Lịch sử văn minh Trung Hoa

Mục lục

Vài lời thưa trước

Trong thời gian thực hiện ebook Ấn Độ và Phật Thích Ca, tôi đã có ý định tiếp theo là gõ ít nhất là chương I cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, nên trong bài Vài lời thưa trước,  tôi viết: “Tôi chép trọn chương I: Tổng quan về Ấn Độ, cũng vì một lí do khác nữa. Đó là, nếu như không có điều kiện đọc trọn cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, chỉ với chương I và chương II thôi, chúng ta cũng tạm đủ để hiểu tại sao trong cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, Will Durant lại viết câu này: “Trọng tâm của tư tưởng Trang tử cũng như của triết gia nửa thần thoại, Lão tử, mà Trang tử coi là sâu sắc hơn Khổng tử nhiều, là một ảo tưởng huyền bí về một cái vô ngã, rất gần với đạo Phật và các Upanishad trong các kinh Veda, khiến chúng ta phải ngờ rằng các thuyết siêu hình của Ấn Độ đã truyền qua Trung Quốc ít nhất là bốn thế kỉ trước khi đạo Phật vô Trung Quốc...”.”.

Cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa là phần A: Trung Hoa của cuốn III: Viễn Đông (Book III: The Far East – A: China) trong tập I: Di sản phương Đông (Volume One: Our Oriental Heritage[1] của bộ Lịch sử văn minh (The Story of Civilization) của Will Durant.

Trước khi dịch cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, cụ Nguyễn Hiến Lê đã có khá nhiều tác phẩm viết hoặc dịch về triết học và văn học Trung Quốc. Do vậy, so với cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, cụ có nhiều điều kiện hơn để giúp người đọc dễ hiểu rõ và hiểu đúng nguyên tác hơn. Nhờ “vài chữ hoặc một câu ngắn trong mạch văn” đặt trong dấu [ ] và nhờ phần chú thích của cụ, chúng ta biết được rằng cụ đã đính chính mấy chỗ sai, hoặc chúng ta thấy nhiều chỗ, thay vì dịch theo bản chữ Pháp, cụ lại dịch theo bản chữ Hán mà cụ tìm được, cũng có khi cụ dịch trọn một đoạn mặc dầu trong nguyên tác, tác giả chỉ trích dẫn vài câu ngắn.

Ngược lại, trong các cuốn như Lão tử - Đạo Đức kinh, Khổng tử, Sử Trung Quốc, chúng ta thấy nhiều chỗ cụ Nguyễn Hiến Lê dẫn lời của Will Durant. Ví dụ, trong cuốn Khổng Tử, cụ viết: “Durant, tác giả bộ Lịch sử văn minh, đã nhận định đạo Khổng rất đúng: “Chỉ trong đạo Ki-tô và đạo Phật, chúng ta mới thấy có sự hùng tâm gắng nhân hóa cái bản chất con người như đạo Khổng”. Ngày nay cũng như ngày xưa, dân tộc nào cũng bị cái nạn giáo dục thiên về trí dục quá mà đạo lí suy đồi, tư cách cá nhân cũng như tập thể thấy kém quá thì không có phương thuốc nào công hiệu hơn là cho thanh niên được thấm nhuần đạo Khổng.

Nhưng chỉ một triết lí Khổng học thôi, chưa đủ. Nó rất thích hợp với một quốc gia cần thoát khỏi cảnh hỗn loạn nhu nhược để lập lại trật tự lấy lại sức mạnh, nhưng đối với một quốc gia cần cải tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế thì triết lí đó là một trở ngại”.

Chúng ta đã biết rằng cụ Nguyễn Hiến Lê mua bộ Lịch sử văn minh của Will Durant vào khoảng 1969, và khoảng bốn năm sau cụ viết bộ Trang tử - Nam Hoa kinh, nhưng trong bộ này tôi không thấy cụ dẫn lời nào của Will Durant; hơn nữa, cụ Nguyễn Hiến Lê lại không có chút nghi ngờ nào giống như Will Durant rằng thuyết luân hồi trong các kinh Veda của Ấn Độ đã ảnh hưởng đến học thuyết của Trang tử, nên cụ bảo: “Trang tử không phải là nhà khoa học, mà thời ông sống, đạo Phật chưa truyền qua Trung Hoa, ông không biết các luật khoa học, và luân hồi, nhưng ông đã cảm thấy một cách sâu sắc luật biến hoá trong vũ trụ. Ông nghĩ rằng chúng ta chết rồi có thể biến thành bất kì một vật nào khác như đổi căn nhà (VI.6) mà vật cũng vậy, cũng có thể biến thành người, và dù biến thành gì thì vật và ta rốt cuộc cũng trở về Đạo, “qui căn”, hợp nhất với Đạo. Đó là một tư tưởng đặc sắc của ông, làm căn cho thuyết không phân biệt ta và vật, trọng thiên tính và sự tự do của vạn vật”.

Trong cuốn Sử Trung Quốc, chúng ta thấy cụ Nguyễn Hiến Lê trích dẫn rất nhiều từ bộ Lịch sử văn minh, đặc biệt là từ cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, và có lẽ do chịu ảnh của Will Durant, trong cuốn đó, cụ trình bày khá chi tiết nền văn minh Trung Hoa. Cụ bảo: “Tôi cho lịch sử Trung Hoa là lịch sử của một nền văn minh vô cùng độc đặc, tuy ra đời sau vài nền văn minh khác: Ai Cập, Lưỡng Hà... nhưng tồn tại lâu nhất”.

°

Trong các đoạn trích dẫn mà cụ Nguyễn Hiến Lê không tìm được nguyên tác, cụ phải dịch từ bản tiếng Pháp – như trên tôi đã nói – có khá nhiều bài thơ; và trong những bài này tôi tìm được nguyên tác vài bài (trong chú thích tôi đã chép nguyên văn và tạm dịch), số còn lại bạn Vvn tìm được hai bài: Bão vũTân An lại. Hai bài đó tôi chép vào Phụ lục. Ngoài ra, vì thấy bản in của nhà Văn Hoá Thông tin có khá nhiều chỗ sai sót, nên bạn Tuanz đã dùng cuốn Lịch sử Văn minh Trung Quốc của Trung Tâm Thông Tin - Đại học Sư phạm - 1990[2] để sửa các chỗ sai sót đó và sửa luôn những lỗi do tôi gõ sai, đồng thời góp ý để tôi chỉnh lại một vài chú thích. Xin chân thành cảm ơn bạn Vvn, bạn Tuanz, và xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

   

 

 

Tháng 8 năm 2010

http://vnthuquan.net/user/thanhvan/couverture/trungquoc1.jpg

Bản đồ Trung Hoa đời Thanh

 

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Giữa những năm 30 của thế kỉ này, khi các đế quốc châu Âu, châu Mĩ, đang đà cường thịnh, khi bản đồ Á Phi còn tô một màu thuộc địa xám xịt, thì Will Durant cho ra bộ LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI với phần MỞ ĐẦU là lịch sử văn minh các nước phương Đông: Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản…

Hôm nay, ta nghe đâu đó có lời dự báo rằng cán cân kinh tế của các thập kỉ sau sẽ nghiêng về châu Á. Nhưng 55 năm trước, W. Durant đã viết “Tương lai ở phía Thái Bình Dương và chúng ta phải hướng cặp mắt và trí óc về phía đó”. Nhà sử học, nhà bác học Mĩ gốc Pháp này đã cùng vợ bỏ ra gần ba chục năm để nghiên cứu các dân tộc châu Á và phương Đông và đã viết về các quốc gia này với thái độ công bằng, trân trọng. Từ khi sách ra đời đã mấy thập kỉ, nhưng công trình nghiên cứu này ở ta vẫn chưa phổ biến nhiều; trong lúc đó hãy còn một số giờ dạy và một số tài liệu khác vẫn xem nền văn hóa châu Âu mở đầu với Hi-LA là tột đỉnh, là khởi nguyên của mọi nền văn hóa. Quan niệm này đã bị W. Durant phê phán ngay tại nơi nó được phát sinh, là giới sử gia phương Tây.

Trong phần văn minh phương Đông, W. Durant viết khá kĩ về Ấn Độ và Trung Hoa. Hai quốc gia này là nơi phát sinh hai nền văn minh lớn có tác dụng và ảnh hưởng đến hai phía của lục địa châu Á trong đó có Việt Nam.

Sự phát triển của Ấn Độ và Trung Hoa trong thập kỉ này, tuy mỗi nước có một đặc điểm riêng, nhưng luôn luôn tập trung sự chú ý của cả loài người, đặc biệt của vùng Đông Nam Á, do sự chuyển mình vươn lên với cả quá trình sôi động và phức tạp của nó. Những con rồng nhỏ chung quanh đang trên đà phát triển, con rồng lớn đang đứng trước sự thách thức lớn lao. Thử đi ngược lại những thời kì lịch sử trước đây của Trung Hoa, Ấn Độ để làm cơ sở, tìm hiểu xu hướng phát triển hiện nay của hai nước láng giềng Việt Nam. Đó là mục đích của chúng tôi khi xuất bản tập LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG QUỐC trong bộ sách của W. Durant.

Với các giai đoạn lịch sử xa xưa, có điều kiện thử thách, tham bác được nhiều tài liệu, tác giả đã trình bày một cách uyên bác, dẫn chứng các tài liệu phong phú, phân tích tình thế. Với văn hóa và con người Trung Hoa, kể cả người lao động, nghèo khổ, ít học… tác giả đã dành những lời khen ngợi, những cảm tình đặc biệt. Và, ngược lại, tác giả cũng đã phê phán thẳng thắn những tệ nạn của xã hội phong kiến, độc tài…

Tuy nhiên, với thời cận đại, có thể vì chưa đủ tư liệu, thời gian chưa nhiều, tác giả đôi khi ngộ nhận khi phân tích, đánh giá một số sự kiện, nhân vật lịch sử như những phong trào nổi dậy của nông dân, kể cả Thái Bình Thiên Quốc và Nghĩa Hoà Đoàn, về việc làm của những nhà truyền giáo, về vai trò của nhà cách mạng dân chủ ưu tú Tôn Trung Sơn, hay quan hệ giữa chính phủ Quảng Châu với chính quyền Xô Viết…

Nhân đây chúng tôi chân thành cảm ơn gia đình học giả quá cố NGUYỄN HIẾN LÊ cho phép chúng tôi sử dụng bản dịch này.

NXB Văn Hoá Thông Tin

 

 

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ WIIL DURANT VÀ BỘ LỊCH SỬ VĂN MINH [3]

Trong giới biên khảo, sử gia giữ một địa vị đặc biệt, vì sức làm việc phi thường của họ. Họ kiên nhẫn, cặm cụi hơn hết thảy các nhà khác, hi sinh suốt đời cho văn hoá không màng danh vọng, lợi lộc, bỏ ra từ ba đến năm chục năm để lập nên sự nghiệp. Họ đọc sách nhiều, du lịch nhiều, suy tư nhiều, và nếu họ có ít thành kiến, thì tác phẩm của họ càng lâu đời càng có giá trị, hiện nay ở phương Tây, loại sách về sử được phổ biến rất rộng, có cái cơ muốn lấn át tiểu thuyết.

Chỉ trừ Ấn Độ, dân tộc lớn nào cũng có một số sử gia lớn. Trung Hoa có hai sử gia họ Tư Mã: Tư Mã Thiên (145-?...trước công nguyên) với bộ Sử kí bất hủ gồm 526.500 chữ, chép từ đời Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế, và Tư Mã Quang (1019-1086) đời Tống với bộ Tư Trị Thông Giám, chép từ đời Chiến Quốc tới hết đời Ngũ Đại (gồm 1362 năm), ngày nào cũng viết hàng chục trang giấy, tới khi hoàn thành sau hai mươi lăm năm làm việc thì những tài liệu chép tay chứa đầy hai căn phòng.

Ả Rập có Abd-er-Rahman Ibn Khaldoun (thế kỉ XIV)[4] trong năm chục năm vừa làm quan vừa viết bộ Thế giới sử mà Toynbee khen là “tác phẩm lớn nhất trong loại đó ở bất kỳ thời đại nào, trong bất kỳ xứ nào”.

Pháp có Augustin Thierry (1795-1856) nghiên cứu sử 40 năm, tới loà mắt mà vẫn tiếp tục làm việc, không viết được thì đọc cho người khác chép. Đồng thời với ông có Michelet bỏ ra ba mươi năm soạn bộ Sử Pháp gồm 28 cuốn.

Anh có Gibbon (1737-1794) bỏ ra 17 năm soạn bộ sử danh tiếng Thời suy sụp của đế quốc La Mã. Đức có Spengler (1880-1936) tác giả của bộ Thời tàn của phương Tây. Ở nước ta chưa có sử gia nào so sánh với những nhà đó được, nhưng Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú vẫn còn đáng làm gương cho chúng ta và nếu được sanh ra ở một nước như Trung Hoa chẳng hạn thì sự nghiệp hai vị đó chưa chắc đã kém ai.

Hiện nay hai sử gia nổi danh nhất thế giới là Toynbee (1889…)[5] với bộ A Study of History (Khảo luận về Sử) và Will Durant với bộ The Story of Civillisation (Lịch sử Văn minh). Toynbee là một sử triết gia, có phần sâu sắc hơn Durant, Durant cổ điển hơn, nhằm mục đích phổ biến hơn, như H.G. Wells, tác giả bộ Lịch sử Thế giới, nhưng công trình của ông lớn lao hơn của Wells nhiều, và mặc dầu tính cách khác nhau, đáng được đặt ngang hàng với công trình của Toynbee.

°

° °

William James Durant (thường gọi là Will Durant) sanh năm 1885[6] (hơn Toynbee 4 tuổi) ở North Adams, tiểu bang Massachusettes, trong một gia đình gốc Pháp – Gia Nã Đại, đậu cử nhân triết ở trường Saint Peter, làm phóng viên cho tờ New York Evening Journal, rồi tuân theo lời cha mẹ vô Chủng viện Seton Hall học thêm bốn năm nữa, nhưng tự xét không hợp với với nghề mục sự, ông thôi học, ra làm hiệu trưởng trường Labor Temple School ở New York, tại đó ông dạy triết và sử trong mươi ba năm cho những người lớn có nghề nghiệp muốn trau giồi thêm kiến thức. Hạng học viên đó chỉ chịu ngồi nghe nếu bài giảng hấp dẫn, ông phải soạn bài thật kĩ, bỏ những chi tiết rườm, nhấn mạnh vào những điểm chính, tổng hợp lại cho họ nắm được đại cương, nhờ vậy ông luyện được một lối trình bày sáng sủa, giản dị.

Đồng thời, ông học thêm về sinh lí và triết học ở Đại học Columbia, đậu Tiến sĩ Triết năm 1917, rồi dạy Triết cũng ở Đại học đó một năm.

Bài soạn của ông rất được hoan nghênh; ông gom lại một số, in thành cuốn The Story of Philosophy (Lịch sử Triết học) bán rất chạy, chỉ trong ba năm, nội các nước nói tiếng Anh đã tiêu thụ được hai triệu cuốn, rồi sau được dịch ra tiếng Pháp, Ý, Đức, Nhật, Trung Hoa, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Đan Mạch, Do Thái… Ở nước ta, nghe nói có người cũng đương dịch[7]. Thấy thành công, ông quyết tâm chuyên sống bằng cây viết.

Từ năm 1915, sau khi đọc cuốn Introduction to the History of Civilisation mà sử gia Anh Buckle viết chưa xong thì chết, ông đã có hoài bảo tiếp tục công việc đó, nên vừa soạn luận án tiến sĩ ở Đại học Columbia vừa kiếm tài liệu cho bộ Lịch sử Văn minh của ông.

Mười bốn năn sau, năm 1929, ông và bà (nhũ danh là Ariel, một cựu học sinh của ông) mới đem hết tâm trí ra thực hiện hoài bảo chung.

Mục đích của ông bà là tìm hiểu xem tài năng và sức lao động của con người đã giúp cho văn hoá của nhân loại được những gì, óc phát minh nảy nở và tiến bộ ra sao, đạt được những kết quả nào trong mọi khu vực: chính trị, kinh tế, tôn giáo, luân lí, văn học, khoa học, triết học, nghệ thuật; tóm lại vạch rõ những bước tiến của văn minh nhân loại.

Ông cho rằng từ trước các sử gia phương Tây rất ít chú trọng đến văn minh phương Đông, đó là một khuyết điểm lớn:

“Chúng ta sẽ ngạc nhiên nếu được biết tất cả các món nợ tinh thần của chúng ta đối với Ai Cập và phương Đông; nợ về các phát minh hữu ích cũng như về tổ chức chính trị, kinh tế, về khoa học, văn chương, triết học, tôn giáo. Hiện nay châu Á tràn trề một sinh lực mới, càng ngày càng mau đuổi kịp châu Âu và chúng ta có thể đoán trước rằng vấn đề quan trọng của thế kỷ XX sẽ là sự xung đột giữa Đông và Tây; vậy thì viết sử mà hẹp hòi, theo truyền thống cũ, bắt đầu bằng sử Hy Lạp, chỉ chép vài hàng về sử châu Á (…) thì là thiển cận, thiếu hiểu biết, hậu quả có thể tai hại. Tương lai ở phía Thái Bình Dương và chúng ta phải hướng cặp mắt và trí óc về phía đó”.

Lời đó viết năm 1935 trong khi Đức, Ý đương cường thịnh, Anh chưa suy, mà Ấn Độ và Trung Hoa còn là thuộc địa hoặc bán thuộc địa của Âu, quả thật là một nhận định sáng suốt, đáng coi là một lời tiên tri.

Vì có chủ trương đó, ông mấy lần du lịch khắp thế giới (năm 1927 du lịch châu Âu, năm 1930 đi vòng quanh thế giới để tìm hiểu Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản; năm 1932 lại du lịch Nhật Bản, Mãn Châu, Tây Bá Lợi Á, Nga và Ba Lan; năm 1948 du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, Ba Tư, Ai Cập, ấy là chưa kể nhiều cuộc du lịch khác ở Ý, Pháp, Y Pha Nho…), bỏ ra tám năm nghiên cứu về phương Đông và mở đầu bộ sử bằng lịch sử phương Đông.

Bố cục tác phẩm như sau:

1. Di sản phương Đông: văn minh Ai Cập và Cận Đông (tức Tây Á) cho tới khi Đại đế Alexandre của Hi Lạp mất; sử Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản cho tới đầu thế chiến vừa rồi.

2. Di sản cổ điển của phương Tây: văn minh Hi Lạp, La Mã và miền Cận Đông dưới thời đô hộ của Hi lạp và La Mã.

3. Di sản thời Trung cổ: châu Âu theo Kitô giáo và châu Âu thời Trung cổ, văn minh Byzane, văn minh Ả Rập và Do Thái ở châu Á, châu Phi và Y Pha Nho, thời Phục hưng Ý.

4. Di sản của châu Âu: sử văn minh các quốc gia châu Âu từ thời Cải cách tới thời Cách mạng Pháp.

5. Di sản của châu Âu hiện đại: các phát minh khoa học, chính trị, triết lí, luân lí, văn học, nghệ thuật từ Napoléon tới ngày nay.

Nhưng ông bà chỉ thực hiện được bốn phần trên, và ngừng lại ở ngày 14-7-1789, ngày 8.000 dân Paris kéo nhau lại phá ngục Bastille.

Ông bà biết rằng ngừng lại ở lúc nhân loại bắt đầu vào một giai đoạn có rất nhiều biến cố lớn lao về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, khoa học, triết học, văn học… là điều vô lí; nhưng ông bà nhớ rằng mình đã quá già rồi (ông đã 80 tuổi), nên xin nhường công việc viết tiếp cho lớp người trẻ hơn, mà chỉ soạn thêm một cuốn khoảng 200 trang để thay phần kết, gom những nhận xét cùng suy tư của ông bà về lịch sử văn minh. Cuốn đó nhan đề là Bài học của lịch sử.

Ông biết rằng công trình phân tích và tổng hợp mấy ngàn năm lịch sử nhân loại đó lớn lao quá, một người làm thì thế nào cũng lầm lẫn nhiều mà sẽ trở thành cái đích cho các nhà chuyên môn trong từng ngành tha hồ chỉ trích. Ông nhớ lời khuyên của Ptahhotep[8] năm ngàn năm trước: “Trong một hội nghị, sẽ có một nhà chuyên môn chỉ trích anh đấy. Có điên thì mới nói lan man về mọi vấn đề”.

Mà thực vậy, có người thấy ông khởi công đã cho ông là điên, ngờ rằng ông làm không xong hoặc chẳng ra cái quái gì cả. Nhưng ông cứ can đảm bước tới, tin chắc rằng phải có một công trình tổng hợp văn minh để nhân loại hiểu sự quí báu của văn minh, nó là di sản của mọi dân tộc chứ chẳng của riêng dân tộc nào. “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi khi đầy máu và xác những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau; mà các sử gia chỉ thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có những người khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ”. Các sử gia khác bi quan vì không nhìn lên bờ; ông sẽ chép công việc của những người xây cất trên bờ. Việc phải làm thì làm, nếu cầu toàn thì không khi nào nên việc và hai ông bà hăng hái làm việc mỗi ngày tới mười bốn giờ.

Nhưng như thế không có nghĩa rằng ông không thận trọng. Trái lại, như trên tôi đã nói, ông di du lịch và nghiên cứu tám năm để tìm hiểu tâm hồn người phương Đông; viết xong về sử phương Đông ông lại nhờ các nhà chuyên về phương Đông coi lại bản thảo, chẳng hạn nhờ ông Ananda, Coomaraswamy ở Viện Mĩ thuật Boston đọc phần về Ấn Độ, nhờ giáo sư H.H. Gowen ở Đại học Washington và ông Upton Close coi lại hai phần về Trung Hoa và Nhật Bản.

Mặc dù vậy, ông vẫn nhận rằng tác phẩm không thể nào hết lỗi mà chỉ một mình ông chịu trách nhiệm. Và trong lời Mở đầu của toàn bộ, ông xin lỗi trước các học giả Do Thái, Ả Rập, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản nếu những điều ông viết về Yahveh, Allah, về triết lí Ấn Độ, Trung Hoa, về văn minh Nhật Bản không làm vừa ý họ vì sơ lược quá.

Vợ con ông phải tiếp tay với ông. Gia đình ông ở Los Angeles, trên một ngọn đồi cao nhìn xuống Hollywood. Hai ông bà, mỗi người có một phòng nghiên cứu riêng và một phòng làm việc chung. Tài liệu nào, ông đọc xong rồi cũng đưa bà đọc, mỗi người cùng ghi chép, suy nghĩ, sau họp nhau để so sánh, bàn bạc rồi mới viết. Cứ theo các bảng Thư mục của ông thì ông bà đã tra cứu khoảng 4000-5000 bộ sách để gom góp tài liệu. Cô con gái, Ethel, giúp ông bà trong việc tìm tài liệu, ghi xuất xứ và đánh máy bản thảo.

Ông vạch trước chương trình cho mấy chục năm, giữ đúng được lời hứa với nhà xuất bản, cứ đúng ngày là giao bản thảo, không hề trễ. Thật đáng phục.

Bản tiếng Anh gồm mười cuốn: cuốn đầu về di sản phương Đông soạn xong năm 1935[9] (mất 6 năm), cuốn thứ hai về Hi Lạp xong năm 1939 (4 năm), từ đó cứ 3 hay 4 năm xong một cuốn đến năm 1965 trọn bộ.

Cuốn đầu ra rồi, không ai còn nghi ngờ khả năng của ông nữa, và khi cuốn cuối in xong, ai cũng phải phục ông: sự nghiệp của ông ngang hàng với sự nghiệp các sử gia danh tiếng của nhân loại; cuốn thứ ba: César và Ki Tô viết rất hay, tổng hợp rất khéo; các cuốn về văn minh phương Tây thời Cận đại, tài liệu rất dồi dào, soạn rất công phu: đời sống, hành vi cùng tư tưởng và sự nghiệp các danh nhân như Léonard de Vinci, Mozart, Voltaire, Rousseau, Goethe được chép lại rất đầy đủ, mỗi nhà từ 30 đến 100 trang.

Tác phẩm được hoan nghênh nhiệt liệt, các trường Đại học ở Mỹ đều khuyên sinh viên đọc để mở mang kiến thức. Nhà Payoy ở Pháp đã nhờ sáu người dịch từ mười lăm năm trước; nhà Rencontre ở Lausanne (Thuỵ Sĩ) cuối năm 1970 mới in xong toàn bộ bản tiếng Pháp gồm 33 cuốn[10], như vậy mỗi cuốn bản tiếng Anh gồm ba hoặc bốn cuốn bản tiếng Pháp.

Trước sau ông bà đã bỏ ra 39 năm (1929-1967) để thực hiện công trình, không kể những năm ông kiếm tài liệu khi còn học ở Đại học Columbia.

Trong non bốn chục năm đó, ông bà chỉ mong đến ngày viết xong được hàng cuối cùng để được nghỉ ngơi. Nhưng khi ngày đó tới thì ông bà lại thấy đời như trống rỗng: thiếu một mục đích là đời mất một hướng đi, một ý nghĩa. Ai đã cầm bút viết luôn mấy chục năm đều có tâm trạng đó: bỏ cây bút xuống là thấy buồn. Ta thấy nỗi buồn đó của ông bà trong lời chào chúng ta:

“Chúng tôi xin cảm ơn các vị đã theo dõi chúng tôi trong bao nhiêu năm nay, cùng đi một khúc đường hoặc trọn khúc đường với chúng tôi. Suốt thời gian đó, không lúc nào chúng tôi quên các vị đó cả. Bây giờ thì chúng tôi xin vĩnh biệt”.

NGUYỄN HIẾN LÊ

Chú thích:

[1] Các bạn có thể xem trực tuyến hoặc tải về tại http://www.scribd.com/doc/20351263/The-Story-of-Civilization-01-Our-Oriental-Heritage

[2] Cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa - trong Hồi kíĐời viết văn của tôi, cụ Nguyễn Hiến Lê gọi tắt là Văn minh Trung Hoa – có lẽ dịch trong năm 1974, nhưng “chưa kịp in thì thay đổi chế độ”, như lời cụ bảo. Không hiểu tại sao bản in của nhà Đại học Sư phạm lại là Lịch sử Văn minh Trung Quốc, và trong ngay trong cuốn Lịch sử Văn minh Trung Hoa của nhà Văn hoá Thông tin mà chúng ta ta đang đọc đây, trong “Lời nhà xuất bản” chúng ta cũng thấy gọi là Lịch sử văn minh Trung Quốc?

[3] Bài giới thiệu này NXB trích trong bài Tựa cuốn Lịch sử Văn minh Ấn Độ, cụ Nguyễn Hiến Lê viết tại Sài Gòn ngày 1.1.1971. .

[4] Sinh năm 1332, mất năm 1406. .

[5] Theo Wikipedia thì Toynbee sinh ngày 14-4-1889 và mất ngày 22-10-1975. .

[6] Theo Wikipedia thì Will Durant sinh ngày 5-11-1885 và mất ngày 7-11-1981. Sau khi ông mất, hai cuốn sách nữa của Durant được xuất bản trong những năm gần đây là Những bộ óc và ý tưởng vĩ đại nhất mọi thời đại (2002) và Những anh hùng của lịch sử: Lịch sử tóm tắt văn minh từ thời cổ đại đến cận hiện đại (2001). .

[7] Có lẽ cụ Nguyễn Hiến Lê muốn nói đến cuốn Câu chuyện Triết học, Trí Hải và Bủu Đích dịch, Nha Tu thư và Sưu Khảo Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, in lần thứ nhất năm 1971. .

[8] Một tể tướng Ai Cập ở thế kỷ 29 trước công nguyên, tác giả một cuốn về phép trị dân và cách xử thế.

[9] In trong thế chiến thứ nhất và trong khi in chắc ông có thêm ít tài liệu mới nhất.

[10] …Khổ 12x18 phân, mỗi cuốn trên dưới 450 trang (trừ cuốn Bài học của lịch sử), bìa dày, có 32 tấm hình, giá 19 quan Pháp. Từ cuốn XX, ông bà kí tên chung: Will và Ariel Durant.

Khi nhà vua biết trị nước thì thi sĩ tự do

 làm thơ, kép hát tự do đóng trò, các viên Thái

 sử chép đúng sự thực, các đại thần biết can

 gián, người nghèo không giấu nỗi bất bình

 về thuế má quá cao, thư sinh học bài lớn

 tiếng, người làm thợ thích và tìm kiếm công

 việc, dân bày tỏ ý kiến về mọi việc và ông

 già, bà cả phàn nàn đủ thứ.

 

(Lời Thiệu Công tâu với vua Lệ Vương

vào khoảng năm 845 trước Tây lịch)[1]

 


[1] Will Durant bảo đã trích trong cuốn Outline History of China của Gowen and Hall. Chúng tôi không kiếm được nguyên văn chữ Hán. Lệ Vương là một ông vua đời Chu (878-842), bị dân nổi loạn truất ngôi. (ND).

NIÊN BIỂU LỊCH SỬ TRUNG QUỐC

Trước Tây lịch

2852-2205......Các triều đại hoang đường

2852-2737......Phục Hi

2737-2697......Thần Nông

2697-2597…..Hoàng Đế

2356-2255......Nghiêu

2255-2205......Thuấn

2205-1766......Đời Hạ

2205-2197......Vũ

1818-1766......Kiệt

1766-1123......Đời Thương (và Ân)

1766-1753......Thành Thang

1198-1194......Vũ Ất, vô đạo không tin trời [giương cung bắn trời][1]

1154-1123......Trụ, tàn bạo bậc nhất

1122-225…....Đời Chu

1122-1115......Vũ Vương

1223...............Văn Vương, tác giả (?) Kinh Dịch

1115-1078......Thành Vương

770-225..........Thời Xuân Thu

683-640..........Quản Trọng, tướng quốc nước Tề

604-517..........Lão tử (?)[2]

551-478..........Khổng tử

501.................Khổng tử làm Trung Đô Tể

498.................Khổng tử làm Tư Không [như Công bộ Thượng thư] ở Lỗ

497.................Khổng tử làm Đại Tư Khấu [như Thượng thư bộ Hình]

496.................Khổng tử từ chức

496-483.........Khổng tử bôn ba các nước

Khoảng 450...Mặc tử sanh (?)

403-221.........Thời Chiến quốc[3]

Khoảng 390...Dương Chu

372-289..........Mạnh tử

370.................Trang tử sanh

350.................Khuất Nguyên chết

305.................Tuân tử sanh

233.................Hàn Phi chết

230-222..........Tần Thuỷ Hoàng dẹp lục quốc và thống nhất Trung Quốc.

255-206..........Đời Tần

221-211..........Tần Thuỷ Hoàng đế

206 tr.T.L-221 sau T.L Đời Hán

179-157..........Văn Đế

145.................Tư Mã Thiên (sử gia) sanh

140-87............Vũ Đế, nhà vua có tinh thần cải cách

Sau Tây lịch

5-25................Vương Mãng, nhà vua có tinh thần xã hội

67...................Đạo Phật vô Trung Quốc

Khoảng 100...Lần đầu tiên chế tạo ra được giấy

200-400..........Hung Nô xâm lăng

211-264..........Thời Tam Quốc

365-427..........Đào Tiềm, thi sĩ

Khoảng 364....Cố Khải Chi, hoạ sĩ

490-640..........Tạc tượng Phật

618-905..........Đời Đường

618-627..........Cao Tổ

627-650..........Thái Tôn

615-716...../....Lý Tư Huấn, hoạ sĩ

699-759..........Vương Duy, hoạ sĩ

Khoảng 700....Ngô Đạo tủ, hoạ sĩ, sanh

705-762..........Lý Bạch

712-770..........Đỗ Phủ

713-736..........Huyền Tôn (Đường Minh Hoàng)

755.................An Lộc Sơn nổi loạn

768-824..........Hàn Dũ

770.................Dụng cụ in đầu tiên được biết

722-846..........Bạch Cư Dị

868.................Cuốn sách in đầu tiên được biết

907-960..........Thời Ngũ Đại

932-953..........In các kinh, thư Trung Hoa

950…………..Giấy bạc xuất hiện lần đầu tiên

960-1127……Đời Bắc Tống

960-976……..Thái Tổ

970…………..Có bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên

1069-1076…...Vương An Thạch, tể tướng đầu tiên áp dụng chính sách xã hội

1040-1106…...Lý Long Miên, hoạ sĩ

1041…………Pi Sheng [?][4] chế tạo hoạt tự

1100…………Quách Hi, hoạ sĩ, sanh

1101-1126…...Huy Tôn, ông vua nghệ sĩ

1126…………Rợ Kim tàn phá kinh đô Biện Kinh của Huy Tôn,

………………dời đô xuống Lâm An (Hàng Châu)

1127-1279…...Đời Nam Tống

1130-1200…...Chu Hi, triết gia

1161…………Dùng thuốc súng lần đầu tiên trong một chiết tranh

1162-1227…...Thành Cát Tư Hãn[5] 

1212…………Thành Cát Tư Hãn chiếm Trung Quốc

1260-1368…...Đời Nguyên (Mông Cổ)

1269-1295…...Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt)

1269………….Marco Polo rời Venise để qua Trung Quốc

1295………….Marco Polo trở về Venise

1368-1644……Đời Minh

1368-1399……Thái Tổ

1403-1425……Thành Tổ (niên hiệu Vĩnh Lạc)

1517………….Người Bồ Đào Nha tới Quảng Châu

1571………….Bồ Đào Nha chiếm Phi Luật Tân

1573-1620……Thần Tôn (niên hiệu Vạn Lịch)

1637………….Thương nhân Anh Quốc tới Quảng Châu

1644-1912……Đời Thanh (Mãn Châu)

1622-1722……Khang Hi

1736-1796……Càn Long

1795…….……Lần đầu cấm bán thuốc phiện

1800…….……Lần thứ nhì cấm bán thuốc phiện

1823-1901……Chính trị gia Lý Hồng Chương

1834-1908……Từ Hi Thái Hậu

1839-1842……Chiến tranh nha phiến thứ nhất

1850-1864……Loạn Thái Bình Thiên Quốc

1856-1860……Chiến tranh nha phiến thứ nhì

1858-1860……Nga chiếm đất Trung Hoa ở phía Bắc Hắc Long Giang

1860………….Pháp chiếm Nam Kỳ (Việt Nam)[6]

1866-1925…...Tôn Dật Tiên

1875-1908…...Vua Quang Tự

1894………….Chiến tranh Trung Nhật

1898……….....Đức chiếm Giao Châu (ở Sơn Đông);

…………….…Hoa Kì chiếm Phi Luật Tân

1898……….…Quang Tự biến pháp [Năm này là năm Mậu Tuất]

1900……….…Nghĩa Hoà Đoàn nổi loạn

1905……….…Bỏ chế độ thi cử cũ

1911……….…Cách mạng Tân Hợi

1912……….…(tháng giêng – tháng ba) Tôn Đật Tiên làm Lâm thời

…………….…Thổng thống của nước Trung Hoa Cộng hoà

1912-1916…...Viên Thế Khải làm Tổng thống

1914………….Nhật Bản chiếm Giao Châu

1915………….Nhật đưa ra hai mươi mốt điều bắt Trung Quốc thừa nhận

1920………….Bộ Giáo dục ra thông cáo dùng Bạch thoại

1926………….Tưởng Giới Thạch và Borodine bắc phạt

1927………….Phản ứng chống Cộng

1931………….Nhật chiếm Mãn Châu

1937………….Trung Nhật chiến tranh[7]


[1] Những chữ trong dấu [ ] này là do tôi thêm. (ND).

[2] Ngày nay nhiều học giả Trung Hoa cho rằng Lão tử sinh sau Khổng tử. Trước năm -551 này, các niên đại đều phỏng chừng. Trước năm 1800, các niên đại không chắc chắn. (ND)

[3] Nhiều sử gia chia như sau: Thời Xuân Thu: 772-479; thời Chiến Quốc: 479-221. (ND).

[4] Pi Sheng: Tất Thăng 毕昇 (990-1051).

[5] Chính ra phải đọc là Hàn. (ND).

[6] Pháp đánh Gia Định năm 1859 và 3 tỉnh miền Đông mất năm 1862. (ND).

[Nguyên văn tiếng Anh: France seizes Indo-China. Tạm dịch: Pháp chiếm Đông Dương. .

[7] Bản tiếng Anh không có dòng cuối này.

CHƯƠNG I  THỜI ĐẠI CÁC TRIẾT GIA

I. BUỔI ĐẦU

1. Các lời phê phán về dân tộc Trung Hoa

 

Sự phát kiến ra văn minh Trung Hoa là công của thế kỉ XVIII, “thế kỉ ánh sáng”. Diderot viết về người Trung Hoa như sau: “Mọi người đều công nhận rằng dân tộc ấy văn minh hơn hết thảy các dân tộc khác ở châu Á: lịch sử họ cổ hơn, tinh thần, nghệ thuật tiến bộ hơn, họ minh triết hơn, thích triết lí, chính trị của họ hoàn hảo hơn; và vài tác giả còn bảo rằng về tất cả các phương diện ấy, họ không kém các xứ văn minh nhất châu Âu”[1]. Và Voltaire cũng bảo: “Chúng ta nhận thấy rằng quốc gia ấy tồn tại một cách rực rỡ từ trên bốn ngàn năm rồi mà luật pháp, phong tục, ngôn ngữ, cách ăn mặc vẫn không thay đổi bao nhiêu…[2] Người Trung Hoa hơn hẳn các dân tộc khác trong hoàn vũ”. Khi người ta biết kĩ Trung Hoa hơn thì lòng hâm mộ ấy vẫn không giảm, và một số nhà quan sát hiện đại còn tỏ vẻ cảm phục, tôn kính dân tộc đó nữa. Trong một cuốn vào hạng bổ ích nhất, gợi ý nhất của thời đại chúng ta, Keyserling kết luận rằng:

Chính ở Trung Hoa thời thượng cổ người ta đã tạo ra được cái mẫu mực nhân loại thông thường hoàn toàn nhất… Trung Quốc đã tạo được một nền văn hóa cao nhất từ trước tới nay… Tôi càng ngày càng ngạc nhiên, cảm kích về sự cao quí của Trung Quốc. Những danh nhân xứ đó có kiến thức, giáo dục hơn danh nhân của chúng ta nhiều… Những ông quan đó[3] có tư cách thật cao, khiến chúng ta phải phục… Giới trí thức Trung Hoa thật là cực kì nhã nhặn, lễ độ!... Không còn nghi ngờ gì nữa, họ hơn hết thảy các dân tộc khác về hình thức, lễ nghi… Người Trung Hoa có lẽ là người thâm trầm nhất[4].

Người Trung Hoa không muốn từ chối những lời khen tặng ấy và cho tới đầu thế kỉ hiện tại họ vẫn đồng thanh gọi người Âu Mỹ là dã man, chắc hiện nay một số vẫn còn giữ ý kiến ấy. Tới năm 1860, trong các công văn, người Trung Hoa vẫn còn dùng chữ “di” (mọi rợ) để trỏ ngoại nhân, và các “Tây di” (rợ phương Tây) phải ghi rõ trong các hoà ước kí năm ấy rằng Trung Hoa phải bỏ lối dịch “ngoại nhân” ra “di” đi[5].

Như hầu hết các dân tộc khác, “người Trung Hoa tự cho mình là dân tộc thuần phong mỹ tục nhất, văn minh nhất thế giới”. Có lẽ họ có lý, mặc dầu tính cách lạc hậu của khoa học, cùng các thói tệ trong kĩ nghệ của họ, mặc dầu các thị trấn của họ hôi hám, đồng ruộng đầy rác rưởi, mặc dầu lụt tàn phá đất đai, gây những vụ đói kém, mặc dầu họ tàn ác, thản nhiên tới vô tình, sống cực khổ, tin dị đoan, sanh sản nhiều, nội loạn lắm, đôi khi tàn sát lẫn nhau, mà lại hèn nhát, nhục nhã. Vì người ngoại quốc chỉ thấy bề ngoài đó thôi, biết đâu rằng phía sau là một trong những nền văn minh cổ nhất, phong phú phất mà chúng ta được biết, là những truyền thống thi ca đã có từ 1.700 năm trước T.L., những triết thuyết có tính cách vừa lí tưởng vừa thực tế, thâm thuý mà lại dễ hiểu; là cái tài sản vô song trong nghệ thuật hoạ và đồ gốm; cái ý thức toàn mĩ trong các tiểu nghệ thuật mà chỉ có người Nhật mới sánh được, là một nền luân lí hiệu nghiệm nhất thế giới từ trước tới nay, một tổ chức xã hội bền vững nhất kết hợp được một số dân đông nhất chưa từng thấy trong lịch sử, một chính thể mà các triết gia cho là lí tưởng, cho tới khi bị cách mạng lật đổ; một xã hội đã văn minh rồi khi mà người Hy Lạp còn dã man, xã hội đó đã thấy thời thịnh rồi suy của Babylonie, Assyrie, Ba Tư, Judée, Athène và Rome, Venice và Y Pha Nho, và chưa biết chừng nó sẽ còn tồn tại khi mà cái bán đảo nhỏ mà chúng ta gọi là châu Âu kia trở về trạng thái dã man, ngu độn, tối tăm. Vậy đâu là bí quyết của sự bất biến về chính thể, sự khéo léo về tay chân và sự quân bình, thâm thuý về tâm hồn đó?

2. Trung Hoa

Đất đai – Nòi giống – Thời tiền sử

 

Nếu chúng ta coi Nga là một cường quốc Á châu – cho tới thời Đại đế Pierre [1672-1725], nó như vậy thật, và sau này nó có thể lại thành như vậy – nếu bỏ Nga ra thì châu Âu chỉ còn là một hải giác nhô ra của châu Á, là tiền đồn kĩ nghệ của một nội địa trồng trọt mênh mông, là cái vòi của một lục địa khổng lồ. Trung Quốc lớn và đông dân bằng châu Âu, chiếm ưu thế trên lục địa ấy. Suốt một thời gian lớn nhất trong lịch sử của nó, Trung Quốc sống cô lập: một bên là biển cả, một bên là những dãy núi rất cao và một sa mạc vào bực rộng nhất thế giới; nhờ vậy nó được an toàn, ổn định, thành một xứ không có gì thay đổi. Cho nên người Trung Quốc không gọi nước họ là Tần (Chine) mà gọi là “Thiên hạ”, hoặc “Tứ hải” hoặc “Trung Quốc”, nước ở giữa; hoặc “Trung Hoa quốc”, nước tươi tốt, nở hoa[6], và từ hồi cách mạng Tân Hợi, thì gọi là Trung Hoa dân quốc. Hoa thì rất nhiều mà cảnh thì cũng đủ loại: núi non hiểm trở, sông nước mênh mông, ghềnh thác ào ào, ải đạo thăm thẳm, nắng sương hoà hợp với nhau để tô điểm thiên nhiên. Miền Nam phì nhiêu nhờ sông Dương Tử dài năm ngàn cây số; miền Bắc được sông Hoàng Hà bồi đắp bằng phù sa khi chảy qua những khu hoàng thổ, cảnh vật kì dị; dòng sông thường đổi chỗ, xưa đổ ra Hoàng Hải nay đổ ra Bột Hải, và chưa biết chừng rồi đây lại đổ ra Hoàng Hải nữa. Văn minh Trung Hoa đã phát dọc hai con sông đó và vài con sông lớn khác như sông Vị[7] khiến các loài thú dữ và rừng rú phải lùi dần vào trong xa, mà các dân tộc dã man ở chung quanh cũng không dám bén mảng lại gần; người ta đã khai phá các bụi gai, diệt các côn trùng nguy hiểm, rửa phèn trong đất, tháo nước trong đầm, chống lại lụt lội và hạn hán, tìm cách ngăn các dòng sông lớn không cho phá phách, kiên nhẫn và khó nhọc đưa nước vào cả ngàn con kinh nhỏ để tưới ruộng, trong hàng thế kỉ liên tiếp xây cất chòi, nhà cửa, đền đài và trường học, dựng nên làng xóm thị trấn. Người xưa đã tốn biết bao công tạo lập nền văn minh đó để người bây giờ tàn phá không tiếc tay!

Không ai biết dân tộc Trung Hoa từ đâu tới, thuộc giống người nào, đã văn minh từ bao lâu rồi. Bộ xương của “Người Bắc Kinh” khai quật được mấy năm trước đây cho ta đoán rằng loài vượn lớn giống người đã có ở Trung Hoa từ thời thượng cổ xa xăm nhất; mặt khác, công trình khảo cứu của Andrews đã đưa tới kết luận này là 20.000 năm trước T.L., xứ Mông Cổ đã đông dân cư, khí cụ của họ thuộc thời “azilien”, thời trung thạch khí[8] ở châu Âu, rồi khi miền Nam Mông Cổ càng ngày càng khô nóng, thành sa mạc Gobi thì giống người đó tràn sang Tây Bá Lợi Á và Trung Hoa. Những phát kiến của Anderson và vài nhà bác học khác trong tỉnh Hà Nam và ở Nam Mãn Châu cho thấy rằng tại những miền ấy đã có một nền văn minh tân thạch khí một hay hai ngàn năm sau khi nền văn minh này xuất hiện ở Ai Cập và Sumérie. Vài tân thạch khí tìm thấy ở đấy, từ hình thù cho tới cách khoét lỗ giống hệt những con dao bằng sắt hiện nay người Hoa Bắc dùng để cắt cây bo bo, và chỉ nội điều nhỏ nhặt, mới xét có vẻ không quan trọng gì đó, cũng đủ cho ta đoán rằng nền văn minh Trung Hoa đã liên tục phát triển ít nhất là bảy ngàn năm rồi, đáng phục thật!

Tuy nhiên, vì ở xa, chúng ta có cảm tưởng lầm rằng nền văn minh ấy hoặc dân tộc Trung Hoa thuần nhất. Không. Vài yếu tố của nghệ thuật Trung Hoa thời nguyên thuỷ hoặc vài đồ thường dùng cơ hồ như xuất phát ở Mésopotamie và Turkestan chẳng hạn đồ gốm thời tân thạch khí ở Hà Nam gần y hệt đồ gốm thời tân thạch khí ở Suse hoặc ở Anau[9]. Cũng vậy, giống “Mông Cổ” hiện nay đã lai rất nhiều giống người di trú từ các nơi khác lại: Mông Cổ, Nam Nga (người Seythe?) Trung Á, sau mấy trăm cuộc xâm lăng. Trung Hoa cũng như Ấn Độ, phải đem so sánh với cả một lục địa, chẳng hạn châu Âu, chứ không thể đem so sánh với một nước nào đó ở châu Âu; nó không gồm một dân tộc thuần nhất và duy nhất, mà là sự kết hợp của nhiều giống người khác nhau từ nguồn gốc tới ngôn ngữ, nghệ thuật, đặc tính, còn phong tục, luân lí và chế độ chính trị thì ngược hẳn nhau.

3. Những thế kỉ khuyết sử

Thời khai thiên tịch địa theo quan niệm Trung Hoa  – Văn hoá xuất hiện – Rượu và quản bút – Các ông vua thánh đức – Một ông vua không tin thần linh

 

Người ta bảo Trung Hoa là “Thiên đường các các sử gia”. Thực vậy, trong mấy ngàn năm, nó đã có những viên thái sử ghi chép tất cả những gì xảy ra và nhiều điều khác nữa. Chỉ từ năm 776 trước T.L., những lời của họ mới gần đáng tin[10], mặc họ chép kĩ lịch sử của họ từ 3.000 năm trước T.L. và nhiều nhà không do dự gì cả, kể cho ta nghe cả thời khai thiên tịch địa nữa. Họ bảo ông tổ của loài người, Bàn Cổ, sau mười tám ngàn năm gắng sức, đã tạo nên thế giới vào khoảng 2.299.000 năm trước T.L. Bàn Cổ thở thì thành gió, mây; nói thì thành sấm; mạch máu của ông là sông, thịt ông là đất, tóc là cỏ và cây, xương là kim loại, mồ hôi đổ ra thành mưa; sau cùng những con sâu bọ bám vào người ông thành loài người.

Chúng ta không có cách nào chứng minh được rằng vũ trụ luận tài tình đó của họ sai.

Theo truyền thuyết, các ông vua đầu tiên trị vì mỗi ông mười tám ngàn năm. Khó khăn lắm mới biến đổi loài chí rận ở trên mình Bàn Cổ thành con người văn minh. Người ta kể rằng “trước khi có các ông vua ấy, loài người như loài thú, che thân bằng da, ăn thịt sống, biết mẹ mà không biết cha” – Stridberg cho rằng ngay thời hiện đại, ngoài Trung Quốc, cũng còn những dân tộc dã man như vậy.

Sau cùng vua Phục Hi xuất hiện năm 2.852 trước T.L.; ông được một bà vợ tài giỏi, rất có kiến thức giúp sức, dạy cho dân tộc hôn lễ, âm nhạc, chữ viết, cách vẽ, câu bằng lưới, nuôi gia súc, nuôi tằm để lấy kén. Khi chết, ông truyền ngôi cho Thần Nông, ông tổ nghề nông, người sáng chế lưỡi cày bằng gỗ, tổ chức các chợ cho dân buôn bán và tìm ra nhiều thứ cây cho dân trị bệnh. Vậy là truyền thuyết vốn thích nhân vật hơn ý tưởng, đã qui công lao khó nhọc của biết bao thế hệ vào vài nhân vật. Sau vua Thần Nông là Hoàng Đế, một ông vua hiếu chiến, chỉ giữ ngôi một thế kỉ mà đã tặng cho Trung Hoa kim chỉ nam và bánh xe, đặt ra chức thái sử, xây cất những ngôi nhà đầu tiên bằng gạch, dựng một thiên văn đài để quan sát những vì sao, sửa lại lịch, chia lại đất. Rồi tới vua Nghiêu trị dân một trăm năm nữa, rất sáng suốt nhân từ, tới nỗi Khổng Tử, một ngàn tám trăm năm sau – giữa một thời nhiều người cho là thời tà giáo, thích cái mới – phàn nàn rằng Trung Quốc đã suy đồi. Vị hiền triết già ấy có cái thói không ngại làm sai sự thực đi đôi chút để lịch sử có một ý nghĩa luân lí, bảo rằng thời vua Nghiêu, dân chúng chỉ nhìn mặt Ngài mà cũng hoá ra đạo đức hết. Để công việc cải cách được dễ dàng, vua Nghiêu cho treo ở cửa cung điện một cái trống, dân có thỉnh nguyện điều gì thì đánh trống cho triều đình biết, họ còn có thể ghi lên một tấm bảng những lời chỉ trích chính quyền. Kinh Thư chép:

Vua Nghiêu giữ ngôi một trăm năm, thọ một trăm mười sáu tuổi. Ông nhân từ như Thượng Đế, minh triết như các vị thần. Ở xa thấy ông toả hào quang như một đám mây rực rỡ, lại gần thấy ông chói lọi như mặt trời. Ông giàu có mà không phô trương, uy nghi mà không xa hoa. Ông đội một cái mũ vàng, bận một chiếc áo màu sẫm, ngồi một chiếc xe thắng hai con ngựa trắng. Nóc cung điện ông không trang sức, đòn tay không bào nhẵn, đầu cây đà không trạm trổ. Bữa thường là một món canh nấu sao cũng được mà không dùng thức ngon. Ăn trong một cái chén sành bằng một cái muỗng gỗ. Không bao giờ đeo đồ vàng, ngọc, quần áo không thêu thùa, rất giản dị mà không nhiều bộ. Ông không chú ý những cái đặc biệt, những biến cố lạ lùng và không thích những vật quí. Không thích nói đùa, xe không gắn huy hiệu gì cả… Mùa hè ông bận một chiếc áo vải, mùa đông thêm một chiếc áo cầu bằng da hoẵng. Vậy mà ông vẫn là ông vua giàu nhất, sáng suốt nhất, được dân yêu quí nhất ở Trung Quốc, mà triều đại ông cũng là triều đại dài nhất[11].

Ông cuối cùng trong số “Ngũ Đế” là vua Thuấn, một người con chí hiếu, một vị anh hùng kiên nhẫn trị nạn lụt của sông Hoàng Hà, sửa lại lịch, qui định đồ đo lường, được học sinh mọi thời nhớ ông vì ông bắt các nhà giáo dùng thứ roi nhỏ hơn để trừng trị học trò. Theo truyền thuyết thì về già vua Thuấn tin dùng một ông quan tài giỏi nhất, tức ông Vũ, người có công trị thuỷ, đục chín ngọn núi, tạo chín cái hồ để ngăn lụt. Người Trung Hoa bảo: “Không có ông Vũ thì chúng ta đã thành cá hết rồi”. Chính trong triều đại ông Vũ có người chế tạo được rượu nếp, dâng lên ông, ông hất xuống đất bảo: “Một ngày kia sẽ có kẻ vì thứ rượu này mà mất nước”. Ông đày người đó đi xa và cấm dân dùng rượu. Từ đó người Trung Hoa mới uống rượu bồ đào. Bỏ nguyên tắc truyền hiền, vua Vũ đặt ra qui tắc truyền tử, và sáng lập ra nhà Hạ, có lợi cho con cháu ông, từ đó những kẻ ngu xuẩn hoặc tầm thường có thể nối ngôi các vị tài giỏi mà trị dân. Cuối đời Hạ là một ông vua ngông cuồng, tên Kiệt; ông ta một hôm cùng với bà vợ nảy ra ý bắt ba ngàn người dân nhảy xuống một hồ rượu rồi chết trong đó[12].

Chúng ta không có cách nào phê phán các truyện về đời Hạ do những sử gia đầu tiên của Trung Quốc chép lại. Có những nhà thiên văn học cho rằng cổ sử Trung Hoa ghi đúng: năm 2165 trước T.L. có nhật thực thật, nhưng có những nhà phê bình đáng tin đả phá kết luận đó. Các giáp cốt đào được ở Hà Nam có khắc tên những vua mà truyền thuyết là vua đời Thương[13], các nhà khảo cổ học cũng bảo có những cái bình bằng đồng đỏ thuộc về thời thượng cổ ấy. Ngoài những điều đó ra thì toàn là những truyện nên đọc cho vui thôi chứ không đáng tin. Cũng theo truyền thuyết, một ông vua đời Thương tên là Vũ Ất không tin có thần linh, ông ta khiêu khích các vị thần, báng bổ Trời, chơi cờ với Trời, bảo một cận thần đi quân [thay Trời?] và khi thua thì kêu ngạo Trời, ông ta tặng Trời một cái túi bằng da chứa đầy máu rồi giương cung nhắm bắn [bảo là bắn Trời]. Các sử gia bảo rằng sau Vũ Ất bị sét đánh chết.

Trụ, ông vua chế tạo ra quản bút [?][14] mà cũng là ông vua cuối đời Thương (Ân), tàn bạo không thể tưởng tượng được. Một hôm ông bảo: “Ta nghe nói trái tim con người có bảy lỗ, ta muốn mổ trái tim của Tỉ Can [một thiếu sư] xem có đúng vậy không”. Vợ ông ta tên là Đát Kỉ là một con quỉ dâm dục, tàn bạo, bắt vũ nữ múa những điệu tục tĩu ở triều đình, còn trong vườn Thượng uyển thì đàn ông đàn bà lượn qua lượn lại, hoàn toàn khoả thân. Khi nghe dân chúng chê bai, mụ còn trừng trị tàn nhẫn hơn nữa để bịt miệng dân: bắt kẻ nào nổi loạn phải cầm một miếng kim thuộc nung đỏ; hoặc bôi mỡ đầy mình người đó rồi bắt đi trên bờ một cái hố chất đầy than hồng, thấy họ té xuống hố, da thịt cháy xèo xèo, mụ thích lắm.

Dân trong nước nổi loạn, hợp lực với ngoại xâm lăng Tây Chu, lật đổ được vua Trụ. Từ đó bước qua đời Chu, triều đại cầm quyền lâu nhất ở Trung Quốc. Vua Chu thắng rồi, thưởng công những kẻ giúp sức mình, cho họ làm vua các nước chư hầu; do đó có chế độ phong kiến. Chế độ này làm cho chính quyền trung ương [tức ngôi thiên tử của nhà Chu] lâm nguy, nhưng lại có lợi cho sự tiến bộ của văn học và triết học Trung Hoa. Dân tộc xâm lăng kết hôn với các dân tộc bị trị, mà tạo nên nền văn minh đầu tiên có sử ở Đông Á.


[1] Trong bộ Encyclopédie mục viết về Trung Hoa.

[2] Trong cuốn Essai sur les moeures (Khảo luận về phong tục), chương I [Diderot và Voltaire là hai triết gia Pháp ở thế kỉ XVIII)].

[3] Những ông quan ở Thanh Đảo bị giải nhiệm [không rõ năm nào, vì lẽ gì].

[4] Những trích dẫn không đặt trong dấu ngoặc kép như thế này, thường thì trong sách cho in thụt vào (đôi khi lại không); tôi cũng cho thụt vào và dùng chữ nghiêng (vì dễ thể hiện chữ nghiêng trên TVE hơn). . 

[5] Một học giả Trung Hoa đã giúp Tiến sĩ Giles dịch vài bản trong bTrích dịch văn học Trung Hoa. Khi từ biệt, Giles tăng ông ta một bài thơ trong đó có hai câu dễ thương này: Từ hồi nào tới giờ, văn chương vẫn làm rực rỡ dân tộc minh triết nhất thế giới. Và bây giờ nhờ ảnh hưởng của nó mà một công chức di dịch đã được tái sinh).

[Trong câu thơ sau, sách in “công chức đi dịch” tôi tạm sửa lại thành “công chức di dịch”, nhưng không chắc là đúng; và tôi cũng không hiểu tại sao Will Durant lại bảo hai câu thơ đó “dễ thương”? Phải chăng Giles nói đùa rằng mình là “di” (mọi rợ) vì “ngoại nhân” được người Trung Hoa “dịch là di”? Hay Giles tự dịch vui rằng, ông, một “ngoại nhân dịch” thơ Trung Hoa là “di dịch”? Nguyên văn tiếng Anh của câu sau là: And now its influence has gone forth to regenerate a barbarian official (tạm dịch: Và giờ đây, nhờ ảnh hưởng của nó mà tái sinh một quan chức mọi rợ). ].

[6] Về danh từ Trung Hoa, còn một thuyết nữa. Từ trước đời Chu, Trung Hoa đã có tên là Hoa Hạ vì Hán tộc (dân tộc Trung Hoa) mới đầu tụ họp ở bờ sông Hạ Thuỷ (sông này bắt nguồn ở Hồ Bắc, đổ vào Trường Giang) mà khu vực trung tâm của họ ở chân núi Hoa Sơn (tại Thiểm Tây). (ND).

[7] Ngang Thượng Hải, sông Dương Tử rộng 5 cây số.

[8] Thời azilien: tức thời chuyển tiếp giữa thời kì đồ đá cũ và thời kì đồ đá mới. - Trung thạch khí: sách in sai thành tân thạch khí; nguyên văn tiếng Anh là mesolithic.Thời kì tân thạch khí: nguyên văn tiếng Anh là neolithic, ngày nay nhiều người dịch là thời kì đồ đá mới. .

[9] Suse: một thị trấn thời thượng cổ ở Mésopotamie – Anau ở Suse.

[10] Có lẽ tác giả cho lời các sử gia viết về thời Xuân Thu trở về sau “mới gần đáng tin”? Thời Xuân Thu từ 770 đến 225 trước T.L. .

[11] Will Durant bảo trích đoạn ấy trong cuốn Book of History (Thư Kinh), nhà xuất bản W.G. (?), nhưng chúng tôi tra Thư Kinh không thấy. (ND).

[12] Không rõ tác giả rút tài liệu ở đâu. (ND).

[13] Vua Thành Thang diệt vua Kiệt và lập nên nhà Thương. .

[14] Bản tiếng Pháp: “Inventeur desbatonnetes” (người chế tạo ra những gậy nhỏ). Tôi đoán là quản bút. Mới đầu người Trung Hoa dùng dao khắc chữ lên thẻ tre; tới đời Thương dùng những cái que có đầu nhọn chấm vào một thứ sơn viết lên thẻ tre – tức như quản bút – sau tới đời Tần mới dùng những cành trúc đầu cắm lông để nhúng vào sơn viết lên lụa. (ND).

[Cũng có thể là đôi đũa. Bản tiếng Anh: “inventor of chopsticks” (người phát minh ra những chiếc đũa). Theo bài Chinese Chopsticks đăng trên trang http://chineseculture.about.com/library/weekly/aa_chopsticks02a.htm thì: “Nó (tức đôi đũa) được ghi trong Kinh Lễ rằng đũa đã được sử dụng trong đời nhà Thương (1600-1100 tr.T.L)”. (It was recorded in Liji (The Book of Rites) that chopsticks were used in the Shang Dynasty (1600 BC - 1100 BC).

CHƯƠNG I (2)

4. Buổi đầu văn minh Trung Hoa

Thời phong kiến  – Một vị sư biểu  – Tục lệ và pháp luật chống đối nhau  – Văn hoá và sự hỗn loạn  – Các bài thơ tình trong Kinh Thi

 

Các tiểu quốc thời phong kiến ấy trong gần một ngàn năm tạo cho Trung Hoa được một tổ chức chính trị đặc biệt. Chúng không phải do nhà Chu nhất đán thành lập nên, mà lần lần thành hình từ lâu đời. Mới đầu trong những cộng đồng canh tác thời sơ khai, có kẻ yếu người mạnh, một mặt kẻ mạnh muốn nuốt lần kẻ yếu, mặt khác các bộ lạc phải họp nhau lại dưới sự chỉ huy của một thủ lãnh, để bảo vệ đồng ruộng, khỏi bị các rợ xung quanh xâm chiếm. Có thời người ta đếm được một ngàn bảy trăm “nước nhỏ” như vậy, mỗi nước gồm một vòng thành chung quanh có đất trồng trọt, phía ngoài là một vòng làng xóm có hào luỹ. Lần lần những nước nhỏ gom lại, còn năm mươi lăm nước chư hầu chiếm khu vực mà ngày nay là tỉnh Hà Nam và các miền lân cận thuộc các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông. Hai nước chư hầu mạnh nhất là Tề tạo được một chính thể đặc biệt cho Trung Hoa – và Tần sau này chiếm tất cả các nước chư hầu khác, thống nhất Trung Hoa, do đó mà Trung Hoa được phương Tây biết và gọi là nước Tần (Chine, China)[1].

Nhà tổ chức đại tài của Tề là Quản Trọng, tướng quốc của Tề Hoàn Công. Mới đầu ông theo công tử Củ, anh hay em của Hoàn Công. Hai anh em tranh ngôi nhau, trong một trận đánh, Quản Trọng suýt giết chết Hoàn Công. Nhưng sau Hoàn Công thắng, bắt được Quản Trọng [tha tội cho], và phong làm Tướng quốc. Quản Trọng thay đổi cách chế tạo khí giới và dụng cụ, không dùng đồng đỏ mà dùng sắt[2] rồi ban lệnh chỉ quốc gia mới được khai thác các mỏ sắt và làm muối [Tề ở giáp biển, nên có muối], nhờ vậy mà nước Tề mạnh lên. Ông ta lại đánh thuế cá, muối, tiền bạc, “để có tiền giúp người nghèo và thưởng những người có tài, có công”. Trong thời gian cầm quyền khá dài của ông, Tề thành một nước thịnh trị, tiền tệ vững vàng, văn hóa phát triển. Khổng tử ít khi khen các chính trị gia[3], mà phải khen Quản Trọng: “Cho đến nay dân chúng còn được hưởng ân đức của ông ấy. Không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và cài áo bên tả [như người mọi rợ rồi][4].

Chính triều đình các nước đó đặt ra những thói lễ độ phong nhã đặc biệt của hạng trí thức Trung Hoa, lần lần thành một thứ điển chương, về tục lệ, lễ nghi, danh dự rất nghiêm nhặt có thể thay thế được tôn giáo trong giới thượng lưu. Đồng thời họ lại lập cơ sở cho luật pháp và từ đó tục lệ trong dân chúng và luật lệ của triều đình bắt đầu xung đột nhau.

Nước Trịnh và nước Tần (535 và 512 tr. T.L) ban bố những bộ luật [thời đó gọi là hình thư] làm cho dân chúng bất bình, trù rằng quỉ thần sẽ trừng trị chính sách tàn bạo đó; và sự thực kinh đô nước Trịnh bị một hoả hoạn thiêu huỷ gần hết. Những bộ luật ấy có lợi cho bọn quí tộc, không bắt họ phải chịu hình phạt, nếu họ biết tự xử lấy; chẳng hạn nếu họ giết người thì họ có quyền được tự sát[5], đại khái cũng như hạng Samourai (quí phái) của Nhật Bản sau này. Nhưng dân chúng bảo mình cũng có thể tự xử được, và ước ao được một vị bênh vực cho họ, để họ khỏi chịu sự bất công ấy. Sau cùng người ta tìm ra giải pháp dung hoà, chỉ áp dụng luật pháp trong những việc quan trọng, liên quan tới quốc gia, còn trong những việc nhỏ giữa cá nhân với nhau thì cứ theo tục lệ.

Quốc gia được tổ chức lần lần và người ta cũng lần lần tìm ra được những thể thức cho nó mà ghi lại trong bộ Chu Lễ, tương truyền là của Chu Công, chú và phụ chính của Thành Vương, ông vua thứ nhì đời Chu. Bộ ấy thấm nhuần tư tưởng Khổng tử, và Mạnh tử cho nên có lẽ được soạn vào cuối chứ không phải đầu đời Chu, nó chi phối chính thể của Trung Hoa suốt hai ngàn năm. Chính thể này gồm một vị “Thiên tử” thay Trời trị dân, uy quyền đối với dân do lòng đạo đức và lòng kính Trời mà có; một giới quí tộc giữ những chức vụ quan trọng trong nước, mà chỉ có một là thế tập, dưới nữa là dân chúng chỉ lo cày ruộng chia thành nhiều gia đình phụ quyền, có quyền công dân nhưng không được dự vào việc nước; sau cùng một nội các gồm sáu bộ[6] trông nom về: lo cho trai gái sớm có vợ chồng, về lễ, về chiến tranh, về tư pháp, về các công tác [tức bộ công chính ngày nay]. Thật là một bộ luật gần như lí tưởng, chắc chắn do một triết gia vô danh, không có một quyền hành nào đó tạo nên, chứ không do những suy tư của hạng người cầm quyền.

Nhưng hiến pháp hoàn toàn tới mấy cũng không bao giờ diệt được hết cái xấu, cái ác được, nên đọc lịch sử thời phong kiến Trung Hoa chúng ta thấy nhiều ác tập lộng quyền và cứ lâu lâu lại phải cải cách. Bọn quí tộc càng giàu có thì càng hoá ra truỵ lạc, xa xỉ, cuồng bạo; mới đầu là triều đình các vua chư hầu rồi sau tới cả kinh độ Lạc Dương của thiên tử nữa, đầy bọn nhạc sĩ, thích khách, kĩ nữ và triết gia. Không bao giờ dân chúng yên ổn liên tiếp được mười năm mà không bị các rợ xâm chiếm, đánh phá biên giới. Thế là phải chiến đấu để tự bảo vệ, lần lần người ta hoá ra thích đánh nhau, mà giới quí tộc càng ngày càng thích giết người; có khi chặt đầu cả chục ngàn người. Trong một thời gian chưa đầy hai thế kỉ, có tới ba mươi sáu vụ giết vua. Xã hội hỗn độn, loạn lạc, khiến cho các triết gia thất vọng.

Mặc dầu loạn lạc, đời sống vẫn tiếp tục. Nông dân gieo gặt, hầu hết là để nộp cho lãnh chúa vì lãnh chúa làm chủ cả nông dân lẫn đất đai; mãi tới gần cuối đời Chu, người ta mới thấy nông dân được làm chủ những khoảnh đất nhỏ. Quốc gia – nghĩa là một nhóm quí tộc, đoàn kết với nhau nhiều hay ít, chung quanh một vị hầu hay vị bá – bắt đầu làm xâu, như để đào kinh dẫn nước vào ruộng, có những quan chức chuyên môn dạy dân làm ruộng, trồng cây, nuôi tằm. Trong nhiều nước chư hầu, triều đình giữ độc quyền đánh cá, khai thác các ruộng muối. Thương mại đã phát triển mạnh trong các thị trấn, nuôi sống một giới thị dân khá phong lưu, được hưởng nhiều tiện nghi của thời đại chúng ta, như giày da, áo len, áo lụa, đi xe ngựa hoặc xe bò, đi thuyền; ở trong những ngôi nhà xây cất đẹp đẽ, ngồi ghế, ngồi bàn, chén đĩa là đồ sành có hình, có màu đẹp đẽ; giới đó chắc chắn là sống sung sướng hơn những người đồng thời của họ ở thành Athène dưới thời Solon[7] hoặc thành Rome dưới thời Numa[8], sướng hơn nhiều.

Trong cái cảnh bề ngoài có vẻ loạn lạc, rối ren khắp nơi đó, đời sống tinh thần của Trung Hoa giữ được một sinh lực mạnh mẽ khiến cho sử gia nào quá vội vàng kết luận tất phải ngạc nhiên. Vì chính trong thời hỗn độn ấy, dân tộc Trung Hoa đã dựng được cơ sở cho ngôn ngữ, văn học, triết học và nghệ thuật; nhờ một chế độ kinh tế sáng suốt, đời sống được dễ chịu hơn; văn hóa chưa bị đúc khuôn vì một truyền thống nghiêm khắc và một chính quyền chuyên chế, cho nên tinh thần Trung Hoa gặp được những điều kiện rất có lợi cho tài năng sáng tác. Ở triều đình mỗi vua chư hầu, trong vô số thị trấn và làng mạc, người ta thấy thi sĩ ngâm thơ, thợ gốm nặn đồ, thợ đúc đúc những bình rất đẹp, thư lại nắn nót chữ cho thật tốt, các nhà nguỵ biện dạy cho thanh niên cả ngàn thuật biện thuyết, còn các triết gia thì than thở về nhược điểm của loài người, về sự suy đồi của dân tộc[9].

Trong những chương sau, chúng tôi sẽ nghiên cứu kĩ ngôn ngữ và nghệ thuật Trung Hoa. Còn thi ca và triết lí thì đặc biệt thuộc về thời đại Tiên Tần này, thời đại cổ điển của tư tưởng Trung Hoa. Phần lớn những bài thơ làm trước Khổng tử đã thất truyền, chỉ còn lại những bài chính ông đã lựa trong số những bài lưu hành ở thời ông. Những bài ấy gom lại trong bộ Kinh Thi, từ những bài cổ nhất của đời Thương tới những bài ở thế kỉ thứ VI trước T.L., nghĩa là bao quát một thời gian khoảng ngàn năm. Ba trăm lẻ năm bài trong Kinh Thi rất cô đọng, không thể dịch được, dùng những hình ảnh linh động, độc đáo để diễn lòng tôn sùng Thượng Đế và thần linh, tả những nỗi khổ thời chiến tranh và tình âu yếm giữa trai gái. Đây, chúng ta nghe lời than thở của một người lính phải xa gia đình đi tìm cái chết không hiểu để làm gì:

----Những con ngỗng trời đậu trên rừng Yu kia,[10]

----Được tự do bay lượn, sung sướng làm sao!

----Còn chúng tôi phải phục vụ nhà vua, không lúc nào được nghỉ,

----Ngay đến kê chúng tôi cũng không được gieo, lúa cũng không được cấy nữa.

----Cha mẹ chúng tôi rồi đây biết nương tựa vào ai,

----Hỡi trời xanh thăm thẳm!... [11]

----Lá cây đã chẳng đổi ra màu đỏ đấy ư?

----Chồng xa vợ đã chẳng từ lâu rồi ư?

----Xin người ta thương bọn lính khốn khổ chúng tôi với.

----Chúng tôi cũng là con người mà!

Chúng ta tưởng lầm rằng thời đó dân tộc Trung Hoa còn dã man nhưng trong Kinh Thi chúng ta thường gặp những bài xuân tình diễn những cảm xúc rất đậm đà, tế nhị. Trong một bài mà tiếng than phát từ những thế kỉ xa xôi, gần như không ai nhớ tới nữa, những thế kỉ Khổng tử khen là phong tục đôn hậu, thuần phác, chúng ta đã thấy đề tài vạn cổ bất dịch này: sự phản kháng của thanh niên và ta có cảm tưởng rằng sự phản kháng ấy là tình cảm cổ nhất của nhân loại:

----Hỡi chàng Trọng tử,

----Xin chàng đừng leo qua xóm em,

----Đừng bẻ cây kỉ liểu của em.

----Em đâu tiếc gì cây ấy,

----Chỉ vì em sợ cha mẹ.

----Chàng Trọng tử đáng cho em thương nhớ lắm chứ[12],

----Những lời rầy của cha mẹ,

----Cũng đáng sợ lắm.

----Hỡi chàng Trọng tử,

----Xin chàng đừng leo qua tường nhà em,

----Đừng bẻ cây dâu của em.

----Em đâu tiếc gì cây ấy,

----Chỉ vì em sợ các anh.

----Chàng Trọng tử đáng cho em thương nhớ lắm chứ,

----Những lời rầy của các anh,

----Cũng đáng sợ lắm.

----Hỡi chàng Trọng tử,

----Xin chàng đừng leo qua vườn nhà em,

----Đừng bẻ cây đàn[13] của em.

----Em đâu tiếc gì cây ấy,

----Chỉ vì em sợ thiên hạ lắm lời.

----Chàng Trọng tử đáng cho em thương nhớ lắm chứ,

----Những lời đồn của thiên hạ,

----Cũng đáng sợ lắm.

---- ---- [Bài Thương Trọng tử - trong Trịnh phong]

Một bài thơ nữa[14], nếu không phải là hoàn toàn nhất thì cũng là dịch [ra tiếng Anh] khéo nhất, cho chúng ta thấy rằng nhiều tình cảm đã có từ thời thượng cổ:

----Ánh sáng rực rỡ ban mai lên dần dần trên đầu tôi,

----Chiếu xuống những hoa trắng, đỏ, xanh, hồng.

----Lòng em bồn chồn.

----Trong cỏ khô có tiếng lào xào;

----Em tưởng là tiếng chân chàng bước tới.

----Nhưng chỉ là tiếng con cào cào.

----Trăng thượng huyền lấp ló, em leo lên ngọn đồi,

----Thấy chàng từ con đường phía Nam tiến lại.

----Lòng em thấy nhẹ nhàng.[15]

5. Các triết gia trước Khổng tử 

Kinh Dịch  – Âm và Dương – Thời đại rực rỡ của Trung Hoa – Đặng Tích, Socrate của Trung Hoa

 

Nhưng triết lí mới chính là sự cống hiến quan quan trọng nhất của thời ấy. Chúng ta có thể nói rằng cái vinh dự của nhân loại là thời nào óc tò mò tìm hiểu vẫn vượt sự sáng suốt và luôn luôn con người hoài bão những lí tưởng cao hơn khả năng của mình. Ngay từ 1250 trước T.L, Yu Tseu[16] diễn một tư tưởng thời đó đã cũ, sáo rồi, nhưng thời này vẫn còn là mới mẻ, một tư tưởng mà bọn ham danh vọng nên suy nghĩ: “Người nào không màng tới danh thì vui vẻ tâm hồn”. Sung sướng thay, con người không có truyện kí[17]. Và từ thời đó, Trung Hoa sản xuất hoài các triết gia.

Ấn Độ là xứ của siêu hình học và tôn giáo. Trung Hoa là xứ của triết lí nhân bản, không quan tâm tới thần học. Trong văn học Trung Hoa chỉ có mỗi tác phẩm khá quan trọng về siêu hình học, một tác phẩm kì dị mở đầu cho lịch sử tư tưởng Trung Hoa, tức bộ Kinh Dịch. Theo truyền thuyết thì cuốn ấy do một ông vua sáng lập nhà Chu, tức Văn vương viết trong khi bị giam ở ngục [Diễu Lí], mà nguồn gốc kinh Dịch thì có từ đời Phục Hi, ông vua đặt ra bát quái (tám quẻ)[18] để biểu thị các nguyên lí và nguyên tố thiên nhiên. Mỗi “quái” (quẻ) gồm ba đường[19], có đường liền biểu thị nguyên lí dương và đường đứt biểu thị nguyên lí âm. Dương và âm trái ngược nhau: dương thì tích cực, hoạt động, sáng tác, sáng sủa, nóng, sống động, còm âm thì tiêu cực, thụ động, tối tăm, lạnh, chết; dương là trời, âm là đất. Văn vương lưu danh thiên cổ - mà cũng làm nát óc hằng tỉ người Trung Hoa – nhờ lấy mỗi quẻ trong tám quẻ đó lần lượt đặt chồng lên nhau theo đủ mọi cách, thành ra 64 quẻ[20]. Mỗi một quẻ này biểu thị một luật thiên nhiên. Tất cả khoa học, tất cả lịch sử, tất cả sự minh triết gồm trong 64 quẻ đó; rốt cuộc tất cả vũ trụ chỉ còn là sự tương phản, hoặc sự hoà hợp của hai yếu tố căn bản là dương và âm. Người Trung Hoa dùng kinh Dịch làm sách bói và coi nó là một bộ kinh quan trọng nhất của họ - họ tin rằng ai hiểu được ý nghĩa mỗi quẻ, mỗi hào là hiểu được tất cả những luật thiên nhiên. Khổng tử giải nghĩa thêm kinh Dịch, đặt nó trên tất cả các sách khác và ước ao bỏ ra năm chục năm để nghiên cứu nó[21].

Tác phẩm kì dị ấy mặc dầu rất hợp với tâm hồn yêu huyền bí của người Trung Hoa, nhưng lại trái với tinh thần thực tế của triết học Trung Hoa. Đi ngược dòng lịch sử Trung Hoa, xa thật xa, thời nào chúng ta cũng gặp các triết gia, nhưng về những nhà sinh trước Lão tử[22]  thì chúng ta chỉ còn giữ được vài đoạn rải rác đó đây, có khi chỉ còn nhớ được cái tên. Ở Trung Hoa cũng như ở Ấn Độ, Ba Tư, Hi Lạp, thế kỉ thứ VI và thứ V trước T.L, là thời trăm hoa đua nở về triết học và văn học, và cũng như ở Hi Lạp, mở đầu phong trào là một thuyết “duy lí sáng suốt”. Một thời chiến tranh liên miên, cực kì hỗn độn, đã phát sinh ra những tài năng mới và dân các thị trấn ước ao có người mở mang trí óc cho họ. Các bậc “tôn sư” của dân đó thấy ngay rằng môn thần học mơ hồ, luân lí có tính cách tương đối, mà chính quyền thì tàn bạo, thối nát, bèn dựng nên nhiều thuyết không tưởng, vì vậy mà một số người bị giết: chính quyền cho rằng trả lời họ vô ích. Theo truyền thuyết, chính Khổng tử hồi làm Đại Tư Khấu nước Lỗ giết một viên quan phản loạn, lấy lẽ rằng “hắn có thể tụ tập được nhiều người, lí luận của hắn làm mê hoặc người nghe, khiến cho điều ác hoá ra đáng quí, mà những nguỵ biện của hắn khá vững đủ chống được lẽ phải và sự công bằng” [Có lẽ Will Durant muốn trỏ quan đại phu Thiếu Chính Mão, mà sử chép là người gian hiểm, xảo quyệt]. Tư Mã Thiên cho rằng truyện đó có thực, nhưng nhiều sử gia khác không tin. Chúng ta mong rằng nó không đúng.

Trong số các học giả nổi loạn ấy, người có danh nhất là Đặng Tích bị vua nước Trịnh ra lệnh giết lúc Khổng tử còn nhỏ. Cuốn Liệt tử bảo Đặng Tích “dạy rằng thiện và ác là vấn đề tương đối và đưa ra rất nhiều lí lẽ”. Kẻ thù của ông bảo ông sẵn sàng bênh vực những thuyết trái ngược hẳn nhau miễn là người ta chịu trả tiền ông, những kẻ kiện tụng bất kể phải trái ông đều cãi cho hết, thật là vô sở bất vi. Một sử gia không ưa ông, kể chuyện lí thú dưới đây về ông:

Một người giàu có ở cùng một xứ với Đặng Tích chết đuối ở sông Vị; một người vớt được xác lên, bắt gia đình kẻ bất hạnh phải nộp một số tiền lớn, rồi mới giao xác cho đem về chôn. Họ hỏi ý kiến Đặng Tích, Đặng khuyên: “Mặc hắn, cứ thủng thẳng, còn có nhà nào khác lại chuộc thây đó đâu”. Họ làm theo. Kẻ vớt được xác đợi hoài đâm lo, lại nhờ Đặng chỉ bảo. Đặng cũng khuyên: “Mặc họ, cứ thủng thẳng, họ còn có thể chuộc xác ở nơi nào nữa đâu”[23].

Đặng Tích soạn một bộ hình luật mà chính quyền nước Trịnh cho là lí tưởng quá, không thực hành được. Viên tướng quốc nước Trịnh cấm Đặng treo những bài Đặng Tích phúng thích mình, Đặng bèn đích thân đi phân phát những bài ấy. Lại bị cấm nữa. Đặng giấu những bài ấy dưới những vật khác rồi gởi cho từng nhà. Chính quyền chặt đầu Đặng Tích cho yên chuyện[24].

6. Lão tử

Lão tử  – “Đạo” – Các nhà trí thức lên cầm quyền – Sự phi lí của luật pháp – Không tưởng theo kiểu Rousseau, luân lí Ki Tô giáo – Chân dung một vị hiền triết – Lão tử và Khổng tử gặp nhau

 

Lão tử là triết gia lớn nhất sinh trước Khổng tử, ông khôn hơn Đặng Tích, ông biết rằng làm thinh là khôn hơn cả, và người Trung Hoa tin rằng ông sống rất lâu, nhưng chúng ta không chắc ông đã có sống thực không. Sử gia Tư Mã Thiên chép rằng Lão tử chán ngán về tư cách đê tiện của các chính khách, về chức thủ tạng thất [cũng như quản thủ thư viện ngày nay] của nhà Chu, quyết tâm rời Trung Quốc, đi tìm một nơi hẻo lánh, xa xôi để ẩn dật. “Khi ông tới cửa ải [Hàm Cốc], Doãn Hỉ, viên quan giữ ải, bảo ông: “Ông sắp đi ẩn, vậy xin ông vì tôi mà để lại một bộ sách”. Thế là Lão tử viết một cuốn trên năm ngàn chữ, gồm hai phần Đạo và Đức. Viết xong ông ra đi, và không ai biết đi đâu và chết ở đâu”. Nhưng truyền thuyết thì biết được hết và bảo ta rằng ông sống tới tám mươi bảy tuổi[25]. Ông chỉ còn lưu lại tên ông và bộ sách của ông, nhưng có lẽ cả hai đều không phải của ông. Lão tử chỉ là một tiếng để tả ông, chứ không phải tên, và có nghĩa là “ông thầy già”; tên họ ông là Lí, tức “trái nho”[26] còn sự xác thực của cuốn Đạo đức kinh thì khả nghi lắm, các học giả bây giờ vẫn còn tranh biện nhau về nguồn gốc của nó[27].

Nhưng mọi người đều nhận rằng Đạo đức kinh là tác phẩm quan trọng nhất của cái triết lí mà người ta gọi là đạo Lão, và theo các học giả nghiên cứu về Trung Hoa nổi danh nhất thì triết lí ấy đã có từ lâu trước Lão tử, rồi sau Lão tử cũng có nhiều nhà theo, và từ đó thành một tôn giáo của một thiểu số quan trọng người Trung Hoa. Tìm ra tác giả đích thực của Đạo đức kinh là vấn đề thứ yếu, có điều này không ai chối cãi được, là những tư tưởng trong cuốn ấy thuộc vào hạng lí thú, hấp dẫn nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại.

Đạo chính nghĩa là đường đi, ở đây có nghĩa là Đường thiên nhiên, Đạo thiên nhiên, mà đôi khi cũng có nghĩa là đạo minh triết theo Lão tử nữa. Theo nguyên tắc, nó là một cách suy tư hoặc đừng suy tư, vì đối với người theo đạo Lão, suy tư là việc không quan trọng, chỉ dùng khi biện luận. Còn trong đời sống thì có hại hơn có lợi, muốn đạt tới Đạo thì phải bỏ cái “trí” và thôi nói nhảm nhí đi, mà sống khiêm tốn, ẩn dật một cách quê mùa, và ngắm thiên nhiên. Không nên lẫn lộn sự hiểu biết và đạo đức, trái lại càng truyền bá giáo dục, số trộm cướp càng tăng. Hiểu biết cũng không phải là minh triết vì không gì khác nhau xa bằng một hiền triết với với một người “trí” [một trí giả hay thức giả]. Để cho các triết gia trị nước thì không gì tai hại bằng, họ trộn lộn lí thuyết với những cái giản dị, tầm thường nhất; họ khéo nói, khéo đưa ra thuyết này, thuyết nọ, điều đó chứng tỏ rằng họ bất lực trong hành động.

Người thực có kinh nghiệm thì không biện bác; kẻ biện bác thì không thực là có kinh nghiệm[28].

Khi bỏ cái trí đi rồi, nước sẽ yên ổn. Bậc hiền minh giữ dân cho ngu dốt, không ham muốn gì cả, và nơi nào thấy có kẻ học thức (kẻ trí) thì rán đừng để cho họ hành động.

Cổ nhân hiểu rõ Đạo thì không dạy dân, mà trái lại để họ chất phác, ngu dốt… Dân mà biết nhiều quá thì khó trị nước. Kẻ nào rán trị nước bằng trí thì thành cái hoạ cho nước; còn kẻ nào không trị nước bằng trí thì là cái phúc cho nước[29].

Kẻ trí là cái hoạ cho nước vì họ nghĩ cách chế định pháp qui, rán xây dựng một xã hội như một hình hình học, không hiểu rằng chế định thì chỉ diệt sự tự do linh động và năng lực hành động thôi. Còn người giản dị, chất phác, do kinh nghiện bản thân mà thấy cái vui được thực hiện một công trình tự mình nghĩ ra và làm một cách tự do, con người ấy mà cầm quyền thì ít nguy hại hơn và hiểu rằng luật pháp là con dao hai lưỡi, có thể hại hơn là lợi. Một nhà chỉ huy như vậy đặt ra rất ít luật lệ, cố tìm cách hướng dẫn quốc dân thì chỉ để cho dân tránh sự giảo hoạt, rắc rối, mà quay về một đời sống giản dị, hợp với luật thiên nhiên trong đời sống ấy, ngay chữ viết cũng phải bỏ đi vì nó là một dụng cụ đầu độc dân. Không bị gò bó vì các qui chế của chính quyền nữa, những bản năng cố hữu của dân chúng – ăn uống và tình ái – sẽ làm cho bánh xe sinh hoạt quay đều, không trục trặc. Các phát minh không ích lợi gì mấy, chỉ làm cho kẻ giàu giàu thêm, kẻ mạnh mạnh thêm thôi; không cần tới sách vở, các nhà làm luật, không cần tới kĩ nghệ nữa; còn buôn bán thì ở chợ trong làng xóm thì đủ rồi.

Trong nước càng cấm kị thì dân càng nghèo. Dân càng có nhiều phượng tiện kiếm lợi thì quốc gia càng hỗn loạn[30]. Người ta càng kỉ xảo thì các vật lạ càng phát sinh. Pháp lệnh càng nhiều thì trộm cướp càng tăng. Cho nên bậc thánh nhân bảo: Ta “vô vi” mà dân tự cải hoá, ta ưa tĩnh mà dân tự sửa đổi, ta không làm gì cả mà dân tự giàu, ta không ham muốn gì cả mà dân tự hoá ra chất phác[31].

Nước nhỏ dân ít, thì ta sẽ làm cho có một số người khéo mà không có gì để làm[32], làm cho dân sợ chết mà không đi xa (để khỏi chết), tuy có thuyền, có xe mà không dùng đến, có áo giáp, binh khí mà không trưng ra, khiến dân chúng dùng lại cách gút dây[33]. Họ thấy món ăn [đạm bạc] của họ là ngon, y phục [giản dị] của họ là đẹp, họ thoả mãn về nhà cửa, vui vẻ về phương tiện nhỏ nhoi của họ[34]. Những nước láng giềng trông thấy nhau được, nghe tiếng gà chó của nhau được mà đến già, đến chết cũng không qua lại[35] thăm nhau[36].

Nhưng cái thiên nhiên mà Lão tử muốn thuận theo đó là cái gì? Ông phân biệt thiên nhiên với văn minh cũng rõ ràng như Rousseau [triết gia Pháp thế kỉ XVIII] sau này. Thiên nhiên và hoạt động tự nhiên, sự âm thầm diễn tiến của các biến cố đời đời, kiếp kiếp, sự tuần hoàn của bốn mùa, sự vận chuyển uy nghi của tinh tú, đó là cái Đạo mà ta thấy trong mỗi dòng suối, mỗi phiến đá, mỗi vì sao, đó là cái luật của vũ trụ, vô tư, vô ngã mà lại hợp lí, và loài người phải hành động theo luật ấy nếu muốn sống một cách khôn ngoan và yên ổn. Cái luật chi phối vạn vật ấy là Thiên đạo, cũng như luật cư xử, hành động là Nhân đạo; thực sự Lão tử cho hai cái ấy chỉ là một, mà tiết điệu của đời người chỉ là một phần cái tiết điệu của vũ trụ. Trong cái Đạo của vũ trụ ấy, tất cả các luật thiên nhiên tập hợp lại thành bản thể - theo kiểu Spinoza – của mọi thực thể, ở trong đó mọi thể thức tự nhiên đều có một vị trí thích hợp và tất cả các dị biệt, mâu thuẫn ở bề ngoài đều hoà lẫn nhau; đó là cái tuyệt đối trong đó tất cả các cá thể tan hoà thành một đại thể.

Theo Lão tử, loài người thời sơ khai chất phác, hiếu hoà, và đời sống đâu đâu cũng sung sướng. Rồi loài người đạt tới cái “trí”, chế tạo thứ này thứ khác làm cho đời sống hoá phức tạp, họ sinh ra có “cơ tâm”, rời đồng ruộng mà ra ở thành thị, và bắt đầu viết sách, do đó mà họ hoá khốn khổ, khiến cho các triết gia phát lên lời than thở. Bậc hiền triết trốn đời sống phiền phức ở thành thị, trốn sự hỗn độn bực mình của luật pháp, văn minh sa đoạ, mà ẩn giữa thiên nhiên, xa thành thị, xa sách vở, lánh bọn quan lại tham nhũng và bọn cải cách mơ mộng hảo huyền. Chỉ có sự minh triết, an mệnh mới tạo được hạnh phúc lâu bền, mà muốn vậy phải kiên nhẫn theo thiên nhiên, cương quyết bỏ cái “trí”, cứ tuân mệnh lệnh của thiên nhiên, tức bản năng, và bắt chước những đường lối lặng lẽ của thiên nhiên. Trong tất cả văn chương của nhân loại, có lẽ tôi không thấy đoạn nào minh triết như đoạn này:

Vạn vật trong thiên nhiên đều lặng lẽ làm việc. Chúng sinh ra mà chẳng có gì cả, làm tròn nhiệm vụ mà chẳng đòi hỏi gì cả. Mọi vật làm công việc của chúng trong sự thoả mãn. Khi phát triển cùng cực rồi, chúng trở về cội gốc. Trở về cội gốc là yên tĩnh, là trở lại mệnh. Trở lại mệnh là luật “thường” (bất biến). Biết luật thường tức là sáng suốt[37].

Tâm trạng tĩnh ấy, triết lí vô vi, không can thiệp vào dòng biến chuyển tự nhiên của vạn vật ấy, là dấu hiệu minh triết về mọi khu vực. Quốc gia mà hỗn loạn thì đừng tìm lập lại trật tự bằng các cải cách, cứ mỗi người làm tròn bổn phận mình là đủ rồi; nếu gặp sự chống đối, thì khôn hơn hết là đừng gây lộn, đừng tấn công, đừng gây chiến mà cứ lặng lẽ rút lui, rồi sẽ nhờ sự kiên nhẫn, sự an phận mà thắng được; thụ động cũng thắng lợi nhiều bằng hoạt động. Có chỗ lời của Lão tử không khác lời của Ki Tô:

Chỉ vì mình không tranh với ai mà không ai tranh nổi với mình[38] … Dĩ đức báo oán … Kẻ tốt thì mình tốt với họ, mà kẻ không tốt thì mình cũng vẫn tốt với họ, như vậy mọi người sẽ tốt[39] … Cái rất mềm trong thiên hạ thắng được cái rất cứng trong thiên hạ[40] … Trong thiên hạ không có gì mềm yếu hơn nước, mà thắng được cái cứng cái mạnh thì không gì hơn nó, không gì thay nó được[41].

Tất cả những thuyết ấy đều thuộc về quan niện “bậc hiền minh” của Lão tử. Có điểm đặc biệt này là các tư tưởng gia Trung Hoa không nói tới “thánh” (saint) mà chỉ nói tới hiền, ít nói đến “đức” (vertu) hơn là nói đến sự thận trọng[42], đối với người Trung Hoa, lí tưởng không phải là hạng người mộ đạo, mà là hạng người đầu óc già giặn, bình tĩnh, mặc dầu biết rằng mình có thể giữ một địa vị quan trọng trong xã hội, mà vẫn rút về sống giản dị trong sự im lặng. Im lặng là bắt đầu minh triết. Bậc hiền triết không nói, mặc dầu là nói về Đạo, về Đức, vì Đạo và Đức không truyền được cho người khác bằng lời nói mà bằng sự nêu gương và bằng kinh nghiệm. “Người biết [Đạo] thì không nói, người nói thì không biết [Đạo]. [Người biết thì] ngậm miệng, bịt mũi”[43]. Người hiền giả thì nhũn nhặn vì khoảng năm chục tuổi tất phải biết rằng hiểu biết chỉ là tương đối, sự sáng suốt rất mong manh; nếu thấy mình may mắn mà biết hơn người, thì “rán giấu, đừng để lộ ra, đừng để cho cá tính mình toả ra mà cho nó hoà với sự tối tăm của người khác”, hoà đồng với hạng người chất phác chứ không phải với hạng người thông thái, tránh cái thói hay phản đối của bọn non nớt, chưa có kinh nghiệm. Bậc hiền giả không màng phú quí, quyền thế, tiết dục tối đa, gần như đạo Phật:

Tôi không có gì mà tôi coi trọng cả; tôi ước ao lòng tôi được yên ổn, hư tĩnh… Trạng thái hư tĩnh ấy phải đạt tới mức tuyệt cao và phải cương quyết giữ hoài… Người nào đạt được tới mức đó thì không ai dám coi thường, không còn cho cái gì là lợi hay hại, quí hay tiện nữa; người đó cao thượng nhất thiên hạ[44].

Khỏi phải nhấn mạnh rằng những ý đó rất hợp với ý của Jean Jacques Rousseau, như cùng một khuôn ra, mặc dù hai nhà đó sống cách nhau hơn hai ngàn năm.

Thứ triết lí vị nhân sinh ấy cứ sau một thời gian lại xuất hiện trong lịch sử nhân loại vì mỗi thế hệ có một số người chán phấn đấu, chán sự tàn bạo, sự phiền toái, náo nhiệt của đời sống thành thị, tả cảnh nên thơ của đời sống thôn quê mà họ tưởng tượng nhiều hơn là biết. “Thiên nhiên” là một danh từ mơ hồ có thể đưa ta tới bất kì thứ luân lí nào, thần học nào; nó thích hợp với khoa học của Darwin với thuyết phi đạo đức của Nietzsche còn chặt chẽ hơn với đạo của Lão tử, của Ki Tô. Nếu con người cứ theo thiên nhiên, hành động theo luật thiên nhiên thì có nhiều phần chắc chắn rằng người ta sẽ ăn sống nuốt tươi kẻ thù hơn là thản nhiên “làm” triết lí, người ta sẽ hung dữ chứ chắc gì đã khiêm tốn, nhất là làm thinh? Nai lưng ra cày ruộng, việc đó trái hẳn với bản năng của loài người vốn ham săn bắn và chém giết, canh nông không phải là cái gì “hợp thiên nhiên” hơn kĩ nghệ.

Vậy mà trong triết lí ấy có một yếu tố trị bệnh chứ; chúng tôi phải thú thực rằng có lẽ chính chúng tôi nữa, ngày nào thấy nhiệt tâm giảm đi rồi, thì sẽ tìm thấy trong triết lí ấy sự minh triết, và sẽ tìm kiếm sự tĩnh mịch của núi sâu, đồng ruộng để cho tâm hồn được nhẹ nhàng. Đời sống đong đưa như quả lắc, từ Voltaire qua Rousseau, từ Khổng tử qua Lão tử, từ Socrate qua Ki Tô. Mỗi ý nghĩ xâm chiếm tâm hồn ta trong một quãng dài hay ngắn của đời ta, chúng ta bênh vực nó nhiều hay ít, thành công nhiều hay ít, rồi chúng ta chán chiến đấu, giao lại cho thế hệ trẻ hơn mớ tin tưởng của ta lúc đó chẳng còn được bao nhiêu, để vô rừng sống với Jean Jacques và Lão tử; làm bạn với hươu nai, sung sướng không kém gì Machiavel[45] khi nói chuyện với nông dân chất phác; chúng ta để mặc cho thế giới muốn làm trò ma mãnh gì thì làm, không nghĩ tới việc cải thiện nó nữa. Lúc đó trước khi vô núi có lẽ chúng ta đốt hết sách vở đi, chỉ trừ một cuốn và vui vẻ tìm sự minh triết trong Đạo đức kinh.

Chúng ta có thể đoán được triết lí ấy làm chướng tai Khổng tử ra sao khi ông mới ba mươi bốn tuổi lại Lạc Dương[46], kinh đô nhà Chu, để hỏi Lão tử về sử[47]. Tương truyền Lão tử trả lời một cách chua chát bằng những lời cộc lốc và tối nghĩa:

Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe nói người buôn bán giỏi khéo chứa của, coi như chẳng có gì cả; người quân tử có đức tốt, coi bề ngoài như ngu đần. Thầy nên bỏ cái khí kiêu căng lòng ham muốn cùng sắc dục và dâm chí đi. Những cái đó không lợi gì cho thầy.

Tư Mã Thiên chép rằng Khổng tử hiểu ngay sự minh triết của lời khuyên đó, đã không bất bình mà trái lại về còn bảo các đệ tử: “Chim thì ta biết nó bay được, cá thì biết nó lội được, thú thì biết nó chạy được. Chạy, bay, lội thì ta có thể bủa lưới mà bắt được. Còn con rồng thì ta không biết nó cưỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão tử như con rồng vậy”[48]. Rồi Khổng tử từ đó rán thực hiện cái đạo của mình, sau thành triết gia có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.


[1] Tần, người phương Tây phiên âm là Chin hay Tsin.

[2] Các học giả ngày nay cho rằng cuối đời Xuân Thu Trung Hoa mới biết dùng sắt. (ND).

[3] Chính ra, Durant viết: “Khổng tử chỉ khen các chính trị gia trên mộ bia thôi”. (ND).

[4] Luận ngữ - chương Hiến vấn. (ND).

[5] Có hồi họ được chuộc tội bằng một số tiền.

[6] Tức lục bộ: lại, hộ, lễ, binh, hình, công. (ND).

[7] Chính trị gia, thi sĩ, triết gia Hi Lạp: 604-548. (ND).

[8] Vua thứ nhì của Rome: 714-671. (ND).

[9] Thời đó văn minh Trung Hoa phát triển rất mạnh, không thời nào bằng, theo tôi do bốn nguyên nhân: - Vì là thời loạn, kĩ nghệ chiến tranh tiến bộ, do đó kĩ thuật cũng tiến bộ; - các triết gia muốn tái lập trật tự, nên đưa ra mọi lí thuyết (trăm hoa đua nở); - ngôn luận rất tự do, vua chư hầu nào cũng muốn chiêu hiền đãi sĩ, dù không theo thuyết của họ thì cũng trọng họ, cho nên triết gia nào không được trọng dụng ở nước này thì qua nước khác; - sau cùng là tinh thần ganh đua của các vua chư hầu muốn thắng các nước khác để làm chủ thiên hạ. (ND).

[10] Bài này chúng tôi chưa tìm được nguyên văn. (ND).

[11] Theo bác Vvn thì đoạn này trích trong bài Bảo Vũ 鴇羽. Xem phụ lục. .

[12] Bản tiếng Pháp dịch khác hẳn: L’amour réponse, désempare: Ái tình chán nản trả lời.

[13] Một thứ cây gỗ cứng dùng để đóng xe. (ND).

[14] Bài này tôi cũng không tra được nguyên văn. (ND).

[15] Chúng ta chỉ mới có một bản dịch trong Kinh Thi của Tạ Quang Phát, bộ Quốc gia Giáo dục in năm 1969. (ND).

[16] Những tên nhân danh hay địa danh như tên này chúng tôi không tra được tiếng Hán nên phải giữ lối phiên âm của Pháp. (ND).

[Yu Tseu: trong bản tiếng Anh phiên âm là Yu Tze. ]

[17] Nghĩa là đời bình thản, không đau khổ, không danh vọng, không ai biết tới. (ND).

[18] Có thể gọi là 8 quẻ đơn để phân biệt với 64 quẻ kép – coi ở sau. (ND).

[19] Mỗi đường là một hào, vậy mỗi quẻ gồm ba hào. (ND).

[20] Có thể gọi là quẻ kép, mỗi quẻ kép gồm hai quẻ đơn, tức gồm sáu hào. Sáu mươi bốn quẻ gồm 64 x 6 = 384 hào. (ND).

[21] Luận ngữ chương Thuật Nhi có câu của Khổng tử: Gia ngã sổ niên ngũ thập dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hĩ: “Giá cho ta sống thêm ít năm nữa, tới năm chục để học Dịch thì may ra ta tránh được những điều lầm lớn”. Nhưng các học giả cho rằng chữ “ngũ thập” (năm chục) ở đây vô nghĩa, chắc là chữ “tốt” chép lầm. Vậy câu đó phải hiểu là: “Giá cho ta sống thêm ít năm nữa để học Dịch…”. Chúng ta đã có bốn bản kinh dịch kinh Dịch nhưng chỉ đọc bản dịch của Phan Bội Châu (Khai Trí xuất bản năm 1969) cũng đủ. (ND).

[Sách in sai vài chữ, dựa theo cuốn Kinh Dịch – Đạo của người quân tử, tôi đã sửa lại. Cũng theo cuốn Kinh Dịch đó, chữ “ngũ thập”: 五十; chữ “tốt”: 捽. ].

[22] Tác giả cho rằng Lão tử sinh trước Khổng tử, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê, trong một chú thích ở bản Niên biểu lịch sử Trung Hoa, bảo: “Ngày nay nhiều học giả Trung Hoa cho rằng Lão tử sinh sau Khổng tử…”. .

[23] Trong Cổ học tinh hoa có chép truyện này, từ Lã thị Xuân Thu, nhan đề là Hai phải. .

[24] Có lẽ tất cả những chuyện đó chỉ là truyền thuyết. Theo Từ Hải thì Đặng Tích thuộc phái pháp gia làm đại phu nước Trịnh đặt ra nhiều luật pháp, khắc lên miếng tre (nên gọi là trúc hình), treo ở chỗ công cho dân biết. Đặng bị triều đình giết, nhưng dùng trúc hình của ông. Trong cuốn Liệt tử (Là Bối xuất bản 1973) có một bài nói về Đặng Tích (trang 205) nhưng không cho biết tư tưởng cùng bộ luật của Đặng. (ND).

[25] Có thuyết còn nói 160 tuổi hoặc trên 200 tuổi. (ND).

[26] Lí chính là trái mận, thứ mận Đà Lạt (prune). (ND).

[Nguyên văn tiếng Anh là plum: trái mận, tiếng Pháp là prune; một nghĩa nữa là nho khô, tiếng Pháp là raisin. ].

[27] Giáo sư Giles [người Anh khảo cứu về Trung Hoa] cho rằng cuốn ấy được sáng tác sau năm 200 tr. T.L, bằng nhiều đoạn lấy trong cuốn Hàn Phi tử, học giả Legge trái lại bảo nó trong bộ Trang tử và bộ Sử kí của Tư Mã Thiên có nhiều đoạn nhắc tới Lão Đam, vậy có thể tin rằng Đạo đức kinh có thực. [Nên coi thêm Lão tử của Ngô Tất Tố- Khai Trí xuất bản – 1959 – Đam là tên tự của Lão tử, tên tục là Nhĩ].

[Lúc dịch cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa này, cụ Nguyễn Hiến Lê chưa viết cuốn Lão tử - Đạo đức kinh (về sau tôi sẽ gọi tắt là cuốn Lão tử. ].

[28] Nguyên văn: Tri giả bấc bác, bác giả bất tri (Chương 81), có lẽ nên hiểu là: Người minh trí thì không học rộng, mà học rộng không phải minh trí. (ND).

[Trong cuốn Lão tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: Người sáng suốt hiểu đạo thì tri thức không cần rộng (vì nắm được chân lí là đủ rồi), người nào tri thức rộng thì không sáng suốt, hiểu đạo (vì tìm ngọn thì quên gốc).].

[29] Nguyên văn: Cổ chi thiện vi Đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dữ ngu chi. Dân chi nan trị dĩ kì trí đa. Cố dĩ tri trị quốc, quốc chi tặc, bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc (Chương 65): Cổ nhân khéo thi hành Đạo thì không dạy cho dân sáng suốt (khôn lanh) mà để cho dân ngu (chất phác). Dân mà khó trị là vì đa trí (khôn lanh quá). Cho nên lấy trí mà trị nước thì là cái hoạ cho nước, không lấy trí trị nước thì là cái phúc cho nước. (ND).

[Trong cuốn Lão tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí mưu. Cho nên dùng trí mưu trị nước là cái hoạ cho nước, không dùng trí mưu trị nước là cái phúc cho nước. ].

[30] Nguyên văn: Dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn, có sách dịch là: dân có nhiều khí giới lợi hại thì quốc gia càng mau hỗn loạn. (ND).

[Trong cuốn Lão tử, cụ Nguyễn Hiến Lê chép là: Triều đa lợi khí, quốc gia tư hôn; và dịch là: Triều đình càng nhiều “lợi khí” [tức quyền mưu?] thì quốc gia càng hỗn loạn. ].

[31] Chương 57. (ND).

[32] Nguyên văn: Tiểu quốc quả dân, sở hữu thập bách chi khí nhi bất dụng. Có sách dịch là: “Nước nhỏ dân ít, dù có mười hoặc trăm thứ binh khí cũng không dùng đến”, như vậy tôi e trùng với hai hàng sau: “có áo giáp và binh khí mà không trưng ra”; lại có sách dịch là: “có một số dụng cụ nào đấy mà không được dùng”. Tôi nghĩ có thể dịch là: “…có những khí cụ gấp mười, gấp trăm sức người, mà không được dùng”. (ND).

[33] Trước khi có chữ viết, người ta thắt gút một sợi dây để ghi một việc cần nhớ. (ND).

[34] Nguyên văn: “An kì cư, lạc kì tục”, có lẽ nên dịch là: thoả mãn về nhà cửa, vui vẻ về phong tục, tức lối sống của họ. (ND).

[35] Sách in là “không quen lại”, tôi sửa lại thành “không qua lại”. .

[36] Trong cuốn Lão tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch cả chương 80 như sau: Nước nhỏ, dân ít, dù có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có thuyền, xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. [Bỏ hết văn tự] bắt dân dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác mà lấy làm vui (nghĩa là chỉ lo ăn no, mặc ấm, ở yên, sống vui, ghét xa xỉ). Các nước láng giềng gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà tiếng chó ở nước kia, mà nhân dân các nước ấy đến già chết cũng không qua lại với nhau.

[37] Nguyên văn: Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục qui, kì căn. Qui căn viết tĩnh, thị vị phục mệnh. Phục mệnh viết thường, tri thường viết minh (Chương 16). Đoạn này có lẽ nên hiểu như vầy: Vạn vật đều sinh ra, hoạt động, ta nhân đó mà xem xét sự quay trở về. Ôi, mọi vật bời bời đều trở về cội rễ. Trở về cội rễ gọi là tĩnh (trái với động). Như vậy, bảo là trở lại mệnh. Trở lại mệnh tức là “thường” (bất biến). Biết đạo “thường” thì là sáng suốt. (ND).

[Trong cuốn Lão tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “(Xem) vạn vật sinh trưởng ta thấy được qui luật phản phục (vạn vật từ vô mà sinh ra rồi trở về vô). Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng (tức đạo). Trở về căn nguyên thì tĩnh, (tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên) trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”. Trở về mệnh là luật bất biến (thường) của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt”. ].

[38] Chương 22. (ND).

[39] Nguyên văn: đắc thiện hĩ, đức tín hĩ (chương 49), cũng có thể hiểu là: như vậy là có lòng tốt… như vậy là có lòng thành tín. (ND).

[Trong Lão tử, chương 49 có câu: “Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi, đức thiện. Tín giả ngô tín chi, bất tín giả ngô diệc tín chi, đức tín”. Cụ Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với những người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra tốt; tin người đáng tin mà tin cả người không đáng tin, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra đáng tin”. ].

[40] Chương 43. (ND).

[41] Chương 78. (ND).

[42] Người Trung Hoa nói nhiều về thánh (như gọi vua Nghiêu, vua Thuấn, Văn vương, Võ vương, Chu công, Khổng tử… là thánh – ngay như Quan công đời Tam Quốc cũng hiển thánh nữa); về “đức” còn nói nhiều hơn nữa, đầy trong các kinh, thư. Nhưng quan niệm về “thánh” và “đức” của Trung Hoa khác quan niệm “Saint” và “Vertu” của phương Tây. Người phương Tây coi trọng đức piété (kính tín), đức dexotion (tín ngưỡng, sùng bái Chúa), những ông Saint của họ ngoài những đức khác ra, có hai đức đó tới một mức rất cao; còn những ông thánh Trung Hoa thường là những vị tài đức giúp được nhiều cho xã hội. Đọc hai ba hàng sau chúng ta sẽ thấy Will Durant hiểu điều đó. Lỗi tại tiếng Saint và Vertu không thật đúng với tiếng thánh và tiếng đức của Trung Hoa. (ND).

[43] Hai câu này ở chung trong đoạn đầu chương 56, tác giả đã tách ra dùng trong cách trình bày của ông. Đoạn đó như sau: Tắc kì đoài, bế kì môn (1), toả kì nhuệ, giải kì phân, hoà kì quang, đồng kì trần, thị vị huyền đồng (2): Bịt cái lỗ, đóng cái cửa (ý nói đừng nói, đừng nghe) (1), làm nhụt sự bén nhọn đi, bỏ chia rẽ đi (hoặc cởi sự rối loạn đi) hoà đồng các ánh sáng các bui bặm (ý nói hoà đồng với mọi người), như vậy là hoà đồng tới cùng cực. (ND).

[Ba chữ “Hai câu này” nghĩa là gồm câu trong ngoặc kép được chú thích này và câu trong ngoặc kép ở sau. Trong cuốn Lão tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch đoạn đầu chương 56 như sau: “Ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, không để lộ sự tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hoà với trần tục, như vậy gọi là “huyền đồng” (hoà đồng với vạn vật một cách hoàn toàn)”. ].

[44] Chúng tôi không thể tìm ra được những câu, đoạn có nghĩa đó trong Đạo đức kinh. Chương XVI chỉ có câu “trí hư cực, thủ tĩng đốc”: Đến chỗ cùng cực của hư không, giữ vũng được cái “tĩnh”, là phảng phất có nghĩa của câu: “tôi ước ao lòng tôi được yên ổn hư tĩnh… trạng thái hư tĩnh ấy phải đạt tới mức tuyệt cao và phải cương quyết giữ hoài”.

Chúng ta chỉ mới có một bản dịch trọn Đạo đức kinh của Nguyễn Duy Cần (Khai Trí – 1961). Nghiêm Toản chỉ mới dịch 37 chương đầu (Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản – 1959). Ngô Tất Tố chỉ mới dịch từng đoạn để giới thiệu tư tưởng Lão tử thôi (Khai Trí in lần thứ nhì – 1959). Đạo đức kinh rất tối nghĩa, mỗi nhà hiểu mỗi khác, nên các bản dịch có khi khác nhau rất xa. Coi Ngô Tất Tố, chúng ta thấy ngay chương đầu của Đạo đức kinh cũng đã có sáu bảy cách hiểu rồi!). (ND).

[45] Chính trị gia Ý (1469-1527), viết cuốn Le prince (thuật làm vua) tư tưởng như Hàn Phi ở Trung Hoa, chỉ trọng mưu mô xảo quyệt, coi thường đạo đức, về già không được nhà cầm quyền dùng nữa, vui sống với nông dân. (ND).

[46] Thời đó gọi là Lạc Ấp. (ND).

[47] Theo Tư Mã Thiên thì hỏi về lễ. (ND).

[48] Truyện này chép trong Sử kí của Tư Mã Thiên, nhưng có lẽ không có thực. Như tôi đã nói, nhiều học giả ngày nay cho rằng Lão tử sinh sau Khổng tử. (ND).

[Đoạn trên, trong cuốn Lão tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch theo Sử kí của Tư Mã Thiên như sau:

“(…) người quân tử nếu gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kĩ vật quí, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dong mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi”.

Khổng tử về, bảo môn sinh: “Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó lội được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp ông Lão tử, ông ta là con rồng chăng?”. ]

CHƯƠNG II - KHỔNG TỬ

1. Một bậc hiền triết đi kiếm một nước để phục vụ

Lúc sanh và tuổi thơ – Cưới vợ rồi li dị - Môn sinh và cách dạy – Hình dáng và đức độ - Một người đàn bà và con cọp – Thế nào là chính quyền tốt – Khổng tử cầm quyền – Những năm chu du thiên hạ - Những niềm an ủi khi về già

 

Khổng Khâu, mà môn sinh gọi là Khổng phu tử, sanh năm 551 tr. T.L. ở huyện Khúc Phụ, thời đó ở trong nước Lỗ, bây giờ thuộc tỉnh Sơn Đông. Truyền thuyết Trung Hoa cho biết thân mẫu ông nằm mê thấy gì[1] trước khi sanh ra ông trong một cái hang, có rồng chầu ra sao, các nàng tiên làm cho không khí ngào ngạt hương thơm ra sao[2], những truyện đó ta không có cách nào bác bỏ được. Người ta bảo lưng ông như lưng rồng, môi như môi bò [?], miệng rộng như biển. Giòng họ ông lâu đời nhất Trung Hoa, vì tổ tiên ông là Hoàng Đế, và họ Khổng còn truyền lại bất tuyệt cho đến ngày nay. Cách đây một thế kỉ hậu duệ của ông, phái nam, không kể phái nữ được mười một ngàn người; quê hương ông ngày nay đa số gồm những người họ Khổng, mà thời xưa Khổng tử chỉ có một người con trai [tức Khổng Lí]; một người họ Khổng [Khổng Tường Hi][3] làm bộ trưởng tài chánh dưới thời Tưởng Giới Thạch ở Nam Kinh.

Khi Khổng tử ra đời thì thân phụ đã bảy mươi tuổi; ba tuổi ông mồ côi cha. Lớn lên, ngoài những giờ học, ông phải giúp mẹ, và có lẽ ngay từ hồi nhỏ, ông đã có cái vẻ nghiêm trang mà ông giữ được suốt đời. Mặc dầu vậy ông vẫn có thì giờ học môn bắn cung và âm nhạc; ông mê nhạc tới nỗi sau này có lần [ở Tề] nghe nhạc [thiều] thích quá, suốt ba tháng không ăn thịt [Luận ngữ - Thuật nhi -13]. Nietzche cho rằng triết gia không nên có vợ; Khổng tử mới đầu không nghĩ vậy, cho nên mười chín tuổi lập gia đình, nhưng hai mươi ba tuổi li dị, và hình như sau đó không tục huyền.

Ông bắt đầu dạy học hồi hai mươi hai tuổi, dùng ngay nhà ông làm trường học, cha mẹ học trò muốn tặng lễ vật ít nhiều gì cũng được. Ông dạy về ba môn chính: sử, thơ và những qui tắc về chính sách (?)[4]. Ông thường bảo: “Tư cách người ta phát ra nhờ “thi”, ý chí vững vàng nhờ “lễ”, đức hạnh thành tựu được nhờ “nhạc”. Cũng như Socrate, ông dạy bằng lời chứ không bằng sách và chúng ta chỉ được biết học thuyết của ông nhờ môn đệ của ông chép lại. Ông nêu một gương quí cho các triết gia – nhưng ít người theo được – là không bao giờ chỉ trích các nhà tư tưởng khác, không mất thì giờ vào việc tranh biện[5]. Ông không dạy môn lí luận, nhưng ông mài giũa trí tuệ của môn sinh bằng cách ôn tồn chỉ cho họ sự suy luận lầm lẫn ở đâu và luôn luôn phải có tinh thần mẫn nhuệ. “Người nào chẳng tự hỏi: mình phải làm [cái này] ra sao? Mình phải làm [cái đó] ra sao? thì ta cũng chẳng có cách nào chỉ bảo cho được [Luận ngữ - Vệ Linh Công – 51]. Kẻ nào không hăng hái muốn hiểu thì ta không thể giúp họ hiểu được, kẻ nào không dám tỏ ý kiến thì ta không thể giúp cho phát biểu ý kiến được. Ta vén cho một góc mà chẳng chịu tìm ba góc kia thì ta không giảng thêm cho nữa” [Luận ngữ - Thuật nhi – 8]. Ông tin chắc rằng chỉ bậc đại ngu thì học mới không ích lợi gì, còn những người khác học thì thế nào trí tuệ và tư cách cũng được cải thiện. “Không có người nào học ba năm mà không thấy khá hơn”[6].

Mới đầu ông có ít học trò, nhưng chẳng bao lâu người ta thấy ông đức cao, học rộng, nên về cuối đời, ông có thể tự hào rằng có tới ba ngàn môn sinh nhờ ông dạy dỗ mà thành tài, có địa vị rực rỡ trong xã hội. Một số môn sinh – có thời được tới bảy chục[7] – sống với ông như các môn sinh Ấn Độ sống với guru (tôn sư), quí mến ông lắm, ngăn cản ông khi ông muốn làm cái gì có hại cho ông, và phản đối dữ dội khi có ai nói xấu ông. Mặc dầu rất nghiêm với môn sinh, ông cũng yêu vài người còn hơn con ông nữa; khi một môn sinh, Nhan Hồi chết, ông khóc nức nở. Khi Lỗ Ai Công hỏi trong số môn sinh của ông có ai hiếu học, ông đáp: “Có Nhan Hồi hiếu học. Anh ấy không giận lây, có lầm lỡ thì không tái phạm. Chẳng may anh ấy chết sớm, nay thì không còn ai nữa, tôi chưa nghe nói có ai hiếu học nữa” [Luận ngữ - Ung dã – 2]. Lần khác Khổng tử bảo: “Anh Hồi không giúp cho ta được gì cả [nghĩa là không giúp ta suy nghĩ, tìm hiểu thêm]. Vì[8] chẳng có điều gì ta giảng mà anh ấy không vui lòng [nghĩa là hiểu ngay, làm theo ngay] [Luận ngữ - Tiên tiến – 3]. Kẻ nào làm biếng thì trốn ông vì ông không khoan hồng với họ, có lần ông đánh một tên biếng nhác, mắng cho tàn nhẫn rồi đuổi đi. “Kẻ nào cả ngày chỉ ăn no rồi ở không, chẳng dụng tâm làm việc gì thì khó mà sửa đổi được lắm” [Luận ngữ - Dương Hoá – 21]. Một lần ông mắng Nguyên Nhưỡng, một người quen cũ: “Hồi nhỏ không biết kính trọng bậc huynh trưởng, lớn lên chẳng làm được việc gì đáng khen, già rồi mà không chết đi, như vậy sống chỉ là phá hại thôi” [Luận ngữ - Hiến vấn – 46]. Được thấy ông đứng trong lớp đương dạy học hoặc vừa đi ngoài đường vừa giảng cho môn đệ về thi, lễ, triết lí, chắc là điều thú vị lắm. Các hoạ sĩ Trung Hoa vẽ ông lúc về già: đầu gần hoàn toàn hói, nét mặt như đanh lại vì kinh nghiệm, nghiêm trang một cách đáng sợ, chứ không để lộ một chút hài hước, âu yếm, hay tính đa cảm mẫn nhuệ, rất nghệ sĩ của ông, mà chính những nét này làm cho ông rất gần với chúng ta, mặc dầu đức độ ông hơn chúng ta nhiều quá. Một thầy dạy nhạc cho ông đã tả ông như sau, khi ông mới tới tuổi trung niên:

Tôi đã thấy Trọng Ni có nhiều nét của một bậc hiền. Mắt trong như nước sông, trán như trán rồng, khiến chúng ta nhớ tới vua Hoàng Đế. Tay dài, lưng cong như lưng rùa, cao chín thước[9] sáu tấc. Ông thường khen các tiên vương[10]. Ông theo cái đạo khiêm nhượng, lễ độ. Nhờ có kí tính phi thường, ông cái gì cũng biết, nghe rồi là nhớ liền. Kiến thức của ông mênh mông. Như vậy chẳng hiển nhiên là ông sẽ thành một bậc hiền sao[11].

Theo truyền thuyết, ông có “bốn mươi chín tướng quí”. Một hôm ông gặp một tai nạn, thầy trò lạc nhau. Tử Cống đi tìm ông. Một người dân trông thấy ông, mách rằng mới thấy một người tướng rất kì quái, coi vẻ thảm hại “như con chó hoang”. Khi thầy trò gặp nhau, Tử Cống kể lại lời đó, Khổng tử thích lắm, bảo: “Lạ nhỉ! Lạ nhỉ![12]

Ông dạy theo lối cổ, cho rằng thầy trò phải cách biệt nhau, phải giữ đúng lễ[13]. Ông chủ trương khắc kỉ, giữ đạo cho nghiêm để chống với tính ham hưởng lạc của con người. Có hồi ông có vẻ như tự đắc: “Trong một xóm mười nhà, tất có người tín như Khâu này, nhưng chẳng ai ham học bằng Khâu” [Luận ngữ - Công Dã Tràng - 27]. “Về văn chương, học thuật thì hoặc giả ta cũng bằng người, nhưng về đạo quân tử thì ta chưa thi hành cho trọn được” [Luận ngữ - Thuật nhi – 32][14]. Nếu có ông vua nào dùng ta thì trong một năm đã khá rồi, sẽ thành công” [Luận ngữ - Tử Lộ - 10]. Nhưng xét chung thì ông nhũn nhặn. Các môn đệ ông bảo không hề mắc bốn điều lỗi này: không bao giờ kết luận vội vàng quá, không quyết định trước một cách độc đoán, không cố chấp, không ích kỉ[15]. [Luận ngữ - Tử Hãn – 4]. Ông tự cho mình là chỉ truyền lại đạo của vua Nghiêu vua Thuấn đời xưa chứ không sáng tác gì mới[16] [Luận ngữ - Thuật nhi – 1].

Ông rất mong được nổi danh và được làm quan [để thi hành đạo của ông], nhưng ông giữ vững lập trường [về chính trị] nên không được các vua chúa dùng hoặc dùng mà không được lâu. Nhiều lần ông từ chối các chức vụ cao vì lối trị dân của các vua chúa muốn dùng ông đó không hợp với đạo của ông. Ông bảo các môn sinh: “Đừng lo mình không có chức vị, chỉ lo mình không đủ tài đức để lãnh chức vị; đừng lo không ai biết mình, chỉ lo mình không có gì đáng cho người ta biết”[17]. [Luận ngữ - Lí Nhân – 14].

Một vị đại thần ở Lỗ, Mang He[18], có hai người con lại học ông. Do đó mà ông được giới thiệu với triều đình Chu ở Lạc Dương; nhưng ông lánh xa chỗ cung điện mà thích đi thăm Lão tử lúc đó đã gần chết. Khi trở về Lỗ, thấy tổ quốc ông bị tàn phá vì nội loạn, ông cùng với vài môn sinh lánh qua nước Tề. Đi qua một miền núi non hiểm trở, hoang vu, ông ngạc nghiên thấy một bà lão, khóc trên một nấm mộ. Ông sai Tử Lộ[19] lại hỏi nguyên do. Bà lão đáp: “Cha chồng tôi bị cọp vồ nơi đây; rồi tới chồng tôi cũng vậy, bây giờ con trai tôi cũng mới bị nạn đó”. Khổng tử hỏi chỗ đó nguy hiểm như vậy, sao không đi ở chỗ khác, bà lão đáp: “Vì ở đây không có bọn quan lại hà khắc”. Khổng tử quay lại bảo môn sinh: “Các con nhớ đấy: chính sách hà khắc còn khốc hại hơn là hổ” [Lễ kí].

Vua Tề [Cảnh Công] mời ông vô triều, hỏi về cách cai trị. Ông đáp: “Vua làm hết phận vua, tôi làm hết phận tôi; cha làm hết phận cha, con làm hết phận con” [Luận ngữ - Nhan Uyên – 11]. Vua Tề khen là phải, muốn phong cho ông ấp Lin K’ew[20] nhưng ông không nhận, bảo không có công gì để đáng nhận. Nhà vua lại muốn dùng ông làm chức cố vấn, nhưng tể tướng là Gan Ying[21] can ngăn: “Hạng sĩ ấy không có óc thực tế, không thể làm gương mẫu được. Họ kiêu ngạo, chỉ cho ý tưởng của họ mới đúng, không chịu nhận những chức thấp. Ông Khổng đó là một người kì quặc, còn lâu mới chịu bỏ cái thói làm bộ làm tịch để ra vô”[22]. Vậy là Khổng tử trở về Lỗ, lại tiếp tục dạy học mười lăm năm nữa rồi mới được vời ra làm quan.

Qua đầu thế kỉ sau [tức đầu thế kỉ thứ V trước T.L, lúc này Khổng tử 51 tuổi], ông được làm Trung đô tể ở Lỗ [tức như chức kinh thành phủ doãn thời gần đây]. Theo truyền thuyết, ông cầm quyền thì cả kinh thành đua nhau lương thiện: của rơi ngoài đường không mất mà được trả lại cho chủ. Rồi vua Định công nước Lỗ phong ông làm Tư không [như Công bộ thượng thư], ông sai đo những đất thuộc về Quốc gia và làm cho canh nông phát triển. Sau ông cải chức làm Đại tư khấu [như Hình bộ thượng thư], các tội ác biến mất. Sử chép “không còn gian dối truỵ lạc nữa, đàn ông thì ngay thẳng, thành tín, đàn bà thì trinh tiết và nhu thuận. Người các nước khác đổ xô lại Lỗ. Khổng tử được dân chúng ngưỡng mộ”[23].

Thật là tốt đẹp quá, khó mà tin được, hoặc ít nhất thì cũng khó mà lâu bền được. Nếu quả thật bọn gian tà trốn hết thì chắc là để âm mưu đưa ông vào bẫy. Sử chép rằng các nước chung quanh ghen với Lỗ, thấy Lỗ thịnh lên mà lo sợ. Một đại phu quỉ quyệt nước Tề dùng kế phản gián. Vua Tề gởi qua Lỗ một đoàn mĩ nữ và 120 con ngựa tốt. Vua Lỗ say mê, không nghe lời can gián của Khổng tử (…) bỏ bê việc nước, làm cho các quan đại phu bất bình. Tử Lộ thưa với Khổng tử: “Lúc này thầy nên ra đi”. Bất đắc dĩ ông phải từ chức, rời nước Lỗ và bôn ba các nước chư hầu trong mười ba năm, sau này ông nhận thấy rằng “chưa thấy ai hiếu đức bằng hiếu sắc” [Luận ngữ - Tử Hãn – 17], mà sự thực, về một vài phương diện nào đó, hoá công đã lầm lẫn mà cho đức và sắc rất ít khi đi đôi với nhau.

Không được trọng dụng trong nước mình nữa, Khổng tử với một số môn sinh thân tín đi lang thang từ nước này qua nước khác, có khi được tiếp đãi trọng hậu, nhưng cũng có khi long đong, suýt nguy tới tánh mạng, hoặc bị thiếu thốn. Hai lần ông và môn sinh bị cướp đánh, và một lần bị đói, tới nỗi Tử Lộ phải phàn nàn rằng bậc quân tử sao mà bị trời đày đoạ như vậy. Vua Vệ muốn giao quyền cho ông nhưng ông từ chối, không chấp nhận cách trị dân của nhà vua[24].

Một hôm thầy trò đi ngang qua nước Tề, gặp hai ông già chán cảnh sa đoạ thời đó, từ quan về ở ẩn sống giản dị như Lão tử. Một ông nhận ra được Khổng tử, trách Tử Lộ sao mà theo Khổng tử, bảo: “Ùa ùa như nước chảy một chiều, thiên hạ đều như vậy cả, ai mà theo mình để sửa đổi loạn ra trị? Anh chỉ theo một bực sĩ tránh người [ám chỉ Khổng tử vì Khổng tử xa lánh bọn vua quan vô đạo], sao bằng theo bực sĩ lánh đời [nghĩa là bọn ẩn sĩ như mình]. [Luận ngữ - Vi tử - 6]. Khổng tử suy nghĩ lâu về lời ấy, nhưng vẫn hi vọng sẽ gặp một ông vua dùng mình để cải tổ xã hội cho hết loạn lạc[25].

Sau cùng, ông đã sáu mươi chín tuổi, Ai Công nước Lỗ lên nối ngôi, phái ba viên quan kiếm ông, tặng ông lễ vật và mời ông về nước. Trong năm năm cuối cùng, ông sống giản dị, được mọi người quí trọng, thường được nhà vua hỏi ý kiến, nhưng ông lánh việc triều đình, chỉ lo san lại các kinh và viết một bộ sử về nước ông [tức bộ Xuân Thu].

Diệp Công có lần hỏi Tử Lộ về Khổng tử. Tử Lộ không đáp. Hay được Khổng tử bảo Tử Lộ: “Sao anh không đáp như vầy: người ấy có lúc gắng suy nghĩ về đạo lí mà tới quên ăn, tìm ra được đạo lí thì vui đến quên hết lo buồn, không hay rằng cái cái già nó sắp đến?” [Luận ngữ - Thuật nhi – 18]. Ông tiêu khiển bằng thơ và triết lí, mừng rằng cứ theo bản năng của mình mà cũng không trái với đạo lí. “Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học, ba mươi tuổi đã vững chí; bốn mươi tuổi tâm trí sáng suốt, không còn nghi hoặc về đạo lí nữa; năm mươi tuổi biết được mạng Trời; sáu mươi tuổi nghe điều gì thì hiểu ngay, bảy mươi tuổi lòng ta muốn gì thì cũng không hề sai phép”[26] [Luận ngữ - Vi Chính – 4].

Ông mất năm bảy mươi hai tuổi [tính theo phương Đông, là bảy mươi ba]. Một buổi sáng, người ta [Tử Cống] nghe thấy ông hát:

Núi Thái Sơn sắp sụp.

Cây thượng lương sắp đổ.

Bậc triết nhân sắp mất.

Tử Cống lại gần ông, ông bảo: Thiên hạ loạn từ lâu, mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây. Ông nằm xuống và bảy ngày sau ông mất.

Môn sinh chôn cất ông rất long trọng, ai cũng thương xót ông, họ cất nhà lá ở chung quanh mộ ông, để tang ông ba năm, khóc ông như con khóc cha. Khi họ đi rồi, Tử Cống quí ông nhất, còn ở lại giữ mộ cho ông ba năm nữa.

2. Ngũ kinh và tứ thư

 

Khổng tử lưu lại năm cuốn sách có vẻ như chính tay ông viết hoặc san định mà người Trung Hoa gọi là ngũ kinh. Trước hết là cuốn Lễ kí chép những lễ nghi thời trước để hàm dưỡng những tình cảm tốt và giữ trật tự cùng sự an ổn trong xã hội. Rồi tới những thiên gọi là Thập dực để giải thích Kinh Dịch, cuốn này là sự cống hiến thâm thuý nhất của Trung Hoa vào khu vực tối tăm của siêu hình học mà ông vẫn tránh xa trong học thuyết của ông. Cuốn thứ ba là Kinh Thi trong đó ông tuyển những bài ca, bài dao, để cho người ta biết bản thể của đời sống ra sao, và phải theo qui tắc luân lí nào. Sau đó tới cuốn Xuân Thu chép lại một cách thật vắn tắt, gần như không thành câu, những biến cố quan trọng trong lịch sử nước Lỗ, quê hương của ông. Tác phẩm chính của ông là cuốn thứ năm Kinh Thư, ghi lại những biến cố và truyền thuyết về các thời vua cổ, thời mà Trung Hoa còn thống nhất một phần nào và các nhà cầm quyền là những vị anh hùng, những vị hi sinh cho dân, ông tin như vậy. Ông dùng cuốn ấy để đào tạo tư cách cho môn sinh. Trong năm cuốn ấy ông không muốn làm công việc của một sử gia mà chỉ nhắm việc dạy dỗ thanh niên, cho nên ông chỉ giữ lại những truyện hoặc những sự kiện cổ nào có tính cách làm cho tâm hồn môn sinh cao thượng lên; vậy chúng ta không nên coi những cuốn đó là lịch sử của Trung Hoa chép một cách vô tư, theo tinh thần khoa học. Có chỗ ông tưởng tượng ra những truyện, những đàm thoại chỉ để cho hợp với quan niệm đạo đức của ông. Lí tưởng hoá dĩ vãng của dân tộc ông như vậy, ông hành động cũng y hệt như ta ngày nay khi chúng ta đề cao những vị quốc trưởng mới cách chúng ta chưa đầy một thế kỉ khiến trong khoảng ngàn năm nữa họ cũng sẽ thành những vị thánh minh triết như Nghiêu, Thuấn hết.

Người Trung Hoa thêm vào ngũ kinh đó bốn cuốn nữa gọi là Tứ thư, cộng hết thảy là chín cuốn. Cuốn đầu và là cuốn quan trọng nhất trong tứ thư là cuốn Luận ngữ không do Khổng tử viết, mà do các môn đệ ông viết ít chục năm sau khi ông mất, để ghi lại bằng một giọng văn cô đọng và sáng sủa những ý kiến của ông, cùng những lời ông dạy bảo. Cuốn ấy là cuốn đáng tin nhất để tìm hiểu triết lí của ông. Cuốn thứ nhì là cuốn Đại học. Chương thứ tư và chương thứ năm[27] của cuốn này có những đoạn hay nhất và đặc biệt nhất trong các kinh, thư của Trung Hoa. Theo Chu Hi [triết gia đời Tống] thì hai chương ấy của Khổng tử, còn những chương khác là của Tăng Sâm, một môn đệ trẻ nhất của Khổng tử. Theo Kea Kwei [?] một học giả ở thế kỉ thứ nhất sau T.L., thì tác phẩm ấy của Khổng Cấp [tức Tử Tư], cháu nội Khổng tử, nhưng các học giả ngày nay luôn luôn hoài nghi, bảo không biết chắc của ai viết. Nhưng tất cả các nhà chuyên môn đều nhận rằng cuốn thứ ba, Trung dung, là của Khổng Cấp. Cuốn cuối, Mạnh tử, dưới đây chúng tôi sẽ xét tới. Các kinh tịch của đạo Khổng chỉ gồm chín cuốn ấy, nhưng tư tưởng Trung Hoa trong thời đại “tử học”[28] không phải chỉ có bấy nhiêu[29]. Chúng ta sẽ thấy còn những học thuyết khác chống lại tinh thần thủ cựu trong triết học của Khổng tử.

3. Chủ trương bất khả tri của Khổng tử 

Một đoạn luận lí  – Triết gia và hai đứa nhỏ  – Một qui tắc minh triết

 

Phải công tâm mà nhận rằng nhân sinh quan trong triết lí Khổng tử hợp với tuổi năm mươi của chúng ta và có lẽ xét cho cùng nó hợp lí hơn những tư tưởng nên thơ của tuổi trẻ. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta nên dung hòa triết lí ấy với triết lí của chúng ta nếu chúng ta muốn cho người khác thừa nhận những bán-chân lí của chúng ta mà chúng ta lấy làm tự phụ.

Không nên tìm ở Khổng tử một triết hệ, nghĩa là một toàn thể có mạch lạc, hệ thống gồm luận lí học, siêu hình học, đạo đức học và chính trị học, hết thảy đều qui vào một ý chính, căn bản (như những cung điện của Nebuchadrezzar mà mỗi viên gạch đều có ghi tên nhà vua). Khi dạy nghệ thuật lí luận Khổng tử không dùng phép tam đoạn luận mà luôn luôn dùng sự bén nhạy của trí tuệ ông để sửa lại tư tưởng của môn sinh; học xong họ không biết gì về hình-thức-luận-lí-học (logique formelle) mà biết suy nghĩ sáng suốt và không lạc ra ngoài vấn đề. Điều ông dạy đầu tiên là tư tưởng cùng ngôn ngữ phải sáng sủa, thành thực: “Lời nói, miễn diễn đúng ý tưởng là đủ” [Luận ngữ - Vệ Linh công – 40]; bài học ấy, môn triết học không luôn luôn theo đúng.  

“Biết điều gì thì giữ đúng điều ấy[30], không biết nhận là không biết; như vậy là thật biết” [Luận ngữ - Vi Chính – 17]. Vì thiếu thành thực mà tư tưởng hoá tối tăm, ngôn ngữ thiếu chính xác, đó là cái hại lớn cho quốc gia. Vua không ra vua thì đừng gọi là vua nữa, cha không ra cha thì đừng gọi là cha nữa, con không ra con thì đừng gọi là con nữa, chỉ có như vậy thì người ta mới không núp sau danh từ mà làm bậy. Cho nên khi Tử Lộ hỏi ông: “Nếu vua nước Tề đợi Thầy về để giúp ngài trị nước thì Thầy sẽ làm gì trước hết?”, ông đáp: “Tất phải làm cho chính danh đã”, khiến Tử Lộ rất đỗi ngạc nhiên.

Vì ông chỉ ham áp dụng đạo của ông vào việc cư xử và trị nước, cho nên ông lánh phần siêu hình học, rán gạt các thuyết tối tăm, mù mờ đi, không cho môn sinh nghĩ tới. Mặc dầu đôi khi ông cũng nói đến Trời và việc cúng vái [như Luận ngữ - Bát dật – 13] và khuyên môn sinh phải giữ đúng tục tế lễ tổ tiên và các thần của quốc gia, nhưng khi môn sinh hỏi về thần học thì những câu trả lời của ông có tính cách phủ nhận, cho nên các học giả ngày nay đều coi ông là có chủ trương bất khả tri [nghĩa là chủ trương rằng con người không hiểu nỗi những cái tuyệt đối như có Thượng đế không, có linh hồn bất tử không, ai sinh ra loài người…]. Khi Tử Cống hỏi: “Người chết, còn biết không?”, ông không trả lời một cách quả quyết[31]. Khi Quí Lộ hỏi về đạo thờ quỉ thần, ông bảo: “Đạo thờ người còn chưa biết, sao biết được đạo thờ quỉ thần”. Quí Lộ lại hỏi thêm: “Xin thầy cho biết về sự chết”, ông đáp: “Sự sống còn chưa biết, biết sao được sự chết” [Luận ngữ - Tiên tiến – 11]. Phàn Trì hỏi thế nào là “trí” [sáng suốt], Khổng tử đáp: “Chuyên làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỉ thần, nhưng xa ra, như vậy có thể gọi là trí” [Luận ngữ - Ung dã – 20]. Môn sinh của ông bảo ông không thích nói tới “những cái quái dị, dõng lực phản loạn và quỉ thần” [Luận ngữ - Thuật nhi – 20].

Thái độ triết lí khiêm nhượng đó làm cho môn sinh ngạc nhiên vì chắc chắn là họ muốn được ông vén cho ít nhiều bí mật của Trời. Cuốn Liệt tử chép truyện hai đứa nhỏ hỏi ông mặt trời gần trái đất hơn khi mới mọc – vì lúc đó nó lớn hơn – hay là khi giữa trưa – vì lúc đó nó nóng hơn – ông không đáp nổi và chúng cười ông: “Vậy mà người ta bảo rằng ông biết nhiều chứ”[32]. Về siêu hình học, Khổng tử chỉ khuyên chúng ta tìm một sự đồng nhất nào đó giữa các hiện tượng và gắng sức phát kiến được sự hoà hợp và quân bình giữa đạo làm người với luật thiên nhiên, tức đạo trời[33]. Một hôm ông hỏi Tử Cống: “Này anh Tứ, chắc anh cho rằng thầy muốn học cho thật nhiều mà nhớ cho hết, phải không?”. Tử Cống đáp: “Dạ, nhưng không phải vậy sao?”. – “Không, thầy chỉ muốn tìm một mối mà thông suốt hết cả” [Luận ngữ - Vệ Linh công – 2]. Thì tinh tuý của triết lí chính là vậy.

Ông chú trọng nhất tới luân lí. Ông cho rằng thời đó loạn lạc là vì đạo đức suy vi; có thể là do các tin tưởng thời cổ đã kém rồi, hoặc do bọn nguỵ biện và hoài nghi truyền bá những ý niệm của họ về thiện và ác; có thể vãn hồi được trật tự, không phải bằng cách trở lại những niềm tin thời xưa, mà bằng cách thành tâm tìm một tri thức viên mãn hơn [chắc tác giả muốn nói: cách vật, trí tri] và phục hồi lại đạo đức bằng một đời sống gia đình được qui định chặt chẽ, vững vàng hơn. Chương trình vãn hồi trật tự đó được ông trình bày một cách mạnh mẽ và thâm thuý trong đoạn bất hủ dưới đây trong cuốn Đại học:

Đời xưa muốn làm sáng đức trong thiên hạ thì trước hết phải trị nước mình [nghĩa là làm cho nước mình được trị], muốn trị nước mình thì trước hết phải sửa thân mình; muốn sửa thân mình thì trước hết phải tề nhà mình, muốn tề nhà mình thì trước hết phải chính cái tâm của mình; muốn chính cái tâm của mình thì trước hết phải làm cho tinh thành cái ý của mình, muốn làm cho tinh thành cái ý của mình thì trước hết phải có tri thức xác đáng; tri thức xác đáng ở chỗ xét kĩ mọi vật.

Mọi vật đã xét kĩ thì tri thức mới xác đáng; tri thức đã xác đáng thì sau cái ý mới tinh thành; ý đã chính thì sau cái tâm mới chính; cái tâm đã tinh thành thì sau cái thân mới được sửa; cái thân đã sửa thì sau nhà mới tề; nhà đã tề thì sau nước mới trị; nước đã trị thì sau thiên hạ mới bình[34]. Từ thiên tử cho đến thứ dân đều phải lấy sự sửa mình làm gốc; gốc loạn mà ngọn trị là chưa hề có; cái gốc mình đáng hậu mà lại bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà lại hậu là điều chưa hề có[35].

Đó là cái tinh tuý mà cũng là chìa khoá của triết lí Khổng tử. Dù chúng ta không còn giữ được tất cả những lời giảng dạy khác của ông và các môn đệ ông, thì chỉ mấy hàng ấy cũng cho ta được cái “cốt yếu của vấn đề” và hướng dẫn ta trong trọn đời ta rồi. Khổng tử bảo thiên hạ loạn lạc vì các nước không được khéo trị, mà nước không được khéo trị vì luật pháp dù nhiều tới đâu cũng không thay thế được trật tự tự nhiên trong xã hội, trật tự này đặt cơ sở trên gia đình; gia đình bê bối, không làm được nhiệm vụ duy trì trật tự xã hội kể trên là vì người ta quên rằng nếu mình không sửa được mình [tu thân], không thể tề gia được; họ không tu thân được vì lòng họ bất chánh, không gột được hết những dục vọng hỗn độn trong tâm hồn; lòng họ bất chánh vì tư tưởng của họ không ngay thẳng, không tuân theo sự thực mà tìm cách giấu bản thể thực của họ; tư tưởng của họ không ngay thẳng vì họ để cho dục vọng làm sai sự kiện do đó mà kết luận sai, chứ không chịu phát triển kiến thức thật rộng bằng cách vô tư tìm hiểu bản thể thực của sự vật. Vậy chúng ta cứ nên tìm hiểu sự vật một cách bất vị lợi thì tư tưởng sẽ ngay thẳng; tư tưởng ngay thẳng rồi thì lòng không còn những dục vọng hỗn độn nữa; lòng được gột như vậy rồi, cái ngã của chúng ta sẽ thấy qui tắc tự nhiên của nó[36], thân đã sửa rồi thì tự nhiên nhà được tề - không do những lời giảng luân lí dài dòng hoặc những cách trừng trị nghiêm khắc, tàn bạo, mà chỉ do mình im lặng làm gương cho người nhà; khi nhà được tề bằng sự trí tri, thành ý và sự nêu gương, thì trật tự trong xã hội sẽ tự nhiên được tăng cường rất mạnh mà nhà cầm quyền thành công trong việc trị nước; khi trong nước được trị, công bằng và yên ổn, thì thiên hạ sẽ sống sung sướng trong sự thanh bình.

Khổng tử khuyên chúng ta phải rán thành người hoàn thiện; lời khuyên đó rất quí, nhưng ông quên rằng loài người là một loài thú dữ; cũng như Ki Tô sau này, ông vạch cho chúng ta một mục đích, bắc một cái thang cho chúng ta leo. Đoạn đó là một trang bất hủ trong lịch sử triết học.


[1] Bà họ Nhan, thấy một con kì lân nhả một tờ ngọc thư có hàng chữ này: “Con của thuỷ tinh, nối nhà Chu đã suy mà làm vua không ngôi”. Bà lấy lụa buộc vào sừng nó, được mấy ngày nó đi mất. (ND).

[2] Sách Trung Hoa chép là có năm ông lão là năm vì sao trên trời xuống đứng giữa sân. Ở trong phòng bà Nhan, có tiếng âm nhạc, tiếng chuông, và tiếng nói rằng: “Trời cảm lời cầu nguyện mà cho sinh ra con thánh”. (ND).

[3] Tuy Durant muốn ám chỉ Khổng Tường Hi, nhưng trong cuốn Sử Trung Quốc, viết sau bản dịch Lịch sử văn minh Trung Hoa này, có lẽ cụ Nguyễn Hiến Lê không tin chắc là Khổng Tường Hi là cháu của Khổng tử, nên viết: “Khổng Tường Hi tự xưng là cháu đời thứ 75 của Khổng Tử”. .

[4] Bản tiếng Pháp: Les règles de la propiété des termes: chính danh. (ND).

[5] Một lần ông mỉa mai Tử Cống, một môn sinh có tính hay phê bình người khác: “Anh có đức cao nhỉ! Thầy tự xét mình để sửa lỗi còn chưa xong, có đâu rãnh mà xét người” (Luận ngữ - Hiến vấn – 31), rõ ràng nhất là câu này trong Luận ngữ - Vi chính: “Công kích đạo khác thì chỉ hại thôi”. (ND).

[6] Có lẽ câu: “tam niên học bất chí ư cốc, bất dị đắc dã” (Luận ngữ - Thái Bá – 8) mà Durant dịch ra như vậy. Nhưng thực ra nghĩa khác hẳn: “Ít người học đạo trong ba năm mà chẳng có chí cầu bỗng lộc”. Khổng tử có ý chê người ta chỉ mong sớm ra làm quan, mặc dầu làm quan có thể là để giúp nước, giúp nhà. (ND).

[7] Tác giả muốn trỏ thất thập nhị hiền? (ND).

[8] Bản tiếng Pháp dịch là nhưng. (ND).

[9] Mỗi thước hồi đó bằng khoảng một gang tay. (ND).

[10] Như Nghiêu, Thuấn, Văn vương, Võ vương… (ND).

[11] Durant trích một đoạn trong cuốn Life của Legge. Tôi không tra ra được chữ Hán. (ND).

[12] Có sách chép rằng Khổng tử cười và bảo: “Người đó tả hình dáng ta không biết có đúng không, nhưng cái vẻ ta thảm hại như con chó hoang thì đúng lắm”. (ND).

[13] Khổng tử trang nghiêm mà vẫn khoan, thân mật với môn sinh. Tôi chưa thấy triết gia nào yêu học trò và được học trò yêu lại như ông. Coi cuốn “Nhà giáo họ Khổng” – Cảo Thơm – 1972. (ND).

[14] Theo tôi, hai lời đó của Khổng tử có giọng khiêm tốn hơn là tự đắc. (ND).

[15] Nguyên văn: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã. Có sách dịch là vô ý: khi xét việc gì, không đem ý riêng của mình vào, mà cứ theo lẽ phải; vô tất: không quyết rằng điều đó tất đúng hoặc việc đó tất làm được; vô cố: không cố chấp; vô ngã: phải quên mình đi, đừng để cái “ta” làm mờ ám. (ND).

[16] Thuật nhi bất tác. (ND).

[17] Tôi không có cuốn Luận ngữ nên không biết trong cuốn đó cụ Nguyễn Hiến Lê dịch chương Lí Nhân (tức chương IV) - bài 14 ra sao. Nhưng trong cuốn Khổng tử, chương III, cụ bảo: “ông (tức Khổng tử) không cần ai biết mình (IV.14)”. .

[18] Mang He, chữ Hán là gì? Các sách đều chép là Trọng Tôn Cồ có hai người con là Hà Kị và Nam Cung Quát theo Khổng tử học Lễ. (ND).

[19] Tử Lộ hay Tử Cống? (ND).

[20] Không rõ chữ Hán là gì, chỉ biết sử chép là Ni Khê. (ND).

[21] Có lẽ Yến Anh. (ND).

[22] Đều trích trong cuốn Life của Legge. Tôi không tìm ra được chữ Hán. (ND).

[23] Đều trích trong cuốn Life của Legge. Tôi không tìm ra được chữ Hán. (ND).

[24] Theo Legge trong cuốn Life. Có sách nói vua Vệ không dùng ông. (ND).

[25] Luận ngữ chép thêm lời này của Khổng tử: Nếu thiên hạ mà được thái bình, thì ta cần gì phải sửa đổi? (ND).

[26] Trong cuốn Khổng tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học (đạo); ba mươi tuổi biết tự lập (tự mình theo chính đạo); bốn mươi tuổi không nghi hoặc (biết sự việc nào phải hay trái, tốt hay xấu); năm mươi tuổi biết mệnh trời (ngũ thập tri thiên mệnh); sáu mươi tuổi đã biết theo mệnh trời; bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lí”. .

[27] Chương thứ tư bàn về gốc và ngọn (bản mạt); chương thứ năm bàn về “cách vật trí tri” sẽ trích dẫn ở sau. (ND).

[28] Thời đại “tử học” là thời đại của các nhà sáng lập ra các triết thuyết, tức thời “Tiên Tần” (Xuân Thu và Chiến Quốc). Từ Tần, Hán trở đi là thời “Kinh học”, nghiên cứu, phát huy thêm các kinh nghiệm trong thời đại “tử học”. (ND).

[29] Chúng ta đã có đủ bản dịch của Tứ thư. Về Ngũ kinh, như trên chúng tôi đã nói, kinh Thi, kinh Dịch đã được dịch, kinh Xuân Thu mới có một bản dịch dở dang của Hoàng Khôi – Bộ Quốc gia Giáo dục – 1969. Kinh Thư có hai bản dịch: của Nhượng Tống – Tân Việt - 1963; và Thẩm Quỳnh. Kinh Lễ có cả chữ Hán và phiên âm chưa ai dịch – Bộ Quốc gia Giáo dục – 1965. (ND).

[30] Tri chi vi tri, thường được dịch là: biết thì nhận là biết. (ND).

[Trong cuốn Khổng tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: biết thì nói là biết. ].

[31] Ông trả lời: “Nếu nói chết rồi mà còn biết thì sợ những con cái hiếu thảo sẽ liều chết theo ông cha; nếu nói chết rồi mà không biết thì sợ con cháu bất hiếu, cha mẹ chết, bỏ không chôn. Anh muốn biết chết rồi còn biết hay không, chuyện đó không cần kíp, để rồi sau sẽ biết”. (Khổng tử gia ngữ). (ND).

[32] Coi bài Khổng tử cũng lúng túng trong Liệt tử - Lá Bối – 1972. Truyện này không đáng tin. (ND).

[33] Đây là chủ trương “Thiên nhân tương dữ” (trời và người quan hệ mật thiết với nhau), tin tưởng chung của loài người trong thời nông nghiệp. (ND).

[34] Bản dịch ra tiếng Pháp có hơi khác một chút, nhưng không quan trọng, như hai chữ “trí tri” (tri thức xác đáng) thì dịch là phát triển cái trí đến cùng cực. (ND).

[35] Câu cuối do tôi chép thêm vô. (ND).

[36] Đoạn này Durant chỉ giảng cho rõ thêm những lời trích ở trên. Ông muốn nói đến việc “tu thân” đây. (ND).

CHƯƠNG III  CÁC NHÀ THEO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CÁC NHÀ CHỦ TRƯƠNG VÔ CHÍNH PHỦ

Hai thế kỉ sau khi Khổng tử mất là những thế kỉ tranh biện, tà giáo. Thấy cái thú của triết lí rồi, vài nhà như Huệ tử và Công Tôn Long giỡn với khoa luận lí, nghĩ ra những điều nghịch lí, nguỵ biện không kém gì Zénon[1]. Các triết gia đổ xô lại Lạc Dương như ở Ấn Độ và Hi Lạp, họ đổ xô về Bénarès và Athènes cũng vào thời đại ấy. Ở Lạc Dương cũng như ở Athènes người ta được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận nhờ vậy mà Athènes thành trung tâm văn hóa của miền Địa Trung Hải. Các nhà nguỵ biện mà người ta gọi là “tung hoành gia”, ùa lại kinh đô, sẵn sàng dạy nghệ thuật thuyết phục về bất kì đề tài gì, cho bất kì ai. Ở Lạc Dương chúng ta cũng gặp Mạnh tử, môn đệ của Khổng tử; Trang tử, môn đệ nổi danh nhất của Lão tử; Tuân tử người chủ trương thuyết tính ác; và Mặc tử người lập ra thuyết kiêm ái.

1. Mặc Địch, người vị tha 

Một nhà luận lí thời cổ - Có tinh thần Ki Tô và đả đảo chiến tranh

 

Mạnh tử, kẻ thù của Mặc tử, bảo: “Mặc tử lấy kiêm ái làm chủ nghĩa, dầu nhẵn trán mòn gót[2] mà lợi cho thiên hạ thì cũng làm” [Tận tâm, thượng – 26]. Mặc Địch cũng sanh ở Lỗ như Khổng tử và sau khi Khổng mất được ít lâu thì danh của Mặc lên tới tột đỉnh. Ông chê đạo của Khổng tử không thi hành được và đưa ra thuyết kiêm ái [yêu mọi người như nhau, không kể thân sơ]. Trong số các luận lí gia Trung Quốc, ông là người lí sự bậy nhất. Theo ông vấn đề luận lí rất giản dị.

Nó phải có ba biểu chuẩn[3] [tam biểu]. Thế nào là ba biểu chuẩn?

1. Có biểu chuẩn căn cứ vào việc xem xét bản thuỷ. Xét bản thuỷ ở đâu? – Trên thì xét công việc các bậc thánh nhân đời xưa.

2. Có biểu chuẩn căn cứ vào việc quan sát sự cố. Quan sát sự cố ở đâu? – Dưới thì quan sát sự tình của trăm họ.

3. Có biểu chuẩn căn cứ vào kết quả ứng dụng. Xem xét kết quả ứng dụng ở đâu? - Ở việc ứng dụng vào hành chánh xem có phù hợp với quyền lợi của trăm họ nhân dân, nhà nước không. [Phi mệnh, thượng].

Từ phép luận lí đó, Mặc Địch rán chứng thực rằng ma quỉ có thực vì nhiều người bảo đã trông thấy chúng. Ông đả đảo quan niệm ông Trời phi nhân cách của Khổng tử và ông chứng thực rằng Trời có nhân cách. Cũng như Pascal, ông cho tôn giáo chỉ có lợi thôi: chúng ta cúng lễ tổ tiên, nếu các ngài thực sự nghe được chúng ta thì dĩ nhiên là có lợi rồi; nếu các ngài chết, không còn biết gì nữa, không thấy chúng ta dâng đồ cúng nữa thì cũng là “một dịp họp bà con, láng giềng để ăn uống vui vẻ”[4].

Mặc Địch cũng lại lí luận rằng chỉ có thuyết kiêm ái là giải quyết được vấn đề xã hội, vì nếu đem ra thực hành thì thế nào cũng thành công. “Nếu mọi người yêu nhau thì không hại lẫn nhau, kẻ giàu sang không khinh ngạo kẻ nghèo hèn, kẻ láu lỉnh không lừa kẻ ngu dại” [Kiêm ái, trung]. Ích kỉ là nguyên nhân mọi tội ác, từ tật ham học [?] ham kiếm tiền [?] của đứa trẻ[5] cho tới cái tội xâm chiếm nước khác. Ông ngạc nhiên rằng người ta xử tội một người ăn trộm một con heo, kẻ đi xâm chiếm nước người thì lại khen là anh hùng, ghi công trận để lại đời sau. Từ thuyết “phi công” (mạt sát chiến tranh) đó, Mặc Địch chuyển qua đả đảo kịch liệt Quốc gia, gần như chủ trương vô chính phủ, khiến cho nhà cầm quyền đương thời khó chịu… Tương truyền Công Thâu Ban chế giúp nước Sở một cái thang máy sắp đem đánh nước Tống. Mặc Địch hay tin, đi từ nước Tề luôn mười ngày mười đêm tới đất Dĩnh, kinh đô Sở, giảng thuyết kiêm ái để can Công Thâu Ban. Công Thâu Ban nghe lời đáp: “Trước khi gặp ông, tôi muốn chiếm nước Tống. Gặp ông rồi, tôi cảm thấy rằng, nếu không có lí do chính đáng, dù người ta có dâng nước Tống cho tôi, tôi cũng không nhận”. Mặc Địch bảo: “Như vậy cũng như tôi tặng ông nước Tống rồi. Ông cứ theo chính đạo ấy thì tôi sẽ tặng ông cả thiên hạ”.

Các môn phái đạo Khổng cũng như các chính khách Lạc Dương đều mỉa mai thuyết của Mặc Địch. Nhưng ông cũng có nhiều môn đệ trung thành và trong hai thế kỉ, một nhóm đưa đạo của ông lên thành một tôn giáo. Hai môn đệ, Tống Khanh[6] và Công Tôn Long hăng hái hô hào “phi công”. Hàn Phi, nhà phê bình lớn nhất thời ấy, theo một quan điểm tôi gọi là quan điểm Nietzche mà chỉ trích họ, bảo rằng trong khi tôi đợi cho loài người phát ra được cái tình kiêm ái, cũng như chim mọc cánh, thì chiến tranh vẫn làm “trọng tài” cho các quốc gia. Và khi Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh đốt sách thì những sách của Mặc gia cũng bị đốt như sách của Khổng tử, nhưng trái hẳn với Khổng giáo, thứ tôn giáo mới ấy từ đó lụn bại luôn[7].

2. Dương Chu, nhà vị kỉ 

Một nhà hưởng lạc theo thuyết số mệnh – Trường hợp tàn bạo

 

Trong khi đó, một thuyết hoàn toàn ngược lại cũng xuất hiện ở Trung Hoa. Chúng ta được biết chút gì về Dương Chu đều là do lời những kẻ thù của ông nói về ông thôi[8]. Ông nói hơi ngược đời rằng sống là khổ, vậy thì mục đích chính của cuộc đời chỉ là để hưởng lạc. Không có quỉ thần, chết rồi là hết; con người bất lực, bị những sức mạnh thiên nhiên mù quáng đày đoạ; mình sinh ra không do mình muốn, mình không được lựa chọn cha mẹ, ông bà, thể chất, tinh thần, tính tình bẩm sinh ra sao thì mình phải chịu vậy. Bậc hiền nhân phải nhận số phận của mình, đừng than van, mà cũng đừng để Khổng tử, Mặc tử lừa gạt bằng những thuyết hảo huyền của họ về tính thiện, về kiêm ái, về danh vọng. Thuyết tính thiện là do bọn khôn lanh bịa ra để gạt bọn chất phác; kiêm ái là ảo tưởng của bọn con nít không hiểu rằng luật tàn sát lẫn nhau mới chính là luật sinh tồn; còn danh vọng chỉ là món đồ chơi. Khi mình chết rồi, hưởng được gì đâu, kẻ nào điên mới chịu trả nó một giá đắt. Trong đời, người thiện cũng đau khổ như kẻ ác, mà bọn này lại có vẻ được hưởng lạc nhiều hơn. Các thánh nhân thời cổ không phải là các ông vua đạo đức như Khổng tử tưởng đâu, chính là bọn ham khoái lạc, chìm đắm trong nhục dục, may mắn được sống vào cái thời chưa có những người lập pháp, chưa có triết gia, và họ nhờ vậy có thể thoả tình hành lạc. Nói cho ngay, bọn tàn ác lưu lại tiếng xấu cho đời sau thật đấy, nhưng như vậy có hại gì cho nắm xương khô của họ đâu. Dương Chu bảo ta thử xét số phận của người thiện và người ác ra sao:

Mọi tiếng tốt đẹp trong thiên hạ đều dồn cả cho vua Thuấn, vua Vũ, Chu công, Khổng tử; còn mọi tiếng xấu qui cả cho Kiệt và Trụ. Vua Thuấn cày ruộng ở Hà Dương, làm đồ gốm ở Lôi Trạch, chân tay không lúc nào nghỉ, miệng không được ăn thức ngon, không được cha mẹ yêu, anh em quí mến (…)[9], khi vua Nghiêu truyền ngôi cho thì tuổi đã cao, trí đã suy. Con trai ông ta là Thương Quân bất tài, ông phải nhường ngôi cho ông Vũ rồi rầu rĩ cho tới chết. Ông ta là con người khốn khổ, cô độc nhất đời.

(…) Ông Vũ phải đem hết sức ra khai hoang, có con mà không âu yếm, săn sóc con, đi qua nhà mà không vô, thân thể khô đét, tay chân chai cộm, đến khi được vua Thuấn truyền ngôi cho, sống trong cung thất tồi tàn, đeo dây thao, đội mũ miện đẹp mà rầu rĩ tới chết. Ông ta là con người lo lắng, lao khổ nhất đời.

[Vua Vũ (nhà Chu) khi mất con là Thành Vương còn nhỏ, ông Chu công[10], ông Thiệu công[11] không vui, khắp bốn phương đâu đâu cũng nổi lên lời chê, nên phải bỏ ra phía ở Đông ba năm, giết anh, bỏ tù em để tự cứu mình, sau sống rầu rĩ tới chết. Ông ta là người khốn đốn, lo sợ nhất đời][12].

Khổng tử hiểu rõ cái đạo đế vương, hễ vua nào mời thì sẵn sàng tới giúp, mà khi ở nước Tống có lần người ta tính đốn cây để cây đổ xuống đè bẹp ông, có hồi phải trốn khỏi nước Vệ, có hồi bị khốn cùng ở Thương, Chu [tức Tống và Lỗ], bị vây ở Trần, Thái, bị Quí thị xúc phạm, Dương Hổ làm nhục, sau rầu rĩ cho tới chết. Ông là người long đong bị xua đuổi nhất đời.

Bốn ông Thánh đó sống không được một ngày vui, mà chết đi lưu danh lại vạn đại. Danh vốn không phải là thực mà có thể hưởng được[13], tuy được người ta khen thưởng thì cũng không biết, trơ trơ khác chi khúc cây cục đất.

(Mặt khác) Kiệt được hưởng kho tàng mấy đời tích luỹ, quay mặt về phương Nam mà giữ ngôi chí tôn, trí đủ để bầy tôi không dám nhờn, uy đủ để khắp nước phải run sợ, tha hồ hưởng cái vui thanh sắc, muốn làm gì thì làm mà sống thoả thích cho tới chết. Ông ta là người phóng đãng nhất thiên hạ.

Trụ cũng được hưởng kho tàng mấy đời tích luỹ, cũng quay mặt về phương Nam mà giữ ngôi chí tôn, uy lan ra khắp nơi, muốn làm gì thì làm, phóng túng trong Khuynh cung[14], dâm đãng trong cảnh “trường dạ”[15], không tự làm khổ mình bằng lễ nghĩa, vui vẻ sống cho tới khi bị [vua Chu Vũ vương] giết. Ông ta là người phóng túng nhất thiên hạ.

Hai con người hung tàn đó sống thì hưởng lạc cho thoả lòng, chết mang cái tên xấu là ngu bạo. “Thực” vốn không phải là cái mà “danh” có thể tặng được, tuy bị người đời chê hay khen thì cũng không biết, trơ trơ khác chi khúc cây, cục đất.

Bốn ông Thánh kia tuy được dồn cho mọi tiếng tốt, nhưng chịu khổ cho tới hết đời, rồi cũng chết như mọi người vậy. Hai kẻ hung bạo kia phải chịu mọi tiếng xấu, nhưng được vui cho tới hết đời, rồi cũng chết như mọi người vậy[16].

Thật khác xa Khổng tử! Chúng ta muốn tưởng rằng thời gian vốn phản động [?] chỉ lưu lại cho chúng ta những triết gia Trung Hoa đáng kính trọng nhất, còn những nhà khác, thì bị chôn vùi trong cõi u minh không ai nhắc tới nữa. Ấy vậy mà có lẽ thời gian có lí: nhân loại không thể tồn tại lâu được nếu môn đệ của Dương Chu rất đông[17]. Chúng ta chỉ có thể đáp Dương Chu rằng không thể có xã hội được nếu mỗi cá nhân không hợp tác với những người đồng thời và trong sự trao đổi với nhau những điều hay cách tốt phải hi sinh cho nhau, chia lợi cùng nhau, mà muốn vậy thì cần có một sự câu thúc về luân lí; không có xã hội thì cá nhân không thể phát triển được; đời sống của ta tuỳ thuộc những bức rào cản nó bao vây ta đó. Vài sử gia cho rằng xã hội Trung Hoa tan rã ở thế kỉ thứ IV và thứ III trước T.L., một phần tại thuyết vị kỉ của Dương Chu đó được nhiều người theo quá.

Cho nên chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên rằng Mạnh tử cực phẫn nộ, lớn tiếng đả đảo cả thuyết hưởng lạc của Dương Chu lẫn thuyết kiêm ái duy tâm của Mặc Địch:

Học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ, khi bàn bạc người nào không theo Dương thì theo Mặc. Họ Dương vị ngã, như vậy là không có vua; họ Mặc kiêm ái, như vậy là không có cha; không vua, không cha tức là cầm thú (…) Nếu không ngăn chặn hai đạo ấy thì đạo của Khổng tử không được sáng tỏ, tà thuyết sẽ dối gạt dân, ngăn lấp đường nhân nghĩa (…).

Ta vì lo sợ như vậy nên phải bênh vực đạo lí của chư thánh thời xưa, đả đảo học thuyết của Dương và Mặc, trừ tuyệt những lời bậy bạ để tà thuyết khỏi khơi lên (…). Nếu thánh nhân có sống lại, chắc cũng cho lời ta là phải [Đằng Văn Công, hạ 9].

3. Mạnh tử, bậc thầy của các vua chúa 

Một hiền mẫu – Một triết gia ở các triều đình – Bản tính con người có thiện không? – Một thứ thuế duy nhất – Mạnh tử và cộng sản – Sự kích thích của cái lợi – Quyền làm cách mạng.

 

Trong lịch sử triết lí rất phong phú của Trung Hoa, địa vị của Mạnh tử chỉ kém Khổng tử thôi. Ông sinh trong một quí tộc cổ, họ Mạnh, tên Kha.

Chúng ta biết về thân mẫu ông cũng gần bằng biết về ông vì các sử gia coi cụ là một bà mẹ kiểu mẫu, kể nhiều truyện lí thú về cụ. Họ bảo ba lần cụ vì con mà đổi chỗ ở; vì lần đầu ở gần một nghĩa địa, cậu con bắt chước người ta đào huyệt, làm lễ chôn cất; lần thứ nhì vì ở gần một lò sát sinh, cậu bắt chước tiếng kêu của các con vật bị thọc tiết; lần thứ ba vì ở gần chợ, cậu cũng bắt chước thói con buôn; sau cùng kiếm được một nơi ở gần trường học, cụ mới yên tâm. Khi cậu làm biếng học, cụ cắt sợi chỉ ở cái thoi cho cụ thấy, cậu hỏi tại sao, cụ đáp đương học mà bỏ học thì cũng như đương dệt mà cắt sợi chỉ. Sau cậu thành một học sinh rất siêng năng, lập gia đình, định li dị rồi tự chủ được, lại thôi, mở trường dạy học, môn sinh đông, và được nhiều vua chúa đương thời mời tới triều đình để hỏi về cách trị nước. Ông do dự, không muốn nhận lời họ vì không muốn xa mẹ, lúc đó đã già lắm, nhưng cụ khuyên ông cứ đi. Lời khuyên ấy – chép lại dưới đây – làm cho mọi người đàn ông Trung Hoa đều ngưỡng mộ cụ; nhưng có lẽ không phải của cụ mà của một người đàn ông nào thời sau nguỵ tác rồi gán cho cụ:

Đàn bà không được tự ý quyết định một điều gì cả, vì phải theo đạo tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Con đương tuổi cường tráng mà mẹ thì già rồi. Con cứ theo điều nghĩa còn mẹ thì mẹ theo đạo của mẹ, chứ lo lắng về mẹ làm gì?

Thế là Mạnh tử lên đường, vì sở dĩ ông dạy học chỉ là để mong sau được cầm quyền. Như Voltaire, ông thích chế độ quân chủ hơn chế độ dân chủ, vì dưới chế độ dân chủ phải giáo dục toàn dân rồi chính thể mới tốt được, còn dưới chế độ quân chủ, chỉ cần có một bậc hiền nhân khéo cải hoá một ông vua là chính trị có thể hoàn toàn tốt đẹp rồi. “Kiểu chính nhà vua rồi thì nước sẽ trị”.

Mới đầu ông qua nước Tề, rán thuyết Tuyên vương, nhận một chức danh dự, nhưng không nhận bổng lộc[18], chẳng bao lâu thấy nhà vua không theo đạo ông, ông bỏ qua nước Đằng, một nước chư hầu nhỏ; vua Đằng thực tâm muốn theo đạo ông nhưng lại bất lực. Ông trở lại Tề, và lần này tỏ vẻ khôn hơn, nhận một chức vụ có bổng lộc. Thân mẫu ông mất trong khi ông bôn ba như vậy; ông chôn cất mẹ rất long trọng, khiến môn sinh phải bất bình; ông đáp như vậy là vì lòng hiếu. Vài năm sau Tuyên vương dấy binh để xâm lăng nước khác, cho thuyết hiếu hoà của Mạnh tử không hợp thời, nên không dùng ông nữa. Lúc đó, nghe nói vua Tống có thiện chí, ông lại yết kiến, nhưng mới gặp, ông đã thấy lời người ta đồn là sai. Tất cả các nước chư hầu đều viện cớ này cớ khác để không theo cái đạo ông. Ông thì bảo: “Quả nhân có tật, quả nhân hiếu dũng” [nghĩa là hiếu chiến], ông thì bảo: “Quả nhân có tật, quả nhân hiếu hoá” [thích của cải][19].

Sau cùng Mạnh tử bỏ ý làm chính trị mà lui về, trong mấy năm cùng soạn chung với môn sinh một cuốn trong đó chép lại những cuộc tiếp xúc với các vua chúa đương thời. Sự thực chúng ta không biết rõ cuốn ấy do ông viết hay do môn sinh viết; có thể do người khác viết chứ không phải do thầy trò ông. Chúng ta chỉ biết rằng cuốn Mạnh tử là một trong những cuốn nổi danh nhất của triết học Trung Hoa thời Tiên Tần.

Mạnh tử cũng như Khổng tử không quan tâm tới tôn giáo, tới môn luận lí, nhận thức học hay siêu hình học; các phái Khổng giáo nhường những vấn đề tế nhị ấy cho môn đệ Lão tử mà chỉ bàn về đạo đức, chính trị. Mạnh tử chú trọng nhất tới cách cải thiện đời sống, lập một chính quyền gồm toàn những người tốt nhất. Ông đưa ra qui tắc này là con người bẩm sinh ra thiện, xã hội loạn không phải do dân mà do chính quyền tệ hại, tàn bạo. Do đó ông kết luận các triết gia [tức bậc hiền nhân] phải làm vua, hoặc ít nhất thì các vua chúa cũng phải có đức mới được.

Nay nếu nhà vua muốn bắt đầu một chính trị tốt, thi ân cho mọi người, thì các quan chức trong thiên hạ đều muốn lại triều đình của vua, các nhà nông đều muốn cày cấy ruộng đất của vua, các thương nhân đều muốn trữ hàng hoá ở chợ búa của vua, các khách phương xa đều muốn đi lại trên đường sá của vua; lúc đó trong thiên hạ ai chán ghét phép cai trị vô đạo của vua nước mình, sẽ kéo nhau đến tố cáo với nhà vua. Khi người ta có những thói quen đó rồi thì làm sao trở lại những lầm lỗi cũ được[20].

Tuyên vương đáp: “Ta tối tăm, chẳng thể hiểu điều đó được”[21] [Lương Huệ vương, thượng -7].

Một ông vua nhân từ thì không gây chiến với các nước khác, mà tấn công kẻ thù chung của nhân loại là sự nghèo khổ, vì sự nghèo khổ và sự dốt nát gây ra tội lỗi mà nước hoá ra loạn. Dân nghèo vì không có việc làm, hoá ra bậy bạ, mắc vòng tội lỗi, rồi cứ chiếu theo luật pháp mà trừng trị, thì tức là bủa lưới bắt dân [Đằng Văn công, hạ -3]. Chính quyền phải lo sự ăn mặc cho dân, phải đánh thuế ruộng đất chứ không đánh thuế nhà cửa hoặc công việc làm trên ruộng đất ấy[22], phải bỏ hết các thứ thuế khác mà mở trường cho thật nhiều, bắt trẻ nào cũng phải đi học, vì cách ấy là cách chắc chắn nhất để phát triển văn minh. “Mở mang giáo dục thì được lòng dân hơn là đặt ra pháp luật”. “Chỗ người ta khác với cầm thú không có bao nhiêu, kẻ dân thường bỏ mất chỗ khác ấy còn người quân tử thì giữ được” [Li Lâu, hạ - 19].

Mạnh tử không được các vua chúa dùng vì họ cho là quá cấp tiến, mà lại bị bọn xã hội và bọn cộng sản đương thời khinh là bảo thủ quá; nghĩ tới điều ấy chúng ta mới thấy những vấn đề chính trị và các giải pháp chúng ta đưa ra ngày nay, trong thời đại chúng ta gọi là văn minh này, có gì là mới đâu, cổ nhân cũng nghĩ tới rồi. Khi Hứa Hành “con người mọi rợ ở phương Nam [Sở], giọng líu lo như chim chàng làng”, muốn lập chế độ cộng sản chuyên chính, đòi cho thợ thuyền lên cầm quyền, bảo “các đại thần phải lựa trong đám lao động”, và một số đông các nhà trí thức thời đó cũng như thời nay, theo ông ta, thì Mạnh tử khinh bỉ, mạt sát quan niệm ấy, bảo chính quyền phải giao cho kẻ sĩ. Nhưng ông đồng thời cũng đả đảo thuyết công lợi, trách Tống Khanh khuyên các vua chư hầu đừng gây chiến với nhau, vì như ngày nay chúng ta nói: “chiến tranh không có lợi”: 

Mục đích của ông lớn [đáng khen] đấy, nhưng lí do ông trưng ra không vững. Nếu ông đem việc lợi ra thuyết vua Tần, vua Sở, mà hai vua ấy nghe ông, bãi các sư đoàn trong tam quân thì các binh lính trong quân đội sẽ vui lòng nghỉ ngơi và thích chạy theo cái lợi; kẻ làm tôi cũng sẽ vì tham lợi mà thờ vua, kẻ làm con tham lợi mà thờ cha, kẻ làm em vì tham lợi mà thờ anh; kết quả là vua tôi, cha con, anh em đều bỏ hết nhân và nghĩa, mà giao tiếp với nhau vì lòng tham lợi mà thôi. Xã hội như vậy mà không diệt vong, là điều chưa từng thấy vậy [Cáo tử, hạ - 4].

Mạnh tử thừa nhận quyền làm cách mạng và tuyên bố ngay vào mặt các vua chúa. Ông mạt sát chiến tranh, coi đó phải bực tức: “Có kẻ bảo: “Tôi giỏi bày binh bố trận”. Họ là những kẻ mắc đại tội”. “Không có nghĩa chiến”[23], nghĩa là không có chiến tranh nào chính đáng, hợp đạo nghĩa cả. Ông chỉ trích thói xa hoa của triều đình và mắng thẳng các vua chúa nuôi chó, heo mà để cho dân chết đói[24] [Lương Huệ vương, thượng – 3]. Một ông vua[25] tuyên bố rằng không ngăn được nạn đói, ông đáp nếu vậy thì nên nhường ngôi đi [Công Tôn Sửu, hạ - 4]. Vì “dân vi quí, quân vi khinh” [Tận tâm, hạ - 14], cho nên dân có quyền truất ngôi vua và trong vài trường hợp, giết vua nữa:

Tề Tuyên vương hỏi về đạo nghĩa của quan khanh [như thủ tướng hay bộ trưởng ngày nay]… Mạnh tử đáp: Nếu vua có lỗi lớn thì bọn đó phải can gián, can gián nhiều lần mà vua không nghe thì tôn người khác kên [Vạn Chương, hạ -9].

[Lần khác] Mạnh tử bảo: Như có quan sĩ sư [đầu ti Hình pháp] mà không cai quản nổi những quan dưới quyền mình thì vua xử trí cách nào?. Tề Tuyên vương đáp: “Thì cách chức”. Mạnh tử lại hỏi tiếp: “Nếu có một ông vua mà để trong nước rối loạn thì nên xử trí cách nào?”. Tuyên vương ngó qua bên tả bên hữu rồi mới nói lảng qua chuyện khác [Lương Huệ vương, hạ - 6]. [Lần khác nữa] Tuyên vương hỏi: “Vua Thành Thang đuổi vua Kiệt, vua Võ vương đánh vua Trụ, có thật vậy không? Mạnh tử đáp: “Trong sử sách chép như vậy”, vua hỏi tiếp: “Bề tôi giết vua, có nên chăng?”. Mạnh tử đáp: “Kẻ làm hại đức nhân thì gọi là “tặc” [giặc], kẻ làm hại đức nghĩa gọi là “tàn” [bao ngược]. Hạng tàn, tặc chỉ là người thường mà thôi. Tôi nghe nói vua Võ vương giết một người thường là Trụ chứ chưa nghe nói giết vua [Lương Huệ vương, hạ -8].

Thật là một học thuyết can đảm, nó có công lớn nhồi vào óc các vua chúa và đại chúng Trung Hoa tín niệm này: “Khi một ông vua đã thất nhân tâm thì cũng mất luôn cái mệnh Trời giao cho” và phải bị truất ngôi. Vậy ta không thấy lấy làm lạ rằng Minh Thái tổ, người sáng lập ra nhà Minh [niên hiệu là Hồng Vũ, tên là Chu Nguyên Chương] đọc những đoạn Mạnh tử nói chuyện với Tề Tuyên vương, bất bình lắm, ra lệnh dẹp hết những phiến đá khắc các bài ấy mà vua Thần tôn nhà Tống sai dựng năm 1084 ở miếu thờ Khổng tử. Nhưng năm sau, Thái tổ lại phải cho đặt lại chỗ cũ, và cho tới cuộc cách mạng Tân Hợi 1911. Mạnh tử được coi là một đấng đại trượng phu của Trung Hoa, một á thánh danh vọng và ảnh hưởng chỉ kém Khổng tử trong lịch sử triết học chính thống. Chính nhờ ông và Chu Hi đời Tống, mà Khổng tử được coi là bực tôn sư về tư tưởng Trung Hoa trên hai ngàn năm[26].


[1] Triết gia Hi Lạp, sinh vào khoảng từ -490 tới -485. (ND).

[2] Bản tiếng Pháp: chặt thành từng khúc từ đầu đến chân. (ND).

[3] Bản tiếng Pháp: Trois lois du raisonnement – ba luật lí luận. (ND).

[4] Chúng tôi không tra được chữ Hán (ND).

[5] Bản tiếng Anh: from the acquisitiveness of the child... .

[6] Có sách chép là Tống Kiên hoặc Tống Vinh -383 -290. (ND).

[Trong cuốn Trang tử - Nam Hoa kinh, cụ Nguyễn Hiến Lê chú thích mấy chữ “Ông Vinh tử nước Tống” như sau: “Một hiền triết nước Tống thời đó. Chương Thiên Hạ ở cuối cuốn này gọi là Tống Kiên, trong bộ Mạnh tử gọi là Tống Khanh, trong bộ Tuân tử gọi là Tống tử”. ].

[7] Chúng ta chưa có bản dịch trọn bộ Mặc tử, chỉ mới có một cuốn giới thiệu học thuyết Mặc tử của Ngô Tất Tố - Khai Trí – 1959. (ND).

[Khi dịch cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, cụ Nguyễn Hiến Lê chưa viết cuốn Mặc học. ]

[8] Trừ Khổng tử, còn các triết gia khác thời đó thì năm sinh, năm tử không có gì chắc chắn, có thể sai vài ba chục năm trở lên. Theo Vũ Đồng thì như sau: Khổng tử -551 -497; Mặc tử -480 -397; Dương tử -440 -380; Lão tử -430 -340; Liệt tử -430 -349; Mạnh tử -372 -289; Trang tử -360 -280; Tuân tử -330 -227; Hàn Phi -280 233. (ND).

[9] Chỗ này Durant cắt bỏ, dưới cũng vậy. (ND).

[10] Chu công là con vua Văn vương, em vua Vũ vương, chú vua Thành vương (1115-1077), nhiếp chính cho Thành vương, vì anh em ông ta muốn cướp ngôi của Thành vương, ông phải giết anh và bỏ tù em. Chu công cai trị giỏi, đặt ra lễ, nhạc. (ND)

[11] Có sách chép là Triệu công – cũng là nhiếp chính. (ND).

[12] Cả đoạn trong dấu [ ] này, Durant cắt bỏ, tôi giữ lại cho hợp với tiền văn và hậu văn. Trên đưa bốn ông Thánh: Thuấn, Vũ, Chu Công, Khổng tử, rồi dưới lại nhắc “bốn ông Thánh đó sống không một ngày vui”, vậy thì không lí gì lại loại bỏ Chu Công đi, mà chỉ nói tới ba ông kia. (ND).

[13] Bản tiếng Pháp: những người có ý thức về cái thực thì không tìm cái danh. (ND).

[14] Tên một cái đài do vua Trụ xây. (ND).

[15] Vua Trụ dâm đãng, lấy 120 ngày làm một đêm, gọi là “trường dạ ẩm”. (ND).

[16] Người Trung Hoa chỉ còn giữ lại được trên hai chục bài viết từ khoảng 2.000 năm trước về Dương Chu (mà không phải của Dương Chu). Tôi đã dịch và gom lại tất cả những bài đó trong phần III cuốn Liệt tử và Dương tử - Lá Bối – 1972. (ND).

[17] Tôi dịch sát bản tiếng Pháp, thấy đoạn này, từ “Chúng ta muốn tưởng…” nghĩa không xuôi, không rõ bản tiếng Anh ra sao. (ND).

[Bản tiếng Anh: “Again we suspect that time, who is a reactionary, has preserved for us the most respectable of Chinese thinkers, and has swallowed nearly all the rest in the limbo of forgotten souls. And perhaps time is right: humanity itself could not long survive if many were of Yan Chu's mind”. ].

[18] Chức khách khanh cũng như chức cố vấn giao cho người ngoại quốc. (ND).

[19] Sự thực hai lời đó đều của Tề Tuyên vương. Tề Tuyên vương còn thú có tất hiếu sắc nữa. (ND).

[20] Nguyên văn: Kì nhược thị, thục năng ngữ chi, có sách dịch là: Như vậy ai ngăn cản họ được. Tôi nghĩ có lẽ nên hiểu là: Được như vậy thì còn ai chống lại được [nhà vua]. (ND).

[Sách in sai chữ thục thành chữ thực. Nguyên văn chữ Hán cả câu:  其若是, 孰能御之Chữ 御 (ngữ), có bản chép là 禦 (ngữ), cả hai chữ đều có nghĩa là chống lại. ].

[21] Có người hiểu là: Ta tối tăm, chẳng tiến được tới mức ấy. (ND).

[Nguyên văn: Ngô hôn, bất năng tiến ư thị hĩ 吾惛, 不能進於是矣 (Trang web đã dẫn). ].

[22] Chỗ này Durant hiểu hơi sai. Coi Công Tôn Sửu, thượng – 5 và coi cuốn Mạnh tử của tôi – Cảo Thơm xuất bản – 1974. (ND).

[23] Nguyên văn chữ Hán: Xuân Thu vô nghĩa chiến (Tận tâm, hạ - 2). (ND).

[24] Nguyên văn: Cẩu trệ thực nhân thực nhi bất tri kiểm, đồ hữu ngạ biễu nhi bất tri phát: [Ngày nay nhà vua] để cho loài chó heo ăn hết thức ăn của người mà chẳng biết cấm ngăn, trên đường đầy kẻ chết đói mà vua chẳng chịu xuất lúa ra phát chẩn.

[Trong phiên âm ở trên có 3 chữ in sai, tôi đã sửa lại theo nguyên văn chữ Hán đăng trên trang web đã dẫn:  狗彘食人食而不知檢,塗有餓莩而不知發 ].  

[25] Chính ra là Khổng Cự Tâm, một quan đại phu cai trị đất mới được truất ngôi vua, sau khi họp công tộc triều đình Bình Lục ở Tề. (ND).

[26] Đã có nhiều bản dịch trọn bộ Mạnh tử. Có thể đọc thêm cuốn viết về Mạnh tử - Cảo Thơm – 1974. (ND).

CHƯƠNG III (2)

4. Tuân tử, nhà thực tế 

Tính ác – Sự cần thiết của luật pháp

 

Triết lí của Mạnh tử có nhược điểm và các nhà đồng thời với ông hoan hỉ đánh vào chỗ yếu đó. Tính con người có thực là thiện không, có thực là vì chế độ xấu xa nên con người mới làm điều ác không, hay trái lại chính vì tính con người vốn ác nên xã hội mới xấu xa? Có lẽ lần này là lần đầu sự xung đột dữ dội từ thời nào tới giờ giữa hai phái canh tân và thủ cựu mới được nêu ra một cách minh bạch như vậy. Sự phát triển giáo dục có làm cho tội ác bớt đi, đạo đức tăng lên không, và có giúp cho nhà cầm quyền dắt dẫn con người tới cảnh cực lạc ảo tưởng, tới hoàng kim thời đại không? Bọn hiền triết có tư cách cầm quyền không, hay là trái lại áp dụng lí thuyết của họ thì chỉ làm cho xã hội hỗn loạn thêm thôi, chứ không bớt đi như họ tưởng?

Người phản đối Mạnh tử, vừa cương quyết vừa tài giỏi nhất là một công chức [quan lệnh ở Lan Lăng, nước Sở], tên là Tuân Huống, tự là Khanh, sanh ở nước Triệu, mất vào khoảng 235 trước T.L., hồi bảy chục tuổi. Mạnh tử cho rằng mọi người sinh ra vốn tính thiện, Tuân tử trái lại bảo họ vốn tính ác; ngay như vua Nghiêu, vua Thuấn sanh ra cũng có những bản năng xấu xa.

Trong cuốn Tuân tử, chúng ta thấy giọng ông không khác gì giọng của Hobbes sau này:

Tính con người vốn ác, cái gì thiện là do con người đặt ra[1]. Tính con người sinh ra là hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng không có; sinh ra là đố kị, thuận theo tính đó thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung tín không có; sinh ra có lòng muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa, văn lí không có. Như thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tính của người ta, tất sinh ra tranh đoạt, phạm vào quyền lợi của nhau, làm loạn cái lí mà mắc cái lỗi tàn bạo. Cho nên phải có thầy có phép để cải hoá (cái tính) đi, có lễ nghĩa để dắt dẫn nó, rồi sau mới có từ nhượng, hợp văn lí và thành ra trị. [Tính ác].

Đời xưa thánh nhân biết tính người là ác… cho nên khởi xướng ra lễ nghĩa và chế định ra pháp độ để uốn nắn cái tính của người ta mà chính lại để nuôi hoá cái tính tình của người ta mà dắt dẫn, khiến cho theo cái trị, hợp với cái đạo. [Tính ác].

Tuân tử kết luận như Tourgueniev [một văn sĩ Nga ở thế kỉ XI] rằng thiên nhiên không phải là một đền thờ mà là một cái xưởng, nó cho ta nguyên liệu rồi trí tuệ của ta phải chế tạo ra hết. Ông nghĩ rằng khéo dạy dỗ thì có thể làm cho kẻ ác thành ông thánh. Và vì ông cũng là một thi sĩ nên đem tư tưởng của Francis Bacon[2] đặt thành vè[3]:

Tôn trọng trời [thiên nhiên] mà mến trời thì sau bằng để cho vật súc tích nhiều, ta tài chế nó mà dùng? Theo trời mà ngợi khen trời thì sao bằng tài chế cái mệnh trời mà dùng? Trong mong thời [tiết] mà đợi thời thì sao bằng ứng thời mà điều khiển thời? Nhân những vật đã có sẵn mà mong cho nó nhiều ra thì sao bằng dùng tài trí của mình mà biến hoá ra cho nhiều? [Thiên luận].

4. Trang tử, nhà duy tâm 

Ttở về thiên nhiên – Một xã hội không có chính quyền – Đạo trời – Giới hạn của tri thức – Sự tiến hoá của loài người – Thợ đúc lớn (tức tạo hoá)  – Ảnh hưởng triết học Trung Hoa tới châu Âu

 

Khó mà tả được cái ý trở về thiên nhiên, vì thời đó cũng như mọi thời khác, bao giờ cũng có những người bênh vực nó; và do một sự ngẫu nhiên lạ lùng, chính triết gia bênh vực nó thời Chiến Quốc cũng là nhà văn có tài nhất đương thời.

Trang tử yêu thiên nhiên như yêu một cô tình nhân duy nhất vào tuổi và lúc nào cũng sẵn sàng đón ông dù ông có lúc tình phụ nàng[4]; tác phẩm triết lí của ông có cái giọng vừa lãng mạng nên thơ như Rousseau, vừa trào phúng cay độc như Voltaire (…) Trang tử vừa là một triết gia vừa là một văn hào. 

Ông sanh ở nước Tống, mới đầu làm một chức lại (quan nhỏ) ở Tất Viên. Ông cũng lại triều đình các vua chư hầu như Mạnh tử nhưng trong các tác phẩm của Mạnh và Trang lưu lại, không thấy người nào nhắc tới người kia; có lẽ họ quí nhau cũng như thói thường các người sống cùng thời vậy! [Trang tử kém Mạnh tử khoảng mười tuổi].

Sử chép ông hai lần từ chối những chức vụ quan trọng khi vua Nguỵ vời ông làm tể tướng, ông đuổi sứ giả của nhà vua về mà giọng xẵng như giọng một văn sĩ bị người ta quấy rầy trong lúc đang mơ mộng: “Dông đi, đừng làm bẩn mắt tôi nữa. Thà ta lết trong một cái rãnh đầy bùn và rác; còn hơn là chịu những lễ nghi bó buộc của triều đình”[5].

Lần khác ông đương câu cá, hai vị đại phu nước Sở đem lễ vật mời ông ra làm quan. Chính ông kể lại[6] rằng ông cứ thản nhiên tiếp tục câu, không thèm quay đầu lại đáp: “Ta nghe nói vua Sở có một con rùa thần chết đã ba ngàn năm, vua quí nó lắm, cất nó ở trong miếu đường, trong một cái giỏ có phủ tấm lụa. Con rùa ấy thích chết để cái mai được kính trọng như vậy hay thích sống để lết cái đuôi trong bùn?”. Hai vị đại phu kia đáp: “Sống mà lết cái đuôi trong bùn sướng hơn chứ!”. Trang tử bèn bảo: “Thôi về đi. Ta đây cũng tiếp tục lết cái đuôi trong bùn”. [Thu Thuỷ].

Ông không trọng gì quốc gia hơn vị tôn sư của ông, Lão tử. Ông thích vạch ra cho ta thấy bọn vua chúa có những đức tính giống với bọn đạo chích. Nếu trong một lúc mềm lòng mà một hiền triết chân chính phải lãnh nhiệm vụ cai trị dân thì tốt hơn hết là đừng làm gì cả [vô vi], cứ để cho dân tổ chức lấy những cơ quan địa phương theo kinh nghiệm của họ. “Phải mặc kệ thiên hạ, đừng can thiệp vào, đừng cai trị” [Tại hựu]. Trong hoàng kim thời đại, trước khi có những ông vua đầu tiên, làm gì có những chính thể nào đâu; từ khi có Khổng tử cả Trung Quốc tôn thờ vua Nghiêu, vua Thuấn; đáng lẽ phải bêu xấu hai ông đó mới phải, vì họ bày đặt ra quốc gia, diệt mất cái hạnh phúc của loài người thời nguyên thuỷ. “Thời rất có đức thì loài người cùng sống với cầm thú, tụ họp với mọi loài như cùng một họ, đâu có phân biệt quân tử tiểu nhân” [Mã đề].

Trang tử cho rằng bậc hiền nhân phải trốn ngay đi khi chỉ mới ngờ rằng có tổ chức chính quyền, và phải sống thật xa bọn vua chúa và triết gia. Phải tìm cảnh thanh tĩnh (đề tài này được mấy ngàn hoạ sĩ Trung Hoa đưa lên tranh), bỏ đời sống giả tạo đi, đừng suy tư nữa, để hoà mình với cái Đạo, nghĩa là với dòng sống thâm áo của thiên nhiên. Phải nói rất ít, vì lời nói có hại cũng ngang với có ích, mà cái Đạo không thể giảng được, cũng không thể quan niệm được bằng tư tưởng thuần tuý, phải có nó trong huyết quản của mình mới được. Liệng bỏ cơ giới đi, mà dùng những dụng cụ cùng những phương pháp có khi mệt sức hơn của những người chất phác thời cổ, vì cơ giới sinh ra cơ tâm, sinh ra giao động trong lòng, và tạo ra sự bất bình đẳng, thành thử không ai sống yên ổn giữa các máy móc được. Bậc hiền nhân không nên có của cải gì cả, đừng dùng vàng; phải như Timon[7] để thứ kim loại ấy nằm yên trong lòng đất, còn trân châu thì để yên chúng dưới đáy biển. Phải rán hiểu rằng “vạn vật chỉ là một, mà sinh tử cũng như nhau” [Thiên Địa], như nhịp tuần hoàn của thiên nhiên, như những đợt sóng trên biển.

Trọng tâm tư tưởng của Trang tử cũng như của triết gia nửa thần thoại, Lão tử, mà Trang coi là sâu sắc hơn Khổng tử nhiều, là một ảo tưởng huyền bí về một cái vô ngã, rất gần với đạo Phật và các Upanishad trong các kinh Vệ Đà, khiến chúng ta phải ngờ rằng các thuyết siêu hình của Ấn Độ đã truyền qua Trung Quốc ít nhất là bốn thế kỉ trước khi đạo Phật vô Trung Quốc. Đành rằng Trang Tử theo thuyết bất khả tri, thuyết định mạng lại bi quan nữa, nhưng ông vẫn được coi là một vị thánh về chủ nghĩa hoài nghi, một người say mê cái Đạo. Tinh thần hoài nghi của ông hiện rõ trong truyện dưới đây:

Cái bóng lờ mờ của cái bóng hỏi cái bóng: “Lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng, lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng. Sao anh không có một thái độ độc lập?

Cái bóng đáp: “Tôi tuỳ thuộc một cái gì đó chăng? [cái gì đó là cái hình], cái gì đó lại tuỳ thuộc một cái khác chăng?... [Tề vật luận].

Làm sao tôi có thể cho anh biết được vì lẽ gì tôi làm việc này mà không làm việc kia? Khi cơ thể tan rã thì cái thần cũng phân tán, điều đó chẳng buồn ư? Chúng ta thấy vạn vật đều lớn lên rồi đều tiêu tan mất mà chúng ta không biết cái gì gây ra sự biến đổi đó bắt đầu thành hình từ lúc nào, chết và tiêu tan vào lúc nào? Chúng ta đành phải đợi thôi, không còn cách gì khác… [Sơn mộc].

Trang tử biết rằng những vấn đề đó sở dĩ đặt ra, do bản thể của sự vật thì ít mà do sự bất năng của trí óc ta thì nhiều. Chúng ta đừng nên ngạc nhiên rằng bộ óc bị tù hãm của chúng ta có cố gắng bao nhiêu cũng không hiểu được vũ trụ; nó chỉ là một phần cực nhỏ trong vũ trụ cho nên suy luận chỉ đưa tới mâu thuẫn lẫn lộn. Gắng giảng toàn thể bằng một phần tử nhỏ, là một việc làm tự phụ vô cùng, chỉ có thể tha thứ được vì nó gây cho ta được một niềm vui, vì sự hài hước cũng như triết lí, chỉ là nhìn thấy một phần trong cái toàn thể, mà cái này (triết lí), thì phải có cái kia (hài hước). Trang tử bảo cái “trí” không thể giúp ta hiểu sự sinh trưởng của đứa bé. “Sở dĩ người ta tranh biện nhau vì người ta không hiểu rõ”, cho nên muốn hiểu cái Đạo thì phải bỏ hết không một chút do dự, những phương tiện thông thường của tri thức đi, phải quên tất cả các thuyết đi, và phải “cảm thấy” sự kiện. Giáo dục không giúp ta được gì trong sự tìm hiểu, nắm được sự thực đó. Điều quan trọng nhất là phải hoà mình vào thiên nhiên.

Nhưng cái Đạo mà chỉ có một số rất ít người thần bí đặc biệt có thiên tư hiểu được đó là cái gì?[8] Không thể diễn tả nó bằng lời được. Chúng ta mắc biết bao nhiêu mâu thuẫn khi bảo nó là các Đơn nguyên, hoặc sự sinh sinh hoá hoá của vạn vật, hoặc cái luật tuần hoàn chi phối sự sinh sinh hoá hoá ấy; nhưng tất cả các định nghĩa ấy đều thiếu sót. “Nó đã có từ thời nào tới giờ, từ khi chưa có trời có đất nữa”. Trong cái hợp nhất ấy không có những mâu thuẫn, những sự dị biệt, những sự đối lập nữa; trong cái “nhất” ấy không có thiện ác, trắng đen, đẹp xấu, lớn nhỏ. “Chỉ khi nào người ta hiểu rõ rằng Trời Đất chỉ nhỏ như hột thóc mà cái mảy lông lại lớn như hòn núi, thì mới biết rõ sự tương đối của vạn vật”[9] [Thu thuỷ]. Trong cái thực thể mơ hồ ấy, không hình thể gì hằng cửu, không hình thể nào có đủ tự tính để biến thành một hình thể khác trong cuộc biến hoá.

Phôi chủng nhiều vô cùng[10]. Thứ này gặp nước thì thành loại “kế”[11], thứ kia gặp nước thành rêu. Nếu ở trên cao thì thành “lăng mã”, nếu nó gặp phân thì thành loại cây “chân quạ”. Rễ của “chân quạ” thành sâu, lá nó thành bướm. Những con này lâu lâu biến thành trùng sống ở bếp, tình trạng như xác ve sầu. Sau ngàn ngày nó thành con chim… Từ những cây tre già sinh ra một con vật bò sát gọi là con “thanh ninh”, con “thanh ninh” sinh ra con “trình”, con “trình” sinh ra con ngựa, con ngựa sinh ra con người, người lại trở về cái “cơ”. Vạn vật sinh từ cái cơ rồi lại trở về cái cơ[12][Chí lạc].

Thuyết đó không sáng sủa bằng thuyết Darwin, nhưng không phải là vô ích. Trong cái chu kì bất tuyệt ấy, loài người cũng có thể chịu nhiều sự biến đổi; cái hình thể của chúng ta ngày nay chỉ là phù du, và nếu đứng vào phương diện vĩnh cửu mà xét, thì hình thể của ta chỉ là một thực thể bề ngoài thôi, một mảnh của cái màn ảo tưởng (Maya).

Một hôm Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm, thích chí bay lượn, quên mình là Chu. Chợt tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết Trang Chu chiêm bao là bướm hay bướm chiêm bao là Chu [Tề vật luận].

Vậy chết là thay đổi hình thể, chưa biết chừng để được một kiếp tốt hơn. Đại dã [ông Thợ đúc lớn] – Ibsen[13] sau này cũng gọi tạo hoá bằng tên đó – liệng chúng ta vào cái lò đúc để tạo nên một vật khác.

Tử Lai đau nặng thở hổn hển, gần chết; vợ con bao quanh mà khóc. Tử Lê lại thăm, thấy vậy bảo họ: “Đi chỗ khác đi, đừng làm rộn sự biến hoá”. Rồi đứng tựa cửa, nói với Tử Lai: “Tạo hoá lớn lao thay! Tạo hoá sắp làm gì anh đây? Sắp đưa anh đi đâu? Biến anh thành gan con chuột hay cánh con trùng[14].

Tử Lai đáp: “Cha mẹ bảo con đi đâu, dù đông tây hay nam bắc thì con cũng phải theo. Âm dương đối với ta chẳng hơn cha mẹ đối với con ư? Nếu Âm dương đưa ta tới chỗ chết mà không theo thì ta là kẻ ngỗ nghịch, chứ Âm dương có lợi gì với ta đâu. Đại khối cho ta một thân thể, làm nhọc ta bằng cuộc sống, lấy tuổi già cho ta được thảnh thơi và lấy cái chết cho ta nghỉ ngơi. Đại khối khéo nuôi ta thì khéo lo cái chết cho ta. Nay có một thợ đúc lớn (đại dã), nếu chất thanh gươm Mạc Da[15]… thì người thợ đúc lớn tất cho là thứ kim thuộc quái gở. Cũng vậy, nếu một người hấp hối[16] bảo: “Tôi chỉ muốn làm người, làm người thôi” thì chắc tạo hoá sẽ cho kẻ đó là quái gở. Nay Trời đất là cái lò lớn mà Tạo hoá là Thợ đúc lớn; dù Tạo hoá đưa chúng ta tới đâu thì chúng ta cũng phải bằng lòng yên lặng mà ngủ, rồi hốt nhiên thức[17].

Khi Trang tử gần mất, môn đệ muốn làm ma chay long trọng, ông cản họ: “Ta có đất trời làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú và sao Bắc Đẩu làm ngọc châu, vạn vật đi đưa ma. Đám tang như vậy chẳng đủ sao, còn thêm gì nữa?”.

Môn đệ bảo: “Chúng con sợ diều quạ rỉa xác thầy”.

Trang tử đáp: “Ở trên đất thì bị diều quạ rỉa, ở dưới đất thì bị giòi kiến ăn. Cướp ở trên mà cho dưới, sao lại tư vị thế” [Liệt Ngự Khấu].

°

Chúng tôi sở dĩ viết hơi dài về các triết gia Trung Hoa thời cổ trước hết vì người nào có óc tò mò cũng thích biết về những vấn đề không sao giải quyết được ấy, tức vấn đề sinh tử và thân phận con người; nhưng cũng vì toàn thể các triết thuyết thời cổ đó là cái phần di sản quí nhất của Trung Hoa tặng thế giới. Đã lâu rồi (vào năm 1697), Leibnitz, con người cái gì cũng muốn biết ấy, sau khi nghiên cứu triết học Trung Hoa, tuyên bố cần kết hợp, dung hoà tư tưởng phương Đông và phương Tây. Ông viết đoạn dưới đây mà mỗi thế hệ có thể đem ra suy ngẫm một cách hữu ích: “Chúng ta quá say mê làm ăn, luân lí đã suy đồi tới cái mức tôi nghĩ rằng Trung Hoa phải phái các nhà truyền giáo qua phương Tây chúng ta để dạy cho chúng ta cách thực hành một thần giáo quốc gia [théologie nationale]… Vì tôi tin chắc rằng nếu người ta nhờ một hiền nhân nổi tiếng là minh triết lựa xem dân tộc nào ưu tú nhất thì vị đó tất tặng giải nhất cho người Trung Hoa”. Ông khẩn khoản xin Nga hoàng Pierre Đại Đế mở một con đường dắt qua Trung Hoa, và thúc đẩy thành lập ở Moscou và Berlin những hội mục đích là “kéo Trung Hoa ra khỏi sự cô lập, để Trung Hoa và Âu Tây trao đổi văn minh với nhau”. Năm 1721, Christophe Wolff đáp lời kêu gọi ấy, diễn thuyết tại Halle về “triết lí thực tế của người Trung Hoa”. Người ta trách ông là vô thần và ông phải ngưng diễn giảng, nhưng khi Frédéric II lên ngôi ở Prusse thì nhà vua vời Wolff lại triều, trả ông hết chức tước.

Các người theo “Phong trào ánh sáng” hăm hở đọc triết học Trung Hoa; thời đó người ta mê kiểu vườn Trung Hoa và trong nhà bày các đồ Trung Hoa. Hình như các nhà theo chủ nghĩa trọng nông, đã chịu ảnh hưởng của Lão tử và Trang tử mà đưa ra thuyết phóng nhiệm, không can thiệp; và Rousseau có thời dùng một thứ ngôn ngữ giống Lão tử quá, khiến ai đọc tới cũng nghĩ ngay tới Lão và Trang, còn Khổng tử và Mặc tử nếu có óc mỉa mai thì có thể so sánh với Voltaire tới một mức độ nào đó. “Tôi đã chăm chú đọc những sách của ông ấy, tôi đã trích ra nhiều đoạn, tôi chỉ thấy một thứ luân lí thuần tuý nhất, không có một chút màu sắc phỉnh gạt nào của”[18].  

Gœthe bảo rằng từ năm 1770, ông đã dự định đọc các triết gia thời cổ Trung Hoa, và mãi tới bốn mươi ba năm sau, ông già hiền minh đó mới chúi đầu đọc sách Trung Hoa.

Tôi mong rằng chương quá ngắn và quá nông cạn này về triết học Trung Hoa gợi cho độc giả với ý bắt chước Gœthe, Voltaire và Tolstoi mà tìm đọc thẳng các tác phẩm triết học đó.

 


[1] Nhân chi tính ác, kì thiện giả, nguỵ dã (mấy hàng khác đoạn dưới sẽ hiểu). (ND).

[2] Triết gia Anh 1561-1626, thường được tôn với Descartes (Pháp) là có công đầu với khoa học thực nghiệm. (ND).

[3] Tiếng Pháp: Vers de mirliton. Tuân tử không phải là thi sĩ, và mấy câu ở dưới chỉ là một thức văn xuôi có tiết điệu, chỉ có thể gọi là “phú” được thôi: Đại thiên tư chi, thục dữ vật súc nhi chế chi? Tòng thiên nhi tụng chi, thục dữ chế thiên mệnh nhi dụng chi? Vọng thời nhi đãi chi, thục dữ ứng thời nhi sử chi? Nhân vật nhi đa chi, thục dữ sính năng nhi hoá chi?

Tuân tử đời đời sau coi là một trong những nhà đầu tiên làm “phú”, người phương Tây như là poésie: Không đúng. Chúng ta chưa có bản dịch trọn bộ Tuân tử. (ND).

[Sách in thiếu câu: Tòng thiên nhi tụng chi, thục dữ chế thiên mệnh nhi dụng chi; tôi đã thêm vào dựa theo bản chữ Hán trên trang http://cn.netor.com/know/hist/book20.htm: 从天而頌之, 孰與制天命而用之.

].

[4] Nguyên văn tiếng Anh: Chuang-tze, loving Nature as the only mistress who always welcomed him, whatever his infidelities or his age. .

[5] Trong cuốn Trang tử - Nam Hoa kinh (về sau gọi tắt là cuốn Trang tử), cụ Nguyễn Hiến Lê viết như sau: “Sử kí của Tư Mã Thiên chép rằng: “Vua Sở Uy vương nghe tiếng Trang Chu là người hiền, sai sứ giả mang hậu lễ lại rước, hứa sẽ phong làm tể tướng. Trang Chu cười bảo sứ giả của Sở: Ngàn vàng là cái lợi lớn đấy, khanh tướng là một vị tôn quí đấy. (Nhưng này) ông có thấy con bò làm vật hi sinh trong lễ tế Giao không? Người ta nuôi nó mấy năm, cho nó bận áo gấm thêu đủ màu để dắt nó vào thái miếu. Lúc đó, giá nó muốn làm một con heo con cô độc, phỏng có được chăng? Thôi, ông đi ngay đi, đừng làm ô uế ta nữa. Ta thà ngao du trong cái rãnh bẩn cho thích chí chớ không chịu trói buộc tấm thân vì việc nước. Suốt đời ta không làm quan đâu, để thoả lòng ta!”. .

[6] Trong cuốn Trang Tử, cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng những thiên trong Ngoại thiên (như các thiên được Durant trích dẫn trong tiết này: Thu thuỷ, Tại hựu, Mã đề, Sơn mộc, Chí lạc); và cả những thiên trong Tạp thiên nữa (như Liệt Ngự Khấu), không phải do Trang tử viết. .

[7] Triết gia Hi Lạp, thế kỉ thứ V trước T.L. (ND).

[8] Sách in: Nhưng cái Đạo mà chỉ có một số rất ít người thần bí đặc biệt có thiên tử hiểu được đó là cái gì? Tôi tạm thay “có thiên tử” bằng “có thể”. Nguyên văn tiếng Anh: What is the Tao that the rare and favored mystic sees.

[9] Nguyên văn: Tri thiên địa chi vi đề mễ dã, tri hào mạt chi vi khưu sơn dã, tắc sai số đỗ hĩ”, có người hiểu là… thì mới biết rõ chỗ sai biệt. (ND).

[Sách in sai vài chữ, tôi đã sửa lại dựa theo bài đăng trên trang http://www.wzdu.com/shenghuorizhi/zwqscd_xqzz_zz_75844.html: 知天地之爲稊米也, 知豪末之爲丘山也, 則差數覩矣. Trong cuốn Trang tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: Biết trời đất chỉ nhỏ bằng hột kê mà đầu chiếc lông lớn bằng đồi, núi, tức là hiểu rõ cái độ số sai biệt rồi. ].

[10] Nguyên văn: “Chủng hữu cơ”, nên dịch là phôi chủng có một cái “cơ” tế nhị [để biến đổi]. Cơ: cơ cấu máy móc. (ND).

[11] Đoạn này chứa toàn những tên vật rất lạ, Từ Hải cũng không có. (ND).

[12] Trong cuốn Trang tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch trọn bài Chí lạc – 7 như sau: Phôi chủng có bộ phận cực nhỏ gọi là “cơ”. Cái cơ đó gặp nước thì thành một thứ cỏ tựa như tơ, gọi là “tuyệt” (H.C.H. bảo đọc là tuyệt, D.N.L. đọc là kế), gặp chỗ đất giáp nước thì thành rêu xanh, gặp chỗ khô trên gò thì thành một thứ cỏ gọi là “xa tiền thảo”. Xa tiền thảo ở chỗ có phân thì thành “ô túc thảo” [cỏ chân quạ], rễ ô túc thảo biến thành bọ ray, còn lá thì biến thành bướm. Chỉ trong một thời gian ngắn, bướm biến thành con sâu nhỏ, sống ở dưới bếp lò, hình nó giống con ve mới thoát xác, tên nó là con “cù xuyết”. Sau một ngàn ngày, con cù xuyết biến thành một con chim gọi là con “Can dư cốt”. Nước bọt con này biến thành con “tư di”, con tư di biến thành con “miệt mông” [con ăn giấm], con miệt mông lại sinh ra con “di lộ” (Ở đây chắc thiếu mấy chữ: con di lộ lại sinh ra con cửu du), con “cửu du” lại sinh ra con “hoàng huống”, con hoàng huống sinh ra con đom đóm, con đom đóm sinh ra con “mậu nhuế” [một loại sâu ở trong trái dưa]; rễ cỏ “dương hè” kết với thứ trúc lâu năm không đâm măng sinh ra con “thanh ninh” [một loại sâu ở rễ trúc], con thanh ninh sinh ra con “trình”[12], con trình sinh ra con ngựa; ngựa sinh ra người, người lại trở về cái “cơ”. Như vậy là vạn vật đều từ cái “cơ”, rồi lại về cái “cơ”. .

[13] Ibsen: văn sĩ Na Uy 1828-1906. (ND).

[14] Có sách dịch là chân con trùng. (ND).

[15] Mạc Da là thứ gươm quí. (ND).

[16] Nguyên văn: Kim nhất phạn chi hình, có sách dịch là vì lẽ chúng ta đã làm người trong một thời gian rồi. (ND).

[Trong cuốn Trang tử, cụ Nguyễn Hiến Lê chú thích thế này: Nguyên văn: Kim nhất phạn chi hình, có sách dịch là: nay có người ngẫu nhiên được tạo hoá cho cái hình thể loài người, (mà bảo: Tôi muốn cứ làm người hoài…). ].

[17] Nguyên văn: Thành nhiên mị, cự nhiên giác, có sách dịch là bình tỉnh ngủ, bình tỉnh thức. (ND).

[Bài này trích trong thiên Đại tôn sư. ].

[18] Chẳng hạn này: “Chúng ta tự đắc muốn gắng sức thoát ra khỏi cảnh dốt nát sung sướng mà sự minh triết bất biến đã tặng ta, nhưng thời nào cũng vậy, chúng ta chịu hình phạt này: xa hoa, đồi bại, nô lệ, hậu quả của những gắng sức đó”. Elbert Thomas dẫn câu đó trong tập Luận về khoa học và nghệ thuật, bảo những chữ “sự minh triết bất biến” dịch đúng hai chữ “thường đạo” (đạo bất biến) của Lão tử. (ND).

[Nguyên văn tiếng Anh: “I have read the books of Confucius with attention”, said Voltaire; “I have made extracts from them…”, nghĩa là Voltaire bảo rằng ông đã đọc các sách của Khổng tử và đã trích dẫn các sách đó. Như vậy Voltaire chẳng những trích dẫn sách của Khổng tử mà còn “dùng” từ “thường đạo” của Lão tử nữa. ].

PHẦN II - CHƯƠNG I  THỜI ĐẠI CÁC THI SĨ

I. BISMARCK CỦA TRUNG HOA

Thời Chiến Quốc – Khuất Bình tự tử - Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc – Vạn lí trường thành – Đốt sách – Tần Thủy Hoàng thất bại

 

Chúng ta có thể tin rằng Khổng tử ôm hận trong lòng khi mất vì triết gia nào cũng muốn thấy quốc gia thống nhất mà ông lại mất vào lúc quốc gia hỗn loạn, chia rẽ vì nội chiến, suy đồi vì tham nhũng. Mãi sau này, người có công thống nhất Trung Quốc mới xuất hiện, nhờ tài cầm quân và cai trị, diệt hết các nước chư hầu, hợp nhất lại thành một quốc gia, nhưng ông ta mới thành công thì đã ra lệnh đốt hết các sách của Khổng tử.

Truyện Khuất Bình [tức Khuất Nguyên] cho ta được một ý niệm về không khí Trung Hoa thời các chư hầu ganh đua, tranh giành nhau. Đã bắt đầu nổi tiếng về thi tài, lại có một chức vụ quan trọng ở triều đình [nước Sở], Khuất Bình bỗng bị phóng trục [vì có kẻ gièm pha], rút lui về vườn mà suy tư về lẽ sống và chết[1] trên bờ một con sông nhỏ lặng lờ.

Ông hỏi một quan thái bốc [Trịnh Thiềm Doãn]: Tôi nên khẩn khẩn, khoản khoản, chất phát mà hết lời trung chăng? Hay nên đưa đón theo đời để khỏi khốn cùng? Nên bừa giẫy cỏ lao để làm ruộng chăng? Hay nên giao du với kẻ vinh hiển để cầu danh? Nên nói thẳng chẳng kiêng nể gì để nguy thân chăng? Hay nên theo thói tục cầu giàu sang để sống cẩu thả? Nên siêu nhiên xuất thế để giữ thiên chân chăng? Hay nên nịnh hót, khúm núm, xum xoe, gượng cười để thờ đàn bà? Nên liêm khiết, chính trực để được trong sạch chăng? Hay nên tròn trĩnh, trơn tru, như mỡ, như da để được như cái cột tròn?...[2]

Để giải tình trạng tiến thoái lưỡng nan ấy, Khuất Bình đâm đầu xuống sông Mịch La (khoảng 350 trước T.L)[3] và cho tới ngày nay, dân Trung Hoa mỗi năm còn làm lễ Thuyền Rồng để kỉ niệm cái chết đó; ngày lễ, người ta làm bộ tìm xác ông trên khắp các dòng sông.

Con người thống nhất được Trung Quốc, [Tần Thuỷ Hoàng] gốc gác thật xấu xa khó tưởng tượng được. Các sử gia cho rằng ông là con hoang của một hoàng hậu nước Tần với một tể tướng họ Lữ tác giả bộ Lữ thị Xuân Thu [thực ra bộ này của môn khách của Lữ Bất Vi viết], mà Lữ cho treo ở cửa dinh một ngàn đồng tiền vàng để thưởng người nào sửa được dù chỉ một chữ thôi trong bộ sách. Con trai ông không được di truyền văn tài của ông. Tư Mã Thiên bảo rằng Tần Thuỷ Hoàng bắt cha phải tự tử, hành hạ mẹ và lên ngôi Tần vương năm mười hai tuổi. Năm hai mươi tám tuổi, ông ta bắt đầu lần lượt chiếm hết các nước chư hầu khác: chiếm nước Hàn năm -230, nước Triệu năm -228, nước Nguỵ năm -225, nước Sở năm -223, nước Yên -222, sau cùng năm -221 chiếm nước quan trọng nhất là Tề. Lần đó là lần đầu tiên Trung Hoa được thống nhất, sau bao nhiêu thế kỉ chia rẽ, loạn lạc. Ông ta lên ngôi lấy hiệu là Thuỷ Hoàng Đế, và tức thì tạo cho đế quốc một tổ chức vững bền.

Các sử gia Trung Hoa thù ghét ông nhất đời, tả ông như sau: “Mũi dô ra, mắt lớn, đầu và ngực như chim ưng, giọng như giọng loài lang sói, không có chút từ tâm nào cả, lòng dạ như cọp”. Tình tình cương cường, cố chấp, cho mình là thượng đế, dùng sắt và máu để thống nhất Trung Hoa, như một Bismarck[4] kiêm một Nietzsche. Một trong những công việc đầu tiên của ông sau khi lên ngôi Hoàng Đế, là xây cất thêm để nối những khúc thành luỹ đã có sẵn ở biên giới, hầu che chở Trung Hoa khỏi bị các rợ phương Bắc xâm lăng; ông ta sai bắt không biết bao nhiêu kẻ chống đối ông, đưa lên xây cất công trình vĩ đại, tượng trưng hùng tâm và sức kiên nhẫn của dân tộc Trung Hoa ấy. Vạn lí trường thành dài 2.400 cây số, cứ cách quãng đều đều lại có những cửa ải dầy dặn, to lớn, kiến trúc như kiến trúc Assyrie; công trình đó là công trình xây cất lớn nhất của nhân loại từ trước tới nay. Voltaire bảo “nó vừa ích lợi hơn, vừa đồ sộ hơn các kim tự tháp Ai Cập”. Phải mười năm mới xong và dùng không biết bao nhiêu là thợ. Người Trung Hoa bảo: “Trọn một thế hệ đã tàn mạt để cứu nhiều thế hệ sau”. Ở một đoạn sau chúng ta sẽ thấy nó không đủ để ngăn chặn các rợ phương Bắc xâm nhập Trung Hoa nhưng ít nhất cũng đã làm cho sự xâm lăng chậm lại, bớt đi. Rợ Hung Nô bị đẩy ra khỏi Trung Hoa trong một thời gian, đã tràn qua châu Âu và sau cùng tràn vào vào Ý; La Mã thất thủ vì Trung Hoa đã xây Vạn lí trường thành.

Nhưng Tần Thuỷ Hoàng, cũng như Napoléon sau này, sẵn sàng từ bỏ chiến tranh để lo việc cai trị, ông ta đã tạo được những nét chính cho Quốc gia Trung Hoa sau này. Nghe lời tể tướng Lí Tư, trong phái Pháp gia, ông bỏ chế độ tự trị địa phương thời trước mà muốn có một tập quyền trung ương mạnh mẽ, không cai trị theo tục lệ cũ mà theo một bộ luật pháp minh bạch. Ông diệt uy quyền các chư hầu, thay bằng một giai cấp quí phái gồm các viên quan do các thượng thư bổ nhiệm; tại mỗi quận huyện, ông đặt một võ quan không lệ thuộc viên quận trưởng, huyện trưởng; ông điển chế luật pháp, giản dị hoá lễ nghi, phát hành một thứ tiền tệ quốc gia, chia cắt các nước chư hầu thành những khu nhỏ, tạo quyền tư hữu cho nông dân [nghĩa là cho nông dân làm chủ ruộng họ khai phá] nhờ vậy mà Trung Hoa sau này giàu mạnh lên; ông hoàn tất sự thống nhất quốc gia bằng cách mở những con đường rộng lớn từ kinh đô Hàm Dương đi tới khắp nơi. Kinh đô này đẹp lên nhờ có thêm nhiều dinh thự mới, ông lại bắt 120.000 gia đình giàu có nhất, có quyền thế nhất trong toàn quốc lại ở Hàm Dương vừa để cho kinh đô thêm lộng lẫy, vừa để ông dễ bề coi chừng họ; ông thích vi hành, không mang theo khí giới để dò xét những sự nhũng lạm, những hành động náo loạn, rồi về triều đình ban sắc lệnh để trừ tuyệt: lệnh ông, không ai dám chống lại. Ông khuyến khích các phương sĩ mà rất ghét bọn văn nhân.

Bọn sau này – thi sĩ, phê bình gia, triết gia, nhất là môn đồ Khổng giáo – là kẻ thù của ông. Họ rên rĩ dưới chế độ độc tài của ông, tiếc sự tự do tư tưởng và sinh hoạt đã làm cho văn học phát triển mạnh dưới đời Chu, mặc dầu xã hội loạn lạc, chia rẽ. Khi họ phàn nàn với ông sao lại bỏ các lễ nghi thời trước, ông xẵng giọng đuổi họ về. Một uỷ ban gồm các quan và các “bác sĩ” một hôm đồng lòng dâng kiến nghị lên ông xin lập lại chế độ phong kiến, phong đất cho kẻ thân thích để làm vây cánh vì theo họ “việc làm không theo cổ nhân mà lâu dài được, là điều chưa từng thấy”[5]. Tần Thuỷ Hoàng giao cho quần thần hội nghị. Thừa tướng Lí Tư, người thay đổi lối chữ viết, gần giống lối ngày nay, dâng một bài sớ nổi danh nhưng tai hại cho văn học Trung Quốc:

Năm đời Đế không trở lại, năm đời Vương không bắt chước nhau, thế mà vẫn trị được thiên hạ… chỉ vì mỗi thời một khác. Nay bệ hạ mở nghiệp lớn, dựng công muôn đời, kẻ ngu nho làm sao biết được, thế mà Thần Vu Việt nói những việc đời Tam Đại thì làm sao nghe được… Trước kia thiên hạ tán loạn không thống nhất nên chư nho dấy lên, động nói cái gì là khen đời cổ để làm hại đời kim, trang sức những hư ngôn để làm rối mất sự thật. Người nào cũng cho cái học riêng mình là phải, mà chê bai những điều kiến lập của người trên. Nay bệ hạ đã gồm cả thiên hạ, phân biệt cái đen cái trắng mà định nhất tôn, thế mà những nhà có cái học riêng cứ cùng nhau chê bai pháp giáo của nhà vua. Mỗi khi nhà vua ban hiệu lệnh gì xuống thì họ cứ lấy cái học của họ để nghị luận… nếu cứ để như thế mà không cấm thì ở trên thế vua kém đi, mà ở dưới đảng phái thành lập, vậy xin cho cấm ngay.

Vậy tôi xin phát lệnh rằng: Sử quan thấy sách gì không phải là sách của nhà Tần thì phải đốt hết. Sách gì không phải là quan bác sĩ được phép giữ, mà trong thiên hạ cất giấu, như Thi, Thư, cùng Bách gia ngữ; phải đem đến quan Thủ uý đốt hết. Ai dám nói thầm với nhau về sách Thi, Thư thì chép bỏ xác ngoài chợ, ai đem đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Kẻ nào thấy hoặc biết mà không tố giác thì cùng chịu một tội. Lệnh xuống ba mươi ngày mà không chịu đốt thì gọt đầu bôi đen, bắt đi làm phu. Những sách để lại là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây. Ai muốn học pháp lệnh thì lấy kẻ lại làm thầy”[6].

Tần Thuỷ Hoàng đẹp lòng, ban hành lệnh đó liền. Để gạt bỏ dĩ vãng đi, chỉ kể từ hiện tại thôi, để cho lịch sử Trung Hoa bắt đầu từ Tần Thuỷ Hoàng, bao nhiêu bộ sử các nước khác đều bị đốt hết; hình như chỉ những sách về khoa học và bộ Mạnh tử là thoát được hoạ; tuy nhiên nhiều cuốn bị cấm còn được giữ trong thư viện của nhà vua, các học giả xin phép thì có thể được vào tra cứu. Những sách ấy gồm những thẻ tre ghép với nhau bằng bản lề, cho nên chỉ một “cuốn” thôi cũng nặng lắm rồi, ai muốn giấu giếm thì thật là khó khăn. Nhiều người bị tố giác, và theo truyền thuyết, một số lớn bị bắt làm phu đưa đi xây cất Vạn lí trường thành, và bốn trăm sáu chục người bị xử tử (chôn sống ở Hàm Dương). Mặc dầu vậy, một số nhà Nho học thuộc lòng tất cả những sách của Khổng tử để truyền miệng lại cho những người cũng cưỡng kế như họ. Tần Thuỷ Hoàng vừa mới chết thì các sách bị cấm lại được tự do lưu hành, nhưng chắc có nhiều lỗi. Rốt cuộc việc đốt sách đó chỉ có mỗi hậu quả này là lâu bền: những sách bị cấm thành những bộ kinh thánh mà tên Tần Thuỷ Hoàng bị các sử gia mạt sát đời đời. Trong nhiều thế hệ, dân chúng vì oán ghét mà làm ô uế lăng tẩm của ông.

Vì diệt các quí tộc (các chư hầu) và bãi bỏ tự do ngôn luận, Tần Thuỷ Hoàng hoá ra cô độc trong mấy năm cuối đời. Có kẻ âm mưu ám sát ông, nhưng ông hay kịp, đích thân giết họ. Mỗi khi ra triều, ông ngồi lên ngai vàng, đặt một thanh gươm tuốt trần trên đùi, và không ai biết được mỗi đêm ông sẽ ngủ trong cung nào. Cũng như vua Hi Lạp Alexandre, để củng cố triều đại ông rán làm cho dân tin rằng ông là Thượng Đế, là thần linh, nhưng dân đâu có tin và ông thất bại cũng như Alexandre. Ông tự cho mình là “Hoàng đế thứ nhất” (Thuỷ Hoàng Đế), các đời sau phải theo thứ tự, gọi là Nhị Thế (đời thứ nhì), Tam Thế (đời thứ ba), vân vân… cho tới vạn thế nhưng tới Nhị Thế là nhà Tần bị diệt. Theo các sử gia vốn không ưa ông, thì về già ông tin dị đoan, chịu tốn không biết bao nhiêu tiền để tìm thuốc trường sinh bất tử. Khi ông chết, người ta phải lén lút đưa xác ông về kinh đô, và đánh theo nhiều xe chở cá thối để dân chúng không nhận ra mùi hôi phát ra từ tử thi ông. Tương truyền mấy trăm cung nữ trẻ đẹp bị chôn sống để hầu hạ ông dưới suối vàng. Con trai ông là Hồ Hợi mừng rỡ được lên ngôi, không tiếc tiền, xây lăng cực đẹp cho ông. Trần cất theo hình vòm trời với đủ các tinh tú, còn sàn lát đồng đỏ thì khắc bằng thuỷ ngân bản đồ của đế quốc. Kẻ nào lén lút vô nhà mồ thì bị những máy đặt ở một chỗ kín giết tức thì, người ta đốt những cây nến vĩ đại, mong có thể vĩnh viễn chiếu sáng những hành vi cùng chiến công của Tần Thuỷ Hoàng. Còn những phu khiêng quan tài đặt vô huyệt thì bị nhốt sống trong huyệt để khỏi tiết lộ đường hầm bí mật đưa tới phòng đặt quan tài.

II. CÁC CUỘC THÍ NGHIỆM CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Hỗn loạn và khốn cùng – Đời Hán – Các cải cách của Vũ Đế  – Thuế lợi tức  – Kinh tế chỉ huy của Vương Mãng – Vương Mãng  thất bại  – Rợ Hồ xâm nhập

 

Tần Thuỷ Hoàng nằm xuống là trong nước nổi loạn liền; trong lịch sử thường xảy ra như vậy mỗi khi một kẻ độc tài tắt thở, chỉ một người bất tử mới có thể nắm hết quyền trong tay được. Con ông là Nhị Thế giết thừa tướng Lí Tư, dân chúng nổi loạn, giết Nhị Thế[7] và nhà Tần chấm dứt chỉ năm năm sau khi Tần Thuỷ Hoàng chết.

Hậu duệ và tướng suý của lục quốc (sáu nước chư hầu bị Tần diệt trước kia) cùng nổi dậy và Trung Hoa lại loạn lạc hơn bao giờ nữa. Lúc đó, một con người khôn lanh, táo bạo, Cao Tổ [tức Lưu Bang] chiếm ngôi, mà sáng lập nhà Hán, lâu bền tới bốn thế kỉ mặc dầu có vài lần bị đứt đoạn và một lần phải dời đô[8]. Hán Văn Đế (179 – 157 tr. TL) lại cho tự do ngôn luận, theo chính sách hiếu hoà. Chính ông đặt ra cái lệ đút lót các tướng địch để họ lui binh.

Ông vua lớn nhất đời Hán là Võ Đế, cầm quyền trên nửa thế kỉ (140-87 tr. T.L), đẩy lui được rợ Hung Nô, mở mang bờ cõi tới Triều Tiên, Mãn Châu, Tân Cương, Nam Việt[9]. Lần đầu tiên đế quốc Trung Hoa được rộng lớn như vậy.

Võ Đế[10] thí nghiệm chủ nghĩa xã hội, tuyên bố rằng bao nhiêu tài nguyên trong nước đều thuộc về quốc gia hết, như vậy “tư nhân không thể chiếm các nguồn lợi của núi, biển làm của riêng mà thao túng các giai cấp thấp hơn”. Triều đình giữ độc quyền làm muối, khai thác các mỏ sắt, cất và bán rượu. Theo sử gia đương thời là Tư Mã Thiên, để diệt bọn trung gian đầu cơ – “bọn người vay tiền hoặc mua chịu [?], chất chứa hàng hoá tại các thị trấn, gom góp đủ thứ đồ vật”[11] – Võ Đế tổ chức một cơ quan chuyên chở và trao đổi thuộc quyền quốc gia, kiểm soát chặt chẽ thương mại để giá cả khỏi thình lình lên xuống. Trong khắp đế quốc, đâu đâu cũng có nhân viên của triều đình lo việc chuyên chở và giao hàng. Lúc nào dư sản phẩm thì triều đình giữ lại, đợi lúc giá tăng thì đem ra bán (rẽ cho dân) và hễ giá xuống thì lại mua vào để trữ; như vậy “bọn phú thương không đầu cơ mà vơ được những món lợi lớn… và trong khắp nước, giá được bình lại”. Người ta ghi sổ tất cả những lợi tức để thâu thuế hằng năm là 5%. Để hàng hoá dễ lưu thông, Võ Đế cho phát hành một thứ tiền làm bằng hợp kim bạc và thiếc, nhờ vậy mà trữ kim tăng lên. Ông lại cho khởi công nhiều đại công tác để cho hàng triệu thợ bị các xí nghiệp tư nhân sa thải có công ăn việc làm, khỏi thất nghiệp; bắc cầu qua sông, đào vô số kinh để nối các con sông với nhau và để dẫn nước vô ruộng[12].

Mọi sự hoàn hảo trong một thời gian. Sự thông thương tăng lên, thương mại phát triển, nhiều hàng hoá được chở tới cả những miền xa xôi ở Tây Á. Dân kinh đô đông hơn, giàu hơn, quốc khố đầy tiền bạc, bảo vật. Văn học thịnh vượng, số thi sĩ mỗi ngày mỗi nhiều, mà nghề gốm bắt đầu sản xuất những đồ sứ đẹp đẽ. Thư viện quốc gia đã có được 3.123 cuốn kinh điển, 2.705 cuốn triết, 1.318 cuốn thơ, 2.568 cuốn toán, 868 cuốn y học, 790 cuốn binh pháp. Chỉ những thanh niên trúng tuyến trong một vài kì thi của triều đình mới được bổ dụng làm quan, mà những kì thi ấy mở cho mọi người, ai cũng có quyền ứng thí. Chưa bao giờ Trung Hoa được thịnh vượng như vậy.

Nhưng rồi một loạt thiên tai xảy ra, thêm cái bản tính hiểm ác của con người làm cho cuộc thí nghiệm can đảm đó phải chấm dứt. Mấy trận lụt xen với mấy cơn đại hạn kéo dài làm cho vật giá tăng vọt lên, không ai đoán trước được. Đói rét vì đời sống đắt đỏ, dân chúng la ó, đòi trở lại thời sung sướng dưới chế độ cũ, và luột sống kẻ nào đã bày đặt ra chế độ mới. Bọn kinh doanh phàn nàn rằng triều đình can thiệp vào mọi công việc làm ăn, họ không còn sáng kiến gì cả, không còn ganh đua được nữa, mà thuế má nặng quá, họ không dám tiếp tục làm ăn. Lại thêm bọn cung phi được sủng ái, lấn át các đại thần, mà khi Võ Đế băng rồi, nạn tham nhũng lan tràn khắp nước. Đồng thời bọn làm bạc giả đúc được những đồng tiền y hệt tiền của quốc gia, khiến triều đình phải thu hồi thứ tiền này về. Sự bóc lột kẻ nghèo yếu bắt đầu trở lại, trên những căn bản khác, và trong một thế kỉ, những cải cách của Võ Đế bị chê bai hoặc bị mọi người đồng tình quên đi.

Tới đầu kỉ nguyên Tây lịch – tám mươi bốn năm sau khi Võ Đế mất – một nhà cải cách nữa lên cầm quyền, mới đầu tự xưng là thiếu phó sau xưng đế[13]. Vương Mãng đúng là bậc quân tử[14] Trung Hoa. Ông giàu có mà sống giản dị, có thể nói là đạm bạc nữa, có tiền thì phân phát cho bạn bè và người nghèo. Mặc dầu công việc ngập tới cổ, vì phải tổ chức lại chính trị và kinh tế trong nước, ông vẫn có thì giờ không những che chở cho các văn nhân, học giả mà còn tự trao dồi thêm kiến thức thành một nhà bác học hoàn toàn nữa. Khi lên cầm quyền, ông lựa những người phụ tá không phải trong giới chính trị gia nhà nghề mà trong giới văn sĩ và triết gia; kẻ thù ông cho rằng vì vậy mà ông thất bại, còn người yêu ông thì lại bảo chính nhờ vậy mà ông thành công.

Xúc động vì chế độ nô lệ phát triển mạnh trong các trang trại lớn, mới lên ngôi, ông đã quốc hữu hoá ngay ruộng đất [gọi là vương điền], như vậy đồng thời vừa diệt chế độ nông nô, vừa diệt các tài sản lớn. Ông chia đất thành những lô đều nhau [theo phép tỉnh điền] phân phát cho nông dân, và cấm sự mua bán điền thổ để kẻ giàu không lập lại được những điền sản lớn. Ông duy trì sự độc quyền của quốc gia về việc bán muối, bán sắt; lại quốc hữu hoá các mỏ, kiểm soát sự bán rượu. Noi gương Võ Đế, ông rán che chở nông dân và người tiêu thụ, bằng cách định giá các hàng hoá. Quốc gia cho các nhà sản xuất vay rất nhẹ lãi để có vốn làm ăn. Vương Mãng đã tổ chức chính trị theo kinh tế chứ không theo bản tính con người. Ông làm việc ngày đêm để lập kế hoạch làm cho nước giàu, dân sướng; cho nên ông thật nát lòng khi phải nhận rằng dưới triều đại ông, xã hội còn loạn lạc hơn. Cũng vẫn những thiên tai – lụt rồi đại hạn – làm hỏng chương trình kinh tế của ông, và tất cả những kẻ bị các cải cách của ông nhổ hết nanh vuốt, họp nhau lại để âm mưu lật đổ ông. Nông dân nổi loạn ở nhiều nơi và người ta ngờ là do kẻ quyền quí xúi giục, giúp tiền; trong khi ông ngạc nhiên, bất bình vì lòng bạc bẽo của dân, tận lực diệt những phiến loạn đó thì các dân tộc lệ thuộc Trung Hoa cũng nổi lên gỡ cái ách tròng lên cổ họ, mà rợ Hung Nô thì xâm chiếm phía Bắc. Sau cùng một tôn thất nhà Hán [Lưu Tú] cầm đầu bọn nổi loạn, chiếm kinh đô Trường An, giết Vương Mãng, dẹp hết các cải cách, và mọi sự lại trở lại như cũ.

Nhà Hán kết thúc bằng một loạt các vua bạc nhược; tiếp theo là một thời loạn lạc: bát vương (tám thân vương) tranh giành nhau. Mặc dầu có Vạn Lí trường thành, năm rợ Hồ ở phương Bắc (ngũ Hồ) cũng đem quân vào chiếm được hết lưu vực sông Hoàng Hà. Rợ Hung Nô phá tan tành đế quốc La Mã, làm cho châu Âu chìm trong cảnh hắc ám thời Trung cổ; bà con của họ, năm rợ Hồ cũng vậy, làm xáo trộn đời sống dân tộc Trung Hoa, mà văn minh Trung Hoa không phát triển được trong một thời gian. Cảnh hỗn loạn ấy ở Trung Hoa không lớn lao, cũng không lâu dài bằng ở Tây Âu, điều đó cho ta thấy dân tộc Trung Hoa đã có được một sức đề kháng mạnh và một nền văn hóa cao ra sao. Sau một thời gian chiến tranh, hỗn độn, văn minh Trung Hoa lại hồi sinh rực rỡ. Người Trung Hoa đồng hoá kẻ xâm lăng, gả con gái cho chúng, làm cho chúng văn minh lên; và ít lâu sau họ đạt được tuyệt đỉnh trong lịch sử của họ.

III. SỰ VINH QUANG ĐỜI ĐƯỜNG

Triều đại mới – Các cách vua Thái tôn dùng để giảm sự phạm pháp – Một thời thịnh trị - Đường Minh Hoàng – Truyện Dương Quí Phi – Cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn

 

Đời Đường sở dĩ rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Quốc, một phần nhờ lai giòng huyết mới ấy[15], một phần nữa nhờ Phật giáo truyền qua mà kích thích tinh thần, một phần nhờ thiên tài của một minh quân bậc nhất, tức vua Thái Tôn giữ từ 627 tới 650. Ông cầm quyền hồi hai mươi mốt tuổi, sau khi được phụ vương là Đường Cao Tổ - người đã khai sáng nhà Đường chín năm trước – truyền ngôi cho mà làm Thái Thượng Hoàng. Ông bắt đầu bằng mấy hành động đáng tởm [như Açoka ở Ấn Độ], giết những anh em ruột[16] muốn tranh ngôi với ông; rồi ông đem tài dùng binh ra đẩy lui các rợ xâm lăng về tận sào huyệt của họ, lấy lại được hết những đất ở biên giới đã mất từ hồi nhà Hán sụp đổ. Rồi bỗng nhiên ông chán chiến tranh, trở về kinh đô Trường An để kiến thiết trong thời bình. Ông đọc đi đọc lại các sách của Khổng tử, sai khắc in một bản rất đẹp. Ông thường nói: “Soi tấm gương bằng đồng thì có thể sửa lại được mũ, tóc; soi tấm gương của cổ nhân thì có thể đoán trước được lúc nào quốc gia thịnh hay suy”. Ông bỏ hết các xa hoa, đuổi ba ngàn cung nữ về. Khi các đại thần tâu với ông nên đặt ra luật pháp thật nghiêm để trừng trị các tội nặng, ông đáp: “Giảm chi tiêu đi, giảm thuế cho dân đi, dùng những quan lại liêm khiết, lo cho dân đủ ăn đủ mặc, như vậy diệt được trộm cướp công hiệu hơn là dùng những hình phạt nghiêm khắc nhất”.

Một hôm ông vô thăm ngục thất Trường An, thấy 290 tên bị tử hình. Ông thả cho họ ra đồng làm việc miễn là họ hứa làm việc xong lại trở vô ngục. Họ trở về đủ, không thiếu một người, ông mừng quá, ân xá cho họ hết. Và ông ra lệnh rằng từ đó, ông vua nào cũng phải trai giới ba ngày trước khi hạ bút phê chuẩn một án tử hình. Ông sửa sang, tô điểm cho kinh đô đẹp tới nỗi các du khách từ Ấn Độ, châu Âu đổ xô lại. Nhiều vị tăng từ Ấn Độ qua, còn các vị tăng Trung Hoa, như Huyền Trang, được tự do qua Ấn Độ học đạo Phật tại gốc. Các giáo sĩ lại Trường An để truyền bá Hoả giáo do Zoroastre [người Trung Hoa phiên âm là Tô Lỗ Chi] sáng lập, và Cảnh giáo, một biệt phái của đạo Ki Tô (Christianisme Nestorien), do Nestorius [người Trung Hoa phiên âm là Nãi Tử Thoát Lợi An] sáng lập ở Tiểu Á (Asie Mineure); cũng như vua Akbar ở Ấn Độ, Thái Tôn vui vẻ tiếp đãi họ, cho họ tự do đi lại trong nước, che chở họ, miễn thuế cho các giáo đường của họ, trong thời đại mà châu Âu sống cơ cực trong cảnh ngu dốt, tối tăm và tranh đấu nhau về thần học. Chính ông cũng rán làm một môn đồ chân chính của Khổng giáo, mà không có chút thành kiến nào cả. Một sử gia chép rằng khi ông băng, dân chúng đau xót vô cùng, ngay ngoại nhân cũng có người chích huyết để vẩy lên quan tài ông.

Ông đã dọn đường cho thời đại mà Trung Hoa phát hiện được nhiều khả năng sáng tác nhất. Nhờ nửa thế kỉ tương đối bình an, chính quyền vững vàng, Trung Hoa mới xuất cảng được gạo, bắp, lúa, hương liệu, kiếm được nhiều lời, để có thể sống xa hoa hơn tất cả các thời trước. Trên hồ, các du thuyền sơn son thếp vàng, chạm trổ đẹp đẽ, chen chúc nhau lượn qua lượn lại; trên các con sông và kinh đào, các thuyền chở hàng hoá nườm nượp ngược xuôi, và từ các hải cảng, những chiếc tàu buôn nhổ neo để qua Ấn Độ dương và vịnh Ba Tư. Chưa bao giờ Trung Hoa phú cường như vậy; chưa bao giờ có các cửa hàng đầy nhóc thực phẩm như vậy, những ngôi nhà lộng lẫy như vậy, và những hàng gấm vóc đẹp, mịn như vậy. Họ bán lụa cho châu Âu, cứ đặt lên bàn cân, bao nhiêu lụa là bấy nhiêu vàng – nửa số dân thành thị của họ bận đồ tơ lụa, và tại kinh đô Trường An của họ ở thế kỉ VIII, áo cầu (áo lông) còn nhiều hơn ở Paris hoặc Londres giữa thế kỉ XX này nữa. Trong một làng gần kinh đô, các xưởng dệt lụa dùng trên 100.000 thợ. Lí Bạch phải la lên: “Họ đãi khách long trọng làm sao, phí phạm làm sao! Bàn thì nạm ngọc thạch, bày đầy chén bằng hồng ngọc; thức ăn đều quí và hiếm!”. Người ta đục chạm những tượng nhỏ bằng hồng ngọc, và có kẻ lót quan tài bằng ngọc. Toàn dân bỗng nhiên yêu cái đẹp và tôn trọng hạng nghệ sĩ. Một nhà phê bình Trung Hoa bảo: “Người nào cũng làm thơ”. Các hoàng đế sẵn sàng ban những chức lớn nhất cho các thi sĩ và hoạ sĩ, “tới nỗi theo lời John Mandeville[17] – chỉ bọn hát rong[18] là dám tâu thẳng với nhà vua thôi”. Các vua nhà Thanh ở thế kỉ XVIII, ra lệnh thu thập các thơ thời Đường và người ta đã gom được 30 cuốn gồm 48.900 bài thơ của 2.300 thi sĩ; ấy là trải qua non mười thế kỉ, đã mất mát đi nhiều rồi đấy. Thư viện của nhà vua có 54.000 cuốn. Murdoch bảo: “Thời đó, hiển nhiên là Trung Hoa đứng đầu các dân tộc văn minh trên thế giới. Đế quốc ấy hùng cường nhất, văn minh nhất, thích sự tiến bộ nhất và được cai trị một cách tốt nhất thế giới. Chưa bao giờ nhân loại được thấy một nước khai hoá, phong tục đẹp đẽ như vậy”[19].

Ông vua có tiếng nhất thời đó là Đường Minh Hoàng, giữ ngôi khoảng bốn chục năm (713-756), trừ vài lúc gián đoạn. Con người đó đầy mâu thuẫn như chúng ta, làm thơ mà lại chinh phục các nước xa, bắt Thổ Nhĩ Kì, Ba Tư, Turkestan phải nộp cống; ông bãi bỏ tử hình, cải cách toà án và khám đường, đánh thuế thật nặng, che chở thi sị, nghệ sĩ, học giả, mở một nhạc phủ trong Lệ viên (vườn lê). Hồi mới lên ngôi, ông sống khắc khổ, dẹp các xưởng tơ lụa, cấm cung nữ bận gấm vóc, đeo vàng ngọc. Về cuối đời, ông sống như hạng người hưởng lạc, yêu nghệ thuật và các thứ xa hoa lộng lẫy, sau cùng ông hi sinh ngai vàng vì nụ cười của Dương Quí Phi.

Khi gặp nàng, thì ông đã lục tuần mà nàng mới hai mươi bảy tuổi; trước đó, nàng đã làm tì thiếp trong mười năm của người con trai thứ mười tám của ông [Thọ vương tên Mạo]. Nàng mập, bụng phệ, quấn tóc mượn, nhưng ông yêu nàng vì nàng bướng bỉnh, tính tình thất thường, chuyên đoán và hỗn láo. Nàng cho ông cái vinh dự được yêu nàng, giới thiệu họ hàng nội ngoại của nàng với ông và cho phép ông phong cho mỗi người một nhàn chức [chức vị ngồi mát ăn bát vàng] tại triều đình[20]. Đường Minh Hoàng gọi nàng là “Thái Chân”, học được của nàng nghệ thuật huy hoắc tiền của. Từ đó, đức “Thiên tử” càng bỏ bê việc nước, giao hết quyền hành cho một người anh họ nàng là Dương Quốc Trung, một kẻ bất tài, tham nhũng; và trong khi dông tố tụ lại chung quanh thì “Thiên tử” cứ truy hoan hết đêm lại ngày.

Một tên cận thần gốc Phiên tên An Lộc Sơn cũng yêu Dương Quí Phi, được Minh Hoàng tin cậy, phong làm Tiết Độ Sứ các tỉnh miền Bắc, và cho chỉ huy đạo quân thiện chiến nhất của Trung Hoa. Bỗng An Lộc Sơn tự xưng đế, kéo quân về Trường An; bấy lâu người ta lơ là sự phòng vệ kinh đô. Minh Hoàng phải bỏ kinh đô chạy vào đất Thục; đến Mã Ngôi, các tướng sĩ oán hận giết Dương Quốc Trung và bà con họ hàng của Quí Phi, rồi giằng Quí Phi khỏi tay nhà vua, giết nàng trước mắt ông[21]. Già yếu và bị thua, nhà vua truyền ngôi cho con là Túc Tôn. Bọn lính Phiên của An Lộc Sơn cướp phá Trường An, giết hết dân chúng, không phân biệt già trẻ, trai gái[22]. Tương truyền, ba mươi sáu triệu người mất mạng trong vụ đó. Rốt cuộc, loạn đó bị dẹp: An Lộc Sơn bị con là Khánh Tự giết để cướp ngôi; Khánh Tự lại bị tướng là Sử Tư Minh giết, rồi chính Sử Tư Minh cũng lại bị con là Triều Nghĩa giết do đó thế của chúng yếu đi, và vào khoảng năm 762, cuộc nổi loạn tự tàn dần; Minh Hoàng đau xót trở về kinh đô mà nhìn cảnh tan hoang. Ít tháng sau ông chết ở đó. Chưa thời nào thơ phát triển mạnh mẽ bằng thời bi thảm, chìm nổi đó.


[1] Đúng hơn là lẽ cư xử trong thời loạn. (ND).

[2] Nhan đề bài này là “Bốc cư” (bói cách cư xử), Durant đã cắt bỏ già nửa, và chỉ dịch thoát, tôi theo bản chữ Hán (coi trong Cổ văn Trung Quốc – Tao Đàn -1966). Cuối bài thái bốc đáp rằng việc đó chính Khuất Nguyên phải tự quyết định lấy chứ quỉ thần không thể biết được. (ND).

[Có thể xem thêm lời giới thiệu và bản dịch của Lãng Nhân tại http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=61358&AspxAutoDetectCookieSupport=1. ]

[3] Có thuyết cho rằng ông sanh khoảng -340, chết khoảng -277. (ND).

[4] Trong sử gọi là “thiết huyết tể tướng” của Đức (1815-1898), thắng Napoléon III, làm Đức mạnh lên; rất độc tài. (ND).

[5] Durant đã bỏ nhiều đoạn, tôi lập lại cho đủ nghĩa hơn. (ND).

[6] Durant đã bỏ nhiều đoạn, tôi lập lại cho đủ nghĩa hơn. (ND).

[7] Sự thực thì Lí Tư bị Triệu Cao gièm pha nên bị giết cùng ba họ, Triệu Cao lên làm thừa tướng, lại giết Nhị Thế, lập con Nhị Thế là Anh lên thay, Anh lại giết Triệu Cao, Hoài vương nổi lên đánh Tần, Tần thua Anh đầu hàng. (ND).

[Hoài vương là hậu duệ của vua Sở. Hạng Võ và Lưu Bang lấy danh nghĩa giúp Sở Hoài vương để đánh Tần. ].

[8] Nhà Hán chia làm Tây Hán, cũng gọi là Tiền Hán, từ 206 trước T.L tới 24 sau T.L đóng đô ở Trường An nay thuộc Thiểm Tây; và Đông Hán, cũng gọi là Hậu Hán, từ 24 tới 211 sau T.L đóng đô ở Lạc Dương, ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam. Người Trung Hoa hiện nay còn tự xưng là người Hán. (ND).

[9] Nam Việt là một quốc gia cổ có lãnh thổ bao gồm một số phần của các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc hiện đại và phần lớn miền Bắc Việt Nam. Nam Việt được thành lập năm 207 tr.T.L bởi Triệu Đà, một tướng của nhà Tần Trung Quốc. Kinh đô của Nam Việt là thành Phiên Ngung, nay là một quận thuộc Quảng Châu, Trung Quốc. Nhà Triệu tồn tại từ năm 207 đến năm 111 tr. T.L thì bị nhà Hán thôn tính, trải qua 5 đời vua… (Theo Wikipedia). .

[10] Ở trên sách in là Võ Đế, nhưng từ đây đến cuối tiết này, sách in lại in là Vũ Đế, nên tôi sửa lại thành Võ Đế hết. .

[11] Nguyên văn tiếng Anh: To break the power of middlemen and speculators- “those who buy on credit and make loans, those who buy to heap up in the towns, those who accumulate all sorts of commodities”. .

[12] Granet, học giả Pháp, trong cuốn Văn Minh Trung Hoa bảo: “Chính sách đó thật cách mạng. Nếu Võ Đế có tinh thần kiên trì thì ông ta đã biết lợi dụng tình trạng đó mà tạo nên Quốc gia Trung Hoa trong một xã hội mới rồi… Nhưng ông chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt, làm cái gì gấp nhất, dùng những phương tiện để giải quyết từng lúc một, xong rồi bỏ đi, chỉ dùng những người mới một thời gian, hễ họ thành công, uy tìn tăng lên, có thể lấn át được ông, là ông hi sinh họ liền. Tính đa nghi của một ông vua chuyên chế, óc thiển cận của bọn quan lập pháp tại triều, khiến cho Trung Hoa bỏ lỡ cơ hội hiếm nhất để thành một Quốc gia vững vàng và có tổ chức. (ND).

[13] Trong cuốn Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo Vương Mãng “mới đầu tự xưng là Giả Hoàng đế (nghĩa là thay quyền Hoàng đế), sau tiếm hẳn ngôi vua, đổi quốc hiệu là Tân, năm 8 sau Tây lịch”. .

[14] Nguyên văn: gentleman. Cũng có thể dịch là kẻ sĩ. (ND).

[15] Coi cuốn The Revolution of Civilisation của W. Flinders Petrie.

[16] Tức Thái tử Kiến Thành và Tề vương Nguyên Cát. Lúc đó ông còn là Tần vương. (ND).

[17] Một y sĩ Pháp ở thế kỉ XIV, viết nhiều du kí, hầu hết là tưởng tượng, đôi khi bóng bảy và luôn luôn hấp dẫn.

[18] Ménestriel – Điều này khó tin. Chỉ có một số thi sĩ như Lí Bạch được vài ông vua Trung Hoa, như Đường Minh Hoàng, quí thôi. (ND).

[19] Athur Waley trong bộ Bách khoa tự điển Anh cũng bảo: “Trung Quốc đời Đường là nước lớn nhất, văn minh nhất thế giới”. (ND).

[20] Chẳng hạn, anh Dương Quí phi được phong Quận công, ba chị em gái của nàng được phong phu nhân. (ND).

[21] Theo sử thì tướng sĩ ép vua bắt Dương Quí Phi tự ải. (ND).

[22] Theo Arthur Walley thì vụ cướp phá Trường An đó thật tàn bạo, giá quân Thổ Nhĩ Kì vô cướp phá điện Verseilles dưới triều vua Louis XIV thì cũng đến vậy thôi.

PHẦN II - CHƯƠNG I (2)

IV. VỊ TRÍCH TIÊN

Một giai thoại về Lí Bạch – Tuổi thanh xuân, tài năng, các mối tình của ông  – Trên thuyền rồng – Tửu kinh – Chiến tranh – Các cuộc ngao du, lang thang của Lí Bạch – Bị nhốt ngục – Thơ bất hủ

 

Một hôm, trong thời thịnh nhất của triều đại, Minh Hoàng tiếp sứ thần Triều Tiên; họ dâng ông một quốc thư rất quan trọng nhưng không một vị đại thần nào đọc được. Ông nổi giận: “Bấy nhiêu đại thần, học sĩ, tướng quân mà để trẫm chịu nhục như vầy sao? Nội trong ba ngày, chư khanh không đọc nổi bức thư này thì sẽ bị cách chức hết”.

Trong hai mươi bốn giờ, các đại thần bàn bạc với nhau, lo sợ cho địa vị và cho cái đầu của mình nữa. Sau cùng, một vị tên là Hạ Tri Chương tâu với vua: “Thần biết một thi sĩ rất có tài, họ Lí, học rất rộng về nhiều môn, xin bệ hạ ra lệnh vời ông ấy lại đọc thư, chắc được; không gì là ông ấy không biết”. Minh Hoàng ra lệnh vời Lí Bạch vô ngay triều. Mới đầu Lí từ chối, bảo không đọc được thư đó vì mới bị đánh hỏng kì thi Hội vừa rồi. Nhà vua an ủi, ban ngay cho Lí chức Trạng Nguyên. Lí vô triều, nhận ra được trong số các đại thần những vị giám khảo đã đánh hỏng ông, bèn bắt họ phải cởi giày cho mình. Rồi ông dịch bức quốc thư của Triều Tiên đại ý bảo Triều Tiên sẽ chiến đấu để khỏi bị nhà Đường đô hộ. Đọc xong rồi, Lí thảo ngay một bức thư rất hay, giọng cương quyết đáng sợ để đáp; nhà vua tin lời Hạ Tri Chương rằng Lí là một vị trích tiên, nên kí ngay bức thư đó. Vua Triều Tiên phải xin lỗi và dâng nhiều cống phẩm, Minh Hoàng thưởng một phần cho Lí, Lí đem tặng lại cho chủ quán rượu vì ông chỉ thích rượu[1].

Đêm sanh ra ông, cụ thân sinh nằm mê thấy ngôi sao Thái Bạch mà người phương Tây gọi là sao Vénus[2], vì vậy đặt tên là Lí Thái Bạch. Mười tuổi Lí đã thuộc các sách của Khổng tử và làm được những bài thơ bất hủ. Mười hai tuổi, ông vô núi sống như một ẩn sĩ trong mấy năm. Ông lớn lên, thân thể cường tráng, học kiếm thuật, khoe tài với mọi người: “Tuy chỉ cao bảy thước[3], Bạch này có thể địch được vạn người” (Vạn người chỉ có nghĩa là nhiều người). Rồi ông đi ngao du hưởng ái tình với nhiều mĩ nữ. Đây, nghe ông tả một cô xứ Ngô:

Rượu bồ đào đựng trong chén vàng

Một thiếu nữ xứ Ngô cưỡi ngựa tới

Tuổi nàng mới trăng tròn,

Lông mày nàng tô màu xanh đen [màu đại]

Hài của nàng bằng gấm màu hồng

Giọng nàng líu lo nghe không rõ,

Nhưng tiếng hát của nàng làm cho ta mê hồn.

Nàng ngồi bàn khảm xa cừ

Uống chung chén rượu với ta.

Ôi, những vuốt ve sau bức màn thêu bông huệ.

Làm sao quên được em?[4]

Ông cưới vợ, nhưng kiếm không đủ tiền nuôi gia đình, bà vợ phải bỏ ông và dắt con theo. Bài thơ nồng nàn dưới đây ông tặng bà hay một cô nhân tình nào trong cuộc đời lãng tử của ông:

Trường tương tư

Mĩ nhân hồi ở hoa đầy vườn

Mĩ nhân đi rồi để dư giường

Giường trống, mền thêu cuốn trơ đó,

Đã ba năm còn phảng phất hương

Hương kia còn lưu luyến

Mà người lại vô tình

Tương tư lá vàng rụng

Sương trắng điểm rêu xanh[5]

Ông uống rượu để tiêu sầu và thành một trong “trúc khê lục dật”[6], sống nhàn tản, ca hát, làm thơ, không kiếm được đủ ăn. Nghe nói ở Nianchung [?] có một thứ rượu rất ngon, tức thì ông lại đó, mặc dầu đường xa năm trăm cây số. Giữa đường ông gặp Đỗ Phủ, cũng là thi hào bậc nhất đương thời như ông; họ ngâm vịnh với nhau, nắm tay nhau cùng đi, đắp chung mền cùng nằm. Trong nước ai cũng quí họ, vì họ hiền như các ông thánh, thương kẻ nghèo mà ngông nghênh coi thường vua chúa[7]. Sau cùng họ tới Trường An. Quan thượng thư Hạ Tri Chương, tính tình vui vẻ, thích thơ Lí tới nỗi bán các bảo vật bằng vàng để mua rượu đãi ông. Đỗ Phủ tặng Lí Bạch bài thơ sau:

Rượu nhiều, Lí Bạch thơ càng hay

Tửu quán Trường An chén ngủ say

Vua gọi lên thuyền không chịu đến,

Tự xưng thần chính “tửu tiên đây”[8].

(Bản dịch của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn)

Thời đó là thời ông sung sướng, được vua quí, tặng vàng bạc rất hậu, để ông làm thơ ca tụng sắc đẹp của Dương Quí Phí.

Một hôm, trước đình Trầm Hương, vua truyền mở hội để mừng hoa mẫu đơn rồi sai tìm Lí, dẫn vô làm thơ. Lí tới đình Trầm hương mà còn say rượu, ngủ li bì, cung nữ phải vẫy nước lạnh vào mặt cho tỉnh lại. Lí làm luôn một hơi ba bài [theo khúc hát Thanh bình điệu]:

I

Áo tựa mây bay, mặt tựa hoa,

Long lanh sương sớm gió xuân qua.

Nếu không người ở non Quần ngọc,

Cũng khách Dao đài dưới bóng nga

II

Sương đọng đầu cành hương ngát đưa

Vu Sơn luống xót kẻ mây mưa

Ngày nay ướm hỏi người cung Hán,

Phi Yến tân trang dễ sánh chưa[9]

III

Khéo thay sắc nước sánh hương trời

Đã xứng quân vương một nụ cười

Tan trước gió xuân nghìn nỗi hận,

Đình Trầm muôn vẻ dựa hiên chơi[10]

(Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn dịch)

Được thi sĩ vịnh như vậy, ai mà không thích. Nhưng Dương Quí Phi cho là Lí mỉa mình, tìm cách gièm pha Lí với nhà vua. Minh Hoàng bèn tặng Lí một túi vàng rồi không dùng ông nữa.

Một lần nữa, thi sĩ lại lên đường ngao du, uống rượu tiêu sầu nhập bọn với “bát tửu tiên” ở Trường An. Ông đồng ý với Lưu Linh [một trong Trúc lâm thất hiền đời Lục Triều, tác giả bài Tửu đức tụng - ca tụng cái đức của rượu]. Lưu Linh đi đâu cũng dắt theo hai gia nhân, một người xách một bầu rượu, một người vác cái thuổng để đào huyệt chôn ông liền nếu ông chết giữa đường, vì “việc đời không quan trọng gì hơn cánh bèo trên dòng sông”. Thi sĩ Trung Hoa thích sống ngược lại lối sống khắc khổ cùng các triết gia Trung Hoa. Lí Bạch bảo: “Chúng tôi đã uống trăm hũ rượu để tiêu cái vạn cổ sầu”. Và cũng như Omar [thi sĩ Ba Tư ở thế kỉ XII-XIII], ông tuyên bố theo đạo rượu:

Cùng uống rượu

Anh chẳng thấy nước Hoàng Hà trên trời đổ xuống mãi,

Chảy tuôn ra bể không trở lại?

Lại không thấy gương sáng nhà cao thương mái tóc.

Sớm như tơ xanh, tối như tuyết?

Ở đời đắc ý phải vui lung.

Chớ để chén vàng không đối nguyệt!

Trời sinh hữu tài tất hữu dụng[11],

Ngàn vàng tán hết rồi có lại.

Giết trâu mổ bò cứ mua vui!

Một lần nên cạn tam bách bôi!

Sầm phu tử, Đan Khâu Sinh.

Nào cùng nhậu, rót cho nhanh.

Vì anh ca một khúc.

Xin anh nghe rõ điệu tân thanh:

Chuông trống, đồ ngọc chẳng đáng quí.

Say hoài là thích tỉnh không đành.

Hiền thánh đời xưa đều tịch mịch.

Chỉ có làng say còn lưu danh.

Vua Trần thủa trước yến Bình Lạc,

Đấu rượu mười ngàn cho thoả thích.

Chủ nhân làm sao nói ít tiền?

Phải mua gấp về ta cùng nhậu.

Ngựa năm sắc, cừu ngàn vàng.

Kêu con đem ra đổi rượu nhất,

Khối sầu vạn cổ đập tan hoang!

(Vô danh dịch)[12]

Cái sầu vạn cổ ấy là cái sầu gì? Phải là cái sầu thất tình chăng? Không chắc, vì mặc dầu người Trung Hoa cũng vui khổ vì tình như chúng ta nhưng thi sĩ của họ ít khi[13] diễn tả nỗi sầu tình của họ trong thơ. Không, cái sầu vạn cổ ấy là cái sầu vì chiến tranh, vì loạn lạc, xa nhà; vụ An Lộc Sơn chiếm kinh đô, Minh Hoàng phải đào tẩu, Dương Quí Phi bị giết, rồi Minh Hoàng trở về cung điện bị tàn phá, những biến cố ấy gợi cho Lí thấy bi kịch của nhân loại. Ông rên rĩ: “Chiến tranh không chịu chấm dứt!” và ông nghĩ tới tất cả các chinh phụ phải hi sinh chồng cho thần chiến tranh:

Tháng chạp tới rồi! Thiếu nữ Yu-chow [?] sầu muộn,

Không hát, không cười nữa; cặp lông mày rậm đen của nàng cau lại.

Nàng tựa cửa nhìn khách qua đường.

Nghĩ tới người đã can đảm vác gương ra chống đỡ biên cương,

Người đã chịu cái lạnh buốt xương bên kia Vạn Lí trường thành,

Người đã ngả gục trên chiến trường, không bao giờ trở về nữa.

Trong cái tráp vàng lót da hổ [?] nàng còn giữ

Hai mũi tên có lông trắng.

Giữa đám mạng nhện và bụi bậm

Chúng gợi cho nàng nỗi sầu vô hạn: mộng xuân thế là hết!

Nàng liệng tất cả những di tích đó vào lửa.

Người ta có thể đắp đê ngăn nước sông Hoàng Hà,

Nhưng ai ngăn được nỗi sầu khỏi dâng lên trong lòng khi tuyết rơi và gió Bấc thổi?[14]

Chúng ta có thể tưởng tượng ông lúc này lang thang từ thị trấn này tới thị trấn khác từ tỉnh này sang tỉnh khác, như Tsui Tsung-chi [?] đã tả: “Vai mang một tay nải đầy sách, ông đi hàng ngàn cây số như một đạo sĩ, với một đoản đao giấu trong tay áo và một tập thơ trong túi”. Trong những cuộc viễn du ấy, ông tìm được niềm an ủi và tâm trạng bình tĩnh bên cạnh bạn cố tri của ông là thiên nhiên; trong thơ ông ta thấy lại cảnh hoa nở đầy đất và đồng thời ta cũng cảm được rằng văn minh thành thị hồi đó đã đè nặng lên tâm hồn người Trung Hoa:

Lời vấn đáp trong núi

Hỏi ta sao ở chốn thanh san?

Cười mà chẳng đáp, lòng tự nhàn.

Hoa đào dòng nước mông lung chảy

Riêng một càn khôn, khác thế gian

Hoặc:

Đêm nhớ

Bóng trăng giọi trước giường

Ngờ là đất có sương

Ngẩng đầu trông trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương[15].

Nhưng tóc ông đã bạc, ông chỉ ước ao được về thăm nơi ông sinh trưởng. Sau lần sống cuộc đời giả tạo ở kinh đô, ông thèm khát cuộc đời giản dị tự nhiên giữa vợ con, họ hàng!

Ở đất Ngô, lá dâu đã xanh lại rồi.

Và tằm đã ba lần chui vào kén.

Ta không biết ai gieo lúa.

Ở quê tôi, tại miền đông Luh?[16]

Tôi không thể về kịp thời để làm công việc mùa xuân.

Đi trên sông như vầy, tôi không làm được gì cả.

Dưới ngọn gió Nồm, lòng tôi nhớ quê.

Mà vơ vẩn nghĩ tới nhà.

Tôi thấy ở tường đông một cây đào.

Cành lá xum xuê đong đưa trong sương mù xanh xanh,

Cây đó tôi đã trồng ba năm trước khi đi.

Bây giờ chắc đã lớn, cao bằng nóc nhà.

Mà tôi vẫn chưa về.

Ping-yang [?], con gái xinh đẹp của cha, cha thấy con

Đứng dưới gốc đào, bẻ một cành đầy hoa

Con hái hoa mà nhớ cha.

Nước mắt chảy ròng ròng.

Còn Po-chin [?], con trai cưng của cha, chắc con đã đứng tới vai chị con.

Con cùng với chi con tựa dưới gốc đào.

Mà không có cha về để vỗ nhẹ lên lưng con.

Nghĩ tới nông nỗi ấy, cha như người mất hồn,

Và không ngày nào lòng không chua xót.

Cha vừa mới xé một mảnh lụa trắng để viết bức thư này,

Mà âu yếm gởi cho các con theo con đường dài đi ngược dòng sông[17].

Những năm cuối cùng của ông, thật chua xót, vì ông không bao giờ chịu khom lưng để kiếm tiền, và trên bước đường chạy loạn, ông không gặp được một vị vương nào nghĩ tới việc cứu ông khỏi đói. Mãi sau ông mới được Lí Lân [tức Vĩnh vương, con thứ 16 của Minh Hoàng] mời giúp việc dưới trướng, ông vui vẻ nhận lời[18], nhưng sau Vĩnh vương khởi quân, tranh ngôi với Túc Tôn [của là con của Minh Hoàng, đã được cha truyền ngôi cho], thất bại, Lí Bạch bị nhốt khám, ghép vào tội phản nghịch, xử tử. Nguyên soái Quách Tử Nghi, người đã có công dẹp loạn An Lộc Sơn, đem hết chức tước ra bảo lãnh cho, Lí Bạch mới khỏi chết, nhưng bị phát lưu [tới Quí Châu]. Ít lâu sau, gặp kì ân xá, Lí lảo đảo trở về quê [có sách chép khi được tha, Lí Bạch thả thuyền đi chơi trên Động Đình Hồ và trèo khắp các ngọn núi Vu Sơn, Tam Giáp]. Ba năm sau, ông chết vì bệnh nhưng truyền thuyết không muốn một bậc vĩ nhân như vậy phải chết như một phàm nhân, nên ghi lại rằng một đêm, thấy bóng trăng đẹp quá, ông nhảy xuống sông để ôm, rồi chết đuối.

Ông lưu lại ba chục quyển thơ thanh nhã, xứng là đệ nhất thi hào Trung Hoa. Một nhà phê bình Trung Hoa bảo : “Lí Bạch là ngọn núi Thái Sơn vượt lên hẳn những ngọn núi khác, là mặt trời át hẳn ánh sáng của hằng triệu các tinh tú khác”. Minh Hoàng và Dương Quí Phi đã chết nhưng giọng Lí Bạch vẫn còn văng vẳng trong thơ ông:

Thuyền của tôi làm bằng gỗ thơm và bánh lái bằng gỗ lan.

Nhạc công ngồi ở đầu và cuối thuyền, với những ống tiêu, ống địch nạm ngọc, nạm vàng.

Còn thú gì bằng có bình rượu bên cạnh, và cùng với ca nhi lên đênh trên ngọn sóng!

Tôi thấy sướng hơn các vị tiên cưỡi hạc vàng bay bổng trên không,

Và tự do như con kình, con ngạc chạy theo những con hải âu.

Và cảm hứng lên, tôi vung bút, làm rung chuyển ngũ nhạc (năm ngọn núi)

Thế là xong bài thơ.

Tôi cười, niềm vui mênh mông như biển.

Chỉ thơ mới bất hủ! Sở từ của Khuất Bình cùng với nhật nguyệt rực rỡ muôn thuở,

Trong khi cung điện nhà Chu không còn chút di tích trên các ngọn đồi[19].

V. CÁI HAY CỦA THƠ TRUNG HOA

Thơ tự do – Hình ảnh – Thi trung hữu hoạ và hoạ trung hữu thi – Tình cảm trong thơ – Hình thức hoàn hảo

 

Mới chỉ đọc thơ Lí Bạch thì chưa thể phê bình thơ Trung Hoa được; muốn cảm cho thấu (như vậy hơn là phê bình) thơ Trung Hoa thì phải ung dung đọc tác phẩm của các thi sĩ khác nữa – họ rất nhiều – và hiểu kĩ thuật rất đặc biệt của họ. Dịch ra thì mất hết cái hay tế nhị nhất của họ: chúng ta không thấy được nét đẹp của chữ Trung Hoa, mỗi chữ chỉ có một âm, vậy mà diễn được một ý phức tạp; lối viết từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, đối với chúng ta không có ý nghĩa gì cả; chúng ta cũng không hiểu được niêm luật của họ đã có từ thời cổ và được các thi nhân tôn trọng, giữ đúng; chúng ta không đoán được chủ âm, không cảm được cái nhạc điệu do các âm ngắn và dài, các âm bằng và trắc tạo nên; có thể nói rằng đối với độc giả ngoại quốc, cái hay của thơ Trung Hoa mất đi một nửa[20].

Mới coi chúng ta ngạc nhiên rằng thơ Trung Hoa ngắn quá, khác xa sự vĩ đại uy nghiệm hay sự phong phú của thơ Milton hay Homère. Nhưng theo người Trung Hoa, đã là thơ thì phải ngắn, muốn cho thơ dài tức là tự mâu thuẫn với mình, vì thơ chỉ để diễn tả một lúc xuất thần, và cảm xúc sẽ biến mất liền khi ta rán chép nó lên hàng xấp, hàng xấp giấy. Thơ phải cho ta thấy cả một bức tranh trong một nét, và phải diễn cả một triết lí trong mười hai hàng, một ý nghĩa sâu sắc trong vài chữ. Vì hoạ là tính bản thể của thơ, mà chữ viết Trung Hoa vốn tượng hình, cho nên văn ngôn Trung Hoa bản nhiên đã nên thơ rồi, viết tức là vẽ nên phải tránh những cái trừu tượng, những cái này không thể vẽ được như  những vật ta trông thấy. Nhưng càng văn minh thì càng có nhiều ý niệm trừu tượng, cho nên ngôn ngữ Trung Hoa, ít nhất là trong hình thức chữ viết, đã thành một thứ ám hiệu gợi những ý tế nhị; và có lẽ cũng do lẽ ấy, thơ Trung Hoa vừa gợi ý vừa cô đọng, chỉ muốn dùng chữ như nét hoạ để biểu lộ một cái gì thâm thuý, vô hình. Nó không biện luận, nó gợi cho ta hiểu thôi, nó nói ít, làm thinh nhiều hơn, và chỉ một người phương Đông mới bổ sung được vào chỗ thiếu thốn tương đối đó. Người Trung Hoa thường nói: “Cổ nhân cho rằng thơ thì phải ý tại ngôn ngoại, người đọc thơ phải tự tìm ra cái ý đó”.

Thơ Trung Hoa cũng như lễ nghi và nghệ thuật của họ có cái nét vô cùng thanh nhã giấu kín dưới một vẻ giản dị bình tĩnh. Nó không ưa tỉ dụ, so sánh, nói bóng bảy mà chỉ gợi cho ta về đề tài thôi. Nó tránh sự phóng đại, những cảm xúc nồng nàn; người nào có óc già giặn cũng thích giọng kín đáo của nó, thích những ý tại ngôn ngoại của nó; hiếm thấy giọng lãng mạn lắm, nhưng thường thấy những tình cảm thâm thuý diễn tả một cách từ tốn, hoàn toàn cổ điển:

Loài người sống cách biệt nhau

như những ngôi sao cùng vận chuyển

mà không bao giờ gặp nhau.

Cùng một ngọn đèn mà chiếu sáng cả cho hai chúng ta, như vậy chẳng là tuyệt ư?

Ngày xuân ngắn ngủi.

Hai thái dương[21] của ta đã nhắc nhở rằng ta già rồi.

Ngay bây giờ đây, một nửa số người chúng ta quen biết đã thành ma rồi

Ta xúc động tới thâm tâm[22].

Đôi khi người ta đâm chán vì gặp lại hoài giọng sầu cảm trong những thơ đó, phải nghe hoài lời than van về bóng câu qua cửa sổ, về xuân bất tái lai. Chúng ta thấy rằng văn minh Trung Hoa đời Đường Minh Hoàng đã già cỗi, như suy nhược rồi, và các thi sĩ của họ như hầu hết các nghệ sĩ phương Đông cứ bám lấy những đề tài đã cũ, chỉ đua nhau dùng tài năng để tạo một hình thức thực hoàn hảo thôi. Nhưng khắp thế giới không đâu thấy được một thứ thơ nào so sánh được với thứ thơ đó, về cách diễn tả thanh nhã, tế nhị, về những tình cảm dịu dàng, điều độ, về sự bình dị và cô đọng của một câu ngắn thôi mà bao trùm được một tư tưởng cân nhắc kĩ lưỡng. Người ta bảo rằng thi nhân đời Đường giữ một địa vị quan trọng trong sự đào tạo thanh niên Trung Hoa và không một người Trung Hoa nào hơi có học thức mà không thuộc nhiều thơ của họ. Nếu quả vậy thì đọc thơ cùng tìm hiểu tư cách của Lí Bạch và Đỗ Phủ, chúng ta sẽ hiểu được tại sao đa số giới trí thức Trung Hoa là nghệ sĩ và triết nhân.

VI. ĐỖ PHỦ

Đào Tiềm – Bạch Cư Dị - Thơ trị bệnh sốt rét – Đỗ Phủ và Lí Bạch – Một hình ảnh về chiến tranh – Thịnh thời – Suy yếu – Chết

 

Lí Bạch là Keats[23] của Trung Hoa, nhưng ở nước ông, còn nhiều thi sĩ khác cũng được quí trọng như ông. Chẳng hạn Đào Tiềm[24], một thi sĩ sống giản dị, khắc khổ, từ chức huyện lệnh vì “không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng được” [để ra đón một viên đốc bưu tới huyện thâu thuế]. Như nhiều ông quan khác tởm cái thói luồn cúi, ông lui về vườn để được “sống lâu và uống rượu”. Trong cảnh rừng suối, hình như ông đã tìm được sự thanh thản, vui tính mà các hoạ sĩ Trung Hoa sau này khéo diễn tả trên những bức tranh lụa.

Uống rượu

…..

Hái cúc dưới giậu đông,

Thăm thẳm nhìn núi nam

Khí núi về chiều đẹp

Đàn chim cùng về tổ.

Trong cảnh có chân ý,

Muốn diễn tả quên lời.

Về vườn

Lỡ rớt vào lưới trần,

Thấm thoát mười ba năm[25].

Từ lâu sống trong lồng,

Nay được trở về với tự nhiên.

Bạch Cư Dị lựa một giải pháp khác: làm quan ở kinh đô, lần lần lên tới chức thứ sử Hàng Châu rồi Binh bộ thị lang. Mặc dầu vậy ông vẫn sống tới bảy mươi hai tuổi, làm được bốn ngàn bài thơ, và trong những thời bị đày, ông vẫn hưởng được cái thú thiên nhiên. Ông biết được cái thuật sống cô độc giữa đám đông và nghỉ ngơi trong một cuộc sống rất hoạt động. Ông không có nhiều bạn, vì ông tự thú rằng ông rất dở về những món tiêu khiển xã hội thích nhất: thư (viết chữ), hoạ, kì (đánh cờ) và đổ bác”. Ông thích nói chuyện với những người chất phác và tương truyền, làm xong một bài thơ, ông thường đọc cho một bà già quê mùa nghe, chỗ nào bà ta không hiểu thì ông bỏ hết. Vì vậy ông thành thi sĩ được bình dân quí mến nhất; thơ ông được chép lên tường các trường học, các đền chùa, cả trong phòng ở dưới thuyền nữa. Một ca nhi trẻ bảo một thuyền trưởng: “Ông đừng tưởng tôi là hạng vũ nữ tầm thường, tôi thuộc bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị đấy”[26].  

Tôi để tới đoạn cuối bài này mới giới thiệu Đỗ Phủ, thi sĩ sâu sắc và đa tài. Arthur Waley bảo: “Người Anh viết về văn học Trung Hoa thường khen Lí Bạch là đệ nhất thi hào của nước đó, nhưng chính người Trung Hoa thì lại thích Đỗ Phủ hơn”. Lần đầu tiên chúng ta gặp Đỗ Phủ là ở Trường An; ông lên kinh đô thi để được làm quan, nhưng rớt. Rớt chính vì môn thơ, nhưng ông không thất vọng, tuyên bố với mọi người rằng thơ ông là một phương thuốc hay để trị bệnh sốt rét, và ông đã thí nghiệm vào bản thân rồi[27]. Đường Minh Hoàng đọc được một bài phú của ông thích, đích thân ra đầu bài cho ông thi lại, chấm đậu và bổ dụng làm thư kí cho tướng Tsoa [?][28]. Bước đầu thành công như vậy, Đỗ Phủ thấy hăng hái, quên vợ con ở quê hương xa tắp [Thiểm Tây], mà ở lại kinh đô, ngâm vịnh với Lí Bạch, lui tới các tửu quán, làm thơ để trả tiền rượu. Ông viết về Lí Bạch:

Tôi quí phu tử [Lí Bạch] như em quí anh cả[29].

Mùa thu, ngà ngà say rồi, chúng tôi ngủ chung mền,

Và ngày nào chúng tôi cũng nắm tay nhau dạo cảnh.

Thời đó Minh Hoàng đương mê Dương Quí Phi; Đỗ cũng như các thi sĩ khác, làm thơ vịnh mối tình ấy, nhưng khi loạn An Lộc Sơn nổi lên, Trung Hoa chìm đắm trong cảnh xương máu thì ông dùng tài để tả nổi khổ của nhân dân trong chiến tranh:

Hôm qua triều đình đã ra lệnh

Bắt lính những thanh niên mười tám tuổi

Để bảo vệ kinh đô…

Thôi, mẹ và con, nín đi!

Khóc lóc chỉ thêm đau khổ.

Lệ mà cạn rồi thì xương sẽ tan tành,

Trời đất không thương gì chúng ta đâu[30]

Binh xa hành

…..[31]

Anh có nghe nói không, ở Sơn Đông hai trăm châu quận,

Hàng ngàn làng xóm chỉ còn gai góc mọc đầy?

Ví phỏng còn những phụ nữ mạnh khoẻ cày bừa được

Thì cỏ đã phủ hết ruộng không còn phân biệt được bờ;

Huống hồ binh Tần [tức binh ở Quan Trung] kiên nhẫn

Nên họ bị xua đuổi không khác gì gà với chó.

…..[32]

Bây giờ tôi mới biết rõ rằng

Có phước thì sinh gái

Có tội mới sinh trai.

Sinh gái còn được gả lối xóm,

Sinh trai nó chết trong cỏ gai.

Anh chẳng thấy đất Thanh Hải ư?

Từ xưa[33] xương trắng có ai thu?

Quỉ mới sầu oán, quỉ cũ khóc,

Trời tối mưa dầm, tiếng hu hu!

…..[34]

Trong thời loạn, ông cùng với vợ con lam lũ chạy giặc hai năm khắp Trung Hoa, có lúc cơ cực tới nỗi phải đi xin ăn, và quì xuống khấn vái Trời Đất phù hộ cho một người hảo tâm đã đem ông cùng vợ con ông về nhà nuôi trong một thời gian. Ông được một viên tướng tốt, Nghiêm Vũ, cưu mang, cho làm một chân thư kí. Nghiêm Vũ chịu được tính tình thất thường của ông, cho ông một căn nhà nhỏ ở trên bờ suối “Cán[35] hoa” (Rửa hoa) để ông làm thơ, chứ chẳng đòi hỏi gì ông cả. Thời đó ông sung sướng, vui vẻ vịnh mưa, hoa, trăng và núi.

Có ích gì đâu mấy vần thơ?

Trước mặt tôi chỉ có núi rừng âm u.

Tôi muốn bán hết bảo vật và sách,

Để được sống giữa cảnh thiên nhiên.

…..

Khi phong cảnh đẹp như vậy,

Thì tôi bước chầm chậm lại, để tâm hồn thấm nhuần cái đẹp.

Tôi thích vuốt ve lông chim.

Tôi thổi vào lông để rẽ lớp ngoài mà lông tơ ở trong hiện ra.

Tôi thích đếm nhuỵ hoa

Và cảm thấy sự nhẹ nhàng của phấn hoa vàng.

Ngồi trên cỏ thì còn gì sướng bằng.

Tôi không thích uống rượu vì hoa đủ làm cho tôi say rồi.

Tôi yêu cổ thụ làm sao!

Yêu cả những sóng biển màu ngọc bích.[36]

Nghiêm Vũ quí ông lắm, vận động cho ông chức Công bộ viên ngoại lang ở Trường An, thành thử vô tình làm ông mất cái thú đó. Vì khi Nghiêm Vũ chết rồi, nội loạn tăng lên, Đỗ Phủ lại cô độc với thiên tài của mình, lại không có một đồng dính túi. Con cái nheo nhóc, phàn nàn rằng cha không nuôi nỗi mình. Về già, ông sống rầu rĩ, bị mọi người bỏ rơi, thành một “vật xấu xa không ai muốn nhìn”; nóc nhà bị gió thổi tung, bọn ăn trộm vào cướp cả tới mớ rơm ông lót giường, mà ông yếu quá, không ngăn nỗi. Sau cùng, tai nạn lớn nhất xảy ra: ông hết thích rượu, do đó mà không giải quyết được vấn đề sinh sống theo lời Lí Bạch [nghĩa là không làm được thơ để mưu sinh nữa]. Ông quay về tôn giáo, tìm sự an ủi trong đạo Phật. Mới năm mươi lăm tuổi mà ông đã già khọm, ông lại một ngôi chùa danh tiếng trên núi thiêng Huen [Hành sơn?]. Một ông quan đã đọc thơ ông, gặp ông, đưa ông về nhà, làm một bữa tiệc đãi ông. Thịt bò bốc hơi lên thơm phức, rượu ngon đầy bình; đã bao lâu nay Đỗ Phủ chưa được một bữa thịnh soạn như vậy. Vì đói, ông ăn ngấu nghiến. Chủ nhân xin ông một bài thơ, ông rán làm rồi ngâm lên, nhưng bội thực, ông té xuống. Hôm sau ông tắt thở.


[1] Việc Hạ Tri Chương ca tụng thiên tài của Lí Bạch với vua Minh Hoàng và việc Lí đọc được quốc thư và áp đảo được sứ thần Thổ Phồn (Tây Tạng, Tân Cương ngày nay), chứ không phải Triều Tiên, đều có chép trong các tiểu sử Lí Bạch; nhưng việc cởi giày thì sai: Lí vốn ghét Cao Lực Sĩ, một nịnh thần, nên muốn làm nhục Cao, chứ không phải muốn trả thù các giám khảo đã đánh hỏng mình. (ND).

[2] Chữ Hán có tên là Kim tinh, ta gọi là Sao hôm, Sao mai. (ND).

[3] Mỗi thước bằng khoảng một gang tay. (ND).

[4] Bài này cũng như ba bài nữa ở sau, tôi không tìm được nguyên tác. Durant dùng bản dịch ra tiếng Anh của Shigeyshi Obata; Charles Mourey dịch lại từ tiếng Anh qua tiếng Pháp; tôi lại dịch lần thứ ba từ tiếng Pháp, như vậy nếu không phản nghĩa là may mắn lắm rồi, không còn chút gì là thơ nữa. (ND).

[Nhan đề bản dịch ra tiếng Anh là: Maid of Wu. Nguyên tác là: 對酒

蒲萄酒, 金叵羅, 吳姬十五細馬馱. 青黛畫眉紅錦靴, 道字不正嬌唱歌. 玳瑁筵中懷裏醉, 芙蓉帳底奈君何. (Theo http://zh.wikisource.org). Tạm phiên âm: Đối tửu

Bồ đào tửu, Kim phả la, Ngô cơ thập ngũ tế mã đà. Thanh đại hoạ my hồng cẩm ngoa. Đạo tự bất chính kiều xướng ca. Đại mạo diên trung hoài lý tuý, Phù dung trướng để nại quân hà. ].

[5] Coi nguyên văn trong Đại cương Văn học sử Trung Quốc cuốn II của Nguyễn Hiến Lê. (ND)

[6] Durant dịch là Rừng trúc (trúc lâm). Năm người kia là Khổng Sào Phủ, Hàn Chuẩn, Trương Thúc Minh, Bùi Chính và Đào Miện. (ND).

[7] Chỉ Lí Bạch coi thường hạng vua chúa, Đỗ Phủ thì không. (ND).

[8] Coi nguyên văn trong Đại cương Văn học sử Trung Quốc - cuốn II. Câu đầu dịch cho sát thì là : Lí Bạch uống một đấu rượu làm được trăm bài thơ. (ND).

[9] Durant không trích bài II này. Chúng tôi thêm vô để độc gia hiểu đoạn sau. Trong bài Lí so sánh Dương Quí Phi với nàng Thiệu Phi Yến, một con hát trong cung nhà Hán; Cao Lực Sĩ uất hận vì bị Lí Bạch làm nhục (bắt cởi giày), nên gièm pha với Quí Phi là Lí dám so sánh nàng với một con hát; Quí Phi nổi giạn, ton hót với vua, vua không trọng dụng Lí nữa. (ND).

[10] Bài này tiếng Pháp dịch sai quá. Nguyên văn cả ba bài ở trong tập Đường thi trích dịch (trang 536-543) của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn. (ND).

[11] Durant bỏ từ câu này. (ND).

[12] Tức Phương Sơn (bác ba của cụ Nguyễn Hiến Lê) dịch. .

[13] Không chắc. (ND).

[14] Không kiếm được nguyên văn. (ND).

[Xem bài 北風行 (Bắc phong hành) tại http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=7792. Bản tiếng Anh bỏ sáu câu đầu. ].

[15] Nguyên văn hai bài này trong Đại cương Văn học sử Trung Quốc II. (ND).

[16] Luh ở đâu, ở Tứ Xuyên? (ND).

[17] Bài này cũng như bài sau, không kiếm được nguyên văn. (ND).

[Nguyên văn: 东鲁二稚子

吳地桑葉綠, 吳蠶已三眠. 我家寄東魯, 誰種龜陰田. 春事已不及, 江行復茫然. 南風吹歸心, 飛墮酒樓前. 樓東一株桃, 枝葉拂青煙. 此樹我所種, 別來向三年. 桃今與樓齊, 我行尚未旋. 嬌女字平陽, 折花倚桃邊. 折花不見我, 淚下如流泉. 小兒名伯禽, 與姊亦齊肩. 雙行桃樹下, 撫背復誰憐. 念此失次第, 肝腸日憂煎. 裂素寫遠意, 因之汶陽川. (Theo http://zh.wikisource.org).

Tạm phiên âm: Kí đông Lỗ nhị trĩ tử

Ngô địa tang diệp lục, Ngô tàm dĩ tam miên. Ngã gia kí đông Lỗ, Thuỳ chủng quy âm điền. Xuân sự dĩ bất cập, Giang hành phục mang nhiên. Nam phong xuy qui tâm, Phi đoạ tửu lâu tiền. Lâu đông nhất chu đào, Chi diệp phất thanh yên. Thử thụ ngã sở chủng, Biệt lai hướng tam niên. Đào kim dữ lâu tề. Ngã hành thượng vị toàn. Kiều nữ tự Bình Dương, chiết hoa ỷ đào biên. Chiết hoa bất kiến ngã, Lệ hạ như lưu tuyền. Tiểu nhi danh Bá Cầm, Dữ tỉ diệc tề kiên. Song hành đào thụ bất, Phủ bối phục thuỳ liên. Niệm thử thất thứ đệ, Can trường nhật ưu tiên. Liệt tố tả viễn ý, Nhân chi vấn dương xuyên.

Các tên Luh, Ping-yang, Po-chin lần lượt là Lỗ, Bình Dương, Bá Cầm. .

[18] Các sách thường chép rằng ông miễn cưởng nhận lời và chỉ làm một chức Tân khách trong Mạc phủ thôi. (ND).

[19] Xem bài 江上吟 (Giang thượng ngâm) tại http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=9616. .

[20] Đối với người phương Tây không đọc được nguyên văn thì theo tôi, mất đi tới già nửa; đối với những dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như chúng ta thì mất đi ít thôi. (ND).

[21] Bản tiếng Pháp chắc in sai: temples (ngôi đền) vô nghĩa; tempes (thái dương tức mái tóc) mới phải. (ND).

[Bản tiếng Anh là temples, có nghĩa là ngôi đền mà cũng có nghĩa là thái dương. ].

[22] Durant không cho biết xuất xứ. (ND).

[23] Thi sĩ Anh (1795-1821). (ND).

[24] Đào Tiềm (366-427) ở đời Lục Triều, sinh trước Lí Bạch (705-762) ba trăm bốn chục năm – Coi lại niên biểu đầu sách – Durant có lối trình bày riêng, không luôn luôn theo thứ tự thời gian. (ND).

[25] Có sách chép là ba mươi năm. (ND).

[26] Bài này là bài thơ dài nhất đời Đường, cùng với bài Tì bà hành (ngắn hơn) là hai bài nổi tiếng nhất của Bạch Cư Dị. Trường hận ca kể cái chết của Dương Quí Phi và nỗi trường hận của Đường Minh Hoàng. (ND).

[27] Theo Ayscough, Florence, trong cuốn Tu Fu, The Autobiography of a Chinese Poet.

[28] Có lẽ Durant muốn nói chức tham quân ở phủ Kinh Triệu (?). (ND).

[29] Đỗ kém Lí bảy tuổi. (ND).

[30] Không tra được nguyên văn. (ND).

[Theo bác Vvn, đó là bài Tân An lại 新安吏. Xem Phụ lục. ]

[31] Durant đã bỏ trên mười lăm câu. (ND).

[32] Durant đã bỏ sáu câu. (ND).

[33] Có sách chép là cổ nhân : người xưa. Nguyên văn tám câu cuối này trong Đại cương văn học sử Trung Quốc II. Bài này tôi bỏ tiếng Pháp mà theo nguyên văn. (ND).

[34] Bỏ hai câu không rõ Durant trích ở bài nào mà theo tôi không liên quan gì lắm với những đoạn trên. (ND).

[35] Cũng đọc là Hoán. (ND).

[36] Chúng ta đã có ít nhiều cuốn tuyển dịch thơ Đường, nhưng chưa có cuốn nào nghiên cứu riêng thơ Lí Bạch hoặc Đỗ Phủ. (ND).

PHẦN II - (3)

VII. VĂN XUÔI

Văn thơ Trung Quốc nhiều vô số kể - Lịch sử tiểu thuyết – Sử kí – Tư Mã Thiên – Các nhà viết tuỳ bút và tiểu luận – Hàn Dũ và Phật cốt

 

Đường thi chỉ là một phần của thơ Trung Hoa mà toàn thể thơ Trung Hoa chỉ là một phần nhỏ của văn học Trung Hoa. Chúng ta khó mà định được thời đại, đánh giá được sự quan trọng của văn học đó, khó mà có một ý niệm về sự phổ biến của nó trong dân chúng. Thời xưa người Trung Hoa không biết tới tác quyền, ai in lại cũng được, mà in lại dễ dàng, rẻ tiền, thành thử trước khi quan niệm của phương Tây xâm nhập Trung Quốc, giá sách rất rẻ, chỉ mười lăm quan Pháp là mua được một bộ hai chục cuốn Bách Khoa toàn thư mới, và trọn bộ tứ thư ngũ kinh chỉ bán ba chục quan. Nhận định cho đúng giá trị văn thơ Trung Quốc là một điều rất khó vì người Trung Hoa coi trọng hình thức hơn nội dung, mà chính cái hình thức đó lại không thể nào dịch ra được. Người Trung Hoa cho rằng văn học của họ nhất thế giới, chỉ kém có văn học Hi Lạp, mà họ nhường Hi Lạp như vậy chỉ là để tỏ rằng họ nhã nhặn thôi. Chúng ta hiểu được lòng tự phụ đó của họ.

Các nhà văn phương Tây chúng ta cho viết tiểu thuyết là cách chắc chắn nhất để nổi danh; còn người Trung Hoa thì lại cho tiểu thuyết không phải là văn chương. Trước khi người Mông Cổ đưa tiểu thuyết vào Trung Hoa thì người Trung Hoa cơ hồ như không có tiểu thuyết; mà ngay bây giờ nữa [trước thế chiến thứ nhì], các nhà Nho[1] vẫn coi những tiểu thuyết hay nhất của Trung Hoa là thứ để cho đại chúng tiêu khiến, không đáng ghi vô văn học sử. Đa số những người ít học không để ý tới sự phân biệt ấy, không do dự gì cả, đọc thơ Bạch Cư Dị, Lí Bạch, rồi đọc qua các tiểu thuyết khuyết danh tràng giang (viết bằng bạch thoại cũng như các vở tuồng) chép những biến cố bi thảm trong lịch sử của họ. Vì đa số tiểu thuyết nổi danh Trung Hoa là lịch sử tiểu thuyết, rất ít cuốn thuộc loại tả chân hoặc phân tích tâm lí, phân tích xã hội như bộ Anh em nhà Karamazov, Núi thần[2], Chiến tranh và Hoà bình, Những kẻ khốn khổ[3] của phương Tây. Một trong những tiểu thuyết cổ nhất là Thuỷ hử của một nhóm văn sĩ thế kỉ XIV; một trong những tiểu thuyết dài nhất là Hồng lâu mộng gồm hai mươi bốn quyển, viết vào khoảng 1650; một trong những bộ hay nhất là Liêu trai chí dị, văn vừa đẹp, nhã vừa gọn; nổi danh nhất là bộ Tam Quốc Chí gồm 1.200 trang trong đó tác giả, La Quán Trung, chép mà tô điểm thêm những chiến tranh, những mưu mô xảy ra sau khi nhà Hán sụp đổ. Những truyện tràng giang đó đại khái cũng như các truyện tả phong tục bọn bịp bợm ở thế kỉ XVIII phương Tây, theo lời người ta nói, thì nhiều khi có lối tả tính tình hài hước như trong Tom Jones với lối kể cruyện linh động, hấp dẫn trong Gil Blas[4]. Những người già nhàn rỗi nên đọc những truyện Tàu đó.

°

Loại văn học được trọng nhất ở Trung Hoa mà cũng được dân chúng thích nhất là văn chép sử. Không một dân tộc nào có nhiều sử gia và chép những bộ sử nhiều chi tiết như vậy như dân tộc ấy. Ngay từ thời Thượng cổ, mỗi triều đình cũng đã có những viên thái sử chép lại sự nghiệp vĩ đại của nhà vua, cùng những điều dị thường tai nghe mắt thấy; nghề chép sử đó tới cuối đời Thanh vẫn còn, do đó Trung Hoa có một kho tài liệu lịch sử vĩ đại vô song trên thế giới; tài liệu nào cũng rất dài và thường đọc rất chán. Bộ Nhị thập tứ sử của các quan thư cục xuất bản năm 1747 gồm 219 cuốn dày, lớn. Từ cuốn Thư kinh Khổng tử đã san định kĩ lưỡng, bộ Tả truyện [Tả Khâu Minh] viết khoảng một trăm năm sau để chú giải và làm cho tác phẩm của Phu tử linh động hơn[5], và bộ Trúc thư [sử khắc lên thẻ tre], tìm thấy trong mộ vua Nguỵ [Tương vương] [gồm trên mười ngàn chữ], môn chép sử của Trung Hoa luôn luôn tiến bộ, và tới thế kỉ II trước T.L, xuất hiện một công trình bất hủ, kiên nhẫn của Tư Mã Thiên, tức bộ Sử kí.

Được nối chức thái sử của cha vừa chép sử vừa coi thiên văn, Tư Mã Thiên mới đầu sửa lại lịch rồi để hết thì giờ làm tiếp một công trình là chép sử Trung Hoa từ đời Hoàng Đế đến thời của ông [đến năm -104 niên hiệu Thái Sơ đời Hán Vũ Đế]. Ông không nhắm việc tô chuốc lời văn mà chỉ muốn chép càng đủ càng tốt. Bộ sử của ông chia là năm phần: 1. Bản kỉ, chép việc các đế vương; 2. Biểu, chép việc lớn việc nhỏ trong từng năm; 3. Thư, ghi lại lễ, nhạc, luật, lịch thiên văn, tế lễ, sông ngòi, và thương mại (kinh tế); 4. Thế gia, chép truyện các vương hầu, tướng quốc, tướng soái; 5. Liệt truyện, chép tiểu sử các danh nhân.

Ông chép sử một khoảng thời gian gần ba ngàn năm, từ đầu tới cuối gồm 526.000 chữ viết bằng một cây nhọn lên thẻ tre. Khi hoàn thành công việc suốt đời ông đó, ông trình lên nhà vua và với hậu thế như sau:

Kẻ hạ thần sức đã kiệt, mắt đã mờ, và chỉ còn vài cái răng. Kí tính suy tới nỗi bây giờ biến cố nào xảy ra là quên ngay; bao nhiêu sinh lực đã dùng hết vào bộ này rồi. Vì vậy mà xin bệ hạ nghĩ tới thành tâm của hạ thần, tha thứ cho những chỗ sơ sót, và dám mong Bệ hạ khi nào rảnh ghé mắt coi công trình đó, Bệ hạ có thể hiểu được lẽ thịnh suy của các triều đại cũ, lẽ thành bại của thời này. Bộ sử này mà giúp ích cho quốc gia được chút nào thì mục đích và nguyện vọng của suốt đời hạ thần đã đạt.

Văn Sử kí của Tư Mã Thiên không rực rỡ như văn của Taine, không có những giai thoại lí thú[6] như của Hérodote, không có những suy tư ngăn ngắn về triết lí các biến cố như của Thucydide, mà cũng không du dương như văn của Gibbon[7]; môn chép sử ở Trung Hoa ít khi vượt lên cao mà đạt tới nghệ thuật. Từ Tư Mã Thiên tới người cùng họ với ông là Tư Mã Quang – ông này cũng soạn một bộ thông sử về Trung Hoa – các sử gia Trung Hoa đã cặm cụi, có khi nguy tới tài sản, tính mạng nữa, chép lại những biến cố trong một triều vua hoặc một triều đại; họ dùng hết cả sinh lực và không chú trọng tới lời văn đẹp. Có thể rằng quan niệm của họ đúng, có thể rằng chép sử phải là một khoa học chứ không phải là một nghệ thuật; có thể rằng Gibbon khi tô chuốt câu văn, hoặc Carlyle[8] khi thuyết giáo, đã làm sai các sự kiện của dĩ vãng. Nhưng chính người phương Tây chúng ta cũng có những sử gia đọc rất chán, không thua một dân tộc nào khác về cách viết từng pho sách mục đích để cho dĩ vãng khỏi bị phủ một lớp bụi thời gian, mà rốt cuộc, chính những pho sách ấy lại bị lớp bụi của các thế hệ sau bao phủ.

°

Loại tuỳ bút, tiểu luận[9] là một loại sinh động hơn; ở đây người viết được quyền tha hồ tô chuốt câu văn, trổ tài hùng biện. Nhà văn nổi tiếng trong khu vực này là Hàn Dũ mà sách được trọng tới nỗi tục lệ buộc rằng người đọc trước khi cầm tới phải rửa tay bằng nước hoa hồng đã. Sinh trong giới bình dân (nghèo) ông đạt được những chức vị cao nhất ở triều đình, và bị nhà vua (Hiến Tôn)[10] ghét chỉ vì đã bộc trực can vua đừng ưu đãi đạo Phật nữa. Theo ông, tôn giáo mới đó chỉ là một dị đoan của Ấn Độ; là môn đồ nhiệt tín của đạo Khổng, ông bất bình vì thấy nhà vua khuyến khích sự đầu độc dân chúng của thứ tôn giáo viễn vông đến bực mình ấy. Vì vậy năm 803, ông dâng vua một bài biểu mà chúng tôi trích dẫn dưới đây vài đoạn để độc giả có vài ý niệm về văn xuôi (cổ văn) Trung Hoa; miễn độc giả đừng quên rằng một bản dịch đúng tới mấy cũng làm sai ý nghĩa nguyên văn đi.

Nay thần nghe rằng Bệ hạ sai nhiều nhà sư lại Phượng Tường rước Phật cốt, và Bệ hạ sẽ ngự lên lầu cao coi đưa Phật cốt vô cung, lại ban lệnh cho các chùa thay phiên nghênh tiếp cho đúng lễ. Thần tuy chí ngu, nhưng cũng biết rằng Bệ hạ không mê hoặc vì đạo Phật, sùng bái như vậy không phải để cầu phúc; mà chỉ là nhân năm nay được mùa, dân chúng vui vẻ, nên chiều dân chúng kinh đô mà bày ra cảnh lạ lùng, trò vui đùa này, chứ bậc thánh minh như Bệ hạ đâu lại tin những việc đó. Nhưng bách tính ngu muội, dễ bị mê hoặc mà khó giác ngộ, thấy Bệ hạ như vậy sẽ nghĩ là Bệ hạ thực tâm thờ Phật, bảo nhau: “Thiên tử là bậc thánh mà còn một lòng kính tín, thì bọn bách tính [chúng mình] ai mà dám yêu tiếc thân thể, tính mệnh”. Họ sẽ đốt đỉnh đầu, thiêu ngón tay tụ họp nhau lại, lột áo, vãi tiền ra, từ sáng đến tối, ganh đua nhau chỉ sợ thua kém người. Thế là già trẻ bôn ba, bỏ bê công việc, nếu Bệ hạ không ngăn cấm, họ sẽ ùa lại các chùa, cắt cánh tay xẻ da thịt để cúng dường, thực là thương phong bại tục, làm trò cười cho bốn phương[11]

Vậy mà quần thần không ai nói gì, quan ngự sử không vạch chỗ trái ra, hạ thần thực lấy làm xấu hổ cho họ, xin Bệ hạ giao cốt Phật đó cho quan hữu ti, quẳng xuống sông, liệng vào lửa, để tuyệt gốc rễ đi, diệt mối nghi hoặc cho thiên hạ và đời sau, khiến người trong thiên hạ biết rằng hành vi của bậc đại thánh [tức Bệ hạ] vượt xa bọn tầm thường [tức một số vua thời trước như thời Lục Triều mê tín đạo Phật] cả vạn lần, như vậy chẳng là một việc rất tốt, rất vui ư?

Phật mà linh thiêng, giáng hoạ được thì tai ương gì cứ trút cả lên thân hạ thần này, có Trời soi xét, thần không oán hận gì hết[12].

Khi có sự xung đột giữa mê tín và triết lí thì ta có thể chắc chắn rằng mê tín sẽ thắng, vì loài người thích hạnh phúc hơn sự minh triết. Hàn Dũ bị biếm làm thứ sử Triều Châu[13] hồi đó dân còn hoàn toàn dã man. Ông không phàn nàn gì cả, theo đúng đạo Khổng, siêng năng khai hoá họ, làm gương cho họ, và ông thành công tới nỗi trên các bức chân dung của ông thường để mấy chữ này: “Tới đâu ông cũng làm cho miền đó hoá thuần khiết”[14]. Sau cùng ông được gọi về triều, lại tận tuỵ với Quốc gia, khi chết rất được trọng vọng. Một bài vị của ông được bày trong Khổng miếu – chỉ thất thập nhị hiền và những vị có công lao truyền bá đạo Khổng mới được vinh dự ấy – vì ông đã hăng hái nhiệt liệt bênh vực đạo ấy như chúng ta thấy trong bài biểu dẫn ở trên, để khỏi bị một tôn giáo khác lấn áp, tôn giáo này mới đầu cao quí, nhưng tới thời ông đã sa đoạ rồi.

VIII. TUỒNG

Tuồng không được trọng ở Trung Hoa – Nguồn gốc – Vở tuồng – Khán giả - Đào kép – Âm nhạc

 

Khó mà định địa vị cho tuồng Trung Hoa[15] vì môn đó không được người Trung Hoa coi là nghệ thuật hay văn học. Như nhiều yếu tố khác trong đời sống loài người, cái gì được dân thích thì lại không được trọng. Rất ít khi chúng ta biết được tên tác giả vở tuồng; còn các đào kép thì mặc dầu tận tuỵ với nghề nghiệp, rất có lương tâm, đôi khi rất nổi danh, nhưng vẫn bị coi là hạ tiện. Có lẽ hầu hết các nền văn minh đều hơi khinh bọn đào kép nhất là thời Trung cổ, khi mà kịch phương Tây bắt đầu thoát li kịch tôn giáo đã phát sinh ra nó.

Tuồng Trung Hoa cũng có một nguồn gốc tương tự. Dưới đời Chu, trong các cuộc tế lễ, có vài vũ khúc múa bằng que hay roi. Tương truyền các vũ khúc đó sau bị cấm vì có tính cách thô tục, có lẽ từ đó mới phát sinh ra thứ tuồng thế tục, không có tính cách tôn giáo nữa. Đường Minh Hoàng, ông vua đã che chở nhiều môn nghệ thuật, luyện tập một nhóm đào kép trẻ gọi là “Lê viên đệ tử (bọn trẻ vườn lê), nhờ vậy tuồng thoát li được tôn giáo mà phát triển; nhưng phải tới đời Hốt Tất Liệt [tức Nguyên Thái Tổ: 1280-1294], tuồng mới thành một môn nghệ thuật của quốc gia. Năm 1031, một hậu duệ của Khổng tử, tên là Tao-fu [?][16] được phái làm sứ thần ở Mông Cổ; trong một buổi tiếp rước, người Mông Cổ diễn một tuồng cho ông coi, mà trong tuồng đó vai Khổng tử lại do một vai hề đóng. Tao-fu nổi giận, bỏ về, không coi, nhưng về tới Trung Hoa, cũng như nhiều người khác đã qua Mông Cổ, ông khen Mông Cổ có một lối diễn tuồng hay hơn Trung Hoa. Khi Mông Cổ chiếm Trung Hoa rồi, họ truyền bá tiểu thuyết và tuồng của họ, và những vở tuồng cổ điển hiện nay còn được diễn đều được viết dưới thời cai trị của Mông Cổ.

Nhưng nghệ thuật ấy tiến bộ rất chậm, vì Quốc gia và Giáo hội[17] không khuyến khích nó. Thường thường là những gánh hát dạo, nay đây mai đó, tới một chỗ đất hoang trống nào đó dựng rạp rồi diễn ở giữa trời cho dân làng coi. Đôi khi các ông quan gọi một gánh hát tới trong một bữa tiệc thân mật, và thỉnh thoảng, những gánh hát ấy cũng sáng tác được một vở. Qua thế kỉ XIX, số các rạp hát tăng lên, nhưng cuối thế kỉ ấy, tại Nam Kinh chỉ còn có hai rạp. Tuồng diễn một cố sự trong lịch sử, có thơ và có nhạc, truyện tuồng thường rút từ một đoạn trong một lịch sử tiểu thuyết ra; cũng có khi trong một buổi người ta diễn nhiều “màn” rút từ nhiều vở kịch khác nhau. Tuồng dài, ngắn không nhất định, có khi diễn nhiều ngày mới hết, thường thường phải diễn sáu bảy giờ như ở châu Mĩ ngày nay. Có nhiều đoạn phách lối hoặc dạy đời, tàn bạo, có nhiều màn đổ máu nhưng kết bao giờ cũng có hậu, cho đạo đức được thắng. Thành thử tuồng là một thứ đức dục, dạy cho dân chúng biết chút ít lịch sử, biết theo đạo Khổng – nhất là đạo hiếu – tuồng nào như tuồng ấy, thật đáng nản.

Sân khấu ít bày biện, cảnh trí cũng ít, mà lại không có cửa ra. Tất cả các đào kép và những người đóng thế, đều ngồi trên sân khấu suốt buổi hát, khi nào tới phiên đóng trò thì mới đứng dậy, thỉnh thoảng bọn đầy tớ đem trà cho họ uống. Lại có nhân viên của gánh hát đi đi lại lại bán cho khán giả trà, thuốc hút, đồ giải khát, cả những khăn nhúng nước âm ấm để lau mồ hôi đêm hè; khán giả ăn uống, chuyện trò với nhau khi nào có một màn ồn ào hơn hoặc đẹp đẽ hơn thì mới ngưng lại để nghe hát. Đào kép thường phải la lớn, khán giả mới nghe được; họ đeo mặt nạ [Durant muốn nói họ vẽ mặt?] để khán giả hiểu ngay họ đóng vai nào [trung hay nịnh, vua hay quan…]. Vua Càn Long nhà Thanh cấm phụ nữ lên sân khấu, nên kép hát phải đóng giả vai đàn bà, riết rồi, ngày nay, đàn bà được đóng tuồng thì họ phải bắt chước những kép hát đóng giả vai đó, mới mong được khán giả hoan nghênh. Kép hát phải nhào lộn giỏi, khiêu vũ giỏi vì có nhiều vai tuồng buộc họ phải cử động thật mềm mại, theo một qui tắc hợp với tiếng nhạc. Cử động của họ đều tượng trưng, đúng với những qui ước rất cổ, rất tỉ mỉ; những đào kép có tài như Mai Lan Phương[18] biết cử động tay chân, thân thể một cách rất có nghệ thuật, và nội những cử động đó cũng làm tuồng hát nên thơ được một phần lớn rồi. Tuồng Trung Hoa không hoàn toàn là kịch, không hoàn toàn là ca kịch, cũng không hoàn toàn là vũ; nó gồm cả ba, gần như có tính cách Trung cổ về nghệ thuật; nhưng trong loại của nó thì phải nhận là nó đạt được mức hoàn hảo cũng như nhạc của Palestina[19] hoặc như những cửa sổ gắn kính vẽ trong các giáo đường.

°

Về phương diện nghệ thuật, âm nhạc Trung Hoa ít khi được độc lập, thường phải lệ thuộc tôn giáo hoặc tuồng. Theo truyền thuyết, ông thuỷ tổ của nó, cũng như nhiều môn khác, là vua Phục Hi. Sách Lễ kí có trước Khổng tử đã chép hoặc kể tên nhiều chương về nhạc; và sách Tả truyện, một thế kỉ sau Khổng tử, đã ca tụng các điệu nhạc để hoà với các bài hát nước Nguỵ. Ngay thời Khổng tử, nhạc đã là một kĩ thuật thành thục từ lâu, có qui tắc nhất định rồi và những người ưa yên tĩnh đã lo ngại về một số canh tân trong âm nhạc; còn các triết nhân thì phàn nàn rằng các điệu dâm ô lấn át những điệu thanh nhã thời trước! Sau này do ảnh hưởng của Hi Lạp – Tây Vực và Mông Cổ, âm giai Trung Hoa vốn đơn sơ hoá phức tạp hơn. Người Trung Hoa biết chia bát độ âm giai (octave) thành mười hai bán âm, nhưng họ vẫn thích ghi nhạc bằng ngũ âm tương ứng với các âm fa, sol, la, si, do, re, mi của phương Tây. Họ đặt tên cho những âm đó là Cung (như vua), Thương (như quan), Dốc (như dân), Chuỷ (như việc), (như vật)[20]. Họ biết phép hoà thanh (harmonie) nhưng ít khi dùng tới lắm trừ phi để lên dây đàn, hoà hợp các nhạc khí với nhau. Nhạc khí gồm các thứ để thổi: sáo, tiêu, kèn, còi; các thứ có dây như: đàn thất huyền, đàn tì bà; và các thứ để gõ: trống lớn trống nhỏ, chuông chiêng, chũm, choẹ, phách và các miếng ngọc thạch, đá mã não. Người phương Tây nghe nhạc Trung Hoa thấy kì cục, có lẽ cũng như người Trung Hoa khi nghe bản Sonate appassionata của Beethoven; nhưng Khổng tử nghe thì mê, và hiện nay vô số người Trung Hoa nghe nó vẫn có thể quên đời, không suy nghĩ, không ước ao gì nữa. Hàn Dũ bảo: “Các bậc thánh nhân đã dạy cho chúng ta nhạc để giải nỗi phiền muộn trong lòng”. Các vị ấy cũng nghĩ như Nietzsche rằng “đời sống mà không có nhạc là phỉnh gạt thôi!”.[21]

 


[1] Lettré: tức các nhà trí thức cổ Trung Hoa. (ND).

[2] Không rõ của ai. (ND).

[Núi thần: tiếng Anh là The Magic Mountain. Theo Wikipedia, tác giả là nhà văn Đức Thomas Mann (1875-1955), nhan đề nguyên tác là Der Zauberberg. ].

[3] Của Victor Hugo – Chúng ta đã có bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. (ND).

[4] Tom Jones của Fielding, tiểu thuyết gia Anh (1707-1754), Gil Blas của Lesage, tiểu thuyết gia Pháp (1688-1754). (ND).

[5] Chỗ này bản tiếng Pháp tối nghĩa hoặc sai. Người đọc có thể hiểu lầm rằng Tả truyện chú giải kinh Thư, sự thực là chú giải kinh Xuân Thu. (ND).

[Nguyên văn tiếng Anh: From the  Shu-Ching, or "Book of History", so edifyingly bowdlerized by Confucius, and the Tso-chuan, a commentary written a century later to illustrate and vivify the book of the Master. (].

[6] Tôi ngờ rằng những nhận xét này sai. Coi bộ Sử kí của Tư Mã Thiên – Lá Bối tái bản – 1972. (ND).

[7] Taine (1828-1893), sử gia Pháp; Hérodote (khoảng -484 -425), sử gia Hi Lạp; Thucydide (-460 -395), sử gia Hi Lạp; Gibbon (1737-1794), sử gia Anh. .

[8] Carlyle (1795- 1881): sử gia Scotland. .

[9] Tức như những bài cổ văn, phú trong bộ Cổ văn của Trung Hoa. Coi cuốn Cổ văn Trung Quốc – Tao Đàn 1966. (ND).

[10] Tức Đường Hiến Tôn (sách in sai là Hiếu Tôn). .

[11] Durant bỏ một đoạn đại ý chê đạo Phật là của ngoại nhân và nhắc lời của Khổng tử “quỉ thần nên kính mà xa ra. (ND).

[12] Nhan đề bài này là Phật cốt biểu. Nguyên văn có trong bộ Cổ văn bình chú. (ND).

[13] Trong bản tiếng Pháp là: một làng ở Quảng Đông. (ND).

[14] Tôi đoán rằng chữ Hán là “cư chi tắc hoá” - ở đâu thì cải hoá phong tục miền đó – lời của Khổng tử trong Luận ngữ - thiên Tử Hãn. (ND).

[15] Chữ Hán gọi là Hí khúc hoặc vắn tắt là khúc. (ND).

[16] Có lẽ là Khổng Đạo Phụ 孔道 (985-1039) hậu duệ đời thứ 45 của Khổng tử. .

[17] Chắc Durant muốn nói Khổng giáo. (ND).

[18] Kép Mai Lan Phương (1894-1961), nổi tiếng với các vai nữ như Mộc Quế Anh, Dương Quý Phi, Ngu Cơ. .

[19] Nhạc sĩ Ý thời Trung cổ (1524-1594). (ND)

[20] Bản tiếng Pháp là Vũ Trụ, Từ Hải: vũ giả, vũ dã, vật giả. (ND).

[Nguyên văn tiếng Anh cả câu: The Chinese knew of the division of the octave into twelve semi-tones,

but they preferred to write their music in a pentatonic scale, corresponding roughly to our F, G, A, C, and D; to these whole tones they gave the names "Emperor", "Prime Minister", "Subject People", "State Affairs", and "Picture of the Universe". ].

[21] Chúng ta thấy nhan đề chương “Thời đại các thi sĩ” không đúng vì tác giả giới thiệu qua loa cả văn xuôi, tuồng và nhạc trong suốt lịch sử Trung Hoa. (ND)

CHƯƠNG III  THỜI ĐẠI CÁC NGHỆ SĨ

I. VĂN NGHỆ PHỤC HƯNG: ĐỜI TỐNG

 

1. Chế độ xã hội của Vương An Thạch

Đời Tống – Một vị tể tướng có tư tưởng xã hội – Cách trừ nạn thất nghiệp – Chế độ kĩ nghệ - Định lương bổng và giá cả - Quốc hữu hoá thương mại – Quốc gia bảo hiểm cho thất nghiệp, nghèo đói, già nua – Thi tuyển quan lại – Vương An Thạch thất bại

 

Sau loạn An Lộc Sơn, nhà Đường không làm sao ngóc đầu lên được nữa. Các ông vua nối ngôi Minh Hoàng không lập lại nổi uy quyền trong đế quốc và sau một thế kỉ suy nhược, nhà Đường chấm dứt. Trong năm mươi ba năm (907-960), năm triều đại khác kế tiếp nhưng đều yếu và ngắn ngủi [trong sử gọi là đời Ngũ Đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu]. Trong trường hợp như vậy luôn luôn phải có một bàn tay mạnh và tàn nhẫn mới lập lại được trật tự. Một quân nhân[1] xuất hiện trong cảnh hỗn loạn, dựng lên nhà Tống và lên ngôi, tức Tống Thái Tổ. Người ta tái lập triều đình và các chức tước, mở lại các kì thi để tuyển quan lại và một vị cố vấn cho Hoàng Đế rán giải quyết các vấn đề xã hội, thành lập một chế độ gần như chế độ xã hội để triều đình kiểm soát đời sống kinh tế trong nước.

Vương An Thạch (1021-1086) là một trong rất nhiều nhân vật kì khôi đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Rất tiếc rằng vì xa cách trong không gian lẫn trong thời gian, lại thêm dĩ vãng của Trung Hoa cũng khác xa với hoàn cảnh hiện tại của họ, cho nên xét các nhân vật Trung Hoa, dù tính tình, tư tưởng trái ngược hẳn nhau, chúng ta cũng vẫn thấy bề ngoài họ một loạt như nhau. Nhưng ngay các kẻ thù của Vương An Thạch –họ đông lắm – cũng phải nhận rằng Vương thật khác người, để hết tâm trí vào việc nước, cần mẫn, kiên nhẫn lo cải thiện đời sống của dân, không còn thì giờ nghĩ tới bản thân, tới ẩm thực, y phục nữa, học đã rộng, văn lại hay vào bậc nhất đương thời, chống với kẻ giàu có, quyền quí thủ cựu một cách can đảm lạ lùng. Do một sự ngẫu hợp kì dị, trong lịch sử Trung Hoa chỉ có mỗi một người hơi giống ông mà người này lại cùng một họ với ông: Vương Mãng. Từ cuộc thí nghiệm chủ nghĩa xã hội trước của Vương Mãng, tới cuộc thí nghiệm này của Vương An Thạch, dòng lịch sử đục ngầu của Trung Quốc đã chảy được ngàn năm rồi.

Khi được vua [Thần Tôn] giao quyền tể tướng cho, Vương An Thạch tuyên bố rằng chính quyền phải chịu trách nhiệm về sự an lạc của mọi người dân. Ông bảo: “Quốc gia phải hoàn toàn điều khiển thương mại, kĩ nghệ và canh nông để giúp đỡ người lao động, đừng để họ bị bọn giàu có tiêu diệt”. Ông đưa ngay ra chế độ miễn dịch [những kẻ phải sưu dịch được nộp tiền thay]. Từ thời nào tới giờ, triều đình vẫn bắt dân phải làm xâu, có khi giữa mùa gieo hoặc mùa gặt, nông dân cũng phải bỏ cả công việc đồng áng của họ. Mặc dầu miễn dịch, mà Vương An Thạch vẫn thực hiện được nhiều công việc trị thuỷ (ngăn lụt) lớn lao [nhờ tiền “trợ dịch” triều đình thâu rồi thuê người làm].

Ông lại cứu nông dân khỏi cái nạn cho vay nặng lãi, bằng cách cho các tiểu điền chủ vay, lãi rất nhẹ so với thời đó[2]. Ông phân phát lúa giống cho những người không có công ăn việc làm, giúp họ canh tác, chỉ buộc họ một điều kiện là khi gặt lúa thì trả lại cho triều đình. Có những cơ quan thành lập ở mỗi châu, quận định tiền công và giá cả các nhu yếu phẩm. Thương mại bị quốc hữu hoá: quốc gia mua sản phẩm ở mỗi nơi, một phần chứa trong các kho để sau này dùng tới, một phần đem bán khắp nước, những nơi nào thiếu[3]. Triều đình có một uỷ ban ngân sách, xét xem phải tiêu bao nhiêu, thu được bao nhiêu để tiết kiệm được những số tiền lớn, khỏi thất thoát vào những cái túi rộng của bọn tham nhũng. Người già, người thất nghiệp, người khốn cùng được trợ cấp. Chính sách giáo dục và chế độ thi cử được xét lại để tuyển những người có kiến thức thực tế, chứ không bàn suông về đạo Khổng bằng những câu hoa mĩ, khoa đại; giáo dục bớt chú trọng tới hình thức, tới nhớ nhiều, và theo lời một sử gia Trung Hoa thì trong một thời gian, bọn “học sinh tại các trường làng cũng bỏ thơ phú đi mà học sử kí, địa lí, kinh tế”.

Tại sao những gắng sức nhân đạo đó lại thất bại? Trước hết có lẽ vì cuộc thí nghiệm có nhiều yếu tố thuộc về hành động hơn là về lí thuyết thuần tuý. Đành rằng, theo nguyên tắc, bọn phú gia phải gánh phần thuế nặng nhất, nhưng sự tiêu pha của quốc gia cứ tăng hoài, quốc gia phải thu nhiều lúa ruộng, đó là một gánh nặng cho toàn dân, nghèo cũng như giàu. Cho nên chẳng bao lâu, bọn dân nghèo cũng đứng về phe người giàu, kêu ca rằng thuế má nặng quá; loài người bao giờ cũng muốn quốc gia lãnh thêm nhiều chức vụ, trách nhiệm nhưng lại không chịu trả cái giá của một chính quyền như vậy [nghĩa là muốn quốc gia bảo đảm an toàn cho mình, nhưng không muốn đóng thuế]. Lại thêm, Vương An Thạch tuy giảm số lính chính qui, thường bị cho dân đỡ phải nuôi, nhưng để bù vào số giảm ấy, ông buộc gia đình nào có hai người đinh trở lên thì bắt một người làm “bảo đinh”, dạy cho võ nghệ, hễ có chiến tranh thì dùng làm lính[4]. Ông giao ngựa và cỏ, lúa cho dân nuôi, dân phải săn sóc kĩ để khi có chiến tranh thì nhà nước lấy mà dùng[5]. Khi có ngoại xâm và các cuộc nổi loạn trong nước, tân pháp của Vương An Thạch hoá ra mất lòng dân. Sau cùng, còn một nguyên nhân nữa: ông gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng những nhân viên đủ liêm khiết; con “quái vật quan lại” bị chứng tham nhũng nặng tới mức Trung Hoa cũng như nhiều quốc gia khác từ thời đó tới nay đã phải lựa chọn: hoặc là để cho tư nhân ăn cắp, hoặc là để cho công chức gian lận.

Bọn thủ cựu – cựu pháp – do một người em ruột của Vương An Thạch [Vương An Quốc] và sử gia Tư Mã Quang cầm đầu, chứng tỏ với nhà vua rằng tân pháp không thể thực hiện được: con người, đa số là tham nhũng, bất tài nên chính quyền không kiểm soát nổi kĩ nghệ, đó là một ảo tưởng; cách tổ chức xã hội tốt hơn cả là theo chủ nghĩa phóng nhiệm, mặc cho dân chúng sản xuất rồi phân phối theo bản năng kinh tế của họ. Bọn nhà giàu bị thiệt hại nhiều vì thuế nặng và vì nhà nước quốc hữu hoá thương mại, nên cho tiền dân nghèo để chê bai tân pháp, ngăn cản sự thực hiện tân pháp, kết cuộc phải bãi bỏ. Phe đối lập được tổ chức mạnh mẽ, làm áp lực với nhà vua và sau mấy năm liền hết lụt tới hạn hán, một ngôi sao chổi xuất hiện, nhà vua kinh hoảng, phải cách chức Vương, huỷ bỏ các sắc lệnh trước, trao quyền cho phe chống Vương. Một lần nữa, mọi sự trở lại như cũ[6].

2. Tri thức phục hưng

Tấn bộ của sự bác học – Giấy và mực – Tiến tới sự phát minh nghề in – Cuốn sách đầu tiên – Giấy bạc – Hoạt tự - Tuyển tập, tự điển, các bộ toàn thư

 

Trải qua bao nhiêu chiến tranh, cách mạng, thay đổi triều đại, đời sống dân Trung Hoa vẫn tiếp tục, xét chung thì ít bị các biến cố xa xôi đó làm xáo trộn, và thường thường, biến cố đã kết thúc từ lâu rồi, họ mới được nghe nói tới. Nhà Tống bị người Kim đuổi khỏi miền Bắc, xuống phương Nam lập lại triều đại [gọi là Nam Tống], đời kinh đô từ Biện Lương [ngày nay là Khai Phong] xuống Lâm An [ngày nay là Hàng Châu]; tại kinh đô mới này, lối sống xa hoa, phong nhã cũng phát triển mạnh như ở kinh đô cũ, và các thương nhân khắp thế giới đổ xô lại mua những sản phẩm cực quí, cực đẹp của kĩ nghệ và nghệ thuật Trung Hoa. Vua Huy Tôn đặt ra những kiểu trang phục mới ở Biện Lương, vì ông là một nghệ sĩ hơn là một quốc trưởng – trong khi rợ Kim tiến vô kinh đô thì ông chẳng mãi vẽ đấy ư? và ông lập ra một viện hàn lâm để khuyến khích – bằng cách triển lãm và định giá – các nghệ thuật sau này làm vẻ vang cho nhà Tống. Người ta sưu tập các đồ đồng, bức hoạ, bản viết tay và các bảo ngọc; nhiều tiệm sách lớn được thành lập mà vài tiệm tránh được cái hoạ binh lửa. Các học giả, nghệ sĩ ùa lại cả hai kinh đô ở phương Bắc và phương Nam.

Dưới đời Tống, nghề in bắt đầu xuất hiện, mới đầu rất khiêm tốn, trong văn học Trung Hoa. Sau bao nhiêu cố gắng kiên nhẫn, liên tục trong mấy thế kỉ, bây giờ phát minh mới đem áp dụng được dưới hai hình thức chính; mới đầu khắc cả một trang sách lên gỗ, rồi sau dùng hoạt tự bằng một kim loại đúc trong những cái khuôn. Phát minh đó, hoàn toàn của dân tộc Trung Hoa, là phát minh lớn nhất trong lịch sử, sau sự phát minh ra chữ viết.

Trước hết phải tìm một thứ gì giản tiện hơn lụa hay tre để in chữ lên. Lụa đắt quá, mà tre thì nặng quá: Mặc tử đi đâu cũng phải chở theo ba xe sách bằng tre, trọn tài sản của ông; còn Tần Thuỷ Hoàng thì mỗi ngày phải vận dụng bằng tay cả trăm kí lô văn thư. Vào khoảng 105 sau T.L, đời Đông Hán, một viên hoạn quan tên là Thái Luân tâu với vua Hán Hoà Đế rằng đã phát minh ra được một thứ giấy rẻ tiền hơn, nhẹ hơn, làm bằng vỏ cây, cây gai, giẻ rách và lưới cũ. Thái Luân là một vị đại thần được phong tước hầu, vì âm mưu với hoàng hậu, bị tố cáo, “về nhà tắm rửa, chải đầu, bận bộ áo đẹp nhất rồi uống thuốc độc tự tử”. Cách chế tạo đó truyền bá rất mau vì những tờ giấy cổ nhất người ta được biết, do Aurel Stein tìm được trong một bức tường ốp của Vạn lí trường thành, là những công văn kể những biến cố xảy ra trong khoảng từ 21 tới 137 sau T.L, có lẽ vào thời Thái Luân; những công văn đó đề năm 150 sau T.L, nghĩa là khoảng 50 năm sau khi Thái Luân báo cáo phát minh của ông ta. Thứ giấy đầu tiên ấy làm toàn bằng giẻ rách cũng như loại giấy tốt, bền mà chúng ta dùng ngày nay. Người Trung Hoa cải thiện phương pháp gần đến mức hoàn hảo, trộn thêm keo, nhựa và một thứ hồ để cho giấy thêm dai và dễ hút mực. Khi họ dạy kĩ thuật đó cho người Ả Rập ở thế kỉ VIII, rồi người Ả Rập lại truyền bá qua châu Âu ở thế kỉ XVI, thì phương pháp đã hoàn hảo rồi.

Mực cũng thấy xuất hiện ở phương Đông trước tiên vì mặc dầu người Ai Cập đã chế được giấy, mực từ thời Thượng cổ, nhưng chính người Trung Hoa đã dạy cho châu Âu chế tạo mực bằng bồ hóng; cái mà người ta gọi là “mực Ấn Độ” thực ra là mực Tàu. Mực đỏ (son) chế bằng chất sul-fua thuỷ ngân (sulfure de mercure) đã được dùng ở Trung Hoa từ đời Hán; mực đen xuất hiện ở thế kỉ IV, và từ đó mực đỏ để dành riêng cho nhà vua. Mực đen làm cho nghề in mau tiến bộ vì dùng nó thì dễ phết lên bản gỗ mà nó lại gần như không tẩy, gột được. Người ta đã thấy ở Trung Á những khối giấy bị ngâm dưới nước lâu quá, gần cứng như đá, mà chữ viết bằng mực vẫn đọc được.

Thói quen dùng con dấu để kí tên là nguồn gốc của nghề in, ngày nay chữ “ấn” là con dấu cũng có nghĩa là in nữa. Những dấu đó mới đầu in lên đất sét; vào khoảng thế kỉ thứ II, các kinh được khắc trên đá rồi ít lâu sau, người ta nghĩ ra cách phết mực lên để phóng lại. Thế kỉ thứ VI, có những con dấu lớn bằng gỗ mà các đạo sĩ dùng để in bùa; một thế kỉ sau, các vị tăng cũng dùng cách đó để in lại các kinh. Những “ấn phẩm” cổ nhất mà chúng ta được biết là một triệu lá bùa in ở Nhật bản vào khoảng 770 sau T.L bằng chữ Phạn và chữ Trung Hoa. Đời Đường người ta làm nhiều bản khắc như vậy nhưng có lẽ đã thất lạc hoặc bị tiêu huỷ hết trong cảnh loạn lạc thời Minh Hoàng.

Năm 1907, ông Aurel Stein, được các đạo sĩ Trung Hoa ở Tân Cương[7] cho phép tham cứu các “thiên Phật động” (hang ngàn ông Phật) ở Đôn Hoàng. Một trong số những động đó hình như đã bị bịt kín vào khoảng 1035 sau T.L, mãi đến năm 1900 mới được đục ra, và người ta đã tìm thấy 1.130 bó tài liệu, mỗi bó gồm mười hai, có khi hơn nữa, cuốn giấy viết tay; toàn thể thành một thư viện chứa 15.000 cuốn sách, giấy vẫn còn tốt y như mới nguyên. Chính trong những bản viết tay ấy mà người ta kiếm được cuốn sách in cổ nhất hiện nay chúng ta được biết, tức cuốn Kinh Kim Cương, nó là một cuộn giấy, trang cuối có mấy hàng này: “Wang Chieh [?] in ngày… (tức ngày 11.5.868 dl) để phát không vì nhớ đến công ơn cha mẹ”. Trong đám viết tay này còn thấy ba cuốn sách in nữa. Một cuốn có đặc điểm rất mới mẻ này: các tờ giấy không cuốn lại như Kinh Kim Cương mà gấp lại thành sách nhỏ như sách ngày nay. Cũng như châu Âu cuối thời Trung cổ và gần đây ở các dân tộc sơ khai, chính tôn giáo đã cổ xuý cho nghề in mạnh hơn hết, vì tu sĩ nào cũng muốn truyền bá đạo của mình bằng ấn phẩm và hăng hái muốn cho mọi người có được những lá bùa, những kinh kệ in trên giấy. Các quân bài có lẽ cũng cổ như các ấn phẩm tôn giáo đó, xuất hiện ở Trung Hoa năm 969 - sớm hơn nữa, chưa biết chừng – rồi từ Trung Hoa truyền vào châu Âu cuối thế kỉ XIV.

Những cuốn đầu tiên ấy in bằng mộc bản. Chúng ta biết được điều đó do một bức thư một người Trung Hoa viết vào khoảng 870: “Một hôm ở Tứ Xuyên, tôi thấy trong một tiệm nọ một cuốn kinh [chắc là kinh của Khổng giáo] in trên một bản gỗ”. Hình như lúc đó, nghệ thuật in đã phát triển khá rồi, thực lạ lùng, sự phát triển ấy xảy ra trước hết ở các tỉnh miền tây như Tứ Xuyên, Tân Cương[8] tức những tỉnh được các vị tăng Ấn Độ tới khai hoá và trong một thời gian có một nền văn hóa độc lập với văn hóa tại các kinh đô ở phía Đông. Thuật in đó truyền qua miền Đông từ đầu thế kỉ thứ X khi một tể tướng tên là Feng Tao thuyết phục nhà vua bỏ tiền ra in các kinh của Trung Hoa. Phải hai chục năm mới xong công việc đó gồm một trăm ba mươi quyển kinh có cả lời chú giải[9]. Nhờ vậy mà đời Tống kinh được truyền bá rộng rãi hơn, tri thức được phục sinh và đạo Khổng được vững vàng hơn.

Một ứng dụng đầu tiên nữa của thuật in là giấy bạc. Công việc in giấy bạc bắt đầu ở Tứ Xuyên, thế kỉ thứ X, rồi triều vua nào cũng ham phát hành giấy bạc, tới nỗi chưa đầy một thế kỉ, có sự lạm phát. Năm 1294, Ba Tư lại bắt chước cách đó mà hoá ra giàu có; năm 1297, Marco Polo ngạc nhiên rằng sao người Trung Hoa lại trọng những mảnh giấy lộn ấy. Mãi đến năm 1656 châu Âu mới học được cách ấy và bắt đầu in giấy bạc.

Hoạt tự cũng là một phát minh của Trung Hoa nhưng họ không có tự mẫu, nên phải đúc 40.000 chữ, tốn kém quá không thể làm được. Ngay từ 1041, Pi Sheng[10] đã làm hoạt tự bằng đất sét, nhưng vì lí do kể trên, sự phát minh ấy không dùng được vào việc gì. Năm 1403, người Triều Tiên chế tạo được chữ đầu tiên bằng kim loại trong lịch sử[11]. Người ta khắc chữ lên gỗ cứng, dùng khuôn đúc bằng đất sét, khuôn nung lên thành đồ sứ để đổ kim loại và ông vua Triều Tiên hiền minh nhất hiệu là Thái Tôn [?] hiểu ngay rằng phát ninh ấy có lợi cho sự cai trị và cả cho sự duy trì văn minh nữa, bảo: “Muốn khéo trị dân thì phải biết rõ luật và các kinh của đạo Khổng, có vậy thì mới công bằng mà giữ được chính đạo, nước mới yên ổn, có trật tự. Nước chúng ta ở về cực Đông và cách Trung Hoa cả một cái biển, chỉ nhận được rất ít sách của Trung Hoa. Những cuốn in bằng mộc bản thường không hoàn toàn, dùng cách đó thì khó mà in được hết thảy những sách hiện có. Cho nên trẫm ra lệnh đúc chữ bằng đồng đỏ và in tất cả các sách mà trẫm sẽ kiếm được để truyền cho hậu thế. Hậu thế sẽ mang ơn chúng ta vạn đại… Nhưng phí tổn in, dân sẽ không phải chịu, trẫm sẽ không bắt dân đóng thuế. Trẫm và hoàng tộc sẽ chịu hết, vị đại thần nào muốn góp tiền thì tuỳ ý”.

Hoạt tự từ Triều Tiên truyền qua Nhật Bản rồi mới trở về Trung Hoa, nhưng hình như sau khi Gutenberg (1400-1468) phát minh được thuật in ở châu Âu, sau Triều Tiên mấy thế kỉ. Ở Triều Tiên, hoạt tự được dùng trong hai thế kỉ rồi bỏ; ở Trung Hoa lâu lâu người ta mới dùng tới, mãi cho tới khi các thương nhân và các nhà truyền giáo từ phương Tây qua chỉ cho họ thuật in ở châu Âu. Từ thời Feng Tao cho tới thời Lí Hồng Chương [cuối đời Thanh], người Trung Hoa vẫn thích in bằng mộc bản, vì in lối chữ Trung Hoa thì cách ấy có vẻ tiện cho họ hơn. Mặc dù in cách đó rất chậm, họ cũng đã tuôn ra thị trường vô số sách cho dân chúng đọc. Trong khoảng từ 994 tới 1063, người ta in những bộ đoạn đại sử [sử chép riêng một thời đại], gồm mấy trăm cuốn, thành thử các nhà văn có một kho bác học vô giá và mới mẻ; và tác phẩm của họ đạt được các giới trung lưu, đôi khi tới một số bình dân nữa; văn học có tính cách dân chủ hơn[12], nhiều hình thức hơn. Nghệ thuật in mộc bản là một nguyên nhân chính của sự phục sinh văn nghệ đời Tống.

Được phát minh ấy kích thích, văn học Trung Hoa hoá ra phong phú lạ lùng, tiến trước phong trào phục hưng ở Ý tới hai thế kỉ. Các kinh điển được in lại cả trăm lần, chú giải cả ngàn lần; các sử gia bác học cặm cụi nghiên cứu dĩ vãng để viết lại và dùng nghệ thuật in mới mẻ, kì diệu đó, truyền bá cho hàng triệu độc giả; người ta in những bộ tuyển tập thi văn, những bộ tự điển lớn; những bộ Bách khoa toàn thư vĩ đại vô tới cả nông thôn. Bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên có giá trị là bộ của Wu Shu (947-1002)[13], không thể sắp theo mẫu tự được, nên phải sắp theo môn, theo đề tài; bộ đó chú trọng tới các hiện tượng vũ trụ. Năm 977, vua Tống Thái Tôn sai soạn một bộ Bách khoa toàn thư quan trọng hơn gồm 30 cuốn, hầu hết là trích trong số 1690 cuốn đã in từ trước. Sau này, dưới triều Minh Vĩnh Lạc [tức Minh Thành Tổ] (1403-1425), người Trung Hoa lại soạn một bộ nữa gồm mười ngàn cuốn, vì đồ sộ quá, nên in không nổi; chẳng may bản viết tay còn lại bị thiêu huỷ - trừ một trăm sáu mươi cuốn – trong vụ loạn Quyền phỉ năm 1900. Chưa bao giờ người ta thấy một nền văn minh được các học giả chi phối tới mức đó.

3. Triết học phục hưng

Chu Hi – Vương Dương Minh – Siêu thiện ác

 

Các học giả ấy không nhất thiết là môn đồ Khổng tử, trong một ngàn rưỡi năm có nhiều học thuyết khác thành lập ra và bây giờ người ta hăng hái bàn cãi nên theo hay nên chống đạo Khổng. Đạo Phật đã gây sự dao động trong tâm hồn người Trung Hoa, bây giờ ảnh hưởng tới các triết gia. Nhiều nhà cũng tập thói quen tham thiền; có nhà còn trách Khổng tử là đã bỏ phần siêu hình học, cho lối giải quyết vấn đề nhân sinh và vấn đề tinh thần của đạo Khổng có vẻ hời hợt, tàn nhẫn quá. Phép nội tỉnh được coi một phương pháp khám phá vũ trụ, và nhận thức luận (épistémologie) xuất hiện ở Trung Hoa. Nhiều ông vua theo đạo Phật hay đạo Lão để được lòng dân hoặc để điều khiển dân, và có lúc người ta đã tưởng đạo Khổng hết ảnh hưởng rồi.

Chu Hi đã cứu vãn tình thế ấy. Shankara ở Ấn Độ, thế kỉ thứ VIII đã gom những ý đôi khi thâm thuý nhưng tản mạn trong các Upanishad [phần thuyết pháp trong các kinh Veda] cho có hệ thống mà thành lập một triết thuyết mới lưu hành nhất đương thời, triết thuyết Vedanta; Thánh Thomas d’Aquin ở châu Âu, thế kỉ XIII, dung hoà triết lí Aristote và tư tưởng của thánh Paul, mà làm cho triết lí kinh viện thắng thế một thời; Chu Hi ở Trung Hoa, thế kỉ XII, cũng vậy, gom các châm ngôn mập mờ của Khổng tử để dựng một triết thuyết chặt chẽ vững vàng, tới nỗi các học giả đương thời phải phục và nhờ vậy, Khổng giáo lại chiếm được ưu thế trong sinh hoạt chính trị cùng tinh thần của dân tộc Trung Hoa.

Thời đó các triết gia tranh luận nhau nhiều nhất về Chu Hi và các địch thủ của ông, cách giải thích một đoạn trong sách Đại học. Khổng tử muốn nói gì khi ông bảo muốn trị nước thì trước hết phải tề nhà mình, muốn tề nhà mình thì trước hết phải sửa thân mình, muốn sửa thân mình thì trước hết phải chính cái tâm của mình, muốn chính cái tâm thì trước hết phải làm cho tinh thành cái ý, muốn làm cho tinh thành cái ý thì trước hết phải có tri thức xác đáng, tri thức xác đáng ở chỗ xét kĩ mọi vật (trí tri tại cách vật).

Chu Hi bảo ý nghĩa đoạn đó không có gì tối tăm về triết lí, luân lí và đạo trị nước. Ông chấp nhận hoàn toàn mà không hề phản kháng khuynh hướng thực nghiệm (hay chứng nghiệm) của Khổng tử; và mặc dầu ông cho vấn đề bản thể (ontologie) một địa vị quan trọng tới nỗi Khổng tử nếu biết được, tất phải ngạc nhiên, nhưng rốt cuộc học thuyết của ông vừa vô thần vừa kích thần, điểm đó chắc Khổng tử lấy làm thích. Kinh Dịch từ trước vẫn thống ngự môn siêu hình học Trung Hoa, Chu Hi cũng nhận như kinh đó rằng có một sự tương phản rõ rệt, trong sự thực: dươngâm; nhưng đôi khi người ta thấy hai cái đó hoà hợp với nhau và luôn luôn tác động lên ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ để tạo ra vạn vật; cũng vậy, khí – luật trời và vật chất – hợp tác với nhau để điều khiển vũ trụ, tạo cho vũ trụ hình thức của nó. Nhưng trên tất cả, là thái cực, cái tuyệt đối, lí của các lí, cơ cấu của vũ trụ. Chu Hi cho cái thái cực đó là thiên (trời) trong đạo Khổng chính thống, Thượng Đế chỉ là một luật diễn tiến hợp lí, không có nhân tính, không có hình thể. Đạo trời chỉ là lí.

Chu Hi bảo thiên đạo đó cũng là nhân đạo (đạo của người), cũng là đạo trị dân. Đạo đức chỉ là sự hoà hợp với thiên đạo và biết áp dụng đạo luân lí vào việc trị nước tức là khéo trị nước. Thiên nhiên vốn thiện thì bản tính con người cũng thiện, theo luật thiên nhiên tức là minh triết. Ông Choi Mao Shu [?] không nhổ cỏ ở cửa sổ “vì cho rằng sự sinh trưởng của cỏ cũng chính đáng [hợp lẽ trời] như sự sinh trưởng của ông ta”. Vậy thì gần như có thể kết luận rằng bản năng của loài người cũng vốn thiện nữa, có thể vui vẻ làm theo bản năng được; nhưng Chu Hi lại bảo chúng thuộc về cái khí (vật chất), phải bắt chúng theo cái mới được. Muốn vừa làm một luân lí gia vừa làm một luận lí gia, khó thực!

Triết thuyết của Chu Hi, có những điểm mâu thuẫn, nhưng người cầm đầu phe chống đối ông, tính tình rất dễ thương và hơi đặc biệt: Vương Dương Minh, không quan tâm tới những mâu thuẫn ấy. Vương vừa là một ông thánh, vừa là một triết gia; ông quen lối thiền định của Phật giáo đại thừa. Ông cho rằng sự lầm lẫn của Chu Hi không phải là về luân lí mà về phương pháp; theo ông sự tìm hiểu vạn vật không nên bắt đầu từ sự tìm hiểu ngoại vật[14] mà phải bắt đầu từ cái vũ trụ vô cùng sâu kín của cái “ngã”, như người Ấn Độ đã chỉ. Tất cả sự hiểu biết cóp nhặt được trên thế giới từ thời khai thiên lập địa, cũng không thể giảng được một cây trúc hoặc một hạt lúa.

Một hôm tôi nói với một người bạn của tôi họ Tiền: “Nếu muốn thành một hiền nhân, phải tìm cái lí của hết thảy mọi vật dưới gầm trời, thì tôi tự hỏi, kiếm đâu được một người như vậy?”. Tôi trỏ sáu cây trúc trước nhà tôi và bảo anh ta “cách”, nghĩa là tìm cái lí của chúng. Anh Tiền suốt ngày đêm tìm dưới bụi trúc. Nghiền ngẫm ba ngày mà chưa ra, anh ấy mang bệnh, bảo tại anh thiếu nghị lực, sức mạnh. Tôi bèn ra thay anh, cũng không tìm ra cái lí của cây trúc, sau bảy ngày, mệt óc quá chịu không nổi, tôi cũng phát bệnh. Chúng tôi nhìn nhau thở dài, bảo: “Phải có số phận mới làm thánh được. Trời không cho mình làm thánh rồi”.

Thế là Vương Dương Minh thôi không tìm hiểu vũ trụ nữa, bỏ luôn cả việc tìm các kinh, thư của Khổng giáo; ông cho rằng đọc trong cái tâm của mình, thiền định để tìm hiểu cái “ngã” lại dễ đạt được sự minh triết hơn là đọc tất cả các sách, tìm hiểu cả vạn vật. Bị đày làm cai trạm ở tỉnh Quí Châu, một nơi núi non, dân còn dã man, mà lại đầy rắn độc, ông tìm được trong bọn thảo khấu vài người bạn và một số môn sinh, dạy cho họ triết lí, nấu cơm cho họ ăn, hát cho họ nghe. Một đêm, vào giờ tí, họ ngạc nhiên thấy ông từ trên giường nhảy xuống đất mừng rỡ la lớn: “Rõ ràng là cái thiên tính của tôi đủ rồi, đi tìm cái lí trong sự vật là lầm lẫn”. Bọn họ chẳng hiểu gì cả, nhưng ông vẫn dần dần giảng cho họ thuyết duy tâm của ông: “Tâm tức là lí, trong vũ trụ có cái gì ngoài cái tâm, có cái lí gì ngoài cái tâm đâu”. Từ đó ông không suy diễn rằng Thượng Đế chỉ do con người tưởng tượng ra; trái lại ông cho rằng Thượng Đế là một sức mạnh tinh thần bàng bạc khắp vũ trụ, cực lớn, không thể là một người được, mà lại có thể có thiện cảm hay ác cảm với con người.

Từ quan niệm hoàn toàn duy tâm ấy, ông cũng đạt tới những qui tắc luân lí y hệt với Chu Hi. “Thiên lí toàn thiện, chấp nhận, theo đúng thiên lí, tức là có đạo đức”. Khi người ta bảo ông, trong thiên nhiên, có hiền nhân mà cũng có những con rắn, thì ông đáp – mà thánh Thomas d’Aquin, Spinoza và Nietzsche sau này chắc cũng đáp như ông – rằng “thiện” với “ác” như là những thành kiến, có lợi cho cá nhân hay nhân quần thì gọi là thiện, có hại thì gọi là ác. Còn thiên nhiên thì siêu thiện ác, không biết những danh từ con người tạo ra đó. Một môn đệ của ông [tên là Khản] kể lại rằng – nếu không phải là bịa ra – cuộc đối thoại dưới đây mà chúng ta có thể đặt cho nhan đề là Siêu thiện ác:

Một lát sau thầy bảo: “Quan niện thiện và ác đó phát khởi từ thân thể ta, cho nên nó sai”. Tôi không hiểu rõ. Thầy giảng thêm: “Sinh ý của trời đất có thể so sánh với trường hợp hoa và cỏ. Làm sao phân biệt được thiện và ác trong hoa, cỏ. Anh thích ngắm hoa thì cho hoa là “thiện”, cỏ là “ác”. Tới lúc anh cần dùng cỏ thì anh sẽ cho cỏ là “thiện”. Anh phân biệt thiện ác như vậy chỉ do anh thích hay không thích. Do đó mà biết là anh lầm”.

Tôi thưa: “Nếu vậy thì không có thiện có ác chăng?” Thầy bảo: “Khi cái lí mà tĩnh thì không phân biệt thiện và ác; khi nó động thì có thiện và ác. Không động cái khí tức là không có thiện có ác nữa, như vậy là chí thiện… [Truyền tập lục].

Tôi thưa: “Vậy thiện và ác không ở trong sự vật”.

Người bảo: “Chúng không có trong tâm của anh”[15].

Vương Dương Minh và đạo Phật gióng lên tiếng chuông duy tâm siêu hình đó là điều có ích cho các môn đồ Khổng giáo lúc nào cũng nghiêm chỉnh, kiêu căng, vì tuy phái này có những quan niệm đúng nhất về bản tính của con người và về chính trị, nhưng mắc cái tật hãnh diện về sự minh triết của mình, riết rồi thành một giới quan lại cố chấp, ghét những tư tưởng tự do, phiêu lưu. Lần lần phái Chu Hi thắng thế, bài vị của Chu được long trọng được đặt trong Khổng miếu, lối chú giải ngũ kinh tứ thư của ông được các môn đồ Khổng giáo chính thống suốt bảy trăm năm coi là đúng nhất, như vậy chỉ là lương tri đã thắng những tế nhị của óc siêu hình; nhưng một dân tộc cũng như một cá nhân, có thể vì hợp lí quá, thực tế quá, bình phàm quá, mực thước, quân bình quá, lúc nào cũng có lí mà hoá ra không ai chịu nổi. Một phần vì Chu Hi và đạo Khổng hoàn toàn thắng thế mà Trung Hoa phải có một cuộc cách mạng.


[1] Tức Triệu Khuôn Dẫn. .

[2] Phép đó gọi là phép “thanh miêu”: nông dân vay từ khi lúa xanh tới lúc lúa chín trả lại với số lời 2 phân (mỗi tháng?). (ND).

[Trong cuốn Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo số lời là 2, 3 phân mỗi tháng, và cụ còn cho biết thêm: “địa chủ cho vay thì có khi lãi tới 20 phân mỗi tháng”. ].

[3] Phép “quân du” và phép “bình giá”. (ND).

[4] Tức phép “bảo giáp”: cứ năm nhà làm một “bảo”. Bảo đinh phải luân phiên canh phòng trộm cướp, tức như dân phòng. (ND).

[5] Tức phép “bảo mã”. Nhà vua không giao lúa, cỏ cho người nuôi ngựa mà miễn một phần thuế cho họ. (ND).

[6] Coi cuốn Tô Đông Pha – Cảo Thơm tái bản 1974. (ND).

[7] Theo Từ Hải thì Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc. Durant lầm? (ND).

[8] Theo Từ Hải thì Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc. Durant lầm? (ND).

[9] Feng Tao: Phùng Đạo 馮道 (882-954) - 130 quyển kinh Khổng giáo được in trong khoảng 932-953 (http://en.wikipedia.org/wiki/Feng_Tao). .

[10] Pi Sheng: Tất Thăng 毕昇 (990-1051).

[11] Theo tập Tin tức Đại Hàn (số tháng 10-1973) của Sở Thông tin Đại Hàn thì ngày 15.5.1973, người ta mới tìm thấy tại thư viện Đại Hàn ở Hán Thành một cuốn sách cổ về Phật giáo nhan đề là Chongyong Tap Sunjong Simyo Popmum, cuốn đầu tiên in bằng mẫu tự kim khí hiện nay được biết. Cuốn đó in khoảng 1275-1298. (ND).

[12] Durant muốn nói sự dùng bạch thoại để viết truyện? (ND).

[13] Tức bộ Sự loại phú事類賦của Ngô Thục 吳淑 (947-1002). .

[14] Bản tiếng Pháp in lầm là monde interieur (nội tâm). Tôi đã sửa lại như vậy (monde exterieur). (ND)

[Đúng là bản tiếng Pháp in lầm. Nguyên văn tiếng Anh là: external universe. ].

[15] Nguyên văn đoạn này – trừ hai hàng cuối - ở trong Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan. Tôi trích thêm hai câu này nữa về thiện và ác :

Vô thiện vô ác thị tâm chi thể, hữu thiện hữu ác thị ý chi động (không thiện không ác là cái thiện của tâm; có thiện có ác là ý phát động).

Về Dương Vương Minh coi thêm sách của Phan Văn Hùm hoặc Đào Trinh Nhất. (ND).

CHƯƠNG III (2)

II. CÁC ĐỒ ĐỒNG ĐỎ, ĐỒ SƠN, ĐỒ NGỌC

Địa vị của nghệ thuật ở Trung Hoa – Đồ tơ lụa – Đồ đạc trong nhà – Đồ châu bảo – Quạt – Đồ sơn – Mài ngọc – Vài đồ đồng tuyệt đẹp – Nghề điêu khắc

 

Tìm hiểu đạo lí và say mê cái đẹp, đó là hai thái cực của tâm hồn Trung Hoa và đôi khi người ta muốn gọi Trung Quốc là xứ của triết học và của đồ sứ. Khi tìm hiểu đạo lí, dân tộc Trung Hoa không đạt tới một siêu hình học khoáng đạt, mà tới một triết lí thực nghiệm nhắm sự cải thiện cá nhân và trật tự xã hội; sự say mê cái đẹp cũng vậy, không đưa họ tới một chủ nghĩa duy mĩ bí truyền hoặc một nghệ thuật chỉ chú ý tới hình thể. Không kể tới công dụng trong đời sống, mà đưa họ tới những thực hiện có tính cách bình phàm, thực tế chỉ để tô điểm đời sống thôi. Cho tới khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây, thợ thủ công hoặc thợ thủ công với người làm việc tay chân, không phải là thợ chuyên môn; tất cả hoặc hầu hết kĩ nghệ đều làm bằng tay[1]. Cho nên Trung Hoa không có một kĩ nghệ năng suất thật cao, tạo cho dân chúng nhiều phương tiện để đời sống được dễ dàng hơn như ở châu Âu, mà chỉ muốn vượt các dân tộc khác về tinh thần thẩm mĩ, sản xuất những nghệ phẩm dùng trong đời sống hằng ngày. Người Trung Hoa phong lưu muốn rằng từ chữ viết tới chén đĩa, cái gì cũng phải đẹp, có vậy mới là văn minh.

Sự gắng sức tô điểm từ con người tới nhà cửa, đình chùa đó đạt tới mức cao nhất ở đời Tống. Sự tô điểm đời sống ấy đã có từ đời Đường, và còn tiếp tục sau đời Tống, nhưng đời Tống nhờ được thái bình, thịnh vượng trong một thời gian khá lâu, nên các nghệ thuật dễ tiến bộ, làm cho đời sống Trung Hoa có một vẻ đẹp, một thú vị vượt hẳn các đời trước. Về nghề dệt và nghề đúc, nghề kim hoàn, thợ Trung Hoa đời Tống và các đời sau đạt được một mức hoàn hảo không dân tộc nào sánh kịp; nghề mài ngọc và các thứ đá cứng, cũng vậy; còn nghề chạm gỗ và ngà thì họ chỉ thua học trò của họ là người Nhật. Đồ đạt như bàn, ghế, giường của họ thật quí giá, mà dùng thì bất tiện; thợ giỏi mỗi bữa chỉ ăn một chút cơm, kiên nhẫn tỉ mỉ tạo những nghệ thật phẩm hoàn toàn, mà chỉ những người Âu sành đồ cổ mới biết được giá trị. Đồ trang sức không sản xuất nhiều, nhưng chạm trổ rất đẹp. Đàn ông và đàn bà dùng những cây quạt bằng lông hay bằng tre, bằng giấy hay lụa tô điểm rất đẹp. Ngay hạng hành khất khi đi xin ăn cũng phe phẩy những cây quạt đẹp.

Nghệ thuật sơn xuất hiện trước hết ở Trung Hoa nhưng qua Nhật mới đạt tới mức tuyệt xảo. Thứ sơn đó là nhựa một cây sản xuất ở Trung Hoa, bây giờ người Nhật lấy giống, chăm sóc rất kĩ lưỡng. Nhựa chính từ thân và cành, được lọc rồi nấu cho bay hết nước dư đi, rồi người ta phết lên một miếng gỗ mỏng hoặc một kim loại, một đồ sứ và phơi trong chỗ mát ẩm thấp cho nó khô lần đi. Người ta phết hai chục, ba chục lớp, lớp này khô rồi mới phết lớp sau, rồi người ta mài cho thật bóng; mỗi lớp dầy mỏng khác nhau, màu cũng khác. Kế đó, không biết ở Nhật ra sao, chứ ở Trung Hoa thì người ta dùng một con dao lưỡi nhọn như một chữ V để rạch xoi tới lớp nào có màu hợp với màu trên hình mẫu. Nghệ thuật ấy phát triển rất từ từ, mới đầu là thuật khắc chữ trên thẻ tre; tới đời Chu sơn được dùng để tô điểm các bình, chén, các yên ngựa, xe cộ, vân vân; tới thế kỉ thứ II mới dùng để sơn nhà và các nhạc cụ, đời Đường nhiều đồ sơn được xuất cảng qua Nhật; đời Tống, các đồ sơn đều được qui định để xuất cảng đủ loại qua các nước xa xôi như Ấn Độ, Ả Rập; qua đời Minh, kĩ thuật được cãi thiện thêm và các món đồ đạt tới mức tuyệt xảo; dưới đời Khang Hi và Càn Long (nhà Thanh) triều đình thành lập và tổ chức các xưởng sơn tạo được những nghệ thuật phẩm cực quí như ngai vàng của vua Càn Long hoặc tấm bình phong mà vua Khang Hi tặng Léopold I, hoàng đế Đức. Tới thế kỉ XIX, nghệ thuật sơn ở Trung Hoa, vẫn giữ được mức cao, nhưng vì chiến tranh với các cường quốc châu Âu, và vì bọn khách hàng châu Âu thiếu óc thẩm mĩ, nên các vua Thanh không nâng đỡ kĩ nghệ ấy nữa; nghệ thuật sút đi và Nhất Bản vượt được Trung Hoa.

Người Trung Hoa biết ngọc thạch từ hồi họ bắt đầu có sử, vì người ta thấy những đồ bằng ngọc trong những ngôi mộ cổ nhất. Các tài liệu cổ nhất gọi nó là thứ “đá kêu vang” từ 2.500 năm trước T.L, người ta đã biết dùng nó, đẽo, mài nó thành hình con cá hoặc một hình khác, treo nó lên bằng một sợi dây, rồi gõ vào thì nó phát một âm thanh rất trong và vang. Tiếng jade (ngọc thạch) của Pháp hình như do tiếng Y Pha Nho yada (tiếng La Tinh là ilia) có nghĩa là trái thận. Người Y Pha Nho tìm vàng ở châu Mĩ thấy thổ dân ở Mễ Tây Cơ uống bột ngọc thạch khuấy với nước để trị nhiều bệnh trong lục tạng và họ đem phương thuốc đó cùng với vàng về châu Âu. Tiếng Trung Hoa có ý nghĩa hơn nhiều: jun[2] có nghĩa là dịu dàng như sương. Hai khoáng chất có ngọc thạch là: một thứ là silicate d’aluminium et de sodium, một thứ là silicate de calcium et de magnesium, cả hai đều rất cứng, đôi khi phải có một sức ép năm chục tấn mới làm bể được một cục ngọc nhỏ vài phân khối; muốn làm bể những cục ngọc thạch lớn thì phải bỏ vào lửa nung cho thật nóng rồi ném rất nhanh vào nước lạnh. Thợ Trung Hoa khéo ở điểm này: từ một cục đá cơ hồ như không có màu sắc, họ làm cách nào mà thành những màu xanh lá cây, màu nâu, đen hay trắng rất rực rỡ; họ kiên nhẫn mài thành những vật đủ hình đủ kiểu, chỉ trừ nút áo thôi, còn thì khắp thế giới không có bảo vật bằng ngọc nào mà giống hệt nhau. Bảo vật đầu tiên xuất hiện từ đời Thương và có hình những con cóc để thờ thần; tới thời Khổng tử đã có những đồ bằng ngọc rất đẹp. Có một số dân tộc dùng ngọc thạch để làm những cái rìu, con dao hoặc vật thường dùng khác; người Trung Hoa trái lại thời nào cũng quí thứ đó và chỉ dùng để làm những đồ có mĩ thuật; họ trọng nó hơn vàng bạc, hơn bất cứ một món gì khác, họ sẵn sàng trả bảy mươi lăm ngàn quan một cục ngọc thạch không lớn hơn chiếc nhẫn ở ngón tay cái các ông quan Trung Hoa; có những người sưu tầm đồ quí bỏ hàng năm để kiếm mỗi một món đồ bằng ngọc. Có thể nói rằng nếu thu thập được hết các đồ bằng ngọc chế tạo ở Trung Hoa thì được một tập (collection) thích nhất, đẹp nhất và quí nhất thế giới.

Đồng đỏ trong nghệ thuật Trung Hoa còn giữ một địa vị cao hơn ngọc nữa, nó cũng xuất hiện sớm như ngọc mà có lẽ còn được quí hơn ngọc. Tương truyền vua Vũ, người có công trị thuỷ [dưới thời vua Thuấn] được chín châu cống một thứ kim thuộc, cho đúc thành ba cái đỉnh cao chín thước; ba đỉnh ấy có phép trừ được những việc xui, lại không cần lửa mà nấu sôi được nước, muốn có món ngon gì cũng có liền, do đó mà tượng trưng quyền thiêng liêng của nhà vua; đời trước truyền cho đời sau, khi nhà Chu bị diệt thì ba cái đỉnh đó biến mất một cách bí mật, thành thử Tần Thuỷ Hoàng không được làm chủ ba cái đỉnh, mà uy thế giảm đi nhiều[3]. Nghề đúc và chạm trổ đồng đỏ là một trong những nghệ thuật thịnh hành nhất ở Trung Hoa, và có những tập đồ đồng đỏ mà mục lục gồm tới bốn mươi hai cuốn. Người ta làm những bình để thờ, và cả ngàn đồ dùng và nghệ phẩm khác. Chỉ những đồ đồng thời Phục hưng Ý mới sánh nổi với đồ đồng Trung Hoa, mà có lẽ trong những đồ đồng Ý đó, chỉ riêng những cánh cửa do Ghiberti vẽ kiểu cho Tẩy lễ đường Florence là đáng đem so sánh thôi.

Những đồ đồng cổ nhất của Trung Hoa mà chúng ta được biết là những bình đỉnh để thờ khai quật được ở Hà Nam. Các nhà bác học Trung Hoa cho rằng những đồ ấy chế tạo ở đời Thương, nhưng các người Âu sành đồ cổ bảo là không phải đời Thương mà một đời sau, chưa biết đời nào. Những đồ cổ nhất mà biết chắc được thời đại là những đồ đời Chu. Hầu hết những đồ này bị Tần Thuỷ Hoàng tịch thu, sợ dân chúng dùng để chế tạo khí giới. Ông ta gom hết số đồng về, sai thợ đúc mười hai tượng vĩ đại cao mười lăm thước tây, nhưng bây giờ không còn gì cả. Đời Hán, người ta làm được những cái bình rất đẹp, có cái cẩn vàng. Thợ Nhật đào tạo ở Trung Hoa về nước đúc được vài nghệ thuật phẩm cho đền Horiuji ở Nara, đẹp nhất là ba tượng Phật ngồi trên toà sen; trong lịch sử đồ đồng không có gì đẹp bằng. Nhưng đời Tống, nghệ thuật mới đạt đến tuyệt đỉnh, vừa đẹp vừa phong phú: nồi, bình đựng rượu, vò rượu, lư hương, khí giới, gương, chuông, chiêng, tượng nhỏ chứa đầy ngăn tủ của các người chơi đồ quí và gần như nhà nào cũng có. Trong số các đồ đồng đời Tống, đáng chú ý nhất là một cái đỉnh đúc hình Lão tử cưỡi trâu, nét mặt thật bình tĩnh, để tỏ rằng triết lí thắng được những tính tính hung dữ nhất. Lớp đồng mỏng như một tờ giấy, vì lâu đời hoá ra mốc[4], sắc biến thành màu xanh cẩm thạch, có cái vẻ đẹp của những đồ tàn phế từ lâu. Qua thời Minh, nghệ thuật đồ đồng suy lần, người ta đúc những đồ lớn hơn nhưng thường là xấu hơn. Đồng đỏ là một phát minh kì diệu thời vua Vũ, bây giờ hoá tầm thường rồi và nhường chỗ cho đồ sứ.

Thuật điêu khắc không bao giờ được người Trung Hoa coi là một nghệ thuật. Có một lòng khiêm tốn hơi đặt biệt, người Đông Á không chịu sắp cơ thể loài người vào hàng những “vật đẹp”; các nhà điêu khắc chỉ rán “miêu tả” y phục thôi; họ dùng hình đàn ông – ít khi dùng hình đàn bà – để diễn tả một số tình cảm, nhưng không bao giờ khắc những vẻ đẹp của thân thể. Thường thường thì họ chỉ chạm khắc những tượng Phật, hoặc đạo sĩ, không như người Hi Lạp thích hình các lực sĩ và kĩ nữ. Các nhà điêu khắc Trung Hoa còn thích hình loài các vật hơn là hình các triết gia và thánh nhân.

Những tượng cổ nhất của Trung Hoa được ghi lại trong sử là tượng mười hai người khổng lồ Tần Thuỷ Hoàng bảo đúc; một vua Hán sai nấu ra để lấy đồng đúc tiền. Đời Hán còn lưu lại cho ta vài con vật nhỏ bằng đồng đen, còn hầu hết các tượng thời đó đã bị thời gian hoặc chiến tranh tàn phá. Những di tích quan trọng duy nhất thời ấy là những hình chạm nổi trong các ngôi mộ khai quật ở tỉnh Sơn Đông; ở đây cũng vậy, hình người rất hiếm, những hình quan trọng nhất là hình loài vật, chạm không nổi lắm. Đáng gọi là điêu khắc hơn, chỉ là những tượng nhỏ bằng đất sét, nặn hình loài vật hoặc đôi khi hình nô tì, thê thiếp, chôn cùng người chết. Đó cũng là một cách thay tục suttee (quả phụ chết theo chồng) của Ấn Độ.

Thỉnh thoảng người ta gặp những tượng loài vật chạm nổi hẳn lên (ronole bosse) cũng vào thời ấy, như con cọp bằng cẩm thạch, bắp thịt cuồn cuộn, cặp mắt trừng trừng, ở cửa đền Sniang-fu, hoặc những con gấu dữ tợn trong tập đồ cổ của Gardner ở Boston, hoặc những con sư tử có cánh và có bướu ở cổ tại các ngôi mộ ở Nam Kinh. Những con vật đó với những con ngựa hung hăngchạm ở trên các ngôi mộ rõ ràng chịu ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp – Bactrane, Assyrie và Scythie, không phải hoàn toàn Trung Hoa.

Một ảnh hưởng khác nữa cũng xâm nhập từ Ấn Độ, tức ảnh hưởng thần học và nghệ thuật của đạo Phật. Miền Tân Cương chịu ảnh hưởng trước hết, nhờ vậy mà văn minh lên, và [đầu thế kỉ chúng ta] Stein và Pelliot khai quật được ở đó hàng tấn tượng đã bể, một số có thể so sánh được với những tượng đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ. NgườiTrung hoa bắt chước ngay nghệ thuật này không thay đổi bao nhiêu, và tạo nên những tượng Phật đẹp không kém tượng Phật ở Gandhara hoặc ở Ấn Độ. Những tượng cổ nhất là những tượng thấy trong đền Yun Kan, ở dưới đất, tỉnh Sơn Tây (khoảng 490 sau T.L.); còn những tượng đẹp nhất thì ở những hang Lung men [Long môn?][5], tỉnh Hà Nam. Ở phía ngoài những hang ấy, có vài tượng khổng lồ, đẹp nhất là tượng Phật Bồ Tát; lớn nhất là tượng Phật “Vairochana” (khoảng (672 sau T.L.), dưới chân bị bể nhiều; nét mặt bình tĩnh, thanh thản. Trong tỉnh Sơn Đông, người ta đã thấy nhiều đền ở dưới đất, trên vách hang chạm đục những hình thần thoại theo kiểu Ấn Độ, và xa xa, như trong động Yun men[6] (khoảng +600) có một tượng Phật Bồ Tát lớn. Đời Đường giữ được truyền thống điêu khắc, và tượng Phật ngồi bằng đá (khoảng +639) ở tỉnh Thiểm Tây có thể nói là đạt tới mức hoàn hảo về nghệ thuật. Qua các đời sau, còn vài tượng La Hán lớn bằng đất sét, tuy là môn đồ của đức Phật từ bi mà nét mặt lại dữ dằn như bọn tài phiệt ngày nay; và vài tượng Phật Quan Âm rất đẹp từ Phật ông biến thành Phật bà.

Sau đời Đường, ngành điêu khắc không tìm nguồn hứng trong tôn giáo nữa; nó tục hoá và đôi khi có khuynh hướng nhục cảm là khác; các nhà đạo đức phàn nàn, cũng như ở Ý thời Phục hưng, rằng các nghệ sĩ đục tượng thánh mà có những nét yểu điệu, kiều diễm như đàn bà; khiến các hoà thượng phải nghiêm cấm, không cho các nhà điêu khắc làm nổi bật lên cá tính của mỗi tượng, cùng những đường nét của thân thể. Có thể tin rằng khuynh hướng đạo đức rất mạnh của người Trung Hoa làm cho ngành điêu khắc không tiến bộ được. Các nghệ sĩ đã mất lòng mộ đạo mà lại không được diễn những nét đẹp của thân thể tất nhiên ngành điêu khắc phải suy; tôn giáo đã diệt một nghệ thuật mà nó không còn gợi hứng được nữa. Vào khoảng cuối đời Đường, nguồn điêu khắc cạn đi. Đời Tống chỉ còn lại vài tác phẩm nhỏ có giá trị; người Mông Cổ dùng hết sinh lực vào thuật chiến tranh, cho nên nghệ thuật càng suy; đời Minh nghệ thuật được phục hồi một chút, nhưng người ta chỉ thích những hình kì cục, chẳng hạn tượng những con vật khổng lồ bằng đá ở cửa và sân các lăng tẩm vua Minh. Ngành điêu khắc bị các nghiêm cấm của tôn giáo làm cho tê liệt, chán nản không muốn chiến đấu nữa và nhường khu vực nghệ thuật cho ngành làm đồ sứ và ngành hoạ.

III. CHÙA CHIỀN VÀ CUNG ĐIỆN

Kiến trúc Trung Hoa – Tháp bằng sứ ở Nam Kinh – Chùa ngọc ở Bắc Kinh – Miếu Khổng tử - Đền Nam Giao – Cung điện Hốt Tất Liệt – Một ngôi nhà Trung Hoa ở phía trong, màu sắc và hình thể

 

Kiến trúc cũng như điêu khắc chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong nghệ thuật Trung Hoa. Kiến trúc sư nước đó ít khi lưu danh lại và hình như công chúng không ngưỡng mộ họ bằng những nhà làm đồ gốm. Ít thấy ở Trung Hoa các công trình kiến trúc lớn lao; chỉ có ít lâu đài cổ và vài ngôi chùa trước thế kỉ XVI. Các kiến trúc sư đời Tống đã in năm 1103 tám cuốn đầy hình về Phương pháp xây cất, nhưng những công trình đẹp họ vẽ để lưu lại thì đều bằng gỗ mà ngày nay không còn chút dấu vết gì. Còn những hình còn bảo tồn được ở Thư viện Quốc gia tại Paris – mà cứ theo truyền thuyết thì là hình các ngôi nhà, dinh thự xây cất đời Khổng tử - chúng ta thấy rằng trên hai mươi ba thế kỉ, kiến trúc Trung Hoa chỉ theo đúng những kiểu cũ, không ưa những kích thước lớn. Có thể rằng dân tộc Trung Hoa có óc thẩm mĩ thanh nhã, cho nên tránh những cái gì đồ sộ; cũng có thể trí thông minh cản trở óc tưởng tượng của họ. Nhưng lí do quan trọng nhất là ngành kiến trúc Trung Hoa không phát triển mạnh mẽ được vì thiếu ba điều kiện mà hầu hết các dân tộc lớn thời Thượng cổ có đủ: một giai cấp quí tộc thế tập, một giới tăng lữ có quyền lực, một chính quyền trung ương mạnh và giàu. Đó là những thế lực xã hội bỏ tiền ra thực hiện những công trình nghệ thuật lớn lao: đền đài, cung điện, giáo đường, hí viện, lăng tẩm, bích hoạ. Mà Trung Hoa thì may mắn không có những thế lực ấy. Phật giáo chỉ chi phối tâm hồn Trung Hoa trong một thời gian thôi, hồi đó một phần tài sản quốc gia đem ra xây cất những ngôi đền[7] lớn mà gần đây người ta khai quật được ở Tân Cương[8]. Tại các miền khác ngày nay còn vài đền Phật khá lớn nhưng không thể so sánh với kiến trúc tôn giáo ở Ấn Độ được. Cảnh chung quanh thường đẹp; muốn lên đền phải theo một đường dốc đắp lài lài, có những cổng trang hoàng gọi là p’ai lu có lẽ bắt chước các “hàng rào” chung quanh các tháp Ấn Độ; đôi khi cửa có những tượng ông ác, mặt mày ghê tởm, để ngăn các quỉ sứ vô. Một ngôi đền đẹp nhất của Trung Hoa là đền Phật ngủ gần Di Hoà viên ở Bắc Kinh, Fergusson khen là “công trình kiến trúc đẹp nhất của Trung Hoa”.

Chùa chiền[9] thường làm cho các thành phố Trung Hoa có một vẻ đặc biệt vì tính cách Đông Á của chúng. Những kiến trúc thanh nhã ấy, cũng như đạo Phật, chấp nhận tất cả các tín ngưỡng, kể cả Đạo giáo; trong chùa người ta chẳng những làm các lễ tôn giáo mà còn theo cả những thuật phong thuỷ [xưa gọi là địa lí]. Có một số thị trấn dựng chùa để Phật phù hộ mà tránh được thiên tai, thịnh vượng lên, và ma quỉ phải tránh xa. Thường là những tháp hình bát giác xây bằng gạch trên nền đá, và gồm năm, bảy, chín hay mười ba tầng, chính những con số ấy cũng có một năng lực huyền nhiệm rồi. Chùa cổ nhất còn đứng vững là chùa Sung Yueh Ssu cất năm 523 trên ngọn núi Sung Shan [Tung Sơn?][10] ở Hà Nam; một trong những ngôi chùa đẹp nhất là chùa trong Di Hoà viên ở Bắc Kinh; rực rỡ nhất là chùa ngọc ở Bắc Kinh và “chùa nậm rượu” [?] ở Wu-tai shan[11]; nổi danh nhất là tháp bằng sứ ở Nam Kinh. Tháp này cất từ 1412 đến 1431, mặt trước bằng gạch gắn đầy những mảnh sứ, năm 1854 nó bị phá huỷ trong cuộc nổi loạn Thái Bình thiên quốc.

Những ngôi đền đẹp nhất của Trung Hoa là những đền thờ Khổng tử ở Bắc Kinh. Khổng miếu có một p’ai lu giữ cửa, chạm đục rất khéo, nhưng chính ngôi miếu thì có những nét nghiêm trang, hợp với triết lí hơn là nghệ thuật. Dựng từ thế kỉ XIII, nó được phá đi cất lại rồi trùng tu nhiều lần rồi. Trong một cái khám để ngỏ, bài vị của vị “chí thánh” đặt trên một cái giá; điện chính để thờ đức “vạn thế sư biểu”. Gần bức thành Hung Nô ở ven phía Nam Bắc Kinh, có đền Nam Giao. Cảnh làm cho ta khá xúc động, phải leo nhiều bực thang và qua nhiều sân bằng cẩm thạch, rồi mới lên tới cửa đền, số bực và sân phải là những con số huyền diệu; chính ngôi đền thì tựa như một ngôi chùa ba từng xây bằng gạch và ngói, không đẹp, trên một nền cẩm thạch. Ba giờ khuya ngày Nguyên đán, nhà vua lại đó tế Trời phù hộ cho quốc thái dân an. Bị sét đánh năm 1889, hư nhiều chỗ.

Những lâu đài trang hoàng rất thanh nhã của các vị vương và đại thần thời xưa ở Bắc Kinh có phần đẹp hơn những ngôi đền đồ sộ ấy. Dưới triều Minh Thành Tổ (1403-1425), một bậc thiên tài về kiến trúc nâng cao phòng lớn các lăng tẩm vua Minh, và sau người ta xây cất ở đó nhiều cung điện lộn xộn trong vòng gọi là Cấm Thành; nơi mà hai thế kỉ trước Marco Polo phải kinh dị trước những cung điện của Hốt Tất Liệt. Những con sư tử dữ tợn ngồi canh ở hai bên lan can bằng cẩm thạch, đưa lên một sân cũng bằng cẩm thạch, trên có đủ những cung điện lộng lẫy của một triều đình; tản mát đây đó là những cung dinh trang hoàng lộng lẫy cho các người trong hoàng tộc, cung nhân và hoạn quan ở, cung nào cũng theo một kiến trúc như nhau; cột mảnh khảnh, cửa sổ đẹp, hiên chạm trổ, màu sắc rực rỡ, mái lợp bằng ngói lớn, nặng và uốn cong ở bốn góc. Di Hoà viên thứ nhì chỉ cách đó vài cây số - xưa cấm không ai được lại gần – cũng theo một kiểu y hệt; nhưng có lẽ đẹp hơn, các cung điện cũ của nhà Minh ở Bắc Kinh cân đối hơn, chạm trổ nhiều hơn – nhiều quá nửa.

°

Bây giờ chúng ta thử rán vạch ra một cách thật sơ lược những nét chính của kiến trúc Trung Hoa. Nét chính không đẹp mấy, là bức tường ngăn cách hẳn căn nhà với đường phố. Trong những khu nghèo, bức tường đó liên tiếp bao vây cả khu, điều đó chứng tỏ rằng thời xưa trộm cướp, giặc giã thường xảy ra. Sau bức tường đó là cái sân của một ngôi nhà hay của chung nhiều nhà; cửa và cửa sổ hướng ra sân.

Vào những nhà nghèo ta có một cảm giác ảm đạm: cửa và lối đi đều hẹp, trần thấp, nền nhà là đất nện; trong nhiều gia đình heo, chó, gà, đàn ông đàn bà sống lẫn lộn, lộn xộn. Bọn dân cùng khổ, thì chỉ có một cái chòi vách đất, trộn rơm, chịu đựng với gió táp mưa sa. Kẻ nào khá hơn một chút thì trải chiếu trên nền đất hoặc trên nền gạch xấu xí. Người nào phong lưu thì trong sân trồng cây, hoa, có bể nước, hoặc bốn phía có vườn mọc đủ thứ cây dại hoặc kì cục. Không có những lối đi hai bên trồng hoa, không có những bồn cỏ hoặc hoa; những con đường mòn uốn khúc, vượt qua những lòng khe có sỏi, đi vòng quanh những gốc cây mà thân và cành uốn theo những hình kì dị theo ý chủ nhân. Đây đó, một cái đình (nhà nghỉ mát)[12] xinh xinh lấp ló trong cành lá để khách bộ hành vào nghỉ.

Ngôi nhà, dù là một dinh thự, thì cũng không bao giờ là một công trình kiến trúc quan trọng. Chỉ có mỗi một từng nếu cần có thêm phòng thì người ta thích cất thêm một ngôi nữa, chứ không muốn mở rộng thêm ngôi cũ. Cho nên nhà của một người giàu ít khi chỉ có một ngôi, mà thường có dăm ba ngôi tụ lại một chỗ, ngôi chánh ở giữa còn các ngôi phụ ở hai bên. Vật liệu thường dùng nhất là gỗ và gạch; đá thường dùng xây nền, gạch thường dùng để xây tường bốn bên, cột, đà và vách ngăn các phòng ở trong đều bằng gỗ; mái lợp ngói. Tường luôn luôn sơn màu rực rỡ, phía trên có một cái hiên bụng rắn (corniche) chạm trổ. Nóc không có tường hoặc cột gạch đỡ, dù nặng tới mấy thì nó cũng chỉ đè lên những cột gỗ của sườn nhà thôi. Nóc là phần chính của nhà hay đền. Lợp bằng ngói tráng men – cung điện của nhà vua thì màu vàng, ngoài ra là màu lam, đỏ hoặc lục – mái nhà luôn luôn nổi bật lên trong cảnh thiên nhiên hoặc trong cảnh hỗn tạp ở thành thị, coi thật đẹp mắt. Nó lại uốn cong ở bốn góc – nét này đặc biệt của Đông Á – có lẽ do người ta bắt chước sự mềm mại của những cành tre xưa dùng để đỡ căn lều; nhưng có phần chắc chắn hơn [?][13]. Cửa sổ rất hiếm; người ta thay bằng một thứ giấy nhập cảng từ Triều Tiên, hoặc một cái cửa mắt cáo, nhưng cửa mắt cáo không che mưa được.

Cửa chính không phải ở trên mặt có đầu hồi, mà ở trên mặt nhà phía nam; trước cửa thường có một thứ bình phong để người ngoài không nhìn thông thống vào trong nhà được, mà cũng để ngăn ma quỉ nữa. Phòng chính và các phòng thường tối, vì mái nhà gie ra quá mà ánh sáng khó lọt qua cửa mắt cáo. Không có cách nào cho thoáng hơi,và cách duy nhất để sưởi là dùng lò than (brasero) dời đi được, hoặc nằm trên những cái giường bằng gạch xây trên một cái lò khói mù; không có ống khói. Giàu hay nghèo thì cũng đành chịu lạnh và bận áo thật ấm rồi đắp mền ngủ. Khách du lịch ngoại quốc thường hỏi người Trung Hoa: “Ông thấy lạnh không?”, và câu trả lời thường là: “Thấy, lạnh chứ!”. Trên trần đôi khi treo giấy màu sặc sỡ, tường treo câu đối, hoặc tranh sơn thuỷ vẻ bằng mực [tranh thuỷ mặc], hoặc những bức thêu bằng lụa. Đồ đạc bằng gỗ rất chắc, nặng, nhuộm rồi đánh đen như mun, chạm trổ tỉ mỉ; những đồ đạc nhỏ hơn, nhẹ hơn [như tráp, hộp, yên] thì thường sơn. Trong số những dân tộc phương Đông, chỉ có người Trung Hoa là dùng ghế dựa; mặc dầu vậy, họ vẫn thích nằm tựa gối hoặc ngồi xổm. Bàn thờ ông bà nhiều bình và chén để cúng. Phía sau là phòng của phụ nữ. Có những phòng ăn riêng ra hoặc những căn nhà nhỏ cách biệt với nhà lớn dùng làm thư viện hoặc phòng học cho trẻ.

Người ngoại quốc mới tới có cảm thưởng rằng kiến trúc Trung Hoa thanh nhã và không vững chắc. Màu sắc quan trọng hơn hình thể, đẹp nhưng không trang nghiêm, hùng vĩ. Đền đài cung điện không nhằm mục đích khắc chế thiên nhiên mà chỉ muốn hợp tác với thiên nhiên để tạo một sự hoà hợp hoàn toàn, nên kích thước các bộ phận đều khiêm tốn. Không nên tìm ở đây cảm giác mạnh mẽ, an ổn, vĩnh cửu; cơ hồ như kiến trúc sư ở Trung Hoa luôn luôn sợ có động đất mà công trình của họ sụp đổ hết. Không thể nào có ý nghĩ rằng kiến trúc ấy cùng với một kĩ thuật với kiến trúc Ai Cập (Karnak) hay Ba Tư (Persépolis), Hi Lạp (Athène); không phải là kiến trúc theo nghĩa chúng ta hiểu; chỉ là điêu khắc chạm trổ trên gỗ, trên đá, chỉ là đồ gốm có men hoà hợp với ngọc và đồ sứ hơn là với những công trình xây dựng nặng nề của các kiến trúc sư kiêm kĩ sư ở Ấn Độ, Mésopotamie, La Mã. Nếu chúng ta đừng đòi hỏi các kiến trúc Trung Hoa phải lớn lao, vững bền, mà cứ coi là những đồ trang sức thanh nhã nhất, mảnh dẻ nhất thì chúng ta có thể coi chúng là thích hợp với nhu cầu của dân tộc Trung Hoa và xếp chúng vào hàng những lập thể diễm lệ nhất của nhân loại.


[1] Chắc sách in thiếu mấy chữ “ở Trung Hoa người ta không phân biệt nghệ sĩ với”. Nguyên văn tiếng Anh: “Until it began to yield its own ideals to Western influence, China refused to recognize any distinction between the artist and the artisan, or between the artisan and the worker; nearly all industry was manufacture…”. (Cho tới khi bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây, ở Trung Hoa người ta không phân biệt nghệ sĩ với thợ thủ công hoặc thợ thủ công với người làm việc tay chân, không phải là thợ chuyên môn; tất cả hoặc hầu hết kĩ nghệ đều làm bằng tay). .

[2] Không rõ chữ Hán là gì. Theo Léon Weiger trong cuốn Caractère chinois – thì chữ ngọc, phiên ra tiếng Pháp là ú gồm ba nét ngang để trỏ ba miếng ngọc và một nét dọc trỏ sợi dây xỏ qua ba miếng đó; dấu chấm ở bên mặt là mới thêm sau này để phân biệt chữ vương là vua. (ND).

[Ngọc 玉, vương 王. ].

[3] Truyền thuyết này không tin được. Theo sử thì vua Vũ (-2055 -2196) thu phục được chín châu rồi, gom góp số đồng trong nước mà đúc chín (chứ không phải ba) cái đỉnh rất lớn, bày trong hoàng cung để tượng trưng cho chín châu. Sau chín đỉnh đó thành bảo vật để truyền ngôi thiên tử, ai được chín đĩnh đó thì làm thiên tử. Tới đời Chu Hiển vương, nhà Chu suy, Tần muốn lấy chín đỉnh. Không rõ sau chín cái đỉnh đó ở đâu. Thời loạn thì có gì mà còn được. (ND).

[4] Lớp đó do mốc hoặc đất đóng mà làm hư chất đồng đi. Ngày nay, có cái “mốt” đánh giá đồ đồng theo lớp mốc xanh lá cây hoặc đen trên các đồ đồng cổ; có kẻ dùng át-xít bôi lên để giả tạo đồ cổ. (ND).

[5] Lung men: Long môn 龍門. .

[6] Yun men: Ngọc môn 玉門. .

[7] Tiếng Pháp: temple (chứ không phải pagode). (ND).

[8] Có lẽ Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc chăng? (ND).

[9] Ở đây bản tiếng Pháp dùng tiếng pagode. (ND).

[10] Sung Yueh Ssu: Tung Nhạc tự 嵩岳寺 -  Sung Shan: Tung Sơn 嵩山. .

[11] Wu-tai shan: Ngũ Đài sơn: 五台山. .

[12] Pavillon: có nóc mà không có tường, như những quán gạch ở Bắc Việt. (ND).

[13] Nguyên văn tiếng Anh: but more probably this celebrated form arose merely from the desire of the Chinese builder to protect his structure from rain. .

CHƯƠNG III (3)

IV. HOẠ

 

1. Các bậc thầy trong ngành hoạ Trung Hoa

Cố Khải Chi “Hoạ sĩ lớn nhất, thiên tài hay cuồng nhân” – Bức tiểu hoạ của Hàn Dũ – Phái cổ điển và phái lãng mạn – Vương Duy – Ngô Đạo tử - Huy Tôn, nghệ sĩ hoàng đế - Các bậc thầy đời Tống

 

Phương Tây phải mất bao nhiêu lâu mới quen với môn hoạ Trung Hoa, điều đó không đáng trách vì quan niệm về hoạ của Trung Hoa khác xa của chúng ta từ nguyên tắc tới phương pháp. Trước hết các hoạ sĩ Đông Á không bao giờ vẽ trên vải; có thời, như thời ảnh hưởng đạo Phật lấn át tất cả, họ vẽ trên tường (bích hoạ); gần đây họ vẽ trên giấy; nhưng xét chung thì họ vẽ trên lụa, mà thứ này không được bền, thành thử về lịch sử môn hoạ họ chỉ còn giữ được những hồi kí cùng giai thoại. Điểm thứ nhì là các bức hoạ Trung Hoa cho ta một cảm tưởng rất nhẹ, cực kì mỏng mảnh; đa số là những bức bằng thuốc màu (thuỷ thái hoạ) và họ không dùng những màu mạnh mẽ, “nóng”, như các tranh sơn màu của Âu châu. Người Trung Hoa cũng đã thử dùng sơn màu nhưng rồi bỏ ngay vì cách này khó quá, thô quá đối với tinh thần thích sự tinh tế của họ. Họ cho hoạ pháp, ít nhất trong những hình thức đầu tiên, chỉ là một lối thư pháp (viết chữ); họ vẽ bằng cây bút dùng để viết, và nhiều bức hoạ bất hủ của họ chỉ là những bức tranh vẽ bằng bút mực[1]. Sau cùng những bức hoạ đẹp nhất của họ thường bị họ giấu, không cho khách du lịch nước ngoài thấy. Vì họ không treo tranh lên tường trong nhà hoặc trong tàng cổ viện, mà cuốn lại, cất kĩ, chỉ mở ra coi khi có một cuộc thưởng lãm nghệ thuật, như chúng ta lấy sách trong một ngăn tủ, mở ra đọc. Những bức hoạ cuốn lại đó được bồi bằng giấy hay lụa, và họ “đọc” chúng cũng như đọc một bài thơ, bài văn viết tay; đôi khi họ cũng treo trên tường, nhưng chỉ những bức nhỏ thôi, rất ít khi họ đóng khung, đôi khi họ vẽ lên một bức bình phong một loạt tranh. Cuối đời Tống, đã có tới mươi ba phái nhỏ (?) (subdivision) và vô số hình thức. 

Theo các sách Trung Hoa thì hoạ là một nghệ thuật riêng biệt, đã được trọng từ mấy thế kỉ trước T.L., và mặc dầu chiến tranh và cách mạng, nó vẫn còn được duy trì tới ngày nay. Tương truyền hoạ sĩ đầu tiên của Trung Hoa là một người đàn bà, bà Lei, chị (hay em) vua Thuấn; một nhà phê bình bảo: “Buồn nhỉ, nghệ thuật chí cao đó mà lại do một người đàn bà phát minh ra à!”. Hiện nay không còn một bức hoạ nào của đời Chu, nhưng chắc chắn là nghệ thuật đó đã có từ trước đó lâu vì Khổng tử bảo đã xúc động khi đứng trước những bích hoạ ở nhà Minh đường (một tàng cổ viện) tại Lạc Dương. Trong buổi đầu đời Hán, một văn sĩ hận rằng các hoạ sĩ không vẽ chân dung một vị anh hùng mà ông ta ngưỡng mộ: “Có nhiều người vẽ giỏi mà sao không ai vẽ chân dung ông ấy?”. Người ta kể chuyện một quái kiệt thời đó tên là Lieh-I, có thể vẽ một đường thẳng băng dài ba trăm thước tây, vẽ một bản đồ tỉ mỉ của Trung Hoa trên một bề mặt vài phân vuông, và ngậm nước màu đầy một miệng rồi phun ra thành một bức tranh[2], những con phượng ông ta vẽ linh động tới nỗi người ta ngạc nhiên sao không thấy nó bay. Có vài dấu hiệu làm cho người ta ngờ rằng môn hoạ Trung Hoa đã đạt được một trong những điểm cao nhất ở đầu kỉ nguyên Tây lịch, nhưng chiến tranh và thời gian đã huỷ hết những chứng cứ cho thuyết đó rồi. Từ ngày quân Tần vô Lạc Dương cướp bóc, đốt phá (khoảng 249 tr. T.L) cho tới vụ loạn Quyền phỉ (1900), quân lính của Tung Cho hạ những bức tranh lụa trong cung điện xuống để gói những đồ vật tầm thường, thì nghệ thuật và chiến tranh thay phiên nhau thắng bại; tàn phá rồi sáng tác, sáng tác rồi tàn phá; nhưng sự tàn phá vẫn mạnh hơn nhiều.

Ở thế kỉ III và IV, đạo Ki tô làm thay đổi văn hóa và nghệ thuật các xứ trên bờ Địa Trung Hải, thì cũng vào khoảng đó, đạo Phật thực hiện một cuộc cách mạng trong đời sống Trung Hoa về tín ngưỡng và thẩm mĩ quan. Đạo Khổng vẫn còn giữ trọn quyền thế trong khu vực chính trị, còn đạo Phật kết hợp với đạo Lão chiếm ưu thế về nghệ thuật, kích thích các nghệ sĩ Trung Hoa, bằng các đề tài, biểu tượng, phương pháp và hình thể từ Ấn Độ truyền sang. Thiên tài bậc nhất của phái hoạ Phật giáo Trung Hoa là Cổ Khải Chi. Người ta đã dệt ra bao nhiêu huyền thoại và giai thoại về ông. Ông yêu một thiếu nữ con một ông hàng xóm, hỏi cưới, nàng không ưng vì chê ông không có tương lai rực rỡ. Ông bèn vẽ nàng lên một bức tường rồi lấy một cái gai nhọn đâm vào trái tim[3], từ đó nàng suy yếu lần. Ông qua thăm nàng, nàng có vẻ xiêu lòng, về nhà ông rút cái gai ra, nàng khoẻ mạnh lại. Các nhà sư muốn dựng một ngôi chùa ở Nam Kinh, ông hứa quyên một triệu đồng; cả nước cười ông nói khoác vì biết ông nghèo cũng như mọi nghệ sĩ khác. Ông bảo: “Cho tôi dùng một bức tường”. Người ta bằng lòng, ông vẽ lên bức tường ấy vị la hán Uimala Kirti. Vẽ xong, ông mời các hoà thượng lại chỉ cho họ cách kiếm tiền được một triệu đồng: “Ngày đầu xin quí thầy buộc người vô coi phải quyên 100.000 đồng, ngày thứ nhì 50.000, ngày thứ ba tuỳ hỉ”. Họ làm theo và thu được 1.000.000 đồng. Ông vẽ nhiều bức hoạ về Đạo Phật, nhưng hiện nay không còn bức nào chắc chắn là của ông[4]. Ông viết ba cuốn về môn hoạ, nay chỉ còn ít đoạn. Ông bảo: “Khó nhất là vẽ người, rồi tới vẽ cảnh, rồi tới vẽ ngựa và các vị thần thánh”. Ông lại muốn có cái giọng triết gia nữa, dưới bức chân dung một ông vua, ông viết mấy hàng này: “Trong vũ trụ, không có cái gì thịnh cực mà không suy… Mặt trời lên tới đỉnh đầu thì bắt đầu xuống; trăng tròn rồi khuyết. Lên tới tột đỉnh của danh vọng là một việc khó như lấy bụi cát mà đắp thành núi; suy sụp trong cảnh khốn khổ dễ như bật một dây cung…”. Người đương thời cho ông là người nổi danh nhất vì tài vẽ, tinh thần và bệnh cuồng của ông.

Đời Đường, môn hoạ rất thịnh. Đỗ Phủ bảo: “Hoạ sĩ ở triều đình cũng nhiều như sao buổi sáng [?], nhưng rất ít người thực là nghệ sĩ”. Thế kỉ thứ IX, Chang Yen-yuan viết một cuốn nhan đề là Các danh hoạ mọi thời trong đó ông tả tác phẩm của ba trăm bảy mươi hoạ sĩ. Ông bảo một bức danh tiếng thời đó có thể đáng giá hai vạn lượng bạc. Nhưng ông cảnh cáo chúng ta đừng nên dùng tiền để đánh giá một bức hoạ. Ông bảo: “Những bức đẹp còn quí hơn vàng hay ngọc, còn những bức xấu thì chẳng có giá trị gì cả”. Chúng ta còn được biết tên hai trăm hai mươi hoạ sĩ đời Đường; nhưng hoạ phẩm của họ đã mất hoặc gần mất hết rồi, vì bọn rợ Thổ Phồn[5] tàn phá Trường An năm 756 [trong vụ loạn An Lộc Sơn] không để ý gì tới tranh cả. Nhưng giai thoại dưới đây về Hàn Dũ có thể cho chúng ta một ý niệm về không khí thơ và hoạ thời đó. Một người bạn cùng ở trọ với ông một hôm tặng ông một tiểu hoạ bề mặt rất nhỏ mà trên đó vẽ được một trăm hai mươi ba mặt người,[6] ba cỗ xe và hai trăm năm mươi mốt vặt lặt vặt khác. Ông bảo: “Tôi rất phục công trình đó và không tin rằng một người có thể vẽ được bấy nhiêu cái tuyệt đẹp, và tôi không muốn nhường tiểu hoạ đó cho ai với bất kì giá nào”. Năm sau tôi rời thị trấn đó để lại Hà Dương; nhân nói chuyện về nghệ thuật với những người lạ, tôi cho họ coi tiểu hoạ ấy. Trong nhóm có một người tên là Chao làm chức đô sát, học rộng. Nhìn hình ấy, ông ngạc nhiên, bảo tôi: “Hình này chính tôi đã vẽ hồi trẻ, bắt chước đúng một tiểu hoạ ở Đồ hoạ viên[7]; hai chục năm trước tôi đã đánh mất nó khi đi qua tỉnh Phúc Kiến”. Hàn Dũ vội vàng tặng lại nó cho ông ta.

Tôn giáo Trung Hoa chia làm hai ngành: một là Khổng, hai là Lão – Phật; triết học cũng hai phái: Chu Hi và Vương Dương Minh; tức như ở phương Tây, phái cổ điển và phái lãng mạn; môn hoạ cũng vậy có các nghệ sĩ phương Bắc [Bắc tôn] vẫn giữ lối vẽ sơ sài, tiết độ của nghệ thuật cổ điển, và các nghệ sĩ phương Nam [Nam tôn] tưởng tượng dồi dào tình cảm phong phú, dùng nhiều màu sắc và hình thể. Bắc tôn rán vẽ đúng và rõ, Nam tôn, như Montmartre ở Paris ngày nay, chống lại lối tả chân sơ sài đó. Lí Tư Huấn, hoạ sĩ ở triều đình Đường Minh Hoàng, có thì giờ thành lập được Bắc Tôn trong thời thăng trầm về chính trị và cảnh cô độc khi lánh nạn. Ông vẽ vài bức phong cảnh đẹp nhất của Trung Hoa, coi y như thực, theo nhiều giai thoại hay huyền thoại truyền lại: Minh Hoàng bảo rằng ban đêm nghe thấy tiếng sóng vỗ bập bềnh từ một bức tranh mà Lý đã vẽ trên một bức bình phong, và một con cá trên tranh bỗng quậy, thoát ra khỏi bức tranh, ít lâu sau thấy nó trong một cái hồ; nước nào cũng có những truyện như vậy về các hoạ sĩ danh tiếng. Còn Nam tôn thì do bậc thiên tài là Vương Duy thành lập; hoạ sĩ theo chủ trương ấn tượng này cho rằng phong cảnh chỉ là biểu hiện của một tâm trạng thôi. Vừa là thi sĩ, vừa là hoạ sĩ, ông rán kết hợp hai nghệ thuật đó, khiến cho mỗi bức hoạ của ông như một bài thơ. Để khen ông, người ta đặt ra câu này: “Thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu thi”, câu ấy sau này thường được lập đi lập lại, và áp dụng vào thi và hoạ của Trung Hoa thì thật đúng (Nhiều khi trên một bức tranh người ta đề một bài thơ mà riêng nét chữ cũng đủ là một nghệ phẩm rồi). Có người bảo rằng Tung Chi Chang bỏ ra suốt đời để kiếm một bức hoạ thực của Vương Duy[8].

Khắp Đông Á, ai cũng công nhận rằng có tài nhất đời Đường, vượt lên trên cả Bắc tôn lẫn Nam tôn, tên là một hoạ sĩ theo truyền thống Phật giáo của nghệ thuật Trung Hoa, tên ông là Ngô Đạo Huyền, tự là Đạo tử. Ông ta đáng mang tên là Thầy của Đạo (Đạo tử)[9] vì tất cả các ấn tượng, tư tưởng mà Lão tử và Trang tử cho là quá tế nhị, không diễn thành lời được, tất cả những cái đó hiện ra một cách tự nhiên bằng nét vẽ và màu sắc dưới ngọn bút của Ngô. Một sử gia Trung Hoa bảo ông mồ côi trong một gia đình nghèo, nhưng “có thiên tài nên chưa qua tuổi thanh niên, ông đã nổi tiếng là bậc thầy; Lạc Dương đầy hoạ phẩm của ông”. Tương truyền ông thích uống rượu và khoe sức mạnh; có lẽ ông nghĩ như thi sĩ Mĩ Edgar Poe rằng hơi ngà ngà say thì tinh thần minh mẫn lên. Ông có tài vẽ đủ loại: người, thần thánh, ma quỉ, Phật, chim chóc, nhà cửa, phong cảnh; nghệ thuật phong phú của ông thích hợp với mọi đề tài. Vẽ trên lụa, trên giấy hoặc trên thạch cao mới đắp còn ướt, cũng khéo ngang nhau; ông vẽ ba trăm bích hoạ cho các chùa và một bích hoạ có tới trên một ngàn mặt người, nổi tiếng ở Trung Hoa cũng như bức Jugement dernier của Michel Angle hoặc bức La Cène của Léonard de Vinci[10]. Thế kỉ XII, bốn trăm năm sau khi ông mất, Đồ hoạ viện còn giữ được chín mươi sáu bức họa của ông, nay thì khắp thế giới không còn một bức. Người ta bảo rằng những tranh Phật của ông “thấu được lẽ tử sinh”; cảnh địa ngục ông vẽ làm cho một số đồ tể và người bán cá Trung Hoa sợ quá, phải bỏ nghề, một nghề mà tín đồ Phật giáo ghê tởm; bức ông vẽ giấc mộng [thấy Dương Quí Phi?] của Đường Minh Hoàng khiến nhà vua tin rằng ông cũng thấy những gì trong mộng y như mình. Khi vua bảo ông vẽ cảnh Thung lũng Chia-ling ở Tứ Xuyên, ông tới nơi rồi trở về, không có một tấm phác hoạ nào cả; nhà vua bất bình, ông đáp: “Toàn cảnh ở trong đầu hạ thần rồi”, rồi vô ngồi một mình trong một phòng kín trong cung, ông vẽ một hơi tất cả những cảnh trên một ngàn năm trăm cây số. Khi tướng Pei muốn ông vẽ cho một bức chân dung, ông bảo đừng ngồi mà múa kiếm cho ông coi; sau đó ông vẽ được một bức chân dung mà người đương thời phải nhận là thần bút. Danh tiếng ông vang lừng tới nỗi khi ông sắp vẽ xong những bức hoạ trong chùa Hsing-shan, thì “tất cả Trường An” chạy lại để coi ông vẽ nét cuối cùng. Một sử gia thế kỉ thứ X bảo bị đám đông bao vây, ông phóng bút vẽ những hào quang nhanh như thể có cơn dông đưa tay ông và người đứng coi phải thốt lên rằng quả là “thần bút”. Bọn làm biếng thì bao giờ cũng cho rằng “hứng” tới thì thành thiên tài. Một truyện lí thú kể rằng khi sắp chết, ông vẽ một cảnh rộng lớn rồi chui vào một cái hang vẽ trên bức tranh… và biến mất luôn. Chưa bao giờ nghệ thuật đạt được cái mức thiên tài và tinh xảo như vậy.

Dưới triều Tống, hoạ thành môn ham mê chính của người Trung Hoa. Thoát ra khỏi các đề tài Phật giáo, môn hoạ có nhiều vẻ hơn và cực kì phong phú. Vua Tống Huy tôn giữ một địa vị vẻ vang trong số tám trăm hoạ sĩ đương thời mà người ta còn nhớ được tên. Trên một cuộn tranh mà Tàng cổ viện Mĩ thuật ở Boston quí vào bậc nhất, ông vẽ bằng những nét đơn sơ mà rõ ràng lạ lùng tất cả những giai đoạn làm ra lụa của phụ nữ Trung Hoa; ông lập một tàng cổ viện mĩ thuật chứa nhiều tác phẩm hơn tất cả các thời trước; ông tách hoạ viện ra khỏi hàn lâm viện, thành một cơ quan lớn, độc lập gọi là Hàn lâm đồ hoạ viện; trong các kì thi tuyển nhân tài để bổ dụng, ông thay vài môn văn thơ bằng môn hoạ, số đại thần ông lựa vì tài nghệ cũng ngang với số đại thần có tài cai trị. Rợ Kim hay vậy, xâm chiếm Trung Hoa, truất ngôi ông[11], phá kinh đô, và huỷ phần lớn những bức tranh trong Đồ hoạ viện, mà nội mục lục cũng gồm tới hai mươi cuốn. Ông[12] bị bọn xâm lăng cầm tù, đưa lên phương Bắc, ông buồn rầu mà chết. Hai hoạ sĩ khác có tài hơn ông là Quách Hi và Lí Long Miêu. “Vẽ những cây thông lớn, những gốc cổ thụ, những thác đổ cuồn cuộn, những ngọn núi dựng đứng, những vực thẳm hiểm trở, những bãi cỏ trên núi khi ẩn khi hiện sau màn sương nhẹ buổi sáng, khi bị che lấp dưới đám mây đen, vẽ cả ngàn cảnh thay đổi ấy thì ai cũng nhận rằng Quách Hi hơn hẳn các hoạ sĩ đương thời”. Li Long Miêu vừa là một nghệ sĩ, một học giả; vừa là một ông quan có tiếng tăm, lịch thiệp, nhã nhặn, nên được người đồng thời trọng là một kẻ sĩ hoàn toàn. Từ thư pháp ông chuyển qua hoạ, lúc nào ông cũng chỉ dùng mực tàu; ông tự hào giữ đúng truyền thống Bắc tôn, chú trọng đến nét vẽ cho đúng và dịu dàng. Ông vẽ ngựa khéo tới nỗi khi sáu con ngựa làm mẫu chết, người ta bảo tại tranh của ông đã rút hết sinh khí của chúng. Một vị tăng cảnh cáo ông rằng nếu cứ vẽ nhiều ngựa và vẽ khéo như vậy thì sau sẽ thành ngựa; nghe vậy ông vẽ năm trăm vị la hán. Đồ hoạ viện của Huy Tôn khi bị phá huỷ còn chứa được không dưới bảy trăm bức hoạ của Lí, điểm đó cũng đủ cho ta thấy danh tiếng ông ra sau.

Đời Tống còn nhiều danh hoạ gia khác: Mễ Phí, một thiên tài kì khôi, suốt ngày rửa tay và thay áo nếu không chạy đi xem các bức hoạ cổ hoặc ngồi điểm những vết mực nho nhỏ để vẽ phong cảnh – phương pháp đó, ông tự đặt ra; Hạ Khuê có một loạt tranh vẽ cảnh sông Dương tử từ nguồn bé nhỏ tới vàm mênh mông với ghe thuyền chen chúc, qua những thác, ghềnh, hẽm núi, không thiếu một cảnh nào, vì vậy ông được một số nhà chuyên môn đặt vào hàng đầu các hoạ sĩ phong cảnh, cả phương Đông lẫn phương Tây; Mã Viễn cũng vẽ phong cảnh và toàn cảnh, tranh của ông bày ở Tàng cổ viện Boston[13]; Lương Khải có một bức chân dung Lí Bạch rất đẹp; Mu-ch’i có bức tranh con hổ, coi thấy sợ, bức con chim sáo vui vẻ và bức Phật Quan Âm buồn mà rất đẹp; còn nhiều nhà nữa, mà ở châu Âu, chỉ những nhà chuyên chơi đồ cổ Đông Á mới biết tên tuổi. Fenollosa bảo: “Văn hoá đời Tống biểu hiện được đầy đủ nhất thiên tài Trung Hoa”.

Khi người ta muốn định giá trị các bức hoạ đời Đường và đời Tống thì người ta cũng lúng túng như các sử gia muốn viết về thời Phục hưng văn nghệ Ý mà các tác phẩm của Raphael, Léonard de Vinci, Michel Ange đã mất hết rồi. Sau khi bị các rợ xâm lăng, các danh hoạ phẩm Trung Hoa bị huỷ hoại, thì suốt mấy thế kỉ, Trung Hoa đứng yên một chỗ, các hoạ sĩ của họ cơ hồ như chán nản, mặc dầu trong các triều đại sau, tự chủ hay bị ngoại thuộc, còn khá nhiều nghệ sĩ nét vẽ đẹp, mạnh nữa, nhưng không nhà nào so sánh được với các hoạ sĩ được sống sung sướng như trong cảnh thiên đường tại các triều đình Đường Minh Hoàng và Tống Huy tôn. Khi nghĩ tới người Trung Hoa, chúng ta phải tránh, đừng coi họ là một dân tộc nghèo khổ, suy nhược vì thói tham nhũng, chia rẽ vì nội loạn, tuyệt vọng vì thất bại; đó là hình ảnh Trung Hoa ngày nay. Nhưng trong lịch sử dài dằng dặc của họ, có những thời vinh quang so sánh được với thời Périclès (Hi Lạp), Auguste (La Mã) hoặc Médicis (Ý) và có thể sau này họ lại có những thời văn minh rực rỡ như thời trước.

2. Đặc tính của môn hoạ Trung Hoa

Bất chấp nguyên tắc viễn thị - Tả chân – Nét vẽ quan trọng hơn màu sắc – Hình dạng và tiết điệu – Diễn bằng cách gợi ý – Qui ước và hạn chế - Tính cách thành thực của nghệ thuật Trung Hoa

 

Cái gì là đặc tính của môn hoạ Trung Hoa khiến cho nó không giống một hoạ phái nào khác trong lịch sử nhân loại, trừ hoạ phái Nhật Bản, đứa con tinh thần của nó? Trước hết là do người Trung Hoa luôn luôn vẽ trên lụa hay giấy cuốn lại hoặc trên bình phong. Nhưng đó chỉ là một sự phân biệt về hình thức; điểm quan trọng hơn là hoạ sĩ của họ bất chấp nguyên tắc viễn thị và bóng của các vật. Vua Khang Hi vời hai hoạ sĩ châu Âu vô trang hoàng cung điện ông; các bức tranh của họ bị từ chối vì họ vì họ vẽ những cây cột ở xa ngắn hơn những cây cột ở gần; người Trung Hoa không có gì sai và giả tạo bằng vẽ không gian lên một chỗ không có không gian. Trung Hoa và châu Âu không làm sao đồng ý với nhau được vì không hiểu ý nhau: người ta đã dạy cho người Âu đứng ngang với cảnh vẽ, còn hoạ sĩ Trung Hoa có thói quen đứng trên cao nhìn xuống. Lại thêm người Trung Hoa lại không quan tâm tới bóng của vật, vì họ cho rằng vẽ không phải là bắt chước sự thực mà cốt sao cho đẹp mắt, gợi một tâm trạng hay một ý nghĩ bằng những hình dạng hoàn mĩ. Đối với họ, hình dạng là tất cả, diễn hình dạng thì không cần màu sắc rực rỡ mà chỉ cần tìm nét vẽ cho đúng cho nhịp nhàng. Các bức hoạ cổ nhất không dùng màu, mà đời sau, các danh hoạ gia cũng rất ít khi dùng màu. Một ngọn bút và một thỏi mực đen, bấy nhiêu đủ rồi, vì màu mà liên quan gì tới hình dạng. Hoạ sĩ kiêm lí thuyết gia Hsich Ho bảo hình dạng là tiết điệu: trước hết vì một bức hoạ Trung Hoa là biểu hiện của một cử động nhịp nhàng, mà bàn tay hoạ sĩ như rồng bay phượng múa; sau nữa vì một hình dạng đặc biệt cho ta thấy cái “tiết điệu của tinh thần” cái tinh tuý và sự biến động thuần hoà của sự thực. Sau cùng tiết điệu được biểu diễn trong nét bút; nét bút không phải chỉ ghi chu vi của các vật mà còn diễn tâm trạng bằng cách gợi ý và tượng trưng. Không kể cảm xúc phải mạnh, tưởng tượng phải dồi dào, hễ vẽ khéo thì nét phải đúng và đẹp. Phải nhận xét thật tỉ mỉ, chế ngự hoài tình cảm của mình, nhận định mục đích của nó, rồi trong vài nét bút ghi nguồn hứng của mình lên mặt lụa, đã ghi một lần rồi thì không sửa lại được nữa[14].  

Ở Trung Hoa và Nhật Bản, nghệ thuật vẽ [tức vẽ nét: dessin, khắc hoạ: peinture] đạt tới mức cao nhất. Còn nghệ thuật dùng màu thì không đâu bằng Venise (Ý) và Hoà Lan.

Hoạ sĩ Trung Hoa không quan tâm tới thuật tả chân, họ rán gợi cảnh, gợi ý hơn là tả; họ nhường “sự thực” cho khoa học mà chú hết tinh thần vào cái đẹp; một cành cây không biết từ đâu đâm ra, in hình một nền trời trong sáng, bấy nhiêu đủ một đề tài cho các bậc thầy rồi, khéo hay không là vẽ bối cảnh ra sao, đặt gì vào đó, cho nó những kích thước nào. Hàn lâm đồ hoạ viện của Tống Huy tôn, trong một kì thi hoạ, bảo các thí sinh vẽ một bức để diễn ý trong câu thơ này: “Đạp hoa qui khứ, mã đề hương” (con ngựa dẫm hoa trở về, móng còn thơm). Người được giải đã vẽ một con ngựa có một đàn bướm bay chung quanh những móng chân. Truyện đó cho ta thấy người Trung Hoa cho sự gợi ý quan trọng ra sao.

Hình dạng đã là tất cả thì đề tài có thể không quan trọng. Mặt người rất ít khi được đặt ở giữa hoặc được coi là phần quan trọng của bức tranh; có vẽ người thì thường là những ông lão mà ông lão nào cũng giống nhau cả. Nghệ sĩ Trung Hoa không để lộ ra tâm trạng chán đời, nhưng nhìn đời ít khi bằng cặp mắt của thời trẻ. Họ vẽ chân dung rất kĩ, nhưng có vẻ không quan tâm tới người mẫu, tới cá tính của người họ vẽ. Cơ hồ họ thích hoa và loài vật hơn người, và vẽ hoài không biết chán các loài ấy. Vua Huy tôn bỏ ra một nửa thì giờ để vẽ hoa và chim. Đôi khi hoa và loài vật để tượng trưng, như hoa sen và con rồng, nhưng thường thường họ vẽ hoa và loài vật vì chúng cũng có vẻ đẹp. Cái nét bí mật của đời sống không kém mặt người. Họ đặc biệt thích loài ngựa và có những hoạ sĩ như Hàn Cán suốt đời chỉ vẽ đủ các hình dáng, cử động, tư thế của loài ngựa, thật là một nguồn vô tận cho họ.

Phải nhận rằng mới đầu môn hoạ bị hạn chế vì những thành kiến tôn giáo và những qui tắc của hẹp hòi; người ta bắt các môn sinh chép đúng các bậc thầy thời trước, và hoạ sĩ không được vượt những giới hạn cổ truyền, không được tự do vẽ sao thì vẽ. Một nhà phê bình nổi danh thời Tống bảo: “Hồi trẻ tôi ca tụng bậc thầy nào mà tôi thích các bức hoạ, nhưng khi óc tôi ngày càng già giặn thì tôi tự khen tôi biết thích những bức mà mà thầy tôi đã lựa cho tôi để hướng dẫn tôi”. Bị phép tắc gò bó hạn chế như vậy mà môn hoạ Trung Hoa vẫn còn sinh khí, điều đó đáng cho chúng ta ngạc nhiên. Chắc hoạ sĩ Trung Hoa cũng như các văn sĩ Pháp ở thế kỉ XVIII, càng bị bó buộc thì lại càng phải rán cho được xuất sắc, như Hume đã nhận xét.

Sự thực sở dĩ họ được cứu thoát khỏi cảnh sa lầy của thủ tục là nhờ họ thành thực yêu thiên nhiên. Đạo Lão rồi tới đạo Phật đều dạy họ rằng trong sự thăng trầm, biến hoá của đời sống, người và thiên nhiên hợp nhất với nhau[15]. Các thi sĩ chán cảnh náo nhiệt ở thành thị thì tìm sự an tĩnh bên cạnh thiên nhiên, các triết gia cho đạo người phải coi đạo Trời là mẫu mực thì các hoạ sĩ cũng vậy, thích nghe tiếng suối róc rách, thích thơ thẩn trong rừng sâu, họ cảm thấy rằng ở nơi yên tĩnh đó tinh thần minh mẫn, phát hiện một cách rõ rệt hơn trong cảnh ồn ào của đám đông, hoặc sự hỗn loạn của tư tưởng nhập thế. Thiên nhiên khiến họ chết vì rét và lụt[16]; vậy mà, họ vẫn kiên nhẫn coi thiên nhiên là vị tối cao được các triết gia, văn sĩ và nghệ sĩ tôn sùng. Một ngàn năm trước Claude Lorrain, Jean Jaques Rousseau, Wordsworth và Chateaubriand, người Trung Hoa đã say mê thiên nhiên, đã có một phái hoạ sĩ chuyên vẽ sơn thuỷ mà hoạ phẩm được tất cả Đông Á phục là đạt được cái mức cao nhất của thiên tài, điều đó cho ta thấy văn minh Trung Hoa cổ và sâu sắc ra sao.

IV. ĐỒ SỨ

 

Nghệ thuật đồ gốm – Chế tạo đồ sứ - Bước đầu - “Đồ đông thanh” (Céladon) – Nước men – Sự khéo léo của Hao Shih Chiu - “Đồ phát lam” (Cloisonné) – Thời Khang Hi – Thời Càn Long

 

Bây giờ xét tới nghệ thuật đặc biệt nhất của Trung Hoa mà khắp thế giới ai cũng phải nhận rằng không nước nào bằng, chúng tôi hơi lúng túng vì người ta quen coi thuật làm đồ gốm chỉ là một nghề chứ không phải là một mĩ thuật. Nói tới đồ sứ thì chúng ta nghĩ ngay đến công việc bếp núc, nội trợ, một lò gốm cũng chỉ là một xưởng chế tạo như mọi xưởng khác, không gợi ngay một hình ảnh mĩ thuật nào cả. Người Trung Hoa trái lại coi thuật đồ gốm là một trong những mĩ thuật quan trọng[17]; tâm hồn họ đồng thời cảm thấy cả tính cách thực tế và tính cách mĩ lệ của các vật cho nên thích đồ gốm vì chúng vừa có ích, vừa đẹp, thuật làm đồ gốm lại còn cái lợi này nữa là cung cấp cho tục uống trà phổ biến khắp nước, những ấm chén rất đẹp, nhìn đã thích mà rờ cũng thích, sau cùng thuật đó còn cho họ trang trí nhà cửa bằng những đồ vật tuyệt mĩ, mà gia đình nghèo tới mấy cũng sắm được. Nghệ thuật đồ gốm ở Trung Hoa thay thế nghệ thuật điêu khắc.

Danh từ “đồ gốm” trỏ kĩ thuật nung đất sét để chế tạo những vật thường dùng, danh từ ấy cũng trỏ những sản phẩm nghệ thuật của kĩ thuật ấy. Đồ sứ là những đồ gốm gần thành như pha lê (vitrifié); người ta trộn đất sét với vài khoáng chất nào đó, đem nung cho thành ra hơi trong chứ không trong suốt  coi như pha lê. Người Trung Hoa dùng hai khoáng chất chính: cao lanh (kaolin cũng gọi là đất sứ), và “bạch đôn tử” (pe-tun-tse), một thứ thạch anh (quart) trắng, nung lên thì chảy ra mà làm cho đồ sứ hoá trong trong. Hai khoáng chất ấy nghiền thành một thứ bột mịn, rồi nhào với nước thành một thứ bột nhồi; người thợ gốm nặn thứ bột ấy bằng tay hay bằng máy tiện, sau cùng bỏ lò nung bằng một nhiệt độ rất cao, thế là thành một chất trong trong, bóng láng, cứng bền, tức thứ sứ trắng mộc mạc[18]. Đôi khi người ta còn phủ lên bột nhồi đã thành hình [đĩa, chén…] rồi nhưng chưa nung, một lớp mỏng men tráng, rồi mới bỏ vô lò; có khi đợi nung xong lần đầu rồi, người ta bôi men tráng lên rồi nung lần thứ nhì [gọi là biscuit: hầm hai lần]. Men tráng đó thường có màu, nhưng thường thường thì bột nhồi sơn màu trước rồi mới phết men lên; hoặc người ta vẽ, sơn lên lớp men đã nung rồi đem nung lại. Nhưng màu “trên men” đó mà chúng ta gọi là émai (men sành) làm bằng những thuỷ tinh nghiền thành bột rồi trộn vào lớp men phết bằng một cây bút lông mịn.  Có những thợ tập tành lâu năm rồi chuyên vẽ kẻ thì hoa, kẻ thì loài vật hoặc phong cảnh, lại có người chuyên vẽ tiên, thánh trầm tư trong núi hoặc cưỡi những con vật kì dị đi trên mặt sóng. 

Thuật đồ gốm Trung Hoa đã có từ thời đồ đá. Giáo sư Anderson đã tìm thấy ở Hà Nam và ở Cam Túc những mảnh sành (chắc chắn là đã có từ 3000 năm trước T.L.); coi hình dạng của đồ vật và sự khéo léo của công việc, người ta đoán rằng thời đó nghệ thuật đồ gốm ở Trung Hoa đã có một quá khứ lâu dài rồi. Một vài mãnh làm ta nhớ tới những đồ sành ở Anau, do đó người ta nghĩ rằng văn minh Trung Hoa từ phương Tây truyền qua, những mảnh bình khai quật được trong những mộ cổ ở Hà Nam, có phần kém nghệ thuật, và có lẽ có từ cuối đời Thương. Qua đời Hán, chỉ có những đồ sành tầm thường, thiếu hẳn nghệ thuật, cùng với một ít đồ thuỷ tinh cổ nhất ở Đông Á[19]. Đời Đường, sự uống trà ngày càng phổ biến, thành thử nghệ thuật đồ gốm phấn phát lên. Không hiểu do ngẫu nhiên hay do thiên tài, vào khoảng thế kỉ thứ IX, người Trung Hoa phát kiến rằng có thể chế tạo những bình ấm chẳng phải chỉ riêng mặt ngoài và trong (như ở đời Hán và tại các nước khác) mà còn trong luôn cả suốt bề dày của những đồ đó nữa; do đó mà đồ sứ xuất hiện. Cũng vào khoảng ấy, một người Hồi giáo tên là Suleiman du lịch qua Trung Hoa, trở về kể với đồng bào: “Người Trung Hoa có một thứ đất sét rất tốt, rất mịn, làm được những bình trong như thuỷ tinh, trông thấy được nước đựng ở bên trong”. Gần đây khai quật một chỗ xưa có dân cư ở Samara trên bờ sông Tigre, người ta tìm thấy nhiều đồ sứ Trung Hoa. Rồi mãi đến năm 1171, sử mới lại nhắc tới đồ sứ Trung Hoa ở Tây Á; năm đó, Saladin, một vua Ai Cập [gốc Hồi giáo] tặng vua Hồi giáo Damas bốn mươi món bằng sứ rất quí. Hình như ở châu Âu, từ năm 1470 người ta mới biết chế tạo đồ sứ; sách thời đó chép rằng nghệ thuật đồ sứ do người Venise học được của người Ả Rập trong thời Thập tự quân.

Đời Tống là đời đồ sứ tiến bộ nhất. Các nhà chuyên môn, sành nhất về đồ sứ, cho rằng các đồ sứ cổ nhất và đẹp nhất thuộc về đời Tống; ngay những nhà chế gốm đời Minh đôi khi tài năng không kém đời Tống mà hễ nói đến đồ sứ đời Tống là phải thán phục, cho là vô giá. Những xưởng lò lớn ở Ching te-chen[20], thành lập thế kỉ thứ VI, gần những nơi có nhiều cao lanh và chất màu, được các vua đời Tống bảo trợ; sản xuất vô số đồ sứ, tràn ngập Trung Hoa: chén, đĩa, bình, vại, hộp, chúc đài, bàn cờ, cả những bản đồ địa lí, những giá treo mũ có men và khảm vàng. Lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện những đồ sứ xanh, như ngọc thạch gọi là đồ đồng thanh[21] (céladon)[22] mà bao lâu nay các nhà sưu tập đồ cổ tranh nhau mua cho được. Vua Ai Cập năm 1487 gởi vài món đồ đồng thanh cho Laurent de Médicis. Người Ba Tư và Thổ Nhĩ Kì trọng thứ sứ đó chẳng những vì bột nhồi của nó cực mịn, đẹp mà còn vì họ cho rằng hễ một chén đồng thanh chứa thuốc độc thì màu nó thay đổi liền, do đó họ thấy ngay, khỏi bị đầu độc. Có những gia đình chơi đồ cổ truyền lại những đồ đồng thanh cho con cháu như đồ gia bảo[23].

Trong gần ba trăm năm, thợ đời Minh rán chế tạo những đồ sứ đẹp như đời Tống, và gần thành công. Năm trăm lò hoạt động ở Ching-te-chen, và riêng triều đình đã tiêu thụ chín mươi sáu ngàn món đồ sứ để trang hoàng cung điện, vườn ngự uyển. Lúc đó bắt đầu xuất hiện những men sành đẹp mà màu tô lên men rồi đem nung trong lò. Những đồ sứ màu vàng, màu lam, và màu trắng (gọi là vỏ trứng) đạt tới mức tuyệt xảo; chiếc chén lam và trắng đế bằng bạc, mang niên hiệu Vạn Lịch của vua Thần tôn (đời Minh) là một trong những nghệ phẩm đẹp nhất của nghề làm đồ sứ. Trong số những thợ khéo tay nhất đời Vạn Lịch phải kể Hao Shih-Chiu, người có thể làm những cái chén rượu không nặng tới một gram. Một sử gia Trung Hoa kể truyện Hao một hôm lại thăm một vị đại thần, xin phép được nhìn kĩ một lư hương bằng sứ nổi tiếng là đẹp vào bậc nhất đời Tống, Hao rờ mó từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, rồi lén lút vẽ phác trên một miếng giấy giấu trong áo. Sáu tháng sau Hao trở lại nhà vị đại thần ấy, thưa: “Đại nhân có một chiếc lư hương bằng ting-yao[24] trắng; ngài muốn coi chiếc của tôi không?”. Vị đại thần ấy so sánh hai chiếc thấy giống hệt nhau, cái nắp và cái đế của chiếc mới cũng khít với chiếc cũ, Hao lúc đó mới mỉm cười thú thật rằng chiếc mới chỉ là cóp lại chiếc cũ, bán cho vị đại thần đó lấy sáu chục đồng bạc, ông này bán lại được một ngàn rưỡi đồng.

Dưới đời Minh, đồ sứ phát lam (cloisonné)[25] đạt tới mức khá nhất. Người Trung Hoa không biết cách chế tạo, phải học của Byzance, và đôi khi gọi thứ sứ đó là kuei-kuo-yao (quỉ quốc diêu) nghĩa là đồ gốm của nước quỉ [quỉ trỏ phương Tây, như bạch quỉ = quỉ trắng = người Âu]. Kĩ thuật như sau: cắt những miếng hẹp, mỏng bằng đồng, bạc hay vàng, đặt đứng rồi gắn lại với nhau theo một hình đã vẽ sẵn trên một đồ bằng kim loại, như vậy thành ra có nhiều “ngăn”, đổ men vào những ngăn ấy, bỏ vào lò nung nhiều lần, sau cùng lấy ra dùng than củi đánh cho nhẵn bóng, và thếp vàng lên bờ mép của các ngăn. Những đồ phát lam cổ nhất của Trung Hoa là vài tấm gương nhập từ Nara (Nhật Bản) khoảng giữa thế kỉ VIII. Những đồ cổ nhất rõ ràng chế tạo ở Trung Hoa có kí tên, thuộc về đời Nguyên; những đồ nổi tiếng nhất thuộc về niên hiệu Chính Đức [Minh Vũ tôn 1506-1522]. Thời thịnh cuối cùng của đồ phát lam là thời các nhà vua Thanh ở thế kỉ XVIII.

Các xưởng đồ sứ Ching-te-chen bị tàn phá trong những chiến tranh cuối đời Minh, và phải đợi khi một ông vua vào bậc hiền sáng suốt nhất của Trung Hoa, Khang Hi, lên ngôi – Ông này sống cùng thời với vua Louis XIV của Pháp và cũng nhiều uy quyền như Louis XIV – các xưởng ấy mới được phục hưng. Khang Hi ban lệnh xây dựng lại xưởng và chẳng bao lâu ba ngàn lò bắt đầu hoạt động mạnh. Chưa bao giờ ở Trung Hoa cũng như ở các nước khác, người ta sản xuất nhiều đồ gốm đẹp như vậy. Thợ hồi đó cho rằng đồ sứ họ chế tạo kém đồ sứ đời Minh, nhưng các nhà chơi đồ cổ ngày nay không nghĩ như vậy. Những hình dạng cũ được cóp lại đúng, mà người ta còn nghĩ ra được nhiều hình dáng mới nữa. Phết lên món đồ một thứ men chỗ thì dễ nấu chảy, chỗ thì khó nấu chảy – thợ đời Thanh chế tạo được thứ đồ sứ da rạn [Trung Hoa gọi là khai phiến hay văn phiến, Pháp gọi là craquelé]; phun vào mặt men vài giọt sơn, họ sản xuất được thứ đồ men phun (soufflé) có những vòng tròn nhỏ nhiều màu. Thợ đời Thanh tuyệt xảo về nghệ thuật đồ sứ đơn sắc (một màu) và họ đã tìm ra được các màu đỏ, màu hồng, màu hoa đào, màu san hô, màu hồng thạch, màu son, màu máu bò, màu hồng – Dubarry (Rose – Dubarry); đủ các màu lục, màu dưa leo, màu táo tây (pomme), màu lông công, màu cỏ, màu đồng thanh, đủ các màu lam; màu lam “marazin”, màu thanh thiên, màu hoa cà, màu lam ngọc (turquoise) và các màu trắng… màu vàng coi dịu như nhung. Họ sáng tạo ra những kiểu trang hoàng mà các nhà sưu tập Pháp gọi là loại (famille) hồng, loại lục, loại đen, loại vàng. Họ cải thiện kĩ thuật đồ sứ nhiều màu; họ vượt được bao nhiêu khó khăn, thổi vào một đồ sứ đương nung một luồng không khí trong sạch rồi một luồng không khí đầy mồ hóng – luồng thứ nhất để đưa dưỡng khí (ốc-xy) vô, luồng sau để hút dưỡng khí đi – cứ như vậy thay phiên nhau nhiều lần mà biến đổi được men lục thành nhiều màu, người Pháp gọi thứ sứ đó là flambé (sứ men thui). Có khi họ vẽ lên bình hình các đại thần bận triều phục thành kiểu “mandarin” (ông quan). Họ làm được những bình vẽ hoa mai trắng trên nền lam (đôi khi là nền đen). Coi thật đẹp.

Thời phát đạt cuối cùng của đồ sứ Trung Hoa là thời vua Càn Long vừa lâu dài vừa thịnh trị. Sản xuất vẫn nhiều như trước, mặc dầu các hình thức mới ít hơn so với các sáng kiến thời Khang Hi[26], các thợ gốm bậc thầy cũng vẫn cực kì khéo tay. “Loại sứ hồng” (famille rose) đạt tới tuyệt đỉnh, mô phỏng được một nửa các hoa quả trong thiên nhiên; còn loại hoa sứ vỏ trứng dùng làm chân đèn cho bọn triệu phú thích xài phí. Rồi trong mười lăm năm đổ máu (1850-1864), loạn Thái Bình thiên quốc tàn phá mười lăm tỉnh, sáu trăm thị trấn, giết hai chục triệu người, đàn ông và đàn bà, làm cho nhà Thanh nghèo tới nỗi không nghĩ tới các xưởng làm đồ sứ nữa, xưởng phải đóng cửa, thợ phiêu dạt khắp nơi trong một xã hội rối loạn.

Từ đó nghệ thuật làm đồ sứ của Trung Hoa không hồi sinh nổi mà có lẽ cũng không bao giờ hồi sinh được nữa. Vì ngoài những hậu quả tai hại của chiến tranh, ngoài sự kiện không được nhà vua bảo trợ nữa, còn thêm mấy yếu tố khác. Sự phát triển ngoại thương đã khuyến khích các nghệ sĩ chế tạo các món đồ hợp thị hiếu của khách hàng châu Âu, và các đồ xấu đã đánh bạt các đồ tốt nhất ra khỏi thị trường, do một luật tương tự về tiền tệ, gọi là luật Gresham[27]. Vào khoảng 1840, một số nhà kĩ nghệ Anh chế tạo ở Quảng Châu những đồ sứ xấu gởi qua Âu, gọi là “đồ Tàu” (Chinoiserie); những xưởng Sèvres ở Pháp, Meissen ở Đức, Burslem ở Anh bắt chước làm đồ sứ Trung Hoa; nhờ dùng máy móc nên phí tổn nhẹ hơn mà càng ngày càng tranh được mối lợi của Trung Hoa.

Ngày nay nghệ thuật đồ sứ Trung Hoa đã thuộc về dĩ vãng, bí quyết chế tạo có lẽ đã mất hẳn cũng như bí quyết các kính vẽ (vitreau) thời Trung cổ; các nhà làm đồ gốm châu Âu không làm sao tinh vi được bằng các thợ Trung Hoa thời xưa. Giá các đồ sứ tuyệt đẹp hiện nay còn giữ được, cứ mười năm lại được các nhà chơi đồ cổ tăng lên; có người đã trả bảy ngàn năm trăm quan một chén để đựng trà và ba trăm năm mươi bốn ngàn quan một cái bình “dã tường vi” (églantine); ngay ở thế kỉ XVIII, hai “con chó của Fo” (chiens de Fo) lam ngọc (turquoise) đem bán đấu giá, đã đắt gấp năm lần bức Enfant Jésus của Guido Reni và gấp ba lần bức Sainte famille của Raphael. Chỉ những người nào không cảm thấy, bằng mắt, bằng ngón tay, bằng mỗi dây thần kinh, tất cả cái đẹp của đồ sứ Trung Hoa thì mới ngạc nhiên về những giá ấy, và la lên rằng như vậy là phạm thánh; cái đẹp và tiền bạc không có một điểm nào chung với nhau, khi những tuyệt phẩm được đem ra bán. Để kết thúc, chúng tôi chỉ cần nói thêm rằng đồ sứ là tuyệt đỉnh và là tiêu biểu của văn minh Trung Hoa; nó sẽ hoài hoài là một trong những cái cao quí nhất mà nhân loại đã tưởng tượng ra để được tha cho cái tội đã lỡ sinh trên kiếp trần này[28].  


[1] Người Trung Hoa coi thư pháp là một nghệ thuật chính. Trong nhà một người Trung Hoa hoặc Nhật bản người ta thường thấy treo ở tường những đôi liễn, những bức hoành chữ viết rất đẹp, và nhiều người chơi đồ cổ hăng hái sưu tập các bức hoạ, các lọ cổ. Thư gia (người viết chữ đẹp nhất của Trung Hoa là Vương Hi Chi (khoảng 400 sau T.L.); những mộc bản đầu tiên để in đã khắc chữ của ông. Đường Thái Tôn phải dùng mưu để ăn cắp của Pien Tsai một cuộn giấy có chữ viết của Vương Hi Chi. Tương truyền Pien Tsai mất ăn mất ngủ rồi chết.

[2] Vậy thì hoạ sĩ Pháp cầm cây cọ nhúng vào sơn rồi vây lên vải để thành một bức hoạ phải nhận Lieh-I làm thuỷ tổ. (ND).

[3] Vậy thì phương Đông chúng ta có lẽ còn biết vẽ trái tim bị một mũi tên xuyên qua trước cả người Âu nữa? (ND).

[Sách in (phương) Tây, tôi sửa lại thành (phương) Đông. ].

[4] Viện tàng cổ Anh ở Londres có một cuộn năm bức tranh mà người ta bảo là của ông; năm bức đó vẽ những cảnh trong gia đình, tuy mờ mất một nửa, nhưng vẫn còn đẹp; Khổng miếu ở Chu-fu có một phiến đá khắc theo một bức hoạ của ông và tập đồ cổ của Freer ở Washington trưng hai bức mô phỏng tranh của ông.

[5] Thổ Phồn: cũng gọi là Phiên (xem lại tiết III – chương II) hay Thổ Phiên. .

[6] Sách in thiếu: tám mươi ba con ngựa, ba mươi con vật khác. Nguyên văn tiếng Anh: eighty-three horses, thirty other animals. .

[7] Tức viện tàng cổ của nhà vua. (ND).

[8] Hiện nay chỉ còn những bản mô phỏng thôi, như bức “Thác nước” trong đền Chikakuin ở Kyoto, và một bức tranh nhan đề là “Cảnh ở Wang Ch’uan”, cuộn này có hai bản mô phỏng, một ở Tàng cổ viện Anh, một trong tập của Freer ở Washington.

[9] Theo tôi, Đạo tử chỉ có nghĩa là Thầy Đạo, cũng như Khổng tử là Thầy Khổng. (ND).

[10] Cả hai bức hoạ nổi tiếng đó, trong bản tiếng Anh không ghi tên tác giả. Bản tiếng Pháp hay cụ Nguyễn Hiến Lê thêm vào? .

[11] Sự thực ông đã nhường ngôi cho thái tử, tức vua Khâm tôn rồi. (ND).

[12] Cùng với Khâm tôn và thái tử. (ND).

[13] Đẹp nhất là bức Bà Ling Chao đứng trong tuyết. Tranh vẽ một nữ tu sĩ thần bí theo Phật giáo ở thế kỉ thứ VIII, trầm tư trong tuyết, cũng như Socrate ở Platées. Hoạ sĩ như muốn bảo ta rằng thế giới chỉ có ở trong óc ta thôi, và có thể trí óc ta chẳng chú ý đến thế giới, ít nhất là trong một thời gian.

[14] Người Trung Hoa viết cũng vậy, phải “trông thấy” thật rõ chữ mình viết, tới nỗi mỗi đường gân thớ thịt cũng “thuộc” hình dạng chữ đó nữa, để hễ hạ bút xuống là đưa cây bút rất nhanh mà thành chữ liền, không bao giờ sửa lại cả (ND).

[15] Quan niệm “Thiên nhân tương dữ” này có trước đạo Lão từ lâu, và là điểm chính trong vũ trụ quan của Khổng tử. (ND).

[16] Sách in: “Chết đói vì lụt”, tôi tạm sửa lại như trên. Nguyên văn tiếng Anh: “Nature, which is so cruel in China, lavishing death with cold and flood”. .

[17] Vậy mà trong bộ Giản minh Trung Quốc thông sử, khá dầy và đầy đủ của Lữ Chấn Vũ (Nhân dân xuất bản xã – 1955) tuyệt nhiên không có một hàng về đồ sứ đời Tống, mặc dầu giới thiệu môn hoạ và tạc tượng đá. (ND).

[18] Đồ sứ Trung Hoa nhập cảng đầu tiên vào châu Âu, người ta gọi nó là porcellana, một thứ vỏ sò hơi giống lưng con heo gọi là porcella; đó là nguồn gốc tiếng porcelaine của Pháp.

[19] Không rõ Ai Cập đã biết tráng men các đồ gốm từ bao nhiêu thế kỉ trước T.L. Hình như trên các đồ gốm Trung Hoa đầu tiên tráng men cho ta đoán Trung Hoa đã học kĩ thuật đó của Tây Á. 

[20] Chinh te-chen: có lẽ là 景德镇 Cảnh Đức trấn. .

[21] Còn gọi là long tuyền diêu (diêu mới đầu trỏ cái lò nung đồ sứ, sau trỏ cả đồ sứ); học Tống ngọc (ngọc nhân tạo đời Tống). (ND).

[22] Céladon vốn là một nhân vật trong truyện Astrées của Honoré d’Urfé, thế kỉ XVII; nhân vật đó luôn luôn mặc áo màu ngọc thạch.

[23] Người phương Tây khó có được đồ đồng thanh, vì người Nhật đã chiếm hầu hết những đồ đồng thanh nổi tiếng và không chịu bán ra với bất cứ giá nào. Hiện nay chưa một nhà làm đồ gốm nào chế tạo được những đồ tuyệt mĩ như đồ đời Tống.

[24] Một thứ sứ đời Tống màu ngà.

[25] Do tiếng Pháp cloison = vách hay ván ngăn.

[26] Tôi tạm thêm: “các hình thức mới ít hơn so với các sáng kiến thời Khang Hi”. Nguyên văn tiếng Anh: Fertility was undiminished; and though the new forms had something less than the success of the K'ang-hsi innovations, the skill of the master-potters was still supreme. .

[27] Tiền tệ xấu đánh bạt tiền tệ tốt đi: la mauvais monnace chasse la bonne. Gresham là nhà tài chánh Anh : 1519-1579. (ND).

[28] Chúng tôi không biết chút gì về đồ sứ, nhiều tiếng trong đoạn này có thể dịch chưa đạt. Độc giả nên coi cuốn Khảo về đồ sứ cổ của Trung Hoa của Vương Hồng Sển – 1971. Sách không được phát hành, nên phải lại thư viện Quốc gia mà đọc.

Về môn hoạ Trung Hoa, chưa có sách nào bằng tiếng Việt. Độc giả phải tìm các bài của Trương Cam Vịnh đăng trong Văn hoá nguyệt san vào khoảng 1962. (ND)

CHƯƠNG IV - DÂN TỘC VÀ QUỐC GIA

I. TỪ ĐỜI NGUYÊN ĐẾN ĐỜI THANH

1. Marco Polo đi thăm Hốt Tất Liệt

Những nhà du lịch khó tưởng tượng được – Những cuộc mạo hiểm ở Trung Hoa của một người thành Venise – Thắng cảnh và sự thịnh vượng ở Hàng Châu – Cung điện Bắc Kinh – Cuộc xâm lăng của Mông Cổ - Thành Cát Tư Hãn – Hốt Tất Liệt, con người và chính sách hậu cung của ông ta – Những số triệu của Marco Polo

 

Vào khoảng 1295, nghĩa là vào thời thịnh nhất của Venise, hai ông già và một trung niên, vẻ mệt mỏi, lưng vác đẫy, quần áo rách rưới, đầy bụi, hỏi thăm đường về nhà, vì theo lời họ thì họ đã xa quê hương từ hai mươi sáu năm trước, không còn nhớ đường nữa. Họ bảo đã vượt biển trong cơn dông tố, leo những ngọn núi cao, những cao nguyên hiểm trở, băng qua những sa mạc đầy đạo tặc và bốn lần vượt Vạn lí trường thành; họ đã sống hai chục năm ở nước Cathay[1], đã làm quan, phục vụ ông vua hùng cường nhất thế giới. Họ khen nước đó là một đế quốc rất lớn, có những thị trấn rất đông đúc, và một ông vua rất giàu, hơn hết thảy các nước châu Âu; có những thứ đá dùng để sưởi [tức than đá], những tờ giấy thay vàng [tức giấy bạc], và những trái hồ đào (noix) lớn hơn đầu người, lại có những xứ mà con gái còn trinh thì không ai cưới hỏi, những xứ mà khách lạ tới nhà được tự ý “sử dụng” vợ hoặc con gái của chủ nhà. Họ kể như vậy, không ai tin họ cả, và dân Venise đặt tên cho gã trẻ nhất là “Marco triệu” vì họ thấy gã có vẻ nói dóc nhất trong câu chuyện đưa ra những con số lớn phi thường, không tưởng tượng nổi. 

Marco, thân phụ và chú [hay cậu] ông ta không lấy vậy làm buồn vì họ mang về từ viễn phương rất nhiều bảo ngọc, từ nay hoá giàu, nhờ vậy sẽ được một địa vị cao sang ở quê nhà. Năm 1298, Venise đánh nhau với Gênes, Marco Polo chỉ huy một tàu chiến; bị bắt và bị giam trong một khám đường ở Gênes; để khỏi buồn, ông ta đọc cho một thư kí chép một tập du kí nổi danh nhất từ trước tới nay. Ông ta kể lại bằng một giọng giản dị, thân phụ ông tên là Nicolas, chú ông tên là Maffeo và ông, lúc đi mới mười bảy tuổi, đã rời Acre ra sao, vượt qua xứ Liban, băng qua xứ Mésopotamie mà tới vịnh Ba Tư ra sao; rồi từ Ba Tư tới miền cao nguyên Pamir, tới Khorassan và xứ Balkh; từ đây họ nhập bọn với đoàn thương nhân tiến chầm chậm tới Kashgar và Khotan; sau họ băng qua sa mạc tới Tangut, vượt qua Vạn lí trường thành để tới Shangtu nơi mà vị Đại Khả Hãn[2] tiếp họ như những sứ thần tầm thường của phương Tây trẻ trung[3].

Họ không có ý ở lại Trung Hoa quá một hay hai năm, nhưng thấy có cơ hội làm ăn được, nhất là nhờ Hốt Tất Liệt [Nguyên Thái Tổ 1277-1295] che chở buôn bán rất dễ dàng, nên họ ở luôn tới gần một phần tư thế kỉ. Marco thành công nhất vì ông ta được làm thái thú Hàng Châu. Ông yêu thị trấn này, ca tụng nó là tiến bộ hơn các thị trấn châu Âu nhiều: dinh thự, cầu cống đẹp hơn, nhiều dưỡng đường hơn, những chỗ ăn chơi, trác táng nhiều hơn, các kĩ nữ, ca nhi đẹp hơn, thị trấn được tổ chức khéo hơn và dân chúng lễ độ, phong nhã hơn. Ông ta bảo chu vi Hàng Châu tới một trăm dặm[4].

Hệ thống đường phố và kinh [Hàng Châu] thật mênh mông; cả đường phố và kinh đều rộng, xe cộ và thuyền qua lại dễ dàng để tiếp tế tất cả những thứ cần thiết cho một thị trấn lớn. Cầu lớn và nhỏ, có tất cả 12.000 cây. Những cây bắc qua các con kinh lớn, nối những đường phố lớn, được xây cất rất đẹp; vòng cầu (arche) cao tới nỗi thuyền không phải hạ cột buồm mà cũng qua được. Vậy mà xe và các loài vật chở hàng vẫn leo lên cầu được vì các đường đưa lên cầu đều xây lài lài, dài hay ngắn tính rất kĩ, tuỳ theo vòng cầu cao hay thấp… Trong thị trấn có mười cái chợ lớn, không kể vô số cửa tiệm dọc theo các đường phố. Mỗi khu chợ đó vuông vức nửa dặm[5] mỗi chiều, chung quanh là một đường chính rộng bốn chục bước chân[6], chạy thẳng băng từ đầu này đến đầu kia thị trấn. Song song với con đường lớn ấy là một con kinh rất rộng, trên bờ cất những kho chứa hàng bằng đá, tiện lợi cho các thương nhân từ Ấn Độ hay các nơi khác lại với hàng hoá và đồ đạc. Tiện như vậy, họ ở sát ngay chợ. Tại mỗi khu chợ, mỗi tuần có ba ngày phiên, số người tụ họp lại đông tới bốn hay năm vạn…

Con đường nào cũng lát đá hay gạch. Hai bên con đường chính đều lát trên một khoảng rộng mười bước; ở giữa trải đá cuội nhỏ và có cống hình vòng cung để nước mưa thoát được xuống kinh, thành thử đường lúc nào cũng khô ráo. Xe cộ, qua lại không ngớt trên khoảng giữa trải đá cuội ấy. Xe có thùng dài và có mui, trong có màn và nệm lụa, có thể chứa sáu người. Đàn ông và đàn bà thường mướn loại xe đó để tình tự với nhau…

Có rất nhiều thịt rừng đủ loại… từ biển cách xa thị trấn khoảng hai mươi lăm cây số, người ta chở thuyền vô rất nhiều cá… Lần đầu tiên trông thấy những đống cá ấy, người ta tự hỏi làm sao bán hết được; vậy mà chỉ vài giờ sau, không còn một con, vì dân thị trấn đông quá… Có nhiều đường đưa tới chợ, một số đường này có những nhà tắm nước lạnh, mà kẻ hầu hạ gồm cả đàn ông đàn bà. Dân Hàng Châu từ hồi nhỏ quen tắm nước lạnh rồi, bảo như vậy rất tốt cho sức khoẻ. Nhưng tại vài nhà tắm, có những phòng riêng có nước nóng cho những người ngoại quốc không chịu được nước lạnh. Người nào cũng quen tắm rửa mỗi ngày, đặc biệt là trước bữa ăn…

Trên một số đường khác, có những lầu xanh, ca nhi, kĩ nữ nhiều tới nỗi tôi không dám đưa ra một con số… Họ trang điểm rất kĩ, thơm phức và ở những phòng bày biện sang trọng, có nhiều kẻ hầu người hạ, đàn ông và đàn bà… Tại một số đường khác là nhà của các y sĩ và các thầy tướng số… Hai bên con đường chánh dinh thự rất lớn… Đàn ông và đàn bà đều có vẻ khoẻ mạnh, và xinh đẹp. Hầu hết bận đồ tơ lụa… Đàn bà rất đẹp, quen đời sống kiều dưỡng, uỷ mị. Y phục và đồ trang sức của họ đắt tiền không tưởng tượng nổi.

Bắc Kinh – hồi đó gọi là Cambaluc – còn làm cho Marco Polo thán phục hơn nữa, ông ta không kiếm được tiếng để tả sự phong phú và đông dân của thị trấn đó. Ông cho rằng mười hai khu ngoại ô còn đẹp hơn chính thành phố, vì có vô số biệt thự của các thương nhân hào hoa, xa xỉ. Trong thị trấn có nhiều khách sạn và hàng ngàn tiệm lớn nhỏ. Rất nhiều thực phẩm, và mỗi ngày có cả ngàn bành tơ lụa chở tới để may cắt y phục. Mặc dù nhà vua có nhiều hành cung ở Hàng Châu, Shangtu, và nhiều nơi khác nữa, nhưng ở Bắc Kinh mới có những cung điện rộng lớn nhất. Cấm thành ở đây có một bức tường bằng cẩm thạch bao chung quanh với những bực thang cũng bằng cẩm thạch; điện chính rộng tới nỗi có thể “mời ăn một đám đông người”. Marco khen cách sắp đặt các căn phòng, có cửa kính đẹp và trong suốt, và các thứ ngói nhiều kiểu nhiều màu. Chưa bao giờ ông thấy một thị trấn giàu có như vậy, một ông vua oai phong, rực rỡ như vậy.

Chắn chắn là Marco Polo học nói và đọc tiếng Trung Hoa, và có thể ông ta đọc sử của các viên thái sử chép, mà biết được Hốt Tất Liệt và tổ tiên đã chiếm Trung Hoa cách nào. Những đất ở gần biên giới tây bắc lần lần khô cạn, riết rồi thành một sa mạc không nuôi nổi dân trong miền, do đó mà người Mông Cổ (có nghĩa là can đảm) phải liều lĩnh mạo hiểm để chiếm đất mới; họ thành công và tự thấy có tài chiến đấu, thích chiến tranh; nên xông tới hoài để chiếm hết châu Á và một phần lớn châu Âu mới chịu ngừng lại. Sử chép rằng ông chúa anh dũng của họ, Thành Cát Tư Hãn, sanh ra đã có một hòn máu trong lòng bàn tay. Mới mười ba tuổi, ông đã dùng chính sách khủng bố mà qui tụ được các bộ lạc Mông Cổ. Ông đóng đinh tù binh vào một con lừa bằng gỗ, hoặc chặt họ thành từng khúc, hoặc luộc sống họ trong những cái vạc lớn, hoặc lột sống da họ. Khi người ta dâng lên ông một bức thư trong đó vua Tống Ninh Tôn [1195-1224] bảo ông ta phải thần phục mình, ông ta khạc về phía triều đình Tống, và bắt đầu bằng cuộc hành quân dài gần 2.000 cây số, qua sa mạc Qua Bích (Gobi) tới các tỉnh phía Tây Trung Hoa. Chín chục thị trấn Trung Hoa thành bình địa, đến nỗi kị binh có thể nửa đêm phi ngựa khắp miền bị tàn phá mà không sợ vấp[7]. Trong năm năm, vị “Hoàng đế của khắp nhân loại” ấy làm cỏ Hoa Bắc. Rồi hoảng sợ vì sự giao hội của một số hành tinh nào đó mà người ta cho là điềm xấu, ông trở về cố hương, bị bệnh chết ở giữa đường [1227].

Những người kế ngôi ông, Ogodai [Hoạt Đoạn?][8], Mông Kha và Hốt Tất Liệt tiếp tục xâm lăng Trung Hoa một cách dã man, và dân Trung Hoa trong mấy thế kỉ hưởng cảnh thái bình vui thú, bỏ bê võ bị, phải chịu chết: cá nhân thì anh dũng chết còn quốc gia thì nhục nhã chết. Ở Juiningfu, một vị thủ lãnh cố cầm cự cho tới khi tất cả các người già cả, các người tàn tật bị người trong thành ăn thịt hết, còn các người khỏe mạnh thì chết vì chiến tranh hết, chỉ còn lại đàn bà để giữ thành, lúc đó ông mới cho nổi lửa đốt thành, và ông chết thiêu trong dinh của ông. Quân Hốt Tất Liệt tràn ra khắp Trung Hoa, chỉ ngưng lại ở Quảng Châu, nơi cuối cùng mà triều đình Tống rút về. Không thể chống cự được nữa, viên tướng[9] Lục Tú Phu [cầm kiếm xua hết cả vợ con, bắt phải gieo mình xuống biển] rồi ông cõng vua [Quảng Vương] nhảy xuống theo, tự tử [1279]; người ta bảo rằng một trăm ngàn người Trung Hoa noi gương đó cũng tự trầm chứ không chịu đầu hàng Mông Cổ. Hốt Tất Liệt cho chôn cất nhà vua một cách tử tế, rồi thành lập nhà Nguyên, nhưng nhà Nguyên chỉ giữ ngôi được không đầy một thế kỉ.

[Có người bảo]: “Hốt Tất Liệt không có tâm hồn man rợ”. Nhưng có một việc mâu thuẫn với lời ấy; không phải vì ông ta hiểm độc trong việc ngoại giao – thời đó ông vua nào cũng vậy – mà vì cách ông đối xử với nhà học giả và ái quốc Văn Thiên Tường, đã khẳng khái không chịu thừa nhận uy quyền của ông. Văn Thiên Tường bị nhốt vào khám ba năm mà vẫn không đổi chí. Trong một đoạn văn vào hàng nổi danh nhất của Trung Hoa, ông viết:

“Ngục của tôi chỉ có hai con ma trơi chiếu sáng, không một ngọn gió xuân nào thổi vô chỗ tối tăm tịch liêu này cả…

Sống trong sương mù và không khí ẩm thấp, tôi thường nghĩ rằng sắp chết tới nơi, vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lảng vảng chung quanh tôi. Riết rồi tôi thấy cái ngục nền đất ẩm thấp hôi hàm này là một cảnh thiên đường. Vì cái mà tôi cảm thấy trong lòng tôi, không có một tai hoạ nào cướp nó của tôi được. Vì thế mà tôi giữ vững được chí, ngó mây trắng trên đầu mà lòng buồn mênh mông như vòm trời vậy”.

Sau cùng, Hốt Tất Liệt sai dẫn ông tới trước mặt mình hỏi: “Ngươi muốn gì?”. Văn Thiên Tường đáp: “Thiên Tường này đội ơn nhà Tống mà được làm tể tướng, thì sao có thể thờ hai nhà được, chỉ xin cho ta chết thôi”. Hốt Tất Liệt chấp nhận. Khi lưỡi búa của tên đao phủ hạ xuống, ông quay về Nam Kinh, như thể vua Tống vẫn còn ở đó, mà vái dài[10].

Nhưng Hốt Tất Liệt đủ sáng suốt nhận thấy rằng Trung Hoa văn minh hơn Mông Cổ, và ông ta rán hoà hợp phong tục hai dân tộc. Dĩ nhiên ông bỏ chế độ thi cử để tuyển quan lại, vì như vậy thì bao nhiêu chức vụ về người Trung Hoa hết; những chức cao ông dành cho người Mông Cổ, và ông rán phổ biến tự mẫu Mông Cổ [gồm bảy nguyên âm, sáu nhị trùng âm và mười bảy tử âm], nhưng xét chung thì cả ông ta lẫn dân tộc ông đều chấp nhận văn hóa Trung Hoa và chẳng bao lâu hoàn toàn đồng hoá với Trung Hoa. Theo nguyên tắc, ông khoan dung với mọi tôn giáo, có vẻ như muốn dùng Ki Tô giáo làm một lợi khí bình định và cai trị Trung Hoa nữa. Ông sai đào lại Vân Hà, con kinh rất lớn nối Thiên Tân với Hàng Châu, sửa sang lại đường sá, tổ chức lại hệ thống trạm để chuyển công văn thật mau trên một đế quốc rộng lớn hơn hết thảy các thời trước của Trung Hoa. Ông cho xây cất nhiều kho lẫm chứa lúa dư những năm được mùa để phát cho dân những năm đói kém; dân bị thiên tai như đại hạn, bão lụt, sâu bọ phá mùa màng thì ông tha thuế cho[11]; ông tổ chức cứu tế cho các học giả già, trẻ mồ côi, người tàn tật; ông lại rộng rãi bảo trợ giáo dục, văn học và nghệ thuật. Dưới triều ông, người ta sửa lại lịch và thành lập toà Khâm thiên giám. Ở Bắc Kinh [thời đó gọi là Yên Kinh] ông dựng một kinh đô mới đẹp đẽ và đông dân, khiến các du khách ngoại quốc phải thán phục. Người ta xây cất nhiều lâu đài lớn và môn kiến trúc thịnh hơn tất cả các thời trước.

Marco Polo bảo: “Khi những biến cố ấy xảy ra thì ông Polo ở tại chỗ”. Ông được nhà vua tin cẩn, và ông tả tỉ mỉ các trò tiêu khiển của nhà vua. Ngoài bốn bà đều gọi là hoàng hậu ra, trong cung còn có nhiều cung phi tuyển ở Ungut tại nước Hung Nô; coi bộ Hốt Tất Liệt thích thiếu nữ xứ đó lắm. Theo Marco Polo thì cứ hai năm một lần, một số đại thần đáng tin cậy, được phái qua xứ ấy, tuyển cho nhà vua một trăm thiếu nữ theo các tiêu chuẩn chính nhà vua đã định rõ:

Khi những thiếu nữ ấy tới trước mặt nhà vua, ông lại sai những viên thanh tra xét lại lẩn nữa để tuyển lại khoảng từ ba chục tới bốn chục nàng cho vào cung hầu hạ chăn gối… Người ta giao từng nàng cho một số bà già trong cung để khám xét lại kĩ lưỡng ban đêm xem họ có một tật kín nào không: ngủ có yên không, nếu ngáy thì bị loại, hơi thở có nhẹ nhàng không, có một bộ phận nào trong thân thể tiết ra mùi hôi không. Lọt qua kì tuyển tỉ mỉ đó rồi, họ được chia thành từng kíp năm nàng một, mỗi kíp được vào hầu Ngài. Ngự trong cung phòng ba ngày ba đêm, để Ngài sai bảo lặt lặt và muốn làm gì thì làm. Hết hạn đó, một kíp khác vô thay phiên và cứ như vậy cho tới kíp cuối cùng; hết một vòng rồi trở lại kíp đầu.

Sau khi ở Trung Hoa hai chục năm, Marco Polo với cha và chú nhân dịp nhà vua phái đi sứ Ba Tư mà yên ổn và chẳng tốn kém gì mấy, trở về cố hương được. Hốt Tất Liệt đưa cho họ một quốc thư để dâng Giáo hoàng và họ được cung cấp đầy đủ tiện nghi cho cuộc hành trình. Họ đi vòng bán đảo Mã Lai qua Ấn Độ, Ba Tư, rồi theo đường bộ tới Trébizonde, trên bờ Hắc Hải, giai đoạn cuối cùng tới Venise. Hết thảy mất ba năm. Khi họ tới châu Âu thì hay tin Hốt Tất Liệt và Giáo hoàng đã chết cả[12]. Marco thật gan lì, kiên sức, cả trong đời sống nữa, bảy mươi tuổi mới chịu lìa trần. Khi sắp tắt thở, bạn thân của ông cố khuyên ông, muốn cứu rỗi linh hồn thì đính chính những lời ông chép trong sách đi – hiển nhiên là láo khoét rồi – nhưng ông cương quyết bảo: “Tôi chưa nói được một nửa những điều tôi đã trông thấy”. Ông mất được ít lâu, người ta thấy trong lễ Carême ở Venise, một tên hề khoa trương, khoác lác một cách lố bịch để chọc cười thiên hạ. Người ta gọi hắn là Marco triệu”[13].

2. Đời Minh và đời Thanh

Mông Cổ sụp đổ - Đời Minh - Mãn Châu xâm chiếm Trung Hoa – Đời Thanh – Một minh quân – Vua Càn Long gạt bỏ các tư tưởng Âu Tây

 

Phải bốn trăm năm sau Trung Hoa mới thấy lại một thời rực rỡ như vậy. Dân tộc Mông Cổ bị suy nhược vì các thất bại ở châu Âu, Tây Á, và vì cả sự Hoa hoá nữa, nên đời Nguyên tàn rất mau. Muốn duy trì và cai trị một đế quốc mênh mông như vậy, mà miền này cách biệt hẳn với miền kia vì núi non hiểm trở, vì sa mạc, vì biển cả thì phải có những phương tiện như hoả xa, điện tín, máy in. Vả lại người Mông Cổ có tài chiến đấu hơn tài cai trị, nên các người nối ngôi Hốt Tất Liệt bắt buộc phải tái lập chế độ thi cử và dùng tài cai trị của người Trung Hoa. Rốt cuộc nhà Nguyên không làm cho phong tục, tư tưởng Trung Hoa thay đổi gì nhiều, chỉ thêm vào văn học Trung Hoa được loại tiểu thuyết và loại tuồng. Một lần nữa, phụ nữ Trung Hoa lại kết hôn với kẻ xâm lăng, văn minh hoá họ rồi tiêu diệt họ. Năm 1368, một nhà sư hoàn tục [Chu Nguyên Chương] phất cờ khởi nghĩa, chiếm Bắc Kinh, lên ngôi vua, tức Minh Thái Tổ. Qua đời sau, một ông vua có tài, vua Thành Tổ lên ngôi, niên hiệu Vĩnh Lạc, Trung Hoa thịnh trở lại, nghệ thuật tiến bộ. Nhưng rồi nhà Minh cũng mất ngôi vì bị xâm lăng; đúng vào lúc trong nước có nội loạn thì một rợ vượt Vạn lí trường thành, bao vây Bắc Kinh.

Người Mãn Thanh là một dân tộc sống từ mấy thế kỉ ở xứ mà ngày nay ta gọi là Mãn Châu quốc. Sau khi chiếm hết miền ở phía Bắc Hắc Long Giang, họ tiến xuống phương Nam, trực chỉ kinh đô Trung Quốc. Ông vua cuối cùng của nhà Minh nhóm họp hết vợ con lại, cùng nhau chuốc chén rồi ông bảo vợ nên tự tử[14], còn ông thì tự thắt cổ chết, sau khi viết lên mặt trong vạt áo: “Trẫm bạc đức, đáng khinh bỉ, đã bị Thượng Đế trừng phạt. Các đại thần của trẫm đã lừa trẫm, trẫm xấu hổ gặp các tiên vương ở suối vàng. Cho nên trẫm tự lột mũ miện, xoã tóc che mặt, đợi cho quân địch xé thây. Đừng đụng đến một thần dân nào của trẫm”. Người Mãn Châu chôn cất ông long trọng, nhà Thanh lên ngôi cho tới thời đại xáo trộn của chúng ta.

Chính người Mãn Châu cũng Hoa hoá rất mau, và triều đại ông vua thứ nhì, Khang Hi, là triều đại thịnh vượng nhất, thái bình nhất, sáng suốt nhất trong lịch sử Trung Quốc. Lên ngôi hồi bảy tuổi, ông nắm hết quyền hành từ hồi mười ba tuổi, thống trị một đế quốc gồm Trung Hoa, Mông Cổ, Mãn Châu, Triều Tiên, Đông Dương, Tây Tạng, Turkestan [ở Trung Á, giữa Nga và Trung Hoa]; đế quốc ấy rộng lớn nhất, phong phú nhất, nhiều dân cư nhất đương thời. Ông cai trị một cách sáng suốt và công bằng, khiến cho thần dân nào của Aurangzeb [vua Mông Cổ ở Ấn Độ] và của Louis XIV [Pháp] sống vào thời ấy mà biết được các thời sự ở Trung Hoa, tất phải tủi cho thân phận mình. Ông lực lưỡng, can đảm, trí óc mẫn tuệ; để giữ gìn sức khoẻ, ông luôn luôn sống ở nơi thoáng khí, hoặc ở giữa trời; mặc dầu vậy, ông làm việc không ngừng, học hỏi để theo dõi những kiến thức và phong trào nghệ thuật đương thời. Ông đi khắp đế quốc, hễ thấy một thói tệ nào là sửa lại liền; ông tu cải bộ hình luật. Sống rất giản dị, giảm các chi tiêu về hành chánh, thấy dân được an lạc, ông mừng. Nhờ ông rộng rãi bảo trợ và sáng suốt phê phán, mà văn học và ngành khảo cứu phát triển, còn nghệ thuật làm đồ sứ thì đạt đến một trong những đỉnh cao nhất. Rất khoan dung với mọi tôn giáo, ông học tiếng La tinh với các thầy tu giòng Tên và kiên nhẫn chịu những thói kì cục của các con buôn ngoại quốc trong các thương cảng. Sau một thời gian trị vì dài và nhân từ (1661-1722), ông lưu lại những lời cuối cùng này như để từ biệt: “Trẫm ngại rằng, trong các thế kỉ sau, Trung Hoa sẽ lâm nguy vì xung đột với các dân tộc phương Tây, vượt biển để tới tận đây”.

Những vấn đề ấy mà nguyên nhân là sự phát triển của thương mại và sự giao thiệp giữa Trung Hoa và châu Âu, lại tái phát dưới triều một ông vua khác, cũng vào hạng minh quân, vua Càn Long. Càn Long làm 2.800 bài thơ; Voltaire đọc được một bài vịnh trà bèn viết thư khen. Vài nhà truyền giáo đã vẽ chân dung ông, dưới chép bốn câu thơ rất tầm thường này:

Mãi lo mọi việc của một chính quyền đáng khen,

Không lúc nào ngừng

Vị quân chủ lớn nhất thế giới này

Cũng lại là nhà văn học giỏi nhất trong đế quốc của ông.

Ông cai trị Trung Hoa suốt hai thế hệ (1736-1796), tám mươi lăm tuổi nhường ngôi lại cho con, nhưng vì cá tính rất cao cường, nên vẫn điều khiển việc nước cho tới khi mất, năm 1799. Trong mấy năm cuối cùng của triều đại ông, xảy ra một biến cố khiến cho ai biết suy nghĩ cũng phải nhớ lại lời tiên tri của Khang Hi. Nước Anh đem thuốc phiện vô bán ở Trung Hoa, đã làm cho nhà vua bất bình rồi, năm 1976 phái một đoàn ngoại giao do Macartney cầm đầu để đàm phán một thương ước với Càn Long. Họ giảng những cái lợi cho Trung Hoa khi buôn bán với Anh, rồi còn bảo rằng thương ước ấy chấp nhận sự ngang hàng giữa vua Anh và hoàng đế Trung Hoa. Càn Long trả lời vua Georges III như sau:

Quả nhân coi thường những đồ vật kì dị hoặc khéo léo và không dùng gì tới các sản phẩm chế tạo ở châu Âu. Nhà vua xin được cử một đại diện ở triều đình quả nhân, lời xin đó trái với tục nhà Thanh, nếu quả nhân chấp nhận thì chỉ có thể gây bất lợi cho nhà vua thôi. Đó, ý quả nhân như vậy. Quả nhân đã giảng kĩ quan điểm của quả nhân với bọn sứ thần của nhà vua khi họ trình cống phẩm, và quả nhân đã ra lệnh cho dân chúng để họ được yên ổn về nước. Nhà vua nên tuân lời quả nhân và từ nay tỏ vẻ cung kính hơn, trung thành hơn với quả nhân, luôn luôn thần phục quả nhân để cho nước Anh được sống trong cảnh thái bình và thịnh vượng.

Trung Hoa muốn tránh cái nguy của cuộc cách mạng kĩ nghệ bằng những lời kiêu căng ấy. Trong chương sau, chúng ta sẽ thấy, dù nhà Thanh gắng sức tới mấy, cuộc cách mạng ấy vẫn xảy ra. Bây giờ chúng ta hãy xét những yếu tố kinh tế, chính trị và tinh thần của nền văn minh không giống một nền văn minh nào khác, nó dạy cho chúng ta được nhiều điều và lúc này đây nó có vẻ sẽ bị cách mạng tiêu diệt mất.

II. DÂN TỘC VÀ NGÔN NGỮ[15]

Dân số - Bề ngoài – Y phục – Những nét đặc biệt của các cuộc đàm thoại – Chữ viết

 

Yếu tố đầu tiên phải xét là số lượng: người Trung Hoa đông, đông lắm. Các nhà học rộng thích đưa ra những ước tính, có khi liều lĩnh, đã tính rằng dân số Trung Hoa 280 năm trước T.L. vào khoảng trên dưới 14 triệu; 200 năm sau T.L vào khoảng 28 triệu, năm 726 vào khoảng 41, 5 triệu; năm 1644 tăng lên tới 89 triệu; năm 1743 là 150 triệu; năm 1919 là 330 triệu. Thế kỷ XIV, một du khách Âu đếm được ở Trung Hoa “hai trăm thị trấn lớn hơn Venise”. Để kiểm tra dân số, triều đình ra lệnh gia đình nào cũng phải ghi tên hết thảy những người trong nhà lên một tấm bảng treo ở cửa; chúng ta không biết được điều đó có đúng không, người ghi có thành thực không, có thể căn cứ vào đó mà kết luận một cách chắc chắn được không. Có lẽ Trung Hoa hiện nay [trước thế chiến thứ nhì] phải nuôi 400 triệu dân[16].

Chiều cao người Trung Hoa thay đổi từng miền: ở phương Nam thấp bé, ở phương Bắc cao lớn hơn; xét chung thì họ là dân tộc lực lưỡng nhất châu Á. Rất bền sức, rất can đảm, chịu những đau khổ về thể chất và tinh thần, có sức đề kháng bệnh tật phi thường, có khả năng thích ứng với mọi khí hậu, nhờ vậy mà họ làm ăn thịnh vượng được ở gần khắp các nước trên thế giới. Thuốc phiện và bệnh hoa liễu kinh niên không làm cho nòi giống họ suy nhược; mà tổ chức xã hội của họ sụp đổ tuyệt nhiên không do một sự thoái hoá nào về sinh lí hoặc tinh thần. Nét mặt của họ vào hạng thông minh nhất thế giới, mặc dầu có người không ưa: một số người phương Tây cho rằng giai cấp bần cùng của họ có những bộ mặt cực kì xấu xí, và một số kẻ phạm tội của họ có vẻ nhìn tàn bạo như bọn tướng cướp trên màn ảnh; nhưng đa số người Trung Hoa có nét mặt đều đặn, bình tĩnh, mi mắt cụp xuống như mang nặng bao nhiêu thế kỉ văn minh. Mắt họ không luôn luôn quá xếch như người ta tưởng và nước da vàng thường bị rám nắng, coi không có gì là xấu. Thôn nữ cũng lực lưỡng như đàn ông, còn phụ nữ sang trọng thì thường có vẻ kiều diễm thanh tú; họ thoa phấn, tô hồng môi và má, bôi đen lông mày và tỉa cho thành hình lá liễu hoặc vành trăng lưỡi liềm. Đàn ông và đàn bà, tóc đều cứng, không bao giờ quăn; đàn bà bới tóc và thường cài bông vào mái tóc. Dưới triều Thanh, đàn ông để làm vui lòng kẻ cai trị họ, cũng theo tục Mãn Châu, cạo tóc phía trước đầu, phía sau để bím dài, mới đầu họ lấy vậy làm khổ, sau lấy làm hãnh diện. Râu thưa, ai cũng cạo râu nhưng ít khi cạo lấy; bọn thợ cạo đi cạo cho từng nhà và kiếm ăn khá lắm.

Họ thường đi đầu trần; khi nào muốn che đầu thì đàn ông mùa đông đội một cái mũ nồi bằng nhung hay da lông, vành vén lên, còn mùa hè thì đội một thứ nón tre đan rất khéo, hạng thượng lưu đính thêm vào đỉnh nón một cái núm tròn có màu và một tua bằng lụa. Đàn bà nếu có tiền quấn đầu bằng những dải lụa hoặc vải căm trang kim, hoa nhân tạo hay những đồ trang sức lặt vặt khác. Giày thường làm bằng một thứ vải hay lụa rất ấm; vì trong nhà thường lót gạch, lạnh, nên mỗi chiếc giày của họ như một tấm thảm nhỏ xíu. Vào khoảng 970 sau T.L, tại triều Li Hou-chu[17], bắt đầu có tục bó chân; con gái được bảy tuổi thì phải dùng vải bó chặt chân cho chân không lớn lên được nữa; do đó tới tuần cặp kê, dáng đi của họ có vẻ kiểu cách, rụt rè, đàn ông thích lắm. Nói đến bàn chân đàn bà là bất lịch sự, nếu lại ngó bàn chân của họ thì thật là mất dạy; trước mặt một phụ nữ quí phái, không được nói tiếng giày dép nữa. Tục đó mới đầu ở triều đình, sau lan dần tới mọi giai cấp trong xã hội, trừ người Mãn Châu và người Hung Nô; tục đó nghiêm tới nỗi nếu nhà trai thấy chân cô dâu tương lai hơi lớn quá thì luật pháp cho phép rút lại lời hứa hôn. Khang Hi thử trừ bỏ tục ấy đi, nhưng thất bại; ngày nay, may thay, nó bị cuộc cách mạng tấn công mạnh mẽ.

Đàn ông bận quần và một chiếc áo gần như luôn luôn màu lam. Mùa đông, người ta quấn thêm xà cạp (jambière) và người ta bận thêm có khi tới mười ba lớp áo. Suốt đêm ngày không cởi ra; mùa xuân tới lần lần thì người ta cũng lần lần cởi bớt từng lớp từng lớp một. Áo dài tới khỏi lưng quần, hoặc tới đầu gối, tới bàn chân nữa, cài chặt lên tới cổ, không có túi, cổ tay áo dùng làm túi; ở Trung Hoa người ta không nói bỏ một đồ vật vào túi, mà nói bỏ vào tay áo. Có thể nói rằng họ không dùng những đồ lót mình. Ở thôn quê, đàn bà bận quần như đàn ông, vì cũng phải làm việc như đàn ông, có khi còn nhiều hơn nữa; ở thành phố, họ bận quần ở trong, váy ở ngoài. Tại các thị trấn, đồ tơ lụa cũng thông dụng như đồ vải. Không có dây lưng để buộc bụng, cũng không có cooc-xê (corset) để nịt ngực. Xét chung, y phục Trung Hoa thích hợp hơn, hợp vệ sinh hơn và tiện lợi hơn y phục phương Tây chúng ta. Phụ nữ Trung Hoa không nô lệ thời trang; mọi người ở thành thị, trẻ hay già cũng ăn bận như nhau; chỉ khác về thứ hàng chứ không khác về kiểu, và ai cũng tin chắc rằng y phục của mình tới rách vẫn còn hợp thời trang.

°

Ngôn ngữ Trung Hoa còn khác các ngôn ngữ khác nhiều hơn nữa. Không có tự mẫu, không có chính tả[18], không có ngữ pháp, không có tự loại[19]; người ta phải ngạc nhiên nhận thấy rằng từ bao nhiêu thế kỉ nay, một số dân đông như vậy không bị cái ác mộng như thanh niên phương Tây[20]. Có thể hồi xưa họ cũng có những phép biến chức (déclinaison), những biến hoá của mẫu âm (inflexion), những phép chia động từ… nhưng đi ngược lịch sử ngôn ngữ của họ, chúng ta không thấy có một chút dấu vết nào về những phép ấy cả. Mỗi từ có thể là danh từ, động từ, hình dung từ, phó từ (adverbe) tuỳ vị trí trong câu và tuỳ thanh [bình, thượng, khứ, nhập]. Mỗi thổ ngữ chỉ có từ bốn đến tám trăm tiếng (vocable) đơn âm, mà phải diễn được 40.000 chữ viết, thành thử mỗi tiếng có từ bốn đến chín thanh, cứ mỗi thanh lại có một nghĩa khác, đọc lên nghe du dương như “hát”. Các cử động khi nói và văn mạch khi viết bổ túc cho những thanh đó: chẳng hạn, âm I trỏ tới sáu mươi chín vật khác nhau[21]; âm shi có năm mươi chín nghĩa[22], âm ku có hai mươi chín nghĩa[23]. Không có ngôn ngữ nào vừa rắc rối, tế nhị vừa gọn như vậy.

Chữ viết của họ còn lạ lùng hơn tiếng nói của họ nữa. Những vật khai quật được ở Hà Nam có vào khoảng đời Thương, còn mang những những chữ khắc gần y hệt những chữ dùng ngày nay tới nỗi – không kể vài người Copte hiện còn nói cổ ngữ Ai Cập – người ta có thể bảo rằng tiếng Trung Hoa là tiếng nói cổ nhất và phổ biến nhất thế giới hiện nay. Cứ theo một đoạn trong Đạo đức kinh thì mới đầu họ dùng lối kết thằng để thông tin. Có lẽ bọn thầy pháp cần phải vẽ bùa và bọn làm đồ gốm muốn đánh dấu những bình, chén chế tạo, đã giúp cho một lối chữ tượng hình phát triển. Mới đầu có lẽ có tới 600 dấu hiệu, sau thành những chữ căn bản của Trung Hoa. Hai trăm mười bốn dấu hiệu được gọi là “bộ”. Những chữ được dùng là những kí hiệu rất rắc rối trong đó yếu tố tượng hình đầu tiên được ghép thêm vài dấu hiệu nữa để trỏ nghĩa hoặc cách đọc[24]. Không những mỗi tiếng, mà cả mỗi ý cũng có một dấu riêng, chẳng hạn dấu hiệu này trỏ con ngựa, dấu hiệu khác nữa trỏ “con ngựa trán có đốm trắng”. Một số chữ tương đối giản dị, chẳng hạn một vòng tròn ở trên một nét ngang [tức chữ đán 旦] trỏ buổi sáng; mặt trời với mặt trăng hợp với nhau trỏ ánh sáng [chữ minh 明]; một cái miệng với một con chim trỏ tiếng chim hót, tiếng kêu [chữ minh 鳴]; một người đàn bà dưới một mái nhà trỏ sự bình an [chữ an 安]; một người đàn bà với cái miệng, có nghĩa là “cong queo”, nguy hiểm[25]; một người đàn ông và một người đàn bà hợp nhau là “bép xép”[26]; một người đàn bà với hai cái miệng là gây lộn nhau[27]; một người đàn bà với một cây chổi và cơn dông là người vợ[28].

Về vài phương diện, Hoa ngữ là một ngôn ngữ sơ khai sở dĩ tồn tại tới ngày nay là nhờ một óc thủ cựu hẹp hòi. Nó bất lợi nhiều hơn là có lợi. Người ta bảo một người Trung Hoa học thức phải bỏ ra từ mười đến năm chục năm để thuộc 40.000 chữ của họ, nhưng nếu người ta nghĩ rằng những chữ ấy không phải là tự mẫu, mà là những ý, vậy thuộc 40.000 ý thì bất kì người nước nào cũng phải mất năm chục năm, chứ riêng gì người Trung Hoa. Trong thực tế, một người Trung Hoa trung bình chỉ cần biết rõ ba hoặc bốn ngàn chữ, mà nhờ có “bộ”, nên họ học cũng khá dễ dàng. Ngôn ngữ biểu ý chứ không diễn âm đó có cái lợi này rõ rệt nhất: người Triều Tiên, người Nhật cũng đọc nó được dễ dàng như người Trung Hoa, thành thử ở Đông Á nó là một thứ quốc tế ngữ. Nó là mối liên lạc giữa dân khắp các miền Trung Hoa, mỗi miền có một thổ ngữ, nói ra thì người miền khác không hiểu được, nhưng viết ra thì ai cũng hiểu được nghĩa, mặc dầu đọc có khác [tức lối bút đàm]. Thật là một cái lợi cả trong thời gian lẫn không gian. Bạch thoại đã chia thành cả trăm thổ ngữ, còn văn ngôn thì từ xưa tới nay không thay đổi mấy, thành thử cổ văn Trung Hoa viết cách nay trên hai ngàn năm, người Trung Hoa có học nào cũng hiểu được, mặc dầu không biết người xưa đọc mỗi chữ ra sao, hoặc hiểu mỗi “dấu” đó có khác ngày nay không. Nhờ vậy mà văn minh, tư tưởng Trung Hoa được duy trì, mà các ý tưởng bảo thủ có một sức mạnh rất lớn; các ý niệm thời xưa luôn luôn giữ được địa vị quan trọng nhất trong sự đào tạo thanh niên. Sự kiện đó biểu thị rõ ràng những đặc tính căn bản của văn hóa Trung Hoa: một sự nhất trí mặc dầu thời đại thay đổi và mỗi miền một khác; một tinh thần bảo thủ rất mạnh, vững; một sự tiếp tục không gián đoạn qua các thời đại, không nền văn hoá nào bằng. Lối viết đó là một thực hiện tài tình về phương diện tinh thần; người Trung Hoa có thể phân loại, sắp xếp toàn thể vũ trụ - vạn vật, hoạt động, đức tính – nhờ vài trăm “bộ” với khoảng một ngàn rưỡi dấu hiệu nữa để phân biệt mà diễn được mọi ý về đời sống, về văn học. Các cách dùng chữ để diễn tư tưởng của chúng ta không chắc gì đã hơn cách đó đâu, mặc dầu mới xét qua thì nó có vẻ chất phác, sơ khai. Leibniz ở thế kỉ XVII và Donald Ross ở thời đại chúng ta ước ao có một thứ chữ viết không lệ thuộc vào tiếng nói, vào một dân tộc nào cả, tránh được những biến thiên của thời gian và không gian, có thể diễn được các ý niệm của mọi dân tộc bằng những chữ như nhau, ai cũng hiểu được. Nhưng ai mà không biết rằng một ngôn ngữ dùng toàn dấu hiệu như vậy, liên kết với cả trăm thế hệ và một phần tư số người trên thế giới, đã có sẵn ở Đông Á rồi? Người phương Đông kết luận một cách rất hợp lí rằng, nếu vậy thì khắp thế giới phải học viết chữ Trung Hoa[29].


[1] Cathay là tiếng Anh, Kitai là tiếng Nga (có sách lại chép là Quinsay hoặc Kinsai) đều trỏ Trung Hoa. Theo Jacques Jernet trong La vie quotidienne en Chine à la veille de l’invasion mongole – Hachette 1959 – thì mấy tiếng đó đều do chữ Trung Hoa Hing-Tsai (ta đọc là hành tại), vì cuối đời Bắc Tống, rợ Kim chiếm kinh đô Khai Phong rồi triều đình Tống chạy xuống Hàng Châu, mới đầu chưa coi Hàng Châu là kinh đô, chỉ là “hành tại” (như hành cung) ở tạm một thời gian chờ lúc khôi phục lại được phương Bắc. (ND).

[Chú thích trong bản tiếng Anh: An English form of the Russian name for China- Kitai, originally the name of a Mongolian tribe. Tạm dịch: Một hình thức tiếng Anh của tiếng Nga chỉ Trung Quốc là Kitai, ban đầu tiếng này là tên một bộ lạc Mông Cổ.

Còn theo Answers.com thì: Cathay là tên thời trung cổ của Trung Hoa do Marco Polo phổ biến trong tập du kí của ông, nó thường chỉ được áp dụng cho khu vực phía bắc của sông Dương Tử. ].

[2] Tức Khan, vua Mông Cổ (đời nhà Nguyên), chữ Hán đọc là Khắc hàn, nhưng chúng ta quen đọc là Khản hãn (ND).

[3] Mãi tới 1838, mới lại có người Âu đi tới những xứ Marco Polo kể ở đây; trước 1838 cũng có người Âu đã tới rồi, nhưng không còn ai nhớ nữa.

[4] Các bản tiếng Anh “Du lịch của Marco Polo” ghi rõ là trăm dặm, vậy là dặm Anh, tính ra thành 160 cây số, con số này rõ ràng là quá đáng. Đại tá Yule, nhà bác học giải thích và phê bình Marco Polo, bảo có lẽ là 100 , dặm Trung Hoa; mỗi dặm chỉ dài 573 mét. Mà Yule bảo dù 100 lí đi nữa (tức 57,500 cây số) thì cũng vẫn còn là quá đáng. (ND).

[5] Coi lại chú thích trên; nếu dặm ở đây là lí thì mỗi chiều dài khoảng 190 mét. (ND).

[6] Trung bình mỗi bước chân là 0,7m; vậy đường rộng khoảng 30 mét. (ND).

[7] Chỗ này Durant chép vắn tắt quá, độc giả có thể hiểu lầm. Thời đó Hoa Bắc thuộc về rợ Kim. Nhà Tống chỉ giữ Hoa Nam thôi, nên ngọi là Nam Tống. Vậy Thành Cát Tư Hãn chỉ đánh Tây Hạ thôi, chứ chưa diệt Tống. (ND).

[8] Tức Oa Khoát Đài 窝阔台. .

[9] Tế tướng thì đúng hơn. (ND).

[10] Văn Thiên Tường là tác giả bài bất hủ Chính khí ca – Coi Đại cương văn học sử T.Q – III của N.H.Lê. (ND).

[11] Marco Polo bảo rằng không ngày nào, các quan triều đình không phát ra hai vạn “mesure” [hộc hay đấu?] lúa, kê hay bo bo. Nhờ cực kì rộng rãi đối với người nghèo như vậy mà ông rất được lòng dân.

[12] Hốt Tất Liệt bị bệnh phong thấp, như vậy tự chứng tỏ rằng ông đã văn minh, đồng hoá với người Trung Hoa rồi.

[13] Nghĩa là đưa ra những con số quá lớn, hằng triệu trở lên không. (ND)

[14] Bà vâng lời ông và sử chép rằng nhiều cung phi cũng theo gương bà.

[15] Xã hội Trung Hoa tả ở đây là xã hội thế kỉ XIX. Trong chương sau, chúng tôi sẽ xét sự tiếp xúc với Tây phương làm cho xã hội ấy thay đổi ra sao. Mặc dầu vậy, đây cũng chỉ là những đại cương thôi, vì một nền văn minh bao giờ cũng biến chuyển trong một thời gian dài và thay đổi theo từng miền trong một xứ mênh mông.

[16] Hiện nay (1974), các sách báo thường đưa ra con số 800 triệu. (ND).

[17] Tống Thái Tổ tên là Triệu Khuông Dẫn, làm vua từ 960 đến 975, dùng ba niên hiệu; Kiến Long (960-962), Càn Đức (963-967) và Khai Bảo (968-975). Không rõ Li Hou-chu chữ Hán là gì. (ND).

[18] Chắc Durant muốn nói không có phần thay đổi tự dạng (morphologie). (ND).

[Bản tiếng Anh là: no spelling, có thể hiểu là: không đánh vần. .

[19] Hoa ngữ có ngữ pháp và tự loại chứ, nhưng khác các ngôn ngữ phương Tây. (ND).

[20] Tức phải học chánh tả và những qui tắc ngữ pháp rất rắc rối. Nhưng họ phải nhớ mặt chữ, cũng đủ khổ rồi. (ND).

[21] I có thể là Y; nghi; nghĩa; oải (hay nuỵ) 倭; nhất; ích 益 v.v… mà mỗi chữ đó có nhiều nghĩa. (ND).

[22] Shi là nhật日, thạch 石… (ND).

[23] Ku là cốc 穀, khố 庫… (ND).

[24] Như chữ đán旦, bộ日thêm nét ngang để trỏ ý nghĩa (mặt trời vừa ló khỏi chân trời), chữ  星 tinh (ngôi sao), bộ 日thêm chữ sinh 生 trỏ cách đọc. (ND).

[25] Tức chữ như 如, nhưng Từ Hải không ghi một nghĩa nào như vậy cả. (ND).

[26] Từ Hải không có. (ND).

[27] Từ Hải không có. (ND).

[28] Chữ phụ婦 chỉ gồm đàn bà và cây chỗi, chứ làm gì có cơn dông? (ND).

[29] Một học giả Pháp, Margouliès, cũng ca tụng tính cách đó của chữ Trung Hoa, nhưng chính người Trung Hoa ngày nay lại muốn dùng mẫu tự La Tinh, vì chữ viết của họ có cái lợi kể trên thì cũng có rất nhiều bất lợi: khó học, khó tra tự điển, khó in, đánh máy không được. (ND).

CHƯƠNG IV - (2)

III. ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

 

1. Ở thôn quê

Cảnh nghèo của nông dân – Các phương pháp canh tác – Gặt - Trà – Rau và cây ăn trái – Tính khắc khổ, kiên nhẫn của nông dân

 

Tất cả nền văn học cực đa dạng của Trung Hoa, tất cả những tư tưởng tế nhị của họ và tất cả những cái tô điểm đời sống của họ đều nhờ đất đai phì nhiêu của họ cả. Nói như vầy có lẽ đúng hơn: nhờ sức lao động của họ, vì sự phì nhiêu của đất đai là nhờ sức người chứ không phải tự nhiên mà có. Trong nhiều thế kỉ, những người sống đầu tiên sống trên đất Trung Hoa đã phải chiến đấu với rừng rú, với thú dữ, sâu bọ, lụt lội, hạn hán, với muối, phèn, và băng giá, rồi mới biến đổi được những miền hoang vu mênh mông ấy thành ruộng vườn tươi tốt. Cuộc chinh phục thiên nhiên cứ phải diễn lại hoài; chỉ đốn rừng bậy bạ trong một thế kỉ là một miền biến thành sa mạc[1]; chỉ vài năm bỏ bê là đồng biến thành rừng rậm. Cuộc chiến đấu khó nhọc và nguy hiểm; lúc nào các rợ ở chung quanh cũng có thể xâm lăng, chiếm các miền khó nhọc lắm mới khai phá xong. Chính vì vậy mà nông dân không sống trong những trại cách xa nhau mà ngay từ buổi đầu đã tụ họp nhau thành xóm nhỏ, đắp một bức tường chung quanh, ban ngày ra đồng làm ruộng, có khi ngủ trọn đêm ở ngoài đồng để canh trộm nữa.

Phương pháp canh tác của họ rất giản dị, ngày nay cũng không khác ngày xưa bao nhiêu. Đôi khi họ dùng cày – mới đầu bằng gỗ, rồi bằng đá, sau cùng bằng sắt – nhưng thường thường họ xới đất rất kĩ bằng cây cuốc. Họ bón ruộng bằng đủ các thứ phân họ kiếm được, kể cả phân người, phân chó. Từ một thời rất xa xăm, họ đã đào rất nhiều kinh dẫn nước sông vào ruộng kê; họ đào cả qua miền núi đá những đường nước sâu để tìm một ngọn suối ngầm rồi dẫn nó tới một cánh đồng khô cạn. Họ không biết cách luân canh [năm này trồng giống này, năm sau trồng giống khác], không biết phân nhân tạo, nhiều khi không có cả trâu bò, mà cũng làm được hai hay ba mùa mỗi năm – trên một nửa đất đai trồng trọt được của họ - và họ đã bắt đất phải sản xuất nhiều thực phẩm cho họ, hơn bất kì một dân tộc nào khác trong lịch sử. Họ trồng nhiều nhất là lúa và kê, rồi tới lúa tiểu mạch (lúa mì), lúa đại mạch (orge). Lúa không những để ăn mà còn để cất rượu, nhưng nông dân ít khi được uống nhiều rượu. Họ thích nhất là trà; sau lúa là trà chiếm nhiều đất trồng trọt nhất. Mới đầu trà chỉ dùng làm thuốc trị bệnh, rồi mỗi ngày nó phổ biến, tới đời Đường thì nó đã được xuất cảng và được các thi nhân ngâm vịnh. Thế kỉ XV, cả Đông Á thích cái thú thanh nhã uống trà; người ta ganh đua nhau tìm những giống trà tốt hơn, và có những cuộc thi xem thứ trà nào ngon nhất. Trung Hoa còn sản xuất nhiều rau mà vài thứ như đậu nành và măng rất bổ; còn những loại gia vị cay, nồng như hành, tỏi, và cả ngàn thứ trái cây. Không có đồng cỏ, nên trâu bò ít, chỉ dùng để kéo cày; còn để ăn thịt thì chỉ có heo và gà vịt. Một số đông dân sống nhờ đánh cá ở sông biển.

Gạo, mì ống, miến, rau và một vài con cá, đó là thức ăn chính của hạng người thường; hạng phong lưu thì ăn thêm thịt heo, thịt gà; còn hạng giàu có thì rất thích thịt vịt[2]. Trong các bữa yến tiệc ở Bắc Kinh, đôi khi người ta dọn ra cả trăm món nấu bằng thịt vịt. Sữa bò rất hiếm, trứng gà cũng vậy mà lại ít khi tươi; người ta làm một thứ sữa đậu nành và một thứ đậu phụ [tàu hũ] tựa như phó mát [phô mai]. Nấu ăn đã thành một nghệ thuật và người ta làm đủ các món súp hải tần [?] với yến sào; có những món rất ngon làm bằng vi cá và ruột cá, bằng châu chấu, bằng con trùng, con nhộng; người ta ăn thịt ngựa, thịt la, thịt chuột, thịt rắn, thịt mèo, thịt chó. Người Trung Hoa thích ăn; trên bàn ăn của nhà giàu thường thấy bày tuần tự bốn chục món, thực khách ăn rất mạnh, ba bốn giờ mới xong bữa.

Người nghèo không cần ăn lâu như vậy. Nông dân phải làm tối tăm mặt mũi, mà chỉ trừ vài trường hợp rất hiếm, còn thì ít ai tin chắc được rằng không có lúc phải chết đói. Như ở mọi xứ khác, kẻ nào mạnh và khôn lanh cũng gây dựng nổi những cơ đồ lớn lao; tài sản trong nước tập trung vào trong tay một số ít người. Lâu lâu, như dưới triều Tần Thuỷ Hoàng, người ta chia ruộng cho người cày, nhưng rồi chẳng bao lâu đất đai lại tập trung vào một số người vì luôn luôn có kẻ khôn, người dại. Đa số nông dân làm chủ khoảnh đất của mình, nhưng dân số tăng lên mau hơn diện tích đất khai phá, thành thử khoảnh đất của họ cứ mỗi ngày một nhỏ đi. Rốt cuộc họ nghèo mạt, không hơn gì bọn cùng dân ở Ấn Độ. Lợi tức một gia đình nông dân trung bình không quá 1.200 quan (cũ) mỗi năm[3], nhiều kẻ chỉ sống bằng vài xu mỗi ngày, và năm nào cũng có hằng triệu người chết đói. Từ hai ngàn năm nay, mỗi năm Trung Hoa có ít nhất là một cơn đói kém; một phần vì họ sinh sản mau quá, đất đai không nuôi nổi; một phần cũng vì phương tiện chuyên chở vừa ít vừa đắt. Thành thử miền này chết đói mà miền khác dư lúa gạo. Sau cùng, trả vốn và lời cho đại điền chủ và đóng thuế rồi, còn dư được giạ lúa nào thì nước lụt cuốn đi hết. Sông Hoàng Hà mà họ gọi là “tai ách của Trung Hoa”, có thể chuyển dòng chảy ra một hướng khác, làm cho ở đây cả ngàn làng bị chìm dưới nước, mà ở chỗ kia cả ngàn làng khác hoá khô cằn, không sản xuất được gì[4].

Nông dân Trung Hoa thời nào cũng thản nhiên, can đảm đương đầu với những thiên tai ấy. Một câu phương ngôn bảo: “Sống cuộc đời phù du này, chỉ cần một cái nón và một chén cơm”. Họ làm lụng cực nhọc nhưng chậm chạp: không bị máy móc thúc đẩy, họ ghét tiếng động của máy, tốc độ của máy mà họ cho là nguy hiểm. Họ không nghỉ thứ bảy và chủ nhật; nhưng có nhiều ngày lễ, tết: Tết Nguyên đán, tết Hoa đăng…; những dịp đó họ được nghỉ ngơi, mà đời họ tươi lên, mơ mộng, xúc động, cả trong những mùa u ám nhất trong năm. Khi đông tàn, tuyết tan, đất được thấm nhuần những giọt mưa ấm áp đầu xuân, nông dân lại ra đồng làm lụng và hát những bài ca tràn trề hi vọng, đã có từ thời cổ thời xưa.

2. Trong các cửa tiệm

Các nghề mọn – Lụa – Xưởng – Các phường – Lao công – Đường sá và kinh – Thương nhân – Tín dụng và tiền tệ - Các thí nghiệm về tiền tệ - Lạm phát giấy bạc

 

Vậy mà trước thế kỉ XVIII, kĩ nghệ Trung Hoa đứng đầu thế giới. Từ thời xưa nhất trong lịch sử của họ, chúng ta đã thấy những thợ thủ công làm việc suốt ngày và thương nhân buôn bán tấp nập trong các thị trấn. Những kĩ nghệ phổ biến nhất là nghề nuôi tằm dệt lụa, do phụ nữ làm tại một nơi gần nhà, hoặc ngay trong nhà họ. Kĩ nghệ dệt lụa là một kĩ nghệ có từ rất lâu đời rồi, xuất hiện ở Trung Hoa có lẽ vào đệ nhị thiên niên kỉ trước T.L. Người Trung Hoa nuôi tằm bằng lá dâu tươi, và đạt được những kết quả phi thường: cứ một cân[5] tằm mới nở (700.000 con) nuôi bốn mươi hai ngày thì cân nặng được 9.500 cân[6]. Tằm đủ lớn rồi, họ đặt lên những cái phên tre hay rơm, để chúng nhả tơ làm kén. Người ta nhúng kén vào nước sôi để kéo tơ, rồi dệt thành lụa, gấm, vóc, làm những tấm nệm, đồ thêu trang hoàng đời sống của giới thượng lưu[7]. Còn người nuôi tằm và dệt tơ thì phải bận đồ vải.

Từ nhiều thế kỉ trước T.L, song song với những tiểu thủ công nghệ tại gia đó, còn có nhiều xưởng nhỏ tại các thị trấn. Ba trăm năm trước T.L đã có một giới lao động thị thành gồm chủ và thợ họp nhau thành phường. Thứ tiểu kĩ nghệ ấy phát đạt lên, các thị trấn hoá đông dân hơn, tấp nập hơn và tới thời Hốt Tất Liệt (thế kỉ XIII) về phương diện kĩ nghệ, Trung Hoa đã có thể so sánh châu Âu thế kỉ XVIII rồi. Marco Polo viết: “Mỗi nghề có cả ngàn xưởng và mỗi xưởng dùng mười, mười lăm, hai mươi, có khi tới bốn mươi thợ… Bọn chủ nhân giàu nhất không thèm mó tay vào công việc nữa mà chỉ vênh vang đi đi lại lại coi sóc, xem xét”. Những phường ấy, như các nghiệp đoàn ngày nay, rán hạn chế sự cạnh tranh, định tiền công, giá cả, số giờ làm việc; nhiều phường còn hạn chế sức sản xuất để giá khỏi xuống. Có thể vì họ cố duy trì những truyền thống của nghề nghiệp mà khoa học Trung Hoa mới chậm tiến, cuộc cách mạng kĩ nghệ chậm xảy ra; ngày nay tất cả những chướng ngại, do chế độ đó gây ra mới một làn sóng bị cuốn đi hết.

Những phường ấy đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ mà người Âu Tây thường giao cho nhà nước; họ tự đặt ra qui chế cho họ và buộc mọi người phải theo đúng; họ có những uỷ ban hoà giải chủ và thợ, hai phe được cử đại diện, nhờ vậy mà ít có những vụ bãi công; tóm lại họ thành như một tổ chức tự trị, tự chế định để lo cái lợi cho mỗi người mà tránh được cái cảnh lưỡng nan, một là chịu hậu quả của chủ nghĩa phóng nhiệm, hai là bị nhà nước ức chế. Không phải chỉ ngành thương mại và ngành kĩ nghệ có chủ và thợ mới thành lập những phường; ngay những ngành nhỏ nhoi hơn: nghề thợ cạo, nghề làm bếp, nghề khuân vác, v.v… cũng có phường; cả bọn hành khất cũng họp nhau thành đoàn thể có qui tắc rất nghiêm. Tại các thị trấn, một thiểu số dân lao động là nô tì; thường thường là những gia nhân bắt phải ở với chủ trong bao nhiêu năm đó hoặc suốt đời. Gặp lúc đói kém, có kẻ đem bán con gái hoặc những đứa trẻ mồ côi, thường với giá rẻ mạt; thời nào cha cũng có quyền bán con gái làm tì thiếp cho các nhà giàu. Nhưng số nô lệ không bao giờ đông đảo như ở Hi Lạp và La Mã; đa số thợ thuyền là những người lao động tự do, hoặc thuộc vào một phường nào đó, còn đa số nông dân được làm chủ ruộng của họ, họp nhau thành làng xóm gần như độc lập, không bị chính quyền trung ương chi phối.

Hàng hoá thì gánh hoặc vác; người thì ngồi trên kiệu do phu khiêng, vai họ chai, họ an phận. Đôi khi người ta dùng lừa để kéo xe, nhưng thường thường xe do người đẩy. Sức lao động rẻ quá, nên không có lí gì để dùng loài vật hoặc máy móc mà phát triển sự chuyên chở. Vì dùng những phương tiện cổ lỗ như vậy nên chẳng phải sửa sang đường sá, đường hư tới mấy thì vẫn đi được. Khi bọn tư bản Âu Tây đã làm xong đường xe lửa đầu tiên năm 1876, một đường dài mười sáu cây số nối Thượng Hải với Ngô Tùng, dân chúng phản kháng, bảo động tới thần linh; họ làm dữ tới nỗi nhà Thanh phải mua lại đường đó, phá, liệng đầu máy và toa xuống biển. Thời Tần Thuỷ Hoàng và Hốt Tất Liệt, có những quốc lộ lát đá, nhưng bây giờ chỉ còn vài dấu vết lờ mờ. Đường trong thành phố chiều ngang chỉ có hai thước rưỡi, cho đỡ nắng. Cầu có nhiều và có cây rất đẹp như cây cầu bằng cẩm thạch ở Di Hoà Viên. Thương nhân và khách đi đường dùng đường thuỷ cũng nhiều bằng đường bộ. Có bốn chục ngàn cây số kinh để bù vào sự thiếu đường xe lửa, và Vận Hà – bắt đầu đào vào khoảng năm 300 sau T.L, tới đời Hốt Tất Liệt mới hoàn thành – dài trên ngàn cây số, nối Thiên Tân với Hàng Châu, là công trình vĩ đại thứ nhì của Trung Hoa, sau Vạn lí trường thành. Sông rạch đầy thuyền lớn thuyền nhỏ qua qua lại lại, chở các hàng hoá mà không tốn kém bao nhiêu, lại dùng làm chỗ ở cho hàng triệu người nghèo.

Người Trung Hoa có thiên tư về thương mại, có thể kiên nhẫn trả giá hàng giờ. Các triết gia Trung Hoa đồng ý với nhà cầm quyền, thời nào cũng khinh bọn thương nhân; nhà Hán đánh thuế họ rất nặng và cấm họ ngồi kiệu, bận đồ gấm vóc tơ lụa. Giai cấp thượng lưu để móng tay rất dài, cũng như đàn bà phương Tây đi giày cao gót, để tỏ rằng mình không mó tới việc gì cả. Thời xưa, hạng sĩ đứng đầu, rồi tới nông, công, thương vì người ta cho rằng thương nhân chỉ trao đổi các sản vật do mồ hôi nước mắt của người khác chứ không sản xuất gì cả. Mặc dầu vậy, bọn thương nhân vẫn làm giàu, chở sản phẩm Trung Hoa đi khắp châu Á, hang cùng ngỏ hẻm nào cũng đi tới, và rốt cuộc thành những cột trụ vững nhất chống đỡ nền tài chánh của quốc gia. Nội thương bị ngăn trở vì quyền li kin [?], còn ngoại thương thì lo bị ăn cắp trên bộ, ăn cướp trên biển; nhưng thương nhân Trung Hoa vẫn tìm được cách cho thuyền đi vòng bán đảo Mã Lai hoặc cho thương đoàn đi qua Turkestan, chở hàng tới Ấn Độ, Ba Tư, Mésopotamie, tới cả La Mã nữa. Lụa, trà, đồ sứ, giấy, đào, hạnh, thuốc súng, quân bài, đó là những thứ họ xuất cảng nhiều nhất; ngược lại, họ mua về lá alfalfa [một thứ cỏ cao độ một thước ở Algérie để làm giấy, đánh thừng, làm nệm…], thuỷ tinh, đậu phụng, thuốc lá và thuốc phiện.

Sự buôn bán được dễ dàng nhờ từ thời cổ đã có một tổ chức tín dụng và đúc tiền. Thương nhân thường cho vay lẫn nhau, lãi rất cao, trung bình là 36% một năm, mà thời xưa ở Hi Lạp và La Mã thì cũng vậy, vì họ phải chịu nhiều sự rủi ro. Chỉ khi nào cần tiền người ta mới vui vẻ, tử tế với họ; một tục ngữ cổ Trung Hoa bảo: “bọn ăn cắp mở ngân hàng”. Thứ tiền cổ nhất là vỏ sò, dao, lụa; thứ tiền đầu tiên bằng kim loại xuất hiện trước thế kỉ V trước T.L. Nhà Tần tuyên bố dùng vàng làm bản vị, nhưng rồi triều đình lại đúc tiền bằng hợp kim đồng với thiếc, thành thử tiền vàng biến lần lần trên thị trường[8]. Khi Hán Vũ Đế tung ra thứ tiền bằng hợp kim bạc với thiếc, bị bọn làm bạc giả lủng đoạn mà thất bại, người ta dùng những miếng da dài 30 phân để thay tiền, những miếng đó là thuỷ tổ của giấy bạc sau này. Vào khoảng 807, trong nước thiếu đồng – cũng như ngày nay chúng ta thiếu vàng – vì số hàng hoá tăng lên hoài, vua Hiến Tôn [nhà Đường] buộc dân có bao nhiêu đồng phải nộp hết vô kho của nhà nước, rồi nhà nước cấp cho một thứ biên lai, gọi là “phi tiền” [tiền bay], hình như dân Trung Hoa chấp nhận thứ tiền bay đó với một tinh thần “triết nhân”. Sau chế độ ấy bị bãi bỏ vì không cần tới nữa, nhưng sự phát minh ra thuật in bản gỗ gợi ý cho chính phủ dùng cách in này để làm ra tiền, và khoảng 935 tỉnh bán tự trị Tứ Xuyên, rồi năm 970, triều đình ở Trường An bắt đầu phát hành giấy bạc. Đời Tống, người ta lạm phát giấy bạc, khiến nhiều người bị phá sản. Marco Polo bảo: “Sở giấy bạc của triều đình ở trong thị trấn Cambaluc (Bắc Kinh) và coi cách sở đó hoạt động, người ta có thể đoán mà không lầm mấy rằng họ biết thuật luyện kim (alchimie) vì họ cũng dùng những cách ấy để làm ra được bạc”, và ông ta tả cách người Trung Hoa dùng vỏ cây dâu tầm ăn để làm thành những miếng giấy mà dân chúng chịu dùng thay tiền vàng, khiến cho đồng bào Venise của ông không tin, khinh ông là nói láo. Đó là nguồn gốc của giấy bạc, nó không ngớt tuôn vào thị trường khắp nước, khi thì kích thích, khi thì làm tê liệt đời sống kinh tế.

3. Óc phát minh và khoa học

Thuốc súng, pháo thăng thiên và chiến tranh – Kim chỉ nam – Sự nghèo nàn về các phát minh kĩ nghệ - Địa lí – Toán học – Vật lí học – “Phong thuỷ” – Thiên văn – Y học – Vệ sinh

 

Dân tộc Trung Hoa hình như có tài phát minh hơn là tài lợi dụng các phát minh của họ. Thuốc súng phát hiện ở đời Đường, nhưng mới đầu chỉ dùng để làm pháo thăng thiên, mãi tới đời Tống (1161 sau T.L) mới chế tạo những lựu đạn để dùng trong chiến tranh. Người Ả Rập nhờ buôn bán với Trung Hoa mà biết chất mang tiêu (salpêtre), chất cần nhất để làm thuốc súng, và gọi là “tuyết Trung Hoa” [vì nó trắng như tuyết]. Họ truyền bí mật chế tạo thuốc súng vào miền Tây Á, người Sarrasins dùng nó trong chiến tranh. Còn Roger Bacon, người Âu đầu tiên nói đến thuốc súng thì có lẽ biết cách chế tạo nó nhờ đọc sách Ả Rập hoặc nhờ nói chuyện với Rubruquis [một nhà truyền giáo] đã đi khắp Trung Á.

Kim chỉ nam còn cổ hơn nhiều. Theo các sử gia Trung Hoa thì người phát minh ra nó là Chu Công ở đời Thành Vương (-1115 -1078) để một đoàn sứ giả ngoại quốc[9] biết hướng mà trở về quê hương; ông cho phái bộ đó năm cổ xe, một cổ có một “cây kim chỉ hướng nam”. Chắc người Trung Hoa đã biết từ lâu từ tính của đá nam châm, nhưng trước đó họ chỉ dùng để trang hoàng các đền thờ. Kim chỉ nam được mô tả trong bộ sử Tống thư, viết vào thế kỉ thứ V sau T.L, theo bộ ấy thì nhà thiên văn học Trương Hành (mất năm 139 sau T.L) có công tìm lại được phát minh đã có từ trước rồi mất đi. Một cuốn sách viết hồi đầu thế kỉ XII là cuốn đầu tiên chép rằng các nhà hàng hải, đã biết dùng kim chỉ nam, mà các nhà hàng hải ấy là những người ngoại quốc – có lẽ Ả Rập – vượt biển từ Sumatra tới Quảng Châu. Ở châu Âu, mãi vào khoảng 1190 mới thấy kim chỉ nam được ám chỉ tới trong một bài thơ của Guyot de Provins.

Mặc dầu phát minh ra kim chỉ nam, thuốc súng, giấy lụa, cách in, cách làm đồ sứ, nhưng người Trung Hoa không có tài phát minh kĩ nghệ. Họ có óc tưởng tượng về nghệ thuật, phát triển các thể riêng của họ, đạt được một mức hoàn hảo, tỏ ra những nét tế nhị, thanh nhã mà từ xưa tới nay không có một dân tộc nào hơn họ được; nhưng cho tới năm 1912, họ vẫn dùng những khí cụ cổ lỗ trong đời sống kinh tế, có lẽ một phần họ ghét máy móc [vì cơ giới sinh ra cơ tâm, hoặc có cơ tâm mới chế tạo ra cơ giới], một phần nữa họ dự cảm được những tai hoạ của kĩ nghệ hiện đại, nó làm cho con người phải làm lụng vội vã, mau như cái máy, mà một nửa nhân loại mất việc làm để cho một nửa kia giàu có. Người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên biết đốt than đá, ngay từ năm 122 trước T.L, họ đã đào được một ít than đá, nhưng rồi không tìm cách khai thác các mỏ than, mà hầu hết các mỏ khác thì cũng vậy. Tuy biết chế tạo thuỷ tinh mà họ vẫn mua của phương Tây. Họ không chế tạo đồng hồ, đinh ốc, chỉ có ít cây đinh xấu xí. Trong hai ngàn năm, từ đầu đời Hán đến cuối đời Thanh, kĩ nghệ Trung Hoa không tiến được bao nhiêu, cũng như ở châu Âu, từ thời đại Périclès tới cuộc cách mạng kĩ nghệ.

Trung Hoa thích sự lễ độ do truyền thống, sự an tĩnh của suy tư, học hỏi hơn là sự náo nhiệt của tiến bộ khoa học, sự thô lỗ của giới phú hào. Trong số tất cả các nền văn minh lớn, văn minh Trung Hoa ít cống hiến cho nhân loại nhất về kĩ thuật, kĩ nghệ. Hai thế kỉ trước T.L, họ đã có những bộ sách rất đầy đủ về canh nông, tằm tang, và nhiều bộ rất quí về địa lí. Một nhà toán học thọ trăm tuổi, Chang Ts’ang[10] (mất năm 152 tr. T.L), đã lưu lại một bộ về đại số và hình học, trong đó lần đầu tiên nhân loại biết dùng những số âm. Tsu Ch’ung-chih[11] tính được đúng số Pi với sáu số ở phần lẻ; ông cải thiện kim chỉ nam; tương truyền ông còn thí nghiệm một kiểu tàu tự động. Năm 132 sau T.L, Trương Hoành chế được một máy đo địa chấn[12], nhưng xét chung thì môn vật lý học của Trung Hoa có tính cách khoa học huyền bí của môn “phong thuỷ”[13] và của thuyết âm dương. Hình như các nhà toán học Trung Hoa học được môn đại số của Ấn Độ, còn môn hình học thì họ tự tìm ra được, vì cần đo đất cát, vườn ruộng. Các nhà thiên văn học thời Khổng tử biết tính đúng ngày nào có nhật thực, và đặt được căn bản cho lịch Trung Hoa – mỗi ngày mười hai giờ, mỗi năm mười hai tháng, tháng tính theo mặt trăng; cứ hai, ba năm họ lại thêm một tháng nhuận để cho năm âm lịch hợp với sự vận hành của các mùa và mặt trời. Đời sống trên mặt đất hòa hợp với sự vận chuyển của tinh tú; các ngày tết đều do cả mặt trời và mặt trăng qui định; trật tự tinh thần của xã hội cũng phải theo sự vận hành đều đặn của tinh tú.

Từ thời nào tới giờ, y học Trung Hoa cũng vừa là kinh nghiệm, vừa là mê tín. Ngành đó xuất hiện trước khi có sử; trước khi phương Tây có Hippocrate thì Trung Hoa đã có nhiều y sĩ giỏi. Ngay đời Chu, nhà nước đã tổ chức mỗi năm những kì thi cho ai muốn làm y sĩ, và định số tiền thù lao y sĩ được phép nhận, tuỳ theo họ đậu cao hay thấp. Thế kỉ thứ IV trước T.L, một vị đại thần đã muốn mổ xẻ thây của bốn chục tên bị xử tử để tìm hiểu các bộ phận trong thân thể, nhưng kết quả chỉ là gây những cuộc tranh biện chẳng ích lợi gì cho y học, và công việc tìm hiểu đó bị bãi bỏ trong một thời gian. Đầu thế kỉ thứ II, Trương Trọng Cảnh (Chang Chung Ninh)[14] viết sách về cách tiết thực (diététique)[15] và về bệnh thương hàn [thương hàn luận], cả hai cuốn ấy đều được coi là cổ điển, ngàn năm sau vẫn dùng. Thế kỉ thứ III, Hoa Đà viết một cuốn về giải phẫu học và chế được một thứ thuốc mê để uống; để mất cuốn đó thì thật là một điều xấu hổ cho lịch sử. Vào khoảng 300 sau T.L, Wang Shu-ho[16] viết một cuốn nổi danh về phép bắt mạch. Đầu thế kỉ thứ IV, Đào Hoằng Cảnh (T’ao Hung-chinh)[17] tả kĩ 750 dược phẩm của Trung Hoa và một trăm năm sau, Ch’ao Yuan-fang[18] viết một cuốn nổi danh về phụ khoa và nhi khoa. Đời Đường xuất hiện nhiều bộ toàn thư về y học, đời Tống có những cuốn viết riêng về từng bệnh. Cũng đời Tống, triều đình mở trường dạy Y khoa, nhưng đa số y sĩ đều theo học một thầy riêng để vừa học vừa tập nghề. Có rất nhiều dược phẩm, cách đây ba thế kỉ mà một tiệm thuốc trung bình bán được mỗi ngày 15.000 quan Pháp. Phép chẩn bệnh có vẻ kì cục, có kẻ rởm tả một vạn chứng nóng lạnh và phân biệt được hai mươi bốn thứ mạch[19]. Muốn ngừa bệnh đậu mùa người ta truyền đậu (inoculation) – chứ không chủng đậu (vaccination) – chắc là bắt chước Ấn Độ; người ta dùng thuỷ ngân để trị bệnh giang mai. Bệnh này hình như xuất hiện ở Trung Hoa vào cuối đời Minh, lan tràn rất mau khắp nước và dân chúng hình như được miễn dịch (immunisé) một phần nào, khỏi bị những biến chứng nặng nhất. Vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, phép phòng bệnh và môn giải phẩu thời nay vẫn còn rất thô sơ; các thành phố không có cống để thoát nước dơ, nếu có thì cũng sơ sài quá, và nhiều thành phố không có nước trong sạch để uống, không biết tổ chức việc hốt rác, thực là thiếu hẳn những bổn phận sơ đẳng của một xã hội có tổ chức.

Xà bông là một xa xí phẩm rất hiếm, rận chấy nhung nhúc, cho nên người Trung Hoa nghèo phải kiên nhẫn chịu ngứa và tập gãi. Từ đời Tần Thuỷ Hoàng tới đời Từ Hi thái hậu (cuối đời Thanh), y học Trung Hoa tiến bộ rất ít, mà tây y từ Hippocrate tới Pasteur thì cũng vậy. Tây y theo đạo Ki Tô mà vô Trung Hoa, nhưng hiện nay bệnh nhân vẫn theo đông y, chỉ đi bác sĩ phương Tây khi nào cần phải mổ xẻ thôi.

IV. MỘT TÔN GIÁO KHÔNG CÓ GIÁO ĐƯỜNG

Tin dị đoan mà lại theo chủ nghĩa hoài nghi – Ma quỉ - Thờ Trời – Đạo Khổng – Đạo Lão – Thuốc trường sinh – Đạo Phật – Bao dung tôn giáo và chiết trung – Hồi giáo – Ki Tô giáo – Tại sao Ki Tô giáo thất bại ở Trung Hoa?

 

Xã hội Trung Hoa không dựng trên một cơ sở khoa học mà dựng trên một cơ sở kì dị, độc nhất vô nhị, gồm tôn giáo, luân lí và triết lí. Trong lịch sử nhân loại không có dân tộc nào vừa tin dị đoan lại vừa có tinh thần hoài nghi, vừa sùng kính quỉ thần, tổ tiên lại vừa có tinh thần duy lí, chống đối tăng lữ, vừa không chịu ảnh hưởng của tăng lữ, lại vừa thờ nhiều thần thánh như họ, trừ dân tộc Ấn Độ. Chỉ có cách này là giảng được những sự mâu thuẫn ấy chăng? Triết gia của họ ảnh hưởng tới dân chúng không đâu bằng, mà cảnh khốn cùng của dân chúng khiến họ có những hy vọng hão huyền, hy vọng ở thần thánh.

Tôn giáo của những người đầu tiên ở trên đất Trung Hoa cũng giống những tín ngưỡng của hầu hết các dân tộc “thiên nhiên” [tức những dân tộc sơ khai]: họ sợ sệt tin có linh hồn, thờ những ma quỉ luôn luôn lởn vởn chung quanh họ, họ kính trọng một cách ngây thơ mà nên thơ những hình thể làm cho họ bối rối, và những năng lực sinh sản của đất đai, họ sùng bái trời vì sức nóng của mặt trời và những trận mưa làm cho cây cỏ nẩy nở, khiến họ nghĩ rằng có những liên quan thần bí giữa đời sống trên mặt đất với những sức huyền bí của Trời. Họ thờ gió mưa, sấm sét, cây cối, núi đồi, rồng và rắn, nhưng trong những cuộc lễ lớn, họ xưng tụng nhất phép màu sinh sản và mỗi mùa xuân, trai gái họp nhau múa hát rồi giao hoan ngay giữa ruộng để cầu xin đồng ruộng noi gương họ mà trúng mùa. Tư tưởng[20] và thầy pháp lúc đó liên kết chặt chẽ với nhau, và cứ theo các truyện có tính cách tuyên truyền mà các sử gia đời sau bịa đặt ra, thì các ông vua thời sơ khai của họ là những vị thánh anh dũng, trước khi ra trận đều khấn vái quỉ thần và quỉ thần luôn luôn phù hộ họ.

Tôn giáo sơ khai coi trời và đất là hai phần của một thực thể vũ trụ rất lớn, và liên quan với nhau cũng như đàn ông với đàn bà, vua với bề tôi, dương với âm. Đạo Trời và đạo người liên quan mật thiết với nhau; đạo người như sự vận hành của tinh tú, chỉ là một phần của đạo Trời. Thượng Đế là ông Trời vạn năng đó, là cái đạo, cái hoà điệu linh thiêng bao trùm hết thảy từ người tới vật; bổn phận con với cha, vợ với chồng, tôi với vua, chư hầu với thiên tử, thiên tử với Thượng Đế, đều phải theo hòa điệu. Quan niệm khá cao mặc dầu hơi mập mờ đó, ở lưng chừng giữa hai quan niệm này: coi Thượng Đế có nhân cách như khi cầu nguyện ông Trời, và coi Thượng Đế không có nhân cách như khi các triết gia coi Trời là tất cả những sức mạnh công bằng và nhân từ chi phối cả vũ trụ, vạn vật. Lần lần, triết lí càng phổ biến thì chỉ hạng bình dân mới còn giữ quan niệm trên, còn giai cấp có học thì chỉ theo quan niệm dưới (coi Trời là những sức mạnh, là cái đạo) và đó là căn bản của tôn giáo chính thức ở Trung Hoa.

Từ những dò dẫm đầu tiên ấy mà phát sinh ra hai yếu tố căn bản của tôn giáo chính thống: một yếu tố là sự thờ phụng tổ tiên phổ biến khắp nước; một yếu tố nữa là sự cúng Trời và thánh [tức các vĩ nhân] của đạo Khổng. Mỗi ngày người ta cúng tổ tiên vài món ăn thường và khấn vái tổ tiên phù hộ cho, vì người bình dân tin rằng ông bà ông vải còn sống ở một cõi nào đó, có thể giúp đỡ hoặc trừng trị con cháu. Hạng trí thức cũng cúng vái như vậy nhưng không thực là thờ phụng mà chỉ là truy niệm tổ tiên; nhớ tới và sùng kính người đã khuất là một điều tốt cho tâm hồn, cho nòi giống vì như vậy cũng là kính trọng đường lối tổ tiên đã vạch ra, mà có muốn canh tân thì cũng do dự, do đó ít có sự xáo trộn trong nước. Sự thờ phụng tổ tiên ấy có vài điểm bất lợi: Trung Hoa đầy những ngôi mộ rất lớn không ai dám đụng tới, mà sự cày bừa, xây đường xe lửa bị trở ngại, nhưng theo các triết gia Trung Hoa hại ấy không đáng kể so với cái lợi là chế độ chính trị được vững, phong tục, tinh thần dân tộc được tiếp tục từ đời này qua đời khác. Có lẽ nhờ tục thờ cúng tổ tiên đâm rễ sâu vào tâm hồn dân tộc, nhờ đất đai mênh mông mà ít phương tiện chuyên chở mà lần lần dân tộc Trung Hoa có một sự thống nhất mạnh mẽ về tinh thần; thế hệ sau ràng buộc với thế hệ trước bằng truyền thống, và đời sống cá nhân hoá ra cao thượng lên vì được dự vào lịch sử tôn nghiêm của nòi giống.

Tôn giáo chính thống được các học giả theo vừa rộng hơn lại vừa hẹp hơn tín ngưỡng của dân chúng ấy. Lần lần, từ thế kỉ này tới thế kỉ khác, Khổng tử được trọng vọng thêm và sau được triều đình đưa lên hàng thánh nhân, chỉ hơi kém Thượng Đế một chút thôi, trường nào cũng dựng bia, tỉnh nào cũng cất đền thờ ông, và Xuân Thu nhị kì, nhà vua cùng các quan lại tế lễ, để tưởng niệm một vị đã có ảnh hưởng rất tốt tới dân tộc. Những người thông minh không coi ông như vị thần, nhưng đại chúng thì thờ ông như thần thánh, dù theo chủ nghĩa vô thần, người ta cũng có thể lại tế ông, coi ông như tổ tiên của mình. Nhưng Khổng giáo chính thức nhận có Thượng Đế, sức mạnh tối cao của vũ trụ; mỗi năm nhà vua rất long trọng tế Thượng Đế ở trấn Nam Giao, mặt dầu không coi Thượng Đế có tai mắt như chúng ta. Đạo Khổng không nói đến sự bất tử (…).

Tôn giáo đơn sơ và gần như duy lí ấy không làm cho đại chúng thoả mãn. Và rất ít, phần tượng trưng, không đáp được những hi vọng, mơ mộng của con người, không khuyến khích sự tin dị đoan, mà chính những dị đoan làm cho đời sống hằng ngày cuồng nhiệt hơn. Vì ở Trung Hoa cũng như các nước khác, dân chúng thích dùng cái nên thơ của sự linh dị mà tô điểm cho đời sống bình phàm hằng ngày; họ lờ mờ thấy ở trong không gian, trên mặt đất, cả một thế giới quỉ thần, thiện hay ác, lởn vởn chung quanh họ, và họ muốn dùng những câu thần chú hoặc những lời cầu khẩn để các quỉ thần ấy không làm hại được họ, hoặc phù hộ cho họ nữa. Họ nhờ thầy bói dùng mai rùa hay cỏ thi đoán tương lai cho họ theo Kinh Dịch; họ muốn những nhà phong thuỷ để mả hoặc để hướng cho nhà họ; họ thuê bọn phù thuỷ cầu mưa hay nắng cho họ. Họ ghét những trẻ sinh phải ngày hung, và có những thiếu nữ cuồng nhiệt, tự tử để cầu phúc hoặc gây hoạ [?] cho cha mẹ. Đặc biệt là người Hoa Nam có óc thần bí, không ưa tính cách lạnh lùng, duy lí của Khổng giáo và muốn có một tôn giáo tặng họ niềm an ủi này là được hưởng đời sống vĩnh cửu.

Cho nên vài nhà thần học bình dân mượn ngay những học thuyết hơi mơ hồ của Lão tử rồi lần lần tạo nên một tôn giáo[21]. Lão tử và Trang tử cho đạo là qui tắc sống, là một phương tiện để cho thế giới được thái bình, chứ không bao giờ có ý coi nó là một đấng thần linh, lại càng không cho rằng nhờ theo nó mà khi xuống hố rồi vẫn còn được sống trên một cõi nào khác. Nhưng tới thế kỉ II, có một số người bảo được Lão tử truyền cho một thứ thuốc bất tử, và sửa đổi[22] học thuyết của Lão tử. Thứ thuốc ấy được nhiều người ham lắm và tương truyền nhiều ông vua lạm dụng mà chết. Khoảng 148 sau T.L, một thầy tu thần bí bán một thứ bùa rất giản dị mà trị được bách bệnh lấy năm hộc lúa. Có thể rằng thứ bùa đó trị được bệnh cho vài người, còn những kẻ không hết bệnh thì ông đổ tại thiếu đức tin, nên bùa không công hiệu. Thế là thiên hạ ùn ùn theo tôn giáo mới, dựng đền, quyên rất nhiều tiền tặng các thầy tu [hay thầy phù thuỷ?] đó, đem lòng tin dị đoan của họ ra thờ tôn giáo mới. Lão tử thành một vị thần [Thái thượng Lão quân], bảo ông ở bụng mẹ tám mươi năm rồi mới ra đời, cho nên mới sanh ra ông đã già, đầu đã bạc, minh triết ngay rồi. Người Trung Hoa thích tưởng tượng ra những quỉ thần mới, rồi dùng pháo để cho quỉ sợ mà phải lánh đi, còn các thần biếng nhác, thiêm thiếp thì họ đánh thức dậy bằng tiếng chiêng, tiếng trống, bằng pháo thăng thiêng, bắt nghe những lời khấn vái cầu nguyện của họ.

Trong một ngàn năm, Đạo giáo thu hút được hằng triệu tín đồ, thuyết phục nhiều ông vua và kiên nhẫn giành ảnh hưởng với Khổng giáo, ngăn cản triều đình thu thuế để tiêu vào việc nước. Sau nó phải thua, không phải vì đạo Khổng hợp lí, mà vì một tôn giáo mới mạnh hơn, an ủi được hạng bình dân hơn, tức đạo Phật. Đạo này từ Ấn Độ bắt đầu truyền sang Trung Hoa trong thế kỉ thứ nhất sau T.L, lúc đó không còn là học thuyết nghiêm khắc, ảm đạm mà Đức Phật đã truyền bá năm trăm năm trước, không còn là một đạo khổ hạnh mà là một tôn giáo linh động, vui vẻ thờ vô số thần linh hiền từ trong một cảnh thiên đường rực rỡ; tức môn phái Đại thừa mà các nhà thần học phái Kanishka đã sửa đổi cho thích hợp với cảm xúc của hạng người chất phác. Phật giáo Đại thừa này tặng cho Trung Hoa được nhiều vị thần có tai mắt như người, chẳng hạn Phật A Di Đà ở thiên đường, Phật Quan Âm mới đầu là đàn ông, sau thành đàn bà, rất từ bi tha thứ cho mọi người, lại thêm các La Hán, là mười tám vị trong số các đệ tử đầu tiên của Đức Thích Ca, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân loại đau khổ và u mê, lạc hướng. Khi nhà Hán sụp đổ, Trung Hoa chìm đắm trong cảnh loạn lạc, dân chúng kiệt sức và chán nản hướng về đạo Phật, cũng như thời đó ở Âu châu, thế giới La Mã hướng về đạo Ki Tô. Đạo giáo mở vòng tay đón tôn giáo mới và lần lần hoà hợp chặt chẽ với đạo Phật trong tâm hồn người Trung Hoa. Một số ông vua ngược đãi đạo Phật, các triết gia tố cáo tính cách dị đoan của nó, các chính khách lo ngại vì thanh niên tự giam mình trong các ngôi chùa, không giúp gì được cho quốc gia, nhưng sau cùng chính quyền phải nhận rằng tín ngưỡng mạnh hơn chính quyền; các ông vua sau phải hoà giải với các vị thần mới, cho phép các ông sư đi khuất thực, xây chùa chiền, còn nhà Nho và các quan lại đành an phận nhìn thấy đạo Khổng của mình chỉ còn là tôn giáo của giới thượng lưu. Đạo Phật chiếm nhiều đền cũ, dựng chùa ngay bên cạnh các đền Đạo giáo trên ngọn núi Thái Sơn thiêng liêng, tập cho dân chúng quen đi hành hương, giúp cho văn học, kiến trúc, cả ấn loát nữa tiến bộ, tiêm vào tâm hồn Trung Hoa một chút khoan hậu, nhân từ. Rồi, cũng như Đạo giáo, nó bắt đầu suy đồi, bọn tăng lữ sa đoạ, một số thần linh ngoại đạo và các tà giáo trong dân chúng xâm chiếm nó; rốt cuộc ảnh hưởng về chính trị của nó vốn yếu ớt, không thời nào được mạnh, gặp lúc Khổng giáo phục hưng (đời Chu Hi) nhà Tống thì tiêu ma luôn. Ngày nay chùa chiền hoang vắng, gần như không có một nguồn lợi nào, các nhà sư phải sống cực khổ.

Nhưng đạo Phật đã thầm nhuần tâm hồn dân tộc và vẫn còn bàng bạc trong mớ tín ngưỡng mơ hồ, phức tạp của giới bình dân. Vì ở Trung Hoa, các tôn giáo có tính cách bao dung, chứ không độc chiếm, tự cho là độc tôn, như ở Âu, Mĩ, cho nên không bao giờ gây ra nội loạn (tức chiến tranh tôn giáo). Khổng, Lão, Phật vui vẻ sống chung với nhau chẳng những trong nước mà cả trong tâm hồn tín đồ nữa; nhiều người Trung Hoa theo cả tam giáo, lại thờ thần sông thần núi nữa. Người dân Trung Hoa cơ hồ như một triết nhân; ngờ rằng không có gì chắc chắn cả; xét cho cùng, các nhà thần học có lí chưa biết chừng, có thể có thiên đường được lắm, thế thì tốt hơn hết cứ tôn trọng tất cả các tôn giáo, cúng dường cho thật nhiều để khi mình chết, các tu sĩ tụng kinh siêu độ cho. Lại thêm, khi gặp vận may, cửa nhà vui vẻ, làm ăn khấm khá, thì đàn ông Trung Hoa ít nghĩ đến thần thánh, họ cúng vái tổ tiên còn việc lễ đền lễ chùa thì để cho các nhà tu hành và bọn phụ nữ. Đàn ông Trung Hoa là con người ít có tinh thần tôn giáo nhất trong lịch sử nhân loại; họ lo kiếm ăn trên cõi trần này, có khấn vái thần thánh thì không phải để được lên thiên đường mà để kiếm thêm được ít tiền nuôi vợ nuôi con. Khấn vái mà thần thánh không phù hộ, họ vẫn nghèo mạt, thì họ báng bổ thần thánh, có khi họ liệng thần thánh xuống sông nữa. Một tục ngữ Trung Hoa bảo: “Có người nào tạc ngẫu tượng mà thờ thần bao giờ đâu; thần làm bằng gì, họ biết quá rồi mà”.

Do đó mà người Trung Hoa không cuồng nhiệt theo Hồi giáo, Ki Tô giáo, vì những tôn giáo ấy cũng chỉ như Phật giáo, hứa cho họ lên thiên đường mà họ thì lại muốn hạnh phúc ngay trên cõi trần này. Đa số mười lăm triệu tín đồ Hồi giáo ở Trung Hoa không phải là gốc Trung Hoa mà có máu ngoại nhân ít nhiều, hoặc kết thân với ngoại nhân Ki Tô giáo do tín đồ Cảnh giáo đưa vô Trung Hoa vào khoảng 636 sau T.L. Vua Đường Thái tôn có thiện cảm với họ, che chở họ. Năm 781, những tín đồ Cảnh giáo Trung Hoa dựng một cái bia ghi ơn che chở của các vua chúa, và hi vọng rằng nhờ sự che chở đó, đạo Ki Tô sẽ lan tràn khắp Trung Hoa. Từ đó các tu sĩ giòng Tên siêng năng, dũng cảm và thông thái, và các mục sư đạo Tin Lành được các nhà tỉ phú Mĩ bảo trợ, rán thực hiện ước vọng của các tín đồ Cảnh giáo. Ngày nay ở Trung Hoa có khoảng ba triệu tín đồ Ki Tô giáo: trong một ngàn năm mà chỉ cải giáo được có một phần trăm dân chúng[23].


[1] Sườn núi hóa trụi, không giữ được nước mưa nữa, lớp đất tốt trên mặt trôi đi hết, đất thành khô cằn; mà nước mưa đổ xuống thung lũng như thác, ngập lụt hết. (ND)

[2] Vịt Tứ Xuyên rất nổi tiếng. (ND).

[3] Tức 12 quan mới, bằng khoảng 15.000 đồng V.N 1973. (ND).

[4] Từ xưa tới nay sông Hoàng Hà đã đổi dòng sáu lần, khi thì đổ ra Hoàng Hải, khi thì đổ lên Bột Hải (như hiện nay). (ND).

[5] Cân ở đây là cân Anh, pound, khoảng 450 gram. .

[6] Từ đời Thượng cổ, châu Âu đã biết kéo tơ kén của các con tằm hoang (nghĩa là không do người nuôi), nhưng mãi tới khoảng 552 sau T.L. các tu sĩ Cảnh giáo mới đem phương pháp nuôi tằm, dệt lụa vô phương Tây. Các phương pháp ấy từ Constantinople truyền qua đảo Sicile (thế kỉ XII), rồi qua Anh (thế kỉ XV).

Ở Pháp, người ta bắt đầu dệt lụa ở Tours năm 1480, nhưng tới năm 1520, vua François I mới phân phát trứng tằm nhập cảng từ Ý cho dân chúng trong miền thung lũng sông Rhône.

[7] Đôi khi người Trung Hoa đem khoe với khách tới chơi nhà những tấm gấm vóc như khoe đồ sứ hay những bức hoạ của họ vậy.

[8] Hiện nay thứ tiền thường dùng vẫn bằng đồng; một đồng ăn khoảng một phần ba hoặc một nửa xu Mĩ; và một lượng (tael) [bạc hay vàng? hay một quan?] là một ngàn đồng.

[9] Việt Thường, lúc đó ở vào tỉnh Quảng Đông ngày nay. (ND).

[10] Chang Ts'ang: Trương Thương 張蒼 .

[11] Tsu Ch’ung-chih: Tổ Xung Chi 祖冲之 (429-500). .

[12] Máy đó gồm tám con rồng bằng đồng đặt trên những ruột gà rất nhạy, ở vành một cái chén lớn, giữa chén có một con cóc há miệng. Trong miệng mỗi con rồng có một viên nhỏ bằng đồng. Khi có động đất thì con rồng ở gần chỗ động đất nhất nhả viên đồng đó vô miệng con cóc. Có một lần con rồng nhả viên đồng ra mà những người chung quanh không thấy đất rung chuyển gì cả. Mọi người cho ông là bịp; nhưng rồi một sứ giả lại cho hay tại một tỉnh ở xa mới có động đất.

[13] Ngày trước ta gọi là môn địa lý, tìm đất để mả, cất nhà. (ND).

[14] Chắc sách in lộn: Chinh mới đúng. (ND).

[Bản tiếng Anh: Chang Chung-ning. ].

[15] Chắc là bộ Kim qui yếu lược. (ND).

[16] Wang Shu-ho: 王叔和 Vương Thúc Hoà. .

[17] Đào Hoằng Cảnh 陶弘景(sách in lầm: Đào Hoàng Cảnh). .

[18] Ch’ao Yuan fang: Sào Nguyên Phương 巢元方 .

[19] Hai mươi tám thứ nữa kia. (ND).

[20] Chắc sách in lầm. Nguyên văn tiếng Anh là King: nhà vua. .

[21] Tức Đạo giáo mà chúng ta nên phân biệt với Lão giáo chỉ có tính chất triết học. (ND).

[22] Đúng hơn là giải thích theo một lối mới. (ND).

[23] Ki Tô giáo hết hy vọng thành công từ đầu thế kỉ XVIII, do những cuộc tranh biện giữa các tu sĩ giòng Tên và các nhà truyền giáo thuộc các phái khác của Ki Tô giáo. Các tu sĩ giòng Tên là những nhà tâm lí khôn khéo đã tìm ra được những thể thức khiến cho các yếu tố căn bản của tinh thần kính tín Trung Hoa – tức sự thờ phụng tổ tiên và Trời – có thể khoác một cái vỏ Ki Tô giáo mà không làm cho các chế độ đã thấm nhuần tâm hồn Trung Hoa bị trốc rễ, không làm cho tinh thần họ mất sự quân bình; các tu sĩ giòng thánh Dominique và giòng thánh Francois d’Assise trái lại, mạt sát tất cả thần học và nghi lễ Trung Hoa là những phát minh của quỉ. Vua Khang Hi sáng suốt, rất có thiện cảm với Ki Tô giáo, giao các hoàng tử cho các tu sĩ giòng Tên dạy dỗ; có hồi ông còn muốn theo đạo Ki Tô nữa với một số điều kiện nào đó. Khi Giáo hội xử vụ tranh biện đó, chuẩn y thái độ cứng rắn của hai giòng Dominique và Francois d’Assise thì Khang Hi không nâng đỡ Ki Tô giáo nữa. Các ông vua sau tấn công mạnh mẽ Ki Tô giáo. Gần đây thái hậu Từ Hi, vốn thích [?] Âu Tây, cấm truyền đạo Ki Tô, khuyến khích các nhà cách mạng chống đạo ấy.

CHƯƠNG V - CÁCH MẠNG VÀ PHỤC SINH

I. BẠCH HOẠ

Sự xung đột giữa Á và Âu – Người Bồ Đào Nha – Người Y Pha Nho – Người Hoà Lan – Người Anh – Buôn bán thuốc phiện – Loạn Thái Bình thiên quốc – Trung Nhật chiến tranh – Tính qua phân Trung Hoa – Khai phóng môn hộ - Từ Hi thái hậu – Các cải cách của Quang Tự - Quang Tự mất quyền – Bọn quyền phỉ - Bồi khoản

 

Sức mạnh khốc liệt đó là sức mạnh của cách mạng kĩ nghệ. Châu Âu nhờ sự phát minh ra sức mạnh cơ giới và áp dụng nó vào sự chế tạo hết máy này đến máy khác, bất tuyệt, mà canh tân, hùng cường lên, có thể sản xuất được rẻ hơn các dân tộc còn dùng sức cánh tay con người trong kĩ nghệ; chẳng bao lâu sản phẩm của họ, dân chúng trong nước không tiêu thụ hết, họ bắt buộc phải kiếm thị trường để bán chỗ còn thừa, do đó họ không thể không bành trướng mà chiếm thế giới được, và thế kỉ XIX thấy được sự xung đột giữa các nước văn minh cổ, mệt mỏi, của một châu Á ngưng trệ vì phương pháp sản xuất cũ bằng tay, với những nước văn minh đã hồi xuân, đầy nhuệ khí của một châu Âu kĩ nghệ hoá.

Cuộc cách mạng thương mại ở thời Christophe Colomb đã mở đường cho cuộc cách mạng kĩ nghệ. Các cuộc thám hiểm thế giới đã tìm lại được những đất bị bỏ quên, mở những đường thông thương mới, phát lộ cho các nước văn minh cũ biết những sản phẩm mới và những tư tưởng của phương Tây. Ngay từ đầu thế kỉ XVI, bọn giang hồ mạo hiểm Bồ Đào Nha sau khi định trú ở Ấn Độ, chiếm Malacca rồi đi bán đảo Mã Lai và tới Quảng Châu (1517) với những chiếc tàu đẹp đẽ và những khẩu đại bác ghê gớm của họ. “Tàn bạo, không thừa nhận một pháp luật nào cả, coi tất cả các dân tộc phương Tây[1] như những con mồi ngon, họ quả là bọn ăn cướp”, và thổ dân coi họ là bọn ăn cướp. Mới đầu các đại diện của họ bị nhốt khám, đề nghị thương mại của họ bị từ chối, và các cơ sở, kiến thiết của họ cứ lâu lâu lại bị tàn phá vì người Trung Hoa vừa sợ vừa tức giận về thái độ, hành vi của họ. Nhưng họ cũng giúp Trung Hoa diệt được các bọn ăn cướp khác, nên triều đình Bắc Kinh thưởng công họ, năm 1557 cho họ được tự do ở Áo Môn (Ma Cao), muốn tổ chức gì ở đó tuỳ ý. Họ xây cất ở đó nhiều xưởng lớn nấu thuốc phiện, dùng đàn ông, đàn bà và cả trẻ con Trung Hoa; chỉ một trong những xưởng ấy mà đã phải nộp cho chính quyền Bồ Đào Nha Ma Cao một số thuế mỗi năm gần ba chục triệu quan [cũ] Pháp.

Rồi tới người Y Pha Nho chiếm Phi Luật Tân (1571) và đồng thời lập nghiệp ở Đài Loan; tiếp theo là người Hoà Lan; sau cùng, năm 1673, năm chiếc tàu Anh đi ngược dòng sông Quảng Châu, người Trung Hoa nổ súng ngăn chặn, họ có hoả lực mạnh hơn, dẹp hết sức chống đối của Trung Hoa mà đem hàng hoá vô bán. Người Bồ Đào Nha dạy cho người Trung Hoa hút thuốc lá và đầu thế kỉ XVIII đem thuốc phiện Ấn Độ nhập cảng Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa cấm ngặt, nhưng số người hút vẫn tăng lên mạnh tới nỗi năm 1795, họ đã tiêu thụ tới 4.000 thùng.

Chính năm đó, triều đình Trung Hoa cấm nhập cảng thuốc phiện; năm 1800, nhắc lại lệnh ấy và đồng thời năn nỉ cả các nhà nhập cảng lẫn dân chúng nghĩ tới cái hại của thuốc phiện, nhưng thuốc phiện vẫn phát đạt rất mau; người Trung Hoa càng hăng mua, người Âu châu càng hăng hái bán và bọn quan lại địa phương vui vẻ cảm ơn những kẻ hối lộ, sau khi bỏ túi những món tiền “nhẩm sà”.

Năm 1838, triều đình Bắc Kinh quyết định phải cấm cho được việc nhập cảng thuốc phiện, muốn ra sao thì ra; một viên quan cương quyết, Lâm Tắc Từ, ra lệnh cho các nhà nhập cảng ngoại quốc ở Quảng Châu phải đem nộp tất cả số thuốc phiện tích trữ. Bọn ngoại nhân không chịu, ông cho quân lính đến bức, họ bắt buộc phải đem ra 20.000 thùng [mỗi thùng nặng hai mươi cân], ông long trọng đem đốt hết đổ xuống biển. Người Anh bèn rút về Hương Cảng và “chiến tranh nha phiến” lần đầu tiên bắt đầu. Anh tuyên bố rằng phải tấn công không phải vì mất hết thuốc phiện, mà vì chính phủ Trung Hoa vênh váo, xấc láo tiếp – hay không chịu tiếp – phái đoàn Anh, và cố ý đánh thuế quá nặng, đưa ra những luật lệ cấm chỉ, để làm trở ngại việc mậu dịch. Rồi Anh dùng đại bác trên tàu nhả đạn vào các thị trấn Trung Hoa, chiếm Ching kiang (Chấn Giang?)[2] trên Vận Hà[3], bắt Thanh đình phải xin hoà. Hoà ước Nam Kinh không nhắc một chữ tới nha phiến; Thanh đình phải nhường cho Anh đảo Hương Cảng, hạ quan thuế xuống còn năm phần trăm, mở làm thương khẩu các nơi: Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba [tức Định Hải] và Thượng Hải, lại phải bồi thường quân phí cùng số nha phiến đã thiêu huỷ; sau cùng gặp những trường hợp khó khăn, phạm luật thì người Anh chỉ bị toà án lãnh sự Anh xử thôi. Các nước khác như Pháp, Mĩ cũng theo gót Anh, đòi cho thương nhân của họ được những đặc quyền như người Anh.

Từ đó chế độ cũ không thể cứu vãn được nữa rồi. Thanh đình đã “mất mặt” trong các việc thương lượng với ngoại nhân. Trước kia khinh bỉ họ, rồi thách đố họ, để rốt cuộc phải chịu thua, có nói quanh gì thì cũng không che giấu được sự nhục nhã đó với người Trung Hoa có học thức và với người ngoại quốc. Tin đó lan tới nội địa là uy quyền của Thanh đình giảm ngay và nhiều người chỉ thích yên ổn bây giờ cũng muốn nổi loạn. Năm 1843, một người tên Hồng Tú Toàn, tự cho là được thiên khải, đã có một thời giao thiệp với các người theo đạo Tin Lành, bảo mình đã được Chúa lựa[4] để cải tạo cho dân tộc Trung Hoa bỏ sự sùng bái ngẫu tượng mà theo Ki Tô giáo; ông ta cầm đầu cuộc nổi loạn chống người Mãn Châu, lật đổ triều Thanh mà dựng nên Thái Bình thiên quốc. Bọn người theo ông vừa cuồng tín về tôn giáo vừa muốn cải cách chế độ Trung Hoa theo các nguyên tắc của Âu Tây, chiến đấu rất anh dũng, hạ bệ các ngẫu tượng, chém giết nhân dân, đốt phá các thư viện, các bộ sách quí và cả các xưởng Ching-te-chen chế tạo đồ sứ nữa. Họ chiếm được Nam Kinh, ở đó mười hai năm (1853-1865) rồi tiến lên Bắc Kinh trong khi thủ lãnh của họ sống yên ổn ở phía sau trong cảnh xa hoa; rồi vì thiếu một nhà cầm quân có tài họ đại bại, tan rã, tản mát, chìm lần trong biển quần chúng Trung Hoa.

Giữa thời giặc Thái Bình phải chịu một chiến tranh nha phiến lần thứ nhì nữa (1856-1860). Anh được Pháp và Mĩ ủng hộ, buộc Thanh đình phải nhận sự buôn bán thuốc phiện là hợp pháp (vì sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, lệnh cấm buôn bán vẫn không bãi bỏ, và họ vẫn bán lén), phải mở thêm nhiều thương khẩu nữa, phải tiếp các sứ thần ngoại quốc một cách long trọng tại triều đình. Thanh đình từ chối, Anh, Pháp chiếm Quảng Châu bắt phó vương [?] Quảng Đông [tên là Diệp Danh Thám] đem giam ở [Calcuta] Ấn Độ, rồi chiếm các đồn ở Thiên Tân, tiến về phía Bắc Kinh, phá Di Hoà Viên để trả thù vụ Thanh đình ngược đãi các đại diện của liên quân. Họ buộc Thanh đình phải mở thêm mười thương khẩu nữa, mở Dương Tử giang cho người Âu đi lại buôn bán; đòi các nhà ngoại giao Âu và Mĩ được đãi ngộ ngang hàng với người Trung Hoa, các nhà truyền giáo và thương nhân của họ được đi khắp nơi trong đế quốc; đồng thời, các nhà truyền giáo không bị xử theo pháp luật Trung Hoa, người Âu càng ngày càng khỏi bị luật lệ Trung Hoa chi phối[5], sau cùng Thanh đình phải nhường cho Anh một dãi đất trước mặt Hương Cảng, phải bãi lệnh cấm nhập cảng thuốc phiện, và trả một số tiền bồi thường nặng nữa. Đó là cái giá mà người Trung Hoa phải trả để học được những bài học chính trị của phương Tây.

Thấy thắng được Trung Hoa một cách dễ dàng quá, các quốc gia châu Âu nghĩ ngay tới việc tam phân ngũ liệt con mồi ấy. Nga chiếm những miền ở phía Bắc Hắc Long Giang và ở phía đông sông Ô-tô-ly (Oussouri) (1858); người Pháp chiếm Nam kỳ (1860); năm 1894 người Nhật thình lình tấn công nước láng giềng mà họ đã mang ơn vì họ văn minh là nhờ Trung Hoa, trong một năm đánh tan Trung Hoa, cướp giật Triều Tiên của Trung Hoa, lại còn buộc Thanh đình phải bồi thường 170 triệu Mĩ kim[6] vì “làm phiền nhiễu cho họ”. Để cho Nhật khỏi chiếm bán đảo Liêu Đông, Nga ép Nhật phải trả đất đó cho Trung Hoa mà lấy một số tiền bồi thường [là 30 triệu lạng bạc]; ba năm sau Nga chiếm ngay Liêu Đông và xây thành đắp luỹ liền. Năm 1898, vì hai nhà truyền giáo bị giết, Đức chiếm đất Giao Châu. Trung Hoa trước kia là một cường quốc, bây giờ bị chia cắt thành nhiều “khu vực ảnh hưởng”, trong mỗi khu vực thuộc về một cường quốc châu Âu và họ, kẻ trước người sau, đòi các đặc quyền về khai thác mỏ và về thương mại. Thấy Trung Hoa bị qua phân như vậy, Nhật nóng lòng cảm thấy nước đó sau có thể ích lợi cho mình nhiều, bèn đứng về phía Mĩ, đòi áp dụng nguyên tắc “khai phóng môn hộ”: họ công nhận các nước châu Âu có “khu vực quyền lợi” nhưng các thuế nhập khẩu, phí tổn chuyên chở, phải đồng đều cho mọi nước trên khắp lãnh thổ Trung Hoa. Muốn có một tư thế tốt để can thiệp vào việc Trung Hoa, Mĩ chiếm Phi Luật Tân của Y Pha Nho (1898) như vậy là xác nhận ý muốn chia phần rồi.

Trong khi đó, một bi kịch khác xảy ra trong vòng cung cấm ở Bắc Kinh. Khi liên quân Anh Pháp vô kinh đô sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhì (1860), nhà vua còn trẻ tuổi Hàm Phong chạy trốn lên Nhiệt Hà, rồi mất ở đó năm sau, để lại một người em trai mới năm tuổi. Bà quí phi, mẹ của em nhỏ đó, nắm hết quyền trong nước – sử gọi là Từ Hi thái hậu – khéo trị nước suốt một thế hệ, mặc dầu tàn bạo và trắng trợn. Thời trẻ bà dùng nhan sắc mà chiếm địa vị hơn người. Bây giờ bà dùng tài năng và nghị lực mà thống trị. Khi con trai bà chết đúng vào lúc sắp tới tuổi trưởng thành (1875), bà chẳng kể gì tới tiền lệ, bất chấp các lời dị nghị, đưa lên ngôi một vị thanh niên nữa, Quang Tự, để bà tiếp tục cầm quyền. Trong một thế hệ, bà thái hậu cương quyết ấy được một số chính trị gia có tài giúp sức như Lí Hồng Chương, giữ cho Trung Quốc được thái bình và tránh được phần nào lòng tham vô độ của Âu, Mĩ. Nhưng Nhật Bản thình lình tấn công Trung Quốc, thắng, sau đó đất đai, chủ quyền lần lần lọt vào tay cường quốc châu Âu, nên tại kinh đô nổi lên một phong trào dân chúng mạnh mẽ muốn noi gương Nhật Bản học hỏi Âu Tây, tổ chức một đạo quân mạnh, xây cất đường xe lửa và các nhà máy, tóm lại là rán đạt được sức mạnh về kĩ nghệ nhờ đó mà Nhật và Âu phú cường lên được. Từ Hi thái hậu và các quan cận thần cực lực chống đối phong trào ấy, nhưng phong trào ngầm lôi cuốn được vua Quang Tự lúc này có đủ quyền hành rồi. Rồi đột nhiên, nhà vua không hỏi ý kiến “Phật Bà” – triều đình gọi thái hậu Từ Hi như vậy – ban hành (1898) một loạt sắc lệnh táo bạo; những sắc lệnh này nếu thực hành được thì Trung Hoa đã yên ổn nhảy được một bước lớn theo con đường Âu hoá, nhà Thanh không bị sụp đổ mà Trung Hoa cũng không bị hỗn loạn, khốn cùng. Ông vua trẻ ấy ra lệnh mở những trường mới để dạy không những tứ thư ngũ kinh mà cả khoa học, văn học và kĩ thuật Âu Tây nữa; ông tính xây cất đường xe lửa, luyện tập quân đội theo lối mới để đương đầu với cơn khủng hoảng lúc này: “bị bọn cường quốc bao vây tứ phía, khôn khéo buộc chúng ta phải nhường cho họ mọi quyền lợi, đè bẹp chúng ta bằng sức mạnh tập trung của họ”. Thái hậu bất bình về những sắc lệnh mà bà cho là táo bạo, cách mạng quá sớm đó, sai nhốt vua Quang Tự vào Doanh Đài [trong hồ Tây Uyển], huỷ bỏ hết các sắc lệnh trên rồi lại nắm hết quyền hành.

Lúc đó có một phong trào phản đối rất mạnh mẽ các tư tưởng Âu Tây mà thái hậu khéo léo lợi dụng ngay. Một đảng lấy tên là Nghĩa Hoà Đoàn – trong sử gọi là “Quyền phỉ” - mới thành lập để lật đổ nhà Thanh, tức lật đổ bà. Họ nghe theo, đòi trục xuất hết bọn ngoại nhân ra khỏi nước, rồi vì cuồng nhiệt ái quốc, họ bắt đầu hạ sát tất cả các tín đồ Ki Tô giáo ở khắp nơi (1900). Liên quân tám nước [Anh, Pháp, Đức, Mĩ, Nhật, Áo, Nga][7] lại tiến về Bắc Kinh, nhưng lần này để bảo vệ sinh mạnh các người Âu trốn trong khu các công sứ quán; Thái hậu cùng hoàng gia và triều đình chạy vô Tây An, và quân đội Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Mĩ tàn phá kinh đô, giết rất nhiều dân chúng, cướp bóc của cải[8]. Liên quân buộc Thanh đình phải bồi thường binh phí 330 triệu Mĩ kim[9], và để đảm bảo số tiền ấy, họ tự cho họ quyền kiểm soát nha thương chính Trung Hoa và nắm độc quyền bán muối. Sau này Mĩ, Anh, Nga, Nhật trả lại Trung Hoa một phần lớn số tiền bồi thường ấy, bằng cách họ cấp học bổng cho một số sinh viên Trung Hoa qua học các đại học của họ. Cử chỉ quảng đại ấy giúp cho Trung Hoa canh tân hơn tất cả các biện pháp trong cuộc xung đột dai dẳng và bi đát giữa Đông và Tây đó.

II. MỘT NỀN VĂN MINH CÁO CHUNG

Các “Sinh viên quĩ bồi thường” – Họ Âu hoá – Vai trò của họ trong việc làm cho Trung Hoa tan rã – Vai trò của các nhà truyền giáo – Tôn Dật Tiên, người theo Ki Tô giáo – Tuổi trẻ phiêu bạt – Muốn gặp Lí Hồng Chương – Dự định làm cách mạng – Cách mạng thành công – Viên Thế Khải – Tôn Dật Tiên mất – Loạn lạc và cướp bóc – Chủ nghĩa cộng sản – Cuộc Bắc phạt – Tưởng Giới Thạch – Người Nhật ở Mãn Châu – Tại Thượng Hải

 

Các sinh viên được bốn nước Mĩ, Anh, Nga, Nhật dùng số tiền Trung Hoa bồi thường để cấp học bổng cho đó với hàng ngàn sinh viên khác bèn xuất dương để tìm hiểu nền văn minh của những kẻ đã thắng họ. Nhiều người qua Anh, một số đông hơn qua Mĩ, Đức hoặc Nhật; mỗi năm tại riêng các đại học Mĩ cũng đã có mấy trăm sinh viên Trung Hoa tốt nghiệp. Họ đương ở các tuổi thanh xuân, tâm hồn dễ cảm, chưa đánh giá được đúng sự thâm thuý của văn hóa truyền thống của họ. Họ thán phục, hăm hở tiếp thu khoa học, lịch sử, các phương pháp cùng các tư tưởng phương Tây, họ kinh dị về sự tiện nghi, vui thích của đời những người chung quanh họ, về sự tự do trong cử động, dáng đi của các dân tộc Âu Mĩ. Họ học triết học phương Tây, hết tin tôn giáo của tổ tiên mà họ muốn chối bỏ, lại được các ông thầy mới khuyến khích, họ chống lại nền văn minh cổ truyền. Mỗi năm có hàng ngàn thanh niên vong bản ấy trở về Trung Hoa; bực mình vì thấy đồng bào mình lạc hậu, họ vung tay gieo rắc tinh thần chỉ trích và cách mạng trong dân chúng. 

Phải nhận rằng hoàn cảnh đã tiếp tay họ. Hai thế hệ tu sĩ truyền giáo và thương nhân từ phương Tây qua đã, có lẽ vô tình, gây các ổ truỵ lạc làm bại hoại phong tục; bọn người da trắng ấy sống đầy đủ tiện nghi khiến cho thanh niên Trung Hoa phải thèm; tuy là thiểu số, nhưng một thiểu số rất hoạt động, họ phá hoại những tin tưởng làm cơ sở cho luân lí cổ Trung Hoa; họ hô hào bỏ sự thờ phụng tổ tiên, và tuy họ giảng một đạo Ki Tô nhân từ, nhưng nếu cần thì họ cũng dùng những đại bác lớn, bắn rất trúng để tự bảo vệ và cho Trung Hoa thấy sức mạnh của họ. Ki Tô giáo thời nguyên thuỷ bênh vực kẻ bị áp bức, bây giờ lại gieo mầm cách mạng trong tâm hồn những người Trung Hoa cải giáo.

Một trong những người cải giáo ấy khai thác một điền sản nhỏ gần Quảng Châu. Năm 1866, nông dân tầm thường ấy sanh Tôn Văn, một người con trai sau làm thế giới điên đảo mà có lẽ vì mỉa mai, thế giới gọi là Tôn Dật Tiên, nghĩa là ông Tiên yên vui[10]. Tôn cuồng tín đạo Ki Tô tới nỗi vẽ bậy lên mặt các ông thần thờ trong một ngôi miếu của làng ông. Một người anh đã lập nghiệp ở quần đảo Hạ Uy Di bảo ông qua Honolulu, cho ông vào nội trú trong một trường của một cố đạo giáo phái Anh để được dạy dỗ hoàn toàn theo Âu Tây. Trở về Trung Hoa, Tôn vô một trường y khoa của người Anh và ông là người Trung Hoa đầu tiên tốt nghiệp ở đấy. Nền giáo dục ấy diệt hết các tín ngưỡng ở ông, mà những sỉ nhục ông và các đồng bào của ông phải chịu trong các sở quan thuế do người Âu kiểm soát, trong các tô giới của người Âu càng làm cho ông phẫn uất, hướng về cách mạng. Thấy Thanh đình tham nhũng, lạc hậu, khiến cho một nước mênh mông phải thua Nhật Bản nhỏ xíu, rồi bị các cường quốc châu Âu chia cắt thành những khu vực ảnh hưởng kinh tế của họ, ông lấy làm nhục nhã, tin rằng muốn giải phóng Trung Hoa thì trước hết phải lật đổ nhà Thanh đã.

Những vận động đầu tiên của ông cho ta thấy ông vừa tự tin, có lí tưởng, vừa ngây thơ. Ông thuê một chiếc tàu, bỏ tiền túi ra đi một ngàn sáu trăm dặm Anh lên phương Bắc, tính yết kiến Lí Hồng Chương lúc đó làm phó nhiếp chính dưới quyền Từ Hi thái hậu, trình với Lí kế hoạch của ông để canh tân Trung Hoa, lập lại uy thế cho Trung Hoa. Không được Lí tiếp, ông bắt đầu một cuộc đời phiêu bạt, lang thang khắp nơi quyên tiền để làm cách mạng. Ông được nhiều hội buôn và hội kín giúp vì họ oán Thanh đình, muốn có một chế độ chính trị chấp nhận cho giới thương gia và kĩ nghệ gia một địa vị xứng với sự giàu có mỗi ngày mỗi tăng của họ. Tôn lại xuất dương, quyên được những số tiền nhỏ của một triệu thợ giặt ủi và một ngàn con buôn Trung Hoa. Ở Londres, công sứ quán Trung Hoa bắt ông một cách trái phép, định còng tay ông giải về Thanh đình, nhưng nhờ sự can thiệp của một nhà truyền giáo, thầy học cũ của ông, chính phủ Anh bắt công sứ quán Trung Hoa phải trả tự do cho ông. Ông lại đi khắp thế giới mười lăm năm nữa, từ thị trấn nọ tới thị trấn kia, quyên được 50 triệu quan Pháp, mà hình như ông không đụng đến một đồng, bao nhiêu tiêu pha, ông chịu lấy hết. Rồi thình lình, trong một cuộc hành trình, ông nhận được tin cho hay rằng lực lượng cách mạng đã làm chủ được Hoa Nam, đương tiến lên phương Bắc; và người ta lựa ông làm Tổng thống lâm thời của nước Cộng hoà Trung Hoa. Vài tuần sau, ông đặt chân lên Hương Cảng, được hoan hô nhiệt liệt, cũng tại nơi đó hai chục năm trước ông bị các công chức Anh làm nhục.

Từ Hi thái hậu mất năm 1908, sau khi thu xếp cho vua Quang Tự chết trước bà một ngày trong chỗ ông bị giam. Và chỉ định Phổ Nghi, một người cháu của Quang Tự, lên nối ngôi bà [tức vua Tuyên Thống]. Phổ Nghi hiện nay làm vua Mãn Châu Quốc [thuộc Nhật][11]. Trong mấy năm cuối cùng của đời bà và trong năm đầu của vua Tuyên Thống bé con, Thanh đình đã ban nhiều cải cách để canh tân Trung Hoa: xây đường xe lửa, bằng vốn ngoại quốc và dưới sự điều khiển của các kĩ sư ngoại quốc, bỏ chế độ thi cử cũ, lập một chế độ giáo dục mới, triệu tập một Quốc hội cho năm 1910, và định một chương trình chín năm để tiến lần lần đến chế độ quân chủ lập hiến, và sau cùng tới chế độ phổ thông đầu phiếu tuỳ theo những tiến bộ của giáo dục. Sắc lệnh ban bố chương trình ấy ghi thêm câu này: “Những cải cách ấy, thực hiện vội vàng quá thì rốt cuộc chỉ sẽ phí sức thôi”. Nhưng không thể dùng lối thú nhận của một triều đại đã kiệt sức rồi ấy mà ngăn chặn được bước tiến của cách mạng. Ngày 12 tháng hai năm 1912, ông vua trẻ tuổi bị các cuộc nổi loạn bao vây tứ phía, mà không có một đạo quân nào bảo vệ mình, đành phải thoái vị, còn thái hậu nhiếp chính, ban một bài chiếu lạ lùng nhất trong lịch sử Trung Quốc:

“Ngày nay toàn dân hướng về chính thể Cộng hoà… Ý Trời và lòng dân đã hiển nhiên. Làm sao ta có thể cưỡng lại nguyện vọng của hàng triệu dân để cố cứu vãn vinh quang và danh dự của một gia đình? Cho nên ta cùng với Hoàng thượng quyết định rằng từ nay chính thể của Trung Quốc là chính thể Cộng hoà lập hiến để thoả lòng trông mong của trăm họ, và hợp với nghĩa “Thiên hạ là của công” của thánh hiền đời trước”[12]. 

Các nhà cách mạng tỏ ra đại độ với Phổ Nghi, không giết, lại còn tặng một dinh thự ở thôn quê, cấp cho một số tiền kha khá và một người thiếp… Người Mãn Châu khi tới thì như sư tử mà khi đi thì như cừu non.

Chính thể cộng hoà sanh trong cảnh bình an, sau đó mới chịu những dông tố dữ dội. Một nhà ngoại giao lối cổ, Viên Thế Khải, có một đạo quân mạnh đủ để bẻ gãy cuộc cách mạng. Viên buộc phải cho ông làm Tổng thống thì mới chịu hợp tác, và Tôn Dật Tiên vừa mới cầm quyền thì đã phải nhượng bộ, đường hoàng rút lui. Viên được nhiều nhóm lí tài mạnh mẽ, Trung Hoa và ngoại quốc, ủng hộ, muốn lên ngôi hoàng đế, sáng lập một triều đại mới, lấy lẽ rằng có vậy mới tránh cho quốc gia khỏi chia vụn ra từng mảnh. Tôn Dật Tiên tố cáo ông ta là phản dân, hô hào các đồng chí lại tiếp tục làm cách mạng trở lại, nhưng đảng ông chưa kịp ra tay thì Viên đau rồi chết.

Từ đó Trung Hoa bị chia rẽ, loạn lạc. Tôn Dật Tiên có tài hùng biện nhưng trị nước thì tầm thường, không nắm được quyền hành trong tay, không dẹp được nội loạn. Ông thường thay đổi chủ trương, có vẻ theo cộng sản để được tình cảm của giới trung lưu, rồi rút về Quảng Châu tuyên truyền chủ trương của ông trong đám thanh niên tiểu tư sản[13]. Trung Hoa không còn một chính quyền được mọi người thừa nhận nữa, thành thử mất sự liên kết, thống nhất thời quân chủ; dân chúng mất thói quen theo truyền thống, tuân luật pháp. Hình thức ái quốc mới không mạnh bằng tình gắn bó trước kia với mỗi miền, làm cho Trung Hoa yếu đi, nội chiến nổi lên liên tiếp giữa phương Bắc và phương Nam, giữa tỉnh này với tỉnh bên cạnh, giữa kẻ nghèo và người giàu, giữa già và trẻ. Bọn đầu cơ tổ chức quân đội, chiếm những tỉnh hẻo lánh, thu thuế[14], đem quân chiếm các tỉnh bên cạnh để mở mang khu vực. Ông tướng này đi, ông tướng khác tới, ông nào cũng bóc lột, nên thương mại và kĩ nghệ suy sụp; các bọn cướp bắt dân chúng “đóng góp”, không thì bị giết, không một tổ chức chính trị nào trừng trị chúng được. Để khỏi chết đói, dân chúng phải đi lính cho các ông tướng, hoặc ăn cắp, phá phách nhà cửa, ruộng vườn kẻ khác, và những kẻ này, cũng vì lí do đó, lại phải đi lính hoặc ăn cắp của kẻ khác nữa. Những gia đình siêng năng để dành suốt đời được bao nhiêu, hoặc trong năm để dành được bao nhiêu thực phẩm, thì một ông tướng hoặc một đoàn ăn cắp tới vét sạch. Chỉ riêng tỉnh Hà Nam, năm 1931, có tới 400.000 tên cướp.

Giữa lúc Trung Hoa đương cực kì hỗn loạn (1922), Nga phái qua hai nhà ngoại giao có tài nhất, Karakhan và Joffe, để thuyết phục Trung Hoa theo cộng sản. Karakhan “chuẩn bị khu đất”, tuyên bố từ bỏ pháp quyền trị ngoại [nghĩa là từ nay người Nga ở Trung Hoa phải theo luật Trung Hoa, do toà án Trung Hoa xử] mà các hiệp ước trước kia đã cho Nga được hưởng, và kí một hiệp ước mới thừa nhận chính phủ cách mạng có chủ quyền về lãnh thổ và cai trị ở Trung Hoa. Còn Joffe, tế nhị, lanh lợi, thì chẳng khó nhọc gì cũng thuyết phục được Tôn Trung Sơn theo cộng sản vì ngoài Nga ra, có nước nào tiếp ông đâu. Trong một thời gian cực ngắn, nhờ bảy chục sĩ quan Nga giúp sức, một đạo tân binh được thành lập và huấn luyện. Do một thư kí cũ của Tôn tên là Tưởng Giới Thạch chỉ huy, dưới sự hướng dẫn của một cố vấn Nga, Michel Borodine, đạo quân ấy xuất phát từ Quảng Châu, trực chỉ Hoa Bắc, chiếm hết thị trấn này tới thị trấn khác rồi vô Bắc Kinh[15]. Thắng trận rồi thì nội bộ chia rẽ: Tưởng Giới Thạch đàn áp phong trào cộng sản, lập một chế độ quân phiệt chuyên chính với một tinh thần thực tế tới nỗi đặt ngay chế độ ấy dưới quyền một bọn doanh nghiệp và lí tài.

Một dân tộc cũng như một cá nhân, khó mà không thấy vui thích trước những đau khổ của láng giềng. Tôn Dật Tiên tưởng Nhật Bản phải là một nước bạn và đồng minh với Trung Hoa để chống lại Tây phương, mà chính Nhật Bản đã gián tiếp khuyến khích Trung Hoa làm cách mạng vì Trung Hoa đã bắt chước Nhật khi thấy Nhật thành công trong việc Âu hoá từ kĩ nghệ, ngoại giao tới võ bị; nhưng Tôn đã lầm: Nhật cho sự hỗn loạn, suy nhược của Trung Hoa là một cơ hội tốt để giải quyết những khó khăn của mình do sự Âu hoá gây ra. Vì một mặt không thể giảm bớt sinh suất đi được (lính đâu để bảo vệ quốc gia khi bị tấn công?); mặt khác, không thể nuôi một số dân mỗi ngày một đông, nếu không phát triển kĩ nghệ và thương mại; sau cùng không thể tiến bộ về kinh tế được nếu không nhập cảng sắt, than và nguyên liệu khác mà trong nước thiếu, và không hi vọng gì phát triển thương mại được nếu không chiếm một phần lớn thị trường cuối cùng mà các thực dân Âu Tây chưa chiếm. Mà người ta ngờ rằng Trung Hoa có nhiều sắt, nhiều than; nó lại là thị trường lớn nhất thế giới ở ngay cửa ngõ Nhật Bản. Có nước nào ở trong cái thế hoặc là trở về nền kinh tế nông nghiệp, chịu cảnh nghèo khổ, hoặc là xông vào con đường đế quốc kĩ nghệ, phát triển kinh tế, mà lại không thừa dịp các cường quốc châu Âu đương chém giết nhau trên đất Pháp để bóc lột một nước Trung Hoa đã ngã quị?

Thế là Nhật ngay từ đầu Đại chiến 1914-1918 đứng vào hàng ngũ đồng minh, chiếm ngay tô tá địa Giao Châu mà Trung Hoa đã nhường cho Đức mười sáu năm trước. Rồi Nhật đưa ra “hai mươi mốt điều yêu cầu”, bắt chính phủ Viên Thế Khải phải chấp thuận, và một khi chấp thuận thì Trung Hoa thành thuộc địa của Nhật cả về chính trị lẫn kinh tế. Chỉ nhờ sự phản đối của Mĩ và phong trào tẩy chay mạnh mẽ hàng hoá Nhật do sinh viên Trung Hoa phát động, mà kế hoạch ấy không thực hiện được. Sinh viên khóc ở ngoài đường hoặc tự tử để tỏ nỗi uất hận vì quốc sỉ. Còn người Nhật chỉ thản nhiên mỉm cười trước thái độ bất bình của châu Âu mà họ cho là đáng ngờ vì chính châu Âu đã gậm nhấm Trung Hoa trong một nửa thế kỉ; và họ đợi một cơ hội khác để ra tay. Cơ hội này tới khi kinh tế Âu Mĩ suy sụp vì kĩ nghệ phát triển mạnh quá, sản phẩm không tiêu thụ hết trong nước, phải tuỳ thuộc thị trường ngoại quốc. Lúc đó Nhật chiếm ngay Mãn Châu, đưa vua cuối cùng của Trung Hoa là Phổ Nghi lên làm Tổng thống, rồi hoàng đế Mãn Châu, để dùng chính trị, võ bị và kinh tế mà khai thác các tài nguyên thiên nhiên của Mãn Châu, cả sức lao động cùng khả năng tiêu thụ của dân Mãn Châu nữa. Châu Âu bóc lột thế giới đã no nê rồi, đề nghị “ngưng” cướp bóc, liên kết với Mĩ, phản đối hành động đó của Nhật một cách yếu ớt, mà trong lòng thì sẵn sàng chấp nhận một khi sự đã rồi.

Trung Quốc sau đó phải chịu quốc sỉ cuối cùng ở Thượng Hải. Lo ngại vì phong trào tẩy chay hàng hoá bành trướng ở Trung Hoa, Nhật đem những quân đội vô địch đổ bộ lên Thượng Hải, thương khẩu giàu nhất của Trung Hoa, chiếm Chapei và buộc chính phủ Trung Hoa phải diệt các tổ chức tẩy chay hàng Nhật. Trung Hoa chống cự anh dũng, và một đạo quân từ Quảng Châu lên, mặc dầu thiếu tướng giỏi chỉ huy, thiếu quân nhu, binh lương, ngăn chặn được quân Nhật hai tháng[16]. Chính phủ Nam Kinh tìm cách thoả hiệp; Nhật rút ra khỏi Thượng Hải, và Trung Hoa vừa băng bó vết thương, vừa đặt cơ sở cho một nền văn minh mới, mạnh mẽ hơn, để có thể ít nhất là tự vệ được trong một thế giới đầy thú rừng.


[1] Tác giả câu này, Latourette, không rõ thời nào, gọi phương Đông chúng ta là phương Tây có lẽ vì những người Bồ Đào Nha đầu tiên đã đi về phương Tây, vượt Đại Tây Dương, Thái Bình Dương mà tìm ra Phi Luật Tân, Mã Lai, Ấn Độ. (ND).

[2] Bản tiếng Anh: Chinkiang tức Trấn Giang 鎮江. Chắc sách in lầm thành Chấn Giang. .

[3] Có sách chép là vào tới hải khẩu Thiên Tân. (ND).

[4] Ông ta tự xưng là con Đức Chúa Trời, em chúa Ki Tô. (ND).

[5] Tức là họ đòi được quyền lãnh sự tài phán. (ND).

[6] Có sách chép là 200 triệu lạng bạc. (ND).

[7] Bảo là tám nước nhưng nêu tên có bảy nước. Theo Wikipedia thì “liên quân tám nước” gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Đế quốc Áo-Hung. Bản tiếng Anh không nói là mấy nước, nhưng nêu tên sáu nước, không có Áo, Hung: “the troops of England, France, Russia, Germany, Japan and the United States” .

[8] Đại uý Brinkley viết: “Người Da trắng nào cũng kinh hoàng ghê tởm khi hay tin bốn chục phụ nữ truyền giáo và hai mươi trẻ em bị bọn Quyền phỉ giết. Nhưng riêng ở T’ungchow, người Trung Hoa không hề chống cự, hai bên cũng không đánh nhau nữa, mà năm trăm sáu mươi ba phụ nữ Trung Hoa trong giới quí phái đã phải tự tử vì bị quân ngoại quốc làm nhục”.

[9] Sử Trung Hoa chép lại 450 triệu lạng bạc. (ND).

[10] Durant lầm: Dật Tiên là tên tự của Tôn Văn (tên hiệu là Trung Sơn), không do thế giới hoặc xã hội đặt cho ông mà do ông tự chọn. (ND).

[11] Cuốn này viết thế chiến thứ nhì. Phổ Nghi hiện nay (1974) làm một thường dân, coi sóc vườn tược ở Bắc Kinh. (ND).

[12] Tuyên Thống cũng xuống chiếu thoái vị, lời lẽ gần y hệt: “Chính thể của nước một ngày không định thì nhân dân một ngày không yên. Nay đem quyền thống trị làm việc công cho dân toàn quốc, định làm chính thể Cộng hoà lập hiến để gần thì thoả lòng “trừng trị phản loạn” của trăm họ, xa thì hợp với nghĩa “thiên hạ là của công” của thánh hiền đời trước”. (Trung Quốc sử lược – Phan Khoang – in lần thứ ba – 1958). Nên so sánh với lời chiếu thoái vị của Bảo Đại năm 1945. (ND).

[13] Ông mất ở Bắc Kinh năm 1925, đúng vào lúc lợi cho phe bào thủ, tức phe chống đối ông.

[14] Có ông tướng thu thuế trước năm chục năm. (ND).

[15] Từ đó kinh đô Bắc Kinh đổi tên là Bắc Bình (nghĩa là bình định được miền Bắc). Đồng thời chính phủ quốc gia muốn ở gần Thượng Hải, nơi có những nguồn tài chính mênh mông, nên đóng đô ở Nam Kinh [nhưng từ khi Cộng sản thắng – 1949 – Bắc Bình lại đổi lại tên cũ: Bắc Kinh].

[16] Sử gọi vụ đó là Nhất nhị bát sự biến (ngày 28 tháng giêng năm Dân quốc thứ 21 – 1932), Trung Hoa như Anh, ghi tháng trước rồi ngày sau. (ND)

CHƯƠNG V (2)

III. BẮT ĐẦU MỘT TRẬT TỰ MỚI

Sự thay đổi ở làng mạc - Ở tỉnh thành – Nhà máy – Thương mại – Nghiệp đoàn công nhân – Tiền lương – Tổ chức chính quyền mới – Chủ nghĩa quốc gia và sự Âu hoá – Hạ bệ Khổng tử - Chống tôn giáo – Luân lí mới – Sự tiến triển của hôn nhân – Hạn chế sinh dục – Văn hoá mới – Hồ Thích – Yếu tố phá hoại – Yếu tố hồi sinh

 

Trước kia cái gì cũng thay đổi không ngừng, trừ phương Đông, ngày nay cái gì cũng thay đổi ở phương Đông. Dân tộc thủ cựu nhất trong lịch sử bỗng nhiên trở thành dân tộc cấp tiến nhất sau Nga, và phá huỷ hoàn toàn những chế độ, tục lệ xưa cho là bất di bất dịch. Không phải chỉ là sự cáo chung của một triều đại như năm 1644 [nhà Thanh thay nhà Minh], mà là sự biến đổi của cả một nền văn minh.

Thường thường thôn quê biến đổi sau hơn cả và ít nhất; ruộng đất không thích hợp với những sự canh tân mau lẹ mà các thế hệ mới cũng phải cày cấy rồi mới gặt được. Nhưng gần 12.000 cây số đường xe lửa chạy ngang dọc trên các cánh đồng, và mặc dầu mười năm bị bỏ bê, không được sửa chữa, lại thường bị nhà binh trưng dụng, những đường xe lửa ấy vẫn nối các làng mạc xa xôi với bờ biển và mỗi ngày trút vào nông thôn tất cả các sản phẩm tạp nhạp xấu xí của châu Âu. Ngày nay, khắp cõi Trung Hoa, đâu đâu người ta cũng thấy dầu lửa, đèn dầu lửa, hộp quẹt, thuốc lá, cả bột Mĩ nữa vì các phương tiện vận chuyển ở Trung Hoa còn kém quá, nên tại các thị trấn ở bờ biển mua một số sản phẩm của Mĩ, Úc còn lợi hơn là chở từ trong nội địa ra. Ai cũng biết rằng sự phát triển kinh tế tuỳ thuộc sự tiến bộ về phương tiện chuyên chở. Cho nên người Trung Hoa đã làm trên 30.000 cây số đường sá còn lầy lội hoặc bụi bặm, trên đó sáu ngàn chiếc xe “ca” chạy không đúng giờ - ở phương Đông đâu đâu cũng vậy – nhưng lúc nào cũng đầy nhóc hành khách và hàng hoá. Máy nổ nối làng nọ với làng kia đã thực hiện được một trong số những sự thay đổi lớn nhất ở Trung Hoa: làm cho mất nạn đói kém.

Tại thị trấn, các tư tưởng Âu Tây còn truyền bá mau hơn nữa. Sản phẩm ngoại quốc chế tạo bằng máy nên rẻ hơn, cạnh tranh mạnh với đồ nội địa, và các tiểu công nghệ phải dẹp lần lần, hàng triệu thợ thủ công nghệ phải đi làm cho các nhà máy mà người ngoại quốc và người Trung Hoa xây cất trong các thị trấn trên bờ biển. Tiếng khung dệt bằng tay thỉnh thoảng còn được nghe thấy ở thôn quê, ở thị trấn bặt hẳn; đồ vải nhập cảng tràn ngập khắp nước; người Trung Hoa nghèo đói phải chịu làm nô lệ trong các nhà máy dệt. Các lò luyện sắt mọc lên ở Hàng Châu, coi xấu xí, đáng ghét như ở phương Tây. Các xưởng chế đồ hộp, làm bánh bích-qui, các nhà máy xi măng, xưởng đóng giày, xưởng chế tạo sản phẩm hóa học, nhà nấu rượu, nhà gây rượu la-ve, nhà máy điện, các xưởng chế tạo thuỷ tinh, làm giấy, làm xà bông, làm nến, làm đường bây giờ mọc lên ở khắp nơi, biến người thợ thủ công làm việc ở nhà thành thợ nhà máy. Nhưng sự phát triển kĩ nghệ hơi chậm vì các nhà tư bản ngoại quốc ngại các cuộc cách mạng, các hỗn loạn xã hội, nối tiếp nhau hoài; lại thêm mỗi việc chuyên chở vừa khó khăn, vừa đắt tiền; các nguyên liệu kiếm được tại chỗ không luôn luôn thích hợp với nhu cầu chế tạo; mà người Trung Hoa lại có thói quen khả ái này là đặt tình gia tộc lên trên cả, đưa bà con họ hàng vô làm trong xưởng, trong phòng giấy, mà bọn đó thường không đủ năng lực. Sau cùng, thương mại bị tê liệt vì các thứ thuế nội địa, thuế đoan, và tục hối lộ, tham nhũng; mặc dầu vậy thương mại vẫn phát triển mau hơn kĩ nghệ và hiện nay đóng một vai trò cốt yếu trong sự biến đổi nền kinh tế Trung Hoa[1].

Kĩ nghệ mới đã tiêu diệt các phường và gây sự xáo trộn trong các tương quan giữa chủ và người làm công. Xưa kia phường định số lượng và giá cả sau khi có sự thoả thuận giữa chủ và thợ, mà không ai sợ có sự cạnh tranh trong miền; nhưng từ khi sự chuyên chở tiện lợi hơn, thương mại phát triển hơn, mà đâu đâu các hoá phẩm trong miền cũng bị đồ ngoại hoá cạnh tranh thì không thể kiểm soát giá cả, qui định tiền lương được nữa nếu không chịu phục tòng các nhà tư bản và các hãng cạnh tranh ngoại quốc. Các phường do đó suy sụp, và bị thay thế bằng các phòng thương mại và các nghiệp đoàn công nhân. Phòng thương mại viện ra những qui tắc trật tự, trung tín, kinh tế tự do, còn nghiệp đoàn thì viện lẽ đói. Các vụ đình công và tẩy chay ngoại hoá thường xảy ra nhưng những phong trào ấy bắt ngoại nhân phải nhượng bộ chính quyền Trung Hoa hơn là phải tăng lương cho thợ. Năm 1928, Sở Xã hội Trung Hoa ở Thượng Hải tính rằng tiền công trung bình mỗi tuần của thợ dệt vào khoảng từ 26 tới 42 quan Pháp (cũ) đối với đàn ông và từ 17 tới 27 quan đối với đàn bà. Trong các xưởng xay bột đàn ông lãnh 29 quan mỗi tuần; trong xưởng xi măng, họ lãnh 26 quan; nhà máy thuỷ tinh: 27,6 quan; nhà máy làm hộp quẹt: 32 quan; thợ giỏi lãnh 47 quan trong các nhà máy điện, 49 quan trong các xưởng chế tạo máy công cụ; thợ in: 68 quan. Thợ in ăn lương cao nhất vì họ có tổ chức chặt chẽ hơn và cũng vì khó kiếm được người thay họ. Các nghiệp đoàn đầu tiên được thành lập năm 1919; từ đó phát triển nhanh chóng và sứ mạnh tăng lên tới nỗi, thời Borodine[2], thợ thuyền đã tính nắm chính quyền; nhưng sau khi tuyệt giao với Nga, Tưởng Giới Thạch đàn áp họ tàn nhẫn. Ngày nay có những luật nghiêm khắc cấm đoán, nhưng nghiệp đoàn vẫn tăng lên, vì thợ thuyền không còn cách nào khác để chống một chế độ kĩ nghệ đặt ra hết qui chế nọ đến qui chế kia mà không áp dụng nổi. Ở các thị trấn, thợ thuyền làm việc mười hai giờ mỗi ngày mà lương chỉ vừa đủ sống, nếu thất nghiệp thì chết đói; tình cảnh họ còn khốn khổ hơn nông dân hồi xưa nhiều, vì nông dân khỏi phải thấy đời sống xa hoa của người khác và coi thân phận mình là bình thường, từ thời nào tới giờ vẫn vậy.

Có lẽ rằng vài tệ hại trong xã hội ấy có thể tránh được nếu sự chuyển biến về chính trị không mạnh quá, mau quá. Giới quí phái làm quan, mặc dầu mất nhiều uy quyền rồi, bị khinh vì tham nhũng, vẫn có thể kìm chế những lực lượng kĩ nghệ cho tới khi chúng có thể thích nghi với phong tục Trung Hoa mà không gây rối, không gây ra cảnh nô lệ; cứ tuần tự phát triển thì kĩ nghệ có thể đào tạo một giai cấp mới ôn hoà lên cầm quyền mà không đổ máu, như các nhà công nghệ Anh thời trước đã lần lần thay thế giới quí tộc điền chủ cũ. Nhưng ở Trung Hoa, chính quyền mới thiếu cả quân đội, tiền bạc lẫn nhà lãnh đạo có kinh nghiệm. Quốc Dân Đảng thành lập để giải phóng quốc gia, phải cố gắng tồn tại mặc dầu bị bọn tư bản Trung Hoa và ngoại quốc tìm cách chế ngự; được hoài thai theo những qui tắc dân chủ, được làm tẩy lễ bằng máu cộng sản, Quốc Dân Đảng bị bọn chủ ngân hàng ở Thượng Hải chi phối, bỏ dân chủ để dùng chính sách độc tài, tìm mọi cách tiêu diệt các nghiệp đoàn[3]. Vì đảng đứng vững được nhờ quân đội, quân đội lại phải tựa vào tiền bạc, mà muốn có tiền thì phải vay; quân đội mà không đủ mạnh để chiếm hết Trung Hoa thì chính quyền không thể thu thuế, không thu thuế được thì bắt buộc phải tuân lời những kẻ đã bỏ tiền ra. Mặc dầu gặp nỗi khó khăn ấy, người ta cũng đã thực hiện được nhiều điều. Trung Hoa đã giành lại được quyền kiểm soát thuế suất và kĩ nghệ (trừ vấn đề đầu tư); đã thành lập, huấn luyện và cung cấp quân nhu cho một đạo quân sau này có thể dùng để diệt những kẻ thù ngoại quốc; quyền uy của chính phủ mỗi ngày một lan rộng, còn khu vực bị bọn ăn cướp làm tê liệt kinh tế thì mỗi ngày một thu hẹp lại. Chỉ một ngày là làm xong một cuộc cách mạng, nhưng phải cả một thế hệ để tạo nên một chính quyền thực sự với một nền hành chánh hữu hiệu.

Trung Hoa lúc này sở dĩ thiếu thống nhất là do những mâu thuẫn trong tâm hồn con người. Họ oán ghét người ngoại quốc không gì bằng, mà về chính trị, họ lại bắt chước ngoại quốc. Họ biết rõ rằng thực ra Tây phương không đáng cho họ trọng như vậy, nhưng vì tinh thần thời đại; vì phong trào tư tưởng trên thế giới, họ bắt buộc phải bắt chước phương Tây: các quốc gia bấy giờ một là phải kĩ nghệ hoá, hai là mất chủ quyền, chứ không còn đường nào khác. Vì vậy mà ở miền Đông, người Trung Hoa đã Âu hoá nhiều; từ đồng quê ra làm trong các xưởng ở thị trấn, bỏ áo dài mặc quần hẹp, bỏ các điệu nhạc bình dị du dương thời xưa mà dùng thứ nhạc ồn ào hơn chơi bằng kèn đồng (saxophone) của phương Tây, bỏ lối thẩm mĩ cổ truyền về y phục, đồ đạc trong nhà hay nghệ thuật mà treo những bức tranh của châu Âu, đóng những bàn giấy theo kiểu Mĩ xấu nhất. Đàn bà bỏ tục bó chân từ Bắc tới Nam – nghĩa là theo chiều dài, từ ngón chân tới gót – mà lại ép chân theo lối Âu từ Đông qua Tây – nghĩa là theo chiều ngang bàn chân. Triết gia bỏ học thuyết duy lí nhã nhặn, kín đáo của Khổng tử, mà hăng hái không kém các người thời Phục Hưng ở châu Âu, theo học thuyết duy lí hung hăng của Nga, Anh, Đức, Pháp, Mĩ.

Thực ra, sự hạ bệ Khổng tử làm cho chúng ta nhớ lại thời Phục Hưng hoặc thế kỉ XVIII; người ta chẳng những bài xích vị Aristote của Trung Hoa đó mà còn chối bỏ luôn cả các thần thánh của nòi giống. Trong một thời gian, chính quyền ngược đãi đạo Phật và các tăng hội; các nhà cách mạng Trung Hoa cũng như các nhà cách mạng Pháp trước kia tỏ rõ thái độ tự do tư tưởng, có ác cảm với tôn giáo, chỉ thờ lí trí thôi. Đạo Khổng bao dung các tín ngưỡng trong dân chúng, có lẽ cho rằng hễ còn kẻ nghèo khổ thì còn thần thánh; nhưng cách mạng tin chắc có thể diệt sự nghèo khó được, nên không cần đến thần thánh. Đạo Khổng cho rằng trong xã hội nông nghiệp, tổ chức gia đình và luân lí đạo Khổng cần thiết để giữ trật tự và sự an phận cho dân chúng; cách mạng tin ở kĩ nghệ nên phải có một luân lí mới hợp với đời sống thành thị và với chủ nghĩa cá nhân. Đạo Khổng đã đứng vững được lâu vì ai muốn làm quan hay dạy học đều phải chấp nhận học thuyết đó; nhưng nay chế độ khoa cử đã bãi bỏ, trong trường người ta không dạy luân lí, triết lí chính trị nữa mà dạy khoa học, và con người ngày nay không được đào tạo để làm quan nữa mà để làm trong kĩ nghệ. Đạo Khổng bảo thủ, dung hoà được sự hăng hái của tuổi trẻ và sự thận trọng của tuổi già, cách mạng chỉ biết có tuổi trẻ, và mỉm cười trước lời khuyên này của Khổng tử: “Người nào cho những đê cũ là vô ích và phá bỏ đi thì một ngày kia sẽ bị tai hại của nạn lụt lội”[4].

Cách mạng dĩ nhiên đã bỏ quốc giáo, không còn tế trời tế đất nữa. Sự thờ phụng tổ tiên còn được giữ nhưng mỗi ngày một thục lùi; đàn ông giao cho đàn bà việc cúng vái, nhang đèn mà hồi xưa họ coi đàn bà là ô trọc không đáng được làm. Một nửa các nhà thủ lãnh cách mạng đã theo học các trường Ki Tô giáo, nhưng mặc dầu Tưởng Giới Thạch theo Giáo lí hội ở Anh, cách mạng không tin ở siêu nhiên, sách học ở trường rõ ràng có khuynh hướng vô thần. Chủ nghĩa quốc gia thành một thứ tôn giáo mới cũng đóng vai trò như chủ nghĩa cộng sản ở Nga. Nhưng nó không thoả mãn được mọi người và nhiều người trong giai cấp thợ thuyền cầu cơ hay chiêu hồn để đời sống lao động hàng ngày đỡ buồn; còn nông dân thì tìm chút bóng mát trong các điện cũ để có niềm an ủi mà nhẹ bớt gánh khổ của họ đi.

Không được chính quyền, tôn giáo và tổ chức kinh tế giúp sức, nâng đỡ nữa, luân lí cổ truyền mới thế hệ trước còn có vẻ bất di bất dịch thì bây giờ đã tan rã theo một tốc độ mỗi ngày mỗi tăng. Sau khi bị kĩ nghệ xâm chiếm, Trung Hoa mới đây bị một sự thay đổi lớn nhất, là sự huỷ diệt của chế độ đại gia đình, nó nhường chỗ cho cá nhân chủ nghĩa. Cá nhân hoá ra hoàn toàn tự do nhưng cô độc. Đạo Hiếu, nền tảng của chế độ cũ, bây giờ theo lí thuyết, được thay bằng đạo Trung với quốc gia, nhưng đạo mới này chưa được thực hành, thành thử xã hội mới thiếu hẳn căn bản đạo đức. Canh nông có lợi cho chế độ đại gia đình vì trước khi có máy móc thì cách làm ruộng ít tốn kém nhất là một nhóm người ruột thịt với nhau cùng làm việc dưới quyền gia chủ; kĩ nghệ làm tan rã gia đình vì nó tuyển dụng và trả công cho cá nhân chứ không cho nhóm, nó tuyển người ở mọi nơi chứ không cùng trong một nơi, nó không lấy tiền công của người mạnh để giúp đỡ người yếu[5]; sau cùng chế độ cộng sản tự nhiên trong gia đình không được nâng đỡ trong sự cạnh tranh mỗi ngày một gay go thêm giữa kĩ nghệ và tiểu công nghệ. Thế hệ trẻ bao giờ cũng muốn thoát li uy quyền của thế hệ già, thích đời sống tự do, không ai biết đến mình, ở các thị trấn, và thích làm việc để riêng mình hưởng. Có thể rằng quyền chuyên chế của người cha trong xã hội cũ đã giúp cho cách mạng mau phát sinh: chính vì họ chuyên chế quá, nên bọn “tân tiến” mới phản ứng lại mạnh mẽ quá mức. Vậy là Trung Hoa đã tự chặt hết rễ của nó và không ai biết được rồi đây nó có kịp thời đâm ra được những rễ mới để cứu vãn văn hóa của nó không.

Uy quyền của gia đình không còn thì hình thức cổ của hôn nhân cũng mất theo. Đa số các cuộc hôn nhân hiện nay còn do cha mẹ quyết định, nhưng trong các thị trấn, ngày càng có nhiều thanh niên tự chọn lấy bạn trăm năm. Họ tự cho là tự do, chẳng những muốn cưới ai thì cưới, mà còn làm những thí nghiệm [sống chung] khiến cho ngay Âu và Mĩ cũng phải thấy chướng. Nietzsche trước kia tán thành thái độ của châu Á đối với phụ nữ, cho rằng chính vì họ lệ thuộc đàn ông nên họ mới được ưu tiên [?]; nhưng ngày nay châu Á noi gương châu Âu chứ không theo Nietzsche. Chế độ đa thê suy vì bị người vợ tân thời chống đối. Hãy còn ít cuộc li dị, nhưng con đường đưa tới li dị ngày càng được mở rộng[6]. Trong các trường Đại học, trai gái học chung với nhau, và trong các thị trấn, trai gái làm chung với nhau, giao thiệp với nhau. Phụ nữ đã lập trường Luật khoa, Y khoa cho nữ sinh. Họ mở cả một ngân hàng nữa. Phụ nữ nào ở trong Đảng thì được hưởng mọi quyền chính trị, có người được giao cho những chức vụ lớn nhất trong Đảng và trong chính quyền. Họ không còn giết con khi không muốn nuôi nữa, và họ bắt đầu hạn chế sinh dục[7]. Từ khi có cách mạng đến nay, dân số không tăng lên mấy, có thể nó bắt đầu giảm nữa[8].

Vậy mà hiện nay mỗi ngày cũng sanh thêm năm vạn trẻ em Trung Hoa. Chúng lớn lên sẽ hoàn toàn mới, từ y phục, tóc, tới giáo dục, nghề nghiệp, cử chỉ ngôn ngữ, tôn giáo, triết lí. Cái duôi sam đã bỏ rồi, sự lễ độ tế nhị thời xưa cũng mất theo; tính tình cứng lại vì cách mạng đã gây lòng căm thù trong lòng người và không tha bọn thủ cựu. Do sự phát triển kĩ nghệ mà đức thản nhiên thời xưa đã mất, nét mặt hơi thô đó giấu một tâm hồn dễ nóng nảy. Xưa vì trải qua bao nhiêu thế kỉ chiến tranh mà người Trung Hoa hoá ra yêu hoà bình; bây giờ bị tủi nhục, vì non sông bị qua phân, họ hoá ra hiếu chiến; trong trường hợp nào người ta cũng chú trọng tới sự đào tạo thanh niên thành chiến sĩ và hạng tướng lãnh bây giờ lại được trọng vọng.

Giáo dục đã bị xáo trộn hoàn toàn. Người ta liệng Khổng giáo qua cửa sổ, đem khoa học thay vào. Việc đó đâu có cần thiết vì đạo Khổng có thể dung hoà với khoa học, nhưng trong lịch sử vấn đề tâm lí bao giờ cũng thắng “lô-gích”. Ai cũng thích học toán và kĩ thuật vì những môn đó giúp người ta chế tạo được máy móc, máy móc lại tạo ra phú cường và đại bác, mà có đại bác thì mới bảo vệ được nền độc lập. Y khoa đương tiến bộ phần lớn nhờ tiền trợ cấp rộng rãi của ông Rockefeller[9]. Mặc dầu Trung Hoa thực sự nghèo thêm, nhưng trường học mọc thêm rất mau, trung học và cả đại học; nước Trung Hoa trẻ trung ngày nay hi vọng chẳng bao lâu nữa trẻ nào cũng được đi học và sự học tiến bộ thì tinh thần dân chủ cũng tiến.

Một cuộc cách mạng tựa như phong trào Phục Hưng ở châu Âu thế kỉ XVI, đã xảy ra trong văn học và triết học Trung Hoa. Xưa các sách viết tay của Hi Lạp đã ảnh hưởng tới tâm hồn người Ý ra sao thì bây giờ các sách phương Tây cũng đượm nhuần tâm hồn người Trung Hoa như vậy. Ý, thời Phục Hưng, bỏ tiếng La Tinh mà viết bằng tiếng Ý thông thường, thì người Trung Hoa nhờ một bộ óc thông minh, Hồ Thích, cũng thử làm cho tiếng “quan hoả” – một thổ ngữ ở Bắc Kinh – thành một ngôn ngữ văn chương, tiếng “quan hoả” ấy là một “bạch thoại” mà dân chúng có thể học dễ dàng vì chỉ có một ngàn chữ, chứ không phải bốn vạn chữ như cổ văn[10]. Hồ Thích đã nêu gương, viết một cuốn Trung Quốc Triết học sử đại cương (1919) bằng bạch thoại. Phong trào ông hùng tâm phát động đã thành công: năm trăm tờ báo định kì đã dùng tiếng bạch thoại và tiếng này sau đã chính thức được dạy trong các trường công. Nhờ vậy tiếng “quan hoả” được truyền bá mau chóng ở khắp nước và có thể trước cuối thế kỉ này, Trung Hoa thống nhất được ngôn ngữ, văn hóa.

Dân chúng hăng hái viết bằng bạch thoại, nên văn học phát triển mạnh mẽ. Tiểu thuyết, thơ, tuồng, nghiên cứu về sử, môn nào cũng có nhiều tác phẩm; nhật báo và báo định kì tràn ngập trong nước. Người ta dịch một loạt rất nhiều sách phương Tây; tâm hồn màu sắc và giản dị của người Trung Hoa mê những phim Mĩ mà một người đứng bên màn ảnh dịch ra, giảng qua loa cho khán giả hiểu. Triết gia lại nghiên cứu các “tà giáo” thời xưa, giảng theo quan niệm mới cho các độc giả lớp mới; tinh thần cải cách, canh tân ấy khiến chúng ta nghĩ tới các nhà tư tưởng Âu châu thế kỉ XVI. Ý xưa kia mới thoát khỏi sự bó buộc, thắt chặt của Giáo hội, thán phục ngay tư tưởng thế tục của Hi Lạp thời cổ; Tân Trung Hoa cũng vậy, cuồng nhiệt đọc các nhà tư tưởng phương Tây như John Dewey và Bertrand Russell, tức những nhà bỏ tôn giáo đi, chỉ trọng kinh nghiệm và thí nghiệm, cái gì thí nghiệm thấy đúng thì mới tin; chủ trương này rất thích hợp với một dân tộc muốn trong một thế hệ vượt tất cả các giai đoạn: Cải cách, Phục Hưng, thế kỉ XVIII và cách mạng Pháp của Phương Tây[11]. Hồ Thích mỉa mai người phương Tây mê những “giá trị tinh thần” của châu Á, và cho rằng trong sự tổ chức lại kinh tế và hành chánh để dân khỏi cùng khổ, còn có nhiều “tinh thần” hơn tất cả cái “minh triết” của phương Đông. Ông ta cho Khổng tử là “một ông rất già nua rồi”, và muốn hiểu tư tưởng Trung Hoa cho đúng thì phải nghiên cứu kĩ những “tà giáo” ở các thế kỉ V, IV, III trước T.L, mà lịch sử Trung Hoa đã đánh giá sai. Nhưng trong cơn lốc của “tân trào” ấy, mà ông là một trong những người phát động hăng hái nhất, ông vẫn bình tĩnh để nhận định được giá trị của cổ nhân, và ông đã nhận thấy rõ vấn đề căn bản của nước ông lúc đó:

Nhất định là thiệt thòi lớn cho nhân loại xét chung, nếu sự thắng lợi của nền văn minh mới này có nghĩa là đoạn tuyệt thình lình chứ không tiêu hoá từ từ, mà hậu quả là nền văn minh cổ bị tiêu diệt. Vấn đề phải đặt ra như vầy mới đúng: Làm sao chúng ta có thể tiêu hoá hoàn toàn văn minh hiện đại để nó hoà hợp, không gián đoạn với văn minh cổ truyền của chúng ta[12].

Ngày nay, chỉ xét bề ngoài thì người ta có thể nghĩ rằng Trung Hoa có vẻ sẽ không giải quyết vấn đề đó. Nhìn những cánh đồng hoang phế vì lụt hay vì nắng hạn, những khu rừng bị tàn phá, những nông dân kiệt lực, rầu rĩ, nhìn tử suất cao ghê gớm của con nít, tình trạng hư nhược của bọn nô lệ trong các xưởng phải làm việc quá sức, nền thương mại đầy tham nhũng, nền kĩ nghệ bị bọn tư bản ngoại quốc thao túng; xét thói hối lộ trong giới quan trường, xét sự yếu kém của các phương tiện phòng vệ, và tinh thần đảng phái chia rẽ dân chúng, thì người ta không thể tin rằng Trung Hoa lại sẽ thành một cường quốc, có khả năng đồng hoá những kẻ xâm lăng mình như ngày xưa, và có thể “sống đời sống riêng của mình” được. Nhưng nếu nhìn xa hơn, rán nhìn dưới cái bề ngoài ấy thì chúng ta cũng thấy có những dấu hiệu khôi phục, hồi sinh: quốc gia mênh mông, nhiều miền khác nhau, nhiều khoáng sản cần cho kĩ nghệ ngày nay đó, tuy không giàu như Richthofen[13] tưởng, nhưng chắc chắn là giàu hơn người ta nghĩ nếu chỉ căn cứ vào kết quả các cuộc tìm mỏ khơi khơi trên mặt đất. Kĩ nghệ càng tiến sâu vào nội địa, thì người ta sẽ càng gặp được nhiều mỏ kim loại và nhiên liệu mà hiện nay người ta không ngờ rằng có[14], cũng như cách đây một thế kỉ, có ai ngờ đâu là Mĩ có nhiều thứ mỏ ấy. Dân tộc Trung Hoa sau ba ngàn năm cứ vinh quang rồi suy tàn, chết rồi lại hồi sinh, bây giờ lại tỏ ra có nhiều sinh lực về thể chất cũng như về tinh thần bằng những thời phú cường nhất trong lịch sử họ; không có dân tộc nào lực lưỡng hơn, hoặc thông minh hơn, mà thích ứng hoàn cảnh giỏi hơn, chống được bệnh tật mạnh hơn, lấy lại sức mau hơn sau một tai hoạ hoặc những đau khổ lâu dài, được lịch sử đào luyện cho đức bình tĩnh chịu đựng và kiên nhẫn chấn hưng hơn. Không ai tưởng tượng nổi một dân tộc có thể chất và tinh thần như vậy, có khả năng làm việc như vậy mà tận dụng công nghệ học trong kĩ nghệ thì sẽ tiến được tới đâu trên đường văn minh. Rất có thể Trung Hoa sẽ sản xuất được nhiều tài nguyên hơn Mĩ, và một lần nữa nó lại sẽ đứng đầu thế giới về xa hoa và nghệ thuật sống như mấy lần trước kia trong lịch sử của nó.

Không một thắng trận nào, không một chính sách áp chế tài chánh nào có thể diệt được một dân tộc có một sinh lực và những phương tiện dồi dào như vậy… Kẻ xâm lăng sẽ mất tiền toi và thối chí trước khi Trung Hoa mất sinh lực, trong một trăm năm Trung Hoa sẽ đồng hoá kẻ xâm lăng, học được hết cái kĩ thuật mà chúng ta tạm gọi là kĩ nghệ hiện đại; nó sẽ xây cất thêm đường xá, tổ chức lại phương tiện chuyên chở để thống nhất lại quốc gia; do đức cần cù và tiết kiệm nó sẽ gây được vốn và một chính quyền mạnh sẽ lập lại trật tự và hoà bình trong nước. Tình trạng hỗn loạn bao giờ cũng chỉ có tính cách giao thời. Rốt cuộc, nó sẽ tự biến mất, nó sẽ hoà giải với chế độ độc tài; những cản trở từ trước kia sẽ bị dẹp hết, đôi khi bằng một cách hơi tàn khốc, và con đường sẽ mở ra đưa tới một xã hội mới. Cách mạng, cũng như sự chết và sự gắng sức tiến tới một thể thức mới, xét cho cùng, chỉ là để gạt bỏ những cặn bã vô ích và kềnh càng; nó cũng như mổ xẻ thịt dư; nó xảy ra khi có nhiều cái đến tuổi chết rồi. Trung Hoa đã chết nhiều lần, mà lần nào nó cũng hồi sinh[15].

 

PHỤ LỤC

Trong sách, tác giả Will Durant có dẫn khá nhiều bài thơ, bài nào cụ Nguyễn Hiến Lê tìm được nguyên tác chữ Hán thì cụ dịch theo nguyên tác, bài nào không tìm được thì cụ đành phải dịch theo bản tiếng Pháp, dịch như vậy (từ tiếng Hán dịch ra tiếng Anh, từ tiếng Anh dịch ra tiếng Pháp, rồi cụ lại dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt), theo lời cụ bảo, “nếu không phản nghĩa là may mắn lắm rồi, không còn chút gì là thơ nữa”.

Trong số các bài thơ cụ Nguyễn Hiến Lê không tìm ra được nguyên tác đó, tôi đã tìm một số bài (trong chú thích, tôi chỉ chép lại nguyên văn và tạm phiên âm); và bác Vvn tìm giúp tôi được hai bài mà tôi chép lại dưới đây: bài Bảo Vũ trong Kinh Thi và bài Tân An lại (W. Durant trích sáu câu) của Đỗ Phủ. Để tiện tham khảo, tôi chép thêm bản dịch ra tiếng Anh và bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê.

BẢO VŨ

Bản dịch ra tiếng Anh

How free are the wild geese on their wings,

And the rest they find on the bushy Yu trees!

But we, ceaseless toilers in the king's services,

Cannot even plant our millet and rice.

What will our parents have to rely on?

O thou distant and azure Heaven!

When shall all this end?

Bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê

Những con ngỗng trời đậu trên rừng Yu kia,

Được tự do bay lượn, sung sướng làm sao!

Còn chúng tôi phải phục vụ nhà vua, không lúc nào được nghỉ,

Ngay đến kê chúng tôi cũng không được gieo, lúa cũng không được cấy nữa.

Cha mẹ chúng tôi rồi đây biết nương tựa vào ai,

Hỡi trời xanh thăm thẳm!...

Nguyên văn:

肅肅鴇羽,

集于苞栩.

王事靡盬,

不能蓺稷黍.

父母何怙?

悠悠蒼天,

曷其有所!

肅肅鴇翼,

集于苞棘.

王事靡盬,

不能蓺黍稷.

父母何食?

悠悠蒼天,

曷其有極!

肅肅鴇行,

集于苞桑.

王事靡盬,

不能蓺稻粱.

父母何嘗?

悠悠蒼天,

曷其有常.

Phiên âm:

Bảo vũ

Túc túc bảo vũ.

Tập vu bao hủ.

Vương sự mỹ cổ,

Bất năng nghệ tắc thử.

Phụ mẫu hà hộ?

Du du thương thiên,

Hạt kỳ hữu sở?

Túc túc bảo dực.

Tập vu bao cức.

Vương sự mỹ cổ,

Bất năng nghệ thử tắc.

Phụ mẫu hà thực?

Du du thương thiên,

Hạt kỳ hữu cực?

Túc túc bảo hàng.

Tập vu bao tang.

Vương sự mỹ cổ,

Bất năng nghệ đạo lương.

Phụ mẫu hà thường?

Du du thương thiên,

Hạt kỳ hữu thường?

Chú giải của Chu Hy:

túc túc: tiếng cánh đập.

bảo: tên chim, giống chim nhạn mà to hơn, chân không có ngón ở phía sau.

tập: đậu lại.

bao: mọc thành bụi.

hủ: cây tạc lịch trái gọi là tạo đẩu, vỏ có thể dùng để nhuộm màu đen.

cổ: không, hoàn hảo, tinh mật.

nghệ: trồng cây.

hộ: cậy trông vào.

cực: xong, hết.

hàng: hàng liệt.

đạo: tức là đạo mễ (lúa dé) của người phương nam ăn ngày nay, mọc trong nước, sắc trắng.

lương: lúa mạch, một thứ thóc để ăn, có nhiều màu khác nhau.

thường: ăn.

thường: trở lại bình thường.

Dịch nghĩa:

Dân chúng phải đi tùng chinh, không được nuôi dưỡng cha mẹ, cho nên làm bài thơ này.

Nói tính chim bảo không hay đậu trên bụi cây, mà nay lại bay đậu trên bụi cây hủ, như tính của nhân dân vốn không tiện ở việc lao khổ, nay lại đi đánh giặc đã lâu mà không được cày ruộng để tròn bổn phận làm con. Trời xanh xa vời kia, lúc nào khiến cho ta được nơi yên ổn (để phụng dưỡng cha mẹ)?

Dịch thơ (Người dịch: Tạ Quang Phát)

Cánh chim bảo

Cánh chim bảo vỗ nghe sầm sập,

Bụi hủ kia tụ tập đậu cùng.

Việc vua tròn vẹn làm xong,

Cho nên kê nếp chẳng trồng được chi.

Ôi cha mẹ lấy gì trông cậy?

Trời xanh kia chi thấy xa vời.

Lúc nào ta đặng yên nơi?

Nghe sầm sập bảo kia vỗ cánh,

Rồi đậu liền trên nhánh bụi gai.

Lo tròn việc của vua sai.

Cho nên kê nếp chẳng ai cấy trồng.

Lấy gì ăn bực song thân hỡi!

Trời xanh kia diệu vợi xa mờ.

Nhọc nhằn dứt được bao giờ?

Kết thành hàng nghe bay chim bảo,

Trên bụi dâu cùng đậu sai đầy.

Việc vua hoàn hảo lo ngay,

Cấy trồng dé mạch nào ai rảnh gì.

Ôi cha mẹ lấy chi ăn hỡi?

Trời xanh kia diệu vợi mờ cao.

Bình thường trở lại chừng nào?

TÂN AN LẠI

Bản dịch ra tiếng Anh

Last night a government order came

To enlist boys who had reached eighteen.

They must help defend the capital....

O Mother! O Children, do not weep so!

Shedding such tears will injure you.

When tears stop flowing then bones come through,

Nor Heaven nor Earth has compassion then....

Bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê

Hôm qua triều đình đã ra lệnh

Bắt lính những thanh niên mười tám tuổi

Để bảo vệ kinh đô…

Thôi, mẹ và con, nín đi!

Khóc lóc chỉ thêm đau khổ.

Lệ mà cạn rồi thì xương sẽ tan tành,

Trời đất không thương gì chúng ta đâu

Nguyên văn

新安吏

客行新安道,

喧呼聞點兵,

借間新安吏,

縣小更無丁?

府帖昨夜下,

次選中男行.

中男絕短小,

何以守王城?

肥男有母送,

瘦男獨伶俜,

白水暮東流,

青山猶哭聲.

莫自使眼枯,

收汝淚縱橫.

眼枯即見骨,

天地終無情.

我軍取相州,

日夕望其平.

豈意賊難料,

歸軍星散營.

就糧近故壘,

練卒依舊京.

掘壕不到水,

牧馬役亦輕.

況乃王師順,

撫養甚分明.

送行勿泣血,

僕射如父兄.

Phiên âm

Tân An lại

Khách hành Tân An đạo

Huyện hô ao điểm binh

Tá vấn Tân An lại

Huyện tiểu cánh vô đinh

Phủ thiếp tạc dạ há

Thứ tuyển trung nam hành

Trung nam tuyệt đoản tiểu

Hà dĩ thủ vương thành?

Phì nam hữu mẫu tống

Sấu nam độc linh bình

Bạch thủy mộ đông lưu

Thanh sơn do khốc thanh

Mạc tự sử nhãn khô

Thu nhữ lệ tung hoành

Nhãn khô tức kiến cốt

Thiên địa chung vô tình!

Ngã quân thủ Tương Châu

Nhật tịch vọng kỳ bình

Khởi ý tặc nan liệu

Qui quân tinh tản doanh

Tựu lương cận cố lũy

Luyện tốt y cựu kinh

Quật hào bất đáo thủy

Mục mã dịch diệc khinh

Huống nãi vương sư thuận

Phủ dưỡng thậm phân minh

Tống hành vật khấp huyết

Bộc dịch như phụ huynh!

Dịch thơ (Người dịch: Nhượng Tống)

Tên lại huyện Tân An

Khách qua đường Tân An

Nhộn nhịp nghe điểm binh

Hỏi thăm, thầy thông bảo:

- Huyện nhỏ không còn đinh

Hôm qua trát phủ xuống

Sung số tuyển cho nhanh

Số tuyển thấp bé quá

Giữ sao nổi đô thành?

Anh béo, mẹ đưa chân

Anh gầy nhìn loanh hoanh

Nước bạc chiều chảy xuôi

Tiếng khóc vang non xanh!

Khóc chi cho hốc mắt?

Nín đi thôi các anh!

Dẫu cho khóc rũ xương

Trời đất vẫn vô tình

Quân ta lấy Tương châu

Hôm sớm mong thanh bình

Lính chạy, trại tan vỡ

Liệu giặc, ai người tinh!

Vận lương tới trước trận

Rèn lính ngay miền kinh

Đào hào chưa tới nước

Chăn ngựa việc cũng lành

Nuôi nấng rất phân minh

Quan tướng như mẹ cha

Khóc chi khi tiễn hành?

 


[1] Trước kia Anh đứng đầu về số lượng nhập cảng vào Trung Hoa, ngày nay Anh chỉ còn nhập cảng 14%, Mĩ 17%, Nhật 27% và thương mại Nhật mỗi năm mỗi tăng. Từ 1910 đến 1930, thương mại Trung Hoa tăng được 600%.

[2] Thời Borodine: Có lẽ tác giả muốn nói khoảng thời gian 1923-1927 Mikhail Markovich Borodin là đại diện tại chính phủ Trung Hoa Dân quốc ở Quảng Châu. .

[3] Riêng năm 1927, mấy ngàn người thợ đã bị xử tử chỉ vì họ có chân trong một nghiệp đoàn.

[4] Phong trào “Tân sinh hoạt” do Tưởng Giới Thạch phát động rán phục hồi lại đạo Khổng mà không thành công.

[5] Trong gia đình nông nghiệp, vì sống chung nên kẻ yếu, vụng được bao bọc, nuôi nấng, săn sóc như kẻ mạnh, khéo. (ND).

[6] Luật cách mạng cho phép li dị nếu hai bên đều xin, nhưng khi chồng dưới ba mươi tuổi, vợ dưới hai mươi lăm tuổi thì vẫn phải có sự thoả thuận của cha mẹ. Nhưng cớ để vợ theo tục cũ vẫn còn được áp dụng: không con, dâm, nhác không thờ cha mẹ chồng, lắm lời, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật [gọi là “thất xuất”: bảy cớ để vợ]; nhưng khi người vợ đã để tang cha mẹ chồng ba năm, khi người vợ không còn gia đình, họ hàng để trông cậy, khi chồng nghèo mà vợ trung thành với chồng rồi bây giờ chồng giàu sang, thì chồng không được phép để vợ nữa dù vợ mắc những tội kể trên. 

[7] Hạn chế sinh dục ở đây nên hiểu là hạn chế sinh sản hoặc sinh sản có kiểm soát (birth control). .

[8] Châu Âu đỡ lo một phần nào về “hoàng hoạ” (hoạ người da vàng) vì các tiệm thuốc Trung Hoa quảng cáo mạnh các phương pháp và thuốc ngừa thai.

[9] Năm 1932, nhờ John D. Rockerfeller con tặng 75 triệu quan Pháp mà trường Y khoa Union Medical College được thành lập cho sinh viên nam nữ. Phòng Y học cũng được Rockerfeller tặng tiền để giúp quĩ 19 dưỡng đường, ba trường Y khoa và cấp 65 học bổng.

[10] Về phong trào cách mạng văn học này, có thể coi thêm bộ Văn học Trung Quốc hiện đại của Nguyễn Hiến Lê – 1969. (ND).

[11] Mới đây, trong phong trào “Tân sinh hoạt” do Tưởng Giới Thạch đề xướng, người Trung Hoa đã bớt say mê các tư tưởng gia và luận lí gia phương Tây; Trung Hoa và Nhật Bản đã bắt đầu sản xuất lấy phim chiếu bóng, các tư tưởng cách mạng đã nhường bước cho các tư tưởng bảo thủ, và Trung Hoa như Nhật Bản, có chút xu hướng chống lại tư tưởng, phong tục Âu Mĩ. [Nhưng như chúng ta đã biết, phong trào Tân sinh hoạt ấy không bền, rốt cuộc đã thất bại].

[12] Cơ hồ như Hồ Thích đã tự mâu thuẫn: trang trên ông cho “sự minh triết” của phương Đông không có giá trị gì cả, Khổng tử là “một ông lão rất già nua rồi”, mà đây ông lại vẫn quí văn minh cổ truyền. Thực ra tư tưởng Hồ Thích đã thay đổi: hồi trẻ ông chê văn minh cổ truyền, về già ông lại trọng nó. (ND).

[13] Có lẽ tác giả muốn nói đến nhà địa chất học người Đức, Ferdinand Freiherr von Richthofen (1833-1905), người đã từng du khảo Trung Quốc. .

[14] Quả vậy, ngày nay (1974), Trung Hoa lục địa đã sản xuất được nhiều dầu lửa bán cho Nhật, cho Thái Lan. (ND).

[15] Durant viết đoạn này trước thế chiến vừa rồi, khi xã hội Trung Hoa tan rã đến cực điểm. Lời ông thực là lời tiên tri; và mãi đến năm 1972, Mĩ mới chịu nhận rằng không thể nào thắng một dân tộc như vậy được.

Về lịch sử Trung Quốc hiện đại, chúng ta mới chỉ có thiên thứ năm trong cuốn Trung Quốc sử lược của Phan Khoang; về văn học có bộ Văn học Trung Quốc hiện đại của tôi. (ND).

Bài viết khác