Mục lục
Để đưa vào
Những danh từ mà Nguyễn Du sử dụng về thời gian như bao giờ, bây giờ, bấy giờ, bấy lâu, có lúc, có khi, hôm nay, v.v... đã gây cảm hứng cho tôi viết ra tác phẩm Bây giờ mới thấy này.
Thi Tứ
tặng Nhất Hạnh để bắc cầu thông cảm giữa Đạo và Thơ
Trụ Vũ
Ta gối đầu ta lên mộng ảo
Ta gói hồn thơ thiên địa áo
Ta nằm ngủ giữa lá thu rơi
Mặt đất dâng cao thấu tận trời
Ai để mùa thu lên viễn vọng
Trong tiếng ca nào đang lên khơi?
Ai đem mây xám vẽ lên không
Một lá vàng rơi xao xuyến lòng
Ta nắm trong tay mùa tạo vật
Đi vào kết bạn cùng trời đất
Cuộc đời say ngủ dưới chân ta
Chôn chặt thân ngươi mảnh đất già
Đây gió ngàn phương trời với biển
Thổi cánh chim trần về cao viễn
Ta về hòa hợp giữa hư không
Thi tứ ngàn năm còn hiển hiện...
Đó là mùa thu năm 1949. Tôi gặp hai chàng thi sĩ trẻ Trụ Vũ và Quách Thoại tại chùa Giác Nguyên ở Khánh Hội, Sài Gòn. Vị trú trì ở đây là hòa thượng Hành Trụ. Hòa thượng vừa mới dịch xong một cuốn kinh, gọi là kinh Ông Bụt (Phật thuyết Bột Kinh). Hòa thượng nhờ tôi nhuận văn và đề một bài tựa. Tôi đề nghị đặt tên kinh là Kinh Hiền Nhân.
Trụ Vũ và Quách Thoại là những thi sĩ trẻ và nghèo. Họ lên chùa để có cơm chay ăn và có nơi tá túc. Họ dạy quốc văn cho các sư chú. Hồi đó Nhà xuất bản Long Giang mới ấn hành thi phẩm đầu của tôi, đó là thi phẩm Tiếng Địch Chiều Thu, do họa sĩ Lê Trung minh họa. Tôi đã tặng hết 50 bản đặc biệt của Tiếng Địch Chiều Thu cho các bằng hữu, nên không còn bản nào để tặng hai chàng thi sĩ trẻ. Một hôm tôi đang dạy các sư chú ở chùa Ứng Quang thì Trụ Vũ tìm tới. Chùa Ứng Quang tọa lạc tại đường Lorgeril, ở Ngã Ba Vườn Lài, Sài Gòn - sau này đổi tên là đường Sư Vạn Hạnh và trở thành Phật Học Đường Nam Việt, nơi tôi được mời làm một vị giáo thọ trẻ dạy môn Sử Học Phật Giáo cho học tăng cấp trung học. Trụ Vũ đã tới ngay nhà xuất bản Long Giang và tìm được một bản Tiếng Địch Chiều Thu. Anh ta đi vào trong vườn Tao Đàn, hồi đó còn gọi là vườn Bồ Rô, nằm xuống bãi cỏ để đọc. Đọc xong thì ngủ. Ngủ dậy thì làm được bài thơ Thi Tứ này, và tìm tới chùa Ứng Quang để tặng tôi. Mối giao tình giữa tôi và Trụ Vũ bắt đầu từ đó. Tập thơ Hành Hương của Trụ Vũ xuất bản năm 1964 đã lấy nguồn cảm hứng từ đạo Bụt. Thơ của Vũ Hoàng Chương, bắt đầu từ bài Lửa Từ Bi cho đến tập Bút Nở Hoa Đàm, cũng đã lấy nguồn cảm hứng từ đạo Bụt.
Năm 1949, khi đọc dòng chữ của Trụ Vũ đề tặng “tặng Nhất Hạnh để bắc cầu thông cảm giữa Đạo và Thơ”, tôi tự hỏi: có cần bắc một chiếc cầu như thế hay không? Theo tôi thì Đạo đã là Thơ và Thơ đã là Đạo rồi. Có cần Thơ để chở Đạo, và có cần Đạo để chở Thơ hay không? Hồi đó tôi nghĩ rằng trong Thơ đã có Đạo và trong Đạo đã có Thơ rồi. Năm 1949, tôi cũng đang thai nghén tập thơ Ánh Xuân Vàng. Trong tập thơ này, có một bài thơ nói về giây phút nhập diệt của Bụt Thích Ca. Trong bài này có câu:
Ánh đạo vàng tươi sáng, một nguồn thơ
Hãy soi chiếu vào đêm dày tăm tối.
Quách Thoại ít lên chùa hơnTrụ Vũ. Và Quách Thoại thể chất ốm yếu hơn Trụ Vũ. Anh bị lao, được đem vào Bệnh viện Bình Dân chữa trị và mất ở đó, tuổi chưa tới ba mươi. Trong những bản thảo của anh, người ta tìm được bài Hoa Thược Dược mà tôi rất thích:
Đứng yên ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc:
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
Năm 1964, đóa hoa mầu nhiệm của Quách Thoại đã xuất hiện trở lại trong bài thơ Trường Ca Avril của tôi.
Trong Hành Hương, Trụ Vũ viết:
Trang sử Việt Nam yêu dấu
Thơm ngát hương trầm
Nghe trong tim Lý Lê Trần
Có năm cánh đạo nở bừng nguy nga.
Tóc cài hoa bưởi trắng
Hồn ướp nhị sen vàng
Đời đời cô gái Việt Nam
Trăng lên ngôi vị nữ hoàng tình yêu.
Phụng hoàng châu Á
Bay rợp ngàn trùng
Thái Sơn, Hy Mã hào hùng
Kết tinh châu ngọc trong lòng Trường sơn
Mẹ ơi nhớ nước nhớ nguồn
Thương quê thương đạo con còn làm thơ...
Trong Bút Nở Hoa Đàm, Vũ Hoàng Chương viết:
Bụt động lòng thương kiếp đọa đày
Hóa thân làm tuyết bốn trời bay
Hóa sen trăm cánh, cây ngàn trượng
Giọt tĩnh bình xoa dịu đắng cay.
Hồi 1964, tôi làm chủ bút của Tuần San Hải Triều Âm, cơ quan thông tin văn hóa của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mới được thành lập. Đại đức Thích Châu Toàn được tôi mời làm thư ký tòa soạn. Thầy Châu Toàn mời Vũ Hoàng Chương phụ trách trang thơ của tạp chí Hải Triều Âm. Hồi ấy Nhà xuất bản Lá Bối đã được thành lập và xuất bản nhiều sách có giá trị của các học giả và văn nghệ sĩ ở thủ đô. Tôi thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, mời thầy Minh Châu ở Ấn Độ về làm viện trưởng và mời học giả Hồ Hữu Tường làm phó viện trưởng. Tạp chí Hải Triều Âm đăng tải hình ảnh và tin tức của cuộc vận động Phật giáo cho hòa bình và thống nhất. Vũ Hoàng Chương minh họa bằng thơ cho những hình ảnh và tin tức lúc ấy. Thơ của Vũ Hoàng Chương phản ảnh cuộc tranh đấu này. Cùng lúc ấy, Hải Triều Âm đăng tải những bài thơ về chiến tranh và hòa bình của tôi. Những bài sau này được in thành tập Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện, những bài thơ mà sau này được gọi là “thơ phản chiến”, như bài “Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ”. Trước đó, nhóm Sáng Tạo do những người như Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền chủ trương đã “lăng xê” thơ tự do. Đi qua nhà sách Xuân Thu tôi thấy trưng bày tác phẩm “Tôi Không Còn Cô Độc” của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Châu Toàn độ ấy thường trú tại chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp, mỗi ngày đi tới tòa soạn Hải Triều Âm bằng xe đạp gắn máy. Tôi có một cái am tranh ở chùa Trúc Lâm. Một hôm, thầy Châu Toàn mời Vũ Hoàng Chương về chùa Trúc Lâm ăn cơm chay. Thầy Đồng Bổn trú trì chùa Trúc Lâm đã kho mít rất ngon, nhưng nhà thơ chỉ nhấm nháp qua loa chứ không ăn được nhiều. Sau đó chúng tôi nói chuyện về thơ, và về tuần báo Hải Triều Âm. Hồi đó tuần san Hải Triều Âm mỗi kỳ in tới 50 000 bản, báo được chở ra Huế và Đà Nẳng bằng máy bay mới kịp có để bán. Vũ Hoàng Chương trước đó mấy hôm đã nói riêng với thầy Châu Toàn rằng tuy các anh ở nhóm Sáng Tạo “lăng xê” thơ tự do nhiều như thế, nhưng rốt cuộc theo ông thì những bài thơ “hòa bình” của thầy Nhất Hạnh đăng trong Hải Triều Âm lại là những bài thơ tự do thành công nhất, tuy chưa bao giờ thầy nói thơ thầy là thơ tự do. Vũ Hoàng Chương cho đó là một điều “lạ lùng”. Những câu thơ sau đây là những câu tiêu biểu, trích từ bài “Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ”, sau này đã được dịch thành tiếng Anh và đăng trong tập san The New York Times Review of Books năm 1966:
Khói lửa dậy mười phương
Hoảng hốt cuồng phong
Đau thương ngập tràn về sông núi
Khóc các anh, thương các em
Tôi ngồi đây, hồn và xác bồn chồn như đứng trên đống lửa
Mẹ thương đau, chiều rám hồng
Lòng như sa mạc, mắt khô không tìm ra lệ khóc
Chiều nay anh về đâu?
Bên tai tôi súng nổ
Lửa tên làm mẹ bồn chồn héo hắt
Mái tóc điểm sương đã bao lần ẩn nhục
Bao nhiêu đêm rồi chong đèn cầu cho mưa tạnh gió yên?
Tôi biết chiều nay chính anh sẽ bắn tôi
Để lại vết thương cho mẹ ôm ấp ngàn đời nhức nhối
Ôi tàn ác những ngọn cuồng phong từ phương nao thổi tới
Làm cho nhà tan cửa nát
Ra đi, ruộng vườn khô cháy
Ngoảnh nhìn lui, ruột thắt gan khô.
Ngực tôi đây, anh bắn đi
Mạch máu của mẹ truyền cho đây, anh cắt đi
Để mà xây dựng nên lâu đài anh mơ ước
Anh nhân danh ai,
Em nhân danh ai,
Xin hãy về quỳ dưới đôi bàn chân mẹ
Thương yêu ngọt bát canh tần.
Những đêm bên ướt mẹ nằm
Bên ráo con lăn
Từng miếng cơm nhai
Từng bầu sữa cạn
Nuôi nấng cho con nên hình, nên vóc
Sáng nay một viên đạn làm anh ngã gục
Một viên đạn đồng ghim vào giữa tim
Thân em lăn lóc
Mẹ sống làm sao được nữa, con ơi,
Chị sống làm sao được nữa, em ơi,
Thương đau chừng nào vơi
Bên cạnh đĩa dầu hao xóm cũ?
Thầy Châu Toàn làm việc rất thân với Vũ Hoàng Chương. Có khi hai người tới chùa Việt Nam Quốc Tự lấy tin tức về cuộc tuyệt thực của các vị trong hội đồng Viện Hóa Đạo. Và lần nào đi chùa về, Vũ Hoàng Chương cũng có một bài thơ.
Thầy Châu Toàn là đệ tử duy nhất của thiền sư Mật Thể, tác giả các sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Xuân Đạo Lý, Cải Tổ Sơn Môn Huế, Thế Giới Quan Phật Giáo và là dịch giả của những cuốn Phật Giáo Yếu Lược và Phật Giáo Khái Luận. Thầy Mật Thể là một trong những nguồn cảm hứng tưới tẩm hạt giống xuất gia của tôi. Một nguồn cảm hứng khác là Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, tác giả tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ và biên khảo viên của tác phẩm Việt Nam Thiền Tông Thế Hệ - tài liệu rút từ sách Đại Nam Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục đăng trên tạp chí Đuốc Tuệ. Đó là những người đàn anh gần gũi nhất của tôi trên con đường lý tưởng Phật giáo. Năm tôi xuất gia là năm thầy Mật Thể xuất bản cuốn Xuân Đạo Lý. Chủ đề của sách này là: Xuân là Sứ Mạng Phật hóa. Ý của thầy Mật Thể là đạo Bụt có thể đem lại một mùa xuân mới cho đất nước, nếp sống tâm linh đạo Bụt có thể mở một con đường thoát cho một nhân loại đang sống trong hoài nghi, chán nản và bê tha trụy lạc. Thầy Mật Thể cũng làm thơ mới, thơ của thầy rất hiền và rất trong sáng:
Trăng sáng sau khi trời mới tạnh
Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa
Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?
Hồi đó có Đạm Phương Nữ Sĩ thường hay đến chùa dạy văn chương và quốc ngữ cho các thầy và các sư chú ở Huế. Các thầy và các chú biết đọc và biết viết chữ Hán nhiều hơn chữ Việt. Đạm Phương dạy quốc ngữ. Thầy Mật Thể giỏi quốc văn rồi và đã bắt đầu học tiếng Pháp. Tiếng Pháp thầy đã đủ giỏi để đọc những bài nghiên cứu về lịch sử Phật giáo. Hồi đó có thầy Trọng Ân làm thơ mới cũng hay lắm. Thầy Trọng Ân xuất phát từ chùa Tường Vân, còn thầy Mật Thể chùa Trúc Lâm. Thầy Mật Thể đi xuất gia hồi 12 tuổi mà đến năm 32 tuổi mới thọ giới lớn tại chùa Thiền Tông Huế. Trước đó thầy đã từng được đi du học tại Phật Học Viện Tiêu Sơn ở Trung Quốc do pháp sư Tinh Nghiêm làm đốc giáo. Hồi còn làm sa di thầy đã được mời làm giảng sư của hội An Nam Phật Học, giảng dạy tại trường Phật Học của Sơn Môn Thừa Thiên và tại Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh. Sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của thầy được nhà Tân Việt xuất bản năm 1943, một năm trước khi thầy thọ giới lớn.
Tôi may mắn trong thời gian xuất gia được thân cận với nhiều huynh đệ dễ thương, thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Hồi ấy có thầy Trọng Ân, thầy Trí Thuyên, thầy Thiện Hỷ, các chú Tâm Cát, Tâm Thường, Đức Trạm, Minh Tâm, Đồng Bổn, Châu Đức, Châu Toàn, Tánh Huyền... Chúng tôi sống với nhau, tu học với nhau đầm ấm trong tình huynh đệ thật tuyệt vời. Chúng tôi ai cũng vừa yêu đạo vừa yêu quê hương. Ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trí Thuyên bị Pháp bắn chết ở tùng lâm Kim Sơn. Tâm Thường bị bắn chết ở núi Thiên Thai cạnh chùa Thiền Tông. Minh Tâm bị bắn tại huyện Phong Điền. Tánh Huyền bị bắn sau lưng chùa Tường Vân. Châu Quang bị bắn ở mặt trận thị xã Huế... Chúng tôi bí mật tổ chức cầu siêu cho các vị huynh đệ ấy. Chúng tôi cũng có một bức hình của thầy Trí Thuyên. Bốn câu thơ sau đây được thầy Trọng Ân viết dưới bức chân dung của thầy Trí Thuyên:
Năm xưa ai đã cùng ai
Đốt lò hương, nguyện dưới đài quang minh
Mà nay non nước chưa bình
Người đi đâu mất, ảnh hình còn đây?
Ngày kỵ của Tâm Thường tôi có viết bài thơ sau đây:
Tâm Thường ơi, giờ đây trong sương sớm
Có nghe chăng tiếng gió gọi ngàn thông?
Núi Thiên Thai nơi chùa cũ mịt mùng
Mờ khói thuốc và mờ gương chiến đấu
Anh có thấy bên rừng Chim Xanh đậu
Tiếng đau thương thốt mãi bao giờ ngừng?
Anh có nghe trong khúc nhạc uy hùng
Cả chí khí cao siêu và hùng vĩ?
Nguồn thi hứng reo từ muôn thế kỷ
Ở tâm linh, ở nguồn đạo cao siêu
Một con đường, hai lý tưởng cùng nêu
Ta đi tới... Nhớ chiều xuân năm cũ
Khi mọi người đang hướng về quy tụ
Nơi gia đình ấm áp khói hương trầm
Ta ra đi. Gió nhẹ thổi non sông
Mưa xuân rơi trên ngàn cây hớn hở.
Tiếng thúc giục của tâm linh rộn rã:
“Ra đi thôi! Mờ mịt đã lâu rồi
Tìm vết xưa vùi lấp ở xa khơi
Đưa ánh sáng về nơi đầy tăm tối”
Ta cất bước, lòng trẻ trung, phấn khởi
Nhìn mây trôi, non nước chốn xa mờ
Trên đường dài ta cảm thấy say sưa
“Lòng hôm ấy, sẽ là lòng muôn thuở”
Nhưng bạn ơi, gương thời gian chưa vỡ
Ở lòng ai. Nguồn sống vẫn vô cùng.
Chiều hôm nay, hương đốt, khói trầm xông,
Bạn hãy đến viếng người nơi viễn xứ!
“Lòng hôm ấy, sẽ là lòng muôn thuở” là lời tâm nguyện quyết theo đuổi tới cùng con đường lý tưởng mà chúng tôi đã nguyện đi theo. Những người đi trước ngã xuống thì những người đi sau tiếp nối. Thầy Mật Thể mất năm 1961, tuổi mới 49. Chí nguyện chưa thành, nhưng đang được chúng tôi tiếp nối. Thầy Châu Toàn, đệ tử của thầy Mật Thể, đã được tôi chăm sóc và hướng dẫn chu đáo. Tôi đối xử với thầy Châu Toàn như một người em ruột. Có thể nói tôi yêu Châu Toàn còn hơn yêu em trai nữa, có thể bởi vì chúng tôi cùng có một thao thức chung, một lý tưởng chung. Mà điều này cũng đúng với thầy Châu Đức và với hàng chục anh em khác. Một điều lạ là chúng tôi chưa bao giờ giận nhau và cãi vã với nhau. Chúng tôi có một niềm tin sâu sắc nơi nhau.
Đời tôi có một may mắn là chưa bao giờ bị cách biệt với tuổi trẻ. Tại lớp Trung Học ở Ấn Quang, các vị như Như Trạm, Như Vạn, Như Huệ, Minh Cảnh, Thanh Văn, Thanh Hương, Thanh Tuệ, Trí Không (Tân Uyên), Long Nguyệt, Viên Hạnh, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Thắng Hoan, Thanh Hiện, v.v... tuy đều là học trò của tôi nhưng đồng thời cũng là những người em và những người cùng chí hướng. Cho tới nay mỗi lần nhớ tới những người ấy, tôi vẫn còn thấy biết ơn cái tình thầy trò và huynh đệ kia. Nó nuôi dưỡng chúng tôi. Nó bền bĩ và có khả năng nuôi dưỡng hơn bất cứ một thứ tình nào khác. Các vị như Minh Cảnh và Như Huệ tuy đã trở thành những vị hòa thượng lớn hay những học giả lớn, nhưng bây giờ mỗi lần gặp nhau chúng tôi vẫn còn nắm tay nhau đi chơi như thường. Hòa thượng Như Huệ đang lãnh đạo Phật giáo tại Úc. Năm 1986, khi tôi đến thăm ngài tại chùa Pháp Hoa ở Adelaide, ngài đã ra đón tôi ở cổng chùa và đặt đầu trên vai tôi một cách “nhõng nhẽo” khiến cho cả tứ chúng chùa Pháp Hoa đều kinh ngạc. Đối với các hòa thượng khác như Thiện Hạnh, Thiện Bình, Thanh Từ, v.v... chúng tôi cũng chơi với nhau thân mật như thế.
Vào những năm 50, chúng tôi lên xây dựng một chúng xuất gia trẻ trên chùa Linh Quang ở cao nguyên Đà Lạt, lập Phật học viện để nuôi dưỡng chúng này. Thượng tọa Minh Cảnh trú trì ở đây yểm trợ chúng tôi hết lòng. Hồi đó có các thầy Tâm Hòa và thầy Quang Phú góp công giảng dạy. Chúng tôi thành lập trường Trung Học và Tiểu Học Tuệ Quang, một ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách điều khiển. Năm 1954, đất nước chia đôi, tinh thần của giới xuất gia trẻ hoang mang. Ban Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang Sài Gòn đã mời chúng tôi về để cải tổ lại chương trình giáo dục và thực tập cho học tăng và học ni tại đó. Chúng tôi lập ra một đoàn thể những người học tăng trẻ tuổi, xuất bản tạp chí Sen Hái Đầu Mùa, và xướng xuất phong trào Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời. Loạt bài đầu của ý thức mới này được đăng trên trang đầu của nhật báo Dân Chủ do Vũ Ngọc Các làm chủ nhiệm, lấy tên là Đạo Phật Qua Nhận Thức Mới. Chúng tôi muốn cống hiến một đạo Bụt lột xác có khả năng thả một bè lau, cứu được đất nước ra khỏi tình trạng tranh chấp, qua phân và chiến tranh.
Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) được thành lập năm 19641 và sau đó là Viện Đại Học Vạn Hạnh. Thầy Thanh Tuệ được cử làm giám đốc Nhà xuất bản Lá Bối. Thầy Thanh Văn được cử làm giám đốc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, trong khi Thầy Châu Toàn phụ trách tuần san Hải Triều Âm. Sau khi thầy Thanh Văn bị tai nạn qua đời, thầy Châu Toàn được mời làm giám đốc điều hành trường Xã Hội. Chính trong thời gian ấy chúng tôi nẩy ra ý kiến phải xây dựng một trung tâm tu học để cho tất cả chúng tôi có nơi trở về để được nuôi dưỡng và trị liệu sau những thời gian hoạt động, và chúng tôi đã có ý định về miền cao nguyên tìm đất. Phương Bối Am được thành lập. Và chúng tôi dự định sẽ biến Phương Bối Am thành một làng thực tập, gọi là Làng Hồng, ở đó chúng tôi sẽ trồng toàn một loại cây hồng ăn trái. Làng Mai ở Pháp cũng là một hậu thân của Phương Bối, của Làng Hồng.
Hồi thầy Châu Toàn lên làm Giám Đốc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội thì tôi đã bị lưu đày rồi, vì trước đó tôi đã dám lên tiếng chính thức kêu gọi hai bên lâm chiến dừng lại để thương thuyết. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội gặp khó khăn về tài chính và về pháp lý, tôi phải vận động để yểm trợ cho trường đứng vững. Trường đã thực hiện được những công tác thật đáng kể: cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, chăm sóc các cô nhi do chiến tranh tạo ra, lập các làng định cư cho người tỵ nạn chiến tranh, xây dựng những làng hoa tiêu làm mẫu mực cho phong trào tự nguyện phát triển nông thôn. Nhưng thầy Châu Toàn lại qua đời vì bệnh tim, và để cho thầy Từ Mẫn lên thay thế.
Thầy Châu Toàn thật sự là một nghệ sĩ. Hồi đó các thầy Châu Toàn và Đồng Bổn đã biến ngôi chùa Trúc Lâm ở ngã Ba Cây Quéo quận Gò Vấp thành một nơi trú ẩn an lành tuyệt vời cho tất cả chúng tôi. Thầy Châu Toàn cắm hoa đẹp lắm. Ở đó mỗi tuần chúng tôi được quy tụ về, ngồi thiền với nhau, đi thiền hành với nhau, tổ chức pháp đàm, ăn cơm im lặng, bàn về tương lai. Các bạn sinh viên về tham dự đông lắm. Các anh Lê Hữu Bôi, Trâm, Nguyên, Quyền, các chị Thảo, Thanh, Mi, Thăng, Tuyết, Phượng, mỗi lần về đều đòi được nghe tôi đọc thơ. Trên tường tăng xá có một bài thơ chữ Hán với nét bút của ni sư Diệu Không: Trúc Lâm phong cảnh thâm u... Trúc Lâm ở Gò Vấp là sự tiếp nối của Trúc Lâm Huế, và thầy Châu Toàn là sự tiếp nối của thầy Mật Thể. Ngày thầy Thanh Văn mất, tôi không về được. Ngày thầy Châu Toàn mất tôi cũng không về được. Mãi đến năm 2005 tôi mới được về lần đầu, sau 40 năm luân lạc. Tôi đã có dịp thắp hương cho cả hai người, ở Trúc Lâm và ở Pháp Vân. Con cháu chúng tôi bây giờ đông lắm, đang có mặt khắp nơi, và những vần thơ vẫn còn đang tiếp nối...
Nguyễn Du có lẽ là nhà thơ lớn nhất trên thi đàn Việt Nam. Hồi còn trẻ, đọc Nguyễn Du tôi rất kinh ngạc thấy một nhà nho đạo mạo như thế mà viết ra được những câu thơ tình tứ đến thế, những câu thơ nói lên được cả những đam mê, những liều lĩnh và ngông cuồng của tuổi trẻ. Nguyễn Du đã thấy được tất cả những xấu xa bỉ ổi của một xã hội băng hoại, nhưng Nguyễn Du cũng đã thấy được nét đẹp tinh thần và tâm linh cao khiết có thể có khả năng cứu độ cho một xã hội thối nát như thế. Những danh từ mà Nguyễn Du sử dụng về thời gian như bao giờ, bây giờ, bấy giờ, bấy lâu, có lúc, có khi, hôm nay, v.v... đã gây cảm hứng cho tôi viết ra tác phẩm Bây giờ mới thấy này. Đây là một quán chiếu về thời gian, về tình yêu và về hạnh phúc. Bạn chỉ nên đọc mỗi lần một đoạn ngắn. Cũng như khi bạn đọc đoạn văn Hữu Thời của thiền sư Đạo Nguyên.
1 Làng hoa tiêu (thí điểm) TNPSXH được bắt đầu từ tháng 1 năm 1964. Có Ni sư Tịnh Nguyện, sư chú Nhất Trí, các chị Trà Mi, Phương Thái, Phùng Thăng, Cao Ngọc Thanh, anh Lê Khắc Tích, em Tâm Quang. Từ tháng 7 năm 1964 trở đi mới có chị Phượng, các anh Trần Tấn Trâm, Lê Thành Nguyên và Hồ Văn Quyền. Năm 1965 là năm tuyển sinh và tháng 9 năm 1965 mới khai giảng trường Thanh Niên Phụng Sự Xả Hội như một chi nhánh của Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Bây giờ mới thấy
Bây giờ mới thấy
Bây giờ mới thấy nghĩa là bấy lâu nay chưa từng thấy. Bấy lâu nay có thể mình đã đi tìm, nhưng mình chưa thấy. Và có thể là vì bây giờ mình không đi tìm nữa, cho nên mình mới có cơ hội thấy. Thấy cái gì, và mình đã đi tìm cái gì?
Mình đã đi tìm cái gì nhỉ? Mình đã đi tìm ai? Có thể mình đã đi tìm chính mình, để biết mình là ai? Ai là người đang niệm Bụt? Ai là người đang thực tập quán chiếu, ai là người đang tu?
Ngày xưa cách đây khoảng 50 năm, tại chùa Bảo Liên, đảo Lantau, trên vách nhà khách có viết một bài kệ như sau:
Hữu độ tức phi tịnh
Ngôn thuyên hà sở vi?
Phật thuyết nguyên vô ngã
Thiền sư vấn thị thùy?
Hễ có một cõi, thì cõi ấy không thể gọi là cõi tịnh được. Có cõi thì có sự sống. Có sự sống nghĩa là có ăn uống, có bài tiết. Có thiền đường mà cũng có cầu tiêu. Có cầu tiêu thì không phải là tịnh rồi. Vậy thì cõi ấy, cõi Tịnh độ của Bụt A Di Đà mà những người tu tịnh độ đang cầu về có thật sự là một cõi tịnh hay không?
Ngôn thuyên hà sở vi có nghĩa là ngôn thuyết dùng để làm gì? Hễ mở miệng là mắc quai. Chỉ cần nói ra hai tiếng tịnh độ là đã bị kẹt. Hễ có độ là không thể có tịnh.
Hữu độ tức phi tịnh nghĩa là thế.
Nếu điều Bụt dạy về vô ngã là đúng thì thiền sư là ai? Theo Tịnh độ thì bị kẹt đã đành mà theo thiền cũng bị kẹt. Vị thiền sư mà mình đang tham vấn có phải là một cái ngã không? Mình là ai, và vị thiền sư là ai? Ai là người niệm Bụt, và ai là người đang ngồi tham vấn với vị thiền sư?
Ai là người đang niệm Bụt?2
Mình chứ ai? Mình chưa biết mình là ai cho nên mình mới đi tìm. Làm như mình đã biết Bụt là ai rồi, mình chỉ chưa biết mình là ai thôi. Có thật như thế không? Có phải mình đã biết Bụt là ai rồi thật không? Nếu quả thật mình đã biết Bụt là ai rồi thì mình cũng đã biết mình là ai rồi. Chỉ vì chưa biết Bụt là ai cho nên mình chưa biết được mình là ai đó thôi. Mình đi tìm Bụt mà chưa thấy, mình đi tìm mình mà chưa thấy. Bây giờ không đi tìm nữa thì mình thấy. Mình thấy Bụt. Mình thấy mình.
Bây giờ mới thấy. Dữ hông?
Mình đi tìm Bụt ở đâu? Mình đi tìm mình ở đâu? Tìm ở quá khứ? Trở về quá khứ? Tìm ở tương lai? Hướng về tương lai? Nhưng quá khứ đã không còn, mà tương lai thì chưa tới. Cả quá khứ và tương lai chỉ là ảo ảnh. Chỉ có cái bây giờ là có thật. Chỉ có cái hiện tại là có thật. Vậy thì phải trở về với giây phút hiện tại mình mới mong tìm được Bụt, mình mới mong tìm được mình. Bây giờ mới thấy, có nghĩa là khi về được với giây phút hiện tại mới thấy. Thì ra thế! Giây phút hiện tại là nơi chốn duy nhất để mình có thể tìm thấy cái mình đi tìm. Mình đi tìm chi? Mình đi tìm Tình yêu. Mình đi tìm Hạnh phúc. Mình đi tìm Niết bàn. Mình đi tìm Thượng đế. Mình đi tìm Giải thoát. Mình đi tìm Tịnh độ. Mình đi tìm cái Vô sinh bất diệt. Thì ra tất cả những cái gì mình đang đi tìm đều đang có mặt trong giờ phút hiện tại.
Và chìa khóa của sự tìm kiếm là trở về với giây phút hiện tại.
Đến bây giờ mới thấy đây
Câu nói này của ai mà nghe quen thuộc thế? Của Nguyễn Du rồi. Ô hay! Cái ở đây chỉ có thể thấy được khi mình trở về được với cái bây giờ. Đến được cái bây giờ thì mới thấy được cái ở đây. Cái ở đây là cái không gian. Cái bây giờ là cái thời gian. Cái bây giờ đang gặp cái ở đây. Có thể nào gỡ cái bây giờ ra khỏi cái ở đây được không? Có thể gỡ cái không gian ra khỏi cái thời gian không? Cái bây giờ và cái ở đây là hai cái khác nhau, hoặc chỉ là một cái? Bạn sẽ mở to mắt mà nói: Ô hay, Nguyễn Du đâu có muốn nói tới cái chuyện rắc rối ấy? Nguyễn Du chỉ muốn nói: Tướng công Từ Hải ơi, ngày xưa lúc mới tiếp xúc với tướng công lần đầu, tuy chưa thấy tướng công là một ông vua, nhưng tiện thiếp đã biết tướng công là một ông vua rồi. Chứ không phải bây giờ lúc tướng công có mười vạn tinh binh trong tay thiếp mới thấy. Đến bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai. Thì ra nhìn vào hiện tại cho thật sâu sắc thì đã có thể thấy được tương lai rồi. Rốt cuộc thì cái bây giờ và cái ở đây là quan trọng nhất. Nhìn vào cái bây giờ và cái ở đây thì có thể thấy được tất cả cái mười phương và cái ba đời. Cái thập phương và cái tam thế. Nguyễn Du cũng đã thấy được rằng phải về với cái bây giờ mới thấy được cái ở đây, có về được với cái ở đây mới thấy được cái bây giờ. Đến bây giờ mới thấy (ở) đây. Quả là mầu nhiệm! Hiện pháp là những gì đang được thấy trong giây phút hiện tại. Hiện pháp chính là giây phút hiện tại. Cái anh đang thấy cũng là thời gian. Cái anh đang thấy cũng là chính anh. Anh có thể loay hoay với cái máy tính của anh trong ba giờ đồng hồ và trong suốt thời gian ấy anh hoàn toàn quên rằng anh có một hình hài.
Nhờ thở vào một hơi thở có ý thức, anh đem tâm về được với thân và trở về với giây phút hiện tại.
Về với cái bây giờ, cái anh thấy trước hết là hình hài anh.
Cái ở đây là cái gì? Trước hết là cái hình hài của mình. Nhìn vào hình hài mình, mình thấy được lịch sử của sự sống. Mình thấy được cha mẹ, tổ tiên. Tổ tiên của mình không phải chỉ là con người homo sapiens, mà còn là những chủng loại động vật khác, những chủng loại thực vật và những chủng loại khoáng vật khác. Mình có tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống. Mình thấy đất Mẹ và cha Trời trong cơ thể của mình. Thì ra mình không phải là một cái ta riêng rẻ, đơn độc, mà là một dòng sinh mạng liên tục. Cái hình hài này chứa đựng cả tam thiên đại thiên thế giới. Cái một chứa đựng cái tất cả. Cái hình hài này cung cấp cho mình tất cả những thông tin cần thiết về vũ trụ, về thời gian vô cùng và không gian vô biên. Vậy thì cái ở đây cũng là cái ở bên kia, cái nơi đây cũng là cái khắp nơi.
Và cứ như thế mà nhìn thì cái bây giờ cũng chứa đựng cái ngàn xưa và cái ngàn sau, nghĩa là cái thiên thu đang nằm gọn trong cái khoảnh khắc.
Mặt trời, mặt trăng nằm trong lòng một hạt cải, và càn khôn được đặt gọn trên đầu một sợi tóc4.
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Chính trong cái bây giờ mà ta có thể thấy được mặt mũi của chính ta, và cũng chính trong cái bây giờ mà ta có thể nhận diện được sự có mặt của người yêu. Ngoài cái bây giờ, tất cả chỉ là ảo tưởng. Cái bây giờ chứa đựng sự sống đích thực với tất cả những mầu nhiệm của nó. Người yêu của ta là một mầu nhiệm. Chính trong khung cảnh của cái bây giờ mà chúng ta nhận diện được sự có mặt của người yêu. Anh có cái bây giờ hay không? Nếu anh không có cái bây giờ thì làm sao anh có thể yêu? Cho nên mỗi hơi thở, mỗi bước chân của anh phải đem lại cho anh cái bây giờ.
Không có cái bây giờ thì anh không có cái gì hết, kể cả bản thân anh.
Nếu anh không có mặt trong cái bây giờ thì tất cả sẽ chỉ là một giấc chiêm bao. Chính trong cái bây giờ mà ta có thể nhận diện được sự có mặt của nhau. Ngoài cái bây giờ thì tất cả chỉ còn là một giấc mơ. Bây giờ rõ mặt đôi ta, vì biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?5
Ngay lần đầu gặp Kiều, Từ Hải đã mời nàng xích lại gần chàng để nhìn chàng cho rõ: Lại đây, xem lại cho gần6. Đúng là ngay trong cái bây giờ ta phải thấy được cho rõ ràng mặt mũi của nhau. Và Kiều đã nhìn và đã thấy được rất nhiều. Nàng nói nàng thấy mây, thấy rồng, thấy ước nguyện sâu sắc của Từ Hải7. Thấy được nhau, thấy được ước nguyện sâu sắc của nhau, mình trở nên người tri kỷ của nhau8.
3 Đến bây giờ mới thấy đây, Truyện Kiều, câu thứ 2283. Ta rất có thể dịch từng chữ: Đến [được cái] bây giờ [thì] mới thấy [được cái ở] đây. Arriving at the now, you begin to see the here.
4 Càn khôn tận thị mao đầu thượng, nhật nguyệt bao hàm giới tử trung, của một vị thiền sư Việt Nam tên là Khánh Hỷ (1067-1142) đời Lý.
5 Truyện Kiều, các câu 443 và 444.
6 Truyện Kiều, câu 2195.
7 Tấn dương được thấy mây rồng có phen. Truyện Kiều, câu 2198.
8 Nghe lời vừa ý gật đầu, cười rằng “tri kỷ trước sau mấy người?”, Truyện Kiều, các câu 2201 và 2202.
Bây giờ là bao giờ
Cái bây giờ có thể là cái đẹp nhất. Đẹp cho đến nỗi bạn có thể không tin đó là sự thật. Nhưng sự thật đang là như thế: cái bây giờ có thể đẹp hơn bất cứ một giấc mơ nào. Không, đây không phải là một giấc mơ. Đây là sự thật. Bạn hãy cứ cắn vào ngón tay của bạn xem. Đau lắm. Bạn đang tỉnh chứ không phải đang mơ. Bạn đã từng mơ, nhưng chưa bao giờ có được một giấc mơ nào đẹp như là sự thật đang xảy ra bây giờ và ở đây. Đất Mẹ là một vị Bồ tát xinh đẹp vô cùng. Đất Mẹ chưa bao giờ đẹp như bây giờ. Bạn tha hồ làm thơ để ca tụng Mẹ. Bốn mùa, mùa nào cũng đẹp. Không có họa sĩ nào, không có nhạc sĩ nào, không có kiến trúc sư nào, không có nhà toán học nào tài ba như Mẹ. Đất Mẹ là mẹ của tất cả các vị Bụt và các vị Bồ tát, là mẹ của tất cả các thiên thần. Một con hạc, một dòng suối trong, một trái đào tiên, một đêm trăng huyền hoặc, một đỉnh núi tuyết hào hùng, tất cả đều là những nét đẹp của Mẹ. Mẹ đã đưa anh ra đời và Mẹ đang có mặt trong anh. Anh cũng xinh đẹp như Mẹ, anh cũng vô sinh bất diệt như Mẹ. Em là liễu lục, em là hoa hồng, em là hoa vàng và trúc tím. Em hãy trở lại với cái bây giờ đi. Và em sẽ gặp Mẹ. Em sẽ gặp được tất cả những gì em đã đi tìm. Cái bây giờ ôm trọn tất cả những cái bao giờ, và cả những cái chưa từng bao giờ. Ngỡ bây giờ là bao giờ, rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao9. Bạn còn đi tìm gì nữa? Bạn cần chứng đắc gì nữa? Bạn đã là cái mà bạn muốn trở thành. Không có con đường nào dẫn về tịnh độ, dẫn về thiên quốc. Tịnh độ chính là con đường. Thiên quốc chính là con đường. Mỗi bước chân của bạn chứa đựng Tịnh độ, chứa đựng Thiên quốc.
Ngoài cái bây giờ, làm gì có Tịnh độ, làm gì có Thiên quốc.
Bao giờ và bấy giờ
Bạn đừng đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Bạn đừng chờ đợi cái ngày ấy, cái bao giờ ấy. Bạn đừng nói chỉ khi nào, chỉ bao giờ tôi có được cái ấy thì tôi mới có hạnh phúc. Cái ấy là cái gì? Cái ấy là cái danh, cái ấy là cái lợi, cái ấy là cái quyền hành, cái ấy là cái sắc dục. Đừng dại dột nói rằng chỉ khi nào, chỉ bao giờ anh có được những cái ấy thì anh mới thật sự có hạnh phúc. Hãy nhìn quanh. Có bao nhiêu người đang có những cái ấy, thế mà họ vẫn không hạnh phúc. Họ không bao giờ thấy họ có đủ những cái ấy. Bởi vì túi tham không có đáy. Khát nước mà cứ ăn muối thì lại càng khát. Họ không biết được rằng chỉ có cái tri túc mới làm cho ta hết khát và đem lại cho ta hạnh phúc. Ngày xuân, người thiếu phụ trang điểm và leo lên lầu nhìn xuống. Sắc màu của những cây dương liễu mùa xuân mầu nhiệm quá, nhưng nàng không có hạnh phúc. Tại vì chàng không có mặt đó. Mùa đông năm rồi nghe lời nàng, chàng đã ra đi để kiếm chút công hầu, nghĩ rằng có nhau thì chưa đủ, phải có một chút danh vọng và quyền hành nào đó thì họ mới thật sự có hạnh phúc. Và người thiếu phụ bắt đầu hối tiếc đã để cho chồng ra đi tìm kiếm một chút danh lợi trong cuộc đời.
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến bạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.10
Từ Hải nói với Thúy Kiều: Mình sống nếp sống lứa đôi như thế này thì chưa đủ. Cả ngày chỉ có nhau. Chưa có quyền hành và danh vọng. Anh phải đi. Anh phải có mười vạn tinh binh trong tay, anh phải có quyền hành của một vị chúa tể thì lúc đó anh mới thật sự có hạnh phúc. Em là người yêu của anh, nhưng anh chỉ thật sự được thỏa mãn khi có ngày được rước em về với tư cách một vị hoàng hậu.
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường
Làm cho tỏ mặt phi thường
Bấy giờ ta mới rước nàng nghi gia.11
Chúng ta có nhau chưa đủ. Chúng ta phải có thêm một cái gì đó nữa, như danh lợi và quyền uy thì mới đủ. Cái bao giờ trở thành cái điều kiện cho cái bấy giờ. Cho nên ta phải chờ đợi. Cho nên em phải chờ đợi. Đó là cái quan niệm thông thường về hạnh phúc. Hạnh phúc không được nhận diện trong cái bây giờ. Hạnh phúc phải được tìm kiếm trong cái bao giờ. Cái bao giờ luôn luôn nằm ở tương lai. Nó là một cái bóng ma không bao giờ trở nên hiện thực. Vì cái bao giờ ấy cho nên Từ Hải đã bỏ Kiều ở lại vò võ một mình trong suốt một năm trời. Kiều đã không xúi giục Từ Hải đi kiếm công hầu. Từ Hải tự mình dứt áo ra đi để Kiều ở lại một mình chiếc bóng song mai, để sớm hôm đằng đẳng nhặt cài then mây12.
Có người nói yêu nhau không phải là ngồi đấy để nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng13. Có thật sự như thế không? Nếu cả hai cùng phải nhìn về một hướng, thì hướng ấy là hướng nào? Hướng của công hầu ư? Như vậy có nghĩa là tình của ta chưa đủ làm cho ta có hạnh phúc. Hoặc nếu đó là hướng của chiếc máy truyền hình. Nếu đó chỉ là hướng của cái Tivi thì sự thật quả là sầu thảm. Ngày xưa chỉ cần nhìn nhau là hạnh phúc. Bây giờ nhìn nhau thì không còn hạnh phúc nữa, bởi vì cả hai đứa đã từng làm khổ nhau. Cho nên nhìn về phía máy truyền hình chỉ là để khỏa lấp sự trống vắng và khổ đau trong bản thân của mỗi người.
Còn nếu cái hướng cả hai người đang nhìn về đó là hướng của lý tưởng, thì cái lý tưởng ấy là gì? Cố nhiên không phải là cái hướng của quyền hành và danh lợi. Bởi vì quyền hành và danh lợi không phải là lý tưởng. Lắm khi cái vỏ ngoài lý tưởng mà mình ca ngợi chỉ chứa đựng được cái nội dung quyền hành và danh lợi bên trong. Chúng ta tự đánh lừa chúng ta và chúng ta đồng thời đánh lừa những kẻ khác. Đạo pháp, dân tộc, nhân loại, chủ nghĩa xã hội, chân, thiện, mỹ.
Tại sao ta không có quyền ngồi đó để nhìn nhau? Nhìn nhau để thấy được cái mầu nhiệm của nhau, và cũng để thấy được cái mầu nhiệm ấy nơi chính mình, để cho mình biết trân quý nó. Nhìn nhau là để nhận diện được những mầu nhiệm trong cái bây giờ và ở đây. Nhìn nhau cũng là để thấy được những thao thức, những khổ đau của người kia và cũng là của chính mình. Thấy và hiểu được những nỗi khổ niềm đau ấy làm cho cái hiểu biết và cái thương yêu lớn lên: đó là bí quyết của phép nuôi lớn tình yêu.
Không có gì có thể sống mãi nếu không có thực phẩm. Tình yêu cũng vậy. Dù đẹp cách mấy thì tình yêu cũng là vô thường. Ta phải học nuôi tình yêu.
Nuôi tình yêu bằng thực phẩm nào? Bằng cái hiểu và cái thương.
Mà chỉ khi ta biết cách nhìn nhau, và biết cách nhìn lại bản thân mình, ta mới chế tác được hai loại năng lượng quý báu ấy để nuôi lớn tình yêu. Nuôi lớn tình yêu, không những ta trị liệu được cho bản thân mà ta còn trị liệu được cho người bên cạnh. Tình yêu càng được nuôi lớn càng có đối tượng lớn. Người yêu ơi, tình yêu của anh nếu là tình yêu chân thật thì nó sẽ lớn lên không ngừng và sẽ ôm từ từ hết cả mọi người và mọi loài. Tình yêu của anh không những nuôi dưỡng được anh mà còn nuôi dưỡng được tất cả chúng tôi. Đó là tình yêu không biên giới, không kỳ thị. Đó là trái tim chứa đựng được thái hư. Đó là vô lượng từ, vô lượng bi. Nó đem niềm vui cho tất cả cho nên nó là vô lượng hỷ. Nó không loại trừ bất cứ ai cho nên nó là vô lượng xả. Tình yêu không lớn lên là tình yêu đang bắt đầu chết. Cho nên nhìn nhau là để nuôi lớn tình yêu. Nhìn vào nỗi khổ niềm đau của người yêu, ta thấy được nỗi khổ niềm đau của mọi loài, và tâm bi của ta sẽ lớn lên, hùng tráng như sấm động, lòng từ của ta sẽ là mưa cam lộ thấm vào trái tim của mọi loài. Một đám mây trông hiền lành như thế nhưng có khả năng tạo thành sấm sét. Tình thương chân thật không bao giờ là sự yếu đuối. Đại bi là đại dũng. Đại từ cũng là đại dũng.
9 Truyện Kiều, các câu 3015 và 3016.
10 Bài thơ Khuê Oán của thi sĩ Vương Xương Linh đời Đường.
11 Truyện Kiều, các câu 2223, 2224, 2225 và 2226.
12 Truyện Kiều, các câu 2233 và 2234.
13 Terre des Hommes, Antoine de St-Exupéry, tác giả le Petit Prince và Vols de Nuit.
Ở cho yên ổn ngồi cho vững vàng
Người yêu ơi, nếu anh đứng không yên và ngồi không vững là tại vì anh không an trú được trong cái bây giờ. Anh phải biết cái bây giờ là cái chắc thật nhất, là cái nền tảng của cái mười phương và ba đời. Anh chỉ cần để ý tới hơi thở vào của anh, hoặc để ý tới hơi thở ra của anh, nhận diện nó và mỉm cười với nó. Anh đang thở nghĩa là anh đang có mặt. Sự có mặt của anh là một mầu nhiệm, một phép lạ. Thở như thế anh đem tâm trở về với thân và có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Anh sẽ trân quý giây phút ấy và an trú một cách thảnh thơi trong giây phút ấy. Mỗi hơi thở là một phép lạ, mỗi hơi thở có công năng nuôi dưỡng. Mỗi hơi thở có công năng trị liệu. Anh thấy anh là pháp thân mầu nhiệm, anh thấy anh là người yêu của thế giới. Anh thấy anh là đất Mẹ, là cha Trời. Nếu bước chân của em không vững là vì tâm em đang đi tìm một cái gì đó trong quá khứ hoặc trong tương lai. Em chưa biết rằng cái em đang đi tìm ấy đang có mặt ngay trong cái bây giờ, trong cái hiện tại. Nếu bước chân em đưa em về được với cái bây giờ thì bước chân ấy sẽ vững chãi lại ngay. Vững chãi như là đất Mẹ. Mỗi bước chân như thế sẽ làm cho một đóa sen nở trên đường em đi. Mỗi bước như thế mang theo sự thảnh thơi, mang theo sự an bình, mang theo niềm mãn nguyện. Bộ bộ liên hoa khai, sen nở từng bước chân. Em sẽ là người đẹp nhất của những người đẹp, vì em an trú được trong cái bây giờ. Em không tìm cầu gì nữa, bởi vì chính em là đối tượng của mọi sự tìm cầu. Nếu không, thì dù được ở trong môi trường an ổn thong dong, như cõi Tịnh độ của Bụt A Di Đà, em cũng đứng ngồi không yên, như Phạm Duy đã nói trong bài hát: Trăng ơi, yên lặng suốt đời, mà sao ta cứ đứng ngồi không yên14.
Người yêu ơi, mỗi khi được ngồi bên người, tôi cảm thấy bình an chi lạ. Năng lượng bình an của người tỏa chiếu và đi vào trong tôi. Tôi biết là người đang có cái ấy, nghĩa là có cái bây giờ trong trái tim người. Mỗi khi được đi cùng người, tôi cũng cảm được cái suối nguồn an lạc vi diệu đó. Người đi mà không cần tới. Hoặc giả người tới với từng bước chân. Mỗi bước chân đưa người trở về với hải đảo tự thân, với giây phút hiện tại. Bước chân của người tự tại và thong dong giúp cho bước chân của tôi cũng có được cái tự tại và thong dong ấy. Tôi đi với người cũng như một giọt nước đang đi với dòng sông. Giọt nước không cần đi. Giọt nước được dòng sông ôm lấy và chuyên chở về đại dương của hiện tại. Người có hai cánh tay kỳ diệu có thể hái được cả những chùm hoa sao đẫm sương vào buổi sáng, và những trái trăng vàng ửng chín vào buổi chiều. Mỗi khi người ngồi uống trà, tôi cũng cảm được rằng người đang có cả một thiên thu để chỉ thưởng thức một chén trà. Mây ngừng bay, gió ngừng thổi. Mây đang có mặt trong chén trà. Gió cũng đang có mặt trong chén trà. Và tôi cũng đang có mặt trong chén trà của người. Người uống trà như là người đang uống mây.
Bấy lâu đáy biển mò kim
Người yêu ơi, từ bấy lâu nay anh đã đi tìm. Anh đã bỏ ra biết bao nhiêu tháng năm mà chưa từng tìm thấy. Đi tìm như thế cũng như đi mò kim dưới đáy biển. Anh đi tìm chi? Tìm tình yêu chân thật hay tìm một bóng hình hạnh phúc ảo tưởng. Đúng rồi, cái tình mà anh đi tìm phải là vàng đá, là cái chân tình, chứ không phải là cái trăng hoa, cái sắc dục. Bấy lâu đáy biển mò kim, là vì vàng đá phải tìm trăng hoa15. Chân tình là cái gì? Anh tìm ở đâu? Cái thương nằm trong cái hiểu. Anh có khả năng đi tìm cái hiểu và cái thương ngay chính trong tự thân anh không? Có phải anh đang khát khao được thương và được hiểu? Ai là kẻ có thể hiểu anh, có thể thương anh? Nếu anh không hiểu được anh, nếu anh không thương được anh, thì anh sẽ hiểu được ai và anh sẽ thương được ai? Anh phải có một chiếc kính thần mới có thể tìm ra được người yêu đích thật của anh. Với chiếc kính thần ấy anh sẽ nhận diện được nàng. Không có chiếc kính thần ấy thì dù nàng đang ngồi ngay trước mặt anh, anh cũng không thấy được.
Chiếc kính thần ấy anh phải tu luyện mới chế tác ra được. Anh phải lắng nghe anh. Anh phải nhận diện và lắng nghe những nỗi khổ niềm đau trong anh. Những nỗi khổ niềm đau ấy đang mang theo trong chúng những nỗi khổ niềm đau của cha mẹ anh, của tổ tiên anh, của giống nòi anh. Nếu anh hiểu được những nỗi khổ niềm đau ấy thì nguồn cam lộ của xót thương sẽ ứa ra từ nơi trái tim anh và bắt đầu làm cho anh lắng dịu lại. Quá trình trị liệu trong anh bắt đầu. Anh sẽ cảm thấy khỏe nhẹ và an lành. Tình thương chân thật có khả năng chuyển hóa và trị liệu. Ôm lấy niềm đau của anh, anh sẽ hiểu được nó. Anh sẽ hiểu được những thao thức, những trăn trở và những ước vọng sâu sắc, thầm kín nhất của anh. Anh sẽ thấy được anh, hiểu được anh và anh sẽ trở thành người yêu của chính anh. Và đó là chiếc kính thần giúp anh nhận diện được người yêu của anh.
Bấy lâu mới được một ngày16
Cái cơ hội mà anh trông chờ ấy, nó có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi bước chân là một cơ hội, mỗi hơi thở là một cơ hội. Cơ hội để cho anh trở về được với cái bây giờ, để anh không còn phiêu lãng ngàn đời trong cái bấy lâu. Ngày mà anh chờ đợi chính là ngày hôm nay, giây phút mà anh chờ đợi chính là giây phút này. Phải chọc thủng được bức màn thời gian và không gian để đi vào được cái bây giờ và ở đây. Anh không cần tốt nghiệp đại học để mới có hạnh phúc. Anh phải có hạnh phúc ngay trong khi anh còn là sinh viên. Nếu anh không có hạnh phúc ngay khi còn làm sinh viên thì sau khi tốt nghiệp anh cũng sẽ không có hạnh phúc. Chúng ta có cơ hội đồng đều như nhau.
Trong cái bây giờ anh sẽ tìm thấy cái mà anh đi tìm.
Trời còn để có hôm nay
Bạn ơi, đừng nói cơ hội đã qua rồi và bây giờ đã là quá muộn. Có thể trong quá khứ vì hoàn cảnh khó khăn, vì những lời dèm pha, vì những tin tức sai lạc hoặc vì những tri giác sai lầm mà chúng ta đã không có cơ hội thấy được và nhận diện được sự có mặt đích thực của nhau. Những trở ngại ấy là mây che lấp mặt trăng, là sương che khuất khóm hoa. Ta nghĩ rằng tất cả đã bị đổ vỡ, ta nghĩ rằng trăng đã tàn, hoa đã héo và ta đã mất nhau. Nhưng bạn ơi, nếu trong giây phút hiện tại có chánh niệm, có thiền định thì ta sẽ có thể làm tiêu tan được những hiểu lầm, những buồn giận hoặc nghi ngờ ngày trước. Chính trong cái bây giờ và trong ngày hôm nay mà ta phải làm công việc ấy. Ta phải ngồi lại định tĩnh, dùng thiền quán quét sạch vọng tưởng, thành kiến và tri giác sai lầm. Ta sẽ làm cho mây bay đi để mặt trăng hiện ra rõ ràng trở lại giữa trời, làm cho sương mù tan biến để những đóa hoa diễm lệ có cơ hội hiển hiện ra rõ ràng đầu ngõ. Ta vẫn còn có nhau. Không có gì đã qua và đã mất. Đó là vì cái bây giờ đang còn đó, đó là vì cái ngày hôm nay vẫn còn đây. Trăng sẽ sáng hơn xưa, hoa sẽ tươi hơn trước vì ta đã biết cách làm cho tan sương đầu ngõ và vén mây ở giữa trời. Cuộc đời còn giữ cho ta ngày hôm nay, thì cũng không đến nỗi nào. Còn ngày hôm nay là còn tất cả. Trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời. Hoa tàn mà lại thêm tươi, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa17.
15 Truyện Kiều, các câu 3177 và 3178.
16 Truyện Kiều, câu 315.
17 Truyện Kiều, các câu 3123 – 3126.
Em không phải tạo sinh mà chỉ là biểu hiện
Người yêu ơi, em không là một cái gì đã được tạo tác nên, em không phải đã từ cái không bước sang cái có. Em không phải do tạo sinh mà có, em chỉ là một biểu hiện, một biểu hiện nhiệm mầu, như một áng mây hồng đầu núi, như một đêm trăng rằm huyền hoặc. Em là một dòng chảy, là một sự tiếp nối của bao nhiêu mầu nhiệm. Em không phải là một cái ta riêng biệt. Em là em, mà em cũng là tôi. Em không thể lấy đám mây hồng ra khỏi chén trà thơm của tôi sáng nay. Tôi cũng không thể uống trà nếu không đồng thời uống áng mây hồng. Trong tôi có em và trong em có tôi. Lấy tôi ra khỏi em, thì em không còn biểu hiện như em đang biểu hiện. Và lấy em ra khỏi tôi thì tôi cũng không còn biểu hiện như tôi đang biểu hiện. Chúng ta phải chờ nhau. Khi Thượng đế phán rằng ánh sáng hãy xuất hiện thì ánh sáng thưa rằng: Lạy Chúa, con phải chờ đợi. Thượng đế hỏi: Con chờ đợi gì? Ánh sáng nói: Con phải chờ đợi bóng tối để cùng xuất hiện một lần. Thượng đế nói: Nhưng bóng tối đã có mặt rồi đó. Và ánh sáng trả lời: Như thế thì con cũng đã có mặt rồi. Bởi vì chúng con chỉ có thể có mặt cùng nhau. Bản tính chúng con là tương đãi. Bản tính chúng con là tương tức. Nếu đã có ánh sáng tức là đã có bóng tối. Nếu đã có cái thiện thì đã có cái ác. Nếu cái trong đã có thì cái ngoài cũng đã có. Nếu cái bên trái đã có thì cái bên phải cũng đã có. Nếu cái trên đã có thì cái dưới cũng đã có. Người yêu và người được yêu cũng thế. Chúng ta cùng được biểu hiện một lần. Lấy cái trái ra khỏi cái phải là chuyện không bao giờ làm được. Điều này cũng đúng với cái có và cái không. Không thể có người yêu nếu không có người được yêu. Cả hai đều có tự tính không tịch. Năng lễ sở lễ tính không tịch18. Năng ái sở ái tính không tịch. Cho nên người yêu ơi, anh đừng đi tìm đối tượng thương yêu ở ngoài anh. Em là cõi trống cho tình đong vào. Anh là nơi vắng cho tình căng đầy19. Nếu không có cái không tịch (sunyāta) ấy thì không có gì hết. Nhờ cái không ấy cho nên tất cả đều có thể biểu hiện. Dĩ thử không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành20.
18 Người lạy và người được lạy đều không có tự tánh riêng biệt, họ có trong nhau. Đây là câu đầu của một bài kệ được xướng lên để quán chiếu trước khi lạy Bụt.
19-Bài hát Nghìn thu (Rong Ca 7), Phạm Duy, 1988.
20 Luận Trung Quán, tác giả Bồ Tát Long Thụ.
Có lúc trèo lên đầu chóp núi
Cái giờ phút tuyệt vời nhất trong đời ấy đã đến với anh chưa? Cái giờ phút hào sảng nhất ấy, cái giờ phút mãn ý nhất ấy nếu đã xảy tới một lần thì nó sẽ xảy tới nhiều lần khác nữa. Nhưng ta có thể làm gì được để giúp cho nó xảy ra, nhất là những khi ta muốn nó xảy ra?
Nếu trong ba mươi năm qua, giờ phút ấy chưa từng xảy ra thì có thể trong ba mươi năm tới nó cũng có thể sẽ không xảy ra, và sẽ không bao giờ sẽ xảy ra cả. Anh đừng mơ ước hão huyền. Vấn đề là phải biết cách làm cho nó xảy ra. Khi nào? Ngay trong giây phút hiện tại. Bằng một sự thức tỉnh. Wake up! Thức dậy để thấy được những mầu nhiệm trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút này. Nếu anh biết cách thì giây phút nào của đời anh cũng sẽ là một giây phút như thế. Nếu em biết cách thì giây phút nào của đời em cũng sẽ là một giây phút như thế. Mời anh tới đây, tì tay vào chiếc cửa sổ này. Nhìn ra, anh có thấy cái bao la thênh thang mầu nhiệm trước mặt anh không? Anh thấy đại dương xanh mênh mông. Anh thấy cánh hải âu đang vờn nắng. Nhìn ra ngoài anh thấy như thế, và nhìn vào bên trong anh cũng thấy như thế. Ngoài kia bao la như thế nào thì trong này cũng bao la như thế đó. Vì thực tại vượt thoát cả hai ý niệm trong và ngoài. Chiếc cửa sổ mầu nhiệm này đang có mặt nơi anh. Đang có mặt khắp nơi. Nó cho ta thấy cái vô sinh bất diệt mầu nhiệm.
Thiền sư Không Lộ tìm được một nơi cư trú tuyệt vời ở miền núi non hoang dã, và sớm hôm vui thú với cảnh sơn thủy nhiệm mầu. Có lúc thiền sư hứng chí leo một mạch lên đỉnh cô phong ngay trước tịnh thất. Đứng trên đó, người hú dài một tiếng. Cả bầu thái không đáp lại tiếng hú ấy. Tiếng hú làm lạnh cả bầu trời. Đó là một giây phút sảng khoái tuyệt vời. Mà giây phút nào cũng có thể là một giây phút như thế, nếu anh có thì giờ, nếu anh có cơ hội. Không Lộ có vô số thì giờ, vô số cơ hội. Bởi vì Không Lộ có cái bây giờ. Giây phút nào của ông cũng là một cơ hội. Có lúc trèo lên đầu chóp núi. Hú dài một tiếng lạnh hư vô21. Có lúc... lúc nào? Hữu thời... hà thời? Lúc nào cũng có thể là lúc ấy cả. Lúc nào cũng là một cơ hội. Tiếng hú của Không Lộ còn đang vang vọng, tới ngày nay và mãi mãi về sau.
Ai là vị cổ Phật mà thiền sư Đạo Nguyên trích dẫn trong thi phẩm Hữu Thời? Hữu Thời nghĩa là “có lúc” hoặc “có những lúc”22.
Có lúc đứng trên đỉnh núi cao
Có lúc đi dưới đáy biển sâu
Có lúc làm thần nhân ba đầu tám tay
Có lúc làm thân vàng thước sáu
Có lúc làm tích tượng, phất tử
Có lúc làm cột trụ, lồng đèn
Có lúc làm anh ba Trương hoặc anh tư Lý
Có lúc làm đại địa hư không.
Đứng trên đầu chóp núi để hú lên một tiếng dài, cố nhiên là hào sảng rồi. Nhưng làm một thần nhân ba đầu tám tay như trong truyền thống Ấn độ giáo cũng hay lắm chứ. Làm một đức Phật với thân vàng một trượng sáu cũng rất mầu nhiệm. Nhưng mà làm một cái cột trụ, một cái lồng đèn, một cây gậy chống, một chiếc phất trần? Hoặc làm một bác ba Trương bá vơ nào đó, hoặc một chú tư Lý bá vơ nào đó? Vâng, làm gì cũng mầu nhiệm cả. Bởi vì Tịnh độ và Niết bàn đang có mặt trong mỗi bông hoa nhỏ xíu, trong mỗi con ễnh ương, trong mỗi con rắn nước, và cả trong chất bùn tanh hôi đang nuôi dưỡng những bông sen trắng tươi tinh khiết. Thấy mình là đại địa, là hư không, là tiếp xúc được với Niết bàn, với tự tính bất sinh và bất diệt. Vậy thì thời gian là để làm cái đó. Cái đó có thể là đỉnh núi. Khi nhìn đỉnh núi, anh là đỉnh núi, đỉnh núi là anh. Đỉnh núi là thời gian. Đỉnh núi là cái bây giờ – là cái hiện pháp, drstādharma. Khi em thấy đại địa thì em là đại địa. Đại địa là thời gian. Đại địa là cái bây giờ, là cái hiện pháp. Em không thể lấy bất cứ một cái gì ra khỏi bất cứ một cái gì.
Rong chơi trời phương ngoại
Thiền sư Không Lộ cũng như thiền sư Đạo Nguyên là những người đã có được cái bây giờ cho nên đồng thời họ cũng có được cái ở đây. Các vị không phải chỉ đang rong chơi trong cái bây giờ và cái ở đây, mà họ cũng chính là cái bây giờ và cái ở đây. Thời gian, không gian, vật thể và tâm thức không phải là bốn cái riêng biệt. Tập sống được với cái bây giờ, bạn sẽ thấy được cái không gian của vật thể cũng như cái thời gian của một kiếp người không đủ thiếu gì với bạn. “Cõi người ta” nếu chỉ là “trăm năm” thì quả là chật hẹp23. Nếu “cõi người ta” mà chỉ như thế thì bầu trời được nhìn thấy trên đỉnh núi của Không Lộ cũng không đủ bao la. Sống sâu sắc trong cái bây giờ, bạn sẽ có cơ hội vượt thoát được thời gian, đi vào kiếp ngoại. Kiếp ngoại (akalpa) là thời gian ngoài thời gian, cũng như phương ngoại là không gian ngoài không gian. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói đến chuyện chống gậy rong chơi trời phương ngoại24.
----------------------
21 Hai câu trong bài kệ của thiền sư Không Lộ. Nguyên văn chữ Hán: Trạch đắc long xà địa khả cư, dã tình chung nhật lạc vô dư. Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Nguyễn Lang, trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận quyển I, dịch như sau: Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ, vui thú tình quê quên sớm trưa. Có lúc trèo lên đầu chóp núi, hú dài một tiếng lạnh hư vô. Thiền sư Không Lộ là người Việt Nam, thuộc thế hệ thứ mười của phái thiền Vô Ngôn Thông, sống ở thượng bán thế kỷ 12, tịch năm 1141.
22 Hữu Thời (Being Time) là một chương ngắn trong bộ sách Chánh Pháp Nhãn Tạng của thiền sư Đạo Nguyên của truyền thống Tào Động Nhật Bản. Hữu Thời được viết năm 1240. Thiền sư Không Lộ của truyền thống Vô Ngôn Thông ở Việt Nam tịch năm 1141, nghĩa là một trăm năm trước khi thiền sư Đạo Nguyên viết xuống Hữu Thời. Cả hai đều có nguồn cảm hứng từ danh từ “có lúc”.
23 Trăm năm trong cõi người ta, câu đầu của Truyện Kiều, Nguyễn Du.
24 Trượng tích ưu du hề, phương ngoại phương, một câu trong bài kệ Phóng Cuồng Ca trích trong tác phẩm Thượng Sĩ Ngữ Lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Quốc Tung), anh ruột của Tướng Trần Hưng Đạo
Điệp khúc
Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm
Mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã
trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?
Tôi đã về. Có tiếng hát ca, bàn tay trên liếp cửa
Hỏi rằng: “Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?”
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười,
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?
Tóc mẹ tôi còn xanh, và dài chấm gót
Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước giậu
Nắng sớm mùa thu
Tôi ở đây. Chính thực là vườn xưa
Những cây ổi trái chín thơm
Những lá bàng khô thắm
Đẹp
Rụng
Còn chạy chơi la cà trên sân gạch
Tiếng hát vẳng bên sông
Những gánh rơm thơm vàng óng ả
Trăng lên, quây quần trước ngõ
Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua.
Tôi không ngủ mơ đâu,
Ngày hôm nay đẹp lắm, thật mà
Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,
Đến đây
Khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong.
Em hát ca đi. Bông cúc cười theo em bên hàng giậu,
Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát,
Những ngôi sao trời không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.
Để cho chúng tôi hát ca. Để cho chúng tôi là những đóa hoa.
Chúng tôi đang ở trong cuộc đời -
mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy.
Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm
Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc Mẹ.