Viết ngắn

Nếu không nói được những gì Bụt nói, hãy im lặng như chánh pháp. Đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác.

Nếu không làm được những gì Bụt làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức. Đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân.

Sư ông Làng Mai
Đức Phật dạy La Hầu La dừng lại và suy ngẫm mỗi khi mình có ý định làm một việc gì. - La Hầu La, con phải ý thức rõ ràng điều con định sẽ làm và cân nhắc xem liệu điều đó có làm hại bản thân con hay người khác không. Bằng cách cân nhắc như vậy, nếu con thấy rằng việc làm này sẽ tổn hại đến bản thân con hay người khác, con không được làm việc đó. Nhưng nếu hành động này không làm hại bản thân con hay người khác, con có thể làm nó.
kinh Amabalatthika
Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả và phải do mỗi người tự nếm trải. Trong nghĩa này thì Thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn giáo nào cả — kể cả Phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói đã được các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đại và văn hoá khác nhau trực nhận và miêu tả bằng nhiều cách. Đó là kinh nghiệm giác ngộ về thể sâu kín nhất của thật tại, nó vừa là thể của Niết-bàn và vừa của Luân hồi, sinh tử. Vì vậy, Toạ thiền không phải là một phương pháp đưa con người đi từ vô minh đến giác ngộ, mà là giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện.
Sưu tầm
"Thiền không có nghĩa là ngủ gục; để tâm chìm lặng vào cõi hôn mê; trốn tránh, xa lìa thế gian; vị kỉ, chỉ nghĩ tới mình; làm một việc gì không tự nhiên; để rơi mình vào vọng tưởng; quên mình ở đâu. Thiền là: giữ tâm tỉnh táo, linh động; chú tâm, tập trung; nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng như nó là; trau dồi tấm lòng nhân đạo; biết mình là ai, ở đâu."
David Fontana

- Mục tiêu cao quý nhất của quần chúng khi đến chùa là để học hỏi các tính cao quý của Phật, Bồ-tát và thực hành ngay trong cuộc sống. Đừng tốn tiền đốt nhang, vàng mã gây ô nhiễm môi trường, làm dơ các tượng Phật. Đổi tập tục đốt nhang, vàng mã thành cúng tiền để làm công đức, làm Phật sự và các hoạt động từ thiện.

- Quần chúng đến chùa còn để tìm sự bình an, nên hãy dành thời gian để trải nghiệm, tĩnh tâm, tụng Kinh, thiền quán, niệm Phật chứ không chỉ đến cầu nguyện, van xin rồi đi về. Bình an trong tâm là cả một quá trình làm chủ cảm xúc, thái độ, tâm tư, lối sống, làm chủ thói quen, thì các ước muốn mới thành hiện thực. Nếu không ước muốn chỉ đơn thuần là ước muốn, còn khoảng cách rất xa với thực tế.

- Quần chúng cái gì không biết thì nên hỏi Tăng Ni và Phật tử, không nên tự làm không đúng cách.

Có một câu hỏi đặt ra là: "Tại sao chuyện này hay chuyện khác không xảy ra ở các tôn giáo khác, mà chỉ xảy ra ở các ngôi chùa?". Bởi vì, các tôn giáo khác có tổ chức rất bài bản từ T.Ư đến địa phương. Trong khi, các chùa còn để tự ý thức, tự giác và nếu quần chúng không hiểu đúng thì dễ đi đến lệch đường.

Tóm lại, khi đến chùa, mọi người đừng đặt nặng vấn đề cầu nguyện, van xin, đốt nhang, vàng mã... Đến chùa để dành thời gian thực tập tu tập, để tâm bình an, được sống hạnh phúc, để mọi sự diễn ra theo ý muốn trên nền luật nhân quả.

- TT. Thích Nhật Từ -
Khi nương tựa Thiện hữu tri thức thì chúng ta cũng giống như người mù thấy ánh sáng vậy. Khi chúng ta mở con mắt nghiệp và nhân quả, chúng ta sẽ trở nên quen thuộc với sự vận hành của nghiệp: Khổ đau hiện tại của mình là nghiệp báo của những ác hạnh ta đã phạm trong các đời trước và nguyên nhân cho hạnh phúc trong tương lai là các thiện hạnh ta đang làm trong hiện tại. Thân này sẽ bị hư hoại khi tâm thức rời khỏi ngôi nhà thân xác. Lúc đó, chúng ta chỉ có thể mang theo mình từ kiếp này sang kiếp khác các phẩm hạnh mà ta nhận được từ Thiện tri thức.
Trích cuốn sách: Bình giảng 37 Pháp tu của Bồ Tát – Đại Sư Garchen Rinpoche

Đừng hoảng loạn khổ đau vì cuộc đời không như ý, điều này chẳng giúp ích được gì mà chỉ đem đến những hậu quả tiêu cực mà thôi. Thay vì vậy, hãy bình tâm sáng suốt để biết làm những gì nên làm (điều thiện), đừng làm những gì không nên làm (điều ác) và cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi tích cực an vui tốt lành. Hãy tâm niệm rằng: thay vì vật lộn trong khổ đau, hãy biết chuyển mình trong sáng suốt

Sưu tầm

Chủ trương của đạo Phật, mỗi người đến với đạo không phải chỉ tin mà phải hiểu, không phải chỉ hiểu mà phải tu. Đó là điểm trọng yếu. Cho nên trong kinh A-hàm, đức Phật dạy rằng người Phật tử tới chùa không chưa đủ, mà phải gặp chư Tăng. Gặp chư Tăng không chưa đủ mà phải hỏi giáo pháp. Hỏi giáo pháp không chưa đủ mà phải suy gẫm lời chư Tăng nói đúng hay sai, nếu đúng thì đem ra thực hành. Như vậy mới đúng ý nghĩa đi chùa.

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Đức Phật dạy chúng ta đến với đạo Phật để mà thấy, chớ không phải đến để tin. Người học đạo phải nhận ra lẽ thật bằng chính trí tuệ của mình mới được. Học Phật để tu chớ không phải để hiểu biết suông. Nếu chúng ta không ứng dụng tu, dù có đi chùa lạy Phật bao nhiêu nữa, rốt cuộc vẫn không hết khổ. Hiện tại không hết khổ thì mai kia cũng không hết khổ. Vì vậy tu là gốc của an lạc, chấm dứt khổ đau. Nhân với quả luôn đi sát nhau, ngày nay vui thì mai kia cũng vui, ngày nay khổ mà đòi mai kia vui, chắc khó.

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Đã xác nhận cuộc đời là khổ, tại sao tôi lại khuyên quí vị đi tìm vui? Vui ở đâu mà tìm? Đó là điều chúng ta phải lưu tâm, suy gẫm kỹ càng xem thế nào là cái vui của Phật dạy. Người đời ham hưởng thú vui, nhưng thú vui đó chỉ là tạm bợ, qua rồi mất. Hoặc có khi nó lại là trá hình của đau khổ. Ví dụ những người nam vào tiệc rượu, bạn bè chung nói cười vui ha hả. Một lát say rồi thì sao? Lúc đó nói bậy bạ, cãi nhau ầm ỉ, vui trở thành khổ. Đó là chưa kể khi nổi say, ra về quờ quạng lái xe không khéo đụng người ta thêm khổ nữa. Rõ ràng cái chúng ta ngỡ vui lại không thật vui, chỉ tạm bợ thôi

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình nhưng rồi sau đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác

Sưu tầm

Đừng khóc tiếc nuối cho những gì đã xảy ra trong quá khứ. Đừng căng thẳng cho những việc chưa xảy ra trong tương lai. Hãy sống trọn vẹn ở thời điểm hiện tại và làm nó thật tươi đẹp

Sưu tầm

Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn

Sưu tầm

Những người thông minh và những người xinh đẹp đều mắc chung một tật: cứ tưởng như thế là mãi mãi.

Sưu tầm

Nếu người khác tôn trọng bạn, hãy tôn trọng họ. Nếu họ không tôn trọng bạn, vẫn cứ tôn trọng họ, đừng để hành động của người khác ảnh hưởng đến nhân cách tốt đẹp của bạn. Bởi lẽ, bạn chính là bạn chứ không phải là một ai khác

Sưu tầm

Giống như hoa dại, hãy học cách sinh tồn trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ngay cả khi người đời cho rằng bạn không thể.

Sưu tầm

Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy

Kinh Đại Bát Niết-bàn

Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.

Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )

Joshua J. Marine

Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)

H. Jackson Brown, Jr.

Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập

Kinh Pháp cú (Kệ số 14)

Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )

Albert Camus

Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?

Sưu tầm