MC Lê Đỗ Quỳnh Hương chia sẻ về cái Duyên với nhà Phật

Là người giữ lửa cho chương trình Thay lời muốn nói trên sóng truyền hình HTV, những gì qua sự chọn lọc của MC Lê Đỗ Quỳnh Hương đã chạm tới trái tim hàng triệu người nhiều năm qua.

Dẫu đang tất bật với nhiều dự án trong mùa Vu lan, chị vẫn dành thời gian chia sẻ với Giác Ngộ. Nói về cuộc sống, công việc, gia đình và quá trình học Phật, nữ MC dễ mến này gói gọn tất cả trong một chữ “Duyên”. Những mối nhân duyên lành đã đưa chị từ một người học sư phạm rồi làm biên tập viên, MC truyền hình và giờ đây còn trở thành một người truyền cảm hứng sống tích cực.

Được biết, chị đã ngừng làm việc chính thức ở Đài Truyền hình TP.HCM hơn hai tháng trước để theo đuổi những hoạt động truyền cảm hứng sống tích cực, yêu thương đến mọi người. Nói về điều này, chị chia sẻ:

– Cho đến bây giờ, mọi thứ đến với Quỳnh Hương luôn là chữ Duyên. Chính tâm niệm về duyên đó, không những mở ra những hướng đi mới, mà còn giúp Quỳnh Hương cảm ngộ thêm nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. Hơn 20 năm công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM và đặc biệt gắn bó với chương trình Thay lời muốn nói, Quỳnh Hương nghĩ đó là cánh cửa đầu tiên để giúp mình nhận ra rằng, cuộc sống này thật sự luôn cần tình yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

Hơn 18 năm lắng nghe chia sẻ của khán giả, có những trường hợp mình cứ thắc mắc mãi, tại sao có những người cả đời họ luôn sống tốt, họ vun vén, cần mẫn mà lại phải chịu đựng những thứ cảm xúc và một đời sống không thể viên mãn. Hàng loạt câu hỏi tại sao ấy cứ lớn dần, cho đến khi một mối duyên đủ lớn, để Quỳnh Hương lắng nghe và hiểu sâu hơn về những triết lý của luật nhân quả, thì mình mới cảm ngộ được rất nhiều điều. Chính vì muốn khuyến khích mọi người hãy sống ý nghĩa ngay chính đời sống hiện tại này, để mỗi người có được “quả lành” cho những đời sau, Quỳnh Hương đã ấp ủ những dự án lớn hơn.

Và nếu nói vui, chương trình Thay lời muốn nói như một lớp “vỡ lòng” cho mình hiểu về “nhân tình thế thái”, thì những dự án truyền cảm hứng đang thực hiện trong giai đoạn này, kể cả Thay lời muốn nói với định dạng mới, là một sự luân chuyển và cộng hưởng những bài học về đời để giúp tìm thấy an nhiên cho cuộc đời. Và MayQ Inspiration Group do chính mấy chị em nhà Quỳnh Hương thành lập nên, đã tập hợp được những em nhân viên rất là tâm huyết, để cùng thực hiện các dự án như: Du lịch truyền cảm hứng (MayQ Go); Trò chuyện truyền cảm hứng; Ra mắt sách sống tích cực; Các chương trình truyền hình lan tỏa thông điệp sống yêu thương như: Thay lời muốn nói, Tiếng hát mãi xanh…

Trong đó, đầy phấn khởi với chúng mình hiện tại là nhánh Du lịch truyền cảm hứng, với các tour như An lạc tuổi vàng và tour Mãi xanh yêu đời (dành cho người tuổi trung và cao niên), tour Buông (dành cho những ai đang muộn phiền có thể buông bỏ); tour Duyên (dành kết nối những người chưa có nhiều bạn bè), tour Yên (dành cho những phút tĩnh tâm để quay vào trong tự soi chính bản thân mình)….

Đặc biệt có hai tour lớn mà Quỳnh Hương nguyện ý thực hiện rất lâu, nay cũng đã thành hình là: Hành trình theo bước chân Phật – đến với Tứ động tâm tại Ấn Độ và Nepal vào tháng 10 tới đây, và tour Hùng sử Việt – đến với các vùng đất “địa linh nhơn kiệt”, tìm hiểu về những vị anh hùng dân tộc của đất nước. Đồng thời, tháng 9 này, sau các quyển sách An nhiên mà sống, Thương còn không hết ghét nhau chi, Chuyện nhỏ nhà Quỳnh, Luật hấp dẫn của nụ cười – Quỳnh Hương sẽ ra mắt quyển sách thứ 5 với tựa đề: Yên. Con đường xa hơn, MayQ Go cùng Quỳnh Hương đang có các kế hoạch mở các chuyến du lịch truyền cảm hứng đến những “cái nôi” văn hóa, lịch sử của nhân loại để giúp mọi người cảm thụ được những chân lý sống tốt đẹp của những bậc vĩ nhân đi trước.

* Cuộc sống, nghề nghiệp của chị như chị chia sẻ – có quá nhiều điều gắn với Nhân – Duyên – Quả! Chị có thể kể về sự cảm nhận của bản thân trong sự chuyển biến đời sống tâm linh, quá trình tu tập theo đạo Phật và một số triết lý để được an nhiên trong đời sống?

– Gia đình Quỳnh Hương trước đến giờ vẫn theo đạo Phật, lúc nhỏ cũng theo mẹ đi chùa, nhưng cái duyên với đạo lúc ấy chắc chưa đủ sâu, nên chỉ ở mức thành kính và quán niệm danh xưng của các vị Phật để cầu mong bình an cho gia đình. Thời gian sau này, Quỳnh Hương có dịp được gặp các bậc chân tu, từ sự kính trọng lối sống đức độ của các vị, được lắng nghe những bài học rất gần gũi của đạo và đời, từ đó mình cảm nhận được sự an lạc hiện hữu trong tâm trí. Càng tìm hiểu sâu về Phật pháp, mình càng thích thú bởi những chân lý rất đời thường mà lại quá là vi diệu, những điều dường như diễn ra hàng ngày trong cuộc sống xung quanh, nhưng nếu nhìn ở góc độ của lòng từ bi, lòng trắc ẩn thì lại vô cùng ý nghĩa.

Đầu năm nay, Quỳnh Hương lại có dịp được đến Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), nơi mà cách đây hơn 2.600 năm Đức Phật đã thiền định và giác ngộ ra các chân lý Phật pháp, mình càng hiểu hơn về cuộc đời của Ngài, càng thành kính và trân quý những bài học Ngài đã trao truyền cho hậu thế hôm nay. Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật đã truyền cảm hứng mãnh liệt với mình, để từ một người không hề biết đến kinh điển hay bất kỳ một câu kinh nào, thì nay đã đọc được chú Đại bi, chú Lăng nghiêm, kinh A Di Đà, kinh Dược Sư…

Ban đầu mình chỉ nghĩ việc đọc kinh chỉ đơn thuần là đọc những câu chữ cầu an, nhưng dần mình cảm được trong từng lúc mình đọc những câu chữ ấy, đó còn là một sự nhắc nhở bản thân mỗi ngày về những điều nên làm và không nên làm, là một sự quán chiếu vào nội tâm, để điều chỉnh và lắng đọng bản thân mình ngày càng hoàn thiện hơn về nhân cách sống. Hơn nữa, khi đọc kinh hồi hướng cho gia đình, cho những người thân yêu xung quanh mình, là mình đang nuôi dưỡng những mầm thiện của lòng vị tha, chia sẻ và giúp đỡ. Với Quỳnh Hương, Phật pháp là một chân lý rất vi diệu và đầy ý nghĩa mà bất kỳ người nào cũng có thể lãnh hội để hướng về sự an lạc.

* Chị có những chiêm nghiệm và muốn gửi đến độc giả những gì qua quyển sách về giá trị của chữ “Yên” mà chị đang tâm đắc, được biết chị chuẩn bị cho ra mắt ấn phẩm thứ 5 của mình?

– Nếu như bạn đọc lần lượt từng quyển sách ra đời qua mỗi năm, bạn sẽ nhận ra sự cảm ngộ Phật pháp của Quỳnh Hương mỗi năm lại thêm một chút. Từ quyển đầu tiên là An nhiên mà sống, cho đến Yên – ra mắt vào tháng 9 tới đây, là một chặng đường trải nghiệm của chính bản thân Quỳnh Hương và cùng đi qua những “hỷ, nộ, ái, ố” với các tâm sự của chính các thành viên trên trang Fanpage Quynh Huong Le Do gửi về.

Sau tất cả, ai cũng muốn tìm về sự bình yên, có vượt dốc, có thăng trầm thì mới quý trọng những giây phút hạnh phúc hiện tại. Quỳnh Hương rất tâm đắc một ý mà một vị thầy giảng giải: “Con tằm ăn lá dâu mà nhả ra tơ mới quý, chứ tằm ăn dâu mà lại nhả ra dâu thì thật bình thường”, ý nói rằng, mình có nếm trải đau khổ buồn phiền với cuộc đời, nhưng vẫn biết vun vén hạnh phúc, biết lạc quan mà phát tâm thành yêu thương, giúp đỡ, thì cũng như tằm nhả ra tơ, sống một cuộc đời vô cùng ý nghĩa.

Theo đó, quyển Yên, Quỳnh Hương muốn gửi gắm, đó là sự cố gắng buông bỏ tất cả những chấp niệm ta có từ những tác động ngoại cảnh, cố gắng tìm thấy sự bình an và rung động từ mọi vẻ đẹp bạn cảm nhận từ xung quanh cho dù nó ngắn ngủi thế nào…, bạn sẽ dần tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, dù cho xung quanh ta vạn vật vẫn không ngừng thay đổi.

* Cảm nhận và trải nghiệm vô thường, khổ – không như ý… mà Đức Phật dạy, chị đã rèn luyện, tu tập, sống và ứng xử với chính mình, với mọi người và với cuộc đời ra sao để vượt lên những biến cố và không ngừng vươn lên?

– Quỳnh Hương không dám nhận là mình đã hiểu sâu sắc về Phật pháp, bởi sự tu tập vẫn luôn phải thực hiện trong từng sát-na. Bản thân mình cũng như bao người, đang sống trong cõi Ta-bà, mà theo nghĩa tiếng Phạn (Saha) là nhẫn nhịn, bởi xoay vần là biết bao phiền não. Nếu cứ mãi nhìn vào những mặt tiêu cực ấy thì mình sẽ bỏ lỡ đi những điều ý nghĩa khác, nên Quỳnh Hương vẫn luôn cố gắng chọn cho mình cách nhìn và cách sống biết buông bỏ những phiền não. Một cách rất hay mà Quỳnh Hương hay áp dụng, đó là có những buồn phiền gì, mình đừng để trong lòng rồi chịu đựng một mình, mà hãy tìm đến những người thân, những ai tin cậy để mình “méc”, “méc” xong thì hãy trút bỏ đi, để giữ lòng mình nhẹ nhàng hơn.

Ngồi lại nói chuyện, là điều mà Quỳnh Hương luôn chia sẻ cùng các bạn trên trang Fanpage của mình, vì chỉ có sẻ chia thì mới thấu hiểu được nhau, mới “quẳng” đi hết những điều buồn bực vốn dĩ không cần thiết. Tùy theo mức độ mà Quỳnh Hương có những câu “thần chú” khác nhau, từ “Thôi, kệ nó i”, cho đến “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha” (Vượt qua, vượt qua, vượt qua đau khổ), và cho đến hiện tại, là “trong Nguy có Cơ”, để tự động viên mình, tự xây dựng một môi trường tích cực xung quanh mình.

* Chị vừa đóng vai trò là con mà cũng đã hiểu nỗi lòng làm mẹ của một cậu con trai đang tuổi dậy thì, vậy chị muốn bày tỏ niềm cảm ơn với bậc làm cha làm mẹ của mình như thế nào ạ?

– Bản thân của những người làm con đều sẽ không đợi đến mùa Vu lan mới bày tỏ tấm lòng của mình đến bậc sinh thành. Mỗi lời nói, mỗi hành động của những người con hàng ngày đều nên ẩn chứa một sự thành kính và yêu thương vô bờ bến. Cha mẹ của Quỳnh Hương là một nhân cách sống đẹp mà mình noi theo và đến chính mình, lấy chính bản thân hiếu thuận với cha mẹ để làm gương cho con trai, mà nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp của gia đình.

Có một điều rất phổ biến với người Việt Nam mình, là “ngại” bày tỏ yêu thương với cha mẹ, mà các bạn gửi thư về cho Thay lời muốn nói, hay nói là “mắc cỡ’, nói ra kỳ lắm chị ơi! Quỳnh Hương vẫn luôn khuyến khích bạn hãy tập nói lời yêu thương với cha mẹ mình, hay một cái ôm, một cái hôn. Bạn thử làm một lần đi, thể nào các bậc phụ huynh sẽ rất cảm động cho xem.

Với cha mẹ, không chỉ riêng mình mà cả bốn chị em gái đều thương và chăm lo cho hai người đúng theo cách mà mỗi vị thích nhất (cười). Chẳng hạn như, mẹ chúng mình cực kỳ thích du lịch, thích giao tiếp xã hội, đi xem tất cả các chương trình nghệ thuật mà con gái làm… Chúng mình luôn thỏa mãn cho bà những điều đó. Cha mình thì ngược lại, không thích đi đâu mà chỉ muốn ở nhà, nhưng lại rất yêu thích được trò chuyện với các con. Chúng mình cũng đang làm điều đó với cha, mỗi ngày. Hiện giờ cha đang ở hẳn với vợ chồng mình, còn mẹ thì chạy lên chạy về giữa nhà mình và ngôi nhà nhỏ của cha mẹ ở Long An. Thôi, thế cũng làm cho ông bà vui là được rồi.

* Câu hỏi cuối cùng là tâm nguyện, sứ mệnh mà chị nhận ra và nguyện sống trọn vẹn với nó là gì?

– Từ “chương” đầu tiên của hành trình kết nối mọi người là chương trình Thay lời muốn nói, cho đến bây giờ mình đã nhìn ra con đường mà mình luôn đi, “sứ mệnh” mà mình luôn muốn và tâm huyết thực hiện. Đó vẫn là cố gắng khơi dậy những giá trị tích cực trong mỗi người, để họ ý thức và tự hào về những giá trị ấy mà tự vun trồng tiếp, tự tỏa sáng một cách an lành và rạng rỡ trong đời thường. Nói nôm na, trong đạo Phật, nếu Phật từng dạy rằng trong mỗi người đều có Phật tính, vậy thì nhiệm vụ của mình và các đồng sự tâm huyết luôn là cố gắng khơi cho ra, đánh thức dậy cái Phật tính ấy ở mỗi người. Để sau đó, mầm đã nhu nhú lên kha khá rồi, mỗi người họ sẽ tự tưới tắm những giá trị tích cực ấy, hoặc sẽ hưởng thêm những giá trị tốt đẹp từ những người đồng hành với họ trong những chặng đường tiếp theo.

phatgiaovietnam

Bài viết khác