Kinh Tụng Hằng Ngày (trọn bộ)

Kinh Tụng Hằng Ngày (trọn bộ)

Download ebookMục lục

KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
biên soạn

---o0o---

LỜI GIỚI THIỆU

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX, Tăng, Ni và Phật tử nước ta đều đọc tụng Kinh điển bằng chữ Hán. Nhờ có phong trào chấn hưng Phật giáo trong các thập niên 30 và 40 của thế kỷ này, các nghi thức bằng chữ Hán dần dần được thay thế bằng các nghi thức phiên âm Hán Việt. Theo bộ Nhật Tụng hai tập thượng và hạ, viết bằng Hán tự, do hội Việt Nam Phật Giáo chủ biên và trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội ấn hành, một ngày đêm được chia thành sáu thời tu niệm. Mỗi thời đều có khóa lễ riêng biệt: khóa sáng vào lúc 4 giờ, đại chúng vân tập tại chính điện tụng Thủ-lăng-nghiêmThập Chú;khoá trưa tụng Kinh Tứ Thập Bát Nguyện; khóa tối tụng Kinh A-di-đà, và ba thời niệm Phật: Buổi sáng khoảng 5 giờ 30’, chiều 18 giờ và buổi tối, trước khi đi ngủ (lâm thụy), lúc 21 giờ. Đấy là theo nghi thức tu trì ngoài Bắc. Còn Trung, Nam bộ, các nghi thức tụng niệm phần lớn mô phỏng theo nghi thức Hai Thời Khóa Tụngcủa các Tổ Trung Hoa. Thần chú Thủ-lăng-nghiêmMười Thần Chúcăn bản khác được tụng vào thời Kinh khuya. Kinh A-di-đà và Kinh Phổ Môn thường được tụng niệm trong các khoá lễbuổi chiều. Thỉnh thoảng các Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Niết-bàn và Kinh Kim Cương Bát-nhã cũng được đọc tụng trong những ngày đại lễ Phật giáo. Các Kinh điển Đại thừa bằng âm Hán Việt đó nếu không được vị pháp sư phân tích và giảng giải tường tận thì người đọc tụng khó mà lĩnh hội được hết những nghĩa lý sâu xa huyền diệu chứa đựng trong đó. Các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Việt Nam do vì chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, được biên soạn theo âm Hán Việt, nên tinh thần giáo lý cao siêu của đức Phật khó có thể lan truyền rộng rãi trong khắp giới bình dân, một thành phần chiếm đại đa số trong các thời đại.

Bộ Kinh Tụng Hằng Ngàymà quý vị hiện có trong tay là một tuyển tập 49 bài Kinh căn bản trong hai kho tàng Kinh điển Pali và Đại thừa, được đại đức Thích Nhật Từ chọn lọc, biên soạn và ấn tống lần đầu vào năm 1994. Hơn hai phần ba số Kinh được trích dịch từ Kinh tạng Pali trong khi chỉ có một phần ba còn lại từ Kinh điển Đại thừa, Hán tạng. Tỷ lệ cũng như nội dung của các bài Kinh trong nghi thức này cho thấy được tính nhất quán và bổ sung lẫn nhau về giáo nghĩa và pháp thức hành trì trong hai truyền thống lớn của Phật giáo là Nguyên thuỷ và Đại thừa.

Bộ Kinh được biên soạn, theo chủ ý ban đầu, để đọc tụng trong khoá lễ buổi tối tại các chùa, trên thực tế chúng ta có thể đọc tụng trong các khoá lễ buổi sáng và buổi chiều. Một trong các đặc điểm của nghi thức này là tính chất thuần Việt được thể hiện trong từng bài Kinh, và ngay cả hai phần nghi thức dẫn nhập và hồi hướng. Nhờ đó, người đọc tụng có thể dễ dàng hiểu được tôn chỉ của Kinh mà ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Vậy, khi đọc tụng bộ Kinh này, người thụ trì không cần phải tra khảo các từ điển Phật học mà vẫn có thể tự mình trực tiếp hiểu được lời Phật dạy, nhờ đó tăng thêm tín tâm với chính pháp, áp dụng vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho bản thân. Điểm đặc biệt khác là bộ Kinh chứa đựng nhiều bài Kinh với nhiều nội dung tu tập khác nhau, được sắp xếp theo một thứ tự từ căn bản đến chuyên sâu, nhờ vậy, người đọc tụng hằng ngày không cảm thấy nhàm chán như trong trường hợp phải đọc đi đọc lại một bài Kinh quanh năm suốt tháng, như các nghi thức tụng niệm trước đây.

Ngoài những bài Kinh căn bản của Đại thừa ra, các nghi thức của Việt Nam trước nay đều được biên soạn trên tinh thần của pháp môn Tịnh Độ, phối hợp với Mật tông, yếu tố thiền định là nền tảng chính của cánh cửa giải thoát cũng được chú ý một cách đặc biệt.

Bộ Kinh Tụng Hằng Ngày trình bày nội dung giáo pháp của đức Phật, giới thiệu các phương pháp tu tâm dưỡng tính, các nghệ thuật xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội, các pháp tu niệm Phật, niệm pháp và thiền định cần thiết cho sự phát triển đời sống tâm linh. Nói chung, các giáo pháp căn bản cho việc thiết kế một mô hình xã hội nhân đạo chân chính và hướng đến sự chứng đắc giải thoát đều được trình bày trong bộ Kinh này. Việc đọc tụng và thụ trì bộ Kinh này, do vậy, trở nên rất cần thiết đối với người con Phật, bất luận trong thời đại nào.

Trong truyền thống đặc thù của Phật giáo Việt Nam, các vị Tổ Sư tiền bối đã khéo dung hợp ba pháp môn Tịnh, Mật và Thiền hòa quyện trong cùng một thời khóa tu niệm, tạo cho người thụ trì, đọc tụng thanh tịnh được thân, khẩu, ý một cách dễ dàng mà không thấy có gì là ngăn ngại cả.

Một nỗ lực khác đáng chú ý là, soạn giả đã mạnh dạn đặt lại tên của các bài Kinh, mà tựa nguyên thuỷ của nó không phản ánh được chủ đề chính mà chúng muốn mô tả. Không những thế, soạn giả cũng đã thêm các tiêu đề phụ ở những bài Kinh chưa có tiêu đề, hầu giúp cho người đọc tụng dễ nắm bắt được đại ý của các Kinh.

Ở đây, tôi cũng cần nhắc người thụ trì, hãy tránh thái độ tụng Kinh để kể công với Phật, hay để tiêu khiển thời gian, hoặc biến thời Kinh thành một buổi nhạc lễ. Không nên tụng Kinh vì mục đích cầu phúc báo danh lợi nhân gian. Đọc tụng Kinh điển trước để hiểu rõ và sau là hành trì. Hiểu rõ để thực hành khỏi sai. Hành trì để bản thân và tha nhân được an lạc.

Nói cách khác, để hiểu rõ và hiểu sâu lời Phật dạy, trước nhất, người thụ trì cần phải siêng năng đọc tụng, nghiền ngẫm nghĩa lý. Sau khi nắm vững được chính pháp, người đọc tụng phải đích thân ứng dụng và thực hành. Có như vậy thì việc đọc tụng mới có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Người đọc tụng cần phải lưu ý rằng lời Phật dạy được trình bày trong Kinh điển chỉ là tấm bản đồ hướng dẫn chúng ta tu tập. Bản thân tấm bản đồ cũng như các con đường không phải cứu cánh của việc tu tập. Nương vào sự hướng dẫn của Kinh điển để tu tập cũng như nương vào ngón tay để nhìn thấy được mặt trăng, hay nương vào thuyền bè để sang sông. Khi thấy được mặt trăng chân tâm hay khi đến được bờ giải thoát bên kia, người thụ trì coi như phần nào đã chứng ngộ rồi vậy.

Đã từ lâu, tôi hằng mong ước biên soạn một nghi thức tụng niệm thuần Việt, để giúp cho người Phật tử Việt Nam dễ dàng hiểu và thực hành, hoài bão đó đến nay vẫn chưa đủ duyên để thực hiện. Nay đại đức Thích Nhật Từ phát tâm soạn bộ Kinh Tụng Hằng Ngày, tôi vô cùng hoan hỷ, và mong rằng trong tương lai gần, chư tôn đức giáo phẩm sẽ ngồi lại cùng biên soạn một nghi thức tiêu chuẩn cho toàn quốc. Trong khi chờ đợi một nghi thức hoàn chỉnh, bộ Kinh Tụng Hằng Ngày này sẽ mang lại nhiều lợi ích không nhỏ cho người đọc tụng và thụ trì Kinh điển bằng tiếng Việt Nam.

Cầu chúc tất cả những ai có duyên đọc tụng bộ Kinh này đều tăng trưởng tâm bồ-đề, gặt hái được nhiều an lạc ở hiện tại và tương lai, đồng thời gặp được nhiều thắng duyên trên con đường tu tập giải thoát.

Viết tại chùa Giác Minh, Sài Gòn, ngày 10-1-2002

Sa-môn Thích Đức Nhuận

LỜI TỰA

Quyển Kinh Tụng Hằng Ngày này là một tuyển tập 48 bài Kinh quen thuộc trong hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, và bài Thi Kệ về Cuộc Đời Đức Phật. Tuyển tập này giới thiệu các giáo pháp nền tảng cũng như các phương pháp hành trì căn bản trong Phật giáo, nhằm góp phần tạo dựng an lạc và hạnh phúc cho người đọc tụng và thọ trì ngay hiện tại cũng như tương lai. Phần lớn các bài Kinh được chư tôn đức cao tăng Việt Nam phiên dịch như: HT. Thích Trí Tịnh, HT. Thích Hành Trụ, HT. Thích Huệ Hưng, HT. Thích Trí Quang, HT. Thích Nhất Hạnh, HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Từ Thông, HT. Thích Duy Lực và HT. Hộ Tông, v.v…

Bộ Kinh được phiên dịch và biên soạn theo một văn phong thuần Việt, nhằm giúp cho người đọc trực tiếp cảm nhận lời vàng của đức Phật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, để hiểu sâu lời Phật hơn, nhờ đó, dễ dàng áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Trong bộ Kinh này, ngoài thần chú Bát-nhã Tâm Kinhlà thần chú duy nhất còn giữ lại để trì tụng, tất cả các thần chú khác đều được tỉnh lược. Nghi thức này chủ yếu nhấn mạnh đến tinh thần “niệm pháp” và “hành thiền,” đồng thời phát huy tinh thần “tụng niệm, tư duy và thực hành” lời Phật dạy trong các Kinh điển. Các tinh thần này hoàn toàn phù hợp với pháp môn Thiền và Tịnh Độ vốn thịnh hành ở nước ta cùng các nước Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, v.v…

Trong khi biên soạn, các đoạn văn trùng lập trong các bản dịch mà sự vắng mặt của chúng không làm ảnh hưởng gì đến nội dung Kinh văn, đều được tỉnh lược. Các cụm từ, thuật ngữ và pháp số Phật học còn nặng cấu trúc Hán Việt trong các bản dịch đều được thay thế bằng các cụm từ thuần Việt hơn. Soạn giả cũng đã thận trọng sửa chữa lại các đại từ xưng hô trong các Kinh, cũng như những chỗ cần thiết trong các bản dịch để giúp cho câu văn được nhẹ nhàng, dễ đọc tụng. Các tiêu đề trong nhiều bài Kinh được thêm vào, và phần lớn tựa các bài Kinh cũng được đặt lại theo chủ đề của chúng, hầu giúp cho người đọc tụng nắm bắt được đại ý của Kinh.

Mặc dù tự biết khó có thể làm toàn hảo Phật sự trọng đại này, nhưng với tâm huyết góp phần Việt hoá nghi thức tụng niệm, và được sự cố vấn và chỉ đạo của cố Hoà thượng Bổn sư Thích thượng Thiệnhạ Huệ(1927-1992), vào mùa Phật đản năm 1992, soạn giả đã mạnh dạn bắt tay vào công việc đọc hai nguồn kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa, chọn lọc ra các Kinh căn bản, giới thiệu về các pháp tu của người con Phật. Công trình tiến hành mới hơn được ba tháng thì Hoà thượng Bổn sư của soạn giả đã viên tịch. Do bận rộn với nhiều Phật sự, hai năm sau, soạn giả mới có thể hoàn tất được công trình. Ba ngàn quyển đầu tiên được Tăng Ni và Phật tử chùa Giác Ngộ phát tâm ấn tống để cúng dường và tưởng niệm ngày đản sanh của Đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni (PL. 2538, DL. 1994). Chỉ trong vòng hai tuần lễ, toàn bộ các Kinh đã được các chùa ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây thỉnh hết.

Nay được sự khích lệ và yêu cầu của một số chư tôn đức Tăng Ni cũng như Phật tử ở Hoa Kỳ và Úc, ấn bản thứ hai này ra đời với vài thay đổi và bổ sung.

Trước nhất tựa của các Kinh được đổi thành thuần Việt và đi sát với chủ đề của các Kinh hơn: Kinh Pháp Cú đổi thành Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp; Kinh Đức Tin đổi thành Kinh Nền Tảng Đức Tin; Kinh Thiện Sanh đổi thành Kinh Nền Tảng Đạo Đức Xã Hội; Kinh Vô Thường - Khổ Não - Vô Ngã đổi thành Kinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ; Kinh Tệ Túc đổi thành Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh;Kinh Tỳ-kheo Na-tiên đổi thành Kinh Na-tiên Đàm Đạo; Kinh Sống Hoà Hợp đổi thành Kinh Sống và Tu trong Hòa Hợp;Kinh Thiền Giáo Bình Đẳng đổi thành Kinh Tôn Trọng các Pháp Môn; Kinh Bốn Mươi Hai Chương đổi thành Kinh Bốn Mươi Hai Bài; Kinh Pháp Ấn đổi thành Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát;Kinh Trung Đạo Nhân Duyên đổi thành Kinh Chánh Kiến;Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân đổi thành Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Hàng Bồ-tát; Kinh Hạnh Anh Nhi đổi thành Kinh Hạnh Trẻ Thơ; Kinh Lục Độ Tương Nhiếp đổi thành Kinh Lục Độ Dung Thông; Kinh Kim Cang Bát-nhã đổi thành Kinh Trí Tuệ Kim Cương; Kinh Vào Pháp Môn Không Hai đổi thành Kinh Thể Nhập Pháp Môn Không Hai; và Kinh Giáo Huấn Sau Cùng đổi thành Kinh Lời Dạy Sau Cùng.

Kế đến, năm bài Kinh sau đây: Kinh Tiểu Sử Đức Phật, Kinh Tình Thương, Kinh Hôn Phối, Kinh Bốn Thánh Đế,Kinh Bốn Điên Đảođã được thay thế bằng Thi Kệ Cuộc Đời Đức Phật, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Mười Pháp Đến Bờ Kia, Kinh Dẫn Nhập Đại ThừaKinh các Pháp Tu Viên Thông. Sự thay đổi các bài Kinh này đã kéo theo sự thay đổi về trật tự của các bài Kinh khác trong toàn bộ nghi thức.

Ngoài ra, bốn phần phụ lục được thêm vào cuối sách: (1) Tóm tắt nội dung 49 bài Kinh, (2) Chú thích một số thuật ngữ và danh từ riêng, (3) Các ngày lễ trong hai truyền thống Phật giáo, và (4) Các ngày ăn chay. Do vì bận rộn với việc phụ trách trang nhà Đạo Phật Ngày Nay(http://www.buddhismtoday.com), soạn giả đã mời Tỳ-kheo Thích Giác Hoàng biên soạn phần phụ lục thứ hai, để giúp cho người đọc tụng và thọ trì Kinh có thể tra khảo ngay tại chỗ các thuật ngữ và danh từ riêng Phật giáo, mà không phải tốn công nghiên cứu đến các bộ từ điển Phật học đồ sộ.

Kinh Tụng Hằng Ngày in lại kỳ này được hoàn thành tốt đẹp là nhờ vào sự giúp đỡ tận tâm của nhiều người. Nhân đây, chúng con chân thành tri ân Thượng toạ Thích Bổn Điền, đồng thời soạn giả cảm ơn và tán thán Đại đức Thích Trí Thể, quý cư sĩ Thanh Tâm, Hải Hạnh, Trần Nguyên Trung, Minh Thông và Chính Trực, v.v… đã góp phần vận động ấn tống; huynh Nhật Hạnh đã phát tâm đánh vi tính, đại đức Thích Thiện Huệ, quý sư cô Thích Nữ Huệ Phúc, Thích Nữ Liên Hiếu và Thích Nữ Liên Hoà đã phát tâm sửa bản in; quý đại đức Thích Thiện Hữu, Thích Lệ Thọ, Manpreet Singh, A. N. Sinha và R.S. Kaushik đã liên hệ nhà in, cùng tất cả quý Tăng Ni và Phật tử trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ cho lần tái bản này.

Soạn giả chân thành tán thán cư sĩ Từ Bi Nguyệt, gia đình Từ Bi Trân Ngọc, Mai Hoàng và tất cả quý vị có tên trong danh sách ấn tống, đã tiết kiệm tối đa phần chi dụng cá nhân và gia đình, phát tâm đóng góp tịnh tài ấn tống, nhằm làm cho Pháp bảo của Phật được lan rộng, mang lại lợi lạc cho những người hữu duyên. Kính chúc quý vị ngày càng tăng trưởng đạo tâm, vững tiến trên con đường phụng sự Phật, Pháp và Tăng.

Xin hồi hướng công đức của lần tái bản này đến tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường.

Kính nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho tất cả được an lạc trong chánh pháp và hanh thông trong cuộc sống!

Ấn Độ, ngày 21-1-2002

Kính khể thủ

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Ý Nghĩa của Tụng Kinh

I.Ý Nghĩa của Chữ "Kinh"

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử Ngài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau mới được ghi chép lại thành dạng văn bản, gọi là Kinh.


Các nhà Phật học truyền thống Trung Quốc giải thích rằng Kinh là "khế hợp." Khế ở đây bao gồm hai phạm trù khế lý và khế cơ. Khế lý là nội dung ý nghĩa của những lời giảng dạy phải được đặt trên nền tảng Trung đạo, không thiên lệch vào sự chấp mắc nào. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Theo nghĩa này, Kinh là chân lý siêu tuyệt của các chân lý mặc ước và công ước.


Tác giả của Luận Phật Địacòn đi xa hơn, khi giải thích: "Khế là phù hợp với tinh thần giáo lý mầu nhiệm của các đức Phật trong ba thời, đồng thời còn đáp ứng một cách sát sao với sự lãnh hội của đương cơ tiếp nhận giáo pháp ấy." Theo đó, sự khế lý mà thiếu khế cơ hay khế cơ mà không khế lý thì chẳng được gọi là Kinh.


Các nhà chú sớ Kinh điển của Trung Quốc không dừng lại tại đó, còn đi sâu vào việc khai thác sự đa dạng về ý nghĩa của Kinh. Theo các nhà sớ giải, Kinh gồm có năm nghĩa: (1) pháp bổn, (2) vi phát hay xuất sanh, (3) tuyền dũng, (4) thằng mặc, (5) kết man, (6) hiển thị. Các cách định nghĩa chữ Kinh như vừa nêu tuy có phần phong phú, đa dạng, nhưng đã đi quá ý nghĩa từ nguyên của chữ Kinh trong Phật giáo, thời kỳ nguyên thủy.


Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho (1) các thể loại văn học Phật giáo, hay (2) Tạng Kinh (Sutta Piaka), hay chỉ chung cho (3) Ba kho tàng văn học Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài giảng dạy.


Các vị thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo bấy giờ. Các pháp thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy. Các bài Kinh loại này có mặt khắp trong các Kinh điển Phật giáo của Nguyên Thuỷ và Đại thừa.


Như vậy, "Kinh" chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của Kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản về sau.


Mặt khác, “Kinh” là một khái niệm bao quát, chỉ chung các lời dạy của Phật về đạo đức (dhamma) hay con đường tu tập và những phép tắc (vinaya) liên hệ đến đời sống của cộng đồng tu sĩ sống dưới sự bảo hộ và hướng dẫn của Phật. Nó hoàn toàn không mang các ý nghĩa như "pháp bổn," "vi phát," "dũng tuyền," "kết man," "xuất sanh," " hiển thị " hay ý nghĩa "khế cơ" như các nhà sớ giải Trung Quốc đã phát triển về sau. Nói như vậy không có nghĩa phủ định tính chất khế cơ trong lời Phật dạy. Chỉ có con người ứng dụng kinh, giảng dạy Kinh có khế cơ hay không mà thôi. Nói cách khác tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào vị pháp sư qua sự trình bày pháp thoại đến với quần chúng thính giả hơn là bản thân của pháp thoại đó được biểu hiện dưới hình thức lời nói hay văn tự. Văn tự hay ngôn ngữ có giới hạn, không thể làm chức năng xứng hợp như chính con người của đức Phật và các vị đệ tử thánh của Ngài. Ý nghĩa thâm sâu của Kinh nếu không được vị pháp sư trình bày một cách sáng sủa, chính xác và hợp đối tượng thì người nghe có thể rơi vào các tình trạng ngộ nhận, thoái thất đạo tâm và như vậy là mất hết khế cơ. Đặc tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào người giảng đạo và người nghe. Thuyết giảng pháp thoại mà không nắm bắt được đối tượng nghe pháp sẽ có thể dẫn đến tình trạng làm suy thoái đức tin chánh pháp của người nghe. Ngược lại thuyết pháp phù hợp đối tượng, làm cho đối tượng thấm nhuần lợi ích và an lạc thì sự thuyết pháp đó đã thành tựu ý nghĩa khế cơ rồi. Như vậy lợi ích hay tác hại của một buổi pháp thoại đối với người nghe tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện giảng dạy và phong cách trình bày của vị pháp sư, chứ không phải là bản thân của Kinh điển văn tự.


Nói tóm lại, chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc. Kinh điển là ngón tay để chỉ cho chúng sanh thấy được mặt trăng, là chiếc bè để đưa người sang sông giải thoát. Bản thân Kinh điển không phải là mặt trăng và cũng không phải là bờ giải thoát. Mặt trăng ở đây ám chỉ cho chân tâm, Phật tánh và Niết-bàn. Người đọc tụng và thọ trì cần nương vào lời Kinh để nhận ra được chân tâm, Phật tánh của mình, cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng và nương vào thuyền để sang được bờ bên kia. Sau khi thấy được trăng cần phải biết quên ngón tay. Sau khi qua được bờ rồi, nên thả thuyền xuống sông để nó có thể giúp được nhiều người khác muốn sang sông. Đừng có thái độ chấp thủ và tôn thờ ngón tay đã giúp ta thấy được mặt trăng, cũng như chiếc bè đã giúp ta qua được bờ bên kia!


II. Ý Nghĩa của Tụng Kinh

Có nhiều người khi được hỏi "tại sao phải tụng kinh" liền trả lời rằng "vì tụng Kinh có nhiều phước đức.”Đối với nhiều Phật tử, tụng Kinh là con đường gặt hái phước báu cho bản thân, người thân quyến và gia đình mình. Một số khác thì cho rằng tụng Kinh để được các đức Phật và Bồ-tát phù hộ cho tai qua nạn khỏi, mua may bán đắc, làm ăn phát tài, cửa nhà thịnh vượng. Nói chung, tụng Kinh để mang lại phước lộc và thọ cho bản thân và gia đình. Mặc dù không phản ánh hết ý nghĩa và mục đích của sự tụng Kinh trong Phật giáo nhưng những câu trả lời như vậy đã biểu trưng cho nếp nghĩ của nhiều Phật tử. Như vừa nói, Kinh là lời Phật dạy về đạo đức, chỉ ra các phương thức tu tập, có khả năng chuyển hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau. Do đó, sự tụng Kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn.


Tụng Kinh trước nhất là để ôn lại và tư duy về lời Phật dạy, là cách làm cho pháp âm của Phật lưu truyền mãi trong nhân gian, và để tự nhắc nhở mình bỏ ác làm lành.


Tụng Kinh còn là một dịp tốt giúp chúng ta ngăn ngừa các tội lỗi, trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch. Trong giờ phút tụng Kinh, do chuyên chú vào lời Kinh, tâm ý của người đọc không có dịp bám víu vào các duyên thế sự và các phiền não trần lao. Tâm ý của người thọ trì, nhờ đó, trở nên an tịnh và thuần khiết. Ngay giờ phút tụng Kinh chuyên nhất đó, người đọc tụng có thể xa lìa được các gốc rễ của khổ đau như tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý tiêu cực, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi như hoa sen khi tụng Kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên thanh tịnh, nhờ đó tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, ngoại tình v.v... Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời Kinh, cho nên các lời nói mang tính chất sai sự thật, lời ác độc, lời thêm bớt và những lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc Kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện. Như vậy, trong một hành vi chuyên nhất tụng Kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, vốn do thân khẩu ý tạo nên. Nói cách khác, trong khi tụng Kinh, chúng ta đã huấn luyện ba nghiệp của mình trở về con đường hiền thiện và đạo đức. Sự tụng Kinh, do đó, đã trở thành một sự tu tập về thân, khẩu và ý trong đạo Phật.


Tụng Kinh còn là một pháp môn tu tâm dưỡng tánh, huân tập vào tâm thức các hạt giống tốt của từ bi, trí tuệ, an vui, thanh tịnh và giải thoát. Tụng Kinh còn là dịp để tham thiền, quán tưởng, trang trải tình thương bao la đến với muôn loài, còn là lúc chúng ta hồi hướng công đức lành đến với tất cả chúng sanh. Tụng Kinh chính là lúc chúng ta một lòng thành kính, đối trước Tam Bảo, sám hối tất cả các nghiệp xấu, ăn năn các lỗi đã qua, phát nguyện làm các việc thiện, để hoàn thiện đời sống đạo đức của bản thân.


Tụng Kinh còn là dịp tốt để chúng ta có thể tìm hiểu, học hỏi, và ứng dụng lời Phật dạy, vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho mình và người.Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp người đọc tụng gặt hái được những điều mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc. Bản thân của sự tụng Kinh vốn không có phước báu, nếu người đọc tụng không chịu chú tâm vào từng lời Kinh để tìm ra ý đạo sâu xa, mầu nhiệm ẩn chứa trong đó để mà thực hành. Các hình thức và thói quen tụng Kinh như để “trả bài” hay làm công cứ “tính điểm” với Phật, hay tệ hơn là như “máy thâu và phát” lại những lời Phật dạy, rõ ràng không mang lại kết quả hay lợi ích thực tiễn nào, trái lại còn làm mất thời giờ và công sức. Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết rõ con đường, để đi đúng hướng, để đến đúng nơi cần đến. Con đường đó là con đường trung đạo hay còn gọi là con đường thánh gồm tám yếu tố chân chánh: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh. Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường “trung đạo” đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng dẫn của Phật trong Kinh điển. Nói cách khác, tụng Kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp đó vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.


Nói chung, mục đích tụng Kinh trong đạo Phật không phải để “trả bài” hay “tính công” với Phật, mà là nhằm tìm hiểu chính xác lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống. Tụng Kinh không phải để cầu nguyện Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình, gia đình và thân quyến tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kiết tường như ý. Tụng Kinh cũng không phải là dịp để cầu cho mua may bán đắc, hay mong Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình được đầy đủ phước lộc thọ. Tụng Kinh để trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hạnh lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc. Muốn được vậy, khi tụng Kinh, người Phật tử phải chí thành, hướng tâm vào nội dung Kinh, ghi khắc sâu chân lý Phật dạy, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể của cuộc sống, để khắc phục đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Tụng Kinh như vậy là một sự tu tập: bỏ ác làm lành, một sự an tịnh ba nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong tâm mình. Tụng Kinh có nhiều lợi ích như thế cho nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy.

III. Cách Thức Tụng Kinh

Cách thức tụng Kinh trong Phật giáo rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng truyền thống. Thời đức Phật còn sống, tụng Kinh chỉ đơn thuần là sự trùng tuyên lại lời Phật dạy, để nhớ sâu hơn về lời Ngài, và nhất là để ứng dụng vào cuộc sống thường nhật. Dần dà, tụng Kinh đã trở thành một nghi thức. Trong Phật giáo Bắc tông ngày nay, tụng Kinh đã trở thành một nghi lễ hẳn hoi, với sự hỗ trợ của các pháp cụ và nhạc cụ, như chuông, mõ, trống, kiểng, khánh, tang, đẩu v.v… Sự tụng Kinh ở nhiều nơi đã trở thành một khoá lễ nhạc có âm điệu trầm bổng, du dương, gây nhiều cảm hứng tốt ở người nghe.


Dù theo truyền thống nào, điểm quan trọng mà người thọ trì Kinh cần chú ý là tụng Kinh để hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống. Do đó, trong khi tụng niệm, không nên quá chú trọng vào các nghệ thuật tán tụng, mặc dù nghệ thuật này có thể giúp cho người tụng lẫn người nghe dễ lắng tâm và phát khởi niềm tin tôn giáo. Một khi thời Kinh trở thành thời khoá tán tụng thì việc tập trung tâm ý vào lời Kinh để tìm hiểu ý đạo sẽ trở nên mờ nhạt, và ý nghĩa của tụng Kinh sẽ không còn nữa. Người đọc tụng cần phải chú trọng vào phần “cốt lõi nhất” của Kinh là nội dungnghĩa lýcủa nó. Không có sự chú tâm thật sâu thì khó có thể lãnh hội được ý nghĩa nhiệm mầu trong Kinh. Nói cách khác, chỉ chú trọng đến “nghệ thuật tụng hay tán giỏi” mà không nắm bắt được ý Kinh thì việc tụng Kinh có thể trở nên vô ích và mất thời giờ.


Người đọc tụng phải giữ ba nghiệp thanh tịnh, chú tâm hoàn toàn vào nghĩa lý của Kinh, tư duy và liên tưởng về nghĩa lý đó, để hiểu rõ lời dạy của Đức Phật, biết cách ứng dụng và hành trì. Bậc cổ đức thường dạy “tụng Kinh giả minh Phật chi lý” là nhằm vào ý này vậy. Chính sự ứng dụng lời Kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báo, an lạc và giải thoát cho chúng ta. Do đó, ta không nên chỉ tụng niệm bằng miệng mà còn phải tụng niệm bằng tâm. Nói cách khác miệng tụng tâm hànhmới chính là tụng Kinh đúng nghĩa.


Nói tóm lại tụng Kinh không phải là dịp để cầu phước, không phải để trả bài, không phải để tán tụng, mà là cơ hội tốt để trau dồi ba nghiệp cho thanh tịnh, an lạc. Tụng Kinh không phải là buổi cầu nguyện, van xin mà là lúc chúng ta nên chuyên chú, lắng tâm, thực hành thiền định và quán tưởng. Tụng Kinh còn là cách học hỏi chánh pháp, phát khởi niềm tin chân chánh về lời Phật dạy. Tụng Kinh để gieo rắc các hạt giống từ bi, trí tuệ vào trong tâm khảm, để gặt hái hoa trái của an lạc và hạnh phúc ở hiện tại và tương lai.


Tụng Kinh mang nhiều ý nghĩa hành trì và đạo đức tích cực như thế, phàm làm đệ tử Phật phải nên siêng năng đọc tụng Kinh điển để ngọn đèn từ bi và trí tuệ của đức Phật tỏa sáng sự sống của chúng ta và tất cả chúng sanh.

Viết tại chùa Giác Ngộ, năm 1991

Hiệu đính tại Ấn Độ, năm 2001

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Thầy Nhật Từ đã gởi tặng bản Kinh điện tử này
( Quang Duc Website 04/2002)
--- o0o ---
Trình bày : Nguyên Hân- Nguyên Phúc

HƯỚNG DẪN HÀNH TRÌ

Đây là Kinh Tụng Hằng Ngàythuần Việt, tổng hợp 48 bài Kinh và bài Thi Kệ Cuộc Đời Đức Phật. Phần chánh kinh chủ yếu chọn lọc các bài kinh căn bản từ hai nguồn kinh điển chính của Phật giáo là nguồn kinh tạng Nam tông (Pali) và nguồn kinh tạng Bắc tông (Hán tạng). Nghi thức tụng niệm này góp phần tạo sự an lạc và chánh nhân giải thoát cho người thọ trì ở hiện tại và tương lai. Do đó, người Phật tử xuất gia và tại gia nên thọ trì hằng ngày để nắm vững tinh hoa, áo nghĩa lời đức Phật dạy, vận dụng vào cuộc sống hành trì.


1. NỘI DUNG TỔNG QUÁT CỦA CÁC KINH

Về mặt xã hội, các kinh này nhắm vào mục đích giáo dục nhân cách bản thân, tạo dựng hạnh phúc gia đình, ổn định các mối quan hệ và đời sống cộng đồng.


Về mặt tu tập, bộ kinh này thể hiện tinh thần nhân bản hoàn hảo nhất, chỉ bày phương pháp tu tập giải thoát, chứng đắc bốn quả Thánh và những phương châm hành đạo của các bậc Bồ-tát.


Về mặt Phật học, bộ kinh được phân bố theo trình tự từ căn bản đến chuyên sâu, từ Nhân thừa đến Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ-tát thừarồi cuối cùng qui về Phật thừa.


Từ góc độ tổng quát nhất, một số kinh đóng vai trò hộ niệm người sống và người mất. Có kinh dạy cách nuôi dưỡng đời sống lứa đôi chung thủy và hạnh phúc. Có kinh dạy về cách làm phước đức, gieo tình thương, sống hòa hợp, xây dựng đức tin chân chánh và các mối tương quan đạo đức xã hội. Có kinh ôn lại cuộc đời của Đức Phật và những di huấn của Ngài. Có kinh chuyên dạy về cách quán chiếu, tu tập thiền định, sống tự tại, giải thoát mọi nơi, mọi lúc. Có kinh giới thiệu về Đại thừa, tu tập các pháp môn viên thông, phát huy trí tuệ, chứng đắc giải thoát. Có kinh dạy về cách nương tựa có khả năng phá chấp, thể nhập chân lý không hai, hiển bày chân tâm và cúng dường chánh pháp. Có kinh chỉ bày phương tiện và cứu cánh, dạy cách tu để dứt bỏ mọi chấp thủ, hướng đến giải thoát trọn vẹn.

2. THỜI KHÓA ỨNG DỤNG

Bộ Kinh Tụng Hằng Ngày này lúc đầu được biên soạn để thọ trì vào Thời Kinh Tối tại các chùa, hay tư gia. Tuy nhiên, tuỳ theo thời gian thích hợp của từng đạo tràng tu tập, người thọ trì có thể đọc tụng Kinh vào các thời điểm thuận tiện khác, có thể mỗi buổi sáng, hoặc mỗi buổi chiều, hoặc thậm chí tụng xuyên suốt trong ba ngày hay một tuần, trong những dịp lễ Phật giáo. Nói chung, tuỳ theo thời gian cho phép và truyền thống tu tập ở từng nơi, bộ Kinh này có thể được ứng dụng khác nhau.


Đặc biệt có một số bài Kinh có thể ứng dụng vào cáckhóa lễ cầu an. Ví dụ, đối với khóa lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, nước nhà hưng thạnh, gia đình bình an hay cho các cơ quan, xí nghiệp, hội đoàn và chợ thì nên tụng một trong các Kinh sau đây:Kinh Quốc Gia Cường Thịnh,Kinh Tình Thương,Kinh Phước Đức, Kinh Nền Tảng Đạo Đức Xã Hội, Kinh Mười Pháp Đến Bờ Kia, Kinh Sống và Tu trong Hòa Hợp, hayKinh Hiền Nhân. Đối với khóa lễ cầu an cho bệnh nhânta có thể lần lượt tụng các Kinh sau đây: Kinh Giáo Hóa Người Bệnh, Kinh Mười Pháp Quán Niệm, Kinh Dụ Ngôn Bọt Nước, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, Kinh Người Biết Sống Một Mình,Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia hay Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp.


Các Kinh nêu trên cung cấp cho người đọc tụng những tấm bản đồ tu tập thiền định, an tịnh thân tâm, xây dựng hạnh phúc và an lạc cho mình và người ngay bây giờ và tại đây. Do vậy, các Kinh này không chỉ là phương diệu dược cho người bệnh mà còn là toa thuốc bổ không thể thiếu đối với tất cả những người khỏe mạnh về thể chất nhưng chưa phát triển toàn diện về tinh thần.


Cũng có các bài Kinh có thể dùng trong các khoá lễ cầu siêu, đặc biệt trong các dịp lễ tang, cúng thất, cúng giổ, cúng cô hồn, cúng cầu siêu cho ông bà cha mẹ, cho hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết bất đắc kỳ tử… mà chưa thác sanh được do nghiệp chướng và thiếu sự gia trì của Ba Ngôi Báu.


Ví dụ, đối với hương linh đã từng quy y Tam Bảo, tu tập và làm nhiều công đức, ta có thể tụng các kinh như Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Hàng Bồ-táthay Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát. Nếu người quá cố từng tu thiền nhập định thì nên tụng Kinh Quán Niệm Hơi Thởhay Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Đối với hương linh và tang quyến chưa quy y Tam Bảo, chưa thấu rõ ba quy luật của mọi sự vật hiện tượng là vô thường, khổ não và vô ngã hay quá bi lụy đau thương về sự sinh ly tử biệt mà trở nên bi quan yếm thế thì ta nên tụng các kinh như Kinh Qui Luật Cái Chết, Kinh Nhổ Mũi Tên Sầu MuộnhayKinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ. Đối với hương linh và tang quyến chưa tường tận về giáo lý nghiệp báo và tái sanh của đạo Phật thì ta nên tụng Kinh Cúng Thí Người Mất,Kinh Nghiệp Báo Tái Sanhhay Kinh Na-tiên Đàm Đạo.


Các kinh vừa nêu một mặt khẳng định cái già, bệnh và chết là một quy luật không loại trừ một ai, mặt khác khuyên dạy tất cả mọi người, nhất là thân quyến của người chết nên bình tĩnh, không than khóc, sầu thảm, mà trái lại niệm Phật, tạo nhiều phước lành, hồi hướng cho người quá vãng, để giúp cho người chết một hành trang tốt trong lúc tái sanh. Được như vậy, chắc chắn rằng cuộc đời sẽ bớt đi các tình trạng đau thương, sầu thảm cũng như những hậu quả của nó do cái chết gây ra; thế giới sẽ không còn cảnh bi lụy do không hiểu được quy luật của sanh tử, sống chết chập chùng.


Nói chung, tùy theo trường hợp và đối tượng mà ta nên chọn Kinh nào tụng cho thích hợp với từng khóa lễ.

3. TRÌNH TỰ NGHI THỨC

Trình tự của nghi thức thọ trì kinh này gồm 3 phần: phần Nghi Thức Dẫn Nhập, phần Chánh Kinh và phần Nghi Thức Sám Nguyện và Hồi Hướng.


Phần Nghi Thức Dẫn Nhậpđược biên soạn tổng hợp từ các nghi thức Phật giáo Bắc Tông xưa nay, bao gồm: nguyện hương, ca ngợi Phật và quán tưởng, đảnh lễ Tam Bảo, tán hương, phát nguyện trì Kinh và tán dương giáo pháp.


Phần Chánh Kinhtổng hợp 49 bài Kinh căn bản trong hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, bắt đầu từ Thi Kệ Cuộc Đời ĐứcPhậtvà kết thúc bằng Kinh Lời Dạy Sau Cùng. Các bài kinh khác giới thiệu các lời Phật dạy về các phép tu tâm dưỡng tánh, phát triển đạo đức, trau dồi trí tuệ, đáp ứng cho nhiều đối tượng khác nhau. Chiều dài của các bài Kinh này không đồng đều. Có bài Kinh dài 50 trang nhưng cũng có nhiều bài chỉ có hai ba trang. Do đó, đọc mỗi ngày một kinh, hai kinh hay ba kinh, bốn kinh là tuỳ thuộc vào trang dài ngắn của các kinh đó, cũng như thời gian đọc tụng tại các đạo tràng. Trung bình tụng từ 20 đến 25 trang là vừa. Bài Kinh nào dài quá thì có thể tụng trong hai ba thời Kinh liên tiếp. Khi thọ trì hết bài kinh thứ 49, tiếp tục thọ trì lại từ đầu. Cứ vậy, tuần tự thọ trì quanh năm. Tuy nhiên, việc thọ trì Kinh cũng phải linh động. Nếu quý Phật tử tu tại gia, phải đi làm hay bận rộn nhiều việc, có thể chọn thọ trì những kinh nào thích hợp với pháp tu của mình mà không cần phải đọc tụng từ đầu đến cuối.


Phần Sám Nguyện - Hồi Hướngđược biên soạn theo cách thức mà truyền thống Phật giáo Bắc tông hành trì, bắt đầu bằng bài Bát-nhã Tâm Kinh, tóm thâu tinh túy của Kinh Đại Bát-nhã. Mặc dù chỉ có 260 chữ, nhưng bài kinh này tập trung các pháp tu căn bản của Phật giáo đại thừa, giúp hành giả diệt trừ tất cả các khổ đau trong cuộc đời bằng phương pháp quán chiếu năm yếu tố (ngũ uẩn) hình thành nên con người là không có một thực thể hay ngã thể. Từ đó, với trí tuệ duyên khởi, hành giả thấu suốt mọi sự vật hiện tượng theo một cách thức tương tự. Kế đến là niệm Phật. Hành giả tu Tịnh Độ thì niệm Phật A-di-đà, hành giả các pháp môn khác thì niệm Phật Bổn Sư. Các mục còn lại trong phần này bao gồm: xướng lễ Phật và Bồ-tát, mấy điều quán tưởng hoặc quán chiếu thực tại, sám nguyện (có thể chọn một trong tám bài, hoặc luân phiên mỗi bài cho mỗi thời Kinh), hồi hướng công đức (người không tu Tịnh Độ có thể tỉnh lược bốn câu 9-12 phát nguyện sanh Tây Phương), lời nguyện cuối, và đảnh lễ Ba Ngôi Báu, để kết thúc thời Kinh.


Nghi Thức Dẫn NhậpNghi Thức Sám Nguyện-Hồi Hướnglà hai phần cần thiết và không thể thiếu trong mỗi thời Kinh. Mặc dù không phải là chánh văn của Kinh điển, nhưng hai phần nầy được biên soạn dựa trên tinh thần của lời Phật dạy, theo cách thức mà các vị Tổ sư của Trung Quốc và Việt Nam đã làm trong các nghi thức tụng niệm trong quá khứ và hiện tại. Nếu phần đầu chủ yếu tán thán Phật bảo và Pháp bảo để giúp cho hành giả tụng tăng thêm niềm tin đối với Phật và giáo pháp cao thượng của Ngài, trước khi thọ trì, thì phần cuối là phần nhắc nhở người đọc tụng các quy luật vô thường, khổ não, vô ngã của con người và thế giới này, để giúp chúng ta sống một cách an lạc không vướng mắc. Phần này còn bao gồm các cách tu tập như lễ Phật và quán tưởng, chuyên chú tâm và hồi hướng công đức.

4. CÁCH THỨC TỤNG NIỆM

Phần Nghi Thức Dẫn NhậpNghi Thức Sám Nguyện-Hồi Hướngđược tụng giống như các khóa lễ xưa nay, tuỳ theo từng truyền thống.


Riêng phần chánh kinh, để người đọc tụng và người nghe dễ hiểu và được lợi ích, người đọc nên ngừng một hoặc hai nhịpkhông tụng sau mỗi chấm câu hoặc sang hàng hay hết một đoạn, trong khi mõ vẫn được gõ đều đặn. Tụng như vậy thì nghĩa lý của kinh sẽ được rõ ràng, người đọc đỡ mệt sức do quá cố gắng, nhất là, tránh được sự ngắt nhịp tùy tiện. Phần chánh Kinh phải đọc một cách chậm rãi, rõ ràng theo nhịp trường canh của mõ.


Khi miệng đọc tụng, tâm của hành giả phải “niệm” theo lời Kinh, nghĩa là người tụng phải chuyên chú tâmhoàn toàn vào từng câu từng lời Kinh, để hiểu rõ nghĩa lý sâu xa huyền diệu chứa đựng trong từng bài Kinh, rồi ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Chính sự ứng dụng lời kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báu, an lạc và giải thoát cho người thọ trì.

5. CÁCH ĐÁNH MÕ VÀ ĐIỂM CHUÔNG


a. Ký hiệu được sử dụng


Ký hiệu Ochỉ cho “đánh chuông.” Ký hiệu Cchỉ cho "nhắp chuông" (nhắp dùi chuông vào vành chuông để báo hiệu rằng sẽ có một tiếng chuông được vọng lên). Ký hiệu Mchỉ cho “gõ mõ.”



b. Cách vào chuông mõ

C O O O M M M MM M M


O M


O M


O M MM M C



c. Đánh mõ và điểm chuông

Ngoài mục đích tạo trường canh và nhạc điệu cho các khóa lễ, mõ và chuông còn có tác dụng thức tỉnh người đọc. Để các tác dụng này được phát huy triệt để, mõ phải được đánh đều đặn, nhịp nhàng, chậm rãi; không được đánh quá mạnh hay quá nhẹ để tránh trường hợp tiếng lớn, tiếng nhỏ làm mất trang nghiêm và khó đọc tụng cho đều. Chuông được điểm ngân nga sau các đoạn hay câu có ký hiệu O, đối với phần nghi thức dẫn nhập và hồi hướng. Đối với Chánh Kinh, chuông sẽ được điểm lên ngay sau mỗi đoạn Kinh hay sau mỗi ý Kinh hoàn chỉnh, nhằm đưa người đọc tụng trở về với thực tại, lắng niệm và ghi nhớ sâu lời Phật dạy.

d. Phối hợp chuông, mõ, khánh và lời tụng

Sau tiếng nhắp chuông của vị Duy-na, vị chủ lễ bắt đầu xướng tụng. Chủ lễ xướng hết chữ thứ hai thì đại chúng mới bắt đầu hòa theo và cùng tụng. Chữ đầu và chữ thứ ba của đoạn do chủ lễ khởi xướng thì không có nhịp mõ. Nhịp mõ được gõ vào nhịp chữ thứ hai và thứ tư. Nghĩa là tiếng mõ thứ nhất sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ hai, tiếng mõ thứ hai sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ tư. Sau đó, cứ mỗi chữ thì có một nhịp mõ cho đến hết một bài kinh. Riêng chữ (tiếng) kinh áp chót thì gõ hai nhịp mõ liền nhau và chữ (tiếng) kinh cuối thì một tiếng mõ dứt. Cứ như vậy, chúng ta tụng hết thời kinh.


Đối với bài Sám Nguyện trước bài Hồi Hướng, ta có thể phối hợp mõ với khánh. Tiếng mõ đầu sẽ đi với chữ kinh thứ hai, tiếng khánh đầu sẽ đi với chữ kinh thứ ba. Sau đó, một chữ một tiếng mõ, một chữ một tiếng khánh, cứ như vậy phối hợp mõ và khánh tụng cho hết bài sám. Phần kết thúc bài sám như sau: chữ áp chót của bài sám sẽ đi kèm với hai tiếng mõ liền nhau hơi nhanh và chữ cuối sẽ đi kèm với một tiếng mõ; trong khi từ chữ áp chót của bài sám, khánh được đánh theo hồi, từ bảy đến mười nhịp, khoảng cách của các nhịp khít dần đều và âm thanh của các nhịp nhỏ dần đều.

6. LỢI ÍCH CỦA ĐỌC TỤNG VÀ THỌ TRÌ

Người đọc tụng, thọ trì và truyền bá kinh này sẽ gặt hái nhiều lợi ích cho mình và tha nhân:


- Nắm vững yếu nghĩa lời Phật dạy qua hai truyền thống kinh điển Nam tông và Bắc tông. Nhờ đó, người thọ trì xóa bỏ cái nhìn phân cách, ngộ nhận giữa hai truyền thống. Tất cả chỉ có một nguồn chánh pháp, chỉ thuần nhất hương vị: an lạc, giác ngộ, giải thoát.


- Đọc tụng để lời nói, ý nghĩ, việc làm được trong sạch; để từ bỏ các điều ác, thực hành các hạnh lành, sống tùy hỷ, sống theo bi-trí-dũng, thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, để làm hành trang cho cuộc sống, làm hương thơm cho đời.


- Đọc tụng để mở rộng tầm nhìn đúng đắn về con người, về thế giới, về nguyên nhân sai biệt cũng như yếu tố hình thành vũ trụ. Đọc tụng để xóa bỏ mê lầm, trở về chánh pháp, sống chánh tín, chánh mạng và an lạc.


- Đọc tụng để chuyển hóa nhận thức và hành động. Nhờ đó, cá nhân được thuần thiện, gia đình được đầm ấm, xã hội được an vui và nhân loại được thái bình, hạnh phúc trong chánh pháp Phật-đà.


Đọc tụng Kinh Phật có nhiều công đức như thế, kính xin tất cả mọi người hãy tinh tấn hơn nữa, trong việc đọc tụng, thọ trì và truyền bá lời Phật dạy !


Mùa Phật Đản PL. 2538, DL. 1994

Soạn giả

            Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

            Kính đề

NGHI THỨC DẪN NHẬP

1. Nguyện Hương

2. Ca Ngợi Phật và Quán Tưởng          

3. Đảnh Lễ Tam Bảo                           

4. Tán Hương                                       

5. Phát Nguyện Trì Kinh                      

6. Tán Dương Giáo Pháp



1. NGUYỆN HƯƠNG

(Chủ lễ quì ngay thẳng, dâng ba nén hương lên ngang trán và xướng bài Nguyện Hương. Đại chúng cùng chắp tay thành kính mặc niệm và quán tưởng theo lời Nguyện)

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni PhậtO

Xin cho khói trầm hương

Kết thành mây năm sắc

Dâng lên khắp mười phương

Cúng dường vô lượng Phật

Vô lượng các Bồ-tát

Cùng các Thánh Hiền Tăng

Nơi pháp giới dung thông

Kết đài sen rực rỡ

Nguyện làm người đồng hành

Trên con đường giác ngộ

Xin mọi loài chúng sanh

Từ bỏ cõi u mê

Theo đường giới định huệ

Quay về trong tỉnh thức

Tu hành Ba-la-mật.      O


Giờ này chúng con dâng hết lòng thành hướng về Ba Ngôi Báu, phát nguyện thọ trì Pháp Bảo. Nguyện cho chánh pháp được lan truyền khắp chốn, kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người đau khổ được an vui, tự tại.O


Lại nguyện người người từ bỏ tham giận, si mê; tưới tẩm từ bi, hạnh phúc; làm lành lánh dữ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; thế giới dứt nghiệp binh đao; muôn loài an vui giải thoát. O


Chúng con nguyện đời đời kiếp kiếp thường làm bà con Phật pháp, quyến thuộc từ bi, hộ trì Tam Bảo ở mãi thế gian, sống trọnđời trong an vui tự tại. Từ nay, sạch hết não phiền, thoát vòng mê muội. Nguyện cùng pháp giới chúng sanh đều chứng thành quả Phật. O


Giới định huệ hương

Giải thoát tri kiến quý khôn lường

Ngào ngạt khắp muôn phương

Ba nén tâm hương

Chúng con nguyện cúng dường.          O        

Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát.(3 lần) OOO


(Chủ lễ xá 3 xá rồi cắm nhang vào lư hương)


2. CA NGỢI PHẬT VÀ QUÁN TƯỞNG

(Đại chúng đứng chắp tay, hướng về Phật, cùng tụng)


Đấng Pháp Vương vô thượng,

Ba cõi chẳng ai bằng,

Thầy dạy khắp trời người,

Cha lành chung bốn loài.

Nay con nguyện quy y,

Diệt trừ vô lượng tội,

Dâng lên lời tán thán,

Ức kiếp vẫn không cùng.(1 xá)O

Phật, chúng sanh: tánh thường rỗng lặng,

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn.

Lưới đế châu ví đạo tràng,

Mười phương Phật bảo, hào quang sáng ngời.

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. (1 xá) O


3. ĐẢNH LỄ TAM BẢO


(Đại chúng đứng chắp tay, cung kính hướng về Phật, xướng lạy)


Chí tâm đảnh lễ
tất cả Đức Phật ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy)O


Chí tâm đảnh lễ
tất cả Tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương.(1 lạy) O

Chí tâm đảnh lễtất cả Hiền Thánh Tăng ba đời thường trú trong mười
phương. (1 lạy)OOO


4. TÁN HƯƠNG

(Đại chúng ngồi thẳng lưng theo tư thế hoa sen. Duy-na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Từ đây cho đến phần Xướng Lễ, chủ lễ xướng và đại chúng cùng tụng theo)

Lò hương vừa bén chiên đàn

Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương

Hiện thành mây báu cát tường

Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành

Pháp thân các Phật tịnh thanh

Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát.(3 lần)OOO


5.
PHÁT NGUYỆN TRÌ KINH


Lạy đấng Thầy ba cõi,

Quy mạng Phật mười phương.

Con nay phát nguyện lớn,

Thọ trì tạng Pháp Bảo,

Trên đền bốn ơn nặng,

Dưới cứu khổ ba đường.

Nguyện cho người thấy nghe

Đều phát tâm bồ-đề,

Sống an vui giải thoát.                     O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần) OOO


6. TÁN DƯƠNG GIÁO PHÁP


Pháp Phật cao siêu, vi diệu thay!

Trăm ngàn muôn kiếp khó cơ may,

Thực hành con quyết khi nghe gặp,

Nguyện hiểu nghĩa mầu của Như Lai.

Nam-mô Khai Pháp Tạng Bồ-tát.(3 lần) OOO

--- o0o ---

PHẦN CHÁNH KINH

Thi Kệ Cuộc Đời Đức Phật

Thứ nhất

Phật sanh tại Ca-tỳ-la-vệ,
Nay thuộc về lãnh thổ Nê-pal,
Tuyết sơn cao ngất mây ngàn,

Xuân về trong cảnh giang san tươi hồng. O

Khắp cả nước đơm bông kết lá,
Dân chúng hầu như đã thuần lương,
Đức vua Tịnh-phạn đường đường,
Trị vì vương quốc thời đang thái bình.
Cả đất nước yên lành rất đỗi,
Vua thuộc về dòng dõi Thích-ca,
Đức bà hoàng hậu Ma-da,
Thuộc hàng quyền quý trải qua bao đời.
Cả hai vị là người thiện nghiệp,
Có nhân lành, nhiều kiếp tu hành.
Cả hai đức hạnh xứng danh,
Vào hàng cha mẹ muôn nghìn lê dân.
Nhân vào dịp kinh thành có lễ,
Vua tôi cùng hội để vui ca,
Bấy giờ hoàng hậu Ma-da,
Vừa lên dâng lễ hương hoa điện thờ.
Trước ngọ môn xong giờ bố thí,
Hoàng hậu về ngơi nghỉ trong cung,
Bỗng mơ voi trắng trên không,
Sáu ngà trắng toát từ hông đi vào.

Bà đem điều chiêm bao vừa đặng,
Kể thánh hoàng Tịnh-phạn cùng nghe,
Đức vua an ủi vỗ về,

Lệnh truyền gọi kẻ tiên tri luận bàn. O

Rằng: Hoàng hậu sinh hàng con quý,
Tài sức cao đức trí vẹn toàn,
Đức vua mừng rỡ vô vàn,
Vì chưng có kẻ đảm đang ngôi trời.
Rằm tháng tư trăng tròn vừa đến,
Lâm-tỳ-ni thượng uyển xinh tươi,
Trong khi hoàng hậu dạo chơi,
Bỗng nghe hoa ngát hương trời Vô Ưu.
Đưa tay phải nâng niu định ngắt,
Thái tử liền bất giác giáng sinh,
Bấy giờ khắp chốn kinh thành,

Bỗng nhiên khí hậu mát lành hẳn ra. O

Muôn cây cỏ đơm hoa kết trái,
Nước sông nguồn bỗng thấy cao thêm,
Không trung chim hót vang rền,
Hào quang tỏa sáng khắp miền mười

phương.

Vua Tịnh-phạn vô cùng vui sướng,
Mời tiên tri xem tướng kỳ tài,
Đoán dùm vận mệnh tương lai,

Rằng: “Người tướng tốt băm hai đủ đầy O

Đoán thái tử đức tài bậc thánh,
Nhưng đức vua chẳng muốn chút nào,
Chỉ vì như vậy mai sau,
Ai người kế vị vua trao ngôi trời.
Vua Tịnh-phạn muốn dời định mệnh,
Nên Thánh Hoàng ý định đặt tên,
Sĩ-đạt-ta, nghĩa nói lên,

Là người thành đạt ngôi trên vững vàng.

Cái ngôi vị thánh hoàng ám chỉ,
Là ngôi trời cai trị muôn dân,
Đâu ngờ ngôi vị thánh nhân,

Lại là ngôi Phật xuất trần xưa nay. O

Riêng hoàng hậu sau ngày sinh nở,
Chỉ bảy ngày sống ở trần gian,
Nghĩ mình nhiệm vụ chu toàn,
Không còn nghiệp báo buộc ràng trầm luân.
Sau khi trút sắc thân bốn đại,
Bà vãng sanh về lại cõi trời,
Cõi trời Đao-lợi yên vui,

Tâm hồn trong sạch sống đời thanh cao. O

***

Vua Tịnh-phạn liền trao thái tử,
Gô-ta-mi gìn giữ dưỡng nuôi,
Mỗi ngày một lớn khôn rồi,
Thân hình diện mạo ra người khôi ngô.
Tài năng cũng cơ hồ bộc lộ,
Sức khỏe tốt, đức độ hơn người,
Thông minh trí tuệ tuyệt vời,
Nghề văn nghiệp võ học thời tinh thông.
Thời gian ngắn đã hơn thầy dạy,
Nên nhiều thầy e ngại cáo lui,
Dù thầy giỏi nhất được mời,
Chỉ thời gian ngắn là thôi sạch nghề.
Mặc dầu đã cực kỳ quyền quý,
Là đương kim kế vị ngai vàng;
Dù là thái tử cao sang,

Không hề ngạo mạn huênh hoang khinh

người.

Luôn vui vẻ tươi cười nhã nhặn,
Với mọi người bình đẳng vô tư;
Mọi điều bác ái nhân từ,

Tận tình cứu giúp hầu như mọi người. O

Vì lẽ ấy vua tôi yêu quý,
Thần dân đều nể vị tôn vinh;
Càng yêu càng quý con mình,
Vua cha càng thấy sự tình lo âu.
Sợ cái cảnh mai sau Thái tử,
Sẽ thành người tu sĩ xuất gia,
Để thành vị Phật như là,
Những lời tiên đoán của A-tư-đà.
Nhất là thấy dần dà khôn lớn,
Thái tử thường lẳng lặng trầm tư;
Ít khi cười nói vô tư,

Ít khi vui vẻ giống như thiếu thời. O

Lòng lo sợ những lời tiên đoán,
Sẽ đến hồi linh ứng tương lai,
Vua cha dùng kế trong ngoài,
Truyền xây cung điện lâu đài ba nơi.
Để thái tử vui đời tráng lệ,
Tạo tưng bừng như lễ quanh năm,
Bao nhiêu mỹ nữ cung tần,
Chỉ mong thái tử muôn phần thảnh thơi.

Chọn cho con được người nhan sắc,
Con gái vua Thiện Giác nhân hòa,
Nàng là công chúa tiên sa,
Da-du-đà-la hiền hòa đoan trang.
Nàng nổi tiếng ngàn vàng nhân đức,
Vua dọn đường gia thất cho con,
Những mong hạnh phúc hôn nhân,
Vợ con phú quý cầm chân được Ngài.
Sống giữa cảnh vui vầy vương giả,
Sự vinh hoa hơn cả trần đời,
Lòng Ngài nặng trĩu đêm ngày,

Cho rằng hạnh phúc trần ai vô thường. O
***

Nhân dịp hôm “Hạ Điền” lễ lớn,
Thái tử theo vua hướng ra đồng,
Mùa xuân quang cảnh tưng bừng.
Muôn dân vui vẻ tập trung cấy cày.

Nhìn cảnh vật phô bày xanh tốt,
Cảnh xuân về chim hót hoa tươi,
Bầu trời quang đãng rạng ngời,
Gió xuân phơi phới nơi nơi hữu tình.
Giữa khung cảnh thanh bình an lạc,
Với tâm hồn soi xét nhân gian,
Đời đầy cảnh khổ trái ngang,

Vô thường, vô ngã tiềm tàng thương đau. O

Đời chẳng phải đẹp màu tươi sắc,
Như thoảng qua ánh mắt muôn người,
Nông dân lao khổ dưới trời,
Trâu bò quần quật thay người gian lao.
Để đổi lấy bó rau bát gạo,
Đời lắm điều trở tráo bi ai,
Nhìn qua cảnh vật phơi bày:
Chim muông nuốt sống bao loài trùng sâu.
Ngay khi ấy kẻ vào săn bắn,
Tên nỏ còn đang nhắm vô chim,
Bên rừng dày đặc quanh mình,

Thì loài hổ báo đang rình thợ săn… O

Nhìn cảnh vật thương tâm giết chóc,
Nạn tương tàn không lúc nghỉ ngưng,
Miếng ăn, sự sống không ngừng,
Gieo nhân chém giết vô cùng dã man.
Ngài nhận thấy rõ ràng sáng tỏ,
Đời vốn là bể khổ bao la,
Một hôm xin phép vua cha,

Ra thành quanh quẩn dạo qua một vòng. O

Đến cửa Đông thấy người già cả,
Đứng bên đường mệt lả còng lưng,
Mắt lòa tai điếc ngập ngừng,

Chống đi từng bước xem chừng muốn xiêu. O

Đến cửa Nam gặp điều trước mắt,
Thấy một người bệnh tật thương đau,
Nhìn người rên siết lệ trào,

Xót lòng, thái tử mày chau thương tình. O

Ra cửa Tây lại nhìn người chết,
Xác bên đường nhê nhết tanh hôi,
Ruồi bu kiến đậu nặc mùi,

Xác sình gớm ghiếc giữa người lại qua. O

Ba cảnh khổ như già bệnh chết,
Cùng cảnh tình thê thiết tranh nhau,
Mà Ngài được thấy không lâu,

Ghi vào tâm trí, hằn sâu đáy lòng. O

Một hôm khác ra vùng cửa Bắc,
Thấy một người dáng dấp trang nghiêm,
Bên đường cất bước lặng yên,
Sống đời ẩn sĩ an nhiên thanh nhàn.
Ngài bước lại, ôn tồn thăm hỏi,
Rằng: “Tu hành là bởi lẽ chi,
Việc này lợi lạc được gì,
Xin người lượng thứ từ bi đáp lời.”
“Rằng mục đích của người tu tập,
Là mong lìa trói buộc nhân gian;
Diệt tan phiền não buộc ràng,

Khi thành Chánh Giác quyết tâm độ đời.” O

Mấy câu nói đáp lời Thái tử,
Gợi đúng điều ấp ủ lâu nay,
Đúng vào hoài bão đêm ngày,
Như vừa mở mắt nên ngài ung dung.
Về hoàng cung tâu cùng Thánh Thượng.
Xin đức vua ban lượng hải hà,
Cho Ngài được phép xuất gia,

Nhưng vua Tịnh-phạn xót xa chối từ. O

Ngài đề nghị nếu như bốn việc,
Mà Thánh Hoàng giải quyết được cho,
Thì Ngài bỏ ý đi tu,
Vui lòng ở lại nhân từ trị dân.
“Một là được sắc thân trẻ mãi,
Hai là thân không bệnh không đau,
Ba là sự chết không vào,
Bốn là phiền não khổ đau không còn.”
Bốn việc ấy vô cùng gian khó,
Bởi xưa nay đã có bao giờ,
Vua cha bối rối thẫn thờ,

Không sao giải đáp cho vừa lòng con. O

***

Khi biết rõ con mình nghiêm chỉnh,
Nói ra lời ý định xuất trần,
Đức vua tìm cách cản ngăn,
Giữ cho thái tử đừng năng ra ngoài.
Để trong cung cho Ngài vui thỏa,
Nhưng chẳng gì khuây khỏa cho nguôi,
Một khi Ngài quyết chí rồi,

Trên đời không thể có người giữ chân. O

Giữa hoàng thành cung tần mỹ nữ,
Quân lính tuần canh giữ ngoài trong,
Sau cơn vui vẻ tiệc tùng,
Mọi người mê mệt đã cùng ngủ say.
Thái tử quyết ra ngoài cung cấm,
Thoát khỏi vòng vương vấn vợ con,
Giã từ đời sống vàng son,

Cùng hầu Sa-nặc đi chung ra ngoài.O

Đêm mùng tám tháng hai sao kín,
Ngài mới vừa mười chín tuổi xanh,
Thầy trò phi ngựa vượt thành,
Vội vàng giục giã băng mình trong đêm.
Đã xa cảnh phồn vinh vương giả,
Thái tử vào núi thẳm rừng sâu,
Dốc lòng cầu đạo nhiệm mầu,

Tìm đường thoát khỏi khổ đau buộc ràng. O

Giữa rừng núi thênh thang yên vắng,
Sự an bình soi lắng tâm tư,
Cỏ cây muông thú hoang vu,
Khác gì như cảnh tâm tư thanh nhàn.
Sống trong cảnh yên hàn tịch mịch,
Với muôn loài không địch không ta,
Thiên nhiên với vẻ hiền hòa,
Thấy lòng nhân ái bao la vô cùng.

Nhìn cảnh vật dung thông tự tại,
Bỗng an nhiên sảng khoái tinh thần,
Sự đời chẳng chút bận tâm,

Mọi điều vướng mắc thế trần tiêu tan. O

Ngài cầu học hai thiền sắc giới

Không sở hữu, Không cảm giác sáng ra

A-la-ra và Út-đa-ca

Phải đều thừa nhận Thích-ca bằng mình. O

Nhưng thái tử nhận chân ra được

Hai thiền này khó vượt khổ đau.

Quyết từ bỏ, vào rừng sâu,

Sáu năm khổ hạnh dãi dầu tuyết sương.
Ngài nghiền ngẫm con đường giải thoát,
Chẳng một điều chi khác để tâm,
Đêm ngày bỏ ngủ quên ăn,
Một hôm kiệt sức ngã lăn bên rừng.
Người chăn cừu bỗng dưng qua đấy,
Thấy thương tình, sữa lấy hiến dâng,
Tỉnh ra, Ngài tỏ lẽ rằng,
Muốn tu phải giữ sắc thân của mình.
Thân khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn

Thân yếu gầy đạo chẳng thành đâu,
Một khi sức lực dồi dào,

Giúp tâm vượt thoát trần lao muộn phiền. O

Ngài thấy rõ khổ hành vô hiệu,
Khuyên đồng tu nên hiểu dừng đi,
Pháp môn khổ hạnh chấp nê,
Trói chân bao kẻ u mê lầm đường.
Người tu tập phải nương Trung Đạo,
Không lụy dục, không bạo ngược thân

Uống ăn ngơi nghỉ cân phân

Con đường tuệ giác tỏ dần trong tâm. O

***

Thấy Ngài lấy thức ăn dùng lại,
Bạn đồng tu thấy vậy bất bình,
Cho rằng lợi dưỡng thường tình,
Đã làm Ngài phải thoái mình trở lui.
Kiều-trần-như, năm người bỏ cả,
Về Vườn Nai hoang dã tu riêng.
Một mình không chút muộn phiền,

Kiên trì tinh tấn hành thiền không lơi. O

Như mặt gương lau chùi bóng loáng,
Mọi vật rồi soi sáng đâu xa,
Rõ ràng chân lý thật thà,
Ái tham ô nhiễm rồi ra lắng chìm.
Quyết phá bỏ vô minh vô thỉ,
Dưới Bồ-đề quyết chí thiền hành,
Nếu như đạo cả chưa thành,
Xương tan thịt nát mặc tình không đi.
Ngài chuyên nhất hành trì chánh định,
Tánh chân thường thanh tịnh bản tâm,
Đột nhiên đại ngộ cõi lòng,

Bao nhiêu kiếp trước thảy đồng sáng ra. O

Thấy rõ cả đời qua bao cõi,
Quá khứ từng trôi nổi bao nơi,
Nửa đêm sáng được mắt trời,
Tỏ tường muôn sự bao thời gần xa.
Rõ bản thể người, ta, vũ trụ,
Đến đầu hôm chứng “lậu tận thông,”

Diệt trừ ba độc buộc ràng,

Não phiền lậu hoặc tiêu tan hết liền. O

Bốn chân lý hiện tiền tỏ rõ,
Một là đời vốn có khổ đau,
Sinh-già-bệnh-chết bấy lâu,
Đời là bể khổ vây bao trùng trùng.
Hai là hiểu nguyên nhân gây tạo,
Phát sinh điều phiền não nhân gian,
Ba là hết khổ, Niết-bàn,
Bốn là cách thoát buộc ràng khổ đau.
Đường chân chính gồm thâu tám nhánh,
Để viên thành quả thánh vô sanh,
Vô sanh bất diệt đạo thành,

Ra ngoài khổ não tử sanh luân hồi. O

***

Khi thành đạo, Phật ngồi ngẫm nghĩ,
Giáo lý Ngài huyền bí cao thâm,
Ra ngoài lý luận thế trần,
Hẳn là lãnh hội khó khăn vô cùng.
Bỗng Ma Vương trên không thổ lộ,
Giáo lý Ngài chứng ngộ cao siêu,
Loài người tham ái đã nhiều,
Như ngọn lửa lớn đốt thiêu kiếp người.
Giáo pháp ấy ngược dòng tham ái,
Cõi Ta-bà chẳng mấy người tin,
Xin ngài nhập diệt, lặng thinh,

Không cần ban bố pháp âm diệu huyền! O

Liền khi ấy Phạm Thiên lên tiếng,
Cầu Phật thương, phổ biến pháp lành,
Ba lần bày tỏ chân thành,
Xin Người soi xét thương tình chúng sanh.
Dẫu cho họ đã thành mê muội,
Mắt vướng nhiều cát bụi ngăn che,
Nếu không được pháp chưa nghe,
Trầm luân sa đọa trăm bề bi ai!
Dẫu giáo pháp của Ngài cao diệu,
Vẫn có người tin hiểu sâu xa,
Có người ngộ nhập chứng ra,
Những điều chân lý thật là uyên thâm.
Xin Thế Tôn rộng lòng hoan hỉ,
Mở cửa vào bất tử vô sanh.
Xin Ngài chỉ dạy pháp lành,

Để cho ba cõi chúng sanh được nhờ! O

Bậc Toàn Giác như là trên núi,
Nhìn thấy đời bên dưới trầm luân,
Chúng sinh chìm đắm ái tham,
Hận thù ngu muội, phá tan tâm lành.
Phật đản sinh, để hành đại nguyện,
Độ chúng sanh phương tiện, thần thông,
Từ bi trí tuệ không cùng,
Giúp cho tất cả tâm đồng Như Lai.
Bốn ơn nặng ở đời quyết trả,
Dưới ba đường cứu khổ trầm luân,
Như Lai quyết ở trần gian,

Chuyển xe chánh pháp, mở tâm muôn loài! O

***

Về sự nghiệp độ đời của Phật,
Giữa Ta-bà rất mực khó khăn,
Nhờ Ngài trí tuệ uyên thâm,
Từ bi quảng đại, tinh thần vị tha.

Nhờ bình đẳng, nhân hòa dũng mãnh,
Chẳng thoái lùi hoàn cảnh khó khăn,
Nơi nơi ban bố pháp âm,
Tùy duyên giáo hoá muôn ngàn chân Kinh. O

***

Dùng phương tiện, độ sinh trình tự,
Với mỗi người tùy sự căn cơ,
Thoạt tiên độ bạn cùng tu,
Đó là nhóm Kiều-trần-như năm người.
Bốn chân lý rạng ngời công bố,
Năm vị này giác ngộ nhân duyên,
Trở thành đệ tử đầu tiên,
Xa gần khắp nẻo Phật truyền pháp âm.
Bà-la-môn, năm lăm vị ngộ,
Hợp lại cùng năm vị trước tiên,
Trở thành sáu chục thiện hiền,

Đúng theo giới luật giữ gìn không sai. O

Các vị này được Ngài chỉ giáo,
Dấn thân đi truyền đạo nơi nơi,
Đi vào những chốn xa xôi,
Cho người sáng tỏ, cho đời hết mê.

Phật hoá độ anh em Ca-diếp,
Dẫn hơn ngàn đệ tử quy y,
Nhớ lời ước hẹn khi đi,
Ngài về Vương Xá độ trì đức vua.
Sự ước nguyện hôm xưa đã thỏa,
Vua cất liền Tịnh Xá Trúc Lâm,
Xây rồi thỉnh Phật, chư tăng,

Làm nơi thuyết pháp xuất trần độ sanh. O

Lúc Đức Phật thực hành truyền bá,
Tại ngôi chùa: Tịnh Xá Trúc Lâm,
Vua cha Tịnh-phạn mừng thầm,
Liền sai sứ giả đích thân đi mời.
Ưu-đà-di nhận lời xin hứa,
Người cận thần thân tín ra đi,
Đường xa nhất quyết kiên trì,
Đã mời được Phật trở về quê hương.
Từ Vương Xá trên đường về nước,
Phật độ sanh cũng được lắm người,
Bảy ngày ở lại quê thôi,

Ngài cảm hóa được bao người xuất gia.

Cả dòng họ Thích-ca theo Phật,
Nhiều vị đà chứng đắc Vô Sanh,
Sau khi thăm viếng gia đình,

Ngài liền tiếp tục hành trình độ sinh. O

Thành Xá-vệ: lộ trình Đức Phật,
Nơi vua Ba-tư-nặc đương thời,
Nhân duyên hội độ một người,
Là ông Tu-đạt đức ngời, trí cao.

Vốn quyền quý lòng giàu bố thí,
Thường giúp người cùng thế cô đơn,
Nên người hay gọi tên ông,
Là Cấp Cô Độc lồng trong ý này.
Vốn có lòng kính tin trọng Phật,
Chẳng tiếc chi vàng bạc của tiền,
Quyết lòng mua cả khuôn viên,
Kỳ-đà thái tử dâng lên cúng dường:
Phật hoan hỉ tán dương đến ở,
Với ngàn hai trăm rưỡi tỳ-kheo;
Lẽ này chốn ấy thường kêu,
Vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Trúc Lâm ấy Phật-đà cư ngụ,
Nơi chúng tăng làm chỗ tu hành,
Là nơi thuyết pháp độ sanh,

Là nơi chúng thánh thực hành đại bi. O

***
Nghe vua cha đến kỳ bệnh nặng,
Phật xa từ muôn dặm về thăm,
Bên giường thấy mặt phụ thân,
Nét buồn ẩn khuất sắc thần kém xinh.
Phật thuyết giảng bài kinh Bát-nhã,
Lẽ vô thường, vô ngã, khổ đau;
Nghe rồi khổ não sạch làu,
Tâm thông trí giác, ngộ liền Vô Sanh.
Rồi thanh thản bỏ thân đã mục,
Không còn mang một chút vấn vương,
Ngay sau cái chết phụ vương,
Mẹ nuôi Đức Phật vui đường xuất gia.

Sau đó, La-hầu-la con Phật

Cũng quyết tâm theo Phật xuất gia,

Vợ ngài: Da-du-đà-la

Bỏ đời phú quý, làm Tỳ-kheo-ni. O

Phật tiếp tục gần xa truyền đạo,
Độ bao người, rốt ráo không cùng,
Nào là quốc thích, hoàng thân,

Nào là các bậc thường dân xa gần.

Đức Phật đã thực hành phổ độ,
Biết bao người tuần tự căn cơ,
Người thân cùng với kẻ sơ,

Kẻ thì giải thoát, người thì lạc an. O

***

Trên bước đường độ sanh khất thực,
Nhiều cảnh tình rất mực gay go,
Hành trình giáo hoá môn đồ,
Lắm người ganh tỵ bày trò gian manh.
Tùy phương tiện thực hành cảm hóa,
Dẫn dắt người xấu dạ thành ngay,
Tình thương, trí tuệ rộng bày

Người thù kẻ ghét cũng đều độ qua. O

Như Đề-bà-đạt-đa đố kỵ,
Cũng được Ngài thọ ký Phật thân,
Anh chàng Vô Não sát nhân,
Cũng nhờ Phật độ ân cần quy y.
Con voi dại ngu si mê muội,
Cũng nghe lời sám-hối theo chân,
Vua A-xà-thế nhẫn tâm
Giết cha, nhờ Phật ăn năn làm lành.
Phật vận dụng muôn ngàn phương tiện,
Tùy duyên mà ứng biến độ sanh,
Trên đường truyền đạo làm lành,

Căn cơ tâm ý sáng danh đạo đời. O

Phật răn nhắc chớ lầm phương tiện,
Tưởng cho là cứu cánh xưa nay,
Nhớ đừng lầm lẫn ngón tay,
Ngỡ là trăng tỏ bị mây khuất mờ.
Vầng trăng dụ chân như Phật trí,
Ngón tay là giáo lý kinh văn,
Mượn tay để thấy được trăng,
Chớ cho tay trỏ là trăng mà lầm.
Như thầy giỏi rõ nguồn cơn bệnh,
Tùy bệnh tình mà định thuốc thang,
Thông minh ngu độn, nghèo sang,

Pháp môn hóa độ Phật ban chẳng đồng. O

***

Sự bình đẳng; điểm son đáng quý,
Trong tinh thần giáo lý Như Lai;
Giàu nghèo, nam nữ: không hai
Thảy đều bình đẳng tỏ bày sáng trong.
Rằng: máu đỏ đâu phân giai cấp,
Vị mặn thì nước mắt ai hơn,
Mỗi người tánh Phật sẵn mầm,

Khả năng giác ngộ ngang bằng khác chi. O

Giáo hội Ngài không hề phân biệt,
Nhận cả người hạ liệt xuất gia,
Ưu-ba-li trước vốn là,
Thợ cạo, giai cấp nào ra thứ gì.
Nhưng tu tập kiên trì chứng đắc,
Nổi danh về giới đức nghiêm minh,
Lại còn quả thánh viên thành,
Quả là hiếm có thật tình quý thay.
Như sen giữa bùn lầy nước bẩn,
Hoa tươi hồng vẫn thoảng hương thơm,
Giữa đời bể khổ tang thương,

Sang hèn đâu phải tự phương sinh thành. O

***
Năm thời pháp góp phần tu tập,
Căn cơ tùy thứ bậc thấp cao,
Khi vừa thành đạo nhiệm mầu,

Phật ban giáo pháp dẫn vào Hoa Nghiêm. O

Pháp rốt ráo xuất trần đích thật,
Chỉ Phật cùng với Phật rõ thôi,
Tối lòng như điếc, như đui,
Huống chi tà đạo ai người hiểu ra.
Phật chỉ dạy để mà tu luyện,
Pháp tâm mình phải nghiệm phải suy,
Pháp môn chân thật diệu kỳ,
Tự mình soi đuốc mà đi một mình.

Muốn đi xa, từ gần trước nhất,
Muốn lên cao, tự thấp khởi đầu;
Thích-ca, các Phật khác nào,

Tùy duyên thuyết pháp ngõ hầu khai tâm. O

Ngài nói kinh A-hàmđa diện,
Giúp cho người thứ bậc ngộ tâm,
Bao năm đây đó xa gần,
Khiến người cao thấp sáng tâm độ mình.

Để thực hành độ sinh đúng mực,
Giácmình xong, tích cực giác người.
Diễn kinh Phương Đẳngđể đời,

Dùng tâm chuyển hóa tùy người chỉ cho. O

Khi đã thấy căn cơ khả dĩ,
Vững thế rồi có thể đi xa,
Bấy giờ Phật mới nói ra,

Những điều giáo lý sâu xa thượng thừa. O

Thời Bát-nhãtựa hồ giáo pháp,
Phương tiện dùng để đáp qua sông,
Vượt dòng biển khổ mênh mông,
Đến bờ bên ấy, quyết không trở về.

Sự hóa độ muốn cho trọn vẹn,
Chúng sanh cần nhuần nhuyễn căn cơ,
Khả năng dứt được mê mờ,
Như Lai mới nói pháp chưa từng bày.
Phật sinh ở nơi đầy đau khổ,
Nhân duyên vì phổ độ chúng sinh,
Ngộ vào tri kiến Phật tâm,
Để lời phó chúc đạo thành tương lai.
Ngài thọ ký những ai thành Phật,
Bằng những lời chân thật tâm can,
Kinh văn vận dụng luận bàn,

Pháp Hoacùng với Niết-bàngiảng tuyên. O

***

Tám chục tuổi báo thân đã hết,
Nhiệm vụ tròn phó chúc ra đi,
Hoàn thành đại nguyện từ bi,
Xa đời trần lụy đã vì độ sanh.

Gọi A-nan một hôm Phật giảng,
Đạo ta nay viên mãn cả rồi,
Nguyện xưa nay đã tròn lời,

Bốn hàng đệ tử nhiều người “Vô sanh.” O

Họ có thể thực hành giáo hóa,
Đem pháp lành truyền bá nơi nơi,
Vô thường sắp đến nơi rồi,
Thân ta cũng sắp đến hồi tiêu tan.
Giống như cỗ xe tàn già cỗi,
Trước mượn dùng rong ruổi đó đây,
Tạm dùng chở pháp bấy nay,

Xong rồi còn tiếc thân này mà chi. O

Đã đến lúc ra đi thanh thản,
Đã đến hồi hết vướng trần gian,
Tin truyền nhập diệt vừa ban,
Bốn hàng đệ tử bàng hoàng thiết tha.
Có Tu-bạt-đà-la tám chục,
Đến lễ Ngài, xin được xuất gia,
Trước hồi nhập diệt thế mà,

Phật còn hoá độ ông đà “vô sanh.” O

***

Các đệ tử vội về cho kịp,
Chỉ vắng ngài Ca-diếp xa thôi,
Mọi người đông đủ cả rồi,
Phật liền phó chúc, ban lời ra đi.
Rằng: “Y bát trao về Ca-diếp,
Giới luật coi muôn kiếp như Thầy,
Mỗi kinh nêu lại câu này,

"Chính tôi nghe được như vầy"đầu kinh. O

Xá-lợi Phật chia thành tám khối,
Mỗi phần dành gửi tới một vua,
Gọi là nhớ chút duyên xưa,

Tặng đều cho tám vị vua tỏ lòng. O

***
Giáo pháp Phật cũng dường bó đuốc,
Phải chính mình tự thắp mà đi,
Nương theo chánh pháp hành trì,
Tự mình giải thoát xa lìa tử sanh.
Chớ dục vọng hoành hành tâm trí,
Mọi sự đời chẳng quý mảy may,
Sắc thân tan rã có ngày,

Niết-bàn an lạc xưa nay trường tồn. O

Mọi điều đã chúc ngôn chân thật,
Phật an lòng từ biệt nhân gian,
Hoa rừng muôn sắc huy hoàng,
Rải lên trùm kín thân vàng yên hơi.
Chim xao xác lưng trời quên tiếng,
Vạn vật dường lưu luyến Người đi,
Đau buồn thay, phút biệt ly,
Sắc thân cát bụi một khi vô thường.
Bốn chín năm con đường hoằng pháp,
Khắp kinh thành làng mạc từng đi,
Gieo đầy hạt giống từ bi,
Đã thành lẽ sống tâm tri bao người.
Nhờ trí tuệ rạng ngời soi sáng,
Khiến bao người thoát nạn lầm than,
Thấm nhuần khắp cả nhân gian,

Bổn tâm rộng mở, tinh thần sáng ra. O

Pháp Phật nói như sư tử rống,
Thú muôn loài nghe đến sợ oai,
Như là sóng biển đêm ngày,
Vang rền át tiếng bi ai côn trùng.
Phật chỉ rõ con đường hạnh phúc
Phải tự mình thắp đuốc mà đi;
Dạy rành phương thuốc trị vì,
Uống hay không uống vị chi tự mình.
Như biển cả mông mênh vô hạn,
Vốn chỉ thuần vị mặn mà thôi,
Cũng vầy, vị pháp Như Lai,

Một mùi “giải thoát” xa rời tử sinh! O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Chuyển Pháp Luân

Thứ hai

Tôi nghe như vầy, sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn chuyển bánh xe pháp đầu tiên tại Vườn Nai. Tại đây, Ngài dạy năm vị Tỳ-kheo đầu tiên rằng: O


- Này các Tỳ-kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia phải tránh xa. Một là đắm nhiễm các dục thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không dẫn đến đức hạnh thánh nhân, không liên hệ đến mục đích tu tập. Hai là tự làm khổ mình bằng các lối tu khổ hạnh ép xác, không thích hợp với các phẩm hạnh bậc thánh, không dẫn đến mục đích giải thoát.


- Này các Tỳ-kheo, vị hành giả có chánh trí phải loại bỏ hai cực đoan vô ích này. Hãy đi theo con đường Trung Đạo do Như Lai chứng ngộ, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật, dẫn đến sự an tịnh, thánh trí, giác ngộ và niết-bàn.


- Này các Tỳ-kheo, con đường Trung Đạo, chính là tám đường chánh: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, ý niệm chân chánh và thiềnđịnh chân chánh.

- Này các Tỳ-kheo, sau đây là bốn chân lý vi diệu của cuộc đời:


Chân lý thứ nhất là thực tại đau khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, thù ghét mà phải gặp nhau là khổ, mong cầu mà không toại nguyện là khổ và chấp vào năm nhóm nhân tính là khổ. O


Chân lý thứ hai là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là phiền não nhiễm ô, là tâm ái dục, là sự tham đắm và chấp thủ về cái ta, cái của ta, là dục ái, hữu ái và phi hữu ái.O


Chân lý thứ ba là Niết-bàn, tức là sự trừ diệt hoàn toàn gốc rễ của đau khổ và những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Đó là sự ly tham, sự từ bỏ, sự giải thoát và không còn chấp trước.  O


Chân lý thứ tư là con đường dẫn đến niết-bàn, đó là tám đường chánh, là con đường Trung đạo.  O


- Này các Tỳ-kheo, cần phải liễu tri về thực tại khổ đau. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật. Này các Tỳ-kheo, cần phải trừ diệt hoàn toàn gốc rễ dẫn đến khổ đau. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật.Này các Tỳ-kheo, cần phải tu tập trọn vẹn con đường dẫn đến Niết-bàn. Đó là điều trước đây ta chưa từng được nghe, nay ta đã khám phá, có khả năng đem lại pháp nhãn và trí tuệ thấu rõ sự vật.  O


Như vậy, này các Tỳ-kheo chỉ khi nào tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn chân lý vi diệu của cuộc đời dưới ba sắc thái, gồm mười hai khía cạnh đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, thì khi ấy Như Lai mới xác nhận với thế gian, gồm chư thiên, ma vương, Phạm Thiên, giữa các đoàn thể Sa-môn, Bà-la-môn, giữa loài trời và loài người rằng Như Lai đã chứng Vô ThượngChánh Đẳng Chánh Giác. Tâm Như Lai đã giải thoát và an tịnh tuyệt đối, đời sống này là cuối cùng, Như Lai không còn bị luân hồi sanh tử nữa.


Khi bánh xe chánh pháp đầu tiên này được Như Lai vận chuyển, tuyên bố, các hàng chư thiên trên địa cầu đều cung kính khen ngợi: “pháp môn này thật là vi diệu ! Không có Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma vương hay Phạm thiên nào có thể thuyết giảng được. Đây là chân lý vi diệu vừa được Đấng Giác Ngộ khám phá và truyền bá, đem lại an lạc, hạnh phúc cho loài trời và loài người.”              O


Lúc ấy các chư thiên ở các cõi trời Tứ Đại Thiên vương, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, trời Phạm Chúng, trời Đại Phạm, trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Biến Tịnh, trời Quảng Quả, trời Vô Tưởng, trời Vô Phiền và các chư thiên Phạm thiên cũng đều đồng thanh khen ngợi nhiều lần như vậy. Trong khoảng thời gian ấy, mười ngàn thế giới đều chấn động và vang rền tiếng pháp. Rồi một luồng hào quang rộng lớn, rực rỡ phát chiếu, làm sáng cả vũ trụ. Ngay thời pháp này, tôn giả Kiều-trần-như đã giác ngộ và được Đức Phật xác chứng là A-nhã Kiều-trần-như. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần, xá 3 xá)OOO


--- o0o ---

Kinh Người Áo Trắng

Thứ ba

Đây là những điều tôi nghe, Đức Phật vào một thời mà Người còn lưu trú tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ-đà. Hôm ấy cư sĩ Cấp Cô Độc cùng với năm trăm vị cư sĩ khác đã tìm đến nơi cư ngụ của tôn giả Xá-lợi-phất. Các vị cúi đầu làm lễ tôn giả rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất đã sử dụng nhiều phương tiện khéo léo để thuyết pháp cho các vị cư sĩ này, đem lại cho họ niềm vui và làm phát khởi nơi họ niềm khát ngưỡng đối với Tam Bảo và sự hành trì chánh pháp. Sau đó Tôn giả tới viếng và đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi dưới chân Người. Sau khi thấy mọi người đã an tọa, Đức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất: O


- Này Xá-lợi-phất, ông có biết rằng nếu một vị đệ tử áo trắng có đạo hạnh, biết hộ trì năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao thượng thì có thể đạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại, và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh và các nẻo ác khác trong tương lai ?


Một người như thế là đã đắc quả Vào Dòng, không sợ còn bị rơi vào đường ác, chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác. Người ấy chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới sự hoàn toàn giải thoát, diệt khổ. O


***


- Này Xá-lợi-phất, vị đệ tử áo trắng hộ trì năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao thượng như thế nào ?


1- Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự giết hại, chấm dứt sự giết hại, buông bỏ khí giới, biết hổ, biết thẹn, tập từ, tập bi, bảo hộ cho mọi loài sinh vật, kể cả các loài côn trùng. Vị ấy trừ tận gốc tâm niệm giết hại. Đó là giới pháp thứ nhất mà người đệ tử áo trắng giữ gìn. O


2- Vị đệ tử áo trắng xa lìa sự không cho mà lấy, chấm dứt sự không cho mà lấy, thường ưa bố thí, tìm niềm vui trong sự bố thí và bố thí mà không cần đền đáp. Vị này không bị tâm trạng tham lam che lấp, luôn luôn bảo hộ sự liêm khiết của mình và diệt trừ tận gốc sự không cho mà lấy. Đó là giới pháp thứ hai mà người đệ tử áo trắng giữ gìn. O


3- Vị đệ tử áo trắng xa lìa ngoại tình, chấm dứt ngoại tình, bảo vệ cho bất cứ ai, dù người ấy nằm trong sự bảo hộ của cha, mẹ, hoặc cả cha và mẹ, hoặc chị em, hoặc anh em, hoặc cha mẹ bên sui gia, hoặc gia đình sui gia, hoặc bởi người đồng tính, hoặc là vợ con hay chồng con kẻ khác, kể cả kẻ bị cuồng dâm khủng bố, hoặc kẻ bán phấn buôn hương. Vị này diệt trừ tận gốc tâm niệm ngoại tình. Đó là giới pháp thứ ba mà người đệ tử áo trắng giữ gìn. O


4- Vị đệ tử áo trắng xa lìa nói dối, chấm dứt sự nói dối, chỉ nói sự thật, tìm niềm vui trong sự nói lên sự thật, an trú nơi sự thật không lúc nào đổi dời, có thể được tin cậy hoàn toàn và không bao giờ dám miệt thị kẻ khác. Vị ấy diệt trừ tận gốc sự nói dối. Đó là giới pháp thứ tư mà người đệ tử áo trắng giữ gìn. O


5- Vị đệ tử áo trắng xa lìa rượu, chấm dứt sự uống rượu, diệt trừ tận gốc thói quen uống rượu, cũng như các chất kích thích nguy hại cho sức khỏe và tâm trí. Đó là giới pháp thứ năm mà người đệ tử áo trắng giữ gìn. O


***


Này Xá-lợi-phất các đệ tử áo trắng làm thế nào để đạt tới bốn tâm cao thượng và an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng và không có khó khăn ? Trước hết, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Như Lai. Vị ấy quán niệm như sau: Như Lai là bậc Giác Ngộ Chân Chánh, là bậc Minh Hạnh Túc, là bậc Thiện Thệ, là bậc Thế Gian Giải, là bậc Vô Thượng Sĩ, là bậc Điều Ngự Trượng Phu, là bậc Thiên Nhân Sư, là Phật, là Thế Tôn. Quán niệm về Như Lai như thế thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm sầu khổ và lo âu.


Nhờ tưởng niệm Như Lai mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao thượng thứ nhất, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì. O


***


- Này Xá-lợi-phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Pháp. Vị ấy quán niệm như sau: Giáo pháp được Đức Thế Tôn giảng dạy là giáo pháp diễn bày khéo léo, có khả năng đưa tới giải thoát hoàn toàn, đưa tới trạng thái không phiền não, không nóng bức, có tính cách thường tại và không dời đổi. Quán niệm và giác tri pháp như thế thì những dục vọng xấu xa đều được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu.


Nhờ tưởng niệm Pháp mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui và đạt tới tâm cao thượng thứ hai, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì. O


***


- Này Xá-lợi-phất, vị đệ tử thực hành quán niệm về Tăng đoàn. Vị ấy quán niệm như sau: Thánh chúng của Như Lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp. Trong Thánh chúng ấy có các bậc A-la-hán đã thành và đang thành, các bậc A-na-hàm đã thành và đang thành, các bậc Tư-đà-hàm đã thành và đang thành, các bậc Tu-đà-hoàn đã thành và đang thành, tức là có đủ bốn đôi và tám bậc. Thánh chúng của Như Lai đã thành tựu được giới, được định, được trí tuệ, được giải thoát, được tri kiến giải thoát. Thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời.


Nhờ tưởng niệm Tăng mà tâm tư người quán niệm lắng trong, có được niềm vui và người ấy đạt tới tâm cao thượng thứ ba, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì. O


***


- Này Xá-lợi-phất, vị đệ tử áo trắng thực tập quán niệm về Giới. Vị ấy quán niệm như sau: Giới luật này không có khuyết điểm, không bị sứt mẻ, không bị cấu uế, không bị ô trược, có khả năng giúp ta an trú trong đất lành của Như Lai. Giới luật này không có tính cách giả dối, thường được các bậc hiền thánh khen ngợi, tiếp nhận, thực tập và hộ trì.


Nhờ tưởng niệm Giới mà tâm tư người ấy lắng trong, có được niềm vui và người ấy đạt tới tâm tư cao thượng thứ tư, an trú hạnh phúc trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.O


***


- Này Xá-lợi-phất, ông nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng nếu thực tập được như thế là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ.”


***


Bấy giờ, Đức Thế Tôn tuyên lại ý trên bằng bài kệ sau đây: O


Bậc trí sống tại gia

Thấy sợ cảnh địa ngục

Nên thọ trì chánh pháp

Dứt trừ mọi nẻo ác.

Học hiểu mà hành trì:

Không giết hại chúng sanh,

Chân thật không nói dối,

Không lấy của không cho,

Trung kiên với bạn đời,

Thói ngoại tình lìa bỏ.

Nhất quyết không uống rượu,

Để tâm chẳng loạn cuồng. O

Thường thực tập niệm Phật,

Thường thực tập niệm Pháp,

Niệm Tăng và niệm Giới,

Tâm an lạc thảnh thơi.

Muốn thực tập bố thí,

Để vun trồng phước đức

Người ấy hành chánh pháp

Giải thoát và Giác Ngộ. O

Xá-lợi-phất lắng nghe

Ta nói về điểm này

Hãy nhìn đàn bò kia

Và thử quan sát chúng

Có con vàng, con trắng

Có con đỏ, con đen

Màu nâu có đốm vàng

Hoặc màu chim bồ câu

Dù chúng màu sắc gì

Hoặc chúng từ đâu đến

Giá trị thật của chúng

Là ở sức chuyên chở

Những con nào mạnh khỏe

Kéo xe mạnh và nhanh

Chuyên chở được nhiều chuyến

Là những con hữu dụng.

Trong cõi nhân gian này

Có các hàng Phạm chí

Sát-đế-lợi, cư sĩ

Thương gia và công nhân

Những ai trì tịnh giới

Thực chứng được giải thoát

Trở thành bậc cao đức

Bậc Thiện Thệ thảnh thơi.

Cúng dường những bậc ấy

Là được quả phúc lớn. O

Ta không cần phân biệt

Giai cấp và nguồn gốc.

Kẻ thiếu đức nghèo tuệ

Không soi sáng cho ai.

Cúng dường những kẻ ấy

Quả phúc không có nhiều.

Người con Phật tu huệ

Tâm hướng về Thế Tôn

Gốc lành thêm vững chãi

Chỉ sinh về nẻo lành

Qua lại cõi nhân thiên

Nhiều lắm là bảy lần

Cuối cùng sẽ đạt được

Cảnh Niết-bàn tịnh lạc. O


Nghe Đức Phật nói xong, tôn giả Xá-lợi-phất, các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm cư sĩ khác đều vui vẻ và phát nguyện làm theo.


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp

Thứ tư

I. - PHẨM SONG YẾU

(C.1). Mọi điều do ý dẫn đầu,

Ý là chủ tể,ý tạo nghiệp ra.

Nếu dùng ý nhiễm ô mà,

Nói năng hành động thật là thương đau.

Não phiền khổ sở theo sau,

Như xe theo dấu chân trâu tức thì.



(C.3). Nào là nó đánh mắng tôi,

Thắng tôi, nó cướp của tôi đây này !

Ai ôm hiềm giận ấy hoài,

Hận thù không thể nguôi ngoai bao giờ.



(C.5). Lấy thù hận diệt hận thù,

Điều này không có bao giờ thành đâu.

Tình thương để diệt thù sâu,

Đó là định luật trước sau ngàn đời.




(C.9). Những ai mặc áo cà-sa

Mà điều ô uế chưa xa được là,

Thiếu lòng tự chế thật thà,

Thế thì chưa xứng cà-sa khoác vào.




(C.11). Không chơn thật, tưởng thật chơn,

Thật thà lại ngỡ như không thật thà.

Thật thà chưa đạt đó là,

Chỉ vì ý xấu, nết tà chưa xa.




(C.13). Như nhà vụng lợp vậy thôi,

Mưa tuông nước đổ một hồi thấm ngay

Cũng vầy tâm vụng tu này,

Dục tham thâm nhập tràn đầy, lẹ hơn.




(C.15). Đời này, đời tới sầu đau,

Hai đời sầu khổ kẻ nào ác gian

Nó sầu nó khổ tâm can,

Do mình thấy nghiệp không kham càng sầu.




(C.20). Dù cho kinh điển ít bàn,

Nhưng theo chánh pháp thực hành luôn khi.

Xa lìa tham dục, sân si,

Được tâm giải thoát tức thì ngộ thôi.

Không còn bám giữ hai đời,

Hạnh Sa-môn đã sáng ngời thân tâm.O




II. - PHẨM KHÔNG PHÓNG TÚNG

(C.21). Trên đời phóng túng nên xa

Sống mà phóng túng như là chết thôi.

Buông lung sống tựa chết rồi,

Không còn phóng túng ai người chết đâu?




(C.22). Rõ điều sai biệt ấy rồi,

Những người có trí xa rời buông lung.

Vui thay phóng túng không còn,

Hạnh lành bậc thánh tâm hồn an vui.



(C.23). Những người thiền định hằng tu,

Kiên trì tinh tấn thường như vậy hoài.

Niết-bàn người trí vui thay,

Bồ-đề vô thượng đủ đầy tịnh an.




(C.24). Dốc lòng chánh niệm không lìa,

Thực hành thận trọng, hạnh thì sáng trong.

Giữ mình theo pháp sáng cùng,

Ai người đời sống buông lung không còn.

Tiếng lành không thể hao mòn,

Theo cùng ngày tháng lại còn gia tăng.




(C.28). Buông lung người trí xa lìa,

Hạnh không phóng túng thường khi đứng đầu.

Lên lầu trí tuệ cao sâu,

Không sầu dẫu thấy khổ sầu vây bao.

Như là người trí trên cao,

Thấy người ngu muội lao nhao dưới bằng.




(C.29).Tinh cần giữa đám buông lung

Thời thời tỉnh thức giữa vòng trầm luân.

Trí nhân như thể ngựa hùng,

Bỏ sau những thứ ngựa ươn, ngựa hèn.O




III. - PHẨM TÂM

(C.33). Tâm mà dao động hoảng kinh,

Hộ trì nhiếp phục thực tình khó khăn.

Trí nhân uốn thẳng được tâm,

Như là thợ nỏ vẫn hằng uốn tên.

(C.35). Chớ theo dục vọng quay cuồng,

Giữ gìn chớ để luông tuồng động-khinh.

Lành thay, điều phục tâm mình,

Tâm mà điều được, yên bình an vui.




(C.38). Ai người không trú được tâm,

Thì chân diệu pháp đã gần được đâu.

Lòng tin dao động, đảo chao,

Viên Thành trí tuệ không sao mà thành.



(C.43). Họ hàng thân quyến mẹ cha

Muốn làm ta tốt quả là khó thay.

Sao bằng làm thẳng tâm này,

Tự mình nên tốt, mỗi ngày tốt hơn.      O




IV. - PHẨM HOA

(C.49). Như ong đến với hoa thường,

Không hề hại sắc phai hương chút nào.

Giữ hoa lấy mật khó sao,

Như là bậc thánh đi vào làng xa.




(C.48). Người nào góp nhặt hương hoa,

Ý còn tham nhiễm hay là đắm say.

Bao giờ thỏa mãn dục này,

Tử thần chinh phục một ngày không xa.




(C.50). Không nên nhìn lỗi ở người,

Người làm hay chẳng, ai ơi đâu cần.

Tự mình nhìn lại bản thân,

Có làm hay chẳng mới cần xét soi.




(C.51). Như hoa tươi đẹp đương thì

Tuy rằng có sắc nhưng vì không hương.

Cũng như lời nói khoa trương,

Không làm không quả lẽ thường xưa nay.




(C.54). Hương thơm của các loài hoa,

Không sao ngược gió bay xa đâu mà.

Nhưng hương đức hạnh thật thà,

Vẫn thường ngược gió lan xa vô ngần.

Tiếng thơm các bậc chân nhân,

Tỏa cùng khắp cõi xa gần nhân gian.




(C.58-9). Như là đống rác bợn nhơ,

Người ta vất bỏ thờ ơ bên đường.

Đâu ngờ chỗ ấy Sen thường,

Khiến người đẹp ý vì hương trong lành.

Cũng vậy giữa đám quần sanh,

Mịt mờ ô nhiễm, đua tranh tục trần.

Học trò Chánh Giác phải cần,

Sáng ngời tâm trí cân phân tỏ tường.         O




V. - PHẨM NGU

(C.60). Thức lâu mới biết đêm dài,

Đường xa cho kẻ mệt nhoài đang đi.

Luân hồi với kẻ ngu si,

Chỉ vì diệu pháp một khi chưa tường.




(C.61). Nếu không tìm được bạn đường,

Hơn mình hay cũng tương đương như mình.

Thà rằng đơn độc yên bình,

Không cùng ngu muội kết tình tâm giao.




(C.62). Con tôi, tài sản của tôi,

Người ngu nghĩ vậy sinh sôi ưu sầu.

Bản thân vô ngã bấy lâu,

Vợ con tài sản phải đâu của mình!




(C.63). Người ngu biết mình ngu,

Trở thành có trí rõ chừ đây thôi.

Người ngu tưởng có trí ư ?

Thật là đáng gọi chí ngu đây mà.




(C.64). Người ngu dù có trọn đời,

Cận kề người trí chẳng rồi hết ngu.

Khi mà chánh pháp còn mù,

Như là cái muỗng chối từ vị canh.



(C.67). Nghiệp làm chẳng phải thật lành,

Làm rồi ân hận hoành hành tâm can.

Khóc than lệ nhuốm hai hàng,

Gặt vào quả dữ lại càng đau thương.




(C.69). Người ngu lầm tưởng ngon lành,

Bởi vì quả ác còn xanh chưa muồi.

Đến khi quả nghiệp chín rồi,

Bấy giờ ngu muội khổ đời mới hay.


***


(C.71). Những người nghiệp ác sa vào,

Như là sữa vậy, đã nào đông ngay.

Như tro che kín lửa này,

Cháy ngầm theo kẻ ngu hoài đâu tha.




(C.75). Một đàng là lợi thế gian,

Một đàng là cõi Niết-bàn khác xa.

Tỳ-kheo đệ tử Phật-đà,

Vui cùng thánh trí, xa hoa đừng màng.

Đừng vì cung kính mà ham,

Hãy tu theo hạnh sẵn sàng lìa xa. O




VI. - PHẨM HIỀN TRÍ

(C.76). Nếu người hiền trí thật thà,

Trách chê lầm lỗi chỉ ra rõ ràng.

Như là chỉ chỗ chôn vàng,

Cận kề người trí lại càng nên thay !

Cận thân những vị như vầy,

Rõ ràng tốt đẹp mỗi ngày một tăng.




(C.77). Những người thường vẫn khuyên răn,

Thấy điều làm ác cản ngăn thật tình.

Người hiền yêu kính chân thành,

Thế nhưng kẻ ác bực mình không ưa.



(C.78). Chớ cùng kẻ ác kết thân,

Chớ thân với kẻ tiểu nhân hại mình.

Hãy thân với những bạn lành,

Hãy thân với bậc đã thành trí nhân.



(C.81). Vững bền như đá tảng này,

Gió lên dễ đã lung lay được nào.

Khen chê lời nói ra vào,

Những người có trí chẳng dao động lòng.



(C.86). Những ai theo pháp hành trì,

Khéo nương chánh pháp mà đi được thì.

Sẽ sang đến bến bên kia,

Vượt qua cõi dục cực kỳ khó khăn.




(C.88). Hãy cầu vui với Niết-bàn,

Không màng của có, không ham dục tình.

Trí nhân tự lóng trong mình,

Sạch nhơ trong đục thức tình tự tâm.

(C.89). Những ai đã thẳng được tâm,

Hết lòng tu tập chỉ cần ngộ thôi.

Mọi điều ái nhiễm xa rời,

Không còn bám chấp sống đời hân hoan.

Không còn lậu hoặc chứa chan,

Sống đời tịch tịnh, trần gian: Niết-bàn.             O

VII. - PHẨM A-LA-HÁN

(C.91-2). Tinh cần chánh niệm đã xong,

Cần gì Tịnh xá hay trong Phật đường.

Rời ao, ngỗng đã muôn phương,

Bỏ sau chỗ trú náu nương dọc đường.

Không màng của cải chất chồng,

Mọi điều ăn uống để lòng quán soi.

Tướng không, không tướng xa rời,

Vấn đề giải thoát không lơi, viên thành.

Như chim giữa cõi trời xanh,

Hướng đi tự tại, mông mênh khó tìm.

(C.93-4). Ai người lậu hoặc lóng trong,

Cả điều ăn uống không lòng đắm tham.

Cốt sao giải thoát buộc ràng,

Tướng không, không tướng chẳng màng

quẩn quanh.

Dốc tâm tinh tấn tu hành,

Dấu chân tự tại thực tình khó noi.

Như chim ở giữa bầu trời,

Dấu chân tự tại muôn nơi khó tìm.

(C.96). Người nào ý tịnh tâm an,

Lời an thì nghiệp cũng an khó gì.

Đã là chánh trí rồi thì,

Đạt chơn giải thoát, diệu kỳ vui thay.

(C.98). Dù cho làng mạc núi rừng,

Giữa miền thung lũng hay vùng đồi cao.

A-la-hán ngự nơi nao

Thành miền an lạc dạt dào đáng yêu.O

VIII. - PHẨM NGÀN

(C.100). Dù cho có nói ngàn lời,

Mà không lợi lạc cho đời ích chi.

Một lời ý nghĩa được thì,

Nghe rồi an tịnh còn gì vui hơn.

(C.103). Dù cho trên bãi chiến trường,

Thắng ngàn quân địch vẫn thường chưa vinh.

Sao bằng thắng được chính mình,

Mới là chiến thắng thực tình tối cao.

(C.105). Thiên thần hay dẫu Thát-bà,

Phạm thiên hay dẫu cho là Ma vương.

Không ai có thể cự đương,

Với người tự thắng tự cường bản thân.

(C.109). Hãy nên kính lễ tôn sùng,

Những ngài kỳ lão, túc tôn đức lành.

Được vầy bốn pháp tăng nhanh,

Sức hùng, thọ, đẹp, lạc: thành tựu mau.

(C.113). Dù ai sống đến trăm năm,

Mà không thấy pháp thế trần diệt sanh.

Sao bằng sống một ngày lành,

Được nhìn thấy pháp diệt sanh ở đời.

(C.114). Dù ai sống đến trăm năm,

Mà không thấy pháp xuất trần vô sanh.

Sao bằng sống một ngày lành,

Thấy nguồn bất diệt vô sanh hiển bày.     O

IX. - PHẨM ÁC

(C.117). Nếu người làm chuyện ác gian,

Chớ nên tiếp tục mà làm thêm ra.

Chớ mong làm chuyện gian tà,

Ác mà chất chứa ắt là khổ đau.

(C.118). Nếu như người đã làm lành,

Hãy nên tiếp tục nhân thành to lên.

Hãy mong làm thiện chớ quên,

Chứa lành tâm trí an nhiên vui vầy.

(C.119). Thoạt nhìn kẻ ác như hiền,

Chỉ vì nghiệp ác chưa liền phát sanh.

Đến khi quả ác đã thành,

Bấy giờ kẻ ác lộ hình tà tâm.

(C.121). Chớ nhìn việc ác coi thường,

Cho rằng nhỏ nhặt chẳng buồn lo chi.

Khác nào nước nhỏ giọt kia,

Dần dà tích chứa có khi bình tràn.

Người ngu lòng ngập ác gian,

Cũng vì chất chứa tâm can dần dần.

(C.123). Nhiều tiền xuôi ngược đi buôn,

Đồng hành có ít, tránh đường hiểm nguy.

Sống thì thuốc độc nên lìa,

Tránh xa điều ác được thì vẫn hơn.

(C.126). Một phần trở lại đầu thai,

Sinh vào địa ngục là loài ác gian.

Người lành lên cõi thiên đàng,

Những người vô lậu, Niết-bàn sướng thay!

(C.127). Lên trời hay xuống biển khơi,

Dù là rừng thẳm hay nơi hang cùng.

Không nơi nào cõi hồng trần,

Thoát vòng quả nghiệp ác nhân đã làm.O

X. - PHẨM HÌNH PHẠT

(C.129). Mọi người đều sợ cực hình,

Mọi người đều sợ cho mình tử vong.

Lấy mình ví dụ soi lòng,

Không tự chém giết, cũng không bảo làm.

(C.133). Nói lời ác độc chớ nên,

Nói lời đanh ác người liền đối ngay.

Những lời tức giận khổ thay,

Như là đao trượng lại quay về mình.

(C.135). Người ta dùng gậy chăn bò,

Lùa ra bãi cỏ tha hồ lê la.

Cũng như già chết vậy mà,

Lùa người đến bãi tha ma, hết đời.

(C.136). Người ngu thấy ác mà làm,

Vì không ý thức nên càng đi sâu.

Người ngu tự nghiệp bấy lâu,

Nấu nung như lửa đớn đau tự mình.

(C.137-40). Dùng cây hại kẻ tay không,

Ác lòng với kẻ không lòng ác sao ?

Thế thì mười loại khổ đau,

Phải liền một loại khổ sầu vương mang.

Hoặc là đau khổ vô vàn,

Hoặc là thân thể thương tàn thê lương.

Hoặc là bệnh hoạn liệt giường,

Hoặc là tâm loạn ý cuồng đảo điên.

Hoặc là mang họa từ vua,

Hoặc là trọng tội bị vu giữa đàng.

Hoặc là ly tán họ hàng,

Hoặc là sản nghiệp tiêu tàn ra ma.

Hoặc là phòng ốc cửa nhà,

Một cơn hỏa hoạn rồi ra tro tàn.

Đến khi hình sắc tiêu tan,

Sanh vào địa ngục vô vàn khổ đau.

(C.144). Như là ngựa quý chạm roi,

Nhiệt tâm hăng hái thường noi không rời.

Giới hạnh, tinh tấn luôn thời,

Nương vào chánh pháp mà vui định thiền.

Trí hành chánh niệm không quên,

Dứt lìa vô lượng não phiền, khổ đau.   O

XI. - PHẨM GIÀ

(C.146). Cười gì hoan hỷ nỗi gì,

Khi đời bị cháy đen sì không ngơi.

Tối tăm bao phủ nơi nơi,

Sao không kiếm ngọn đèn soi dẫn đường?

(C.147). Hãy nhìn bong bóng đẹp xinh,

Chứa đầy thương tích hôi tanh nặc mùi.

Ưu tư bệnh tật bao thời,

Không gì trường cửu ở nơi hồng trần.

(C.150). Thành này rường cột bằng xương,

Trét tô bằng thịt hòa chung máu hồng.

Nơi đây già chết não nùng,

Mạn nghi lừa đảo chất chồng bao phen.

(C.151). Xe vua cũng sẽ cũ mà,

Thân này cũng vậy, sẽ già không xa.

Pháp người hiền thiện không già,

Người lành rồi lại chuyển qua người lành.

(C.152). Người nào kém học ít nghe,

Như là trâu đực có gì khác chăng.

Lớn già thịt có lên cân,

Nhưng mà trí tuệ chẳng tăng trưởng gì.

(C.154). Nay thì đã rõ mặt mày,

Của người từng đã dựng xây căn nhà.

Nay không tạo dựng nữa nha !

Đòn tay, kèo cột rụng ra hết rồi.

Tâm ta tịnh tịch tuyệt vời,

Tiêu tan tham ái, thảnh thơi thoát vòng.

(C.155). Trẻ không giới hạnh, uổng thay,

Như không gây dựng tiền tài mai sau.

Như cò già đứng bờ ao,

Cá tôm không có, buồn sao là buồn.O



XII. - PHẨM TỰ NGÃ

(C.157). Nếu như yêu bản thân mình,

Phải năng bảo vệ giữ gìn cho tinh.

Trí nhân trong suốt ba canh,

Phải luôn tỉnh thức soi mình không nguôi.

(C.159-60). Tự làm như đã dạy người,

Được vầy mới thật lợi đời lợi nhân.

Tự điều thật khó muôn phần,

Tự điều mình trước, độ sanh mới thành.

Tự mình nương tựa chính mình,

Không có chỗ khác nương mình hơn đâu.

Cũng nhờ nhiếp phục trước sau,

Được nơi nương tựa nhiệm mầu ai hay.O

XIII. - PHẨM THẾ GIAN

(C.167). Chớ theo các pháp khốn cùng,

Chớ theo đời sống buông lung thỏa tình.

Chớ cho tà kiến theo mình,

Chớ cho tăng trưởng chuyện tình nhân gian.

(C.170). Nhìn đời như bọt nướctrôi,

Nhìn đời như huyễn vậy thôi lạ gì.

Quán soi như thế được thì,

An vui tự tại sá chi tử thần.

(C.173). Ai dùng các hạnh trong lành,

Xóa mờ nghiệp ác tươi xanh cuộc đời.

Giữa đời đạo đức rạng ngời,

Như trăng thoát khỏi mây trời lộ ra.     O

***

XIV. - PHẨM PHẬT-ĐÀ

(C.179). Vị mà chiến thắng không hàng,

Vị hằng cất bước đi ngang cõi đời.

Vị không lưu dấu thắng người,

Rõ ràng cõi Phật rạng ngời mênh mông.

Dừng chân theo dõi khó lòng,

Người không dấu tích ở trong cõi đời.



(C.183). Mọi điều ác độc không làm,

Hạnh lành thành tựu lại càng an vui.

Ý tâm trong sạch sáng ngời,

Là lời Phật dạy cho đời xưa nay.

(C.191). Thấy điều khổ tập khổ đời,

Thấy điều khổ thế, mấy người vượt qua.

Nếu đường tám chánh rõ ra,

Mọi điều khổ não chắc là hết ngay.

(C.194). Vui thay được Phật ra đời,

Vui thay nghe được những lời pháp ban.

Vui thay hòa hợp tăng đoàn,

Hòa đồng tu tập lại còn vui thay.O

XV. - PHẨM AN LẠC

(C.197). Vui thay chung sống hằng ngày,

Giữa vòng thù hận không gây hận thù.

Giữa vòng thù hận thiên thu,

Ta thường sống chẳng hận thù vui thay!

(C.198). Vui thay ta sống ở đời,

Không hề bệnh hoạn giữa người ốm đau.

Giữa người bệnh hoạn âu sầu,

Ta thường sống chẳng khổ đau lo buồn.

(C.199). Vui thay ta sống ở đời,

Không còn bận rộn giữa nơi rộn ràng.

Giữa người bận rộn lo toan,

Ta thường sống chẳng rộn ràng vui thay!

(C.201). Thắng thì sinh oán kết thù,

Bại thì chán nản âm u khổ sầu.

Lạc an tịch tịnh sống lâu,

Mọi điều thắng bại bỏ sau không màng.

(C.202). Lửa nào so được lửa tham?

Ác nào sánh được ngang hàng hận sân?

Khổ nào so khổ uẩn bằng ?

Lạc nào bằng lạc tịnh chăng hỡi người!

(C.205). Ai người đơn độc nếm mùi,

Hưởng mùi nhàn tịnh, lòng vui vô cùng.

Không còn ác độc hãi hùng,

Nếm mùi vị “pháp vui mừng”ngay thôi.

(C.207). Sống lâu với kẻ ngu đần,

Lâu dần rồi cũng nhuốm phần ưu tư.

Khổ thay gần gũi người ngu,

Như thường sống với kẻ thù đâu hơn.

Vui thay gần bậc trí nhân,

Như cùng sống với người thân họ hàng.O



XVI. - PHẨM HỶ ÁI

(C.209). Tự chuyên việc chẳng đáng chuyên,

Không chuyên việc lẽ ra chuyên uổng đời.

Đích buông theo hỷ ái thời,

Vẫn thường ganh tị với người tự chuyên.

(C.210). Cũng đừng gần kẻ yêu mình,

Trọn đời xa kẻ ghét mình cho yên.

Yêu mà không gặp khổ liền,

Ghét mà phải gặp cũng phiền cũng đau.

(C.215). Chỉ vì dục ái sinh sầu,

Chỉ vì dục ái lo âu hãi hùng.

Ai người dục ái thoát vòng,

Không sầu, không sợ, ung dung, thanh nhàn.

(C.217). Ai người giới đức đủ đầy,

Lý chơn chứng ngộ, vượt ngoài tử sanh.

Tự làm công việc của mình,

Được người yêu kính thực tình xưa nay. O

XVII. - PHẨM PHẪN NỘ

(C.217). Lìa xa phẫn nộ, mạn, nghi,

Vượt quatrói buộc xưa kia buộc ràng.

Sắc danh không bám không màng,

Khổ đau vô sản không mang bao giờ.

(C.223). Lấy không hờn hận thắng hờn,

Lấy lành thắng mọi nguồn cơn không lành.

Lấy lòng bố thí thắng tham,

Lấy chân thật thắng dối gian ở đời.

(C.228). Hiện thời quá khứ vị lai,

Bao giờ có được việc này hay không.

Ai người toàn bị chê ròng,

Ai người trọn vẹn được lòng người khen?

(C.234).Hay thay, người trí giữ thân,

Giữgìn lời nói cân phân nhẹ nhàng.

Giữ gìn tâm ý đàng hoàng,

Giữ gìn ba nghiệp rõ ràng sáng trong.       O

XVIII. - PHẨM CẤU UẾ

(C.235). Nay người như lá héo rồi,

Diêm vương sai sứ chờ ngươi ở ngoài.

Trước ngươi cửa chết đã bày,

Hành trang thiếu thốn, đường dài sao kham!

(C.204). Giống như rỉ tự sắt sinh,

Rỉ sinh ăn sắt thật tình ai hay,

Quá nhiều lợi dưỡng cũng vầy,

Dẫn vào cõi ác, nghiệp này tự gây.

(C.214). Có kinh không tụng dơ kinh,

Nếu không quản trị sẽ sinh dơ nhà.

Biếng lười nhơ sắc thân ta,

Buông lung nhơ bẩn người ra canh phòng.

(C.242). Nết tà nhơ nhớp đàn bà,

Xan tham nhơ nhớp phiền hà người cho.

Bấy lâu pháp ác: Vết nhơ,

Đời này, đời tới cũng như thế hoài.

(C.243). Trong hàng uế trược ấy thì,

Vô minh dơ nhất, không gì dơ hơn.

Những ai lìa nhớp nhơ thường,

Thành người không nhiễm những đường

nhớp nhơ.

(C.251). Lửa nào bằng được lửa tham?

Chấp nào sánh được ngang hàng hận sân?

Lưới nào bằng lưới si chăng?

Sánh bằng sông ái trầm luân sông nào ?

(C.252). Lỗi người tìm thấy dễ thay,

Lỗi mình khó thấy dẫu đầy dẫy ra.

Phanh phui tìm lỗi người ta,

Như là sàng gạo trấu ra tức thì.

Lỗi mình lấp liếm che đi,

Như người bài lận nệ chi dấu bài. O

XIX. - PHẨM PHÁP TRỤ

(C.257). Độc tài chẳng đúng pháp đâu,

Công bằng dẫn dắt cho nhau được rồi.

Trí nhân đúng pháp sống thời,

Xứng danh trụ pháp giữa đời nhân sinh.

(C.265). Ai người lắng diệu hoàn toàn,

Mọi điều lớn nhỏ gian tham không làm.

Lìa xa mọi sự hung tàn,

Vị này xứng đáng vào hàng Sa-môn.

(C.267). Những ai thiện ác đều xa,

Tu hành đạo hạnh thật là đẹp thay.

Sống bằng giới định tuệ hoài,

Xứng danh vị ấy là thầy Sa-môn.

(C.270). Chẳng lo chỉ giới cấm trì,

Chẳng lo học lắm, chẳng vì hiểu cao.

Chẳng do thiền định chứng cầu,

Sống nơi thanh vắng thâm sâu một mình.

(C.272). Ta thường vui hưởng thanh nhàn,

Phàm phu chưa thể lạc an yên bình.

Tỳ-kheo chớ có tin mình,

Khi mà lậu hoặc thật tình chưa xa.O

XX. - PHẨM ĐẠO

(C.273-5). Tốt thay đường chánh tám ngành,

Bốn câu nghĩa lý rọt rành, tốt thay.

Lìa tham là pháp rất hay,

Đẹp thay mắt pháp giữa loài hai chân.

Đường này chẳng phải đường nào,

Đưa vào thanh tịnh, biết bao diệu thường.

Cứ theo lối ấy mà nương,

Ma vương mê loạn, vô phương kiếm tìm.

115. Nếu người theo đúng đường này,

Đau thương khổ não rồi đây xa rời.

Con đường ta đã chỉ người,

Chông gai chướng ngại, trí ngời cũng qua.

(C.276). Hãy làm với cả nhiệt tình,

Như Lai đã dạy thì mình cứ đi.

Những người thiền định hành trì,

Thoát vòng trói buộc những gì ác ma.

(C.287). Người nào tâm ý đắm say,

Nào là con cái vật ngoài, của trong.

Kẻ này thần chết đang lùng,

Như làng say ngủ giữa vùng lụt trôi.O

XXI. - PHẨM TẠP LỤC

(C.293). Ai người cần mẫn siêng năng,

Vẫn thường quán chiếu, tự thân niệm hoài.

Việc nào không đáng bỏ ngoài,

Việc nào đáng việc, miệt mài cho xong.

Ai người suy niệm tỉnh lòng,

Tiêu trừ lậu hoặc, lóng trong tâm hồn.

(C.296). Đã là đệ tử Thích-ca,

Tự mình tỉnh giác để mà đi lên.

Miệt mài bất kể ngày đêm,

Luôn luôn tưởng niệm trong tâm Phật-đà.

(C.298). Học trò của Phật Thích-Ca,

Phải luôn tỉnh thức để mà đi lên.

Miệt mài bất kể ngày đêm,

Hướng về chánh pháp thường xuyên niệm

hoài.

(C.302). Khó thay, vui hạnh xuất gia,

Tại gia sinh hoạt thật là khó khăn.

Khổ thay, sống chẳng tri âm,

Khổ thay, cứ phải trôi lăn luân hồi!

Vậy thì chớ sống buông trôi,

Chạy hoài theo cảnh luân hồi khổ đau.O

XXII. - PHẨM ĐỊA NGỤC

(C.312). Sống mà phóng túng buông lung,

Vượt ngoài giới cấm vô cùng nhiễm ô.

Sống mà phẩm hạnh đáng ngờ,

Thế thì quả lớn bao giờ chứng nên.

(C.314). Thế nên nghiệp ác không làm,

Làm rồi khổ lụy, lo toan, u buồn,

Nghiệp lành thực hiện vẫn hơn,

Làm xong thơ thới tâm hồn an vui.

(C.315). Như là thành lũy biên thùy,

Trong ngoài đều phải thường khi canh phòng.

Cũng như luôn phải giữ lòng,

Để không buông thả trong từng sát-na,

Phút giây sầu muộn thoáng qua,

Sa vào địa ngục thật là đáng thương.

(C.316). Việc không đáng thẹn, thẹn sao ?

Việc làm đáng thẹn, nhưng nào thẹn đâu.

Chỉ vì tà kiến ăn sâu,

Sanh vào nẻo dữ, khổ đau không cùng.O

XXIII. - PHẨM VOI

(C.320). Ta như voi giữa trận tiền,

Phải đành hứng chịu mưa “tên” bao kỳ.

Chịu nhiều phỉ báng thị phi,

Là do giới ác nhiều khi người làm.

(C.327). Hãy vui vì chẳng buông lung,

Giữ gìn khéo léo, canh chừng ý tâm.

Vượt ngoài đường ác tối tăm,

Như là voi đã ra chân khỏi lầy.

(C.329). Không cùng người trí đồng hành,

Để cùng chung sống hạnh lành an vui.

Như vua nước bại bỏ ngôi,

Như voi sống giữa rừng voi một mình.

(C.330). Tốt hơn hãy sống một mình.

Không cùng ngu muội đồng tình kết thân.

Độc thân sống chẳng ác tâm,

Như voi sống giữa rừng thâm không buồn.

(C.33-3). Vui thay có bạn lúc cần,

Vui thay biết đủ, yên tâm sống hoài.

Vui thay chết được đức dầy,

Vui thay đau khổ xưa nay hết rồi.

Vui thay hiếu kính mẹ ta,

Vui thay hiếu kính bên cha một lòng.

Vui thay kính trọng Sa-môn,

Vui thay quý kính Chí Tôn, thánh hiền.

Già còn giới hạnh vui thay !

Vui thay an trú niềm tin vậy hoài.

Vui thay trí tuệ đủ đầy,

Vui thay việc ác xa ngay không làm.        O

XXIV. - PHẨM THAM ÁI

(C.341). Người đời ái dục ngập mình,

Thấy điều sung sướng mỏng manh hài lòng.

Tuy rằng an lạc cầu mong,

Họ thường vẫn phải nằm trong sanh già.

(C.343). Những người ái dục buộc ràng,

Vẫy vùng run sợ, kinh hoàng không ra.

Như là thỏ bị lưới sa,

Tỳ-kheo do vậy chớ mà đa mang.

Mong cầu lìa hẳn xan tham,

Nhiếp hàng ái dục buộc ràng bấy lâu.

(C.347). Những người ái dục đắm say,

Như lao mình xuống dòng xoay nước vần.

Như là nhện vướng lưới giăng,

Không màng đau khổ, trí nhân quyết trừ.

(C.348). Tương lai, quá khứ, hiện giờ,

Bỏ qua để quyết qua bờ bên kia.

Ý tâm giải thoát hết kìa,

Để vòng sanh tử xưa kia đừng ràng.

(C.353). Ta từng hàng phục mọi đàng,

Ta từng mọi việc rõ ràng trước sau.

Ta không bị nhiễm pháp nào,

Ta từ bỏ cả, thấp cao không màng.

Ái lìa, giải thoát buộc ràng,

Tự mình trí tuệ, ai làm thầy ta ?

(C.354). Quà pháp hơn hẳn các quà.

Vị pháp cao tột, vượt qua vị mùi.

Vui pháp hơn các niềm vui,

Ái tham chấm dứt, chẳng vùi khổ đau.O

XXV. – PHẨM TỲ-KHEO

(C.360-1). Lành thay gìn giữ mắt này,

Lành thay gìn giữ tốt hoài hai tai,

Lành thay gìn giữ lưỡi ngay,

Lành thay giữ mũi không say đắm mùi.

Lành thay gìn giữ thân này,

Lành thay gìn giữ cho ngay thẳng lời.

Lành thay gìn giữ cả rồi,

Tỳ-kheo được vậy xa rời khổ đau.

(C.367). Hoàn toàn đối lại sắc danh,

Không còn chấp ngã, của mình, của ta.

Không còn chấp mắc phiền hà,

Vị này xứng đáng gọi là Tỳ-kheo.

(C.376). Tiếp người thân thiện ân cần,

Giữ gìn cử chỉ muôn phần đoan trang.

Được vầy mọi sự hân hoan,

Rồi ra dứt mọi lo toan khổ sầu.

(C.382). Tỳ-kheo nhỏ tuổi nhưng mà,

Siêng tu giáo pháp Phật-đà anh minh.

Sáng soi nhân sự ba sinh,

Như là trăng sáng thoát mình khỏi mây.O

XXVI- PHẨM BÀ-LA-MÔN

(C.385). Bờ này cho đến bờ kia,

Hai bờ không có đã lìa hết ra.

Khổ lìa, trói buộc dứt ra,

Thì ta gọi đó là Bà-la-môn.

(C.386). Tu thiền thường trú lìa trần,

Không còn lậu hoặc mọi phần việc xong.

Đích cao đã đạt tột cùng,

Bà-la-môn đấy tên dùng đâu sai.

(C.387). Mặt trời chỉ sáng ban ngày,

Mặt trăng chỉ sáng soi hoài ban đêm.

Chiến binh khí giới sáng lên,

Những trang Phạm chí định thiền sáng soi.

Hào quang Đức Phật rạng ngời,

Vẫn luôn sáng rực muôn nơi đêm ngày.

(C.391). Với người mà miệng ý thân,

Mọi điều làm ác xưa gần nay xa.

Giữ gìn ba nghiệp thật thà,

Thì ta gọi họ là Bà-la-môn.

(C.396). Gọi là Phạm chí không vì,

Tổ tông, mẹ đẻ, không vì chỗ sanh.

Tên suông gọi vậy chẳng thành,

Khi tâm phiền não hoành hành chưa xa.

Não phiền chấp trước thoát ra,

Thì ta gọi đó là Bà-la-môn.

(C.406). Giữa thù, thân thiện không thù,

Giữa vòng hung hãn ôn nhu, nhân hòa.

Giữa vòng ô nhiễm không sa,

Thì ta gọi đó là Bà-la-môn.

(C.412). Người nào sống ở đời này,

Mọi điều thiện ác hàng ngày buông xa.

Không rầu rũ bụi sạch ra,

Thì ta gọi đó là Bà-la-môn.

(C.414). Vượt đường nguy hiểm xong rồi,

Luân hồi nhiếp phục, xa rời ngu si.

Định thiền sang bến bên kia,

Mạn nghi đã dứt xa lìa dục tham.

Không còn chấp trước tịnh an,

Bà-la-môn đấy rõ ràng không sai.

(C.417). Bỏ đi trói buộc loài người,

Cả vòng trói buộc cõi trời vượt qua.

Buộc ràng giải thoát hết ra,

Thì ta gọi đó là Bà-la-môn.

(C.423). Ai người đời trước biết rồi,

Rọt rành xứ đọa, cõi trời mông mênh.

Ai người đã hết diệt sinh,

Viên thành thắng trí, thực tình Mâu-ni.

Tựu thành viên mãn cả thì,

Bà-la-môn đấy có gì sai đâu.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Nền Tảng Đức Tin

Thứ năm

Tôi nghe như vầy, một hôm nọ Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo du hành đến thị trấn Kê-sa-pu-ta của sắc dân Ka-la-ma thuộc nước Kô-sa-la. Hôm ấy dân chúng cung kính quây quần bên Đức Phật. Có người thành kính vấn an sức khỏe. Có người cung kính đảnh lễ. Có người lễ phép khoanh tay. Và có người lặng lẽ chăm chú ngắm nhìn tôn nhan của Đức Phật và đại chúng Tỳ-kheo. Rồi vài người trong số họ bắt đầu thưa chuyện: O


- Bạch đức Thế Tôn ! Có một số Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Kê-sa-pu-ta này truyền đạo, vị nào cũng hết lời tán thán, khuyến dụ người khác theo đạo của mình, đồng thời họ không tiếc lời chê bai, phê phán, khinh miệt lời dạy và đạo của vị khác. Sự việc này làm chúng con phân vân: Vị nào tuyên bố sự thật? Đạo nào là chân lý? Vị nào tuyên bố sai sự thật? Đạo nào không phù hợp chân lý? Chúng con nên theo ai và phụng sự đạo nào ?


Đức Phật ôn tồn dạy bảo:


- Này các thiện nam, tín nữ, các vị phân vân, nghi ngờ là điều tất yếu và hợp lý. Trong trường hợp như vậy, các vị không nên vội tin hay bác bỏ quan điểm của đạo nào, khi mà các vị chưa tìm hiểu đạo ấy một cách thấu đáo. Này các thiện nam tín nữ Ka-la-ma, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về mười nền tảng của đức tin chân chánh.


Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.


Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.


Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.


Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.


Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.


Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.


Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.


Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.


Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.


Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết O


- Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài” thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.


- Này các vị hãy nghĩ xem, khi lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng… đã được vứt khỏi nội tâm con người, thì con người sẽ được hạnh phúc hay bất hạnh?


Dân chúng Ka-la-ma trả lời:


- Bạch Thế Tôn, người ấy sẽ sống hạnh phúc.


Đức Phật dạy tiếp:


- Này các thiện nam tín nữ, đúng vậy. Vì khi họ không còn lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng chi phối, chinh phục, họ sẽ không khởi lên ý nghĩ hay hành động bức hại sinh linh, lấy của không cho, quan hệ tình cảm bất chính, nói láo, uống rượu, cũng như họ không còn khích lệ người khác làm những điều xấu ác trên. Như Lai tuyên bố sự xa rời ấy giúp cho con người sống hạnh phúc, an lạc lâu dài. O


- Này các thiện nam tín nữ, xa lìa tham, sân, si và các pháp nhiễm ô là thiện hay ác, là có phước hay tội, có được người trí tán thán hay không ?


- Bạch Thế Tôn, theo chúng con hiểu, đó là khuynh hướng thiện ích, là việc làm phước báu, bậc trí sẽ tán thán và người làm được như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài.


Đức Phật tán thán:


- Lành thay, lành thay, hỡi dân tộc Ka-la-ma như mười đức tin nền tảng mà Như Lai vừa giảng dạy cũng như những điều vừa thảo luận: Chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều gì là chân chính, lợi ích cho mình và người khác rồi hãy đem lòng tin tưởng và làm theo. Đó là tiêu chuẩn của đức tin chân chánh, các vị nên học hỏi.


Khi nghe Đức Phật phân tích, khai thị về đức tin chân chánh, bất động, dân tộc Ka-la-ma vô cùng thán phục, cung kính đảnh lễ Đức Phật và phát nguyện trở thành các Phật tử tại gia, tinh cần phụng sự Tam Bảo và vâng giữ năm nguyên tắc đạo đức. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá)OOO


--- o0o ---

Kinh Từ Tâm

Thứ sáu

Tôi nghe rằng có một thời,

Tại thành Xá-vệ, ở nơi Kỳ Hoàn.

Thế Tôn cho gọi chúng tăng,

Các thầy cung kính thưa vâng đáp lời.

Thế Tôn thuyết giảng pháp lành

Khuyên người tu tập nên hành từ tâm. O

Là người nên tập ân cần

Thương yêu trải khắp kẻ gần người xa.

Tấm lòng nhân ái bao la,

Thật là thuần khiết, thật là cao thâm.

Hướng về tất cả chúng sanh,

Tâm từ tu tập quên mình mà thương. O

Không vì ái luyến vấn vương,

Không vì mong đợi chút đường lợi danh,

Không vì ân nghĩa riêng tình,

Cũng đừng cân nhắc với mình lạ quen.

Thương người quen, lẽ tất nhiên,

Cũng thương những kẻ chưa quen bao giờ

Xoá đi ngăn cách thờ ơ,

Xóa đi ngần ngại hững hờ bấy lâu. O

Tình thương lan tỏa đến đâu,

Giúp xây nơi ấy nhịp cầu cảm thông.

Người từ tâm đủ bao dung,

Đủ lòng độ lượng, đủ lòng thương yêu.

Với người mưu hại đủ điều,

Bất nhân ác cảm gây nhiều thương đau

Người từ tâm trước như sau: O

Trải lòng ra mãi, thương nhau tình người.

Với người oán ghét bao đời,

Nguồn thương yêu ấy làm vơi tị hiềm.

Chuyện không hay, chẳng trách phiền,

Để cho vơi bớt nghiệp duyên với người.

Người từ tâm trước muôn loài,

Đem lòng thương xót cảnh đời không may.

Thương người sống kiếp đọa đày,

Làm thân cầm thú nghiệp gây chẳng lành.O

Hoặc loài ngạ quỷ vô hình,

Hoặc trong địa ngục tội tình vương mang.

Tâm từnhư ánh trăng ngàn,

Dịu dàng soi thấu mọi đàng trầm luân.

Ở đâu có chúng hữu tình

Thì ngay nơi ấy từ tâm hướng về. O

Như tàng lá mát rộng che,

Chúng sanh vô lượng tâm từ vô biên.

Tâm từ như suối triền miên,

Thấm vào mạch sống mọi miền an vui.

Tâm từ làm gốc vun bồi,

Cho người cao thượng cho đời vinh hoa. O

Thấy người khổ nạn khó qua,

Lòng mình đau xót như là khổ chung.

Thấy người hạnh phúc thành công,

Lòng mình sung sướng như cùng vui theo.

Thấy người lầm lỗi ít nhiều,

Lòng mình tha thứ mến trìu càng hơn.

Người từ tâm sống vẹn toàn,

Thương yêu bình đẳng, sắt son bền lòng.

Cho dù không ước không mong,

Phước lành tự đến do công đức thành: O

Một là ngủ được an lành,

Bởi lòng mình đã chân thành thương yêu,

Bởi không lừa lọc dệt thêu,

Bởi không toan tính lắm điều chua ngoa.

Tâm tình không gợn xấu xa,

Tham lam, sân hận, cùng là si mê.

Đầu hôm đến lúc tinh mơ,

Khổ ưu tắt lịm, thới thơ giấc nồng. O

Hai là rời bước khỏi giường,

Lòng mình một mực bình thường yên vui.

Khi đi đứng, lúc nằm ngồi

Không còn tiếc nhớ đua đòi ước ao.

Từ tâm hóa giải đẹp sao,

Muộn phiền sân hận tan vào hư không.

Lòng mình luôn giữ trắng trong,

Nguồn an lạc trải tựa đồng bao la.

Ba là từ ái lan xa,O

Làm cho cảm ứng chan hòa cùng nhau.

Ai ai cũng thấy mến yêu,

Đem lòng ngưỡng mộ người nêu tâm từ.

Bốn là loài chẳng phải người, O

Một khi cảm nhận biết người từ tâm,

Cũng dành cho những tình thân,

Hộ trì người được những thành tựu vui.

Năm là thiên chúng cõi trời,O

Nhờ công tu tập nên người từ tâm.

Thấy người nào tính ai lân,

Nay theo gia hộ để cùng tiến tu.

Sáu là hiểm nạn đang chờ,O

Dầu sôi lửa bỏng mịt mờ kiếm cung,

Cùng bao nhiêu thứ độc trùng

Không sao xâm phạm đến vùng trú thân.

Bảy do huân tập từ tâm, O

Thác sanh Phạm Chúng, làm dân cõi trời,

Được nhiều phước báo tuyệt vời,

Và tâm từ được trau dồi thêm lên.

Tám là đầy đủ thiện duyên,O

Người từ tâm biết thường xuyên chuyên cần.

Làm cho đức hạnh được thuần,

Thành vườn ruộng tốt gieo trồng đại bi.

Đượm nhuần vô ngã, vô si,

Con đường giải thoát bước đi thêm gần.

Khéo an trú, khéo tác thành,

Thân tâm an ổn, vững vàng, lắng sâu. O

Tâm từ khi được khéo tu,

Làm cho trói buộc được mau tháo dần.

Không còn dấu vết tham sân,

Niết-bàn hiển lộ thênh thang giữa đời.

Thế Tôn thuyết giảng mấy lời,

Mọi người vui nhận tin rồi làm theo. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Phước Đức

Thứ bảy

Đây là những điều tôi được nghe thời Đức Thế Tôn còn cư trú gần thành Xá-vệ, tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ-đà. Hôm đó trời đã vào khuya, có một vị thiên hiện xuống tham vấn Người, hào quang và vẻ đẹp của thiên giả làm sáng cả vườn cây. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, vị thiên giả xin tham vấn Người bằng một bài kệ:O


Thiên và nhân thao thức

Muốn biết về phước đức

Để sống đời an lành

Xin Thế Tôn chỉ dạy.



Khi ấy, Đức Thế Tôn tán thán vị thiên nhân và lần lượt chỉ dạy mười phương pháp nuôi lớn phước đức như sau:O



1. Phương pháp thứ nhất là

"Lánh xa kẻ xấu ác,

Luôn thân cận người hiền,

Tôn kính bậc đáng kính,

Là phước đức lớn nhất."      O

2. Phương pháp thứ hai là

"Sống trong môi trường tốt,

Được tạo tác nhân lành,

Được đi trên đường chánh,

Là phước đức lớn nhất."      O

3. Phương pháp thứ ba là

"Có học có nghề hay,

Biết hành trì giới luật,

Biết nói lời ái ngữ,

Là phước đức lớn nhất."      O

4. Phương pháp thứ tư là

"Được cung phụng mẹ cha,

Yêu thương gia đình mình,

Được hành nghề thích hợp,

Là phước đức lớn nhất."      O

5. Phương pháp thứ năm là

"Sống ngay thẳng bố thí,

Giúp quyến thuộc thân bằng,

Hành xử không tỳ vết,

Là phước đức lớn nhất."      O

6. Phương pháp thứ sáu là

"Tránh không làm điều ác,

Không say sưa nghiện ngập

Tinh cần làm việc lành,

Là phước đức lớn nhất."      O

7. Phương pháp thứ bảy là

"Biết khiêm cung lễ độ

Biết đủ và nhớ ơn,

Không bỏ dịp học đạo,

Là phước đức lớn nhất."      O

8. Phương pháp thứ tám là

"Biết kiên trì, phục thiện,

Thân cận giới xuất gia,

Dự pháp đàm học hỏi,

Là phước đức lớn nhất."      O

9. Phương pháp thứ chín là

"Sống tinh cần tỉnh thức,

Học chân lý nhiệm mầu,

Thực chứng được Niết-bàn,

Là phước đức lớn nhất."      O

10. Phương pháp thứ mười là

"Hành xử trong nhân gian,

Tâm không hề lay chuyển,

Phiền não hết, an nhiên,

Là phước đức lớn nhất."      O

Để chấm dứt bài pháp ngắn gọn nhưng sâu xa và thiết thực này, Đức Phật đã khuyến khích đại chúng bằng bài kệ sau đây:


"Ai sống được như thế

Đi đâu cũng an toàn,

Tới đâu cũng vững mạnh,

Phước đức của tự thân."


Sau khi nghe Đức Phật tuyên dương mười cách thức tạo phước đức, toàn thể đại chúng đều vui mừng chưa từng có và phát nguyện làm theo.      O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Sáu Pháp Vô Thượng

Thứ tám

Chính tôi được nghe, một hôm nọ, Đức Phật gọi các thầy Tỳ-kheo đến và dạy rằng:


- Này các Tỳ-kheo, có sáu nhu cầu vô thượng mà các Thầy và các thiện nam tín nữ cần phải học, đó là: Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng và tùy niệm vô thượng.     O


1- Này các Tỳ-kheo, có rất nhiều người thích đi xem các loại voi báu, ngựa báu, châu báu, các đồ cổ hay yết kiến các Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà hạnh. Như Lai cho rằng đây không phải là những đối tượng đáng tham kiến hay chiêm ngưỡng. Vì sự thấy này mang tính hạ liệt, phàm phu, không liên hệ và không có ích gì cho sự tu tập, an lạc và giải thoát. Chỉ khi nào đi yết kiến Thế Tôn, các vị thánh tăng, những vị giới đức với lòng tin và ái mộ an trú, để học hỏi, tu tập thì sự thấy này mới thật sự cần thiết, là nhu cầu vô thượng. Vì nó có thể giúp người phàm trở nên thánh thiện, thanh tịnh và vượt qua đau khổ. Hãy học tập sựthấy vô thượng này.O


2- Này các Tỳ-kheo, có người thích thú đi nghe các loại âm thanh, nhạc điệu, hoặc nghe pháp của các Sa-môn, Bà-la-môn tà kiến, tà hạnh rồi hoan hỷ làm theo. Như Lai cho rằng đây không phải là những cái đáng nên nghe. Vì sự nghe này mang tính phàm phu, không liên hệ đến mục đích xa lìa sự nhiễm đắm, không đạt được an tịnh, giải thoát. Chỉ với ai biết tìm kiếm và thích nghe chánh pháp của Như Lai hay những lời đạo lý chân chánh với lòng tin và ái mộ an trú để học hỏi, tu tập, thì sự nghe này mới thật sự là cần thiết, là nhu cầu vô thượng. Vì nó có thể giúp người phàm trở nên thánh thiện, thanh tịnh và vượt qua đau khổ, hãy học tập sự nghe vôthượng này.O


3- Này các Tỳ-kheo, có người cảm thấy mình hạnh phúc khi có được người bạn đời, con cái, tài sản hay có lòng tin vào các Sa-Môn, Bà-la-môn tà kiến, tà hạnh. Như Lai cho rằng đây không phải là những đối tượng đáng được lợi đắc. Vì lợi đắc này mang tính phàm phu, không liên hệ đến mục đích xa lìa sự tham chấp, không đạt được sự an tịnh, giải thoát. Chỉ với ai biết tìm kiếm và được các tài sản thánh, đạt được lòng tin vào Như Lai, vào chánh pháp, vào Tăng đoàn với chánh tín, ái mộ, thì sự lợi đắc này mới thật sự cần thiết, là nhu cầu vô thượng. Vì nó có thể giúp người phàm trở nên thánh thiện, thanh tịnh và vượt qua đau khổ. Hãy học tập sự lợi đắc này.       O


4- Này các Tỳ-kheo, có người cảm thấy hạnh phúc khi học tập về sinh vật học, binh pháp học và các nghề khác nữa. Nhưng Như Lai cho rằng đây không phải là cái thật sự đáng học. Vì sự học này thuộc phàm phu, không liên hệ đến mục đích xa lìa sự tham chấp, không đạt được sự an tịnh, giải thoát. Chỉ với ai nỗ lực học về giới đức thánh, thiền định thánh, và trí tuệ thánh với lòng chánh tín, ái mộ thì sự học tập này mới thật sự cần thiết, là nhu cầu vô thượng. Vì nó có thể giúp người phàm trở nên thánh thiện, thanh tịnh và vượt qua đau khổ. Hãy học tập sự học tập vô thượng này.         O


5- Này các Tỳ-kheo, có người cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ các vua chúa, Bà-la-môn, những người giàu có hay các cấp bậc sai khác trong xã hội. Như Lai cho rằng đây không phải là các đối tượng thật sự đáng phục vụ. Vì sự phục vụ này thuộc phàm phu không liên hệ đến mục đích xa lìa sự tham chấp, không đạt sự an tịnh, giải thoát. Chỉ với ai biết phục vụ Như Lai, Chánh pháp và những bậc giới đức với lòng chánh tín, ái mộ, thì sự phục vụ này mới thật sự cần thiết, là nhu cầu vô thượng. Vì nó có thể giúp người phàm trở nên thánh thiện, thanh tịnh và vượt qua đau khổ. Hãy học tập sự vô thượng này.         O


6- Này các Tỳ-kheo có người cảm thấy hạnh phúc khi nhớ đến người bạn đời, con cái, tài sản, nhà cửa, thầy tà, bạn xấu. Như Lai cho rằng đây không phải là các đối tượng đáng nhớ nghĩ. Vì sự nhớ nghĩ này mang tính phàm phu, không liên hệ đến mục đích xa lìa sự tham chấp, không đạt được sự an tịnh, giải thoát. Chỉ với ai biết nhớ nghĩ đến Như Lai, chánh pháp, những bậc đạo đức với lòng chánh tín, ái mộ, thì sự nhớ nghĩ này mới thật sự cần thiết, là nhu cầu vô thượng. Vì nó có khả năng giúp người phàm trở nên thánh thiện, thanh tịnh và vượt qua đau khổ. Hãy học tập sự nhớ nghĩ vô thượng này.O


***


Khi nghe Đức Phật phân tích, giảng dạy về sáu pháp vô thượng, có khả năng giúp chúng sanh vượt thoát các khổ ách, đạt được hạnh phúc, tất cả đại chúng đều hớn hở và phát nguyện làm theo.         O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO


--- o0o ---

Kinh Hiền Nhân

Thứ chín

Lúc bấy giờ, Đức Phật lưu trú tại nước Xá-vệ với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo.


Cư sĩ Tu-đạt ngày ngày thân hành phụng sự Phật. Ông vâng lời Ngài giữ năm giới: không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Vốn là một người hiểu đạo đúng đắn, ông luôn phát tâm bố thí, cứu giúp kẻ bần cùng khốn khổ, nên người ta tặng ông tên Cấp Cô Độc, nghĩa là nuôi giúp những kẻ cô đơn, khốn cùng. O


Cư sĩ muốn lập một Tịnh xá cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn. Ông đi nhiều nơi tìm đất cuối cùng chỉ có khu vườn của Thái tử Kỳ-đà là vừa ý ông. Khu vườn ấy bằng phẳng, rộng hơn 80 khoảnh, cách thành không xa mấy. Trong vườn trồng nhiều cây có quả, đây đó đều có suối chảy, ao tắm rất tiện lợi, sạch sẽ, không có kiến bọ muỗi ruồi.


Nhận thấy chỗ đất ấy có thể lập Tinh xá, cư sĩ Tu-đạt liền đến năn nỉ Thái tử Kỳ-đà để mua lại. Thái tử mỉm cười đáp:


- Nếu ông có thể đem vàng ròng lót cho kín, không chừa một khoảnh đất nào trong vườn, thì với giá ấy tôi sẽ bán khu vườn này cho ông.


Cư sĩ Tu-đạt vui vẻ gật đầu, rồi sai người đem voi chở vàng trong kho của mình ra và cùng nhau lát, trong giây phút đã hơn 40 khoảnh đất.


Thái Tử Kỳ-đà vừa ngạc nhiên vừa thán phục, đứng nhìn ngẫm nghĩ: “Chắc Đức Phật có đạo lý gì cao thâm lắm nên mới khiến cho ông này trọng đạo khinh tài đến thế.”


Thái Tử phát tâm nói rằng:


- Thôi đủ rồi, đừng chở vàng tới nữa. Bây giờ thì thế này: Vườn đất thuộc về ông, ông lập Tịnh Xá cúng Phật. Còn tôi thì cúng cho Đức Phật và Tăng đoàn tất cả những cây trái trong vườn.


Cư sĩ ưng thuận. Hai người đồng lòng cùng lập tịnh xá và đồng đi rước Phật dâng cả vườn nhà cây trái cho Ngài.


Đức Phật nhận lời, đến Tịnh xá cư trú với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo.


Từ đó về sau, chỗ ấy gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô ĐộcViên.O


Lúc ấy, đức vua trong nước là Ty-tiên-nặc rất sùng kính đạo pháp. Ông trị nước an dân theo lời Phật dạy, nhờ đó, lúa thóc được mùa, bá tánh lạc nghiệp, đạo Phật ảnh hưởng sâu rộng. Sự việc đó đã làm cho các hàng ngoại đạo, tà giáo ganh ghét Đức Phật. Họ bày mưu hại Đức Phật bằng cách giết thiếu nữ Tôn-đà-ly, con cháu họ, lén chôn trong khuôn viên Tịnh xá rồi phao tin vu khống Đức Phật và giáo đoàn đã giết người vô tội, hòng làm giảm ảnh hưởng của Đức Phật. Nhưng việc ác đã hại kẻ ác.


Sau khi rõ âm mưu của ngoại đạo, vua với quần thần đến đảnh lễ Đức Phật. Lúc bấy giờ cư sĩ Cấp Cô Độc cùng các vị thành tín và nhân dân trong nước đều đến hầu Phật, làm lễ xong, mỗi người đều ngồi qua một bên. O


Nhà vua đứng dậy, chắp tay thưa:


- Bạch Đức Thế Tôn, khi nghe lời vu oan của ngoại đạo ai cũng lấy làm ngạc nhiên cả. Thực chỉ có Phật là chân thật hoàn toàn, thanh tịnh không lường. Bạch Ngài! song chẳng hay vì nhân duyên gì mà xảy ra việc không hay như thế !


Đức Phật chậm rãibảo vua Ty-tiên-nặc:


- Này đại vương ! Con người sở dĩ có tính vu khống là do lòng tham lam, tật đố mà ra. Song việc ấy trước kia đã từng xảy ra, chứ chẳng phải mới đây mà thôi.


Vua cúi đầu:


- Bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn nghe việc của kiếp đó.


Nhân đó, Đức Phật dạy:


- Này Đại vương ! Ta đã từng trải qua bao nhiêu vô số kiếp tu hành, vì đạo Bồ-tát, đem lòng từ bi độ thoát cho mọi loài.O


- Thời xưa có một nước tên Bồ-lân-nại, nhân dân đông đúc, sự sinh hoạt thật là phồn thịnh.


Trong nước có một người Phạm-chí tên là Cù-đàm, tài trí thông minh bậc nhất. Ông có ba người con, đứa con út có một thân hình đoan chính, đẹp đẽ không ai bằng, tên là Hiền Nhân.


Hiền Nhân thuở nhỏ rất chăm chỉ học hành. Lớn lên, tài, nghệ hơn người, làu thông kinh sử, và có tiết hạnh, giới đức đặc biệt. Hiền Nhân tánh từ bi, lại rõ việc tai nạn họa phúc, bào chế thuốc men, không gì không biết.


Sau khi ông Cù-đàm qua đời, hai người anh của Hiền Nhân trở nên tham lam, ích kỷ và ganh tỵ. Hiền Nhân xin phép mẹ xuất gia, học đạo, chẳng bao lâu đã giác ngộ tự tâm. Người lại trừ được năm món dục lạc: Mắt không còn tham đắm hình sắc trần gian. Tai không còn tham đắm âm thanh vi diệu. Mũi không nhiễm mùi hương ngây ngất. Lưỡi không ưa thích vị ngon, và Thân không còn ưa lụa là và cảm giác êm dịu.     O


Hiền Nhân hay dùng trí huệ phương tiện tuỳ thuận giáo hóa thiên hạ, khuyên người làm mười điều lành, thảo thuận cha mẹ, vâng thờ sư trưởng. Những ai lòng nghi hoặc, Hiền Nhân đều giáo hóa họ tư tưởng đạo đức. Người dạy họ rằng: Có sanh ắt có tử, làm lành gặp lành, làm dữ mắc họa, tu đạo đắc đạo, là lẽ dĩ nhiên. Thấy người nào bị nguy ách, Hiền Nhân độ cho thoát khỏi. Ai bị bệnh tật thì Người ban cho thuốc thang. Ai đói khổ thì Người ban cho vật thực. Ở đâu có nước lụt, cháy nhà, nắng hạn nguy hiểm, nếu có Hiền Nhân đến đều được bình an. Bao nhiêu độc hại đều bị tiêu diệt. Khi bấy giờ có một nước lớn, nhân dân giàu có đông đúc, yên vui. Vua nước ấy tên là Lâm Đạt thường giao trách nhiệm triều chính cho bốn quan cận thần. Nhưng bốn quan cận thần ấy chuyên làm những việc tà siểm, dâm ô, gian dối và bóc lột đủ điều. Dân chúng thiệt hại, ta thán mà vua không hề hay biết. Hiền Nhân thấy thế lấy làm thương xót, người cầm bát ra ngoài thành ở trọ lại nhà của đạo nhân Sa-đà bảy ngày. Qua ngày thứ tám Hiền Nhân mới vào thành khất thực. O


Khi đó nhà vua đứng trên thành trông thấy Hiền Nhân tuổi còn trẻ mà đã có cái phong vị đoan chánh ung dung, dáng đi có vẻ phi thường liền sanh lòng kính mến. Ngài liền bước xuống vàđến thưa hỏi:


- Xin đạo nhân lưu trú tại đây. Tôi có Tịnh xá ngoài thành, đạo nhân nên ở lại trong ấy. Tôi sẽ xin cung cấp những thứ cần dùng.


Hiền Nhân nhận lời. Vua từ giã về cung bảo Phu Nhân:O


- Vị đạo sĩ ấy không phải người thường, sáng mai Ngài nên đến ra mắt Ta.


Phu Nhân lấy làm vui vẻ và con chó của vua Tân-kỳ nằm dưới gầm giường cũng mừng rỡ ngoắc đuôi.


Sáng hôm sau, Hiền Nhân vào cung, nhà vua và Phu nhân ra nghênh tiếp làm lễ thỉnh Ngài thọ thực.


Thọ thực xong vua mời Ngài ra tinh xá. Hiền Nhân tiện dịp nói cho vua hiểu phép tắc trị nước an dân. Nhà vua vui mừng quá, nhân đó thỉnh Người phụ lực cùng bốn vị đại thần chung lo việc nước, Hiền Nhân nhận lời.


Bốn quan cận thần vốn quen ăn chơi, khiếp nhược, không hết lòng với quốc gia, chỉ biết tham ô bóc lột dân chúng. Một ông thường nói “Sau khi người ta chết, thần hồn sẽ diệt mất không sinh trở lại nữa.” Ông thứ hai chủ trương: “Nghèo, giàu, vui, khổ cũng đều do trời định.” Một ông lại nói: “Làm lành không được phúc cũng như làm ác không có tai họa gì.” Ông thứ tư lại ỷ mình biết xem tinh tú. Không ông nào lo việc triều chính, ông nào cũng tham lam siểm nịnh. Còn Hiền Nhân từ khi giúp nước, làm nhiều điều lợi ích. Hiền Nhân rất thông minh, tài cao, sức mạnh lại có lòng nhân nghĩa, cung kính. Hiền Nhân ít nói mà hễ nói gì thì miệng luôn nở nụ cười nên trong khi đối đãi người, không làm phật ý một ai. O


Người thật là trong sạch và thiểu dục, không tham sắc, giản dị; phép trị dân không làm phiền ai. Người lại biết được cả tai hoạ có thể xảy ra, cứu người khỏi chết, thương dân như con. Người lấy đạo đức dạy dân, khuyên họ không nên say sưa săn bắn, chài lưới chim cá và loài dã thú, không sát sinh, trộm cắp, dâm ô dối trá, dèm siểm, hỗn ẩu, gian nịnh, ganh ghét, gây sự, kình lộn, giận dữ, yêu nghiệt và nghi ngờ. O


Bấy giờ nhân dân trong nước nhờ Hiền Nhân giáo hóa đều trở nên hiền lương. Từ khi Hiền Nhân giúp vua, việc triều chính, nước nhà yên ổn, mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc, các quan đều thừa hành pháp luật không dám nhiễu hại nhân dân nữa.


Cũng vì thế nên bốn quan cận thần đem lòng ganh ghét, đố kị, và mưu hại Hiền Nhân.


Họ hùn rất nhiều vàng bạc mua lòng Hoàng hậu và bày cách cho Hoàng hậu đặt điều vu khống lên vua rằng Hiền Nhân có ý tư thông với bà và âm mưu sát hại vua để đoạt ngôi. Vì vốn thương Hoàng hậu, vua đã cả tin và lập kế với hoàng hậu xua đuổi Hiền Nhân bằng thái độ và cách cư xử khinh miệt.


Ngày hôm sau Hiền Nhân vào cung thì con chó chạy ra gầm gừ sủa. Hiền Nhân thấy Phu Nhân chỉ chắp tay chào sơ sài và thấy cách bày biện có khác hơn mọi ngày thì biết ngay là có mưu kế. Người suy nghĩ:


- Mình không muốn hại ai mà nay người ta trở lại hại mình như vậy chi bằng phải lánh mặt vào núi tu hành là hơn. Người oán mình tất sau sẽ sinh thù lớn, ta không nên khinh thường.


Nghĩ xong, Hiền Nhân nói lời cảm hứng như sau:     O


- Ở đời có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng mực, thân lâu sẽ sanh khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm trí huệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thấy nhau thường thì hay khinh lờn, xa nhau quá thì thành thờ ơ. Do đó, giao tiếp qua lại với người lành nên có chừng mực, thân mà có cung kính thì thân lâu càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thực thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp, cũng không tin. Vua lấy lễ độ tiếp tôi, tôi cung kính đáp lại. Nay vua đối đãi khinh dễ thì tôi phải lánh xa. Thân yêu nhau rồi có sự giận ghét nhau, khi thương thì muốn nhờ cậy, lúc ghét thì chẳng muốn gần. Lấy sự cung kính nhau để làm thân thiện, lấy sự răn dạy lẫn nhau để tránh xa điều ác. Mà nay có người chẳng phân biệt cái nào là ác, cái nào là thiện, ấy chẳng phải là đạo an thân. Người không có lỗi với mình, thì mình không nên bày chuyện vu oan cho họ, Người muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Sự thương đã xa lìa thì không nên nghĩ đến.O


Con chim đậu gãy nhánh còn biết đi tìm nhánh khác để đậu, huống chi làm người qua lại có pháp độ, hà tất phải thủ thường. Cành mục ta không nên vịn nắm; người loạn ý, ta chẳng nên phạm nhằm họ. Người muốn đem việc xấu cho nhau, dù thấy nhau cũng không vui, ta xướng mà người không phụ họa theo, nên biết đó là người ở bạc. Người muốn đem việc lành cho nhau thì dù chậm dù gấp cũng đi; đem lời trung chính nhắc nhủ nhau, thì đủ biết người ấy là người có hậu. Mà nay lại có người không chịu gần người hiền, chẳng lánh xa kẻ ác, trước kính sau khinh, không phân biệt kẻ hiền người ngu, thì nếu ta không đi, còn đợi đến bao giờ mới đi ! Phu nhân ban đầu lễ lạy mà nay chỉ vòng tay, nếu ta không đi để đợi chừng mắng đuổi rồi mới đi hay sao? Ban đầu thì giường vàng nay giường tre, ban đầu đũa ngà chén ngọc, mà nay chén sành đũa tre, ban đầu thì cơm ngon canh ngọt, mà nay cơm hẩm gạo tấm, vậy nếu ta không đi, đợi đến cơm đổ đất mới đi hay sao? Bạn trí thức gặp nhau như chủ đãi khách, đêm đầu thì quí trọng như vàng, đêm thứ nhì thì làm lơ như bạc, đêm thứ ba lạnh ngắt như đồng, chứng cớ rõ ràng như vậy nếu ta không đi đợi đến bao giờ mới đi?O


Vua vừa nghe vừa hổ thẹn, cảm động thưa:


- Nước trẫm mà được giàu có, thịnh vượng là nhờ Ngài. Nếu Ngài bỏ đi, sau này nước nhà sẽ nguy khốn.

Hiền Nhân từ tốn đáp:


- Trong thiên hạ có bốn điều tự hoại: Một là cây có nhiều hoa trái nặng sẽ gãy nhánh; hai là rắn ngậm nọc độc, nọc độc sẽ trở lại hại nó; ba là kẻ làm tôi không hiền thì sẽ hại nước nhà; bốn là người làm việc bất thiện thì khi chết sẽ đọa vào địangục. Vậy nên trong kinh dạy: “Sự độc ác do tâm sinh ra và sẽ trở lại tự hại tâm mình cũng như sắt sinh ra sét, chất sét ấy trở lại tiêu hình của sắt.”


Hiền Nhân dạy tiếp:


- Bạn có bốn thứ: Một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất. O


Sao gọi là kết bạn như hoa? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Bạn loại này cũng thế; hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại làm lơ.


Sao gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau.


Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế khi sang thì sang với nhau, khi vui đồng vui.


Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sinh. Làm bạn để nuôi dưỡng ủng hộ, ân hậu không quên.


Nhà vua thưa:


- Nay trẫm biết cái trí suy nghĩ của trẫm còn cạn hẹp, tin theo lời tà siểm, khiến Ngài phải ra đi.


Hiền Nhân đáp: Người có trí có bốn việc không nên tin: Một là bạn tà ngụy; hai là bề tôi nịnh siểm; ba là vợ yêu nghiệt; bốn là con bất hiếu. Ấy là bốn cái không tin theo. Vì thế, kinh dạy: Bạn tà hại người, tôi nịnh hại triều, vợ yêu nghiệt phá nhà và con bất hiếu hại cả cha mẹ.O


Nhà vua thưa:


- Trước kia trẫm yêu quý, hậu trọng Ngài, xin Ngài nghĩ lòng tốt của trẫm không nên bỏ đi vậy.


Hiền Nhân đáp:


- Có mười trạng thái tỏ cho biết là có yêu quý hậu trọng: một là xa nhau lâu không quên; hai là thấy nhau thì vui mừng; ba là có món ngon vật lạ san sẻ cho nhau; bốn là khi có lỡ lời, đừng chấp trách nhau; năm là nghe điều lành càng thêm vui vẻ; sáu là thấy việc dữ đem lời trung chính mà can gián; bảy là làm được những việc khó làm; tám là không đem chuyện riêng nói với người; chín là khi gặp việc bối rối phải giải quyết cho nhau; mười là đến lúc nghèo khổ không rời bỏ nhau. Nên trong kinh có dạy: “Bỏ dữ làm lành tu tập đúng như Pháp, đem lời trung chánh dạy dỗ, nghĩa hiệp, có đạo.” O


Có tám việc biết là không ưa nhau: Một là thấy nhau mặt đổi sắc; hai là không liếc ngó, không thẳng thắn; ba là lời nói không ôn hòa; bốn là nói phải cho là quấy; năm là nghe lời suy bại thì vui thích; sáu là nghe lời hưng thịnh thì không vui; bảy là hủy bỏ chê bai việc tốt đẹp của người; tám là tán thành việc ác của người.


Nên trong kinh dạy rằng: “Lỡ đánh chết người, tội ấy còn có thể dung thứ; dùng tâm độc âm mưu để hại người, tâm niệm ấy không nên gần.” O


- Thưa Hiền Nhân, trẫm là người ngu si, không biết phân biệt kẻ trí người ngu, nên nghe lời tà siểm, làm trái mất ý thánh nhân.


- Tâu đại vương có mười sự chứng tỏ đó là người trí: một là biết kẻ hiền, người ngu; hai là biết kẻ sang, người hèn; ba là biết kẻ giàu, người nghèo; bốn là biết việc nào khó việc nào dễ; năm là biết việc nào đáng bỏ, việc nào nên làm; sáu là biết nhiệm vụ của mình; bảy là vào nước nào biết được phong tục nước ấy; tám là biết được chỗ trở về; chín là học rộng hiểu nhiều; mười là biết được túc mạng. Mười việc đó chứng tỏ người có trí. Kinh dạy: “Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biếtđược người trí người ngu, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân.” O


- Thưa Hiền Nhân, nước trẫm từ khi được Ngài giúp đỡ, trong ngoài đều được an ổn. Nếu nay Ngài bỏ ra đi thì trẫm biết nương nhờ ai.


- Tâu đại vương, có tám điều kiện để được an ổn: một là được của cha mẹ để lại; hai là có nghề nghiệp bảo đảm lấy sự sống của mình; ba là học thức cao; bốn là có bạn hiền; năm là có người vợ trinh lương; sáu là được người con hiếu thảo; bảy là tôi tớ được hòa thuận; tám là lìa xa việc ác.O


- Thưa Hiền Nhân, lời của Thánh nhân thật không một ai nghe mà không thích.


- Tâu đại vương có tám cái thích: một là cùng làm việc với người hiền; hai là được học với bậc thánh nhân, ba là tánh thể nhân từ và ôn hòa; bốn là sự nghiệp mỗi ngày mỗi hưng thịnh; năm là diệt được tánh giận dữ; sáu là biết phòng ngừa tai nạn; bảy là biết nương gần đạo pháp; tám là bạn bè không dối gạt nhau.O


- Thưa Hiền Nhân, Ngài thường khi dễ khuyên can mà sao nay lại khó cầm lắm thế?


- Tâu đại vương, có mười trường hợp khó có thể khuyên can: Một là tham lam che mất lương tri; hai là tham đắm sắc đẹp; ba là ưa danh vọng địa vị; bốn là kẻ ngang tàn bạo ngược; năm là kẻ nhút nhát; sáu là kẻ khờ khạo lừ đừ; bảy là kẻ kiêu ngạo buông lung; tám là người ưa đấu tranh; chín là người chấp tập tục si mê; mười là kẻ tiểu nhân. Kinh chép: “Nói pháp cho người ngu nghe cũng như nói với kẻ điếc, những ai khó hóa độ, thì không thể khuyên can.” O


- Thưa Hiền Nhân, trẫm là kẻ kiêu ngạo lại thêm buông lung, chưa thể xa lìa được sắc đẹp, còn Ngài là người đã chứng pháp vô vi, lẽ nào không nói với trẫm nữa ?


- Tâu đại vương có mười trường hợp mà mình không nên nói với người: Một là kẻ ngạo mạn; hai là kẻ ngu độn; ba là kẻ hay lo sợ; bốn là kẻ ham vui chơi; năm là kẻ hay e lệ; sáu là kẻ câm ngọng; bảy là kẻ cừu hận; tám là kẻ đói lạnh; chín là kẻ mắc nhiều việc; mười là người đang tham thiền tịnh lự.     O

Trong kinh có câu: “Làm được hãy nên nói, làm không được thì đừng nói suông; lời hư ngụy không thành tín thì các bậc minh triết không thèm đoái đến.”


- Thưa Hiền Nhân, người đàn bà xinh đẹp, nói năng khôn khéo êm tai, mà trong thì độc ác, hai lòng thì căn cứ vào đâu mà hiểu họ được ?


- Tâu đại vương, có mười triệu chứng sẽ hiện diện cho ta thấy: Một là đầu tóc rối, bới nghiêng qua một bên; hai là mặt hay biến sắc và mồ hôi tự nhiên chảy; ba là lớn tiếng nói cười; bốn là hay liếc ngó, không đoan chính; năm là trang sức lộng lẫy; sáu là hay nhìn trộm qua kẽ vách; bảy là ngồi không yên; tám là hay dạo chơi trong xóm làng; chín là hay đi dạo ngoài đồng vắng; mười là hay giao thiệp với hạng dâm nữ.


- Thưa Hiền Nhân, quả thật cái đó đáng ghét lắm.


- Tâu đại vương, có năm cái đáng ghét: Một là ác khẩu hại người; hai là dèm pha siểm nịnh và thúc dục sự đấu tranh; ba là rầy rà không thuận hòa; bốn là ganh ghét và trù rủa; năm là nói hai lưỡi gạt người.O


- Thưa Hiền Nhân, làm thế nào để người kính mến?


- Tâu đại vương, có năm tính tốt này thì được người cung kính:


Một là nhu hòa nhẫn nhục; hai là cung kính và có tín tâm; ba là mau mắn và ít nói; bốn là lời nói đi đôi với việc làm; năm là đối với bạn càng lâu càng thân hậu. Trong kinh có câu: “Nếu biết thương lấy mình thì phải dè dặt giữ mình. Các bậc hiền sĩ có chí hướng cao thượng học hiểu chính đáng thì không bao giờ lầm lạc.” O


Nhà vua năn nỉ:


- Xin Ngài cùng trẫm trở lại Tinh xá.


Hiền Nhân đáp:


- Có mười kẻ mà mình không nên mời về nhà: Một là thầy ác; hai là bạn tà; ba là kẻ hay khinh bỉ bậc thánh; bốn là kẻ hay nói tráo trở; năm là kẻ dâm ô; sáu là người thèm rượu; bảy là kẻ có tánh xấu; tám là người không biết ân nghĩa; chín là đàn bà con gái mất nết; mười là kẻ tỳ thiếp ưa trang sức. O


Nhà vua thưa:


- Được Ngài ở lại thì Trẫm cùng thiên hạ được an vui vô sự. Nay Ngài bỏ đi thì nhân dân oán trách Trẫm.


Hiền Nhân đáp lời:


- Có tám điều kiện để được an vui: Một là vâng thờ kính thuận các sư trưởng; hai là đem sự hiếu thuận dạy cho dân; ba là khiêm nhường kẻ trên người dưới; bốn là phải tập tánh nhân đức ôn hòa; năm là đến cứu người trong cơn nguy cấp; sáu là phải quên mình nghĩ đến người; bảy là phải thu thuế, lấy lãi ít và phải biết tiết kiệm; tám là bỏ hận thù xưa. Trong kinh có câu; “Chuyên tu cội đức, nghĩ trước rồi làm sau, cứu giúp người trong cơn nguy cấp và bần khổ, thì trọn đời được an vui. O


- Thưa Hiền Nhân, trẫm luôn luôn nghĩ tới Hiền Nhân nào có bao giờ lãng quên.


- Tâu đại vương, bậc trí giả có mười hai điều luôn phải nghĩ tới không bao giờ lãng quên: Một là khi gà gáy sáng đã nghĩ tới tội lỗi mà lo việc phúc đức để đền bù lại; hai là nhớ việc hầu hạ tôn thân; ba là gặp việc gì phải suy nghĩ dự bị trước; bốn là phải lo nghĩ lánh xa sự nguy hại; năm là phải nghĩ trước mới nói sau để khỏi phải lạc lầm; sáu là phải đến những kẻ lạc lầm mà đem lời trung chính dạy bảo nhắc nhở họ; bảy là nghĩ đến những kẻ nghèo khổ để thương xót cấp hộ; tám là phải lo làm việc bố thí nếu mình có của; chín là phải nghĩ đến sự ăn uống cho có chừng mực; mười là phải nhớ giữ sự công bình khi phân xử hoặc phân chia; mười một là phải nhớ đem ân đức ban rải dân gian; mười hai là phải thường nghĩ đến sự huấn luyện nếu mình là quân sĩ hay vua quan. Đấy là mười hai điều mà người trí phải thường nghĩ đến. Vậy nên trong kinh có câu: “Làm việc gì phải lo dự bị trước, như vậy sự nghiệp sẽ mỗi ngày mỗi lớn, không khi nào thất bại.” O


- Thưa Hiền Nhân, tiếc rằng trẫm không có một bậc đại hiền nào để cầu Hiền Nhân lại cho Trẫm.


Hiền Nhân lại tiếp:


- Bậc đại hiền có mười hạnh tốt: Một là học rộng hiểu nhiều; hai là không phạm giới luật trong kinh dạy; ba là kính thờ Tam Bảo; bốn là thọ pháp lành không quên; năm là kềm chế được tham sân si; sáu là tu được pháp bốn tâm bình đẳng; bảy là ưa làm việc ân đức; tám là không nhiễu hại chúng sinh; chín là hay hóa độ được người bất nghĩa; mười là không lầm lộn việc lành việc ác.O


- Thưa Hiền Nhân, thực là tội trẫm quá nặng: nuôi dưỡng kẻ ác làm cho Ngài giận mà bỏ đi.


- Tâu đại vương kẻ đại ác thường được biểu hiện qua mười lăm tội nặng: Một là sát sanh; hai là trộm cắp; ba là quen thói dâm ô; bốn là dối trá; năm là nịnh hót; sáu là chuốt ngót; bảy là dèm pha; tám là khinh bậc hiền sĩ; chín là tham sự ô trược; mười là buông lung; mười một là say sưa; mười hai là ganh ghét kẻ hiền; mười ba là hủy báng đạo đức; mười bốn là sát hại thánh nhân; mười lăm là không kể tội lỗi. O


- Thưa Hiền Nhân, trẫm năn nỉ Ngài mãi không được, lấy làm hổ thẹn quá.


- Tâu đại vương, người đời có mười cái hổ thẹn: Một là làm vua không hiểu chánh trị; hai là tôi thần mà vô lễ; ba là thọ ân không lo báo đáp; bốn là có tội lỗi không chịu chừa bỏ; năm là một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ; sáu là chưa cưới mà có thai; bảy là tập hợp không thành; tám là có binh khí mà không thể chiến đấu; chín là kẻ bỏn sẻn không bố thí; mười là tôi tớ mà chủ không sai khiến được.O


- Thưa Hiền Nhân, nay trẫm biết rằng: Người đạo đức rất khó chiều chuộng.


- Tâu đại vương có mười hai điều khó: Một là làm việc với người ngu; hai là yếu đuối không chống lại được với sức mạnh; ba là thù nhau mà ở chung một nhà; bốn là học ít mà đứng ra nghị luận; năm là nghèo hèn mà trả được nợ; sáu là ra trận không có tướng sĩ; bảy là thờ vua trọn đời; tám là học đạo mà mất tín tâm; chín là làm ác mà muốn quả báo đẹp; mười là sinh ra đời được gặp Phật; mười một là được nghe chánh pháp của Phật; mười hai là làm theo được chánh pháp ấy mà thành tựu. O


Nhà vua khen ngợi:


- Gần bậc minh đức thật có lợi. Đàm luận với Ngài, trẫm lại được thêm trí tuệ.


- Tâu đại vương, người có trí huệ, đại khái biết bốn mươi lăm việc: 1. Là sửa sang nhà cửa. 2. Là gây không khí hòa hợp trong gia đình. 3. Là giao thân với chính họ. 4. Là tin ở bạn bè. 5. Là theo học với bậc minh sư. 6. Là làm việc gì quyết cho thành tựu. 7. Là tài trí cao rộng. 8. Là mọi hành vi đều hướng về việc lành. 9. Là giàu sang thì lo làm việc ân đức. 10. Là tạo tác và sửa sang đều phải thận trọng. 11. Là có của phải mở mang sự nghiệp. 12. Là không giao của cải cho con cái nếu chúng còn quá nhỏ. 13. Là kết bạn với người hiền. 14. Là không quá tin những ai vừa mới quen biết. 15. Là tiền của ở chỗ huyện quan phải đem về đừng để lâu. 16. Là mua bán đổi chác phải thật thà, không lường gạt. 17. Là dời ở nơi nào phải đến xem trước. 18. Là đến đâu phải biết đó giàu hay nghèo, quý hay tiện. 19. Là phải giao thiệp thân cận với người lành. 20. Là phải nương tựa vào một thế lực. 21. Là đừng tranh hơn kém với kẻ cường bạo. 22. Là xưa giàu mà nay suy thì có thể mong phục hưng cơ nghiệp. 23. Là nếu bần khổ thì đừng có cao vọng to tát. 24. Là có của quý không keo với người. 25. Là việc bí mật đừng nói cho vợ nghe. 26. Là làm vua phải kính người hiền đức. 27. Là phải ăn ở có hậu, nhất là bậc trung chính. 28. Nếu là thanh liêm, có thể dùng trị nước, hay có thể đứng ra trị nước. 29. Là gặp việc phải lo lập công. 30. Là trong công cuộc giáo hóa, lấy sự hiếu thuận làm căn bản. 31. Là phép của ông thầy là quý sự ôn hòa, như thế học trò đủ cung kính. 32. Là thầy có nhiều học trò, phải dạy chúng làm việc trung nghĩa. 33. Là làm thuốc phải hiệu nghiệm, nghề còn vụng chớ đem ra thi thố. 34. Là đau ốm phải nghe lời thầy thuốc. 35. Là ăn uống phải giữ cho có độ lượng. 36. Là có của ngon vật lạ chia sẻ cho nhau, đừng tiếc. 37. Là cho ai, hoặc cho ai mượn gì, phải tự tay mình trao cho họ. 38. Là làm chứng cớ cho người chính. 39. Là đừng vu oan cho kẻ vô tội. 40. Là khuyên can sự oán giận và làm cho sự thuận thảo trở về giữa hai người. 41. Là nhẫn nại và xa lánh việc ác. 42. Là đừng phân biệt giàu nghèo mà ở với người. 43. Là lấy sự thuận hòa làm quý. 44. Là theo đạo phải giữ giới. 45. Là lấy sự trong sạch làm quý hơn tất cả.O


Trong trần thế chỉ có đạo Niết-bàn là cao quý hơn cả.


Vì sao? Vì Niết-bàn là cảnh giới không có sự già nua, bệnh, chết, không đói lạnh, không tai hoạ nước lửa, không oan gia, không trộm cướp, không dục vọng ân ái, không lo buồn hoạn nạn, không tất cả những khổ sở đớn đau. Cảnh giới đó là diệt độ. Diệt độ không phải là một sự chết, nhưng đấy là sự giải thoát tự tại thôi.


Cảnh giới ấy, hoàn toàn an vui, một niềm vui thanh tịnh vô biên, có thể kiến lập cảnh giới ấy trên trần thế, cho riêng mình và cho chung tất cả muôn loài. Bệ hạ hãy tự lo, tự tu, tự tỉnh lấy. Bệ hạ hãy tự thương lấy Bệ hạ. Hiền Nhân này xin lên đường. O


Vua lại hỏi:


- Ngài lên đường, thế không còn răn dạy trẫm điều gì nữa ư ?


- Tâu đại vương, chỗ đất bị nước mạnh xoáy lỡ thì dù một trăm năm sau, cũng không nên dựng lấy một cái gì trên ấy. Vì giòng nước sẽ theo thói cũ mà lôi cuốn đi tất cả. Người có ác tâm mà bây giờ họ bảo mình là bắt đầu làm lành, thì mình quyết không nên tin vội. Vì tâm ác của họ chưa diệt, họ sẽ trở lại làm việc ác, ta phải nên dè dặt. Người muốn làm việc gì phải lần lần, như người đào giếng, đào mãi xuống sâu sẽ có mạch nước. Kẻ trí giả thấy sự nguy hiểm hoặc bất bình giữa cuộc thế thì hay ra tay cứu giúp, cũng như người có tài bơi lội có thể lội ngang qua giòng nước mạnh. O


Nhà vua thưa:


- Trẫm muốn nghe lời Ngài dạy, và nếu như có người nào khác đến thì trẫm làm sao biết được người đó là bậc trí ?

Hiền Nhân đáp:


- Chỗ vấn đáp người trí bao giờ cũng khác xa kẻ tầm thường. Không lời nói nào của họ mà không phải là lời nói lành. Bậc thầy bao giờ cũng chính đáng. Và những đức tánh này chứng tỏ rằng kẻ ấy là bậc trí giả: Nhân từ mềm mỏng cẩn thận chắc thật, ôn hòa, nhã nhặn, lời nói hoạt bát và hay hâm mộ các việc lành.O


- Tâu đại vương, nghe lời nói thấy việc làm của họ, thì biết là tâm và khẩu giống nhau.
Xem cách cư xử, vẻ đi đứng của họ mà biết là không giả dối; nghiệm việc họ làm, cách ăn mặc, cách làm lụng cũng dư biết là bậc trí tuệ.


Đàm luận với người trí phải cho vừa ý họ mà muốn cho vừa ý họ thì thiệt là khó.


- Thưa Hiền Nhân, trẫm muốn tôn thờ người trí mà đừng làm mất ý họ, thì phải làm sao ?


- Tâu đại vương, kính mà đừng khinh, nghe lời dạy phải làm theo, vì chỗ hiểu biết của người trí rất đúng, bao giờ họ cũng có thể theo chánh đạo và không có tâm tham cầu, lại có thể suy xét rõ được việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Tầm mắt của bậc trí giả rất rộng, họ thấy rõ muôn vật trong không gian và thời gian đều chỉ là biến hiện, muôn pháp đều quay về nơi nhất điểm không tịch bản nhiên.O


Kẻ trí thì thấy rõ ràng đời là một sự biến đổi tang thương; trẻ trung rồi sẽ già nua; cường tráng rồi sẽ suy nhược; có sống thì sẽ có chết; giàu sang như mây nổi, đều là vô thường cả. Cho nên lúc an ổn phải nghĩ đến khi nguy ngập, khi hưng thịnh thì nghĩ đến lúc vô thường, người lành thì kính mến, người ác thì phải lánh xa. Nếu có giận hờn ai thì nên trừ bỏ, đừng vì thế mà gây ác hại người. Nhu hòa mà khó xâm phạm, yếu đuối mà khó thắng. Người trí như vậy đó. O


Người trí theo pháp thánh hiền, thường làm việc nhân từ và ưa dạy dỗ kẻ ngu muội trở nên sáng suốt như họ. Người trị nước thì nên ban bố ân huệ cho kẻ biết làm lành, kẻ tu hành thì lo dẫn dắt mọi người về nơi chánh đạo; quốc gia có hoạn nạn thì cùng nhau đàm luận lo toan; tới lui phải biết thời mới khỏi bị sự nghi ngờ oán trách. Tuy có ơn rộng đức lớn với người, nhưng đừng cầu mong người báo đáp, thờ người trí thì được phước và trọn đời không mắc phải tai nạn. Bệ hạ đừng có nghi ngờ. Pháp chánh trị không nên trái với lý đạo, dạy dân làm lành thì càng ngày càng thêm lợi ích cho đất nước. O


Đức vua than thở:


- Thưa Hiền Nhân, thực lòng trẫm rất sầu thảm, hoảng hốt như kẻ điên cuồng.


Vua bèn rơi lụy khóc lóc, đến trước Hiền Nhân sám hối cầu xin xá tội. Hiền Nhân đỡ đức vua từ tốn thưa:


- Hiền Nhân này cũng như con chim bay, không nhất định đậu ở cành nào. Đạo pháp của Hiền Nhân không thể lẫn lộn với lỗi lầm để mất chỗ thanh cao quý giá: Cũng như lửa cháy ngoài đồng trống, những cây gần bên sẽ bị cháy sém, hễ chỗ có nước xoáy là thuyền quay; hễ độc trùng là hại người. Vì thế Hiền Nhân muốn tùng sự với người trí để khỏi bị ngu hèn quấy nhiễu, Hiền Nhân này đã rõ ràng: Cỏ cây mỗi thứ mỗi khác, loài chim muông cũng thế: bạch hạc thì lông trắng, chim quạ thì lông đen, nay Hiền Nhân khác mà ai kia cũng khác, nên Hiền Nhân này không muốn lưu lại hoàng cung nữa. Đem cái áo lụa đẹp mặc cho người nhà quê cày ruộng thực là vô ích. Vì sao? Người nhà quê ấy chỉ quen bùn đất, làm gì biết mặc áo lụa đẹp và có mặc cũng chỉ làm hư.O


Ở nhân gian, có một thứ cây gọi là Phản Lệ. Người chủ trồng nó thì không được ăn trái, còn có kẻ muốn hái trộm thì trái lại sinh ra cho mà hái. Bệ hạ cũng như cây ấy: Người giúp nước được an ổn thì hất hủi đuổi xô, còn kẻ nịnh thần gian dối, phá tan việc triều chánh lại cầm ở lại cho ăn bổng lộc. Khách ở lâu, chủ nhà sinh nhàm chán, nên Hiền Nhân này phải đi vậy.O


Nhà vua kính cẩn thưa:


- Mạng người rất trọng, cúi xin Ngài mở lòng từ nghĩ thương đến. Trẫm nay muốn đem thân mạng tôn thờ Ngài hơn xưa.


Bệ hạ nói thế nhưng cũng chưa chắc gì làm được. Ý Hoàng hậu rất độc ác. Hiền Nhân này không nên ở lại làm chi. Hiền Nhân là vị Sa-môn mang bình bát khất thực, tự vui và dứt trừ tham vọng, giữ trọn giới luật của đạo và xa lìa tất cả tội lỗi.


Nhà vua khẩn khoản:


- Ngài đã quyết định, trẫm không thể cản ngăn. Nhưng Ngài chớ đoạn giao, cúi mong một phen trở lại để lòng trẫm khỏi ân hận.


Nếu như Bệ hạ và Hiền Nhân này đều mạnh giỏi thì có lúc gặp nhau. Hiền Nhân này muốn vào núi để tu dưỡng tâm linh, rèn thêm trí tuệ. Gần nhau để mà nghĩ đến chuyện ác hại nhau thì chi bằng xa nhau mà nhớ nhau trong tâm niệm lành. Người trí nghe thí dụ cũng đủ rõ; nay Hiền Nhân này xin đem một câu chuyện để thí dụ Bệ hạ nghe. O


“Như người lấy mật xoa vào lưỡi dao, đưa cho con chó liếm, vì tham chút ngọt nên bị đứt lưỡi, mà chó không biết đau đớn.”Nay bốn quan cận thần cũng thế, chỉ nói ngon ngọt ngoài miệng, mà trong tâm dường như dao bén. Vậy Bệ hạ phải đề phòng và từ đây về sau nếu gặp những sự kinh hãi, Bệ hạ thường nhớ đến Hiền Nhân này thì kinh sợ sẽ tiêu tan.


Loài chim cú, chim mèo thì ưa ở nơi bụi rậm, chuột bọ thì ưa núp dưới đống rơm, đống rác, chim chóc thì đậu trên cành, con hạc thì ưa ở gần ao nước đục. Mỗi vật đều có tánh riêng, chí nguyện bất đồng, sự ưa thích có khác. Hiền Nhân này mến đạo, Bệ hạ thì ưa việc trị dân, đó là sự sai khác.


Những vật thô xấu cũng đều có chỗ cần dùng, không nên phí bỏ tồi tàn. Hạng người nào dù bần tiện, ngu hèn đến đâu, ta cũng không nên hất hủi. Họ đều là những người hữu dụng, dụng nhơn như dụng mộc, Bệ hạ phải hiểu như thế. Hiền Nhân này cũng đã biết người, biết lời nói, biết ý nghĩ của họ thế nào rồi.


Con chim ban đầu đậu ở cành thấp, sau nhảy lên nhánh cao. Hiền Nhân thấy chó Tân-kỳ sủa, biết rằng không ngoài thì trong, đã có sắp đặt mưu mô gì đó, nên trong lòng chán ngán. Hiền Nhân này xin đi. Nói xong liền đứng dậy mang bát, chống tích trượng ra khỏi thành. Vua cùng đình thần và nhân dân làm lễ Hiền Nhân rồi tiễn Người ra khỏi thành quá một đoạn đường.O


Từ ấy về sau, nhân kẻ trung chính đi rồi thì kẻ loạn thần tha hồ tung hoành gian nịnh. Ngoài thì bốn quan cận thần cậy thế bắt ép lương dân, trong thì phu nhân dùng thói yêu nghiệt, làm nhà vua mê hoặc, không còn lo nghĩ việc nước, chỉ dâm lung, ưa vui ngày đêm vùi thân trong say đắm. Quan liêu cầm quyền tự do thâu thuế bắt ép nhân dân không một chút từ tâm, nhân đạo. Kẻ lấy thuế chợ mà không thèm nhìn món đồ, người mạnh lấn hiếp kẻ yếu, bóc lột tàn sát lẫn nhau, không kể gì đến pháp luật. Có kẻ lại bắt con gái của người về làm nô lệ, tỳ thiếp. Thân thuộc ly tán, tìm đường trốn tránh tản lạc, mỗi người sống vất vưởng mỗi nơi, tai họa liên miên mà nhà vua không bao giờ biết đến. Mưa gió không phải thời, trồng trọt mất mùa, nước loạn dân nghèo, sự đói khó đầy đường, tiếng than van oán trách phổ vào câu ca dao cảm động đến cả quỷ thần. Nhân dân sầu khổ, lo sợ chết không biết bao nhiêu, kẻ sống vừa than khóc vừa đi, không một ai không nhớ tưởng và mong cầu Hiền Nhân độ nước.O


Lúc ấy có vị Đạo Nhân, vốn là cháu trai của Hiền Nhân, thấy trong nước loạn lạc, xóm làng hư hoại, nhân dân cùng khốn, bèn vào cung tâu với nhà vua: Tâu Bệ hạ ! Các quan đại thần làm việc bất chánh, buông kẻ trộm cướp, bắt giết kẻ vô tội, tàn hại nhân gian, hết đường vô nhân đạo. Muôn dân oán thán, quỷ thần giận dữ nên gieo nhiều tai họa.


Đâu đâu cảnh khổ cũng lan tràn mà Bệ hạ thì không hay biết gì cả.


Nếu Bệ hạ không sớm trừ bọn loạn thần gian ác ấy thì sau này sẽ không còn một lương dân !O


Nhà vua nghe nói kinh hãi, hoảng sợ đáp:


- Quả thật như lời Hiền Nhân dạy trẫm khi trước.


Trẫm đã dùng bốn tên loạn thần phá hoại nước nhà chẳng khác gì thả chó sói trong bầy cừu vô tội. Trẫm chắc thế nào dân chúng cũng bị khốn ách. Trẫm đã buông cương mặc cho con ngựa điên lôi kéo cỗ xe trị quốc, thế nào nó cũng kéo xe xuống hố sâu.


Ngài đến đây thức tỉnh trẫm và bảo trẫm như thế, xin Ngài có cách gì dạy trẫm để trị an xã tắc được không ?


Đạo nhân thưa:


- Từ khi Hiền Nhân ra đi đến nay, trong nước bị rối loạn luôn, tất cả đều do bọn gian thần. Bệ hạ phải trù tính phương kế gì để hưng phục lại giang sơn. Nước nhà còn có thể hưng phục được. Xin Bệ hạ hãy cùng thần du hành một phen, để chính mắt Bệ hạ được thấy, chính tai Bệ hạ được nghe những nỗi thống khổ rồi mới biết thế nào là đúng sự thật. O


Nhà vua liền cùng Đạo Nhân cải trang ra đi để dọ xét tình hình trong nước.


Vừa ra khỏi thành thì thấy một toán phụ nữ xiêm y rách rưới, vừa đi vừa khóc. Đạo Nhân thấy thế liền hỏi: “Các chị tại sao mà khổ sở rách rưới như thế? Sao không lo làm ăn, hoặc có khó khăn lắm thì đi lấy chồng, tuổi các chị đã lớn rồi kia mà.”


Một người trong bọn trả lời:


- Vì nhà vua cả. Phải chi nhà vua rách rưới nghèo đói như chúng tôi thì mới bỏ ghét.


Đạo Nhân bảo:


- Các vị nói như thế là không đúng rồi, vì nhà vua là bậc cao sang chỉ lo những việc to tát, đâu có thì giờ lo cho các chị được, các chị phải tự đi làm mà sinh sống lấy chứ.O


Có một chị không hài lòng nói:


- Không phải thế đâu. Vì vua trị nước không minh, nên trong nước phải đói rách và loạn lạc. Ngày thì khốn với bọn quan lại tham ô vơ vét, đêm thì khốn với trộm cướp tứ tung; áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, vì thế còn ai thèm cưới gả chúng tôi nữa.


Đi một quãng nữa, nhà vua gặp một bà già, áo không kín thân, hình hài gầy yếu, mắt lòa sờ soạng, vừa đi vừa khóc. Đạo Nhân hỏi:


- Bà cụ lo lắng gì mà khóc vậy ?


Bà già ngẩng lên đáp:


- Vì nhà vua cả. Phải như nhà vua mà mù như lão đây thì mới đáng kiếp, lão sung sướng lắm vậy.


Đạo Nhân hỏi:


- Bà nói như thế là lầm rồi, hễ già thì mắt mờ, nhà vua có lỗi chi đâu ?


Bà lão phân trần:


- Đêm thì bị cướp, ngày thì bọn quan lại hiếp bức, phải chịu nghèo đói, nên lão đây mới phải hái rau lượm củi đổi gạo để nuôi sống, đạp phải độc trùng, vương phải độc khí, nên mới bị mù què như thế này. Vậy không phải lỗi của nhà vua hay sao?


Vua tôi lại đến một quãng đường, thấy có người đàn bà rách rưới đang vắt sữa bò. Con bò đá một cái, người đàn bà ngã lăn xuống đất, lòm còm bò dậy mắng: O


- Phải chi mày đá Hoàng hậu vợ vua một đá như vậy cho bỏ ghét. Mày đá tao làm gì!


Đạo Nhân hỏi:


- Tự con bò dữ đá bà, chứ Hoàng hậu có tội lỗi gì?


Bà lão trách móc:


- Không lỗi à? Nhà vua bất chính, vợ vua xúc siểm, nước nhà mới rối loạn, không lo cấm ngăn trộm cướp, để nó bắt bò lành của tôi, chỉ để lại một con bò dữ, vắt sữa nó là nó đá đau điếng người. Tại nhà vua chứ ai nữa.


Đạo Nhân bảo:


- Tại bà không biết cách nặn sữa nên bị nó đá.


Bà lão đáp:


- Không phải thế đâu ! Nếu nhà vua ở chính thì ngài Hiền Nhân sẽ ở lại đây, nước nhà đâu có bị loạn lạc.


Đi một lát nữa, đến khoảng đồng ruộng, nhà vua thấy con chim đang mổ một con ếch. Con ếch lún vào bùn, mắng rằng: “Phải chi mày mổ vua một cái như thế thì tao mới thích cho. Mầy đừng mổ tao.” O


Đạo Nhân bảo con ếch:


- Người bị con chim mổ, chứ đâu lỗi ở nhà vua, nhà vua đâu có giữ hộ cho ngươi được.

Con ếch đáp:


- Tôi không mong nhà vua giữ hộ cho tôi đâu.Vì nhà vua không lo việc trị nước, chính trị bỏ bê, pháp luật không minh, bỏ phế việc cúng tế, bỏ phế việc dẫn thủy nhập điền, nên trời hạn, nước khô, thân tôi phải bày ra để cho con chim nó mổ.


Con ếch lại than:


- Nếu nhà vua biết cách giữ quyền chính thì bỏ một người ác, lợi cho một nhà; bỏ một nhà ác lợi cho một làng, rồi sẽ đến cảnh một quốc gia thịnh trị. Vua không biết chấp chính nên nhân dân khổ sở, thiên hạ kêu ca.


Liền đó, Đạo Nhân tâu vua:


- Xin đại vương xét kỹ: Trăm họ vô tội, khổ sở than khóc, cảm động đến cả quỷ thần, đến nổi con ếch còn thốt lời như vậy. Chắc đại vương cũng đã thấy rồi. Vậy đại vương đuổi kẻ ác, kiến thiết quốc gia lại trên nền tảng thiện chánh, để muôn dân hồi đầu trở lại. Tâu đại vương, bây giờ bắt đầu gieo giống lúa ở ruộng gặp mưa thuận gió hòa thì lo gì mùa màng không trúng.


Vua hỏi:


- Vậy theo ý Ngài, thì nên giao phó trách nhiệm này cho ai?O


- Bệ hạ hãy mau mời Ngài Hiền Nhân trở về, vì ngài là người rõ biết thời cơ, nếu trở về trong nước sẽ lại được bình an.


Nhà vua mặc triều phục ra đến tận nơi Hiền Nhân, yết kiến, làm lễ và thành khẩn thỉnh Hiền Nhân về. Sau khi hỏi han, vua ngồi lại một bên, vòng tay tạ tội thưa với Hiền Nhân:


- Trẫm vì sơ sót, suy nghĩ không đến nơi đến chốn, nên làm hại nhân dân, trăm họ oán trách. Nay trẫm một lòng chí thành cầu sám-hối, xin ngài tha thứ cho trẫm bao nhiêu tội lỗi lầm lạc.O


Hiền Nhân đáp lễ:


- Người có tội mà biết sám-hối là hay lắm.


Rồi thấy bốn quan cận thần kề tai nói nhỏ, thầm thì vớinhau. Hiền Nhân bảo:


- Các ngươi mê hoặc lấy mình, không phân biệt cái gì là chân chính, không phân biệt cái gì là tà ngụy không biết rằng khổ vui đều có luật nhân quả, không thể tránh được.


Làm việc ác, tội ác sẽ theo đòi; làm điều lành, quả báo tốt sẽ đền trả, trọn đời không mất. Họa phúc tự mình, kẻ ngu tưởng đâu là xa cách. Phải biết họa phúc rõ ràng như âm thanh vang theo tiếng, bóng theo hình, chứ không phải họa phúc tự trên trời rơi xuống. Các ngươi làm ác mà không tự biết, muốn che giấu nhưng nào có giấu được. Lại lấy sự chê bai ta mà cho là đắc sách. Trong bọn ngươi há chẳng có một người nói rằng: “Hễ người chết thì thần hồn tiêu diệt không sanh trở lại nữa.”Lời nói ấy có phải là bậc thánh nhân chăng? Hay là tự ý ngu muội của các ngươi bịa đặt ra? Các ngươi muốn làm chuyện ác rồi trở lại bảo rằng làm ác không tai họa, làm lành không được phước. Đó phải là lời nói bịa người để che tội lỗi của mình không? Kìa hiện tượng của vũ trụ rõ ràng kia, nhật nguyệt và tinh tú đó, các ngươi bảo là ai tạo ra đó vậy ?O


Bốn quan cận thần nghe nói, làm thinh không còn biết trả lời sao nữa.


Hiền Nhân tiếp:


- Tất cả hiện tượng trong vũ trụ đều do nghiệp lực tội phước. Làm lành, làm ác đều có quả báo như bóng theo hình; người chết bỏ xác thân nhưng không bỏ được nghiệp nhân. Gieo giống, tuy hạt lúa thối mục dưới đất, nhưng sau này sẽ sanh ra nhánh lá và kết hạt trên ngọn. Thắp đèn tim dần dần lụn, nhưng lửa vẫn đỏ mãi; hạnh nghiệp tội phước vẫn còn luôn luôn như người thắp đèn viết thơ, rồi đèn tắt, nhưng chữ vẫn còn. Hồn thần tùy hạnh nghiệp chuyển sinh đời khác, không hề gián đoạn. Các người làm ác mà tự cho là cao cả, cũng như người giết cha mẹ mà lại có thể cho là vô tội sao ? O


Bốn quan đáp:


- Một nhánh cây còn không nên hái lá của nó thay, huống chi giết cha mẹ mà cho là vô tội.


Hiền Nhân đáp:


- Còn bọn ngươi chủ trương tà quấy, bề ngoài giả làm lành, mà bên trong lại uẩn khúc làm việc gian ác. Cũng như vàng giả, bề ngoài thì nước vàng mà trong thì toàn đồng. Bề ngoài diện mạo tốt đẹp, mà trong tâm toàn là sàm tặc. Thiệt chẳng khác gì chó sói lẫn vào bầy dê, ngấm ngầm ăn hết bầy dê mà người giữ dê không hề hay biết.O


Kẻ ác trong đời lắm khi cũng tự xưng đạo đức, giả khổ hạnh, cùng diễn giải kinh giới, nhưng bên trong chuyên hành tà siểm, dối trá để cầu mong danh lợi.


Người ngu không biết, quay về tin phục. Rồi như nước sông ngập lụt chảy tràn đầy dẫy, chưa kịp rút về bể cả, làm hại biết bao nhiêu người. Chỉ có bậc thánh nhân mới có thể cứu giúp thiên hạ, cải bỏ ác tục, sửa sang việc lành, ai ai cũng đều nhờ vậy. O


Nếu cho làm lành không phước, làm ác vô hại, thì các bậc cổ thánh để lại bao nhiêu kinh điển làm chi? Và truyền trao gươm báu cho vua làm chi? Hành nghiệp đều có quả báo rõ ràng. Làm dữ bị tai họa, mọi người đều ghét, không mau thì lâu tai họa ấy sẽ đến. Làm việc ân đức tuy ẩn kín nhưng sau này sẽ bày ra và phước quả sẽ đem lại cho mình.


Vậy nên trong nước có vua, vua phải thuận theo phép đạo, ủy nhiệm vụ cho người hiền, phó thác việc làm cho kẻ tài trí, ban thưởng người lành, trừng phạt người gian ác. O


Bánh xe lăn tròn không ngừng, hành nghiệp cứ tùy theo đấy thọ sanh nơi lành, nơi dữ. Phải tin chắc có tội phước, đừng làm điều gian dối.


Phải hết sức cẩn thận lánh xa những kẻ ác và biết ăn năn tội lỗi. Nếu mọi người đều lành thì bẩm tánh và quả báo sẽ lành đẹp giống nhau, song vì người làm ác rất nhiều nên nhân quả bất đồng: Kẻ sống lâu, người chết yểu, kẻ nhiều bệnh, người ít bệnh, kẻ xấu xa, người tốt đẹp, kẻ nghèo hèn, người giàu sang. Kìa những người ngu, đui, điếc, câm, ngọng, kẻ mù què, tàn tật trăm điều đều do đời trước gây ác nhân mà nay gặp lấy ác quả. Còn người đức độ, trung chính, hiền từ nên có trí tuệ, sống đời đế vương, hào phú và muôn sự hạnh phúc. Như thế là nhân quả rõ ràng, sao lại bảo rằng không. Xin hãy suy nghĩ kỹ càng, đừng lầm lạc vào tà đạo. O


Hiền Nhân giảng xong, Vua cùng quần thần và tất cả nhân dân không một ai là không hiểu rõ và vui mừng.


Hiền Nhân lại nói tiếp:


- Và nay Hiền Nhân này xin nói một sự tích: Thuở xưa có một ông vua tên là Cẩu Lạp, có một cái ao, trong ấy nuôi nhiều thứ cá ngọt. Vì cá ngọt ít xương mà ngon lắm nên nhà vua cử một quan giám ngư để giữ gìn ao cá, mỗi ngày dâng vua tám con, nhưng quan giám ngư mỗi ngày ăn chùng, ăn lén mất tám con. Vua biết cá mất, nên cử tám quan giám ngư nữa để giữ gìn ao cá. Song tám vị giám ngư tùng đảng với nhau mỗi ngày mỗi người đều ăn lén hết tám con, té ra người giữ cá nhiều chừng nào thì cá lại mất nhiều chừng ấy: Giao nhiệm vụ cho nhiều người thì nước nhà càng thêm rối loạn. Cũng như kẻ hái trái non, ăn đã không có mùi vị gì mà lại càng mất giống, vua trị nước mà không dùng kẻ hiền, đã thiệt hại cho dân mà sau này tiếng tăm cũng mất và phước phần đều không. Trị nước bất chính làm cho thiên hạ có tâm tranh đoạt cũng như muốn sửa sang và hưng nghiệp gia sản, mà không chịu để tâm dụng chí thì của cải mỗi ngày mỗi hao bớt đi. O


Nước có tướng giỏi binh nhiều mà không chịu tập chiến trận, không lo lắng kiến thiết nước nhà, thì nước ấy sẽ bị hèn yếu. Làm vua không kính đạo đức, không tôn thờ bậc cao thì hiện tại không người giúp đỡ và tương lai không gặp phước lành. Hằng ngày giết hại muôn họ kêu ca thì tai hại thường xảy ra tới tấp, chết đi để tiếng xấu muôn đời. Theo chính pháp trị dân thì được lòng người. Kính thờ bậc tôn trưởng, yêu mến trẻ thơ, hiếu thuận cha mẹ, vâng làm việc lành thì hiện tại an ổn và kiếp sau được hưởng phước.O


Làm việc trung chínhcũng như đi thẳng đường, lấy việc trung chính làm cội gốc thì mọi người đều khâm phục. Như thế sẽ gây được hạnh phúc thái bình. Lại phải sáng suốt, lượm lặt những lời xưa để làm kinh nghiệm cho đời nay, động tịnh cho biết thời, ân oán cho có lý, ban bố ân huệ cho nhân dân, bố thí nên bình đẳng. Được như thế thì đời nay sẽ an ổn vui vẻ, sau này sẽ quyết tu chứng đạo Giác ngộ.


Chúng hội nghe Hiền Nhân dạy, đều vui mừng vỗ tay khen ngợi. O


Nhà vua liền đứng dậy cúi đầu thưa rằng:


- Nay trẫm được nghe lời Ngài dạy, cũng như cơn gió mạnh thổi tan mây mù. Xin Ngài mở lòng từ bi, nghĩ đến quốc gia, dạy bảo quốc dân và giúp đỡ trẫm trị dân như trước.


Hiền Nhân liền đứng dậy, theo vua về cung cùng luận bàn chính sự.


Bốn quan cận thần rồi sau bị đuổi. Hiền Nhân giúp nước, ân huệ thấm nhuần, gió mưa hiệp thời, mùa màng rất trúng, nhân dân đều vui vẻ, bốn biển một nhà, trên dưới hòa thuận đều chung sức gây lại một cuộc sống thái bình, thạnh trị. O


Đức Phậtngừng một lát, Ngài nhìn đại chúng và tiếp:O


- Này đại chúng ! Hiền Nhân đời ấy, có phải ai đâu lạ, chính là Ta đây. Còn đạo nhân cháu Ngài là A-nan-đa đây, vua Lâm Đạt thuở đó chính là vua Ty-tiên-nặc này đây. Hoàng hậu đó là Tôn-đà-lỵ, con chó Tân-kỳ là Sa-nặc, bốn quan cận thần lúc ấy là bốn kẻ ngoại đạo giết nàng Tôn-đà-lỵ ngày nay. Và sau cùng, con ếch hỏi đó là ông Âu-đà-gia, đã chứng quả A-la-hán đang đứng kia.


Khi Đức Thế Tôn nói kinh này xong, hơn ba ức người hiểu được lý đạo, đều thọ ngũ giới và vui lòng làm theo.       O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá)OOO

--- o0o ---

Kinh Quốc Gia Cường Thịnh

Thứ mười

Chính tôi được nghe, một hôm nọ khi Đức Phật lưu trú trên núi Linh Thứu. Lúc ấy, vua A-xà-thế muốn chinh phạt dân chúng Va-chi, ông sai đại thần Vat-sa-ka-ra đến xin Đức Phật chỉ dạy. Vị đại thần đảnh lễ rồi bạch Đức Phật rằng: O


- Bạch Đức Thế Tôn, vua A-xà-thế nhờ con chuyển lời vấn an và đảnh lễ Ngài. Kính xin Thế Tôn cho lời khuyên bảo về việc vua con chuẩn bị cất quân bình định xứ Va-chi, vì mới đây dân Va-chi đã đánh cướp hương liệu quý của đất nước chúng con.


Để chuyển lời khuyên giải đến vua A-xà-thế, Đức Phật hướng sang tôn giả A-nan rồi chậm rãi hỏi:O


- Này A-nan, thầy có nghe dân Va-chi thường tụ họp đông đảo với nhau không ?


Tôn giả A-nan bạch Phật:


- Bạch Thế Tôn, thường tụ họp đông đảo là truyền thống của họ.


Đức Phật bảo: Này A-nan đó là sức mạnh của họ. Và thầy có nghe dân Va-chi tụ họp, làm việc và giải tán trong tinh thần đoàn kết không ?


Tôn giả A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn đó cũng là truyền thống của họ.O


Đức Phật dạy: Này A-nan, đó cũng chính là sức mạnh của họ. Và thầy có nghe dân Va-chi ban hành những luật lệ không thích hợp, không đáng ban hành cũng như không bãi bỏ những luật lệ và truyền thống tốt đẹp không ?


Tôn giả A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đó chính là truyền thống của họ. O


Đức Phật dạy: Này A-nan, đó cũng chính là sự cường thịnh của họ. Và này A-nan, thầy có nghe dân Va-chi tôn trọng, cung kính, lắng nghe và học hỏi những bậc trưởng lão, những bậc trí đức và đạo đức không ?


Tôn giả A-nan bạch Phật, đó chính là truyền thống của họ. O


Đức Phật dạy: Này A-nan, đó là sức mạnh của họ. Và này A-nan, thầy có nghe dân Va-chi luôn được quốc vương đầu tư và nâng cao dân trí, không có sự việc cưỡng bức hoặc bắt các phụ nữ, thiếu nữ làm vợ mình không ?


Tôn giả A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đó chính là truyền thống của họ. O


Đức Phật dạy: Này A-nan, họ sẽ giữ được sự cường thịnh lâu dài. Và này A-nan, dân Va-chi có hay ủng hộ các cơ sở tôn giáo trong nước và nước ngoài và phát huy truyền thống tốt đẹp này ?


Tôn giả A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đó chính là truyền thống của họ. O


Đức Phật dạy: Này A-nan, đất nước Va-chi sẽ cường thịnh và khương ninh. Và này A-nan, dân Va-chi có tôn trọng đời sống đạo đức, có ủng hộ các vị thánh nhân, có chiêu tập các bậc tài trí và tạo thuận lợi để họ hoạt động và phát triển không?


Tôn giả A-nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn đó chính là truyền thống của họ.O


Đức Phật dạy: Này A-nan, dân chúng Va-chi sẽ mãi mãi độc lập và cường thịnh.


Suốt bảy lần vấn đáp, Đức Phật chỉ hỏi và tôn giả A-nan trả lời. Đến đây, Ngài bèn hướng sang vị đại thần của vua A-xà-thế rồi dạy rằng:   O


- Này Vat-sa-ka-ra, như ông đã thấy, dân chúng và đất nước Va-chi được xây dựng và bảo vệ bằng bảy yếu tố cường thịnh, bất khả chiến bại. Ông hãy về tâu lại cho đại vương A-xà-thế nghe lời khuyên răn của Như Lai, không gì khác hơn là cuộc đối thoại nãy giờ.


Nghe Đức Phật gián tiếp phân tích sự tình một cách sâu sắc, vị đại thần cung kính thưa rằng:          O


- Bạch Thế Tôn, con thiết tưởng chỉ cần một yếu tố trong bảy yếu tố đó thôi, đất nước Va-chi đã bất khả chiến bại rồi, nói gì là họ có đầy đủ bảy điều. Bạch Thế Tôn, đại vương sẽ không thể đánh bại họ ở chiến trận, ngoại trừ dùng kế ly gián, nhưng đó không phải là kế thượng sách.


Nói xong, viên đại thần đảnh lễ Đức Phật rồi từ tạ ra về. Kể từ đó, vua A-xà-thế từ bỏ ý định chinh phạt và trả thù nước bạn. Đồng thời ông cho thiết lập mạng lưới dân sự, quân sự và chính trị giống như nước Va-chi cường thịnh và độc lập.O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Nền Tảng Đạo Đức Xã hội

Thứ mười một

Chính tôi nghe chuyện như vầy:

Một thời Đức Phật đủ đầy người theo.

Hai trăm năm chục Tỳ-kheo,

Ở Kỳ-xà-quật thành La-duyệt-kỳ.

Trước giờ thọ thực thường thì,

Thế Tôn mang bát, khoác y vào thành.

Khi Ngài đi đến vườn cây,

Thấy con trưởng giả là chàng Thiện Sanh.

Hàng ngày mỗi sáng ra vườn,

Đê đầu đảnh lễ sáu phương chí thành.

Hướng về Nam Bắc Đông Tây,

Hướng về Trên Dưới chắp tay lễ thần.O

***

Bấy giờ Đức Phật Thế Tôn,

Thấy người lễ lạy sáu phương chân thành.

Ngài liền thăm hỏi Thiện Sanh:

Vì sao mới sáng một mình ra đây,

Vì sao ra giữa vườn này,

Vì sao tắm rửa hình hài mới xong,

Tỏ niềm cung kính một lòng,

Đã liền đảnh lễ khắp cùng sáu phương?

Thiện Sanh trước Phật tỏ tường,

Lúc cha con chết, người luôn dạy rằng:

Nếu con muốn đáp thâm ân,

Phải thường mỗi sáng lễ thần sáu phương.O

*

Thế Tôn giảng giải pháp lành,

Cho người nhân nghĩa tín thành hiếu trung.

Nhân vì cách lễ sáu phương

Phật nói diệu nghĩa tỏ tường thâm sâu.

Thiện Sanh lạy Phật mong cầu,

Xin Ngài chỉ dạy trước sau ghi lòng.

Cho con hiểu rõ cội nguồn,

Cho trí con sáng tâm buông mê lầm.

*

Phật liền ban dạy lời rằng:

Lắng nghe ! Con hãy ân cần lắng nghe !

Nghe rồi suy xét, hành trì,

Chuyên cần chánh niệm luôn khi khôngdừng. O

I.

1. Thực hành mười bốn pháp thường,

Để mà che chở sáu phương an lành.

Gọi là khéo sống, khéo hành,

Không cho bốn nghiệp phát sanh não phiền.

Tiêu trừ bốn nghiệp trước tiên,

Dối gian, trộm cướp, sát sinh, dâm loàn.

Bốn nhân sinh nghiệp hung tàn,

Tham lam, sân hận, kinh hoàng, ngu si.

Sáu nhân xui khiến tài suy:

“Rong chơi lêu lỏng; rượu chè buông lung,

La cà đàn hát tiệc tùng;

Đam mê cờ bạc; rối tung cửa nhà;

Giao du bè bạn xấu xa;

Trây lười biếng nhác, sanh ra đủ điều.”O

*

2. Sáu nhân phá sản hại nhiều,

Mỗi nhân còn có sáu điều hiểm nguy.

2.1 Sáu điều hại của rượuchè,

Tiềm tàng trong cái đam mê rượu nồng:

Làm cho tốn của hao tài;

Dễ sinh gây gỗ; người ngoài miệt khinh;

Dễ dàng bệnh tật nảy sinh;

Tổn thương danh dự thật tình đâu hay;

Xấu danh mất nết thẹn thay;

Lại còn trí lực mỗi ngày một suy. O

*

2.2 Rong chơi lêu lỏng thường thì,

Tự mang sáu nghiệp hiểm nguy vô mình:

“Tựthân không thể giữ gìn;

Vợ con đâu dễ được mình chở che;

Bảo trì tài sản dễ gì;

Xảy ra việc ác, người nghi cho liền;

Nạn nhân: miệng tiếng huyên thuyên;

Tự mình chuốt lấy lụy phiền thương đau;

Du hành đường phố trái thời,

Sáu điều tai hại xin người tránh xa.” O

*

2.3 La cà tửu điếm phòng trà,

Tự mình chuốc lấy ác tà đấy thôi:

“Tâm bị đàn hát cuốn lôi,

Tâm bị điệu múa gọi mời đắm say.

Tâm mê tiếng chúc tụng hay,

Tâm theo tiếng nhạc quên ngày trôi qua.

Tâm mê tiếng ngọt lời ca.

Vui theo tay nhịp tâm xa pháp lành.”O

*

2.4 Đam mê cờ bạc đỏ đen,

Sáu điều nguy hại thường xuyên đó là:

“Thắng thì kẻ oán hận ta;

Thua thì cay cú thành ra muộn phiền;

Hiện thời suy sụp của tiền;

Những điều mình nói ai thèm tin đâu;

Hãy tránh loại bạn ấy mau;

Gần chuốc tai hoạ, xa nhau an bình.” O

*

2.5 Sáu điều nguy hại thường rình,

Giao du bạn ác mất mình dễ thay:

“Chỉ vì cờ bạc chuyền tay;

Chỉ vì đàn điếm tâm nay đổi màu;

Chỉ vì trục lợi tham tàn;

Chỉ vì lường gạt, mưu toan hại người.”O

*

2.6 Sáu điều tai hại cho người,

Cũng vì biếng nhác trây lười sinh ra:

“Lạnh không làm việc, nệ hà;

Nắng thì nực nội rồi ra không làm;

Trễ thì sợ việc không kham;

Sớm thì ngại khó không làm được đâu;

Đói thì thấy việc càu nhàu;

No thì tức bụng không sao mà chìu.”O

*

II.

1. Những người tham muốn đủ điều,

Những người làm ít nói nhiều, nịnh ta.

Những người hoang đãng tiêu pha,

Đó là bốn loại phải xa chớ gần.

*

1.1Loại người cho ít xin nhiều,

Vật gì cũng lấy, đặt điều mưu toan,

Loại người vì sợ mà làm

Bốn loại người ấy chớ ham đến gần.O

*

1.2 Loại người quỳ lụy thường là:

“Mọi điều mới cũ làm ra thân tình.

Khéo lời cốt lợi cho mình,

Khi mà đến việc lộ hình ra thôi.

Vô tài bất lực hỡi ôi !

Bấy giờ mới rõ lòngngười trắng đen.”O

*

1.3 Loại người nịnh hót sợ thay:

“Gặp điều bất chính vỗ tayđồng tình.

Loại người tâm thiện không sinh,

Khen mình trước mặt, đâm mình sau lưng.” O

*

1.4 Loại người hoang đãng khốn cùng,

Bốn điều vẫn khiến họa chung đó là:

“Bạn khi chè rượu la cà;

Bạn khi đình đám xa hoa tiệc tùng;

Bạn khi đàn hát buông lung;

Bạn khi cờ bạc chung cùng không xa.” O

*

2. Bạn nên gần gũi đó là:

“Bạn từng giúp đỡ cho ta rộng đường;

Bạn khi cùng cực tìm nương;

Bạn khi sung sướng cũng thường vui lây;

Bạn cùng vui sướng hôm nay;

Bạn khi đau khổ vơi đầy thương ta.” O

*

Bạn bè cần chỗ thật thà,

Suy cùng bốn hạng để mà kết thân:

“Một là chung thuỷ thật tâm;

Hai là nhân hậu quên thân chí tình;

Ba là lợi lạc hết mình;

Bốn là nhân ái tận tình với ta.” O

*

2.1 Bạn bè chung thuỷ đó là:

“Những điều thầm kín đưa ra tâm tình.

Giữ gìn bí mật bạn mình,

Không hề bỏ bạn mặc tình khó khăn.

Xả thân vì nghĩa kim bằng.”

Đó là bốn việc bạn hằng cho ta. O

*

2.2 Bạn bè nhân hậu thường là:

“Thấy bạn lêu lổng, thiết tha khuyên về.

Giữ dùm của cải chẳng nề,

Là nơi nương tựa những khi hãi hùng.

Nguy nan giúp đỡ đến cùng,

Đó là bạn hữu thực lòng giúp ta.” O

*

2.3 Bạn bè lợi lạc thường là:

“Cản ngăn việc ác khi ta thực hành.

Động viên khuyến khích làm lành,

Nói những việc lợi mà mình chưa nghe.

Chỉ đường sinh cõi trời kia.”

Đó là bốn việc thực thi bạn hiền. O

*

2.4 Bạn bè nhân ái thường quen:

“Thấy người hoạn nạn vực lên không cười.

Thấy người hạnh phúc thì vui,

Cản ngăn lời ác dắt lui bạn mình.

Ai ca ngợi bạn thực tình,

Lại càng khuyến khích đồng thanh thêmvào.”O

*

III

Sáu phương cần hiểu như sau:

Mẹ cha ơn nặng hàng đầu: Phương Đông.

Phương Nam thầy dạy mở lòng,

Phương Tây là hướng vợ chồng đấy thôi.

Bạn bè phương Bắc rõ rồi,

Người làm: phương Dưới dễ thời không thông.

Phương Trên là hướng Sa-môn,

Bà-la-môn cũng được tôn phương này.

Sáu phương yên ổn đủ đầy,

Tinh tấn hộ niệm chớ hay biếng lười. O

*

1. Năm điều con cái phải ghi:

“Dưỡng nuôi cha mẹ hộ trì phương Đông;

Mẹ cha cung phụng hết lòng;

Mọi điều gánh vác, đề phòng chuyện xa;

Giữ gìn truyền thống của nhà;

Đó mới thật xứng hưởng gia tài Người

Cúng dường hiếu thảo mẹ cha,

Lúc còn tại thế hay qua đời rồi.”O

*

2. Được con cư xử thế thời,

Năm điều cha mẹ khôn nguôi thực hành.

Những gì năm việc trọng khinh ?

“Ngăn con những việc dễ sinh ác tà.

Dạy con tâm thẳng, thật thà ,

Thương con chân thật, bao la bể trời.

Thương con vô tận ngàn khơi,

Gả chồng dựng vợ yên đời cho con.

Phương Đông sẽ được bình an,

Mọi điều an ổn vô vàn lo chi.”O

3. Năm điều đệ tử thường ghi,

“Phụng thờ thầy giáo hộ trì phương Nam.

Cung nghinh chào kính đàng hoàng,

Đi theo phụng sự đảm đang đúng thì.

Mọi điều lo liệu chẳng vì,

Chú tâm thâu đạt những khi học hành.O

*

4. Được trò tôn trọng thật tình,

Năm điều thầy giáo dặn mình nên theo:

“Dạy điều đã hiểu thật nhiều,

Bảo ban mọi thứ, thường theo hộ trì.

Dạy trò không dấu điều gì,

Ngợi khen những việc đáng thì ngợi khen.

Thầy cần dạy dỗ trò nên,

Trò thì nương bóng thầy trên đường đời.”

Phương Nam được chở che rồi,

Không còn kinh hoảng, hẳn thời sợ chi.     O

*

5. Năm điều chồng phải khắc ghi,

Để mà đối đãi hộ trì phương Tây.

“Ngọt ngào yêu mến vợ hoài,

Không thường phiền nhiễu hay bày miệt khinh.

Đặt niềm tin tưởng chân thành,

Giao quyền cho vợ“tự mình nội gia”,

Sửa sang trang điểm vợ ta,

Những điều hợp lý thì ta nên chìu.”O

*

6. Được chồng đối xử tin yêu,

Vợ dùng năm cách noi theo tỏ lòng:

“Luôn luôn thành tín với chồng,

Hai bên thân quyến coi đồng như nhau.

Giữ gìn tài sản chồng giao,

Khéo làm tròn phận nâng cao gia đình.

Siêng năng tháo vát tận tình,

Thông minh thu vén gia đình yên vui.”

Phương Tây được chở che rồi,

Không còn kinh hoảng yên vui sợ gì.         O

*

7. Họ hàng bè bạn tốt nhau,

Năm điều cư xử làm đầu nhớ ghi.

“Là giúp đỡ lúc hàn vi,

Đó là chỗ dựa những khi nguy nàn.

Đó là tôn trọng họ hàng,

Đó là sướng khổ kinh hoàng có nhau.

Đó là giữ của bạn giao,

Mọi điều chân thật chớ nào giấu chi.”O

*

8. Được người đối xử vậy thì,

Năm điều phải giữ hộ trì Bắc phương.

“Đó là chia sẻ vui buồn,

Đó là lời nói thân thương ngọt ngào.

Đó là lợi lạc cho nhau,

Đó là thành thật trước sau rõ ràng.” O

*

9. Năm điều chủ phải nên làm,

Hộ trì phương Dưới thương hàng công nhân.

“Việc thì tuỳ sức chia phân,

Công lao sòng phẳng, uống ăn đủ đầy.

Bệnh thời chạy chữa tìm thầy,

Tận tâm thương mến tiếp tay giúp người.

Mệt thì cho phép nghỉ ngơi.”

Đó là năm việc chủ thời khắc ghi. O

*

10. Đấy là trách nhiệm chủ nhân,

Còn người giúp việc cũng cần hành theo.

“Dậy thường trước chủ ít nhiều,

Ngủ thời sau chủ là điều dĩ nhiên.

Bằng lòng của cải hiện tiền,

Siêng năng khéo léo, thường xuyên chuyên cần.

Với bè bạn khách tương lân,

Thực tâm khen chủ, ân nhân của mình.”

Được vầy phương Dưới yên bình,

Còn gì phải sợ phải gìn giữ luôn.O

*

11. Thiện Sanh: Phải khắc tâm thường,

Năm điều luôn giữ cúng dường Sa-môn.

Hộ trì như vậy phương Trên,

“Hết lòng từ thiện thường xuyên tinh cần.

Có lòng từ thiện nói năng,

Có lòng từ thiện ý căn bảo tồn.

Có lòng tiếp đón Sa-môn,

Một lòng tha thiết chí tôn cúng dường.

Thiện nam, tín nữ hãy thường,

Trọn lòng cung kính cúng dường Sa-môn.”O

*

Bậc Sa-môn dạy năm điều,

Khuyên người lánh ác tạo nhiều phước duyên.

Pháp môn vi diệu vô biên

Tâm từ nhắc nhở dạy khuyên từng lời.

Dạy điều chưa biết để tường,

Dạy điều đã biết để thường trau tâm.

Giúp người hiểu pháp thậm thâm,

Chân tình giúp họ gieo mầm sanh thiên.”

Làm tròn năm pháp dạy khuyên

Phường Trên an ổn cửa thiền lạc bang.      O

*

Thế Tôn giảng dạy vừa xong,

Ngài liền tóm tắt mấy dòng kệ sau:

Phương Đông: cha mẹ đứng đầu,

Phương Nam là hướng bấy lâu cho thầy.

Vợ chồng là chính phương Tây,

Bạn bè: phương Bắc xưa nay đấy mà.

Người làm: phương Dưới đâu xa,

Phương Trên đức cả chính là Sa-môn.O

Dù bậc trưởng giả sang giàu

Hay con trưởng giả tâm đâu khác gì,

Giáo pháp vi diệu cao nghì

Một lòng tôn kính đương khi ở đời.

Chết thì sanh được cõi trời,

Sống thì an tịnh làm người vui thay.

Những ai đức hạnh đủ đầy,

Lời thường hòa nhã, tỏ bày thanh tao.

Lợi người đừng nệ chút nào,

Cân phân lợi lộc làm sao cho đồng.

Của mình cho họ hưởng cùng,

Rõ ràng bốn việc này không dễ làm.

Như xe chở nặng khó kham,

Nếu không bốn việc lại càng khó hơn.

Những ai hiếu dưỡng song đường,

Pháp này trong cõi vô thường nhân gian.O

Khiến người có trí vui làm,

Được thì quả lớn, danh càng lan xa.

Cúng dường những bậc xuất gia,

Chỗ ngồi, tứ sự cùng là thức ăn.

Những gì thiết yếu cúng dâng,

Nhờ vào phước cúng, tiếng tăm lan truyền. O

Không vì tư lợi nhỏ nhen,

Thấy điều lợi lạc thì khuyên nên làm.

Dưới trên hoà thuận hợp bàn,

Ắt là danh dự lại càng tăng thêm.

Học nghề là việc trước tiên,

Rồi sau mới nghĩ thu thêm lợi vào.

Khi nào tiền của dồi dào,

Bảo trì cẩn thận trước sau giữ gìn.

Tiêu xài phung phí không nên,

Chọn người kết bạn trước tiên cũng cần.

Hạng người gây sự xảo tâm,

Thà rằng không bạn, chứ đừng giao du.

Của tiền tích lũy từ từ,

Như ong làm mật cần cù siêng năng.

Cũng như của báu góp dần,

Trước còn ít ỏi, lần lần có dư.

Một là ăn uống đủ thôi,

Hai là làm việc ở đời siêng năng.

Ba là tích trữ khi cần,

Dự phòng những lúc khó khăn khỏi buồn.

Bốn là buôn bán làm vườn,

Cấy cày chọn đất để thường tốt luôn.

Năm là xây dựng chùa chiền,

Sáu là nhà cửa cúng dường chư tăng.

Tại gia sáu việc ấy cần,

Thường xuyên chú ý thật tâm đúng thời.

Ai làm như vậy được rồi,

Cửa nhà vững chắc yên vui ai bằng.O

*

Thiện Sanh lúc ấy thưa rằng:

Điều này quá chỗ còn hằng mong đây.

Pháp Thế Tôn vi diệu thay,

Nhờ Ngài giảng giải lời này cho con.

Xưa con úp mặt chưa khôn,

Nay con ngước mặt đã trông thấy rồi.

Như điều đậy kín bao đời,

Bây giờ đã rõ nhờ Ngài mở ra.

Như mê vừa tỉnh vậy mà,

Như trong nhà tối người ta lên đèn.

Để người có mắt được nhìn,

Rõ ràng những thứ đắm chìm xung quanh. O

*

Thế Tôn thuyết pháp tài tình,

Ngài dùng phương tiện tùy duyên diễn bày.

Thế Tôn thuyết pháp kỳ tài

Ngài dùng phương tiện để khai ngộ người.

Phàm phu ngu muội rối bời,

Được nghe thời pháp sáng soi tâm hồn.

Vì sao ai đã biết không ?

Bởi vì Phật vốn tương đồng Thế Tôn.

Vốn là chánh đẳng xưa nay,

Vốn là chánh giác thường khai mở đường.

Để người ngu muội náu nương,

Như là nương ánh thái dương rạng ngời.O

***

Con xin kính cẩn vâng lời,

Nương Phật, nương Pháp đồng thời nươngTăng.

Xin Ngài thương kiếp nhiễu nhương,

Cho con xin được về nương pháp lành.

Trọn đời tự nguyện lòng mình,

Các điều trộm cắp, sát sinh không gần.

Xa lìa gian dối, tà dâm,

Một lòng thanh tịnh, tinh cần siêng năng.

Nghe lời Phật dạy ân cần,

Thiện Sanh hoan hỉ thành tâm phụng hành. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Bảy Loại Vợ

Thứ mười hai

Chính tôi được nghe, một buổi sáng nọ, Đức Phật đến dự lễ cúng dường tại nhà của cư sĩ Cấp Cô Độc. Khi thân hành tới nơi, Đức Phật thoáng nghe những lời chửi bới ồn ào vọng lên từ sau nhà. Ngài hỏi cư sĩ Cấp Cô Độc rằng: O


- Này cư sĩ, trong nhà có việc gì mà ồn ào như thế ?


Cư sĩ Cấp Cô Độc thẹn thùng cung kính thưa rằng:


- Bạch Đức Thế Tôn, đó là sự ngỗ nghịch lớn tiếng của nàng dâu của con, Su-cha-ta. Tuy là dâu trong gia đình, nhưng nó ỷ vào sự giàu có của gia đình cha mẹ ruột nên nó thất lễ, không chịu vâng lời, không biết cung kính cha mẹ chồng. Bạch Đức Thế Tôn, ngay cả chồng nó, nó cũng xử sự thô lỗ và vô lễ như vậy. Ngoài ra, nó cũng không biết cung kính đảnh lễ những Bậc Đạo Sư. Dù biết Thế Tôn thân lâm, nó cũng không tỏ ra trọng nể, vẫn ồn ào lớn tiếng nãy giờ. Kính xin Thế Tôn từ bi cảm hóa nó.


Lúc bấy giờ Đức Phật cho gọi nàng dâu ra và dạy rằng: O


- Này Su-cha-ta, có bảy loại người vợ trên đời này. Con hãy chín chắn suy nghĩ, so sánh và trả lời cho Như Lai biết con thuộc loại vợ nào:


- Một là vợ như kẻ sát nhân.


- Hai là vợ như người ăn trộm.


- Ba là vợ như chủ nhân.


- Bốn là vợ như người mẹ.


- Năm là vợ như người em.


- Sáu là vợ như người bạn.


- Bảy là vợ như người hầu. O


***


Với gương hạnh hiền từ, cứu độ của Đức Phật, nàng dâu bắt đầu tỏ ra vâng phục rồi lễ phép thưa:


- Bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài quá ngắn gọn, con không thể hiểu được. Kính xin Ngài từ bi chỉ dạy cặn kẽ thêm.


Lúc ấy, Đức Phật ân cần dạy như sau:


- Một là, Người vợ nào có tâm địa hiểm độc, hai lòng không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với các đàn ông khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh bỉ chồng và tính tình hiếu sát. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ sát nhân. O


- Hai là, người vợ nào không chung lo kinh tế gia đình, trái lại còn tiêu xài hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra. Người vợ như vậy Như Lai gọi là loại vợ trộm cướp. O


- Ba là, người vợ nào sống ỷ lại, lười biếng, không có lời từ ái, nhu hòa với chồng mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, lấn lướt chồng. Người vợ như vậy Như Lai gọi là vợ chủ nhân. O


- Bốn là, người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như mẹ. O


- Năm là, người vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và thuận phục chồng mình như đối với một người anh trong gia đình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như em. O


- Sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như bạn. O


- Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người hầu. O


- Này Su-cha-ta, trong bảy loại người vợ mà Như Lai vừa nói, ba hạng đầu là loại vợ như sát nhân, như những người bất hảo, do đó con nên xa tránh. Những hạng vợ như vậy do sống không giới hạnh, ác khẩu và vô lễ, sau khi qua đời phải sanh vào cõi xấu. Bốn loại vợ sau là đáng tôn kính và noi theo. Đó là vợ như mẹ, vợ như em, vợ như bạn và vợ như người hầu. Những hạng vợ này khi sống thì tạo ra hạnh phúc cho gia đình và con cái; khi qua đời thì được sanh vào cõi lành. O


***


Nghe Đức Phật ân cần giáo dục, nàng dâu của cư sĩ Cấp Cô Độc tỏ ra ân hận và thành tâm sám-hối. Nàng phát nguyện sẽ chung sống và phụng sự chồng với tư cách như người hầu. Từ đó, gia đình của cư sĩ Cấp Cô Độc trở nên đầm ấm, an lạc và hạnh phúc thật sự. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Người Vợ Mẫu Mực

Thứ mười ba

Chính tôi được nghe, lúc Đức Thế Tôn còn lưu trú tại vùng Ba-ga thì sự việc này xảy ra. Cha và mẹ của Na-ku-la là một trong những cặp vợ chồng giàu có nhất ở vùng này. Họ cũng còn là các Phật tử thuần thành, gương mẫu. Càng về già, cha của Na-ku-la càng lâm trọng bệnh. Một hôm nọ, bệnh của ông trở nên ngặt nghèo hơn nhưng vợ ông vẫn bình tĩnh và khích lệ chồng đúng tinh thần chánh Pháp. O


***


- Anh thương yêu của em, chúng ta là đệ tử của Đức Thế Tôn, chớ rời bỏ xác thân này với một tâm hồn còn đầy ái luyến, vì đây là nghiệp cuối đời không tốt cho sự tái sinh. Thế Tôn luôn quở trách điều này.


- Anh thương yêu của em, người hãy an nhiên mà ra đi, đừng có bận lòng, lo lắng: “Vợ ta sẽ không đủ sức nuôi dưỡng các con và không thể xoay sở nổi cho gia đình.” Xin anh chớ có lo lắng như vậy. Về phần mình, em sẽ cố gắng dệt vải nhiều hơn, chải lông cừu nhiều hơn. Em có thể thay thế anh nuôi nấng và giáo dục cho con cái nên người. Em sẽ lo chu tất cho gia đình mình. O


- Anh thương yêu của em, anh chớ lo lắng: “Vợ ta sẽ bước thêm một bước nữa, sẽ tái giá với người khác.” Trong suốt bao nhiêu năm chúng ta chung sống, anh đã dư biết tiết hạnh của em như thế nào rồi. Em sẽ giữ tiết hạnh ấy cho đến suốt đời. Xin anh chớ có ra đi với một tâm hồn còn đầy ái luyến. Thế tôn luôn quở trách điều đó. O


- Anh thương yêu của em, xin chớ có lo lắng: “Vợ ta sẽ không tiếp tục vâng giữ giới hạnh đầy đủ, sẽ không còn tu tập, sẽ không thể đi vào và sống trong chánh pháp của Đức Thế Tôn.” Xin anh hãy an tâm, khi nào em còn là đệ tử của Đức Thế Tôn thì khi đó em sẽ còn vâng giữ, tu tập, và sống với chánh pháp. O


- Anh thương yêu của em, đó là những điều tâm huyết của em mà bản thân anh cũng đã thừa biết trong những năm tháng chúng ta chung sống hạnh phúc bên nhau, em xin nhắc lại để anh an tâm. Nếu có điều gì nghi vấn, anh có thể cho người đến thưa hỏi Thế Tôn, hiện nay Ngài đang lưu trú ở vùng Ba-ga. Xin anh hãy an nhiên dù có phải ra đi. Chớ để tâm tư bị vẩn đục bởi những lo lắng, ái luyến trong giờ phút quan trọng này. O


Nghe những lời nhắc nhở chân thành, đầy thương mến của vợ, sức sống của ông dường như trỗi dậy hơn bao giờ hết. Ông toát mồ hôi, cảm thấy thoải mái lạ thường và biết rằng mình vừa thoát qua cơn bệnh trầm kha. Ông vô cùng cảm động và sung sướng. Vài hôm sau, ông và vợ thân hành yết kiến Đức Thế Tôn, bày tỏ niềm hạnh phúc của mình. Sau khi nghe ông trình bày, Đức Phật liền dạy rằng:


- Này gia chủ, thật là một diễm phúc cho ông được vợ khéo khích lệ, nhắc nhở trong lúc lâm trọng bệnh. Ông hãy an tâm. Những lời của nữ gia chủ, vợ ông đều đúng với những gì Như Lai đã dạy. Nữ gia chủ, mẹ của Na-ku-la là một người vợ lý tưởng. O


***


Khi nghe Đức Phật xác tín và tán thán, các cặp vợ chồng có mặt lúc đó đều vui mừng và phát nguyện sống vì hạnh phúc cho nhau ở đời này và đời sau. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Giáo Hóa Người Bệnh

Thứ mười bốn

Đây là những điều mà tôi được nghe hồi Đức Phật còn cư trú tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ-đà, gần thành Xá-vệ.


Một hôm trưởng giả Cấp Cô Độc bị bệnh nặng, tôn giả Xá-lợi-phất được báo tin, liền tìm đến Tôn giả A-nan-đa và nói: O


Sư đệ nên cùng ta đi thăm cư sĩ Cấp Cô Độc.


Tôn giả A-nan-đa trả lời:


- Đi bây giờ là đúng lúc.


Tôn giả A-nan-đa khoác y mang bát cùng với tôn giả Xá-lợi-phất đi vào thành Xá-vệ để khất thực . Hai vị tuần tự đi từng nhà cho đến khi tới nhà trưởng giả Cấp Cô Độc thì ghé vào thăm. Ngồi trên ghế, đại đức Xá-lợi-phất hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc rằng: O


- Bệnh tình của cư sĩ thế nào? Có tăng có giảm gì không? Những đau đớn trong cơ thể có từ từ bớt đi chút nào không, hay là lại gia tăng ?


Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời:


- Thưa quý đại đức, bệnh tình của con không thấy thuyên giảm. Những đau đớn trong cơ thể đã không bớt đi mà càng lúc càng tăng.


Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:


- Bây giờ đây, cư sĩ nên thực tập quán niệm về Phật, về Pháp, về Tăng. Cư sĩ quán niệm như sau: O


- Phật là Như Lai, là bậc Giác Ngộ chân chính và cao tột, Người là bậc Minh Hạnh Túc, Người là bậc Thiện Thệ, Người là bậc Thế Gian Giải, Người là bậc Vô Thượng Sĩ, Người là bậc Điều Ngự Trượng Phu, Người là bậc Thầy của Trời và Người, người là Phật, người là bậc Thế Tôn. O


- Pháp là giáo lý do Như Lai chỉ dạy, rất thâm diệu, rất đáng tôn kính, rất đáng quý trọng, không có đạo lý nào sánh bằng. Đó là con đường thực tập của các bậc hiền thánh. O


- Tăng là đoàn thể tu học dưới sự chỉ dẫn của Như Lai, trên thuận dưới hòa không có tranh chấp, pháp nào cũng tu tập được thành tựu. Đoàn thể tôn nghiêm thánh thiện này thành tựu được Giới, thành tựu được Định, thành tựu được Tuệ, thành tựu được Giải Thoát. Tăng là phước điền vô thượng của thế gian. O


- Nay cư sĩ thực tập quán niệm như thế về Phật, về Pháp, về Tăng thì công đức không thể nghĩ lường được. Quán niệm như thế thì tiêu diệt tội chướng và phiền não, thu hoạch được những kết quả ngọt ngào, tươi mát như cam lộ. Vị cư sĩ nam và cư sĩ nữ nào biết quán niệm về Tam Bảo thì chắc chắn sẽ không bao giờ đọa vào ba con đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, trái lại sẽ được sinh ra trong những hoàn cảnh tốt ở cõi trời và cõi người.

***


- Bây giờ đây, cư sĩ hãy quán niệm như sau về các giác quan:O

Con mắt này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào con mắt này

Cái tai này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái tai này.

Cái mũi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái mũi này.

Cái lưỡi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái lưỡi này.

Thân thể này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào thân thể này.

Ý căn này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào ý căn này. O

***


- Cư sĩ quán niệm tiếp như sau về sáu đối tượng giác quan:

Những hình sắc này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những hình sắc này.

Những âm thanh này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những âm thanh này.

Những mùi hương này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những mùi hương này.

Những vị nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những vị nếm này.

Những xúc chạm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những xúc chạm này.

Những ý tưởng này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào những ý tưởng này. O

***


- Cư sĩ quán niệm tiếp như sau về sáu thức:

Cái thấy này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái thấy này.

Cái nghe này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nghe này.

Cái ngửi này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ngửi này.

Cái nếm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái nếm này.

Cái xúc chạm này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái xúc chạm này.

Cái ý thức này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái ý thức này. O

***


- Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu yếu tố:

Yếu tố đất không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố đất.

Yếu tố nước không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố nước.

Yếu tố lửa không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố lửa.

Yếu tố gió không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố gió.

Yếu tố không gian không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố không gian.

Yếu tố tâm thức không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào yếu tố tâm thức. O

***


Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về năm uẩn:

Hình sắc không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hình sắc.

Cảm thọ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi cảm thọ.

Tri giác không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tri giác.

Tâm hành không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tâm hành.

Nhận thức không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi nhận thức. O

***


- Cư sĩ hãy quán niệm như sau về thời gian:

Quá khứ không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi quá khứ.

Hiện tại không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi hiện tại.

Tương lai không phải là tôi, tôi không bị giới hạn bởi tương lai. O


- Này cư sĩ ! Các pháp đều do nhân duyên sanh khởi và do nhân duyên mà hoại diệt. Thật ra tự tính của các pháp là không sanh cũng không diệt, không tới cũng không đi. Khi con mắt phát sinh, nó phát sinh, không từ đâu tới cả; khi con mắt hoại diệt, nó hoại diệt, nó không đi về đâu cả. Con mắt không phải không trước khi phát sinh, con mắt không phải có trước khi hoại diệt. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hội tụ mà thành. Nhân duyên đầy đủ thì con mắt có mặt, nhân duyên thiếu vắng thì con mắt vắng mặt. Điều này cũng đúng với tai, mũi, lưỡi, thân, ý; hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, ý tưởng; cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, xúc chạm, ý thức, sáu yếu tố, năm uẩn và thời gian. O


- Trong năm uẩn không có gì có thể được gọi là ta, là người, là thọ mạng. Không thấy được sự thực đó tức là vô minh. Vì vô minh mà có vọng động. Vì có vọng động mà có vọng thức. Vì vọng thức mà có sự phân biệt chủ thể và đối tượng nhận thức. Vì có chủ thể và đối tượng nhận thức mà có sự phân biệt sáu căn và sáu trần. Vì có sự phân biệt sáu căn và sáu trần mà có xúc chạm. Vì có xúc chạm mà có cảm thọ. Vì có cảm thọ mà có tham ái. Vì có tham ái mà có vướng mắc. Vì có vướng mắc mà có hiện hữu, sinh tử khổ não và ưu sầu, không thể kể xiết. O


- Cư sĩ ! Ông đã quán niệm để thấy được rằng mọi pháp đều do nhân duyên mà phát hiện và không có tự tánh riêng biệt. Đó gọi là phép quán niệm về KHÔNG, một phép quán niệm cao siêu vào bậc nhất. O


Thực tập đến đây, trưởng giả Cấp Cô Độc khóc, nước mắt chan hòa. Tôn giả A-nan-đa hỏi ông:


- Cư sĩ, vì sao mà ông khóc? Ông thực tập không thành công sao? Ông có tiếc nuối gì không ?


Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời:


- Thưa đại đức A-nan-đa, con không tiếc nuối gì hết, con thực tập rất thành công. Con khóc là vì con cảm động quá. Con được có cơ duyên phụng sự Đức Phật và các bậc cao đức đã từ lâu rồi mà con chưa từng được nghe giáo pháp vi diệu, mầu nhiệm và quý báu như hôm nay con được đại đức Xá-lợi-phất trao truyền.


Lúc ấy Tôn giả A-nan-đa bảo trưởng giả Cấp Cô Độc rằng: O


- Cư sĩ nên biết giáo pháp này các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni được nghe Phật giảng dạy rất thường.


Trưởng giả Cấp Cô Độc thưa:


- Bạch đại đức A-nan-đa, xin bạch lại với Đức Thế Tôn để giới cư sĩ chúng con cũng được nghe những giáo pháp vi diệu như những giáo pháp này. Có những người cư sĩ không đủ sức nghe, hiểu và hành trì những giáo pháp như giáo pháp này, nhưng cũng có những người cư sĩ có đủ sức nghe và hành trì những giáo pháp thâm diệu ấy. O


Nghe và thực hành xong, cư sĩ Cấp Cô Độc thấy trong người nhẹ nhàng, thanh thoát, ông phát được tâm vô thượng. Hai tôn giả Xá-lợi-phất và A-nan-đa vừa từ giã ra về thì cư sĩ Cấp Cô Độc mệnh chung và sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Mười Pháp Quán Niệm

Thứ mười lăm

Một thuở nọ gần thành Xá-vệ

Phật cùng hàng đệ tử ngự yên,

Tại nơi tinh xá Kỳ Viên,

Của Cấp Cô Độc làm duyên cúng dường.

- Lúc ấy có người vương bệnh nặng,

Thầy tỳ-kheo Gi-ri-ma-nan-đa,

Chịu nhiều đau đớn thiết tha,

Xót thương, đại đức A-nan-đa trình bày. O

- Vào đến chốn Thế Tôn đang ngự,

Đảnh lễ rồi cớ sự bạch qua,

Rằng Gi-ri-ma-nan-đa,

Thầy vương chứng bệnh trầm kha não nùng.

- Bạch Thế Tôn mở lòng từ ái,

Dời gót vào đến tại thất riêng,

Cứu thầy trong lúc bệnh duyên,

Hoành hành, đau đớn triền miên lâu ngày. O

*

- Liền lúc đó Thế Tôn bèn dạy,

A-nan-đa, ông phải thẳng qua

Chỗ thầy Gi-ri-ma-nan-đa,

Truyền mười pháp tưởng của ta chỉ bày.

- Pháp tưởng ấy tánh hay trừ bệnh,

Chẳng luận là căn bệnh chóng chầy,

Nếu thầy Gi-ri-ma-nan-đa,

Được nghe, lập tức bệnh đà giảm thuyên. O

- Mười pháp tưởng linh thiêng bao nả ?

Tưởng những là vô ngã, vô thường,

Bất tịnh lại dứt tình trường,

Sự khổ dứt bỏ thói thường cho xong.

- Tưởng tịch tịnh, tưởng không tham luyến,

Pháp thế gian lắm chuyện thị phi,

Tưởng đến những pháp hữu vi

Đều vô thường hết có chi bận lòng.

- Lại để ý bên trong hơi thở,

Hành đủ mười điều dạy của ta.

Lắng nghe nầy A-nan-đa,

Tưởng vô thườngấy nghĩa là làm sao ? O

*

- Vị hành giả đã vào Phật pháp,

Ở trong rừng, ở dưới cội cây,

Hoặc nơi thanh vắng không ai,

Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:

- Sắc, thọ, tưởng và cùng hành, thức

Đều vô thường một mực như nhau.

Ngũ uẩn chẳng luận uẩn nào.

Hành giả thấy uẩn đổi thay không thường.

- Tưởng ngũ uẩn vô thường như vậy

Như Lai cho tưởng ấy vô thường.

Lắng nghe này A-nan-đa

Còntưởng vô ngã, nghĩa là làm sao? O

*

- Mắt và sắc vốn đều chẳng thật,

Chẳng phải là vật thuộc của ta

Tai và các tiếng gần xa,

Vốn đều chẳng phải của ta đâu nào.

- Mũi lại với các mùi cả thảy,

Đều ở ngoài chẳng phải của ta,

Lưỡi cùng các vị nếm qua,

Thật đó chẳng phải của ta, chớ lầm.

- Thân thể với các đồ xúc chạm,

Chớ đảo điên cho đó là ta

Tâm cùng các pháp hà sa,

Cũng đều chẳng phải của ta mỗi phần.

- Hành giả tưởng căn trần như thế

Ngoài phạm vi chẳng kể của ta,

Lắng nghe này A-nan-đa,

Pháp tưởng vô ngã đó ta đã bày. O

*

- Tưởng bất tịnhlà điều chi vậy,

Người tu hành tưởng thấy trong thân.

Trên từ ngọn tóc xuống chân,

Có da bao bọc chung quanh cả mình.

- Trong chứa vật nhiều hình nhiều dáng,

Khác khác nhau nhưng đáng gớm ghê,

Tóc lông với móng răng da,

Thịt, gân, xương tủy, ruột già, ruột non.

- Thận, tim, gan, da non, lá lách

Phổi, phẩn, đàm, nước mắt, mồ hôi,

Mật cùng vật thực chưa tiêu,

Đầu da, mủ máu rất nhiều phần dơ.

- Mỡ, nhớt, mũi, chẳng bao giờ thiếu,

Nước miếng cùng nước tiểu dẫy đầy,

Hành giả tưởng các vật này,

Vốn nào sạch sẽ trong thây con người.

- A-nan-đa vậy ngươi cố nhớ,

Pháp ấy để tưởng sợ thân ta,

Lắng nghe này A-nan-đa,

Tưởng sự khổnghĩa là làm sao ? O

*

- Thân thể có dẫy đầy khổ não,

Tội lỗi gây quả báo về sau,

Bịnh căn khốn khó nhức đau,

Những bịnh hoạn ấy kể sao cho cùng.

- Như bịnh phát phần trong tai mũi,

Trong thân hình, trong lưỡi trong đầu,

Trong miệng, trong bụng đâu đâu,

Ngoài tai, ngoài mũi, khắp hầu châu thân.

- Bịnh ho suyễn, gầy lần bịnh nóng,

Bịnh chân răng, các giống lác, cùi

Bịnh bứu, sảy, mụn trên da,

Bịnh phong lao tổn thật là khổ thân.

- Bịnh chóng mặt, trái ban thổ huyết,

Trĩ nhức đau, chi xiết thúi tha,

Ghê thay ghẻ phỏng ngoài da,

Đau bụng, bịnh tả cùng là đàm xanh.

- Bịnh đau máu dễ thành chứng nặng,

Bịnh mật đau, huyết trắng, phong đàm,

Bịnh bón, bịnh lậu, khó kham,

Phong lở, đau mật, gió làm cho đau.

- Bệnh thời khí, bịnh do đánh đập,

Do bịnh duyên dồn dập từ xưa,

Do lạnh, do nóng không ưa,

Do đói, do khát, chẳng chừa một nhân.

- Tưởng sự khổ trong thân như thế,

Pháp ấy nhằm tưởng khổ thân ta,

Lắng nghe này A-nan-đa ,

Còn tưởng dứt bỏ nghĩa là làm sao ? O

*

- Vị hành giả đã vào Phật Pháp,

Không có lòng tham thọ dục chi,

Cố làm tiêu tán dứt đi,

Không cho sanh “dục tư duy” thường tình.

- Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,

Làm tiêu tan chẳng có chút chi,

Không cho sanh “hận tư duy”,

Thứ lòng cố chấp nghĩ suy oán thù.

- Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,

Làm tiêu tan chẳng có chút chi,

Không cho sanh “Khốn tư duy”,

Thứ lòng khốn khó nghĩ suy thực hành.

- Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,

Làm tiêu tan không để phát sanh,

Không cho nghiệp dữ tạo thành,

Nghiệp dữ đã có dần dần giảm thuyên.

- Này A-nan và hàng đại chúng,

Pháp ấy là pháp tưởng dứt trừ,

Chuyên cần tinh tấn lìa xa,

Tưởng dứt tình dụcnghĩa là làm sao ? O

*

- Vị hành giả đã vào Phật Pháp,

Ở trong rừng, ở dưới cội cây,

Hoặc nhà thanh vắng không ai.

Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:

- Dứt tình dục, nơi đây Bất diệt,

Là Niết-bàn trừ diệt sở hành,

Dứt bỏ, phiền não chẳng sanh,

Đoạn trừ ái dục, cội căn tuyệt rồi.

- Niết-bàn ấy vô hồi tịch tịnh,

Pháp môn nầy cao thượng sâu xa,

Lắng nghe này A-nan-đa

Tưởng dứt tình dục pháp ta giáo truyền. O

*

- Tưởng tịch tịnh,cơ duyên sao đó ?

Là Niết-bàn trừ diệt sở hành,

Dứt bỏ phiền não chẳng sanh,

Đoạn trừ ái dục cội căn tuyệt rồi.

- Niết-bàn ấy vô hồi tịch tịnh,

Pháp môn nầy cao thượng sâu xa,

Lắng nghe này A-nan-đa .

Đó pháp tịch tịnh do ta giáo truyền. O

*

- Sao gọi tưởng không duyên thế giới ?

Cái tâm nầy mong đợi, chấp nương,

Ái dục, với kiến thức thường,

Đoạn kiến cùng những não phiền thế gian.

- Cái tâm ấy thuộc hàng tâm ác,

Người tu hành trong pháp của ta,

Khi nào bỏ pháp ấy ra,

Không lòng cố chấp, vượt ra lưới trần.

- Pháp ấy gọi tưởng dừng, không tiến,

Hoặc là không tham luyến thế gian.

Lắng nghe này A-nan-đa,

Còn tưởng hành tác vô thường là sao ? O

Này hành giả, vị nào chán nản,

Hoặc gớm ghê, chẳng quản hành vi,

- Lắng nghe này A-nan-đa,

Đó Như Lai gọi hành vi vô thường. O

*

- Thế nào gọi niệm thường hơi thở ?

Vị hành giả hoặc ở trong rừng,

Trong nhà hoặc dưới cội cây,

Nên ngồi nhắm mắt, thân ngay im lìm.

- Ý chơn chánh nhập vào Thiền định.

Khi mọi bề yên tĩnh thản nhiên,

Chú tâm đề mục tham thiền,

Nhớ biết rõ rệt, thở vào thở ra.

- Thở ra dài cũng ra hơi vắn,

Thở vô mà có vắn hay dài,

Chú tâm cho rõ cả hai,

Hơi vô cũng nhớ, vắn dài phân minh.

- Vị hành giả chuyên tinh ròng rã,

Nhớ biết rằng: ta đã rõ ta,

Quán sát biết hơi thở ra,

Rõ rồi ta mới thở ra từ từ,

- Vị hành giả cũng như thế ấy,

Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô,

Biết rằng: ta rõ hơi vô,

Niệm xong rồi mới thở vô lần lần. O

- Vị hành giả chuyên cần ròng rã,

Nhớ biết rằng ta đã biết ta,

Quán sát diệt hơi thở ra,

Niệm xong rồi mới thở ra từ từ.

- Vị hành giả cũng như thế ấy,

Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô.

Biết rằng: Ta diệt hơi vô,

Niệm xong rồi mới thở vô lần lần. O

- Vị hành giả chuyên cần một mực

Ta biết rằng: ta thật biết rành,

Những điều thọ sướng vui mừng,

Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.

- Vị hành giả chú tâm một mực,

Tự biết rằng: Ta thật biết rành

Những điều thọ sướng vui mừng,

Niệm xong rồi mới lần lần thở vô. O

*

- Vị hành giả nhất tâm chuyên chú

Tự biết rằng: rõ thú yên vui,

Phân minh biết được rõ rồi,

Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.

- Vị hành giả nhiếp tâm một mực,

Nhớ biết rằng ta thật biết mùi

Của các thú vị yên vui

Niệm xong rồi mới lần lần thở vô. O

- Vị hành giả quán vào hơi thở,

Tự biết là rõ khắp tâm hành

Biết cho rõ rệt đành rành,

Niệm xong rồi mới thực hành thở ra.

- Vị hành giả nhất tâm tinh tấn,

Luôn chuyên cần đặng phấn chí lành,

Biết rằng: ta rõ tâm hành,

Niệm xong rồi mới thực hành thở vô. O

- Vị hành giả quán vào hơi thở,

Tự biết rằng: diệt tắt tâm hành,

Biết cho rõ rệt đành rành,

Niệm xong rồi mới thực hành thở ra.

- Vị hành giả nhất tâm tinh tấn,

Luôn chuyên cần đặng phấn chí lành

Biết rằng ta diệt tâm hành

Niệm xong rồi mới thực hành thở vô. O

*

- Hành giả không mơ hồ chán nản,

Vẫn tinh cần quán sát rõ ràng,

Biết rằng ta đã rõ tâm,

Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.

- Hành giả tự biết ta thành thiệt,

Vốn là người đã biết rõ tâm,

Biết cho rõ rệt không lầm,

Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô. O

- Vị hành giả trong mô phạm ấy,

Vẫn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,

Làm tâm được thơ thới ra,

Niệm xong rồi mới khởi mà thở ra.

- Vị hành giả hành như thế ấy,

Luôn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,

Làm tâm được thơ thới ra,

Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô. O

- Vị hành giả nên hành nhẫn nại,

Chánh niệm rằng ta phải giữ tâm,

Quân bình trong các cảnh trần,

Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.

- Vị hành giả nên hành như trước,

Chánh niệm rằng ta giữ được tâm,

Quân bình trong các cảnh trần,

Niệm xong rồi mới lần lần thở vô. O

*

- Vị hành giả nhiệt tâm tinh tấn,

Chánh niệm rằng ta giải thoát tâm,

Khỏi năm pháp chướng ngại tâm,

Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.

- Vị hành giả nhiệt tâm tinh tấn,

Chánh niệm rằng ta giải thoát tâm,

Khỏi năm pháp chướng ngại tâm,

Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô. O

- Hành giả xét vô thường biến đổi,

Mọi vật đều sanh diệt không lường,

Năm uẩn đều là vô thường,

Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.

- Vị hành giả hành trì như thế,

Rằng ta hằng thấy hiện tinh tường,

Năm uẩn đều là vô thường,

Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô. O

- Hành giả để tâm vô đề mục,

Rằng pháp trừ tình dục mà ta,

Là người hằng được thấy qua,

Niệm xong rồi mới thở ra lần lần.

- Vị hành giả chuyên cần đề mục,

Rằng pháp trừ tình dục mà ta,

Là người hằng được thấy qua,

Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô. O

*

- Vị hành giả tự cho hằng thấy,

Pháp tịch tịnh pháp ấy được yên,

Khỏi điều thống khổ triền miên,

Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.

- Vị hành giả rằng ta thấy rõ,

Pháp tịch tịnh pháp ấy được yên,

Khỏi điều thống khổ triền miên,

Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô. O

- Vị hành giả tự cho thấy rõ,

Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,

Chuyên cần niệm, chẳng hoãn duyên,

Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.

- Vị hành giả rằng: ta thấy rõ,

Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,

Chuyên cần niệm, chẳng hoãn duyên,

Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô. O

- Điều ấy gọi niệm vô hơi thở,

Nếu ông đi đến chỗ bệnh nhân,

Thầy Gi-ri-ma-nan-đa

Thì nên giảng giải pháp ta chỉ bày. O

*

- Mười pháp tưởng nhân hay diệt bệnh,

Làm cho thầy Gi-ri-ma-nan-đa

Chỉ trong giây phút thoáng qua,

Căn bệnh thuyên giảm chắc là không sai.

- Liền theo đó A-nan-đa học,

Pháp tưởng này của Đức Thế Tôn,

Rồi đem truyền đến Sa-môn,

Người đương bệnh hoạn dập dồn bấy lâu. O

- Nhờ nghe được pháp mầu quán tưởng,

Bệnh của thầy Gi-ri-ma-nan-đa

Giảm thuyên rồi khỏi hẳn ra,

Chỉ trong giây phút thoáng qua không chầy.

- Diệt căn bệnh của thầy trầm trọng,

Chính cho thầy Gi-ri-ma-nan-đa

Được nghe pháp tưởng sâu xa,

Phật truyền cho đức A-nan-đa giải bày. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Qui Luật cái Chết

Thứ mười sáu


Chính tôi được nghe, một hôm nọ khi vua Ba-tư-nặc đang chăm chú nghe Đức Phật khai thị pháp yếu, bỗng có một viên lính ngự lâm, cung kính vào kề tai nhà vua báo tin rằng Hoàng hậu Ma-li-ka vừa mạng chung. Nghe hung tin, bất giác vua Ba-tư-nặc đờ người, dáng vẻ sững sờ, mất hết thần sắc. Nhân đó, Đức Phật đã tuyên nói về quy luật của cái chết như sau: O


- Thưa đại vương, bất luận là ai, dù là Sa-môn, Bà-la-môn hay Phạm Thiên, dù là vua hay dân, hễ ai có sự sống thì không thể tránh khỏi bốn quy luật này:


Một là phải bị già.

Hai là phải bị bệnh.

Ba là phải bị chết.

Bốn là phải bị hoại.O


- Thưa đại vương, đối với ai chưa nhận thức rõ được quy luật này thì khi phải bị già và già đến, khi phải bị bệnh và bệnh đến, khi phải bị chết và chết đến, khi phải bị hoại và hoại đến, sẽ bị đau khổ và sầu muộn chinh phục và khống chế. Sự tình như vậy quả thật là bất lợi và bất hạnh lâu dài.O


- Thưa đại vương sống chết là một quy luật mà con người và các loài hữu tình phải có một lần trải qua. Do đó, đại vương nên tâm niệm rằng: “Không phải chỉ riêng ta lâm vào cảnh biệt ly đau đớn như vậy. Các loài hữu tình có đến phải có đi, có sanh phải có diệt, có hợp phải có tan. Quy luật này không ai có thể tránh khỏi.” O


- Thưa đại vương, nếu đại vương không nhận thức được điều đó, đại vương sẽ bị đau khổ, than khóc; bất tỉnh khống chế và chinh phục. Lúc ấy đại vương có thể biếng ăn, nhác ngủ. Thân thể và tôn nhan của đại vương do đó trở nên sa sút và xấu đi. Việc triều chính sẽ bị bỏ bê. Bạn bè sẽ lo buồn, nhưng kẻ thù và bọn nội loạn sẽ hân hoan, mừng rỡ vì có được cơ hội tốt để làm việc bất chánh.O


- Thưa đại vương, đại vương hãy nên bình tĩnh, không nên thương tưởng, bi lụy quá lắm. Xin đại vương hãy can đảm nhổ lên mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà những ai không nhận thức được lời dạy này sẽ bị bắn trúng, sanh ra đau khổ. Bình tĩnh, thản nhiên trước quy luật cái chết, đại vương sẽ làm cho chính mình hoàn toàn tịch tịnh.O


Lúc ấy, Đức Phật nhìn khắp đại chúng rồi lập lại lời Kinh bằng bài kệ sau đây:


Chớ sầu và chớ khóc than,

Khi người thân thuộc bẽ bàng ra đi.

Khóc than nào có ích gì !

Kẻ ác có dịp mưu ly hại người.

Thế nên những bậc trí nhân

Trong cơn nguy khốn vẫn hằng thản nhiên.

Lo toan mọi thứ cho yên,

Tụng kinh, làm phước gieo duyên an lành.

Hồi hướng đến khắp chúng sinh,

Kẻ còn người mất phước lành trọn nên.O

***


Sau khi nghe Đức Phật dạy về quy luật cái chết và cách lo tang lễ, vua Ba-tư-nặc không còn ưu tư, sầu muộn nữa. Ông lạy tạ Đức Phật, trở về hoàng cung, y theo lời Phật dạy, lo tang lễ cho Hoàng hậu một cách chu toàn và đúng chánh pháp. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Nhổ Mũi Tên Sầu Muộn

Thứ mười bảy

- Sau cơn bệnh hoành hành ác nghiệt,

Cướp linh hồn hoàng hậu Bát-đà,

Bấy giờ chúa thượng Mun-đa

Vô cùng sửng sốt, xót xa, bàng hoàng.

Vua đau khổ chẳng màng triều chính,

Việc thường ngày cũng định bỏ luôn,

Cả ngày ủ rũ, u buồn,

Ngồi bên thi thể xót thương vợ hiền.O

***


- Gọi thân tín bình sinh như bạn,

Pi-ja-ka thân cận đến ngay,

Đức vua truyền đặt quan tài,

Cái trong lồng với cái ngoài cho lâu.

- Khi công việc trước sau xong cả

Đức vua ngồi buồn bã bi ai,

Xót lòng hiền hữu tâu bày,

Xin vua đến gặp bậc thầy của ông.O

- Nhờ Tôn giả Nan-đà chỉ dạy,

Để đức vua thoát nỗi muộn phiền,

Nhà vua thuận ý tấu trình,

Cận thần cho kẻ báo tin dọn đường.

- Để tránh sự bất tường thất lễ,

Để đẹp lòng quan hệ quân vương,

Còn mình chuẩn bị yên cương,

Đến nơi Tôn giả tìm đường giúp vua.O

- Nhìn phong thái thượng thừa Tôn giả,

Đã gợi lòng thiện cảm sâu xa,

Đức vua cung kính thật thà,

Tỏ bày hết nỗi xót xa lòng mình.

- Mong Tôn giả tận tình cứu rỗi,

Để cõi lòng thoát nỗi bi ai,

Kiếp người sao lắm đắng cay,

Vô thường sanh diệt đổi thay cuộc đời. O

- Tâu đại vương: bị già bị bệnh,

Bị suy tàn, biến hoại, diệt vong,

Ai người mong cảnh đó không,

Thế mà nó tới đừng hòng thoát qua.

- Đã đến lúc tuổi già bệnh hoạn,

Đã chết rồi biến hoại tiêu vong,

Dù cho thương tiếc não nùng,

Không sao ngăn được nó đừng xảy ra.O

- Nó không thể vì ta dừng lại,

Quy luật này không loại một ai,

Sinh ra rồi chết một ngày,

Sa-môn thần thánh hay ngay cả trời.

- Tâu đại vương, xin người tâm niệm,

Chẳng riêng vì thân quyến mình đâu,

Già nua bệnh hoạn bấy lâu,

Đến hồi biến hoại đi vào diệt vong.O

- Kiếp sống vốn trong vòng sanh tử,

Không cách gì thoát khỏi được đâu,

Quy luật sanh diệt nối nhau,

Vậy nên người chớ thương đau làm gì.

- Xin đại vương chớ vì thương tiếc,

Mà lơi là công việc bỏ bê,

An lòng gác chuyện sầu bi,

Tử sinh, sinh tử có chi bận lòng. O

- Duyên cầm sắt nghĩ rằng đã đủ,

Đại vương nên tự chủ lòng mình,

Trở về chấn chỉnh triều đình,

Đừng cho nổi loạn bất bình xảy ra.

- Đừng bi lụy xót xa thương tiếc,

Đau thương thường nối tiếp đau thương,

Bình tâm tỉnh trí lo lường,

Đừng cho tên độc đau thương hại mình.

- Vì quy luật tử sinh muôn thuở,

Đâu phải điều dành để riêng ai,

Vậy nên xin chớ u hoài,

Để tâm yên tĩnh, khổ này sẽ vơi.O

- Vua Mun-đa lắng nghe tôn giả,

Bỗng như vừa chợt tỉnh cơn mê,

Dẹp điều phiền muộn sầu bi,

Hiểu rằng sinh tử thường khi vậy rồi.

- Vua cung kính chắp tay khéo hỏi:

Diệu pháp này Ngài gọi tên chi ?

Nan-đà đáp, pháp xả ly:

“Nhổ mũi tên độc sầu bi muộn phiền.”O

***


- Vừa cảm nhận được niềm an lạc,

Đức vua liền khen ngợi lành thay !

Phương thần nhổ muộn sầu này,

Con nhờ phápấy mà nay hết sầu.

- Rồi nhà vua vái chào Tôn giả,

Để nói lời từ giã lui ra ;

Quay sang người bạn nói là,

Hỏa thiêu hoàng hậu của ta xong rồi.

- Hãy xây tháp cho người thỏa nguyện,

Kể từ mai mọi chuyện như thường,

Hàng ngày ta lại đăng đường,

Chăm lo triều chính an khương nước nhà.O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ

Thứ mười tám

- Biển trần khổ sóng bồng lai láng,

Kiếp phù sinh đáng chán biết bao,

Tử sanh chìm đắm ba đào,

Mịt mờ chưa biết kiếp nào thoát ly.O

- Cõi giả tạm ích gì sự thế,

Uổng tâm tư tìm kế miên trường,

Trần hoàn vạn vật vô thường,

Khổ não, vô ngã, đầy đường chông gai.

- Do báo nghiệp lưu lai từ trước,

Các pháp hành, tạo được thân duyên.

Pháp hành kế tục nhau liền,

Diệt sanh, sanh diệt triền miên không ngừng.

- Người hay thú đồng chung số phận,

Hễ có thân ngũ uẩn không bền,

Chịu nhiều biến đổi đảo điên,

Sanh, già, đau, chết không yên lúc nào.O

*


- Thể vật chất không sao giữ nổi,

Sức vô thường phá mỗi sát-na,

Xét cùng đâu cũng thân ta,

Khó ngăn tóc bạc, không cầm răng long.

- Lửa ái dục đốt lòng từng phút,

Dấy ưu phiền chẳng chút nào nguôi.

Dễ chi đặng tạm an vui,

Suy mòn vì nhuộm nặng mùi trần ai.

- Chừng thân chết bốc hơi hôi hám,

Người, ai ai chẳng dám lại gần,

Gớm ghê dù bậc chí thân,

Đều sợ xui lụy hương lân cửa nhà.      O

*


- Chọn một chốn rừng già hoang vắng,

Đem tử thi an táng cho xong,

Địa táng, hỏa táng chẳng đồng,

Tùy duyên tùy lực vẫn không quản gì.

- Đưa xác chết, người đi đông đúc,

Kẻ thân nhân uất ức khóc than,

Hình hài ba khúc rã tan,

Thanh danh tiêu diệt họ hàng cách xa.O

- Khổ tử biệt thiết tha nung nấu,

Biệt gia tài, của báu, tình yêu,

Tấm thân ngũ uẩn đã tiêu,

Đất nước gió lửa về nhiều căn nguyên.

- Thân đã chẳng thiên diên ngày tháng,

Buổi chia lìa ngao ngán đau thương,

Chúng sanh ba cõi vô thường,

Nên vun cội phúc tìm đường siêu sanh.           O

*


- Lựa các thứ nhân lành gieo giống,

Quả kếttrong kiếp sống về sau,

Mở lòng bố thí dồi dào,

Học kinh, giữ giới khá mau tu hành.

- Kẻo rồi phải điêu linh sa đọa,

Vào bốn đường ác đạo khó khăn,

Vô cùng khốn khổ thân tâm.

Đời đời kiếp kiếp trầm luân không về.

- Thân khẩu ý giữ gìn trong sạch,

Vững trên đường thanh bạch mà đi,

Dầu cho chuyển kiếp đến kỳ,

Cũng còn trông ngóng thoát ly khổ sầu.O

*


- Ráng sám-hối quay đầu hướng thiện,

Ác nghiệp trần, đoạn tuyệt chớ gieo,

Tâm đừng xu hướng vui theo,

Thiện duyên gầy dựng, trần lao dứt lần.

- Các phương pháp an tâm định trí,

Chúng sanh cần tìm kiếm học hành,

Cho lòng chán nản phát sanh,

Cội nguồn tội khổ hiểu rành sâu xa.

- Pháp chán nản dạy ta suy xét,

Khổ cõi đời số cát sông Hằng,

Tám điều khổ não chi bằng,

Đây lần lượt giải ngọn ngành như sau:O

*


- Cõi trần thế ra vào há dễ,

Luật tuần hoàn nào kể chi ai,

Thân ta bất luận gái trai,

Cũng đều mắc phải đọa đày khổ sanh.

- Khi nghiệp đến pháp hành cấu tạo,

Thác sanh vào lòng mẹ thành phôi,

Nguyên tố nhỏ nhít nhỏ nhoi,

Vốn là chất lỏng, giống dầu mà trong.

- Giọt dầu ấy dính lông con thú,

Ta cầm lên rảy giũ bảy lần,

Chỉ con chút ít dính gần,

Đó nguyên chất tạo nên thân con người.O

- Bảy ngày đầu còn tươi trong vắt,

Rồi tan dần biến sắc đổi màu,

Đến tuần thứ bảy về sau,

Biến thành một chất trông vào đáng ghê.

- Đỏ dợt dợt, mỡ pha lẫn máu,

Bởi nguyên hành cứ tạo thêm ra,

Lại đến bảy bữa thứ ba,

Hóa thành chất đặc như là thịt dư.

- Trong bụng mẹ an cư một chỗ,

Miếng thịt thừa tội khổ xiết chi,

Tuy hình hài kết thế ni,

Nhưng lại mềm mại như chì rã tan.

- Tưởng tượng đến trăm ngàn ghê sợ,

Phôi bây giờ tương tợ trứng gà,

Phôi này còn yếu chưa già,

Tuần tự thay đổi bảy ngày thứ tư.

- Bảy ngày nữa từ từ biến hóa,

Bắt đầu chia tất cả năm nhành,

Tuy hình chưa hẳn thật thành,

Nhưng đã có dạng đầu, mình, chơn, tay.O

*


- Pháp Hành đã tạo hoài không dứt,

Tuần thứ năm thất nhật vừa tròn,

Ngày ngày hình dáng lớn dần,

Ba lăm ngày ấy tượng thân hình hài.

- Ngoài ba tháng thành thai cứng cáp,

Thai loài người nào khác thú đâu,

Cũng đều khổ não âu sầu,

Ở trong bụng mẹ co đầu, rút chơn.

- Ngồi chồm hổm còn hơn ràng buộc,

Trên đồ ăn vừa được tiêu tan,

Hai tay nắm lại đỡ cằm,

Mặt day lưng mẹ, tối tăm mịt mờ.        O

- Quanh mình vấy chất dơ hôi thối,

Đầu đội đồ mẹ mới ăn vào,

Vừa dơ vừa ngộp xiết bao,

Nên hằng dãy dụa thân nào đặng yên.

- Nếu mẹ chẳng cử kiêng ăn uống,

Mặc đói no, nuốt bướng nhai càn,

Nóng, cay, nguội lạnh không màng,

Miễn vừa khẩu dục ngó ngàng chi con.

- Vật thực trúng da non của trẻ,

Nóng giật mình, lạnh sẽ phát run,

Đau thương khổ não khôn cùng,

Như chim bị trận bão bùng mưa sa.O

- Lại giống khỉ trải qua mưa gió,

Nằm co ro một xó rét run,

Kinh hoàng sợ sệt hết lòng,

Chẳng kham nỗi khổ, day tầm đôi bên.

- Hoặc kiếm ở phía trên hay dưới,

Hoặc là nơi mấy bụi gần đây,

Chừng nào tìm được bộng cây,

Chui vào ẩn náu thân này mới an.       O

*


- Đủ mười tháng vẹn toàn thân thể,

Gần kỳ sanh lòng mẹ chẳng vui,

Lo âu dạ luống ngùi ngùi,

Sợ bao bất trắc trong hồi khai hoa.

- Mãn toan tính đắn đo cân nhắc,

Biển mênh mông chưa chắc được qua,

Quanh quẩn công chuyện trong nhà,

Dễ duôi nào dám đi xa bao giờ.O

*


- Kịp đến lúc ngồi chờ hoa nở,

Quyến thuộc vầy kẻ đỡ người nưng,

Chịu nhiều đau khổ từng cơn,

Dầu kiên gan mấy cũng sờn nỗi đau.

- Người cả thảy không sao tránh thoát,

Bỗng dường như bão tạt vào thai,

Hài nhi như chớp đã day,

Theo đường kinh huyết ra ngoài sản môn.

- May được lúc lâm bồn yên tịnh,

Cả mẹ con khỏe mạnh, vuông tròn,

Ấy nhờ hồng phúc nhà còn,

Chúng sanh kiếp trước gây nhiều thiện căn.O

- Nếu phước báu không bằng tội ác,

Khi sanh ra chịu các khó khăn,

Dẫu còn sống sót nữa chăng,

Dật dờ dường phải đôi lần đứt hơi !

- Vì nhân ác đến hồi trả quả,

Chúng sanh này thảm họa chết non,

Chết ngộp hoặc chết mỏi mòn,

Chết ngoài bụng mẹ, hoặc còn trong thai.O

*


- Ngán ngẫm kiếp sanh lai tất tưởi,

Từ thác sanh đến buổi lọt lòng,

Mạng căn nào biết chắc không,

Nhưng đều phải chịu trong vòng khổ đau.

- Suy nghĩ chán, xôn xao tấc dạ,

Xét khổ sanh buồn bã âu sầu,

Đây là hết khổ đặng đâu,

Có thân còn phải lãnh thâu khổ già!O

- Sự khổ già thân ta hằng chịu,

Dầu gái trai tiều tụy như nhau,

Đổi thay chẳng trước thì sau,

Suy mòn từng lúc tốn hao từng giờ.

- Buổi niên thiếu ngây thơ đầy đặn,

Sắc xinh tươi đủ vẹn mười phân,

Dáng điệu đẹp đẽ tốt lành,

Dương dương đắc ý tuổi xanh thường tình.

- Độ trẻ trung vóc hình tráng kiện,

Hằng phô bày thể diện đáng yêu,

Thế gian ai cũng ưa chiều,

Gái trai đều có tự kiêu thuở này.

- Mê muội tưởng đẹp hoài không giảm,

Quá lạc lầm quý mến thân ta,

Sắm đồ trang sức xa hoa,

Điểm tô cho đặng đẹp ra tuyệt trần.

- Dùng kiếng lược dự phần chải gỡ,

Dồi phấn son sặc sỡ thêm duyên,

Chẳng vừa sở tạo tự nhiên,

Lấp mùi hám trược, ướp liền nước thơm.

- Công trang điểm sớm hôm không dứt,

Dáng bên ngoài đến cực kỳ xinh,

Đủ các tư cách gợi nhìn,

Thật ra nào khác như hình trái sung.O

*


- Xác ô uế đều cùng nam nữ,

Túi đựng đầy những thứ đồ dơ,

Lại còn biến đổi dường mơ,

Chậm mau rồi cũng có giờ tiêu tan !

- Hữu tình đến vội vàng tuổi hạc,

Mái tóc xanh trắng bạc như bông,

Dầu cho cạn trí hết lòng,

Cản ngăn nó cũng vẫn không nghe nào.

- Tay chơn thảy mòn hao gầy yếu,

Lần lần còn xương chịu lấy da,

Thôi thời tráng kiện đã qua,

Vô thường xô đuổi, tuổi già đến thay.O

*


- Mắt sáng suốt những ngày rực rỡ,

Chưa bao lâu đã trở nên lờ,

Trông xa các vật tờ mờ,

Nhãn quan suy kém có chờ cho đâu.

- Đồng thời phát khổ sầu tai điếc,

Lắng mà nghe chẳng thiệt tiếng tăm,

Nghe lầm ắt nói lại lầm,

Nhĩ quan đã hẳn âm thầm hoại tiêu.

- Cuộc biến đổi rất nhiều cơ sở,

Đây trưng qua mấy cớ thật gần,

Như răng phải rụng lần lần,

Đó là triệu chứng tấm thân đã già.       O

- Tham luyến sống cũng là phải chết,

Thân hữu hình chưa hết bao lâu,

Thế rằng: “Sanh tử quan đầu”,

Ta nên lấy đó làm câu răn mình.

- Cũng có kẻ quá tin sức khỏe,

Tâm trẻ con thân thể đã già,

Có ai kêu thử Ông Bà,

Dầu không oán giận cũng là không vui.

- Nghe tiếng gọi ngậm ngùi không dĩ,

Trái lại kêu bằng chị, bằng anh,

Tưởng mình đương độ xuân xanh,

Vui mừng thỏa mãn, làm lành thêm lên.O

- Hạng người thế không nên ái truất,

Người chẳng thông kinh luật khuyên răn,

Hạng này quen thói làm xằng,

Ai thân cận lắm ắt hằng nhơ lây.

- Nghĩ chín chắn thân này ắt hoại,

Đã nhớp nhơ mà lại không bền,

Khổ già đeo đuổi một bên,

Khổ đau liên tiếp cho thêm não nề.     O

*


- Ôi thảm khốc nhắc về bệnh khổ,

Một cơn đau phát lộ đến ta,

Do nhiều bệnh chứng hà sa,

Toàn thân rũ riệt thiết tha lắm hồi.

- Bệnh suyễn mệt nói thôi không xiết,

Bệnh ho lao, bệnh kiết ung thư

Ghẻ chốc tê bại cốt hư,

Đàn ông cũng phải chịu như đàn bà.

Bệnh cùi lác thúi tha lầy lụa,

Những lang ben ăn túa châu thân,

Nhức đầu sổ mũi rút gân,

Phù thủng sưng khắp tay chân mặt mày.

Lưng gối mỏi khi thời gió rét,

Bệnh đau răng, mũi nghẹt, trái ban,

Sưng phổi, cạn mật, héo gan,

Những bệnh hư thận nhiệt hàn cũng lo.O

*


Cử đôi bệnh nghiệm cho ra lẽ,

Dầu bệnh cơ nặng nhẹ khác nhau,

Nhưng mà đã phải vương đau,

Khổ thân chẳng biết tả sao cho cùng.

Đời hay nói: “Đau chân hả miệng”,

Ngoài thuốc thang còn chuyện dị đoan,

Nhờ thầy bố trận lập đàn,

Ông này bà nọ cầu an đêm ngày.

Sợ có sự nạn tai dồn dập,

Cầu hỏi cho được gặp cơ duyên,

Hết lòng khấn vái chư thiên,

Hộ căn bệnh ấy giảm thuyên từ rày.O

Vong cha mẹ trên mây ngoài gió,

Hoặc ông bà mà có hiển linh,

Xin về độ bệnh mạnh lành,

Sửa sang tế vật lòng thành dâng cho.

Bởi lầm lạc chẳng lo kinh kệ,

Mãi chuyên tâm tế lễ cầu xin,

Bệnh do nghiệp chướng của mình,

Há vì cúng bái bệnh tình hết sao.         O

*


Thân đã có nguồn đau phải có,

Mãi tối tăm chẳng rõ hiệp tan,

Chúng sanh trong cõi thế gian,

Nặng nhẹ đều phải vương mang bệnh trần.

Chỉ tránh khỏi có phầnLa-hán,

Cảnh Niết-bàn dứt nạn khổ đau,

Còn trong ba cõi trần lao,

Những sự chết sống, ốm đau là thường.

Thấy bệnh hoạn cảm thương thân thế,

Cũng toan lo tìm kế giải sầu,

Khổ đau càng thấm càng lâu,

Rồi đến khổ chết bắt đầu dấn theo.

Khi khổ chết đã gieo mầmgiữ,

Thân chúng sanh mất sự thăng bằng,

Trẻ già đều phải hãi hùng,

Nhưng gần đến chết thì lòng hay quên.O

Cơn hấp hối run lên không dứt,

Khắp thân mình thịt giựt gân thun,

Tay chân chuyển động vẫy vùng,

Ruột gan dao cắt vô cùng đớn đau.

Ngày tận số lâu mau đã tới,

Các thức thần lìa với xác dơ,

Rồi thân ba khúc nằm trơ,

Toàn thây lạnh buốt, cứng đờ như cây.

Quyến thuộc vẫn trông thây than tiếc,

Người chết rồi còn có biết chi,

Thân kia đã gọi thây thi,

Con người ấy gọi là đi qua đời.

Khi đã chết không nhờ của cải,

Cùng vợ chồng, con cái, mẹ cha,

Anh em quyến thuộc gần xa,

Khó trông dìu dắt, cõi ma một mình.

Thậm chí đến đồng xu cắc bạc,

Để trong môi người thác theo lề,

Cũng không đem được dựa kề,

Cõi trần để lại ra về hồn không.O

*


Quỷ vô thường vô song quyền thế,

Giết chúng sanh bất kể gái trai,

Giết người chẳng lựa cho hay,

Dầu chư thiên cũng bị tai dày vò.

Đời sanh sống làm cho tiêu diệt,

Giết sinh linh chẳng biết xót than,

Chỉ trừ một cõi Niết-bàn,

Vô thường chẳng dám lộn hàng đến đây.

Bởi chung ở cảnh này tịch tịnh,

Đầy yên vui chẳng dính bụi trần,

Phước đức to lớn muôn phần,

Chẳng hư, chẳng hoại là thân vàng ròngO

*


Tưởng chết sống sanh lòng phiền não,

Muốn khỏi thì rán tạo phước duyên,

Có công trì giới tham thiền,

Đặng có kết quả về miền an vui.O

Chớ hờ hững chạy theo việc ác,

Đừng để cho lầm lạc càng tăng,

Tỉnh liền, vun tưới thiện căn,

Nghiệp theo chẳng kịp khi thăng Niết-bàn.

Ta nên nhớ vô thường khổ não,

Đừng để cho nghiệp báo đến nơi,

Đọa đày vừa lúc tắt hơi,

Bốn đường ác đạo đời đời khó ra.O

Sự khổ chết nguyên là nghiệp dữ,

Luật luân hồi tử tử, sanh sanh,

Còn khổ quả báo sẵn dành,

Chính ta gây kết đã thành từ lâu.

Vô minh đã gieo sâu nhân ác,

Nhân đến hồi kết các quả sầu,

Do câu “Thiện ác đáo đầu”,

Về sau phải chịu vui rầu chẳng sai.     O

*


Vì lầm lạc giữ hoài tâm ác,

Cõi trần này giết thác sinh linh,

Mà không một chút niệm tình,

Cứ làm việc dữ tự mình không lo.

Vật có chủ không cho cung cấp,

Vợ con người mê hoặc tà dâm,

Tính toan mưu kế âm thầm,

Chẳng kiêng luật pháp tối tăm làm liều.

Nói dối cũng một điều rất dữ,

Lòng phát ra miệng cứ nói đùa,

Có người uống rượu say sưa,

Dầu ai thức tỉnh không chừa thói quen.O

Cõi hiện tại nhúm nhen ngũ nghiệp,

Tánh xấu xa chẳng kịp đổi thay,

Chết rồi phải bị đọa đày,

Xuống nơi địa ngục chịu hoài nạn tai.

Các tội ác không sai một bước,

Bóng theo hình, cái trước, cái sau,

Nhân nào quả nấy liền nhau,

Mình gây mình chịu ai vào giúp ta.

Bị quỷ sứ hành hà đánhđập,

Kéo lôi bừa bầm đập chẳng thương,

Lửa phiền thiêu đốt thịt xương,

Chết-sống, sống-chết luôn luôn không ngừng.

Sự khổ cực bởi nhân ác báo,

Gái hay trai đã tạo phải mang,

Cảnh này ác quả đã tan,

Sanh làm ngạ quỷ nhẹ nhàng đôi phân.O

*


Giống ngạ quỷ toàn thân ghê tởm,

Đói khát khao, hôm sớm nhe nanh,

Ăn ròng mũ máu hôi tanh,

Hết kiếp ngạ quỷ tái sanh lên đời.

Loài súc vật trên bờ dưới nước,

Lớn nhỏ vì từ trước dễ duôi,

Đành cam số phận hẩm hiu,

Làm những vật thực để nuôi mạng người.

Bắt giết hại mấy mươi chẳng tiếc,

Tàn sát cho đáng nghiệp hồi xưa,

Hành hình thảm khóc mới vừa,

Đó là quả báo có chừa chi ai.

Cũng có kẻ đầu thai thần quỷ,

A-tu-la, ngạ quỷ khác chi,

Cũng đều đói khác nhiều khi,

Chịu chẳng biết mấy tăng-kỳ kiếp lâu.O

*


Kiếp quá khứ rất nhiều tội lỗi,

Tội khổ này chẳng bỏ sót ai,

Chúng sanh khắp hết bốn loài,

Thấp hóa không hạn, noãn thai chẳng từ.

Nhân ác đã gieo từ vô thỉ,

Quả xấu xa trực chỉ theo mình,

Làm cho tất cả chúng sanh,

Mỗi kiếp phải chịu khổ hình như trên.

Cõi giả tạm dường tên thắm thoát,

Kiếp này qua kiếp khác đến thay,

Rồi trong những kiếp vị lai,

Cũng là khổ não nạn tai dẫy đầy.O

*


Sự khổ não bao vây liền sát,

Khiến chúng sanh lầm lạc thêm hoài,

Vì chưa thoát khỏi trần ai,

Nên những nghiệp dữ không ngày nào xa.

Đây ta thử xét qua hiện tại,

Chẳng khổ nào sánh lại khổ ăn,

Vì nhân đói khát khó khăn,

Muốn cho no đủ nên hằng phải lo.      O

Nghèo sạch đất giàu to cũng thế,

Nhọc ưu tư nào kể ngày đêm,

Có rồi lại muốn có thêm,

Bằng người chưa có cũng tìm cho ra.

Nếu biếng nhác ở nhà thong thả,

Ăn không lo lở cả núi sông,

Mối ăn nặng cánh bên lòng,

Mãn nuôi mạng sống dày công liệu lường.

Già chí trẻ vẫn thường làm lụng,

Làm kiếm ăn phải dụng tấm thân,

Xác thịt lẫn với tinh thần,

Khó khăn cũng chịu nhọc nhằn cũng cam.O

Bệnh đói khát hằng ngày vất vả,

Thuốc dầu hay, chẳng hết bịnh này,

Không được ăn uống ốm gầy,

Càng lâu ắt phải bỏ thây cõi trần.

Ăn hay gấp mấy lần diệu dược,

Có ăn rồi bệnh được giảm thuyên,

Chúng sanh dầu biếng cũng siêng,

Không sao tránh khỏi phải quyền sanh nhai. O

*


Có kẻ rán cấy cày đào cuốc,

Luống chuyên cần rẫy bái ruộng nương,

Kẻ thì làm mướn bán buôn,

Biết bao khổ cực luôn luôn một đời.

Người giàu có thảnh thơi đôi chút,

Bởi từ xưa quả phúc to tròn,

Cõi trần hái trái ngọt ngon,

Khỏe thân nhưng cũng vẫn còn khổ tâmO

***


Những khổ não đã lần lượt giải,

Vắn tắt đây đại khái tám điều,

Chúng ta lấy đó làm nêu,

Gái trai cũng phải chịu điều khổ lao.

Biết rõ khổ, ta mau thức tỉnh,

Rán tu hành giới định làm căn,

Mong cầu giải thoát trói trăn,

Khổ trần xa cách, nhận chân Niết-bàn.O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Cúng Thí Người Mất

Thứ mười chín

Chính tôi được nghe, lúc Đức Phật lưu trú tại tinh xá Kỳ Viên, Bà-la-môn Cha-nu-sô-ni đến viếng thăm, đảnh lễ rồi thưa hỏi Đức Phật: O


- Bạch Đức Thế Tôn, con là Bà-la-môn chuyên làm các lễ cúng cho người chết, lòng những mong đem lại lợi ích cho họ. Như vậy, bạch Thế Tôn họ có thật sự được lợi ích chăng?


Đức Phật dạy rằng:


- Này Cha-nu-sô-ni, nếu có sự tương xứng thì người chết sẽ hưởng được phẩm vật cúng dường. Bằng không có tương xứng thì họ không được hưởng gì cả.O


Bà-la-môn Cha-nu-sô-ni bạch Phật rằng:


- Kính xin Đức Thế Tôn giải rõ cho chúng con hiểu thế nào là tương xứng và không tương xứng ?


Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Bà-la-môn Cha-nu-sô-ni và đại chúng rằng:O


1. Nếu ai sống sát sanh, lấy của không cho, ngoại tình, nói sai sự thật, nói lời chia rẽ, nói lời độc ác, nói lời vô ích, còn tham ái, sân hận, si mê, và tà kiến, sau khi mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục. Tại đây, y được nuôi sống và tồn tại bằng thức ăn của địa ngục. Do đó, sự kiện người thân quyến cúng đồ ăn của con người cho họ là không tương xứng. Người mất sẽ không hưởng được gì từ sự cúng kiến đó.O


2. Này các thiện nam, tín nữ, người nào gieo mười điều ác, khi qua đời phải bị sanh vào các loài động vật. Tại đây, y được nuôi sống và tồn tại bằng thức ăn của loài động vật. Do đó, quả thật sẽ không tương xứng, khi người thân quyến đem phẩm vật của con người để cúng quải, làm sao người chết đó đã đầu thai thành động vật có thể ăn được.       O


3. Này các thiện nam, tín nữ, ngay cả trường hợp người chết khi còn sống tu tập mười nghiệp lành, được tái sanh làm con người, hay có phước báu hơn được sanh vào cảnh giới chư thiên, họ có cha mẹ riêng và các món ăn riêng để nuôi mạng sống của họ. Do đó, thật là không tương xứng, nếu người thân quyến cúng dường và mong người quá cố thọ nhận. Vì người chết đã tái sanh làm người khác hoặc chư thiên rồi làm sao thọ nhận được. O


4. Này các thiện nam, tín nữ, chỉ có một trường hợp duy nhất người chết có thể nhận được sự cúng quải của người thân quyến. Đó là trường hợp người chết bị đọa vào ngạ quỷ. Món ăn nào mà người thân quyến đem hiến cúng cho họ thì họ sẽ hưởng được món đó. Họ sống được là nhờ vào các món ăn này. Đây là trường hợp Như Lai gọi là có sự tương xứng.


Nghe Đức Phật giải bày cặn kẽ, Bà-la-môn Cha-nu-sô-ni liền hỏi thêm:O


- Bạch Thế Tôn, các trường hợp người chết tái sanh vào loài động vật, địa ngục, A-tu-la, hay sanh lại làm người, hoặc sanh thiên thì sự cúng quải không có sự thọ hưởng. Nếu người chết không tái sanh vào cõi ngạ quỷ thì ai sẽ là người thọ hưởng sự cúng kiến ấy ?


Lúc ấy Đức Phật ân cần dạy rằng:


- Này các thiện nam, tín nữ, nếu người thân thuộc đã quá cố này không sanh vào loài ngạ quỷ, thì cũng có những người thân thuộc khác ở loài ngạ quỷ sẽ hưởng thế phần.         O


Bà-la-môn Cha-nu-sô-ni hỏi thêm rằng:


- Nhưng nếu cả dòng họ thân thuộc của người cúng không một ai tái sanh vào loài ngạ quỷ thì phẩm vật cúng đó sẽ thuộc vềai ?


Đức Phật dạy rằng:


- Đây là trường hợp không thể xảy ra, rằng chỗ ấy trống không trong một thời gian dài mà không có một ai đó trong huyết thống bị sanh vào. Nhưng này các thiện nam, tín nữ, mặc dù thế, người bố thí ấy không phải không hưởng được quả phước từ sự cúng thí đó.


Nhân đó Đức Phật dạy thêm về phước báu của sự bố thí.        O


- Này các thiện nam, tín nữ, trong suốt quá trình sống, người nào vi phạm mười điều ác nhưng lại biết làm hạnh bố thí, người ấy khi nhắm mắt lìa đời sẽ sanh vào loài voi, nhưng là con voi được chăm sóc, ăn uống và trang phục đầy đủ. Trong trường hợp họ vì nghiệp duyên bất thiện, sanh làm ngựa, bò hay bất kỳ loài bàng sanh nào, thì ở đấy, y vẫn hưởng thọ đầy đủ sự ăn uống và chăm sóc của chủ tương xứng với phước duyên bố thí khi họ còn làm người.  O


- Nhưng này các thiện nam, tín nữ, điều Như Lai muốn răn dạy chính là một người đầy đủ mười hạnh lành lại còn biết trau dồi hạnh bố thí chơn chánh, cúng dường những bậc chân tu và những người đạo đức. Khi qua đời hoặc được tái sanh làm chư thiên thì tại đấy y sẽ được hưởng năm thứ phước đức chư thiên, hoặc sanh làm người thì sẽ được hưởng năm thứ phước báu cõi người. Trong bất kỳ trường hợp và trong bất kỳ cảnh giới sống nào, người có hạnh bố thí vẫn tốt hơn.


Sau pháp thoại này, Bà-la-môn Cha-nu-sô-ni liền trở thành nam cư sĩ. Toàn thể pháp hội đều hoan hỷ, vâng theo lời Phật dạy.O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh

Thứ hai mươi

Chính tôi được nghe, lúc bấy giờ tôn giả Đồng Nữ Ca-diếp cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo đi từ nước Câu-tát-la lần đến thôn Tư-ba-ê, là một thôn dân cư đông đúc, giàu sang phúc lạc, cây cối sầm uất, do vua Ba-tư-nặc phong riêng cho Bà-la-môn Tệ-túc để lo phần cúng tế Phạm thiên. Bà-la-môn Tệ-túc là người có kiến chấp theo ngoại đạo, và dạy mọi người rằng: “Không có đời sau, không có tái sanh, không có quả báo thiện ác.” O


Khi đó người trong thôn Tư-ba-ê nhơn nghe tôn giả Đồng Nữ Ca-diếp cùng năm trăm vị Tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la dừng chân tại rừng Thi-xá-bà, thì họ bàn tán với nhau: “Vị Đồng Nữ Ca-diếp này rất có tiếng tăm, là người đã chứng quả A-la-hán, là bậc trưởng thượng, tôn túc, kỳ cựu, đa văn, quảng bác, thông minh, tuệ trí, có tài biện luận đối đáp theo từng trường hợp, đàm đạo tài ba, nếu chúng ta gặp được Ngài thì tốt biết dường nào.” Kể từ đó, người trong thôn ngày ngày đều đi đến chỗ Tôn giả Ca-diếp.


Bấy giờ, Bà-la-môn Tệ-túc đang ở trên lầu cao, trông thấy nhiều đoàn người đi ngang qua, nhưng không biết đi đâu, mới hỏi người cầm lộng hầu:


- Những đoàn người kia rủ nhau đi đâu vậy?


Người hầu liền đáp:


- Tôi nghe rằng có Đồng Nữ Ca-diếp hướng dẫn năm trăm vị Tỳ-kheo đi hóa đạo từ nước Câu-tát-la đến, hiện đang nghỉ chân tại rừng Thi-xá-bà. Ngài là vị tôn túc đã chứng quả A-la-hán. Mọi người lũ lượt đi đến chỗ Ngài để đàm đạo học hỏi. O


Nghe vậy, Bà-la-môn Tệ-túc liền xuống lầu, sai người hầu chuẩn bị xe cộ rồi cùng nhau đi đến rừng Thi-xá-bà. Sau khi đến, họ xuống xe đi bộ đến chỗ tôn giả Ca-diếp. Sau khi thăm hỏi xã giao xong, họ ngồi qua một bên. Những người cư sĩ và Bà-la-môn trong thôn lễ bái tôn giả Ca-diếp rồi ngồi, có người hỏi han rồi ngồi, có người tự xưng tên mình rồi ngồi, nhưng cũng có vài người ngồi xuống một cách thầm lặng . . .


Lúc đó, Bà-la-môn Tệ-túc thưa hỏi tôn giả Ca-diếp rằng: O


- Thưa tôn giả, chủ thuyết của tôi là “không có đời sau, không có sự tái sanh, không có qủa báo thiện ác. Còn chủ thuyết của Ngài thì thế nào ?


Tôn giả Ca-diếp không trả lời nhưng ôn tồn hỏi lại rằng:


- Này hiền giả: mặt trời, mặt trăng trong không gian vô tận thuộc về thế giới này hay thế giới khác? Thuộc về Trời hay là Người?


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Mặt trời, mặt trăng là thuộc về thế giới khác, chứ không phải thuộc về thế giới này. Thuộc về Trời chứ không phải thuộc về Người.


Tôn giả Ca-diếp nói: Do đó có thể biết là có đời sau, có tái sanh, có quả báo thiện ác.


Bà-la-môn Tệ-túc nói: Tuy tôn giả nói có đời sau, có tái sanh, có quả báo thiện ác nhưng theo tôi thì tất cả đều không có.


Thưa tôn giả, nguyên tôi có một người bà con quen biết, mắc phải bệnh ngặt nghèo, tôi đến nói với người ấy rằng: “Các Sa-môn quan niệm như sau: “Những người sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, tà kiến sau khi qua đời đều đọa vào địa ngục.” Nhưng tôi không tin vì tôi chưa từng thấy người nào chết rồi trở lại nói cho biết nơi họ bị đọa vào. Nay anh là bà con với tôi chẳng may anh tạo đủ mười điều ác. Nếu quả như lời các vị Sa-môn đã nói, thì sau khi qua đời, anh phải bị đọa vào trong địa ngục lớn. Nay tôi nương vào các dữ kiện của anh sau khi chết, để xét có địa ngục hay không. Anh nên trở lại nói cho tôi biết thì tôi mới tin.”


Thưa tôn giả nhưng từ khi chết đến nay người ấy biệt tăm biệt tích, không hề trở lại báo tin. Người ấy là người thân của tôi, không lẽ dối tôi, hứa rồi không trở lại? Do đó tôi biết chắc không có đời sau. O


Tôn giả Ca-diếp đáp: Thưa hiền giả, những người có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Ví như một tên đạo tặc thường ôm lòng gian trá, vi phạm pháp luật do nhà vua ban hành, bị người ta rình bắt được rồi đem đến chỗ vua ngự, và tâu: “Người này là tên ăn trộm, xin đại vương hãy trị phạt.”


Vua liền sai những người có trách nhiệm trói người đó đem bêu xấu ngoài đường, sau đó dẫn ra ngoài thành giao cho tên đao phủ. Thế rồi, kẻ tả hữu được lệnh liền bắt trói kẻ trộm giao cho tên đao phủ. Tên trộm đó dùng lời mềm dẻo nói với người giữ tù rằng: “Xin ông thả cho tôi về thăm bà con, xóm làng để nói vài lời từ biệt, sau đo tôi sẽ trở lại.” Hiền giả nghĩ sao, người giữ tù kia có chịu thả cho về không ? O


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả, không thể được.


Tôn giả Ca-diếp nói: Bà con, họ hàng đều là con người, cùng sống ở đời này mà còn không thả, huống gì người thân của hiền giả làm đầy đủ mười điều ác, sau khi thác, đọa vào địa ngục, quỷ ngục không có từ tâm, lại không phải là con người. Sống chết là không cùng đời. Nếu người kia dùng lời mềm dẻo cầu xin với quỷ ngục rằng: “Xin ngài tạm thả tôi trở lại thế gian gặp người bà con để nói lời từ biệt, sau đó sẽ trở lại,” chắc chắn quỷ ngục sẽ không đồng ý. Cứ so sánh theo đó thì biết, tại sao hiền giả còn giữ chặt sự mê lầm, sinh điều tà kiến như thế.


Hiền giả còn có lý do gì khác để khẳng định rằng không có đời sau ? O


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa hiền giả, tôi có một người bà con mắc phải bệnh nặng tôi đến nói với người ấy rằng: “Các Sa-môn cho rằng có đời sau: “Người nào không sát sanh, không trộm cướp, không ngoại tình, không nói dối, không nói lời hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói sai, không nói thêm bớt, không tham lam, không tật đố, không tà kiến, thì sau khi thác đều được sanh về cõi trời.” Tôi vốn không tin điều này. Vì tôi chưa từng thấy người nào chết rồi trở lại cho tôi biết chỗ họ được thác sanh. Nay anh là bà con của tôi lại tạo đủ mười điều thiện. Nếu quả thật lời các Sa-môn nói là đúng, thì sau khi thác sanh, anh sẽ được sanh cõi trời. Giờ đây tôi chỉ còn tin theo anh để quyết định. Nếu anh được thác sanh thì anh phải nhớ trở lại báo cho tôi biết, sau đó tôi sẽ tin.” Nhưng thưa tôn giả từ khi thác đến nay anh ấy không trở lại. Anh ta là bà con của tôi, không lẽ dối tôi, hứa rồi không trở lại nên biết chắc không có đời sau.


Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả ví như có người rớt xuống hầm xí, đầu mình chìm ngấm, được vua cho người hầu cận vớt lên, lấy tro thoa thân ba lần và lấy nước tắm sạch. Sau đó lấy nước thơm tắm gội thân thể thật sạch sẽ, rồi lấy y phục đẹp trang sức cho thân thể người ấy. Tiếp theo, người ta đem thức ăn trăm vị ngon, vị ngọt cho người ấy ăn, sau đó đưa người ấy đến ở một ngôi nhà cao, hưởng năm thứ dục lạc, người ấy có muốn rớt vào hầm xí nữa không? O


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: thưa tôn giả, đấy là một chỗ hôi thối còn muốn trở xuống làm gì ?


Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả, chư thiên cũng thế. Họ cho cõi Diêm-phù này là nơi tanh hôi, bất tịnh, còn hơn cả hầm xí. Người bà con quen biết của hiền giả đã tạo đủ mười điều thiện, dĩ nhiên được sanh lên cõi trời, hưởng nhiều thú vui ngũ dục, liệu họ có chịu trở lại cõi hầm xí Diêm-phù này để báo cho hiền giả biết không ! O


Bà-la-môn Tệ-túc nói: Thưa tôn giả tôi có lý do khác, để chủ trương không có đời sau. Nguyên tôi có một người bà con mắc bệnh trầm trọng, tôi đến nói với người ấy rằng: “Các Sa-môn bảo có đời sau. Người nào tu mười điều lành, giữ năm giới thì sau khi thác được sanh lên cõi trời Đao-lợi.” Tôi cũng không tin điều này vì tôi chưa từng thấy ai chết rồi trở lại nói cho biết chỗ họ được hóa sanh. Nay anh là chỗ bà con, giữ đầy đủ năm giới và mười điều lành, nếu sau khi thác anh được sanh về cõi trời ấy thì anh hãy trở lại nói cho tôi biết sau đó tôi sẽ tin.”


Thưa tôn giả nhưng từ khi thác đến nay người ấy không trở lại. Anh ta là bà con với tôi, không lẽ nói dối, hứa rồi không trở lại nên tôi biết chắc không có đời sau.


Tôn giả Ca-diếp nói: Ở cõi này một trăm năm chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi trời Đao-lợi. Cõi Đao-lợi cũng lấy ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, họ sống lâu một ngàn năm như thế. Vậy hiền giả nghĩ sao, khi bà con hiền giả được sanh lên cõi trời Đao-lợi thì họ nghĩ rằng: “Ta mới sanh lên cõi này vậy ta hãy vui chơi trong vài ba ngày, sau đó trở lại báo tin cho bà con hay cũng không muộn.” Như vậy, liệu hiền giả có gặp được người bà con ấy không ? O


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả, không. Khi ấy, tôi có thể đã chết lâu rồi, làm sao gặp được. Nhưng tôi không tin rằng cõi trời Đao-lợi sống lâu như thế.


Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả, ví như có người khi mới sanh ra đã bị mù không biết gì về năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; sự vật thô, tế, dài, ngắn, đồng thời cũng không thấy mặt trời, mặt trăng, các vì sao, gò, khe, và hang động, v.v... Do đó, nếu được hỏi về màu sắc, kích thước của sự vật thì người mù sẽ đáp rằng: “Không có màu sắc, kích thước gì cả” cho nên mặt trăng, tinh tú, núi non, gò, khe, hang động, người mù cũng nói không có. Hiền giả nghĩ sao, người mù trả lời như thế có đúng không? Này hiền giả, cũng như thế. Sự sống lâu của cõi trời Đao-lợi là có thật, chẳng phải vì hiền giả không thấy mà nó trở nên không! O


Bà-la-môn Tệ-túc vẫn chưa tin. Ông nói: Thưa hiền giả, nguyên ở trong thôn tôi, khi bắt được kẻ trộm cướp, họ đem đến tôi và nói: “Người này là kẻ trộm, xin Ngài hãy trị nó!” Tôi bảo: “Hãy trói hắn lại và bỏ vào trong vạt đậy nắp, trét kín với một lớp đất dày, không để cho thần thức tiếp xúc với bên ngoài.” Sau đó, tôi sai người nổi lửa để đốt hắn. Lúc ấy, vì tôi muốn biết chỗ tẩu thoát của thần thức hắn, nên tôi bảo người hầu đi quanh cái vạt và quan sát thật kỹ nhưng không hề thấy thần thức chui ra. Sau đó, tôi lại mở nắp vạt ra, cũng không thấy thần thức qua lại. Do đó, tôi biết chắc không có đời sau.


Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa hiền giả, khi hiền giả ngủ nghỉ ở trên lầu cao, nằm mộng thấy núi rừng sông ngòi, vườn nhà, ao tắm, quốc ấp, đường sá thì những người thân cận hiền giả lúc đó có thấy thần thức của hiền giả đi ra, đi vào không ? O


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả dĩ nhiên họ không thể thấy những gì tôi nằm mơ.


Tôn giả Ca-diếp nói: Hiền giả còn sống mà thần thức ra vào còn không thể thấy, huống là người chết. Do đó, phải có đời sau và quả báo thiện ác.


- Thưa hiền giả, có những Tỳ-kheo từ đầu hôm đến cuối hôm không ngủ, chỉ lo siêng năng tu về đạo phẩm chánh niệm và dùng sức thiền định tu luyện thiên nhãn, nhờ sức thiên nhãn mà quán thấy chúng sanh thác chỗ này sanh chỗ kia, thác chỗ kia sanh về chỗ này, tuổi thọ dài ngắn, nhan sắc tốt xấu, tùy theo hành vi mà chịu quả báo, theo đó mà biết con đường thiện ác. Hiền giả không thể dùng con mắt thịt để thấy hết hiện tượng tái sanh của chúng sanh; thế mà lại bảo là không có đời sau. Đó là cái nhìn sai lầm, nguy hiểm cần phải xóa bỏ. O


Bà-la-môn Tệ-túc nói: Tuy Ngài đã dẫn dụ và chứng minh có đời sau, nhưng theo chỗ tôi thấy thì vẫn không có.


Nguyên là trong thôn tôi có lần bắt được một kẻ trộm. Tôi liền bảo người hầu cận trói hắn lại, rồi cắt thịt hắn ra từng mảnh để tìm thần thức hắn nhưng không thấy thần thức đâu cả. Tôi lại sai người hầu đập xương tìm thần thức trong tủy, nhưng vẫn không thấy đâu cả. Thưa hiền giả, vì duyên cớ đó, nên tôi biết chắc là không có đời sau.


Tôn giả Ca-diếp nói: Thưa Hiền giả, về một kiếp xa xưa trong quá khứ, có một đất nước điêu tàn hoang phế, lúc đó có đoàn buôn dắt năm trăm cỗ xe đi đến đất nước này, bỗng gặp một vị Phạm-chí tu đạo thờ lửa, thường ở trong một khu rừng, những người buôn đều xin ngủ trọ, rồi sáng mai từ giã lên đường. Phạm-chí thờ lửa lúc ấy thầm nghĩ: “Ta hãy đến chỗ những người buôn ngủ hồi hôm, xem thử họ còn bỏ sót gì không ?” Thế rồi ông ta liền đến chỗ họ nghỉ, nhưng đều không thấy gì cả, chỉ trừ có một đứa con nít mới sanh được một tuổi đang ngồi khóc một mình. Phạm-chí thầm nghĩ: “Ta đâu nỡ nhẫn tâm thấy đứa bé này chết trước mặt. Hay là ta mang đứa bé này về nhà nuôi.” Tức thì ông bồng đứa bé về nhà nuôi. Sau thời gian mười năm nuôi dưỡng, đứa bé mỗi ngày một lớn. Một hôm, Phạm-chí vì có chút việc muốn đi vào thành mới dặn đứa bé rằng: “Ta có chút việc, phải đi khỏi ít hôm, ngươi khéo giữ gìn đống lửa này, đừng để lửa tắt. Nếu lửa có tắt thì lấy hai thanh củi cọ vào nhau để lấy lửa đốt lên.” O


Dặn dò xong, Phạm-chí ra đi. Sau khi ông ta đi, đứa bé ham chơi không thường xuyên coi lửa, do đó lửa tắt. Đứa bé đi chơi về trông thấy lửa tắt, lo buồn và thầm than rằng: “Ta dại quá, khi cha ta đi có dặn dò phải giữ gìn lửa một cách cẩn thận, không cho tắt. Nhưng vì ta ham chơi đến nỗi để cho lửa tắt, bây giờ phải làm sao đây?” Khi đó, đứa bé vội vàng bới tro tìm lửa nhưng không thấy lửa, bèn dùng búa chẻ củi tìm lửa. Thế rồi lại chặt củi thành từng khúc, bỏ vào trong cối giã để tìm lửa nhưng vẫn không thấy. Sau đó Phạm-chí trở về và hỏi đứa bé: “Trước khi đi, ta có dặn con coi chừng lửa để lửa khỏi tắt, ngươi có coi không ?” Đứa bé đáp: “Vì con chạy đi chơi, không thường xuyên coi chừng lửa, do đó nay lửa tắt hết.” “Con làm cách nào để lấy lửa lại?” Lửa phát sanh ra từ củi nên con dùng búa chẻ củi ra để tìm lửa nhưng không thấy lửa đâu. Và sau đó con chặt củi thành khúc nhỏ, bỏ vào cối giã để tìm lửa, nhưng vẫn không có.” O


Lúc đó Phạm-chí dùng hai thanh củi cọ với nhau thì lửa phát ra, đồng thời ông ta chất củi lên đốt, và bảo đứa bé: “Muốn tìm lửa phải làm đúng cách này, không nên chẻ củi thành từng mảnh vụn như thế này thì làm sao có lửa.


Thưa hiền giả, hiền giả cũng như thế, không theo đúng phương pháp, lại đi lột da người để tìm thần thức, làm sao tìm được. Điều quan trọng hơn là “không phải do sự kiện hiền giả không thấy sự kiện tái sanh, mà việc tái sanh hay quả báo thiện ác trở nên không có.” O


Bà-la-môn Tệ-túc vẫn chưa tin. Ông lại thưa Tôn giả Ca-diếp rằng:


Có lần nọ tôi bắt được kẻ trộm. Tôi bảo người hầu đem người này đi cân. Sau đó giết chết người này một cách êm thắm, không làm mất một chút da thịt. Thế rồi tôi bảo người hầu đem cân người ấy trở lại. Nhưng lần này thấy nặng hơn lần trước. Thưa tôn giả, thân người ấy khi sống, thần thức đang còn, nhan sắc tươi đẹp, nói năng được mà đem cân thì nhẹ, trái lại, khi thác, thần thức không còn, nhan sắc cũng không, nói năng không được, đem cân thì nặng hơn, vì lý do đó, nên tôi biết là không có đời sau.


Tôn giả Ca-diếp bảo Bà-la-môn Tệ-túc rằng: Xin hỏi hiền giả, như người cân sắt, khi sắt nguội đem cân thì nặng, như khi sắt nóng đem cân thì nhẹ. Tại sao sắt nóng đỏ mà lại nhẹ, trong khi sắt không có màu đỏ sáng và cứng mà cân lại nặng ?


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Sắt nóng có màu đỏ sáng, nên nhẹ, sắt nguội không có màu đỏ sáng và cứng nên nặng.


Tôn giả Ca-diếp nói: Con người cũng thế, khi sống thì có nhan sắc, mềm mại cho nên nhẹ, nhưng khi thác không có nhan sắc và cứng cho nên nặng. Do đó, có thể biết chắc có đời sau. O


Bà-la-môn Tệ-túc thưa: Nguyên tôi có người bà con mắc phải bệnh nặng. Khi đó tôi nhờ người hầu, đỡ người bệnh nằm nghiêng về phía tay phải, và họ vẫn còn liếc ngó, co duỗi như thường. Thế rồi tôi đỡ người ấy nằm nghiêng bên trái, rồi lật sấp, lật ngữa, người ấy vẫn còn co duỗi, liếc ngó nói năng như thường. Sau đó liền tắt thở, tôi lại bảo người đỡ tử thi nằm nghiêng tay phải, tay trái, lật sấp, lật ngữa, nhìn kỹ thì không thấy co duỗi, liếc ngó hay nói năng gì cả. Do đó, tôi biết chắc không có đời sau.


Tôn giả Ca-diếp nói: Những người có trí nhờ thí dụ mà hiểu. Thưa hiền giả, xưa có một quốc độ, không có ai từng nghe tiếng ốc tù và. Hôm nọ, có người sành nghề thổi tù và đến nước này, đi vào thôn cầm ốc thổi ba tiếng rồi bỏ xuống đất.


Lúc đó, trai gái trong thôn nghe tiếng giật mình, đều đến hỏi: “Thứ tiếng gì mà trong trẻo, bi ai và ngân xa như thế?” Người chủ chỉ vào vỏ ốc nói: “Tiếng của cái đó.” Người trong thôn nghe vậy lấy tay vỗ vào vỏ ốc, và nói: “ngươi hãy kêu lên, ngươi hãy kêu lên !” Nhưng vỏ ốc vẫn không kêu, tức thời người chủ cầm vỏ ốc lên thổi ba tiếng, rồi bỏ xuống đất. Người trong thôn trầm trồ: “Đấy là tiếng tuyệt diệu mà chúng ta nghe khi nãy, chứ không phải do sức vỏ ốc mà có, phải có các yếu tố như tay, miệng, tù và và hơi thổi thì nó mới kêu.” Con người cũng thế, cần phải có sức sống, có tri giác, có tinh thần và hơi thở ra vào mới có thể co duỗi, liếc ngó, nói năng được. Xin hiền giả hãy từ bỏ ác tà kiến đó đi. Đừng cố chấp ôm nó, chỉ thêm khổ não. O


Bà-la-môn Tệ-túc đáp: Thưa tôn giả, tôi không thể bỏ được. Vì từ khi sanh ra đến giờ, tôi đã được huấn luyện và thường xuyên đọc tụng và luyện tập, thì đâu có thể bỏ được.


Lúc ấy, Tôn giả Ca-diếp kể rằng: Thuở xa xưa, có một nước, trong đó người dân ở biên cương sống cảnh rất nghèo nàn. Trong nước ấy có hai người. Một anh thì có trí một anh thì ngu. Họ bảo nhau: “Tôi là bạn thân của anh, chúng ta hãy cùng nhau ra ngoài thành gặt hái lúa hoang về làm của.” Rồi họ cùng đi. Khi đến một xóm hoang, thấy có cây gai mọc đầy trên mặt đất, họ cùng nhau lấy đem về.


Khi đi ngang qua một thôn khác, họ thấy có đống chỉ gai. Người trí nói: Chỉ gai đã làm thành, nhỏ, nhẹ đáng lấy hơn. Người ngu nói: Tôi đã lấy gai bó buộc chặt chẽ, bỏ thì uổng quá.


Đoạn, người trí bỏ cây gai, lấy một gánh chỉ gai đem về. Họ lại cùng nhau tiến bước, bỗng gặp một đống vải gai. Người trí nói: Vải gai đã làm thành nhỏ nhẹ, đáng lấy hơn. Người ngu nói: Tôi đã lấy cây gai bó buộc chặt chẽ, khi nãy còn chưa bỏ, bây giờ bỏ thì phí sức quá chừng.


Đoạn người trí bèn bỏ hết gánh chỉ gai để lấy vải gai. Họ cùng nhau tiến bước, bỗng gặp một đống cây kiếp-bối. Người trí nói: Thứ cây kiếp bối này rất quý giá, nhỏ, nhẹ, đáng lấy hơn. Người ngu nói: Tôi đã mang cây gai đã xa. Nay bỏ thì uổng quá.


Lúc ấy, người trí liền bỏ vải gai mà lấy cây kiếp bối. Họ cùng tiến bước, lại gặp chỉ kiếp bối, gặp bạch diệp, gặp đồng trắng, rồi gặp bạc, gặp vàng.


Người trí nói nếu không có vàng thì ta sẽ lấy bạc, nếu không có bạc thì ta hãy lấy đồng hoặc lấy chỉ gai, nếu không có chỉ gai thì ta hãy lấy cây gai. Nhưng nay tại thôn này có rất nhiều vàng mà vàng là hơn hết trong các vật này. Vậy ta nên bỏ cây gai … ta hãy bỏ bạc để cùng nhau lấy vàng mỗi người một gánh đem về.


Người ngu nói: Nếu anh muốn lấy thì lấy, tùy ý. Tôi đã tốn công quá nhiều. Tôi không thể bỏ cây gai để đổi lấy cái gì khác.


Thế rồi người trí một mình bỏ bạc lấy một gánh vàng mang về. Đến nhà bà con từ xa vừa trông thấy anh ta về, gánh nhiều vàng thì vui mừng nghinh đón; người được vàng thấy bà con nghinh đón lại càng vui mừng hơn. Trong khi đó, người ngu lấy cây gai về nhà, bà con trông thấy không vui mừng, không ai thèm nghinh tiếp, nên anh càng thêm buồn khổ.


Thưa hiền giả, hiền giả nên từ bỏ tà kiến ấy đi, chớ để thêm khổ não. Như người gánh gai cứ chấp chặt ý ngu, không chịu lấy vàng, gánh gai đem về thật mệt nhọc uổng công nhưng không có giá trị, bà con không vui, và suốt đời phải chịu cảnh nghèo cùng, càng thêm buồn khổ. O


Bà-la-môn Tệ-túc đáp rằng:


- Thưa tôn giả, tôi nhất định không bỏ quan điểm ấy. Vì tôi nhờ quan điểm ấy mà dạy dỗ nhiều người, đem lại nhiều lợi ích, vua chúa các nơi đều nghe tên tôi, đều biết rõ tôi là hàng học giả chủ trương đoạn diệt.


Tôn giả Ca-diếp ôn tồn nói tiếp: Những người có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ.


Về thuở xa xưa có một đất nước mà nhân dân ở biên cương rất nghèo khó. Lúc đó có một đoàn thương buôn, mang theo một ngàn cỗ xe đi ngang qua nước này. Giữa đường, họ hết sạch lương thực. Người chủ buôn suy nghĩ: “Chúng ta nên phân thành hai nhóm. Nhóm một đi trước dẫn đường.” Người dẫn đường nhìn thấy một người thân thể to lớn, mắt đỏ, mặt đen, xoa bùn cả mình từ đằng xa đi lại, bèn hỏi:


- Người từ đâu lại ?


- Tôi từ thôn phía trước đến.


- Chỗ đó có nhiều nước, gạo, củi, rau không?


- Chỗ tôi có nước gạo củi rau dư giả. Và lúc tôi đi giữa đường, bỗng gặp trời mưa to nên ở thôn kia lại càng có nhiều nước gạo củi rau.


Người ấy lại bảo thương chủ rằng: Nếu trên xe ngươi có chở gạo, rau thì bỏ xuống, vì tại thôn ấy có nhiều rồi, không cần phải chở cho nặng xe.


Thể theo lời người ấy, họ đều bỏ gạo, rau để cho xe nhẹ, đi mau tới nơi. Nhưng họ đi một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày cũng không thấy gì cả. Lúc ấy đoàn người buôn đã lâm vào nơi đồng vắng và bị giặc cướp giết chết hết.


Về sau, toán thứ hai tiếp tục lên đường, người chủ buôn đi đầu, lại gặp người mắt đỏ mặt đen, thoa bùn khắp người. Người chủ đoàn hỏi và được người mắt đỏ ấy trả lời như trường hợp nhóm một. Lần này, người chủ đoàn thận trọng hơn. Ông bảo với những người trong đoàn: “Hãy giữ kỹ lương thực, chớ vội vất bỏ. Bao giờ được lương thực mới, hãy tính. Vì sao? Vì đồ mới, đồ cũ phải có tiếp tục, mới mong vượt qua được cánh đồng rộng lớn này.” Thế nên cả đoàn người buôn cứ chở xe nặng mà đi. Đi được một ngày như thế nhưng không thấy nước rau đâu cả, tiếp tục đi ngày thứ hai, thứ ba cho đến ngày thứ bảy cũng không thấy có nước đâu cả. Họ chỉ thấy xương cốt ngổn ngang của đoàn người đi trước bị giết chết. O


- Này hiền giả, người mắt đỏ mặt đen kia chính là quỷ La-sát. Những người nghe theo lời nó suốt đời chịu khổ, chẳng khác nào đoàn người buôn thứ nhất vì không có trí tuệ nên nghe lời người dẫn đường, do đó phải thiệt mạng. Này hiền giả ! Trái lại, những vị sa-môn tinh tấn có trí tuệ, dạy những điều lợi ích, nếu ai nghe theo suốt đời được an vui, như đoàn người buôn thứ hai, vì nhờ có trí tuệ nên khỏi bị tai nạn.


- Này hiền giả, hiền giả nên bỏ tà kiến ấy đi, chớ có bảo thủ mà suốt đời chỉ gây thêm đau khổ. Bà-la-môn Tệ-túc nhất quyết không từ bỏ quan điểm của mình. Tôn giả Ca-diếp tiếp tục dẫn dụ.


Trong kiếp xa xưa có một đất nước mà nhân dân ở biên cương đều điêu tàn. Lúc đó có một người thích nghề nuôi heo, đi đến một thôn vắng khác, thấy có nhiều phân khô liền nghĩ thầm: Nơi đây có nhiều phân mà đàn heo ta ở nhà đang đói, ta nên lấy cỏ gói phân này đội lên đầu đem về. Nghĩ vậy anh ta liền lấy cỏ gói phân rồi đội đi. Đi được nửa đường gặp trời mưa to, phân rỉ chảy khắp mình mẩy. Mọi người thấy vậy đều chê anh ta là điên cuồng: “Thứ phân nhơ ấy, giả sử trời mát mẻ cũng không ai đội, huống là đội đi trong cơn mưa.” Anh ta nổi giận mắng lại: “Các ngươi là đồ ngu, không biết heo ta ở nhà đang đói, nếu các ngươi biết thì không ai nói ta ngu đâu.”

Này hiền giả, hiền giả nên bỏ quan điểm ấy đi, bằng không suốt đời phải chịu khổ đau. Cũng như người ngu kia đội phân đi bị người khác chê, khi được can gián lại mắng người ta là ngu si. O


- Này hiền giả, thuở xưa, ở thôn Tư-ba-ê này có một người Phạm-chí kỳ cựu, tuổi đã một trăm hai mươi, có hai người vợ, một người có con trước, một người mới mang thai.


Chẳng bao lâu, Phạm-chí qua đời. Mẹ con người vợ lớn nói với người vợ nhỏ rằng: “Bao nhiêu của báu này đều giao hết cho chúng tôi cả, ngươi không có phần nào.” Người vợ nhỏ nói: “Chị hãy chờ một thời gian ngắn, tôi sẽ sanh, nếu là con trai thì sẽ có một phần gia tài, nếu là con gái thì chị đem gả chồng để lấy tiền của.” Nhưng người vợ lớn cứ nài nỉ đến ba lần, đòi chia gia tài cho được. Người vợ nhỏ vẫn trả lời như trước. Con của người vợ lớn cứ ép buộc mãi, người vợ nhỏ nổi giận lấy dao bén, tự mổ bụng mình để xem thai nhi trong bụng con trai hay con gái.


- Này hiền giả, người mẹ tự mổ bụng mình lại hại luôn đứa con trong bào thai. Nay hiền giả cũng thế, đã tự giết mình còn muốn giết kẻ khác. Chỉ có Sa-môn, Bà-la-môn nào siêng tu thiện, giới đức đầy đủ, nếu sống lâu ở đời mới đem lại nhiều lợi ích an lạc cho cả Trời Người. O


- Thưa hiền giả, nay tôi sẽ đem dẫn dụ cuối cùng để hiền giả thấy rõ tai hại của tà kiến. Thuở xưa tại thôn Tư-ba-ê này, có hai người giỏi về nghề luyện bi. Một hôm, hai người đấu nghề với nhau, một người thắng cuộc, một người thua cuộc. Thế rồi, người thua cuộc nói với người thắng cuộc rằng: “Thôi, hôm nay chúng ta nghỉ, ngày mai đấu lại.” Nói xong người thua cuộc trở về nhà lấy những hòn bi đem tẩm thuốc độc rồi đem phơi khô. Sáng hôm sau, anh ta đem những hòn bi đó đến chỗ người thắng cuộc yêu cầu đấu lại. Trước khi chơi, người thua cuộc lấy một hòn bi đã tẩm thuốc độc đưa cho người thắng cuộc, người thắng cuộc lấy nuốt, người thua cuộc lại trao nữa, người thắng cuộc tiếp tục nuốt. Lúc ấy người thắng cuộc bị chất độc làm rung động cả thân.’ O


Kể xong Tôn giả Ca-diếp khuyên bà-la-môn Tệ-túc rằng:


- Xin hiền giả nên mau bỏ tà kiến, chớ để mê muội mãi lại càng thêm khổ sở, như người chơi bi kia, nuốt độc mà không biết.


Lúc đó Bà-la-môn Tệ-túc thưa Tôn giả Ca-diếp rằng:


- Thưa tôn giả ngay thí dụ đầu tiên về mặt trăng, tôi đã hiểu rồi, sở dĩ tôi tráo trở không chấp nhận là vì tôi muốn thấy trí tuệ biện tài của Ngài để thêm vững chắc lòng tin. Nay tôi xin tín thọ quy y với Ngài.


Tôn giả Ca-diếp đáp: Hiền giả chớ quy y với tôi mà nên quy y với Đấng Vô Thượng Tôn, như tôi đã quy y. O


Bà-la-môn Tệ-túc thưa: Hiện nay Đấng Vô Thượng Tôn đang ngự ở đâu ?


Tôn giả Ca-diếp đáp: Đức Thế Tôn thầy tôi đã diệt độ chưa bao lâu. O


Bà-la-môn Tệ-túc nói: Nếu Đức Thế Tôn còn, chẳng quản xa gần, tôi cũng tìm đến gặp ngài và quy y lễ bái. Nhưng nay Đức Thế Tôn đã diệt độ, vậy tôi xin quy y Đức Như Lai đã diệt độ, quy y Pháp và quy y chúng Tăng. Xin tôn giả hãy chấp nhận tôi là kẻ Ưu-bà-tắc ở trong chánh pháp. Từ nay về sau tôi nguyện trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Tôi nay sẽ đại bố thí cho tất cả.


Tôn giả Ca-diếp nói: nếu hiền giả sát hại chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội bố thí, điều đó chẳng phải là phúc thanh tịnh. Và nếu giết hại chúng sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội bố thí và bố thí cho hạng người tà kiến, thì đó chẳng phải là tạo phúc thanh tịnh. Ví như trên đất cạn nhiều sạn sỏi, nhiều chông gai mà đem gieo giống vào, chắc chắn không gặt hái được gì. Trái lại, nếu mở hội đại bố thí mà không giết hại chúng sanh, không đánh đập tôi tớ, đem lòng hoan hỷ mở hội bố thí, bố thí cho hạng người thanh tịnh, thì hiền giả sẽ thu được nhiều phúc lớn. Cũng như ruộng tốt đúng mùa mà gieo giống, tất nhiên sẽ thu hoạch được nhiều tốt đẹp. O


Bấy giờ, Bà-la-môn Tệ-túc, thiếu niên Phạm Chí, chúng Bà-la-môn và các cư sĩ trong thôn Tư-ba-ê nghe Tôn giả Ca-diếp nói pháp xong đều hoan hỷ phụng hành. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Na-tiên Đàm Đạo

Thứ hai mươi mốt

Có một hôm, vua Di-lan-đà thăm viếng chùa San-khê-da, nơi Đại đức Na-tiên đương cư trú với tám chục Tỳ-kheo. Ông tiến đến trước mặt Đại đức và cung kính vái chào. Đại đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, nhà vua cung kính ngồi xuống một bên.      O

1. VẠN VẬT VÔ NGÃ

Đoạn vua khởi chuyện hỏi rằng:


- Bạch Đại đức, trẫm muốn hỏi Ngài ít điều, có được không ?


- Xin Đại vương cứ phán hỏi, bần tăng xin nghe.


- Bạch Đại đức quý danh là gì ?


- Người ta gọi bần tăng là Na-tiên. Các pháp hữu của bần tăng cũng gọi bần tăng bằng tên ấy. Nhưng dù cho cha mẹ bần tăng có đặt cho bần tăng tên Na-tiên hay một tên nào khác, chẳng hạn như Duy-tiên, Thủ-la-tiên hoặc Duy-ca-tiên v.v.. thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Trong những cái tên đó không hề có cái "ta" hay cái "của ta" như các quan điểm tà kiến và ngã chấp thường lầm nhận. O


Nhà vua kinh ngạc, quay sang đám tùy tùng và các vị Tỳ-kheo trong chùa rồi nói:


- Này năm trăm quan chức và tám chục Tỳ-kheo ! Các vị hãy ghi nhớ lời của Đại đức Na-tiên hôm nay. Ngài nói: tên là do cha mẹ đặt ra và bạn hữu dùng để gọi, chứ trong đó không có cái "ta." Như vậy trẫm có thể tin được lời Ngài chăng ?


Nói xong nhà vua quay trở lại hỏi Đại đức Na-tiên rằng: O


- Bạch Đại đức nếu không có cái "ta" trong đó thì khi tín thí cúng dường y bát, vật thực, phòng xá, thuốc men, dụng cụ v.v.. ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập Niết-bàn? Nếu không có cái "ta" trong tâm người thì ai giữ giới? Ai phạm giới? Ai sát sanh? Ai trộm cướp? Ai hành dâm? Ai nói dối? Ai say sưa? Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành, nghiệp dữ cũng không có. Những việc làm lành hay dữ đều không có quả báo gì hết. Bạch Đại đức ! Như thế thì nếu có kẻ giết Đại đức cũng không phạm tội sát sanh chăng? Và trong tăng đoàn không có ai là vị giáo thọ giảng dạy, chẳng có ai là Hòa thượng truyền giới thu nhận đệ tử tu lên bậc trên? Ngay các pháp hữu của Đại đức, gọi Đại đức Na-tiên cũng không có nốt? Và cái tên Na-tiên đó là ai? Kính mong Đại đức từ bi giải thích cho trẫm được rõ. O


- Thưa, Đại đức đã nghe rồi chứ ?


- Tâu Đại vương bần tăng đã nghe rõ rồi.


- Người nghe đó có phải là Na-tiên không?


- Tâu Đại vương, không phải đâu.


- Thế thì ai là Na-tiên? Cái gì là Na-tiên? Tóc trên đầu là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Lông là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Móng là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Hay răng, da, thịt, tủy, gân v.v.. là Na-tiên chăng?


- Tâu Đại vương, cũng không phải.


- Sắc là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Thọ là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Tưởng là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Hành là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Thức là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Hay con mắt là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Hay lỗ tai, lỗ mũi, lưỡi, thân thể hoặc ý là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Hay tất cả năm tổ hợp nhân thể: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức gồm lại là Na-tiên chăng?


- Tâu Đại vương, không phải.


- Hay ngoài năm tổ hợp nhân thể ra còn có cái gì đó là Na-tiên chăng ?


- Tâu Đại vương, cũng không phải nốt.


- Bạch Đại đức, nãy giờ trẫm đã gạn hỏi tường tận về 32 thể trược, 5 nhóm nhân thể và 18 yếu tố có phải là Na-tiên không, hết thảy đều bị Đại đức phủ nhận. Theo lời dạy bảo của Đại đức, trẫm quán tưởng cũng thấy rằng trong từng cái nêu hỏi không có Na-tiên, và Na-tiên cũng không có trong tất cả những cái đó họp lại: Na-tiên chỉ là cái danh suông. Như vậy khi nãy, Đại đức bảo với trẫm rằng người ta gọi Đại đức là Na-tiên, như thế là Đại đức đã nói sai, chứ thật ra không có Na-tiên. Này năm trăm quan chức và tám chục Tỳ-kheo, xin các vị hãy làm chứng cho. O


Bấy giờ, Đại đức Na-tiên từ tốn thưa với nhà vua rằng:


- Tâu Đại vương, Đại vương thật là một bậc đế vương thanh nhã, hưởng nhiều phước báo an vui. Nhưng trên con đường từ hoàng cung đến chùa này, chắc hẳn vì gặp lúc khí trời oi bức, Đại vương thấy trong lòng khó chịu, long thể bất an, nên tâm trí Đại vương có phần nóng nảy, kém thanh tịnh. Chẳng hay Đại vương đến đây bằng đi bộ hay bằng xe ?


- Bạch Đại đức, trẫm đến bằng xe. Chỉ khi tiến vào đây, trẫm mới đi chân.


Nghe nhà vua nói xong, Đại đức Na-tiên thưa rằng:


- Này năm trăm vị quan chức ! Xin quý vị hãy ghi nhớ lời nói của nhà vua. Ngài bảo rằng Ngài đến đây bằng xe.


Phân chứng cớ xong, Đại đức Na-tiên quay lại hỏi nhà vua: O


- Tâu Đại vương, Đại vương bảo rằng Đại vương ngự đến bằng xe. Đó là Ngài nói thật chứ?


- Bạch Đại đức, trẫm nói thật.


- Vậy, xin Đại vương cho bần tăng biết rõ về chiếc xe. Gọng có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Trục có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Bánh có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Căm có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Thùng có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Ách có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Chỗ gác chân có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Mui có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Dây cương có phải là xe không ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Hay cây roi là xe ?


- Thưa Đại đức, không phải.


- Hay tất cả các món ấy họp lại và buộc chung với nhau là xe?



- Thưa Đại đức, không phải.


- Hay ngoài các món ấy ra, còn có một món nào khác gọi là xe ?


- Thưa Đại đức, cũng không phải.


- Hay tiếng khua động là xe ?


- Thưa Đại đức, cũng không phải nốt.


- Vậy chớ, xe là cái gì ?


Nhà vua lặng thinh, không trả lời. Đại đức Na-tiên dừng nghỉ một lát rồi tâu rằng:


- Tâu Đại vương ! Nãy giờ bần tăng đã gạn hỏi tường tận về từng món một như gọng, mui, thùng, v.v.. có phải là xe không, hết thảy đều bị Đại vương phủ nhận. Theo lời phán bảo của Đại vương, bần tăng quả thật cũng thấy rằng trong từng món nêu hỏi đều không có xe, và xe cũng không có trong tất cả những món đó họp lại; Xe chỉ là cái danh suông. Như vậy, khi Đại vương nói với bần tăng rằng Đại vương đến đây bằng xe điều đó e đáng ngờ vực lắm. Đại vương là một vị đại hoàng đế cao cả, làm chủ một đất nước mênh mông, thật hẳn không đáng lại đây để nói những lời luống dối như thế. Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy làm chứng cho.


Thấy nhà vua ngồi lặng thinh và các quan chức thì tỏ lòng tán dương bằng nhiều cách khác nhau, Đại đức Na-tiên bèn từ hòa tâu với nhà vua rằng: O


- Trong kinh, Đức Phật có dạy như vầy: Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui v.v.. theo một cách thức nhất định thì chúng sẽ thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ v.v.. thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái "ta" để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có cái "ta" chơn thật nào cả ! Đúng như lời của nữ tôn giả Va-ji-ra đã bạch với đức Thế Tôn rằng: "Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ họp lại mà thành. Nhiều thành phần nhân thể họp lại thì thành một vật, mệnh danh là chúng sanh.”


Vua Di-lan-đà nghe đến đây, lấy làm hoan hỷ, hết lòng tán thán Đại đức Na-tiên.


- Hay thay ! Hay thay ! Nếu mà Đức Phật còn tại thế thì hẳn Ngài phải khen ngợi Đại đức lắm. O

2. ĐỜI TRƯỚC VÀ ĐỜI SAU

- Vua Di-lan-đà hỏi: Bạch Đại đức, kinh Phật nói con người sau khi chết tiếp tục thác sanh trở lại theo nghiệp lành hoặc nghiệp dữ đã gây, như vậy đó là con người cũ hay là một con người mới nào khác ?


- Tâu Đại vương, không phải con người cũ, nhưng cũng chẳng phải là lìa con người ra mà sanh một con người mới khác.


- Bạch Đại đức, như thế nghĩa là thế nào?


- Đại đức Na-tiên hỏi lại: Bệ Hạ hồi còn bú sữa mẹ với bệ hạ cai trị trăm họ bây giờ có khác gì nhau không ?


- Bạch Đại đức, khác chứ ! Hồi đó trẫm nhỏ dại bây giờ trẫm lớn khôn. . .O


Tâu Đại vương, như vậy thì mẫu hậu hồi đó không phải mẫu hậu ngày nay ! Phụ vương cũng thế ! Và bệ hạ cũng chẳng có phụ đạo. Vì ông ấy chỉ dạy đứa bé mới mười lăm tuổi cách đây mấy chục năm, chứ đâu có dạy bệ hạ bây giờ! Thân trước thân sau khác nhau thì mẹ đứa bé không phải mẹ nhà vua ! Người học trò lúc trước cũng không phải nhà vua trong hiện tại ! Và kẻ phạm tội giết người năm ngoái không phải là người bị cáo ra tòa ngày nay !

Bệ hạ làm sao buộc tội được người ấy ?


- Bạch Đại đức, không phải như thế. Nhưng nếu có ai hỏi Đại đức về điều này thì Đại đức giải đáp ra sao ?


- Tâu Đại vương, thân bần tăng lúc nhỏ với thân bần tăng bây giờ cũng là một thân mà thôi. Thân ấy từ nhỏ đến lớn trải qua nhiều quãng thời gian khác nhau, nhưng vẫn được liên tục nuôi dưỡng bởi một sinh mạng. O


- Xin Đại đức cho ví dụ.


- Tâu Đại vương, ví như một ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm, nó có thể cháy mãi cho tới sáng không ?


- Bạch Đại đức, có thể.


- Tâu Đại vương, lửa ngọn đèn thắp lên từ đầu hôm với lửa ngọn đèn lúc nửa đêm và lửa ngọn đèn lúc gần sáng có phải là một không ?


- Bạch Đại đức, không.


- Tâu Đại vương, trong ba khoảng thời gian khác nhau ấy, người ta có đốt ngọn đèn nào khác không ? O


- Bạch Đại đức, vốn chỉ có một ngọn đèn với một cái bấc và cùng một loại dầu từ đầu hôm cho đến tảng sáng.


- Tâu Đại vương, trong con người cũng như thế đó. Pháp này đi thì pháp kia tới, trước sau tiếp nối nhau mà nuôi dưỡng tinh thần. Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên rồi già chết, nó lại tiếp tục hướng đến một kiếp sống khác. Cứ thế cuộc sống được tương tục mãi mãi. Cho nên nói rằng thân cũ sinh trở lại thì không đúng, nhưng nói lìa thân cũ ra mà có một thân mới khác cũng không được. Lại ví như sữa tươi mới vắt, để lâu thì thành sữa ối, thành bơ v.v.. nói sữa tươi là bơ thì hẳn không phải, nhưng nếu nói bơ không do sữa tươi mà ra thì cũng sai. Cũng tương tợ như thế, con người sinh ra với tinh thần và sau khi sinh ra thì lớn lên, già, rồi chết. Chết rồi, nó lại mang một thân mới mà sinh trở lại. Mất thân trước, nó liền thọ thân sau. Cho nên nói người đầu thai sinh trở lại và người đã chết là một thì không đúng, mà nói chúng tách biệt, không có quan hệ gì lẫn nhau cũng không được.


- Hay thay ! Hay thay ! O

3. THẦN THỨC TÁI SANH

- Vua Di-lan-đà hỏi:


- Bạch Đại đức, con người sau khi chết rồi cái gì sanh trở lại?


- Tâu Đại vương, đó là danh, tức thần thức, và tổ hợp sắc thân bao gồm đất, nước, gió, lửa.


- Bạch Đại đức, phải chăng đó là thần thức và thân của người cũ sanh trở lại ?


- Tâu Đại vương, không phải thần thức cũ, cũng chẳng phải xác thân cũ. Thần thức và xác thân của đời này làm các việc thiện ác, do nghiệp thiện ác ấy, một thần thức và xác thân khác chuyển sanh để thọ lãnh phước báo hay tội báo đã gây ra. O


- Bạch Đại đức, như vậy là không phải cái thần thức và xác thân cũ sanh trở lại. Thế thì đời này làm điều ác, đời sau đâu có chịu quả báo? Và sanh trở lại nữa thì tức là đã thoát khỏi luân hồi rồi !


- Tâu Đại vương, không phải như vậy. Nếu sống ở đời mà chỉ làm toàn điều thiện thì sau khi chết có thể không sanh trở lại. Nhưng thông thường thì làm điều thiện cũng có, mà gây điều ác cũng nhiều, việc lành việc dữ tiếp nối xen nhau không ngừng, cho nên phải sanh trở lại mà thọ báo. Làm sao thoát khỏi luân hồi được. O


- Bạch Đại đức, xin Đại đức cho ví dụ về sự liên hệ giữa thần thức và xác thân cũ với thần thức và xác thân mới.


- Tâu Đại vương, ví như có người hái trộm xoài của kẻ khác. Chủ vườn xoài bắt được quả tang, đem đến tố cáo với Đại vương, yêu cầu Đại vương xử trị. Trước mặt Đại vương, bị cáo cãi rằng: “Tôi không hái xoài của anh ấy. Cây xoài của ảnh trồng hồi trước là một cây mầm tí xíu. Còn những trái xoài mà tôi hái bây giờ nằm ở trên một cành cây to lớn xum xuê. Tôi đâu có ăn trộm.” Trước những lý lẽ viện ra như thế, Đại vương có cho rằng anh ta vô tội và xử cho anh ta được kiện chăng ? O


- Bạch Đại đức không, anh ta có tội, trẫm sẽ xử cho người trồng xoài được kiện. Vì trước kia nhờ người này ra công trồng trọt, bón xới cây mầm, cho nên ngày nay mới có cây xoài to lớn, đơm hoa kết trái.


- Tâu Đại vương, con người tái sanh trở lại cũng như thế. Với cái thân này, người ta sống trên đời mà làm các việc thiện ác. Nghiệp thiện ác ấy tiếp nối nhau không ngừng, hình thành nên một hợp thể tinh thần và xác thân mới ở đời này và nhiều đời khác nữa. Cũng như do công phu đào lỗ, bỏ hột và vun bón mầm cây nên về sau mới có cây xoài sum suê cành lá với trái chín trĩu đầy. Làm việc thiện ác trong đời này tức như gieo hạt xuống đất và bón xới cây mầm. Đời sau không sao không thọ quả báo được ! O


- Xin Đại đức cho ví dụ khác.


- Tâu Đại vương, ví như có người gặt trộm lúa của kẻ khác. Bị bắt, anh ta cãi rằng lúa anh ta gặt hiện nay so với cây mạ của kẻ kia trồng mấy tháng về trước, không liên quan gì nhau. Như vậy đâu có được !


- Xin Đại đức cho ví dụ khác.


- Tâu Đại vương, ví như có người trời tối cầm đuốc lên lầu ăn cơm. Vô ý, y để tàn lửa bay ra cháy nóc nhà mình. Lửa lan sang nhà kế cận, cuối cùng thiêu rụi cả làng. Dân làng bắt tội y. Y cãi rằng: “Tôi không đốt làng. Tôi chỉ đốt đuốc ăn cơm mà thôi. Ngọn lửa đuốc của tôi đốt lên để ăn cơm khác với ngọn lửa của cơn hỏa hoạn thiêu đốt cả làng”, cãi nhau bất phân thắng bại, họ đưa nhau đến trước Đại vương, yêu cầu xét xử. Vậy Đại vương sẽ xử ai được ai thua ? O


- Bạch Đại đức, dân làng được, người đốt đuốc kia thua.


- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?


- Bạch Đại đức, vì nguồn gốc tai họa chính do y gây. Do y đốt đuốc lên để ăn cơm mà không cẩn thận, thì mới có hỏa hoạn sanh ra. Lửa cháy cả làng bắt gốc từ ngọn đuốc của y.


- Tâu Đại vương, thân cũ, thân mới cũng lại như vậy. O


- Xin Đại đức cho ví dụ khác.


- Tâu Đại vương, ví như có người đàn ông nọ đã nạp đủ lễ để xin cưới một bé gái. Sau đó anh ta ra đi, rồi biệt tích luôn. Khi cô này đến tuổi trưởng thành, có một người đàn ông khác xin cưới và cũng nạp đủ lễ. Thình lình người đàn ông trước trở về, quở trách người đàn ông sau sao dám lấy vợ mình. Người sau cãi lại: “Tôi đâu có cưới vợ anh. Cô bé mà anh trả lễ xin cưới trước kia và thiếu nữ mà tôi trả lễ xin cưới ngày nay là khác nhau.” Không ai chịu ai, họ dẫn nhau đến xin Đại vương phân xử. Vậy Đại vương sẽ xử ai được kiện. O


- Bạch Đại đức, người đàn ông trước.


- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?


- Bạch Đại đức, vì cô bé thuở trước và thiếu nữ ngày nay cũng là một. Thân thiếu nữ ngày nay là do thân cô bé thuở trước mà ra. Ai cưới trước, người ấy được.


- Tâu Đại vương, tinh thần và xác thân cũ với tinh thần và xác thân mới cũng như vậy đó. O


- Xin Đại đức, cho một ví dụ nữa.


- Tâu Đại vương, ví như có người đến chủ nuôi bò hỏi mua một bình sữa. Mua xong, người ấy gửi bình sữa lại, hẹn sau khi ra chợ về sẽ ghé lại lấy. Bị trắc trở công việc, vị ấy không về kịp. Hôm sau mới tới lấy sữa thì sữa đã ối. Anh ta cự nự đòi lấy sữa mới, viện lẽ rằng anh ta không mua sữa ối. Cãi vã nhau, không ai chịu ai, họ dắt nhau đến kiện với Đại vương. Vậy Đại vương sẽ xử ai được kiện. O


- Bạch Đại đức, chủ nuôi bò.


- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?


- Bạch Đại đức, sữa trong bình chính là sữa người kia đã mua hôm trước. Vì để cách đêm nên nó mới trở nên ối. Chủ nuôi bò vô can.


- Tâu Đại vương, người tái sinh trở lại cũng như vậy đó. Nương nơi danh sắc, người ta sống ở đời mà làm các việc thiện ác. Nghiệp thiện ác ấy nối tiếp không ngừng, chiêu cảm một danh sắc mới sau khi chết để thọ quả khổ vui hết đời này sang đời khác. Nghiệp thiện ác chính là nguồn gốc của sự tái sanh vậy. Cho nên ai bảo rằng đời này làm ác, đời sau không tái sanh để đền trả là không thể được. O


***

4. CHUỖI THỜI GIAN

- Vua Di-lan-đà hỏi:


- Bạch Đại đức, thời gian là gì ?


- Tâu Đại vương, quá khứ, hiện tại và vị lai. Quá khứ dài vô cùng vô tận. Vị lai cũng dài vô cùng vô tận. Chỉ hiện tại là không dài.


- Bạch Đại đức, xét cho cùng, có thời gian hay không ?


- Tâu Đại vương, có khi có có khi không.


- Bạch Đại đức, khi nào thì có và khi nào thì không?


- Tâu Đại vương với những vị tu hành đắc đạo vào Niết-bàn thì không có thời gian. Với những kẻ chưa đắc đạo, còn vào ra trong sanh tử, thì còn có thời gian. Khi thời gian còn có thì nếu đời này thích làm việc bố thí và ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, đời sau hẳn sẽ được hưởng phước báo. O


- Bạch Đại đức nguồn gốc của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai là cái gì ?


- Tâu Đại vương, Vì ngu si mê muội nên có hành. Do có hành nên có thức. Do có thức nên có danh sắc. Do danh sắc nên có sáu giác quan. Một là biết của mắt, hai là biết của tai, ba là biết của mũi, bốn là biết của lưỡi, năm là biết của thân, sáu là biết của tâm. Cả sáu cái biết này đều hướng ngoại. Mắt hướng sắc, tai hướng thanh, mũi hướng hương, lưỡi hướng vị, thân hướng êm ái, tâm hướng đối tượng. Do có sáu giác quan nên có sự tiếp xúc. Do có tiếp xúc mà có cảm giác hạnh phúc và khổ đau. Do có cảm giác nên có tham ái. Do có tham ái nên có chấp thủ. Do có chấp thủ nên có sự hình thành cái nguyên nhân tái sanh. Do tái sanh nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì vậy mà con người chết đi sanh lại hết đời này sang đời khác, không bao giờ chấm dứt. Trong cái thời gian dài vô tận và không thể phanh ra đầu mối ấy, tìm trở lại cái bản thân trước kia của con người, quả là một việc bất khả đắc. O


- Bạch Đại đức, Đại đức vừa nói không thể phanh ra đầu mối của thời gian, vậy xin Đại đức cho ví dụ.


- Tâu Đại vương, như trong việc trồng lúa. Hột lúa gieo xuống đất, tự nó nẩy mầm, đâm rễ, lên cây, trổ lá đơm bông, ngâm sữa phơi mao, kết hột. Hột lúa mới gieo trở lại xuống đất, sanh ra những hạt lúa mới khác nữa. Nếu cứ gieo trồng như thế hết năm này sang năm khác, sự liên tục của hột lúa có bao giờ ngưng nghỉ được không ? O


- Bạch Đại đức, không.


- Tâu Đại vương, con người sanh ra qua thời gian cũng như vậy đó. Trước sau nối nhau tương sanh không dứt. Trong dòng sự sống tương tục ấy, tìm cho ra đầu mối của sanh tử là một việc bất khả đắc.


- Xin Đại đức cho ví dụ khác.


- Tâu Đại vương ví như gà đẻ trứng. Trứng gà ấp nở ra gà con. Gà con lớn lên, lại đẻ trứng mới, lại nở gà con. Từ trứng nở ra gà, từ gà đẻ ra trứng, cứ thế tiếp tục mãi không bao giờ ngừng. Con người sanh ra rồi lại chết đi, chết xong lại sanh trở lại, lộn lui lộn tới trong vòng sanh tử, cũng giống như thế. Không thể nói đâu là đầu mối và đâu là tận cùng. O


- Xin Đại vương cho ví dụ khác.


Đại đức Na-tiên cúi xuống vẽ một hình bánh xe dưới đất, rồi chỉ vào hình vẽ mà hỏi vua rằng:


- Trên cái vòng tròn này Đại vương có thấy đâu là cái điểm đầu không ?


- Bạch Đại đức, không.


- Tâu Đại vương cũng như thế đó. Trong vòng sanh tử không thể biết được đâu là bắt đầu, đâu là chấm dứt. Phật dạy rằng con người sanh tử tử sanh, lộn đi lộn lại, lộn tới lộn lui như bánh xe lăn chuyển không bao giờ ngừng nghỉ, bởi thế mà đau khổ kéo dài mãi chẳng bao giờ ngừng. Tạng luận giải thích sự kiện này như sau: O


Do con mắt và hình sắc tiếp giáp nhau nên thức liền thấy biết. Do sự tương tác giữa căn và trần ấy gọi là xúc. Bởi có xúc nên có cảm thọ khổ vui. Bởi cảm thọ khổ vui nên sanh ra ân ái. Bởi ân ái nên sanh ra tham đắm. Bởi tham đắm nên một nghiệp mới được hun đúc và hình thành dần dần: đó là hữu. Bởi hữu nên mới có sanh. Bởi có sanh nên có các việc làm thiện ác. Rồi do các việc làm thiện ác cho nên mới phải tái sanh trở lại để thọ báo. O


Cũng giống như thế, lỗ tai và âm thanh, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và vật trơn nhám, ý và điều nhớ nghĩ. Và hễ có cảm thọ khổ vui thì có tác động dây chuyền đưa đến quả tái sanh. Tất cả đều tiếp nối tương sanh, trước sau tương tục, không bao giờ dừng nghỉ. Cho nên trong thời gian dài dằng dặc, tìm cho ra đầu mối của sanh tử là một việc bất khả đắc. O

5. NHÂN DUYÊN SANH

- Vua Di-lan-đà thưa: Bạch Đại đức, trên thế gian này có vật gì ngẫu nhiên sanh ra không?


- Tâu Đại vương, không có vật gì ngẫu nhiên sanh ra cả. Hết thảy đều phải có nhiều nhân duyên.


Nhân đó, Đại đức Na-tiên hỏi ngược lại nhà vua rằng:O


- Cung điện mà Đại vương đang ngự đây, phải chăng là do tự nhiên sanh ra hay do tay người kiến tạo ?


- Bạch Đại đức, do tay người kiến tạo. Cây thì đốn trong rừng về để làm kèocột, các thứ. Đất sét thì gánh ngoài đồng vào để xây tường. Nhân công cả đàn ông lẫn đàn bà xúm nhau kẻ cưa người đẽo, kẻ đắp người tô, ai lo tròn việc ấy mới kiến tạo xong tòa cung điện này.


- Thưa Đại vương, cũng như thế đó, con người cũng do yếu tố hòa hợp lại mà thành. Mọi vật không thể bỗng dưng mà sanh ra được. Hết thảy đều có nhiều nhân và duyên, chứ không tự nhiên mà có.          O


Ví như thợ gốm làm đồ gốm. Trước hết là lấy đất sét về, hòa với nước mà nhồi cho nhuyễn. Nhồi xong cho lên khuôn mà vo rồi chất vào lò mà hầm. Có như thế mới tạo thành chén bát chậu bồn đủ cỡ. Chứ đâu phải tự nhiên mà sanh ra ! Chén bát chậu bồn ấy đều có nhân và có duyên: đó làđất sét, nước, công thợ, củi lửa v.v.. Trên thế gian này từ người cho đến vạn vậtkhông có cái gì do tự nhiên sanh ra.O


Đại đức Na-tiên diễn giải tiếp: Nếu muốn cưa cây lấy lửa không có hai thanh gỗ, lại cũng không có người cưa, chẳng có bùi nhùi, thì có tạo ra lửa được không ?


- Bạch Đại đức, không.


- Tâu Đại vương, ví như nếu có kính thủy tinh và có ánh sáng mặt trời đương nóng, lại thêm có người chịu khó ngồi cầm kính mà thâu sức nóng ấy cho chiếu xuống đống cỏ khô hay rơm khô thì có tạo ra được lửa không? 


- Bạch Đại đức, được.


- Tâu Đại vương lại ví như không có gương, không có ánh sáng, không có người đứng soi thì có hình người lộ ra trong gương không.  O


- Bạch Đại đức, không. Phải có gương, có ánh sáng, có người đứng soi thì mới có hình người lộ ra trong gương.


- Tâu Đại vương, con người và vạn vật ở trong thế gian cũng như thế đó. Không một vật hay sự kiện hiện tượng nào bỗng dưng sanh ra. Hết thảy đều phải có nhân duyên. Các nhân duyên ấy kết hợp lại với nhau tạo thành sự sự vật vật ngàn sai muôn khác. Tóm lại, thế gian này thuộc về nhân duyên sanh vậy. Không thể nào có tự nhiên sanh.   O

6. NGUYÊN NHÂN SAI BIỆT

- Vua Di-lan-đà hỏi: Bạch Đại đức, người ta sanh ra trên đời, ai cũng có thân thể với đầu, trán, râu, tóc, da, mặt, tai mũi, lưỡi v.v.. như nhau, ai cũng có tứ chi gồm hai tay, hai chân không khác nhau. Nhưng vì cớ gì mà có kẻ chết yểu, người sống lâu; kẻ hay ốm đau, người thường mạnh khỏe; kẻ giàu người nghèo; kẻ ngu dốt người thông minh; kẻ xấu hình người tốt tướng; kẻ nói cuội nói trăng, người thật thà như đếm, vân vân và vân vân. Tại sao vậy ?


- Tâu Đại vương, chẳng có gì là lạ. Kìa xem như trái cây trong vườn. Cũng từ cây lá xanh ra, nhưng có cây trái ăn ngon, có cây trái ăn dở. Trong số đó, lại có thứ đắng, thứ ngọt, thứ chua, thứ cay, thứ chát, thứ bùi v.v.. cũng đồng thời là trái cây, tại sao chúng chẳng giống nhau ?         O


- Bạch Đại đức, do hột giống không đồng.


- Tâu Đại vương, con người cũng thế. Bởi tâm ý và nghiệp duyên mỗi người mỗi khác cho nên căn cơ không đồng, địa vị không đồng, và hưởng thụ cũng không đồng. Do đó mới có kẻ xấu người đẹp, kẻ sang người hèn, kẻ ngu dốt người thông minh v.v.. Theo lời Phật dạy thì chỉ vì các hành vi tạo tác lành dữ đã thực hiện trong quá khứ và hiện tại có sai khác mà mỗi người tự có báo ứng riêng. Trước kia làm lành thì nay được phước; trước kia làm ác thì nay gặp tai họa. Nhân nào sanh quả nấy; quả nào theo nhân nấy, mảy mún không sai.  O

7. THÂN MẤT VIỆC LÀM CÒN

- Bạch Đại đức, có thần hồn để nhớ không ?


- Tâu Đại vương, không.


- Bạch Đại đức, thế thì trong con người cái gì ghi lại các việc làm đã qua ?


Đại đức Na-tiên hỏi trở ngược lại nhà vua rằng:


- Ví như có người hái trộm xoài của kẻ khác thì phải chịu tội. Khi mới trồng cây xoài mầm đâu đã có trái? Đây chỉ hái trái, đâu có trộm cây xoài mầm mà cũng chịu tội?         O


- Bạch Đại đức, nhưng nếu không trồng cây xoài mầm thì lấy đâu ra xoài trái để người kia hái trộm ?


- Tâu Đại vương, con người cũng giống như thế. Với cái thân hiện tại, người ta làm các việc lành dữ. Các việc lành dữ này không có tướng trạng gì hết, nhưng trong khoảng “minh minh chi trung” ấy, đương tựu thành một thân mới để đời sau tái sanh mà thọ quả báo. O


- Bạch Đại đức, theo trẫm nghĩ, không phải con người đời sau chịu quả báo mà là nó dựa vào thân mới ấy để tiếp tục làm điều thiện, điều ác khác.


- Tâu Đại vương, thế thì những việc lành dữ của nó trước kia đi đâu ?


- Bạch Đại đức, chúng đã tiêu mất với thân cũ rồi.


- Tâu Đại vương, như vậy, xoài mầm của Đại vương đâu có kết trái? Làm sao
kết tội người hái trộm xoài trái được ?         O


- Thế theo Đại đức, những việc lành dữ trước kia đi đâu ?


- Tâu Đại vương, chúng không đi đâu hết. Chúng theo sát gót kẻ đã tạo tác ra chúng như bóng theo hình. Người chết chỉ mất cái thân, không bao giờ đánh rơi những việc đã làm. Ví như đêm tối đốt đèn viết sách, khi viết sách xong và đèn đã tắt, nhưng chữ viết vẫn tồn tại trên trang giấy. Vì vậy cho nên, những việc thiện ác đã làm trong đời này, đời sau đương nhiên phải tựu thành kết quả, và kết quả ấy cũng chính tác giả phải tự thọ lãnh lấy.        O

8. KHOẢNH KHẮC TÁI SANH

- VuaDi-lan-đà hỏi:


- Bạch Đại đức, giả sử có hai người cùng chết ở đây, một người sanh lên cõi trời Phạm Thiên, một người đi đầu thai tại bang Kế-tân cách đây mười hai do tuần, thế thì ai là kẻ đến trước ?


- Tâu Đại vương, cùng đến một lượt.        O


- Bạch Đại đức, đường đi xa gần không đồng nhau, vì sao lại cùng đến một lượt?


- Đại vương thử nhớ nghĩ đến xứ A-lệ-tàn đi. Rồi sau đó, Đại vương liên tưởng đến xứ Kế-tân đi.


- Bạch Đại đức, trẫm đã lần lượt nghĩ đến hai nơi ấy rồi.


- Tâu Đại vương, Đại vương nhớ nghĩ đến xứ nào mau hơn ?O


- Bạch Đại đức, hai bên mau như nhau.


- Tâu Đại vương, cũng như thế đó, người sanh lên cõi trời Phạm Thiên và người đi đầu thai ở nước Kế-tân, sẽ diễn ra cùng một lượt, nếu cả hai qua đời cùng thời điểm. Thưa Đại vương, nếu có một cặp chim cùng bay, nhưng một con đến đậu trên một gốc đại thọ, và một con đến đậu trên một cành cây con, cả hai con cùng đậu, bóng con nào in xuống mặt đất trước ?


- Bạch Đại đức, cùng một lượt.


- Tâu Đại vương, người chết sanh lên cõi trời Phạm Thiên và người chết đầu thai ở nước Kế-tân cũng như thế đó.  O


9- NGUYÊN NHÂN LUÂN HỒIVÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI THOÁT

- Vua Di-lan-đà hỏi:


- Bạch Đại đức, có ai chết rồi mà không sanh trở lại không ?


- Tâu Đại vương, có kẻ sanh trở lại và cũng có kẻ không sanh trở lại.


- Bạch Đại đức, những ai sanh trở lại và những ai không sanh trở lại ?


- Tâu Đại vương, ai còn nặng nợ tham dục ái ân, kẻ đó còn sanh lại đời này. Ai đã thoát khỏi vòng tham dục ái ân, người đó không còn sanh trở lại nữa.       O


- Bạch Đại đức, kẻ nào hết lòng quán tưởng chánh pháp có thoát khỏi luân hồi không ?


- Tâu Đại vương, hết lòng quán tưởng chánh pháp nhưng lại còn phải đạt được trí tuệ và các điều kiện khác nữa thì mới thoát khỏi luân hồi.


- Bạch Đại đức, nhất tâm và trí tuệ có đồng nghĩa nhau không ?


- Tâu Đại vương, không.    O


- Bạch Đại đức, gia súc như bò, ngựa, chó, mèo v.v.. có trí tuệ không ?


- Tâu Đại vương, chúng có nhất tâm nhưng không có trí tuệ.


- Bạch Đại đức, nhất tâm và trí tuệ khác nghĩa nhau như thế nào ?


- Tâu Đại vương, nhất tâm là định. Có định mới có hiểu biết. Trí tuệ có công năng cắt đứt. nhờ trí tuệ mà cắt đứt được phiền não mê lầm và chấm dứt luân hồi sanh tử.


- Xin Đại đức ví dụ cho trẫm dễ hiểu.


- Tâu Đại vương, Đại vương từng thấy thợ gặt lúa chứ? Tay trái họ gom bụi lúa lại, trong khi đó thì tay mặt họ cầm lưỡi hái mà cắt. Cũng giống như thế, nhà tu hành dùng nhất tâm gom tư tưởng lại và dùng lưỡi hái trí tuệ cắt đứt phiền não ái dục. Phiền não ái dục đã cắt đứt thì vĩnh viễn không còn tái sanh, luân hồi chấm dứt.


- Hay thay ! Hay thay ! Ví dụ của Đại đức rõ lắm. O

10. TỰ BIẾT KHÔNG TÁI SINH

- VuaDi-lan-đà hỏi: Bạch Đại đức, người không còn tái sinh nữa có thể tự mình xác tri được việc đó không ?


- Tâu Đại vương, có thể được.


- Bạch Đại đức, bằng cách nào ?


- Tâu Đại vương, ai tự biết mình không còn ân ái, không còn tham dục, không có tham tâm làm điều dữ, người đó tự biết chắc không còn tái sanh trên cõi đời này nữa.        O


Xin Đại đức cho ví dụ.


- Tâu Đại vương, ví như người làm ruộng đầu mùa lo cày bừa, gieo giống, cấy mạ thì đến cuối mùa thu hoạch nhiều lúa cất chứa trong vựa. Qua năm sau nếu người ấy không còn cày bừa, gieo giống và cấy mạ nữa mà chỉ tiêu dùng số lúa còn dự trữ của năm trước, như vậy người ấy có thể tự biết rằng mình không gặt lúa nữa không ?         O


- Bạch Đại đức, biết chứ.


- Tâu Đại vương, bằng cách nào ?


- Bạch Đại đức, không cày, không gieo, không cấy, tức nhiên không có lúa mà gặt.


- Tâu Đại vương, bậc tu hành đắc đạo cũng giống như thế. Quên ân ái, xả khổ vui, không tham dục, tức như không cày, không gieo, không cấy. Đương nhiên là sẽ không gặt quả tái sanh. Vì vậy bậc đắc đạo biết chắc rằng đời sau mình không còn tái sanh trên thế gian này nữa.            O

11. NIẾT-BÀN

- Vua Di-lan-đà hỏi:


- Bạch Đại đức, phải chăng Niết-bàn là tịch diệt, là ngưng nghỉ vĩnh viễn ?


- Thưa phải.


- Xin giải thích cho trẫm hiểu.


- Kẻ mê muội từ trong tâm ra đến ngoài thân, mãi mê chạy theo ham muốn của giác quan, trôi dạt trong sự ham muốn ái ân, hụp lặn trong sự ham muốn ái ân. Kẻ kia không có cách gì thoát khỏi khổ đau của sanh già bệnh chết. Bậc trí giả nhờ có tu hành nên từ trong tâm cho đến ngoài thân, không say đắm một cái gì hết. Không ham muốn, cũng chẳng vui thích. Không trìu mến ái ân, cũng chẳng chạy theo khoái lạc của giác quan. Không ái ân thì không tham dục. Không tham dục thì không có đầu thai. Không có đầu thai thì không có sự tái sanh. Không tái sanh thì không già, không bệnh, không chết. Không sanh già bệnh chết thì ngoài không sầu lụy hiện ra, trong không bi thống nung nấu. Cho nên nói Niết-bàn tịch diệt, trong đó khổ đau ngưng nghỉ vĩnh viễn và hoàn toàn.      O


- Như vậy, bạch Đại đức phải chăng các nhà tu hành đều chứng đắc Niết-bàn hết ?


- Thưa, chưa chắc. Ai nhất tâm hướng thiện, đi trên con đường đức hạnh, thực hành những điều chánh chân, luyện tập những gì đáng luyện tập, gạt ra ngoài những gì đáng xả ly, nhớ nghĩ những gì đáng nhớ nghĩ, dứt bỏ những gì không đáng gắng ghi, người nào làm được như thế mới có thể chứng đắc Niết-bàn.


- Bạch Đại đức, người chưa chứng đắc Niết-bàn có biết rằng Niết-bàn là cảnh giới sung sướng không ?


- Tâu Đại vương, biết.        O


- Bạch Đại đức, chưa chứng đắc Niết-bàn làm sao biết Niết-bàn là sướng ?


- Tâu Đại vương, những người chưa từng bị chặt tay chân có biết rằng bị chặt tay chân là khổ không ?


- Bạch Đại đức, biết.


- Tâu Đại vương, chưa bị chặt tay chân làm sao biết được là khổ.


- Bạch Đại đức, nghe tiếng kêu la than khóc của những người bị chặt tay chân thì biết rằng bị chặt chân tay khổ lắm.


- Tâu Đại vương, cũng gống như thế, tuy chưa chứng đắc Niết-bàn, nhưng nghe các nhà chân tu đắc đạo nói lại và thấy phong thái an lạc và giải thoát của họ thì biết rằng Niết-bàn sướng lắm.O

LỜI CUỐI CÙNG

Đến đây, Đại đức Na-tiên tâu với vua rằng: Tâu Đại vương bây giờ đã nửa đêm rồi. Bần tăng muốn trở về chùa.O


Vua Di-lan-đà liền truyền thị vệ lấy vải và dạ quấn lại, bên trong tẩm đầy dầu, đốt lên làm đuốc để tiễn đưa Đại đức Na-tiên ra về. Nhà vua phán:     O


- Các ngươi phục vụ trẫm như thế nào thì cũng phục vụ Đại đức giống như thế ấy.


Nói xong, ông quay lại bạch Đại đức Na-tiênrằng:


- Có thầy như Đại đức và có đệ tử như trẫm thì hẳn là người đời mau thông hiểu đạo lý lắm !          O


Tất cả các câu hỏi của nhà vua đều được Đại đức Na-tiên ứng đáp rành rẽ và mau lẹ, cho nên ông hết sức hài lòng. Ông liền truyền mở kho lấy ra một cây gấm đáng giá mười vạn đồng dâng cúng Đại đức Na-tiên và bạch rằng:


- Bạch Đại đức, từ nay về sau, trẫm nguyện cúng dường tám trăm Đại đức Sa-môn ngay tại cung điện này. Chư Đại đức cần dùng những gì thì xin cứ tùy thích. Của trong kho có sẵn.


- Tâu Đại vương, xin đa tạ. Bần tăng và huynh đệ là những kẻ tu hành, không ham muốn gì hết.    O


- Bạch Đại đức, trẫm vẫn biết như vậy. Nhưng Đại đức nên tự bảo vệ và đồng thời bảo vệ luôn cho trẫm nữa.


- Tâu Đại vương, vì sao vậy ?


Bạch Đại đức, vì nếu Đại đức từ khước thì e dư luận sẽ cho rằng, một là: trẫm là người keo lẫn, được Đại đức dạy bảo và tháo gỡ hết mọi hoài nghi thắc mắc mà không chịu đền ơn. Hai là Đại đức không đủ sức giải thích các thắc mắc của trẫm cho nên trẫm không ban thưởng gì hết. Ngược lại nếu Đại đức không từ khước thì điều đó khiến trẫm được phước mà chính Đại đức cũng vẹn toàn tiếng thơm.


- Xin vâng lãnh ý Đại vương.          O


Nhà vua bùi ngùi tâm sự rằng:


- Trẫm ngày nay như con sư tử bị nhốt trong lồng vàng thường nghễnh cổ ra ngoài mơ ước một cuộc đời phóng khoáng. Thân tuy làm quốc vương nhưng lòng chẳng bao giờ được thơ thới. Lắm lúc, trẫm muốn từ bỏ ngôi vua để xuất gia cầu đạo mà không được.        O


Sau câu nói tâm tình của nhà vua, Đại đức Na-tiên đứng dậy cáo từ và trở về chùa. Ngài đi rồi, nhà vua nằm thao thức ôn lại và tự hỏi: “Ta đã hỏi Na-tiên những gì? Ngài đã đáp ta những gì ?” Ông thầm xét rằng: “Những gì ta hỏi, Đại đức Na-tiên đều đã giải đáp thỏa đáng. Ta đã hỏi hết rồi. Ngài cũng đã đáp hết rồi.”Ông thao thức như thế cho đến lúc trời sáng.


Sáng sớm hôm ấy, Đại đức Na-tiên lại choàng cà-sa, ôm bình bát, trở lại cung vua, ngồi nơi chỗ đã dành sẵn cho Ngài hôm trước. Vua Di-lan-đà đảnh lễ rồi ngồi xuống bên cạnh và bạch rằng:O


- Bạch Đại đức, chắc Đại đức không ngờ trọn đêm trẫm không ngủ được vì lòng hếtsức hân hoan được nghe những lời dạy bảo của Đại đức. Tất cả các mối nghi ngờ của trẫm đều đã được giải tỏa.


- Tâu Đại vương, chắc Đại vương cũng không ngờ rằng trọn đêm qua bần tăng cũng chẳng ngủ được vì lòng hết sức hân hoan đã giải đáp cặn kẽ hết các nghi vấn của Đại vương.


Sau khi chúc tụng nhau, Đại đức Na-tiên cáo biệt. Vua Di-lan-đà đứng dậy hành lễ và tiễn chân Ngài ra khỏi cung. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Sống và Tu trong Hòa Hợp

Thứ hai mươi hai

Tôi từng nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn

Ở tại Na-di-la,

Đi đến thăm khu rừng,

Trồng nhiều cây Ta-la,

Tên gọi Go-sin-ga.

Ở đó có ba thầy:

Thầy A-na-ru-đa,

Với thầy Nan-di-ya,

Và thầy Kim-bi-la,

Đang cùng sống chung nhau,

Tu tập trong an lành.    O

Thấy Thế Tôn từ xa,

Ba thầy lo tiếp đón,

Người đỡ lấy y bát,

Người sửasoạn chỗ ngồi,

Người đem nước rửa chân,

Rồi đảnh lễ cung kính,

Xong, ngồi xuống một bên.     O

Thế Tôn mở lời hỏi:

Này các thầy Tỳ-kheo,

Cuộc sống ở nơi đây,

An lành yên vui chăng,

Hằng ngày đi khất thực,

Có mệt nhọc lắm chăng.

Các thầy đã sống chung,

Có thật sự hòa hợp,

Như thể nước với sữa,

Lòng hoan hỷ tràn đầy,

Không hề tranh cãi chăng ?

Khi nghe hỏi như vậy,

Ba thầy đã thưa rằng:   O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Thật sự là như vậy,

Chúng con sống an lành,

Cảm thấy rất yên vui,

Đi khất thực dễ dàng,

Chúng con rất hòa hợp,

Nói lời thuận thảo nhau,

Tràn đầy niềm hoan hỷ.

Thế Tôn khen hỏi tiếp:

Các thầy bằng cách nào,

Thực hiện đời sống ấy ? O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Chúng con hiểu được rằng,

“Thật vô cùng hữu ích,

Khi chúng con sống chung,

Với bạn cùng thanh tịnh”

Nên xử sự với nhau,

Dù trước mặt, sau lưng,

Vẫn một mựctốtđẹp,

Vẫn một niềm quý trọng,

Ở trong từng việc làm,

Ở trong từng lời nói,

Ngay cả trong suy nghĩ. O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Chúng con đã thật sự,

Từ bỏ tâm ý mình,

Để sống tuỳ thuận theo,

Tâm của bạn đồng tu,

Vì thực hiện như thế,

Chúng con tuy khác thân,

Mà tâm vẫn tương đồng.

Do “khác thân giống tâm”

Nên chúng con nhìn nhau,

Trong ánh mắt thiện cảm,

Vui sống ở bên nhau,

Không một lời tranh cãi,

Như nước sữa hòa hợp. O

Này các thầy Tỳ-kheo,

Đời sống của các thầy,

Có nhiệt tâm tinh cần,

Không hề phóng dật chăng ?

Kính bạch Đức Thế Tôn

Chúng con sống như nhau

Ai khất thực về trước,

Lo soạn sẵn nước uống,

Soạn cả nước rửa chân,

Bớt phần ăn của mình,

Dành cho người về muộn.

Ai khất thực về sau,

Có thể dùng nếu cần,

Sau đó sẽ xếp dọn,

Mọi thứ cho gọn gàng.

Khi cần được giúp đỡ,

Chúng con chỉ đưa tay,

Ra hiệu chứ không nói,

Lời nói chỉ được dùng,

Đàm luận chuyện đạo pháp,

Vào những lúc thích hợp,

Nhằm chia sẻ cho nhau,

Điều chúng con tu tập.O

Thế Tôn hết lời khen,

Tiếp tục hỏi các thầy.

Này các thầy Tỳ-kheo,

Các thầy có thể nào,

Chứng được pháp cao thượng,

Được tri kiến thánh nhân,

Được thoải mái an lạc,

Với cuộc sống như thế ?          O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Chúng con sẽ nhiếp tâm,

Lìa xa các ham muốn,

Lìa xa các vọng tưởng,

Không khởi tham sân si,

Để trú thiền thứ nhất,

Đó là tâm an ổn,

Với hỷ được phát sinh,

Dùng chút ý nhỏ nhiệm,

Thường hằng kiểm soát tâm,O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Lúc chúng con nhiếp tâm,

Ý thức của chúng con,

Sẽ đạt đến bất động,

Để trú thiền thứ hai,

Đó là tâm an định.

Với hỷ lạc phát sinh,

Dù không còn kiểm soát,

Tâm ấy chẳng lung lay.O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Chúng con sẽ nhiếp tâm,

Để trú thiền thứ ba,

Đó là tâm thanh tịnh,

Với an lạc vi diệu,

Và tỉnh giác hoàn toàn,

Sâu vào trong chánh định,

Tâm sở đắc tan biến O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Chúng con sẽ nhiếp tâm,

Vượt các lớp tâm thức,

Để trú thiền thứ tư.

Đó là một trạng thái

Đã bất động hoàn toàn,

Không cảm thọ khổ vui,

Và vô cùng sáng suốt.O

***

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Chúng con hướng tâm về,

Hư không rộng vô biên,

Với tâm rộng vô lượng,

Không chi phối bởi tưởng,

Để trú định thứ nhất,

Là không vô biên xứ.O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Chúng con trải cái biết,

Phủ trùm không bến bờ,

Để trú định thứ hai,

Là Thức vô biên xứ.    O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Tâm lượng càng rộng mở,

Vượt thoát mọi đối tượng,

Sai biệt trong pháp giới,

Thấy rõ "không có gì"

Để trú định thứ ba,

Là vô sở hữu xứ. O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Chúng con vượt qua khỏi,

Vô sở hữu xứ định,

Dùng tâm vô lượng ấy,

Thấy biết cả pháp giới,

Để trú định thứ tư,

Phi tưởng phi phi tưởng.           O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Nếu như chúng con muốn,

Chúng con sẽ tiếp tục,

An trú diệt tận định,

Thể tính lặng tuyệt đối.

Từ đó với trí tuệ,

Thấy biết đúng như thật,

Mà đoạn trừ vô minh.O

Kính bạch Đức Thế Tôn,

Đó là hạnh phúc lớn,

Là an trú tối thượng,

Chúng con cùng thành tựu,

Không thấy hạnh phúc nào,

Bằng hạnh phúc ấy cả. O

***

Này các thầy Tỳ-kheo,

Các thầy đã thật sự,

Có hạnh phúc tuyệt vời,

Đã biết sống hòa hợp,

Giữa huynh đệ với nhau.

Sau khi đã ngợi khen,

Đức Thế Tôn ra về,

Các thầy ngồi quanhnhau,

Thầy A-nu-rud-dha

Lên tiếng rằng: Chẳng ai

Nói về điều sở đắc

Về quả vị chứng đạt,

Nhưng tâm tôi vẫn biết,

Tâm huynh đệ như thế,

Mà bạch cùng Thế Tôn,

Mọi chuyện rất rõ ràng.           O

Lúc đócó Dạ-xoa

Tên Pa-ra-ja-na,

Đến chỗ Thế Tôn ở,

Đảnh lễ và tán thán,

Sự có mặt của người,

Cùng với các thầy đây,

Đem hạnh phúc lợi ích,

Cho dân chúng Va-di,

Đồng thời các cõi Trời,

Cũng chung nhau ca ngợi,

Thế Tôn và các thầy.   O

Thế Tôn bảo Dạ-xoa

Này Di-gha hãy nhớ,

Nếu ai trong loài trời,

Cũng như trong loài người,

Nhớ đến ba thầy đây,

Với tâm niệm hoan hỷ,

Với tâm niệm cung kính,

Là tạo công đức lớn,

Người đó sẽ an lạc,

Sẽ hạnh phúc lâu dài.O

Hãy nhìn xem ba thầy,

Đã sống như thế nào,

Để thể hiện trọn vẹn,

"Lòng thương tưởng chúng sanh,

Vì an lạc hạnh phúc,

Loài Trời và loài Người.”O

Được Thế Tôn chỉ dạy,

Dạ-xoa rất vui mừng,

Tin nhận và làm theo,

Cuộc sống khéo hòa hợp,

Gương mẫu nhất trên đời!        O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Tôn Trọng các Pháp Môn

Thứ hai mươi ba

Chính tôi được nghe, một hôm nọ, tôn giả Đại Thuần-đà gọi các Tỳ-kheo và nhắn nhủ rằng:O


- Thưa các hiền giả, có một số hành giả chuyên tâm tham cứu pháp, không ưa thích các hành giả tu thiền. Họ sử dụng nhiều ngôn từ, phương tiện bài bác thiền. Và thưa các hiền giả, cũng có một số hành giả chuyên tâm thiền định, không thích cáchành giảtham cứu pháp, nên đã chê bai, phê phán hành giả tham cứu pháp như những người chao động, lắm lời. Thế nên, cùng tu tập trong một cộng đồng Tăng, cùng là đệ tử của Đức Thế Tôn, họ đã trở thành những người sống không hài hòa và kích bác, làm thương tổn lẫn nhau. Sự kiện đó có thể được xem là mụt nhọt làm ung thư giáo hội, làm giảm đi tín tâm và không đem lại lợi ích, an lạc, giải thoát cho chư thiên và loài người.O


- Này các hiền giả, thông thường, các hiền giả chuyên tham cứu pháp chỉ tán thán những ai đồng sở hành với mình. Các hành giả tu thiền cũng vậy, họ chỉ tán thán những ai tu tập thiền định. Hành động và cách cư xử như vậy không phải là giải pháp tốt đẹp có khả năng đem lại sự lợi ích.       O

- Này các hiền giả, chỉ khi nào mọi người ý thức sâu sắc và tâm niệm rằng: "Chúng ta là những người chuyên tâm khảo cứu về pháp, do đó, chúng ta cần phải tán thán thiền và những ai tu thiền, những sở hành mà chúng ta chưa đạt được. Cũng vậy, các hành giả tu thiền cần quan niệm sâu sắc rằng: "Chúng ta là những người tu thiền, thực nghiệm thiền, thiếu chuyên môn về pháp, do đó, chúng ta cần học hỏi, tán thán những ai chuyên tâm tham cứu pháp.O


- Thưa các hiền giả, đây mới chính là thái độ thực sự cần thiết của tất cả chúng ta, cùng chung một Bậc Đạo Sư, như nước hòa với sữa, sống hòa thuận, tán thán và tùy hỷ với hạnh tu đặc biệt của người khác, nhờ vậy chúng ta lớn mạnh trong chánh pháp.O


- Thưa các hiền giả, những hành giả nào sống được như vậy thật sự là những người vi diệu và đáng tôn kính ở đời. Những vị ấy đã bằng trí tuệ thể nhập, nhận chân được con đường thâm sâu, hướng đến đích an lạc, giải thoát cho bản thân và tất cả chúng sanh.


Khi nghe tôn giả Đại Thuần-đà phân tích, giảng giải như thế, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ phụng hành và phát nguyện truyền bá rộng rãi tinh thần cao thượng đó, để làm chói sáng đạo Phật tại thế gian này. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá)OOO

--- o0o ---

Kinh Bốn Mươi Hai Bài

Thứ hai mươi bốn

Sau khi thành đạo diệu vi,

Thế Tôn khởi niệm tư duy tức thì.

Hiểu rằng tham dục xa lìa,

Được điều tịch tịnh không chi sánh bằng.

Rồi Ngài an trụ tinh thần,

Nhập thiền đại định phục hàng tà ma.

Đến vườn Lộc Uyển không xa,

Bốn chân lý thánh để mà chuyển xoay.O

Kiều-trần-như gặp duyên may

Năm đồng tu đó được ngay quả lành.

Tỳ-kheo có kẻ nghi trình,

Mong cầu Phật dạy phân minh cội nguồn.

Thế Tôn chỉ bảo tận tường,

Mọi người tỏ ngộ con đường xưa nay.

Mọi người cung kính chắp tay,

Vâng lời Phật dạy,theo ngay phụng hành.O

*

1. ĐỊNH NGHĨA SA-MÔN VÀ SA-MÔN QUẢ

Phật rằng những kẻ tu hành,

Xa rời nhà cửa, gia đình xuất gia.

Tự tâm bản tánh rõ ra

Pháp vô vi ngộ, gọi là sa-môn. O

Hai trăm năm chục giới tròn,

Giữ gìn đời sống luôn luôn trong lành.

Bốn chân lý thánh tu thành,

Là A-la-hán phi hành hóa thân.

Thời gian mạng sống vô ngần,

Giữa đời an trụ, động tâm đất trời.       O

A-na-hàm: vị kế ngôi,

Sau khi mạng hết sanh lên cõi trời.

Cõi trời mười chín đến rồi,

Quả A-la-hán có hồi chứng thôi.

Tư-đà-hàm: quả kế ngôi

Một lần cõi thế, cõi trời mới xong.

Rồi A-la-hán quả tròn,

Tu-đà-hoàn đạt, mới xong nửa đường.

Bảy lần sinh tử vô thường,

Thành A-la-hán trọn đường mới xong.

Vị này ái dục không còn,

Như là cắt bỏ, thôi dùng tứ chi.            O

*

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ BẢO SỞ TU TẬP

Phật rằng: "những bậc xuất gia,

Xa lìa ái dục gọi là sa-môn.

Là người nhận biết nguồn tâm,

Hiểu rành giáo lý uyên thâm diệu kỳ.

Tu hành ngộ pháp vô vi,

Sở cầu, sở đắc đã lìa không ham.

Tâm không bị Đạo buộc ràng,

Không còn kết nghiệp, hay mang duyên gì.

Dứt rồi tạo tác tư duy,

Chẳng vì tu đạt, chẳng vì chứng cao.

Chẳng vì quả vị mong cầu,

Vẫn là tột đỉnh đạo mầu cao siêu.        O

*

3. HẠNH SA-MÔN

Ai người cạo tóc xuất gia,

Phật rằng vị ấy chính là sa-môn

Là người thọ pháp độ nhân,

Phải lìa của cải phàm trần đua tranh.

Mong sao vừa đủ không thừa,

Chỉ cần một bữa giữa trưa mỗi ngày.

Một đêm ngủ dưới gốc cây,

Để rồi cẩn thận không quay lại vì:

Ở đời muôn sự ngu si,

Là do tham dục, không lìa, không xa.       O

*

4. MƯỜI HẠNH LÀNH VÀ MƯỜI ĐIỀU ÁC

Phật rằng: tất cả chúng sanh,

Thực hành bỏ ác làm lành ngay thôi.

Bởi vì việc ác ở đời,

Chung quy cũng chỉ do mười điều ra.

Những gì mười ác nên xa ?      O

Thân ba, miệng bốn, ý ba đó là:

Thân thường ba ác gây ra:

Sát sinh, trộm cắp, dâm tà xấu xa.

Miệng gây bốn ác đó là:

Dệt thêu, đâm thọc, điêu ngoa, dữ dằn.

Ý gây ba ác ngấm ngầm:

Ngu si, tham lận, hận sân, khổ đời.

Nếu mười việc ác xa rời,

Thì mười việc thiện tức thời rõ ra.

Ai mười điều ác đã xa,

Không là Chánh Giác, cũng làthánh nhân.O

*

5. LỖI LẦM VÀ HỐI QUÁ

Phật rằng: những kẻ lỗi lầm,

Nếu không hối lỗi thực tâm sửa mình.

Tội kia chẳng thể giảm khinh,

Như là dòng nước bồng bềnh ra khơi.

Lâu dần sâu rộng thêmthôi,

Nếu người lỗi tức thời nhận ra.

Làm lành bỏ ác thật thà,

Tức thì tội lỗi dần dà tiêu tan.

Như là bệnh hoạn đa mang,

Đến hồi xuất hạn, dễ dàng giảm thuyên.          O

*

6. PHỈ BÁNG THIỆN, THỌ QUẢ ÁC

Phật rằng nếu kẻ làm lành,

Mà người định hại, thực tình nên ngăn.

Chứ đừng vì thế mà sân,

Oán hờn những kẻ ác tâm làm gì.

Bởi vì mang ác đến thì,

Chịu ngay quả ác có chi mà hờn.         O

*

7. THÁI ĐỘ CỦA ĐỨC PHẬT TRƯỚC

NHỮNG LỜI KHIỂN TRÁCH

Nghe ta giữ đạo kiên trì,

Thực hành lòng đại từ bi chân thành.

Có người cũng thấy bất bình,

Mắng ta, ta chỉ lặng thinh không lời.

Để cho người mắng xong rồi,

Bấy giờ ta mới lựa lời giải khuyên.

Nếu ông lễ vật cho ai,

Mà người ta chẳng đoái hoài của dâng.

Vật kia trở lại ông chăng ?

Người rằng: "Lại chứ đâu cần hỏi chi.”            O

Phật rằng ông mắng ta kìa,

Nhưng ta không nhận họa về nơi ai ?

Tự ông lại chuốt họa này,

Như hình với bóng xưa nay không rời.

Như vang theo tiếng vậy thôi,

Chung quy, nói ác cho người không nên. O

*

8. GIEO ÁC GẶP ÁC

Ác tâm muốn hại người hiền,

Phật rằng: nước miếng nhổ lên bẩn trời !

Làm sao nước bọt tới nơi,

Hay là nước bọt lại rơi bẩn mình.

Cũng như trước gió mặc tình,

Tha hồ hất bụi dơ mình ai chăng ?

Hay là bụi lại dính thân,

Người hiền muốn hại, gánh phần đau thương.O

*

9. TRI VÀ HÀNH

Phật rằng học rộng hiểu cao,

Dù rằng mến đạo, học nào dễ chi.

Những người giữ chí “hành trì",

Đạo kia dầu lớn lo gì không xong.       O

*

10. PHƯỚC ĐỨC TÙY HỶ HẠNH BỐ THÍ

Phật rằng: thấy kẻ cúng dường,

Đem lòng hoan hỷ lo lường giúp cho.

Điều này phước đức rất to,

Sa-môn hỏi lại: bao giờ hết không ?

Phật rằng như ngọn đuốc hồng,

Lấy về thắp sáng hay dùng nấu ăn.

Bao giờ hết lửa hay chăng ?

Phước người bố thí thực tâm cũng vầy.O

*

11. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯỚC ĐỨC BỐ THÍ

Phật rằng: Cho chục ác nhân,

Không bằng bố thí một thân người lành.

Cho mười người thiện thực hành.

Không bằng ngũ giới, một mình cho ăn.

Cho mười ngũ giới thực tâm,

Không bằng bố thí một thân Đà-hoàn.O

Cúng dường mười vị Đà-hoàn,

Không bằng bố thí một trang Đà-hàm.

Cúng dường mười vị Đà-hàm

Không bằng bố thí một trang Na-hàm.

Cúng dường mười vị Na-hàm

Không bằng La-hán cúng dàng một thân.

Cúng dường La-hán chục lần,

Không bằng cung dưỡng một phần Bích-chi.

Cúng dường mười Phật Bích Chi,

Không bằng Tam Thế Phật kia, cúng dường.

Cúng dường Tam Thế Phật thường,

Sao mà sánh được cúng dường một thân,

Của người Vô Niệm, Vô Tâm,

Vô Tu, Vô Trụ không cần chứng chi.O

*

12. HAI MƯƠI ĐIỀU KHÓ

Phật rằng: Sống ở trên đời,

Có hai mươi việc mà người khó kham:     O

Nghèo hèn bố thí khó làm,

Trên đường học đạo, giàu sang khó thành.

Khó vì chân lý hy sinh,

Được nhìn kinh Phật thực tình khó đây.

Sanh thời có Phật khó thay,

Nhịn điều sắc dục điều này dễ đâu.

Thấy điều tốt, khó không cầu,

Bị điều sĩ nhục dễ dầu bỏ qua ?           O

Có quyền không ỷ khó mà,

Đến khi gặp việc khó là vô tâm.

Học cao hiểu rộng dễ chăng ?

Diệt trừ ngã mạn hẳn rằng khó sao.

Không khinh thất học dễ nào,

Không bàn phải trái bấy lâu khó lòng.      O

Gặp người thiện trí dễ không ?

Học mà thấy tánh, khó xong thực tình.

Thật tâm bình đẳng khó hành,

Tùy duyên hóa độ đã đành khó khăn.

Thấy cảnh khó chẳng động tâm,

Khéo dùng phương tiện muôn phần khó thay.

Ai người đạt những điều này

Thuộc hàng đạo hạnh đủ đầy, Thánh nhân.O

*

13. ĐIỀU KIỆN CHỨNG ĐẮC TÚC

MẠNG MINH VÀ THỂ NHẬP CHÍ ĐẠO

Sa-môn hỏi Phật chân thành,

Duyên nào biết được kiếp mình trước kia ?

Duyên nào đến chí đạo kìa,

Phật rằng lóng sạch tâm thì thấy ngay.

Giữ sao ý chí vững hoài,

Như là gương bụi đêm ngày phải lau.

Không còn tham dục mong cầu,

Bấy giờ kiếp trước ra sao rõ liền.         O

*

14. THIỆN VÀ VĨ ĐẠI

Sa-môn trước Phật hỏi rằng:

Những điều to lớn tốt lành là chi ?

Phật rằng: theo đạo hành trì,

Giữcho chân thật từ bi là lành.

Chí cùng với đạo hợp thành,

Là điều to lớn thật tình khó so.O

15. MẠNH NHẤT VÀ CHÓI SÁNG NHẤT

Sa-môn hỏi Phật chân thành,

Những gì rất mạnh thực tình xưa nay ?

Những gì rất sáng thưa Thầy,

Phật rằng nhẫn nhục mạnh thay vô cùng.

Chỉ vì lòng ác không còn,

Làm cho tráng kiện tâm hồn thanh an.

Ác gian nhẫn nhục không làm,

Được người tôn kính như hàng thánh nhân.

Bợn nhơ đã gột sạch tâm,

Rõ ràng rất sáng như trăng rạng ngời.O

Mười phương mọi việc trong đời.

Từ khi chưa có đất trời đến nay.

Không gì không thấy, không hay,

Không gì không biết, không bày, không nghe.

Không gì không suốt, không kìa,

Được thành Nhất Thế Trí thì như gương. O

*

16. CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẠO

Phật rằng ái dục còn ôm,

Hẳn là thấy đó cũng không dễ gì.

Ví như nước lóng trong kia,

Đưa tay khuấy động tức thì đâu yên. O

Mọi người ra đó mà nhìn,

Dễ nào thấy được bóng hình nhau đâu.

Những người ái dục khơi sâu,

Không lìa không dứt bấy lâu vẫn còn.

Thế thì vẫn đục tâm hồn,

Ắt là thấy đạo hẳn không dễ gì.

Sa-môn lìa ái dục đi !

Bợn nhơ ái dục một khi hết rồi.

Bấy giờ tâm địa trong soi,

Hẳn là thấy đạo rạng ngời thân tâm. O

*

17. ÁNH SÁNG NGƯỜI ĐẠT ĐẠO

Phật rằng: Thấy đạo nhận ra,

Như người cầm đuốc vô nhà tối tăm.

Hẳn là bóng tối tiêu tan,

Chỉ còn ánh sáng rõ ràng bên trong.

Những người học đạo sáng lòng,

Thấy rồi chân lý không còn vô minh.

Vô minh đã dứt thật tình,

Sáng ngời trí tuệ tinh anh thường còn.O

*

18. CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT

Phật rằng: Đây pháp của ta,

Niệm mà không niệm rồi ra sẽ thành.

Xa lìa đối tượng niệm sanh

Hành mà như thế không hành mới hay.

Xa lìa đối tượng hành bày.

Nói mà không nói đủ đầy xưa nay.      O

Không còn đối tượng nó hoài,

Tu mà như thể hằng ngày không tu.

Xa lìa đối tượng để tu,

Người nào hiểu thấu thì như rất gần.

Người mê rất mực xa xăm,

Dứt đường ngôn ngữ nói năng ồn ào.

Không còn chi phải buộc vào,

Phút giây không mất, ly hào không sai.O

*

19. NGUYÊN LÝ VÔ THƯỜNG

Phật rằng: dùng tuệ quán soi,

Đất trời, muôn sự nơi nơi “không thường”

Hãy dùng trí tuệ tinh tường,

Quán soi thế giới thông thường luôn khi.

Giác linh quán tựa bồ-đề,

Quán soi như thế mau lìa bến mê.       O

*

20. CON NGƯỜI VÔ NGÃ

Phật rằng: bốn đại trong thân,

Quán soi tự nó đã thường có tên.

Không gì là ngã dính liền,

Ngã mà không có thì tên huyễn rồi. O

*

21. DANH LỢI: THÚ VUI ÍT GIÁ TRỊ

Phật rằng: Đeo đuổi dục tình,

Để hòng cầu được cho mình thanh danh.

Khi danh vừa mới lộ hình,

Đã rời thân xác của mình ra đi.

Danh thường ai vẫn đam mê,

Mà quên học đạo cực kỳ uổng công.

Ví như đốt nén hương nồng,

Mới vừa nghe được mùi xông lên thì.

Hương liền cháy rụi còn chi

Hại theo sau lửa thường khi vẫn còn. O

*

22. TÀI SẮC: NGỌT ÍT ĐẮNG NHIỀU

Phật rằng: Tài sắc ở đời,

Con người bao thuở ai rời bỏ đâu.

Khác nào mật dính lưỡi dao,

Bao giờ mới đủ ngọt ngào bữa ăn.

Thế mà còn trẻ quyết tâm,

Liếm dao đứt lưỡi chẳng cần nghĩ suy.O

*

23. ÂN ÁI, NGỤC NHỐT CON NGƯỜI

Phật rằng người bị trói lòng,

Vào đường nhà cửa vợ con như tù

Lao tù còn có hạn ư,

Vợ con nào có ý từ bỏ đâu.

Một khi sắc đẹp ăn sâu,

Lòng nào hết sợ cho dầu hiểm nguy.

Hang hùm sóng gió sá gì,

Dù cho tai họa chi chi cũng đành.

Tự mình chìm đắm dưới sình,

Nên thường được gọi thường tình phàm phu.

Ai người thấu hiểu thì như,

Bậc A-la-hán thường cư xuất trần.       O

*

24. ÁI DỤC MẠNH NHẤT

Phật rằng: Thèm muốn thế gian,

Không gì sánh được ngang hàng sắc dâm.

Cũng may trên cõi thế trần,

Riêng mình thế ấy nhất trần xưa nay.

Nếu mà còn cái thứ hai,

Ngang hàng với nó chẳng ai đạo thành.           O

*

25. LỬA ÁI CHÁY TAY

Phật rằng: Người sắc dục thường,

Như cầm bó đuốc ngược đường gió đi.

Làm sao tránh được nạn vì,

Gió lên lửa tạt tức thì cháy tay. O

*

26. THIÊN MA DÂNG NGỌC NỮ

Thiên thần đến Phật, dụng tâm,

Muốn đem Ngọc Nữ hiến dâng cho Ngài.

Mưu toan phá ý niệm bày,

Phật rằng: cái đãy da đầy nhớp nhơ.

Làm gì mà lại đây chờ,

Đi đi, ta chẳng bao giờ dùng đâu.

Thiên thần kính phục vái chào,

Lân la hỏi ý cao sâu đạo mầu.

Từ bi Phật đã giải bày,

Thiên thần thông đạt, chứng ngay Đà-hoàn. O

*

27. ĐIỀU KIỆN ĐẠT ĐẠO

Những người học đạo xét ra,

Phật rằng: Ví họ như là gỗ trôi.

Cứ theo dòng nước đổ xuôi,

Nếu như không bị tắp nơi hai bờ.

Nếu không bị kẻ vớt chờ

Nếu không bị quỷ thần dò cản ngăn.

Nếu không nước xoáy làm dừng,

Nếu không mục nát để đừng tiêu tan.

Thế thì chắc chắn trăm phần,

Là thanh gỗ ấy phải tràn ra khơi.O

Như người học đạo vậy thôi,

Không còn tình dục làm ngươi mê lầm.

Ngoại tà khôn nhiễu loạn tâm,

Dốc lòng tinh tấn chỉ nhằm vô vi.

Thế thì học đạo khó gì

Ta xin đoan chắc hễ đi là thành.O

*

28. NẾU CHƯA LÀ A-LA-HÁN

Khuyên người dè dặt chớ khinh,

Phật rằng: chưa được tự tin ý mình.

Chớ gần nhan sắc thường tình,

Bởi gần sắc đẹp họa sinh dễ mà.

Khi nào La-hán chứng qua

Ý mình lúc ấy mới là đáng tin.O

*

29. CÁCH ĐOẠN TRỪ TÂM ÁI DỤC

Phật rằng: Dè dặt chớ khinh,

Chớ nhìn nữ sắc mà sinh lụy phiền

Cùng người tiếp xúc không nên,

Nếu cần tiếp chuyện, chớ quên nghĩ là:

Đã là mặc áo cà-sa,

Trong đời ác trược đã là Sa-môn.

Dùng lòng thẳng thắn suy lường,

Phải như sen nở giữa bùn không nhơ.       O

Già xem như mẹ nhân từ,

Nếu người đã lớn xem như chị mình.

Nhỏ thì xem tựa như em,

Bé thì cư xử thật tình như con.

Sanh lòng độ thoát sạch trong,

Để cho ý xấu thảy đồng tiêu tan.         O

*

30. TRÁNH DỤC NHƯ TRÁNH LỬA

Phật rằng: Hành đạo thật thà,

Như người mang cỏ nên xa lửa hừng.

Lửa qua phải tránh, chớ gần,

Thấy điều dục lạc thực tâm xa lìa.       O

*

31. ĐOẠN ÂM VÀ ĐOẠN TÂM

Có người dâm dục còn vương,

Không lìa, lại muốn cắt “đường kia” đi

Phật rằng: Như vậy ích gì,

Cắt đi “của quý” sao bì cắt tâm.

Tâm như Tòa có cận thân,

Chỉ cần Tòa nghỉ cận thân nghỉ liền.

Tâm tà chẳng cắt cho yên,

Cắt lìa “của quý”, chỉ thêm phiền lòng.    O

Nhân đây ban kệ mấy dòng:

“Dục sanh bởi ý của ông thôi mà.

Ý do tư tưởng sanh ra,

Cả hai rỗng lặng rồi ra an lành.

Cũng như chẳng sắc chẳng hành”

Phật rằng bài kệ răn mình này đây.

Là do Ca-diếp Phật thầy,

Đã từng diễn nói giải bày cho nghe.O

*

32. DIỆT ÁI DỤC, LÌA SANH TỬ

Phật rằng: ái dục sinh lo,

Từ lo sinh sợ, cơ hồ ngu si.

Nếu xa ái dục được thì,

Có gì phải sợ, có gì phải lo.     O

*

33. CHIẾN SĨ HÀNH ĐẠO

Phật rằng hành đạo như là:

Một người chiến đấu vượt qua muôn người.

Hoặc vừa mang giáp vô người,

Mới ra khỏi cửa sợ rồi trở lui.

Hoặc là nửa cuộc đã lùi,

Hoặc là chống cự chết thôi không nề.

Hoặc là chiến thắng trở về.

Sa-môn học đạo thường khi giữ gìn.

Phải sao giữ chắc tâm mình,

Dốc lòng tinh tấn chẳng kinh sợ gì.

Tiến lên ngoại cảnh xá chi,

Tà ma tiêu diệt đến khi quả thành.       O

*

34. TINH TẤN TRUNG ĐẠO

Tụng Kinh Di Giáovề đêm,

Tỳ-kheo cất tiếng vang lên buồn buồn.

Giọng như thoái chuyển không hồn,

Phật liền hỏi vị sa-môn tức thì:

Xưa ông theo đuổi nghề gì ?

Rằng con thích nhất xưa kia: đàn cầm.

Phật rằng: Nếu bị dây chùng,

Vậy thì khi ấy tiếng đàn ra sao ?

Thưa rằng không phát tiếng nào,

Quá căng thì tiếng ra sao hãy bày !

Thưa rằng cụt ngủn tiếng ngay,

Chùng căng vừa phải, lúc này ra sao ?

Thưa rằng đủ cả thấp cao,

Âm thanh muôn vẻ, muôn màu êm tai.O

Phật rằng: Học đạo cũng vầy,

Giữ tâm chừng mực, có ngày chứng ra.

Đạo mà gấp quá mệt ta,

Tâm mà mỏi mệt, phiền hà nảy sinh.

Ý phiền làm hạnh thoái nhanh,

Hạnh mà suy thoái, tội tình thêm lên.

Chỉ lòng thanh tịnh lóng yên,

Chỉ an lạc đạo thường xuyên hằng còn.O

*

35. BỎ TÂM CẤU NHIỄM

Phật rằng: Như luyện sắt kìa,

Đồ dùng chỉ được khi lìa quặng ra.

Đồ dùng tinh xảo, quặng xa,

Những người học đạo như là vật đây.

Bỏ tâm ô nhiễm ra ngoài,

Hạnh lành thanh tịnh liền ngay thôi mà.O

*

36. NHỮNG ĐIỀU KHÓ LÀM

Phật rằng nẻo dữ xa rồi,

Khó mà sinh được làm người bấy nay.

Khó mà tránh gái, ra trai,

Khó mà có được đủ đầy sáu căn.

Khó mà sanh chốn trung tâm,

Khó mà được Phật hiện thân cùng thời.

Khó mà thấy được đạo Người,

Khó mà hiểu đạo để rồi tín tâm ;

Lòng tin khi đã lớn dần,

Khó mà tinh tấn vững tâm bồ-đề.

Tâm bồ-đề phát rồi thì,

“Vô Tu, Vô Chứng” cực kỳ khó khăn.O

*

37. GẦN PHẬT VÀ XA PHẬT

Phật rằng: Phật tử xa ta,

Dù cho ngàn dặm nhưng mà luôn khi,

Vẫn theo giới pháp hành trì,

Dốc lòng, đạo quả rồi thì chứng ra.

Còn như dù ở bên ta,

Dù cho thấy mặt, không xa hàng ngày.

Không y giới pháp đủ đầy,

Đạo kia không thể có ngày chứng đâu.O

*

38. MẠNG SỐNG TRONG MỘT HƠI THỞ

Một hôm Phật hỏi Sa-môn,

Rằng: người ta sống thông thường bao lâu?

Thưa rằng có mấy ngày đâu,

Phật rằng: chưa hiểu đạo mầu sâu xa.

Lại sang vị khác hỏi qua,

Rằng: Đời người sống được là bao lâu ?

Thưa rằng bằng bữa ăn đâu,

Phật rằng: Chưa hiểu cao sâu đạo mà.

Lại sang vị nữa hỏi là:

Theo ông mạng sống người ta thế nào ?

Thưa: “bằng hơi thở ra vào.”

Phật khen: hay lắm ! đạo mầu đã thông.          O

*

39. GIÁO PHÁP BÌNH ĐẲNG

Phật rằng: học đạo thật thà,

Những điều Phật nói, gắng mà làm theo.

Ví như mật dính ít nhiều,

Xung quanh, giữa bát cũng đều ngọt ngay.

Pháp ta cũng giống thế này,

Thuần vị giải thoát, tròn đầy tâm linh.O

*

40. THÂN HÀNH ĐẠO VÀ TÂM HÀNH ĐẠO

Phật rằng: Nhữngbậc Sa-môn,

Trong khi hành Đạo, nhớ đừng như trâu.

Đạo mà, phải kéo xe đâu,

Thân còn hành đạo, tâm sao chẳng hành.

Nếu như tâm đạo đã thành,

Đâu cần hành đạo cũng thành quả thôi.O

*

41. DỤC TÌNH QUÁN TỰA BÙN LẦY

Những người hành đạo xét cùng,

Như trâu chở nặng gặp bùn vậy thôi.

Dù cho mệt mỏi rã rời,

Cũng không dám ngó lên trời, hai bên.

Thoát bùn rồi mới được yên,

Sa-môn phải quán thường xuyên thế này:

“Dục tình như thể bùn lầy,

Thẳng tâm niệm Đạo, vượt ngoài khổ đau.” O

*

42. CÁI NHÌN CỦA BẬC ĐẠT ĐẠO

Ta xem chức vị vương hầu,

Như là bụi cát chui đầu qua khe.

Ta xem vàng ngọc quý chi,

Như là gạch ngói có gì xa hoa.

Ta xem y phục lụa là,

Như là giẻ rách nên xa không phiền. O

Ta xem thế giới ba nghìn,

Như là hạt cải đầu kim vậy mà.

Ta xem A-nậu ao xa,

Nước như dầu xức để mà thoa chân.

Ta xem phương tiện vô ngần,

Như là hoa báu khi gần, khi lơi.

Ta xem vô thượng tuyệt vời,

Như là giấc mộng thấy đời vàng son.

Ta xem đường Phật vạn nghìn,

Như là hoa đốm chờn vờn luôn khi.O

Ta xem thiền định kiên trì,

Như là ngọn núi Tu-di vững vàng.

Ta xem bản thể Niết-bàn,

Khắp nơi đều thức chẳng màng ngày đêm.

Ta xem thuận nghịch nhân duyên,

Như là sáu cặp rồng tiên lượn quần.

Ta xem các pháp ngang bằng,

Đất Chân Thật Nhất vĩnh hằng pháp thân.

Ta xem muôn sự xoay vần,

Như là cây cỏ cân phân bốn mùa.  O

Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Chủ Trương của Như Lai

Thứ hai mươi lăm


Chính tôi được nghe, lúc Đức Phật lưu trú tại Vê-ran-cha, có một vị Bà-la-môn ở vùng này đến chào hỏi Đức Phật và thưa chuyện rằng:O


- Bạch Tôn giả, Tôn giả là người thật thiếu ý vị ?


- Đức Phật đáp rằng: Đúng vậy, này thiện nam tử, Như Lai thật thiếu ý vị. Như Lai thiếu ý vị về các vị sắc, vị thanh, vị hương, vị xúc, vị pháp. Như Lai đã nhổ sạch gốc rễ của các hương vị đó nhưng Như Lai rất sung mãn hương vị an lạc, giải thoát. Ý vị mà ông nói không phải ý nghĩa này.     O


- Bạch Tôn giả, Tôn giả là người thiếu tài sản?


- Đúng vậy, này thiện nam tử, Như Lai là người thiếu tài sản, Như Lai thiếu các tài sản sắc, tài sản thanh, tài sản hương, tài sản vị, tài sản xúc, và tài sản pháp. Các tài sản ấy Như Lai đã vứt bỏ. Nhưng Như Lai rất giàu có các tài sản thánh, tài sản Giác Ngộ, đó là sự an lạc và giải thoát trọn vẹn. Tài sản mà ông nói không phải ý nghĩa này.         O


- Bạch Tôn giả, Tôn giả là người chủ trương thuyết không hành động ?


- Đúng vậy, này thiện nam tử, Như Lai là người chủ trương thuyết không hành động. Như Lai không hành động về thân ác, khẩu ác, về ý nghĩ ác. Như lai chủ trương chấm dứt mọi thứ ác và bất thiện. Thuyết không hành động mà ông nói không phải ý nghĩa này.   O


- Bạch Tôn giả, Tôn giả là người chủ trương thuyết đoạn diệt ?


- Đúng vậy, này thiện nam tử, Như Lai là người chủ trương thuyết đoạn diệt. Như Lai đoạn diệt và dạy mọi người đoạn diệt tham lam, sân hận, si mê và các pháp xấu ác, để con người và cuộc đời trổ hoa hạnh phúc và giải thoát. Thuyết đoạn diệt của ông nói không phải ý nghĩa này.   O


- Bạch Tôn giả, Tôn giả là người yếm thế?


Đức Phật trả lời:


- Đúng vậy, này thiện nam tử, Như Lai là người yếm thế. Như Lai nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác. Như Lai nhàm chán sự bất công, phân chia giai cấp, các đau khổ muộn phiền. Còn nhàm chán mà ông nói không phải ý nghĩa này.      O


- Bạch Tôn giả, Tôn giả là người chủ trương chủ nghĩa hư vô ?


- Đúng vậy, này thiện nam tử, Như Lai là người chủ trương chủ nghĩa hư vô. Như Lai làm và dạy mọi người làm hư vô các tâm ý tham ái, sân hận, si mê và các điều xấu ác trên cuộc đời. Như Lai thuyết pháp để hư vô tất cả những thứ gây đau khổ bất hạnh. Chủ nghĩa hư vô mà ông nói không phải là ý nghĩa này.


Nói đến đây, Đức Phật ôn tồn khuyên dạy vị Bà-la-môn đó và toàn thể đại chúng rằng:    O

Này các thiện nam tín nữ, tất cả chúng sanh đangbị vô minh chi phối, bao bọc như một quả trứng đang bao bọc con gà. Như Lai là bậc từ bi, trí tuệ đã phá vỡ vỏ trứng vô minh và hướng dẫn mọi người về con đường giác ngộ, giải thoát. Như Lai là tối thắng ở đời. Con đường Như Lai đã mở, chúng sanh đi theo sẽ được an lạc, giải thoát.


Sau khi nghe Đức Phật giảng bày, Bà-la-môn Vê-ran-cha vô cùng tâm phục; toàn thể đại chúng đều phát nguyện thực hành theo những lời Phật dạy.       O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Quan Niệm về Như Lai

Thứ hai mươi sáu

Đây là những điều mà tôi đã được nghe hồi Đức Phật còn ở tại giảng đường Trùng Các, trong rừng Đại Lâm, cách thành phố Tỳ-xá-ly không bao xa. Lúc bấy giờ, tôn giả A-nu-ra-đa cũng cư trú tại một cái am trong rừng, gần nơi Phật ? O


Một hôm, có một số các du sĩ ngoại đạo đến thăm tôn giả A-nu-ra-đa. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi và chúc tụng, họ hỏi tôn giả: “Này hiền hữu A-nu-ra-đa, Đức Như Lai mà người ta tôn xưng là bậc đã chứng ngộ quả vị cao nhất thế nào cũng đã nói và giảng cho hiền hữu nghe ý kiến của Người về bốn mệnh đề sau đây: Một là sau khi chết, Đức Như Lai vẫn còn; hai là sau khi chết, Đức Như Lai không còn; ba là sau khi chết, Đức Như Lai vừa còn vừa không còn; bốn là sau khi chết, Đức Như Lai vừa không còn vừa không không còn. Hiền hữu nói cho chúng tôi nghe đi.” O


Tôn giả A-nu-ra-đa trả lời: “Này các hiền hữu, Đức Như Lai, bậc tôn quý trên đời, người đã chứng ngộ quả vị cao nhất, chưa bao giờ từng nói và giảng giải trong khuôn khổ bốn mệnh đề mà các vị hiền hữu vừa đưa ra.”


Nghe Tôn giả nói như thế, các vị du sĩ ngoại đạo thốt lên: “Có thể là ông thầy tu này mới đi xuất gia, hoặc giả nếu đi tu lâu rồi thì ông ta chỉ là một kẻ ngu độn.” Không vừa ý với câu trả lời của tôn giả, họ bỏ đi và cho tôn giả là người mới tu hay ngu độn. O


Sau khi các vị du sĩ đi rồi, tôn giả A-nu-ra-đa suy nghĩ: “Nếu các vị du sĩ này cứ tiếp tục hỏi như thế thì ta phải trả lời thế nào cho đúng với sự thật và không sai ý của Đức Phật? Ta sẽ trả lời như thế nào cho đúng với chánh pháp và đừng để người đồng đạo chê trách ?”


Rồi tôn giả A-nu-ra-đa đi tới nơi Đức Phật ở, cung kính làm lễ và thăm hỏi Người. Sau đó tôn giả trình lên Đức Phật câu chuyện vừa xảy ra. O


Đức Phật hỏi: Này A-nu-ra-đa, ông nghĩ sao? Có thể tìm Như Lai trong sắc không?


- Bạch đức Thế Tôn, không.

- Có thể tìm Như Lai ngoài sắc không ?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Có thể tìm Như Lai trong thọ, tưởng, hành, thức không ?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Có thể tìm Như Lai ngoài thọ, tưởng, hành, thức không ?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Này A-nu-ra-đa, ông có nghĩ rằng Như Lai là một cái gì vượt ra khỏi sắc, thọ, tưởng, hành và thức không ?

- Bạch Thế Tôn, không. O


- Này A-nu-ra-đa, đi tìm Như Lai ngay trong khi Như Lai còn sống mà còn không tìm ra thì thử hỏi đi tìm Như Lai sau khi chết trong khuôn khổ bốn mệnh đề còn, không còn, vừa còn vừa không còn, vừa không còn vừa không không còn, đó có thể là một chuyện có thể làm được hay không ?


- Bạch Thế Tôn, không ?


- Tốt lắm, nầy A-nu-ra-đa, hãy lắng nghe và ghi nhớ như sau: Từ trước đến nay, Như Lai chỉ giảng dạy về “khổ” và “con đường chấm dứt đau khổ” mà thôi. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Người Biết Sống Một Mình

Thứ hai mươi bảy

Đây là những điều tôi nghe hồi Đức Phật còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ-đà, tại thành Xá-vệ. Lúc đó có một vị tỳ-kheo tên là Thượng Tòachỉ ưa ở một mình. Vị này thường ca ngợi hạnh sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong đi về một mình và ngồi thiền một mình. Bấy giờ có một số Tỳ-kheo tới nơi Phật ở, làm lễ dưới chân Phật, lui về một bên ngồi, rồi bạch với Người rằng:O


- Bạch Đức Thế Tôn có một vị Tôn giả tên là Thượng Toà, vị này ưa ở một mình, ưa ca ngợi hạnh sống một mình, một mình vào xóm làng khất thực, một mình từ xóm làng đi về trú xứ, một mình tọa thiền.


Đức Thế Tôn bèn bảo một vị Tỳ-kheo:


- Ông hãy tới chỗ mà Tỳ-kheo Thượng Tòa cư trú và bảo với vị ấy là Như Lai gọi.


Vị Tỳ-kheo vâng mệnh. Lúc ấy vị Tỳ-kheo Thượng Tòa liền đến chỗ Phật ở, làm lễ dưới chân Phật, ngồi xuống bên Phật. Khi đó Đức Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo Thượng Tòa về những gì mà các Tỳ-kheo khác đã thưa trình với Như Lai. Tỳ-kheo Thượng Tòa trả lời:


- Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.


- Ông sống một mình như thế nào ?


- Bạch Thế Tôn, con chỉ sống riêng một mình, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, và một mình ngồi thiền.


- Ông đúng là người ưa sống một mình, Như Lai không nói là không phải. Nhưng Như Lai biết có một cách sống một mình thật sự mầu nhiệm. Đó là “quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn mà tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào tham dục.” Kẻ thức giả sống như thế tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hận xa lìa hết, mọi tham dục ở đời cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc và sai sử mình. Đây mới thật sự là cách sống một mình có ý nghĩa giải thoát. Không có cách nào sống một mình mà mầu nhiệm hơn thế.O


Rồi Đức Thế Tôn kết thúc lời dạy trên bằng bài kệ sau đây:


Quán chiếu vào cuộc đời

Thấy rõ được vạn pháp

Không kẹt vào pháp nào

Lìa xa mọi ái nhiễm

Sống an lạc như thế

Tức là sống một mình. O


Khi nghe Đức Phật dạy xong, Tỳ-kheo Thượng Tòa và tất cả đại chúng lấy làm vui mừng sung sướng, cung kính đảnh lễ Đức Phật và phát nguyện tu tập hạnh “người biết sống một mình” cho đến trọn đời. O


***


Một lần khác, lúc Đức Thế Tôn còn lưu trú tại Tinh Xá Kỳ Viên trong vườn Kỳ-đà tại thành Xá-vệ, Ngài gọi các vị Tỳ-kheo và thiện nam tín nữ rồi dạy rằng: O


Hôm nay Như Lai sẽ giảng rõ: “Thế nào là người biết sống một mình.” Trước hết Như Lai nói đại cương, sau đó Như Lai sẽ giải thích. Quý vị hãy lắng nghe.

- Bạch Thế Tôn, chúng con xin lắng nghe.

Khi ấy Đức Thế Tôn ân cần dạy rằng:


Đừng tìm về quá khứ,

Đừng tưởng tới tương lai.

Quá khứ đã không còn,

Tương lai thì chưa tới.

Hãy quán chiếu sự sống,

Trong giờ phút hiện tại.

Người tỉnh thức an trú,

Vững chải và thảnh thơi.

Phải tinh tiến hôm nay,

Kẻo ngày mai không kịp.

Cái chết đến bất ngờ,

Không sao mặc cả được.

Người nào biết an trú,

Đêm ngày trong chánh niệm,

Thì Như Lai gọi là

Người Biết Sống Một Mình O


“Này quý vị, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩrằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như vậy và khởi tâm ràng buộc quyến luyếnvề những gì thuộc về quá khứ ấy, thì khi ấy người đó đang tìm về quá khứ.”O


“Này quý vị, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế mà khôngkhởi tâm ràng buộc quyến luyếnvề những gì thuộc về quá khứ ấy, thì khiấy người đó đang không tìm về quá khứ.”O


“Này quý vị, sao gọi là tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế này, cảm thọ ta sẽ được như thế này, tri giác ta sẽ được như thế này, tâm tư ta sẽ được như thế này, nhận thức ta sẽ được như thế này. Nghĩ như thế mà khởi tâm ràng buộc và mơ tưởngvề những gì thuộc về tương lai ấy, thì khiấy người đó đang tưởng tới tương lai.”O


“Này quý vị, sao gọi là không tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế này, cảm thọ ta sẽ được như thế này, tri giác ta sẽ được như thế này, tâm tư ta sẽ được như thế này, nhận thức ta sẽ được như thế này. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc và mơ tưởngvề những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó trong lúc ấy đang không tưởng tới tương lai.”O


“Này quý vị, thế nào gọi là bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người không học, không biết gì về Phật, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiềnnhân và giáo pháp của họ, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này, thì khi ấy người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại.O


“Này quý vị, thế nào gọi là không bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người có học, có biết về Phật, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiềnnhân và giáo pháp của họ, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này, thì khi ấy người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại.


Đó là Như Lai đã chỉ cho quý vị biết đại cương và giải thích rõ về thế nào là người biết sống một mình.”


Khi Đức Phật dạy xong, tất cả đại chúng xuất gia và tại gia đều hoan hỷ phụng hành. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát

Thứ hai mươi tám


Thời đó, Phật đang ở thành Xá-vệ với đầy đủ quý vị trong cộng đồng Tỳ-kheo. Một hôm Ngài nói với đại chúng rằng: O


- Có ba cánh cửa giải thoát, còn gọi là pháp ấn mầu nhiệm, quý vị có biết không? Hôm nay Như Lai muốn phân tích và diễn giải pháp ấn này cho quí vị nghe. Quý vị hãy đem nhận thức thanh tịnh ra để nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, khéo léo sử dụng tâm ý để ghi nhớ mà hành trì. O


Đại chúng cùng thưa rằng:


- Bạch Đức Thế Tôn ! Xin Người chỉ dạy cho. Chúng con muốn được nghe.


Đức Phật dạy rằng:


- Tự tính của "không" là không nằm trên bình diện có không, không nằm trong khuôn khổ các vọng tưởng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, và vượt thoát mọi tri kiến. Tại sao thế? Vì tự tính của "không" không có vị trí trong không gian, không có hình tướng, không thể khái niệm được, chưa bao giờ sinh khởi, tri kiến không nắm bắt được, và thoát ly mọi sự nắm bắt. Vì thoát ly mọi sự nắm bắt nên nó bao hàm được tất cả các pháp, và an trú nơi cái thấy bình đẳng không phân biệt. Cái thấy ấy là cái thấy chân chính và xác thực. Thưa đại chúng ! Quý vị nên biết rằng không chỉ có tự tính của "không" như thế mà tất cả các pháp khác cũng đều như thế. Đó gọi là pháp ấn. O


Pháp ấn này chính là ba cái cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của các Đức Phật, là con mắt của các Đức Phật, là chỗ đi về của các Đức Phật. Vì vậy quý vị nên nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, để ghi nhớ mà tư duy và quán chiếu ngay trong thực tại. O


- Này đại chúng ! Người tu hành nên tìm nơi tĩnh mịch như vào rừng, ngồi dưới gốc cây, để thực tập quán chiếu về tự thân thực tại. Phải thấy mọi hình sắc là khổ, là không và là vô thường, để thoát ly cho được sự bám víu vào hình sắc và trở về an trú trong cái thấy bình đẳng không phân biệt đối với hình sắc. Đối với cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức cũng thế: Người ấy nên quán chiếu rằng chúng là khổ, là không và là vô thường để có thể thoát ly cho được cái thấy có tính cách sai lạc về cảm giác, trí giác, tâm tư và nhận thức để đạt tới cái thấy bình đẳng không phân biệt về chúng. Các uẩn vốn là không, vốn được sinh khởi từ tâm, khi tâm không còn hiện hành thì uẩn cũng không còn tác dụng. Thấy biết được như thế tức là đạt được giải thoát chân chính, giải thoát chân chính rồi thì thoát được mọi tri kiến. Phép quán sát này được gọi là “không,” cánh cửa giải thoát thứ nhất. O


- Lại nữa, an trú trong định mà quán sát các đối tượng thì hành giả thấy được các đối tượng hình sắc đều tan biến hết và người thoát ly được tánh cách hư ảo của tri giác về hình sắc. Các đối tượng khác là thanh, hương, vị, xúc và ý niệm của tâm cũng đều tan biến hết và hành giả thoát ly được tánh cách hư ảo của mọi tri giác về thanh, hương, vị, xúc và ý niệm của tâm. Phép quán sát này gọi là “vô tướng,” cánh cửa giải thoát thứ hai. Vào được cánh cửa giải thoát này rồi thì tri kiến sẽ được thanh tịnh nên hành giả diệt trừ được tất cả phiền não tham, sân, si. Tham, sân và si đã tận diệt thì hành giả an trú được trong cái thấy bình đẳng. An trú được trong cái thấy này thì lìa được những cái thấy về “ta” và về “của ta,” nghĩa là chấm dứt được mọi cái thấy sai lầm. Cái thấy này không còn cơ hội và căn cứ để sinh khởi nữa. O


- Lại nữa, này đại chúng ! Thoát ly được cái thấy về ta rồi, thì không còn cho rằng những sự vật mà ta thấy, nghe, cảm và biết là những sự vật có thật ngoài những nhận thức nữa. Vì sao thế? Vì nhận thức cũng chính là do nhân duyên mà phát sinh. Nhận thức và các nhân duyên làm phát khởi ra nhận thức đều biến chuyển vô thường, mà vì thức vô thường cho nên ta cũng không nắm bắt được. Tổ hợp thức đã không như bất cứ hiện tượng nào khác thì còn có gì cần được tạo tác nữa đâu? Phép quán sát này được gọi là “vô tác,” cửa giải thoát thứ ba. Vào được cửa giải thoát này rồi thì thấy được chân tướng các pháp một cách triệt để, không còn bị kẹt vào một pháp nào nữa và thể nghiệm được tính cách tịch diệt của các pháp. O


Pháp ấn mầu nhiệm là như thế. Đó là ba cánh cửa đi vào giải thoát. Này toàn thể đại chúng, nếu quý vị tu học theo pháp ấn này thì chắc chắn sẽ đạt được tri kiến thanh tịnh.


Toàn thể đại chúng nghe bài pháp này đều tỏ ra rất sung sướng. Họ làm lễ Phật và phát nguyện làm theo. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Dụ Ngôn Bọt Nước

Thứ hai mươi chín

Lúc bấy giờ, Thế Tôn an trụ,

Ởbên sông Ấn Độ: Hằng hà

Sóng đùa bọt nước tung ra,

Phật kêu đệ tử ra mà quán soi. O

***


Hãy chuyên chú nhìn rồi quán sát,

Lấy lý nhìn bọt nước rỗng không,

Bọt không có lõi bên trong,

Làm sao có lõi giữa lòng bọt kia.

Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,

Phàm những gì “sắc” thấy xưa nay,

Đã qua, hiện tại, vị lai,

Nhuyễn thô, xấu tốt, trong ngoài, gần xa.O

Hãy chuyên chú để mà quán sát,

Lấy lý nhìn thấy “sắc” trống không,

“Sắc” nào có lõi bên trong,

Làm sao có lõi giữa lòng “sắc” kia.

Này tỳ-kheo cũng như ví dụ,

Vào mùa thu mưa dội ở ngoài,

Mưa to bong bóng nổi đầy,

Hiện rồi biến mất trong vài sát-na.       O

Hãy chuyên chú để mà quán sát,

Lấy lý nhìn, bong bóng trống không,

Bóng nào có lõi bên trong,

Làm sao có lõi giữa lòng bóng kia.      O

***


Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,

Phàm những gì “thọ” thấy xưa nay,

Đã qua, hiện tại, vị lai,

Nhuyễn thô, xấu tốt, trong ngoài, gần xa.

Hãy chuyên chú để mà quán sát,

Lấy lý nhìn thấy “thọ”trống không,

“Thọ” nào có lõi bên trong,

Làm sao có lõi giữa lòng “thọ” kia.O

Này Tỳ-kheo cũng như ví dụ,

Vào mùa hè đến độ giữa trưa,

Giờ này đứng bóng đang mùa,

Ráng trời một khoảng mới vừa hiện lên.

Hãy lấy lý mà nhìn, quán sát

Chuyên chú nhìn, thấy chúng rỗng không,

Ráng nào có lõi bên trong,

Làm sao có lõi giữa lòng ráng kia.O

***


Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,

Phàm những gì “tưởng” thấy xưa nay

“Tưởng” nào có lõi bên trong,

Làm sao có lõi trong lòng “tưởng” kia. O

Này Tỳ-kheo ví như có kẻ,

Đi ra rừng để kiếm lõi cây,

Người này thấy cụm chuối dầy,

Thân cao mọc thẳng ra tay chặt liền.

Rồi vội vã đến bên lột vỏ,

Vỏ hết rồi, tìm lõi được sao ?

Mọi người chuyên chú nhìn vào,

Lấy lý quán sát chuối nào lõi đâu.

Chúng hiện rõ bấy lâu trống rỗng,

Làm sao mà có lõi ở đây,

Rõ ràng thân chuối phơi bày,

Không hề có lõi ở ngay trong lòng.

Thân chuối lộ rỗng không đâu lõi,

Làm sao mà có lõi bên trong,

Rõ ràng trong ruột rỗng không,

Làm sao có lõi giữa lòng chuối kia. O

***


Này Tỳ-kheo cũng như vậy đấy,

Phàm những gì “hành” thấy xưa nay,

“Hành” nào có lõi bên trong,

Làm sao có lõi giữa lòng “hành” kia. O

Này Tỳ-kheo như trò ảo thuật,

Của những người làm xiếc chuyên môn,

Bày trò những ngón tinh khôn,

Nếu nhìn chuyên chú tỏ tường ngay thôi.

Hãy lấy lý rạch ròi quán sát,

Mọi người nhìn thấy chúng trống không,

Trò này không thật bên trong,

Làm sao có lõi trong lòng “trò” kia.O

***


Này Tỳ-kheo cũng như thế đấy,

Phàm những gì “thức” thấy xưa nay

“Thức” nào có lõi bên trong,

Làm sao có lõi trong lòng “thức” kia.

Đã thấy vậy, Tỳ-kheo nên biết,

Thánh Đa Văn đệ tử chán nhàm,

Của “sắc, thọ, tưởng, thức, hành”

Cũng nhờ nhàm chán tự mình lìa tham.

Bởi lìa tham dễ dàng giải thoát,

Hết buộc ràng, chánh trí khởi lên:

“Ta vừa giải thoát đảo điên,

Không còn chìm đắm triền miên luân hồi.

Vị này biết rõ thế rồi,

Thế Tôn cũng giảng nơi nơinhư vầy: O

***


“Sắc” như bọt nước tan ngay,

“Thọ” như bong bóng nước ngoài mưa rơi.

“Tưởng” thì ví tựa ráng trời,

“Hành” như thân chuối khắp nơi mọi vùng.

“Thức” như ảo thuật vô chừng,

Chư Phật và các thánh nhân trên đời.

Đều cùng giảng nói vậy thôi,

Rõ ràng “ vô ngã” tự nơi thân mình.

Như vầy chuyên chú mà nhìn,

Lý chơn quán sát tận tình chiếu soi.

Dựa vào lý quán rạch ròi,

Rõ ràng các pháp tánh thời trống không. O

Khởi đầu hãy tự quán thân,

Những gì Đại Trí vẫn thường thuyết như:

Khi nào ba pháp tiêu trừ,

Bấy giờ thấy “sắc” bị từ bỏ đi.

Thân giả hợp có ra chi,

Không còn hơi ấm, “thọ” lìa “thức” tan.

Bị quăng nằm đó ai màng,

Làm mồi cấu xé cho đàn chim muông.

Sắc thân luân chuyển vô thường,

Ngu si ảo hoá khôn lường tinh ranh.

Như là những kẻ sát sanh,

Lõi cây không thấy quẩn quanh tìm hoài.O

***


Quán soi các uẩn như vầy,

Tỳ-kheo tinh tấn đêm ngày không lơi.

Phải luôn tỉnh giác từng thời,

Tư duy chánh niệm không rời thân tâm.

Bỏ đi tất cả buộc ràng,

Để làm chỗ tựa bình an đi vào.

Sống như “chữa lửa cháy đầu,”

An vui tịch tịnh, ngõ hầu chứng nên.O

Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Chánh Kiến

Thứ ba mươi

Đây là những điều mà tôi đã được nghe, thời Đức Phật cư trú tại ngôi nhà khách ở trong rừng, thuộc tụ lạc Na-lợi. Lúc ấy có tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên đến thăm Người. Sau khi đảnh lễ dưới chân Đức Phật, tôn giả ngồi xuống một bên và thưa rằng: O


- Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn thường nói tới danh từ “chánh kiến.” Cúi xin Người giảng giải ý nghĩa của từ này cho chúng con.


Phật bảo tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên rằng:

- Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức, một là có, hai là không. Đây là hai quan niệm vướng mắc vào cái tri giác sai lầm. Vì vướng vào tri giác sai lầm đó cho nên mới kẹt vào hoặc “ý niệm có”, hoặc “ý niệm không.” Này Tán-đà Ca-chiên-diên! Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp mắc và bảo thủ. Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ và vọng tưởng về cái ngã nữa. Người ấy biết cái khổ, chẳng hạn, khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt. Người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả. Cái thấy của người ấy không do ảnh hưởng của kẻ khác mà có, trái lại do chính người ấy tự đạt được. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến. Đó là cách trình bày chánh kiến của Như Lai. O


Người có tri kiến chân chính khi quán sát về sự sinh khởi của thế gian không thấy thế gian là không. Người có tri kiến chân chính khi quan sát về sự hoại diệt của thế gian không thấy thế gian là có. Này Tán-đà Ca-chiên-diên! Chấp có là một biên kiến, chấp không là một biên kiến khác. Như Lai lìa hai biên kiến đó mà thuyết pháp một cách trung đạo. Nghĩa là: “Cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì có cái kia sinh.” Từ vô minh mà có hành, từ hành mà có thức, từ thức mà có danh sắc, từ danh sắc mà có lục nhập, từ lục nhập mà có xúc, từ xúc mà có thọ, từ thọ mà có ái, từ ái mà có thủ, từ thủ mà có hữu, từ hữu mà có sinh, từ sinh mà có lão tử, và khổ đau chồng chất thành khối. O


Nếu vô minh không còn thì hành không còn, hành không còn thì thức không còn, thức không còn thì danh sắc không còn, danh sắc không còn thì lục nhập không còn, lục nhập không còn thì xúc không còn, xúc không còn thì thọ không còn, thọ, không còn thì ái không còn, ái không còn thì thủ không còn, thủ không còn thì hữu không còn, hữu không còn thì sinh không còn, sinh không còn thì lão tử không còn và nguyên khối khổ đau chồng chất kia bị tiêu diệt. O


Phật nói kinh này xong, tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên thấy tâm bừng sáng giải thoát, cắt đứt được các hệ lụy và chứng quả A-la-hán. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Dụ Ngôn Người Bắt Rắn

Thứ ba mươi mốt

Đây là những điều tôi được nghe thời Đức Phật còn du hành ở Sa-va-thi trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Lúc bấy giờ, thầy Tỳ-kheo A-ri-tha, vốn xưa là người huấn luyện chim ưng, có quan niệm sai lầm như sau: “Theo sự hiểu biết của tôi về điều Đức Phật dạy, hưởng thụ dục lạc không phải là chướng ngại cho sự tu tập.” O


Biết được như thế, nhiều vị Tỳ-kheo khuyên Tỳ-kheo A-ri-tha rằng: “Này sư huynh A-ri-tha, sư huynh đừng nói như thế, đừng bài báng và vu khống Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn không hề nói như vậy. Bài báng và vu khống Đức Thế Tôn là không tốt. Này, sư huynh A-ri-tha, dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn đã dùng rất nhiều ví dụ để giúp chúng ta hiểu được điều đó. Sư huynh nên từ bỏ quan niệm sai lầm ấy đi.” Tuy đã được các Tỳ-kheo chỉ bảo như thế nhưng thầy A-ri-tha vẫn không nghe, vẫn bảo thủ quan điểm của mình, vẫn một mực nói rằng điều thầy nghĩ là đúng, ngoài ra các ý kiến khác đều sai lầm. Can thiệp như vậy đến ba lần mà không có hiệu quả, các vị Tỳ-kheo mới đứng dậy bỏ đi. Họ tìm tới Đức Phật. Sau khi đảnh lễ dưới chân Người, các vị ngồi xuống một bên và bạch với Đức Phật đầu đuôi câu chuyện. O


Nghe xong, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Các ông hãy tìm đến trú xứ của Tỳ-kheo A-ri-tha và nói với A-ri-tha rằng Như Lai gọi.” Được Đức Phật gọi, thầy A-ri-tha lập tức đến đảnh lễ và ngồi xuống bên Người. Đức Phật hỏi: “Nầy A-ri-tha, ông đã nói rằng theo cái hiểu của ông thì Như Lai không cho sự hành dục là một chướng ngại cho sự tu tập, có phải không?” O


Thầy A-ri-tha đáp:


- Bạch Thế Tôn, con hiểu như vậy.


Đức Phật quay sang hỏi các vị Tỳ-kheo:


- Các vị có từng nghe Như Lai dạy rằng hành dục không gây ra chướng ngại gì cho sự tu tập hay không ?” O


- Bạch Thế Tôn, không. Chúng con không từng nghe như thế. Chúng con đều từng nghe Đức Thế Tôn dạy rằng dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn thường dạy dục lạc là khúc xương trần, là miếng thịt sống, là bó đuốc rơm cầm ngược gió, là hố than hồng, là con rắn độc, là một giấc mộng, là của vay mượn, là cây sai trái…


- Đúng vậy, các vị tỳ-kheo. Như Lai thường thuyết pháp như thế, quý vị đã nghe đúng. Dục lạc là chướng ngại. Dục lạc là khúc xương trần, là miếng thịt sống, là bó đuốc rơm cầm ngược gió, là hố than hồng, là con rắn độc, là một giấc mộng, là của vay mượn, là cây sai trái…


Các vị đã nghe đúng. Còn ông A-ri-tha đây là người dại dột, đã hiểu lời của Như Lai một cách đảo ngược, về văn cũng như về nghĩa, và như vậy đã vu khống, bài báng Như Lai và cũng đã tự hại mình. Đây là một sự vi phạm, một sự lỗi lầm cho những bậc trí giả.” O


Nghe Đức Thế Tôn quở trách như thế, thầy A-ri-tha cúi đầu yên lặng, trong lòng lo buồn hối hận. Lúc đó, nhân việc này, Đức Phật dạy đại chúng rằng: O


- Những giáo pháp Như Lai nói, các vị phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết hãy nên hỏi lại Như Lai hoặc hỏi lại các bậc trí giả. Tại sao? Có những người thiếu trí huệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và nghĩa, đã hiểu ngược những điều đề cập đến trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng, nhân duyên soạn lục, bản khởi thử thuyết, sinh xứ quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị. Những người ấy đã học lời dạy của ta với chủ ý tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự việc mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh. Họ trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi. Cũng giống như người đi bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn liền lấy tay chụp vào mình nó, cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc một bộ phận nào khác của cơ thể. O


Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân. Lý do là người ấy không biết thủ thuật bắt rắn. Người học kinh không thông minh cũng vậy: vì không biết cách học hỏi nên đã hiểu kinh một cách trái ngược. Những kẻ khôn ngoan sẽ biết khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh, do đó không có kiến giải đảo lộn. Họ không học vì mục đích khoe khoang và tranh cãi. Họ học với mục đích tìm đường giải thoát. Vì vậy học không hề trở thành điều cực khổ và lao nhọc. Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẩy đuôi quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không khó khăn mà cũng không nguy hiểm, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn.


Các thiện nam, tín nữ khi học hỏi đến kinh điển, các vị phải khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp, không nên học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi, mà nên học hỏi với mục đích tìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn. O


Này thiện nam, tín nữ, Như Lai đã nhiều lần nói với quý vị về dụ ngôn chiếc bè, và căn dặn quý vị phải biết buông bỏ chiếc bè một khi đã qua được bên sông. Ví dụ có một hôm nước trên núi tràn về thành dòng lớn ngập lụt và trôi dạt nhiều thứ. Có kẻ muốn qua bên kia bờ mà không có thuyền cũng không có cầu. Người ấy nghĩ: ta có việc cần phải qua bên kia, nhưng phải tìm phương thế an ổn để mà qua. Nghĩ như vậy rồi liền đi lượm cây cỏ kết lại thành một chiếc bè và dùng bè đó để vượt dòng sang bờ bên kia một cách an ổn. Qua bên kia rồi người ấy tự nghĩ: Ta mất bao nhiêu công phu và thời giờ mới kết được chiếc bè và nhờ nó mà mới qua được bên này. Vậy ta không nên bỏ nó. Bây giờ ta phải khiêng nó lên vai hoặc đội nó lên đầu mà đi.” Người ấy nói rồi làm như thế. Này các thiện nam, tín nữ! Các vị nghĩ người ấy làm như thế có ích lợi gì không ?” O


- Bạch Đức Thế Tôn, không.


- Người ấy làm thế nào để chiếc bè ấy có thể tiếp tục có ích? Người ấy nên nghĩ rằng: Chiếc bè này đã giúp ta vượt dòng sông qua đây an ổn, vậy ta nên thả chiếc bè lại xuống nước hoặc để nó bên bờ, như vậy người đến sau sẽ có được cơ hội dùng nó. Này các thiện nam, tín nữ nghĩ và làm như thế thì có ích lợi không ?” O


- Bạch Đức Thế Tôn, thật sự có lợi ích.


- Như Lai đã nhiều lần nói với các vị về dụ ngôn chiếc bè là vì thế. Pháp mà còn phải buông bỏ huống hồ là cái không phải pháp.


Này các thiện nam tín nữ ! Có sáu nhận thức sai lầm nên buông bỏ. O


Trước hết là sắc thân. Sắc thân dù thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại dù bên trong hay bên ngoài, dù vi tế hoặc thô sơ, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, sắc thân ấy cũng không phải là của ta cũng không phải là thần ngã. Vị hành giả phải biết quán chiếu để thấy được sự thực về sắc thân. O


Thứ hai là cảm thọ, thứ ba là tri giác, thứ tư là tâm hành. Những pháp ấy dù thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, dù bên trong hay bên ngoài, dù vi tế hoặc thô sơ, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, đều không phải là của ta, không phải là ta, cũng không phải là thần ngã. O


Thứ năm là nhận thức: những gì ta thấy, nghe, hay, biết, nắm bắt, quan sát và tư niệm trong thời gian này hay thời gian khác, những thứ ấy đều không phải là của ta, đều không phải là ta, đều không phải là thần ngã. O


Sau hết là thế giới. Có kẻ quan niệm rằng: “Thế giới là thần ngã, thần ngã là thế giới, thế giới là ta, ta sẽ tồn tại không biến dịch sau khi chết, ta là cái vĩnh viễn không mòn diệt.”


Ta nên quán chiếu để thấy rằng thế giới không phải là của ta, không phải là ta, không phải là thần ngã. Quán chiếu để thấy được sự thật ấy về thế giới.” O


Nghe đến đây, một vị Tỳ-kheo đứng dậy trịch vai áo bên phải, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:


- Bạch Thế Tôn, có thể vì lý do nội tại mà có sự hoảng sợ, lo buồn hay không ?


Đức Phật dạy rằng:


- Có thể. Nếu có kẻ nhận thức và nói như sau: Cái ấy ngàn xưa vốn không có rồi trở nên có mà bây giờ tôi lại không có. Nhận thức như thế và nói như thế thì kẻ ấy có thể ưu sầu, than khóc và đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là sự hoảng sợ và lo buồn có lý do nội tại. O


- Bạch Đức Thế Tôn có thể vì lý do nội tại mà không có sự hoảng sợ và lo buồn hay không?


- Có thể. Nếu có kẻ không nhận thức và không nói như sau: Cái ấy ngàn xưa vốn không có bây giờ có mà tôi lại không có. Kẻ ấy sẽ không ưu sầu, than khóc và không đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là sự không hoảng sợ và lo buồn có lý do nội tại. O


- Bạch Thế Tôn, có thể có lý do ngoại tại đưa đến sự hoảng sợ và lo buồn hay không?


- Có thể. Giả sử có kẻ nhận thức và nói như sau: Đây là thần ngã, đây là thế giới, đây là ta, ta sẽ tồn tại mãi về sau. Rồi người ấy gặp Phật hay một người học trò của Phật có đủ thông minh trí tuệ thuyết pháp cho nghe về sự xả ly các kiến chấp về thân, về ngã, về ngã sở, về sự buông bỏ ngã mạn, triền sử và lậu hoặc, kẻ ấy có thể nghĩ rằng: “Thôi thế là hết, ta sẽ buông bỏ tất cả, ta không phải là thế giới, là ta, là thần ngã, ta sẽ không tồn tại mãi về sau, sau khi chết ta sẽ hoàn toàn đoạn diệt, không còn gì nữa để mà thương, để mà vui, để mà ghi nhớ.” Nghĩ như thế, kẻ ấy có thể ưu sầu, than khóc và đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là lý do ngoại tại có thể đưa đến sự hoảng sợ và lo buồn. O


- Bạch Đức Thế Tôn có thể có lý do ngoại tại đưa đến sự không hoảng sợ và lo buồn hay không?


- Có thể. Giả sử có kẻ không nhận thức và nói như sau: Đây là thần ngã, đây là thế giới, đây là ta, ta sẽ tồn tại mãi về sau. Rồi người ấy gặp Phật hay một người học trò của Phật có đủ thông minh trí tuệ thuyết pháp cho nghe về sự xả ly các kiến chấp về thân, về ngã, về ngã sở, về sự buông bỏ ngã mạn, triền sử và lậu hoặc, kẻ ấy không nghĩ rằng: “Thôi thế là hết, ta phải buông bỏ tất cả, ta không phải là thế giới, là ta, là thần ngã, ta sẽ không tồn tại mãi về sau, sau khi chết ta sẽ hoàn toàn đoạn diệt, không còn gì nữa để mà thương, để mà vui, để mà ghi nhớ.” Người ấy sẽ không ưu sầu, than khóc và đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là lý do ngoại tại đưa đến không hoảng sợ và lo buồn. O


Nói xong, Đức Phật nhìn đại chúng rồi hỏi rằng:


- Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các thiện nam, tín nữ. Các vị có nhận thức về năm uẩn và cái ta như một cái gì thường trú, không biến dịch và không hoại diệt hay không ?” O


- Bạch Thế Tôn, không.


- Có một cái gì mà ta tiếp nhận và nắm bắt với sự tham ái mà lại không gây ra lo lắng, mệt nhọc than khóc, khổ đau và tuyệt vọng hay không?


- Bạch Thế Tôn, không.


- Quý vị có thấy chỗ tựa nào cho một ngã kiến mà không đem lại lo lắng, mệt nhọc, than khóc khổ đau và tuyệt vọng hay không?” O


- Bạch Thế Tôn, không.


- Hay lắm ! Vì có ý niệm về “ta” cho nên có ý niệm về “của ta,” nếu không có ý niệm về “ta” thì sẽ không có ý niệm về “của ta.” Ta và của ta đều là những ý niệm không thể nắm bắt được, không thể thiết lập được. Những nhận thức sai lầm ấy nếu phát sinh trong tâm ta sẽ kết thành những triền sử. Những triền sử ấy được phát sinh từ những khái niệm không nắm bắt được mà cũng không thành lập được. Phải chăng cái đó hoàn toàn chỉ là những nhận thức sai lầm và những hậu quả nối dài của những nhận thức sai lầm ấy, như trong trường hợp A-ra-tha xưa kia làm nghề huấn luyện chim ưng. O


Nghe Đức Phật dạy, đại chúng đáp: Đúng như thế, thưa Đức Thế Tôn. Đó hoàn toàn chỉ là những nhận thức sai lầm và những hậu quả nối dài của những nhận thức sai lầm ấy, như trường hợp thầy A-ra-tha.


Đức Phật dạy: “Nếu quả sáu đối tượng sắc thọ tưởng hành thức và thế giới ấy mà không thấy có cái ta và cái của ta, vị hành giả không bị vướng vào những ràng buộc của cuộc đời. Vì không bị vướng vào cho nên không hoảng sợ, không hoảng sợ cho nên đạt được Niết-bàn. Vị ấy biết luân hồi khổ đau đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã hoàn tất, điều cần làm đã làm, không còn bị sanh tử nữa, và nhận thức được thực tại. Một vị hành giả như thế đã lấp được thông hào, vượt được thông hào, phá được thành quách, mở tung đuợc lề khóa, soi được vào gương thánh trí. O


Thế nào là lấp được thông hào? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của vô minh; vô minh đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa. O


Thế nào là vượt được thông hào? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của hữu và ái; hữu và ái đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.


Thế nào là phá tan thành quách? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của sanh tử luân hồi; sanh tử luân hồi đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa. O


Thế nào là mở tung lề khóa? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của năm thứ độn sử; năm thứ độn sử đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa. O


Thế nào là soi được vào gương thánh trí? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của ngã mạn; ngã mạn đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa. O


Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam tín nữ ! Đó là trường hợp của Như Lai và của các vị hành giả đã giải thoát. Vua trời Đế-thích, Sinh Chủ, Phạm Thiên và quyến thuộc của họ dù có đi tìm kiếm cũng không thể nào thấy được dấu tích, y cứ của tâm thức Như Lai. Như Lai thường nói: Như Lai là trạng thái cao quý. Như Lai là trạng thái mát mẻ. Như Lai là trạng thái không nóng bức. Như Lai là trạng thái không còn khóc than. Vì nghe Như Lai giảng dạy như thế nên nhiều vị Sa-môn và Phạm-chí đã vu báng Như Lai là vọng ngôn, là không chân thật. Họ nói: Sa-môn Gotama chủ trương thuyết hư vô và tuyên dương chủ nghĩa hoại diệt; trong khi chúng sanh là những thực thể có thật. Những điều họ nói, Như Lai có bao giờ chủ trương đâu. Như Lai thực sự chỉ nói pháp diệt khổ đem đến trạng thái vô ưu. O


Nếu có ai tới mắng nhiếc, khiêu khích, phỉ báng, đánh đập, Như Lai cũng không giận dỗi, không ghét bỏ cũng không có ý trả thù. Cũng như nếu có người tới cung kính, cúng dường lễ bái và tôn trọng Như Lai thì không phải vì thế mà Như Lai mừng rỡ. Như Lai chỉ nghĩ rằng người ấy đến là vì thành quả của sự đạt ngộ và của sự chuyển hóa nơi Như Lai mà thôi. O


Này các thiện nam tín nữ ! Nếu người ta tới mắng nhiếc, khiêu khích, phỉ báng, đánh đập các vị, hoặc tới cung kính, cúng dường lễ bái và tôn trọng quý vị thì quý vị cũng không nên vì thế mà mừng rỡ hoặc sanh lòng giận dữ muốn trả thù lại họ. Vì sao? Vì xét ra thì không có cái ta mà cũng không có cái của ta. Ví như bây giờ đây, ở tại bên ngoài khu vườn này, có người góp nhặt cành khô và cỏ khô đem về đốt và sử dụng, thì chúng ta có nên nghĩ là chúng ta đang bị người ta đem đốt và sử dụng không? O


- Bạch Thế Tôn, không.


- Cũng như thế đó ! Nếu người ta có tới khen ngợi, cung kính cúng dường hoặc chê bai, mắng nhiếc và phỉ báng, thì chúng ta cũng nên lấy đó làm mừng hoặc làm giận. Tại sao thế? Tại vì cái ta đã không có mà cái của ta cũng không. Chánh pháp đã được Như Lai trình bày đầy đủ, không có khuyết điểm và đã được truyền bá rộng rãi trong hai cõi người và trời. O


Nếu có chánh trí mà hiểu thấu được thì hiệu lực của chánh pháp ấy sẽ vô cùng. Nếu khi mạng chung mà chuyển hóa được năm độn sử thì trong đời kế tiếp sẽ đạt được Niết-bàn, vào được địa vị không thoái chuyển và không còn trở lại luân hồi sanh tử. Nếu khi mạng chung mà chuyển hóa được ba kiết sử tham, sân, si thì chỉ cần sinh ra thêm một lần trong cõi trời hay cõi người rồi cũng tới được biên giới của giải thoát. Nếu khi mạng chung mà đắc quả Tu-đà-hoàn thì không còn rơi vào ác pháp, nhất định đi về hướng chánh giác, sau bảy lần sinh lại trong cõi trời và người thì sẽ tới được biên giới của giải thoát. Nếu khi mạng chung mà đã có lòng tin hiểu nơi giáo pháp thì đều sẽ sinh lên những cõi lành và sẽ tiếp tục đi trên con đường hướng về nẻo thánh. O


Khi nghe Đức Phật dạy xong, các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, và thiện nam, tín nữ đều hoan hỷ, phụng hành và phát nguyện truyền bá kinh này. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Quán Niệm Hơi Thở

Thứ ba mươi hai

Tôi nghe như sau: lúc bấy giờ Đức Phật còn ở tại nước Xá-vệ, cư trú trong vườn cây Kỳ-đà với nhiều vị đại đệ tử nổi tiếng như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp, Ca-chiên-diên, Câu-thi-la, A-nậu-lâu-đà, Ưu-bà-đa, A-nan-đà v.v…Trong cộng đồng các vị tỳ-kheo, những vị trưởng thượng lo chăm sóc dạy dỗ các vị Tỳ-kheo tân học, có vị chăm dạy mười người, có vị hai mươi người, có vị ba mươi người, có vị bốn mươi người. Các vị Tỳ-kheo tân học được chăm sóc và dạy dỗ như thế dần dần đạt được nhiều tiến bộ. O


Thời đó, đã đến ngày trăng tròn tháng tư và Phật đang ngồi ngoài trời với các vị Tỳ-kheo. Người đưa mắt lặng lẽ quan sát đại chúng một hồi rồi lên tiếng:

- Quý vị Tỳ-kheo! Tăng đoàn chúng ta đây quả là thanh tịnh và có thực chất tu học, không mang tính chất phù phiếm và ba hoa, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được gọi là phước điền, xứng đáng được kính nể. O


Này các đệ tử, trong đại chúng đây có những vị Tỳ-kheo đã chứng quả A-la-hán, đã hết mọi phiền não, đã trút bỏ được mọi gánh nặng, đã thành tựu được trí tuệ và giải thoát. Lại có những vị đã cắt được năm sợi dây ràng buộc đầu, chứng được quả Bất Hoàn, sẽ không còn trở lại luân hồi; có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Nhứt Hoàn, hàng phục được phần thô của các phiền não tham, sân, si và chỉ cần trở lại một lần; có những vị đã cắt bỏ được ba sợi dây ràng buộc đầu, chứng quả Dự Lưu, đang vững chãi đi về quả vị giác ngộ; có vị đang thực tập bốn pháp quán niệm, có vị đang thực tập bốn pháp siêng năng chân chánh, có vị đang thực tập bốn pháp sung túc như ý, có vị đang thực tập năm căn, có vị đang thực tập năm lực, có vị đang thực tập bảy yếu tố giác ngộ, có vị đang thực tập tám chánh đạo, có vị đang thực tập tâm từ, có vị đang thực tập tâm bi, có vị đang thực tập tâm hỷ, có vị đang thực tập tâm xả, có vị đang thực tập chín pháp quán tưởng, có vị đang thực tập quán vô thường. Lại có những vị khác đang thực tập quán niệm hơi thở. O


Này các đệ tử, phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu bốn lĩnh vực quán niệm; bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ làm thành tựu bảy yếu tố giác ngộ; bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa tới trí huệ và giải thoát. O


Làm thế nào để phát triển và thực tập liên tục phép quán niệm hơi thở, để phép này mang lại những thành quả và lợi lạc lớn?

Này các đệ tử, vị hành giả đi vào rừng hoặc tới một gốc cây, nơi vắng vẻ, ngồi xuống trong tư thế hoa sen, giữ thân cho thẳng và đặt vững chánh niệm trước mặt mình. Thở vào, người ấy biết rằng mình thở vào, thở ra người ấy biết rằng mình thở ra. O

***

- Thở vào một hơi dài, người ấy biết: ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, người ấy biết: ta đang thở ra một hơi dài.

- Thở vào một hơi ngắn, người ấy biết: ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, người ấy biết: ta đang thở ra một hơi ngắn.

- Ta đang thở vào và có ý thức về toàn thân ta. Ta đang thở ra và có ý thức về toàn thân ta

- Ta đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh. O

***

- Ta đang thở vào và cảm thấy mừng vui. Ta đang thở ra và cảm thấy mừng vui.

- Ta đang thở vào và cảm thấy an lạc. Ta đang thở ra và cảm thấy an lạc.

- Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta. Ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta.

- Ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. Ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được an tịnh. O

***

- Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta.

- Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc.

- Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định.

- Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát, tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát, tự do. O

***

- Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp.

- Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.

- Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp .

- Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ. O

***

Phép quán niệm hơi thở, theo những chỉ dẫn trên, nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đem đến những thành quả và lợi lạc lớn.


Phát triển và thực tập liên tục như thế nào để phép quán niệm hơi thở có thể thành tựu được bốn lĩnh vực quán niệm? Khi hành giả thở vào hoặc thở ra một hơi dài hay một hơi ngắn mà có ý thức về hơi thở và về toàn thân mình, hoặc có ý thức là đang làm cho toàn thân mình an tịnh thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán thân trong thân, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức ở đây thuộc lĩnh vực quán niệm thứ nhất là thân thể.O

Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về sự vui thích hoặc về sự an lạc, về những hoạt động của tâm ý an tịnh thì khi ấy hành giả đang an trú trong phép quán cảm thọ trong cảm thọ, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Những cảm thọ được chứng nghiệm trong hơi thở có ý thức ấy thuộc lĩnh vực quán niệm thứ hai là cảm thọ.O

Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà có ý thức về tâm ý an tịnh, thu nhiếp tâm ý vào định hoặc cởi mở cho tâm ý được giải thoát tự do, thì khi ấy hành giả đang an trú trong pháp quán niệm tâm ý trong tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời.           O


Không quán niệm về hơi thở thì sẽ không phát triển được chánh niệm và sự hiểu biết.


Khi hành giả thở vào hoặc thở ra mà quán chiếu về tính cách vô thường hoặc về tính cách không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp, về bản chất không sinh diệt và về sự buông bỏ, thì khi ấy hành giả đang an trú trong pháp quán niệm đối tượng tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. O


Phép quán niệm hơi thở nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa bốn lĩnh vực quán niệm đến chỗ thành tựu viên mãn.


Nhưng nếu được phát triển và thực tập liên tục bốn lĩnh vực quán niệm sẽ đưa bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn.O


Khi hành giả an trú trong phép quán thân trong thân, quán cảm thọ trong cảm thọ, quán tâm ý trong tâm ý, quán đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý, tinh tiến, tỉnh thức, biết rõ tình trạng, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời thì lúc ấy chánh niệm của hành giả được duy trì vững chãi và bền bỉ; hành giả đạt được yếu tố giác ngộ thứ nhất là niệm. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.      O


Khi hành giả an trú trong chánh niệm để quán chiếu và quyết trạch về các pháp, đối tượng của tâm ý, thì yếu tố giác ngộ thứ hai được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố trạch pháp. Yếutố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.O


Khi hành giả an trú trong quán chiếu và quyết trạch về các pháp một cách bền bỉ, tinh cần, vững chãi thì yếu tố giác ngộ thứ ba được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố tinh tấn. Yếutố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn. O


Khi hành giả đã an trú vững chãi và bền bỉ trong sự hành trì tinh tiến thì yếu tố giải thoát thứ tư được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố hỷ lạc xuất thế. Yếutố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn. O


Khi được an trú trong trạng thái hỷ lạc rồi, hành giả cảm thấy thân và tâm của mình nhẹ nhàng và an tịnh, đó là yếu tố giải thoát thứ năm được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố khinh an. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.O


Khi thân và tâm mình đã nhẹ nhàng và thanh tịnh, hành giả có thể đi vào định một cách dễ dàng. Lúc đó yếu tố giải thoát thứ sáu được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố định. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn.  O


Khi đã thực sự an trú trong định, hành giả không còn duy trì sự phân biệt và so đo nữa. Khi đó yếu tố giải thoát thứ bảy là buông thả được sinh khởi và phát triển. Đó là yếu tố hành xả. Yếu tố này sẽ tiến dần đến sự thành tựu viên mãn. O


Bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa bảy yếu tố giác ngộ đến chỗ thành tựu viên mãn như thế.

Nhưng bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục, làm thế nào để có thể đưa đến sự thành tựu viên mãn của trí tuệ và giải thoát ?O


Nếu hành giả tu tập theo bảy yếu tố giác ngộ một mình tĩnh cư, chuyên quán chiếu về tính cách không sinh diệt của vạn pháp, quán chiếu về sự tự do thì sẽ đạt tới khả năng buông bỏ. Đó là do tu tập bảy yếu tố giác ngộ mà thành tựu viên mãn được trí tuệ và giải thoát.

***

Đó là những điều Đức Thế Tôn nói. Đại chúng ai nấy đều tỏ vẻ vui mừng rồi nỗ lực làm theo. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm

Thứ ba mươi ba


Tôi đã nghe như sau. Hồi đó Đức Phật ở tại ấp phố Kam-mat-sa-đam-ma, thuộc xứ Kuru. Một hôm, Đức Thế Tôn bảo các đại chúng rằng: O


Có một con đường có thể giúp chúng sanh thực hiện được thanh tịnh, vượt khỏi sự lo lắng sợ hãi, diệt trừ được khổ não, chấm dứt được khóc than và đạt tới chánh pháp. Con đường ấy là con đường an trú trong bốn lãnh vực quán niệm. O


Nếu các Đức Như Lai thời quá khứ đã từng đạt tới quả vị chánh giác, không còn vướng mắc vào bất cứ gì, đó cũng là nhờ lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm. Nương theo bốn lãnh vực quán niệm, các Ngài đã đoạn trừ được năm sự ngăn che, thanh lọc được những cấu uế của tâm thức, vượt được tình trạng ốm yếu của tuệ giác, tu tập theo bảy yếu tố giác ngộ và đạt tới quả vị giác ngộ chân chính cao nhất. Các Đức Như Lai của thời vị lai cũng sẽ nhờ lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm mà đạt tới quả vị chánh giác, không còn vướng mắc vào bất cứ gì. Nương theo bốn lãnh vực quán niệm, các Ngài sẽ đoạn được năm sự ngăn che, thanh lọc được cấu uế của tâm thức, vượt được tình trạng ốm yếu của tuệ giác, tu tập theo bảy yếu tố giác ngộ và đạt tới quả vị giác ngộ chân chính cao nhất. O


Như Lai sở dĩ đạt tới được quả vị chánh giác, không còn vướng mắc vào bất cứ gì, cũng là nhờ lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm. Nương theo bốn lãnh vực quán niệm, các Đức Phật đã đoạn được năm sự ngăn che, thanh lọc được cấu uế của tâm thức, vượt được tình trạng ốm yếu của tuệ giác, tu tập theo bảy yếu tố giác ngộ và đạt tới quả vị giác ngộ chân chính cao nhất. O


Bốn lãnh vực an trú trong quán niệm là gì? Đó là an trú trong bốn phép quán thân như thân, quán cảm thọ như cảm thọ, quán tâm như tâm và quán pháp như pháp.


***

An trú trong phép quán thân như thân là sao? O


Vị hành giả đi biết là mình đi, đứng biết là mình đứng, ngồi biết là mình ngồi, nằm biết là mình nằm, đi ngủ biết mình đi ngủ, thức giấc biết mình thức giấc, ngủ hay thức biết mình ngủ hay thức. Như thế vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân bằng cách có ý thức rõ ràng về những tư thế và động tác của thân thể như đi ra đi vào, cúi xuống, ngẩng lên, duỗi ra, co vào. Khi mặc áo tăng-già-lê, khi cầm y bát, khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi nói năng, khi im lặng, vị ấy đều biết phát khởi ý thức một cách khéo léo, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân mỗi khi thấy phát sinh một tâm niệm ác, bất thiện, liền sử dụng một tâm niệm thiện để đối trị, tiêu diệt và đoạn dứt tâm niệm ác kia. Như một người thợ mộc hay một thợ mộc tập sự giăng sợi dây mực theo thanh gỗ và dùng một lưỡi rìu bén đẽo cho thanh gỗ ngay thẳng, vị hành giả khi thấy một niệm ác sinh khởi liền sử dụng một niệm lành để đối trị, tiêu diệt và cắt dứt niệm ác kia. Như thế vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân ngậm khít hai hàm răng lại, lưỡi áp vào nóc họng, lấy tâm mà chế ngự tâm, đối trị tâm, tiêu diệt và đoạn dứt tâm. Như hai người lực sĩ nắm lấy một người sức yếu, chế ngự hoàn toàn người này một cách tự do, vị ấy ngậm khít hai hàm răng lại, để lưỡi trên nóc họng, lấy tâm mà chế ngự tâm. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân khi thở vào biết là mình đang thở vào, khi thở ra biết là mình đang thở ra, khi thở vào một hơi dài biết là mình đang thở vào một hơi dài, khi thở ra một hơi dài biết là mình đang thở ra một hơi dài, khi thở vào một hơi ngắn biết là mình đang thở vào một hơi ngắn, khi thở ra một hơi ngắn biết là mình đang thở ra một hơi ngắn, có ý thức về toàn thân trong khi thở vào, có ý thức về toàn thân trong khi thở ra, có ý thức là mình đang làm dừng lại những vận hành của thân thể khi thở vào, có ý thức là mình đang làm dừng lại những vận hành của thân thể khi thở ra. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân, nhờ xa lìa nếp sống ngũ dục mà niềm hỷ lạc được phát sinh và thấm nhuần đầy dẫy trong châu thân. Trong thân thể này niềm hỷ lạc phát sinh ấy không chỗ nào là không phổ biến, như một người hầu tắm sau khi bỏ bột tắm vào chậu, nhồi bột tắm ấy vào nước, cho đến khi cục bột tắm không có chỗ nào là không thấm nhuần chất nước. Vị hành giả cảm thấy niềm vui do sự xa lìa mà phát sinh đầy dẫy trong thân thể mình, không chỗ nào là không thấm nhuần. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân, thấy niềm hoan hỷ do định phát sinh thấm nhuần đầy dẫy trong thân thể mình; trong thân thể niềm hoan hỷ do định phát sinh ấy không chỗ nào không phổ biến. Như một dòng suối trong núi, trong sạch không ô nhiễm, chảy ra đầy dẫy khắp cả bốn mặt: những nơi không có nẻo để nước chảy vào thì nước của dòng suối ấy từ dưới phun lên, thấm nhuần núi non, không chỗ nào là nước không chảy đến. Cũng như thế niềm hoan hỷ do định phát sinh thấm nhuần vào khắp thân thể của vị hành giả, không chỗ nào là không phổ biến. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân, thấy niềm hoan lạc phát sinh do sự vắng mặt của hoan hỷ được thấm nhuần đầy dẫy khắp thân thể: trong thân thể của vị hành giả này không có chỗ nào là niềm an lạc phát sinh ra do sự vắng mặt của hoan hỷ ấy không thấm nhuần đầy dẫy, như các loại sen xanh, sen hồng, sen đỏ, sen trắng sinh ra từ trong nước, lớn lên từ trong nước, rễ sen, ngó sen, lá sen, hoa sen đều thấm nhuần chất nước không có chỗ nào là nước không thấm nhuần. Như thế, niềm an lạc phát sinh từ sự vắng mặt của hỷ thấm nhuần vào toàn thân của vị hành giả không nơi nào mà niềm an lạc ấy không phổ biến. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân lấy tâm thanh tịnh và sự lý giải của mình mà bao trùm cả thân thể mình làm cho toàn thân thể mình không có chỗ nào không được bao trùm bởi tâm thanh tịnh ấy, cũng như một người kia choàng lên một cái áo dài tới bảy hoặc tám sải; từ đầu tới chân, không chỗ nào mà thân thể không được chiếc áo bao phủ. Vị hành giả kia cũng như thế, lấy tâm thanh tịnh mà bao phủ toàn vẹn thân thể của mình, chẳng nơi nào của cơ thể mà không được che chở. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân, quán niệm về sự quang minh, biết tiếp nhận, hành trì và tưởng nhớ đến sự quang minh, từ trước ra sau cũng vậy, từ sau ra trước cũng vậy, từ ngày đến đêm cũng vậy, từ đêm đến ngày cũng vậy, từ dưới lên trên cũng vậy, từ trên xuống dưới cũng vậy, tâm không điên đảo, không bị ràng buộc, tu tập theo pháp môn về quang minh, rốt cuộc tâm sẽ không bị ám chướng che lấp. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân biết khôn khéo tiếp nhận quán tướng, biết khôn khéo duy trì đối tượng quán niệm. Như một người đang ngồi quán sát một người đang nằm hay một người đang nằm quán sát một người đang ngồi, vị hành giả ấy cũng khôn khéo tiếp nhận quán tướng và biết khôn khéo duy trì đối tượng quán niệm. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân biết rõ thân này chỉ tồn tại tùy thuộc theo giá trị thật của những yếu tố cấu tạo nên nó, từ đỉnh đầu tới gót chân, thấy toàn thân đầy dẫy những yếu tố bất tịnh. Trong thân thể này của ta có tóc, lông, móng tay, răng, da thô, da mịn, thịt, gân xương, trái tim, thận gan, phổi, ruột già, ruột non, mật, bao tử, phân, óc, màng óc, nước mắt, mồ hôi, đàm, nước bọt, mủ, máu, mỡ, tủy, bong bóng, nước tiểu… Như một cái thùng đựng đầy các loại hạt giống, người có mắt thì có thể thấy được rõ ràng đây là hạt lúa, đây là hạt kê, đây là hạt cải… Vị hành giả theo dõi thân này, biết rõ thân này chỉ tồn tại tùy thuộc theo giá trị thật của những yếu tố tạo nên nó, từ đỉnh đầu tới gót chân, thấy đầy dẫy những yếu tố bất tịnh. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân, quán sát những yếu tố cấu tạo nên thân: trong thân thể của ta đây có yếu tố đất, có yếu tố nước, có yếu tố lửa, có yếu tố gió, có yếu tố hư không, có yếu tố tâm thức. Cũng như một người đồ tể, sau khi đã giết con bò và lột da nó, đem bày thịt bò ra trên đất thành sáu phần, vị hành giả cũng quán sát sáu yếu tố tạo nên cơ thể của mình như thế. Trong thân thể của ta, đây là yếu tố đất, đây là yếu tố nước, đây là yếu tố lửa, đây là yếu tố gió, đây là yếu tố hư không, đây là yếu tố tâm thức. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân, quán thân người chết, sau một hoặc hai ngày cho đến sáu bảy ngày, bị diều quạ mổ rút, bị lang sói xé ăn, sau khi được hỏa thiêu hay chôn vùi dưới đất thì bị hoặc sình thối hoặc mục nát… Vị hành giả ấy thấy như thế rồi tự so sánh với thân thể mình: thân thể của ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cuộc không thể tránh thoát được. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân trong khi quán niệm thấy được một bộ xương sắc xanh, mục nát, bị gặm nhấm nửa chừng, nằm một đống trên mặt đất. Thấy như thế, vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân khi quán niệm thấy được một thi hài không có da, thịt, máu, huyết, các khúc xương chỉ còn dính vào nhau bằng những sợi gân. Thấy như thế vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân trong khi quán niệm thấy được các khúc xương phân tán mỗi khúc một phía: xương chân, xương ống chân, xương đùi, xương chậu, xương sống, xương vai, xương cổ, đầu lâu… mỗi thứ một nơi. Thấy như thế vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta bây giờ đây rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Như thế, vị hành giả quán thân như thân, bên trong cũng như bên ngoài, thiết lập chánh niệm nơi thân, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán thân như thân. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán thân như thân trong khi quán niệm thấy được những khúc xương trắng như vỏ ốc, xanh như chim bồ câu, đỏ như phết màu, hư hoại và nát vụn ra như bột. Thấy như thế vị ấy tự so sánh với thân thể mình: thân thể ta rồi đây cũng sẽ như thế, cũng sẽ trải qua những giai đoạn như thế, rốt cùng không thể tránh thoát được. Các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni quán thân như thân theo những chỉ dẫn chi tiết ấy thì họ là những người an trú trong phép quán thân như thân. O


***

Thế nào gọi là an trú trong phép quán cảm thọ trong cảm thọ?O


Vị hành giả khi có một lạc thọ liền biết là mình đang có một lạc thọ, khi có một khổ thọ liền biết là mình đang có một khổ thọ, khi có một xả thọ liền biết là mình đang có một xả thọ. Khi có một lạc thọ trong thân thể, một khổ thọ trong thân thể, một xả thọ trong thân thể, một lạc thọ trong tâm ý, một khổ thọ trong tâm ý, một xả thọ trong tâm ý, một lạc thọ thế gian, một khổ thọ thế gian, một xả thọ thế gian, một lạc thọ không thuộc thế gian, một khổ thọ không thuộc thế gian, một xả thọ không thuộc thế gian, một lạc thọ về ham muốn, một khổ thọ về ham muốn, một xả thọ về ham muốn, một lạc thọ không thuộc về ham muốn, một khổ thọ không thuộc về ham muốn, một xả thọ không thuộc về ham muốn, vị ấy đều biết rõ. Như vậy, vị hành giả quán cảm thọ như cảm thọ, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm nơi cảm thọ, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán cảm thọ như cảm thọ. Nếu có các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, thiện nam, tín nữ quán cảm thọ như cảm thọ theo những chỉ dẫn chi tiết ấy thì họ là những người an trú trong phép quán cảm thọ như cảm thọ. O

***


Thế nào gọi là an trú trong phép quán tâm thức như tâm thức? O

Vị hành giả khi có tâm ý tham dục biết là mình có tâm ý tham dục, khi không có tâm ý tham dục biết là mình không có tâm ý tham dục; khi có tâm ý giận dữ, tâm ý không giận dữ, tâm ý si mê, tâm ý không si mê, tâm ý ô nhiễm, tâm ý không ô nhiễm, tâm ý hợp nhất, tâm ý tán loạn, tâm ý hạ liệt, tâm ý cao thượng, tâm ý nhỏ mọn, tâm ý rộng rãi, tâm ý tu tập, tâm ý không tu tập, tâm ý an định, tâm ý bất định, tâm ý giải thoát, tâm ý không giải thoát… vị ấy đều có ý thức rõ ràng. Như vậy, vị hành giả quán tâm như tâm, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm tại tâm, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán tâm như tâm. Nếu có các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, thiện nam tín nữ quán tâm như tâm theo những chỉ dẫn chi tiết ấy thì họ là những người an trú trong phép quán tâm thức như tâm thức. O

***


Thế nào gọi là an trú trong phép quán niệm đối tượng tâm thức như đối tượng tâm thức? O


Vị hành giả thấy khi con mắt tiếp xúc với sắc trần mà có phát sinh nội kết thì biết đích thực là có nội kết, khi không có nội kết thì biết đích thực không có nội kết, nếu chưa có nội kết mà phát sinh ra nội kết thì vị ấy cũng biết, nếu nội kết đã sinh mà bây giờ tiêu diệt không phát sinh nữa, thì vị ấy cũng biết. Đối với các giác quan khác như tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng vậy. Khi những giác quan ấy tiếp xúc với ngoại trần mà bên trong có phát sinh nội kết thì biết đích thực là có nội kết, khi không có nội kết thì biết đích thực không có nội kết, nếu chưa có nội kết mà phát sinh ra nội kết thì vị ấy cũng biết, nếu nội kết đã sinh mà bây giờ tiêu diệt không phát sinh nữa, thì vị ấy cũng biết. Như vậy, vị hành giả quán pháp như pháp, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm tại pháp, có biết, có thấy, có sáng, có đạt, đó gọi là vị hành giả quán pháp như pháp. Nếu có các vị hành giả quán pháp như pháp theo những chỉ dẫn chi tiết ấy thì họ là những người biết an trú trong phép quán đối tượng tâm thức như đối tượng tâm thức trong phạm vi sáu loại nhận thức. O


Lại nữa này các vị, vị hành giả quán pháp như pháp, nếu thấy ở nội tâm có ái dục thì đích thực biết đó là ái dục, nếu thấy ở nội tâm không có ái dục thì đích thực biết là không có ái dục, ái dục chưa sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, ái dục đã sinh mà bây giờ đã tiêu diệt thì cũng đích thực biết như thế. Đối với bốn thứ ngăn che khác là giận dữ, hôn trầm, trạo cử và hối tiếc cũng thế. Khi trong nội tâm có nghi ngờ thì đích thực biết là có nghi ngờ. Khi trong nội tâm không có nghi ngờ thì đích thực biết là không có nghi ngờ. Nghi ngờ chưa sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, nghi ngờ đã sinh mà bây giờ tiêu diệt thì cũng đích thực biết như thế. Như thế, vị hành giả quán pháp như pháp, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm nơi pháp, có biết, có thấy, có sáng, có đạt đó gọi là vị hành giả quán pháp như pháp trong phạm vi năm thứ ngăn che. O


Lại nữa, này các vị, vị hành giả quán pháp như pháp khi thấy trong nội tâm có yếu tố giác ngộ niệm thì đích thực biết có yếu tố giác ngộ niệm, khi trong tâm không có yếu tố niệm, thì đích thực biết là không có yếu tố giác ngộ niệm, khi yếu tố niệm chưa phát sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, khi yếu tố niệm đã sinh rồi mà bây giờ đang tồn tại không mất mát, không suy thoái, lại còn thêm lớn thì cũng đích thực biết như vậy. Đối với các yếu tố giác ngộ khác như trạch pháp, tinh tiến, hoan hỷ, nhẹ nhõm, tập trung cũng thế. Nội tâm có yếu tố buông xả thì đích thực biết là có buông xả, khi nội tâm không có yếu tố buông xả thì đích thực biết là không có buông xả, yếu tố giác ngộ buông xả chưa phát sinh mà bây giờ phát sinh thì cũng đích thực biết như thế, yếu tố giác ngộ buông xả đã phát sinh rồi mà bây giờ đang tồn tại không mất mát, không suy thoái, lại còn thêm lớn thì cũng đích thực biết như vậy. Như thế, vị hành giả quán pháp như pháp, trong cũng như ngoài, thiết lập chánh niệm nơi pháp, có biết, có thấy, có sáng, có đạt ấy là vị hành giả quán pháp như pháp trong phạm vi bảy yếu tố giác ngộ vậy. Nếu các vị hành giả nào biết quán pháp như theo những chỉ dẫn chi tiết ấy thì họ là những người biết an trú trong phép quán pháp như pháp. O


Vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam, tín nữ nào mà trong bảy năm lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm này sẽ tất nhiên chứng đắc được hai thứ quả vị, hoặc hiện tiền chứng đắc được trí tuệ cứu cánh, hoặc chứng đắc quả hữu dư A-na-hàm. O


Đừng nói gì bảy năm, hay sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm hay một năm. Vị hành giả nào trong bảy tháng mà lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm thì cũng có thể chứng đắc được hai thứ quả vị hoặc hiện tiền chứng đắc được trí tuệ cứu cánh, hoặc chứng đắc quả hữu dư A-na-hàm. Đừng nói gì tới bảy tháng, hay sáu tháng, hay năm tháng, hay bốn tháng, hay ba tháng hay một tháng. Vị hành giả nào mà trong bảy ngày bảy đêm mà lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm thì cũng có thể chứng đắc được hai thứ quả vị hoặc hiện tiền chứng đắc được trí tuệ cứu cánh, hoặc chứng đắc quả hữu dư A-na-hàm.


Đừng nói gì tới bảy ngày bảy đêm, hay sáu ngày sáu đêm, hay năm ngày năm đêm, hay bốn ngày bốn đêm, hay ba ngày ba đêm, hay hai ngày hai đêm, hay một ngày một đêm. Nếu vị hành giả chỉ trong một khoảnh khắc ngắn mà lập tâm an trú trong bốn lãnh vực quán niệm thì nếu buổi mai bắt đầu thực tập buổi chiều đã có thể thấy sự thăng tiến, buổi chiều bắt đầu thực tập thì buổi tối đã có thể thấy đuợc sự thăng tiến. O


Đức Phật dạy như thế, toàn thể đại chúng nghe Phật dạy đều vui mừng và phát nguyện làm theo. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Mười Pháp Đến Bờ Kia

Thứ ba mươi bốn

Ðường tu bố thíđứng đầu,

Vị tha là tánh, vô cầu là tâm.

Không vì thương ghét sơ thân,

Bàn tay ban bố nào phân biệt gì.O


Hy sinh ngoại vật tứ chi,

Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyễn thân.

Phật xưa pháp độ vẹn toàn,

Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ. O

***


Thiện nhân giới hạnh nghiêm trì,
Nói làm suy nghĩ luôn khi giữ gìn,
Nuôi ý lực, dưỡng tâm lành,

Cắt dây trói buộc, phá thành tham sân.O

***

Xuất giavốn hạnh ly trần,
Quyết ra nhà lửa, bỏ thân luân hồi.
Lợi danh quyến thuộc xa rời,

Ðộc cư thanh tịnh sống đời xả ly.  O

***

Ðèn tâm trí tuệsáng ngời,
Bởi vô lượng kiếp vun bồi huệ căn.
Phân minh thiện ác giả chân,

Ðiều hay chuộng học, noi gương bạn lành.O

***

Chính do nghị lực tinh cần,
Vượt qua bể ái chứng thân đại hùng.
Kiên trì giữa cuộc lao lung,
Càng nhiều chướng ngại thêm công tu hành.O

***

Ðức tu nhẫn nạivẹn toàn,
Nuốt điều cay đắng nuôi phần tinh anh.
Chông gai khéo tạo tâm thành,

Xưa nay nguyện lớn hành trình gian nguy.O

***

Thiện hiền chân thậtkhông ngoa,
Quí gìn lẽ thật như là bảo châu.
Chân tâm ấy đạo nhiệm mầu,

Nói làm nhất quán cho dù hiểm nan. O

***

Bởi do chí nguyệndẫn đường,

Biết nơi cứu cánh mà nương lối về.

Bờ kia là đạo bồ-đề,

Tự lòng đã quyết bến mê phải lìa. O

***

Tâm từhạnh lớn bao la,
Chúng sanh bốn loại chan hoà tình thương.
Lòng như cam lộ suối nguồn,

Rải ban phúc lạc, lệ tuôn quản gì. O

***


An nhiên hành xảgiữa đời,
Khen chê, được mất, khổ vui: thường tình.
Ðiều tâm, giữ ý quân bình,

Trong cơn tao loạn, biết gìn chánh tri.O

***

Từ trong bể khổ cuộc đời,
Ðại hùng lập nguyện cứu người cứu thân,
Ba-la-mật, hạnh vẹn toàn,
Dám quên mạng sống, quyết tâm thực hành.
Nhờ ân Thiện Thệ Cha Lành,

Muôn loài vượt thoát tử sanh luân hồi.O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Hàng Bồ-tát

Thứ ba mươi lăm

Lời Phật dạy tám điều giác ngộ

Kẻ theo đường thoát khổ phải ghi

Ngày đêm trong cả sáu thì

Để tâm xét nghĩ tu trì chớ quên.           O

*


Điều thứ nhứt phải hằng xét biết

Cuộc trần ai đúng thiệt vô thường

Chợt còn, chợt mất như sương

Cũng như quả đất không phương giữ gìn.

Thân tứ đại chực ngày tan rã

Hình ấm duyên hư giả không ta

Sanh sanh, diệt diệt chi mà

Một bề thối nát ai là chủ nhân.

Tâm nguồn ác thao thao chảy mãi

Thân tội rừng chồng chất không cùng

Xét xem cội gốc am tường

Ngút mây sanh tử vạch đường thoát ly.    O

*


Điềuthứ hai cần nên giác ngộ

Ham muốn nhiều thêm khổ cho thân

Ngập chìm sanh tử bao lần

Mưa sầu, gió thảm bể trần sóng xao.

Cuộc đớn đau vì sao nên nỗi

Những muốn ham cho tội hình hài

Bớt tham giữ phận là hay

Thân tâm vui sống chuỗi ngày tự do.        O

*


Điều thứ ba lại nên tỉnh biết

Túi tham lam bao xiết cho vừa

Càng ham càng muốn càng ưa

Càng thêm tội lỗi càng thưa căn lành.

Bậc Bồ-tát hiểu rành nỗi khổ

Biết đủ vừa điều độ tùy thân

Lòng vui giữ đạo thanh bần

Xây lầu trí tuệ cõi trần riêng cao.  O

*


Điều thứ tư hãy mau tỉnh biết

Biếng trễ tu mài miệt thú vui

Là nhơn sa ngã thối lui

Bụi trần muôn kiếp dập vùi tấm thân.

Người học đạo phải cần tinh tấn

Phá đam mê trừ diệt não phiền

Bốn ma quyết dẹp cho yên

Vượt thành ấm giới thoát miền trầm luân. O

*


Điều thứ năm cần mau tỉnh ngộ

Thói si mê là khổ luân hồi

Trông lên bến giác về thôi

Đốt lò hương nguyện trau dồi thân tâm.

Bồ-tát mãi lo tầm học rộng

Cứ gieo thêm hột giống Bồ-đề

Biện tài khéo giác quần mê

Đến thành Bát-nhã dựa kề pháp vương.   O

*


Điềuthứ sáu nhớ câu giác ngộ

Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều

Oán thù vô cớ buộc chiêu

Dây oan thắt chặt lắm điều lụy thân.

Hàng Bồ-tát luôn hành bố thí

Bình đẳng tâm không nghĩ xa gần

Càng yêu những kẻ ác nhân

Quên điều tội cũ, thương phần khổ đau.

Điều thứ bảy dù thân ở tục

Lòng thường lo ngũ dục lánh xa

Giữ gìn trong ngọc trắng ngà / giới luật cao xa

Ca-sa bình bát lòng ta nhớ hoài.

Chí xuất gia tháng ngày giữ dạ

Phạm hạnh lành đức cả cao xa

Sao cho trong sạch lòng ta

Từ bi cứu thoát hằng hà chúng sanh.         O

*


Điều thứ tám tâm thường giác ngộ

Lửa tử sanh cháy đỏ phừng phừng

Thiêu người đau khổ vô chừng

Phát tâm rộng lớn bao dung muôn loài.

Nguyện cứu thế thuyền từ bủa khắp

Thay chúng sanh chịu nhọc trăm điều

Sao cho nhân loại tiêu diêu

Lên bờ giải thoát sớm chiều an vui!          O

*


Xin nhớ kỹ tám điều này rõ

Làmôn tu thù thắng thượng thừa

Chư phật, Bồ-tát đều ưa

Thực hành chánh đạo, say sưa pháp mầu.

Bằng trí tuệra vào ba cõi

Tám điều này bửu bối trong tay

Làm cho hết thảy trong ngoài

Luân hồi dứt bỏ thỏng tay vào đời.           O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Dẫn Nhập Đại Thừa

Thứ ba mươi sáu

1. Đức Tính Siêu Việt của Như Lai

Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn ở nước Xá-vệ, trong khu lâm viên Chiến Thắng Thiện hiến cúng. Bấy giờ hoàng đế Ba-tư-nặc và hoàng hậu Mạt-lợi chứng về Pháp và bàn với nhau. Rằng con gái ta là Thắng Man, hiền lành, thông minh, học rộng, nhiều trí. Nếu con gái ta được thấy Đức Thế Tôn thì sẽ hiểu biết mau chóng mà không hoài nghi gì cả về Pháp cực kỳ sâu xa. Ta nên phái một người khéo khuyến dụ đến phát khởi sự chân thành tin tưởng cho con ta. Sau khi bàn như vậy, hoàng đế và hoàng hậu viết thư ca tụng đức tính chân thật của Đức Thế Tôn. Rồi phái một sứ giả tên Chân-đề-la kính cẩn mang thư ấy đến quốc độ Vô Đấu, dâng cho hoàng hậu Thắng Man. Hoàng hậu mở đọc thì kính theo, vui mừng, lòng thấy hiếm có, và nói với Chân-đề-la những lời kệ sau đây: O

Ta nghe cái tiếng

Như Lai Thế Tôn,

lại nghe nói rằng

Ngài rất khó gặp.

Những lời trên đây

nếu thật như vậy

thì ta sẽ thưởng

y áo cho người.

Và nếu chính xác

Đức Phật Thế Tôn

vì lợi thế giới

mà Ngài xuất hiện,

thì tất thương ta

cho ta thấy Ngài. O

Tức khắc, Đức Thế Tôn đã ở trong không gian. Ngài biểu hiện cái thân không thể nghĩ bàn một cách bình thường, và phóng ra khắp cả ánh sáng rất lớn. Hoàng hậu Thắng Man và thân quyến đều qui tụ lại, chắp tay mà chiêm ngưỡng và lễ bái, tán dương Đức Đại Đạo Sư như sau: O

Sắc thân tinh tế

của Đức Thế Tôn,

cả thế giới này

không ai bằng được,

Ngài đã siêu việt

so sánh nghĩ bàn,

thế nên chúng con

tôn quí kính lạy. O

Sắc thân Thế Tôn

thật vô cùng tận,

tuệ giác của Ngài

cũng là như thế,

Pháp Đức Thế Tôn

thường trú bất diệt,

thế nên chúng con

tôn quí qui y.

Ngài khéo thuần hóa

tội ác của tâm,

lại còn chế ngự

nhược điểm của thân,

Ngài đến vị trí

không thể nghĩ bàn,

thế nên chúng con

tôn quí kính lạy.

Thế Tôn lý giải

các pháp sở tri,

cái thân trí tuệ

không gì chướng ngại,

đối với các pháp

Ngài không quên mất,

thế nên chúng con

tôn quí kính lạy.

Chúng con lạy bậc

Vượt quá cân lường,

chúng con lạy bậc

Không gì sánh bằng,

chúng con lạy bậc

Tự tại với pháp,

chúng con lạy bậc

Siêu việt tư duy. O

Xin Ngài thương xót

che chở chúng con,

làm cho chúng con

tăng trưởng giống Pháp.

Con nguyện từ nay

đến thân cuối cùng,

thường xuyên đối diện

trước Đức Thế Tôn.

Con tu phước đức

đời này đời khác,

nguyện nhờ sức mạnh

phước đức như vậy,

con được Thế Tôn

thường xuyên thu nhận. O

Nói xong, hoàng hậu cùng thân quyến và mọi người đem đỉnh đầu của mình lạy dưới chân Đức Thế Tôn. Và lúc bấy giờ Ngài đã nói những lời sau đây cho hoàng hậu. O

Như Lai quá khứ đã vì tuệ giác mà từng khai thị chỉ dạy hoàng hậu. Ngày nay hoàng hậu lại gặp Như Lai, rồi suốt vị lai cũng gặp như vậy. O

Sau đó, ở giữa đại hội, Đức Thế Tôn đã thọ ký vô thượng Bồ-đề cho hoàng hậu Thắng Man. Rằng hôm nay hoàng hậu đã ca tụng đức tính siêu việt của Như Lai. Do thiện căn này, trải qua vô số kiếp, ở trong chư thiên và nhân loại, hoàng hậu sẽ làm đế vương tự tại. Mọi sự hưởng dụng đều đủ tất cả. Và sinh ra ở đâu cũng được gặp Như Lai, đối diện ca tụng không khác gì hôm nay. Hoàng hậu lại hiến cúng pháp đến vô lượng Thế Tôn, qua hai mươi ngàn vô số kiếp, sẽ được trở thành Đức Phật, với danh hiệu Phổ Quang, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp. Thế giới của Đức Phổ quang không có các nẻo đường dữ, không có suy già bịnh khổ, không có những cái tên của ác nghiệp. Người của thế giới ấy thân hình đẹp đẽ, hưởng đủ 5 thứ vui đẹp tinh tế, thuần túy thích thú, hơn cả chư thiên Tha hóa tự tại. Người của thế giới ấy lại toàn là đi mau đến Đại thừa. Những ai tu học Đại thừa như vậy thì sinh đến thế giới ấy. O

Khi hoàng hậu Thắng Man được Đức Thế Tôn thọ ký như vậy thì vô số chư thiên và nhân loại trong lòng phấn chấn, cùng nguyện vãng sinh thế giới của Đức Phổ Quang. Đức Thế Tôn thọ ký cho họ được vãng sinh cả. O

2. Mười Điều Nhận Lãnh

Lúc bấy giờ hoàng hậu Thắng Man nghe Đức Thế Tôn thọ ký cho rồi, thì tức khắc chắp tay đứng trước Ngài mà phát 10 lời thề rộng lớn như vầy.

Thứ nhất, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng vi phạm đối với giới pháp đã thọ. O

Thứ hai, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng khinh thường đối với các bậc sư trưởng. O

Thứ ba, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng giận dữ đối với mọi người. O

Thứ tư, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng ganh ghét đối với những người và những việc hơn mình. O

Thứ năm, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không nổi lên tư tưởng keo lẫn dầu lúc chỉ có một ít thực phẩm. O

Thứ sáu, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không vì bản thân mà nhận lãnh và cất chứa của cải; con có nhận lãnh gì cũng chỉ vì giúp đỡ những người nghèo khổ. O

Thứ bảy, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không mong trả ơn mà thực thi bốn nhiếp pháp; con thu nhận mọi người một cách không có tâm lý ham lợi, không có tâm lý chê trách, không có tâm lý cục bộ. O

Thứ tám, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai không nơi nương tựa, bị giam cầm, bịnh tật, và bao nhiêu nguy khốn, thì không bao giờ con bỏ họ, nguyện đem lại yên ổn cho họ, lợi ích cho họ khỏi mọi khốn đốn. O

Thứ chín, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai thề làm ác giới, phá hủy tịnh giới của Đức Thế Tôn ở trong thành thị và thôn xóm thuộc trách nhiệm của con đáng chế ngự thì con chế ngự, đáng thu phục thì con thu phục. Tại sao? Vì chế ngự và thu phục thì chánh pháp tồn tại lâu dài, chánh pháp tồn tại lâu dài thì chư thiên, nhân loại tăng lên mà các nẻo đường ác giảm xuống. Có nghĩa con làm cho bánh xe chánh pháp của Đức Thế Tôn luôn luôn chuyển tới phía trước. O

Thứ mười, bạch Đức Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con nhận lãnh chánh pháp mà không bao giờ quên mất. Tại sao? Vì quên mất chánh pháp là quên mất Đại thừa, quên mất Đại thừa là quên mất các pháp ba-la-mật, mà quên mất các pháp ba-la-mật thì thế là bỏ mất Đại thừa. Nếu Bồ-tát không quyết định về Đại thừa thì nhận lãnh chánh pháp không có bền chắc, và như thế thì không đủ khả năng vượt ra ngoài lĩnh vực phàm phu, mất mát thật là lớn lao. O

Bạch Đức Thế Tôn, hiện tại và vị lai có những vị Bồ-tát nhận lãnh chánh pháp, đầy đủ lắm sự ích lợi rộng lớn, phát nguyện rộng lớn như trên, và được Đức Thế Tôn, bậc vua của các đấng thánh hiền, chứng biết cho. Nhưng người thiện căn kém cỏi, có thể có kẻ hoài nghi. Vì 10 nguyện rộng lớn khó mà thành đạt, nên có thể có kẻ đã phát 10 nguyện ấy rồi mà quay lại với những thói bất thiện, lãnh lấy khổ não. Vì lợi ích cho những người như vậy mà hôm nay, đối trước Đức Thế Tôn, con xin phát nguyện chân thành. Bạch Đức Thế Tôn, ngày nay con phát mười nguyện rộng lớn như thế này, nếu chắc thật, không hư ngụy, thì ngay bây giờ con cầu nguyện trên đại hội này sẽ mưa xuống bông hoa của chư thiên, tấu lên âm nhạc của chư thiên. Trong không gian tức thì mưa thiên hoa, tấu thiên nhạc, tán dương như vầy: Tốt lắm, hoàng hậu Thắng Man, đúng như hoàng hậu đã nói, chắc thật chứ không thể khác được. Bấy giờ đại hội nhìn thấy quang cảnh linh thiêng như vậy thì hết cả hoài nghi, lòng đại hoan hỷ, đồng thanh nói lớn: Chúng tôi nguyện cùng hoàng hậu Thắng Man sinh ra ở đâu cũng đồng nhất chí nguyện và hoạt động. Đức Thế Tôn, vào lúc bấy giờ, thọ ký cho cả đại hội đều được như ý. O

3. Ba Điều Đại Nguyện

Vào lúc bấy giờ, đối trước Đức Thế Tôn, hoàng hậu Thắng Man lại lập ra ba nguyện vĩ đại, và bằng sức mạnh của ba nguyện ấy mà lợi ích vô biên cho các loại chúng sinh. Nguyện thứ nhất là con đem thiện căn của con mà nguyện đời nào cũng được cái trí về chánh pháp. Nguyện thứ hai là con sinh ra ở đâu cũng được cái trí về chánh pháp rồi thì con nguyện diễn nói cho chúng sinh một cách không mỏi mệt. Nguyện thứ ba là con vì thu nhận giữ gìn chánh pháp mà nguyện không tiếc thân mạng. Nghe ba lời nguyện như vậy, Đức Thế Tôn nói với hoàng hậu Thắng Man, rằng như mọi hình sắc đều ở trong không gian, hằng sa các nguyện của Bồ-tát đều gồm trong ba nguyện như vậy. Ba nguyện như vậy thật là chân thật và vĩ đại. O

4. Thu Nhận Chánh Pháp

Hoàng hậu Thắng Man, lúc ấy, lại thưa, bạch Đức Thế Tôn, nay con muốn dựa vào sức mạnh uy thần và hùng biện của Đức Thế Tôn mà trình bày về một trong ba đại nguyện nói trên. Kính xin Đức Thế Tôn cho phép. O

- Hoàng hậu cứ nói theo ý mình.

- Bạch Đức Thế Tôn, rằng hằng sa các nguyện của Bồ-tát tất cả đều nhập vào một đại nguyện. Một đại nguyện ấy chính là nguyện thu nhận chánh pháp của Đức Thế Tôn. Thu nhận chánh pháp, cái nguyện như vậy vĩ đại thật sự.

Đức Thế Tôn dạy, tốt lắm, Thắng Man, hoàng hậu từ lâu thật đã tu tập trí tuệ, và phương cách của trí tuệ một cách sâu sắc, tinh tế. Ai hiểu được lời hoàng hậu nói thì người ấy trường kỳ gieo trồng gốc rễ điều lành. Cái nguyện thu nhận chánh pháp mà hoàng hậu nói, chư vị Như Lai quá khứ, vị lai và hiện tại đã nói, sẽ nói và đang nói. Như Lai được vô thượng Bồ-đề, cũng thường nói nhiều dạng thức về sự thu nhận chánh pháp. Tuệ giác của Như Lai không có giới hạn. Như Lai tán dương công đức của sự thu nhận chánh pháp không có giới hạn, vì sự thu nhận chánh pháp thật có công đức vĩ đại, có lợi ích vĩ đại. O

- Bạch Đức Thế Tôn, con xin dựa vào sức mạnh uy thần của Ngài mà trình bày thêm nữa về tính cách vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp. Đức Thế Tôn bảo, Như Lai cho phép hoàng hậu trình bày. Hoàng hậu Thắng Man nói, tính cách vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp là thủ đắc tất cả vô lượng Phật pháp, cho đến thu nhận tám vạn hành uẩn. O

- Bạch Đức Thế Tôn, như khi thành kiếp mở đầu, thì không gian nổi lên những sắc mây và mưa xuống những châu ngọc, sự thu nhận chánh pháp cũng vậy, nó là đám mây thiện căn mưa xuống vô lượng phước báu.

- Bạch Đức Thế Tôn, lại như thành kiếp mở đầu, nước lớn tạo ra đại thiên thế giới và bốn ức đại lục, sự thu nhận chánh pháp cũng vậy, xuất sinh vô lượng pháp tạng Đại thừa, cùng với thần lực của Bồ-tát, các loại pháp môn, sự yên vui đầy đủ của thế gian và xuất thế, sự chưa từng có của chư thiên và nhân loại. O

- Bạch Đức Thế Tôn, lại như địa cầu gánh vác được bốn gánh nặng, đó là biển cả, núi non, cây cỏ và sinh vật. Những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp cũng vậy, có sức gánh vác bốn trọng trách nặng hơn địa cầu, ấy là đem thiện căn thuộc nhân loại và chư thiên thành thục cho những kẻ xa rời bạn tốt, không có đa văn, sống phi chánh pháp; ai cầu Thanh Văn thì chỉ dạy pháp Thanh Văn; ai cầu Duyên Giác thì chỉ dạy pháp Duyên Giác; ai cầu Đại thừa thì chỉ dạy pháp Đại thừa. Như thế đó gọi là thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp có sức gánh vác bốn trọng trách hơn cả địa cầu. Tựa như địa cầu, những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp có sức gánh vác bốn trọng trách ấy, làm người bạn không mời cho cả mọi người, có lòng thương to lớn thương xót và đem lại lợi ích cho mọi người, làm người mẹ chánh pháp cho đời. O

- Bạch Đức Thế Tôn, lại như địa cầu sinh ra bốn loại ngọc: ngọc vô giá, ngọc giá cao, ngọc giá vừa, ngọc giá thấp. Những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp cũng vậy, y như địa cầu xây dựng cho người: mọi người gặp họ thì được bốn thứ ngọc quý hơn hết trong mọi thứ ngọc, ấy là mọi người gặp được người bạn tốt này thì có kẻ thu hoạch thiện căn chư thiên, nhân loại, kẻ có thu hoạch thiện căn của Thanh Văn, có kẻ thu hoạch thiện căn của Duyên Giác, có kẻ thu hoạch thiện căn của Đại thừa. Như thế đó gọi là những thiện nam hay thiện nữ tựa như địa cầu xây dựng cho người, ai gặp cũng được thu hoạch một trong bốn thứ ngọc quý. O

- Bạch Đức Thế Tôn, sở hữu ngọc quý nói trên là do thu nhận chánh pháp một cách chân thật. Bạch Đức Thế Tôn, thu nhận chánh pháp là không có chánh pháp nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà chánh pháp chính là sự thu nhận chánh pháp. Bởi vì, bạch Đức Thế Tôn, không có ba-la-mật nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà sự thu nhận chánh pháp chính là ba-la-mật.

Tại sao? Vì những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp đối với ai đáng đem bố thí mà thành thục thì đem bố thí mà thành thục cho, đến nỗi hy sinh cả thân mạng, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là bố thí ba-la-mật; đối với ai đáng đem trì giới mà thành thục, thì giữ sáu căn, sạch ba nghiệp, cho đến hoàn chỉnh uy nghi, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là trì giới ba-la-mật; đối với ai đáng đem nhẫn nhục mà thành thục, thì dẫu họ chưởi mắng, lăng nhục, phỉ báng, quấy phá, cũng đem tâm không giận và tâm lợi ích, đem sức mạnh nhẫn nhục tối thượng, đến nỗi thần sắc cũng không biến đổi, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là nhẫn nhục ba-la-mật; đối với ai đáng đem tinh tiến mà thành thục, thì không có tâm biếng nhác, lơ là, mà lại nổi dậy ý muốn mãnh liệt, siêng năng thượng thặng, bốn cử động đi đứng nằm ngồi đều tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là tinh tiến ba-la-mật. O

Đối với ai đáng đem thiền định mà thành thục, thì đem sự không rối loạn mà thành tựu chánh niệm, không bao giờ quên mất những việc đã làm, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là thiền định ba-la-mật; đối với ai đáng đem trí tuệ mà thành thục, thì họ vì lợi ích mà hỏi pháp nghĩa, mình phải không mỏi mệt mà giảng giải một cách trọn vẹn về các học thuyết, các minh xứ, cho đến mọi thứ kỹ thuật, tùy thuận ý họ mà thành thục, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là trí tuệ ba-la-mật. Do vậy, bạch Đức Thế Tôn, không có ba-la-mật nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà thu nhận chánh pháp chính là ba-la-mật. O

Hoàng hậu Thắng Man lúc ấy lại thưa, bạch Đức Thế Tôn, nay con xin dựa vào uy thần và hùng biện của Ngài mà nói về sự vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp. Đức Thế Tôn hỏi, sự vĩ đại ấy như thế nào? Hoàng hậu thưa, bạch Đức Thế Tôn, thu nhận chánh pháp không biệt lập với sự thu nhận chánh pháp, không biệt lập với người thu nhận chánh pháp. O

Thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp thì chính họ là sự thu nhận chánh pháp. Tại sao? Vì thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp thì họ vì chánh pháp mà hy sinh thân thể tính mạng và tài sản. Vì họ hy sinh thân thể nên đạt đến cái thời gian cuối cùng của sự sống chết, tách xa già bịnh, được pháp thân của Đức Thế Tôn, cái thân thường còn không hư hỏng, không biến đổi, tuyệt đối vắng lặng, không thể nghĩ bàn. Vì họ hy sinh tính mạng nên đạt đến cái thời gian cuối cùng của sự sống chết, tách hẳn sự chết, được sự thường còn không giới hạn, thành tựu mọi phẩm chất không thể nghĩ bàn, an trú nơi thần lực của hết thảy Phật pháp. Vì họ hy sinh tài sản nên đạt đến cái thời gian cuối cùng của sự sống chết, siêu việt chúng sinh, quả báo viên mãn một cách không cùng tận và không giảm bớt, công đức trang nghiêm một cách không thể tư duy mà mô tả, được chúng sinh tôn trọng hiến cúng. O

Bạch Đức Thế Tôn, thiện nam hay thiện nữ hy sinh thân thể tính mạng và tài sản mà thu nhận chánh pháp thì được chư vị Thế Tôn thọ ký. Bạch Đức Thế Tôn, khi chánh pháp sắp mất, có những tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thiện nam, tín nữ kết phe kết nhóm với nhau, nổi lên mọi sự tranh chấp, khi đó nếu thiện nam hay thiện nữ nào đem cái tâm không dua nịnh, quanh co, không lừa đảo, dối trá, ưa thích chánh pháp, thu nhận chánh pháp, thì họ nhập vào trong nhóm thiện hữu. Nhập vào nhóm thiện hữu thì chắc chắn được chư vị Thế Tôn thọ ký. Bạch Đức Thế Tôn, con thấy sự thu nhận chánh pháp có sức mạnh vĩ đại đến như thế đó. Chính Đức Thế Tôn cũng lấy sức mạnh vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp mà làm con mắt, làm căn bản của Pháp, làm sự lãnh đạo Pháp, làm sự thông suốt Pháp. O

Bấy giờ, khi nghe hoàng hậu Thắng Man nói về uy lực vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp, thì Đức Thế Tôn tán dương như vầy:

- Đúng như vậy, đúng như vậy, tốt lắm, Thắng Man, đúng như hoàng hậu đã nói về uy lực vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp. Một đại lực sĩ mà chạm nhẹ vào tử huyệt, người ta cũng đau đớn, bịnh nặng thêm lên: cũng y như vậy, Thắng Man, chút ít sự thu nhận chánh pháp cũng làm cho ma vương đau khổ, buồn rầu, kêu gào, than thở. Thắng Man, Như Lai không thấy một thiện pháp nào làm cho ma vương buồn rầu bằng một chút của sự thu nhận chánh pháp. Thắng Man, con bò chúa hình đẹp, thân lớn, thì làm mờ cả đàn bò; cũng y như vậy, Thắng Man, người tu Đại thừa thì giả sử mới có chút ít sự thu nhận chánh pháp cũng có khả năng làm khuất mờ tất cả thiện pháp của Thanh Văn, Duyên Giác. Thắng Man, núi chúa Tu di cao lớn tráng lệ, làm mờ tất cả núi non; cũng y như vậy, Thắng Man, người mới tới Đại thừa, vì lợi ích cao cả mà không kể thân mạng, thu nhận chánh pháp, như thế cũng đã hơn tất cả thiện căn của những người ở lâu trong Đại thừa mà đoái hoài thân mạng. Thế nên, Thắng Man, hãy đem sự thu nhận chánh pháp mà khai thị hoán cải mọi người. Như vậy, Thắng Man, sự thu nhận chánh pháp có phước lợi vĩ đại, có quả báo vĩ đại. Thắng Man, chính Như Lai tán dương công đức của sự thu nhận chánh pháp đến vô số kiếp cũng không thể cùng tận giới hạn, cho nên sự thu nhận chánh pháp thành tựu vô số công đức. O

5. Xác Quyết Nhất Thừa

Đức Thế Tôn dạy Thắng Man, hoàng hậu nay hãy nói thêm nữa về sự thu nhận chánh pháp mà Như Lai đã nói toàn thể chư vị Như Lai đều ưa thích. O

Thắng Man thưa, bạch Đức Thế Tôn, thu nhận chánh pháp thì gọi là Đại thừa. Tại sao? Vì Đại thừa thì xuất ra tất cả thiện pháp của thế gian và xuất thế, của Thanh Văn và Duyên Giác. Bạch Đức Thế Tôn, như hồ A-nậu là nơi phát nguyên của tám con sông lớn, Đại thừa là nơi phát nguyên tất cả thiện pháp của thế gian và xuất thế, của Thanh Văn và Duyên Giác. Bạch Đức Thế Tôn, mọi hạt giống, mọi cây cỏ rừng rú đều do địa cầu mà sinh ra và lớn lên, cũng y như vậy, mọi thiện pháp của thế gian và xuất thế, của Thanh Văn và Duyên Giác đều do Đại thừa mà sinh ra và lớn lên. Thế nên, bạch Đức Thế Tôn, trú ở Đại thừa, thu nhận Đại thừa, thì như thế là trú ở và thu nhận mọi thiện pháp của thế gian và xuất thế, của Thanh Văn và Duyên Giác. O

Bạch Đức Thế Tôn, như Ngài dạy về sáu điều, đó là chánh pháp còn, chánh pháp mất, biệt giải thoát, giới luật, chính xuất gia, thọ cụ túc. Ấy là Đức Thế Tôn vì Đại thừa mà nói sáu điều như vậy. Làm sao biết được? Vì chánh pháp còn thì chánh pháp ấy là Đại thừa: Đại thừa còn là chánh pháp còn. Chánh pháp mất thì chánh pháp ấy là Đại thừa: Đại thừa mất là chánh pháp mất. Biệt giải thoát với giới luật, hai điều này nghĩa một mà tên khác. Giới luật là giới học Đại thừa. Tại sao? Vì nương tựa giới luật, Đức Thế Tôn mới chính xuất gia và thọ cụ túc. Do vậy, giới học Đại thừa là xuất gia, là thọ cụ túc. O

Bạch Đức Thế Tôn, nương tựa là nương tựa với bậc không cầu sự nương tựa nữa. Mọi sinh vật không có nơi nương tựa, nên sinh vật nào cũng sợ hãi, và muốn yên ổn nên sinh vật nào cũng tìm nơi nương tựa. Chỉ có Đức Thế Tôn, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, mới chứng Niết-bàn, thành tựu vô lượng công đức ngoài tầm tư duy và thảo luận, cái gì đáng đoạn trừ thì đã đoạn trừ cả rồi, đã thanh tịnh tuyệt đối, làm một bậc cho chúng sinh chiêm ngưỡng, siêu việt lĩnh vực nhị thừa và Bồ-tát. O

Bạch Đức Thế Tôn, ngài nói A-la-hán, Duyên Giác quán sát giải thoát bằng bốn tuệ giác cứu cánh, được chỗ yên nghỉ; nói như thế toàn là Đức Thế Tôn nói theo ý người khác, nói không trọn nghĩa. Tại sao con biết như vậy? Vì chết có hai loại, một là từng đời, hai là thay đổi. Chết từng đời là chúng sinh chết đời này rồi chết đời khác một cách liên tục. Chết thay đổi là ý sinh thân của A-la-hán, Duyên Giác và Bồ-tát tự tại, cho đến khi thành tựu vô thượng Bồ-đề, chỉ thay đổi cấp độ mà thôi. Trong hai loại chết đó, lấy loại chết từng đời mà nói thì A-la-hán và Duyên Giác sinh ra cái tuệ giác ta sinh đã hết; do chứng được Niết-bàn chưa toàn nên sinh ra cái tuệ giác phạm hạnh đã lập; phàm phu không làm được, bảy bậc đang còn tu học chưa làm xong, các phiền não liên tục đã đoạn trừ trọn vẹn, nên sinh ra cái tuệ giác việc làm đã xong. Còn nói sinh ra cái tuệ giác không còn đời sau, thì A-la-hán, Duyên Giác không thể đoạn trừ tất cả phiền não, nên không trọn vẹn cái tuệ giác không còn mọi sự thọ sinh. O

Tại sao như vậy? Vì A-la-hán và Duyên Giác còn thừa phiền não mà không phải đoạn trừ đã hết, do vậy, các vị ấy không thể trọn vẹn không còn mọi sự thọ sinh. Phiền não có hai loại, một là phiền não trú địa, hai là phiền não phát sinh. Phiền não trú địa có bốn, là kiến của ba cõi, ái của cõi Dục, ái của cõi Sắc, ái của cõi Vô sắc; bốn phiền não này tạo ra mọi phiền não. Còn phiền não phát sinh thì có hai loại. Có loại tương ứng với tâm trong từng sát-na thì gọi là phiền não trú địa; còn loại vô minh trú địa thì vô thỉ đến giờ không tương ứng với tâm. O

Bạch Đức Thế Tôn, bốn phiền não trú địa tuy tạo ra phiền não, nhưng so với vô minh trú địa thì toán học và ví dụ cũng không thể đối tỷ. Vô minh trú địa thế lực của nó còn hơn cả ái của cõi Vô sắc. Ví như sắc đẹp, sức mạnh và uy thế của ma vương và tùy thuộc của nó, làm khuất mờ tất cả chư thiên Tha hóa tự tại; vô minh trú địa cũng vậy, nó làm khuất mờ tất cả bốn phiền não trú địa, nó làm chỗ dựa cho phiền não nhiều hơn hằng sa, và cũng chính nó làm cho bốn phiền não trú địa tồn tại lâu dài. Tuệ giác của A-la-hán, Duyên Giác không thể đoạn trừ nó, đoạn trừ nó chỉ có tuệ giác của Đức Thế Tôn. Bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy, đúng như vậy, sức mạnh vô minh trú địa rất lớn. Bạch Đức Thế Tôn, như do thủ làm duyên tố mà nghiệp nhân hữu lậu tạo ra ba hữu, vô minh trú địa cũng vậy, chính nó làm duyên tố mà nghiệp nhân vô lậu tạo ra ý sinh thân của A-la-hán, Duyên Giác và Bồ-tát đại lực. Ý sinh thân của ba địa vị này, cùng với nghiệp nhân vô lậu, toàn là do vô minh trú địa làm căn cứ. Vô minh trú địa vừa có duyên tố, vừa làm duyên tố. O

Bạch Đức Thế Tôn, do vậy, ba ý sinh thân, cùng với nghiệp nhân vô lậu, toàn là do vô minh trú địa làm duyên tố, giống như ái của cõi Vô sắc. Nhưng, bạch Đức Thế Tôn, ái của cõi Vô sắc không giống với tác dụng của vô minh trú địa, vô minh trú địa khác với bốn phiền não trú địa: vì khác với bốn phiền não trú địa nên chỉ có Đức Thế Tôn mới đoạn trừ được. A-la-hán, Duyên Giác chỉ đoạn trừ bốn phiền não trú địa nên lậu tận lực không được tự tại, không thể hiện chứng. Do vậy, nói A-la-hán, Duyên Giác lậu tận chỉ là lời nói thêm của Đức Thế Tôn. O

Thế nên A-la-hán, Duyên Giác với Bồ-tát tối hậu thân toàn bị vô minh trú địa che khuất, không biết không thấy các pháp, vì không thấy không biết các pháp nên cái đáng đoạn trừ thì chưa đoạn trừ, cái đáng chấm hết thì chưa chấm hết: vì chưa đoạn trừ chưa chấm hết các pháp đáng đoạn trừ và đáng chấm hết, nên chỉ được sự giải thoát chưa toàn chứ không phải sự giải thoát hoàn toàn, được sự thanh tịnh chưa toàn chứ không phải sự thanh tịnh tất cả, được công đức chưa toàn chứ không phải công đức toàn bộ. Bạch Đức Thế Tôn, vì được giải thoát chưa toàn chứ không phải giải thoát hoàn toàn, cho đến được công đức chưa toàn chứ không phải công đức toàn bộ, nên biết khổ chưa hết, đoạn tập chưa hết, chứng diệt chưa hết, và tu đạo chưa hết. O

Hoàng hậu Thắng Man bấy giờ lại thưa: bạch Đức Thế Tôn, nếu biết khổ chưa hết, đoạn tập chưa hết, chứng diệt chưa hết, tu đạo chưa hết, thì như thế dầu hướng về Niết-bàn mà chỉ gọi là diệt độ một phần, Niết-bàn một phần. Nếu biết khổ hoàn toàn, đoạn tập hoàn toàn, chứng diệt hoàn toàn, tu đạo hoàn toàn, thì trong cái thế giới vô thường đổ nát, vị này chứng được cái Niết-bàn thường còn, vắng lặng và trong mát. Vị này làm người che chở và làm chỗ nương tựa cho cái thế giới không ai che chở, không nơi nương tựa. Nhưng thấy các pháp có cao có thấp thì không chứng Niết-bàn. Tuệ giác đồng đẳng, giải thoát đồng đẳng, thanh tịnh đồng đẳng, mới chứng Niết-bàn. Nên Niết-bàn là đồng đẳng một mùi vị. Một mùi vị ấy là mùi vị giải thoát. Nếu vô minh trú địa mà không đoạn trừ và không chấm hết, thì không được mùi vị đồng nhất và đồng đẳng của Niết-bàn. Vì sao, vì vô minh trú địa không đoạn trừ và không chấm hết, thì mọi tội lỗi nhiều hơn hằng sa đáng đoạn trừ không đoạn trừ, đáng chấm hết không chấm hết; vì tội lỗi nhiều hằng sa không đoạn trừ và không chấm hết, nên công đức nhiều hơn hằng sa sẽ không trọn vẹn, không thực hiện. Do đó mà biết vô minh trú địa là nơi phát sinh tất cả phiền não cần phải đoạn trừ: chính từ nó mà phát sinh phiền não nhiều hơn hằng sa, chướng ngại cho tâm, chướng ngại cho chỉ, chướng ngại cho quán, chướng ngại cho định, chướng ngại đẳng trì, chướng ngại gia hành, các tuệ giác, các đạo quả, chướng ngại chứng đắc các lực, vô úy. O

Phải là tuệ giác Bồ-đề của Đức Thế Tôn và tuệ giác kim cang của Đức Thế Tôn mới đoạn được loại phiền não phát sinh này. Loại phiền não phát sinh này nương tựa vô minh trú địa, do vô minh trú địa làm nhân tố và duyên tố. Loại phiền não phát sinh này tương ứng với tâm trong từng sát na, nhưng vô minh trú địa thì vô thỉ đến giờ không tương ứng với tâm. O

Bạch Đức Thế Tôn, nhiều hơn hằng sa, tất cả những gì cần phải đoạn trừ bởi tuệ giác Bồ-đề và tuệ giác kim cang, thì toàn là vô minh trú địa làm căn cứ mà cấu trúc. Tựa như mọi hạt giống và rừng rú đều do địa cầu mà sinh ra và lớn lên, nếu địa cầu hư hỏng, thì mọi hạt giống và rừng rú cũng hư hỏng theo, cũng y như thế ấy, những gì nhiều hơn hằng sa cần phải đoạn trừ bởi tuệ giác Bồ-đề và tuệ giác Kim Cang của Đức Thế Tôn toàn là do vô minh trú địa mà sinh ra và lớn lên. Nếu vô minh trú địa bị đoạn trừ, thì những gì nhiều hơn hằng sa cần phải đoạn trừ bởi tuệ giác Bồ-đề và tuệ giác kim cang của Đức Thế Tôn cũng tùy theo mà đoạn trừ. Như thế đó, những gì nhiều hơn hằng sa cần phải đoạn trừ, tức tất cả phiền não trú địa và phiền não phát sinh đoạn trừ cả rồi, thì thực hiện được phẩm chất của Đức Thế Tôn nhiều hơn hằng sa và ngoài tầm nghĩ bàn, đối với toàn thể các pháp thì chứng được thần thông vô ngại, chứng được trí và chứng được kiến, siêu thoát lỗi lầm, thủ đắc công đức, làm bậc đại pháp vương, tự tại đối với các pháp, đạt đến vị trí tự tại đối với các pháp, và như sư tử gầm lên, rằng ta sinh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn đời sau. Như sư tử gầm lên, Đức Thế Tôn đã căn cứ vào nghĩa lý cứu cánh mà ghi nhận và tuyên ngôn quyết định như vậy. O

Bạch Đức Thế Tôn, không còn đời sau, tuệ giác này có hai loại. Loại thứ nhất là các Đức Thế Tôn sử dụng năng lực thuần hóa mà chiến thắng ma quân, siêu việt thế giới, mọi người chiêm ngưỡng, chứng đắc pháp thân thanh tịnh và ngoài tầm nghĩ bàn, được sự tự tại đối với các pháp sở tri, cao hơn tất cả, không ai trên nữa, không còn làm gì, không thấy có nữa vị trí chứng đắc, hoàn hảo mười lực, bước lên vị trí tối thắng vô úy, đối với các pháp thì quan sát vô ngại, như sư tử gầm lên, tuyên cáo không còn đời sau. Loại thứ hai là A-la-hán, Duyên Giác vượt được sự sợ hãi của sự sống chết vô cùng, hưởng thụ cái vui giải thoát, nghĩ rằng nay ta đã hết sợ sống chết, không chịu khổ não. O

Bạch Đức Thế Tôn, A-la-hán và Duyên Giác quan sát như vậy, gọi là không còn đời sau, nhưng họ không chứng được Niết-bàn là chỗ yên nghỉ bậc nhất. Đối với vị trí chưa chứng được đó, dầu không gặp giáo pháp Đại thừa đi nữa, họ cũng tự biết chỉ chứng được vị trí chưa toàn, và quyết định sẽ chứng được vô thượng Bồ-đề. Tại sao như vậy? Vì Thanh Văn và Duyên Giác sẽ nhập vào Đại thừa. Mà Đại thừa là Phật thừa. Do vậy, ba thừa là một thừa, chứng một thừa là chứng được vô thượng Bồ-đề. Vô thượng Bồ-đề là Niết-bàn. Niết-bàn là pháp thân của Đức Thế Tôn. Mà pháp thân chính là nhất thừa, chứ không có Thế Tôn nào khác, không có pháp thân nào khác. Thế Tôn là pháp thân, chứng được pháp thân cứu cánh chính là nhất thừa cứu cánh. Nhất thừa cứu cánh thì thường trú, siêu việt sự liên tục. O

Tại sao như vậy, bởi vì Thế Tôn tồn tại không có giới hạn, đồng đẳng với thời gian cuối cùng. Thế Tôn đem đại bi vô giới hạn và đem đại nguyện vô giới hạn mà lợi ích cho thế giới: nói như vậy là nói đúng. Nếu nói Thế Tôn là thường trú, là bất tận, là bậc mà thế giới nương tựa được tuyệt đối: nói như vậy cũng là nói đúng. Ấy vậy, bậc mà cùng tận thời gian vị lai làm nơi nương tựa vô tận, thường trú và cứu cánh cho cái thế giới không ai che chở, không nơi nương tựa, bậc ấy là Phật, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp. Còn Pháp là giáo pháp nhất thừa, Tăng là tăng chúng tam thừa, hai nơi qui y này không phải qui y cứu cánh, mà chỉ gọi là qui y phần ít. O

Tại sao, vì nếu đã nói là giáo pháp nhất thừa, chứng pháp thân cứu cánh, thì đáng lẽ sau đó không còn nói giáo pháp nhất thừa nữa; còn chúng tăng tam thừa thì vì sợ hãi sinh tử nên qui y Đức Thế Tôn, cầu xuất ly, cầu tu học, còn có việc làm, còn phải hướng về vô thượng Bồ-đề. Nên hai nơi qui y trên đây không phải qui y cứu cánh, mà là qui y có giới hạn. Nếu chúng sinh được Thế Tôn thuần hóa, qui y Thế Tôn, được Pháp thấm nhuần, do tâm ưa thích mà qui y Pháp và Tăng tỷ kheo, thì hai nơi qui y này là do Pháp thấm nhuần và tin tưởng mà qui y, còn qui y Thế Tôn thì không phải do Pháp thấm nhuần và tin tưởng mà qui y. Qui y Thế Tôn là qui y một cách chân thật; hai sự qui y Pháp và Tăng dựa vào sự chân thật ấy mà gọi chung là cứu cánh qui y Thế Tôn. Tại sao, bởi vì Thế Tôn thì không khác Pháp và Tăng. Do vậy, Thế Tôn là ba qui y. Nói về nhất thừa là nói Thế Tôn hoàn thiện bốn vô úy và nói như sư tử gầm. Nếu Thế Tôn tùy ý muốn của người thì Ngài phương tiện nói nhị thừa là Đại thừa. Vì thật ra theo chân lý bậc nhất thì không có nhị thừa, mà nhị thừa nhập vào nhất thừa. Nhất thừa chính là cái thừa chân lý bậc nhất. O

6. Chân Lý Vô Biên

Bạch Đức Thế Tôn, Thanh Văn, Duyên Giác khi mới chứng thánh đế, là không phải đem một cái trí đoạn trừ phiền não trú địa, cũng không phải đem một cái trí chứng bốn thứ biến tri và những công đức tùy thuộc, cũng không phải đem pháp mà biết khéo về bốn nghĩa của pháp. Bạch Đức Thế Tôn, cái trí xuất thế không có bốn trí đến dần và biết dần. Cái trí xuất thế không có sự đến dần, nên ví dụ như kim cương. Bạch Đức Thế Tôn, Thanh Văn, Duyên Giác đem các cái trí thánh đế mà đoạn trừ các phiền não trú địa, chứ họ không có cái trí xuất thế bậc nhất. O

Chỉ có Đức Thế Tôn, Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, không phải lĩnh vực Thanh Văn, Duyên Giác, mới đem cái trí không một cách bất khả tư nghị mà phá vỡ tất cả cái vỏ phiền não. Cái trí cứu cánh phá vỡ tất cả cái vỏ phiền não ấy gọi là trí xuất thế bậc nhất. Cái trí đầu tiên về thánh đế không phải cái trí cứu cánh ấy, mà chỉ là cái trí hướng đến vô thượng Bồ-đề. Thế nên, bạch Đức Thế Tôn, nói bậc thánh chân thật thì không phải là nhị thừa, bởi vì nhị thừa chỉ thành tựu một ít công đức, nên họ được gọi là thánh mà thôi.

Bạch Đức Thế Tôn, nói thánh đế thì cũng không phải thánh đế, và công đức thánh đế ấy, của Thanh Văn, Duyên Giác. Thánh đế ấy chỉ có Đức Thế Tôn, Bậc Chánh Biến Tri mới biết rõ trước tiên, rồi sau đó mới khai thị diễn nói cho mọi người đang ở trong vỏ vô minh, do vậy mà gọi là thánh đế. O

7. Như Lai Tạng

- Bạch Đức Thế Tôn, thánh đế như trên đã nói thì rất sâu, tinh tế, khó thấy, khó biết, không thể phân biệt, không phải lĩnh vực tư duy, thế giới không tin, chỉ có Đức Thế Tôn, Bậc Chánh Biến Tri mới biết được.

Tại sao? Bởi vì thánh đế ấy là nói về Như Lai tạng rất sâu. Như Lai tạng là lĩnh vực của Đức Thế Tôn, không phải đối tượng của Thanh Văn, Duyên Giác. Nơi Như Lai tạng mà nói nghĩa lý thánh đế, thì Như Lai tạng ấy rất sâu, tinh tế, và thánh đế được nói cũng rất sâu, tinh tế, khó thấy, khó biết, không thể phân biệt, không phải lĩnh vực tư duy, thế giới không tin, chỉ có Đức Thế Tôn, Bậc Như Lai Ưng Cúng Chánh Biến Tri mới biết đến. O

8. Pháp Thân

Bạch Đức Thế Tôn, nếu ai không nghi hoặc gì về Như Lai tạng đang bị ràng buộc trong vô số phiền não, thì người ấy cũng không nghi hoặc gì về Như Lai pháp thân đã thoát khỏi tất cả phiền não. Bạch Đức Thế Tôn, nếu ai tâm trí thể hội trọn vẹn đối với lĩnh vực bất khả tư nghị và bí mật của Đức Thế Tôn là Như Lai tạng và Như Lai pháp thân, thì người ấy có thể tin, có thể hiểu, và có thể thắng giải về hai loại thánh đế sẽ nói sau đây. O

Hai loại thánh đế ấy là có tác thành và không tác thành. Thánh đế có tác thành thì không tròn đầy nghĩa lý bốn thánh đế, vì sao, vì do người hộ trì mà vẫn không thể biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt và tu tất cả đạo, do vậy họ không thấu triệt hữu vi, vô vi, cùng với Niết-bàn. Còn thánh đế không tác thành thì tròn đầy nghĩa lý bốn thánh đế, vì sao, vì tự hộ trì lấy mà vẫn biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng tất cả diệt và tu tất cả đạo. Như vậy là có tám nghĩa thánh đế mà Đức Thế Tôn chỉ nói bằng bốn thánh đế. Nghĩa bốn thánh đế không tác thành thì chỉ có Đức Thế Tôn, Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri mới làm việc rốt ráo, không phải năng lực Thanh Văn, Duyên Giác mà làm thấu. Không phải đem cái pháp hơn kém hay vừa thấp vừa cao mà chứng được Niết-bàn, vậy Đức Thế Tôn làm việc rốt ráo về thánh đế không tác thành như thế nào? Là Đức Thế Tôn, Bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, đã biến tri các khổ, đoạn tận khổ tập là phiền não trú địa và phiền não phát sinh, chứng đắc khổ diệt của tất cả ý sinh thân, và tu tập tất cả đạo diệt khổ.

Bạch Đức Thế Tôn, sự khổ diệt thì không phải là pháp hủy hoại, tại sao, vì sự khổ diệt là không mở đầu, không tác động, không nổi dậy, không cùng tận, thường trú bất động, bản tánh thanh tịnh, ra khỏi vỏ phiền não. Bạch Đức Thế Tôn, vì Ngài hoàn thành những tuệ giác giải thoát và những pháp bất khả tư nghị, với số lượng nhiều hơn hằng sa, nên gọi là pháp thân. Bạch Đức Thế Tôn, pháp thân như vậy không tách rời phiền não, nên gọi là Như Lai tạng. O

***

9. Chân Thật Bí Ẩn

Bạch Đức Thế Tôn, Như Lai tạng là tuệ giác về cái tánh siêu việt của Đức Thế Tôn. Như Lai tạng thì Thanh Văn, Duyên Giác chưa hề thấy, chưa hề được, chỉ Đức Thế Tôn thấu triệt và chứng đắc. Tuệ giác về cái tánh siêu việt của Như Lai tạng có hai thứ.

Một là Như Lai tạng như thật không, là tách rời tất cả phiền não không phù hợp tuệ giác giải thoát. Hai là Như Lai tạng như thật hữu, là có đủ nhiều hơn hằng sa những pháp bất khả tư nghị phù hợp tuệ giác giải thoát. Hai tuệ giác về cái tánh siêu việt của Như Lai tạng như vậy, các vị đại Thanh Văn do tin mà vào được. O

Bạch Đức Thế Tôn, tuệ giác về cái tánh siêu việt của Thanh Văn, Duyên Giác là chuyển theo bốn đối tượng thác loạn mà chưa biết bốn phẩm chất, do vậy mà họ chưa từng thấy và chưa từng chứng sự khổ diệt hoàn toàn. Chỉ Đức Thế Tôn mới hiện chứng, vì đã hủy diệt mọi thứ phiền não và tu tập cái đạo diệt khổ. O

10. Thánh Đế Duy Nhất

Bạch Đức Thế Tôn, trong bốn thánh đế, ba thứ thuộc về vô thường là khổ, nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ; và một thứ là thường trú, tức Niết-bàn. Bạch Đức Thế Tôn, Niết-bàn thì siêu việt hữu vi. Siêu việt hữu vi thì bản tánh thường trú. Bản tánh thường trú thì không phải là cái pháp hủy diệt. Không phải hủy diệt thì là chân lý, là thường còn, là chỗ nương tựa. Do vậy, bạch Đức Thế Tôn, căn cứ vào nghĩa lý bậc nhấtmà nói thì “khổ, nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ” là không thường còn, là không phải chỗ nương tựa. O

11. Nương Tựa Duy Nhất

Bạch đức Thế tôn, chỉ có chân lý về Niết-bàn thì siêu việt tất cả những gì thuộc hữu vi. Siêu việt hữu vi thì bản tánh thường trú. Bản tánh thường trú thì không phải là cái pháp hủy diệt. Không phải hủy diệt thì là chân lý, là thường còn, là chỗ nương tựa. Do vậy, bạch đức Thế tôn, căn cứ vào nghĩa lý bậc nhấtmà nói thì chỉ có Niết-bàn là chân lý, là thường còn, là chỗ nương tựa. O

12. Thác Loạn và Chắc Thật

Bạch Đức Thế Tôn, Niết-bàn là bất khả tư nghị, vượt quá lĩnh vực tâm thức của chúng sinh, cũng không phải tuệ giác nhị thừa thấu đến. Tựa như người mù bẩm sinh không thấy hình sắc, hay trẻ con bảy ngày tuổi không thấy mặt trời, Niết-bàn cũng là như vậy, không phải đối tượng của kiến thức phàm phu, cũng không phải đối cảnh của tuệ giác nhị thừa. Kiến thức phàm phu là nhị biên, tuệ giác nhị thừa là trong sạch. Nhị biên là chấp trước năm uẩn làm tự ngã rồi phát sinh đủ cách phân biệt. Nhị biên là thấy thường hay thấy đoạn. Nếu thấy sinh tử vô thường, thấy Niết-bàn thường còn, nhưng không phải đoạn kiến hay thường kiến, như thế gọi là chánh kiến. Những kẻ suy tính thì thấy quan năng, cảm giác và tư tưởng, toàn là hiện thực hủy diệt, họ không thấu tính cách liên tục, họ đui mù, không có mắt tuệ, nên nổi lên đoạn kiến; còn đối với sự liên tục của tâm thức thì hủy diệt trong từng đơn vị thời gian, họ không rõ đó là đối tượng ý thức, nên nổi lên thường kiến. O

Nhưng, những ý nghĩa trên đây quá tầm phân biệt cùng những kiến thức thấp hèn, chỉ do ngu phu nghĩ khác, thác loạn chấp trước, bảo là đoạn, bảo là thường. Bạch Đức Thế Tôn, người thác loạn thì năm uẩn vô thường tưởng là thường, khổ tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Còn tuệ giác trong sạch của nhị thừa thì chưa từng thấy lĩnh vực và pháp thân của Đức Thế Tôn, nhưng vẫn có vị tin tưởng Đức Thế Tôn, nên đối với Ngài họ thấy thường, thấy lạc, thấy ngã, thấy tịnh, thì đó không phải là những cái thấy thác loạn, mà chính là thấy chính xác. Tại sao? Vì pháp thân Thế Tôn là sự thường toàn hảo, sự lạc toàn hảo, sự ngã toàn hảo, sự tịnh toàn hảo. Ai thấy như vậy gọi là thấy chính xác. Thấy chính xác thì gọi là con Phật thật, sinh từ miệng Phật, sinh từ chánh pháp, sinh từ pháp hóa, được phần Phật pháp. Bạch Đức Thế Tôn, nói tuệ giác trong sạch thì chính là tuệ giác của nhị thừa. Tuệ giác trong sạch ấy, Niết-bàn còn không phải đối tượng của nó, huống chi Niết-bàn được biết bởi tuệ giác bốn nhập lưu? Tại sao? Vì ai mới tu ba thừa mà không ngu muội các pháp thì có thể chứng và có thể biết về ý nghĩa này. Bạch Đức Thế Tôn, vì lý do gì mà Ngài nói bốn nhập lưu? Bốn nhập lưu tuy là pháp thế gian, nhưng được một nhập lưu thì đã là tối thượng đối với mọi thứ nhập lưu; còn lấy nghĩa lý bậc nhất nói là nhập lưu, thì đó là chỗ qui túc, là Niết-bàn. O

13. Bản Tánh Thanh Tịnh

Bạch Đức Thế Tôn, sống chết là do Như Lai tạng. Do Như Lai tạng mà nói cái thời gian trước hết là không thể biết được. Bạch Đức Thế Tôn, có Như Lai tạng thì có sống chết, nói như vậy là nói khéo. Bạch Đức Thế Tôn, sống chết là giác quan hủy diệt, rồi liên tục làm cho giác quan chưa nổi lên thì nổi lên, như thế gọi là sống chết. Nên sống chết, hai sự ấy là do Như Lai tạng, nhưng kiến thức bình thường thì gọi là sống chết. Chết là các giác quan hủy diệt, sống là các giác quan nổi lên, mà Như Lai tạng thì không sống không chết, không thăng lên không rơi xuống, siêu thoát trạng thái hữu vi. Như Lai tạng thường trú, không hủy diệt. O

Do vậy, bạch Đức Thế Tôn, Như Lai tạng là chỗ nương tựa, là nắm giữ, là xây dựng cho kho tàng tuệ giác giải thoát, lại là chỗ nương tựa, là nắm giữ, là xây dựng cho các pháp hữu vi ngoài tuệ giác giải thoát.

Bạch Đức Thế Tôn, không Như Lai tạng thì không chán khổ sinh tử, không cầu vui Niết-bàn. Vì sao, vì sáu thức, và đối tượng của chúng, bảy pháp như vậy một thoáng không ngừng, không lãnh chịu đau khổ, không có khả năng chán sinh tử cầu Niết-bàn. Như Lai tạng không có thời gian trước hết, không sinh không diệt, lãnh chịu đau khổ, và vì chán đau khổ mà cầu Niết-bàn. O

Bạch Đức Thế Tôn, Như Lai tạng không tự ngã, không tái sinh, không sinh thể và không sinh mạng. Như Lai tạng không phải là đối tượng của những người chấp thân, người thác loạn và người chấp không. Bạch Đức Thế Tôn, Như Lai tạng là pháp giới tạng, là pháp thân tạng, là xuất thế tạng, là bản tánh thanh tịnh tạng. Cái Như Lai tạng bản tánh thanh tịnh, theo chỗ con hiểu, thì dầu bị phiền não ô nhiễm, cũng vẫn là bất khả tư nghị, là lĩnh vực của Đức Thế Tôn. Tại sao? Bạch Đức Thế Tôn, tại vì trong mỗi đơn vị thời gian, những tâm lý thiện và bất thiện, những phiền não đều không thể ô nhiễm được Như Lai tạng: phiền não không chạm đến tâm, tâm không chạm đến phiền não, không chạm nhau thì làm sao ô nhiễm? O

Bạch Đức Thế Tôn, có phiền não thì có cái tâm nhiễm theo, cái tâm nhiễm theo phiền não ấy mà đã khó hiểu khó biết, chỉ Đức Thế Tôn, bậc làm mắt, làm trí, làm gốc của Pháp, làm tôn cao, làm dẫn đạo, làm chỗ dựa của Pháp, mới thấy biết đúng như sự thật. Lúc ấy Đức Thế Tôn khen ngợi hoàng hậu Thắng Man, nói rằng: Tốt lắm, tốt lắm, đúng như hoàng hậu đã nói, cái tâm bản tánh thanh tịnh mà bị phiền não ô nhiễm, thì thật khó mà rõ biết. Thắng Man, có hai sự khó rõ biết, ấy là cái tâm bản tánh thanh tịnh thì khó rõ biết, mà tâm ấy bị phiền não ô nhiễm thì cũng là khó rõ biết. Hai sự như vậy, hoàng hậu và các vị Bồ-tát thành tựu đại pháp mới nghe và tiếp nhận được, còn các vị Thanh Văn chỉ do tin mà biết. O

14. Con Thật của Phật

Thắng Man, nếu đệ tử Như Lai có đức tin tăng thượng, thì người ấy có tuệ giác tùy thuận với Pháp, và được rốt ráo trong Pháp ấy. Tuệ giác tùy thuận với Pháp là quan sát giác quan, nhận thức và đối tượng; quan sát hành vi và kết quả của hành vi; quan sát sự ngủ của la hán; quan sát sự tâm tự tại, ưa thích cái vui thiền định; quan sát thần thông tuệ giác của nhị thừa. Do thành tựu năm sự quan sát khéo léo này mà đệ tử Thanh Văn hiện tại vị lai của Như Lai do đức tin tăng thượng và tuệ giác tùy thuận với Pháp mà khéo hiểu một cách rốt ráo về cái tâm bản tánh thanh tịnh và bị phiền não ô nhiễm. Thắng Man, sự rốt ráo ấy là nhân tố Đại thừa. Hoàng hậu phải biết, tin tưởng Như Lai thì không phỉ báng Pháp sâu xa. O

Hoàng hậu Thắng Man thưa, bạch Đức Thế Tôn, còn có ý nghĩa khác nữa hữu ích cho chúng sinh mà con xin dựa vào sức mạnh uy thần của Ngài để diễn nói. O

Đức Thế Tôn dạy: Tốt lắm, hoàng hậu cứ nói tùy ý. Hoàng hậu Thắng Man thưa: Bạch Đức Thế Tôn, có ba loại thiện nam thiện nữ không làm thương tổn giáo Pháp sâu xa, sinh lắm công đức, đi vào Đại thừa. Ba loại ấy là những ai? Một là, có người tự thành tựu cái tuệ giác về Pháp sâu xa. Hai là, có người thành tựu cái tuệ giác tùy thuận với Pháp sâu xa ấy. Ba là, có người không hiểu Pháp sâu xa, nhưng có đức tin sâu rằng Pháp ấy chỉ Phật mới biết, chứ không phải lĩnh vực của mình. O

15. Hoàng Hậu Thắng Man

Trừ ba loại thiện nam hay thiện nữ này, những người khác, đối với Pháp sâu xa, tùy mình thủ đắc mà chấp trước, nói quấy, chống đối chánh pháp, làm theo ngoại đạo, biến mình thành hạt giống thối nát. Thì dầu họ ở đâu cũng phải đến mà loại trừ. Những kẻ thối nát như vậy, chư thiên hay nhân loại đều nên cùng nhau chiến thắng. Thưa bạch như vậy rồi, hoàng hậu Thắng Man cùng với thân quyến đem đỉnh đầu của mình mà lạy dưới chân Đức Thế Tôn. O

Đức Thế Tôn tán dương, rằng tốt lắm, Thắng Man, đối với Pháp sâu xa, hoàng hậu áp dụng phương tiện mà giữ gìn, chiến thắng những kẻ đối địch. Hoàng hậu thật là người khéo thấu suốt. Hoàng hậu đã thân gần cả trăm cả ngàn chư vị Như Lai mới nói được những điều đã nói hôm nay. O

Lúc ấy Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng siêu việt, chiếu khắp đại hội, rồi thăng lên không gian cao bằng bảy cây đa-la, dùng thần lực mà đi chân trong không gian, trở về nước Xá-vệ. Hoàng hậu Thắng Man cùng với thân quyến ngước nhìn Đức Thế Tôn, mắt không rời Ngài chút nào. Khi Ngài đi quá tầm mắt rồi, hoàng hậu hoan hỷ, phấn chấn, cùng với mọi người ca tụng đức tính của Đức Thế Tôn, nhất tâm nghĩ nhớ đến Ngài. Trở vào kinh thành Vô Đấu, hoàng hậu khuyến khích Hữu Xưng Vương xây dựng Đại thừa. Trong kinh thành Vô Đấu, phu nhân giáo dục Đại thừa cho con gái bảy tuổi sắp lên, Hữu Xưng Vương cũng đem Đại thừa giáo dục cho con trai bảy tuổi sắp lên. Cả nước không ai mà không học tập Đại thừa. O

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vào khu lâm viên Chiến Thắng Thiện hiến cúng, gọi tôn giả A-nan và nghĩ đến Đế-thích. Đế-thích cùng với tùy thuộc ứng theo ý nghĩ của Đức Thế Tôn mà đến, đứng trước Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo Đế-thích, rằng Kiều-thi-ca, ông nên tiếp nhận và ghi nhớ kinh này, diễn giảng, khai thị, làm cho chư thiên Đao- lợi được yên vui. Đức Thế Tôn lại dạy tôn giả A-nan, tôn giả cũng tiếp nhận, ghi nhớ, phân tích giảng nói cho bốn chúng.

Đế-thích thưa Phật, bạch Đức Thế Tôn, kinh này nên mệnh danh là gì? Chúng con nên kính nhớ như thế nào? O

Đức Thế Tôn dạy, Kiều-thi-ca, kinh này thành tựu vô lượng công đức, năng lực nhị thừa còn không thấu được, huống chi người khác. Kiều-thi-ca, ông nên biết kinh này rất sâu xa, tinh tế. Kinh này là khối công đức lớn. Như Lai sẽ nói cho ông, theo cách nói toát yếu, về danh hiệu kinh này. Ông hãy nghe kỹ hãy khéo ghi nhớ. O

Lúc ấy tôn giả A-nan và Đế-thích cùng thưa: Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin vâng theo huấn dụ của Ngài.

Đức Thế Tôn nói, một là, kinh này tán dương đức tính chân thật của Như Lai. Hai là, kinh này nói về mười điều thệ nguyện bất khả tư nghị. Ba là, kinh này đem một trong ba đại nguyện thống nhiếp mọi thệ nguyện. Bốn là, kinh này nói sự thu nhận chánh pháp là bất khả tư nghị. Năm là, kinh này nói hội nhập nhất thừa. Sáu là, kinh này nói thánh đế vô biên. Bảy là, kinh này nói về Như Lai tạng. Tám là, kinh này nói về pháp thân của Như Lai. Chín là, kinh này nói bản tánh siêu việt và chân thật bị ẩn khuất. Mười là, kinh này nói ý nghĩa thánh đế duy nhất. Mười một là, kinh này nói sự nương tựa duy nhất, thường trú, bất động và vắng lặng. Mười hai là, kinh này nói về sự thác loạn và chân thật. Mười ba là, kinh này nói về cái tâm bản tánh thanh tịnh mà bị phiền não che khuất. Mười bốn là, kinh này nói về con thật của Như Lai. Mười lăm là, kinh này nói sự nói như sư tử gầm của hoàng hậu Thắng Man. O

Lại nữa, Kiều-thi-ca, kinh này loại trừ hoài nghi, xác quyết liễu nghĩa, hội nhập nhất thừa. Kiều-thi-ca, Như Lai nay đem bản kinh hoàng hậu Thắng Man nói như sư tử gầm này ký thác cho ông. Từ bây giờ cho đến ngày nào chánh pháp đang còn, ông hãy khai thị giảng nói cho tất cả chúng sanh. O

Lúc bấy giờ tôn giả A-nan, Đế-thích, và cả đại hội trời, người, a-tu-la, càn-thát-bà, vân vân, nghe những điều Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết, ai cũng hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận, và kính cẩn thực hành. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Chỉ Bày Chân Tâm

Thứ ba mươi bảy

Lúc bấy giờ, tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn, nhằm ngày mãn hạ, tự tứ của chúng tăng, Đức Phật nhân sự kiện Đại đức A-nan-đa bị nạn Ma-đăng-già suýt mất giới thể, đã ân cần khai thị Đại đức A-nan-đa và đại chúng về chơn tâm thường trú. O


-A-nan-đa ! Ông nên biết, hết thảy chúng sanh vô thỉ đến nay sống chết tương tục đều do không biết “chân tâm thường trú, thể tánh tịnh minh”, hàng ngày chỉ dùng các vọng tưởng, nên bị trôi dạt theo dòng sanh tử tiếp nối từ vô kiếp. O


A-nan-đa ! Như lời ông nói: Do tâm và con mắt mà có sự ưa muốn, nhưng nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng phục trần lao, ví như ông vua một nước bị giặc xâm lăng phát binh đánh dẹp thì binh ấy cần phải biết giặc ở chỗ nào mới mong dẹp được. Hiện nay ông còn mắc phải luân hồi là lỗi tại tâm và con mắt của ông. Vậy ông phải chính chắn tìm xem tâm và con mắt của ông hiện ở chỗ nào. O

***


1- PHÁ CHẤP “TÂM Ở TRONG THÂN”


Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Không riêng gì con mà tất cả mọi người trên thế gian đều cho cái tâm hiểu biết ở trong thân, còn con mắt thì ở trên mặt.


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói rằng tâm hiểu biết ở trong thân là không có lý. A-nan-đa! Nay Như Lai hỏi ông: Phỏng có chúng sanh nào ngồi trong giảng đường nầy mà không thấy, không biết Như Lai và đại chúng mà lại thấy biết mọi vật bên ngoài giảng đường không ? O


- Bạch Thế Tôn! Không thể có sự việc như thế được. Nếu ngồi trong giảng đường, trước hết phải thấy biết trong giảng đường rồi sau nhìn ra cửa mới thấy biết cảnh vật bên ngoài.


- Thật vậy, Nầy A-nan-đa! Ở trong giảng đường, trước hết phải thấy bên trong, nhìn ra cửa mới thấy biết hoa lá vườn rừng, sự vật bên ngoài. Nhưng theo lời ông nói: Cái tâm hiểu biết ở trong thân thể lẽ ra khi người bị bệnh thổ huyết, cái tâm phải biết gốc bệnh xuất huyết do tỳ, phế hay viêm loét dạ dày. Nầy A-nan-đa! Mọi người trên thế gian không một ai biết được gốc bệnh của mình như vậy.


Nầy A-nan-đa! Người ngồi trong giảng đường mà không thấy biết Như Lai và đại chúng, lại thấy biết mọi thứ bên ngoài đã vô lý thì cái tâm hiểu biết ở trong thân mà không hiểu biết thương tật của tâm can phế thận, lại biết rõ hết trần cảnh bên ngoài, hai việc này đều vô lý như nhau!


Thế cho nên ông nói “tâm ở trong thân” là không đúng lý. O

***


2. PHÁ CHẤP “TÂM Ở NGOÀI THÂN”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Vừa nghe lời Phật dạy, con nghĩ ra rằng: Tâm con thiệt ở ngoài thân. Bởi vì tất cả mọi người không ai thấy biết bên trong thân, ví như ngọn đèn để ở ngoài phòng thì chỉ sáng bên ngoài mà không thể sáng bên trong phòng được. Bạch Thế Tôn! Nghĩa này thật quá rõ ràng, chắc không còn lầm nữa !


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Vừa rồi Như Lai và đại chúng cùng đi khất thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã về rừng Kỳ-đà. Vậy ông hãy xem trong các hàng Tỳ-kheo, khi một người ăn, các người khác có no không ? O


- Bạch Thế Tôn! Không. Dù các Tỳ-kheo là A-la-hán, nhưng thân thể khác nhau, không thể người này ăn mà người khác no được.


- Cũng vậy, A-nan-đa! Nếu cái tâm hiểu biết của ông ở ngoài thân và tâm riêng cách, tất cả không dính líu gì nhau. Vậy cái gì tâm biết thì thân không thể biết, cái gì thân biết thì tâm không thể biết. Thế mà, Nầy A-nan-đa! Khi Như Lai đưa tay lên cho ông xem, mắt ông vừa thấy thì tâm ông liền biết. Thân tâm biết cùng một lúc với nhau, thì sao bảo là tâm ở ngoài thân cho được.


Vậy nên biết rằng: Ông nói tâm hiểu biết ở ngoài thân, hẳn là không phải vậy. O

***


3- PHÁ CHẤP “TÂM NÚP SAU CON MẮT”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy: Vì không biết bên trong cho nên tâm không phải ở trong thân, vì thân tâm cùng biết nên không phải tâm ở ngoài thân. Nay con suy nghĩ: Cái tâm hiểu biết đã không biết bên trong mà lại nhận biết rõ vật bên ngoài, vậy là nó núp sau con mắt, ví như người lấy chén thủy tinh úp vào hai con mắt, con mắt dù có vật úp vào, nhưng không làm ngăn ngại sự thấy. Và vì tâm núp sau con mắt nên khi mắt thấy thì tâm liền phân biệt. Sở dĩ tâm không biết tạng phủ trong thân, vì nó không ở trong thân, nhưng tâm lại nhận biết cảnh vật bên ngoài, vì nó ở trên cái mặt. O


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nên nhớ rằng: Con mắt núp sau chén thủy tinh như lời ông nói, thì khi trông thấy núi sông cảnh vật, đồng thời cũng trông thấy chén thủy tinh. Nếu tâm núp sau con mắt thì khi nhận thấy núi sông cảnh vật lúc đó cũng phải nhận thấy con mắt. Nầy A-nan-đa! Thực tế không phải vậy, khi ông nhận thấy núi sông cảnh vật, tâm ông không nhận biết được con mắt của ông.


Do đó, biết rằng: Ông nói cái tâm núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén thủy tinh là không hợp lý. O

***


4- PHÁ CHẤP “NHẮM MẮT THẤY TỐI LÀ TÂM THẤY TRONG THÂN”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Giờ đây con suy nghĩ thế nầy: Thân thể con người trong có ngũ tạng, lục phủ, ngoài có thất khiếu, cửu huyệt. Tạng phủ có tánh che ngăn nên tối, khiếu huyệt có tánh rỗng không nên sáng. Nay con xin thưa với Phật rằng: Nhắm mắt thấy tối, con gọi là tâm thấy biết bên trong thân; mở mắt thấy sáng, gọi là tâm thấy biết bên ngoài. O


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Đã gọi là thấy thì cái bị thấy phải “đối” ở trước mắt. Không “đối” ở trước mắt thì cái nghĩa thấy không còn.


Nếu cái tối đã đối trước mắt mà cứ cho là thấy biết trong thân, vậy khi ở trong phòng tối, không có ánh sáng, bấy giờ cái gì có ở trong phòng tối ấy đều là tạng phủ của ông cả hay sao ?


Vả lại khi nhắm mắt thấy tối, ông cho là thấy bên trong thân, vậy khi mở mắt thấy sáng, sao ông không thấy cái mặt ?


Đã không thấy mặt thì không thể nói là con mắt đối vào trong mà thấy. Còn như thấy được mặt thì cái tâm và con mắt ắt đã lơ lửng giữa hư không rồi, còn tương quan gì đến ông nữa ?


Vậy nên biết rằng: Nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân, chỉ là một ngụy thuyết không thành lập được. O

***


5- PHÁ CHẤP “SỰ SUY NGHĨ HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ TÂM LIỀN CÓ Ở CHỖ ĐÓ”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Con thường nghe Phật dạy bốn chúng rằng: tâm sanh nên các pháp sanh, các pháp sanh nên tâm sanh. Nay con suy nghĩ thì sự suy nghĩ đó là tâm của con. Nó hợp với chỗ nào, tâm liền ở chỗ đó, nó không ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa. O


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông cho sự suy nghĩ là tâm, sự suy nghĩ hợp chỗ nào, tâm liền ở chỗ đó. Nay Như Lai hỏi ông: Cái tâm có suy nghĩ hòa hợp sinh ra, vậy nó có tự thể hay không? Nếu nó không tự thể thì không thể hợp được với cái gì. Cũng như giới thứ 19 và trần thứ 7 thì làm gì có chuyện hợp nhau? Bảo rằng nó có tự thể, vậy ông thử thí nghiệm: Lấy tay gãi vai, rồi để ý xem cái tâm “ biết đã ngứa từ trong thân ông ra hay từ bên ngoài chạy vào? Nếu từ trong thân ra thì nó phải biết ngũ tạng lục phủ trong thân ông, nếu từ ngoài vào thì trước hết nó phải thấy biết cái mặt.


Vả lại, tự thể ấy là một hay là nhiều? Nó khắp thân hay chẳng khắp thân? O


Nếu tự thể có một, khi lấy tay gãi một chỗ, lẽ ra khắp mình đều đã ngứa. Nếu biết đã ngứa khắp mình thì lại không còn biết gãi chỗ nào! Còn như nhiều tự thể thì hóa ra của nhiều người, còn biết tự thể nào là thể của ông ?


Bảo rằng tự thể khắp mình thì không còn biết được chỗ gãi...


Bảo rằng không khắp mình, tại sao khi đầu chạm xà nhà, dưới chân đạp đinh lại cùng một lúc biết đau?


Do vậy bảo rằng: Sự suy nghĩ hợp chỗ nào, tâm ở chỗ đó là không có lý. O

***


6- PHÁ CHẤP “TÂM Ở CHẶNG GIỮA”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Con nhớ lại có lần nghe Phật dạy Bồ-tát Văn-thù về nghĩa thật tướng: Rằng tâm không ở trong cũng không ở ngoài. Nay con suy nghĩ: Nếu tâm ở trong thân sao lại không biết bên trong, tâm ở ngoài thân sao thân tâm đồng biết. Tâm không biết bên trong nên không thể nói tâm ở ngoài thân. Do lẽ đó, con nghĩ rằng: Tâm ở chặng giữa. O


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói chặng giữa, thật khó nêu một chặng giữa nhất định. Giữa thân hay giữa cảnh? Nếu giữa thân thì đồng như tâm ở trong thân. Bảo rằng giữa cảnh thì làm sao nêu cái giữa ra được? Ví như có người lấy một cành cây cắm nêu làm một chỗ giữa, nhưng giữa thế nào được? Nếu người đứng ở phương Đông thì thấy cây nêu ở phía Tây; đứng ở phương Nam lại thấy cây nêu thuộc phía Bắc. Cái giữa đã lẫn lộn như thế, thì cái tâm ở chặng giữa rắc rối bời rời, làm thế nào nhận biết được sự vật cho chính xác? O


Đại đức A-nan-đa thưa: Con nói chặng giữa là giữa nhãn căn và sắc trần, nhãn thức sanh ra ở chặng giữa ấy.


Phật bảo: Nếu tâm ông ở giữa nhãn căn và sắc trần, vậy cái tâm ở giữa ấy có gồm cả hai hay không gồm cả hai? Nếu gồm cả hai thì vật và tâm xen lộn lẫn nhau, còn biết cái gì là tâm, cái gì là vật? Và đã lộn lạo với nhau thì không có cái giữa. Còn như không gồm cả hai bên thì là một. Đã là một bên thì cái chặng giữa ông định đặt nó vào đâu ?


Vì vậy, biết rằng: Ông nói tâm ở chặng giữa là một điều không hợp lý. O

***


7. PHÁ CHẤP “TÂM LÀ CÁI KHÔNG DÍNH DÁNG VÀO ĐÂU CẢ”

Đại đức A-nan-đa thưa: Bạch Thế Tôn! Con nhớ trước đây có lần Phật chuyển pháp luân cùng bốn đại đệ tử: Mục-kiền-liên,Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na và Xá-lợi-phất, khi đó Phật dạy: Cái tâm tánh hiểu biết không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa và không chỗ trụ, tất cả không dính dáng. Bạch Thế Tôn! Nay con lấy cái không dính dáng ấy gọi là tâm có được không ? O


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói cái tâm hiểu biết của ông không dính dáng, vậy Như Lai hỏi ông: Biển cả, đất liền, núi rừng, hoa, cỏ...nói chung mọi sự vật hiện tượng trên thế gian mà ông cho là không dính dáng, chúng có hay là không có? Nếu chúng là không, thì ông khỏi đề cập: Rằng dính dáng hay không dính dáng. Bởi vì có ai dính với chuyện lông rùa sừng thỏ bao giờ! Nếu đã có cái “không dính dáng” thì không thể nói sự vật hiện tượng là không. Đã không phải không thì có tướng. Đã có tướng thì có dính dáng, làm sao không dính dáng được ? O


Bấy giờ, từ tôn nhan Đức Thế Tôn tỏa ra vô số hào quang và thế giới sáu điệu vang động. Đại chúng đều thấy rõ vô số hành tinh ở mười phương và chúng Bồ-tát ở các hành tinh ấy chấp tay nguyện nghe pháp yếu.


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Rằng tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên gắn bó với nhau như chùm nho chen chúc trái. Những người tu hành không thành vô thượng Bồ-đề mà lại thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma Vương hoặc Thanh Văn, Duyên Giác đều do không biết hai thứ căn bản, cho nên tu tập sai lầm, chẳng khác nào nấu cát mong được thành cơm, dù trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc cũng không kết quả. O


Những gì là hai thứ căn bản ?


Một là căn bản sanh tử vô thỉ. Như ông hiện nay và tất cả chúng sanh cũng thế, hằng ngày sử dụng cái tâm phan duyên mà lầm cho là tự tánh của chính mình.


Hai là căn bản Bồ-đề Niết-bàn vô thỉ. Như ông hiện nay, cái tánh thanh tịnh bản minh vốn có, nó nhậm vận tùy duyên, nhưng ông và tất cả chúng sanh lại bỏ sót mất đi, cho nên khi cả ngày sống trong tánh thanh tịnh bản minh mà không hay, không biết. Đành oan uổng lặn lội trong lục đạo chuyển luân! O


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông muốn biết đường tu Xa-ma-tha để ra khỏi sống chết, ông hãy trả lời Như Lai. Phật liền đưa cánh tay co năm ngón bảo A-nan-đa rằng: Ông có thấy gì không ?


Đại đức A-nan-đa thưa: Con thấy Như Lai đưa cánh tay và co ngón tay lại thành cái nắm tay, nó phản ánh tác động vào tâm và con mắt của con. Con và đại chúng đều do con mắt mà thấy.


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông trả lời Như Lai rằng: Như Lai co ngón tay làm thành nắm tay, phản ánh tác động vào tâm và con mắt của ông. Con mắt của ông thì thấy việc đó tất nhiên. Còn ông lấy cái gì làm tâm để nhận biết cái nắm tay của Như Lai ? O


Bạch Thế Tôn: Như Lai gạn hỏi tâm con, con dùng tâm suy nghĩ để trả lời Phật thì rõ cái suy nghĩ ấy là tâm con vậy.


Phật bảo: Sai rồi, Nầy A-nan-đa! Cái suy nghĩ ấy không phải là tâm của ông.


Trong dáng vẻ kinh ngạc, Đại đức A-nan-đa đứng dậy chấp tay thưa:


- Bạch Thế Tôn! Cái suy nghĩ ấy không phải tâm con thì gọi nó là cái gì ?


Phật bảo: Đó là cái tưởng tượng tướng hư vọng của tiền trần. Chính cái đó làm mê lầm chân tánh của ông. Từ vô thỉ đến nay, ông nhận tên giặc ấy là con, bỏ mất tâm tánh bản lai thường trú nên phải chịu luân hồi. O


Đại đức A-nan-đa thưa: Con là em của Phật, vì tâm thương kính Phật nên mới xuất gia. Con cúng dường các Đức Phật mười phương, phụng sự thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh, làm tất cả pháp sự khó làm, đều dùng cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái suy nghĩ đó không phải là tâm, thì con thành ra không có tâm, vậy con cũng như gỗ, như đất? Bởi vì, ngoài cái suy nghĩ nhận biết ấy ra, con không còn có gì nữa! Sao Như Lai lại bảo cái đó không phải là tâm? Con kinh sợ quá! Và cả đại chúng ở đây không ai là không hoang mang dao động! Xin Phật rủ lòng từ chỉ dạy cho chúng con những điều chưa liễu ngộ ! O


Bấy giờ Thế Tôn rời toà sư tử, xoa đầu Đại đức A-nan-đa và bảo:


Nầy A-nan-đa! Như -Lai thường nói: Các pháp sanh ra duy tâm biến hiện. Tâm là cái thể của tất cả thế giới vi trần, của mọi nguyên nhân và kết quả.


Nầy A-nan-đa tất cả hiện tượng có trong thế giới, lớn như biển cả, núi cao; nhỏ như lá cây, ngọn cỏ... gạn xét căn nguyên đều có thể tánh. Cả đến hư không cũng có tên và dáng mạo; huống chi cái tâm sáng suốt nhiệm mầu thanh tịnh, thể tánh của sự vật mà tự mình không thể có tánh sao ? O


Nếu ông quả quyết cho cái tính hay biết, cái suy nghĩ phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy rời sắc, thanh, hương, vị, xúc ra, nó còn phải tính độc lập riêng của nó tồn tại. Hiện giờ ông đang nghe Như Lai nói pháp, đó là nhân tiếng mà có phân biệt. Nếu không tiếng thì sự phân biệt của ông không còn. Giả sử diệt hết cái thấy, nghe, ngửi, thấy, nếm, xúc, biết, chỉ nắm giữ cái u nhàn lặng lẽ bên trong, thì đó cũng là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi. O


Nầy A-nan-đa, chẳng phải Như Lai bảo ông phủ nhận cái tính tư duy phân biệt ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chín chắn suy nghĩ: Rời tiền trần mà vẫn có cái biết thì đó mới thật là tâm của ông. Còn nếu tính biết rời tiền trần không còn tự thể hiện thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải thường còn, khi thay đổi diệt mất đi rồi thì cái tâm nương tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa rừng thỏ. Thế thì pháp thân của ông cũng thành đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sanh pháp nhẫn ! O

***


Đại đức A-nan-đa và đại chúng chưa nhận rõ thế nào là chơn tâm thường trú, lòng còn bối rối ngẩn ngơ. 

Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Trong thế gian những người tu học tuy đã được chín thứ thiền định, nhưng không diệt hết được mê lầm chỉ thành A-la-hán đều do lầm chấp cái vọng tưởng tử sanh là chân thật. Thế nên , ông nay tuy học rộng nghe nhiều mà không thành chánh quả. O


Đại đức A-nan-đa khóc lóc bạch Phật: Từ khi con phát tâm theo Phật xuất gia, thường ỷ lại tình thương của Phật, tự nghĩ rằng rồi đây Thế Tôn sẽ ban cho thiền định, chia sớt đạo quả cho. Giờ đây mới biết: Thân tâm không ai có thể thay thế cho ai. Từ lâu con đã bỏ mất bản tâm của con rồi. Thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo. Như đứa con hoang cùng khổ, bỏ cha bỏ nhà ra đi. Ngày nay mới biết, tuy được nghe Phật Pháp nhiều mà không tu hành thì chẳng khác gì người nói ăn mà không ăn, rốt cuộc không thể nào no được. O


Kính bạch Thế Tôn! Chúng con hiện nay còn bị hai chướng buộc ràng, do vì không biết tâm tánh vắng lặng thường nhiên, xin Thế Tôn thương xót kẻ nghèo cùng rách rưới, chỉ bày cho cái tâm nhiệm mầu, sáng suốt và khai mở con mắt đạo cho chúng con!


Đức Phật hỏi: Nầy A-nan-đa! Trước ông trả lời: rằng ông thấy cái nắm tay của Như Lai vậy cái nắm tay do đâu mà có? Và ông lấy cái gì để thấy ? O


- Bạch Thế Tôn! Cái nắm tay có là do bàn tay Phật co các ngón tay lại. Con thấy nắm tay của Phật là do con mắt của con.


Phật bảo: Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay. Nếu không có con mắt hay mắt bị đui thì không có thấy. Hai sự việc đó có giống nhau chăng ? O


- Bạch Thế Tôn: Đúng vậy. Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay; nếu không có con mắt thì không có cái thấy.


Phật bảo: Nầy A-nan-đa! Ông nói như vậy là không đúng. Không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay, chứ không có con mắt, không phải hoàn toàn không thấy. Ông thử hỏi người đui xem họ có thấy gì không? Chắc hẳn họ sẽ trả lời với ông: Rằng họ thấy tối đen trước mắt. Lấy nghĩa đó mà suy nghĩ tiền trần tự tối, chứ cái tánh thấy nào có hao kém gì ? O


- Bạch Thế Tôn! Những người đui trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi rằng thấy?


Phật bảo: Dù thấy tối đen cũng vẫn là thấy còn thấy sáng hay thấy tối là do tiền trần sáng tối, tánh thấy vẫn y nhiên. Nếu vì tối mà cho là không thấy, vậy thì khi người ta ngồi trong nhà tối không thấy gì hết, chỉ thấy trước mắt tối đen, bỗng nhiên được đèn sáng thấy rõ các vật, chẳng lẽ ông bảo đó là cái đèn thấy hay sao? Vậy nên suy biết: đèn làm tỏ rõ các vật, nhưng thấy như vậy là mắt chứ không phải đèn. Mắt làm tỏ các sắc, nhưng thấy là tâm, chứ không phải là mắt.O


Bấy giờ, Đức Thế Tôn giơ cánh tay mềm mại lên, bảo Đại đức A-nan-đa và đại chúng: Sau khi thành đạo, lần đầu tiên ở Vườn Nai, Như Lai có dạy cho nhóm năm anh em Kiều-trần-như rằng tất cả các chúng sanh không thành Vô thượng Bồ-đề và A-la-hán do vì phiền não khách trần làm mê hoặc. Thuở đó các ông do đâu mà tỏ ngộ, hiện nay được thành chánh quả? O


Đại đức Kiều-trần-như đứng dậy thưa: Bạch Thế Tôn! Nay con đã già ở trong đại chúng, con được cái tên “A-nhã” là do lúc đó con tỏ ngộ được ý nghĩa hai chữ “khách trần” là người đi đường, khi cần, họ vào quán trọ thuê phòng hoặc ở, hoặc ngủ, hoặc ăn. Ăn ngủ xong xếp hành lý lên đường, không ở luôn được, còn người chủ thì ở vĩnh viễn không phải đi đâu nữa. Từ suy nghĩ đó, con hiểu ra rằng khách có đến, đi; còn chủ thì ở luôn không đi đâu hết. O


Về nghĩa chữ “trần” thì vào lúc mặt trời mới lên ánh sáng xuyên vào các khe hở, lỗ thủng của mái nhà nhìn theo làn ánh sáng trong khoảng hư không yên lặng ấy, con thấy vô số bụi trần li ti loạn động, cuồn cuộn tuôn bay. Do đó con nhận ra được nghĩa chữ trần: trần thì lay động, còn hư không thì yên lặng tuyệt nhiên! O


Phật bảo: Đúng vậy.


Đoạn, Phật đưa tay lên, co năm ngón tay lại rồi mở ra và hỏi:


- Nầy A-nan-đa! Ông thấy gì ?


- Con thấy bàn tay Phật nắm lại rồi mở ra.


- Ông thấy tay Như -Lai có nắm, có mở hay cái thấy của ông có nắm, có mở ?


- Bạch Thế Tôn ! Tay Phật có nắm, có mở, chứ cái thấy của con làm sao có nắm mở được!


- Cái gì động? Cái gì tĩnh ?


- Bạch Thế Tôn! Bàn tay của Phật không yên, chứ cái thấy của con còn không có tĩnh thì làm chi có động !


Phật bảo: Đúng vậy. Bấy giờ Phật dùng tay phát ra một luồng ánh sáng, chiếu qua phía bên phải Đại đức A-nan-đa. Đại đức A-nan-đa quay nhìn qua bên phải. Phật lại phát qua phía trái, Đại đức A-nan-đa quay nhìn qua phía trái. O


- Nầy A-nan-đa! Hôm nay vì sao đầu ông động lay qua lại như thế ?


- Bạch Thế Tôn! Con vì thấy hào quang của Phật phóng to ra bên phải và bên trái của con. Đầu con lay động bởi ngó theo hào quang của Phật.


- Đầu ông lay động quay bên phải bên trái. Vậy cái đầu ông động mà cái thấy của ông có động chăng ? O


- Bạch Thế Tôn! Đầu con tự lay động, chứ cái thấy còn không biết nó ở chỗ nào thì lấy gì mà lay động !


Phật bảo: Đúng vậy. Bấy giờ, Phật bảo Đại đức A-nan-đa và đại chúng: Rằng mọi người ai cũng có thể nhận biết: Không ở luôn là khách, chủ thì vĩnh viễn không đi đâu. Bụi trần thì lay động còn hư không yên lặng tuyệt nhiên. Có nắm có mở là tay, cái thấy thì không có nắm mở. Quay qua quay lại là đầu, tánh thấy thì không hề xoay chuyển. O


Vậy mà, các ông hiện nay lấy cái động làm thân, cái động làm tâm, lấy cái động làm cảnh, bỏ mất đi tâm tánh chơn thường, bất động, yên lặng nó thường ở luôn với mình. Hằng ngày làm những việc trái ngược, nhận vật làm thân, nhận vọng tưởng làm tâm, xoay vần trong đó, tự nhận lấy sự trôi lăn trong sáu đường! O

***


Đại đức A-nan-đa và chúng hội nghe Phật khai thị, thân tâm thơ thới, nhận biết mình bấy lâu nay lầm nhận sự phân biệt bóng dáng tiền trần làm tâm mà quên mất chơn tâm thường trú. Được Phật khai ngộ, chúng hội như em bé thiếu sữa, bỗng gặp được mẹ hiền, đồng chấp tay lạy Phật tạ ơn về sự tỏ ngộ tính chân vọng, hư thật của thân và tâm cũng như hai tánh sanh diệt và không sanh diệt. Tất cả hoan hỷ, an lạc trong chánh pháp giải thoát. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO.

--- o0o ---

Kinh Cúng Dường Pháp

Thứ ba mươi tám

Lúc bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhơn cung kính đảnh lễ rồi bạch Phật rằng:O


-Bạch Thế Tôn! Con dù theo Phật và Bồ-tát Văn-thù nghe trăm nghìn thứ kinh mà chưa từng nghe kinh điển “Bất khả tư nghì tự tại thần thông quyết định thật tướng.”Như con hiểu nghĩa lý của Phật nói, nếu có chúng sanh nào nghe kinh pháp này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, thìquyết được pháp không nghi, huống chi đúng như lời nói mà tu hành, thời người đó ngăn hết các nẻo ác, mở cửa lành, thường được các Đức Phật hộ niệm, hàng phục ngoại đạo, dẹp trừ ma oán, tu đạo Bồ-đề, an trụ đạo tràng, noi theo dấu vết thực hành của Như Lai.       O


- Bạch Thế Tôn! Nếu có người thọ trì đọc tụng, đúng như lời nói tu hành, con sẽ cùng các quyến thuộc cúng dường hầu hạ. Ở nơi tụ lạc, thành ấp, núi rừng, đồng nội, chỗ nào có kinh này, con sẽ cùng các quyến thuộc đồng đến chỗ đó nghe thọ kinh pháp. Những người chưa tin, chúng con sẽ làm cho họ sanh lòng tin, người đã tin rồi chúng con sẽ ủng hộ.


- Hay thay ! Hay thay ! Đế-thích ! Như lời ông nói, ta sẽ giúp cho ông được vui thêm. Kinhnày nói rộng về đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không thể nghĩ bàn của các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Vì thế Đế-thích ! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng, cúng dường kinh pháp này thời chính là cúng dường các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai vậy.    O


-Đế-thích! Giả sử có các Như Lai đầy khắp cõi tam thiên đại thiên như mía, tre, lau, lúa, mè, rừng, bụi, nếu có thiện nam, thiện nữ nào hoặc một kiếp hoặc không đầy một kiếp cung kính tôn trọng, ngợi khen cúng dường, dưng các món cần dùng cho đến sau khi các Đức Phật diệt độ, đem Xá-lợi toàn thân của mỗi Phật dựng tháp bảy báu, ngang rộng bằng cõi tứ thiên hạ, cao đến trời Phạm Thiên, bảo tháp trang nghiêm rực rỡ, dùng tất cả hoa, hương, anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc tốt đẹp bực nhứt, hoặc một kiếp hoặc ít hơn một kiếp mà cúng dường. Đế-thích ! Ý ông nghĩ sao, người đó làm việc phước có nhiều chăng ?


- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều, phước đức của người đó dẫu cho trăm nghìn ức kiếp nói mãi cũng không hết được.       O


- Phải biết thiện nam, thiện nữ có nghe kinh điển “giải thoát không thể nghĩ bàn” này tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, tu hành thì phước đức hơn người làm việc cúng dường kia. Vì sao? Quả Bồ-đề của chư Phật đều từ kinh này sanh ra, tướng Bồ-đề không có hạn lượng, do nhân duyên đó nên phước đức cũng không có hạn lượng.


- Về quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy ở đời có Phật hiệu là Dược Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Cõi nước tên Đại Trang Nghiêm, kiếp tên là Trang Nghiêm. Phật sống lâu 20 tiểu kiếp, chúng Thanh Văn Tăng có 36 ức na-do-tha, chúng Bồ-tát Tăng có 12 ức. Đế-thích! Lúc đó, có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Bảo Cái đầy đủ bảy báu, cai trị cả bốn châu thiên hạ. Vua có một nghìn người con tướng đẹp, mạnh mẽ, hay dẹp trừ các kẻ oán nghịch.


Lúc đó, Vua Bảo Cái cùng quyến thuộc cúng dườngNhư Lai Dược Vương các đồ cần dùng đến mãn năm kiếp rồi, vua bảo nghìn người con rằng: “Các ngươi cũng phải đem thâm tâm cúng dường Phật như ta vậy.”   O


- Khi đó nghìn người con đều vâng mạng lịnh của vua cha cúng dường Như LaiDược Vương tất cả đồ cần dùng suốt năm kiếp. Có một người con của vua tên là Nguyệt Cái ngồi một mình suy nghĩ rằng: có việc cúng dường nào thù thắng hơn việc cúng dường nầy chăng?


Lúc ấy, do sức oai thần của Phật, ở giữa hư không có vị Trời nói rằng:        O


- Thiện nam tử ! cúng dường pháp là hơn hết các việc cúng dường.


Nguyệt Cái liền hỏi: Sao gọi là cúng dường pháp ?


Vị trời đáp: Ông nên đến hỏi Đức Thế Tôn Dược Vương sẽ rõ thế nào là cúng dường pháp.


Nghe lời khuyên, vương tử Nguyệt Cái đi đến chỗ Thế Tôn Dược Vương cúi đầu lễ dưới chơn Phật, đứng qua một bên, bạch Phật rằng:


- Bạch Thế Tôn! Trong việc cúng dường, cúng dường pháp là hơn hết. Thế nào là cúng dườngpháp ?          O


Phật dạy rằng: Thiện nam tử! Cách cúng dường pháp là pháp môn thâm diệu của các Đức Phật, được các Đức Phật truyền bá. Cúng dường pháp thật nhiệm mầu khó thấy, thanh tịnh không nhiễm, không phải lấy suy nghĩ phân biệt mà biết được. Do vậy mà người đời khó tin khó nhận. Kinh này thuộc về kho tàng chánh pháp của Bồ-tát, ấn đà-la-ni, ấn đó, cho đến bất thối chuyển, thành tựu sáu độ, khéo phân biệt các nghĩa, thuận pháp bồ-đề, trên hết các kinh, vào đại từ bi, lìa các việc ma và các tà kiến, thuận pháp nhân duyên, không ngã, không nhơn, không chúng-sanh, không thọ mạng, không, vô tướng, vô tác, vô khởi, làm cho chúng sanhngồi nơi đạo tràng mà chuyển pháp luân, chư Thiên, Long thần, Càn-thát-bà thảy đều ngợi khen, đưa chúng sanh vào kho tàng chánh pháp của Phật, gồm thâu tất cả các trí tuệ của Hiền thánh, diễn nói các tu hành của Bồ-tát nương theo nghĩa thật tướng của các pháp, tuyên bày các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt, cứu độ chúng sanh nào hủy phá giới cấm, làm cho tà ma ngoại đạo và người tham chấp trước đều sợ sệt, chư Phật, Hiền Thánh đều ngợi khen, tránh cái khổ sanh tử, chỉ cái vui Niết-bàn. Các Đức Phật ba đời ở trong 10 phương nói ra, nếu người nghe những kinh như thế mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, dùng sức phương tiện phân biệt giải nói, chỉ bày rành rẽ cho chúng sanh, giữ gìn chánh pháp, đó gọi là cúng dường pháp.   O


Lại nữa, vị hành giả tùy thuận mười hai nhơn duyên, lìa tà kiến, được vô sanh nhẫn, quyết định không có ngã, không có chúng sanh, không trái với quả báo, nhơn duyên, lìa các ngã sở, nương tựa pháp không nương tựa người, nương tựa nghĩa không nương tựa lời, nương tựa trí không nương tựa thức, nương tựa kinh liễu nghĩa không nương tựa kinh không liễu nghĩa, thuận theo pháp tướng, không chỗ vào, không chỗ về, “vô minh” diệt hết thời “hành” cũng diệt hết, cho đến “sanh” diệt hết thời “lão tử” cũng diệt hết. Quán như thế thì mười hai nhơn duyên không có tướng diệt hết, không có tướng khởi sanh, đó gọi là cúng dườngpháp hơn hết O


Phật bảo Đế-thích:


- Vương tử Nguyệt Cái theo Phật Dược Vương nghe pháp “nhu thuận nhẫn” liền cởi y báu và đồ trang sức nơi thân cúng dường Phật và bạch rằng:


- Bạch Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, con sẽ thực hành cúng dường pháp để gìn giữ chánh pháp, nguyện nhờ oai thần của Như Lai thương xót gia hộ cho con hàng phục ma oán, tu hạnh Bồ-tát.


Khi ấy, Đức Phật thọ ký rằng: “Về đời sau này ông giữ gìn thành trì chánh pháp.”


Nầy Đế-thích ! Vương tử Nguyệt Cái lúc đó thấy được pháp thanh tịnh, nghe Phật thọ ký đem lòng chánh tín xuất gia tu tập các pháp lành. Tinh tấn không bao lâu chứng ngũ thông, đủ đạo hạnh Bồ-tát, được môn đà-la-ni, biện tài vô ngại. Sau khi Phật diệt độ, ông dùng sức thần thông, tổng trì biện tài đã chứng được y theo pháp của Như LaiDược Vương đã nói mà ban bố chánh pháp mãn mười tiểu kiếp. O


Tỳ-kheo Nguyệt Cái giữ gìn Phật pháp, siêng tu tinh tấn ngay đời đó hóa độ được trăm muôn ức người trở về với đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không còn thối lui, mười bốn na-do-tha người phát tâm Thanh Văn, Duyên Giác và vô lượng chúng sanh được sanh về cõi Trời.     O


Đế-thích ! Vua Bảo Cái lúc ấy đâu phải người nào khác, hiện nay thành Phật hiệu làNhư Lai Bảo Diệm, còn một nghìn người con của vua, chính là một nghìn vị Phật trong đời Hiền kiếp, mà đức Ca-la-cưu-tôn-đà thành Phật trước hết, đến vị thành Phật rốt sau hiệu là Lầu Chi, còn Tỳ-kheo Nguyệt Cái chính là thân Ta đây. Như thế, Đế-thích ! phải biết cúng dường pháp là hơn hết trong các cách cúng dường, là bậc nhất không chi sánh kịp. Nầy Đế-thích ! phải lấy sự cúng dường pháp mà cúng dườngcác Đức Phật.          O


***

Nghe Đức Phật dạy, Thích-đề-hoàn-nhơn và toàn thể chúng hội đều hoan hỷ phụng hành và phát nguyện truyền bá kinh này.  O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Hạnh Trẻ Thơ

Thứ ba mươi chín

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp rằng: “Nay Như Lai sẽ giảng dạy cho ông và đại chúng nghe về hạnh trẻ thơ.” O

***


- Nầy thiện nam tử ! Chẳng có thể đứng dậy, đi tới, đi lui, nói chuyện, đây gọi là trẻ thơ. Cũng vậy, Đức Như Lai không còn khởi dậy phiền não, vì Như Lai trọn chẳng khởi các pháp tướng. Cũng chẳng thể đứng dừng, vì Như Laichẳng chấp trước tất cả pháp. Chẳng thể đến vì thân hành của Như Lai không có lay động. Cũng chẳng thể đi vì Như Lai đã đạt được Niết-bàn. Chẳng thể nói, vì Như Lai dầu nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra không chỗ nói. Vì có chỗ nói thời gọi là pháp hữu vi. Lại không ngôn ngữ, như trẻ thơ ngôn ngữ chưa rõ, dầu có ngôn ngữ thật ra như không ngôn ngữ. Cũng vậy, ngôn ngữ chưa rõ chính là lời bí mật của các Đức Phật, dầu có nói, chúng sanh cũng chẳng hiểu nên gọi là không ngôn ngữ. Lại như trẻ thơ gọi tên những đồ vật chẳng duy nhất, vì chưa biết rõ tên chánh, dầu gọi tên đồ vật chẳng duy nhấtnhưng chẳng phải chẳng nhân nơi đây mà đặng biết đồ vật. Cũng vậy, tất cảchúng sanh, giống loại, nơi chỗ, ngôn ngữ chẳng đồng, Như Lai vì phương tiện thuận theo ngôn ngữ của họ mà nói, cũng làm cho tất cả các loài, nhân đây mà hiểu được. O


Lại nữa, trẻ thơ có thể nói được chữ cái, chứ chưa nói được câu văn. Cũng vậy, Đức Như Lai nói chữ cái, như nói “bà” “hòa.”“Hòa” là hữu vi, “bà” là vô vi, đây gọi là trẻ thơ. “Hòa” là vô thường, “bà” là thường. Như Lai nói về thường, chúng sanh nghe rồi vì cầu pháp thường mà dứt vô thường, đây gọi là hạnh trẻ thơ. Lại nữa, trẻ thơ chẳng biết khổ, vui, ngày, đêm, cha, mẹ. Cũng vậy, đại Bồ-tát vì chúng sanh nên chẳng biết khổ vui, không tưởng ngày đêm, tâm bình đẳng đối với chúng sanh nên không có cha mẹ, thân sơ sai khác.

Lại nữa, trẻ thơ chẳng thể làm được những việc lớn việc nhỏ. Cũng vậy, Bồ-tátchẳng tạo nghiệp sanh tử, đây gọi là chẳng làm việc lớn, việc lớn tức là tội ngũ nghịch. Việc nhỏ tức là tâm Thanh Văn, Duyên Giác. Bồ-tát trọn chẳng thối tâm bồ-đề mà tu hạnh Thanh Văn, Bích-chi Phật.O


Lại như trẻ thơ lúc kêu khóc, cha mẹ liền lấy lá dương vàng mà bảo rằng: Nín đi, đừng khóc ! Vàng đây ta cho con. Trẻ thơ thấy lá dương vàng tưởng là vàng thật bèn thôi, không khóc nữa. Nhưng đây là lá dương chẳng phải là vàng thật. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, trẻ thơ cũng tưởng là trâu, ngựa và người thật.          O


Nếu có chúng sanh muốn tạo tội ác, Đức Như Lai vì họ mà nói trời Đao-lợi là cõi tốt đẹp an vui tự tại. Chúng sanh nghe cõi vui đẹp như vậy, sanh lòng ưa thích bèn thôi chẳng tạo tội ác mà siêng thực hành những nghiệp lành. Nhưng thật ra cõi trời Đao-lợi vẫn còn sanh tử,chẳng phải là nơi thật sự an vui và tự tại.      O


Lại như có chúng sanh chán cái khổ của sanh tử, Đức Như Lai vì họ nói hạnh quả hai thừa, nhưng thực ra quả hai thừa chẳng phải rốt ráo chân thật, vì hàng nhị thừa biết lỗi sanh tử, thấy vui Niết-bàn bèn có thể tự biết có dứt cùng chẳng dứt, có chân thật cùng chẳng chân thật, có tu cùng chẳng tu, có chứng đặng cùng chẳng chứng đặng. Như trẻ thơkia đối với vật chẳng phải vàng mà tưởng vàng thật.       O


Đức Như Lai ở trong chỗ bất tịnh mà giả nói là tịnh, vì đã chứng được đệ nhất nghĩa đế nên Như Lai không có hư vọng.


Như trẻ thơ đối với những vật không phải trâu ngựa mà tưởng là trâu ngựa thật. Nếu có chúng sanh ở nơi phi đạo mà tưởng là chân-đạo, Như Lai cũng nói những cái không-phải-đạo là đạo, nơi không-phải-đạo thật không có đạo, vì có thể làm chút ít nhơn duyên sanh ra đạo nên nói phi đạo là đạo.O


Như trẻ thơ đối với người gỗ mà tưởng là người thật. Cũng vậy, Như Lai biết chẳng phải chúng sanh mà nói tướng chúng sanh, nhưng thật ra không có tướng chúng sanh. NếuNhư Lainói không chúng sanh thời tất cả chúng sanh sẽ rơi vào tà kiến. Do đây nênNhư Lai nói có chúng sanh, những người đối với chúng sanh mà tưởng là chúng sanh, thời không thể phá tướng chúng sanh. Nếu ở nơi chúng sanh phá được tướng chúng sanh, người nầy có thể đặng đại Niết-bàn. Do đạt được Niết-bàn như vậy nên chẳng còn kêu khóc nữa. Đây gọi là hạnh trẻ thơ.O

***


Nầy các vị ! Nếu có người thọ trì, đọc tụng biên chép, giảng giải hạnh nầy, nên biết rằng người ấy quyết định sẽ được hạnh chân thật, cao thượng.    O


Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “bạch Đức Thế Tôn ! Theo như chỗ con hiểu, y cứ theo lời Phật dạy, thời con cũng quyết định sẽ được hạnh nầy.”


Phật nói: “Nầy Ca-diếp ! Chẳng riêng gì ông được hạnh như vậy, nay trong hội nầy có chín mươi ba muôn người cũng đồng được hạnh như ông.”


Nghe Đức Phật nói xong, đại chúng vui mừng khôn xiết, thành kính đảnh lễ và phát nguyện làm theo.          O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Hạnh Bồ-tát

Thứ bốn mươi

Lúc bấy giờ, tôn giả Tu-bồ-đề thưa Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là hạnh Bồ-tát?” O


Đức Phật dạy: “Nầy Tu-bồ-đề! Hạnh Bồ-tát là vì Vô Thượng Bồ-đề mà thực hành.”


Nếu đại Bồ-tát thực hành quán chiếu “sắc” là không, “thọ-tưởng-hành-thức” là không, sáu giác quan, sáu đối tượng giác quan đều không, thực hành sáu Ba-la-mật, thực hành nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhứt nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tánh không, các pháp không, tự tướng không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, thực hành bốn thiền sắc giới, thực hành từ bi hỷ xả, thực hành bốn thiền vô sắc giới, thực hành bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy yếu tố giác ngộ, thực hành tam-muội “không, vô tướng và vô tác,” thực hành tám giải thoát, thực hành chín thiền định, thực hành mười lực, bốn không sợ sệt, bốn trí vô ngại, mười tám đặc tính của Phật, thực hành tâm đại từ đại bi, thực hành hạnh trang nghiêm cõi Phật, thực hành hạnh thành tựu chúng sanh, thực hành các thứ biện tài, văn tự, không văn tự, các môn Đà-la-ni, tánh hữu vi, tánh vô vi, thực hành tất cả chỉ vì đạt được Vô Thượng Bồ-đề mà thôi, không vì một mục tiêu nào khác. O


Như vậy, nầy Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật gọi là Vô Thượng Bồ-đề hạnh, đây là Bồ-tát hạnh.


- Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Phật?


- Nầy Tu-bồ-đề! Biết thật nghĩa của các pháp nên gọi là Phật. Được thật tướng của các pháp nên gọi là Phật. Thông đạt thật nghĩa nên gọi là Phật. Biết tất cả các pháp đúng như thật nên gọi là Phật. O


-Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là ý nghĩa của Bồ-đề?


- Nầy Tu-bồ-đề! Nghĩa “không” là nghĩa Bồ-đề. Nghĩa như, nghĩa pháp tánh là nghĩa Bồ-đề. Danh tướng ngôn thuyết là nghĩa Bồ-đề.


Nầy Tu-bồ-đề! Thật nghĩa của Bồ-đề chẳng hoại được, chẳng phân biệt được. Thật tướng của các pháp chẳng hư dối, chẳng dị biệt là nghĩa Bồ-đề. Bồ-đề đó là sở hữu của các Đức Phật. Lại nầy Tu-bồ-đề! Các Đức Phật Chánh Biến Tri nên gọi là Bồ-đề. O


- Bạch Đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ-tát vì Bồ-đề đó mà thực hành sáu Ba-la-mật cho đến nhứt thiết chủng trí, đối với các pháp, gọi là đắc, là thất, là tăng, là giảm, là sanh, là diệt, là cấu, là tịnh ?


- Nầy Tu-bồ-đề! Nếu đại Bồ-tát vì Bồ-đề mà thực hành sáu Ba-la-mật cho đến hành nhứt thiết chủng trí, đối với các pháp không được, không mất, không thêm, không bớt, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch. O


Tại sao vậy? Vì đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã Ba-la-mật chẳng vì được mất, thêm bớt, sanh diệt, nhơ sạch mà phát tâm tu hành nên đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã Ba-la-mật mà vẫn có thể dung thông và bao trùm được bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định Ba-la-mật, bao trùm được từ nội không đến vô pháp hữu pháp không, bao trùm bốn thiền sắc giới, bốn tâm vô lượng, bốn thiền vô sắc, ba mươi bảy yếu tố giác ngộ, ba cửa giải thoát, mười lực, bốn không sợ sệt, tứ trí vô ngại, mười tám đặc tính Phật, đại từ đại bi, mười địa của Bồ-tát, vượt hơn bực Thanh Văn, bực Bích-chi Phật, và an trụ trong cảnh giới Bồ-tát. O


Nầy Tu Bồ đế ! Lúc thực hành Bát-nhã Ba-la-mật, đại Bồ-tát vì chẳng lấy hai pháp mà hành sáu Ba-la-mật nhẫn đến vì chẳng lấy hai pháp mà thực hành nhứt thiết chủng trí.


- Bạch Đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ-tát vì chẳng lấy hai pháp mà thực hành sáu Ba-la-mật, nhẫn đến vì chẳng lấy hai pháp mà thực hành nhứt thiết chủng trí thì Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến tối hậu tâm làm sao có thể làm lớn mạnh gốc lành ?


- Nầy Tu-bồ-đề! Nếu lấy hai pháp mà hành thì căn lành chẳng lớn thêm được. Tại sao? Vì tất cả phàm phu đều nương hai pháp mà chẳng lớn thêm được căn lành. Đại Bồ-tát chẳng lấy hai pháp mà hành nên từ sơ tâm đến hậu tâm, căn lành nhờ vậy được tăng trưởng. Vì thế nên tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la đều không thể phục, không thể hoại được căn lành của đại Bồ-tát, để làm cho sa vào các pháp bất thiện, đều không thể cản trở được đại Bồ-tát trên con đường thực hành sáu Ba-la-mật.


Nầy Tu-bồ-đề! đại Bồ-tát phải như vậy mà hành Bát-nhã Ba-la-mật. O


- Bạch Đức Thế Tôn! Có phải đại Bồ-tát vì căn lành mà thực hành Bát-nhã Ba-la-mật?


-Này Tu-bồ-đề! Không phải vì căn lành cũng chẳng phải chẳng vì căn lành và cũng chẳng phải vì chẳng phải căn lành mà đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã Ba-la-mật. Nầy Tu-bồ-đề! Theo pháp đại Bồ-tát, chưa cúng dường pháp đến các Đức Phật thì chưa đầy đủ căn lành, chưa được chơn thiện tri thức thì chẳng có thể được nhứt thiết chủng trí. O


- Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ-tát cúng dường pháp đến các Đức Phật, đầy đủ căn lành, được chơn thiện tri thức có thể được nhứt thiết chủng trí ? 


-Nầy Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát từ lúc mới phát tâm cho đến lúc đạt được giác ngộ vô thượng, phải luôn học tập, thọ trì và truyền bá chánh pháp, thể hiện qua mười hai thể loại kinh được các Đức Phật tuyên nói. Vì thấu rõ nên được Đà-la-ni. Vì được Đà-la-ni nên phát khởi trí tuệ vô ngại. Vì phát khởi trí tuệ vô ngại nên dù sanh về đâu, cho đến khi được nhứt thiết trí trọn chẳng quên mất. Đại Bồ-tát cũng ở chỗ chư Phật trồng căn lành. Do gốc lành đó hộ trì mà vị Bồ-tát không thể sa vào ác đạo và các chướng nạn. Do nhờ căn lành đó mà thâm tâm của bồ-tát được thanh tịnh. Vì thâm tâm được thanh tịnh nên có thể làm thanh tịnh cõi Phật, thành tựu việc giáo hoá các chúng sanh. Nhờ thiện căn đó gia hộ nên Bồ-tát không một tích tắt xa rời thiện tri thức, đó là chư Phật, chư đại Bồ-tát và chư Thanh Văn hay tán thán Phật, Pháp, Tăng. O


Như vậy, nầy Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải cúng dường pháp đến các Đức Phật, trồng căn lành, gần gũi chơn thiện tri thức.”


Sau khi nghe Đức Phật dạy về Hạnh Bồ-tát tất cả đại chúng đều vui mừng khôn xiết, phát nguyện thực hành theo. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Bốn Điều Nương Tựa

Thứ bốn mươi mốt

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Ca-diếp thưa: Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, chúng con phải y theo bốn điều: “Một là nương tựa pháp, không nương tựa người, hai là nương tựa nghĩa không nương tựa lời, ba là nương tựa trí không nương tựa thức, bốn là nương tựa kinh liễu nghĩa không nương tựa Kinh không liễu nghĩa.” Cúi xin Đức Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Chúng con sẽ trân trọng tuân theo, xem như bảo vật kim cang.O


Đức Phật dạy rằng: “Nầy Ca-diếp! Nương tựa bốn pháp đó Như Lai đạt được Niết-bàn. Tất cả Phật pháp tức là pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Như Lai. Thế nên Như Lai thường trụ không biến đổi. Nếu ai bảo rằng Như Lai vô thường, người này không biết, không thấy pháp tánh thời không nên nương tựa. Cho nên nương tựa các hành giả khéo hiểu biết pháp tạng thâm áo, vi mật của Như Lai, biết rõ Như Lai thường trụ không biến đổi. Bốn hạng người này có thể gọi là Như Lai vì họ hiểu được, nói được mật ngữ của Như Lai. Nếu có người biết được pháp tạng thâm mật và biết Như Lai thường trụ không biến đổi, người nầy chẳng bao giờ vì lợi dưỡng mà nói Như Lai là vô thường . O

***


- Một nương tựa pháp tức là pháp tánh, không nương tựa người tức là hàng Thanh Văn. Pháp tánh tức là Như Lai, Thanh Văn tức là hữu vi. Như Laitức là thường trụ, hữu vi tức là vô thường.


Nầy Ca-diếp ! Những người phá giới vì lợi dưỡng mà nói Như Lai là vô thường biến đổi, thời không nên nương tựa người ấy.O

***


- Hai nương tựa nghĩa không nương tựa lời là thế nào ?


Nầy Ca-diếp ! Nghĩa giác liễu là nghĩa không thiếu sót, tức là nghĩa đầy đủ. Nghĩa đầy đủ là Như Lai, Pháp cùng Tăng đều thường trụ chẳng biến đổi. Đó là nương tựa nghĩa. Còn những lời gì chẳng nên nương tựa? Đó là các bộ luận hay sách trau chuốt lời văn, nhưng không đưa đến Phật quả. Chỉ nên nương tựa theo giáo pháp cao thượng của Như Lai, đọc tụng, tham cứu và thực hành. Được vậy thì được nhiều lợi ích. Không nên nương theo những thứ gian dối dua bợ, bày nhiều cách để cầu lợi, làm việc cho kẻ bạch y, lại chủ trương rằng đức Phật cho phép thầy Tỳ-kheo nuôi tôi trai tớ gái, các vật bất tịnh như vàng bạc châu báu, lúa gạo kho đựng, trâu dê voi ngựa, cùng buôn bán lấy lời. Nơi đời đói kém, Phật vì thương đệ tử nên cho phép Tỳ-kheo chứa đồ ăn cũ, để cách đêm, tự tay nấu nướng, không lãnh thọ mà ăn. Đó là những lời không nên nương tựa.         O

***


- Ba là nương tựa trí không nương tựa thức là thế nào?


Nầy Ca-diếp ! Trí tức là Như Lai. Nếu có hàng Thanh Văn chẳng khéo rõ biết công đức của Như Lai, đó là “thức” không nên nương tựa. Nếu rõ biết Như Laitức là pháp thân, đó là chơn trí nên phải nương tựa. Nếu thấy thân phương tiện ứng hóa của Như Lai mà nói là thuộc về năm uẩn, mười tám giới và sáu nhập, do ăn mà được sống, được lớn, sự nhận xét nầy là “thức” cũng chẳng nên nương tựa. Người và sách vở nào nói những điều ấy thời chẳng nên nương tựa.O

***


- Bốn, thế nào là nương tựa kinh liễu nghĩa mà không nương tựa kinh chẳng liễu nghĩa? Hàng Thanh văn nghe đến kho tàng giáo pháp thâm diệu của Như Lai đều nghi ngờ, không hiểu pháp ấy từ nơi đại trí huệ mà có ra. Khác nào những đứa trẻ thơ không hiểu xa rộng. Đây gọi là chẳng liễu nghĩa. Còn bậc Bồ-tát có trí tuệ chơn thật, theo trí lớn vô ngại của tự tâm, như người có trí hiểu biết xa rộng. Đây gọi là liễu nghĩa. Lại Thanh Văn thừa là không liễu nghĩa. Còn nóiNhư Lai thường trụ không biến đổi thời gọi là liễu nghĩa. Lời nói của Thanh Văn nên chứng biết, gọi là không liễu nghĩa. Lời của Bồ-tátnên chứng biết, gọi là liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhờ sự ăn mà sống còn, đó là lời không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai thường trụ không biến đổi, đây gọi là lời liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Niết-bàn như củi hết lửa tắt, đó là lời không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập pháp tánh, đấy là lời liễu nghĩa. O


Giáo pháp của Thanh Văn thừa thời không nên nương tựa vì Như Lai muốn độ chúng sanh nên phương tiện nói ra pháp Thanh Vănthừa, như ông Trưởng giả đem chữ cái dạy cho con. O


Nầy Ca-diếp ! Thanh Văn thừa như mới cày bừa chưa có hột trái, gọi là chẳng liễu nghĩa, vì thế chẳng nên nương theo Thanh Văn thừa. Phải nương theo pháp Đại thừa. Vì Như Lai muốn độ chúng sanh mà phương tiện nói pháp Đại thừa. Pháp đại thừa là liễu nghĩa, là chỗ nên nương tựa.


Này các thiện nam tín nữ, đó là bốn điều nên nương tựa, cần phải chứng biết.       O

***


Lại nữa, “nghĩa” đáng nương tựa gọi là chất trực. Chất trực gọi là sáng suốt. Sáng suốt gọi là không kém thiếu. Không kém thiếu gọi là Như Lai. Sáng suốt lại gọi là trí huệ. Chất trực gọi là thường trụ. Như Laithường trụ, cũng gọi là nương tựa “pháp”, “pháp” ấy gọi là thường trụ, cũng gọi là vô biên, bất tư nghị, chẳng có thể nắm giữ, chẳng có thể trói buộc, mà cũng có thể chứng thấy. Nếu người nào nói là “không có thể chứng thấy được pháp” thời không nên nương tựa người ấy. Vì thế nên nương tựa “pháp” mà không nương tựa người.      O


Nếu có người dùng lời vi diệu tuyên nói vô thường. Không nên nương tựa những lời này. Vì thế nên nương tựa “nghĩa” mà không nương tựa “lời.”


Còn nhận biết chúng Tăng là thường trụ, là vô vi không biến đổi, chẳng chứa cất tám vật bất tịnh. Đây là nương tựa “trí” không nương tựa “thức.”O


Nếu có người nói: Thức làm, thức thọ, không chúng Tăng hòa hiệp. Tại vì sao? Luận về hòa hiệp gọi là vô sở hữu. Đã vô sở hữu sao lại gọi là thường trụ. Đây là tình thức không nên nương tựa.O


Còn liễu nghĩa gọi là tri túc, trọn không dối hiện oai nghi thanh bạch, không kiêu mạn tự cao, tham cầu lợi dưỡng, và đối với giáo pháp tùy nghi phương tiện của Như Lai không sanh lòng chấp mắc. Nếu vị nào an trụ được trong những điều nầy, phải biết người ấy đã trụ được đệ nhứt nghĩa. Đây gọi là nương tựa kinh liễu nghĩa.        O


Như Lai đã từng dạy: Tất cả phừng cháy, tất cả đều khổ, tất cả đều không, tất cả vô ngã. Đây gọi là không liễu nghĩa. Tại vì sao? Vì chỉ là những lời phương tiện. Do vì chấp trước nên không hiểu thấu ý nghĩa. Với câu tất cả phừng cháy, cho rằng Như Lai nói Niết-bàn cũng cháy.


Tất cả vô thường thời Niết-bàn cũng vô thường. Khổ, không, vô ngã cũng như vậy. Đây gọi là kinh không liễu nghĩa, chẳng nên nương tựa. O

***


Bốn pháp trên đây nên nương tựa. Nếu có các thứ kinh, luật cùng luận nào không trái tinh thần của bốn pháp trên đây cũng nên nương tựa tu tập.      


Như Lai vì người mắt thịt mà nói bốn điều nên nương tựa, không phải nói cho các vị có mắt huệ.O


Thế nên nay Như Lai nói bốn điều nương tựa như vậy. “Pháp” chính là pháp tánh. “Nghĩa” chính là Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. “Trí” là rõ biết tất cả chúng sanhđều có Phật tánh. “liễu nghĩa” là thấu rõ tất cả kinh Đại thừa.


Đại chúng nghe Đức Phật khai thị về bốn điều nương tựa vô cùng hớn hở, được pháp hỷ chưa từng có, đều phát nguyện tu học và truyền bá kinh này. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Lục Độ Dung Thông

Thứ bốn mươi hai


Lúc bấy giờ, tại pháp hội Bát-nhã, tôn giả Tu-bồ-đề thưa Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật? 


Đức Phật dạy: “Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc bố thí, đại Bồ-tát đem sự bố thí đó hồi hướng về nhất thiết trí, phát khởi đức từ của thân, khẩu, ý đối với tất cả chúng sanh. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật.” O


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật ?


- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc đại Bồ-tát bố thí, người nhận lãnh phẩm vật giận mắng, Bồ-tát nhẫn nhục, chẳng sanh lòng phiền giận. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật. O


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật ?


- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc đại Bồ-tát bố thí, kẻ nhận lãnh phẩm vật giận mắng, Bồ-tát bố thí thêm và nghĩ rằng tôi phải bố thí, chẳng nên có lòng hối tiếc, liền lúc đó phát sanh hai tinh tấn: thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật. O


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật?


- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc bố thí, Bồ-tát hồi hướng về nhứt thiết trí, chẳng mong các quả Thanh Văn, Bích-chi Phật, chỉ nhứt tâm nghĩ đến nhứt thiết trí. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu thiền định ba-la-mật. O


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu trí tuệ ba-la-mật?


- Nầy Tu-bồ-đề ! Lúc bố thí, đại Bồ-tát biết bố thí là không như huyễn ảo, chẳng thấy vì chúng sanh bố thí, có ích hay vô ích. Đây là đại Bồ-tát an trụ bố thí ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật. O

***


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia. O


- Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ trong trì giới ba-la-mật, ba nghiệp thân, khẩu, ý phát sanh phước đức bố thí giúp nên Vô Thượng Bồ-đề, giữ lấy công đức này, chẳng ham cầu các quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật, an trụ trong trì giới ba-la-mật, tôn trọng sự sống của kẻ khác, chẳng cướp trộm của cải tài vật kẻ khác, chẳng ngoại tình, chẳng nói láo, chẳng nói lời gây chia rẽ, chẳng nói lời độc ác, chẳng nói lời thêu dệt, chẳng tham lam, chẳng bỏn xẻn, chẳng giận dữ ganh ghét, chẳng tà kiến. Trái lại, thực hành bố thí: kẻ đói cho ăn, kẻ khát cho uống, cần xe cho xe, cần áo cho áo, cần chuỗi ngọc cho chuỗi ngọc, cần hương hoa cho hương hoa, cần giường nệm, phòng nhà, đèn đuốc, tất cả các phương tiện sinh sống đều cung cấp cho cả; đem sự bố thí đó hồi hướng về giác ngộ tột cùng, hồi hướng như vậy thì chẳng sa vào bực Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ trong trì giới ba-la-mật, nếu có ai đến làm rã rời thân thể, lúc đó Bồ-tát chẳng sanh một niệm giận thù mà nghĩ rằng: Tôi được sự lợi ích rất lớn, họ đến làm thân thể tôi rời rã, tôi không có một niệm giận thù. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát, thân tinh tấn và tâm tinh tấn thường chẳng lìa bỏ, nghĩ rằng: Tất cả chúng sanh trong biển sanh tử, tôi chẳng cứu vớt, đưa họ lên bờ an vui. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát vào thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, chẳng tham cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật, mà chuyên tâm nghĩ rằng: Tôi phải an trụ trong thiền định ba-la-mật để độ tất cả chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật không có pháp nào thấy được: hoặc pháp tác, pháp vô tác, pháp số, pháp tướng, hoặc hữu, hoặc vô, chỉ thấy tất cả chẳng ngoài tướng như, do sức phương tiện của trí tuệ ba-la-mật nên chẳng sa vào bực Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là đại Bồ-tát an trụ trì giới ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật. O

***


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia ? O


- Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó, nếu có chúng sanh nào đến giận mắng, hoặc chặt đứt thân thể, Bồ-tát an trụ nhẫn nhục nghĩ rằng: Tôi phải bố thí tất cả chúng sanh, không thể không ban cho, chúng sanh cần ăn uống cho ăn uống, nhẫn đến tất cả các phương tiện sinh sống nếu cần tôi đều cho họ tất cả, đem công đức đó hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều đạt được giác ngộ cao tột. Lúc Bồ-tát hồi hướng chẳng sanh hai tâm niệm: ai hồi hướng và hồi hướng chỗ nào. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó chẳng giết hại, trộm cướp, ngoại tình, nhẫn đến chẳng tà kiến, cũng chẳng tham cầu các quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đem công đức đó hồi hướng giác ngộ cùng tột. Lúc hồi hướng, Bồ-tát chẳng sanh ba tâm niệm: ai hồi hướng, dùng pháp gì để hồi hướng và hồi hướng chỗ nào. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật, phát sinh tinh tấn nghĩ rằng: tôi sẽ qua một do-tuần, hoặc mười trăm ngàn muôn ức do-tuần, tôi sẽ qua một thế giới nhẫn đến qua trăm ngàn muôn ức thế giới hoặc chỉ để khuyên dạy một người vâng giữ ngũ giới thôi, huống là làm cho họ được quả Tu-đà-hoàn nhẫn đến quả A-la-hán, Bích-chi Phật hay quả Phật. Đem công đức đó hồi hướng cho quả vị giác ngộ cùng tột. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật, lìa dục, lìa ác, hướng tâm vào thiền thứ nhất, một trạng thái an lạc do ly dục mà có, nhưng vẫn còn tầm và tứ, trong thiền ấy tâm, tâm sở thanh tịnh và chỉ hồi hướng nhất thiết trí. Lúc hồi hướng, Bồ-tát hướng tâm bất khả đắc về thiền quán và thiền chỉ. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật. O


Đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật, quán các pháp như tướng xa lìa, tướng tịch diệt, nhẫn đến ngồi đạo tràng được nhứt thiết chủng trí, rời đạo tràng để chuyển pháp luân. Đây là đại Bồ-tát an trụ nhẫn nhục ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật, vốn nhờ vào chẳng lấy chẳng bỏ vậy. O


***

- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia? O


- Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật, thân tâm tinh tấn chẳng lười, chẳng nghỉ, tự nghĩ rằng: tôi quyết chắc sẽ được giác ngộ cùng tột. Vì lợi ích cho chúng sanh mà Bồ-tát này vượt qua một do-tuần hoặc đến một trăm ngàn muôn ức do-tuần , hoặc qua một thế giới hoặc qua trăm ngàn muôn ức thế giới, hoặc chẳng dạy được một người vào trong Phật đạo hay vào trong Bích-chi Phật đạo, Thanh Văn đạo, hoặc chỉ dạy được một người hành mười nghiệp đạo lành, tinh tấn chẳng biếng trễ, làm pháp thí và tài thí cho họ được đầy đủ. Đem công đức này hồi hướng bực Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó, hoặc có người hay không phải người đến chặt đứt rời rã thân thể, Bồ-tát suy nghĩ: Ai chém tôi, ai chặt tôi, ai cướp hại tôi. Bồ-tát lại nghĩ rằng: tôi được lợi ích lành rất lớn, tôi vì chúng sanh mà thọ lấy thân này, hôm nay chúng sanh đến lấy lại. Khi đó Bồ-tát quán sát về tướng thật của các pháp. Đem công đức này hồi hướng về giác ngộ tột cùng, chẳng cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật lìa dục ác, bất thiện, hướng tâm vào thiền thứ hai, một cảm giác an lạc do lìa dục, vẫn còn tầm tứ, rồi hướng tâm vào thiền thứ ba, thiền thứ tư, vào từ, bi, hỷ, xả, cho đến định phi tưởng phi phi tưởng, thọ trì bốn thiền, bốn vô lượng tâm và định vô sắc nầy, chẳng thọ quả báo mà thọ sanh nơi có thể làm lợi ích cho chúng sanh, đem sáu ba-la-mật thành tựu cho chúng sanh, từ một Phật độ này đến Phật độ khác, cúng dường thân cận chư Phật để trồng căn lành. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật, chẳng thấy pháp bố thí ba-la-mật, chẳng thấy tướng bố thí ba-la-mật, chẳng thấy pháp tứ niệm xứ, cho đến pháp nhứt thiết chủng trí, chẳng thấy tướng nhứt thiết chủng trí. Đối với tất cả pháp: phi pháp, phi phi pháp, Bồ-tát không chấp trước. Bồ-tát nầy, chỗ làm đúng như chỗ nói. Đây là Bồ-tát an trụ tinh tấn ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật. O

***


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là đại Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia? O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật lìa dục, lìa ác bất thiện, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, hướng tâm vào thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, từ bi, hỷ, xả, cho đến nhập định phi hữu tưởng phi vô tưởng, an trụ trong thiền định ba-la-mật, tâm chẳng loạn động, thực hành tài thí và pháp thí để làm lợi ích chúng sanh. Bồ-tát này tự mình thực hành hai bố thí đó, dạy người hành bố thí, ca ngợi pháp bố thí và hoan hỉ tán dương người hành bố thí. Đem công đức này hồi hướng về giác ngộ tột cùng, chẳng cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật, chẳng sanh tâm dâm dục, sân hận, ngu si, chẳng giết hại người, chỉ tu hành tâm tương ứng với nhứt thiết trí. Đem công đức này cùng hồi hướng cho tất cả chúng sanh cùng được giác ngộ tột cùng, chẳng cầu quả vị Thanh Văn, Bích-chi Phật. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật quán sắc như đống bọt, quán thọ như bong bóng nước, quán tưởng như ánh nắng chói, quán hành như cây chuối, quán thức như huyễn ảo. Lúc quán như vậy, thấy năm uẩn là tướng không bền chắc, nghĩ rằng: Chém tôi là ai? Chặt tôi là ai? Ai là thọ, là tưởng, là hành, là thức, ai là người mắng, ai là người bị mắng, ai sanh lòng giận. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ thiền ba-la-mật, thâm nhập các thiền định. Các thiền, các định và những tướng thiền chi đó sanh khởi những thứ thần thông: đi trên nước như đất, vào trong đất như nước, có thiên nhĩ, biết tâm niệm người khác là loạn hay định, biết những đời trước, có thiên nhãn. Nương năm thần thông đó, Bồ-tát du hành từ một Phật độ đến một Phật độ khác, thân cận cúng dường các Đức Phật để trồng căn lành; làm thanh tịnh các cõi Phật, thành tựu chúng sanh. Đem công đức này hồi hướng về giác ngộ cùng tột. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật. O


Nầy Tu Bồ Đề! Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật chẳng thấy có sắc, chẳng thấy có thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy có sáu ba-la-mật, chẳng thấy có bốn niệm xứ, thậm chí ngay cả nhứt thiết chủng trí, chẳng thấy có tánh hữu vi, tánh vô vi, vì chẳng thấy nên chẳng tác, vì chẳng tác nên chẳng sanh nên chẳng diệt. Tại sao vậy? Vì dù có Phật hay không có Phật thì pháp tướng, pháp tánh vẫn như thế, chẳng sanh chẳng diệt. Bồ-tát nầy thường hướng tâm về nhứt thiết chủng trí. Đây là Bồ-tát an trụ thiền định ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được trí tuệ ba-la-mật. O

***


- Bạch Đức Thế Tôn ! Thế nào là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được năm ba-la-mật kia? O


- Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật: nội không, nội không bất khả đắc, ngoại không, ngoại không bất khả đắc, nội ngoại không, nội ngoại không bất khả đắc, không không, không không bất khả đắc, nhẫn đến tất cả pháp không, tất cả pháp không bất khả đắc. Bồ-tát an trụ trong mười bốn không đó, chẳng thấy có tướng sắc hoặc không hay chẳng không, chẳng thấy có tướng thọ, tưởng, hành, thức hoặc không hay chẳng không, chẳng thấy có bốn niệm xứ hoặc không hay chẳng không, nhẫn đến chẳng thấy có sự giác ngộ cùng tột hoặc không hay chẳng không, chẳng thấy có tánh hữu vi, tánh vô vi hoặc không hay chẳng không. Bồ-tát nầy an trụ trong trí tuệ ba-la-mật như vậy có bố thí đều quán bố thí không? Những gì là không? Người thí, kẻ thọ và tài vật đều không, chẳng có tâm niệm bỏn sẻn tham trước. Tại sao vậy? Đại Bồ-tát hành trí tuệ ba-la-mật từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng không có vọng tưởng phân biệt. Như chư Phật lúc chứng đắc giác ngộ cao tột không có tâm tham trước, đại Bồ-tát lúc hành trí tuệ ba-la-mật cũng không có tâm tham trước. Chỗ đáng tôn trọng nhứt của Bồ-tát nầy tức là trí tuệ ba-la-mật vậy. Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được bố thí ba-la-mật. O


- Nầy Tu Bồ Đề! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật thì chẳng sanh tâm Thanh Văn và Bích-chi Phật. Hơn nữa tâm xu hướng Thanh Văn và Bích-chi Phật cũng bất khả đắc. Bồ-tát nầy từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, trong khoảng thời gian đó, tự mình chẳng sát sanh, chẳng bảo người sát sanh, nhẫn đến tự mình không tà kiến, chẳng bảo người tà kiến, ca ngợi pháp diệt trừ tà kiến, hoan hỷ khen ngợi người chẳng tà kiến. Do vì nhơn duyên trì giới này không có pháp vẫn gồm thâu được, hoặc bực Thanh Văn, Bích-chi Phật huống là những pháp khác. Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật vẫn gồm thâu được trì giới ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật phát sanh tùy thuận pháp nhẫn, nghĩ rằng trong pháp này không có pháp gì hoặc sanh hoặc diệt, hoặc sanh hoặc tử, không có pháp gì hoặc chửi hoặc mắng, hoặc chém hoặc chặt, hoặc trói hoặc đánh, hoặc đập hoặc giết. Bồ-tát này từ lúc mới phát tâm đến lúc ngồi đạo tràng, nếu hoặc có tất cả chúng sanh đến mắng chửi, dùng dao, búa, gậy, ngói, đá chém chặt tổn hại, Bồ-tát chẳng động tâm, Bồ-tát nghĩ rằng: Rất lạ thay, trong pháp này chẳng có ai bị mắng giết tổn hại cả mà chúng sanh lại nhận sự khổ não nầy. Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật vẫn gồm thâu được nhẫn nhục ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật vì chúng sanh mà thuyết pháp khiến họ hành sáu ba-la-mật, dạy họ tu bốn niệm xứ, bát thánh đạo, cho họ được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật, cho họ được quả vị giác ngộ tột cùng, chẳng an trụ trong tánh hữu vi, chẳng an trụ trong tánh vô vi. Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được tinh tấn ba-la-mật. O


Nầy Tu-bồ-đề ! Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật nhập tất cả các tam-muội của chư Phật, hoặc tam-muội của Thanh Văn, Bích-chi Phật, của Bồ-tát điều hành, đều nhập cả. Nơi các tam-muội đó, Bồ-tát nghịch thuận xuất nhập tám giải thoát: giải thoát thứ nhứt là trong có sắc tướng ngoài quán sắc; giải thoát thứ hai là trong không sắc tướng ngoài quán sắc; giải thoát thứ ba là tịnh giải thoát thân tác chứng; giải thoát thứ tư là vượt qua tất cả sắc tướng, dứt diệt tướng có đối đãi, vì chẳng nghĩ nhớ các thứ các tướng nên nhập hư không vô biên xứ; giải thoát thứ năm là vượt qua tất cả hư không xứ, nhập thức vô biên xứ; giải thoát thứ sáu là vượt qua tất cả thức xứ, nhập vô sở hữu xứ; giải thoát thứ bảy là vượt qua tất cả sở hữu xứ, nhập phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; giải thoát thứ tám là vượt qua tất cả phi tưởng phi tưởng xứ, nhập diệt thọ tưởng định. Từ chánh định của tám thứ giải thoát, Bồ-tát này vào rồi ra chín thứ đệ định theo chiều thuận và chiều xuôi, vào bốn thiền, bốn định vô sắc và diệt thọ tưởng định. O


Bồ-tát nầy nói tám giải thoát và chín thứ thiền định mà nhập tam-muội sư tử phấn tấn: nhập và xuất thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, cho đến phi phi tưởng xứ định, diệt tận định, và tam-muội siêu việt. . . Rồi xuất diệt tận định, nhập thức vô biên xứ; xuất thức vô biên xứ nhập diệt tận định; xuất diệt tận định, nhập vô sở hữu xứ; xuất vô sở hữu xứ, nhập diệt tận định; xuất diệt tận định, nhập phi phi tưởng xứ; xuất phi phi tưởng xứ, nhập diệt tận định nhập; xuất diệt tận định lại nhập tán tâm; xuất tán tâm nhập phi phi tưởng xứ; xuất phi phi tưởng xứ lại vào tán tâm; xuất tán tâm lại vào vô sở hữu xứ; xuất vô sở hữu xứ vào tán tâm; xuất tán tâm nhập thức xứ; xuất thức xứ vào tán tâm; xuất tán tâm nhập không xứ; xuất không xứ vào tán tâm; xuất tán tâm nhập tứ thiền; xuất tam thiền nhập tứ tâm, xuất tán tâm nhập nhị thiền; xuất nhị thiền vào tán tâm; xuất tán tâm nhập sơ thiền; xuất sơ thiền nhập tán tâm. Bồ-tát này nương vào tam-muội siêu việt, chứng được tướng bình đẳng của tất cả pháp.


Đây là Bồ-tát an trụ trí tuệ ba-la-mật mà vẫn gồm thâu được thiền định ba-la-mật.” O

***


Sau khi nghe Đức Phật dạy cách tu sáu độ dung thông và tương nhiếp, các vị Bồ-tát và toàn thể chúng hội như được điều chưa từng có, hoan hỷ thọ trì và phát nguyện truyền bá kinh này, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Chỉ Bày Phương Tiện

Thứ bốn mươi ba

1. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chánh định an lành mà dậy, bảo tôn giả Xá-lợi-phất: “Trí huệ của các Đức Phật rất sâu vô lượng. Trí huệ đó khó hiểu, khó vào, tất cả hàng Thanh Văn cùng Bích-chi Phật đều không biết được. Vì sao? Phật đã từng gần gũi trăm nghìn muôn ức vô số các Đức Phật, trọn tu vô lượng đạo pháp của các Đức Phật, dõng mãnh tinh tấn, danh tốt đồn khắp, trọn nên pháp rất sâu chưa từng có, theo thời nghi mà nói pháp, ý thú khó hiểu.O


Này Xá-lợi-phất! Từ lúc ta thành Phật tới nay, các nhơn duyên, các thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh, làm cho xa lìa lòng chấp. Vì sao? Đức Như Lai đã đầy đủ phương tiện, tri kiến và ba-la-mật.O


Này Xá-lợi-phất! Tri kiến của Như Lai rộng lớn sâu xa, đức vô lượng vô ngại lực, vô sở úy, thiền định, giải thoát tam-muội đều sâu vào không ngằn mé, trọn nên tất cả pháp chưa từng có.


Này Xá-lợi-phất! Như Lai rõ các món phân biệt, khéo nói các pháp, lời lẽ êm dịu, vui đẹp lòng chúng. Này Xá-lợi-phất! Vô lượng vô biên pháp vị tằng hữu, Như Lai thảy đều trọn nên.O

*


2. Thôi này Xá-lợi-phất! Chẳng cần nói nữa. Vì pháp khó hiểu, ít khi có thứ nhất mà Phật thành tựu đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chơn thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tánh như vậy, tướng như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.


Bấy giờ Đức Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng bài kệ rằng:O


3. Đấng Thế Hùng khó lường,

Các trời cùng người đời,

Tất cả các loài chúng sanh,

Không ai hiểu được Phật.

Trí lực, vô sở úy,

Giải thoát các tam-muội ,

Các pháp khác của Phật,

Không ai so lường được.

Các món tánh tướng nghĩa,

Ta cùng mười phương Phật,

Mới biết được việc đó. O


4. Pháp đó không chỉ được,

Vắng bặt tướng nói năng.

Các loài chúng sanh khác,

Không ai thể hiểu đặng.

Giả sử khắp mười phương,

Đều như Xá-lợi-phất,

Và các đệ tử khác,

Cũng đầy mười phương cõi,

Cùng suy chung so lường,

Chẳng lường được Phật trí.

Bực Duyên Giác trí lanh,

Vô lậu thân rốt sau,

Cũng đầy mười phương cõi,

Số đông như rừng tre,

Hạng này chung một lòng,

Trong vô lượng ức kiếp,

Muốn xét Phật thật trí,

Chẳng biết được chút phần.O


Bồ-tát mới phát tâm,

Cúng dường vô số Phật,

Rõ thấu các nghĩathú,

Lại hay khéo nói pháp,

Đông đầy mười phương cõi,

Như lúa, mè, tre, lau,

Một lòng dùng trí mầu,

Trải số kiếp hằng sa,

Thảy đều chung suy lường,

Chẳng biết được trí Phật.

Hàng Bất thối Bồ-tát,

Số đông như hằng sa,

Một lòng chung suy cầu,

Cũng lại chẳng hiểu được. O


5. Xá-lợi-phất phải biết,

Lời Phật nói không khác,

Với Pháp của Phật nói,

Nên sanh sức tin chắc,

Pháp của Phật thâm sâu,

Cần phải nói chơn thật.

Bảo các hàng Thanh Văn,

Cùng người cầu Duyên Giác,

Ta khiến cho thoát khổ,

Đến chúng đặng Niết-bàn,

Phật dùng sức phương tiện,

Dạy cho ba thừa giáo,

Chúng sanh nơi nơi chấp,

Đều độ họ thoát khỏi.O

*


6.Khi đó trong đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi vị Thanh Văn lậu tận A-la-hán, như ngài A-nhã Kiều-trần-như v.v.. và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cận sự nam cùng cận sự nữ, hạng người phát tâm Thanh Văn Duyên Giác, đều nghĩ rằng: “Hôm nay Đức Phật cớ chi lại ân cần ngợi khen phương tiện mà nói thế này: “Pháp của Phật chứng rất sâu khó hiểu, tất cả hàng Thanh Văn cùng Duyên Giác không thể đến được.” O


Đức Phật nói một nghĩa giải thoát, chúng ta cũng chứng được pháp đó đến nơi Niết-bàn, mà nay chẳng rõ nghĩa đó thế nào ?


7. Lúc ấy, ngài Xá-lợi-phất biết lòng nghi của bốn chúng, chính mình cũng chưa rõ, liền bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn ! Nhơn duyên gì mà Phật ân cần khen ngợi pháp phương tiện thứ nhứt nhiệm mầu rất sâu khó hiểu của các Đức Phật ? O


Con từ trước đến nay chưa từng nghe Phật nói đến điều đó, hôm nay bốn chúng thảy đều có lòng nghi. Cúi xin Đức Thế Tôn bày nói việc đó.


8. Khi đó Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất: Thôi thôi ! Chẳng nên nói nữa. Nếu nói việc đó tất cả trong đời, các trời các người đều sẽ kinh sợ nghi ngờ.” O


9. Ngài Xá-lợi-phất lại bạch Phật rằng: “Cúi xin Thế Tôn tuyên thuyết. Vì trong hội đây có vô số muôn nghìn trăm ức a-tăng-kỳ chúng sanh đã từng gặp các đức Phật, các căn nhanh lẹ, trí tuệ sáng suốt, được nghe Phật dạy chắc có thể kính tin.” O


10. Đức Phật lại ngăn Xá-lợi-phất “Nếu nói việc đó thì tất cả trong đời, trời người, A-tu-la đều sẽ kinh nghi, Tỳ-kheo tăng thượng mạn sẽ phải sa vào hầm lớn.”


Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:O


Đấng Vô thượng lưỡng túc,

Xin nói pháp đệ nhứt,

Con là trưởng tử Phật.

Xin thương phân biệt nói.

Vô lượng chúng hội đây,

Hay kính tin pháp này,

Đời đời Phật đã từng,

Giáo hóa chúng như thế,

Đều một lòng chắp tay,

Muốn nghe lãnh lời Phật.

Chúng con nghìn hai trăm,

Cùng hạng cầu Phật quả,

Nguyện Phật vì chúng con,

Tuyên thuyết phân biệt nói.

Chúng con nghe pháp ấy,

Thời sanh lòng vui mừng.O


11.Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo ngài Xá-lợi-phất: Ông đã ân cần ba phen thưa thỉnh, đâu đặng chẳng nói. Nay ông và đại chúng lóng nghe và khéo suy nghĩ, Như Lai sẽ phân biệt, giải bày.”O


12.Khi Đức Phật nói lời hứa khả, trong hội có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cận sự nam, cận sự nữ, cả thảy năm nghìn người liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui về. Vì những người này gốc tội sâu nặng và tăng thượng mạn, chưa đặng mà nói đã đặng, chưa chứng mà cho đã chứng, có lỗi dường ấy cho nên không ở lại. Đức Thế Tôn yên lặng không ngăn cản.

*


13.Bấy giờ, Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất: “Trong chúng ta đây không còn cành lá, chỉ toàn hột chắc. Này Xá-lợi-phất! Những người tăng thượng mạn như vậy lui về cũng là tốt. Nay ông và đại chúng nên khéo nghe, ta sẽ tuyên nói.” O


Ngài Xá-lợi-phất bạch rằng: “Vâng thưa Thế Tôn, chúng con nguyện ưa muốn nghe.”

*


14.Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất: “Pháp mầu như thế, các Đức Phật Như Lai đến khi đúng thời mới nói, như bông linh thoại đến mùa mới hiện một lần. Này Xá-lợi-phất! Các ông nên tin lời của Phật nói không hề hư vọng.O


15.Này Xá-lợi-phất! các Đức Phật theo thời nghi nói pháp, ý thú khó hiểu. Ta dùng vô số phương tiện, các món nhơn duyên, lời lẽ thí dụ, diễn nói các pháp.O


Pháp đó không phải là suy lường, phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các Đức Phật mới biết được thôi. Vì các Đức Phật Thế Tôn chỉ do một nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời. Đó là các Đức Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh mở tri kiến Phật, để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.    O

*


16.Này Xá-lợi-phất, các Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ-tát, những điều làm ra thường vì một việc: chỉ đem tri kiến Phật chỉ cho chúng sanh tỏ ngộ thôi.


Này Xá-lợi-phất! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sanh nói pháp, không có hai thừa hay ba thừa nào khác. Pháp của tất cả các đức Phật ở mười phương cũng như thế.O


Này Xá-lợi-phất! Thuở quá khứ các Đức Phật dùng vô lượng, vô số phương tiện, các món nhơn duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp. Vì pháp đó đều là một Phật thừa nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều chứng được “Nhứt thế chủng trí.” O


Này Xá-lợi-phất! Thuở vị lai, các Đức Phật sẽ ra đời cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, các món nhơn duyên, lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, chỉ vì giới thiệu một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo Phật nghe pháp rốt ráo đều chứng được “nhứt thế chủng trí.” O


Này Xá-lợi-phất! Hiện tại nay, trong vô lượng muôn nghìn trăm ức cõi Phật ở mười phương, các Đức Phật Thế Tôn làm nhiều điều lợi ích an vui cho chúng sanh. Các Đức Phật đó cũng dùng vô lượng, vô số phương tiện các món nhơn duyên, lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp, vì pháp đó đều là một Phật thừa, các chúng sanh ấy theo Phật nghe Phật rốt ráo đều đặng chứng “nhứt thế chủng trí.” O


Này Xá-lợi-phất! Các Đức Phật đó chỉ giáo hóa Bồ-tát, vì muốn mở cho chúng sanh tri kiến Phật, vì muốn trình bày cho chúng sanh tri kiến Phật, vì muốn giúp chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật, và vì muốn cho chúng sanh chứng được tri kiến Phật vậy.O


Này Xá-lợi-phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh có những điều ưa muốn, thâm tâm mê chấp, ta tùy theo bổn tánh họ dùng các món nhơn duyên, lời lẽ, thí dụ cùng sức phương tiện mà nói pháp cho họ để họ chứng đặng một Phật thừa: “nhứt thế chủng trí.” O


*

17.Này Xá-lợi-phất! Trong cõi nước ở mười phương còn không có hai thừa, hà huống có ba !


Này Xá-lợi-phất! Các Đức Phật hiện ra trong các đời ác năm trược, nghĩa là: kiếp trược, phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược và mạng trược. Như thế, Xá-lợi-phất, lúc kiếp loạn trược chúng sanh nhơ nặng, bỏn sẻn, tham lam, ghét ganh, trọn nên các căn chẳng lành cho nên các Đức Phật dùng sức phương tiện, chỉ có một Phật thừa, phân biệt nói thành ba.O


18. Này Xá-lợi-phất! Nếu đệ tử ta tự cho mình là A-la-hán cùng Duyên Giác mà không nghe không biết các việc của các Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ-tát, thời phải biết rằng họ chẳng phải A-la-hán, chẳng phải Duyên giác.O


Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni đó tự cho mình đã đặng A-la-hán, là thân rốt sau rốt ráo Niết-bàn, rồi không quyết chí cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên biết họ là những người tăng thượng mạn.


Này Xá-lợi-phất! Các ông nên một lòng tin hiểu thọ trì lời Như Lai dạy. Lời các Đức Như Lai nói không hư vọng, vốn không có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa thôi.

Nói xong, Đức Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng bài kệ rằng:O


*

19.Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,

Mang lòng tăng thượng mạn,

Cận sự nam ngã mạn,

Cận sự nữ chẳng tin,

Hàng bốn chúng như thế,

Số kia có năm nghìn,

Chẳng tự thấy lỗi mình,

Nơi giới có thiếu sót,

Tiếc giữ tội, quấy mình,

Trí nhỏ đó đã ra.

Hàng cám tấm trong chúng,

Không cam nổi phải đi.

Họ thật kém phước đức,

Chẳng kham lãnh pháp này,

Chúng nay không cành lá,

Chỉ có những hột chắc.O


20.Xá-lợi-phất khéo nghe !

Pháp của các Phật đặng,

Vô lượng sức phương tiện,

Mà vì chúng sanh nói.

Tâm của chúng sanh nghĩ,

Các món đạo ra làm,

Bao nhiêu những tánh dục,

Nghiệp lành dữ đời trước,

Phật biết hết thế rồi,

Dùng các duyên thí dụ,

Lời lẽ sức phương tiện,

Khiến tất cả vui mừng.O


Hoặc là nói Khế Kinh,

Cô Khởi cùng Bổn Sự

Bổn Sanh, Vị Tằng Hữu

Cũng nói những Nhơn Duyên

Thí Dụ và Trùng Tụng,

Luận Nghị, thảy chín kinh.

Căn độn ưa pháp nhỏ,

Tham chấp nơi sanh tử,

Nơi vô lượng Đức Phật,

Chẳng tu đạo sâu mầu,

Bị các khổ não loạn,

Vì đó nói Niết-bàn.

Ta bày phương tiện đó,

Khiến đều vào huệ Phật.O


Chưa từng nói các ông,

Sẽ đặng thành Phật đạo.

Sỡ dĩ chưa từng nói,

Vì giờ nói chưa đến.

Nay chính là đến giờ,

Quyết định nói Đại thừa.O


21. Chín bộ pháp của ta,

Thuận theo chúng sanh nói,

Vào Đại thừa làm gốc,

Nên mới nói kinh này.

Có Phật tử tâm tịnh,

Êm dịu cùng căn lợi,

Nơi vô lượng các Phật,

Mà tu đạo sâu mầu,

Vì hàng Phật tử này,

Nói kinh Đại thừa đây.

Ta ghi cho người đó,

Đời sau thành Phật đạo.O


Bởi thâm tâm niệm Phật,

Tu trì tịnh giới vậy,

Hạng này nghe thành Phật,

Rất mừng đầy khắp mình,

Phật rõ tâm tánh họ,

Nên giảng nói đại thừa.

Thanh Văn hoặc Bồ-tát,

Nghe ta nói pháp ấy,

Nhẫn đến một bai kệ,

Đều thành Phật không nghi.O


22. Trong cõi Phật mườiphương,

Chỉ có một thừa pháp,

Không hai cũng không ba,

Trừ Phật phương tiện nói,

Chỉ dùng danh tự giả,

Dắt dẫn các chúng sanh ,

Vì nói trí huệ Phật.

Các Phật ra nơi đời,

Chỉ một việc này thiệt,

Hai thứ chẳng phải chơn.O


Trọn chẳng đem tiểu thừa,

Mà tế độ chúng sanh,

Phật tử trụ đại thừa,

Như pháp của mình đặng,

Định, huệ, lực trang nghiêm,

Dùng đây độ chúng sanh.

Tự chứng đạo vô thượng,

Pháp bình đẳng đại thừa,

Nếu dùng tiểu thừa độ,

Nhẫn đến nơi một người ,

Thời ta đoạ xan tham,

Việc ấy tất không được.O


Nếu người tin vào Phật,

Như Lai chẳng dối gạt,

Cũng không lòng tham ganh,

Dứt ác trong các pháp,

Nên Phật ở mười phương,

Mà riêng không chỗ sợ.

Ta dùng tướng trang nghiêm,

Ánh sáng soi trong đời,

Đấng Thế Tôn vô lượng,

Vì nói thiệt tướng ấn.O


23.Xá-lợi-phất nên biết !

Ta vốn lập thệ nguyện

Muốn cho tất cả chúng,

Bằng như ta không khác.

Như ta xưa đã nguyện,

Nay đã đầy đủ rồi.

Độ tất cả chúng sanh ,

Đều khiến vào Phật đạo.

Nếu ra gặp chúng sanh,

Dùng Phật đạo dạy cả,

Kẻ vô trí rối sai,

Mê lầm không nhận lời.O


Ta rõ chúng sanh đó,

Chưa từng tu cội lành,

Chấp chặt nơi ngũ dục,

Vì si ái sanh khổ.

Bởi nhơn duyên ác dục,

Sa vào ba đường dữ,

Xoay lăn trong sáu nẻo,

Chịu đủ những khổ độc,

Thân mọn thọ bào thai,

Đời đời tăng trưởng luôn.

Người đức mỏng ít phước,

Các sự khổ bức ngặt,

Vào rừng rậm tà kiến,

Hoặc chấp có chấp không,

Nương gá các chấp này,

Đầy đủ sáu mươi hai,

Chấp chặt pháp hư vọng,

Bảo thủ không bỏ đặng.

Ngã mạn tự khoe cao,

Dua nịnh lòng không thiệt,

Trong nghìn muôn ức kiếp,

Chẳng nghe danh tự Phật.

Cũng chẳng nghe chánh pháp,

Người như thế khó độ.O


24. Cho nên Xá-lợi-phất !

Ta vì bày phương tiện,

Nói các đạo dứt khổ,

Chỉ cho đó Niết-bàn.

Ta dầu nói Niết-bàn,

Cũng chẳng phải thiệt diệt,

Các pháp từ xưa nay,

Tướng thường tự vắng lặng,

Phật tử hành đạo rồi,

Đời sau đặng thành Phật.

Ta có sức phương tiện,

Mở bày khắp ba thừa.O


Tất cả các Thế Tôn,

Dầu nói đạo nhứt thừa,

Nay trong đại chúng này,

Đều nên trừ nghi lầm,

Lời Phật nói không khác,

Chỉ một, không hai thừa.O


25. Vô số kiếp đã qua,

Vô lượng Phật diệt độ,

Trăm nghìn muôn ức Phật,

Số nhiều không lường được.

Các Thế Tôn như thế,

Các món duyên thí dụ,

Vô số ức phương tiện,

Diễn nói các pháp tướng.

Các Đức Thế Tôn đó,

Đều nói pháp nhứt thừa,

Độ vô lượng chúng sanh ,

Khiến vào nơi Phật đạo.

Lại các đại thánh chúa,

Biết tất cả thế gian,

Trời người loài chúng sanh ,

Thâm tâm chỗ ưa muốn,

Bèn dùng phương tiện khác,

Giúp bày nghĩa đệ nhứt.O


26. Nếu có loài chúng sanh ,

Gặp các Phật quá khứ,

Hoặc nghe pháp bố thí,

Hoặc trì giới, nhẫn nhục,

Tinh tấn, thiền, trí thảy,

Các món tu phước huệ,

Những người như thế đó,

Đều trọn thành Phật đạo.

Sau các Phật diệt độ,

Nếu người lòng lành dịu,

Các chúng sanh như thế,

Đều trọn thành Phật đạo.O


27. Các đức Phật độ rồi,

Người cúng dường Xá-lợi,

Dựng muôn ức thứ tháp,

Vàng, bạc và pha lê,

Xà cừ cùng mã não,

Ngọc mai khôi, lưu ly,

Thanh tịnh rộng nghiêm sức,

Trau dồi nơi các tháp,

Hoặc có dựng miếu đá,

Chiên đàn và trầm thủy,

Gỗ mật cùng gỗ khác,

Gạch ngói bùn đất thảy,

Hoặc ở trong đồng trống,

Chứa đất thành miễu Phật,

Nhẫn đến đồng tử giỡn,

Nhóm cát thành tháp Phật,

Những hạng người như thế,

Đều trọn thành Phật đạo.O


28. Nếu như người vì Phật,

Xây dựng các hình tượng,

Chạm trổ thành các tướng,

Đều trọn thành Phật đạo.

Hoặc dùng bảy báu làm,

Thau đồng bạch, đồng đỏ,

Chất nhôm cùng chì kẽm,

Sắt gỗ cùng với bùn,

Hoặc dùng keo, sơn, vải,

Nghiêm sức làm tượng Phật,

Những người như thế đó,

Đều trọn thành Phật đạo.

Vẽ vời làm tượng Phật,

Trăm tướng phước trang nghiêm,

Tự làm hoặc bảo người ,

Đều trọn thành Phật đạo.O


Nhẫn đến đồng tử giỡn,

Hoặc cỏ cây và bút,

Hoặc lấy móng tay mình,

Mà vẽ làm tượng Phật,

Những hạng người như thế,

Lần lần chứa công đức,

Đầy đủ tâm đại bi,

Đều trọn thành Phật đạo.

Chỉ dạy các Bồ-tát ,

Độ thoát vô lượng chúng.O


29. Nếu người nơi tháp miếu,

Tượng báu và tượng vẽ,

Dùng hoa hương, phan, lọng,

Lòng kính mà cúng dường,

Hoặc khiến người trổi nhạc,

Đánh trống, thổi sừng ốc,

Tiêu địch, cầm không hầu,

Tỳ-bà, chụp chả đồng,

Các tiếng hay như thế,

Đem dùng cúng dường hết,

Hoặc người lòng vui mừng,

Ca ngâm khen đức Phật,

Nhẫn đến một tiếng nhỏ,

Đều trọn thành Phật đạo.O


30. Nếu người lòng tán loạn,

Nhẫn đến dùng một bông,

Cúng dườngnơi tượng vẽ,

Lần thấy các đức Phật,

Hoặc có người lễ lạy,

Hoặc lạy chỉ chắp tay,

Nhẫn đến giơ một tay,

Hoặc lạy hơi cúi đầu,

Dùng đây cúng dường tượng,

Lần ấy vô lượng Phật,

Từ thành đạo vô thượng,

Rộng độ chúng vô số,

Vào vô dư Niết-bàn,

Như củi hết lửa tắt.O


Nếu người lòng tán loạn,

Vào nơi trong tháp miếu,

Một xưng nam-mô Phật,

Đều trọn thành Phật đạo.

Nơi các Phật quá khứ,

Tại thế hoặc diệt độ,

Có người nghe pháp này,

Đều trọn thành Phật đạo.     O


31. Các Phật vốn thệ nguyện,

Ta tu hành Phật đạo,

Khắp muốn cho chúng sanh,

Cũng đồng đẳng đạo này.

Các Phật đời vị lai,

Dầu nói trăm nghìn ức,

Vô số các pháp môn,

Kỳ thiệt vì nhứt thừa.

Các Phật Lưỡng Túc Tôn,

Biết pháp thường không tánh,

Giống Phật theo duyên sanh,

Cho nên nói nhứt thừa.

Pháp đó trụ ngôi pháp,

Tướng thế gian thường còn,

Nơi đạo tràng biết rồi,

Đức Phật phương tiện nói.

Hiện tại mười phương Phật,

Của trời người cúng dường,

Số nhiều như hằng sa,

Hiện ra nơi thế gian,

Vì an ổn chúng sanh ,

Cũng nói pháp như thế.O


Biết vắng bặt thứ nhứt,

Bởi dùng sức phương tiện,

Dầu bày các món đạo,

Kỳ thiệt vì Phật thừa.

Biết các hạng chúng sanh ,

Thâm tâm luôn nghĩ nhớ,

Nghiệp quen từ quá khứ.

Tánh dục, sức tinh tấn,

Và các căn lợi độn,

Dùng các món nhơn duyên,

Thí dụ cùng lời lẽ,

Tuỳ cơ, phương tiện nói.O


32.Ta nay cũng như vậy,

Vì an ổn chúng sanh ,

Dùng các món Pháp môn,

Rao bày nơi Phật đạo,

Ta dùng sức trí huệ,

Rõ tánh dục chúng sanh ,

Phương tiện nói các pháp,

Đều khiến đặng vui mừng.O


Xá-lợi-phất nên biết !

Ta dùng mắt Phật xem,

Thấy sáu đường chúng sanh,

Nghèo cùng không phước huệ,

Vào đường hiểm sanh tử,

Khổ nối luôn không dứt.

Sâu thâm nơi ngũ dục,

Như trâu “mao” mến đuôi,

Do thamái tự che,

Đui mù không thấy biết,

Chẳng cầu Phật thế lớn,

Cùng pháp dứt sự khổ.

Sâu vào các tà kiến,

Lấy khổ muốn bỏ khổ,

Phật vì chúng sanh này,

Mà sanh lòng đại bi.O


33. Xưa, ta ngồi đạo tràng,

Xem cây cùng kinh hành,

Trong hai mươi mốt ngày,

Suy nghĩ việc như vầy:

Trí huệ của ta đặng,

Vi diệu rất thứ nhứt,

Chúng sanh các căn chậm,

Tham vui si và mù,

Các hạng người như thế,

Làm sao mà độ đặng?O


Bấy giờ các Phạm Vương,

Cùng các trời Đế -thích,

Bốn Thiên Vương hộ đời,

Và các Đại Tự Tại,

Cùng các thiên chúng khác ,

Trăm nghìn ức quyến thuộc,

Chấp tay cung kính lễ,

Thỉnh Ta chuyển pháp luân.

Ta liền tự suy nghĩ,

Nếu chỉ khen Phật thừa,

Chúng sanh chìm nơi khổ,

Không thể tin pháp đó.

Do phá pháp không tin,

Rớt trong ba đường dữ.

Ta thà không nói pháp,

Mau vào cõi Niết-bàn.

Liền nhớ Phật quá khứ,

Thực hành sức phương tiện,

Ta nay chứng đặng đạo,

Cũng nên nói ba thừa.O


34.Lúc ta nghĩ thế đó,

Mười phương Phật đều hiện,

Tiếng phạm an ủi ta,

Hay thay ! Đức Thích-ca,

Bực Đạo Sư số một,

Đặng pháp vô thượng ấy,

Tùy theo tất cả Phật,

Mà dùng sức phương tiện.

Chúng ta cũng đều đặng,

Pháp tối diệu thứ nhứt,

Vì các loại chúng sanh,

Phân biệt nói ba thừa.

Trí kém ưa pháp nhỏ,

Chẳng tự tin thành Phật,

Cho nên dùng phương tiện,

Phân biệt nói các quả,

Dầu lại nói ba thừa,

Chỉ vì dạy Bồ-tát.O


35.Xá-lợi-phất nên biết !

Ta nghe các Đức Phật,

Tiếng nhiệm mầu rất sạch,

Xưng: “Nam-mô chư Phật” !

Ta lại nghĩ thế này,

Ta ra đời trược ác,

Như các Phật đã nói,

Ta cũng thuận làm theo,

Suy nghĩ việc đó rồi,

Liền đến Ba-la-nại.

Các pháp tướng tịch diệt,

Không thể dùng lời bày,

Bèn dùng sức phương tiện,

Vì năm Tỳ-kheo nói.

Đó gọi "Chuyển pháp luân",

Bèn có tiếng Niết-bàn,

Cùng với A-la-hán,

Tên Pháp, Tăng sai khác.O


Từ kiếp xa nhẫn lại,

Khen bày pháp Niết-bàn,

Dứt hẳn khổ sống chết,

Ta thường nói như thế.O


36.Xá-lợi-phất phải biết !

Ta thấy các Phật tử,

Chí quyết cầu Phật đạo,

Vô lượng nghìn muôn ức,

Đều dùng lòng cung kính,

Đồng đi đến chỗ Phật,

Từng đã theo các Phật,

Nghe nói pháp phương tiện,

Ta liền nghĩ thế này:

Sở dĩ Phật ra đời,

Để vì nói Phật huệ,

Nay chính đã đúng giờ.O


37.Xá-lợi-phất phải biết !

Người căn chậm trí nhỏ,

Kẻ chấp tướng kiêu mạn,

Chẳng thể tin pháp này.

Nay ta vui vô úy,

Ở trong hàng Bồ-tát ,

Chính bỏ ngay phương tiện,

Chỉ nói đạo vô thượng.

Bồ-tát nghe pháp đó,

Đều đã trừ lưới nghi,

Nghìn hai trăm La-hán,

Cũng đều sẽ thành Phật.

Như nghi thức nói pháp,

Của các Phật ba đời,

Ta nay cũng như vậy,

Nói pháp không phân biệt.

Các Đức Phật ra đời,

Lâu xa khó gặp gỡ,

Nói pháp này khó hơn.

Vô lượng vô số kiếp,

Nghe pháp này cũng khó,

Hay nghe được pháp này,

Người đó cũng lại khó.

Thí như hoa Linh Thoại,

Tất cả đều ưa mến,

Ít có trong trời, người ,

Lâu lâu một lần trổ.O


38. Người nghe pháp mừng khen,

Nhẫn đến nói một lời,

Thời là đã cúng dường,

Tất cả Phật ba đời,

Người đó rất ít có,

Hơn cả hoa Ưu-đàm.

Các ông chớ có nghi,

Ta là vua các pháp.

Khắp bảo các đại chúng,

Chỉ dùng đạo nhứt thừa.

Dạy bảo các Bồ-tát ,

Không Thanh Văn đệ tử.O


39.Xá-lợi-phất các ông !

Thanh Văn và Bồ-tát,

Phải biết pháp mầu này,

Bí yếu của các Phật.

Bởi đời ác năm trược,

Chỉ tham ưa các dục,

Những chúng sanh như thế,

Trọn không thể cầu đạo.

Người ác đời sẽ tới,

Nghe Phật nói nhứt thừa,

Mê lầm không tin nhận,

Phá pháp, đọa đường dữ.

Người tàm quý trong sạch,

Quyết chí cầu Phật đạo,

Nên vì những người ấy.

Rộng khen đạo nhứt thừa.O


Xá-lợi-phất nên biết !

Pháp các Phật như thế.

Dùng muôn ức phương tiện.

Tuỳ thời nghi nói pháp.

Người chẳng học tập tu.

Không hiểu đặng pháp này.

Các ông đã biết rõ.

Phật là thầy trong đời.

Việc phương tiện tùy nghi.

Không còn lại nghi lầm.

Lòng sanh rất vui mừng.

Tự biết sẽ thành Phật.         O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Ý Nghĩa Bát-nhã

Thứ bốn mươi bốn

Một bữa nọ, nhân Vi Sử Quân thưa hỏi, Lục Tổ Huệ Năng lên tòa bảo đại chúng rằng: “Cần phải tĩnh tâm niệm Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.”Này Thiện tri thức, trí Bồ-đề Bát-nhã của chúng sanh vốn tự có, chỉ vì tâm mê chẳng thể tự ngộ, phải nhờ các bậc thiện tri thức, khai thị dẫn dắt, để đi đến kiến tánh. Phải biết Phật tánh của kẻ ngu và người trí vốn chẳng khác nhau, chỉ vì mê ngộ chẳng đồng, nên mới có kẻ ngu người trí. Nay ta thuyết pháp đại Bát-nhã Ba-la-mật, giúp cho mọi người đều được trí huệ, hãy chú tâm lắng nghe.    O


***

Thiện tri thức, người đời suốt ngày miệng niệm Bát-nhã, chẳng nhận được tự tánh Bát-nhã, cũng như nói ăn mà chẳng no, miệng chỉ thuyết không, muôn kiếp chẳng được kiến tánh, rốt cuộc vô ích.


Thiện tri thức, Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là tiếng Phạn, có nghĩa là "trí huệ lớn đến bờ bên kia", cần phải tâm hành, chẳng ở miệng niệm, miệng niệm tâm chẳng hành, thì cũng như huyễn hóa. Miệng niệm tâm hành thì tâm và miệng tương ứng. Bản tánh là Phật, lìa tánh chẳng có Phật.O


***

1. Sao gọi là Ma-ha? Ma-ha là đại, tâm lượng quảng đại như hư không, chẳng có biên giới,cũng chẳng vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải vuông tròn xanh vàng đỏ trắng, cũng chẳng trên dưới dài ngắn, cũng chẳng giận chẳng vui. Chẳng phải chẳng quấy, chẳng thiện chẳng ác, chẳng đầu chẳng đuôi.


Các cõi Phật đều đồng như hư không, diệu tánh con người vốn không, chẳng có một pháp có thể đắc, tự tánh chơn không cũng như thế.


Thiện tri thức, chớ nên nghe ta nói “không” mà liền chấp “không”. Trước nhất chớ chấp “không,” nếu để tâm “không” tĩnh tọa là lọt vào “vô ký không.”O


Thiện tri thức, thế giới hư không bao hàm sắc tướng vạn vật, mặt trời mặt trăng, núi sông đất đai, cây cối, biển lớn, kẻ dữ người lành, pháp ác pháp thiện, thiên đàng địa ngục, tất cả đều ở trong hư không, “tánh không” của con người cũng vậy.O


Thiện tri thức, tự tánh hay bao hàm muôn pháp là “lớn,” muôn pháp ở trong tự tánh của con người. Nếu thấy điều dữ điều lành của người, tất cả đều chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng chấp chẳng nhiễm, tâm như hư không gọi là “lớn.”


Thiện tri thức, kẻ mê miệng nói, người trí tâm hành. Lại có kẻ mê để tâm “không” mà tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ, tự xưng là đại, với bọn người này không thể nói gì được, vì họ bị rơi vào tà kiến. O


2. -Thiện tri thức, tâm lượng quảng đại cùng khắp pháp giới, dùng thì liễu liễu rõ ràng, ứng dụng liền biết tất cả. Tất cả tức một, một tức tất cả, tới lui tự do, tâm thể vô ngại tức là Bát-nhã.


Thiện tri thức, tất cả trí Bát-nhã, đều từ tự tánh mà sanh, chẳng từ bên ngoài vào, chớ lầm dùng ý thức, gọi là chơn tánh tự dụng.


Nhất chơn nhất thiết chơn, tâm lượng là việc lớn, chẳng nên hành đạo nhỏ, miệng chớ trọn ngày nói “không” mà trong tâm chẳng tu hạnh này, giống như thường dân tự xưng là vua thì không được, hạng người này chẳng phải đệ tử của ta.


Thiện tri thức, sao gọi là Bát-nhã? Bát-nhã có nghĩa là trí huệ. Bất cứ nơi nào lúc nào, niệm niệm chẳng ngu muội, tức chẳng chấp thật, thường hành đúng trí huệ, tức là hạnh Bát-nhã. Một niệm ngu muội thì Bát-nhã dứt, một niệm trí huệ thì Bát-nhã sanh. Con người ngu mê chẳng thấy Bát-nhã, miệng nói Bát-nhã mà trong tâm thường ngu muội, tự nói ta tu Bát-nhã, niệm niệm nói “không” mà chẳng biết “chơn không.” Bát-nhã không hình tướng, ấy là tâm trí huệ, nếu hiểu thấu như thế gọi là “Trí Bát-nhã.”O


3.-Sao gọi là Ba-la-mật? Ba-la-mật là tiếng Ấn Độ, có nghĩa là “đến bờ bên kia,” nghĩa là lìa sanh diệt. Chấp cảnh thì sanh diệt dấy lên như nước nổi làn sóng, tức gọi bờ bên này, lìa cảnh thì chẳng sanh diệt như nước chảy im lìm, tức là bờ bên kia nên gọi là ba-la-mật.


Thiện tri thức, kẻ mê miệng niệm, đang trong lúc niệm có vọng có sai, niệm niệm đều hành, gọi là chơn tánh. Kẻ ngộ pháp này là pháp Bát-nhã, kẻ tu hạnh này là hạnh Bát-nhã, chẳng tu tức là phàm phu, một niệm tu hành, tự thân bằng Phật.O


Thiện tri thức, phàm phu tức Phật, phiền não tức bồ-đề; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức bồ-đề. Thiện tri thức! Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật tối cao, tối thượng, tối đệ nhất, không trụ không đi cũng không đến, ba đời các Đức Phật từ đó mà sanh ra. Cần phải dùng đại trí tuệ phá năm uẩn phiền não trần lao, tu hành như thế, nhất định thành Phật, đổi ba độc thành giới định huệ.           O


Thiện tri thức, pháp môn này từ một Bát-nhã mà sanh ra tám mươi bốn ngàn trí huệ. Tại sao vậy? Vì con người có tám mươi bốn ngàn trần lao, nếu không có trần lao thì trí huệ luôn luôn thể hiện, chẳng lìa tự tánh. Người ngộ pháp này tức là vô niệm, vô ức, vô nhiễm trước, chẳng khởi cuồng vọng. Đối với tất cả pháp, dùng trí huệ của chơn như tự tánh chiếu soi, chẳng lấy chẳng bỏ, tức là “thấy tánh thành Phật.”O


Thiện tri thức, muốn đi vào pháp giới thâm sâu vào Bát-nhã, Tam-muội, phải tu hạnh Bát-nhã, thực hành theo Kinh Kim Cangthì sẽ được “kiến tánh.” Phải biết cái công đức của kinh này vô lượng vô biên, trong kinh rõ ràng tán thán, chẳng thể kể xiết. Pháp môn này là tối thượng thừa, vì người đại trí mà thuyết, kẻ căn khí nhỏ nghe được khó tin. Tại sao vậy? Ví như trận mưa bão lụt, thành thị nông thôn đều bị cuốn trôi như cỏ lá, nếu mưa bão trong biển lớn thì chẳng thêm chẳng bớt; như người thượng thừa, người tối thượng thừa nghe được Kinh Kim Cang, tâm liền khai ngộ. Nên biết tự tánh vốn có cái trí Bát-nhã, trí huệ tự tánh thường chiếu soi nên chẳng nhờ văn tự, ví như nước mưa chẳng do trời có mà do khí trời làm nên, khiến cho tất cả chúng-sanh, tất cả cây cối, hữu tình vô tình đều được thấm nhuần, tất cả sông ngòi đều chảy về biển lớn, hợp thành nhất thể. Cái trí tự tánh Bát-nhã của chúng sanh cũng vậy.O


Thiện tri thức, kẻ tiểu căn nghe được pháp môn đốn giáo này, cũng như cây cỏ mà gặp mưa bão, đều tự gãy đổ chẳng sanh trưởng được, kẻ tiểu căn thì cũng như vậy: họ vốn có cái trí bát-nhã, đồng với người đại trí, chẳng có khác biệt, tại sao nghe pháp mà chẳng được tự ngộ? Đó là do tà kiến chướng nặng, phiền não sâu dày, cũng như mây lớn che khuất mặt trời, chẳng được gió thổi nên chẳng hiện ánh sáng.           O


Trí Bát-nhã vốn chẳng lớn nhỏ, chỉ vì tất cả chúng sanh tự tâm mê ngộ chẳng đồng, tâm mê tu hành hướng ngoại tìm Phật thì chưa ngộ tự tánh, tức là tiểu căn. Nếu khai ngộ đốn giáo, chẳng chấp lấy hình tướng bên ngoài, chỉ ở trong tự tâm thường khởi chánh kiến, phiền não trần lao thường chẳng ô nhiễm, tức là kiến tánh.O


Thiện tri thức, trong ngoài chẳng trụ, đi lại tự do, nếu trừ được chấp tâm thì thông đạt vô ngại. Nếu tu được hạnh này, với kinh Bát-nhã, vốn chẳng sai biệt. Thiện tri thức, tất cả kinh điển và văn tự, Đại thừa hay Tiểu thừa, mười hai thể loại kinh đều do người đặt ra, vì có tánh trí huệ mới được kiến lập; nếu chẳng có con người thì vạn pháp vốn chẳng tự có. Nên biết vạn pháp vốn do tâm người kiến tạo, tất cả kinh sách đều vì con người mà nói. Vì trong con người có kẻ ngu người trí, ngu là tiểu nhơn, trí là đại nhơn, kẻ hỏi pháp với người trí, người trí thuyết pháp cho kẻ ngu, kẻ ngu đốn ngộ tự tâm thì chẳng khác với người trí vậy. O


Thiện tri thức, khi chưa ngộ thì Phật tức chúng sanh, lúc một niệm khai ngộ, chúng sanh tức Phật. Nên biết vạn pháp đều ở nơi tự tâm, vậy sao chẳng ở trong tự tâm tự chóng thấy chơn như bản tánh? Kinh Phạm Võngnói: “Tự tánh vốn thanh tịnh, nếu nhận được tự tâm, thấy được bản tánh, tức thành Phật đạo.” Kinh Duy-ma-cậtnói: “Ngay lúc đó hoát nhiên đốn ngộ, liền được bổn tâm.”Thiện tri thức, ta ở nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn vừa nghe câu nói liền ngộ, bỗng thấy chơn như bản tánh cho nên hoằng dương giáo pháp này, khiến hành giả đốn ngộ bồ-đề, mọi người tự thấy bổn tâm, tự kiến bản tánh, nếu chẳng tự ngộ, phải tìm người đã khai ngộ pháp tối thượng thừa, chỉ ngay đường lối chánh pháp, vì thiện tri thức có nhân duyên lớn giáo hóa dẫn dắt, khiến hành giả được kiến tánh, tất cả thiện pháp đều do thiện tri thức mà kiến lập. O


Ba đời các Đức Phật, mười hai thể loại kinh ở trong tự tánh vốn đã đầy đủ, vì tự ngộ chẳng được, nên phải nhờ thiện tri thức chỉ ra mới thấy, kẻ tự ngộ thì chẳng phải nhờ đến người khác. Nếu cố chấp rằng phải luôn luôn ỷ lại thiện tri thức mới mong được giải thoát thì không bao giờ được. Tại sao vậy? Vì ở trong tự tâm thì có sẵn tri thức tự ngộ, nếu khởi tà kiến mê chấp vọng tưởng điên đảo, dẫu cho gặp thiện tri thức dạy bảo cũng chẳng cứu được. Nếu khởi chơn chánh Bát-nhã, tham cứu, trong sạch sát-na vọng tưởng đều tiêu, nhận được tự tánh, vượt đến Phật địa.      O


Thiện tri thức, dùng trí huệ chiếu soi, trong ngoài sáng tỏ rõ ràng thì nhận được bổn tâm. Nếu nhận được bổn tâm tức vốn là giải thoát, được giải thoát tức là Bát-nhã, tam-muội hay vô niệm. Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp tâm không nhiễm trước gọi là vô niệm, dùng thì khắp nơi, cũng chẳng dính mắc ở khắp nơi, hễ sạch được bổn tâm, khiến sáu giác quan khi tiếp xúc với sáu đối tượng của chúng mà chẳng nhiễm chẳng trước, đi lại tự do, ứng dụng vô ngại tức là Bát-nhã, Tam-muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh vô niệm. Chứ chẳng phải như người lầm tưởng cho là “trăm điều chẳng nghĩ, chỉ cho niệm tuyệt”, ấy là pháp trói buộc, tức là biên kiến.O


Thiện tri thức, kẻ ngộ pháp vô niệm thông đạt vạn pháp, ngộ pháp vô niệm thấy được cảnh giới chư Phật, ngộ pháp vô niệm được đến địa vị Phật.


Thiện tri thức, nếu người đời sau ngộ được pháp này, đem pháp môn đốn giáo này cùng tu với những người đồng một chánh kiến, chánh hạnh phát nguyện như cúng dường Phật mà suốt đời chẳng thối lui, người ấy nhất định được vào hàng Thánh. Nhưng phải truyền thọ, từ trước đến nay các Tổ đều mật truyền tâm ấn, chẳng được giấu giếm chánh Pháp. Nếu chẳng phải đồng môn chánh kiến, chánh hạnh, là người đã ở trong pháp khác thì chẳng được truyền thọ, vì sợ kẻ ngu chẳng hiểu, lại sanh tâm phỉ báng pháp môn này, phá hoại truyền thống chánh pháp của Cổ Đức, làm cho muôn ngàn kiếp sau đoạn dứt giống Phật, cuối cùng vô ích. O


Thiện tri thức, nay ta có một bài kệ “Vô tướng” mọi người hãy tự giữ lấy, không kể xuất gia, tại gia, nên y theo bài tụng mà tu hành, nếu chẳng tự tu mà ghi nhớ lời ta cũng chẳng ích lợi gì. Bài kệ như sau:     O


Thuyết thông và tâm thông,

Như mặt trời giữa không,

Chỉ truyền pháp kiến tánh,

Hoằng pháp phá tà tông.

Pháp vốn chẳng đốn tiệm,

Mê ngộ có nhanh chậm,

Pháp môn kiến tánh này,

Kẻ ngu chẳng thể biết. O


Thuyết tuy muôn ngàn lối,

Đúng lý chỉ là một,

Nhà phiền não đen tối,

Thường nên sanh huệ nhựt,

Tà khởi, phiền não tới,

Chánh đến, phiền não trừ,

Tà chánh đều chẳng chấp,

Thanh tịnh đến cùng tột.

Tự tánh vốn bồ-đề,

Khởi tâm tức là vọng,

Tịnh tâm ở trong vọng,

Niệm tánh chẳng tam chướng,

Người đời muốn tu đạo,

Tất cả đều chẳng ngại,

Thường tự thấy lỗi mình,

Thì sẽ hợp với đạo.      O


Muôn loài tự có đạo,

Mỗi mỗi chẳng ngại nhau,

Đi tìm đạo ngoài tâm,

Suốt đời chẳng thấy đạo.

Bôn ba qua một đời,

Sau cùng tự áo não.

Muốn được thấy chơn đạo,

Hạnh chánh tức là đạo,

Nếu tự chẳng đạo tâm,

Đen tối chẳng thấy đạo.           O


Nếu là người chơn tu,

Chẳng nhìn lỗi thế gian,

Nếu vạch lỗi của người,

Trái lại thành tự quấy.

Người quấy ta chẳng quấy,

Thấy quấy thành tự lỗi.

Hễ bỏ tâm chấp quấy,

Phiền não tự tan rã.      O


Thương ghét chẳng quan tâm,

Duỗi thẳng hai chân nằm.

Muốn hóa độ chúng sanh,

Tự phải có phương tiện,

Khiến họ hết nghi ngờ,

Tức là tự tánh hiện.

Pháp Phật ở thế gian,

Chẳng rời thế gian ngộ,

Bỏ đời tìm bồ-đề,

Khác nào tìm sừng thỏ.O


Chánh kiến gọi xuất thế,

Tà kiến gọi thế gian,

Tà chánh đều quét sạch,

Tánh Bồ-đề rõ ràng.

Kệ này là đốn giáo,

Cũng gọi thuyền pháp lớn.

Lúc mê tu nhiều kiếp,

Ngộ chỉ một sát-na.      O


Lục Tổ lại nói: “Nay ta thuyết pháp đốn giáo này, nguyện cho pháp giới chúng sanh đều thấy tánh thành Phật.” Lúc ấy Vi Sử Quân và tất cả quan chức, đạo tục, nghe Lục Tổ thuyết pháp đều được tỉnh ngộ, đảnh lễ tán thán rằng: “Lành thay, đâu ngờ xứ Lãnh Nam lại có Phật ra đời.”O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO


--- o0o ---

Kinh Trí Tuệ Kim Cương

Thứ bốn mươi lăm


Đây là những điều tôi được nghe hồi Đức Phật ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc ở gần thành Xá-vệ, với đại chúng Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Hôm ấy vào giờ khất thực, Đức Phật mặc áo và ôm bát đi vào thành Xá-vệ. Trong thành, Người tuần tự đi khất thực. Khất thực xong, Người xếp y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi. O

Lúc ấy, tôn giả Tu-bồ-đề đứng dậy, trịch áo vai bên phải, chắp tay cung kính bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, Ngài thật là bậc hiếm có ! Thế Tôn thường đặc biệt giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn, các thiện nam tín nữ nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm thế nào để điều phục tâm của họ ?” O

Đức Phật dạy rằng: “Hay lắm, nầy Tu-bồ-đề! Ông nói thật đúng, Như Lai thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ-tát. Này Tu-bồ-đề, hãy lắng nghe cho kỹ. Như Lai sẽ vì ông mà trả lời. Những người con trai hiền hay những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì phải nương tựa và phải điều phục tâm của họ như thế này.”

Tôn giả Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, chúng con rất mong muốn nghe Thầy chỉ dạy.” O

***

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Các bậc Bồ-tát nên hàng phục tâm họ như sau. Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc bằng sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta phải cứu giúp tất cả các loài đó đạt được Niết-bàn tuyệt đối để họ được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng vô biên chúng sanh như thế mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, nếu có một vị Bồ-tát mà còn có khái niệm về “ngã,” về “nhân,” về “chúng sanh”, về “thọ giả” thì vị ấy không phải là một vị Bồ-tát đích thực. O

***

Này Tu-bồ-đề, vị Bồ-tát thực hiện phép bố thí nhưng không trụ vào bất cứ một thứ gì cả, nghĩa là không trụ vào sắc để bố-thí, cũng không trụ vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố-thí. Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không trụ vào tướng. Tại sao? Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Không gian về phía Đông có thể nghĩ lường được không ?” O

- Bạch Đức Thế Tôn, không.

- Này Tu-bồ-đề, không gian về phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên và phương Dưới có thể nghĩ và lường được hay không ?

- Bạch Đức Thế Tôn, không.

- Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát không trụ vào đâu cả để thực hiện pháp bố thí thì phước đức cũng nhiều như hư không vậy, không thể nghĩ được, không thể lường được. Này Tu-bồ-đề, các vị Bồ-tát nên trú tâm theo những lời chỉ dẫn vừa đưa ra. O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lường gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai.”O

***

Tu-bồ-đề thưa với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, trong tương lai, nếu nghe những câu nói như thế người ta có thể phát sinh lòng tin chân thật hay không ?” O

Đức Phật bảo: “Ông đừng nói thế. Năm trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, sẽ có những người biết giữ giới và tu phước; những người đó khi nghe được những lời này thì có thể phát sinh lòng tin và nhận ra đó là sự thật. Ta nên biết rằng những người ấy sẽ gieo trồng những hạt giống tốt không phải ở nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật mà thật đã gieo trồng những hạt giống lành ở nơi vô lượng ngàn muôn Đức Phật. Người nào chỉ trong một giây phút thôi, phát sinh được niềm tin thanh tịnh khi nghe những lời những câu ấy, thấy được người ấy, thì Như Lai tất nhiên biết được người ấy, thấy được người ấy thì người ấy sẽ đạt được vô lượng phước đức như thế. Vì sao? Vì những người như thế không còn kẹt vào những khái niệm về “ngã,” về “nhân,” về “chúng sanh,” về “thọ giả” về pháp, về không phải pháp, về tướng, về không phải tướng. Vì sao? Nếu còn chấp vào ý niệm pháp hay không phải pháp, thì còn kẹt vào tướng “ngã,” “nhân,” “chúng sanh,” và “thọ giả.” Thế cho nên, đã không nên chấp vào pháp mà cũng không nên chấp vào không phải pháp. Vì vậy mà Như Lai đã mật ý nói: này các hành giả nên biết rằng pháp Như Lai nói được ví dụ như chiếc bè. Chánh pháp còn nên bỏ, huống là không phải chánh pháp. O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, Như Lai có đắc pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác không? Như Lai có pháp gì để tuyên thuyết hay không?

Tu-bồ-đề thưa: “Theo con hiểu điều Phật dạy thì chẳng có một pháp gì riêng biệt được Như Lai tuyên thuyết. Vì sao? Vì những pháp mà Như Lai đã chứng và đã nói thì không thể chấp thật được, cũng không thể diễn tả được. Đó không phải là pháp. Vì sao? Vì tất cả các bậc hiền thánh đều do pháp vô vi mà trở nên khác người.” O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy thứ châu báu nhiều cho đến nỗi chứa đầy cả thế giới tam thiên đại thiên này để bố thí, thì người ấy có phước đức nhiều hay không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều.

- Vì sao?

- Bạch Đức Thế Tôn, vì phước đức ấy trong tự thân chẳng phải là phước đức nên Như Lai mới nói là phước đức nhiều.”O

- Nếu có người tiếp nhận và hành trì kinh này dù chỉ một bài kệ bốn câu trong kinh thôi rồi đem giảng cho người khác nghe thì phước đức của người này có lớn hơn phước đức của người kia không? Tại sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả các Đức Phật và pháp vôthượng chánh đẳng chánh giác của các Đức Phật đều xuất phát từ kinh này. Này Tu-bồ-đề, cái gọi là pháp Phật, cái đó chính là cái không phải pháp Phật. O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Một vị Tu-đà-hoàn có nghĩ rằng: Ta đã đắc quả Tu-đà-hoàn không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, không. Vì sao? Tu-đà-hoàn có nghĩa là đi vào dòng mà thật ra không có dòng nào để đi vào cả. Không đi vào dòng sắc, cũng không đi vào dòng thanh, hương, vị xúc và pháp. Vì vậy cho nên gọi là “đi vào dòng.”O

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Một vị Tư-đà-hàm có nghĩa là một đi, một trở lại mà thật ra không có sự đi cũng không có sự trở lại. Vì vậy cho nên gọi là Tư-đà-hàm.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Một vị A-na-hàm có nghĩ rằng: “Ta đã đắc quả A-na-hàm không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn không. Vì sao? Vì A-na-hàm có nghĩa là không trở lại. Mà thật ra làm gì có sự không trở lại? Vì vậy cho nên gọi là A-na-hàm.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Một vị A-la-hán có thể nghĩ rằng: “Ta đã đắc quả A-la-hán không? O

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, không. Vì sao? Thật ra không có pháp nào riêng biệt được gọi là A-la-hán. Bạch Thế Tôn, nếu một vị A-la-hán nào khởi niệm rằng “Ta đã đắc quả A-la-hán” thì vị đó còn chấp vào Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả. Bạch Đức Thế Tôn, Ngài thường nói con đã đạt tới Vô Tránh Tam-muội và trong Tăng đoàn, con là vị A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn, nếu con nghĩ rằng con đã đắc A-la-hán thì chắc Thế Tôn đã không nói rằng Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-nhã.” O

***

Đức Phật hỏi tôn giả Tu-bồ-đề: “Thuở xưa lúc còn theo học với Phật Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì chăng ?”

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Ngày xưa khi còn ở với Phật Nhiên Đăng, Như Lai không có đắc pháp gì cả.

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật chăng ? O

- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Trang nghiêm cõi Phật tức là không trang nghiêm cõi Phật.

- Như thế đó, này Tu-bồ-đề, các vị Bồ-tát và đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên trụ vào sắc mà phát tâm, cũng không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm. Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô sở trụ.

Này Tu-bồ-đề, ví dụ có người có thân như núi chúa Tu-di, thầy nghĩ sao? Thân ấy có lớn không ?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, lớn lắm. Vì sao? Cái mà Thế Tôn gọi là khôngphải thân lớn mới đích thật là thân lớn.” O

***

- Này Tu-bồ-đề, ví dụ trong sông Hằng có bao nhiêu hạt cát là có bấy nhiêu dòng sông Hằng. Vậy thì cát của tất cả các sông Hằng ấy có nhiều không ?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Số lượng các sông Hằng đã là vĩ đại, huống là số lượng những hạt cát của các sông Hằng ấy.” O

- Này Tu-bồ-đề, bây giờ Như Lai muốn hỏi thật ông rằng, nếu có người con trai hay người con gái nhà lành nào đem châu báu chất đầy cả thế giới tam thiên đại thiên nhiều như cát của tất cả các sông Hằng kia mà bố thí thì phước đức có nhiều không ?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều.”

Đức Phật bảo thầy Tu-bồ-đề: “Nếu người con trai hay người con gái nhà lành nào mà thọ trì kinh này dù chỉ một bài kệ bốn câu thôi và đem ra chia sẻ với người khác thì phước đức của người này còn nhiều hơn phước đức của người trước. O

Còn nữa, này Tu-bồ-đề, mảnh đất nào mà nơi đó có người thuyết kinh này, dù chỉ là thuyết một bài kệ bốn câu thôi, thì nên biết rằng mảnh đất ấy là nơi mà tất cả các giới Thiên, Nhân và A-tu-la đều phải hướng về cúng dường như là cúng dường tháp miếu của Phật. Một mảnh đất mà còn như thế, huống gì là bản thân người đứng ra hành trì và đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, ông nên biết rằng, một con người như thế đã thành tựu được chuyện hiếm có tối thượng. Nơi nào mà có kinh này là nơi đó có mặt của bậc đạo sư, hoặc một vị đệ tử lớn của người.”O

***

Lúc ấy thầy Tu-bồ-đề thưa với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, nên đặt tên kinh này là kinh gì và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào?”

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nên gọi kinh này là kinh Kim Cươngcó năng lực chặt đứt phiền não và đưa sang bờ giải thoát. Hãy dùng danh từ ấy mà phụng trì kinh này, vì sao? Cái mà Như Lai gọi là Bát-nhã Ba-la-mật vốn không phải là Bát-Nhã-Ba-la-mật cho nên mới thật sự là Bát-nhã Ba-la-mật.” Đức Phật hỏi: “Tu Bồ-Đề, ông nghĩ sao? Như Lai có pháp để nói không? O

Tu Bồ-Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, Như Lai chẳng có gì nói cả.”

- Này Tu Bồ-đề, ông nghĩ sao? Cát bụi do tam thiên đại thiên thế giới nghiền ra có nhiều không?

- Nhiều lắm, bạch Thế-Tôn.

- Này Tu-bồ-đề, những cát bụi ấy Như Lai gọi không phải là cát bụi cho nên mới thật sự là cát bụi. Cái mà Như Lai gọi là thế giới tức không phải là thế giới cho nên được gọi là thế giới. Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua ba mươi hai tướng không?

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Vì sao? Vì cái mà Như Lai gọi là ba mươi hai tướng đều không phải là tướng, vì vậy cho nên Như Lai mới gọi là ba mươi hai tướng. O

***

- Này Tu-bồ-đề, nếu có thiện nam tín nữ nào đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng mà thực hiện việc bố-thí, và nếu có thiện nam tín nữ khác biết thọ trì và đem kinh này ra giảng cho kẻ khác, dù chỉ thọ trì và giảng dạy bốn câu thôi, thì phước đức của người này càng nhiều hơn phước đức của người trước. O

***

Nghe kinh này tới đây, thấm được ý nghĩa thâm sâu, Thầy Tu-bồ-đề cảm động khóc rơi nướt mắt. Tôn giả thưa: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật là hiếm có, từ ngày theo Thế Tôn đạt được tuệ nhãn cho đến giờ, con chưa bao giờ được nghe kinh điển thâm diệu như hôm nay. Bạch Thế Tôn, nếu có người nghe được kinh này mà có lòng tin thanh tịnh và đạt được cái thấy chân thật thì nên biết người ấy đã thực hiện được công đức hiếm có vào bậc nhất. Bạch Thế Tôn, cái thấy chân thật đó vốn không phải là cái thấy cho nên Như Lai mới gọi là cái thấy chân thực. Bạch Thế Tôn, ngày nay con nghe được Kinh điển mầu nhiệm như thế này, được tin hiểu, tiếp nhận và hành trì Kinh này cũng chưa phải là chuyện khó có lắm, nhưng trong tương lai, khoảng năm trăm năm về sau mà có người thực nghe Kinh này lại có thể tin, hiểu, tiếp nhận và hành trì thì chắc chắn sự có mặt của kẻ ấy là một sự hiếm có vào bậc nhất. O

Vì sao vậy? Vì những kẻ ấy sẽ không bị khống chế bởi khái niệm về Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả. Tại vì sao? Khái niệm về Ngã tức là không phải là khái niệm, khái niệm về Nhân, về Chúng Sanh về Thọ giả cũng không phải là những khái niệm. Vì sao? Vì thoát khỏi sự khống chế của các khái niệm cho nên có các vị Phật.”O

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Đúng thế, đúng thế. Nếu có người nghe Kinh này mà không hoảng, không sợ thì nên biết rằng những người như vậy rất là hiếm có. Tại sao? Này Tu-bồ-đề, cái mà Như Lai gọi là đệ nhất Ba-la-mật vốn không phải là đệ nhất Ba-la-mật, cho nên mới được gọi là đệ nhất Ba-la-mật. O

Này Tu-bồ-đề, cái gọi là nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai nói không phải là nhẫn nhục ba-la-mật nên được gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Tại sao? Này Tu-bồ-đề, trong một tiền kiếp xa xưa, khi bị vua Ka-lin-ga cắt đứt thân thể, ta đã không bị kẹt vào khái niệm về Ngã, không bị kẹt vào khái niệm về Nhân, về Chúng Sanh và về Thọ Giả. Vì nếu khi đó ta bị kẹt vào những khái niệm ấy thì ta đã sinh tâm oán hận Ka-lin-ga mất rồi. Lại nhớ đến thuở xưa khi ta còn là vị tiên tu theo hạnh nhẫn nhục, trong suốt năm trăm kiếp, ta đã tu tập để không bị kẹt vào các khái niệm Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ giả. Vậy nên này Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi phát tâm Bồ-đề vô thượng thì nên buông bỏ tất cả các khái niệm, không nên trụ vào sắc mà phát tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô trụ. O

Như Lai đã nói tất cả các khái niệm đều không phải là khái niệm, và tất cả các loài chúng sanh đều không phải là chúng sanh. Này Tu-bồ-đề, Như Lai là người nói lời chính xác, là người nói lời đúng với sự thật, là người nói lời phù hợp với thực tại, là người nói lời không dối trá, là người chỉ nói một lời. Tu-bồ-đề, nếu có pháp mà Như Lai đã đắc thì pháp ấy không phải thật cũng không phải hư dối. O

Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn trụ vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào trong bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, nếu Bồ-tát không trụ vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được tất cả mọi hình mọi sắc.

Này Tu-bồ-đề, trong tương lai nếu có thiện nam tín nữ nào mà có khả năng tiếp nhận, đọc tụng và hành trì kinh này thì người ấy sẽ được Như Lai nhìn thấy với con mắt trí huệ. Như Lai sẽ biết người ấy, sẽ thấy người ấy và người ấy sẽ thực hiện được công đức vô lượng vô biên.O

***

Này Tu-bồ-đề, nếu có các thiện nam tín nữ buổi sáng đem thân mạng mình ra nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí, buổi trưa và buổi chiều cũng vậy, trong thời gian trăm ngàn vạn ức vô lượng kiếp, và nếu có một kẻ khác tuy không làm như thế, nhưng khi nghe đến kinh này thì đem lòng tin tưởng, tán thán thì phước đức còn nhiều hơn phước đức của người kia. Nghe mà đem lòng tin còn có phước đức lớn như vậy, huống hồ là biên chép, hành trì, đọc tụng và giải thích cho kẻ khác được nghe.O

Này Tu-bồ-đề, nói tóm lại thì kinh này có công đức vô biên, không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho hết, cũng không thể đo lường. Nếu có người nào có khả năng thọ trì, đọc tụng và phổ biến cho người khác biết thì kẻ ấy sẽ được Như Lai thấy biết và người ấy sẽ thực hiện được công đức không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho hết, không có biên giới, không có đo lường, không thể so sánh. Người như thế có thể gánh vác sự nghiệp vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai. Tại sao? Này Tu-bồ-đề, nếu chỉ ưa thích pháp nhỏ, nếu còn vướng mắc vào Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả thì không có khả năng nghe, nhận, đọc tụng và giải thuyết cho kẻ khác. Tu-bồ-đề, bất cứ nơi nào mà có kinh này thì tất cả các giới Thiên, Nhân, A-tu-la đều phải đến cúng dường, những nơi ấy đều được coi là bảo tháp cần được cung kính, hành lễ, đi quanh và cúng dường bằng hoa và bằng hương.O

Này Tu-bồ-đề, nếu thiện nam tín nữ nào đọc tụng và hành trì kinh này mà bị người khác chê bai hủy báng thì người ấy sẽ tiêu trừ được các tội chướng trong các kiếp trước kể cả những tội chướng có thể đưa người kia rơi xuống các nẻo ác và sau đó sẽ thực hiện được quả vị chánh đẳng chánh giác. Tu-bồ-đề, ta nhớ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về trước, trước khi được gặp Phật Nhiên Đăng, ta đã từng gặp tám trăm bốn vạn ức na-do-tha các vị Phật. Và với vị nào ta cũng đều có cúng dường và hầu cận. Nếu vào thời Mạt thế mà có người có khả năng đọc tụng và thọ trì kinh này thì phước đức đạt được còn lớn hơn hàng trăm ngàn vạn ức lần phước đức của ta ngày trứơc. Dùng thí dụ về toán số cũng không thể hình dung được phước đức ấy. O

Này Tu-bồ-đề, vào thời Mạt thế, nếu có thiện nam tín nữ nào thọ trì, đọc tụng kinh này thì công đức đạt được lớn cho đến nỗi nếu ta nói ra thì sẽ có người hồ nghi, không tin và tâm có thể trở nên cuồng loạn. Tu-bồ-đề, nên biết: nghĩa lý của kinh này không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho hết và hoa trái của sự thọ trì kinh này cũng không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho hết. O

Lúc ấy, Tu-bồ-đề thưa với Phật: “Thế Tôn, con xin phép được hỏi lại: thiện nam tín nữ nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên dựa vào đâu và nên hàng phục tâm mình như thế nào?.”

Phật bảo: “Này Tu-bồ-đề, thiện nam tín nữ nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên phát tâm như thế này: ta phải đưa hết tất cả chúng sanh qua bờ giác ngộ rồi thì ta chẳng thấy có chúng sanh nào được giác ngộ cả. Vì sao thế? Này Tu-bồ-đề, nếu một vị Bồ-tát mà còn vướng vào các khái niệm về Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả thì vị ấy chưa phải là vị Bồ-tát chân thực. Tại sao như thế ? O

Này Tu-bồ-đề, thật ra chẳng có pháp gì riêng biệt gọi là tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác để mà phát ra cả. Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Ngày xưa khi còn ở với Phật Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác hay không? O

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Theo cách con hiểu lời Phật dạy thì không có pháp gì sở đắc gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Đức Phật dạy: “Đúng như thế, đúng như thế! Này Tu-bồ-đề, thật ra không có pháp gì gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Như Lai có đắc. Nếu có thì Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho ta như thế này. Sau này ngươi sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.” Chính vì không có pháp có thể sở đắc gọi là vô thượng chánh giác chánh đẳng cho nên Phật Nhiên Đăng mới nói với ta như thế. Vì sao? Như Lai có nghĩa là chân như của các pháp. Nếu có người nói Như Lai đắc pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác có thể đắc. Tu-bồ-đề, pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Như Lai đắc ấy, thật ra không phải thật cũng không phải hư. Cho nên Như Lai đã từng nói: tất cả các pháp đều là pháp Phật. Cái mà ta gọi là tất cả các pháp, thật ra không phải là tất cả các pháp cho nên mới gọi là tất cả các pháp. Tu-bồ-đề, cũng ví dụ như thân người cao lớn.O

Tu-bồ-đề thưa: “cái mà Như Lai gọi là thân người cao lớn, chẳng phải là thân cao lớn.”

- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát cũng thế, nếu một vị Bồ-tát nghĩ rằng ta phải độ tất cả chúng sanh thì vị ấy chưa phải là vị Bồ-tát. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, không có pháp gì riêng biệt gọi là Bồ-tát cả. Cho nên Phật đã nói tất cả các pháp đều không có Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả. Tu-bồ-đề, nếu một vị Bồ-tát nghĩ ta phải trang nghiêm đất Phật thì người đó chưa phải là Bồ-tát. Vì sao? Cái mà Như Lai gọi là trang nghiêm đất Phật vốn không phải là trang nghiêm cho nên mới gọi là trang nghiêm. Tu-bồ-đề, nếu một vị Bồ-tát nào thông đạt được lý vô ngã, vô pháp thì Như Lai gọi người đó là một vị Bồ-tát đích thực.O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, Như Lai có mắt thịt không?

Thầy Tu-bồ-đề nói: “Bạch Đức Thế Tôn, có. Như Lai có mắt thịt.”

Đức Phật hỏi: “Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Như Lai có mắt trời hay không ?”

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, có. Như Lai có mắt trời.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Như Lai có mắt tuệ không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, có, Như Lai có mắt tuệ.” O

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Như Lai có mắt pháp không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có mắt pháp.”

Đức Phật hỏi: “Như Lai có mắt Phật không?”

- Bạch Thế Tôn, có, Như Lai có mắt Phật. O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Cát trong sông Hằng, Phật có thấy là cát không ?

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Đức Thế Tôn, Như Lai cũng gọi là cát vậy.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, nếu mỗi hạt cát trong sông Hằng là một sông Hằng, thì số lượng thế giới Phật nhiều như số cát trong tất cả những sông Hằng ấy có nhiều không? O

- Bạch Thế Tôn rất nhiều.

Đức Phật bảo thầy Tu-bồ-đề: “Trong tất cả các thế giới ấy có đủ tất cả các loài chúng sinh mà tâm lý các chúng sinh ấy cũng có đủ loại. Vậy mà loại tâm lý nào trong số ấy Như Lai cũng đều biết hết. Tại sao? Tu-bồ-đề, tại vì cái mà Như Lai gọi là các loại tâm ý đều không phải là các loại tâm ý, cho nên mới gọi là các loại tâm ý. Vì sao vậy? Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không nắm bắt được, tâm hiện đại không nắm bắt được, mà tâm vị lai cũng không nắm bắt được. O

Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Nếu có người đem châu báu nhiều cho đến nỗi phải chất đầy cả thế giới tam thiên đại thiên mà bố thí thì người đó có nhiều phước đức không ?”

- Bạch Đức Thế Tôn, được phước đức rất nhiều.

- Này Tu-bồ-đề, nếu phước đó là phước đức thật thì Như Lai đã không nói là người ấy đạt được nhiều phước đức. Chính vì phước đức ấy vốn không có thực thể cho nên Như Lai mới nói người ấy đạt được phước đức nhiều.O

***

Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, có thể nhận diện Như Lai qua sắc thân đầy đủ không ?

- Bạch không, cái mà Như Lai gọi là sắc thân đầy đủ thì không phải là sắc thân đầy đủ cho nên mới gọi là sắc thân đầy đủ.

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua tướng mạo đầy đủ không ?

- Thưa Thế Tôn, không . Không thể nhận diện Như Lai qua tướng mạo đầy đủ. Vì sao? Cái mà Như Lai gọi là tướng mạo đầy đủ thì không phải là tướng mạo đầy đủ cho nên mới gọi là tướng mạo đầy đủ. O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông đừng bảo rằng Như Lai có ý niệm: ta sẽ thuyết pháp. Đừng nghĩ như thế. Vì sao? Nếu có người nghĩ rằng Như Lai có pháp để nói tức là người đó phỉ báng Phật, vì lẽ người đó không hiểu được điều ta nói. Tu-bồ-đề, thuyết pháp có nghĩa là không có pháp nào được nói, như vậy gọi là thuyết pháp.O

Lúc đó Tu-bồ-đề bạch với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, đời sau khi được nghe pháp này chúng sanh có thể phát sanh lòng tin hay không ?”

Đức Phật dạy: “Tu-bồ-đề, những chúng sanh đó không phải là chúng sanh mà cũng không phải là không chúng sanh. Vì sao thế? Tu-bồ-đề, cái mà Như Lai gọi là không phải chúng sanh mới thực sự được gọi là chúng sanh.”O

***

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Thế Tôn, pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Phật đắc có phải là cái vô sở đắc ?”

Phật nói: “Đúng thế, Tu-bồ-đề, đối với vô thượng chánh đẳng chánh giác ta chẳng có một chút xíu nào pháp sở đắc cho nên mới gọi nó là vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

- Này Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp nên gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu tập tất cả các thiện pháp theo tinh thần vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả thì đạt được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu-bồ-đề, cái gọi là thiện pháp thì Như Lai bảo không phải là thiện pháp, cho nên đó mới thật là thiện pháp. O

***

- Này Tu-bồ-đề, giả dụ có người tom góp bảy thứ châu báu chứa đầy từng đống cao như tất cả các núi Tu-di trong thế giới tam thiên đại thiên này, để mà bố thí thì công đức của những người ấy đem so với công đức của những người đọc tụng và thọ trì Kinh Trí Tuệ Kim Cươngnày, rồi đem giảng nói cho người khác nghe, thì trăm phần không được một, trăm ngàn vạn ức phần không được một. Phước đức của người hành trì kinh, dù chỉ là hành trì một bài kệ bốn câu, cũng không thể nào dùng ví dụ hay toán học để mà diễn tả nỗi.O

***

- Này Tu-bồ-đề, các vị đừng có bảo rằng Như Lai có ý niệm ta sẽ độ chúng sanh. Tu-bồ-đề, đừng nghĩ như thế. Tại sao vậy? Sự thật thì không có chúng sanh nào để cho Như Lai độ. Nếu Như Lai nghĩ là có, thì Như Lai đã vướng vào khái niệm Ngã, khái niệm Nhân, khái niệm Chúng Sanh và khái niệm Thọ Giả rồi. Tu-bồ-đề, cái mà Như Lai nói là có ngã vốn không phải là có ngã mà người phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề, kẻ phàm phu đó, Như Lai không cho đó là phàm phu cho nên mới gọi họ là phàm phu.O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có nên quán tưởng Như Lai qua ba mươi hai tướng không?

Tu-bồ-đề nói: “Thưa vâng, phải dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Đức Phật nói: “Nếu nói lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai thì một vị Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai sao ?” O

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, con hiểu lời Phật dạy rồi, không nên dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai”

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói lên bài kệ này:

Tìm ta qua hình sắc

Cầu ta qua âm thanh

Là kẻ hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai. O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng đầy đủ. Tu-bồ-đề, đừng nghĩ như thế. Tu-bồ-đề ! Ông đừng nghĩ là khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta phải coi các pháp là hư vô, đoạn diệt. Đừng có nghĩ như thế. Kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không chủ trương rằng các pháp là hư vô đoạn diệt. O

***

- Này Tu-bồ-đề, nếu có một vị Bồ-tát đem bảy thứ châu báu nhiều cho đến nỗi chất đầy cả các thế giới nhiều như cát sông Hằng mà bố thí thì công đức ấy cũng không lớn bằng công đức của một người đã hiểu được rằng tất cả các pháp đều là vô ngã và chấp nhận được sự thật đó một cách hoan hỷ. Vì sao? Tu-bồ-đề ! Vì Bồ-tát không cần phải tom góp phước đức. O

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, Bồ-tát không cần tom góp phước đức nghĩa là sao ?”

- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tạo phước đức mà không vướng mắc vào ý niệm tạo phước đức cho nên ta mới nói là Bồ-tát không cần tom góp phước đức. O

- Này Tu-bồ-đề nếu có kẻ nói: “Thế Tôn có tới, có đi, có ngồi, có nằm” kẻ ấy không hiểu được điều ta nói. Tại sao? Như Lai có nghĩa là không từ đâu tới cả và cũng không đi về đâu cả, cho nên gọi là Như Lai. O

***

- Này Tu-bồ-đề, nếu có thiện nam tín nữ nào đem thế giới tam thiên đại thiên nghiền thành bụi nhỏ thì thầy nghĩ sao? Bụi nhỏ như thế có nhiều không ? O

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều, vì sao? Nếu bụi nhỏ mà có thật thì Phật đã không gọi chúng là bụi nhỏ. Vì sao? Cái mà Phật gọi là bụi nhỏ, vốn không phải là bụi nhỏ cho nên mới là bụi nhỏ. Bạch Thế Tôn! Cái mà Như Lai gọi là thế giới tam thiên đại thiên, nó không phải là thế giới, cho nên mới gọi nó là thế giới. Vì sao? Nếu thế giới mà có thật thì đó là một hợp tướng. Cái mà Như Lai gọi là một hợp tướng vốn không phải là một hợp tướng cho nên mới gọi là một hợp tướng.”

- Này Tu-bồ-đề ! Cái gọi là hợp tướng chỉ là một ước lệ ngôn ngữ không có thật chất. Chỉ có kẻ phàm phu mới bị vướng mắc vào đó mà thôi.O

***

- Này Tu-bồ-đề , nếu có kẻ bảo Phật có nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến, kẻ đó có hiểu được ý ta không ?

- Thưa không, Bạch Thế Tôn. Kẻ ấy không hiểu được ý Như Lai. Vì sao? Cái mà Như Lai gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến vốn không phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến cho nên mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến.O

- Này Tu-bồ-đề, kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác phải biết như thế về tất cả các pháp, phải thấy như thế về tất cả các pháp, phải tin như thế về tất cả các pháp mà không nên có khái niệm về pháp. Này Tu-bồ-đề ! Cái gọi là khái niệm về pháp Như Lai nói không phải là khái niệm về pháp, cho nên mới gọi là khái niệm về pháp. O

***

Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy thứ châu báu số lượng lớn đến nỗi chứa đầy các thế giới nhiều tới vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí thì phước đức của một người con trai hay một người con gái nhà lành khi người này phát tâm bồ-đề, đọc tụng thọ kỳ kinh này và đem giải thuyết cho người khác nghe, dù chỉ là một bài kệ bốn câu trong ấy. Giải thuyết theo tinh thần nào? Giải thuyết mà không kẹt vào tướng, như như và không động chuyển. Vì sao thế?

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như sương mù, điện chớp,

Hãy quán chiếu như thế. O

***

Sau khi nghe Đức Phật nói kinh này, tôn giả Tu-bồ-đề và các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và tất cả các giới Trời, Người, A-tu-la đều rất hoan hỷ, tin tưởng tiếp nhận để thực hành.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Các Pháp Tu Viên Thông

Thứ bốn mươi sáu

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo khắp các đại Bồ-tát và hàng A-la-hán đã dứt hết lậu hoặc rằng: Các ông là Bồ-tát và A-la-hán sanh trong Phật Pháp đã chứng quả vô học. Nay Như Lai hỏi các ông: Lúc mới phát tâm, trong mười tám giới, các ông tâm đắc ở giới nào ? Do nhân duyên gì ? Nhờ phương tiện nào mà các ông được Tam-ma-đề viên thôngtâm tánh ?O

1. DO THANH TRẦN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Lúc đó, Tỳ-kheo Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy cung kính chắp tay thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Sau khi Như Lai thành đạo ở Lộc Uyển, chúng con gặp Phật trước tiên. Chúng con được Phật khai thị cho về pháp Tứ Diệu Đế. Do nghe tiếng Pháp của Phật mà con tỏ ngộ. Lúc đó Đức Thế Tôn hỏi con: Có hiểu không, con thưa là đã hiểu. Nhơn đó Thế Tôn đặt cho con cái tên là A-nhã, ấn chứng chúng con là những người A-la-hán. Nay Phật hỏi viên thông, đối với con thanh trầnlà mầu nhiệm nhất.O

2. DO SẮC TRẦN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Ưu-ba Ni-sa-đà đứng dậy chắp tay cung kính thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Con cũng được gặp Phật sau những ngày Như Lai thành đạo không lâu. Trông vào tướng hảo quang minh của Thế Tôncon quán sâu vào tướng bất tịnh của sắc thân ô trược. Từ cái tử thi bắt đầu trương sình, đến tướng bạch cốt, vi trần, con sanh lòng nhàm chán tột bậc, chợt tỏ ngộ tánh: sắc, không, không sắc đều chẳng ra gì. Như Lai ấn chứng cho con cái tên là Ni-sa-đà, con được A-la-hán quả. Nay Phật hỏi duyên cớ được viên thông, xin thưa: Đối với con sắc trầnlà ưu việt nhất.O

3. DO HƯƠNG TRẦN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Đồng Tử Hương Nghiêm đứng dậy cung kính chắp tay thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Trước đây Như Lai dạy con quán sát kỹ về các pháp tướng hữu vi. Một hôm con tĩnh tọa trong giảng đường các tỳ-kheo đốt hương trầm thủy, mùi hương thoang thoảng trong tĩnh mịch u nhàn, tác dụng đến mũi con. Con tư duy quán xét: Hương này không phải do gỗ, không phải do hư không, không phải do khói, không phải do lửa. Đi ra không dính vào đâu. Đến đâu không chỗ dừng trụ. Quán chiếu như vậy, ý thức phân biệt của con tự khắc tiêu vong. Trí vô lậu phát sanh, Như Lai ấn chứng cho con danh hiệu là Hương Nghiêm. Vì do con thể nghiệm mùi hương mà chứng được A-la-hán quả. Nay Phật hỏi phương tiện được viên thông, xin thưa: Với con, hương trầnlà tối thắng nhất.O

4. DO VỊ TRẦN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Hai vị Bồ-tát Dược Vương, Dược Thượng, cùng năm trăm Phạm thiên trong hội chúng đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn ! Từ vô lượng kiếp, chúng con là lương y cứu tế thế nhân. Miệng chúng con thường nếm những lá hoa cây cỏ kim thạch trong cõi Ta-bà này. Tất cả những vị: mặn, lạt, chua, cay, ngọt, đắng… vị biến đổi sanh, vị hòa hợp có; vị nào lạnh vị nào nóng thứ có độc, thứ không con đều biết cả. Được phục vụ các đức Phật và tất cả chúng sanh, rõ biết tánh chất của vị trần: Không phải không, không phải có, không phải tức thân tâm, không phải ly thân tâm. Nhờ con phân biệt vị trầnmà được khai ngộ. Phật ấn chứng cho chúng con danh hiệu là Dược Vương và Dược Thượng. Nay Phật hỏi nhân duyên và phương tiện được viên thông, xin thưa: Đối với chúng con vị trầnlà ưu việt nhất.O

5. DO XÚC TRẦN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Bạt-đà-bà-la cùng với mười sáu vị tăng sĩ đồng là đạo bạn cùng đứng dậy cung kính chắp tay thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Chúng con trước kia ở thời Phật Oai Âm Vương, nghe pháp xuất gia. Lúc chư Tăng tắm, con theo thứ lớp vào nhà tắm để tắm. Bỗng nhiên con tư duy và nhận thức rằng: Nước vốn không rửa bụi và cũng chẳng rửa chân, trung gian an nhiên lặng lẽ. Con tâm đắc tột độ cái chân lý: "Chẳng có gì". Tập quán trước không quên, đến nay con theo Phật xuất gia được quả vô học. Đức Phật thuở ấy gọi con với cái tên: Bạt-đà-la (thiên thủ). Do con phát hiện tánh mầu nhiệm của xúc trần mà thành Phật tử. Nay Phật hỏi duyên cớ được viên thông, xin thưa: Đối với con xúc trầnlà hơn tất cả. O

6. DO PHÁP TRẦN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Đại Ca-diếp và Tỳ-kheo-ni Tử Kim Quang v.v… đồng đứng dậy cung kính chắp tay thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Kiếp xa xưa trong cõi này có Phật ra đời hiệu Nhật Nguyệt Đăng. Sau khi Phật diệt độ chúng con thắp sáng ngọn đèn chánh pháp để cúng dường; đem tâm trong sáng vàng thắm thếp tô Phật tượng. Do đó đời đời kiếp kiếp thân thường viên mãn, rực rỡ như vàng ròng. Chúng con quán sát sáu trần luôn luôn biến hoại. Con trụ tâm trong vắng lặng, nhập định diệt tận, thân tâm rỗng rang, thời gian trăm nghìn kiếp tựa hồ như trong cái khảy móng tay. Do thành tựu pháp không quánmà con được quả A-la-hán. Thế Tôn ấn chứng con là: Đầu-đà đệ nhất; pháp trần thâm diệu nhờ tuệ nhãn con được khai minh, lậu hoặc được dứt trừ. Nay Phật hỏi duyên cớ viên thông, với sở ngộ chứng của con thì pháp trầnlà tối thượng.            O

7. DO NHÃN CĂN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả A-na-luật-đà đứng dậy cung kính chắp tay thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn ! Lúc con mới xuất gia thường ưa thích nằm và ngủ li bì. Như Lai quở con là loại súc sanh. Nghe lời quở của Phật, con thầm khóc, tủi hổ và tự trách mình. Con cương quyết thề không ngủ và con thức suốt bảy ngày đêm. Hai con mắt con bệnh và hư mất. Thế Tôn thương dạy cho con pháp: Lạc Kiến Chiếu Minh Kim Cang Tam-muội. Sau khi được tam muội, con thấy suốt hiện tượng trong mười phương như trái chanh, trái quít để trên bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con quả A-la-hán. Nay Phật hỏi nguyên nhơn nào được viên thông, xin thưa: Theo chỗ tâm đắc của con là xoay tánh thấy của nhãn căn trở về bản thể thanh tịnh bản nhiên là ưu việt nhất.O

8. DO TỶ CĂN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật rằng:

Bạch đức Thế Tôn, con vì thiếu trì tụng kinh điển nên không có tuệ đa văn. Khi mới gặp Phật, con xin xuất gia nghe học pháp Phật con cố nhớ một bài kệ của Như Lai mà không sao nhớ nổi. Con gắng học suốt cả một trăm ngày, nhớ câu trước thì quên câu sau; nhớ câu sau lại quên câu trước. Phật thương con ngu muội, dạy con ở một nơi yên tĩnh tu tập pháp môn điều hòa hơi thở ra vào. Bấy giờ con vận dụng quán trí theo dõi từng hơi thở, từ thô đến vi tế, từng sát na nhiếp ý, vận dụng tư duy, chia hơi thở thành bốn thời kỳ: Hít vô gọi là sanh. Đầy hơi gọi là trụ. Thở ra gọi là dị. Mãn hơi gọi là diệt. Thực hiện một thời gian, tâm con bừng sáng rỗng rang được đại vô ngại, các lậu hoặc dứt hết, thành A-la-hán. Trước pháp tòa, Phật ấn chứng cho con thành quả vô học. Nay Phật hỏi viên thông, theo chỗ sở hành của con: Tập trung tư tưởng xoay vào quán hơi thở ra vào minh bạch, là pháp hành hiệu quả nhất.O

9. DO THIỆT CĂN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Rằng con mắc khẩu nghiệp trong kiếp quá khứ, nhiều đời phải tật nhơi mãi như trâu. Như Lai thương, dạy cho con pháp: Nhất vị thanh tịnh tâm địa. Nhờ đó con diệt phân biệt, được Tam-ma-đề. Con quán chiếu rằng: Tánh biết vị không phải do thân thể, cũng không phải do ở ngoại vật. Do đó, trong thì thân tâm giải thoát; ngoài thì như rời bỏ thế gian. Viễn ly ba cõi như chim sổ lồng; cấu nhiễm không còn, tiêu vong hóa trần tướng, pháp nhãn thanh tịnh, được quả A-la-hán. Như Lai ấn chứng cho con lên hàng Vô học. Nay Phật hỏi phương tiện được viên thông, xin thưa: Theo con thì: trả vị về cho phân biệt của thiệt cănlà ưu việt nhất.    O

10. DO THÂN CĂN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Tất-lăng-già-bà-ta đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật rằng: Lúc con mới phát tâm xuất gia theo Phật, thường nghe Phật dạy: "Cuộc đời chẳng có gì vui". Đang khi đi khất thực, vừa đi vừa tư duy lời Phật, bỗng dưng con đạp phải cái gai độc. Cả thân đều đau đớn. Trong lúc đau đớn, con quán chiếu tư duy: Giác tâm thanh tịnh vốn không có cái đau và cái biết đau ! Một thân thể lẽ đâu lại có hai tánh biết ! Nhiếp niệm không bao lâu thân tâm bỗng nhiên rỗng rang thanh tịnh. Hai mươi mốt ngày sau, các lậu hoặc được tiêu trừ, Phật ấn chứng cho con lên hàng Vô học chứng A-la-hán quả. Nay Phật hỏi duyên cớ nào được viên thông, xin thưa, đối với con: Nắm giữ giác tánh xem nhẹ thân cănlà thành công dễ nhất.           O

11. DO Ý CĂN ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Tu-bồ-đề đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật rằng: Từ nhiều kiếp đến nay, con vẫn được tâm vô ngại thường trú nơi không tịch. Sự vật hiện tượng trong mười phương đối với con trở thành "chân không hóa" chẳng chút vương víu buộc ràng. Như Lai phát minh tánh giác là chân không; con tư duy thể nhập: Bảo minh không hải tam muội, tri kiến đồng như Phật. Con được Phật ấn chứng lên hàng vô học A-la-hán. Nay Phật hỏi nhơn duyên được viên thông, theo chỗ chứng ngộ của con: Quán các tướng đều là phi tướng. Cái phi tướng đối tượng cũng không lưu lại. Nhìn hiện tượng vạn pháp đúng như thật của nó: "Có mà thật chẳng có gì", đối với con, đó là phương tiện chinh phục ý cănhữu hiệu nhất.O

12. DO NHÃN THỨC ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Xá-lợi-phất đứng dậy cung kính chắp tay thưa: Bạch Đức Thế Tôn ! Từ nhiều kiếp đến nay, sự nhận thức của con thường thanh tịnh. Số kiếp thọ sanh lên xuống nhiều như số cát sông Hằng. Do vậy mà các pháp biến hóa thế gian, xuất thế gian một khi thấy là con nhận thức không xa chân lý, được vô chướng ngại. Trong lần gặp gỡ giữa đường, ba anh em tôn giả Ca-diếp dụng ý theo con để thuyết pháp. Các ông nói cho con nghe về giáo lý nhân duyên sâu xa của Phật. Nhân buổi đàm đạo đó, con được tỏ ngộ; nhận thức được rằng: "Tâm không ngằn mé". Rồi con theo Phật xuất gia. Trí tuệ sáng suốt ngày càng viên mãn, được đại vô úy, thành A-la-hán quả, trưởng tử Phật. Nay Phật hỏi nguyên nhân tỏ ngộ viên thông, xin thưa: Theo chỗ chứng đắc của con thì sự nhận thấy rõ ràng, nhận thức đánh giá chính xác đúng như thực của sự vật hiện tượng là thành công ưu việt nhất.O

13. DO NHĨ THỨC ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Bồ-tát Phổ Hiền đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Rằng con đã từng làm Pháp vương tử cho các Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử Bồ-tát tu hạnh Phổ Hiền chính là do dựa theo đức tinh tấn của con mà đặt ra cái tên Phổ Hiền Hạnh.

Bạch Đức Thế Tôn ! Con sử dụng tánh nghe của tâm mà nhận biết nguyện vọng của chúng sanh. Do vậy, giả sử ở một phương khác, cách ngoài hằng sa thế giới, có chúng sanh phát phát tâm tu hạnh Phổ Hiền thì liền trong lúc ấy, con cỡi voi sáu ngà, phân thân trăm nghìn đến chỗ người ấy. Giả sử người kia nghiệp chướng sâu dày chưa thấy được con, con cũng thầm kín xoa đầu an ủi ủng hộ khiến cho sở nguyện thành tựu. Nay Phật hỏi nguyên nhân tu chứng viên thông, con xin thưa: Sử dụng tánh nghe của nội tâm mà nhận biết tự tại, đối với con là pháp môn ưu việt nhất.O

14. DO TỶ THỨC ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Tôn-đà-la-nan-đà đứng dậy cung kính chắp tay thưa với Phật: Lúc con mới xuất gia theo Phật học đạo, trong khi tu tam ma đề, tâm thường tán loạn. Đức Thế Tôn dạy con quán điểm trắng ở chót mũi. Con bắt đầu thực hành, trải qua thời gian hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói; thân tâm trong sáng như ngọc lưu ly. Tướng khói lần lần không còn, tâm con được khai ngộ, các lậu tận sạch trong, thành A-la-hán. Thế Tôn thụ ký cho con thành quả Bồ đề. Nay Phật hỏi sở nhân được viên thông, xin thưa: Đối với con tập trung ý niệm, quán hơi thở và điểm trắng ở tỷ cănlà thành tựu hữu hiệu nhất.O

15. DO THIỆT THỨC ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Con từ nhiều kiếp đến nay biện tài vô ngại, tuyên thuyết các pháp: khổ, không, hiểu sâu thật tướng, cho đến những pháp môn bí mật như hằng sa của Như Lai, con có thể diễn giảng trước đại chúng không hề có sự sai lầm và sợ sệt. Thế Tôn biết con có đại biện tài, dạy con tuyên dương chánh pháp, giúp Phật chuyển pháp luân. Con nhờ giảng nói chánh pháp mà được quả A-la-hán. Thế Tôn ấn chứng cho con là: "thuyết pháp đệ nhất". Nay Phật hỏi nguyên nhân được viên thông, xin thưa: Con dùng pháp âm hàng phục tà ma ngoại đạo, tiêu trừ hoặc lậu là ưu việt nhất.O

16. DO THÂN THỨC ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Ưu-ba-ly đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Rằng chính con theo Phật xuất gia, con thấy Như Lai sáu năm cần khổ, cuối cùng hàng phục tà ma, chế ngự ngoại đạo, giải thoát các lậu thế gian. Phật dạy con trì giới, giữ gìn tánh nghiệp và nghiệp biểu hiện của thân, miệng, ý, giữ vẹn ba nghìn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Nhờ vậy, thân tâm tịch tịnh thành quả A-la-hán. Nay làm kỷ cương trong đại chúng, Như Lai ấn chứng con là "trì luật đệ nhất". Hôm nay Phật hỏi phương tiện được viên thông, xin thưa: Đối với con do giữ gìn thânđược thanh tịnh. Thân đã thanh tịnh thì tâm sẽ thanh tịnh theo. Đó là phương pháp uốn dẹp tu sửa thân tâm hữu hiệu nhất.O

17. DO Ý THỨC ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Rằng lúc nọ con đi khất thực giữa đường được ba anh em tôn giả Ca-diếp: Ưu-lâu-tần-loa, Dà-gia và Na-đề giảng nói lý nhân duyên thậm thâm của Phật, tâm con bừng ngộ thông suốt rỗng rang. Như Lai ban cho cà-sa mặc vào thân, râu tóc tự cạo. Con có khả năng du hí khắp mười phương không trở ngại. Đại chúng suy tôn con là "thần thông đệ nhất", trong hàng vô học A-la-hán. Nay Phật hỏi viên thông, xin thưa: Con xoay ý thức trở về tánh sáng suốt trạm nhiên. Giống như lóng nước đục, lóng nước lâu trở về tự thể trong sạch. Đó là phương tiện tu sửa đối với con hữu hiệu nhất.O

18. DO HỎA ĐẠI ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Tôn giả Ô-sô-sắt-ma đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Con nhớ những kiếp xa xưa, tánh con nhiều tham dục. Bấy giờ nhằm thời Đức Phật Không Vương trụ thế. Đức Không Vương Như Lai bảo rằng: "Người đa dâm như đống lửa hồng". Rồi Phật dạy con quán hơi nóng trong cơ thể cả khắp tứ chi. Nhờ quán như vậy tinh thần sáng suốt, nội tâm đứng lặng, tâm háo dâm trở thành lửa trí tuệ. Từ đó, chư Phật gọi con với cái tên Hỏa Đầu. Con dùng sức hỏa quang tam muội mà chứng quả A-la-hán. Con phát đại nguyện, nếu có chư Phật thành đạo thì con làm lực sĩ hầu cận Phật để đánh dẹp bọn tà ma khuấy phá. Nay Phật hỏi nhân duyên được viên thông, xin thưa rằng: Do con quán hơi ấm trong thân, lưu thông không ngăn ngại; từ đó các lậu tiêu trừ, sanh lửa trí tuệ. Đối với con, đó là pháp tu hữu hiệu nhất.O

19. DO ĐỊA ĐẠI ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Bồ-tát Trì Địa đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Rằng con nhớ lại trong những kiếp xa xưa, con từng được gặp Phật và cúng dường chư Phật như hằng sa, và cũng từng phục vụ vô lượng chúng sanh đem đến chúng sanh nhiều lợi lạc. Trong một kiếp nọ, ở vào thời Phật Phổ Quang trụ thế, con là một Tỳ-kheo phát tâm sửa chữa những đoạn đường gồ ghề sụp lở, những bến xe, bến đò bất tiện cho sự đi lại của nhiều người. Ngoài những công trình gánh đất, bưng sỏi, đắp bồi sửa chữa như vậy, con còn mang gánh giúp đỡ những người gánh gồng nặng nhọc ở chợ búa mà không lấy tiền công.          O

Vào thời Phật Tỳ-xá-phù trụ thế, nhân gian nhiều đói kém, con phải cõng giúp nhiều người không kể gần xa mà chỉ lấy một đồng tiền… có lúc con ra sức kéo phụ xe trâu qua những nơi quá lầy lội. Có lúc vì Phật con sửa đường bằng phẳng đợi Phật đi hóa trai.

Một hôm Đức Như Lai Tỳ-xá-phù đi qua đoạn đường con vừa sửa chữa. Phật xoa đầu con mà dạy rằng: "Nên bình cái tâm địa thì đất đai trên thế giới đều bình". Con nghe, tâm liền sáng bừng tỏ ngộ. Con quán thấy vi trần trong cơ thể cùng tất cả vi trần tạo thành thế giới bên ngoài không sai khác gì nhau. Tự tánh vi trần không chạm sát với nhau, cho đến đao binh các thứ tự nó cũng không va chạm gì. Nhờ nhận thức như vậy, con tỏ ngộ vô sanh nhẫn, thành A-la-hán hồi tâm. Nay ở trong hàng Bồ-tát nghe Phật dạy: Tri kiến Phật như diệu liên hoa, con lãnh hội trước tiên, đại chúng suy tôn là thượng thủ. Nay Phật hỏi nguyên do đạt đến viên thông, xin thưa: Do con quán trần ở nội thân và trần cấu của thế giới bên ngoài bình đẳng không sai khác. Tất cả từ Như Lai tàng tùy duyên biến hiện. Vọng tâm chấp mắc trần tướng tiêu vong thì trí tuệ viên mãn thành đạo Bồ Đề. Đó là đối tượng sở quán, đối với con đem lại thành công ưu việt nhất.O

20. DO THỦY ĐẠI ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Bồ-tát Đồng Tử Nguyệt Quang đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Rằng con nhớ hằng sa kiếp trước có đức Phật ra đời hiệu Thủy Thiên. Thủy Thiên Như Lai dạy các Bồ-tát nên quán về nước để nhập Tam-ma-đề. Phật dạy quán tánh nước không gì lấn cướp làm cho mất hẳn được. Từ nước mắt, nước mũi, nước miếng, nước tiểu, nước tân dịch trong châu thân… đều quán một tánh nước đồng nhau. Tánh nước trong tự thân và tánh nước trong các bể Hương Thủy của thế giới Hoa Tạng, đồng nhau không sai khác. Lúc con thành tựu pháp thủy quán này, con chỉ thấy được tánh đồng của nước mà chưa thấy được "thân không". Hồi bấy giờ, con là một tỳ-kheo tọa thiền trong một tịnh thất, có người đệ tử trông cửa sổ nhìn vào, thấy toàn là nước. Vì nhỏ dại nó liền lấy một miếng ngói ném vào, rồi tự bỏ đi. Khi xuất định con thấy tim đau một cách lạ thường. Truy nguyên ra duyên cớ, con bảo người đệ tử: Khi con nhập định, trông thấy nước trong thất thì hãy vào nhặt miếng ngói mà người đã ném ấy ra. Quả thật, khi xuất định, con không còn đau đớn nữa.          O

Qua vô lượng kiếp sau con được gặp vô lượng Phật, nhưng chưa chứng ngộ. Mãi đến thời Như Lai Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương thì con mới chứng được "không thân". Bây giờ con thấy rõ nước trong tự thân cùng với nước bể Hương Thủy trong mười phương thế giới đồng một tánh chân không, không sai khác. Ở nước Phật Sơn Hải Huệ Tự Tại, con được hiện là Đồng Chân, dự vào hàng Bồ-tát. Nay Phật hỏi nguyên nhân được viên thông, xin thưa: Do con quán tánh nướcdung thông mà được vô sanh nhẫn. Đối với con, pháp Thủy quán là ưu việt nhất.O

21. DO PHONG ĐẠI ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Bồ-tát Lưu Ly Quang Pháp Vương Tử đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Con nhớ lại hằng sa kiếp trước có Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh. Phật khai thị cho các Bồ-tát về: Bản giác diệu minh. Dạy các Bồ-tát quán: Thế giới và chúng sanh đều do sự vận động của sức gió vọng duyênchuyển biến mà hình thành. Riêng con, lúc bấy giờ, con quán không gian an lập; quán thời gian trôi đi mãi; quán thân, khi động khi dừng; quán tâm, niệm trước diệt, niệm sau sanh… Tất cả những chuyển động biến diệt, con thấy không hai không khác. Con nhận thức rõ rằng tánh của các thứ động: Đến không chỗ từ, đi không chỗ tới. Tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới có trong pháp giới mười phương do sức gió vọng duyên mà hình thành, mà sanh hoạt với nhau trong tánh bản giác diệu minh, chân tâm minh diệu. Giống như hàng vạn muỗi mòng trong một cái đồ đựng, kêu vo vo rầm rỉ, ào ào rối rít với nhau.

Con quán sát tư duy như vậy, không bao lâu, con được vô sanh pháp nhẫn làm vị Pháp Vương tử. Nay Phật hỏi viên thông, xin thưa: Do con quán tánh phong đại"đi không chỗ từ, đến không chỗ tới" mà tỏ ngộ tâm bồ-đề. Đối với con thì quán phong đại là đệ nhất. O

22. DO KHÔNG ĐẠI ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Bồ-tát Hư Không Tạng đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Con nhớ lại con cùng Như Lai đồng chứng được "vô biên thân" hồi thời Phật Định Quang. Lúc đó tay con cầm bốn đại bảo châu chiếu sáng cõi Phật mười phương như số vi trần đều hóa thành hư không. Bấy giờ tâm con sáng suốt thành trí Đại Viên Cảnh. Con quán sát khắp thế giới Liên Hoa Tạng và cùng tột hư không, hoà quyện trong thân con. Thân con và hư không chẳng ngăn ngại gì nhau. Do vậy, con khéo vận dụng hài hòa vào cõi nước như vi trần làm Phật sự được thuận lợi lớn lao. Sức thần to lớn đó do con quán sát tứ đại không có chỗ sở y. Do vọng tưởng mà thấy có diệt có sanh. Hư không không hai, cõi Phật vốn đồng. Do con phát minh được tánh đồng mà chứng được vô sanh pháp nhẫn. Nay Phật hỏi nhơn duyên nào được viên thông, xin thưa: Do con quán chiếu hư không vô biênmà thể nhập Tam-ma-đề là phương tiện ưu việt nhất. O

23. DO THỨC ĐẠI ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Bồ-tát Di-lặc đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Con nhớ lại vi trần kiếp trước có Đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh. Con được theo Phật xuất gia, nhưng tâm còn trọng hư danh thế gian, ưa giao du với các hàng vọng tộc. Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh dạy con tu tập định: Duy tâm thứcvà con được nhập Tam-ma-đề. Trải hằng sa số kiếp đến nay, con sử dụng tam muội ấy, phụng sự hằng sa chư Phật, tâm cầu danh, được diệt hết. Đến thời Phật Nhiên Đăng ra đời con mới chứng được tam muội thức tâm diệu viênvô thượng. Bấy giờ con quán thấy cõi nước của chư Như Lai, tột bờ mé hư không, tịnh uế, có không đều do thức tâm biến hiện.

Bạch Đức Thế Tôn ! Do con tỏ ngộ Duy tâm thức, thức tánh của con xuất hiện vô lượng Như Lai, và hiện nay được Phật thọ ký, con sẽ được bổ xứ thành Phật ở cõi Ta-bà sau này. Nay Phật hỏi nguyên nhân viên thông, xin thưa: Con quán mười phương đều duy thức. Thức tâm tròn sáng thì xa lìa tánh biến kế, nhận thức đúng thực thể của tánh y tha khởi thì chứng nhập tánh viên thành thật, được vô sanh nhẫn. Đối với con đó là pháp quán ưu việt nhất.            O

24. DO KIẾN ĐẠI ĐƯỢC VIÊN THÔNG

Bồ-tát Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vị Bồ-tát đồng tu một pháp môn cùng đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật: Con nhớ hằng sa kiếp trước có Đức Phật ra đời hiệu Vô Lượng Quang. Thời đó có 12 đức Phật ra đời trong một kiếp. Đức Phật sau hết hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy cho con phép niệm Phật tam-muội: Rằng các đức Như Lai ở mười phương thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con cũng đồng nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không xa cách. Tâm chúng sanh nhớ tưởng Phật thì tâm ấy là Phật. Nhất định thấy Phật, không cần phương tiện nào khác. Ví như người ướp hương thì toàn thân thể sẽ thành thơm, ấy gọi là hương quang trang nghiêm. Chính con nhờ niệm Phật mà được vô sanh nhẫn. Nay ở cõi Ta Bà, con nguyện hướng dẫn người niệm Phật để có được tịnh độ. Phật hỏi nhân duyên nào được viên thông, xin thưa: Con thu nhiếp tất cả sáu căn không vọng niệm. Do chánh niệm tương tục mà được Tam-ma-đề đối với con đấy là pháp môn thù thắng nhất.            O

***

PHÁP TU NHĨ CĂN VIÊN THÔNGCỦA BỒ-TÁT QUÁN THẾ ÂM

Lúc bấy giờ Bồ-tát Quán Thế Âm đứng dậy cung kính chắp tay thưa: Bạch Đức Thế Tôn ! Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm và con đã phát bồ-đề tâm thời ấy. Đức Phật Quán Thế Âm dạy con phương pháp nghe, suy nghĩtuđể được thể nhập chánh định.       O

Bạch Đức Thế Tôn ! Trước hết con sử dụng tánh nghe: Nghe động và nghe tĩnh, rồi con xóa đi ý niệm động tĩnh ấy; từ đó sức tịch tĩnh tăng dần, con dứt được chủ thể ngheđối tượng nghe. Sức tịch tĩnh không dừng ở đó bấy giờ giác tánh con lại hiển hiện ra. Con tiếp tục tư duy: Dù là giác tánh nhưng tánh "năng giác", "sở giác" hãy còn, con bèn xóa đi về ý niệm giác; bấy giờ tâm tánh con rỗng rang lặng lẽ như hư không. Con lại diệt đi cái giác tri "như hư không" ấy. Cuối cùng con diệt cả cái khái niệm "diệt". Khi con diệt hết khái niệm vi tế về "diệt sanh, sanh diệt" bỗng dưng con nhận thấy toàn thể pháp giới trong mười phương chỉ còn là cảnh giới "bất nhị" tịch diệt hiện tiền. Tâm tánh của con viên mãn khắp giáp mười phương vượt hẳn tầm nhận thức thường tình của thế gian, con được hai thù thắng: Một là tâm con hợp với bản giác nhiệm mầu của mười phương Thế Tôn, đồng một từ tâm hướng về cứu độ chúng sanh. Hai là hợp với tâm của lục đạo chúng sanh trong mười phương, đồng một bi tâm hướng thượng cầu vô thượng bồ-đề.       O

DO TỪ TÂM, HIỆN 32 ỨNG THÂN

Bạch Đức Thế Tôn ! Do cúng dường pháp đến Đức Như Lai Quán Thế Âm, con được Phật truyền thụ cho con như huyễn văn huân văn tu Kim Cang Tam-muộinên thân con thành tựu 32 ứng thân vào các cõi nước.O

Bạch Đức Thế Tôn !

Một là, nếu các Bồ-tát vào Tam-ma-đề tiến tu pháp vô lậu, thắng giải viên mãn, con hiện thân Phật vì họ mà thuyết pháp khiến cho được giải thoát.O

Hai là, nếu các hàng hữu học tu pháp tịch tĩnh diệu minh viên mãn, con hiện thân Độc Giác vì họ mà thuyết pháp.O

Ba là, nếu các hàng hữu học dứt mười nhơn duyên, phát ra thắng tánh viên mãn, con hiện thân Duyên Giác vì họ mà thuyết pháp.  O

Bốn là, nếu các hàng hữu học được pháp không của tứ đế, tu đạo đế, thể nhập diệt đế, thắng tánh viên mãn, con hiện thân Thanh Văn vì họ mà thuyết pháp O

Năm là, nếu chúng sanh muốn tâm tỏ ngộ, không vướng vào ngũ dục, muốn thân được thanh tịnh, con hiện thân Phạm Vương vì họ mà thuyết pháp.O

Sáu là, nếu chúng sanh muốn làm thiên chủ thống lãnh chư thiên, con hiện thân Đế- thích vì họ mà thuyết pháp.O

Bảy là, nếu chúng sanh muốn thân được tự tại dạo khắp mười phương, con hiện thân Tự Tại Thiên vì họ mà thuyết pháp.           O

Tám là, nếu chúng sanh muốn thân được tự tại, bay đi trên hư không, con hiện thân Đại Tự Tại Thiên vì họ mà thuyết pháp.O

Chín là, nếu có chúng sanh thích thống lãnh quỷ thần cứu quốc hộ dân, con hiện thân Thiên Đại Tướng Quân, vì họ mà thuyết pháp.O

Mười là, nếu chúng sanh muốn thống lãnh quỷ thần, cứu giúp cõi nước, con hiện thân Thiên Đại Tướng Quân vì họ mà thuyết pháp.O

Mười một là, nếu các chúng sanh muốn sanh ở thiên cung, con hiện thân Thái tử, con Tứ Thiên Vương vì họ mà thuyết pháp.O

Mười hai là, nếu các chúng sanh muốn làm vua cõi người, con hiện thân vua vì họ mà thuyết pháp.O

Mười ba là, nếu các chúng sanh muốn làm chủ gia đình danh tiếng, thế gian kính nhường, con hiện thân trưởng giả vì họ mà thuyết pháp.         O

Mười bốn là, nếu các chúng sanh thích luận lời hay, giữ mình trong sạch con hiện thân cư sĩ vì họ mà thuyết pháp.O

Mười lăm là, nếu các chúng sanh muốn kinh bang tế thế, con hiện thân tể quan vì họ mà thuyết pháp.            O

Mười sáu là, nếu các chúng sanh thích chú thuật toán số, thu nhiếp nhân tâm, con hiện thân Bà-la-môn vì họ mà thuyết pháp.O

Mười bảy là, nếu các thiện nam muốn xuất gia tu học, con hiện thân tỳ khưu vì họ mà thuyết pháp.O

Mười tám là, nếu có người tín nữ muốn xuất gia, con hiện thân tỳ khưu ni vì họ mà thuyết pháp.      O

Mười chín là, nếu có người thiện nam muốn giữ giới tu hành, con hiện thân ưu bà tắc vì họ mà thuyết pháp.O

Hai mươi là, nếu có người tín nữ, muốn thọ năm giới tập tu, con hiện thân ưu bà di vì họ mà thuyết pháp.O

Hai mươi mốt là, nếu có người nữ thích đường chánh trị phụ quốc an bang con hiện thân mệnh phụ phu nhân, thân nữ chúa vì họ mà thuyết pháp.       O

Hai mươi hai là, nếu có chúng sanh nam căn chưa ô nhiễm, con hiện thân đồng nam vì họ mà thuyết pháp.O

Hai mươi ba là, nếu có người nữ thích thân xử nữ, con hiện thân đồng nữ vì họ mà thuyết pháp.       O

Hai mươi bốn là, nếu có hàng chư thiên muốn ra khỏi loài trời, con hiện thân chư thiên vì họ mà thuyết pháp.O

Hai mươi lăm là, nếu có rồng muốn ra khỏi loài rồng, con hiện thân rồng vì họ mà thuyết pháp.O

Hai mươi sáu là, nếu có dược-xoa muốn ra khỏi loài mình, con hiện thân dược-xoa vì họ mà thuyết pháp.O

Hai mươi bảy là, nếu có càn-thát-bà muốn thoát khỏi loài mình, con hiện thân càn-thát-bà vì họ mà thuyết pháp. O

Hai mươi tám là, nếu có a-tu-la muốn ra khỏi loài mình, con hiện thân a-tu-la vì họ mà thuyết pháp. O

Hai mươi chín là, nếu có khẩn-na-la muốn thoát khỏi loài mình, con hiện thân khẩn-na-la vì họ mà thuyết pháp.O

Ba mươi là, có ma-hầu-la-già muốn thoát khỏi loài mình, con hiện thân ma-hầu-la-già vì họ mà thuyết pháp.O

Ba mươi mốt là, nếu có chúng sanh thích làm người, con hiện thân người vì họ mà thuyết pháp.O

Ba mươi hai là, nếu có loài phi nhân hoặc có hình hoặc không hình, hoặc có tưởng hoặc không tưởng, muốn thoát khỏi loài mình, con hiện thân như họ vì họ mà thuyết pháp.        O

Đó là 32 ứng thân nhiệm mầu có thể hiện vào các cõi nước trong mười phương, do kết quả của văn huân văn tuTam-muội mà thành tựu sức nhiệm mầu "vô tác" như vậy.

*

DO BI TÂM THÀNH TỰU 14 ĐỨC VÔ ÚY THÍ

Bạch Đức Thế Tôn ! Do vô tác diệu lực “văn huân văn tu” Kim Cang Tam-muội cho nên con và tất cả sáu đường chúng sanh trong mười phương ba đời cùng có một bi tâm hướng thượng cho nên con và tất cả chúng sanh thành tựu được 14 thứ công đức vô úy:

Một là, con không quán âm thanh đối tượng mà con quán cái tâm năng quán của mình, khiến cho chúng sanh khổ não trong mười phương quán âm thanh như vậy thì được giải thoát. O

Hai là, con xoay tri kiến của mình soi rọi nội tâm, khiến chúng sanh dù vào trong lửa (dâm, sân, thù hận) mà lửa không đốt cháy.O

Ba là con quán tánh nghe xoay vào nội tâm, khiến chúng sanh dù có bị nước (tham ái) to cuốn đi mà không hề bị chìm đắm.O

Bốn là con đoạn diệt hết vọng tưởng, không còn tâm sát hại, khiến chúng sanh dù phải vào trong cõi nước của quỷ (sát, đạo, dâm, ác), quỷ cũng không hại được.O

Năm là con huân tập cái tánh nghe, nghe vào tự tánh. Tánh thấy, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc, biết cũng như vậy, khiến chúng sanh đang khi bị hại thì dao mác, vũ khí gãy rơi từng khúc chẳng xúc phạm được.O

Sáu là, con huân tập tánh nghe đến độ tinh thuần, sáng suốt khắp trùm pháp giới; tất cả những gì đen tối không tồn tại được,khiến cho chúng sanh dù ở gần bên

với ác quỷ: Dược-xoa, cưu-bàn-trà (quỷ thô bạo), tỳ-xá-xà (quỷ bất nghĩa), phú-đơn-na (quỷ vô lương) v.v… mà chúng không nhìn thấy được.O

Bảy là, đối với tánh năng văn con quán xoay vào, thanh trần đối tượng tiêu vong, khiến chúng sanh xa tránh tất cả gông cùm xiềng xích (của pháp ác) không vướng chạm đến thân. O

Tám là con diệt âm thanh đối tượng, tánh nghe viên mãn sanh sức từ cùng khắp, khiến chúng sanh đi qua đường hiểm mà giặc cướp phiền não không thể cướp được.    O

Chín làdo con huân tập tánh nghe được thanh tịnh, tách khỏi trần tướng. Sắc, thanh… không cám dỗ được, khiến cho những chúng sanh đa dâm xa lìa được lòng tham dục nặng nề.

Mười là con chỉ lưu lại thuần một viên âm thanh tịnh, không còn đối tượng thanh trần, căn cảnh viên dung, dứt đối đãi năng văn sở văn khiến chúng sanh xa lìa được tham, sân, si phẩn nhuế.O

Mười một là con tiêu diệt thanh trần đối tượng, rồi con xoay cái nghe về tánh bản minh, thân tâm cảnh giới trong sáng như lưu ly, chẳng vương chút trần ai vọng chấp, khiến chúng sanh xiển-đề mê tối xa lìa câm điếc tối tăm.O

Mười hai là, viên dung các hiện tượng, con xoay tánh nghe trở về bất động. Hài hòa thế gian mà không hủy hoại thế gian; cúng dường Như Lai mười phương như số vi trần, con ở bên mỗi mỗi Phật làm Pháp Vương tử, khiến trong pháp giới những chúng sanh không con, cầu có con trai, sanh được con trai phúc đức trí tuệ.      O

Mười ba là sáu căn con viên thông, soi sáng không hai, khắp trùm thập phương thế giới, đứng trước đại viên kính ở trong Như Lai tàng, con vâng lãnh những pháp môn bí mật của thập phương Như Lai như vi trần không hề thiếu sót, khiến cho trong pháp giới những chúng sanh không con mà cầu có con gái, sanh được con gái tướng tốt đoan chính, phúc đức và dịu dàng được nhiều người kính quý.O

Mười bốn là trong tam thiên đại thiên thế giới này các Pháp Vương Tử đông như số cát 62 sông Hằng. Trí tuệ và phương tiện giáo hóa chúng sanh mỗi Ngài đều khác. Vậy mà chúng sanh chấp trì một danh hiệu của con, bằng ngang với công đức chấp trì danh hiệu số lượng Pháp Vương tử nói trên. O

Bạch Đức Thế Tôn ! Sở dĩ con được những điều ưu việt như vậy là do con tu tập pháp văn huân văn tuKim Cang Tam-muội, cho nên con được tánh viên thôngchơn thật, gọi đó là 14 đức vô úy thí đem lại phúc lành cho tất cả chúng sanh. O

BỐN ĐỨC KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Bạch Đức Thế Tôn ! Con được viên thôngvô thượng cho nên có bốn đức vô tác nhiệm mầu không thể nghĩ bàn:

Một là con xoay tánh nghe để nghe tiếng mầu nhiệm của nội tâm. Tánh nghe này không chút nhiễm ô. Con ngăn dứt tất cả âm thanh đối tượng của nhĩ căn; bấy giờ tánh thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết của sáu căn còn là một tánh giác thanh tịnh có thể dùng thay thế cho nhau mà không ngăn ngại. Con còn có thể hiện ra nhiều hình tướng và nói vô số chân ngôn bí mật; từ 1 đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, 11 đầu, 108 đầu, 1.000 đầu, 10.000 đầu cho đến 84.000 đầu. Con có thể hiện ra 2 tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14 tay, 16 tay, 18 tay, 20 tay, 24 tay, 108 tay rồi 1.000 tay, 10.000 tay cho đến 84.000 tay uyển chuyển. Con có thể hiện ra 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, 108 mắt, rồi 1.000 mắt, 10.000 mắt, cho đến 84.000 mắt thanh tịnh, hoặc từ, hoặc uy, hoặc định, hoặc tuệ cứu độ chúng sanh được đại tự tại.     O

Hai là tánh nghe và suy nghĩ của con thoát ngoài sáu trần, như âm thanh luồn xuyên qua vách. Do sức nhiệm mầu vô tác, con hiện nhiều hình tướng nói nhiều chơn ngôn đem lại cho chúng sanh sức vô úy. Vì vậy cõi nước trong mười phương nhiều như vi trần đều gọi con là vị Bồ-tát "thí vô úy".         O

Ba là sự tu tập của con là phát huy căn bản thanh tịnh sẵn có nên con được viên thôngmầu nhiệm. Đi đến thế giới nào, chúng sanh cũng xả thân, hy sinh trân bảo cầu được con thương xót.     O

Bốn là con có được Phật tâm, chứng ngộ đến chỗ cứu cánh cho nên có thể đem các thứ trân bảo cúng dường thập phương Như Lai. Đến như lục đạo chúng sanh trong pháp giới muốn cầu trường thọ được trường thọ, cho đến cầu đại Niết-bàn cũng được đại Niết-bàn.           O

Bạch Đức Thế Tôn ! Nay Phật hỏi nguyên nhân chứng đắc viên thôngxin thưa rằng: Con từ cửa ngõ nhĩ cănquán chiếu đến tột cùng viên mãn về âm văn(nghe và tiếng) mà được tam muội. Đối với con, tư duy và quán chiếu tánh nghetiếng của nhĩ cănlà ưu việt nhất.

Bạch Đức Thế Tôn ! Đức Như Lai Quán Thế Âm từ thuở xa xưa ấy đã khen con khéo được pháp môn viên thông, ở trong đại chúng, Phật thọ ký cho con danh hiệu Quán Thế Âm bởi vì tánh nghethấy tròn sáng châu biến mười phương, danh hiệu Quán Thế Âmcũng phổ cập trong lục đạo chúng sanh mười phương thế giới.O

CHỌN CĂN TU ƯU VIỆT NHẤT

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, năm căn đồng phóng ra ánh sáng báu soi sáng trên đảnh của thập phương Như Lai, các pháp vương tử, các Bồ-tát như số vi trần. Các Đức Như Lai trong mười phương cũng phóng ánh sáng như vậy soi đến đảnh Phật Thích-ca, các Bồ-tát và các chúng Thanh Văn trong đại hội. Rừng cây ao hồ đều diễn ra tiếng pháp, ánh sáng của chư Phật đan xen như lưới tơ báu. Tất cả đại chúng được cái chưa từng có. Trời mưa hoa sen báu đủ màu: Xanh, vàng, đỏ, trắng xen lộn lẫn nhau. Mười phương hư không rực màu thất bảo. Núi sông đất đai ở cõi Ta-bà bỗng nhiên ẩn mất, chỉ còn thấy vô số hành tinh trong mười phương hợp thành một cõi, tiếng ca ngâm thanh thoát tự nhiên dìu dặt nổi lên.O

Phật bảo Bồ-tát Văn-thù: Ông hãy xét nghiệm thành quả tu chứng viên thôngcủa 25 vị Bồ-tát và Thanh Văn vừa đã trình bày. Vẫn biết rằng sáu căn, sáu trần, sáu thức, bảy đại đều là những dữ kiện tu chứng viên thông, nhưng nay Như Lai muốn cho ông A-nan nghe và nhận xét để tự chọn một pháp môn tu thích hợp. Như Lai cũng cần một pháp môn phương tiện để dạy cho chúng sanh mạt thế cõi Ta-bà, những người Đại thừa cầu vô thượng đạo một phương pháp tu hành tu hành hiệu quả tốt, chóng thành công phổ biến mọi căn cơ sau Như Lai diệt độ.

Bồ-tát Văn-thù vâng lời Phật cung kính chắp tay, nói bài kệ kính dâng lên Phật:        O

Biển giác tánh lặng trong

Vốn nhiệm mầu trong sáng

Tánh bản minh chiếu ra như "sở"

Chấp tướng "sở" mất tánh bản minh

Do phân biệt vọng thấy hư không

Tựa hư không hình thành thế giới

Chủng tử vô tri thành cõi nước

Sắc tâm minh liễu tức nhơn sinh

Hư không sanh trong "Đại Giác"

Như bong bóng nổi giữa đại dương

Cõi nước hữu lậu như vi trần

Sanh khởi trong bầu hư không ấy

Hư không chưa ví tày nước bể !

Thì sá chi ba cõi vốn bọt bèo

Về nguồn không hai đích

Phương tiện có nhiều đường

Quả chứng chẳng ngại nhau

Thuận nghịch là phương tiện

Sơ tâm vào tam muội

Mau chậm chẳng đồng nhau. O

1. Nhược điểm của sáu trần

Sắc bị vọng tưởng tác động vào thanh trần làm mất đi cái hồn nhiên như thị khách quan của sự vật, khó mà tu chứng viên thông.

Thanh âm kết hợp bởi ngữ ngôn, biểu hiện cụ thể của âm thanh là danh ngôn và cú nghĩa. Tác dụng của âm thanh còn phiến diện khó mà tu chứng viên thông.

Hương có hợp mới thành tác dụng; nếu để ly ra, dù hương có cũng như không. Hương trần không tương tục hiện hữu, khó mà tu chứng viên thông.

Vị không phải đương nhiên tự có, cần phải nếm mới biết có vị. Đối với vị giác cũng không liên tục, nên khó mà tu chứng viên thông.

Xúc có vật chạm mới biết, nếu không biết xúc không thành. Xúc trong lúc hợp, chẳng xúc được lúc ly, khó mà tu chứng viên thông.

Pháp còn gọi là nội trần. Trần là đối tượng "sở tri". Năng sở khổ là một khó mà tu chứng viên thông.O

2. Nhược điểm của năm căn

Tánh thấy vốn rỗng rang bao quát nhưng chỉ thấy được phía trước chẳng thấy được phía sau; bốn hướng tám phương mất đi một nửa, khó mà tu chứng viên thông.

Mũi thở ra thở vào, chặng giữa không có thở; không dung thông, còn cách trở, khó mà tu chứng viên thông.

Lưỡi không vị, tánh nếm không thành. Vị không phải lúc nào cũng sẵn có nên khó mà tu chứng viên thông.

Thân biết xúc, nhưng phải có đối tượng. Năng sở xúc không thường liên tục thì khó mà tu chứng viên thông.

Ý căn thường xen với vọng tưởng. Loạn tưởng dừng thì chẳng thấy biết gì. Tưởng niệm không dễ gì dứt bỏ thì khó mà tu chứng viên thông.O

*

3. Nhược điểm của sáu thức

Cái thấy của mắt phải có căn trần. Cạn xét tột cùng nó không tự thể; không tự thể thì không có gì nhất định nên khó mà tu chứng viên thông.

Sử dụng cái nghe, nghe suốt mười phương hàng sơ tâm không dễ dàng thực hiện khó mà tu chứng viên thông.

Quán điểm trắng ở tỷ căn đó chỉ là quyền phương tiện, nhằm thu nhiếp để trụ tâm. Trụ mà trở thành "sở trụ" thì khó mà tu chứng viên thông.

Thuyết pháp vận dụng âm thanh văn tự chỉ khai ngộ cho những ai đã trồng sâu giống Phật. Danh cú, văn tự không phải là vô lậu thì khó mà tu chứng viên thông.

Giữ giới chỉ câu thúc cái thân, ngoài cái thân lấy gì câu thúc ? Giới và thân vốn không cùng khắp thì khó mà tu chứng viên thông.

Thần thông do tập nhân từ trước, không dính dáng với ý thức phân biệt pháp trần. Niệm lự, không rời sự vật thì khó mà tu chứng viên thông.     O

*

4. Nhược điểm của bảy đại

Đất, tánh của nó là ngăn ngại, nếu quán cái tánh của địa đại thì không thể thông suốt. Vả lại pháp hữu vi không là giác tánh thì khó mà tu chứng viên thông.

Nước do quán mới thấy có. Nếu quán thủy đại cần vận dụng nhiều quán trí. Đã là quán thì không phải chơn, chưa đạt đến như như phi giác quán, thì khó mà tu chứng viên thông.

Lửa đem so sánh với nỗi khổ của dâm tâm, nếu quán hỏa đại để trừ lửa dâm ở nội tâm, đó chỉ là người chán cái khổ hoành hành, chưa phải là viễn ly chơn thật. Đó là phương tiện không phải phát xuất bởi tâm ban đầu nên khó mà tu chứng viên thông.

Gió lúc động lúc yên, nếu quán cái tánh của phong đại thì chỉ là pháp đối đãi. Còn đối đãi thì không là tánh giác minh vô thượng, khó mà tu chứng viên thông.

Không thì rỗng suốt chẳng có gì, nếu quán cái tánh của không đại thì đồng như vô tri vô giác. Vô tri vô giác trái với bồ-đề thì khó mà tu chứng viên thông.

Thức thì sanh diệt không thường, nếu quán cái tánh của thức đại chỉ là quán sự phân biệt diệt sanh hư vọng, khó mà tu chứng viên thông.

Kiến là tánh thấy, kiến đại biểu hiện qua tưởng niệm. Tất cả các hành đều vô thường, tưởng niệm vốn trong vòng sanh diệt. Đem nhân sanh diệt, cầu được quả chân thường bất diệt, khó mà tu chứng viên thông.            O

5. Sự ưu việt của nhĩ căn

Con nay kính bạch Thế Tôn:

Phật ra đời ở cõi Ta-bà

Trong cõi này giáo môn thích ứng

Hiệu quả tốt ở: nóinghe

Muốn thành tựu được Tam-ma-đề

Phải vận dụng tánh nghe mà vào

Lìa khổ được giải thoát.

Hay thay Quán Thế Âm

Kiếp số như cát sông Hằng

Vào cõi nước vi trần Phật độ

Sức tự tại không thể nghĩ lường

Vô úy bình đẳng thí chúng sanh.         O

Quán Thế Âm là Diệu Âm

Quán Thế Âm tức Phạm Âm

Quán Thế Âm, Hải Triều Âm đó

Cứu thế vững an khang

Xuất thế hằng thường trú.        O

Con kính bạch Như Lai

Như lời Quán Âm nói

Ví như ngồi chỗ tĩnh

Mười phương cùng đánh trống

Mười hướng thảy đồng nghe

Đấy là viên chơn thật

Cách vách nghe âm tưởng

Xa gần có thể nghe

Năm căn không sánh được

Thông chân thật, nhĩ căn

Tiếng chuông, tánh nghe không diệt

Tiếng có, chẳng phải mới sanh

Có không, không quan hệ

Thường chơn thật của nhĩ căn

Dù có đang say ngủ

Chẳng vì ngủ không nghe

Tánh nghe ngoài suy nghĩ

Thân ý chẳng so bằng

Hiện tại cõi Ta-bà

Thanh luận được biểu dương

Mê muội đối với tánh nghe

Bị thanh trần cuốn theo dòng lưu chuyển

Dùng tánh nghe trú trì Phật Pháp

Hãy tự mình nghe lấy tánh nghe

Xoay cái nghe thoát khỏi thanh trần

Tánh nghe ấy là tánh nghe thường trú

Một căn đã xoay về bản tánh

Thì năm căn sẽ được giải thoát theo.O

Sắc thanh… trần như bệnh lòa huyễn hóa

Ba cõi dường hoa đốm trong không

Xoay tánh nghe là trừ hết bệnh lòa

Trần tưởng diệt, giác tâm hiển hiện

Tột thanh tịnh trí quang thông suốt

Tịch như mặt trời chiếu tợ thái dương

Quay nhìn xem hiện tượng thế gian

Như vật sắc chiêm bao chẳng khác. O

Ma-đăng-già há không là mộng huyễn

Thì còn ai quyến rũ ! Hỡi A-nan ?

Như các huyễn sư khéo tạo hình người

Giỏi trang điểm làm ra trai hay gái

Dù các căn có cử động rung rinh

Do cái máy giật dây điều khiển

Động cơ nghỉ, tứ chi "người" tê liệt

Trò múa men đến lúc trở thành không

Tư duy kỹ, sáu căn người cũng thế

Phát xuất từ một thể tánh tịnh minh

Chia ra thành sáu thứ "hợp" "hòa"

Một đã tịch thì sáu căn đều thanh tịnh

Trần cấu còn thì gọi là học vị

Giác tột cùng thì gọi đó Như Lai.         O

Hỡi A-nan và đại chúng hiện tiền

Hãy dứt cái nghe thanh trần điên đảo

Xoay tánh nghe, nghe tự tánh của mình

Nghe tự tánh là thành Vô Thượng Giác

Xin đảnh lễ Như Lai Tạng Tánh

Gia bị cho mạt thế chúng sanh

Đủ khả năng làm chủ lấy nhĩ căn

Giàu nghị lực sống với viên thông thường ba chơn thật tánh. O

***

Tôn giả A-nan và đại chúng được sự hướng dẫn rõ ràng của Bồ-tát Văn-thù, mọi người cảm thấy khinh an sảng khoái, tâm trí sáng bừng, nhận thức rõ: Rằng Bồ-đề Niết-bàn Phật là gia bảo chung của tất cả chúng sanh, mọi người đều có quyền thừa hưởng. Từ lâu mình tự bỏ cha bỏ nhà đi hoang, biến mình thành những kẻ lạc loài cùng khổ, xa quê hương rời nguyên quán, đánh mất gia tài cự phú vô tận của cha ông. Nay đại chúng nhận rõ: Rằng dù họ chưa về nhưng đã biết đường về và tin ở khả năng trở về của họ. Họ xác định rõ cái quyền thừa hưởng của họ đối với sự nghiệp vĩ đại của cha ông mình.

Hàng hữu học vô học nhị thừa, hàng sơ phát tâm Bồ-tát đông như số cát mười sông Hằng, xa lìa trần cấu được pháp luân thanh tịnh. Vô lượng chúng sanh phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Thể Nhập Pháp Môn Không Hai

Thứ bốn mươi bảy


Lúc bấy giờ, Bồ-tát Duy-ma-cật hỏi các vị Bồ-tát rằng:


- “Thưa các Nhân giả! Vị Bồ-tát thể nhập pháp môn không hai như thế nào?” O


Trong pháp hội có vị Bồ-tát tên là Pháp Tự Tại nói:


- Thưa các Nhân giả ! “Sanh,” “diệt” là hai Pháp vốn không sanh cũng không diệt, đặng vô sanh pháp nhẫn, đó là “pháp môn không hai.”O


Bồ-tát Đức Thủ nói:


- “Ngã,” “ngã sở” là hai. Nhân có ngã mới có ngã sở, nếu không có ngã thời không có ngã sở. Đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Bất Thuấn nói:


- “Thọ,” “không thọ” là hai. Nếu các pháp không thọ thời không có “được” nên không thủ xả, không tạo tác, không làm ra, đó là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Đức Đảnh nói:


- “Nhơ,” “sạch” là hai. Thấy được tánh chân thật của nhơ thời không tánh sạch, thuận theo tướng diệt, đó là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Thiện Túc nói:


- “Động,” “niệm” là hai. Không động thời không niệm thời không phân biệt; đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Thiện Nhãn nói:


- “Một tướng,” “không tướng” là hai. Nếu biết một tướng tức là không tướng, cũng không chấp không tướng mà vào bình đẳng, đó là vào pháp môn không hai.O


Bồ-tát Diệu Tý nói:


- Tâm Bồ-tát, tâm Thanh Văn là hai. Quán tướng của tâm vốn là không, như huyễn hóa thời không có tâm Bồ-tát, không có tâm Thanh Văn, đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Phất-sa nói:


- “Thiện,” “bất thiện” là hai. Nếu không khởi thiện và bất thiện, vào gốc không tướng mà thông suốt được, đó là pháp môn không hai.   O


Bồ-tát Sư Tử nói:


- “Tội,” “phước” là hai. Nếu không đạt được tánh của tội, thì tội cùng phước không khác, dùng trí tuệ kim cương nhận rõ tướng ấy, không thuộc không mở, đó là pháp môn không hai.              O


Bồ-tát Tịnh Giải nói:


- “Hữu vi,” “vô vi” là hai. Nếu tất cả số thời tâm như hư không, dùng tuệ thanh tịnh không có chướng ngại, đó là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Na-la-diên nói:


- “Thế gian,” “xuất thế gian” là hai. Tánh thế gian không, tức là xuất thế gian, trong đó không vào không ra, không đầy không vơi, đó là pháp môn không hai.      O


Bồ-tát Thiện Ý nói:


- “Sanh tử,” “Niết-bàn” là hai. Nếu thấy được tánh sanh tử thời không có sanh tử, không buộc không mở, không sinh không diệt, đó là pháp môn không hai.    O


Bồ-tát Hiện Kiến nói:


- “Tận,” “không tận” là hai. Pháp đến chỗ rốt ráo thời tận hoặc không tận đều là tướng “vô tận” tức là không, không thời không có tướng tận, đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Phổ Thủ nói:


- “Ngã,” “vô ngã” là hai. “Ngã” còn không có thời là “phi ngã” đâu có được. Thấy được thật tánh của ngã không còn có hai tướng, đó là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Điển Thiên nói:


- “Minh,” “vô minh” là hai. Thật tánh vô biên tức là minh, minh cũng không thể nhận lấy, lìa tất cả số, ở đó bình đẳng không hai, đó là pháp môn không hai.        O


Bồ-tát Hỷ Kiến nói:


- “Sắc,” “không” là hai. Sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không, tánh sắc tự không; thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Thức và không là hai, Thức tức không, chẳng phải thức diệt rồi mới không, tánh thức tự không. Đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Minh Tướng nói:


- “Tứ đại,” và “không đại” là hai. Tánh tứ đại tức là tánh không đại, như lớp trước lớp sau không thời lớp giữa cũng không. Nếu biết được thật tánh các đại thời là thể nhập pháp môn không hai.  O


Bồ-tát Diệu Ý nói:


- “Con mắt,” “sắc trần” là hai. Nếu biết được tánh của mắt thời đối với sắc không tham, không sân, không si, vốn tịch diệt. Tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp cũng là hai. Nếu biết tánh của ý thời đối với pháp không tham, không sân, không si tức là tịch diệt. Đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Vô Tận Ý nói:


- “Bố thí,” “hồi hướng nhứt thiết trí” là hai. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, hồi hướng nhất thiết trí cũng là hai. Tánh trí tuệ tức là tánh nhứt thiết trí. Người ngộ nhập nhứt tướng như vậy là vào pháp môn không hai.O


Bồ-tát Thâm Tuệ nói:


- “Không,” “Vô tướng,” “vô tác” là hai. Không tức là vô tướng, vô tướng tức là vô tác. Nếu không vô tướng, vô tác thời không có tâm, ý thức. Một món giải thoát là ba món giải thoát, đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Tịnh Căn nói:


- “Phật,” “Pháp,” “Tăng” là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức là Tăng. Ba ngôi báu ấy đều là tướng vô vi, cũng như hư không. Tất cả pháp cũng vậy, đó là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói:


- “Thân,” “thân diệt” là hai. Thân tức là thân diệt. Vì sao? Thấy thật tướng của thân thời không thấy thân và thân diệt. Thân và thân diệt không hai, không khác, theo đó chẳng kinh chẳng sợ. Đó là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Thượng Thiện nói:


- “Thân thiện,” “khẩu thiện,” “ý thiện” là hai. Ba nghiệp này là tướng “vô tác.”Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của khẩu, tướng vô tác của khẩu tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của tất cả pháp. Tùy thuận trí tuệ vô tác như thế là vào pháp môn không hai.O


Bồ-tát Phước Điền nói:


- Làm phước, làm tội, làm bất động là hai. Thật tánh của ba việc làm tức là “không,” “không” thời không làm phước, không làm tội, không làm bất động. Ở ba việc làm này mà không khởi là vào pháp môn không hai.O


Bồ-tát Hoa Nghiêm nói:


- Do “ngã” mà khởi ra hai. Thấy được thật tướng của “ngã” thời không khởi ra hai pháp. Nếu không trụ hai pháp thời không có “thức.”Không có tức là vào pháp môn không hai.O


Bồ-tát Đức Tạng nói:


- Có tướng “sở đắc” là hai. Nếu không có sở đắc thời không có lấy bỏ. Không lấy bỏ là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Nguyệt Thượng nói:


- “Tối” “sáng” là hai. Không tối, không sáng thời không có hai. Vì sao? Như vào định diệt thọ tưởng thời không có tối, không có sáng. Tất cả pháp tướng cũng như thế; chỗ vào bình đẳng ấy là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Bảo Ấn Thủ nói:


- Ưa Niết-bàn, không ưa thế gian là hai. Nếu không ưa Niết-bàn, không chán thế gian thời không có hai. Vì sao? Nếu có buộc thời có mở, nếu không buộc thì nào có cầu mở. Không buộc, không mở thời không ưa, không chán, đó là pháp môn không hai.O


Bồ-tát Châu Đảnh Vương nói:


- “Chánh đạo,” “tà đạo” là hai. Ở chánh đạo thời không phân biệt thế nào là Tà, thế nào là Chánh, lìa hai món phân biệt đó là pháp môn không hai. O


Bồ-tát Nhạo Thật nói:


- “Thực,” “không thực” là hai. Người thấy thật tướng còn không thấy thật, huống là không thật thấy. Vì sao? Không phải mắt thịt mà thấy được, chỉ có mắt tuệ không có thấy mà chỗ nào cũng thấy cả, đó là pháp môn không hai. O


***

Trong pháp hội các vị Bồ-tát lần lượt trình bày con đường thể nhập pháp môn không hai. Có vị Bồ-tát hỏi Bồ-tát Văn-thù rằng:


- Theo hiền giả, thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai?


Bồ-tát Văn-thù nói:


- Đối với tất cả pháp không nói, không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là pháp môn không hai.            O


Nói xong, Bồ-tát Văn Thù hỏi Bồ-tát Duy-ma-cật rằng:


- Chúng tôi đã tuần tự trình bày xong, giờ đến lượt Nhân giả nói: thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai ?


Bồ-tát Duy-ma-cật im lặng không nói. Bồ-tát Văn-thù khen rằng: “Hay thay, hay thay! Cho đến khi không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là pháp môn không hai.” O


Nghe các vị Bồ-tát trình bày như trên, năm ngàn thính giả trong pháp hội đã thể nhập pháp môn không hai, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

--- o0o ---

Kinh Viên Giác

Thứ bốn mươi tám

Tôi nghe như vầy: một thuở nọ Đức Phật nhập định Thần Thông Đại Quang Minh Tạng, là nơi trụ trì Thường Tịch Quang Trang Nghiêm của tất cả Như Lai, cũng là nơi giác ngộ vốn trong sạch của tất cả chúng sanh, tất cả thánh phàm đều tùy thuận bản thể bình đẳng bất nhị của tự tánh đầy khắp mười phương không gian và thời gian, thân tâm tịch diệt mà hiện cảnh bất nhị nơi các cõi Tịnh, cùng với mười vạn đại Bồ-tát đều nhập chánh định, đồng sự pháp hội bình đẳngcủa Như Lai.O


Bấy giờ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân Phật, chắp tay quỳ gối bạch Phật rằng:


- Xin Thế Tôn đại bi vì tất cả pháp hội giảng về nhân địa phát tâm trong sạch của Như Lai, phải dựa theo pháp nào, tu theo hạnh gì mà được thành Phật. Nhiều người đã phát tâm trong sạch nguyện độ chúng sanh thành Phật, nhưng chẳng biết dụng tâm tu hành như thế nào mới được chánh tri kiến, xa lìa các thiền bệnh, khiến cho chúng sanh thời mạt pháp ở vị lai cầu pháp Đại thừa, không rơi vào tà kiến. O


- Lành thay ! Lành thay ! Ông khéo vì các Bồ-tát hỏi về nhân địa phát tâm của Như Lai dựa theo pháp nào, tu hạnh gì, lại vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp cầu pháp Đại thừa được trụ nơi chánh pháp, chẳng rơi vào tà kiến. Nay ông và đại chúng hãy lắng nghe, Như Lai sẽ tuyên nói. O


Lúc ấy Bồ-tát Văn-thù và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.


Này các vị! Có pháp môn tổng trì nhiệm mầu vô thượng gọi là Viên Giác. Từ pháp này kiến lập tất cả thanh tịnh, Chơn Như, Bồ-đề, Niết-bàn và Ba-la-mật để dạy Bồ-tát và chúng sanh về nhân địa phát tâm của tất cả Như Lai, đều nên nương theo giác tướng trong sạch chiếu soi đầy đủ, dứt hẳn vô minh mới thành Phật đạo. O


Này các vị! tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị nhiều điên đảo, ví như kẻ lạc đường nhận lầm phương Nam thành phương Bắc, vọng cho tứ đại là thân tướng thật của mình, ví như kẻ bị nhậm thấy hoa đốm và thấy mặt trăng thứ hai.


Này các vị! Hư không vốn chẳng có hoa đốm, vì bệnh nhậm mà ảo giác vọng chấp thành có. Do vọng ấy chẳng những không biết tánh hư không lại còn lầm nhận chỗ sanh ra hoa đốm là thật. Từ cái vọng này thành có sanh tử luân hồi nên gọi là vô minh. O


Này các vị! Vô minh này không có thật thể, như người trong mộng lúc chiêm bao thì có, đến khi thức tỉnh thì không còn gì cả. Tất cả chúng sanh sở dĩ có sự sanh tử luân hồi là vì các pháp vốn vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt. Này các vị! Như Lai do tu theo tự tánh Viên Giác, chiếu soi bản thể của tự tánh vốn tịch diệt, biết rõ thân tâm, thế giới như hoa đốm trên không. Thân tâm vốn không, lấy gì để thọ sanh tử luân hồi? Cái “không” này là vì bản tánh vốn không, chẳng phải do tạo tác thành không. Cái biết đó ví như hư không, kẻ biết như hư không đó tức là tướng hoa đốm cũng chẳng thể nói không có tánh tri giác, “có” với “không” đều lìa, đó mới gọi là tùy thuận giác tánh trong sạch.


Tại sao? Vì tánh hư không thường trụ bất động. Trong Như Lai Tạng vốn chẳng có sự sanh diệt nên chẳng có tri kiến sanh diệt trong đó, cũng như pháp giới tánh rốt ráo viên mãn đầy khắp mười phương không gian và thời gian. Bồ-tát vì thế ở nơi Đại thừa phát tâm trong sạch, chúng sanh trong đời mạt pháp theo đó tu hành chẳng đọa tà kiến. O

***


Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền bạch Đức Phật rằng:


- Bạch Đức Thế Tôn, nếu thế giới như huyễn, thân tâm như huyễn tại sao chúng sanh lại dùng huyễn để tu huyễn. Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy phương tiện tu tập trình tự để lìa hẳn các huyễn.


- Này các vị! Mọi thứ huyễn hóa đều sanh nơi diệu tâm Viên Giác của Như Lai, cũng như hoa đốm từ hư không mà có, hoa đốm dù diệt, tánh hư không chẳng hoại, huyễn tâm của chúng sanh dù theo huyễn diệt, các huyễn diệt hết, bản giác chẳng động. Do “huyễn” nói “giác”, giác cũng là huyễn, nếu nói “có giác” thì vẫn chưa lìa huyễn, nói “không có giác” thì cũng như thế, nên nói các huyễn diệt hết gọi là bản giác bất động. O


Này các vị! Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp nên xa lìa tất cả huyễn hóa, những cảnh giới hư vọng do vọng tâm cố chấp mà sanh. Nay xa lìa vọng tâm, cái tâm năng lìa cũng là huyễn, cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa vẫn là huyễn, cũng phải lìa luôn, lìa rồi lại lìa nữa, đến chỗ không còn sở lìa mới dứt hẳn các huyễn. Ví như dùi cây lấy lửa, lửa phát ra thì cây cháy thành tro, khói diệt tro bay, đất nơi đốt vốn chẳng động. Dùng huyễn tu huyễn cũng như thế, các huyễn diệt hết nhưng chẳng phải đoạn diệt. O


Này các vị! Biết huyễn tức là lìa, chẳng lập phương tiện; lìa huyễn tức là giác, cũng chẳng thứ lớp. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, như thế mới lìa hẳn các huyễn. O

***


Nghe Đức Phật giảng xong, Bồ-tát Phổ Nhãn bạch rằng:


- Bạch Đức Thế Tôn, Bồ-tát phải an trụ và quán tâm như thế nào và dùng phương tiện gì để hóa độ chúng sanh một cách hữu hiệu trong thời mạt pháp ?


- Này các vị! Những Bồ-tát sơ học và chúng sanh đời mạt pháp muốn cầu tâm Viên Giác trong sạch của Như Lai, nên dùng chánh niệm để xa lìa các huyễn. O


Muốn giữ chánh niệm, trước tiên phải nương theo hạnh Xa-ma-tha của Như Lai, kiên trì giới cấm, cho đồ chúng an cư, tĩnh tọa trong tịnh thất. Hành giả trước tiên hãy quán thân này do tứ đại hòa hợp, những thứ tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, chất bẩn đều thộc về địa đại. Nước mắt, nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mủ, đờm, dãi, tiểu, tiện v.v.. đều thuộc về thủy đại. Hơi ấm là hỏa đại, hơi thở là phong đại. Nếu tứ đại lìa nhau thì thân này ở đâu? Quán xét như thế thì biết thân này chẳng có tự thể, do các đại hòa hợp thành có tướng, thật ra đồng như huyễn hóa vì bốn duyên giả hợp với vọng, có lục căn; từ bốn đại sanh khởi sáu giác quan; giác quan và đối tượng hòa hợp sanh khởi sáu thức, do sáu thứ phân biệt sáu đối tượng, ghi nhớ tích tụ bên trong, tựa như có tướng nhân duyên hiện ra nên giả gọi là tâm O


Này các vị! Cái vọng tâm này nếu chẳng có, sáu đối tượng cũng chẳng thể có, bốn đại tan rã thì cảnh trần cũng không còn. Nhân duyên giác quan và đối tượng đều tự tiêu tán, rốt cuộc cũng chẳng thấy có gì là tâm phan duyên.


Này các vị! Khi huyễn thân diệt huyễn tâm cũng diệt, huyễn tâm diệt rồi huyễn trần cũng diệt, huyễn trần diệt rồi, huyễn diệt cũng diệt, cái biết huyễn diệt cũng diệt rồi thì phi huyễn tức bản giác chẳng diệt, cũng như chùi gương, bụi sạch gương sáng. O


Này các vị! Phải biết thân tâm cũng là cấu bẩn của huyễn, tướng cấu bẩn diệt hẳn thì mười phương trong sạch.


Này các vị! Ví như hạt châu Ma-ni, bản thể trong sạch vốn chẳng màu sắc, tùy theo màu sắc bên ngoài tương phản vào mà người quán sát thấy màu sắc ấy; kẻ mê chẳng biết, cho rằng hạt châu Ma-ni thật có màusắc.O


Này các vị! Tánh trong sạch của Viên Giác cũng như thế, tùy loại cảm ứng hiện ra thân tâm, kẻ mê chẳng biết lại cho bản thể Viên Giác thật có thân tâm sắc tướng, chấp thành tự tướng cũng như vậy. Chúng sanh do đó chẳng thể xa lìa huyễn hóa. Đối với người đã lìa được cấu bẩn của huyễn hóa được gọi là Bồ-tát. Cấu bẩn là sở lìa, Bồ-tát là năng lìa, cấu bẩn sạch tức sở lìa hết, đối đãi trừ tức năng lìa hết, vậy chẳng còn năng sở tương đối để lìa cấu bẩn và tên gọi người năng lìa. O


Này các vị! Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp, nhờ quán xét diệt được những bóng hình của vọng tâm tạo ra thì chứng được các pháp đều huyễn. Lúc ấy liền thấy mười phương trong sạch, vô biên hư không là bản giác sở hiện; bản giác tràn đầy sáng tỏ, hiển hiện thâm tâm trong sạch. Vì tâm trong sạch nên thấy trần trong sạch. Cái thấy trong sạch nên con mắt trong sạch, con mắt trong sạch nên nhận thức của mắt trong sạch, do nhận thức của mắt trong sạch nên nghe trần trong sạch, nghe trong sạch nên tai trong sạch. Lỗ tai trong sạch nên cái nghe trong sạch, do cái nghe trong sạch nên trần trong sạch. Tương tự, mũi, lưỡi, thân, ý đều cũng trong sạch như vậy. O


Này các vị! Do sáu giác quan trong sạch nên hình thể, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý tưởng của tâm đều trở nên trong sạch.


Này các vị! Do sáu đối tượng giác quan trong sạch nên các yếu tố đất, nước, lửa, gió cũng đều trong sạch.


Này các vị! Do bốn yếu tố trong sạch nên mười hai xứ, mười tám giới, cho đến hai mươi lăm cõi sống trong ba cõi đều trong sạch. O


Vì các pháp thế gian của sáu phàm trong sạch nên các pháp xuất thế gian của bốn thánh như: mười lực, bốn vô sở úy, bốn trí vô ngại, mười tám đặc tính của Phật, ba mươi bảy yếu tố giác ngộ v.v... đều trong sạch. Như thế cho đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tổng trì, tất cả đều trong sạch.


Này các vị! Nói tóm lại tất cả pháp đều là tướng, tánh vốn trong sạch. Vậy thì một thân trong sạch nên nhiều thân trong sạch; vì nhiều thân trong sạch như thế cho đến mười phương chúng sanh Viên Giác trong sạch. O


Này các vị! Theo sự trong sạch kể trên, do một thế giới trong sạch nên nhiều thế giới trong sạch, vì nhiều thế giới trong sạch như thế cho đến khắp không gian và thời gian, tất cả bình đẳng trong sạch chẳng động.


Này các vị! Vì hư không bình đẳng chẳng động nên biết giác tánh chẳng động; vì bốn đại bình đẳng chẳng động nên biết giác tánh bình đẳng chẳng động, như thế cho đến tám mươi bốn ngàn pháp môn tổng trì bình đẳng chẳng động. O


Này các vị! Giác tánh cùng khắp, trong sạch chẳng động, tròn đầy chẳng có ngằn mé. Nên biết sáu giác quan cùng khắp pháp giới, sáu đối tượng của chúng cũng cùng khắp pháp giới, như thế cho đến pháp môn tổng trì đều cùng khắp pháp giới.


Này các vị! Do diệu giác ấy tánh vốn cùng khắp nên tánh giác quan, tánh đối tượng chẳng hoại chẳng nhiễm. Vì giác quan và đối tượng chẳng hoại chẳng nhiễm như thế cho đến pháp môn tổng trì chẳng hoại chẳng nhiễm, như ánh sáng của trăm ngàn ngọn đèn chiếu trong một phòng, ánh sáng ấy cùng khắp, chẳng hoại chẳng nhiễm. O


Này các vị! Vì bản giác vốn thành tựu nên biết Bồ-tát chẳng bị pháp trói buộc, chẳng cần pháp giải thoát, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết-bàn, chẳng kính trì giới, chẳng ghét phá giới, chẳng trọng tu lâu, chẳng khinh sơ học. Tại sao? Vì tất cả đều ở trong bản giác, ví như con mắt sáng tỏ thấy rõ cảnh tượng trước mắt, ánh sáng ấy viên mãn chẳng sanh yêu ghét. Tại sao? Vì bản thể ánh sáng không hai nên chẳng sanh yêu ghét vậy.


Này các vị! Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp tu tập tâm này đều được thành tựu. Vì bản giác vốn đầy đủ, dù nói tu tập thành tựu, thật vốn vô tu, cũng vô thành tựu. Vì Viên Giác phổ biến chiếu soi, tịch diệt bất nhị, trong đó bao gồm trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ bất khả thuyết vô số hằng sa thế giới của các Đức Phật, ví như hoa đốm hiện trên hư không, khởi diệt lăng xăng, chẳng hợp chẳng lìa, chẳng trói buộc, chẳng giải thoát, vì thế mới biết chúng sanh bổn lai thành Phật, sanh tử Niết-bàn đều như việc trong mộng. O


Này các vị! Do các pháp như việc trong mộng nên biết sanh tử và Niết-bàn chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, những sở chứng ấy chẳng được chẳng mất, chẳng nắm chẳng buông, những cái chứng đắc được vốn không bị tạo tác, vô chỉ, vô nhậm, vô diệt, nơi pháp chứng này rốt cuộc vô năng chứng vô sở chứng, tất cả pháp tánh đều bình đẳng chẳng hoại.


Này các vị! Những Bồ-tát ấy nên tu hành như thế, theo thứ lớp như thế, quán tưởng như thế, an trụ tâm như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, tất cả thực hành theo chánh pháp, chánh hạnh như thế thì tâm chẳng mê muội. O

***


Lúc ấy, Bồ-tát Kim Cang Tạng thưa hỏi Đức Phật:


- Bạch Thế Tôn ! Nếu các chúng sanh bổn lai thành Phật, tại sao lại có tất cả vô minh ? Nếu những vô minh sẵn có trong chúng sanh thì do nhân duyên gì Như Lai lại nói bổn lai thành Phật ? Nếu mười phương chúng sanh bổn lai thành Phật rồi sau mới khởi vô minh, vậy tất cả Như Lai đến lúc nào sanh lại tất cả phiền não ? Xin Phật rủ lòng đại từ vì những Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp khai giảng pháp tạng bí mật, khiến người nghe được pháp môn liễu nghĩa của kinh này, dứt hẳn tâm nghi ngờ. O


- Này các vị! Các cặp phạm trù nhị nguyên trong đời như: thủy chung, sanh diệt, trước sau, có không, tụ tán, khởi dừng, thủ xả, vân vân, đều là đối đãi, xoay vần tương sanh với nhau, niệm niệm tương tục, đều là luân hồi. Kẻ chưa ra khỏi luân hồi mà phân biệt Viên Giác thì tánh Viên Giác kia cũng đồng như luân hồi, vậy muốn khỏi bị luân hồi thì chẳng có chỗ đứng. Ví như mắt nháy thấy nước lặng dợn sóng, mắt ngó hẳn một chỗ, thấy vòng lửa xoay tròn, do mây bay mau thấy mặt trăng đi nhanh, do thuyền đi thấy bờ trôi vậy. O


Này các vị! Sự xoay vòng chưa dừng mà muốn cảnh vật dừng trước còn chẳng thể được, huống là tâm cấu bẩn chưa từng trong sạch, còn ở trong sanh tử luân hồi mà muốn quán Viên Giác của Phật chẳng xoay vần thì làm sao được ! Vì thế các vị mới sanh ba điều nghi hoặc kể trên.

Này các vị! Ví như bệnh nhặm vọng thấy hoa đốm hiện trên hư không, nếu bệnh nhặm hết, chẳng thể nói rằng nhặm nay đã diệt, vậy đến lúc nào tất cả bệnh nhặm mới sanh trở lại. Tại sao? Vì hai pháp bệnh nhặm và hoa đốm chẳng phải đối đãi sanh nhau, cũng như hoa đốm diệt nơi hư không rồi chẳng thể nói rằng hư không lúc nào sanh lại hoa đốm nữa. Tại sao? Hư không vốn chẳng có hoa đốm nên chẳng có sự sanh diệt. Sanh tử, Niết-bàn cũng giống như hoa đốm sanh diệt, nếu diệu giác hiện ra tròn đầy chiếu khắp thì hoa đốm và bệnh nhặm đều tự lìa hẳn. O


Này các vị! Phải biết hư không chẳng phải tạm có, cũng chẳng phải tạm không, huống là bản tánh bình đẳng của hư không là tùy thuận Viên Giác của Như Lai, làm sao có thể dung nạp những đối đãi như: có không, sanh diệt, trước sau, v.v... ở trong đó!


Này các vị! Như luyện quặng vàng, vàng chẳng phải do luyện mà có, khi đã thành vàng ròng thì dù trải qua vô lượng kiếp tánh vàng chẳng hoại, chẳng thể trở lại làm quặng nữa; vậy chẳng nên nói rằng vàng ròng vốn chẳng thành tựu, Viên Giác của Như Lai cũng giống như thế. O


Này các vị! Tâm Viên Giác của tất cả Như Lai vốn chẳng Bồ-đề và Niết-bàn, cũng chẳng có sự thành Phật hay chẳng thành Phật, cũng chẳng có vọng luân hồi và phi luân hồi.


Này các vị! Theo cảnh giới sở chứng của hàng Thanh Văn, thân tâm ngôn ngữ đều đã đoạn diệt còn chẳng thể đến chỗ Niết-bàn của tự mình chứng, huống là dùng tâm suy tư để đo lường cảnh giới Viên Giác của Như Lai; ví như lấy lửa đom đóm để đốt núi Tu-di thì làm sao cháy được ! Nên dùng tâm luân hồi sanh tri kiến luân hồi mà muốn vào biển tịch diệt của Như Lai thì làm sao đến được! Cho nên ta nói tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp, trước tiên phải đoạn dứt cội gốc luân hồi từ vô thỉ. O


Này các vị! Những tác ý suy tư do có tâm mà sanh khởi ấy đều là sáu đối tượng trần cảnh, là nhân duyên của vọng tưởng, chẳng phải bản thể thật của chân tâm nên nói như hoa đốm; vậy nếu dùng tâm suy tư này để phân biệt cảnh giới của Phật, cũng như trông hoa đốm lại kết thành quả hư không, ấy đều là do vọng tưởng xoay vần, thật ra chẳng có chỗ đúng. O


Này các vị! Vọng tâm trôi nổi sanh nhiều kiến chấp xảo trá nên chẳng thể thành tựu phương tiện của Viên Giác, sự thưa hỏi của ông là do vọng tâm phân biệt như thế. Thật chẳng phải là câu hỏi đúng theo chánh kiến. O

***


Lúc ấy, Bồ-tát Di-lặc cung kính thưa hỏi Đức Phật rằng:


- Bạch Thế Tôn ! - Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp muốn vào biển Đại Tịch Diệt của Như Lai nên dứt gốc rễ luân hồi như thế nào? - Chúng sanh luân hồi có bao nhiêu chủng tánh? - Người tu đến Bồ-đề của Phật có mấy bậc sai biệt ? - Bồ-tát trở vào trần lao nên thiết lập bao nhiêu phương tiện để giáo hóa chúng sanh?


Xin Phật rủ lòng từ bi cứu đời, khiến tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, được huệ nhãn trong sạch, tâm gương sáng tỏ, viên mãn ngộ nhập vô thượng tri kiến của Như Lai. O


- Này các vị! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay do có đủ thứ tham dục ân ái nên có luân hồi. Tất cả chủng tánh nơi các thế giới như sanh từ trứng, sanh từ thai, sanh từ sự ẩm ướt, sanh từ sự biến hoá, đều lấy dâm dục làm chánh nhân mới có sinh mạng, nên biết ái dục là cội gốc của luân hồi. Do có các dục làm trợ duyên phát khởi tâm ân ái, vì thế khiến chúng sanh có sanh tử tương tục. O


Do nơi cảnh dục mà sanh tâm yêu ghét; cảnh thuận với tâm ta thì yêu, cảnh nghịch với ta thì ghét, nên theo đó tạo đủ thứ ác nghiệp mà bị sanh vào đường địa ngục, ngạ quỷ.


Nếu bỏ ác mà ham thiện thì sanh vào cõi trời, cõi người. O


Lại nữa, nếu biết nhàm chán những tham ái, ưa xả bỏ tham ái, nhưng, cái ưa ấy vẫn là gốc của tham ái nên tăng thêm quả thiện, đó đều là pháp hữu vi nên vẫn còn phải bị luân hồi, chẳng thành thánh quả. Cho nên chúng sanh muốn giải thoát sanh tử luân hồi, trước tiên phải đoạn đứt tham dục và trừ bỏ ân ái.


Này các vị! Tất cả chúng sanh do cội gốc tham dục phát khởi vô minh, sanh năm thứ chủng tánh khác nhau, vô minh nương theo hai thứ chướng mà hiển hiện sâu cạn.


Thế nào là hai thứ chướng ? Một là lý chướng tức là chướng làm ngại chánh tri kiến, hai là sự chướng, do chướng này làm cho sanh tử tương tục. O


Này các vị! Năm thứ chủng tánh như sau:


Một là chủng tánh phàm phu: Nếu hai thứ chướng kể trên chưa được đoạn diệt thì gọi là chưa thành Phật. O


Hai là, chủng tánh Nhị thừa: Nếu những chúng sanh bỏ hẳn tham dục, đã trừ được sự chướng nhưng chưa dứt lý chướng thì chỉ có thể ngộ nhập hàng Thanh Văn hay Duyên Giác, chưa thể trụ nơi cảnh giới Bồ-tát . O


Ba là chủng tánh Bồ-tát: Nếu tất cả chúng sanh đời mạt pháp muốn vào biển Đại Viên Giác của Như Lai, trước tiên phải phát nguyện siêng năng dứt trừ hai chướng, nếu hai chướng đã hàng phục thì được ngộ nhập cảnh giới Bồ-tát. Nếu hai chướng dứt hẳn thì được đến Niết-bàn, Bồ-đề đầy đủ, thẳng vào Viên Giác vi diệu của Như Lai. O


Bốn là chủng tánh bất định: Này các vị! Tất cả chúng sanh đều chứng Viên Giác, được gặp thiện tri thức, tùy nơi nhân địa tự tu pháp gì, hạnh gì của mỗi thiện tri thức để dạy bảo môn đồ, người theo đó tu tập bèn có chủng tánh đốn tiệm khác nhau. Nếu gặp đường lối tu đúng chánh hạnh, thẳng đến vô thượng Bồ-đề của Như Lai thì chẳng kể căn cơ lớn nhỏ, đều thành quả Phật. O


Năm là chủng tánh ngoại đạo: Nếu chúng sanh muốn cầu chánh pháp mà lại gặp thầy bạn tà kiến thì tu hành chẳng được chánh ngộ, đây gọi là chủng tánh ngoại đạo, ấy là lỗi của tà sư, chẳng phải lỗi của chúng sanh. O


Đó là năm chủng tánh sai biệt của chúng sanh. Này các vị! Bồ-tát chỉ vì tâm đại bi, tùy sự phương tiện vào các cõi thế gian khai thị cho kẻ chưa ngộ, cho đến thị hiện đủ thứ hình tướng, tùy theo cảnh giới thuận nghịch cộng sự với họ, giáo hoá cho đến thành Phật ấy đều nương theo nguyện lực trong sạch đã sẵn từ vô thủy. O


Nếu tất cả chúng sanh đời mạt pháp khởi tâm tiến lên Đại Viên Giác nên phát đại nguyện trong sạch của Bồ-tát rằng:

- Nay tôi phát nguyện trụ Viên Giác của Phật, cầu thiện tri thức, chớ gặp ngoại đạo và Nhị thừa, theo nguyện tu hành, các chướng dứt dần, chướng dứt sạch thì nguyện thoả mãn, bước lên pháp điện trong sạch giải thoát, đến cõi Diệu Trang Nghiêm, chứng Đại Viên Giác. O

***


Lúc ấy, Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ bạch Đức Phật rằng:


- Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài giảng lại tính giác viên mãn và cách thức tu hành theo từng căn cơ để hành giả được chứng ngộ.


- Này các vị! Tự tánh của Viên Giác vô sở trụ, chẳng trụ nơi “có và không” chỉ tùy theo tánh nhân duyên sanh khởi, chẳng thủ chẳng chứng. Ở trong thật tướng, thật chẳng có Bồ-tát và những chúng sanh. Tại sao? Vì Bồ-tát và chúng sanh đều là huyễn hóa, nếu huyễn hóa diệt thì chẳng có kẻ thủ chứng. Ví như nhãn căn chẳng tự thấy nhãn, pháp tánh vốn bình đẳng mà chẳng có kẻ bình đẳng. O


Chúng sanh mê muội, chưa thể diệt trừ tất cả huyễn hóa, lúc đang dụng công diệt trừ, muốn diệt trừ mà chưa diệt thì hiện ra sai biệt. Nếu được tùy thuận bản tánh tịch diệt của Như Lai, rốt cuộc chẳng có sự tịch diệt và kẻ tịch diệt.


Lại nếu có người dứt hẳn trần lao, được pháp giới trong sạch, ngay cái kiến giải trong sạch ấy tự làm chướng ngại cho mình nên ở nơi Viên Giác chẳng được tự tại, đây gọi là tùy thuận giác tánh của phàm phu. O


Này các vị! Tất cả Bồ-tát do kiến giác chiếu soi, biết kiến giải là chướng ngại, dù đoạn được chướng ngại của kiến giải nhưng kiến giác vẫn còn, trụ nơi kiến giác cũng thành chướng ngại mà chẳng thể tự tại, đây gọi là tùy thuận giác tánh của những Bồ-tát chưa vào Sơ Địa.


Này các vị! Có chiếu soi, có kiến giác đều gọi là chướng ngại, cho nên thường giác của Bồ-tát chẳng trụ năng sở; năng chiếu và sở chiếu đồng thời tịch diệt. Ví như có người tự chặt đầu mình, khi đầu đã chặt đứt thì chẳng còn kẻ năng chặt. Vậy dùng tâm chướng ngại đã đoạn diệt thì chẳng có kẻ năng diệt chướng ngại. O


Kinh giáo liễu nghĩa của Phật như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng. Tất cả các thứ ngôn thuyết của Như Lai chỉ để khai thị cho Bồ-tát và chúng sanh cũng như thế, đây gọi là tùy thuận giác tánh của những Bồ-tát đã vào Sơ Địa.


Này các vị! Tất cả chướng ngại cũng là cứu cánh giác; đắc niệm thất niệm đều là giải thoát; pháp thành tựu, pháp phá hoại đều gọi là Niết-bàn; trí huệ, ngu si cùng là Bát Nhã, pháp thành tựu của Bồ-tát và ngoại đạo đồng là Bồ-đề; vô minh với cảnh giới Chơn Như chẳng khác; giới định huệ và tham sân si đều thành tịnh hạnh; cõi chúng sanh và cõi Phật đồng một pháp tánh; địa ngục, thiên cung đều là Tịnh độ; hữu tánh vô tánh cùng nhau thành Phật; tất cả phiền não tức là giải thoát. Dùng trí huệ biển giác chiếu soi các tướng trong pháp giới đều như hư không bình đẳng bất nhị, đây gọi là tùy thuận giác tánh của Như Lai. O


Này các vị! Những Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp phải an trụ tâm như thế này: bất cứ lúc nào cũng chẳng dừng nghỉ và diệt trừ, nơi cảnh vọng tưởng không cho liễu tri, đối với sự không liễu tri cũng chẳng phân biệt là thật không liễu tri.


Nếu những chúng sanh đối với pháp môn khó tin, khó hiểu, khó thực hành này, nghe rồi mà chẳng sanh tâm kinh ngạc và khiếp sợ, ấy gọi là tùy thuận giác tánh.


Này các vị! Các ông nên biết, những chúng sanh này đã từng cúng dường trăm ngàn muôn ức hằng sa các Đức Phật và đại Bồ-tát, gieo trồng nhiều phước đức thiện căn, nên Phật nói người ấy gọi là thành tựu nhất thiết chủng trí quyết định sẽ thành Phật. O


***

Lúc ấy Bồ-tát Oai Đức Tự bạch Phật:


- Xin Thế Tôn vì chúng con giảng rõ tất cả phương tiện thứ lớp và người tu hành gồm có mấy loại khiến Bồ-tát trong hội và chúng sanh đời mạt pháp, kẻ cầu Đại thừa mau được khai ngộ, vào biển Đại Tịch Diệt của Như Lai?


- Này các vị! Vô thượng diệu giác cùng khắp mười phương không gian và thời gian, sanh ra Như Lai và tất cả các pháp, bản thể đồng nhau, bình đẳng bất nhị nên những người tu hành thật chẳng có hai. Nếu tùy thuận phương tiện thì số ấy vô lượng, nay qui nạp lại theo các tánh sai biệt phải có ba thứ. O


Một là, nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, lấy tịnh làm hạnh quán tâm thể chẳng động. Do lắng lặng các niệm, vọng tưởng ngừng nghỉ thì thấy tướng tập khi sanh diệt trong thức thứ tám, quán lâu thì tịnh huệ sanh khởi, bỗng thấy khách trần lăng xăng của thân tâm từ nay diệt hẳn, trong tâm liền cảm thấy tịch tịnh khinh an. Vì tâm được tịch tịnh nên thấy tâm của Như Lai trong mười phương của thế giới đều hiển hiện trong đó như hình tượng hiện trong gương, phương tiện này gọi là thiền quán Xa-ma-tha. O


Hai là, nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, biết tánh của giác tâm và căn trần đều do huyễn hóa mà sanh khởi các huyễn, nay dùng huyễn trí (thủy giác) diệt trừ kẻ huyễn (vô minh), thì hiện thân biến hóa như huyễn. Do huyễn thân hóa độ chúng sanh mà chẳng chấp tướng chúng sanh, nên trong tâm cảm thấy đại bi khinh an. Tất cả Bồ-tát từ đây khởi hạnh theo thứ lớp tiến lên, cái huyễn của trí năng quán kia chẳng đồng với cái huyễn của cảnh sở quán. Trí năng quán tuy chẳng đồng với cảnh sở quán nhưng cũng là huyễn, vì năng quán sở quán đều là huyễn, chẳng đồng với kẻ chấp thật có người để lìa hai thứ huyễn năng sở. Sở quán đã diệt thì năng quán cũng tiêu, cảnh trí đều tuyệt, vậy mới được lìa hẳn tướng huyễn.


Những Bồ-tát này tu theo chánh hạnh kể trên thì được diệu hạnh viên mãn cũng như mầm Chơn Như trưởng thành nơi đất Pháp thân. Phương tiện này gọi là thiền quán Tam-ma-bát-đề. O


Ba là, nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên Giác vốn trong sạch, dùng giác tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, chẳng chấp huyễn hóa và tướng tịnh, liễu tri thân tâm đều là chướng ngại, nay chẳng chấp giác minh, chẳng kể chướng ngại, thì được diệt hẳn cảnh ngại và vô ngại. Sự thọ dụng thân tâm thế giới là tướng phiền não. Niết-bàn là nơi phiền não của cõi trần cũng như âm thanh ở nơi chuông trống, chuông trống dù nhỏ hẹp, nhưng âm thanh vọt ra ngoài xa, chẳng bị khuôn khổ của chuông trống chướng ngại. Như thế Niết-bàn vượt ra ngoài tướng phiền não, cùng khắp pháp giới, cũng chẳng bị phiền não chướng ngại vậy. Nếu theo thiền quán kể trên thì trong tâm được tịch diệt khinh an, tùy thuận cảnh giới tịch diệt của diệu giác thì thấy bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ mạng đều là vọng tưởng trôi nổi, tất cả thân tâm đều chẳng đến chỗ diệu giác. Phương tiện này gọi là Thiền-na. O


- Này các vị! Ba pháp môn này đều là Viên Giác, vì mười phương Như Lai tu hành nơi nhân địa được thân cận tùy thuận ba môn này nên do đó thành Phật.


Đủ thứ phương tiện và tất cả đồng dị của mười phương Bồ-tát đều tu hành theo ba pháp môn kể trên mà viên mãn chứng nhập, thành quả Viên Giác. O

***


Lúc ấy, Bồ-tát Biện Âm đảnh lễ Đức Phật rồi bạch rằng:


- Bạch Thế Tôn, để vào cửa Viên Giác thì có mấy thứ tu tập và phải vận dụng phương tiện gì để ngộ nhập thật tướng.


- Này các vị! Tất cả Như Lai Viên Giác trong sạch, vốn chẳng có sự tu tập và kẻ tu tập. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp nương theo tâm chưa giác, dùng huyễn lực tu tập, khi ấy có hai mươi lăm thứ định trong sạch.


Một là, nếu những Bồ-tát tu pháp cực tịnh, do sức tịnh được dứt hẳn phiền não, thành tựu rốt ráo nên chẳng rời chỗ ngồi liền vào Niết-bàn, Bồ-tát này gọi là chuyên tu thiền quán Xa-ma-tha. O


Hai là, nếu những Bồ-tát tu pháp quán như huyễn, dùng sức Phật tánh biến hóa thế giới và đủ thứ tác dụng để thực hành diệu hạnh trong sạch của Bồ-tát, nơi pháp tổng trì chẳng lạc mất tịch niệm và tịch huệ, Bồ-tát này gọi là chuyên tu thiền quán Tam-ma-bát-đề. O


Ba là, nếu những Bồ-tát chuyên diệt các huyễn, chẳng cần tác dụng mà tự dứt phiền não. Khi phiền não dứt sạch liền chứng thật tướng, Bồ-tát này gọi là chuyên tu thiền quán Thiền-na. O


Bốn là, nếu những Bồ-tát trước tu cực tịnh dùng huệ tâm của tịnh để chiếu soi kẻ huyễn, liền ở trong đó để khởi hạnh Bồ-tát. Bồ-tát này gọi là trước tu thiền quán Xa-ma-tha, sau tu thiền quán Tam-ma-bát-đề. O


Năm là, nếu những Bồ-tát tu theo tịnh huệ, chứng được tánh cực tịnh, liền dứt phiền não, lìa hẳn sanh tử, Bồ-tát này gọi là trước tu thiền quán Xa-ma-tha, sau tu thiền quán Thiền-na. O


Sáu là, nếu những Bồ-tát tu theo huệ tịch tịnh, lại hiện sức huyễn hóa biến hiện đủ thứ thân tướng để độ chúng sanh, sau mới dứt phiền não mà nhập tịch diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na. O


Bảy là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh dứt phiền não rồi sau mới thành diệu hạnh trong sạch của Bồ-tát để độ chúng sanh, Bồ-tát này gọi là trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề. O


Tám là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh, tâm dứt phiền não rồi lại độ chúng sanh, kiến lập thế giới, Bồ-tát này gọi là trước tu Xa-ma-tha, sau đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Thiền-na. O


Chín là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh để sanh khởi biến hóa, sau mới dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na. O


Mười là, nếu những Bồ-tát dùng sức cực tịnh để đưa đến tịch diệt, sau lại khởi tác dụng biến hóa thế giới, Bồ-tát này gọi là đồng thời tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề. O


Mười một là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa tùy thuận đủ thứ cho đến cực tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha. O


Mười hai là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa biến hiện đủ thứ cảnh giới mới đến tịch diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Thiền-na.O


Mười ba là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa để làm Phật sự, an trụ tâm nơi tịch tịnh mà dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, giữa tu Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na. O


Mười bốn là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa tác dụng vô ngại để dứt phiền não, an trụ tâm nơi cực tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, giữa tu Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha. O


Mười lăm là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa tác dụng phương tiện để tùy thuận hai thiền quán cực tịnh tịch diệt, Bồ-tát này gọi là trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Thiền-na. O


Mười sáu là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa sanh đủ thứ dụng để đến cực tịnh, sau mới dứt phiền não, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na. O


Mười bảy là, nếu những Bồ-tát dùng sức biến hóa để đưa đến tịch diệt, sau an trụ nơi tịnh lự trong sạch vô tác, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha. O


Mười tám là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt mà sanh khởi cực tịnh, trụ nơi thanh tịnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha. O


Mười chín là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt mà sanh khởi tác dụng, tùy thuận công dụng tịch chiếu để chiếu soi tất cả cảnh, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề. O


Hai mươi là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt tùy đủ thứ tự tánh an trụ nơi tịnh lự mà sanh khởi biến hóa, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, giữa tu Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề. O


Hai mươi mốt là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt và tự tánh vô tác nơi cảnh giới trong sạch sanh khởi tác dụng rồi trở về tịnh lự, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha. O


Hai mươi hai là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt mỗi mỗi thanh tịnh trụ nơi tịnh lự mà sanh khởi biến hóa, Bồ-tát này gọi là trước tu Thiền-na, sau đồng thời tu hai thiền quán Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề. O


Hai mươi ba là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt để đưa đến cực tịnh mà sanh khởi biến hóa, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Thiền-na và Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề. O


Hai mươi bốn là, nếu những Bồ-tát dùng sức tịch diệt sanh khởi biến hóa, đưa đến cảnh huệ trong sạch sáng tỏ của cực tịnh, Bồ-tát này gọi là trước đồng thời tu hai thiền quán Thiền-na và Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha. O


Hai mươi lăm là, nếu những Bồ-tát dùng trí huệ Viên Giác chiếu soi, đầy khắp tất cả các tánh các tướng mà chẳng lìa giác tánh, Bồ-tát này gọi là tùy thuận vốn trong sạch của tự tánh mà viên tu Ba-la-mật thứ quán. O


Đó là hai mươi lăm định luân của Bồ-tát. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp nếu tu theo định luân này nên thực hành như thế: Phải giữ giới thanh tịnh, lắng lòng quán tưởng, thiết tha cầu sám-hối trải qua hai mươi mốt ngày, ở nơi hai mươi lăm định luân, mỗi mỗi đều ghi dấu cho rõ ràng rồi thành tâm khẩn cầu, sau đó dùng tay lấy một dấu hiệu đã ghi để quán chiếu cho đến khi nhận chân ra được các pháp đốn tiệm, pháp nào thích hợp với mình, nếu có một niệm nghi hoặc thì chẳng thể thành tựu. O

***


Lúc bấy giờ, Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng cung kính thưa hỏi Đức Phật.


- Bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài khai thị cho chúng con pháp tánh thanh tịnh để làm đạo nhãn cho tương lai, giúp chúng sanh ngộ nhập trọn vẹn. O


- Này các vị! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay vọng chấp thật có bốn tướng: Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ mạng, rồi nhận lầm bốn tướng điên đảo này là thực thể của mình, do đó liền sanh hai cảnh yêu ghét, vậy nơi thể hư vọng lại chấp thêm một lớp hư vọng nữa. Hai thứ vọng nương nhau sanh ra vọng nghiệp, vì có vọng nghiệp nên vọng thấy có luân hồi; kẻ phàm chán luân hồi lại vọng thấy có Niết-bàn, do sự chấp thật Tướng ngã này nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch. Chẳng phải bản giác chống cự với những kẻ năng nhập, vì có kẻ năng nhập thì chẳng phải bản giác vậy. Cho nên động niệm và dứt niệm thuộc về mê muội. Tại sao? Vì bổn khởi vô minh đã làm chủ cho mình từ vô thỉ rất khó đoạn trừ, phải có huệ nhãn mới trừ được. Vì tất cả chúng sanh sanh ra chẳng có huệ nhãn, hiện tiền các tánh thân tâm đều là vô minh, vô minh chẳng thể tự dứt vô minh, cũng như người chẳng có sinh mạng chẳng thể tự dứt sinh mạng vậy. O


Này các vị! Thế nào là tướng ngã ? Những chúng sanh tu hành, tâm biết có chúng sanh đều thuộc về tướng ngã.


Này các vị! Ví như có người cơ thể điều hòa thư thái, tay chân thư giãn, bỗng quên mất thân ta, vì ăn uống thất thường sinh ra bệnh hoạn, nhờ thầy thuốc châm cứu thấy đau mới biết ta còn đây, cho nên người chấp có sở chứng mới hiện ra tướng ngã. O


Này các vị! Nếu tâm liễu tri rốt ráo biết có sở chứng, dù chứng biết thanh tịnh Niết-bàn của Như Lai đều thuộc về tướng ngã.

Này các vị! Thế nào là tướng nhơn? Như những chúng sanh tâm có sở chứng, cho kẻ năng chứng là ta, nay tiến thêm một bậc, ngộ biết chứng chẳng phải là ta, ngộ này siêu việt tất cả chứng, nhưng còn giữ tâm ngộ tức là tướng nhơn. O


Này các vị! Những tâm biết có năng sở đều thuộc về ngã, tâm dù chỉ còn chút năng ngộ để chứng lý cùng tột của Niết-bàn đều gọi là tướng nhơn.


Này các vị! Thế nào là tướng chúng sanh? Chỗ nào là những chúng sanh có tâm biết năng chứng, năng ngộ đều chẳng thể biết.


Này các vị! Ví như có người nói rằng: “Ta là chúng sanh,” thì biết kẻ nói chúng sanh kia chẳng phải ta cũng chẳng phải ngươi. Sao nói chẳng phải ta? Vì “ta là chúng sanh” thì chẳng phải ta, sao nói chẳng phải ngươi? Vì nói “ta là chúng sanh,” thì chẳng phải ông cũng chẳng phải ta vậy. O


Này các vị! Nếu những chúng sanh có tâm biết năng chứng, năng ngộ đều là tướng ngã. Nay tiến thêm một bậc, liễu tri chỗ này là tướng ngã, tướng nhơn chẳng thể đến, nhưng còn sở liễu tri, biết có năng chứng năng ngộ để lìa, nên gọi là tướng chúng sanh.


Này các vị! Thế nào là tướng thọ mạng? Những chúng sanh nay tiến thêm một bậc nữa, tâm quán chiếu sáng tỏ chiếu soi tâm liễu tri cũng bất khả đắc, chỉ còn một giác thể trong sạch; giác thể này tất cả nghiệp trí trong luân hồi đều chẳng thể tự thấy được, cũng như con mắt chẳng thể tự thấy mắt, tất cả tịch diệt. Vì trụ nơi tịch diệt thì mạng căn chưa dứt nên gọi là tướng thọ mạng. O


Này các vị! Nếu tâm chiếu soi thấy tất cả những giác tri là cấu bẩn của trần lao. Có năng giác, sở giác là chẳng lìa được trần lao. Ví như nước canh làm tan băng, nước canh là năng tan, băng là sở tan; khi băng đã tan thì nước canh và băng đều thành nước, năng tan sở tan đều diệt, nếu còn có kẻ biết băng tan thì có cái năng biết, cái biết đó là ngã. Nói “còn tướng thọ mạng” thì nghĩa cũng như vậy. O


Này các vị! chúng sanh đời mạt pháp chẳng rõ bốn tướng không thật, dù trải qua nhiều kiếp siêng năng khổ hạnh tu hành, chỉ gọi là pháp hữu vi, rốt cuộc cũng chẳng thể thành tựu tất cả thánh quả, cho nên gọi là “chánh pháp trong đời mạt pháp.” Tại sao? Vì lầm nhận tất cả tướng ngã cho là tướng Niết-bàn, cho có chứng có ngộ mới gọi là thành tựu. Cũng như có người nhận giặc làm con thì tài sản nhà họ chẳng thể thành tựu. Tại sao? Như có lời: luyến ái ngã cũng luyến ái Niết-bàn, đè nén gốc luyến ái ngã trở thành tướng Niết-bàn; có người chán ngã cũng chán sanh tử, chẳng biết gốc ái luyến ấy mới thật là chơn sanh tử vậy. Nay có tâm nhàm chán sanh tử nên gọi là chẳng giải thoát.O


Tại sao biết được pháp ấy chẳng giải thoát?


Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp tu tập Bồ-đề, cho sự chứng của mình là tự trong sạch, chứng được chút ít cho là đủ, chưa dứt sạch cội gốc của tướng ngã nên chẳng giải thoát. Nếu có người tán thán pháp mình thì liền sanh tâm hoan hỉ, muốn cứu độ họ; nếu phỉ báng pháp sở đắc của mình thì liền sanh tâm sân hận. Vậy thì biết cái tâm chấp tướng ngã rất kiên cố, tiềm ẩn trong tạng thức, gặp ngoại cảnh kích thích thì phát khởi hiện hành nơi các căn, mãi chẳng gián đoạn.


Này các vị! Người tu hành vì chẳng dứt sạch tướng ngã nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch. O


Này các vị! Nếu biết tướng ngã vốn không thì chẳng có cái bản ngã để cho họ tán thán và phỉ báng; nay thấy “có ta thuyết pháp” thì tướng ngã chưa dứt, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ mạng tướng đều cũng như thế.


Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp vì chưa dứt ngã tướng, cho sự thuyết pháp là “do ta thuyết” nên pháp của họ thuyết là thuyết cái bệnh của ngã tướng, chẳng phải thuyết cái pháp của Niết-bàn vậy, cho nên gọi là kẻ đáng thương xót ! Dù siêng năng tinh tấn chỉ tăng thêm cái pháp của bệnh nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch. O


Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp vì chẳng thấu rõ bốn tướng kể trên, chấp chỗ hành và kiến giải của Như Lai cho là kiến giải của mình, vì chẳng phải do tự mình tu chứng nên rốt cuộc chẳng thể thành tựu. Hoặc có chúng sanh chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng, thấy người hơn ta mà sanh tâm ganh tỵ, ấy là chúng sanh đó chưa dứt ngã kiến nên chẳng thể ngộ nhập bản giác trong sạch.


Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp muốn tu thành đạo, chớ nên sanh tâm cầu ngộ; người sanh tâm cầu ngộ thì muốn học rộng nghe nhiều để hiểu thêm giáo lý, vậy chỉ thêm đa văn, tăng trưởng ngã kiến, chẳng phải người chơn tu. O


Người chân tu chỉ nên tinh tấn hàng phục phiền não, khởi tâm đại dũng mãnh; Niết-bàn chưa đắc khiến cho đắc, phiền não chưa dứt khiến cho dứt, những tâm tham, sân, si, mạn, siểm khúc, ganh tị đối cảnh chẳng sanh, ân ái giữa mình và người tất cả đều tịch diệt, Phật nói người ấy sẽ dần dần thành tựu Thánh quả. Nương theo nhân địa này tu hành để cầu thiện tri thức thì chẳng đọa tà kiến, nếu có sở cầu khác với nhân địa phát tâm kể trên, lại sanh lòng yêu ghét thì chẳng thể ngộ nhập biển giác trong sạch. O

***


Khi ấy Bồ-tát Phổ Giác thưa hỏi Đức Phật về cách loại bỏ những bệnh chấp mắc để giúp chúng sanh thoát khỏi tà kiến. Đức Phật dạy rằng:


-Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp người muốn tu hành nên phát đại tâm cầu thiện tri thức, tức là phải cầu người có chánh tri kiến, chẳng chấp cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác, tâm chẳng trụ tướng, dù hiện trần lao, tâm thường trong sạch, thị hiện có lỗi mà tán thán hạnh thanh tịnh, khiến chúng sanh thường giữ giới luật, cầu người như thế mới được thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chúng sanh đời mạt pháp gặp người như thế nên chẳng tiếc thân mạng mà phụng sự cúng dường. Thấy những thiện tri thức trong bốn oai nghi thường hiện các hạnh trong sạch ấy là thuận độ; hoặc gặp Bồ-tát nghịch độ, thị hiện đủ thứ tội lỗi mà tâm chẳng kiêu mạn, dù cho Bồ-tát ấy có vợ con quyến thuộc, giữ lấy tiền tài cũng chẳng sanh tâm khinh bỉ. Nếu Thiện nam tử đối với các thầy bạn kể trên nên chẳng khởi ác niệm thì được đến chỗ rốt ráo thành tựu chánh giác, nên bản tâm sáng tỏ chiếu khắp mười phương cõi Phật O


Này các vị! Diệu pháp sở chứng của thiện tri thức ấy nên lìa bốn bệnh.


- Một là bệnh “làm”: Nếu có người nói rằng nơi bản tâm ta làm đủ thứ hạnh để cầu Viên Giác nhưng tánh của Viên Giác chẳng do làm mà cầu được, nên đây là một loại bệnh. O


- Hai là bệnh “mặc kệ”: Nếu có người nói rằng nay ta chẳng dứt sanh tử, chẳng cầu Niết-bàn, đối với sanh tử Niết-bàn chẳng có một niệm khởi hay diệt, mặc kệ tất cả, đều tùy pháp tánh. Mặc kệ như thế mà muốn cầu Viên Giác, nhưng tánh của Viên Giác chẳng do mặc kệ mà có, nên đây là loại bệnh thứ hai. O


Ba là bệnh “dừng lại”: Nếu có người nói rằng nay tự tâm ta dừng hẳn các niệm, cho tất cả tánh đều tịch nhiên bình đẳng, vậy muốn nhờ dừng niệm để cầu Viên Giác, nhưng tánh Viên Giác ấy chẳng hợp với dừng, nên đây là loại bệnh thứ ba. O


Bốn là bệnh “diệt”: Nếu có người nói rằng nay ta dứt hẳn tất cả phiền não, thân tâm rốt ráo rỗng không chẳng có gì cả, huống là cảnh giới hư vọng, căn trần tất cả diệt hẳn để cầu Viên Giác. Nhưng tánh Viên Giác ấy chẳng phải tướng diệt, nên đây là loại bệnh thứ tư. O


Người đã lìa bốn bệnh thì bản tri trong sạch, theo quán chiếu này gọi là chánh quán, nếu theo quán chiếu khác gọi là tà quán.


Này các vị! Chúng sanh đời mạt pháp muốn cầu Viên Giác nên phát tâm như thế này: Tất cả chúng sanh nơi tất cả hư không, ta đều khiến cho ngộ nhập Viên Giác rốt ráo, không có nắm bắt chấp thủ Viên Giác đó, dứt trừ tất cả các tướng nhơn ngã v.v...Phát tâm như thế thì chẳng đọa tà kiến.O

***


Lúc ấy, Bồ-tát Viên Giác thành kính cầu xin Đức Phật giảng dạy pháp tu thiền quán để chúng sanh nương theo đó tu tập, giải thoát.

- Này các vị! Nếu những chúng sanh tu thiền quán Xa-ma-tha, trước tiên dùng sức cực tịnh, chẳng khởi một niệm nào. Tịnh đến chỗ cực liền hiện Bản Giác, ấy là Sơ Tịnh. Từ nơi một thân cho đến một thế giới đều cũng như thế.


Này các vị! Nếu Bản Giác cùng khắp một thế giới thì trong thế giới đó có một chúng sanh nào tâm khởi một niệm cũng đều biết cả, cho đến trăm ngàn thế giới cũng đều như thế. Đây là chánh quán, đại chúng đã nghe, còn tất cả cảnh giới chẳng phải sở nghe của đại chúng thì chẳng nên chấp lấy để tu. O


Này các vị! Nếu các chúng sanh tu thiền quán Tam-ma-bát-đề, trước tiên nên tưởng nhớ mười phương Như Lai, tất cả Bồ-tát ở mười phương thế giới, y theo mỗi mỗi pháp môn của Phật dạy, tùy thứ lớp tu hành siêng năng khổ hạnh, độ các chúng sanh, ở nơi chánh định phát đại nguyện, dùng như huyễn quán tự huân tập thành chủng tử Phật. Đây là quán, đại chúng đã nghe, còn tất cả cảnh giới chẳng phải sở nghe của đại chúng thì chẳng nên chấp lấy để tu. O


Này các vị! Nếu các chúng sanh tu thiền quán Thiền-na, trước tiên quán theo pháp đếm số, trong tâm liễu tri mỗi niệm sát-na trong sanh, trụ, dị, diệt. Sự liễu tri ấy cùng khắp trong bốn oai nghi, số niệm nào cũng biết rõ ràng. Như vậy, huệ quán dần dần tiến lên mà chẳng thấy số cực lớn và cực nhỏ. Do đó, sự quán được siêu việt số lượng, rồi chánh biến tri của Phật tánh cũng được hiện ra thì một giọt mưa ngoài hằng sa thế giới cũng đều thấy rõ như vật trước mắt. Đây là chánh quán, đại chúng đã nghe, còn tất cả cảnh giới chẳng phải sở nghe của đại chúng thì chẳng nên chấp lấy để tu. O


Đây gọi là phương tiện đầu tiên của ba thứ thiền quán kể trên. Nếu các chúng sanh lợi căn siêng năng khổ hạnh tinh tấn, đồng thời tu đủ ba thứ thiền quán thì gọi là Như Lai xuất hiện trên đời. Còn những chúng sanh độn căn đời mạt pháp muốn cầu đạo mà chẳng được thành tựu, là do nghiệp chướng đời trước, thì nên siêng năng sám- hối, thường mong đoạn dứt những tâm yêu ghét, ganh tị, siểm khúc, kiêu mạn, chọn một thứ trong ba thứ thiền quán trong sạch kể trên, tùy sức tu tập một thứ thiền quán, pháp quán này tu không được thì tu pháp quán khác, tâm chẳng buông lung, tùy theo thứ lớp để cầu chứng nhập. O

***


Khi ấy Bồ-tát Hiền Thiện Thủ ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân Phật, chắp tay quỳ gối bạch Phật rằng:


- Đức Thế Tôn đại bi, đã vì chúng con và chúng sanh đời mạt pháp, chỉ bày các pháp môn không thể nghĩ bàn như thế.


Bạch Thế Tôn ! Kinh này tên gì? Phải thọ trì như thế nào ? Chúng sanh tu tập theo Kinh này sẽ được công đức gì? Chúng con phải hộ vệ người trì Kinh như thế nào? Làm thế nào để phổ biến giáo pháp này đến tất cả chúng sanh trong đời?O


Ngài Hiền Thiện Thủ Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Đức Phật bảo Bồ-tát Hiền Thiện Thủ và toàn thể chúng hội rằng:


- Lành thay, lành thay ! Ông khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp hỏi Như Lai về vấn đề Kinh giáo, công đức, tên gọi như thế. Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ tuyên nói.


- Này các vị! Kinh này là do trăm ngàn muôn ức hằng sa các Đức Phật sở thuyết, được ba đời Như Lai hộ trì, là chỗ quy y của mười phương Bồ-tát, là con mắt trong sạch của mười hai thể loại Kinh. Kinh này gọi là Kinh Đại Phương Quảng Viên Giác Tổng Trì, cũng gọi là Khế Kinh Liễu Nghĩa, cũng gọi là Tam-muội Bí Mật Vương, cũng gọi là Cảnh Giới Quyết Định của Như Lai, cũng gọi là Tự Tánh Sai Biệt trong Như Lai Tạng. Đại chúng hãy nên thọ trì.     O


Này các vị! Kinh này hiển bày cảnh giới của Như Lai, chỉ có chư Phật Như Lai mới có thể giảng thuyết đến chỗ tột cùng. Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời mạt pháp theo đó tu hành, tùy thứ lớp tiếnlên, sẽ đến địa vị Phật. O


Này các vị! Kinh này gọi là Đại thừa đốn giáo, chúng sanh lợi căn do đó đốn ngộ, lại cũng bao gồm pháp tiệm tu cho tất cả chúng sanh. Ví như biển lớn chẳng bỏ sót dòng nước nhỏ, cho đến ruồi muỗi và A-tu-la uống nước này đều được no đủ cả. O


Này các vị! Nếu có người nghe tên Kinh này lòng tin vững chắc, nên biết người ấy đã gieo trồng thiện căn phước huệ nơi hằng sa tất cả các Đức Phật, nên được nghe kinh giáo này mà tâm chẳng nghi hoặc, chứ chẳng phải gieo trồng thiện căn nơi một Đức Phật, hai Đức Phật mà được như thế. O


Này các vị! Các ông nên hộ trì người tu hành đời mạt pháp, chẳng cho ác ma và ngoại đạo nhiễu loạn thân tâm họ, khiến cho lui sụt.

Lúc bấy giờ, chúng hội sau khi đi quanh và đảnh lễ Đức Phật, ai nấy đều phát nguyện thọ trì và ủng hộ người thọ trì Kinh này. Các vị thần Kim Cang như Kim Cang Hỏa Thủ, Kim Cang Tồi Toái, Kim Cang Ni-lam-bà và tám vạn Kim Cang cùng quyến thuộc phát nguyện hộ trì người trì Kinh, như giữ tròng con mắt mình. Các Thiên Vương như Thiên Vương Đại Phạm, Thiên Vương Hộ Quốc thì phát nguyện hộ trì và giúp cho hành giả yên ổn thân tâm, thẳng tiến tu tập. Các vị quỷ vương như Đại Lực, Cưu-bàn-trà và cùng mười vạn quyến thuộc phát nguyện hộ trì người trì kinh.

Khi Phật nói kinh này xong, tất cả Bồ-tát, tám bộ trời rồng quỷ thần cùng quyến thuộc, và các Thiên Vương, Phạm Vương, v.v... và toàn thể đại chúng đều rất hoan hỷ và thực hành theo. O


Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.(3 lần, xá 3 xá) OOO
--- o0o ---

PHẦN SÁM NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG

Phụ lục 1 Tóm Tắt Nội Dung của Bốn Mươi Chín Kinh

1. BÁT-NHÃ TÂM KINH

Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,

Bát-nhã ba-la-mật sáng ngời,

Bấy giờ Bồ-tát quán soi,

Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không.O

Vượt tất cả các vòng khổ ách,

Hãy nghe này, Xá-lợi-phất ông!

Sắc nào có khác gì không,

Không nào khác sắc, sắc không vốn đồng.O

Cả thọ, tưởng, thức, hành cũng thế,

Tánh chân không các pháp viên thành

Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,

Chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng giảm gì.O

Trong chân không chẳng hề có sắc,

Chẳng thọ, tưởng, hành, thức trong không.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,

Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn.O

Không nhãn thức đến không ý thức,

Không vô minh hoặc hết-vô-minh,

Không điều già chết chúng sanh,

Hết già, hết chết thực tình cũng không.

Không trí huệ cũng không chứng đắc,

Bởi có gì là chỗ đắc đâu.

Bấy lâu Bồ-tát dựa vào,

Trí ba-la-mật, thẳm sâu thực hành,

Mọi chướng ngại quanh mình tan biến,

Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh,

Xa lìa mộng tưởng đảo điên,

Niết-bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn. O

Bát-nhã ấy rõ ràng trí tuệ,

Mà ba đời chư Phật nương qua,

Bồ-đề vô thượng chứng ra,

Nên xem Bát-nhã ba-la-mật là: O

Lời thần chú sâu xa bậc nhứt,

Lời chú thần rất mực quang minh,

Chú thần cao cả anh linh,

Là lời thần chú thật tình cao siêu.

Trừ dứt được mọi điều đau khổ,

Đúng như vầy muôn thuở không sai.

Ngài liền tuyên nói chú này,

Để người trì niệm sáng bày chơn tâm: O

Ga-tê Ga-tê Pa-ra-ga-tê Pa-ra-san-ga-tê Bô-dhi Sva-ha.         (3 lần) OOO

2-A) NIỆM PHẬT A-DI-ĐÀ VÀ THÁNH CHÚNG

(Hoặc đọc bài 2-b)

A-di-đà Phật sắc thân vàng,

Tướng tốt không gì thể sánh ngang.

Mắt biếc lắng trong trùm bốn biển,

Tu-di rực rỡ ngập hào quang.

Trong ánh quang minh vô số Phật,

Ứng thân Bồ-tát hiện vô vàn.

Bốn mươi tám nguyện vì sanh chúng,

Chín loại noi đường, bến giác sang.O

Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật. O

Nam-mô A-di-đà Phật    (18 lần) O

Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát    (3 lần) O

Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát        (3 lần) O

Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ-tát (3 lần) O

Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát.          (3 lần) OOO

2-B) NIỆM PHẬT BỔN SƯ VÀ THÁNH CHÚNG

(Hoặc đọc bài 2-a)

Đại từ đại bi thương chúng sinh,

Đại hỉ đại xả cứu muôn loài,

Tướng Phật trang nghiêm, hào quang toả,

Chúng con kính lễ, hướng tâm về.O

Nam-mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.          O

Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật   (18 lần) O

Nam-mô Đại Ca-diếp Bồ-tát        (3 lần) O

Nam-mô A-nan-đa Bồ-tát           (3 lần) O

Nam-mô Xá-lợi-phất Bồ-tát        (3 lần) O

Nam-mô Tu-bồ-đề Bồ-tát           (3 lần) O

Nam-mô Phú-lâu-na Bồ-tát        (3 lần) O

Nam-mô Mục-kiền-liên Bồ-tát    (3 lần) O

Nam-mô Ca-chiên-diên Bồ-tát    (3 lần) O

Nam-mô A-na-luật Bồ-tát           (3 lần) O

Nam-mô Ưu-ba-li Bồ-tát             (3 lần) O

Nam-mô La-hầu-la Bồ-tát           (3 lần) O

Nam-mô Pháp Hội Bồ-tát Ma-ha-tát    (3 lần) OO

3. XƯỚNG LỄ

(Chủ lễ xướng hồng danh Phật và Bồ-tát, đại chúng cùng lạy)

Nhất tâm đảnh lễPhật, Pháp, Tăng thường trụ trong mười phương. (1 lạy) O

Nhất tâm đảnh lễĐức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni. (1 lạy) O

Nhất tâm đảnh lễĐức Bồ-tát Đại Trí Văn- thù-sư-lợi. (1 lạy) O

Nhất tâm đảnh lễĐức Bồ-tát Đại Hạnh Phổ Hiền Vương.  (1lạy) O

Nhất tâm đảnh lễĐức Bồ-tát Đại Bi Quán Thế Âm. (1 lạy) O

Nhất tâm đảnh lễĐức Bồ-tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương.          (1 lạy) O

Nhất tâm đảnh lễcác vị Tổ Sư qua các thời đại từ Ấn Độ đến Việt Nam.   (1 lạy) O

4-A) MẤY ĐIỀU QUÁN TƯỞNG

(Hoặc đọc bài Quán Chiếu Thực Tại 4.b)

Thế Tôn lời dạy tỏ tường

Mấy điều quán tưởng phải thường xét ra:

Chúng sanh rồi phải bị già,

Không ai tránh khỏi lúc qua canh tàn.O

Chúng sanh bệnh tậtphải mang,

Không ai sống mãi bình an, mạnh lành.O

Chúng sanh, sự chếtsẵn dành,

Không ai tránh khỏi tử sanh đến kỳ.O

Chúng sanh phải chịu chia ly,

Giã từ tất cả, ra đi một mình

Mang theo gánh nghiệp ba sinh,

Theo ta như bóng theo hình không buông.O

Nay con nương đấng Pháp Vương

Niết-bàn chứng đắc, cát tường an vui.O

4.B) QUÁN CHIẾU THỰC TẠI

(Hoặc đọc bài Mấy Điều Quán Tưởng 4.a ở trên)

Không truy tìm quá khứ,

Không ước vọng tương lai.

Quá khứ đã qua rồi,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính là đây.

Không động, không lung lay.

Hãy thực hành như thế!O

Không một ai biết trước

Cái chết đến lúc nào;

Tử thần có đợi đâu,

Làm sao điều đình được.

Vì thế nên nỗ lực,

Tinh tấn suốt đêm ngày,

Tỉnh thức từng phút giây,

An trụ trong chánh niệm.

Như vậy mới xứng đáng

Người biết sống một mình,

Người ấy đã tôn vinh

Đạo nhiệm mầu vô thượng.O

(Trong mỗi thời Kinh, tụng một trong tám bài Sám dưới đây)

5-A) SÁM MƯỜI NGUYỆN

Mộtnguyền kính lễ Như Lai

Hainguyền xưng tán công dày Thế Tôn

Banguyền tu phước cúng dường

Bốnnguyền sám hối nghiệp vương tội trần

Năm nguyền tuỳ hỷ công huân

Sáunguyền thỉnh chuyển pháp luân độ đời

Bảynguyền thỉnh Phật ở đời

Támnguyền học Phật, cho ngời tâm linh

Chínnguyền hằng thuận chúng sinh

Mườinguyền hồi hướng phước lành khắp nơi.O

5-B) SÁM QUY MẠNG

Cúi đầu quy mạng Phật-đà,

Pháp ngài siêu tuyệt sâu xa diệu huyền,

Thánh tăng bốn quả trọn nên.

Cúi xin Tam Bảo mở lòng độ sanh!         O

Chúng con đánh mất tâm chân,

Bao đời trôi nổi biển sầu sông mê.

Thấy đâu lối thoát đường về,

Bập bềnh sóng nước trầm mê cõi trần.

Nguyên nhân hữu lậu gây rồi,

Bao nhiêu nghiệp chướng lâu đời tạo ra.

Biết đâu nẻo chánh đường tà,

Oan khiên nghiệp báo thật là nặng sâu.

Nay con khẩn thiết cúi đầu,

Tỏ bày sám-hối xin cầu Hồng ân. O

Chí thành cầu đấng Năng Nhân,

Từ bi cứu vớt trầm luân mọi loài.

Nguyện cùng thiện hữu ra khơi,

Tìm lên bờ giác lìa nơi não phiền.

Kiếp này xin nguyện xây thêm

Tòa cao phước đức vững nền đạo tâm.  O

Chờ mong đạo nghiệp vun trồng,

Từ bi, trí tuệ nẩy mầm tốt tươi.

Kiếp sau xin được làm người,

Sanh ra gặp pháp sống đời chân tu.

Dắt dìu nhờ bậc minh sư,

Nương vào chánh tín hạnh từ xuất gia.

Sáu căn ba nghiệp thuần hòa,

Không vương tục lụy theo đà thế nhân.  O

Một lòng tấn đạo nghiêm thân,

Giữ gìn phạm hạnh nghiệp trần lánh xa.

Oai nghi phong độ chói lòa,

Lòng từ hộ mạng bao loài chúng sanh

Lại thêm đầy đủ duyên lành,

Bao nhiêu tai nạn biến thành hư không. O

Bồ-đề nguyện kết một lòng,

Đài sen Bát-nhã Chơn Không hiện tiền.

Nhờ công tu tập tinh chuyên,

Đại thừa liễu ngộ chứng truyền chân tâm

Thoát ngoài những kiếp trầm luân,

Hoằng khai Lục độ hạnh môn cứu người.

Đạo tràng xây dựng khắp nơi,

Lưới nghi phá hết trong ngoài sạch không.

Tà ma hàng phục đến cùng,

Truyền đèn Phật pháp nối dòng vô chung.

Vâng làm Phật sự mười phương,

Không vì lao nhọc, nản lòng tinh chuyên.

Bao nhiêu diệu pháp thâm huyền,

Thảy đều thực hiện siêu nhiên độ mình.

Rồi đem phước huệ độ sanh,

Chứng nên quả Phật, hoàn thành Pháp thân.O

Tùy cơ ứng biến cõi trần,

Phân thân vô số độ dần chúng sanh.

Nước Từ rưới khắp nhân thiên,

Mênh mông biển Hạnh lời nguyền độ tha.

Khắp hòa thế giới gần xa,

Xiển dương diệu pháp, trước là độ sanh.

Những nơi khổ thú trầm luân,

Hào quang chiếu diệu hiện thân tốt lành.

Chỉ cần thấy dạng nghe danh,

Muôn loài thoát khỏi ngục hình đớn đau.O

Phát lời nguyện ước cao sâu

Muôn ngàn cảnh khổ thảy đều tiêu tan.

Bao nhiêu nghiệp trái hàm oan,

Bao nhiêu đau khổ trong hàng súc sanh,

Đều nhờ thần lực oai linh,

Sương tan núi biếc bình minh rạng ngời.

Thuốc thang cứu cấp cho đời,

Áo cơm cứu giúp cho người bần dân.

Bao nhiêu lợi ích hưng sùng,

An vui thực hiện trong vòng trầm luân.  O

Bao nhiêu quyến thuộc thân oan

Cũng nguyền vượt biển trần gian nổi chìm.

Xa lìa ái nhiễm liên miên,

Dứt trừ những mối phược triền thân tâm,

Vun trồng đạo nghiệp thiện nhân,

Cùng bao loài khác pháp thân hướng về.

Hư không dù có chuyển dời,

Nguyện con muôn kiếp không hề lung lay

Nguyện cầu vạn pháp xưa nay,

Hoàn thành nghiệp trí, vững cây Bồ-đề.OOO

***

5-C) SÁM QUY Y

Phậtlà đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,

Là thầy ba cõi trời người xưa nay.           O

Pháplà phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sanh,
Như vầng trăng sáng lung linh,

Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.          O

Tănglà những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giả từ ra đi,
Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,

Độ đời thoát khỏi tham ... si khổ sầu.O

Con nay giác ngộ quay đầu,
Quy y Tăng, Phật, Pháp mầu Như Lai,
Cho con hạnh phúc hôm nay,

Cho đời an lạc tại ngay dương trần.        O

Con nguyền từ bỏ sát sanh,
Tôn trọng sự sống, tâm lành rải ban.
Thương yêu người, vật, môi sinh,

Cho đời hạnh phúc như mình lạc an.O

Con nguyền từ bỏ trộm gian,
Mánh mung, cướp của, tham lam xin chừa.
Sống chân thật, chẳng lọc lừa,

Giữ tròn đạo nghĩa, cho vừa nhân sinh.O

Con nguyền từ bỏ ngoại tình,
Một chồng một vợ, trung trinh tấm lòng.
Thương yêu, tôn trọng, cảm thông,

Ngọt bùi chia xẻ, thủy chung trọn đời.    O

Con nguyền từ bỏ nói sai,
Thêm thắt, chửi tục, móc moi hai đầu.
Nói như chánh pháp cao sâu,

Im như bậc thánh nhiệm mầu thấy ngheO

Con nguyện từ bỏ rượu chè,
Say sưa, nghiện ngập, thần mê, trí mờ,
Để không bệnh hoạn, thẫn thờ,

Để cho tâm trí lặng tờ sáng trong.          O

Từ nay, con nguyện với lòng:
Giữ gìn năm giới quyết không phạm vào,
Để cho con sống thanh cao,

Để đời an lạc, dạt dào tình thương.        O

Con nguyền noi đấng Pháp Vương,

Học tu chánh pháp, thoát vòng tử sanh.

Tham thiền, niệm Phật chân thành,

Tu tâm dưỡng tánh, dứt phần ác duyên.

Nguyện cho sáu cõi ba miền

Thoát vòng tục lụy, an nhiên Niết-bàn.OOO

5-D) SÁM QUY NGUYỆN

Trầm hương xông ngát điện,

Sen nở Phật hiện thân,

Pháp giới thành thanh tịnh,

Chúng sanh lắng nghiệp trần.O

Đệ tử tâm thành,

Hướng về Tam Bảo.

Phật là thầy chỉ đạo,

Bậc tỉnh thức vẹn toàn,

Tướng tốt đoan trang,

Trí và bi viên mãn.

Pháp là con đường sáng,           O

Dẫn người thoát cõi mê,

Đưa con trở về,

Sống cuộc đời tỉnh thức.            O

Tăng là hàng giới đức,

Cùng đi trên đường vui,

Tu tập giải thoát,

Làm an lạc cuộc đời.O

Đệ tử nương nhờ Tam Bảo,

Trên con đường học đạo,

Biết Tam Bảo của tự tâm,

Nguyện xin chuyên cần,

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý. O

Nguyện theo hơi thở,

Nở nụ cười tươi.

Nguyện học hỏi cuộc đời,

Bằng con mắt quán chiếu.

Nguyện xin tìm hiểu,

Nỗi khổ của muôn loài.  O

Tập từ bi,Hành hỷ xả.

Sáng cho người thêm niềm vui,

Chiều giúp người bớt khổ.         O

Đệ tử sống cuộc đời thiểu dục,

Nếp sống lành mạnh an hòa,

Cho thân thể kiện khương.

Nguyện rũ bỏ âu lo,

Học tha thứ bao dung,

Cho tâm tư nhẹ nhõm.  O

Đệ tử nguyện xin ơn sâu đền báo,

Ơn cha mẹ, ơn thầy,

Ơn bè bạn, chúng sanh,

Nguyện tu học tinh chuyên,

Cho cây bi trí nở hoa.

Mong một ngày kia,

Có khả năng cứu độ mọi loài,

Vượt cả ngoài cõi khổ.  

Xin nguyện Phật, Pháp, Tăng

Gia hộ cho đệ tử chúng con,

Viên thành đại nguyện OOO

5-Đ) SÁM TU TẬP

Cúi đầu đảnh lễ Như Lai,

Cha lành của khắp vạn loài chúng sinh.

Cùng chư Bồ-tát quang minh,

Tâm từ soi sáng hữu tình trầm luân.

Chúng con cùng các quyến thân,

Người còn kẻ mất, người gần kẻ xa,

Từ nay quy mạng Phật-đà

Học theo chánh pháp cùng là Thánh Tăng.O

Hiểu rằng cuộc sống thế nhân,

Vây quanh sóng khổ, bủa giăng gió sầu,

Dù rằng nghèo khổ sang giàu.

Kẻ nào khỏi khóc, người nào khỏi than.

Khi thì hợp, khi thì tan,

Lúc say quyền quý, lúc chan tủi sầu.

Những cơn bệnh hoạn đớn đau,

Những lần tử biệt biết bao nỗi buồn.

Lệ nhiều hơn nước mưa tuôn,

Máu nhiều hơn nước trên nguồn đổ xuôi.

Người đời gắng gượng tìm vui,

Trò chơi hư ảo chôn vùi tâm linh.           O

Nào là rượu, nào là tình,

Xong rồi nhìn lại thấy mình tội thêm.

Nỗi lo của kẻ đi đêm,

Biết mình nặng nghiệp chưa tìm lối ra.

Nay con sám-hối Phật-đà,

Ăn năn lỗi trước, ngăn chừa lỗi sau.

Hiểu rằng nguyên cớ khổ đau

Đều do ích kỷ gốc sâu tạo thành.

Tham lam dẫn đến tranh giành,

Hận thù dẫn đến nhục hình lẫn nhau.

Kiêu căng tự đại tự cao,

Hơn thua đố kỵ người nào giỏi hơn.

Chìm trong bóng tối chập chờn,

Si mê chấp ngã nặng hơn núi cồn.

Lang thang ngàn kiếp trầm luân,

Khổ đau chất lại vạn lần biển khơi.

Nay con quỳ dưới Phật đài,

Nguyện theo giáo pháp Như Lai nhiệm mầu.O

Niết-bàn, lòng nguyện tin sâu,

Là nơi chấm dứt khổ đau luân hồi.

Vượt ngoài ba cõi ngàn đời,

Từ bi trí giác rạng ngời vô biên.

Hiểu rằng nhân quả nghiệp duyên,

Công bằng chi phối mọi miền thế gian.

Người sung sướng, kẻ lầm than

Đều do nghiệp trước cưu mang đến giờ.

Nên không yên lặng đợi chờ,

Mà lo gắng sức giúp cho mọi người.

Người vui là chính con vui,

Người buồn con cũng ngậm ngùi sẻ chia. O

Hiểu rằng một sớm mai kia,

Xác thân tạm bợ trở về hư vô.

Nên không khờ dại tôn thờ

Cái mà bệnh chết sẽ chờ lấy đi.

Nay còn sức khỏe xuân thì

Khéo siêng làm phước dành khi trở về.

Hiểu rằng ngàn kiếp si mê,

Tham lam ích kỷ nặng nề âm u.  O

Nay theo Phật, Đấng Đại Từ,

Trái tim xin mở rộng như biển ngàn.

Thương yêu khắp cả thế gian,

Dù là kẻ oán người thân cũng đồng.

Nơi cõi sống, chốn tử vong,

Rừng cây chim thú, biển sông cá kình.

Nguyện lòng thương khắp chúng sinh,

Như thương quyến thuộc thâm tình đã lâu. O

Từ nay mãi đến ngàn sau,

Sống vì tất cả, chẳng cầu riêng tư.

Hiểu rằng ba cõi ngục tù,

Thân là cát bụi, tâm là bóng mây.

Từ lâu như kẻ ngủ say,

Si mê chấp ngã chưa ngày thoát ra.        O

Cúi đầu đảnh lễ Phật-đà,

Bậc Thánh Vô Ngã vượt xa thế trần.

Vì không còn chấp ngã nhân,

Người thành vũ trụ, Người thành trăng sao.

Tâm Vô Ngã là đỉnh cao,

Con xin phát nguyện ngày nào chứng nên.

Chí tu học quyết vững bền,

Độ sinh vì Phật báo đền ơn sâu. O

Hôm nay tha thiết nguyện cầu,

Xin đem công đức từ lâu đã làm,

Hướng về thế giới cõi âm,

Dành cho thân quyến còn cầm tại đây.

Mong sao cho những vị này

Nương nhờ sức Phật về ngay cõi lành.O

Thân an lạc, trí hiển minh,

Được chư Bồ-tát chung quanh dắt dìu.

Tu theo Phật pháp cao siêu,

Dần dần thành tựu những điều lớn lao.

Tâm siêu thoát khỏi trần lao,

Bước vào Phật địa, dự vào Thánh lưu.

Rồi dùng hạnh nguyện đại từ,

Hóa thân ba cõi vân du sáu đường.

Gieo chánh pháp đến ngàn phương,

Đưa người mọi nẻo về nương Phật-đà.OOO

5-E) SÁM TU LÀ CỘI PHÚC

Chữ tu công đức vô lường,

Ba đời chư Phật thường thường độ sanh.

Ai ơi, gắng chí tu hành!

Để sau đến bậc Vô sanh mà nhờ.

Người đời sớm phải tri cơ,

Gương lu vì bụi, trăng mờ vì mây.

Chở che nhờ đức cao dầy,

Dẫu tu cho mấy chẳng tày tu tâm.

Đường mê xin chớ bước lầm,

Não phiền cũng bởi thân tâm của mình. O

Chớ nên hại vật sát sanh,

Tu nhân tích đức mới thành phẩm cao.

Cuộc đời khác thể chiêm bao,

Thảy đều giả huyễn, hơi nào mà mong.

Nhớ xưa Vương Khải, Thạch Sùng,

Công danh phú quý cũng chung một thời,

Của đời trả lại cho đời,

Giàu sang mà khỏi luân hồi đặng chăng?

Đổi thay máy tạo không ngằn,

Bức tranh vân cẩu mấy tầng xa xa.O

Khuyên đừng trách lẫn trời già,

Trời không hiện hữu, chánh tà do tâm.

Một khi thiện ác gieo nhân,

Quả kia phải trổ chậm nhanh mấy hồi.

Người đời nghĩ đó mà coi,

Giờ không toan liệu sau rồi làm sao.

Khuyên đừng nại chút công lao,

Nhắm chừng bờ giác tìm vào tận nơi.

Tâm minh vốn đã sẵn rồi,

Ở trong mình có há ngoài đâu xa. O

Trừ nghiệp chướng, giải oan gia,

Tham thiền, niệm Phật ấy là công phu.

Tháng ngày thấm thoát phù du,

Bóng qua cửa sổ dễ hầu trở lui.

Thiện căn trước đã đền bồi,

Đèn khêu mới sáng, ngọc dồi mới xinh.

Tránh vòng sáu dục bảy tình,

Ấy là khỏi lưới vô minh vướng nhầm.O

Rõ ràng phước tội tại tâm,

Mình làm mình chịu chẳng lầm chẳng sai.

Máu tham tràn khắp xưa nay,

Lợi danh biết mấy cho vừa lòng ai.

Chớ ham chen lấn đua đòi,

Cũng đừng ỷ sức cậy tài mà ngông.

Vượn còn biết mến trăng trong,

Người sa vào chốn bụi hồng làm chi ?

Hãy theo chính pháp mà đi,

Xét cho thấu đáo vô vi đạo thường.O

Tu hành sớm tối lo lường,

Đừng ham những cảnh vô thường thế gian.

Cho hay hoa nở cũng tàn,

Pháo càng kêu lớn càng tan xác nhiều.

Chi bằng tìm chốn tiêu diêu,

Tu tâm dưỡng tánh, tránh điều thị phi.

Không rời chánh niệm hào li,

Sớm trừ vọng tưởng, dứt kỳ tử sinh.

Để cho tâm trí quang minh,

Quyết tâm độ tận chúng sinh muôn loài.OOO

5.F) SÁM HỒNG TRẦN

Cõi trần thế sắc thân trôi nổi,

Mấy ai từng trăm tuổi được đâu,

Đời là bể khổ bấy lâu,

Chỉ vì mê muội ăn sâu khôn rời.

Bởi vô minh tự thời vô thủy,

Thọ, tưởng, hành, thức khởi nhân duyên,

Luân hồi sinh tử liên miên,

Ra vào ba cõi, xuống lên sáu đường. O

Lê Long Đỉnh khôn lường hoang đạo,

Giết dân lành, dâm bạo vô lương,

Nhãn tiền nghiệp báo liệt giường,

Hờn chồng oán chất, cùng đường bỏ thân.

Lý Thái Tổ xuất thân học đạo,

Lấy đức lành dạy bảo dân yên,

Lẫy lừng, phạt Tống bình Chiêm,

Mấy trăm năm Lý, văn minh rạng ngời.O

Trần Thái Tông dựa nơi Phật pháp,

Dùng đức lành trị nước, an dân,

Mấy lần đuổigiặc ngoại xâm,

Truyền ngôi kế vị mấy trăm năm liền.     O

Hãy nhìn lại tôi hiền Nguyễn Trãi,

Tận trung mà vẫn phải oan gia,

Vì sao tru diệt cả nhà?

Vì sao ba họ rồi ra bỏ đời?

Vì sao được phục hồi chức tước,

Có phải vì nghiệp trước hay không?

Anh hùng cái thế Quang Trung,

Vì sao mạng yểu não nùng non sông?    O

Nhìn những cảnh vô thường khôn xiết,

Tử sinh mà ai biết ra sao?

Đời này, đời trước, đời sau,

Người hiền khéo sống trông vào đức nhân. O

Hãy nhìn lại Lý, Trần, Lê, Nguyễn,

Người hiếu hiền thể hiện đức nhân,

Dù cho danh lợi muôn phần,

Bất nhân thất đức xa gần ai khen?

Giữa trần tục bon chen danh lợi,

Mùi thế trần sao vội cho thơm,

Vinh hoa phú quý chập chờn,

Như là bọt nước trong cơn sóng cồn.     O

Thuốc tiên của Lãn Ông Hải Thượng,

Đã bao giờ cứu mạng mình đâu,

Sinh-già-bệnh-chết bấy lâu,

Đã thành quy luật gây bao khổ sầu.

Dù vua chúa, công hầu, khanh tướng,

Hay nghèo hèn vất vưởng thương đau,

Cuối cùng ba tấc đất sâu,

Yên mình một nấm cỏ khâu xanh rì.        O

Đã biết vậy đừng mê muội nữa,

Kiếp nổi chìm lần lựa trôi qua,

Thành tâm niệm Phật Di-đà,

Làm lành gây phước để mà tu tâm.

Đã biết cảnh hồng trần trôi nổi,

Một ngày nào cát bụi buông xuôi,

Vô thường muôn sự rõ rồi,

Hoa sen chín phẩm là nơi an bình.          O

Đã qui luật tử sinh không khỏi,

Sống cũng đừng nông nỗi gian tham,

Chỉ vì nghiệp ác đã làm,

Chuốc vào quả báo lại càng đau thương.

Quyền chức trọng đường đường tự đắc,

Chỉ một cơn gió lốc tiêu điều!

Của tiền tranh đoạt bao nhiêu?

Rồi hai thước đất ai nhiều hơn ai?          O

Nay quỳ trước Phật đài sám hối,

Biết bao điều tội lỗi xưa nay,

Nhất tâm thiền định đêm ngày,

Não phiền dứt sạch, tỏ bày chân tâm. OOO

5.G) SÁM TỐNG TÁNG

Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,

Kiếp phù sinh tụ tán mấy hồi,

Người đời có biết chăng ôi,

Thân người tuy có, có rồi hoàn không!O

Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng,

Mơ màng trong một giấc nồng mà chi,

Làm cho buồn bã thế ni!

Hình dung mới đó bữa nay đâu rồi?

Khi nào đứng đứng ngồi ngồi

Bây giờ lặng ngắt như chồi cây khô.

Khi nào du lịch giang hồ

Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.

Khi nào lược giắt trâm cài

Bây giờ gởi xác ra ngoài gò hoang.

Khi nào trau ngọc chuốt vàng

Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh.O

Khi nào mắt đẹp mày xanh

Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.

Khi nào lên các xuống lầu

Bây giờ một nắm cỏ sầu xanh xanh.

Khi nào liệt liệt oanh oanh

Bây giờ một trận tan tành gió mưa.

Khi nào ngựa lọc xe lừa

Bây giờ mây rước trăng đưa mơ màng.

Khi nào ra trướng vào màn

Bây giờ nhà cửa xóm làng cách xa.          O

Khi nào mẹ mẹ cha cha

Bây giờ bóng núi cách xa muôn trùng.

Khi nào vợ vợ chồng chồng

Bây giờ trăng khuyết còn mong chi tròn.

Khi nào cháu cháu con con

Bây giờ hai ngã nước non xa vời.

Khi nào cốt nhục vẹn mười

Bây giờ lá héo nhành tươi vui gì.

Khi nào bạn hữu sum vầy

Bây giờ chén rượu cuộc kỳ vắng thiu.     O

Cái thân như tấc bóng chiều

Như chùm bọt nước phập phều biển khơi.

Xưa ông Bành Tổ sống đời

Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu!

Sang mà đến bậc Công Hầu

Giàu mà đến bực bấy lâu Thạch Sùng.

Nghèo mà đói khát lạnh lùng

Khổ mà tóc cháy da phồng trần ai.         O

Phù du sớm tối một mai

Giàu sang cũng thác, sạt sài cũng vong

Thông minh tài trí anh hùng

Si mê dại dột cũng chung một gò.

Biển trần nhiều nỗi gay go

Mau mau nhẹ gót qua đò sông mê.

Sự đời nên chán nên chê

Tầm nơi giải thoát mà về mới khôn.       O

Lắng tâm quyết tỏ nguồn chơn

Gương xưa lau sạch không còn trần ô.

Tu hành phải đợi kiếp mô

Sông tình biển ái đã khô bao giờ.

Lựa là phải ngộ thiền cơ

Mà đèn trí huệ dễ lờ đi đâu.

Nguồn tâm phải tỏ trước sau

Nguyện cho thành Phật để mau độ đời.

Ban niềm an lạc muôn nơi

Niết-bàn tỏ ngộ, sáng ngời chân tâm. OOO

6. HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

(Người không tu Tịnh Độ có thể tỉnh lược 4 câu in nghiêng)

Tụng kinh là hạnh tốt lành,

Vô biên phước đức sẵn dành chúng sanh.

Nguyện cho tất cả hàm linh,

Thảy đều tỏ ngộ phẩm kinh diệu huyền.O

Nguyện tiêu ba chướng não phiền,

Được nguồn trí tuệ, phá xiềng vô minh.

Nguyện trừ tội chướng điêu linh,

Hạnh lành Bồ-tát thường tinh tấn làm.   O

Nguyện sanh cõi Tịnh siêu phàm,

Hoa sen chín phẩm là hàng mẹ cha.

Hoa nở thấy Phật hiện ra,

Vô sanh chứng ngộ, bạn ta: Thánh hiền.”O

Nguyện đem công đức hiện tiền,

Hướng về khắp cả các miền gần xa.

Con và cha mẹ, ông bà,

Chúng sanh giác ngộ, chan hòa pháp thân. (3 xá) OOO

7. LỜI NGUYỆN CUỐI

(Chủ lễ quỳ chắp tay, tha thiết nguyện; đại chúng mặc niệm)

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật             O

Nguyện đem công đức này hồi hướng về:

Trời giác ngộ muôn nơi sáng tỏ,

Bánh xe pháp vận chuyển không dừng.

Mong hoa Đàm lại nở giữa mùa xuân,

Nguyện cây Giác trổ hoa đầu tháng hạ.O

Tái hiện đạo tràng Pháp Hoa, Bát-nhã,

Dựng nên pháp hội Phương Đẳng, A-hàm.

Vẻ vang dòng họ Thế Tôn,

Rạng rỡ tông môn Ca-diếp.

Nghìn thu vàng son Tổ nghiệp,

Muôn thuở rạng rỡ tông phong.                     O

Tăng ni, đạo lực thậm thâm,

Phật tử, tín tâm kiên cố.

Nguyện nhà nhà hạnh phúc, an khang,

Cầu đất nước hòa bình, hưng thịnh.

Năm châu an định, bốn biển thanh bình,

Tình với vô tình đều thành Phật đạo.   O

(Đại chúng cùng niệm)

Nam-mô Thường Trụ Tam Bảo. (3 xá) OOO

8. ĐẢNH LỄ BA NGÔI BÁU

(Đại chúng đứng dậy, chắp tay trang nghiêm, cùng tụng và lạy) 

Con xin nương tựa Phật,

Bậc Phước Trí Viên Thành,

Cầu tất cả chúng sanh

Giác ngộ, phát tâm lành.(1 lạy) O

Con xin nương tựa Pháp,

Nguồn tuệ giác, từ bi,

Cầu tất cả chúng sanh

Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm.(1 lạy) O

Con xin nương tựa Tăng,

Đoàn thể sống an vui,

Cầu tất cả chúng sanh

Hòa hợp, thương mến nhau.(1 lạy) O

--- o0o ---

Phụ lục 2 Chú Thích các Thuật Ngữ và Danh Từ Riêng.

(A-C)

Mặc dầu trong Kinh Tụng Hằng Ngày này, soạn giả đã nỗ lực Việt hoá tối đa các thuật ngữ Phật học Hán Việt, nhưng do vì bộ Kinh được nhiều vị Tôn đức phiên dịch, nên vẫn còn một số các thuật ngữ có nguồn gốc từ Sanskrit, Pāli hoặc Hán Việt, được chuyển sang tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau. Do đó, chúng tôi cũng chọn một số thuật ngữ và danh từ riêng tiêu biểu thường lập đi lập lại trong Kinh Tụng Hàng Ngàynày để giải thích sơ bộ, đồng thời đối chiếu vớitừ nguyên của nó vốn xuất thân từ Sanskrit hoặc Pāli hoặc các từ đã Hán hoá mà người Việt mình quen dịch và đọc tụng.


Phần chú thích này chủ yếu giúp cho người đọc tụng có thể hiểu được ý nghĩa của các thuật ngữ Phật học một cách nhanh chóng, nhất là đáp ứng tạm thời cho quý Phật tử nào không có nhiều thời gian tra khảo các thuật ngữ Phật học trong các bộ từ điển Phật học chuyên ngành. Do vậy, các mục từ được giải thích ngắn gọn, không chú trọng đến nội dung chuyên sâu.


Ngôn ngữ Pāli, Sanskrit và hai ký hiệu khác trong phần phụ chú này được mặc ước như sau:


(P) : Pāli;(S):Sanskrit;(S=P): Sanskrit và Pāli giống nhau;


®:tham khảo thêm mục từ;=các hình thức viết khác của một mục từ.



A-hàm阿含phiên âm của Āgama(S), có nghĩa là bộ kinh hay là tuyển tập các lời dạy của Đức Phật. Giải thích theo quan điểm của ngài Đại sư Trí Khải thì Đức Phật đã tuyên thuyết Kinh A-hàmsuốt 22 năm, gồm bốn bộ: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng Nhất A-hàm và Tạp A-hàm.Từ A-hàm (Āgama) được các nhà Đại thừa sử dụng chỉ cho Kinh bộ, tươngđương với chữkinh bộ (Nikāya)trong văn học Pāli.


A-la-hán阿羅漢phiên âm của Arhat, Arhant(S) hoặc Arahat, Arahant(P), còn một phiên âm không chuẩn xác khác là La-hán. A-la-hán có nghĩa là bậc đáng cúng dường, nên ngườiHoa dịch là Ứng Cúng 應供.Do vì bậc A-la-hán không còn bị đoạ lạc vào cõi này nữa nên cũng gọi là bậc "Vô Sanh." 無生.


A-lan-nhã阿闌若phiên âm của araṇya(S) hoặc arañña(P),Hán dịch là “nhàn tịch” (nơi thanh tịnh) hay “viễn ly xứ” (nơi xa lánh ồn ào), "Tinh xá" (nơi trong sạch, trang nghiêm) hay "Tự" (chùa), "Viện." (các trung tâm tu học lớn). Tên gọi chung nơi các vị tu sĩ Phật giáo trú ngụ.


A-la-raphiên âm vắn tắt người Việt của từ Āḷāra-kalāma (P) hoặc Ārāḍa-kālāma (S),Trung Hoa phiên âm là A-la-ma 阿羅摩. Ông là vị Thầy đầu tiên của Bồ-tát Tất-đạt-đa đã dạy “Vô sở hữu xứ định” cho Bồ-tát. Đến khi Đức Phật thành đạo thì A-la-ra đã mất.


A-na-hàm阿那含phiên âm của từ Anāgāmi (S=P).Vị chứng đắc quả vị này đoạn trừ hoàn toàn năm kiết sử đầu. Khi bỏ báo thân, vị ấy không còn trở lại cõi đời này mà được hoá sanh lên cõi trời Tịnh Cư thuộc Sắc giới, nên còn gọi là "bất lai" 不來hoặc bất hoàn 不還. Ở đó, hành giả chứng quả vị A-la-hán, giảithoátvòng luân hồi.


A-na-luật-đà=A-nậu-lâu-đà.


A-nan阿難còn viết là A-nan-đà 阿難陀phiên âm của Ānanda (S=P). Một số Kinh trong Kinh Tụng Hằng Ngày phiên âm là A-nan-đa, đây là cách phiên âm của người Việt. Ānanda là vị thị giả cần mẫn suốt 25 năm cuối của Đức Phật. Tôn giả Ānanda cũng là vị trùng tuyên Pháp tạng trong kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ nhất tại hang Thất Diệp thuộc thành Vương Xá vào mùa hạ thứ nhất sau khi Đức Phật vừa Vô dư Niết-bàn. Trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ suy cử tôn giả là vị đệ nhị Tổ Sư. Phật giáo Thiền tông Ấn - Hoa cũng suy tôn Ngài là vị Tổ Sư thứ hai.


A-nan-đa= A-nan.


A-na-ru-đaphiên âm của Anaruddha (P), tên của một vị Tỳ-kheo sống rất hoà hợp với hai vị Tỳ-kheo khác trong Kinh Sống và Tu trong Hoà Hợp.


A-nậuviết đủ là A-nậu-đạt 阿耨達, phiên âm của Anavatapta(S), Hán dịch là Vô Nhiệt 無熱, tên của ao A-nậu-đạttrong Hi-mã-lạp sơn, nơi phát nguyên tám con sông lớn của Ấn Độ. Ao này thường được xuất hiện trong Kinh điển Đại thừa dụ cho giáo lý Đại thừa là pháp cao tột, là nơi phát nguyên của vô số pháp môn khác.


A-nậu-lâu-đà阿耨樓陀phiên âm của Aniruddha (S) hoặc Anuruddha (P), còn được phiên âm là A-na-luật阿那律hoặc A-na-luật-đà 阿那律陀.Tên của một vị đại đệ tử trong thập đại đệ tử của Đức Phật.Tôn giả được Đức Phật khen ngợi là bậc đạt được Thiên nhãn đệ nhất. Chính tôn giả đã theo dõi các trạng thái thiền định khi Đức Phật xả bỏ báo thân.


Anh em Ca-diếpchỉ cho ba anh em ruột cóhọ là Ca-diếp (S. Kāśyapa), trong Kinh thường gọi là ba anh em tôn giả Ca-diếp, gồm có Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp 優樓頻螺迦葉(S. Uruvilvā-kāśyapa), Na-đề Ca-diếp 那提迦葉(S. Nadī-kāśyapa) và Dà-da Ca-diếp 伽加迦葉(S. Gayā-kāśyapa).


A-nhã Kiều-trần-như阿若橋陳如phiên âm từ Ājñāta Koṇḍañña. Từ A-nhã là từ phiên âm của Ājñāta (S) hoặc Añña (P) để suy tôn cho tôn giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña) khi tôn giả nghe xong bài pháp đầu tiên của Đức Phật tại Vườn Nai chứng đượcpháp nhãn ly trần cấu, nghĩa là chứng được quả vị Tu-đà-hoàn.


A-nu-ra-đaphiên âm của từ Anurādha (P), tên của một vị Tỳ-kheo.


A-ri-thaphiên âm của từ Arittha (P), tên của một vị Tỳ-kheo.


A-tư-đà阿斯陀phiên âm của từ Atisa(S=P). Tên của vị tiên tri, tu trên Hy-mã-lạp sơn. Người xem tướng thái tử Tất-đạt-đa và đoán rằng thái tử sẽ thành Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia thì thái tử sẽ trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.


A-tu-la阿修羅phiên âm của từ Asura(S=P), đôi khi được phiên âm thành A-tu-luân 阿須輪. Hạng chúng sanh này phước báu hơn người, nhưng đức trí kém hơn người. Họ cũng có thần thông và thường gây gỗ đánh nhau với chư thiên. Người nam của cảnh giới này cực kỳ xấu và người nữ cực kỳ đẹp. Đây cũng là một cảnh giới được Đức Phật xếp vào bốn cõi tối tăm, đau khổ.


A-xà-thế阿闍世phiên âm của từ Ajātaśatru (S) hoặc Ajātasattu (P). Ông là con của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) và hoàng hậu Vi-đề-hi (Vidhehi) ở thành Vương Xá thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha). Ông đã từng nghe lời Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) thả voi dữ hại Phật và đã giết chết cha mình để cướp ngôi vua. Sau ông nghe lời cận thần ngự y Kỳ-bà (Jīvaka) đến Đức Phật đảnh lễ sám hối tội lỗi của mình.Đức Phật xác nhận với hội chúng Tỳ-kheo rằng nếu vua A-xà-thế không phạm tội giết cha thì đã chứng được sơ quả khinghe xong bài pháp Ngài thuyết. Ông cũng là đại tín chủ ngoại hộ đắc lực nhất cho kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất.


ba cánh cửa giải thoát dịch từ cụm từ "tam giải thoát môn" 三解脫門, gồm có: Không, Vô Tướng và Vô Tác.


ba cõidịch nghĩa của từ “tam giới” 三界, gồm có cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.


ba hữu dịch nghĩa của từ "tam hữu" 三有, nghĩa là 3 cõi dục, sắc và vô sắc.


ba mươi bảy yếu tố giác ngộhayBa mươi bảy phẩm trợ đạo dịch nghĩa của cụm từ “tam thập thất trợ đạo phẩm” 三十七助道品, gồm có Tứniệm xứ,Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ-đề phần, Bát chánh đạo.


ba mươi hai thể trược:tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thần kinh, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương và nước tiểu.


ba sắc tháicòn được viết là "Ba luân." Thuật ngữ Pāli là Tiparivaṭṭa, tiếng Hoa dịch là “tam chuyển” 三轉bao gồm: 1. Thị chuyển: Đây là Khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là trạng thái vắng mặt khổ, đây là con đường chấm dứt đau khổ; 2. Khuyến chuyển: Khổ nên biết, nguyên nhân của khổ nên chấm dứt, niết-bàn nên chứng, con đường diệt khổ nên tu; 3. Chứng chuyển: Khổ ta đã biết, nguyên nhân của khổ ta đã dứt, niết-bàn ta đãchứng và con đường diệt khổ ta đã tu. Chính vì vậy, nên trong các sách Hán thường viết là tam chuyển pháp luân 三轉法輪.


ba thừa giáodịch nghĩa của thuật ngữ “tam thừa giáo” 三乘教nghĩalà giáo lý của ba thừa, đó là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát thừa.


Ba Viên Ngọc Quýdịch sát nghĩa của thuật ngữ Tam Bảo 三寶, xuất phát từ Tri-ratana, Ratna-traya (S),hoặc Ti-ratanahoặc Ratanattaya(P). Ratana có nghĩa là Viên Ngọc, nên vài nơi dịch danh từ "Tam Bảo" 三寶làBa Viên Ngọc Quý, hoặc dịch thoát là Ba Ngôi Báu.


ba y, một bátdịch nghĩa của cụm từ "tam y nhất bát"三衣一鉢. Ba y nghĩa là ba bộ y phục che thân của một vị Tỳ-kheo, gồm:1. Tăng-già-lê còn gọi là Thượng y (S. Saṅghāṭī): ykhoát bên ngoài, chỉ đắp khi lễ Phật, tụng kinh, Bố-tát hoặc khi đi ra đường; 2. Uất-đa-la-tănghay còn gọi là trung y (S. Uttarāsaṅga):giống như cái áo; 3. An-đà-hội hay còn gọi là hạ y (S. Antarvāsa):như cái quần. Bát là dụng cụ chứa đựng thực phẩm trong khi khất thực.


Bậc Giác Ngộdịch nghĩa của thuật ngữ Buddha, Trung Hoa phiên âm là Phật-đà 佛陀, gọi tắt là Phật Việt Nam còn phiên âm khác là Bụt. Về sau, danh từ này chỉ chung cho những vị giác ngộ như Phật.


Bạch y白衣nghĩa là áo trắng, chỉ chung cho hàng cư sĩ tại gia. Áo trắng tượng trưng cho sự tinh khiết.


Ba-gaphiên âm của Bhaggā (P), tên một bộ tộc và cũng là tên một quốc gia nhỏ nằm giữa Vesāli (P) và Sāvatthi (P).


ba-la-mật波羅密phiên âm củaPāramitā (S) hoặcPāramī, Pāramitā (P), Trung Hoa dịch là "đáo bỉ ngạn" 到彼岸, nghĩa là "qua / đến bờ bên kia". Dịch chính xác là "hoàn hảo" "tối thắng". Cách dịch "đáo bỉ ngạn" chỉ là cách dịch ý, dùng hình tượng để biểu đạt sựgiải thoát, giác ngộ, qua được sông mê bể khổ. Một vị tu tập 6 pháp hay 10 pháp ba-la-mật theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa hoặc 10 pháp ba-la-mật theo quan điểm của Phật giáo Nam truyền có thể qua được sông mê đến bờ giải thoát.


Bà-la-môn婆羅門phiên âm củaBrāhmaṇa(S=P), giai cấp đứng đầu trong bốn giai cấp của xã hội Ấn Độ, có trách nhiệm về việc nghi lễ tôn giáo. Những người trong giai cấp này không hẳn là giới tu sĩ, nhưng họ được đặc ân của thế tập cha truyền con nối. Thuật ngữ Bà-la-môn còn được dịch là Phạm Chí 梵志.


bàng sanh螃生chỉ chung cho các loài động vật có mặt trong thế giới này, thỉnh thoảng còn được dùng đồng nghĩa với từ súc sanh畜生.Đây là cảnh giới khổ thứ 3 trong 4 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la.


bánh xe pháp (S. dhammacakra, P. dhammacakka) hay còn gọi là Pháp luân 法輪. Đây là hình ảnh tượng trưng cho toàn thể giáo pháp của Đức Phật.


bất hoàn不還= A-na-hàm.


Bát-đàphiên âm củaBhaddhā (P). Tên của hoàng hậucủa vuaMuṇḍa.


Bạt-đà-bà-la跋陀婆羅phiên âm của Bhadrapāla, dịch nghĩa là Hiền Hộ, tên của một vị Bồ-tát trong Kinh điển Đại thừa.


bát-nhã= Trí tuệ tối thắng.


Ba-tư-nặc波斯匿phiên âm củaPrasenajit (S)hoặc Pasenadi (P). Ông là vua nước Kiều-tát-la (Kosalā), một trong nhữngvị vua hùng mạnh nhất thời Đức Phật và cũng là một trong những vị ủng hộPhật pháp đắc lực thờibấy giờ.


bảy bậc đang còn tu họcnghĩa là: người đang hướng đến quả Tu-đà-hoàn, người đã chứng quả Tu-đà-hoàn, người đang hướng đến quả Tư-đà-hàm, người đã chứng quả Tư-đà-hàm, người đang hướng đến quả A-na-hàm, người đã chứng quả A-na-hàm và người đang hướng đến quả A-la-hán.


bảy đại dịch nghĩa của thuật ngữ thất đại 七大nghĩa là bảy yếu tố cấu tạo nên con người và thế giới địa: (thể rắn), thuỷ (thể lỏng), hoả (thể nóng), phong (thể khí), không (hư không, khoảng cách), kiến (tính thấy của nhãn căn=các tế bào thần kinh bên trong), và thức (sự phân biệt do căn tiếp xúc với trần). Thuyết bảy đại được giới thiệu trong các Kinh điển Đại thừa, trong khi trong kinh điển Nikāya chỉ đề cập đến bốn yếu tố đầu.


bảy yếu tố giác ngộdịch nghĩa củaSaptabdhyaṅgāni(S), thuật ngữ Hán Việt là thất bồ-đề phần 七菩提分,thất đẳng giác chi 七等覺支, thất biến giác chi 七遍覺支, thất giác phần 七覺分, thất giác chi pháp 七覺支法, thất giác ý pháp 七覺意法. Bảy yếu tố giác ngộ này thuộc Đạo đế, bao gồm: trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả.


Bích-chi Phật 辟支佛phiên âm của Pratyeka-buddha (S), hoặc Pacceka-buddha (P) vị chứng quả giác ngộ nhờ nhờ quán sát lý duyên khởi, vì thế còn có được gọi là "Duyên Giác Phật" 緣覺佛. Bậc Giác Ngộ này tuy chứng được đạo quả nhưng không phát nguyện hoằng hoá độ sanh, mà nhập Niết-bàn nên cũng gọi là "Độc Giác Phật"獨覺佛.


bồ-đề菩提phiên âmcủa từ Bodhi(S=P) Trung Hoa, dịch là "giác" 覺, có nghĩa là sự giác ngộ. Tâm bồ-đề có nghĩa là tâm giác ngộ.


Bồ-lân-nạicách phiên âm khác của “Ba-la-nại” 波羅奈.Hai cách phiên âm trên đều xuất phát từVārāṇasī, Varaṇasī (S); hoặc Bārāṇasī (P). Ba-la-nạiđược dùng dung thông cho cả thành Ba-la-nại, và quốc gia Ba-la-nại thời cổ Ấn Độ. Đây là nơi Đức Phật chuyền pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em tôn giả Kiều-trần-như. Nay người ta vẫn giữ tên cũ là Vārāṇasī, thuộc bang Uttar Pradesh.


bốn câu nghĩa lýtrong Kinh Danh Ngôn Chánh Phápsố273 cónghĩa là Tứ Đế (P. saccanaṃ caturo).


bốn chân lý thánh dịch nghĩa của Tứ Diệu Đế 四妙諦hay Tứ Thánh Đế 四聖諦. Trong bản Kinh này nhiều chỗ dịch là: bốn chân lý vi diệu, hay bốn chân lý nhiệm mầu. Bao gồm: chân lý về Khổ (khổ đế), chân lý về nguyên nhân của khổ (tập đế), chân lý về sự tịch tịnh-trạng thái chấm dứt về khổ (diệt đế) và chân lý về con đường dẫn đến sự chấm dứt về khổ (đạo đế) --> Bốn chân lý vi diệu.


bốn chúng gồm có chúng Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Cư sĩ nam và chúng Cư sĩ nữ. Chúng ở đây có nghĩa là cộng đồng hay tập thể gồm bốn người trở lên.


bốn đạidịch nghĩa của Tứ đại 四大1. địa (thể rắn); 2. Thuỷ (chất lỏng); 3. phong (khí); 4. hoả (hơi nóng).


bốn đường ácgồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la.


bốn không sợ sệtthuật ngữ Hán viết là "Tứ vô sở uý" 四無所畏, dịch nghĩa của cụm từ catvāri vaiśāradyāni(S) hoặc cattāri vesārajjāni(P). Có hai loại Tứ vô sở uý, một loại "Tứ vô sở uý" của Đức Phật và một loại của hàng Bồ-tát. Tứ vô sở uý trong Kinh Hạnh Bồ-tátchỉ cho “tứ vô sở uý” của Đức Phật.Tứ vô sở uý của Đức Phật: 1) Nhất thiết trí vô sở uý 一切智無所畏: trí tuệ lưu xuất biết hết thảy các pháp tánh tướng của chúng sanh, nên không hề sợ hãi trước đại chúng. 2) Lậu tận vô sở uý 漏盡無所畏:Đức Phật đã đoạn tận mọi phiền não trong tâm thức nên không hề sợ hãi dù đứng trước bất cứ hội chúng nào. 3) Thuyết chướng đạo vô sở uý 說障道無所畏: Đức Thế Tônthuyết về các nguyên nhân dẫn đến đau khổ không hề sợ hãi. 4)Thuyết xuất thế đạo vô uý 說出世道無所畏:thuyết các pháp môn đưa hành giả đến giải thoát, Niết-bàn không hề sợ sệt, vì tự thân đã thể nghiệm và chứng đạt.


bốn lĩnh vực quán niệmthuật ngữ Hán viết là "Tứ Niệm Xứ" 四念處,hay còn gọi là bốn pháp quán niệm, nghĩa là hành giả cần phải quán niệm về thân thể, cảm giác, tâm thức và các ý niệm của tâm.


bốn loàichỉ cho bốn hình thức sanh sản, đó là loài sanh ra từ trứng, gọi là "noãnsanh", loại sanh ra từ bào thai gọi là "thai sanh", loài sanh ra từ nơi ẩm ướt gọi là "thấp sanh" và loài sanh do nghiệp lực và phước đức, tự nhiên mà hoá sanh, gọi là "hoá sanh."


bốn madịch nghĩa của cụm từ catvāro mārāḥ(S) hoặc cattāro mārā(P), thuật ngữ Hán gọi là Tứ ma 四魔, gồm có 1) Thiên ma 天魔:ma Ba-tuần ở cõi Tha Hoá Tự Tại; 2)Tử ma 死魔: những người chết mà vì quyến luyến tài sản, thân nhân hoặc những người chết oan, tự vẫn, bất đắc kỳ tử mà chưa đi đầu thai được; 3) Ngũ ấm ma 五陰魔tức là sắc thọ tưởng hành thức, năm thứ này biến hoại, sanh diệt không lường, làm ám chướng trí tuệ của hành giả, nên gọi là ma; 4) Nội ma 內魔nghĩa là các trạng thái tâm lý bất thiện của hành giả.


bốn nhiếp phápdịch nghĩa của cụm từ Catvāri saṃgraha-vastūni(S) hoặc catthni saṃgaha-vatthūni(P), Trung Hoadịch là “tứ nhiếp pháp” 四攝法, gồm có bố thí (rộng lượng), ái ngữ (lời nói đàng hoàng, dịu dàng), lợi hành (sẵn sàng giúp đỡ) , đồng sự (chia sẻ ngọt bùi trong mọi tình huống). Trong ngôn ngữ hiện đại, từ này có thể được dịch thành bốn cẩm nang đắc nhân tâm.


bốn ơn nặngdịch nghĩa của "Tứ trọng ân", gồm có ơn Tam Bảo, ơn Thầy Tổ,ơn cha mẹ,và ơn quốc gia (hoặc ơn tín chủ).


bốn pháp siêng năng chân chánhdịch nghĩa của cụm từ tứ chánh cần 四正勤: 1) Điều thiện đã và đang làm cố gắng làm hơn nữa; 2) Điều thiện chưa làm cố gắng sẽ làm; 3) Điều ác đã và đang tạo cố gắng dứt trừ sớm; và 4) Điều ác chưa phát khởi trong tâm cố gắng không cho phát khởi.


bốn pháp sung túc như ýdịch nghĩa của cụm từ "Tứ như ý túc" 四如意足, gồm có: Dục Như Ý Túc, Tinh Tấn Như Ý Túc, Niệm Như Ý Túc Và Xả Như Ý Túc.


bốn tâm cao thượng đó là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ và tâm Xả. Bản Hán dịch là "Tứ vô lượng tâm" 四無量心. Bốn tâm này là nhân để sanh vào thế giới Phạm Thiên nên cũng được dịch là "Tứ phạm trú" 四梵住.


bốn tâm vô lượng= bốn tâm cao thượng.


bốn thánhdịch nghĩa của Tứ thánh 四聖, gồm có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật.


Bốn thiền sắc giớithiền thứ nhất (sơ thiền), thiền thứ hai (nhị thiền), thiền thứ ba (tam thiền), và thiền thứ tư (tứ thiền).


bốn thiền vô sắcgiớisau khi đã vào ra tự tại 4 thiền Sắc giới từthiền thứ nhất đến thiền thứ tư, hành giả nỗ lực bước vào 4 thiền Vô sắc như sau: Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ.


bốn yếu tố tạo muôn loàitrong Kinh Tám Điều Giác Ngộ của hàng Bồ-táttức là bốn đại: đất (chất rắn), nước (chất lỏng), lửa (nhiệt lượng) và gió (lực lưu động).


Bồ-tát 菩薩Viết đủ là Bồ-đề-tát-đoả 菩提薩埵, phiên âm của Bodhisatva (S), hoặc Bodhisatta (P), Hán văn dịch là “giác hữu tình” 覺有情, nghĩa là một người đã giác ngộ, không còn bị sanh tử chi phối. Theo Phật giáo Đại thừa, khái niệm này chỉ cho các vịđã thành tựu các công hạnh lớn, phát nguyện trở lại cõi này tuỳ duyên hoá độ như Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng, v.v….Trong trường hợp Kinh Hiền Nhânở trong Chuyện Tiền Thân của Đức Phật, khái niệm"Bồ-tát” thuộc cách dùng của Thượng Toạ bộ, chỉ cho quá trình đang tu tập hướng đến giác ngộ tối thượng.


Ca-chiên-diênviết đủ là Ma-ha Ca-chiên-diên 摩訶迦旃延, phiên âm của Mahākātyāyana (S) hoặc Mahākaccāyana, Mahākaccāna (P). Tên của một trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật, có năng lực luận nghị vô song, được Đức Phật xác nhận là "luận nghị đệ nhất."


Ca-diếp迦葉phiên âm của Kāśyapa (S) hoặc Kassapa (P). Trong Kinh điển Phật giáo có đề cập rất nhiều vị Ca-diếp. Nhưng Kinh điển Đại thừa thường đề cập đến tôn giả Đại Ca- diếp (Mahā Kāśyapa), vị thực hành hạnh đầu-đà đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật, là vị triệu tập chúng tăng kiết tập Kinh điển lần đầu tiên tại hang Thất-diệp, cũng là vị tổ thứ nhất theo truyền thống Thiền tông Ấn Hoa.


Ca-diếp Phật迦葉佛Phật Ca-diếp, tiếng Phạn là Kāśyapa Buddha (S) hoặc là Kassapa Buddha (P).Đức Phật Ca-diếp là Đức Phật quá khứ trước Đức Phật Thích-ca, thuộc thời Hiền kiếp.


Ca-la-cưu-tôn-đà迦羅鳩孫馱phiên âm của Krakucchanda-buddha (S) hoặc Kakusandha-buddha (P)Tên của một vị Phật quá khứ, còn viết là Ca-la-cưu-đà Phật 迦羅鳩馱佛hoặc Câu-lưu-tôn Phật 拘留孫佛.


cam lộ甘露hay “cam lồ thuỷ” 甘露水nghĩa là những giọt sương trong vắt ngọt ngào dụ cho giáo pháp của Đức Phật có công năng giải trừ nỗi bức não (đau khổ) của chúng sanh.


cận sựnữ= tín nữ ®ưu-bà-di


cận sự nam= thiện nam®ưu-bà-di


Cấp Cô Độc給孤獨dịch nghĩa của Aṇathapiṇḍika, nghĩa là người hay ban ơn giúp đỡ những người cô đơn, khốn khổ.Đây là tên của một nhà triệu phú và cũng là một đại tín chủ cúng dường, ủng hộcho Tăng đoàn bậc nhất trong thời Đức Phật còn tại thế. Ông đã bỏ ra cả kho vàng mua khu vườn của thái tử Kỳ-đà và cất một Tinh Xá rất lớn đầu tiên tại nước Kiều-tát-la để cúng dường Phật và chúng tăng.Trong Phật giáo, Ông là biểu tượng của hạnh ban bố và giúp đỡ chúng sanh. ®Tu-đạt.


ca-sa袈裟phiên âm của kaṣāya (S), kasāya (P) nghĩa là y phục của các tu sĩ.Cũng được đọc trại thành Cà-sa.


Ca-tỳ-la-vệphiên âm của Kapilavastu (S) hoặc Kapilavatthu (P). Cung thành của bộ tộc Thích-ca, nay thuộc đất nước Nepal.


Câu-tát-la枸薩羅phiên âm của Kauśala (S), hoặc Kosalā (P), trung tâm văn hoá lớn nhất thời Đức Phật. Người Hoa thường phiên âm cụm từ Kiều-tát-la 橋薩羅hoặc Câu-tát-la 枸薩羅từ Kauśala (S).


Chánh Biến Tri正遍知(S. Saṃyak-sambuddha; P. Sammā-sambuddha), nghĩa là bậc có trí tuệ đúng đắn và rộng khắp trong mọi lĩnh vực. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.


Chánh Giác正覺Viết đủ là Chánh Đẳng Chánh Giác, nghĩa là Sự Giác Ngộviên mãn không gì so sánh được. Trong một số trường hợp, thuật ngữ Chánh Giác nghĩa là quả vị Giác Ngộ hay là thành Phật quả.


Cha-nu-sô-niphiên âm của Janussoni, tên của một Bà-la-môn được đề cập trong Kinh Cúng Thí Người Chết.


Châu-lợi-bàn-đặccũng còn đọc là Chu-lị-bàn-đặc 周利槃特, phiên âm của Cūḍapanthaka, Cullapatka, Kṣullapanthaka, Śuddhipaṃthaka (S) hoặc Cullapanthaka, Cūḷapanthaka (P). Tên của tôn giả đệ tử Đức Phật, vị này bị nghiệp chướng sâu dày, chỉ học một bài kệ mà không thuộc, đọc câu trước, quên câu sau, nhưng do nỗ lực tu tập, cuối cùng cũng chứng được quả vị A-la-hán.


Chiên-đàn旃檀phiên âmtừCandana (S=P), một loại cây thơm giống như cây gió, cây trầm ở Việt Nam.


chín bộ pháptức chín thể loại văn học Kinh điển bao gồm Khế Kinh, Cô Khởi,Bổn Sự, Bổn Sanh, Vị Tằng Hữu, Nhơn Duyên, Thí Dụ,Trùng Tụng, Luận Nghị. Xem thêm mục Mười hai bộ Kinh.


chín pháp quán tưởngdịch nghĩa của “Cửu tưởng” 九想, nghĩa là 9 pháp quán tưởng trong phép quán "Bất tịnh" để giúp hành giả đoạn trừ các tâm tham dục. Cửu tưởng gồm có 1) Trướng tưởng (Tưởng thấy tử thi trương phồng lên). 2) Thanh ứ tưởng (Tưởng thấy xác chết do dãi dầu sương gió nên biến thành thâm đen). 3) Hoại tưởng (Tưởng thấy tử thi bị huỷ hoại); 4) Huyết đồ tưởng (Tưởng thấy xác chết sau khi huỷ hoại, máu thịt lầy đất); 5) Nùng lạn tưởng (Quán tưởng thấy xác chết bị thối rửa); 6) Hám tưởng (Quán tưởng thấy chim muông đến ăn xác chết); 7) Tán tưởng (Quán tưởng sau khi tử thi bị muông thú ăn, gân cốt đầu mình chân tay bị xâu xé tan nát); 8) Cốt tưởng (Quán tưởng sau khi máu thịt đã hết, chỉ còn đống xương trắng vung vãi); 9) Thiêu tưởng (tưởng thấy xương trắng bị đốt thành tro).


chín thiền địnhdịch nghĩa của thuật ngữ Cửu định 九定, tức là 4 thiền định của Sắc giới (tức Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền), bốn cấp độ thiền định của Vô sắc giới(tức Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ định), và diệt thọ tưởng định.


chư thiên諸天dịch nghĩa của deva (S= P). Chư thiên là chỉ cho các chúng sanh hữu tình có phước đức lớn hơn loài người. Các vị nầy sống dưới sự cai quản của một vị vua có uy đức lớn nhất tại cõi trời vị đó đang ở.


chuyển pháp luân轉法輪dịch nghĩa của cụm từ Dhamma-cakkappavattana (P), có nghĩa là "Vận chuyển bánh xe pháp."Cụm từ hình ảnh nầy lúc đầu được dùng để chỉ Đức Phật tuyên thuyết giáo pháp thậm thâm, vi diệu của Ngài lần đầu tiên tại Vườn Nai. Về sau, các hoạt động của Tăng Ni và Phật tử nhằm hướng dẫn người chưa biết Phật pháp vào đạo Phật, đều được gọi là công việc chuyển pháp luân.


Cồ-đàm瞿曇phiên âm của từ Gautama (S) hoặc Gotama (P). Đây là họ của Đức Phật. Các ngoại đạo ít khi tôn xưng Đức Phật là Thế Tôn hay Đức Phật mà thường gọi Ngài bằng họ của Ngài, như Sa-môn Cồ-đàm hoặc Sa-môn Cù-đàm. Trong trường hợp Kinh Hiền Nhân, Cù-đàm là tên của một Phạm-chí cha của Hiền Nhân.


cội Bồ-đềdịch nghĩa của bodhi-druma, bodhi-taru, bodhi-vṛkṣa (S) hoặc bodhi-rukkha (P), nghĩa là cây giác ngộ.Cây này có tên là Aśvattha (S), với tên khoa học là Ficus religiosa. Đức Phật đã an trụ thiền định 49 ngày đêm và thành đạo ngay dưới cội cây này, nên dân chúng gọi cây này là “cây / cội Bồ-đề."


cõi lànhchỉ chung cho các cõi chư thiên hoặc các cõi Phật ở mười phương.Vì 4 cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh vàa-tu-la đều bị xếp vào các cõi xấu, cõi bất thiện, chúng sanh trong các cõi đó chịu nhiều đau khổ và ít có duyên tạo công đức. Cõi người thì có cả khổ đau và hạnh phúc, có cả kẻ ác và người lương thiện sống chung. Cõi này không được xếp vào cõi ác mà cũng không xếp váo cõi lành.


con đường támnhánh= Bát chánh đạo.


Cù-đàm= Cồ-đàm.


cưu-bàn-trà鳩槃茶phiên âm của Kumbhāṇḍa (S) hoặc Kumbhaṇḍa (P) nghĩa là loại quỷ thô bạo, thường hay uống tinh đảm khí của người.


--- o0o ---

(D-L)

Da-du-đà-la耶輸陀羅phiên âm chư Yásodharā (S) hoặc Yasodharā (P). Tên của công chúa con Vua Thiện Giác, kếtduyên với thái tử Tất-đạt-đa, sinh ra La-hầu-la. Sau khi Vua Tịnh Phạn băng hà, bà theo Di mẫu là Ma-ha Ba-xà-ba-đề xuất gia làm đệ tử của Phật, chẳng bao lâu bà chứng được quả A-la-hán .


Đà-hàm= Tư-đà-hàm.


Đà-hoàn= Tu-đà-hoàn.


Đại Phạm= Phạm Thiên.


Đại Thuần-đà純陀phiên âm và dịch nghĩa của Mahācunda (S=P). Tên của một tôn giả được đề cập trong Kinh Tôn Trọng các Pháp Môn, khác với vị đệ tử cúng dường bữa cơm cuối cùng cho Đức Phật.


Đại Tự Tại thiên大自在天dịch nghĩa của từ Mahésvara (S) hoặc Mahissara (P). Thường được phiên âm là trời Ma-hê-thủ-la. Đây là cõi trời cao nhất thuộc Sắc giới.


Đà-la-ni陀羅尼phiên âm từ dhāraṇī (S), có nghĩa là “thần chú." Theo quan điểm của Mật tông, thần chú có khả năng thâu nhiếp được các pháp thiện và có thể đoạn trừ được tất cả các pháp ác.


Đấng Giác Ngộ= Bậc Giác Ngộ.


Đấng Thế Hùngcách tôn xưng khác của hàng Phật tử đối với Đức Thế Tôn.


Đấng Vô Thượng Tôntrongmột số Kinh, thỉnh thoảng dùng cụm từ Vô Thượng Tôn, nghĩa là không ai cao hơn nữa để chỉ cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Một số dịch giả dùngthuật ngữ Chí Tôn để chỉ cho Đức Phật.


danh sắc名色dịch nghĩa của nāmarūpa(S=P) có nghĩa là tinh thần và vật chất tạo nên hợp thể con người. Danh gồm 4 yếu tố Thọ, tưởng, hành và thức là phần tinh thần. Sắc chỉ cho các thân thể. Danh sắc là cách gọi khác của năm tổ hợp nhân thể (ngũ uẩn).


Đao-lợi thiên忉利天phiên âm và dịch nghĩa của Trāyastriṃśa (S) hoặc Tāvatiṃsa (P), cõi trời Đao-lợi có 33 tầng. Tiếng Hán dịch là Tam Thập Tam Thiên 三十三天, làm cho người đọc dễ có cảm tưởng là cõi trờitính từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới thì nó thuộc vị trí thứ 33. Trời Đao-lợi là cõi trời thứ 2 nếu tính từ dưới tính lên trong 6 cõi trời thuộc cõi Dục. Đây là cõi trời do Vua Trời Đế-thích trị vì.


đầu-đàphiên âm của dhūta(S=P), nghĩa là hạnh tu của tu sĩ chuyên sống trong rừng, dưới gốc cây, am trống, chòi tranh, chỉ khất thực xin ăn qua ngày, dành trọn thời gian cho việc tham thiền nhập định. Trong các vị đại đệ tử của Đức Phật, tôn giả Đại Ca-diếp được Đức Phật khen ngơị là thực hành hạnh đầu đà đệ nhất.


dạ-xoa 夜叉phiên âm yakṣa (S) hoặc Yakkha (P), một âm khác là “dược xoa” 藥叉một loài quỷ thần, giống nhưLa-sát. Dạ-xoa có nhiều loại, có loại Dạ-xoa thiện, cũng có loại Dạ-xoa ác.


đệ nhất nghĩa đế第一義諦còn gọi là chân đế, thánh đế, thắng nghĩa đế, niết-bàn, chân như, thực tướng, trung đạo, pháp giới, chân không…, dùng để gọi chung cho chân lý thâm diệu.


đệ tử áo trắngngười Phật tử tại gia hay hàng cư sĩ, vốn được dịch thoát từ thuật ngữ "bạch y cư sĩ."


Đề-bà-đạt-đa提婆達多phiên âm của Devadatta (S=P). Ông là một trong những người đầu tiên của dòng họ Thích-ca xuất gia làm đệ tử của Đức Phật. Sau khi xuất gia, ông muốn thống lãnh Tăng đoàn, âm mưu hại Đức Thế Tôn nhiều lần và sau khi chết, bị đoạ vào địa ngục.


Đế-thích帝釋còn gọi là Thích-đề-hoàn-nhân hoặc Thích-đề-hoàn-nhơn 釋提桓因(S. Śakro-devānāmindra). Tên của vị thiên chủ cõi trời Đao-lợi hay cõi trời có 33 tầng.


địa ngục地獄dịch nghĩa của Naraka, Niraya(S)hoặcNiraya(P). Đây là cảnh giới đau khổ nhất trong các cảnh giới. Cảnh giới này tương ứng với tâm thức của những người cực ác.


diêm vương閻王viết tỉnh lược của "Diêm-la vương" 閻羅王, phiên âm và dịch nghĩa của Yamarajā(S=P). Yama phiên âm thành "Diêm-la"閻羅hoặc "Diêm-ma" 閻魔, còn Rajā thì dịch nghĩa là "vương." Kinh điển Bắc tạng và các sách chú sớ về sau ở Trung Hoa cho rằng có một vị vua thường gọi là Diêm Vương ở dưới địa ngục để trừng trị bọn người làm ác.


Diêm-phùgọi đủ là "Diêm-phù-đề" 閻浮提. Thuật ngữ này là phiên âm của Jambudvīpa (S) hoặcJambudīpa (P), có nghĩa là cõi đất này, còn gọi là cõi ta-bà. Đây là một châu trong 4 châu theo thế giới quan Phật giáo. Châu này nằm ở phía Nam của núi Tu-di nên gọi là Nam Thiệm Bộ Châu.Bốn Châu gồm có Nam Thiệm-bộ Châu, Bắc Câu-lô Châu, Tây Ngưu-hóa Châu và Đông Thắng Thần Châu.


diệt tận định滅盡定còn gọi là Diệt thọ tưởng định 滅受想定, trạng thái thiền định vắng mặt hoàn toàn cảm giác và tưởng tượng, hơi thở rất vi tế, gần như là dứt bặt.


Điều Ngự Trượng Phu調御丈夫(S. Puruṣa-damya-sārathi, P. Purisadamma-sārathi): Bậc đã điều phục chính mình và có khả năng điều phục, nhiếp hoá người khác. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.


Di-lặc彌勒phiên âm của Maitreya (S)hoặcMetteyya (P), dịch nghĩa là Từ Thị 慈氏hoặc Từ Tôn 慈尊. Tên của một vị Bồ-tát sẽ thành Phật trong kiếp vị lai.


Di-lan-đà彌蘭陀phiên âm của Milinda (S=P), một vị vua gốc Hy Lạp, thuộc vùng Bactriya. Ông còn được biết với tên khác như là Vua Menander.Ông là vị vua đa văn, thông thái vào thế kỷ thứ II trướcTL. Cuộc đối đáp của nhà Vua và Tỳ-kheo Na-tiên được biên tập thành tác phẩm Milindapañhā (P), dịch sát nghĩa là Vua Milinda Hỏi Đạo. Bản tiếng Hoa dịch là Di-lan-đà Vương Vấn Kinh .


định定còn gọi là Thiền định, được dịch từ Samādhi (S=P). Đây là mộtpháp môn tu tập tâm để làm đình chỉ các vọng động của tâm thức. Thiền gọi đủ là Thiền-na, vốn phiên âm từ tiếng Sanskrit là dhyāna, tiếng Pāli làjhāna. Trung Hoa dịch là "định" 定hay "tĩnh lự" 靜濾. Trải qua quá trình dịch thuật, người Hoa đã ghép cách đọc phiên âm và dịch nghĩa thành ra “thiền định." Đây là một quá trình tu tập cần thiết cho các hành giả của bất kỳ pháp môn hay truyền thống nào muốn thanh lọc tâm thức, chứng thành quả vị giải thoát, giác ngộ.


do-tuần由旬phiên âm của Yojana(S=P), âm khác là do-diên 由延. Đây là đơn vị đo lường địa dư của Ấn Độ cổ đại. Có nhiều thuyết khác nhau cho rằng một do tuần bằng 16 dặm, 30 dặm hoặc 40 dặm.


đoạn kiến斷見quan điểm hay học thuyết cho rằng sau khi chết là hết, không có tái sanh luân hồi. Quan điểm này thì đi ngược lại quan điểm cho rằng có một linh hồn bất tử, thường tại, gọi là "thường kiến" 常見.


Đồng-nữ Ca-diếp同女迦葉phiên âm của từ Kimāra Kassapa (P), còn một phiên âm nữa là Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩摩羅迦葉. Tên của một tôn giả trong KinhNghiệp Báo Tái Sinh, tôn giả Kimāra Kassapa đã chứng minh hùng hồn sự tái sanh luân hồi là điều có thậtquacác minh chứng.


dự lưu預流dịch nghĩa của từ Srotāpanna(S) hoặc Sotāpanna (P). ®Tu-đà-hoàn.


dục tư duy 欲思惟nghĩa là suynghĩ về các dục lạc đã kinh qua hoặc tưởng tượng các điềuliên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến dục. Trong kinh tạng Pāli thường được dịch là "dục tầm."


dược-xoa藥叉= dạ-xoa.


Duyên Giác緣覺còn gọi là Độc Giác 獨覺.®Bích-chi Phật.


duyệt chúng悦衆nghĩa là vị làm cho đại chúng vui lòng. Trong các khoá lễ tụng, “duyệt chúng" là vị chịu trách nhiệm đánh mõ đứng bên tay trái vị chủ lễ.


Duy-ma-cật維摩詰phiên âm của Vimalakīrti (S), Hán dịch làTịnh Danh 淨名, vịcư sĩ Bồ-tát bổ xứ được đề cập trong Kinh Duy-matại thành Tỳ-xá-ly 毘舍離(S. vaiśāli), làm cho cả hội chúng Thanh Văn phải kính nể vì trí tuệ biện tài của Bồ-tát.


duy-na維那từ được kết hợp giữa phiên âm vừa dịch nghĩa của Karmadàna (S). Thuật ngữ karmadānanày được phiên âm sang tiếng Hán là Yết-ma-đà-na 羯磨陀那, vốn có nghĩa là vị quản chúng trong chùa. Chữ "duy"có nghĩa là "nắm lấy", "quản lý." Các dịch giả Trung Hoa đã ghép lấy hai chữ, một lấyý của Karmadānavà cách phiên âm của nó mà tạo thành thuật ngữ mới "duy-na." Đây là một trong 3 chức vị quan trọng trong tự viện của Trung Hoa. Trong các khoá tụng niệm, vị duy-na thường chịu trách nhiệm đánh chuông, đứng bên tay phải của vị chủ lễ.


giải thoát tri kiến解脫知見dịch nghĩa của Vimukti-jñāna-darśana-skandha (S), cũng gọi là "Giải thoát sở kiến" 解脫所見,tức là tri kiến nhận biết mình đã giải thoát, không còn phiền não lậu hoặc, chứng đắc quả A-la-hán hay Phật. Về sau thuật ngữ này còn được dùng để chỉ cho sự buông bỏ tất cả các tri kiến, ngay cả tri kiến về sự chứng đắc.


giải thoát解脫dịch nghĩa của mokṣa, vimokṣa, vimuktihoặcmukti(S); hoặc vimutta, vimokkha, vimutti(P). “Giải thoát” đồng nghĩa với "tự tại", nghĩa là không còn bị các nhiễm ô trong tâm, dứt hết mọi triền phược. Đây là trạng thái tâm lý hoàn toàn không còn khổ não, sầu muộn. Trạng thái tâm lý này tuỳ thuộc vào quả vị của hành giả nên có những cấp độ khác nhau.


giới 戒dịch từśīla(S) hoặc sīla(P). Trung Hoa phiên âm làthi-la 尸羅.Tức các nguyên tắc đạo đức được Đức Phật quy định cho hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia. Giới có nhiều loại và được chia ra nhiều cấp độ khác nhau. Giới có nhiều dạng như giới tướng, giới tánh, giới thể. Trong Kinh Nhật Tụng Hàng Ngàynày nhiều chỗ dịch là "nguyên tắc đạo đức."


Gi-ri-ma-nan-đaphiên âm của Girimānanda (P). Tên của một tôn giả đệ tử Phật. Khi vị này bị bệnh nặng, Đức Phật đã tuyên thuyết mười pháp quán tưởng cho tôn giả Ānanda để đến thuyết lại cho Gi-ri-ma-nan-đa. Sau khi nghe tôn giả Ānanda lập lại mười pháp quán tưởng, tôn giả Gi-ri-ma-nan-đa liền khỏi bệnh.


Go-sin-gaphiên âm của Gosinga,tên khu rừng, nơi ấy 3 vị tôn giả Anurudha, Kimbila và Nandiya sống và tu tập trong hoà hợp , nhờ vậy cả ba đều sống an lạc và chứng đắc giải thoát.


Gô-ta-miphiên âm của Gotamī (P) hoặc Gautamī (S), thứ hậu của vua Tịnh Phạn. Sau khi hoàng hậu Ma-da băng hà, bà Gô-ta-mi tận tình chăm sóc nuôi nấng thái tử còn hơn con ruột của mình. Sách Hán thường gọi là Kiều-đàm Di mẫu hoặc Ma-ha Ma-xà Ba-đề 摩訶波闍波提. Về sau, bà xuất gia làm đệ tử Phật và trở thành vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên.


hà sa河沙chỉ cho số cát trên sông nói chung, từ "hằng sa" cũng chỉ cho cái gì vô số không thể đếm hếtđược như số cát trong sông Hằng ở Ấn Độ.


hai mươi lăm cõi sốngdịch nghĩa của cụm từ “Nhị thập ngũ hữu” 二十五有, gồm có mười bốn cõidục, bảy cõi sắc giới, và 4 cõi vô sắc giới.


hai thừadịch nghĩa của cụm từ nhị thừa 二乘Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa.


hận tư duy恨思惟suy tư về sự thù hằn hay suy tư về nó để tìm cách trả thù cho hả lòng tự ái, chấp ngã của mình. Trong Kinh Pāli gọi là "sân tầm."


HằngHà恆河Sông Hằng, phiên âm và dịch nghĩa của Gaṅgā (S), ngày nay người Ấn viết làGanges. Đây là một trong hai con sông lớn nhất ở Ấn Độ. Thời Đức Phật còn tại thế, các lưu vực sông Hằng là nơi dân cư đông đúc. Trong các bài Kinh, Đức Phật thường lấy số cát ở sông này (Hằng hà) để dụ cho số nhiều, đến nỗi không thể tính đếm được.

hành giả行者chỉ cho các vị đang tu tập các pháp môn theo Phật giáo. Đặc biệt là chỉ cho các vị chuyên tham thiền, nhập định. Từ này được dịch từ dhūta (S=P), nghĩa là người mong cầu quả vị giác ngộ mà xả bỏ thân mạng tu hành.


hiền giả賢者bậc hiền. Tiếng Pāli gọi là āsuvo, từ xưng hô của các vị lớn tuổi đạo gọi các vị nhỏ tuổi đạo hơn, hoặc giữa hai người đồng tuổi đạo.


Hoa Nghiêm華嚴dịch nghĩa của cụm từ Avataṃsaka sūtra(S), tên của một bộ Kinh điển Đại thừa. Theo truyền thống Đại thừa, sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ-đề liền quảng thuyết bộ Hoa Nghiêm độ cho vô số Bồ-tát, chư Thiên.


hữu học有學dịch nghĩa của śaikṣa(S) hoặc sekha(P), nghĩa là bậc còn phải học và tu nữa mới chứng được quả A-la-hán. Nói cách khác thuật ngữ này chỉ chung cho các bậc chứng từ quả vị Tu-đà-hoàn, Tư -đà-hàmvà A-na-hàm.


Ka-la-maphiên âm của Kālāma (P), một sắc dân ở tại Kesaputta, thuộc nưóc Kiều-tát-la.


Kê-sa-pu-taphiên âm của Kesaputta (P), một thị trấn nhỏ thuộc nước Kosala.


Kế-tân罽賓phiên âm củaKaśmīra (S) hoặc Kasmīra (P). Vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ hai, Kaśmīra là trung tâm Phật giáo Đạithừa. Ngày nay, nó cũng được gọi là Kasmir, thuộc vùng Bắc Ấn.


Khẩn-na-la緊那羅phiên âm của Kiṃnara (S) hoặc Kinnara (P), dịch nghĩa là phi nhân, một hạng thần, còn gọi là ca thần, một trong 8 loài thần dưới quyền của vua Tứ Đại Thiên Vương.


khất sĩ 乞士một trong ba nghĩa của Tỳ-kheo, có nghĩa đen là người hành khất. Trong Phật giáo từ này có nghĩa là một vị xuất gia xin giáo pháp của Đức Phật để nuôi pháp thân huệ mạng, xin thực phẩm của bá tánh để nuôi thân. Trong các bản dịch của HT. Nhất Hạnh, từ khất sĩ thường được thay thế cho từ tỳ-kheo.


khổ uẩn苦蘊còn gọi là khổ ấm 苦蔭."Uẩn" có nghĩa là tích tụ, "ấm" có nghĩa là che đậy. Khổ uẩn được dịch là xác thân nầy khổ, vì có xác thân là có bệnh tật, có đau thương, sầu muộn, có chết chóc chia lìa , nên gọi là "khổ uẩn."


không 空dịch nghĩa của śūnyatā(S) hoặc suññatā(P). Khái niệm "không" là chỉ cho bản chất của mọi sự vật hiện tượng là không thực thể, do các duyên tạo thành. Tính chất của mọi sự vật là không thực thể nên cũng gọi là 'không tánh."


không vô biên xứ định空無邊處定(S. Ākāśānantyāyatana dhyāna): một trong bốn cảnh giới thiền của sắc giới.


Kiều-phạm-ba-đề橋梵波提phiên âm của Gavāṃpati (S) hoặc Gavāṃpati (P), dịch ý là Ngưu Từ, Ngưu Chủ. Tên của một tôn giả, năm trăm kiếp trước bị đọa làm thân trâu, dầu kiếp này dầu chứng quả A-la-hán nhưng tập khí nhai lại vẫn còn, nên miệng hay nhơi nhơi như trâu nhai thức ăn.


Kiều-trần-như 僑陳如phiên âm của Kauṇḍinya (S), Koṇdanna (P). Tên của một trong năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Tôn giả cũng chính là một trong 8 vị chiêm tinh gia trẻ nhất đã từng đến đoán tướng của thái tử Tất-đạt-đa khi Thái tử vừa mới chào đời.®A-nhã Kiều-trần-như.


Kim-bi-laphiên âm Kimbila (P). Vị Tôn giả này cùng sống rất hoà hợp với hai vị tôn giả khác nữa là Anuruddha và Nandiya trong khu rừng Gosinga. Kimbila (P) và Anuruddha (P) cũng là những người trong nhóm thuộc dòng họ Thích-ca xuất gia theo Phật đầu tiên.


Ko-sa-laphiên âm của Kośalā, Kauśala (S) hoặc Kosalā (P). ®Câu-tát-la


Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên祗樹給孤獨園dịch nghĩa của cụm từ Jetavanānāthapiṇḍasyārāma (S), hoặc Jetavanāthapiṇḍkārāma (P), nghĩa là vườn rừng của ông Cấp Cô Độc, rừng cây của thái tử Kỳ-đà. Đôi khi, cụm từ Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên được gọi tắt là "Kỳ Viên" hay Kỳ-hoàn." Đây là Tinh Xá đầu tiên tại thành Xá-vệ của nước Kiều-tát-la.


Kỳ Viên®Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên


Kỳ-đà lâm祇陀林phiên âm và dịch nghĩa của Jetavanā (S=P). Rừng của thái tử Kỳ-đà. ®Kỳ-đà.


Kỳ-đà祇陀phiên âm của Jeta (S=P). Tên của thái tử, con vua Ba-tư-nặc thuộc nước Kiều-tát-la thời Đức Phật còn tại thế. Ông Cấp Cô Độc đã lót vàng mua khuvườn rừng của thái tử, và thái tử đã phát tâm cúng dường Đức Phật cùng chúng tăng rừng cây xinh đẹp của mình. ®Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên.


Kỳ-hoàn祇桓tên của một ngôi Tinh Xá lớn nhất thời Đức Phật còn tại thế.


Kỳ-xà-quật耆闍崛phiên âm của Gṛdharakūṭa(S), Gijjhakūṭa (P) dịch nghĩa là ThứuSơn hoặc Linh ThứuSơn, tên của một ngọn núinằm sát kinh đô Vương Xá của Vua Tần-bà-sa-la thuộc nước Ma-kiệt-đà. Theo truyền thuyết có rất nhiều chim Thứu (giống như chim ưng) ở trên ngọn núi này nên gọi là Linh Thứu. Còn một cách lý giải khác là vì núi này có đỉnh núi giống như đầu con chim Thứu, nên gọi là Thứu Sơn. Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Đức Phật thuyết hầu hết Kinh điển Đại thừa tại nơi này.


La-duyệt-kỳ羅閲耆phiên âm của Rājagṛaha (S) hoặc Rājagaha (P), được dịch là Vương Xá. Một trong các đô thị văn hoá lớn thời Phật. ®Vương Xá.


La-hán羅漢= A-la-hán.


La-hầu-la 羅候羅phiên âm của Rāhula (S=P), con trai của thái tử Tất-đạt đa và công chúa Da-du-đà-la. Khi Đức Phật về thăm quê hương, Ngài đã độ La-hầu-la xuất gia trở thành vị Sa-di đầu tiên. Tôn giả tu mật hạnh và được truy tôn là “Mật hạnh đệ nhất”, một trong mười vị Thánh đại đệ tử của Đức Phật.


La-sát羅剎phiên âm của Rākṣasa (S), một loài quỷ dữ, rất ác độc, thường ăn thịt người. La-sát nữ cực đẹp, còn La-sát nam cực xấu, được diễn tả như mình đen, tóc đỏ, mắt xanh, v.v… .


lậu hoặc漏惑dịch từāsrava (S)hoặcāsava (P). Lậu là rỉ chảy, sét ghỉ, dơ bẩn. Cũng có nghĩa là si mê, tối tăm. Do đó, thuật ngữ "lậu hoặc" cũng chỉ cho các phiền não nhiễm ô trong tâm. Một bậc chứng quả A-la-hán đã đoạn trừ tất cả lậu hoặc trong tâm.


lậu tận thông漏盡通còn gọi là Lậu tận trí chứng thông 漏盡智證通, dịch từ āsrava-kṣyana-jñāna-sākṣātkriyābhijñā(S), nghĩa là thần thông biết rõ tâm không còn vô minh phiền não, đạt đếngiác ngộ viên mãn tối thượng. Đây là thần thông tối thượng nhất trong 6 thông mà một bậc giác ngộ có thể chứng được.


Linh Thụy ®Ưu-đàm.


Lộc Uyển鹿宛hay còn gọi là Lộc dã uyển, dịch từ Mṛgadāva (S), nghĩa là Vườn Nai, nơi Đức Phật chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên pháp luân. ®Vườn Nai, Chuyển Pháp Luân.


lục đạo六道sáu đường luân hồi, gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, nhânvà thiên.


Lưỡng Túc Tôn兩足尊một danh hiệu khác của Đức Phật, nghĩa là "Bậc đáng được tôn trọng trong loài hai chân", tức loài người. Về sau được hiểu nghĩa bóng là "Bậc đã trọn vẹn hai phương diện, đó là Trí tuệ và Đạo đức."


ma vương魔王đồng nghĩa với ác ma 惡魔. Phiên âm và dịch nghĩa của Māra. Nam và Bắc tạng đều ghi Ma vương chỉ cho vị chúa của loài ma. Đây là cảnh giới cao nhất của Dục giới, gọi là Tha Hoá Tự tại Thiên.Trong các bản chữ Hán thường dịch nghĩa là Ma vương cõi này là Thiên ma Ba-tuần (P. Mara Sainya Pramardana). Theo như Kinh điển ghi lại, khi Đức Phật sắp thành đạo quả vô thượng giác thì chính ma vương Ba-tuần này đã sai khiến con gái của mình đến quyến rủ Đức Phật trở về đời sống thế tục. Sau khi Đức Phật thành đạo thì Ma Vương xuống thỉnh Đức Phật nhập Niết-bàn. Khi Đức Phật tới tuổi 80, Ma vương lại đích thân thỉnh Đức Phật nhập Niết-bàn.Tuy nhiên, trong một vài ngữ cảnh khác, ma vương cũng chỉ cho các dục vọng nhiễm ô trong tâm thức của mình nên sau này mới phân biệt thành 2 loại ma, tức ngoại ma và nội ma là vậy.


Lâm-tỳ-ni: phiên âm của chữ Lumbini (S=P), tên khu vườn nơi Đức Phật đản sanh, naythuộc Nepal.

--- o0o ---

(M-Q)

ma vương魔王đồng nghĩa với ác ma 惡魔. Phiên âm và dịch nghĩa của Māra. Nam và Bắc tạng đều ghi Ma vương chỉ cho vị chúa của loài ma. Đây là cảnh giới cao nhất của Dục giới, gọi là Tha Hoá Tự tại Thiên.Trong các bản chữ Hán thường dịch nghĩa là Ma vương cõi này là Thiên ma Ba-tuần (P. Mara Sainya Pramardana). Theo như Kinh điển ghi lại, khi Đức Phật sắp thành đạo quả vô thượng giác thì chính ma vương Ba-tuần này đã sai khiến con gái của mình đến quyến rủ Đức Phật trở về đời sống thế tục. Sau khi Đức Phật thành đạo thì Ma Vương xuống thỉnh Đức Phật nhập Niết-bàn. Khi Đức Phật tới tuổi 80, Ma vương lại đích thân thỉnh Đức Phật nhập Niết-bàn.Tuy nhiên, trong một vài ngữ cảnh khác, ma vương cũng chỉ cho các dục vọng nhiễm ô trong tâm thức của mình nên sau này mới phân biệt thành 2 loại ma, tức ngoại ma và nội ma là vậy.


Lâm-tỳ-ni: phiên âm của chữ Lumbini (S=P), tên khu vườn nơi Đức Phật đản sanh, naythuộc Nepal.


Ma-da: 麼耶phiên âm của từ Māyā (S=P). Hoàng hậu của Ca-tỳ-la-vệ, Mẹ cuả Thái tử Tất-đạt-đa. Sau khi sanh hạ thái tử Tất-đạt-đa được bảy ngày thì bà băng hà và được sanh lên cõi trời Đao-lợi.


Ma-đăng-già摩登伽phiên âm của Mātaṅga (S=P). Tên của một dòng họ tiện dân thuộc bậc nhất nhì trong hệ thống giai cấp Ấn Độ. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhân danh chỉ cho cô gái sắc nước hương trời của giai cấp mang cùng tên, đã dùng chú thuật mê hoặc tôn giả Ānanda làm tôn giả sắp mất giới thể. Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, thì nàng Ma-đăng-già chỉ thương tôn giả Ānanda và được Đức Phật hoá độ, chẳng bao lâu chứng được Thánh quả A-la-hán.


Ma-hê-thủ-la= Đại Tự Tại thiên.


Mạt-lợi末利(cũng thường gọi là Ma-li-ka) phiên âm của Mallikā hoặc Mālikā (S=P),vợ của vua Ba-tư-nặc nước Câu-sa-la.


Mâu-nihay Mưu–ni 牟尼phiên âm của Muni (S=P).Có nghĩa là bậc ẩn sĩ, bậc tu hạnh tịch tịnh.Trung Hoa dịch là "Tịch Mặc" 寂默. Sau khi Đức Phật đoạn trừ được các lậu hoặc, các vận động của nghiệp lực và ý thức tạo tác đều dừng tắt, các hành trong tâm của Ngài được an tịnh, Ngài được tôn xưng với danh hiệu "bậc ẩn sĩ của dòng họ Thích-ca (Thích-ca Mâu-ni).


Minh Hạnh Túc明行足(S. Vidyā-caraṇa-saṃpanna; P. Vijjā-caraṇa-sampanna), nghĩa là bậc Trí tuệ và đức hạnh viên mãn. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.


Mục-kiền-liên目犍連phiên âm của Maudgalyāyana (S), hoặc Moggallāna (P). Trong kinh điển Pāli và Sanskrit, Ngài là bậc có thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật.Ngoài ra, theo kinh điển Đại thừa, Ngài là biểu tượng của hạnh hiếu thảo. Để phân biệt với nhiều vị có cùng họ, nên Ngài thường được gọi là Đại Mục-kiền-liên (S. Mahāmaudgalyāyana).


Mun-đaphiên âm của Muṇḍa (P), con của Vua Anuruddha, cháu nội của Vua A-xà-thế. Ông giết cha mìnhchiếm ngôi và sau này cũng bị chính người con trai của mìnhNāgadāsaka cuớp ngôi.


mười danh hiệu của Đức Phật gồm: Như Lai, Ứng Cúng,Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều NgựTrượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Xem thêm từng mục liên hệ.


mười địathuật ngữ Sanskrit là daśabhūmi, chữ Hán là “Thập địa” 十地, gồm có Hoan Hỷ, Ly Cấu, Phát Quang, Diệm Huệ, Nan Thắng, Hiện Tiền, Viễn Hành, Bất Động, Thiện Tuệ và Pháp Vân Địa.


mười điều ác ngược lại với mười hạnh lành.


mười hai khía cạnhdịch nghĩa của “thập nhị hành” 十二行trong Kinh Chuyển Pháp Luân. Đức Phật thuyết pháp Tứ Đế hoàn thiện trên ba phương diện, đó là chỉ bày (thị chuyển), khuyến tấn (khuyến chuyển) và giới thiệu tự thân Đức Phật đã chứng đạt (chứng chuyển). Bốn đế nhân với ba phương diện thành 12 khía cạnh.


mười hai thể loại kinh tiếng Sanskrit là dvādaśāṅga-buddha-vacana, Hán dịch là “thập nhị bộ Kinh”十二部經hoặc “Thập nhị phần thánh giáo” 十二分聖教. Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa thì kinh điển Đức Phật thuyết thuyết trong 49 năm gồm 12 thể loại sau: 1.Sūtra:Trường hàng 長行còn gọi là Khế kinh 契經,thuộc văn xuôi. 2.Geya: Trùng Tụng 重頌, loại kệ có tiết điệu được lập lại phần văn xuôi. 3.Gātha: Cô Khởi 孤起, hay còn gọi là "Cảm hứng ngữ", những vần thi kệ do Đức Phật cảm hứng mà trình bày hoặc kể lại cho đại chúng. 4) Avadāna: Thí dụ 譬喻:loại Kinh thuộc ẩn dụ hay dụ ngôn. 5) Nidāna: Nhân duyên 因緣những Kinh nói về nhân duyên khi Đức Phật thuyết pháp. 6) Udāna: Tự thuyết 自說những Kinh do Đức Phật tự thuyết, không do ai thỉnh cầu. 7) Jātaka: Bổn sanh 本生các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. 8)Itivṛttaka: Bổn sự 本事các công hạnh của Đức Phật khi đang tu hạnh Bồ-tát. 9) Adbhuta-dharma: Vị tằng hữu 未曾有:những điều ít có trong cuộc đời. 10) Vaipulya: Phương Quảng 方廣chỉ cho các kinh căn bản của Đại thừa. 11) Upadeśa: Luận nghị 論儀các bài Kinh có tính chất vấn đáp và lý luận. 12) Vyākarṇa: Ký biệt 記別hoặc thọ ký 授記: lời tiên đoán của Phật về việc các hàng đệ tử thành Phật trong tương lai.


mười hai xứ dịchnghĩa của “thập nhị xứ”, bao gồm 6 căn và 6 trần. Sáu căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần gồm: hình sắc, âm thanh, mùi thơm, vị ngon, sự xúc chạm êm dịu, các đối tượng của tâm.


mười hạnh lànhthuật ngữ Hán gọi là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Mười hạnh lành gồm: 1. Không sát sanh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà hạnh; 4. Không nói dối; 5. Không nói khoe khoang; 6. Không nói đâm thọc; 7. Không rủa chửi; 8. Không tham lam; 9. Không sân giận; 10. Không si mê.


mười lựcdịch từ “Thập lực” (S. daśabala, P. dasabala), 10 khả năng trí giác của Đức Phật, gồm có 1) Tri giác xứ phi xứ trí lực: trí lực biết về sự vật nào là có đạo lý, sự vật nào là không có đạo lý; 2) Tri tam thế nghiệp báo trí lực: trí lực biết rõ ba đời nghiệp báo của chúng sanh; 3) Tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực: trí lực biết các Thiền định và trí lực biết tám giải thoát, ba tam-muội; 4) Tri chúng sanh tâm tính trí lực: trí lực biết tâm tính của tất cả chúng sanh; 5) Tri chủng chủng giải trí lực: trí lực biết mọi loại trí giải của tất cả chúng sanh; 6) Tri chủng chủng giới trí lực: trí lực biết khắp và đúng như thực mọi loại cảnh giới khác nhau của tất cả chúng sanh); 7) Tư nhất thiết chí đạo sở trí lực: trí lực biết hết đạo mà người tu hành sẽ đạt tới, như người tu ngũ giới thập thiện thìđược ởcõi người, hoặc lên cõi trời, người tu pháp vô lậu thì sẽ chứng đạt Niết-bàn; 8) Tri thiên nhãn vô ngại trí lực: trí lực vận dụng thiên nhãn nhìn thấy sự sinh tử và nghiệp thiện ác của chúng sanh, lại còn biết rõ vô lậu Niết-bàn; 9) Tri túc mạng vô lậu trí lực: trí lực biết túc mạng của chúng sanh, lại còn biết rõ vô lậu Niết-bàn; 10) Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực: trí lực có thể biết rõ được như thực đối với mọi tàn dư tập khí sẽ vĩnh viễn đoạn diệt chẳng sinh.


mười nhơn duyêndịch nghĩa của từ Thập nhân duyên十因緣,gồm có: danh sắc, thức, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu bi khổ ưu não.


mười tám đặc tính của Phậtdịch nghĩa của cụm từ “Thập bát bất cộng pháp” 十八不共法. Đây là 18 đặc tính mà chỉ có Đức Phật mới có, còn các hàng Bồ-tát, Thanh Văn không thể có được. Mười tám đặc tính như sau:1) Thân vô thất: thân không có sai sót; 2) Khẩu vô thất: miệng không sai sót; 3) Niệm vô thất: ý niệm không sai sót; 4) Vô dị tưởng: không có tư tưởng khác; 5) Vô bất định tâm: Đức Phật dù đi đứng nằm ngồi đều khônglìa Thắng định; 6) Vô bất tri dĩ xả: Phật đối với tất cả các pháp đều biết rõ rồi mới xả bỏ; 7) Dục vô giảm: Phật có đủ điều thiện thường muốn độ cho tất cả chúng sanh, tâm không biết chán; 8) Tinh tiến vô giảm: siêng năng làm các việc thiện không mệt mỏi; 9) Niệm vô giảm; 10) Tuệ vô giảm: chư Phật ba đời, hết thảy trí tuệ sáng ngời, đầy đủ, 11) Giải thoát vô giảm; 12) Giải thoát tri kiến vô giảm; 13) Tất cả thân nghiệp làm theo trí tuệ; 14) Tất cả khẩu nghiệp làm theo trí tuệ; 15) Tất cả ý nghiệp làm theo trí tuệ; 16) Trí tuệ biết đời quá khứvô ngại; 17) Trí tuệ biết đời vị lai vô ngại; 18) Trí tuệ biết đời hiện tại vô ngại.


mười tám giới dịch nghĩa của "thập bát giới" 十八界, bao gồm 6 giác quan (lục căn), 6 đối tượng giác quan (lục trần) và 6 thức giác quan (lục thức).


mười tám yếu tố = mười tám giới.


na-do-thaphiên âm của nayutahoặc niyuta(S), đơn vị đo lường khoảng cách của Ấn Độ, tương đương với 10 vạn dặm của Trung Quốc. Kinh thường ghi con số muôn ức na-do-tha, nghĩa là rất nhiều, không thể tính đếm được.


Na-hàm= A-na-hàm.


Na-ku-laphiên âm của Nakula. Tên của người con trai của hai vị cư sĩ hiểu đạo. Chính thân mẫu Na-ku-la đã thuyết pháp cho thân phụ của Nakula, nhờ đó thân phụ của Na-ku-la hết bệnh. Đức Phật khen ngợi và xác nhận Mẹ của Nakula là một người vợ lý tưởng.


năm căntiếng Sanskritlà pañca- Indriya,tiếng Hoa là "ngũ căn" 五根nghĩa là năm nhóm căn bảncần tu tập để đưa hành giả đến giác ngộ,gồm có:1) Tín căn (S. Saddhā-Indriya): có niềm tin kiên cố đối với Tam Bảo. 2) Tấn căn (S. Vīrya-Indriya): nỗ lực tu tập thiện pháp. 3) Niệm căn(S. Smṛti-Indriya): luôn nhớ nghĩ đến lời dạy của Đức Phật. 4) Định căn (S. Samādhi-Indriya): Trụ tâm vào một cảnh. 5) Tuệ căn (S. Paññā-Indriya): nhìn mọi sự vật hiện tượng đúng như bản chất thật của nó.


năm đồng tutức năm anh em tôn giả Kiều Trần Như đồng tu khổ hạnh với Đức Phật tại Khổ Hạnh Lâm. ®năm anh em Kiều-trần-như.


năm dụcdịch nghĩa của ngũ dục 五欲. Theo cả hai truyền thống Kinh điển Nam và Bắc truyền cho rằng: năm dục là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Năm dục cũng còn hiểu là năm đối tượng để thoả mãn của thân và tâm: của cải (tài), sắc đẹp (sắc), tiếng tăm (danh), thực (ăn uống) và ngủ nghỉ (thuỳ).


năm giớidịch nghĩa là ngũ giới 五戒, nghĩa là năm giới luật hay năm nguyên tắc đạo đức mà một Phật tử phải tuân thủ, bao gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu.


năm giới pháp= năm giới.


năm lựctiếng Sanskrit là Pañca bala, tiếng Hoa là "ngũ lực" 五力nghĩa là năm sức mạnh do tu tập năm cănviên mãn, đó là: 1) Tín lực (S. Sadhā-bala); 2) Tấn lực (S.Viriya-bala); 3) Niệm lực (S.Smṛti-bala); 4) Định lực (S. Samādhi-bala) và 5) Tuệ lực (S. Paññā-bala).


năm nguyên tắc đạo đức= ngũ giới.


năm pháp chướng ngại tâm nghĩa là năm phiền não thiêu đốt, trói cột, làm trở ngại cho việc tu tập thiền định của hành giả. Trong Kinh, năm pháp chướng ngại này được gọi là "năm triền cái", thuật ngữ Hán gọi là “ngũ cái” 五蓋(S. pañca āvaraṇāni), gồm có: Tham dục (S. rāga-āvaraṇa), sân hận (S. pratigha-aavarṇa), trạo hối (S. auddhatya-kaukṛtya), hôn trầm (S.stāna-middha) và nghi ngờ (S. vicikitsā).


năm sợi dây ràng buộc đầucòn gọi là năm kiết sử đầu, tiếng Hán gọi là "ngũ thượng phần kiết sử". ®năm thứ độn sử.


năm sợi dây ràng buộc saucòn gọi là năm kiết sử sau, tiếng Hán gọi là "ngũ hạ phần kiết sử" 五下分結使, chúng còn gọi là "lợi sử" 利使vì chúng dễ trừ, gồm có thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến.


năm sự ngăn che= năm pháp chướng ngại tâm.


năm thứ độn sửdịch nghĩa của cụm từ pañca- ūrdhvabhāgīta-saṃyojanāni(S),Hán dịch là "ngũ độn sử" 五cũng được gọi là “ngũ thượng phần kiết sử” 五上分結使nghĩa là năm thứ phiền não trói buộc con người, gồm có dục tham, sân nhuế, si, mạn, nghi.Vì chúng rất khó trừ nên gọi là "độn"


năm thứ dục lạcdịch nghĩa của "ngũ dục lạc" 五欲樂gồm: sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon và xúc chạm êm dịu.


năm thứ phước đức cõi người: sống lâu, sắc đẹp, sức khoẻ, an vui và trí tuệ.


năm tổ hợp nhân thểhay năm nhóm nhân thểdịch nghĩa của từ năm uẩn. Trong một vài chỗ còn viếtlà "hợp thể tinh thần và xác thân." Năm hợp thể cấu tạo nên con người, bao gồm, xác thân, cảm giác, ý niệm hóa, sự vận hành và thức phân biệt. ®năm uẩn.


năm uẩn dịch nghĩa của pañca-skandha(S) hoặc pañcakhandhā(P)tiếng Hoa là "ngũ uẩn" 五蘊,hay là "Ngũ ấm" 五陰, nghĩa lànăm nhóm tích tụ hay năm nhóm che đậy. Trong bản Kinh Nhật Tụng Hàng Ngàynày có chỗ dịch là "năm nhóm nhân thể." Năm uẩn gồm sắc uẩn (S. rūpa-skandha), thọ uẩn (S. vedanā-skandha), tưởng uẩn (S. samṃjñā-skandha), hành uẩn (S. saṃskāra-skandha) và thức uẩn (S. vijñāna-skandha).


năm vị Tỳ-kheo đầu tiêndịch nghĩa của cụm từ Pañca bhikṣavaḥ(S) hoặcPañca-vaggiyā bhikkhū(P).Còn gọi là năm anh em Kiều-trần-như: 1. Ājñāta Kauṇḍinya (S),Añña Koṇḍañña (P) A-nhã Kiều-trần-như 阿若僑陳如; 2. Āśvajit (S), Assaji (P) Mã Thắng 馬勝; 3. Bhadhrika (S), Bhadiya (P) Bà-đề 婆提; 4. Daśabala Kāśyapa (S), Dasabala Kassapa (P) Thập Lực Ca-diếp 十力迦葉; 5. Mahānāma Kulika (S) Ma-ha-nam 摩訶男.


Nan-đàphiên âm của Nārada (P). Kinh Nhổ Mũi Tên Sầu Muộnđề cập Nan-đà, tên một trưởng lão sống sau thời Đức Phật, khác với tôn giả Nan-đà, ngườiem cùng cha khác Mẹ với Đức Phật.


Nan-di-yaphiên âm Nandiya (P), tên của một vị Tỳ-kheo sống rất hoà hợp với hai vị khác tên là Anaruddha và Kimbila.


Năng Nhânnghĩa là một bậc có năng lực rộng lớn và có lòng từ bi quảng đại. Đây là danh hiệu của Đức Phật mà người Hoa dịch từ Śākya (Thích-ca).


Na-tiên那先phiên âm của Nāgasena (S=P). Tên của một Tỳ-kheo có tài biện luận, đã thuyết phục được vua Milinda quy y Tam Bảo.


ngạ quỷ餓鬼nghĩa là quỷ đói, vốn từ nguyên của nó là Preta (S) hoặc Peta (P) nghĩa là các loài chúng sanh đã chết chưa đi đầu thai sang kiếp khác. Đây là cảnh giới đau khổ thứ hai tính từ dưới lên.


nghiệp cuối đờitiếng Hán gọi là"cận tử nghiệp" 近死業(S.maraṇasnṛti;P. maraṇa-sati), nghĩa là các niệm khởi của người sắp chết tạo thành một động lực, còn gọi là nghiệp. Nghiệp này rất mạnh,nó thúc đẩy thần thức đi tái sanh vào cõi tương ứng.


ngũ dục五欲= năm thứ dục lạc.


ngũ nghịch五逆năm tội lớn: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu và phá sự hoà hợp của Tăng chúng. Người nào phạm một trong tội này đều đoạ vào địa ngục Vô Gián (nghĩa là đạ ngục trong đó sự hành phạt không có dừng nghỉ).


ngũ nghiệp 五業Trong Kinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ,ngũ nghiệp gồm như sau: thời phân bất định dị thục nghiệp, thuận hậu thứ hậu nghiệp, thuận hiện pháp thụ nghiệp, thuận thứ sinh thụ nghiệp


ngũ phần hương五分香năm loại hương cúng dường chư Phật, đó làhương của giới,hương của định, hương của tuệ, hương của giải thoát, hương của giải thoát tri kiến.


ngũ thông五通năm thần thông do công phu tu tập các loại thiền định mà đạt được, đó là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông và túc mạng thông. Năm loại thần thông này một vị còn lậu hoặc phiền não cũng có thể đạt được (trong khi lậu tận thông chỉ có Đức Phật và các vị A-la-hán mới chứng được).


ngũ uẩn= năm uẩn.


Như Lai如來dịch nghĩa của Tathāgata (S=P), một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Danh hiệu nầy là từ xưng mình của Đức Phật đối với các hàng đệ tử. Kinh Kim Cangđịnh nghĩa bậc "vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai" nghĩa là bậc từ không có chỗ đến mà cũng không có chỗ đi, gọi là Như Lai. Một số Kinh điển Bắc truyền viết vềtrạng thái của Như Lai như sau: Như Lai là trạng thái cao quý, Như Lai là trạng thái mát mẻ, Như Lai là trạng thái không nóng bức, Như Lai là trạng thái không còn khóc than. Kinh tạng Pāli định nghĩa Như Lai là một bậc làm sao nói vậy, nói sao làm vậy.


nhứt hoàn一還= Tư-đà-hàm.


nhứt thiết chủng trí,cũng đọc là Nhất thế chủng trí 一切種智tức trí tuệ vô lậu rốt ráo của chư Phật Thế Tôn.


nhứt thừa一乘dịch nghĩa của ekayāna(S), nghĩa là người học Phật học hỏi và tu tập theo giáo pháp của Đức Phật với mục đích duy nhất là để thành Phật, nên nhiều chỗ gọi là "Phật thừa" Buddha-yāna.


Niết-bànphiên âm của Nirvāṇa(S) hoặcNibbāna(P). Đây là trạng thái tịch tịnh vắng lặng của một bậc A-la-hán, nên người Hoa cũng dịch là "tịch tịnh" 寂淨.Niết-bàn có hai loại: hữu dư Niết-bàn (S. Rupadhiśeṣa-nirvāṇa): trạng thái Niết-bàn chứng được ngay khi hành giảcòn sống, còn có thân thể năm uẩn. Vô dư Niết-bàn (S. Nirupadhiśeṣa-nirvāṇa): trạng thái Niết-bàn chứng đạt ngay khi hành giả từ bỏ cõi sống, từ bỏ xác thân. Trạng thái này không thể diễn đạt bày bằng ngôn ngữ mà phải thân chứng. Khái niệm này thường để chỉ cho Đức Phật khi qua đời, Trung Hoa dịch là "diệt độ"滅度hoặc "thị tịch" 示寂.


Ô-sô-sắt-ma烏芻瑟摩còn được phiên âm là Ô-sô-sa-ma 烏芻沙摩phiên âm của Ucchuṣma (S). Tên của một vị Bồ-tát được đề cập trong Kinh Lăng Nghiêm.


Phạm Chí 梵志thuật ngữ này dịch nghĩa của từBà-la-môn (S. Brāhmaṇa). Tuy nhiên,thuật ngữ này chính xác là dịch từ Brāhmacārin(S), cũng có nghĩa là "phạm hạnh" 梵行. Tên gọi một vị Bà-la-môn ở trong giai đoạn cuối của đời người theo truyền thống của họ. Theo họ, đời người có bốn giai đoạn như sau: Giai đoạn một từ 8 tuổi đến 20 tuổi theo các danh sư học Kinh điển Veda. Giai đoạn hai từ hai mươi tuổi trở lên được quyền lập gia đình, sinh con cái, lo làm ăn; giai đoạn 3 là phải đóng góp công sức xã hội khi tuổi đã quá trung niên; giai đoạn 4 là giai đoạn về già, xuất gia làm sa-môn khổ hạnh, giai đoạn này gọi là Saṃyāsin.Chính giai đoạn này, một Bà-la-môn được gọi là "phạm chí."


Phạm thiên 梵天viết đủ là phạm-ma thiên 梵摩天. Thuật ngữBrahmā (S=P) được phiên âm làphạm-ma 梵摩là vị Trời có uy lực lớn nhất trong Sắc giới. Phạm Thiên cũng được tôn xưng là Đại Phạm Thiên 大梵天, hay là phạm vương 梵王. Theo quan điểm của đạo Bà-là-môn, Phạm thiên là vị chúa tể của trời đất, vị sáng tạo vũ trụ. Đức Phật chỉ xác nhận Phạm thiên là một vị có phuớc đức lớn trong cõi dục, hoàn toàn không phải là đấng Tạo Hoá hay đấng Sáng Tạo. Trong Kinh điển Phật giáo, Phạm Thiên là người thỉnh cầu Đức Phật chuyển pháp luân, ngay sau khi ngài thành đạo.


Phạm vương梵王cách gọi khác của Đại Phạm Thiên Vương 大梵天王,vua cõi trời Sắc giới. Vua Đại Phạm tu tập tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả nên bốn pháp môn tu tập này cũng gọi là “Tứ phạm trú." 四梵住. Vị thiên chủ này đã phát nguyện hộ trì những vị vâng giữ lời Phật dạy.


pháp ấn法印thường gọi là “Tam pháp ấn” 三法印, nghĩa là ba thuộc tính của mọi sự vật hiện tượng, đó là: vô thường, khổ và vô ngã. Trong văn học Phật giáo Việt Nam, thuật ngữ này được dùng để chỉ ba dấu ấn xác minh giáo pháp của Đức Phật khác với giáo lý của ngoại đạo, vì giáo pháp của Đức Phật luôn đề cập đến ba thực tínhcủa mọi sự vật hiện tượng.


pháp cao thượngtheo quan điểm của Phật giáo, một vị hành giả đạt được các pháp cao thượng, tức vị ấy thành tựu các pháp dẫn đến đoạn trừ năm triền cái và chứng đạt các quả vị thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền, tiến đến Diệt thọ tưởng định, thành tựu từ Sơ quả đến Tứ quả.


Pháp Hoa法花viết đủ là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh妙法蓮花經, dịch nghĩa của cụm từ Saddharma-puṇḍarīka sūtra(S) có nghĩa là Kinh Hoa Sen Chánh Pháp. Tên gọi một bộ Kinh căn bản của Đại thừa và cũng là Kinh nền tảng của tông Thiên Thai ở Trung Hoa và Nhật Bản.


pháp hữu vi 有為法tiếng Sanskrit là saṃskṛta-dharmanghĩa là các pháp do các nhân duyên phối hợp mà thành. Nói chung mọi sự vật hiện tượng đều gọi là pháp hữu vi, ngoại trừ 3 hoặc 6 pháp thuộc thể Niết-bàn thì gọi là pháp Vô vi.


pháp thân法身tiếng Sanskrit là Dharmakayāya,nghĩa là thân thường trú bất sanh bất diệt của Đức Phật. Thân này không bị già chết chi phối.


pháp vô vi chữ Hán viết là Vô vi pháp 無為法dịch nghĩa từ Asaṃskṛta-dharma(S), nghĩa là các pháp không bị tạo tác. Theo quan điểm của Duy Thức Học vô vi phápgồm có 6 pháp, theo Câu-xá tông pháp vô vi gồm 3 pháp. Vô Vi có lúc được hiểu như cảnh giới Niết-bàn tịch tịnh.


Phật Nhiên Đăngchữ Hán viết là Nhiên Đăng Phật 然燈佛dịch nghĩa của Dīpaṃkara Buddha (S). Phật Nhiên Đăng là Đức Phật quá khứ đã thành đạo từ vô lượng kiếp về trước, đã thọ ký cho Đức Phật Thích-ca sẽthành đạo lúc Đức Phật Thích-ca là một chàng thanh niên mua hoa cúng dường Ngài trong tiền kiếp.


phát tâm lớnnghĩa là phát tâm giác ngộ để độ tất cả chúng sanh đồng vào quả vị giác ngộ tối thượng. Trong các Kinh Đại thừa khi nói đến "phát tâm lớn" cũng có nghĩa là phát tâm Bồ-đề, hay nói cách khác là phát tâm cầu quả vị giác ngộ tối thượng.


Phật Tỳ-xá-phùviết theo cấu trúc chữ Hán là 毘舍浮佛, phiên âm của Viśvabhuk (S) hoặc Viśvabhū (P), tên của một vị Phật trong thời quá khứ.


Phật-đà佛陀phiên âm của người Trung Quốc về chữ Buddha (S=P), nghĩa là Bậc Giác Ngộ, viết tắt là Phật,Việt Nam phiên âm là Bụt.


phi tưởng phi phi tưởng xứ định非想非非想處定(S. Naiva saṃjñāsaṃjñāyatana dhyāna): một trong 4 cảnh giới thiền của sắc giới.


phiền não煩惱dịch nghĩa của kleśa(S) hoặc kilesa(P). Các trạng thái tâm buồn phiền, nóng giận, tham lam, v.v… những tâm lý bất an của con người gọi chung là phiền não.Một số nhà Phật học dùng từ “phiền não"để chỉ cho nhân tạo tác các bất thiện nghiệp, được xem đồng nghĩa với "lậu hoặc."


Phổ Hiền 普賢dịch nghĩa của Samantabhadra (S) hoặc Viśbhadra (S), tên của một vị Bồ-tát. Ngài tượng trưng cho các hạnh nguyện hoàn hảo của các vị Bồ-tát. Ngài cỡi bạch tượng, thường đi song đôi với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, tượng trưng cho trí tuệ.


Phú-đơn-na phiên âm của Pūtana (S), một loài quỷ vô lương, thường gây bệnh tật cho loài người.


Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử富樓那彌多羅尼子= Phú-lâu-na.


Phú-lâu-na gọi đủ là Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử 富樓那彌多羅尼子, phiên âm của Pūrṇa Maitrāyaṇīputra (S) hoặc Puṇṇa Mantāniputta (P), tên của một vị trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật. Tôn giả được Đức Phật xác nhận là vị thuyết pháp số một.


Pi-ja-kaphiên âm của Piyaka (P), ông là quan đại thần chịu trách nhiệm coi ngó ngân khố thành Vương Xá dưới triều đại của vua Muṇḍa.


Quả Vào Dòngnghĩa là người đã vào dòng Thánh. Thuật ngữ Hán thường dịch là "Dự lưu quả" 預流果, hoặc là "Tu-đà-hoàn quả" 须陀桓果. Quả vị nầy đoạn được 3 loại phiền não thô nhất, đó là Thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Hay nói cách khác, người chứng đạt vào quả vị nầy thấy rõ thân năm uẩn nầy là không thật; có niềm tin bất thối chuyển đối với giáo Pháp; và uyển chuyển linh động trong cách thọ trì giới pháp.

--- o0o ---

(S-X)

Sa-bà®Ta-bà.


sám-hốiphiên âm và dịch nghĩa của Kṣama(S), ban đầu các nhà Phật học Trung Hoa phiên âm chữ kṣamalà "sám-ma"懺摩,nghĩa là xin người khác tha lỗi cho mình lỡ phạm. Về sau học giả Trung Hoa dịch là "hối quá." Sau để cho Hán hoá các từ có gốc tiếng nước ngoài, người Hoa dịch thành "sám hối." Nghĩa là ăn năn lỗi trước đã lỡ phạm và nguyện chừa không tái phạm nữa.


sa-môn沙門phiên âm của śramaṇa (S), samaṇa(P). Thuật ngữ Sa-môn dùng chỉ chung cho giới tu sĩ không tin vào thẩm quyền kinh điển Vệ-đà của đạo Bà-la-môn trong thời Đức Phật. Các tu sĩ ngoại đạo thời đó thường gọi Đức Phật là Sa-môn Cồ-đàm hay bậc Đại Sa-môn. Trong khi đó, Đức Phật thường gọi các đệ tử nam của mình là Tỳ-kheo và các đệ tử nữ là Tỳ-kheo-ni. Về sau, từ này được sử dụng để chỉ chung cho các vị cao tăng.


Sa-nặc 車匿phiên âm của Chandaka (S) hoặc Channa (P), người hầu giữ ngựa trung thành của thái tử Tất-đạt-ta. Sau này ông cũng xuất gia theo Đức Phật, nhưng rất cứng đầu, ngạo mạn. Đức Phật trước khi tịch còn dặn đại chúng là phải dùng phép mặc tẫn (không nói chuyện) với Sa-nặc để hành phạt ông. Tuy nhiên, sau đó tôn giả nỗ lực tu tập và cuối cùng cũng chứng quả A-la-hán.


Sanh chủ生主dịch nghĩa của PhạmThiên. Quan niệm của Bà-la-môn giáo cho rằng Phạm Thiên là đấng Tạo Hoá, đấng Sáng Tạo, đấng Tạo Dựng sinh ra muôn loài vạn vật nên có tên là Sanh Chủ. Đức Phật phủ nhận quan điểm này.


San-khê-daphiên âm của từ Saṅkheyya (P), viết đủ là Saṅkheyya-pariveṇa, phiên âm theo tiếng Hoa là San-khế-đa. Tên ngôi chùa của Tỳ-kheo Na-tiên trú ngụ thuộc vùng Sāgala.


sát-đế-lợi剎帝利phiên âm của kṣatriya(S) hoặc khattiya(P), nghĩa là giai cấp võ tướng, quý tộc, nắm hết mọi quyền chính trong quốc gia. Đây là giai cấp thứ hai trong bốn giai cấp thời Ấn Độ cổ.


sát-na剎那phiên âm của kṣaṇa(S) chỉ cho thời gian ngắn nhất mà con người có thể tưởng tưởng được.


sáu ba-la-mậtdịch nghĩa của "lục ba-la-mật" 六波羅密, gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.


sáu cõi trời dục giớibao gồm trời Tứ Thiên Vương,trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại.


sáu đườngdịch nghĩa của "lục đạo" 六道, gồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên.


sáu giác quandịch nghĩa của từ Lục căn六根:mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.


sáu nhập= sáu giác quan.


sáu phàmdịch nghĩa của “lục phàm” 六凡, gồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên.


sáu yếu tố tạo nên thế giới và con người,gồm: đất, nước, gió, lửa, hư không và tâm thức.


Sa-va-thi phiên âm từ Savatthi (P) = Xá-vệ


Sĩ-đạt-taphiên âm của Siddhātha (S) hoặc Siddhattha (P), còn được phiên âm là Tất-đạt-đa, tên của Đức Phật khi còn là thái tử, Hán dịch nghĩa là “Nhất thiết sự thành” 一切事成, nghĩa là mọi sở nguyện đều được thành tựu.


súc sanh畜生= bàng sanh.


Su-cha-taphiên âm của Sujātā (P). Tên em gái út của đại nữ tín chủ Visākhā, sau cô là con dâu của cư sĩ Cấp Cô Độc.


Ta-bàhay còn viết là sa-bà娑婆phiên âm của Sahā (S=P), vốn nó xuất phát từ Sahā-lokadhātu (S), nghĩa là thế giới chịu nhiều kham nhẫn, đau khổ. Đây là cảnh giới loài người đang sống, tức là hành tinh của chúng ta.


Ta-laphiên âm của Sāla (P), hoặc Śāla (S). Tên của một loại cây có tên khoa học là Shorea Robusta. Đức Phật vô dư niết-bàn tại rừng cây này.


Tam Bảo三寶dịch nghĩa của Tri-ratana(S), nghĩa là Ba Ngôi Báu, dịch cách khác là Ba Điều Quý Báu, đó là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo.


tâm bồ-đề cấu trúc chữ Hán là: Bồ-đề tâm 菩提心dịchtừ chữ Bodhicitta (S), nghĩa là tâm hướng đến mục tiêu giác ngộ.


tám chánh đạocòn gọi là Bát Thánh đạo, gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.


tám đường chánh= tám chánh đạo.


tám giải thoátdịch nghĩa của cụm từ “Bát giải thoát” 八解脫, gồm có 1) Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát; 2) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát; 3) Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ; 4) Không vô biên xứ giải thoát; 5) Thức vô biên xứ giải thoát; 6) Vô sở hữu xứ giải thoát; 7) Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát; 8) Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ trụ.


Tam Thế Phật三世佛Nghĩa là chư Phật trong ba đời. Chư Phật trong quá khứ như Đức Phật Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá, Ca-la-tôn-đại, Câu-na-hàm, Ca-diếp. Đức Phật thời hiện tại là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Phật tương lai sẽ là Đức Phật Di-lặc.


Tam y三衣gồm có1. Y tăng-già-lê 僧伽梨(S= P. Saṅghāti), 2. Uất-đa-la-tăng 鬱多羅僧(S=P. uttarāsaṅga), 3. An-đà-hội安陀會(S=P. antaravāsa). ®ba y một bát.


tam-ma-bát-đề三摩鉢提phiên âm của Samāpatti (S=P), hoặcTam-ma-bát-để 三摩鉢底, hoặc Tam-ma-bạt-đề 三摩拔提,dịch ý là “đẳng chí”hoặc “chánh thọ." Tên một phương pháp thiền định.

tam-ma-đề = tam-ma-để.


tam-ma-đềphiên âm của Samādhi (S=P), nghĩa là định. Samādhi được người Hoa phiên âm nhiều cách khác nhau như tam-muội 三昧, tam-ma-đề 三摩提, tam-ma-địa 三摩地.®Định.


tam-ma-địa= tam-ma-đề.


tam-muội= tam-ma-để.


tăng thượng mạn增上慢một trong 7 loại kiêu mạn: khi tự thân chưa chứng Thánh quả mà tự xưng đã chứng Thánh quả. Trong Kinh Pháp Hoa, thuật ngữ này chỉ chung cho các hàng Thanh Văn, Duyên Giác không chấp nhận học thuyết một Phật thừa và nghĩ rằng quả A-la-hán mà mình chứng đắc không gì khác với quả Phật cao siêu.


tăng-già-lê僧伽梨phiên âm của saṅghāṭī(S=P), nghĩa là thượng y. Thời Phật còn tại thế, chư tăng khi đi ra ngoài khất thực hoá duyên thì mặc y này. Ngày nay chư tăng đắp thượng y khi lên chánh điện lễ Phật, tụng kinh, bố-tát hoặc khi đi ra đường.


tăng-kỳ kiếpviết đủ là a-tăng-kỳ kiếp 阿僧祇劫. A tăng-kỳ là phiên âm của asaṃkhya(S=P) nghĩa là vô số, nên a-tăng-kỳ-kiếp nghĩa là vô số kiếp. Theo số học Ấn Độ, một a-tăng-kỳ là 1 tỷ cộng thêm 26 số không phía sau, hoặc mười luỹ thừa 34.


Tất-lăng-già-bà-tacũng đọc là Tất-lăng-già-bà-sa 畢陵伽婆蹉,phiên âm của Pilinda-vatsa (S) hoặc Pilinda-vaccha(P). Tên của một vị Tỳ-khưu đã chứng Thánh quả A-la-hán nhưng thường hay chửi mắng, vì tập khí 500 đời quá khứ thường sanh vào dòng dõi Bà-la-môn có uy quyền còn sót lại, nên đến khi tu hành đắc đạo nhưng vẫn sử dụng ngôn ngữ chỉ thị hoặc mắng rủa trong quá trình hành đạo.


Tệ-túc弊宿phiên âm của Pīyāsi (P). Theo Kinh Tệ Túcthuộc Trường A-hàm, ông là một Bà-la-môn. Theo Kinh Tệ Túcthuộc Trường Bộ, ông là một chư hầu nhỏ dưới quyền cai trị của vua Ba-tư-nặc thuộc nước Câu-sa-la thờiĐức Phật. Ông cật vấntôn giả Kimāra Kassapa (Đồng-nữ Ca-diếp) về vấn đề tái sanh, luân hồi. Sau buổi pháp đàm đó, ông xin quy y Tam Bảo trọn đời.


Thắng Man勝鬘dịch nghĩa của Mālyaśrī (S), nghĩa là “vòng hoa đẹp." Tên của công chúa con vua Ba-tư-nặc và Mạt-lợi phu nhân. Bà là hoàng hậu của nước A-du-đà (S. Ayodhiyā). Bài kinh mang cùng tên là bài kinh do phu nhân nói dưới sự chứng minh của Đức Phật.


thánh đa văn đệ tử viết theo cấu trúc chữ Hán là “Đa văn Thánh đệ tử” 多聞聖第子nghĩa là một vị đệ tửcủa Đức Phật đã đạt được một trong 4 quả Thánh, tinh thông giáo phápvà có khả năng diễn giảng giáo pháp của Đức Phật dưới nhiều khía cạnh khác nhau.


thánh nhân 聖人dịch nghĩa của chữārya(S=P). Theo quan niệm của Phật giáo, hành giả nào đã chứng được quả Dự Lưu trở lên được gọi là Thánh nhân.


Thanh Văn聲聞dịch nghĩa của Śrāvaka(S) hoặc Sāvaka(P), nghĩa là các vị sau khinghe xonggiáp pháp của Đức Phật, chứng quả A-la-hán, nhưng chưa chứng được quả vị giác ngộ tối thượng. Theo cách phân chia giáo pháp của các nhà Đại thừa, thì giáo pháp của Đức Phật chia thành5 nhóm tương ứng với năm đối tượng: Nhân thừa,Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ-tát thừa.


Thế Gian Giải 世間解(S. Lokavid, P.Lokavidū): Bậc tinh tường và giải thông hết thảy những sự việc ở thế gian. Một trong mười danh hiệu của Phật.


thế giới ba nghìntiếng Hán là “tam thiên đại thiên thế giới” 三千大千世界. Theo thế giới quan Phật giáo, một quả địa cầu là một thế giới, gộp 1000 quả địa cầu lại thành một tiểu thiên thế giới. Gồm một ngàn Tiểu thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới. Gồm một ngàn Trung thiên thế giới thành một Đại thiên thế giới. Như vậy Tam thiên đại thiên thế giới có nghĩa là thế giới gồm chung cả Tiểu thiên, Trung thiên và Đại thiên.


Thế Tôn世尊dịch nghĩa của Lokanātha (S), hoặc Bhagavā (S=P), có nghĩa là bậc được thế gian tôn trọng. Thỉnh thoảng trong các bản chữ Hán và vài bản dịch tiếng Việt giữ nguyên cách phiên âm của Bhagavā là Bạt-già-phạm 薄伽梵. Đây là một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Danh hiệu nầy còn là từ tôn xưng của hàng đệ tử đối với Đức Phật.


Thích-đề-hoàn-nhân hay Thích-đề-hoàn-nhơn釋提桓因phiên âm của cụm từ Śakro-devānāmindra. Cũng gọi làĐế-thích 帝釋, vị vua cai trị cõi trời có 33 tầng. ®Đao-lợi.


Thiện Giáchay còn gọi là Thiện Giác Vương 善覺王dịch nghĩa của từ Suprabuddha (S), Suppabudha (P). Ông là cha của công chúa Da-du-đà-la.


thiện nam tử善男子1. viết đủ của "thiện nam" nghĩa là một người cư sĩ nam quy y Tam Bảo; 2. Trong một số kinh điển Đại thừa, thuật ngữ này chỉ chung cho các hàng Bồ-tát.


thiện nam 善男dịch nghĩa của Upāsaka (S=P) phiên âm Hán Việt là Ưu-bà-tắc 優婆塞, nghĩa là một người nam đã phát nguyện quy y Tam Bảo, vâng giữ học giới, làm các điều thiện theo lời Phật dạy, và hay giúp đỡ chư tăngnên Trung Hoa còn dịch là "cận sự nam" 近事男.


Thiên Nhân Sư 天人師(S. Śastā devamanuṣyāṇām, P. Satthā-deva-manussaanaṃ), bậc Thầy của trời người. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.


Thiện Sanh善生dịch nghĩa của Sīṅgālaka (S) hoặcSingālaka (P),âm Hán Việt là Thi-ca-la-việt 尸迦羅越. Thiện Sanh là tên của một cư sĩ thời Đức Phật đã nghe theo lời cha dặn trước khi qua đời lễ bái sáu phương để báo hiếu, sau được Đức Phật hoá độ.


Thiện Thệ 善逝(S=P. Sugata) Nghĩa là bậc khéo vượt qua sông mê bể khổ, cảnh giới luân hồi. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.


thiền thứ ba hành giả đạt đến trạng thái buông bỏ hỷ (niềm vui thân cảm nhận được) hoàn toàn tỉnh giác, thân cảm nhận sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú."


thiền thứ haivị hành giả chứng và trú vào trạng thái hỷ lạc, không còn tầm không còn tứ, nội tĩnh nhất tâm.


thiền thứ nhấtđây là trạng thái của một hành giả sau khi đã loại trừ được năm triền cái, đó là tham, sân, trạo cử, hôn trầm, nghi ngờ. Vị hành giả ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạccó tầm, có tứ.


thiền thứ tưhành giả xả lạc, xả khổ, diệt hỷ diệt ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào trạng thái không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.


thiện tri thức善知識người bạn đạo tốt có tín tâm đối với Tam Bảo và có trí tuệ, có thể tự độ mình và có khả năng độ người.


thức vô biên xứđịnh識無邊處定(S.Vijñānānantyāyatana dhyāna): một trong 4 cảnh giới thiền của sắc giới.


tiền trần前塵khi năm căn tiếp xúc vớiđối tượng năm trần, phát sinh sự nhận thức phân biệtvề các trần cảnh. Khi các căn không còn tiếp xúc với năm trần nữa mà các trần cảnh vẫn hiện lên trong ý thức, gọi cảnh đó là tiền trần.


tín nữ 信女dịch từ chữupāsikā(S=P), âm Hán Việt là Ưu-bà-di優婆夷. Nghĩa là phụ nữ đã quy y Ba Ngôi Báu và thực hành năm nguyên tắc đạo đức của một người tại gia. Thuật ngữ này còn được dịch là "cận sựnữ" 近事女vì các vị cư sĩ này thường thân cận ủng hộ việc tu trì của chư Tăng Ni.


tinh xá精舍dịch nghĩa của từ vihāra (S=P), có nghĩa là nơi ở thanh tịnh và trong sạch của hàng xuất gia, ví dụ như Tinh Xá Kỳ-hoàn hay Tinh Xá Trúc Lâm.Truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Hoa và Nhật Bản đều dùng “tự”, “viện”, "già-lam" hay “đại tùng lâm” có nghĩa là chùa chiền, chỗ chúng tăng tu học hay nghiên cứu để thay thế cho “Tinh Xá."


Tịnh-phạn淨飯phiên âm cuảSuddhodana (S) hoặc Suddhodana (P), thân phụ của Thái tử Tất-đạt-đa. Trước khi băng hà, ông được Đức Phật về thăm viếng và thuyết pháp, nhờ đó ôngchứng được quả vị A-la-hán.


tôn giả尊者bậc đáng được tôn trọng, tiếng Pāli gọi là Bhante,là tiếng tôn xưng của các vị tu sĩ nhỏ tuổi đạo đối với các vị lớn tuổi đạo, bậc có công phu sâu dày hoặc quả chứng cao hơn.


Tôn-đà-la-nan-đà孫陀羅難陀phiên âm của Sundarananda (S=P), thường gọi tắt là Nan-đà. Tôn giả là con ruột của lệnh bà Ma-ha-ba-xà ba-đề và vua Tịnh-phạn. Đức Phật đã vận dụng thần thông hoá độ tôn giả và chẳng bao lâu tôn giả chứng được Thánh quả A-la-hán.


trạch pháp擇法phân tích giáo pháp một cách rõ ràng rồi mớihành trì. Đây là một trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ.


trí tuệ智慧dịch nghĩa của prajñā (S) hoặc paññā (P). Trung Hoa còn phiên âm là Bát-nhã 般若, dịch là "huệ" 慧, "trí huệ" 智慧hoặc "minh" 明, nghĩa là sự thấy biết các sự vật hiện tượng đúng như thật bản chất của nó, không còn bị bản ngã si mê đánh lừa. Trí tuệ có nhiều cấp độ. Nhờ đọc, học, nghe thuyết giảng mà được sáng suốt gọi là "văn tuệ". Do tự mình suy tư nhiều ngày mà hiểu biết thấu suốt được vấn đề, gọi là "tư huệ"; Do tu tập các pháp môn của Đức Phật chỉ dạy mà phát sinh trí tuệ gọi là "tu huệ."


Trời Biến Tịnh nơi cư trú của một số vị chứng được tam thiền.


Trời Đại Phạm nơi cư trú của một số vị chứng được sơ thiền.


Trời Ma-hê-thủ-la nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Phạm Chúng nơi cư trú của một số vị chứng được sơ thiền.


Trời Phạm Phụ nơi cư trú của một số vị chứng được sơ thiền.


Trời Phước Sanh nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Quang Âm nơi cư trú của một số vị chứng được nhị thiền.


Trời Quảng Quả nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Sắc Cứu Cánh nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Thiện Hiện nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Thiện Kiến nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Thiểu Quang nơi cư trú của một số vị chứng được nhị thiền.


Trời Thiểu Tịnh nơi cư trú của một số vị chứng được tam thiền.


Trời Vô Lượng Quang nơi cư trú của một số vị chứng được nhị thiền.


Trời Vô Lượng Tịnh nơi cư trú của một số vị chứng được tam thiền.


Trời Vô Nhiệt nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Vô Phiền nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trời Vô Sân nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.


Trúc Lâm竹林dịch nghĩa của Veṇuvana (S) hoặc Veluvana (P),dịch sát tiếng Việt là rừng Trúc. Trúc Lâm cũng là tên của một khu rừng được vua Tần-bà-sa-la cúng dường Đức Phật để làm nơi cưtrú của chư Tăng, nên trong Kinh thường ghi là "Tinh Xá Trúc Lâm". Đây là ngôi tinh xá đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.


trung đạo中道dịch nghĩa của madhyamā-pratipad(S) hoặc majjhima-paṭipadā(P). Trong bài Kinh Chuyển Bánh Xe Pháp, Đức Phật giảng về Tám Con Đường Chánh. Tám con đường này gọi là Trung Đạo vì nó tránh xa hai cực đoan hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác.


tù ngục ba miềndịch ý từ“tam giới” 三界, tức cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.


tứ trí vô ngại 四無礙智hay còn gọi là "Tứ vô ngại biện" hay "Tứ vô ngại giải", gồm có: 1) Pháp vô ngại: hiểu rõ giáo pháp một cách thông suốt. 2) Nghĩa vô ngại: hiểu rõ nghĩa lý ẩn chứa trong các cách diễn đạt khác nhau. 3) Từ vô ngại: sử dụng ngôn ngữ một cách tự tại, điêu luyện. 4) Nhạo thuyết vô ngại, còn gọi là “Biện thuyết vô ngại" nghĩa là thuyết giảng giáo pháp của Đức Phật một cách thông suốt, tự tại và phù hợp với các đối tượng.


tự tứ dịch nghĩa của pravāraṇnā (S) hoặc pavāraṇā(P), nghĩa là tự mình bày tỏ lỗi lầm của mình và xin các vị đồng phạm hạnh tha thứ những sai lầm của mình. Lễ tự tứ được tổ chức sau ba tháng an cư kiết hạ theo truyền thống Bắc truyền, và sau 3 tháng an cư mùa mưa theo truyền thống Nam truyền.


Tư-ba-ê 斯爸嫛phiên âm của Satvyā (P), một đô thị nhỏ của nước Câu-sa-la. Cuộc pháp đàm giữa tôn giả Kimāra Kassapa và Bà-la-môn Tệ Túc diễn ra ở đây.


Tu-bạt= Tu-bạt-đà-la.


Tu-bạt-đà-la須跋陀羅phiên âm Subhadra (S)hoặc Subhadda (P), là người xin gặp Đức Phật ngay trước khi Ngài nhập diệt.Sau khi được Đức Phật giáo hoá, ông cố gắng hành thiền, chứng được Thánh quả và nhập Niết-bàn trước Đức Phật. Ông là vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật.


Tư-đà-hàm斯陀含phiên âm sakṛāgāmi(S) hoặc sakadāgāmi(P), được dịch là Nhất Lai一來, Nhất Vãng Lai 一往來hoặc Nhất Hoàn 一還. Vị hành giả làm yếu dần hai kiết sử Tham và sân. Vị này nếu mạng chung thì phải tái sanh trong cõi người một lần nữa rồi chứng quả Vô sanh, không luân hồi nữa.


Tu-đà-hoàn須陀桓phiên âm srotāpanna(S) hoặc sotāpanna(P), được dịch là Dự lưu quả 預流果, nghĩa là Vào được dòng Thánh, là quả vị đầu tiên đạt được khi hành giả đoạn trừ ba kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Vị này tối đa là sanh tử 7 lần nữa rồi giải thoát, nên còn được dịch là "Thất lai" 七來.


Tu-đạt須達gọi đủ là Tu-đạt-đa 須達多, phiên âm của chữ Sudatta (P=S), là tên của một triệu phú thời Đức Phật. Sau khi quy y Phật giáo ông làm nhiều việc từ thiện, thường cung cấp vật thực áo cơm cho người bần cùng khốn khó, neo đơn, nên ông được ban danh hiệu là "Cấp Cô Độc".®Cấp Cô Độc.


Tu-di須彌phiên âm của Sumeru (S=P), tên một ngọn núi. Theo thế giới quan Phật giáo, núi Tu-di nằm ở trung tâm của Tam thiên đại thiên thế giới.


tướng tốt băm haitức là 32 tướng tốt của Đức Phật. Ba mươi hai tướng này được xem là tướng tốt của một bậc Đại Nhân 1. Lòng bàn chân bằng phẳng; 2. Dưới bàn chân có hiện ra hình bánh xe với ngàn tăm xe, trục xe vành xe; 3. Gót chân thon dài; 4. Ngón tay, ngón chân dài; 5. Có tay chân mềm mại; 6. Tay chân có màn da lưới; 7. Mu bàn chân nổi cao đầy đặn; 8. Có mắt cá tròn như con sò; 9. Ống chân như con dê rừng; 10. Đứng thẳng, không khom lưng xuống, hai bàn tay có thể sờ đến đầu gối; 11. Có tướng âm mã tàng; 12. Có màu da như đồng; 13. Có da trơn mướt, khiến bụi không thể bám dính vào; 14. Mỗi lỗ chân lông có một lông; 15. Có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lôngđều có màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ và xoáy về hướng mặt; 16. Có thân hình cao thẳng; 17. Có nửa thân trước như thân con sư tử; 18. Không có lõm khuyết xuống giữa hai vai; 19. Có thân thể cân đối như cây bàng. Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng; 20. Có bán thân trên vuông tròn; 21. Cảm vị hết sức nhạy bén khi vật gì chạm đầu lưỡi, những cảm giác được khởi lên tại cổ họng và truyền khắp nơi; 22. Có quai hàm như con sư tử;23. Có bốn mươi cái răng; 24. Có răng đều đặn; 25. Không có răng khuyết hở; 26. Có răng cửa trơn láng; 27. Có tướng lưỡi rộng dài; 28. Có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim Ca-tăng-tần-già; 29. Có hai mắt xanh đậm; 30. Có lông mi con bò cái; 31. Giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ; 32. Có nhục kế trên đầu.


tỳ-kheo毘丘hay hoặc Tỷ-khưu / Tỷ-khưu 比丘phiên âm của bhikṣu(S) hoặc bhikkhu(P). Tỳ-kheo có 3 nghĩa căn bản: Khất sĩ, phá ma và bố ác. Đây là cách gọi chung của người nam xuất gia tu theo đường lối của Đức Phật. Cách gọi này hết sức đặc thù trong Phật giáo, không tìm thấy trong các tôn giáo đương thời với Đức Phật.


tỳ-kheo-ni毘丘尼hoặc tỷ-kheo-ni / Tỷ-khưu-ni比丘尼phiên âm của bhikṣunī (S) hoặc bhikkhunī(P), nghĩa là một người phụ nữ tu theo đường lối của Phật. Cũng có nội dung tương tự với nghĩa Tỳ-kheo ở trên.


Tỳ-xá-xà毘舍闍phiên âm của Piśāca (S), một loại quỷ thường uống máu ăn tinh của người.


Ứng Cúng應供dịch từ chữ A-la-hán (P. Arahant) nghĩa là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.


Út-đa-ca cách phiên âm vắn tắt của Uddhaka-rāmaputta (P), hoặc Udraka-rāma-putta (S), phiên âm là Uất-đầu-lam-phất 鬱頭藍弗, tên vị Thầy thứ hai khi thái tử tầm sư học đạo. Vị này đã chứng được “Phi tưởng phi phi tưởng xứ định", nhưng cấp độ định này chưa đưa đến quả vị giác ngộ, nên cuối cùng thái tử Tất-đa-đa đã từ giã ông. Sau khi thành đạo, Đức Phật dự định trở lại độ hai vị Thầy đầu tiên này, nhưng cả hai đều đã mạng chung.


Ưu-ba-ly 優波離phiên âm của Upāli (S=P). Tên củavị đại đệ tử của Đức Phật tinh chuyên gìn giữ giới luật và quan tâm đến các vấn đề của giới luật số một. Trước khi xuất gia, tôn giả vốn là thợ cạo của dòng họ Thích-ca. Nhân dịp các công tử trong dòng họ Thích-ca xuất gia theo đức Phât, tôn giả cũng xuất gia theo. Trong kỳ kiết tập Kinh và Luật tạng đầu tiên tại hang Thất-diệp, tôn giả chịu trách nhiệm trùng tuyên lại toàn bộ giới bổn của Đức Phật đã chế.


Ưu-đàm優曇phiên âm của Uḍumbara, Udumbara (S) hoặc Udumbara (P).Viết đủlà Ưu-đàm–bát-la hoa 優曇跋羅花, được dịch là Linh Thụy 靈瑞, cũng gọi là Đàm hoa (hoa Đàm), là một loại cây có hoa cótên khoa học là Ficus Glomerata. Đây là một loại cây cực quý, rất khó trồng và ít nở hoa. Tương truyền 3000 năm mới nở hoa một lần, chính vì vậy mà các nhà biên tập Kinh điển thường ví sựkiện Đức Phật ra đờithuyết pháp giống nhưloài hoa này.


Va-chi= va-di.


Va-di hay còn gọi Va-chi, phiên âm Vajji (P) hoặc Vṛji (S), âm Hán Việt viết là Bạt-kỳ跋祇. Tên của một trong 6 thành phố lớn của Ấn Độ thời cổ.Sau khi Phậtdiệt độ 100 năm, Phật giáo tại đây phát triển rất mạnh. Đây cũng là nơi xảy ra sự kiện “Thập Sự Phi Pháp” trong đại chúng Tỳ-kheo.


Va-ji-raphiên âm của Vajirā (P). Tên của một Tỳ-kheo-ni thông tuệthời Đức Phật tại thế.

Văn-thù 文殊Viết đủ là Văn-thù-sư-lợi 文殊師利, phiên âm của Mañjuśrī (S), tên của một vị Bồ-tát tượng trưng cho Vô Sư Trí, thường xuất hiện trong Kinh điển Đại thừa.


Vào dòng= Dự Lưu.


Vat-sa-ka-raphiên âm của Vassakāra (P), hoặc Varṣakāra (S). Các dịch giả Trung Hoa phiên âm nhiều cách khác nhau nhưVũ-xá 禹舍,Vũ-thế禹世, Hành-vũ 行禹, tên của một đại thần của vua A-xà-thế đến thỉnh ý Đức Phật có nên đánh nước Va-di hay không.


Vê-ran-cha phiên âm của chữVerañjā (P), hoặc Vairañjā (S),tên của một đô thị thuộc nước Kiều-tát-la.


vô học 無學dịch nghĩa của aśaikṣa (S) hoặc asekha(P), nghĩa là bậc không còn gì để học. Danh hiệu này chỉ được dùng để gọi các vị A-la-hán không còn sanh tử luân hồi.


vô lậu無漏(S. Anāsravaḥ) nghĩa là không còn các cáu bẩn phiền não trong tâm. Đây là trạng thái tâm thanh tịnh của một bậc A-la-hán.


vô minh無明(S. avidyā, P. avijjā) sự mê muội, tăm tối. Ở đây, sự vô minh không phải chỉ cho sự thiếu học hay kém văn hoá, mà là các tâm lý bất thiện tiềm ẩn từ vô thỉ kiếp che mờ trí tuệ của con người.


Vô Não無惱nghĩa là “Bất Hại”, dịch nghĩa của Ahimsaka. Vì ông giết nhiều người cắt lấy ngón tay kết thành xâu đeo nơi cổ, nên mọi người gọi ông là Người Đeo Vòng Ngón Tay, Aṅgulimālya (S), Aṅgulimālīya (S) hoặc Aṅgulimāla (P). Trong Kinh điển thường đề cập đến tênƯơng-quật-ma-la 央掘摩羅, vốn phiên âm của từ Về sau ông được Đức Phật tế độ trở thành một vị A-la-hán.


vô ngã無我(S. anātman, nirātman) hoặc (P. anattan), chỉ cho tính không thực thể trong mọi sự vật hiện tượng. Chia cụ thể thì có Nhân vô ngã (con người không có thực thể) và Pháp vô ngã (mọi sự vật hiện tượng đều do các duyên tạo thành).


vô sanhdịch nghĩa của thuật ngữ A-la-hán. Đây là quả vị chứng đắc cao nhất của các đệ tử Đức Phật. Người đạt quả vị này hoàn toàn không còn các phiền não nhiễm ô, không còn sanh tử luân hồi. ®A-la-hán.


vô sở hữu xứ định無所有處定(S. Ākiñcanyāyatana dhyāna): một trong 4 cảnh giới thiền của sắc giới.


vô tác無作tiếng Sanskrit là akarmakahoặc akṛtrima, nghĩa đen là “không còn tạo tác." Đây là một trong ba pháp tu quan yếu đưa đến giải thoát:Không, Vô tướng và Vô tác. Trong trường hợp này khái niệm vô tác đồng nghĩa với khái niệm “Vô nguyện”, một trong 3 pháp quán (thiền định).


Vô thượng chánh đẳng chánh giác無上正等正覺dịch nghĩa củaAnuttara-Samyak-Saṃbōdhi(S), tương đương vớiAnuttara sammāsambodh(P),nghĩa là quả vị giác ngộ chân chánh tối thượng vô song của Đức Phật. Trong các văn bản Hán việt và trong một số văn bản dịch Việt, quả vị tối thượng nầy thường được để nguyên, phiên âm là A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề 阿耨多羅三貓三菩提.


Vô Thượng Sĩ 無上士(S=P. Anuttara): con người siêu việt, phi phàm.Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.


Vườn Naidịch nghĩa của Mṛgadāva (S). Thuật ngữ Hán Việt là Lộc Uyển鹿宛, Lộc Dã Uyển 鹿野宛, hay Lộc Viên 鹿圓, tên khu vườn nơi Đức Thế Tôn đã thuyếtbài pháp đầu tiên độ cho năm vị Tỳ-kheo.®Chuyển Pháp Luân.


Vương Xá thành王舍城dịch nghĩa của Rājagṛaha (S), Rājagaha (P), dịch nghĩa là thành Vương Xá. Đây là kinh đô của Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra), một trung tâm văn hoá ở Ấn Độ thời Phật tại thế. Nay là một thị trấn nhỏ thuộc bang Bihar.


xá-lợi舍利phiên âm của śarīra (S) hoặc sarīra (P), chỉ cho phần còn lại sau khi hoả thiêu thân thể của một Đức Phật hay một vị Bồ-tát, Thánh tăng.


Xá-lợi-phất舍利弗phiên âm của Śāriputra (S) hoặc Sāriputta (P). Tên của vị đại đệ tử của Đức Phật có trí tuệ đệ nhất, được Đức Phậtban cho danh hiệu "Tướng quân chánh pháp."


xa-ma-tha奢摩他phiên âm của śamatha(S) hoặc samatha(P), dịch nghĩa là "thiền chỉ" hay "chỉ", nghĩa là pháp môn thiền có công năng làmdừng lại các vọng động của tâm thức.


Xá-vệ舍衛phiên âm của Śrāvastī (S), Savatthi (P). Xá-vệ là thủ đô của nước Kośalā (S), một trong sáu trung tâm học thuật, văn hoá mạnh nhất thời Đức Phật.


xiển-đềviết đủ là Nhất-xiển-đề 一闡提phiên âm của icchantika hoặc ecchantika (S), chỉ cho người không có niềm tin vào Tam Bảo và nhân quả báo ứng, làm quá nhiều tội ác, nhưphạm vào năm đại tội ngũ nghịch.

xúcchỉ cho sựtiếp xúc của 6 căn với 6 trần. Khi con mắtvừa nhìn trần cảnh, liền nảy sinh sự phân biệt trần cảnh đó là gì, cái đó gọi là xúc. Tương tự, tai mũi lưỡi thân cũng vậy. Còn ý căn khi vừa suy tưởng đến vấn đề nào thì tự nhiên đối tượng đó hiện rõ trong tâm để bắt đầu suy nghĩ.

--- o0o ---

Phụ lục 3 Về Một Bộ Kinh Thánh Phật Giáo

Phụ lục 4 Các Ngày Lễ trong Hai Truyền Thống Phật Giáo - Các Ngày Ăn Chay

(Tính theo ngày Âm lịch)

Tháng giêng

Ngày mùng 1: Ngày Đức Phật Di-lặc đản sanh; ngày tu tập và làm phước của toàn thể Phật tử, theo Bắc tông.

Ngày rằm: - Theo Nam tông, đây là ngày Pháp Bảo (Māghapūjā), kỷniệm Đức Phật nói Kinh Giải Thoát Giáo(Ovādapāimokkha) và là ngày Đức Phật tuyên bố sẽ viên tịch.

- Theo Bắc tông, ngày rằm thượng ngươn này là ngày lễ hội lớn, tu tạo các công đức.

Ngày 22: Tổ Thập Tháp (tức tổ Phước Huệ), Chứng Minh Đạo Sư, Hội Phật giáo Trung Phần, viên tịch.

Ngày 30: Tổ Khánh Anh, Pháp Chủ Tăng-già Việt Nam, nhiệm kỳ 2, viên tịch.

Tháng hai

Ngày mùng 8: Ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất gia, theo Bắc tông.

- Vía tôn giả A-nan-đa , theo Bắc tông.

Ngày rằm: Ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập diệt, theo Bắc tông.

Ngày 19: Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, theo Bắc tông.

Ngày 21: Vía Đức Bồ-tát Phổ Hiền, theo Bắc tông.

Tháng ba

Ngày 16: Vía Đức Bồ-tát Chuẩn-đề, theo Bắc tông.

Tháng tư

Ngày mùng 4: Vía Đức Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

Ngày mùng 8: Ngày Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sanh và ngày lễ tắm Phật, theo Bắc tông.

Ngày rằm: Theo Nam tông, đây là ngày Ðại Lễ Tam Hợp hay còn gọi ngàyPhật Bảo (Visākhapūjā), kỷniệm ba sự kiện trọng đại của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni: đản sinh, thành đạo và viên tịch. Từ năm 1956, Phật giáo thế giới chọn ngày này làm ngày tưởng niệm đức Phật giáng sanh.

Ngày 16: Ngày an cư kiết hạ của Tăng Ni, truyền thống Bắc tông.

Ngày 20: Ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 11-6-1963).

Tháng sáu

Ngày rằm: - Theo Nam tông, đây là ngày Đức Phật chuyển Pháp Luân tại Lộc Uyển, và là ngày an cư kiết hạ của chư Tăng, Nam tông.

- Ngày Đại đức Thích Nguyên Hương vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 4-8-1963)

Ngày 19: - Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, theo Bắc tông.

- Vía tổ Khánh Hoà, tổ thứ nhất của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam.

Ngày 24: Ngày Đại đức Thích Thanh Tuệ vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 13-8-1963)

Ngày 26: Ngày Sư Cô Thích Nữ Diệu Quang vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 15-8-1963)

Ngày 27: Ngày Đại đức Thích Tiêu Diêu vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 16-8-1963)

Tháng bảy

Ngày 13: Vía Đức Bồ-tát Đại Thế Chí.

Ngày rằm: Ngày Tự tứ và Mãn hạ của Tăng Ni, cũng là ngày dâng cúng y công đức, và ngày đại lễ Vu-lan-bồn hay còn gọi là ngày báo hiếu công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, theo Bắc tông.

Ngày 30: Vía Đức Bồ-tát Địa Tạng Vương.

Tháng chín

Ngày mùng 2: Ngày Đại đức Thích Quảng Hương vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 5-10-1963).

Ngày 11: Ngày Đại Đức Thích Thiện Mỹ vị pháp thiêu thân (nhằm ngày 27-10-1963).

Ngày rằm: Ngày Mãn hạ và dâng y công Đức (Kathina)hay còn gọi là ngàyTăng Bảo, theo Nam tông.

Ngày 19: Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, theo Bắc tông.

Ngày 30: Vía Đức Phật Dược Sư.

Tháng mười một

Ngày mùng 1: Tổ Huệ Quang, Pháp Chủ GHPGVN, nhiệm kỳ I, viên tịch.

Ngày 17: Vía Đức Phật A-di-đà, theo Bắc tông.

Tháng chạp

Ngày mùng 8: - NgàyĐức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, dưới cội Bồ-đề, theo Bắc tông.

- Tổ Vĩnh Nghiêm, Pháp Chủ Tăng già Bắc Việt, viên tịch.

Ngày rằm: NgàyHiệp kỵ, tức ngày tưởng niệm các bậc tiền bối đã dày công xây dựng và phát huy đạo Phật Nguyên thủy tại Việt Nam.

Ngày 20: - Hoà thượng Thích Thiện Hoa, viện trưởng Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, viên tịch.

Phụ lục 5 Phương Danh Ấn

Kinh tụng hàng ngày - Thích Nhật Từ