Tập truyện Hoàng Đạo

Mục lục

TIỂU SỬ

Hoàng Đạo (1907-1948), tên thật: Nguyễn Tường Long, là một nhà văn Việt Nam, trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Ngoài bút danh Hoàng Đạo, ông còn có những bút danh khác: Tứ Ly, Tường Minh.

Hoàng Đạo, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1907 tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình công chức, gốc quan lại đã đến hồi sa sút.

Cha ông là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918) làm Thông phán và mẹ là bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật ở Cẩm Giàng (Hải Dương)[1].

Hoàng Đạo là người con thứ tư trong một gia đình gồm sáu trai, một gái. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy, là công chức, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm đến Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh)...Nguyễn Tường Vinh (Thạch Lam) và người em út là bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều đã ít nhiều dự vào nghiệp văn chương.

Khi ông chào đời, được cha đặt tên là Tứ (cho thuận vì trước đã có Tam [Nguyễn Tường Tam]), nhưng sau nghĩ lại, mới thấy cái tên này trùng tên người bạn thân của mình, nên gọi chệch là Tư (Nguyễn Tường Tư). Sau vì ông không đủ tuổi để đi thi, gia đình đã khai thêm bốn tuổi (thành ngày 3 tháng 4 năm 1903 trên giấy khai sinh) và đổi tên lại là Nguyễn Tường Long[2]

Lúc nhỏ, Hoàng Đạo đi học ở trường huyện Cẩm Giàng. Hết bậc tiểu học, Hoàng Đạo bị ốm nên tự học tại nhà. Năm 1924, ông đậu bằng Cao đẳng tiểu học Pháp, được bổ làm Tham tá ngân khố Hà Nội.

Tiếp tục học, ông đỗ bằng Tú tài Pháp năm 1929. Năm sau, ông thi vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân luật, ông được bổ làm Tham tá lục sự Tòa án Đà Nẵng rồi Hà Nội.

Theo Khúc Hà Linh, Hoàng Đạo học luật được một năm, thì có lệnh cử đi làm Tri huyện. Nhưng sau khi nghe mẹ lời khuyên, ông đã khéo từ chối[3].

Viết văn, làm báo, tham gia chính trị

Làm công chức ít lâu, năm 1932, Hoàng Đạo bước sang lĩnh vực báo chí. Khởi đầu, ông viết cho tờ Phong hóa của Nguyễn Tường Tam, rồi cùng với người anh này và Khái Hưng chủ trì bút nhóm Tự Lực văn đoàn.

Trên báo Phong hóa, ông lấy bút hiệu là Tứ Ly, chuyên viết những bài đả kích và châm biếm giới quan lại và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, tờ Phong hóa bị đóng cửa vì ông viết bài động chạm đến Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.

Năm 1938, ông cho xuất bản tác phẩm đầu tay: Trước vành móng ngựa, gồm những bài phóng sự đã đăng trên báo Phong hóa.

Năm 1939, Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt (sau đổi tên là đảng Đại Việt Dân Chính). Vì đảng chủ trương công khai chống Pháp và lật đổ triều đình Huế, cuối năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt và bị đầy lên Sơn La. Mãi đến năm 1943 Hoàng Đạo mới được thả nhưng vẫn bị quản thúc tại Hà Nội.

Trong thời gian đó, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay đến cuối năm 1941, mới bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội.

Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, Hoàng Đạo cùng Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách lo tục bản tờ Ngày nay (khổ nhỏ, số đầu tiên ra ngày 5 tháng 3 năm 1945) và trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh nắm chính quyền. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946 Chính phủ liên hiệp ra đời. Sau đó, Hoàng Đạo được bổ sung (không qua bầu cử) làm đại biểu Quốc hội khóa I, được cử giữ chức Bộ trưởng kinh tế một thời gian ngắn (sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, ngày 2 tháng 3 năm 1946, thì Chu Bá Phượng lên thay).

Một lần được cử lên Vĩnh Yên giải quyết việc một vụ gây rối, Hoàng Đạo đã tìm cách sang Trung Quốc. Ngày 22 tháng 7 tháng 1948, trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu, khi vừa tới ga Thạch Long, Hoàng Đạo bị đột quỵ rồi mất, lúc 42 tuổi.

Thi hài ông được gia đình an táng tại thị trấn Thạch Long (Trung Quốc).

Trước đây (1933), được một người bạn của mẹ làm mối, ông lập gia đình với Marie Nguyễn Bình (1913-1975), con gái một quả phụ khá giả. Ông và vợ sống hạnh phúc và có cả thảy bốn người con (ba gái và một trai).

Tác phẩm

    Trước vành móng ngựa (phóng sự, 1938)

    Mười điều tâm niệm (luận thuyết, 1939)

    Bùn lầy nước động (luận thuyết, 1940)

    Con đường sáng (tiểu thuyết, cùng viết chung với Nhất Linh, 1940)

    Tiếng đàn (tập truyện ngắn, 1941)

Sách viết cho thiếu nhi (loại sách hồng):

    Con cá thần

    Lan và Huệ

    Con chim di sừng

    Sơn Tinh

    Lên cung trăng

Tất cả các sách trên đều do Nxb Đời Nay (Hà Nội) thuộc Tự Lực văn đoàn ấn hành.

Nhận xét

Về tác giả

Hoàng Đạo từng được bổ làm Tri huyện, với mức lương 140 đồng, nhưng ông đã từ chối. Ngày còn làm Tham Tá lục sự tòa án Đà Nẵng, có người cùng sở muốn làm mối cho ông một cô gái Huế, con một vị Hồng lô tự khanh rất có vị thế, nhưng ông cũng không ưng... Sau này, khi ông tham gia chính trị, thì anh em và đồng chí đều nể Nhất Linh, nhưng quý Hoàng Đạo, bởi ông mới là người mưu lược. Khi nhận được tin Hoàng Đạo mất, những người thân đã nói rằng: "Hoàng Đạo không còn, nhất định Nhất Linh sẽ từ bỏ chính trị". Quả như vậy. Về nước gần mười năm (1950-1959), Nhất Linh xa lánh chính trị, tập trung vào việc viết sách báo, vui với thiên nhiên hoa cỏ...[4]

Về tác phẩm

Trích đáng giá của:

    Nhà văn Vũ Ngọc Phan:

    Tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh đều có khuynh hướng về gia đình...còn tiểu thuyết của Hoàng Đạo có khuynh hướng xã hội.

    Tác phẩm đầu tay của ông (Trước vành móng ngựa), làm người đọc vừa phì cười vừa thương tâm. Quyển Con đường sáng có những ý hay, nhưng tác giả quá thiên về tả cảnh...Những nhân vật không có những ngôn ngữ và hành động sâu sắc, nên cá tính của họ không được rõ...

    ...Hoàng Đạo là một nhà văn sở trường về nghị luận, về châm biếm hơn là về tiểu thuyết. Ở hai loại trên, ông phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn, còn loại tiểu thuyết ông không được giàu tưởng tượng cho lắm...[5].

    Nhà nghiên cứu Văn Tâm:

    "Trước vành móng ngựa", là tập phóng sự đặc sắc về tóa án. Tuy tác giả không mấy quan tâm đến “luận đề”, nhưng sự thật giản đơn được chọn lọc phản ánh, lại tự nói lên ý nghĩa sâu xa của nó, từ đó có khả năng thuyết phục độc giả một cách thấm thía về hiện thực dân sinh và dân trí bi đát đương thời...

    Với "Mười điều tâm niệm", Hoàng Đạo có hoài bão hướng dẫn lẽ sống đúng đắn cho thanh niên...Và chủ trương trong quyển này đã được tác giả hình tượng hóa qua cặp nhân vật nam nữ Duy và Thơ trong tiểu thuyết "Con đường sáng". Duy, sau một thời gian chơi bời, đến khi chán nản muốn tự sát, thì bỗng giác ngộ ra được “con đường sáng”...Cụ thể là lẽ sống của thanh niên tân tiến là nhẫn nại mưu tính cho giới bình dân có được một cuộc đời êm đẹp. Duy kết hôn với Thơ, một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao, rồi cùng về nơi “ bùn lầy nước đọng” cứu giúp đám nông dân nghèo khổ, thất học và bệnh tật...Nhưng cuối cùng công cuộc cải lương hương xã của họ đã thất bại..."Con đường sáng" có lối văn trong trẻo, đôi chỗ trữ tình. Tác giả chứa đựng những nét hiện thực, nhưng các hình tượng nhân vật thì còn mờ nhạt, ít gây ấn tượng sâu sắc...[6]

TIẾNG ĐÀN

Xuân không nhớ vì lẽ gì rằm tháng giêng năm ấy Xuân lại vào Huế. Song những cảm giác mênh mông lạnh lẽo đã kích thích tâm hồn Xuân hôm đó. Xuân không bao giờ có thể quên được. Cứ mỗi buổi chiều, lúc sương lam lặng lẽ trùm lên ngọn tre, lòng Xuân lại rung động, da thịt Xuân lại cảm xúc tất cả nỗi buồn trụy lạc tiết phát ở tòa Thành Cổ ủ rũ bên bờ sông Hương.

Chiều hôm ấy Xuân yên lặng ngồi trong khoang thuyền, một chiếc thuyền dài, đi êm như lướt trên mặt sông lặng. Mặt trời đã lặn; đằng xa, về phương Tây, sau rặng thông in hình mờ mờ trên đỉnh núi Ngự Bình như mấy nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc Tầu, da trời nhuộm màu xanh non. Gần hơn, những đám cây đã bắt đầu đen sẫm in bóng xuống mặt nước xám, nặng nề chảy. Cảnh vật im lìm như đợi rơi vào đêm tối. Riêng Lương, bạn Xuân, đương ngả nghiêng trên mạn thuyền, hai tay nhét túi quần, cười cười nói nói hỏi chuyện cô lái đò. Câu chuyện có lẽ đằm thắm lý thú lắm, vì chốc chốc hai người lại nhìn nhau rồi cùng bật lên một chuỗi cười giòn rơi vào sự yên tĩnh, vang ra trên mặt sông rồi lẩn vào bóng tối.

Lương bỗng quay lại phía Xuân:

- Nhà thi sĩ ngồi nghĩ gì đấy mà trông bí mật như cặp mắt cô gái Huế vậy? Ra đây mà nghe chuyện mặn mà của cô lái, rồi cô sẽ ca cho một vài bài.

Xuân ngạc nhiên:

- Ồ! Thế ra cô lái cũng biết ca, quý hóa nhỉ!

Cô lái lấy tay che miệng, khúc khích:

- Chúng em có biết ca gì mộ Mấy thầy có muốn nghe, em cho đi kêu chị Huyền của em, thì mấy thầy dầu khó tính thế mô cũng phải vừa lòng.

- Thế thì còn gì hay bằng nữa.

Cô lái bèn đẩy thuyền vào bờ. Xuân nhìn cái thân hình mềm mại lộ sau bộ quần áo mỏng, gió thổi bạt cả về một phía, trong lòng bỗng rạo rực một ý nghĩ thèm muốn. Ngay lúc ấy, cô gái quay lại nhìn Xuân, lẳng lơ mỉm cười. Xuân rùng mình, cảm thấy hết cả sự trụy lạc của một gái giang hồ dử khách, và không ngăn nổi một tính tình khinh miệt nó khiến chàng lạnh lùng quay nhìn nơi khác.

Lúc đó, thuyền đã ghé sát vào bờ. Cô lái cắm mạnh chiếc sào xuống nước, và một đứa bé ở trong khoang chui ra vịn thềm gạch leo lên đường, nhanh nhẹn lách qua một cái giậu thưa rồi đi khuất sau đám cây. Trong lúc nhá nhem, Xuân thấy thoáng qua trong trí cái ý nghĩ lạ lùng là đương sống một đời mơ màng, không rõ là thực hay chỉ là hư mộng. Những thân cây lớn đứng lặng yên bên bờ sông, Xuân trông như phủ một lượt nhung đen in trên một nền màu xám thẫm. Con sông Hương loáng đen, từng chỗ lấp lánh những làn sóng rung động ánh những ngọn đèn xa mới thắp.

Cô lái đò tình tứ rời chiếc sào chui vào khoang thắp đèn. Dưới ánh lửa, khuôn mặt mũm mĩm của cô ửng hồng. Xuân nhận thấy đôi mắt dài và ướt, cặp môi thắm như vết máu và cái cổ tròn và xinh. Như đoán biết Xuân đương tò mò nhìn, cô lái quay lại mỉm cười, lên tiếng nhẹ nhàng:

- Mời ông vào xơi tạm vài điếu thuốc.

- Vâng.

Lương nhanh nhảu vừa cười vừa trả lời thay bạn. Chàng cúi mình chui vào trong khoang, ngả đầu xuống chiếc gối rua trắng, nhìn chung quanh mình một lượt, rồi nức nở khen:

- Ở đây êm ấm nhỉ. Y như một cái ổ uyên ương. Mà sạch sẽ làm sao, tôi có lời mừng cô lái.

- Dạ, thầy dạy quá.

- Không, không quá một tí nào. Với một cô lái xinh đẹp thế kia, thì có gì là quá đáng được!

Cô lái sung sướng, nói lảng:

- Ông tiêm lấy nhé.

- ấy chết, ai lại thế. Cô làm ơn cho.

- Em vụng lắm ạ.

- Ở tay cô thì vụng thế nào cũng là ngon.

Câu chuyện quanh quẩn ở một nơi. Câu nói bông đùa của bạn, dáng điệu kiểu cách của cô gái giang hồ, Xuân thấy nhỏ nhen, nhơ nhớp cả nền nên thơ của đêm tối. Xuân không hiểu vì đâu hôm nay chàng có những tư tưởng hắc ám, Xuân đổ lỗi cho cái tính ương gàn của mình, cái tính phân tách từng cử chỉ, hay đặt một ý tưởng sau giọng nói, dáng ngồi của người, và cố nhìn cảnh vật bằng con mắt lạc quan, cố tìm vẻ có duyên của cô lái và tính tình vui vẻ của bạn, chàng bỗng rời bỏ mui thuyền để vào trong khoang. Nhưng lúc chàng dịch lại gần bàn đèn, chàng thấy chập chờn trong trí cái tư tưởng so sánh thân mình với một con thiêu thân bay đến ngọn lửa sáng...

- Mời ông ngồi sát vào đây.

Cô gái vừa nói vừa dịch lại gần Xuân, ngồi sát vào người chàng.

Một mùi thơm rẻ tiền ở người cô thoát ra chẹn lấy cổ họng Xuân.

Lương ranh mãnh nhìn hai người, cợt nhả:

- Mới quen hơi mà đã thân mật nhỉ.

Cô lái chữa thẹn:

- Ai thân mật?

Cô vừa nói vừa mỉm cười liếc Xuân. Nhưng Xuân đương mơ màng nhìn ra ngoài. Một thứ ánh sáng huyền ảo làm mờ mấy ngôi sao lấp lánh trên ngọn cây. Ngọn gió mát nhẹ nhàng lại. Trăng lên.

Xuân nghe rõ ở bên thuyền có tiếng rì rầm. Chàng nhô đầu ra thì vừa một người con gái bước xuống thuyền, im như cái bóng.

- Chị Huyền đấy à?

- Phải.

- Mời chị vào trong này.

Lương ngồi nhỏm dậy giương mắt nhìn. Huyền dỏng dỏng cao, người hơi gầy một chút, vẻ kín đáo tệ, trái ngược hẳn với cô lái.

Đôi con mắt sắc mơ màng đắm đuối như đương theo đuổi những hình ảnh trong mộng, không đoái nhìn đến cảnh vật chung quanh.

Huyền khép nép ngồi xuống mái thuyền thu áo lại, rồi lạnh lùng nhìn vào quãng không, trong khi người kép nắn lại cung đàn. Ai nấy đều im bặt. Nụ cười ở trên môi cô lái không nở ra được to.

Ai nấy như bị đè nén bởi một bầu không khí huyền bí, sắp gợi ra một việc gì lạ lùng.

Thế rồi trong sự yên lặng, tiếng đàn độc huyền bắt đầu réo rắt. Tiếng trong như ngọc, âm lên trong đêm thanh, lan ra ngoài hòa với ánh trăng. Rồi như hoàng oanh đua hót, Huyền bỗng cất tiếng hát hòa theo một tiếng đàn khác, trầm hơn, réo rắt hơn, giàu tình cảm hơn. Xuân cảm thấy trong lòng một cảm tưởng ngạc nhiên như đứng trước bức tranh tuyệt tác hay đọc một câu thơ bất hủ... Cái cảm tưởng ngạc nhiên ấy hết, nhường chỗ cho sự êm ái của tâm hồn. Những tiếng bổng, trầm quấn lấy tâm hồn Xuân, đem đi một nơi nhẹ nhàng, thinh không. Toàn thân Xuân khi ấy chỉ còn là thính giác, rung động theo tiếng đàn giọng ngân. Muốn cho thoải mái, chàng ngả lưng xuống ván thuyền, nhìn ánh trăng trôi theo dòng nước. Chiếc thuyền lặng lẽ trôi, chốc chốc mái chèo nhẹ nhấc lên, đem theo những giọt trăng ấy là sự đọng lại của tiếng hát trong vắt lẩn trong cung đàn. Tiếng hát vang ra khắp không trung, cảnh vật, tan ra trong khoảng sông rộng, sáng như tấm gương, ngừng lại trong những đám cây tối hai bên bờ: có khi bay cao lên trên ngọn đồi xa, rồi như theo gió đưa mãi lên, quyến luyến lấy đám mây tơ dệt đen trên nền trời xanh sáng, chập chờn trước mảnh trăng trong. Xuân khinh khoái để tiếng đàn đưa đến những cảm giác mê man, những cảm giác trong suốt và lạnh lẽo như bóng trăng dưới nước, và đè trên tất cả những cảm giác ấy, một thứ buồn mênh mang, không bờ bến.

Hết điệu Nam bằng đến Nam ai. Tiếng độc huyền càng réo rắt. Nỗi buồn Xuân cảm thấy mỗi lúc mỗi lớn, tràn ngập hết cả tâm hồn.

Chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ đời thuở nào, ở một tiền kiếp xa xăm. Chàng vẫn không biết có cảm giác nào in sâu vào trí nhớ hơn là thính giác. Một giọng hát, một điệu đàn đã làm rung động lòng ta trong một giây, một khắc, có thể làm sống lại cả một quãng đời tình cảm và phủ lên trên một màn sương buồn nhẹ nhàng như nhớ tiếc những sự mong manh đã mất. Nhưng Xuân không ngờ tiếng đàn đêm nay lại gợi trong trí chàng những thời đã tiêu diệt.

Xuân rùng mình nhắm mắt lại. Trong hai dãy cây đen im lặng soi bóng xuống gương sông, chàng thoáng nhìn thấy nhấp nhô những hình kỳ dị trên một tòa Thành Cổ, kiến trúc của người Chàm. Tiếng đàn độc huyền vẫn vang lên theo điệu hát, một điệu hát đều đều như tiếng than của một thiếu phụ nhớ người yêu, thỉnh thoảng một tiếng vuốt cao lên nghe như một tiếng nấc trong. Huyền nét mặt vẫn lạnh lùng, nhưng Xuân ngạc nhiên nhìn y phục nàng, một thứ y phục sặc sỡ. Hai cánh tay nàng để trần, Xuân trông thấy tròn và trắng, đặt khoan thai lên trên cái xiêm thêu. Chàng thấy hiện ra trước mắt cảnh nước Chiêm Thành mới bị diệt vong và chàng tự nhiên yên chí rằng Huyền là một cô công chúa Chàm bị người Nam đắc thắng ép ra ngồi hầu rượu và ca những bài hát họ chưa hề nghe. Công chúa lạnh lùng như Huyền bây giờ, nhưng trong lòng tê tái những nỗi tủi nhục chua cay, oán hờn, nhớ thương, cất lên những tiếng ai oán não nùng như tiếng khóc. Quân sĩ người Nam ngông nghênh tự đắc, nghe giọng than buồn thảm đều ngơ ngác, vừa đê mê vừa kính cẩn trước điệu ca cuối cùng. Tâm hồn họ lỗ mãng và chất phác, họ càng cảm một cách sâu xa thấm thía, trong cái cảnh trí hư thực của một đêm trăng, nỗi buồn man mác ẩn trong tiếng ngọc trong và êm. Xuân thầm nghĩ trong đám lỗ mãng chất phác ấy, có một người tâm hồn thi sĩ và người ấy, có lẽ là ông cha mấy mươi đời Xuân, nên Xuân đêm nay, trong cảnh này, rung động tâm linh đến cực điểm, đến sự đau đớn.

Nhưng, dẫu đê mê kính cẩn, dẫu linh hồn thi sĩ, người chất phác kia sau khi khóc với tiếng đàn than dài cả công chúa, đã đem cái thân yếu ớt mềm mại kia làm cuộc vui chốc lát. Xuân thấy máu bồng bột trong huyết quản, như tiếng vang xa xôi của máu người thiên cổ đương ao ước được thỏa mãn cái mộng tưởng xưa.

Xuân bỗng giật mình, Lương rón rén đến bên chàng thì thầm:

- Xuân trông mà xem.

Xuân còn ngơ ngác, Lương đã đưa mắt bảo khẽ:

- Huyền ấy mà. Trông như pho tượng vậy. Không có chút tinh thần nào, không mảy may cảm động, lạ thật. Ca những tiếng réo rắt như thế mà mặt vẫn điềm nhiên lạnh lùng như không, thì thật là một sự quái gở.

Xuân mỉm cười mơ màng:

- Thì vẫn. Huyền có là người nữa đâu, Huyền là một nữ thần, nữ thần của thi ca và âm nhạc. Mà nữ thần, thì còn cảm động làm sao được.

Lương cả cười như được nghe một câu khôi hài. Tiếng cười giòn giã vang lên, lấn át tiếng hát và phá tan cái không khí du dương, mơ mộng, như câu trả lời của sự thực hiện có cho quá khứ hư ảo. Huyền dừng hát, rồi xin nghỉ.

Ngọn đèn thuốc phiện khêu cao, Lương ung dung tiêm thuốc mời Huyền hút, Xuân hết đỗi ngạc nhiên lúc thấy Huyền nhận lời, ngả người sát vào người chàng, gối đầu lên vai chàng, tóc xõa cả lên mặt chàng. Nhưng lúc ấy chàng không thấy trong mạch máu bồng bột khí phách của kẻ thắng trận nữa; chàng chỉ thấy trong lòng tê tái như kẻ bị thua vì chàng chợt nhận ra Huyền là người cùng nước, và tiếng ca ban nãy là tiếng than của thời đại chàng đương sống. Một nỗi buồn nản mênh mông tràn ngập vào tâm hồn Xuân như nước triều trên bãi biển xa vắng. Xuân lắng tai nghe tiếng sóng vỗ róc rách bên mạn thuyền, chàng tưởng là dư âm của điêu tàn đã hết, thì thầm than thở những nỗi nhớ nhung vẩn vơ, Xuân cảm thấy bao nhiêu nghị lực rớt lại trong người chàng đều tiêu tan trong tiếng sóng vỗ. ảnh hưởng của điệu ca vong quốc hun đúc lên bởi cái hoàn cảnh ủy mị, hay là trong người chàng đã mang sẵn dây đàn buồn sẽ gẩy đã rung thành tiếng? Xuân không chìm đắm trong sự phân giải đau đớn, chỉ cố xuất tàn lực để thoát khỏi cái khối nặng đương đè nén linh hồn. Xuân phải dùng hết can đảm mới nâng được đầu Huyền đặt lên gối, vùng trở dậy chui ra mũi thuyền. Lương ngạc nhiên nhìn theo, thấy Xuân đứng thở mạnh, và cất tiếng hát nghêu ngao...

Sáng hôm sau, tinh sương, Xuân đã từ biệt bạn lên đường, Lương giữ thế nào cũng không được. Xuân đứng trên xe lửa, lặng nhìn hoàng thành lui dần về phương xa, như chìm đắm vào một nơi hoang mang đầy những sự sa ngã, đầy nỗi buồn thảm của sự diệt vong. Xuân sung sướng đón lấy ngọn gió mát mà chàng coi như hơi thở của một sự sống bình dị.

MỘT GIA ĐÌNH

Độ ấy, tôi hay đi chơi tối. Sau bữa cơm chiều, tôi đứng hóng mát ngoài hiên một lát, rồi đi bách bộ về phía chợ Hôm. Nhà tôi ở một ngõ hẻo lánh gần bờ sông, phải đi qua những phố rộng, lặng lẽ và tối tăm dưới những vòm lá cây đen sẫm. Từng quãng, một ngọn đèn điện nhỏ, lắc lư như người say rượu, lay động một vùng sáng lờ mờ vàng. Tôi lặng yên bước, nghe tiếng gót giầy vang lên trong đêm vắng. Thỉnh thoảng ngước mắt nhìn qua kẽ lá, một miếng trời xám hay vài ngôi sao ánh sáng trong và mát. Thong thả, tôi đi vào bóng tối, trong lòng bình tĩnh như vào nhà một người bạn. Đêm ở Hà thành dịu dàng, thân mật khác hẳn với những đêm âm thầm, mênh mang đầy sự kinh hoảng của thôn quê.

Ra đến phố Huế, tôi có cái cảm tưởng vào một thế giới khác, rộn rịp, đầy ánh sáng. Tiếng cười ồn ào, lẫn với tiếng xe cộ, tiếng rao hàng. Bóng người đi lại. Trước những gian hàng sáng trưng, một đám người ngồi nói chuyện hay một bọn trẻ con nô giỡn. Những cảnh tượng ấy tôi đã quen lắm, nhưng mỗi lần tôi lại thấy trong lòng đầm ấm hơn lên. Sự cô tịch, dầu êm ái bao nhiêu, cũng vẫn giấu chút hương buồn. Và bỗng rời sự quạnh quẽ đến một nơi đông đảo, sáng sủa, lòng người tự nhiên vui vẻ lên, sung sướng hơn, như sống lại cái cảm giác xa xôi của ông cha đời thái cổ trước ánh lửa trại.

Những lúc ấy, sự vui vẻ ngọt ngào hơn, nếu ta được nghe những giọng điệu du dương của cung đàn tiếng hát. Có lẽ vì thế mà không bao giờ tôi quên được vợ chồng nhà chị Tạc. Tôi không biết chị Ở đâu, nhưng cứ vài ba hôm, vợ chồng chị lại đến ngồi ở góc đường, hát xẩm. Chồng kéo nhị hay gẩy đàn bầu, vợ hát. Thằng cu con, độ sáu, bảy tuổi, nhem nhuốc, cái áo cánh nâu rách ngắn để hở rốn, ngồi nghịch cái chậu thau đã han rỉ, dùng để đựng tiền.

Lần đầu tới gặp cái gia đình nhỏ ấy là một buổi tối oi bức. Không một ngọn gió. Hơi nóng hấp ở đất xông lên, nồng nực, đầy cát bụi. Tôi sắp sửa gọi xe để đi tìm ít gió mát ở nơi khác, bỗng ngay đầu phố cất lên tiếng hát của chị Tạc, trong vắt như nước suối, ngân nga, gợi lên một cảm giác mát và nhẹ nhàng. Tiếng đàn bầu họa theo, vang lên những tiếng khóc trong. Lũ trẻ con đương chơi bóng trên hè dừng lại. Một đứa kêu:

- A! Xẩm. Lại nghe đi.

Chúng chạy xô ra đầu phố, rồi đứa đứng đứa ngồi, ngây ra nhìn và nghe. Mấy người hóng mát ở gần đấy, dừng câu chuyện ngồi lặng yên lắng tai. Mọi người đều quên cả nóng bức. Tiếng hát mỗi lúc một cao, người đến xem mỗi lúc một đông.

Chị Tạc giở đủ giọng, chị đi từ giọng Bắc, nhanh nhẹn, lưu thoát, sang giọng Nam, chứa đầy nỗi buồn mênh mang. Toàn những âm điệu hồn nhiên, rung động lòng người, đưa tâm hồn đến những thế giới tình cảm xa xăm, đầy thơ, đầy mộng, đầy hương thơm. Chốc chốc, chị ngừng hát, nhưng trong yên lặng, dư âm của lời ca vẫn còn xao xuyến trên dây đàn của linh hồn. Giọng trong trẻo của chị Tạc bắt theo điệu đàn trong khiến tôi mê mẩn tâm linh như hòa hợp với những thời ký vãng mung lung. Tôi sống lại cả một thời thơ ấu, đương ẩn náu trong nơi vô giác của tâm linh; tôi say sưa hưởng hết cả hương vị của những tiền kiếp nào, xa xôi, mịt mù, và trùm qua ký ức ấy, một tình cảm nhớ thương không bờ bến.

Từ hôm ấy, không mấy ngày tôi không đến nghe vợ chồng chị Tạc. Thằng cu con đã quen mắt, thấy tôi là nó cười, bỏ chiếc chậu thau chạy lại. Có khi tôi đưa nó một xu, một trinh, nhưng thường thường tôi mua cho nó một chiếc kẹo. Nó thích lắm, giựt lấy rồi vội vàng chạy về chỗ, cắn, nhai cả cái giấy bọc. Vợ chồng chị Tạc biết tính tôi, thi nhau khoe tài, chồng nắn nót từng tiếng đàn, vợ cất giọng thật trong theo những điệu tôi chưa từng nghe. Thế nào cũng có một vài điệu chèo là những điệu tôi ưa nhất. Những điệu ấy, chị Tạc hình như quen lắm. Tôi thấy lúc chị dễ dàng hát thay đổi những bài chị đã thuộc, mặt chị khác hẳn đi. Mắt chị ngày thường lờ đờ, bỗng sáng hẳn lên, khuôn mặt trái xoan răn reo quá sớm như trẻ lại. Tôi sực nhớ đến câu bình phẩm mà tôi đã được nghe một buổi chiều nào:

- Nhà chị xẩm này hình như ngày xưa đi hát chèo thì phải!

Có lẽ chỉ là một câu đoán phỏng của một người nghe thấy chị Tạc hay ca giọng chèo, nhưng tôi không thể đừng nghĩ ngợi bâng khuâng. Lắm khi, ngồi nghe chị, tâm trí tôi vẩn vơ trôi theo dòng tưởng tượng. Chị Tạc là một đào có tiếng của một gánh chèo, nhí nhảnh, nũng nịu, một nụ cười tinh ranh luôn luôn nở trên môi thắm. Chị theo gánh hát đi hết nơi này đến nơi khác; qua những cánh đồng lúa non, gió thổi giạt xuống như tấm thảm nhung lay động, qua những ngọn đồi tím, trơ trụi mấy cây thông giơ thân hình khắc khổ, men những vùng cát trắng, những ruộng muối đỏ, mơ màng nhìn những cánh buồm nâu cắt hình lên mặt biển màu ngọc bích. Chị đi, vui vẻ, không lo, không nghĩ, như một con vật non, sống cái đời phiêu bạt, chìm đắm trong tiếng hát, cung đàn. Đêm đêm chị lại thay hình trở nên cô công chúa nõn nà dưới dải mũ rung rinh ánh sáng, hay cô thôn nữ thơ ngây, áo nâu non, thắt lưng cá vàng, ngồi bán nước dưới gốc đạ Con mắt sắc của chị đã say đắm bao nhiêu trai làng khăn lượt, áo thâm; giọng hát trong của chị đã đem lại cho bao nhiêu người vất vả một chút quên, quên những nỗi cực khổ hằng ngày để đắm đuối trong âm thanh.

Thế rồi, một ngày xuân ấm, lộc cây đầy nhựa, chị gặp người yêu.

Tôi nhìn anh Tạc, gầy ốm trong mảnh áo rách, nước da đen xám vì dãi dầu. Thủa ấy, có lẽ anh là một trang niên thiếu phong nhã, yêu âm nhạc, cảm thanh sắc, bỏ nhà cửa theo gánh hát của cô đào xinh xắn đã cướp đoạt lòng anh. Hai người đã sống trong ái tình; những đêm thanh vắng, chị đã biết bao lần cất tiếng ca nỗi lòng u ẩn để riêng anh rạo rực nghe; những buổi chiều vàng rực, linh hồn của hai trẻ đã từng hòa hợp với lá, với cỏ xanh non hơn dưới ánh nắng sắp tàn.

ánh chiều qua, ánh chiều lại quạ Chuỗi ngày ái ân bao giờ cũng ngắn ngủi. Thời khắc trôi, và trôi theo tuổi trẻ, tình yêu và hy vọng. Gánh hát tan. Anh chị đưa nhau về ẩn một nơi thôn quê trầm tịch, nhưng người ta không thể chỉ sống bằng ái tình và nước lã. Hai người đã cố tìm việc làm, đã dầy dạn nắng mưa, đã biết đời cực nhọc.

Cũng như những con ve không biết phòng xa, anh chị đã phải sống trong sự cùng khốn. Bây giờ đây, sống tạm bợ cho qua ngày, hai người có lẽ không còn nhớ những tình cảm ngây ngất, những giây phút mãnh liệt thuở trước nữa. Sự nghèo khó đã in vết răn trên trán. Người lam lũ chóng khô héo. Tôi ngồi nhìn vợ chồng chị Tạc, bây giờ không tìm thấy dấu vết cuộc đời xưa. Trên nét mặt hai vợ chồng, tôi chỉ còn nhận thấy vẻ nhẫn nhục của những người nghèo khó. Không lúc nào hai vợ chồng còn nở được một nụ cười vui vẻ; họa hoằn một đôi khi tiếng trinh, tiếng xu ném vào chậu thau liên tiếp, vẻ mặt hai người mới sáng lên một chút. Lúc đó, chồng nắn cung đàn, vợ cao giọng hơn lên, nhưng chỉ còn là mong đợi được người ta thưởng nhiều hơn. Không bao giờ chị còn hát cho chị nghe nữa, cho chồng chị nghe nữa, mà chồng chị cũng không còn rạo rực như xưa; chị, ngày nay, chỉ còn hát để mà nuôi thân.

Những ngày hè oi nồng đã hết, và cũng đã hết những ngày trong sáng của mùa thu ngắn ngủi. Gió bấc đã bắt đầu đuổi lá bàng trên những con đường vắng, và tiếng sếu kêu lạnh đã vang động trong đêm khuya. Con gái nhà giàu mặc thử những bộ áo nhung ấm, con nhà nghèo rét run trong mảnh áo rách.

Đêm đến, đường sá vắng tanh, không có vẻ đông đúc rộn rịp nữa. Cuộc sinh nhai ngoài phố càng thêm khó khăn; càng ngày càng thấy vắng người dừng chân nghe vợ chồng chị Tạc. Họ vội vàng đi về những căn nhà ấm cúng, hưởng sự êm đềm của gia đình, không ai nghĩ đến những cảnh đời thiếu thốn chung quanh. Tiếng xu rơi vào chậu thau mỗi đêm một hiếm, và tiếng hát của chị Tạc không thấy cao lên nữa.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp hai vợ chồng chị, nhưng gió mỗi lúc một rét, tiếng đàn tiếng hát mỗi lúc một nhanh; và những buổi mưa phùn lạnh lẽo thì điệu Nam ai gần hóa ra điệu Binh bán. Thằng cu con trời rét mà vẫn mặc có cái áo cánh rách; mẹ nó chỉ bó thêm vào mình nó một manh chiếu con để che gió. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nó run cầm cập và bỏ cả chậu thau, nép mình vào người mẹ cho ấm. Chị Tạc vừa ôm con lên lòng vừa hát; chị cũng thấy lạnh, môi chị đã thâm lại, chốc chốc chị lại dừng, ho khan lên một tiếng ngắn. Một vài phút sau, không có ai, vợ chồng cuốn chiếu dắt nhau đi, không biết đi về đâu nữa. Nửa tháng sau đến chỗ cũ, tôi không thấy vợ chồng chị Tạc như mọi lần. Thu mình trong áo, tôi nghĩ rét mướt đã đuổi anh chị đi phương khác kiếm ăn và cũng không để ý đến nữa.

Một hôm, có việc về chơi người anh em ở Bạch Mai, tôi rẽ qua xem nghĩa trang Hợp Thiện. Trời đã xế chiều, ánh nắng còn thếp vàng những ngọn cây cao. Cỏ tươi thắm. Hoa vạn thọ vàng thẫm. Bỗng tôi rùng rợn thấy lạnh lẽo cả tâm hồn, nhưng không dám phân tách rõ cái cảm giác lạnh lẽo ấy.

Trời tối dần. Về phía mộ làm phúc, tôi chợt thấy một đám ma người nghèo. Ba, bốn người phu đương khiêng một cái quan tài mộc, theo sau một người lớn và một đứa trẻ. Một nỗi buồn thấm thía đến cắn lấy lòng tôi khi tôi nhận ra cha con anh Tạc. Tôi sực nhớ đến tiếng ho khan của chị Tạc những đêm đông giá lạnh, và tôi chợt hiểu vì lẽ gì ít lâu nay tôi không gặp vợ chồng chị. Trong lúc ấy, áo quan từ từ đặt xuống hố, tôi nghe tiếng rút dây rõ ràng trong sự yên lặng của buổi chiều. Rồi có tiếng khóc rên rỉ, đem lại một nỗi buồn mênh mông.

Mộ đã đắp xong. Đột nhiên tôi thấy những nét trắng của mấy bông huệ rung trong bóng tối, như sự xao động cuối cùng của một linh hồn sắp tiêu diệt. Người tôi lúc đó dễ xúc cảm như một cốc pha lê mong manh, sẽ động là có tiếng vang. In sâu vào trí nhớ những chấm đỏ thẫm của hương, mùi thơm mát trong gió. Anh Tạc, thằng cu con, mấy người phu trở nên những vết lờ mờ không rõ, nhòa trên nền cỏ đen. Không một tiếng động. Im lìm. Trong một giây, tôi có cái cảm giác người và vật sắp tan vào bóng tối.

Có tiếng nói. Như một sự quái lạ:

- Cho chúng tôi tiền để chúng tôi về. Tối rồi.

Câu nói thản nhiên của bọn phu trong cái không khí âm thầm tôi nghe như một sự xúc phạm. Lặng lẽ, tôi bước lại, cho chúng một hào, và còn bao nhiêu tiền trong túi tôi dốc cả vào tay thằng cu con.

Từ hôm ấy, tôi không gặp cha con anh Tạc lần nào nữa. Có lẽ anh lang thang với chiếc đàn lẻ loi, với những nỗi đau khổ ngấm ngầm, cha con không chết đói là anh không còn mong mỏi gì nữa.

Và từ đấy, tôi cũng bỏ mất cái thú đi hóng mát buổi chiều.

CHÁN NẢN

Chuông đồng hồ thong thả buông chín tiếng vào giấc ngủ mê mệt của Nhân. Sực tỉnh, chàng uể oải vươn vai, ngáp một cái dài. Rồi gấp hai tay ra sau gáy, chàng ngước nhìn lên đình màn, lờ đờ đưa mắt theo một con muỗi đương bay tìm lối ra, luôn luôn chạm cánh vào đường lưới. Sau bức màn trắng mát, Nhân lặng nhìn màu hồng nhạt của cái diềm màn gấm và màu xanh tím của bức tường kẻ hoa. Chiếc quạt trần quay trong bầu không khí êm tĩnh. Nhìn sang tay phải, cái tủ gụ chạm, lồng kính, lờ mờ phản chiếu ánh sáng buổi sớm lọt qua khe cửa hiên vào trong phòng.

Nhân nhắm mắt lại, thân thể và tâm trí nặng nề như dính xuống đệm, không cất lên được. Trong óc chàng, những hình ảnh ngày hôm trước phảng phất hiện ra rồi mất đi, không mảy may thứ tự. Nhân mang máng sống lại những giờ ngồi ngắm cá vàng mà chàng tưởng dài không bao giờ hết, và buổi tối nhạt nhẽo chàng đã qua bên cạnh Lan, vợ chàng, trong rạp hát.

Muốn tránh những ý tưởng gợi nản, Nhân ngồi nhỏm dậy. Mệt mỏi, chàng lẩm nhẩm nói một mình:

- Dậy làm gì bây giờ?

Miệng tuy nói vậy, Nhân vẫn xỏ chân vào đôi giầy bông êm ái, bước xuống giường lê sang phòng tắm. Chàng rửa mặt bằng một thứ xà phòng thơm mát, đoạn mặc vào mình một bộ quần áo vải nhẹ, mềm và rất đắt tiền. Những công việc ấy, Nhân làm hằng ngày, nay đã trở nên một thói quen, nên cử chỉ chàng lúc này đều đều như một cái máy. Sống trong sự xa xỉ từ thuở nhỏ, Nhân coi những thứ phụ vật kia như một sự cần dùng không thể thiếu, và chàng cũng không thể tưởng tượng ra thiếu nó được.

Nhân cầm lấy bình nước hoa, phun lên mái tóc, chợt nghe thấy tiếng vợ Ở phòng bên cạnh:

- Cậu ăn sáng thức gì để tôi bảo nó đi mua.

Nhân bỗng có cảm giác rằng câu nói ấy, với cả giọng âu yếm và hơi có ý bảo hộ, chàng đã nghe nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Chàng lấy làm khó chịu.

Nhân buột miệng trả lời:

- Ăn gì cũng được.

Nghe mình nói, Nhân giật mình như nghe tiếng người khác. Câu trả lời ấy đã thành ra một câu sáo, ngày nào cũng dùng tới. Tuy Lan biết chồng không bao giờ trả lời một cách khác, nàng sáng nào cũng hỏi để cho có câu nói, để phá sự yên lặng nó phân biệt, chia rẽ linh hồn những người sống cạnh nhau. Nhân không để ý đến, có khi lại vui vẻ trả lời, nhưng hôm nay chàng đột nhiên cảm thấy một cách sáng suốt rằng câu nói vô vị kia chỉ kéo lại gần nhau hai linh hồn trống rỗng, thờ ơ, lạnh nhạt.

Nhân sực nhớ lại. Chàng lấy Lan không phải vì tình yêu. Cha mẹ chàng đã thấy chàng lớn tuổi, sợ rằng sẵn của đâm ra chơi bời phung phí, nên cưới vợ để giữ chàng ở nhà, cũng như nhiều nhà giàu cho con hút thuốc phiện để của khỏi chạy ra ngoài ngõ. Nhân sống trong cảnh giàu sang, không lo nghĩ, không bận bịu, chỉ có việc ngồi quẩn trong phòng lau lọ sứ hay ra sân ngắm núi non bộ, rồi đến chiều, ăn xong, xe ô tô đưa đi hóng mát hay đưa đến rạp hát. Chàng sống trong cảnh ấy, như cây mọc trong hang tối, không biết ngoài còn có ánh sáng nữa.

Những hình ảnh mập mờ về dĩ vãng theo đuổi ám ảnh Nhân cho đến lúc ăn sáng. Chàng ngồi lặng yên cầm thìa khuấy cốc cà phê sữa, chán ngán nhìn những đĩa bánh bày la liệt trên bàn.

Bỗng Lan nói:

- Trông cậu hôm nay làm sao ấy.

Nhân chớp mắt, trả lời vơ vẩn:

- Không, tôi có làm sao đâu.

- Mặt cậu trông bơ phờ như người mới ốm dậy.

- Có lẽ vì tôi ngái ngủ...

Nhân nói dối để được yên thân. Chàng bỗng dưng nhận thấy rằng chàng không làm thế nào tỏ cho vợ biết được nỗi phiền muộn của mình, mà vợ chàng cũng không sao hiểu được nỗi phiền muộn ấy.

Uống xong cốc sữa, Nhân tự hỏi:

- Bây giờ biết làm gì được?

Chàng không tìm thấy câu trả lời.

- Làm gì được bây giờ, Nhân tự nhắc lại câu hỏi ấy. Đi chơi phiếm chăng? Hay là đến nhà anh em bạn?

Nghĩ đến đấy, Nhân tưởng tượng ra những việc sắp tới. Chàng thấy hiện rõ trước mặt một cảnh tượng chán nản: mấy người ngồi uống nước nói chuyện suông, rồi xoay ra tổ tôm đỡ buồn... Cho đỡ buồn, cả đời chàng rút cục chỉ có thế.

Như trả lời ý nghĩ của Nhân, Lan vừa cầm thỏi son đánh môi vừa nói:

- Lại chơi đằng bác Đốc đi, mình.

Nhân ngáp, thẫn thờ đáp:

- Ừ thì đi.

Lan vẫn ngồi, gọi với vào nhà trong:

- Vú già bảo anh tài đánh xe ra để tôi và cậu đi.

Rồi hai người ngồi yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Sự yên lặng sắp trở nên nặng nề, thì người tài xế vào mời hai vợ chồng lên xe.

*

* *

- Mời hai bác xơi nước.

- Vâng ạ, bác để mặc chúng tôi.

Nhân nghe vợ nói, nghĩ đến sự dự đoán của mình. Thấy Nhân ngồi im, bạn vồn vã hỏi:

- Thế nào, bác có trúng số không?

- Không.

- Chúng tôi cũng chẳng trúng số nào. Thật là mất tiền toi.

Câu chuyện ngừng lại. Lan nói:

- Bác mất tiền thì cũng là mất tiền Nhà nước. Cuối tháng, bác lĩnh lương thì cũng như lấy lại chứ gì.

Nhân cũng xen vào một câu:

- Độ này công việc có bận không, bác?

- Cũng không bận lắm, nhưng bằng sao được bác, tự do, muốn làm gì thì làm. Sung sướng thật.

Nhân mỉm cười chua chát, không trả lời.

Câu chuyện dần dần tẻ ngắt. Nhân chán ngán sắp đứng dậy thì bạn nói:

- Hai bác ở lại đánh tổ tôm chơi.

Lan nhanh nhảu đáp:

- Ừ phải đấy. Chúng mình ở lại đánh vài hội cho vui.

Trái với mọi hôm, Nhân từ chối nói là có việc bận.

Lan bảo:

- Vậy tôi ở lại. Mình đi đâu thì đi, rồi đến chiều lại đón tôi đi xem chớp bóng.

Bên sập gụ, một đứa đầy tớ gái đã đứng chia bài. Nhân từ giã bạn, chán nản bước ra. Vợ chàng gọi giật lại, nhắc:

- Cậu nhớ đến đón tôi đấy. Chớp bóng kỳ này hay lắm, nghe đâu là chuyện một ông tiên tìm thuốc trường sinh thì phải.

*

* *

Chiếc xe ô tô hòm nhẹ nhàng đi. Nhân vẩn vơ nhìn hai dãy nhà theo nhau chạy về đằng sau, nghĩ đến câu nói của vợ. Chàng nói thầm một mình:

- Đi tìm thuốc trường sinh... Đời mình ngắn ngủi thế này mà còn không biết làm gì, lại còn muốn một đời bất diệt...

Buồn bã, chàng trông những người qua đường đông đúc chen nhau đi, ngẫm nghĩ:

- Họ đi đâu? Chắc họ đi cho có chuyện như mình, và đời họ chắc cũng như đời mình, nhạt nhẽo, phẳng lì, buồn tẻ.

Nhân tò mò nhìn dáng điệu, nét mặt từng người để tìm chứng cho cái thuyết của mình. Lúc đó, xe ô tô đi qua phố Hàng Than. Chàng từ đằng xa đã để ý đến một bọn phu xe, đương đẩy những chiếc xe chất đầy than.

- Mình may giàu có mà sống còn không thấy vui nữa là họ! Không biết làm sao họ sống được...

Xe ô tô vượt qua dẫy xe than. Nhân nhìn lại, ngạc nhiên. Mấy người phu, đàn bà lẫn đàn ông, vừa nói chuyện vừa cười vang cả phố. Trên những khổ mặt nhem nhuốc, đầy bụi than, nét cười trông có vẻ lạ kỳ. Bỗng nhiên, Nhân, tuy đời vật chất đầy đủ, xa hoa, tuy không phải mó tay vào việc gì, Nhân nhìn thấy mình háo hức như thèm thuồng, ghen tị những người phu kia nhem nhuốc, vất vả những tiếng cười giòn và trong.

ÁNH SÁNG

- Phở có nóng không bác?

- Nóng.

- Vậy bác bán cho tôi ba xu.

Cậu bé đặt sáu đồng trinh lên mặt gánh, lặng yên đứng nhìn người bán phở nhấc môi bánh nóng hôi hôi đặt vào bát. Hơi nóng trong nồi nước dùng bay tỏa ra từng đám trắng, gió chiều thổi tạt về đầu phố.

Bằng đứng phía cuối gió, đương thẫn thờ cúi xuống nhìn cỏ, bỗng giật mình ngước mắt lên. Vô tình ngọn gió đã đột ngột đem theo mùi thơm ngào ngạt làm giác quan chàng rung động. Bằng quen tay thò vào túi, và sực nhớ rằng đồng hào cuối cùng chàng đã tiêu hết từ chiều hôm trước, cả gia tài chỉ còn một đồng trinh.

Lại một làn gió thơm đưa tới, nhẹ nhàng vờn mớ tóc rối của Bằng. Như đột nhiên nghĩ đến một việc cần, Bằng hấp tấp rảo bước đi thật nhanh. Qua gánh phở, chàng ngoảnh mặt chăm chú nhìn một bông hồng lách qua giậu sắt, rung rinh trước gió, hình như không nghe thấy tiếng hàng phở chào:

- Mời thầy mua cho một bát.

Thực thì Bằng vẫn nghe rõ lắm. Nhưng chàng không muốn lên tiếng từ chối trong khi lòng chàng rạo rực nôn nao. Chàng đói. Chàng đói lắm: từ sáng đến giờ, chưa có một hột cơm nào trong bụng, mà cứ thế lang thang hết phố này sang phố khác.

Bằng lang thang đi tìm việc làm. Đã hai tháng nay, từ hôm Sở dầu thải hơn sáu chục người làm công, không có ngày nào là Bằng không đi như vậy. Chàng chỉ biết có một nghề đánh máy chữ và tính sổ, mặc dầu cha mẹ chàng xưa kia chuyên nghề làm ruộng. Đáng lẽ như người khác, Bằng bây giờ đã vác cày ra đồng, khó nhọc kiếm lấy miếng ăn dưới ánh nắng thiêu, trong những ruộng lầy. Nhưng thuở nhỏ chàng chăm chỉ và thông minh hơn trẻ khác, nên cha mẹ chàng cố nuôi chàng ăn học, có mấy sào ruộng bán dần đi hết. Bằng vì thế trở nên một thầy ký. Công việc có nhẹ nhàng nhưng cảnh người làm công, cảnh bức bách. Có điều mỗi lúc về quê, họ hàng đối với chàng đều có vẻ trọng vọng tôn kính. Còn chàng chắc cũng an phận, nếu kinh tế không khủng hoảng. Nhưng đã gần một năm nay, sở nào cũng nghe thấy nói đến việc thải người làm. Trong Sở dầu, anh em thường thì thầm bàn đến một cách sợ sệt. Duy ai nấy cũng thầm tưởng, thầm mong rằng có thải cũng không đến mình. Bỗng một hôm, đương lúc mọi người cặm cụi làm việc, người loong toong chạy vào:

- Mời các ông lên quan Đốc gọi.

Trong phòng giấy rộng rãi, sang trọng, ông Đốc đứng nghiêm trang trong bộ áo là nếp thẳng thắn. Ông cám ơn mọi người đã làm hết phận sự, rồi ông tỏ nỗi lòng ông băn khoăn, khổ sở mấy hôm vừa qua:

- Các ông ạ, sự khủng hoảng bắt buộc chúng tôi phải rời các ông, tôi lấy làm tiếc vô hạn. Tôi mong sẽ có ngày kia, kinh tế vững chãi và các ông sẽ lại về làm ở đây.

Nói xong, ông Đốc xem vừa ý lắm, thắt lại cái cà vạt, vuốt lại mái tóc mượt, vẻ mặt sung sướng khoan khoái, ông bước lên xe ô tô hòm giục tài xế đưa đến một khách sạn sang để dự bữa tiệc chiều.

Trong khi ấy, các ông Ký bị thải ngơ ngác nhìn nhau, rồi buồn bã người nào trở về nhà nấy với mâm cơm cà và rau muống luộc.

° ° °

Ngày theo ngày, những ngày dài dằng dặc, những ngày ngồi rỗi với một tâm hồn chán nản, với cuộc tương lai mập mờ bất trắc. Mâm cơm cà và rau muống dần dần cũng không có nữa. Bằng đã tới cái cảnh ngao ngán ấy. Về quê làm nghề nông thì không còn một thửa ruộng - Bằng cũng tự biết không đủ sức cầy sâu, cuốc bẫm - và làm thợ thì không biết nghề gì, Bằng chỉ còn mong tìm được một chân bàn giấy. Chàng tiêu dần hết cả tiền dành dụm, mà không có chút hy vọng nào.

Ngày hôm nay, chàng không còn một đồng xu dính túi. Đã vậy, chủ nhà, bà Cai Đá, lại nhất định đòi tiền thuê nhà, và sau một hồi thuyết lý mỉa mai, bà ta hẹn lại cho Bằng đến sáng mai phải trả, nếu không thì đứng trách.

- Đừng trách!

Bằng nhếch mép cười một cách chua chát, tâm trí đầy rẫy nỗi uất ức, tức giận. Chàng ngẫm nghĩ:

- Dốt nát ngu xuẩn như mụ Cai Đá thì chỉ việc ngồi duỗi mà sống một cách sung sướng đầy đủ, còn mình muốn làm vất vả cả ngày để nuôi thân mà cũng không được. Ông trời bất công thực.

Bằng ngửa mặt nhìn lên không trung. Trời chiều trong xanh như ngọc thạch. Mấy đám mây hồng nhẹ nhàng trôi. Bằng cảm thấy rõ sự vô lý của lòng oán hận một cảnh vật vô tình, thản nhiên...

Bỗng chàng giật mình. Một tiếng còi gắt gỏng, một câu nói bẳn và một cái xe ô tô vụt qua trước mặt chàng. Chỉ chậm một giây nữa thì Bằng bị Ô tô cán phải. Thì ra chàng bước xuống đường nhựa lúc nào không biết.

Sợ hãi, Bằng lùi lên bờ hè, mới hay mình ở trước vườn hoa nha Đốc lý. Mệt nhọc, chàng ném mình xuống một cái ghế dài gần đấy, ôn lại cái nạn vừa xảy ra:

- Thật là chết hụt!

Ngẫm nghĩ, chàng tắc lưỡi:

- Chà! Chết mà lại hay... Sống khổ sở thế này thì cũng chẳng nên sống làm gì.

Thở dài, chàng xua đuổi ý nghĩ chán nản nhìn ra chung quanh. Trời đã nhá nhem tối, những bông cúc trắng rung rinh trong ánh sáng mờ mờ khiến Bằng nhớ đến cảnh xa hoa của tết năm nào.

Có tiếng nói sẽ như đáp lại ý nghĩ của Bằng:

- Lạy thầy dón tay làm phúc.

Trông người ăn mày hốc hác, rách rưới, đứng chĩa tay trước mặt, Bằng nở một nụ cười buồn tênh, lắc đầu ra hiệu rằng mình không có tiền. Người ăn mày vẫn nhẫn nhục đứng lải nhải xin. Bằng đứng dậy móc túi lấy đồng trinh còn lại ném cho, rồi vừa đi vừa nói một mình:

- Thế là hết.

Chàng lần theo những phố đông đúc, trong lòng thấy vui vui vì đã cứu một người nghèo khó hơn mình. Thấy đói và mệt, chàng dừng lại nhìn một cửa hàng bán vàng bạc, tò mò ngắm nghía những chiếc nhẫn dát kim cương lóng lánh bên cạnh mấy đôi xuyến huyền nạm vàng.

- Nếu ta có một chiếc xuyến kia nhỉ?

Bỗng một ý nghĩ bất chính nẩy ra trong trí Bằng. Như muốn tránh sự cám dỗ, chàng ngoảnh nhìn sang một cửa hàng ở dãy bên kia phố. Trong khung kính, mấy miếng xúc xích đương lơ lửng trên vài chiếc bánh tây ngon lành, và những chiếc bánh sữa đương phơi màu vàng ngọt dưới ánh điện sáng trưng. Bằng rùng mình, tưởng tượng ra một bữa tiệc long trọng, những chiếc bánh đặt trong giỏ mây bên cạnh những cốc pha lê trắng muốt, những đĩa thịt thơm thọ Bằng rùng mình, vì ý nghĩ chiếm đoạt tiền của người khác đã hình thành trong óc chàng và xui giục chàng thò tay vào lấy trộm chiếc xuyến.

- Họ có mất chiếc xuyến cũng không sao, mà ta lại được một bữa cơm ngon.

Bằng thò đầu vào cửa hàng bỏ vắng, bỗng chàng nhìn thấy bóng trong gương, mặt mày len lét, bơ phờ. Chàng kêu rú lên một tiếng rồi cắm cổ chạy như tội nhân đi trốn.

Về đến nhà, Bằng mới hoàn hồn, chàng nằm vật xuống phản, thở hồng hộc, như vừa mới thoát khỏi một cái nạn to: thiếu chút nữa, chàng đã thành một thắng ăn cắp. Nhưng nghĩ đến cách sống ngày mai, Bằng càng bối rối. Biết làm gì mà nuôi được thân bây giờ, ngoài việc bất chính? Hay là đi hành khất? Bằng nhớ lại người ăn mày ở vườn hoa Đốc lý, nhớ lại cái nạn ô tô suýt nữa xảy ra. Chàng than thở:

- Nó chẳng đè chết đi cho rảnh chuyện.

Một tư tưởng vụt ra trong trí, khiến chàng thẫn thờ lẩm nhẩm:

- âu là...

Rồi Bằng ôm mặt nức nở khóc.

*

* *

Mặt trời đã lên cao. ánh nắng êm đềm xiên qua cửa sổ. Bà Cai Đá trỗi dậy, với lấy ống nhổ, gọi con sen:

- Đỏ, mày chạy xuống đòi thầy Bằng tiền nhà đi.

Rồi bà lẩm bẩm:

- Lần này mà không trả thì bà bảo chọ Đã hai tháng của người ta rồi, mà cứ chây ra, người đâu mà trơ đến thế!

Con sen vừa mới bước xuống cầu thang, bà Cai Đá khoác vội cái áo dài, chạy liền theo, nét mặt hầm hầm.

Đến cửa phòng Bằng ở, bỗng bà đứng dừng lại, ngạc nhiên. Bà trông thấy Bằng ngồi trên thành cửa sổ tay gõ dịp xuống tường, miệng hát nghêu ngao...

- Thế nào, thầy trả tiền nhà tôi đi chứ?

Như không nghe thấy câu hỏi của bà Cai, Bằng cúi hẳn người ra ngoài, nhìn chòm lá long não phấp phới rung rinh trước gió, tươi cười như một cô con gái nhí nhảnh. Bằng không hiểu sao mình vẫn còn sống mà ra đây nhìn ánh sáng và chàng lấy làm lạ rằng sao lúc nãy chàng lại cảm thấy một cách đằm thắm hơn mọi khi, cái vui, cái đẹp của đời.

TIẾNG PHÁO XUÂN

Đêm hôm ba mươi Tết. Một đêm lạnh lẽo, mưa phùn, gió bấc. Nhà hàng phố đã bắt đầu đóng cửa. ở một góc tường dưới cái mái hiên lớn, Minh co ro trong chếc bao tải rách, miệng làu nhàu kêu rét. Hắn tra tay vào túi, lấy ra một miếng pháo xiết ấn lên vỉa hè. Không thấy kêu, hắn cầm soi lên ánh đèn, lẩm bẩm:

- Rõ đen. Nhặt được miếng pháo ướt.

Minh quăng bánh pháo xuống rãnh, ngả mình trên ngưỡng cửa, co hai chân lại, hai tay giao lấy nhau đưa lên miệng hà hơi cho ấm. Lạnh lùng, hắn nhìn mưa phùn từng lớp trắng bay qua ngọn đèn điện treo giữ phố, se sẽ rung rinh trước gió, đưa mắt theo khoảng ánh sáng đục bập bềnh trên nền trời đen tối như một đám bọt vẩn trên mặt biển mênh mông.

Hắn rùng mình. Hắn vừa nghĩ tới số phận của một đứa trẻ không cha mẹ, sống lạc loài trong sự lo sợ, trong sự đói rét. Số phận hắn là số phận của một đám bọt ánh sáng lênh đênh trôi trong biển trời đen thẳm, không chút tình thương yêu, không một tia hy vọng. Hắn bỗng cảm thấy hết cả nỗi khổ của đời cơ cực. Những cảm tưởng ấy thoáng qua như cơn gió lạnh ở đâu lại, lùa vào khe cửa rồi biến mất.

Lát sau, Minh đã kéo ở trong bọc ra một nắm xôi nhai ngấu nghiến một cách ngon lành. Hắn tò mò nhìn sang dãy bên kia phố, dừng mắt lại một cửa hàng tạp hóa còn chong đèn. Trong khung áng sáng, hiện ra một cảnh tượng êm đềm, đằm thắm.

Qua mấy cái tủ hàng, Minh trông thấy rõ người nhà rộn rịp dọn lễ giao thừa. Một người đàn bà hãy còn trẻ đương đặt bát thủy tiên trong suốt lên ban thờ sáng trưng. Dưới đất, một cô gái vào trạc tuổi Minh đương lúi húi đốt trầm trong một cái đỉnh đồng. Khói trầm thong thả bốc lên, thong thả quyến lấy mấy đóa hoa hải đường lộng lẫy, mấy chậu cúc vàng, lấy cành đào trong cảnh bồng lai. Hắn mê man mơn trớn màu lam của hương trầm, màu vàng chói lọi của câu đối, say sưa vơi màu hồng nhạt của lá màn phủ trước bàn thờ, với những sắc lấp lánh của cái tủ chè khảm kê bên cạnh.

Bỗng Minh thấy người đàn bà quay lại phía hắn, nói gì với một người vú già đứng hầu ở chân sập. Nét mặt đều đặn, bà có vẻ hiền từ, phúc hậu. Minh chợt nhớ đến mẹ, rồi trong trí hiện ra ngay hình ảnh một người hốc hác xanh xao, nằm lịm đi trong một túp nhà tranh lụp xụp ngoài bãi, trên chiếc chõng tre xiêu vẹo. Đó là hình ảnh mẹ lúc hấp hối Minh còn mang theo trong trí. Tuy vậy, hắn nhận thấy nét mặt người đàn bà ấy hao hao giống mặt mẹ hắn. Khi người đã đi khuất sau ban thờ, Minh lại để ý đến người con gái đốt trầm. Thấy cô bé nhí nhảnh vui cười, chạy hết chỗ này đến chỗ khác, Minh cảm thấy vui vẻ trong lòng, hình như chính hắn đương soạn sửa đến đón rước năm mới. Minh tưởng tượng cùng với cô bé rửa chén chè trong chậu đồng, cùng với cô bé sửa lại mấy bông hoa cắm trong lọ sứ...

Đêm dần dần khuya. Minh mắt vẫn ráo hoảnh, giương to nhìn vào trong gian nhà ấm áp. Chợt thấy một người ra đóng cửa hàng, Minh tức tối nhìn như một người thù hằn. Từ từ, người ấy đặt hết cánh cửa này sang cánh cửa khác. Minh cố nghển cổ nhìn bức tranh hoạt động đáng yêu một giây một thu nhỏ lại. Còn một chỗ hở, là hắn còn nhìn vào trong nhà, như người hấp hối cố cầm hơi để sống thêm vài phút nữa.

Đến khi trông thấy hai cánh cửa cuối cùng che kín mất cảnh đời tưởng tượng, Minh như bị xô đẩy vào trong sự tối tăm lạnh lẽo. Hắn rên sẽ một tiếng, òa lên khóc. Đáp lại, đồng hồ nhà ai thong thả đánh mười một tiếng: tiếng lanh lảnh như ai oán rơi vào trong đêm tối vô hạn.

Minh thiếp đi từ bao giờ không biết. Hắn dụi mắt, ngạc nhiên nhìn chung quanh. Hắn thấy nằm trên một cái giường nhỏ giải đệm, trên mình, đặt một cái chăn chiên êm và mềm, trắng tinh và viền đỏ. Chung quanh, bài trí giản dị mà trang nhã. Ngay đầu giường, một ngọn đèn nhỏ chiếu ánh sáng nhạt lên cái tủ gương bóng loáng, làm nổi bật lọ cúc đặt trên cái án thư lên màu xám của bức tường hoa.

Minh ngồi nhỏm dậy. Bỗng có tiếng hỏi:

- Con đã dậy đấy à?

Minh nhìn qua cửa màn thấy người đàn bà khoan thai bước vào, dáng điệu giống hệt mẹ đẻ của mình. Hắn vừa toan cất tiếng gọi mẹ, chợt nhìn lại, hóa ra người đàn bà mà hắn nhìn trộm ban chiều đương sửa lễ giao thừa trong cửa hàng tạp hóa. Minh lại càng thêm ngạc nhiên, vừa toan hỏi, thì người đàn bà đã vén màn, dịu dàng bảo:

- Con cứ nằm xuống đấy. Con có đói không?

- Dạ, bẩm...

Người đàn bà ngắt lời:

- Thì con hãy nằm xuống nào. Mẫn ơi, đem bát sữa lên cho em.

- Dạ.

Một cô con gái - cô con gái đốt trầm ban tối - bước vào, hai tay bưng một chén sữa hơi bốc nghi ngút. Minh trông thấy, khoan khoái đến cực điểm, và lấy làm lạ lùng hết sức.

Người đàn bà nói:

- Con đừng lấy làm lạ. Mẹ ra coi đóng cửa, thấy con nằm bên kia vỉa hè, rét mướt, khổ sở, mẹ thương quá... Con có muốn nhận mẹ là mẹ nuôi không?

Minh nghẹn ngào không biết nói thế nào. Người đàn bà âu yếm bưng bát sữa đưa cho Minh uống. Bấy giờ Minh mới nhận ra rằng mình đã mặc một bộ áo mới, sạch sẽ và thơm tho.

Trong lòng Minh lúc ấy vui sướng lạ thường. Hắn có cái cảm tưởng rằng vẫn sống trong sự êm ấm, đầy đủ như bây giờ, còn những ngày gió lạnh sương buốt, những ngày nắng cháy sém da, những ngày nhịn đói nhịn khát chỉ là một giấc mơ dữ dội. Hắn từ từ uống để cho vị thơm ngọt của sữa từ từ thấm nhuần vào da thịt.

Người đàn bà âu yếm bảo:

- Mẫn ở đây với em rồi đưa em đi chơi... mẹ còn ra sắp sửa giao thừa nhé.

Không bao giờ Minh có cảm giác êm thú bằng lúc ấy. Bao nhiêu những điều mơ ước, những sự thiếu thốn bấy lâu, bỗng nhiên bừng mắt, Minh thấy đầy đủ quanh mình, như đợi Minh thưởng thức. Minh sung sướng nghĩ thầm:

- Giá ta không thấy rõ ràng thì có lẽ còn ngờ là chiêm bao.

Rồi Minh mỉm cười một mình. Cô Mẫn cũng mỉm cười theo như một tấm gương phản chiếu cái diễm phúc đột ngột của Minh. Một lát sau, hai chị em cười cười nói nói, rủ nhau ra nhà ngoài.

Những đóa hoa hải đường mơn mởn, những cốc thủy tiên thơm ngát, và cánh đào lộng lẫy bên nét chữ vàng câu đối vẫn say sưa trong đám khói lam. Minh say sưa đón lấy hương trầm vấn vít quanh mình, và cảm thấy sự sung sướng làm nẩy nở từng thớ thịt.

Bỗng có tiếng pháo mừng xuân nổ, và có tiếng quát Minh nghe rất gần:

- Có bước ngay không, pháo nổ vỡ đầu ra bây giờ!

Khoảnh khắc, những màu tươi thắm chung quanh, đóa hải đường, cốc thủy tiên đều biến mất. Trước mắt, Minh không thấy mái tóc mây của cô chị gái xinh, mà chỉ thấy nét mặt giận dữ của người bếp nhìn chòng chọc vào mình. Minh chưa kịp hốt hoảng, đã bị người ấy đạp một cái và mắng:

- Bước ngay!

Liền ngay tiếng pháo bắt đầu nổ. Người bếp châm xong ngòi tràng pháo, đã lui vào trong nhà. Minh bị pháo bắn vào tay, vào mặt, vội vã cắm đầu chạy thẳng sang trước cửa, như để cầu cứu với người đàn bà hiền từ đã nhận mình là con.

Minh ngửng mặt lên. Người đàn bà hiền từ ban nẫy đứng nhìn hắn, hầm hầm quát tháo:

- Năm mới của người ta! Đồ chết dẫm. Muốn sống thì bước ngay, không có bà cho thì rũ tù.

Cố nén tiếng khóc đương nức nở trong lòng, tiếng khóc của sự thất vọng không cùng, Minh ôm đầu chạy thẳng vào đêm tối...

SẮC KHÔNG

- Tôi nghiệm ra rằng các nhà tu hành, theo tôn giáo vùng nào cũng vậy, đều có một vẻ mặt riêng. Nhà sư ta vừa gặp, tôi thấy hao hao giống nhiều vị cố đạo tôi quen; họ đều có một khuôn mặt khắc khổ, không sao lẫn được.

- Tôi không dám chắc. Đời các nhà sư bình tĩnh, phẳng lặng như ao tù thì họ còn đau đớn gì mà nét mặt khắc khổ được. Theo ý tôi...

Cương ngắt lời bạn. Chàng nói bằng một giọng trầm, như chứa chất một tin tưởng rất chắc chắn:

- Anh lầm.

Cương ngừng một giây, nhìn ánh mặt trời yếu ớt chiếu ngang vào gác chuông, thủng thỉnh nhắc lại:

- Anh lầm. Anh có quan sát mặt biển cả bao giờ không? Những buổi chiều sắp có giông bão, mặt biển yên lặng lạ lùng. Nhưng chính lúc ấy, những làn sóng ngầm rất bạo liệt đương chuyển động cả đáy biển. Đời nhà sư cũng vậy, anh ạ, chỉ phẳng lặng ở bên ngoài.

Thái cười mai mỉa:

- Và cả ở bên trong nữa!

Cương không trả lời, mắt lơ đãng nhìn vào quãng không. Sự tịch mịch chung quanh tăng lên dần với bóng chiều. Thái nhìn bạn:

- Anh nghĩ gì mà thờ thẫn cả người ra thế?

- Tôi nghĩ đến một câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu, và vai chủ động là một nhà sư sống một đời phẳng lặng như anh vừa nói. Đến mãi bây giờ, tôi vẫn không quên được. Câu chuyện người khác cho là rất tầm thường nhưng tôi thấy hàm một ý nghĩa rất xâu xạ Anh biết chùa N... Ở vùng Bắc đấy chứ? Nhưng có lẽ anh không biết: anh có hay vãn cảnh chùa chiền đâu! Một ngôi chùa hẻo lánh vắng vẻ gấp trăm cảnh chùa này. Chùa làm trên sườn đồi, trong đám thông gió, mặt nhìn xuống một con sông nhỏ. Chung quanh là đồng ruộng chạy mãi đến tận chân trời. Mênh mông êm tĩnh, anh ạ. Chiều chiều, lúc mặt trời lặn, nghe chuông chùa thong thả rơi từng tiếng một, đến anh cũng phải cảm thấy tâm hồn tiêu tan vào sự buồn nản vô cùng của hư không. Mỗi tiếng ngân vang đi rất xa, lắng tai như nghe thấy sự rung chuyển của không khí trong êm lặng. Tôi chưa thấy một ngôi chùa nào tĩnh mịch hơn: dẫu linh hồn đương xúc động mạnh đến đâu, ở đấy cũng phải trở lại bình tĩnh với sự bình tĩnh vô cùng của cảnh chùa.

Trụ trì chùa N... là một vị sư ông ngoài ba mươi tuổi, ít nói, ít cười, vẻ mặt lạnh lùng, và một chú tiểu ngây thơ, mộc mạc. Sư ông không biết ở đâu đến, nhưng thật là một vị sư cần mẫn, lúc nào cũng tụng kinh, niệm Phật. Ở vùng ấy, ai cũng mến phục, có lẽ kính nể sư ông nữa; thấy sư ông bao giờ cũng trịnh trọng nghiêm trang, người ta thì thầm bảo nhau rằng sư ông là một vị chân tu đã đến cõi Nát bàn ngay trong thời hiện tại.

Cuộc đời của sư ông êm ả quá, ngày này sang ngày khác trong sự tĩnh mịch phẳng lặng. Mặt ao tù, như anh bảo. Nhưng thật ra là mặt biển khi lặng sóng.

Một mùa xuân kia, mơn mởn như má cô gái dậy thì. Hai cây đào trồng cạnh ngôi chùa và mấy cụm mẫu đơn thi nhau nở hoa; mùi hoa cam, hoa bưởi ở ngoài vườn, gió đưa vào chùa, pha trộn với mùi hương trầm; những chòm lộc non xanh rờn chung quanh chùa; tất cả sắc và hương của cỏ cây gặp tiết mới nở giãn ra, đầm ấm, say sưa như men rượu.

Thiện nam tín nữ rập đến chùa lễ bái và vãn cảnh. Trong mưa phùn, những mẫu quần áo rực rỡ làm tươi hẳn cảnh chùa vốn lạnh lẽo quạnh hiu, khiến cho ai nấy đều có cái cảm tưởng là cả đến ngôi chùa cũng sống lại với mùa xuân.

Trong những ngày vui vẻ ấy, dễ thường chỉ có sư ông là vẫn thản nhiên lãnh đạm, không cười nói, tâm trí bận theo đuổi một giấc mộng xa xôi huyền bí. Đời của sư ông về bề ngoài, vẫn bình tĩnh một cách dị thường. Ai có tinh ý lắm mới nhận thấy sư ông gầy đi, mắt sâu hơn, má hóp thêm. Người ta bảo đó là vì sư ông thức khuya nhiều quá, và kể chuyện với nhau rằng có đêm, những đêm hương thơm của cỏ hoa nồng nàn quá, trong làng đã đổ canh tư rồi mà vẫn còn nghe tiếng mõ đều đều vọng ra ngoài đồng vắng.

Một ngày về cuối xuân, trời mưa bụi, không khí ấm và nóng như báo trước những ngày hè sắp tới; một ngày người ta thấy chân tay rời rã, máu đọng lại trong các mạch. Khách thập phương đến lễ đông, nên sư ông bận trên chùa từ sớm, hương trầm nghi ngút xông lên suốt cả buổi.

Mãi đến quá ngọ, sư ông mới xuống nghỉ dưới gian nhà tổ. Sư ông ngồi yên, hai tay mỏi mệt đặt lên cặp đùi gầy, mắt mở to nhưng không trông thấy gì hết.

Bỗng chú tiểu ở ngoài chạy vào, vừa thở vừa nói:

- Bạch cu... hai người đến vãng cảnh chùa ban nãy a... Họ đem nhau đến sau tháp, bẩm cái tháp lớn a...

- Thật thế à? Gọi ông Lý mau!

Sư ông đứng phắt dậy, mắt sáng quắc, mặt tái đi, và chân tay run bật lên.

ở ngoài, mưa đã tạnh. Một mảnh trời lộ ra sau những đám mây xám. Một ngọn gió êm, lơi lả đưa lại hương thơm nhẹ của cỏ hoa. Nhưng sư ông không còn vẻ thản nhiên lúc thường; trong khi đợi lý dịch, sư ông cuồng lên như một con thú dữ; đi đi lại lại trong phòng một cách nặng nề hấp tấp.

Vừa thoáng thấy Lý trưởng, sư ông chạy xốc ra:

- Mô phật! Nhờ chư ông bắt giùm. Thật họ làm dơ bẩn cả nhà chùa.

Sư ông hối chú tiểu dẫn đường đi ngay để bắt cặp gian phu dâm phụ. Những nét bình thản trên mặt sư ông, ai cũng trông thấy rõ đã rối loạn vì lòng phẫn nộ:

- Bắt lấy chúng nó!

Nhưng tiếng động đã đánh thức cặp tình nhân đang mê mải say sưa. Thấy bóng người, họ vội vàng lẩn trốn. Người đàn ông nhanh chân chạy thoát, chỉ còn lại người đàn bà bị bắt dẫn đến trước mặt nhà sư.

Sư ông đăm đăm nhìn người đàn bà từ đầu đến chân như nhìn kẻ thù. Đôi mắt sắc của sư ông sáng lên theo dõi từng cử chỉ của cô ả; dừng lại một giây trên đôi vai tròn trĩnh để hở trong chiếc áo chưa cài hết khuy, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt trát đầy phấn và cặp môi đỏ chót. Nét mặt sư ông tỏ ra vẻ giận dữ và khinh bỉ đến cực độ.

Cô ả ăn mặc lòe loẹt như một gái giang hồ, vẻ mặt lo lắng, hai tay chắp lại van xin, mắt nhớn nhác nhìn sư ông và mọi người như năn nỉ.

- Xin cho dẫn lên huyện!

Tiếng nói rít, đầy oán hận của sư ông khiến ai nấy giật mình. Lý trưởng lưỡng lự một giây.

- Trời chiều mất rồi, bạch cụ. Có dẫn lên huyện cũng không kịp.

Hay là... cụ cho giam tạm ở chùa cho đến mai.

- Không thể được ạ.

Nhà sư nhất định từ chối và nhờ vậy cô ả kia được tha, sau một hồi xỉ mắng. Sư ông nhìn cô ả sửa lại vành khăn, xốc lại quần áo rồi lủi thủi bước ra khỏi Tam quan.

Đêm hôm ấy, sư ông thức khuya lắm. Tiếng mõ cứ đều đều đổ dồn vào yên lặng. Và hôm sau, người ta ngơ ngác kháo nhau rằng sư ông đã bỏ chùa ra đi, không biết là đi đâu. Người thì bảo sư ông hóa điên, người suy nghĩ hơn, bảo sư ông không muốn tu ở một ngôi chùa đã ô uế, trốn đi tìm một ngôi chùa khác, tĩnh mịch hơn.

Sự thật không ai ngờ đến cả. Sư ông đã cởi trả áo nhà chùa, trở về với đời nghiệp chướng.

Cương ngừng lại, châm thuốc hút một hơi dài. Làn khói quyện lấy hai người. Thong thả, ở trong chùa, ngân nga tiếng chuông thu không, như điểm cuộc đời yên lặng trong cảnh tịch mịch hư vô.

Thái yên lặng nhìn bạn. Cương đưa mắt nhìn theo khói thuốc bay, chậm rãi nói:

- Đấy anh xem. Cuộc đời phẳng lặng của sư ông chùa N... là hầu hết cuộc đời của các nhà tu hành. Phẳng lặng ngoài mặt, nhưng bên trong rối loạn vô cùng. Thật là một bãi chiến trường. Bãi chiến trường của tín ngưỡng và dục vọng. Đè nén dục vọng không phải dễ dàng; trái lại, nhà tu hành mỗi lúc mỗi đau khổ lắm mới giữ được mình. Cuộc chiến đấu càng lâu càng tăng vẻ mãnh liệt; phần nhiều thì ngọn lửa lòng cháy một ngày một bốc, cho đến lúc làn gió nhẹ bên ngoài thổi qua cũng đủ làm bùng to lên.

Những ngày xuân ấm là những ngày đau khổ nhất cho các nhà tu hành; chung quanh họ, từ bông hoa ngọn cỏ cho đến muông thú, thấy đều say mê trong thanh sắc, trong dục vọng, riêng các nhà sư phải sống theo nhịp một điệu riêng, điệu của hư vô, của cõi chết. Nhưng nhắm mắt lại, chắc họ còn cảm thấy gió xuân mơn trớn như chiếc hôn nhẹ, và lúc gõ mõ tụng kinh, nhiều hình ảnh khêu gợi chắc đương lả lơi trước mắt.

Tôi nghĩ mà thương sư ông chùa N... ngày rằm tháng giêng. Những dáng điệu vô tình lả lơi của các cô gái đi trẩy hội, màu áo và hình sắc, mùi phấn và nước hoa lẫn vào hương trầm, ngần ấy thứ thừa sức cám dỗ một người, và người bao giờ cũng yếu đuối. Anh đừng tưởng sư ông phẫn nộ nhìn cô gái giang hồ là vì không tôn trọng luân lý: sư ông lúc đó đương chống giữ với sự cám dỗ bên ngoài, và vì thế sinh ra thù oán đến căm hờn nguồn rễ của dục vọng, người đàn bà. Lúc sư ông nhìn một cách ghê tởm và khinh bỉ thân thể cô gái giang hồ, tôi chắc là lúc thân thể sư ông rung động vì dục vọng bị đè nén, và sư ông đã ghê tởm và khinh bỉ chính người sư ông mà không biết. Ngọn lửa nhóm trong lòng sư ông đã cháy lâu rồi, không thể dập tắt được. Đôi vai tròn lẳn của cô ả chỉ là một giọt dầu đổ thêm vào đám lửa đương ngùn ngụt...

Ngừng một giây, Cương buông từng tiếng một, như vừa nói vừa nghĩ:

- Sư ông bỏ chùa là phải.

Chung quanh hai người, trời đã bắt đầu tối sẫm. Thái nghe tiếng bạn nặng nề rơi vào quãng không, như hàm súc một sự cảm động rất mạnh nhưng ngấm ngầm.

Chàng đột ngột hỏi:

- Sao anh biết rõ tâm lý nhà sư ấy thế?

Cương không trả lời. Chàng mỉm cười, đôi mắt nhìn vào trong đêm như nhìn một ký vãng mù mịt. Thái ngạc nhiên nhìn, và bỗng nhận rõ mặt Cương nổi bật lên trong tối, mắt sâu, má hóp, vẻ khắc khổ như mặt kẻ tu hành.

DƯỚI LÀN SÓNG

Đã mươi hôm, mưa tầm tã. Mực nước lên cao dần. Trống hộ đê đánh liên thanh không dứt. Tiếng trống đều đều gợi trong linh hồn dân quê những nỗi hãi hùng man mác, nghe buồn thảm như tiếng trống ngũ liên một đêm tối trời. Dân phu từng đám trên đê, đắp cừ, đan tre trong không khí yên lặng ghê sợ. Mấy ông kỳ mục, quần ống cao ống thấp, ngồi xổm dưới túp lều trống gió, vẻ mặt bơ phờ nhìn theo chiếc xe "quan" đi về phía huyện lỵ. Chiếc xe tay khấp khểnh nhọc mệt lăn trên con đường gồ ghề; một chú lính lệ tay xách chiếc điếu ống chạy theo sau.

Trong một đám dân phu, Mịch đang nai lưng làm việc. Anh vác từng thúng đất đào ở một thửa ruộng gần đấy đem lên mặt đê để đắp cừ. Thỉnh thoảng, mệt, anh đứng lại thở, nhìn ra mặt sông, lắc đầu lo ngại. Sông đỏ mênh mông, chảy từ từ như một huyết quản khổng lồ của một con quái vật nào. Mịch đưa mắt theo những đám bọt vẩn, những thanh củi lạc từ từ trôi về miền hạ du, mơ màng nghĩ đến cảnh rừng thẳm âm u là nơi mưa lũ đuổi những lá, những cành các thứ cây lạ trôi về. Cảm giác ấy thoáng qua trong óc Mịch như một tia chớp rồi Mịch lại quay trở lại với công việc. Mịch hì hục vác, nhanh nhẹn, nhịp nhàng, không hề nghĩ đến cái cớ bắt Mịch ra đây làm việc công.

° ° °

Trưa hôm ấy, trời hửng nắng. Mọi người trông nhau, tươi tỉnh hẳn lại. Mịch vui vẻ ngồi ăn bữa cơm trưa. Anh đói nên ăn rất ngon miệng. Vài bát cơm khoai, mấy con cá kho muối, anh thấy hương vị đậm đà, nên lúc giỏ cơm đã hết, anh chép miệng nói một mình:

- Giá có cơm nữa mà ăn nhỉ!

Bỗng Mịch nghĩ đến gia đình. Anh băn khoăn tự hỏi:

- Chẳng biết hôm nay mẹ cái ốc có mò được con cua nào không? Rõ khổ... Mình ở đây còn có cơm ăn, chứ mẹ con nó biết nuôi nhau bằng cái gì?

Mịch thở dài nghĩ đến cảnh nhà bần bách.

Có vài sào ruộng công để cày cấy thì đã đem cầm cố đi cả; anh chỉ còn nghề làm mướn để sinh nhai. Nhưng anh không bao giờ bận lòng oán thán, vì yên chí rằng ở trên đời, sự khổ sở, cơ cực là phận của anh, còn sung sướng, thong thả là phận của người khác.

° ° °

Chiều đến, công việc hộ đê có vẻ uể oải. Mấy ông kỳ mục, được hôm tạnh ráo, ngồi đánh tổ tôm với nhau trong điếm. Dân phu thì tụm năm túm ba ngồi trên bờ đê than thở.

- Nước năm nay to y như năm Dần...

- Có lẽ hơn, bác ạ.

Ai nấy buồn bã nhìn ra ngoài đệ ánh tà dương viền bạc đám mây xám nằm ngang phương tây, nhuộm tía mấy đám mây lơ lửng trôi ở trên không, phản chiếu xuống mặt sông, mặt đê, xuống cánh đồng lúa non rợn xanh đến chân trời. Không một ngọn gió trong không khí nặng nề. Lòng sông mênh mông cũng ngừng lại không chảy nữa. Người và vật chìm đắm trong một giấc mơ êm tĩnh lạ thường...

Bỗng trong đám mây xám, Mịch nhác thấy một tia chớp. Một lúc sau, trời tự dưng tối sầm lại; mầu nước, mầu mây biến ra nhợt nhạt trong một thứ ánh sáng mờ ảo. Mặt sông gợn sóng. Mây kéo lên khắp trời. Khoảnh khắc, dưới ngọn cuồng phong, sóng bạc đầu theo nhau nổi lên trên mặt sông mỗi lúc một mau. Mưa đổ xuống như thác. Trời tối hẳn. Tiếng trống hộ đê lại bắt đầu gieo nỗi kinh hoàng vào lòng người. Lẫn trong tiếng tre sột soạt, tiếng sóng ì ầm vỗ vào mạn đê, tiếng trống nghe bổng trầm như tiếng kêu cứu của một người hấp hối. Thỉnh thoảng, trong khoảng trời mù mịt, hiện ra một bó đuốc gieo ánh sáng đỏ thê thảm ra chung quanh rồi biến đi, khiến đêm tối lại càng thêm tối. Mịch, thân thể ướt át, đứng ở mạn đê cắm cọc tre xuống một cách mạnh mẽ, nhưng tuyệt vọng. Anh cảm thấy sự kinh khủng bao bọc lấy mình, như nom được sự hung hãn dị thường của những sức mạnh huyền bí vô cùng của trời đất. Trước những mãnh lực tàn khốc ấy, Mịch có cái cảm tưởng rõ rệt rằng cả anh và những người khác bên cạnh đều nhỏ nhặt, yếu hèn như giống kiến, giống trùng, không thể cản trở hay kháng cự lại được.

Như đáp lại tư tưởng của Mịch, gió gào một khắc một mạnh. Hạt mưa nặng rơi trên chiếc nón lá bắn nước tung tóe ra chung quanh, gió thổi tạt vào một phía, khiến chàng tối tăm cả mặt mũi. Mỗi khi Mịch cúi xuống đổ đất, anh lại nghe thấy tiếng sóng vỗ mạnh vào mạn đê như tiếng gầm giận dữ của một con mãnh thú trong cơn điên cuồng.

Bỗng cách Mịch vài trăm thước, ầm lên một tiếng lớn vang động như sấm. Theo ngay sau một tiếng kêu thất thanh rơi vào trong bóng tối. Giật mình, dân phu ai nấy đều dừng tay, yên lặng. Họ đều có cái cảm giác rằng một tai nạn ghê gớm vừa tới. Trước mặt họ, những hình ảnh khốc hại thoáng hiện ra, những hình ảnh họ đã từng biết: cánh đồng lúa xanh mềm biến đổi ra hồ nước mênh mông, nhà cửa đổ sụp trôi theo dòng nước, đàn bà trẻ con nheo nhó chạy lụt... Mịch sực nhớ đến vợ con. Anh kinh động lo lắng. Nhà anh ở ngoài đầu làng, gần cây đa lớn bên đường và nếu nước chảy xiết về, anh sợ không đủ vững.

- Phải về, phải về mới được.

Tiếng nước reo mỗi giây một rõ. Mịch hồi hộp nhìn lên. Hai bên bờ hội khẩu, dưới ánh trăng mờ tỏ của vài bó đuốc bạt ngọn trước luồng gió dữ, bóng người lung lay trên nền trời đen thẫm, dệt nên một cảnh tượng ghê sợ. Mịch rùng mình. Anh nhìn con nước xói vào cánh đồng ầm ầm như thác ngàn đổ, mãnh liệt không có sức nào cản nổi. Anh nhìn chung quanh. Toàn những bộ mặt nhợt tái diễn tả bao nhiêu nỗi khủng khiếp ngấm ngầm.

Hơn một giờ sau, Mịch mới tìm được chiếc thuyền nan. Anh nhân lúc lính vô ý, trốn thoát nhảy xuống thuyền, tâm trí để hết đến việc trở về làng. Một tay anh cầm gáo tát nước ứ ra ngoài, còn một tay ra sức chèo. Trong đêm tối, hạt mưa nặng vẫn ào ào đáp lên chiếc nón lá, gió vẫn thổi mạnh. Con thuyền bị trôi băng trên mặt nước, Mịch phải để ý giữ gìn từng li từng tý mới khỏi sóng đánh úp. Anh thuộc đường lắm nên khi ngược nước, chiếc thuyền con có chòng chành nhưng đi vẫn thoát.

Nửa giờ quạ Mịch thoáng thấy bóng cây đa cổ thụ in đám lá đen kịt lên mầu trời đen xám. Lòng anh hồi hộp, phấp phỏng. Anh vẫn biết trong lúc nguy kịch, trong làng không còn ai nghĩ đến vợ con anh. Anh chỉ còn cậy vào sức mình. May mà vài mươi con sào nữa là anh về đến nhà. Vợ anh chắc lúc này đâng ngồi ẵm con trên nóc túp lều tranh. ý tưởng ấy khiến Mịch chèo thêm mạnh taỵ Giây phút, con thuyền đã vượt qua con đường bên gốc đạ Ngọn nước kéo chiếc thuyền về phía dưới, anh ra sức chèo ngược lên, con thuyền ở giữa hai cái mãnh lực gần thăng bằng đứng im một chỗ. Bỗng Mịch nghe trong khoảng đêm tối một tiếng kêu cứu, tiếng kêu hốt hoảng bao hàm bao nhiêu nỗi kinh khủng. Chàng ráng hết sức, vượt qua ngọn sóng, giơ tay vơ lấy một cành đạ Con thuyền nhẹ bồng lên, những đợt sóng réo theo nhau chạy về phía dưới. Mịch bật bồng nhìn về nhà, kêu:

- Mẹ cái ốc đâu?

Tiếng gió trả lời anh. Anh gọi luôn mấy tiếng nữa cũng không ai đáp lại. Lòng Mịch rạo rực; trái tim anh đập rất mau. Hết sức, anh dún mình đưa con thuyền đè sóng đâm ngang vào bụi tre mà anh biết là ở cạnh cổng nhà, rồi hai tay anh với cành tre giữ thuyền lại. Mắt tre đâm vào cánh tay, anh cũng không thấy đau. ánh sáng của bó đuốc nhỏ chiếu tỏa ra chung quanh. Mịch rên lên một tiếng khổ não. Anh đăm đăm nhìn về phía nhà và chỉ trông thấy vũng nước đỏ ngầu lấp lánh dưới ánh đuốc. Mắt mở to, anh trừng trừng nhìn lên mặt sóng bấp bênh chiếc mái nhà lật ngược. Tuyệt vọng, Mịch sực nhớ đến tiếng kêu ban nãy, tiếng kêu cuối cùng của vợ anh có lẽ đang ẵm con thợ Mịch run bắn cả người, hai tay rời cành trẹ Một làn gió mạnh, một đợt sóng quạ Chiếc thuyền nghiêng ngửa, Mịch không vững chân, ngã ngửa người vật xuống...

° ° °

Vài giờ sau, vừng thái dương xán lạn mọc lên trong bầu trời quang đãng, âu yếm nhuộm hồng mấy sợi mây tơ chăng lên trên da trời màu bạch nguyệt, dịu dàng mơn trớn cánh đồng nước lặng sóng như mặt hồ. ánh sáng buổi bình minh tinh khiết như hồi thiên địa mới sơ khai. Nếu không có vài chiếc thuyền thỉnh thoảng lách vào mấy ngọn tre xơ xác, những sự khủng bố hồi hôm có lẽ khách du chỉ cho là một giấc mơ dữ dội.

Bài viết khác