Albert Einstein là một khoa học gia và triết gia của thế kỷ 20. Trong thế kỷ đó tên ông đồng nghĩa với thiên tài. Sinh thời ông cũng từng là giáo sư đại học, thể hiện mối quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ qua nhiều bài viết và diễn văn. Trong quyển Ideas and Opinions, Ý tưởng và Quan điểm, tập hợp những suy nghĩ của Albert Einstein về nhiều khía cạnh cuộc sống từ khoa học, xã hội, chính trị đến văn học, nghệ thuật, có một phần về giáo dục. Đương nhiên thế giới chúng ta đang sống đã chuyển sang thế kỷ 21 với vô vàn thay đổi nhanh chóng trong mọi mặt đời sống xã hội, mà nói đến giáo dục là nói đến tương lai tính bằng thập kỷ - mười mấy hai ba bốn chục năm nữa. Có thể có người coi quan điểm giáo dục cách nay sáu bảy chục năm đã lỗi thời. Nhưng vì tôi đồng quan điểm với Einstein nên tôi xin trích dẫn ý kiến của ông.
Động cơ quan trọng nhất đối với lao động trong nhà trường và trong cuộc đời là niềm vui trong công việc, niềm vui trong kết quả của lao động đó, và hiểu biết về giá trị của kết quả đó đối với cộng đồng. Tôi nhận ra nhiệm vụ quan trọng nhất được nhà trường giao phó khi đánh thức và củng cố sức mạnh tâm lý của một chàng trai trẻ. Chỉ riêng một nền tảng tâm lý như thế đủ dẫn tới niềm khao khát hân hoan đối với của cải cao quí nhất của con người, là tri thức và kỹ năng bậc nghệ sĩ”.
Einstein đã phát biểu như trên nhân lễ kỷ niệm 300 năm giáo dục đại học tổ chức ở Albany, New York, ngày 15 tháng 10, 1936, trong một bài diễn văn có tiêu đề “On Education”, bàn về giáo dục. Trong phần mở đầu, rồi lập lại ở phần kết, ông khiêm tốn coi mình là người không hẳn có chuyên môn về sư phạm, mà chỉ có kinh nghiệm riêng và niềm tin cá nhân, với tư cách một người học và một người dạy. Ông nói nếu là vấn đề khoa học thì người không chuyên môn và thiếu căn cứ chỉ nên im lặng. “Tuy nhiên, với những việc liên quan đến con người thiết thực thì khác. Ở đây hiểu biết về chân lý mà thôi thì không đủ; ngược lại hiểu biết này phải được liên tục làm mới lại bằng sự cố gắng không ngừng, nếu không kiến thức sẽ mất đi. Giống như một bức tượng cẩm thạch đứng trong sa mạc và luôn bị nguy cơ vùi lấp trong gió cát. Những bàn tay chăm chút phải luôn hoạt động để giữ cho bức tượng tiếp tục tồn tại trong ánh thái dương. Tôi xin góp tay vào công việc đó”.
Khi mời Einstein phát biểu người ta không đặt cho ông vấn đề đại học nên chú trọng ngành tài chính ngân hàng hay khoa học kỹ thuật, nhưng hẳn là người ta trông mong ông có ý kiến về việc đào tạo thế hệ tương lai cái gì và như thế nào. Sau khi dành 5/6 trang nói về ý nghĩa và tinh thần của một nền giáo dục có giá trị, Einstein nói: “ Tôi đã nói đầy đủ về việc thanh niên nên, theo quan điểm của tôi, được giáo dục trong tinh thần như thế nào. Nhưng tôi chưa nói gì về việc lựa chọn ngành học, hay phương pháp dạy học. Nên chú trọng ngôn ngữ hay giáo dục kỹ thuật trong khoa học?
Câu trả lời của tôi là: Tất cả những điều đó đều có tầm quan trọng bậc hai. Nếu một thanh niên rèn luyện cơ bắp và thể lực dẻo dai bằng thể dục và đi bộ, thì sau này anh ta thích hợp với mọi lao động chân tay. Điều này cũng tương tự như rèn luyện trí tuệ và thể dục tinh thần và thủ thuật. Cho nên định nghĩa của bậc thông thái về giáo dục không sai: “Giáo dục là cái còn lại, nếu người ta lỡ quên hết mọi thứ đã học ở trường.” Vì lý do này tôi không hào hứng đứng hẳn về một phe nào trong cuộc tranh chấp giữa những người chủ trương một nền giáo dục lịch sử triết học cổ điển hay một nền giáo dục trọng tâm là khoa học tự nhiên.
Mặt khác, tôi muốn phản đối ý kiến cho rằng trường học cần dạy trực tiếp kiến thức chuyên môn và những thành tựu mà người ta có thể sử dụng trực tiếp trong đời sống. Nhu cầu cuộc sống nhiêu khê đến nỗi sự huấn luyện chuyên môn trong nhà trường không có vẻ khả thi. Ngoài ra, hơn thế, tôi thấy rất khó chịu khi đối xử với một cá nhân như một công cụ vô hồn. Nhà trường nên luôn đặt mục tiêu là thanh niên tốt nghiệp với một nhân cách hài hòa, chứ không chỉ là một chuyên gia. Quan điểm này của tôi cũng áp dụng cho cả những trường kỹ thuật, nơi sinh viên chuyên chú theo đuổi một nghề chuyên môn nhất định.
Điều quan trọng bậc nhất là phát triển khả năng tư duy và phán đoán độc lập, chứ không phải có được kiến thức chuyên môn. Nếu một người am hiểu tường tận nền tảng môn học của mình và học được cách suy nghĩ và làm việc độc lập, anh ta chắc chắn tìm ra con đường cho mình, và hơn nữa sẽ có thể điều chỉnh bản thân mình cho thích nghi với sự tiến bộ và những thay đổi, tốt hơn hẳn so với những người được đào tạo chuyên môn với kiến thức cụ thể chi tiết”.
Mười sáu năm sau, trong bài Nền giáo dục cho tư duy độc lập đăng trên New York Times số 5 tháng 10, 1952, Einstein lại viết:
“Đào tạo một người một ngành chuyên môn thì không đủ. Được đào tạo như vậy người đó có thể trở thành một cái máy hữu dụng chứ không phải một nhân cách phát triển hài hòa. Điều thiết yếu là sinh viên đạt được hiểu biết và cảm nhận sinh động các giá trị. Anh ta phải có một nhận thức sâu sắc về những điều đẹp và tử tế. Nếu không, anh ta – với kiến thức chuyên môn – sẽ gần giống với một con chó được huấn luyện giỏi hơn là một con người phát triển hài hòa. Sinh viên phải học để hiểu những động lực sống của nhân loại, những ảo tưởng và những khổ đau của họ để có được mối quan hệ đúng với từng cá thể đồng loại và với cộng đồng nhân loại.
Những điều cao quí này được truyền giao cho thế hệ trẻ thông qua tiếp xúc trực tiếp với người dạy – hoặc chí ít cũng là chủ yếu - chứ không phải thông qua sách vỡ. Chính điều này tạo lập và bảo tồn văn hóa một cách căn cơ. Tôi nghĩ đến điều này khi khuyến cáo “nhân văn” là ngành học quan trọng, chứ không phải kiến thức chuyên môn khô khan trong các môn sử và triết.
Quá nhấn mạnh vào hệ thống cạnh tranh và chuyên môn hóa chưa thuần thục ở mức độ hữu dụng tức thì, bao gồm cả kiến thức chuyên môn hóa, giết chết tâm hồn mà toàn bộ đời sống văn hóa phụ thuộc vào.
Một điều cũng rất quan trọng đối với một nền giáo dục có giá trị đó là phát triển tư duy phê phán độc lập ở những người trẻ, một sự phát triển bị tác hại lớn do chồng chất lên sinh viên quá nhiều kiến thức và môn học quá khác biệt (hệ thống điểm). Quá tải tất yếu dẫn tới nông cạn. Dạy học nên là một hoạt động mà điều được truyền giao được tiếp nhận như món quà quí giá chứ không phải như một bổn phận nhọc nhằn”.
Đó là bài viết cuối cùng của Einstein đề cập đến giáo dục. Ông mất 3 năm sau đó. Có thể coi đây là di ngôn giáo dục của ông.
Albert Einstein
Lý Lan trích dịch từ quyển Ideas and Opinions, NXB The Modern Library, New York, 1994
Source Tiasang.com.vn