Muối ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch như thế nào?

Muối không chỉ là gia vị cho các món ăn mà còn là một trong những nguồn cung cấp natri cho cơ thể. Thiếu muối có thể dẫn đến một số bệnh nhưng quá nhiều muối lại khiến cơ thể chịu tác động nghiêm trọng mà có thể bạn không biết

Một nghiên cứu mới đây được công bố tại Mỹ cho thấy có khoảng 2 triệu 300 ngàn người trên thế giới chết trong năm 2010 vì các bệnh tim mạch do ăn quá nhiều muối. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đây cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng cao huyết áp đang gia tăng trên thế giới, mà nguyên nhân chính được cho là đến từ chế độ ăn có hàm lượng muối quá cao.

Thế giới đang ăn quá nhiều muối. Bác sĩ Ralph Sacco, thuộc trường đại học Miami, phát ngôn viên của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cho biết: "Nghiên cứu phân tích dựa trên 247 nghiên cứu trước đó kéo dài từ năm 1990 đến 2010 tại hơn 2/3 các quốc gia trên thế giới cho thấy con người đang ngày càng ăn quá nhiều muối. Theo nghiên cứu này thì lượng muối trung bình tiêu thụ hàng ngày của một người là 4.000 mg/ngày, trong khi mức khuyến cáo của hiệp hội tim mạch Mỹ là 1.500 mg muối/ngày, còn của Tổ chức Y tế thế giới là 2.000 mg/ngày. Có quốc gia lên tới 6.000mg muối/ngày, với một số nước châu Phi thì thấp hơn. Những con số trên cho thấy sự khác biệt quá lớn giữa mức tiêu chuẩn và những con số thực tế, đồng nghĩa với việc cần phải giảm lượng muối ăn hàng ngày bằng nhiều biện pháp hơn"

Ăn quá nhiều muối làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bác sĩ Donna Arnett, thuộc trường đại học Y tế cộng đồng Birmingham, đại học Alabama cho biết:“Trước hết, muối có vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp cơ thể. Vì thế nếu lượng muối trong cơ thể tăng lên thì huyết áp tăng lên và kéo theo đó là nguy cơ bị tăng huyết áp, đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh tim mạch và đứt mạch máu não trên toàn cầu”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có gần 1 triệu những ca tử vong trên thế giới tức khoảng 40% số người chết sớm ở độ tuổi 69  hoặc trẻ hơn. 60% số người chết là nam giới và 40% là nữ giới. Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân của 42%  các ca tử vong, 41% các ca tử vong là do đứt mạch máu não. Điều đáng chú ý là 48% các ca tử vong này là do ăn quá nhiều muối, và chủ yếu tập trung tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Bác sĩ Arnett cũng giải thích cơ chế tác động của muối tới hệ thống tim mạch: “Ăn muối có liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp và tăng huyết áp là một trong những nhân tố hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch và đứt mạch máu não trên thế giới….Khi huyết áp tăng thì tim cũng phải làm việc nhiều hơn, để đẩy máu qua các mạch máu có huyết áp cao hơn. Vì vậy tim phải làm việc nhiều hơn, các mạch máu hoạt động cũng khó khăn hơn, và do đó cơ thể chúng ta dễ bị đứt mạch máu não và những mạch máu yếu hơn”.

Theo các chuyên gia thì phần lớn các nguy cơ tăng huyết áp là do ăn nhiều muối từ các đồ ăn đã chế biến và đóng gói sẵn. Theo kết quả điều tra về dinh dưỡng quốc gia và sức khỏe tại Mỹ gần đây, có 10 thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao mà người Mỹ ăn nhiều nhất hàng ngày, gồm: pizza có thịt, bánh mì trắng, phomat đã chế biến sẵn, xúc xích, thịt nguội, cơm nấu sẵn, mì ống với nước sốt, nước sốt cà chua, tortilla, bánh mì tròn. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng cho biết 75% các thức ăn đóng gói và đồ ăn vặt của trẻ em có hàm lượng muối cao. Một số đồ ăn có chứa đến 630 mg muối/suất ăn.

Để giảm lượng muối ăn hàng ngày vào cơ thể hãy kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày của mình bằng những cách  khác nhau.  Nên tránh, hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm đã chế biến và đóng gói sẵn; kiểm tra lượng muối (sodium) trong thành phần thực phẩm đã đóng gói hoặc chế biến sẵn; nên giảm lượng muối trong các món ăn hàng ngày. 

Để gia đình sống khỏe mạnh hơn hãy làm từ những điều đơn giản nhất có thể nhé! 

Bài viết khác