Không nên uống nước trước khi ăn

Uống nước trước khi ăn là thói quen của nhiều người do cơn khát chợt đến. Nhưng thói quen đó hoàn toàn không tốt cho khẩu vị bữa ăn của bạn

Bình thường, việc ăn bữa chính (bữa cơm trưa và tối) vào những thời gian nhất định của mỗi gia đình đã tạo thành phản xạ có điều kiện cho cơ thể tiết nước bọt và dịch vị để sẵn sàng tiêu hóa thức ăn. Khi ăn cơm, động tác nhai kích thích các tuyến nước bọt xung quanh miệng tiết ra nhiều nước bọt và men tiêu hóa; dạ dày cũng tiết ra nhiều dịch vị và các men tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Bởi vậy, nếu trước bữa ăn mà bạn uống nhiều nước, thì lượng nước đó sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, loãng các men tiêu hóa, làm cho dạ dày chứa đầy nước nên bạn cảm thấy ăn không ngon, chỉ ăn được rất ít. Quá trình tiêu hóa bị rối loạn, thức ăn trở nên khó tiêu.

Việc bạn thấy khát và uống nước là đúng, để kịp đáp ứng nhu cầu nước cho cơ thể. Nhưng điều cần rút kinh nghiệm ở đây là bạn nên chủ động uống nước thường xuyên dù chưa có cảm giác khát. Làm như vậy vừa giúp bạn bồi phụ đủ nước cho cơ thể, vừa tránh được cơn khát, nên bạn không phải uống nước trước bữa ăn. Trường hợp khát nước khi đã gần bữa ăn, bạn nên uống một ít nước canh hoặc nước rau rồi ăn thì không ảnh hưởng khẩu vị và số lượng bữa ăn.

BS. Nguyễn Minh Hiền

Bài viết khác