Bàn về cách ăn uống

 “Cách ăn uống và lối sống sai lầm mở lối đến nhà thương”

Những ai có may mắn được đọc cuốn “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” của TS. Ngô Đức Vượng, hẳn sẽ nhận ra rằng, lối sống và cách ăn uống của con người hiện đại đa số thường mắc sai lầm và dẫn đến bệnh tật.

Chính vì thế, dù được tái bản đến lần thứ 6, cuốn sách này vẫn tiếp tục bị photo, in lậu để bày bán cho các bệnh nhân. Đó là vì tác giả từng bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về triết lý căn bản của phương Đông, thuật ăn uống quân bình theo âm dương, thuận theo quy luật tự nhiên và vũ trụ. Chính ông đã tự chữa khỏi bệnh ung thư cho mình và cho đến nay, hơn 30 năm chưa từng phải đến bệnh viện. Ngoài ra, ông còn cứu chữa cho rất nhiều trường hợp bệnh viện bó tay, trả về, giúp bệnh nhân tìm lại sự cân bằng sức khỏe. Ngoài việc nghiên cứu về ẩm thực và thiền phương Đông, ông còn viết nhiều sách về tôn giáo, vũ trụ, năng lượng sinh học cũng như các vấn đề về tinh thần.

Điều gì khiến ông từ một người ốm yếu vượt qua được ngưỡng bệnh tật để trở thành người 30 năm không dùng thuốc, không đến bệnh viện?

- Hầu hết mọi bệnh tật đều là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của cách ăn uống không hợp lý. Sau một thời gian luyện tập và thay đổi cách ăn uống tôi mới đạt được sự cân bằng. Tôi đã thay đổi từ một người ốm đau, bệnh tật thành một người khỏe mạnh. Năm nay tôi 76 tuổi nhưng 30 năm nay tôi không uống một viên thuốc nào. Tôi tin, mọi người đều làm được. Cách thay đổi cuộc sống của tôi chính là thay đổi cách ăn uống, luyện tập và thay đổi cả phong cách sống và môi trường sao cho tốt.

Điểm lại, các tài liệu khoa học đều chỉ ra rằng mọi bệnh tật đều đến từ nguyên nhân: Môi trường, phong cách sống và ăn uống. Tình cờ mà tôi đi đúng, giờ đây tôi thấy đó là cách hoàn toàn chính xác.

Từ đâu ông bắt tay vào viết cuốn sách “Minh triết trong ăn uống của phương Đông"?

- Khi thấy mình đã thay đổi, tôi nghĩ, sức khỏe, tuổi thọ và cuộc sống nằm trong tay mỗi một người thôi, chứ không ở bên ngoài. Sau một thời gian, từ lời khuyên của bạn bè, tôi lập trường Dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe. Giáo trình học cũng đặc biệt, nên tôi tập trung công sức viết sách. Cuốn “Minh triết trong ăn uống của phương Đông” cũng là một trong những giáo trình của trường, ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Ngoài chuyện viết giáo trình, cơ duyên nào khiến ông đi sâu vào nghiên cứu ẩm thực phương Đông?

- Khi viết cuốn sách đó, càng ngày tôi càng ngộ ra nhiều điều lý thú trong vấn đề ăn uống mà lúc đầu cầm bút tôi chưa tính hết. Thứ nhất là vai trò của thức ăn hạt. Nguyên thủy tổ tiên xa xưa của loài người là ăn thịt, ăn thịt nhiều nên dương tính rất cao và bồn chồn không yên, rất sợ lửa. Do bản năng sinh tồn, con người chuyển dần sang ăn hạt và ăn rau sống, âm hóa thức ăn lại. Nhưng sau một thời gian âm quá, con người lại trở nên sợ lửa nên cũng không tốt. Cuối cùng, con người chuyển sang ăn hạt, làm cho trí tuệ con người phát triển. Mặt khác, cám ở các loại hạt có nhiều vitamin, giúp cho thể chất con người hoàn thiện. Ăn hạt không âm, không dương, vì thế, con người ít sợ lửa và bắt đầu biết dùng lửa. Tôi cho đây là một điều tuyệt vời.

Những phát hiện trong quá trình nghiên cứu của ông đi ngược lại với cách suy nghĩ thông thường của các bác sĩ Tây y. Vì sao như vậy?

- Khi tìm hiểu sâu hơn về ăn uống, tôi phát hiện ra nhiều vấn đề, sức khỏe con người suy giảm là do đa phần từ ăn uống. Nghiên cứu về khoa học thực dưỡng, có nhiều trường phái. Tây phương cho rằng, cơ thể con người cần gì thì cung cấp cái đó, mới nghe thì có lý nhưng lại vô lý vì con trâu, con bò có cơ bắp nhưng có ăn thịt đâu. Bò sữa nhiều sữa nhưng chả ai cho nó uống sữa, gà đẻ trứng cũng không ăn trứng. Các bà mẹ trẻ ngày trước không biết sữa là gì vẫn nhiều sữa cho con bú, còn ngược lại, các bạn trẻ ngày nay uống nhiều sữa mà không đủ sữa cho con. Quan niệm trên không ổn, nên tôi tìm về Đông phương. Có nhiều tài liệu, nhưng tôi quy về hai quy luật. Đông phương quan niệm mọi sự vật đều sống được nhờ lấy năng lượng từ vũ trụ, mà năng lượng tập trung đầu tiên ở cây xanh, nên cây xanh là mẹ của muôn loài, thực vật là thức ăn thượng đẳng nhất của loài người. Thứ hai là thức ăn của muôn loài đều phù hợp với cấu tạo và sinh lý của loài sinh vật đó.

Vì sao ông cho rằng con người nên ăn chay, nhất là theo phương pháp dưỡng thực của Ohsawa thì tốt hơn là ăn mặn?

- Qua nghiên cứu, tôi thấy, những nước giàu ăn thịt nhiều, bệnh tật nhiều hơn mà thôi. Những nước nghèo, những nước đang phát triển không có thịt mà ăn thì bệnh tật lại ít… Đi sâu hơn vào thực phẩm, tôi rút ra 7 tiêu chuẩn của thực phẩm; thiếu 1 trong 7, sức khỏe bị đe dọa. Đó là, thức ăn phải phù hợp với sinh lý của cơ thể; thứ hai, thức ăn phải có lực vũ trụ phù hợp, trong đó có lực tri giác, lực biến dị và lực tĩnh; thứ 3, thức ăn phải thuần khiết; thứ tư, thức ăn phải đủ chất; thứ năm, thức ăn quân bình âm dương (đây là vấn đề Tây phương không biết); thứ 6, thức ăn phải tạo môi trường kiềm, vì cơ thể khỏe mạnh có độ PH hơi kiềm 7,35 - 7,4; xuống dưới 7,3 là đủ thứ bệnh, xuống 7,0 là ung thư phát triển. Cuối cùng, thức ăn phải có nhịp sinh học phù hợp. Trong 7 tiêu chuẩn này, tôi nghĩ, rất hiếm người nào thực hiện được 1 tiêu chuẩn, đó chính là vấn đề. Mọi người luôn ăn nói đủ chất, nhưng ăn thế nào cho đủ là nhiều tranh cãi. Con vật bị giam, nhốt, bí bức, không tự nhiên, tiết ra chất độc, khiến con người ăn thịt vào cũng không yên. Trong khi hệ thực vật thần kinh chưa phát triển, ăn vào không sao. Thứ hai, mầm bệnh của động vật dễ truyền sang cho người, trong khi thực vật cũng có bệnh nhưng không truyền sang người. Có thể đó là ý đồ sáng tạo của tạo hóa, tạo hóa muốn nhắc nhở con người rằng đừng ăn thịt động vật mà ăn thực vật.

Có một câu nói rất hay, thực phẩm là cầu nối giữa con người và vũ trụ. Ông đã nói đến lợi ích của việc ăn chay nhưng vì sao có những người ăn chay trường nhưng vẫn mắc nhiều bệnh, trong đó có ung thư?

- Dù ăn chay hay mặn nhưng không tuân theo luật âm dương của trời đất thì kết quả sẽ không tốt đẹp, có thể mắc nhiều bệnh, kể cả bệnh nan y. Nhiều người ăn chay trường, nhiều cơ sở tu hành, nhất là các cửa hàng nấu đồ chay mà tôi đã trực tiếp tìm hiểu, thường sử dụng quá nhiều mì chính (bột ngọt) cho ngon miệng, vì nghĩ rằng đó là loại thực phẩm chay mà không hiểu rằng đó chính là hóa chất rất độc hại. Thêm vào đó, nhiều người ăn chay trường mà không theo đúng nguyên lý âm dương, thường ăn quá nhiều thức ăn âm như nấm, giá, măng, hoa quả, ăn nhiều dầu, uống quá nhiều nước, nhất là nước ngọt, nước đá, nước mát trong tủ lạnh… Bên cạnh đó, nhiều người chưa nhận thức đúng và thực hành tốt việc rèn luyện làm chủ tâm thức nên không tin vào phương pháp thực dưỡng theo nguyên lý âm dương, hoặc quá tham sân si nên đã trợ duyên cho bệnh tật phát sinh, tung hoành.

Xin ông cho biết sai lầm của lối sống hiện đại là gì?

- Ăn uống là vấn đề cực kỳ quan trọng, liên quan mật thiết tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi, quyết định sự tồn vong của loài người. Thế nhưng, trớ trêu thay, loài người đang mắc sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề tối thiết yếu này. Con người hiện đại ngày càng sống xa rời tự nhiên, ăn uống không đúng cách, nên những ưu thế sinh học của loài người đang sa sút, mất dần. Vì vậy đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp. Khi đồ ăn có nguồn gốc động vật, thức uống pha thêm đường, sữa, màu, gia vị nhân tạo đi vào cuộc sống hàng ngày thì sức khỏe sẽ suy sụp. Máy xay xát ngũ cốc đã nghiền nát sinh lực con người, nước giải khát đóng hộp, đóng chai, buộc người văn minh cần răng giả. Cách ăn uống và lối sống hiện nay đã mở đường đến các nhà thương lớn nhỏ, kể cả các các bệnh viện ung thư, nhà thương điên mọc lên khắp nơi.

Bản thân tôi từng chữa lành cho nhiều người bị bệnh ung thư nhờ kết hợp chế độ ăn theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đã khỏi, song lại ăn gạo trắng cùng các thức ăn nguy hại trở lại nên không tránh khỏi cái chết. Có trường hợp hết bệnh, họ quay trở lại để xin tôi tư vấn nên mở quán ăn thực dưỡng hay không. Những người đó xứng đáng được chữa lành bệnh, vì họ biết lấy cái ơn được cứu sống mà đem giúp người khác. Phương pháp dưỡng sinh tưởng như khó thực hiện, đòi hỏi những bệnh nhân phải có ý chí, song khi đã làm được thì họ được tưởng thưởng xứng đáng. Tôi muốn nói rằng có những người bệnh xứng đáng được chữa, trước tiên phải từ ý chí mạnh mẽ của họ. Mỗi người chính là bác sĩ tự cứu chữa cho mình.

Xin ông nói rõ hơn vì sao đường, sữa, trái cây - những thức ăn lâu nay người ta luôn mang đến tặng người bệnh - lại là kẻ thù gây ra nhiều bệnh tật cho con người?

- Một số nhà dinh dưỡng học đã nhận xét: Công nghệ sản xuất nước ngọt đóng chai, đóng hộp đã mở đường cho kỹ nghệ làm răng giả phát triển. Theo tôi, đường đích thực là kẻ sát nhân độc ác trong lịch sử nhân loại, nó gây nguy hại đặc biệt cho những người ăn gạo xát trắng. Tế bào ung thư vô cùng thích đường, nên cho người bệnh ung thư ăn là cách nối giáo cho giặc hiệu quả nhất. Thường xuyên ăn nhiều đường, cơ thể suy nhược, các bệnh như tiểu đường, rối loạn chức năng, béo phì, thần kinh phân liệt, loãng xương, xốp xương, hư răng… xuất hiện.

Còn uống sữa và ăn các sản phẩm chế biến từ sữa thường gây đờm nhớt trong cơ thể, nhất là ở đường ruột, dạ dày và đường hô hấp, từ đó dễ bị cảm lạnh, dị ứng, viêm xoang, viêm loét đường tiêu hóa… Điều nói thêm là niêm dịch, chủ yếu đờm nhớt là “thức ăn lý tưởng” cho các vi trùng gây bệnh và tế bào ung thư. Cho trẻ ăn sữa bò là đã biến đứa con thân yêu của mình thành đứa trẻ cùng mẹ khác cha với con bò. Thực tế nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: Xã hội nào dùng nhiều sữa bò hay lạm dụng thuốc bổ có canxi sẽ khổ sở vì xương bị lão hóa hoặc nứt xương chậu. Còn trái cây thuộc dạng thức ăn âm, đưa vào người sẽ thịnh âm, dễ bị ung thư. Nhiều người ăn chay nghiêm ngặt nhưng lại thường ăn trái cây và nấm, mang âm tính cao nên sức khỏe suy sụp, nặng thì mắc bệnh hiểm nghèo.

Ăn gạo lứt muối mè theo nguyên lý âm dương tốt cho sức khỏe, xin ông nói rõ hơn về tác động tích cực của phương pháp này?

- Do cách sống sai, môi trường không trong sạch, ăn trái tự nhiên nên độc tố tích tụ trong các mô, cơ quan và từng tế bào, gây cản trở, làm rối loạn mọi hoạt động sinh lý của cơ thể, từ đó bệnh xuất hiện!

Tác dụng đầu tiên và rõ rệt nhất của việc ăn cơm gạo lứt muối mè là đào thải các chất độc, cặn bã đó. Quá trình này thực chất là các thành phần tốt của cơm gạo lứt muối mè được từng tế bào tiếp nhận để thay thế những thành phần không tốt trước đó. Thế là cơ thể được đổi mới, trong sạch, các hoạt động sinh lý trở lại bình thường, bệnh hết, sức khỏe phục hồi. Ăn một thời gian sức khỏe tốt hẳn lên, khả năng làm việc, chịu đựng tăng tiến rõ rệt, nhiều bệnh thông thường và bệnh nan y bị đẩy lùi, trong người luôn có cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng. Mà khi sức khỏe hoàn hảo sẽ khai mở trí phán đoán… Thực dưỡng không chỉ là ăn uống mà là một triết lý sống sâu sắc.

Nhịn ăn chữa bệnh đúng phương pháp mang lại hiệu quả gì, thưa ông?

- Nhịn ăn là để cơ thể được nghỉ ngơi, mà nghỉ ngơi là điều luôn cần thiết đối với người bệnh; trái lại ăn vào trong lúc không có khả năng tiêu hóa, hấp thu chỉ làm cho cơ thể bệnh thêm suy nhược, đó mới chính là sự thách thức nguy hiểm. Cho nên, bệnh cấp tính càng nặng càng không nên ăn. Con người luôn ăn nhiều quá mức cần thiết, nên gan phải làm việc liên tục quá sức, nên mệt mỏi, về già sinh bệnh suy kiệt, chóng chết. Cách giúp cho gan phục hồi nghỉ ngơi là nhịn ăn.

Có những ý kiến của ông có thể chưa được nhiều người đồng thuận, đó cũng là những vấn đề cần tiếp tục thảo luận. Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://laodong.com.vn

Tiểu sử Tiến sĩ sinh học, Lương Y quốc gia Ngô Đức Vượng

Sinh năm: 1941

1960-1964: sinh viên ĐHQG Hà Nội, tốt nghiệp được trường giữ lại làm giảng viên.

1968-1973: nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc, tốt nghiệp Tiến Sĩ Sinh Học. Về nước, tiếp tục dạy tại ĐHQG Hà Nội.

1977 (36 tuổi) ,chuyển về ĐH Đà Lạt

1983 (42 tuổi), ăn chay trường.

Trước đó ông thường thuyết giảng về Dinh Dưỡng và luôn luôn ca ngợi “ăn mặn” tốt hơn “ăn chay” gấp 6 tới 8 lần .

Có lần ông đi chữa bệnh, gia đình BN mời ông dùng cơm, ông nói dối là mình ăn chay (vì ông không muốn gia đình nghèo đó tốn kém vì mình) và ông vui vẻ ăn cơm với muối. Sau 3 lần ăn cơm với muối, gia đình đó tin ông là người ăn chay. Từ đó , ông chuyển qua ăn chay trường để không phạm tội nói dối với chính mình và người khác.

1989 (48 tuổi), ông bị ung thư đại tràng.BS đòi mổ, ông từ chối và nhịn ăn 14 ngày. Đến ngày thứ 10, ông nghe tiếng nói lao xao của các vong hồn. Sau 14 ngày nhịn ăn, ông cảm thấy bệnh đã lành nhưng người còn yếu. Mọi người đều nghĩ ông chắc chết 100%. Ông có dùng năng lượng sinh học tự trị bệnh và khỏe mạnh hoàn toàn sau 4 tháng.

Ông bắt đầu áp dụng phương pháp thực dưỡng Ohsawa ngay sau đó.Ông ăn liên tục 6 năm gạo lứt muối mè số 7 (chỉ ăn gạo lứt và muối mè, không ăn nước tương thiên nhiên, đậu đỏ, rong biển,…).

Ông cảm thấy trí tuệ gia tăng 1 cách kì diệu, trực giác phát triển lạ thường… Ông trả lời trôi chảy các câu hỏi rồi thì mới thấy câu trả lời của mình quá hay…Ông bước vào nhà thì trời mới đổ mưa như trút (thiên nhân hợp nhất)…Toàn bộ hàm răng lung lay của ông, rắn chắc tốt hơn xưa… Ông thường xuyên cảm nhận sự an lạc , lòng tri ân mọi sự trên cõi đời này…

Ở Đà Lạt, ông hướng dẫn nhiều người tìm mạch nước chính xác gần như 100%( nhiều người tốn hao tiền bạc, đóng giếng 6,7 chỗ mà không có nước)

Ông còn biết cách điều chỉnh các tia năng lượng phát xuất từ lòng đất tác động tới mọi sinh vật trên mặt đất. Theo ông thì có 2 loại tia gọi là phúc xạ và ác xạ. Phúc xạ làm cho ta cảm thấy thoải mái ,vui vẻ ,yêu đời, ham thích hoạt động… Còn ác xạ làm ta bứt rứt, buồn rầu, chán đời, lười biếng…

2002 ông thi lấy bằng Lương Y Quốc Gia sau khóa học 8 tháng tại Viện YHDT TPHCM nhằm hợp pháp hóa những người nghiên cứu và thực hành Đông Y.

Ông kể lại, cuộc đời ông đã trải qua 4 lần được trời cứu …không thể giải thích được.

-1946( 5 tuổi), ông bị té xuống giếng nước sâu 2 mét. Ông cảm nhận cái chết gần kề. Nhưng bỗng nhiên , ông thấy mình được đưa lên mặt đất 1 cách lạ lùng, toàn thân đẫm nước.

-1953 (12 tuổi), ông leo lên cây trám bắt tổ chim . Bắt được 2 con chim yểng non( miền nam gọi là nhồng), thì bất ngờ, ông bị rơi xuống cành dưới ,đụng vào tổ ong bầu nâu, cách mặt đất 20 mét. Cả đàn ong bu vào người ông.Ông nghe tiếng nói rất rõ ràng: “Nằm yên, giả vờ chết”.Ông thở nhẹ nhàng, bất động, giả chết…Sau đó đàn ong độc bay đi, chỉ tiêm vài phát mà không bơm nọc độc…

-1968 (27 tuổi), ông cưỡi xe đạp lên Hà Nội , làm thủ tục đi du học Tiệp Khắc.

9 giờ sáng, ông đi tới gần 1 cây cầu cách khoảng vài Km. Ông dừng lại ở 1 quán ở lề đường để uống nước trà và được mời mua 2 chén chè đậu đen. Ăn uống xong thì ông phát hiện xe bị xì lốp, phải đem xe đi vá.Người sửa xe yêu cầu ông chơi vài ván cờ mới chịu vá xe cho ông.Người ông nôn nóng muốn đi gấp , nhưng đành ngồi chơi 2 ván cờ thì ông thợ mới vá xe… Bỗng nhiên bầu trời vang lên tiếng máy bay gầm rú và cây cầu bị bom đánh sập , mảnh bom, đạn còn bốc khói dọc theo quốc lộ ông sắp đi qua… Ông thoát nạn 1 cách kì diệu.

-2001 (60 tuổi), khi ông trèo lên cao để bắt con mèo mà ông mới xin được thì bất ngờ thang bị trượt do đứa cháu không giữ chặt. Từ trên cao ,ông ông rơi xuống, bật ngửa, gáy đập cạnh bàn, nhưng 2 cánh tay ông mắc vào dây phơi đồ . Hai cánh tay trong bị rướm máu nhưng nhờ thế nên lực rơi giảm, lực đập vào gáy giảm… Do đó ông không bị chấn thương vùng sọ não… Ông thoát khỏi cái chết rất kì dị…

Ông kể lại là ông có 1 người bạn, người này tâm sự với ông rằng người đó sẽ giết 1 người em cùng cha khác mẹ, vì người em đó tham lam, ích kỉ, muốn chiếm đoạt đất đai ông bà để lại… Ông Vượng suy nghĩ rồi nói người bạn đó, ông sẽ hỗ trợ người bạn thực hiện âm mưu sát nhân… mua súng… cùng đến nhà người em tham lam ở vùng quê… kể tội kẻ xấu xa, tham lam… người bạn rút súng tiêu diệt …giúp người bạn bỏ trốn hoặc ra đầu thú…giúp bạn nuôi vợ con khi bạn bị vào tù hoặc bỏ nhà trốn đi xứ khác…Cuối cùng , người bạn đó tỉnh ngộ từ bỏ ý định sát nhân.

Bẩm sinh ông ốm yếu, bạc nhược. Thày bói nói ông chỉ sống tới 68 tuổi. Hiện nay, sức khỏe ông dồi dào, tinh thần rất minh mẩn . Rất nhiều người đoán ông sẽ sống thọ tới 100 tuổi.

Theo ông thì : “Chân lí không thuộc nhiều người”

Mỗi ngày ông làm việc từ 12 giờ tới 15 giờ

Hiện nay ông ăn 3 chén cơm lứt / ngày, ông ăn mè rang nguyên hạt và tương nước, miso (ông ăn khá mặn), không ăn trái cây, không ăn rau cải, thỉnh thoảng có ăn 1 ít bí đỏ.Hai năm gần đây, ông có dùng một ít TPCN. Vậy thì ông thường xuyên ăn theo cách ăn cao nhất số 6, 7.

Các tác phẩm đã xuất bản:

1) Minh triết trong ăn uống của phương Đông.

2) Tôn giáo và đời sống.

3) Con người và năng lượng sinh học.

Các quyển sách này bán đắt như tôm tươi (hạng best seller)

Các tác phẩm rất hay mà chưa được xuất bản:

1) Lắng nghe sự sống

2) Suy ngẫm cuộc đời

Bài viết khác