Vitamin A - chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể

Vitamin A, C và kẽm đều là những vi chất quan trọng giúp nâng cao miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, tăng cường sức đề kháng và chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy, hay các nhiễm virus như sởi, thủy đậu, rubella….

Vitamin A: Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, niêm mạc, da, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng và tăng cường miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thiếu vitamin A gây hậu quả khô mắt, nếu nặng có thể gây mù mắt, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở trẻ em tiền học đường. 

Các nghiên cứu khác cũng đã xác nhận việc bổ sung vitamin A làm giảm mức độ nặng của các biến chứng (ví dụ tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp) ở bệnh nhân mắc bệnh sởi. Đặc biệt, bệnh sởi làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể, dẫn đến thiếu vitamin A, kể cả ở những trẻ trước đó được nuôi dưỡng tốt và không thiếu vitamin A vẫn có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn. Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol tốt nhất, hầu hết ở dạng retinil ester. Vì gan là nơi dự trữ vitamin A, nên gan có thành phần retinol cao nhất. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể.

Nguồn tiền vitamin A (Beta-carotene) thường là từ một số sản phẩm động vật như  sữa, kem, bơ và trứng. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (Beta-Caroten) như các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm, dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Theo các nghiên cứu gần đây, khi vào cơ thể tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A (theo tỷ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24: 1 đối với rau xanh).

Các nguyên tắc của chế độ ăn nâng cao miễn dịch trong giai đoạn mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus như:

  • Chế độ ăn đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm. Nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm gồm đủ loại cung cấp trứng; sữa; thịt cá các loại; đậu phụ và đậu đỗ; chất béo (dầu thực vật); rau có mầu xanh thẫm, củ quả mầu vàng, và các loại rau củ khác giàu vitamin – khoáng chất thiết yếu
  • Ăn đa dạng thực phẩm : thay đổi thực phẩm thường xuyên, nên ăn 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày
  • Thức ăn chế biến dạng lỏng, hay mềm, theo sở thích của từng trẻ.
  • Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, E, C, kẽm, selen…, trong đó quan trọng hơn cả là vitamin A, C và kẽm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm

Bài viết khác