác và tự nguyện, nhưng đối với riêng bản thân bạn thì cần phải sáng suốt, không mù quáng và nhất là không đánh mất lòng tự trọng của người Phật tử, vốn dĩ cao quý và thiêng liêng.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, được làm người Phật tử là đã đặt chân lên thềm thang giác ngộ, đó là một trong những căn lành mà không phải bất kỳ ai cũng có được. Do vậy, nếu bạn không muốn trầm luân, đọa lạc trong đời này và đời sau thì phải giữ vững niềm tin của mình. Hôn nhân có thể đem lại cho bạn hạnh phúc trong một đời nhưng để đạt được hạnh phúc trước mắt vốn mong manh ấy mà phải thay đổi lý tưởng và niềm tin là một điều tệ hại nhất trong các điều tệ hại vì đánh mất chánh kiến nên chắc chắn bị đọa lạc ở những đời sau.

Vẫn biết rằng nếu cùng một chí hướng và niềm tin thì rất tốt cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình song thực tế quan điểm của hai người hiện giờ thì điều ấy trở thành không thể. Giải pháp "đạo ai nấy giữ" dù còn nhiều giới hạn và trở ngại nhưng vẫn không có tính khả thi vì điều kiện bắt buộc để tiến tới hôn nhân của cô ấy là bạn phải bỏ đạo. Và đây cũng là tín hiệu rõ ràng nhất của vấn đề rằng chuyện tình yêu của các bạn còn một khoảng trống bất hòa khá lớn, chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Do vậy, nếu đi đến hôn nhân khi tình yêu cũng như quan điểm chưa đạt đến độ hòa hợp, chín muồi thì chắc chắn sẽ bất hạnh, đổ vỡ và chuốc lấy thất bại mà thôi.

Người Phật tử luôn vận dụng trí tuệ để làm hành trang cho cuộc sống. Bạn phải luôn ý thức để quán niệm rằng hôn nhân (nếu may mắn) chỉ đem lại hạnh phúc một đời, còn Chánh pháp sẽ dẫn bước và soi đường cho bạn đạt đến hạnh phúc và an vui trong đời này và mãi mãi về sau. (Ban Tư Vấn TC. Gíac Ngộ)

CÂU HỎI 2:

Cháu là một Phật tử thuần thành, áp dụng những lời Đức Phật dạy vào cuộc sống thực tiễn được nhiều lợi ích. Cháu đang làm việc cho một công ty nước ngoài và yêu thương một bạn gái theo đạo Thiên Chúa. Bạn này cũng như cháu rất ngoan đạo. Hơn một năm, tình cảm tụi cháu vẫn tiến triển tốt đẹp, bàn về tương lai xa chúng cháu đã thống nhất với nhau đạo ai nấy giữ. Nhiều người nói với cháu: "Hai đạo khó làm ăn, khó dạy con cháu, khó hạnh phúc...".

TRẢ LỜI :

Đúng là trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng đã không hạnh phúc chỉ vì họ theo hai đạo khác nhau. Tuy mỗi tôn giáo có một nền giáo lý khác nhau, mục đích tối hậu khác nhau nhưng vẫn có những điểm giống nhau trong quan niệm cuộc sống. Ví dụ như tôn giáo nào cũng khuyên tín đồ của mình nên siêng làm những việc lành và cố gắng lánh xa điều ác. Cho nên hai người khác đạo quyết định lấy nhau, họ đã tìm ra chỗ dung thông sau khi vượt qua biết bao cách trở: Đạo ai nấy giữ.

Song, họ đã không hiểu hết lời tuyên thệ đó. Họ chỉ hiểu đơn giản khi lấy nhau rồi thì ai nấy cứ tiếp tục tín ngưỡng tôn giáo của mình, tự do cúng kiếng lễ bái hay những hình thức sinh hoạt khác mà một tín đồ cần phải thực hiện. Họ không hề nghĩ đến sự khác nhau giữa tư tưởng của hai tôn giáo là một trở ngại lớn. Càng là tín đồ thuần thành thì họ càng khó chấp nhận về quan niệm sống hay những điều chân lý của tôn giáo khác. Nếu như chân lý là một cái gì đó ở đằng xa, họ ít có dịp luận bàn đến thì những giáo lý áp dụng ngay trong đời sống hiện thực cũng không phải luôn luôn có điểm chung giữa hai tôn giáo. Vì ai cũng giữ cái "ngoan đạo" của mình mà không chấp nhận nhau rồi xảy ra việc tranh cãi và chê trích đạo của nhau là chuyện thường có. Nếu họ là những người hiểu biết, ôn hòa và nhường nhịn lẫn nhau thì với tình yêu sắt son cũng không khó xây dựng hạnh phúc gia đình.

Song, đến khi có con lại là một vấn đề nan giải. Lời giao kết "đạo ai nấy giữ" thuở ban đầu ấy là dành cho vợ chồng, nhưng con của họ thì sao? Theo cha hay theo mẹ? Ai mộ đạo thì cũng muốn con mình theo đạo truyền thống của ông bà cha mẹ mình, phải tranh thủ hướng đạo cho con ngay từ nhỏ. Nếu cha mẹ khoáng đạt hơn thì lớn lên cho con tự quyền lựa chọn tôn giáo, nhưng nếu đứa con mặc dù đã đủ lớn khôn để nhận thức nên theo đạo nào lại ngặt nỗi sợ mất lòng cha hoặc mẹ thì càng rắc rối hơn.

Đó là chưa nói đến hai họ, bên nội và ngoại, họ là những bức tường thành kiên cố khó mà vượt qua. Ngay từ khi cha mẹ chúng lấy nhau đã phải khổ sở lắm mới chinh phục được quan niệm "như đinh đóng cột" của nội ngoại, bởi những người theo đạo lâu năm họ cho rằng đó là một điều thương tổn đạo đức. Vì thương con mà họ đành ngậm ngùi chấp nhận, nhưng đến khi có cháu thì bất ngờ trong họ nảy sinh một sự chiếm hữu rất lớn, họ không thể "mất" thêm đứa cháu. Thật ra, tất cả cũng chỉ là quan niệm mà con người đã lỡ đặt ra và chấp chặt vào. Tôn giáo không hề có lỗi, bởi tôn giáo ra đời là để giáo dục con người hướng đến hạnh phúc trọn vẹn, chỉ tại con người bị bản ngã làm kẹt vào những quan niệm. Hai người khác đạo lấy nhau nếu muốn có hạnh phúc thì phải vượt lên những quan niệm đó. Còn chưa hiểu gì về tôn giáo của nhau, chưa tìm thấy được điểm chung để cố gắng hòa vào và điểm riêng để vượt ra khỏi thì nhất định sẽ rơi vào nghịch cảnh tan vỡ nếu vội vã lấy nhau. Không nên vì tình yêu quá độ mà lờ đi những hiểu biết về đạo của nhau. Phải thực sự hiểu giá trị đích thực của cuộc sống là gì thì mới thấy được sự cần thiết của đạo, bằng không sẽ xem nó như một nỗi ám ảnh đọa đày.

Giáo lý Đức Phật dạy chúng ta từ bi bình đẳng, độ lượng vị tha, nhu hòa nhẫn nhục... để thanh tịnh hóa nội tâm, chuyển hóa và trị liệu những tật bệnh phiền não chứ không hề khuyên chúng ta phải chết sống để bám giữ khư khư vào đạo mà không được phép tạm rời. Sống hình thức trong đạo mà không thực hành được những điều đạo đã dạy thì coi như hoàn toàn xa đạo, ngược lại không điều kiện để gần đạo hoặc có thể ở chung đạo khác mà vẫn sống tốt theo những gì đã được hấp thụ từ đạo của mình và còn tạo ảnh hưởng đến người đạo khác thì quả là một tín đồ thuần đạo, rất gần với đạo. Đó là lời răn nhắc của Đức Phật. Nhưng tư vấn đến đây, chúng tôi có ý định khuyên cháu khoan tiến xa hơn trong mối tình này, bởi chúng tôi vừa phát hiện ra cháu phát biểu nông nổi: "Chúa Jesus và Phật Thích Ca là một". Dựa vào đâu là cháu dám nói càn như vậy? Cháu hiểu Phật Thích Ca là như thế nào và Chúa Jesus ra sao? Không nên vì muốn chuyện tình cảm của mình được trọn vẹn mà cẩu thả "sáp nhập" đại để tìm ra sự "dung hòa chân tình" trong tư tưởng của mình. Điều đó chứng tỏ rằng vì những lời cảnh báo của kẻ bàng quan và thấy người đi trước gặp thất bại nên cháu mới lo lắng băn khoăn chứ cháu chưa thật sự quan tâm đến vấn đề trở ngại của chính bản thân mình. Chúng tôi tán đồng quan điểm của cháu là cuộc sống là do bàn tay và khối óc của mình tạo nên, song sức mạnh của bàn tay thì có thể dễ dàng biết rõ chớ còn khối óc thì cần phải kiểm tra thật kỹ lại từng giây phút mới không lầm nhận về nó. Sự hiểu biết của con tim luôn nhạy cảm tìm sự thích nghi với hoàn cảnh và cũng bị tác động ít nhiều từ hoàn cảnh. Cháu không được phép chủ quan mà không chịu tìm ra chỗ gút của bài toán khó này thì về sau cháu sẽ hối tiếc vì không còn đủ sức để nhận diện nữa, lúc ấy chỉ còn biết đương đầu chấp nhận và thở dài mặc tùy số phận mà thôi. (Ban Tư Vấn TC. Gíac Ngộ)

CÂU HỎI 3:

Em năm nay 20 tuổi, anh ấy 23, em quen anh ấy đã được 3 năm, tình cảm giữa em và anh ấy rất mặn mà, anh ấy đang học computer science, nhưng có một chuyện mà hai đứa em luôn đau khổ: em là người đạo Thiên Chúa, nhưng gia đình anh ấy theo đạo Phật, có nhiều lần anh đã muốn công khai chuyện tình cảm của hai đứa nhưng không dám vì gia đình của anh ấy không chấp nhận anh quen với người có đạo, bản thân anh cũng là con út trong gia đình, cho nên bây giờ hai đứa em quen nhau cứ phải lén lút, điều này làm em buồn lắm, gia đình em khó lắm, không chấp nhận em kết hôn với người ngoại đạo, thậm chí anh ấy đồng ý theo đạo mà ba em cũng còn không chấp nhận, chúng em không thể xa nhaụ

Bây chúng em phải làm sao để hai gia đình chấp nhận, bản thân anh là người rất có trách nhiệm, là đứa con ngoan trong gia đình, anh ấy sẵn sàng theo đạo nếu gia đình chấp nhận, nhưng mãi mãi gia đình anh ấy không chấp nhận thì chúng em sẽ phải xa nhau mãi mãi ư, đời em đã thuộc về anh ấy, em không hề hối hận những điều em đã làm, nhưng em phải làm sao để gia đình cho anh ấy theo đạo, chẳng lẽ em cứ chờ đợi mòn mỏi hoài vậy, em và anh ấy yêu nhau là một cái tội ư, bây giờ em phải làm sao đâỷ Xin chi giúp em vớị

TRẢ LỜI :

Phải nói thẳng một điều là cả hai gia đình, gia đình em và gia đình anh ấy của em, đều hẹp hòi, ích kỷ, không quan tâm đến hạnh phúc của con cái mà chỉ muốn chúng phải là những con cừu do mình chỉ huy, áp đặt, nếu chúng không làm đúng theo ý mình thì mặc kệ, cho chúng nó đau khổ. Họ không thèm quan tâm đến tình huống cặp tình nhân tre, quá yêu nhau, muốn sống chung với nhau nhưng phải lén lén lút lút, nếu người con gái có thai ngoài hôn nhân, rồi hậu quả sẽ ra sao, liệu mầm sống mới chưa kịp mở mắt chào đời kia có vì sự khắt khe của ông bà nội, ông bà ngoại mà đành trôi theo bàn tay nạo thai mà ngậm hờn dưới lòng cống không?

Tuyệt đỉnh của tôn giáo là CHÂN THIỆN MỸ. Nhưng khi tôn giáo đã gom lại thành tổ chức thì đôi khi lại nẩy sinh ra những hạng người cuồng tín, làm những điều khiến cho tôn giáo của họ trở thành biến thể, đi xa cái chân thiện mỹ, mà trở thành một hình thức giống như là phe pháị Phe này muốn lấn lướt phe kia, tự cao về phe mình, không nghiên cứu giáo lý của tôn giáo khác để nhìn thấy được cái tuyệt đỉnh, cái CHÂN THIỆN MỸ mà giáo chủ của họ đã vì những điều đó mà hình thành tôn giáo của họ. Trái lại, cứ như con ếch ngồi dưới đáy giếng, nhìn lên thấy bầu trời nhỏ hơn cái chiếu, tưởng rằng chỉ có đạo của mình là hay nhất, không biết gì về các đạo khác, thậm chí, do không hiểu biết, đôi khi nói những điều vô căn cứ, hoang đường, thành ra như là nói xấu đạo khác vậỵ

Căn bệnh trầm kha này đã và đang gây tai họa cho nhân loại qua các cuộc thánh chiến. Chỉ khi nào, hoặc là mọi người đều nghiên cứu thêm về các tôn giáo khác để hiểu biết và thông cảm nhau hơn, hoặc là không nghiên cứu thì cứ nên tôn trọng sự tự do tôn giáo, tự nhủ rằng vì mình thiếu hiểu biết, không thấy cái hay của các tôn giáo khác không có nghĩa là đạo khác xấu, mình có bổn phận phải << cứu vớt >>. Đừng nghĩ rằng chỉ có riêng những người theo tôn giáo mình là <<có đạo>>, còn các người không theo đạo của mình thì gom chung thành << người ngoại đạo >> cần được giáo dục để << theo đạo >>. Điều này phải cần đến sự tận tâm giảng dậy của các vị linh hướng có tinh thần cởi mở, hiểu biết rộng, và có tấm lòng từ bi, bác ái, thương xót cho cái kiếp người vốn đã đầy nỗi thống khổ, không nên lợi dụng tôn giáo để quàng thêm vòng dây kẽm gai lên đầu lên cổ tuổi trẻ nữạ

Các em nên cố gắng học hành chăm chỉ để kiếm được việc làm, thoát được ảnh hưởng của gia đình về mặt kinh tế, rồi sau đó, hãy can đảm trình bầy hoàn cảnh thực sự của hai em, là hai em không thể xa nhau được, yêu cầu hai bên cha mẹ tác thành, nếu không, các em đã lớn, các em cũng có bổn phận đối với chính mình, các em có thể tự định đoạt đời các em.

Về việc đổi đạo, em nên giữ sự tế nhị và hợp lý, không nên đem hôn nhân làm một áp lực bắt người khác đổi đạọ Hai em nên đạo ai nấy giữ. Sau này, khi hai em sống chung, chính cung cách sống của các em sẽ nói lên tính ưu việt của tôn giáo mà các em chịu ảnh hưởng. Từ đó, tùy theo lòng kính quý của mỗi em đối với từng tôn giáo, các em vẫn còn dư thời giờ để đổi đạo, nếu muốn. Sự cưỡng bách không thể thấm sâu vào lòng người, mà lại phát sinh ẩn ức. Để xứng đáng đi vào lãnh vực tâm linh, mỗi người phải có tấm lòng thành khẩn, bước những bước hân hoan, tâm hồn sung mãn với những tư tưởng khai phóng, không phải là những bước lầm lũi tủi hờn vì bị ép buộc. (Thuần Nhã, TB. VietTide)

CÂU HỎI 4:

Con tên là Trung, cư ngụ tại tiểu bang Arizona, là một tín đồ Công Giáo cùng một người bạn đường và bạn đời cùng kết nghĩa vợ chồng. Tất cả mọi việc đều giải quyết thật ổn thỏa êm đẹp. Nhưng có một điều là con cái sau này thì làm sao? Theo Chúa hay Phật !! Thật là nan giải. Xin quý thầy cùng các bậc hiểu biết làm ơn giúp ý. Thành thật cảm ơn. Cầu xin ơn Trên trả công cho quý vị.

ĐÁP

Theo như thư anh kể, anh, một người theo đạo Thiên Chúa Giáo và chị, một người theo đạo Phật đã yêu nhau và kết nghĩa vợ chồng, cùng chung sống hạnh phúc bên nhau. Sự kiện đó đã nói lên một thực thể đẹp và có thể là trong tương lai con cái anh chị cũng sẽ thừa hưởng được cái đẹp đó.

Chúng tôi nghĩ rằng những cuộc hôn nhân như vậy sẽ tạo nên cơ hội tốt để hai người có thể học hỏi truyền thống tôn giáo của mỗi bên. Khi anh chị sanh các cháu, anh chị có thể khuyên các cháu theo cả hai truyền thống tôn giáo của cha mẹ hoặc là để cho các cháu được tự do học hỏi và lựa chọn, đừng nên bắt ép các cháu phải bỏ bên này mà theo bên kia, cũng đừng bắt buộc các cháu phải rửa tội hay phải quy y Tam Bảo trước khi các cháu tới tuổi trưởng thành.

Cũng thế, trong đời sống gia đình, anh nên nói với chị, "Khi nào em đi chùa, nhớ cho anh đi với để chúng ta cùng cúng hoa lên Phật." Chị cũng nên nói với anh: "Chủ Nhật tới anh hãy cho em đi nhà thờ với để cùng dự lễ cầu kinh với anh." Thật là tuyệt đẹp, con cái cũng vậy, đứa nào thích đi chùa thì đi chùa, đứa nào thích đi nhà thờ thì đi nhà thờ, hay thích đi cả hai càng hay, hãy để chúng tự do lựa chọn, đừng ép buộc, đừng khuyến dụ. Trong cuộc sống hằng ngày hãy dạy các cháu những điều cơ bản mà cả hai truyền thống tôn giáo đều dạy là không làm các điều ác, làm các việc lành và hiếu kính cha mẹ. (1)

Đó là tương lai của con cháu chúng ta, bởi vì nếu chúng ta khác truyền thống tôn giáo, khác tư tưởng mà có thể sống với nhau đẹp đẽ như vậy, chắc chắn xã hội chúng ta sẽ không còn hận thù, xung đột và chiến tranh. Chúng ta sẽ sống an lạc, và hạnh phúc hơn trong tinh thần tự do, cởi mở vì không chấp trước bất kỳ một tư tưởng nào. Anh hay chị hay cháu hãy cứ là Phật tử hay là con của Thiên Chúa, cứ giữ những giá trị truyền thống sẵn có và luôn luôn mở rộng lòng đón nhận giá trị truyền thống khác của người bạn đời hay của con cái. Không nên có tư tưởng hay tìm cách cải đạo (convert) của nhau. (BBT TVHS)

(1) Lẽ dĩ nhiên có những sự khác biệt quan trọng giữa đạo Phật và các đạo khác, mà trong đó đạo Phật có điểm "tự tịnh kỳ ý" nghĩa là phải "tự thanh tịnh tâm ý".

CÂU HỎI 5: Con lấy vợ là một người công giáo và con đã quyết giữ đạo của mình là đạo Phật. Con đã đọc quyển sách " Living Budha, Living Christ" của Sư Ông Nhất Hạnh, con sống trong tinh thần tôn trọng tín ngưỡng, nhưng khi có con thì vợ con một mực không cho phép con đưa con của con lên Chùa, và trong nhà thì không chỉ thờ một mình Chúa. Điều này con cũng rất hiểu là vợ con bị kẹt trong perception, rất là khổ sở vì perception này. Con thì OK, Phật tại tâm thôi, nhưng con của con là của chung, con cảm thấy mình bị xử ép, và buồn lắm. Nhiều lúc muốn ly dị nhưng con còn nhỏ, hơn nữa ly dị vì tôn giáo thì không đúng con cũng đang bị kẹt trong perception là Phật và Chúa. Con muốn con của con biết nội ngoại tức biết hai gốc rễ tâm linh để sau này lớn lên không bị kẹt và sinh tâm kỳ thị. Xin quí thầy và sư cô giúp đỡ

ĐÁP:

Đọc thư anh xong, chúng tôi rất thương cho đứa trẻ. Nó đang là nạn nhân của tôn giáo. Anh chị có thấy điều này không?

Nếu anh 'quyết tử' vì đạo Phật mà gia đình phải cắn đắn nhau, con anh phải chứng kiến cảnh cha mẹ nó giận hờn nhau, hơn thua với nhau vì tôn giáo, thì sự hy sinh hạnh phúc gia đình của anh cho đạo Phật có xứng đáng không? Sự hy sinh của chị cho đạo Công giáo có xứng đáng không? Nếu vì đạo Phật, vì đạo Công giáo, mà vợ chồng phải bỏ nhau để con trẻ bơ vơ, đói khát tình thương từ cha lẫn mẹ và mái ấm gia đình, thì đạo Phật đó chỉ làm khổ gia đình anh, đạo Công giáo ấy chỉ làm khổ gia đình chị, vậy thì anh chị muốn con mình theo đạo của mình để làm gì, rồi nó cũng sẽ gặp chuyện khó xử sau này y hệt như cha mẹ nó vậy thôi. Thầy chúng tôi thường nói: 'Phật ra đời đâu phải để cho con của Phật khổ'. Xin anh hãy nghiệm lấy câu này để hiểu cho thật tường tận về gốc rễ tâm linh của mình.
Anh và chị là vợ chồng với nhau. Khi thương nhau, hai người đã lấy đi hàng rào tôn giáo để đi đến hôn nhân hoàn toàn không kỳ thị. Vậy tình thương đó bây giờ đâu rồi? Tinh thần không kỳ thị đó đâu rồi? Tình thương đó là đạo Phật. Tinh thần không kỳ thị đó là đạo Phật. Đó là đạo Phật trong cuộc sống hàng ngày. Anh đã đánh mất đạo Phật như anh đã đánh mất tình thương cho vợ anh vậy. Chuyện của anh chị, gợi lại cho chúng tôi một câu chuyện khác, có thật:

- Có một gia đình nọ có hai đứa con. Trong nhà chỉ độc nhất có một cái ti-vi, mà thằng lớn ưa coi phim cao bồi, thằng nhỏ ưa coi phim hoạt họa. Cứ đến ngày thứ bảy là chúng giành nhau cái ti-vi. Thằng lớn nói cái lý của thằng lớn: 'Nó là em, nó không được cãi.' Thằng em nói cái lý của thằng em: 'Ảnh là anh mà ảnh không biết nhường nhịn em.' Người cha muốn xử đề huề cho cả hai đứa, nhưng đứa nào cũng bảo cha xử ép chúng. Người cha thấy hai con không đứa nào lắng nghe đứa nào, không đứa nào nhường nhịn đứa nào, và tệ hơn cả là chúng không còn biết nghe đến lời can ngăn của ông nữa. Ông giận lên và quăng cái ti-vi đi.

Đọc xong câu chuyện này, anh nghĩ gì? Anh tự nghiền ngẫm lại đi.

Anh muốn con anh tiếp xúc với đạo Phật, thì anh phải cho con anh thấy tận mắt cái đẹp, cái lành, cái thật của đạo Phật qua đời sống hàng ngày của anh. Nếu con anh tiếp nhận được tấm lòng vị tha, bao dung, rộng lượng, hiểu biết lớn... của anh, thì nó sẽ thấy gốc rễ tâm linh của ba nó, ông nội nó rất giàu có. Và gốc rễ tâm linh đó sẽ ăn sâu vào lòng nó mỗi ngày mỗi ngày một cách rất âm thầm. Thành ra anh đừng lo rằng con anh sẽ mất gốc.

Anh hãy tưởng tượng một cái cây chỉ sống trong chậu. Cây có lớn đến đâu đi nữa thì gốc rễ của nó cũng không thể vươn ra ngoài cái chậu. Nếu anh cho rằng, con anh đi chùa sẽ tiếp xúc được với gốc rễ tâm linh đạo Phật, thì chẳng khác gì cái cây ở trong chậu mà thôi. Đạo Phật có tầm vóc lớn lao hơn nhiều. Nó vượt ra ngoài không gian (khuôn viên chùa) và thời gian (từ ông bà truyền qua nhiều đời con cháu). Xin anh hãy nghiền ngẫm lại.

Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở anh chị nên nghĩ đến tâm trạng của một đứa trẻ. Đứa trẻ nào cũng muốn thấy cha mẹ chúng thương yêu nhau, sống hạnh phúc với nhau. Đối với chúng, Phật và Chúa đều xa lạ lắm. Chúng không tưởng tượng ra được Phật từ bi như thế nào, Chúa cứu thế như thế nào. Nhưng chúng thấy rõ, biết rõ là cha mẹ chúng sống như thế nào. Đứa trẻ sẽ thích đạo Phật nếu cha nó bao dung và rộng lượng như Phật, biết thương nó và mẹ nó; đứa trẻ sẽ thích đạo Công giáo nếu mẹ nó ngọt ngào và hiền dịu như thiên thần, biết thương nó và cha nó. Nếu anh và chị làm đúng vai trò của mình, thì đứa trẻ tiếp nhận hai gốc rễ tâm linh cũng dễ dàng như 'ăn cơm Tàu mà ở nhà Tây' vậy. Gia đình sẽ hạnh phúc hơn nhiều.

Anh và chị có bảo đảm là đứa trẻ khi lớn lên sẽ theo đạo của mẹ nếu nó đi nhà thờ mỗi tuần từ khi còn bé thơ, hay theo đạo của cha nếu nó đi chùa mỗi tuần không? Theo chúng tôi thì vấn đề không phải ở chỗ cho cháu đi nhà thờ hay đi chùa. Vấn đề là: Nhà thờ có gì cung cấp cho cháu làm hành trang sau này khi cháu gặp khó khăn hay không? Nhà chùa có gì cung cấp cho cháu làm hành trang sau này khi cháu khổ đau, tuyệt vọng hay không? Xin anh suy nghĩ lại.

Thư khá dài, chúng tôi xin dừng ở đây. Mong rằng với những dòng chữ này sẽ giúp anh chị thoát ly được 'perception' của mình để tìm lại được hạnh phúc thuở ban đầu. Hạnh phúc của anh chị là món quà mà đứa trẻ sẽ thích nhất, trân quý nhất. Cảm ơn anh đã để thì giờ đọc lá thư này. (Sư Cô Đoan Nghiêm)

LỜI KHUYÊN CỦA MỘT VỊ TU SĨ PHẬT GIÁO:

Đối với Đạo Phật, Đức Phật quan niệm rằng: "Không có sự phân biệt Tôn giáo và giai cấp, khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn". Lời dạy ấy chứng tỏ rằng: Đối với Ngài hay đối với Đạo của Ngài - Ngài không phân biệt ai cả. Ai tin thì theo Phật, ai không tin Ngài cũng không sao. Câu nói ấy cũng chứng tỏ rằng: Ngoài Đạo Phật, Ngài còn công nhận nhiều Đạo khác nữa. Trong khi đó những Đạo khác có tính cách cực đoan hơn, chỉ biết công nhận Đạo của mình, còn những ai không tin mình đều là Ngoại Đạo cả. Từ đó mới phát sinh ra chuyện khó khăn giữa một chàng trai Phật Tử đã quy y Tam Bảo đi yêu một cô gái theo đạo Thiên Chúa.

Cuộc tình nào cũng đẹp nhưng cũng lắm đắng cay. Nếu chỉ có hai người không thì họ đã tự quyết định rồi; nhưng ngặt còn cha mẹ của hai bên và còn chuyện tương lai của con cái nữa. Có nhiều cuộc tình rất đẹp; nhưng đến ngày cưới lại tan vỡ, vì bên này không chấp nhận lễ nghi bên kia, hoặc bên kia không chấp nhận lễ nghi bên này. Thật ra thì Phật Tử chưa hiểu Đạo vẫn có người cực đoan, mà con Chiên của Chúa cực đoan cũng không phải là ít.

Điều mà người Phật Tử phải nhớ là đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi thì dầu cho không gian và thời gian có thay đổi cũng không được quyền thay đổi Đạo của mình. Đổi Đạo tức là đã phạm vào những giới mà mình đã phát nguyện lúc quy y Tam Bảo. Và Phật Giáo cũng không bắt buộc một người nào theo Đạo của mình dưới bất cứ một hình thức nào cả.

Một vị Tăng sĩ có thể đứng ra chủ lễ cho một đám cưới hai Đạo khác nhau; nhưng chúng tôi đoan chắc rằng một vị Linh Mục Việt Nam không làm điều đó. Vì cho rằng chú rể hoặc cô dâu kia là người ngoại đạo. Nhưng đó chỉ là những vị Linh Mục Việt Nam bắt buộc như thế thôi, còn các Linh Mục Âu, Mỹ vẫn khuyên rằng đạo ai nấy giữ - nếu có đi chăng nữa là từ hồi xưa - lúc họ còn ít tín đồ- chứ bây giờ có lẽ vì bị sự chống đối của Tín hữu nên không thấy nói.

Chúng tôi thấy Phật Tử của mình bị mất mát quá nhiều; vì một cậu Phật Tử đi lấy vợ theo Thiên Chúa hoặc một cô Phật Tử đi lấy chồng theo Thiên Chúa là sự đi chùa của cô hay cậu đó hoàn toàn trống vắng mà lâu nay quý Thầy không nói có lẽ còn nể tình, hoặc bảo rằng chuyện không đáng. Vì Phật Giáo không có chủ trương thâu nhận tín đồ cho lấy nhiều mà chỉ tự nơi tâm thôi.

Nhiều Phật Tử có tâm đạo hay nói với chúng tôi rằng: "Nếu chỉ theo Đạo Chúa để lấy được vợ thì sau khi lấy vợ xong con phải dẫn vợ về chùa, chứ không đi nhà thờ nữa". Nhưng thông thường thì đàn ông theo đạo vợ hơi nhiều, chứ đàn bà ít theo đạo chồng - có lẽ niềm tin của các ông chồng còn yếu.

Gần đây bên Giáo Hội Thiên Chúa có cho xuất bản bộ giáo luật mới có đề cập đến vấn đề hôn nhân giữa người khác Đạo. Chúng tôi thấy rằng Giáo Hội Thiên Chúa giáo có cho tự do kết hôn giữa người khác Đạo (nghĩa là Đạo ai nấy giữ) nhưng đến đời con, cháu phải theo Đạo Chúa. Chúng tôi nghĩ rằng đó cũng chỉ là tự do trong một giai đoạn ngắn thôi. Điều quan trọng là ở tương lai chứ hiện tại cũng không có gì đáng nói lắm. Chúng tôi thấy hơi lạ là bên Đạo Thiên Chúa cứ bắt buộc người khác rửa tội mới được làm lễ nhà thờ. Trong khi đó Đạo Phật thì không bắt buộc gì cả. �ạo ai nấy giữ. Nếu cứ tình trạng này thì con Chiên của Chúa cứ tăng dần mà Phật Tử càng ngày càng ít. Nên chúng tôi có một số ý kiến như sau :

Việc viết lên bài này không nhằm đả kích giữa Tôn giáo này hay Tôn giáo khác mà chỉ nhằm mục đích nói rõ, nói thẳng cho người Phật Tử cũng như con Chiên của Chúa hiểu được Đạo là gì theo một Tôn giáo không phải là thay cái áo cũ mặc cái áo mới, mà theo một Tôn giáo là trọn đời của mình phải phục vụ cho một niềm tin cao thượng, giải thoát - chứ không phải theo một Tôn giáo để lấy vợ hoặc chồng rồi lại thôi không theo nữa.

Chúng tôi thấy có nhiều gia đình sống không có hạnh phúc với nhau vì khác Đạo. Nên chúng tôi khuyên những vị sắp lập gia đình nên tìm những người cùng Tôn giáo để kết hôn nhau vẫn hơn là khác Tôn giáo. Vì con cái của quý vị sẽ khổ sở, không biết nên theo Đạo của cha hay Đạo của mẹ. Người Phật Giáo luôn luôn quan niệm rằng Đạo nào cũng tốt; nhưng cuối cùng người Phật Tử để bị đồng hóa trở thành con Chiên của Chúa hơn là con Chiên của Chúa trở thành Phật Tử.

Chúng tôi cũng đề nghị với quý vị Linh Mục Việt Nam rằng: "Không nên bắt buộc những người Phật Tử phải bỏ Đạo Phật để theo Đạo Chúa. Vì điều đó Chúa cũng không dạy mà Phật cũng không muốn". Chúng tôi chỉ trình bày sơ lược một số vấn để có liên quan về việc hôn nhân giữa người cùng Đạo và khác Đạo. Hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp tích cực của những bậc Tôn Túc, quý vị lãnh đạo tinh thần giữa Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo. (Thầy Thích Như Điển, Chùa Viên Giác-Đức Quốc)

Ý Kiến Của Độc Gỉa

Kính chào ban biên tập,

Tôi là một phật tử sinh hoạt trong gia đình phật tử gần 10 năm nay và có chút ít hiểu biết về Phật pháp. Tôi có vợ là người theo Thiên Chúa giáo, lấy nhau đã gần 4 năm. Chúng tôi đạo ai nấy giữ và thường hay chia sẻ hiểu biết về đạo của mình với nhau. Tình cờ đọc các câu hỏi và trả lời trong mục “Hôn Nhân Khác Tôn Giáo”, tôi thấy các ý kiến hỏi cũng như trả lời đều rất hay và bổ ích. Tuy nhiên có một vài ý khác mà chỉ từ kinh nghiệm bản thân mới có được, tôi xin chia sẻ dưới đây.

Nhìn từ bên ngoài, Thiên Chúa giáo so với Phật giáo có vẻ là một tôn giáo “ích kỷ” vì không cho phép tín đồ của mình bỏ đạo trong khi lại yêu sách tín đồ của tôn giáo khác cải đạo sang tôn giáo mình. Nhận xét này có phần nào đúng, nhưng nếu nhìn từ bề trong và qua trao đổi với ngưòi theo Thiên Chúa thật sự hiểu đạo và sống đạo, hoặc các vị linh mục VN sống ở phương Tây (vợ tôi đã làm điều này trước khi chúng tôi cưới nhau), thì có một số điều mà người phật tử chúng ta cần phải suy nghĩ.

Một lý do theo tôi khá chính đáng mà phía bên Thiên Chúa giáo trông đợi người Phật tử cải đạo trong một cuộc hôn nhân, là biểu hiện “mê tín" của “đa số” tín đồ Phật Giáo. Tôi dùng từ trong ngoặc kép vì chỉ có Phật tử hiểu biết Phật pháp mới đoan chắc được là Phật Giáo không mê tín. Nhưng đối với “người ngoài đạo”, Phật Giáo gắn liền với coi bói, xin xăm, phong thủy, coi tuổi và ngày lành tháng tốt, v..v... Chính vì không thể chấp nhận người phối ngẫu và con cái sau này đi theo con đường mê tín, mà phía bên Thiên Chúa giáo mới có điều kiện bắt người phối ngẫu cải đạo. (Dĩ nhiên, cũng có rất nhiều người Thiên Chúa giáo áp dụng điều này một cách máy móc, và hoàn toàn không hiểu tại sao họ cần làm vậy).

Đây là một vấn đề đau lòng của riêng tôi khi nghĩ về tình trạng của Phật Giáo hiện nay. Tôi thiết nghĩ, các vị lãnh đạo Phật Giáo cần có thái độ rõ ràng để xác nhận đường lối Phật Giáo, tránh ngộ nhận về đức tin cho những người “ngoài đạo” và cho chính các phật tử cùa mình. Chúng ta không cần phải lên án hay chống báng những hành vi “mê tín” kể trên (thật ra những điều “mê tín” đó cũng có khi đúng vì nó là kết quả của hàng ngàn năm kinh nghiệm của tổ tiên chúng ta), nhưng chúng ta cần phải xác định đức tin của mình đặt ở đâu nếu mình nhận mình là phật tử (quy y Phật-Pháp-Tăng, không quy y quỷ thần, v..v..).

Nghĩ xa hơn nữa, chúng ta không nên chấp nhất sự “thiệt thòi” nhất thời từ việc cho con cái theo đạo Thiên Chúa. Chúng ta nên giữ đạo cho mình chứ không nên tìm cách giữ đạo cho người khác, dù đó là con cái của chính chúng ta. Vì nếu làm như vậy, chúng ta đã sa vào chấp ngã, và thấy hột sạn trong mắt (đạo) người mà không thấy hột cát trong mắt (đạo) mình. Đối với Phật Giáo, mỗi người phải tự mang trách nhiệm tối hậu về đời sống tinh thần và sự giải thoát cho chính mình, không ai khác gánh vác được. Chỉ vì một người được sinh ra là Phật tử hay con chiên của Chúa không có gì bảo đảm là người ấy sẽ được giải thoát hay cứu rỗi, hay ít ra sẽ trở thành một người tốt hơn người của "phía bên kia".

Nếu chúng ta có niềm tin chân chính đối với giáo pháp, chúng ta phải tin rằng dù thân nhân chúng ta có theo tôn giáo nào đi nữa, Phật Giáo thông qua chính hành vi, nhân cách của chúng ta luôn có giá trị bổ sung, hoàn chỉnh, và mang lại lợi lạc cho họ. Nếu chúng ta cảm nhận được sự tồn tại của Phật Giáo trên thế gian này ngay cả khi không còn một người niệm Phật, theo tôi nghĩ, chúng ta mới thật sự hiểu được giá trị của tôn giáo mình, và từ đó không còn hồ nghi lo lắng về vấn đề hôn nhân khác tôn giáo nữa.

Thân kính,

Minh Phước
Trần Kim Long Hưng.

Công Đức Và Phước Đức

Tôi thường hay đến chùa và thỉnh thoảng có nghe vài người bạn đạo nói rằng: "Nếu kiếp này chỉ lo tu phước mà không lo tu huệ, thì sự tu phước của kiếp này sẽ là tai họa cho kiếp thứ ba. Như vậy ý này là thế nào? Và kiếp này có nên tu phước không hay là để tránh kiếp thứ ba khỏi bị tai họa thì phải ngưng tu phước mà chỉ tu huệ thôi? Và tu huệ là tu cái gì? Kính mong quý vị chỉ dẫn giùm cho chúng tôi hiểu

Trước khi trả lời thư của vị thính giả, chúng tôi mời quý vị nghe lại bốn câu kệ trong kinh Pháp Cú:

Không làm các điều ác
Nên làm các việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Đó là lời Phật dạy.

Qua bốn câu kệ trên, chúng ta thấy rằng tiến trình tu tập giải thoát của đạo Phật được thể hiện qua nhiều giai đoạn.

Không làm điều ác, nên làm điều lành là hai bước đầu tiên trong việc tu tập, tuy thế chúng ta cần biết rõ ràng thế nào là Thiện, thế nào là Ác. Đối với đạo Phật, có thể nói, tiêu chuẩn để xác định Thiện hay Ác căn cứ vào hai yếu tố hạnh phúc và khổ đau. Hành động, từ lời nói, ý nghĩ đến việc làm, nếu đem lại hạnh phúc cho chúng sinh là Thiện và hành động gây khổ đau cho chúng sinh là Ác. Nếu chỉ đem lại hạnh phúc cho cá nhân mình mà gây khổ đau cho chúng sinh khác cũng là việc làm ác. Tránh gây khổ đau cho người cũng tức là tránh tạo nghiệp ác cho mình.

Như vậy khi chúng ta làm những việc thiện lành như bố thí tiền bạc, tài sản, bố thí Pháp, chia sẻ những ưu tư, những khổ đau của người khác là chúng ta đang tu phước. Tu phước chính là gieo những hạt giống lành, hạt giống thiện, tựa như việc cất giữ tiền của vào trương mục tiết kiệm ở ngân hàng để sau này dùng dần, tức được hưởng niềm hạnh phúc an lạc. Vì niềm an lạc hạnh phúc là điều ai ai cũng mong muốn, cho nên việc gầy dựng niềm an vui hạnh phúc cho người cũng tức là tạo nhân hạnh phúc an vui cho mình, và từ đó, nhân rộng ra cho xã hội, cho chúng sinh. Niềm an lạc hạnh phúc không thể ngẫu nhiên đến với chúng ta, mà là do công phu tránh dữ làm lành, tránh tội làm phước bồi đắp hàng ngày.

Phước giúp chúng ta đẩy lùi những nghiệp xấu ác của nhiều kiếp trổ ra và có công năng giúp cho chúng ta sáng suốt, thấy rõ những sự việc sai trái trên đường đời, hoặc giúp chúng ta thoát khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng. Có những việc chúng ta tưởng chừng như buông xuôi hàng phục, vậy mà nhờ phước rồi cũng vượt thoát được. Trong sáu hạnh tu của nhà Phật gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí Tuệ, thì Bố thí là hạnh đầu tiên. Nhìn vào đó chúng ta sẽ thấy được việc gieo trồng nhân phước là quan trọng dường nào.

Thưa quý thính giả,

Con đường tu tập của Phật tử không chỉ giới hạn vào việc tu phước, vào việc làm lành tránh ác để kiếp sau khá hơn kiếp trước, vì như thế vẫn còn trôi lăn trong vòng sinh tử của thế giới tương đối, chưa phải là mục đích chính của đạo Phật. Đạo Phật xuất hiện trên đời là vì có sự giác ngộ của đức Phật, từ sự giác ngộ này, đức Phật chỉ con đường cho chúng sinh tu để giác ngộ như Ngài, tự giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Con đường giải thoát này phải thực hiện bằng trí tuệ.

Như vậy tu Tuệ hay tu giải thoát là bước thứ ba của tiến trình tu tập, còn gọi là “Tự tịnh kỳ ý”.

Tu Tuệ là công phu tu tập các phương pháp làm cho tâm lắng xuống, nhằm dứt trừ vọng tưởng để thành tựu được Trí Tuệ Bát-nhã. Bát-nhã là phiên âm của tiếng Phạn paramita, có nghĩa là "qua bờ bên kia", bờ bên kia là Niết Bàn thanh tịnh, bờ bên này là đời sống tương đối. Trí tuệ này không phải là kiến thức do học hỏi kinh sách, không phải là trí thông minh bình thường.

Do vì mỗi người có một tâm khác nhau nên cũng khó nói có một pháp tu nào áp dụng chung cho tất cả mọi người được, vì vậy đức Phật đã chỉ dạy nhiều pháp khác nhau để mỗi người tùy căn cơ áp dụng. Một số những pháp môn này như sau:

- Quán tưởng: chú tâm quán sát sâu xa về một đề mục rút trong giáo lý.
- Trì chú: chú tâm tụng niệm những câu chú gồm những chữ bí ẩn.
- Niệm Phật: chú tâm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà.
- Tham thiền: chú tâm tham một công án hoặc một thoại đầu.

Nhưng, dù là pháp nào chăng nữa thì việc thực hành cũng là trình tự đưa tâm từ trạng thái nhiều vọng tưởng về trạng thái ít vọng tưởng rồi về nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, rồi liễu tâm, ngưng dứt dòng suy nghĩ miên man, liên tục của ý thức. Nhà Phật quan niệm rằng sự suy nghĩ liên tục, miên man, của ý thức, còn gọi là "tâm viên ý mã", tức là tâm ý vọng tưởng chạy nhấy như con vượn, con ngựa, có tác hại là đã che mờ mất Chân Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã.

Hành giả nên chọn một pháp môn thích hợp với căn cơ của mình, và khi thực hành thì nên theo tông chỉ của pháp môn đó mới có kết quả. Dù thực hành theo pháp môn nào cũng nên có một vị thầy hướng dẫn.

Thưa quý thính giả,

Trở lại câu hỏi của vị thính giả: "Nếu kiếp này chỉ lo tu phước mà không lo tu tuệ, thì sự tu phước của kiếp này sẽ là tai họa cho kiếp thứ ba", như vậy ý này là thế nào? ”

Chúng tôi xin thưa rằng, theo luật Nhân Quả, tu phước trong kiếp này sẽ được quả tốt trong kiếp tới. Kiếp tới không hẳn là kiếp thứ hai mà có thể là ở một kiếp vị lai nào đó. Bởi vì nhân phải hội đủ duyên thích hợp mới trổ quả.

Do nhân tu phước ở kiếp này mà kiếp tới có thể sẽ được làm một nhân vật có quyền cao chức trọng, kẻ hầu người hạ, giầu sang sung sướng. Do được hưởng thiện báo đó mà người ta dễ buông lung trong trường dục lạc. Khi ấy thì dù có bậc thiện tri thức khuyên bảo, cũng khó làm cho họ nghe theo vì họ đang trong cơn say sưa mê đắm với dục vọng. Vì vậy nhà Phật cảnh giác người tu Phước rằng trong khi tu Phước, phải đồng thời tu Trí Tuệ, học tập giáo lý nhà Phật, dành chút thời giờ để thực tập tĩnh tâm, như thế là Phước Tuệ song tu. Chứ nếu giầu sang sung sướng, mà không có nhân hiểu biết giáo lý, không giữ gìn giới hạnh cho đàng hoàng, thì cũng rất dễ trở thành con người phóng túng, dễ tạo nghiệp xấu, thì một kiếp nào đó trong tương lai sẽ gặt quả báo xấu tuỳ theo nghiệp đã tạo. Nên mới gọi là tai hoạ cho kiếp thứ ba là thế.

Nói tóm lại tiến trình tu giải thoát của đạo Phật được thể hiện qua nhiều giai đoạn. Việc lấy thiện diệt ác, cứu giúp chúng sinh, bố thí cúng dường, chỉ là bước đầu trong con đường tu tập để đi đến giải thoát giác ngộ. Tuy là bước đầu nhưng lại là bước căn bản. Người ta thường nói “đi buôn cần vốn, đi tu cần Phước”. Cho nên việc gieo trồng nhân phước rất là quan trọng. Riêng đối với những người muốn tiến xa hơn, muốn hoàn toàn giác ngộ, giải thoát, thì bản thân hành giả phải tự mình thanh tịnh tâm, chấm dứt dòng vọng tưởng miên man che mờ Chân Tâm, để Trí Tuệ Bát Nhã, cũng còn gọi là Phật Tánh, hoặc Chân Tâm được hiển lộ.

Thưa quý thính giả,

Chúng tôi xin lược trích câu chuyện về vấn đề "gieo nhân lành được hưởng thiện báo", do đạo hữu Viên Nhẫn kể trong bài "Phước nghiệp cho hành trình tiến tu", như sau:

"Nhân đây chúng tôi (chúng tôi ở đây tức là đạo hữu Viên Nhẫn) xin kể lại một kinh nghiệm mới xảy ra cho đạo hữu N.C., một Việt kiều ở Pháp . Tháng 11-2000 , trong thời gian ở VN cô đã tham gia nhiều công tác từ thiện, nhất là mua thật nhiều cá để phát tâm cho hạnh phóng sinh. Sau khi lên núi tham quan một ngôi chùa ở Vũng Tàu trở về thì cô lâm trọng bệnh. Vì vốn có sẵn bệnh tim nên cô đã phải dùng một dược chất cực mạnh. Tuy nhiên thuốc đã không giúp được gì cho cô trong lúc này, hơi thở cô trở nên ngắn lại, cô ói mửa liên miên , đầu óc choáng váng , mở mắt ra không thấy gì chung quanh, mà chỉ thấy một cụm đen cuốn tròn như đưa vào một đường hầm đen tối, cô thấy thật là ngột ngạt, không dám mở mắt ra nữa. Sau đó cô không còn biết gì. Người nhà khẩn cấp đưa cô vào bệnh viện và theo như họ kể lại, thì lúc bấy giờ dù rằng rất yếu nhưng không hiểu tại sao cô lại có những bước đi thật vững vàng, nhanh hơn những người đang dìu cô đi, thành ra cô đã được kịp thời chạy chữa trong phòng cấp cứu. Sau này cô kể lại là bình nhật cô thường niệm Phật, nhưng lúc đó cô đã không niệm được, nhưng chuyện cô đi phóng sinh lại hiện ra trước mắt cô, nào là hình ảnh đau thương của những con ếch sắp bị chặt đầu với hai tay chắp lạy như van xin, nào là chuyện những ngày đến chợ cá thật sớm để đón mua những sinh vật sắp bị hành quyết. Tâm từ bi của cô đã khởi lên trong cận tử nghiệp, thiện pháp đã bộc phát thật mạnh trong cô và như chúng tôi đề cập về công năng của một người thường hay làm phước ở đoạn trên, cô đã nhận được luồng sóng gia hộ để vượt qua cái chết. Đây thật là sự vi diệu của giáo lý nhân quả, phước quyết định cho mọi sự, chúng ta nên tận dùng thân người này để sống một đời vị tha, đó là con đường phải trải qua cho vơi đi bao nghiệp tội mà chúng ta đã phạm trong quá khứ".

Đạo hữu Viên Nhẫn cũng góp ý về hạnh Pháp thí như sau:

"Hạnh pháp thí gồm có truyền giảng chánh pháp cho người nghe hay trợ duyên cho việc chuyển lăn bánh xe pháp, làm cho Phật pháp ngày càng lan rộng. Sự trợ duyên này gồm có : ấn tống Kinh sách, phát hành băng , tài trợ cho quý Tăng, Ni sinh đi học, hay yểm trợ cho những khoá tu học. Gieo nhân duyên nghe pháp cho người là công đức cao nhất trong các hàng bố thí, nhờ nhân duyên pháp thí này mà quả báo mang lại cho đời sau là sớm gặp được những bậc thức giả dẫn dắt trên con đường cầu tìm học đạo. Giúp cho một người có được thiện duyên nghe pháp là giúp họ một cơ hội tiến gần đến Tam Bảo, xa dần những hệ lụy của bóng đêm nghiệp chướng , mở đường cho chuyến vượt thoát dòng sinh tử luân hồi.

Một điểm cần nêu ra ở đây để không gây ra ngộ nhận, chúng tôi không bao giờ phản bác việc tu Huệ. Phước Huệ song tu vẫn là điều tốt nhưng đừng bao giờ xem nhẹ việc làm phước , vì phước là nền tảng cho Trí Huệ, là tiến trình cho con đường vượt thoát dòng sinh tử."

Trong cuốn Bố Thí Ba La Mật, thày Thích Trí Siêu dạy:

"Nhờ bố thí đời này qua đời khác, Bồ Tát gặt được nhiều phước đức, do đó Bồ Tát tin nơi Tam Bảo, nhờ tin nơi Tam Bảo, Bồ Tát phát tâm học chánh pháp, nhờ học chánh pháp, Bồ Tát phá trừ tà kiến và vô minh, nhờ phá trừ vô minh mà trí huệ tăng trưởng. . .
Tất cả mười phương chư Phật đều bắt đầu con đường giác ngộ bằng một hạnh đầu tiên là bố thí"

Thưa quý thính giả,

Như quý vị đã thấy, bố thí vẫn là điều kiện cốt tủy cho người Phật tử, không những thế, còn là điều cốt tủy cho tất cả mọi người nói chung. Có câu: "Người CHO "được" nhiều hơn người NHẬN". Bởi vì người NHẬN chỉ được chút vật chất, nhưng người CHO được cả một niềm vui tinh thần, và cái thiện nhân bố thí sẽ còn lưu lại tới sau này.

Tuy vậy, đồng thời với bố thí là tu Phước, chúng ta cũng cần phải trau giồi giáo lý và mỗi ngày dành chút thời giờ để tĩnh tâm, đó là tu Huệ, tu Trí Tuệ. Chúng ta chỉ cần ngồi lặng lẽ tại một nơi an tĩnh, nếu tại nơi thờ Phật thì tốt, nếu không thì có thể ở bất cứ chỗ nào tĩnh mịch, góc nhà, góc vườn, vân vân, rồi tự mình theo dõi hơi thở của chính mình, mỗi lúc thở ra thở vô đều nhận biết rõ, thì đó cũng là chúng ta đang đặt viên đá đầu tiên trên con đường Tu Tuệ. Cũng như mỗi ngày chúng ta phải tắm rửa thân thể, tâm chúng ta cũng cần có chút thời giờ hoàn toàn an tịnh để tự thanh lọc.

Trong lịch sử và văn học sử, những câu chuyện đẹp về những con người sống một cuộc đời hào sảng, đầy nghệ thuật, đều là những người biết buông xả, biết bố thí và biết nhìn cuộc đời một cách phóng khoáng. Tác giả Vũ Thế Ngọc trong tác phẩm Trà Kinh, có kể câu chuyện huyền thoại về một người đàn bà nghèo nhưng hào hiệp đã vô tình sáng tạo ra loại danh trà Long Tỉnh như sau:

"Nếu nói rằng huyền thoại là một hình thức ca tụng những gì người ta yêu quý, thì trà Long Tỉnh là một thí dụ điển hình. . .

. . . Truyện kể rằng có một bà cụ chỉ trồng được một số gốc trà nhưng tính tình rất hào hiệp và lương thiện, vẫn dùng trà của mình thiết đãi tất cả những nhân công hái trà quanh vùng. Ngày kia có một phú thương đi ngang, sau khi được uống trà, ông hết sức ca tụng bà cụ và trách rằng người phúc đức như bà cụ thì Trời phải cho giầu. Bà cụ chỉ cười, nói rằng tạm no và không đói rách đã là may mắn lắm rồi.. Ông phú thương muốn giúp bà cụ nên hỏi mua cái chậu đá khổng lồ cũ kỹ ngoài sân. Chậu đá không hiểu có từ bao giờ và bị chôn lấp bởi hàng ngàn vạn lá trà hàng xóm rơi sang bao nhiêu năm. Bà cụ nhận bán và hẹn hôm sau ông phú thương cho người và xe đến dời đi. Hôm sau ông phú thương lại lấy đồ thì bà cụ đã quét dọn sạch sẽ, nhân tiện lấy số lá mục và bùn ẩm đó đắp vào mấy gốc trà của mình. Không ngờ đám lá trà thâm niên đó có một đặc tính kỳ diệu, chỉ vài ngày sau, các gốc trà đột nhiên sinh đợt mới, hương vị lạ lùng. Bà cụ không dấu một mình mà chia cành, chia hạt cho dân quanh vùng để cùng trồng một loại trà tuyệt diệu. Thế là từ đó cả vùng cùng vang danh có loại trà tuyệt phẩm".

Ban Biên Tập TVHS

Buông Xả

Nghe nói về buông xả, tôi rất muốn làm theo. Nhưng trong thực tế, những người làm cho tôi ghét và những lời nói làm cho tôi phát giận, luôn luôn trong ký ức, làm sao tôi quên cho nổi để mà buông xả. Vậy có cần phải quên những điều đó để buông xả không? Nếu cần thì xin quý vị chỉ cho tôi cách để quên.

Thưa quý thính giả,

Trong đời sống, chúng ta có câu “không thể quên, nhưng có thể tha thứ”. Đối với tâm lý học Phật giáo, tất cả những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời, đều nằm trong Tàng Thức, tức là kho chứa các chủng tử làm nhân cho quả báo ở tương lai. Chủng tử là nhân, nhưng phải có duyên, là những cơ hội để chủng tử phát triển, thì nhân mới trổ ra quả được. Nếu chuyển hóa được tâm, khiến cho duyên không có cơ hội xuất hiện, thì nhân sẽ không thể sinh ra quả. Cũng như men rượu, nếu không có duyên là cơm nếp để rắc men vào, thì mãi mãi cũng chỉ là cục bột khô, không có cơ hội để nảy ra sinh vật lên men.

Ký ức con người có cách vận hành của nó tùy theo hoàn cảnh. Bất cứ một người bình thường nào, cũng nhớ nhiều chuyện trong quá khứ, dù rất xa xôi. Nhưng sự nhớ đó không phải là hoàn toàn chính xác, mà có chọn lọc. Người ta thường nhớ những hành động tốt của bản thân, và những điều xấu của người mình ghét. Nếu có ai ghi chép lại những lời kể lể của họ trong một thời gian cách nhau, thí dụ mười năm, thì sẽ thấy hai câu chuyện không còn giống y hệt, mà điều tốt về mình thì dường như tăng thêm, đồng thời điều xấu của người họ ghét, cũng tăng thêm. Tại sao vậy? Vì mỗi lần kể lể, câu chuyện được thêm mắm dậm muối cho phù hợp ý thích của bản ngã. Nhưng nếu một thời gian không nhắc đến nữa thì câu chuyện sẽ chìm xuống dần, cho đến một lúc nào đó lại có ai khơi ra.

Không có phương pháp nào dạy người ta quên. Ngay đến những người mắc bệnh Alzheimer cũng không quên tất cả, chỉ là ký ức bị lẫn lộn mà thôi.
Nhưng không cần quên mới buông xả được, mà cần hiểu và ứng dụng sự hiểu biết về vận hành của cuộc đời.

Nhà Phật quan niệm rằng tất cả mọi sự việc trong cuộc đời đều vô thường, nghĩa là đều luôn luôn thay đổi. Tâm vô thường, lúc thì nghĩ thế này, lát sau lại nghĩ khác. Thân vô thường, đang khỏe mạnh lại phát bệnh. Không có gì vĩnh viễn tồn tại, trước sau như một. Có câu “không thể uống cùng một ngụm nước trên một dòng sông”. Ngụm nước trước và ngụm nước sau, đã khác nhau vì dòng sông luôn luôn di chuyển. Cuộc đời cũng thế, một người vừa mới là kẻ sát nhân, khi thấy xác nạn nhân đổ xuống, tia chớp của hối hận lóe lên trong tâm, khiến hắn ta sám hối, buông bỏ dao xuống mà đi tu, xả bỏ được tất cả sự vô minh từ vô lượng kiếp, giác ngộ lại được bản thể, thành Phật. Cho nên nhà Phật mới có câu “buông dao đồ tể, tu hành thành Phật”. Tội lỗi là do vô minh, do ngu si. Giác ngộ thì thành Phật. Đạo Phật là con đường của bao dung và bình đẳng. Mọi người đều bình đẳng trong sự tu hành, trong sự giác ngộ và trong sự thành Phật.

Mỗi người, không ngoại trừ ai, đều có những nỗi khổ riêng, vì vô thường là khổ. Từ vua chúa, doanh gia, tỷ phú, cho tới thứ dân bần cùng, đều khổ vì vô thường, vì có chuyện bất trắc, chuyện đau khổ có thể ập tới bất cứ lúc nào, thí dụ, yêu nhau mà bất thình lình mất nhau ... vân vân, là nỗi khổ không một ai tránh thoát được.

Tất cả mọi sinh vật trên cuộc đời đều có những nỗi khổ, có những điều đáng thương xót. Nếu có thể nhìn tất cả mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời với nhãn quan đó, thì chúng ta có thể tha thứ cho người và việc mà chúng ta ghét, để mà buông xả. Buông xả là phương pháp hữu hiệu nhất để sống vui, sống khỏe, cho mình và cho mọi người.

Ban Biên Tập/TVHS

Buông Xả Những Quá Khứ Đau Thương Và Thù Hận

Là một cựu quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã chiến đấu tại các chiến trường để bảo vệ nền tự do cho miền Nam Việt Nam. Khi miền Nam sụp đổ, tôi bị bắt đi tù, được gọi một cách văn hoa là đi cải tạo. Ở đó, hằng ngày ngoài chuyện làm việc cực nhọc, chúng tôi còn phải nghe những lời lăng mạ của các người quản trại, rằng chúng tôi là những kẻ phản quốc, làm tay sai cho ngoại bang. Do hiểu biết nông cạn, nên họ không hiểu được thực tế, rằng cuộc chiến của nước Việt Nam là chiến tranh ý thức hệ, giữa hai khối tự do và cộng sản.

Được đi theo diện HO sang đây, do có điều kiện nghiên cứu kinh sách nhà Phật, đôi khi tôi lại cảm thấy thương xót cho những cai tù khi xưa, những kẻ vì ngu dốt mà tạo nghiệp ác với anh em tù nhân chúng tôi. Những lúc ấy, lòng tôi nhẹ nhõm, không còn oán hận họ nữa.

Tôi rất muốn buông xả, tha thứ cho họ, theo lời đức Phật đã dạy: “Oán chỉ nên cởi, không nên thắt”, và “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng". Nhưng càng gần ngày kỷ niệm miền Nam xụp đổ, thì lòng tôi lại bồn chồn uất ức, nghĩ tới biết bao nhiêu là cảnh cũ, người xưa.

Vậy tôi có nên buông xả hay không? Muốn buông xả thì làm sao cho tôi quên được biết bao nhiêu chuyện đau lòng mà buông?

Thưa quý thính giả,

Hằng năm, cứ vào khoảng thời gian miền Nam xụp đổ, vào cuối tháng Tư dương lịch, hầu như hết thẩy chúng ta, những người phải bỏ quê cha đất tổ ra đi để tìm tự do, đều cùng chung nỗi bồi hồi buồn bã như nhau. Mặc dầu ba chục năm đã trôi qua, thế hệ những người có nhiều kỷ niệm với miền Nam thuở xưa, vẫn thấy mọi chuyện như mới xảy ra, và vết thương lòng vẫn như là còn đang nhức nhối.

Vậy thì liệu chúng ta có thể quên được những kỷ niệm xưa không? Và có cần phải quên không? Đấy cũng là những mối ưu tư trong đời sống, cần được tìm hiểu.

Kính thưa quý vị,

Trong đời, chúng ta có rất nhiều câu hỏi, và mỗi câu hỏi cũng lại có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo môi trường sống, hoàn cảnh cá nhân, văn hóa, xã hội, vân vân... Vì thế, những câu trả lời cũng đều chỉ là những quan điểm tưong đối, không phải là chân lý tuyệt đối, dùng chung cho tất cả mọi người.

Đạo Phật cũng trôi chảy trong dòng sống của nhân loại, cũng có nhiều câu hỏi và giải đáp khác nhau cho hành giả trên đường tu tập. Là một đạo sư, đức Phật hiểu rất thấu đáo điều này. Ngài hiểu rằng tâm mỗi chúng sinh đều có những đặc điểm riêng, do đó, những thắc mắc cũng cần có những giải đáp khác nhau, cho nên đã chỉ ra nhiều cách tu tập, để đáp ứng với nhu cầu luyện tâm của nhiều người.

Cốt tủy của đạo Phật là tu hành để giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Đây là kinh nghiệm bản thân của đức Phật, sau khi tu hành khổ hạnh qua nhiều phương pháp, một buổi sáng, khi sao Mai mọc, Ngài bừng tỉnh ngộ, nhận ra được rằng “Tất cả chúng sinh đều có Tri Kiến Phật như Ngài, chỉ vì vô minh che khuất, nếu tu tập thì sẽ bừng tỉnh, giác ngộ như Ngài”.

Đó là thông điệp của đức Phật khi giác ngộ, thành Phật. Phật có nghĩa là giác ngộ.

Từ sự giác ngộ của Ngài, đạo Phật ra đời. Mục tiêu của người tu đạo Phật là giác ngộ thành Phật để cứu độ chúng sinh như đức Phật đã tu và đã thành tựu. Thành phần này là những người xuất gia, còn được gọi là những Trưởng Tử Như Lai. Để có thể đạt được kết quả rốt ráo, các vị này thường tới những khu rừng sâu, núi cao, xa lánh hẳn chuyện đời, để thanh lọc tâm linh. Đó là các vị hành giả quyết tâm bước trên đường giác ngộ giải thoát, để có khả năng cứu độ muôn loài chúng sinh như đức Phật, ngay trong kiếp sống này.

Đối với các vị này thì:

Quá khứ qua rồi
Tương lai chưa tới
Hãy nên tỉnh thức
Sống trong hiện tại
Vững chãi thảnh thơi”.

Do đó, các pháp môn họ tu đều với mục tiêu dẹp trừ vọng tưởng Tham Sân Si, buông bỏ kỷ niệm xưa, tình cảm cũ, quay lưng lại quá khứ. Quý vị này được Phật tử tôn là bậc trượng phu, đã vượt lên trên những chân lý tương đối, có tính cách quy ước của từng nhóm người, từng cộng đồng, vốn là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh. Hành động của người tu giải thoát phải phát xuất từ tâm Đại Bi, bình đẳng, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nếu có việc làm nào, mà động cơ là Tham Sân Si, thì người tu sĩ đó chưa giữ đúng lời nguyện khi xuất gia. Mang tâm nguyện độ sinh bước vào cửa Không, người tu sĩ trên đường tiến tới giác ngộ giải thoát, coi danh lợi và vinh hoa phú quý chỉ như đôi dép rách, thẳng tay liệng bỏ. Đấy là mục tiêu cốt tủy của con đường tu theo đạo Phật.

Nhưng không phải tất cả mọi Phật tử đều có khả năng làm được việc đó. Và cũng không phải tất cả Phật tử có lòng muốn tu tập, đều muốn tu một cách tích cực, dẹp bỏ tất cả mọi lôi cuốn của thế gian như vậy.

Cho nên ngoài giới xuất gia tu hành để giải thoát ngay trong kiếp sống này, còn có Phật tử cư sĩ tu hành tại gia. Với Phật tử cư sĩ tại gia thì lại có quy chế khác với người xuất gia. Vì cư sĩ đang sống trong đời thường, phải có bổn phận với gia đình, tổ tiên, non sông, đất nước, phải duy trì nếp sinh hoạt với cộng đồng dân tộc. Người cư sĩ tuy cũng có những tu tập tâm linh, nhưng phải giữ được sự quân bình đối với đời sống xã hội.

Mỗi xã hội lại có những quy định cho các thành viên. Thí dụ như ở Việt Nam khi xưa, thanh niên tới hạn tuổi phải đi quân dịch để bảo vệ tổ quốc, trong khi tu sĩ thì được miễn dịch, vì họ có nếp sinh hoạt khác biệt. Trước những nhiệm vụ đối với gia đình và tổ quốc như vậy, mọi con dân đều có những ràng buộc với cộng đồng, không thể tự do phóng khoáng như tu sĩ được.

Như vậy, nếp sinh hoạt của cư sĩ đã khác với tu sĩ, cho nên sự buông xả cũng có những mức độ khác nhau.

Khi đức Phật phát biểu về quyền sống, về sự bình đẳng, Ngài nói đến chúng sinh, chứ không phải chỉ nói đến nhân loại, lại càng không phân biệt quốc gia, dân tộc. Cuộc đời Ngài là giáo hóa để mưu cầu hạnh phúc và an lạc cho toàn thể chúng sinh. Ngay đối với tính mạng những sinh vật nhỏ nhít, như con sâu, cái kiến, Ngài cũng khuyên chư đệ tử vào mùa côn trùng sinh sản, nên giảm thiểu sự đi lại để tránh giẫm đạp lên, khiến chúng phải bỏ mạng.

Nhưng đối với chúng ta là những người dân thường, dù là Phật tử, chúng ta vẫn đang sống trong thế giới tương đối, có phải, trái, tốt, xấu, vân vân, theo quy ước của cộng đồng. Chúng ta có nhiệm vụ phải hoàn tất các bổn phận mà cộng đồng quy định, có cái nhìn phân biệt về quốc gia, dân tộc, vân vân... Trên quan điểm này, quá khứ là gia tài chung của những người cùng truyền thống, cùng kỷ niệm, có những vui, buồn, vinh, nhục chung, không thể xóa nhòa ký ức, không thể quên được.

Không thể quên, nhưng chúng ta có thể buông xả bớt những nỗi niềm đau khổ ra khỏi tâm tư, để trước nhất là cứu tâm chúng ta cho bớt nhức nhối, sau là có thể dùng những sinh lực, đáng lẽ tiêu hao trong việc gậm nhấm những cảm xúc đau đớn, chuyển qua những công việc ích lợi hơn.

Nhà Phật cho là “Tâm tạo thiên đường, Tâm tạo địa ngục”. Suốt cả cuộc đời giáo hóa chúng sinh, đức Phật chỉ dạy chuyển tâm. Đó là thông điệp ”Oán chỉ nên cởi, không nên thắt”, “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng”, và Lấy từ bi xoá bỏ hận thù"...

Đối với quá khứ, cfhúng ta không cần phải quên, mà nên ghi chép lại trong lịch sử của dân tộc, để lưu truyền cho thế hệ sau. Quá khứ cho ta những bài học của lịch sử, mà nhờ có những bài học này, người đời sau có thể rút tỉa kinh nghiệm, để từ đó, có những quyết định sáng suốt, tốt đẹp hơn. Như vậy, kỷ niệm quá khứ sẽ đem lại những chuyển hóa tích cực cho tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt giữa ghi nhớcăm thù. Ghi nhớ để có kinh nghiệm mà do đó, làm được những việc có ích cho đời thì tốt. Nhưng ghi nhớ để nổi lên lòng căm thù thì không đúng với lời Phật dạy. Lòng thù hận sẽ đem lại cho mình và cho người những nỗi đau khổ không bao giờ chấm dứt được. Trước nhất là lòng thù hận trói buộc mình trong những cảm xúc tiêu cực, không an lạc. Để trong tâm sự thù hận, nhãn quan sẽ bị thu hẹp. Đó là lý do nhà Phật khuyên chúng ta nên buông xả.

Thưa quý thính giả,

Lịch sử các cuộc tàn sát vì cuồng tín ghi rằng, đã nhiều lần người theo đạo Hồi tấn công đạo Phật, bằng những cuộc thảm sát đẫm máu. Điển hình như cuộc tấn công năm 1197, được mô tả như sau:

...”... Đạo quân Hồi giáo xông xáo vào đất Phật tại Ấn Độ. Những lưỡi kiếm vung lên loang loáng, chém bay tất cả những cái đầu cạo trọc (ám chỉ đầu các tu sĩ Phật giáo). Tội ác giết người được hoàn tất chu đáo đến nỗi, khi kẻ chiến thắng muốn tìm một người có thể đọc và giải thích kinh sách nhà Phật, tại nơi cất giữ kinh của các tu viện, thì không còn tìm ra nổi, dù là chỉ một người sống sót, có khả năng đọc được sách nữa. Tất cả đã bị giết hết. Cuộc tàn sát ráo riết tới tận gốc. Do cuộc chém giết man rợ này, Hồi giáo đã nhổ tận gốc đạo Phật tại Ấn Độ”

Không riêng tại Ấn Độ, người Hồi Giáo đã tàn sát Phật tử tại nhiều vương quốc miền Trung Á vốn theo đạo Phật, thí dụ Afghanistan, nơi Phật giáo đã có một thời được phổ biến rất rộng rãi, điển hình là đã có hai pho tượng khổng lồ được xây dựng từ mấy ngàn năm nay, mà chúng ta mới được biết gần đây, khi quân Taliban phá hủy hai pho tượng này, khiến cho cả thế giới phải xúc động. Có thể nói 300 năm trước Tây lịch, dưới triều đại Asoka, Phật giáo đã vượt khỏi biên giới Ấn Độ, và phát triển rộng về phiá Nam, phiá Đông và Tây Ấn Độ. Phía Tây Bắc, Phật giáo du nhập vào các vùng Gandhara, Pakistan và Afghanistan. Ở thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, một vùng đất rộng lớn bao gồm Bắc Ấn, Gandtara, Afghanistan cho tới thung lũng sông Tarim do hoàng đế Kaniska cai trị. Vị vua này là một tín đồ Phật giáo, dưới triều đại của ông, đã tổ chức kết tập kinh điển lần thứ IV ở Kashmir và cũng chính nhà vua đã cử những vị cao tăng đem Phật giáo đến các vương quốc như Hy Lạp, Ai Cập, Syria… Nhưng tất cả những khu vực theo Phật giáo này đã bị người Hồi giáo tàn sát, đập phá chùa chiền, tu viện, thư viện với những kho tàng văn hóa Phật giáo. Trước lưỡi kiếm tàn sát hung bạo, những người Phật tử hiền lành, hiếu hòa, bất bạo động, đã chạy tan tác đi lánh nạn tại các nước như Nepal, Trung Hoa, Tây Tạng, vân vân...

Là một nhà lãnh đạo đất nước Tây Tạng, một đất nước mà dân chúng hầu hết theo Phật giáo, hẳn đức Đạt Lai Lạt Ma biết rõ về những cuộc tàn sát đạo Phật của Hồi giáo. Thế nhưng, trong buổi hội nghị mang tên "A Gathering of Hearts Illuminating Compassion" tại San Francisco, từ ngày 10 tháng Tư đến ngày 16 tháng Tư năm 2006, gồm có khoảng 500 nhà lãnh đạo và học giả thuộc nhiều tín ngưỡng, của khoảng 30 quốc gia trên thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu: “Ngày nay, theo ý một số người, Hồi giáo có vẻ như bị coi là hiếu chiến. Tôi cảm thấy rằng điều đó hoàn toàn không đúng. Hồi giáo, cũng như các truyền thống tôn giáo khác, cũng dạy tín đồ về sự tử tế, về lòng trắc ẩn, về sự giúp đỡ những người nghèo khổ, vân vân...”....

Ngài nói với cử tọa rằng, nhiều người đã thấy và nghe nói về những cuộc nổ bom tự sát, phần lớn xảy ra tại các nước Hồi giáo, mà không nghe nói về những người Hồi giáo đi làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Ngài nói rằng tất cả mọi người đều có khuynh hướng bạo động, nếu bản thân bị mất bình tĩnh, và chúng ta không nên căn cứ vào hành động của một số người, mà phán xét cả một tôn giáo, vì “Ở đâu cũng có những kẻ phá hoại”. Ngài cũng kêu gọi cử tọa, là những nhà lãnh tụ tôn giáo và các học giả tôn giáo, cần phải làm việc tích cực hơn để tạo một thế giới sống chung hòa bình.

Những điều Ngài nói đều có cơ sở thực tế, thí dụ tổ chức Rahima Foundation của người Hồi giáo đã nhận được huy chương Human Relations Award of California’s Santa Clara County vì đã có công tặng y phục, thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho những người kém may mắn tại Santa Clara và các vùng phụ cận từ năm 1993. Tại những vùng như Sacramento, New York, Philadelphia, Chicago, Detroit, Tampa Bay, vân vân, các bác sĩ Hồi giáo tại địa phương đã cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho những bệnh nhân không có bảo hiểm. Và qua những tổ chức như Habitat for Humanity, các thiện nguyện viên Hồi giáo đã hy sinh thời giờ và khả năng kỹ thuật của họ, để xây dựng nhà cửa cho những người vô gia cư, vân vân ...

Lời kêu gọi của Ngài được nhiều người có tấm lòng rộng mở hoan hỉ đón nhận. Nhưng cũng có một số người, ngay cả Phật tử, phản đối, cho là Ngài quá khoan hòa với Hồi giáo.

Như chúng ta đã thấy, hẳn là Ngài biết rất rõ về những nỗi thống khổ, những tai hại do Hồi giáo gây ra cho đạo Phật. Thế nhưng, là một Phật tử chân chính, Ngài không nhìn sự việc bằng cảm tính, theo kiểu vơ đũa cả nắm. Chúng ta cũng thấy rằng không phải tất cả người Hồi giáo đều xấu. Trong số những người Hồi giáo, có rất nhiều người tốt lành. Họ cũng tốt lành như chúng ta, mà lại còn đáng buồn hơn chúng ta, vì bị mọi người hiểu lầm, nên ghét lây tới họ.

Chắc chắn Ngài không quên những đau thương mà người Hồi giáo đã đem lại cho Phật giáo trong quá khứ, nhưng là một Phật tử sáng suốt, Ngài nhìn những kiếp người đang sống trên thế giới này bằng con mắt Tâm, con mắt thấu triệt được những đau thương khốn khổ, mà mọi người phải chịu đựng, nếu nhân loại cứ tiếp tục thù hận nhau, chiến tranh cứ liên miên xảy ra khắp thế giới.

Trong cuốn The Art of Happiness, a Handbook for Living, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói:

...“... Sự tai hại của lòng thù hận thật là hiển nhiên, rõ ràng và trực tiếp. Thí dụ, khi trong lòng bạn nổi lên một cảm giác ghét ai đó, thì ngay lập tức, cảm giác ghét đó tràn ngập tâm trí bạn, và nó làm tan biến cảm giác an lạc trong tâm bạn ngay lập tức. Nó cũng khiến cho tâm bạn không còn sáng suốt, tỉnh thức được nữa. Ngay khi sự nổi giận và ghét bỏ xuất hiện, nó phá hủy phần tốt đẹp nhất của tâm trí, phần mà nhờ nó, bạn biết được sự đúng và sai, sẽ gây ảnh hưởng vào phản ứng của bạn ngay lúc đó và trong tương lai của bạn. Khả năng phán xét của bạn bị đình chỉ, không còn làm việc nữa. Bạn sẽ giống như người bị mất trí. Như vậy, sự giận dữ và thù ghét có khuynh hướng làm cho bạn bị mất tỉnh táo, khiến cho những khó khăn mà bạn đang gặp càng trở nên tệ hại hơn...”...

Thưa quý thính giả,

Một trong những con đường tu tập của Phật giáo Đại Thừa là Bồ Tát Đạo. Hạnh nguyện Bồ Tát là hy sinh bản thân để cứu độ chúng sinh. Có câu hỏi đặt ra là: “Nếu tại khu rừng kia có con cọp rất dữ, đã ăn thịt nhiều người. Có một võ sĩ tu theo hạnh Bồ Tát, có khả năng giết con cọp đó. Nhưng giết cọp thì phạm vào giới sát. Vậy phải làm sao?”

Câu trả lời cho người đi trên Bồ Tát Đạo là dùng con mắt Tâm, con mắt “cứu khổ chúng sinh” để chỉ đạo. Giết cọp sẽ cứu được nhiều chúng sinh khỏi chết, hành giả Bồ Tát Hạnh sẽ rất thương xót mà đành phải xuống tay chấm dứt cuộc đời con cọp, để cứu nhiều mạng sống, và sẵn sàng chấp nhận sẽ phải trả quả báo do hành động sát sinh, dù động cơ sát sinh nảy ra do lòng từ bi của mình.

Người Phật tử tu theo đúng lời dạy của đức Phật, trước mỗi hành động phải luận coi động cơ là vì lòng từ bi, vì chúng sinh, hay vì tham sân si cho cá nhân mình.

Cuộc đời luôn luôn đem tới cho chúng ta những câu hỏi. Chỉ có con mắt Tâm, con mắt của lòng từ bi là có thể giúp chúng ta trả lời một cách sáng suốt mà thôi.

Ban Biên Tập/TVHS

Xin Cho Biết Cách Xưng Hô Trong Đạo Phật

Ngày xưa khi Phật thị hiện tại thế gian, các tỳ kheo thường dùng tiếng Đại Đức, bậc thầy đáng tôn kính, phước huệ toàn mãn, để xưng hô với Ngài mỗi khi có việc cần thưa thỉnh. Các vị đệ tử lớn của Phật cũng được gọi là Đại Đức như Đại Đức Mục Kiền Liên, Đại Đức A Nan v..v.. Khi đạo Phật được truyền sang Trung Hoa và Việt Nam việc xưng hô với các vị Tỳ kheo xuất gia có phần phức tạp hơn. Ngoài từ Đại Đức, còn có thêm từ Thượng Tọa và Hòa Thượng. Ngày nay xuất hiện thêm danh xưng Lão Hòa Thượng và Đại Lão Hòa Thượng.

Thượng Tọa là người xuất gia tu hành lớn tuổi có tác phong đạo đức đáng được mọi người trong và ngoài đạo Phật kính trọng. Theo Tứ Phần Luật, Tỳ kheo được phân chia làm 4 cấp theo tuổi hạ được tính, cứ mỗi năm ba tháng âm lịch từ ngày trăng tròn tháng 4 đến ngày trăng tròn tháng 7, cùng nhau tu tập tại một nơi nào đó để an tâm tu học, tinh chuyên giữ giới, sau ba tháng ấy, được kể là một hạ. Hạ Tọa (0 đến 9 hạ), Trung Tọa (10 đến 19 hạ), Thượng Tọa (20 đến 49 hạ) và Trưởng Lão (50 hạ trở lên).

Hòa Thượng, tiếng Phạn là Upadhayaya, dịch nghĩa là sanh lực, tức là vị tu hành lâu năm có đời sống phẩm hạnh thanh tịnh và do đó khiến cho đạo lực của đệ tử được phát sinh. Theo Tứ Phần Luật, Hòa Thượng là nhà sư đỡ đầu cho Sa Di và Tỳ Kheo. Theo kinh Phạm Võng, Hòa Thượng là một trong hai vị sư truyền giới trong hội đồng truyền giới Tỳ kheo Bồ Tát: Hòa Thượng (thầy đỡ đầu) và A Xà Lê (thầy giáo thọ). Ở Việt nam xưa kia, Hòa Thượng được dùng để gọi một vị sư trụ trì một ngôi chùa hoặc là do sự kính trọng những vị tu hành có tuổi cao, có cốt cách đạo hạnh.

Ở Việt Nam, trước năm 1963, danh xưng thường gọi những người mới xuất gia, nếu nhỏ tuổi ở miền Bắc gọi là Chú Tiểu, miền Trung gọi là Chú Điệu, miền Nam gọi là Ông Đạo. Những vị đã thọ Tỳ Kheo Giới từ 20 tuổi đến 60 tuổi đời đều gọi là Thầy và nếu trên 60 tuổi đời gọi là Sư Ông hay Sư Cụ ở miền Bắc và gọi là Ôn ở miền Trung. Ngược lại các vị được gọi thì tự xưng mình là “bần tăng” hay “bần ni” mà không tự xưng mình là Thầỵ Ở miền Bắc còn có danh từ “sư bác” để gọi những vị lớn tuổi mới xuất gia, đã thọ sa di thay vì gọi là Thầy.

Theo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (trước năm 1975) qui định thì nhửng Tăng sĩ đã thọ giới Tỳ Kheo có tuổi đời từ 20 đến 40 tuổi là Đại Đức, từ 40 đến 60 tuổi đời là Thượng Tọa và từ 60 tuổi đời trở lên là Hòa Thượng. Hòa Thượng là các vị có 60 tuổi đời sắp lên, trong đó có 30 tuổi hạ, Tthượng toạ là những vị có 50 tuổi đời, trong đó có 20 tuổi hạ. Hai chức vị Thượng Tọa và Hòa Thượng phải qua một tiến trình đề cử và suy tôn của một đại hội toàn quốc hay do giáo lệnh của Đức Tăng Thống phê chuẩn. Thông thường muốn được đề cử Thượng Tọa các vị Đại đức đã thọ Tỳ Kheo giới, theo thầy hoặc tăng chúng an cư kết hạ liên tục trong suốt 20 năm và muốn được đề cử chức vị Hòa thượng phải là người đã thọ Tỳ Kheo giới và có an cư kết hạ 30 năm trở lên. Những Tăng sĩ tuy đã thọ Tỳ Kheo Giới nhưng không sống theo tăng đoàn tu học mỗi năm 3 tháng vào mùa mưa, tức từ ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch, nhằm tinh chuyên giới hạnh thì không đủ điều kiện và tư cách để thụ phong chức vị Thượng Tọa hay Hòa Thượng.

Theo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (sau năm 1975):

(1) Được tấn phong Hoà thượng những Thượng toạ từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị Trung ương thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức pháp chủ ban hành.(chương 3 điều 37)

(2) Được tấn phong Thượng toạ những Tăng sĩ từ 45 tuổi đời, 25 tuổi đạo trở lên có đạo hạnh, công đức với đạo pháp và dân tộc do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội xét duyệt đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn và tấn phong tại Hội nghị Trung ương Giáo hội và Đại hội Phật giáo toàn quốc, với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành.(chương 3 điều 38)

(3) Cấp bậc Giáo phẩm của Ni giáo là Ni trưởng và Ni sư. Tiêu chuẩn và điều kiện để tấn phong giáo phẩm của ni giới như quy định của hàng Tăng giới ở Điều 37 và 38.

Đối với người nữ xuất gia, sau khi lãnh thọ 10 giới sa di được gọi là Sa Di ni hay Ni cô. Những nữ tu sĩ Phật giáo khi đến tuổi 18, dù đã thọ giới sa di hay chưa cũng phải thọ giới thức Xoa ma Na trong hai năm trước khi được thọ giới tỳ kheo ni. Ngoài ra, những người trước kia đã từng lập gia đình nay sống độc thân (vì thôi chồng hay chồng chết), nếu muốn thọ giới thức Xoa ma na phải đợi 10 năm sau ngày ly hôn hay ngày chồng chết mới được thọ giới Thức Xoa Ma Na. Khi đã được thọ giới Tỳ Kheo ni, nữ tu sĩ Phật Giáo được gọi là Tỳ Kheo ni hay là . Theo tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, chức vị Ni Sư ngang hàng với chức vị Thượng toạ, là những vị Sư cô trên 45 tuổi đời, đã thọ giới Tỳ kheo ni và có trên 25 tuổi đạo. Ngoài ra, còn có chức vị Ni Trưởng ngang hàng với chức vị Hoà thượng là các vị Ni sư có trên 60 tuổi đời và trên 40 tuổi đạo. Chúng tôi không thấy có danh xưng Hoà Thượng Ni trong tổ chức Phật Giáo Việt Nam trước năm 1975 cũng như sau năm 1975.

Các chức vị Thượng Tọa, Ni sư, Ni Trưởng và Hòa Thượng hiện nay tại Việt Nam phải qua một tiến trình đề cử của giáo hội địa phương và các ban ngành chuyên môn liên hệ và được giáo hội trung ương xét duyệt tấn phong.

Trong đạo Phật, việc xưng hô không mang tính cách chức vị quyền thế như các phẩm tước ngoài đời. Tăng đoàn xuất gia tỳ kheo tự tôn trọng và kính nể nhau về tuổi đạo chứ không phải tuổi đờị Người lớn tuổi hơn nhưng thọ Tỳ kheo sau người nhỏ tuổi cũng phải kính trọng vị nhỏ tuổi đời, xem như người đi trước, như bậc đàn anh trong đạo.

Khi giao tiếp với chư tăng ni, Phật tử tại gia, bao gồm cả thân nhân của chư tăng ni, thường đơn giản gọi bằng Thầy, hay Cô, và thường xưng là con (trong tinh thần Phật pháp, người thọ ít giới bổn tôn kính người thọ nhiều giới bổn hơn, chứ không phải tính theo tuổi tác người con theo nghĩa thế gian) để tỏ lòng khiêm cung. Cũng có thể xưng tên hay pháp danh của mình khi nói chuyện. Riêng với những Phật tử tại gia cao tuổi có thể xưng tôi hay chúng tôi với những vị tăng ni trẻ hơn mình. Sau khi qui y Tam bảo và thọ 5 giới, mỗi vị cư sĩ Phật Tử tại gia có một vị Thầy (người đại diện Tam Bảo) truyền giới cho mình. Vị ấy được gọi là Thầy Bổn sư. Cả gia đình có thể cùng chung một vị Thầy Bổn sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng Thầy. Theo giáo phái khất sĩ, nam tu sĩ được gọi chung là Sư và nữ tu sĩ được gọi chung là Ni. Còn Nam tông chỉ có Sư, không có hay chưa có Ni.

Khi chư Tăng ni tiếp xúc với quí vị Phật tử tại gia, chư Tăng ni thường xưng là tôi hay chúng tôi, hay xưng pháp danh, pháp hiệu, hoặc bần tăng, bần ni; cũng có khi chư tăng ni xưng là Thầy, hay Cô, và gọi Phật tử là đạo hữu, hay quí đạo hữu, hay pháp danh, hay tên ngoài đời. Việc một vị tăng hay ni trẻ tuổi xưng Thầy hay Cô gọi một Phật tử tại gia nhiều tuổi bằng “con” thực là không thích đáng. Không nên gọi như vậy. Theo truyền thống đông phương, tuổi tác rất được kính trọng trong xã hội, dù tại gia hay xuất gia.

Đối với Phật tử tại gia, khi xưng hô với các vị xuất gia, chúng ta nên thận trọng, tuy giữ thái độ khiêm cung, nhưng không hạ mình và đừng tạo cho mình và người đối tượng một bức tường ngăn cách giữa hai tầng lớp: hàng tăng lữ xuất gia và hàng tín đồ tại gia. Việc một số Phật tử xưng hô với một vị Ni sư tại một ngôi chùa ni tại quận Cam là “Hòa Thượng Ni” có thể là do sự cung kính thái quá của họ đối với vị Ni sư đó nhưng cũng có thể do sự thiếu hiểu biết về các danh xưng trong đạo Phật.

Ban Biên Tập TVHS

Hiến Chương Của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

CHƯƠNG I:
DANH HIỆU – HUY HIỆU - TRỤ SỞ

Điều 1: Tổ chức Phật giáo Việt Nam cả nước lấy danh hiệu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết tắt là GHPGVN.

Điều 2: Huy hiệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hình tròn, ở giữa vòng trong có hoa sen trắng, trên nền xanh lá cây đậm, với gương sen 8 hột; vòng ngoài có chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” màu trắng.

Điều 3: Trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt tại chùa Quán sứ, số 73 Phố Quán Sứ, Hà nội.

CHƯƠNG II:
MỤC ĐÍCH – THÀNH PHẦN

Điều 4: Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hoà hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc trên thế giới.

Điều 5: Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo đúng luật Phật chế và trong khuôn khổ pháp luật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là người đại diện chính thức của Phật giáo Việt Nam trong mọi quan hệ đối ngoại và quốc tế.

Điều 6: Thành phần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các hệ phái Phật giáo Việt Nam, các Tăng ni và các cư sĩ thuộc các hệ phái Phật giáo Việt Nam, tự nguyện tham gia Giáo hội và chấp hành bản Hiến chương này.

Điều 7: Thành phần nhân sự các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là những tăng ni và Cư sĩ có năng lực, đạo đức và tiêu biểu của các hệ phái Phật giáo Việt Nam, có công đức với đạo pháp, dân tộc và trung thành với Tổ quốc.

Điều 8: Các thành viên của Giáo hội Phật giáo có quyền được đề cử và được suy cử vào các cấp Giáo hội, có quyền thảo luận và biểu quyết các công việc của Giáo hội trong các kỳ Hội nghị hay Đại hội của Giáo hội, có nhiệm vụ chấp hành Hiến Chương, nội quy và các Nghị quyết của Giáo hội

CHƯƠNG III:
HỆ THỐNG TỔ CHỨC.

Điều 9: Hệ thống tổ chức hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm:

1. Cấp TW gồm có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự

2. Cấp tỉnh, Thành, Ban Trị sự tỉnh, Thành hội Phật giáo được thành lập Ban đại diện cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh với chức năng và quyền hạn được quy định theo nội quy của Giáo hội Phật giáo ban hành.

CHƯƠNG IV:
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

Điều 10: Hội đồng Chứng minh của Giáo hội gồm các vị Hoà thượng tiêu biểu của các hệ phái Phật giáo Việt Nam, có 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên, không giới hạn số lượng, do Hội đồng Trị sự giới thiệu và được Đại hội Phật giáo toàn quốc suy tôn.

Điều 11: Các vị Hoà thượng trong Hội đồng Chứng minh tại vị trọn đời. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt mới phải phế vị do quyết định của Hội đồng Chứng minh với đa số quá bán biểu quyết tán thành.

Điều 12: Hội đồng Chứng minh suy cử một Ban Thường trực gồm có Đức Pháp phật của, các vị phó pháp chủ, một vị giám luật, một vị chánh thư ký, các vị phó thư ký. Nếu có chức vị trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh bị khuyết thì Ban Thường trực thỉnh thành viên Hội đồng Chứng minh để bổ sung. Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh có nhiệm vụ:

1. Chứng minh các Hội nghị TW và Đại hội Phật giáo Việt Nam.

2. Hướng dẫn và giám sát các hoạt động của Giáo hội Phật giáo về mặt Đạo pháp và giới luật.

3. Phê chuẩn tấn phong chức vị giáo phẩm Hoà thượng, Thượng toạ, Ni trưởng, Ni sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 13: Nhiệm kỳ của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh là 5 năm, ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự.

CHƯƠNG V:
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ

Điều 14: Hội đồng Trị sự thành phần tối đa là 95 thành viên gồm các vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng ni và Cư sĩ của Giáo hội Phật giáo do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiền nhiệm đề cử và Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử.

Thành viên của Hội đồng Trị sự có thể bị bãi miễn nếu quá bán tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành.

Điều 15: Hội đồng Trị sự là cấp điều hành cao nhất của Giáo hội Phật giáo về các mặt hoạt động của Giáo hội Phật giáo giữa hai kỳ Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự ấn định chương trình hoạt động hàng năm của Giáo hội theo đúng Nghị quyết của Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam, đôn đốc và kiểm soát việc thực hiện chương trình đó.

Điều 16: Hội đồng Trị sự có nhiệm vụ suy cử Chủ tịch, các phó Chủ tịch và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội theo thành phần được quy định ở Điều 20.

Điều 17: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có tối đa không quá 34 thành viên.

Điều 18: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thay mặt Hội đồng Trị sự điều hành các hoạt động của Giáo hội Phật giáo. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoạt động theo Nội quy của mình, có đệ trình Hội đồng Chứng minh kính tường.

Điều 19: Các ngành hoạt động của Giáo hội gồm có:

Ban Tăng sự.

Ban Giáo dục Tăng ni.

Ban Hướng dẫn Phật tử (Chia làm hai phân ban: Phân ban cư sĩ Phật tử, Phân ban gia đình Phật tử).

Ban Hoằng pháp.

Ban nghi lễ.

Ban Văn hoá.

Ban Kinh tế tài chính.

Ban Từ thiện xã hội.

Ban Phật giáo quốc tế.

Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Các ban và viện có thể thành lập các phân ban, phân viện để phụ trách các chuyên ngành hoạt động theo Nội quy riêng được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y.

Điều 20: Thành phần Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội gồm có:

- Chủ tịch.
- Ba phó Chủ tịch Thường trực.
- Các phó Chủ tịch.
- Tổng thư ký.
- Hai phó tổng thư ký.
- Trưởng Ban Tăng sự.
- Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni.
- Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử.
- Trưởng Ban Hoằng pháp.
- Trưởng Ban Văn hoá.
- Trưởng Ban nghi lễ.
- Trưởng Ban Kinh tế tài chính.
- Trưởng Ban Từ thiện xã hội.
- Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế.
- Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
- Các phó ban.
- Các uỷ viên Thư ký.
- Hai uỷ viên Thủ quỹ.
- Bốn Uỷ viên Kiểm soát.

Điều 21: Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 5 năm.

Điều 22: Khi chưa hết nhiệm kỳ, nếu có chức vị trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội bị khuyết, thì Ban Thường trực báo cáo đề nghị Hội đồng Trị sự bổ sung trong Hội nghị gần nhất của Hội đồng. Trong khi chờ đợi, Ban Thường trực có thể cử trong Ban Thường trực quyền kiêm nhiệm.

Điều 23: Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội thay mặt Giáo hội về mặt pháp lý Nhà nước trong các mối quan hệ của Giáo hội ở trong và ngoài nước. Một trong ba phó Chủ tịch Thường trực thay thế Chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt.

CHƯƠNG VI:
TỈNH HỘI - THÀNH HỘI.

Điều 24: Mỗi Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW có Tăng ni và cư sĩ Phật tử được thành lập một tỉnh Hội, Thành hội trực thuộc TW Giáo hội do một Ban Trị sự tỉnh, thành điều hành. Ban Trị sự không quá 37 thành viên và bầu ra Ban Thường trực gồm có:

- Trưởng Ban Trị sự.
- Phó Ban Thường trực .
- Các Phó Ban.
- Các uỷ viên phụ trách các ngành thể theo các ban TW.
- Một chánh Thư ký.
- Hai phó Thư ký.
- Một thủ quỹ.
- Hai kiểm soát.

Điều 25: Ban Trị sự do Đại hội đại biểu Tăng ni, cư sĩ thuộc tỉnh hay thành phố trực thuộc TW suy cử trong hàng tăng ni và cư sĩ tại địa phương, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng quyết định. Trưởng Ban Trị sự phải là một vị tăng sĩ (trừ trường hợp nếu tại tỉnh, thành không có tăng sĩ, thì được cử một vị Ni tiêu biểu làm trưởng ban). Ban Trị sự có thể thỉnh quý Hoà thượng, Thượng toạ tại địa phương vào Ban chứng minh cho tài sản tại tỉnh, thành hội.

Nơi nào không đủ diều kiện thành lập Ban Trị sự tỉnh, Thành hội thì lập một Ban đại diện gồm có: Một Chánh đại diện, hai phó dại diện, một Thư ký, một Thủ quỹ, và các uỷ viên. Chánh đại diện phải là một vị tăng hoặc ni do TW Giáo hội quyết định.

Điều 26: Nhiệm kỳ của Ban Trị sự là 5 năm.

Điều 27: Thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện có tăng ni và cư sĩ, Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội sẽ bổ nhiệm một Ban đại diện gồm: Một chánh đại diện, một phó đại diện, một Thư ký, một Thủ quỹ, một kiểm soát và các uỷ viên trong hàng tăng ni, cư sĩ ở địa phương.

Những phường. xã có Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường và có Tăng ni, cư sĩ thì Ban Trị sự tỉnh, thành hội hoặc Ban đại diện Phật giáo quận, huyện liên hệ với các cơ sở của Giáo hội về mặt sinh hoạt tín ngưỡng.

Điều 28: Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm phật đường.

CHƯƠNG VII:
ĐẠI HỘI – HỘI NGHỊ.

Điều 29: Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp 5 năm một kỳ, do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội triệu tập.

Kiểm điểm hoạt động của Giáo hội trong 5 năm qua.
Ấn định chương trình hoạt động 5 năm tới.
Suy cử Hội đồng Trị sự.
Sửa đổi Hiến chương của Giáo hội nếu cần và thông qua Hiến chương sửa đổi.

Điều 30: Thành phần Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm:

- Hội đồng Chứng minh.
- Hội đồng Trị sự.
- Đại biểu các tỉnh hội, thành hội do Đại hội đại biểu các tỉnh hội, thành hộ đề cử.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội sẽ quyết định số lượng đại biểu của mỗi địa phương tham dự Đại hội.

Đại hội quyết định theo đa số đại biểu có mặt, trừ trường hợp sửa đổi Hiến chương quy định ở Điều 46. Đại hội hợp lệ phải có số đại biểu có mặt 2/3 tổng số đại biểu được triệu tập.

Điều 31: Hội nghị Hội đồng Chứng minh do Đức Pháp chủ triệu tập 5 năm một kỳ để :

- Kiểm điểm Phật sự của Giáo hội đã thi hành.
- Duyệt xét chương trình Phật sự sẽ thi hành.
- Suy cử Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.

Điều 32: Khi cần, Đức Pháp chủ sẽ triệu tập Hội nghị Hội đồng Chứng minh bất thường, do Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh chấp thuận hoặc quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Chứng minh đề nghị.

Điều 33: Hội nghị TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội triệu tập mỗi năm một kỳ để:

- Kiểm điểm hoạt động một năm qua.

- Căn cứ quyết định của Đại hội, thảo luận và ấn định chương trình hoạt động trong năm tới.

- Thảo luận và ấn định những vấn đề về tổ chức và nhân sự của Giáo hội nếu có.

Thành phần Hội nghị TW Giáo hội gồm:

- Thường trực Hội đồng Chứng minh.
- Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 34: Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội sẽ triệu tập Hội nghị TW Giáo hội bất thường sau khi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội biểu quyết, hoặc do quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Trị sự đề nghị. Thành phần Hội nghị TW bất thường, thể theo thành phần Hội nghị TW quy định ở

Điều 35: Đại hội đại biểu các tỉnh hội, thành hội do trưởng Ban Trị sự triệu tập 5 năm một kỳ để:

- Báo cáo tổng kết hoạt động trong 5 năm qua.
- Thảo luận, ấn định chương trình hoạt động trong 5 năm tới.
- Suy cử Ban Trị sự.

- Thành phần và các số lượng đại biểu dự Đại hội tỉnh hội, Thành hộ do Thường trực Ban Trị sự tỉnh, Thành ấn định. Đại hội đại biểu các tỉnh hội, thành hội quyết định theo đa số đại biểu có mặt. Số đại biểu có mặt phải quá 2/3 tổng số đại biểu Tỉnh hội, Thành hội được ấn định.

Điều 36: Hội nghị Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội do trưởng Ban Trị sự triệu tập 3 tháng một kỳ để kiểm điểm và hoạch định chương trình hoạt động hàng quý. Trưởng Ban Trị sự có thể triệu tập Hội nghị bất thường của Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội nếu thấy cần thiết và phải được 2/3 tổng số thành viên Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội biểu quyết, chấp nhận.

CHƯƠNG VIII
GIÁO PHẨM

Điều 37: Được tấn phong Hoà thượng những Thượng toạ từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị TW thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức pháp chủ ban hành.

Điều 38: Được tấn phong Thượng toạ những Tăng sĩ từ 45 tuổi đời, 25 tuổi đạo trở lên có đạo hạnh, công đức với đạo pháp và dân tộc do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội xét duyệt đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn và tấn phong tại Hội nghị TW Giáo hội và Đại hội Phật giáo toàn quốc, với một Nghị quyết và một Giáo chỉ do Đức Pháp chủ ban hành.

Điều 39: Cấp bậc Giáo phẩm của Ni giáo là Ni trưởng và Ni sư. Tiêu chuẩn và điều kiện để tấn phong giáo phẩm của ni giới như quy định của hàng Tăng giới ở Điều 37 và 38.

CHƯƠNG IX:
TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC - KỶ LUẬT.

Điều 40: Thành viên của Giáo hội có nhiều thành tích với đất nước và công đức của đạo pháp sẽ được Giáo hội tuyên dương.

Thành viên vi phạm Hiến chương, nội quy của Giáo hội tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ, Giáo hội sẽ xử lý theo luật đạo.

Thành vên có các hoạt động làm tổn thương đến thanh danh, đến sự hoà hợp, đến quyền lợi của Giáo hội, phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân, đến hoà bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc, Giáo hội sẽ xử lý theo Luật đạo và do Nhà nước xử lý theo pháp luật hiện hành.

Thành viên nào của Giáo hội mất quyền công dân thì đương nhiên mất quyền hạn là thành viên của Giáo hội. Các thành viên bị khai trừ, sau khi hối cải, có thể xin gia nhập Giáo hội. Trường hợp mất quyền công dân mà đã dược hồi phục quyền công dân thì có thể được xin hội phục quyền hạn thành viên của Giáo hội

Điều 41: Việc tuyên dương công đức đối với thành viên trong Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội quy định; đối với thành viên Hội đồng Trị sự, do 2/3 Hội đồng Trị sự biểu quyết chấp thuận và được Thường trực Hội đồng Chứng minh ấn chứng.

Điều 42: Việc thi hành kỷ luật đối với thành viên thường do Ban Trị sự quyết định; đối với thành viên trong Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội quyết định; đối với thành viên Hội đồng Trị sự thì do 2/3 thành viên Hội đồng Trị sự biểu quyết và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn.

Điều 43: Đối với những Tăng ni vi phạm về giới luật thì ngành Tăng sự các cấp phối hợp cùng ban đại diện và ban trị sự căn cứ Luật phật chế để xét xử và giải quyết. Trường hợp không giải quyết được, Ban Trị sự trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để giải quyết, nếu vẫn không giải quyết được, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh xử lý theo Luật đạo.

CHƯƠNG X:
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN.

Điều 44: Tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có:

Niên liễm do các thành viên đóng góp.

Tài chính do các tăng ni Phật tử và tư nhân trong và ngoài nước cúng dường hợp pháp.

Tài chính do Giáo hội tự tạo hợp pháp.

Điều 45: Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có:

Động sản, bất động sản hợp pháp:

Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp.

Do các thành viên Tăng ni, Phật tử của Giáo hội xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ.

CHƯƠNG XI:
SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG

Điều 46: Chỉ có Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có quyền sửa đổi Hiến chương này và phải được 2/3 tổng số đại biểu Đại hội biểu quyết.

Điều 47: Dự án sửa đổi Hiến chương do Hội đồng Trị sự đề nghị lên Đại hội Phật giáo toàn quốc biểu quyết thông qua.

Điều 48: Hiến chương này gồm có 11 Chương và 48 Điều được Hội nghị đại biểu thống nhất Việt Nam cả nước soạn, duyệt, nhất trí thông qua và biểu quyết năm 1981, được tu chỉnh lần thứ nhất tại Đại hội toàn quốc kỳ II năm 1987, lần thứ hai tại Đại hội toàn quốc vào năm 1992 và lần thứ ba được tu chỉnh, thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV ngày 23/11/1997. Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ ban hành sau khi được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn./.


Ngày 31 tháng 12 năm 1963. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM và mười (10) Giáo phái, hội đoàn (gồm các đại biểu Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông, Nam Tông) đã khai mạc đại hội tại chùa Xá Lợi. Đại biểu đại hội trong 5 ngày thảo luận và đã đi đến quyết định Thống nhất ĐẠO PHẬT VIỆT NAM thành một khối đoàn kết duy nhất, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT và một bản Hiến Chương gồm hai viện Tăng Thống và Hoà Đạo được công bố ngày 4-1-1964 Đại hội suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm tăng thống và đề cử hòa thượng Trí Quang giữ chức chánh thư ký viện Tăng Thống, hòa thượng Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa Đạo. Ngày 12-1-1964, đại biểu đại hội bầu các tổng vụ trưởng, vụ trưởng của các tổng vụ, như: tổng vụ Tăng Sự, Hoằng Pháp, Văn Hóa, Giáo Dục, Cư Sĩ, Xã Hội, Thanh Niên, Tài Chính, Kiến Thiết v.v… theo như bản Hiến Chương của giáo hội đã qui định. Dưới đây bản HIẾN CHƯƠNG đã tu chính lần thứ II bởi đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khóa V, ngày 12 tháng 12 năm 1973 – Phật lịch năm 2517.

HIẾN CHƯƠNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

LỜI MỞ ĐẦU


Công bố Lý tưởng Hòa bình của giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Bắc tông và Nam tông tại Việt Nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặc sự tồn tại nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của nhân loại và dân tộc.

Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thể hiện theo chủ trương điều hợp, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của các tông phái, cũng như của hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ, chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp của chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật giáo thống nhất tại Việt Nam.

Chương thứ Nhất
Danh hiệu, huy hiệu và giáo ký

Điều thứ 1: Tổ chức thống nhất của các tông phái Phật Giáo Việt Nam lấy danh hiệu "GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT" viết tắt "GHPGVNTH".

Điều thứ 2: Huy hiệu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là hình pháp luân (có 12 căm) theo hình vẽ:

Điều thứ 3: Giáo kỳ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là cờ Phật giáo thế giới.

Chương Thứ Hai
MỤC ĐÍCH



Điều thứ 4: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất điều hợp các tông phái Phật Giáo tại Việt Nam để phục vụ nhân loại và dân tộc bằng cách hoằnh dương chính pháp.

Chương Thứ Ba
THÀNH PHẦN



Điều Thứ 5: Thành phần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gồm Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc Bắc tông và Nam tông chấp nhận bản Hiến Chương này.

Chương Thứ Tư
HỆ THỐNG TỔ CHỨC



Điều thứ 6: Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất là một trong những quốc gia Phật Giáo sáng lập và là trung tâm điểm địa phương của Phật giáo thế giới.
Điều Thứ 7: Tại trung ương, Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất có hai viện:

1) Viện Tăng Thống
2) Viện Hóa Đạo

VIỆN TĂNG THỐNG
ĐỨC TĂNG THỐNG
HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM TRUNG ƯƠNG

VĂN PHÒNG VIỆN TĂNG THỐNG


Đức Tăng thống và Đức phó Tăng thống.

Điều thứ 8: Ngôi vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất là Đức Tăng thống và Đức Tăng thống.

Điều thứ 9: Đức Tăng thống và Đức phó Tăng thống do Hội Đồng Giáo Hội Trung Ương suy tôn trong hàng trưởng lão của Hội đồng. Nhiệm kỳ là trọn đời. Đức phó Tăng thống không cùng một tông phái với Đức Tăng thống.
Điều thứ 10: Đức Tăng thống được suy tôn phải là vị đồng chân xuất gia, ít nhất sáu mươi lăm tuổi đời, bốn mươi tuổi hạ và có thành tích phụng sự Đạo pháp từ hai mươi năm sắp lên.

Nhiệm vụ Đức Tăng thống

Điều thứ 11:

1) Ban hành Hiến Chương GHPGVNTH
2) Chỉ định thành phần văn phòng viện Tăng thống với sự hiệp ý của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.
3) Ban Giáo chỉ tấn phong ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo sau khi Đại hội GHPGVNTH bầu cử.
4) Triệu tập và chủ toạ Đại hội GHPGVNTH bất thường trong trường hợp đặc biệt, liên quan đến sự tồn vong của Đạo pháp.
5) Cấp chứng điệp cho hàng Giáo phẩm cao cấp, từ thượng tòa sắp lên. Ký Giáo điệp vào dịp lễ Phật đản hàng năm.
6) Chuẩn y khai Đại giới đàn.
Nhiệm vụ đức phó Tăng thống.

Điều thứ 12:
1) Thay thế Đức Tăng thống khi được ủy nhiệm.
2) Sau khi Đức tăng thống viên tịch, trong vòng 100 ngày, Đức Phó Tăng thống triệu tập Hội đồng Giáo Phẩm Trung Ương để suy tôn Đức tân Tăng thống.

Thành Phần Hội Đồng
Giáo Phẩm Trung ương

Điều thứ 13: Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương gồm các vị trưởng lão và các vị thượng tọa thuộc các tông phái Phật Giáo tại Việt nam, giới luật thanh tịnh, có thành tích phục vụ Chính pháp, số lượng từ 60 vị sắp lên.
Trưởng lão là các vị có 60 tuổi đời sắp lên, trong đó có 30 tuổi hạ, thượng toạ là những vị có 50 tuổi đời, trong đó có 20 tuổi hạ. Hội viện Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương lúc đầu do viện Hóa Đạo đề cử, do Đức Tăng thống duyệt y và thỉnh mời. Về sau, các vị trưởng lão và thượng tọa được tăng thêm sẽ do Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương tự quyết định. Nhiệm kỳ của hội viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương vọ hạn định. Hội viên HĐGHTƯ có thể bị giải nhiệm do quyết nghị của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và được Đức Tăng thống phê chuẩn.
Nhiệm vụ và quyền hạn Hội đồng GHTU

Điều thứ 14: Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương có quyền hạn:
1) Suy tôn Đức Tăng thống và Đức phó Tăng thống.
2) Giám sát mọi Phật sự của Giáo Hội.
3) Đề cử ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo (danh sách gồm nhiều vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức trong và ngoài Hội D0ồng) cho Đại hội GHPGVNTN bầu cử.
4) Soạn thảo và trình Đức Tăng thống phê chuẩn và ban hành những Qui Chế liên hệ Tăng, Ni Việt nam.
Điều thứ 15: Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương do Đức Tăng thống triệu tập hai (2) năm một kỳ, trước và cận ngày Đại hội GHPGVNTH. Trong trường hợp đặc biệt, Đức Tăng thống sẽ triệu tập Đại hội bất thường Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đặt dưới sự chủ tọa của Đức Tăng thống, Chánh thư ký và phó thư ký viện Tăng thống là thư ký của Hội Đồng.
Điều thứ 16: Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương bầu cử các Hội đồng Giám luật, Nghi lễ và phiên dịch Tam tạng.
Điều thứ 17: Văn phòng viện Tăng Thống gồm các phụ tá Đức Tăng thống, Chánh thư ký, phó thư ký do Đức Tăng thống tuyển trạch trong hàng hòa thượng và thượng tọa của HĐGHTƯ. Văn phòng viện Tăng thống chịu trách nhiệm trước đức Tăng thống về việc điều hành Phật sự thuộc viện Tăng thống:
1) Trình Đức Tăng thống phê chuẩn và ban hành Hiến Chương GHPGBNTN;
2) Trình Đức Tăng thống tấn phong ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo;
3) Điều hành văn phòng viện Tăng thống;
4) Phối hợp các Hội đồng Giám luật, Nghi lể và phiên dịch Tam tạng:
5) Quy lập danh sách Giáo phẩm Tăng, Ni.

VIỆN HÓA ĐẠO

Điều thứ 18: Điều hành các ngành hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là viện Hóa Đạo. Thành phần viện Hóa Đạo gồm có:
1)VIỆN TRƯỞNG (tăng sĩ)
2 hay 3 phó Viện trưởng
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ tăng sự
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục
1Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Cư sĩ
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Xã hội
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính
1 Tổng vụ trưởng Tổng vụ Kiến thiết
1 Tổng thư ký
1 Phó Tổng thư ký
1 Tổng Thủ quỹ
(Các vị này họp thành ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo)
Ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo do Hội Đồng Giáo Hội Trung Ương đề cử, đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bầu cử Đức Tăng thống tấn phong.
Ngoài thành phần ban Chỉ đạo viên Hóa Đạo còn có một ban Cố vấn, do Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương thỉnh mời, gồm từ một (1) đến ba (3) vị hòa thượng, thượng tọa.
Nhiệm vụ và quyền hạn của các vị trong ban Chỉ đạo được ấn định bằng một qui chế có tính cách nội qui của viện Hóa Đạo
Điều thứ 19: Viện trưởng viện Hóa Đạo thay mặt Giáo Hội trước pháp lý.
Điều thứ 20: Văn phòng viện Hóa Đạo do Viện trưởng chịu trách nhiệm và vị Tổng thư ký văn phòng viện Hóa Đạo điều hành. Văn phòng này sẽ tùy như cầu mà thiết lập các ban hay phòng. Mỗi Tổng vụ có các Vụ và mỗi Vụ do một Vụ trưởng trông coi. Các Vụ trưởng do Tổng vụ trưởng đề cử và do ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo chấp thuận. Phó Tổng vụ trưởng và các vị Vụ trưởng có thể là Tăng sĩ hay Cư sĩ.

THÀNH PHẦN CÁC TỔNG VỤ
ĐƯỢC QUI ĐỊNH NHƯ SAU:

1. Tổng vụ Tăng sự có các vụ:
-Tăng bộ Bắc tông vụ
-Tăng bộ Nam tông vụ
-Ni bộ Bắc tông vụ (Y chỉ Tăng bộ B8ác tông)
-Ni bộ Nam tông vụ (Y chỉ Tăng bộ Nam tông)
2. Tổng vụ Hoằng pháp có các vụ:
-Trứ tác, Phiên dịch vụ
-Truyền bá vụ
-kiểm duyệt vụ
3. Tổng vụ Văn hóa có các vụ:
-Văn mỹ nghệvụ
-Lễ nhạc vụ
4. Tổng vụ Giáo dục có các vụ:
-Phật học vụ
-Giáo dục vụ
5. Tổng vụ Cư sĩ có các vụ:
-Phật tử Chuyên nghiệp vụ
-Phật tử Sắc tộc vụ
-Thiện tín vụ
6. Tổng vụ Xã hội có các vụ:
-Từ thiện vụ
-Y tế vụ
-Huấn nghê vụ
7. Tổng vụ Thanh niên có các vụ:
-Gia đình Phật tử vụ
-Sinh viên Phật tử vụ
-Học sinh Phật tử vụ
-Thanh niên Phật tử vụ
-Hướng đạo Phật tử vụ
-Thanh niên Phật tử Thiện chí vụ.
8. Tổng vụ Kiến thiết có các vụ:
-Thiết kế vụ
-Kiến tạo vụ
Điều thứ 22: Phó Tổng vụ trưởng và Vụ trưởng hợp cùng ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo thành Hội đồng viện Hóa Đạo.
Điều thứ 23: Để đôn đốc và thành Phật sự tại các tỉnh, Viện trưởng viện Hóa Đạo bổ nhiệm Đại diện tại 8 miền sau khi ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo chấp thuận tám miền lấy pháp hiệu của 7 vị Cao Tăng Việt nam như sau:
-Vạn Hạnh (Bắc Trung Nguyên Trung phần)
-Liễu Quán (Nam Trung nguyên trung phần)
-Khuông Việt (Cao nguyên trung phần)
-Khánh Hòa (Đông Nam phần)
-Khánh Anh (Hậu Giang Nam phần)
-Vĩnh Nghiêm (Phật tử miền Bắc)
-Quảng Đức (đô thành, Sài Gòn Gia Định)
Điều thứ 24: tại mỗi tỉnh, thị xã (biệt lập hành chính) hay quận tại thủ đô, có một Giáo Hội tỉnh, thị xã hay quận đô thành, trực thuộc viện Hóa Đạo được điều khiển bởi một ban Đại diện gồm có:
- 1 Chánh đại diện (Tăng sĩ)
- 2 Phó đại diện
- 1 Đặc ủy Tăng sự
- 1 Đặc ủy Hoằng pháp
- 1 Đạc ủy Văn hóa
- 1 Đặc ủy Giáo dục
- 1 Đặc ủy Cư sĩ
- 1 Đặc ủy Xã hội
- 1 Đặc ủy Thanh niên
- 1 Đặc ủy Tài chính
- 1 Đạc ủy Kiến thiết
- 1 Thư ký
- 1 phó Thư ký
- 1 Thủ quỹ
- 1 phó Thủ quỹ
Các chức sự trên phải là những vị có thành tích phục vụ Giáo Hội, được bầu lên bởi đại hội Giáo Hội tỉnh, thị hay quận đô thành. Trong trường hợp đặc biệt, viện Hóa Đạo sẽ chỉ định chức vụ Chánh đại diện. Ban Đại diện xã, phường cũng theo thể thức này. Ban Đại diện tỉnh có thể mời các vị Tôn túc làm chứng minh Đạo sư và mời một ban cố vấn kiểm soát. Các Tiểu ban của ban Đại diện tỉnh, thị hay quận đô thành được thiết lập theo nhu cầu và vị điều khiển được coi là Trưởng ban.
Điều thứ 25: Thành phần ban Đại diện tỉnh, thị hay quận đô thành phải được viện Hóa Đạo duyệt y và chấp thuận bằng một quyết nghị. Thành phần ban Đại diêen xã, phường do ban Đại diện tỉnh, thị hay quận đô thành duyệt y.
Để đôn đốc và kiểm tra Phật sự tại các quận, tỉnh hoặc thị Giáo Hội bổ nhiệm các đại diện quận do Giáo Hội tỉnh cử. Tại tỉnh nào, ban Đại diện xét cần thiết lập ban Đại diện quận thì trình viện Hóa Đạo ra quyết định thành lập.
Điều thứ 26: Đơn vị của Giáo Hội là xã, ấp (tại các tỉnh) và phường , khóm (tại các đô thị).
Tất cả các chùa, Tăng sĩ và Cư sĩ thuộc các Tông phái tại các đơn vị này liên hiệp với nhau thành lập GHPGVNTH tại các xã, ấp hay phường, khóm. Trụ sở đặt tại một chùa hay tại một nơi thuận tiện. Tại các xã, ấp và phường, khóm có một ban Đại diện gồm có:
- 1 Chánh Đại diện
- 2 phó Đại diện
- 1 Thư ký
- 1 phó Thư ký
- 1 Thủ quỹ
- 1 phó Thủ quỹ
- 4 cố vấn Kiểm soát.
Các tiểu ban đặt ra tùy theo nhu cầu.
Điều thứ 27: Nhiệm kỳ của viện Hóa Đạo và các ban Đại diện các cấp là hai (2) năm. Viện Hóa Đạo có thể được tái nhiệm thêm một nhiệm kỳ.
Điều thứ 28: Một trong các chức vị thuộc viện Hóa Đạo có thể bị giải nhiệm:
- Nếu là chức vị trong ban Chỉ đạo (từ chức Tổng vụ trưởng trở lên) thì do ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo trình Hội đồng Giám luật xét và trình Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương biểu quyết, Đức Tăng thống, duyệt y.
- Nếu là các chưa vị từ cấp miền trở lên do ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo đề nghị và do Đức Tăng thống chuẩn y.
- Nếu là các chức vị khác từ cấp tỉnh thì do ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo quyết định.
- Nếu các chức vị từ quận trở xuống thì do ban Đại diện tỉnh quyết định.
Điều thứ 29: trường hợp một chức vị trong viện Hóa Đạo bị khuyến tịh hay giải nhiệm:
-Nếu là Viện trưởng thì ban Chỉ Đạo viện Hóa Đạo đề cử một trong ba vị phó viện trưởng thay thế và do Đức Tăng thống chuẩn y.
-Nếu là các chức vụ khác thì cũng do ban ấy đề cử và cũng do Đức tăng thống chuẩn y.
-Nếu là phó Tổng vụ trưởng hay Vụ trưởng thì do Tổng vụ trưởng đề cử và do ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo chấp thuận. Các ban Đại diện tỉnh, thị xã hoặc phường, nếu có chức vụ bị khuyết thì theo thể lệ thông thường và được cấp trên chuẩn y.

Chương thứ Năm
ĐẠI HỘI GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
THỐNG NHẤT


Điều thứ 30: Đại Hội GHPGVNTH do Viện trưởng viện Hóa Đạo triệu tập hai (2) năm một kỳ, để:
-Bầu cử hay lưu nhiệm ban Chỉ đạo viện Hóa Đạo.
-Kiểm điểm Phật sự
-Aán định ngân sách thu, chi
-Aán định chương trình hoạt động mới

Thành phần tham dự Đại Hội gồm có:
-Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương
-Hội Đồng lưỡng viện
-Các vị Đại diện miền
-5 vị Đại biểu của mỗi tỉnh, thị xã (kể cả Tăng sĩ và cư sĩ co Giáo Hội tỉnh, thị xã đề cử)
-5 Đại biểu của mỗi quận tại đô thành Sài Gòn (mỗi quận tại thủ đô được coi là một tỉnh)
-10 Đại biểu của miền Vĩnh Nghiêm

Điều thứ 31: Vị Đại diện Giáo Hội tỉnh, thị xã quận đô thành triệu tập đại hội Giáo Hội tỉnh, thị xã, quận đô thành hai (2) năm một kỳ để bầu ban Đại diện, kiểm điểm Phật sự và ấn định chương trình hoạt động mới.
Thành phần tham dự Đại hội tỉnh, thị xa và quận đô thành Sài Gòn gồm các đơn vị trực thuộc. Mỗi đơn vị 4 đại biểu.
Việc triệu tập tại các xã hay phường cũng theo thể thức tương tự như trên.
Điều thứ 32: Đại hội bất thường của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất do Viện trưởng viện Hóa Đạo triệu tập và trong trường hợp đặc biệt, do Đức Tăng thống triệu tập.
Ban Đại diện tỉnh, thị xã, quận hoặc xã, phường cũng có quyền triệu tập Đại hội bất thường, nhưng phải trình cấp trên biết lý do.

CHƯƠNG THỨ SÁU
TỰ VIỆN


Điều thứ 33: Được coi là tự viện của GHPGVNTN các Quốc tự, các chùa làng, các ngôi chùa xây dựng bởi:
a) Các vị Tăng sĩ
b) Các Hội đoàn Phật giáo
Giáo hội PGVNTH có nhiệm vụ giám hộ và bảo vệ với sự nhìn nhận chủ quyền của các Tự viện đó.

Chương Thứ Bảy
TĂNG SĨ



Điều thứ 34: Được mệnh danh là Tăng sĩ: Các Tăng, Ni Việt nam đã chính thức thụ Tỳ Khưu giới.

Chương Thứ Tám
TÍN ĐỒ



Điều thứ 35: Mọi người tại Việt nam không phân giai cấp, tuổi tác, nghề nghiệp, dân tộc, đã thụ qui giới hoặc có đức tin Phật giáo và sống theo đức tin đó thì được gọi là TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO TRONG GHPGVNTN.

Chương Thứ Chín
GHPGVNTH TẠI HẢI NGOẠI



Điều thứ 36: Các Tăng sĩ và Tín đồ Phật giáo Việt Nam tại mỗi quốc gia Hải ngoại kết hợp thành bộ, Chi bộ GHPGVNTH đều bởi một ban Đại diện trực thuộc viện Hóa Đạo.

Chương thứ mười
TÀI SẢN



Điều thứ 37: Tài sản của Giáo Hội phật Giáo VNTN gồm có:
-Động sản và bất động sản hiến cúng
-Động sản và bất động sản do Giáo Hội tự tạo.

Chương Thứ Mười Một
PHƯƠNG THỨC ÁP DỤNG


Điều thứ 38: Để áp dụng Hiến Chương này, viện Hóa Đạo soạn thảo và đệ trình viện Tăng Thống duyệt y ban hành nhiều bản qui chế có tính cách nội quy.
Điều thứ 39: Mọi dự án tu chính Hiến Chương này do lưỡng viện Tăng Thống, Hóa Đạo soạn thảo, trình đại hội GHPGVNTN cứu xét và biểu quyết. Nguyên tắc biểu quyết phải được 2/3 tổng số đại biểu hiện diện chấp thuận.
Điều thứ 40: Những dự án được đại hội biểu quyết phải do Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương duyệt xét và để trình Đức Tăng thống phê chuẩn, ban hành mới được thi hành. Nếu toàn bộ hoặc điều nào không được phê chuẩn thì phải xét lại.

Bản Hiến Chương GHPGVNTN tổng cộng có mười một (11) chương, bốn mươi (400 điều đã được đại hội GHPGVNTN kỳ V tu chính và biểu quyết ngày 12 tháng 12 năm 1973. Phật lịch 2517.

Hiện Tượng Osho

Em và bạn em là sinh viên Đại Học Ngoại Thương ở Hà Nội được giới thiệu đọc một số sách của ông Osho để tìm hiểu đạo Phật vì họ nói ông này là đạo sư, giảng đạo hay, dạy thiền hay và tín đồ người Mỹ theo ông nhiều lắm. Vậy chúng em hỏi ý kiến của ban biên tập về những điều giới thiệu về vị đạo sư này.

Chào hai em,

Trong dịp về Việt Nam vào đầu năm 2006 vừa qua, chúng tôi có cơ hội đến thăm một vài nhà sách ở Saigon và Huế, nhìn thấy khá nhiều sách dịch của Osho được bày bán và khi được hỏi về hiện tượng này một cô tiếp viên nhà sách nói rằng phong trào dịch sách và bán sách của ông Osho đang trở nên thịnh hành vào thời điểm này tức thời điểm Việt Nam sắp được gia nhập thị trường kinh tế toàn cầu WTO.

Ở Việt Nam ta bây giờ đi đến đâu cũng nghe nói đến làm kinh tế, làm kinh doanh và hầu như ai cũng muốn điều đó. Ai cũng nghĩ chỉ có kinh doanh mới làm giầu nhanh chóng. Lớn thì làm lớn, nhỏ thì làm nhỏ. Trong giới sinh viên đại học thì bán phao, bán sách, bán đề thi, dạy luyện thi... Hai em đang học về kinh tế thương mại biết rõ điều đó hơn ai hết. Ngay cả tổ chức Osho có trụ sở ở Pune, Ấn Độ cũng vậy. Lợi tức kinh doanh thu được qua việc kinh doanh sách, bán CD audio cùng các thứ khác của họ hàng năm lên đến nhiều chục triệu Mỹ kim. Hai em cũng đang được người ta (có thể là các bạn em) đang kinh doanh đấy. Họ đang tiếp thị hai em để hai em tiêu thụ sản phẩm của họ. Họ chiêu dụ hai em và những người khác tìm hiểuđạo Phật, tìm hiểu thiền qua sách của Osho và quảng bá rất hay về ông này vì họ biết nhu cầu tìm hiểu về thiền và đạo Phật đang lên cao tại Việt Nam, ngay cả các ông lớn từng lãnh đạo đất nước cũng đang có nhu cầu tìm hiểutâm linh, tìm hiểu về đạo Phật.

Chúng tôi muốn hai em biết rõ động cơ thúc đẩy việc quảng bá về Osho. Thật ra những lời giảng dạy về thiền, về đạo Phật của ông Osho không có gì là hay. Ông ta chỉ có một cái hay là biết rõ và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của con người là ham mê tình dục và khao khát đạt được một cái gì đó về tâm linh.

Ông cho rằng “sự thèm khát dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thành chiếc thang mà qua đó đạt tới ngôi đền của tình yêu", rằng "dục bên trong mỗi chúng ta có thể trở thànhphương tiện để đạt tới siêu tâm thức, đạt tới định samadhi.” Ông chỉ bày kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu. Xin trích đoạn: “… Việc thở của người ta càng nhanh, thì thời gian giao hợp càng ngắn; hơi thở người ta càng bình thản và chậm chạp thì việc đó càng kéo dài hơn. Và việc giao hợp càng kéo dài lâu, thì càng nhiều khả năng từ dục tạo ra cánh cửa tới samadhi, một kênh cho siêu tâm thức. …. Vào lúc giao hợp chúng ta ở gần với Thượng đế. Thượng đếtồn tại trong chính hành động sáng tạo cho sinh thành nên cuộc sống mới, và do vậy thái độ của người ta nên giống như thái độ của người đi vào chùa chiền, đền đài hay nhà thờ. Vào lúc cực khoái chúng ta ở gần nhất với đấng Tối cao(From Sex To Super-Consciousness – Osho International Foundation) ....

Ông đã thành công một thời và sau đó thất bại vì dưới ánh sáng mặt trời không có gì che dấu được. Ông đã không che dấu mãi được con người thực của ông. Trong khi đệ tử sống trong môi trường khiêm tốn và đơn giản như lời ông giảng dạy thì ông lại sống trong xa hoa lộng lẫy, tư thất ông ở có máy điều hoà không khí, có bồn tắm nước nóng, có những người con gái thoả mãn ông. Ông đi đâu cũng có đoàn tuỳ tùng với nhiều xe hơi mang hiệu Rolls Royces lộng lẫy do các đệ tử hiến cúng.

Ông đã bị chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ trục xuất về Ấn Độ vào năm 1987, sau khi đã nhận nhiều tội và bị phạt 400 ngàn Mỹ kim. Ông trở về lại Pune (Poona) Ấn Độ sau 7 năm gây sóng gió tại bang Oregon. Về lại quê nhà ông quyết định khai tử tên Rajneesh (có lẽ là để dấu khuôn mặt thật của ông bị lộ diện ở Hoa Kỳ) và khai tên mới là Osho.

Hai em muốn tìm hiểu thêm về ông Osho có thể đọc bài viết của tác giảHoàng Liên Tâm có lưu trữ trong Thư Viện Hoa Sen. Bài này được đánh giá cao và được đăng tải trên tuần báo VietTide của Đài Phát Thanh Little Saigon và nhật báo Việt Báo, hai cơ quantruyền thônguy tín của cộng đồng người Việt hải ngoại. Bài Viết có tựa đề là: Hiện Tượng Osho: thân thế, sự nghiệp và đường lối truyền đạo

Còn như nếu hai em thực sự muốn tìm hiểu về thiền và về Phật giáo, chúng tôi khuyên hai em nên tìm đọc những sách viết bởi những người đã nghiên cứuthâm sâu, đã có công phuthực hành lâu năm. Nhiều vị Thầy đã có kinh nghiệm, đã giải ngộ hay là đã đắc đạo. Trong đạo Phật nhiều vô số. Không việc gì mà phải tìm đọc những sách do người ngoài đạo Phật viết, nhất là sách của những người viết bao gồm cả trong lẫn ngoài đạo, vì ước muốn danh tiếng hay lợi lạcvật chấtcá nhân. Nếu hai em muốn, có thể biên thư cho chúng tôi, chúng tôi sẽ hướng dẫn hai em tìm sách Phật giáo để đọc. Rất cảm ơn hai em đã thư cho chúng tôi.

Ban Biên Tập TVHS

Tứ Cú Là Gì?

Lâu nay học đạo nhưng tôi vẫn chưa hiểu rõ Tứ Cú Kệ là gì. Xin quý quý thầy, quý cô, quý đạo hữu hoan hỷ cho tôi biết Tứ Cú là gì? "Tứ Cú" và "Tứ Cú Kệ" trong kinh Kim Cương là một hay khác. Tứ cú kệ trong kinh Kim Cương có phải là bài "Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai" không ?

TRẢ LỜI:

Tứ Cú là bốn câu hay còn gọi là bốn mệnh đề, dùng để diễn tả mọi sự mọi việc trong thế giới tương đốị Tất cả tri kiếntư tưởng của nhân loại không ra ngoài bốn thể diễn tả nàỵ Đó là: (1) , (2) không, (3) cũng có cũng không, và (4) chẳng có chẳng không. Thí dụ như tứ cú của vô thường là (1) thường, (2) vô thường, (3) cũng thường cũng vô thường, và (4) chẳng thường chẳng phải thường.

Còn Tứ cú kệ, theo Cụ Đoàn Trung Còn, là “một bài kệ tóm lược trong bốn câu chứa đựng hết ý nghĩađạo lý. Chư Phật chư Tổ thường dùngTứ cú kệ truyền cho đệ tử hoặc để khai ngộ hay để phó chúc. Người hữu duyên nghe một Tứ cú kệ, có thể giác ngộ mà tu cho tới thành đạọ Thí dụ bốn câu kệ:

Chư ác mạc ác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáọ

Bốn câu kệ ấy tóm lược hết giáo lý của Phật.” (Tự Điển Phật Học Quyển 3)

Tuy nhiên, theo Hoà Thượng Duy Lực ghi chú trong bản dịch KinhKim Cang thì Tứ cú kệ cũng là Tứ cú. Chẳng lọt vào Tứ cú là thực hành theo Tứ cú kệ.

Tứ Cú Kệ:

là cú thứ nhất,
Không là cú thứ nhì,
Cũng có cũng không là cú thứ ba,
Chẳng có chẳng không là cú thứ tư
Chẳng lọt vào tứ cú là thực hành theo tứ cú kệ. (Ghi chú hết)

Và Hoà Thượng Thanh Từ giảng “..người ứng dụngthọ trì 4 câu kinh Kim Cang là chẳng chấp tướng, như như bất động, hay vì người diễn nói cũng đều là bất thủ tướng, như như bất động...” Như như bất động là gì? tức là Như Laị không từ đâu đến và không đi đâụ..” (Kinh Kim Cang Chư Gia giảng: “Như như bất động là người học đạo, nếu tự nói mình biết đặng, tỏ ngộ đặng, giải thoát đặng, hiểu như thế thì có động tâm, tức phải sanh diệt. Bằng không tâm ấy thì cả thảy pháp đều chẳng động. Chẳng động thì trong ngoài đều như, cho nên nói: “như như bất động”.)

Theo ý kiến của dịch giả Kinh Kim Cang Chư Gia (Tam tạng Pháp SưCưu Ma la Thậpdịch kinh và 53 nhà chú giải) thì: “Phật tổthuyết kinh này trước sau là 14 lần nói về Tứ cú kệ mà không chỉ ra cho đích xác còn mỗi khi nói Tứ cú kệ đều có nói thọ trì và trên có chữ nãi chí dưới có chữ đẳng.

Phải biết nghĩa chữ: thọ trì là tự mình dụng lực: Thọ lãnh trong lòng là thọ, ghi nhớ không quên là trì nãi chícho đến, đẳng là cái bọn (số nhiều). Ấy là cái mật nghĩa của Ngài có ý muốn để cho chúng sinh tự mình tìm hiểu lấy mà thôị

Mật nghĩa ví cũng như câu xai bài đố nếu nói rõ ra thì chẳng những là hết cả cái mật ý của nó mà lại làm cho mất hết một phần chú ý của độc giả nữạ

Ngài thương cả thảy chúng sinh như mẹ thương con nên trong bốn mươi mấy năm thuyết pháp ba trăm ngoài độ mỗi mỗi đều chỉ dạy cặn kẽ đinh ninh mà còn không tiếc huống chi là Tứ cú kệ. Sở dĩ chẳng nói ra là nguyên nhân ấỵ

Chúng tôi đã đọc kinhKim Cang lẽ cố nhiên dầu chưa thấu lý ráo rốt cũng có lẽ hiểu đặng một ít phần, nhưng chúng tôi là con nhà Phật nên thể theo ý của Phật không dám chỉ rõ rạ Tuy vậy mà cũng ráng thỏ thẻ đôi lời là giải nghĩa chữ: Thọ trì, nãi chí và đẳng đó, đặng cho lộ cái tiêu tức mối mang của Tứ cú kệ một chút đó thôị

Vậy thì người học đạo phải dụng tâm lực xét cần nghiên cứu cho thấu đáo nghĩa lý của bộ kinh này hẳn thấy Tứ cú kệhiện tướngrõ ràngtrước mặt.” (trang 392)

Cũng trong Kinh Kim Cang Chư Gia, Nhan Bính giải như sau: “Tứ Cú Kệ là nhãn mục của bộ kinh nầy, tuy chú giải đã mấy trăm tay, nhưng chưa có ai chỉ rõ chỗ căn cước (hạ lạc) đặng. Phần nhiều không tự hiểu Tứ cú kệ của mình, chỉ bo bo tìm tòi trong kinh sách. Dầu cho tìm đặng đi nữa, cũng là câu chết trong kinh, chớ đâu phải là câu sống? Câu sống là <<bấy giờ>> mới phảị Tuy vậy, cũng phải bổn thân thấy biết mới đặng. Kinh Phật Nhãn có nói: <<Ngàn lời muôn tiếng chẳng bằng tự mình gặp mặt>>. Dầu không nói cũng phân minh; cần phải tự mình xét lấy, quyết chẳng nên cỡi trâu mà tìm trâụ”

Bằng đem bảy báu bao nhiêu mà bố thí, cũng chẳng bằng phát tâmBồ đề, thọ trìTứ cú kệ của mình, rồi vì người mà thuyết pháp, khiến cho hết thảy chúng sinh đều đặng thấy tánh thành Phật, thì phước này hơn phước kiạ...” (trang 398)

BBT TVHS (Tịnh Thuỷ)


TRẢ LỜI : Tứ cú là một vấn đề rất quan trọng đối với luận lý biện biệt của Phật giáo nên không thể nói vắn tắt quá được. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng tóm gọn vấn đề để ông dễ theo dõị Tứ cú là hình thức phân loại chư pháp (vạn hữu) còn gọi là "Tứ pháp cú", tiếng Phạn là càtuskotica, tức lấy một tiêu chuẩn là A, hoặc hai tiêu chuẩn là A và B mà đem chư pháp phân ra làm 4 loại, tức "Tứ cú" .

Đệ nhất cú : là A (tức phi phi A), tức "chẳng phải chẳng là A"
Đệ nhị cú : phi A (không phải là A)
Đệ tam cú : diệc A diệc phi A (là "A" mà cũng là "chẳng phải A")
Đệ tứ cú : "Diệc phi A, diệc phi phi A"("cũng không phải A" mà "cũng không phải không là A") .

Thường thì "phi A" tức "B" nhưng trong mọi trường hợp, "A" và "phi A" đều có sự bao hàm quan hệ lẫn nhaụ Đối với vấn đề "có" và "không" mà nói thì tứ cúgồm có Hữu (có), Vô (không), Diệc hữu diệc vô (cũng là có mà cũng là không), Phi hữu phi vô (chẳng có mà cũng chẳng không) gọi là "Hữu -Vô tứ cú" .

Trong kinh luận thường thấy hình thứctứ cú pháp để giải thíchcác loạinghĩa lý, như phẩm Vô sanhtứ cú ở quyển nhất Trungluận chủ trương "Bất tự sanh, Bất tha sanh, Bất cộng sanh, Bất vô nhân sanh". Thiên Aùp ly tứ cú ở quyển 25 -Câu Xá luận chủ trương"Aùp nhi phi ly, ly nhi phi áp, Diệc áp diệc ly, Phi áp phi ly". Thành Duy thức luận quyển nhất nêu "Nhất dị tứ cú" của ngoại đạo như sau :"Nhất, Dị, Diệc nhất diệc dị, phi nhất phi dị". Quyển 3 Pháp Hoa văn cú mục Quyển bảo tứ cú cho rằng "Quyền, Thật, Diệc quyền diệc thật, phi quyền phi thật". Ngoài ra đối với hữu và không, thường và vô thường, mình và người, sạch và dơ, đều có thể dùng phép Tứ cú để mà biện biệt .

Trong Tứ cú thì Đệ nhất cú là đơn thuần khẳng định gọi là "Đệ nhất đơn cú". Đệ nhị cú là đơn thuần phủ định gọi là "Đệ nhị đơn cú". Đệ tam cú là phức hiệp khẳng định gọi là "Đệ tam câu cú" hay "Song diệc cú". Đệ tứ cú là phức hiệp phủ định gọi là "Đệ tứ câu phi cú" hay "Song phi cú". Tuy nhiênchân lý của Phật giáo không dùng phép Tứ cú đó để nắm bắt lý luận vì Phật giáo chủ trương tất cả đều "Không", chẳng có gì để "Đắc"; cho nên quyển nhất sách Đại thừa huyền luận nói :"Lý chân đế xa rời"Tứ cú", "Bách phi". "Bách phi"là đối với mọi khái niệm "Hữu" "Vô" đều thêm chữ "Phi" để biểu thị ý phủ định. Điêù này có nghĩa chân lý của Phật giáo không cần, không nên lấy "Tứ cú" mà phân biệt, đồng thời cũng vượt khỏi ý niệm phủ định của Bách phi" .

Xin nói cho rõ thêm về Tứ cú -bách phị Tứ cú- bách philà dụng ngữ "Chân không vô tướng bất khả đắc" để phá trừ tà kiến mê chấpđối đãi hữu -vô của chúng sinh . Đây là khái niệm hay dụng ngữ mà Tam luận tông và Thiền tông hay dùng để tiếp dẫnhọc nhân . Cái gọi là Tứ cú thông thường chỉ "Hữu, vô, diệc hữu diệc vô, phi hữu phi vô" hoặc chỉ "khẳng định, phủ định, bộ phận khẳng định bộ phận phủ định, cả hai đều phủ định" để phán đoán mọi luận nghị mà trong thiền lâm thường là chỉ phép Tứ liệu giản của Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền :"Đoạt nhân bất đoạt cảnh, đoạt cảnh bất đoạt nhân, nhân cảnh cộng đoạt, nhân cảnh cộng bất đoạt". Ngoài ra sách Duy Ma kinh Huyền sớ cho rằng thuyết Tứ cú có hàng chục loại, còn Bách Phi chỉ hàng trăm loại phủ định. Kinh Bắc Bổ Đại Niết bàn, quyển 21 mới nói biết bao phủ định về Niết bàn của Như Lai là phi hữu, phi vô, phi hữu vi, phi vô vi, phi hữu lậu, phi vô lậu, cho đến phi quá khứ, phi vị lai và cả phi hiện tạị Cho nên phải thấy rằng "Tứ cú - bách phi" chỉ dựa cơ sở trên lập trường của phán đoán và nghị luận mà thiết lập khái niệm giả danh, nhưng tông chỉ chí cực của Phật giáo lại vượt cả lên trên các khái niệm giả danh đó để mà đạt đến cảnh giới"ngôn vong, lự tuyệt". Cũng do đó mà thiền lâm mới lưu truyền câu danh ngôn "Ly tứ cú, tuyệt bách phi". Các công án lừng danh liên quan đến "Ly tứ cú, tuyệt bách phi" của Thiền tông truyền lưu đến ngày nay thật nhiều, và đó chính là kim chỉ nam của kẻ tham thiền, biện đạo vậy .

Còn "Tứ cú kệ" hoàn toàn khác với "Tứ cú" hay "Tứ cú pháp", bởi nó chỉ các thi kệ Phật giáo hình thành bằng bốn câu thợ Kệ tụng do sách Phật ghi chép phần nhiều gồm bốn câu, nhưng số chữ mỗi câu thì không nhất định. Tứ cú kệ thường hàm chứa yếu nghĩa kinh luận Phật giáo, cho nên trong kinh thường nói dùng Tứ cú kệ dạy người hoặc trì thọ tứ cú kệ, đều được công đức rất lớn, như phẩm Ứng hoá phi chân phân đệ tam thập nhị kinh Kim Cương viết :"Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát Bồ tát tâm giả, trì ư thử kinh, nãi chítứ cú kệ đẳng, thọ trì độc tụng vi nhân diễn thuyết, kỳ phước thắng bi", hoặc ở quyển hai kinh Đại thừa bổn sanh tâm điạ quán viết :"Khuyên chư chúng sinh, cùng phát tâm này, lấy chân thật pháp ở tứ cú kệ, pháp thí cho người khiến họ hướng về Vô thượng chính đẳng Bồ đề, nên gọi là Chân thậtBa la mật đa". Như vậy, Tứ cú kệ không chỉ nhất thiết một bài kệ nào mà chỉ chung kinh điển nào Phật giáo cũng được, hay sâu hơn là hàm ý chỉ yếu lý Phật pháp .

(Nguyệt san Giác Ngộ số 41 -8/1999)

XUẤT GIA ĐI TU

Tôi là một giảng viên trường Luật, năm nay đã hơn 35 tuổi đời nhưng chưa lập gia đình. Thời gian qua cảm nhận giáo lý Đức Phật sâu sắc, có sức chuyển hóa cuộc đời mình nhanh chóng nên muốn dấn thân theo giáo lý giác ngộ này một cách trọn vẹn. Ngoại duyên may mắn không có nhiều vướng bận, chỉ còn lo ngại việc xuất gia trễ nãi như vậy có phải gặp nhiều khó khăn lắm không? Tôi muốn chuẩn bị tư tưởng trước khi xuất gia như thế nào cho khỏi bỡ ngỡ.

TRẢ LỜI: Xuất gia là một con đường lớn vì nó là chặng đường dài với tất cả mọi nỗ lực không ngừng nghỉ để chiến thắng chính mình, mang lại hạnh phúc cho tự thân và người khác. Một chặng đường dài với rất nhiều thử thách mà đòi hỏi người đi phải có một lý tưởng khá vững chãi thì mới có thể tiến tới đích được. Nếu bạn đã xác định được giá trị lợi ích của việc xuất gia và bạn đã quyết định dấn thân vào con đường đó thì còn chần chờ gì nữa, hãy thong thả bước vào cuộc. Vâng, đó là một cuộc hành trình ra đi và phải chiến thắng mà không thể thất bại hay dừng lại. Nếu dừng lại giữa đường mà có bạn đồng hành yểm trợ thì may mắn cho bạn, bằng không bạn sẽ dễ dàng mất định hướng rồi sa lầy khi năng lượng Bồ đề tâm không còn nữa. Còn nếu thất bại thì coi như bạn phải chấp nhận trọn kiếp này vay món nợ trường cửu đối với đàn na thí chủ và phải đợi kiếp sau mới có thể hoàn trả nổi. Lỡ thất bại mà có sức quay lại thì ít ra bạn đã không làm tử thi hoen ố biển Phật pháp, còn hy vọng tích lũy chút phước hữu lậu trong đời sống tại gia; nhưng nếu đã thất bại đối với sự nghiệp trí tuệ, hư hạnh thanh tịnh mà vẫn đắp đổi ngày tháng trong chốn thiền môn, nhận lãnh cơm áo của đàn na tín thí, hòa lẫn vào tập thể Tăng thanh tịnh để "mượn danh đạo tạo danh đời” thì tội báo sâu dày quả thật không lường hết được.

Chúng tôi không có ý làm bạn thối tâm. Đó là kinh nghiệm cần cảnh báo trước cho bạn. Ngày xưa, lúc từ biệt đi xuất gia mẹ tôi đã dặn dò kỹ: “Đã quyết định đi tu thì nhất định phải đi cho trọn, chứ còn mang thân về đây hoàn tục thì mẹ sẽ không bao giờ chấp nhận, việc đó xấu hổ hơn con gái có chửa hoang". Lời nhắc nhở đó là nguồn trợ lực lớn cho tâm Bồ đề thêm kiên cố để vượt qua cuộc hành trình đầy phong ba bão táp của tôi sau này. Bạn cũng nên tâm niệm như vậy để mình cảm thấy con đường đã chọn thật rõ ràng, không có gì là mơ hồ cả. Nó là con đường đem đến sự giải thoát và giác ngộ thực sự nhưng cũng đầy dẫy chông gai ghềnh thác. Bạn lý tưởng vấn đề xuất gia qua kinh sách là một việc khác, còn cạo tóc vào chùa là một việc khác. Bạn đừng quá thần tượng bất kỳ một vị thầy nào hay ngôi chùa nào bởi vì họ luôn không hoàn hảo. Họ chưa phải là thánh nhân hay bậc giác ngộ nhưng ít ra họ là những người tu tập lâu dài, có sức chuyển hóa và trị liệu cao, có nhiều kinh nghiệm để dẫn dắt bạn đi không sai lạc đường tiến tới mục đích giải thoát. Bạn phải chấp nhận ở họ vài khuyết điểm vì đó là thứ phiền não lâu đời mà họ chưa đủ sức công phá. Bạn phải hằng nghĩ rằng dù mình có thật nhiều kiến thức ngoài đời lẫn trong đạo nhưng khi xuất gia cầu học hạnh giải thoát thì mình phải là một học trò, một đệ tử, một người vừa mới sinh ra trong biển Phật pháp nên không được dị ứng với những động tác thô kệch thiếu thánh thiện của những người chung quanh, phải giữ tinh thần khiêm hạ và cầu học với vị thầy xuất gia cho mình. Vị thầy đó gọi là thầy bổn sư, thầy đầu tiên nâng đỡ mình từ chốn phàm tục bước vào lộ trình giải thoát, cho nên bạn phải “nâng khăn sửa túi” theo sát vị thầy này để tiến thân.

Xuất gia ở tuổi bạn cũng chưa có gì trễ nãi lắm, bởi vẫn có nhiều vị trung niên đã có vợ con vẫn xuất gia và thành công rực rỡ trong công cuộc tìm đến chân lý giác ngộ. Xuất gia lúc ấu niên có lợi thế là tâm hồn còn trong trắng, chưa hoen nhiễm mùi tục lụy, chưa có nhiều ràng buộc tình cảm. Song cũng khó khẳng định người như thế sẽ đi hết con đường vì giai đoạn thành niên, tức “giao thời” rất khó kềm chế dục vọng, cứ ngoái cổ ra nhìn thế tục đầy màu sắc với lòng thắc mắc bâng quơ. Hoặc khi tiếp cận với ngũ dục lạc thì họ dễ sinh tâm tham đắm bởi trước đây chưa từng có ý niệm nhàm chán xa lìa thật sự. Ngược lại, người từng trải thì cương quyết hơn trong vấn đề này, danh lợi tài sắc có thể đã quá mệt mỏi đối với họ. Họ đủ kinh nghiệm để kiểm thúc mình khi phải đối diện với ma lực quyến rũ. Song ở những người đó lại rất vất vả khi bước vào thiền định. Tâm thức họ huân nhiễm thế tình nhiều quá, trong tàng thức đầy dẫy những hạt giống phân biệt hơn thua, yêu ghét, tốt xấu... Phải tốn rất nhiều công sức và phải luôn luôn tinh tiến công phu mới gạn lọc hết những cặn bã nằm trong ký ức, sau đó mới có thể chứa những pháp thiện hay pháp môn tu. Một trở ngại nữa, như bạn là người từng có danh vị trong xã hội, bạn từng là một giảng viên trong trường đại học, bạn từng là người được mọi người kính nể và chưa từng có ai khiển trách bao giờ, những ưu thế đó có thể gây bất lợi cho bạn khi vào đạo. Bạn có thể trở thành một người đứng sau những chú sa di nhỏ xíu, phải học hỏi với những sư huynh đáng tuổi em cháu mình, phải cúi đầu xá chào hay đảnh lễ dưới chân vị thầy trẻ ngang mình hoặc có kiến thức thế gian kém hơn mình rất nhiều. Bỏ hết những gì bạn đã gầy dựng suốt thời gian qua để bắt đầu với con đường giải thoát là một vấn đề hết sức khó đấy. Vì sao? Đức Phật đã từng cảnh báo người thông minh tài trí, ý thức phân biệt quá nhạy bén, vẫn chưa phân định giữa kiến thức khoa học vào giáo lý siêu diệu của Phật Đà thì sẽ gặp trở ngại khi muốn đào luyện tâm linh xa hơn; nhất là đối với tư tưởng Đại thừa họ dễ dàng lấy chỗ hiểu biết của mình để phủ nhận hay nghi ngờ.
Ban Tư Vấn TC. Giác Ngộ

Xem Thêm:

Bài Giảng của Hoà Thượng Tịnh Không:

Người phát tâm xuất gia nói chung cũng đã giác ngộ chút ít rồi. Giác ngộ việc gì? Giác ngộ việc sanh tử luân hồi rất đáng sợ, lập chí muốn liễu sanh tử xuất tam giới ngay trong đời này, đây là như người xưa nói: ‘Thiệt vì sanh tử mà xuất gia’. Một người có giác ngộ như thế sẽ có thái độ chẳng giống như người thường, khi đối xử với người, với sự, với vật, họ sẽ chẳng tranh danh đoạt lợi, sẽ chẳng ganh ghét chống đối. Tại sao vậy? Họ biết đó là nghiệp nhân luân hồi. Hết lòng muốn liễu sanh tử, xuất tam giới chẳng phải là làm không được, nếu ‘chắc thật niệm Phật’ thì sẽ làm được, chúng ta phản tỉnh tự hỏi mình có ‘chắc thật’ hay không?

Chân chánh xuất gia phải nói đến nguyện vọng hoằng pháp lợi sanh, việc này sẽ bị chướng ngại hay chăng? Chướng ngại rất nhiều. Huynh đệ đại chúng ở chung trong một đạo tràng, nếu bạn là người muốn xuất sắc hơn kẻ khác, người ta sẽ đố kỵ, gây chướng ngại để dìm bạn xuống. Mức độ nghiêm trọng của sự đố kỵ, chướng ngại này đã bắt đầu từ thời đức Phật Thích Ca, nhóm sáu tỳ kheo kết bè kết đảng [1] (Lục Quần Tỳ Kheo) là thí dụ cho sự đố kỵ chướng ngại này. Trong ‘Lục Tổ Đàn Kinh’ [có nói] Lục Tổ Huệ Năng đại sư phải trà trộn trong nhóm thợ săn hết mười lăm năm, tại sao vậy? Vì để tránh sự đố kỵ chướng ngại của những kẻ khác. Họ chẳng thể thành tựu nên cũng không muốn ngài được thành tựu.

Tại sao người xuất gia còn những tâm niệm như vậy? Đây là con cháu của Ma Ba Tuần. Lúc Phật còn tại thế không phải trong kinh đã ghi lại rõ ràng hay sao: ‘Trong thời Mạt pháp, Ma Vương Ba Tuần kêu ma con, ma cháu đều xuất gia, đắp ca sa lên mình để phá hoại Phật pháp’, chắc họ là những người này. Nếu chúng ta có tâm niệm rằng: ‘Người khác giỏi hơn mình, họ làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, mình ganh ghét họ, mình phải kiếm cách phá đám, cản trở họ’. Vậy thì mình đã là con cháu của Ma Vương, chuyên làm việc phá hoại Phật pháp. Nếu có người chân chánh phát tâm làm việc hoằng pháp lợi sanh, chúng ta sanh tâm hoan hỷ, dốc toàn tâm toàn lực để giúp đỡ họ, lo lắng cho họ, như vậy mới thực sự là Phật tử. Thế nên ngày nay chúng ta đã xuất gia, rốt cuộc chúng ta là con cháu của Ma hay là con cháu của Phật? Tự mình phản tỉnh, kiểm điểm thì sẽ biết liền. Con cháu của Ma Vương xuất gia quả báo tương lai nhất định sẽ ở trong ba đường ác, vì họ gây chướng ngại cho đạo pháp chứ chẳng hoằng pháp gì hết.

Thế nên chân chánh phát tâm hoằng pháp lợi sanh thì nhất định phải có thiện xảo phương tiện, đó tức là lúc tự mình dụng công, tư thế phải đặt ở những chỗ thấp nhất, tốt nhất là dụng công đừng để cho người khác biết. Ở những chỗ người ta không thấy thì mình dụng công; những chỗ người ta có thể thấy thì mình hòa đồng với đại chúng, hòa mình với mọi người, hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức. Ở những chỗ người ta không thấy thì tự mình nỗ lực gắng sức. Buông bỏ hết thảy danh văn lợi dưỡng, tham - sân - si - mạn, đố kỵ chướng ngại. Buông bỏ những thứ này tức là buông bỏ lục đạo luân hồi, một lòng một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, khuyên người niệm Phật, đây là con đường vãng sanh thành Phật.

Hôm nay nhìn người này chẳng ưa, ngày mai thấy người nọ chướng mắt, chúng ta phải biết như vậy là tạo nghiệp luân hồi. Hết thảy những gì trên thế gian đều tùy hỷ, tự mình làm tròn bổn phận của mình, như vậy mới đúng, ngay cả Khổng lão phu tử cũng dạy tông chỉ này – ‘phải làm tròn bổn phận của mình’. Bổn phận tu học của chúng ta là y theo kinh Vô Lượng Thọ, tu tập Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi; trong đời sống hằng ngày phải thực hiện được Nhìn Thấu, Buông Xuống, Tự Tại, Tùy Duyên. Thiện Đạo đại sư dạy: ‘Hết thảy phải làm từ tâm chân thật’, như vậy mới đúng.

Chương Gia đại sư dạy tôi, ở đây tôi cũng biếu tặng lại cho quý vị: ‘Người học Phật cả đời này bất cứ việc gì đều giao cho Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp an bài’. Bản thân mình không cần lo lắng gì cả, được như vậy thì tâm mới thanh tịnh, bình đẳng. Gặp cảnh thuận là do Phật, Bồ Tát an bài; gặp cảnh nghịch thì cũng do Phật, Bồ Tát an bài. Do vậy trong cảnh thuận chẳng sanh tâm ưa thích, trong cảnh nghịch cũng chẳng sanh phiền não. Hết thảy đều do Phật, Bồ Tát xếp đặt một cách ổn thỏa nhất, dùng công việc để luyện tâm, thành tựu đạo nghiệp, vậy thì đâu có chuyện oán trời trách người.

[1] Lục Quần Tỳ Kheo: Chữ Phạn là sad-vargīka-bhiksu, chỉ sáu tỳ kheo ác tâm kết bè kết đảng vào thời Phật còn tại thế; họ chẳng giữ giới luật và làm nhiều chuyện ác, đức Phật chế giới luật phần nhiều cũng vì sáu người này. Tên của họ ghi trong các bộ luật chẳng giống nhau, thí dụ như Tứ Phần Luật quyển 22 ghi sáu tỳ kheo gồm: Nan Đà (Nanda), Uất Nan Đà (Upananda), Ca Lưu Đà Di (Kalodayin), Chan Đà (Chanda), A Thuyết Ca (Asvaka, hay còn gọi là Mã Túc, Mã Sư), Phất Na Bạt (Punarvasu, dịch là Mãn Túc). (Lược trích từ Phật Quang Sơn Từ Điển)


BÀI ĐỌC THÊM

XUẤT GIA-TẠI GIA-HOÀNGIA
Ni sư Hạnh Huệ

Là Phật tử, chúng ta cần phải nhận định rõ ràng, đức Phật không phải là một vị thần hay thượng đế để ban ơn, giáng họa cho bất cứ ai. Phật chỉ là người hướng dẫn cho chúng ta con đường để đi tới chỗ an lạc giải thoát. Phật không thể đưa chúng ta lên Thiên đường, hay đày chúng ta xuống địa ngục, mà bản thân mỗi người chúng ta phải tự gánh lấy trách nhiệm đối với cuộc sống của mình, nhận lãnh hậu quả của những gì chính mình tạo ra. Tu sĩ, những người xuất gia, là những người đi theo bước chân của Phật để tự mình thoát khổ và giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh thoát khỏi phiền não, thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Nếu chúng ta hiểu hai chữ “xuất gia” theo đúng nghĩa thì sẽ thấy việc đi tu rất là cao quý. Xuất gia, tuy nói dễ mà lại rất khó, khó từ việc phải ăn chay lạt lẽo, thức khuya dậy sớm, lao tác nhọc nhằn, kể cả việc ngồi thiền cũng rất cay đắng, ngoài ra còn phải bỏ bao nhiêu những ưa thích ngày xưa, những thói quen không hợp với bối cảnh tu hành. Đi tu đã khó, lại còn thường xuyên bị “hăm dọa”, coi chừng tu không đàng hoàng phải mang lông đội sừng trả nợ áo cơm. Tu không đàng hoàng thì chỉ là cư sĩ trọc (vì đạo không ra đạo, đời không ra đời) hay điểu thử tăng (giống như dơi - chim không ra chim, chuột không ra chuột).

Cho nên, có rất nhiều người vào chùa rồi nhưng chịu không nổi áp lực, đành phải “hoàn gia”, có những trường hợp do không chịu nổi những lời quở trách, hoặc không có niềm vui trong sự tu tập nên cũng đã “hoàn gia”... Đức Phật cũng từng kể chính Ngài trong những kiếp quá khứ, phát tâm đi tu nhưng chỉ vì tiếc một cái cuốc và lon đậu giống mà đã cởi áo tu quay trở về để gieo hạt. Sự hấp dẫn của thế gian xem có vẻ như tầm thường, những sở thích tuy rất nhỏ mà lại bám vào mình khó gỡ ra. Huống chi có vô số người ngã đài vì tiếng gọi của tình cảm hay chạy theo một chút lợi danh...

Như vậy thì xem ra, có vẻ như “tại gia” là tốt nhất. Tại gia thì khỏi xuất, để khỏi về. Nhưng “tại gia” thì có nghĩa vẫn là phàm phu, suốt đời ở trong phiền não, trong sanh tử. Và ai lại không khắc khoải mưu tìm hạnh phúc? Và thông thường chúng ta đã quá vội vàng hay quá dễ dãi chấp nhận loại hạnh phúc phù du để rồi chuốc hận. Tại gia là còn ở trong vòng trần tục đầy phiền não, phía sau của những thứ mà chúng ta cho là hạnh phúc lại 8 Hạnh Huệ là “cái gai” của những khổ đau… như đức Phật đã từng nói: “Chưa được cũng khổ, được rồi cũng khổ mà được rồi mất lại càng khổ hơn”. Chẳng hạn như khi yêu một ai đó mà người ta không để ý đến mình thì lại “thất tình” than thở:

Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thơ thẩn đêm ngày chiếc thân
Dẫu cho đi trọn đường trần
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi
Người dù ngọc thốt hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen
Đường trần lặng lẽ bước tiên
Ai hay chân đạp lên trên mối tình?!

Nhưng khi cưới được người mình yêu rồi, một thời gian ngắn sao lại rền rĩ:

-Không biết lúc đó cái đầu tôi để ở đâu mà lại cầu hôn với bà.

Hoặc là khi chưa cưới thì chàng là hoàng tử, nàng là tiên nữ. Ở với nhau rồi thì chàng trở thành ác quỷ và nàng thành phù thủy. Còn nếu mọi việc xuôi chèo mát mái thì lại phải lo nơm nớp vì sự an nguy của nhau. Và không chỉ tình cảm, mà mọi thứ như tiền bạc, danh vọng, địa vị... tất cả đều bấp bênh, rất dễ trở thành ảo vọng phù vân khiến chúng ta khổ nhiều hơn vui. Rồi do một cơ duyên nào đó, đến chùa được nghe những người xuất gia thuyết pháp, để “À!” lên một tiếng tỉnh ngộ. Té ra hạnh phúc đích thực lại là sự từ bỏ tận cùng mọi vướng mắc, mọi tìm cầu để nhận ra sự an lạc vốn có sẵn nơi ta.

Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, Phật ví dụ chúng sanh như những người con vui chơi trong nhà lửa, không hề biết đến sự nguy hiểm đang rình rập quanh mình. Người cha ở ngoài thương xót, kêu con ra nhưng chúng không đoái hoài. Ông phải dùng ba xe dê, xe nai, xe trâu để dụ cho con ham thích mà chạy ra. Ra rồi thấy được đất trời thênh thang, không khí trong lành, lại được cưỡi xe đẹp tùy ý dạo chơi.

Vậy xuất gia mới có lý làm sao! Xuất gia là thượng sách.

Thời Phật, có chàng thương gia tên Đại Hắc. Một hôm thấy người ta lũ lượt mang hoa đến tinh xá nghe Phật thuyết pháp. Tò mò, anh đi theo. Chỉ qua một bài pháp về vô thường, khổ, không... anh liền quyết định xuất gia, giao hết tài sản lại cho người em, mặc dù đã có nhiều vợ. Tiểu Hắc, người em, không đành lòng thấy anh xuất gia, đã dùng mọi cách năn nỉ anh bỏ ý định nhưng thất bại. Chú bèn cũng quyết định xuất gia, không phải vì hảo tâm mà chính vì muốn kiếm cơ hội để dụ anh trở về. Chú còn bốn bà vợ, thật tình khó mà dứt áo.

Đại Hắc xuất gia, nỗ lực tu hành không bao lâu chứng Thánh quả A-la-hán. Trong khi đó Tiểu Hắc bồn chồn bất an và bất mãn cuộc sống ngoài ý muốn này, nhưng không dám bỏ anh. Một hôm, bốn bà vợ của Tiểu Hắc bàn mưu đến thỉnh chư Tăng về nhà cúng dường, và Tiểu Hắc là người được cử về chỉ huy việc xếp đặt để tiếp rước chư Tăng. Bốn bà vợ tự ý sắp xếp, không những không theo lời Tiểu Hắc, còn “xài xể” ông đã bỏ bê gia đình, không đủ tư cách sai khiến ai, và lột y áo ông ra, lấy y phục thế tục khoác vào. Tiểu Hắc phản ứng chiếu lệ một chút rồi xuôi tay. Và sau đó, dưới hình dáng thế tục, trở về tinh xá thỉnh Tăng và chính thức hoàn tục.

Những bà vợ của Đại Hắc thấy vợ Tiểu Hắc thành công, cũng bắt chước tổ chức trai phạn thỉnh chư Tăng đến. Phương thức cũng như những bà kia, cho đến khi các bà ráp lại toan cởi bỏ y phục của ngài thì ngài dùng thần thông bay lên mái nhà, chọc thủng nóc bay về tinh xá.

Trong Đại Trí Độ Luận có những câu thơ rất hay:

Khổng tước tuy hữu sắc nghiêm thân,
Bất như hồng nhạn năng cao phi.
Bạch y tuy hữu phú quý lực,
Bất như xuất gia công đức thắng.

Dịch:

Công tuy rực rỡ sắc màu,
Sao bằng hồng nhạn bay cao giữa trời.
Người đời phú quý hơn người,
Sao bằng công đức một đời xuất gia.

Mục đích tu hành là quay trở về với bản tâm của chính mình. Nhận ra được sự quý báu của bản tâm, chúng ta sẽ quyết tâm “lên đường” để “xuất gia”. Theo định nghĩa, xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, nhà phiền não và nhà tam giới. Phật Tổ đều dạy tâm chúng ta tạo thiên đường, tạo địa ngục. Cả tam giới được tạo ra do chính tâm của mình, tâm gặp cảnh tùy theo thuận hay nghịch ý mà tham, sân, si khởi lên dẫn đến tạo nghiệp thiện ác, rồi đưa chúng ta đi khắp sáu nẻo luân hồi. Là Phật tử, chúng ta cần phải nhớ rõ luật nhân quả này mà điều phục tâm để có thể tự do “tùy ý sanh thân”, đừng để bị nghiệp lôi kéo.

Xuất gia, hoàn gia và tại gia còn có ý nghĩa khác. Xuất gia trong nhà Thiền còn có nghĩa là “đi hoang”.

Cha ơi cùng tử ngày xưa
Bước chân phiêu lãng nên chưa chịu về.

(Như Thủy)

Theo kinh Pháp Hoa, chúng ta chính là cùng tử bỏ nhà lang thang, sống nghèo cùng bao nhiêu năm nhưng máu phiêu lưu vẫn mạnh, không chịu trở về. Dù có những việc chúng ta biết là hay, là thiện nhưng không chịu làm; trong khi những cái biết là ác, là xấu mà vẫn thích làm… Bởi lẽ, chúng ta mải mê lượm ngói gạch quên mất, hay không biết gia tài người cha đang trông chờ mình về để phó thác. Biết được rồi thì chúng ta phải trở về thôi, tức là “hoàn gia” – “cùng tử quy cố lộ”. Như vậy hoàn gia ở đây hoàn toàn khác với hoàn tục. Khi ngồi thiền, vọng tưởng dấy khởi, dẫn chúng ta chạy khắp nơi. Nhưng nếu chúng ta nhận ra, cắt đứt ngay lập tức, ấy là chúng ta biết trở về nhà: “Phản quan tự kỷ”. Từ xưa đến giờ, có thể chúng ta đã đi rất xa, quanh quẩn trong luân hồi, nhưng vẫn không ra khỏi tâm mình. Cho nên con đường trở về rất ngắn, rất mau. Chỉ cần bỏ hết vọng tưởng là về được với Tâm – cái nhà đích thực của mình.

Thiền sư Động Sơn khi mãn hạ, nói với tăng chúng:

- Huynh đệ đi Đông đi Tây phải hướng vào chỗ vạn dặm không tấc cỏ mà đi.

Giây lâu nói:

- Chỉ như chỗ vạn dặm không tấc cỏ, làm sao đi?

Thạch Sương nói:

- Sao chẳng nói, ra cửa liền là cỏ?

Động Sơn nghe được nói:

- Lưu Dương lại có cổ Phật ư?

Thái Dương Diên nói:

- Nói thẳng không ra cửa, cỏ cũng đầy đất. Thử nói phải làm sao đặt chân.

Giây lâu nói:
Mạc thủ hàn nham dị thảo thanh
Tọa khước bạch vân chung bất diệu.
Chớ giữ núi lạnh, cỏ lạ xanh
Ngồi trong mây trắng trọn chẳng tuyệt.

Ở đây “cỏ” có thể hiểu là những phiền não, khi mình “vừa bước ra” tức là vừa khởi một vọng tưởng thì gặp cỏ ngay. Còn nếu không khởi một vọng niệm nào, giữ thật tĩnh thì vẫn là cỏ. Tâm có hai trạng thái thường gặp: Động và Tịnh. Nếu tâm của chúng ta cứ lăng xăng là động, nhưng nếu chúng ta bỏ động về tịnh, và cứ ở trong trạng thái tịnh hoài thì cũng không ổn. Vì tâm không thuộc động hay tịnh, tâm là liễu liễu thường tri, là cái biết linh động không bị cảnh gạt nên không theo cảnh rong ruổi, nhưng không phải ù lỳ chìm đắm trong lặng lẽ, im lìm. Nên muốn đừng gặp “cỏ” thì chúng ta phải sống tỉnh giác, để giữ cho tâm mình ở trạng thái bình thường vượt khỏi động tịnh. Như vậy, chúng ta đã biết trở về nhà - “hoàn gia”.

Trở về nhà, tức là mình là chủ nhà, thong dong tự tại, mọi việc tùy ý. Người ta thường nói: “Ôi! Chốn quê hương đẹp hơn cả!” Chúng ta thoải mái trong nhà mình, dù nhà thế nào đi nữa cũng hơn ở nhà người tuy nhà cao cửa rộng.

Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Đó là ca tụng phương diện tự tại khi làm chủ. Tại gia là ở ngay trong nhà của mình, không phải tìm Đông, kiếm Tây nữa.

Cổ đức nói: “Cha mẹ không cho, không được xuất gia”. Chúng ta có hai thân: Thân mạng và huệ mạng. Nếu thân mạng khởi đầu do vô minh và tham ái thì huệ mạng được “nuôi lớn” là nhờ trí tuệ và từ bi. Vì vậy, đối với người tu, nếu được “cha trí tuệ” và “mẹ từ bi” cho phép thì mới được “xuất gia”, tức là khởi tâm động niệm trong sự tỉnh giác, còn nếu không thì “nhà mình mình ở”. Vì vậy, chúng ta thấy tại gia rất quan trọng. Trong khi đó, từ xưa nay, chúng ta vì theo thinh, sắc mà chạy khắp Đông, Tây khiến chúng ta mệt nhoài nhưng nếu chúng ta tỉnh giác, nhận ra được bản tánh chân thật vốn có của mình tức là chúng ta đang ở ngay tại nhà của mình.

Thời xưa, có một vị quan thái úy tên Lý Đoan Nguyện. Vốn hâm mộ Thiền, nên ông đã nghiên cứu từ thời còn trẻ. Mặc dù làm quan, nhưng phía sau vườn nhà ông vẫn có một cái thất để ông tu. Ông thường mời thiền sư Đạt Quán đến để hỏi đạo. Ông mê đạo đến quên ăn, bỏ ngủ nhưng ông vẫn chưa biết cách để “vào nhà”, tức là chưa nhận ra được bản tâm của mình. Một hôm, ngài Đạt Quán bảo ông rằng:

- Sự tinh tấn của ông như vầy rất đáng quý. Phải là người tái sanh mới được như thế. Nhưng tại sao lại không chịu ngộ?

Vị quan nghe xong liền xin đặt câu hỏi với Thiền sư:

-Xin Hòa thượng nói rõ giùm con, có thiên đường và địa ngục hay không?

Thiền sư liền trả lời:

-Chư Phật Như Lai ngày xưa từ ở trong không mà nói có, giống như thấy hoa đốm giữa hư không. Còn ông bây giờ thì từ ở nơi có lại hỏi về không như là mò trăng đáy nước. Thật là đáng tức cười.

Lý Đoan Nguyện hỏi tiếp:

- Như vậy lúc tâm của mình không khởi nghĩ thì mình đi về đâu?

Thiền sư đáp:

-À, thỉnh Thái úy trở về nhà.

Và ông ta đã ngộ.

Chúng ta thường nghĩ, khi tâm mình không nghĩ gì hết thì nó trống rỗng, ngu ngơ, nhưng không biết rằng khi buông hết mọi niệm, đó chính là lúc mình đang ở tại nhà. Lúc đó, bản tâm đang chiếu sáng. Tuy không thấy hình dáng, mà lừa nó một chút cũng không được. Chẳng hạn như, khi mình ngồi yên không nghĩ gì hết – dĩ nhiên không phải là chết – có việc gì xảy ra trước mắt, mình đều thấy rõ, nghe rõ và có thể nói nhận biết rõ mọi việc mà không có bất cứ thành kiến nào làm méo mó. Như thế là trí tuệ, thứ trí tuệ không học hỏi từ bên ngoài mà là thứ phát sáng từ bên trong. Tại gia tuyệt vời thế đó! Cho nên, tại gia tức mình đang có tâm làm chủ, có tâm là chủ, là tâm không “đi hoang”. Và những người ngồi trong nhà của mình một cách an ổn, ấy là những người có bản lĩnh.

Phật dạy: “Pháp của ta thực tế, đến để mà thấy.” Phật pháp thực tế, ở tại đây, mọi người đều có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của mình. Có thực hành liền có lợi ích, liền có an lạc, liền có Niết bàn.

Thế thì, chúng ta phải “xuất gia” tức là vượt ra khỏi nhà phiền não, nhà tam giới để trở về với “ngôi nhà” đích thực của mình. Và khi đã “hoàn gia” thì nên ở yên ổn trong nhà của mình. Hay nói cách khác, “xuất gia” là chúng ta cần phải buông bỏ hết mọi phiền não. Nếu có lỡ chạy theo vật, thì cần phải tỉnh giác để quay trở về - “hoàn gia”. Và lúc nào cũng phải nhớ mình chính là ông chủ ngay trong nhà của mình – “tại gia”. Ông chủ ấy chính là tâm Phật.

Cuối cùng, nếu chúng ta luôn biết rằng Phật luôn ở trong ta không lúc nào rời. Tâm ta chính là Phật, bao la không giới hạn, dù làm gì, có quay cuồng nhảy múa, nhảy một cái được muôn dặm đi nữa thì vẫn không ra khỏi tâm như Tôn Hành Giả nhảy không ra khỏi bàn tay của Phật. Thế thì ở đâu lại chẳng phải nhà mình. Hằng ở nhà mà chẳng biết, vì không tỉnh táo, chập chờn cơn mộng thấy làm kẻ tha phương, mất quê hương, rồi cũng trong mộng tìm đường trở về.

Theo thinh sắc khắp đông tây,
Tỉnh ra thấy vẫn nằm ngay giường nhà.

Thế thì không có chuyện xuất gia, nên cũng không có chuyện trở về, và cũng không cần khư khư ngồi yên gọi là ở tại nhà, mà là thong dong trong ba cõi sáu đường làm mọi việc thuận theo bản tánh, không mê mờ nên không tìm giác ngộ, không thiếu thốn nên chẳng có gì mong cầu. “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên khoác áo xiêm.” Cũng dựng lập đạo tràng, cũng tạo bao Phật sự, cũng hàng phục chướng ma, cũng cầu chứng Phật quả. Nhưng mọi việc như trăng đáy nước, như hoa đốm giữa hư không, như bóng trong gương, như cảnh trong mộng.

Khải kiến thủy nguyệt đạo tràng,
Đại tác không hoa Phật sự.
Hàng phục cảnh lý ma quân,
Cầu chứng mộng trung Phật quả.
Thú vị thay cuộc sống thực sự của người tu!

Ý NGHĨA XUẤT GIA

TAM TUỆ - TAM VÔ LẬU HỌC

HT. Thích Thanh Từ Giảng tại TV. Kim Sơn - Mỹ - 2000

Hôm nay, thầy Minh Đạt mời tôi nói chuyện để nhắc nhở tất cả Tăng Ni trên đường tu hành. Vì vậy buổi nói chuyện này, tôi đặt trọng tâm ở Tăng Ni. Tất cả quí vị chú ý lắng nghe để thâm nhập được những gì tôi muốn gởi gắm đến quí vị.

Tăng Ni là những người đã xuất gia, vậy ý nghĩa “xuất gia” là gì, quí vị có nhớ không? Người xuất gia nếu không biết được ý nghĩa của xuất gia thì thật là một thiếu sót quá lớn. Khi xuất gia, chúng ta luôn luôn được dạy, xuất gia có ba nghĩa:

1. Xuất thế tục gia.

2. Xuất phiền não gia.

3. Xuất tam giới gia.

Trước hết là xuất thế tục gia. Chúng ta khi phát nguyện cạo tóc xuất gia làm Sa-di, thì kể từ ngày đó phải ra khỏi nhà thế tục. Nhà thế tục là nhà cha mẹ, anh chị. Nếu người già, thì nhà của con cháu. Tại sao chúng ta phải ra khỏi nhà đó? Bởi vì còn trong nhà thế tục thì phiền não còn vây khốn chung quanh, không thể nào gỡ được.

Thí dụ như cha mẹ, anh em làm ăn được mất, trong nhà có chuyện vui buồn, mình đều phải lãnh hết. Người này phân bua, người kia kể lể, nghe toàn những chuyện thế gian khiến tâm mình tán loạn, nên tu rất khó. Vì vậy khi xuất gia phải ra khỏi nhà thế tục, vào chùa hoặc tu viện, Thiền viện. Người phát tâm xuất gia thì phải có ý chí mạnh mẽ, ra khỏi nhà để quên hết mọi vướng mắc trói buộc trong gia đình. Như vậy mới có thể tu hạnh giải thoát được. Đó là nói người trẻ.

Người già cũng vậy. Nếu ở một bên con cháu, cứ thương mến lo lắng cho nó mãi, không còn thì giờ tu hành. Đến khi nhắm mắt ra đi, lại quyến luyến chúng nó không đi được. Thành ra khi tắt thở, tái sanh trở lại giữ con, giữ cháu nữa. Như vậy đi tu có nghĩa lý gì?

Nhiều người không biết, cứ mơ ước được xuất gia, vì nghĩ rằng cạo đầu đắp y Phật là được giải thoát. Nhưng tâm trần tục chưa cắt đứt thì làm sao giải thoát được. Cho nên nói tới xuất gia là nói tới tinh thần can đảm, cương quyết ra khỏi nhà thế tục, không còn vướng bận gì nữa. Như thế mới đúng nghĩa ý nghĩa xuất gia.

Song gần đây một số vị trách tôi: Thầy biết xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, sao có nhiều cụ già xin xuất gia, rồi về ở với con mà thầy vẫn cho xuất gia? Thế là quí vị đâm ra nghi ngờ chắc tôi chưa thâm nhập được lý này. Thật ra tôi làm việc gì đều có mục đích, có căn cứ. Ngày xưa, thời đức Phật còn tại thế, có bà Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc chứng quả A-la-hán rồi, gặp các cô thiếu nữ mười bảy, mười tám tuổi, bà khuyên: “Các con nên đi tu, xuất gia làm Tỳ-kheo ni đi.” Các cô ấy thưa: “Thưa bà, chúng con còn tham ăn tham ngủ quá, đi tu sao được? Nếu đi tu, lỡ phạm giới chúng con đọa địa ngục chết.” Bà đáp: “Không sao, lỡ có phạm giới đọa địa ngục, hết tội lên tu nữa.” Như vậy là sao? Nghĩa là một khi gieo được hạt giống xuất gia rồi, thì dù có phạm tội phải trả, nhưng trả đền hết rồi hạt giống cũ vẫn còn, cho nên có thể gặp Phật pháp tiếp tục tu hành. Vì vậy mà bà khuyến khích gieo hạt giống xuất gia.

Ở đây cũng vậy, có những cụ già lớn tuổi, không làm gì nổi, nhưng muốn gieo hạt giống xuất gia để mai kia ra đời sớm được thức tỉnh. Tôi cũng nghĩ đến thiện căn đó mà cho xuất gia làm Sa-di. Đó là tôi vì quí vị mà gieo hạt giống lành, chớ đúng nghĩa xuất gia thì không có quyền ở nhà. Cho nên, trong một số trường hợp các cụ già tu là để gieo duyên thôi. Hiểu như vậy, quí vị mới không nghi ngờ thiện chí và việc làm của chúng tôi.

Còn người trẻ xuất gia để làm gì? Xuất gia là tu hạnh giải thoát. Tự mình tu để được giải thoát, đồng thời hướng dẫn chỉ dạy cho người khác tu cùng giải thoát nữa. Tất cả tuổi thanh xuân, bầu nhiệt huyết thời son trẻ của mình, đều dồn hết cho đạo, cho Phật pháp. Để mai kia lớn lên mình đủ tư cách lãnh đạo, hướng dẫn Phật tử tu hành. Vì vậy hàng xuất gia trẻ tuổi không được phép ở nhà nương tựa cha mẹ. Đã xuất gia rồi mà trở về nhà là một sự thối tâm, một lui sụt rất lớn. Quí vị tu trẻ không nên nghĩ đến điều đó. Đã xuất gia rồi thì phải cương quyết dù chết dù sống cũng phải đi tới cùng, chớ không thể đi một đoạn rồi lui sụt. Như vậy mình là một con người không có lý tưởng, không có lập trường, không có ý chí. Kẻ đó làm việc gì cũng không thành tựu.

Đó là ý nghĩa thứ nhất, xuất gia là ra khỏi nhà thế tục.

Đến ý nghĩa thứ hai là xuất phiền não gia, tức ra khỏi nhà phiền não. Tăng Ni hiện giờ xuất gia có ra khỏi nhà phiền não chưa? Người xuất gia là ra khỏi nhà phiền não. Còn phiền não thì chưa gọi là xuất gia. Bởi vì mai kia chúng ta làm thầy dạy người, hướng dẫn hậu lai, nếu mình còn đầy phiền não thì dạy ai? Cho nên người xuất gia phải gột sạch phiền não, mới chỉ dạy cho người khác gột sạch phiền não được. Ta lấm lem mà bảo người ăn ở cho sạch thì không bao giờ người nghe ta. Ngược lại, người ta còn đặt câu hỏi: Thầy hay cô có sạch chưa mà bảo tụi con phải sạch? Chừng đó mình nói sao đây?

Ở đây tôi chỉ nói phiền não của tam độc tham sân si, quí vị đã sạch chưa? Tham sân si thôi mà cũng chưa sạch, thì nói gì những thứ vi tế hơn. Trong kinh A-hàm kể lại, một hôm đức Phật gọi các thầy Tỳ-kheo đến bảo:

- Này các Tỳ-kheo, nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vào thì các ông có ngủ yên không?

Các thầy Tỳ-kheo thưa:

- Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không yên.

Phật hỏi:

- Làm sao các ông mới ngủ yên?

- Bạch Thế Tôn, chừng nào đuổi được ba con rắn độc ấy ra khỏi thất, chúng con ngủ mới yên.

Phật nói:

- Cũng vậy, ba con rắn ấy tuy độc, nhưng nó cắn chỉ chết một thân này thôi. Còn ba thứ độc tham, sân, si giết hại con người không biết bao nhiêu đời.

Tham sân si còn độc hơn cả con rắn độc. Biết thế rồi, chúng ta có dám chứa nó trong nhà nữa không. Hiện giờ quí vị đang chứa hay đuổi hết rồi? Rắn độc ở trong nhà, nhiều khi không muốn đuổi mà còn nuôi nữa chứ. Thật là trái đạo lý vô cùng. Dù chỉ một con thôi ngủ còn không yên, huống nữa là đủ ba con. Tại nó lì hay tại mình thương nó?

Có nhiều người nổi sân la lối om sòm, người khác khuyên tại sao thầy (cô) nóng quá vậy, thì liền nói: “Nó làm cái đó đáng tức quá mà, không nổi nóng sao được?” “Đáng tức” hay “đáng giận” là cho cái giận cái tức của mình là đúng. Như vậy mình dung dưỡng sân hận trong lòng, không nỡ đuổi đi. Đó không phải là nuôi rắn độc sao? Nếu không thương nó, khi được nhắc mình liền tỉnh: “À, tôi quên. Thôi, tôi không dám tái phạm điều đó nữa đâu.” Như vậy mới gan dạ, mới gọi là đuổi ba con rắn độc ra khỏi nhà.

Bao giờ còn tham, sân, si là chúng ta còn trằn trọc, khó chịu trong lòng. Vậy tại sao không chịu đuổi nó đi. Đem hết tâm tư, đem hết sức lực cố gắng đuổi, chớ không bao giờ cười chơi khi thấy ba con rắn độc đang nằm ngủ trong nhà. Biết có rắn độc trong nhà mà vẫn yên vui tươi cười, đó là người thông minh hay ngu muội? - Ngu muội. Bởi si mê nên chúng ta mới chứa chấp ba thứ độc. Ngày nào còn một đứa, một con trong nhà là ngày đó còn bất an, còn lo sợ.

Người tu chúng ta ngày nay thấy ai buồn ai khổ thì khuyên, miệng nói hay lắm nhưng tới phiên mình thì cũng buồn khổ như ai. Đó là điều đáng xấu hổ. Chúng ta là bậc thầy mà không có đủ tư cách, đủ khả năng để dạy dỗ cho người, đó không phải là điều tủi nhục sao? Cho nên tất cả Tăng Ni phải thấy, phải biết trách nhiệm của mình, không thể nào lơ là nuôi dưỡng phiền não dẫy đầy trong tâm.

Đôi khi chúng ta còn tìm biện hộ cho cái dở của mình nữa. Khi có điều gì khiến mình nổi sân lớn tiếng, chúng ta đổ thừa: “Tại nói nhỏ họ không chịu nghe, buộc lòng phải la lớn. La lớn cho họ sợ!” Thật ra không biết đó là “buộc lòng” hay nổi nóng. Chúng ta nổi nóng, kềm không được nên la lớn tiếng, chớ có buộc lòng gì đâu. Lại còn mượn lý lẽ Bồ-tát quở nạt người là vì đại từ đại bi, nên ta cũng như vậy. Thật đáng tội.

Đức Phật dạy chúng ta bỏ tham sân si khi bản thân Ngài đã dứt sạch nó. Do đó chúng ta mới theo, mới đảnh lễ Ngài. Nếu Phật còn tham sân si thì chắc chúng ta đã không theo, không đảnh lễ Ngài. Trong kinh A-hàm kể lại, một hôm đức Phật đi giáo hóa vùng theo đạo Bà-la-môn, Ngài độ được dân chúng tu Phật rất đông. Thầy Bà-la-môn vùng đó mất hết bổn đạo liền nổi sân. Một hôm, ông chờ đức Phật ôm bát đi khất thực, liền theo sau chửi rủa. Ông chửi từ đầu đường tới cuối đường, mà đức Phật vẫn cứ ung dung đi, không trả lời gì hết. Tức quá, ông chặn Phật hỏi:

- Cù-đàm, Ngài có điếc không?

Phật trả lời:

- Không. Ta không điếc.

- Không điếc, tại sao tôi chửi Ngài, Ngài không trả lời?

Phật nói:

- Nếu ông có quà đem tặng người ta, người ta không nhận thì quà đó về ai?

- Nếu tôi tặng quà mà người ta không nhận thì quà đó về tôi chớ về ai.

Phật nói:

- Cũng vậy, ông chửi ta mà ta không nhận thì có dính dáng gì đâu.

Nghe vậy, ông Bà-la-môn im lặng bỏ đi. Nhờ thế bây giờ chúng ta mới lạy Phật. Nếu khi đó Phật cự lại với ông Bà-la-môn thì ngày nay mình đâu có lạy Ngài. Chúng ta bây giờ đừng nói là chửi, chỉ nghe huynh đệ xù xì thôi là đã khó chịu, đã nghi ngờ rồi. Cho nên phải đứng lại nghe lóm xem có dính tên mình không? Nếu lỡ có dính thì biết. Như vậy có phải kiếm việc để phiền não không? Người ta không kêu tên mình, không nói thẳng mặt mình mà mình lén nghe rồi sanh sự. Thật là quá cách xa với những gì Phật dạy, quá xa với tư cách của một người xuất gia.

Người tu là người gác ra ngoài những lời nói vô nghĩa, không bận tâm những chuyện thị phi, để dồn hết tâm lực vào việc tu hành. Như vậy mới mong có ngày hết phiền não, có ngày giải thoát. Còn chúng ta dính mắc quá chừng thì làm sao hết phiền não? Phiền não không hết thì làm sao được tự tại, giải thoát? Bao nhiêu đó đủ thấy tâm nguyện của mình như thế nào rồi.

Ai xuất gia cũng đều nguyện đi trên con đường giải thoát để cứu độ chúng sanh, nhưng rốt cuộc bản thân mình chẳng giải thoát được chút nào hết. Thật đáng buồn tủi cho chúng ta, chưa xứng đáng mặc áo Như Lai.

Tôi muốn nhắc cho tất cả Tăng Ni nhớ lại bản nguyện của mình khi xuất gia, đừng để mình trở thành những kẻ tự dối và dối người. Đó là điều không tốt. Chúng ta còn đang cục cựa, lăn lộn trong nhà phiền não, chưa ra khỏi được thì phải ăn năn sám hối, cố gắng tinh tấn vượt ra, chớ đâu thể ngồi yên trong đó mà hỉ hả qua ngày. Đã là Tăng Ni thì phải nguyện ra khỏi nhà phiền não. Được như vậy chúng ta mới thật sự xứng đáng là người xuất gia.

Không tu thì thôi, chớ đã từ bỏ cha mẹ, xa rời thân quyến, không làm các bổn phận của một người bình thường, cầu đạo xuất gia, mà không làm tròn bổn phận của người xuất gia thì có lỗi rất lớn. Lỗi với Tôn sư, với cha mẹ thân quyến, với đàn-na tín thí, với quốc gia xã tắc, quí vị không thấy sợ sao? Nên nói tới người xuất gia, Tăng Ni phải cố gắng làm tròn bản nguyện của mình.

Đó là ý nghĩa thứ hai, xuất gia là ra khỏi nhà phiền não.

Đến thứ ba là xuất tam giới gia. Nghĩa là ra khỏi nhà tam giới. Đức Phật dạy có ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Người tu chẳng những ra khỏi nhà phiền não của Dục giới, mà ra luôn cả nhà phiền não của Sắc giới và Vô sắc giới, hoàn toàn thoát ly sanh tử, không còn đi trong tam giới nữa. Đó là xuất tam giới gia.

Nên biết ý chí của người xuất gia cao vót tột cùng, chớ không phải tầm thường. Mình tu là phải ra khỏi cả nhà tam giới, chúng ta nguyện ra khỏi tam giới để đi đến giác ngộ viên mãn. Đó là mục đích cứu kính của người tu. Như vậy con đường mình đi còn rất xa. Chúng ta phải cố gắng nỗ lực, không nên chểnh mảng xem thường. Tu là để giải thoát sanh tử, chớ không phải để đời sau được sung sướng, an nhàn. Chư Bồ-tát còn phải trải qua Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng lên tới Thập địa mới được giải thoát, huống nữa là chúng ta chưa bước được bước nào.

Các bậc Tôn túc đã ca tụng hạnh xuất gia: “Xuất gia giả, phi tướng tướng chi sở năng vi”, tức là chuyện của người xuất gia không phải tướng võ, tướng văn có thể làm được, mà đó là chuyện phi thường. Bởi chí nguyện quá lớn, con đường quá dài người ý chí tầm thường không thể đảm đương nổi. Vì vậy Tăng Ni phải lập chí thật vững mạnh, thật cương quyết. Dù khó khăn trở ngại đến đâu, cũng vững bước không dừng, không lui sụt. Đó là ý chí siêu phàm của người xuất gia.

Kế đến, tôi sẽ giải thích xuất tam giới gia, xuất phiền não gia rất phù hợp với Tam tuệ học và Tam vô lậu học.

Tam tuệ học là Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Văn tuệ là gì? Sau khi xuất gia rồi Tăng Ni phải học kinh điển. Nhờ học kinh điển chúng ta mới mở sáng trí tuệ. Nếu không học kinh điển thì không mở sáng trí tuệ được, vì đức Phật đã dạy: “Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp.” Chúng ta có sẵn ngọn đuốc, nhưng chưa cháy, nếu không thể tự đốt được thì phải mồi với ngọn đuốc chánh pháp của Phật.

Học tức là đem cây đuốc chưa cháy của mình mồi với cây đuốc đã cháy của Phật, để cây đuốc của mình được cháy sáng. Nên muốn mở sáng trí tuệ trước phải học Phật. Nhờ học Phật chúng ta mới hiểu được lẽ thật, thấy được cái gì là hư dối, cái gì là chân thật. Đó là bước đầu của người mới vào đạo. Học trực tiếp là học với thầy, học gián tiếp là nghe những băng giảng của các vị thầy mình tin kính, đúng chánh pháp. Đó gọi là Văn tuệ.

Tư tuệ là sau khi học, chúng ta phải nghiền ngẫm nghĩa lý những gì mình đã học, không phải học như con vẹt, nghe câu nào học thuộc lòng câu đó rồi nói lại, chớ không hiểu gì hết. Chúng ta học Phật là khi nghe lời Phật dạy, phải đem hết tâm trí của mình suy nghiệm về câu đó, xem đúng thế nào, hay chỗ nào, để mình được thấm nhuần sâu hơn. Ví dụ nghe trong kinh dạy các pháp là vô thường, mình liền suy gẫm: Các pháp là gì? Là tất cả những thứ có hình tướng, có danh tự ở thế gian. Thân này cũng là một pháp, cái bàn cũng là một pháp, cái nhà cho đến tất cả các sự vật có hình tướng ở thế gian đều là pháp. Tất cả những thứ đó đều vô thường.

Chúng ta đặt tiếp câu hỏi: Thân mình có vô thường không? Thân này mới sanh ra chỉ vài ký là cùng, dần dần nó nặng tới sáu bảy chục ký, như vậy nó có thay đổi. Tới chừng sáu bảy mươi tuổi, thì từ sáu bảy chục ký nó tụt xuống lần lần tới khô kiệt rồi chết. Thân này sanh, già, bệnh, chết nên vô thường, đổi thay liên tục từng sát-na. Mới ngày nào mình trẻ, giờ đầu đã bạc, rồi không biết hôm nào mình sẽ lụm cụm đi không nổi, cuối cùng tắt thở. Như vậy thân chúng ta luôn luôn bị luật vô thường chi phối. Thân ta bị vô thường chi phối, mọi vật trên thế gian này cũng thế, đó là một lẽ thật. Suy gẫm đáo để như vậy thì lý vô thường thâm nhập vào tâm trí của mình. Nhờ thế thấy biết đúng như thật, đó là đã có trí tuệ, đã sáng suốt rồi.

Phật nói thân này là bất tịnh, nhơ nhớp. Chúng ta phân tích rõ ràng từng phần, cuối cùng thấy quả là đúng, thân này chỉ là đãy da hôi thối, không có giá trị gì cả. Nhờ thế không quí, không chấp, không ngạo mạn về thân nữa. Mình đẹp cũng không dám chê người xấu. Vì tất cả đều là đãy da hôi thối thì có ai hơn ai.

Nếu chúng ta thấy đúng như vậy thì rất dễ tu. Nhờ Tư tuệ, càng ngày trí tuệ chúng ta càng tăng trưởng. Trí tuệ tăng trưởng thì mê lầm giảm, cho tới không còn nữa là chúng ta được giác ngộ viên mãn. Tu là để phá mê lầm, vì nó là gốc của luân hồi.

Từ Tư tuệ chúng ta bước qua Tu tuệ rất dễ. Như khi biết thân này không ra gì, thì người ta có chê cười, mình không giận. Đó là bớt sân, bớt chấp. Bớt chấp tức là bớt si. Nhờ biết thân này vô thường, nên khi bệnh hoạn hoặc ai làm thương tổn thì mình vẫn bình thản, vì biết thân này còn mất như trò chơi, lo sợ buồn giận làm gì. Đó là tiến tu. Cho nên muốn được Tu tuệ, chúng ta phải Tư tuệ cho chín chắn.

Người không thấm nhuần lời Phật dạy làm sao tu được. Khi đã thấm nhuần rồi thì gặp những chuyện trái tai gai mắt, tự nhiên mình bỏ qua một cách nhẹ nhàng, không có gì khó hết. Vì chúng ta thấy rõ bản chất của các sự vật, bản chất thật của con người vốn không thật, mình không còn mê lầm nữa. Đó là đi tới Tu tuệ. Như vậy, Tam tuệ học giúp chúng ta tiến tu trên con đường giải thoát.

Kế đến là nói sự liên hệ đến Tam vô lậu học. Nhờ tam tuệ mà chúng ta phá được phiền não. Phá được phiền não rồi thì tiến lên tu Ba môn giải thoát. Ba môn giải thoát là Giới, Định, Tuệ. Ba môn giải thoát này sẽ giúp chúng ta ra khỏi nhà tam giới.

Tại sao phải Giới? Bởi vì Phật dạy giới luật là hàng rào ngăn chặn, không cho mình rơi vào tội lỗi. Giới thường được giải nghĩa theo là chữ Hán là Phòng phi chỉ ác. Phòng là ngừa, chỉchặn đứng. Ngừa những lầm lỗi, chặn đứng những điều tội ác, đó là giới. Nếu muốn tâm an định, thì chặn đứng những tội lỗi. Khi ta phạm sai lầm thì ngồi thiền, hoặc niệm Phật đều cảm thấy ray rứt, không an. Người tu phải giữ giới thì tâm mới yên định. Nên Giới là phương tiện đầu để tiến lên giải thoát.

Giữ giới tâm mới được định, nên nói từ Giới sanh Định. Tâm vọng tưởng là nhân luân hồi sanh tử, nếu tâm này dừng lặng thì nhân luân hồi sanh tử cũng chấm dứt. Tâm vọng tưởng là ý nghiệp, nó chính là gốc tạo nghiệp. Dừng được nó thì nghiệp cũng dừng. Vì vậy muốn thoát ly tam giới thì phải dừng ý nghiệp. Ý nghiệp dừng thì khẩu nghiệp thân nghiệp cũng dừng. Khi ngồi thiền, lặng hết tâm tư, vọng tưởng thì được định. Được định tức là dứt được mầm sanh tử. Vì vậy, ngồi thiền hay niệm Phật là phương tiện đưa chúng ta tới giải thoát sanh tử, chớ không phải việc tầm thường.

Chúng ta tu theo Phật cốt làm sao đi tới chỗ cuối cùng là giác ngộ. Giác ngộ ngay nơi mình có sẵn tánh Phật. Cho nên chặng thứ nhất của người tu là ra khỏi nhà thế tục. Chặng thứ hai là suy gẫm cho thấm sâu đạo lý. Chặng thứ ba là phải tu cho sạch phiền não. Sạch phiền não mà chưa thấy được Tánh giác cũng chưa được. Muốn thấy được Tánh giác phải qua ba chặng khác là Giới, Định và Tuệ.

Văn, Tư, Tu là học Trí hữu sư. Nhờ thầy dạy là Văn, suy gẫm lời thầy lời Phật dạy là Tư, ứng dụng tu là Tu. Ba tuệ học còn trong phạm vi của Trí tuệ hữu sư. Tiến lên chúng ta học Giới để bảo vệ tâm mình không tạo tội lỗi. Từ Giới bước qua Định, tâm lặng xuống, chỗ này không còn cái học hữu sư nữa. Nhờ Định mà phát Tuệ. Trí tuệ này là Trí vô sư. Trí vô sư chính là Căn bản trí, tức trí sẵn ở nơi mình, mà lâu nay chúng ta không biết. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, trí này mới hiện ra, chớ không phải tìm kiếm ở đâu xa, cũng không phải nhờ ai đem đến.

Như vậy Bảo sở của chúng ta rất xa mà cũng rất gần. Rất xa vì phiền não còn đầy dẫy, rất gần vì nó ở ngay nơi mình, chớ không ở nơi nào khác. Nếu ngay nơi mình, chúng ta tu được Giới, Định, Tuệ thì Phật hiện ra liền. Cho nên đức Phật từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Tất cả chúng ta đều có khả năng thành Phật, chỉ tại mình không chịu làm thôi.

Chúng ta cứ lo chạy theo vô minh phiền não, nên mất quyền làm chủ. Bây giờ gạt vô minh phiền não qua một bên, thì quyền thành Phật nằm sẵn trong tay chúng ta, chớ có đâu xa. Đạo Phật dạy chúng ta tu là một việc làm hết sức thực tế, chớ không phải chuyện viển vông. Tu hết phiền não thì tự nhiên hết khổ. Hết khổ thì được an lạc. Như vậy đạo Phật là ban vui, cứu khổ cho mình cho người. Đạo Phật đưa một con người từ mê lầm trở thành một con người giác ngộ, từ bờ mê lên bến giác. Đó là trọng tâm của đạo Phật.

Tăng Ni là những người đang chèo thuyền, để cứu vớt người dưới biển mê lên bờ giác. Trách nhiệm nặng hay nhẹ? Chúng ta phải là những người tỉnh trước, lên bờ trước mới có thể đưa chúng sanh mê lên bờ giác được. Do đó việc cất chùa, lập Thiền viện là sắm thuyền để độ người, chớ không phải cất chùa, lập Thiền viện để thu tiền, để được vinh dự thế này thế nọ. Phải nhớ mục đích chính của chúng ta là tu để giải thoát sanh tử và giúp chúng sanh cùng được giải thoát như mình. Cho nên mọi việc khác đều là việc phụ, là phương tiện, là thuyền bè để cứu vớt người mê lên bến giác. Đó mới là chỗ chân thật, chỗ cuối cùng chúng ta nhắm đến.

Tôi nhắc nhở bao nhiêu đó cũng đủ để Tăng Ni suy gẫm và biết mình phải làm gì rồi. Mong tất cả cố gắng thực hiện hoài bão lớn lao nhất của đời mình, cố gắng tinh tấn tu hành, đừng để chí nguyện thì cao tột mây xanh, mà hành trì thì là đà dưới đất. Như vậy chẳng những thiên hạ chê cười mà bản thân chúng ta sẽ chuốc lấy đau khổ nhiều hơn nữa. Ý thức rõ được bổn phận của mình, nỗ lực không thối chuyển, tôi tin chắc Tăng Ni sẽ đạt được mục đích cứu kính của mình là giác ngộ viên mãn.

Đức Phật Giảng Pháp

Tôi thắc mắc về câu "Phật đã giảng đạo mấy chục năm, nhưng thật ra Phật không nói gì hết". Vậy có phải Đức Phật giảng đạo cho mọi người cùng nghe, nhưng tâm mỗi người mỗi khác, người hiểu nhiều sẽ nghĩ thế này, người hiểu ít thì nghĩ thế khác, còn người không hiểu thì có cách nghĩ của họ? Xin ban biên tập hoan hỷ cho tôi biết ý kiến

TRẢ LỜI: Trong các danh từ chuyên môn của đạo Phật, có lẽ không chữ nào mà người học Phật cần phải hiểu và cần phải phân biệt r ràng, như hai từ "Chân Đế" và "Tục Đế", nếu như muốn hiểu Phật pháp thâm sâu.

Thật vậy, Đức Phật, vì muốn độ chúng sinh thoát khổ sinh tử nên mới nương vào thế giới Tục đế mà nói pháp, nhằm chỉ bày cho chúng sinh thấy được cái bản chất chân thật tự nhiên của Tâm vốn sẵn có, để chúng sinh, tự nỗ lực tu hành giải thoát khỏi khổ đau sinh tử, lìa khỏi thế giới Tục đế, đến thế giới Chân đế.

Cũng vì thế mà ngài Long Thọ Bồ tát nói rằng "... Các Đức Phật vì chúng sinh, y vào Nhị đế mà nói pháp, thứ nhất là Thế tục đế và thứ hai là Đệ nhất nghĩa đế. Nếu người nào không nhận thức được hai chân lý này, thì đối với Phật pháp sâu xa, không thể hiểu được chân nghĩa. Nếu không nương tựa vào tục đế, thì không thể thấy được chân lý; nếu không thấy được chân lý, thì không thể ngộ được Niết bàn..."(1)

Tục đế là một hợp từ: "tục" nghĩa là thế tục hay phàm tục, "đế" nghĩa là chân lý. Tục đế có nghĩa là những cái gì mà người thế tục đồng ý với nhau, gọi là chân lý quy ước hay còn gọi là chân lý tương đối. Còn Chân đế, cũng là một hợp từ, có nghĩa là chân lý chân thật không hư vọng, là chân lý tuyệt đối, là chân lý tối thượng, cũng còn gọi là Đệ nhất nghĩa đế, là chân tâm, giác tánh, chân như...

Chân lý tuyệt đối là gì? Không ai biết được ngoại trừ chính chư Phật và chư Tổ đã giác ngộ. Các ngài cũng không thể nói cho chúng ta biết được. Toàn bộ giáo điển của chư Phật là pháp phương tiện, Ngài "dùng pháp thế gian, (tức thế tục đế) để giảng nói cho chúng sinh" (2), cốt để chúng sinh ngộ được cái chân lý tuyệt đối như Ngài vì Ngài thấy Tâm Phật và Tâm chúng sinh vốn không khác, vốn tự đầy đủ mênh mông khắp không gian và thời gian.

Thật vậy, xuyên qua lời dạy của Phật và chư Tổ, sở dĩ có sự sai khác là vì tâm chúng sinh bị mê mờ ô nhiễm. Cái Tâm bị bao vây bởi tham sân si, bởi vọng tưởng điên đảo, bởi tham nhiễm các pháp có không. Ngài Sogyal Rinpoche, một đại sư Tây tạng, ví Tâm chúng ta bị vây kín trong một cái bình mà "khoảng không trong bình cũng giống như khoảng không bên ngoài. Khi chúng ta giác ngộ, thì cũng như cái bình vỡ tan thành mảnh vụn... Ngay lúc đó và tại chỗ đó, chúng ta trực nhận được rằng chúng chưa từng bao giờ có sự ngăn cách hay sai khác..." (3)

Vì tâm tánh của chúng sinh luôn luôn dính mắc vào các pháp "có không" nơi thế giới hiện tượng tức thế giới tục đế, nên Đức Phật thấy thật là khó nói về cái mà Ngài đã chứng ngộ, chẳng hạn như nói về Phật tánh, chân tâm, vốn không hình tướng, không số lượng. Nếu nói chúng sinh có Phật tánh là chấp trước, nói không có Phật tánh là hư vọng, nói Phật tánh cũng có cũng không là nói trái ngược nhau, nói Phật tánh chẳng có chẳng không là hý luận. Nên Phật mới dùng các pháp thế gian phương tiện, "giả lập kệ pháp, giả lập danh tự, vốn chẳng phải Phật, nói với họ là Phật, vốn chẳng phải Bồ Đề, Niết Bàn, giải thoát, nói với họ là Bồ Đề, Niết Bàn, giải thoát, ... Biết họ gánh trăm tạ chẳng nổi, tạm cho họ gánh một lon, một chén, biết họ khó tin giáo liễu nghĩa, tạm nói với họ giáo bất liễu nghĩa, tạm được pháp lành lưu hành còn hơn là pháp ác...".(4)

Cũng chính vì chân lý tuyệt đối này rất khó hiểu, khó nhận, khó nói nên đôi khi Ngài phải dùng những thí dụ bằng lời nói, như trong kinh Pháp Hoa, Phật dùng bẩy thí dụ, trong đó có hai thí dụ là cái nhà lửa và câu chuyện đứa con cùng tử mà ai cũng biết. Ngoài ra còn nhiều kinh khác như Bá Dụ Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, Bồ Tát Bổn Sanh Kinh, vân vân... Các thí dụ Ngài nói trong kinh dùng phương thức ngụ ngôn, hàm chứa những ý nghĩa thâm thúy, ám thị lý tuyệt đối mà chân lý tuyệt đối này không thể dùng lời trực tiếp mà giảng giải vì lời chỉ là khí cụ diễn đạt cái tư tưởng tương đối, cái có hình, có tướng trong thế giới nhị nguyên.

Chư tổ chứng ngộ cũng vậy, không thể nói cho chúng ta biết được chân lý tuyệt đối là gì, mà quý ngài chỉ dùng những câu chuyện ngụ ngôn, như câu chuyện con rùa và con cá để làm thí dụ mà thôi. Rằng con rùa từ dưới nước bò lên mặt đất, đi một vòng rồi trở về nước, bơi cạnh con cá, kể chuyện đất liền cho nó nghe. Nhưng con cá, vì chưa bao giờ rời khỏi nước, không thể tưởng tượng nổi lại có một môi trường có thể sống được mà không có nước, không bơi lội. Cho nên con rùa đành chịu mang tiếng là nói chuyện viển vông hoang đường, không có trong thực tế (5).

Cảnh giới tuyệt đối, chân tâm, giác tánh, chân như, mà Phật đã giác ngộ không thể nói cho người chưa chứng ngộ biết được. Vì lẽ đó mà người đời đôi khi cũng phê bình: "Đạo Phật cao siêu quá, không có trong thực tế". Nhưng chính đó mới là cốt tủy của Phật Giáo.

Kinh Kim Cang là kinh liễu nghĩa, nói về cốt tủy của đạo Phật, về chân lý tuyệt đối, cho nên không có pháp gì để nói. Những lời Phật dạy trong kinh chỉ giúp chúng sinh phá bỏ những hiểu biết tương đối, phá bỏ những kiến chấp sai lầm cố hữu, những vướng mắc lâu đời vốn là nhân kiên cố của vòng xích luân hồi, đã lôi kéo chúng sinh vào vòng trầm luân muôn vạn kiếp. Ngài phá bỏ không còn một kiến chấp nào và Ngài cũng tuyên bố luôn là Ngài không thuyết pháp: "- Tu Bồ Đề! Ông chớ cho Như Lai có nghĩ rằng: "Ta có nói pháp". Ông chớ nghĩ như vậy. Bởi vì sao? - Vì nếu người nào nói rằng: Như Lai có nói pháp, tức là chê Phật, không hiểu được lời của ta nói. Tu Bồ Đề! Nói pháp, là không có pháp gì nói được, ấy gọi là nói pháp." (6) Có nghĩa là Phật không nói về cái chân lý tuyệt đối, về cái chân tâm, Phật tánh, Chân Như, vì chân lý tuyệt đối vốn chẳng thể dùng ngôn ngữ tương đối để biểu thị. Ngài chỉ dùng ngôn ngữ chân lý thế tục để chỉ bảo chúng sinh, mà ngôn ngữ thế tục, là pháp tương đối thì không có tự tánh, chỉ do nhân duyên hòa hợp, và do nhân duyên hòa hợp nên không có thật.

Đến đây, chúng ta trở lại bài kệ của Bồ Tát long Thọ đã nêu trên phần mở đầụ. Bồ Tát dạy chúng ta rằng nếu chúng ta không phân biệt được chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối thì chúng ta không thể hiểu được đạo Phật. Do sự không hiểu và không phân biệt này, chúng ta lại nhập nhằng đem lời Đức Phật nói "Không thể nói pháp Tuyệt Đối", mà cho là Đức Phật nói "Không nói pháp tương đối" là chúng ta vô tình vướng mắc vào sự hủy báng kinh, chứa đựng những lời tâm huyết của Đức Phật. Ngài đã dùng ngôn ngữ và chân lý thế tục để dạy người thế tục biết cách mà tiến dần trên con đường từ bỏ thế tục, trở về bản thể tuyệt đối. Nếu chúng ta không hiểu được điều đó, mà tưởng rằng Đức Phật không nói pháp, thì chúng ta sẽ mất niềm tin nơi kinh, sẽ mất cơ hội có bản đồ chính xác để tìm đường trở lại bản thể chân tâm tuyệt đối.
Ban Biên Tập TVHS

Cước Chú

(1) Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởng và Triết Học Tánh Không, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1999, Thư Viện Phật Giáo Hoa Sen Online
(2) Kinh Đại Bát Nhã, Cuốn 2, Trang 275
(3) Sogyal Rinpoche -Thích Nỉ Trí Hải dịch, Tinh Chất Cam Lồ, TP HCM Việt Nam 1969
(4) Bá Trượng Ngữ Lục, Thích Duy Lực dịch, Từ Ân Thiền Đường xuất bản 1999 trang 29-30
(5) Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh Việt dịch, Đại Nam xuất bản 1987, trang 458-459
(6) Thích Huệ Hưng dịch, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản 1983, trang 82.

Trì Chú

Từ lâu tôi thường hay trì chú Đại Bi, ít nhất là mỗi sáng 10 biến, nay có một người bạn đạo khuyên tôi nên đổi qua câu chú Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn hay hơn. Vậy xin hỏi ý kiến quý ban biên tập tôi có nên đổi không?

TRẢ LỜI: Chúng sinh nhiều bệnh, nên đức Phật tùy bệnh cho thuốc. Ngài đã dạy tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm để đối trị tám vạn bốn ngàn căn bệnh phiền não của chúng sinh. Ngài chỉ muốn tất cả chúng sinh đều được giác ngộ, giải thoát ra khỏi vòng khổ đau, sinh tử luân hồị. Tám mươi tư ngàn pháp môn qui tụ lại thành bốn đại loại: Tham Thiền, Niệm Phật, Trì Chú và Quán Tưởng.

Tùy căn cơ của mỗi chúng sinh, nên không có pháp tu nào hay hơn pháp tu nào mà chỉ thích hợp cho từng cá nhân mà thôị Chư Phật và chư Tổ đều dạy chúng ta nên chuyên tu một pháp môn "nhất môn thâm nhập". Khi tìm cầu học hỏi, chúng ta có thể tham học nhiều thứ nhưng khi hành chỉ hành một pháp môn. Bất cứ trong kinh nào đức Phật cũng nói "kinh này đệ nhất", ý là muốn chúng ta nhất môn thâm nhập chứ không phải kinh này hay hơn kinh kia.

Đối với pháp môn Trì Chú cũng vậy, đạo hữu lâu nay đã công phu trì chú Đại Bi, thiển nghĩ là pháp môn thích hợp với đạo hữu, nên đạo hữu hãy cứ giữ vững pháp môn đã chọn, không nên nghe theo người khác mà thay đổị.

Chúng tôi kể lại một câu chuyện xưa có liên quan đến trì chú: Một bà lão suốt đêm ngày chuyên tu trì chú. Căn nhà tranh bà ở thường phát ra hào quang sáng rực vào ban đêm. Những người hàng xóm kể lại như thế cho đến khi người con của bà là một tu sĩ đi hành đạo phương xa về thăm mẹ. Người con nói với mẹ là bà trì chú sai chữ, bà nên sửa lại câu chú cho đúng mới có linh nghiệm. Bà nghe lời (vì nghĩ là con mình nói đúng vì hiện đang làm thầy thiên hạ) và kể từ đó đêm đêm căn nhà của bà không thấy phát ra hào quang nữạ.

Tại sao lại như thế? Thầy chúng tôi xưa kia có dạy, nhất thiết duy tâm tạo, công năng hiệu nghiệm của trì chú không phải nằm trong câu chú hay trong từng chữ mà là trong tâm của hành giả. Nếu công hiệu ở trong câu chú hay trong từng chữ của câu chú thì bất cứ ai niệm trì câu chú đó cũng đều có công hiệu, đâu thể người này có công hiệu, người kia lại không có. Vậy chứng tỏ công hiệu của việc trì chú là ở trong tâm hành giả. Người nào tâm lực mạnh mới có công hiệu còn tâm lực yếu thì không. Tâm lực mạnh hay yếu, chính là do mức độ tâm thanh tịnh, hễ tâm suy nghĩ lung tung, lan man, vọng tưởng nhiều thì tâm lực yếu, làm sao có công hiệụ Bà lão già cũng vậy, tâm bà đã được thanh tịnh do lâu ngày nhất tâm trì chú, nay bà phải sửa lại cho đúng chữ đúng câu nên tâm bị chia trí, tâm bị động loạn. Khi tâm bà khởi niệm phải sửa đổi thế này mới đúng, tức là phiền não nổi lên và thế là tâm không còn thanh tịnh nữa.

Thầy chúng tôi dạy, nếu người tham thiền còn biết là mình đang tham thiền thì chưa phải là chân tham thiền hay biết tâm mình tịnh rồi thì tâm mình vẫn còn ô nhiễm. Tương tự trì chú cũng thế. Bà lão già trì chú miên mật nhưng không biết mình trì chú miên mật, không biết do mình trì chú mà phát hào quang, nên tâm được thanh tịnh.

Trường hợp của đạo hữu cũng vậy, tâm của đạo hữu đang bị động như tâm bà lão đó. chúng tôi đồng ý với đạo hữu Tuệ Chiếu là các bài chú đều là những phương tiện để tịnh tâm.

Nói tóm lại, tất cả các pháp môn cũng đều là những phương tiện thiện xảo của chư Phật dạy chúng ta tự thanh tịnh tâm. Hễ tâm tịnh được một phần, thì thêm được một phần sáng suốt, khiến cho cái trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh, sẵn có nơi tự tánh, tự nhiên hiển lộ. Cho nên người xưa nói rằng "lòng thanh tịnh một ngày, được công đức vô lượng" là thế.
Ban Biên Tập TVHS

Thập Nhị Bộ Kinh

Tôi đọc kinh sách Phật thường nghe nói tới “Thập Nhị Bộ Kinh “ tức “mười hai bộ kinh”. Vậy xin hỏi mười hai bộ kinh là gì? Có phải là các bộ kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tiểu Bộ không …?

TRẢ LỜI: Thập Nhị Bộ Kinh là 12 chủng loại của tất cả các kinh điển mà đức Phật đã thuyết. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn cũng như Luận Trí Độ, Mười Hai Bộ Kinh là: Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế MụcĐà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lượt, A Phù Đà Đạt Ma và Ưu Bà Đề Xá. Dưới đây là gỉai thích về 12 bộ kinh:

MƯỜI HAI BỘ KINH

Trong Ba Tạng Kinh Điển của đạo Phật theo thể tài chia làm mười hai bộ. Người Trung Hoa thường gọi Thập Nhị Phần Giáo.

Tu Đa La (Sustram: Kinh). “Khế Kinh”: Đức Phậtthuyết pháp dùng lối văn trường thiên cho dễ hiểu mà gọn, ta thường gọi là tản văn hay văn xuôi, không có sự cầu kỳhoa mỹ như những lối văn từ phú… nhưng rất hợp thời, hợp lý, hợp cơ.

Kỳ Dạ (Geyam: Ứng Tụng, cũng gọi là Mỹ Âm Kinh): tổng luận, chú thích những ý nghĩa của văn trường hàng (văn chỉnh cú). Lối văn thuộc văn từ phú, văn biền ngẫu, có tính cáchvăn chương, vì đức Phật muốn cho Chính Pháp được truyền básâu rộng thì phải dùng mọi thể văn, giúp cho đệ tử dễ ghi nhớ.

Hòa Già La Na (Vyàkàranam: Thụ ký): Những lời truyền dạy do đức Phật thụ ký, chứng nhận cho các vị Bồ tát, các bậc Thanh văn, đệ tửmai sauthành Phật; và thuyết lý những việc sẽ xảy ra…

Già Đà (Gàthàm: Cũng gọi là Ký Chú Kinh hay Phúng Tụng): Nghĩa là không thuật lại văn trường hàng, mà chỉ là từng bài kệ, tức là lối văn thi ca để nói riêng cho mỗi bộ kinh.

Ưu Đà La (Udànam: Tán Thán Kinh, cũng gọi là Tự Thuyết): Những kinh do đức Phật dùng trí tuệxem xétcăn cơchúng sinh rồi tự nói ra các Pháp, không phải đợi có người thưa thỉnh, yêu cầu mới nói.

Ni Đà Na (Nidàna: Quảng Thuyết Kinh cũng gọi là Nhân Duyên): Những kinh văn nói về nhân duyên khi đức Phậtthuyết pháp và người nghe pháp, hoặc nói rõ những nơi có nhân duyên mà Ngài đến hóa độ. Những kinh văn do đức Phật dạy về “lý căn hội duyên”, khởi điểm của vũ trụvạn hữu, thuyết lý Nhân Duyên Sinh.

A Ba Đà (Avadanam: Diễn ThuyếtGiải Ngộ Kinh, cũng gọi là Thí Dụ): Những pháp của Phật nói rất mầu nhiệm, người căn cơ thấp kém khó có thể lĩnh hội, nên đức Phậtcần phải lấy sự vật hiện hữu làm tỉ dụ, chứng minh cho đạo lý cao siêu để chúng sinhdễ hiểu. Những lời ví dụ tượng trưng bát ngát trong các kinh điểnđạo Phật.

Y Đế Mục Đa Gia (Itivrttakam: Như Thị Pháp Hiện Kinh cũng gọi là Bản Sự): Những thuyết giáo của đức Phật nói về sự tu nhân chứng quả của các vị Bồ tát, đệ tử trong các đời quá khứ, vị lai.

Xà Đà Gia (Jatakam: Đản Sinh Kinh hay gọi là Bản Sinh): Lời đức Phật nhắc lại những công hạnh tu chứng ở đời quá khứ của các đức Phật, Bồ tát.

Tỳ Phật Lược (Vaipulyam: Quảng Đại Kinh, cũng gọi là Phương Quảng): Những Kinh, cũng gọi là Phương Quảng): Những kinh điển thuộc Đại ThừaPhương Quảng, với nghĩa lý rộng lớn cao thượng và thâm thúy.

A Phù Đà Đạt Ma (Addhutadharmah: Hy Pháp, cũng gọi là Vị Tằng Hữu): Những kinh điển nói về thần lực của chư Phậtthị hiện, cùng những việc bất khả tư nghị trong những nơi nói pháp và những cảnh giớikỳ diệu, hy hữu mà trí người phàm không thể hiểu.

Ưu Ba Đề Xá (Upad’sah: Cận Sự Thỉnh Vấn Kinh cũng gọi là Luận Nghị): Những lời văn có tính cáchvấn đáp và biện luận cho rõ các lẽ tà, chính, nghĩa là, giữa đức Phật và các đệ tửđàm luậnđạo lý bằng cách tranh luận, giải thích từng giảng mục.

Tuy chia ra 12 phần giáo, 3 loại trên là thể tài chính của các Kinh; còn 9 loại sau chẳng qua theo các điều kiện chép ở trong Kinh, lập ra.

Trong 12 phần giáo nói trên không phải Kinh nào cũng có đủ cả, có Kinh chỉ có 5, 6 phần, ấy là tùy theocơ duyên mà đức Phật nói pháp có sai khác. Nhưng trong tất cả Kinh, không nhiều thì ít, đều có ghi chép mọi kinh nghiệm về giáo lý cũng như công hạnh tu chứng của các đức Phật và đệ tử…

Nguyên văn kinhĐại Bát Niết Bàn Phẩm Phạm Hạnh Thứ 20 nói về 12 bộ kinh như sau:

"Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát như thế nào gọi là biết pháp. Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát nầy biết mười hai bộ kinh tức là Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế MụcĐà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Đà Đạt Ma, Ưu Bà Đề Xá.

Đây là khế kinhTu Đa La : Từ “ như thị ngã văn nhẫn đến câu hoan hỷ phụng hành” tất cả như vậy gọi là Tu Đa La kinh ( trường hàng). Đây là Kỳ-dạ : Phật bảo các Tỳ kheongày xưa ta cùng các ông ngu si không trí huệ, chẳng thể thấy bốn chơn đế đúng như thật, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ sanh tử. Bốn chơn đế là : Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế.

Ngày xưađức Phật vì các Tỳ Kheo nói khế kinh xong lại có hàng chúng sanh căn trí sáng tỏ, vì muốn nghe pháp nên đến chỗ Phật hỏi mọi người rằng, đức Như Lai vừa rồi nói những việc gì ? Lúc đó Phật vì hàng chúng sanh ấy đem kinh vừa giảng nói thành kệ tụng :

Ta xưa cùng các ông, Chẳng thấy bốn chơn đế, Nên phải lưu chuyển mãi, Trong biển khổ sanh tử, Nếu thấy được bốn đế, Thời dứt đặng sanh tử. Sanh tử đã hết rồi, Chẳng còn thọ thân nữa.

Kệ tụng trên đây gọi là Kỳ-Dạ kinh ( trùng tụng).

Những gì gọi là thọ ký ? Như có lúc đức Như Lai nói kinh hay luật, vì các hàng trời hay người mà thọ ký sẽ làm Phật. Như nói : “ Đời sau có vua hiệu là Nhương Khư, ông A Dật Đa sẽ ở cõi nầy thành bực chánh giác hiệu là Di Lặc Phật. Đây gọi là thọ ký kinh.

Những gì gọi là Dà Đà ? Trừ trường hàng và các giới luật, ngòai ra những bài kệ bốn câu như :

Các điều ác chớ làm, Phụng hành những điều lành, Lóng sạch tâm ý mình, Là lời dạy của Phật.

Trên đây gọi là Dà Đà kinh ( kệ cô khởi).

Những gì gọi là Ưu Đà Na ? Như đức Phật lúc xế chiều nhập thiền định, vì chư thiên giảng rộng các pháp yếu. Lúc đó các Tỳ- kheo đều nghĩ rằng : Giờ đây đức Như Lai đang làm việc gì ?

Sáng ngày sau, đức Như Laixuất định, không ai hỏi, dùng tha tâm trí mà tự nói rằng : Nầy các Tỳ-kheo : Tất cả chư thiênthọ mạng rất dài. Lành thay ! Các Tỳ-kheo biết vì người, chẳng cầu tư lợi, biết thiểu dục, biết tri túc, được tịch tịnh.

Những kinh như trên đây không ai hỏi đức Phật tự giảng nói đó gọi là Ưu Đà Na kinh (tự thuyết).

Những gì là Ni Đà Na ? Như trong các kinh do nhơn duyên Phật vì người khác diễn nói. Lệ như : Trong nước Xá Vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt đặng chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhơn duyên đó mà nói kệ rằng:

Chớ khinh tội nhỏ, Cho là không họa, Giọt nước dầu nhỏ, Lần đầy lu lớn.

Như trên đây gọi là Ni Đà Na kinh ( nhơn duyên).

Những gì là A Ba Đà Na ? Như những thí dụ trong luật nói.

Những gì là Y Đế Mục Đa Dà ! Lệ như đức Phật nói : Nầy các Tỳ-kheo ! Lúc ta xuất thế những điều ta dạy bảo gọi là giới kinh. Lúc đức Câu Lưu Tôn Phậtxuất thếlời Phật dạy gọi là trống Cam-lồ . Lúc đức PhậtCâu Na Hàm Mâu Nixuất thếlời Phật dạy gọi là Pháp cảnh.

Lúc đức PhậtCa Diếpxuất thếlời Phật dạy gọi là Phân biệt không.

Như trên đây gọi là Y Đế Mục Đa Dà kinh ( bổn sự).

Những gì là Xà Đà Dà ? Lệ như đức Phậtxưa kia làm vị Bồ Táttu khổ hạnh. Như Phật nói : Nầy các Tỳ kheo ! Thuở quá khứ ta từng làm nai, làm gấu, làm cheo, làm thỏ, làm quốc vương, làm Chuyển Luân Thánh Vương, làm rồng, làm kim súy điểu v.v… Như trên đây gọi là Xa Đà Dà kinh (bổn sanh).

Những gì là Tỳ Phật Lược ? Tức là những kinh điển thuộc về Đại thừaPhương đẳngnghĩa lý rộng lớn dường như hư không (phương quảng).

Những gì là vị tằng hữu ? Lệ như lúc đức Bồ Tát mới sanh không ai đỡ dắt mà tự đi bảy bước, phóng quang minh lớn ngó khắp mười phương. Lệ như con vượn tay bưng bát mật dâng cúng đức Như Lai,. Lệ như chó cổ trắng đến bên Phật nghe pháp. Lệ như ma vươngBa Tuần biến làm trâu xanh đi trong bát sành, làm cho các bát sành đụng chạm lẫn nhau mà không nứt bể. Lệ như Phật lúc mới sanh lúc vào thiên miếulàm cho thiên tượng đứng dậybước xuốngđảnh lễ.

Những đoạn kinh như trên đây gọi là Vị Tằng Hữu kinh.

Những gì là Ưu Ba Đề Xá ? Lệ như đức Phật lúc nói kinh hoặc luận nghĩa cùng phân biệt giảng rộng biện luận các tướng mạo, đây gọi là Ưu Ba Đề Xá kinh (luận nghị).

Bồ Tátnếu có thể rõ biết mười hai bộ kinh như vậy thời gọi là biết pháp."

Năm Thời Thuyết Pháp Của Đức Phật.

Xin cho biết về Năm Thời Thuyết Pháp của Đức Phật.

TRẢ LỜI: Theo Ngài đại sư Trí Khả thì đức Phật thuyết pháp chia là 5 thời kỳ:

1. Thời kỳ Hoa Nghiêm (Avatamsaka). – Sau khi mới thành đạo, đức Phật dùng tuệ nhãn nhìn thấy rõ tâm địa các vị đại Bồ tát và các bậc căn trí thượng thừa đã thuần thục, nên Phật nói kinh Hoa Nghiêm để giáo hóa và điều ngự họ. Trong số đó cũng có những hàng tiểu căn nghe, nhưng lại chẳng hiểu đức Phật nói gì cả.

2. Thời kỳ A Hàm (Agamas). - Thời kỳ đức Phật nói kinh “Tứ A Hàm”:

- Dirghàgamsa sutra (Trường A Hàm)
- Madhyamàgamas sutra (Trung A Hàm)
- Ekottarikàgamas sùtra (Tăng Nhất A Hàm)
- Samyaktàgamas sùtra (Tạp A Hàm) và

- Khudhana sùtra (Tiểu A Hàm) (Tạp Tạng) thì gọi là “Ngũ A Hàm”. Bộ kinh này đầu tiên đức Phật giảng tại vườn hoa Lộc Uyển (Sarnath), nên sau này còn gọi là Thời kỳ Lộc Uyển, vì căn cơ của các hàng Thanh văn còn thấp kém nên Phật nói Pháp “Tứ Diệu Đế” (Catuariyasaca = Khổ, Tập, Diệt, Đạo); diễn giảng trong 4 bộ kinh A Hàm, để giáo huấn các bậc sơ cơ Tiểu Thừa.

3. Thời kỳ Phương Đẳng (Vaipulya). – “Phương Đẳng” có nghĩa là thời kỳ thuyết giáo chung cho hết thảy chúng sinh, gồm 4 giáo TẠNG – THÔNG - BIỆT – VIÊN. Về thời kỳ này, đức Phật nói kinh Vimalakirti (Duy Ma Cật) để giáo hóa các bậc Tiểu Căn, rằng giáo pháp thuộc Nhị Thừa giáo chưa phải là chỗ rốt ráo, cùng tột, đã vội cho là đủ, tức Phật có ý quở trách để họ tự biết hối mà ham mộ giáo lý Thượng Thừa.

- Tạng Giáo, tức Tam Tạng Thánh Giáo.

- Thông Giáo, tức có nghĩa là đức Phật thuyết pháp cho mọi hạng người đều nghe. Hàng đệ tử căn cơ ám độn khi nghe giáo pháp ấy thì “thông” vào Tạng Giáo; bậc căn trí sáng láng, nghe giáo pháp ấy rồi thì được “thông” vào Biệt Giáo và Viên Giáo, nên gọi là Thông Giáo.

- Biệt Giáo, tức là đức Phật nói phép cho hàng Bồ tát, khác với Tạng Giáo, Thông Giáo kể trên và Viên Giáo sau này, nên gọi là Biệt Giáo.

- Viên Giáo, Đức Phật đối với các bậc Bồ tát có căn trí thông tuệ mà nói ra pháp cao siêu, mầu nhiệm, dạy đủ Viên, Đốn, cho nên gọi là Viên Giáo.

(Trong 4 Giáo trên, TẠNG, THÔNG BIỆT, là 3 giáo thuộc về Quyền Giáo, VIÊN giáo thuộc về Thật Giáo).

4.Thời kỳ Bát Nhã (Prajnãramita), tức thời kỳ đức Phật nói các kinh Bát Nhã để mở mang kiến, văn, giải, cho hàng Tiểu căn, có tâm hướng thượng; nhưng hãy còn có chỗ cố chấp, chưa dứt bỏ hết được, nên Phật nói pháp “Bát Nhã Không Tuệ” để phá chấp, giúp cho họ không đạt lý CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU của các “Pháp”. (Đấy chẳng qua là “giả tướng”, chứ thực ra không có cái gì là thật thể hiện hữu trên cõi đời này). Nhờ đó mà hàng Tiểu căn sớm đạt được giải thoát.

5.Thời kỳ Pháp Hoa và Niết Bàn (Saddharmapundarikam - Nirvàna), tức thời kỳ đức Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh Niết Bàn cho mọi căn cơ, mọi lớp người (từ thượng căn, bậc căn trí thông tuệ, đến trung căn, bậc căn trí trung bình và hạ căn, bậc căn trí thấp kém), tất cả đều được nghe và hiểu, tùy mỗi căn tính chúng sinh; cũng gọi là “HộiTam Qui Nhất” cho đến khi đã thuần thục, nên đức Phật trực chỉ nghĩa Khai, Quyền, Hiển, Thực, tức là chỉ thẳng Thật Tính, Thật Tướng của các “pháp”; không ngoài mục đích: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến” cho chúng sinh đều được chứng đạo quả “Vô Thượng Bồ Đề = Anuttara Samyak Sambodhi”. Ngoài ra, cũng có những căn cơ vì quá thấp kém thì Phật giảng kinh Niết Bàn để độ tận chúng sinh cùng vào bể “Đại Hải Thanh Tịnh”, chứng đạo quả Giác ngộ và Giải thoát.

Người Giác Ngộ Còn Bị Chi Phối Bởi Luật Nhân Quả Không?

Có người cho rằng bậc giác ngộ như đức Phật vẫn còn bị nhân quả. Họ viện dẫn chính đức Phật kể Ngài bị nhức đầu ba ngày do một kiếp xưa đã gõ đầu con cá. Vậy cho chúng tôi biết ý kiến của quý ban biên tập là người giác ngộ còn bị chi phối bởi luật nhân quả không?

Hầu như trong chúng ta ai cũng biết hay nghe nói tới hai chữ Nhân Quả, như ai gieo nhân thì người ấy gặt quả. Nếu gieo nhân lành, đem niềm vui cho người khác, kết quả về sau chúng ta sẽ được an vui. Nếu gieo nhân ác, đau khổ sẽ trở lại với chúng ta. Với luật nhân quả, những gì con người làm cho người khác sẽ có kết quả lại cho họ một cách công bình, chắc chắn và hợp lý.

Luật nhân quả là một qui luật tự nhiên, một sự thật hiển nhiên của vũ trụ vạn vật không có gì phải nghi ngờ bàn cãi. Người Việt Nam chúng ta thường nói “ở hiền gặp lành” hay “gieo gió gặt bão” đều phản ánh niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả này. Tuy nhiên đó là ở trong thế giới hiện tượng tương đối, nơi mà mọi hiện tượng của đời sống, mọi hiện hữu vạn vật đều phải vận hành theo quy luật tự nhiên, luôn luôn trôi lăn theo định luật vô thường: sinh, trụ, dị, diệt -- thành, trụ, hoại, không -- sinh, lão, bệnh, tử...v..v... Thí dụ như cái tách trà có thể vỡ nát, nghĩa là bị mất đi, bị tiêu tan, nhưng bản tính của nó là đất vẫn còn. Hay như sóng biển, sinh diệt liên hồi, nhưng bản tính của nó là nước vẫn thường tại. Trong thế giới tương đối, mọi thứ đều đối lập, mâu thuẫn và bất bình đẳng với nhau: có - không, sanh - tử, thiện - ác, tốt - xấu, giầu - nghèo, sang -hèn, sướng - khổ .. v..v... Tất cả đều ở trong phạm vi giới hạn của tư tưởng và cảm giác con người.

Như thế phải có một cái gì ở ngoài phạm vi giới hạn của tư tưởng và cảm giác con người. Cái đó chính là bản thể tuyệt đối, một thế giới bất khả thuyết của ngôn ngữ, tức là không thể dùng tư tưởng, lời nói hay văn tự diễn tả, cần phải kinh nghiệm thực chứng mới biết được. Thế giới tuyệt đối này tức là cảnh giới Niết Bàn do mười phương chư Phật ca ngợi và Phật Thích Ca đã dùng bốn chữ Thường Lạc Ngã Tịnh để tán thán cảnh giới Niết Bàn này. Và mục tiêu tối hậu của người học Phật là giải thoát khỏi cảnh giới tương đối. Giải thoát khỏi cảnh giới tương đối tức là trở về hay hội nhập lại cái bản thể tuyệt đối xưa nay vốn sẵn có. Trong cảnh giới tuyệt đối này, lẽ dĩ nhiên, chẳng có tương đối, tất cả đều tuyệt đối, không sanh tử, không thiện ác, không tốt xấu, không giầu nghèo, không cấu tịnh, không tội phước, không đối đãi và tuyệt đối cũng chính là bất nhị, là không hai. Đã bất nhị không hai thì nhân quả không còn. Nhân cũng không và quả cũng không. Do đó bất cứ chúng sinh nào chưa giác ngộ, chưa giải thoát khỏi vòng sinh tử thuộc thế giới hiện tượng tương đối, thì vẫn còn bị chi phối bởi qui luật nhân quả (vốn chỉ hiện hữu trong thế giới tương đối).

Có người cho rằng bậc giác ngộ như đức Phật vẫn còn bị nhân quả. Họ viện dẫn chính đức Phật kể Ngài bị nhức đầu ba ngày do một kiếp xưa đã gõ đầu con cá. Ngài kể về câu chuyện “Vua Lưu Ly giết chết cả tộc Thích Ca” như sau:

“Thuở xưa ở thành Ca Tỳ La bên xứ Ấn Độ, có một làng đánh cá, gần làng có hồ rộng mênh mông, gặp lúc hạn hán mất mùa, bao nhiêu tôm cá trong hồ đều bị dân làng bắt ăn, đến con cá cuối cùng lớn nhất cũng bị làm thịt, chỉ có một đứa bé không hề thích ăn cá, đùa nghịch gõ lên đầu con cá lớn kia đến ba cái. Đến thời Phật Thích Ca, vua Ba Tư Nặc là người sùng mộ đạo Phật, cưới một cô con gái dòng họ Thích Ca sinh ra một thái tử tên là Lưu Ly. Thuở ấu thơ, Lưu Ly thường hay qua bên thành Ca Tỳ La chơi. Một hôm vì đùa nghịch nơi tòa thuyết pháp của đức Phật, bị người gác mắng và đuổi ra ngoài, Lưu Ly nuôi hận trong lòng, đến khi lên ngôi vua, đem đại quân tấn công thành Ca Tỳ La, giết sạch cư dân trong thành, trong thời gian này đức Phật nhức đầu hết ba ngày, các vị đại đệ tử đến cầu xin Phật giải cứu. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông lấy bình bát thâu năm trăm người họ Thích Ca bay lên không, cho rằng đã cứu được họ, nhưng đến khi đổ ra, thì chỉ thấy toàn máu. Các vị đệ tử hỏi Phật nguyên do vì đâu. Đức Phật bèn đem câu chuyện tiền kiếp thôn dân ăn cá kể lại, con cá lớn kia nay là vua Lưu ly, còn binh tướng theo Lưu Ly là bầy tôm cá trong hồ khi xưa, dân cư thành Ca Tỳ la bị giết chính là thôn dân ngày nọ, còn đứa nhỏ gõ đầu cá mà không ăn cá chính là đức Phật ngày nay chịu quả báo nhức đầu ba ngày là do hồi ấy gõ đầu con cá ba lần. Nghiệp khó chuyển nên bấy giờ họ Thích Ca năm trăm người, tuy được Mục Kiền Liên cứu ra, song vẫn không toàn tính mạng. Về sau vua Lưu Ly bị đọa vào địa ngục. Oan oan tương báo khó có ngày dứt.”

Đúng là câu chuyện do đức Phật kể như thế, nhưng vì sao Đức Phật kể câu chuyện này? Đó là vì muốn độ chúng sinh nên phải phương tiện tuỳ thuận chúng sinh để độ. Ngài muốn nói vấn đề nhân quả không thể tránh được, nhưng ở đây là nói với những chúng sinh thiếu niềm tin nhân quả nghiệp báo lúc ngài đương nói pháp. Trong kinh Đại Bảo Tích Ngài nói: “Nầy Trí Thắng ! Hôm ấy ta nói với A Nan là ta đau đầu. Bấy giờ có ba ngàn Thiên Tử đoạn kiến, lại có vô lượng chúng sanh háo sát cùng tập họp chỗ Phật. Vì họ mà ta thị hiện nghiệp chướng nói rằng : Ta do thấy người khác sát sanh mà có lòng tùy hỉ nên mắc báo đau đầu. Nghe lời nầy có bảy ngàn trời và người được điều phục. Đây gọi là Như Lai phương tiện....” (Kinh Đại Bảo Tích, Phẩm 38 Tập 6 trang 523). Trong kinh khác -- Trụ Sứ Thập Hạnh -- Phật nói : “Nói ta bị nhức đầu ấy chỉ là phương tiện mà thôi, thật tế thì ta có bị nhức đầu đâu !

Cũng như chuyện đức Phật ăn gạo lúa ngựa ba tháng là Ngài dùng sức phương tiện độ chúng sinh, chớ chẳng phải là nghiệp báo. Đức Phật vì giáo hoá các chúng sinh ưa thích dục lạc, chẳng biết nghiệp báo, chẳng tin nghiệp báo, nên thị hiện nhân duyên nghiệp báo chứ Như Lai thiệt không có nghiệp báo. Ngài nói: “... Nầy Trí Thắng ! Lại vì trong năm trăm Tỳ Kheo cùng Như Lai an cư ăn gạo lúa ngựa ấy có bốn trăm Tỳ Kheo hễ thấy ngon tốt thì sanh lòng tham dục. Các Tỳ Kheo nầy nếu ăn ngon thì thêm lòng dục. Nếu ăn đồ thô xấu thì chẳng sanh lòng dục. Quá ba tháng an cư ấy rồi, bốn trăm Tỳ Kheo rời lìa tâm dâm dục chứng quả A La Hán. Nầy Trí Thắng ! Vì điều phục năm trăm Tỳ Kheo và độ năm trăm Bồ Tát mắc báo súc sanh mà đức Như Lai dùng sức phương tiện thọ ba tháng ăn gạo lúa ngựa chớ chẳng phải là nghiệp báo. Đây gọi là Như Lai phương tiện. (Kinh Đại Bảo Tích Phẩm Thứ 38 Tập 6, trang 521).

Chúng sinh nhiều bệnh, mỗi bệnh mỗi khác nhau nên thầy thuốc sau khi bắt mạch phải tuỳ theo căn bệnh mới ghi toa thuốc. Đức Phật là một đại y vương, nên Ngài cũng tuỳ theo căn cơ, hoàn cảnh, nhân duyên, trình độ chúng sinh cao thấp mà phương tiện hoá độ. Sở dĩ Ngài nói như vậy tại vì cuộc sống ở đó như vậy, con người thời đó như vậy và căn tánh của họ như vậy. Tuy nhiên, trong một pháp hội khác Ngài căn dặn chớ nên nói với những người căn cơ thấp về các phương tiện của Phật, Ngài nói: “... Vì chúng sanh chẳng rõ nghiệp nhơn cảm với quả báo, nên vì chúng sanh mà Như Lai thị hiện nghiệp báo như vậy. Tạo nghiệp ấy rồi mắc báo như vậy. Nghiệp kia được tạo rồi mắc báo như vậy. Chúng sanh nghe xong họ lìa nghiệp ấy mà tạo nghiệp kia : họ lìa ác nghiệp mà tu tập thiện nghiệp. Nầy Trí Thắng ! Nay đức Như Lai nói phương tiện rồi thị hiện phương tiện rồi, các phương tiện nầy phải giữ chặt cất kín chẳng nên nói với hạng người hạ liệt thiện căn kém mỏng ...(Kinh Đại Bảo Tích Phẩm Thứ 38 Tập 6, trang 526).

Phật Giáo Đại Thừa Là Bà La Môn Giáo?

Gần đây có người nói rằng Phật Giáo Đại Thừa là Bà La Môn Giáo, là tà ma ngoại đạo. Vậy xin hỏi ý kiến quý ban biên tập về nghi hoặc này.

Thật ra lời nói này không có gì mới lạ, nó đã có từ thời xưa, khi Phật Giáo đang ở trong thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, nhằm tránh sự hoang mang cho những người mới bước chân vào đạo Phật và cho những Phật tử không có nhiều thì giờ nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai tôn giáo nên chúng tôi viết bài dưới đây. Chúng tôi không có ý so sánh hai tôn giáo lớn của nhân loại, vì việc làm này là của các nhà học gỉa, mà chúng tôi chỉ đưa ra vài điểm khác biệt quan yếu có tính cách nền tảng giữa đạo Phật nói chung, Phật Giáo Đại Thừa nói riêng so với Bà La Môn Giáo.

Bà La Môn Giáo (Brahmanism) hay còn gọi là Ấn Độ Giáo (Hinduism) là một tôn giáo lớn ở Ấn Độ có từ trên 1000 năm trước khi Phật Giáo ra đời. Kinh Vệ Đà (Veda) xem như là cỗi gốc của Bà La Môn Giáo và là suối nguồn của nền văn minh Ấn. Trong kinh có những bản thánh ca để ca tụng các vị thần, như thần lửa, thần núi, thần sông ... Phần lớn ca tụng những vẻ đẹp huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống trong vũ trụ. Toàn thể bộ kinh gồm bốn tạng: (1) Rig Veda: thi tụng cái biết, (2) Yajur Veda: nghi thức tế tự, (3) Sama Veda: ca vịnh thần chú, và (4) Atharva Veda: triển khai ý nghĩa ba bộ kinh kia. Tư tưởng chủ yếu của Vệ Đà được biến đổi từ Đa thần qua Nhất thần, từ Nhất thần sang lãnh vực Triết học ngang qua ba thời đại: Vệ Đà Thiên Thư (Veda), Phạm Thiên Thư (Brahmana) và Áo Nghĩa Thư (Upanishad).

Theo trình tự thời gian, tư tưởng Vệ Đà đã đạt tới quan niệm một đấng Thượng Đế hữu ngã sáng tạo vũ trụ và một bản thể tuyệt đối vô ngã làm cội nguồn chung cho vũ trụ. Tuy nhiên, trên đại thể, kinh Vệ Đà vẫn thiên trọng về quan niệm một đấng Thượng Đế hữu ngã hơn.

Thời Vệ Đà Thiên Thư, dân chúng sùng bái cúng tế để cầu xin sự trợ giúp của các thần linh, hình thức phần chính thuộc về Đa Thần giáo. Sang thời kỳ Phạm Thiên Thư, tín đồ chán việc tế lễ và thờ tự nhiều Thần, nên tuyển lọc lại vài vị Thần quan trọng để phụng thờ, sau thờ một Thần là đấng Phạm Thiên (Brahma), vị thần tối cao toàn năng, siêu việt, sáng tạo ra vạn vật vũ trụ. Thế là đối tượng tín ngưỡng của đa phần dân Ấn Độ chuyển từ Đa thần giáo sang Nhất thần giáo. Qua đến thời kỳ Áo Nghĩa Thư không chỉ giới hạn trong nghi thức tế tự, mà bao gồm môn triết học cao siêu.

Áo Nghĩa Thư là những bộ kinh luận được các giáo sĩ Bà La Môn trước tác nhằm khai triển nền giáo lý Vệ Đà trên phương diện triết học. Trong khi các kinh Vệ Đà chú trọng về nghi thức thờ phụng thì Áo Nghĩa Thư muốn tìm hiểu thêm về tự ngã và tự thể của con người và mối liên hệ của chúng với bản thể tuyệt đối của vũ trụ vạn vật. Nội dung căn bản của Áo Nghĩa Thư cho rằng con người, cũng như mọi chúng sinh đều có một tự thể bất sinh, bất diệt, thường tịch và vô trụ như Bản thể tuyệt đối, thường được gọi là Atman hay Tiểu ngã (một linh hồn bất diệt). Khi tự ngã của con người hay của chúng sinh chưa hoà nhập với Bản thể tuyệt đối (Brahman, đấng Phạm Thiên hay Đại Ngã), thì Tự ngã của con người vẫn còn phải luân hồi trong vòng sinh tử. Họ chủ trương “Brahma-Atman đồng nhất” và con người giải thoát là con người hoà đồng vào bản thể của vũ trụ. Tiểu Ngã hoà đồng với Đại Ngã vô biên trong một trạng thái hằng hữu vĩnh cửu.

Trên địa hạt xã hội, dân chúng Ấn Độ hồi đó được phân chia thành bốn giai cấp: (1) Hàng Tăng lữ thuộc giai cấp Bà La Môn (Brahman), (2) Vua chúa thuộc giai cấp Sát Đế Lỵ, (3) Thương buôn, nông phu và thợ thuyền thuộc giai cấp Phệ Xá (Vaisya), và (4) Tiện dân bần cùng thuộc giai cấp Thủ Đà La (Sùdra). Hệ thống giai cấp này theo chế độ cha truyền con nối, các người khác giai cấp không được cưới nhau, không được cùng nhau hành lễ tế tự và không được ăn chung bàn. Giai cấp Thủ Đà La là giai cấp cùng đinh bị khinh miệt và bị hành hạ, nên đời đời làm nô lệ phục vụ cho ba giai cấp trên. Giai cấp này bị khinh bỉ đến nỗi một người Thủ Đà La đến gần một giếng nước, thời giếng nước ấy xem như đã trở thành dơ bẩn, không dùng được cho ba giai cấp trên và người Thủ Đà La nào vi phạm tội ấy có thể bị ném đá cho đến chết. Chính sự kỳ thị này đã gây ra một tổ chức xã hội cực kỳ bất công. Cho đến cuối thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch đẳng cấp Bà La Môn hoàn toàn ngự trị trên toàn thể dân chúng Ấn, họ hợp nhất quyền lực chính trị vào quyền lực tôn giáo, đặt thêm nhiều nghi lễ tế tự phiền toái để trói buộc dân chúng nhằm củng cố giai cấp thống trị. Thời kỳ này có nhiều luận chấp về Tự Ngã và nảy sinh nhiều phe phái, từ những luận chấp về quá khứ, về tương lai, cho đến luận chấp về hiện tại Niết Bàn. Tất cả các luận chấp này đều dựa vào sự xúc đối phân biệt của sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức). [1]

Trong khung cảnh ấy, nền giáo lý đạo Phật ra đời như một luồng gió mới, một cuộc cách mạng giải phóng con người ra khỏi tình trạng bất công hà khắc về giai cấp xã hội, thoát khỏi ngục tù nô lệ tư tưởng, khỏi những nghi lễ tế tự phiền toái của hàng giáo sĩ độc tôn Bà La Môn. Còn về nội dung giáo lý thì có nhiều điểm dị biệt với Bà La Môn Giáo, như trong khi kinh Vệ Đà thường ca ngợi vẻ huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống thì đức Phật, trong giáo lý Tứ Đế, Ngài nói rằng cuộc đời là bể khổ. Lời tuyên bố này là cơ sở xuất phát ra nền giáo lý đạo Phật. Song điểm khác biệt độc đáogiáo lý Vô Ngã của Phật, tương phản với giáo lý Ngã của Vệ Đà. Đây là điểm khác biệt quan yếu có tính cách nền tảng giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo. Một đằng chủ trương các thuyết liên hệ đến Ngã, một đằng chủ trương hết thẩy các pháp là Vô Ngã, và cho rằng phải phá chấp ngã, vì chấp ngã là nguồn gốc sinh ra vô minh, mà vô minh là đầu mối của luân hồi sinh tử và khổ đau của con người.

Một điểm khác biệt nữa ở mặt hiện tượng xã hội rất dễ nhận thấy, đó là Phật giáo chủ trương bình đẳng giai cấp, bình đẳng giữa con người có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Bình đẳng không chỉ thể hiện trong việc giao tiếp xã hội mà còn thể hiện trong tâm của mỗi người. Trong thời Đức Phật còn tại thế, hai sự thành công rõ nét nhất tại Ấn Độ là sự bãi bỏ chế độ giai cấp và sự thiết lập Giáo hội Tỳ Kheo Ni.

Dù bất cứ một bộ phái hay tông phái Phật Giáo nào từ trước cho đến ngày nay cũng đều phải thừa nhận đó là hai nét nền tảng khác biệt giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo. Chính vì hai điểm khác biệt này mà có một số tín đồ và đạo sĩ Bà La Môn Giáo cho đến nay vẫn xem Phật Giáo như là thù nghịch, cho rằng chính Đức Thế Tôn đã đả phá tôn giáo của họ, đã làm đảo lộn truyền thống tôn ti trật tự xã hội của họ. Chúng tôi sẽ lần lượt giải thích chi tiết dưới đây, đặc biệt trong lãnh vực tư tưởng và giáo lý:

Trong suốt chiều dài của lịch sử Phật Giáo, tính cách đồng nhất trong khác biệt là một đặc tính nổi bật. Mặc dù các nhà Phật Giáo Nguyên Thuỷ và Phật Giáo Đại Thừa không đồng quan điểm với nhau về một số vấn đề, nhưng cả hai đều công nhận giáo lý Vô Ngã và Duyên Khởi là giáo lý nền tảng của đạo Phật, là giáo lý chung cho tất cả các bộ phái hay tông phái Phật giáo.

Vô Ngã là một trong ba thành phần của Tam Pháp Ấn, chỉ định tính cách đích thực giáo pháp của Phật, không thể nhầm lẫn với giáo pháp ngoại đạo. Tam Pháp Ấn theo Phật Giáo Đại Thừa là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn [2]. Nhưng theo Phật Giáo Nguyên Thuỷ là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.

Vô Ngã cũng là duyên khởi vì vô ngã là duyên sinh biểu thị ở mặt hiện tượng và duyên sinh là vô ngã biểu thị ở mặt thể tính. Sự kiện này được biểu thị bằng mối quan hệ y tha (paratantra), như sóng là hiện thân của nước, và nước là thể tính của sóng. Chính vì thế mà cả Phật Giáo Nguyên Thuỷ lẫn Phật Giáo Đại Thừa đều đồng ý rằng: “Ai thấy được lý Duyên Khởi, người ấy thấy được Pháp; Ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên Khởi”. [3] Chính Đức Phật nói rằng Ngài và các Đức Phật thời quá khứ đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ giáo lý Duyên Khởi. [4] Và chính Bồ Tát Long Thọ cũng nói rằng, “nếu không có Tứ Đế và Duyên Khởi, thời không có Phật, Pháp và Tăng, vì chính nhờ hai giáo lý này mà sự thật tuyệt đối mới chứng đạt và vì vậy được chấp nhận trong giáo lý của các nhà Đại Thừa.” [5]

Một lần sau khi nghe về Duyên Khởi, thầy A Nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn, lý Duyên Khởi hay quá mà cũng thật đơn giản, dễ hiểu. Phật nói: “Thầy đừng nghĩ như vậy, lý Duyên Khởi rất sâu sắc và nhiệm mầu. Thầy chưa hiểu được hết đâu. Người nào thấy được tính duyên khởi tức là thấy được Như Lai.”. Câu nói đó phải học thuộc lòng. Tất cả giáo lý của đạo Phật đều lấy lý Duyên khởi làm nền tảng [6].

Nếu đi vào phân tích giáo lý, thì từ nguyên lý Duyên Khởi chúng ta thấy rõ vô ngã tính của các pháp. “Vô Ngã” không phải là một thuyết triết lý siêu hình mà là một toa thuốc trị liệu tâm linh có giá trị vô song. Muốn được giải thoát con người cần phải phá chấp Ngã bằng cách thực hành. Đạo Phật là con đường trí tuệ của nhận thức Vô Ngã và thực hành Vô Ngã. Thực hành bằng cách chân không hoá ý thức. Trong kinh Trung Bộ (Majjihima Nikaya III) đức Phật dạy các đệ tử của Ngài cách thực hành bằng phương pháp chân không hoá ý thức một cách từ từ. Phải, đạo Phật là đạo thực hành, nếu con người muốn giải thoát ra khỏi luân hồi khổ đau, thì phải triệt để phá chấp, phá chấp tiểu ngã cũng như phá luôn cả thành trì cuối cùng mà Bà La Môn Giáo gọi là Đại Ngã, hay là cái gì đi nữa và cuối cùng phải phá luôn cả cái ý niệm phá đó nữa. Hòa Thượng Thích Minh Châu, trong một bài diễn giảng tại Viện Đại Học Vạn Hạnh cho rằng “Khi đức Phật mở ra con đường giải thoát bằng việc phá chấp, phá bỏ tất cả mọi cố chấp và phá bỏ ngay việc cố chấp vào chính đạo Phật, đức Phật chỉ muốn cho con người ý thức tối hậu rằng chính Thực Tại hay Thực Thể cũng là biểu tượng cuối cùng mà con người phải phá huỷ, để được giải phóng toàn triệt.” [7]

Như trên đã trình bày, chúng ta thấy rõ rằng Vô Ngã - Duyên Sinh là sự khác biệt nền tảng giữa đạo Phật nói chung và Đại Thừa Phật Giáo nói riêng so với Bà La Môn Giáo. Một đằng chủ trương các thuyết liên hệ đến chấp Ngã và Ngã sở, một đằng chủ trương hết thẩy các pháp là Vô Ngã. Với nguyên lý Duyên Khởi, sáu mươi hai luận chấp về Ngã và Ngã sở của Ba La Môn Giáo được thiết lập trên căn bản ngã tính đều đã được phủ nhận tận gốc rễ và các vấn đề siêu hình bàn về nguồn gốc tự thể của các hiện hữu đều được xem là hý luận đối với nguyên lý Duyên khởi. Tuy vậy vẫn có người cho rằng Phật Giáo Đại Thừa mà sự ra đời của Tánh Không luận của Bồ Tát Long Thọ với học thuyết “Nhất thiết pháp không” không phải là đạo Phật mà là đạo Bà La Môn. Không! Phải nói ngay rằng học thuyết “Nhất thiết pháp không” không có trong tư tưởng Áo Nghĩa Thư của Bà La Môn Giáo. Nó được khai sinh từ hệ Bát Nhã, thuộc kinh tạng Đại Thừa phát sinh từ Đại Chúng Bộ, xuất hiện lần đầu tiên tại miền Nam Ấn, trung tâm truyền bá Phật Giáo Đại Thừa. Nhưng “thực chất dòng triết học này vốn đã được thai nghén từ trong kinh bộ Nguyên Thủy Nikaya trên nền móng cơ bản của những giáo lý Duyên Khởi, Vô Ngã và Vô Thường...”[8]

Được biết trong quá trình phát triển tư tưởng Phật Giáo, trong môi trường biện biệt phân tranh của xã hội Ấn thời đó, kẻ nói có, người nói không, kẻ nói vừa có lẫn vừa không, kẻ nói chẳng có lại chẳng không; Bồ Tát Long Thọ đã tái cấu trúc nguyên lý Trung Đạo trên nền tảng phủ định triệt để: “Nhất thiết pháp Không” tức “Hết thảy các pháp là Không” bằng tám cái Không; nhằm phá huỷ tất cả kiến chấp sai lầm hay mọi định kiến về có, không, sinh, diệt..v..v.. “Không” ở đây không có nghĩa là “không có gì hết” hay là “hư vô” mà là không có thật như ta đã nhận thức hay không có thật theo cái thực tướng của nó. Không ở đây cũng là Trung Đạo, nó không dẫn tới có hay không, không dẫn tới chấp nhận hay phủ nhận. Trung đạo ở đây không phải là trung đạo, theo nghĩa ở ngoài hai cực đoan mà là con đường dẫn đến Niết Bàn, “con đường huỷ diệt mọi con đường, via negativa, con đường tự huỷ diệt...” [9]

Niết Bàn là Chân Không, là Bản thể tuyệt đối bất sinh bất diệt như trong Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt” nghĩa là tướng Chân Không của các pháp (tức các hiện tượng) không sinh không diệt.

Thật ra, Trung Đạo của Đức Phật và Trung Đạo trong Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ tuy có khác nhau ở chỗ Trung Quán Luận là một hệ thống luận lý, nhưng không vì thế mà Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ khác biệt hay chống trái với giáo lý đạo Phật Nguyên Thủy. Qủa là như vậy, trong Kinh Pháp Cú có nói: “Tu sĩ đạt tới chân không (sunna), tâm linh tịch tịnh (santacitta), họ đạt được một niềm hoan lạc không thuộc trần thế (amânusi rati) khi họ đã đạt pháp hoàn thiện.[10]. Pháp hoàn thiện ở đây được hiểu là chân không. Ngoài ra trong cả hai hệ kinh tạng tiếng Pali và tiếng Hán đều có hai bộ kinh nói về Không: Kinh Tiểu Không (Pali) [11] Kinh Đại Không (Pali) [12], Kinh Tiểu Không (Hán) [13], Kinh Đại Không (Hán), [14] đều trình bày khá rõ ràng nghĩa chữ Không.

Điểm thiết yếu trong nền triết học Tánh không của Bồ Tát Long Thọ là muốn minh giải về Bản thể tuyệt đối, điều mà xưa kia Phật ít muốn giải bày. “Việc triển khai giáo lý của phái Đại Thừa có lẽ cũng không trái với ý muốn của Đức Thích Ca, vì ở thời đức Thích Ca, dân trí còn thấp kém, nên có lẽ đức Thích Ca đã không muốn lý giải những vấn đề siêu hình. Tới thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, dân trí đã mở mang hơn, lại thêm các tông phái Bà La Môn đều nảy nở, nền giáo lý Phật cần phải triển khai mới có thể tồn tại được..”[15]. Ngoài ra, việc minh giải của Bồ Tát Long Thọ cũng không ngoài quan điểm chính thống của đức Phật Thích Ca từng nhấn mạnh về con đường trung đạo và nguyên lý Duyên Khởi. Long Thọ cho rằng tất cả các pháp trên thế gian này đều nương tựa lẫn vào nhau để mà sinh khởi. Về Bản thể tuyệt đối, Long Thọ nói rằng không thể lý giải theo những quan niệm của thế gian được vì nó là bất khả thuyết bởi ngôn ngữ. Nó ngoài phạm trù tứ cú của thế gian, nên chỉ tạm gọi là Chân Không. Chân Không cũng còn được gọi là Niết Bàn.

Tưởng cũng cần ghi chú thêm ở đây là trước Bồ Tát Long Thọ 100 năm có Bồ Tát Mã Minh ra đời vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, tức vào cao điểm của thời kỳ phân phái trong Phật giáo và cũng vào thời điểm thịnh hành của Bà La Môn Giáo. Mã Minh theo Đại chúng bộ tức phái cấp tiến, đã trước tác thiên trường ca bất hủ về cuộc đời Phật Thích Ca, thần thánh hoá Ngài là con người vũ trụ. Về địa hạt tirết học, Mã Minh trước tác bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận, trong đó Mã Minh mô tả về Tự thể và Bản thể tuyệt đối (hay Chân như) và sự liên hệ giữ chúng với nhau qua ví dụ sóng và nước trong biển cả đại dương. Bản thể tuyệt đối như là nước đại dương bao la, còn các Tự thể chúng sinh như những làn sóng. Nước của đại dương tức là cái bản chất phẳng lặng thường tịch, vô sinh vô trụ của Bản thể. Sóng chỉ là một thực tại tương đối sinh diệt có tính cách huyễn ảo. Sóng chỉ là nước nhấp nhô rồi lại trở về đại dương. Chính điều mô tả này mà về sau một số người cho đó là quan điểm của Phật giáo và một số người khác cho rằng đó là quan điểm của Bà La Môn Giáo. Tuy nhiên, xét cho kỹ chúng ta thấy rằng đó là thuyết “vạn vật đồng nhất thể” vốn hàm chứa trong kinh Vệ Đà và cũng là quan niệm của Áo Nghĩa Thư Upanishads, thường được gọi là Adwaita, tức Phi Nhị Nguyên môn, nghĩa là không có hai. Nguyệt Khê Thiền Sư cho rằng: “Đại Thừa Khởi Tín Luận lấy nước dụ cho Chơn Như, lấy sóng dụ cho sanh diệt, ấy là sai lầm “ và nói: “tác giả Đại Thừa Khởi Tín Luận là ngoại đạo mạo danh Ngài Mã Minh để truyền bá...” Ngài Nguyện Khê giải thích: “Chân như là bản thể Phật tánh, sanh diệt là tác dụng vọng tưởng của bộ não, hai thứ chẳng dính dáng với nhau, Chơn như là như như bất động, chẳng có biến đổi, chẳng khởi vọng niệm, nếu Chơn như hay khởi vọng niệm sanh diệt như nước nổi làn sóng thì Chơn như cũng có sanh diệt luân hồi, chẳng phải bản thể cùng tột của Phật tánh. Kinh Lăng Già dùng nước biển dụ cho thức thứ tám, làn sóng dụ cho thức thứ bảy mới đúng với chánh lý...” [16]

Trong khi tiểu Ngã của Ba La Môn Giáo tìm cách giải thoát bằng cách hoà đồng vào Đại Ngã, thì người Phật giáo giải thoát bằng cách chân không hoá tất cả mọi ý niệm, mọi tư tưởng chấp ngã và đam mê, xem chính mình là không, vạn sự vạn hữu là không để đạt Chân không, trong đó không còn có phân biệt chủ thể với khách thể, không còn có ý thức với vô thức, không còn có hữu hay vô, mà chỉ còn là tuyệt đối Chân không. Chân Không ở đây cần hiểu là Chân Không Diệu Hữu. Đối với Phật Giáo, tất cả những ý niệm chủ khách, sắc không, niết bàn-sinh tử, hữu-vô, nhị nguyên-nhất nguyên, thường-đoạn, đều chỉ là những vọng chấp đối đãi. Trong sự giải thoát này không thể nói tới việc hoà đồng hay hoà nhập được vì muốn hoà đồng hay hoà nhập phải đòi hỏi sự hiện diện của hai hữu thể hay ngã thể mà trạng thái Chân không hay Niết Bàn lại chính là trạng thái trong đó mọi tư tưởng, mọi ý niệm bao gồm ý niệm về chấp ngã và ngã sở đều tịch diệt. Cái giải thoát của Bà La Môn Giáo chưa thể xem là giải thoát được vì vẫn còn Ngã, dù là Đại Ngã. Phật Giáo không chủ trương có hay không có Thượng Đế. Không chủ trương có hay không có Đại Ngã hay bất cứ nguyên lý tối cao nào ngoài nguyên lý Duyên Khởi.

Thật ra Bà La Môn Giáo có rất nhiều tông phái và quan niệm giải thoát của họ cũng có nhiều dị biệt với nhau. Gần thời đại chúng ta, họ có sáu tông phái chính với nguyên tử luận, luân lý luận, số luận, nhị nguyên luận, nhất nguyên luận và phi nhị môn luận. Trong số đó có phái Vedanta, một hệ phái được xem là chính thống hơn hết của Bà La Môn Giáo. Phái này còn gọi là phi nhị pháp môn, nghĩa là không có hai (Adwaita), cũng hàm nghĩa vạn vật đồng nhất thể. Đối với Phật Giáo, giáo lý đạo Phật là một pháp môn phi nhất, phi nhị, phi hữu, phi vô, phi sắc, phi không, phi đa nguyên, phi thiểu nguyên. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận tất cả, mà theo Trung Quán Luận, “nói phủ định nhằm khẳng định, khẳng định một “chân trời” không bao giờ hiện hữu trong tương quan đối đãi..”[17] . Điều này cũng chính là “ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành ý diệt”. Mọi tư tưởng chấp Ngã, tiểu Ngã lẫn đại Ngã đều bị quét sạch, kể cái công cụ quét cũng bị quét luôn. Ngay cả đến giáo lý của Phật giảng dạy chỉ là phương tiện như là con đò đưa người qua sông. Khi đã đến được bến đò thì phải bỏ đò và người đưa đò tức Phật cũng phải bỏ luôn và phải bỏ luôn cả cái vọng chấp gọi là bến đò nữa mới có thể đạt tới cái mà sách vở gọi là Niết Bàn, Chơn Như.

Đối với Phật Giáo, không có vấn đề nhập Niết Bàn hay trở thành Niết Bàn Bởi vì có nhập, có vào hay có trở thành là có đối đãi, còn trong vòng nhị nguyên tương đối. Niết Bàn hay Chân Như siêu việt tất cả nên người ta nói Như Lai tịch diệt hay Như Lai Niết Bàn thế thôi. Niết Bàn chính là Chân không và Chân không chính là Niết Bàn. Vậy thử hỏi Niết Bàn và thế gian hay Phật và chúng sinh là hai hay một? Theo chủ thuyết Bất Nhị của Vệ Đà Vedanta thì không có hai (Adwaita), tiểu Ngã hoà nhập với Đại Ngã thành một, không có gì khác biệt. Nhưng đối với Phật giáo, Long Thọ Bồ Tát nói rằng: “Niết Bàn và thế gian không có gì sai biệt. Niết Bàn và thế gian chúng không hai, không khác.” Đây là một điểm khó hiểu và dễ gây ngộ nhận, nhưng Thiền Sư Bạch Ẩn đã cho một ví dụ rất dễ hiểu về sự nhất tính giữa Phật và chúng sanh hay giữa Niết Bàn và thế gian. Ông viện dẫn “băng (ice), mà bản chất là nước. Ngoài nước không thể có băng. Khi đông lạnh là băng , khi tan chảy là nước. Có một điều khó hiểu. Nếu chúng ta nói băng và nước là hai vật giống nhau. Đâu phải thế phải không? Nếu chúng ta đi mua băng (nước đá), chúng ta sẽ không nhận nước lã (water), do đó không phải tương đồng. Nhưng chúng ta không thể nói rằng băng và nước không giống nhau, bởi vì ngoài nước không có băng, cả hai không phải dị biệt. Băng và nước không phải đồng cũng không phải dị. Sự tương quan giữa Phật và chúng sinh (hay giữa Niết Bàn và thế gian cũng thế)”. [18]

Vì bài viết có giới hạn nên chúng tôi chỉ có thể trình bày vài điểm khác biệt quan yếu có tính cách nền tảng giữa đạo Phật và đạo Bà La Môn. Đó là tính chất bình đẳng và nguyên lý Duyên khởi của đạo Phật. Dù bất cứ một bộ phái hay tông phái Phật Giáo nào từ trước cho đến ngày nay cũng đều phải thừa nhận đó là những nét nền tảng khác biệt giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo. Vậy những ai cho rằng Phật Giáo Đại Thừa là Bà La Môn Giáo quả là một điều không tưởng.

Hoàng Liên Tâm

Kinh Sách Dẫn Chiếu:

[1] Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ I, Kinh Phạm Võng, tr. 11-91, Viện Nghiên Cứu PHVN 1991
[2] Thích Minh Châu, Kinh tạng Bắc Tông, Kinh Tạp A Hàm, Kinh số 262, quyển thứ 10 và Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát long Thọ sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, cũng nói rất rõ rằng Tam Pháp Ấn là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn.
[3] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ I, số 28 Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, tr. 422, ĐTKVN Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam 1992, Tương Ưng Bộ III, tr. 144 và Tiểu Bộ Kinh I, tr. 48
[4] Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ II, Kinh Tương Ưng Nhân Duyên, bản dịch của Thích Minh Châu, Tu Thư Phật Học Vạn Hạnh 1982 tr. 5
[5] Đại Thừa và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, nguyên tác:Nalinaksha. Dutt, bản dịch HT. Minh Châu, NXB TP. HCM 1999, tr. 80
[6] Trái Tim của Bụt, Thích Nhất Hạnh, tr. 27, Lá Bối 1999
[7] Thích Minh Châu, Tôn giáo Phải Là Con Đường Giải Thoát Cho Việt Nam và Thế Giới, Tư Tưởng Vạn Hạnh, Số I (8-67), trang. 368
[8] Lịch Sử Tư Tưởng Và Triết Học Tánh Không, Thích Tâm Thiện NXB TP. HCM 1999, tr. 14
[9] Phạm Công Thiện, Hố Thẳm Tư Tưởng, An Tiêm Saigon tái bàn lần 2, tr. 167
[10] Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Thiền Viện Vạn Hạnh 1996 tr. 202 nguyên văn chữ Pali và Việt như sau:
Sunnàgàram pavitthasa / Bước vào ngôi nhà trống,
Santacittassa bhikkuno / Tỳ kheo tâm an tịnh,
Amànusì ratì hoti / Thọ hưởng vui siêu nhân
Sammà dhammam vipassato. / Tịnh quán theo chánh pháp.
[11] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ III, 121 Kinh Tiểu Không tr. 291-299 (Pali Tạng)
[12] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ III, 122 Kinh Đại Không tr. 301-315 (Pali Tạng)
[13] Thích Thiện Siêu, Kinh Trung A Hàm, Tiểu Không Kinh, số 190, Đại I, 736c (Hán Tạng)
[14] Thích Thiện Siêu, Kinh Trung A Hàm, Đại Không Kinh, số 191, Đại I, 738 a (Hán Tạng)
[15] Nghiêm Xuân Hồng, Biện Chứng Giải Thoát trong Tư Tường Ấn Độ, Ấn Quán Hy Mã Lạp Sơn Saigon 1966
[16] Nguyệt Khê Thiền Sư-Việt dịch: Thích Duy Lực, Cội Nguồn Truyền Thừa và Phương Pháp Tu Trì của Thiền Tông, Từ Ân Thiền Đường 1991, tr. 79
[17] Thích Tâm Thiện, Lịch Sử Tư Tưởngvà Triết Học Tánh không,NXB TP. HCM 1999, tr. 122
[18] Ama Kuki Sessan - Bạch Ẩn Thìền Định Ca, Việt dịch Bạch Hạc, Viên Chiếu 1988, tr. 67

Đối Cảnh Vô Tâm

Tôi được một người bạn giới thiệu thuvienhoasen.org webpage nên vào đây xem và mong rằng có bạn nào đó có thể giúp tôi giải quyết một vấn đề là làm sao "Đối cảnh vô tâm". Tôi đối cảnh tâm thường khởi hay thấy việc xấu tốt hay dở phải quấy của người mà chẳng chịu thấy lỗi mình vì vậy nên bị cái cảm giác vui buồn hờn dỗi bất chợt dẫn dắt đến mệt luôn, trở thành chướng đạo. Xin thành thật cảm ơn.

TRẢ LỜI: "Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền" (*) xuất xứ từ bài kệ của vua Trần Nhân Tông, diễn tả tâm thái giải thoát của người tu hành. Trạng thái tâm này là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài. Đối với cảnh bên ngoài, dù đẹp hay xấu, trái hay phải, thuận hay nghịch, tiếng khen hay tiếng chê, mà tâm không hề xao xuyến, không hề dấy động, tâm như như bất động. Vậy làm thế nào đạt được "đối cảnh vô tâm", làm sao sáu căn không dính với sáu trần? Làm sao mắt thấy sắc không dính với sắc, tai nghe tiếng không dính với tiếng, mũi ngửi mùi không dính với mùi...? Đây chính là tâm yếu của người tu hành và là đối tượng của tám mươi bốn ngàn pháp tu trong đạo Phật.

Có một bầy khỉ, con khỉ chúa lãnh đạo bầy khỉ nhỏ, không cho phép khỉ bỏ bầy đi kiếm ăn một mình nguy hiểm. Nhưng trong bầy có một con khỉ tham ăn, tách ra khỏi bầy đi kiếm ăn riêng lẻ. Chẳng may gặp người thợ săn dùng một loại cây nhựa thật dính làm bẫy, bên cạnh cây nhựa là những miếng mồi ngon nhử khỉ. Vì lòng tham nên chú khỉ ta vừa chụp lấy mồi nên hai tay bị dính nhựa, rối hay chân cũng bị dính luôn, thế là người thợ săn bắt về.

Qua câu chuyện này chúng ta thấy rằng , khi sáu căn tức sáu bộ phận của con khỉ bị dính bẫy rồi, người ta bắt dễ dàng không ai có thể cứu được. Cũng như vậy chúng ta, mắt thấy sắc liền nhiễm sắc, tai nghe tiếng liền nhiễm tiếng cho đến sáu căn bị dính chặt vào sáu trần liền bị nô lệ, bị sai sử. Vì thế chúng ta nên nghe theo lời dạy của đức Phật là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì chúng ta đừng đuổi theo, đừng để dính mắc. Đuổi theo là tham cầu, dính mắc là nhiễm trước. Không tham cầu, không nhiễm trước tức là được giải thoát.

Cũng như vậy, chúng ta giống như đứa bé thò tay vào hũ kẹo. Khi tay không, nó thò vào dễ dàng, nhưng vì thích kẹo quá nên nó nắm thật nhiều, không thể nào rút tay ra được.... Muốn rút tay ra được chỉ cần buông bỏ kẹo. Đức Phật dạy chúng ta đừng dính với sáu trần, các tổ dạy chúng ta buông xả, đừng tiếc, đừng tham như đứa trẻ tham kẹo hay đừng tham như con khỉ tham muì thơm.

Dù pháp môn nào, người tu Phật cũng phải lấy giới làm đầu. Giữ giới cũng chính là giữ cho sáu căn không duyên với sáu trần. Dù pháp môn nào, người tu Phật cũng bắt đầu bằng thực hành hạnh xả, xả thân và xả tâm. Xả thân là giảm thiểu tối đa những nhu cầu tiêu thụ không cần thiết hàng ngày, thí dụ có một đôi dầy, không mua đôi dầy thứ hai, có năm áo mặc, không mua thêm áo thứ sáu dù là đang on sale.... mục đích đừng cho thân đắm trước cảnh ngũ dục. Còn xả tâm tức tự thanh tịnh hóa tâm, khi tâm vừa dấy niệm liền buông xả ngay. Đây là đối tượng của của các pháp tu thiền. Dù pháp thiền nào, người tu cũng phải cần thấy rõ thân, tâm và cảnh, cả ba đều là không thật, là như huyễn. Muốn được như vậy chúng ta cần phải phá ba cái chấp: chấp tâm, chấp thân và chấp cảnh. Pháp chấp tâm là gốc, nếu thấy niệm dấy khởi biết liền nó là hư vọng, tức là đã phá chấp tâm và tâm hư vọng đã không thật thì thân và cảnh làm sao thật. Cư sĩ Bàng Long Uẩn, trước khi thị tịch có nói rằng: "Xin chư vị, hãy coi những cái hiện hữu là không và cũng đừng coi cái không là thật. Tất cả thế gian này đều như bóng, như vang." (I beg you just to regard as empty all that is existent and to beware of taking as real all that is non-existent. Fare you well in the world. All is like shadows and echoes.)

Kinh Lăng Nghiêm nói: "Luân hồi sanh tử cũng do lục căn, giải thoát tự tại cũng do lục căn" Do đó muốn giải thoát, được chứng Niết Bàn, phải đóng cửa lục căn lại. Đóng cửa lục căn tức là đừng để sáu căn nhiễm dính với sáu trần. Và muốn đóng cửa lục căn, theo pháp môn thiền tham thoại đầu là phải phát khởi nghi tình, do nghi tình mà nhiếp cả lục căn, lúc nghi tình khởi là lúc mắt thấy vẫn thấy, nhưng thấy như không thấy; tai nghe vẫn nghe, nhưng nghe như chẳng nghe. Mắt thấy tai nghe mà vẫn không dính mắc, các căn khác cũng vậy, ai chê hay khen gì cũng không dính, ai nói mình ngu dốt cũng không màng, cái gì xấu đẹp trước mắt cũng không lưu tâm đến. Hễ có niệm biết tức là chưa khởi nghi tình thì chẳng thể nhiếp được sáu căn. Đối với pháp môn tu niệm Phật, dùng niệm nhiếp niệm, trong tâm mặc niệm bốn chữ A Di Đà Phật, một cách đều đặn, mới đầu chú tâm vào chữ A, sau dùng mắt tâm chiếu soi vào trong thân tâm tìm xem tướng chuyển động của làn sóng mặc niệm ở đâu cho đến khi tất cả niệm tưởng lao xao đều qui tụ về một điểm, rồi dần dần nhất tâm cũng không còn, đưa hành giả đi vào thế giới lúc nào cũng được tâm thể vô niệm.

Trong kinh Tạp A Hàm có kể một câu chuyện Ngài Phú Lâu Na trình xin với Phật đến một nơi vắng vẻ tu hành và xin Ngài chỉ dạy chỗ tâm yếu để chóng đạt đạo. Đức Phật dạy:

– Muốn đạt được chỗ tâm yếu đó không gì hơn là mắt thấy sắc đừng bị sắc trói cột, đừng dính với sắc. Tai nghe tiếng đừng để tiếng lôi cuốn, đừng dính nhiễm với tiếng. Mũi ngửi mùi đừng bị mùi cột trói, đừng dính mắc với mùi. Lưỡi nếm đừng bị vị trói buộc, đừng dính mắc với vị. Thân xúc chạm dù cho êm ái nhẹ nhàng vui thích hay thô nhám khó chịu cũng không bị dính cột trói, đừng dính mắc với xúc. Ý duyên với pháp trần không bị pháp trần lôi dẫn, không dính mắc với pháp trần. Nếu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, không dính mắc với sáu trần, đó là nhân đến Niết bàn.

Nghe Phật dạy như vậy rồi, ngài Phú Lâu Na đảnh lễ từ giã Thế Tôn, xin tìm một chỗ vắng vẻ tu. Đức Phật hỏi ngài định đi đâu, ngài thưa định sang một nước ở phương Tây để tu.

Đức Phật nói:

– Ta nghe dân xứ ấy hung dữ lắm, ông qua đó họ làm khó, làm sao tu được?
Ngài Phú Lâu Na bạch:

– Bạch Thế Tôn, nếu người ta khó dễ với con, con vẫn can đảm tinh tấn tu.

Phật hỏi:

– Giả sử như họ chửi mắng ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ chửi mắng con là vẫn còn hiền vì chưa đánh đập con.

– Giả sử họ dùng tay chân đánh ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng tay chân đánh con là vẫn còn hiền vì chưa dùng dao gậy đánh con.

– Giả sử họ dùng tới dao gậy đánh ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng dao gậy đánh con là vẫn còn hiền vì chưa giết con.

– Giả sử họ giết ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ giết con thì cũng tốt vì họ giải quyết sớm giùm con thân ô uế này. Con cám ơn họ nhiều hơn.

Bấy giờ Phật bảo:

– Nếu ông được như vậy thì nên qua đó tu.

Ngài Phú Lâu Na với pháp Phật dạy và ý chí sắt đá đã qua xứ ấy tu, chỉ ba tháng liền chứng quả A la hán.

Nói tóm lại, tất cả các pháp môn của Phật khi chúng ta hành trì miên mật đều đưa đến đối cảnh vô tâm:

Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân.

Ban Biên Tập TVHS

(*)
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia tung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Quan Điểm Của Phật Giáo Về Pháp Môn Niệm Phật

Đã từ lâu, tôi phát tâm tu tập pháp môn niệm Phật, niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, cầu vãng sanh Tịnh độ. Tôi cảm nhận được sự an ổn thân tâm và dần thiết lập được niềm tin vững chắc vào pháp môn. Gần đây, một người bạn cho tôi mượn 2 bộ VCD, "Tiến trình niệm Phật" và "Đất" của thầy Chân Quang. Xem xong 4 đĩa VCD này tôi thật bàng hoàng vì những lời giảng vô cùng lạ lẫm, đơn cử như "Niệm Phật đừng nguyện thành Phật mà thành đất…" (VCD - Đất) hay "Niệm Phật thành đất, chắc gì được vãng sanh mà nguyện…" (VCD - Tiến trình niệm Phật). Vậy, kính mong quý Báo cho biết quan điểm của Phật giáo về pháp môn niệm Phật mà tôi đang hành trì để giữ vững niềm tin trong quá trình tu tập.

TRẢ LỜI: Niệm danh Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh độ là pháp tu phổ biến của các hành giả Tịnh Độ tông. Tịnh Độ là một trong những tông phái lớn của Phật giáo Bắc truyền, có kinh luận y cứ rõ ràng, được chư vị Tổ sư thế thứ truyền thừa, rất nhiều hành giả niệm Phật được vãng sanh (Tứ chúng vãng sanh truyện). Đặc biệt, Tịnh Độ tông có số lượng tín đồ đông đảo, nhất là ở các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Vì vậy, thật xác đáng khi nhận xét "Ở các xứ Bắc tông Phật giáo, những người xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà chiếm phần tối đa" (Thích Thiền Tâm, Niệm Phật thập yếu, tr.14).

Khởi nguyên, giáo nghĩa Tịnh độ được hình thành và phát triển ở Ấn Độ, là một đường lối tu tập nhưng chưa hình thành tông phái. Khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc (cuối thế kỷ thứ I), khoảng thế kỷ thứ III, kinh điển Tịnh độ mới xuất hiện và đến thế kỷ VI thì giáo nghĩa Tịnh Độ tông xem như hoàn chỉnh. Ngoài ba bộ kinh nền tảng là kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ, còn có Vãng sanh Tịnh độ luận (Thế Thân) và rất nhiều kinh điển Đại thừa ca ngợi tư tưởng Tịnh độ như Hoa Nghiêm, Phương Đẳng, Bửu Tích…

Khai sáng Tịnh Độ tông Trung Quốc là Sơ tổ Huệ Viễn (333-416). Ngài thành lập Bạch Liên xã, tổ chức tu tập niệm hồng danh Phật A Di Đà tại chùa Đông Lâm, ở Lô Sơn. Sau đó, liên tông chư Tổ thế thứ truyền thừa đến Ấn Quang đại sư (1862-1940), Tổ sư thứ mười ba. Tại Việt Nam, giáo nghĩa Tịnh độ được truyền vào rất sớm, "sự có mặt của giáo lý Tịnh độ ở Việt Nam được đánh dấu chậm lắm là vào khoảng giữa thế kỷ thứ mười một" (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tr.202). Theo Thiền uyển tập anh, năm 1141 chùa Quỳnh Lâm đã tạc tượng Phật A Di Đà. Đời Trần, Trần Thái Tông (1218-1277) đã chủ trương tu tập niệm Phật (Khóa hư lục). Đến Trần Nhân Tông (1258-1308) đã xác định rõ, "Phật tử nước ta thời ấy, niệm Phật là niệm Đức Phật A Di Đà" (Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, tr.275).

Đường lối tu tập của Tịnh Độ dựa trên ba nguyên tắc Tín - Nguyện - Hạnh. Tín thâm, nguyện thiết và hạnh chuyên là cơ sở vững chắc để thành tựu vãng sanh. Có nhiều phương thức niệm Phật nhưng trì danh niệm Phật rất thích hợp với quần chúng, số đông. Vãng sanh Cực Lạc là kết quả của những hành giả tu tập niệm Phật đạt đến nhất tâm. Dù quả vị trong chín phẩm có cao thấp, thượng hạ, song được sanh về Tịnh độ chắc chắn sẽ "bất thối", không còn đọa lạc, theo thời gian sẽ đến ngày chứng quả Vô sanh. Mặt khác, theo kinh Vô Lượng Thọ, với 48 lời nguyện của Đức A Di Đà, thì ngoài tự lực còn có tha lực nên niệm Phật trở thành pháp môn "dễ tu, dễ chứng". Do vậy, Tịnh Độ tông truyền bá rất rộng rãi, được nhiều người hưởng ứng, tu tập.

Như vậy, niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh độ là pháp môn tu tập chính thống của Phật giáo, không một ai có thể bài bác, đả kích hoặc phủ nhận. Thiền sư Thiên Như khẳng định "Đời mạt pháp về sau, bốn chữ A Di Đà Phật để cứu độ chúng sanh. Nếu ai không tin, tất sẽ bị đọa địa ngục" (Thiên Như ký ngữ - Thích Thiền Tâm, sđd, tr 15). Những ai có duyên với pháp môn niệm Phật thì hãy giữ vững niềm tin vào Chánh pháp, nỗ lực và tinh tấn hơn nữa để niệm Phật đạt đến nhất tâm.

Trở lại vấn đề 2 bộ VCD, "Tiến trình niệm Phật" và "Đất" của thầy Chân Quang, theo chúng tôi, trong thuyết pháp có vấn đề đối cơ, tức tùy căn cơ của hội chúng mà nói pháp. Bạn nghe xong 2 bộ VCD ấy cảm thấy "bàng hoàng vì những lời giảng vô cùng lạ lẫm" có thể do bạn không phải là người đương cơ để cảm nhận những vấn đề thuộc "ý tại ngôn ngoại"!? Đã xác định mình không phải đối tượng của "pháp thoại" ấy thì hãy xem như "gió theo lối gió, mây đường mây", do đó bạn cứ an tâm tu tập với pháp môn của mình.

Chế Ngự Năng Lượng Tình Dục

Con là Phật tử xuất gia ở trong nước, tuy xuất gia nhưng thường bị vấn đề nam nữ quấy nhiễu. Vào mùa hè trong chùa có các cô thiếu nữ mặc áo quần mỏng manh, tâm lý và sinh lý của người trẻ tuổi đương nhiên sẽ có rất nhiều sự phản ứng. Xin hỏi người xuất gia nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

TRẢ LỜI: Việc này rất khó! Trong nước khó, ở nước ngoài còn khó hơn vì ở nước ngoài còn phóng khoáng hơn trong nước. Đây là sự khảo nghiệm của bạn, nếu bạn có thể vượt quacửa ải này thì sẽ có thành tựu [sau này]. Nếu khôngvượt qua nổi cửa ải này, tốt nhất nên hoàn tục kết hôn, làm Phật tử tại gia cũng tốt. Trong thời đại hiện nay, những người tại gia học Phật thành công rất nhiều, các người niệm Phật ở trong và ngoài nước vãng sanh có được tướng lành vô cùnghy hữu, [trong số] người vãng sanh đích thật tại gia nhiều hơn xuất gia, vả lại nữ nhiều hơn nam.

Người trẻ tuổi nhất định phải biết tránh và giảm bớttiếp xúc. Nhưng trên thực tế thì rất khó khăn, nguyên nhân là hiện nay đạo tràng không có nguồn cung cấp tài chánh và phải hoàn toàn nhờ vào sự cúng dường của tín chúng tại gia, cho nên [họ] không thể khônggiao thiệp, không tiếp đãitín đồ. Vì vậy người chân chánh xuất gianhất định phải tìm hoàn cảnhtịch tĩnh để tu học, nơi này Thế Tôn gọi là ‘A lan nhã’.

Thời xưa chùa chiền được xây dựng trong núi sâu, ít có người qua lại, giao thông bất tiện, hoàn cảnhtu học rất thanh tịnh. Nhưng ngày nay giao thông thuận lợi, tuy tòng lâmtự viện xây trên núi cao vì sợ phiền hà, nhưng có đường lộ dẫn lên tận chỗ, xe cộ cũng có thể lên núi, như vậy thì làm sao có thể tu hành? Vì vậy nên lựa chọn những hoàn cảnhthanh tịnh, tách rời và cách xa thế giới bên ngoài để tu học, những nơi như vậy dễ [nuôi] dưỡng đạo.

Người trẻ tuổi học Phật thành tựu được đều dựa trên chữ ‘duyên’, tự mình phải xử lý nhân duyêntu học của mình cho tốt đẹp. Duyên quan trọng nhất là thân cận thiện tri thức, đạo tràng, và bạn đồng tu. Đầy đủ ba thứ duyên này thì có thể thành công.

Hoà ThượngTịnh Không

Bài đọc thêm:

ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
theo pháp Lăng Nghiêm Đại Định.
HT. Thích Huệ Hưng Phỏng dịch

Các kinh vì lòng từ để nhiếp hóa chúng sanh nêu giới sát làm đầu. Riêng kinh LĂNG NGHIÊM, nêu giới dâm đầu tiên, vì chơn tu phải lấy sự ly dục làm gốc.

Vì khí chất của tâm dục thô trược làm ô nhiễm tánh thể diệu minh, tánh dục cuồng mê dễ làm mất năng lựcchánh định, đọa lạcsanh tử che mất tự tánh chơn thường, vì vậy giới dâm phải đứng đầu.

Tôn chỉ kinh này là đại định, mà dâm ái là điều tai hại lớn cho môn định, nên khởi đầu kinh lấy nguyên nhân ông ANAN, em Phật, bị sa vào tay dâm nữ để khai thị–y cứ vào hảo tướngtrang nghiêm đầy công đức của Phật–ANAN đã phát tâmtu hành, quên căn bản tánh dục tự tâm chưa diệt sạch, nên đã bị ma nữcám dỗ, liền bị sa ngã. Phật bảo ANAN:–Thế nào là nhiếp tâm? Ta gọi là giới. Trong luật những tội có phân ra nặng nhẹ, mà tội dâm, sát, đạo, vọng là nặng nhất.

Nói về giới dâm, nếu chúng sanh trong sáu nẻo tâm không khởi dâm, thì sanh tử sẽ chấm dứt. Chẳng những thân không phạm dâm, tâm cũng không móng niệm. Chúng sanh vì từ nơi dâm mới có tánh mạng, nên bị ràng buộc mãi trong vòngsanh tử. Nay tu nhĩ căntam muộiviên thông, bổn ý ra khởi trần lao.

Nếu tâm dâm không diệt thì hai món kiến hoặc và tư hoặc khó hết làm sao ra khỏi trần lao sanh tử! Dẫu có nhiều trí tuệ biện tàithông suốt, thiền địnhhiện racảnh giớitốt đẹp, mà tâm dâm không dứt, lúc thiện định niệm dâm không xã, suy tư lăng xăng, cảnh dục theo đó sẽ hiện ra. Tâm niệm ở trong cảnh dục, mà cảnh dục chẳng khác cảnh ma, chắc chắn sẽ lạc vào đường ma. Tùy theo phúc báu dày mỏng, có ba loại ma: Thượng, Trung, Hạ. Nếu không làm Ma Vương thì làm ma dân hoặc ma nữ. Những người có chí xuất trần quyết phải đoạn trừ thân dâm và tâm dâm. Thân dâm do từ tâm, tâm dâm do từ niệm rong ruổi sanh ra. Một niệm không sanh thì thân tâm đều dứt. Nhưng tánh dứt trừ vẫn còn thì cái ái dục, đối tượng của cái dứt trừ đó vẫn chưa tiêu. Vì vậy cả ái dục và tánh dứt ái dục đều tiêu trừ như bệnh và thuốc đều sạch mới gọi là người hết bịnh, hầu mong đạt đếnđạo quảBồ Đề.

Sống hài hòa với năng lượngtình dục
Tỳ Kheo Pháp Dụng (Làng Mai)


Làm con người, ai cũng có năng lượng tình dục. Vào khoảng 12, 13 tuổi thì năng lượng này trở nên quan trọng nơi một người con trai, hay một người con gái. Có khi thì năng lượng này khá mạnh và có khả năng khuấy rối tâm tư mình. Nhưng đây lại là một chuyện rất bình thường. Năng lượng này có thể có mặt ở trong ta cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Vì vậy ta nên tập sống hòa bình với năng lượng tình dục. Ta phải hiểu nó, thay vì chán ghét hay là chạy theo.

Vì vậy ta nên tập sống hòa bình với năng lượngtình dục. Ta phải hiểu nó, thay vì chán ghét hay là chạy theo. Nếu không hiểu, ta dễ dàng bị năng lượng này sai sử, làm những việc mà sau đó ta hối hận. Nhưng học hỏi, tìm hiểucần phải có phương pháp và có thời gian. Thiền tập giúp cho ta một phương phápcụ thể để nhận diệnnăng lượngtình dục. Và chính lòng kiên nhẫn giúp cho ta có thời gian. Bài học đầu tiên mà ta có thể áp dụng là:

1.Công nhận rằng ai cũng có năng lượngtình dục, và ta không nằm ngoài thông lệ đó.

Trong khi sống đời sống hàng ngày, ta cần nhận diện mỗi khi năng lượng này xuất hiện. Ta đừng ngạc nhiên hay xấu hổ. Ta chỉ cần nhận diện: đây là năng lượngtình dục của ta. Khi ta thấy được thì nó trở nên ít nguy hiểm hơn. Có khi nó xuất hiện với một cảm giácthích thú, dễ chịu. Nhưng nếu quan sát cho kỹ lưỡng thì nhiều lúc năng lượngtình dục đi tới với một sự bức xúc. Nó mang tới cho ta sự khó chịu, bất an. Nó bắt ta phải làm, phải nói những việc, những lời mà ta không muốn. Cho nên ta có thể thấy rõ là:

2. Năng lượngtình dục thường mang tới cho ta sự bức xúc, khó chịu và bất an.

Điều này ít người nhìn thấy lắm, cho nên họ mới dễ dàng trở thành nạn nhân của năng lượngtình dục. Thiền tập giúp ta thấy rõ được thực tại. Không có thiền tập, ta không nhận diện được mặt mũi chân thật của năng lượngtình dục và có thể mãi mãi là nạn nhân của năng lượng này, có người đã 70 tuổi rồi mà vẫn chưa thoát khỏi. Sở dĩ nó chi phối ta là vì ta không thấy được bản chất của nó. Trong đạo Bụt, sự giải thoát, tự do luôn luôn được đặt nền tảng trên sự hiểu biết. Hiểu biết tức là trí tuệ. Mà hiểu được thì ta thương được. Ta biết đối xử với năng lượngtình dục trong ta bằng một tấm lòng cởi mở, từ hòa.

3. Hãy tập đối xử với năng lượngtình dục bằng tấm lòng từ hòa.

Bạn đừng quá khó khăn với chính mình. Năng lượngtình dục cũng chỉ chính là mình mà thôi. Nếu ta đối xử với năng lượngtình dục bằng sự hiểu biết thì ta đang chăm sóc ta một cách rất hay. Mỗi khi năng lượng này phát khởi, ta biết phải làm gì để chăm sóc nó. Chẳng hạn như ta đi dạo. Cách hay nhất để giải tỏa sự bức xúc do năng lượngtình dục mang tới không phải là đàn áp hay phán xét nó. Hễ còn phán xét, đàn áp nó thì ta còn là nạn nhân của năng lượng này. Ta nên chấp nhận sự có mặt của nó trong tâm ta. Không phải là tiêu diệt được năng lượngtình dục rồi thì ta mới có tự do. Tự do của ta được làm bằng sự hiểu biết và cảm thông.

4. Ta có thể sống hài hòa cùng với năng lượngtình dục trong ta.

Ta thường có khuynh hướng muốn tiêu diệt cái ta không ưa thích. Oái oăm thay, năng lượngtình dục càng trở nên mạnh mẽ hơn mỗi khi ta đàn áp nó. Nó là vùng năng lượngcứng đầu, khó đối trị nhất ở trong tâm ta. Nhưng tại sao nó lại khó đối trị? Là vì ta chăm sóc nó không đúng phương pháp. Hoặc nói cách khác là ta không biết rằng mình cần phải chăm sóc cho năng lượngtình dục. Biết chăm sóc thì nó lại trở nên rất ngoan ngoãn và đôi khi lại giúp đỡ cho ta nữa. Thật vậy, nhờ biết chăm sóc cho năng lượngtình dục mà lòng từ bi, hay tình thương chân thật nơi ta được phát khởi và nuôi dưỡng. Nhận diệnnăng lượngtình dục giúp cho ta phát khởi ra năng lượngtừ bi.

5. Biết sống hài hòa với năng lượngtình dục, tình thương trong ta sẽ trở nên sâu sắc hơn.

Năng lượngtình dục không phải là xấu đâu bạn ạ. Thật ra, nó cần thiết ở trong cuộc đờichúng ta. Và nó sẽ luôn luôn có mặt trong ta. Nó chính là ta. Nếu ta biết thương nó, thì ta cũng biết thương chính ta. Và trong ta còn nhiều vùng năng lượng khác nữa, như là năng lượng giận, năng lượng ghét. Cái giận hay cái ghét cũng cần được ta chăm sóc. Nếu ta không nhận diện, quan sát, học hỏi, tìm cách chăm sóc những vùng năng lượng này thì ta rất dễ dàng trở thành nạn nhân của chúng. Muốn học nhận diện và chăm sóc thì ta cần điều kiện gì? Bằng cách nào để ta nắm được phương pháp thiền tập? Bằng cách là ta đừng sống đời sống ta một cách bận rộn. Ta cần thời gian. Muốn học điều gì cho sâu sắc, ta cần nhất là thời gian.

6. Ta cần thời gian rảnh rỗi để phát triển thiền tập và chăm sóc năng lượngtình dục của ta hiệu quả hơn.

Nhận diệnnăng lượngtình dục là một thực tập không phức tạp. Nhưng nhận diện chính là căn bản của thiền tập. Trong thiền tập, ta có thể đạt tới hiểu biết là nhờ ở sự nhận diện này. Và sự thực tập này chỉ mang tới kết quả khi ta hành trìliên tục, không gián đoạn. Ta cần có niềm tinvững chắc vào sự hành trì của mình. Và ta cần quyết tâm đối xử với năng lượngtình dục bằng một lòng thương mà thôi. Mỗi ngày, ta cần lập đi lập lại sự thực tập của ta. Chẳng hạn như ta tập ngồi thiền mỗi ngày. Có người khi ngồi thiền thì thích quán chiếu những đề tài cao siêu nhưng không hề biết chăm sóc cho năng lượngtình dục ở trong chính mình. Kết quả là mỗi khi năng lượngtình dục biểu hiện thì ngơ ngác, không biết gì hết và hoàn toàn hành xử trong vô minh. Ta sẽ bị năng lượngtình dụcsai khiến và cảm thấy sự tu tập của mình không thành công.

7. Nhận diện, quán sát và chăm sóc năng lượngtình dục ta sẽ tháo gỡ được sự ràng buộc của vùng năng lượng này.

Ta đừng quên rằng sự thật thứ nhất là khổ đế. Khổ đau là một sự thậtmầu nhiệm vì nó chỉ cho ta thấy con đường vượt thoát khổ đau. Năng lượngtình dục là một vùng năng lượng khổ đau trong ta. Ta thường lẫn lộn đây là hạnh phúc. Vì lẫn lộn cho nên ta bị nó ràng buộc. Ta phải thấy nó là khổ đau. Nhưng tại sao khổ đau lại là một sự thật mầu nhiệm? Vì khổ đau chứa trong nó mọi yếu tốcần thiết để làm ra hạnh phúc. Năng lượngtình dục giúp cho ta chế tác ra tình thương và sự hiểu biết. Năng lượngtình dục luôn luôn có mặt trong ta. Đó là một điều hết sứcbình thường. Đó là một vùng năng lượnghết sức thiết yếu. Ta không nên có thái độđam mê hay thù ghét đối với vùng năng lượng này. Ở trong người trẻ, vùng năng lượng này có thể rất mạnh. Nhưng ở người lớn tuổi, nó vẫn hoạt động âm thầm, mạnh mẽ. Ta chỉ có thể thoát khỏi nó bằng con đườngquán chiếu của thiền tập. Nhìn sâu để hiểu, để thương là con đường Bụt đã dạy giúp ta áp dụng và tháo gỡ những khó khăn của ta trong đời sống hàng ngày.

8. Chăm sóc cách ăn uống là một cách chăm sóc cho năng lượngtình dục rất hay.

Nếu ăn vừa đủ, đừng dư thừaquá mức thì nhu cầu tình dục cũng sẽ bớt lại. Có thể chúng taăn quá nhiều, quá dư thừa và năng lượngdư thừa sẽ chuyển thành năng lượngtình dục. Bớt ăn, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái hơn. Ăn chay cũng là một cách tiết dục rất có hiệu quả. Nếu không quen ăn chay, ta có thể tập ăn mỗi tuần một ngày hay hai ngày. Ta đừng cho rằng ăn chay là một sự chịu đựng, khổ hạnh. Ăn chay rất ngon. Và khi ăn chay, ta có thể nấu những món mà ta và gia đìnhưa thích. Dành một khoảng thời gianthoải mái để nấu ăn cho gia đình là một điều nên làm. Tôi nhắc lại: ăn chay hay ăn bớt lại không phải là một hình phạt đối với thân thể ta. Ta cần phải có hạnh phúc trong khi ta thực tập. Và đối với những bạn trai tôi dặn điều này: rượu bia thường làm cho năng lượngtình dụcphát khởi. Ta nên bớt uống bia, uống rượu lại. Không uống bia, uống rượu thì càng hay hơn nữa.

9. Tập tiêu thụ những sản phẩm sách báo, phim ảnh không chứa quá nhiều yếu tốkích thíchnăng lượngtình dục nơi ta.

Trong xã hội bây giờ, phim ảnh và sách báo thường chứa hình ảnhkích thíchtình dục. Những cuốn sách hay, phim hay, không hẳn phải chứa những yếu tốkích thích này. Chọn sách hay là một nghệ thuật mà ta phải cần học hỏi. Trong giới thứ năm của đạo Bụt có dạy ta không nên tiêu thụ những sản phẩm có độc tố. Điều này có nghĩa là ta cần tiêu thụ những sản phẩm có tính chấtnuôi dưỡng, dù đó là thức ănđi vào ta bằng đường miệng hay là bằng tai, bằng mắt. Có những cuốn phim được làm ra để kích thíchnăng lượngtình dục. Nhưng cũng có những cuốn phim là để trao truyền cho ta tình thương và sự hiểu biết. Nếu xem được một cuốn phim hay và lành mạnh, ta nên giới thiệu cho bạn bè ta cùng thưởng thức.

10. Tập chơi một môn thể thao để cơ thể ta biết sử dụngnăng lượng vào mục đíchlành mạnh.

Ta có thể tập chơi đá banh, bóng bàn, bóng rổ... Điều này tùy thuộc vào sự ưa thích của ta. Nhưng ưa thích cũng chỉ là một thói quen. Nếu ta tập chơi bóng bàn một hồi thì ta cảm thấythích thú. Ở trong tu viện, chúng tôi cũng chơi thể thao. Hoặc cũng có những thầy, những sư cô thích đi bộ. Mới hôm qua đây, chúng tôi cùng nhau đi bộ hai tếng đồng hồ quanh một khu lâu đài rất đẹp của xứ Pháp. Đi xong, chúng tôi rất đói bụng, ngồi xuống và lấy thức ăn ra ăn với nhau và cảm thấy tình huynh đệ trong thiền môn rất là nuôi dưỡng. Trong gia đình, trong nhóm bạn ta nên rủ nhau chơi thể thao, vận động cơ thể và đó cũng là một cách nuôi dưỡngtình thương trong nhau. Hai vợ chồng cũng có thể cùng chơi một môn thể thao. Ở Đài Loan, những cặp vợ chồng thường áp dụngphương pháp này để giải tỏa bớt sự áp bức của năng lượngtình dục. Và chơi thể thao cũng là để nuôi dưỡng niềm vui chớ không phải là một khổ hạnh, hành xác. Trong thiền tập, sự hành trì phải đi chung với niềm vui. Tu không phải là ép xác. Dù đó là sự cưỡng ép xảy ra trong phạm vi cơ thể hay tinh thần.

11. Ta cần một hướng đi tâm linh để dẫn dắt năng lượngtình dục phát triển đúng hướng.

Ngày hôm nay người ta thường dùng danh từ 'tâm linh' để thay cho từ 'tôn giáo'. Người ta nhận ra là trong tôn giáo, chất liệu tâm linh có thể rất nghèo nàn. Con người có thể có tôn giáo nhưng lại không có hướng đi tâm linh. Hướng đi tâm linhmang đến sự lớn lên chuyển hóa những tri giácsai lầm và mở rộngkhông gian trong tâm thứccon người. Tôn giáo cũng bắt đầu từ chất liệu tâm linh, nhưng có thể dần dà đi vào huynh hướng giáo điều, khiến cho người trẻ cảm thấyxa lạ. Và cuối cùng thì tôn giáo không còn có khả năng trả lời cho người trẻ những thắc mắc, khổ đau của họ. Thiền tậpcần phải mang nội dung tâm linh. Thiền môn, từ Lục tổ đã mang đậm nét không chấp vào hình thức. Ta cần thực tập như thế nào để sự hiểu biết và tình thương phát triển trong ta, chuyển hóa tự thân và gia đình ta. Năng lượngtình dục là một sinh vật sống. Nó phát triển không ngừng cả ngày lẫn đêm. Nhưng nó phát triển về hướng nào? Nếu ta có một hướng đi tâm linh, năng lượngtình dục sẽ được chuyển hóa và bồi đắp cho chất liệu tâm linh đó.

12. Ta cần một cộng đồng tu tập để làm nền tảng chăm sóc và chuyển hóanăng lượngtình dục.

Một ngôi chùa hay một trung tâmtu họcgồm có những người đang hành trì miên mật là một nơi lý tưởng cho ta nương tựa để tu học. Đó là một môi trường lành mạnh. Sống trong một môi trường lành mạnh, sự chuyển hóa của ta xảy ra nhanh hơn. Khi trong gia đình có một người hạnh phúc, thì hạnh phúc đó lan ra những người chung quanh. Trong một môi trường có những người biết tu tập, thì ta sẽ hưởng được năng lượngtu tập chung đó. Nếu trong ngôi chùa có sự tu tập thì nơi đó sẽ trở thành đất lành cho chim đậu. Ta cần nhiều ngôi chùa như vậy. Người trẻ có thể đến những ngôi chùa đó ở lại một, hai tuần để tu tập. Họ nghe pháp thoại, ngồi thiền, đi thiền và pháp đàm về những vấn đề họ đang vấp phải. Họ học nâng đỡ để tháo gỡ những vấn đề đó. Nhiều ngôi chùa như vậy sẽ tạo ra một xã hộilành mạnh. Nhưng ta đừng chờ đợi gì cả. Ta phải bắt đầu thực tập và nếu cần ta có thể thành lập một nhóm tu tập chung tại nhà ta. Nhà ta sẽ trở thành một ngôi chùa.

Tôi đã viết ra mười hai đề nghị giúp ta thực tập sống hài hòa với năng lượngtình dục. Điều này ai cũng cần học hỏi cả, dù ta là em nhỏ 12, 13 tuổi, một thanh niên trưởng thành, một người đã có gia đình hay một người ở tuổi trung niên, lão niên. Năng lượngtình dục có khả năng gây đổ vỡ rất lớn ở trong gia đình và trong xã hội. Ta có thể bị nó chi phối và tạo ra một sự tan nát khó hàn gắn. Nhưng nếu biết cách, năng lượng này lại có thể giúp ta hiểu biết hơn, thương yêu hơn và kiên nhẫn hơn. Cái đó là sức mạnh của thiền tập. Thiền tập không phải để gây ra một cuộc chiến tranh giữa thiện và ác. Thiền tập là để giúp ta chuyển hóa những vùng năng lượngtiêu cực thành ra những vùng năng lượngtích cực và giúp ta sống có hạnh phúc ngay trong đời sống hàng ngày.

Tỳ Kheo Pháp Dụng (Làng Mai)

TÌNH DỤC LÀ GỐC CỦA KHỔ
Lâm Thanh Huyền - Việt dịch: Minh Chi

Tình dục là gốc của khổ. Bởi vì có tình, có dục là có chấp trước. Trong kinh “A Hàm” có câu chuyện kể Phật Thích Camột lần cùng với học trò đi tản bộ bên bờ sông Hằng. Phật hỏi các học trò: “Các người nói xem nước bốn đại dương nhiều hay là nước mắt chúng ta đổ ra vì trong quá khứ phải biệt ly với người thân, bên nào nhiều hơn?”

Các học trò trả lời: “Nước mắt đổ ra nhiều hơn”.

Đức Phậttỏ ravui vẻ, vì học trò của mình đã trả lời đúng, chúng ta từ vô số kiếp đến nay, đã bao lần khóc vì mẹ cha chết, con cái chết, bạn bè thân thuộc, cùng người mình yêu thương ly biệt... thu thập tất cả dòng nước mắt ấy lại nhiều hơn nước trong bốn bể.

Có tình dục là có đau khổ, bi ai, nước mắt chảy. Tình dục đúng là gốc của đau khổ. Cái khổ đó là do chấp trước. Chấp trước vào tình dục cho nên đau khổ.
Nếu anh có người bạn, bị người yêu là nam hay nữ từ bỏ, anh không cảm thấyđau khổ, nhưng nếu bản thân anh bị người yêu là nam hay nữ từ bỏ, anh sẽ cảm thấy rất đau khổ, bởi vì anh cảm thấy đối phương, tức người mình yêu là “của anh”. Nhưng sự thực không phải như vậy, đối phương không phải là do anh đẻ ra, dựa vào đâu mà nói rằng là “của anh”, thân thể, tư tưởng, ý nghĩ đều là của cô ta, đâu phải là của anh. Chỉ cần anh nhận thức rõ, cô ta không phải là của anh, thì anh sẽ bớt đau khổ. Anh khổ là vì anh chấp trước cô ấy là của anh.

Vì sao chúng tađau khổ khi phải từ bỏthế giới này? Là vì chúng ta không muốn từ bỏ cái thân này. Nếu chúng takhông chấp trước cái thân này, chúng ta sẽ không đau khổ. Có rất nhiều thanh niên vì thất tình nên đến tìm tôi. Trong số này, có người muốn quyên sinh để làm cho người mình yêu khổ cả đời. Tôi trả lời: “Anh tự tử thì chỉ có anh đau khổ mà thôi. Người yêu của anh đâu có khổ, nếu cô ta là người tốt thì có chịu khổ nữa năm cũng chịu không nổi. Còn các cô gái khác thì đại khái khổ một tháng hoặc nửa tháng, hay là đi viếng anh một bó hoa trắng. Nếu người yêu định sớm từ bỏ anh mà anh tự sát, thì có khác nào cô ta cởi bỏ gánh nặng, mừng thầm trong bụng”.

Cái vui, cái buồn của một người, do chính người ấy làm chủ. Cái vui, cái buồn của người khác làm sao chúng ta khống chế được. Chúng tađau khổ là vì chúng ta tưởng có thể làm chủ được sự đau khổ của người khác. Kỳ thực, tự sát chỉ là mình tự làm khổ mình, người khác không đau khổ. Bạn trai, bạn gái của người thất tình mà tự sát, về sau đều kết hôn, lấy vợ, lấy chồng cả và sống hạnh phúc.

Vì bản chấttình dục là thống khổ, cho nên tình dụcvĩnh viễn không thể nào thỏa mãn đầy đủ được. Đau khổ là có chấp trước. Không phải chỉ có chúng ta là phàm phu mới chấp trước. Có những người tu hành rất tốt cũng chấp trước.

Trong kinh “A Hàm” kể một câu chuyện rất thú vị: Sau khi đức PhậtThích Cathành đạo, có rất nhiều đệ tửđi theo Ngài. Nhưng, trong đó, có rất nhiều người vẫn còn chấp trước. Người xuất gia không có gì làm vui, có người thu thập nhiều bát ăn, có bát bằng vàng, bằng bạc, bằng ngọc, mỗi ngày đổi dùng một bát. Phật Thích Ca biết được bèn răn dạy người học trò đó không được chấp trước vì ngay cái bát ăn cơm mà không xả được thì làm sao có thể giải thoát?

Những vấn đề giống như vậy rất là nhiều. Trong số người học Phật, có người rất thích sưu tầm tượng Phật, trong nhà có tới hàng trăm tượng Phật, có người thu thập nhiều vòng tràng hạt, nhưng lại không niệm Phật, kiểu chấp trước như vậy rất là nhiều.

Người tu hành theo Tiểu thừa, thì nhờ đoạn trừ tình dục được giải thoát. Còn người tu hành theo Đại thừa thì dùng phương pháp khác. Họ nói: “Phiền não tức Bồ đề; không đoạn trừ hết thẩy tình dục mà vẫn chứng được trí tuệBát nhã, không đoạn trừ phiền não mà vẫn chứng được Niết Bàn. Nói một cách nôm na, tức là triển khaitâm địa rộng lớn để chuyển hóa sự chấp trước của tình dục, dùng “tính không” của trí tuệ để “bao dung” tất cả mọi phiền não, chứ không phải là trực tiếp đoạn trừ phiền não.

CHUYỂN HÓATÌNH DỤC

Phật giáoĐại thừa không đoạn trừ phiền não, không đoạn trừ tình dục, mà là chuyển hóatình dục, cũng tức là lấy trí tuệ Bát Nhã để chuyển hóa tham, sân, si.

Bồ Tát thường giảng 8 chữ: “Đồng thể đại bi, vô duyênđại từ”. Đó chính là nói về chuyển hóatình dục, khuyên chúng ta không phải đoạn trừ cha mẹ mình, như vậy là khác với việc đoạn trừ tình cảm đối với cha mẹ.

Chúng ta có thể yêu thươngcha mẹ, nhưng đối với mọi người, chúng ta cũng yêu thương như cha mẹchúng ta vậy. Thương yêu con cái mình, cũng phải thương yêu con cái của thiên hạ.

Dùng phương pháp đó để chuyển hóatình dục và phiền não, tức là “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”.

Khi một người mở rộng và chuyển hóalòng từ bi và trí tuệ thì tình dục cũng tùy theo mà được chuyển hóa.

Rất nhiều người tu hành theo Mật Tông. Mật Tông có một vị Hộ Pháp lớn nhất gọi là “Ma hợp Hạt Lai Đại hắc thiên”. Ông ta trước khi tu hành vốn là một người rất hung bạo và hay giận dữ, Bồ TátQuan Thế Âm muốn độ cho ông bèn hóa thân làm vợ ông để chuyển hóa ông. Sau khi được chuyển hóa, ông giữ tính tình hung bạo và hay giận giữ, nhưng ông lại là vị Hộ Pháp rất vĩ đại của Phật giáo. Theo lời kể thì mỗi lần ông ta xuất hiện đều có mưa đá từ trên trời dội xuống, cục đá nào cũng rất to làm cho tất cả tà ma ngoại đạo phải sợ hãi bỏ chạy, nghe tên ông, tiếng ông tất cả đều sợ hãi khiếp đảm.

Ở Ấn Độ cổ đại hay Trung Quốc cổ đại người tu hànhthường có phong cách rất trong sáng như Bồ TátQuan Thế Âm là người hết sứctừ bi, Bồ TátVăn Thù là người rất có trí tuệ , đó là không phải đoạn trừ nhân cách mà là nâng caohoàn thiện nhân cách.

Chuyển hóa nhân cách, không phải là đoạn trừ nhân cách cho nên trong lịch sử, các Thiền sư đều là những người rất sống động và có phong cách cá biệt. Có người thì mềm mỏng, nhu hòa, có người thì như ù ù cạc cạc, có người thì la hét đánh gậy. Trong sách Thiền tông, thậm chí có ghi trường hợp thầy cắt ngón tay học trò, nhảy xuống từ vách núi cao, cắt bắp vế v.v... những Thiền sư đó đều có phong cách vĩ đại. Vì họ đã chuyển hóa được nhân cách, tình cảm của mình, đồng thời cũng duy trìđặc tính của mình.

Nếu đoạ n trừ hoàn toàn phong cách vốn có của mình để được giải thoát, thì mọi người sẽ giống nhau tất cả.

Người con hiếu thuận với cha mẹ, không rời bỏ cha mẹ mình được, thì cũng không rời bỏ cha mẹthiên hạ được. Người cha yêu thương con cái của mình, không rời bỏ con cái của mình được, có thể hay không, cũng không rời bỏ con cái của thiên hạ. Không rời bỏ được chồng vợ, thì cũng một lòng thương yêu chồng vợ người khác! Đó gọi là chuyển hóatình dục, mở rộnglòng từ, lòng bi và trí tuệ .

Thiền sư Hoàng Bích rời bỏ bà mẹ cô đơn của mình, dù trong lòng có chút vướng mắc. Nhưng ông nghĩ tới chúng sanh, chúng sanh cũng có mẹ, chứ không phải riêng mình có mẹ phải cứu độ. Đó chính là tâm trạng của người tu theo Đại thừa: Không quên người mẹ của thiên hạ. Một thí dụ của bậc tu hành đã giác ngộ rồi mà không để mất cuộc sống tình cảm, là Phật Thích Ca.
Sau khi thành đạo, Phật đã nhiều lần trở về tổ quốc cứu độ cho cha rồi lại lên cõi trời, cứu độ cho mẹ! Sau lại cứu độ cho em, cho vợ, cho con. Nhờ vậy mà về sau, cả nhà đều theo Ngài xuất gia.

Phật không có đoạn trừ tình cảm trong lòng mình, không những hóa độ cho người nhà mà còn hóa độ cho tất cả chúng sanh.

Sau khi Phật Thích Cathành đạo, cả nhà đều theo Ngài xuất gia, chỉ trừ có người em là Nan Đà, là người duy nhất còn ở lại để thừa kế ngôi vua, cho nên vua Tịnh Phạn rất lo lắng và sợ Nan Đàxuất gia. Vua quản Nan Đà rất chặt, bắt Nan Đà suốt ngày trong hoàng cung. Vợ Nan Đà cũng rất nghiêm, mỗi lần Nan Đà ra khỏi cung, nàng đều điểm trên trán một điểm son, quy định trước khi son khô thì Nan đà phải trở về cung. Vợ Nan Đà là người rất xinh đẹp, được Nan Đàhết lòngyêu thương. Để người vợ khỏi phải lo lắng, Nan Đà mỗi lần ra vào cũng đều rất khẩn trương, tất bật.

Một ngày, Phật Thích Ca biết nhân xuất gia của Nan Đà đã chín muồi, bèn đến trước hoàng cungkhất thực. Nan Đàdự định cầm bát thức ăn đi ra để cúng dường thì vợ không chịu. Hai bên cãi nhau một hồi, cuối cùng, theo lệ thường, người vợ điểm trên trán Nan Đà một điểm son, quy địnhNan Đà xong việc phải về ngay, không được bắt chuyện với Phật Thích Ca.

Nan Đà không có bắt chuyện với Phật Thích Ca, nhưng Phật bảoNan Đàđi theo mình, và Nan Đàđi theo. Đi được một vài bước, bèn xóa sạch điểm son trên trá n mình và theo Phật xuất gia. Sau khi xuất gia, Nan Đà rất nhớ vợ, Phật bèn hỏi vì sao Nan Đà nhớ vợ đến thế. Nan Đàtrả lời: “Cô ta đẹp quá đẹp không ai bằng”. Phật bèn đưa Nan đà đi Đông Hải chơi, thấy xác một phụ nữ còn đẹp hơn vợ của Nan Đà nữa. Phật bảoNan Đà : “Chú có thấy không? Cô gái này hết sức đẹp: con dòi trên mặt cô ta chính là cô ta biến thành vì cô ta tự cho mình quá đẹp, không từ bỏ sắc đẹp ấy được, cho nên sắc đẹp là cái không nên nương tựa”.

Qua sự việc xảy ra, Nan Đànỗ lựctu hành nhưng lòng nhớ vợ vẫn không nguôi. Phật Thích Ca thấy Nan Đà còn thích sắc đẹp, bèn đưa Nan Đà lên các cõi Trời. Thiên nữ trên cõi Trời người nào cũng đẹp hơn vợ Nan Đà hàng nghìn vạn lần. Nan Đà hỏi: “Có nhiều thiếu nữxinh đẹp dường này; sao lại không có nam giới”. Một thiên nữtrả lời: Có chứ, nhưng anh ta chưa lại, anh ta tên là Nan Đà, hiện nay anh Nan Đà đang cùng với người anh trai tu hành ở Ấn Độ. Năm trăm thiên nữchúng tôi đều thuộc về anh ta”. Nan Đà nghe xong liền kéo tay Phật Thích Ca về, và ra sức tu hành, hy vọngsau khi chết, sẽ được tái sanh lên cõi Trời. Phật Thích Ca biết động cơ tu hành của Nan Đà không chân chính, bè n đưa Nan Đà xuống địa ngục, thăm viếng những cảnh khổ sở bi thảm ở đấy. Khắp nơi, ở địa ngục đều đầy rẫy các cảnh lửa thiêu đốt rét cắt da, dao kiếm v.v... hành hạcon người. Đang đi, Nan Đà thấy một vạc dầu, hai bên có hai con quỷ nhen đỏ lửa. Trong vạc, dầu đang sôi sục, nhưng không thấy ai đến. Nan Đà hỏi: “Các ông chờ đợi ai đó?” Một con quỷ trả lời: “Chúng tôi đang đợi một người tên Nan mà anh ta hiện đang tu hành cùng với một người anh trai ở Ấn Độ. Anh ta tu hành là để hưởng thụ các tiên nữ trên cõi trời. Vì vậy, sau khi anh ta ở cõi trời 500 kiếp, sẽ phải đọa địa ngục và rơi vào vạc dầu này”. Nan Đà nghe nói hoảng quá, từ đó về sau chăm chỉ tu hành, cuối cùngchứng quảA La Hán.

Chuyện Nan Đà cho chúng ta bài hai học:

Một, đừng có vì tình dục mà tu hành. Người tu hành không nên có mong cầu riêng gì.

Hai, cõi Trời, Địa ngục, Tịnh Độ, cõi Người, tuy rằng chúng tacảm giác là những không gian khác nhau, thế nhưng những không gian đó thực rađồng thời cùng tồn tại đối với một con người, tùy theo tâm trạng của người đó.

Thí dụchúng ta đang sống ở không gian cõi người, nhưng tâm chúng ta lại đầy lửa sân như ở địa ngục và liên tục mãi như thế, thì sau khi chết, chúng ta ắt phải đọa địa ngục. Trái lại, sống ở cõi người mà tâm chúng tathanh tịnhsiêu thoát như ờ cõi Trời, thì sau khi chết, ất chúng ta sẽ tái sanh lên cõi Trời. Vì vậy cho nên sống ớ cõi người này, trong vấn đềtình dụcchúng ta phải cảnh giác, đừng để bị lửa địa ngục nung nấu như ở địa ngục, chúng ta sẽ có tâm trạng địa ngục và sau khi chết sẽ bị đọa địa ngục.

Các vị Bồ Tát, dù sống ở không gian nào, cũng đều giữ vững tâm niệmhóa độchúng sanh, dù chúng sanh có duyên hay không có duyên.

Kiến Bất Năng Cập

Xin cho biết câu "kiến bất năng cập" là câu của ai mà hay quá dậy cà ? Câu hay vậy mà sao ít người nói đến ? Phải chăng hiện nay quá nhiều người dùng tri kiến để thay cho giác ngộ nên ngại không nói đến ?

TRẢ LỜI: Bốn chữ “kiến bất năng cập” nằm trong một đoạn kinh văn trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển thứ 2 trong bộ 10 quyển. Nguyên văn chữ Hán như sau:

“Thị cố A Nan! nhữ kim đương tri: kiến minh chi thời, kiến phi thị minh; kiến ám chi thời, kiến phi thị ám; kiến không chi thời, kiến phi thị không; kiến tắc chi thời, kiến phi thị tắc; tứ nghĩa thành tựu, nhữ phục ưng tri, kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến; kiến do ly kiến,kiến bất năng cập...”

Dịch Nghĩa: Cư sĩ Tăng Phụng Nghi; Dịch giả: Thiền sư Nhẫn Tế:

"Cho nên, Anan, bây giờ ông nên biết rằng :
Khi thấy sáng, cái thấy chẳng phải là sáng.
Khi thấy tối, cái thấy chẳng phải là tốị
Khi thấy không, cái Thấy chẳng phải là không.
Khi thấy ngăn bít, cái thấy chẳng phải là ngăn bít.

Bốn nghĩa đó đã thành rồi, ông lại nên biết: khi Thấy mà có tướng Thấy, cái Thấy đó chẳng phải là Tánh Thấỵ

Cái Thấy mà do lìa tướng Thấy, đó là Tánh ThấySiêu Việt (Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập).

"Vậy thì làm sao lại nói các tướng Nhân Duyên, Tự Nhiên hay Hòa Hợp ?"

Tông Thông rằng :

"Chỗ này Đức Thế Tônhiển bàyĐệ Nhất Nghĩa Đế, cái gọi là Con ĐườngBồ Đề Nhiệm Mầụ Kiến và Kiến Duyên đủ năm thứ nghĩa : Sáng, Tối, Hư Không, Ngăn Bít là bốn thứ; Kiến Duyên và Kiến Tinh (cái Thấy) là một thứ Vọng Kiến.

Thế Tôn ở chỗ này mà lựa ra cái Kiến Tinh chẳng phải là bốn thứ Sáng, Tối, Không, Bít. Lấy bốn nghĩa này suy ra để rõ được cái Thấy lìa duyên trần mà vẫn tự có.

Ngay ở đây lại lựa ra cái Chơn Kiến (Tánh Thấy) soi rõ Kiến Tinh, là cái mà cái Thấy không thể bì kịp. Đây chính là mặt trăng thứ nhất, cho nên cái Thấy vẫn còn là vọng.

A ha ! Cái Chơn Kiến còn lìa cả mọi tướng thấy thì chỗ nào có hơi thở, bóng dáng gì để theo đó mà mô phỏng ra nó ? Nói Nhân Duyên, nói Tự Nhiên, nói Hòa Hiệp, há chẳng là hư vọng ư ?

Tổ Bá Trượng hỏi vị tăng :

"Thấy không ?"

Đáp :

"Dạ, thấy".

Tổ Trượng rằng :

"Sau khi thấy thì như thế nàỏ"

Đáp :

"Thấy chẳng có hai".

Tổ Trượng nói :

" Đã nói là thấy thì không hai, tức là không lấy cái Thấy mà thấy nơi Cái Vốn Thấỵ Nếu Cái Vốn Thấy mà trở lại thấy, thì cái Thấy trước là đúng hay cái Thấy sau là đúng ? Như nói, "Khi Thấy mà còn có tướng Thấy, đó chẳng phải là Chơn Kiến. Thấy mà do lìa tất cả tướng Thấy, cái Thấy ấy là Siêu Việt [ Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập). ]". Bởi thế, chẳng hành cái Pháp Thấy, chẳng hành cái Pháp Nghe, chẳng hành cái Pháp Giác Ngộ, thì Chư Phật liền thọ ký".

Lại nữa, kinh Bảo Tích nói :

"PHÁP THÂN chẳng có thể lấy Thấy, Nghe, Hay, Biết mà tìm cầụ
Chẳng phải là chỗ thấy của con mắt thịt, vì là không có Sắc.
Chẳng phải là chỗ thấy của Thiên Nhãn vì không Hư Vọng.
Chẳng phải chỗ thấy của Huệ Nhãn, vì lìa hình tướng. Chẳng phải chỗ thấy của Pháp Nhãn, vì lìa các Hành. Chẳng phải là chỗ thấy của Phật Nhãn, vì lìa hết thảy Thức.
Nếu chẳng tạo ra các thứ Thấy như vậy, thì gọi đó là cái Thấy của Phật".

(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, tập 1, trang 252-254; Soạn giả: Cư sĩ Tăng Phụng Nghi; Dịch giả: Thiền sư Nhẫn Tế (Tây Tạng Tự -- Bình Dương) Thành Hội Phật Giáo TP Hồ Chí Minh xuất bản 1997)

Bản dịch của Hoà Thượng Duy Lực như sau:

- Ta thuyết những tướng nhân duyên của thế gian chẳng phải đệ nhất nghĩạ A Nan, ta lại hỏi ngươi: người thế gian nói "tôi thấy", vậy cho thế nào gọi là thấy, thế nào gọi là chẳng thấy

A Nan đáp:

- Người thế gian nhờ ánh sáng nhật nguyệt và đèn, thấy tất cả tướng gọi là thấy, nếu không có ba thứ ánh sáng này thì chẳng thể thấỵ

- A Nan, nếu lúc không sáng gọi là chẳng thấy, thì chẳng thể thấy tối, nếu thấy tối chỉ là không sáng thì sao gọi là chẳng thấy

- A Nan, nếu lúc tối chẳng thấy sáng gọi là chẳng thấy; mà lúc sáng chẳng thấy tối cũng phải gọi là chẳng thấy, vậy thì hai tướng sáng tối đều gọi là chẳng thấỵ

- Do hai tướng sáng tối tự đoạt mất nhau, chẳng phải tánh thấy của ngươi tạm thời không có. Vậy thì cả hai đều là thấy, sao nói chẳng thấy

- A Nan nên biết, trong lúc thấy sáng, kiến tinh chẳng phải sáng; trong lúc thấy tối, kiến tinh chẳng phải tối; trong lúc thấy rỗng không kiến tinh chẳng phải rỗng không; trong lúc thấy ngăn bít, kiến tinh chẳng phải ngăn bít, bốn thứ nghĩa này vốn sẵn như vậỵ

- Lại ngươi nên biết: Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập, tại sao lại nói nhân duyên, tự nhiên và tướng hòa hợp? Hàng Thanh Văn như các ngươi trí kém tâm hẹp, chẳng thông đạtthật tướngtrong sạch, nay ta dạy ngươi nên khéo suy tư, hãy siêng năng tinh tấn, thẳng vào diệu đạoBồ Đề.

Hoà Thượng Duy Lực lược giải:

Hai chữ Kiến Kiến tức là bản kiến tự hiện, chẳng có năng kiến, sở kiến, Phật đã giải thích kỹ càng trong quyển nhì này; nếu có năng sở, đều là kiến bệnh đã thành từ vô thỉ, có năng kiến năng giác đều là bệnh. Vì bản kiến bản giác chẳng ở trong bệnh mới gọi là kiến kiến, tức là kiến tánh. Tự tánh chẳng phải sở kiến, nên cũng chẳng có năng kiến để kiến tự tánh, vậy lúc kiến kiến (Kiến kiến chi thời), dù nói kiến nhưng chẳng phải là kiến (Kiến phi thị kiến), vì chẳng có năng kiến và sở kiến, cho nên nói kiến còn phải lìa kiến (kiến do ly kiến), vì Năng kiến chẳng thể thấy đến, nên nói Kiến bất năng cập.
(Trích đoạn Kinh Lăng Nghiêm, Hoà Thượng Duy Lực, Từ ÂnThiền Đường Hoa Kỳ xuất bản 1990 trang 38-39

Hoà Thượng Thích Chơn Giám Chùa Bích Liên gỉai như sau:

Đây là Phật đem bốn cái Sáng, Tối, Sắc, Không mà suy luận cho ông A Nanrõ ràng: vốn cái tánh thấy nó vẫn ly tất cả bốn trần ấy thì đủ biết cái tánh thấy không thuộc về duyên sanh rồi.

Cái tánh thấy tuy không thuộc về duyên sanh nhưng còn thuộc về nghiệpthức biến hiện , nghĩa là còn cách với tánh diệu giác một từng, nên Phật mới nhân tiện phá nữa.

Đại ý nói rằng: Tánh ở trong cái thấy, kêu là kiến tinh; tánh ly cái thấy ra, có thể thấy được cái thấy, cho nên thấy sáng, thấy tối, thấy sắc, thấy không, mà cái thấy lại chẳng phải là sáng, tối, sắc, không, vì đó là kiến tinh.

Vì kiến tinh mà nó còn ly duyên thay, huống chi cái chơn kiến còn thấy được cả kiến tinh, như thế là nó đã xa lìa kiến tinh ra rồi mà kiến tinh cũng không thể theo kịp được, thì há có lẽ nào lấy các pháp hý luận là nhơn duyên, tự nhiên và hoà hiệp ấy mà vọng kể?

Chơn kiến là duyên theo cảnh chơn như, lý trí in một, năng sở không chia, cho nên gọi là chơn. Còn kiến tinh là duyên theo cảnh ở ngoài, do nơinghiệp thức biến hiện, năng sởrõ ràng nên gọi là vọng.

Trong lúc cái chơn kiến đã rõ rệt thì quyết không có cái vọng kiếnđối lập mà làm ra cái chỗ thấy, cũng như người ngủ mê khi tỉnh thức rồi thì rõ biết cái trước đó là mộng.

Nếu đã biết là mộng, thì còn đâu phải là mộng nữa, cho nên nói rằng: Đang lúc chơn kiến thấy vọng kiến thì chơn kiến chẳng phải là vọng kiến.

Song phải hiễu rằng: Tại sao hồi trước Phật lại hiển kiến tinh mà không hiển chơn kiến?

Vì thể chơn kiến rất tịnh, rất diệu, mà tâm chúng sanh còn trược, còn thô, khó lãnh hội đặng, nên Phật mới mượn kiến tinh mà hiển chơn kiến.

Nay Phật thấy ông A Nan và đại chúng đã khai ngộ được nhiều, sợ nhận theo kiến tinh mà không rõ thấy được mật ý của Phật, nên Phật mới trực chỉ chơn kiến không phải là cùng một thể với kiến tinh. ... Phật khuyên ông A Nan và đại chúng phải đem hết nghị lựctiến thủ, do nơicon đường chơn kiến ly kiến của Phật đã khai thị đó mà thẳng tới địa vịbồ đề... (Trích đoạn: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Sa Môn Thích Chơn Giám,Hoà Thượng Chùa Bích Liên dịch và chú giải, Linh SơnPhật HọcNghiên Cứu Hội xuất bàn năm 1957, trang 139)

Chú thích của BBT:

Chúng ta nên để ý những từ kép như: tánh thấy, cái thấy, kiến tinh, chơn kiến, kiến kiến, và vọng kiến:

Tánh Thấy = Chơn Kiến
Cái Thấy = Kiến Tinh = Vọng Kiến
Kiến Kiến = kiến tánh (tự tánh tự hiện)

Chữ Kiến Kiến, Hoà thượng Duy Lực giảng rằng: “Có người cho chữ kiến trước là năng, kiến sau là sở, nhưng sự thật thì “Kiến Kiến” là kiến tánh, là cái kiến không có bệnh, nay nếu dùng cái tri kiến có bệnh để thảo luậnvấn đề này thì hết kiếp này qua kiếp khác cũng không giải được. Tri kiến của chúng sanh là cái bệnh từ vô thỉ đến nay, do con mắt bệnh mới thấy hoa đốm trên không, cho nên nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập”. Hai chữ Kiến Kiến là tự tánh tự hiện, là kiến tánh, chứ chẳng phải có người dùng cái năng kiến để kiến cái sở kiến. (Duy Lực Ngữ Lục, Thành Hội PG TP Hồ Chí Minh xuất bản 2000, trang 82)

Pháp Danh Bắt Đầu Bằng Họ Thích Có ở Việt Nam Từ Bao Giờ

Pháp Danh bắt đầu bằng họ Thích có ở Việt Nam từ bao giờ: Chúng tôi là một nhóm e-mail thường trao đổi nhau về những kinh sách và lời Phật dạy. Hầu hết anh chị em trong nhóm đều là Phật tử. Chúng tôi có cái thắc mắc mà không ai giải đáp được, đó là Pháp danh bắt đầu bằng họ của Đức Thế Tôn như HT Thích Thanh Từ, TS Thích Nhất Hạnh, HT Thích Minh Châu... có ở Viết Nam từ hồi thế kỷ nàọ?

Thí dụ vua Trần Nhân Tôn khi quí y thì được gọi là Điều Ngự Giác Hoàng và tự xưng là Trúc Lâm Đầu Đà.. Vậy thì vào lúc đó đã có pháp danh Thích chưa?

TRẢ LỜI: Phật Giáo Việt Nam theo truyền thống Bắc tông, chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi PG Trung quốc, thế nên việc lấy họ Thích làm pháp danh cũng là do Phật Giáo Trung quốc truyền sang. Người đầu tiên trong lịch sử PG Trung Quốc sử dụng pháp danh họ Thích là ngài Đạo An (312-385), một danh tăng lỗi lạc thời Đông Tấn. Suốt đời Ngài chỉ lo hoằng dương chánh pháp, đệ tử theo học có đến hàng ngàn người, đều đuợc Ngài ban cho pháp danh mở đầu bằng họ Thích, vì tự xem mình như là những trưởng tử của Như Lai (Thích tử), nên Ngài cũng có tên là Thích Đạo An. Trước Ngài, pháp danh của các Tăng sĩ đều lấy tên quốc gia hay tên của thầy mình để làm họ, ví dụ như sư phụ của Ngài là Trúc Phật Đồ Trừng (người nước Thiên Trúc). Ban đầu pháp danh của Ngài lấy theo họ của Thầy là Trúc Đạo An, sau này mới đổi lại là Thích Đạo An. Chúng tôi mời quý độc giả xem bài dưới đây để biết rõ lai lịch về chữ Thích:

LUẬN GIẢI VỀ CHỮ THÍCH
Trích: Giải Luận Giáo Lý của tác giả Giác Không
do Nha Tuyên Úy Phật Giáo QLVNCH xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn.

Gần đây, có nhiều người nêu ra một thắc mắc khi thấy danh hiệu của các vị Tăng Sĩ đều mở đầu bằng chữ Thích tỷ dụ như Thích-Tâm-Châu, Thích Tâm Giác, v.v… và do đó nêu lên những câu hỏi:

- Chữ Thích có nghĩa gì?

- Tại sao người tu theo hạnh xuất thế mới dùng chữ Thích? Người tại gia tu Phật có dùng chữ Thích được không?

- Chữ Thích nếu là một họ thì họ ấy phát sinh tự đâu, thịnh hành vào thời nào?
với mục đích diễn xướng và luận giải về chân nghĩa những danh từ Phật Giáo, đặng làm tài liệu nhận xét chung, nơi đây đề cập đến từng vấv đề giải đáp để cùng liễu giải và xác luận:

I. Chữ Thích có nghĩa gì?

Theo sự dịnh nghĩa danh tự thông thường thì chữ Thích có nghĩa: cổi ra, nới ra, giải thích rõ ràng nghĩa sách tỷ dụ như chữ Thích-Hỗ là giải thích cho rõ nghĩa một chữ, một câu: Thích Huấn là giải thích cho rõ những lời huấn giáo.

Ngoài ra, chữ Thích lại cũng có nghĩa buông thả như trong sách có chữ: “Kiên trì bất thích” tức là giữ vững không buông, và, chữ “Khai thích vô cô” tức là buông tha cho kẻ không tội.

Chữ Thích cũng lại còn có nghĩa tiêu tan hết những nỗi sân hận trong lòng như giảng câu “Tâm trung vi chi thích nhiên” phải hiểu rằng trong lòng đã được tiêu tan hết cả phần nào điều sân hận không còn vướng vấp một chút ân hận, não phiền gì nữa.

Tuy nhiên, chân nghĩa chữ Thích mà các vị tu hành đặt trước pháp hiệu chỉ có nghĩa đơn thuần là:

a) coi mình là Thích tử, tức là đệ tử của Phật, bởi theo quan niệm Trung-Hoa từ đời Tấn cho rằng những ai theo đạo của đức Thích-Ca phải nên lấy theo họ Thích mà chữ Thích tức là họ Thích-Ca cho dễ xưng hô.

b) một vị tu theo hạnh khoáng nhiên không vướng mắc phiền não thế cảnh.
Tóm lại thì chữ Thích chư Tăng hay dùng là theo họ Phật Thích-Ca, ngụ kỳ chung còn có ý nghĩa hiểu rành sự lý, tâm hồn buông thả, tiêu hết não phiền, không còn mảy may trần lụy.

II. Tại sao người tu theo hạnh xuất thế mới dùng chữ Thích? Người tại gia tu phật có dùng chữ Thích được không?

Thật ra, khi Phật giáo truyền qua Trung-Hoa vào khoảng thời Hán, những vị mặc dầu tu theo đạo Phật, trở thành Tăng-sĩ có bỏ đi giòng họ thế tục, nhưng thường theo hai điều kiện:

1. Tự đặt cho mình theo họ Trúc có nghĩa tu theo nguyên tắc tu trì của các bậc Tăng-Già từ Tây-Trúc truyền sang.

2. Hoặc theo họ của bậc Sư-Trưởng đã truyền giáo cho mình tỷ dụ như Ngài Chi-Tuần nguyên trước họ Quan, nhưng vì thụ giáo với ngài Chi-Khiêm nên đổi thành họ Chi, ngài Bạch-đạo-Hiển nguyên họ Phùng nhưng học thầy là Bạch Thi Ly Mật nên đổi thành họ Bạch v.v…như vậy là khi đạo Phật mới truyền qua Trung-Hoa từ đời Hán, khoảng 25 - 220 T.L. hầu như theo một tục lệ thông thường như vừa trình bày. Kịp đến thời Đông-Tấn khoảng 317 - 349 T.L. Ngài Đạo-An người Thường-Sơn, tỉnh hà-Bắc, sinh năm 312, xuất gia từ 12 tuổi, học hạnh rất siêu việt đã đề xướng việc cải biến để những vị tu hạnh xuất-gia theo Phật nên theo họ của Phật, và do đó, những Tăng-sĩ thụ đại-giới (Giới Tỳ Khưu: 250 giới) lấy theo họ Thích tử.

Viện dẫn lý do này, Ngài Đạo-An nêu ra một đoạn trong kinh Tăng-Nhất A-Hàm có chép: “Bốn con sông lớn chảy vào bể cả, tự nó không còn danh tự gốc của con sông mà chỉ có danh tự là “bể cả”. Việc định họ cho người tu hành cũng như thế. Xưa ở Ấn-Độ có 4 giòng họ là: Sát-Lỵ, Bà-La-Môn, Trưởng-giả, Cư-sĩ. Đối với những ai gọt bỏ râu tóc, khoác 3 tấm áo pháp như Phật chế định, nguyện xin xuất gia học đạo thì không còn giữ giòng họ gốc mà chỉ kêu là: Sa-Môn tức là đệ-tử của đức Phật Thích-Ca mà thôi.

Trong kinh Đại-Bát Nhã xác định rằng: “Phi sa-Môn, phi Thích-Ca tử” có nghĩa nếu không phải là bậc Sa-Môn tức là bậc xuất-gia theo Phật thì chưa phải là đệ-tử của đức Thích-Ca.

Bởi những lý do trên, chỉ khi nào phát nguyện xuất-gia và đã thụ đại-giới mới được xưng là thuộc giòng họ Thích tức là đệ-tử chính của Phật và sau nầy coi các bậc Tỳ-Khưu là hàng trưởng-tử của Phật nên được đổi họ thế gian mà lấy theo họ Thích vậy.

III. Chữ Thích nếu là một họ thì họ ấy phát sinh tự đâu?
Thịnh hành vào thời nào?

Đúng ra họ Thích-ca là họ của đức Phật mà theo lịch sử là một giòng họ quý tộc trước đó kêu là Sát-Lỵ mà sau đổi ra là Thích -Ca (Sakya).

Theo kinh điển ghi chép thì 10 vị đại đệ-tử của Phật như Ma-Ha Ca-Diếp, Mục Kiền Liên, Tu-Bồ-Đề v.v… không dùng họ Thích mà khi Phật-Giáo truyền qua Trung Hoa tới thời nhà Tấn, Ngài Đạo-An xướng xuất việc lấy họ Thích làm họ cho người đi xuất-gia, rồi từ sự kiện, chính Ngài theo phong tục cổ truyền, trước đó theo học với Ngài Trúc-Phật Đồ-Trừng ngài Đạo-An lấy luôn tên là Trúc Đạo An và sau vì lấy cớ những người đi xuất-gia đều lấy đấng Thích-Tôn làm gốc, vì thế Ngài đổi tên là Thích-Đạo-An cho đến sau nữa Ngài Thích-Tuệ-Viễn nối nghiệp thầy mà cũng xưng là Thích-Tuệ-Viễn. Kịp đến thời nhà Đường, Ngài Tuệ-Năng khi dâng sớ lên Vua Đường Cao -Tôn để xin cáo từ việc cớ già yếu hay bệnh cũng xưng là Thích-Ca Tuệ-Năng.

Như thế, họ Thích là sự thay đổi của giòng họ Sát-đế-Lỵ, một giòng họ quý phái thuộc Ấn-Độ, cho đến khi Phật-Giáo truyền qua Trung-Hoa và thịnh hành từ sau sự khởi xướng của Ngài Đạo-An thời Đông-Tấn.

Riêng tại Việt-Nam có lẽ cũng chỉ quan niệm một vị xuất gia theo Phật là thuộc giòng Thích-tử, còn trong sử sách, danh hiệu các vị Thuyền-sư không mấy khi có thêm chữ Thích, ví dụ như Ngài Cảm-Thành, Ngài Khuông-Việt, Ngài Viên Chiếu v.v… Cho mãi đến thời gần đây mới có Điều-Ngự-Tử Thích-Mật-Thể, một vị khởi xướng dùng chữ họ Thích để ký tên trong văn liệu là cuốn Việt-Nam Phật Giáo Sử Lược ấn hành vào năm 1943 và có thể là một khởi đoan phong trào lấy họ Thích đối với Tăng chúng Việt-Nam.

Tóm lại, chữ Thích là danh xưng của một giòng họ y theo giòng họ của đấng Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật, có nghĩa theo chữ Phạn Sakya tức là bậc Năng-nhân tức là một bậc có năng lực phát hiện tấm lòng nhân từ vô lượng.

Ngoài ra, theo chân nghĩa thế gian thì chữ Thích cũng có nghĩa khiến lòng mình tiêu tan hết mọi phiền não, một hạnh quý giá của người tu hành những pháp môn quý giá. Do đó, chỉ những vị nào đã thụ đại-giới tức là một vị chính thức gia-nhập Thích-Môn mới được coi là hàng Thích-Tử.

Cũng vì thế, những người tại gia cho đến hàng Sa-Di mà lấy họ Thích là một sự kiện tiếm xưng, và cũng nhân y theo chân nghĩa luận giải, những vị nào dù có hình tướng xuất-gia mà không giữ theo giới hạnh của bậc xuất-gia mà dùng chữ Thích cũng là tiếm xưng họ Phật, bởi những người tu hành mà không giữ giới thì không còn Tăng cách và không xứng đáng là người Thích-Tử nữa vậy.

Họ Thích rất cao đẹp, nhưng phải được nêu lên đối với những bậc tu hành chân chính, đầy đủ đức hạnh đáng cho tín đồ củng phục thì không cần phải xưng họ Thích mà thiên hạ đều tôn là bậc xứng đáng trong giòng họ Thích-Ca vậy.

Trích: Giải Luận Giáo Lý của tác giả Giác Không do Nha Tuyên Úy Phật Giáo Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn.

Xin Cho Biết "Thiền Duyệt" Là Gì?

TRẢ LỜI: Thiền duyệt có nghĩa là sự an vui trong thiền tập. Khi mới bắt đầu tập thiền, tôi tưởng muốn an tâm và phát triển định lực ta cần phải có một sự cố gắng vất vả ghê gớm lắm. Tôi còn nhớ trong khóa tu thiền đầu tiên, tâm tôi cứ suy nghĩ lung tung và chu du đi khắp mọi nơi. Đến một lúc bực mình quá, tôi tự nhủ là nếu nó xảy ra lần nữa thì tôi sẽ đập đầu vào tường cho biết! Nhưng thật may cho tôi, lúc ấy tiếng chuông báo hiệu giờ ăn trưa cũng vừa được thỉnh lên. Trong khi sắp hàng chờ lấy đồ ăn, tôi nghe trộm hai người đứng phía sau nói chuyện với nhau. Một người hỏi thăm người kia về thời ngồi thiền vào buổi sáng này. Anh ta trả lời với một giọng thật vui tươi, “Sáng này tôi ngồi chẳng được yên gì mấy, nhưng chiều nay chắc chắn là sẽ tốt hơn”.

Tôi quay lại nhìn anh ta với một ánh mắt kinh dị và khó tin. “Tại sao anh lại không hề bị bực mình như tôi?”. Tôi tự hỏi. “Anh ta có coi chuyện hành thiền là quan trọng hay không chứ?”. Và đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, anh ta là Joseph Goldstein. Năm năm rưỡi sau, hai chúng tôi cùng với Jack Kornfield và một số bạn có tâm đạo, đã cùng nhau đứng ra thành lập Trung tâm thiền tập Insight Meditation Society. Đến lúc ấy thì tôi cũng đã hiểu được ý của Joseph khi anh nói lên câu đầy hy vọng ấy.

Khi sự tu tập tiến triển hơn, tôi mới hiểu những điều kiện cần thiết cho sự phát triển định lực không phải là cái thái độ tranh đấu, gian khổ mà tôi đã có. Theo tâm lý học Phật giáo thì bất cứ một tâm hành thiện nào cũng đều có một nhân duyên gần của nó. Đó là một điều kiện cơ bản làm phát khởi lên đức tánh ấy. Ví dụ, nhân duyên gần của tâm từ, metta, là thấy được sự tốt lành trong người khác. Vì vậy, tâm metta dễ phát khởi nhất khi ta nhìn thấy những cái hay, cái đẹp của người chung quanh mình. Tôi thì cứ tưởng nguyên nhân để làm phát sinh tâm định phải là một sự căng thẳng, tranh đấu mãnh liệt. Nhưng hoàn toàn ngược lại, tôi vô cùng ngạc nhiên vì nhân duyên gần để làm phát khởi định lực chính lại là sự an lạc.

Sau này tôi mới hiểu, cố gắng trói buộc tâm mình vào trong một đối tượng sẽ không tạo điều kiện cho định lực phát sinh. Và trái lại, khi tâm ta buông thả, tĩnh lặng và hạnh phúc, ta sẽ có thể định tâm rất dễ dàng và tự nhiên. Hạnh phúc tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là một cảm giác vui thú thoáng qua, mà tự nó chứa đựng một sự lo âu vì ta sợ sẽ mất đi. Hạnh phúc làm điều kiện cho định lực mà tôi muốn nói là một trạng thái tĩnh lặng, khi tâm ta yên ổn, cởi mở và tự tin. Đây là một khu vườn phì nhiêu cho cây Định đâm hoa, kết trái. Nhưng làm sao ta có thể có được trạng thái an lạc ấy đây?

Theo tôi nghĩ, muốn có một sự an lạc, trước hết ta cần phải có một cái nhìn cho đúng. Một cái nhìn mà Joseph đã biểu lộ trong giờ ăn hôm ấy nhiều năm trước đây. Trong hành trình tu tập, bao giờ ta cũng sẽ có những kinh nghiệm mà ta cho là sự thăng trầm. Thiền tập là một tiến trình tuần hoàn, một vòng tròn, nó thách thức hết mọi sự phân tách nhưng đòi hỏi một sự chấp nhận. Và càng tu tập, tôi lại càng khám phá rằng khả năng chấp nhận và cho phép những kinh nghiệm thay đổi, nó có liên hệ đến mức độ tự trọng của mình.

Khi đức tự trọng của tôi vững mạnh, tôi có thể trải qua những giai đoạn khó khăn mà không hề nản lòng. Vấn đề khó khăn không phản ảnh sự yếu kém của tôi. Và khi gặp những lúc an vui, dễ chịu, tôi cũng không bị lệ thuộc vào chúng, vì sợ chúng sẽ đổi thay hoặc mất đi. Đối với tôi, đức tự trọng là một yếu tố chủ yếu trong việc duy trì sự an lạc và từ đó dẫn đến định lực. Tôi cũng hiểu, mức độ tự trọng của tôi còn được cắm rễ trong những việc làm hằng ngày của tôi nữa, chứ không phải chỉ giới hạn trong lúc ngồi yên trên tọa cụ sự thực tập và nó cũng đã được ghi chép trong kinh điển.

Kinh điển Phật có trình bày cho ta thấy một trạng thái tâm thức sẽ giúp tạo nên điều kiện cho sự phát sinh của tâm thức kế tiếp như thế nào, theo một thứ tự ngẫu nhiên. Trong quyển Thanh tịnh đạo, Visuddhi-magga, một tác phẩm nổi tiếng trong bộ Luận tạng của Phật giáo Nam tông, thì sự an lạc là một phần tự nhiên của tiến trình đi từ giới luật cho đến sự giải thoát tối thượng.

Mở đầu, bộ luận ấy nói rằng giới luật là nền tảng của sự phát triển định lực. Trong đạo Phật, giới luật không phải được xem như là những điều lệ bắt buộc, cố định. Giới luật có nghĩa là sống với chủ ý phản ảnh tình thương và tâm từ của ta ra đối với chính mình và người chung quanh. Như triết gia George Santayana nói, “Giới luật là ước muốn làm vơi bớt khổ đau cho cuộc đời”. Khi chúng ta sống hòa hợp với chân lý muôn đời mà mọi vật trên thế giới này đều có liên hệ với nhau, ta sẽ không bao giờ muốn làm hại bất cứ một cái gì. Và, giới luật sẽ làm phát khởi lên điều kiện tâm thức kế tiếp là sự câu thúc.

Câu thúc tức là ngăn ngừa, kềm chế, là nền tảng của sự phát triển một tâm không hối hận. Khi ta biết dừng lại một sự thúc đẩy nhất thời, xúi giục ta hành động gây hại, ta có thể thấy được cái tính chất vô thường và vô ngã của ý muốn vừa khởi lên ấy. Tránh được những hành động gây hại, ta sẽ tránh được mặc cảm tội lỗi, sợ bị người khác biết, và nỗi bối rối, hối hận khi ta khám phá rằng bất cứ hành động nào cũng đều đem lại hậu quả.

Một điều kiện tích cực phát sinh từ sự câu thúc là trạng thái hỷ, tức vui mừng. Vì không hối hận chính là nền tảng của sự phát triển tâm hỷ. Hỷ là một trạng thái nhẹ nhàng và dễ chịu mà ta có trong cuộc sống, khi ta bắt đầu biết lo cho chính mình và người chung quanh nhiều hơn. Khi chúng ta thật sự cảm thấy một sự liên hệ với người chung quanh, ta sẽ buông bỏ những hành động nào có tính cách gây hại, và bớt làm những việc gì khiến ta cách biệt với người khác. Từ đó, cái cảm giác cô đơn, xa cách của ta cũng sẽ tan biến mất. Tâm hỷ lại là nền tảng cho sự phát triển an lạc.

Và ta có được sự an lạc qua phương cách đó - một sự an lạc của vững chãi và thảnh thơi. Sự an lạc ấy sẽ không bao giờ bị lay chuyển, cho dù vật đổi sao dời, con người có làm cho ta thất vọng, hoặc ta không đạt được những gì mình muốn. Hạnh phúc ấy dựa trên ý thức rằng mọi sự sống đều có liên hệ với nhau, và hành động của ta bắt nguồn từ một trạng thái nguyên lành và trọn vẹn nhất. Nó bắt nguồn từ một tâm thư thái. Ta gọi đó là đức tự trọng.

Tiếp theo đó, như trong Thanh tịnh đạo ghi chép, an lạc lại là nền tảng cho sự phát triển một tâm tĩnh lặng. Thay vì là những sôi động, xôn xao mà ta thường kinh nghiệm khi mình lo nghĩ và hối hận, tâm ta trở nên yên lặng hơn. Vì không phải lo đối phó và tháo gỡ những rối rắm trong tâm hồn, ta có thể an trú trong phút giây hiện tại này hơn. Tĩnh lặng, phát khởi từ sự an lạc, là nền tảng của sự phát triển định lực. Sự tĩnh lặng này chính là cái mà tôi đã thiếu trong khóa tu ngày xưa, nhiều năm trước đây.

Định là sự vững vàng của tâm, một cảm giác mà ta có khi sự chú tâm của ta nhất điểm và mãnh liệt. Khi ta có định lực, cánh cửa của tuệ giác sẽ mở rộng. Chừng ấy, ta có thể nhìn thấy được sự việc như chúng thật sự là, và không để bị méo mó qua những lăng kính của sự ưa thích và ghét bỏ của ta. Chính nhờ bỏ đi những lăng kính này mà ta bắt đầu biết tin tưởng vào khả năng cảm nhận sự thật của mình. Một cái nhìn và hiểu biết đúng đắn, khi đã thật sự trở thành một phần trong đời sống của ta, sẽ là nền tảng cho sự phát triển một tâm bình thản.

Tâm bình thản không phải là một thái độ lãnh đạm và dửng dưng, mà là một tâm thức bao la, trong đó ta cảm thấy trọn vẹn và đầy đủ, cho dù hoàn cảnh cuộc đời có thăng trầm đến đâu. Nó là một sự trầm tĩnh trước những biến động của cuộc đời mà ta phải liên tục đối diện. Cho dù ta có đạt được những gì mình muốn hay không, chúng ta vẫn thấy được vấn đề trong đúng phối cảnh của nó. Ta vẫn có thể làm những gì cần làm, để làm vơi bớt khổ đau của mình và của kẻ khác, nhưng hành động ấy sẽ phát xuất từ một hạnh phúc nội tại. Đó chính là Joseph trong giờ ăn trưa hôm ấy, mặc dù lúc đó tôi cho rằng anh ta quá tầm thường, vì anh đã không tự hành hạ mình giống như tôi.

Sự bình thản là nền tảng cho sự phát triển một tâm bớt tham lam và giận dữ. Một khi chúng ta đối diện với cuộc đời bằng một tâm quân bình và hạnh phúc, ta sẽ không còn bị phản ứng máy móc theo thói quen và tập quán của mình nữa, như là lúc nào cũng chạy theo lạc thú và trốn tránh đớn đau. Những tập quán lâu đời ấy sẽ thôi không còn cắm rễ vào tâm ta như xưa. Và nếu chúng có khởi lên cũng sẽ rất là mềm yếu, ta không cần phải sợ hãi vì biết mình có một sự chọn lựa và không để chúng sai sử như trước.

Sự phai mờ của tâm tham lam và sân hận là nền tảng của giải thoát. Giải thoát chính là một sự hiểu biết chân lý mãnh liệt đến nỗi ta không còn có thể quay trở lại được nữa. Khi ta tiếp xúc với những kinh nghiệm của mình không bằng thành kiến, không cố gắng dùng chúng để khỏa lấp một sự trống vắng nào trong ta, ta sẽ thấy được rõ ràng những gì đang có mặt. Chúng ta có thể cởi mở ra với sự sống và học hỏi nó, vì chân lý của cuộc đời bao giờ cũng có mặt trong mỗi kinh nghiệm của mình. Khi ta có chánh niệm, ý thức rõ ràng và không phê phán, ta sẽ khám phá được nguyên nhân của khổ đau cũng như sự chấm dứt của khổ đau.

Sự tiếp nối này, như đã được diễn tả trong Thanh tịnh đạo - giới luật, ngăn giữ, hỷ, lạc, tĩnh lặng, định, bình thản, sự phai mờ của tham lam và sân hận, và giải thoát - chúng tiếp theo nhau thật tự nhiên như sự chuyển động của một làn gió. Và an lạc, khi được nhìn dưới ánh sáng của tiến trình này, sẽ trở thành một phần của con đường tu tập. Ta sống với tình thương, lòng từ bi, tâm bất hại, và chúng sẽ dẫn ta đến một khung trời giải thoát.

Mặc dù an lạc tự nó là mục đích, là quả trái của thiền tập, nhưng nó cũng là một phương tiện, một trạng thái tâm thức mà ta có thể có ngay bây giờ và ở đây, chỉ cần ta biết tự trọng và sống với tình thương. Và niềm an lạc ấy là một nguyên tố chủ yếu giúp ta giải thoát khỏi mọi khổ đau trong cuộc đời này.

Sharon Salzberg - Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch
Trung tâm thiền tập Insight Meditation Society

Có Hay Không "Kiếp Luân Hồi"?

TRẢ LỜI: Luân hồi là một thể tài rất sinh động và rất quan tâm đối với con người. Chết rồi sẽ đi đâu về đâu? Tại sao sinh, rồi tái sinh? Có cõi âm hay không? v.v... Đó là những dấu hỏi lơ lửng trong tâm của phần lớn nhân loại. Các nền tín ngưỡng và tôn giáo trên thế giới đều có những quan niệm khác nhau về luân hồi. Riêng đối với Phật giáo, luân hồi không phải là một giáo lý đặc thù, cũng không phải là một vấn đề triết học cơ bản, nhưng nó là một sự thật hiển nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sanh tử khổ đau. Do đó, trong các kinh điển của cả Nam tạng và Bắc tạng đề thảng hoặc đề cập đến các vấn đề luân hồi, như là một hiện tượng trôi chảy của những đời sống nối tiếp nhau. Đặc biệt là trong Bổn Sinh (Tiểu Bộ kinh) đã ghi lại các mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật, như là một xác chứng hùng hồn về cuộc sống luân hồi của vị đại Bồ tát....

Xem tiếp:
Luân Hồi, ĐĐ. Thích Tâm Thiện
Những Chuyện Luân Hồi Hiện Đại , Tỳ kheo Thích Tâm Quang trích dịch
Vấn Đề Tái Sanh, BBT TVHS

Sau khi chết, con người có "trở lại" mặt đất theo một vài dạng khác không? Giới khoa học phương Tây và các chuyên gia tâm lý đã dày công nghiên cứu một cách có hệ thống về "kiếp luân hồi" từ rất lâu nhằm phân tích dưới ánh sáng khoa học về bản chất vấn đề.

Dẫn đầu là một nhóm giáo sư thuộc Trường đại học Yale ở Mỹ từng thu thập khắp thế giới các bằng chứng liên quan đến “kiếp trước” hoặc sự “đầu thai vào kiếp sau”. Rồi họ nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ, logic và nghiêm túc. Nếu phát hiện ra điều gì đó “không bình thường”, họ liền phân tích một cách chuyên sâu hơn nhằm khám phá xem có liên quan gì tới “kiếp luân hồi” – theo quan điểm tín ngưỡng cố hữu không?

“Mảnh đất màu mỡ” cho các cuộc nghiên cứu nói trên đa số là các trẻ em. Roberta Morgan, sinh ngày 28/8/1961 ở tiểu bang Minnesota (Mỹ), bắt đầu kể về “kiếp trước” của mình trong thời còn là một bé gái. Người mẹ thì cho rằng con bé nói rặt những chuyện ngốc nghếch và luôn tìm cách ngắt lời đứa bé. Nhưng Roberta vẫn không ngừng kể về “cha mẹ trước đây” của mình. Em còn kể về chiếc ôtô mà “người cha kiếp trước” từng có và khẳng định rằng em đã cùng sống với “cha mẹ cũ” tại một khu trang trại. Khi bé gái lên 4 tuổi, em được dẫn tới một trại chuyên thuần ngựa nòi. Roberta rất tự nhiên và phấn chấn nói: “Con từng cưỡi ngựa thuần thục nhiều lần rồi”. Thật ra, em đã trèo lên mình ngựa bao giờ đâu. Roberta còn đòi mẹ làm những món thức ăn “khoái khẩu” mà “mẹ trước” đã từng nấu. Em tả lại cách thức nấu các món đó hoàn toàn chính xác. Tới năm 9 tuổi, Roberta Morgan đột nhiên quên hẳn quãng đời “kiếp trước” của mình và không bao giờ nhớ lại được nữa (?!).

Còn Samlini Permac sinh đầu năm 1962 ở Colombo (Sri Lanka). Trước khi bé biết nói, cha mẹ nhận thấy rằng em rất sợ... nước. Mỗi khi người mẹ định tắm cho bé, đều gặp phải các phản ứng dữ dội cùng tiếng kêu khóc. Em còn rất sợ ôtô. Khi Samlini nói được, em đã mô tả “quãng đời trước đây” của mình một cách tỉ mỉ. Em kể: “Một hôm cha mẹ “kiếp trước” sai em đi mua bánh mì. Phố xá đang bị lụt, chiếc xe buýt đi sát bên cạnh, hất em xuống đồng nước. Em cố giơ tay quá đầu cầu cứu và hét lên: “Mẹ ơi!”. Sau đó, em bị chìm hẳn vào giấc ngủ vô biên”.

Cha mẹ của Samlini suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Sau đó một thời gian, họ biết được câu chuyện của một bé gái 11 tuổi từng bị chết đuối trong hoàn cảnh tương tự, y hệt câu chuyện mà cô con gái họ đã kể lại. Còn bản thân Samlini Permac không thể biết được sự kiện này vào bất cứ trường hợp nào, bởi đơn giản lúc ấy bé chưa ra đời (?!).

Hai trường hợp tiêu biểu trên được bác sĩ tâm lý học nổi tiếng người Mỹ John Stevenson - người đã nghiên cứu các hiện tượng về “kiếp trước” suốt nửa thế kỷ nay - kể lại. Ông cùng các đồng nghiệp thuộc Trường đại học Tổng hợp Virginia đã thử tìm các bằng chứng, được tồn tại như một “thực trạng X”, mặc dù không tìm được những yếu tố vô lý trong “các X” và họ cũng không thể lý giải chúng dưới ánh sáng khoa học được. Giáo sư Bác sĩ J.Steveson cùng các đồng nghiệp đi tới quyết định chỉ tồn tại một khả năng duy nhất: giống như “ảo giác” - nếu nói về khả năng phân tích khoa học hiện nay. Còn một nhà phân tâm học người Mỹ, Bác sĩ Scot Rogo. cũng đã từng dày công nghiên cứu các trường hợp liên quan tới sự “đầu thai” hoặc “kiếp luân hồi” hơn ba thập niên gần đây, cũng mới chỉ đưa ra các giả thuyết, chứ chưa “dám” nêu lên một kết luận khoa học chắc chắn nào cả.

Trước đây nhiều năm, đa số các nhà khoa học phủ nhận sự “đầu thai”, cho đó là một trò “hoàn toàn lừa bịp”. Nhưng ngày nay đa phần trong số họ đã thừa nhận hiện tượng này như là một phương cách chữa các chứng khủng hoảng tâm lý. Còn Giáo sư Tiến sĩ Abraham Kelsy, Trưởng khoa Y học lâm sàng của Viện Đại học New York, trong các thực nghiệm riêng của mình đã dùng những phương pháp giúp các bệnh nhân nhớ lại “quãng đời kiếp trước” của họ, và bằng cách này giúp họ giải phóng khỏi những vướng mắc hiện tại.

Ông giải thích: “Tôi đã rút ra được kết luận là, rất nhiều biểu hiện hiện tại của người bệnh là hệ lụy của kiếp trước và chính chúng là những trở ngại phong tỏa nghị lực của cuộc sống thực tại. Theo tôi, cơ thể con người luôn mang sẵn những thứ phi vật chất, những thứ vẫn tồn tại sau khi thân xác đã chết. Nôm na như người phương Đông gọi là “hồn”. Chính thứ “hồn” này được tái sinh - đầu thai lại. Niềm tin này của tôi càng được củng cố qua các phân tích tỉ mỉ về “chất lượng riêng” của mỗi cá nhân. Tại sao trong một gia đình, trẻ em thường khác biệt nhau, dù rằng chúng được sinh ra cùng cha cùng mẹ, có cùng một tổng thể gien và lớn lên trong cùng một môi trường? Rất nhiều trẻ em, khi đang chơi, luôn có xung quanh chúng “những người bạn vô hình” nào đó mà chúng luôn cho là đang hiện hữu thật sự. Tới độ 4-5 tuổi, thứ cảm giác ấy đột nhiên biến mất. Điều này theo các nhà khoa học chính là kỷ niệm về những người bạn "kiếp trước" của chúng.

Vẫn chưa có một nhà tâm lý học nào có thể giải thích một cách logic về những cá tính khác nhau, cũng như các “chất lượng cá nhân” khác nhau của đám con trẻ được sinh ra từ một gia đình chung. Trong từng trường hợp, thể hiện những dấu hiệu ảnh hưởng từ “kiếp trước”, được giới tâm lý học nêu ra các giả thuyết về những “biến dạng của tâm lý”: như mê ngủ, nghe hoặc đọc được ở đâu đó... Giới vương quyền Ai Cập thời cổ cũng từng hay nói về các “kiếp luân hồi”, cả Hoàng đế Pháp Napoléon, cũng như nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác cũng vậy – những người thường nhớ về "kiếp trước", để chỉ muốn tạo ra cái ấn tượng về “xuất xứ thần thánh” của họ. Đa phần trong chúng ta không hề gợi nhớ lại “kiếp trước” ngay cả qua những cách tân tiến hoàn thiện nhất. Trong trường hợp đó, không tồn tại quan niệm “đầu thai” trong thực tế. Ngoài ra cũng còn nhiều điểm bất đồng ngay cả giữa những người vốn luôn tin vào “kiếp trước”.

Tới giờ, giới khoa học vẫn chưa có sự đồng nhất về thực chất của tiến trình này, đó là cơ sở gây nên sự hoài nghi về khả năng “đầu thai” trong “vòng xoay luân hồi” của mỗi người

Ba Thứ Lượng Và Năm Phần Luận Trong Kinh Lăng Già Đức Phật

Trong Kinh Lăng Già Đức Phật có nói về ba thứ lượng và năm phần luận. Vậy xin quý ban biên tập vui lòng giảng giải cho chúng tôi biết thế nào là ba thứ lượng và năm phần luận.

TRẢ LỜI:

Trong phần lược giải Kinh Lăng Già, Hoà Thượng Thích Duy Lực giải thích như sau:

(1) BA THỨ LỰƠNG : Hiện Lượng, Tỷ Lượng và Thánh Ngôn Lượng. Nghĩa chữ Lượng là sự hiểu biểt đúng với mức độ của nghĩa lý, gọi là lượng.

a. Hiện Lượng : Là sự vật hiện hữutrước mắt đang thấy, được hiểu biết, gọi là hiện lượng, cũng như thấy đang mưa biết là mưa.

b. Tỷ Lượng : Là do thí dụso sánh mà biết, cũng như sáng mới thức dậy, thấy ngoài sân sau vườn, mặt đất ướt đều hết, biết là đêm qua có mưa, gọi là tỷ lượng.

c. Thánh Ngôn Lượng : Nghĩa là không thấy mưa, không thấy mặt đất ướt,chỉ nghe chỉ nghe bậc Thánh nói đêm qua có mưa, vì tin lời nói của bậc Thánh không có nói dối, gọi là Thánh ngôn lượng.

(2) Năm Phần Luận : Là ba chi Tông, Nhơn, Dụ, và Hợp với Kết, tức là năm phần luận, cũng gọi là Nhân Minh Luận, người Tây phương gọi là Logic, dùng để chứng minh sự vật có đúng lý hay không.

Quan Điểm Về Nghiệp Của Phật Giáo Có Sự Khác Biệt Như Thế Nào So Với Quan Điểm Số Mạng Của Nho Giáo?

Đáp : Mỗi cá nhân có một cấu trúc tâm sinh lý, hoàn cảnh và điều kiện sống hoàn toàn khác nhau. Cùng là con người, nhưng giữa họ có sự bất đồng rõ rệt giữa giàu nghèo, xấu đẹp, khỏe mạnh và đau yếu, trường thọ và chết yểu, thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau... Đây là những nghi vấn ngàn đời mà từ lâu các hệ tư tưởng triết học, tôn giáo đã cố công đi tìm lời giải đáp. Ở đây, Phật giáo giải thích căn nguyên của sự dị biệt đó bằng thuyết Nghiệp hoàn toàn khác biệt với quan niệm Số mệnh của Nho giáo.

Theo quan điểm của Nho giáo, khái niệm Số mạng được dẫn xuất từ lý thuyết Thiên mệnh, tức là mệnh trời. Căn cứ vào lý thuyết Thiên mệnh, thì Trời được xem như một quan tòa công minh, cầm cân nảy mực phán xét mọi việc. Trời quyết định mọi sự thành công hay thất bại trong đời sống của con người. Điều này, trong tác phẩm Luận ngữ, thiên Nhan Uyên, Khổng Tử cho rằng: “Sống chết có số mạng, giàu sang tại Trời” (Tử sanh hữu mạng, phú quí tại Thiên) Con người không thể cãi lại mệnh Trời, "Trời kêu ai người nấy dạ”. Mọi cố gắng của con người không ngoài ý Trời. Chính ngay bản thân mình, Khổng Tử cũng thừa nhận: "Năm ta mười lăm tuổi chỉ để tâm vào việc học, năm ba mươi tuổi đã đủ lực mà lập thân, năm bốn mươi tuổi tâm trí đã đủ sáng suốt, năm năm mươi tuổi, ta hiểu được mệnh trời...” (Ngô thập hữu ngũ, nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri Thiên mệnh"... Luận ngữ, thiên Vi Chính). Có thể nói, theo quan niệm của Nho giáo thì con người cần phải đặt hết mọi niềm tin vào ý chí của Trời. Cũng theo Khổng Tử thì việc hiểu biết mệnh trời như một điều kiện để trở thành con người hoàn thiện: “Không hiểu mệnh trời, không xứng đáng là người quân tử” (Bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử dã - Luận ngữ, thiên Nghiêu Viết).

Như vậy, quan điểm về Thiên mệnh xét đến cùng thì luôn mang tính chất tiêu cực, thụ động, cứng nhắc; triệt tiêu mọi nỗ lực chuyển hóa, hướng thiện của con người. Con người khi mới sinh ra thì đã có một số mệnh an bài và được định đoạt bởi ý chí của một đấng siêu nhiên. Một khi đã đặt trọn niềm tin của mình vào đấng siêu nhiên, vào số phận, số mạng thì con người đành phải chấp nhận xuôi tay, giao phó toàn bộ đời mình cho một đấng quyền năng quyết định.

Trái với những quan điểm đó, Phật giáo không chủ trương và không chấp nhận số mệnh. Con người hiện hữu trong dòng sống sinh động với các đặc tính khác nhau là kết quả của Nghiệp được tạo tác bởi chính họ trong hiện tại và quá khứ. "Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự Nghiệp...” (Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt - Trung Bộ III ).

Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động phát sinh từ tâm được thể hiện qua hành động (Thân nghiệp), ngôn ngữ (Khẩu nghiệp) và tư duy (Ý nghiệp). Nghiệp lực là sức mạnh của Nghiệp, là động lực thúc đẩy, dẫn dắt để hình thành một thân phận chúng sanh. Nghiệp do mình tạo ra rồi trở lại chi phối chính mình. Nghiệp có nhiều loại, mỗi loại có một tính chất và công năng khác nhau. Hai loại Nghiệp chính thường được đề cập là Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là Nghiệp do con người tạo ra trong đời sống hiện tại hay quá khứ thông qua thân, khẩu và ý hoặc thiện hoặc ác, để rồi chính Nghiệp này dẫn dắt con người ấy sanh vào một trong sáu nẻo của Lục đạo (Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục ). Tuy nhiên, cùng là người nhưng có người khỏe mạnh, người lại ốm đau; người đẹp, kẻ xấu; người này sang trọng, người kia lại nghèo hèn và tất cả những sai biệt ấy là quả báo của Mãn nghiệp.

Con người tạo ra Nghiệp và sẽ không thể và không bao giờ trốn thoát được những Nghiệp do mình gây tạo ra. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, quan điểm về Nghiệp của Phật giáo không giống như Định mệnh hay Số mệnh. Điểm khác nhau cơ bản giữa Nghiệp và Số mệnh ở chỗ, Nghiệp do chính con người tạo tác, có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên Nghiệp có thể chuyển hoá được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hóa Nghiệp báo của chính mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại.

Năng lực chuyển hóa Mãn nghiệp trở thành tốt hơn hoặc xấu đi được gọi là Năng tiêu nghiệp. Tác dụng của Năng tiêu nghiệp trong đời sống hiện tại rất lớn. Một người có tư chất thông minh và cơ thể khỏe mạnh là kết quả của Mãn nghiệp. Thế nhưng, người ấy không lo học tập, rèn luyện thân thể lại còn sống buông thả, đắm say tửu sắc, ma túy... Kết quả từ chỗ khỏe mạnh anh ta trở nên ốm yếu, tiều tụy; từ chỗ thông minh thành ra ngu đần, thác loạn. Năng tiêu nghiệp đã làm tiêu hủy Nghiệp tốt của người này. Ngược lại, một người với quả báo Mãn nghiệp có cơ thể ốm yếu, tật bệnh nhưng nhờ biết giữ gìn sức khỏe, luyện tập dưỡng sinh, ăn uống điều độ, làm việc giờ giấc, thì không những khỏe mạnh, chiến thắng bệnh tật, thậm chí còn trường thọ. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ có một phần ba lá phổi mà vẫn làm việc bình thường; Stephen William Hawking - nhà vật lý vĩ đại người Anh của thế kỷ này - tuy bị liệt toàn thân chỉ còn ba ngón tay nhưng vẫn liên tục đưa ra nhiều phát minh quan trọng.... là những thí dụ điển hình của Năng tiêu nghiệp theo hướng tích cực.

Đối với Dẫn nghiệp, một loại Nghiệp có cường độ mạnh trong việc quyết định hướng tái sanh nhưng vẫn chuyển hóa được. Trong sách Đồng Mông Chỉ Quán, ngài Trí Giả đại sư có kể chuyện một Sa di yểu mạng nhưng nhờ cứu sống một đàn kiến nên được chuyển Nghiệp. Đáng lẽ, vị Sa di này phải chết trong vòng một tuần lễ lại được sống an ổn, trường thọ. Năng lực chi phối Dẫn nghiệp là Năng hủy nghiệp. Một người thọ mạng vẫn còn, nghiệp lực của Dẫn nghiệp (Tái sanh nghiệp) vẫn còn nhưng vì người này trong đời trước hoặc ngay trong đời này đã tạo ra những Nghiệp cực mạnh, có khả năng tiêu hủy đời sống của họ, khiến họ có thể mất mạng như thường. Đó là những trường hợp đột tử, bất đắc kỳ tử, tai nạn... Đây không phải là số mệnh,định mệnh hay tới số, tận số. Phật giáo gọi là Nghiệp, tác động của Năng hủy nghiệp đã tiêu hủy một Dẫn nghiệp được tạo ra trước đó, chấm dứt một đời sống. Năng hủy nghiệp trong trường hợp này giống như cơn gió thổi tắt đèn trong khi đèn vẫn còn dầu và tim đèn.

Tựu trung, Nghiệp theo Phật giáo là một cơ chế vận hành của đời sống được khám phá bởi tuệ giác của Đức Phật chứ không phải một tín ngưỡng vu vơ, siêu hình và hoàn toàn khác biệt với quan niệm Số mệnh của Nho giáo. Nghiệp tuy có năng lực mạnh mẽ, chi phối và quyết định đời sống của chúng sanh trong hiện tại và tương lai nhưng Nghiệp có thể chuyển hóa và thay đổi được thông qua nỗ lực tu tập của cá nhân, chứ không cứng nhắc, tiêu cực như Số mệnh. Thuyết Nghiệp rất tích cực, khoa học và công bằng. Nó tôn vinh trách nhiệm và giá trị con người, thúc đẩy con người hướng thiện, sống đạo đức, theo lẽ phải. Thuyết Nghiệp khích lệ con người hành động và tiến bộ, hoàn toàn vắng mặt bóng dáng tiêu cực, yếm thế.

Xin Cho Biết ý Nghĩa Chữ Kinh Trong Đạo Phật

TRẢ LỜI: Kinh: Nghĩa đen là sợi tơ thẳng, xuyên suốt. Sách Phật gọi là kinh, vì chúng có tác dụng xuyên suốt lời dạy của Phật, giữ vững không để mất đạo lý của Phật dạy, trên thì phù hợp với đạo lý, dưới thì phù hợp với trình độ người nghe.

Kinh Phật sở dĩ gọi là khế kinh, vì chúng khế hợp với đạo lý do Phật dạy, đồng thời cũng khế hợp với căn cơ người nghe.

Kinh Phật thường bắt đầu bằng các chữ "Như thị ngã văn" (như vậy tôi nghe). Tôi ở đây, chỉ ông A Nan, người trực tiếp nghe lời Phật và thuật lại. Câu ấy xác nhận lời trong kinh chính là lời Phật nói.

Ba tạng kinh điển gồm có: Kinh tạng, ghi lại những lời Phật dạy; Luật tạng, ghi lại những giới luật làm khuôn phép sinh hoạt và tu học cho tu sĩ; Luận tạng, gồm các bộ luận do các luận sư, đệ tử Phật trình bày, giải thích một cách có hệ thống và theo chiều sâu giáo lý đạo Phật.

Các bài thuyết pháp của đức Phật được sưu tập lại là Kinh. Toàn bộ Kinh Phật hợp lại thành Tạng Kinh (S. Sutrapitaka).

Đó là sơ qua về nghĩa chữ KINH. Muốn biết thêm chi tiết xin đọc thêm hai bài giảng về ý nghĩa chữ KINH của Tỳ kheo Thích Nhật Từ và Thích Hằng Trường:

Ý Nghĩa của Chữ "Kinh"
Thích Nhật Từ

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử Ngài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau mới được ghi chép lại thành dạng văn bản, gọi là Kinh.

Các nhà Phật học truyền thống Trung Quốc giải thích rằng Kinh là "khế hợp." Khế ở đây bao gồm hai phạm trù khế lý và khế cơ. Khế lý là nội dung ý nghĩa của những lời giảng dạy phải được đặt trên nền tảng Trung đạo, không thiên lệch vào sự chấp mắc nào. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Theo nghĩa này, Kinh là chân lý siêu tuyệt của các chân lý mặc ước và công ước.

Tác giả của Luận Phật Địa còn đi xa hơn, khi giải thích: "Khế là phù hợp với tinh thần giáo lý mầu nhiệm của các đức Phật trong ba thời, đồng thời còn đáp ứng một cách sát sao với sự lãnh hội của đương cơ tiếp nhận giáo pháp ấy." Theo đó, sự khế lý mà thiếu khế cơ hay khế cơ mà không khế lý thì chẳng được gọi là Kinh.

Các nhà chú sớ Kinh điển của Trung Quốc không dừng lại tại đó, còn đi sâu vào việc khai thác sự đa dạng về ý nghĩa của Kinh. Theo các nhà sớ giải, Kinh gồm có năm nghĩa: (1) pháp bổn, (2) vi phát hay xuất sanh, (3) tuyền dũng, (4) thằng mặc, (5) kết man, (6) hiển thị. Các cách định nghĩa chữ Kinh như vừa nêu tuy có phần phong phú, đa dạng, nhưng đã đi quá ý nghĩa từ nguyên của chữ Kinh trong Phật giáo, thời kỳ nguyên thủy.

Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho (1) các thể loại văn học Phật giáo, hay (2) Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), hay chỉ chung cho (3) Ba kho tàng văn học Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài giảng dạy.

Các vị thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo bấy giờ. Các pháp thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy. Các bài Kinh loại này có mặt khắp trong các Kinh điển Phật giáo của Nguyên Thuỷ và Đại thừa.

Như vậy, "Kinh" chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của Kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản về sau.

Mặt khác, “Kinh” là một khái niệm bao quát, chỉ chung các lời dạy của Phật về đạo đức (dhamma) hay con đường tu tập và những phép tắc (vinaya) liên hệ đến đời sống của cộng đồng tu sĩ sống dưới sự bảo hộ và hướng dẫn của Phật. Nó hoàn toàn không mang các ý nghĩa như "pháp bổn," "vi phát," "dũng tuyền," "kết man," "xuất sanh," " hiển thị " hay ý nghĩa "khế cơ" như các nhà sớ giải Trung Quốc đã phát triển về sau. Nói như vậy không có nghĩa phủ định tính chất khế cơ trong lời Phật dạy. Chỉ có con người ứng dụng kinh, giảng dạy Kinh có khế cơ hay không mà thôi. Nói cách khác tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào vị pháp sư qua sự trình bày pháp thoại đến với quần chúng thính giả hơn là bản thân của pháp thoại đó được biểu hiện dưới hình thức lời nói hay văn tự. Văn tự hay ngôn ngữ có giới hạn, không thể làm chức năng xứng hợp như chính con người của đức Phật và các vị đệ tử thánh của Ngài. Ý nghĩa thâm sâu của Kinh nếu không được vị pháp sư trình bày một cách sáng sủa, chính xác và hợp đối tượng thì người nghe có thể rơi vào các tình trạng ngộ nhận, thoái thất đạo tâm và như vậy là mất hết khế cơ. Đặc tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào người giảng đạo và người nghe. Thuyết giảng pháp thoại mà không nắm bắt được đối tượng nghe pháp sẽ có thể dẫn đến tình trạng làm suy thoái đức tin chánh pháp của người nghe. Ngược lại thuyết pháp phù hợp đối tượng, làm cho đối tượng thấm nhuần lợi ích và an lạc thì sự thuyết pháp đó đã thành tựu ý nghĩa khế cơ rồi. Như vậy lợi ích hay tác hại của một buổi pháp thoại đối với người nghe tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện giảng dạy và phong cách trình bày của vị pháp sư, chứ không phải là bản thân của Kinh điển văn tự.

Nói tóm lại, chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc. Kinh điển là ngón tay để chỉ cho chúng sanh thấy được mặt trăng, là chiếc bè để đưa người sang sông giải thoát. Bản thân Kinh điển không phải là mặt trăng và cũng không phải là bờ giải thoát. Mặt trăng ở đây ám chỉ cho chân tâm, Phật tánh và Niết-bàn. Người đọc tụng và thọ trì cần nương vào lời Kinh để nhận ra được chân tâm, Phật tánh của mình, cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng và nương vào thuyền để sang được bờ bên kia. Sau khi thấy được trăng cần phải biết quên ngón tay. Sau khi qua được bờ rồi, nên thả thuyền xuống sông để nó có thể giúp được nhiều người khác muốn sang sông. Đừng có thái độ chấp thủ và tôn thờ ngón tay đã giúp ta thấy được mặt trăng, cũng như chiếc bè đã giúp ta qua được bờ bên kia!

Tỳ Kheo Thích Nhật Từ

Ý nghĩa của chữ Kinh
Thích Hằng Trường

Nếu các bạn nghĩ rằng kinh là những cuốn sách giấy trắng mực đen thì bạn lầm rồi đấy. Kinh có muôn vàn hình thức sai biệt. Trong thành kiến của ta kinh chỉ là sách là chữ. Nhưng bạn có tin rằng kinh còn có hình thức là âm thanh, là hình ảnh, vật chất, hiện tượng. Thí dd như trong đời này kinh được viết trong băng cassette hoặc CD, tồn tại trong mạng lưới internet, hoặc diễn đạt bằng radio, phim ảnh. Trong đời sống của ta cũng đầy dẫy những hiện tượng đáng gọi là kinh. Bởi vậy ta phải nắm lấy nội dung của kinh để hiểu sự biểu hiện của nó trong thế giới quanh ta. Kinh (sutra) có rất nhiều nghĩa. Xin nêu ra mười nghĩa chính:

Dũng tuyền: Nghĩa là suối phun nước có mạch ngầm dưới đất. Chân lý chứa đựng trong kinh như nước suối tuôn trào, gội sạch mọi phiền não cấu bẩn, khiến ta thân tâm thanh tịnh. Suối nước chảy trên mặt đất thì có thể cạn, còn suối nước có mạch ngầm dưới đất thì tương đối bất tận. Hình ảnh suối chảy róc rách, gợi lên cho ta cảm giác tươi mát, dễ chịu. Có người trong lòng bực bội chuyện gia đình, mới vặn máy nghe nhạc, xem TV cho khuây khỏa. Nhưng càng nghe càng thêm bực dọc, bởi vì xem TV chỉ tạm tránh né phải đối diện với thực tại, chớ không giải quyết vấn đề nội tại trong lòng. Chừng khi nghe băng giảng kinh, thì tự nhiên lòng an định, phiền não biến mất. Lời kinh chính là nước suối mát, dội sạch lửa nóng nảy.

Xuất sinh:Cũng như mặt trời, lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng, lúc nào cũng phát ra năng lượng, kinh cũng vậy: Nó lúc nào cũng tỏa ánh hào quang, lúc nào cũng làm phát sinh đủ mọi công đức, đủ mọi pháp lành, bởi vì chân lý trong kinh có thể làm ta thức tỉnh, phát tâm bồ đề, rồi theo đó thực hành. Tam thế chư Phật đều từ chân lý trong kinh mà đắc giác ngộ. Nhiều người chỉ nghe một câu kinh mà cả đời thay đổi, bỏ ác làm lành. Ngài Huệ Năng nghe một câu kệ trong kinh Kim Cang, rồi không biết bao nhiêu hạt giống bồ đề của ngài đã gieo trồng trong vô số kiếp trước đột nhiên sống lại, khiến ngài giác ngộ. Đó chính là tác dụng làm xuất sinh pháp lành của kinh.

Hiển thị: Hiển là làm lộ ra, thị là chỉ cho thấy. Giống như mặt trăng, ngôi sao sáng hay ngọn đăng tháp có thể rọi sáng bóng đêm hiển bày mọi cảnh tượng. Kinh cũng là mặt trăng hay ngọn hải đăng, làm hiển thị những định luật, chân lý của vũ trụ mà bình thường ta khó thấy rõ trong màn đêm vô minh của tâm trí. Nhở kinh ta mới biết được những cảnh giới vô hình như những buổi thuyết pháp của Phật trên cung trời Đâu Suất. Hoặc kinh diễn bày những triết lý trừu tượng giải thích về chân lý. Câu chuyện sau đây nói về sức mạnh khi chân lý hiển thị: Có vị thầy sau nhiều năm nghiên cứu tham thiền vất vả, vẫn không sao chứng ngộ. Anh ta mới đắp y, trãi tọa cụ trịnh trọng đảnh lễ thầy mình, hỏi rằng: Thưa thầy, con tu đã lâu mà vẫn chưa biết làm sao giải thoát, xin thầy chỉ bảo! Vị thầy hỏi ngược lại: Vậy chớ ai trói buộc con, mà con đòi giải thoát hở? Giống như điện chớp lóe sáng giữa đêm đen, chỉ chớp nhoáng, thầy kia lập tức thấy rõ, thấu suốt đường tu và tâm mình. Anh ta không còn mù mờ nữa. Sức mạnh của kinh và của chân lý thì như thế: Chỉ ra bến giác, thoát vô minh, sửa vận mạng.

Thằng mặc:Nghĩa là dây dọi hay thước đo. Thằng mặc ở đây mang hai ý nghĩa: Một, Là phương tiện đo đạc: Không có dây dọi thì chẳng sao xây nhà cho thẳng. Không có thước, côm ba, thì chẳng sao vẽ hình cho đúng được. Hai, Là đơn vị đo lường tiêu chuẩn: Như các hệ thống đo lường trong toán học, vật lý hay hoá học; các đơn vị đo đạc trừu tượng dùng trong khoa kinh tế học, tâm lý học, xã hội học, đều là thằng mặc. Kinh là phương tiện đo đạc, và chân lý trong kinh là tiêu chuẩn do đạc để ta theo đó tu hành. Những chân lý trong kinh là những tiêu chuẩn của thiện nghiệp, đạo đức, công hạnh tu tập, quá trình tu chứng, và quả vị. Thí dụ như kinh dạy rằng: Con đường giải thoát là giới định huệ. Nếu bạn không tu giới định huệ mà được giải thoát, thì chuyện đó thật ly kỳ lắm đó!

Quán xuyến: Nghĩa là xâu kết lại với nhau. Như vòng hoa xâu kết mấy cánh hoa rời rạc lại với nhau.Chân lý trong kinh xâu kết mọi sự lý, mọi hiện tượng lại với nhau trong một quan hệ nhân quả. Thí dụ như kinh có thể giải thích cho thấy mối quan hệ giữa việc ăn trộm và cuộc sống nghèo hèn, mà ta vẫn cứ tưởng chúng là hai việc hoàn toàn không có liên quan gì nhau. Giống như trẻ em chắp nối mấy miếng puzzles lại với nhau, hay bác thợ nề đắp mấy viên gạch rời rạc lại thành bức tường, kinh xâu kết những chuyện mà ta cảm thấy rời rạc không liên quan gì với nhau thành ra một bức hình toàn diện của vạn pháp (tổng tướng), trong đó mọi thành phần (biệt tướng) thì quan hệ mật thiết, không thể phân chia, tách rời. Tất cả những biến đổi của mỗi thành phần, dù tốt hay xấu, hoặc trở nên tương đồng (đồng tướng), hoặc trở nên khác biệt (dị tướng), hoặc sinh ra (thành tướng), hoặc chết mất (hoại tướng); tất cả mọi chu kỳ và biến thiên của mọi hiện tượng trong vũ trụ và pháp giới đều bao hàm trong một đại thể. Kinh là lăng kính mà qua đó ta có thể thấy đại thể ấy. Cũng có nghĩa rằng kinh là lăng kính giúp ta đạt được cái nhìn như thị: Thấy vạn pháp bằng chân lý, không bị ảnh hưởng bởi thành kiến, ngã kiến hay phiền não.

Nhiếp trì: Nghĩa là nắm giữ, giữ gìn, không để cho biến mất hay hư hoại. Cũng giống như sức hút của trái đất, hay trọng lực, nhiếp trì tất cả mọi vật trên mặt đất, kinh nhiếp trì tất cả mọi chân lý. Kinh là một thứ hoàn toàn thanh tịnh, không phát sinh từ tham sân si, với năng lực vô song duy trì tâm thức của người tu trên con đường thanh tịnh và trí huệ. Mỗi một ý trong kinh là một hạt giống bất diệt trong tâm thức của người tu. Hạt giống ấy một khi đã gieo xuống thì bất diệt, từ từ lớn mạnh, tạo ảnh huởng khiến ta hướng vào đường lành, tránh ngõ ác.

Thường: Nghĩa là thường hằng bất diệt. Ví như hư không: Chẳng sao phá huỷ được nó. Cũng vậy, chân lý trong kinh chẳng ai có thể huỷ hoại được. Ta có thể huỷ báng, chê bai, thiêu đốt kinh sách, cấm cản phát hành, nhưng không sao thay đổi được những đạo lý trong kinh. Vào thời Đường, có vua Võ Tông (814-846) là một người tín đồ Đạo Giáo kiền thành. Tin tưởng rằng trừ khử Phật giáo sẽ đem lại trường sinh bất lão, đồng thời cũng muốn cân bằng lại thế lực trên mặt chính trị và kinh tế mà Phật giáo đang có ảnh hưởng sâu đậm, Võ Tông đã hạ lệnh diệt Phật: hơn 4,600 chùa bị hủy phá; 40,000 đền miếu đốt rụi; khoảng 260,500 chư tăng ni bị bắt hoàn tục, và hàng trăm ngàn kinh điển, tài liệu về Phật pháp bị thiêu đốt. Tuy thành công trên mặt chính trị và kinh tế, Võ Tông chẳng diệt được ảnh hưởng văn hóa của Phật giáo. Nhất là chân lý nhân quả thì thể hiện trong sinh hoạt, ghi chép trong đời sống và tâm thức của mỗi người, thì làm sao xóa được? Chỉ mấy tháng sau khi tiến hành diệt Phật, chính Võ Tông vì uống thuốc trường sinh mà nhuốm bịnh chết. Phải chăng chân lý ‘ác giả ác báo’ thị hiện? Chân lý nhân quả này, không cần sách vở biên ra mới tồn tại, bởi vì nó vĩnh viễn khắc sâu trong cuộc sống của ta.

Pháp:Pháp ở đây có nghĩa là lý tất nhiên, lẽ đương nhiên. Kinh bao hàm những lý lẽ không sao phủ định được, mà ta gọi là chân lý. Hai ngàn năm trước Phật dạy rằng: Không nên cất giữ vũ khí trong nhà vì nó sẽ dễ đưa tới nghiệp sát. Hai ngàn năm sau, bây giờ ở Mỹ người ta mới thống kê cho thấy khả năng sát nhân đã tăng lên gấp 3 lần trong những gia đình nào trong nhà có giữ súng ống.

Điển: Có nghĩa là tập hợp những nghĩa lý tốt lành, không chút tà vạy. Điển là thứ ta có thể tin cậy để dựa vào, để nghiên cứu, để tìm hiểu, vì nó không có bóng dáng của lòng ích kỷ, thiên vị hay quan niệm lệch lạc. Khi những sách vở nói về một triết thuyết, học thuyết, hay quan điểm của một cá nhân thì nó chưa phải là điển. Khi nào những gì được trình bày trong sách vở ấy hoàn toàn vắng bặt dấu vết của lòng truy cầu danh vọng, cảnh giới hẹp hòi nhỏ bé của bản ngã thì nó sẽ thành kinh điển. Dân tộc nào cũng có vô số tục ngữ; chúng là kết quả của sự quan sát và kinh nghiệm những việc xảy ra ở đời. Phần lớn những tục ngữ ấy là một thứ điển chứa đựng chân lý sống, công chính và hiển nhiên, như:

Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát.
Đánh chết, cái nết chẳng chừa.
Không có lửa, sao có khói.
Bởi tin nên mắc, bởi chắc nên nhầm.
Đức năng thắng số.
Thuốc chữa bệnh, chẳng chữa được mệnh.
Cây già, lá úa.

Kinh: Nghĩa là con đường. Trong danh từ Hán Việt, chữ này đồng âm với chữ kinh của kinh điển. Con đường thì có to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Những đạo lý trong kinh điển dạy cũng giống như con đường, hay nói đúng hơn là bản đồ để ta theo đó tu hành giải thoát sinh tử. Ngoại đạo là con đường dẫn ta đi ra khỏi Đạo, hướng ngoại, rời bỏ chân lý và chân tâm. Hồi đời nhà Minh có ngài Đức Thanh Hám Sơn. Có một thời gian ngài ẩn cư, tu thiền. Khi không biết cảnh giới và phương thức tu trì của mình đúng hay sai chẳng có thiện tri thức ở gần kề chỉ dạy, ngài đã dùng kinh Lăng Nghiêm để kiểm chứng cảnh giới của mình. Nhờ đó ngài mới thấu triệt thiền cảnh, xác quyết đường tu.

Thích Hằng Trường

Biên Kiến Và Sở Tri Chướng. Xin Giải Thích Cho Tôi Biết Rõ Về Hai Từ Nầy?

HỎI: Tôi đọc kinh thấy có đề cập đến Biên Kiến và Sở tri chướng , tôi có tra tự điển và một số tài liệu nhưng hiểu chưa rõ vậy, xin giải thích cho tôi biết rõ về hai từ nầy?.

TRẢ LỜI

1/ - Biên kiến là một trong năm ác kiến, gồm có: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, giới cấm thủ kiến, Kiến thủ kiến .

Theo như đạo hữu hỏi trong thư, chúng tôi xin trích đoạn "Những Mộng Đàm về Phật Giáo Thiền Tông" của Quốc sư Mộng Sơn do Huỳnh Kim Quang dịch, (Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới ấn hành) nhằm nói rõ biên kiến như sau:

"Người chưa giác ngộ nghĩ rằng những niềm tin mà họ tưởng là thật, chính là căn nguyên, do đó, một khi họ đặt niềm tin vào bất cứ giáo nghĩa của trường phái nào, họ đều bác bỏ tất cả các trường phái khác. Một khi họ đặt niềm tin vào một người nào đó như là bậc đạo sư của họ, họ nghĩ rằng giáo nghĩa của mọi người khác đều là thấp kém, và ngay cả từ chối nghe bất cứ điều gì khác.

Những người như vậy là những kẻ khờ dại nhất trong những người khờ dại .

Cũng có người ôm giữ mãi do dự và không quyết đoán, bởi vì những giáo nghĩa của nhiều trường phái và các vị đạo sư khác biệt nhau .

Thức ăn có nhiều mùi vị; cái nào có thể được xác định như là tinh chất? Như thể chất của con người khác nhau, vị giác của họ cũng vậy . Một số người thì thích ngọt bùi; một số người khác thì ưa thức ăn cay . Nếu các ngài nói rằng mùi vị mà các ngài thích là mùi vị tinh chất và phần còn lại là vô dụng, các ngài chính thật là kẻ khờ dại .

Như thế, theo giáo lý đạo Phật thì: bởi vì các ý thú tự nhiên của con người khác biệt nhau, có thể là, một giáo nghĩa đặc biệt nào đó, là giá trị đặc thù đối với một cá nhân nào đó được ban cho, nhưng nó trở thành sai lầm nếu người ta chấp chặt lấy nó như là điều duy nhất và chân lý duy nhất, để loại bỏ tất cả những giáo nghĩa khác ..."... (Trang 152)

Trong Kinh Tăng Chi (Anguttara Nikaya) có một kinh gọi là Kinh Kamala. Đức Phật có nói với một Bà La Môn khi đến hỏi Phật :"Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn . Đừng tin tưởng điều gì vì nó là tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì được nhiều người nói đi nhắc lại . Đừng tin tưởng điều gì vì là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng những thói quen đã có từ lâu khiến ta cho là đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng nhưng lại nghĩ rằng do một vị thần linh đã khai thị cho ta . Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì do các thầy có uy tín dạy . Chỉ tin tưởng cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, đồng thời có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có điều đó mới làm cho con người và cuộc đời được thăng hoa . "

2/ Sở Tri Chướng: Sở Tri Crướng (chỗ biết là chướng ngại), cũng còn gọi là Trí Chướng (Trí khôn là chướng ngại: Sự chấp nệ chỗ biết, chỗ chứng của mình ngăn bít cái Tánh Trí Huệ ....) là tất cả những điều hiểu biết do tâm ý thức, dù được cho là đúng, hoặc sai, đều thuộc phạm vi nhị biên , tương đối, không phải là bổn tâm thanh tịnh bất nhị, nếu còn giữ lại một mảy may tri kiến nào thì đều là còn có sở trụ, tâm còn bị vướng mắc, chưa giải thoát. Trong kinh Kim Cang ,đức Phật dạy :"...Pháp còn phải xả bỏ, huống là phi pháp", là nghĩa này vậỵ

Hòa thượng Thích Hành Trụ giảng rằng:

- "Sở tri chướng" cũng gọi là Trí chướng, bởi ngu si mê ám, không hiểu thấu được sự tướng và thực tánh của các pháp, nên bảo là Trí chướng. Cái chướng này do bệnh "Pháp chấp" sanh ra ...(A Di Đà Sớ Sao, trang 246)

Hòa thượng Thích Duy Lực giảng rằng:

- "Sở tri chướng" : Tri kiến do bộ óc nhận thức được đều làm chướng ngại sự kiến tánh . (Danh Từ Thiền Học Chú Giải, trang 43)

Chúng tôi thiết nghĩ , chúng ta đang sống trong thế giới tương đối, có quy luật, có đúng, có sai, chúng ta cần có "sở tri" để biết đúng mà làm, biết sai mà tránh. Chỉ khi nào chúng ta giác ngộ lại bản thể chân tâm tuyệt đối (chư Tổ dùng chữ "tạm nói" để chỉ cái chuyện "tuyệt đối" này, vì có nói ra được là có "năng, sở" có đối đãi, làm sao mà mô tả "tuyệt đối", chư Tổ gọi tình trạng này là"gãi ngứa qua giầy"), thì lúc đó chúng ta đã" tuyệt kiến văn", đã bừng tỉnh khỏi cơn mê mụ của "kiến, văn, giác, tri" này, lúc đó chắc chắn chúng ta hết sở tri chướng, đạo hữu ạ.

Tất cả chúng ta đều đang sống trong đời sống tương đối, đều đang ôm trong tâm đủ loại sở tri, chướng nhiều hay ít thì tùy người, không ai không bị sở tri chướng ngại đâu, chỉ có khác nhau ở sự chấp trước, người chấp chặt vào điều mình biết (sở tri) quá, thì bị cái "sở tri" nó "chướng" ngại nhiều . Buông xả bớt, thì cuộc đời nhẹ nhàng, trong đạo, ngoài đời đều nhẹ bớt mà thôi, đạo hữu ạ .

Chư Tổ nói rằng còn để trong tâm một chữ "tri", là còn cái cửa tai họa, không giải thoát , vì còn bị "sở tri" chướng ngại . Cho nên thôi thì đạo hữu và tôi, chúng ta cứ buông xả bớt cái " sở tri" nào có thể buông xả được, cho nó nhẹ bớt được tí nào hay tí ấy, gọi là " kiến dọn lâu cũng sạch tổ", hy vọng sở tri chướng sẽ giảm dần, cho đến khi nào tu hành tinh tấn đến bừng tỉnh khỏi cơn mê, sẽ chấm dứt sở tri chướng. Và ngay cả chấp vào Sở Tri cũng là chuyện phải xảy ra, chỉ khi nào chấp "chặt" thì mới trở thành Chướng

Vậy làm cách nào để bỏ được thói quen chấp "chặt"?

Có hai vấn đề đặt ra :

1- Về tu hành, nếu muốn giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, mà trong tâm còn lại một niệm "biết" (tri), thì theo chư Tổ Thiền Tông, cũng còn là cửa tai họa, còn là " sở tri chướng", còn lưu lạc, luân hồi trong đời sống nhị biên, tương đối .

2- Về đời sống hàng ngày, tương đối, thì đã gọi là "tương đối", mọi người cư xử với nhau tuỳ theo " vọng tâm sinh diệt nhị biên", có người thiện tâm, có người ác tâm, người muốn chuyển hóa dòng nghiệp lực, hoặc vâng lời dậy dỗ của gia đình, trường học, tôn giáo, thì "tu tâm", tự mình cải hóa dần, từ tâm ác chuyển thành tâm thiện, đó là đời sống tương đối, đời sống đầy ắp sở tri, đạo hữu ạ .Vấn đề tình yêu khác tôn giáo cũng như khác chính kiến, khác giai cấp, là những vấn đề muôn thuở . Nên để đương sự tuỳ theo tâm họ mà giải quyết vấn đề. Niềm tin chính của chúng ta, những người theo đạo Phật, là tin sâu nhân quả . Nếu hai người yêu nhau quá, không thể bỏ nhau, là họ đã có nhân duyên với nhau từ những kiếp trước.Nếu họ dùng tâm từ bi và tình yêu để xử với nhau, họ sẽ không làm cho nhau đau khổ đâu . Cổ nhân có cái thí dụ rằng mỗi người đều có hai tay . Nhưng khi đứng cạnh nhau, mỗi người phải tự đưa một tay về phía sau, thì đứng cạnh nhau mới thoải mái . Người Việt Nam chúng ta có từ ngữ " tế nhị" nếu mọi người đều hành xử tế nhị thì cuộc đời sẽ bớt nhiều đau khổ, đạo hữu ạ .Sống chung, mọi người đều phải nhường nhịn bớt, thì mọi sự sẽ trở nên tương đối ổn định, đời sống tương đối mà .

Trên đây là những lý thuyết, nhưng nếu ai đem lý thuyết ứng dụng được vào đời sống hàng ngày thì người ấy sẽ tránh được nhiều phiền não và có được hạnh phúc. Có một câu nói của một tác giả nào đó mà chúng tôi không nhớ rõ tên. Tác giả viết rằng: "Nếu đời cho ta một trái chanh, thì ta pha thêm nước và thêm một ít đường vào rồi hãy uống cho đỡ chua". Đúng như vậy, nếu chúng ta muốn bớt chấp trước, thì chúng ta nghe theo những lời khuyên này . Còn nếu chúng ta cứ nhất định phải " ăn quả chanh nguyên chất", thì cũng đành tùy duyên vậy .

Vậy Xin Hỏi Ban Biên Tập Về Thiền Xuất Hồn Và Phật Giáo Có Loại Thiền Này Không?

Hỏi: Tôi có người bạn thường hay dậy vào lúc 2 giờ sáng ngồi thiền một tiếng rồi đi ngủ lại, đến 7 giờ sáng đi làm và buổi chiều sau khi ở sở về lại ngồi thiền từ 5 giờ đến 7 giờ, có khi đến nửa đêm. Được hỏi về mục đích, người bạn nói rằng "ngồi thiền để dùng màn hình ti vi xem anh em lu bu bên Việt Nam làm ăn ra sao". Vậy xin hỏi ban biên tập có phải đây là thiền Xuất Hồn và Phật giáo có loại thiền này không?

TRẢ LỜI: Đức PhậtThích Caxưa kia do tu Thiền mà giác ngộgiải thoát. Nhưng khi nói đến Thiền thì nhiều người hoang mang vì có cả một rừng Thiền nào là Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền, Thiền Đốn Ngộ, Thiền xuất hồn, Thiền Yoga, Thiền Tây Tạng, Thiền Zen... không biết theo pháp môn thiền nào và theo ai chỉ dạy bây giờ? Vì không ai chỉ dạy nên người chán nản thì theo đại một phái Thiền nào đó. Nếu là Thiền Phật giáo như Tứ Niệm Xứ, Minh Sát Tuệ, thì còn đỡ, nhưng nếu chẳng may rơi vào Thiền ngoại đạo thì không những uổng một kiếp này mà còn uổng cả muôn ngàn kiếp sau, vì sai một ly đi một ngàn dặm. Cổ nhân có câu: "Thà đành ngàn năm không ngộ, còn hơn một phút sai lầm".

Như vậy làm sao phân biệt Thiền nào là Thiền Phật giáo và Thiền nào là Thiền Ngoại đạo. Câu trả lời nên là, tất cả các pháp Thiền nào chỉ rõ Tâm thể vốn Không, ngộ nhậpbản TánhChân Tâm, là Thiền Phật giáo. Còn tất cả các pháp môn khác đều không phải là Thiền Phật giáo.

Một số người tập Thiền là mong cầu thần thông. Họ tin vào các môn phái thiền ngồi một thời gian ngắn là thấy được hào quang hoặc xuất hồn về Việt Nam hay đến các cung trời nào đó và sinh tâm nghi rằng pháp Thiền của Phật dạy ngồi hoài mà không thấy thần thông. Đây là sự sai lầm rất lớn. Tất cả các hiện tướng của Tâm do Thiền ngoại đạo, sau một thời gian ngắn ngồi thiền, mà thành đều không phải là thần thông hay cảm ứng gì hết. Đó chỉ là vọng tâm mong cầu biến hiện. Thiền Phật giáo, đơn cử như trong pháp Tổ Sư Thiền thì Tâm không còn chỗ nương tựa thì lấy chỗ nào cho các hiện tướngsinh khởi. Thần thông của Thiền Phật giáo không phải là nơi hay cái mà các pháp Thiền ngoại đạo có thể đạt tới được. Ngay khi Giác Ngộ, thấy suốt Tự Tánh, đắc Tứ Vô Ngại Biện Tài, chính là thần thông của Phật giáo. Các loạithần thông khác như bay trên không, đi trên nước, chui xuống đất hay xuất hồn, Đức Phật đều xem như những trò ảo thuật mà Đức Phật khuyên học trò mình không nên làm.

Khi nói về Thiền Xuất Hồn, trong một quyển sách dạy tu thiền, Hoà thượng Thanh Từ có liệt kê loại thiền Xuất Hồn vào dạng thiền ngoại đạo mang danh nghĩaPhật giáo và Hoà thượng khuyên người Phật tử không nên tu theo loại thiền này.

Trong kinh Lăng Nghiêmđức Phật dạy chúng sanh phải trở về với thể tánhchân tâmthường trụ, đồng với ý nghĩa như trong kinh Pháp Hoa: "khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến".

Nguyên nhân Ngài nói kinh Lăng Nghiêm là do ngài A-Nan thị hiệnmắc nạn, bị nàng Ma- đăng-Già bắt. Sau khi nhờ Phật cứu độ được thoát nạn rồi, ngài mới cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp nào mà mười phương các đức Phậttu hành đều được thành Đạo Quả...
........
Trước khi chỉ chân tâm, Phật gạn hỏi cái tâm theo thường tình của chúng sanhvọng chấp. Bảy đoạn hỏi tâm làm cho ngài A-Nan cùng đường tột lối; lúc bấy giờ Phật mới từ từ chỉ bày cái chân tâm đến sáu, bảy lần. Ban đầu Phật tạm chỉ các cảm giác về phần trực giác như thấy, nghe v.v..., là tâm (cũng như người kiếm trâu mới tìm được dấu) Khi ngài A-Nan và đại chúng đều hiểu rồi, Phật lại chỉ lên một tầng nữa là: "Các cảm giác tuy không phải vọng, nhưng chưa phải là chân tâm, nó cũng như mặt trăng thứ hai v.v... " Phật lại chỉ cái "Bản thể" sanh ra các cảm giác (hiện tượng), mới thật là chân tâm (dụ như người mới tìm gặp được trâu), tức là ở đoạn trong văn kinh chữ Hán nói: "Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập v,v..."

Phật dạy cho biết rằng:
- Vì các ông còn ở trong vòng mê, nên chỉ gọi là các cảm giác -- thấy, nghe, hay, biết-- của chúng sanh. Đến khi ngộ rồi thì gọi là bốn đức Niết-bàn của Phật -- Thường, lạc, ngã, tịnh--.

Và Phật dạy:
- Tất cả các pháp đều từ tâm biến hiện, như năm ấm (còn gọi là năm uẩn), sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới và bảy đại đều do tâm sanh ra, rồi cũng trở vềthể tánhchân tâm. Thế là Ngài dẫn các "tướng" quy về "Chân tánh".

Đến đoạn này ngài A-Nan mới "ngộ" được "chân tâm"....
....

- Phật dạy khi đối cảnh, không khởi vọng niệmphân biệt theo vọng trần, tức là câu "bất tùy phân biệt", nghĩa là , xoay các cảm giác như "thấy, nghe, hay, biết" đều trở vềthể tánhchân tâm. Nếu vọng niệm không khởi thì chân tâm hiện bày . Đây là pháp tu trực chỉ của bậc thượng căn.

- Phật dạy trì giới: Nhân trì giới, tâm được thanh tịnh, nhờ tâm tịnh mới phát sanh ra trí huệ, để phá trừ vô minh. Vô minh hết, thì chân tâm tự hiện bày . Nhưng trong kinh này nói trì giới là chỉ cho "tâm giới", nghĩa là thân đã không sát, đạo, dâm, vọng, mà tâm cũng không nghĩ tưởng đến việc sát, đạo, dâm, vọng, cho đến cái "biết mình đã đoạn trừ" cũng không còn. Thật là cao siêu vô cùng và cũng khó khăn tột bực, vì nếu tâm còn móng một vọng niệm gì, thế là tâm chưa tịnh. Nếu tâm chưa tịnh, thì giới thể chưa viên...
.........
Trong khi tu thiền định, lại có thể gặp năm chục thứ "ngũ ấm ma", nó biến hiện đủ điều, nào là ma nội tâm, ma ngoại cảnh, đủ cách nhiễu hại hành giả...
..........
Sau mỗi đoạn ma hiện, Phật đều dạy rằng:

- Do hành giảdụng côngtu thiền, nên mới có những biến hiện như vậy, không phải là đặng Đạo, hay chứng Thánh, nếu hành giảbiết trước thì các cảnh ma kia lần lần tự tiêu diệt, không hại chi cả, còn nếu mê lầm không biết, tự cho rằng mình "đặng Đạo" hay "chứng Thánh", sanh tâm chấp trước, thì bị ma nó cám dỗ. rồi phải đọa vào đường tà, làm quyến thuộc của ma .

Bởi thế, người tu hànhcần phảithận trọng, chớ nên gặp chi tin nấy, mà bị ma cám dỗ, rất nguy hiểm cho đời mình, về hiện tại, cũng như vị lai.

Phật nhắc đi, nói lại nhiều lần, bảo các đệ tử:

- Nên đem lời ta nói đây truyền dạy cho chúng sanhđời sau, khiến cho mọi người đều biết rõ, để tránh khỏi các ma nhiễu hại, trên đường tu hành được thẳng đến đạo Bồ Đề" (Trang 260) (Trích "Triết Lý Thủ Lăng Nghiêm"; Soạn giả: Hòa thượng Thích Thiện Hoa; Phật Học Viện Quốc Tế ấn hành)

Quý độc giả muốn biết thêm về Thiền Xuất Hồn, có thể đọc thêm bài viết phân tích về bản chất của đạo Xuất hồn của tác giả Phạm Bá. Bài viết này giúp những ai đang lạc vào đường hướng tu thiền này:

Xin Hỏi Đồng Bóng, Đồng Cốt Là Gì? Có Cách Nào Khuyến Hóa Những Người Thân Trở Về Chánh Pháp Không?

Tôi là Phật tử thâm tín Tam bảo nhưng gia đình lại theo đồng bóng. Vậy xin hỏi đồng bóng, đồng cốt là gì? Có cách nào khuyến hóa những người thân trở về Chánh pháp không? Tôi có tâm nguyện kiếp sau xuất gia học đạo, liệu tôi có được toại nguyện không?

ĐÁP: Trong dân gian có một bộ phận theo “tín ngưỡng” đồng bóng (đồng cốt) đồng thời sống và thực hành theo những lời phán truyền của các thần thánh hiển linh thông qua trung gian là những ông Đồng, bà Cốt.

Đồng có nghĩa đen là trẻ con, tâm hồn trong trắng chưa bị vẩn đục. Cốt nghĩa đen là xương, người cho thần linh mượn xác. Đồng Cốt có nghĩa là những người ngồi đồng, được xem như “hạp căn”, có tâm hồn trong trắng như trẻ nhỏ, là trung gian để thần linh mượn xác về ngự và phán truyền. Đồng Bóng có nghĩa là bóng (thần linh) mượn hình đồng để tiếp xúc, khuyên dạy người ở trần gian.

Thế giới thần linh theo tín ngưỡng đồng bóng rất đa dạng. Trên hết là Ngọc Hoàng thượng đế, kế đến Tam tòa Thánh mẫu (Mẫu Thượng Thin, Mẫu Thượng Ngn, Mẫu Thoải), dưới nữa là các Quan và thấp hơn là các Cậu và các Cô v.v… Khi lên đồng, vị thần linh nào “ngự” thì xưng danh tánh, biểu lộ tính cách và phán dạy. Các vị thần linh này thường thể hiện những tính cách bất thường như chợt vui, chợt buồn, đến đi (thăng) bất chợt. Nhìn chung, những phán truyền của thần linh qua lời của Đồng Cốt có tính huyễn hoặc, hư thực khó phân, đôi khi tuỳ tiện đến phi lý nhưng luôn được các “tín đồ” đồng bóng y giáo phụng hành.

Để khuyến hóa người thân mê theo đồng bóng, trước hết bạn cần chỉ ra sự nguy hiểm: “Những người Đồng Cốt thì ý chí của họ ngày càng trở nên yếu kém, bởi họ luôn nạp mình cho những sức mạnh bên ngoài, làm cho tinh thần ngày càng trở nên lụn bại. Họ trở nên thụ động, không thể tự chủ, luôn bị ám ảnh và mất thăng bằng. Lâu ngày thì họ bị những ảnh hưởng ma quái xâm nhập và mất hẳn sự tự chủ. Tình trạng đó khó có thể trị dứt” (Goeffrey Hodson, Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Những quyền năng thiêng liêng và phi thường của con người).

Kế đến, ngoài sự nguy hiểm đối với người cho mượn xác như đã nói thì khi lên đồng, những thần linh xuất hiện đa phần là những ác thần, tiểu quỷ (có tâm lượng nhỏ hẹp, địa vị thấp kém trong thế giới quỷ thần) nhưng vì tự ngã to lớn nên thường lạm xưng là thần này, thánh nọ. Vì thế, những lời phán của thần thánh thông qua Đồng Cốt nói chung thường khó hiểu, mù mờ, nhăng cuội, rời rạc chẵng những không giúp ích gì cho người tin theo mà còn gây ra hoang mang cho kẻ hầu đồng cùng với những lo lắng không cần thiết.

Mặt khác, bạn phải trình bày, giảng giải những tinh hoa của giáo pháp mà bạn đã hiểu như giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Chánh kiến, Giải thoát v.v… để những thành viên trong gia đình bạn từng bước lãnh hội, giác ngộ và chuyển hóa. Khi hiểu rõ về chánh pháp, có chánh kiến, nhận thức sâu sắc nhân quả đồng thời nhận thức được sự nguy hại của việc tin theo đồng bóng, chắc chắn rằng họ sẽ không còn tin tưởng vào những lời huyễn hoặc mang danh thánh thần nữa.

Bạn có tâm nguyện kiếp sau phát tâm xuất gia là điều tốt. Tuy nhiên, theo Phật giáo thì tương lai được hình thành theo những nghiệp nhân đã làm trong hiện tại. Do vậy, ngoài việc làm tròn bổn phận tu học của người Phật tử, bạn phải gieo trồng những hạt giống lành với hạnh nguyện xuất gia như: Tu tập Bát quan trai (xuất gia một ngày một đêm), thực hành xả ly tham ái, nhàm chán đời sống thế tục đầy phiền lụy, thân cận tu tập theo chúng Tăng, phát tâm Bồ đề cầu giải thoát để nguyện độ chúng sanh v.v… Nếu làm được như vậy thì chắc chắn chí nguyện và công hạnh xuất gia của bạn trong tương lai sẽ trở thành hiện thực.

Hình Ảnh Phật Giáo Trong Truyện Tây Du Kí

Gia đình chúng tôi được xem bộ phim Tây Du Ký, hầu như ai cũng cảm thấy thích thú và tiếp cận được phần nào Phật giáo qua bộ phim này. Riêng tôi có nhận xét ngược lại: Bộ phim đã có nội dung xuyên tạc và bôi bác Phật giáo, thí dụ như hình ảnh Đức Phật dùng thần thông chụp năm quả núi lớn đè xuống mình Tôn Ngộ Không một cách thiếu từ bi rồi liền quay lại hớn hở nhìn cô Hằng Nga ca múa và hình ảnh ngài Ca Diếp và ngài A Nan, hai đại đệ tử của Đức Phật, đòi “hối lộ” vàng bạc mới cho thỉnh bộ kinh mang về Trung Hoa. Và cuối cùng ngài Đường Tăng đã phải hối lộ chiếc bình bát bằng vàng do vua trao tặng để đổi lấy bộ kinh đem về nước. Vậy xin ban biên tập, nếu có thể được, hoan hỷ cho chúng tôi biết ý kiến về bộ truyện cũng như bộ phim Tây Du Ký này. Xin cảm ơn ban biên tập trước.

TRẢ LỜI: Sau khi xem Tây Du Ký qua phim và đọc nguyên bản của tác giảNgô Thừa Ân ban biên tậpchúng tôinhận thấy nội dung phim có phần không phản ánh đúng giáo lý của nhà Phật, nếu không muốn nói là tác gỉa và đạo diễn bộ phim đã xuyên tạc và bôi bác Phật giáo. Tuy nhiên, nhận định của chúng tôi có thể còn khiếm khuyết. Vì thế chúng tôi mời đạo hữu và quý độc giả xem hai nhận định về Tây Du Ký của Đại lão Hoà thượngHư Vân, một vị cao tăngcận đại của Phật giáo Trung Hoa và của Đại ĐứcTiến Sĩ Thích Nhật Từ, một giảng sưĐại họcPhật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh ngày nay:

Đại lão Hoà thượngHư Vân đã nhận định như sau:

“Trong đời Đường, pháp sưHuyền Trang có viết quyển Tây Du Ký. Nội dung của quyển này vốn là những lời chân thật. Song, truyện Tây Du Ký được lưu truyền trên thế gianhoàn toàn là những lời ma qủy. Hòa thượngBạch Vân ở chùa Bạch Vângiảng kinhĐạo Đức, khiến rất nhiều đạo sĩxuất gia làm tăng sĩ. Do đó, các đạo sĩ tại Trường Xuân Quán khôngvừa lòng, nên nói dối là theo lệnh quán quân, sửa Trường Xuân Quán thành Chùa Trường Xuân, và chùa Bạch Vân thành Bạch Vân Quán. Các đạo sĩ tự viết ra quyển tiểu thuyết Tây Du Ký để phỉ bángPhật giáo. Xem xét kỹ càng quyển tiểu thuyết Tây Du Ký này thì sẽ thấy chân tướng của họ. Sự lợi hại nhất là họ chẳng hề ghi lại việc pháp sưHuyền Trang mang kinh vượt qua các bãi sa mạc mà trở về bổn quốc. Họ viết là pháp sưHuyền Trang chỉ lưu lại sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Những kinh điển do pháp sưHuyền Trangphiên dịch, họ hoàn toàn bỏ qua không nhắc đến. Thế nhân rất tin tưởng vào quyển truyện Tây Du Kýgiả dối đó, khiến quyển Tây Du Kýchân thật lại bị chôn vùi.

Để đối đầu lại quyển tiểu thuyết Tây Du Kýgiả dối, các Phật tử viết ra bộ truyện Phong Thầnđể phỉ báng các đạo sĩ. Quyển truyện này nói rằng các đạo sĩ, dầu tu tiên bao số kiếp, nhưng vẫn còn tâm sân hận chém giết lẫn nhau.

Xem hai quyển truyện này, nếu không biết rằng chư Phật tử cùng các đạo sĩphỉ báng lẫn nhau, thì sẽ lầm nhận giả thành chân. Vì vậy, khi xem sách vở thế tục, phải phân biệt rõ những điều thị phi, đúng sai, tà chánh. Truyện Bạch Xà ghi rằng chùa Kim Sơnbị nạn lụt lội; việc này được ghi chép trong sách vở của nhà nho, còn kinh sách của Phật giáo nào có viết đến. Thế nên, chẳng phải là sự thật. Hiện nay, tại chùa Kim Sơn còn đông Pháp Hải, mà tiểu thuyết lại ghi rằng đó là tháp Lôi Phong và đỉnh Phi Lai. Thật là những điều hàm hồvô căn cứ. Lại nữa, một truyền thuyết cho rằng thiền sư Cao Phong có một nửa đồ đệ: Đoạn Nhai là một, và Trung Phong là phân nửa. Trong các điển chương của Phật giáo nào có ghi những điều này!

Nếu muốn có lợi ích thật thụ, hãy xem những quyển kinh sách của cổ nhân như Thích Thị Cổ Lược, Thiền Lâm Bảo Huấn, Hoằng Minh Tập, Bổ Giáo Biên, kinh Lăng Nghiêm…”

(Trích đoạn Pháp Ngữ của Thiền SưHư Vân, TT. Thích Hằng Đạt Việt dịch - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2004: http:/old.thuvienhoasen.org/u-huvanluc5.htm#5)

Đại ĐứcTiến sĩ Thích Nhật Từnhận định như sau:

“Tây Du Ký còn gọi là Truyện Tề Thiên Đại Thánh, một bộ tiểu thuyết trường thiên, cổ điển của văn họcTrung Quốc, đã được giới độc giả trên khắp thế giớihâm mộ, ưa thích, mỗi khi đọc đến quên cả ăn và bỏ cả ngủ. Gần đây, các đài truyền hình trong nước, từ đài Cần Thơ cho đến đài TP. HCM đã cho chiếu rộng rãi bộ phim truyện này do nữ đạo diễn Dương Khiết thực hiện, thì Tây Du Kýmột lần nữa trở nên phổ biến hơn và quen thuộc hơn đối với mọi người từ già đến trẻ, từ trí thức đến bình dân.

Từ mọi góc độ, người đọc cũng như người xem cảm nhận tác phẩm theo những nhận thức khác nhau, và đúc kết cho mình những bài học cũng vô cùng khác nhau. Tác dụng của tác phẩm rất đa dạng. Nó đến với lòng người dĩ nhiên không thể đồng dạng với ý tưởng nắn ra tác phẩm của tác giảNgô Thừa Ân. Và do vậy, sự đánh giá, nhận định, bình phẩm, dù trải qua nhiều thời kỳ vẫn cứ nghiễm nhiên diễn ra theo chủ kiến của người cầm bút.

Từ góc độ nghệ thuật cũng như diễn xuất, Tây Du Ký của đạo diễn Dương Khiết phong phú và hấp dẫn không kém gì nguyên tác truyện của Ngô Thừa Ân. Có thể nói, đạo diễn Dương Khiết và các tay diễn viên lão luyện của bà đã thành côngđáng kể ở mặt này. Tuy nhiên, một bộ phim dài 25 tập, tuy có chọn lọc từ bộ truyện dài hơn 2000 trang với 81 nạn trên đường thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh, cũng không thể tránh khỏi những hạn chếnhất định.

Ngay cả nguyên tác, ngoài mặt thành công nghệ thuật và tính cách của các tuyến nhân vật, thiện ácrõ ràng, đẹp xấu phân minh, Ngô Thừa Ân cũng vấp phải nhiều thiếu xót rất lớn. Chẳng hạn như sự thiếu tính logic trong diễn tiến các tình tiết của nhân vật Sa Tăng và Ngựa Bạch giữa trước lúc còn là yêu quái với lúc sau khi được Đường Tăng nhận làm học trò và theo thầy sang Thiên Trúc thỉnh kinh.

Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thôngbiến hóaphi thường, nhào một cái là mấy chục vạn dặm, vậy mà phải mất đến 17 năm trời mới cùng thầy đến được Thiên Trúc, một nước cách Đại Đường có là bao xa, so với cái nhào nhảy "khôn lường" đó. Các vị Phật và Bồ-tát tuy được tác giảmô tả trong truyện vượt xa 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không và dĩ nhiên hơn cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân và bỏ xa Nương Nương Thánh Mẫu, nhưng lại là các tuyến nhân vật đóng vai phản diện hơn là chính diện. Chính Phật TổNhư Lai và Bồ-tát Quán Thế Âm đã bắt giam Tôn dưới chân núi Ngũ Hành ngót 500 năm dài và cũng chính Phật TổNhư Lai và Bồ-tát Quán Thế Âmmột lần nữa tạo ra 81 nạn cho 4 thầy trò Đường Tăng, để rồi dẫn đến kết thúc của tác phẩm chẳng có nghĩa lý gì:Như Lai là người chủ mưu cuộc hối lộ cái "bát vàng" trước khi giao chân kinh có chữ về Đông Thổ. Hẳn rằng phim của đạo diễn Dương Khiết giữ lại tình tiết này bằng một tập cuối, trong khi đã lược bỏ rất nhiều nạn khác, hẳn không phải là không có dụng ý và mục đích của nó. Điều này thiết tưởng không cần nói thì người xem vẫn rõ.

Chúng ta có thể thông cảm với Ngô Thừa Ân rằng muốn cốt truyện ăn khách thì phải hư cấu. Tuy nhiên hư cấu để cho người xem có thể chấp nhận được mà không gượng ép thì hư cấu đó phải bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực. Nghĩa là mượn những nhân vật có thật, chẳng hạn A, B, C, để tố cáo, phản ánh các nhân vật A' B' C' mà mình không tiện nói thẳng hay không dám đụng tới. Đối tượng cần được phản ánh núp sau tính cách bỉ lậu của nhân vật được hư cấu phải được xác lập trên nền tảng sự thật và không nên đi qúa đà. Vì khi hư cấu quá đà thì tác phẩm không những trở nên kỳ cục mà quan trọng hơn, khó được người đọc chấp nhận.

Trong truyện cũng như trong phim Phật TổNhư Lai chủ mưu cuộc hối lộ bằng cách "ném đá dấu tay," mặc ra lệnh cho hai tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà, những vị thánh tăng hàng đầu trong hàng đệ tử Phật, đòi "quà thông cảm" với bốn thầy trò Đường Tăng. Điều đó đã làm cho ba vị đồ đệcương trực của Đường Tăng bất bình. Nhưng vì thấy tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà "xuống nước nhỏ" (nhưng thật chất là đánh lừa), cả ba vị đã hỷ xả mà không làm lớn chuyện! Bốn thầy trò tưởng mọi việc êm xuôi, hớn hở đem kinh về.

Gần về đến Đại Đường thì bổng đâu chim Đại Bàng của Phật Di-lặc cướp bay lên không, rồi sau đó bỏ xuống đất. Lúc đó, thầy trò Đường Tăng mới vỡ lẽ ra là kinh mà họ khổ công mang về là "kinh vô tự." Ở đây, theo dụng ý của Ngô Thừa Ân, Phật Di-lặc cũng là người gián tiếp gây họa, vì biết việc hối lộ mà không truy tố, đợi đi về gần tới nước mới cho hay. Có lẽ tác giả cố nắn ra những cái éo le như vậy để ru ngủđộc giả.

Cái gút "kinh vô tự và kinh hữu tự" mà tác giả dựng lên không mang dụng ýthiền học như nhiều người đã cố tình lý giải. Thật ra, nó nhằm tạo ra thái độ căm phẫn, cay cú của độc giả đối với đức Phật và Bồ-tát, thông qua đó, bôi bác, xuyên tạcPhật giáo.

Mặc dù chúng ta co thể chấp nhận với tác giảNgô Thừa Ân rằng ở bất kỳ thời đại nào, sự đút lót, hối lộ, ăn chận không thể tránh khỏi với những phần tử cơ hội và phản diện, nhưng chúng ta không thể đồng tình với tác giả khi ông áp đặt các phần tửxấu xa, đáng lên án bằng hình ảnh của đức Phật và các vị thánh tăng.

Không phải ở các xã hộiphong kiến, nạn hối lộ mới có, mà cả các xã hộitư bản và cộng sản, nạn này tràn lan không kém gì, thậm chí còn tinh vi và thâm độc hơn nhiều, như gần đâybáo chí trong và ngoài nước đã vạch mặt điểm tên. Tác giảNgô Thừa Ân thật là quái đản. Ông đã dựng lên một con khỉ không cha không mẹ, một con heo với nhiều tính cách xấu và một con yêu quái phá hạidân lành. Nhưng khi làm đồ đệĐường Tăng, chúng đã trở thành nào là Chiến Đấu Thắng Phật, Tịnh Đàn Sứ Giả và nào là Kim Thân A-la-hán, để rồi làm gì? Bất quá chỉ thành cỡ Phật TổNhư Lai hay tôn giả Ca-diếp và A-nan-đà, những người đã chủ mưu cuộc hối lộ là cùng!?

Có rất nhiều hình tượng để chúng ta hư cấu, mà thông qua đó gởi gấm tâm sự của mình, hay phê phán hoặc giáo dục thói hư tật xấu của xã hội. Phật, Bồ-tát và thánh tăng là những mẫu người toàn thiện của xã hội, những bậc vĩ nhân của nhân loại (chứ không phải của chủ nghĩalý tưởng hóa). Các ngài là những con ngườilịch sử thật. Các đóng góp về đạo đức và trí tuệ của các ngài cho nhân loại là những sự thậtlịch sử không phủ nhận được. Những người cầu tiến bộ về đời sốngđạo đức và tâm linh phải học hỏi ở các ngài. Do đó, người làm công tác văn học không nên tùy tiện đem các ngài ra mà mua bán, mà giễu cợt với một thái độtrịch thượng với dụng ýkích bác và vu khống. Phật và Bồ-tát không những không thể có các thói hư thế tục đó mà các ngài là những người đã giáo dụccuộc đờitừ bỏ chúng. Do đó không thể tô đen các ngài để giáo dụcxã hội. Bởi lẽ chính các ngài bằng hành động, lời nói ý nghĩ đã để lại nhiều bài học đạo đức vô giá để cho toàn nhân loạihọc hỏi và trau dồi.

Tôi cho rằng Ngô Thừa Ân đã xúc phạm một cách trịch thượng đến đức Phật, các vị Bồ-tát và các vị thánh tăng, khi ông bất chấp dư luận, dựng lên một tình tiết trái ngang "tồi" như trên. Nếu Ngô Thừa Ân biết hư cấu một vị Hòa thượng tu đến cuối cuộc đời, chỉ vì tham vọng cưỡng đoạt y bát của Đường Tăng mà gây ra thảm họa thiêu hủy ngôi đại Già-lam và cuối cùng phải bị chết thiêu một cách tàn khốc; nếu Ngô Thừa Ân biết hư cấu một nhà sư chỉ vì đam mê sắc đẹp của yêu tinh Ngọc Thố mà phải bị yêu tinh này giết chết lúc nửa đêm, và nhiều hư cấu khác có thể chấp nhận được trong cuộc sống v.v... thì tại sao Ngô Thừa Ân không biết hư cấu những vị "phàm tăng" nào đó trông coi hay cận phụ Linh Sơn Tự đã bày trò "đúc lót" bốn thầy trò Đường Tăng thì có phải khả dĩ chấp nhận hơn không? Vì đó có thể là chuyện đời thường, có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, và ở bất kỳ con người nào chưa dứt trọn vẹn lòng tham lam, ích kỷ, Đây là mà điều đức Phật dạy không chỉ mang lại kết quả xấu xa, bất hạnh cho mình mà còn cho người khác, không chỉ ở đời nay mà còn ở đời khác nữa.

Những điều gì mà đức Phật khuyên người ta nên từ bỏ, xa lìa thì Ngô Thừa Ân lại đem những cái đó gán lên đức Phật. Như vậy mục đích của Ngô Thừa Ân nhằm vào đâu: truyền báđạo đức hay chống lại đạo đức? Dĩ nhiên câu trả lời là chống lạiđạo đứcPhật giáo. Mục đíchgiáo dục của Ngô Thừa Ân nếu có thông qua truyện cũng đã trở nên vô nghĩa, khi ông dựng lên cái trò quái gỡ ở đoạn cuối của truyện: Phật Tổ hối lộ một cách trắn trợn lại còn lên tiếng mắng Tôn Ngộ Không, khi chú khỉ này đòi làm lớn chuyện:

"Nhà ngươi chớ nói ồn lên! Chuyện hai người đó [Ca-diếp và A-nan] đòi lễ bọn ngươi, ta đã biết rồi. Có điều là kinh không phải ai cũng cho, mà cũng không thể lấy không được..." và "chỉ lấy được của nhà ấy ba đấu, ba thăng vàng cốm đêm về, ta còn bảo bọn họ bán quá rẽ, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà dùng!"

Để làm cơ sở cho việc Phật tổ chủ mưu hối lộ, Ngô Thừa Ân còn dựng chuyện Đường Tăng đã chấp nhậnthủ tục "đầu tiên" để lấy được các loại kinh có chữ:

"Lũ hạ thần biết rằng Phật tổ biết rõ việc hai tôn giả đòi ăn lễ, đành phải đem cái bát tộ bằng vàng tía vua ban biếu họ, họ mới chịu truyền bộ chân kinh có chữ."

Có thể khẳng định rằng mục đích bôi nhọ này đã được Ngô Thừa Ân định hướng ngay từ đầu truyện hư cấu của ông. Bởi vì theo quy định của Phật người tu sĩPhật giáo không được sử dụng bát bằng vàng. Ở đây, Ngô Thừa Ân dựng lên sự kiện vua Đường Thái Tông tặng cho ngự đệ Huyền Trang mới kết nghĩa của mình một cái bát bằng vàng, để rồi mấy chục hồi sau mới có chuyện có phẩm vật quý để đúc lót kẻ hối lộ.

Xem Tây Du Ký nếu những cái hay, cái độc đáo, cái ly kỳ của nó chúng ta khen ngợi thì những cái phi lý của nó nhất là cái phản đạo đức, phản giáo dục, đi ngược lại sự thật thì chúng ta phải thẳng thắn lên án, nếu chúng ta không muốn để mặc tình cho thế giới hư cấu của Tây Du Ký cũng như tên tuổi của Ngô Thừa Ân đã bao đời được các nhà văn họcnhận định, đánh giá một cách a dua theo kiểu "thấy ai sang bắt quàng làm họ" đi vào ngỏ cụt của bế tắt, của sự phản lại đạo đức cuộc sống.”

Điạ Mẫu Chơn Kinh, Táo Quân Chơn Kinh, Thiên Địa Bát Dương Có Phải Là Kinh Phật Giáo Không?

HỎI:

Tôi đọc kinh Thiên Địa Bát Dương nhận thấy nội dung kinh có rất nhiều vấn đề sai lạc so với quan điểm Phật giáo. Tuy nhiên, kinh này được ghi nhận là do Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Dao Tần dịch và hiện lưu hành rộng rãi bằng kinh sách và băng đĩa, thậm chí một trang web của một tu viện Phật Giáo ở nước ngoài cũng đăng tải kinh này. ( )Tôi kính nhờ quý Báo xác định kinh này có phải là kinh điển Phật giáo không? Nếu không thì phân tích những chỗ sai lạc với quan điểm Chánh pháp để những người mới học Phật không bị nhầm lẫn.

ĐÁP:

Sau khi tra cứu mục lục Đại tạng kinh Hán tạng (Phật giáo Đại tạng kinh tường tế mục lục), chúng tôi không tìm thấy kinh Thiên Địa Bát Dương (TĐBD). Mặt khác, kinh này được ghi nhận là do Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Dao Tần dịch, nếu đúng thì cố nhiên kinh này có nguồn gốc Phạn bản và nội dung phải mang dấu ấn văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là phải đầy đủ ba dấu ấn Chánh pháp (vô thường-khổ-vô ngã) mới đích xác là kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên, nội dung kinh TĐBD lại mang đậm nét tư tưởng và văn hóa Trung Hoa, nhất là quan niệm lý số, phong thủy, âm dương ngũ hành… dù có xen lẫn đôi chút tư tưởng Phật giáo.

Ngay trong phẩm thứ nhì, Khai bày chánh kiến, kinh TĐBD đã dùng phương pháp chiết tự để luận giải chữ Nhân: “Nhân là Chân, là làm con người phải có Chân tâm, không tưởng quấy, thân này thi hành mỗi việc đều chánh trực. Cho nên, chiết tự chữ Nhân đó coi, thì chữ Phúc bên trái gọi là Chân, còn chữ Vệ bên phải kêu là Chánh, mình thường làm việc Chánh-Chân nên gọi là chữ Nhân”. Với cách giải thích về chữ Nhân bằng chiết tự như thế, chỉ có chữ Hán mới làm được và điều này không thể có trong các văn bản chữ Phạn. Rõ ràng, gán ghép điều này với ngài Cưu Ma La Thập dịch kinh TĐBD từ Phạn bản là điều hết sức khiên cưỡng.

Cũng trong phẩm thứ nhì này, kinh TĐBD nói: “Phàm người thiện nam, tín nữ nào muốn dựng nhà cửa… hoặc rủi nhằm phương Nhật du, Nguyệt sát, tướng quân Thái tuế, cùng sao Huỳnh phan, sao Bát dĩ, Ngũ thổ địa kỳ, Thanh long bạch hổ hoặc phương Chu tước Huyền võ, Lục giáp cấm kỵ mười hai chi, mười can…” hoặc “ông Nhân Vương Bồ tát, tâm từ quảng đại… làm ra lịch số… có trực bình, trực mãn, trực thâu, trực khai, trực trừ…” (phẩm thứ ba, Vấn đề chánh đạo, sanh tử, tẩn táng) hay là: “Người đời muốn kết nghĩa hôn nhơn… phải coi trong bộ sách Lộc mạng… lấy đó kết làm quyến thuộc” (Phẩm thứ tư, Thế đề cưới gả), đây hoàn toàn là dịch lý, phong thủy và số mạng của Trung Hoa. Những điều này chẳng những không đúng với kinh điển Phật giáo mà còn xa lạ với văn hóa Ấn Độ, do vậy dễ dàng nhận ra kinh này là sản phẩm văn hóa của Trung Hoa.

Điều đáng lưu tâm là “tư tưởng Phật học” của kinh này. Phẩm thứ năm, Nói về tên kinh Bát Dương, giải thích tên kinh như sau: “Chữ Bát nghĩa là phân biệt rành vậy, chữ Dương nghĩa là giải tỏ cái lý Đại thừa làm Phật và rõ đặng phân rành nhơn duyên tám thức kia… Phật nói tám cái thức đó nghĩa là bề ngang, chữ Dương nghĩa là bề dọc, ngang dọc phù hiệp nhau thành ra bộ kinh giáo, nên gọi là Bát Dương”. Nhất là giải thích về đặc tính của thức A lại da: “Cái thức hàm tàng thiệt là thức thiên, chứa hết thảy các pháp, hay diễn nói ra kinh A Hàm và bộ Đại Bát Nhã Niết Bàn kinh. Còn cái thức A lại da cũng to lớn bao trùm cho nên diễn nói ra bộ Đại Trí Độ luận kinh và bộ Lăng Già luận kinh vậy”. Nhận thức về Tâm học Phật giáo như thế, rõ ràng tác giả của kinh TĐBD không mấy am tường về Phật học, nhất là Duy thức học.

Ngoài ra, tư tưởng “tự nhiên” trong phẩm thứ sáu, Lời phú chúc cũng hoàn toàn xa lạ với Chánh pháp: “Thân này có ra cũng tự nhiên; năm vóc kia tự nhiên có đủ; trưởng đại đó tự nhiên trưởng đại; lão thành kia tự nhiên lão thành; sanh ra đó tự nhiên sanh ra; ngày chết kia tự nhiên phải chết”. Phật giáo không hề chủ trương tự nhiên mà vạn pháp do duyên sinh, lìa duyên sinh tức không phải Chánh pháp.

Tuy kinh TĐBD có đóng góp vào việc bài trừ mê tín, chủ trương làm lành, tích phước, đề cao tụng niệm song ngôn ngữ, tư tưởng của kinh mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống Trung Hoa, không phải là kinh điển Phật giáo. Những yếu tố Phật giáo có mặt trong kinh không chuyển tải được nội dung Chánh pháp mà chỉ là sự pha trộn khập khiễng giữa tư tưởng Phật giáo và các quan niệm về dịch lý, phong thủy, âm dương ngũ hành cùng với sự dọa dẫm, thiếu sắc thái trí tuệ và từ bi. Do vậy, hàng Phật tử không nên đọc tụng và thọ trì kinh này. (Ban TV TC GN)

HỎI: Gần đây, xuất hiện một số kinh như Điạ Mẫu Chơn kinh, Táo Quân Chơn kinh… và được một số Phật tử tụng đọc. Kính hỏi những kinh này có phải Chánh pháp ở trong Tam tạng không? Làm sao để ngăn chặn việc lợi dụng hình Phật in trên các sách bói toán và các sản phẩm giải trí, tiêu dùng như hiện nay?

ĐÁP: Sau khi tìm hiểu nội dung đồng thời kết hợp tra cứu Phật giáo Đại Tạng Kinh Tuờng Tế Mục Lục (Đại Chính tân tu), chúng tôi có thể khẳng định những kinh như Địa Mẫu Chơn kinh, Táo Quân Chơn kinh không có trong Thánh điển Phật giáo. Đặc biệt là nội dung, các kinh này tuy có đề cập đến một vài khía cạnh đạo đức song chỉ dừng ở cấp độ tín ngưỡng vu vơ, siêu hình, hoàn toàn không mang "ba dấu ấn" của Chánh pháp.

Người Phật tử quy y Pháp rồi thì không quy y ngoại đạo, tà giáo. Do vậy, những kinh sách thuộc ngụy kinh, tà pháp như trên thì dứt khoát không nên đọc tụng. Chỉ trừ những người đã thâm hiểu Phật pháp hoặc những vị có trách nhiệm phải nghiên cứu, còn hàng Phật tử sơ cơ thì không nên lãng phí thời gian và nhất là không nên tụng đọc.

Hiện tại, Giáo hội PGVN kể cả các cơ quan hữu quan Nhà nước vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc lợi dụng hình Phật in trên các sách bói toán và các sản phẩm giải trí, tiêu dùng vì đa phần những sản phẩm ấy được sản xuất "chui", lợi dụng lòng tin Phật để trục lợi. Vì thế trước mắt, Phật tử chúng ta chỉ sử dụng những kinh sách và các sản phẩm hợp pháp, có giấy phép xuất bản, kinh doanh; có nhà xuất bản, cơ sở sản xuất rõ ràng, được Nhà nước và Giáo hội công nhận, cho phép.

Quy y Qua Internet.

Sau một thời gian tìm hiểu và học tập giáo pháp, tôi phát tâm quy y Tam bảo. Chỉ có điều vị thầy hướng đạo, khai mở tuệ giác cho tôi mà tôi muốn quy y, nương tựa tinh thần lại ở rất xa. Vì điều kiện sinh sống làm ăn nên không thể đến quy y trực tiếp với thầy tại chùa được, vậy tôi có thể "quy y từ xa" hay có cách nào tương đương không? Mới đây, một số bạn bè cho tôi biết đã quy y chư Sư qua Internet. Kính hỏi quý Báo, quan điểm của Phật giáo về vấn đề này thế nào? Xin được chỉ bày và cho chúng tôi những lời khuyên.

ĐÁP:

Trong thời đại số hóa, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, những thành tựu của khoa học và công nghệ đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực cuộc sống đưa đến nhiều tiện ích, nhanh chóng và tiết kiệm. Giờ đây, các hoạt động có tính chất "từ xa" không còn xa lạ đối với mọi người. Từ mua bán, học tập, dạy dỗ, họp hành, cho đến trị liệu v.v và v.v đều có thể thực hiện được từ xa.

Riêng vấn đề "quy y từ xa" là một ảo kiến thật bất ngờ và khôi hài. Sở dĩ gọi là ảo kiến chứ không phải sáng kiến vì tính chất hư ảo, tà kiến, phá lệ của nó và hoàn toàn phi kinh điển. Bất ngờ là vì hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có trong Phật giáo bao giờ. Khôi hài bởi ứng dụng công nghệ cao một cách lố bịch và khập khiễng vào một lĩnh vực rất cần sự đối diện, tiếp xúc và trao truyền trực tiếp.

Trong thế giới ảo (Internet), trao đổi thông tin là sự thật. Nhưng pháp thức quy y của Phật giáo thì không đơn thuần chỉ trao đổi thông tin mà là sự thành tâm đối trước Tam bảo phát nguyện quay về nương tựa Ba ngôi báu trong sự hiện diện và chứng minh của Phật, Pháp và Tăng đồng thời tiếp nhận từ chư Tăng năm giới quý báu để hoàn thiện tự thân.

Quy y Tam bảo là một bước ngoặt rất quan trọng của một đời người. Quyết định bỏ tà quy chánh, sống theo ánh sáng Tam bảo được thể hiện bằng hành động cụ thể. Đích thân người quy y thành tâm quy kính trước Phật, Pháp, Tăng dũng mãnh phát thệ nguyện trở về sống trong chánh pháp. Sự trang nghiêm của buổi lễ cùng với niềm xúc động mãnh liệt tràn ngập thân tâm của người quy y là dấu hiệu cho thấy pháp quy y thành tựu. Sau khi quy y, người Phật tử cảm nhận được một nguồn năng lượng mới từ Tam bảo truyền vào thân tâm, khiến họ hân hoan, tịnh tín và bình an… Kinh nghiệm nội tại này là một dấu ấn đậm nét, khó phai mờ trong tâm thức đồng thời có khả năng hộ trì người Phật tử giữ vững niềm tin, nỗ lực tu học.

Khi "quy y từ xa" qua Internet, thì đối trước chúng ta là màn hình máy vi tính: Không Phật, không Pháp cũng không Tăng; không kính lễ, không hoa hương, không trang nghiêm, hoàn toàn nhạt nhẽo, vô vị và bất kính. Dù nghe được tiếng nói nhưng những âm thanh ấy chỉ là một phần rất nhỏ của pháp thức quy y, chưa đủ các yếu tố cần để tạo ra sự rung động, giao cảm với Tam bảo như quy y đúng Chánh pháp. Nếu đối trước Tam bảo phát nguyện quy y thì gọi là quy y Tam bảo, còn trong trường hợp đối trước máy vi tính quy y này chẳng lẽ gọi là Quy y máy vi tính sao? Sự phá lệ (quy y từ xa) này nếu không kịp thời ngăn chặn thì sẽ dẫn đến di họa phá vỡ các định pháp có tính truyền thống trong Phật giáo. Mặt khác, rồi đây ai dám chắc là không có chuyện quy y qua điện thoại, quy y qua video, VCD… và vô vàn cách quy y nhảm nhí, phi pháp khác?

Vì thế, pháp quy y chỉ được thực hành trực tiếp và tất nhiên không thể "quy y từ xa" đồng thời cũng không có pháp quy y nào tương đương, có tính cách gián tiếp được. Ngay cả trường hợp quy y khi tuổi còn nhỏ (chưa ý thức được ý nghĩa quy y) thì cha mẹ phải đích thân mang đứa trẻ đến đối trước Tam bảo thành tâm kính lễ thì pháp quy y mới thành tựu. Tất cả những trường hợp đã đăng ký tên tuổi nhưng vắng mặt tại buổi lễ quy y (quy y hàm thụ) hoặc "nghe quy y" qua trực tuyến (online) đều đồng nghĩa với chưa quy y.

Ai cũng muốn quy y làm đệ tử của vị minh sư mà mình kính ngưỡng. Trong trường hợp không đủ duyên lành để gặp thầy thì ta có thể quy y Tam bảo tại ngôi chùa gần nhất rồi sau đó học pháp "từ xa" nơi vị thầy quý kính của mình. Đạo Phật là đạo trí tuệ, do đó sử dụng phương tiện cũng phải có trí tuệ mới đem đến an vui và lợi ích đích thực

Sự Khác Biệt Giữa Hai Chữ Phật Và Chữ Bụt

Tôi là một Phật tử lớn tuổi ở Việt Nam thỉnh thoảng đi chùa, được biết hiện nay có ít nhất một ngôi chùa đang có khuynh hướng thay thế chữ Phật bằng chữ Bụt. Thay vì lâu nay khi bạn đạo gặp nhau hay khi gặp quý Thầy thường nói "A Di Đà Phật" hay "Mô Phật" thì nay đổi lại thành "A Di Đà Bụt" hay "Mô Bụt". Tôi thấy kỳ quá. Chữ Phật lâu nay đã thấm vào dòng máu người con Phật mắc chi phải đổi. Vậy xin hỏi ban biên tập sự khác biệt giữa hai chữ Phật và chữ Bụt và có nên thay thế chữ Phật bằng chữ Bụt như Bụt tử, Bụt giáo, Giáo hội Bụt giáo Việt Nam, Mô Bụt không?

TRẢ LỜI: Thật ra chữ Bụt đã được Thầy Nhất Hạnh khởi xướng dùng từ hơn ba mươi năm nay ở các chùa thuộc hệ thống Làng Mai, Pháp Quốc và đã được vận động trên báo chí ở hải ngoại sau đó (Tạp Chí gần Thế Kỷ 21 số 123). Gần hai năm nay từ này đã theo Thầy trở vềViệt Nam. Thay vì trực tiếp trả lời quý đạo hữu ở Việt Nam, Ban biên tậpchúng tôi sao lục lại 4 nhận định về việc này đã có từ trước đây: (1) Thượng Toạ Tiến sĩ Thích Trí Hoằng hiện là Viện chủ chùa Hải Ấn, bang Connecticut, (2) Hoà Thượng Thích Thanh Từ (3) Cư sĩPhan Mạnh Lương, chủ bút Tạp Chí Giao Điểm, Hoa Kỳ và (4) Sư Cô Chân Không, Làng Mai, Pháp.

Thượng Toạ Thích Trí Hoằng
Viện chủ chùa Hải Ấn, bang Connecticut

"... Trong chiều hướng đó, ngày nay cũng có vài vị cố gắng thay đổi danh hiệu các vị Phật và Bồ Tát với ý nghĩ làm như thế nghi lễ có tính cáchViệt Nam hơn. Ví dụ sự thay đổi cách niệm Phật: Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni, hoặc là Nam MôBồ TátQuan Thế Âm v.v… thay vì niệm theo lối cũ: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu ni Phật hay là Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát.. Đây là một nỗ lực đáng quý trong ý hướng làm mới đạo Phật. Trên phương diệný hướng là thế, nhưng trên thực tế sự thay đổi này tạo nhiều trở ngại cho sự hành trì. Vì cả trên phương diệnlý thuyết cũng như thực hành các luận cứ này không có cơ sở chắc chắn. Vì ngày nay các tiêu chuẩnấn định cho nhân danh và địa danh vẫn đặt căn bản trên ngôn ngữ gốc. Những thay đổi này chỉ là những thay đổi trên hình thức, trên danh từ do đó đã trở ngại rất nhiều cho sự tu tập. Có cần thiết chăng là sự thay đổi pháp môntu tập cho hợp với căn cơ của mình.

Trong khi chúng ta niệm một danh hiệu hay gọi một danh xưng, lâu ngày danh hiệu đó quan hệ mật thiết với chúng ta không những trên phương diệnlý trímà cả trên phương diện tình cảm. Mỗi âm thanh phát lên là cả một thế giới hiển hiện. Ví dụ danh từ “cha mẹ” thay đổi theo từng vùng: ba má, bố đẻ, thầy mợ, cha mạ, ba mẹ v.v… Tuy nhiên đứa con thuộc vùng nào thì dùng tiếng vùng đó, tiếng địa phương đó đã thấm thía vào máu thịt cho nên khi gọi lên danh từ đó cũng gọi lên tất cả nghĩa tình thắm thiết. Vì thế khi thay đổi tên gọi chúng ta sẽ cảm thấyxa lạ ngay. Ví dụ bắt người miền Nam phải gọi cha mẹ là “bố đẻ” thì quả là khó khăn vô cùng, và ngược lại người Bắc phải gọi cha mẹ bằng “ba má” thì khó khăn cũng không kém. Hoặc có người nhân danhchính thống để bắt mọi người phải gọi cha mẹ bằng “bố cái” theo danh xưng cổ “Bố Cái Đại Vương” thì quả là một khó khăn lớn cho nhân dân cả nước.

Đối với việc niệm Phậtcũng thế, nếu chúng ta thay đổi tên gọi của Phật chúng ta đã đánh mất đi cả thế giới tình cảm tâm linhgắn bó với danh xưng đó. Hơn nữa tại ba miền vấn đề danh xưng đã thống nhất rồi, đều dùng danh từ Phật, còn chữ Bụt chỉ là tiếng cổ còn sót lại trong văn chươngbình dân mà thôi. Có những danh từ cổ ngày nay chúng ta không còn dùng nữa. Nếu có những cảm hứngcá nhân trong việc sử dụng một vài danh từ cổ, thì đó chỉ là trường hợp riêng tư. Ví dụ: có người vẫn thích dùng từ “Thăng Long” thay vì Hà Nội, không phải vì thế danh xưng Hà Nội trở thànhsai lầm và bị thay đổi đi. Chúng ta không thể lấy cảm hứngcá nhân làm tiêu chuẩn chung cho mọi người.

Thiết tưởng cứu cánh của sự tu tập đặt ở sự chuyển hóa nội tâm. Còn tất cả những danh xưng, hình tướng chỉ là phương tiện. Phương tiện nào đạt đuợc sự tinh hóa nội tâm đều là phương tiện tốt. Chúng ta không nên quá câu nệ vào phương tiện mà quên cứu cánh.

Đối với đức Phậtchúng ta gọi Ngài thế nào cũng được, miễn làchúng ta có sự tôn kính. Cũng như đối với cha mẹ, chúng ta gọi bằng danh xưng gì cũng được, miễn là có lòng hiếu nghĩa. Trước khi đức Thích Ca giáng trần, trong quá khứ có rất nhiều vị giác ngộ, mà không hề biết đến tên đức Phật.

Do đó “Sư nói sư phải, vải nói vải hay” nếu cứ mãi chấp nê vào vấn đề danh từ, chúng ta sẽ rơi vào mê hồn trận của thế giớichữ nghĩa, đây là một chướng ngại lớn trong việc tu tập. Đức Phật gọi đó là sở trí chướng (chướng ngại do kiến thức). Chính vì thế, chủ trương của Thiền Tông là: “Bất lập ngôn ngữvăn tự, trực chỉ minh tâmkiến tánhlập địathành Phật” (không thiết lập giáo thuyết trên căn bảnvăn tựchữ nghĩa, đi thẳng vào sự soi sángnội tâm, nhìn rõ bản tánh để giác ngộthành Phật tại chỗ). Các tông pháiPhật Giáo khi dùng âm thanhngôn ngữ trong việc hành trì đều ý thức rõ rằng đó chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh.

Hoà Thượng Thích Thanh Từ

Như chúng ta đã biết đạo Phật là đạo giác ngộ. Đức Phậtngồi thiền định dưới cội bồ-đề mà được giác ngộ. Ngài đi giáo hóa khắp nơi để truyền đạogiác ngộ này. Nhưng sao chúng ta không gọi là đạo giác ngộ mà gọi là đạo Phật. Phật nguyên tiếng Phạn là Buddha, Budgiác, dhangười. Người giác ngộ đi truyền bá đạo giác ngộ. Nhưng nếu giải nghĩa chữ Phật là giác ngộ thì sợ người ta hiểu lầm. Bởi có những người làm ăn bất chánh không lương thiện, khi có ai nhắc nhở dạy bảo, họ bỏ điều bất chánhtrở thành người lương thiện thì người ta sẽ nói anh ấy đã giác ngộ rồi. Giác ngộ đó chỉ có nghĩa là bỏ cái xấu, cái dở để trở thành người tốt thôi. Nếu hiểu đạo Phật theo nghĩa giác ngộ như vậy thìđánh giá quá thấp đạo Phật, làm mất giá trịsiêu thoát của đạo Phật. Bởi vậy trong nhà Phật để nguyên từ "Phật".

Nói Phật chắc quí vị sẽ có nghi. Tại sao bây giờ chúng ta nói đức Phật mà hồi xưa ông bà tổ tiênchúng ta lại nói là Bụt. Như vậy nói Bụt trúng hay nói Phật trúng? Từ Bụt cho chúng ta thấy đạo Phật được trực tiếp truyền vào Việt Nam từ những vị Sư Ấn Độ. Ngày xưa ở miền Bắc vùng Luy Lâu rất phồn thịnh, các sư người Ấn theo tàu buôn đến đó truyền bá. Các ngài trực tiếp dạy người dân biết đạo Phật, và đức Phật được gọi là Bụt. Bụt nguyên là Bud, đọc trại đi một tí thành Bụt. Đọc Bụt nghe gần hơn, còn đọc Phật nghe xa quá. Vậy đạo Phật có mặt trên đất nước Việt Nam gốc từ người Ấn truyền sang, chớ không phải từ Trung Hoa truyền sang buổi đầu.

Tại sao bây giờ chúng ta đọc là Phật? Ở Trung Hoa từ đời Tống đến đời Minh có in những Tạng kinh dịch từ chữ Phạn, chữ Pali ra chữ Hán rồi tặng cho Việt Nam. Đời Trần được tặng một Tạng kinh và sau này chúng ta cũng có thỉnh thêm những Tạng kinh từ Trung Hoa. Chữ Buddha người Trung Hoa dịch gồm một bên chữ nhân đứng, một bên chữ phất. Như vậy Phật là phát sanh từ chữ Hán mà ta đọc theo âm Việt Nam là Phật hay Phật-đà.

Nói đến đạo Phật là nói đến sự giác ngộviên mãn tuyệt cùng, chớ không phải sự giác ngộ thông thường của thế gian, vì e người ta hiểu lầm nên để nguyên âm là Phật, chớ không nói là giác ngộ. Giờ đây chúng ta học Phật phải dùng những từ gần thời hiện tại (chữ Phật) như giác ngộ, trí tuệ để dễ thâm nhập hơn.

Vì vậychúng ta phải hiểu tường tận gốc của đạo Phật là giác ngộviên mãn. Nên người tu Phật lúc nào cũng phải thuộc lòng Phật là tự giác, giác tha, giác hạnhviên mãn. Nói đến Phật là nói đến sự giác ngộviên mãn, tức giác ngộ tròn đầy không thiếu khuyết một góc cạnh nào.

BỤT hay PHẬT ?
Phan Mạnh Lương

Tạp chí Thế Kỷ 21 số 123 ra hồi tháng 7-1999 đã đăng một bài tiểu luận viết rất công phu của Nguyễn Trọng Phu với chủ đề Bụt hay Phật. Do sự đề xuấtvấn đề và các luận cứ được tác giả nêu ra, bài nầy hẳn lôi cuốn được sự chú ý của khá đông độc giả nhất là giới Phật tử. Trước khi trình bày phần quan điểm riêng và đóng góp những sưu tầm khác liên quan đếnvấn đề, chúng tôi xin mạn phép được tóm tắt lại những điểm chính trong bài viết để giúp các vị chưa có dịp đọc bài nầy hoặc khó tìm ra tạp chí Thế Kỷ 21 số 123, có một ý niệm chung và có thể nắm bắt được nội dung cuộc vận động của tác giả. Dĩ nhiênchúng tôi chỉ lượt thuật những điểm chủ chốt và điều tốt nhất đối với độc giả nếu quan tâm đến vấn đề vẫn là nên tìm đọc toàn văn bài viết nói trên. Những đoạn có dấu * là những ý chính của tác giả.

Bài tiểu luận "Bụt hay Phật" của Nguyễn Trọng Phu gồm có 4 phần:

Lý do đặt vấn đề
Định nghĩa danh từ Bụt
Việc sử dụng danh từ Bụt qua thời gian
Vì sao ngày nay chúng ta dùng lại danh từ Bụt?

Trong phần 1 nói về Lý do đặt vấn đề là để: giải tỏa một số hiểu lầm. Tác giảcho hay "một danh từ mới, danh từ Bụt, đã xuất hiệntrong khoảng 15 năm lại đây ở một số đạo tràng, tự viện, nhóm tu học, cũng như trong một số sách báo để tôn xưng bậc giác ngộ mà vẫn thường được gọi là đức Phật." Theo tác giả, "từ Bụt thực ra đã có từ hồi lập quốc nhưng bị gián đoạnsử dụng một thời gian nay được đem ra dùng trở lại có thể gây nên môït số hiểu lầm; đặc biệt là đối với giới lớn tuổi đã thường quen dùng từ Phật, thì cho rằng Bụt đối với họ là để chỉ các vị Tiên, Thần và có tính cách nôm na bình dân chứ không được hàm xúc thiêng liêng như danh từ Phật" (*).

Điểm thứ hai được tác giảnhấn mạnh là "sự hiểu lầm nâỳ khá sâu rộng không những trong giới bình dân và ngay cả trong giới trí thức làm công tác văn học giáo dục nữa".(*) Cho nên, với sự giải thíchtiếp theo ở phần 2 và 3 tác giả muốn giúp cho đông đảo bạn đọc thông suốtý nghĩa của từ Bụt, tạo nên "thuận lợi trong việc thay đổi một tập quán về ngôn ngữ." Và một khi được thông suốt - theo ý tác giả - thì "tiến trình thay đổi sẽ nhanh chóng hơn và sẽø tránh bớt được một số sở tri chướng mà bất kỳ một sự thay đổi lớn nào cũng có thể gây nên. (*)

Trong phần II về định nghĩa danh từ Bụt, tác giả đã dùng đến 4 từ điển để tra cứu. Bốn từ điển ấy là: Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, xb năm 1931, Từ Điển Việt Nam, Khai Trí Saigon, 1971, Từ Điển Tiếng Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1988 và Việt Anh Tự Điển, NXB Nguyễn Văn Khôn, Sài Gòn, 1972. Điều thú vị là ba từ điển đầu đều giải thích Bụt là: ông Phật; quyển thứ tư giải thích Bụt là: Buddha.

Ngoài bốn từ điển xuất bản trong thế kỷ XX từ 1931 đến 1988, tác giả đã ra công tìm tòi thêm một quyển từ điển cổ khác xuất bản năm 1651 tại La Mã để truy cứu xem người Việt hồi thế kỷ XVI đã sử dụng từ Bụt để gọi Phật hay chưa. Đó là quyển Dictionarium Annamitticum, Insitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes hiện còn lưu trử ở La-Mã. Theo từ điển nầy thì hai danh từ Bụt và Phật đều đã được dùng để gọi Buddhã (*).

Phần III nói về việc sử dụng danh từ Bụt qua thời gian. Đây chính là phần công phu nhất của tác giả. Ông đã tìm rất nhiều chứng liệu trong ngôn ngữhằng ngày, trong ca dao tục ngữ, và nhất là trong sách vở, kinh sách, từ Bụt đã xuất hiện từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XX, tính ra là 8 thế kỷ và "đến thế kỷ 20 thì hầu như danh từ Bụt biến mất trên văn đàn. Ngay cả trong một số lớn chùa chiền, và kinh sách cũng rất ít dùng danh từ Bụt."(*)

Về nguyên nhân của tình trạng danh từ Bụt biến mất trên văn đàn, tác giả đỗ lỗi cho "giới sĩ phu đã dồn mọi nỗ lực vào việc học chữ Hán để đỗ đạt ra làm quan và phản ứng của lớp người nầy đối với cuộc đô hộ của người Pháp và tâm trạng dè bỉu chữ Nôm, cho rằng Nôm na là cha mách qué" (*) - mà từ Bụt là một từ Nôm. Lý docuối cùngtác giả nêu ra là "vì thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hai bên đều có xu hướng mời các cao tăng từ Trung Quốc sang để hoằng hóa nên từ Bụt bị lấn át mất và dần dầnđi vàoquên lãng."(*).

Để kết thúc phần III, tác giả đưa ra một tin vui cho độc giả là "May thay, vào khoảng 15 năm cuối thế kỷ 20 nầy, đã có một số thiền sư, tăng ni và trí thức, đã mạnh dạn đứng ra gọi Buddhã là Bụt. Hiện nay tại một số đạo tràng như Đạo tràng Mai thôn ở Pháp, và các khóa thiền tập ở khắp nơi trên thế giới, với hàng trăm người tham dự, người ta gọi Buddhã là Bụt, như hít thở không khí bình thường vậy, nhất là đối với thành phần trẻ từ 30, 40 trở xuống, không hề có một phân vân nào. Nhưng như thế đã đủ chưa?"(*).

Với câu hỏi chót "Nhưng như thế đã đủ chưa?" tác giả muốn cuốn hút bạn đọc theo ông xuống phần thứ IV vì sợ rằng với bao nhiêu dẫn chứngcụ thể từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ XX vẫn chưa đủ sứclôi cuốnđộc giảtừ bỏ từ Phật để sử dụng lại từ Bụt cũ.

Ở phần IV, tác giả Nguyễn Trọng Phu đã cố gắng trình bày thêm những điểm có tính thuyết phục mạnh mẽ khác. Ông đặt ngay câu hỏi: "Vì sao ngày nay chúng ta dùng lại danh từ Bụt?" và ông đưa ra ba lý dochính yếu:

1) Danh từ Bụt được dịch hợp lý từ chữ Phạn Buddhã, vì cùng một âm B với nhau. Ông cho rằng ngay hai thứ tiếng phổ biến nhất là Anh và Pháp cùng đều dùng âm B để dịch như thế (Pháp: Boudha, Anh: Buddha); ở nhiều nước Phật giáoNam Tông cũng dùng âm B để dịch chữ Buddhã từ tiếng Phạn, tuy giọng đọc có khác nhau đôi chút. Theo trào lưu chung thống nhất cách phiên âm thì hiện nay, Phật giáo Bắc phương mà Trung quốc là tâm điểm, từ lâu vẫn dịch Buddhã là Phật-đà (佛陀) nay vừa mới bắt đầu dùng chữ Bột đà (勃陀) để gọi bậc Giác ngộ. Theo Tự điển Phật Học Hán Việt, Phân viện Nghiên cứuPhật học Hà Nội, xuất bản 1992, mà sách tham khảo là Thực DụngPhật Học Từ Điển của Lô Quán Cao và Hà Tử Bồi xuất bản ở Thượng Hải, thì: Bột đà勃陀 Buddha (Thuật ngữ), còn gọi là Bột đà. Cách gọi cũ là Phật đà. Gọi tắt là Phật - dịch là Giác (*).

Nên nhớ là các từ điển Hán Việt của Đào duy Anh và Thiều Chửu đều không có danh từ mới này. (*)

Cách viết mới chữ Bột (勃) rất giống cách viết chữ Nôm Bụt (侼) của ta và đều cùng đọc với âm B. Chúng ta rất tri ânTổ tiên từ thượng cổ của chúng ta đã khéo léo dịch danh từ Buddhã ra chữ Bụt và lưu truyền lại cho chúng ta mãi đến ngày nay. (*)

2) Làm giàu trở lạingôn ngữ Việt. Theo tác giả thì: "... trong suốt quá trình lịch sử, các Nho sĩ Việt Nam vẫn dùng song hành danh từ Bụt và Phật, như thế, thì nay chúng ta dùng cả hai cũng là một điều hợp lý. Có bất hợp lý và kỳ thị chăng, là một người lại chủ trương chỉ dùng danh từ Phật mà thôi, với lý do rất đơn giản rằng danh từ Phật có vẻ linh thiêng hơn, vì từ mấy chục năm qua, tại các chùa, cũng đều dùng như vậy. (*)

3) Bồi đắp gốc rễ tâm linh. Ở điểm cuối cùng nầy, tác giả muốn hô hào việc sử dụng từ Bụt trở lại như là một hành động trở về nguồn, bởi vì " danh từ Bụt có vẻ như bị biến dạng, chỉ là một sự kiệnnhất thời và bất bình thường, so với thời gian dài dằng dặc suốt hơn 7 thế kỷ mà cha ông chúng ta đã sử dụng danh từ ấy. Hơn thế nữa, dân ta vẫn có tiếng nói riêng trước khi có chữ viết, có một nền văn hóa riêng khác với văn hóaTrung quốc, thì các sinh hoạt về văn hóatâm linh trải dài trong khoảng 13 thế kỷ ấy, tạm kể từ thời Hai bà Trưng, nhất định phải có tiếng Việt riêng để gọi Buddhã chứ không phải chỉ có một tiếng Phật mượn từ chữ Nho mà thôi".

Để hậu thuẩn cho luận điểm của mình, tác giả đã mượn ý của Thiền sưNhất Hạnh trong quyển Thiền Sư Tăng Hội, do An Tiêm Paris xuất bản 1998, cho rằng, vào đầu thế kỷ III, Thiền tập ở Giao Châu, tên cũ của nước ta, đã rất phát triển, còn phát triển hơn cả Trung quốc, và "chắc chắn hồi ấy dân ta đã gọi Buddhã là Bụt, đã biết đọc tam quy ngũ giới và xưng tánTam Bảo bằng tiếng Sanskrit, cũng có thể đã biết tụng đọc bằng tiếng Việt"- Và để chứng minh thêm là từ Bụt đã có từ xa xưa với dân Việt, bây giờ bỏ nó đi mà không dùng trở lại thì "Tổ tiênlâu đời của chúng ta, nếu có sống lại mà không được nghe cái thứ tiếng xưa kia quý vị đã từng được nghe, cũng đã từng sử dụng, thì thử hỏi cái buồn sẽ sâu đậm như thế nào? Như vậy, nếu có hiển linh, nếu có cảm ứng, thì sự hiển linh, sự cảm ứng đối với cả một dân tộc, tất sẽ sâu xarộng rãi hơn đối với một vài người. (*)

Trong phần kết luận, để người đọc hết do dự trong việc sử dụng lại từ Bụt, tác giả đã đi thêm một đòn tâm lý và tâm linh khá mạnh rằng " Nếu những thành tựutốt đẹp của tổ tiêntâm linh của chúng ta từ xa xưa mà bị vứt bỏ không thương tiếc, thì không chừng chúng ta sẽ trở thành những cô hồnvất vưởngđâu đó. Cho nên mỗi một chúng ta trong khi tu tập, nên quán chiếu để tìm mọi cách bồi đắp gốc rễ tâm linh của mình! (*). Đây chính là luận điểm có phần xa lạ đối với người học Phật, cho nên chúng tôi sẽ bày tỏ quan điểm ở phần cuối bài.

Để kết thúc bài viết, tác giả đã mượn ý của Nguyễn Công Trứ để cổ độngmột lần chót cho việc dùng trở lại từ Bụt "Cái tiếng Bụt mà ngày hôm nay tôi đang nói đây, chính là cái tiếng Bụt mà cổ nhân người Việt chúng ta đã từng nói như vậy trước tôi hàng bao nhiêu thế kỷ rồi."(*)

*
* *

Xuyên quatoàn bộ bài viết của Nguyễn Trọng Phu, người đọc dễ dàng nhận ra ba điểm nổi bật: một là, tác giả đã bỏ công tìm tòi, lượm lặt nhiều chứng cứ trong thi ca, ngôn ngữbình dân, kể cả nhiều từ điển xưa và nay, nhằm mạnh mẽ hậu thuẩn cho cuộc vận độngsử dụng lại từ Bụt.

Hai là, ông đã không ngại dùng bút pháp văn chương để khơi dậy tình tự dân tộc, tinh thầnđộc lập và cả tín ngưỡngtâm linh để thúc đẩy một sự chuyển hướng, vì theo ông, dùng lại từ Bụt được xem như là một hành động trở về cội nguồn dân tộc và tô bồi nguồn cội tâm linh.

Và điểm thứ ba là, tác giảcuối cùng muốn vớt vát, nếu không chuyển hết sang dùng từ Bụt thì, ít nhất từ nầy nay cũng nên được dùng song song với từ Phật.

Có lẽ do quá chú trọng đến ba điểm trên đây tác giả đã không lý tới hay bỏ quên không nghiên cứusự kiện hai từ Bụt và Phật đã đi vàongôn ngữ Việt từ thời nào và như thế nào? Ông chỉ chú trọng đến việc bảo vệ tính cổ của từ Bụt mà không xem xét đến ý nghĩatinh túy của từ Phật, vì theo chúng tôi, chính đây là nguồn gốc phát sinh tính "tử " (tử ngữ) của từ Bụt và tính "sinh" (sinh ngữ) của từ Phật. Hai yếu tố "tử" và "sinh"nầy sẽ giúp chúng ta thấy rõ được lý do tại sao từ Bụt đã dần dầnbiến dạng, mai một trong khi từ Phật vẫn tồn tại và ngày càng phát triển trong đại chúng. Một bạn đọc ở San Francisco đã góp ý về điểm nầy trong Thế Kỷ 21 số 124, tháng Tám 1999, nhưng bạn ấy không đi vàochi tiết.

Phần đóng góp sau đây của chúng tôi nhằm bổ túc cho hai phần quan trọng mà tác giả Nguyễn Trọng Phu chưa đề cập đến.

VÀI NÉT TỔNG QUÁT THỜI KỲ SƠ KHAI CỦA PHẬT GIÁO
VIỆT NAM VÀ THỜI ĐIỂM XUẤT HIỆN CỦA TỪ BỤT

Nghiên cứuthời kỳsơ khai của Phật giáo Việt Nam sẽ giúp chúng ta thấy rõ vấn đề. Dựa vào những nét lớn trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Hoà Thượng Thích Mật Thể, xuất bản năm 1943, ta có thể ghi nhậntóm tắt một số đặc điểm của thời kỳ nầy như sau:

* Do địa thế của nước ta, Phật Giáo được truyền vào Việt Nam qua hai ngả: bằng đường bộ từ Thiên Trúc (Ấn-Độ) sang Trung Hoa, rồi từ Trung Hoa sang Việt Nam và bằng đường thủy qua ngả Sri Lanca, Java vào Indonesia và Đông Dương. Trong hai ngả nói trên thì chủ yếu là từ Trung Hoa.

* Sau thời đạidu nhập, Phật Giáo Việt Nam rất chịu ảnh hưởngPhật giáo của Tàu kể cả tôn phái và kinh điển trong các thời thịnh cũng như suy.

* Phật giáo từ Trung Hoa được truyền sang Giao Châu rất sớm từ đời nhà Hán tức từ thế kỷ thứ 2 và thứ 3, với các thiền sư như Ma-Ha Kỳ-Vực (Mâjajivaka hay là Jivaka) (294 sau TL), ngài Khương Tăng Hội (Kҡng teng-Houei (280 sau TL), Chi Cương Lương (Tche Kiang Leang (266 sau TL) và Mâu Bác (Méou-Pô-165-170 TL) là các vị đã đến truyền pháp đầu tiên ở nước ta. Trong bốn vị cao tăng này, chỉ có ngài Mâu Bác là người Tàu, còn ba vị kia đều là người Ấn. Do nhu cầu truyền giáo, họ đã dịch từ Sanskrit Buddhã ra thành Bụt và từ này đã dần dà đi vàongôn ngữ dân gian, trở thành gần gũi, phổ thông từ đấy trở về sau. Tuy nhiên, theo sử liệu, các vị thiền sư đầu tiên nầy đến rồi đi chứ không ai ở lại Việt Namtruyền đạo có hệ thống và có truyền thừa như ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi sẽ được nói dưới đây.

* Ngài Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đến Việt Nam vào thời Hậu Lý Nam Đế, năm 580 TL (thế kỷ thứ 6) Ngài cũng là người Ấn từ Thiên Trúc sang Trung Hoa và được Tam Tổ Tăng Xán khuyến cáo sang nam phươngtruyền đạo. Nhờ có duyên với Việt Nam ngài đã truyền dạy Phật pháp có hệ thống và đã trở thành Tổ thứ nhất phái Thiền Tôn đầu tiên ở Việt Nam - phái Thiền Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi..

Tính theo thời gian và điều kiện phát triển thì từ Bụt đã xuất hiện trong ngôn ngữ Việt sớm nhất là vào thế kỷ thứ 2 và muộn nhất là thế kỷ thứ 6 và từ nầy đã do các thiền sư Ấn đầu tiên dịch ra từ chữ Phạn Buddhã, có nghĩa là bậc Đại Giác, Đại Trí, bậc Giác Ngộ, Người Đạt Trí Tuệ Tột Cùng. Vì chẳng có sử liệu nào để lại, chúng ta không thể biết một cách chính xác là từ Bụt nầy đã do vị thiền sư Ấn nào chuyển dịch ra tiếng Nôm một cách tài tình như vậy, vừa gọn, vừa na ná với từ gốc Buddhã, vừa mang tính rất địa phương.

Tiếp theo đây, chúng ta cùng xem xét đến danh từ Phật.

TỪ "PHẬT" XUẤT HIỆN Ở NƯỚC TA VÀO THỜI NÀO ?

Vẫn theo Việt Nam Phật Giáo Sử Lược thì những kinh điển từ Thiên Trúc (Ấn Độ) truyền sang Trung Hoa trước Tây Lịch phần thì bị dịch sai, phần thì mấy lần bị các vua chúa thiêu hủy, khi chép lại bị nhiều sai sót và phải đợi cho đến đời Đường Thái Tôn (khoảng 600 TL) tức là thế kỷ thứ 6, thì ngài Trần Huyền Trang mới tạo nên một khúc ngoặc lớn trong lịch sử phát triển Phật giáo ở Trung Quốc và các nước lân bang trong đó có Việt Nam với công cuộc đi Ấn Độ thỉnh kinh và dịch kinh của ngài.

Trong tạp chí Giao Điểm số 31, mùa Thu năm 1998, tác giả Lâm Hồng Thể với bài "Giày Cỏ Vượt Hy Mã Lạp Sơn" đã giới thiệucông đức vô lượng của ngài Huyền Trang kể từ khi ngài từ Ấn Độtrở về Tàu (645 TL) cho đến lúc ngài thị tịch (664 TL) chỉ trong vòng 20 năm, ngài đã dịch được tất cả 675 cuốn kinh, đưa thêm 24.000 từ mới vào ngôn ngữPhật giáo Trung Hoa. Với kinh điển của ngài dịch ra, người sau gọi là "Tân dịch" so với những lần dịch trước có phần khác biệt rất nhiều. Những kinh điển Đại thừa do ngài Huyền Trang dịch kể từ cuối thế kỷ thứ 6 dần dần được truyền sang nước ta trong đó chỉ có từ Phật chứ hoàn toàn không có từ Bụt nào. Và cũng từ thời kỳ nầy trở đi, những kinh sách in ấn ở Việt Nam đều chỉ có từ Phật mà thôi; thêm vào đó nhờ sự tụng đọc hằng ngày của đại chúng đã làm cho từ Phật tự nhiên dần dần lấn át từ Bụt dẫu cho từ nầy vẫn tồn tại và còn được sử dụng trong ngôn ngữ Việt mãi cho đến thế kỷ 20 thì biến dạngdần dần.

Ý NGHĨA THÂM DIỆU CỦA TỪ PHẬT
QUA CÁCH DỊCH CỦA NGÀI HUYỀN TRANG

Từ Phật là một từ mới trong số 24.000 từ mà ngài Huyền Trang đã tạo ra cho ngôn ngữPhật Giáo Trung Hoa từ cuối thế kỷ thứ 6. Ngài dịch từ Phạn ngữ Buddhã ra là 佛陀 (Phật đà), viết tắt là 佛 (Phật). Hơn 1.300 năm sau, vào gần cuối thế kỷ thứ 20, hai nhà ngôn ngữ học Trung Hoa ở Thượng Hải dựa theo phương pháp Tây dịch phiên âm Buddhã ra 勃陀Bột đà) mà theo âm ngữ Tây phương thì Bột đà nghe ná ná như Buddhã vì cùng có âm B và Bột đà có vẽ tân tiến hơn là Phật đà.

Thật ra, hai vị học giả Trung Hoa Lô Quán Cao và Hà Tử Bồi mà tác giả Nguyễn Trọng Phu trích thuật ở phần III chắc hẳn không phải là Phật tử cho nên họ đã không thể hiểu nỗi ý nghĩathâm thúy của từ Phật do ngài Huyền Trangsáng tạo dịch ra.

Đối với người Việt chúng ta ngày nay, ngoại trừ lớp cao niên còn quen thuộc với chữ Hán, nhiều người nhất là lớp trẻ đã đọc và viết theo vần La-Tinh không biết chữ Phật viết theo lối chữ Hán như thế nào. Từ Phật (佛) theo cách viết chữ Hán, gồm có hai vế: bên trái là bộ Nhân (亻), bên phải là chữ Phất (弗).

Dùng pháp chiết tự để dẫn giải, bộ Nhân (亻) ở bên trái có nghĩa là NGƯỜI.

Chữ Phất (弗) ở vế thứ hai, có nghĩa là KHÔNG, là CHẲNG ĐƯỢC; theo thuật ngữPhật giáo đó là TÁNH KHÔNG.

Ghép cả hai vế lại với nhau, Phật (佛) nghĩa là NGƯỜI NGỘ TÁNH KHÔNG.

Diễn giải một cách toàn diện hơn bao gồm cả hai vế, khi nhìn thấy danh từ 佛 (PHẬT), nó nhắc nhở người Phật tử - hay những ai biết chữ Hán - những điều nhận thức rất căn cốt và thâm diệu sau đây:

* Phật là một con người như tất cả mọi người.

* Vì cũng là con người cho nên Phật với chúng ta đều bình đẵng.

* Phật không phải là Tiên, Thánh hay Thần và nhất thiết không phải là một Thượng Đế "Toàn Năng" (Almighty God) như của bất kỳ tôn giáo độc thần nào có quyền ban ơngiáng họa mà người ta gán choThượng Đế này.

* Mỗi người và mọi người đều có khả năng thành Phật, chứ Phật chẳng dành riêng cho ai.

* Muốn thành Phật thì phải tu hành và ngộ được Tánh Không, chưa ngộ Tánh Không thì chưa thành Phật.

* Tánh Không phải tu và hành mới đạt được chứ không thể cầu xin hay do ai ban cho.

* Tánh Không là Phật Tánh.

Đến đây quý độc giả có thể đã hết sức khâm phục ngài Huyền Trang vì sự uyên thâmPhật pháp, tính sáng tạo và sự liễu Đạo của ngài, vì chỉ trong một từ với hai vế đơn giản, ngài đã dạy cho chúng ta không biết bao nhiêu điều bổ ích, hiểu một cách sâu sắc về đạo Phật và không thể hiểu lầmđạo Phật với các tôn giáo khác. Những điều trên đây cũng tỏ rõ được tính sanh của từ Phậttánh tử của từ Bụt trong sự so sánhgiá trị về tính biểu tượng của nó. Nó cũng giải thích tại sao từ Bụt đã dần dầnđi vàomai một và từ Phật vẫn được lưu truyền trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Trong thực tế ngày nay, khi xem xét đến tính DỤNG của hai từ nầy thì từ Phật vẫn ở thế phổ thông hơn, thường dùng hơn và xuôi tai hơn mặc dầu ý nghiã hai từ ấy vẫn chẳng khác. Ví dụ: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chứ chẳng ai nói Giáo Hội Bụt Giáo Việt Nam, hay Phật GiáoThế Giới chứ chẳng thể là Bụt Giáo Thế Giới, sẽ nghe rất lạ tai và làm cho nhiều người lầm tưởng là vừa có một tôn giáo mới ra đời. Hoặc Phật Tánh chứ không là Bụt Tánh hay từ kép thường dùng là Phật Tử chứ không thể là Bụt tử, vì nghe rất "tiếu lâm" nếu không nói là có ý châm biếm. Và chúng ta có thể nêu ra vô số ví dụ khác.

Ngay cả đối với Thiền sưNhất Hạnh là người hiện đang chủ trương dùng từ Bụt thì trong nhiều tác phẩm của mình, Thầy vẫn phải còn dùng từ Phật chứ không thể dứt khoátloại bỏ hẳn được.

Đứng về mặt ngôn ngữ, từ Phật đã được hoàn toàn Việt hoá cả hơn ngàn năm nay, đã đi vào hồn dân tộc và ngôn ngữ Việt, chứ chẳng còn ai nghĩ nó là sản phẩm của sự vay mượn từ chữ Nho, hoặc phải trả lại từ Phật cho người Tàu vì Việt Nam ta đã có từ Bụt và làm như thế là để trở lại với cội nguồn dân tộc.

Còn về mặt tu Thiền, học Phật, chúng ta luôn luôn được nhắc nhở là phải Phá Chấp - ngay cả Tâm, cả Phật cũng Không - thì sá gì hai từ Bụt và Phật. Nếu có người hỏi: " Chúng tôi thường nghe thuyết giảng tu Thiền thì phải triệt đểPhá Chấp nhưng khi thực hành thì chẳng thấy quý vị Phá Chấp mà còn làm ngược lại. Như vậy, quý vị có tự mâu thuẫn với mình không? có tách rời Lý Thuyết với Thực Hành?" Và chúng ta sẽ trả lời như thế nào ?

Cố vận động một phong trào dùng lại từ Bụt thay từ Phật đã không thăng tiến được một phương diện nào, không làm cho Phật Giáo Việt Nam phát triển mạnh hơn, cao hơn, sâu hơn mà chỉ tạo thêm ra sự tranh luậnmất thì giờ, chẳng bổ ích gì cho sự tu học, gây thêm sở tri chướng, tạo thành hai phe Bụt, Phật, mất tiền bạc in Kinh sách mới, chưa nói đến những trục trặc, vấp váp khi tụng đọc theo lối mới mà nhiều người đã từng kinh nghiệm. Dịch Tam Tạng Kinh Điển và các Kinh Nhựt Tụng ra tiếng Việt là một nhu cầu cấp bách và đáng làm nhưng tìm cách đổi từ Phật sang từ Bụt là một việc làm xa vời với tinh thầnPhật pháp.


XIN ĐỪNG NHẦM LẪN GIỮA PHƯƠNG TIỆN VÀ CỨU CÁNH

Để kết thúc, theo chúng tôi nghĩ, không cần phảivận động thay thế. BỤT hay PHẬT đều cùng một nghĩa. Cứ tùy duyên, tùy cảnh, tùy thích mà dùng miễn là đừng lạc dẫn, đừng lầm lạcý nghĩa Bụt hay Phật là Tiên, Thánh, Thần hay thậm chí là Thượng Đế "Toàn Năng". Vả lại, điều mà chúng ta cùng nhắc nhở với nhau ở đây là xin đừng và không nên lầm lẫn giữa Phương Tiện Cứu Cánh. Bụt, Phật hay Boudha, Buddhã hay Bột Đà hay bất cứ từ nào chỉ đấng Giác Ngộ đều là phương tiệndiễn đạt, tự nó không phải là cứu cánh.

Cứu cánh của người học Phật là tu hành làm sao để dứt cho được nghiệp quả, thoát khỏivòng sanh tửluân hồi, kiến Tánh thành Phật. Có dùng từ Bụt/Phật hay không, hay dùng từ này mà bỏ từ kia thì cũng chẳng nhằm nhò, hề hấn gì và chẳng bao giờ vì vậy mà trở thành những cô hồnvất vưởng như tác giả Nguyễn Trọng Phu đưa ra ở đoạn kết luận bài viết của ông đã làm cho người đọc tưởng chừng như đang nghe lời hù dọa trong một lối truyền đạo.

Y Nghĩa Bất Y Ngữ, điều Y thứ ba trong Tứ Y mà Đức Phật dạy trong Kinh Đại Niết Bàn giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề và xin được dùng làm lời kết cho bài nầy.

Cuối tháng 11-1999
Phan Mạnh Lương

DANH TỪ BỤT
Sư Cô Chơn Không

Từ những năm 1970, Thầy đã bắt đầu dùng từ Bụt để thay thế cho danh từ Phật trong nhiều trường hợp. Trong các danh từ Hán Việt, từ Phật vẫn còn được Thầy sử dụng, như Phật giáo, Phật học, Phật tính, Phật tử, v.v.. nhưng từ Bụt như một từ Nôm đã được Thầy sử dụng trong tất cả mọi trường hợp khác. Ví dụ: ‘Bụt gọi thầy A Nan ‘ hoặc ‘ Thầy Xá Lợi Phất lên gặp Bụt’.

Dân tộc ta đã từng gọi Buddha là Bụt ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất của Tây lịch và vẫn còn sử dụng từ ấy cho đến ngày nay trong văn chươngtruyền khẩu. Phát âm ‘Phật’ là do ảnh hưởngTrung Quốc, và ta chỉ bắt đầu phát âm như thế từ lúc quân nhà Minh sang xâm chiếm nước ta.

Chính thầy Khuy Cơ, cao đệ của thầy Huyền Trang cũng đã từng nói rằng Buddha phiên âm là Bột mới đúng, phiên âm thành Phật là sai. Nhận thức ấy đến hơi trễ, thành ra người Trung Quốc không sửa sai lại kịp (*).

Không có lý do gì mà một dân tộc phải đi theo sự sai lầm của một dân tộc khác. Các dân tộc khác trong vùng đều phát âm Buddha là Bụt như Thái Lan, Nhật Bản, Miến Điện, Tây Tạng, v.v..

Thầy nói sử dụng cách phát âm Bụt không có nghĩa là mình không còn sử dụng những danh từ Hán Việt có chữ Phật, và như vậy ta chỉ là làm giàu thêm cho tiếng Việt. Ví dụ ta có thể sử dụng cả hai danh từ tâm Bụt (tâm Bụt không đâu không từ bi) và Phật tâm (Phật tâm vô xứ bất từ bi). Mãi đến thế kỷ thứ mười bốn, dân ta vẫn còn sử dụng danh từ Bụt trong văn chươngbác học, như vua Trần Nhân Tông đã sử dụng trong các bài phú Đắc Thú Lâm Truyền Thành Đạo Ca. Chúng ta chỉ mới bắt chước người Trung Quốcphát âm chữ Phật từ sau đó, nghĩa là chỉ mới sáu trăm năm. Chỉ mới trôi qua hai chục năm từ ngày ta sử dụng âm Bụt trở lại mà danh từ này đã trở thànhsống động, mọi người nghe đã quen tai và cảm thấy rất gần gũi với Bụt khi nghe và sử dụng lại cách phát âm này.

Sư Cô Chơn Không
Lá Thư Làng Mai 25 ngày 12-02-2002

Chú Thích:
(*) Đại Sưkhuy Cơ, cao đệ của Tam Tạng Pháp SưHuyền Trang, đời Đường, trong sách Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, quyển thứ sáu, có nói ‘Bột Đà (Buddha) là tiếng Phạn, gọi tắt một cách sai lầm là “Phật” (Phạn văn Bột Đà, ngọa lược vân Phật)’

Xin Hỏi Ban Biên Tập Thế Nào Là Nguỵ Kinh Và Có Phải Kinh Lăng Nghiêm Là Kinh Giả Không?

Trong buổi ra mắt sách Lịch Sử Thiền Học tại TP. Little Saigon miền Nam California, Thượng Toạ Tiến sĩ Thích Nguyên Tâm đã cho biết nội dung sách đặt một số vấn đề về vai trò của Lục Tổ Thiền, và nói đến các ngụy kinh được dùng trong Thiền tông thời kỳ đầu. Thầy nói: "sách nói Kinh Lăng Nghiêm là ngụy kinh, thể hiện tư tưởng bá quyền Trung Quốc thời xưa. Xin hỏi ban biên tập thế nào là nguỵ kinh và có phải Kinh Lăng Nghiêm là kinh giả không?

TRẢ LỜI:

"Các học giảTây phươngquan niệmhệ thốnggiáo lýPhật giáo từ các bản Pali, Sanskrit là kinh “gốc” và kinh sau thời đức Phật là kinh phát triển để dễ dàng cho việc trích dẫn trong công tác so sách, nghiên cứu…đó là công việc bắt buộc cho những ai khi bước vào con đường học vấn. Đối với ngôn ngữ của Anh hay Mỹ thì thường dùng từ “Apocrypha” để chỉ cho các văn bản không phải là bản gốc, nên chúng ta phải hiểu là: kinh sau thời đức Phật, kinh phát triển, hay Tân kinh…chứ (họ) không hề áp đặt nghĩa xấu...Rất tiếc khi được chuyển tải qua tiếng Việt tác giả các tự điển Anh-Việt diễn thành chữ kinhngụy tạo, hay kinh ngụy tác, mang tính chất xấu...

Chúng ta hãy nghe tiếp Thầy Thích Lệ Thọ, tiến sĩ Phật học hiện là giảng sư tại Phật Học ViệnPhật Giáo Việt Nam TP. HCM nói về vấn đề này như sau:

"...Giả sử, các học giảTây phương có dụng ý đi chăng nữa, thì các Học giả Phật giáo và các Giảng sư cũng phải lưu tâmsửa chữa lại nhưng khiếm khuyết của các học giảTây phương chứ không nên vị nể họ có nhiều văn bằng và tầm ảnh hưởng của họ quá “nặng ký” trong lĩnh vực nghiên cứu, mà phải nói theo họ. Trong khi các Học giả phật giáo, các giảng sư cũng là người nghiên cứu lĩnh vực hệ thốnggiáo lý của chính mình, như thế chúng ta mới là người có đủ thẩm quyền hơn các học giảTây phương chứ, vì chúng ta không những là nhà nghiên cứu mà còn là các Hành giả đang tu tập từ 10, 20 năm trở lên thì lẽ nào chúng ta lại không tường tận hơn các học giảTây phương!

Chúng ta thử đặt lại vấn đề, hiện nay các học giảTây phương và trong giới Phật giáo đều căn cứ theo theo hai ngôn ngữ cổ của Ấn Độ PaliSanskrit làm “gốc” để có cơ sở nghiên cứu và giảng dạy cho Phật tử. Nhưng trong tương lai biết đâu các nhà khảo cổ lại phát hiện ra một văn bản Magadha cổ hơn thì lúc đó chúng ta lại phán những bản kinh được viết bằng Pali và Sanskrit là kinh điển trước tác hoặc kinh điển ngụy tạo hay sao? ..."

...Cho nên, đây chỉ là sự ngộ nhận hạn chế giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ mà thôi, chứ không thể phủ nhận hệ thốngkinh điển Đại Thừa là ngụy tạo. "

...Vả lại, những gì được “kiết tập” và phát triển giáo lý cho phù hợp với ngôn ngữ của xã hội đương thời là do các vị Thánh đệ tử bậc A-la-hán làm nên. Chắc chắnTrí tuệ của các Ngài hơn hẳn chúng ta đến hàng ngàn tỷ lần, nên chúng ta không thể đem “trí tuệ” của chúng ta đánh đồng với các Ngài và chạy theo các học giảTây phương mà cho các bản kinhĐại Thừa là “kinh ngụy tạo”!Kinh điển thuộc về lý tưởng, tùy bệnh mà cho thuốc thì làm sao chúng ta có thể đo lường bằng khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ học…"
http://thuvienhoasen.org/a15031/the-nao-la-kinh-dien-nguy-tao-trong-phat-giao

Riêng về Kinh Lăng Nghiêm, chúng ta hãy nghe Hoà Thượng Tuyên Hoá nói như sau:

Kinh Lăng Nghiêm Là Kinh Ngụy Tạo Chăng?

"Đại sư Hám Sơn từng nói hai câu như sau: "Chẳng đọc Pháp Hoa thì chẳng hiểu khổ tâm cứu đời của Như Lai; chẳng đọc Lăng Nghiêm thì không nắm được then chốt về mê hay ngộ của tu tâm". Đích xác là như vậy, bởi Kinh Lăng Nghiêmbao gồm hết thảy các pháp, nhiếp thọ hết mọi căn cơ, là pháp môn tinh tủy của các đời, là ấn chứng chính đề thành Phật và làm Tổ. Vì lẽ đó, người tu thiền bắt buộc phải nghiên cứu kỹ lưỡng bộ Kinh này, và hiểu thấu cảnh giới "năm mươi loại ấm ma" đặng tránh khỏi sa vào vòng của Ma vương. Nếu không vậy, không có sự nhận thức cho rõ ràng, thì bạ cảnh giới nào gặp phải cũng sanh tâm chấp trước, hành giả sẽ dễ nhập vào ma cảnh, thành kẻ quyến thuộc của ma vương. Đó là một điều cực kỳ nguy hiểm!

Chẳng riêng Chú Lăng Nghiêm phải thuộc lòng, mà Kinh Lăng Nghiêm thiền giả cũng phải thuộc nữa. Người ta nói "thuộc sẽ nẩy cái hay", thời cơ tới sẽ có nhiều lợi ích, sẽ có sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Hễ người nào nghiên cứuvăn họcTrung quốc, tất phải đọc Kinh Lăng Nghiêm, văn từ thì ưu mỹ, nghĩa lýphong phú, tóm lại là một bộ Kinhlý tưởng.

Có một số tự cho mình là học giả có hạng, chưa hề nghiên cứusâu rộng về Đạo Phật, đã tự nhận mình là chuyên gia Phật học, tự nhận mình có đủ uy tín mà sự thực không hiểu Phật giáocho đến ngành ngọn, khinh xuất cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là một kinh ngụy tạo. Từ đó lại có một số, có dụng ý khác, ùa theo phụ họa. Đúng là kẻ mù dắt kẻ mù, thật đáng thương xót!

Tại sao người ta bảo Kinh Lăng Nghiêm chẳng phải do đức PhậtThích Ca thuyết giảng? Chẳng qua vì nghĩa lý trong bộ Kinh rất ư chân thật. Kinh đã nêu ra cho kỳ hết các căn bệnh của thế gian, bởi đó mà các loài yêu ma quỷ quái, các loài quỷ trâu, quỷ rắn, không còn cách nào hoành hành, phải hiện rõ nguyên hình của chúng. Từ đó chúng tìm mọi cách để phá, chúng phải tuyên truyền Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy, thì chúng mới có cơ để sinh tồn. Nếu như thừa nhận đây là lời Phật thuyết pháp thì đối với chúng là không xong. Trước hết chúng không giữ được "Lời dạy về bốn loại thanh tịnh", thứ hai chúng không tu tập được các "Pháp viên thông của hai mươi lăm bậc thánh", thứ ba chúng không dám đối diện với các cảnh giới của "Năm chục loại ấm ma".

Nếu như ai ai cũng đọc Kinh Lăng Nghiêm, cũng hiểu rõKinh Lăng Nghiêm, thần thông của hàng ngoại đạo sẽ hết linh ứng, thành ra vô dụng khiến cho không ai còn tin vào thần thông của họ nữa. Đó là lý do bọn thiên ma ngoại đạo chỉ còn tìm cách dèm pha, tuyên truyền, bảo Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy.

Chẳng cứ chỉ những người tại giaphỉ báng Lăng Nghiêm là Kinh giả, ngay cả những kẻ xuất gia cũng bắt chước nói theo. Tại sao vậy? Bởi vì có một số xuất gia ít học, có khi không thông chữ nghĩa, không xem được Kinh điển, trong khi đó văn Kinh Lăng Nghiêm lại thâm thúy, ý nghĩahuyền diệu, khiến họ không hiểu được nên không làm sao phân biệt được chân giả. Đến khi nghe người ta bảo Kinh này là giả, Kinh kia là ngụy, thì họ đâu có suy xét gì, người ta nói sao thì nhắc lại y hệt.Tự nhiênKinh Lăng Nghiêm bị lãnh tiếng oan là vì lẽ đó.

Lúc xưa tại Ấn Độ, Kinh Lăng Nghiêm được liệt vào hàng quốc bảo và có lệnh cấm không cho mang những thứ quý ra ngoại quốc. Những ai xuất cảnh đều bị khám xét gắt gao và, để phòng Kinh lọt ra ngoài, các nhân viên hải quan thường đặc biệt chú ý đối với các Tăng xuất cảnh.

Hồi đó tại Ấn độ - bên Trung quốc lúc đó là đời Đường - một vị cao tăngpháp danh là Ban Thích Mật Đế (Paramiti) đã khổ công tìm mọi cách để mang Kinh Lăng Nghiêm qua Trung quốc. Sợ bị phát hiện tại trạm kiểm soát, ông phải nghĩ ra cách giấu giếm, nhét Kinh vào sâu trong cánh tay và sau cùng ông đã đổ lên bộ tại địa phận Quảng Châu. Lúc đó là thời gian Tể tướng Phòng Dung bị Võ Tắc Thiên giáng chức xuống làm Thái Thú Quảng Châu. Ban Thích Mật Đế được Phòng Dung mời tới để phiên dịchbộ Kinh này và chính Phòng Dung là người nhuận sắc cho bản dịch. Bởi vậy Kinh Lăng Nghiêmbiến thành một tác phẩmvăn học có giá trị, rồi sau đó trình lên cho Võ Tắc Thiên. Thời bấy giờ đương có tin đồn Kinh Đại Vân là kinh ngụy tạo nên Hoàng ĐếVõ Tắc Thiên không cho Kinh này được lưu hành.

Đến khi Thiền sưThần Tú được phong làm Quốc sư rồi được cúng dường ở trong hoàng cung, một hôm Thiền sư thấy được bộ Kinh này, thấy Kinh rất có lợi cho những hành giảtu thiền, mới cho Kinh này được phổ biến. Từ đó Kinh Lăng Nghiêm mới được lưu hành ở Trung quốc. Căn cứ theotruyền thuyết, Kinh Lăng Nghiêm là Kinh tối hậu truyền đến Trung quốc, nhưng cũng là Kinh bị hủy diệt đầu tiên vào thời Mạt Pháp, sau mới đến các Kinh khác, sau rốt còn lại một Kinh A-Di Đà.

Ghi chú: Thượng nhân Tuyên công chủ trương dứt khoát rằng Kinh Lăng Nghiệm chính là tâm ấn của chư Phật, điều này ngàn vạn lần đích xác. Bởi vậy ngay sau khi đặt chân tới Mỹ, Tuyên công liền giảng Kinh Lăng Nghiêm. Tại sao vậy? Phật Pháptruyền bátới đất Mỹ, thì Mạt Pháp sẽ biến thànhChánh Pháp, và đó là tâm cơ của Thượng nhân trong sứ mạng nối tiếp huệ mạng Phật. Bài "Lăng Nghiêm Kinh Thiển Giảng" sẽ được đưa đăng từng kỳ trong tạp chí Vạn Phật Thành Kim CươngBồ Đề Hải, bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Nay xin thông báo cùng quý bạn độc giả. ( )

Tiếp theo đây chúng tôi mời quý vị xem Thầy Giác Hoàngtrả lời cho một Phật tử về vấn đề này. Nguyên văn như sau:

Vấn đềKinh điển ngụy tạo

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

Con có câu hỏi về nguồn gốc của một số Kinh như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, bộ ba Kinh A Di-Di-Đà, Kinh Dược Sư Kinh Địa Tạng. Quý Hoà Thượng như HT. Nhất Hạnh, HT. Thanh Từ khi giảng về các Kinh này thường mở đầu đại khái như: “Kinh này xuất hiệnvào khoảng thế kỷ thứ sáu, v.v…” có ý nói Kinh được soạn ra nhiều thế kỷ sau khi Đức Phậtnhập diệt. Thầy Nhật Từ trong bài mở đầu quyển Kinh Nhật Tụng, cũng viết đại khái: “Các Kinh như Kinh Địa Tạng tính chấtvan xinân huệ, không hợp với tinh thầngiác ngộgiải thoát của Phật giáo…” Thầy Chơn Quang ở trong nước thì không kiêng nể gì, tuyên bố Kinh A-Di-Đà và Kinh Địa Tạng đều là những Kinh ngụy tạo.” (Trong khi đó Phật tử đều biết được nguồn gốc của Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Thuỷ Sám Lương Hoàng Sám). Thái độ úp mở hoặc ý kiếnriêng của chư vị Tăng Ni làm cho Phật tửhoang mang một cách vô ích. Con xin quý Thầy giảng về việc này.

Kính: Pháp Tịnh.

******

Xin chào Phật tử Pháp Tịnh,

Xét về phương diệnlịch sử, các Kinh mà Phật tử vừa đề cập trên quả là ra đời rất muộn. Vẫn biết rằng tất cả Kinh điển là do các bậc đại đệ tử của Đức Phật nhớ và biên tập lại, nhưng dựa vàongôn ngữ và nội dung của các Kinh đó, các nhà nghiên cứuPhật họcuyên bác, đặc biệt là chư Tăng Ni cũng như các giới nghiên cứu, học giả đều thừa nhận có những bộ kinh ra đời hơi muộn hoặc rất muộn và tư tưởng có đôi phần không tương hợp với tinh thầnPhật giáo thuở ban đầu. Theo như Thầy hiểu, các bộ Kinh ra đời sau được những vị có chức năngtruyền bá giáo pháp thời ấy phương tiện, quyền biến trước tác, rồi ghi là Kinh do đức Phật thuyết.

Dưới ánh sáng của những nhà nghiên cứu có phương pháp, dựa vào văn bản học hoặc khảo cổ học, chúng ta không thể phủ nhận giá trịcông trìnhkhám phá của họ. Mặc dầu các công trìnhkhám phá đó chưa hẳn là có lợi đối với những người có niềm tin mãnh liệt đối với Kinh điển lâu nay mà các vị ấy đã thọ trì. Quý Thầy đã từng gặp các Phật tử đâm hoảng khi nghe các Thầy trình bày sự thật này. Nhiều vị còn cố chấp cho rằng, không lấy gì làm bằng chứng để chúng ta tin rằng Kinh nào do Phật thuyết hay không? Nếu đã như vậy thìchúng ta nên áp dụngbài Kinhđức Phật dạy cho dân chúng Kàlàma trong Tăng Chi Bộ (Tập I, Phẩm Lớn, 65, ĐTKVN, tr.338) thì hay hơn hết. Theo tinh thầnbài Kinh này thì đức Phậtcho phép quý Phật tử trắc nghiệm lại lời của quý Thầy, vì lời dạy cao quý của đức Phật mà đức Phật còn cho phépchúng tanghi ngờ huống gì là lời của quý Thầy! Điều quan trọng là đến với giáo pháp có học hỏi được điều tốt hay không và vận dụng như thế nào cho hành trình vạn dặm của mình.

Như Phật tử đã đề cập một đoạn trong Phụ Lục III: Về Một Bộ Kinh Thánh Phật Giáo trong Kinh Tụng Hằng Ngày (Kinh Nhật Tụng) do Thầy Nhật Từ biên soạn và tái bản năm 2002, trong phần Đối với tuyển tập Kinh thánh Đại thừa, có đoạn viết “Không nên giới thiệu các Kinh Dược Sư, Địa Tạng và các kinh thần chú, vì tính chấtvan xin và cầu nguyện trong các Kinh này đã đi ngược lại với tinh thần lời dạy nguyên thủy của đức Phật.” Như Phật tử thấy, thực trạng của Phật giáo hiện nay, nhiều Phật tử chỉ đi chùacầu nguyện và làm các khoá lễ cầu siêu, khi có thân nhân mất liền thỉnh quý Thầy, Phật tử hoặc thầy cúng tụng mười bộ hoặc vài chục bộ Địa Tạng để gọi là “cầu siêu” cho người quá vãng. Theo tinh thầnPhật Pháp mà nói, nếu một người còn sống không lo tu hành, giả như biết đọc tụngtôn kinh, nhưng không tu hành thì khi chết dù có tụng nhiều biến kinh đi nữa cũng không hiệu quả. Đạo Phật rất tôn trọngnhân quả. Đạo Phậtkhông chấp nhận sự ban phước của một bậc tối cao hoặc thần linh nào.

Nói như vậy, không có nghĩa là quý Thầy phản bác việc tụng KinhĐịa Tạng, mà chỉ muốn nói rằng người Phật tử không nên xem Kinh Địa Tạng hoặc Kinh Dược Sư như là bùa hộ mạng, là chiếc phao cho người qua biển. Người Phật tử cần nên thọ trì các bộ Kinh khác như Pháp Hoa, Niết-bàn, Bảo Tích, Hoa Nghêm, Lăng Nghiêm, Kim Cang, v.v…cũng như các bộ Kinh điển hệ Nam truyền để từ đó hiểu được Phật Phápsâu rộng hơn, vận dụng giáo lý vào đời sốngthực tiễn hơn.
Ngày nay Phật tử các chùa đều biết đến bộ KinhĐịa Tạng, Pháp Hoa, hoặc Dược Sư, chứ ít Phật tử biết được các bộ KinhĐại Thừauyên áo khác như Lăng Nghiêm, Kim Cang, v.v... Điều này lỗi là do các Thầy trụ trì hoặc các vị pháp sư hướng dẫn. Rất nhiều vị còn tin rằng tụng Kinh như Dược Sư, Địa Tạng mới có thể cầu siêu cho cha mẹ hoặc thân nhân, còn tụng các bộ Kinh khác chỉ khiến cho bản thân bị nghiệp đổ, nóng nảy, v.v.. Lại nữa, Kinh Dược Sư dường như là phương tiện để tạo mối liên hệ giữa đức PhậtDược Sư với người bệnh, nên khi có người bệnh thì đem Kinh Dược Sư ra trì tụng cùng với các nghi thức như đốt 49 ngọn đèn để cầu nguyện, thì quả rõ ràng là không hợp với tinh thần “hãy tự thắp đuốc lên mà đi” của Phật giáo. Các Kinh đó làm cho một số người chưa hiểu biết nhiều về đạo Phật, họ phải thốt lên sao đạo Phật giống thần quyền quá vậy? Người nào biết lịch sử các tôn giáo khác thì nói Phật giáo sao mà giống các tôn giáo thời bán khai quá vậy? Các ông thần chi phốicon người nhiều quá? Rồi họ hỏi đạo Phật có phải là đạo đa thần giáo không? Nói như vậy không phải là quý Thầy đồng ý việc bác bỏ hết mọi khía cạnh tích cực khác của Kinh như dạy về đạo hiếu thảo của người làm con, đạo lýnhân quả,v.v…trong các bài Kinh đó, mà chỉ muốn nói lên rằng người có chức năngtruyền báchánh phápcần phảigiới thiệu các Kinh khác để Phật tử đọc có thể hiểu và tu đúng như lời Phật dạy.

Ngẫm nghĩ lại, thời Phật còn tại thế, Ngài không bảo chư Tăng tụng đám hoặc bảo chư Phật tử đem Kinh ra để cầu siêu cho người quá cố như chúng ta ngày nay. Chư Tỳ-kheo chỉ tụng đọc lại lời Phật dạy để nhớ mà tu tập là chủ yếu, chứ không có tụng Kinh để cầu nguyện cho vong hồn ai cả. Nói như vậy không có nghĩa là quý Thầy bác bỏtụng kinh, niệm Phật hoặc các thời khoá của chùa, mà chỉ muốn thưa rằng tụng Kinh không nhất thiết phải tụng một bộ Kinh nào, vì Kinh nào nếu chuyển tải được diệu lý của lời Phật dạy đều đáng được trì tụng. Do đó, đọc càng nhiều bộ Kinh khác nhau để thấy được bao quát lời dạy của Phật, chúng ta ít mắc kẹt vào các pháp. Xin giới thiệu đến quý Phật tử bài Ý Nghĩa của Tụng Kinh trong cuốn Kinh Tụng Hằng Ngày do Thầy Nhật Từ biên soạn.

Còn vấn đề khác cũng khá quan trọng mà vấn đềPhật tử đã đưa ra, đó là khái niệm “Kinh điển nguỵ tạo” (Apocrypha). Khái niệm này được các học giả phương Tây sử dụngrộng rãi trong sách cũng như trong từ điển. Không phải một mình Thầy Chơn Quang dùng khái niệm này để chỉ cho các Kinh ra đời rất muộn. Điều này người viết cũng đã trình bày một hai lần trong các bài viết cho một số Phật tử khác. Có lẽ khái niệm “ngụy tạo” này nên được thay đổi cũng nên, vì từ “ngụy tạo” (apocryphal) làm cho người ta có cảm tưởng một điều gì đó lường gạt, giả dối, không tốt, nhưng thực chất nội dung của các Kinh đó nhằm đáp ứng cho một nền văn hoá nào đó mà thời Phật vấn đề đó chưa được đặt ra. Theo cách nghĩ của bản thân người viết, chúng ta có thể tạm sử dụng một từ khác thay cho từ nguỵ tạo, đó là từ “Kinh văn hoá” hoặc là “Kinh bản địaTrung Hoa”, hoặc chúng ta có thể sử dụng từ “sáng tạo” thay cho từ “nguỵ tạo”, vì các từ này nhã hơn và ít gây cho người đọc cảm tưởng một điều gì gian xảo, dối trá trong Kinh điển !

Cho nên, nếu chư tônđức Tăng Ni nào sử dụng khái niệm “nguỵ tạo” cho một số Kinh điển như Phật tử đã nêu, hoặc một số Kinh khác, như Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Phạm Võng thì chúng ta cũng nên tạm chấp nhận, vì đó là một khái niệm cũ được các học giảsử dụngnhiều lần thành quen. Nhân tiện, xin giới thiệu đến quý Phật tử nào biết tiếng Anh tìm đọc cuốn: Chinese Buddhist Apocrypha (Các Kinh ĐiểnPhật Giáo Nguỵ Tạo ở Trung Hoa). Đây là một tuyển tập gồm 9 bài viết và dịch của nhiều học giả có uy tín, cộng với lời giới thiệu của người biên tập Robert E. Buswell, Jr, được nhà xuất bản Sri Satguru Publication tại Delhi ấn hành.

Như Phật tử đã trình bày, “thái độ úp mở hoặc ý kiến riêng của chư vị Tăng Ni làm cho Phật tử hoang mang một cách vô ích.” Thật ra, có những vấn đề đôi lúc buộc phải đáp ứng tínhkhế lý hơn tính khế cơ, buộc người trả lời không có con đường chọn lựa thứ hai. Ví dụ, một số Kinh điển Đại Thừa hoặc một số Kinh điển thuộc Thượng Toạ Bộ, nếu có ai hỏi Kinh đó ra đời lúc nào, có phải do chính Đức Phậttuyên thuyết hay không ? Bản thân Thầy đôi lúc không thể áp dụngphương pháptrả lời rất dứt khoát, nhưng thiếu linh động “Yes hay No” (Có hay không) của một số người (người Mỹ thường cóthói quen này), mà chỉ áp dụngtinh thần của Á Đông hơn, nghĩa là cần thì có một câu trả lời thoả đáng và đưa ra một đáp án cụ thể, minh bạch, có thể chứng minh một cách đàng hoàng, ngược lại thì cũng trả lời như thế nào đó cho phù hợp với tính khế cơ hơn là khế lý.

Như quý Phật tử thấy, khi đề cập đến Kinh điển thuộc một tông phái hoặc niềm tin của một pháp môn là đụng đến bao triệu con tim, điều đó không còn là vấn đềcá nhân nữa. Quý Thầy rất ý thức được việc này, nhưng thỉnh thoảng phải thực hành hạnh “trực ngôn là đạo tràng” trong Kinh Duy Ma, đành phải như thế.

Chúc Phật tửthân tâm thường an lạc và vững niềm tin đối với chánh pháp, nỗ lựctu tập để mình và người được nhiều hạnh phúc, an vui.


Bài đọc thêm:

KINH NGỤY TẠO (APOCRYPHA)
Tác giả Prof. KYOTO TOKUNO, Ph.D
Dịch sang Việt: PHẠM DOÃN

http://thuvienhoasen.org/a5358/kinh-nguy-tao-apocrypha

Xin Cho Biết Quan Điểm Của Phật Giáo Về Hình Phạt Án Tử Hình

TRẢ LỜI: Đạo Phật, đạo của từ bi và trí tuệ, luôn luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng hữu tình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì muốn mang hoà bình và hạnh phúc đến cho chư thiên và loài người. Thực vậy, từ xưa đến nay, Đạo Phật đã không bao giờ đem khổ đau cho bất cứ ai. Đạo Phật chỉ đưa ra con đường chuyển hoá đau khổ cho những ai có tâm tìm hiểu và mong muốn để đạt đến con đường đó. Đó là lời mở đầu của Sư cô Thích nữ Giới Hương trong buổi hội thảo về Quan điểm của Phật giáo về án tử hình tại chùa Phước Hậu Milwaukee ngày 28-10-2006. Mời quý độc giả xem tiếp bài thuyết trình của Sư cô:

CÁC LỜI DẠY CĂN BẢN CỦA ĐỨC PHẬT
VỀ HÀNH PHẠT TỬ HÌNH
Sư cô Thích Nữ Giới Hương, Ph.D.

Đạo Phật, đạo của từ bi và trí tuệ, luôn luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng hữu tình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì muốn mang hoà bình và hạnh phúc đến cho chư thiên và loài người.

Thực vậy, từ xưa đến nay, Đạo Phật đã không bao giờ đem khổ đau cho bất cứ ai. Đạo Phật chỉ đưa ra con đường chuyển hoá đau khổ cho những ai có tâm tìm hiểu và mong muốn để đạt đến con đường đó.

Hôm nay, nhân dịp Hội Ái hữu thành phố Milwaukee tổ chức cuộc nói chuyện với chủ đề Quan điểm của Phật giáo về án tử hình, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ đề tài này với những ý tưởng như sau:

I. Năm giới

Các giới luật quan trọng và căn bản hướng dẫn phát triển tâm linh rất quen thuộc với giới Phật tử là thọ trì ngũ giới (Panca Sila)[1]:

1. Con phát nguyện vâng giữ giới không sát hại sanh vật.
2. Con phát nguyện vâng giữ giới không lấy của không cho.
3. Con phát nguyện vâng giữ giới không tà dâm.
4. Con phát nguyện vâng giữ giới không nói dối.
5. Con phát nguyện vâng giữ giới không uống rượu say.

Trong ý nghĩa tiêu cực, năm giới này là những điều răn cấm, nghĩa là không được phạm vào bất kỳ tội lỗi hoặc tội ác nào. Bản chất của sự răn cấm này được thể hiện ở hai phương diện:

(a) để ngăn chặn và phòng ngừa tội lỗi hoặc tội ác, chẳng hạn như cấm uống rượu say vì nó có thể dẫn tới tạo tội lỗi hoặc tội ác;

(b) để chấm dứt và không tái phạm những tội ác đã làm, như giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, v.v… chính bản chất chúng là bất thiện.

Trong ý nghĩa tích cực, giới đầu tiên giúp chúng ta tăng trưởng lòng từ bi. Giới thứ hai có thể giúp nuôi dưỡng đức tính thành thật, tâm bao dung, không chấp thủ và chánh mạng. Giới thứ ba giúp vun bồi khả năng tự kềm chế, bảo hộ các căn và những cảm xúc, chế ngự lòng ham muốn trần tục. Giới thứ tư làm cho phát triển niềm tin yêu, tâm chân thật, và đạo đức chính trực. Và giới cuối cùng giúp chúng ta quay về chánh niệm, tỉnh thức, và tuệ giác.

Bởi vậy, thực hành thuần thục những giới luật Phật giáo sẽ giúp chúng ta sống một cuộc sống đạo đức, thăng tiến đời sống tâm linh trong từng cá nhân đồng thời giúp thúc đẩy việc chung sống hòa bình trên tinh thần hợp tác, tin cậy lẫn nhau trong cộng đồng và đẩy mạnh tiến trình xã hội ngày càng phát triển.

II. Giới đầu tiên

Giới đầu tiên ủng hộ xu hướng phản đối việc phá hủy sự sống. Điều này dựa vào nguyên lý của thiện tâm và tôn trọng quyền sống của tất cả mọi loài.

Trong kinh Phạm Võng[2], Đức Phật chỉ dạy cặn kẽ Giới Bồ tát đầu tiên là: “Đệ tử Phật không được tự mình giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết.

Có năm điều kiện[3] kết thành hành động giết hại là:

(1) Có hiện hữu một chúng sanh, con người hoặc loài vật;
(2) Nhận biết rằng chúng sanh đó đang còn sống;
(3) Dự định hoặc quyết định để giết;
(4) Dùng phương tiện thích đáng để thực hiện hành động giết hại;
(5) Và có hậu quả đưa đến sự chết.

Thiếu bất kỳ một trong các điều kiện này, hành động giết sẽ không cấu thành, mặc dù sự chết có xảy ra. Điều đó chỉ được xem như sự cố tai nạn và không gây ra hiệu ứng tội lỗi nào cho người làm hành động này.

Có sáu cách giết[4]: (1) giết bằng chính bàn tay của mình, (2) ra lệnh cho kẻ khác giết, (3) giết bằng cách bắn, ném đá, đánh gậy, v.v…, (4) giết bởi việc đào những hầm hố, v.v... để đánh bẫy chúng sanh, (5) giết bởi dùng thần lực, hoặc các phương cách bí ẩn, và ( 6) giết bằng mật chú, hoặc khoa học huyền bí nào đó.

Dù sử dụng công cụ nào để giết hoặc phá hủy đời sống tâm linh của chúng sanh đi nữa thì kẻ đó đã phạm vào sát sanh nghiệp đạo rồi.

Bởi vậy, một Phật tử chân chánh không thể làm hoặc ủng hộ án tử hình bởi vì án tử hình đồng nghĩa với việc tước đoạt hay chấm dứt đời sống con người với năm điều kiện và bất kỳ một trong sáu cách giết nói trên.

III. Tâm từ bi

Ở giới đầu tiên trong Kinh Phạm Võng[5], Đức Phật dạy rằng “là Phật tử lẽ ra phải luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh. Mà trái lại, tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội”.

Do tuân thủ giới này chúng ta biết cách vun bồi tâm từ và tâm bi. Nên thương yêu những người khác như chính mình vậy. Cảm nhận được đau khổ của người khác như của chính mình thì chúng ta sẽ sẳn sàng làm cách nào đó để có thể giúp họ vơi bớt khổ đau.

Như vậy, chúng ta trau giồi tâm từ bi và tăng trưởng tinh thần vị tha chính vì phúc lợi của người khác, ý thức tôn trọng và bảo vệ cho tất cả chúng sanh.

Trong Kinh Từ bi, Đức Phật cũng dạy:

Mong rằng không có ai,
Lường gạt, lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào.
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.

Như tấm lòng người mẹ,
Đối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất, mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn[6].

IV. Phật tánh

Một nguyên do khác mà giới Phật giáo không ủng hộ án tử hình là vì Đức Phật có dạy rằng bản chất của mỗi chúng sanh (người hoặc vật) là thanh tịnh; tinh tế hơn nữa là tâm thanh tịnh, mà cứu cánh bản tâm đó chính là sự giác ngộ hay tính giác ngộ cũng gọi là Phật tính (Buddhata), hoặc Tri kiến Phật.

Như Đức Phật xác nhận trong Kinh Pháp hoa[7] “…Và Ta thấy hàng Phật tử, có đầy đủ giới đức, uy nghi không thiếu sót, bản chất trong sạch như bửu châu để trở về tuệ giác”. Vì vậy, nếu nay con người trở nên bạo lực có thể vì nhiều lý do, nhưng nhất định một trong những lý do chủ yếu là do ác tư duy khởi lên, như hậu quả từ môi trường và hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, tất cả đều có tiềm năng để cải thiện cũng như có khả năng quay về với bản tính chân thật hằng có của chính mình.

V. Không sát sanh

Như đề cập, tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Vì vậy, chúng ta không những không nên giết người mà còn không nên làm hại cả loài vật nữa. Vả lại, trong vài trường hợp tùy theo nghiệp lực, con người có thể tái sinh làm người và loài vật cũng có thể được sinh lại làm người.

Có một nguyên tắc chỉ đạo rất căn bản trong Đạo Phật để tu tập đạo hạnh đó là bất hại (ahimsa) - tức ngăn cấm việc gây tổn thương hoặc chết chóc đối với mọi chúng sanh.

Vì chúng ta ước muốn sống, chúng ta không nên giết người hoặc ngay cả chúng sanh khác. Hơn nữa, nghiệp sát sanh phải được hiểu như cội rễ của tất cả khổ đau và nguyên nhân căn bản của bệnh tật và chiến tranh, và những thế lực giết hại này rõ ràng đồng nhất với ma quân.

Lý tưởng tối thượng và phổ quát nhất của Đạo Phật là phụng sự không ngừng nghỉ cho đến khi nào chấm dứt hoàn toàn vĩnh viễn khổ đau của tất cả chúng sanh, chứ không chỉ riêng cho loài người.

Như trong kinh Phạm Võng[8], Đức Phật nói: ‘Mỗi khi một Bồ tát[9] thấy có người chuẩn bị giết một con vật, vị ấy thường dùng phương tiện thiện xảo để cứu chuộc và bảo vệ nó, giải phóng nó vượt thoát khỏi tình trạng khó khăn và đau khổ đó...’

VI. Ăn chay

Tâm từ bi bao la đối với tất cả cũng có nghĩa rằng chúng ta không những không giết hại con người và loài vật mà còn cần phải tuân thủ quy tắc tự gìn giữ chính mình chẳng hạn như thực hành ăn chay. Đây là những lời dạy tích cực và xác thực từ Đức Phật liên quan đến sự phát triển hoàn hảo nhân cách của con người.

Tất cả các chúng sanh –
Loài người hoặc thú vật,
Rất tham sống sợ chết.
Đều sợ hãi con dao đồ tể,
Chặt thái chúng thành từng miếng.
Thay vì tàn bạo và hèn hạ,

Tại sao không dừng giết hại và thương yêu cuộc sống?[10]

Đức Phật khuyến khích việc ăn chay hoàn toàn là một yêu cầu tự nhiên và hợp lý tương xứng với giới không sát sanh. Giới Bồ tát cũng rõ ràng cấm hẳn việc ăn mặn.

Tôn giả Đại Ca Diếp hỏi Đức Phật, “Tại sao Như lai không cho phép ăn thịt?” Đức Phật đáp “chính vì việc ăn thịt sẽ cắt đứt hạt giống đại từ bi”[11].

Chúng ta không nên giới hạn lòng từ bi của mình đối với loài vật hoặc những vật yêu thích, mà hãy mở rộng đến toàn thể chúng sanh, ngay cả trong số đó có kẻ sai phạm. Lòng từ bi làm nền tảng cho tất cả mọi quan hệ tương tác của chúng ta với người khác, mà không cần lưu tâm đến quan điểm và hoạt động của họ là gì.

VII. Báo thù

Vì những lý do và mục đích nào đó mà hệ thống pháp luật của xã hội đặt ra án tử hình. Án này chính là dùng để trừng phạt các phạm nhân, ngăn chặn họ không lặp lại hành động xấu ác đã làm và để răn đe những người khác.

Tuy nhiên, rõ ràng nó cũng là một hình thức báo thù trong một ý nghĩa tinh tế hơn.

Chúng ta cần phải giảm bớt sự sợ hãi, lòng thù ghét, và ý muốn báo thù bằng cách tra tấn và sát hại.

Khái niệm báo thù hoàn toàn xa lạ với giới Phật giáo. Án tử hình là một hình thức trừng phạt khắc khe nhất với mục đích nhằm kết thúc vĩnh viễn một đời sống đang sống. Khi phạm nhân bị xử tử hình thì người đó không còn có cơ hội nào nữa để thay đổi, phục hồi hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Liệu việc thực hiện án tử hình đối với một kẻ giết người đã bị tuyên án sẽ khiến nạn nhân sống lại được không?

Tất nhiên là không. Như vậy, án tử hình đâu có lợi ích gì.

Đức Phật dạy rằng:

“Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu”[12].

VIII. Tâm lý học

Theo Đạo Phật, những điều kiện cho đời sống kế tiếp (tái sanh) phụ thuộc vào những tư tưởng sau cùng, tức trạng thái tâm thức cuối cùng của con người trước khi chết. Tâm thức hay tâm lý của tội phạm chắc chắn không thể có được trạng thái an bình. Buộc người đó nhận lãnh thi hành án tử sẽ càng làm cho trạng thái tâm trí của người đó thậm chí còn trầm trọng hơn, chứa đầy lòng giận dữ và sợ hãi. Kết quả là, người đó nếu được tái sinh làm người, họ có thể còn bạo lực hơn lúc bây giờ. Khi lớn lên, kẻ đó tiếp tục phạm tội có thể còn tồi tệ hơn những tội ác đã làm ở đời trước.

Trong Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Kinh Trung Bộ, số 135)[13], Đức Phật nói điều này:

“Ở đây, này các tỳ kheo, có người đàn bà hay đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói động đến một chút thời liền bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào cõi dữ... Nếu sanh trở lại làm người thì phải chịu hình hài xấu xí. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, tức là phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

Bởi vậy, chúng ta cần nên tránh dẫn đến trạng thái tâm lý bất an cho phạm nhân vì người đó sẽ phải buộc giáp mặt cái chết một cách không sẵn lòng và miễn cưỡng.

IX. Luật Nghiệp Báo

Nghiệp hay hành động là năng lực được phát sinh bởi tư duy, lời nói và những hành vi của con người. Nó có thể là thiện, bất thiện hoặc quán tưởng, và có thể có hiệu ứng sâu đậm lên sự tái sanh của mọi loài hữu tình chúng sanh.

Nghiệp bất thiện dẫn đến sự tái sinh vào một trong ba ác đạo (là địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh); nghiệp thiện dẫn đến tái sinh trong loài người, loài thần hoặc chư thiên cõi dục; còn nghiệp quán tưởng thiền định sẽ tái sinh vào cảnh giới sắc và vô sắc[14].

Trong kệ Telakatahagatha nói rõ: “Ai phá hủy đời sống của bất kỳ chúng sanh nào, trong lần tái sinh kế tiếp người đó có thể bị đột tử trong lúc đang sung mãn nhất, dù vị đó đang có cuộc sống tiện nghi, giàu sang và đẹp đẽ, ...”[15].

Đức Phật đã dạy[16]:

Ở đây, này các tỳ kheo, có người đàn bà hay đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này các tỳ kheo, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

Nhưng ở đây, này các tỳ kheo, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này các tỳ kheo, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

Như vậy với lý lẽ đã trình bày ở đây, rõ ràng là việc giết hại kể cả tội bạo hành sẽ tạo ra ác nghiệp cho kẻ đó, và giảm bớt khả năng có được một cái chết an bình cho họ.

X. Kinh tạng Phật Giáo

Bác bỏ án tử hình là một chủ đề thường được nhắc đến trong Đạo Phật mà chúng ta sẽ nhìn thấy các ngụ ý này ngang qua phạm âm của Đức Phật trình bày trong kinh tạng và luận tạng của cả hai hệ thống Phật giáo Nguyên thuỷ và Đại thừa (ở đây tôi đề cập chỉ vài trường hợp tiêu biểu) như sau:

A. Kinh Nguyên thuỷ

1. Pháp cú:

“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết.”[17]

“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người thích sống còn;
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết.”[18]

“Bỏ trượng, đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn.”[19]

2. Kinh Bổn sanh:

i. Tiền thân Nai Banian

Trong Kinh Bổn sanh[20] có kể rằng vào một tiền kiếp nọ, Đức Phật sinh ra làm Nai chúa tên là Nyagrodha. Ngài đã sẳn lòng thế mạng của chính mình cho một con nai đang có thai sắp sinh phải đi nạp mạng cho nhà vua. Lại trong một tiền kiếp khác, Đức Phật hy sinh mạng sống của mình để làm thức ăn cho một con cọp đói và hai con của nó đang bị mắc kẹt trong tuyết.

Ngài cho rằng cứu được mạng sống có ý nghĩa hơn là chỉ bảo hộ cho bản thân cá nhân mình. Thà mất mạng của chính mình còn tốt hơn là giết hại chúng sanh khác.

Có nhiều câu chuyện kiếp trước của Đức Phật khi còn làm bồ tát, ngài thực hành hạnh giữ gìn giới không sát sanh, hy sinh chính mạng mình để giữ tròn giới thể và tăng trưởng lòng từ bi.

Đức Phật đã nói rằng:

Hơn nữa, Ta quán sát như vầy: “Từ quá khứ cho đến ngày nay, Ta đã bỏ thân mạng không biết bao nhiêu lần. Đã có lần Ta sanh ra làm kẻ cướp ác tâm, làm chim muông, hoặc làm súc vật mà nơi đó Ta đã sống đơn thuần cho mục đích làm giàu hoặc theo đuổi những lợi ích dục vọng thấp hèn. Nhưng bây giờ Ta đã sắp bỏ mình để giữ tròn giới thể. Ta không lẫn tiếc thân thể và xả thân mạng của ta để giữ giới thì sẽ có muôn vạn lần ích lợi hơn việc bảo hộ thân mình mà phải vi phạm những điều cấm. Trong cách suy nghĩ này, Ta quyết định là Ta cần phải hy sinh thân thể để bảo vệ vẹn toàn các tịnh giới.

ii. Tiền thân Con trai của người hàng thịt

Câu chuyện này kể rằng: có một lần nọ, một vị đã chứng quả Dự lưu[21] sinh vào trong một gia đình hàng thịt. Khi đến tuổi thành niên, mặc dầu mong muốn theo nghề quản gia, nhưng Ngài không muốn giết hại súc vật. Cha mẹ của Ngài một hôm đưa cho Ngài một con dao và một con cừu và bảo Ngài “Nếu con không giết con cừu này, cha mẹ sẽ không cho con thấy mặt trời mặt trăng và thức ăn nước uống để sinh sống”.

Ngài liền suy nghĩ, “Nếu mình giết con cừu này thì mình sẽ bị tạo nghiệp ác này đến trọn đời. Làm sao mình có thể phạm tội ác lớn này đơn giản chỉ vì lợi ích của bản thân?” Rồi ngài liền cầm dao tự sát. Khi cha mẹ mở cửa nhìn vào thì thấy con cừu vẫn đang đứng một bên, trong khi người con trai nằm đó đã tắt thở.

Ngay sau khi chết, Ngài được sinh lên cõi trời do hoan hỷ buông xả, không lẫn tiếc mạng sống chính mình để giữ gìn vẹn toàn các tịnh giới.

Hạnh phóng sanh là một phương pháp tu tập trong Phật giáo nhằm cứu thoát các loài vật, chim cá v.v… đã được trù định để giết thịt hoặc bị giam cầm thường xuyên. Chúng được phóng thích như được ban cho một đời sống mới. Việc tu tập này minh họa giáo lý căn bản của Phật giáo về lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh.

iii. Tiền thân Janasandha

Câu chuyện này[22] do Đức Phật kể cho Vua xứ Kosala. Chuyện nói về hoàng tử Janasandha, con trai của vua Brahmadatta xứ Ba la nại:

Khi hoàng tử Janasandha đến tuổi trưởng thành, và sau khi hoàn tất việc rèn luyện tài năng ở Takkasila trở về, vua đã đại xá cho tất cả các tù nhân, và phong cho hoàng tử làm phó vương. Về sau khi vua băng hà, hoàng tử lên nối ngôi, liền cho xây dựng sáu trại chẩn bần... Ở đó, ngày lại ngày, vua thường hay phân phát sáu trăm đồng tiền và khuyến khích toàn dân thực hành bố thí; cửa nhà tù mở vĩnh viễn và không còn những nơi hành hình tội nhân...

iv. Tiền thân Muga Pakkha

Chuyện này[23] do Đức Phật kể cho chúng Tỳ kheo, giải thích rõ rằng việc trừng phạt có thể tác động đến cả người thừa hành lẫn người trực tiếp bị phạt. Câu chuyện kể về một hoàng tử duy nhất của vua xứ Kasi tên là Temiya-kumaro (nói gọn là Temiya).

Khi hoàng tử đầy tháng, ngài được ăn mặc thật đẹp và bồng vào yết kiến vua. Nhìn đứa con yêu, vua liền ôm vào lòng chơi đùa với con. Cùng lúc ấy, có bốn tên cướp được đưa đến trước mặt vua; một trong bốn tên đó bị ngài xử phạt một ngàn roi quấn gai nhọn, một tên khác phải bị gông cùm xiềng xích, một tên nữa phải bị đâm bằng giáo, và tên cuối cùng bị đâm cọc xuyên suốt toàn thân. Bồ-tát (hoàng tử đầy tháng) nghe vua cha nói, kinh hãi nghĩ thầm: “Ôi cha ta vì làm vua mà mang lấy những ác nghiệp khiến cho người phải đọa địa ngục”.

Nhận thức rõ những hậu quả của vua cha và sợ hãi điều đó sẽ xảy đến cho Ngài nếu sau khi lên nối ngôi Ngài cũng làm tương tự như thế, cho nên Temiya quyết tâm giả bộ câm điếc và què quặt suốt mười sáu năm (vì Ngài không muốn thừa kế ngai vàng).

Cuối cùng, Temiya đã mãn nguyện khi Ngài trở thành một vị ẩn sĩ khổ hạnh lìa bỏ kinh đô và sau đó ngài trở về giáo hoá tất cả hoàng tộc và rất nhiều người khác tu tập theo Ngài.

Câu chuyện này tương tự câu chuyện đời sống của Đức Phật Thích Ca lớn lên trong hoàng cung, nhưng rồi từ bỏ thế gian để tìm cầu chân lý.

3. Kinh Trung Bộ

Kinh Angulimala (kinh Trung bộ, số 152)[24] là một bản kinh nổi tiếng về năng lực phục thiện.

Có một kẻ cướp, sát nhân cực ác tên là Angulimala (nghĩa là “Xâu chuổi ngón tay.” Xâu chuổi này làm bằng ngón tay của những nạn nhân của y). Tất cả dân làng đều rất sợ Angulimala là điều dễ hiểu. Vào lúc đó, Đức Phật cũng đang ở lại trong làng này, nhất định đi một mình xuống con đường nơi tên sát nhân Angulimala nghe nói đang trú ẩn ở đó. Với nhân cách tuyệt vời, Đức Phật đã khéo léo cảm hoá Angulimala và thu nhận anh ta làm đệ tử.

Lúc đó, do vì dân chúng thỉnh cầu, Nhà Vua đang chỉ huy binh lính để truy bắt Angulimala. Vua tình cờ gặp Đức Phật và giải thích sự tình của mình. Liền đó, Đức Phật chỉ cho nhà Vua thấy Angulimala đã hoàn lương và đang sống đời an lạc của một tăng sĩ. Vua hoàn toàn sửng sốt bởi chứng kiến điều này. Ngài rất kinh ngạc làm thế nào mà Đức Phật có thể giáo hoá được Angulimala như thế.

Điều này cho thấy ý niệm phục thiện của Phật giáo. Dĩ nhiên, phục thiện và án tử hình là hai khái niệm loại trừ lẫn nhau.

Dù sao, về phương diện nghiệp báo, Angulimala vẫn còn có nghiệp ác lớn do trước đó đã giết nhiều người, nên chắc chắn Angulimala cũng phải bị chết một cách đột ngột, đau đớn bởi ác nghiệp này. Tuy thế, ý nghĩa phục thiện rõ ràng là nội dung chính của bản kinh này.

Phục thiện có năng lực giúp cho người tội phạm nhận thức được tội lỗi của mình và cố gắng tránh tái phạm trong tương lai. Theo Phật giáo, một người tội phạm đã phục thiện, thậm chí một kẻ sát nhân, sẽ vẫn nhớ được Phật tính của mình. Đối với xã hội, cải tạo người phạm pháp có nghĩa là thu nhận lại một thành viên hữu ích mà người này có thể đóng góp bằng cách nào đó cho phúc lợi công cộng.

B. Kinh điển Đại thừa

1. Kinh Hoa Nghiêm (cũng gọi là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa nghiêm)

Nghiên cứu về án tử hình trong kinh Hoa nghiêm có tính chất biểu trưng và triết lý cao hơn.

Kinh kể rằng có một Bồ tát tên là Thiện tài đồng tử (Sudhana Sresthidaraka) đang đi tầm sư học đạo. Một trong những Đạo sư của ngài là vua Anala.

Vua Anala sống trong một lâu đài đẹp tuyệt vời và rất xa. Để giữ cương mực trật tự trong xã hội, vua thường dùng phù phép hóa hiện những tội nhân bị hành hình đau đớn khốc liệt, để ngăn chặn dân chúng không phạm tội.

Thật ra, Vua không có làm hại bất cứ ai, bởi vì những tù nhân cũng như hình phạt đều chỉ là những thần thông biến hoá. Vua giải thích với Thiện tài đồng tử rằng những ảo thuật này là phương tiện của tâm từ bi cho dân chúng sợ hãi mà từ bỏ tội lỗi hay không dám phạm.

ii. Kinh Phạm Võng

Trong Kinh Phạm Võng[25], Đức Phật nói: “Bất cứ khi nào Bồ tát thấy có người chuẩn bị giết hại sinh vật, thì vị ấy nên dùng phương tiện thiện xảo để cứu chuộc, giải thoát cho nó thoát khỏi tình trạng khốn khó và đau khổ...”

Và ngài cũng dạy thêm ở giới Bồ tát thứ 20 rằng: “Nếu là Phật tử nên vì tâm từ bi mà làm việc phóng sanh. Hãy quán rằng tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng chính là giết những thân cũ của ta. Tất cả thân tứ đại đều là bổn thân, bổn thể của ta, cho nên thường phải làm việc phóng sanh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người đi sát sanh nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ.

C. Luận Đại thừa

Rajaparikatha - ratnamala[26]:

Ngài Long Thọ (thế kỷ 2 hoặc 3 sau TL)[27], một triết gia Phật giáo nổi tiếng miền Nam Ấn và cũng là tác giả của bộ luận Rajaparikatha - ratnamala (Những lời khuyên quý giá dành cho Vua). Nội dung luận phẩm này trình bày về nghệ thuật lãnh đạo theo tinh thần Phật giáo. Ngài Long Thọ khuyên nhủ Vua Udayi (Triều đại Satavahana) về rất nhiều vấn đề[28]. Trong đó, Ngài Long Thọ có đề cập về án tử hình như sau:

“Này Đại vương, vì lòng từ bi Ngài cần nên luôn luôn
Phát khởi thiện tâm cứu giúp tất cả chúng sanh,
Ngay cả những ai đã phạm tội trọng.
Lại cần quan tâm thật nhiều,
Đối với những kẻ giết người, tạo tội ác lớn;
Quên mất bản tâm là nơi chứa đựng lòng từ bi vô lượng
Sau khi thẩm sát sự hung tàn của kẻ sát nhân và thấy rõ căn nguyên,
Chỉ nên đày ải, chớ giết hoặc dùng đại hình”[29].

XI. Những vị vua Phật tử Ấn Độ.

i. Vua Phật tử (Bắc Ấn)

a) Vua A Dục[30], một trong những nhà cai trị đầu tiên của Ấn Độ cổ đại, từ chối dùng quân lực thay vì vậy là truyền bá triết lý bất bạo động và lòng tôn trọng đối với mọi người.

Những sắc lệnh của Vua A Dục được khắc trên các trụ đá, cho thấy Ngài là một vị vua có tư tưởng khác thường đi trước thời đại.

Dưới đây sẽ tóm tắt một số những sắc lệnh của Vua A Dục như sau:

Những điều răn cấm:

- Không được dùng súc vật để tế lễ tôn giáo.
- Ngăn cấm mọi việc giết mổ súc vật và cầm thú.
- Vua sẽ không còn tổ chức các cuộc săn bắn nữa.
- Vua từ bỏ vinh quang các cuộc chiến xâm lược.
- Chiến thắng thiện pháp là chiến công oanh liệt nhất.

Những công trình công cộng:

- Xây dựng bệnh viện cho người và thú vật.
- Thành lập nhiều vườn tược dược thảo.
- Đào giếng, trồng cây xanh, và cất nhà nghỉ dọc theo những đường lộ để tạo tiện nghi cho khách hành hương và thú vật.

Mối Quan hệ giữa Con người:

- Dân chúng cần phải vâng lời cha mẹ và các bậc sư trưởng, thầy tổ tinh thần của họ.
- Người chủ không được ngược đãi những người hầu và tôi tớ của họ
- Mọi người phải nên rộng lượng với các bậc xuất gia, họ hàng, và bè bạn.

Tôn giáo:

- Các giáo phái tôn giáo “có thể trú ngụ khắp nơi”.
- Những người khác tín ngưỡng không được công kích lẫn nhau khi “tìm hiểu các tôn giáo bạn”.

Phúc lợi cho người dân:

- Các quan chức triều đình phải quan tâm tới lợi ích của người già, người nghèo, và các tù nhân.

- Các quan chức báo cáo công tác công cộng có thể yết kiến trực tiếp với nhà vua mọi lúc, mọi nơi.

- Các quan chức phải đảm bảo việc điều hành quản lý mang hữu hiệu lợi ích và hạnh phúc cho người dân.

Công lý:

- Các phán quan phải độc lập và hành xử nhất quán trong thủ tục và xử phạt.

- Phạm nhân nên được khoan hồng càng nhiều càng tốt.

- Bản án tử hình nên được hạn chế áp dụng và việc kết tội cần phải có ba ngày để tuyên án.

- “không sát sanh là thiện nghiệp”

Trong sắc lệnh cuối cùng, có lẽ được viết khắc vào năm 242 trước Tây lịch, Vua A Dục đã viết: “Trong thế gian, có hai phương cách đạt được thiện pháp là pháp luật và đức tin.

Nhưng trong hai điều này, hình như pháp luật tỏ ra ít có hiệu quả hơn đức tin. “Những quan chức được huấn luyện đặc biệt, gọi là dhamma-mahamattas (Đại quan chuyên trách truyền giáo) thường đi kinh lý để tìm hiểu quan điểm của dân chúng và hướng dẫn họ về thiện pháp.

Điều này dễ dàng cho chúng ta nhận ra rằng Vua A Dục ủng hộ tinh thần bất hại (ahimsa) và không thích áp dụng án tử hình.

Ngài là một Phật tử thuần thành siêng tu thiện pháp và vì thế Ngài không thể cho phép việc hành hình này xảy ra.

b) Vào thế kỷ thứ sáu, có hai nhà sư chiêm bái người Trung hoa là Sung Yun và Hui Sheng đã hành hương đến đất Ấn và viết như sau:

Chúng tôi vào nước Ouchang (Oudyana). Phía bắc của nước này tiếp giáp núi Thông Lĩnh; phía nam tiếp giáp với Ấn độ… Vua nước này rất sùng đạo và thực hành hạnh ăn chay … Sau bữa trưa vua đích thân thân chăm lo công việc triều chính.

Giả sử có người phạm tội sát nhân, người này không bị xử tử mà chỉ bị đày tới những hoang đảo, được chu cấp thức ăn đủ để duy trì mạng sống. Sau thẩm định, hình phạt được điều chỉnh tuỳ theo tính chất nặng nhẹ từng hoàn cảnh[31].

ii. Vua Phật tử (vùng Trung Ấn)

Pháp Hiền (337-422), một nhà sư chiêm bái người Trung hoa tới Ấn rất sớm, có nhắc đến vị vua Phật giáo vùng Trung Ấn như sau:

Vua của vùng Trung Ấn cầm quyền mà không có hành phạt chém đầu (tức án tử hình nói chung) hoặc những hình phạt hành hình thân thể. Những tội phạm đơn giản chỉ bị phạt tiền, nhẹ hoặc nặng tùy theo hoàn cảnh của mỗi trường hợp. Thậm chí trong những trường hợp bạo loạn ngoan cố, họ chỉ bị chặt bàn tay phải mà thôi. Khắp cả nước những người không sát sanh, không uống rượu say, cũng giữ cả giới không ăn các loại hành tỏi nồng cay[32].

iii. Vua Phật giáo (vùng Trung tâm Ấn)

Vào thế kỷ thứ tám, có sư Hye Ch'o người Triều-tiên đến chiêm bái Ấn Độ tương tự như sư Pháp Hiền, nhưng cách khoảng ba thế kỷ về sau.

Sư cũng có mô tả những vị vua Phật giáo vùng Trung tâm Ấn cai trị không có sử dụng tới án tử hình: “Pháp luật quốc gia trong năm vùng của Ấn quy định không có gông cùm, đánh đập hoặc nhốt tù tuỳ theo mức độ tội phạm. Không có bản án tử hình”[33].

iv. Vua Phật giáo (vùng Tây Ấn)

Sư Hye Ch'o nhận thấy một tình trạng gần như đồng nhất trong vùng Tây Ấn: “Ở đây không có gông cùm, đánh đập, bỏ tù, tử hình, hay những hình phạt tương tự”[34].

Vua của Nhật bản

Năm 724 sau Tây lịch, Nhật Hoàng Shomu (724-749), một Phật tử thuần thành theo tông Kegon, xây dựng chùa Todai-ji rất nổi tiếng đến nay vẫn còn ở thành phố Nara, đã cấm áp dụng án tử hình. Điều này diễn ra vào cuối thời kỳ Nara (715-794). Tương tự, suốt thời kỳ Heian (794-1185) rất ít thi hành án tử hình[35].

Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIII của Tây Tạng là Ngài Thubten Gyatso (1876-1933), tiền thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV hiện thời là Ngài Tenzin Gyatso (sinh năm 1935). Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba tranh đấu để hiện đại hóa Tây Tạng và duy trì chủ quyền quốc gia chống lại Anh quốc và sau đó là Trung quốc. Ngài cũng cải cách hệ thống pháp luật phong kiến của Tây Tạng. Một trong những sự thay đổi đó là sự huỷ bỏ án tử hình vào khoảng năm 1920. Trước thời điểm ấy, Đức Đạt Lai Lạt Ma thường tránh can thiệp trực tiếp trong các trường hợp kết án tử hình bởi vì vai trò tôn giáo của Ngài[36].

XII. Ứng dụng Thực tế

Một điều hiển nhiên rằng con người ai cũng có một khả năng tiềm tàng nào đó, cho nên vấn đề huấn luyện để khơi dậy tiềm năng ấy. Chúng ta không nên là nạn nhân của những xúc cảm bất thiện hoặc bạo lực. Những giải pháp nhằm chuyển hoá tư duy của người dường như thiết thực hơn là việc tạo ra đối đầu và va chạm.

Án tử hình không phải là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn những người làm điều ác. Nó chỉ là một giải pháp có tính tạm thời để răn đe tội ác.

Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng giải pháp tử hình khắc nghiệt này để thực thi, thì đây chưa phải là một hành động có ý nghĩa và thích hợp.

Việc này làm mất hết ý nghĩa của tâm từ bi và lòng nhân ái trong chúng ta.

Hành động đầy ý nghĩa và thích hợp phải nên làm là: khi một người phạm tội, hoặc bị bỏ tù hoặc bị quản thúc tại gia, và đặt ra một thời hạn nào đó để cho đương sự sửa sai. Người đó có khả năng nhận ra hành động sai trái đã làm và từ đó sanh tâm ăn năn hối cải. Vì con người là sinh vật có ý thức, cho nên người ác cũng biết xấu hổ về hành động sai trái của mình. Muốn kẻ đó cải thiện hành vi sai trái, chúng ta phải đặt nặng vào việc giáo dục, phát huy các giá trị con người xuyên qua đạo đức tôn giáo hoặc những chương trình xã hội lành mạnh để trợ giúp người đó. Chúng ta cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho giáo dục và động viên ý thức trách nhiệm chung của mọi người. Chúng ta cũng cần giải thích tầm quan trọng của việc thực hành tâm từ bi, lòng nhân ái vì lợi ích của chính mình và cố gắng giảm thiểu tối đa những yếu tố nuôi dưỡng mầm móng giết chóc, chẳng hạn như sự tăng cường chế tạo vũ khí trong những xã hội chúng ta… Để trợ duyên cho người đó thực tập, chúng ta nên đề nghị vài phương pháp cụ thể như dưới đây:

1/ Đương sự cần phải sống riêng một mình trong thời gian khoảng một hoặc hai tháng, một hoặc hai năm để nhận thức và hối hận về hành động sai trái của mình.

2/ Khuyến khích đương sự cần phải làm một việc tốt giúp đỡ người khác.

3/ Đương sự cần phải thực tập thiền quán hàng ngày để thay đổi hành vi bất thiện trở thành thiện.

4/ Đương sự phải tự xem xét hành vi sai trái của mình bắt nguồn từ đâu.

5/ Hành vi sai trái có thể bắt nguồn từ việc giết người, cướp của, tà dâm, dối gạt, sử dụng rượu, ma tuý …

6/ Phương pháp để xử lý những hành động sai trái là thực hành tám con đường chân chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

7/ Đương sự sẽ có thể trở thành là một người tốt như trước đây.

Đạo Phật là con đường chuyển hoá khổ đau. Tất cả chúng ta có thể bị chi phối bởi các cảm xúc tiêu cực và những tâm bất thiện quấy nhiễu hoặc không bị chi phối, có tội hoặc không tội, nhưng nếu biết ứng dụng những phương pháp giáo dục nói trên vào đời sống hàng ngày, chúng ta có thể thu hoạch được hoa quả của an lạc và hạnh phúc ở ngay đây và bây giờ trong cuộc sống hiện tại. Giải pháp tốt nhất vẫn là ngăn ngừa hơn là can thiệp. Và việc giáo dục cần nên thực hiện trước khi đã bị trừng phạt. Bởi lẽ một nguyên nhân tốt thường sẽ tạo ra một quả trái lành.

Đó là một sự thật xuyên suốt khắp trong kinh điển Phật giáo. Đạo Phật có lập trường mạnh mẽ chống lại việc giết hại nói chung, và trong vài trường hợp chống lại án tử hình.

Như vậy, Đức Phật hoàn toàn không chấp nhận hành án tử hình. Không có người Phật tử thuần thành nào ủng hộ án tử hình cả. Nhưng chúng ta nên hiểu rằng những lời dạy trong Phật giáo không phải là giáo điều, mà chính là hoa quả của trí tuệ. Đơn giản đó là những lời khuyên bảo từ Đức Phật với những giải thích rõ ràng tại sao chúng ta không nên sát sanh …, phần lớn đặt trên nền tảng đạo đức và liên quan đến luật nghiệp báo.

Lập trường Phật giáo chống lại án tử hình dựa vào nền tảng triết lý Phật giáo và đồng thời tương ứng với thực tế của xã hội.

Trước hết, có khả năng rằng án tử hình trong hệ thống luật pháp các quốc gia ban hành có thể dẫn đến sự thực hiện oan đối với người vô tội, và điều này hay xảy ra ở nhiều nước tiên tiến, chẳng hạn như Hoa kỳ… Án tử hình, một khi đã thi hành rồi thì không thể đảo ngược và cũng không thể sửa chữa được nếu bị cáo về sau được chứng minh là vô tội.

Thứ hai, Đạo Phật cảm nhận rằng tất cả mọi người về căn bản là chân thiện, và mục đích chính của Phật giáo là giáo dục, chuyển hoá và cải cách chứ không hủy diệt. Nếu có người bệnh, Đạo Phật cố gắng cứu chữa người đó khỏi căn bệnh hơn là tiêu diệt người mang bệnh. Đạo Phật xem những tội phạm là những người đang có vấn đề tâm thần kết hợp với sự không hiểu biết (vô minh).

Như thế, mục đích chính của Đạo Phật là tận trừ gốc rễ sự không hiểu biết hơn là tiêu diệt người ngu dốt. Điều này có thể được thực hiện thông qua hệ thống giáo dục, chuyển hoá, cải cách đương sự, nói cách khác, giúp đỡ đương sự thấy đúng như thật sự việc đang là.

Trong Đạo Phật, có một câu nói: “Dẫu xây chín bậc phù đồ, chẳng bằng làm phước cứu cho một người”.

Tóm lại, dựa vào những lời dạy cơ bản của Đức Phật từ kinh điển Phật giáo và tâm tư bao dung sáng suốt của những vị vua Phật giáo trong lịch sử Châu á cổ đại như được đề cập ở trên, chúng ta hoàn toàn đồng tâm ủng hộ lời kêu gọi tới những nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đang áp dụng án tử hình hãy bãi bỏ hình phạt này trong tinh thần từ bi vô lượng vô biên của Đạo Phật.

Tăng Đoàn Là Gì Và Một Tập Hợp Cư Sĩ Có Thể Là Một Tăng Đoàn Không?

Tôi được biết hiện nay có ít nhất là hai đoàn thể cư sĩ Phật giáo tại Hoa Kỳ người Việt và người bản xứ, tự xưng là Tăng đoàn Phật giáo mặc dầu không có một vị Tăng hay Ni nào trong tổ chức. Họ tự gọi là “Tăng thân” gì đó (không liên hệ gì đến giáo hội Làng Mai), hoạt động độc lập, tự tổ chức các khoá tu học, giảng đạo lý, hành thiền. Họ không thuộc bất kỳ một tổ chức giáo hội hay tự viện nào. Vậy xin hỏi quý ban biên tập tăng đoàn là gì và một tập hợp cư sĩ có thể là một tăng đoàn không?

Tăng đoàn (Sangha) là những người từ bỏ mái gia đình, sống đời sống độc thân, phát nguyện sống trong tinh thần hoà hợp và thanh tịnh, để hỗ trợ cho nhau thực hiện đời sống giải thoát và lý tưởng giác ngộ. Một tăng đoàn tối thiểu phải gồm bốn vị tỳ kheo, dưới bốn vị không thể gọi là tăng đoàn hoặc ba vị tỳ kheo và một vị sa di cũng không thể gọi là tăng đoàn được. Tăng đoàn hay còn gọi là Tăng già là một trong Tam Bảo tức ba ngôi báu biểu hiện sự có mặt của Phật giáo và là những người trực tiếp thay đức Phật truyền giới pháp cho cả tăng lẫn cư sĩ Phật tử tại gia. Năm vị tôn giả, dược biết đến là năm anh em Kiều Trần Như là tăng đoàn đầu tiên của Phật giáo.

Ngày nay đạo Phật ở Hoa Kỳ, tuy cũng có những người xuất gia, thọ giới Tỳ kheo, lập thành tăng đoàn nhưng số này không nhiều so với thành phần Phật tử tại gia. Do khuynh hướng thế tục hóa tâm linh và ý tưởng đem đạo Phật vào đời, đạo Phật ở Hoa Kỳ cho đến nay chủ yếu là của những người cư sĩ tại gia. Phần lớn họ chọn lựa cuộc sống có vợ chồng con cái, sinh hoạt trong môi trường gia đình và ngoài xã hội. Họ thường không gia nhập hay phụ thuộc vào một ngôi chùa hay một tổ chức giáo hội do một hay nhiều vị Sư lãnh đạo vì lý do nào đó, mà chỉ gắn kết với nhau, cùng nhau tu tập qua một tổ chức, nhóm tu học hay hiệp hội không vụ lợi do chính họ (các cư sĩ) tổ chức lấy. Họ quan niệm tất cả những đệ tử của Đức Phật đều có Phật tánh và bình đẳng như nhau trên phương diện tâm linh. Một số cư sĩ còn đi xa hơn nữa là không quy y Tam bảo mà chỉ quy y Nhị Bảo. Do vậy nên mới có hiện tượng “Tăng đoàn” cư sĩ hay “Tăng thân” cư sĩ như hiện nay tại Hoa Kỳ.

Tưởng cũng cần nói thêm ở đây, từ “tăng thân” là một thuật ngữ Phật học mới do Thiền sư Làng Mai sáng tạo cũng đồng nghĩa với danh từ “tăng đoàn”. Thiền sư Làng Mai chủ trương phải có một cộng đồng xuất gia (tức tăng thân hay tăng đoàn) vững mạnh và cho rằng “để cho giới cư sĩ Phật Tử lớn mạnh thì cần phải có một truyền thống người xuất gia vững mạnh đi song song”.

Để trả lời câu hỏi thứ hai của độc giả là một tập hợp cư sĩ có thể là một tăng đoàn được không, chúng tôi xin nhường phần trả lời này cho một vị giáo sư đại học tại San Francisco State University: Cư sĩ Ron Epstein, như bài viết dưới đây:

Điều Gọi Là Tăng Đoàn Cư Sĩ tại Hoa Kỳ
Ron Epstein

Nhiều Phật tử mới tại Hoa Kỳ đang phổ biến tư tưởng cho rằng họ là một tăng đoàn và phong trào tăng đoàn cư sĩ là sự thích ứng đúng đắn của Phật Giáo vào hoàn cảnh Hoa Kỳ. Tư tưởng kỳ lạ và nguy hiểm này từ đâu đến?

Theo truyền thống, Tăng đoàn được xem là ngôi báu thứ ba trong Tam bảo – Phật, Pháp và Tăng – là nền tảng của Phật Giáo. Tăng đoàn nói lên cộng đồng những tu sĩ tăng ni thọ cụ túc giới (toàn giới) cống hiến cuộc đời, dành toàn thời gian, cho con đường Phật Đạo. Trong cả hai truyền thống Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) và Nam tông (Nguyên thủy), những giới luật liên hệ điều hành đời sống của công đồng Tăng đoàn hầu như đều giống nhau. Những giới luật nầy bảo đảm cuộc sống trong sạch, tuyệt dục, và xa rời những dục vọng thế gian. Trong Phật giáo Nam tông và Bắc tông, những vị Thầy vĩ đại và những Đại sư giác ngộ hầu như đều chỉ từ Tăng đoàn mà ra. Đã từng có một ít nam nữ cư sĩ Phật giáo giác ngộ trong quá khứ, nhưng họ không người nào là không hết lòng hộ trì Tăng đoàn như là nền tảng của một công đồng Phật giáo rộng lớn hơn.

Làm thế nào những cư sĩ lại có thể tạo thành Tăng đoàn? Đây là trường hợp vì chỉ có một ít hiểu biết nên là điều nguy hiểm. Họ nghe rằng trong Phạn ngữ Sanksrit chữ tăng đoàn (sangha) có nghĩa là cộng đồng và tự bảo nhau là chúng ta là cộng đồng, do đó chúng ta nên gọi chúng ta là Tăng đoàn.
Tại sao họ lại bỏ qua ý nghĩa truyền thống của Tăng đoàn trong Phật giáo? Tại sao họ tìm cách giành lấy vai trò của tăng ni mà không cần gánh vác những quyết tâm, thệ nguyện và trách nhiệm? Đây là trường hợp của một cái thấy ban đầu đúng lại đưa đến kết luận sai vì thiếu những thông tin chính xác.

Hầu hết những người trong phong trào tăng đoàn cư sĩ được giới thiệu về Phật giáo qua các Trung tâm Thiền Hoa kỳ (Zen Centers) tự xem là truyền thống Thiền tông Nhật bản, thuộc Phật giáo Đại thừa Bắc tông. Họ thấy rằng những người thầy trong tông này, cả người Nhật và người Hoa kỳ, đều kết hôn và trong nhiều trường hợp có lối sống cách xa sự mộc mạc và thanh tịnh.

Điều đó đánh thức họ rằng không có lý do gì để họ ủng hộ những người được gọi là tu sĩ hay tăng sĩ mà lối sống của những người này không thật sự cao thượng hơn hay đáng tán dương hơn lối sống của họ. Điều này thật hợp lý.

Nhưng như vậy, thay vì ủng hộ một Tăng đoàn đích thật, họ lại tự dựng họ lên thành tăng đoàn. Họ không nhận thức được rằng truyền thống Thiền Nhật bản (Japanese Zen) của họ là xuất xứ từ Thiền Trung hoa (Chinese Chan) (Zen - Thiền - là lối phát âm của Nhật bản) và các dòng Thiền Trung hoa có thể truy ra gốc rễ từ Ấn độ và cuối cùng đến đức Phật.

Họ không biết rằng tất cả các Đại Thiền sư Nhật bản đều ủng hộ mạnh mẽ truyền thống tu viện từng hiện hữu tại Ấn độ và Trung hoa như là điều tuyệt đối thiết yếu cho sự sống còn của truyền thống Thiền Nhật bản. Họ không nhận thức được rằng chỉ đến năm 1868, chỉ cách nay hơn một trăm năm, chính phủ Nhật bản đã đóng cửa tất cả các Tu viện Phật giáo và đẩy các tăng ni hoàn tục. Lý do xóa bỏ Tăng đoàn đích thật tại Nhật bản là lý do chính trị, và không người nào tại Nhật cố gắng lý giải trên cơ sở tôn giáo. Tăng đoàn chỉ đơn giản không bao giờ được tái lập tại đó.

Hầu hết mọi người trong phong trào tăng đoàn đều có ý định tốt, nghĩ rằng họ đang xây dựng Phật giáo Hoa kỳ thật sự. Không may là họ không biết rằng, trong suốt quá trình lịch sử, bất cứ nơi nào có tăng đoàn vững mạnh và thanh tịnh thì Phật giáo thịnh hành, và bất cứ nơi nào tăng đoàn yếu kém và băng hoại, thì Phật giáo suy đồi. Bằng cách tự dựng mình lên thành tăng đoàn, thay vì khuyến khích, giúp đỡ, và ủng hộ Tăng đoàn đích thật, họ không những đã không giúp xây dựng Phật giáo Hoa kỳ, mà còn trực tiếp đối nghịch và phá hoại nó nữa. Những người có thiện ý này cần tìm hiểu thêm về các truyền thống của mình, để họ có thể hiểu về những nguy hại họ đang gây ra, để thay đổi lại, và đi vào con đường Chánh đạo.

Mục Đích Và ý Nghĩa Về Lễ Trai Đàn Chẩn Tế

Tôi được nghe nói vào đầu năm 2007 Hoà thượng Thích Nhất Hạnh sẽ về Việt Nam tổ chức ba trai đàn chẩn tế thật lớn tại ba miền Việt Nam gọi là Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan. Vậy xin quý ban biên tập hoan hỷ cho tôi biết mục đích và ý nghĩa về lễ trai đàn chẩn tế này và lễ này có phải là một lễ lớn truyền thống của Phật giáo không? (Nguyễn Văn An, Hải Phòng Việt Nam)

TRẢ LỜI:

Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan hay còn gọi là Trai Đàn Thủy Lục là một pháp hội cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa, đang sống vất vưởng ở dưới nước và ở trên cạn.

Duyên khởi pháp hội này như sau::

“... Về tập tục tụng kinh siêu độ cho người chết, theo hòa thượng Đạo An [01], “vốn không phải là một tập tục truyền thống của Phật giáo”. Tập tục này chỉ bắt đầu có ở Trung Quốc từ đời nhà Đường. Điều này có thể đúng vì theo sử chép, thì năm 738, vua Đường Huyền Tông đã ban sắc lệnh cho toàn quốc, ở mỗi quận đều xây một ngôi chùa, đều đặt tên là chùa Khai Nguyên (Khai Nguyên là niên hiệu thứ nhì của vua Huyền Tông). Đó là chùa công, do các quan lại địa phương trông coi, dùng làm nơi tổ chức các lễ tiết quốc gia, cầu quốc thái dân an. Việc làm này vừa có ý nghĩa đem ân huệ của Phật ban đến quốc dân, cũng vừa để biểu thị quyền uy của chính quyền trung ương. Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn, kéo binh về chiếm kinh thành, khiến vua Huyền Tông phải chạy vào Tứ Xuyên lánh nạn. Một năm sau thì quân triều đình dẹp yên giặc loạn. Trong một năm chiến tranh này, số người chết - chiến sĩ của cả hai bên và thường dân -, nhiều vô số kể. Triều đình bèn ra chỉ dụ cho tất cả các chùa Khai Nguyên trong toàn quốc, thỉnh chư vị cao tăng đại đức, thiết lễ tụng kinh cầu siêu độ cho chiến sĩ và thường dân đã chết trong cuộc chiến, đồng thời an ủi các gia đình nạn nhân. Dân chúng thấy triều đình làm như thế, bèn bắt chước làm theo, cứ mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu độ. Từ đó mà lễ cầu siêu độ cho người chết trở thành một tập tục trong dân gian.”[02]

Tập tục cầu siêu độ này được truyền qua Việt Nam không rõ vào thời nào nhưng có thể bắt đầu từ thời đại nhà Lý. Đó là việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, gọi là “diệm khẩu phổ thí pháp hội” có nghĩa là những đại hội về Phật Pháp để bố thí thức ăn cho loài quỷ đói. Pháp này được thực hành trên căn bản một tác phẩm mang tên là “Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp” do Ngài Bất Không (Amogha) dịch vào thế kỷ thứ tám, đời Đường. Và hiện nay, trong thời khóa tụng niệm buổi chiều, các chùa ở Việt Nam thường có một nghi thức thí thực cô hồn ngắn, gọi là Mông Sơn Thí Thực Văn. Nghi thức này bắt đầu từ đời nhà Tống tại Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc, vì thế mới có danh xưng là "Mông Sơn Thí Thực".

Trong “Thiền uyển tập anh”: Tăng thống Huệ Sinh (-1064) đời vua Lý Thánh tông, có để lại tác phẩm “Pháp Sự Trai Nghi” nói đến nghi thức chẩn tế.

Vào năm 1789 sau khi đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu Vua Quang Trung đã ban sắc lệnh làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hữu công và tiến cúng cô hồn tử sĩ, kể cả mấy vạn quân Thanh đã tử trận.

Vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà cũng thiết đàn siêu độ cho quan quân tử sĩ và những oan hồn uổng tử vì chiến cuộc do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ tế với bài văn tế viết bằng quốc âm Tướng Sĩ Trận Vong và Cô Hồn Thập Loại (1802).

Vào năm Giáp ngọ, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho tổ chức trai đàn tại chùa Linh mụ cầu cho quốc thái dân an, cho các quân linh tử trận được siêu thoát.

Và vào những năm đầu thập niên 70, do chiến tranh gây ra nhiều cảnh chết chóc hãi hùng, khoa nghi chẩn tế được thực hiện rất nhiều, nhất là tại Huế. Hầu như tháng nào ở đây cũng có ít nhất một đàn.

******

Theo niềm tin của người dân, nghi thức Trai đàn nhằm cầu siêu cho người chết được siêu thoát và qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc. Trong tín ngưỡng dân gian này không thể thiếu vai trò của Phật giáo vì người dân quan niệm đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ.

Theo giáo lý nhà Phật, Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, sự từ bi này không chỉ đối với người sống mà còn với người chết, không chỉ từ bi với con người mà còn từ bi với các loài chúng sinh không phải con người, từ bi bình đẳng đến cả các vong linh khổ não, các oan hồn uổng tử vất vưởng, không nơi nương tựa, lang thang khắp mọi nơi, mọi cõi, lang thang ở bụi dậm, bờ ao. Chính vì lòng từ bi đó mà người ta lập ra Trai đàn để cầu siêu cho các vong hồn được siêu thoát, hoá giải mọi tai ương hận thù mà người dân tin là có thể xảy đến, để cuộc sống được ấm no, yên ổn. Đó cũng là “điểm nổi bật của vai trò Phật giáo trong tập tục phong hóa dân gian chính là khuynh hướng “dân tộc hóa” nghi lễ tập tục Phật giáo, có nghĩa là hòa quyện hình thức nghi lễ giữa đạo và đời…” [03]

Theo Phật giáo, trong thế giới hiện tượng tương đối này, hết thảy vạn sự vạn vật đều chịu tác động bởi quy luật Nhân Quả. Tất cả đều có những tương quan tác động qua lại với nhau, duyên vào nhau mà sinh diệt, tồn tại. Do đó, các nghi lễ cầu an, cầu siêu và trai đàn phổ độ có thể được xem là những trợ duyên cho sự sống và sự chết của con người về mặt tinh thần. Đứng về phương diện đạo lý thường tình sống trong thế giới hiện tượng tương đối mà xét thì "lễ" là sự thể hiện cho cái "nghĩa" sống của con người, song để thể hiện cái "lễ" ấy thì cần phải dựa vào "nghi thức" để thực hiện cho phải lẽ.

Trong Phật giáo Nguyên Thuỷ không có kinh cầu siêu, kinh cầu an mà chỉ về sau các nhà sư Phật giáo Bắc tông, do nhu cầu phát triển nên uyển chuyển áp dụng các loại kinh khác nhau cho hai mục đích vừa nêu, ví dụ như dùng kinh A Di Đàkinh Địa Tạng để cầu siêu cho người quá vãng, dùng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoakinh Dược Sư để cầu an cho người lâm bệnh, v.v… Phải chăng, ý nghĩa căn bản của cầu siêu và trai đàn chẩn tế phổ độ là để biểu tỏ tấm lòng chân tình thương mến người thân quá vãng, thương xót đồng bào tử nạn, thương xót những cô hồn đói lạnh và nhất là để an tâm cho người sống?

******

Trong pháp hội “Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan” được hoà thượng Nhất Hạnh dự trù tổ chức tại ba miền Việt Nam vào đầu năm 2007 có mục đích, theo lời hoà thượng: “để cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế…, để cầu nguyện cho tất cả những người thân đã từng chết đi một cách oan ức, trong rừng sâu, ngoài biển cả, trong trại tù, ngoài côn đảo và dưới những hố chôn tập thể, để cùng cầu nguyện cho nhau, cho những người đã khuất và những người còn đang tiếp tục gánh chịu oan nghiệt, và để tất cả cùng có cơ hội chữa lành những vết thương rướm máu lâu ngày chưa lành, để nối kết lại tình đồng bào ruột thịt, và làm vơi đi những oan khổ uất ức đã được chứa chất lâu nay”. [04]

Như vậy Trai đàn mang hai ý nghĩa cho cả người sống và người chết. Người chết, được thân nhân tin tưởng là sẽ được siêu thoát và người sống được bớt khổ đau, “chữa lành những vết thương rướm máu lâu ngày chưa lành và để nối kết lại tình đồng bào ruột thịt, và làm vơi đi những oan khổ uất ức đã được chứa chất lâu nay”.

Để hiểu thêm về ý nghĩa pháp hội Trai đàn chẩn tế Thuỷ Lục, ban biên tập chúng tôi mời quý độc giả đọc lại bài pháp ngắn của Đại lão Hòa thượng Hư Vân thuyết giảng trong dịp kiến lập pháp hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn tại Quảng Châu Trung Quốc vào ngày 18-8-1946:

“Hôm nay, các giới chức đồng phát tâm kiến lập pháp hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn. Vì vậy, tôi sẽ giảng thuyết sơ về duyên khởi của sự kiến lập đàn tràng Thủy Lục.

Sao gọi là Thủy Lục ? Thủy tức là nước tại sông biển ao hồ. Lục tức là đất đai tại núi non, cao nguyên, đồng bằng. Thủy Lục (đất nước) bao hàm cả hư không. Nếu là vật có hình tướng thì không vượt ngoài ba vật này (đất, nước, hư không).

Đấng Như Lai của chúng ta khởi tâm đại từ bi, cứu tế khắp loài hữu tình, nên mới lập ra pháp môn này. Duyên khởi của pháp hội Thủy Lục là khi tôn giả A Nan tu tập thiền định trong rừng, có một con quỶ chúa đến cầu xin cứu độ. Tôn giả A Nan liền trở về núi Linh Thứu, cầu Phật dạy bảo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân đó mà thuyết pháp Thủy Lục. Con qủy chúa vốn là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì thương xót chúng sanh trên đất liền đang chịu bao thống khổ, và muốn giúp cho âm hồn trong cõi địa ngục U Minh được vãng sanh lên cõi Cực Lạc, nên thiết pháp siêu độ.

Pháp hội này khởi đầu từ đời vua Lương Võ Đế ở nước Tàu. Nhà vua phát tâm Bồ Đề rất mực chân thành mà cung thỉnh hòa thượng Chí Công, định chế nghi thức lập đàn tràng "Thủy Lục" để làm lợi ích cho các oan hồn uổng tử. Sắp đặt đèn cầy xong, vua Lương Võ Đế lễ một lạy; kế đến thắp đèn "Tận Minh", rồi lễ thêm một lạy. Khi đó, cung điện chấn động. Vua lễ lần thứ ba thì trời mưa hoa báu. Công đức đàn tràng "Thủy Lục" như thế.

Đời Đường, tại chùa Pháp Hải, thiền sư Anh Công lại kiến lập đàn tràng Thủy Lục để cầu siêu độ cho vua Tần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Chẩn Muội, v.v... đã bị trầm luân cả ngàn năm, khiến họ siêu thăng cõi trời. Cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, đại sư Liên Trì đời Minh, v.v..., cùng chư thánh hiền bao đời bổ sung thêm vào, khiến cho nghi thức lập đàn tràng Thủy Lục ngày một hoàn bị. Muôn pháp do tâm tạo. Mọi người đều thành tâm, tất sẽ có cảm ứng.

Hư Vân tôi thể theo lời khẩn thỉnh của các vị đại hộ pháp mà làm pháp chủ cho đàn tràng này, thật khó từ chối được.

Các chiến sĩ trận vong trong thời kỳ kháng chiến, xả thân báo quốc, nhưng hồn họ vất vưỡng, không nơi nương tựa. Vì tôn sùng ân đức này, chúng ta kiến lập đàn tràng để cầu siêu độ cho họ. Nghĩa dân bất khuất, lưu lạc đường hoang, nhà tan người mất, không hàng phục quân địch, trung thành vì nước. Cô hồn vô chủ, lang thang khắp nơi. Lại có những vong hồn uổng tử, chết vì bị trúng đạn, xe cán, bịnh dịch, chết đuối, chết oan v.v... Chúng ta phải đều cầu siêu độ hết để an ủi chúng sanh ở cõi u linh. Kẻ chết được an, người sống được ích lợi, tức là làm lợi ích khắp cõi dương và cõi âm.

Đây là lý nhân quả tuần hoàn. Xoay lại đạo lý nhân tâm, không ngoài các việc ác chớ làm mà phải hành theo những việc lành. Bao việc khổ sở trên thế gian đều do đã trồng nhân xấu đời trước. Nếu tán tận lương tâm, bỏ quên hiếu để, trung tín, lễ nghĩa, khiêm, sĩ, cứ làm càn làm bậy, thì khiến lụy đến người hiền, và thế giới mãi mãi vẫn còn loạn lạc. Đất nước vừa được trùng quang độc lập, phải cực lực hưng thiện dẹp trừ việc xấu, cải ác theo lành, thì mới không bị nước ngoài xâm lăng. Nếu không lo chuyện đại cuộc mà vẫn cứ khởi nội loạn, thì nhân dân không biết sẽ chết nơi nào. Lúc này, nếu người có lương tâm phải sớm giác ngộ, biết đoàn kết, giải trừ kiếp vận cho đất nước. Nước Tàu từ lúc Hoàng Đế khởi binh đánh vua nước Cửu Lệ cho đến ngày nay, chiến tranh mãi không dừng.

Nếu muốn hòa bình mãi mãi thì mọi người phải nên phát tâm Bồ Đề, và tâm đại từ đại bi. Bồ Đề là chữ Phạn, nghĩa tức là giác. Giác tức là đất tâm sáng chiếu. Sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sanh là việc giác ngộ hay chưa giác ngộ. Những vị đã giác ngộ tất cả các pháp trên thế gian đều do duyên sanh như mộng như huyễn, và thể tánh vốn không, chẳng bị nhiễm ô, được gọi là thánh hiền. Bất giác tức là vô minh. Một khi vô minh khởi lên thì mê mờ sự lý. Từ tự tâm của chúng ta, sanh ra mười pháp giới. Mười pháp giới đều do tâm tạo. Mười pháp giới gồm có bốn pháp giới thánh hiền và sáu pháp giới phàm phu. Bốn pháp giới thánh hiền là pháp giới của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Gọi là cảnh giới thánh hiền vì nơi đó các ngài đã vượt ngoài ba cõi, không còn thọ luân hồi. Nếu phân biệt thì giữa bốn pháp giới thánh hiền có phân chia cao thấp. Pháp giới tối thượng tức là pháp giới của chư Phật. Kế tiếp là pháp giới của Bồ Tát, rồi đến pháp giới của Duyên Giác, và cuối cùng là pháp giới của Thanh Văn. Sáu pháp giới phàm phu vẫn còn nằm trong biển khổ luân hồi là pháp giới của trời, người, A Tu La, súc sanh, địa ngục, ngạ quỶ. Pháp giới của cõi trời có ba mươi hai tầng trời. Sau khi thọ hết phước báu, chư thiên vẫn bị luân hồi như thường. Con người từ đế vương, tể tướng cho đến nông dân, công thương, sĩ thứ, đều thọ hết tất cả khổ của sanh già bịnh chết. Loài A Tu La có phước nhưng không có đức như chư Thiên nên cuối cùng vẫn phải bị hoại diệt.

Trong loài súc sanh, cũng có sự khác nhau về việc hưởng lạc và thọ khổ, như loài rồng phượng, sư tử, lân giác thì thường hưởng lạc, và ít thọ khổ hơn loài trùng kiến thấp sanh, hóa sanh. Khổ nhọc hay an lạc trong loài quỶ cũng không đồng. Các quỶ vương như Diêm Vương và Thành Hoàng đều hưởng lạc nhiều mà thọ khổ ít hơn những loài quỶ cô hồn vô chủ. Khổ nhất là loài ngạ quỶ. Chúng sanh trong địa ngục thường thọ vô biên khổ cực, chẳng hề được sung sướng.

Mười pháp giới không ngoài một tâm. Giác ngộ hay chưa giác ngộ cũng từ tâm này ra. Đức Phật của chúng ta thật rất đại từ đại bi. Ngài giảng kinh thuyết pháp để khiến cho mọi người phát tâm Bồ Đề. Phát tâm Bồ Đề cũng sai khác. Bậc lớn thì phát tâm tu hành thành Phật. Bậc trung thì phát tâm tu hành thành Bồ Tát. Bậc nhỏ thì phát tâm tu hành thành Thanh Văn Duyên Giác. Chư thiên cũng có vị phát tâm Bồ Đề. Do sự phát tâm rộng hẹp, lớn nhỏ, nên việc thành tựu đạo quả mau chậm không đồng. Chúng ta đang sống trong cõi người, phải nên phát tâm Bồ Đề rộng lớn, cứu độ chúng sanh, thay họ chịu khổ. Lại nữa, nên nguyện rằng sẽ dẹp trừ khổ lụy và khiến chúng sanh được siêu thăng. Nếu người người đều phát tâm như thế thì cõi nhân gian sẽ không còn khổ đau.

Có người hỏi tôi về thần thông biến hóa, thế giới chừng nào hòa bình, vận nước tốt xấu như thế nào ? Tuy nhiên, tôi vốn là phàm phu, không biết việc chi, lại chỉ là cây gỗ già nua khô mục, không thể chạm khắc. Bất quá, so với quý vị thì ăn cơm hơn nhiều năm, ngu si hơn nhiều năm, nghe các ngôn ngữ lời nói nhiều hơn, xem nhiều quyển kinh hơn. Nhận biết làm người là khổ đau, nên tôi mới nói ra những lời này. Quý vị chớ nên hỏi việc quốc gia có hòa bình an lạc hay không, mà chỉ nên tự hỏi ngay tâm địa của mình. Ngày đêm sáng tối, chớ nên phân biệt quan dân, nam nữ. Tự khắc phục tâm tánh, chớ để tự tâm mê mờ. Phải thật hành hiếu để trung tín, và cùng mọi người hỗ tương khích lệ. Phải nên trung thành với quốc gia, giáo dục con cái đàng hoàng, hòa thuận vợ chồng, lễ kính thân bằng quyến thuộc bà con láng giềng, có tín nghĩa khi giao hảo với bạn bè. Nếu người người làm được như thế thì thế gian tự nhiên thái bình. Ngược lại, nếu biết sai mà không sửa đổi thì khổ não tất sẽ chạy theo, không thể tránh được. Dầu nhân tâm có phức tạp như thế nào, vẫn tự giữ bổn phận của mình, không chìm đắm trong muôn ngàn mong cầu.” [05]

Ban Biên Tập TVHS

Chú Thích:
[01] Giáo Khoa Phật Học cấp 2, do Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam ấn hành
[02] Ngài Đạo An (312-385), một danh tăng lỗi lạc thời Đông Tấn, Trung Quốc. Ngài là đại đệ tử của ngài Trúc Phật Đồ Trừng, một vị đại tăng người Ấn Độ vào Trung Quốc truyền giáo. Do tình trạng chiến tranh Ngài đã phải rời bỏ quê hương Hà Bắc (nhà Hậu Triệu) dẫn đồ chúng khoảng 500 người chạy về thành Tương Dương lánh nạn và tu tập tại đâỵ Vào thời điểm này thì PG đã phát triển khá mạnh mẽ tại Trung Quốc, các vua chúa Trung Quốc nói chung đều rất sùng mộ đạo Phật, đặc biệt là vua Phù Kiên (nhà Tiền Tần) hùng mạnh nhất trong số 16 tiểu quốc thời đó vì hâm mộ danh tiếng của Ngài, đã đích thân mang nhiều ngàn quân đánh chiếm thành Tương Dương để cung thỉnh Ngài về làm quốc sự. Suốt đời Ngài chỉ lo hoằng dương chánh pháp, đệ tử theo học có đến hàng ngàn người. Ngài đã đào tạo nên những môn đệ rất lừng danh, trong đó có Ngài Huệ Viễn (hay còn gọi là Tuệ Viễn), được xem như là sơ tổ của pháp môn Tịnh Độ Tông tại Trung Quốc.
[03] TT. Thích Đồng Bổn,
[04] Thích Nhất Hạnh, Phổ cáo quốc dân và đồng bào Phật tử Về các Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan
[05] Hư Vân Thiền Sư, Pháp Ngữ, Thích Hằng Đạt Việt dịch - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2004

Tăng Ni Trẻ Và Chuyện Học Hành

Tôi là một Ni sinh, hiện đang học Trường TCPH TP.HCM. Trước đây, khi học xong chương trình phổ thông, huynh đệ và bạn bè đều khuyên thi đại học (các trường đại học bên ngoài) nhưng tôi nghĩ học đạo ở các trường Phật học là đủ rồi nên vẫn giữ quyết định của mình. Đến nay, được tin sư chị thi đậu đại học thì vừa mừng cho chị ấy, vừa cảm thấy tủi cho bản thân mình. Đôi khi, trong lòng cũng gợn buồn vì huynh đệ và gia đình có phần xem tôi là người thất bại trong chuyện học hành. Trong bối cảnh các Tăng Ni trẻ hiện nay học hành tất bật ở cả trường đạo lẫn trường đời, cả trong nước lẫn ngoài nước khiến tôi phân vân không biết quyết định trước đây của mình là đúng hay sai?

ĐÁP:

Chuyện tu và học của người xuất gia trẻ vốn rất quan trọng. Bởi những thành tựu trong sự nghiệp tu học về sau phần lớn dựa trên nền tảng của sự phấn đấu, nỗ lực khi đang còn tuổi trẻ. Vì thế, ưu tư về sự tu học của cô trong hiện tại là cần thiết và thật đáng trân trọng.

Trước hết, cô phải xác định sứ mạng của người xuất gia là thượng cầu, hạ hóa hay tự độ, độ tha. Do đó, mọi sự phấn đấu của tự thân đều phải gắn liền với các tiêu chí này. Nếu đi lệch với định hướng giải thoát và độ sanh thì xem như mọi sự cố gắng của người tu sẽ chỉ là “dã tràng xe cát” mà thôi.

Là người tu Phật, điều cần yếu nhất, ưu tiên hàng đầu là học Phật để tự tu, tự độ. Học để hiểu rõ giáo lý, nắm vững phương pháp tu hành nhằm ứng dụng vào thực tiễn của tự thân để chuyển hóa phiền não. Sẽ đáng buồn và thiệt thòi cho những ai tu tập mà không am tường giáo điển cùng với các kỹ năng tu tập, thực hành thiền định. Và như thế, hiện tại cô đang theo học Phật để kiện toàn nhận thức về Phật pháp, phương thức tu hành là hoàn toàn đúng đắn.

Mặt khác, với một người xuất gia trẻ, sau khi tốt nghiệp phổ thông bước ngay vào đại học (ngoài) mà chưa trang bị một kiến thức nền về Phật học (sơ, trung cấp chẳng hạn) thì chưa hẳn đã là điều hay. Hiện khá nhiều vị bổn sư trăn trở về điều này trong việc định hướng học hành cho đệ tử và hầu hết chư vị đều cho rằng cần phải kinh qua những khóa đào tạo căn bản Phật học, sau đó mới theo học bên ngoài. Điều này thật ra cũng không mới mẻ gì bởi Luật Trường hàng, nền tảng cho mọi người xuất gia, đã khẳng định.

Như thế, việc học của cô hiện đang đi đúng hướng và con đường học hành vẫn thênh thang trước mặt. Nghĩa là sau khi học xong trung cấp Phật học, nếu muốn học thêm thì cô thi vào học viện Phật giáo và sau đó có thể theo học thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ngoài hoặc vào một đại học nào đó vẫn chưa muộn.

Nhưng cô phải luôn tâm niệm rằng sự học hành (đạo lẫn đời) chỉ là phương tiện để trợ duyên cho tu tập, là thứ yếu; tu hành, chuyển hóa tự thân mới là điều chính yếu. Thực tế cho thấy, một người tu có thể không có những học vị cao nhưng nhờ công năng tu hành vẫn tu tập, hoằng hóa, độ sanh hiệu quả.

Ngoài ra, cần phải giữ lập trường trước dư luận, khen chê. Không ai hiểu rõ và thương mình bằng chính mình, vì thế tự thân phải biết chọn lựa và quyết định cho tương lai tu học của chính mình theo Chánh pháp. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ cần thông suốt giáo điển và phát triển công phu, dụng công tu tập thực sự thì (trong chừng mực nào đó) đã đầy đủ phương tiện tự độ và độ tha. Tất nhiên, có thêm kiến thức thế học để trợ duyên thì càng tốt.

Trong xu thế học hành tưng bừng và sôi động của những người xuất gia trẻ hiện nay là một tín hiệu đáng mừng về mặt tri thức nhưng điều đó chưa phản ánh rõ rệt cũng như khẳng định thành tựu Giới- Định-Tuệ, sự nghiệp then chốt của người học Phật. Một người xuất gia trẻ cần phải xác định mục tiêu và lập trường tu học của mình là giác ngộ, giải thoát và hoằng hóa, lợi sanh. Trong đó, Giới-Định-Tuệ là định hướng, tiêu điểm để phấn đấu, hướng đến và thành tựu.

Một khi đã nắm vững mục đích, con đường tu tập rồi thì chuyện học gì, lúc nào, ở đâu hay bổ trợ, kiện toàn các pháp phương tiện nói chung là tùy duyên. Con đường tu học của mỗi người tùy theo nhân duyên và nghiệp lực mà có khác nhau nhưng không ngoài mục tiêu giải thoát. Cô đã xác định được con đường và hướng đi đúng đắn cho chính mình, vậy thì cứ vững tin và tiến bước.

Hướng Dẫn Và Dạy Cho Con Về Đạo Phật

1) Con tôi còn rất nhỏ, chỉ 3-4 tuổi thôi. Đến tuổi nào thì tôi nên cho con biết về tôn giáo, về Đạo Phật?
2) Con tôi còn quá nhỏ, không thể nào ngồi yên đọc kinh, dù chỉ là đoạn kinh ngắn. Có cách nào hướng dẫn và dạy cho con về đạo đức Phật Giáo mà vẫn có thể cho chúng chạy chơi theo lứa tuổi năng động của chúng?
3) Tôi là con chiên rất ngoan Đạo, mà vợ tôi thì lại sinh trưởng trong một gia đình Phật Giáo và rất sùng Đạo Phật. Cả hai chúng tôi đều mong muốn là những đứa con của mình sẽ hấp thụ và nối gót lòng tin tôn giáo của mình. Làm sao để dung hòa vấn đề này?

Thầy Pháp Chơn trả lời:

Thật ra không có một tuổi nhất định nào là phải cho con bắt đầu học về tôn giáo. Tuy là vậy, nhưng nhìn chung thì nên hướng dẫn và giới thiệu con em đến với tôn giáo chùa chiền càng sớm càng tốt. Và bước đầu tiên trong việc vun bồi tâm hướng thượng và nền tảng tâm linh cho trẻ con là vun bồi ý niệm về cái thiện trong các em.

Trong kinh A Hàm đức Phật có dạy: “Này các tỳ kheo, có 4 điều mà các Thầy không nên xem thường: đó là đừng xem thường một đốm lửa nhỏ, đừng xem thường một con rắn nhỏ, đừng xem thường một tu sĩ trẻ, và đừng xem thường một Thái tử nhỏ.”

Qua lời dạy này, chúng ta có thể thấy đức phật rất quan tâm đến tuổi trẻ và việc giáo dục tuổi trẻ vì tuổi trẻ là nền tảng của xã hội. Một đốm lửa nhỏ có thể hủy hoại cả một công trình hàng chục tỷ, một con rắn nhỏ có thể cắn chết nhiều người nếu ai đụng đến nó, một tu sĩ trẻ sẽ trở thành vị tôn túc lãnh đạo để kế thừa sự nghiệp phát huy giáo pháp đem đến lợi lạc cho nhiều người, và một thái tử nhỏ sẽ trở thành một vị vua thống nhiếp sơn hà. Dưới Tuệ giác của Đức Phật, Ngài rất quan tâm đến thế hệ trẻ là mầm non, là nền tảng của xã hội trong tương lai nên khuyên chúng ta có trách nhiệm vun bồi, kính nễ và đừng xem thường.

1) Con tôi còn rất nhỏ, chỉ 3-4 tuổi thôi. Đến tuổi nào thì tôi nên cho con biết về tôn giáo, về Đạo Phật?

Thật ra không có một tuổi nhất định nào là phải cho con bắt đầu học về tôn giáo. Tuy là vậy, nhưng nhìn chung thì nên hướng dẫn và giới thiệu con em đến với tôn giáo chùa chiền càng sớm càng tốt. Và bước đầu tiên trong việc vun bồi tâm hướng thượng và nền tảng tâm linh cho trẻ con là vun bồi ý niệm về cái thiện trong các em.

Khi tôi còn nhỏ chập chững theo mẹ đến chùa, Phật giáo đối với tôi không phải là những hình thức lễ nghi, không phải là những phép tắc qui củ, không phải là những tôn sùng và những hăm dọa, mà là những mẫu chuyện nói đến tình thương, nói đến lòng bi mẫn và nói đến lòng dũng cảm của tuổi trẻ. Tôi còn nhớ một trong những câu chuyện được các thầy trong chùa kể trong một ngày cùng theo mẹ đến chùa mà đến nay vẫn còn ảnh hưởng và in đậm đến đời sống của tôi. Chuyện rằng: một hôm nọ, lửa bổng nhiên nỗi lên cháy rừng, một con chim con may mắn bay được ra khỏi đám lữa dữ, liền khi đó, chim con nghĩ đến cha mẹ, anh em, bà con và làng xóm mình đang còn bị kẹt lại trong đám rừng cháy đó chắc họ khổ đau lắm, chim con rất thương. Chim con liền bay xuống dòng sông gần đấy thấm ướt thân mình rồi bay trở lại khu rừng đang bị lữa đốt kia vung vãy đôi cánh nhỏ bé và rãi những giọt nước nhỏ nhoi trên thân thể mình xuống khu rừng đang cháy. Cứ như thế chim con cứ bay đến dòng sông lấy nước bay đi bay lại không quản thân bé xíu và sự mệt nhọc chỉ một tâm niệm thương nghĩ đến cha mẹ, anh em và đồng loại đang phải chịu cảnh đau đớn. Do lòng tốt của chim con, mà động lòng trời đất, nên một cơn mưa rất lớn bỗng nổi lên dập tắt đám lửa đang cháy. Nhờ vậy mà cha mẹ, anh em của chim con được thoát nạn.” Phật giáo đến với tôi là thế đó, là những mẫu chuyện đạo được đề cập trong giáo lý của nhà phật. thương kính cha mẹ, là đức hy sinh, là tấm lòng nghĩ đến mọi người. Tôi đã lấy mẫu chuyện đó làm triết lý sống ở đời của mình.

2) Con tôi còn quá nhỏ, không thể nào ngồi yên đọc kinh, dù chỉ là đoạn kinh ngắn. Có cách nào hướng dẫn và dạy cho con về đạo đức Phật Giáo mà vẫn có thể cho chúng chạy chơi theo lứa tuổi năng động của chúng?

Hướng dẫn và vun bồi nền tảng tâm linh cho con cái trong những năm đầu đời rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải linh động để tìm cách cho các em học về Đức Phật, học về tôn giáo mà không bị nhàm chán. Các em không cần phải biết những giáo lý cao siêu mà chỉ cần nghe những mẫu chuyện nhỏ, có con hươu, con vượn làm việc thiện. Đối với lứa tuổi mầm non chúng ta chỉ cần cho các em tập sống qua ngôn ngữ từ ái của cha mẹ, sự thực hành lễ Phật, niệm Phật và sự nhẹ nhàng khi săn sóc trẻ thơ là đủ để con mình tận hưởng được giáo lý của Phật. Các em sẽ rất thích khi nhìn hình ảnh con voi, con khỉ quỳ dâng hoa cho Phật. Thay vì đưa cho các em xem hình ảnh của những em bé khác, chúng ta cũng có thể đưa cho các em xem hình ảnh từ bi, nụ cười từ hòa của Phật và chia sẻ cảm giác thanh thản của mình mỗi khi nhìn tấm hình đó. Và khi em nhìn thấy ông bà cha mẹ thắp hương thành tâm cầu nguyện, thì em cũng sẽ muốn bắt chước làm như thế, và đó là bước đầu chúng ta xây dựng nền tảng tâm linh trong tâm hồn đứa bé.

Có một người Phật tử chia sẻ với tôi rằng chị đã kể chuyện về cuộc đời Đức Phật cho con của chị nghe mỗi đêm khi cháu còn nhỏ. Những dấu mốc chính trong cuộc đời Đức Phật thì vẫn không đổi, nhưng chị ấy luôn tìm cách thêm thắt những mẫu chuyện phụ về con hươu, con nai đến chơi với Phật, con ngựa chở Phật phóng qua sông, con khỉ mang hoa quả đến dâng cúng Phật. Ở tuổi mầm non, thì các em chỉ thích nghe về thú vật thôi, vì các em hàng ngày vẫn thấy các con thú vật này. Và những mẫu chuyện nhỏ đó của chị đã gieo trong lòng đứa con một niềm tin sâu sắc về việc thiện, về nhân quả. Và từ từ, đứa bé bắt đầu thấm những đạo đức trong câu chuyện.

Cuối tuần, cha mẹ nên đưa con cái đến chùa để các em làm quen với khung cảnh chùa chiền. Điều quan trọng là đừng la mắng các em mỗi khi các em sơ ý chạy giỡn trong Chánh Điện hay tiện tay sờ vào tượng Phật. Điều đó sẽ làm cho các em sợ hãi mà xa lánh chùa. Tôi nhớ Đạo Phật đối với tôi lúc nhỏ thật đơn giản—chỉ là một hình ảnh của đức Phật ngồi mĩm cười trên tòa sen mà không giận hờn hay cau có, là khung cảnh của sự thoải mái và con người thân thiện trong sân chùa, là những hành lang mát rượi cho trẻ thơ mệt mõi nằm lăn đùng ra mà ngủ, là giếng nước mát để tha hồ uống một hơi cho đỡ khát, là những buổi trưa trốn ngủ để thả những chiếc lá trên mặt hồ đầy hoa súng hoa sen.

3) Tôi là con chiên rất ngoan Đạo, mà vợ tôi thì lại sinh trưởng trong một gia đình Phật Giáo và rất sùng Đạo Phật. Cả hai chúng tôi đều mong muốn là những đứa con của mình sẽ hấp thụ và nối gót lòng tin tôn giáo của mình. Làm sao để dung hòa vấn đề này?

Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì “Tôn giáo là sự cảm thông nối kết, tôn giáo không thể là những lớp thành trì phân cách con người với con người…” Sự cảm thông và hiểu biết của cha mẹ về tôn giáo mà cha mẹ đang theo là điều tối quan trọng. Nếu cha mẹ khác nhau về tôn giáo thì điều quan trọng là cha mẹ cần phải tôn trọng tôn giáo của nhau, tìm hiểu tận cùng gốc rễ của nhau để lấy ra những điều tốt điều hay nhất trong giáo lý của mỗi tôn giáo mà trao truyền cho con cái. Trong những năm đầu đời, chúng ta hãy trao truyền cho con của mình bằng những đức tin căn bản về lòng nhân ái và tâm ý làm việc thiện. Chúng ta càng có lòng tin mạnh bao nhiêu thì tự khắc con của chúng ta sẽ cảm được lòng tin đó và lấy đó làm tư liệu xây dựng nền tảng tâm linh của riêng chúng. Khi lớn lên, chúng sẽ có những lựa chọn về con đường tâm linh của riêng mình. Đừng gò bó, đặt để lên con niềm tin tôn giáo của mình, mà hãy tự hỏi lại mình xem lòng tin của mình, thái độ sống của mình có đủ để dẫn dắt, làm gương cho con noi theo không.

Chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình đã bị đổ vỡ vì không tôn trọng niềm tin của nhau, cứ mãi lo ép uổng con cái phải theo con đường mình theo. Nhiều bậc cha mẹ đã phải bấm lòng và khóc thầm khi nhìn con mình cải đạo để lấy người mình thương, để rồi sau đó tình thâm giao giữa đàng trai và đàng gái mãi như có cái gút mắc không gỡ được. Cái đau lớn nhất của đời người là đánh mất tôn giáo nơi chính mình. Và khi không có được nền tảng tâm linh theo ý của mình, thì con người sẽ rất bị hụt hẫng, vì tâm linh chính là nền tảng của lòng tin mà các em, và tất cả chúng ta, rất cần để vượt qua bao gian lao, khổ lụy ở đời.

Tôi đã từng đi làm lễ cưới cho một gia đình mà chú rễ là người theo Cơ Đốc Giáo và cô dâu là người theo Phật Giáo. Hai anh chị này đều là những người lớn lên và hấp thụ kiến thức tại Hoa Kỳ, được sống trong một bầu không khí cởi mở, tôn trọng những niềm tin sâu kín của nhau. Nơi diễn ra lễ cưới này có để hai bàn thờ một hình ảnh Đức Phật và một hình ảnh của đức Mẹ. Tôi và một linh mục cùng song hành bước vào nơi hành lễ, tôi làm lễ theo nghi lễ Phật Giáo, và linh mục làm lễ theo nghi lễ Cơ Đốc Giáo với một bài kinh ngắn. Trong lễ giao ước quan trọng này cô dâu và chú rễ đều có một lời nguyện ước: “Con nguyện tôn trọng niềm tin của nhau và nguyện tìm hiểu gốc rễ tâm linh của nhau để tạo sự cảm thông cho nhau trong cuộc sống lứa đôi, để giúp cho con cái của con có được một đức hạnh tốt đẹp nhờ những tuệ giác của các đấng tâm linh”. Đến nay gia đình đó thỉnh thoảng vẫn đến thăm tôi và tôi được biết cứ mỗi sáng Chủ Nhật chị đưa con đi nhà thờ cùng với chồng, và trưa hai vợ chồng lại đưa con đến chùa nghe Pháp, lạy Phật, và cháu rất thích ăn một tô bún riêu chay tại ngôi chùa gần nhà. Qua đó chúng ta thấy khi dạy con cái bằng bằng tấm lòng cởi mở học hỏi và tôn trọng tâm linh lẫn nhau thì chuyện cha mẹ khác tôn giáo không còn phải là vấn đề.

Trong 5 năm đầu đời, xin hãy gieo trồng trong các em thiện căn, lòng nhân ái giữa người và người, và cảm giác quen thuộc, thân thiết với Chùa để các em lấy đó làm niềm tin và nền tảng đạo đức để bước vào đời. Theo thời gian, và tùy nhân duyên của mỗi cá nhân, sau này các em sẽ có thể sẽ đến với đạo Phật sâu hơn, và nhìn Đạo Phật theo đúng nghĩa một tôn giáo hơn.

Vấn Đề Hôn Nhân Khác Tôn Giáo Và Việc Giao Lưu Giữa Phật Giáo Và Cơ Đốc Giáo

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Linh Mục Phạm Ngọc Khuê, đại diện cho tòa Giám mục Phát Diệm trả lời về vấn đề hôn nhân khác tôn giáo và việc giao lưu giữa Phật giáo và Cơ Đốc giáo trong buổi viếng thăm nhà thờ Phát Diệm ngày 30/04/2007 lúc 9 giờ sáng:

Sáng ngày 30/04/2007 lúc 9 giờ, thiền sư Nhất Hạnh cùng phái đoàn tăng thân quốc tế Làng Mai đã đến viếng thăm nhà thờ Phát Diệm. Thiền sư và tăng thân đã được các linh mục, các nữ tu và các giáo dân tiếp đón rất trọng thể. Trong số các linh mục có mặt, có linh mục Phạm Ngọc Khuê, đại diện cho tòa giám mục Phát Diệm. Các nữ tu đã hát những bài hát chào mừng chúc tụng và một ban hợp ca gồm có khoảng 30 thanh niên và thiếu nữ cũng đã hiến tặng nhiều bài thánh ca rất linh động. Trong lời chào mừng linh mục Phạm Ngọc Khuê đã nói rằng đây là một cuộc viếng thăm lịch sử của một phái đoàn Phật giáo quốc tế như thế tại nhà thờ Phát Diệm và thỉnh mời thiền sư Nhất Hạnh phát biểu đôi lời về vấn đề giao lưu giữa Phật giáo và Cơ Đốc giáo. Đây là những phát biểu của thiền sư Nhất Hạnh và đáp từ của Linh Mục Phạm Ngọc Khuê.

Sư Ông Làng Mai:

Kính thưa các bạn, tôi đã từng có dịp đọc Phúc Âm với con mắt của một thiền sư. Chúng tôi đã từng có giao lưu với các linh mục và các vị mục sư. Chúng tôi đã từng sinh hoạt chung, những sinh hoạt này không phải chỉ là trao đổi ý kiến và kinh nghiệm mà còn là sống chung và tu tập chung. Chúng tôi xin phát biểu trên cơ bản đó. Chúng tôi cũng đã tham dự nhiều buổi họp, nhiều hội nghị đối thoại giữa đạo Phật, đạo Ki Tô và những đạo khác.

Tôi nhớ ngày xưa có một thiền sư Việt Nam đã đọc kinh Dịch và đã trình bày kinh Dịch theo cái nhìn của một thiền sư. Ngày xưa tôi đã hứa với một số các bạn trẻ là sẽ trình bày Phúc Âm qua cái nhìn của thiền quán và may mắn là tôi đã làm được việc đó. Trong thời gian 40 năm ở nước ngoài chúng tôi đã từng ngồi thiền với các vị linh mục và các vị mục sư. Chúng tôi đã cùng hoạt động cho hòa bình, và trong khi hoạt động cho hòa bình chúng tôi có cơ hội chia sẻ với nhau những tuệ giác của chúng tôi về truyền thống mình. Trong quá trình giao lưu, tôi có viết được những tác phẩm có tính cách đối thoại giữa những người theo Phật giáo và những người theo Ki Tô giáo.

Cuốn sách đầu tiên mà chúng tôi xuất bản về đề tài này là “Living Buddha, Living Christ”. Bản Hoa Ngữ mang tên là “Sinh Sinh Ki Tô, Thế Thế Phật” dịch ra tiếng Việt là: “Bụt Ngàn Đời, Chúa Ngàn Đời”, nghĩa là “Bụt Bất Tử, Chúa Bất Tử.” Cuốn sách đó là kết quả của một khóa tu mà chúng tôi tổ chức tại Đức, trong đó có 50% là Phật tử và 50% là tín hữu Ki Tô giáo. Chúng tôi đã gom lại những bài thuyết giảng và làm thành cuốn sách Living Buddha, Living Christ. Cuốn sách này đã đi rất xa, đã đi vào các tu viện kín và chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều thư các Cha và các Xơ từ các tu viện kín. Cuốn sách đó giúp cho người Phật Tử hiểu thêm đạo Ki Tô và giúp người Ki Tô hiểu thêm về đạo Phật. Công đức của sách này rất lớn. Ban đầu người ta đọc chỉ vì tò mò thôi, nhưng nhờ sự tò mò đó mà có cơ hội hiểu được một nền đạo đức mà lâu nay mình chỉ có một ý niệm mơ hồ.

Sau cuốn Living Buddha, Living Christ thì chúng tôi có cuốn Going Home, Buddha and Jesus as Brother. (Chúng ta hãy về nhà đi thôi, Bụt và Chúa là hai anh em). Sách này cũng được đón nhận một cách rất nồng nhiệt ở trong giới độc giả Tây Phương, Phật Tử cũng như Cơ Đốc giáo.
(Hình bên: bức tranh Bụt và Chúa treo tại trai đường Xóm Mới, Làng Mai)

Ở Mai Thôn Đạo Tràng tại Pháp, mỗi năm đến ngày giáng sinh, chúng tôi luôn luôn tổ chức lễ Giáng Sinh rất long trọng, tại vì đa số các thiền sinh đều có nguồn gốc Ki Tô giáo. Ngày giáng sinh rất nhiều thiền sinh Tây phương về Đạo Tràng Mai Thôn như con cháu về nhà tổ phụ. Vì vậy vào đêm Giáng Sinh tôi luôn luôn giảng một bài về Phật và về Chúa. Tôi nhớ có một linh mục tên là Thomas Kwan người Hồng Kông đã nghe được nghe một bài như vậy và vị linh mục này thấy rất tiếc, vì hôm đó chỉ có 600 người được nghe. Linh mục nói: “Tất cả các tín hữu Cơ Đốc giáo trên thế giới phải được nghe bài này. Để có thể thấy rõ Chúa và con đường của mình hơn”. Tôi đã sưu tập được 10 bài giảng Giáng Sinh như thế, làm được cuốn sách thứ hai gọi là Chúng ta hãy về nhà đi thôi, Bụt và Chúa là hai anh em.

Rất tiếc là hai cuốn nói trên chưa được dịch ra tiếng Việt . Những người đến với chúng tôi trong các khóa tu tại Mỹ Châu và Âu Châu, đại đa số là những người tín đồ Công giáo, Tin Lành và Do Thái giáo. Chúng tôi khuyên họ không nên bỏ đạo gốc của mình. Chúng tôi biết do kinh nghiệm khi một con người mất gốc thì người đó không bao giờ có hạnh phúc thật sự được. Vì vậy khi họ tới thực tập theo pháp môn của đạo Phật chúng tôi yêu cầu họ đừng bỏ gốc rễ của họ và khuyên họ sau khi tu tập thành công rồi, khi đã chuyển hóa được những bức xúc, khó khăn và giận hờn rồi thì hãy về với truyền thống của mình và hãy giúp truyền thống mình làm mới lại. Thanh niên bây giờ thấy được là giáo đường, nhà thờ chưa cung cấp được những giáo lý và những thực tập có thể đáp ứng được những khổ đau, những bức xúc của họ. Vì vậy không chỉ đạo Phật phải làm mới mà đạo Ki Tô cũng phải làm mới thì mới đáp ứng được những nhu yếu của người trẻ hôm nay. Giới trẻ hôm nay bỏ nhà thờ mà đi rất đông.

Điều tôi nói cũng rất trung thực với giáo lý của Phật tại vì Phật giáo luôn luôn có thái độ rất cởi mở, phá chấp. Mình không nên bám víu một giáo điều cho đó là chân lý tuyệt đối và để rồi xem các giáo lý khác là tà đạo.

Vì vậy thái độ của người Phật Tử là giang tay ra ôm lấy tất cả mọi người. Tình yêu trong đạo Phật là “Từ Bi Hỷ Xả.” Xả có nghĩa là inclusiveness, không loại trừ bất cứ người nào ra khỏi tình thương của mình, dù người đó không phải là đồng bào của mình, không phải theo tôn giáo của mình. Tiếng pháp dịch là équanimité. Tôi quyết hành động theo tinh thần này tại vì hồi xưa các giáo sĩ tới Việt Nam truyền đạo đã bắt người Việt mình phải bỏ đi tôn giáo gốc của mình và điều đó đã gây đau khổ kkhông ít.

Những người có gốc gác Cơ đốc giáo tới tu tập với chúng tôi rất hạnh phúc vì họ có cảm tưởng là họ được công nhận 100%, họ không cần phải từ bỏ niềm tin của họ, gốc gác văn hóa của họ. Sau một thời gian thực tập, họ có thể thấy, khám phá ra được những châu báu trong truyền thống của họ mà trước đây họ chưa thấy. Nhờ tiếp xúc với đạo Phật mà họ trở về và khám phá ra những châu báu trong các gia sản tâm linh ở Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo. Điều đó làm chúng tôi rất vui mừng.

Chúng tôi thường hay nói với các bạn Cơ Đốc giáo là cõi Tịnh Độ hay cõi Niết Bàn có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta có trái tim tinh khiết, trái tim có năng lượng của niệm, định và tuệ, nếu chúng ta có mặt đích thực trong giây phút hiện tại thì chúng ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của thế giới Cực Lạc, của Tịnh Độ có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta không cần phải chết đi mới sinh về Tịnh Độ, mà có thể đi vào trong Tịnh Độ bằng mỗi bước chân, ngay bây giờ và ở đây. Giáo lý ấy được thực tập tại Mai Thôn Đạo Tràng, và chúng tôi cũng đã chia sẻ cho các bạn Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo. Chúng tôi nói rằng các bạn không cần phải chết đi mới đi về nước Chúa. Nếu các bạn có tình thương, có ý thức sáng tỏ, có tâm rộng mở thì mỗi hơi thở và mỗi bước chân có thể đưa các bạn vào nước Chúa trong giây phút hiện tại. Thiên Quốc có mặt trong giây phút hiện tại. Trong đạo Phật các vị tổ có nói rằng Tịnh độ và Phật nằm trong trái tim của mình. Phúc Âm cũng nói như thế, Thiên Quốc nằm trong trái tim của mình và vì vậy mình đi tìm thiên quốc hay tịnh độ nơi khác và thời khác thì có thể sai.

Khoa học lượng tử bây giờ bắt đầu dùng danh từ phi cục bộ, tiếng Anh là “non-local”. Cái thực tại lượng tử là phi cục bộ, chúng ta không thể nào xác định vị trí của một lượng tử trong thời gian hoặc không gian. Bản chất của lượng tử là phi cục bộ. Chúng tôi nghĩ rằng ngôn ngữ ấy chúng ta có thể áp dụng cho Phật độ và cho Thiên Quốc. Thượng Đế, hay Thiên quốc là những thực tại phi cục bộ, chúng ta không thể xác định vị trí của nó trong không gian và thời gian, tại vì nó nằm trong trái tim của mình. Khi trái tim của mình đã sẵn sàng rồi thì là mình đang ở trong Thiên quốc, đang ở với Thượng Đế, không cần phải trông chờ điều đó trong tương lai. Chúng ta tu như thế nào, thực tập như thế nào để Thiên quốc có mặt trong giây phút hiện tại. Chúng ta tu như thế nào, thực tập thế nào để tịnh độ có mặt trong giây phút hiện tại.

Và hạnh phúc không cần chờ đến tương lai. Hiện pháp lạc trú là một giáo lý Phật giáo. Nhà văn André Gide có nói một câu làm tôi rất thích. Ông nói Thượng Đế tức là hạnh phúc ( Dieu est bonheur ). Và ông nói thêm một câu nữa: “Thượng Đế có mặt cho chúng ta 24 giờ một ngày ...”. Những câu nói đó rất phù hợp với giáo lý đạo Phật. Nếu chúng ta đi sâu vào Phúc Âm, chúng ta cũng thấy chân lý đó, nghĩa là nếu chúng ta đem tâm trở về với thân mà nhận diện được tất cả những cái mầu nhiệm đang có mặt trong ta và xung quanh ta thì lúc đó ta đang ở trong Thiên quốc và ta đang tiếp xúc sâu sắc với Thượng đế. Nếu nhà thờ và nhà chùa có thể cung cấp được những giáo lý đó và đưa ra những phương pháp thực tập để con người có thể sống an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại thì người ta sẽ không cần đi tìm hạnh phúc ở sắc dục, tiền tài và danh vọng.

Trong Phúc âm có câu chuyện một bác nông phu khám phá ra được một kho tàng chôn giấu ở trong một đám ruộng và sau đó đi về và bán đi những khu ruộng khác để chỉ mua một đám ruộng đó. Khi chúng ta đã tu và tiếp xúc được với nước Chúa và Chúa rồi thì chúng ta đâu cần những cái khác nữa, chúng ta đâu cần danh, không cần lợi, không cần sắc dục, không cần quyền lực, vì chúng ta đã hạnh phúc chán. Vì vậy cái giáo lý nào và sự thực tập nào giúp cho ta tiếp xúc được với Thiên chúa trong giây phút hiện tại thì đó là kho tàng châu báu của chúng ta. Hạnh phúc ấy chúng ta có thể đạt được trong giây phút hiện tại, không cần phải chết đi mới có. Nói chuyện với các bạn Do Thái giáo và Ki Tô giáo chúng tôi cũng chia sẻ cách thực tập, mỗi hơi thở mỗi bước chân của mình có thể đưa mình vào Thiên quốc mà đừng trông chờ Thiên quốc ở tương lai.

Tôi nhớ có một lần thăm viếng Đại Hàn tôi được tham dự vào một buổi giao lưu giữa người Kitô giáo và người Phật tử: đó là lần đầu tiên mà người Phật tử và người Cơ Đốc giáo tới với nhau. Tôi có đưa ra vấn đề có những thanh niên thiếu nữ khác tôn giáo yêu nhau. Bên này bắt bên kia phải bỏ đạo, phải chọn lựa. Đó là một vấn đề còn tồn tại ở nhiều nước và ngay trong nước Việt Nam chúng ta. Và biết bao nhiêu cặp thanh niên thiếu nữ đã đau khổ tại vì thế.

Tôi nghĩ rằng một người có thể rất hạnh phúc khi có hai gốc rễ, một gốc rễ Cơ đốc giáo và một gốc rễ Phật Giáo. Hai cái đó không nhất thiết phải loại trừ nhau. Tại vì mình hẹp hòi cho nên mình mới thấy hai cái khác nhau chống đối nhau. Nhưng nếu mình vượt lên, thấy được hai truyền thống có thể bổ túc cho nhau thì mình sẻ có một thái độ cởi mở hơn.

Trong số các đệ tử của tôi có rất nhiều các thầy các sư cô có gốc Cơ đốc giáo và Do Thái Giáo, nhưng họ hạnh phúc vô cùng khi được tu tập và ôm ấp luôn cả hai truyền thống. Ngay trong phái đoàn của chúng tôi có mặt hôm nay có một vị đại đức ngày xưa đã từng làm linh mục. Vị linh mục đó tới với đạo Phật và khám phá ra những phương pháp thực tập rất thiết thực có thể thực hiện được lý tưởng của Cơ đốc giáo. Chúng ta thấy có hai gốc rễ đôi khi lại hay hơn có một gốc rễ và vì vậy ngay trong đại hội đó tôi đã đề nghị khi hai thanh niên yêu nhau, một người thuộc về Cơ đốc giáo, một người thuộc về Phật Giáo thì cả hai gia đình nên cho họ cưới nhau với điều kiện hai bên công nhận truyền thống của người bên kia và nếu người con trai là Cơ Đốc Giáo và người con gái là Phật Giáo thì người con gái phải học thêm Cơ Đốc Giáo và người con trai phải học thêm Phật Giáo. Và đến ngày chủ nhật thì hai người cùng đi nhà thờ, đến ngày mồng một và ngày rằm thì hai người cùng đi Chùa.

Và điều đó là điều chúng tôi đã thực hiện được ở Tây Phương. Tại sao chúng ta phải để cho các bạn trẻ tiếp tục đau khổ năm này qua năm khác ?. Và đó là tinh thần cởi mở mà chúng tôi đã thấy được rõ ràng khi đọc kinh Phật và kinh Thánh. Hôm nay tôi xin nói ra vài cái thấy của tôi cũng như một món quà hiến tặng qúy vị có mặt ở đây.

Sư cô Chân Không hỏi:

Như Sư ông đề nghị tức là khi một người Công giáo và một người Phật giáo thương yêu nhau thì người Phật tử nên học hỏi những gì tinh ba nơi Công giáo và gia đình phải đi nhà thờ vào những ngày Chủ nhật và đi chùa vào mồng một và ngày rằm. Con xin hỏi là quý vị linh mục có chấp nhận được như vậy không? hay là người Phật tử chỉ phải theo đạo của người chồng, phải làm lễ rửa tội và phải từ bỏ đạo Phật? Con xin hướng câu hỏi này về cho các vị Tôn đức bên phía Công Giáo.

Cha Phạm Ngọc Khuê trả lời:

Đây là một câu hỏi có thể nói là thật sự rất tế nhị và rất thời sự. Trước hết tôi xin được nêu lên nguyên tắc về giáo luật và kinh thánh. Thiên chúa không bao giờ ngăn cản con người tự nguyện nhất là trong việc hôn nhân gia đình thì không có bao giờ ngăn cản hai người thương yêu nhau. Giáo hội không bao giờ chặn ngăn hai người nam nữ yêu thương và tiến tới hôn nhân với nhau, điều đó là chắc chắn thuộc về giáo luật, không ai có quyền ngăn cản tình yêu của họ, vì đó là tuyệt đối.

Nhưng tại sao lại xảy ra cái vấn đề giữa nam nữ tín đồ các tôn giáo khác nhau lại có những vấn đề mà người ta chưa đi đến chỗ kết hôn với nhau thì do đâu? Trong thực hành việc phục phụ hôn phối, đối với anh em trong Công giáo chúng tôi, đối với danh Chúa, đối với người tín đồ Công giáo cũng như giáo hội thì chúng tôi không bao giờ đặt vấn đề là phải trở thành người Công Giáo thì mới có thể cưới (nhau ) về phía công giáo của mình (trở thành vợ chồng). Không bao giờ có vấn đề đó, chúng tôi luôn luôn tôn trọng tình yêu của họ.

Và tôi nói với người nam hoặc người nữ là tình yêu của các anh chị là tình yêu tuyệt đối và chúng tôi tôn trọng. Tuy nhiên khi hai người quyết định yêu thương nhau thì đức tin của người tín đồ Ki Tô Giáo cũng như Phật giáo phải được tôn trọng bởi sự tự do của họ.

Cũng như Thầy Thích Nhất Hạnh đã nói là họ phải sống cội rễ của họ họ mới thấy hạnh phúc. Và cái việc họ được chịu phép rửa tội là hoàn toàn tự do. Cho nên giáo hội chỉ nói một điều này. Khi tiến tới hôn nhân thì hai người phải hứa là tôn trọng quyền lợi của nhau và niềm tin của mỗi người, và không được vi phạm. Vì vậy về phía tín đồ tôn giáo khác phải cam đoan, có thể nói là tuyên thệ tôn trọng niềm tin vì đó là lãnh vực thiêng liêng và tự do tôn giáo, không ai được can thiệp. Tôn trọng niềm tin của tín đồ thiên chúa giáo, không được ngăn cản. Nếu họ giữ được như thế thì cuộc hôn phối đó được tốt đẹp và thành sự trước mặt Chúa và trước luật pháp .

Luật thì như vậy, nhưng trong thực tế thì không luôn luôn được xảy ra như vậy. Hoàn cảnh của Việt Nam thì khác nữa, nghĩa là trong hoàn cảnh rơi rớt của chế độ phong kiến vẫn còn nhiều cho nên quý vị biết rõ là ở Việt Nam người nam có quyền hơn người phụ nữ. Mặc dù họ hứa như vậy, nhưng khi về nhà mà hai vợ chồng không có hòa thuận với nhau cơm không lành, canh không ngọt. Khi họ sống chung với nhau và nếu như có chiến tranh trong gia đình thì họ đổ lổi trên đầu người tín đồ của mình hoặc Ki Tô Giáo hoặc người Phật Giáo tôi không nói là về phía này hay phía kia. Nếu người chồng có quyền thì sẽ buộc người vợ không theo tín đồ của mình, theo tôn giáo của mình nữa. Và có thể có khó khăn trong gia đình.

Chính vì vậy Giáo hội đặt ra điều kiện này, nếu một người tín đồ tôn giáo khác, lấy người Công giáo, rồi sau đó Phật tử, hay là người thờ ông bà không giữ lời tuyên thệ trung thành thì người tín hữu Công giáo có thể trình lên thẩm quyền nguồn Thánh có thể tháo cái hôn phối mà người ta đã cam kết chỉ vì nếu mà đe dọa đến cái niềm tin tự do của mình giáo hội phải bảo vệ con cái của mình. Quý vị phải hiểu là đây không phải là bắt buộc phải làm. Các gia đình đó là truyền thống của gia đình, hoàn cảnh của gia đình muốn con cái của mình giòng sớ, cũng như quý cô, quý ông bà cũng như quý vị muốn cho gia đình mình cùng một chiều cho dễ để việc đó cho dễ hơn. Về phía giáo hội thì không có đứng ngăn cản sự việc hôn nhân của họ. Xin quý vị hiểu rõ thì về luật giáo thì không ép buộc mà buộc một trong hai người phải tôn trọng tôn giáo của nhau. Phải dành ưu tiên nhất cho người bạn đời theo tôn giáo đó để thực hành niềm tin tôn giáo và không có ngăn cản giữ đức tin riêng của họ.

Một cha hỏi :

Người thương gia trong kinh thánh tìm thấy viên ngọc quý và về bán tất cả gia tài để mua lấy viên ngọc quý đó, đây là một trang tin mừng rất hay của kinh thánh Tân ước, vậy xin hỏi giáo sư viên ngọc vùi trong thửa ruộng này dưới mắt Phật giáo là gì và đối với Công giáo diễn tả điều gì? Xin giáo sư vui lòng cho biết.

Sư Ông Làng Mai:

Trước hết tôi xin đề nghị thêm cho hai bên giáo hội Công giáo và Phật giáo phải có những văn bản rõ rệt về vấn đề hôn nhân dị giáo này. Nếu tôi là pháp chủ Phật giáo Việt Nam thì tôi sẽ cho phép những người con trai hay con gái Phật giáo lấy những người con trai hay con gái Công giáo và hai người được học truyền thống của nhau, hai người cùng đi nhà thờ một lần, hai người cùng đi chùa một lần, hai người cùng được rửa tội một lần và hai người đều được quy y.

Cha Thomas Kwan một linh mục người Hồng Kông đã quy y ở Làng Mai nói sau khi quy y và thọ năm giới thì cha hiểu giá trị truyền thống của Cha nhiều hơn. Cha đã đem năm giới đó về dạy cho giáo dân của cha. Và đã giúp được rất nhiều người và thấy rõ là hai bên bổ túc cho nhau, không chống đối nhau. Vì vậy khi một cặp thanh niên khác đạo muốn cưới nhau thì nên nói cho họ biết là cả hai người nên cùng được rửa tội và cùng được quy y. Hai cái đó không chống đối nhau. Nếu chúng ta cần 100 năm để các giáo hội đi tới sự thỏa thuận về văn bản đó thì cũng đáng tại vì các cặp thanh niên nam nữ đã khổ hơn 400 năm nay rồi, nếu cần 100 năm nữa để tới văn kiện đó cũng đáng để chúng ta chờ đợi. Nhưng trong cái thời đại toàn cầu hóa này, biết đâu, có thể vài ba tháng các giáo hội đã có thể ra một văn kiện như thế để làm các thanh niên bớt khổ.

Cái kho tàng chôn giấu trong đám ruộng đó, tức là Thiên chúa, tức là Thiên quốc, mà trong Phật giáo gọi là Niết bàn, là Cực lạc, là Phật độ. Mỗi người có thể gọi cái kho tàng đó bằng một cái tên khác, nhưng mà nó cùng là một thực tại. Trong đạo Phật có giáo lý về Niết bàn như thực tại không sinh, không diệt, không tới, không đi, không còn, không mất, đó là nền tảng của tất cả các hiện tượng của vũ trụ. Nếu không có cái đó thì tất cả các hiện tượng không có chỗ nào để trở về. Cái đó mình có thể gọi tương đương với Thiên chúa của Cơ đốc giáo. Tại vì Thiên chúa phải là bất sinh bất diệt, phi hữu phi vô, vô khứ vô lai. Ngôn ngữ của loài người của chúng ta không thể nào diễn tả được Thiên chúa. Nếu anh nói anh có thể diễn tả được Thiên chúa là gì, tức là anh còn nông cạn. Niết bàn là một thực thể cần phải chứng nghiệm. Nếu anh dùng những ý niệm, những ngôn từ để diển tả Niết Bàn thì anh sẽ không bao giờ có thể diễn tả được. Dùng những phương tiện hữu hạn mà diễn tả cái vô hạn, đó là việc không thể nào làm được. Niết Bàn hay Thượng đế cũng thế. Niết bàn, bản thể, chân như là thực tại không sinh không diệt; cái đó chính là Thiên chúa của Cơ đốc giáo. Cũng như cái mà người Việt chúng ta gọi là chuối thì người Pháp gọi là banane. Chuối và banane là hai danh từ để chỉ cho một loại trái cây. Chúng ta có thể gọi cái tuyệt đối bằng nhiều tên, nhưng thực tại không sinh không diệt là nền tảng của tất cả các hiện hữu. Ta có thể gọi đó là chân như, là pháp thân là niết bàn hay là Thượng đế. Chúng ta đừng mất thì giờ vì những tên từ, chúng ta nên tiếp xúc trực tiếp với thực tại.

Xin Vui Lòng Giải Thích Công Án Nam Tuyền Chém Mèo.

Nam Tuyền chém mèo hay là “Nam Tuyền trảm miêu” là một công án Thiền rất nổi tiếng được ghi lại trong các thiền thư nổi tiếng như Bích Nham lục, Vô Môn quan.. và ngay cả trong kiệt tác tiểu thuyết Kim Các tự của Mishima Yukio.

Được biết, Công án là một pháp môn của Thiền tông để tu tập nhằm kiến tánh giác ngộ. Mục đích chính là làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thuỷ. Chư Tổ Sư dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua bức màn vô minh từ thời vô thủy, vượt qua luôn bờ bên kia của vô thủy vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.

Bản thể chân tâm của chúng ta vốn thanh tịnh, nhưng vì môt niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dầy đặc, càng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức. Nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệm và nhận thức.

Thoạt kỳ thủy, chưa có công án, mà chỉ là cơ xảo của chư Tổ, tùy theo theo căn cơ của người đối diện mà tháo gỡ vướng mắc đã khiến họ kẹt cứng, không hội nhập lại bản thể được, thí dụ như Lục Tổ hỏi thượng tọa Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Khi nghe câu đó, thượng tọa Minh ngơ ngác, trong một sát na dòng tâm ý thức bị khựng lại, bản thể hiển lộ lập tức. Những thí dụ như trong một ngàn bảy trăm công án đều là những câu vấn đáp của chư Tổ, chính là để đương cơ "khựng ngay dòng ý thức lại". Mỗi vị đều có những câu khác nhau, tùy theo căn cơ của môn đệ mà trao cho một công án. Người sau thấy những câu hỏi đáp đó đã giúp khai ngộ cho đệ tử, rồi đề ra cho người tới xin tu, cho họ một câu, gọi là "một tắc công án", để họ ngày đêm chú tâm vào việc tham cứu công án ấy, bất luận là đang làm việc gì, tâm cũng không rời khỏi công án, như bóng với hình, tạo thành một mối nghi tình. Công án được xem như dụng cụ để giúp người tu thiền ngưng đọng tâm tư, tạo được khối nghi, chờ một ngày kia có trợ duyên, khối nghi bùng vỡ, là Ngộ.

Như vậy, có thể nói công án Thiền không phải là đối tượng của mọi nhận thức bàn luận về ý nghĩa của chúng, tức là không thể hiểu hay giãi bày bằng suy tư, bằng ngôn ngữ văn tự theo lối thông thường trong thế giới tương đối nhị nguyên. Thầy dạy thiền của chúng tôi là Cố Hoà thượng Thích Duy Lực đã khẳng định rằng: “giải thích công án thì lọt vào ý thức nhị nguyên phân biệt, nên không bao giờ ngộ. Mục đích của Tổ Sư thiền (mà công án là một pháp tu) là muốn chấm dứt ý thức phân biệt, nên sát na lìa ý thức liền kiến tánh. Còn bây giờ không lìa ý thức, mà lại dùng ý thức để giải thích phân biệt để tìm hiểu đáp án. Cho nên, giải công án là sai lầm và nghịch với Tổ Sư thiền, vì vậy chư Tổ nói là phỉ báng Tổ, cũng là phỉ báng pháp”.

Để đạo hữu hiểu thêm, chúng tôi trích một bài viết trong “Bước Vào Thiền Cảnh”, Tác Giả-Hirosachiya - Dịch Giả-Thích Viên Lý, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới Xuất bản 1998 ( )

“Mẫu chuyện dưới đây là một công án nổi tiếng của Thiền. Cái gọi là công án, cũng có thể gọi là trắc nghiệm vấn đề. Tốt nhất xin quý vị độc giả hãy trắc nghiệm ở đây rồi tự nêu ra một đáp án mà quý vị cho rằng tiêu chuẩn nhất.

Một hôm, có một số thiền sinh đã chỉ vì chuyện của một con mèo mà tranh cãi không ngừng, lúc bấy giờ Nam Tuyền thiền sư thấy thế, nắm cổ con mèo giơ lên cao và bảo:

“Này chư vị, trong số chư vị nếu có ai vì mèo mà có thể nói được một lời thì tôi sẽ không giết con mèo này, nếu không, tôi lập tức chém nó ngay. Hãy thử nói một câu!”

Lúc ấy, đám đông lặng thinh.

Thế là Nam Tuyền lập tức giết chết con mèo.

Đến đêm, một đệ tử của Mã Tổ là Triệu Châu (Tùng Phẩm) từ ngoài về, Nam Tuyền thiền sư đem câu chuyện xảy ra ban ngày thuật lại cho ông. Triệu Châu nghe xong, đã không một lời nào đáp lại, cởi đôi giầy rơm đội lên đầu rồi bước ra khỏi phòng

Nam Tuyền thiền sư thấy vậy bèn nói: “Lúc ấy nếu ngài có mặt, con mèo đã không bị giết...” Vấn đề ở chỗ, Triệu Châu tháo giầy rơm đội lên đầu có ý gì? Quý vị độc giả, quý vị có thể cứu sống con mèo này không?

Đề mục nêu trên, nếu mách với quý vị:

“Xin lỗi! tôi cũng không trả lời nổi” thì sẽ không khỏi bị độc giả mắng cho một trận! May mà vấn đề này có sẵn trong điển tích Thiền Tông “Vô Môn Quan”, vì thế tôi mới có thể mạnh dạn thú nhận là tôi không có giải đáp. Xin độc giả tự căn cứ vào trí tuệ của mình mà tìm đáp án.

Nếu trong số quý vị có người muốn khống cáo Nam Tuyền hòa thượng là ngược đãi động vật, tôi khuyên độc giả ấy hãy giữ im lặng thì tốt hơn. Bởi vì bản ý của Nam Tuyền là muốn cứu con mèo, thật sự, để cho con mèo bị giết chính là những người đã đặt Nam Tuyền hòa thượng vào tình thế khó xử!”

Hy vọng những lời chia xẻ nêu trên của chúng tôi giúp đạo hữu hiểu thêm về lý do không thể giải thích Thiền Công án. Nếu đạo hữu muốn biết thêm về Thiền Công án nói riêng và Thiền Tổ Sư nói chung, đạo hữu có thể truy cập thư mục Tổ Sư Thiền trong Thư Viện Hoa Sen.

Chúc đạo hữu thân tâm thường an lạc

QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VỀ PHÁ THAI

Bạn tôi là Phật tử và đã trót lỡ lầm mang thai với người yêu. Sau khi sự việc xảy ra, người yêu của bạn ấy đã chối bỏ trách nhiệm, còn gia đình thì giận dữ xua đuổi. Quá đau khổ và không biết chia sẻ cùng ai nên bạn ấy đã quyết định trút bỏ giọt máu của mình (thai nhi đã trên 1 tháng tuổi). Giờ đây, bạn ấy rất đau khổ, bị dằn vặt về việc làm của mình, bạn ấy mong muốn được sám hối. Xin quý Báo cho biết quan điểm của Phật giáo về tội lỗi phá thai và chỉ cho bạn ấy phương cách sám hối cùng những lời sẻ chia.

Vấn đề một bộ phận không nhỏ nam nữ yêu đương và có quan hệ trước hôn nhân, hiện không còn xa lạ với mọi người trong xã hội ngày nay, nhất là với giới trẻ. Theo các thống kê cho biết, số lượng các ca nạo phá thai ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn là có không ít ca ở tuổi vị thành niên đã để lại nhiều hậu quả khôn lường về sức khỏe, tâm lý, học tập… cho người nạo phá thai.

Bạn ấy có thai trước hôn nhân là một lỡ lầm. Khi bị người yêu bội bạc và gia đình thiếu cảm thông cùng hoàn cảnh khách quan tác động khiến bạn ấy quyết định phá thai lại càng lỗi lầm hơn. Đành rằng bạn ấy thật đáng thương hơn đáng trách nhưng để trị liệu và chữa lành vết thương trong thân thể và tâm hồn bạn ấy quả chẳng dễ dàng.

Quan điểm của Phật giáo về vấn đề nạo phá thai, trước hết, đạo Phật là đạo từ bi, luôn tôn trọng sự sống và bảo vệ sinh mạng của mọi loài. Đạo Phật không phản đối các biện pháp hạn chế sinh đẻ bằng cách ngừa thai nhưng không ủng hộ việc phá thai. Bởi lẽ bào thai là một mầm sống, là sinh mạng, do đó cần được bảo vệ. Phật giáo quan niệm sự sống hay sinh mạng có mặt khi mới bắt đầu thụ thai.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, khi trả lời về vấn đề này cho các nhà khoa học phương Tây đã khẳng định:“Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người” (Beyond Dogma, HH the Dalai Lama. Rupa & Co., 1996. tr.11).

Theo giáo lý đạo Phật, hành vi phạm giới sát sanh phải hội đủ năm điều kiện, đó là: Một chúng sanh/ Ý thức hay biết đó là một chúng sanh/ Có ý định giết hại/ Tìm mọi cách để giết/ Kết quả là chúng sanh ấy bị chết. Cứ theo những điều kiện trên thì một bà mẹ (Phật tử) đi phá thai là phạm giới, mắc tội lỗi rất lớn.

Vì thế, một người sau khi phá thai xong, bị đau khổ, lương tâm dằn vặt và mong muốn sám hối là điều dễ hiểu. Dẫu sao thì sự phát tâm sám hối của bạn ấy vẫn là điều tốt, còn hơn là tìm mọi cách để biện minh cho hành động của mình. Sám hối theo Phật giáo là ăn năn với lỗi lầm đã tạo trong quá khứ và nguyện không tái phạm lỗi ấy ở tương lai. Sai lầm sống buông thả theo dục vọng khi chưa cưới hỏi hay không sử dụng các biện pháp ngừa thai đã khiến bạn ấy chịu nhiều khổ đau. Và giờ đây bạn ấy đã ăn năn, hối hận thật nhiều về sự nông nổi, bất cẩn và lối sống buông thả của mình. Sau khi đã ăn năn, quan trọng hơn là nguyện không tái phạm lại việc ấy. Đó là cách sám hối thiết thực nhất.

Ngoài ra, người Phật tử với bất cứ lỗi lầm nào, ngoài ăn năn và nguyện không tái phạm cần tác pháp sám hối theo các nghi thức lễ sám thông thường như lễ lạy Hồng danh Phật, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền cho đến khi tâm lắng đọng, thanh thản, nhẹ nhàng…

Đạo lý của dân tộc Việt là cố gắng giữ gìn sự trinh nguyên cho đến ngày cưới. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay phần lớn có xu hướng “hiện đại” và “thoáng” hơn trong tình yêu thì điều cực kỳ quan trọng là cần phải tuân thủ các biện pháp an toàn. Nếu được giáo dục tốt về giới tính, tiền hôn nhân và luôn ý thức về an toàn tình dục nói chung thì chắc chắn hậu quả của việc nạo phá thai sẽ được giảm thiểu.

Chúng ta đều biết phá thai là giải pháp bất đắc dĩ, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý và hạnh phúc gia đình về sau. Không ít những trường hợp nạo phá thai đã dẫn đến tử vong, vô sinh; nhiều thiếu nữ sau khi phá thai đã tự tử và nhiều phụ nữ luôn ray rứt, bị trầm cảm, ám ảnh về chuyện phá thai đến suốt đời.

Là Phật tử, chúng ta cần tiết chế dục vọng, nhất là ý thức rất rõ về nhân quả để đề phòng, ngăn ngừa mọi tình huống xấu khi đang còn là nguyên nhân, trước khi xảy ra hậu quả. Nói cách khác, đối với những người đang yêu nhau thì quan trọng là “ngừa bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, thực tập Chánh niệm rất quan trọng trong mọi hành vi của cuộc sống hàng ngày. Chánh niệm là có ý thức về việc mình sắp làm trong phút giây hiện tại, đồng thời cũng thấy được nguyên nhân và hậu quả của hành động đó...

Phật Tử Và Những Phương Thức Làm Ăn Chân Chính

Tôi là Phật tử, thỉnh thoảng có đi nghe pháp. Đa phần những giáo lý tôi được nghe là sự tu tập để giải thoát, rất cao siêu và khó áp dụng trong đời sống tại gia. Tôi thường băn khoăn tự hỏi không biết giáo pháp của Đức Phật có chỉ dạy, hướng dẫn cho hàng Phật tử những vấn đề bình thường trong cuộc sống như những phương thức làm ăn chân chính, sinh lợi mà không mang tội chẳng hạn? Nếu có thì vì sao quý thầy ít đem những điều ấy ra giảng dạy? Mong quý Báo hoan hỷ chia sẻ về vấn đề này. (Nguyễn Kim Phượng - Tân An, Long An; Bình Minh - Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Bạn Nguyễn Kim Phượng và Bình Minh thân mến!

Giáo pháp của Đức Phật vô cùng rộng lớn, như biển cả mênh mông, thích hợp cho mọi căn cơ, bao trùm khắp pháp giới và có lợi ích thiết thực đối với vạn loại hữu tình. Tùy theo trình độ nhận thức, khả năng tu tập của mỗi hội chúng mà Đức Phật tuyên thuyết những pháp thoại tương ứng, thích hợp.

Vì thế, tìm hiểu Kinh tạng Phật giáo, chúng ta dễ dàng nhận thấy: có những bộ kinh thực sự cao siêu, dành cho những bậc Bồ tát nhận thức và thực hành; có những bộ kinh mang nội dung và tư tưởng giải thoát, xuất thế dành cho hàng Phật tử xuất gia; và có rất nhiều kinh văn đề cập đến việc kiện toàn nhân cách, trau giồi đạo đức, xây dựng đời sống xã hội hòa bình, thịnh vượng, văn minh cho hàng Phật tử tại gia.

Và như thế, không chỉ vấn đề “những phương thức làm ăn chân chính” (kinh tế) mà những vấn đề khác như chính trị, xã hội, tư tưởng, quản trị, giáo dục, y học, nông nghiệp v.v… đều được Đức Phật đề cập đến khá nhiều trong kinh điển. Tuy nhiên, Đức Phật là Bậc giác ngộ, giải thoát chứ không phải là một nhà chuyên môn về chính trị, kinh tế, giáo dục hay quản trị… do đó những lời dạy của Ngài về các lĩnh vực này thường có tính khái quát, thiên về đạo đức nhằm xa lìa thủ lợi cá nhân, hướng đến lợi mình và lợi người.

Theo Đức Phật thì một nhà chính trị phải hướng đến mục tiêu là vì dân, vì nước; một nhà kinh tế làm ra lợi nhuận phải san sẻ, mình và mọi người đều được hưởng; một nhà xã hội phải đấu tranh cho quyền bình đẳng, tự do, dân chủ của dân tộc, cộng đồng…

Nói cách khác, Đức Phật luôn dạy hàng Phật tử ý thức trách nhiệm về vị trí và công việc hiện tại của mình để nỗ lực, cống hiến nhằm đem lại lợi ích thiệt thực cho bản thân và xã hội. Đem lại lợi ích cho mình và người, trong hiện tại và tương lai là nhiệm vụ quan trọng mà hàng Phật tử phải đạt được trong các lĩnh vực của đời sống. Và đây chính là con đường thiết lập đạo đức, xả kỷ vị tha, kiện toàn nhân cách Phật tử, những chuẩn mực cần thiết để hàng Phật tử bước lên địa vị tu tập cao hơn, xuất thế gian.

Trở lại vấn đề “những phương thức làm ăn chân chính, sinh lợi mà không mang tội” thực ra là nội dung tu tập quan trọng của Bát chính đạo, chính mạng, vốn được chư Tăng giảng dạy rất phổ biến vì không thể thiếu trong đời sống của hàng Phật tử tại gia.

Chính mạng là làm ăn, kiếm sống, mưu sinh bằng một nghề chính đáng, lương thiện. Những phương thức làm ăn mà lợi mình, hại người hoặc có hại cả hai đều là tà mạng, không phải chính mạng và Đức Phật khuyến cáo hàng Phật tử phải từ bỏ, không được làm. Đơn cử như các hoạt động buôn bán vũ khí, chất độc, ma túy, mại dâm, nấu rượu… là những nghề không chân chính, tà mạng, vì mang đến nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

Và ngay cả trong những nghề nghiệp chân chính, được xã hội tôn trọng nhưng cá nhân chỉ lo thủ lợi, chỉ biết lợi dụng vị trí của mình để làm giàu riêng, phó mặc lợi ích của mọi người thì hành vi đó cũng là gian dối, tổn hại và tà mạng.

Trong hệ thống giáo lý Phật giáo có sự khu biệt về Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Bồ tát thừa nhằm phù hợp với các hội chúng, các nhóm đối tượng có hoàn cảnh, căn cơ, trình độ tu tập khác nhau. Tất nhiên, mỗi hội chúng có một thứ “bệnh” và cần có phương pháp trị liệu riêng. Có thể, các bạn chưa đủ duyên để tham dự và nghe những pháp thoại thuộc về Nhân thừa, tức các phương thức tu học của những người Phật tử tại gia như nghệ thuật sống, ứng xử, thương yêu, hiếu đạo, cách thức tu niệm, làm ăn v.v...

Để khắc phục điều này, các bạn cần đi nghe pháp nhiều hơn nữa và mạnh dạn đề nghị được nghe những đề tài mà mình quan tâm cũng như đặt những câu hỏi về các vấn đề mình ưu tư để được chư vị giảng sư trực tiếp giải đáp. Và nhân đây, chúng tôi thiết nghĩ, chư vị giảng sư khi trình bày pháp thoại cho hàng Phật tử cần lưu tâm hơn đến việc vận dụng giáo pháp vào thực tiễn cuộc sống nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống gia đình, những vấn nạn xã hội để người nghe pháp vượt qua những khó khăn, thiết lập được bình an, vững tin vào Tam bảo.

Giáo pháp của Đức Phật luôn gắn liền với cuộc sống con người, thực tiễn và có tác dụng trị liệu, chuyển hóa ngay trong hiện tại. Vì thế, tất cả các phương diện của đời sống đều có thể ứng dụng Phật pháp để soi sáng, làm cho tốt đẹp hơn lên.

Chúc các bạn tinh tấn!

(TTV Giác Ngộ)

Về giới cấm không được ca hát và xem nghe

Tôi là Phật tử thường tham gia tu tập Bát quan trai. Tôi được biết trong giới luật nhà Phật có giới cấm không được ca hát và xem nghe. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các chùa vẫn thường tổ chức văn nghệ, các Phật tử và chư Tăng cũng hay ca hát đạo ca trong các khóa tu và những dịp lễ. Vậy điều đó có mâu thuẫn không? Nếu không thì nên phát huy vì đạo ca làm cho người nghe nhớ mãi lời Phật dạy. (Hà Xuân Tiến & Nguyễn Chí Thanh, Huế; dthanh...@hcm.fpt.vn)

VỀ GIỚI CẤM KHÔNG ĐƯỢC CA HÁT, 
XEM NGHE CA HÁT & 
KHÔNG SAY ĐẮM TRONG ÂM ĐIỆU 
Ban Biên Tập

Trong nhiều năm qua người ta thấy có một số chùa trong nước cũng như ngoài nước tổ chức các buổi nhạc hội, các cư sĩ Phật tử và đôi khi có cả chư Tăng đàn hát các bài đạo ca trong các dịp lễ lớn và trong các khóa tu. Ngoài ra còn có một vài vị Tăng hát nhạc đời tại một số tụ điểm ngoài phạm vi nhà chùa. Dư luận cũng đã phản ánh khá gay gắt và một vị Hòa thượng lãnh đạo giáo hội đã lên tiếng về vấn đề này.

Nhằm cung cấp thêm thông tin về giới luật Phật liên quan đến giới cấm không được đàn ca hát, xem nghe ca hát, và không say đắm trong âm điệu; chúng tôi tìm đọc kinh sách và được biết trong kinh Nam truyền và trong tạng luật có đề cập rất rõ vấn đề này.

Trước hết phải nói ngay rằng, trong kinh và luật có nói rằng các vị tu sĩ xuất gia và các vị cư sĩ tại gia tự nguyện tập sự xuất gia qua việc thọ Bát Quan Trai giới cần tránh xa việc xem nghe ca hát và tự mình ca hát vì mục đích của người tu hành là giải thoát mọi sự khổ đau của cuộc đời.

Đối với hàng cư sĩ, giới luật không ngăn cấm người cư sĩ xem nghe ca nhạc và tự mình đàn ca hát xướng. Nếu người cư sĩ biết áp dụng âm nhạc như là một phương tiện tốt vào trong các sinh hoạt văn nghệ quần chúng và tu tập, thì việc sử dụng âm nhạc chính là một công cụ truyền thông hữu ích trong việc chuyển tải những tư tưởng đạo Phật vào dân gian. Ngược lại, nếu sử dụng âm nhạc vào mục đích kích động người xem, người nghe bằng âm thanh, ngôn ngữ và vũ điệu gợi lòng tham, sân và si khiến tâm tham, sân, si của họ càng thêm tăng trưởng là một điều Phật ngăn cấm. Những cư sĩ diễn viên không những tự mình đắm say, phóng túng tâm ý, mà còn làm người khác đắm say và phóng dật, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong địa ngục Hý tiếu. Nếu họ lại nghĩ rằng: "Người vũ kịch nào, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến này, sau khi thân hoại mạng chung sẽ phải sanh hoặc là địa ngục hoặc là súc sanh.  [01]

Nếu người cư sĩ tại gia phát tâm tình nguyện tập sự tu như người xuất gia qua việc tham gia các khóa tu xuất gia gieo duyên hay thọ bát quan trai giới trong một ngày một đêm hay lâu hơn thì phải giữ tám giới cấm trong đó có giới cấm thứ sáu là: ” Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem múa hát.” [02]

Đối với hàng Sa Di Sa Di Ni, không xem nghe ca hát là giới thứ 9 trong 10 giới: "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Với chi phần này, ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ". [03]

Đối với hàng Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni

Về giới không xem ca vũ nhạc: Trong chương “Các Tiểu Sự” thuộc tạng Luật, Đức Phật đã dạy: “các tỳ khưu, không nên đi xem vũ, ca, hoặc tấu nhạc; vị nào đi thì phạm tộidukkaṭa (tác ác). (Điều 19)

Về giới khôngsay đắm trong âm điệu: cũng trong tạng Luật dẫn trên, Đức Phật khiển trách và ngăn cấm các tỳ khưu không được ngâm nga các bài kệ, bài pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài.Đức Phật dạy rằng: “Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài: Bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu, luôn cả những kẻ khác cũng bị say đắm trong âm điệu, hàng tại gia phàn nàn, trong khi ra sức thể hiện âm điệu thiền định bị phân tán, điều cuối cùng là dân chúng thực hành theo đường lối sai trái. Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Này các tỳ khưu, không nên ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm tộidukkaṭa (tác ác)..(Điều thứ 20) [04]

Trong pháp hội vườn xoài, được ghi trong Kinh Trường Bộ - Sa Môn Quả, [Điều thứ 45] Đức Phật nhân giảng cho vua nước Magadha về Tỳ-kheo giới hạnh cụ túc, Ngài nói: “Từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, diễn kịch”. [05]

Cũng liên quan đến giới không được đàn ca hát, xem nghe ca hát, và không say đắm trong âm điệu,Kinh Sonadanda [06] thuộc Trường Bộ Kinh hệ Pali, có nêu lên năm đức tánh của một tu sĩ Bà La Môn: (1) Thọ sanh huyết thống 7 đời Bà La Môn. (2) Phúng tụng và trì chú, thông hiểu ba tập Vệ Đà… (3) Đẹp Trai, khả ái, tướng hảo… (4) Đầy đủ giới hạnh (5) Trí tuệ. Khi áp dụng cho hàng tỳ khưu Phật giáo, Đức Phật đã loại bỏ ba đức tánh đầu mà chỉ chấp nhận có 2 đức tánh sau là Giới hạnh và trí tuệ. Ngài không chấp nhận huyết thống, tướng tốt, phúng tụng và trì chú, vì thế, giới luật của Ngài cấm tu sĩ ca hát và nghe ca hát, cấm tụng “ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài”. Trong đạo Phật chỉ có trí tuệ và giới luật mới giúp cho đệ tử của Ngài thật sự giải thoát mọi khổ ách.

Ban Biên Tập

Kinh và Luật dẫn chiếu:

[01] Kinh Tương Ưng Bộ - Chương 8:
http://thuvienhoasen.org/p15a712/2/42-chuong-viii-tuong-ung-thon-truong

[02]Bát Quan Trai Giới:
http://thuvienhoasen.org/p18a2795/bat-quan-trai-gioi
[03] Kinh Tăng Chi Bộ - chương 8 pháp:http://thuvienhoasen.org/p15a1255/2/pham-04-06
[04] Tạng luật – Tiểu phẩm, chương các tiểu sự:http://thuvienhoasen.org/p18a24600/3/5-chuong-cac-tieu-su-khuddakavatthukkhandhaka-
[05] Kinh Trường Bộ - Sa Môn Quả:
http://thuvienhoasen.org/p15a211/2-kinh-sa-mon-qua-samannaphala-sutta
[06] Kinh Trường Bộ - Sonadanda: http://thuvienhoasen.org/a213/4-kinh-sonadanda-chung-duc-sonadanda-sutta

Đạo Phật Với Vấn Đề An Tử

An tử, hay “cái chết êm đềm” được thực hiện bằng “máy tự tử” do bác sĩ Jack Kevorkian, chuyên nghiên cứu bệnh học tại nhiều bệnh viện khác nhau ở California và Michigan, thiết kế năm 1989 dưới tên gọi “mercitron”.

Máy này nhằm giúp những người mắc bệnh nan y không còn cơ hội chạy chữa, chỉ còn sống lại những ngày tháng “chờ chết” trong đau đớn tột cùng được chết theo ý nguyện của họ, một cái chết “nhanh chóng, nhẹ nhàng” hơn là phải sống trong nỗi khổ đau giày vò triền miên.

Sau chín năm thực hiện, Kevorkian đã giúp cho 130 bệnh nhân giã từ cuộc sống bằng “mercitron”. Năm 1998, Jack Kevorkian đã gởi tới hãng truyền hình CBS đoạn băng video quay lại cảnh thực hiện cái chết cho bệnh nhân có tên Thomas Youk, 52 tuổi, bị xơ hóa cơ trên, dưới sự trợ giúp của ông.

Sau đó, đoạn băng này đã được phát trên đài truyền hình ABC News với sự chứng kiến của 16 triệu người Mỹ, và rồi cả thế giới bắt đầu biết đến một “công nghệ” mới trong ngành y học: “công nghệ an tử”! Chính đoạn băng video này đã làm bằng chứng kết án Kevorkian tội “giết người cấp độ hai”, và bị xử 10-25 năm tù.

Hôm 1-6 vừa qua, “bác sĩ tử thần” Jack Kevorkian đã được tạm tha sau tám năm ngồi tù. Trong khoảng thời gian tám năm đó, mặc dù Kevorkian ngồi tù, nhưng việc “trợ giúp cái chết” vẫn được tiếp tục, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong tương lai, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giết người của “mercitron”, mà cả trong cuộc đấu tranh của những người, những tôn giáo ủng hộ hoặc chống đối vấn đề an tử.

Bằng chứng là nhiều tôn giáo, không chỉ tại Mỹ, mà khắp nơi trên thế giới, đã thẳng thừng tuyên bố là họ sẽ dùng mọi cách để ngăn chặn không cho việc an tử trở thành hợp pháp. Trong khi đó, bang Oregon, bang đầu tiên của nước Mỹ, đã thông qua luật cho phép những người mắc bệnh nan y không thể sống quá sáu tháng nữa, được yêu cầu bác sĩ hỗ trợ để được chết nhẹ nhàng. Từ năm 1998 đến 2006, đã có 292 người Oregon chọn cái chết này.

Rõ ràng, vấn đề an tử đã và đang trở thành mối quan tâm của thời đại. Vấn đề trở nên thật “có lý” khi một người phải sống trong cảnh đau đớn triền miên không sao tránh được, họ hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình một cái chết “an lành” hơn là quằn quại trong đau khổ. Quả thật, có những trường hợp, những căn bệnh, những cảnh đời,… chỉ có cái chết mới là sự giải thoát - giải thoát cho chính bản thân mình và cho cả người thân bớt đi gánh nặng, lo âu! Do đó, “mercitron” không chỉ được bệnh nhân chấp nhận mà còn được “tri ân”.

Nhưng cũng không ít người từ chối nó, thậm chí chống đối, bởi vì nó quá “tàn nhẫn” và “phi đạo đức”.

Vậy thì, trước thực trạng đó, đạo Phật vốn nhìn cuộc đời như mộng, như huyễn, xem tử sinh như trò huyễn hóa, hết thảy đều mộng mị, vô thường, vô ngã… đối diện vấn đề an tử như thế nào?

Hồi Phật còn tại thế, khi Ngài đang ngụ tại Tỳ Sá Li (Vaisàli), có một Tỳ kheo bị bệnh nặng, điều trị lâu ngày vẫn không lành. Thầy Tỳ kheo nuôi bệnh nói với Tỳ kheo bị bệnh dai dẳng ấy rằng: “Tôi không thọ trì, đọc tụng kinh điển hay tư duy hành đạo gì được hết. Hàng ngày phải đi đến nhà người ta tìm kiếm những thức ăn, thức uống, thuốc thang phù hợp với người bệnh khiến thiên hạ đều chán ngấy tôi. Tôi không bệnh mà cũng khổ sở chẳng kém”.

Thầy Tỳ kheo bệnh nói: “Thế thì phải làm sao? Tôi cũng chán ngán nỗi đớn đau này, không thể chịu đựng được nữa. Nếu thầy giết tôi thì tốt lắm”.

Tỳ kheo nuôi bệnh nói: “Thầy không nghe Thế Tôn chế giới không được tự tay giết người hay sao?”.

Tỳ kheo bệnh nói: “Nếu vậy thì thầy vì tôi đi gọi giúp người cầm dao đến đây”.

Tỳ kheo nuôi bệnh lại nói: “Thầy không nghe Thế Tôn chế giới không được đi tìm người cầm dao về giết người hay sao”.

Tỳ kheo bệnh nói: “Thế thì thầy bảo phải làm sao?”.

Tỳ kheo nuôi bệnh đáp: “Thầy chỉ cầu được sống không muốn chết, chứ nếu muốn chết thì có thiếu gì cách để chết”. Sau đó, Tỳ kheo bị bệnh vì không cần gì và khát khao gì nữa khi phải chịu đớn đau quằn quại, khổ mình, khổ người, nên đã tự sát (Luật Ma-ha Tăng-kỳ, ĐTK/ĐCTT 22, No 1.425).

Đức Phật biết được sự việc ấy, Ngài cho gọi thầy Tỳ kheo nuôi bệnh đến và quở trách: “Ông không từng nghe Như Lai dùng vô số phương tiện khen ngợi những người sống phạm hạnh, có thân từ ái, miệng từ ái, tâm từ ái, và khuyên cúng dường cung cấp cho họ những thứ cần thiết là gì? Nay vì sao ông lại ca ngợi sự chết? Điều đó là phi pháp, phi luật, không đúng lời Ta dạy, không thể dùng việc này để nuôi lớn thiện pháp”.

Đức Phật quở trách vị Tỳ kheo nuôi bệnh đã tác động vị Tỳ kheo bị bệnh kia tìm đến cái chết (tức gợi ý, khuyên bảo hoặc xúi giục người khác nên tìm đến cái chết hơn là sống trong giày vò khổ đau của bệnh tật, như trường hợp an tử), cũng có nghĩa là Đức Phật không đồng tình việc tìm đến cái chết, dù trong bất cứ trường hợp nào và bằng phương cách gì.

Trong giới luật của Phật giáo, tự mình sát hại, bảo người khác sát hại, khen ngợi hay tán đồng sự sát hại đều phạm trọng tội. Theo đó, người tạo ra cổ máy “mercitron”, những người đồng tình với việc làm này, kể cả bệnh nhân, đều không phù hợp với tinh thần và giới luật Phật giáo.

Đức Phật đã bằng vô số phương tiện để chỉ cho chúng sinh thấy rằng, có được thân người là rất khó, do đó được làm kiếp người là vô cùng quý báu. Hãy thử tưởng tượng, dưới đáy đại dương có một con rùa mù sinh sống. Cứ một ngàn năm nó nổi lên mặt nước một lần để lấy không khí. Lần nọ, khi nó vừa nổi lên thì đầu của nó chui lọt vào trong một bộng cây đang dật dờ trôi trên mặt biển! Một sự việc vô cùng hiếm có, nhưng được làm thân người, theo Phật giáo, còn hiếm có hơn vậy nữa.

Thân người khó được như thế nhưng lại dễ mất, bởi sự chi phối mạnh mẽ của định luật vô thường, và một khi mất rồi thì khó có được trở lại. Vì vậy, mạng sống của con người thật quý giá biết bao. Đặc biệt, chỉ có làm kiếp người, trong tấm thân thể hình hài này, dù xấu hay đẹp, dù sang hay hèn, dù mạnh khỏe hay ốm đau… nó cũng là phương tiện hay công cụ duy nhất làm thuyền bè đưa ta vượt thoát biển khổ đau sinh tử luân hồi.

Trong các loài chúng sinh, chỉ duy nhất chúng sinh làm người mới có đầy đủ điều kiện tu tập pháp giải thoát. Kinh điển ghi lại vô số những pháp thoại của Đức Phật cảnh tỉnh chúng ta hãy ý thức về sự vô thường của cuộc đời để nỗ lực tu tập giải thoát không để mất cơ hội là vậy.

Hơn nữa, với giáo pháp của Phật, nếu chúng ta thật lòng tu học, chắc chắn thành tựu đạo quả, không những chỉ thoát khỏi kiếp sống khổ đau hiện tại này, mà vĩnh viễn xa lìa các nẻo khổ đau trong ba cõi, đời đời sống an vui, giải thoát, dù thời gian tu học chỉ còn lại một ngày, thậm chí chỉ còn một hơi thở.

Đức Phật khẳng định: “Nay Ta nói cho các ông biết, trong hàng Thanh văn của Ta, có người tâm ngay thẳng, không siểm trá, không huyễn ngụy; Ta đã giáo hóa người này mười năm. Do nhân duyên này, người ấy có thể trong vòng trăm, ngàn, vạn năm chỉ một mực hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định. Điều này chắc chắn là có.

Lại nữa, thôi, không tính mười năm, mà chín năm, tám năm, cho đến một năm, mười tháng, chín tháng, cho đến một tháng; mười ngày, chín ngày, cho đến một ngày một đêm, nếu đã được Ta giáo hóa, thì đến sáng hôm sau họ có thể tiến bộ vượt bực. Sáng sớm đã được giáo hóa thì đến chiều tối, có thể tiến bộ gấp bội. Vì nhân duyên này, nên trong vòng trăm, ngàn, vạn năm chỉ một mực hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định, thành tựu hai quả. Hoặc quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm” (Kinh Tạp A Hàm).

Như vậy, bằng kiếp sống này, chúng ta có thể đạt được giải thoát trong vòng hai mươi bốn giờ tu học. Vậy tại sao chúng ta không tạo mọi điều kiện cho bản thân mình, cho người thân của mình được an vui mãi mãi mà chỉ tìm đến an tử?

Chúng ta chỉ nhìn thấy được những nỗi khổ đau của kiếp người do thiếu cơm, thiếu áo, thiếu tiền, hay bệnh tật ốm đau… mà không thấy được nỗi khổ đau lớn nhất của đời người là bị nhận chìm trong dòng thác huyễn mộng của cuộc đời, trôi lăn theo sáu nẻo luân hồi, tử sinh vô tận. Một khi chưa vượt thoát được dòng thác hư huyễn ấy thì sự tìm đến cái chết vì nỗi khổ đau bệnh tật hiện tại nào có ích chi, nếu không muốn nói đó là cách mở cửa đi vào địa ngục. Vì thế, nhiệm vụ của người Phật tử khi đối diện với cận kề cái chết, hãy thực hành như lời Phật dạy:

“Nếu mình là một Phật tử trí tuệ, muốn đến chỗ một Phật tử trí tuệ khác đang bị tật bệnh khốn khổ, thì đem ba pháp an tâm này mà truyền dạy cho họ; nói rằng: ‘Này bạn! Hãy thành tựu lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật, đối với Pháp, Tăng’.

“Sau khi đem ba pháp an tâm này truyền dạy xong, lại nên hỏi rằng: ‘Bạn có quyến luyến cha mẹ không?’ Nếu người kia có quyến luyến cha mẹ, thì nên dạy buông xả và nên nói rằng: ‘Nếu bạn quyến luyến cha mẹ mà được sống, thì đáng quyến luyến. Đã không do quyến luyến mà được sống, thì quyến luyến làm gì?’

Nếu người kia nói không có quyến luyến cha mẹ thì nên tùy hỷ khuyến thiện và hỏi thêm rằng: ‘Đối với vợ con, nô bộc, tiền của cùng mọi vật bạn có quyến luyến không?’ Nếu nói quyến luyến thì nên khuyên buông xả, như pháp xả sự quyến luyến cha mẹ. Nếu nói không quyến luyến, thì tùy hỷ khuyến thiện và hỏi nữa: ‘Đối với ngũ dục thế gian bạn có luyến tiếc không?’ Nếu họ nói luyến tiếc, thì nên giải thích là ngũ dục thế gian là chỗ xấu xa, bất tịnh, bại hoại, hôi hám, không giống như ngũ dục thắng diệu cõi trời. Hãy khuyên kia lìa bỏ ngũ dục thế gian và quyết mong ngũ dục cõi trời.

Nếu người kia nói tâm đã xa lìa ngũ dục thế gian và trước đã nghĩ đến dục thắng diệu cõi trời, thì tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với họ rằng: ‘Ngũ dục thắng diệu cõi trời, là pháp vô thường, khổ, không, biến hoại. Chư Thiên cõi trời có thân tướng thù thắng hơn ngũ dục cõi trời’.

Nếu kia nói đã bỏ nghĩ đến dục cõi trời và chỉ nghĩ đến thân tướng hơn ngũ dục, thì cũng tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với rằng: ‘Dục của hữu thân cũng lại là pháp vô thường, biến hoại, chỉ có sự an lạc của xuất ly, là Niết-bàn với sự diệt tận của các hành. Nhân giả nên lìa bỏ sự mê luyến nơi hữu thân, mà nên vui cái vui Niết-bàn vắng lặng, tối thượng, thù thắng” (Kinh Tạp A Hàm).

Đó là cách thăm bệnh và nuôi bệnh của người Phật tử. Một cách tổng quát, khi có một người không may mang bệnh nan y, chúng ta phải tìm mọi cách để “khai thị” cho người đó thấy được bản chất không thật, hư dối, tạm bợ của cuộc đời như trăng nơi đáy nước, bóng mình trong gương, như ánh lửa khí nhiệt bốc, như tiếng vọng của lời gọi, như mây nổi trong bầu trời, như đám bọt nước… và khuyên họ hãy buông xả tất cả mọi tâm niệm chấp thủ cái tôi, của tôi; hướng họ về cảnh giới an lành của Tịnh độ A Di Đà, khuyên họ phát nguyện vãng sinh về đó bằng cách niệm hay phát khởi ý tưởng về Phật A Di Đà và cõi giới của Ngài, thì không cần cổ máy “mercitrin”, người mang bệnh nan y dù mấy, nếu thật sự không qua khỏi, cũng nhẹ nhàng ra đi.

Tóm lại, đạo Phật không đồng tình với việc sử dụng hệ thống “mercitron”, cũng không níu kéo sự sống trong trạng thái nằm chờ chết, mà bằng mọi cách, mọi phương pháp làm cho bệnh nhân được “giác ngộ” trước khi chết. Và điều này có được áp dụng hay không còn tùy thuộc vào quá trình nhận thức và khả năng “giác ngộ” của nhân loại về vấn đề sống chết, cũng như về đạo Phật.

Cúng Dường Tam Bảo

Hỏi: Nhân cúng chay tuần thất ông tôi, bà tôi bảo chúng tôi phải tới chùa làm lễ “Cúng dường Tam Bảo”. Chúng tôi chưa được hiểu rõ về lễ này, xin quí Ban Biên Tập giải thích giúp.

Đáp: Trong cuốn Bước Đầu Học Phật, hòa thượng Thích Thanh Từ giảng về đề tài Cúng DườngTam Bảo như sau:

...”... Cúng dường là nuôi dưỡng khiến Tam Bảo hằng còn ở đời. Tất cả những sự bảo bọc giúp đỡ gìn giữ để Tam Bảo thường còn, đều gọi là cúng dường.

Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật đã quá khứ, chỉ còn lại hình tượng.

Pháp bắt nguồn từ chữ Phạn đến chữ Hán còn nằm sẵn trong kho tàng nhà chùa.

Tăng là những tu sĩ tu theo Phật học chánh pháp. Chính những vị này có bổn phận gìn giữ hình tượng Phật còn, phiên dịch giảng giải chánh pháp.

Tam Bảo đều quí kính, song hệ trọng nhất là Tăng. Nếu không có Tăng thì ai gìn giữ chùa chiền, ai giảng dạy chánh pháp? Thế nên, cúng dường Tam Bảo là nói chung, mà hệ trọng là Tăng. Tăng chúng còn là Tam Bảo còn, Tăng chúng mất thì Tam Bảo cũng vắng bóng. Vì thế mọi sự cúng dường đều đặt nặng vào Tăng, với mục đích Tam Bảo tồn tại ở nhân gian.

Thế mà có những người cúng dường một cách lệch lạc mất hết ý nghĩa cúng dường. Như có một Phật tử đi chùa đến thầy Trụ trì xin cúng năm đồng, liền đó được nghe hỏi "cầu cái gì", Phật tử ngơ ngác. Thầy Trụ trì hỏi thêm "cầu an hay cầu siêu", Phật tử bóp đầu suy nghĩ đáp "cầu siêu", rồi biên một dọc tên vào sổ cầu siêu. Phật tử này như thế, Phật tử khác cũng thế. Đã thành thông lệ, cúng chùa là phải cầu siêu hay cầu an. Cầu an cầu siêu cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho thân thuộc mình, sự cúng ấy quả là vì mình. Vì mình mà đi chùa, vì mình mà cúng chùa, đích thực là tham lam ích kỷ. Nếu mang một tâm niệm tham lam ích kỷ đến với đạo thì chưa xứng đáng một Phật tử. Cái hư dở này tại ai? Chính tại người hướng dẫn đã chỉ lối sai lạc.

Đến phần ông thầy, do Phật tử cầu siêu cầu an nên có tiền. Đồng tiền này sau một thời kinh cầu nguyện xong, ông tự coi như trọn quyền sử dụng không có tánh cách e dè sợ sệt gì cả. Nếu một buổi lễ cầu nguyện được Phật tử cúng nhiều tiền, thế là ông mặc tình phung phí, vì tự cho do công tụng cúng của mình mà được. Thế thì đời tu hành cốt vì giác ngộ giải thoát, vô tình trở thành người tụng kinh mướn. Người tu cốt xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, biến thành kẻ thụ hưởng. Trái với mục đích xuất gia, trở thành kẻ hư hèn, chính vì nhận đồng tiền phi pháp. Cầu nguyện là một điều phụ thuộc nhỏ nhít trong Phật pháp, vì nó không phải là chân lý. Thế mà, người ta thổi phồng nó lên, để rồi cả đời người tu gần như hết tám chục phần trăm Phật sự đều nằm trong những lễ cầu nguyện. Truyền bá một điều không phải chân lý, ắt hẳn chánh pháp phải chịu suy đồi. Người có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử mà một bề cổ xúy cho sự cầu cúng, là đưa họ vào rừng sâu mê tín, gây thêm lòng tham lam ích kỷ cho họ. Quả là kẻ tạo thêm tội lỗi, chớ không phải người tu hành.

Người Phật tử chân chánh khi phát tâm cúng dường Tam Bảo, chỉ vì mong cho Tam Bảo thường còn ở thế gian để đưa chúng sanh ra khỏi đau khổ mê lầm. Nếu đến chùa, Phật tử cúng năm mười đồng, Tăng, Ni có hỏi cầu điều gì, Phật tử nên thưa: "Chúng tôi chỉ cầu mong chư Tăng, chư Ni nhận món tịnh tài này để có phương tiện an ổn tu hành, hầu truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sanh."

Chỉ vì Tam Bảo, vì chúng sanh mà cúng dường, đây là tâm hồn cao thượng quảng đại vị tha. Làm việc bố thí cúng dường cao đẹp như vậy công đức làm sao giới hạn đuợc. Vì Tam Bảo thường còn ở thế gian để làm lợi ích cho chúng sanh, trong chúng sanh đã có bản thân mình và thân quyến mình rồi. Quên mình chỉ nghĩ đến toàn thể chúng sanh, không phải lòng lợi tha vô bờ bến là gì? Với một lòng vị tha rộng lớn như vậy, dù một số tiền nhỏ, một vật dụng mọn đem cúng dường cũng là phước đức vô biên.

Tăng, Ni nhận sự cúng dường chân chánh của Phật tử, tự nhiên thấy mình có một trọng trách lớn lao vô cùng. Làm sao tu hành tinh tiến? Làm sao truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sanh? Để xứng đáng thọ nhận những thứ cúng dường của Phật tử, chỉ cần nỗ lực tu hành, cố gắng học tập để hiện tại và vị lai làm lợi ích chúng sanh. Nếu hiện đời, Tăng, Ni, không làm tròn hai việc này, có thể mai kia phải mang lông đội sừng để trả nợ tín thí. Biết như thế, hiểu như thế, Tăng, Ni làm sao dám lơi lỏng trong việc tu hành học tập. Thế là, nhờ sự cúng dường chân chánh của Phật tử thúc đẩy Tăng, Ni đã cố gắng càng cố gắng hơn trong nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của chính mình. Thấy mình thiếu nợ, mới cố gắng lo đền trả bằng cách nỗ lực tu hành và độ sanh, đây là mục tiêu đức Phật bắt Tăng, Ni thọ nhận đồ cúng dường của Phật tử. Tăng, Ni là người có bổn phận hướng dẫn tín đồ cúng dường chân chánh đúng pháp thì cả thầy trò đều cao thượng và lợi ích lớn.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa chúng ta hoàn toàn phủ nhận sự cầu nguyện. Chúng ta thấy rõ cầu nguyện chỉ là trợ duyên nhỏ xíu, kẻ đối tượng cầu nguyện chỉ được lợi ích một hai phần mười, như trong kinh nói. Chúng ta đã thừa nhận "nhân quả nghiệp báo" là chân lý thì sự cầu nguyện là ngoại lệ, có kết quả cũng tí xíu thôi. Cổ vũ cho điều phi chân lý, để cho người xao lãng chân lý, là việc làm trái với chánh pháp. Vì lòng hiếu thảo của Phật tử, buộc lòng chúng ta phải cầu nguyện, khi cầu nguyện chúng ta phải cảnh cáo rằng: "Việc làm này là phụ thuộc không đáng kể, kết quả ít lắm." Có thế mới khỏi lệch lạc trên con đường hoằng hóa lợi ích chúng sanh. Đã thấy cầu nguyện là việc phụ, chúng ta đừng vì nó làm mất thì giờ tu học của Tăng, Ni, làm mất thì giờ truyền bá chánh pháp.

Chúng ta tu theo đạo Phật là đi trên con đường sáng, ánh sáng giác ngộ đến đâu thì bóng đêm mê lầm tan đến đấy. Mê tín là bóng đêm, giác ngộ là ngọn đèn sáng. Bóng đêm và ánh sáng hai cái không thể có đồng thời. Nếu sáng thì không tối, hoặc tối thì không sáng. Có giác ngộ là không có mê tín, có mê tín thì không có giác ngộ. Nếu chứa chấp mê tín là chúng ta đã phản bội với đạo giác ngộ. Trong đạo giác ngộ quả thật không có mê tín. Học đạo và truyền đạo giác ngộ, chúng ta cương quyết dẹp hết bóng đêm mê tín. Có được như vậy mới gọi là người trung thực với chánh pháp.

Bằng ấp ủ nuôi dưỡng chứa chấp mê tín, dù kẻ ấy mỗi ngày cúng Phật trăm lần vẫn là kẻ phá hoại chánh pháp. Thà là chúng ta cam chịu chết đói, quyết không vì lợi dưỡng mà làm những điều mê tín, dẫn dắt người đi trên đường mê tín. Đã thừa nhận mình là Phật tử, quyết định không vì lòng tham để bị một số người lợi dụng dẫn đi con đường mê tín...”...

Tăng Ni Và Phật Tử Tại Gia Có Được Kinh Doanh Làm Giầu Không?

Trong Tuần Văn hóa Phật giáo được tổ chức, từ ngày 1-3 đến 7-3-2008, tại Huế doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo (Tổng Giám đốc Công ty TTNT) đã nhắn nhủ tăng ni, Phật tử không nên e dè và ngần ngại khi làm giàu, bởi danh xưng Phật tử đã là một “thương hiệu” đáng tin cậy của các đối tác kinh doanh. Xin ban biên tập TVHS cho chúng tôi biết quan niệm của nhà Phật với vấn đề kinh doanh như thế nào?

Trước hết chúng tôi minh định danh xưng Phật tử: Phật tử nói chung là hai thành phần đệ tử của Đức Phật: Xuất gia và Tại gia. Đệ Tử Xuất gia, giữ 10 giới gọi là Sa Di, giữ 250 giới gọi là Tỳ khưu. Nữ tu sĩ giữ 348 giới gọi là Tỳ Khưu Ni.

Hàng xuất gia là những người tự nguyện từ bỏ nếp sống gia đình, sống đời sống độc thân thanh đạm, không tài sản, thành phần này được gọi là giới tu sĩ, nói thông thường là quý Tăng Ni có nhiệm vụ tu học để giải thoát cho mình và cho chúng sinh khỏi vòng khổ đau, sinh tử luân hồi.

Hàng tại gia hay còn gọi là Cư Sĩ, giữ 5 giới, có gia đình và bổn phận đối với cộng đồng xã hội, có nhiệm vụ hộ pháp, cung cấp các nhu cầu, vật thực cho hàng xuất gia. Trong bài dưới đây chúng tôi giới hạn câu trả lời đối với hàng Cư sĩ Phật tử:

CƯ SĨ
VỚI VẤN ĐỀ KINH DOANH LÀM GIẦU

Đạo Phật chủ trương thiểu dục tri túc , không đặt nặng vấn đề của cải vật chất. Nhưng nhu cầu vật chất lại là một trong những mục đích đấu tranh của con người sống trong xã hội ngày nay, nhất là trong thế giới tư bản, trong cơ chế thị trường.

Một trong những mâu thuẫn căn bản của thời đại mới là hễ đáp ứng được nhu cầu vật chất này lại nảy sanh ra nhu cầu vật chất mới khác và lúc nào cũng phải đầu tắt mặt tối với việc làm giầu nhằm thỏa mãn những nhu cầu đó. Trong một môi trường như vậy, người cư sĩ sẽ có một vị trí như thế nào và phải ứng xử làm sao?

Trước khi đi vào chủ đề chính, thiết tưởng cũng cần phải xác định giới hạn cũng như đối tượng của vấn đề. Đạo Phật trên danh nghĩa thiết yếu là đạo giác ngộ, giải thoát con người ra khỏi khổ đau, đem lại một đời sống hạnh phúc, an lạc cho mọi người và nếu muốn con người có thể tiến xa hơn là gỉai thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Mục tiêu tối hậu là giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nhưng giáo lý nhà Phật đã chia con đường lớn ra thành từng con đường nhỏ hay từng giai đoạn để mọi người, tùy theo hoàn cảnh, cơ duyên, đều có thể tự mình đạt được từng bước giải thoát trong đời sống hằng ngày.

Nhà Phật theo con đường trung đạo. Mỗi Phật tử đều có thể áp dụng giáo lý nhà Phật vào một hoặc cả hai giai đoạn tu tập, giai đoạn thứ nhất là ứng dụng giáo lý vào đời sống hàng ngày như là không làm các điều ác, làm các điều lành, giữ năm giới cấm và mười điều thiện nhằm mục đích đem lại niềm hạnh phúc, an lạc và giải thoát cho chính mình, cho gia đình và cho xã hội và giai đoạn thứ hai là dốc toàn tâm, toàn lực tu tập để giác ngộ giải thoát triệt để. Giai đọan này dành cho những người có ước muốn giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, thì phải nỗ lực giữ nhiều giới cấm hơn và tự thanh tịnh hóa tâm ý, chấm dứt dòng suy nghĩ miên man che mờ Chân Tâm, để Chân Tâm được hiển lộ. Những người đi theo giai đoạn thứ hai này thường là những người tự nguyện từ bỏ nếp sống gia đình, sống đời sống độc thân thanh đạm, không tài sản, thành phần này được gọi là giới tu sĩ.

Ngoài hàng tu sĩ xuất gia còn có hàng cư sĩ tu tại nhà, thành phần này chiếm đại đa số, là thành phần căn bản của gia đình, xã hội và là nền tảng của đạo Phật. Do vì người Cư sĩ có vợ chồng con cái, nên việc tu hành thường chỉ giới hạn ở giai đoạn thứ nhất, cốt yếu đạt được đời sống ấm no, hạnh phúc, an lành cho bản thân, gia đình và giúp ổn định cho cộng đồng xã hội. Cho nên ước muốn trở nên người giàu có và có địa vị trong xã hội, nhằm xoá tan hay làm vơi đi nỗi khổ đau do đời sống vật chất thiếu thốn đem lại, để từ đó thiết lập một đời sống tâm linh an lạc, là một tâm lý thường tình.

Theo các nhà xã hội học, nhu cầu căn bản của con người cần phải có để tồn tại là ăn, uống, ngủ nghỉ, sự an ninh và sự quan tâm của người khác. Đây là nhu cầu thiết yếu nhằm duy trì sự tồn tại của con người, nên Phật giáo thừa nhận nhu cầu căn bản này. Phật giáo cho rằng chỉ khi nào nhu cầu căn bản này được đáp ứng thì con người mới có thể tu tập và tiến cao hơn trong thế giới tâm linh được.

Ngoài nhu cầu căn bản ra, con người còn có một ham muốn khác đó là tham dục. Tham dục có thể là hiện tượng báo trước của tội ác vì nó vượt quá nhu cầu căn bản của con người, là ham muốn quá mức nên không thể đạt được trọn vẹn. Vì để thoả mãn lòng tham dục, nên con người đã bất chấp mọi hành vi thủ đoạn, nhằm đạt được lòng tham dục của mình, nhưng lòng tham dục lại không bờ bến. Tệ nạn tham nhũng và tội ác xã hội một mặt đến từ đói khổ, mặt khác cũng xuất phát từ lòng tham dục của con người. Do vậy Phật giáo không chấp nhận cả hai thứ đói nghèo và tham dục.

Thời Phật tại thế Ngài rất chú trọng đến đời sống gia đình, quan hệ vợ chồng cùng việc nuôi dạy con cái. Có nhiều kinh điển đề cập đến việc kết hôn, mang thai, sanh con và cuộc sống gia đình... Sự kiện này cho thấy Phật Giáo không nằm ngoài thế gian, không cách ly với thế gian. Ngay cả việc làm giầu chân chính đạo Phật cũng không chống lại, có thể nói như vậy là vì Phật giáo chống lại cái nghèo, từ cái nghèo vật chất đến cái nghèo tinh thần. Đức Phật đã từng cho rằng nghèo khổ là một tai ương.

Có lần Đức Phật hỏi các đệ tử “Đối với người đời, nghèo đói có phải là tai ương không?” Đệ tử đáp: “thưa phải”. Phật lại hỏi “Đã nghèo còn mang thêm nợ thì có phải là tai ương không?”. Đệ tử đáp “Thưa phải”.Phật lại hỏi: “người đang mắc nợ lại vay thêm nợ nữa thì có phải là tai ương không?” Đệ tử đáp: “Thưa phải”.Phật nói: “Đến lúc đó chủ nợ đến đòi nợ, người ấy không trả nổi bị chủ nợ làm nhục thế có phải là tai ương không?”. Đệ tử đáp: “thưa phải”.

Cho nên, đối với Phật giáo, có đầy đủ những nhu cầu tối thiểu về vật chất cho đời sống hàng ngày là một điều cần thiết hơn là nhu cầu tâm linh. Ngày xưa, có một người nông dân bị mất bò đi tìm suốt ngày vẫn không thấy, khi đi ngang nơi Phật đang thuyết pháp và muốn được nghe pháp, Phật biết anh ấy suốt ngày chưa được ăn uống gì nên Ngài gọi đệ tử đem cơm canh cho anh ấy ăn trước rồi sau mới nghe pháp. Điều này chứng minh rằng Đức Phật biết rất rõ, khi con người đang bị đói khát thì không thể nói đến vấn đề tâm linh được.

Không những thế sự nghèo khổ luôn gắn liền với tệ nạn xã hội và tội phạm. Trong kinh Chuyển luân thánh vương Sư tử hống và kinh Cứu-la-đàn-đầu thuộc Kinh Trường Bộ, có ghi rằng nghèo khổ do thiếu thốn về vật chất và do thiếu thốn về vật chất nên phát sinh ra tệ nạn xã hội như trộm cắp, giết người, làm mất sự ổn định xã hội. Đức Phật khuyên nếu muốn cho con người từ bỏ cái ác tính phạm tội, các tổ chức cộng đồng xã hội cần phải giúp dân chúng cải thiện tình trạng kinh tế gia đình, như giúp hạt giống và nông cụ cần thiết cho người làm ruộng, cho các nhà buôn vay tiền không lãi làm vốn, trả tiền công thích đáng cho các công nhân làm việc. Việc trị tội bằng hình phạt như ở tù hay tử hình các tội phạm đều không mang lại kết quả tốt.

Do đó, Đức Phật thường khuyên nhủ hàng cư sĩ nên cố gắng làm việc bằng chính công sức của mình để cải thiện tình trạng kinh tế gia đình, làm cho gia đình sung túc, giầu có của cải. Điều ấy không có nghĩa là Đức Phật chấp nhận cho mọi người tích trữ của cải với lòng tham dục, vì đó là trái với giáo lý căn bản của Ngài. Ngài cũng không tán đồng bất cứ phương tiện làm ăn sinh sống nào. Có vài nghề sản xuất và mua bán khí giới có tính cách tàn hoại sự sống bị Ngài cấm chỉ, xem như là những phương tiện sinh sống không chân chính.

Ngoài ra, Ngài cũng nói tới bốn điều hạnh phúc hay bốn niềm vui của người học Phật tại gia: (1) Được thụ hưởng một nền kinh tế vững chắc hay một tài sản dồi dào do tự mình tạo ra một cách công minh và hợp pháp, (2) Được tự do chi tiêu cho mình, cho gia đình, cho thân bằng quyến thuộc của mình và cho những việc làm phước thiện, (3) Không có nợ nần, và (4) Sống một cuộc đời ngay thẳng, trong sạch, không tạo các việc ác bằng tư tưởng, lời nói và hành động .

Để đạt được bốn niềm vui hạnh phúc này Ngài đã chỉ dạy bốn điều kiện cho người cư sĩ tu tại nhà là: (1) chăm chỉ, cố gắng đạt tới một nghề nghiệp tinh chuyên, (2) phải bảo vệ tài sản kiếm được một cách chính đáng bằng mồ hôi, nước mắt, (3) kết bạn với những người đạo đức, học rộng biết nhiều, thông minh và phóng khoáng, để giúp mình tiến bộ trên con đường học chính đạo, xa lánh ác nghiệp và (4) tiêu tiền trong khả năng có và dành một phần cho những việc từ thiện xã hội, không hà tiện mà cũng không hoang phí .

Kế đó Ngài nêu ra bốn đức tính cần có để đem lại hạnh phúc đích thực cho tương lai của con người: (1) phải có lòng tin vững chắc vào những giá trị đạo đức, tinh thần và trí tuệ, (2) không sát sanh, không trộm cắp, không lường gạt, không tà dâm, không nói dối và không uống các chất say, (3) thực hành hạnh bố thí, mở lòng quảng đại và không tham luyến, và (4) phát triển trí tuệ để tận diệt nguồn gốc của sự khổ hầu tiến đến đạo quả Niết Bàn .

Như vậy chúng ta thấy rằng giáo lý của Đức Phật nhắm vào đơn vị nền tảng của xã hội là gia đình để tạo ra sự ổn định kinh tế và từ đó đưa đến sự ổn định cộng đồng xã hội và phát triển kinh tế quốc gia mang lại ấm no hạnh phúc cho dân chúng. Vì thế, một người cư sĩ Phật giáo chân chính vẫn có thể làm giầu trong cương vị một nhà buôn bán nhỏ, một nhà thương mại hạng trung hay một nhà kinh doanh lớn nếu chúng ta biết ứng dụng những lời dạy của Đức Phật nói trên vào công việc kinh doanh, từ việc sáng tạo sản phẩm đến việc đưa sản phẩm tới người tiêu dùng đều với mục đích trong sáng, không xuất phát chỉ vì lòng tham dục cho riêng cá nhân mình mà phải vì người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội và môi trường sống chung quanh. Không gian tham, không đầu cơ tích trữ hàng hóa, không bóc lột nhân công, không tranh đoạt sự sống của kẻ khác và không cạnh tranh thương mại bất chính là những điều cần thiết cho người cư sĩ Phật giáo chân chính trên thương trường. Có được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ có một thứ hạnh phúc tinh thần lớn lao mà không một thứ hạnh phúc nào có thể so sánh được vì chúng ta đem lại phúc lợi cho số đông, cho cộng đồng xã hội và cho dân tộc đất nước.

Về Pháp Môn Quan Âm Của "Vô Thượng Sư" Thanh Hải

HỎI: Gia đình tôi theo Phật đã lâu. Sau khi tôi xuất gia thì cả gia đình mà nhất là mẹ tôi càng tu tập tinh tấn hơn. Mẹ tôi chọn pháp môn trì chú Đại bi, tụng kinh và lạy Phật rất siêng năng khiến tôi vô cùng hoan hỷ. Thế nhưng thời gian sau, tình cờ tôi về nhà thấy cuốn “Thanh Hải vô thượng sư” ở bàn kinh. Tôi hỏi thì mẹ lãng tránh chỉ trả lời qua quýt rằng đọc cho biết. Nhưng người chị cho hay là mẹ đã không trì chú, tụng kinh và lạy Phật như trước nữa mà ngồi thiền theo pháp môn Quán Âm của bà Thanh Hải. Xin Tổ Tư vấn cho biết khái lược về đạo của bà "Thanh Hải vô thượng sư” này, đồng thời chỉ cho tôi biết nên làm cách nào để đưa mẹ trở về với Chánh pháp. (T.N, chùa Long Nguyên, Tôn Đản, Q.4, TP.HCM)

ĐÁP: Bạn T.N thân mến!

Hiện tượng một số Phật tửxu hướng theo pháp môn của “vô thượng sư” Thanh Hải đã lắng xuống trong những năm gần đây nhờ nỗ lực biện chính, xiển dương Chánh pháp của chư tôn đức và những cư sĩtín tâm. Tuy nhiên, vẫn còn một số Phật tử bị khuyến dụ theo pháp môn này, nhất là những người quá ham tu mà nhận thức về Phật pháp còn sơ sài, yếu kém. Đây cũng là điều mà hàng Phật tửchúng ta phải hết sứclưu ý và cảnh giác trước những giáo phái mượn danh nghĩa Phật, Bồ tát (như pháp môn Quán Âm của bà Thanh Hải chẳng hạn) nhưng không phải Chánh pháp của Như Lai.

Về đạo (tức pháp mônQuán Âm) của bà “Thanh Hải vô thượng sư”, theo Hội quốc tế Thanh Hải Vô thượng sư (hội này do Thanh Hải và các môn đồ lập ra) thì bà Thanh Hải được Đại sư Khuda Ji đã 450 tuổi ở trên Hy Mã Lạp Sơn truyền cho lực lượng tâm linhtối thượng, tinh hoa của tâm ấn và pháp mônQuán Âm, phương phápthiền định cổ xưa về ánh sáng và âm thanh nội tại. Sau khi “đắc đạo”, Thanh Hải đi truyền bápháp môn này khắp nơi…

Theo Thanh Hải, pháp mônQuán Âm là phương phápthiền định về ánh sáng và âm thanh nội tại. Quán Âm có nghĩa là quán sátchấn động lực của âm thanh bên trong. Chính nhờ ánh sáng bên trong và âm thanh nội tại mà giao tiếp được với Thượng đế. Thanh Hải giảng giải: Sau khi nghe đượcâm thanh này toàn thểcon ngườichúng ta sẽ biến đổi, quan niệm về cuộc sống chúng ta được cải tiến để trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta cần thấy được ánh sáng bên trong, cần nghe đượcâm thanh bên trong, bởi vì đó là lòng từ bi cao đẳng nhất. Chúng ta càng câu thông với ánh sáng và âm thanh này thì chúng ta càng có lòng từ bi…Chúng ta tiếp xúc với Thánh linh này, vốn là một hiện thân của ánh sáng và chấn động lực thiêng liêng, và bằng cách đó, chúng ta biết được Thượng đế. Thật vậy, đây không hẳn là một phương pháp, mà là lực lượng của minh sư. Nếu quý vị có lực lượng này thì có thể truyền được lực lượng đó. Đây là một pháp môn siêu nghiệm, không thể giải thích bằng ngôn ngữ của chúng ta được…

Và mọi người đều có “Thượng đế bên trong”, bí quyết để câu thông cùng Thượng đế ấy, qua đó đạt giác ngộvô cùngđơn giản: Giữ ngũ giới, hàng ngày tọa thiền. Giữ giới và thiền như thế tức là tu tậppháp mônQuán Âm, tập cho đến khi nghe và thấy được… âm thanhThiên đàng và ánh sáng Thiên đàng là đắc đạo…

Đối với những người hiểu biết về Phật pháp chưa sâu sẽ dễ dàng bị choáng ngợp trước sự hấp dẫn “dễ chứng” của pháp môn này. Thực ra, pháp tu này mang nặng sắc thái thần bí (không phải siêu nghiệm), nhất là về “lực lượng của minh sư” tức năng lực tâm linhvô biên mà vị thầy có được, và từ đó, truyền tâm ấn hay hướng dẫn của sư phụ trở nên tối quan trọng (có thể truyền tâm ấn từ xa). Cũng từ đây, yếu tốquyền năngxuất hiện “Lúc thọ tâm ấn, tất cả những nghiệp chướng trong quá khứ của đệ tử đều được tiêu trừ” (Bí quyết tức khắc khai ngộ hiện đời giải thoát, 1994, Nxb: Hội Thiền định Quốc tế Thanh Hải Vô thượng sư, ROC). Và Thanh Hải còn khoác lác rằng “nếu giữ giới không rõ ràng, không có đạo đức, sư phụ sẽ thâu về một phần lực lượng vì sư phụ có thể điều khiển được lực lượng này”.

Rõ ràng dù có hơi hướng Phật giáo qua việc cổ xúy ăn chay, giữ năm giới, tọa thiền, tên pháp môn là Quán Âm nhưng đi sâu vào nội dung tu tập, pháp môn của bà Thanh Hải bộc lộ nhiều tà kiến, phi nhân quả, phi Chánh pháp. Nguy hiểm hơn, pháp môn ấy dần dầntrói buộc người thực hành vào thế lực của sư phụ (nếu không phụng mạng thì sẽ bị rút lui “công lực”, mất khả năng và cơ hội “đắc đạo”). Đó là chưa kể việc ngồi thiền với dụng tâmcố gắng để “thấy được ánh sáng bên trong, nghe đượcâm thanh bên trong” nhằm “câu thông với Thượng đế” là mảnh đất màu mỡ, cơ hội vàng cho vọng tưởngtham áitung hoành, điều này hoàn toànxa lạ với thiền địnhPhật giáo là vô trụ, xả, vô sở đắc.

Do vậy, để đưa mẹ của bạn trở vềChánh pháp, cần phải chỉ cho mẹ của bạn biết rằng không thể giác ngộ mau chóng nhờ tu tập theo “pháp môn Quán Âm” này được. Vì không ai có thể giúp mình giác ngộ được cả mà “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”; tin sâu nhân quả bởi không người nào có thể chuyển nghiệp thay thế cho mình; giác ngộ từng phần chính là tỉnh thức, chuyển hóaba nghiệp thân miệng ý trở nên thiện lành trong hiện tại; hướng nội nhưng với tâm tỉnh lặng, không mong cầu, xả ly toàn bộtham ái (kể cả mong ướcđắc đạo) và thực hànhChánh pháp trên nền tảng Bát Thánh đạo. Hãy cảnh giác với tất cả những dụ dẫn như “tu dễ, mau đắc đạo, có người trợ giúp v.v…” chỉ là bịp bợm, lừa phỉnh những người nhẹ dạ, cả tin mà thôi.

Chúc bạn viên thànhnhư ý nguyện!

TỔ TƯ VẤN
(Giác Ngộ)

Mời bạn đọc thêm bài: Nhận Định Về PHÁP MÔNQUÁN ÂM Của Giáo Phái Thanh Hải Vô Thượng Sư của tác giảHoàng Liên Tâm tại website:
http://old.thuvienhoasen.org/ddpp-thanhhai-phapmonquanam.htm

Trì Chú Chuẩn Đề

Chúng tôi rất muốn tu tập để chuyển hóa nghiệp khổ của mình nhưng hoàn cảnh gia đình không mấy thuận lợi, chật chội, ồn ào và có vợ con. Hiện chúng tôi chưa đủ điều kiện để thực hành ăn chay, vậy trì chú Chuẩn Đề có được không? Tôi nghe nói trì chú Chuẩn Đề hay bị khảo, tính tình nóng nảy có đúng không? Có pháp môn nào thích hợp hơn trì chú không, bởi hiện tại chúng tôi cũng lớn tuổi và sức khỏe không được tốt? Mong quý Báo giới thiệu một pháp môn tu tập thích hợp và cho chúng tôi những lời khuyên.

Tu tập để chuyển hóa là một nhu cầu quan trọng trong đời sống con người. Một người với đời sống gia đình bình ổn cũng cần tu tập để tăng trưởng phước báo, phát triển đạo đức, thăng hoa tinh thần. Với những người có hoàn cảnh riêng như bệnh khổ chẳng hạn, thì nhu cầu tu học lại càng cấp thiết hơn. Phát khởi được tín tâm, mong muốn tu tập, thực hành lời Phật dạy để chuyển hóa khổ đau của các bạn là những nỗ lực đáng trân trọng.

Thường thì khi mới phát tâm tu tập, ai cũng ái ngại về hoàn cảnh gia đình; chật chội, ồn ào, nói chung là không thanh tịnh. Tất nhiên, so với những gia đình có phòng thờ để lễ bái và tịnh niệm riêng thì đây là một bất lợi. Tuy vậy, yếu tố quyết định trong tu tập là chánh niệm ngay nơi tự tâm, hoàn cảnh bên ngoài chỉ trợ duyên thêm mà thôi. Quan trọng hơn, tu tập là giữ tâm chánh niệm với pháp môn mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày, không phải đợi đến lúc ngồi trước bàn thờ trang nghiêm thanh tịnh mới tu. Vì thế, nếu cố gắng và thành tâm thì bạn có thể tu niệm được dù hoàn cảnh và điều kiện sống khá vất vả, chật chội và ồn ào.

Một người sống với gia đình, vợ chồng, con cái và chưa đủ duyên để thực hành ăn chay vẫn tu tập tốt và không có gì chướng ngại. Ăn chay nhằm nuôi dưỡng lòng từ, góp phần hạn chế sát sanh và phòng ngừa bệnh tật. Cố nhiên, ăn chay được sẽ tốt hơn vì ăn chay giúp cho thân tâm nhẹ nhàng, thanh thoát, có tác dụng trợ duyên cho tu tập thiền định hữu hiệu hơn. Những sinh hoạt thế thường trong đời sống gia đình như tình cảm vợ chồng và những việc khác v.v… nếu áp dụng đúng với năm tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức của người cư sĩ (năm giới) thì không ảnh hưởng gì đến việc tu tập của hàng cư sĩ tại gia cả.

Riêng vấn đề tu tập trì chú Chuẩn Đê, về cơ bản đó là một pháp trong vô lượng pháp môn tu, trong hoàn cảnh thực tế của các bạn như đã trình bày vẫn thực hành và trì niệm được. Tuy nhiên, để trì niệm thần chú Chuẩn Đề có kết quả cao cần phải tuân thủ theo nghi quỹ, pháp thức và ấn quyết từ một vị thầy có kinh nghiệm về Mật tông. Hiện có khá nhiều người vẫn tin rằng tu tập (trì chú Chuẩn Đề, tụng kinh Kim Cang, Pháp Hoa…) sau một thời gian thì tính tình nóng nảy, bị khảo đảo v.v… Những quan niệm như trên hoàn toàn không phù hợp với Chánh kiến, cần phải dẹp trừ. Bởi Chánh pháp là cam lộ (ngon ngọt và mát mẻ), thực hành Chánh pháp tất nhiên sẽ an lạc và thanh lương, chuyển họa thành phúc, chuyển mê khai ngộ. Cần chú ý rằng, những diễn biến không như ý xảy ra sau một thời gian tu tập chỉ đơn thuần là sự trùng hợp ngẫu nhiên của tiến trình nhân quả bình thường của tự thân. Đúng ra, vào thời điểm nhân quả chín muồi ấy, chuyện xấu xảy ra sẽ dữ dội hơn nhưng nhờ trước đó có tu tập, những việc xấu ấy cũng xảy ra nhưng nhẹ bớt và người tu đón nhận nó vững vàng hơn, chứ không phải vì tu tập nên nó mới “đổ nghiệp”.

Theo thiển ý của chúng tôi, trong hoàn cảnh hiện tại của các bạn, tu tập pháp môn Niệm Phật, niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà (Nam mô A Di Đà Phật) là thích hợp nhất. Bởi pháp tu này đơn giản, dễ thực hành, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, có thể niệm danh hiệu Phật mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần xây dựng niềm tin (Tín) vào cảnh giới Cực lạc, sự tiếp độ của Phật A Di Đà và niệm Phật sẽ vãng sanh. Tiếp đến phát nguyện khẩn thiết, mong mỏi được sanh về Cực Lạc (Nguyện), những công đức lành tạo ra trong đời này đều hồi hướng trang nghiêm Cực Lạc. Sau cùng là thực hành niệm Phật (Hạnh); chỉ cần nhớ nghĩ, tâm niệm thường xuyên sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật . Nếu tín nguyện hạnh đầy đủ thì chắc chắc trong hiện tại và tương lai bạn sẽ được sự tiếp độ của Phật A Di Đà và Thánh chúng mà vãng sanh về Cực Lạc.

Hiện nay, pháp môn này khá thịnh hành và phổ biến khắp đất nước, chỉ cần các bạn dành chút thời gian tham dự một khóa tu niệm Phật, chúng tôi tin rằng bạn sẽ tự trang bị cho mình khá đủ hành trang để bước vào pháp môn Niệm Phật này, một pháp môn tu thường được chư Tổ ca ngợi là “dễ tu và dễ chứng nhất trong thời mạt pháp”.

Xin Cho Biết Tịnh Khẩu Có Phải Là Pháp Tu Trong Đạo Phật Không?

Tôi được biết, trong các pháp môn tu tập của Phật giáo có đề cập đến tịnh khẩu. Tuy vậy, trong đạo tràng an cư của chúng tôi có một vị lập hạnh không nói hoàn toàn, có điều gì cần thì ra dấu hoặc ghi ra giấy mà thôi. Tôi nghe khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Kính hỏi, Phật giáo quan niệm về vấn đề này thế nào? Có kinh luật nào đề cập đến việc ấy không? (minhnhat15...@yahoo.com)

Tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh khẩu nghiệp. Theo nghĩa rộng, thanh tịnh khẩu nghiệp là không nói sai, nói ác… mà chỉ nói lời chân thật, thanh tịnh; nói lời yêu thương, đoàn kết, xây dựng, có lợi ích cho mình và người. Tuy nhiên, tịnh khẩu theo cách hiểu của nhiều người là không nói gì cả. Thực ra, tịnh khẩu không có nghĩa là câm lặng hoàn toàn (á khẩu) mà hạn chế tối đa nói năng, chỉ nói khi cần thiết và luôn đi liền với chánh niệm. Theo Thiền sư Nhất Hạnh, “Tịnh khẩu là một phương pháp thực tập rất sâu sắc chứ không phải là chuyện cấm nói. Tịnh khẩu không có nghĩa là không nói mà thôi. Nó có nghĩa là quán chiếu bằng chánh niệm của mình những điều gì mình định nóí”.

Kinh Phật đề cập đến vấn đề tu tập tịnh khẩu khá nhiều, tùy theo mỗi tình huống mà Đức Phật có thái độ khác nhau. Trung A hàm 18, kinh Sa-kê-đế tam mộc tánh tử, ghi: “Một thời Đức Phật du hóa tại Sa-kê-đế trong rừng Thanh. Bấy giờ ở Sa-kê-đế có ba thiện nam tử là Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu. Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ kheo: ‘Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích ở trong Chánh pháp luật này hành phạm hạnh chăng?’. Khi đó các vị Tỳ-kheo im lặng, không trả lời. Đức Thế Tôn ba lần hỏi các Tỳ kheo, các Tỳ kheo cũng ba lần im lặng, không đáp”. Vì tu tập tịnh khẩu nên các Tỳ kheo ở Sa-kê-đế không trả lời Thế Tôn, dù Ngài hỏi đến ba lần. Ở một kinh khác, đời sống tu tập của các Tỳ kheo được ghi nhận như sau: “Bấy giờ có ba thiện nam tử trú trong rừng Ban-na-mạn-xà-tự, là: Tôn giả A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la. Các Tôn giả ấy sống như vầy: Nếu ai khất thực trở về trước, thì trải giường, múc nước để rửa chân. Nếu những gì khất thực có thể dùng hết thì dùng hết, nếu còn dư thì đổ vào hủ đậy kín cất. Ăn xong, dọn bát, cất, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Ai khất thực về sau, dùng sau… Sau khi thu xếp y bát, rửa tay chân, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Đến lúc xế, các Tôn giả ấy, nếu có vị nào từ chỗ tĩnh tọa dậy trước, thấy lu nước uống và ghè nước rửa tay trống rỗng, không có nước, thì mang đi lấy. Nếu xách về nổi thì xách đến để một góc, nếu xách không nổi thì lấy tay vẫy một Tỳ-kheo nữa, mỗi người khiêng một bên, không ai nói chuyện với nhau. Các Tôn giả ấy cứ năm ngày tụ tập lại một lần, cùng nhau bàn về pháp và im lặng theo pháp bậc Thánh” (Trung A hàm 17, Trường Thọ vương bản khởi). Và Đức Thế Tôn tán thán: “Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, như thế các ngươi thường cùng nhau hòa hợp, an lạc, không tranh, cùng hiệp nhất trong một tâm, một Thầy, như nước với sữa”. Rõ ràng, trong trường hợp này, các Tỳ kheo tu tập tịnh khẩu được Thế Tôn tán thán.

Tuy nhiên, trong trường hợp khác, tu tập tịnh khẩu lại bị Phật quở trách nặng nề: “Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ- đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông Tỳ kheo ở nước Câu-tát-la, hạ an cư nơi trú xứ nọ, suy nghĩ rằng, ‘Làm cách nào chúng ta sống an lạc, không vất vả vì sự ăn uống?’. Rồi họ bảo nhau, ‘Chúng ta nên lập quy chế an cư, không nói chuyện với nhau, không lễ bái, hỏi chào nhau. Ai vào tụ lạc khất thực trước và về trước, thì dọn dẹp chỗ ngồi ăn, trải tọa cụ, sửa soạn đồ đựng nước, đồ rửa chân, đồ đựng thức ăn. Mỗi người tự đem thức ăn đến để chỗ ngồi ăn. Nếu ai nhận được thức ăn nhiều, trước hết nên sớt bớt để lại, nhận đủ thì ăn. Ăn xong, im lặng trở về phòng. Người kế tiếp vào tụ lạc khất thực; nhận được thức ăn rồi trở về, đem thức ăn đến chỗ ngồi ăn… Vị ấy dọn quét chỗ ngồi ăn. Nếu thấy đồ đựng nước, đồ rửa chân trống không, thì đi xách. Nếu tự mình có thể khiêng trở về thì tốt. Bằng không, dùng tay ngoắt bạn để cùng khiêng về chỗ cũ. Rồi im lặng trở về phòng. Chứ không vì lí do nào mà nói bằng lời. Chúng ta lập quy chế như vậy, có thể sống an lạc, không vì sự ăn uống mà khổ sở’.

Các Tỳ kheo áp dụng quy chế trên trong thời gian an cư. Tự tứ xong, họ đến chỗ Đức Phật trong Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ kheo đem nhân duyên trên thuật lại một cách đầy đủ, Đức Phật bảo các Tỳ kheo: ‘Các ông là những người si, tự cho đó là vui mà thật sự là khổ. Các ông là những người ngu si, tự cho đó là điều không tai hoạn, mà thật sự là đại hoạn. Các ông là những người ngu si, cùng ở với nhau như oan gia, như những con cừu. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện dạy bảo các Tỳ kheo, cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau. Các ông là những người ngu si, đồng như ngoại đạo thọ pháp câm. Các ông không được làm theo pháp câm như vậy. Nếu làm theo pháp câm, phạm Đột-kết-la” (Tứ phần luật, Tự tứ).

Đến đây, chúng ta thấy rất rõ quan điểm của Đức Phật về tịnh khẩu theo cách lặng câm hoàn toàn: “Pháp câm” ấy là cách tu tập của ngoại đạo, phi Chánh pháp. Do vậy, tịnh khẩu nhằm tránh duyên để chuyển hóa, thanh tịnh tam nghiệp là điều đáng ca ngợi. Nhưng tịnh khẩu cực đoan kiểu “thọ trì pháp câm” thì không nên vì “trao đổi, giác ngộ cho nhau” vốn rất quan trọng và cần thiết trong đời sống Tăng đoàn để cùng trợ duyên cho nhau thăng hoa và chứng đạt.

Chúc bạn tinh tấn!

Đại Thừa Phật Giáo Chấp Không. Chân Như Hay Niết Bàn Chỉ Là Không Không

Tôi được đọc một quyển sách của một pháp sư người Trung Hoa (bản dịch) và một quyển sách khác của một vị ni sư người Việt không nhớ rõ tên. Cả hai vị đều cho rằng Đại Thừa Phật Giáo chấp Không. Chân như hay Niết Bàn chỉ là không không, chẳng có gì hết. Vậy xin ban biên tập TVHS vui lòng cho chúng tôi biết quan điểm?

(1) Cho rằng “Đại Thừa Phật Giáochấp Không. Chân như hay Niết Bàn chỉ là không không, chẳng có gì hết.” là hoàn toànkhông đúng. Ngài Bồ Tát Mã Minh là luận chủ của Luận Đại Thừa Khởi Tín đã luận biện rất rõ ràng là Đại Thừa Phật Giáo phá chấp Không.

Trong Luận Đại Thừa Khởi Tín, Ngài Mã Minh đã phá trừ 5 cái quan niệm sai lầm về chấp bản Ngã là thật và phá luôn quan niệm chấp thật về vũ trụ (chấp pháp) của chúng sinh phàm phu. Trong đó có việc phá trừ quan niệm sai lầm cho rằng Phật Giáo Đại Thừa chấp Không.

Hoà Thượng Thích Thiện Hoa đã giải thích lời của Ngài Mã Minh như sau:

[Bắt đầu trích dẫn]

“Chúng sanh chấp pháp thân của Phật có hình tướng như thế này, hoặc như thế kia v.v....Vì muốn phá các chấp sai lầm ấy, nên Phật nói: "Pháp thân của Phật rốt ráo vắng lặng, cũng như hư không".

Nghe trong kinh nói như vậy, chúng sanh trở lại chấp:"Hư không là pháp thân của Như Lai" vì phá cái chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh giải thích rằng:"Hư không là cái không thật thể, do các sắc tướng mà thấy có hư không. Nếu không có sắc tướng thì cũng không có hư không. Cả sắc tướng và hư không đều do vọng tâm biến hiện; rồi chúng sanh lầm chấp là thật có. Nếu vọng tâm hết thì sắc tướng và hư không cũng không còn. Lúc bấy giờ bản thể chơn tâm hiện ra, rộng lớn bao la và trùm khắp tất cả. Đó là pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Đây thuộc về phần tâm trí, không phải như hư không, không có tri giác.”

“…Chúng sanh thường lầm tưởng:"Các pháp thật có". Vì phá trừ quan niệm sai lầm ấy, nên trong kinh Phật nói:"các pháp thế gian hư giả không thật, cho đến các pháp xuất thế gian như Chơn như, Bồ Đề, Niết bàn v.v...rốt ráo cũng không có thật thể, vì không có các hình tướng".

Chúng phàm phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp:"Chơn như hay Niết bàn v.v...là cảnh giới hư vô ảo tưởng, chẳng có chi hết".

Để đối trị sự chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích rằng:"Chơn như, Pháp thân hay Bồ Đề, Niết bàn không phải là cảnh giới ảo tưởng hư vô, không có gì cả, mà nó sẵn có đầy đủ vô lượng đức tánh, nhiều hơn số cát sông Hằng, như: thiện, thường, lạc, ngã, tịnh, giải thoát v.v....

[Hết trích dẫn] PHẬT HỌC PHỔ THÔNG KHOÁ THỨ 10 và 11 LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

(2) Trong môi trường biện biệt phân tranh của xã hội Ấn ở những thế kỷ đầu Công nguyên, Bà La Môn giáo đưa ra sáu mươi hai luận chấp về Ngã và Ngã Sở nhằm bảo hộ Ngã Tính của mình. Bồ Tát Long Thọ đã tuyên bố: “Nhất thiết pháp Không” tức “Hết thảy các pháp là Không”.

Xin giải thích: “Không” ở đây không có nghĩa là “không có” theo sự hiểu biết thông thường bởi tâm thức và giác quan con người hay là “hư vô” theo cái gọi là hư vô chủ nghĩa, mà là “không có thật như ta đã nhận thức”. Không ở đây không có nghĩa là con số không (zero) đối lập với có, mà chính là Śūnyatā trong Bát Nhã, nó vượt lên trên mọi phân biệt, đối lập giữa sắc và không, giữa không và có, tức là Tánh Không như bồ tát Long Thọ đã nói: “Chính vì “Không” nên tất cả các pháp được dựng lập”. Các “pháp” đây, kể cả sắc pháp và tâm pháp, nghĩa là cả nhìn thấy được (visible) và không nhìn thấy được (invisible). Và “Không” mà ngài nói đây là Tánh Không, nó bao gồm cả 7 đại, luôn cả Địa Đại là những cái hiện hữu rõ ràng, ai cũng nhìn thấy, cùng với Không Đại, là những khoảng trống dù lớn như hư không, thì cũng nằm gọn trong Tánh Không.

Thế nên, có thể có một số ít người đã lầm lẫn giữa cái không là không (zero) với Tánh Không hay Chân Không, nên mới nói là “Đại Thừa chấp không”.

(3) Tư Tưởng Luận Đại Thừa cho rằng Đại Thừa là "Chân-không Diệu-Hữu". Chân-không nghĩa là hết thảy hiện tượng đều không có tự tính, còn Diệu-hữu là chỉ sự tồn tại của vạn pháp mặc dầu vạn pháp đó không có tự tính. Hai quan niệm này không bao giờ lìa nhau, đó là đặc sắc của nền Triết-học Đại Thừa.

(4) Trong tất cả kinh Đại Thừa, bộ kinh căn bản nhất là bộ kinh Bát-Nhã. Số lượng của bộ kinh này tuy gồm sáu trăm quyển nhưng chủ yếu không ngoài việc giải thích một chữ "không","không không","đại-không", rốt ráo là "không", đó là lập trường của bộ kinh này. Chúng ta hãy xem “ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN”:

[bắt đầu trích dẫn:]

“Nhưng nếu lấy chủ ý của Bát-Nhã mà giải thích là chủ nghĩa hư vô thì đó là một điều hết sức sai lầm. Cứ theo kinh Bát-Nhã thì cái sức phủ định "không không" ấy lại biểu hiện thành cái sức khẳng định tối đại tự do. Do cái sức đó mà trong một ngọn cỏ có thể bao gồm trăm nghìn vạn ức núi Tu-Di, và trong một giọt nước có thể chứa tất cả nước của bốn đại dương. Đứng về phương diện tâm lý mà nhận xét thì "không" của Bát-Nhã là cái năng động thái thuần tuý, có thể nói nó là đương thể của ý chí thuần tuý được thực hiện. Bởi vậy, Bát-Nhã cho rằng hết thảy mọi hiện tượng đều do cái sức "không" đó biểu hiện, thế giới là không, đồng thời không cũng là thế giới. Theo ý nghĩa đó thì cái không của Bát-Nhã không phải là cái không trống rỗng, cái "ngoan không", mà là cái "Chân-Không Diệu-Hữu". Cái không ấy không thể dùng nhôn ngữ mà diễn tả được, chỉ khi nào thể nghiệm được nó bằng trực quan (intuition) ta mới có thể hiểu được một cách hoàn toàn. Nhưng điểm khế cơ của cái không đó là ở chổ nhân cách hoạt động, đặc biệt lấy việc từ thiện (bố thí) đức hạnh (trì giới) nhẫn nại,nỗ lực (tinh tấn) tỉnh-quán (thiền-định) nghĩa là lấy Lục-Ba-La Mật để thể hiện. Như vậy ta có thể bảo đó là một chủ nghĩa tiêu cực hư vô không?.

Tư tưởng "không" của Bát-Nhã là tư tưởng căn bản của Phật Giáo Đại Thừa. Sau cái Chân- Không phủ định đó vẫn có cái nhân cách khẳng định Diệu-Hữu. Nếu ta bỏ qua điểm này thì sẽ không thể hiểu được nghĩa căn bản của Đại Thừa. Đó là điểm ta nên chú ý trước hết. Ta có thể nói hầu hết các kinh điển Đại Thừa đều xuất phát từ tư tưởng "không" của Bát-Nhã. Chẳng hạn như kinh Duy Ma thì nội dung cũng nói đến Bát-Nhã, và ý nghĩa đặc biệt của kinh này tôi đã trình bày qua ở các chương trước. Cư sĩ Duy Ma thì hiện là một người thế tục, mà so sánh với các vị Sa-môn xuất gia thì ông này lại thực hiện được lý không của Bát-Nhã một cách dễ dàng hơn. Nghĩa là vì muốn thể hiện tư tưởng Bát-Nhã giữa thế giới hiện thực mà thể hiện ra cư sĩ Duy-Ma. Trên căn bản, kinh Pháp-Hoa vẫn cùng thuộc hệ thống Bát-Nhã, nhưng đã tiến thêm một bước nữa mà phát hiện Diệu-Hữu là cái cụ thể cùng cực của Chân-Không, ta có thể nói đây là một điểm trọng yếu mà tư tưởng Bát-Nhã muốn đạt đến. Nói về thực tướng của các pháp, tướng thường trụ thế gian. Bản thể của Chân-Không là muốn hiển thị diệu nghĩa của thế gian, thể hiện được cái nhân cách không đó thì gọi là Phật, nghĩa là nhân cách cụ thể thừa nhận tính vĩnh viễn thường còn, bất biến; sau nữa, lấy nhân cách cứu thế hoạt động và cái bản nguyện của Bồ-Tát Quan-Âm là cứu khổ, cho vui làm đại biểu cho sự sinh hoạt lý tưởng của con người. Thậm chí như nàng Long Nữ chỉ mới tám tuổi mà cũng có thể thành Phật, đó là cái ý chỉ pháp thể chúng sanh đều có Phật tính đã được biểu hiện một cách rõ ràng và cũng là sự kết cấu cùng cực của kinh Pháp-Hoa vậy. Sở dĩ kinh Pháp-Hoa được tôn sùng là hoàn toàn ở điểm đó. Bởi vậy ở phía sau dự tưởng về Chân-Không của Bát-Nhã, thật thì đó là phần diệu hưu hiển hiện về mặt khẳng định hoạt động, coi đó thì thấy nó đã biểu hiện ý nghĩa thật sâu xa. Bất luận trên lãnh vực lịch sử hay giáo lý, cách nhận định này là cách nhận định chân chính của kinh Pháp-Hoa.

Thứ đến là kinh Hoa-Nghiêm. Bộ kinh này tuy không kém kinh Pháp-Hoa, nhưng đứng trên lập trường phiếm thần luận mà nhận xét thì chủ ý của kinh Hoa-Nghiêm cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều hỗ tương dung thông, không ngăn ngại, không gián đoạn, lập sự diệu dụng pháp giới để thể hiện Đại-Nhật-Như Lai. Tuy nhiên nếu tìm đến nguồn gốc của vũ trụ đó, ta vẫn thấy đã xuất phát từ tư tưởng "không" của Bát-Nhã. Nghĩa là kinh Hoa-Nghiêm đã đem phần diệu dụng của Chân-Không để biểu hiện về phương diện phiếm thần luận. Lại như kinh Di Đà (hay kinh Vô-Lượng-Thọ), chủ ý lấy bản nguyện của Phật A-Di-Đà dẫn dắt chúng sanh nhận Phật sinh về nước Cực Lạc. Mới xem qua, ta tưởng như rất xa cách với tư tưởng Bát-nhã. Song nếu ta tìm đến nghĩa lý và lịch sử của tư tưởng đó, ta vẫn thấy tác dụng cứu tế của đức Phật sáng suốt vô lượng, thọ mệnh vô lượng đã được thể hiện từ chân không, đặc biệt là đã giải thuyết sự hoạt động ở tương lai. Không thế thì sự tín ngưỡng về Phật A-Di-Đà rốt cục chỉ là một mẩu chuyện thần thoại, chúng ta cần phải ghi nhận điểm này.

Ngoài ra, nếu nghiên cứu tất cả các kinh điển Đại Thừa ta sẽ thấy bất luận dưới hình thức nào, không một bộ nào mà không liên hệ đến kinh Bát-Nhã. Nghĩa là, trong mỗi bộ nếu ta không nhận thấy ý nghĩa "không" thì cũng nhận thấy phần Diệu-Hữu. Tuy vậy, nếu ta lại đi sâu hơn nữa mà nghiên cứu ta có thể nói bộ kinh Đại Thừa nào rốt cục cũng đưa đến nghĩa Chân-Không, đó là một điểm rất rõ ràng. Nhưng giải thích như có vẻ quá ư phiền toái, nhưng thật thì đạo lý đó khó có thể dùng ngôn ngữ làm luận chứng trừ khi người ta đã thể hiện bằng kinh nghiệm bản thân. Bởi thế đã có nhiều người, đặc biệt là những học giả Tây phương thường cho Phật Giáo Đại Thừa chủ ý đưa người ta đến một chủ nghĩa hư vô. Đó chẳng qua là người ta đã hiểu nghĩa Chân-Không một cách hời hợt, và không có ý thức về Diệu-Hữu, cho nên mới chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực chứ không thấy phần tích cực của tư tưởng Đại Thừa. Chân-Không quan hệ đến Diệu-Hữu là chân lý triết học Đại Thừa, ta nên ghi nhớ rõ điểm này.

Tóm lại, nếu nhận xét về phương diện khái niệm thì Chân-Không tựa hồ như trống không, nhưng về phương diện thể hiện thì lại rất cụ thể rất hiện thực. Như đã nói trên hoặc theo lịch trình tiêu cực, nhưng tối hậu, bất luận về phương diện thực tế hay lý luận, đạt một kết luận sinh hoạt thực tế và khẳng định đó là chủ ý của tư tưởng Đại Thừa.

Ăn Chay Trường Và Vấn Đề Ăn Trứng Gà

Gia đình tôi ăn chay trường, vừa rồi tôi tìm hiểu vài cuốn sách dạy nấu ăn chay nhưng lại thấy một số món chay có thành phần là trứng gà. Theo mẹ tôi thì ăn chay là không được ăn trứng. Vậy tại sao trong sách dạy nấu ăn chay lại nói như vậy? Tôi có biết một số món chay trong Thực phổ của Làng Mai cũng dùng trứng. Tôi thảo luận với mẹ chuyện này nhưng mẹ nói người ta tu ở bên Tây nên ăn được, hiện nay tôi rất thắc mắc nên nhờ quý Báo giải đáp. Tôi ăn chay đã hơn 10 năm, vì một số bệnh duyên nên bác sỹ bảo thỉnh thoảng phải ăn trứng để bổ sung thêm dinh dưỡng. Theo bác sỹ thì ăn chay không đúng cách có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Tôi có tìm hiểu thì một số vị bảo là người ăn chay trương có thể ăn trứng gà công nghiệp. Việc đó không biết đúng sai thế nào, xin quý Báo hoan hỷ giải thích.

Bạn Diệu Hải và Quảng Tuệ thân mến!

Hiện nay có rất nhiều người trên thế giới thực hành ăn chay. Có người ăn chay trường, có người ăn chay kỳ, có người ăn chay tùy thích… và họ ăn chay cũng vì nhiều mục đích khác nhau như tôn giáo, đạo đức, khấn nguyện, sức khỏe hay chỉ đơn giản chỉ là để thay đổi khẩu vị.

Theo các nhà nghiên cứu ẩm thực, cách thức ăn chay của người phương Tây và trên thế giới nói chung hiện nay gồm ba nhóm chính như sau:

(1) Ăn chay có uống sữa và ăn trứng (Ovo-Lacto Vegetarian) nhưng không ăn thịt cá gà vịt và những loại hải sản khác.

(2) Ăn chay có uống sữa (Lacto Vegetarian) nhưng không ăn trứng, thịt cá gà vịt và những loại hải sản khác.

(3) Ăn chay hoàn toàn (Strict Vegetarian / Vegan), không ăn tất cả thực phẩm là động vật hoặc các sản phẩm là động vật hoặc các sản phẩm chiết xuất từ động vật.

Trong các sáng, tài liệu dạy nấu ăn chay trên thị trường, những nhà ẩm thực thiết kế thành phần các món ăn chay dựa trên ba quan điểm này. Đối với các thực phẩm chay đã được đóng gói thì nhà sản xuất có ghi rõ thàn phần để người tiêu dùng tự lựa chọn.

Riêng việc ăn chay trong truyền thống Phật giáo Việt Nam hiện nay, theo thiển ý và quan sát của chúng tôi, có sự phối hợp cả ba cách ăn chay trên. Trước hết, cách ăn chay (2) là phổ biến nhất, chư Tăng và Phật tử tuy không ăn thịt cá và trứng nhưng uống sữa và ăn các sản phẩm chế biến từ sữa. Trong trường hợp không dùng trứng, sữa, phó-mát chỉ ăn ngũ cốc cùng tương dưa rau củ quả… thì đã ăn chay theo cách (3). Từ khi có trứng gà công nghiệp (theo quy trình sản xuất thì loại trứng này không chứa mầm sống ) bán rộng rãi trên thị trường thì một số nơi ăn chay theo cách (1), ăn chay có sữa và trứng (sản xuất công nghiệp). Có điều, người ăn chay theo cách (1) này không nhiều và không phổ biến, bởi còn một số vấn đề… bất đồng và nhạy cảm, đơn cử như hình thức của hai loại trứng gà công nghiệp và trứng gà ta (có mầm sống) khá giống nhau.

Và hiện Giáo hội cũng chưa ban hành một văn bản mang tính giáo quy hay giới luật nào quy định cụ thể về việc ăn chay ngoài các tiêu chuẩn và nguyên tắc ăn chay truyền thống như không ăn thịt, không sát sanh, nuôi dưỡng lòng từ…, nên người Phật tử Việt Nam ăn chay theo cách nào (3), (2), (1) hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định chọn lựa của cá nhân, phù hợp với điều kiện sức khỏe, tu học của mỗi người.

Trong Thực phổ của Làng Mai, thành phần của một số món chay có trứng gà công nghiệp và một số nơi chư Tăng Ni, Phật tử dùng thực phẩm có trứng gà là chuyện rất bình thường, đều dựa trên nguyên tắc này. Tuy nhiên, việc ăn trứng nhằm bổ sung thêm một số dinh dưỡng theo lời khuyên của bác sĩ là cần thiết nhưng cũng cần liều lượng phù hợp. Những người có khuynh hướng kiêng ăn trứng vì để giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh dị ứng cùng các bệnh do nhiễm khuẩn salmonella, campylobacter và H5N1…

Đối với vấn đề suy dinh dưỡng, không chỉ ăn chay mà ăn uống nói chung, nếu không đúng cách đều dẫn đến hậu quả suy dinh dưỡng. Theo bác sỹ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh Dưỡng TP.HCM), “Thực phẩm ăn chay thường có năng lượng thấp và nếu không ăn đa dạng thì rất dễ bị thiếu dinh dưỡng gây ra gầy ốm cùng suy giảm sức đề kháng, dễ bị bệnh nhiễm trùng. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu chất sắt tạo máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin B12… với biểu hiện là thiếu máu có thể xảy ra do các chất này có trong thực vật với tỷ lệ thấp và khó hấp thụ hơn.

Nếu bữa ăn chay quá đơn điệu, như chỉ ăn cơm với rau cải luộc chấm tương, chao hoặc cơm với muối tiêu, nước tương thì nguy cơ thiếu chất rất cao. Ngược lại nếu bữa ăn chay quá nhiều bột đường và dầu thì có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.

Ăn chay đúng cách là các món ăn trong bữa chính phải đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm (đậu hũ, tàu hũ, sữa đậu nành, đậu phộng, muối mè, nấm, đậu que, đậu đũa, đậu xanh…) dầu và rau – trái cây. Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên. Bữa ăn luôn có rau trái để vitamin C giúp hấp thụ chất sắt trong thức ăn. Ngoài ra cần bổ sung thêm sắt, vitamin… theo chỉ định của bác sĩ”.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: Báo Giác Ngộ số 469 – 470
Đánh máy: Liên Hoa – Huỳnh Hoa
Phatphap.wordpress.com & phatphapdaithua.com

Tượng Phật Di Lặc Và Tượng Ông Thần Tài

Trong mùa xuân này, tôi đến một số nơi và thấy nhiều mẫu tượng Phật Di Lặc khác nhau. Tượng Di Lặc đứng hoặc ngồi bụng no tròn, nét mặt sáng ngời, vui vẻ. Tượng Ngài cũng như thế nhưng thêm chi tiết đứng trên một cái bao lớn, lưng đeo “bầu rượu”, giữa bụng có chữ Phước. Loại tượng Di Lặc khác thì có thêm hai tay nâng thỏi vàng lên cao, hoặc tay cầm xâu tiền đồng, hoặc vai gánh trái đào, nón đeo sau lưng, đứng trên bao lớn v.v… Tôi hỏi thì hầu hết mọi người nói đó là tượng Phật Di Lặc. Tuy nhiên, khi tôi hỏi những người bán đồ thờ cúng ở quận 5 (TP.HCM) thì được cho biết đó là tượng ông thần Tài. Hiện tôi rất băn khoăn để phân biệt đâu là tượng thần Tài và đâu là tượng Phật Di Lặc, mong quý Báo hoan hỷ trợ duyên.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng (Nguồn gốc thờ thần Tài) thì tục thờ thần Tài có từ lâu đời và phổ biến trong các cộng đồng người Hoa. Trước hết, Thổ Địa là một trong những vị thần Tài. Do nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng trong lịch sử nên đất đai cùng các loại nông phẩm từ đất sinh ra là thứ của cải, tài sản chủ yếu nên thần Đất cũng là thần Tài. Mặt khác, thần Đất có công năng là thần Tài do thuyết ngũ hành tương sinh: Thổ sinh kim.

Ngoài thần Đất được thờ tự để cầu tài, người Hoa còn thờ nhiều thần Tài khác. Phổ biến và tôn quý nhất là Tài Bạch tinh quân. Đây là vị thần thường thờ tự tôn kính ở các đền miếu, đặc biệt phổ biến là các cơ sở thờ tự thuộc nhóm phương tộc Triều Châu. Tài Bạch tinh quân gồm 5 vị thần, chủ bộ Tài lộc thiên giới, do Triệu Nguyên soái hay Triệu Công Minh đứng đầu.

Trên trời có Tài Bạch tinh quân, dưới đất cũng có thần Tài âm phủ. Hình tướng vị thần Tài này giống một phán quan, đen thui, trên đầu đội mũ ống cao, có dòng chữ “Nhất kiến phát tài”. Ngoài ra còn có thần Tài Phạm Lãi (trung thần của Việt Vương Câu Tiễn), thần Tài Lưu Hải (Tể tướng triều Lương), thần Tài Hòa Hợp nhị tiên, thần Tài Quan Công v.v…

Người Việt là cư dân “dĩ nông vi bản” nên bảo thủ tập tục thờ thần Đất và tín lý phồn thực. Đến cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, thần Đất và thần Tài ở xứ ta vẫn chưa khu biệt rõ. Trong Đại Nam quốc âm tự vị (Sài Gòn, 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là “thần Đất, thần giữ tiền bạc” và đến tận bây giờ, thần Tài và Thổ Địa vẫn cứ được thờ chung như một cặp đôi bất khả phân ly ở khắp nơi, từ văn phòng công ty, tiệm quán, tư gia... Và điều đáng chú ý là, hình tượng vị thần Tài của người Việt, xét về mặt đồ tượng học, là một biến thể của Thổ Địa Phước đức chính thần của người Hoa.

Qua những cứ liệu trên, chúng ta thấy rõ rằng, dù có nhiều vị thần Tài khác nhau được tôn thờ trong dân gian nhưng hình tượng của chư vị thần Tài ấy hoàn toàn khác với tôn tượng của Bồ tát Di Lặc (Bố Đại Hòa thượng) của Phật giáo với nét đặc trưng là hình dáng vị Tăng có chiếc bụng lớn, miệng cười hoan hỷ, tay cầm túi đãy lớn, thường có trẻ nhỏ đeo bám xung quanh…

Như thế, tượng Ngài Di Lặc nâng thoi vàng hiện nay là một biến thể do dân gian sáng tạo ra, gán ghép cho Ngài chứ không theo quy chuẩn đồ tượng học Phật giáo. Và tất nhiên, không thể gọi Ngài Di Lặc là thần Tài được. Ngài là Bồ tát chứ không phải thánh thần, dù rằng Ngài được tin tưởng và sùng kính là vị Bồ tát luôn ban tặng niềm vui, hỷ xả, sức khỏe và phúc lộc.

Theo quan niệm của thuật Phong thủy phương Đông, tượng Di Lặc, thoi vàng, bình vàng bạc,... được xếp vào Tài thần dùng để chiêu tài, bày biện tại gia trạch hoặc cửa hiệu để tăng thêm phúc lộc, hóa sát, thu tài. Vì thế, việc gán ghép vàng thỏi, tiền xâu lên tôn tượng Di Lặc là một sự khiên cưỡng, khập khiễng và vô hình trung “thế tục hóa” Ngài, dù điều ấy chỉ thể hiện lòng mong mỏi chân thành được phúc lộc, thịnh phát.

Làm Thế Nào Để Chữa Khỏi Được Bệnh Căng Thẳng Tinh Thần Theo Phương Cách Của Nhà Phật ?

Tôi đang đảm nhiệm công việc quản lý của một công ty về trang trí nội thất bị rất nhiều áp lực từ mọi phía, nhiều lúc tôi muốn điên cái đầu, thần kinh bị căng thẳng, nhiều đêm không ngủ được hoặc rất khó ngủ, thường phải uống thuốc ngủ. Tôi đang bị chứng bệnh tinh thần mà người ta gọi là Stress. Bác sĩ y khoa đã trị liệu cho tôi bằng thuốc diazepam và ambient nhưng chỉ là tạm thời. Vậy xin cho tôi hỏi làm thế nào để chữa khỏi được bệnh này theo phương cách của đạo Phật ?

Stress là một căn bệnh hoàn toàn thuộc về tâm lý, ám chỉ những phản ứng tâm lý của con người đối với những yếu tố gây bực bội trong môi trường sống. Stress đối với người lớn thường xảy ra do áp lực bởi công việc, mối liên hệ tình cảm gia đình và do cạnh tranh nghề nghiệp. Đối với trẻ em thường do áp lực về việc học hành, thi cử. Những phản ứng tâm lý ấy là những cảm xúc giận giữ, sợ hãi, buồn vui, thương ghét được lập đi lập lại nhiều lần và nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ tiêu hoá, hệ tim mạch và dấu hiệu dễ thấy nhất là bị bệnh mất ngủ và bệnh lở loét bao tử. Theo tâm lý học Phật giáo, stress “bị gây ra bởi sự chấp trước và những hy vọng mong đợi ở tương lai. Khi ta hy vọng hay mong đợi một điều gì thì cũng sẽ lo sợ rằng điều ta mong đợi sẽ không trở thành hiện thực, nghĩa là những gì ta hy vọng có thể sẽ không xảy ra như mong muốn. Và thế là bị stress”.

Theo y học ngày nay, stress thường đi đôi với cuộc sống công nghiệp hiện đại. Công nghiệp phát triển đã tạo ra nhiều phát minh mới, nhu cầu mới thúc đẩy con người phải suy nghĩ, lo toan và làm việc căng thẳng để gia tăng khả năng chiếm hữu và thỏa mãn nhu cầu. Cơ chế kinh tế thị trường với mức độ cạnh tranh khốc liệt càng làm cho con người phải chật vật và toan tính nhiều hơn, dễ dẫn đến stress hơn. Số người bị stress trên thế giới càng ngày càng nhiều, ước lượng tỷ lệ trung bình số người bị stress là 50%. Ở các thành phố lớn của các nước đã và đang phát triển tỉ lệ nầy cao hơn. Cho nên việc chữa trị căn bệnh tinh thần này rất là cần thiết. Và Thiền là một phương pháp đối trị trực tiếp và hữu hiệu. Ông Herbert Benson, giáo sư đại học Harvard, người sáng lập Viện Y Khoa Mind-Body Medical Institute ở Boston cho biết "từ 60% đến 80% số lượng bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến Stress. Các ca bệnh này đáp ứng rất kém đối với thuốc và phẫu thuật nhưng lại rất tốt đối với các liệu pháp tiếp cận tâm thể". Ông cho rằng các phương pháp thư giãn và thiền giúp giải tỏa những tình trạng lo âu, sợ hãi, bất an, dễ bị kích thích và đặc biệt là làm giảm sự hoạt động các nội tiết tố Stress.

Theo kết quả khảo sát được đăng trên tạp chí y khoa Hoa Kỳ “the American Medical Journal” thì thiền giúp kiểm soát được một cách khá chắc chắn áp huyết, làm dịu cơ thể và tâm trí, ngang với kết quả phải dùng thuốc an thần, nhưng lại không có các phản ứng phụ của thuốc. Bác sĩ Mimi Guarneri, giám đốc y khoa và sáng lập viên của Viện “Scripps Center for Integrative Medecine” ở San Diego, nhận xét : “ngoài các đặc điểm trên, thiền định còn làm nhịp tim giảm xuống, nên tim không phải hoạt động nhiều. Tôi đã thấy kết quả rất rõ nơi các bệnh nhân của mình. Nhiều người trong số họ thiền mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 phút, thì có áp huyết giảm. Ăn uống đều đặn và tập thể dục thường xuyên nữa thì tuyệt vời.”

Đơn giản mà nói, thiền là thở, thở là sống, thiền là sống một cách sống động trong từng giây phút một.

Những thầy dạy thiền khuyên chúng ta trước khi thiền, cần tập cho ấm người như một vài động tác thể dục yoga, tai chi hay duồi thẳng tay chân (stretching) khoảng từ 5 đến 10 phút. Sau đó lựa một nơi thích hợp, im vắng, thoáng mát và ngồi trong một tư thế thoải mái. Chúng ta có thể ngồi trong tư thế tréo chân truyền thống (kiết già hay bán gìa), hay trong bất kỳ tư thế nào khác mà mình thấy thoải mái. Nếu muốn, chúng ta có thể ngồi ghế. Điều quan trọng nhất là giữ lưng cho thẳng. Hơi nhắm mắt lại một tí và bắt đầu thở. Đừng nghĩ gì cả, chỉ chú ý đến hơi thở ra vào bằng cách tập trung tư tưởng ở vùng bụng dưới, hoặc tại một điểm mà các nhà khí công hoặc đạo gia gọi là đan điền (dưới rốn khoảng 3 phân). Lúc hít vào, bụng dưới hơi phồng lên. Lúc thở ra, bụng dưới hơi xẹp xuống. Thoạt đầu có thể chúng ta chưa quen với lối thở bụng. Điều này không ảnh hưởng gì. Nên nhớ là chúng ta cần thư giãn, nên không cần quan tâm nhiều đến hơi thở sâu hay cạn, nhiều hơi hay ít hơi. Chỉ cần thở nhẹ, thở bình thường là đủ. Điều quan trọng là phải chú ý quan sát bằng tất cả tâm ý để biết rõ là chúng ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống của làn da bụng:

Phồng lên (biết rõ đang hít vào) Xẹp xuống (biết rõ đang thở ra)
Phồng lên (biết rõ đang hít vào) Xẹp xuống (biết rõ đang thở ra)
Phồng lên (biết rõ đang hít vào) Xẹp xuống (biết rõ đang thở ra)
Cứ thế và tiếp tục…

Cũng đừng lo ngại khi tâm đi lang thang nơi góc trời nào đó. Điều quan trọng là khi chợt nhận biết tâm đi lang thang, chúng ta ghi nhận rồi kéo nó trở về với hơi thở qua sự chuyển động phồng lên xẹp xuống của da bụng. Một số người có khả năng tập trung tốt có thể dần dần rơi vào giấc ngủ sau khoảng vài chục hơi thở ở giai đoạn quan sát hơi thở này.

Cần nhớ là thiền phải tập mỗi ngày và theo giờ giấc đã định trước. Bắt đầu vừa phải thôi, đừng tham lam ngồi lâu quá (bản chất của thiền là buông bỏ mọi tham lam), khoảng 10 đến 15 phút cũng được, sau quen dần sẽ tăng lên từ từ.

Ngồi thiền 15 phút mỗi ngày như vậy cũng là khá tốt nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải ứng dụng thiền vào công việc hàng ngày vì chúng ta có tới 8 giờ làm việc tại sở làm và 8 giờ làm những công chuyện linh tinh khác như đi, đứng, lái xe, tiếp khách, rửa chén, nấu ăn hay làm vườn…Nói một cách cơ bản là trong bất cứ hoàn cảnh nào và bất cứ lúc nào chúng ta không cần biết đó là công việc gì, nó nên được hoàn tất với trọn vẹn tâm ý của chúng ta trong giây phút đó. Ví dụ như, chúng ta đang điều khiển một máy in báo thì chúng ta chỉ nên chăm chỉ công việc điều hành máy in và đồng thời canh chừng nếu có bất cứ niệm tưởng nào nảy sinh để gián đoạn việc đang làm. Nếu tâm ta lang thang về phương trời nào, ta cứ ghi nhận rồi kéo nó trở về với công việc in ấn. Chúng ta phải liên tục và duy trì đem tâm lang thang về với “giây phút hiện tại.” tức là rời bỏ cơn phiêu lưu mộng tưởng để trở về với cái thực tại hiện tiền này. Đừng để thân ở đây mà hồn ở mãi đâu. Chỉ thế thôi.

Đó là phương pháp tu tập cơ bản của chúng ta hàng ngày, nhưng nếu có cơ hội, chúng ta nên rời xa môi trường quen thuộc, rời xa sở làm, rời xa gia đình một thời gian ngắn đến một trung tâm thiền cùng tu tập với một số người khác thì tốt hơn. Ở đó có thầy hướng dẫn cặn kẽ và được sống trong môi trường mới. Nếu bạn ở Bắc Mỹ bạn có thể tham dự một hay nhiều khoá thiền tại Trung tâm Thiền Vipassana Barre bang Massachusetts do Thiền sư Joseph Golstein, Jack Kornfield và Sharon Salzberg sáng lập hay các trung tâm thiền Vipassana ở California dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Goenka và cácThiền sư phụ tá. Nếu bạn ở Việt Nam, bạn có thể đăng ký tham dự các khoá thiền Vipassana 10 ngày cũng dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Goenka và các Thiền sư phụ tá thường được tổ chức hàng năm tại Tịnh Xá Ngọc Thành ở Thủ Đức và tại Thiền Viện Nguyên Thủy tại TP. HCM, hay đến học thiền với thầy Bửu Chánh tại Thiền Viện Phước Sơn Long Thành...

Tưởng cũng nên biết thêm, mục tiêu của thiền là buông xả, là giải thoát mọi ràng buộc, là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Thật ra không dễ lắm. Khi ngồi xuống thiền, làm sao mà đầu óc của chúng ta lại không rối tung lộn xộn với bao tư tưởng về quá khứ lẫn tương lai... Nhưng với phương pháp trên chúng ta có thể làm cho tâm sự an tịnh, tinh thần không tán loạn, không dao động mà các nhà khoa học đã ứng dụng vào lãnh vực y khoa để chữa bệnh.

Đối với Phật giáo tâm an tịnh chỉ là một trong hai phương diện của thiền. Tuệ giác là phương diện thứ hai. Mục đích của thiền Phật Giáo là để được tuệ giác, còn thiền định để an tịnh chỉ là phương tiện giúp ta đạt đến cứu cánh trên. Thiền định là pháp luyện tâm, chuyển hoá tâm ô nhiễm thành tâm thanh tịnh, giảm từ từ, từ nhiều niệm tưởng đến ít niệm tưởng và từ ít niệm tưởng đến một niệm hay nói một cách khác là gom tâm buông lung vào một điểm hay một đối tượng. Kết quả mang lại là sự an tĩnh tâm hồn cũng như sức mạnh tâm linh. Tâm an tĩnh không phải là mục đích, chỉ là cần thiết để phát triển tuệ giác. Chủ yếu của việc hành thiền theo Phật giáo là quán sát tâm hay chú tâm, nhận ra và hay biết dòng tư tưởng của mình mỗi khi nó phát sinh. Chỉ “biết suông” mà không có sự phán đoán, không phân biệt và không dính mắc với chúng (có nghĩa là thấy sự vật đúng như sự vật hiện hữu của nó).

Đồng Tính Luyến Ái Có Thể Đi Vào Chùa Lễ Phật Được Không?

Con là một đệ tử của Phật, đồng thời cũng là một người đồng tính. Con cảm thấy rất xấu hổ mỗi khi đi vào chùa, hoặc thậm chí mỗi khi thắp nhang ở nhà. Con không biết như vậy có phải là tội lỗi không? Nếu con kết hôn đồng tính, con có được đi vào chùa nữa không, con có được các sư tăng chấp nhận không? Nếu câu hỏi này mạo phạm đến các Phật, xin tha thứ cho con.

Chào em,

Trước hết phải nói ngay với em rằng đồng tính luyến ái, theo các nhà khoa học ngày nay cho biết không phải là một căn bệnh, cả về tâm lý lẫn sinh lý. Điều này đã được Tổ Chức Y tế Thế Giới Liên Hiệp Quốc (WHO: World Health Organization) và Hội Tâm Thần Học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) xác nhận bằng cách loại bệnh đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các chứng bệnh trên thế giới.

Thật ra, bản chất của đồng tính luyến ái không phải là tốt hay xấu mà tốt hay xấu là do tư cách hành xử của chúng ta trong cuộc sống với môi trường chung quanh. Chính vì thế em không nên có mặc cảm xấu hổ, cần phải che dấu và chịu đau khổ một mình. Hiện nay có rất nhiều người đồng tính luyến ái trên thế giới đang phải chịu đau khổ do sự kỳ thị bởi thiếu hiểu biết và thiếu cảm thông giữa người với người. Đối với luật pháp hiện nay của Việt Nam cũng như của rất nhiều quốc gia trên thế giới chưa cho phép những người cùng giới tính kết hôn với nhau.

Đối với Phật Giáo, đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, bình đẳng và không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, mầu da và giới tính. Với nguyên tắc thương yêu tất cả mọi loài chúng sinh, Phật giáo không chủ trương xét xử, không chống đối hay chỉ trích người khác, đơn thuần chỉ dựa trên tính chất của người đó, vì điều này được xem như là một sự phê phán thiên vị và không công bằng. Vì thế, xuyên qua những lời giảng dạy của Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài phê phán những người đồng tính về phương diện đạo đức.

Với hàng Phật tử tại gia đồng tính, Đức Phật không có điều luật hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính này. Ngài nói rằng Ngài chỉ là người hướng đạo, là người dẫn đường cho chúng sinh đến bến bờ giải thoát. Điều này được hiểu là ngài không có thẩm quyền để bắt buộc người khác phải theo Ngài hay phải làm gì. Nguyên tắc này cho chúng ta thấy, nguyên lý giáo pháp của Đức Phật không bao gồm những qui tắc, phong tục tập quán...

Nghĩa Của Sư Tử Hống Là Gì? Có Liên Hệ Gì Đến Lời Đàm Dân Gian "Hà Đông Sư Tử Rống" Không?

ĐÁP Sư tử hống là tiếng rống của con sư tử, ví cho sự thuyết pháp của Đức Phật hùng dũng như tiếng gầm của chúa tể sơn lâm làm chấn động cả vũ trụ, càn khôn. Như trong Kinh Thắng Man còn có tên gọi khác là Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại PhươngTiện Kinh.

Sư Tử Hống Phương Quảng, Thắng Man Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh là kinh điển xiển dương áo nghĩa của Nhất Thừa Chân Thật và thuyết về nghĩa của Như Lai Tạng Pháp Thân thông qua tiếng rống sư tử hùng hồn của Phu Nhân Thắng Man. Thắng Man là con gái của vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La (Kosala), sinh tại Thành Xá Vệ, lớn lên lập gia đình làm Hoàng Hậu của vua Hữu Xưng, quốc vương xứ A Du Xà. Theo lời khuyên của phụ thân, bà quy y Phật Pháp Tăng và hiểu thâm sâu Phật pháp. Sau khi đức Phật lâm chung, bà phát ba đại nguyện, tuyên xướng tư tưởng Nhất Phật Thừa thông qua Kinh Thắng Man. Cùng với Kinh Duy Ma, Kinh Pháp Hoa. Kinh giải thích về tiếng rống của con sư tử rằng: “Đức Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác đúng là tiếng rống của con sư tử, sự sanh khởi của ngã đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn chịu sự tái sanh về sau; cho nên, đức Thế Tôn lấy tiếng rống của con sư tử để nương vào đây mà hiểu nghĩa.”

Trong Duy Ma Cật Kinh, Phẩm Phật Quốc có đoạn: “Sư tử hống là tiếng rống của con sư tử, là âm thanh không sợ hãi, phàm giáo thuyết của ngài nói ra đều không sợ giáo học khác của chúng tà đạo, giống như tiếng rống của con sư tử làm cho các loài thú đều phải thần phục.”

Ngoài ra, sư tử hống còn được dùng để ví cho âm thanh chửi mắng người khác của người vợ hung dữ. Trong dân gian vẫn thường dùng từ “Hà đông Sư Hống, tiếng rống của con sư tử Hà đông”, vốn phát xuất từ trong Dung Trai Tùy Bút quyển 3, phần Trần Quý Thường của Hồng Mại nhà Tống.

Dưới thời Bắc Tống có một văn nhân tên Trần Quý Thường, tự xưng là Long Kheo Cư Sĩ thường vui vẻ tiếp đãi khách quý, thích giao du với các kỹ nữ; tuy nhiên, vợ ông họ Liễu, là người rất hung dữ, thường hay la rầy chồng. Có hôm nọ, người bạn thân là Tô Đông Pha khiêu khích Quý Thường đi chơi xuân. Bà vợ sợ chồng mình đi chơi với hàng kỹ nữ nên không cho phép ông ra bước khỏi nhà; tuy nhiên, họ Trần bảo đảm và hứa hẹn là nếu có kỹ nữ thì sẽ chịu hình phạt thích đáng; nhờ vậy bà họ Liễu mới chấp thuận. Về sau, bà biết được chồng có ăn chơi với các kỹ nữ, nên phạt đánh đòn. Quý Thường sợ bị đánh, tha thiết cầu xin tha tội và chịu quỳ phạt bên bờ hồ. Tô Đông Pha ghé thăm, chứng kiến sự tình như vậy, cảm thấy sỉ nhục cho đấng đại trượng phu nam tử, bèn quở trách bà họ Liễu; từ đó cả hai bên bắt đầu cãi vả nhau. Cuối cùng, bà biết được sự việc Đông Pha đã dụ dỗ chồng chơi với các kỹ nữ, rồi lại còn đến can thiệp vào chuyện riêng của gia đình mình; cho nên, bà tức giận lớn tiếng đuổi ông ra khỏi nhà.

Nhân sự việc nầy, Tô Đông Pha có làm bài thơ rằng: “Long Kheo Cư Sĩ diệc khả lân, đàm không thuyết hữu dạ bất miên, hốt văn Hà đông sư tử hống, trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên”, (“Long Kheo Cư Sĩ cũng đáng thương, đàm không luận có suốt đêm trường, chợt nghe Hà đông sư tử rống, gậy chống buông tay tâm hoảng liền).” Bà họ Liễu vốn người Hà Đông, cho nên Hà Đông sư tử được dùng để ví cho bà. Về sau, Uông Đình Nột nhà Minh soạn tác phẩm Sư Hống Ký cũng dựa trên bài thơ của Tô đông Pha.

Trong văn sớ cúng cho chị em gái được thâu tập trong Phật Môn Giản Lược Công Văn Thiện Bản, bản chép tay đề năm Phật Lịch 2509 - 1965, Ất Tỵ) của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tương Ưng, húy Tâm Giải, nguyên trú trì Chùa Từ Quang, Huế, có câu “cách phàm thành Thánh, tốc đăng sư hống chi lâm”, nghĩa là khi đã chuyển hóa phàm tâm thành bậc Thánh thì sẽ mau chóng được lên khu rừng có tiếng rống thuyết pháp của sư tử, tức là được giác ngộ, giải thoát. (Tàn Mộng Tử kể)

Xin Cho Biết Lễ Điểm Đạo Là Gì?

Lễ Điểm Đạo cũng còn gọi là lễ Quán Đảnh. Nói nôm na là lễ nhập đạo hay nhập môn. Quán Đảnh dịch từ tiếng Tây Tạng Wang có nghĩa đen là: “Quyền năng ”, nhưng trong ý nghĩa là “ban truyền quyền năng’’. Điều đó hàm ý là sự ban truyền quyền năng của trí tuệ từ vị thầy sang đệ tử, cho phép vị đệ tử đó đi vào hành trì tu tập và gặt hái thành quả tu tập.

Theo truyền thống Kim Cang Thừa, hành giả cần phải thọ nhận lễ Quán Đảnh để đón nhận năng lực gia hộ của chư Phật, chư Hộ Phật và chư Đạo Sư trước khi hành trì các pháp môn thiền quán tưởng theo hướng dẫn trong các nghi quỹ (sadhana). Hai lễ Quán Đảnh A Di Đà và Dược Sư có ý nghĩa là tăng thêm năng lực cho người hành trì pháp môn Niệm Phật.

Lễ Quán Đảnh là nghi thức biểu tượng, là hành vi thiền định để tạo ra một tương ưng giữa Tâm và Tâm. Y cứ vào đó, trạng thái tâm chưa giác ngộ của người thọ nhận pháp Quán Đảnh tạo điều kiện làm quen và giúp cho tương ưng với tâm giác ngộ của một vị thày hay vị đạo sư. Thọ nhận quán đảnh cũng giống như việc gieo mầm hạt giống trong tâm thức, sau này, khi hội đủ nhân duyên và qua các nỗ lực tu trì, hạt giống đó sẽ nảy mầm thành Giác ngộ.

Để giải thích về ý nghĩa ‘’lễ Quán Đảnh’’, chúng ta hãy đọc lời bình luận ngắn gọn của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau đây:

Để khởi đầu, bổn tánh của chúng ta – còn gọi là “Phật tánh”, hay là tathagatagarbha là chân tánh của tâm thức của chúng ta – luôn luôn hiện diện một cách tự nhiên và cố hữu trong chúng ta. Cái tâm thức của chúng ta đã vận hành từ thời vô thỉ, thì cái bổn tánh vi tế nhất của tâm thức ấy cũng đã có từ thời vô thỉ. Nhờ cái nền tảng của dòng tương tục của tâm vi tế này mà chúng ta có khả năng đạt đến Giác Ngộ. Tiềm năng này được gọi là chủng tử giác ngộ, là Phật tánh, là tánh giác căn bản, từ ngữ Phạn gọi là tathagatagarbha. Chúng ta ai cũng có Phật tánh này, mỗi người chúng ta đều có cả. Khi ta đảnh lễ hình ảnh của Đức Phật, chúng ta cung kính một vị đã tự mình đạt đến Phật quả. Đức Phật đã đạt Giác Ngộ vì chân tánh của Ngài là vị Phật đã sẵn có. Chúng ta cũng có cái chân tánh này và cũng y như là đức Phật đã đạt giác ngộ trong quá khứ, chúng ta cũng có thể trở thành Phật trong tương lai.

Ngày nào đó, khi chúng ta đạt Giác Ngộ, dòng tâm tương tục vi tế của tâm thức sẽ giác ngộ vào trong trạng thái nhất thiết trí, Phạn ngữ gọi là pháp thân (dharmakaya). Bản tánh của tâm thức ở trong trạng thái này gọi là tự tánh thân (svabhavikakaya). Sự kiện tâm thức đó hoàn toàn thanh tịnh tự bổn tánh chính là một trong những đặc điểm của tự tánh thân svabhavikakaya, tâm này thanh tịnh hoàn toàn và tự nhiên. Một sự kiện khác, các si mê phiền não bất chợt đều hoàn toàn tiêu trừ và không còn che mờ chân tánh của tâm thức, cũng là một đặc điểm khác của tự tánh thân (svabhavikakaya): đã thanh tịnh hóa tất cả mọi si mê chướng ngại bất chợt.

Chắc chắn là tiềm năng này đã có sẵn trong mọi chúng ta, cho phép chúng ta đạt giác ngộ vào trong Phật tánh và đạt đến nhất thiết trí. Tiến trình thọ lễ quán đảnh, hay là thọ lễ wang, giúp ta khai thác tiềm năng này, có thể nói như thế, và làm cho tiềm năng này có thể hoạt động trọn vẹn hơn trong ta. Khi thọ lễ quán đảnh, chính cái bổn tánh của tâm thức chúng ta, là Phật tánh, cho phép lễ quán đảnh làm cho trở thành chín mùi. Nhờ thọ lễ quán đảnh để ban truyền quyền năng, chúng ta được điểm đạo nhập vào trong tinh tuý của chư Phật trong Ngũ Bộ Phật … ‘’[1]

Bất cứ ai dù là Phật tử hay chưa là Phật tử cũng có thể dự các buổi lễ Điểm Đạo và có thể thọ lễ với mục đích đơn giản là để được ban phép lành hộ trì. Thông thường trong các buổi lễ Điểm Đạo do Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì, ngài thường nhấn mạnh đến lòng từ bi mà toàn bộ giáo pháp của đức Phật đặt nền móng trên đó và gợi ý đến những ai có ý muốn giúp đỡ muôn loài chúng sinh đang ngụp lặn trong khổ đau, muốn đem lại hạnh phúc và lợi lạc cho chúng sinh hữu tình có thể tham dự vào một nghi lễ phát tâm Bồ Đề để phát nguyện lý tưởng Bồ tát và thực hành lý tưởng này qua ba điều giới luật (tam tụ tịnh giới): thứ nhất là ngăn ngừa hết thảy mọi điều bất thiện; thứ hai là quyết tâm thành tựu hết thảy các điều lành; và thứ ba là luôn giúp đỡ muôn loài chúng sinh.

Do đó trước khi làm lễ Điểm Đạo Đức Đạt Lai Lạt Ma thường làm lễ phát Tâm Bồ Đề, lễ Quy Y Tam Bảo và truyền Giới cho những ai muốn phát nguyện thực hành con đường lý tưởng Bồ tát qua ba điều giới nêu trên. Trong đó bao gồm phát đại nguyện:

Cho đến khi hư không còn tồn tại
Và chúng sinh còn chịu đựng khổ đau,
Nguyện cho tôi còn tồn tại,
Để xóa tan nỗi khổ đau trên thế gian này.

BBT/TVHS

[1] Trích từ thuyết giảng tại Vincennes, 7 tháng mười 1982, trong buổi ban truyền giáo lý Mật Ấn Nghĩa (Sangwa Gyachen), là một kho tàng tâm linh được khám phá bởi đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm.

Bình Thường Tâm Thị Đạo

HỎI: Trong một vài lần thảo luận về Phật Pháp giữa những người bạn đạo với nhau, có người này khen người kia là nói thẳng như thế là trực tâm, là tốt vì trực tâm tức thị đạo tràng. Vậy em xin hỏi câu "Trực tâm tức thị đạo tràng” là gì và có giống với câu "Bình thường tâm thị đạo” không? 

ĐÁP : Tâm chúng ta thường bị dao động theo hai chiều thuận và nghịch. Khi thấy một hình ảnh vừa ý thì liền yêu thích và muốn chiếm lấy cho bằng được; đây là chiều thuận, phát triển lòng tham. Khi ý muốn không được thỏa mãn thì ta bực tức sân hận; đây là chiều nghịch, phát triển lòng sân. Lìa hai chiều thuận nghịch, thấy biết rõ ràng mà không có một niệm phân biệt chia chẻ, bất động trước bát phong tấn công (được - mất, danh thơm - tiếng xấu, khen ngợi - khiển trách, vui sướng - khó chịu) chính là tâm bình thường. 

"Bình thường tâm thị đạo” là câu nói của Thiền sư Nam Tuyền, ngay nơi tâm không phân biệt, tâm bình thường chính là đạo. 

Tâm không bình thường là tâm ở trong hai trạng thái: vọng thức và vô ký. Những tạp niệm lao xao quen huân tập không dừng, dẫn đến vọng thức; sự mơ màng, ngầy ngật dẫn đến vô ký. Nói một cách khác Tâm không bình thường là tâm ý thức phân biệt do vọng duyên lập thành, trói buộc với khái niệm tương đối (có không, thường đoạn) trong vọng nghiệp nhơn quả.

Tâm bình thường là trí tuệ Bát Nhã, trong sáng, nhận biết rõ ràng nhưng thinh lặng, rỗng rang. Đó là Tâm Đạo, là tâm không phân biệt. 

Lời “Bình thường tâm là đạo” của Nam Tuyền, ý nói sau khi kiến tánh, khởi niệm, động niệm đều là Phật tánh, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, cuộc sống hằng ngày đều là chơn như, ấy là cảnh giới sau khi chứng ngộ. Nay người ta hiểu lầm câu “Bình thường tâm là đạo” tức là bình thường để qua ngày, bình thường làm một người tốt, mặc kệ tùy duyên.

Trực tâm tức thị đạo tràng” tương tự cũng như thế, khi tiếp xúc khách trần qua lại mà không khởi niệm đó là trực tâm. Người có trực tâm thì ngay nơi người đó ở là đạo tràng, ngay đó là cảnh giới giải thoát, chứ đạo tràng không phải là chỗ của Đức Phật ngồi thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ như chúng ta đã từng lầm nghĩ. 

Ngài Duy Ma Cật nói chỉ cần trực tâm thì đâu đâu mình có mặt cũng đều là đạo tràng cả. Ý ngài nói là sau khi kiến tánh, khởi tâm động niệm đều là Phật tánh hiện hành, chỉ một tâm ngay thẳng chẳng biến đổi, chẳng phân biệt. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Nếu trong tất cả nơi, đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ một tâm ngay thẳng (tâm không phân biệt) là đạo tràng chẳng động, là Tịnh độ chơn thật, gọi là Nhất hạnh tam muội”. 

Trực tâm là nhìn vạn pháp bằng con mắt "thập như thị”; tánh, tướng, thể, lực, duyên, quả báo, như vậy là như vậy, chứ không bao giờ khởi tâm phân biệt, chê bai xấu đẹp hay bất mãn ưa chuộng. Trực tâm là luôn ở trong chánh niệm, nhìn vạn pháp từ xưa đến nay thường vắng lặng, thường tịch diệt, trung thực với tánh chất của vạn pháp không thêm không bớt. Nhiều người hiểu lầm cho rằng con người chỉ cần ăn ngay nói thẳng (nói thẳng mà không sợ mích lòng) là ngộ đạo, ấy là sai lầm.

Công Án Là Gì?

HỎI: Tôi là một thiền sinh gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu công án. Vậy xin quý Báo cho biết công án là gì và có cách nào giúp dễ dàng tiếp cận tìm hiểu công án không? (TRẦN VĂN HIỂU, Cần Thơ)

ĐÁP:

Mục đích của tu Tổ Sư Thiền là làm ngưng lại dòng tâmý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thuỷ. Chư Tổ Sư dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua bức màn vô minh từ thời vô thủy, vượt qua luôn bờ bên kiacủa vô thủy vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.

Bản thể chân tâm của chúng ta vốn thanh tịnh, nhưng vì môt niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dầy đặc, càng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức. Nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệm và nhận thức.

Thoạt kỳ thủy, chưa có công án, mà chỉ là cơ xảo của chư Tổ, tùy theo theo căn cơ của người đối diện mà tháo gỡ vướng mắc đã khiến họ kẹt cứng, không hội nhập lại bản thể được, thí dụ như Lục Tổ hỏi thượng tọa Huệ Minh:

- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?

Nghe câu đó, thượng tọa Minh ngơ ngác, trong một sát na dòng tâm ý thức bị khựng lại, bản thể hiển lộ lập tức. Những thí dụ như trong một ngàn bảy trăm công án đều là những câu vấn đáp của chư Tổ, chính là để đương cơ "khựng ngay dòng ý thứclại". Mỗi vị đều có những câu khác nhau, tùy theo nhận xét của thầy mà đưa câu hỏi cho trò.

Người sau thấy những câu hỏi đáp đó đã giúp khai ngộ cho đệ tử, bèn thu thập lại, rồi đề ra cho người tới xin tu, cho họ một câu, gọi là "một tắc công án", để họ tự hỏi hoài, thành ra một nỗi thắc mắc nhân tạo, coi như dụng cụ để giúp người tu thiền có thể ngưng đọng tâm tư, tạo được khối nghi, chờ một ngày kia có trợ duyên, khối nghi bùng vỡ, là Ngộ.

Càng về sau, tâm tư con người càng phức tạp, biện luận càng nhiều. Người tu dùng công án để tạo thắc mắc, nghi tình thì ít, đem công án ra để bình giải thì nhiều, công án nhà Thiền biến thành công cụ để bình luận văn thơ, đã không giúp cho dòng ý thức ngưng, còn khai triển ra đủ loại tư tưởng đối nghịch, biến thành trò chơi chữ nghĩa. Trong trường hợp đó, công án không còn phục vụ sứ mạng tạo nghi tình, lại lấp bít con đường đi tới giác ngộ chân chính. (BBT)

Như vậy:

(1) “công án Thiền không phải là một đối tượng nhận thức, vì cứu cánh của chúng vượt lên trên ngôn ngữ chấp trước của tri thức, đó là một cảnh giới mà kinh Bát Nhã gọi là" VÔ SỞ ĐẮC," kinh Kim Cương gọi là"VÔ SỞ TRỤ," kinh Lăng Già gọi là"CẢNH GIỚI CỦA THÁNH TRÍ TỰ CHỨNG." (Xem thêm: CÔNG ÁN THIỀN VÀ VẤN ĐỀ NHẬN THỨC - Thích Đức Thắng)

(2) “Công án thiền cũng là ngôn ngữ, là hành động nhưng chúng ta không thể hiểu nó bằng tư duy, phân biệt hay suy lường, mà chỉ có thể thâm nhập nó, "biết" nó bằng trực giác. Thế nên những công án Thiền không phải là đối tượng để cho chúng tacó thể tiếp cận hay hiểu nó bằng cảm quan, tình thức, bằng học vấn, suy tư hoặccó thể mổ xẻ, lý giải bằng ngôn ngữ, văn tự theo cách hiểu thông thường. Nghĩa là những Thiền ngữ này, tức phương tiện khai thị của các Thiền-sư hoàn toàn chẳng giống như những bài toán, những luận đề hay là những lý thuyết khoa học mà con người có thể biện biệt, phân tích, luận bàn đúng sai phải trái, để rồi dẫn đến một kết luận tương đối hay cho ra một đáp án khả dĩ số đông chấp nhận được. Bản chất và công năng của Công án Thiền hoàn toàn không phải như thế…” (Xem thêm: ĐÔI NÉT VỀ THIỀN CÔNG ÁN - Nhuận-Bảo)

(3) “…Sau khi lược sơ 200 trang của chương “Tu Tập Công Án: Phương Tiện Chứng Ngộ”, trong Essays in Zen Buddhism”của soạn giả Daisetz Teitaro Suzuki, mà dịch giả Trúc Thiên và thượng tọa Tuệ Sỹ dịch là Thiền Luận chúng ta đã thấy rõ rằng: 1 – Tác giả Suzuki chủ trương “không thể dùng tâm ‎ý‎ thức, suy tư tìm hiểu, kiến giải, để khán Công Án, Thọai Đầu”. 2 – Đề lên rất cao tầm quan trọng của “nghi tình” trong khán Công Án. 3 – Ông không dạy “giải công án”. (Xem thêm: QUAN ĐIỂM CỦA DAISETZ SUZUKI VỀ CÔNG ÁN - Hà Minh Triết)

“..Để thay lời kết luận, chúng tôi (Thượng tọa Thích Đức Thắng) tha thiết yêu cầu mọi người trong chúng ta, hãy vì sự nghiệp giải thoát của mọi người, mà ngưng đi những việc làm tai hại đó (gỉai công án), vì chúng không có lợi, mà ngược lại sẽ có hại cho chính ngày hôm nay và ngay cả mai sau; bỡi vì chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp tình trạng căn cơ của họ nghiêng nặng về lý trí phân biệt. Cho nên đối với những người học Đạo, họ chỉ biết đắm mình vào thế giới ngôn ngữ văn tự, để rồi bị chúng đánh lừa trở thành nô lệ, và tự thõa mãn cho đó là cứu cánh, đáng lý ra chúng chỉ là phương tiện bị vượt qua, nên đức Phật Thích Ca đã từng tiên liệu trong kinh Lăng Già ngài đã phủ nhận: "Bốn mươi chín năm ta chưa hề nói lời nào." Thế mà cái hậu quả ấy vẫn xảy ra, càng ngày càng thêm tệ hại không phương cứu chữa! Chúng ta nên quay nhìn lại xem cái kiến thức, mà chúng ta đã nổ lực thâu lượm nhờ vào ngôn ngữ văn tự, tư duy học hỏi đó, có phải là cái bản lai diện mục xưa nay của chúng ta hay không? Hay đó chỉ là cái quái thai của vọng thức điên đảo phân biệt? Vậy thì cái bộ mặt thật xưa nay của chúng ta nó ở đâu? Hãy cẩn thận! Đừng tự đánh lừa mình! Đừng đánh lừa mọi ngườí! Hãy tự thực hành theo những lời dạy của đức Phật, cho dù chỉ là một chữ hay một câu đi chăng nữa, nếu chúng ta thực hành thấu đáo vượt qua khỏi chúng, thì đó là một việc làm lợi ích, chứ không phải học hỏi so sánh đối chiếu thiên kinh vạn quyển qua ngôn ngữ này ngôn ngữ nọ, để hiểu biết những lời dạy của đức Phật, rồi đem ra bàn luận mổ xẻ phân biệt chúng đúng sai chi li qua sách vở hay lời nói, rốt cuộc tham vẫn còn tham, sân vẫn còn sân, và si vẫn còn si. Đó không phải là mục đích tối hậu của những lời dạy đức Phật, mà mục đích tối hậu của đức Phật là thực hành giải thoát tất cả mọi trói buộc của tham-sân-si ngay trong cuộc sống này, chứ không phải học để biết tham sân si. Như thế chúng ta học để làm gì cho phí công vô ích, trong khi chúng không can hệ gì đến vấn đề giải thoát tham-sân-si!? ." (Xem thêm: CÔNG ÁN THIỀN VÀ VẤN ĐỀ NHẬN THỨC - Thích Đức Thắng)

BBT