Thể thao và sức khỏe người bệnh tiểu đường

Việc luyện tập thể dục đều đặn là rất cần thiết cho sức khỏe của tất cả mọi người. Đặc biệt đối với bệnh nhân bị tiểu đường, vận động thường xuyên sẽ giúp kiểm soát đường máu, và tăng khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường, vận động thường xuyên sẽ giúp kiểm soát đường máu, và tăng khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể.


Vận động thường xuyên đem lại rất nhiều lợi ích cho người bị tiểu đường

Người bị tiểu đường tập thể dục đều đặn sẽ giúp:
- Giảm lượng đường trong máu và cải thiện khả năng sử dụng glucose của cơ thể.
- Tăng tác dụng của insulin. Khi tập thể dục đều đặn, liều insulin cần thiết có thể giảm.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhờ làm giảm cholesterol xấu (LDL), và tăng cholesterol tốt (HDL).
- Cải thiện được huyết áp khi huyết áp cao ở mức nhẹ và trung bình.
- Làm tăng hiệu quả của tim, phổi, và hệ thống tuần hoàn cả khi nghỉ cũng như khi làm việc. Cải thiện khả năng vận chuyển oxy làm tăng độ dẻo dai và sức chịu đựng của cơ thể.


- Duy trì và tăng cường sự linh hoạt của khớp: giúp bạn dẻo dai và giữ thăng bằng tốt.
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể: giúp đốt bỏ năng lượng dư thừa (dự trữ ở tế bào mỡ), từ đó giúp giảm cân hoặc duy trì trọng lượng của cơ thể.
- Giúp chế ngự căng thẳng (stress) trong sinh hoạt hằng ngày. Qua tập thể dục bạn có nhiều năng lượng hơn, thư giãn hơn và sẽ cảm thấy ít mệt hơn.
- Các nghiên cứu gần đây còn chứng minh rằng, việc luyện tập thường xuyên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và ngăn chặn các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, vận động thể lực còn góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo Chương trình Phòng ngừa Tiểu đường (Diabetes Prevention Program) của Mỹ, kết hợp ăn kiêng tốt và tập luyện thể lực vừa phải để giảm 5-7% cân nặng còn có thể làm chậm xuất hiện và phòng ngừa tiểu đường tuýp 2.

Lưu ý về mức đường huyết khi vận động

Đường máu không nên quá thấp (dưới 70 mg/dL hoặc 3.9 mmol/L) khi đang tập cũng như sau khi tập. Bác sĩ sẽ cho bạn biết mức đường huyết an toàn của riêng bạn.

Sau khi vận động, mức đường huyết có thể tăng cao hoặc hạ thấp. Để đáp ứng đủ năng lượng trong khi tập, gan sẽ tăng phóng thích đường vào trong máu. Cần phải có insulin thì cơ thể mới sử dụng được đường này. Vì vậy, nếu cơ thể bạn không có đủ insulin để đưa đường vào cơ bắp, tất nhiên đường máu của bạn sẽ tăng. Đường huyết cũng có thể hạ thấp ở mức dưới 70 mg/dl (3.9 mmol/L) do vận động quá mức, vận động từ mức trung bình đến mức nặng có thể làm đường huyết tụt thấp trong vòng 24 giờ sau khi tập.

Tự đo đường huyết sẽ giúp việc luyện tập tốt hơn vì:

- Đo đường huyết trước khi tập, sau khi tập và tại các thời điểm cố định sau đó sẽ cho biết mức độ luyện tập có phù hợp không.
- Kết quả đường huyết giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn và thuốc khi tập.
- Cho biết mức đường huyết để bạn có thể tập luyện thoải mái và an toàn.

Những lời khuyên để vận động an toàn

- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập.
- Chọn loại hình vận động mà bạn thích. Nếu trên 35 tuổi, bạn cần chọn lựa loại hình phù hợp với cơ thể.
- Kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập.
- Không tập thể dục nếu đường huyết trên 250 mg/dl (13.9 mmol) và có ceton trong nước tiểu.
- Không tập thể dục nếu đường huyết trên 300 mg/dl và không có ceton trong nước tiểu.
- Lên kế hoạch vận động hợp lí để tránh hạ đường huyết.
Tập thể dục cũng là một trong những biện pháp điều trị bệnh tiểu đường, góp phần làm giảm đường huyết và giảm một số nguy cơ khác. Việc chọn loại hình vận động còn tùy thuộc vào tuổi tác, biến chứng của bệnh, bệnh lý kèm theo và mức độ đường huyết. Hãy nhớ kiểm soát tốt đường huyết và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ để có được một chế độ tập luyện hiệu quả và an toàn nhất.

Bài viết khác